Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:56:48 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: I. M. Kôrôlkốp - Những vọng gác vô hình  (Đọc 66173 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #10 vào lúc: 07 Tháng Tám, 2015, 07:50:39 pm »

      -Lạ thật, lạ thật — Người nói— đồng chí hãy đọc nó cho tôi nghe xem nào!

     Bôn Bruêvích đọc:   

     "Kính gửi vị chủ tịch hội đồng Ủy viên nhân dân V.I.Lênin. Sau khi đọc lời hiệu triệu của Ngài, chúng tôi, những kẻ mưu sát Ngài đã quyết định xin Ngài đưa ngay chúng tôi ra mặt trận. Chúng tôi thề sẽ rửa sạch sự ô nhục và tội lỗi mà chúng tôi đã nhận thấy trong hành vi của mình trong cuộc đấu tranh kiên quyết trên các tuyến đầu của mặt trận mới”.

       Chữ viết trong thư có vẻ quen quen. Cuối thư là chữ ký của các viên sĩ quan bị bắt. Chữ ký đầu tiên là của thượng úy Kusakốp.

     -Đây chính là tên Kusakốp, người chủ cuốn nhật ký mà tôi đã đưa cho đồng chí xem — Bôn Bruêvích nói và trao lại bức thư cho Lênin.

      -Đồng chí có biết cái gì đáng lưu ý nhất ở đây không? — Lênin, thốt lên — Ngay cả những người trước đây là kẻ thù của ta cũng muốn đứng lên bảo vệ nước Cộng hòa Xô Viết... Chúng ta sẽ không ngăn cản họ...

      Vladimir lấy bút và viết :

     -“Ngừng điều tra. Thả và phái họ ra mặt trận”.

      Những tên bị bắt được gọi tới phòng 75. Chúng đứng xúm quanh chiếc bàn lớn nghe Bôn Bruêvích đọc nghị quyết của Lênin. .

     -Các anh muốn phục vụ trong những đơn vị nào? — Bôn Bruêvích hỏi.

      -Trong các đơn vị tiên phong — Kusakốp trả lời thay cho tất cả.

      Những kẻ hôm trước mưu toan khủng bố nay  được ủy viên công nhân Ủy ban đặc biệt toàn Nga dẫn ra ga Vácsava. Tại đây có một chiếc tàu bọc thép đầu tiên chuẩn bị lên đường ra mặt trận. Đoàn tàu mới được ghép toa cách đây vài tiếng đồng hồ. Grigôri Bêlikốp — ủy yiên công nhân hai mươi hai tuổi, người dẫn các viên sĩ quan được tha, cũng ra mặt trận ngay ngày hôm  đó. Anh ngồi cùng toa với anh lính lakốp Xpiriđônốp, người đã giúp phát hiện ra vụ mưu sát.

       Tiếp đó là những trận đánh chớp nhoáng. Chiếc tàu bọc thép chiến đấu trong lực lượng Hồng quân mới được thành lập. Đánh đuổi bọn can thiệp xong chiếc tàu tiến đến Pơxcốp. Cuộc tấn công của quân đội Đức đe dọa sự tồn tại của nước Cộng hòa Xô viết đã bị đập tan. Suốt trong nhưng năm tháng của các sự kiện cách mạng và chiến tranh vệ quốc không ai hay biết gì về số phận của những tên khủng bố mưu toan sát hại Lênin và của nhân viên ủy ban đặc biệt Grigôri Bêlikốp ra sao cả.



...........................
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #11 vào lúc: 28 Tháng Chín, 2015, 12:52:53 am »

                                                                        
                                                                                  PHẦN THỨ NHẤT ĐÊM TRƯỚC


                                                                              ……………………………………






                                                                                               CHƯƠNG I


                                                                                   Cuộc tìm kiếm của Luật sư Krum


       I.



       Vợ chồng Stainơbécgơ ngỡ ngàng dừng lại ở góc phố Xvengeđinstrass cạnh "công viên bị ném bom” -   một vườn hoa nhỏ nằm lọt thỏm giữa mấy ngôi nhà. Vườn hoa này nguyên là toàn bộ nền đất một tòa nhà có từ trước chiến tranh. Chiến tranh đã lui về dĩ vãng và những cây thuốc cao xanh rờn của "công viên bị ném bom”, loại cây mọc trên khắp các thành phố của nước Đức sau chiến tranh đã tạo nên vẻ bình yên, che đi vết tích của những trận oanh tạc trước kia. Riêng những bức tường bao quanh vườn hoa từ ba phía vẫn phơi bày ra những cảnh tượng không lấy gì làm đẹp mắt. Vữa trát tường bị lở lói, gạch xám đen, những ô cửa sổ che kính mờ nom như những cái đít chai rượu. Tuy nhiên, các bức tường của tòa nhà năm tầng từ thấp lên cao nay đã được khoác lên mình những tấm biển quảng cáo sặc sỡ đủ màu của các hãng buôn.

       Bên kia phố, một ngôi nhà mới đang vươn cao thay vào chỗ mấy ngôi nhà đổ nát trước đây. Đó là một tòa nhà bê-tông lắp kính còn đang được che bạt.

        Vợ chồng Stainơbécgơ lưỡng lự giây lát bên bức tường một ngối nhà trong góc phố có treo những tấm sắt tráng men trắng ghi họ tên và địa chỉ của các luật sư dưới một tấm biển quảng cáo.

      - Hay là ta tới Patênaupláps. Êlidabét rụt rè đề nghị. Bà ta lấy khăn tay lau chiếc kính không gọng rồi cẩn thận cất nó vào chiếc túi con trước ngực.

      - Ở đấy còn đắt hơn — Éc-nơ trả lời — Không biết rồi sẽ ra thế nào... Có thể sẽ chẳng được tích sự gì đâu. Chả tội gì mà phải phung phí tiền quá sớm. Càng ở trung tâm càng đắt đỏ.

      - Thế thì ta vào một nhà nào đó ở đấy vậy.

       Éc-nơ bỗng phát cáu. Êlidabét lúc nào cũng làm lão bực mình vì những ý kiến nửa vời của bà ta.

    - Hừ ! Vào nhà nào đấy ! - Lão nóng gáy — thì bà
cứ nói luôn là vào nhà ai đi ! Ở đây cả phố làm luật sư tất đấy.

      - Thôi thôi, thế thì ông chọn đi, tôi cũng chẳng muốn tranh cãi với ông làm gì — Êlidabét dàn hòa.

     Éc-nơ sợ tìm nhầm phải nơi không ra gì. Trong cuộc đời mình, lão đã bao lần tính toán sai lầm rồi mà. Hơn nữa khó mà yên thân được với cái con mụ Êlidabét này. Phải công nhận là bà ta rất biết cách chì chiết chồng. Bây giờ thì làm ra bộ nhu mì như một con cừu non nhưng lát sau lại bắt đầu bằng cái điệu “Tôi đã bảo mà...” Chao ơi ! - Lão bật thành tiếng:

      - Nói như, bà thì ai mà chả nói được, thế rồi lại...
Bà thì chỉ được cái thế mà  thôi...   

       Lão lấy xì-gà ra châm hút Hãn hữu lắm lão mới cho phép mình hưởng cái thú như vậy. Điếu thuốc Ịàm cho lão trấn tĩnh lại đôi chút. Hai vợ chồng lại tiếp tục đọc.
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Chín, 2015, 01:05:46 pm gửi bởi huytop » Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #12 vào lúc: 02 Tháng Mười, 2015, 12:53:53 pm »

       Họ đã chung sống với nhau hơn một phần tư thế kỷ. Họ đã chứng kiến biết bao nhiêu sự kiện trong suốt thời gian đó : nước cộng hòa Vâyma ra đời, lạm phát sau chiến tranh, đồng tiền mất giá, rồi vụ cháy nhà quốc hội và sau đó Hít-le lên nắm chính quyền; Lúc đầu mọi chuyện đều tốt đẹp, các đảng viên quốc xã hứa hẹn đủ mọi điều, họ hò hét về "lebensraum” — không gian sinh tồn cho người Đức, nói về thế giới cuộc sống thiên đường, làm rùm beng về tính ưu đẳng của dân tộc Đức. Đức chiếm châu Âu rồi tiến về phía Đông — nhiều người muốn được hưởng miếng bánh Hítle hứa hẹn cho họ. Và Écnơ gia nhập đảng, có thời lão đã làm tới chức plốcklâycher (1) trong khu vực lão ở. Thực ra thì lão cũng chẳng giữ nó được lâu la gì.

      Rốt cuộc, quốc trưởng đã làm mọi người thất vọng. Bây giờ thì Stainơbécgơ nguyền rủa quốc trưởng, còn tội lỗi của lão thì lão lại cho qua. Bản thân lão, lão không trực tiếp tham gia gây tội ác và cũng như nhiều người khác, lão cố gắng không quan tâm đến những gì xảy ra. Một người như lão – chủ một quầy bán rau thì có gì là đáng kể trong thời Hít-le cơ chứ - lão chẳng qua chỉ là một hạt cát trong sa mạc mà thôi.

     Écnơ tính toán từng xu ngay cả với vợ «Eđem das dâynhe !» — «Của ai thì thuộc về người ấy», như câu châm ngôn trong kinh thánh đã răn dạy mà. Écnơ treo câu châm ngôn lồng trong khung kính viết bằng kiểu chữ Gô-tích đậm nét, có các chữ cái được tô mầu vào một nơi dễ thấy ở phòng khách ngay bên bên cạnh ảnh cha mẹ lão. Tổ tiên lão dường như vẫn từ trên cao nghiêm khắc theo dõi nhưng người trong nhà và nhắc nhở họ về cái đạo lý truyền kiếp này.

     Nhất nhất mọi thứ trong nhà Stainơbécgơ đều tuân theo lời răn dạy ấy. Ai cũng có sổ tiết kiệm riêng, mỗi người đều độc lập trong việc chi tiêu, độc lập tính toán tài chính. Ngay cả khẩu phần lương khô phân theo sổ, bà Êlidabét và ông chồng Écnơ khôn ngoan cũng của ai nấy giữ. Sau khi Đức đầu hàng, chính quyền của lực lượng chiếm đóng thực hiện bán lương thực theo sổ và đường ăn trở nên đắt đỏ thì vợ chồng Stainơbécgơ đã tự đi mua lấy phần mình. Bà vợ đếm từng miếng và xếp vào chiếc bình bằng gốm còn ông chồng thì cứ để nguyên trong hộp giấy và đút sâu vào trong ngăn kéo của bàn ăn

        Có lẽ vợ chồng nhà này sẽ sống tiếp những năm tháng còn lại của cuộc đời mà số phận đã giành cho họ như vậy nếu không có một việc buộc họ phải cùng đi tìm luật sư nhờ giúp đỡ.

     Écnơ lẩm nhẩm đọc đi đọc lại tất cả các tấm biển, sau đó lại đọc kỹ một tấm biển treo ở cuối hàng.

     - Tôi cho rằng — lão nói — cái này hợp với ta lắm, một hãng tương đối đường hoàng đấy chứ. — Lão gõ gõ ngón tay vào tấm biển "Văn phòng luật sư Krum và con trai”.

     - Không biết họ có lấy đắt quá không nhỉ !

     - Thế bà muốn người ta làm không công cho bà đấy chắc.

      - Nhưng ông chả vừa bảo...

      Écnơ xua tay rảo bước :   

      - Bà nhớ lấy địa chỉ nhé - Lão buông một câu.

      Chủ văn phòng luật sư Lêônađơ Krum sống trên tầng sáu trong một khu nhà cũ bỏ hoang xây dựng từ trước chiến tranh, vì thế vợ chồông Stainơbécgơ leo lên được cái cầu thang cũng khá vất vả. Lên được nửa chiếc cầu thang dựng đứng thì Écnơ mới hối hận là đã không chọn đúng luật sư — Biết thế này thì ta chẳng đến đây làm gì.

     - Những người làm ăn đường hoàng thì không đời nào lại đặt văn phòng tít trên cao như thế này mà lại chẳng có thang máy. Họ chỉ cốt làm sao có thật nhiều thân chủ thôi mà — Lão vừa nghỉ lấy hơi vừa nói— Lão Krum đáng lẽ phải yết rõ ở tầng nào mới phải. Để cho người ta đi lạc làm gì cơ chứ...
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #13 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2015, 05:07:51 pm »

      - Thì ở dưới kia chả có viết là gì - Êlidabét dè dặt phản đối.

       Écnơ không trả lời. Cũng chẳng nên quay xuống làm gì bây giờ — và thế là cả hai lại  leo tiếp — phía trước là Écnơ béo tốt, sau lão là bà vợ Êlidabét cao gầy.

       Một phụ nữ trẻ khoác tạp dề trắng và đội mũ làm bếp ra mở cửa.

     - Quý khách cần gặp ngài Krum ạ ? Xin mời vào đây, ngài Krum sẽ ra ngay bây giờ đấy ! —Chị ta gọi và biến vào sau cánh cửa.

      Trên các bức tường của căn phòng chỉ toàn là giá giá sách và giá sách. Sách bày cả trên bệ cửa sổ . Trên bàn thì la liệt giấy má và cặp sách. Bên cạnh chiếc đèn để bàn là một bộ luật dày cộp viết về luật pháp đế quốc. Quyển sách có bìa da đóng chắc chắn và những hàng chữ vàng in nổi đã bạc màu lập tức làm cho Écnơ tin ngay vào vị luật sư. Lão đang định nói với Êlidabét về chuyện cuốn sácgh thì luật sư đã bước vào phòng — một người cỡ tuổi trung niên có khuôn mặt trí thức dễ gây thiện cảm, mặc âu phục len mầu ghi kẻ sọc .

    - Thưa ngài tôi có thể giúp được ngài việc gì đây ạ?  Xin ngài hãy cho biết, tôi xin sẵn sàng được hầu tiếp.

     Écnơ xưng tên và giới thiệu Êlidabét.

    - Chúng tôi quan tâm đến di sản của họ hàng đã mất trong chiến tranh — Écnơ nói — Chúng tôi muốn được ngài khuyên bảo. Không biết ngài có sẵn lòng không ạ ?   

     - Ngài gặp may rồi đó ! -  Vị luật sư thốt lên — Văn phòng của tôi chủ yếu giải quyết các vấn đề di sản. Tôi chưa từng nếm mùi thất bại trong việc này bao giờ đâu... Xin các ngài cho biết liệu có còn ai khác cũng quan tâm đến di sản đó không ạ ?

      - Cái chính là ở đấy... Nhưng sơ bộ chúng tôi muốn được sáng tỏ đôi điều...

      - Xin ngài cho biết cụ thể hơn.

      - Ư hừm... Dạ… Gia tài mà chúng tôi muốn nhận là của gia đình vợ chồng Ghécxen. Ingơrít Ghécxen là cháu gái nhà tôi. Chúng tôi muốn....

     - Thế cô cháu gái của ngài còn có ai là họ hàng nữa không ạ ? Luật sư Krum hỏi.

     - Thưa không ạ, chỉ có tôi thôi ! Êlidabét thốt lên – Chúng tôi rất quý mến nhau. Con bé coi tôi như mẹ đẻ của nó – Bà Êlidabét lấy chiếc khăn tay trong túi ra thấm vào mắt.

   - Thế thì còn có ai ở đây để nhận cái gia tài ấy nữa?

     - Bên họ hàng đằng chồng cháu tôi. Họ cũng muốn được nhận cái di sản đó.

    - Thế người chồng của cháu ngài có còn sống không ạ ?

    - Không, anh ta cũng chết rồi.

    - Khi nào ?

    - Trong thời gian chiến tranh, vào năm 1943. Hầu
 như chết cùng lúc …
 
     - Thế có nghĩa là thế nào? Sao lại hầu như ?... Vậy là họ chết bệnh hay sao ?

     - Không hoàn toàn như vậy...

     Luật sư Krum thấy khách có vẻ không tự nhiên và lúng túng nên tìm cách gợi chuyện :

    -Ý ngài định nói họ là nạn nhân chiến tranh chăng?

    - Cũng không phải là thế...

     Écnơ Stainơbécgơ có vẻ khó chịu ra mặt. Sự căng thẳng trong đầu óc lão lộ ra ngoài mặt. Mặt lão đỏ lên và trên trán xuất hiện một nếp nhăn bên trên đôi đôi lông mày sâu róm.

      "Nếu ta kể ra tất cả thì sẽ thế nào đây” - Écnơ bất lực nhìn sang cầu cứu vợ nhưng bà ta lại đang ngắm nhìn tấm rèm cửa, hai bàn tay khô khốc nhăn nheo để trên đùi. Không, chẳng thể trông mong gì vào bà ta được đâu.

     - Thưa ngài luật sư — lão buộc phải lên tiếng - ngài thấy thế nào, ta sẽ bắt đầu từ dưới lên vậy nhé. Nếu ngài nhận làm cho chúng tôi thì ngài sẽ lấy bao nhiêu ạ ?

     - Bây giờ thì tôi chưa thể nói được. Di sản mà ngài muốn hưởng đáng giá thế nào ạ ?

      Écnơ quay sang nhìn Êlidabét :

      - Bà thấy thế nào, cái nhà Ingơrít  ở đáng giá là bao nhiêu ?

     - Tôi cũng chẳng biết nữa. Trong nhà có năm phòng, có hầm chứa, có lò sưởi hơi…Ở đấy còn có một khu vườn rộng. Nhà nằm trên bờ hồ… Tất cả đều đáng tiền…

      Écnơ không để vợ nói hết câu – bà ta vẫn còn lảm nhảm thêm gì đấy nữa – Lão sơ bộ tính giá cái biệt thự của vợ chồng người cháu đã chết.

      - Tất nhiên đây chỉ là tương đối thôi…Lão xoay xoay cổ tay với những ngón tay khum khum như đang ôm một quá bóng trong tay — cũng có thể cao hơn hoặc thấp hơn một chút gì đó.

     - Tốt thôi... Chúng ta sẽ xác định lại giá trong đơn kiện sau — Krum nói — hiện thời ta hãy lấy cái giá ngài cho làm cơ sở. Tôi sẽ nhận số  tiền thù lao phải chăng, nghĩa là theo tye lệ thông thường với đơn kiện của khách. Ngài sẽ trả một nửa khi làm giao kèo, số còn lại sẽ trả nốt khi xong việc. Và tất nhiên là ngài phải chịu án phí.

     - Thế chẳng may chúng ta thua cuộc thì sao ? — Écnơ hỏi và đã thầm tính tất cả những gì có thể xảy ra.   

     - Với tôi cái đó không bao giờ xảy ra đâu ! — Krum thốt lên với vẻ hơi quá tự tin — Nếu như tôi biết công việc không có triển vọng tôi sẽ không tốn công làm  mà chỉ có thể cho ngài những lời khuyên về mặt pháp lý mà thôi... Mà tất cả những cái đó thì có đáng là bao đâu.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #14 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2015, 06:30:34 pm »

     - Nếu vậy ta hãy bắt đầu từ lời khuyên của ông ! — Écnơ rụt rè đề nghị .

     - Tốt thôi ! Ngài thấy đấy, chúng ta đã tìm thấy tiếng nói chung rồi đó ngài Stainơbécgơ ạ.. A, còn một điều kiện nhỏ nữa: Nếu như ngài muốn tôi bắt tay ngay vào công việc của ngài thì ngài hãy tin tôi như tin cha cố khi xưng tội. Ngày hãy nói thật lòng với tôi và coi tôi như là một người mà ngài có thể dốc hết bầu tâm sự. Nói chuyện với khách – đấy là bí mật nhà nghề của chúng tôi... —Ngài có muốn dùng cà phê không ạ ? — Rồi không đợi trả lời, Krum cất tiếng gọi và ngay lập tức một phụ nữ trẻ mở cửa đi vào phòng. Chị ta mang vào một cái khay đựng ba tách cà phê và một cái lọ đựng đường.

     - «Có lẽ không nên nói dối ông ta» -  Stainơbécgơ nhẩm tính trong đầu.
   
    - Thưa ngài, như tôi đã nói với ngài, căn nhà chúng tôi vừa đề cập đến là của vợ chồng Ghéc-xen, cháu gái của chúng tôi và chồng nó. - Écnơ bắt đầu nói với vẻ tin cậy — Hai vợ chồng cháu trong một thời gian dài không sống ở Béc-lanh, chúng nó sống ở đâu chúng tôi cũng chẳng biết. Sau đó, có lẽ Ingơrít đã sống ở Viên... - Thế rồi một hôm chúng tôi bỗng nhận được thư của cháu gửi từ nhà tù Plétxende ra. Cháu cho biết nó và chồng nó bị Giéttapô bắt. Cả hai đã bị xử án và bị kết án tử. Bức thư chỉ vẻn vẹn có nửa trang giấy. Cháu nhờ chúng tôi chăm sóc đứa con gái của cháu. Té ra Ingơrít đã có con gái. Nếu không có thư của cháu thì chúng tôi không tài nào biết được.

      Ingơrít còn viết rằng ngoài cô Êlidabét ra, cháu không có ai là họ hàng thân thuộc còn sống cả. Dẫu sao khi cần cháu cũng đã nhớ đến chúng tôi.

     — Chuyện đó xảy ra từ bao giờ thế ạ ?— Luật sư vừa ghi chép vào cuốn sổ tay vừa hỏi :

    - Trước lễ Tam vị, sau đó ít lâu thì các cháu bị hành quyết — Bà Êlidabét tham dự vào câu chuyện.

     - Để yên cho tôi nói xem nào – Écnơ ngắt lời vợ.

    - Không, không, tôi biết chuyện đó rõ hơn ông mà — Êlidabét phản đối — Lúc đó ông không có nhà, còn tôi phải một thân một mình chịu đựng tất cả... Chả là lúc đó chồng tôi bị bắt vào lính — bà ta giải thích — quả thật ông nhà tôi cố phục vụ trong quân đội ít năm.

      - Đúng vậy đấy — Écnơ tán đồng — Nhờ trời tôi không phải đi đánh nhau vì họ đã phát hiện là tôi bị bệnh thoát vị... Nào bà kể tiếp đi…..

     - Thì tôi đang nói đây... Hai tuần sau tôi nhận được giấy báo cùa tòa án. Trong giấy viết Ingơrít và chồng là Klaút Ghéc-xen bị tuyên án tử hình và đã bị xử tử trong nhà tù Plétxende. Thế là tôi, người họ hàng thân thuộc duy nhất của cháu, buộc phải trả tiền án phí cho hai cháu. Kèm theo giấy báo là biên lai tiền mua quan tài, vải liệm và tiền chi cho những người hành quyết. Tôi đành phải thanh toán chứ làm sao được. Quả thực tôi đã có phân bua rằng chồng cháu là Klaút cũng còn họ hàng và chỉ xin thanh toán phần tiền của cháu gái tôi thôi….

    - Xin bà hãy thư thả cho một lát — Krum ngắt lời. - Ta hãy tuần tự: bà nhận được thư của Ingơrít Ghéc-xen nhờ bà chăm sóc con hộ có phải không ạ ?

    - Đúng thế đấy ạ ? Êlidabét khẳng định.

     - Còn sau đó thì sao ? Bà đã tìm thấy cháu bé chứ ? Bây giờ nó ở đâu rồi ?

      - Mấu chốt là biết con bé hiện nay ở đâu — Écnơ lại tiếp tục. Sau chiến tranh, chúng tôi đã cố tìm kiếm nhưng chúng tôi được báo là không có ai biết được số phận của cháu ra sao cả. Chắc ngài cũng được biết là người ta đã đưa con cái của những kẻ phạm trọng tội vào các trại mồ côi và thay đổi tên họ chúng nó đi. Có thể cháu còn sống những không thể tìm thấy được. Chúng tôi đã nhận được giấy báo
chính thức về vấn đề này. Như thế có nghĩa là con bé không có liên quan gì đến tài sản của Ingơrít nữa. Hiện giờ, người hợp pháp duy nhất nhận gia tài của cháu gái chúng tôi là bà Êlidabét. Có phải thế không ạ ?

      -Nhưng tại sao ngài lại không đến đón cháu bé ngay khi nhận được thư ? Lúc đó chẳng dễ tìm hơn sao? Tòa án nhất định sẽ nêu vấn đề đó.

      Écnơ đã chờ đợi câu hỏi đó. Lão nín lặng giây lát rồi trả lời:

      —Thưa ngài luật sư, chắc ngài cũng biết thời thế lúc đó như thế nào rồi : khẳng định mình là có họ với nhưng người có tộì chống lại quốc gia thì có khác nào là tự tròng dây thòng lọng vào cổ đâu ạ.

      - Có phải vì thế mà bấy lâu nay các ngài không đả động gì đến chuyện di sản chăng ?

     - Chính thế đấy, thưa ông. Lúc đầu thì chúng tôi sợ Giéttapô, còn sau khi chiến tranh kết thúc thì người ta bài quốc xã và bắt đầu lùng kiếm bọn tội phạm chiến tranh, những kẻ đã gây tội ác. Tôi thì phạm tội gì cơ chứ ? Tôi đã chứng minh được là tôi không có dính líu gì đến chiến tranh cả, tôi chỉ ở trong quân đội vẻn vẹn có một tháng rưỡi thôi, hơn nữa lại ở trong một đơn vị hậu cần. Lẽ dĩ nhiên là tôi đã chứng minh được là tôi không có dính líu gì vào những chuyện đã xảy ra : thật buồn cười — tôi chỉ là một con người bé nhỏ... Nhưng chuyện ấy thì lại đòi hỏi phải có thời gian.

     - Thôi được rồi, thế ngài định phát đơn kiện ai bây giờ? Thực ra thì ai đang định chiếm cái di sản còn đang tranh chấp đó ?

      - Đấy, chúng ta đã đi đến mấu chốt của vấn đề đã đưa chúng tôi đến gặp ngài đấy, thưa ngài luật sư, chị gái của Klaút Ghécxen hiện đang sống bất hợp pháp trong nhà của cháu chúng tôi. Tại sao chúng tôi lại phải chịu mất quyền sở hữu mà luật pháp cho phép nhỉ ?... Tất nhiên bây giờ chị của Ghécxen chưa nên biết những gì mà chúng tôi định làm. Chúng tôi sẽ báo cho cô ấy biết khi đã có đủ hết giấy tờ trong tay.

      - Nhưng chị của người đã chết, tức là của Ghécxen theo luật pháp cũng có quyền thừa kế tài sản ấy cơ mà.

     - Thì cứ cho là có đi, nhưng chỉ được một phần thôi chứ đâu phải tất cả. Thế mà hiện tại thì cô ta chiếm cả nhà, cả vườn ! — Êlidabét kêu lên.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #15 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2015, 12:59:41 am »

       - Bà lại ăn nói hồ đồ rồi... Chỉ có chúng tôi mới có quyền thừa kế thôi chứ làm sao mà bên kia lại dây phần vào đây được kia chứ ? Chúng tôi khẳng định là chúng tôi có quyền thừa kế toàn bộ di sản đó còn cô ta sẽ không xơ múi gì ở đây cả. Cái chính là làm sao chứng minh được điều đó kia. Vì thế nên chúng tôi mới phải trông cậy vào ngài đấy, thưa ngài luật sư !

      - Tôi vẫn chưa rõ là mình phải làm gì cả — Luật sư Krum lên tiếng - Tôi vẫn chưa thấy có cơ sở để tòa có thể đáp ứng hoàn toàn yêu cầu mà ngài đặt ra. Đơn kiện cũng chỉ có thể đáp ứng được một phần nào mà thôi.

      - Thưa ngài luật sư, xin ngài hãy nghe kỹ điều tôi nói đây—Éc-nơ cười khẩy ranh mãnh : lão còn nắm trong tay con chủ bài mà — Thưa ngài, giả sử như chỉ có mỗi mình Klaút Ghécxen chết thôi còn cháu gái chúng tôi vẫn còn sống thì ai là người thừa kế di sản đó ạ, ắt hẳn phải là cháu chúng tôi, có phải không nào ?

     - Vâng, pháp luật công nhận quyền thừa kế di sản thuộc về một trong hai người vợ hoặc chồng nếu như người ấy còn sống.

     - Đúng thế đấy — Éc-nơ khẳng định — còn bây giờ thì ngài hãy nghĩ xem, nếu cháu gái tôi sau khi đã được hưởng gia sản rồi mới chết thì sao nhỉ. Trong trường hợp đó Êlidabét Stainơbécgơ là người thân duy nhất của người đã khuất được luật pháp cho phép thừa hưởng tài sản có phải không ạ ?

     - Vâng, đúng vậy.

      Vậy thì trước khi đưa ra tòa - chúng tôi cần xác định xem ai là người chết trước. Ingơrít Ghécxen và chồng cùng bị xử tử trong cùng một ngày. Nhưng ai bị xử trước ? Nếu Klaút chết trước thì cháu gái của chúng tôi phải là người thừa kế và sau khi cháu chúng tôi chết thì tất cả di sản đó phải thuộc về vợ tôi. Không biết như thế có đúng pháp lý không ạ ?

      «Chà cái lão già Stainơbécgơ này đâu có ngây ngô như mình tưởng lúc đầu!». Krum thầm nghĩ — Theo cách nói của chúng tôi - ông nói — cái đó gọi là «tình huống pháp lý khó phân giải». Về mặt lô-gích thì ngài đúng. Luật thừa kế di sản không tính đến thời hạn thừa kế lâu mau.

      - Tôi cũng nghĩ như vậy – Éc-nơ đắc chí nói – Bây giờ thì hẳn ngài đã hiểu chúng tôi cần gì rồi chứ, thưa ngài luật sư ? Cần phải biết chính xác vợ chồng Ghécxen ai là người chết trước. Từ đó ta mới xác định được ai là người được thừa hưởng gia tài – Bà Êlidabét hay là chị của Klaút Ghécxen. Chúng tôi không muốn chia xẻ với bất cứ ai trong chuyện này và vì thế chúng tôi phải cố gắng. Có phải thế không ạ ? Bởi vậy nên chúng tôi mới đến xin gặp ngài. Tôi nghe nói ở nhà tù Plétxenđe còn có phòng hồ sơ lưu trữ của nhà tù. Chúng tôi thì không được phép đặt chân đến đấy rồi. Còn ngài... ngài luật sư Krum, không biết ngài có thể làm việc đó hay không, tức là ngài đi sưu tầm những tài liệu cần thiết trong phòng lưu trữ ấy mà ? Và tất nhiên cần phải có bản sao biên lai thanh toán của trưởng trại giam mà bà Êlidabét đã trả tiền chi phí thi hành bản án của đứa cháu. Bức thư sẽ xác nhận vợ tôi là người thân duy nhất của cháu. Ngài thấy thế nào ạ ?

     - Những điều mà ngài vừa nói với tôi thật là một tình huống pháp luật rắc rối và thú vị làm sao cơ chứ.. Tôi còn cần phải suy nghĩ đã…

     - Có gì mà phải suy với nghĩ kia chứ ! Ngài sẽ nhận tiền thù lao còn chúng tôi được phép kế thừa cái gia tài ấy… Tất cả đều đúng pháp luật.

     - Ngoài chuyện pháp luật ra còn có chuyện khác…

      Ngài đừng lo về khoản tiền nong, chúng tôi sẽ không để ngài chịu thiệt thòi đâu. — Écnơ hiểu được sự phân vân của luật sư theo cách nghĩ của lão.

     Thời gian gần đây công việc của văn phòng luật sư «Krum và con trai» không chạy lắm. Hầu như không mấy khi có khách. Họa hoằn lắm mới có việc làm. Còn bây giờ nếu giải quyết được vụ của Stainơbécgơ thì cũng có cơ kiếm chác được đôi chút. Nhưng tình huống ở đây thật hiếm thấy, nó vừa phức tạp lại vừa đượm vẻ ly kỳ. Chuyện này có thể là một đề tài giật gân cho giới báo chí, mộ bài quảng cáo câu khách tuyệt vời cho các hãng. Thế nhưng mặt khác trong lời đề nghị của khách lại có một cái gì đó có vẻ đê tiện. Bản thân Krum cũng chưa hiểu hết đó là cái gì. Có thể cái đó là thái độ vô liêm sỉ của Stainơbécgơ khi lão kể lề vể cái chết bi thảm của những người thân và mưu đồ trục lợi của lão. Nhưng những cái đó thì có liên quan gì đến ông đâu kia chứ ? Hơn nữa, ông đâu có dẫm đạp lên pháp luật.

     - Thôi được…tôi xin đồng ý — Krum bỗng quyết định, ông lật lật những tờ lịch để bàn — Hôm nay là thứ ba... Xin ngài quay lại đây vào thứ sáu, chúng ta sẽ thỏa thuận và ký kết.

      - Thưa ngài luật sư, ngài có thể làm vào ngày thứ năm được không ạ ? Stainơbécgơ hỏi — Tôi không muốn bắt đầu công việc vào ngày thứ sáu…

     - Vậy xin mời ngài đến vào chiều thứ năm :

     Écnơ cảm thấy hài lòng về cuộc mặc cả với luật sư. Lão nói với bà vợ khi cả hai đã ra đến cầu thang :

   - Bà thấy chưa, ta phải xoay xở như thế chứ. Cái chính bây giờ là có được giấy tờ còn sau đó thì luật sư giời đất nào cũng đồng ý làm cho ta với giá rẻ.

     Écnơ xoa xoa hai tay ra vẻ hài lòng lắm, hệt như khi lão ký được một bản giao kèo có lợi.

    Đôi vợ chồng đi thong thả dọc phố Kaidéctrác đến nhà ga và dừng lại trước cửa bán vé. Êlidabét lục lọi mãi trong ví nhưng không tìm thấy tiền lẻ.

     - Thôi được, để đấy tôi trả cho — Écnơ cao thượng nói với một sự hào phóng bất ngờ - chỉ có điều bà đừng quên là bà còn nợ tôi 25 xu đấy nhé.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #16 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2015, 06:18:18 pm »

        II.



       Phải hơn một tháng sau Lêônađơ Krum mới được phép tiếp xúc vói phòng lưu trữ của nhà tù Pléxende. Trong suốt thời gian đó ngày nào Écnơ cũng gọi điện đến chỗ ông và lão đã hai lần đến tận văn phòng của ông vì lão nóng lòng muốn biết khi nào thì lão ta có thể nhận được những giấy tờ cần thiết.

       Công việc chậm trễ vì phòng lưu trữ những năm sau chiến tranh vẫn thuộc quyền quản lý của người Anh. Một người Anh lịch sự, kiểu cách với vẻ ái ngại đã vặn vẹo luật sư đủ điều xem tại sao ông bỗng dưng Iại quan tâm đến cái chết của  Ingơrít Ghécxen đến như vậy. Krum không muốn để lộ ý của mình, ông lấy cớ là theo yêu cầu của thân chủ, ông cần phải xác định rõ chuyện đó vì đó là một người bà con của thân chủ đã bị bọn quốc xã xử.

     - Chuyện này có liên quan đến vấn đề di sản — gỉải thích cho viên thiếu tá Đenbéctơ ngồi đối diện -  Chiến tranh đã để lại cho chứng ta nhiều điều rắc rối.

      Người Anh kia nghiên cứu kỹ giấy ủy nhiệm của Stainơbécgơ rồi yêu cầu luật sư viết đơn đề nghị và hứa sẽ xem xét chuyện này trong thời gian gần nhất. Một tuần sau luật sư nhận được thư trả lời : viên thiếu tá người Anh báo cho ông biết, theo những tin tức mà cơ quan hành chính quân sự có được thì không một ai tên là Ingơrít Ghécxen nằm trong danh sách tù nhân tại nhà tù Plétxende cả.   

     Krum tiếp tục thỉnh cầu để mong đạt được ý nguyện. Lại những cuộc thương lượng lễ độ kéo dài và rồi cuối cùng ông cũng được phép tự mình tra cứu sổ sách đăng ký tu nhân ở đây để xem liệu trong đó có họ tên người phụ nữ mà ông cần tìm hay không. Nhân viên phòng lưu trữ đưa ra trước mặt ông gần một chục tập hồ sơ dày cộp như kinh thánh với cơ man họ tên những người dù chỉ lưu lạị một đêm trong khám.

       Krum nhẫn nại dò từng dòng chữ lờ mờ trông nhức cả mắt. Ông giở tới danh sách của năm 1942 rồi đến danh sách của năm 1943 và lại quay về thời kỳ đầu chiến ưanh —tuyệt nhiên vẫn không có tên họ Ingơrít Ghécxen.

     - Ngài hãy thử đến các nhà tù khác xem — nhân viên lưu trữ ngồi lì trong phòng chờ Krum xem danh sách nói — tù nhân thường được chuyển từ nhà tù này sang nhà tù khác.

      Tại các nhà tù Môabíc và Spandau cũng không tìm thấy gì. Vòng tìm kiếm đã khép lại. Tưởng chừng như luật sư đã đến lục phải bó tay cam chịu thất bại. Thế nhưng điều thôi thúc Krum tiếp tục công việc không phải chỉ vì nỗi lo phải hoàn lại tiền cho Stainơbécgơ mà ông đã nhận khi làm giao kéo. Chủ văn phòng luật sư không muốn nhận mình là kẻ bại trận. Việc không tìm được dấu vết của Ingơrít Ghécxen là điều không thể chấp nhận được với ông.

     Và rồi bỗng nhiên…Ngay khi đang ráo riết tìm kiếm, Krum đã viết thư sang Viên cho một người bạn học cũ cũng làm nghề luật sư di cư sang Áo sau chiến tranh. Krum nhờ ông ta tìm hộ trong các phòng lưu trữ của nhà tù trung tâm xem có tài liệu nào nói về Ingơrít Ghécxen bị Giestapô bắt không. Theo dự toán của ông thì cô ta đã bị giam giữ trong nhà tù Viên. Thư trả lời của Phriđơrít đến tay ông tương đối nhanh.

     «Lêônađơ, bạn đồng nghiệp thân mến của tôi. Tôi sợ rằng kết quả những chuyến đi của tôi tới phòng lưu trữ chưa đáp ứng được điều anh mong đợi. Ở đấy tôi không tìm được tên Ingơrít Ghécxen trong sách tù bị giam giữ tại nhà lao trung tâm. Nhưng ở đây có một tên họ khác làm tôi chú ý ; Vaixbơlium, Ingơrít Vaixbơlium, tiếp đó có tên Ghécxen trong ngoặc đơn. Rất có thể đấy là cái tên mà anh đang tìm. Nhân đây, tôi gửi kèm cho anh bản sao bức thư gửi chi trưởng ngục ở Viên gửi đi Béc-lanh.

      Chúc anh thành công và nhận được món tiền thù lao đích đáng

      Ôm hôn anh – Bạn của anh - Phriđơrít »


      «Thôi phải rồi, đấy là họ của Ingơrít khi chưa lấy chồng mà». Krum mừng rỡ thốt lên.
      - Này Mari - Ông gọi vợ — đã tìm ra rồi em ạ...

     Trong bản sao bức thư của trưởng trại giam có đoạn :

    «Béc-lanh, Prints — Blibrekhơstrasse, Cục an ninh đế chế — Gửi ngài trung tướng SS Kantenbơ- runnhe.

     Theo yêu cầu của ngài tôi gửi tới ngài hồ sơ điều tra số 1736/42 của can phạm Ingơrít Vaixbơlium (Ghécxen) vì tội phản bội quốc gia.

    Phụ lục :


     Can phạm Ingơrít Vaixbơlium (Ghécxen) sinh ngày 14 tháng 4 năm 1915 tại thành phố Vupéctan, có người áp giải, hồ sơ kèm theo gồm 27 trang».


     Bức thư do trưởng ngục nhà tù Viên là Víttenbéc- gơ ký…..

      Cuộc tìm kiếm trong các phòng lưu trữ ở nhà tù Béc-lanh lại bắt đầu. Công việc đối với Krum bây giờ có phần nào dễ dàng hơn trước. Ông đã có họ tên thật của cô gái, số hồ sơ điều tra và ngày tháng Ihgơrít bị chuyển từ một nhà tù nào đó trong số những nhà tù ở Béc-lanh.

      Tại nhà tù Plétxende, Krum đã xác định được rằng Ingơrít Vaixbơlium bị đưa từ nhà tù Môabít đến đây vào cuối năm 1942. Ông cũng tìm ra được cả hồ sơ điều tra — một chiếc cặp màu xám với dòng chữ : Ingơrít Vaixbơlium — mưu phản tổ quốc.

      Nhưng cặp giấy này gần như trống rỗng. Trong cặp chỉ có một tờ giấy viết tay :

     «Đã lấy cho vào hồ sơ Liên minh Đỏ”.

      Ngoài ra còn một bản cặp in Rô-nê-ô — đấy là những bản kẽm mỏng ghi lại nội dung bản án. Có thể những bản kẽm này đã được dùng để sao tài liệu thành nhiều bản và do tình cờ mà còn sót lại trong cặp. Luật sư thầm cám ơn số mệnh và tính đãng trí của người quên hủy những bản in mà ông tìm thấy này.

     Krum giơ một bản lên soi ra ngoài ánh sáng và cố gắng dò theo những dòng chữ lờ mờ xuyên qua bản kẽm. Sau đó ông lần lượt xem đến tờ thứ hai, tờ thứ ba….cho đến tờ cuối cùng. Số phận bi thảm của người phụ nữ xa lạ đã dần được sáng tỏ.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #17 vào lúc: 15 Tháng Mười, 2015, 06:39:53 am »

     III.





      Chuyện đó xảy ra khi nào nhỉ ? Ingơrít căng óc không tài nào nhớ lại nổi.

      Thế là chị lại phải nhớ lại từ đầu. Hình như là vào ngày chủ nhật. Thôi, đúng rồi ! Hôm ấy chị không đi làm mà dẫn Lenca đi chơi từ sáng. Từ lâu Ingơrít đã hứa đưa con gái đi dạo chơi ở  Lêôpônđơbécgơ ngắm cảnh thủ đô Viên. Cô con gái mừng quýnh lên bỏ cả ăn sáng vội vàng đòi mẹ cài cho chiếc nơ màu xanh da trời và sửa sang đầu tóc để đi ngay. Chiếc nơ đã bị nhàu nát nhưng ngại không muốn là nên chị mở tủ lấy ra một chiếc nơ màu trắng, nhưng Lenca khóc không chịu và thế là chị buộc phải chiều con. Vì chuyện đó mà hai mẹ con đến Lêôpônđơbécgơ muộn hơn đã định.

     Nhưng chuyện ấy đã xẩy ra lúc nào nhỉ? Một tuần, một tháng rồi hay mới chỉ là hôm qua đây thôi ?... Trong cái xà-lim bê-tông với một lỗ cửa sổ tù mù và cánh cửa sắt đóng kín, con người ta đã mất hết khái niệm về thời gian. Tốt hơn hết là tính bằng các cuộc hỏi cung vậy... Đấu tiên chị bị đưa đến Giéstapô. Vào buổi chiều... Chiều hôm đó hay sáng hôm sau nhỉ? Còn sau đó thì sao…? Một tên dự thẩm trẻ, và lịch thiệp trong bộ quân phục SS hỏi cung chị... Không, không phải hỏi cung là chuyện mãi sau này kia — còn lúc đầu chúng chỉ hỏi họ tên, địa chỉ rồi tống chị vào xà-lim. Cái thằng có vẻ lịch thiệp đó hôm sau mới hỏi cung chị. Trong buồng của hắn. đèn bật sáng. Cái chao đèn màu xanh lá mạ đã bị vỡ…Hình như chúng cố ý tạo ra như vậy. Ánh sáng làm chị chói mắt còn tên dự thẩm thì ngồi khuất trong bóng tối nên chị không trông thấy được mắt hắn. Hắn nói với chị : «Cô yên lặng chỉ vô ích mà thôi, chúng tôi đã biết tất cả rồi.Hãy nghe lời khuyên của tôi và khai đi».

      Nhưng chị vẫn im lặng. Khi tên dự thẩm tiến lại gần chị, người hắn che khuất lỗ vỡ trên chiếc chao đèn. Ingơrít ngồi trên ghế vầ nhìn hắn tự dưới lên. Hắn còn trẻ hơn chị — mặt còn non choẹt. Ánh sáng đèn màu xanh lá mạ hắt lên khuôn mặt làm cho nước da của hắn trở nên lờn lợt. Bộ ria mép của hắn cũng nhuốm mầu xanh. Hắn nhìn chị và hỏi giọng ngọt xớt :

     - Thế nào cô nói đi chứ ?   

      Chị không trả lời. Và thế là hắn tát chị. Hắn tát như tát một người con gái hư hỏng. Ingơrít lấy tay che mặt…Hắn đi về phíá bàn và lại ngồi xuống ghế :

     - Bây giờ thì thế nào ?

     Chị vẫn im lặng. Chị cố ngăn không cho nước mắt trào ra. Thằng dự thẩm nhãi ranh đấm tay xuống bàn. Ingơrít rùng mình…Chị không còn nghe thấy hắn nói gì, hỏi gì nữa. Chị ngồi yên, má nóng bừng. Sau đó chúng đánh chị, đánh cho đến khi ngất xỉu. Tên dự thẩm đã mất tự chủ trước sự im lặng của chị. Hắn ra lệnh tống chị vào ngực tối. Ingơrít trải qua một đêm khủng khiếp. Toàn thân chị co rúm né tránh sang một bên khi chị chạm phải bức tường lặng lẽ nhớp nháp trong màn đêm. Chị không dám động đậy gì để khỏi phải chịu lại cái cảm giác ghê tởm ám ảnh. Chị ngồi trên nền xà lim, các khớp xương tê dại vì cứ phải chúi người về phía trước, mặc dù chị rất muốn dựa lưng vào đâu đó để cho thân hình đang cứng đờ dỡ mỏi. Chị cứ ngồi như thế cho đến tận sáng đổ chúng lại đưa chị về xà lim.

       Có tiếng xích sắt loảng xoảng và tiếng khóa tách mở rồi mụ coi ngục bước vào :

     -  Cấm không được nằm trên giường ban ngày. Đi lên chỗ hỏi cung — mụ nói giọng lầu bầu, chán chường không tỏ vẻ gì là bực dọc. Ingorít đứng lên.

      Trời đất ơi, đầu óc chị mới nặng làm sao ! Chị sửa lại mái tóc. Chị vẫn mặc chiếc áo vét như khi bị bắt rất hợp . Nó rất hợp với  chị khi mặc với chiếc áo sơ-mi mầu xanh lơ. Hôm chủ nhật, chị rất buồn khi phát hiện ra một vết bẩn nhỏ trên váy. Vậy mà trời đất ơi, bây giờ nó trông giống cái gì thế này !

      Một tên SS lực lưỡng đi sau chị. Hắn im lặng bước trên những phiến đá của hành lang, tiếng giầy đinh lộp cộp, thỉnh thoảng hắn miễn cirỡng hô nhát gừng:   

     - Bên phải !... Xuống !.... Thẳng !... Dừng lại !...

      Một tấm biển tráng men treo trên khung cửa ra vào phòng số 34. Ingơrít đã ở đây khi bị hỏi cung. Tên lính gõ cửa và để chị vào trước...

      Một tên mặc sắc phục SS ngồi sau bàn. Khi Ingơ- rít vào hắn lật mặt có chữ của tờ giấy để ở trước mặt xuống.

      - Ingơrít Vaixbơlium, mời chị ngồi xuống..Tôi được lệnh báo cho chị biết chúng tôi đã hoàn thành việc điều tra công việc của chị rồi. Nó bị trì hoãn là lỗi tại chị. Tôi sẽ cho chị biết bản luận tội.

       Viên sĩ quan mở cái cặp màu hồng có ghi hàng chữ gô-tích «Phôlkx—-gêriktkhốp» Tòa án nhân dân ra. Hắn lật lật mấy trang đầu và bắt đầu đọc. Hắn đọc chậm, rõ ràng, rành rọt từng câu có lên giọng xuống giọng hẳn hoi. Ingơrít ngồi nghe một kẻ xa lạ — hắn đã đột nhập vào số phận cua chị, đã quấy lên các sự kiện của đời chị…. Thông qua tiểu sử của chị, hắn cố gắng xoi mói để biết cách suy nghĩ, quan điểm, tâm trạng của chị. Nhưng hắn làm tất cả những cái đó để làm gì kia chứ. Chúng định xử chị về tội gì đây ? Chúng có quyền gì mà lại đi đảo lộn cuộc sổng của chị, động chạm tới những tâm tư thầm kín sâu lắng nhất của chị. Làm sao mà chúng lại có thể biết được tất cả những chuyện ấy nhỉ...Tại sao nhỉ ?

     Ingơrít thờ ơ ngồi nghe. Nội dung bản kết tội không gây trở ngại cho ký ức của chị. Nó chỉ là cái nền cho chị hồi tưởng lại dĩ vãng xa xăm.

      Đúng, chị sinh ra tại Vupéctan và sống ở Viên. Năm nay chị hai mươi sáu tuổi... Đúng là cha chị đã từng là nhạc công trong dàn nhạc opêra ở Viên.

      Ingơrít nhớ rất rõ cha chị — ông mặc áo ngoài mầu nâu đen có yếm sơ-mi và để ria mép «để cù» như chị thường nói. Trong trí nhớ tuổi thơ, Ingơrít giữu mãi hình ảnh người cha : ăn diện, người thơm nức nước hoa đắt tiền, chiều chiều mang cây vĩ cầm độc nhất để trong cái hộp đen bóng đi biểu diễn cho nhạc kịch. Bộ ria của ông cứ bạc dần theo tháng năm -  những đốm bạc ngày một nhiều. Hộp đựng đàn cũng sờn cũ đi, trên áo ngoài của ông xuất hiện nhiều vết mạng. Cuộc sống ngày một khó khăn hơn.

      Ông bị thải ra khỏi dàn nhạc khi ria mép của ông toàn bộ bạc trắng. Ingorít còn nhớ câu chuyện về những tờ truyền đơn nào đó. Ban đêm bọn hiến binh ập đến lùng sục khắp nhà. Chúng không tìm thấy gì nhưng từ đấy cuộc sống thay đổi. Hình như sau vụ lùng ráo đó, nền nếp trong nhà không còn nữa. Trên bàn chẳng còn khăn phủ, chiếc yếm sơ-mi mầu trắng nhầu nát vạ vật trong tủ, người cha chẳng mặc nổ để đi trình diễn nữa...

       Người mặc chiếc áo cổ đứng màu đen ngồi sau bàn trước mặt Ingơrít đọc cả điều đó : cha chị bị thải hồi khỏi nhà hát vì có quan hệ với những phần tử cực tả. Từ đấy ông chỉ ra khỏi nhà ban ngày. Gần tối ông trở về nặng nề với vẻ lo âu buồn bã. Ông không thể kiếm được việc làm. Người ta giúp ông vào làm nhân viên trong hãng "Anh em Sunxơ...” Hãng này chuyên buôn bán than quả và than đá. Người đọc bản luận tội biết tất cả những điều này...
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Mười, 2015, 06:56:22 am gửi bởi huytop » Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #18 vào lúc: 18 Tháng Mười, 2015, 03:14:33 pm »

       Khi ở Viên xảy ra những trận xung đột trên đường phố thì Ingơrít đã là một cô gái. Ba người trong gia đình Ingơrít vẫn như xưa, vẫn sống trong căn nhà có cửa sổ hướng ra phía bờ sông Đunai lúc nào cũng ồn ào sôi động, cô Urơdula, một bà già có họ với cha cô, mặc tạp-dề trắng và đội chiếc mũ làm bếp bận bịu suốt ngày với công việc nội trợ. Cha cô không bao giờ nói tới mẹ cô. Hễ nói đụng tới bà là ông trở nên xa lạ một cách khó hiểu. Đôi mắt hiền từ của ông trở  nên lạnh lùng và Ingơrít cảm thấy có một sự đau đớn, âm thầm toát ra từ đôi mắt đó. Chỉ mãi về sau này Ingơrít mới hiểu rằng ông không bao giờ có thể quên và tha thứ cho mẹ cô được.

       Về chuyện này viên pháp quan không hề thấy đả động đến và trong cái cặp xám cũng không có gì hết...

       Trong thời gian xảy ra những vụ xô xát ngoài phố, cha Ingơrít suốt cả tuần không ngủ ở nhà. Ông trở về nhà mệt mỏi bơ phờ khi ngoài phố đã ngưng bắn. Lực lượng Siunbunđốp đã bị thất bại (lực lượng khởi nghĩa tiến bộ). Sau đó ít lâu Ingơrít cùng cha sang sống lưu vong ở Liên Xô. Chị sống ở đó lâu hơn cha chị mội chút. Ông đi Thụy Sĩ và sau đó tới Béc-lanh — ông được người ta giao cho một nhiệm vụ gì đó. Ông đã qua đời tại đấy còn Ingơrít trở về Áo. Ingơrít biết rằng ở đâu đó tại Béc-lanh, cha mẹ chị có một ngôi nhà riêng nhưng sau khi hai người cắt đứt quan hệ — cha chị nói —ông sẽ không bao giờ bước qua ngưỡng cửa ngôi nhà đó nữa. Và ông đã làm đúng như thể, riêng cô Urơdula thì có mấy lần gợi chuyện —ước gì tất cả lại được đoàn tụ dưới mái nhà cua mình. Nhưng đó là chuyện đã lâu lắm rồi trước khi sang sống lưu vong ở Liên Xô.

       Tất cả những chuyện ấy đã xảy ra khi cha chị sống ở Thụy Sĩ... Hình như chúng không biết chuyện đó, thật may mắn làm sao. Nghĩa là chúng không đủ sức để biết tất cả. Viên pháp quan ngồi sau bàn chỉ đọc: «Đã có chồng, sinh con tại Viên». Ingơrít để ý câu này được viết ở cuối trang. Hắn thấm nước bọt vào đầu ngón tay, lật sang trang khác và tiếp tục đọc.

       Ingơrít ngồi đối diện với hắn, mắt chị lim dim, tay để trên đùi. Ôi, ký ức đã đưa chị quay về thời dĩ vãng xa xưa. Theo không gian và thời gian. Chúng không biết, không biết...Không ai biết cả. Đấy là điều thầm kín của chị. Ngay cả Klaút cũng không biết, chị không nói gì cho chồng biết khi anh đi Tây-ban-nha. Klaút ra đi và không trở về với chị. Nhưng biết làm thế nào được. Giữa hai người đã có sự thỏa thuận -  luôn luôn làm theo tiếng gọi của tình cảm...

      Tất nhiên chị vẫn tiếp tục yêu Klaút mặc dù suốt những năm tháng đó chị vẫn tự khẳng định, rằng tất cả đã qua, đã bị xóa nhòa... Nhưng không có gì có thể qua đi được cả. Tất cả vẫn còn trong ký ức chỉ như mới đây thôi…

      Chị sống ở Krưm trên bờ biển, tại vùng an dưỡng giành cho những người Siunbunđốp và những người sống lưu vong ở Liên xô. Cha chị đã đi Thụy Sĩ. Ông thường viết thư cho chị và tỏ ra buồn nhớ, chị cũng buồn. Và chính lúc đó thì Klaút, một kiều dân Đức, mắt mầu tro, người cao lớn và không điển trai lắm đã đến với chị. Cái gì đã cuốn hút chị  đến với anh ta nhỉ ?   

      Ingơrít rất ngưỡng mộ đất nước đã giành chỗ nương thân cho bao kẻ bị xua đuổi, chị tôn kính những con người bình dị, vị tha của đất nước này. Họ không giống những người mà chị đã từng gặp ở phương Tây. Đối với chị, họ là những người thuộc một thế giới khác. Klaút cũng cảm thấy như thế. Nhưng anh còn khâm phục lòng dũng cảm vô song, tính kiên trì trong cuộc đấu tranh và trong xây dựng của họ. Lúc đó chị đã có cảm giác rằng tất cả đã bắt đầu từ đấy, họ có cùng chung một ý nghĩ…Sự thực là Ingơrít  đã yêu Klaút…..

       Họ đã cùng nhau trở về Mátxcơva và ngay hôm sau đưa nhau đến phòng đăng ký kết hôn. Sau đấy một tháng Klaút đã đi Tây-Ban-Nha, tới tiểu đoàn của Tenlơman (lãnh tụ đảng cộng sản Đức) nhưng tại sao người ngồi sau bàn lại ngưng đọc ? Tại sao hắn lại nhìn chị như thế kia nhỉ ?

     Viên pháp quan nhìn chị một cách kinh ngạc. Một người đàn bà kỳ quặc ! Chị ngồi mắt nhắm nghiền vẻ sung sướng lộ trên nét mặt. Nhưng đây là bản án kết tội chị ta cơ mà !   

      - Chị đang nghe đấy chứ ?

     - Vâng…

     Chị hé mắt ra nhìn. Không, không ! Chúng không biết gì hết ! Ingơrít vui mừng, nhưng sự cuốn hút của hồi tưởng đã bị phân tán. Chị lại bắt đầu chú ý nghe. Hắn đọc cái gì thế nhỉ ?.. Thật là lạ lùng. Ngay cả bản thân chị cũng không thể biết rõ ngọn ngành như thế đưowjc.

     Viên quan chuyển sang đọc những sự việc gần đây.

       «Vào cuối tháng bẩy năm 1941 – hắn đọc – bị can Ingơrít Vaixbơlium đã biết được tin về ngành sản xuất bí mật của một nhà máy quân sự và đã tìm cách chuyển những tin tức đó cho kẻ địch..».

        …Chiều hôm đó Ingơrít và con gái đi dạo chơi khá lâu. Chị thích ngắm nhìn Viên từ vùng cao. Phong cảnh mới tuyệt làm sao ! Từ trên cao có thể thấy rất rõ những nóc thanh tú của nhà thờ cổ kính, những vòng xanh công viên và những chiếc cầu chạm chổ lộng lẫy bắc qua sông Đu-nai.

         Bên trái kia là thảm cỏ mầu xanh, tiếp đó là con sông Đunai cổ kính với những bãi cát màu vàng như màu của giòng nước uốn cong theo bờ đê. Xa chút nữa là rừng Viên trông giống như những đợt sóng xanh xô tràn vào thành phố. Tất cả hiện lên trên màn sương mờ còn chưa kịp tan của buổi ban mai.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #19 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2015, 11:52:06 pm »

      Ingơrít ngồi trên chiếc ghế dài dưới bóng hàng cây im ả và ngắm nhìn Viên. Chị có mang theo sách nhưng không muốn đọc, chị mải ngắm nhìn đứa con gái đang chơi đùa bên cạnh mình. Sao mà nó giống Klaút đến thế! Ngay cả cái lúm đồng tiền nhỏ dưới cằm và một nét gì đấy khó nhận thấy trong khóe mắt, nhất là khi con bé xếch lông mày lên. Người ta nói con gái giống cha giàu ba họ mà.

      Trong vườn hoa nhỏ có rất ít người. Chỉ có bên cạnh giếng phun nước là có các em nhỏ đang đuổi nhau và mấy người đàn bà đang ngồi. Ngoài ra còn có một ông già đầu để trần ngồi sưởi nắng, đùi kẹp chiếc gậy treo lủng lẳng chiếc mũ nồi.

     Ingơrít nhớ rất rõ khi đó chị đang nghĩ gì. Người ta đang thông báo trên đài về những thắng lợi mới ở  ngoài mặt trận. Những trận chiến đẩu giành giật Xmôlenxcơ đang diễn ra. Hình như vùng này cách Mátxcơva không xa lắm thì phải. Thật đáng sợ !

      Chẳng lẽ ở nước Nga rồi cũng như ở Pháp hay sao... Ingơrít sửng sốt trước tin Hítle tấn công Liên xô — chị nghĩ — bây giờ hắn sẽ nuốt chửng nước này mất. Rồi ngày tháng trôi đi, những tin tức đó cứ dội đến...Trên đài liên tục phát đi những hành khúc chiến thắng. Chị có cảm giác như cả đất nước này chỉ hành quân trong tiếng trống và điệu kèn thôi thúc mà thôi. Ingơrít ngừng nghe đài.

      Có những giọng nói thì thào đâu đó làm chị chú ý. Phía sau chị có hai người đàn ông ngồi khuất sau bờ dậu xanh đang nói chuyện. Họ ngồi gần chị tới mức có thể ngửi thấy mùi khói thuốc lá của họ. Hai người hút thuốc và làn khói thuốc lá màu xanh lơ xuyên qua lùm cây. Họ điềm tĩnh trao đổi tin tức với nhau :
     - Anh có biết không ? Chiến sự đang diễn ra gần Xmôlenxcơ rồi đấy — người có giọng khàn khàn nói.

    - Ừ, bây giờ thì mọi việc sẽ nhanh hơn. Quốc trưởng hứa rằng quân ta sẽ trở về trước lễ Giáng sinh.

    - Đừng vội mừng. Nghe đâu quân Nga chống cự cũng khiếp lắm.

     - Nhưng thế thì đã sao ? — Qua giọng nói có thể thấy người thứ hai có vẻ trẻ hơn -  Cuối cùng thì rồi đâu cũng vào đấy cả thôi — hắn nói — Bọn Nga chống chọi hỏa lực của ta thì liệu phỏng có ăn thua gì. Chúng nó đâu có được mấy. Tôi mà là quân Nga thì tôi sẽ làm khác kia. Bọn Pháp đã xử sự khôn hơn chúng nó nhiều.   

      - Nhưng dù sao thì chiến tranh cũng chưa kết thúc nhanh chóng được đâu….Thằng Edép viết thư cho tôi có nói là chẳng có nơi nào chiếm được mà không đổ máu đâu.

     - Cứ chờ đấy, chờ đấy mà xem. Chỉ hai tuần nữa thôi, chúng ta sẽ cho bọn nó nếm mùi, chúng nó sẽ được biết là thế nào – người đang nói hạ thấp giọng nhưng  Ingơrít vẫn nghe rõ lời hắn nói - Trong nhà máy chúng tôi «German Gering Verk» vừa tiến hành thí nghiệm xong. Tôi xin nói với anh đó là loại xe không chê vào đâu được. Nó có thể vừa đi trên cạn lại vừa lội nước được nhé. Đối với chúng thì khỏi phải lo cầu phà gì hết. Xe này được chế tạo để phục vụ cho mặt trận phía Đông vì ở đó có rất nhiều sông ngòi..

     Ingơrít nín thở chú ý lắng nghe không bỏ sót một lời nào - «Trời đất ơi, không lẽ lại có chuyện như thế thật sao ?». Chị hiểu biết rất ít về quân sự nhưng  vẫn hình dung ra vô số những con quái vật bằng sắt ướt đẫm từ dưới nước chui lên và ập tới những trận địa của người  Nga….

      Hai người đàn ông vẫn tiếp tục câu chuyện, Ingơrít hiểu rằng họ đang nói về một nhà máy chế tạo các thiết bị nặng tên là « Gering Verk». Chị có biết nhà máy này, nó nằm trên bờ sông Đunai, từ thành phố đi ngược lên một chút. Tất cả những chuyện này sao mà ghê sợ đến thế! Ingơrít cảm thấy mình cô đơn và bất lực. Sự tình cờ đã giúp cho chị biết được một điều bí mật cực kỳ quan trọng. Nhưng chị thì có thể làm được gì kia chứ ? Chị đang ở đất nước của mình, trong thành phố của mình vậy mà chị cứ như là đang đứng giữa sa mạc. Biết tâm sự với ai, biết kể cho ai nghe bây giờ, cái chính là làm thế nào mà báo trước được cho người Nga bây giờ ? Họ đang phải đổ máu và họ hoàn toàn không hề hay biết gì về một mối hiểm họa mới đang đến với họ. Tình yêu của chị đối với nước Nga Xô viết, đất nước đã cưu mang chị và cha chị trong thời kỳ khó khăn sẽ chẳng là gì nếu ngay lúc này chị không làm gì được để giúp đỡ những người đang chiến đấu chống bọn phát xít... Làm gì đây ? Làm gì ? Cần phải quyết định ngay không được chậm trễ. Sau hai tuần nữa thì đã muộn mất rồi.

     Ingơrít biết rằng ở Đức cũng như ở Áo có nhiều người bất bình với Hítle. Số đó nhiều hơn so với cảm giác ban đầu. Kìa, ông già đang ngồi phơi trần cái đầu hói kia biết đâu cũng chẳng ưa gì Hítle. Ông ta cũng nghĩ như chị…Đúng như chị !

     Ingơrít bĩu môi : những cũng chỉ được cái ngồi trong xó nhà mà lên án Hítle thôi.

     Thế thì còn có nghĩa gì đâu kia chứ ? Chẳng hóa ra chị lại cứ để cho người Nga tự lo liệu lấy hay sao ? Còn chúng ta chỉ cảm phục trước chủ nghĩa anh hùng của họ, thông cảm và chia buồn suông với họ thôi sao. Chỉ ru rú ai biết phận người đó hay sao ? Sao mà lại hèn yếu và nhơ nhuốc đến thế ! Ingơrít nhớ lại cái ý nghĩ đã làm chị hổ thẹn mãi đến tận sau này. Khi chị nghe tin chiến tranh chị bỗng nghĩ : bây giờ thì người Nga sẽ giúp người Đức thoát khỏi ách Hítle. Chính thế, người Nga mạnh hơn, chúng ta yếu hơn. Người Nga đã từng làm gì ? Họ đã sang giúp những người theo đảng Cộng hòa ở Tây Ban Nha, ủng hộ Tiệp Khắc. Người Nga không xử sự như chúng ta — chết đuối mà lại còn kéo theo người khác nữa... Thế nhưng Klaút cũng đi Tây Ban Nha kia mà ! Còn chị thì lại chịu bó tay. Làm gì đây ? Làm gì ?...   
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM