CHUYỆN KHÔNG PHẢI AI CŨNG BIẾT VỀ KÍP XE 707 -14-
Tiếp theo
Nói cho công bằng, chiến công của kíp xe 707 là rất oanh liệt và sự hy sinh anh dũng của các anh rất đáng được tôn vinh. Hành động một xe đơn độc xông vào căn cứ địch đánh địch để bảo vệ sườn cho đại quân đã anh hùng rồi song hành động khi lửa đã cháy rừng rực cả xe, cả thân mình mà vẫn nổ súng diệt địch nữa thì không còn gì đáng ngợi ca hơn. Tìm hiểu thêm tôi còn biết trước khi chuyển sang 203 đi sâu về phía Nam thì tại địa bàn quân khu 5 xe 707 cũng có thành tích rất đáng ngưỡng mộ. Ngay sau khi vào chiến trường, năm 1973 xe 707 đã cùng đơn vị đánh địch ở Đồng Tranh mở rộng vùng giải phóng trước khi Hiệp định Pa- ri có hiệu lực. Tiếp đó, năm 1975 tham gia giải phóng thị xã Tam Kỳ và TP Đà Nẵng. Trong trận này, cả Trung đoàn 574 chỉ có 3 xe tăng đến được TP Đà Nẵng trưa ngày 29.3.1975 thì một trong ba chiếc đó chính là xe 707 (lúc này đại đội trưởng Soạn vẫn ở xe này).
(Xin nói thêm một chút để mọi người hiểu tại sao cả một trung đoàn mà chỉ có 3 xe đến được Đà Nẵng. Đây cũng là vấn đề mà nhiều người chỉ huy BCHT không hiểu nên đã có người giễu cợt: “Sao gọi là xe tăng bơi nước mà lại không bơi được?”. Sự việc thế này: sau khi mất Tam Kỳ ngày 24.3, để ngăn chặn quân ta đánh ĐN từ phía nam ra, Tướng trưởng lệnh cho quân đánh sập 2 cây cầu lớn trên QL1 là cầu Bà Rén- bắc qua sông Bà Rén và cầu Câu Lâu- bắc qua sông Thu Bồn. Cũng giống như từ phía bắc chúng đánh sập cầu Thừa Lưu và suýt đánh sập cầu Thủy Tú. Sông Bà Rén và nhất là song Thu Bồn là hai con sông lớn, công binh của quân khu thì không có phương tiện hiện đại gì để khắc phục nên chỉ có giải pháp duy nhất là cho tăng, thiết giáp bơi qua. Lúc đó, Trung đoàn 574 có hơn 1 tiểu đoàn xe bơi nước (khoảng hơn 30 đầu xe tăng K63-85 và TG K63) nhưng sau khi xuống sông rất nhiều xe bị rò nước vào, một số xe khác thì không bơi được.
- Lý do rò nước: các gioăng ngăn nước ở bộ phận vận hành sau hàng nghìn cây số hành quân bộ đã bị hỏng không làm tròn nhiệm vụ ngăn nước của mình làm nước rò vào trong xe- đó chính là lý do một xe đã bị chìm ở sông Bà Rén.
- Còn lý do không bơi được: xe TG K63 không có chân vịt mà bơi bằng xích. Để bơi được thì cái hộp xích phải kín và nguyên lành song sau quá trình hành quân trên đường Trường Sơn hầu hết hộp xích xe K63 bị vỡ, rách hoặc móp méo và không thể guồng nước được. Kết quả, toàn Trung đoàn chỉ có 3 xe bơi qua được để tham gia giải phóng Đà Nẵng từ hướng nam trong đó có 707).
Sau chiến dịch Huế- Đà nẵng, xe 707 đã được tặng thưởng 01 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng nhất. Tổng hợp thành tích ở cả 2 đơn vị, tôi nghĩ rằng kíp xe 707 xứng đáng được suy tôn anh hùng. Vì vậy, tôi hoàn toàn nhất trí với anh em Đại đội 2, Tiểu đoàn 177B- cũng là Tiểu đoàn 5 của Lữ đoàn 203 sau này.
(Còn nữa)P/S: Mod BY bẩu: "Những mảnh rời ký ức luôn êm đềm"! Chẳng biết đấy là lời khen hay chê? Ai nghĩ thế nào cũng được. Còn mình, mình cho rằng đó là một lời khen. Tính mình nó thế. Thích hòa bình, thích sự chân thành, hòa nhã.

@ Docmoc: Chiếc 707 là loại xe K63-85, do Trung Quốc sản xuất. Đây là xe tăng bơi nước nên hai băng xích khá mỏng mảnh và hay có sự cố. Khi hành quân qua đường Trường Sơn vào Nam có đêm bọn tôi phải khắc phục chuyện đứt xích, trật xích mấy lần (khi tôi hành quân vào nam cũng lái loại xe này). Bình thường ra thì khắc phục sự cố này cũng rất nhanh thôi, thường chỉ mất vài phút để thay mắt xích mới.
Trong trường hợp cụ thể này, khi từ trong quân trường chạy ra, xe 707 trong lúc chuyển hướng về phía xa lộ thì bị đứt xích. Đây là tự đứt chứ không phải bị mìn hay bị đạn. Khi bị đứt xích xe vẫn chạy thêm khoảng hơn 10 mét nữa và tự chuyển hướng về trên trái. Khi suýt rơi xuống cái rãnh nước bên đường xe mới dừng lại. Và chính vì dừng lại nên nó trở thành một mục tiêu cố định cho địch tác xạ.