Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 02:00:38 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bộ Tổng tham mưu những năm chiến đấu trong vòng vây  (Đọc 68861 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #120 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2013, 08:11:21 pm »

Ngày 15 có ý kiến của Thường vụ Trung ương chấp thuận chuyển mục tiêu xuống Đông Khê. Ngay hôm sau hội nghị mở rộng của Đảng ủy mặt trận được triệu tập, gồm cả một số trưởng phòng chủ chốt của ba cơ quan mặt trận bộ. Mặc dù đã có điện chấp thuận của Thường vụ, vấn đề chọn Đông Khê hay Cao Bằng vẫn được đặt ra để trao đổi. Các ý kiến ngả dần sang chọn Đông Khê, tuy vẫn thấy khó khăn là mọi công tác chuẩn bị phải làm lại từ đầu. Riêng việc làm binh yếu địa chí và công tác nắm địch phải tiến hành trên cả chiều dài hơn 60 kilômét Thất Khê - Cao Bằng. ngoài ra tham mưu còn đứng trước một số khó khăn khác cần khắc phục: phương tiện thông tin thiếu, quân số bổ sung cho các đơn vị chưa đủ, ngay công việc phòng không khu vực cơ quan tham mưu chiến dịch cũng chưa tổ chức xong. Mặc dù vậy, đánh thắng trận đầu vừa là nguyên tắc vừa là yêu cầu cao nhất có tác dụng quyết định thuyết phục mọi người chấp nhận chủ trương thay đổi kế hoạch, thay đổi mục tiêu tiến công mở màn chiến dịch. Ông Trần Canh, Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc, (vừa từ căn cứ địa Việt Bắc ra đến Sở chỉ huy chiến dịch) cũng tán thành chuyển mục tiêu xuống Đông Khê.

Đảng ủy họp lại ngày 21-8 để nghe tin chuẩn bị của các cơ quan mặt trận. Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái báo cáo phương án tác chiến mới: đánh Đông Khê, Thất Khê rồi chuyển lên Cao Bằng. Phương án được Đảng ủy thông qua, gồm những điểm cụ thể sau đây:

1- Dùng 2 trung đoàn đánh Đông Khê, 3 trung đoàn sẵn sàng đánh viện ở giữa Đông Khê và Thất Khê, 2 tiểu đoàn địa phương triển khai đội hình đánh quân dù tăng viện ở phía bắc Đông Khê.

2- Giải quyết Đông Khê xong, chuyển xuống Thất Khê. Nếu ở Thất Khê nhiều quân tiếp viện thì đánh viện binh xong rồi quay lại tiến công Thất Khê. Dự kiến đánh Đông Khê và Thất Khê mất 15 ngày.

3- Sau khi đã nghỉ ngơi và bổ sung (dự kiến 15 ngày) sẽ chuyển lên tập trung lực lượng tiến công, giải quyết bằng được Cao Bằng. Ở phía dưới (từ nam Thất Khê đến Lạng Sơn) chỉ để các tiểu đoàn địa phương hoạt động kiềm chế địch.

4- Nhiệm vụ các đơn vị: các trung đoàn 174 và 209 tiến công Đông Khê; 2 trung đoàn 88 và 102 (của Đại đoàn 308) bố trí đánh viện giữa Đông Khê và Thất Khê; riêng Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308) bố trí đánh quân dù tiếp viện cho Đông Khê, đồng thời đánh quân địch từ Đông Khê chạy về phía nam.

5- Sau khi Đông Khê bị tiêu diệt, nếu địch từ Cao Bằng rút chạy về phía nam, các trung đoàn 174, 209 và 36 có nhiệm vụ vận động tiêu diệt. Các trung đoàn 102 và 88 đánh viện binh địch từ phía Thất Khê lên.

Sau đó Đảng ủy bàn và quyết định thời gian hoàn thành công tác huấn luyện, kế hoạch quân số bổ sung, thông qua thành phần đảng ủy các trung đoàn…

Sau khi được thông qua, phương án tác chiến được cơ quan tham mưu chiến dịch biên soạn thành quyết tâm của Bộ Tổng tư lệnh, trong đó xác định: 2 trung đoàn 174 và 209 cùng các lực lượng phối hợp tiến công cụm cứ điểm Đông Khê. Đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Lê Liêm, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, làm Chính ủy, đồng chí Lê Trọng Tấn làm Chỉ huy phó kiêm chỉ huy cánh Tây Nam Đông Khê - hướng tiến công của Trung đoàn 209.

Hội nghị cán bộ chiến dịch diễn ra trong hai ngày 24 và 25-8. Lần đầu tiên trong lịch sử quân đội có một cuộc hội nghị hợp đồng tác chiến lớn giữa nhiều đơn vị bộ binh và binh chủng. Từ khi phương án tác chiến được chính thức thông qua, anh Vũ Duy Trác (Ban 5 Phòng Tham mưu chiến dịch) chỉ có 4 ngày nên phải dồn toàn bộ lực lượng bộ đội và dân công có trong tay để hoàn thành hội trường bằng nứa lá đủ cho hội nghị gần trăm con người.

Tại hội nghị đông đủ cán bộ tham gia chiến dịch lần này, Chỉ huy trưởng Võ Nguyên Giáp giải thích vì sao thay đổi phương án tác chiến, giải đáp các thắc mắc chung quanh sự thay đổi này để cán bộ “thông tư tưởng”. Ông đi sâu phân tích các nguyên tắc chỉ đạo tác chiến đánh tiêu diệt, tập trung ưu thế binh hỏa lực, đánh cứ điểm nhỏ trước, đánh cứ điểm lớn sau, tinh thần đoàn kết hợp đồng tác chiến…) và nêu rõ những điều kiện tất thắng và những khó khăn cần khắc phục. Cuối cùng ông đề ra những yêu cầu cần tiếp tục khẩn trương chuẩn bị để bảo đảm thắng lợi.

Thời gian đến ngày nổ súng không nhiều nên Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng chiến dịch kiêm Chỉ huy trưởng trận Đông Khê dồn sức chuẩn bị cho trận đánh then chốt mở màn chiến dịch. Để khắc phục điều kiện thời gian eo hẹp, nhiều cán bộ tham mưu chủ chốt của Sở Chỉ huy mặt trận được phái xuống giúp Ban Chỉ huy trận Đông Khê khắc phục những khó khăn về thông tin, trinh sát, hậu cần.

Trong quá trình chuẩn bị cho trận đánh, Chỉ huy trưởng Hoàng Văn Thái thường trao đổi, tham khảo ý kiến ban chỉ huy các trung đoàn, nhất là Trung đoàn 174 đã từng tiêu diệt vị trí Đông Khê hồi tháng 5. Anh coi trọng việc phối hợp với các cơ quan chính trị, cung cấp chiến dịch, cùng chính quyền và các đoàn thể trên địa bàn tìm kiểu để có cơ sở thực tế vững chắc xây dựng kế hoạch cho trận tiến công Đông Khê. Lần đầu tiên anh Thái trực tiếp chỉ huy một trận đánh lớn, lại là trận then chốt, mở màn chiến dịch.

Lúc này, mọi việc điều hành cơ quan tham mưu mặt trận do Tham mưu phó Phan Phác phụ trách.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #121 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2013, 03:46:14 pm »

IV

Ngày 3-9, Chỉ huy trưởng trận Đông Khê Hoàng Văn Thái cùng Chỉ huy phó Lê Trọng Tấn và cán bộ chủ chốt các đơn vị tham gia trận đánh đi trinh sát cụm cứ điểm Đông Khê. Từ trên đỉnh núi Nà Rỵa, vừa quan sát toàn cảnh thị trấn Đông Khê, Chỉ huy trưởng vừa nghe trinh sát viên báo cáo. Anh Thái lưu ý mọi người về những điểm quan trọng trong cụm cứ điểm, nhất là khu vực pháo đài mà trinh sát của ta quen gọi là Đồn to. Rõ ràng là chỉ huy bộ đội tiếp cận bám đầu cầu phải hết sức chú ý vì địa hình trống trải, địch đã ngả hết cây và phát quang quả đồi hướng bắc. Khi tổ chức hiệp đồng trên sa bàn, Chỉ huy trưởng gợi nhiều ý kiến để các trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt, Lê Trọng Tấn và Tiểu đoàn trưởng pháo binh Doãn Tuế phát biểu về hợp đồng bộ - pháo. So với trước, đây là lần đầu tiên hợp đồng bộ - pháo chuẩn bị cho một trận đánh lớn nên có những vấn đề cần trao đổi kỹ, nhất là khi vào chiến đấu trong tung thâm.

Kế hoạch trận đánh Đông Khê được phổ biến trong hội nghị cán bộ họp hai ngày 9 và 10-9. Hội nghị bước sang ngày thứ hai thì Chủ tịch Hồ Chí Minh bất ngờ xuất hiện, trước sự ngỡ ngàng nhưng vô cùng phấn khởi của mọi người. Sự có mặt của Bác đủ nói lên tầm quan trọng của chiến dịch này. Một trong những câu Bác nói khi giải thích vì sao phải thay đổi kế hoạch tác chiến cho mọi người rất khó quên, đó là: “Trong quân sự phải kiên quyết và bạo dạn. Bạo dạn, dũng cảm không phải là liều. Liều là dại, dũng cảm là khôn”.

Đêm 15-9, trước ngày nổ súng, dù cơn sốt bất ngờ ập đến, Chỉ huy trưởng Hoàng Văn Thái vẫn gắng gượng dùng điện thoại kiểm tra tình hình bộ đội vào chiếm lĩnh trận địa, kể cả Trung đoàn 36 bố trí ở Nà Pá, chặn đánh địch rút chạy từ Đông Khê xuống. Ông nhắc Chỉ huy phó Lê Trọng Tấn theo dõi và giúp đỡ khắc phục khó khăn của đơn vị pháo phối thuộc 209 hành quân bị lạc không kịp chiếm lĩnh trận địa theo kế hoạch.

Sáu giờ sáng ngày 16-9, Trung đoàn 209 chưa chiếm lĩnh xong trận địa, Trung đoàn 174 vẫn được lệnh nổ súng theo kế hoạch(1). Sau khi chiếm lĩnh xong ba vị trí vành ngoài, Trung đoàn 174 ba lần mở đột phá khẩu tiến công Đồn to nhưng đều bị bật ra. Trên hướng phối hợp, Trung đoàn 209 mãi đến 18 giờ mới chuẩn bị chiến đấu xong. Sau khi đánh chiếm mấy vị trí ngoại vi thì trung đoàn được lệnh mở một mũi phối hợp với Trung đoàn 174 tiến công vào Đồn to. Nhưng chuẩn bị chưa xong thì trời đã sáng. Chỉ huy trưởng Hoàng Văn Thái ra lệnh tạm ngừng chiến đấu để chấn chỉnh lực lượng, rút kinh nghiệm và tổ chức họp đồng lại thật chu đáo để đêm 17 tiếp tục tiến công địch. Khi Trung đoàn 209 rút ra, địch bám theo khiến thêm một số chiến sĩ bị thương vong. Chỉ huy trưởng cử phái viên tác chiến xuống nắm tình hình, bổ sung quân số, trang bị, cùng các đơn vị rút kinh nghiệm và chuẩn bị cho trận đánh sắp tới.

Đêm thứ hai (17-10), sau khi tổ chức hợp đồng lại giữa bộ binh và pháo binh,pháo bắn thẳng vận động lên gần Đồn to trước lúc trời tối để nổ súng sớm, tạo điều kiện cho bộ binh có thêm thời gian giải quyết trận đánh. Mặt khác, Trung đoàn 174 chuyển hướng tiến công từ hướng bắc sang hướng đông bắc đánh xuống, Trung đoàn 209 đưa tiểu đoàn dự bị vào chiến đấu, có một mũi đánh vào phía sau pháo đài và dùng khối bộc phá lớn đánh vào hầm ngầm góp phần dứt điểm mục tiêu cuối cùng là Đồn to. Viên đại úy Allioux, chỉ huy cụm cứ điểm Đông Khê, định chạy trốn, nhưng vừa ra khỏi đồn thì bị bắt. Hai tiểu đội địch ở Nà Cúm và Khâu Áng chạy thoát được về Thất Khê.

Đến 10 giờ sáng ngày 18, quân ta làm chủ hoàn toàn thị trấn Đông Khê sau 52 giờ chiến đấu. Trận đánh diễn ra với thời gian gấp đôi dự kiến và số thương vong cũng cao hơn. Ta tiêu diệt gần 1 tiểu đoàn địch. Phòng tuyến đường số 4 bị cắt đứt giữa Cao Bằng và Thất Khê.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Đông Khê, theo lệnh của bộ Chỉ huy chiến dịch, từ 0 giờ ngày 21-9 Ban Chỉ huy trận Đông Khê giải thể. Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái trở về Sở Chỉ huy chiến dịch. Toàn mặt trận hướng đông suy nghĩ về nhiệm vụ đánh viện binh địch. Vấn đề đặt ra trước cơ quan tham mưu chiến dịch lúc này là địch sẽ đối phó như thế nào và ta phải triển khai lại đội hình chiến dịch như thế nào để có thể tiêu diệt được quân cơ động của địch, dù đó là lực lượng cứu trợ từ Thất Khê lên hay quân địch từ Cao Bằng về, hay quân dù được thả xuống.

Theo tin kỹ thuật của tình báo chiến dịch, trong và sau trận Đông Khê, đối phó của địch có mấy điểm đáng chú ý: 1- Ngày 16 địch thành lập Binh đoàn Bayard do Đại tá Lơpagiơ (Marcel Lepage) chỉ huy, gồm 3 tiểu đoàn 1 và 11 tabor, Tiểu đoàn 1/RTM. Ngày 17 binh đoàn này lên Thất Khê. Dọc đường bị ta phục kích; 2- Cùng ngày, thêm một tiểu đoàn dù lê dương (1er BEP) được thả xuống Thất Khê để gia nhập binh đoàn Bayard; 3- Ngày 20 địch tăng cường cho Trung tá Sáctông (Pierre Charton) chỉ huy ở Cao Bằng 1 tiểu đoàn Marốc (3RTM); 4- Cùng ngày địch bắt đầu dùng máy bay chuyển bớt dân ở Cao Bằng về Lạng Sơn và Hà Nội.


(1) Sở dĩ không đợi pháo binh của hướng Trung đoàn 209 đến và chuẩn bị xong mới hạ lệnh nổ súng vì lúc 5 giờ 30 toán tuần tiễu của địch chạm súng với ta ở ngoại vi Đông Khê. Chúng chạy về đồn, ngay sau đó phao địch từ trong đồn bắn mạnh về hướng tiến công của Trung đoàn 174.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #122 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2013, 03:46:59 pm »

Cơ quan tham mưu phán đoán địch có thể từ Thất Khê lên phối hợp với quân dù chiếm lại Đông Khê, nên đề nghị với Bộ Chỉ huy hạ quyết tâm tiêu diệt một bộ phận quan trọng viện binh của địch (chứng 2 tiểu đoàn). Khu vực quyết chiến là đoạn đường từ Đông Khê đến Lũng Phầy.

Trong mệnh lệnh ngày 21-9, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định:

- Đại đoàn 308 (có hai tiểu đoàn 11 và 428 phối thuộc) bố trí ở khu tam giác Lũng Chả - Bình Xiên - Nà Pá, có nhiệm vụ đánh địch từ Thất Khê lên.

- Trung đoàn 174 bố trí ở phía bắc thị trấn Đông Khê, có nhiệm vụ đánh quân dù nhảy xuống Đông Khê và vùng phụ cận.

- Trung đoàn 209 làm lực lượng dự bị chung của toàn mặt trận.

- Ở mặt trận phía nam, các lực lượng vũ trang địa phương tạm ngừng mọi hoạt động (phá đường, phục kích, quấy rối) từ Lạng Sơn lên Thất Khê, để dụ địch lên.

Một tuần lễ trôi qua, viện binh địch không xuất hiện. Những tàu lá chuối lợp lán của bộ đội bắt đầu ngả màu vàng. Thời tiết đường số 4 những ngày này lúc nắng lúc mưa, tạo nên môi trường rất thích hợp cho vắt xanh và muỗi vàng hoạt động. Thêm vào không khí căng thẳng trên trận địa phục kích là gạo trong kho các đơn vị đã bắt đầu cạn.

Nhưng rồi suốt mấy ngày cuối tháng 9 đầu tháng 10, không khí ở Sở Chỉ huy chiến dịch mỗi ngày một thêm khẩn trương, căng thẳng, nhất là trong Phòng trực ban tác chiến, khi hàng loạt tin tức dồn dập bay đến gần như đồng thời: tin địch đánh lên Thái Nguyên, tin bốn tiểu đoàn quân Pháp do Lơpagiơ chỉ huy từ Thất Khê lên và đặc biệt là tin Đại đoàn 308 để địch lọt qua trận địa phục kích(1). Mấy ngày sau lại thêm tin ba tiểu đoàn quân Pháp, do Sáctông chỉ huy từ Cao Bằng rút chạy theo đường số 4 về phía nam.

Cuộc hành binh của quân Pháp lên Thái Nguyên đã trong dự kiến của Bộ Tổng tư lệnh và đã có kế hoạch ứng phó nên cơ quan tham mưu tập trung suy nghĩ giúp Bộ Chỉ huy chiến dịch chỉ đạo đánh hai binh đoàn Lơpagiơ và Sáctông. Vô luận ý định của địch như thế nào, chúng điều quân lên hướng Đông Khê là hoàn toàn có lợi cho ta. Sau khi nghe báo cáo, Cụ Hồ động viên: Cơ hội rất tốt đã xuất hiện, không được bỏ lỡ.

Lúc này trên đoạn đường trên 60 kilômét, có hai binh đoàn địch đang vận động ngược chiều nhau: bốn tiểu đoàn từ Thất Khê lên, ba tiểu đoàn từ Cao Bằng rút về. Chỉ huy trưởng Võ Nguyên Giáp lệnh cho Đại đoàn trưởng 308 cho người đi gọi ngay bộ đội về triển khai chiến đấu và dặn thêm: Nếu Binh đoàn Lơpagiơ không chiếm lại được Đông Khê, chúng có thể dồn sang khu vực Khâu Luông - Cốc Xá. Cần chú ý khu vực này. Đồng thời ông lệnh cho Trung đoàn 209 hành quân cấp tốc lên hướng Quang Liệt ngăn chặn, tiêu hao và làm chậm bước tiến của Binh đoàn Sáctông đang từ Cao Bằng rút về. Lúc này cơ quan tham mưu chiến dịch đứng trước một tình hình hết sức khẩn trương và phức tạp. Binh đoàn Lơpagiơ bị tiến công liên tục nên buộc phải bỏ đường cái và dạt sang phía tây Đông Khê, trong khi Binh đoàn Cao Bằng về đến Nậm Nang còn nguyên vẹn vì không gặp Lơpagiơ lên đón như kế hoạch nên cũng bỏ đường cái theo đường mòn từ Quang Liệt tiến về phía tây.

Cả Sở Chỉ huy quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chỉ huy chiến dịch lúc này là quyết không cho hai binh đoàn địch hội quân, không cho chúng tạo thành sức mạnh yểm trợ nhau để cùng rút về Thất Khê.

Tiếp đó lại có tin từ Lạng Sơn, Bộ Chỉ huy Khu biên thùy Đại tá Côngstăng (Constans) lệnh cho hai binh đoàn gặp nhau ở khu vực được chúng gọi là Ouest calcaire (phía tây dãy núi đá vôi - ý nói triền núi Cốc Xá). Ta đã phán đoán đúng ý đồ của địch.


(1) Sau này được biết, sau hơn một tuần chờ viện không thấy, gạo trong kho đã hết, mà nếu dùng dân công vận chuyển thì lộ kế hoạch phục kích chờ địch, Đại đoàn 308 huy động 2/3 quân số khỏe đi lấy gạo ở Tà Lùng (sát biên giới - đi và về mất hai ngày). Chỉ những người yếu mệt ở lại trông coi vũ khí. Một số cán bộ lại đi trinh sát trận địa để sẵn sàng đánh Thất Khê như dự kiến trong bước 2 của kế hoạch. Ở khu vực phục kích của đại đoàn, không có đơn vị nào hoàn chỉnh và sẵn sàng đánh địch. Khi binh đoàn Lơpagiơ đi qua, suốt trận địa đánh viện của Đại đoàn 308 bỏ ngỏ. Tình huống này có phần thiếu sót của cơ quan tham mưu chiến dịch, vì đã không bám sát tình hình các trận địa đánh viện. Chiều tối ngày 1-10, Trung đoàn 209 là đơn vị đầu tiên chạm súng với Binh đoàn Bayard khi chúng đã lên gần thị trấn Đông Khê. Quân ta đã bỏ lỡ một cơ hội đánh viện binh địch bằng một trận phục kích được chuẩn bị công khu.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #123 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2013, 03:47:58 pm »

Bài toán cấp bách đặt ra với ta lúc này là chọn đối tượng nào để tiêu diệt trước. Chỉ huy trưởng đồng ý với đề nghị của tham mưu: chọn Binh đoàn Thất Khê vì: 1- Đây là những tiểu đoàn cơ động chiến lược của địch, nếu bị tiêu diệt không những sẽ tác động trực tiếp đến Binh đoàn Sáctông mà còn ảnh hưởng đến cả phòng tuyến đường số 4; 2- Đến Đông Khê, bị tiến công liên tục nên lực lượng của Lơpagiơ đã bị tiêu hao, tinh thần đã dao động vì không chiếm lại được Đông Khê cũng không thực hiện được kế hoạch đón Sáctông ở Nậm Nàng và đang dạt sang khu Cốc Xá; 3- Một bộ phận của Đại đoàn 308 đã tiếp cận được binh đoàn này, có điều kiện triển khai chiến đấu nhanh. Phòng Tham mưu chuyển lệnh của Chỉ huy trưởng động viên bộ đội khẩn trương tiêu diệt Binh đoàn Lơpagiơ trước, đồng thời kiềm chế, ngăn chặn và tạo thế, chuẩn bị tiêu diệt nốt binh đoàn Sáctông. Bộ Chỉ huy hạ quyết tâm: dù lực lượng ta có bị tiêu hao cũng kiên quyết tiêu diệt cho kỳ được hai binh đoàn địch. Với quyết tâm đó, ta đã đi nước cờ quyết định số phận của cả bảy tiểu đoàn Âu - Phi tinh nhuệ của địch.

Về cách đánh, trong điều kiện chiến trường rất rộng, địa hình phức tạp, thời tiết xấu, khả năng trinh sát và phương tiện thông tin hạn chế, nên Bộ Chỉ huy chiến dịch chỉ thị cơ quan tham mưu giao nhiệm vụ cho các trung đoàn đồn đốc từng tiểu đoàn bám sát đánh địch và chia cắt, phá vỡ đội hình của chúng. Thực tế cho thấy cách dùng binh đó đã giúp cho tham mưu nắm địch tốt nhất. Điều đó lý giải vì sao trong điều kiện chiến trường chuyển biến hết sức mau lẹ mà từ chiều ngày 15-10 và trong suốt quá trình quân ta tiến công và tiêu diệt Binh đoàn Lơpagiơ, cơ quan tham mưu chiến dịch vẫn theo dõi được bước chuyển động của địch và hoạt động của quân ta. Tuy nhiên, qua báo cáo của tham mưu do các phái viên đốc chiến báo về, điều khiến Bộ Chỉ huy quan tâm là bắt đầu xuất hiện những khó khăn của bộ đội, nhất là về thể lực. Anh em chiến đấu liên tục ngày đêm trong điều kiện trời mưa, sương mù, đèo cao vực sâu. Do vừa hành quân, vừa tìm đường, tìm địch, nên có đơn vị có đêm chỉ cơ động được một kilômét. Chỉ huy trưởng nới với Chủ nhiệm chính trị mặt trận Lê Liêm nhắc các đơn vị: Hơn lúc nào hết, công tác chính trị cần quán triệt chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ta mệt một thì địch mệt mười, phải ráng sức trước giờ tới đích, quyết tâm tiêu diệt địch cho kỳ hết để giành lấy toàn thắng.

Đêm 7-10, nghe báo cáo của trực ban tác chiến, Bộ Chỉ huy đứng trước một tình huống ngoài dự kiến: Cánh quân Lơpagiơ về cơ bản đã bị tiêu diệt nhưng viên chỉ huy thì đang tìm đường lẩn trốn. Ngược lại, Binh đoàn Sáctông quân số còn đông nhưng viên chỉ huy đã bị bắt. Lại thêm “đội quân cứu hỏa” của De la Beaume từ Thất Khê lên đang bị Trung đoàn 174 chặn đánh ở Lũng Phầy, không sao tiến tới điểm hẹn ở Nà Cạo. Chỉ huy trưởng gọi điện cho Đại đoàn trưởng 308: Cố thu xếp cho Lơpagiơ sớm gặp Sáctông(1) và chỉ thị thêm: địch đã đưa Binh đoàn De la Beaume lên Lũng Phầy để đón Lơpagiơ và Sáctông. Đại đoàn 308 phải phối hợp với các đơn vị bạn hoàn thành nốt nhiệm vụ tiêu diệt binh đoàn này…

Sau khi Binh đoàn Sáctông tiến vào khu vực điểm cao 477 (chiều tối ngày 6-10), quân ta từng bước khép chặt vòng vây. Một bộ phận địch phản kích còn số đông tháo chạy nhưng cuối cùng, chiều hôm sau binh đoàn đã cơ bản bị tiêu diệt hoặc bị bắt, một số nhỏ tàn quân đang lẩn lút trong rừng. Đó cũng là thời điểm “cánh quân cứu hỏa De la Beaume” đằng sau quay và tháo chạy. Sau hai ngày lẩn trốn, chiều ngày 9, đến lượt Lepage bị bắt cùng với một số sĩ quan tùy tùng. Tối hôm đó, tại trại tù binh, cuộc hội ngộ Lơpagiơ - Sáctông được báo chí Pháp sau này gọi là một cuộc hẹn hò kỳ lạ (un étrange rendez-vous).

Cả hai binh đoàn địch đã bị tiêu diệt sau 8 ngay chống đỡ trong tuyệt vọng. Phòng tham mưu chuyển lệnh cho các đơn vị gấp rút củng cố lực lượng để xuống cùng với Trung đoàn 174 chuẩn bị tiến công Thất Khê. Chỉ một bộ phận nhỏ ở lại truy lùng tàn binh của Sáctông. Đây được coi là đợt 3 của chiến dịch.

Nhưng sáng ngày 10-10 có tin kỹ thuật báo cáo: địch đã rút khỏi Thất Khê (cùng ngay với việc rút khỏi Thái Nguyên). Sau Thất Khê là cả một cuộc tháo chạy dây chuyền liên tiếp khỏi Na Sầm (14-10), Đồng Đăng (17-10), Lạng Sơn - Lạng Giai (18-10), Lộc Bình - Đình Lập (20-10), An Châu (23-10). Chỉ trong vòng hơn một tuần lễ, tuyến phòng thủ của địch trên đường số 4 bị rút ngắn thêm trên 100 kilômét. Do tinh thần địch hoảng loạn sau khi hai binh đoàn bị tiêu diệt, cuộc tháo chạy đã diễn ra hoàn toàn ngoài dự kiến của cơ quan tham mưu chiến dịch. Địch tháo chạy nhanh hơn nhiều so với đôi chân (chạy bộ) của quân ta. Điều đó giải thích vì sao các đơn vị bỏ lỡ nhiều cơ hội diệt địch, điểu hình là sáng ngày 10-10. Hôm đó, địch vừa ra khỏi Thất Khê thì hàng ngàn tên đã bị dồn đống ở bắc sông Kỳ Cùng mấy tiếng đồng hồ, vì cầu bản Trại vừa bị công binh Đại đoàn 308 phá đêm trước.

Nhận thấy bộ đội đã trải qua gần nửa tháng vận động chiến đấu liên tục trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, địa hình phức tạp, sức khỏe đã giảm sút nhiều, khả năng truy kích hạn chế, Tham mưu trưởng chiến dịch Hoàng Văn Thái báo cáo và đề nghị Chỉ huy trưởng và Bộ Chỉ huy chiến dịch cho kết thúc chiến dịch vào ngày 14-10.


(1) Ý nói sớm đưa cả hai viên chỉ huy binh đoàn gặp nhau ở trại tù binh.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #124 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2013, 03:49:16 pm »

Chiến dịch Biên giới kết thúc thắng lợi sau gần một tháng chiến đấu khẩn trương liên tục.

Trên các hướng khác, sau khi buộc phải tháo chạy khỏi Thái Nguyên, do sức ép của quân ta trên các chiến trường phối hợp, địch rút chạy khỏi cả các thị xã Lao Cai, Hà Giang và Hòa Bình.

Sau 5 năm đầu kháng chiến chống Pháp, lần đầu tiên cơ quan tham mưu Tổng hành dinh giúp Bộ thống soái chỉ huy một chiến dịch tiến công quy mô lớn, huy động khoảng 4,5 vạn người (bộ đội và dân công). Số lượng hàng vận chuyển phục vụ chiến dịch lên tới 4.000 tấn. Quân ta đã hoàn thành vượt mức kế hoạch cả về tiêu diệt sinh lực địch, khai thông biên giới, giải phóng đất đai và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc.

Riêng trên đường số 4, ta đã tiêu diệt và bắt trên 8.000 tên địch, trong đó có 7 tiểu đoàn Âu - Phi và 1 tiểu đoàn ngụy bị diệt gọn. Số quân Âu - Phi bị diệt chiếm 55% lực lượng cơ động chiến lược của địch ở Bắc Bộ (5/9 tiểu đoàn) tức 41% lực lượng cơ động chiến lược trên toàn Đông Dương (5/12 tiểu đoàn). Điều đáng chú ý đối với cơ quan tham mưu là chất lượng các đơn vị địch bị tiêu diệt. Lính tabor và lính dù là những lực lượng cơ động hàng đầu của quân viễn chinh Pháp(1). Cùng với lực lượng được coi là thiện chiến bị diệt, số sĩ quan và hạ sĩ quan bị giết và bị bắt cũng lớn chưa từng thấy: 90 sĩ quan, 200 hạ sĩ quan, cả trường huấn luyện hạ sĩ quan dù BEP đi thực tập, cả bộ máy chỉ huy cụm cứ điểm Đông Khê và của hai binh đoàn, trong đó có Trung tá Sáctông được mệnh danh là “người hùng lê dương”, Trung tá Lơpagiơ (mới được đưa từ châu Phi sang) được coi là cánh tay phải của Tổng Chỉ huy Cácpăngchiê (Michel Carpentier)… Tổn thất trên đây của địch không chỉ là về mặt binh lực mà còn là một đòn đánh mạnh vào tinh thần quân viễn chinh Pháp và bộ máy điều hành chiến tranh của Pháp từ Pari đến Sài Gòn và Hà Nội. Từ sự kiện quân Pháp vội vã tháo chạy khỏi một căn cứ lớn ở Lạng Sơn để lại rất nhiều đạn dược và phương tiện chiến tranh, báo chí Pháp nhắc lại một thất bại điển hình của quân Pháp ở Lạng Sơn 65 năm trước để chứng minh rằng lần thứ hai quân da trắng bị người da vàng đánh bại trên mảnh đất biên giới này(2).

Về giải phóng đất đai trên đường số 4, ta đã hoàn thành vượt mức gấp ba lần kế hoạch dự kiến giải phóng biên giới(3), đã hoàn thành nhiệm vụ khai thông đường giao lưu quốc tế và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc.

Trên các hướng phối hợp, nhất là vùng núi Tây Bắc và Hòa Bình, ta đã buộc địch phải rút khỏi khu Lao - Hà, co về Sơn La, Lai Châu, phải bỏ “xứ Mường” Hòa Bình; địch còn phải bỏ hàng loạt vị trí ở đồng bằng sông Hồng và vùng châu thổ sông Cửu Long, co về các cứ điểm lớn. Ở phía nam căn cứ địa Việt Bắc, cuộc hành binh Phoque lên Thái Nguyên của 5 tiểu đoàn bộ binh và dùng các binh chủng hỏa lực đã không phát huy tác dụng “đỡ đòn” cho phòng tuyến biên giới. Sau khi nghe tin về số phận hai binh đoàn trên đường số 4, ngày 10-10, quân Pháp phải bỏ thị xã Thái Nguyên, rút chạy về xuôi.

Nhìn lại cả 5 năm đầu kháng chiến chống Pháp, lần đầu tiên chỉ trong một mùa khô, trên chiến trường toàn quốc, quân ta đã diệt và bức hàng, bức rút 217 cứ điểm, giải phóng 17 thị trấn và nhất là 5 thị xã có tầm quan trọng khác nhau về chiến lược: Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Lao Cai, Hòa Bình. Riêng trên vùng rừng núi Bắc Bộ, với kết quả tiêu diệt và bức rút 110 vị trí lớn nhỏ, ta đã giải phóng 2/3 biên giới Việt - Trung (750/1.150 kilômét). Căn cứ địa kháng chiến được mở rộng thêm chừng 4.000 kilômét vuông với khoảng 35 vạn dân.

Thắng lợi có tầm quan trọng về chiến lược của chiến dịch Lê Hồng Phong II đã làm thay đổi hẳn cục diện chiến trường, nhất là chiến trường chính Bắc Bộ, tạo nên bước ngoặt chiến lược. Quân và dân ta đã thoát khỏi vòng vây của các thế lực đế quốc và phản động quốc tế. Cuộc kháng chiến chống Pháp chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn tiến công và phản công chiến lược.


(1) Các đơn vị tabor đã từng nổi danh ở Bắc Phi, Tulông, Mácxây và là những đơn vị đầu tiên vượt sông Ranh vào tham gia giải phóng nước Pháp (1944). Lính dù (cả BEP và BCCP, nhất là BCCP - toàn người Pháp) là những đơn vị được coi là tinh nhuệ bậc nhất trong lực lượng viễn chinh Pháp. Lính lê dương vốn có kinh nghiệm và khả năng chiến đấu cao nên ngay từ đầu cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai, lực lượng này là chỗ dựa chủ yếu của tướng lĩnh Pháp.
(2) Ngày 28-3-1885, sau khi bị đánh thiệt hại nặng ở Kỳ Lừa, một lữ đoàn quân Pháp do thiếu tướng Đờ Nêgơriê (De Négrier) chỉ huy đã phải vứt toàn bộ xe pháo, đạn dược, quân trang, lương thực và 130.000 đồng bạc trắng xuống sông Kỳ Cùng để tháo chạy thoát thân về Chũ.
(3) Kế hoạch ban đầu: giải phóng từ Cao Bằng đến Thất Khê 66 kilômét. Kết quả giải phóng từ Cao Bằng đến Đình Lập 191 kilômét.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #125 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2013, 03:50:14 pm »

V

Sau ba năm tích cực cầm cự và chuyển mạnh sang tổng phản công, mùa khô năm 1950 đánh dấu một bước tiến bộ vượt bậc của cơ quan tham mưu Tổng hành dinh. Bộ Tổng tham mưu đã vượt lên chính mình cả trong quá trình chuẩn bị và thực hành chiến dịch lớn đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ Tổng tham mưu trực tiếp làm chức năng một cơ quan tham mưu chiến dịch, lại là một chiến dịch đánh điểm diệt viện, diễn ra trên một chiến trường dài hàng trăm kilômét.

Kể từ khi có quyết tâm mới cùng chuyển hướng tiến công chiến lược sang chiến trường Đông Bắc cho đến khi mở màn chiến dịch Lê Hồng Phong II, thời gian chỉ hơn hai tháng. Trong khoảng thời gian đó, cùng với việc đưa lực lượng sang bên kia biên giới để huấn luyện và thay đổi trang bị, việc nghiên cứu chiến trường và xây dựng kế hoạch tác chiến diễn ra trong điều kiện rất khó khăn do hệ thống nắm địch chưa quy vào một mối, phương tiện thông tin quá thiếu thốn, lại do phải thay đổi mục tiêu mở màn chiến dịch nên thời gian chuẩn bị chiến đấu càng eo hẹp.

Trận Đông Khê mở màn chiến dịch là trận đánh lớn đầu tiên do Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái trực tiếp chỉ huy, lại cũng là lần đầu tiên bộ đội đánh công kiên theo chiến thuật mới vừa được huấn luyện, tiến công một cụm cứ điểm mà cả hệ thống phòng thủ đã được địch tăng cường củng cố cả về binh lực, hỏa lực và công sự sau trận ngày 25-5 của Trung đoàn 174. Cùng với tinh thần chiến đấu dũng cảm của bộ đội, trình độ chỉ huy quyết đoán của cán bộ trực tiếp cầm quân, thắng lợi của trận Đông Khê còn có sự đóng góp của cơ quan tham mưu từ bước chuẩn bị kế hoạch tác chiến đến suốt quá trình diễn biến của hơn 50 giờ chiến đấu quyết liệt để giành thắng lợi trong trận then chốt mở màn chiến dịch.

Sau trận đầu thắng lợi, cơ quan tham mưu mặt trận đã giúp Bộ Chỉ huy chiến dịch nắm được các tình huống cơ bản để chỉ huy kịp thời suốt quá trình đánh địch trong vận động. Đó là những ngày nói lên sự trưởng thành của cơ quan tham mưu trong cuộc đối đầu với địch trong những tình huống hết sức khẩn trương căng thẳng để góp phần đưa chiến dịch đến thắng lợi trọn vẹn.

1- Sau khi cụm cứ điểm Đông Khê bị tiêu diệt, trên cơ sở phán đoán địch sẽ lên chiếm lại Đông Khê hoặc lên đón quân từ Cao Bằng rút về, cơ quan tham mưu đã đề nghị kiên trì chờ viện mà chưa vội đánh Thất Khê. Mười ngày chờ viện không chỉ là những ngày “sốt suột” đối với bộ đội trên trận địa phục kích, những ngày vượt qua mọi khó khăn thử thách đối với bộ máy hậu cần tiếp tế các cấp, mà còn là những giờ phút căng thẳng ở cơ quan tham mưu chiến dịch. Các cuộc trao đổi tranh luận sôi nổi diễn ra hầu như hàng ngày về khả năng viện binh địch xuất hiện hay không, nhất là khi có tin hàng vạn quân tiến lên chiếm Thái Nguyên. Đề bạt chủ trương kiên trì chờ viện là một cách xử lý tình huống chính xác của cơ quan tham mưu chiến dịch.

2- Khi Binh đoàn Lơpagiơ lên đón đồng bọn ở Cao Bằng rút về, cơ quan tham mưu đã khẩn trương triển khai quyết tâm của Bộ Chỉ huy chiến dịch điều động kịp thời lực lượng kiềm chế Binh đoàn Cao Bằng ở Nậm Nàng để tập trung lực lượng diệt Binh đoàn Thất Khê của Lơpagiơ trước, sau đó sẽ chuyển sang diệt nốt Binh đoàn Sáctông. Thực tế cho thấy, nếu điều kiện thông tin đầy đủ hơn, cơ quan tham mưu nắm được tin Binh đoàn Sáctông rút sớm hơn (chức không phải ba ngày sau khi chúng rời thị xã) thì việc triển khai phục kích binh đoàn này còn chủ động và thuận lợi hơn nhiều, so với thực tế chỉ biết khi chúng đã về đến Nậm Nàng.

3- Bộ máy quân báo kỹ thuật đã sớm nắm được và báo cáo tình hình địch ở Thất Khê nao núng vào có triệu chứng rút quân (dân dao động, quân Pháp đốt phá…), cho nên, mặc dù lúc này lực lượng của Sáctông vẫn còn, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã kịp thời ra lệnh cho bộ đội phía dưới đánh bản Ne, bản Trại, phá cầu qua sông Kỳ Cùng, một mặt vừa để một bộ phận bộ đội tiếp tục diệt tàn quân của Sáctông, còn bao nhiêu vận động xuống Thất Khê bao vây tiêu diệt. Theo tham mưu tính toán, thời gian cơ động lực lượng khá đầy đủ nhưng cán bộ chỉ huy thấy bộ đội mệt mỏi và vì nhiều nguyên nhân khác khiến bộ đội xuống chậm nên bỏ lỡ thời cơ trong khi địch vô cùng bối rối, mất tinh thần, nhất là sáng ngày 10 chúng phải mất 6 tiếng đồng hồ mới qua được sông Kỳ Cùng.

4- Tuy nhiên, sau khi hai binh đoàn bị tiêu diệt, do địch hoảng loạn, các tình huống địch tháo chạy đều diễn ra ngoài dự kiến của ta. Khi địch rút khỏi Thất Khê và Binh đoàn De la Beaume chạy thoát, quân ta truy kích chậm nên khi bộ đội đến Na Sầm thì địch đã rút trước đó hai giờ. Do phương tiện thông tin hạn chế, các cấp chỉ huy trực tiếp có báo cáo nhưng cơ quan tham mưu không nắm được kịp thời, việc điều động bộ đội kém dần, nếu không quân ta còn phát huy chiến quả nhiều hơn nữa.

Tóm lại, trong chiến dịch Lê Hồng Phong II cơ quan tham mưu đã nắm vững những nguyên tắc chỉ đạo tác chiến cơ bản để giúp Bộ Chỉ huy điều hành chiến dịch, cả trong các tình huống gay go khi đánh cụm cứ điểm Đông Khê cũng như những tình huống hết sức khẩn trương phức tạp trong đánh vận động tiêu diệt hai binh đoàn địch. Tuy nhiên thiếu sót nổi bật của tham mưu chiến dịch là đã không dự kiến và kịp thời phát hiện sự suy sụp đột biến về tinh thần của binh sĩ và sĩ quan địch khi hai binh đoàn bị tiêu diệt. Nhìn rộng trong phạm vi cả nước, những sai lầm liên tiếp trong chỉ đạo chiến lược của Bộ Chỉ huy Pháp dẫn đến đột biến về chiến lược trên chiến trường toàn quốc và trạng thái hoảng loạn dây chuyền từ biên giới đến các cấp chỉ huy của địch ở Hà Nội, Sài Gòn và cả Pari, tất cả những tình huống đó diễn ra đều ngoài tầm phán đoán không chỉ của Bộ Tổng tham mưu mà cả Bộ thống soái của ta.

Ngày 28-11-1950, trong báo cáo tại hội nghị tổng kết chiến dịch Lê Hồng Phong II tổ chức tại xã Tổng Quận (Chợ Đồn - Thái Nguyên), Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái nhận định: “Chiến dịch Biên giới là một bước ngoặt lịch sử trên chặng đường trưởng thành của Bộ Tổng tham mưu”.

Đó là bước trưởng thành của một cơ quan tham mưu chiến lược đang trong quá trình bộ đội phát triển từ tác chiến quy mô nhỏ, từ những chiến dịch còn mang nặng dấu ấn của chiến tranh du kích tiến lên tập trung đánh lớn, trong một chiến dịch bước đầu có sự hợp đồng binh chủng quy mô lớn hơn trước. Lần đầu tiên giúp Bộ thống soái chỉ đạo một chiến dịch đánh tập trung bước đầu mang tính chất chính quy với một binh lực tương đối đông (tương đương hai đại đoàn), Bộ Tổng tham mưu đã phải vượt qua nhiều khó khăn, khắc phục những hạn chế do đội ngũ cán bộ tham mưu còn thiếu về số lượng và yếu về trình độ nghiệp vụ, cơ sở vật chất thiếu thốn trước yêu cầu của một chiến dịch đánh điểm diệt viện trên một địa bàn rộng, tình huống diễn biến khẩn trương và phức tạp.

Để góp phần vào chiến dịch này, cơ quan tham mưu đã dồn tâm huyết vào việc chuẩn bị chiến trường, xây dựng kế hoạch tác chiến chiến dịch, trước hết nhằm bảo đảm giành thắng lợi trong trận đánh then chốt mở màn chiến dịch, trận đánh do Tổng Tham mưu trưởng trực tiếp chỉ huy. Sau đó, trong quá trình vận động tiến công của các đơn vị, cơ quan tham mưu chiến dịch đã giúp Bộ Chỉ huy mặt trận chỉ đạo kết hợp giữa bộ binh với các binh chủng khác, nhất là pháo binh, kết hợp giữa chủ lực với lực lượng vũ trang địa phương, kết hợp giữa hoạt động tiến công ở khu vực quyết chiến với các hoạt động ngăn chặn, kiềm chế các địa bàn khác của chiến dịch, kết hợp giữa chiến trường trọng điểm với các chiến trường phối hợp trên toàn quốc”(1).

Công tác tham mưu chiến dịch đã hình thành và phát triển bắt đầu từ bước nghiên cứu địa hình và địch tình, xây dựng kế hoạch tác chiến đến trận đánh công kiên mở màn chiến dịch rồi các bước biến động hết sức khẩn trương trong đánh vận động tiêu diệt hai binh đoàn địch, trong đánh chặn Binh đoàn De la Beaume và trong truy kích. Trong đánh công kiên (trận Đông Khê), công tác tham mưu hướng vào yêu cầu hợp đồng bộ pháo, yêu cầu phối hợp giữa hai hướng đông bắc (hướng chủ công) với hướng phối hợp tây nam, hướng vào yêu cầu đánh từ ngoại vi đến phát triển vào tung thâm nhằm tiêu diệt địch trong một cụm cứ điểm rải ra trên một không gian bao gồm cả vùng đồi núi và dưới thung lũng (Đông Khê phố). Đánh vận động tiêu diệt hai binh đoàn địch là cả một quá trình cơ quan tham mưu chiến dịch theo dõi và chỉ đạo cuộc chiến đấu liên tục cả ngày lẫn đêm trong suốt gần 10 ngày trên một địa bàn rộng, địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, với nhiều loại hình chiến thuật và thủ đoạn tác chiến, từ bao vây chia cắt chiến dịch đến bao vây chia cắt chiến thuật trong từng trận chiến đấu cụ thể.


(1) Đó là hoạt động của bộ đội trên các mặt trận Lao Cai và Hòa Bình, của Trung đoàn 246 và lực lượng vũ trang Thái Nguyên, của Đại đoàn 304 và các lực lượng vũ trang địa phương đồng bằng Bắc Bộ, là các chiến dịch Phan Đình Phùng và Hoàng Diệu ở miền Trung, các chiến dịch Trà Vinh, Bến Cát, Long Châu Hậu ở Nam Bộ…
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #126 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2013, 03:51:17 pm »

Từ bước trưởng thành của Bộ Tổng tham mưu trong chiến dịch Biên giới có thể rút ra những kinh nghiệm (thành công và thiếu sót) sau đây:

1- Quán triệt chủ trương chiến lược của Bộ thống soái về mở đường giao lưu quốc tế, kế hoạch tác chiến do Bộ Tổng tham mưu xây dựng đã nhắm đúng vào mục đích lấy tiêu diệt sinh lực địch làm chính, lấy yếu tố quyết định để đạt tới mục đích giải phóng đất đai, khai thông biên giới, phá thế bao vây chiến lược của địch.

Xuất phát từ dự kiến về bước phát triển của cách mạng Trung Quốc tác động đến cuộc kháng chiến của Việt Nam, suốt thời gian từ cuối năm 1949 đến đầu năm 1950, Bộ thống soái kiên trì chủ trương khai thông bằng được biên giới Việt - Trung. Quán triệt chủ trương chiến lược đó, Bộ Tổng tham mưu đã tổ chức và chỉ đạo các chiến dịch trên cả hai hướng biên giới Đông Bắc và Tây Bắc. Khi Bộ thống soái quyết định chuyển hẳn hướng sang Đông Bắc, Bộ Tổng tham mưu đã vượt qua mọi khó khăn về thời gian, trình độ và phương tiện kỹ thuật để chuẩn bị chiến trường, chuẩn bị cho kịp thời gian mở một chiến dịch lớn.

Nắm vững mối quan hệ giữa tiêu diệt sinh lực địch với giải phóng đất đai (cụ thể ở đây là khai thông biên giới), từ kinh nghiệm của trận đánh tháng 5-1950 của Trung đoàn 174 (không sẵn sàng đánh viện binh địch nên địch nhanh chóng chiếm lại thị trấn Đông Khê), kế hoạch chiến dịch do Bộ Tổng tham mưu chuẩn bị luôn quán triệt phương châm đánh điểm - diệt viện, quán triệt yêu cầu coi việc tiêu diệt sinh lực địch là mục đích đầu tiên. Có tiêu diệt được sinh lực địch mới giải phóng được đất đai, mới khai thông được biên giới.

Trong điều kiện trang bị vũ khí nặng của ta còn thiếu, kinh nghiệm và trình độ đánh công kiên của ta còn hạn chế, Bộ Tổng tham mưu đã nhằm đối tượng cần tiêu diệt là lực lượng địch đã thoát ly cứ điểm, dù đó là lực lượng cơ động chiến lược của địch. Chọn đối tượng này là nhằm triệt để lợi dụng điều kiện chiến trường rừng núi (nơi địch khó phát huy ưu thế về phi cơ, pháo binh), triệt để phát huy khả năng và sở trường đánh gần, đánh đêm, tạo điều kiện thuận lợi để quân ta có thể đạt hiệu suất chiến đấu cao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch và hạn chế được thương vong. Nắm vững phương châm đánh điểm diệt viện và để thực hiện được phương châm đó, trận then chốt (đánh công kiên tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Khê) mở màn chiến dịch chỉ là trận (đánh điểm) khơi mào để thu hút viện binh địch. Trận đầu tiên diễn ra với quyết tâm phải thắng, không những để xây dựng lòng tin cho bộ đội mà chủ yếu là để kéo được quân ứng chiến (cấp chiến dịch, chiến lược) của địch ra để tiêu diệt.

2- Dựa vào nhân dân và các đoàn thể quần chúng địa phương, tận dụng kinh nghiệm của các đơn vị tại chỗ để khắc phục những hạn chế về trình độ nghiệp vụ và trang bị kỹ thuật của ta.

Lê Hồng Phong II là chiến dịch đầu tiên của Bộ Tổng tham mưu đối mặt với một đối tượng tác chiến đông về số lượng và thiện chiến về khả năng phòng ngự. Lần đầu tiên giúp trên chuẩn bị và thực hành chiến dịch lớn, những khó khăn lớn của Bộ Tổng tham mưu dường như lại nhân lên trong điều kiện tổ chức nắm địch chưa ổn định, trình độ nghiệp vụ trinh sát hạn chế, trang bị thông tin chỉ huy vừa thiếu vừa lạc hậu. Nhưng chức năng đồi hỏi và bản lĩnh chính trị đã cho phép từng thành viên trong Bộ Tổng tham mưu vượt lên chính mình để hoàn thành nhiệm vụ.

Với tinh thần thực sự cầu thị, chịu học hỏi, không giấu dốt, các bộ phận trinh sát và thông tin đi chuẩn bị chiến trường đã xác định hướng khắc phục là dựa vào dân và các đoàn thể quần chúng tại chỗ, dựa vào những đơn vị có kinh nghiệm về chiến trường đường số 4 (như Trung đoàn 174, Tiểu đoàn địa phương 426…) để tìm hiểu về địch, làm binh yếu địa chí, đã biết dựa vào đường dây của bưu điện tại chỗ để khắc phục những khó khăn về báo cáo tin tức về địch…

3- Chọn mục tiêu mở màn chiến dịch phải phù hợp với khả năng thực tế của bộ đội, bảo đảm trận đầu chắc thắng, tạo đào cho toàn chiến dịch.

Việc Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái chọn Cao Bằng làm mục tiêu tiến công mở màn chiến dịch là theo dự án ban đầu của Bộ Tổng tư lệnh. Tuy nhiên, trong việc đề đạt mục tiêu tiến công mở màn chiến dịch, sở dĩ mục tiêu Cao Bằng không được Chỉ huy trưởng chiến dịch chấp nhận là vì cơ quan tham mưu chiến dịch đã không làm tốt chức năng trong quá trình nghiên cứu chiến trường và chuẩn bị kế hoạch để có cơ sở đề đạt chính xác mục tiêu tiến công đầu tiên của chiến dịch. Cụ thể là: 1- Trong việc trinh sát thực địa, tham mưu đã không nhạy bén phát hiện đầy đủ những thay đổi về cách bố phòng của địch trên phòng tuyến đường số 4 nói chung, ở Cao Bằng nói riêng, nên không đánh giá đầy đủ tình hình đã thay đổi sau trận tiến công Đông Khê ngày 25-5 của Trung đoàn 174: địch tăng cường binh lực, hỏa lực và công sự trên toàn tuyến phòng thủ đường số 4. Công tác trinh sát thực địa đã không phát hiện đầy đủ những điểm mạnh trong cách bố phòng của địch ở Cao Bằng, như địa hình phức tạp (nhất là hai con sông bao quanh thị xã), khả năng cơ động của xe tăng địch, khả năng quân dù tăng viện, công sự, binh lực… của địch; 2- Cơ quan tham mưu đã không đánh giá đúng khả năng hạn chế của bộ đội chủ lực trong đánh công kiên. Quân ta chưa đủ sức tiêu diệt một cụm cứ điểm do hai tiểu đoàn địch đóng giữ. So với trước, trình độ đánh công kiên của bộ đội đã được nâng lên do được học tập kinh nghiệm của Quân giải phóng Trung Quốc, nhưng việc học tập chưa được thực nghiệm trong thực tế chiến đấu. 3- Cơ quan tham mưu chiến dịch đã không thấy hết tầm quan trọng của trận mở màn chiến dịch, không quán triệt đầy đủ yêu cầu đánh thắng trận đầu. Nếu mở màn không chắc thắng, bị “sượng”, sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chiến dịch, nhất là Biên giới lại là chiến dịch đầu tiên do Bộ Tổng tư lệnh trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #127 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2013, 03:51:35 pm »

4- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bạn, tạo thành sức mạnh tập thể, tổng hợp, hỗ trợ đắc lực và kịp thời cho các đơn vị vượt qua những thử thách trong những tình huống khẩn trương phức tạp để giành thắng lợi.

Một đặc điểm tình hình là mới đến tháng 7-1950 cơ quan Tổng hành dinh mới thay đổi cả về mặt tổ chức và về nhân sự. Điều đó liên quan trực tiếp đến sự chỉ đạo chuẩn bị và điều hành chiến dịch Biên giới. Từ khi Thường vụ Trung ương quyết định chuyển hướng tiến công chiến lược sang Đông Bắc, thời gian chuẩn bị chiến dịch của ba cơ quan Bộ Tổng tư lệnh rất eo hẹp. Sau đó, khi quyết định chuyển mục tiêu mở màn chiến dịch từ Cao Bằng xuống Đông Khê, thời gian chuẩn bị chỉ chừng một tháng rưỡi. Trong điều kiện thời gian gấp rút như vậy, sự hạn chế về vật chất trang bị (phương tiện đi lại và vận chuyển, phương tiện thông tin, trinh sát…) càng làm cho việc chuẩn bị và thực hành chiến dịch thêm khó khăn. Nhưng do có sự phối hợp chặt chẽ giữa ba cơ quan tham mưu, chính trị và cung cấp chiến dịch nên đã tạo thành sức mạnh tập thể, giúp cho từng bộ phận vượt qua những khó khăn trong quá trình chuẩn bị cũng như trong những tình huống hết sức khẩn trương trong chiến đấu của bộ đội. Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ với tham mưu mà hậu cần xác định quanh khu vực lập kho trạm khi chuyển hệ thống hậu cần từ Cao Bằng xuống Đông Khê và sau đó là hướng tiếp tế cho bộ đội trong từng tình huống đánh vận động. Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ với tham mưu mà cơ quan chính trị biết cụ thể hơn những khó khăn gian khổ của bộ đội chiến đấu liên tục trong thời tiết khắc nghiệt, địa hình phức tạp, để có cơ sở động viên bộ đội quyết tâm tiêu diệt địch, nhất là các mũi bao vây tiến công địch trong khu vực Cốc Xá - 477 và những đơn vị truy kích địch.

Đúng như Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đã nói trong hội nghị tổng kết. chiến dịch Biên giới là một bước ngoặt lịch sử trên chặng đường trưởng thành của Bộ Tổng tham mưu. Từ đây, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp đã thoát khỏi thế bao vây của địch, những kinh nghiệm thu hoạch được trong chiến dịch Lê Hồng Phong II sẽ tạo đà để Bộ Tổng tham mưu tiếp tục vươn tới những bước trưởng thanh mới trong các chiến dịch tiếp theo trong những năm còn lại của cuộc kháng chiến chống Pháp.

5- Nắm địch một cách toàn diện, thấy cả mặt mạnh và mặt yếu của chúng, theo quan điểm phát triển và trong mối quan hệ giữa binh khí kỹ thuật và tinh thần chiến đấu của địch, giữa những tình huống thông thường và tình huống đột biến, giữa chiến trường chính và các chiến trường phối hợp.

Ngay từ trước khi Bộ thống soái quyết định chuyển hướng chiến dịch sang Đông Bắc, Bộ Tổng tham mưu vẫn xác định: so với hướng Tây Bắc thì quân địch trên đường số 4 mạnh hơn. Đó là những đơn vị Âu - Phi thiện chiến, đứng trong công sự đang được củng cố ngày càng vững chắc. Ta phán đoán: một khi phòng tuyến bị tiến công, địch có thể tăng viện, đưa lực lượng của chúng trên đường số 4 lên tới 20 tiểu đoàn, tức là tương đương với số bộ đội chủ lực tham gia chiến dịch của ta. Nhưng đồng thời, Bộ Tổng tham mưu cũng phát hiện chỗ yếu cơ bản của chúng là lực lượng bị rải ra trên một phòng tuyến rất dài, vị trí nọ cách vị trí kia hàng mấy chục kilômét đường rừng hiểm trở, thời tiết mùa đông, một khi bị tiến công, việc ứng chiến rất khó khăn.

Một cái bệnh cố hữu của quân viễn chinh xâm lược là ỷ vào vũ khí, vào sức đề kháng của công sự. Thực tế trận Đông Khê cho thấy, một khi sức mạnh của xi măng - sắt thép đã không cứu được quân đồn trú trong cụm cứ điểm thì thất bại đó sẽ tác động rất lớn đến tinh thần và tư tưởng của lực lượng ứng cứu (thoát ly công sự) một khi phải đối mặt với quân ta. Điều đó lý giải vì sao cánh quân Lơpagiơ sớm bị dao động ngay trong trận chạm súng đầu tiên với Trung đoàn 209. Không những Binh đoàn Bayard của Lơpagiơ đuối sức trước yêu cầu chiếm lại Đông Khê mà còn bỏ cả nhiệm vụ lên Nậm Nàng để đón Binh đoàn Sáctông. Binh đoàn Bayard thủ tiêu chiến đấu, dạt sang phía tây đường cái. Trong khi đó, rút chạy từ Cao Bằng xuống đến Nậm Nàng không gặp Lơpagiơ lên đón là một sự hụt hẫng lớn về tinh thần của Binh đoàn Sáctông. Sau này hồi ký của viên trung tá này cho thấy, theo đường Quang Liệt, càng tiến sâu vào phía tây đường số 4, giữa cảnh rừng núi bạt ngàn, luôn bị đối phương ngăn chặn, càng làm cho tinh thần hắn dao động, suy sụp. Điều đó được thể hiện cụ thể bằng hành động của viên sĩ quan viễn chinh được mệnh danh là “anh hùng lê dương”: bỏ rơi cả binh đoàn trong cơn hoạn nạn để hòng chạy thoát thân.

Nhìn trong phạm vi cả nước, Bộ Tổng tham mưu cũng khẳng định và báo cáo với Bộ Chỉ huy chiến dịch rằng khả năng ứng cứu của địch đối với đường số 4 là rất hạn chế. Trong tay Tổng Chỉ huy Cácpăngchiê chỉ có 9 tiểu đoàn cơ động chiến lược trên toàn Bắc Bộ, 12 tiểu đoàn cơ động chiến lược trên toàn Đông Dương, vậy mà ông ta buộc phải ném xuống tăng cường cho Cao Bằng 1 tiểu đoàn, dùng 5 tiểu đoàn để mở cuộc hành binh Phoque lên Thái Nguyên, giao cho Lơpagiơ (Binh đoàn Bayard) 4 tiểu đoàn, tất cả nói lên sự cố gắng tột đỉnh của Bộ Chỉ huy Pháp trong bối cảnh còn phải rải quân ra ứng phó với các chiến trường phối hợp của đối phương đang hằng ngày không ngừng chia lửa với chiến trường chính Cao - Lạng. Điều đó giải thích vì sao cuối cùng địch buộc phải bỏ một phòng tuyến quan trọng như đường số 4, dù biết rằng khu biên thùy Đông Bắc (ZFNE) bị đánh sập, quân Pháp sẽ đứng trước một cục diện chiến lược hết sức bất lợi, nhất là sau khi cách mạng Trung Quốc đã thành công.

Tuy nhiên, việc nắm địch trong điều kiện từng binh đoàn lần lượt bị dồn vào bước đường cùng, các tình huống chiến dịch diễn biến hết sức mau lẹ, là điều hết sức khó khăn đối với bộ phận quân báo, trinh sát, cả trong quá trình tiến đánh hai binh đoàn cũng như sau khi chúng bị tiêu diệt. Điều đó lý giải vì sao cơ quan tham mưu chiến dịch đã không dự kiến kịp thời suy sụp đột biến của tinh thần địch. Việc không điều động kịp thời Trung đoàn 174 xuống phía dưới Thất Khê, không ra lệnh kịp thời cho Trung đoàn 98 lên “đón lõng” phía nam đường số 4, v.v. bắt nguồn từ sự thiếu nhạy bén dự kiến tinh thần hoảng loạn của địch và dự kiến cuộc tháo chạy dây chuyền của chúng trên tuyến đường mấy trăm kilômét. Thiếu sót đó đã hạn chế tầm vóc thắng lợi của chiến dịch Lê Hồng Phong II.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #128 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2013, 03:51:55 pm »



Đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên
của Quân đội nhân dân Việt Nam




Cán bộ Phòng Nhân sự (phòng 1) - Bộ Tổng tham mưu, năm 1946



Một số cán bộ, nhân viên, chiến sĩ đầu tiên của Ban Mật mã - Bộ Tổng tham mưu



Các cán bộ đầu tiên của ngành Bản đồ quân sự - Bộ Tổng tham mưu
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #129 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2013, 03:53:08 pm »



Cán bộ Phòng Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu ở Chiến khu Việt Bắc, tháng 2-1947



Cán bộ Bộ Tổng tham mưu xuống cơ sở huấn luyện du kích bắn súng



Đồng chí Võ Nguyên Giáp và cán bộ Bộ Tổng tham mưu kiểm tra
Xưởng sản xuất vũ khí Giang Tiên, Thái Nguyên




Đồng chí Trần Hiệu (người mặc áo nâu) - phụ trách tình báo và một số cán bộ
Phòng Tình báo - Bộ Tổng tham mưu ở Nà Mộc, Thái Nguyên
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM