Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Năm, 2024, 11:10:39 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tâm sự đời tôi.  (Đọc 200556 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #60 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2011, 08:57:24 am »

Nhưng dù sao tôi cũng chưa qua được cái tính trẻ con, nhất là tôi rất hiếu động, đến bây giờ nghĩ lại những hành động của mình thời đó mà thấy còn sợ vì bao nhiêu nguy hiểm tai ương chực chờ đám lính trẻ chúng tôi, mà theo châm ngôn gọi là “điếc không sợ súng”. Có những buổi chủ nhật cùng mấy bạn chui xuống một hầm vũ khí nằm sâu dưới lòng đất của một quả đồi dài mang tên TRUNG TÂM 31 HỎA LỰC, ở vị trí cạnh phía Tây trung tâm 43, trên mặt đồi là Cesar Air post hạng nhẹ phía trước có tấm bảng để (phòng trưng bày vũ khí). Bước qua cửa. Ôi chao, cơ man là súng tiểu liên tự động trên các ô kệ của kho như: súng M, MX các loại. Bốn năm loại Shortgun mang ký hiệu khác nhau. Rồi tới AR 15, AR 16, carbin. Súng bắn tỉa Winchester, Sprin, M40. Súng phóng lựu các loại, trong đó dễ nhận là M79, M60, cối 81. Súng trung liên có Browing M2HB, L2A1AR, Stone M60. Tiếp tục mò mẫm vào khu kho bên trái, tôi ngạc nhiên thích thú vô cùng, trong các thùng gỗ thông là những khẩu súng ngắn mới cáu cạnh, có  khẩu to đùng như Col45, rulo nòng dài. Loại vừa vừa xinh xinh có: Smith 15, Walther, High, Ruger MK11 nhưng có khẩu nhỏ thó dễ thương như Browing, P38 với sáu viên đạn bé tí teo màu vàng trong ổ xoay với lòng súng ngắn tũn nằm trong bao da có hình dáng rất tếu vì toàn bộ báng súng cong cong lòi hẳn ra ngoài cho nên chúng tôi gọi là súng mặc quần đùi và rất nhiều loại súng khác tôi không biết tên. Đặc biệt có những khẩu súng ám sát có bộ phận giảm thanh riêng hoặc súng ám sát giống cây bút, có tầm sát thương gần chừng năm mét mới còn tác dụng vì tôi đứng xa mười lăm mét bật lẫy kích hỏa bắn vào kính xe zeep không vỡ. Đến khu tiếp theo là kho lựu đạn với rất nhiều kiểu dáng, tròn dài, da láng hay khía ô như trái M các loại, rồi SEALs, Natic, các loại lựu đạn khói được bảo quản trong những thùng gỗ thông màu xanh. Kho cuối là nơi an tọa của các loại mìn  như mìn chống tăng, mìn sát thương, mìn ống phá rào kẽm.v.v. Nhưng gớm hồn nhất là mìn định hướng có hình dáng bè bè cong cong, mỗi trái nằm trong một túi vải bạt chắc chắn, phía sau lưng có chữ M18 A1 Claymore. Một khu kho ngầm khác chứa toàn thuốc súng, trong mỗi thùng vuông bằng composit có ghi qui cách riêng là những bịch vải trắng khá dày với trọng lượng từ một phần tư cân đến năm cân trong chứa một loại thuốc súng có màu xám, kích thước lớn nhỏ khác nhau nhưng đều có hình dáng tròn như khúc mì nui, xếp ngay ngắn sen kẽ những bịch chống ẩm. Chúng tôi vác  từng kiện về trại, chờ đêm đưa ra sân rắc thuốc súng thành nhiều hình dáng rồi đốt, chỉ trong tích tắc sau châm lửa là vệt sáng chạy cực nhanh để lại vết đen trên nền bê tông theo hình tạo ra trước đó. Chơi chán chê, số thuốc còn lại cất vào một chỗ để đến dịp đi tăng gia sản xuất trên rẫy mang theo nhóm lửa nấu ăn hoặc làm mồi lửa đốt rẫy. Hồi nào đến giờ, tôi rất mê súng ngắn, có lẽ ảnh hưởng phim ảnh từ những ngày còn học phổ thông đó là những bộ phim tình báo Liên xô, Đông Đức, Trung Quốc, trong đó có phim (những kẻ báo thù không bao giờ bị bắt).(giải phóng Berlin).(sông Đông êm đềm).(cánh cung lửa)v.v. Chủ nhật sau tôi lấy nguyên một bao tải súng ngắn với nhiều kiểu dáng, lớn nhỏ về chia cho đồng đội. Để thỏa chí tò mò, mỗi chủ nhật, tôi và mấy bạn lại chui xuống một hầm ngầm khác. Chà chà! cái gì đây? giống những con lợn trong cũi, da xanh xám, sờ tay vào lạnh ngắt, trên thân có dòng chữ màu vàng USA-RMY-BOOM-1000 P, với nhiều hàng chữ nhỏ và có cả hình đầu lâu gác xương chéo, sau này tôi mới biết là những trái bom chưa lắp kích hỏa, tiếp theo là những quả đạn màu xám bạc, có cánh giống như những phi cơ mô hình, nhỏ chừng bắp đùi và dài hơn 1m nhìn rất đẹp, tôi nghĩ có thể là tên lửa không đối không hoặc đạn Rocket. Đi sâu qua một hầm ngầm khác, gặp một cánh cửa thép hình tròn rất dày(vì tôi lấy cục đá khá to đập vào chỉ nghe tiếng cục cục chắc nịch), mặt ngoài có những nút tròn to bằng miệng bát B52 của bộ đội, xung quanh là những con số và ký tự lạ, tôi đập mãi không thấy nhúc nhích tức quá vừa nhìn thấy khẩu tiểu liên AR15 ai vứt gần đó tôi lên đạn xả vào cánh cửa hết cả băng, cánh cửa thì không nhúc nhíc mà một tiếng nổ kinh hoàng do ổ kim hỏa của khẩu súng vỡ nát, bàn tay phải tôi bị gim một mảnh lớn máu chảy đầm đìa (tới sau này hỏi mấy anh quân khí mới biết là trong ổ đạn có một viên hủy súng, may có vòm hang bằng thép chắn mảnh vỡ kim loại nên mặt tôi không trở thành bản đồ, sau này đi học quân y tôi mới mổ lấy mảnh kim loại ra), và còn nhiều lắm những kho ngầm dưới lòng đất chứa chất những thùng phuy, caltex đựng hóa chất và không loại trừ chất độc da cam (Dioxin) với nhiều vũ khí sát thương hiện đại khác. Trên mặt những quả đồi là những khu kho nổi, rộng lớn với dáng đặc thù kiểu  Mỹ. Rất nhiều lần vào ngày chủ nhật, mấy đứa chúng tôi đột nhập vào khu kho gần đơn vị tôi C11, do tổng cục kỹ thuật quản lý, trong đó chứa toàn đồ điện và điện tử, thiết bị truyền tin cơ động, máy Viba, bộ đàm cá nhân, máy điện thoại các loại, có thể nói tất cả những thiết bị gì thuộc về điện, điện tử, truyền tin đều có ở đây, chúng tôi thường lấy những cái gì nhỏ nhỏ hay hay về chơi là chính. Có lẽ mấy anh lính già của tổng cục kỹ thuật quản lý kho thừa biết cánh lính nhóc vừa đột nhập và đang giở trò gì trong kho nhưng cứ giả bộ không biết mà tiếp tục ngồi chơi cờ tướng hoặc bập bùng cây đàn ghita cũ rích, dây đã rỉ sét vì âm thanh phát ra rè đặc và tiếp tục để chúng tôi thỏa chí tò mò. Rồi một kỷ niệm nhớ đời khi tôi lái xe tăng M41 của Mỹ, xếp ở bãi (rộng chừng một hecta) quay tháp pháo về sau, hạ âm lòng pháo, thả lỏng giữ thăng bằng hai cần lái, rồ ga chui xuyên qua 3 cái nhà kho mỗi cái rộng cả 1000 m2 chứa toàn vỏ ruột xe các loại còn nguyên trong những kiện nhựa, trước sự hoan hô của mấy đứa bạn. Nếu phải bây giờ thì đứng trước vành móng ngựa tòa án binh là chắc. Quả đồi bên cạnh có những kho rất lớn chứa vải và quân phục của lính chế độ cũ chất lượng rất tốt, lính thợ chúng tôi lấy về hàng chục kiện để mặc vào xưởng sửa chữa, đến chiều cởi bỏ ngay tại xưởng làm dẻ lau máy rồi sáng sau lấy bộ mới khác mặc đi làm. Mỗi chiều quan sát từ sân bóng chuyền, khu tắm tập thể hoặc ngoài bãi tăng gia rau xanh sẽ thấy toàn màu vàng cam, sọc ngang màu đỏ, đó là cờ ba sọc của chế độ cũ rất nhiều trong kho, mỗi kiện có hàng trăm lá cờ, lính ta vác về may quần ngắn. Sau này học hành tìm hiểu và tuổi quân lớn hơn, tôi mới nghĩ ra một điều: nếu chuẩn bị một lực lượng thực sự có trình độ kỹ thuật, có bản lĩnh chính trị và có hiểu biết rộng với trách nhiệm cao để tiếp quản vũ khí khí tài hiện đại và hàng trăm loại hàng hóa khác của địch đúng mức thì chúng ta đã giữ gìn thêm bao nhiêu tài sản cho xã hội nói chung và quân đội nói riêng vì chiến sĩ ta làm thất thoát hư hại, phá hủy vô tội vạ do không hiểu biết, do nhận thức và chấp hành kỷ luật kém. Có lần tôi cùng mấy bạn trong tiểu đội chui vào một cái hầm khác lấy hai bao tải pháo sáng về phát cho cả tiểu đội để thụt chơi. Nếu muốn lấy dù làm khăn hoặc bao gói đồ cá nhân thì thụt thẳng đứng vào ban ngày chờ cho cháy hết nhiên liệu thì dù rơi xuống đất. Muốn thưởng thức ánh sáng trắng, xanh hay đỏ thì chọn màu pháo qua những chấm màu kí hiệu trên nắp pháo, thụt ban đêm và thụt chéo ra xa vị trí đứng để quan sát được vẻ đẹp mà không phải nghiêng đầu mỏi cổ. Tối ấy có một tên bạn thao tác dở hơi, thay vì gắn cái nắp trên miệng xuống đáy hạt nổ của quả pháo, xong giơ thẳng hoặc hơi chéo lên trời, tay kia vỗ vào nắp có gắn kim hỏa cho kích nổ, pháo sẽ bay lên với góc an toàn thì hắn lại dộng đuôi pháo vào tường nhà của đại đội 11 ở vị trí trên đỉnh đồi thành ra hướng quả pháo tà âm, bay qua TRUNG TÂM 29 TIẾP LIỆU có các bồn xăng to đùng dưới chân đồi bên kia, trong đêm gặp gió lớn với bạt ngàn cỏ Mỹ mùa khô bắt cháy ào ào. Hệ thống báo động tự động tổng kho rú liên hồi, xe cứu hỏa hàng đàn hú phụ họa. Một đêm lo sợ đến không ngủ, ngày mai thấp thỏm chờ phản ứng từ chỉ huy đơn vị, tất nhiên cũng không thể bắt lọn chúng tôi được vì xung quanh kho xăng còn hàng chục đơn vị khác đóng quân nữa, ai biết ai. Nhưng lần này có chuyện thật. Chủ nhật cánh lính trẻ chúng tôi kéo nhau qua một quả đồi xa đơn vị khoảngs ba cây số, sau khi mặc áo chống đạn, đội mũ sắt, khoảng hai chục đứa chúng tôi qui ước là dùng toàn súng Rulo lòng ngắn của quân cảnh Mỹ ra bãi xe Zeep bắn thi (bãi xe này có tới hàng ngàn chiếc). Bia là những kính chắn gió vì kính chắn gió của xe bị đạn vỡ mà không bắn mảnh ra xung quanh, nhưng cũng có tên bị thương, máu me ướt cả áo. Bắn nhau ì đùng khá lâu nên bộ tư lệnh tổng kho biết chuyện mặc dù không biết rõ lính của đơn vị nào. Nhưng chỉ huy đơn vị tôi bắt quả tang vài chiến sĩ, thế là bị nhốt vào contener mấy ngày với nỗi khổ khí hậu trên đỉnh đồi cao, ngày nóng cháy da, đêm lạnh co quắp, (theo người dân di cư năm 1954 ở Tam Hiệp nói: từ trước tới nay, khi gần Noen, trời có lạnh hơn đôi chút nhưng chưa bao giờ lạnh như thế này, có lẽ do Việt cộng vào đưa cái rét theo). Vụ này tôi may mắn thoát hiểm. Ngày hôm sau đơn vị báo động di chuyển, tất nhiên đã báo động di chuyển thì phải gom hết mọi thứ. Khi tập trung chỉnh đốn hàng ngũ, tôi đang nghĩ thầm “tại sao không tập trung ở sân chào cờ gần khu nhà ở mà lại tập trung giữa sân lớn” thì lệnh của đại đội trưởng vang lên: Kiểm tra quân tư trang. Thế là chúng tôi mắc bẫy, Chà! Bây giờ có muốn vất phi tang những (đồ chơi) bất hợp pháp trong ba lô cũng khó vì không có góc kẹt hay chướng ngại vật giữa mênh mông không gian trên là trời, dưới là mặt sân rộng cả hecta. Tất cả súng ngắn, áo giáp, dao găm, lưỡi lê đa năng, lựu đạn mỏ vịt, lựu đạn mili, roi điện và nhiều thứ vũ khí khác giấu trong ba lô, trong rương đều bị tịch thu. Sau đó có lệnh giải tán tại chỗ mà chỉ huy cũng không điều tra nguồn gốc số vũ khí trên. Thật sự điều tra cũng không được bởi vì các loại súng cá nhân ê hề ngoài bờ rào, gốc cây. Dưới mương cạn lựu đạn lăn lóc khắp chốn cùng nơi như củ su hào. Nhưng riêng tôi không hiểu trời xui đất khiến thế nào trước khi báo động một ngày tôi đã lật tấm cách nhiệt trên trần phòng ngủ và nhét lên đấy 1 khẩu súng ngắn hiệu >P38
« Sửa lần cuối: 19 Tháng Mười Hai, 2011, 11:13:14 am gửi bởi vetran » Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
leasedline
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 399


« Trả lời #61 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2011, 11:59:49 am »


 Thảo nào hơn tháng trước anh em mời leasedline ăn hồng xiêm cứ lắc đầu quầy quậy. Grin


Hôm ấy anh ăn giúp phần em rồi mà!  Tongue
Logged

“Một ngọn nến không bị mất giá trị khi nó được dùng để mang ánh sáng đến cho người khác”
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #62 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2011, 05:09:13 pm »

Sau vụ ấy, tôi tiếp tục sở hữu số đồ chơi đó khi chuyển cứ ra Gò Vấp vì khi chuyển cứ với toàn bộ vũ khí khí tài của một đại đội cả trăm chiến sĩ nên cổng số 10 Tổng kho phía ngã ba Tam Hiệp không kiểm tra được toàn bộ mười mấy chiếc xe REO hành quân chở đủ thứ từ tương cà mắm muối tới vũ khí, khí tài. Và đương nhiên cái hòm gỗ tự đóng của tôi đựng quân tư trang cùng những thứ chết người được đồng đội xách theo về cứ mới, tôi không tham gia đợt chuyển quân này vì đang đi tăng gia trồng ngô ở núi Chứa Chan – Long Khánh. Sau vụ này tôi nghĩ: có lẽ ở qui mô đại đội trong toàn quân thì duy nhất đại đội 11 của tôi sở hữu nhiều chủng loại vũ khí nhất, mà cũng chỉ tập trung trong đám lính mới chúng tôi ở hai trung đội một và hai, còn các bộ phận của lính già thì không có vũ khí ngoài luồng như vầy. Cũng vì thế mới có chuyện đau lòng sau đó. Số là Tuất, đồng hương ở xã Giao Phong thấy trái lựu đạn mili nhỏ xíu da láng bóng mà đặc biệt có cái khoen chốt rất đẹp. Thế là nổ dây chuyền ầm ầm mấy phút trong kho xép cuối sân, cả đơn vị đổ xô tới khu kho nhưng không ai giám nhào vào. Trước khi chết nó nói mục đích giật lấy cái khoen để treo bát B52 của nó vì thấy ai cũng có. Nhưng nó giật chốt mà không thèm ném ra xa mà nhẹ nhàng để cẩn thận vào đống lựu đạn dưới đất có hàng trăm trái lớn nhỏ. Thế mới ra cớ sự. Sau mấy ngày lo tang lễ cho tử sĩ. Chỉ huy tập trung toàn bộ đơn vị thu gom tất cả các loại vũ khí rải rác khắp nơi trong khuân viên bỏ vào contener khóa lại, Cũng may cho số của tôi. Hiếu động, nghịch phá một cách vô tư thái quá cũng do tuổi quân, tuổi đời quá nhỏ lại lạ lẫm trước môi trường mới mẻ của cuộc chiến vừa qua, hơn nữa còn có cả yếu tố a dua của đám lính nhóc vì trong môi trường sinh hoạt với nhiều cái đồng như đồng niên, đồng ngũ, đồng hương và cuối cùng là vô lo cẩu thả mới xảy ra những cái ngu xuẩn vĩ đại chỉ có ở con người dẫn đến thương tích, bị kỷ luật thậm chí mất mạng như vừa qua, lại còn một trường hợp một tên bạn vào phòng điều phối dỡ mấy tấm la phông, mặt trên có những sợi mịn xốp vàng óng ánh và rất nhẹ rồi đưa về lót xuống giường nằm cho êm, chỉ ba mươi phút sau phải đưa đi cấp cứu vì toàn thân phồng rộp, sưng phù, mắt bụp híp lại và ngứa ngáy tới mức bấn loạn tâm thần như thằng lên cơn rồ. Tại quân y viện 7A được bác sĩ chẩn đoán: dị ứng sợi Amian từ tấm trần cách nhiệt. Rồi nữa, có ông táy máy giật nguyên chốt hãm van cái bình cứu hỏa để thứ bọt trắng xì ra mù mịt, hoảng hồn vứt tại chỗ chạy biến vào nhà để cho cái bình tự do vừa quay vừa chạy vòng vòng trong sân, làm hú hồn cả đơn vị. Những chuyện ngớ ngẩn như vậy, thỉnh thoảng lại xảy ra trong đám lính nhóc chúng tôi làm đau đầu chỉ huy đại đội.... Tổng kho long bình chứa đựng bao bí ẩn về tiềm lực kinh tế chiến tranh. Mỗi quả đồi là một tổ hợp kho tàng với muôn vàn chủng loại vũ khí khí tài quân sự. Quân của bộ tư lệnh tổng kho chỉ bảo vệ nghiêm ngặt vòng ngoài tiếp giáp với dân cư còn nội khu thì rất lỏng lẻo. Khu nọ tới khu kia nếu đi đường chính trải nhựa sẽ qua một trạm gác bằng gỗ đóng tạm sơ sài và một cây tre hoặc khúc ống sắt chắn ngang đường làm barie, trong khi lính tráng đơn vị nào đi qua, cười một cái hoặc tặng bao thuốc lá Rubii quân tiếp vụ cho vệ binh tổng kho là huề, Nếu đi tắt qua những khe đồi với đường mòn sỏi gan gà chỉ có nước sau mỗi trận mưa nhưng nước rút rất nhanh, thì không qua sự kiểm soát nào, do vậy cánh lính trẻ tha hồ tự tung tự tác. Nhưng ngược lại các anh bộ đội lớn tuổi không bao giờ đi vào những nơi nguy hiểm như vậy với tâm lý: trong cuộc chiến đã nếm đủ cay đắng thiệt thòi mất mát, bây giờ chỉ nôn nao chờ ngày trở về quê mẹ, như anh Thanh quê Hải Phòng, thượng sỹ, trung đội trưởng rất quí tôi, tối nào cũng ôm tôi ngủ và kể về người vợ của anh không đủ kiên nhẫn đợi anh về mà bây giờ anh chỉ đau đáu chờ đợi ngày phục viên về với đứa con trai thiếu thốn tình cảm. Anh Hồ tính xởi lởi, anh Vinh lầm lì cả ngày, hạn chế tiếp xúc và kiệm lời. Anh Bùi Văn Cán thượng sĩ, lái xe giắt (xe kéo xe tăng, xe tải bị pal do địch bắn cháy hoặc tai nạn, hỏng hóc trong rừng sau trận đánh) lớn hơn tôi vài tuổi, dáng người nhỏ thó, lúc nào quần áo cũng xốc xếch và không có tướng mạo cá tính gì vậy mà tuần rồi được phong anh hùng lực lượng vũ trang. Trong những lúc ngồi trà lá với nhau các anh lính chiến thường nói: Trong cuộc chiến chẳng sợ gì gian khổ hy sinh, chiến tranh qua rồi về hậu phương thì phải đối diện với hiện thực “vợ già, con dốt, nhà dột” hoặc “Đầu đường thiếu tá vá xe, cuối đường đại úy bán chè đậu đen, trong làng thượng sỹ thổi kèn đám ma” Lúc đó còn quá trẻ khi nghe những chuyện như vậy tôi không cảm được, nhưng sau này khi đất nước rơi vào những biến cố về chính trị, kinh tế và những cuộc chiến mới, tôi suy nghĩ lại mà cảm thấy nao lòng vì đó là sự thực. Bởi vì những sĩ quan quân sự, tham mưu, chính trị, cấp úy cấp tá, trong chiến trận không hề nghĩ đến riêng tư cho bản thân nhưng rời khẩu súng, về với đời thường, như rơi vào một thế giới khác, kiến thức quân sự chính trị, tinh thần nhiệt tình xông pha và sự hy sinh không có chỗ ở những không gian cạnh tranh của tiền tài địa vị với hàng trăm những tham sân si, ái ố hỉ lộ, thậm chí còn bị thân bại danh liệt vì những cạm bẫy của những cán bộ ở hậu phương giăng ra và nhẹ nhàng sập xuống vì tinh thần thẳng thắn đấu tranh xây dựng trong khi kinh nghiệm vốn sống ở môi trường mới chưa đủ bảo vệ những người lính trận trở về. Trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng kinh doanh không có, vốn liếng càng là vấn đề xa xỉ thì đành phải vá xe, bán nước giải khát hoặc sỹ quan quân nhạc thì đành đầu quân vào tổ kèn trống đám tang mà kiếm sống thôi. Thêm một chuyện của lính chiến, đó là anh Trạch, quê Hải Phòng, tính tình rất hiền, ai gặp một lần cũng dễ nhớ vì anh có một khuôn mặt giống đến 90% hình đầu người da đen với nụ cười rạng rỡ trên vỏ cây kem đánh răng Hynoss. Anh Trạch lái xe bồn chở nước từ Tam Hiệp cho đơn vị dùng mỗi ngày hai chuyến vì hệ thống nước ở trung tâm 43 bị hư hỏng chưa sửa chữa được. Rồi trưa hôm đó quân pháp quân khu tới bắt và khởi tố với tội danh tham ô tài sản quân đội, lúc này thủ trưởng đơn vị mới tá hỏa hiểu rằng: mỗi lần đi lấy nước, lượt đi bánh xe sơ cua còn, lượt về mất, mà cảnh vệ cổng 10 cũng không để ý đến sự mất còn bánh xe ở vị trí sơ cua. Cứ như vậy anh tự do lấy ở kho cạnh nhà ăn đơn vị trong đó chứa hàng chục ngàn bộ bánh xe các loại đủ xăm lốp, tang trống chỉ cần động tác bơm lên là dùng ngay. Từ vị trí sơ cua anh đưa ra Tam Hiệp bán cho dân hàng trăm bộ bánh xe REO. Anh phải nhận một bản án khá nặng nề theo kỉ luật chiến trường. Trở lại chuyện quản lý tổng kho Long Bình, có lẽ lãnh đạo chiến trường không kịp điều động đủ quân số quản lý các khu. Trong khi đó nhiều đơn vị hiện diện ở đây lại không liên quan đến chức năng kỹ thuật và nhiệm vụ trong tổng kho này, chỉ đơn thuần là tận dụng một doanh trại để trú quân khi mới từ các căn cứ trong chiến khu D về theo chiến dịch, do vậy mà cha chung không ai khóc. Khu 42 với tấm bảng lớn ghi: TIỀM LỰC KINH TẾ QUÂN SỰ ĐÔNG DƯƠNG . Khu chúng tôi ở là TRUNG TÂM 43 BẢO TOÀN TRUNG HẠNG gồm các xưởng sửa chữa vũ khí và xe cơ giới quân sự, ngoài ra còn nhiều quả đồi chứa đựng nhiều bất ngờ dưới lòng đất mà tôi không có dịp đáo lai. Xung quanh tổng kho được bảo vệ bằng bảy hàng rào kẽm gai với nhiều kiểu dáng, mỗi lớp rào có gắn các loại trái nổ, có loại đụng nổ là phát sáng cả một vùng, hàng rào trong cùng và ngoài cùng có chiều cao nhất cùng với hệ thống đèn cao áp chiếu sáng, và một trong số hàng rào đó được ghim điện mạnh vào ban đêm. Đóng quân trong tổng kho Long Bình rất hồi hộp vì bất cứ lúc nào, nhất là ban đêm thỉnh thoảng lại có vụ nổ. Nổ do dân đột nhập trộm đồ. Nổ do chồn cáo, chó mèo hoang chạy vào và cả trường hợp chiến sĩ ta vượt rào đi chơi dính trái nổ. Tuần trước chúng tôi đến viếng một đồng đội bị mìn nổ thuộc đơn vị bạn ở cuối sân cùng khu 43. Kinh khủng nhất là vụ nổ kho bom mấy ngày liền. Tất cả nhà ở trong bán kính mười lăm km không còn một cửa kính nào nguyên vẹn. Mọi hoạt động trong tổng kho như lãnh địa riêng, nội bất xuất, ngoại bất nhập, ra vào tại cổng 9, 10,11 theo một chế độ kiểm tra rất nghiêm ngặt. Tuy vậy hôm anh Nghĩa từ huyện đội Bình Chánh lái xe Zeep lùn lên Long Bình thăm tôi, lúc về tôi cũng nhét trộm dưới ghế lái của anh một khẩu P38, anh không biết, mà vệ binh cổng 11 cũng không phát hiện ra. Khi chuyển cứ về Gò Vấp tôi đến huyện đội Bình Chánh lấy súng bị anh xạc cho một trận. Cũng chuyện súng ống và trò trẻ con, đã hơn một lần gây cho tôi phiền lụy nhưng không trầm trọng bằng đồng nghiệp tôi. Trung úy Tế, bác sĩ cùng ban quân y E685, quê Hà Nội, trong chuyến nghỉ phép về tới nhà lơ đễnh treo súng ngay tầm với của đứa em vợ mười tuổi, đạn thường xuyên lên lòng và rồi cái chết lại là đứa con trai duy nhất hai tuổi khi ra đời bố chưa biết mặt. Thật quá đau lòng. Cuối năm đó đơn vị tôi chuyển về căn cứ 26 ở Gò vấp (trước đây là căn cứ tăng thiết giáp của chế độ cũ). Đại đội 11 đóng quân trong hệ thống xưởng trung tu của trung đoàn, cạnh kho xăng Gò Vấp với công việc sửa chữa xe cơ giới quân sự mà ngán nhất là sửa chữa thay xích thiết xa. Đó là công việc của búa tạ, đinh chốt, một mắt xích xe tăng nặng hàng chục cân. Anh Sửu, cán bộ quân lực thấy tôi nhỏ thó, hơn mười bảy tuổi đầu, yểu điệu như con gái, khuôn mặt lông măng, hai gò má luôn trắng hồng thì không thể là một lính thợ cần mẫn tỉ mỉ, không phù hợp với công việc kỹ thuật cơ giới nặng nề của tăng thiết giáp với những cơ phận máy móc không hề nhẹ nhàng mà lúc nào cũng lấm lem dầu mỡ nên anh điều động tôi qua trạm xá trung đoàn làm nuôi quân. Trạm xá trung đoàn 26 thiết giáp đóng quân trong biệt thự của đại tá Hoàng đã di tản trước đó, cạnh cầu Hang ngoài bên dưới có đường xe lửa. Đơn vị mới là một tập thể chuyên môn gồm bác sỹ Đắc trạm xá trưởng. Anh Quí, Bát, Vụ, Sỉu, chị Ôi là y tá. Anh Phước dược tá. Ba y sỹ là Chị Lệ, anh Giã, anh Trí. Còn lại Anh Sâm, Tiệp, Nhâm, Trọng và chị Bông thuộc hậu cần là một tập thể rất đoàn kết, tình cảm và tương trợ nhau hết mình. Trong dịp này đơn vị tôi tham gia đóng bộ phim (Cô Nhíp) nói về cuộc sống chiến đấu của chị Trung Kiên, biệt động thành (tên do bộ đội đặt cho chị Nhíp trong chiến dịch HCM) trong đó có mặt toàn bộ xe của tiểu đoàn 33 với phần cận cảnh do đại úy Ngãi làm xa trưởng xe T 54 số 469, chị Nhíp ngồi trên tháp pháo hướng dẫn một đơn vị xe tăng thuộc cánh quân hướng Đông Bắc vượt ổ kháng cự cuối cùng tại cầu Rạch Chiếc qua cầu Thị Nghè tiến vào dinh Độc Lập.
- Thời gian đầu đi chợ Gò Vấp mua thức ăn cho thương bệnh binh mà xấu hổ muốn chết vì mấy cô bán cá, bán rau chọc ghẹo hoài, nhưng họ thường bán đồ ăn rẻ và ngon. Rồi cũng quen dần, sau tôi không thèm đi chợ nữa vì mấy chị mấy cô ngoài chợ mua sẵn rau và thực phẩm đưa tới tận cổng đơn vị nên khá nhàn hạ, mỗi ngày chỉ lo bửa củi và chế biến thức ăn cho toàn trạm. Nhưng có lúc cũng gặp phiền hà do tính tình khó chịu sáng nắng chiều mưa của mấy anh thương bệnh binh vì cái đau mất mát thể xác và tâm lý bất ổn sau cuộc chiến, cộng với chuyện thức ăn mặn nhạt, cơm khê sống.v.v vì hồi nào đến giờ tôi chưa quen nấu cả một cái chảo cơm to đại tướng như thế này. Vì vậy có anh thì càu nhàu cảu bẳn, có anh thì giận dỗi phải dỗ dành như con nít mới ăn. Ngược lại cũng có anh rất vui tính như anh Liễu quê Bình Long lái xe tăng đánh vào chi khu Bình Long bị súng chống tăng bắn cụt tháp pháo, mù cả hai mắt và nguyên khuôn mặt loang lổ như bản đồ mà lúc nào cũng cười và hát (cuộc đời vẫn đẹp sao). Anh Chanh quê Hà Bắc còn có một chân rưỡi nhưng tối ngày kể chuyện tiếu lâm và chủ nhật nào cũng rủ tôi đi chợ Bến Thành chơi. Mấy tháng sau trạm xá trung đoàn chuyển về lô F cư xá Lam Sơn đối diện với trường Vihempic.
Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #63 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2011, 05:44:04 pm »

Anh Thơ viết tiếp: Yêu Anh, sẵn sàng chết để giành giật lấy tình yêu anh, vậy mà anh dửng dưng như tôi yêu anh là nghĩa vụ, trong khi vè vè bên anh hàng chục cô đồng đội, thậm chí là đồng hương cùng huyện nữa chứ, nhưng tôi tự tin vào bản lĩnh và sức hấp dẫn của mình và tôi thực hiện nguyên tắc" Say tình, tình ngoảnh. Bơ tình, tình theo". Chiến thuật của tôi thành công nhưng lại đưa tới tác dụng ngược. Cuối năm đó, đơn vị cho tôi về Việt Nam chuyên tu. tất cả từ thủ trưởng đến các ban đồng ý nhưng duy nhất chỉ có anh là không( lúc đó anh tạm thay quyền chủ nhiệm quân y trung đoàn) Vậy mà thua ý kiến của anh vì lý do anh viện dẫn cho tới giờ tôi cũng chưa hiểu ra sao, mà lúc đó thủ trưởng trung đoàn lại thuận theo, và tôi LẠI phải tiếp tục ở bên anh.
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Mười Hai, 2011, 05:09:29 pm gửi bởi vetran » Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
binhyen1960
Trung tá
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #64 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2011, 11:48:06 pm »

Anh Thơ viết tiếp: Yêu Anh, sẵn sàng chết để giành giật lấy tình yêu anh, vậy mà anh dửng dưng như tôi yêu anh là nghĩa vụ, trong khi vè vè bên anh hàng chục cô đồng đội, thậm chí là đồng hương cùng huyện nữa chứ, nhưng tôi tự tin vào bản lĩnh và sức hấp dẫn của mình và tôi thực hiện nguyên tắc" Say tình, tình ngoảnh. Bơ tình, tình theo". Chiến thuật của tôi thành công nhưng lại đưa tới tác dụng ngược. Cuối năm đó, đơn vị cho tôi về Việt Nam chuyên tu. tất cả từ thủ trưởng đến các ban đồng ý nhưng duy nhất chỉ có anh là không (lúc đó anh tạm thay quyền chủ nhiệm quân y trung đoàn) Vậy mà thua ý kiến của anh vì lý do anh viện dẫn cho tới giờ tôi cũng chưa hiểu ra sao, mà lúc đó thủ trưởng trung đoàn lại thuận theo, và tôi LẠI phải tiếp tục ở bên anh.

 BY nghĩ bác xơi phải "đồ cúng" của ông chủ nhiệm quân y bằng chiến thuật "Say tình, tình ngoảnh. Bơ tình, tình theo" nên bị đưa vào sổ "thù vặt" của ông ấy nên chuyến công tác học tập chuyên tu của bác gặp nhiều trắc trở. Grin

 Với lính bộ binh mà được thủ trưởng "ghét" thì đôi khi lại gặp may. Grin Ghét nên muốn đẩy đi cho khuất mắt còn "ủi" vào chỗ nhiều gian nan nguy hiểm thì lính tráng đâu có chịu chuyện "không đều" nên thủ trưởng mà lôi thôi là lính tráng có lý do cãi lại. Gặp ông thủ trưởng "yêu" mình quá đôi khi chết dở, gì chứ vụ này BY bị rồi.

 Khoảng nửa cuối năm 1980 đơn vị cho BY về D33 Lai Khê Sông Bé xa dần chiến trận, D phó vì quá yêu nên đã gọi điện tức tốc lên D, cũng tưởng có chuyện gì hóa ra ông ấy nói: Mày định bỏ Bố (ông ấy luôn xưng bố với BY vì đáng tuổi bố) ở lại đây một mình mà về tuyến sau à? Ngu thế về bây giờ là hết, bao nhiêu công sức mà chẳng được cái gì, ở lại đây vài tháng nữa có đợt đi học gì đó như cơ yếu hay lái xe bố cho mày đi học sau này về còn có cái nghề. Thôi về C mai không về D33 nữa. Trong khi mình đã xong hết thủ tục để sáng mai lên E sớm về VN. Mấy tháng sau Bố D phó hy sinh bỏ lại BY một mình cùng lời hứa cũng lên mây tan theo làn khói, nhiều lúc ân hận vì mình được "yêu" quá, giá như ông ấy "ghét" mình lúc đó thì đỡ vất vả thêm vài năm nữa. Grin
Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #65 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2011, 06:14:48 am »

Anh Thơ: Cám ơn anh Binhyen 1960. Thật ra sống ở Phnompenh trong giai đoạn đó (1982) cũng khá yên bình, hơn nữa mình may mắn hơn hàng chục đồng đội nữ khác cùng cơ quan trung đoàn bộ là có người yêu cùng ngành ngay bên cạnh, và chỉ mới yêu nhau vài tháng là mình phát hiện tính anh khá đỏng đảnh, nhiều cô để ý kể cả trong và ngoài đơn vị nên mình bắt đầu cảnh giác, thậm chí còn tỏ ra gét gét. nhưng như lời nói của thượng úy Dong trưởng ban tài vụ "Mày cứ gét nó đi, gét của nào trời trao của ấy" và rồi lời nói ấy vận đúng vào đời mình khi cố gắng tìm mọi cách về được Việt Nam học chuyên tu là có thể bùng luôn. Rồi cuối cùng không thoát được vòng (Kimco).
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Mười Hai, 2011, 06:38:39 pm gửi bởi vetran » Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #66 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2011, 06:30:58 am »

Về đây có khu điều trị rộng rãi, sạch sẽ từ những căn hộ hai lầu của gia đình các sĩ quan chế độ cũ di tản để lại, khu hậu cần thoáng đãng có cả một sân bóng chuyền với hàng chục cây bã đậu, tối ngày lổ lốp bốp trái khô rơi ào ào xuống mái nhà. Chỗ ăn ở mới thì tốt rồi, nhưng cũng có cái ngại vì phải đi chợ Gò Vấp khá xa bằng xe lam, hơn nữa nhà bếp ngay cạnh đường nội bộ chính của cư xá mà lô K phía trong là nơi ở của các em bộ đội quân khí quê Thái Bình, Nam Định từ xưởng Z751 đi làm về mỗi chiều, có lần đang rửa xoong nồi quân dụng sau bữa ăn của thương bệnh binh ngoài sàn nước, nghe các em cười nói ríu rít sắp đi qua, tôi đứng lên bê nguyên cả một cái nồi quân dụng đầy nước và dụng cụ nấu nướng nặng chừng 70kg chạy thẳng vào bếp ngồi rửa vì xấu hổ sợ các em chê “Nam nhi ngồi xó bếp”. Sau này quen rồi không trốn nữa, các em lại thường qua chơi mỗi tối thứ bảy, đôi khi còn khiêng giúp thức ăn dư thừa ra chuồng lợn khá xa để tôi chăn nuôi mấy con lợn mọi đợi lớn có thịt cho tết. Thời gian này ngoài quân số ăn hàng ngày là thương bệnh binh, nay tôi làm cấp dưỡng cho cả các sĩ quan bị địch bắt làm tù binh, được trao trả đầu năm 1975 đang trong thời kỳ theo dõi. Thêm công việc một chút thì không sao nhưng phục vụ mấy (Cụ) này rất ngán vì một phần do lớn tuổi, một phần tâm lý không được thanh thản nên chuyện ăn uống cũng khó chịu. Trong số các sĩ quan này mỗi người mỗi vẻ nhưng có một điểm chung là (bất đắc chí). Thượng úy Đào Văn Tuy luôn trầm ngâm chậm chạp, khi phát ngôn thì đầy chọc khoáy, châm biếm kèm nụ cười bí hiểm. Thượng úy Khổng Minh Thất hay lảng tránh tranh luận, thường tất bật một công việc gì đó với vẻ mặt phảng phất sự chịu đựng chua chát. Thiếu tá Thám, tính hòa đồng và hay kể những chuyện láu cá của ông khi sống trong hàng ngũ lính Khố xanh thời Pháp thuộc ở Hà Nội. Đặc biệt nhất, chuẩn úy Trì, quê Hải Phòng, da trắng tươi, sở hữu một cái trán dồ và mái tóc dài chấm vai, sống bất cần đời, cả tuần chỉ ăn một hai bữa cơm tại trạm, rất nhiều các em út dập dìu thăm hỏi với nhiều quà cáp. Anh thường đi đâu nhiều ngày không ai biết mặc dù số sĩ quan nay đang trong thời gian gần như bị (quản thúc nhẹ). Anh Trì luôn phát ngôn với giọng coi trời bằng vung, ăn mặc phá cách, cũng vẫn quân phục với đầy đủ quân hàm quân hiệu nhưng quần ống loe hết cỡ, giày hippy cao gót màu nâu, cái mũ mềm của bộ binh ngụy lại gắn quân hiệu ta. Và rồi. Một ngày kia trung đoàn nhận tin báo của cơ quan quân pháp bộ tư lệnh Thành bắt giam khởi tố chuẩn úy Trì, về tội cấu kết và hoạt động trong một tổ chức xã hội đen đang nén nút gây án trở lại sau một thời gian nằm im thăm dò từ ngày giải phóng. Sau đó anh bị biệt giam ở quân lao Gò Vấp, cách trạm xá ba lô nhà .Thời gian sau, khi khá thân mật, mấy chú sĩ quan tù binh rất mến tôi, coi tôi như con cháu và tôi được nghe tâm sự thì thấy hoàn cảnh, tâm lý các chú bất ổn day dứt vì trước khi trở về những đơn vị chính qui là đơn vị gốc trước khi bị bắt thì từ năm 1973 các chú phải sống tại những khu trảng sâu trong rừng Lộc Ninh cùng với số bộ đội địa phương và du kích đào ngũ do không chịu nổi ác liệt kéo dài của cuộc chiến, họ mặc cảm không giám về quê quán và tụ lại một chỗ gọi là căn cứ (bù chao), ở khía cạnh nào đó thì dưới sự đánh giá của  mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam thì họ thuộc thành phần (bỏ đi, không có lợi mà cũng không gây hại cho cách mạng). Số lượng thành phần này cũng không nhỏ nên mặt trận chấp nhận vị thế của họ như vậy còn hơn là sử dụng biện pháp cứng rắn thì có thể hại nhiều hơn. Hiện tại nhiều lấn cấn trong chính sách và qui trình giải quyết những vấn đề hậu chiến tranh mà cụ thể những sĩ quan là tù binh do địch bắt, được trao trả về với đồng đội thì phải sống trong sư xăm soi xét nét, mỗi ngày không phải làm việc gì, không ai nói tới, có mặt trong mấy bữa ăn tập thể rồi đọc báo. Lâu lâu sinh hoạt chính trị một lần, từ ngày cuộc chiến kết thúc đến nay chưa được về thăm nhà, coi như bị quản thúc, quyền quân nhân bị hạn chế, số phận chính trị không được kết luận và…Chờ đợi. Khi trạm xá chuyển cứ theo trung đoàn 26 về Biên Hòa, các chú sĩ quan này được chuyển về nơi tập trung nào đó ngoài miền Bắc. Chia tay các chú rồi không biết đến bao giờ họ trở thành công dân bình thường. Cũng thời gian này tôi chứng kiến cái chết thứ hai của đồng hương. Thúc bạn đồng môn, nhà ở khu cầu xây làng Hồng Kỳ. Bị sốt cao nhiều ngày nằm ở trạm xá trung đoàn, điều trị cả tuần không dứt, tôi thường lấy cơm cho bạn ăn. Chiều đó, cũng vì chuyện cơm cháo khó ăn sau một va chạm nhỏ với đồng đội khác, đến chiều Thúc nói: tao rét lắm và không giám đi tiểu nữa vì mỗi lần tiểu ra cả bô máu, nhìn rất sợ. Khi có dấu hiệu hôn mê. Trạm xá chuyển Thúc đi  quân y viện 7A. Ngồi trên xe zeep ôm dìu bạn đi viện khoảng 20 phút sau thì anh Thành lái xe đi lạc lên cầu chữ Y. Từ ngày vào Sài Gòn, nay tôi mới biết cầu chữ Y, lúc tìm đường quay lại bệnh viện, tôi nói đùa: Thúc ơi mày lên cầu chữ Y cho biết chứ nhỡ mày không qua khỏi thì ân hận. Ai ngờ rằng đó là lần nói với nhau cuối cùng. Thúc ra đi ngay ngày hôm sau với chẩn đoán do sốt rét tiểu huyết cầu tố. Nhưng ngày đó tôi lại nắm được thông tin Thúc chết do mất máu vì vỡ thận trong vụ đụng độ chiều hôm trước mà cái kết thúc cuối cùng ấy dù ngẫu nhiên nhưng nó là cái tất phải đến vì Thúc mang căn bệnh (Nang nước thận). An táng tại nghĩa trang gần trường hạ sỹ quan thiết giáp, ngã ba Thailand - Long Thành. Ba mươi năm sau (2007) trong dịp về quê, tới thăm bà mẹ Thúc, tôi được biết gia đình mới tìm được mộ ở nghĩa trang liệt sĩ thành phố nhưng chưa có một chế độ đãi ngộ gì đối với gia đình tử sĩ. Tôi yêu cầu Kiên chủ tịch và Lập bí thư là bạn thân thời học phổ thông chú ý trường hợp này. Người đi thì đã ra đi, người ở lại tiếp tục trong hối hả bộn bề của bao công việc sau cuộc chiến. Chôn cất Thúc xong, mấy ngày sau tôi tham gia trong đoàn công tác của trung đoàn bộ E 26 đi Bình Long tăng gia trồng lúa và ngô trên một khu trảng rất lớn bao quanh bằng những rừng cây le, nứa. Từ đường lớn đi sâu vào rừng chừng hai mươi cây số, hai bên con đường nhỏ toàn cây le nứa quất vào thành xe ràn rạt, đôi khi vào cả mặt đau xé. Phát rừng cuốc trảng mệt nhọc nhưng vui vì ban ngày đi trồng tỉa, đến đêm theo mấy anh lính già săn thú, khoái nhất khi thấy đàn cheo, chỉ cần  bình tĩnh tiếp cận, không cần nhắm vào con nào bắn một phát chỉ thiên thì cả đàn ngất sỉu, khẩn trương vồ từng con trói lại, Con cheo có bốn cẳng chân nhỏ và bộ móng guốc như chân ngựa xinh xắn dễ thương mà chạy thì cực nhanh nhưng nó rất nhát, chỉ cần tiếng động mạnh là lăn đùng hết chạy nổi. Làm sạch lông thui vàng thấy lớp da mỏng dòn, thịt trắng, thơm ngọt, nếu nấu cháo thì tuyệt vời. Nhưng không ly kì bằng săn nhím, mấy anh lính già rất có kinh nghiệm. Nếu phát hiện khu vực có nhím hoạt động với các dấu hiệu: có những lỗ nhỏ, moi sâu tìm củ, rễ, đặc biệt khu có nhiều cỏ tranh. Phục bắn chết một con nhím cái rồi tắt đèn ngồi tại chỗ ở  bìa trảng, cầm cái đuôi nhím lắc lọc sọc liên hồi chờ mấy con nhím đực khác bu tới, lúc ấy mấy anh khác dùng bao tải tha hồ chụp nhưng cẩn thận tránh bộ lông dựng ngược xóc vào tay. Khi thịt nhím, mấy anh lính già lấy cái dạ dày treo lên sào tre phơi khô làm thuốc chữa đau dạ dày, da nhím rất dày nhưng cũng rất dòn, thịt xào lăn thơm ngọt thú vị. Có hôm bắn hạ một con heo rừng khá to, cả đoàn công tác ăn thoải mái cả ngày, thịt heo rừng ít mỡ, da hơi dày nhưng ướp cari nướng ăn rất ngon. Thỉnh thoảng bắt được một con trăn hoặc rắn hổ chúa chừng gần mười cân, làm thịt nấu cháo hoặc xào lăn với sả và bột cari, ngọt ngon nhớ đời, còn các loại rắn nhỏ dưới hai cân rất nhiều. Ngoài các loại chim thú còn có mật ong, sáp ong, con culi, chồn hương, nấm và hoa phong lan cũng là sản vật không hiếm ở rừng Bình Long vì sau giải phóng bộ đội rút ra khỏi căn cứ (R) không còn khai thác săn bắn nên sản vật rừng sinh sôi nảy nở nhanh. Chủ nhật vào phum dân tộc Catu. Đàn bà con gái với nước da đen hồng, bộ ngực để trần thỗn thễn tự nhiên, trên mình có duy nhất một miếng vải ca rô hoặc vải hoa màu đỏ nhàu cũ quấn thành xà rông che phía dưới, các bà các cô gái không có phản ứng gì khi thấy bộ đội đến, đàn ông chỉ đóng một cái khố nhỏ để trần cái lưng bóng lẫy mồ hôi dầu nhưng đôi người mặc thêm cái áo bộ đội, khắp phum phân trâu bò chó gà dày kín bên lối đi. Chúng tôi vào phum đưa quần áo, giày dép, khăn rằn, mũ tai bèo, ca nhôm, bút bi, gương soi, lược nhôm đổi lấy gà về nấu cháo, cứ một món bằng một con gà to bé bằng nhau, nhưng nếu thích có con chó về thịt thì dân cho không chứ không đổi, thứ chó ở đây nhỏ nhỏ bụng thon chân cao lông mịn, sau khi cao sạch lông, thui bằng cỏ khô vơ ngoài bìa trảng, lúc sau da chó vàng rộm, thịt đỏ nhạt, ít mỡ, chế biến món nhựa mận thơm ngon hơn bất cứ món gì. Cuộc sống đồng bào dân tộc trong rừng sâu thiếu thốn quá, trong khi ấy rừng Bình Long cực nhiều thú các loại, dân chỉ bẫy hoặc dùng súng kíp bắn được thú nhỏ. Có lẽ rừng ở đây không có cọp vì con cọp rất kị sống trong rừng le nứa dễ gây nó bị thương, hơn nữa khi quan sát thấy dân đi lại trong rừng sâu mà không cảnh giác đề phòng gì, già Oi còn nói: Đồng bào Catu chúng tao chỉ sợ lính quốc gia thôi, còn con thú rừng ở đây dễ thương lắm. Sau ba tháng ăn ở trong rừng sâu cũng qua, đoàn công tác trở về Gò Vấp chuẩn bị cho đợt chuyển cứ mới
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Mười Hai, 2011, 05:02:58 pm gửi bởi vetran » Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #67 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2011, 06:38:55 am »

Thời gian trôi nhanh. Theo quan niệm của các cụ xưa “ trong gia đình, bắt buộc con trai cả phải trông coi tông miếu tổ tiên, còn các con trai thứ có thể ra đi tìm kế sinh nhai ngoài quê hương bản quán”. Vì vậy anh Nghĩa cũng không là trường hợp ngoại lệ. Cuối năm 1976 anh phục viên và trở về Giao Thủy theo yêu cầu của cả họ tộc Trần Văn vì lúc đó bố đang là tộc trưởng và anh Nghĩa sẽ phải kế nghiệp mặc dù anh đang là cán bộ triển vọng của quận đội Bình Chánh. Anh Nghĩa về Bắc lại nhanh chóng vào trường đại học kinh tế quốc dân và tôi nghĩ khó có dịp anh trở lại miền Nam. Sự việc này làm tôi cũng hụt hẫng vì mặc dù đã mấy tuổi quân nhưng tính tình tôi vẫn nhão nhét ỉ lại, khi anh Nghĩa còn ở trong này, dù tôi là lính trẻ nhưng cuộc sống sinh hoạt của tôi được anh cung cấp như chế độ một sỹ quan, thỉnh thoảng anh lái cái xe DOGER hoặc xe REO to chảng từ quận đội Bình Chánh tới đơn vị chở tôi đi chơi mặc dù tôi biết anh không có bằng lái xe nhưng là lính biệt động nên xe loại nào anh cũng lái chạy ầm ầm ngoài lộ 4 kể cả xe bọc thép V100 (nồi đồng) của cảnh sát dã chiến, đôi khi tôi theo anh đi tàu đò từ chợ Đệm vào ấp 5 Tân Túc hoặc ấp 1 Tân Nhật tít tận trong ruộng sâu không có đường bộ, nơi những gia đình nuôi giấu anh thời chống Mỹ, tôi được các má các chị chiều cưng nhiều lắm. Trước khi chia tay, tại bậc thềm đá ngôi nhà IMEXCO cao nhất thành phố lúc đó anh dặn dò tôi ở lại yên tâm công tác và với câu chốt cuối cùng “Cố gắng phấn đấu đạt dấu son trước tuổi hai mươi”. Ngày đó còn nhỏ quá, tôi chưa cảm được hết vấn đề để rồi sáu năm sau, khi đã trở thành sĩ quan quân đội, tôi mới được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Rồi thời gian ngắn sau. Anh Đức từ Hải Phòng vào công tác tại quốc doanh đánh cá Chiến Thắng có văn phòng trên đường Hàm Nghi quận I, tôi lại được anh chăm sóc động viên học tập. khi vào trường quân y, tôi có đủ thứ, nào là xe đạp hiệu Giải Phóng, đồng hồ Senko Five, đồ dùng cá nhân loại tốt và mặc dù mới mang hàm trung sỹ nhưng quân phục của tôi may toàn bằng vải và kiểu của cấp tá. Phải công bằng nhận xét: tôi mặc quân phục rất đẹp, có lẽ đây là duyên tiền định, hơn nữa sống trong một môi trường kỷ luật thép với những người lính luôn luôn thiếu thốn vật chất tiền bạc mà tôi thì đầy đủ như (thiếu gia) nên trong sinh hoạt, học tập tôi luôn tạo được sự chú ý của đồng môn, dù chỉ là hình thức. Với bộ quân phục, mũ mềm cấp tá. Với chiều cao 1.65m nặng 55 cân, tôi luôn luôn ở vị trí sĩ quan chỉ huy trong đội hình duyệt đội ngũ của lớp mỗi đầu tháng suốt thời gian học tại trường. Trở lại quá khứ, thời gian sau tôi cùng trạm xá chuyển cứ theo trung đoàn 26 về (Suối máu) ngã tư Tân hiệp - Biên hòa, gần quân y viện 7B. Đóng quân cùng dãy đồi với trung đoàn 24 pháo binh quân khu 7. Đây là những quả đồi trọc, thỉnh thoảng có những lùm cây thấp nằm ngay cuối phi đạo của sân bay quân sự Biên Hòa với đặc điểm là rất nhiều mìn các loại. Dân đi lấy củi hoặc đi đào củ hà thủ ô bị dính mìn hoài nhưng chủ yếu chỉ mất bàn chân chứ không có thương vong mất mạng. Sáng sáng chạy bộ thể dục quanh đồi cũng hơi ngán. Ở đây chỉ yên tĩnh vào ban đêm còn ban ngày không gian ngập tràn âm thanh gào rú của các loại trực thăng UH1 và phản lực F1, F4 lên xuống tập dượt, lúc bay lên phụt ra một luồng lửa phía sau dài tới mấy mét, riêng phản lực MIC lúc xuống bao giờ cũng bung cái dù to chảng thắng bớt tốc độ, có lẽ độ dài phi đạo phi trường Biên Hòa không dáp ứng yêu cầu hạ cánh của các loại MIC. Đặc biệt trong phi trường Biên Hòa có một hệ thống kho chứa và nạp hóa chất Dioxin cho các loại máy bay và xe bồn đi phun phát quang nhằm triệt tiêu rừng là nơi trú quân của ta. Đây là một hóa chất độc được gọi (chất độc màu da cam) vì khi rải trên cây cỏ có bám một loại bột màu cam nhạt, ngoài tác dụng diệt cây cỏ phát quang, hóa chất này còn ảnh hưởng đến thần kinh và rối loạn ADN trên sinh vật, con người nhiều thế hệ và còn gây ung thư, quái thai, dị dạng, trì độn thiểu năng tâm thần. Đây là một trong những hệ lụy của chiến tranh đã và đang gây bao nỗi thống khổ cho dân tộc ta và kể cả những người bên kia tham chiến trong vùng có Dioxin. Ngày đó tôi cũng hay lọ mọ vào khu sân bay mà không biết mình có dính chút Dioxin nào không? Về căn cứ mới, khi tiếp phẩm tôi phải đi bộ khoảng 2 cây số vì trạm xá không có xe đạp, rồi đón xe lam ra chợ Biên Hòa mua thức ăn về phục vụ thương bệnh binh. Nơi trạm xá đóng quân khá rộng, tôi mua một đàn gà con về cho chúng nhặt những thức ăn rơi vãi trong khu bếp nấu và nhà ăn, mỗi lần đi rừng Bình Long hay Long khánh lấy củi về làm chất đốt cho trạm xá, tôi tranh thủ lấy các ổ mối trắng dưới đất hoặc các khúc cây có mối về đặt ở một góc xa nhà ở một chút tránh mối di cư vào doanh trại, để mỗi chiều dùng búa bửa củi đập cho mối bò ra nuôi gà, gà ăn mối rất mau lớn và béo nẫn, gà lớn chừng hai cân thì bán cho nhà bếp với giá rẻ để phục vụ thương bệnh binh, tiền có được, tôi mua sách giáo khoa phổ thông về ôn lại kiến thức dở dang. Trong thời gian nuôi gà tôi cũng rút ra kinh nghiệm là không phải loại mối nào cho gà ăn cũng được nhất là tuyệt đối không lấy loại mối vàng vì chúng rất hung hãn, có thể bu vào cắn mắt cổ mỏ gà và để lại hai cái răng có nọc độc tại chỗ chích trên thân gà làm cho gà mù mắt, sưng tấy tại chỗ chích, làm mủ rồi chết. Những lúc ngồi cho gà ăn và thu dọn bếp nấu tôi luôn mơ ước ngày nào đó được đơn vị cho đi học quân y như các anh trong trạm xá trung đoàn, tôi nguyện sẽ ở trong quân đội phục vụ chiến sỹ lâu dài và tôi nhủ thầm: hiện tại mình cố gắng làm tốt nhiệm vụ của anh lính (nhọ đít) theo cách gọi của đồng đội, sẽ có ngày được toại nguyện...Đôi khi tôi nghĩ mình cũng khá thông minh và đảm đang trong việc nội trợ do vậy sau này khi đã trở thành sĩ quan, thuyên chuyển nhiều đơn vị cho đến lúc trở về cuộc sống công chức, tôi chế biến thức ăn khá bài bản theo sách của chuyên gia từ món ăn hàn lâm trên bàn tiệc yến ẩm đến những món ngẫu hứng đồng quê hoặc những món phối hợp sáng tạo trong mọi hoàn cảnh kể cả chuẩn bị cho hàng trăm người ăn tại các đơn vị quân đội hoặc tổ chức bữa ăn gia đình, thết đãi bạn bè. Trước hết phải thấu đạt đặc điểm món ẩm thực Đông phương là sử dụng nhiều gia vị trong một món ăn do vậy phối hợp sao cho nhuần nhuyễn, phải chú ý nguyên liệu và các gia vị được sử dụng trong một món ăn không được phản thùng nhau theo nguyên tắc: âm dương, hàn nhiệt, ôn lương, với đủ thành phần: ngũ cốc, ngũ thảo, ngũ súc, ngũ quả, ngũ vị, ngũ sắc. Công việc tiếp theo là thời gian tẩm ướp, thời gian nấu, nấu bằng loại nồi kim loại, thủy tinh, gốm hay nồi đất, mức độ nhỏ to của ngọn lửa và động tác cuối cùng là bày món ăn nào trên đĩa hình gì, bố trí các màu và hình dáng thái lát như thế nào để phản ảnh cái hồn của người chế biến gửi gắm thông điệp tới thực khách “Ngon mắt, ngon mũi, ngon miệng”. Nó không giống như các món ăn Tây Âu ngoài nguyên liệu chính chỉ thêm một số hóa chất điều vị, điều mùi và rau củ quả, chú ý không dùng gia vị nặng mùi ví dụ như mùi các loại mắm, các loại hương tinh dầu.
Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
bschung
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 870


"Mùa sang khấp khểnh tôi về...! "


« Trả lời #68 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2011, 11:06:06 am »

-Kính chào 2 bác ! Mời các bác sang ngay quán nước nhận đồng hương ,rồi ta bàn chuyện liên hoan khen thưởng ,tổng kết cuối nam nào  Grin
http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,23370.new.html#new
Logged

Nhân sinh bất như ý sự thường bát-cửu
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #69 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2011, 05:19:45 am »

Xin chào Bschung và các cụ xin cho vetran và Anh Thơ đăng ký trước hai suất. Tính cho tử tôn theo nữa nhưng trước mắt chúng đang kẹt chuyện học hành và picnic theo trường.
Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM