Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:44:39 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: I. M. Kôrôlkốp - Những vọng gác vô hình  (Đọc 66160 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #170 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2021, 12:37:44 pm »

   

     3.



     Thắng lợi mà nước Đức giành được trên chiến trường đã phải trả bằng tổn thất không sao bù đắp được. Hình như cái sức mạnh dường như vô cùng tận kia cũng đã kiệt. Sau hai năm chiến tranh, quân đội Đức không còn được như hồi năm 1941 nữa rồi. Hítle cũng nhận ra được điều này. Hồi đó, không những hắn có lợi thế về tính chất, yếu tố bất ngờ trong tấn công mà còn có những lực lượng tinh nhuệ được huấn luyện và trang bị kỹ thuật chiến đấu hiện đại nữa. Phục hồi cả một đội quân như vậy đâu phải là chuyện dễ, không thể nào vực những tên lính đã chết trận ở Nga vào đội ngũ được nữa rồi... Tuy vậy vẫn còn có thể dùng vũ khí, kỹ thuật và tấn công bất ngờ vào đối phương thay cho sinh lực giống như đòn đánh đầu tiên vào những ngày đầu chiến tranh. Trong lực lượng dự trữ vẫn còn những chiến xa loại mới «Con cọp», «Con báo», vẫn còn những khẩu pháo tự hành «Phécđinăng» — những pháo đài thép bất khả xâm phạm đối với kẻ thù... Trong lực lượng dự bị vẫn còn những viên đạn tên lửa — con đẻ của những nhà máy ngầm trên đảo Peneninđ... Đâu đã đến lúc phải hạ ván bài — cuộc chiến tranh ngoại giao sẽ phá vỡ sự thống nhất giữa các nước châu Âu, châu Mỹ và nước Nga Xô viết chống lại Đức...Những thất bại tại Mátxcơva, Sta-lingrat và ở Bắc Phi chỉ là chuyện phụ — Hítle nghĩ bụng — Đúng, những trận đánh cuối cùng mới quyết định kết cục chiến tranh...

     Bộ chỉ huy tối cao của Đức đang tìm đáp án cho câu hỏi : quân đội Liên xô có thể bắt đầu đợt tấn công mới ở đâu, khi nào, trong khu vực nào. Những kế hoạch cho chiến dịch mùa hè, sự lựa chọn hướng tấn công phụ thuộc vào đáp án đó. Những phân tích cụ thể cho thấy quân Nga có khả năng tấn công trên hướng Bắc của mặt trận Trung tâm. Các cuộc trinh sát bằng không quân đã khẳng định kết luận này — trong những khu vực bị đe dọa, có dấu hiệu tập trung quân, có những đoàn tầu quân sự đi về hướng này. Quân Nga có thể hoạt dộng tích cực ở khu vực Kerti trong vùng Krưm.

      Để đề phòng đối phương, bọn Đức đã quyết định xây dựng những phòng tuyến công sự vững chắc mang tên «Chiến sĩ phương Đông». Nhưng việc xây dựng những công sự này không giữ được bí mật. Vào cuối tháng Ba năm 1943, Liútsi đã chuyển đi một bản báo cáo. Đgim dùng mật mã của mình đánh đi cho Trung tâm :
      «29-3-1943. Gửi Giám đốc. Thượng khẩn. Vecte. Ngày 25 tháng 3….Bọn Đức đã xác định rằng việc tập trung quân đội Liên xô tại vùng phụ cận Vônkhốp và tại Lê- ningrat vẫn đang tiếp diễn. Bộ chỉ huy tối cao Đức cho rằng trong những tuần gần đây, có một số lượng vật liệu quân sự đã được đưa đến Lêningrat qua Muốcmanxkơ và Vonogđa, còn quân đội thì được tung bằng đường không qua Slixenbuốc. Bộ chỉ huy tối cao Đức dự đoán, quân Nga sẽ tăng cường hoạt động trong các khu vực Nêva, Vonkhốp, Xrivi. Vì lẽ đó, bộ chỉ huy Đức đã quyết định trước hết phải đẩy mạnh việc xây dựng những tuyến phòng thủ và phòng tuyến «Chiến sĩ phương Đông» trên hướng bắc của mặt trận mà cụ thể là tại Extônia và Latvia».

    Mátxcơva đã nhận được tin tức cần thiết. Trung tâm gửi đi Giơnevơ nhưng câu hỏi mới để kiểm tra xác định những tin tức thu được qua những nguồn khác.

      Trung tâm chú ý đến «Chiến lũy phương Đông» của Đức có trong nội dung các bản báo cáo từ «các trạm gác tiền tiêu» gửi về. Có được những tin tức như vậy không phải là chuyện dễ dàng. Những tài liệu về «Chiến lũy phương Đông» cất trong các két sắt đặc biệt của bộ chỉ huy tối cao, làm sao mà có thể tiếp cận với tài liệu này được. Lúc đầu Tetdi báo cáo: «Hiện tại vẫn chưa thể lấy và sao chép lại tài liệu trong két sắt được... Không thể quá mạo hiểm. Tiếp sau đó là báo cáo mới; tin tức về phòng tuyến chiến lược sẽ được chuyển tới Trung tâm. Phòng tuyến này sẽ kéo dài dọc mặt trận phía Đông từ Pribantich đến Hắc hải...».

     Sau hai tuần, Đgim báo cáo :
     «Gửi Giám đốc. Thượng khẩn. Rất quan trọng….

      Kế hoạch «Chiến lũy phương Đông» từ Tetdi... Đội xây dựng «Nord» đang thi công hai tuyến «Chiến lũy phương Đông» — một tuyến chống tăng và một tuyến đề kháng... Dọc theo «Chiến lũy phương Đông» cũng như trên tuyến đề kháng đều có những boong-ke bê-tông, những đường hào, bẫy chống tăng...Kế hoạch của chúng và nhiệm vụ đặt ra cho đội xây dựng «Nord» chứng tỏ bọn Đức có ý định tiến hành những trận đánh phòng ngự mang tính chất chiến lược giữa tuyến chống tăng và tuyến đề kháng để xe tăng Liên xô và đạn pháo không phá hủy được tuyến đề kháng...»..


      Nguồn Tetdi kể tên những khu vực trên tuyến phòng ngự.

     Đáp ứng những yêu cầu về đặc tính của những loài xe tăng mới của Đức, Tetdi xe tăng mới của Đức «B-1» tức xe tăng «Con cọp» có thể chạy với tốc độ 36 ki-lô-mét / giờ trên đường nhựa và trên đường đất đá cứng. Độ dày thép từ 88 đến 100 milimét.

     Tin tức của Vecte khẳng định, mức độ xe tăng các loại lên đến 900 chiếc mỗi tháng. Các nhà máy bắt đầu chế tạo xe hạng nặng «Con cọp»«Con báo» để phục vụ cho chiến dịch tấn công mùa hè của quân đội Đức.

     Về loại tăng «Con báo» các nguồn nói rõ : các kỹ sư và các công trình sư Đức đã nghiên cứu xong loại xe tăng «Con báo» có tính cơ động hơn so với loại «Con cọp». Hai loại này cùng đang được chế tạo.

      Bộ chỉ huy Liên xô đã biết về loại vũ khí được Đức chế tạo nhằm phục vụ cho cuộc tấn công mùa hè năm 1943 trước khi chúng được đưa ra sản xuất hàng loạt trong các nhà máy quân sự…. Giờ đây Liutsi đã khẳng định lại : những tin tức này là đúng.

      Tin tức từ Giơnevơ đã nói về việc bố trí lại các cụm quân Đức, về lực lượng dự bị khổng lồ trong hậu phương trung tâm của mặt trận. Điều này cho thấy rằng, bộ chỉ huy tối cao Đức định đánh một đòn lớn vào quân đội Liên xô trong khu vực vòng cung Cuốcxkơ. Ý đồ chiến lược của địch ngày càng lộ rõ. Nhưng không phải là tất cả đều sáng tỏ.

    Vòng cung Cuốcxkơ nằm hõm sâu vào trận địa của bọn Đức có tầm quan trọng vô cùng cho cả hai phía tham chiến. Đối với quân đội Liên xô đây có thể là bàn đạp để tấn công về hướng Đơnhép. Đối với quân Đức thì vòng cung Cuốcxkơ là căn cứ để phát triển vòng vây về phía Nam và Bắc để tiêu diệt ít nhất hai phương diện quân của Liên xô, giành khoảng không chiến lược để rồi tiến thẳng vào Mátxcơva, giành thắng lợi hoàn toàn trên mặt trận phía Đông.

      Tổng tham mưu trưởng Hồng quân đã ra lệnh xác định quân số, vị trí của các lực lượng dự bị Đức trong chiều sâu mặt trận, quá trình bố trí lại đội hình, việc huy động các lực lượng từ Pháp, Đức và các nước khác tới.

     Đêm đó, nhiệm vụ này đã được truyền đi Giơnevơ.   

     Ngày mùng hai và mùng ba tháng Tư, một cuộc hội nghị đã diễn ra trong đại bản doanh của Hítle. Tại đây, bọn trùm phát xít đã thảo luận các kế hoạch mùa xuân, mùa hè và mùa thu năm 1943 và việc phân bố lực lượng dự bị.

      Cuộc hội nghị đã thông qua chỉ thị của Hítle : triển khai chiến dịch «Xitaden» tại vùng Cuốcxkơ vào đầu tháng Năm.

Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #171 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2021, 03:27:51 pm »

 

     ....Nhưng sau đấy hai tuần, Mátxcơva đã biết tin hoãn chiến dịch tấn công tại vòng cung Cuốcxkơ mà Đức đã định thực hiện vào tuần đầu tháng Năm.

     Ngày giờ tấn công trên mặt trận phía Đông còn thay đi đổi lại mấy lần nữa. Hítle muốn đánh một đòn thật chắc ăn. Hắn hiểu rằng đòn tấn công tại Cuốcxkơ là nước cờ cuối cùng để giành thắng lợi trên chiến trường. Hắn tích lũy lực lượng, yêu cầu tăng cường các sư đoàn dự bị, sản xuất nhiều xe tăng mới vì không thể mở cuộc tấn công khi chưa có đủ lực lượng. Nhưng thời gian đâu có chiều theo ý hắn, ngày lại ngày cứ thế trôi đi.

     Rađô báo cáo : «Từ đầu chiến tranh đến ngày 30 tháng 5 năm nay, tổng thiệt hại của quân Đức là : 1.940.000 tên bị chết, bị bắt làm tù binh là 565.000 tên, bị thương 1.000.000 tên. Tổng số thiệt hại là 3.772.000 tên…»

     Đến ngày 15 tháng Tư, trong lực lượng dự bị của Bộ chỉ huy Đức, có trên 40 Sư đoàn mới được thành lập.

    Một nhiệm vụ phức tạp đặt ra cho Bộ chỉ huy Liên xô : đập tan cuộc tấn công của địch, tiêu diệt các lực lượng của chúng trong trận địa phòng ngự và sau đó chuyển sang tấn công không chỉ ở Cuốcxkơ mà còn trên các khu vực khác của mặt trận nữa. Tất cả đã được dự kiến, tính toán. Phương diện quân dự bị Đồng bằng đã được thành lập cách mặt trận 300 ki-lô-mét. Các loại pháo chống tăng đủ sức tiêu diệt các loại xe tăng mới của địch được đưa ra trang bị cho quân đội. Những tập đoàn quân xe tăng và các đơn vị pháo binh dự bị của Bộ tổng tư lệnh đã được thành lập... Tung thâm của dải phòng ngự mà kẻ địch phải chọc thủng lên tới hàng trăm ki-lô-mét, tới tận tiền duyên của phương diện quân Đồng bằng.


      Đại bản doanh của Hítle cho rằng điều kiện quyết định cho cuộc tấn công mùa hè là giữ bí mật trong việc chuẩn bị. Nhưng bí mật đó từ lâu đã không còn là điều bí mật nữa rồi.   

      «Bọn Đức phát hiện là người Nga đã tập trung một số lượng lớn quân—báo cáo nêu rõ—trong khu vực Cuốcxkơ, Viadam và Cánh cung vĩ đại. Bộ chỉ huy tối cao Đức cho rằng quân đội Liên xô có thể chuẩn bị tấn công mạnh mẽ cùng một lúc trên nhiều khu vực qua của mặt trận...».

     Tới đầu tháng Bẩy, những lực lượng hùng mạnh của hai phe đối kháng đã triển khai trên các khu vực của vòng cung Cuốcxkơ. Tổng số quân của cả hai bên lên đến hàng triệu người. Bên nào cũng chờ đợi cho phía bên kia tấn công trước.

     Trước lúc mở màn trận đánh tại vòng cung Cuốcxkơ một «vọng gác» nữa đã khẳng định báo cáo của Verte.

    «Bọn Đức đã xác định rằng từ ngày mồng hai tháng Năm quân Nga đã tập trung những lực lượng cơ giới mới tại khu vực Cuốcxkơ gần phía đông Khắckốp để đối đầu với việc bố trí lại lực lượng của Tập đoàn quân Manstein. Đức không thể để cho quân đội Liên xô tiếp tục tập trung lực lượng ở phía tây và tây nam Cuốcxkơ nữa, vì nếu như quân Nga tấn công trên hướng này sẽ gây ra tình trạng  nguy ngập cho toàn bộ mặt trận Trung tâm. Đức cần phải chủ động tấn công chặn trước đòn đánh của Hồng quân...»

      Lệnh này sau đã trở thành tài liệu chiến lợi phẩm. Nó đã lọt vào tay lực lượng tấn công của Liên xô. Vào đêm trước khi tấn công, Hítle đã ra lời kêu gọi binh sĩ và sĩ quan Đức : «Từ ngày hôm hay, các anh là những người tham dự những trận tấn công lớn có thể đi đến kết thúc chiến tranh. Hơn bao giờ hết, chiến thắng của các anh sẽ làm cho toàn thế giới sáng mắt ra rằng chống lại quân đội Đức là điều vô ích... Đòn tấn công vũ bão này, phải làm cho quân đôi Liên xô rung chuyển đến tận gốc. Vì thế các anh phải hiểu rằng tất cả đều phụ thuộc vào thắng lợi của trận đánh này...»   

      Người ta có cảm giác là Bộ chỉ huy tối cao Đức có đầy đủ cơ sở để tin vào thắng lợi của cuộc tấn công sắp tới. Mục đích chính là bao vây các tập đoàn quân Liên xô với quân số gần một triệu người. Tiếp đó là đánh chiếm thủ đô của nước Nga, hoàn thành cuộc hành quân sang Nga.

      Mọi cái dành cho chiến dịch coi như đã chuẩn bị xong xuôi, hai phần ba số lượng xe tăng Đức trên mặt trận phía Đông đã được đưa đến vòng cung Cuốcxkơ. Một phần ba lực lượng bộ binh — bẩy mươi sư đoàn — cũng tập trung tại khu vực này. Bọn Đức đã làm tất cả những gì chúng có thể làm trừ mỗi một điều là chúng không thể moi được các kế hoạch của Bộ chỉ huy Liên xô trong khi lại phải lo giữ kín kế hoạch tấn công mùa hè của chúng.

     Trong chỉ thị thực hiện kế hoạch «Xitaden», Hítle đã yêu cầu «sử dụng triệt để yếu tố bất ngờ, làm cho đối phương không biết được thời điểm tấn công... Để giữ bí mật, chỉ có những người thật sự cần thiết mới biết được ý đồ tác chiến….».
   
      Nhưng bọn Đức đã không giữ được bí mật. Bộ chỉ huy Liên xô đã biết được quy mô và thời gian tấn công của quân đội phát xít qua các nguồn tin khác nhau.. Đại bản doanh của Liên xô đã báo cho các tư lệnh phương diện quân trước ba ngày về việc địch có thể tấn công trong khoảng từ mồng ba đến mồng sáu tháng Bảy nă m 1943. Tiếp sau đó, Hồng quân biết được cả ngày giờ tấn công của bọn phát xít..

     Đêm mồng bốn rạng ngày mồng năm tháng Bẩy, tư lệnh phương diện quân Rôkốpxốpxki đã gọi điện báo cáo cho nguyên soái Giucốp : vừa bắt được một tên công binh Đức, hắn khai cuộc tấn công của Đức sẽ bắt đầu trước lúc rạng đông, vào khoảng ba giờ…

     Lệnh tấn công của Hítle đã được phổ biến xuống các đơn vị.

      Đã quá hai giờ đêm. Trời bắt đầu dần sáng. Nguyên soái Giucốp, Tổng chỉ huy các lực lượng Liên  xô ra lệnh dùng hỏa lực của tất cả các loại pháo như đã vạch sẵn trong kế hoạch chiến dịch. Hai giờ hai mươi phút, tức là bốn mươi phút trước khi Đức bắt đầu tấn công, đợt pháo kích vào trận địa của địch bắt đầu. Đội hình chiến đấu của các đơn vị tấn công bị phá vỡ. Bọn phát xít chỉ có thể tấn công vào lúc năm giờ ba mươi phút — muộn hơn kế hoạch hai tiếng rưỡi. Bộ chỉ huy Liên xô áp dụng chiến thuật phòng ngự chủ động để bẻ gẫy lực lượng tấn công của địch và chuyển sang phản công.

     Những trận chiếu đấu phòng ngự ác liệt đã kéo dài suốt một tuần. Ngày đầu quân đội Liên xô đẩy lui năm đợt xung phong của địch. Hai bên đã huy động hàng nghìn xe tăng, máy bay và hàng nghìn khẩu pháo lao vào trận đánh.

      Đến cuối tuần, áp lực của địch đã yếu hẳn. Ngày 13 tháng Bẩy, Hítle ra lệnh lui quân về tuyến xuất phát. Quân đội Liên xô liền chuyển sang phản công. Sau năm mươi ngày chiến đấu liên tục, quân Đức đã mất hơn nửa triệu tên. Chiến dịch «Xitaden» bị phá sản đã mở ra một bước ngoặt quyết định có lợi cho Liên xô trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại.

    Nhiều năm sau, nguyên soái Giucốp, vị tướng thiên tài, ba lần anh hùng Liên Xô đã ghi trong hồi ký của mình về diễn biến của trận đánh tại vòng cung Cuốcxkơ như sau :
      «Bất cứ ai có chút ít kiến thức quân sự đều hiểu rằng; do đâu mà có thắng lợi quân sự . Muốn thắng lợi đòi hỏi phải đánh giá đúng đắn toàn bộ tình hình, lựa chọn chính xác hướng tấn công chủ yếu, bố trí đội hình khéo léo, có sự tính toán và hiệp đồng chặt chẽ tất cả các loại vũ khí ; các chiến sĩ phải có tinh thần chiến đấu cao về kỹ thuật chiến đấu tốt, phải có sự lãnh đạo kiên quyết và linh hoạt, nắm vững thời cơ và nhiều yếu tố khác nữa...Tình báo giỏi cũng là một trong những nguyên nhân đảm bảo thắng lợi cho trận đánh vĩ đại này ».
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #172 vào lúc: 01 Tháng Sáu, 2021, 10:14:03 am »

   

    4.




     Sau những tháng sơ tán khỏi Mátxcơva từ những ngày tháng Mười năm 1941 đầy gian khổ, Greta Bêlikốpva trở về ngôi nhà vắng tanh vắng ngắt cạnh nhà ga Kiép. Trong suốt thời gian đó, Grigôri chỉ ghé qua nhà đôi ba lần, mãi khi vợ sắp về anh mới dọn dẹp qua quít chút ít. Greta trở về nhà vào buổi sáng. Hai người ăn tạm bữa sáng trên chiếc bàn trải báo, sau đấy Grigôri đến cơ quan làm việc và ở liền đấy suốt ba ngày.

     Còn lại một mình, Greta bắt tay vào việc thu dọn nhà cửa — nào là quét dọn, giặt giũ, xếp sắp mọi thứ cho đâu vào đấy. Grigôri phải ngạc nhiên đứng khựng lại trước cửa khi thấy mọi thứ trong nhà thay đổi, trông gọn gàng tươm tất. Nhưng được mươi hôm, Greta bắt đầu thấy khó chịu trong cảnh cô đơn và nhớ các con nơi sơ tán.

     - Em không thể sống mãi thế này được đâu anh ạ, em muốn làm việc — chị nói với Grigôri — nếu không thì em về làm gì...

     Greta bắt đầu công tác trong nhóm oủa Cuốc Vônphgan vào hồi mùa xuân. Chị sống trong ký túc xá, thỉnh thoảng lại đáp tầu về Mátxcơva nhưng mà cũng năm thì mười họa mới gặp được chồng. Bấy giờ công việc đã thực sự lôi cuốn chị.

     Thế rồi một năm đầy những sự kiện trên mặt trận đã qua đi. Tâm trạng lo âu trước việc Hítle tấn công Sta-lingrat, bắc Kápkađơ đã được thay bằng niềm vui khi nghe tin Hồng quân bao vây tập đoàn quân của Paulus. Thắng lợi, thất bại rồi lại thắng lợi.... Sự việc cứ thế nối nhau tiếp diễn.

     Những thắng lợi và thất bại trên mặt trận không phải bao giờ cũng tương ứng với tình hình trên trận tuyến thầm lặng, với hoạt động của các «vọng gác» trong hậu phương địch, Thắng lợi của trận đánh tại vòng cung Cuốcxkơ lại trùng với nỗi lo cho số phận của một «vọng gác» tại miền nam nước Đức. «Vọng gác» này cần được bổ sung, vì thế ngay sau trận đánh tại Stalingrat, Trung tâm đã phái hai tình báo viên tới đó bằng đường không. Họ mang theo hai đài phát sóng ngắn. Đấy là Inga và Phrant. Greta đã chuẩn bị quần áo, tư trang cho họ, lo từ chiếc cúc cho đến đồ lót sao cho thật phù hợp và giả sử có gặp điều gì bất trắc cũng không gây nghi vấn.

     Inga và Greta cùng ở chung một buồng trong ký túc xá. Inga trẻ hơn Greta nhưng tuổi tác không ngăn trở họ trong tình bạn. Cô gái Inga mắt đen, vui nhộn thường cùng Greta tâm sự, chia xẻ niềm vui, nỗi nhớ. Theo như hộ chiếu thì Inga sẽ là một cô gái có tên là Anna Vebe... Greta đã kiểm tra kỹ xem hộ chiếu có gì sai sót không nhưng tuyệt nhiên không phát hiện ra được gì cả.

      Nhưng bỗng nhiên Inga biến mất..

      Trong một thị trấn nhỏ giáp ranh ba nước Thụy sĩ, Pháp và Đức có một người phụ nữ luống tuổi sống độc thân tên là Anna Miule. Người phụ nữ này không làm công tác thu thập tin tức nhưng được bảo vệ hết sức cẩn thận, chỉ có thể bắt liên lạc với chị ta nếu được Trung tâm đồng ý. Giống như «nhân viên nhà băng» tại Béc-lanh, Anna làm công việc cấp hộ chiếu và đưa các chiến sĩ bí mật vượt biên giới.

     Anna có một người em mang tên là Hans, sống gần đấy nhưng ở phía bên kia biên giới. Và chính Inga là người cần phải đến chỗ Hans sau khi đổ bộ. Với sự giúp đỡ của Hans, Inga sẽ tới Miunkhen bắt liên lạc với nữ tình báo viên Micki, ổn định công ăn việc làm cho mình và chỉ sau đó mới liên lạc bằng vô tuyến với Trung tâm.

     Các chiến sĩ lái máy bay hoàn thành nhiệm vụ trở về báo cáo rằng họ đã vượt giới tuyến an toàn và thả hai chiến sĩ tình báo theo đúng tọa độ đã định. Nhưng một chuyện rủi ro đã xảy ra cho Inga khi cô vừa chạm đất trong đêm tối. Cùng nhảy dù với Inga là Phrants, người được giao nhiệm vụ tới một thành phố khác đã bị gió thổi bạt xa về hướng khác. Khi xuống tới đất, cô gái không thấy valy đựng đài của mình đâu cả. Chiếc valy này đã tuột ra khỏi dây móc và rơi xuống dưới. Trời sắp sáng mà valy điện đài thì chẳng thấy đâu. Chờ cho trời sáng thì thật là mạo hiểm. Inga quyết định chôn dù và đi đến một nhà ga gần đó.

     Cô gái đi đến được Phraiburg an toàn, tìm được Gans Miule rồi sau đấy nhờ Gans báo cho chị gái của mình biết về tất cả những gì xảy ra, còn cô thì lên đường đi Miunkhen.

     Phải rất lâu sau Trung tâm mới nhận được điện báo có liên quan đến nữ tình báo viên Inga. Grigôri liền chuẩn bị một bức điện để phát đi : «Hãy chỉ thị cho Anna để Anna báo cho em trai biết sẽ có người mang valy điện đài tới. Yêu cầu cất giữ và nếu có điều kiện thì chuyển cho Inga».

     Micki cũng báo cho Trung tâm "Inga đã đến Miunkhen và đã tìm được công ăn việc làm». Nhưng sau đó, liên tiếp trong nhiều tuần, Trung tâm không nhận được tin gì về số phận của Inga cả. Trung tâm hỏi cũng không thấy Micki trả lời.

     Một bức điện nữa được phát đi trên làn sóng điện :
    - «Hãy thận trọng tìm hiểu xen Anna ở đâu. Không được đến nhà Anna khi chưa liên lạc qua điện thoại. Chúng tôi đã nhận được tin em trai của Anna đã bị Giettapô bắt. Riêng về Inga, vẫn chưa biết được gì. Cần phải xác định xem chuyện gì đã xảy ra với Micki».

    Những yêu cầu của Trung tâm về số phận của các tình báo viên được phát đi cùng với những chỉ thị quan trọng khác đều mang dấu «Thượng khẩn».

     Đại tá Bêlikốp, buồn vì không biết được tung tích Inga, vì Micki im lặng, vì đứt liên lạc với một nhóm có ý nghĩa rất quan trọng nhất là sau vụ đổ vỡ của các chiến sĩ chống phát xít bí mật. Thế là phải phái người khác đi thôi nhưng phái đi đâu bây giờ mới được kia chứ ? Trước khi lên báo cáo với giám đốc, đại tá Bêlikốp đã đau đầu vì câu hỏi khó giải đáp này.

     Sau nhiều tuần làm việc liên miên không nghỉ, hôm nay Grigôri mới có được vài tiếng đồng hồ rảnh rang để mừng ngày sinh của Greta. Họ mời cả Kurt đến dự bữa cơm gia đình. Bên bàn ăn, ba người lại trao đổi với nhau về việc Inga đột nhiên mất tăm.

     - Cần phải phái người biết mặt Anna đi thôi, cậu ạ — Kurt nói.

     - Cần thì tất nhiên là cần rồi — Grigôri tán thành — nhưng tìm đâu ra người kia chứ. Không có mật khẩu trong lúc không thể báo trước được cho Anna...   

     - Nhưng tại sao các anh lại không nghĩ rằng người ấy có thể là tôi nhỉ ? — Greta nói — tôi biết Anna ở Béc lanh từ lâu lắm rồi, từ khi chị ta còn làm hầu phòng cho phôn Mec. Không, từ trước đây nữa kia, khi chị ta còn làm thợ dệt trong nhà máy ở Tréptốp. Tôi chắc rằng phrau Miule cũng quên tôi rồi.

      Hai người đàn ông im lặng nhìn Greta. Cả hai cùng chung một nỗi băn khoăn.

     — Nhưng cô còn có con nhỏ cơ mà — Cuốc không tán thành — Đây đâu có phải là đi dạo phố.

     — Em không đi được đâu, Greta ạ— Grigôri nói nhỏ nhẹ— ở Đức không riêng gì chỉ Anna Miule biết em đâu.   
Không thể đùa với Giéttapô đâu em ạ.

      Nhưng Greta vẫn giữ vững lập trường của mình. Có lẽ chị đã nghĩ đến chuyện này từ lâu rồi và chỉ hôm nay mới bộc lộ thành lời.

     - Giéttapô từ lâu đã quên em rồi, mười năm chứ ít gì nữa — Greta phản đối một cách bình tĩnh nhưng đã không giấu được xúc động làm ửng hồng đôi má của chị.

     - Không, không, em không đi được đâu - Grigôri nhắc lại.

    - Vì em là vợ của anh hay sao ? Vì chuyện đó có liên quan đến những đứa con của chúng ta hay sao ? — Greta thốt lên bực tức — Thế thì tại sao anh lại viết đơn xin ra mặt trận ? Hay là lúc đó chúng ta chưa có con ? Lôgic của vấn đề là  ở chỗ nào chứ. Tại sao anh lại có thể, còn em thì lại không ?... Đang chiến tranh, chiến tranh kia mà !...

      Greta đột ngột bỏ đi ra khỏi phòng, một lát sau chị quay lại với một ấm chè nóng.

      - Các anh uống chè đi — Chị nói tỉnh khô – Về phần mình, tôi đã quyết định. Còn lại là việc của các anh !

     Grigôri im lặng rít thuốc.

     - Em cừ lắm, Greta ạ - Anh bỗng nói – Và có lẽ anh đúng. Nhưng thật mà khó đồng ý em ạ. Giá như anh có thể tự mình…

     Ôi, Grigôri thật không dễ gì khi báo cáo với Giám đốc rằng đối tượng tung vào lòng địch đã được lựa chọn.

     Vào đầu tháng Tám, đúng vào cái đêm khi ánh pháo hoa đầu tiên rực sáng trên bầu trời Mátxcơva chào mừng nhưng người chiến thắng tại vòng cung Cuốcxkơ đã giải phóng thành phố Bengôrốt và Orel thì Greta bước lên máy bay đi làm nhiệm vụ. Thời gian trôi đi mà tin tức về chị vẫn tuyệt nhiên không có. Sau một tháng rưỡi, chị mới gửi cho hiệu thính viên một bức thư, giữa các dòng trong thư là báo cáo viết bằng mực hóa học.

     Greta đã xác định được :
     - Anna Miule đã bị lừa. Tưởng em trai gọi thực, Anna liền sang Đức và bị bắt tại đấy. Micki cũng bị bắt hầu như cùng một lúc với Inga ở Miunkhen. Greta yêu cầu Trung tâm giao chỉ thị mới.

    Giám đốc đã lệnh cho Greta rời khỏi nước Đức. Nhưng chị đã không thực hiện được ngay chỉ thị đó. Mãi nửa năm sau chị mới quay về được…..

Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #173 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2021, 08:21:57 am »



                                                                                                            CHƯƠNG IV - NHỮNG VỤ KHIÊU KHÍCH MỚI





    1.




     Bác sĩ riêng, người xoa bóp và là người để Himle dốc bầu tâm sự, tiến sĩ Kecchen, tiếp tục ghi nhật ký bí mật... Thông qua xếp của mình, Kec-chen biết được các kế hoạch của Hítle và bọn tay chân của hắn. Nhiều năm sau, nhật ký của Kecchen là cơ sở để phục hồi lại nhiều sự kiện. Trong đầu của Hítle và những kẻ cố vấn cho hắn, hết năm này đến tháng khác đã chất chứa cơ man những kế hoạch khiêu khích, lật đổ rất xảo quyệt nhằm một mục tiêu duy nhất : chinh phục thế giới, đặt ách thống trị lên đầu tất cả các nước không kể lớn bé trên khắp hành tinh của chúng ta. Việc thực hiện những hoạt động chính trị bí mật và kỳ quái không những chỉ do bàn tay của các nhà ngoại giao, nhà hoạt động chính trị mà còn do bàn tay của những tên đặc vụ — phá hoại, những kẻ thích phiêu lưu tiến hành. Chính chúng là những kẻ rất nhạy với những tư tưởng phản phúc, đôi khi điên rồ của những tên cầm đầu nhà nước phát xít và là những kẻ biến những tư tưởng ấy thành những sự việc cụ thể.

     Sau thất bại thảm hại của quân đội quốc xã ở Stalingrat, tại đại bản doanh của Hítle trong khu rừng lầy lội Maduốcki, đã diễn ra cuộc nói chuyện giữa quốc trưởng với kẻ lãnh đạo Cục an ninh đế chế Himle. Trong lúc tâm sự, Himle đã kể cho bác sĩ Kecchen nghe về cuộc gặp gỡ của hắn với Hítle. Ngay chiều hôm đó, Kecchen đã ghi lại lời của Hítle : «Quốc trưởng nói với Himle : Nước Đức chỉ là một đội quân tiên phong ở phương Tây trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa bônsêvích. Mỹ và Anh cần phải tham gia vào cuộc đấu tranh này nếu như họ không muốn chết... Mỹ và Anh bây giờ chưa hiểu được điều này nhưng sẽ đến lúc họ phải hiểu..   »   

      «Hôm nay khi tôi đến chỗ Himle, tôi thấy ông ta đang đi đi lại lại, có lẽ có điều gì đó không bình thường. Tôi kiên nhẫn chờ đợi. Cuối cùng Him le mới bộc lộ rằng quốc trưởng đã nói chuyện nghiêm túc với ông ta. Trong lúc trao đổi, quốc trưởng khẳng định chiến tranh với Nga không thể kết thúc sau một, hai năm, cuộc chiến tranh này có thể kéo dài ít nhất là mười năm, ba mươi năm hoặc lâu hơn nữa..»

     Himle đã hỏi Hítle tại sao quốc trưởng lại tuyên bố chiến tranh sắp kết thúc: Hítle đã trả lời là thần kinh dân Đức không đủ vững để đón nghe một cái tin như vậy. Vì lẽ đó mà Hítle đã nói với dân Đức như bác sĩ nói với bệnh nhân rằng, cứ yên tâm sắp khỏi rồi tuy biết rằng để cứu sống được người bệnh không phải là chuyện dễ.

     Hítle còn nói «Bây giờ cần phải tìm thêm phương kế đề giành chiến thắng».

     Rồi đúng vào những ngày này, Vante phôn Sêlenbec đã trình bày kế hoạch đấu tranh chính trị, phá hoại chống lại kẻ thù của nước Đức lên cho Himle. Hình như tên chó săn này đã đánh hơi thấy được Hítle cần gì rồi.

     Tuy nói chuyện trực diện, Sêlenbec như mọi khi vẫn thận trọng liếc nhìn người đang nói chuyện với mình, hắn nói :
      — Chúng ta cần phải ký kết nhưng thỏa hiệp hòa bình riêng rẽ với các cường quốc phương Tây... Những hiệp ước như vậy sẽ tạo cơ hội thực tế để chúng ta có thể chống lại phương Đông...

      Cũng vào thời gian này, tổ công tác của lão cố vấn hình sư Giring đã bắt được một nhóm các chiến sĩ hoạt động bí mật. Tên Vante phôn Sêlenbec quyết gánh chịu trách nhiệm, lợi dụng thành công của lão già Giring, đi tiếp những nước cờ táo bạo. Những thất bại trên mặt trận phía Đông đã buộc bọn phát xít phải tìm những lối thoát cho mình. Sêlenbec cũng nghe được những lời nói của Hítle ghi trong nhật ký của bác sĩ Kecchen.
     - «Hítle nói : trong lịch sử thế giới chưa từng có những quan điểm mà những kẻ địch của chúng ta có — cực tư bản và cực mác xít. Chúng ta sẽ sử dụng tình hình này. Giờ đây tôi như một con nhện nhẫn nại rình đợi những con mồi sa vào lưới của mình mà thôi. Tôi kiên trì theo dõi sự tiến triển của tình hình, chờ cho mâu thuẫn giữa những kẻ địch trở nên căng thẳng...»

    Nhưng trong các quân khu cũng đã bắt đầu nảy nở những phe phái đối lập với Hítle gồm những tướng lĩnh muốn ký kết hiệp ước riêng rẽ. Viên tướng Stum há đã chẳng nói tại Pari là  «dù không có hoặc có Hítle» đấy sao.

     Thống chế Himle, sau nhiều đêm giằn vặt đã đồng ý trở thành người thừa kế Hítle đứng đầu nhà nước nếu tình thế buộc Hítle phải rời ghế quốc trưởng. Thói hiếu danh của Himle, tên Vante phôn Sêlenbec cũng chú trọng đến điều này. Bà thầy bói Anna Kraus đã bị bắt và bị tuyên án tử hình nên phôn Sêlenbec đã phái người tâm phúc của mình đến Hăm-bua gặp các thầy chiêm tinh để lấy quẻ cho «người chưa rõ mặt». Biểu tử vi lại một lần nữa khẳng định người này sẽ nối tiếp sự nghiệp của tổ tiên vĩ đại...

     Các tài liệu lưu trữ và những bằng chứng sống, đã nêu cụ thể về những sự kiện đã qua... Người ta bắt đầu biết được tình hình bắt bớ các chiến sĩ hoạt động bí mật. Pite Gram bị bắt trong trường hợp như sau.

     Mọi thứ chuẩn bị cho Gram ra đi đã xong xuôi : từ hộ chiếu, tiền đến quy ước bắt liên lạc sau khi bí mật vượt biên giới. Nhưng trên đường đi, anh đã quyết định rẽ vào bệnh viện thăm đứa con gái vừa chào đời và chia tay với người vợ mà sau đấy cũng sẽ phải vượt biên theo anh. Pite Gram bị bắt ở nhà ga khi anh vừa ra khỏi toa. Có tiếng ai đó gọi anh từ phía sau :
     - Ngài Gram ! — Anh ngoảnh lại và ngay lúc đó một cái còng đã xiết chặt vào cổ tay anh. Anh bị đẩy lên chiếc xe "Xitrôen” màu đen của Giéttapô và đưa đến nhà tù Amstecđam.

      Lão cố vấn hình sự đã kịp túm được sợi chỉ mỏng manh để rồi từ đó lần đến tận Xenđie. Trước đó ít lâu, hắn đã bắt được Grin. Grin bị bắt cùng với Inexa. Cuộc hỏi cung đầu tiên thật ngắn ngủi. Tên SS lực lưỡng đấm một cú nảy lửa vào mặt Grin làm anh ta ngã ngửa. Rồi hắn lại dựng Grin dậy. Một cú đấm tiếp vào mặt. Grin lại ngã xuống.

     Đúng lúc Grin mặt mày bê bết máu đang đứng trước mặt Giring thì chúng đưa Inexa vào. Cuộc hỏi cung còn chưa bắt đầu nhưng Giring đã the thé :   
     - Nếu chồng mày không chịu nói thì chúng tao sẽ bắn bỏ. Chúng mày có thể chia tay nhau được rồi đấy... Cả mày cũng thế...
   
     Inexa rum lên cầm cập rồi ngất xỉu, chúng đưa chị ta ra :
     - Liệu đấy — Giring nói, giọng có vẻ ôn hòa hơn — Nếu anh còn tiếp tục im lặng và không chịu giúp đỡ chúng tôi thì anh sẽ phải chịu số phận đúng như tôi đã nói. Chúng tôi sẽ giết cả anh lẫn vợ của anh... Anh hãy tự quyết định đi !      

     Tên SS lại đánh. Grin không bị ngã nhưng đã bị khuất phục.
     - Nhưng tôi đâu có chối... các ông còn muốn gì ở tôi nữa — Grin rầu rĩ hỏi

     - Thế có phải hơn không... Hãy tháo còng ra và đưa anh ta đi rửa mặt.

     Chúng bắt đầu hỏi về họ tên và mật danh của những người hoạt động bí mật. Grin khai tất cả những gì hắn biết. Nhưng tên phản bội biết không nhiều. Khi bị hỏi Maixche là ai, Grin trả lời hắn không biết tên thật của Maixche và chưa gặp người này bao giờ. Nhưng hắn lại khai là có biết Gram và vợ anh. Hắn nói hình như Lôta đang nằm trong bệnh viện sản ở Xenđie thì phải. Có thể là Lôta đã sinh con hoặc đang chờ đẻ. Cụ thể ra sao hắn không được rõ lắm.

      Chỉ cần bấy nhiêu thôi cũng đã đủ cho Giring lắm rồi. Chúng đã tìm được người phụ nữ vừa sinh và bắt luôn cả mẹ lẫn con đưa về Amstecđam.

     Gram vì không chịu nghe Điure nên đã sa lưới. Giờ đây lão Giring cũng cố dùng thủ đoạn cũ như hắn đã từng thành công trong việc buộc Grin phải khai ra.
     - Nếu mày còn câm như hến thì tao sẽ cho bắn cả vợ lẫn con mày... — Giring dọa — Hiện giờ chúng nó đã nằm trong tay tao. Mày không tin hả?

     Gram lặng thinh. Qua thực là anh không tin lời tên Giéttapô. Chuyện đó không thể có được. Lôta đã ở nơi an toàn.

     Giring ra hiệu. Lập tức bọn tay chân của hắn dẫn Lôta bồng đứa con đi ra. Gram lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng thấy đứa con mà anh hằng mong đợi, và anh đã gặp con mình ngay trong phòng tra khảo của Giéttapô...

      Nhưng Gram đã lấy được sức mạnh, anh vẫn ngẩng cao đầu :
     - Chúng mày hãy bắn tao đi. Tao không biết gì hết. Tao không biết gì hết. Tao không biết mật mã, tao chỉ biết làm ăn buôn bán thôi. Đời nào người ta lại đưa mật mã cho tao...   

    - Thế Maixche là ai ? — Giring hỏi.

    - Maixche nào ? Tao không biết người đó. Có lúc người ta gọi tao là Maixche. Trên thực tế làm gì có người đó. Đây chỉ là một nhân vật huyền thoại thôi. Đấy, tao chỉ biết có vậy…
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #174 vào lúc: 08 Tháng Sáu, 2021, 09:53:56 am »

   

     2.




     Giring hoan hỉ lắm. Chiến thắng!...Hoàn toàn chiến thắng ! Thì ra số hắn cũng đỏ đấy chứ.

      Sau khi bắt được các chiến sĩ bí mật, lão gọi điện về Béclanh yêu cầu nối đường dây của lão với văn phòng Đế chế. Lão báo cho viên sĩ quan tùy tùng, tên này báo cho Quốc trưởng và đích thân Hítle cầm ống nghe. Lão được Hítle chúc mừng và hoan nghênh vì đã có thành tích phục vụ Đế chế. Lão sung sướng đến phát điên.

      Thống chế Himle cũng vui mừng ra mặt khi nghe tin từ Amstécđam báo về qua giọng nói khàn khàn của lão cố vấn hình sự Giring.
       — Còn bây gờ, — Himle ra lệnh — hãy nhốt chúng nó xuống hầm sâu. Xích chúng nó lại. Phải nhớ theo dõi, chúng ta cần chúng nó sống... Và chú ý đừng để cho ai biết là chúng nó đang nằm trong tay ta nhé...

      Tên trùm Giéttapô Muyle lại có thái độ hơi khác : sau khi nghe điện, hắn quyết định đáp máy bay đi Hà lan. Hắn đã báo trước cho lão cố vấn hình sự : không được hỏi cung những tên bị bắt khi chưa có mặt hắn.

      Một trò chơi tinh quái chống bọn Nga đã gần thành công. Giờ đây, tất cả chỉ phụ thuộc vào cách xử sự của những tên bị bắt nữa mà thôi. Kế hoạch đã chín muồi từ lâu: Cần phải làm cho những thắng lợi của tình báo Liên xô tan thành mây khói và chuyển thành thắng lợi của nhà nước quốc xã.
       — Chim tu hú đẻ trứng vào tổ của loài chím khác — Himle xoa xoa tay hể hả nói với Hítle — chúng ta cần phải đặt những quả trứng tu hú vào tổ ở Mátxcơva, Luân-đôn, Washington... Cứ để mặc cho chúng nó nở thành những con chim non của ta... Tay hiệu thính viên đã đồng ý làm việc cho chúng ta. Người của ta đã thuyết phục được hắn đánh điện về Mátxcơva theo lệnh rồi...

      Himle đang nói về — " vị giáo sư” — bậc thầy của những bậc thầy vô tuyến đã bị khuất phục sau ba tuần bị tra tấn tại Prints Albrekhtstrasse. Thắng lợi này đã củng cố thêm niềm tin của tên thống chế : con người bị biến thành bẩy mươi ký thịt tươi sẽ không còn là con người, kẻ đó không thể còn ý chí để chống lại...

     — Bây giờ cần phải gây mâu thuẫn trong nội bộ kẻ địch, chia rẽ chúng để chúng nghỉ ngờ lẫn nhau — Himle nói tiếp.

      Tên thống chế cho rằng biện pháp tốt nhất là gây ra sự ngờ vực lẫn nhau bằng cách sử dụng các báo cáo của chính những tên điệp viên địch. Tất nhiên phải cẩn thận để đối phương không biết được những tên hoạt động bí mật đang nằm trong tay Giéttapô. "Những kẻ chơi Pianô” cứ tiếp tục phát tin như trước nhưng theo lệnh của Ápve.

     Tất cả các kế hoạch cho cái trò chơi này đều do Vante phôn Sêlenbec nghĩ ra nhưng Himle vơ lấy làm của mình.

      Mấu chốt của vấn đề là làm cho kẻ địch phải ký hiệp ước hòa bình riêng rẽ với Bức. Mà việc này lại do từng nước trong liên minh chống Đức tự khởi xướng.

     Ngoài ra còn một việc nữa — phải xâm nhập vào ban lãnh đạo phong trào kháng chiến, làm tê liệt và tiêu diệt phong trào này. Thành công của những việc trên phụ thuộc vào một điều kiện : Nga xô không hay biết tí gì là mạng lưới mật của họ đã bị phá vỡ.   

      Song bọn Giéttapô đã không thể lường trước được mọi chuyện. Báo vụ viên «giáo sư» tuy đồng ý phát tin theo lệnh của Giéttapô về Mátxcơva nhưng ngay trong buổi phát đầu tiên đã kịp báo tín hiệu về sự đổ vỡ của mình...

      Nhưng Pite Gram không hề biết gì về chuyện này. Anh cũng không biết gì về các kế hoạch của địch và những gì đã xảy ra đối với người hiệu thính viên bị bọn Giéttapô bắt.

     Pite bị giam trong tù. Chúng lục soát lần khắp người anh xem có giấu ống thuốc độc để tự tử không. Trong người anh tuyệt nhiên không có gì hết, chẳng có chất độc mà cũng chẳng có vũ khí. Anh tỏ ra rất bình tĩnh và điều đó làm cho Giring cảnh giác. Còn Gram tuy bề ngoài thì vậy nhưng trong lòng anh đang rối bời. Làm gì bây giờ ? Anh không hiểu nổi tai sao bọn Giéttapô lại thận trọng như vậy. Anh ôn lại những diễn biến trong tuần qua và càng thấy rõ hơn : ở đây có chuyện gì đó không bình thường. Víchto đã kể cho anh nghe rằng ; trước lúc người chị gái bị bắt, đã có những kẻ khả nghi đến nhờ Anna giới thiệu chúng với các nhà thương gia ..Lại còn chuyện mua kim cương nữa..Tại sao bây giờ, bọn Giéttapô và nhất là cái lão già Giring lại giữ miếng như vậy trong khi các chiến sĩ bí mật đã ở trông tay chúng ? Ngay cả khi hỏi cung, lão Giring còn mời anh uống cà-phê pha Cô-nhắc hòng tạo ra một không khí cởi mở khi nói về những chuyện vặt vãnh chẳng quan trọng gì. Lão vẫn chưa đả động gì đến thực chất của vấn đề...Điều đó là cớ làm sao nhỉ ?... Chúng nó muốn bày cái trò gì đây ? Không loại trừ khả năng bọn Giring bắt được nhiều cán bộ bí mật nhưng không nói ra. Chúng bắt đầu bắt bớ ở Béclanh cách đây những hai tuần rồi cơ mà...Tại sao nhỉ ? Những ý nghĩ đó cứ lởn vởn mãi trong đầu anh.

      Rồi vấn đề đã được sáng tỏ hơn khi chúng đưa Gram từ nhà từ đến chỗ Giéttapô. Chúng đưa anh lên tầng bốn. Tầng này là nơi ở của bọn Giring. Pite Gram đâu có biết là tên trùm Giéttapô Muyle đã đáp máy bay đến đây để hỏi cung. Tại đây còn có cả tên cầm đầu phòng điều tra của Giéttapô, gã Gein Panvits có cái mặt giống như một quả cà chua chín. Hắn cũng từ Béclanh tới đây.   

     Lão Giring phụ trách việc hỏi cung. Pite hiểu rất rõ : đây là mở màn cho cuộc đấu khẩu có tính chất quyết định đến nhiều vấn đề. Cần phải làm sao để cho cái lão già có khuôn mặt người chết kia nói thật nhiều còn mình thì tranh thủ nghe mới được.

      Lão Giring đọc danh sách những cán bộ bí mật bị bắt nhưng trông đó không có tên nhiều người kể cả Điure. Như vậy có nghĩa là bọn Giéttapô không thể tiêu diệt được tổ chức bí mật và cũng có thể chúng không biết gì về họ nữa là đằng khác... Lão Karl Giring dường như đọc được ý nghĩ đó của Gram.

      — Đây là những tên đã bị bắt— Giring nói — Còn những tên khác chúng tôi có thể bắt bất cứ lúc nào... Anh thấy đấy — lão tiếp lời : chúng tôi không cần lời cung khai của anh mà vẫn có thể diệt được mạng lưới của các anh. Anh không nói chúng tôi vẫn biết. Chúng tôi không quan tâm đến chuyện đó.. Xin nói thêm, những đài phát, mật mã và nhân viên điện đài của các anh nay đã làm việc cho chúng tôi rồi..

     - Ông muốn gì ở tôi ? — Pite làm ra vẻ thờ ơ hỏi, chờ cho lão ta nói ra mấu chốt của vấn đề.

      — Chúng tôi mời anh đến đây vì một việc có tầm quan trọng như nhau cho cả chúng tôi và cho cả anh... Tôi đang muốn nói về việc ký kết hòa ước giữa Đức và Nga. Cần phải chấm dứt cuộc chiến tranh này. Anh cần biết rằng chúng tôi đang tiếp xúc với Mátxcơva và công việc đang tiến triển tốt. Giá anh đồng ý hợp tác trong việc ký kết hòa ước giữa hai nước chúng ta...

      «Chà ra là thế đấy !...Cuối cùng rồi thì cũng phải lòi đuôi ra chứ ! Không biết bọn Giéttapô này bắt  đầu làm công tác ngoại giao từ bao giờ thế nhỉ» — Pite thầm nghĩ. Anh im lặng còn những kẻ đang ngồi sau bàn thì chờ đợi câu trả lời của anh.

      Im lặng kéo dài...

     Pite vẫn không trả lời đề nghị của Giring. Anh chẳng «lắc» mà cũng không «gật».

      Chuyện này thật là bất ngờ đối với tôi — anh nói — tôi cần phải suy nghĩ...

      Lão Giring không cố gò để bắt anh quy thuận ngay. «Cứ để cho hắn suy nghĩ. Điều quan trọng là hắn không từ chối ngay. Có thể khuất phục được hắn đấy..»  — Lão thầm nghĩ.

      Khi cuộc hỏi cung kết thúc thì đồng hồ đã điểm bốn giờ đêm. Gram lại bị chúng còng tay và đưa về một buồng riêng có cánh cửa bọc thép nặng chịch. Ngày hôm sau, Muyle tên trùm cảnh sát mật của đế chế quay về Béclanh. Hắn đã viết báo cáo về chuyến đi như sau : «Những tên tình báo bị bắt rất có ích cho chúng ta. Những cuộc hỏi cung đầu tiên đã cho thấy tất cả những kinh nghiệm trước đây mà chúng ta thu được ở phương Tây hầu như trở nên vô dụng. Có lẽ bọn Nga đã tiến hành một khối lượng lớn công việc, thành lập mạng lưới tình báo của mình sau khi đã sử dụng những lời chỉ dẫn đến từ các chuyên gia của họ. Sắp tới đây, chúng ta phải xác định cụ thể và cẩn thận những nguyên tắc mà tình báo Xô-viết đã áp dụng trong hoạt động của mình....».   

      Một tên quan chức Giéttapô khác cùng tham gia hỏi cung viết : «Tôi tin rằng những kẻ bị bắt đã nói trong những lần hỏi cung không phải vì chúng sợ bị tra tấn và muốn cứu lấy thân mình. Sau này tôi đã hiểu được cái trò của chúng. Chúng đã khéo léo lừa chúng một vố thật đau. Chúng tung ra một vài mẩu bánh cho chúng ta đổ xô vào. Trong lúc mà chúng ta mất thời gian tìm kiếm những những gì còn sót lại của tổ chức đó thì nhóm tình báo dự bị khác của Liên xô lại hoạt động....».   

      Muyle, trùm Giéttapô khi viết báo cáo cho Himle đã cố không bỏ sót một chi tiết nào cả. Trong khi đó, Pite mệt mỏi ngả lưng xuống tấm phản trong phòng giam làm ra vẻ như muốn chợp mắt. Nhưng anh đâu có ngủ. Anh đang suy nghĩ... có điều Gram vẫn không biết những ai đã bị bắt…. .
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM