Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 01:53:52 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trại Đa-vít (Davis Camp) Sài Gòn (phần 2)  (Đọc 76473 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #60 vào lúc: 09 Tháng Giêng, 2014, 04:48:31 am »

 
        Chiến tranh không phải trò đùa


        Đến Việt Nam khi chiến sự đã kết thúc trên nguyên tắc, lại được bảo vệ bởi quy chế dành cho các nhà ngoại giao, các thành viên ICCS nói chung, và các thành viên Hungary nói riêng không phải đối mặt với những nét tàn bạo, khủng khiếp của cuộc chiến Việt Nam. Tuy nhiên, theo lời ông Oroszi Antal, họ vẫn có thể cảm nhận được một cách gián tiếp hiểm nguy nơi chiến trận:

        “Phân đội đồn trú tại Phú Bài là nơi nguy hiểm. Một bận, kho đạn dược ở cạnh đó bị oanh tạc. Người chỉ huy hoảng hồn vì tòa nhà mà họ ở bị sức ép gây nguy hiểm đến tính mạng và hoàn toàn sụp đổ về tinh thần. Anh ấy phải về nước”.

        Ngoài ra, ông Oroszi còn giữ tấm hình của một chiếc máy bay mà chỉ ít lâu sau khi chụp, nó đã bị một du kích quân 19 tuổi làm nổ tung - sự kiện này cũng xảy ra tại Phú Bài.

        Trong thư gửi vợ, ông Botz László cũng nhắc tới một pha “thoát hiểm” của ông và đồng đội, đúng một tuần sau khi họ tới Việt Nam:

       “Khi bay trở lại, bọn anh để ý tới hai chiếc máy bay chiến đấu A-37 khi chúng vừa thả bom oanh tạc, rồi bỗng nhiên bọn anh nghe thấy một tiếng va đập mạnh trên trực thăng. Tại Ban Mê Thuột, sau chuyến ngao du, kiểm tra lại kỹ lưỡng chiếc trực thăng, bọn anh mới xác định được rằng nó cũng bị trúng một phát đạn..., cho dù đã bay ở độ cao 1.800m. Thế là bọn anh qua kỳ “thử lửa” với câu chuyện nhỏ này, cả lũ cười sảng khoái, chỉ về sau nghĩ lại mới thấy là máy bay đã có thể bị hạ. Cần phải sực nhận ra rằng chiến tranh vẫn tiếp diễn!”

        Trong hoạt động kéo dài hơn 2 năm của ICCS, có hai quân nhân Hungary - thiếu tá biên phòng Dylski Aurél và đại úy dự bị Cziboly Csaba – hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quốc tế. Ông Oroszi vẫn nhớ như in thời điểm 7-4-1973, cho dù khi đó ông chưa có mặt tại Việt Nam: một chiếc máy bay lên thẳng với phi hành đoàn là 3 lính Mỹ - trên đó có 2 người Hung, 2 người Việt, 1 người Canada và 1 người Indonesia, tất cả đều là quân nhân, cùng 1 phiên dịch Việt Nam – đã bị bắn rơi khiến cả 10 người đều thiệt mạng

        Cho đến nay, lý do của sự kiện thảm khốc này vẫn không được làm sáng tỏ và theo các thành viên Hungary của ICCS, có lẽ chúng ta không bao giờ biết chiếc máy bay định mệnh đó đã bị tên lửa của bên nào bắn. Chỉ biết, nhóm quân nhân rời Huế đến một điểm kiểm tra ở Lao Bảo, gần biên giới Lào, và nó đã rơi ngoài hành lang cho phép bay chừng 30km về phía Nam, nơi vẫn đang diễn ra chiến sự. Vào hồi 11 giờ 45 phút, người ta còn nghe được những lời vô vọng cuối cùng của người lái trực thăng: “Chúng tôi trúng tên lửa rồi, máy bay đang rơi…”

        Hài cốt của hai liệt sĩ Hungary sau đó đã được đưa về nước và mai táng tại nghĩa trang Farkasréti (Budapest). Hơn ba thập niên đã trôi qua, nhưng hàng năm, các đồng đội của họ - cùng đại diện ĐSQ Việt Nam tại Hungary - vẫn không quên đến cúi đầu tưởng nhớ hương hồn những người lính đã hy sinh khi làm nhiệm vụ quốc tế ở phương xa.

       “Một phần của đời người”

        Trong tập ảnh của ông Oroszi Antal, có một tấm ghi lại cảnh trao đổi tù binh trên cơ sở Hiệp định Paris. Việc giám sát sự trao đổi tù binh cũng thuộc nhiệm vụ của ICCS: các thành viên của phân đội Hungary đầu tiên đã đảm nhiệm bổn phận đó.

        Đối với một đồng đội của ông Oroszi - cựu Công tố viên Quân đội, Thiếu tá đã về hưu, TS Déri Miklós - ấn tượng sâu sắc nhất (“một phần của đời” ông như lời ông thổ lộ) là việc chứng kiến và giám sát sự ra đi của những người lính Mỹ cuối cùng khỏi Việt Nam vào ngày 29-3-1973.


Ông Déri Miklós thời gian phục vụ tại Việt Nam - Ảnh tư liệu
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #61 vào lúc: 10 Tháng Giêng, 2014, 05:58:11 am »

        Có mặt tại Việt Nam 1 ngày sau khi Hiệp định Paris được ký kết, cho đến nay, ông vẫn còn giữ một mẩu báo Hungary cách đây 36 năm, có bài phóng sự và tấm ảnh ông cùng một đồng đội trong khoảnh khắc lịch sử chấm dứt sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ trong vấn đề Việt Nam.

        Cùng tới Việt Nam với TS Déri Miklós trong phân đội Hungary đầu tiên, TS Botz László lại có một hồi tưởng lý thú khác về thời của ông. Dạo đó, quân đội Hungary có chừng 150 ngàn người lính và do hoàn cảnh thời Chiến tranh lạnh, số quân nhân thạo tiếng Anh để có thể phục vụ trong lực lượng ICCS không là mấy: lẽ ra phân đội Hungary đầu tiên phải có 290 người, nhưng không sao tìm đủ “hạn ngạch”!

        Như thế, trên một khía cạnh nhất định, có thể coi những thành viên ICCS của Hungary ít nhiều đều là “tinh hoa” của quân đội nước này thời bấy giờ!

*

        Hồi hương sau khi đã cống hiến một phần không nhỏ cho nền hòa bình tại Việt Nam, trong hơn 3 thập niên qua, các cựu thành viên ICCS của Hungary đã và đang nắm giữ những cương vị đáng kể trong đời sống chính trị, xã hội và văn hóa của đất nước.

        Ông Oroszi Antal, sau khi hồi hưu, hiện giữ chức Giám đốc Bảo tàng Đại học Quốc phòng Zrínyi Miklós (Budapest). Cựu Cục trưởng Cục Quân báo Hungary, TS Botz László trở thành một trong những chuyên gia ưu tú nhất của Cộng hòa Hungary trong vấn đề an ninh quốc phòng, và đã góp phần đáng kể trong quá trình chuẩn bị gia nhập khối NATO của nước này.

        TS. Déri Miklós sở hữu một bộ sưu tập tem Việt Nam quý hiếm độc nhất vô nhị ở Hungary và từng được tặng Huân chương Hữu nghị vì những đóng góp cho Việt Nam. Còn Róbert László, về sau được biết đến như vị lão trượng trong làng báo chí Hungary với rất nhiều đầu sách và phim tài liệu, cùng những giải thưởng báo chí quốc tế nổi tiếng.

        Đa số các cựu quân nhân Hungary từng phục vụ ở Việt Nam, về sau đều gia nhập Hội Hữu nghị Hungary - Việt Nam, ra đời năm 1989 và là cầu nối bền bỉ, nhiệt thành giữa hai quốc gia trong suốt những thập niên qua. Thường gặp gỡ nhau hàng năm tại các ngày lễ lớn của dân tộc Việt Nam, họ vẫn giữ nguyên những tình cảm tốt lành với đất nước và con người của xứ sở xa xôi này.


TS. Botz Látszló (trái) và Đại sứ Việt Nam tại Hungary Nguyễn Quốc Dũng trong lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam - Ảnh: Trần Lê (NCTG)

        Phát biểu trong lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam vừa qua, trên cương vị Chủ tịch Hội Hữu nghị Hungary - Việt Nam, TS. Botz László đã coi danh hiệu “cựu chiến binh” mà cộng đồng Việt Nam tại Hungary dành cho họ như một vinh dự, một sự thừa nhận cho nỗ lực của họ trong những năm tháng cuối của cuộc chiến Việt Nam.

        Bởi lẽ, là những người con của một dân tộc từng chịu nhiều khổ đau trong lịch sử và đắm chìm trong hai cuộc Thế chiến của thế kỷ XX, họ hiểu hơn ai nhất cái giá của chiến tranh và của nền hòa bình!
(Theo Nhịp Cầu Thế Giới Online)


Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #62 vào lúc: 11 Tháng Giêng, 2014, 08:17:51 am »


 NHỮNG GIỌNG CA VÀNG CÙNG CÁC CHIẾN SĨ TRẠI ĐA-VÍT
     
KHẮC TUÊ1 và ĐỖ VINH              

        Chúng tôi đang chuẩn bị gấp rút tiết mục cho chương trình phục vụ lễ Kỷ niệm 29 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (1944 - 1973) thì đột ngột nhận được lệnh phải rút ra mấy ca sĩ và nhạc công có trình độ biểu diễn và ý thức chính trị tốt để đi phục vụ đột xuất. Điều oái oăm là tôi không được phép bàn bạc trong Ban chỉ huy và các cán bộ chuyên môn. Tất cả công việc tập dượt đã hoàn tất, giống như một cỗ xe đã lắp ráp hoàn chỉnh, nếu rút ra một bộ phận là xe "xẹp" ngay. Chỉ còn cách là cấu trúc lại chương trình, bởi cả hai nhiệm vụ đều quan trọng. Nhưng mà khó xử quá. Quân lệnh là anh em phải đi ngay mà không được bàn bạc.

        Cuối cùng, với vai trò là Trưởng đoàn, tôi phải tự "liệu cơm gắp mắm". Tuy vậy, tôi cũng "linh hoạt" thông báo cho Chính trị viên Nguyễn Văn Toàn biết để cùng "chia lửa". Anh Toàn hỏi tôi: "Thế lúc nào lên đường? Phải đi bao lâu?".

        Mệnh lệnh quá ngắn gọn và không có đủ thông tin để hiểu hết ngọn ngành, nhưng tôi cứ trả lời cho qua chuyện: "Cấp trên nói là phải lên đường ngay lập tức và có lẽ chỉ đi ít ngày thôi".

        Xe đến đón anh em đã nổ máy. Đồng chí cán bộ cấp trên nhìn đồng hồ tỏ vẻ sốt ruột. "Xin mời các đồng chí cử người đi công tác gấp theo yêu cầu của cấp trên. Đã đến giờ xuất phát, đề nghị khẩn trương lên xe ngay. Chúc đi khoẻ và thành công!".

        Anh Toàn phán đoán: "Chắc lại đi phục vụ khách của Bác Tôn hay khách của Đại tướng thì mới khẩn cấp và nghiêm ngặt thế. Văn công thì có làm giời làm đất gì đâu mà phải gấp gáp và bí mật đến vậy?".

        Một tuần lễ sau, đài BBC đưa tin: "Thượng sĩ Vu Thị Tường (bí danh của ca sĩ Mộng Tước), nhân viên tâm lý chiến của Cộng sản Bắc Việt, giả danh là đầu bếp của phái đoàn Việt cộng tại Trại Đa-vít - Sài Gòn, đã diễn ca rất điệu nghệ để cổ suý tinh thần cho hai phái đoàn thi hành Hiệp định đình chiến của Bắc Việt và Việt cộng đồn trú ở Trại Đa-vít trong sân bay Tân Sơn Nhất, Sài Gòn...".


Mộng Tước và tổ văn nghệ xung kích trong trại Đa-vít 1973

        Hơn nửa tháng sau, tổ xung kích của Mộng Tước đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ biểu diễn phục vụ hai Đoàn đại biểu quân sự ta trong Ban Liên hợp quân sự 2 bên. Dù tổ xung kích chỉ là một phân đội nhỏ nhưng đã làm được một việc lớn, mang theo phong cách, tinh thần của một đoàn nghệ thuật lớn của quân đội. Hai Đoàn đại biểu quân sự ta là những khán giả rất nhiệt tình và không quá "khó tánh". Nhưng ngoài hai Đoàn ta còn có cả đại diện của các Đoàn Hung-ga-ri, Ba Lan, In-đô-nê-xi-a và I-ran trong Uỷ ban Quốc tế kiểm soát và giám sát việc thi hành Hiệp định Pa-ri. Họ là những khán giả tinh tế và rất khó tính. Đây là một dịp thử thách, rèn,, luyện năng lực biểu diễn và tinh thần phục vụ trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt: không gian đặc biệt, đối tượng đặc biệt và cuộc hành quân cũng đặc biệt, bởi Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị chưa từng trình diễn trong một hoàn cảnh tương tự. Do vậy, tổ xung kích của Mộng Tước đã đóng góp vào truyền thống của Đoàn một thành tích hết sức độc đáo.


Văn công Tổng cục Chính trị trong trại Đa-vít

        Với giọng rất nữ tính và nhỏ nhẹ, Mộng Tước kể lại những ấn tượng khó quên của mình về chuyến đi: "Lúc lên xe em chẳng biết là mình sẽ đi đâu. Nhưng ra đến sân bay Gia Lâm thì các anh chỉ huy mới thông báo:  "Các em sẽ vào Trại Đa-vít ở Sài Gòn để phục vụ hai Đoàn đại biểu quân sự ta trong Ban Liên hợp quân sự 2 bên. Em hết sức ngạc 'nhiên, vì mặc dù lúc đó em biết ta đang đấu tranh với Mỹ - ngụy để thi hành Hiệp định Pa-ri nhưng em chẳng biết gì cụ thể về Ban Liên hợp quân sự hay Trại Đa-vít cả. Vả lại, em cũng chẳng biết làm thế nào mà chúng em lại có thể vào được "thủ đô" của ngụy quyền Sài Gòn cơ chứ? Em im lặng suy nghĩ, còn các anh ấy cũng không giải thích gì thêm, vì bí mật thời chiến mà...".

        Trước khi ra máy bay, các anh chỉ huy còn làm công tác tư tưỏng thêm: "Vào trong đó căng thẳng và gian khổ lắm đấy, không được như ở Hà Nội đâu. Các em cô gắng chịu đựng gian khổ và hoàn thành nhiệm vụ nhé...".

        Chẳng hề do dự, em trả lời ngay: "Gian khổ chắc cũng như chúng em đi phục vụ chiến trường Đường 9 - Nam Lào là cùng. Đói cơm thiếu muối, muỗi vắt bám chặt quanh người, bom đạn nổ đầy trời... chúng em đều chịu đựng được hết. Gác anh cứ yên tâm".

--------------
1. Ông Khắc Tuế là Thiếu tá, nguyên Trưỏng đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị những năm 1970.
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Giêng, 2014, 04:16:07 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #63 vào lúc: 12 Tháng Giêng, 2014, 06:43:05 am »

        Với giọng xúc động, Mộng Tước kể tiếp: "Vào đến nơi mới thấy căng thẳng và gian khổ thật sự, nhưng khác hẳn với chiến trường Đường 9 - Nam Lào. Ở đây không đói cơm thiếu muối, không có nhiều muỗi, không có vắt, không có bom rơi đạn nổ. Nhưng giữa hoà bình mà họng súng quân thù ỏ bên kia hàng rào kẽm gai Trại Đa-vít vẫn từng phút chĩa thẳng vào mình; mấy tên lính dù đứng gác xung quanh trại vẫn từng giây nhìn mình bằng ánh mắt đầy hận thù và đe dọa. Trên đầu thì tiếng máy bay suốt ngày đêm gầm rú đến đinh tai nhức óc. Lại thêm cái thời tiết mùa khô ở giữa sân bay Tân Sơn Nhất mới nóng làm sao. Nắng từ trên trời nung nướng nền bê tông sân bay dội lên, nắng xuyên qua mái nhà tôn dội xuống, khắp xung quanh ở đâu cũng nóng hừng hực. Vậy mà các chú, các anh em chiến sĩ trong ấy vẫn sống lạc quan, làm việc say sưa và đấu tranh kiên cường trong hoàn cảnh khó khăn và khắc nghiệt như vậy... Rất may là họ rất nhiệt tình với tổ văn công chúng em, luôn động viên, khích lệ và tạo điều kiện để chúng em hoàn thành nhiệm vụ. Họ cũng thiết tha được thưởng thức nghệ thuật và khao khát được chia sẻ tình cảm với những người từ hậu phương miền Bắc mới vào...".



        "Một niềm vui và điều ngạc nhiên lớn nữa là chúng em được gặp mấy anh chị em tổ văn công xung kích của Quân giải phóng miền Nam từ căn cứ Lộc Ninh vào Trại Đa-vít bằng máy bay trực thăng để cùng phục vụ hai Đoàn ta ở Ban Liên hợp quân sự trong dịp này. Nào Thanh Lự, Mai Khi, Kim Chi, tay đàn ác-coóc-đê-ông Tuyết Mai, tay đàn bầu Kim Hạng... Chúng em có thêm những người đồng nghiệp mới, những người bạn mới. Chúng em phối hợp với nhau hết sức ăn ý. Vui ơi là vui..

        Xuân Trung lại có một kỷ niệm đáng nhớ của riêng mình. Anh kể lại: "Hôm đó em đi dạo trước cổng Trại Đa-vít với nhà báo Phạm Hồng (tức đồng chí Phạm Phú Bằng). Bỗng nhiên nghe tiếng kéo quy lát đánh roạt khô khốc đằng sau, hai anh em quay lại thì thấy tên lính dù đang chĩa thẳng họng súng tiểu liên AR15 đen ngòm vào người mình, nét mặt hắn hằm hằm. Lần đầu tiên phải đối diện với một tình huống quá éo le và bất ngờ như thế, em thấy giật thót mình, nhưng anh Hồng rất bình tĩnh. Anh đứng ngay ngắn, rồi nhìn thẳng vào mặt tên lính dù và nói với giọng nghiêm khắc: "Này, anh định làm gì thế? Anh có biết anh làm như vậy là vi phạm Hiệp định Pa-ri về việc bảo đảm an toàn cho các thành viên của hai Đoàn đại biểu chúng tôi không? Anh hãy bỏ súng xuống, đi về vị trí và thi hành nhiệm vụ bảo vệ của mình". Tên lính gác quay mũi súng sang hướng khác rồi lặng lẽ đi về phía bót gác, không quên ném lại phía chúng tôi một cái nhìn đầy thù hận".

        Buổi biểu diễn mừng Lễ kỷ niệm 29 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam năm đó (22-12-1944 - 22-12-1973) thật là một kỷ niệm không thể nào quên. Đó là buổi biểu diễn chung của hai tổ văn công xung kích của Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng miền Nam. Những ngày trước đó, hai tổ văn công xung kích vừa tổ chức các buổi biểu diễn nội bộ phục vụ các cán bộ, chiến sĩ hai Đoàn đại biểu quân sự ta, vừa có mấy buổi tập trung để xây dựng chương trình "công diễn" phục vụ Lễ kỷ niệm ngày thành lập Quân đội.




        Khác với những buổi biểu diễn nội bộ trước đó, hôm ấy sân khấu được dựng ngoài trời, rất đơn sơ, ở sân xi măng rất rộng trước phòng họp báo. Bởi hôm đó là ngày thành lập Quân đội, nên ngoài các cán bộ, chiến sĩ của hai Đoàn đại biểu quân sự ta, lãnh đạo đơn vị còn mời thêm nhiều đại diện của bốn Đoàn đại biểu Ba Lan, Hung-ga-ri, In-đô-nê-xi-a và I-ran trong Uỷ ban Quốc tế. Đi cùng với bốn Đoàn này còn có các sĩ quan liên lạc của phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn nữa. Thật là một cử tọa hết sức đa dạng và phức tạp, có lẽ rất khó làm họ hài lòng. Chưa một đội văn công nào của ta từng trình diễn cho những khán giả đặc biệt, trên một sân khấu đặc biệt và trong một hoàn cảnh đặc biệt đến như vậy.


Đại tá Võ Đông Giang chụp ảnh lưu niệm với 2 diễn viên văn công Tổng cục Chinh trị

        Buổi biểu diễn bắt đầu bằng bài Miền Nam nhớ mãi ơn Người, với giọng ca khoẻ khoắn, trong sáng và sâu lắng của Kim Chi. Lời bài ca mộc mạc như tính cách của người dân Nam Bộ, nhưng lại chứa đựng cái lô-gíc sẵn có, cái tình cảm bất di bất dịch của đồng bào miền Nam với Bác Hồ, niềm tin vững chắc của người dân với lãnh tụ: "Dẫu núi có mòn, mà sông kia có cạn. Miền Nam ơi, miền Nam nhớ mãi ơn Người thiết tha...".
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Giêng, 2014, 04:35:48 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #64 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2014, 03:48:21 am »

        Tất cả mọi người yên lặng lắng nghe, chỉ còn lại tiếng máy bay lên xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Rồi họ được các nghệ sĩ dẫn dắt qua những sắc điệu âm nhạc đa dạng và những cung bậc tình cảm khác nhau. Từ tốp ca nữ hừng hực khí thế với bài Sài Gòn quật khởi, đưa người nghe trở lại với khí thế tiến công và nổi dậy hào hùng của quân và dân miền Nam những ngày Tết Mậu Thân 1968, đánh vào hang ổ của Mỹ - ngụy để giải phóng quê hương, đến bài Cô gái vót chông mang đậm chất liệu âm nhạc Tây Nguyên, thể hiện lòng yêu nước thiết tha, tinh thần dũng cảm và sự thông minh của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên sử dụng vũ khí thô sơ để đánh giặc, bảo vệ nương rẫy, buôn làng. Rồi bài Ru con Nam Bộ với làn điệu quen thuộc của các bài lý Nam Bộ, nghe mênh mang sông nưốc mà đượm buồn và da diết yêu thương con người, quê hương.

        Rồi Tuyết Mai, với tài năng điều khiển cây đàn ác-coóc-đê-ông, đã chơi bản nhạc Polonaise về nỗi nhớ quê hương Ba Lan của nhạc sĩ thiên tài Mi-kan Ô-gin-xki. Đó là một cảm giác mênh mang, trống vắng trong tâm hồn của người con ở xa khi nhớ về Tổ quốc tươi đẹp, nó làm cho người nghe như cảm nhận được màu trắng và mùi hương của tuyết lạnh xứ Ba Lan... Cũng với tài nghệ ấy, Tuyết Mai còn chơi bản nhạc Phiên chợ Ba Tư của nhạc sĩ cự phách An-bớt Ke-ten-bi, khiến người nghe tưởng mình đang lạc vào thế giới cổ tích huyền ảo trong phiên chợ của xứ Ba Tư cổ, ở đó có những người cưỡi lạc đà tới chợ, những người làm trò dụ rắn, những người làm trò tung hứng... và có cả nàng công chúa xinh đẹp, kiêu sa đang dạo ngắm quanh chợ.

        Bên ngoài hàng rào Trại Đa-vít ngày càng có nhiều khán giả xếp hàng đứng xem văn công ta biểu diễn. Họ là những anh lính dù hàng ngày vẫn đứng gác bên ngoài trụ sở của hai Đoàn ta với thái độ không mấy thiện cảm, đôi khi tỏ ra thù hận hoặc khiêu khích. Họ là những đồng bào sống trong khu gia binh bên kia hàng rào kẽm gai, hàng ngày vẫn nhìn các cán bộ, chiến sĩ ta qua hàng rào mà không dám đến gần, không dám chào hỏi, không dám bắt chuyện. Bây giờ họ không ngần ngại "quên" đi nhiệm vụ canh gác của mình; họ cũng "quên" đi nỗi lo sợ có ngưòi ngăn cản hay đe dọa vì dám "tiếp xúc với Cộng sản", để đến thật gần hàng rào kẽm gai và chăm chú lắng nghe văn công "Cộng sản" trình diễn hết sức điệu nghệ. Họ đứng rất trật tự và yên lặng.

        Đỉnh cao của đêm diễn là bản nhạc không lòi Vỉ miền Nam, do Kim Hạng trình diễn bằng cây đàn bầu đơn sơ, đặt trên một miếng vải thô lành lặn, phía dưới là chiếc bàn gỗ thô sơ. Tiếng đàn điệu nghệ của anh khiến người nghe cảm thấy như đau nhói trong tim vì cảnh đất nước bị chia cắt, vì đồng bào miền Nam ruột thịt phải chịu cảnh đau thương, đi trước về sau. Càng về cuối, tiết tấu của bản nhạc càng sôi nổi và giục giã hơn, như muốn khẳng định niềm tin son sắt vào thắng lợi của cách mạng, vào ngày miền Nam được giải phóng, non sông lại thu về một mối, đồng bào hai miền Nam - Bắc lại sum họp một nhà.


        Màn trình diễn của Kim Hạng kết thúc, tiếng vỗ tay nổi lên đồng loạt và nồng nhiệt từ các hàng ghế của "khán giả nhà", các đoàn khách quốc tế cũng như các sĩ quan liên lạc Hoa Kỳ và Sài Gòn. Không hề có sự phân biệt nào về cảm xúc nghệ thuật giữa những nhóm đối tượng rất khác biệt nhau về quan điểm chính trị này. Có cả tiếng vỗ tay khe khẽ ở bên ngoài hàng rào kẽm gai, xen lẫn với tiếng xuýt xoa. Dường như nhóm khán giả "đặc biệt" này đang cố kìm nén một điều gì đó mà họ không dám thể hiện ra ngoài.

        Từ hàng ghế đầu, bỗng một vị khách mời trong Uỷ ban Quốc tế đứng dậy và tiến về phía sân khấu. Ông đưa tay nâng nhẹ cây đàn bầu và mảnh vải phủ bàn, ghé đầu quan sát xem có gì phía dưới cây đàn hay không. Ông như không tin vào mắt mình, vì phía dưới cây đàn và mảnh vải tuyệt nhiên không có gì cả. Còn cây đàn là một cái hộp bằng gỗ, chỉ có duy nhất một dây thép mảnh mai và một cần nhỏ bằng cật tre, và không có một dụng cụ trợ âm nào. Vậy mà từ cây đàn đơn sơ đó đã phát ra những âm thanh phong phú, nhiều cung bậc trầm bổng và giàu cảm xúc đến như vậy... Ông nhẹ nhàng bắt tay Kim Hạng và nói những lời đầy khâm phục: "Ưnimaginable! Wonderful! Unique!" (Thật không thể hình dung nổi! Thật tuyệt vời! Thật độc đáo!). Rồi ông từ từ trở lại hàng ghế danh dự của mình để chương trình biểu diễn tiếp tục.

        Chương trình văn nghệ kết thúc bằng tiết mục tốp ca nữ vối bài dân ca quan họ Người ơi, người ở đừng về, với giai điệu dìu dặt, thủ thỉ của miền quê Kinh Bắc, nơi có con sông Cầu nước chảy lơ thơ. Lời ca thắm thiết, chứa đầy tình cảm quyến luyến, bâng khuâng, dường như níu kéo người xem ở lại với người biểu diễn. Họ trao đổi với nhau những lời khen ngợi thật lòng, những lời cảm ơn cũng thật lòng. Họ quấn quýt bên nhau, cứ lưu luyến mãi, không nỡ chia tay. Các sĩ quan liên lạc Hoa Kỳ và Sài Gòn cùng hoà nhập với mọi người và cư xử giống như mọi người, trong giây phút chia tay đầy chân tình và lưu luyến ấy.



        Bên kia hàng rào kẽm gai, những khán giả "đặc biệt" của buổi biểu diễn lặng lẽ đứng nhìn, dường như cũng chưa muốn chia tay các nghệ sĩ biểu diễn. Họ không nói được lời nào với các nghệ sĩ, nhưng cứ nhìn ánh mắt và thái độ của họ thì đủ biết rằng, những người lính "Bắc Việt" và "Việt cộng" trong lòng họ giờ này chắc không còn là những kẻ dã man, đáng thù hận như bộ máy tâm lý chiến của chính quyền Sài Gòn vẫn tuyên truyền bấy nay. Những bài ca, bản nhạc mà họ trình diễn thể hiện tình yêu sâu sắc đối với lãnh tụ và đất nước, quyết tâm sắt đá và đầy tinh thần lạc quan trong cuộc chiến đấu giải phóng nước nhà khỏi ách ngoại xâm và tình cảm chân thành đốỉ với bạn bè quốc tế. Họ là những con người có tâm hồn phong phú, lãng mạn, yêu đời dù cuộc chiến đấu đầy hy sinh và gian khổ. Các nghệ sĩ "Cộng sản" và thứ nghệ thuật mà họ theo đuổi khác rất xa, thậm chí đối lập hoàn toàn với những bài ca, khúc nhạc não nề mà họ nghe hàng ngày ở Sài Gòn.

*

*       *

        Đã gần bốn mươi năm kể từ ngày tổ văn công xung kích của Mộng Tước được giao nhiệm vụ bí mật vào biểu diễn ở Trại Đa-vít. Giờ đây nhiều người trong số các nghệ sĩ đó đã trở thành ông thành bà, nhưng chuyến đi phục vụ đặc biệt đó vẫn còn lắng đọng trong lòng họ như một kỷ niệm sâu sắc, không thể nào quên của cuộc đời người nghệ sĩ - chiến sĩ.


Mộng Tước ngày nay


Hát tiếp khúc quâm hành

        Rồi họ lại có dịp gặp mặt nhau cuối tháng 4 năm 2012 để ôn lại những kỷ niệm của một thời chiến đấu ác liệt, gian khổ nhưng hết sức hào hùng. Lần này các nghệ sĩ, chiến sĩ cũng được đứng trong hàng ngũ của các chiến sĩ Trại Đa-vít anh hùng năm xưa trong ngày họ được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân do Nhà nước phong tặng.
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Giêng, 2014, 04:20:32 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #65 vào lúc: 13 Tháng Giêng, 2014, 05:24:58 am »

Những bài như thế này đã từng được biểu diễn trong trại Đa-vít. Nghe lại mới thấy sức mạnh của những bài này khi được cất lên từ trại Đa-vít, giữa "thủ đô" của Việt Nam Cộng Hòa. Quả là mũi tiến công chính trị sắc bén:

<a href="http://www.youtube.com/watch?v=jfA0AqANvQ8" target="_blank">http://www.youtube.com/watch?v=jfA0AqANvQ8</a>
Miền Nam nhớ mãi ơn Người

http://www.youtube.com/watch?v=elYKIThcv2c
Sài Gòn quật khởi

http://www.youtube.com/watch?v=2QWfmyXFMKc
Cô gái vót chông

http://www.youtube.com/watch?v=SylgQrt6NIk
Ru con Nam Bộ

http://www.youtube.com/watch?v=S7W5fNn1FOw
Polonaise

http://www.youtube.com/watch?v=t_3b_vqV4pg
Phiên chợ Ba Tư

http://www.youtube.com/watch?v=YmoIH1cqN1Y
Vỉ miền Nam

http://www.youtube.com/watch?v=qlfDiclsvNc
Người ơi, người ở đừng về
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Giêng, 2014, 06:31:40 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #66 vào lúc: 14 Tháng Giêng, 2014, 05:22:00 am »


TRẠI ĐA-VÍT TRONG MỘT NGÀY CHIẾN D|CH
     
BÙI ĐỨC HOÀ1              

        Lễ mừng công của các cựu chiến binh Trại Đa-vít phía Nam được tổ chức ở một khách sạn quân đội nằm ngay trong sân bay Tân Sơn Nhất, khoảng một cây số cách Trại Đa-vít, nơi đơn vị chúng tôi từng sống và chiến đấu 37 năm về trước. Các đồng đội cũ khắp nơi đổ về đây để được tận mắt nhìn tấm bằng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà Nhà nước đã phong tặng cho đơn vị chúng tôi, để được hàn huyên với những đồng đội cũ. Chúng tôi - một nhóm cựu chiến binh Ban Liên hợp quân sự - Trại Đa-vít phía Bắc - cũng vào dự buổi lễ long trọng và đầy ý nghĩa này.

        Lâu lắm rồi chúng tôi mới có dịp họp mặt đông đủ như thế này với các đồng đội phía Nam. Những người trẻ nhất trong chúng tôi cũng đã ngót 60 tuổi đời. Mừng vui xen lẫn xúc động tràn ngập trong lòng mỗi người. Chuyện sức khoẻ, chuyện gia đình, chuyện làm ăn... rôm rả. Đôi với nhóm vệ binh chúng tôi, câu chuyện xảy ra đêm 28 tháng 4 và rạng sáng 29 tháng 4 năm 1975 đều được mọi người nhắc đến. Đấy là một kỷ niệm bi hùng, đầy xúc động và không thể nào quên.

        Câu chuyện bắt đầu từ chiều 28 tháng 4 năm 1975, khoảng 17 giờ 30 phút. Lúc đó, đơn vị đang chuẩn bị bữa cơm chiều. Một tốp máy bay A37 bất ngờ xuất hiện và thả mấy loạt bom hình bầu dục rượt qua đầu chúng tôi, rồi rơi xuống gần căn nhà của tiểu đội vệ binh số 3. Khói đen xen lẫn lửa đỏ bốc lên cuồn cuộn, mảnh vỡ văng tung toé, tiếng kêu la hoảng hốt của lính Sài Gòn, tiếng đại liên bắn trả yếu ớt từ các ổ súng phòng không... Những cảm nhận bằng trực giác ấy đến giờ tôi vẫn còn nhớ, như mới xảy ra hôm qua.

        Thực đơn bữa cơm chiều hôm ấy của chúng tôi có món thỏ rô ti, chẳng có gì là quá cao sang nhưng mọi người coi là "món ăn tươi" và ăn rất ngon miệng. Tiếng cười nói râm ran xen lẫn những lời bình luận sôi nổi về "món đặc sản" mà tốp máy bay A37 do người Mỹ chế tạo vừa "thết đãi" đám tay sai Sài Gòn. Rất tình cờ, đây là bữa ăn tập thể cuối cùng với sự có mặt đông đủ các cán bộ, chiến sĩ hai Đoàn đại biểu quân sự ta trong Trại Đa-vít.

        Vào thời điểm này, đơn vị chúng tôi đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống phòng thủ địa đạo liên hoàn, nối liền các nhà và chạy vòng quanh Trại Đa-vít. Tối hôm đó, Ban chỉ huy đơn vị quyết định tăng cường các chốt phòng thủ của tiểu đội 1 (hướng Nam), tiểu đội 2 (hướng Đông Nam), tiểu đội 3 (hướng Đông), tiểu đội 4 (hướng Bắc) và tiểu đội 5 (hướng Tây). Tất cả chúng tôi đều được trang bị tiểu liên AK47. Riêng các tiểu đội 1, 2 và 3 được trang bị gần ba chục lựu chống tăng M722 , vi ỏ các hướng này không có đưòng hào phân cách với sân bay Tân Sơn Nhất. Anh em vệ binh hầu hết là bộ đội đặc công được đào tạo bài bản và có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, được điều động từ nhiều chiến trường về đây phục vụ hai Đoàn ta trong Ban Liên hợp quân sự. Chúng tôi được giao nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ đơn vị, bắt liên lạc với mũi đặc công của ta vào ứng cứu khi cần thiết và mở đường máu theo hướng chỉ đạo của cấp trên.

-----------------
1. Tiểu đội trưởng đặc công.

2.  Những vũ khí này được ta chuyển vào Trại Đa-vít trong mấy “túi thư ngoại giao” qua các chuyến bay liên lạc Lộc Ninh - Sài Gòn đầu tháng 4 năm 1975, ngay trước khi đường liên lạc này bị phía ngụy Sài Gòn huỷ bỏ. Chỗ này anh Hòa nhớ nhầm. Đó chỉ là lựu đạn chống tăng chứ không phải là súng chống tăng M72
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #67 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2014, 09:08:38 am »

        Đêm ấy dường như dài hơn thường lệ. Chúng tôi chờ đến quá nửa đêm, không ai ngủ được. Những người có phiên trực chiến thì ở trên hầm để quan sát, những người không có phiên trực chiến thì ở dưới hầm để chờ lệnh. Ở tiểu đội 2, anh em nảy ra sáng kiến dùng dây nối trên hầm vói dưới hầm để tiện liên lạc với nhau, nếu có sự cố thì giật dây báo hiệu. Mỗi mũi phòng thủ đều có sáng kiến riêng để chiến đấu với hiệu suất cao nhất. Các đồng chí thông tin tranh thủ mở đài để nghe tin tức về khí thế tiến công của bộ đội ta từ các hướng về Sài Gòn. Đài phát thanh Giải phóng kêu gọi nhân dân miền Nam nổi dậy giành chính quyền và kêu gọi anh em binh sĩ quân đội Sài Gòn hạ vũ khí... Hòa chung bầu không khí hừng hực ấy, chúng tôi cảm thấy không hề đơn độc mà luôn có sự hỗ trợ của đồng chí, đồng bào ở khắp các mặt trận. Do đó, chúng tôi luôn cảm thấy tự tin vào chính mình, tin tưỏng vào chiến thắng cuối cùng.

        Phía bên kia hàng rào kẽm gai là khu sửa chữa máy bay của địch. Mấy họng súng đen ngòm trên sân thượng thỉnh thoảng rê đi rê lại sang phía đơn vị chúng tôi, nhưng lính gác và quân cảnh đi lại ít hơn, xe thúc gác cũng không chạy nhiều như mọi hôm. Máy bay cất cánh và hạ cánh cũng chỉ còn thưa thớt. Có lẽ trận bom A37 chiều hôm trước đã làm cho chúng kinh hoàng mà co cụm lại. Chúng tôi được ban hậu cần gọi cử người đến nhận lương khô, thịt hộp, đèn pin, nước uống. Mọi hoạt động của chúng tôi lúc này hầu như đều diễn ra dưới địa đạo để tránh sự phát hiện và nghi ngờ của địch.

        Bỗng có tiếng rít của đạn bay, rồi tiếng nổ đinh tai của pháo hạng nặng làm rung chuyển cả sân bay Tân Sơn Nhất. Pháo binh ta bắt đầu tiến công sân bay. Lúc này là gần 4 giò sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975. Sân bay Tân Sơn Nhất chìm trong khói lửa. Những tiếng nổ ngày càng đanh hơn, dày hơn ngay gần chỗ chúng tôi đang canh gác. Đất đá, mảnh đạn văng rào rào. Rồi đèn điện tắt phụt, nhưng bên sân bay vẫn sáng choang vì có nhiều đám cháy mỗi lúc một loang rộng hơn. Bọn địch chạy tán loạn tìm nơi ẩn nấp. Chúng la hét trên máy bộ đàm: "Bọn "Việt cộng" chuồn bằng đường hầm đi mất tiêu rồi!". Vậy là, những "con tin" trong tay chúng ở giờ phút tuyệt vọng này bỗng dưng biến mất!

        Mặc dù đơn vị chúng tôi có hệ thống địa đạo kiên cố, nhưng không tránh được những thương vong đáng tiếc vì những loạt đạn pháo quyết liệt đầu tiên của quân ta. Ở tiêu đội 2, một quả đạn pháo rơi trúng mái nhà S527, mảnh đạn lia đứt cánh quạt trần văng xuống sàn gỗ, gây thương tích nặng cho Trung sĩ vệ binh Nguyễn Quang Hòa đang làm nhiệm vụ cảnh giới phía trên. Máu trào ra từ phía trái cổ anh, buộc chúng tôi phải cấp cứu tại chỗ. Chiến sĩ Tĩnh cùng mấy anh em khác trong tiểu đội vác Hòa băng tắt qua mấy khu nhà trên mặt đất để sang hầm quân y trong lúc pháo ta vẫn nổ cấp tập. Đến nơi, Hoà chỉ còn thoi thóp. Chúng tôi được lệnh sẵn sàng để tiếp máu, song vì vết thương quá hiểm nghèo nên Hoà hy sinh ít phút sau đó.




Hai bức ảnh hiếm hoi ghi lại dấu tích của những căn hầm xưa

        Cũng trong những loạt đạn pháo đầu tiên, một quả pháo đã rơi trúng căn nhà T530, mảnh đạn găm thẳng vào ngực anh Kiên (tức Đại uý an ninh Nông Văn Hưởng) đang ở trên theo dõi tình hình. Anh hy sinh tại chỗ. Ngoài ra, còn ba đồng chí nữa bị thương nặng, trong đó có Trung tá Nguyễn Tiến Bộ. Một chân anh bị mảnh đạn làm gãy nát, máu chảy đầm đìa.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Giêng, 2014, 09:14:49 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #68 vào lúc: 16 Tháng Giêng, 2014, 01:27:54 am »

        Bất chấp tiếng đạn pháo gầm rú trên đầu, chúng tôi vẫn khiêng thương binh băng trên mặt đất tới hầm quân y để kịp thời cứu chữa. Để hạn chế thương vong, các đồng chí chỉ huy đơn vị đã phân công nhau đến từng bộ phận để động viên anh em bình tĩnh, trú ẩn cẩn thận và sẵn sàng chiến đấu. Trong ánh lửa bập bùng tôi nhìn thấy Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn cùng y sĩ Nguyễn Hữu Iểng lom khom chạy từ hầm chỉ huy qua khu gốc cây đa, rồi băng qua đường nhựa để sang hầm quân y.

        Hầm quân y là một căn nhà ngầm được đào khá công phu, diện tích đủ cho mười hai ngưòi làm việc và nằm điều trị, được trang bị đầy đủ các thiết bị y tế dã chịến. Xuống hầm, tôi thấy bác sĩ Sáu Sơn đang rất khẩn trương nhưng bình tĩnh, tự tin cứu chữa thương binh, Với kinh nghiệm nhiều năm ở chiến trường, anh vừa cấp cứu, vừa động viên anh em thương binh, làm cho bầu không khí trong căn hầm ấm tình đồng đội và bớt phần căng thẳng.

        Đứng ngay bên cạnh anh Sáu Sơn, Thỉếu tướng Hoàng Anh Tuấn ôn tồn thăm hỏi tình hình sửc khoẻ của từng thương binh và động viên anh em quân y tận tình cứu chữa cho đồng đội. Nét mặt ông hết sức binh tĩnh nhưng giọng nói của ông đầy xúc động. Tôi cảm thấy ông giống như một người cha, người anh cả đang tiếp thêm cho chúng tôi nghị lực trong hoàn cảnh khó khăn này. Hình ảnh của ông khác hẳn với những gì tôi từng chứng kiến những lần đi bảo vệ ông đến các cuộc đấu tranh trực diện với địch tại hội trưòng Phi Long. Mỗi lần đại diện phía bên kia tỏ thái độ ngoan cố hay khiêu khích, có khi chúng đập bàn đập ghế hay phát ngôn tục tằn, ông luôn giữ thái độ hết sức bình tĩnh, nét mặt nghiêm nghị, giọng nói đanh thép và lập trưòng kiên định, khiến đối phương phải lùi bước và có thải độ "phải chăng" hơn trên bàn hội nghị.

        Ớ một góc hầm, thi hài Hoà và anh Kiên nằm đó, máu vẫn chảy, mặt tái nhợt. Để ổn định tình hình và tranh thủ lúc trời còn tối, chỉ huy đơn vị lệnh cho tôi và chiến sĩ Đặng Trọng Lương của tiểu đội 2 khâm liệm, rồi đào huyệt tạm để chôn cất hai anh. Lúc này, bằng mọi cách phải bảo đảm an toàn dưới làn đạn pháo, tránh để xảy ra thêm thương vong. Đặc biệt là phải giữ bí mật tuyệt đối, vì nếu để phía địch phát hiện bất kỳ động thái nào thì chúng có thể tấn công chúng tôi ngay lập tức. Chúng tôi không sợ phải chiến đấu với kẻ thù, nhưng mấy tiểu đội vệ binh chỉ được trang bị vũ khí bộ binh cùng khoảng ba chục quả lựu chống tăng, trong khi số còn lại đều là sĩ quan, chỉ được trang bị súng ngắn K54 hay K59. Nếu chiến sự xảy ra thì đó sẽ Ịà một cuộc chiến hoàn toàn không cân sức về lực lượng và vũ khí, những tổn thất nặng nề hơn sẽ khó tránh khỏi.

        Tôi và Lương nhận hai bộ quân phục mới, hai tấm ga trắng, bao túi bằng ni-lông. Y tá Hoàng Hữu Phùng, y sĩ Trương Văn Tân giúp chúng tôi thay đồ cho Hoà và anh Kiên, máu còn nóng ướt đỏ bàn tay và thấm đẫm vạt áo chúng tôi. Xong việc, chúng tôi đào huyệt cho các anh trong một căn hầm cát nổi ngay đầu hầm quân y. Gọi là hầm nhưng đây chỉ là một bục khung nổi có nóc bằng tấm sắt đục lỗ, phía trên có vài lượt bao cát do lính Mỹ làm trước đây. Căn hầm đơn sơ này nằm sát hàng rào phía Bắc, cách sân bay một hàng rào kẽm gai và một con hào sâu do địch cho máy xúc ủi tháng 6 năm 1973 để ngăn "Cộng sản" xâm nhập sang sân bay. Căn hầm này chỉ tránh được mảnh đạn tiểu liên chứ không chống được đạn đại pháo.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #69 vào lúc: 17 Tháng Giêng, 2014, 08:27:24 am »

        Chính dọc tuyến này, tiểu đội vệ binh chúng tôi trong các phiên gác hàng ngày vẫn làm công tác địch vận với đám lính ngụy bố trí bên kia hàng rào. Họ bị bộ máy tâm lý chiến của chính quyền Sài Gòn bưng bít, xuyên tạc về Mặt trận Dân tộc giải phóng, về những người mà họ gọi là "Việt cộng". Họ cũng không biết gì về Hiệp định Pa-ri, về lý do vì sao chúng tôi có mặt trong Trại Đa-vít... Chính vì vậy mà trong mấy tuần đầu, họ tỏ ra thù hận, xấc xược, hăm dọa chúng tôi bằng súng tiểu liên AR15 và những khẩu đại liên đặt bên kia hàng rào kẽm gai. Có ngưòi từng lớn tiếng "không nói chuyện với Cộng sản", hoặc "đả đảo Bắc Việt xâm lược miền Nam"...

        Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn tỏ ra lịch sự và thân thiện. Mỗi lần nhận gác, chúng tôi vẫn chào hỏi họ. Đôi khi chúng tôi kín đáo ném qua hàng rào cho họ mấy bao thuốc lá Thăng Long, mấy gói kẹo Hải Châu. Lúc có điều kiện, chúng tôi từ tốn giải thích cho họ về bản chất cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở miền Nam, về cuộc chiến đấu chính nghĩa của cả dân tộc Việt Nam, về Hiệp định Pa-ri... Một số người lặng lẽ lắng nghe chúng tôi giải thích, nhưng mỗi lần như thế họ thường bị thay thế bằng những người lính mới. Không biết bao nhiêu người đã bị thay thế như vậy và bị điều đi đơn vị nào, nhưng chắc chắn họ sẽ ghi nhớ thái độ lịch sự và lời nói thân thiện của chúng tôi, những người lính "Việt cộng" ở bên trong hàng rào Trại Đa-vít.

        Trong sân bay Tân Sơn Nhất, pháo vẫn nổ liên hồi. Tôi và Lương dùng những dụng cụ thô sơ mà hôm trước đã dùng đào địa đạo để đào nơi an nghỉ cho hai đồng đội. Không được chọn hướng và cũng không đủ ánh sáng, chúng tôi cố mở diện tích trong bục hầm nổi đủ sâu và đủ rộng để đồng đội nằm thoải mái. Hì hục đào vét, những bao cát vỡ cứ sụt lở xuống lấp gần đầy cái hố mà chúng tôi vừa đào. Thỉnh thoảng dưới hầm quân y cử người lên xem tiến độ công việc của chúng tôi vì tất cả đều lo tròi sắp sáng. Chúng tôi hiểu những rủi ro nếu để chậm đến lúc tròi sáng nên dồn hết sức tiếp tục đào bới trong bóng tối, lúc cần lắm thì soi đèn pin sát mặt đất để nhìn cho rõ hơn. Mỗi lần nghe tiếng pháo rít trên đầu, chúng tôi nằm sát mặt xuống đất, chờ cho pháo nổ lại tiếp tục đào. Mồ hôi ướt sũng người, mặt mũi dính đầy đất cát, hai mắt cay xè. Nhưng nghĩ đến đồng đội đang nằm chờ kia, chúng tôi không thể cầm lòng và càng cố sức hoàn thành công việc càng nhanh càng tốt.

        Chúng tôi bọc hai đồng đội trong hai bộ ga trắng, hai áo ni-lông dã chiến và gắn đủ họ, tên, quê quán, đơn vị.

        Vất vả lắm chúng tôi mới đặt được hai anh nằm ngay ngắn bên nhau, với sự giúp đỡ của các đồng chí quân y. Tiễn đưa các anh trong đêm tối, quá gấp gáp và nguy hiểm, chẳng có hương hoa mà chỉ có hoa lửa của đạn pháo ta nã vào đầu thù. Lòng chúng tôi đau thắt, mắt chúng tôi đẫm lệ. Mong các anh yên lòng chờ chúng tôi chiến đấu thắng lợi rồi sẽ chăm lo cho các anh chu tất hơn.

        Trong hầm quân y, bác sĩ Sáu Sơn phải làm phẫu thuật và truyền máu cho Trung tá Nguyễn Tiến Bộ do một chân của anh bị dập nát và phải cắt bỏ. Y tá Phùng đem phần chân còn quấn băng vải trắng, ưốt sẫm màu máu để chúng tôi giấu gần nơi nghỉ tạm của hai đồng đội đã hy sinh.

        Các anh đã ngã xuống chỉ đúng một ngày trước khi thành phố Sài Gòn hoàn toàn giải phóng. Đau đớn, thương tiếc các anh, nhưng chiến tranh là vậy. Dẫu có muốn chính xác đến mấy thì những quả đạn pháo được phóng đi ở khoảng cách gần hai chục cây số cũng không thể nào chính xác hoàn toàn và khó tránh những thương vong đáng tiếc.

        Một phút mặc niệm trước nấm mồ tạm của các anh, lòng chúng tôi đau nhói, không nói nên lời mà nước mắt chạy vòng quanh. Các đồng đội thân thiết của chúng tôi ơi, đại quân ta đang xiết chặt vòng vây quanh thành phố Sài Gòn và sân bay Tân Sơn Nhất rồi. Giờ toàn thắng đang đến rất gần!

        Hãy bình tâm đợi chúng tôi thêm một chút nữa! Chúng tôi sẽ sớm quay trở lại với các anh, sẽ tổ chức cho các anh một cuộc chia tay đông đủ và ấm tình đồng đội!
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM