Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 11:57:48 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chuyện ở C20-E95-F325  (Đọc 191166 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #340 vào lúc: 15 Tháng Mười, 2014, 06:48:01 pm »

Chị xuanv338, chị năng ra Hà Nội thì chị em mình sẽ hay gặp nhau thôi. Còn bác quanvietnam mục đích chính là viết cho con cháu nó đọc và làm theo như cả xã hội ta đang học tập và làm theo Cụ Hồ. Nhưng các cụ bảo nào là nước mắt chảy xuôi, nào là dao sắc không gọt được chuôi. Nó khó thế đấy chị ạ, mà biết đâu con cháu nó không nghe theo mình nó mới khá thì sao, mỗi thời nó một khác chứ. Thế nhưng đã là con tằm thì phải nhả tơ, nhả tơ cho đến khi thác, đó là nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước, Quân đội đã giao cho cụ CCB quanvietnam nhà ta. Ọ ẹ một lúc lâu lâu như cái đài O-ri-ông-tông cũ rồi cụ lại nhả tơ thôi, tính kỷ luật của lính Cụ Hồ cao lắm chị xuanv338 ạ.

Còn nói về cái hay trong câu chuyện của bác quanvietnam nó nằm ở 2 vấn đề. Thứ nhất bác kể câu chuyện theo kiểu cổ điển, rất lô gich và rành mạch, dễ theo dõi, hành văn rất sáng sủa. Thứ hai, bác là người trong cuộc mà bản thân bác lại sống rất sâu với các biến cố, sự kiện trong đời riêng, trong xã hội quanh mình, các sự kiện bác thuật lại đều được nhìn dưới nhiều góc nhìn có độ lùi về thời gian, từ các điểm nhìn của nhiều người tham gia trong cùng sự kiện. Vì vậy câu chuyện của bác luôn có chiều sâu, có sự đặt vấn đề đa diện, có sự gợi mở suy nghĩ tiếp cho người đọc. Nhân bác đang nói về thời chạm mặt trực tiếp với sĩ quan binh lính VNCH ở Quảng Trị sau hiệp định Paris, lực lượng đối đầu chủ chốt với quân ta hồi ấy là sắc lính TQLC. Mặc dù lính thì chủ yếu là người Nam, nhưng sĩ quan chỉ huy người Bắc rất nhiều, cũng rất nhiều người Hà Nội. Chủ yếu là khóa sĩ quan trù bị Nam Định năm 1951 khi Bảo Đại được người Pháp sử dụng làm Quốc trưởng, đồng thời viên tướng Pháp De Lattre De Tassigny có kế hoạch đào tạo sĩ quan bản xứ để dần dần đảm nhiệm tác chiến đỡ cho quân viễn chinh Pháp. Các viên lữ đoàn trưởng TQLC như 147, 258, 369 tham gia trận Quảng Trị 72 đều là người Bắc từ khóa sĩ quan 1951 đó mà ra cả, các tiểu đoàn trưởng cũng phần đông là người Bắc. Tư lệnh mặt trận Quảng Trị phía đối phương khi mở chiến dịch tái chiếm thành cổ, tướng Ngô Quang Trưởng là người Bến Tre nhưng cũng là con rể của nhà văn Thạch Lam. Tư lệnh sư đoàn TQLC tướng Bùi Thế Lân cũng là người Hà Nội. Vì không đi cùng con đường với nhau nên phải đối đầu nhau mà thôi. Còn nhiều ví dụ nữa, ví như tướng Vĩnh Lộc em họ Bảo Đại, Tổng tham mưu trưởng cuối cùng của chế độ VNCH chính là người đã học khóa 1 Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn năm 1946, tướng cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan mặc dù là người sinh ra ở Huế nhưng là cháu trực hệ mười mấy đời của Cụ Nguyễn Trãi, thuộc chi Nhị Khê Hà Tây. Trong khi đó TBT Nguyễn Văn Cừ lại là cháu trực hệ mười bảy đời Cụ Nguyễn Trãi, thuộc chi Phù Khê Bắc Ninh.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Mười, 2014, 01:25:06 pm gửi bởi qtdc » Logged
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #341 vào lúc: 17 Tháng Mười, 2014, 10:08:37 am »

 xuanv338 chào bác chủ quanvietnam. Chào qtdc. Chào các bác. Em đang thấy bác có mặt ở nhà nên vào xin bác chén nước lấy cớ ngồi hóng truyện của bác đây. May quá lại được nghe cả truyện kể của người đồng hương nói ý chắc như Đinh, văn cũng mềm như Lụa. Mình nói rất thật đấy qtdc ạ! Thấy tự hào cho quê Lúa quá! Trang nhà bác quanvietnam được chủ đã viết hay lại khách vào viết hay không kém. bác quanvietnam cho phép xuanv338 thường xuyên được vào nghe lỏm. Chiều qua em đã được nghe lỏm bài viết của qtdc ở  nhà bác phicongtiemkich. Hôm nay em lại quay sang nhà bác. Nghe, đọc để được hiểu rộng hơn. xuanv338 Kính bác.
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Mười, 2014, 10:21:40 am gửi bởi xuanv338 » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #342 vào lúc: 17 Tháng Mười, 2014, 01:09:44 pm »

Chị xuanv338 à, anh chị em mình cứ trong nhà khen nhau hoài như vậy cũng chí nguy đấy. Các tỉnh khác đều có những mặt xuất sắc hơn Thái Bình nhiều. Nhưng phải nói Thái Bình cũng đáng tự hào thật. Nổi dậy chống sưu cao thuế nặng thời Pháp năm 30, trực tiếp chỉ huy bắt sống tướng De Castrie năm 1954, bắn trúng B-52 những hai lần các năm 71 và 72, cắm cờ dinh Độc Lập năm 75, mang bèo hoa dâu lên vũ trụ năm 80 v.v.... Không những giỏi nông nghiệp lại giỏi cả công nghiệp, có Nhà máy Cháo duy nhất trên cả nước từ đời nảo đời nào đến nay cũng chẳng tỉnh nào có. Cầu Bo quê mình cũng to đâu có kém Cầu Bố ở quê hương Đức Vua Lê. Rồi chưa có tỉnh nào có tinh thần bình quyền nam-nữ như tỉnh mình: cứ đẻ hai con gái là tôn vinh và thưởng 2 quạt cây.
Chưa nói đến chuyện lịch sử xa xưa: Nhà Trần phát lên chính từ Hưng Hà rồi mới sang Tức Mặc.
Đi hội họp ăn uống mỗi khi thấy cạnh mình có người nói cho tôi xin cái muôi là em lại giật mình lễ phép hỏi, nếu tôi không nghe nhầm, có phải ông bà (cô, bác, anh chị, em cháu) vừa cho tôi cái vinh dự được làm người đồng hương phải không ạ. Bao nhiêu công lao với quốc gia như thế mà hồi mở rộng thủ đô cách đây mấy năm, các bác thủ đô nỡ lòng nào không mở rộng địa giới cho bao trọn quê mình, tủi thân quá.
Laị nữa, Mẹ Âu Cơ chia tay Lạc Long Quân dẫn 50 con xuống biển, vậy đền thờ Mẹ Âu Cơ đáng phải để ở Thái Bình chứ phải không chị.
Logged
xuanv338
Thành viên
*
Bài viết: 1569


muốn xoa bài viét thừ


« Trả lời #343 vào lúc: 17 Tháng Mười, 2014, 01:34:27 pm »

 Bác quanvietnam không về nhanh thì quân Thái Bình em chiếm luôn sổ đỏ mất. Nói vui thôi! bác cho chị em người Thái Bình giao lưu chút xíu mà.
 qtdc ơi! Còn một việc nữa mà Thái Bình đã để lại tiếng thơm còn vang vọng đến bây giờ và một chuyện gây xôn xao cả nước qtdc có nhớ không.  ..Thái Bình có cái trống rất to và tiếng trống đánh kêu rất vang nhất. Đó là tiếng Trống năm 30 của nông dân Tiền Hải theo lời Đảng gọi đấu tranh giành quyền sống với giặc Pháp. Và còn  hì,,hi... Tiếng trống năm 1997 chống tham nhũng, bắt cả công an gây chấn động toàn quốc..... Xem ra Thái Bình nhỏ xíu, bốn bề là sông và biển vây quanh như một hòn Đảo nhỏ mà cũng làm nên lắm truyện phải không đồng hương?  Thôi em trả nhà cho bác quanvietnam, em về ạ . Chúc bác mạnh khỏe, có bài mới đi bác.
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Mười, 2014, 01:48:09 pm gửi bởi xuanv338 » Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #344 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2014, 04:21:04 pm »

 Đông vui quá. Mọi người quên Quanvn là rể TB à? Nhà bà xã Quanvn ở phường Quang Trung thành phố TB. Xin chào và hẹn gặp lại.
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #345 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2014, 01:27:25 pm »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
6- Số phận
        Lúc này, không gian bãi chiến trường dường như bị thu hẹp lại, thời gian ngừng chuyển động. Mọi động tác của tôi lúc này không còn chuẩn nữa, tay tôi cứ run run vì quá hồi hộp. Vẫn cái xanhtuya chiến lợi phẩm lấy được của địch mà tôi sử dụng nó lâu lắm rồi, quen đến nỗi ngay cả trong đêm tối tôi vẫn thành thục mở ra đóng vào dễ như không, chỗ nào cài lựu đạn chỗ nào cài dao găm, nơi nào deo bình tông nước, nơi nào túi lương khô chỗ nào là bông băng tôi nhớ như in, kể cả trong đêm không cần nhìn tôi vẫn thao tác chính xác.
   Ấy vậy mà hôm nay tôi lúng túng, chỉ mỗi động tác hóp bụng vào mở nút xanhtuya ra mà hóp mãi cũng không mở được. Ngay cả khẩu AK báng gập vật bất ly thân của tôi, tôi yêu nó như yêu chính bản thân tôi cũng thế, tôi cố đưa dây súng qua đầu nhưng nó vẫn không chịu ra cứ nhùng nhằng vì vướng mũ tai bèo. Hình như súng với tôi không bao giờ nỡ rời nhau, nếu rời nhau ra coi như chấp nhận phó thác số phận cho kẻ địch, chắc là có điềm gì nên nó không muốn xa tôi? Tôi thoáng nghĩ thế.
   Vừa cởi bỏ vũ khí, tôi chăm chú quan sát những người lính VNCH, họ vẫn chăm chú nhìn tôi. Một phút rồi hai phút qua đi, tất cả đều bình thường vẫn không có chuyện gì xảy ra nên tôi mạnh dạn hơn. Bên trái và bên phải tôi, những chiến sĩ của C20 được phân công cắm cờ đêm qua cũng đã xuất hiện sau tôi vài mét. Nhìn thấy họ tôi như được củng cố thêm sức mạnh, tôi tự tin bước về phía ba người lính VNCH.
  Người lính cao to, trông dáng có vẻ là sĩ quan chỉ huy nên đứng ở giữa, hai người thấp bé đứng hai bên. Không biết họ nhìn tôi họ đánh giá thế nào? Còn tôi nhìn họ, tôi cảm thấy bình thường chứ không gớm giếc như trong phim trong ảnh. Bộ quần áo rằn ri, lắm đai lắm móc bó chẽn lấy người. Cộng với những khuôn mặt hốc hác lấm lem bùn đất, tóc tai râu ria lởm chởm, nên trông cũng có vẻ dữ dằn. Những con người này, nếu được sửa sang tắm gội thì cũng bình thường như bao nhiêu người khác.
 Từ ngày xông pha trận mạc, đây là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy người lính quân lực VNCH bằng xương bằng thịt, là một cơ thể sống còn đầy đủ mọi bộ phận của cơ thể. Những lần trước, thường nhìn thấy họ trong hoàn cảnh xác không toàn thây không mất cái nọ cũng thiếu cái kia. Họ là kẻ thù, nhưng vì tình đồng loại nhìn xác họ cũng cảm thấy thương xót nên không bao giờ dám nhìn kỹ. Trong lòng tôi không có sự căm gét hận thù, mà chỉ có sự xót xa cho số phận.
  Chúng tôi giáp mặt nhau. Người lính cao lớn đưa tay ra bắt tay tôi và tự giới thiệu:
   -Tôi! Đại úy Tín, sĩ quan thủy quân lục chiến, thuộc quân lực VNCH rất hân hạnh được bắt tay ngài chỉ huy quân giải phóng.
  Ông biết không? Lúc ấy tôi lúng túng quá. Tôi lúng túng vì người lính này phong chức cho tôi là chỉ huy quân giải phóng làm tôi ngượng. Thực ra tại lúc ấy, tôi không biết quân hàm của tôi là gì, chắc ông cũng như tôi. Lúc hành quân vào Nam đi chiến đấu chúng mình vẫn là binh nhất bây giờ là gì thì không biết, còn chức vụ của tôi đương nhiên là chiến sĩ rồi. Thú thực, chuyện tôi là chỉ huy quân giải phóng hay không, tôi không quan tâm, mà tôi quan tâm đến việc trọng đại, không biết có được bắt tay kẻ thù không? Vì lý do ấy nên tôi lại càng lúng túng, không biết làm như thế đúng hay sai? Có vi phạm lập trường hay quan điểm gì không? Tôi tắc lưỡi không biết là đúng hay sai, nhưng người ta giơ tay ra bắt mà mình đứng như phỗng cũng khó coi, thôi thì bí quá cứ làm đại đi, có ai biết đâu mà sợ. Tôi giơ tay ra bắt và nói:
   -Chào các ông binh sĩ quân lực VNCH!
   -Chào ông cán bộ quân giải phóng!
  Vừa lúc ấy mấy anh em của đại đội mình cũng ào đến, hai bên địch ta bắt tay nhau mà không ai nói với ai, chỉ có những ánh mắt bán tín bán nghi của cả hai bên đưa qua đưa lại dò xét nhau. Có lẽ phải mất hai ba phút gì đó, cả địch và ta đều im lặng. Để phá đi bầu không khí nặng nề, tôi đề nghị cả hai bên ngồi xuống, ngồi thành hai hàng để nói chuyện cho nó tình cảm. Cả hai bên lục tục ngồi bệt xuống bãi cỏ. Các chiến sĩ bộ binh K4 ở phía tay trái và tay phải chúng tôi, thấy không có vấn đề gì nguy hiểm nên cũng rời khỏi chốt tiến về phía chúng tôi. Tên lính cao lớn tên là Tín, vội vàng xua tay ra hiệu và thất thanh:
   -Dừng lại! Có mìn.
Tôi không biết nó nói đúng hay sai, nhưng với bản năng tự vệ, tôi cũng gào rất to:
 -Dừng lại! Có mìn.
   Tốp bộ đội nghe nói có mìn là dừng lại không tiến lên nữa, Tôi quay sang hỏi tên Tín:
   -Tại sao ở đó lại có mìn?
   -Các ông đánh tấn công để lấn đất, chúng tôi phòng ngự để giữ đất, vũ khí lợi hại của chúng tôi là những bãi mìn, vì vậy dọc tuyến này là chúng tôi gài rất nhiều mìn.
   -Ông nói thế nào tôi không hiểu? Các ông đang cố hất chúng tôi sang bờ Bắc sông Thạch Hãn, mà các ông lại nói là các ông đánh phòng ngự là nghĩa làm sao?
   -Đúng là như vậy! Nhưng đánh mãi không được các ông nên chúng tôi đành phải chuyển sang chiến thuật: Giữ đất trước, lấn đất sau.
   -Thì ra là thế! Ghê thật.
  Cả hai bên không biết bắt đầu câu chuyện như thế nào, với lại đều có ý nhường nhau nói trước thành ra ngồi nhìn nhau chờ đợi. Thời gian lặng lẽ trôi, những người lính của hai phía đều im lặng. Lúc này bên phía binh sĩ quân lực VNCH đã tăng thêm 4 người nữa, tổng cộng là 7 người, còn bên ta cũng 7 người gồm 3 trinh sát C20, 4 bộ binh của K4.
   Nhìn bên mình, không thấy ai có vẻ xứng đáng làm thủ lĩnh để đối đáp với bên địch. Mặt khác, tôi nghĩ không nên kéo dài tình trạng này, nên tôi bắt đầu trước:
   -Xin chào tất cả anh em của hai bên! Cho phép tôi được xưng hô là anh em cho nó thân mật. Đúng như vậy, tất cả chúng ta đều là con Lạc cháu Hồng, đều là người một nhà, vì vậy chúng ta đã là anh em và bây giờ vẫn là anh em. Thời gian trước vì bất đồng quan điểm giai cấp, đồng thời thiếu tôn trọng hiệp định Giơnevo dẫn đến cuộc chiến tranh máu lửa tương tàn nồi da xáo thịt này.
 Bây giờ hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam đã được ký kết, đất nước chúng ta bước sang kỷ nguyên mới, chúng ta hãy tôn trọng hiệp định chấm dứt chiến tranh để sống trong hòa bình. Kể từ giờ phút này, tôi đề nghị anh em cả hai bên không nói chuyện chính trị, không nói về chiến tranh, chúng ta chỉ nói về tình cảm anh em, chuyện gia đình vợ con, chuyện học hành v.v. Tôi đề nghị thế, ông Tín có đồng ý không?
  Đại úy Tín bật ngay dậy:
   -Tôi đồng ý! Nếu như không có Nước Mỹ nước Nga Xô thì đất nước mình có bao giờ lại đánh nhau. Chính vì các nước ấy nên anh em ta là con Lạc cháu Hồng đều là máu đỏ da vàng lại nồi da xáo thịt lẫn nhau.
   Tôi cười thầm, sĩ quan quân lực VNCH mà ấu trĩ về chính trị, hay là cơ quan tâm lý chiến đã nhồi sọ họ như vậy. Thôi! Chuyện ấy cũng không quan trọng, mà quan trọng là giữ cho được không khí hòa bình còn rất manh nha. Tôi lảng sang chuyện khác ngay:
   -Tôi tự giới thiệu, tôi tên là Khoa quê Ninh bình, năm nay 24 tuổi, chưa vợ con.
  Ông biết không? Tôi cố gắng giữ bí mật, chỉ tiết lộ những thông tin không cần thiết. Duy có thông tin về tỉnh Ninh Bình là tôi nói thật, ý đồ của tôi là biết đâu đấy có thể tìm thấy thông tin về gia đình bác tôi. Nhưng ý đồ ấy của tôi, giống như viên sỏi ném xuống ao bèo tấm, chẳng có thông tin nào được phản hồi. Đúng là huyễn hoặc, mò kim đáy biển, tôi dập tắt ngay ý đồ ấy.
  Cả hai bên từng người lần lượt tự giới thiệu về mình, giống như tôi mở đầu. Không ai dặn dò, nhưng cả hai bên không bên nào tiết lộ phiên hiệu đơn vị, còn quê quán thì mỗi người mỗi quê, ngay anh em bộ đội với nhau còn chả biết hết quê quán của nhau, nói gì đến quê quán của các binh sĩ VNCH. Nhưng cũng hay, không biết tên Tín nói đúng hay nói dối, nó nói nó quê ở tỉnh Bắc Ninh, theo bố mẹ di cư vào Nam lúc 11 tuổi hiện nay đã có vợ và 1 con gái.
  Tín thò tay vào túi áo ngực rút ra tấm ảnh, vô tình bao thuốc lá Ruby văng ra. Tín thản nhiên mời anh em bộ đội hút thuốc, bộ đội ta lúc đầu còn cảnh giác chỉ đưa lên mũi ngửi không dám hút, sau thấy bên địch hút ào ào nên mới yên trí châm lửa hút. Tín đưa tấm ảnh cho tôi xem và quên mời tôi hút thuốc. Tôi chăm chú ngắm tấm ảnh, nhưng mùi thơm của thuốc lá Ruby quân tiếp vụ quân lực VNCH, có sức cuốn hút thần kỳ, nó có mùi thơm khó tả, làm tôi bị phân tâm không thể nào tập trung vào bức ảnh. Ngoài Bắc có thuốc lá Sông Cầu cũng có vị thơm ngọt ngào quyến rũ, nhưng không thể so với mùi thơm của Ruby được.
  Tôi ngắm ngía bức ảnh, thực tâm đánh giá thì vợ Tín rất xinh, có phần không công bằng so với Tín, có thể vì Tín mặc bộ quân phục Thủy quân lục chiến nên có vẻ hung dữ, không cân đối với vẻ hiền thục dễ thương của vợ Tín. Cô con gái khoảng độ 4-5 tuổi, mang nhiều nét của mẹ nên cũng rất xinh. Tôi hỏi rất tự nhiên:
   -Vợ của đại úy Tín làm gì?
  Đang tươi tỉnh vì thấy tôi cứ tấm tắc khen vợ chồng con cái xinh đẹp sống vui vẻ hạnh phúc. Nhưng khi tôi hỏi vợ làm gì, mặt Tín sa sầm xuống, đanh lại xám ngắt rồi chuyển nhanh sang trạng thái giận dữ. Tín lắc đầu nói:
   -Trước làm ở sở Mỹ, bây giờ thì đã mất việc ở nhà trông con.
   -Sao lại thế? Mà lương đại úy Tín chắc là cao lắm nên cũng chẳng lo mất việc có đúng không?
   -Cũng không hẳn thế! Chuyện dài lắm không kể hết được.
  Hai hàng ngang, địch một hàng ta một hàng, ngồi đối diện nhau chuyện trò. Hai hàng, lúc đầu mỗi bên có 7 người, bây giờ cả hai hàng được kéo dài sang hai phía đông quá. Không khí của buổi chuyện trò có vẻ thân thiện, chắc là họ kể cho nhau nghe nhiều chuyện lắm, thấy họ có vẻ hòa hợp giống như đã quen nhau từ lâu rồi. Đúng thôi! Tất cả những người lính của cả hai bên, họ đều chán ghét chiến tranh, họ khát khao có được cuộc sống thanh bình, không có tiếng bom đạn, không còn cảnh đánh nhau đầu rơi máu chảy. Giờ này, họ đang hy vọng sẽ có ngày họ được trở về quê hương, dưới mái tranh nghèo chăm sóc bố mẹ già, sống hạnh phúc bên người vợ hiền, nuôi dậy đàn con thơ.
  Ông ạ! Lúc ấy tôi nghĩ thầm, cả hai bên đã chờ đợi ngày này từ lâu lắm rồi, do vậy họ sẵn sàng thông cảm bỏ qua những lời nói động chạm đến danh dự của hai bên, nên họ quen nhau rất nhanh. Nhưng cũng phải nói thật. Có những từ khi phát ra khỏi miệng, tôi thấy ngượng như những từ: Ông Diệm, Ông Thiệu v.v. Không làm thế cũng không được, vì bản thân đại úy Tín đề nghị: Các ông giải phóng không nên xưng hô thằng Ngô Đình Diệm, thằng Nguyễn Văn Thiệu, bên tôi cũng tôn trọng lãnh tụ của cộng sản, dù có ghét chúng tôi vẫn phải xưng hô bằng ông. Vậy ông Khoa thông cảm để dễ nói chuyện. Lúc ấy đành phải đồng ý, thật ra: Từ xưa đến nay bộ đội mình quen dùng từ đối với kẻ thù là: Thằng nọ thằng kia. Bây giờ lại phải dùng : Ông nọ ông kia, nghe có vẻ gò bó…
  Đã quá 12 giờ trưa, hai bên vẫn chưa chịu rời nhau.
(Còn nữa).

 
Logged
phuockhanh
Thành viên
*
Bài viết: 658


« Trả lời #346 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2014, 02:52:05 pm »

Chào Quanvietnam!
Đọc câu chuyện ngày đầu khi Hiệp định Pa ri được ký kết có hiệu lực, khi quanvietjnam cùng anh em trong đơn vị có cuộc tiếp súc với quân đội Sài Gòn làm cho P/K lại nhớ đến những ngày ấy ở Tây Bắc Kon Tum, giữa ta và đối phương cũng có cuộc những tiếp xúc. Đã làm lán tiếp xúc, gọi là nhà hòa hợp, để sang gặp gỡ với nhau. Những cuọc gặp gỡ cũng mời thuốc, mời kẹo bánh (dĩ nhiên với ta đây là những thứ dành cho tiếp xúc ). Chỉ có ở hai địa điểm là cao điểm 601 và bản Đăk Rơ cót. Nhưng ở đơn vị mình có chuẩn bị rất cẩn thận khi tiếp xúc, mà phải là cán bộ mới được gặp gỡ. Còn chỗ quanvietnam toàn là chiến sỹ chắc là vì cuộc "tao ngộ" tiếp xúc. Bản thân mình cũng được học hai ngày về cách thức giao tiếp với đối phương, kể cả đưa ra những câu hỏi của đối phương và đưa ra cách trả lời. Tuy nhiên mình chưa có dịp được tiếp xúc. Cũng câu chuyện tiếp súc, một anh đội phó đội công tác (ngày đó mình ở đội công tác dân địch vân) cỡ chính trị viên C được cử ra tiếp xúc, khi về báo cáo lại, anh kể là hai người đi trên đường 14 (Cđ 601) nó (bên ngụy) hỏi anh là các ông vào trong này lâu có nhớ nhà lắm không? Anh trả lời là các anh như thế nào thì chúng tôi như thế. Câu trả lời này bị phê bình đấy. Nghe kể là thằng đại úy ra chắc là chúng có chuẩn bị trước. Quân Sài Gòn chúng rất 'Nghiêm" trong quan hệ sỹ quan và lính. Một lần giải thằng thiếu úy bị bắt nó bảo lính gặp sỹ quan không chào còn bị tạt tai nưa. Đúng là chúng có chuẩn bị, còn ta không chuẩn bị vẫn có cuộc tiếp xúc của quanvietnam tuyệt vời, nhất là câu nói  " không nói chuyện chính trị".  Cán bộ của ta trưởng thành từ chiến đấu, nhất là bổ nhiệm không cần xét đến trình độ học vấn làm tiêu chuẩn, mà lấy tinh thần chiến đấu để xét. Chắc các chiến sỹ trong đơn vị của Quanvietnam đều là người có học vấn nên có bản lĩnh trong khi tiếp xúc "bất ngờ" vẫn thể hiện là quân đội chiến đấu có lý tưởng hơn những kẻ (chỉ huy của chúng) chiến đấu hết cho Pháp lại đến Mỹ, mà khi Mỹ bỏ là tan luôn.
Chào Quanvietnam!
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Mười, 2014, 03:10:50 pm gửi bởi phuockhanh » Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #347 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2014, 11:54:53 pm »

Viết ngắn hay có bác Nguyentrongluan, viết dài hay có bác TrongC6 và bác Quanvietnam, và mỗi người một vẻ chẳng ai giống ai. Viết tiếp đi bác Quanvietnam. Ngắn hay kiểu ngắn, dài hay kiểu dài, nhưng dài mà để cho câu chuyện kể không nhạt không phải chuyện dễ. Ấy mà đại úy Tín mới nói mấy câu, hay chính xác là có vài phút mà các bác đã gọi địch là ông rồi, bọn địch nó nguy hiểm thật.   Cry  Thế mới biết tại sao các bác chính trị viên nhà ta phải kèm sát anh em và tại sao phải liên tục học tập chính trị nâng cao quan điểm lập trường.
Logged
quanvietnam
Thành viên
*
Bài viết: 202


« Trả lời #348 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2014, 01:30:54 pm »


CHUYỆN SAU CHIẾN TRANH
6- Số phận
        Bữa cơm trưa thân mật giữa hai bên, địch ta diễn ra tại bãi chiến trường còn vương khói súng ngày hôm qua. Hai hàng lính, một hàng của địch một hàng của ta lúc này đã được kéo dài sang hai phía phải trái, khoảng cách giữa hai hàng được xích lại gần nhau. Ngăn cách giữa hai bên là những mảnh vải bạt và thi thoảng là những tấm ni lông xanh, được xé ra từ bao đựng gạo của Trung Quốc viện trợ, những thứ này được trải lên thảm cỏ bầy đồ ăn trưa. Đây là thời điểm thể hiện sự hòa hợp dân tộc, nên hình như cả hai bên đều thoáng, không tiết kiệm như mọi khi. Bên địch nhiều đồ ăn đồ uống hơn, có thể đây là khẩu phần của đại úy Tín nên có vẻ phong phú, dẫu sao lính trận như vậy cũng hơi quá.
  Lính của Tín bầy ra trước mắt tôi nhiều thứ lắm, nào cơm sấy, nào giò ba khoanh, nào mì hai tôm,  nào pho mát, sữa gói. Đồ uống là café tan, trà Blao lại có cả socola nữa. Bên ta thì khiêm tốn hơn, nhưng để đối chọi với địch, anh em không biết huy động từ đâu ra cũng đưa cho tôi được phong lương khô 701, một hộp thịt lợn 250 gam, một bình tông nước đun sôi chứ không phải nước khử trùng bằng Phăngtosit như mọi khi. Thấy khẩu phần ăn sang quá tôi hơi ngượng, vì tự nhiên tôi lại phải làm cán bộ ngồi đối diện với sĩ quan quân lực VNCH, để được hưởng khẩu phần ăn này.
  Ông ở C20, ông biết thừa rồi!  Một hộp thịt 250 gam, là khẩu phần ăn nửa tháng của ba thằng lính trinh sát xuống nằm vùng với đơn vị bộ binh ở các chốt tiền tiêu để theo dõi tình hình địch. Hôm nay, anh em đưa cho tôi cả hộp rồi mấy bữa nữa biết lấy gì để ăn? Thông thường, để đủ ăn anh em phải trộn 250 gam thịt hộp ấy với một hộp ruốc mặn rồi rang lên để ăn dần mới đủ. Sao hôm nay lại hoang thế?  Chết vì sĩ diện. Tôi tắc lưỡi, nghĩ bụng: Mấy khi mới có dịp này…
   Thương cho mấy ông bộ binh bên ta đồ ăn quá khiêm tốn, mỗi thằng chỉ được một nắm cơm với một gói ruốc mặn do anh nuôi vừa mang lên, đói thì đã có gạo rang dữ trữ. Lính tráng bên địch cũng chỉ có một gói cơm sấy và một hộp giò ba khoanh hoặc là hộp thịt gà loại 150 gam, ngoài ra thằng nào còn cất dấu được hộp sữa hay hộp thịt, dịp này cũng mang góp vào bữa ăn, như vậy cũng tươm hơn bên ta.
  Bữa trưa của hai bên địch ta, tuy nghèo nàn nhưng vui vẻ, thậm chí tình cảm đôi bên không còn khoảng cách mà ngược lại lại rất thân thiện, họ còn đổi thức ăn cho nhau và mời nhau ăn. Hai bên vừa ăn vừa bình phẩm, bên ta chê gạo sấy bên địch ăn nhão nhoét nhạt toẹt, thịt gà hộp tanh quá, chỉ khen loại giò ba khoanh là tạm được. Bên địch thì chê bên ta là ruốc mặn quá, chỉ thấy muối mà không thấy ruốc, bù lại chú lính nào cũng khen: Cơm nắm ăn với ruốc ngon hơn ăn gạo sấy với thịt hộp.
  Riêng đại úy Tín hài hước hơn, nó bảo lương khô là cám ép nhưng ăn rất ngon. Tôi bảo với nó: Rất tiếc hôm nay hết loại 702, loại ấy nhiều Vitamine hơn, ngoài ra lại còn 3 viên tăng lực đi kèm. Hứng lên tôi nói khoác vậy, chứ loại ấy tôi chỉ được nếm có một lần của anh bạn ở Ban hậu cần trung đoàn. Nghe đâu loại ấy chỉ cán bộ cao cấp của trung đoàn mới có.
  Hai bên địch ta, ngây ngất với không khí hòa bình. Tuy đã nhiều đêm mất ngủ, nhưng hôm nay nét mặt của mọi người rạng rỡ, không còn lo lắng cảnh giác như lúc đầu, họ thỏa sức truyện trò tâm sự đủ mọi chuyện trên giời dưới đất. Trời Quảng Trị cao xanh lồng lộng không một gợn mây, gió từ biển Cửa Việt thổi về xua đi cái nóng hầm hập giữa trưa. Tôi quan sát một lượt, chợt lo lắng từ đâu ập đến:  Không biết, cuộc hội ngộ này sẽ đi đến đâu? Hy vọng sẽ không có chuyện gì làm hỏng cuộc vui này. Tâm trạng của tôi lúc ấy rất sợ có một cái gì đó làm ảnh hưởng đến cuộc vui. Lạy Trời! Đừng xảy ra chuyện gì. Tôi lẩm bẩm.
  Có thể, chỉ những người lính chiến mới có tâm trạng như vậy. Không biết có phải thế không? Ở đâu thì tôi không biết, nhưng ở chiến trường thì đúng là như vậy: Không còn chiến tranh, sẽ không còn cảnh bắn giết lẫn nhau, sẽ không còn phải nhìn thấy những cái chết đau lòng của anh em đồng đội.
  Hòa bình được thiết lập, mọi người có quyền hy vọng được trở về quê hương với gia đình bố mẹ vợ con cùng bà con chòm xóm. Mọi người lại trở về với những miền quê thanh bình, cây đa bến nước mái đình cong cong, lại được nghe tiếng chuông nhà thờ ngân nga, tiếng sáo diều vi vu giữa trưa hè. Lại được ngắm nhìn lũ trẻ nô đùa dưới ao đình, nhìn đàn trâu béo tròn lim dim ngủ bên gốc đa đầu làng. Lại được nghe tiếng mõ đều đều vọng ra từ ngôi chùa cổ kính cuối làng. Lại được ngửi mùi khói lam chiều thơm thơm nồng nồng, bay là là trên những mái nhà siêu vẹo.
  Ôi! Mới chỉ nghĩ thôi, những người lính như tôi đã cảm nhận sự sung sướng đến tột cùng…
  Chiều hôm ấy, vẫn chưa có sự quản lý của đơn vị nên cả hai bên số người góp mặt vẫn không ngừng tăng lên. Thời gian buổi chiều, cả hai bên không còn ở màn chào hỏi làm quen nữa, mà chuyển sang màn tâm sự riêng tư. Tôi đưa mắt quan sát đại úy Tín để dò xét xem phản ứng của ông ta đối với hoàn cảnh này như thế nào? Tôi thấy ông ấy cỏ vẻ đăm chiêu thoáng có chút lo lắng đến trách nhiệm. Có thể do hoàn cảnh tự phát này đã làm giảm đi quyền chỉ huy của ngài sĩ quan quân lực VNCH đối với anh em binh sĩ, nên ông ta lo lắng.
  Thấy tình hình ấy, tôi tìm cách kéo ông ta trở về với cuộc vui. Bất ngờ tôi hỏi:
   -Ông Tín được đào tạo sĩ quan ở Việt Nam hay ở bên Hoa Kỳ?
 Tôi hỏi vậy là vì: Đại úy Tín năm nay chỉ độ 32-33 tuổi thôi mà đã đeo quân hàm đại úy rồi, chắc hẳn phải có nhiều thành tích chống cộng, hoặc đại loại phải có thành tích gì đó đặc biệt thì mới được như vậy. Cũng có thể là bọn ác ôn, được Mỹ đào tạo đặc biệt để tung xuống chỉ huy các đơn vị thiện chiến của quân lực VNCH.
  Đại úy Tín thật thà trả lời tôi:
   -Tôi được đào tạo tại trường sĩ quan Trần Quốc Tuấn, cũng có thời gian đi tu nghiệp ở Hoa Kỳ. Trong số sĩ quan theo học, tôi học giỏi nên được bọn sĩ quan Mỹ đặc cách, phong quân hàm vượt cấp và điều tôi về chỉ huy lực lượng đặc biệt ở biệt khu Thủ Đô.
  Nghe Đại úy Tín nói thế, tôi vốn đa nghi hay soi xét, cộng với việc Tín dùng từ: “Bọn Mỹ”  nên tôi hỏi lại ngay:
   -Tại sao ông lại gọi là bọn Mỹ?
   -Tôi căm thù lũ chúng nó vì chúng nó dám sàm sỡ vợ tôi, đã nhiều lần vợ tôi cảnh cáo nhưng chúng vẫn đeo bám, bỡn cợt.  Vợ tôi sợ quá, sợ tôi đánh ghen rồi xảy ra chuyện, nên không dám nói thật với tôi mà chỉ nói là không muốn làm ở đấy nữa, muốn xin chuyển chỗ khác, nếu không được thì xin thôi việc. Nghe vợ tôi nói thế, tôi nghi ngờ nên gặng hỏi mãi vợ tôi mới chịu nói ra. Tôi coi đấy là sự xỉ nhục, bởi vì một sĩ quan quân lực VNCH mà không bảo vệ được vợ, để cho bọn ngoại bang làm nhục.
  Quan sát nét mặt của đại úy Tín, tôi cho rằng những điều Tín nói là thật nên tôi tin ngay, hơn nữa cũng đã hơn một lần tôi nổi máu ghen, nên tôi dễ đồng cảm với đại úy Tín. Ông biết không? Trước khi đi bộ đội, tôi với bạn gái mới chỉ yêu nhau thôi mà tôi đã rất ích kỷ, cấm người yêu tôi không được thế này, không được thế khác. Mỗi lần nhìn thấy người yêu tôi cười cợt với bọn con trai là tôi đã nổi máu điên rồi. Đằng này, vợ đại úy Tín lại bị bọn Mỹ chòng ghẹo, chịu làm sao nổi. Tôi hỏi Tín:
   -Thế ông giải quyết thế nào?
   -Tôi rủ mấy thằng bạn dấu mặt, tẩn cho nó một trận thừa sống thiếu chết. Tất nhiên chúng nó cũng biết, nhưng không có chứng cớ nên không làm gì được tôi.  Nhưng kết cục là ông Khoa đã thấy đấy! Vợ tôi mất việc, tôi bị điều từ biệt khu Thủ Đô ra vùng 4 chiến thuật và bây giờ tôi đang ngồi tâm sự với ông Khoa đây. Kể ra cũng buồn, nhưng tôi thấy hả lòng hả dạ, vì tôi đã cho bọn chúng biết thế nào là sĩ quan VNCH, không dễ gì bắt nạt. Tôi vẫn còn căm giận lũ chúng nó, hôm ấy bạn bè mà không cản tôi thì tôi đã cho nó ăn cả băng đạn, muốn đến đâu thì đến kể cả ra tòa án binh.
   -Tôi nghĩ ông làm như vậy là đúng. Nếu ở trường hợp tôi thì chắc là tôi cũng sử sự như vậy. Nhưng tại sao ông không sợ bọn Mỹ sẽ tìm cách khử ông?
   -Tôi làm thì tôi đã tính tới hậu quả, bất luận hậu quả thế nào tôi vẫn làm. Mà bọn chúng cũng thâm độc lắm, chúng điều tôi ra vùng 4 chiến thuật, là chúng mượn tay cộng sản tiêu diệt tôi, một mũi tên trúng hai đích…
    Nghe Tín tâm sự về hoàn cảnh gia đình vợ con, tôi hình dung gia đình Tín thuộc loại dân nghèo thành thị, buôn bán nhỏ ở chợ Bàn Cờ, khu Gia Định. Gia đình là dân 54 nên không hòa hợp được với dân sở tại, sống trong sự cô lập, cuộc sống gia đình Tín bị nhiều thứ dồn ép, nên lúc nào Tín cũng cảm thấy bức bối, nghẹt thở. Hoàn cảnh cứ thế xô đẩy, cuối cùng Tín chọn con đường binh nghiệp. Tín bảo: Cũng do con đường binh nghiệp nên Tín mới lấy được vợ.
  Theo như Tín kể thì vợ Tín là giáo sư dạy trung học, phải lòng Tín ngay từ cái nhìn đầu tiên, khi ấy Tín đang chỉ huy hành quân huấn luyện ở thị xã Thủ Dầu Một. Tín nói thế tôi tin ngay, vì ngay lúc này nhìn Tín bụi bặm phong trần nhưng vẫn toát lên vẻ hào hoa phong nhã, ăn nói từ tốn lịch sự giống như lính văn phòng. Tôi đùa Tín:
   -Ông nói thế có quá không? Làm gì có cô gái nào dám hy sinh hạnh phúc của mình để lấy một ông lính chiến nay đây mai đó, rừng núi là nhà, màn là trời, chiếu là đất?
   -Tôi cũng không biết tại sao? Kể cả bố mẹ cô ấy cũng không đồng ý, nhưng cô vẫn quyết lấy tôi. Sau này thành vợ thành chồng tôi mới hỏi vợ tôi: Tại sao khi ấy em lại đồng ý lấy anh, trong khi em chưa biết gì về anh? Vợ tôi ôm chặt tôi vào người cô ấy, giống như sợ tôi chạy mất, rồi thỏ thẻ vào tai tôi: Em cũng không biết. Nhưng chỉ nhìn vẻ phong trần của anh trong bộ quân phục sĩ quan thủy quân lục chiến rất oai phong và gương mặt điển trai của anh cùng với ánh mắt mê hồn của anh nhìn em, là em đã tin rằng đây là con người mà em có thể gửi gắm cuộc đời mình cho anh. Anh sẽ là chỗ tựa vững chắc cho em và gia đình em trong suốt cả cuộc đời này…
  Chiều ấy để góp chuyện, tôi cũng kể cho Tín nghe về chuyện tình dang dở của tôi. Tất nhiên chuyện có ít nhưng để cho lâm ly tôi suýt ra nhiều. Tín chăm chú nghe tôi kể từng lời từng chữ, làm cho mấy chú lính bên cạnh cũng há hốc mồm nghe. Nhất là chi tiết, hôm anh em mình chia tay với những người ở lại ở ga Hương Canh ấy? Ông còn nhớ không? Tín có vẻ tâm đắc và thán phục lắm. Tín chia sẻ với tôi:
   -Tình yêu của sinh viên nó có cái đẹp riêng của nó, không ồn ào lộ liễu như lính tráng. Nhưng thật sự tôi không hiểu tại sao lúc ấy ông khỏe đến thế? Tầu bắt đầu chuyển bánh, mà ông Khoa đưa tay ra cửa sổ để người yêu đu vào và trao cho nhau nụ hôn trước khi ra trận. Và tôi rất cảm động khi ông nói: Bóng người yêu bé nhỏ của ông chới với chạy theo đoàn tầu như muốn kéo ông lại, nhưng bất lực đứng nhìn khi nó cướp mất ông, mang ông vào màn đêm sâu thẳm…
   -Đó là sức mạnh của tình yêu! Chỉ có yêu mới làm được những chuyện tưởng như không thể.
  Chiều hôm ấy chuyện kể cho nhau nghe nhiều lắm, hết bên địch lại đến bên ta, chuyện kể mãi không dứt đến khi hoàng hôn ập đến lúc nào cũng không biết. Hai bên bịn rịn chia tay nhau khi còn nhiều điều chưa nói hết. Chia tay nhau tôi bước đi loạng choạng, đầu óc tôi nhớ nhớ quên quên, nhưng chỉ có một chi tiết mà tôi không quên, đó là Tín nói với tôi:
   -Hiệp định Paris đã ký kết, đất nước đã vãn hồi hòa bình, nay mai hiệp thương hai miền Nam Bắc. Khi nào có điều kiện ông Khoa vào thăm tôi ở chợ Bàn Cờ. Ông cứ hỏi Tín dân 54 là mọi người đều biết…
(Còn nữa).
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #349 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2014, 09:13:22 pm »

Bác quanvietnam viết vẫn rất hay. Đây là câu chuyện kế xảy ra đã 41 năm chứ không phải bài nghiên cứu lịch sử, tuy nhiên theo hiểu biết hạn hẹp của cá nhân em, xin phép lẩy ra cùng bác vài chi tiết:
1/ Chế độ VNCH (từ 1955) không có trường sĩ quan Trần Quốc Tuấn mà chỉ có sĩ quan Đà Lạt hay Thủ Đức hoặc các trường binh chủng của KQ, HQ v.v...
2/ Có một trường huấn luyện quân sự Trần Quốc Tuấn (vẫn gọi là trường sĩ quan Yên Bái) do đảng Đại Việt (thủ lĩnh là Trương Tử Anh) lập ra thời 46-47. Thời đó các đảng phái thường lập ra các trường huấn luyện quân sự cho riêng đảng mình.
3/ Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập năm 1946, tiền thân của Trường Sĩ quan Lục Quân Việt Nam thì khác. Vĩnh Lộc, nguyên tư lệnh QĐII VNCH, nguyên TTMT cuối cùng của chế độ VNCH từng học trường này. Nhà tình báo chiến lược của QĐND VN Phạm Ngọc Thảo cũng học trường này. Tư lệnh QĐIII QĐND VN thời kỳ 76-79 Nguyễn Kim Tuấn (Nguyễn Công Tiến) cũng học trường này. Vậy tay đại úy TQLC kia không thể học các trường có tên Trần Quốc Tuấn được vì quá trẻ (mới 32-33 tuổi năm 1973). Anh ta chỉ có thể học các trường sĩ quan như đã nói ở lưu ý 1 khi đã thành lập chế độ VNCH ở Miền Nam Việt Nam sau năm 1954 (sĩ quan TQLC VNCH thường được đào tạo bổ túc tại trường Quantico của lực lượng TQLC Mỹ). Tuy nhiên câu chuyện còn tiếp tục và đây chỉ là lời của viên đại úy Tín.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM