Lịch sử Quân sự Việt Nam

Máu và Hoa => Một thời máu và hoa => Tác giả chủ đề:: vetran trong 12 Tháng Mười Hai, 2011, 08:06:39 pm



Tiêu đề: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: vetran trong 12 Tháng Mười Hai, 2011, 08:06:39 pm
 Cảm tạ cha mẹ đã sinh con ra đời
cảm ơn Quân Đội Nhân Dân Việt Nam đã nuôi dưỡng rèn luyện bản lĩnh, kỷ luật, ý chí chiến đấu và trang bị  tri thức làm hành trang vào đời để tôi phấn đấu trưởng thành.
Chân dung người chiến sĩ quân đội nhân dân mãi mãi trong trái tim tôi.
                              

                                    

                                    Phi lộ

 - Trong cuộc đời. Trước hết, ai cũng có một quê hương. Dù may mắn thành đạt, Hoặc thăng trầm bôn ba vất vả. Đến một lúc nào đó khi gối mỏi chân chùn, nhất là sau tuổi ‘Tri thiên mệnh’. Muốn viết cái gì đó giữ lại những kỉ niệm đã qua để thanh thản mãn nguyện, hoặc chấp nhận chông gai trên bước đường còn lại với những Tham, Sân, Si - Ái, Ố, Hỷ, Nộ của nhân tình thế thái. Đặc biệt những cuộc đời tha hương.
 
  - Tôi không thoát khỏi cái qui luật tâm lý đó. Những điều ghi lại là những kí ức, những thực tế đã qua và những thông tin trao đổi với người thân, bạn bè mang tính ôn lại kỷ niệm của một thời mình trải nghiệm ở nhiều nơi, nhiều lúc khác nhau không chỉ gói gọn nơi chôn nhau cắt rốn hoặc mọi miền đất nước mà còn vượt qua cả biên giới quốc gia, trong đó mình là một trong hàng ngàn nhân chứng, thậm chí còn đóng vai trò chủ thể ở những biến cố đó trong xã hội, trong cuộc sống tha hương. Tuy nhiên kí ức chỉ là nhận thức của mỗi cá nhân, thậm chí nhận thức ấy đã trải qua thời gian quá dài và phôi phai trong tâm thức, cũng đồng thời thực tế đã đổi thay phát triển như vũ bão cùng không gian và thời gian. Nay ngồi hồi tưởng lại, ghi lại cho mình thôi, cũng không tránh khỏi thiếu sót. Hơn nữa đây chỉ là hồi tưởng và ghi chép những chi tiết vụn vặt rất đời thường đến và đi với một cá nhân bình thường mà những ghi chép này không theo văn phong văn pháp nào qui định vì tôi không có chút ít năng khiếu văn chương gì nhằm diễn đạt tư duy bằng ngòi bút.
  Anh em bạn bè, ai đó có xem những ghi chép này xin lượng tình chiếu cố góp ý bổ xung những thông tin chưa chính xác và coi như giải trí một vài trống canh.
                                        
                     I/ Quê hương - tuổi ấu thơ
- Song thân tôi sau nhiều năm tha phương tìm kế sinh nhai, bôn ba đủ nghề khắp chốn cùng nơi, may thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong nạn đói Ất Dậu (1945). Nhưng tứ thân phụ mẫu, hai người em và những người thương yêu của bố mẹ không được may mắn ấy. Sau khi gửi thân xác những người ruột thịt trong lòng đất lạnh quê người. Bố tôi tiếp tục lăn lộn tìm kiếm nguồn sống, nuôi dạy những người em còn lại. Thời gian tiếp theo bố tôi tham gia hoạt động cách mạng ở vùng mỏ than Quan Triều - Quảng Ninh. Sau đó ông gia nhập quân đội, trở thành sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam, mang hàm đại đội bậc phó. Mẹ là công nhân quốc phòng, làm việc trong xưởng quân khí K77 hoạt động ở Phú Lương – Bắc Thái vùng Tây Bắc tổ quốc. Sau hiệp định Genever (1954), sông Bến Hải (vĩ tuyến 17)  như dòng sông Gianh, tô giới  thời Trịnh Nguyễn phân tranh, trở thành lát cắt lịch sử thứ hai vào khúc ruột miền Trung trên thân thể thiên nhiên cong hình chữ S, đất nước bị chia đôi. Hòa bình ở miền Bắc, một lần nữa bố mẹ tôi lại vĩnh viễn mất đi hai núm ruột là hai người anh trai tôi nơi tha hương viễn xứ vì đói rét tai ương. Đồng thời những sự kiện chính trị, xã hội có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt làn sóng di cư của đồng bào về phía Nam tổ quốc với phần lớn dân chúng mang tín ngưỡng Thiên Chúa giáo trong đó có một số bà con họ hàng nhà tôi theo sự hô hào tổ chức của các thành phần phong kiến phản động và giới chức tôn giáo với chiêu bài “Đức mẹ đã vào Nam, con chiên Chúa hãy theo mẹ, không thể sống chung trong xã hội cộng sản vô thần”. Lúc này bố tôi chuyển về làm cán bộ tổ chức, trường đại học nông lâm ở Châu Quì - Hà Nội và lần lượt qua các vị trí công tác khác thuộc nghành văn hóa thông tin tuyên truyền. Nếu bố mẹ cứ an phận với cuộc sống công chức ở Hà Nội thì có lẽ chúng tôi đã trở thành công dân Thủ Đô từ những năm 50 thế kỷ trước. Nhưng năm 1958, theo chủ trương của nhà nước, và thể theo nguyện vọng của dòng tộc, Bố Mẹ tôi về nguyên quán tham gia xây dựng chính quyền mới, đồng thời để Ông thực hiện trách nhiệm của trưởng tộc “coi sóc tông miếu tổ tiên”. Đêm giao thừa năm 1959 tôi cất tiếng khóc chào đời. Tôi là con thứ sáu trong chín người con của cha mẹ và là đứa con đầu tiên được sinh ra tại nguyên quán trong một phần căn nhà của địa chủ bị cách mạng tịch thu, cấp cho cha mẹ tôi ba gian. Trên tường gian giữa treo trang trọng một bức hoành phi bằng gỗ vàng tâm với bốn đại tự chạm nổi màu đen Tứ Đại Đồng Đường trên nền sơn son thếp vàng hình chi bảo cùng những thơ ca trích cú mô tả cuộc sống phong lưu tài lộc của tầng lớp phú gia phong kiến. Xung quanh chạm trổ hoa văn nổi rỗng ruột cầu kỳ với hình tứ linh (long, ly, qui, phượng) và tứ quí (trúc, cúc, mai, lan). Gian đầu bên trái cấp cho cô Nhiên kèm theo một bức tung phi sơn son thiếp vàng với nội dung “Tổ tông công đức thiên niên thịnh” Gian đầu bên phải thuộc quyền sở hữu của bà quản Luận và bức tung phi đối lại “Tử hiếu tôn hiền vạn đại vinh” Khi chúng tôi lớn lên, bố mẹ hoán đổi cho hai hộ phần đất thổ canh ở chỗ khác và từ đó chúng tôi có nguyên căn nhà rộng rãi năm gian thoáng mát, hướng Tây Bắc,  phía sau nhà trên bờ có những  cây nhãn, cây vải, cây mít cổ thụ, quả đeo lủng lẳng, dưới là con kênh liên xã, thường mang dòng nước xanh trong êm đềm chảy ra sông cái, nhưng đến lúc triều dâng thì dòng chảy ngược trở lên hung hãn quần quận đỏ ngầu phù sa mát lạnh từ Hồng Hà qua sông Cồn Tư đổ vào từng cánh đồng lúa mơn mởn màu xanh dập dềnh theo gió. Mở cửa sổ lớn sau nhà, đứng trong song sắt vững chãi đón luồng gió mát, nhìn hút tầm mắt qua mặt sóng xanh thảm lúa phía trên kia là làng Hồng Kỳ. Thời gian trôi xa, bức hoành phi được em Nam giữ đến nay (2010) mặc dù đã nhiều phôi phai do dòng chảy quá khứ và khí hậu ẩm thấp đượm mùi gió biển. Còn hai bức tung phi, hai gia đình đã xẻ ra đóng đồ gia dụng từ những năm sáu mươi, thế kỉ trước. Sau này tìm hiểu về chúng, tôi thấy rất uổng phí và đáng tiếc. Lẽ ra chính quyền không nên chia cho mỗi gia đình một phần tổ hợp hoành phi ấy vì chúng không có giá trị tinh thần của từng gia đình trong đó có nhà tôi. Hơn nữa, một tổ hợp vật thể tâm linh bị xé lẻ thì chúng không còn mang đầy đủ ý nghĩa nữa. Chỉ khi nghành văn hóa địa phương bảo quản giữ gìn đúng nơi, sử dụng đúng mục đích thì mới giữ được giá trị tinh thần, giá trị vật chất trọn vẹn về mặt xã hội.
- Quê tôi một vùng chiêm trũng thuộc hạ lưu sông Hồng, bên kia sông là huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình. Nơi sông và biển hòa quyện hai dòng nước là cửa Ba Lạt mà theo tương truyền cái tên ấy là tên của một cặp vợ chồng cùng hai người con trai, một người con gái với cuộc đời nghèo nàn khốn khó lang thang tìm miền đất sống. Khi gối mỏi chân chồn, họ theo dõi những cánh chim bay về hướng biển. Từ trải nghiệm trong quãng đời bôn ba vất vả, người chồng nghĩ rằng: nơi đây là vùng đất lành, nếu chim tụ về nhiều mà sống được thì con người cũng sống được và họ dừng chân cắm lều trại sinh sống tại đây. Vật đổi sao dời con cái họ có vợ có chồng và sinh sôi nảy nở con đàn cháu đống. Rồi người dân mọi nơi cũng tụ về đây lập thành làng ấp, canh tác nuôi trồng và đánh bắt cá tôm ngoài biển, vào bãi nổi thu lượm cây điền thanh, phi lao, sú vẹt làm chất đốt để có cuộc sống sung túc phát triển không ngừng. Theo lịch sử cận đại, đây là miền đất mới do cư dân từ tả ngạn qua hữu ngạn mở mang canh tác và định cư. Như vậy căn cứ gia phả và lịch sử gia tộc thì các cụ Sơ, cụ Cố nhà tôi có gốc gác từ tỉnh Thái Bình. Cũng theo tương truyền quê tôi nằm trong vùng châu thổ của ba mạch nước ngầm hợp lại nên được gọi là giao thủy. Nếu xét lịch sử bồi đắp thềm lục địa Thái Bình Dương, đây là nơi giao lưu giữa hai dòng nước từ thượng nguồn Hồng Hà (Trung Quốc) ngọt ngào mát lạnh với dòng đối lưu ấm áp mặn mòi của vịnh Bắc bộ nên quê tôi có tên Giao Thủy (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định). Ngoài lộng cửa Ba Lạt là bãi nổi Cồn Lu (còn có tên Cồn Ngạn, cồn Xanh). Hiện nay là khu du lịch sinh thái, trung tâm bảo tồn thiên nhiên biển và rừng dự trữ sinh quyển thế giới, mỗi năm thu hút hàng ngàn du khách và các nhà nghiên cứu khoa học toàn thế giới tham quan, làm việc. Với quần thể động thực vật phong phú, đây là địa chỉ đầu tiên của Đông Nam Á được Unessco công nhận từ ngày 20 tháng 9 năm 1988. Đến ngày 04 tháng 8 năm 2005 nước ta xây dựng được địa chỉ thứ hai là Bàu Sấu rừng quốc gia Cát Tiên – Đồng Nai và Ngày môi trường thế giới (05 tháng 6 năm 2011) giám đốc Unessco trao bằng công nhận hồ Ba Bể – Bắc Cạn là địa chỉ thứ 3 của nước ta hoạt động trong công ước Ramsar. (hơn một trăm nước tham gia ký kết ngày 2/2/1971 tại Ramsar – Iran, về bảo tồn vùng đất ngập nước) song song với công cuộc bảo tồn rừng ngập mặn, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ - thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài quần thể thực vật như bần chua, trang, sú, vẹt, mắm, ô rô cóc kèn, phi lao. Cồn Lu còn là nơi trú chân của các loài chim trời có tới 215 loài, trong đó có 160 loài di trú từ vùng hàn đới phương Bắc Siberi, Hàn Quốc, trung Quốc như Giang, ngỗng, mòng biển, le le, sáo, vẹt, dẽ mỏ thìa, choi choi, diệc đầu đỏ và 50 loài chim nước. Đặc biệt có 9 loài ghi tên trong sách đỏ và đặc biệt quí hiếm như: choắt chân màng lớn, mòng bể mỏ lớn, sếu, bồ nông.v.v. trong đó có 66 cá thể cò thìa chiếm 20% cá  thể còn lại trên thế giới. Khi đến tuổi cắp sách tới trường cũng là lúc tư duy non nớt của tôi nhận thức được không gian mình đang từng ngày lớn lên trong vòng tay chăm sóc của bố mẹ và sự đùm bọc của các anh chị, đó là khung cảnh bình yên sau lũy tre làng. Vầng đông hừng sáng, sau hồi chuông nhà thờ ngân nga, cả làng như sôi động bởi tiếng gà gáy chào bình minh, các cụ ông cụ bà người chống gậy, người cầm cái quạt mo cau chậm rãi tới nhà thờ cầu nguyện buổi sáng. Tiếng lọc cọc của trâu bò cùng các bác nông dân ra đồng cày cấy, học sinh ríu rít tới trường. Bao nhiêu công việc một ngày hối hả. Chiều hạ buông, gió hiu hiu thổi qua con kênh sau nhà, lá lúa mơn man xào xạc hòa trong tiếng chuông nhà thờ làng Định Hải báo giờ cầu nguyện buổi tối. Trong xóm ngoài làng thân thiết gói gọn trong vài dòng họ: Lê, Nguyễn, Trần, Đặng, Bùi, và thông qua những mối liên hệ khác như: thông gia, bố mẹ đỡ đầu, con cái thiêng liêng theo lễ nghi tôn giáo, thì cả làng có quan hệ dây mơ rễ má với nhau. Với những  tục danh đứng sau chức sắc nhà thờ hoặc chức nghiệp là những: Ông Trùm, bác Quản, bà Bạ, cụ Lý, ông Binh, ông Phần, ông Nhiêu, bác Khóa, ông Trưởng. Thầy sáu.v.v. Các cụ trong dòng họ nhà tôi  được dân làng gọi: Cụ Chánh, Thầy Lang (thầy thuốc nam) ông nội tôi là ông Đồ Phẩm (thầy dạy chữ nho). Cách xưng hô mộc mạc nhưng đầy vẻ trọng vọng cung kính.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 12 Tháng Mười Hai, 2011, 08:07:24 pm
Thời gian trôi nhanh, anh em tôi cùng lũ trẻ hàng xóm cứ lầm lũi vô tư như những con bê con nghé, tối ngày nghịch bùn đất, tắm ao mò cua bắt cá, vô tư ăn khoai, ăn sắn thay cơm và cũng vô tư lớn nhanh như thổi chẳng thèm đau ốm bệnh tật, có chăng cũng chỉ là xổ mũi nhức đầu do ở trần phơi nắng, nhảy cầu tắm sông. Lang thang với mấy đứa trẻ trâu trong làng cả ngày, coi nhà mình như nhà trọ, chỉ đến tối mới về ngủ. Và cứ như vậy hình ảnh cánh đồng mùa ải đỏ au, con trâu mẹ đủng đỉnh về chuồng, con nghé nhỏ lăng xăng quấn quýt, tiếng (vắt, vệt) hiệu lệnh của bác nông dân cho con trâu đi đúng luống cày bừa, đàn cò trắng chậm rãi từng bước săn tôm cá trên ruộng, đàn mòng két xắp hàng theo hình nón với âm thanh vỗ cánh ào ào như sóng dồn bay qua bầu trời làng tôi để quay về rừng sau một ngày ra biển kiếm ăn. Đặc biệt tiếng chuông nhà thờ đã thấm vào tiềm thức của tôi, cái tiềm thức ngây thơ trong trắng, nhìn đời hoàn toàn màu hồng không hề có một gợn đen trong lẽ sống làng quê. Làng tôi nằm lọt thỏm giữa các làng Hồng Kỳ, Hồng Phong, Hồng Long, Hồng Thái. Chung trong một xã mang địa danh Hồng Thuận.  Nhưng...
- Làng tôi! một vùng Công giáo toàn tòng thuộc giáo phận Bùi Chu. Giữa làng là ngôi nhà thờ với kiến trúc gotic vòm tháp, phủ dày rêu phong, uy nghi trầm mặc, biểu tượng của sự ngự trị tâm linh tối cao giữ gìn ban phát hạnh phúc an lành cho cộng doàn dân Chúa. Tuy đất quê chân chất mộc mạc yên bình...Nhưng, thẳm sâu trong lũy tre làng vẫn còn tồn tại bức xúc của những tư tưởng cực đoan tôn giáo, tư tưởng hoài Phong, luyến Đế của những cụ trùm, ông binh, thầy sáu (tu sĩ công giáo) cùng sự hưởng ứng của đám bậu sậu với trình độ văn hóa lùn. Đối tượng của họ là những làng, những dòng họ, gia đình, con người (không công giáo) và rộng ra là cả cái thể chế xã hội mới này mà họ gọi là “những kẻ vô thần”. Tư tưởng ấy tồn tại ở người lớn đã đành, nay lại tiêm nhiễm vào đầu óc non nớt của lũ trẻ khi tư duy chúng chưa hiểu những nội hàm về tôn giáo, tín ngưỡng để rồi đứng bên này bên kia con sông nhỏ chửi nhau bằng cụm từ “Đồ đi lương” bên kia đối lại là “Đồ theo đạo” rồi gây hấn vượt sông choảng nhau sứt đầu mẻ trán. Bố mẹ tôi từ chiến khu Việt Bắc trở về làng, sống và hòa đồng được với cái không gian cỏn con ấy cũng là một nghệ thuật, là uy tín cả dòng họ lâu đời. Đến năm 15 tuổi tôi được đọc một tiểu thuyết do bạn và cũng là thủ trưởng của bố tặng. Tiểu thuyết Bão Biển của nhà văn Chu Văn, sau đó cô Bạch Diệp đạo diễn thành phim “Ngày lễ thánh” trong đó mặt trái mặt phải của cộng đồng tôn giáo được lột tả trong một không gian rộng là xứ Bài (địa phận công giáo Bùi Chu) một thời đã tạo thành giông bão trong cái thế giới công giáo quê tôi. Lúc ấy tôi mới nhận rõ hơn những đợt sóng ngầm dưới mặt biển yên lặng nhưng đầy dữ dội thách thức trong xung đột tôn giáo và xã hội nơi mảnh đất tôi cất tiếng khóc chào đời. Dù chỉ là hạt sạn nhỏ trong bát cơm trắng là xã hội mới đang đổi thay tích cực hàng ngày, nhưng nó cũng đã làm cho không ít gia đình, dòng họ (vô thần) không may phải sống trong một cộng đồng toàn tòng như vậy gặp lao đao khốn đốn. Có lẽ trăn trở đau đầu nhất vẫn là cán bộ chính quyền và toàn bộ hệ thống chính trị thời ấy. Với mục đích thực thi chủ trương chính sách của Đảng và luật pháp nhà nước về quản lý xã hội giữ gìn trật tự, an ninh nông thôn. Tổ chức điều hành sản xuất lương thực, thực phẩm để cuộc sống nhân dân ấm no hạnh phúc, thực hiện công cuộc bảo vệ tổ quốc và xây dựng CNXH thì họ, những chức sắc tôn giáo ngấm ngầm xúi bẩy những (con chiên ngoan đạo) gây rối loạn xã hội, kình chống chính quyền, trốn tránh nghĩa vụ quân sự, chia rẽ tình đoàn kết lương giáo trong làng xã. Cụ thể: Đồng  đất quê tôi vừa cằn cỗi vừa chật hẹp, với trình độ sản xuất còn lạc hậu thủ công, mùa màng được mất chỉ trông chờ vào (Giời) vậy mà nông dân bất chấp kế hạch điều hành của HTX không tham gia làm thủy nông thủy lợi để điều hòa tưới tiêu cày cấy cho kịp thời vụ. Ruộng lúa chín già trĩu hạt đang rụng dần xuống mặt nước vụ chiêm mà không được thu hoạch vì phải nghỉ để kiêng việc xác ngày (Chúa nhật) và những ngày lễ trọng theo giáo lý và qui định của Cha bề trên trong giáo phận. Đó là những chiêu bài họ lợi dụng chính sách tự do tôn giáo để lũng đoạn xã hội, phá hoại sản xuất để cái nghèo đói dốt nát ngự trị trong tâm hồn và cuộc sống thường nhật của giáo dân, để giành thời gian cầu nguyện chờ đợi ân sủng từ Thiên Chúa. Để hiểu thêm những gì đã xảy ra trong lịch sử làng tôi, mà đến tận bây giờ trên bức tranh làng quê thanh bình vẫn còn vấn vương những cận cảnh với gam màu xám xịt là những thứ bậc chức sắc duy trì một trật tự cúc cung phục tùng của mối quan hệ tôn giáo được trình diễn như tuồng chèo trong cuộc sống xóm làng đầy tính dở dở ương ương. Theo lời kể của các bô lão trong làng thì ở những năm tháng xa xưa, cũng như cả nước, sau thời gian cùng các thương nhân châu Âu, các giáo sĩ Bồ Đào Nha du nhập vào (đàng trong) với thiên chức truyền đạo Thiên Chúa dòng Fransicisco không đạt kết quả. Khỏang đầu thế kỷ mười tám, các giáo sĩ người Pháp đưa đạo Thiên chúa dòng Đa Minh (Dominico) vào vùng đất này đồng thời với gót chân viễn chinh của thực dân Pháp. Để đạt âm mưu, mục đích của mỗi bên, sự cấu kết giữa thực dân, Việt gian tề ngụy và nhà thờ là chuyện đương nhiên. Những người hoạt động cách mạng chống thực dân xâm lược, chống phong kiến, cũng đồng nghĩa với việc đụng chạm tới tham vọng và lợi ích của cái liên minh hổ lốn kia cho nên làng tôi mới xảy ra làn sóng khủng bố và những người chịu tra tấn nhục hình là những cán bộ cách mạng trong đó có dòng họ nhà tôi. Mang tư tưởng của một đồ Nho, gần như đối kháng với tư tưởng thần quyền Thiên Chúa giáo của cộng đồng dân Chúa quê tôi. Ông bà nội phải dắt díu con cái bỏ làng tha hương tìm kế sinh nhai, vừa để tránh nạn khủng bố vừa tạo điều kiện để bố tôi đi hoạt đông cách mạng sau này. Em ông nội tôi, ông bà đồ Bá, là thầy dạy chữ Nho và làm thuốc chữa bệnh cho dân, ông cùng các cụ khác hoạt động cách mạng bị chúng bắt đưa qua đồn binh tề dõng trú đóng trong khuôn viên nhà chung của giáo xứ Đại Đồng tra tấn giã man, để lại hậu quả bà bị đánh tổn thương sọ não gây điếc đặc cả hai tai, mang tật cả đời cho đến chết. Bọn tề còn gian ác tới mức bắt bố của thím tôi là ông Càng cùng ông Cơ, bác Mạch và các ông khác trói lại, kẹp đầu vào phai cống Cồn Tư, chờ thủy triều sông Hồng dâng lên nhấn chìm để cái chết đến chầm chậm hành hạ con người khủng khiếp tột độ hơn. Như vậy song song cái âm ỷ của những tư tưởng phản động thì trong làng cũng tồn tại những âm ỷ hận thù đòi trả nợ máu càng làm mâu thuẫn nội tại cộng đồng làng xã thêm gay gắt. Hơn hai chục năm sau (lúc tôi đã rời khỏi quân đội và cùng gia đình riêng định cư, công tác tại thành phố Hồ Chí Minh).Có lẽ kinh nghiệm từ thực tiễn đấu tranh giữa cái mới và cái cũ trên mặt trận tư tưởng khá nhuần nhuyễn nên hệ thống chính trị quê tôi có nhiều quyết sách thực tế hơn, nhưng cũng không hết những cấn cá trong đời sống xã hội. Cụ thể, Bố tôi sau gần bốn thập niên phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân đến giờ phút từ giã cõi đời, Ông mỉm cười thanh thản. Tưởng rằng đây chỉ là sự kiện lớn của riêng gia đình tôi, nhưng không! Từng chi tiết trong quá trình tổ chức lễ tang Ông, đều theo chỉ đạo từ thường vụ huyện ủy và sự điều hành của huyện hội cựu chiến binh Giao Thủy. Vì Ông, nguyên là ủy viên thường vụ, cựu binh chống Pháp, lãnh đạo chủ chốt hàng chục năm liền trên mặt trận văn hóa tư tưởng, một lĩnh vực nhạy cảm nhất thời ấy, ở vùng đất ấy. Lễ tang bố tôi với một bên là bàn thờ tổ quốc, bốn chiến sĩ bồng súng túc trực bên linh cữu phủ quốc kì đầy vẻ nghiêm trang hồn thiêng đất nước, đón lãnh đạo các cấp, các nhà cách mạng lão thành cùng thời và các đoàn thể đến đặt vòng hoa kính viếng. Một bên là bàn thờ Chúa, với ánh sáng lung linh cứu rỗi từ hai cây bạch lạp hai bên cây thánh giá tượng (Chúa chịu nạn), phía dưới bà con tín hữu trong cộng đoàn dân Chúa không ngừng cầu nguyện những ân sủng tốt lành cho người đã khuất. Để phút trọng thể sau cùng, lễ tang bố tôi được cộng đồng đánh giá long trọng nhất, hiếm nhất và đầy đủ nhất các nghi lễ đạo và đời. Vậy đấy, bố mẹ tôi và các con sống trong một không gian có thể nói là nghiệt ngã cũng không quá. Đến lúc chào vĩnh biệt thế giới này mà Ông vẫn phải chịu sự giằng co từ hai phía để góp một phần nhỏ nhoi cuối cùng với Đảng, Chính quyền cơ sở an dân, bình thiên hạ. Lúc ấy mọi việc của gia đình dồn lên vai anh Nghĩa với tư cách trong mối quan hệ đan xen là trưởng tộc, trưởng chi, con trưởng, cán bộ đảng của đảng bộ Giao Thủy vừa thực hiện đạo hiếu, vừa làm cầu nối và thực thi nhiệm vụ của thường vụ giao. Ở phương trời xa xứ, chúng tôi cũng yên tâm vì lúc bố nhắm mắt xuôi tay còn có anh Đức bên cạnh hỗ trợ cùng dòng tộc lo hậu sự thân phụ chúng tôi tốt đẹp mọi bề. Cảm ơn nhà thơ Giáp Văn Thạch và những gì trong QUÊ HƯƠNG. Nhưng quê hương tôi vậy đấy! Nếu dùng câu chữ đao to búa lớn thì quê tôi không phải là “Địa linh nhân kiệt”.Còn theo cách nói của các cụ trong làng, đây “không phải đất học”. Khi tôi ra đi khỏi làng thì không có ai đậu ông nghè, ông cử. Thế hệ sau chưa ai tốt nghiệp phổ thông trung học, chỉ có anh Cự mới qua phần sơ học và đang đảm nhiệm việc (gõ đầu trẻ) trong làng học lớp vỡ lòng ( a, bờ, cờ) và anh Kiểm tốt nghiệp (bảy cộng ba) đang là thầy dạy toán trong trường cấp hai của xã. Học cao hơn có hai ông mà tôi gọi bằng vai anh, đậu bằng thần học, được Vatican phong thành hai tân linh mục thì lại đang thụ án vì hoạt động chống phá nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Nhưng dẫu sao: Quê hương là cầu tre nhỏ. Mẹ về nón lá nghiêng che. Quê hương là gì hỡi mẹ? Để con nhớ mãi suốt đời. Trong con, quê hương là mẹ, mẹ là quê hương.
- Mấy năm sau, Trên danh nghĩa là trưởng chi,  con trai trưởng. Anh Nghĩa bàn bạc với mẹ và anh chị em trong gia đình rồi đi đến kết luận: Mảnh đất hiện nay gia đình đang sống không phải là đất tổ mà là đất của một dòng tộc khác, nếu xét theo phong thủy thì trạch vận đang tàn, lộc tài đã tuyệt và đã suy vi ngay từ đời nhà ông Lý Mão. Do đó anh em chúng tôi nhất trí chia tay nơi này đi tìm miền đất mới. Và rồi bảy anh chị em chúng tôi chấp nhận cuộc sống tha hương với đầy đủ nghĩa đen và nghĩa bóng của cụm từ này, chấp nhận khó khăn thử thách. Để rồi vật đổi sao dời với quyết tâm và tố chất tự lập, với khát vọng vươn lên vượt khó, chỉ sau một thời gian anh chị em chúng tôi đều có quyền ngẩng cao đầu hãnh diện với đời nơi mỗi miền đất mới của tổ quốc và nhớ về cội nguồn quê cha đất tổ khôn nguôi.
- Theo thời gian, tôi lớn khôn hơn, qua học trung học cơ sở ở một làng khác. Cũng từ lúc này tôi mới nhận thức được, đất nước đang còn bị chia cắt, chiến tranh vẫn đang sôi sục ở miền Nam tổ quốc. Lớp lớp những thanh niên trai tráng trong xã lên đường chiến đấu trong đó có anh trai tôi chưa kịp tốt nghiệp trung học phổ thông đã xung phong lên đường đánh Mỹ. Với tôi thì vui lắm vì được cùng mẹ và các bác các chị trong làng lên tận phố huyện tiễn chân các anh ra chiến trường chiến đấu, nhưng tôi luôn thắc mắc vì sao mẹ và mọi người khóc nhiều thế. Sau này khi lớn khôn hơn tôi mới ngộ ra “Chiến tranh không phải trò đùa” vì đã nhiều các chị các mẹ chỉ tiễn người thân đi mà không có ngày đón họ về. Thời gian lặng lẽ trôi (ít nhất là với tôi). Mặc dù lớn hơn nhiều nhưng tư duy cũng chưa qua khỏi lũy tre làng. Lại tiếp tục chơi, học, tắm sông, cùng bạn bè trang lứa tham gia lao động XHCN trong nhà máy gạch ngói Cồn Nhất, hoặc đi hô khẩu hiệu cổ động cho sản xuất, động viên thanh niên tòng quân diệt Mỹ. Đây là thời gian vui nhất, tôi đã ồm ồm đổi giọng, mặt khá nhiều mụn trứng cá, biết ngại ngùng trước bạn khác giới là những học sinh cùng khối hoặc ở xã khác giao lưu trong dịp tập trung mít tinh mừng quốc khánh, cắm trại khai trường ở sân vận động huyện. Có những buổi lên thị trấn huyện bát phố, chân đất đi bộ gần mười km dọc đê sông Hồng, vấp phải đá xanh trải đường súc móng chân, tóe máu mà vẫn ham đi chơi. Cũng chỉ tính đi mua cây bút hiệu Trường Sơn, lọ mực hiệu Cửu Long, cây thước kẻ bằng gỗ hoặc vào hiệu sách duy nhất của huyện ngắm nghía các tên sách mà thèm thuồng, thậm chí có lúc cũng chẳng mua gì vì không có hào nào trong túi. Tôi đặc biệt rất mê sách, tất cả các loại sách vào tay tôi đều bị ngấu nghiến đọc quên ăn quên học. Trong khi đó mọi thứ của thời bao cấp đều thiếu thốn, nhất là các ấn phẩm văn hóa càng trở nên xa xỉ. Nhưng tôi may mắn hơn lũ trẻ cùng trang lứa vì có rất nhiều sách, bởi bố tôi là thủ trưởng của một cơ quan quản lý văn hóa do vậy tiểu thuyết, truyện tranh, truyện dài ngắn có đủ. Đặc biệt họa báo của Liên xô, Trung quốc và các nước XHCN trở thành niềm khao khát của đám bạn bè vì ngoài việc đọc nội dung, xem tranh ảnh  còn dùng bọc bìa sách vở học.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 12 Tháng Mười Hai, 2011, 08:08:11 pm
 Cả làng tôi không nhà nào có cái đài (Radio) mà chỉ có một loa truyền thanh của HTX đặt trên ngọn sào tre giữa làng chủ yếu để bà con nông dân nghe phổ biến các kế hoạch thâm canh và điều hành sản xuất nông nghiệp, một ngày hai lần truyền thanh chương trình thời sự và dự báo thời tiết của đài tiếng nói Việt Nam nhưng chỉ chừng 10 phút nghe được giọng nói, sau đó bị nhiễu nhiều tạp âm eo xèo, do vậy bác Bính xóm dưới nói: đài đóm gì mà xì xèo như mèo đái đống do (Tro bếp). Nhưng nhà tôi có tới hai cái đài, một cái hiệu Xoungmao của Trung Quốc to bằng cái lò vi sóng, mặt trước có nhiều số và nút vặn, nặng chừng bốn kg, bố đặt trang trọng trên nóc tủ chè. Chiều thứ bảy khi bố từ cơ quan về nghỉ cuối tuần thì các bác các ông trong xóm tập trung trải chiếu ngồi ngoài hè uống nước chè nghe thời sự, nhất là tình hình chiến sự miền Nam, và hơn tất cả, các ông các bác chờ trao đổi với bố tin tức thế giới, nước nào mới bị đảo chính, nước nào ủng hộ vũ khí và hàng hóa quốc phòng cho ta và hỏi han về tình hình chính trị xã hội về sản xuất nơi này nơi kia trong tỉnh trong huyện, mà theo lời chú Tú: để mở mang đầu óc chứ suốt ngày nội ruộng đi sau cái cày lấy đuôi trâu làm thước ngắm thì mù tịt Bác ạ! Ngày đó còn quá nhỏ nhưng cái tính hóng hớt trẻ con cũng giúp tôi lờ mờ hiểu những chuyện bất ổn của thế sự trong và ngoài nước. Trong một buổi tối đàm đạo với các bác các chú hàng xóm, bố tôi hạ thấp giọng:Tướng Lonnon đảo chính  Sihaluc ở bên Miên rồi các bác ạ, và như vậy tụi Ngụy Miên với Ngụy ta cấu kết với nhau thì cách mạng Miền Nam và cả nước sẽ càng khó khăn, càng đổ máu, còn bên Laos thì cũng căng thẳng lắm vì bọn phỉ Vangpao quậy phá, ông Suphanuma hết ôm chân Pháp nay lại ngả qua Mỹ, phản bội cách mạng Pathet và anh trai mình là chủ tịch nước Suphanuvon, như vậy cách mạng ba nước đông dương sẽ chịu ác liệt hơn...Tối hơn một chút các chị thanh niên, các bà tới ngồi đón nghe “Câu chuyện cảnh giác” và chương trình “Chèo cổ hoặc kịch nói truyền thanh”, chương trình ca nhạc đặc biệt với giọng Opera trầm vọng, mạnh mẽ của chú Quốc Hương, giọng hát xứ Nghệ véo von của cô Thu Hiền và giọng ca đầy nhiêt huyết của chị Tường Vi, Tô Lan Phương. Còn một cái đài nữa đẹp hơn, nhỏ hơn có hiệu Oreonton của Hungari, nặng chừng gần hai kg bố tôi đặt thợ giỏi ở phố huyện may một cái túi vải hoa hình hộp rất đẹp, có những cái lỗ để lộ các núm xoay ra ngoài cho dễ điều chỉnh, bố thường đeo theo khi đến cơ quan hoặc đi công tác cơ sở, nhưng đêm khuya tôi thấy bố hay mở rất nhỏ nghe truyền thanh của  mặt trận giải phóng miền Nam và cả truyền thanh của đài Sài Gòn, mà tôi nhớ chương trình “Sinh Bắc, tử Nam” “Hộp thư Cô Hoài Hương” và một số chương trình khác, sau này tôi mới biết đó là các chương trình chiêu hồi và tâm lý chiến của truyền thanh chế độ Sài Gòn. Về văn hóa giải trí thời chiến tranh ở quê tôi chắc cũng giống những làng quê khác trên toàn miền Bắc. Thật lâu mới có đoàn chiếu phim lưu động, đoàn chèo Nam Hà hoặc đoàn kịch nói tỉnh Nam Định về phục vụ nhân dân với những dòng phim chiến đấu của Việt Nam, Trung Quốc, Đông Âu và Cuba. Loại hình sân khấu biểu diễn với những tích xưa về chống ngoại xâm, truyền thuyết cội nguồn dân tộc, răn dạy đạo làm người của Khổng giáo, cách đối xử nhân thế trong tam cương ngũ thường.v.v. Tuy có phần đơn điệu nhưng đó là những dịp rất háo hức của mọi tầng lớp nam phụ lão ấu được dịp mở mang nhận thức hơn một chút. Cái háo hức thể hiện ngay từ lúc mặt trời tà xế, sau khi nghe thông báo của ban tổ chức về thời gian, địa điểm trình diễn thì lũ trẻ chúng tôi bê theo từng chồng gạch vỡ túa ra bãi thả trâu xí chỗ cho mình và cho người nhà. Và cũng những dịp như vậy mới thấy cái tinh thần của người dân quê yêu ghét rạch ròi với cái gì là chính tà là đúng sai dù chỉ trong nghệ thuật, trường hợp xảy ra ngoài chợ phố huyện phản ánh chân thực điều đó khi hai chị diễn viên rất đẹp của đoàn chèo Nam Hà đóng trong vở chèo (Quốc Toản ra quân ) diễn ở sân vận động hồi đêm, hai nhân vật trong kịch bản đều là nam. Một chị nhập vai Thế tử, là người thuộc cành vàng lá ngọc trong cung đình nhưng thái độ đớn hèn trước vận nước, thờ ơ với thế cuộc. Đối lập là vai Trần Quốc Toản cũng cành vàng lá ngọc nhưng sôi sục chí căm thù giặc Thát đã tới hội nghị Bình Than, nơi Vua và các quan đang bàn cách đánh giặc Nguyên để xin tòng quân. Sau khi ban lộc trái cam, Vua đã từ chối do Quốc Toản còn nhỏ tuổi. Khí phách chống giặc ngoại xâm bị từ chối đã làm cho Quốc Toản vô tình bóp nát trái cam trong tay mà không biết, sau đó quay về trang phủ tập hợp quân binh thiếu niên thích lên cánh tay hai chữ (sát Thát) quyết tâm diệt giặc, lập nhiều chiến công. Với diễn xuất nhập thần tới mức sáng hôm sau ra thăm chợ huyện, một chị đã bị dân chúng chửi bới xỉ vả khi họ nhận ra (Thế Tử), còn (chị Quốc Toản) được các bà các cô ngắm nhìn trọng vọng. Qua những chi tiết như vậy tuy nhỏ nhưng cũng nói lên thực tế quá thiếu thốn các loại hình sinh hoạt văn hóa tinh thần đối với nhân dân nông thôn một thời chiến tranh. Và hơn nữa lòng dân quê chân chất nhưng cũng rất am hiểu tôn trọng chính nghĩa và ghét bỏ sự vô tâm nhu nhược. Sau ngày thống nhất đất nước, khi về nghỉ phép tôi thấy làng quê có nhiều thay đổi. Người dân đủ mọi tuổi tác, nghề nghiệp, thường mặc trên mình một cái áo hoặc nguyên bộ quân phục, đội mũ cối, chân đi đôi dép đúc bằng caosu Trung Quốc. Đặc biệt chân dung nổi bật của những công dân tầng lớp trên, với hình ảnh quần áo gọn gàng tươm tất, chân đi đôi dép nhựa trắng hiệu Tiền Phong cưỡi trên một xe đạp khung lượn, xe Phượng Hoàng Trung Quốc hoặc xe Faforite của Đức. Quàng chéo qua vai là dây đeo bằng da của cái đài National Nhật trong hộp da bò nho nhỏ, xinh xinh. Trên mỗi khuôn mặt rạng rỡ mãn nguyện không thể thiếu cặp kính mát to bản mới tậu từ miền Nam, cán bộ chính quyền thì có thêm một sắc cốt tài liệu bằng da màu nâu của sĩ quan chính trị quân đội Liên Xô hoặc cái túi may bằng simili, được đeo trên vai đối lại với bên đeo đài, nhìn rất ấn tượng. Với hình ảnh trên, tôi nhận thức được mấy vấn đề về nếp sống, sinh hoạt của những người dân quê tôi: Thứ nhất, theo thời gian, quê tôi cũng như cả phần đất từ sông Bến Hải – Quảng Bình (vĩ tuyến 17) trở ra đã nhiều thế hệ trai gái trở thành chiến sĩ chống Mỹ, bảo vệ tổ quốc. Hầu như nhà nào cũng có người nhập ngũ, có gia đình năm, bảy người con trai cùng đi chiến trường. Màu áo xanh Tô Châu, cái mũ cứng bộ đội, đôi dép đúc bằng cao su Trung Quốc trở thành thân thiết mà thẳm sâu trong tâm thức của họ còn hàm chứa cả niềm tự hào và nét đẹp của khối đại đoàn kết dân tộc một cách tự nhiên, tự nguyện. Vấn đề thứ hai do hàng hóa thiếu thốn, mức sống tiêu dùng của nhân dân còn hạn hẹp nghèo nàn sau cuộc chiến kéo dài. Thứ ba là trình độ nhận thức xã hội của công dân nói chung, của người dân quê nói riêng còn hạn chế nhiều mặt. Riêng làng tôi, xuân thu nhị kì thường có những hoạt động lễ hội tôn giáo với những màn rước kiệu mừng Chúa giáng sinh hoặc tuần hành ngắm đàng thánh giá và đặc biệt ngày lễ phục sinh diễn ra vui tươi phấn khởi từ những chương trình phục diễn, mô phỏng giờ phút Chúa chịu nạn, bị đóng đinh vào thập giá sau đó mai táng trong hang đá đến ngày thứ ba sống lại, đó là thời điểm long trọng với hàng trăm người tham gia trong tâm thế thành kính bên cạnh sự hoạt náo của phường trống, phường trắc, phường kèn Tây cùng các hội đoàn trong cộng đồng dân Chúa làng tôi là những dịp để người nông dân chân lấm tay bùn quanh năm (bán mặt cho đất, bán lưng cho giời) có giờ phút nghỉ ngơi với tâm hồn thăng hoa về Đấng vĩnh hằng. Quay lại quá khứ, từ thời điểm này tôi mới thật sự cảm nhận chiến tranh đang cận kề. Hàng ngày chúng tôi đi học thì phải đội mũ rơm, đeo lá chắn bện bằng rơm, trang phục chủ yếu màu xanh đậm, nâu hoặc đen để tránh tàu bay Mỹ phát hiện, còn lại chỉ đến khi màn đêm buông xuống các trang phục đẹp có hoa, có màu sáng hoặc sặc sỡ mới được dùng, rất đúng với câu “Áo gấm đi đêm”. Có lẽ thời ấy từ nam phụ lão ấu ở miền Bắc phần lớn mặc quần áo mầu nâu sồng, nhà nào khá giả mua thêm vải cotton xanh may quần Tây hoặc vải gụ may áo sơ mi đã là dạng sang. Mẹ tôi mua vải trắng tại cửa hàng hợp tác xã mua bán theo tiêu chuẩn của cả nhà, là một loại sản phẩm thô kệch cứng queo được dệt bởi một công nghệ lạc hậu nhất, sau đó mẹ mua củ nâu là loại củ rừng, giã nát mịn, pha nước rồi nhúng vải vào, vắt khô phơi nắng, cứ nhuộm lặp lại nhiều lần sẽ cho ra loại vải nâu, dân quê thường gọi là vải (diềm bâu). Tùy tỷ lệ pha lỏng đặc giữa bột củ với nước sẽ cho vải màu nâu non hay nâu già. Có vải trong tay, mẹ dắt cả tốp chúng tôi ra bác phó Triêm giữa làng hay bác Trân phó may cuối làng đo may trang phục diện tết và dịp tựu trường, hôm lấy quần áo về, đứa nào cũng thích tuy mặc vào hơi nhột vì vải cứng quá. Cũng từ cái cứng của loại vải này chỉ sau vài tuần mặc áo đi học, hai ống tay áo càng cứng hơn, giống như hai ống tre luồng, để kiểu nào nó cũng tròn vo do mỗi ngày được thấm thêm chất nhầy của mũi. Phần lớn trẻ quê tôi thường tắm nước kênh mương, ao tù và nghịch bùn đất vì vậy gần như đứa nào cũng bị viêm mũi nên hai lỗ mũi luôn thò lò hai dòng mủ xanh hoặc vàng tới sát môi, sụt xịt mãi thì lấy ống tay áo quệt ngang, riết hai tay áo khô cứng như mo cau, trong khi phụ huynh cũng chẳng quan tâm chữa trị cho con vì không hiểu biết và cũng không có tiền mua thuốc, thấy cả làng đứa nào cũng vậy nên coi như bình thường, đứa nào không thò lò mũi xanh mới là lạ. Trở lại vấn đề nhuộm vải, công đoạn nhuộm nâu là xong một dạng sản phẩm. Tiếp theo, các bà các cô lấy một chậu bùn non dưới đáy ao nhúng vải vào, vắt nước phơi khô, và nhuộm lại vài lượt sẽ có một tấm vải đen nhánh may quần áo dùng lâu dài (sau này học hành thêm tôi mới nghiệm ra: Có lẽ trong củ nâu có rất nhiều talin và các hoạt chất khác, khi gặp bùn non trong ao vùng quê tôi chứa khá nhiều Fe nên xảy ra phản ứng tạo màu đen của vải). Thời ấy phụ nữ nông thôn chỉ bận quần màu đen, ngoài loại vải đen nhuộm bùn này đã từng đi vào thơ ca, phụ nữ quê tôi còn có loại vải cũng nhuộm đen gọi là (vải phíp). Sản phẩm này từ những bao đựng phân Ure màu trắng sáng, sau khi dùng phân bón ruộng, hợp tác xã sẽ phân phối vỏ bao cho từng hộ có nữ thanh niên, hoặc là phải tổ chức bắt thăm, rồi các chị nhuộm đen bằng hóa chất. Không biết chất liệu là gì nhưng loại vải này mềm mịn hấp dẫn mấy chị thanh niên hàng chục lần loại vải nâu nhuộm bùn. Một số gia đình khá giả có thể sắm vải Satin cũng màu đen sáng mịn hơn nhiều, nhưng chỉ để dành trong lễ hội hoặc cô dâu về nhà chồng mới được mặc. Vải màu nâu hoặc gụ may áo tứ thân giống áo bà ba ở miền Nam, đó là hình ảnh quen thuộc đã đi vào nếp tư duy về văn hóa trang phục phụ nữ nông thôn như mặc định. Bởi vậy, mấy chị thanh niên xung phong hoặc công nhân đi làm ở công trường, thành phố về quê cũng không đủ can đảm mặc quần Tây màu xanh ra đường nếu không muốn trở thành trung tâm chú ý đến trố mắt của dân làng, nhất là mấy cụ bà chống gậy lọm khọm trên đường làng nhìn thấy sẽ lẩm bẩm chửi thầm trong miệng: đồ lặc nô. Vậy là cả miền Bắc có trang phục ngụy trang bịt mắt phi công Mỹ hữu hiệu. Ngày đó học sinh đang trên đường đi học nghe tiếng tàu bay Mỹ lượn trên đầu, phải nhảy ngay xuống hầm cá nhân do các chị dân quân đã đào sẵn dọc đường tránh bom sát thương, bom bi, Rocket, có lần vừa nhảy xuống hầm lại phải vọt lên vì đụng rắn, cóc nhái nằm sẵn dưới đáy hầm. Trường lớp đã được sơ tán vào dân, phụ huynh đào sâu toàn bộ nền nhà xuống khỏi đầu học sinh rồi trải chiếu ngồi xuống nền đất đề phòng bị mảnh bom trong lúc nghe cô giáo giảng bài. Đế quốc Mỹ đã đẩy cuộc chiến đến hồi khốc liệt. Hàng ngày tàu bay phản lực từ hạm đội 7 ngoài khơi vịnh Bắc bộ bay vào tha hồ thả pháo sáng trắng trời rồi dội bom xuống các thành phố, xóm làng miền Bắc hoặc thả thủy lôi xuống sông Hồng và các bến cảng. Thời gian đầu vào đánh phá miền Bắc, tụi phi công Mỹ rất hống hách chủ quan, chỉ mới thoáng nghe âm thanh ầm ì phía biển thì cũng đồng thời là âm thanh gào thét như xé nát bầu trời vì phản lực cơ bay rất nhanh và thấp nhắm vào các thành phố, các khu nhà máy công nghiệp, các trận địa pháo gần biển để oanh kích. Nếu là ban đêm, đứng ở bìa làng ngoài cánh đồng thoáng đãng hoặc trên vị trí hơi cao nhìn bốn phương trời ta sẽ chiêm ngưỡng ánh hỏa châu rơi, tia quét của đạn phòng không, vệt sáng trắng vạch đêm đen của tên lửa đất đối không như hội hoa đăng cộng với âm thanh rung chuyển đất trời của bom đạn từ hai phía ta và địch. Ban đêm pháo kích từ hạm đội 7 ngoài khơi đùng đoàng câu vào đất liền không dứt. Riêng quê tôi hầu như không bị trái bom pháo nào vì theo VOA Radio tuyên truyền: tất cả các nhà thờ, cơ sở Thiên chúa giáo sơn hình thập giá màu trắng lên mái nhà thờ để phi công nhận diện tránh thả bom, vì vậy duy nhất có một bình xăng phụ và một quả bom câm rơi ở bìa làng Giao Thuận khi phi cơ đi oanh kích trở ra biển trút bỏ cho nhẹ để hạ cánh xuống tàu sân bay được an toàn, hoặc cũng có thể tên phi công này trông gà hóa cuốc thả nhầm vì trên thân trái bom có dòng chữ màu trắng “Thái Bình đã gặt lúa chưa, mỗi nhà một trái có vừa hay không” mà tỉnh Thái Bình cách quê tôi bên kia sông Hồng. Và có nghĩa trái bom tạ này bị câm không phải do lỗi kỹ thuật mà bọn Mỹ chủ định sản xuất loại bom không nổ để đánh đòn tâm lý đe dọa tỉnh Thái Bình. Thời ấy, đây là tỉnh duy nhất miền Bắc thâm canh đạt năm tấn thóc một hecta và còn tuyên bố “Vì miền Nam ruột thịt, Thái Bình phấn đấu đạt chỉ tiêu lúa không thiếu một cân, quân không thiếu một người” Có lẽ vậy tụi Mỹ Ngụy cay cú thả bom câm khủng bố tinh thần nhân dân.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 12 Tháng Mười Hai, 2011, 08:08:28 pm
Đặc biệt vụ một tốp may bay trực thăng HH53 từ sân bay quân đội hoàng Gia Udon - Thailand qua tập kích trại giam Đền Và - Sơn Tây để cướp tù binh phi công Mỹ nhảy dù khi tàu bay trúng hỏa lực do phòng không, không quân của ta bắn cháy, bị các chị dân quân bắt sống gom về. Nhưng phi vụ không thành, tốp tập kích đổ bộ xuống một trại giam không người. Một trực thăng bị vướng dây phơi quần áo, mất thăng bằng khi bay lên nhằm dịch chuyển vị trí thì cánh quạt chém gãy ngọn cây cao cũng đồng thời gãy cánh quạt rồi rơi tại chỗ. Một trực thăng hạ cánh nhầm xuống trường trung học, cách mục tiêu đã định bốn trăm mét, một máy bay yểm trợ và nghi binh F105 bị tên lửa SAM tiêu diệt. Do tình báo của ta phát hiện sự bất ổn nên đã kịp sơ tán phi công Mỹ an toàn trước khi vụ tập kích xảy ra. Sau khi ký hiệp định Pari, ta mới chuyển tù binh phi công trở lại nhà tù Hỏa Lò – Hà Nội (Maison Centrale. Khoảng năm 1976 tôi được đọc một ấn phẩm là tài liệu tham khảo của lực lượng công an nhân dân với các chi tiết một thời vào loại bí mật của Lầu Năm Góc do Belzamin F. Summer sĩ quan cao cấp, chuyên viên nghiên cứu lịch sử quân sự Hoa Kỳ, chủ bút báo “The Arned Forces Journal” mô tả quá trình trong sáu tháng chuẩn bị cơ sở vật chất, đào tạo một lực lượng tập kích đặc biệt Mỹ. Hoạch định các phương án phối hợp ba thứ quân tại các căn cứ trên đất Laos, Thailand, hạm đội 7 với sở chỉ huy tập kích đặt tại căn cứ quân sự bán đảo Sơn Trà - Đà Nẵng do tướng Maynor phụ trách. Tổng hành dinh chỉ huy đặt tại lầu năm góc do Ledeur bộ trưởng quốc phòng và tướng bốn sao Westmoreland, tổng tham mưu trưởng lục quân cùng bộ chỉ huy tác chiến theo dõi điều phối từng phút cuộc tập kích với lực lượng hùng hậu, riêng máy bay các loại trên một trăm chiếc. Qua đó ta thấy qui mô toàn diện, tính chuẩn xác cao cùng sự tốn kém khôn lường của đối phương với mục đích giải thoát trên 60 phi công bị giam giữ tại Sơn Tây bằng mọi giá nhằm xoa dịu làn sóng phẫn lộ của nhân dân Hoa kỳ nói chung và thân nhân những phi công nói riêng nhưng cuối cùng phải đắng cay chấp nhận sự thất bại và âm thầm đưa sự kiện vào giáo khoa chiến tranh với kết luận: do nhiễu loạn thông tin và sự chủ quan ỷ lại của lâu năm góc vì quá tin tưởng vào CIA và DIA. Chứ không giám nhìn nhận sự thật về trình độ của tình báo chiến lược Bắc Việt, không phải loại xoàng... Đây cũng là thời điểm trăn trở nhất của mẹ tôi khi biết thông tin có xảy ra chiến sự ở Sơn Tây, nơi anh Nghĩa đang tham gia khóa huấn luyện biệt động quân. Nhưng trước đó, Anh đã được điều động theo đường dây 559 vào mặt trận Sài Gòn Chợ Lớn mà gia đình không được thông báo để đảm bảo bí mật. Mẹ chỉ nhận được thư và tấm ảnh anh chụp tư thế bán thân đội mũ mềm, đeo hàm binh nhất tô màu khá đẹp (giờ vẫn còn giữ sau hơn 40 năm) và tất nhiên mẹ càng lo lắng hơn. Lúc này cả miền Bắc từ Vĩnh Linh trở ra sôi sục trong không khí chiến tranh. Mỗi buổi chiều các anh chị dân quân tập trung ở sân nhà thờ tập bắn súng K44, K50 và tập chiến đấu giáp lá cà bằng giáo mác và cây búp đa nhọn hoắt, với tinh thần chiến tranh nhân dân, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu hoạt động gián điệp của Mỹ Ngụy theo quán triệt của Đảng, chính quyền các cấp và đồng thời công an biên phòng phát hiện những con tàu lạ màu xám bạc ở vùng biển quê tôi. Các thành phố lớn trở thành những chảo lửa. Trong bối cảnh cực kỳ khó khăn khi hậu phương lớn của một tiền tuyến lớn nay đã trở thành một chiến trường thực sự. Hạt gạo cắn ba cho chiến trường B.C và để hậu phương xây dựng CNXH. Mọi hoạt động của xã hội như chìm trong không gian u ám nặng nề. Cái nặng nề chậm chạp biểu hiện từ sản xuất đình đốn phân tán, trong khi đồng đất quê tôi chiêm khê mùa thối, thời tiết khắc nghiệt, con người suy dinh dưỡng, sức lao động yếu đuối.  Mặc đồng bằng Bắc bộ nằm trong vùng nhiệt đới, khí hậu bốn mùa rõ rệt nhưng vẫn ngán nhất hai mùa. Mùa hè, nước ruộng nóng cỡ 50 độ, cá tôm rắn rết chui vào hang vào hốc, con cua đồng phải đeo trên ngọn cỏ ngọn lúa tránh nóng, người ta bắt được hàng chục kg (gọi là bắt rốc ngôm) để làm mắm. Mùa này thời tiết thất thường, mưa giăng ào ạt, gió bão giật ầm ầm, nhà cửa phải chèn buộc thật kĩ nhưng sáng hôm sau mở cửa ra ngoài thấy cả làng sập nhà gần hết, cây cối tơi tả, nước ngập lếnh láng không còn nhận ra hình thù nhà ai. Trong làng, nhà tôi là căn nhà đúc thứ hai sau nhà thờ làng(1954) nên khá vững chãi. Mùa đông, với cái lạnh thấu xương, con cá Chai là loài cá mạnh vùng nước ngọt cân nặng mấy kg bị lạnh quá, chúng chỉ chuyển động lờ đờ trên mặt nước sông Cồn Tư, chỉ cần một thao tác nhẹ nhàng các anh thanh niên có thể vợt được cá. Ngày ấy tuy còn nhỏ nhưng tôi vẫn nhớ có sự hiện diện của các chuyên gia nông nghiệp Trung Quốc trên đồng ruộng quê tôi, nhưng tôi không đủ trí khôn hiểu được những tri thức của họ có tác động thế nào đến quá trình vận hành của nghành nông nghiệp Việt Nam, trong khi người dân quê tôi, nhất là những cụ già với cái dáng lưng còng rạp, lầm lũi thu mình vào cái áo tơi làm bằng lá cọ đi trên đường làng ướt át lầy lội trông giống hình ảnh những con Kiwi hoặc con chim cút xù lông chạy trốn cái nhiệt độ tê tái như dao cắt. Người nông dân lúc nào cũng co ro trong những tấm áo bông rách vá tơi tả, tay chân, môi miệng tím bầm, hai hàm răng khua vào nhau lập cập, chân trần lội ruộng sản xuất lúa với kỹ thuật canh tác lạc hậu, cơ cấu cây con giống nghèo nàn thoái hóa, đất canh tác cằn cỗi do sử dụng nhiều phân bón tổng hợp và thuốc trừ sâu, trong đó chủ lực có Ure là nguyên nhân chính làm đất cằn cỗi và DDT là thuốc trừ sâu mà theo các nhà khoa học: nó có thể tồn tại nguyên dạng hàng trăm năm trong môi trường, gây tác hại đến cơ thể mọi sinh vật và con người. Chính sách kinh tế vĩ mô chỉ chú trọng đến lợi ích nhà nước và tập thể mà quên đi lợi ích của người lao động, cơ chế quản lý sản xuất nông nghiệp thiếu đồng bộ. Hình thái kinh tế tàn dư còn ảnh hưởng nặng nề đối với xã hội, hình thái kinh tế thống trị thì non yếu mà ta đã đốt cháy giai đoạn, vội vàng áp đặt quan hệ sản xuất XHCN vào nông nghiệp nông thôn, vượt thoát quá xa và không phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất thấp kém của giai đoạn cuối chế độ phong kiến với công cụ lao động là những cái cày chìa vôi, cái bừa cổ điển, cái móng cái cuốc. Ruộng đất trũng ngập, với hệ thống kênh rạch, bờ vùng bờ thửa chằng chịt để điều tiết tưới tiêu là hợp lý. Nay để (hiện đại hóa) nông nghiệp, HTX đưa máy cày vào sản xuất, phá hết bờ bao và móc sâu xuống cho đất sét lên trên, đất mùn, đất màu, phù sa chìm xuống dưới, phần ruộng cao khô nứt nẻ do không giữ được nước, chân ruộng thấp thì ngập úng nên không có cây giống gì phát triển được. Với công cụ điều hành sản xuất chắp vá như phương án dong công chấm điểm, hết một ngày được bằng ấy điểm, không cần biết ngày công đó năng xuất lao động ra sao nhằm thực hiện những đại loại như phong trào “hợp tác hóa nông nghiệp” “Cải tiến quản lý nông nghiệp” “Xây dựng HTX bậc cao” tiến tới mô hình Công xã nông thôn như Trung Quốc. Về cơ cấu tổ chức cũng bất cập vì liên tục phải thay đổi qui mô HTX, thay đổi mô hình chăn nuôi, sản xuất. Với thực tiễn khi lượng còn chưa đủ thì làm sao đạt độ chín muồi cho bước nhảy thay đổi chất. Rõ ràng là chủ quan duy ý chí, vi phạm qui luật khách quan, sai lầm cả trong nhận thức và trong hoạt động thực tiễn. Một số cán bộ nông thôn các cấp thiếu tầm thiếu tâm, dốt nát, hãnh tiến với tác phong, thái độ hống hách của những cường hào ác bá thời mới (sau này học hành trong quân đội tôi mới hiểu tại sao cách mạng XHCN chọn giai cấp công nhân làm đội tiên phong). Hệ quả năng xuất, chất lượng lao động thấp kém, đến khi phân phối sản phẩm thì cào bằng, chất lượng ngày công xấu tốt đánh đồng như nhau. Sản phẩm nông nhiệp và tài sản của HTX là của tập thể “cha chung không ai khóc” mạnh ai nấy xà xẻo, tham nhũng tràn nan và đặc biệt sử dụng vung vãi sức lao động vào những công trình ảo tưởng dạng “Ngu Công dời núi” của Liệt Ngự Khấu chép trong “Liệt Tử” Nhưng thời này làm gì có trời mà thấu nỗi khổ của dân, vì vậy họ đã vắt kiệt sức người, lòng dân bất phục. Trong khi một thực tế hiển nhiên là những hộ nông dân không vào hợp tác xã (ở chung sân có nhà bà Bách, cô Vui) tức là sản xuất riêng lẻ trên phần ruộng được chia trong phong trào cải cách ruộng đất (Người cày có ruộng) thì họ canh tác với cả sức lực và nhiệt tình nên năng xuất đạt được khá cao, thực hiện thuế nông nghiệp và các nghĩa vụ đầy đủ. Ngược lại cũng chân ruộng đó xã viên HTX canh tác thì chắc chắn năng xuất rất thấp mà tốn công điểm khoán rất nhiều. Để ép buộc những hộ cá thể vào hợp tác xã, cán bộ xắp xếp họ phải nhận những chân ruộng xa, vùng đất đầu thừa đuôi thẹo, cạnh các triền sông, miệng cống thủy nông nước chảy xói mòn hết đất màu, trơ lại đất sét cằn cỗi, cói bổi mọc um tùm với mục đích để họ không tăng năng xuất được dù có lao động cực nhọc hơn, bắt buộc họ phải làm đơn xin vào HTX để không còn tồn tại loại hình sản xuất khác với năng xuất cao hơn để so sánh. Ở giai đoạn cao trào của cơ chế quản lý quan liêu bao cấp, nhân dân gọi là (chế độ xếp hàng và tem phiếu) với tình trạng hàng hóa thiếu thốn đến cùng cực, mua bán thứ gì cũng phải xếp hàng vài giờ và phải thông qua cuốn sổ do cửa hàng hợp tác xã mua bán cấp cho mỗi hộ nông dân có đóng dấu hình oval vào từng trang sau khi mua hàng hóa. Từ lạng đường, lít nước mắm đến miếng thịt, miếng đậu phụ, khúc vải may quần áo cũng phải theo tiêu chuẩn nhân khẩu. Thực trạng tiêu dùng xã hội thì như vậy cũng không thể vượt ra ngoài qui luật khách quan cung cầu, và đã xuất hiện một số cá nhân buôn cất hàng hóa từ thành thị về nông thôn bán lẻ, dù với qui mô rất khiêm tốn về vốn và chủng loại hàng hóa nhưng cũng phần nào cung ứng được nhu cầu bà con nông dân, nhưng họ phải chịu sự miệt thị là con buôn, lũ phe phẩy, dưới ánh mắt xăm soi, truy bức của cán bộ quản lý thị trường và thuế vụ. Trong số tài sản giá trị cao của HTX nông nghiệp có con trâu con bò, là sức kéo chính của sản xuất, được giao cho các hộ xã viên chăm sóc để tham gia mùa vụ sản xuất. HTX chấm công điểm, khi đến mùa thu hoạch sẽ thanh toán bằng thóc. Nếu để trâu gầy trâu bệnh sức kéo suy giảm thì bị trừ điểm, cho nên người lao động chịu đói chịu nóng chịu rét thì phải chấp nhận, còn con trâu của HTX thì không, mà phải được chăm sóc như báu vật. Các hộ nông dân nuôi lợn trong chuồng với mục đích chính là tạo phân chuồng để nộp cho hợp tác xã theo chỉ tiêu ban đội sản xuất giao, nhưng cũng đồng thời con lợn đã được liệt kê vào danh sách thuộc quyền quản lý của nghành thực phẩm nhà nước, đồng nghĩa với việc con lợn lớn lên thì chủ nuôi không được tự ý thịt mổ và cũng không thể bán đi đâu được, do đó  chỉ duy nhất một đường là cân cho nghành thực phẩm. Khi xuất chuồng, cán bộ gửi lại cho chủ hộ một hóa đơn, chờ mùa thu hoạch lúa sẽ được thanh toán bằng thóc chứ không được nhận tiền mặt. Nếu xuất lợn vào dịp cận tết nguyên đán thì được cán bộ gửi lại vài ngày chờ đêm hai mươi chín tết mổ ra phân phối cho năm đến sáu gia đình phần thịt cấp tiêu chuẩn tết. Nhà nào có công việc đình đám muốn mổ con lợn thì làm đơn xin phép chờ chính quyền phê duyệt mới được mổ dưới sự giám sát của cán bộ quản lý lương thực thực phẩm và thú y xã. Tuy vậy cũng chỉ được sử dụng theo định mức, nếu con lợn mổ ra có lượng thịt lớn hơn định mức thì giao số thịt dư lại cho nghành thực phẩm bán cho cán bộ nhà nước có tem phiếu tiêu chuẩn. Nhưng cũng khó con lợn nào nông dân nuôi được khá khá thịt vì con người còn phải nhịn đói thì lấy lương thực đâu nuôi lợn. Như nhà tôi, mẹ nuôi một con lợn gần một năm trời mà cân lên chừng được ba mươi kg, chủ yếu là bộ xương và tấm da khô kháo nhăn nheo, lông dựng ngược đen trũi như con chuột cống trông rất tội nghiệp, bởi vì thức ăn chính của lợn là cây chuối đã chặt trái, cây rong ruộng, chóc nước, bèo hoa dâu và đủ thứ tạp nham cây cỏ tôi nhặt ngoài ruộng ngoài vườn đưa vào cho lợn nhai để giảm bớt những tiếng kêu la inh ỏi của lợn vì đói. Nhà nào có gia cầm làm thịt cũng phải giấu giếm hàng xóm, không giám đụng dao thớt phát ra âm thanh lớn, nếu không sẽ bị mang tiếng ăn tiêu hoang phí, không có ý thức tiết kiệm. Có lẽ cả quãng thời gian sống ở quê với bố mẹ chưa bao giờ tôi được ăn một miếng thịt bò, và năm chừng mười họa đếm trên đầu ngón tay mấy lần được ăn thịt trâu chết trong mùa lạnh hoặc bị bệnh. Sau khi thịt, hợp tác xã phân phối cho mỗi nhà một miếng chừng một lạng thịt cả da, .Đến mùa thu hoạch trừ bớt thóc được chia của từng hộ trả lại cho tập thể hoán đổi phần thịt trâu được cấp trước đó. Tuy thịt trâu chết nhưng ăn ngon tuyệt vời. Cũng như vậy quanh năm lũ trẻ con chúng tôi ngong ngóng đến trưa ngày ba mươi tết nguyên đán, mẹ nhận phần thịt lợn với đầy đủ các thứ trong một phần năm hoặc một phần sáu con lợn của một hộ chăn nuôi nào đó nặng chừng năm mươi cân, sau khi làm thủ tục nhập lợn cho nghành thực phẩm thì tiến hành mổ và chia cho từng hộ theo tiêu chuẩn tết do hợp tác xã cấp  để mẹ chế biến các món ăn ba ngày tết trong đó hấp dẫn chúng tôi nhất vẫn là món lòng lợn.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: H3 Hùng trong 12 Tháng Mười Hai, 2011, 09:25:50 pm
Bác vetran ơi. Chuyện của bác thật và hay quá! Tôi nín thở, nín uống, nhịn hút để đọc một mạch. Phải chi bác chịu khó ngắt câu, chấm xuống hàng thì tôi đọc nhâm nhi với cà phê thuốc lá chắc còn đã hơn ;D


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: Trinhsat trong 12 Tháng Mười Hai, 2011, 09:28:30 pm
Chào bạn VeTran:

Bạn làm liền một mạch 4 bài dài trong có một giờ, kỷ lục chưa từng có của trang Quân sử đấy.

Nhiều thông tin rất hay mới lạ mà chắc giờ nhiều người mới được nghe. Cảm ơn bạn.

Nhưng Topic có khung tới 60 trang cơ, mà bạn đã có vẻ định kết thúc luôn rồi sao?


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: leasedline trong 12 Tháng Mười Hai, 2011, 10:41:05 pm
KỈ NIỆM HƠN BA MƯƠI NĂM TRƯỚC
( Trích trong: TÂM SỰ ĐỜI TÔI)
Qua phà Neak Loeang, tỉnh Kandal qua cầu Monivong (Sài Gòn), xuyên qua nội đô Phnompenh, rồi điểm dừng cuối cùng của cuộc hành trình cũng chấm dứt với những khuôn mặt bơ phờ, tóc dựng ngược cứng queo, hai lỗ mũi của cán bộ chiến sĩ như hai miệng ống khói đỏ quạch vì bụi đất đường trường. Đây rồi! Cầu Chulava (Oknha Khleang) gãy nhịp chênh vênh, bên dưới là dòng Tonlesap đang mùa nước nổi, cuồn cuộn  màu đỏ  phù sa và hàng triệu tấn hải sản chảy về Biển Hồ. Đơn vị mới đóng quân tại cây số hai trong một tu viện công giáo cổ. Binh trạm 179 cục vận tải TCHC - Phnompenh


Hoan hô anh Vệ! Như vậy là VMH có thêm một thành viên là CCB của Trung đoàn 685 - Cục Vận tải - TCHC rồi. Hy vọng anh sẽ có nhiều bài viết về E685 để mọi người hiểu hơn nhiệm vụ của chúng ta trong những năm tháng trên chiến trường K


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: leasedline trong 12 Tháng Mười Hai, 2011, 10:45:29 pm
Bác vetran ơi. Chuyện của bác thật và hay quá! Tôi nín thở, nín uống, nhịn hút để đọc một mạch. Phải chi bác chịu khó ngắt câu, chấm xuống hàng thì tôi đọc nhâm nhi với cà phê thuốc lá chắc còn đã hơn ;D

Hii, anh H3 chịu khó một chút vậy, có lẻ anh Vệ chưa quen đấy thôi. Chuyến đi sắp tới, có đến Phôm Pênh, anh nhớ đến đơn vị cũ trung đoàn bộ E685 (Binh trạm 179 cũ) chụp giúp chúng em một tấm hình làm kỉ niệm anh nhé! Cảm ơn anh trước nghen! hiii, em thấy vui lắm anh H3 ơi !


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: binhyen1960 trong 12 Tháng Mười Hai, 2011, 11:42:57 pm
KỈ NIỆM HƠN BA MƯƠI NĂM TRƯỚC
( Trích trong: TÂM SỰ ĐỜI TÔI)
….Sau ba tháng thực tập chiến thuật quân y trong đội hình chiến đấu của các đơn vị thuộc Sư 7, binh đoàn Cửu Long, tại tỉnh KomponSpeu tôi trở về trường, thi tốt nghiệp.

 Đọc ngay đoạn đầu tôi đã thấy ngờ ngợ. ;D

 BY xin được hỏi bác vetran. Có phải đoàn thực tập quân y của các bác về các đơn vị thuộc F7 vào khoảng nửa cuối năm 1979 trở đi không?

 Theo BY nhớ thì đơn vị của BY có 2 nữ quân nhân về thực tập, họ nằm đâu trên phẫu E chứ không xuống các đơn vị chiến đấu. 2 nữ quân nhân thấp đậm béo tròn và đen đứng trên thùng xe chạy vào D bộ binh chúng tôi khiến cả tiểu đoàn ngơ ngác ồ với cả à, lâu rồi chưa được thấy phụ nữ con gái VN đúng vào buổi sáng trước giờ chúng tôi xuất kích đi tác chiến hướng Amleang. Cả một tiểu đoàn súng ống lỉnh kỉnh gạo nước lùng bùng leng keng xoong chảo chờ xe về đón đi vậy mà đứng cả dậy ngơ ngác với 2 bóng hồng lạc giữa rừng "đực rựa".

 Sự xuất hiện của họ làm chúng tôi hao hụt quân số chiến đấu đáng kể đấy, nhiều anh đau bụng nhức đầu ốm đau rất "vô lý" để được đi viện mà gần gũi mấy cô y tá y sỹ thực tập trên phẫu đơn vị đấy. 


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: hungnguyen0360 trong 13 Tháng Mười Hai, 2011, 12:55:54 am
 Ông này mới tuần trước nói muốn viết nhiều mà chưa biết cách viết mặc dù thường xuyên vào đọc trong diễn đàn này.Thực Thanh hóa lái xe 684 sau chạy xe cho Cục phó Long bây giờ đang ở 105 NQ chỗ anh Diệp bữa nào ghé chơi đi.Ông úp mấy cái hình hôm đi Đồng xoài sang Topic VTQSCTK đi.
 Bài viết của en Thơ đâu?
...'' dừng chân tại T16 Kamponthom'' trạm 17 chứ trạm 16 km 13 gần kho xăng 102.Vụ thằng Lăng nổ̉ lựu đạn anh Côn bị mù 2 mắt giờ sống ở quê Hải hậu Nam Định.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: H3 Hùng trong 13 Tháng Mười Hai, 2011, 07:06:02 am
1/ Hii, anh H3 chịu khó một chút vậy, có lẻ anh Vệ chưa quen đấy thôi.
2/ Chuyến đi sắp tới, có đến Phôm Pênh, anh nhớ đến đơn vị cũ trung đoàn bộ E685 (Binh trạm 179 cũ) chụp giúp chúng em một tấm hình làm kỉ niệm anh nhé! Cảm ơn anh trước nghen! hiii, em thấy vui lắm anh H3 ơi !

1/ Là mình góp ý về cách trình bày bài viết để phục vụ người xem tốt hơn đấy mà.

2/ Binh trạm 179 cũ ở Phnom Pênh tôi không biết đặt ở chỗ nào, cô đặt hàng nơi Dũng tây nhe, hoặc có gặp cánh Dũng tây, Mỹ đen thì chỉ đường cho bọn hắn. Dũng tây làm trưởng đoàn nên việc dừng xe ở những nơi đâu hắn có quyền sắp đặt sao cho khớp thời gian hành quân trên lộ trình Phnom Penh - Sisophon dài gần 400km vào ngày 17/12 tới đây ;D Nếu thuận đường hành quân tất nhiên chúng tôi sẽ tấp xe vào chụp hình cô ạ.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 13 Tháng Mười Hai, 2011, 09:30:02 am
                      TẶNG EM YÊU
Giây phút đầu nhìn em nơi cửa sổ
bên cành hoa phượng vĩ vào mùa
Ánh mắt long lanh ngắm chiều hè nắng nhạt
Mái tóc huyền làm xao xuyến lòng anh.

Nhưng  thời gian lại đong đầy thử thách
Như dòng Tonlesap đượm tình buồn
Xa Phnompenh, Conponcham Em đến
Nhật nguyệt xóa dần nhung nhớ em ơi!

Nơi chiến trường tử sinh khốc liệt
Giây phút nào em  cảm xuyến xao
Những chiều hè phượng rơi vào cửa sổ
Có một người đăm đắm đợi chờ em.

Ngày tháng trôi qua nguyệt khuyết lại tròn
Bên dòng sông đầy vơi nhung nhớ
Anh đón em về trong tiếng nhạc hoàn  ca
  Điểm thêm hồng cho mối tình ta.

Em còn nhớ chăng ngày đầu mình hò hẹn
Bên dòng tonlesap hiền hòa
Trên  cầu chunava gãy nhịp chênh vênh
Trong  watphnom tĩnh mịch một ngôi đền.

Đêm trăng thanh trời hoàng cung cao vời vợi
Những nụ hôn và những ánh mắt nhìn nhau
Dù không nói mà như đã nói ngàn lời
I love you too much. Thơ ơi!

Tình yêu ta như hoa nở cành xuân
Có vun đắp trong tình thương đồng đội
Tình bạn bè tri kỷ đến mai sau
Cầu chúc mình hạnh phúc mãi bên nhau.

Chiều cuối thu miền ấy nắng dịu êm
Hai con tàu ra đi hai thời khắc
Mang trong mình là hai đứa yêu nhau
Cùng một hướng lao về miền Bắc,

Trên quê hương lúc đầu đông chớm lạnh
Mà lòng mình  ấm áp tựa mùa xuân
Hai trái tim ta hòa cùng nhịp đập
Kết trái tình yêu mãi mãi vĩnh hằng

                               Phnom-penh
                               Mùa đông 1982
Về miền Bắc tổ chức đám cưới, hai chúng tôi trở lại Phnompenh trả phép và dấu nhẹm chuyện kết hôn vì mấy lý do: Thượng Úy Thắng bí thư chi bộ hậu cần, người trực tiếp giới thiệu tôi vào Đảng từng tuyên bố: Nếu mày cưới con Thơ sớm lúc này là tao cho thối luôn.( tức là ngưng kết nạp Đảng) Lúc đó Thơ chưa hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Thật họa vô đơn chí “ trời chẳng cho ai tất cả và cũng không lấy đi tất cả”, Nay nghĩ lại, tại sao con người cứ tự làm khổ mình, khổ người vì những quan niệm không đâu vừa trái với tự nhiên, trái với tình người. Dù men tình đang nồng, hàng ngày vẫn công tác gần nhau mà tối đến phải sống trong vắng lạnh, mỗi đứa ở một khu nhà khác nhau. Nhưng rồi chẳng dấu được lâu khi mọi người phát hiện vợ tôi cứ bứt lá chuối non ăn. Chuyện gì đến sẽ phải đến, Thơ nhận quyết định phục viên. Lặng lẽ tiễn Em về tổ quốc mà trong tôi chất chứa một tâm trạng trống rỗng vô định khi phải xa nhau trong nghèo nàn thiếu thốn trăm bề mà tương lai sinh nở, nuôi nấng con cái sao đây giữa đất khách quê người. Tôi ở lại đơn vị sống trong thấp thỏm lo âu, và công tác trên một tâm thế trống rỗng. Hai năm tiếp. Sau đợt rút quân đầu tiên, tôi được điều động về tổ quốc. Từ tiền phương cục vận tải, tôi được điều về trung đoàn 684 tiếp tục công tác tại quân y tiểu đoàn 68 Tân Cảng. Để lại chiến trường bốn năm tám tháng với bao địa danh và kỷ niệm nhớ đời như chợ Oxay, chợ Tucthala, chợ 479 (nơi có tiểu đoàn 479)  chợ bờ sông, Watphnom, hoàng cung, điện Chamcamon, đài Độc Lập, bãi rau tăng gia bờ sông, cây số 9, cây số 11, tiền phương cục quân báo, đội điều trị 5, trường nữ sĩ quan K. Trường y tế quốc gia, chứng tích diệt chủng Tunsleng.v.v......
Thưa anh chị là CCB binh trạm 179 Kampuchea. Quân đội nhân dân Việt Nam là những gì tốt đẹp hồn nhiên vô tư và cũng khắc nghiệt nhất trong cuộc đời tôi. Ra đi Lúc 16 tuổi bốn tháng từ C3, D 930, E 15 bộ binh quân khu hữu ngạn – Thạch thành – Thanh Hóa. Năm 1975 từ trường Quân Cụ - Tổng cục kỹ thuật - Gò Vấp (Vihempich) trở thành lính thợ sửa chữa xe tăng – thiết giáp. Về C11 trung đoàn 26 thiết giáp, QK7 đóng quân tại trung tâm 43 bảo toàn trung hạng , tổng kho Long Bình. Rồi về căn cứ 26 Gò Vấp. Rồi về suối Máu ngã ba Tân Hiệp cuối đường băng sân bay Biên Hòa. Rồi cuối năm 1978 từ khu rừng cao su gần tòa thánh Tây Ninh (sở chỉ huy tác chiến của E26 thiết giáp quân khu 7 trong chiến dịch phản công biên giới) tôi được lệnh về trường quân y. Rồi cuối cùng sau mấy năm dùi mài kinh sử, tôi tới nơi chắp cánh cho mọi ước mơ hoài bão của mình, nơi tôi trưởng thành và tìm được nửa kia của mình bằng mối tình hơn cả tình yêu thông thường vì còn chứa đựng trong đó tình đồng đội của hai người lính quân y giữa chiến trường. Nơi đó, binh trạm 179 – Trung đoàn 685 – Phnompenh. Ngoài ơn sinh thành của cha mẹ thì  quân đội nhân dân nói chung, các trường chuyên môn kỹ thuật quân đội, các đơn vị vận tải quân sự nói riêng, tôi coi là huyết nhục, là tất cả những gì tôi có trên đời này, vì vậy thương nhớ lắm một thời từng là người chiến sĩ binh trạm 179 vận tải quân sự, quân tình nguyện Việt Nam. Gần hai mươi năm khoác áo lính, tôi về cuộc sống đời thường và hơn hai mươi năm nay lại tiếp tục công tác nghành y như một duyên nghiệp, nay đang định cư tại quận 7 thành phố Hồ chủ tịch. Tôi rất hy vọng có một điều kiện nào đó gặp mặt lại những người lính 179 năm xưa để chúng ta ôn lại những vui buồn đắng cay, những khốc liệt chiến trường. Nơi bao kỉ niệm một thời để nhớ. Qua trang QSVN tôi xin chân thành cám ơn những bạn bè xa gần quan tâm đến những người lính vận tải quân sự chiến trường K. Hy vọng chúng ta gặp nhau ngoài đời thường chứ không chỉ trên mạng, mà biết đâu trên tinh thần cố kết dân tộc với những con người sống nhân văn lại mở ra những trang mới cho cuộc sống chúng ta thêm đẹp hơn.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 13 Tháng Mười Hai, 2011, 09:37:54 am
cám ơn Bác H3 Hùng, em Đoan thực tình tôi rất nhát ở chiến trường mà bản chất văn dốt, võ dát cho nên nghĩ sao viết vậy làm luôn một mạch, mong các bác cố gắng luận ra.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: tranphu341 trong 13 Tháng Mười Hai, 2011, 11:17:46 am
                   Chào bạn vetran.! Tranphu341 đọc bài bạn viết về cuộc sống, chiến đấu, tình cảm của bạn 30 năm trước thật hay, thật cảm động. Bài thơ cũng thật giá trị. TP rất mừng là bạn đã có cuộc sống riêng ổn định tại TP HCM.

                   Chuyện tình yêu và hôn nhân của bạn thật hấp dẫn. Vây bây giờ "tác phẩm" đầu tiên của bạn cũng đã khoảng 30 tuổi rồi. Cháu được đọc lại chuyện tình và sự ra đời của cháu, của 1 tình yêu cao đẹp. Thì không còn gì để tả hết ý nghĩa, giá trị lớn đó nữa. TP chúc mừng hạnh phúc củ bạn, của gia đình bạn. và cũng chúc bạn sẽ gặp được nhiều ae cùng đ/v trong diễn đàn này, để cùng chia sẻ những kỷ niệm của những năm tháng hào hùng mà bạn, mà chúng mình đã sống.

                    Chào bạn!


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 13 Tháng Mười Hai, 2011, 05:32:12 pm
xin chào bác hungnguyen0360. anh Thực lái xe car của 684 chở cán bộ công tác qua k và ngược lại thành phố Hồ Chí Minh là anh Thực quê thành phố Thái Nguyên chứ không phải Thực Thanh Hóa, tôi vẫn thường xuyên liên lạc vì anh đang nghỉ hưu ở quê. tôi có một số hình ảnh ở Phnompenh nhưng không biết cách up hình. ???


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 13 Tháng Mười Hai, 2011, 05:37:34 pm
xin chào bạn Tranphu341 tác phẩm của chúng tôi năm nay 29 tuổi dược sĩ công tác cùng với ba. May quá giống y khuôn chứ không pha chút xíu da màu đen nào. Tác phẩm thứ 2 là đực rựa cách chị 15 năm, học giỏi và chơi organ tuyệt vời. Hi vọng chúng ta hiểu về nhau nhiều hơn.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 13 Tháng Mười Hai, 2011, 05:50:22 pm
chào em Đoan và các cựu chiến binh sống ở trung đoàn bộ 685 muốn nhìn lại chỗ mình ở xin vào http://maps.google.com/maps?ftr=earth.promo&hl=en&utm_campaign=en&utm_medium=van&utm_source=en-van-na-us-gns-erth&utm_term=evl ............ lấy chuẩn từ hoàng cung bám theo bờ Tonlesap rồi qua cầu sập tới cây số 2 là thấy liền. trên hình ảnh vệ tinh thì cầu sập nay đã được bắc lại một cây cầu mới. phà phlechdam cũng trở thành một cây cầu. khúc giữa phlechdam với cầu sập có một cây cầu mới bắc qua Tonlesap.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 13 Tháng Mười Hai, 2011, 07:34:21 pm
Xin trao đổi với Binhyen160. Chính xác điều BY phát hiện, những  nữ quân y sĩ tương lai đó thuộc K31A, đợt thực tập đầu tiên vào những tháng cuối năm 1979. Nhưng rút kinh nghiệm sau những bất cập khi đưa Koong top sray xuống tới đơn vị chiến đấu là sai lầm về tính cần thiết, tâm lý, sức khỏe của mấy nàng và còn gây nhiều phiền nhiễu cho cả đơn vị tiếp nhận thực tập, nên các đợt thực tập sau phải để các vị thực tập ngay tại PhnomPenh. Xin trích một đoạn trong (Tâm sự đời tôi) giai đoạn ấy.
....Có lẽ dưới con mắt của các nhà hoạch định chiến lược toàn cầu về trật tự thế giới nhận thấy đất nước ta  luôn là khu vực Địa – Chính trị nhạy cảm, cho nên một lần nữa ‘họa vô đơn chí’. Tổ quốc lâm nguy. Chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, đối trọng bạn thù lệch hẳn rất bất lợi cho ta vì tâm địa bành trướng từ ngàn năm lại trỗi dậy khi chúng nhận thấy chiến lược dùng bọn Khơ Me đỏ đánh phá ta đang bị phá sản. Các đơn vị chiến đấu chủ lực dàn quân ra Bắc, chúng tôi cũng không có sự lựa chọn, thời gian thực tập lâm sàng rút ngắn. Tiếp theo chúng tôi đi thực tế về chiến thuật quân y cấp tiểu đoàn ở các đơn vị chiến đấu tại mặt trận 479.
-  Theo tuyến giao liên của cục vận tải tổng cục hậu cần. Chúng tôi tới thủ đô Phnompenh – Kampuchea sau một ngày hành quân qua cửa khẩu Mộc Bài-Tây Ninh. Các bạn nữ được thực tập ở quân y viện V binh đoàn Cửu Long tại thủ đô. Nam học viên thực tập ở Sư đoàn 7, binh đoàn Cửu Long trong khuôn khổ tác chiến của mặt trận 479 tại tỉnh Komponspeu. Xuất phát từ thủ đô Phnompenh hành quân đi cố đô Udong. Ba tháng đầu tiểu đội một của tôi thực tập tại trạm xá sư đoàn, nói chung việc thu dung điều trị thương bệnh binh từ chiến tuyến đưa về là công việc thường qui. Tôi chỉ ghi nhận một vấn đề là tỷ lệ sát thương đối với bộ đội ta chủ yếu do mìn, còn thương tích do đạn bắn thẳng rất ít vì tụi địch bị quân ta lùa vào hang hốc trong núi nên chỉ đánh lén và cài mìn là chính, ít có những trận gây thương vong lớn. Bệnh binh chủ yếu do sốt rét với các thể ác tính như: thể tiểu huyết cầu tố, thể não và đặc biệt gan lách rất to. Thường các y sinh thực tập được xắp xếp sống trong mấy lán trại làm bằng lá thốt lốt bên kia bờ một cái hồ, mùa khô đang cạn nước, bên này hồ là khu điều trị và nơi ở của cán bộ và nhân viên trạm xá sư đoàn trong các căn nhà xây nhưng không còn cánh cửa nào, sát trục lộ đi Komponchnan cho nên đêm khuya ngủ trong nhà xây cũng rất ngán vì  sống ở cái đất nước này, ban ngày chúng là dân mà đến đêm lại là địch không chừng. Thời gian thực tập ở trạm xá sư đoàn, tôi gặp những trường hợp nhớ đời, mà cho đến nay hơn ba mươi năm rồi đôi khi trong chiêm bao, tôi vẫn thấy được dư cảm ngày đó. Một chiều, tôi trực cấp cứu với thiếu tá bác sỹ Xuân Đán trạm xá trưởng. Khoảng bốn giờ chiều thì nghe tiếng nổ rất lớn phía đại đội xe...Bình thường thôi, chiến trường mà. Nhưng không, ngay lập tức bốn cái băng ca khiêng đến bốn thân hình không nguyên vẹn, mặc dù đã huy động cả trạm xá sư đoàn tham gia cấp cứu khẩn cấp nhưng không ai qua khỏi, thượng úy đại đội trưởng là người la hét kích động nhất nhưng kết thúc ra đi nhanh nhất chừng hai mươi phút. Một trái mìn xóa sổ ban chỉ huy đại đội xe trong đó có liên lạc viên bằng tuổi tôi trong lúc cuốc đất trồng rau. Chiến tranh là vậy, tổn thất đồng đội ai cũng xót đau, ban chính sách và cả trạm xá sư đoàn lặng lẽ khâm niệm các anh bằng những cái túi tử sỹ rất sẵn có ở chiến trường. Đêm đó đối với tôi thực sự là đêm căng thẳng vì trực bên cạnh trông coi bốn thi hài đồng đội nằm trong bốn quan tài nhôm chờ ngày mai đưa các anh ra phi trường Pochenton bay về tổ quốc. Mà nói phòng cấp cứu cho oai chứ đó là cái kho cũ cải tạo tạm, chỉ che chắn bằng mấy tấm paraban vải trắng ngăn cách khu để thi hài và giường nằm trực của y sinh, mà ngày đó tôi cực kỳ sợ ma. Từ vụ này và những trường hợp thương tích khác của cả ta và địch, tôi ghi nhận một điều thuộc về dấu hiệu lâm sàng: Nạn nhân càng la hét kích động nhiều thì càng kết thúc sự sống nhanh, ngược lại nạn nhân thoi thóp im lìm vô cảm thì lại có cơ may thoát chết vì có một nghịch lý khi xử lý thương tích nhiều người một lúc thì nhà chuyên môn thường ưu tiên những người thoi thóp sợ họ sắp đi sớm còn người la hét kích động nhiều thì cho là còn khỏe nên dễ bị một kết thúc xấu nhanh hơn. Còn nữa, chuyện của anh Tuấn (quê Hải Hưng) y tá lâu năm thuộc đội phẫu của trạm xá. Tối nào cũng thấy anh tự tiêm vào đùi mình, sau này mới biết anh bị khủng hoảng tinh thần và trầm cảm quá mức nên mỗi tối phải tiêm Morphin mà lúc này anh đã nghiện nặng bởi các cơ số chống sốc cơ động đều bị mất thuốc này, rồi chuyện chưng nước cất bằng dụng cụ cũ kĩ để pha bột glucoza tiêm truyền hoặc lấy trái dừa không già không non vạt vỏ ngoài, sát khuẩn rồi cắm kim truyền tĩnh mạch cho bệnh binh sốt rét. Những chuyện này các thầy cô trong trường không dạy và cũng không tìm thấy ở y văn nào nói tới. Trong thời gian thực tập cũng có những đồng chí bệnh binh không qua khỏi những trận sốt rét tiểu huyết cầu tố hoặc sốt rét thể não, nhìn cảnh đồng đội ra đi trong vật vã cuồng loạn rất đau lòng mà sau này khi về sống trong yên bình, tôi có suy nghĩ “Những cái chết của đồng đội, ngoài yếu tố dịch tễ khốc liệt của rừng thiêng nước độc, cũng không loại trừ yếu tố thiếu thốn thuốc men và cả khả năng chuyên môn lúc đó quá thiếu và yếu so với yêu cầu chiến trường”. Một chi tiết nữa cũng làm tôi suy nghĩ một thời gian dài. Hôm đó phiên trực của Quí và Khánh, trời chập choạng tối, ngồi dưới lán không đèn đóm cũng buồn, cả tiểu đội tập trung lên khu cấp cứu ngồi tán chuyện chơi. Lúc sau có một tàn quân Khơme đỏ bị thương do bộ đội bạn đưa vào cấp cứu. Ngồi xa năm mét nhưng nghe tiếng rít ở vết thương theo nhịp thở là tôi biết chắc bị vết thương ngực hở, mà nguyên tắc cấp cứu vết thương này phải cực kỳ nhanh chóng nếu chậm trễ nạn nhân chết rất nhanh khi các thùy phổi sẽ teo lại vì khí chèn ép từ khoang ảo màng phổi. Nhưng từ bác sĩ trực chính đến kíp trực thờ ơ, không hề có động thái nào, một lúc sau cái gì tới đã tới. Đành rằng trước hòn tên mũi đạn của hai phe đối địch ai phản xạ nhanh thì sống nhưng những trường hợp như thế này...? Sau này về Việt Nam có những lúc ôn lại sự cố vừa qua lại gây thành tranh luận căng thẳng tới mức có đồng môn nâng vấn đề nên thành quan điểm chính trị, nhưng sự hối hả cho thi cử cũng không còn thời gian cho những ưu tư. Rồi thời gian thực tập ở Udong cũng trôi qua trong điều kiện đặc biệt thiếu nước đến trầm trọng, mặc dù đóng quân ngay cạnh một cái hồ lớn nhưng quan sát số nước còn lại dưới đáy hồ có cảm giác đặc quánh một màu xanh rêu nên không anh nào đủ can đảm tắm giặt. Ba bốn ngày mới canh me ngoài cái giếng duy nhất của Phum múc được xô nước tắm qua loa cho đỡ ngứa, quần áo thì ít nghĩ tới giặt cho nên toàn thân anh nào cũng có mùi đặc biệt. Ba tháng tiếp theo xuống tiểu đoàn thực tập chiến thuật quân y đã làm tôi khủng hoảng tinh thần. Tôi và hai bạn cùng tiểu đội đeo ba lô vác súng theo chân một giao liên sư đoàn 7 rời khỏi thị trấn lúc mờ sáng đi về hướng Bắc. Xuyên qua mấy chục km đường rừng đến tiểu đoàn 3 gần dãy núi Uran, dọc đường đi lúc nào cũng có cảm giác rờn rợn, tiếng cú rúc tiếng chèo bẻo kêu làm lạnh xương sống nhưng kinh hãi nhất khi gặp cơ man nào là những bộ xương trắng hếu trên cát trắng chả ai quan tâm dọn dẹp. Đến chiều hôm đó tới đơn vị thực tập là một đơn vị chiến đấu đóng quân ở một khu trảng khá lớn, ngoài số doanh trại tạm bợ còn có một số nhà hoang để làm cơ quan tiểu đoàn bộ. Chương trình thực tập cũng không có gì phức tạp, công việc thường qui là xử lý thương tích nhưng rất ít mà chủ yếu là sốt rét, cán bộ chiến sỹ sốt rét đến vàng da, bạc mặt, môi thâm tím, cặp mắt trắng dã không có hồn, với những bước chân xiêu vẹo, ký sinh trùng sốt rét khu vực này chủ yếu C. Fancifarum và C. Malaria cho nên hay xảy ra những ca sốt rét thể não và tiểu huyết cầu tố. Nhân đây tôi ghi nhận thêm một điều là cả cuộc đời chiến sĩ dù đã ở rừng rú rất nhiều kể cả trong vùng sốt rét nặng nhưng chưa bao giờ tôi bị sốt rét và cũng không bao giờ uống thuốc ngừa sốt rét, không lẽ tôi được muỗi sốt rét ưu tiên. Việc tiếp theo là căn cứ những kiến thức đã được truyền thụ ở trường, so sánh, khảo sát thực tế việc bố trí lực lượng thực hành chiến thuật quân y cấp tiểu đoàn: Với sơ đồ trận địa, tình hình địch, mục tiêu tiến công, bố trí hỏa lực, số và chất lượng hệ thống giao thông. Chỉ huy quân y cấp tiểu đoàn chúng tôi phải là một cán bộ tác chiến nhạy bén, biết địch biết ta. Từ đó đề ra tình huống giả định, xây dựng kịch bản, tổ chức chỉ huy toàn bộ quá trình hoạt động của quân y các đại đội, tổ cứu thương, tổ phẫu cơ động của tiểu đoàn sao cho tiếp cận thương binh và cấp cứu kịp thời nhất, chuyển thương nhanh chóng an toàn nhất, giảm thiểu tình huống tái chấn thương và tránh các khả năng xấu nhất đến với thương binh. Nhưng tôi nhận thấy lý thuyết vẫn chỉ là lý thuyết khi vào trận mới thấy muôn vàn bất trắc xảy ra mặc dù kịch bản khá nhuyễn vì còn phải căn cứ địa hình địa vật, tính chất cuộc hành binh, tiến kích hay thế thủ, tương quan lực lượng, số và chất lượng quân y, cơ số cấp cứu và hàng chục tình huống bất ngờ xảy ra trong trận đánh v.v. Tất cả những thu thập từ đợt thực tập chúng tôi sẽ có dịp rút kinh nghiệm so sánh với lý thuyết để áp dụng trong thực tiễn sau này khi về các đơn vị công tác. Sống với lính chiến cũng có cái thi vị của nó. Vẫn vui vẫn ca hát, đặt vè hoặc bịa chuyện bêu xấu Tỉnh, Huyện của nhau về các tập tục xấu như: Cầu tõm, chín củ thành mười (tỉnh Hà Nam). Dân đào rau má phá đường tàu (tỉnh Thanh Hóa). Ở nhà đói quá, con xin xung phong đi bộ đội mạ ơi! (Nghệ An, Hà tĩnh).Rồi kể ra những thói quen, tập tục lạ của từng địa phương như:
         Đất Thanh Hóa, khu bốn đổ ra, khu ba đổ vào
          Bán cho Lào, Lào không nhận
          Cả tỉnh tức giận về lập quốc gia riêng       
          Quốc kì hình cành rau má, quốc ca là bài dô tá           
          dô tà...                                                                                                               
 hay về chuyện đào ngũ:
Hà chuồn, Nam lủi, Thái Bình bay
Hải Hưng anh dũng trốn ban ngày
Thanh Hóa mất mùa xin ở lại
Nghệ An thấy vậy cũng giơ tay


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 13 Tháng Mười Hai, 2011, 07:35:50 pm
chính những chuyện không đâu này mà đôi khi xảy ra khẩu chiến nhưng một chút thôi mọi người lại vui vẻ. Rồi bận rộn hành quân đánh các chốt địch trên núi. Có những lần trinh sát tiểu đoàn bám theo một đoàn phụ nữ Kampuchea dân tộc thiểu số Phnong gùi hàng từ các Phum Sóc đi vào thung lũng trong dãy Uran có doanh trại tàn quân của Tamoc. Tiểu đoàn tổ chức đánh vào nhưng không hề tiêu diệt được tên nào vì chúng chạy vào hang trong núi rất nhanh, chỉ tịch thu được muối, gạo và rất nhiều phụ tùng phụ nữ mới nguyên đai kiện có lẽ nhập từ bên kia núi  giáp Thailand mà đoàn phụ nữ sẽ vận chuyển vào nội địa bán lấy lãi mua lương thực nuôi tàn quân. Ngược lại cũng có đêm địch mò sát vào doanh trại của tiểu đoàn nhưng do canh gác tốt và phát hiện kịp thời rồi bắn nhau ì đùng nhưng không có thương vong nào. Trận này có một tiểu đội trưởng bị bắn một trái M79 vào bụng, bị ngã ngửa ra sau, còn trái đạn rơi ngay xuống chân mà vẫn bình yên vì tầm bắn quá gần, sau đó trở thành câu chuyện tếu của đơn vị “tại gặp rốn có mùi nên trái M79 cũng câm luôn”. Mỗi lần đi truy kích tàn quân, trung sỹ Hiếu lại đưa cho chính trị viên tiểu đoàn một dây chuyền vàng và dặn: Nếu em trở về cho em xin lại. Chuyện trước khi đi chiến đấu nói vậy ai cũng ái ngại nhưng cứ gửi, cứ đi đánh rồi nhận lại nhiều lần như vậy cũng tạo ra một chuyện tếu: tại tụi tàn quân nhìn Hiếu không đeo giây chuyền nên không thèm đánh lại. Trong lần phục kích lính ta bắt được một tên đưa về trói ở cột gôn ngoài bãi bóng đá của tiểu đoàn, không tra tấn đánh đập mà cứ để đó phơi nắng cho chết. Một sáng chủ nhật mấy chiến sỹ rủ vào rẫy hoang lấy xoài và mía gần núi, trong khu vực này lâu nay không có người ở và thu hoạch. Gặp đám tàn quân khơ me trong núi cũng đang bứt xoài. Đoàng... đoàng. chạy... hai bên vừa chạy ngược vừa bắn xối xả trở lại, rút cục không được trái xoài nào mà hú hồn, từ đó xin kiếu, tôi thì sợ mà bộ đội cứ cười như vừa chơi trò ú tim ( bộ đội ở đơn vị đều trạc tuổi tôi) . Qua một tháng ở tiểu đoàn bộ, hôm ấy đến phiên đổi xuống đại đội hai. Ở chung với Khánh (dân Hà Nội) hai mươi tuổi, là thông tin tiểu đoàn nằm chốt đại đội. Đêm đó Khánh nói: anh cứ ngủ để em gác cả phiên của anh, ở đây em thức thâu đêm quen rồi! Trong lòng mừng thầm để rồi mờ sáng hôm sau, sau hồi kẻng báo thức, nhổm dậy thò chân xuống sàn tìm dày thì cứ thấy cái gì tròn tròn lủng củng, vội nhìn xuống ..trời ơi! bốn năm cái sọ người trắng hếu lăn lóc dưới chân, đang hết hồn thì Khánh đứng dưới chân  cầu thang  nhà sàn cười khanh khách và nói : Tối qua gác thay anh thấy thời gian dài quá nên nhặt một số sọ dừa dọa bác sỹ chơi! Tôi hỏi Khánh lấy ở đâu mà nhiều thế? Khánh nói, ôi! chờ rờn,(tiếng k là thiếu gì) sáng nay ra suối chơi sẽ thấy. Thực tình cũng ái ngại, nhưng tính tò mò và trò trẻ con lại trỗi dậy. Dọc con suối cạn toàn cát rất sạch sẽ (có lẽ chỉ mùa mưa mới có nước) hằng hà các bộ xương lớn nhỏ trắng và sạch bong với đặc điểm là không có cái sọ nào còn nguyên vẹn ,chủ yếu bị đập từ phía sau. Sau này tìm hiểu qua cán bộ chính trị tiểu đoàn tôi được biết: “Trước đây nơi này là một phum người Kampuchea thiểu số Samry bị bọn lính của Tamoc, thủ lĩnh khơ me đỏ ở núi Uran tàn sát. Vì khu dân cư heo hút này xa các trục giao thông, thị tứ nên chính quyền mới cũng chưa thu dọn xử lý số xương cốt này, nhất là đang trong vùng chiến sự và hàng chục lý do khác’’ Thời gian sau, khi đã khá thân mật, vào một buổi tối Khánh lấy hai suất cơm về hai anh em ăn, Khánh bê một bình rượu khoảng hơn một lít màu vàng chanh mời tôi một ly, hỏi rượu gì, Khánh nói rượu mật người. Cho là Khánh muốn chọc như trò nhặt sọ hôm trước, nên tôi uống, trong bữa cơm sẵn chuyện cho vui tôi hỏi: mày nói rượu mật người mày lấy đâu ra, lấy cách nào? lúc này Khánh đã ngà ngà say và nói (Khúc này cho tôi miễn kể lại). Tôi rùng mình tin là Khánh nói thật, đêm đó móc họng nôn mửa mệt nhoài và chắc Khánh nghĩ tôi say, nhưng thời gian sau đó không cho Khánh lấy cơm về mà cả hai xuống nhà ăn của đơn vị ăn chung, với mục đích để Khánh không có cơ hội mời rượu. Cũng may một tuần sau  tới phiên đổi ca thực tập sang đại đội khác. Chứng kiến tất cả những gì xảy ra thời gian qua đã vượt quá sức tưởng tượng của một anh lính công tử như tôi cả về tư tưởng, tâm lý, tính nhân bản và lý thuyết chính trị đã học ở trường. Nhưng sau này già dặn hơn, bản lĩnh hơn tôi mới ngộ ra lần thứ hai “Chiến trường không phải trò đùa, mà nó còn tàn khốc đến cùng cực cho tất cả các phía” kể cả vấn đề nhân tính. Chuyện ăn uống hàng ngày cũng cực khổ, lương thực, thực phẩm ở Việt nam qua sư đoàn, trung đoàn rồi tới nơi là cả một hành trình gian nan qua các khâu vận tải, bảo quản và phân phối của hậu cần quân đoàn 4. Mà chủ yếu cũng là đồ khô như: cá khô, mắm kem, hoặc chà bông cá.v.v nhu yếu phẩm cũng thiếu thốn tương tự, xà phòng 72% của Liên Xô, hôi một chút nhưng giặt quần áo rất sạch nhưng cái gói bột nhuyễn để đánh răng do ta sản xuất thì có chuyện. Không biết thời gian đó có anh lính nào rụng cả hàm răng vì bột đánh răng không? Còn rau xanh, bộ đội mỗi đơn vị tăng gia tự túc, có bữa anh nuôi hái rau muống hoang ngoài rẫy về luộc ăn, hậu quả gần cả tiểu đoàn bộ tiêu chảy. Thời gian đã cuối mùa khô, một tuần mới tắm một lần vì không có nước, lúc nào trong mình cũng ngứa ngáy bứt rứt, nhất là vào buổi trưa nắng, mụt ngứa nổi lên thành dề, may mình là quân y nên không phải làm gì nặng nhọc ra mồ hôi thì chắc điên vì ngứa. Cả tiểu đoàn bộ chỉ có một cái giếng đào mà nước ri rỉ cả ngày chỉ đủ để nhà bếp nấu cơm, muốn tắm giặt phải xách quần áo và đừng quên khẩu AK47 ra suối cách cả cây số với dòng chảy chừng hơn nửa mét, phải rất nhẹ nhàng không thì bị vẩn đục, ngồi chờ và dùng ca nhôm múc từng ca nước đổ vào xô, đủ xô rồi xách sâu vào chỗ đất cứng tắm giặt, vừa tắm giặt vừa cảnh giác kẻo mấy ông bạn trên núi bò tới là nguy. Vì vậy hơn một tuần tôi mới giặt quần áo, màn thì hai tháng, cũng vì nhà dột thấm nước mưa hôi quá mới giặt, sau sáu tháng thực tập về Việt Nam, nhìn cái chăn đơn thấy màu và mùi nó kỳ quá, bỏ luôn. Sớm mai chỉ có một ca nước vừa đánh răng vừa rửa mặt (nếu dùng quá hết phần người khác) vì vậy sau khi lau mặt buổi sáng, nắm vắt cái khăn rửa mặt nó dẻo quẹo như có hồ, không thèm bung ra. Ba tháng thực tập chiến thuật quân y cấp tiểu đoàn, tưởng như dài hàng thế kỷ trong sự bất an sợ hãi cũng trôi qua. Tôi phấp phỏng chờ ngày trở về sư đoàn, thế mà ngày ấy lại là một phen muốn đứt tim. Do thống nhất  giờ xuất phát không cụ thể  từ ba địa điểm ở ba đại đội khác nhau mà Khánh và Hòa là hai đồng môn bỏ về sư đoàn trước, mang theo khẩu súng tiểu liên AK 47 duy nhất của tổ ba người lúc từ sư đoàn đi. Tôi cảm thấy vô lý đến tột cùng. Anh quân y sĩ tiểu đoàn nói ở lại ít ngày nữa có ai đi công tác trên sư đoàn thì anh gửi  theo, dù rất hoang mang tuyệt vọng nhưng tôi cũng không còn tâm trí ở  lại đây một ngày nào nữa. Đánh liều tôi bẻ một khúc cây và tạt qua chỗ Khánh xin một trái lựu đạn chày của Trung Quốc sau đó đeo ba lô lên đường. Trên suốt hành trình chỉ cầu mong có một cán bộ, chiến sỹ nào của đơn vị chiến đấu đi công tác cùng chiều thì tốt biết mấy, lúc này mùa mưa đã đến, sông suối xuất hiện nhiều, con đường cũ mất tiêu, có đôi lúc  mất phương hướng. Đang đi tự nhiên lại có con suối rất lớn mọc ra từ bao giờ chảy cuồn cuộn chắn ngang đường, do dự một lúc ngó trước sau không có ai thế là sexi rồi đội ba lô lên đầu lội qua cho khỏi ướt quần áo. Tiếp tục đi  được chừng năm cây số, đột ngột có một bóng đen nhảy từ lườn ta luy phía bên phải nghe uỵch. Tôi hết hồn nhảy đại vào một gốc cây lớn quan sát, tai ù đặc, mắt tối đen, sém nữa thì tôi rút chốt lựu đạn, lúc sau tôi bình tĩnh nhìn lại là một đứa trẻ khoảng mười lăm tuổi ở trần đen sì, tay  nó cầm một khúc cây, phía sau nó ngay bìa rừng có hai con bò đủng đinh đi ra, nó nhìn tôi cười nhưng cũng rụt rè hỏi: pu koong tóp tâu na? Tôi trả lời: pu tâu Udong, nó giơ tay vẫy tạm biệt nói: Pu tâu tiết, côn mô vinh. Tôi lầm lũi dọc đường, cảnh giác cao độ, chỉ một tiếng động nhỏ là giật mình, tim đập thình thịch, đầu óc như dại đi, tóc dựng ngược, mồ hôi túa ra như tắm, nhưng lúc nào cũng nghĩ khi về tới sư đoàn sẽ cho mấy thằng kia một mẻ. Đúng thật, một cuộc khẩu chiến nổ ra khi về tới sư đoàn bộ nhưng cũng qua mau vì cái cảm giác (thoát nạn) an toàn quamấy chục km đường rừng đã hóa giải mọi chuyện, hơn nữa cả lớp gặp lại nhau đủ cả không hao người nào và cũng không sứt mẻ gì nên vui quá quên hết những xung đột ưu phiền. Trở về Phnompenh gặp các bạn nữ cùng lớp thực tập ở viện V, sau đó hành quân trở về tổ quốc bằng ô tô của tuyến giao liên binh trạm 179 cục vận tải, tổng cục hậu cần. Mà không ngờ sau này lại là đơn vị tôi nhận nhiệm vụ...


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 14 Tháng Mười Hai, 2011, 07:35:48 am
xin chào bác trinh sát, tôi là dân mù tịt mấy cái vụ vi tính này, sợ không đủ chỗ cho mình giãi bày trăn trở một thời làm lính. Tôi viết khá nhiều nhưn đôi khi cũng cân nhắc vì có những chuyện nó rất cá nhân, nhất là giai đoạn giữa những năm 70 thế kỷ trước khi quyết tâm khoác áo lính lúc tuổi trăng tròn mà một trong những yếu tố thúc đẩy sự quyết tâm (lên đường) là vì đói quá. Cám ơn bác đã quan tâm, hi vọng chúng ta hiểu nhau hơn.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: haanh trong 14 Tháng Mười Hai, 2011, 06:46:46 pm
xin chào bác trinh sát, tôi là dân mù tịt mấy cái vụ vi tính này, sợ không đủ chỗ cho mình giãi bày trăn trở một thời làm lính. Tôi viết khá nhiều nhưn đôi khi cũng cân nhắc vì có những chuyện nó rất cá nhân, nhất là giai đoạn giữa những năm 70 thế kỷ trước khi quyết tâm khoác áo lính lúc tuổi trăng tròn mà một trong những yếu tố thúc đẩy sự quyết tâm (lên đường) là vì đói quá. Cám ơn bác đã quan tâm, hi vọng chúng ta hiểu nhau hơn.
hehe bác là người lính dũng cảm , nói thật lòng  ;D


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 15 Tháng Mười Hai, 2011, 06:29:07 am
Cam ơn bác haanh. Tôi chẳng dũng cảm gì, nhưng những người trong độ tuổi (tri thiên mệnh) hiện nay thì thời xuân xanh ấy ai cũng từng nếm trải hương vị chiến tranh leo thang miền Bắc của chú Sam. Và theo đó hạt gạo được cắn ba thì làm sao không đói, phải đi thôi, dù biết là phía trước không hứa hẹn gì tốt đẹp đến sinh mạng.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: ThanhLoanYTaF302 trong 15 Tháng Mười Hai, 2011, 11:56:44 am
Anh vetran ơi, em vừa xem qua topic của anh,anh viết bài rất hay nhưng dài quá. em đọc bài anh viết thì không có vấn đề gì,nhưng anh H3 và anh NVLAC mà đọc bài anh viết thì cực khổ lắm đó anh  :D


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: quannhu172 trong 15 Tháng Mười Hai, 2011, 01:31:13 pm
xin chào bác trinh sát, tôi là dân mù tịt mấy cái vụ vi tính này, sợ không đủ chỗ cho mình giãi bày trăn trở một thời làm lính. Tôi viết khá nhiều nhưn đôi khi cũng cân nhắc vì có những chuyện nó rất cá nhân, nhất là giai đoạn giữa những năm 70 thế kỷ trước khi quyết tâm khoác áo lính lúc tuổi trăng tròn mà một trong những yếu tố thúc đẩy sự quyết tâm (lên đường) là vì đói quá. Cám ơn bác đã quan tâm, hi vọng chúng ta hiểu nhau hơn.
hehe bác là người lính dũng cảm , nói thật lòng  ;D
  Bác ấy nói thật đấy , vì muốn thoát cái cảnh ăn sắn độn , khoai độn , ngô độn rồi cả cháo cám nữa . Nên nhiều thanh niên tình nguyện đi bộ đội . Nhiều người gầy yếu quá không đủ tiêu chuẩn đi lính . Nên về nhà khóc rưng rức suốt đêm .


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 15 Tháng Mười Hai, 2011, 09:16:58 pm
Anh Hungnguyen 0360 và các các anh chị đồng đội thân mến! Em mượn tên đăng nhập của người yêu xưa, xin tâm sự đôi dòng về thời gian là lính BT 179 – Campuchia. Nơi em ghi nhớ bao kỷ niệm vui buồn, nơi em tìm được nửa kia của đời mình.
1981 học y tá tại quân y viện 111 ngay trong làng em, xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa vì bố là sĩ quan hậu cần của viện này. Đáng lẽ sau khi tốt nghiệp sẽ về xã công tác nhưng có mấy yếu tố thôi thúc em phải ra đi: Một là làng quê và gia đình đói nghèo quá, hơn nữa dưới em còn sáu đứa em nhút nhít. thứ hai là phải quyết tâm lấy chồng xa, nếu chụp được một anh Hà Nội thì tốt. Điều kiện duy nhất để thỏa mãn quyết tâm chỉ có cách là nhập ngũ.
- Lần đầu tiên xa nhà, xa quê cũng băn khoăn nhung nhớ, nhưng nghe chuẩn bị đi Hà Tây là mừng vì dù chưa biết Hà tây ở đâu nhưng em nghĩ có lẽ gần Hà Nội, mà Hà Nội là ước mơ em muốn tới. Nhưng...sau mấy ngày ở trạm giao liên Hà Tây thì tết đến. Đơn vị cho mọi người về nhà và hẹn trở lại sau tết nhưng em vừa không có tiền vừa không biết đường về nên ở lại trạm với mấy chị cùng hoàn cảnh. Qua tết vào Sài gòn... thôi cũng được, nhưng không... Em cùng 2 chị có tên cùng vần T là Thim và Thiệm chuẩn bị ba lô đi Campuchia theo lệnh của cán bộ quân lực tiền phương cục vận tải.
- Đi thì đi dù chả biết cái nước ấy ở đâu trên trái đất này. Sau một ngày hành quân theo xe car của tuyến giao liên binh trạm 21 xuất phát từ hậu cứ đường Lý Thường Kiệt, chẳng quen ai, chẳng ai vẫy tay tạm biệt. Tới Nông pênh, nghỉ hai ngày trên  phòng khách, ngày thứ ba xuống ban quân y nghe quán triệt nhiệm vụ, đoàn ba đứa gặp ba cán bộ quân y trung đoàn, sau này mới biết chú Mười Điệu, chủ nhiệm quân y, sau này lên làm trung đoàn phó hậu cần.  Chú Tuấn (nháy, người hà nội). Còn cái anh chuẩn úy cứ nhìn em hoài với ánh mắt lạ lắm nhưng phần còn trẻ con, phần vì bỡ ngỡ trước bao nhiêu biến cố đến với mình quá nhanh trong một thời gian ngắn  nên em cũng không mấy chú ý, ai ngờ đó chính là nơi em tựa vào để sống đến hết đời mình sau này. Sau đó mấy ngày, ba chúng em được điều động đi các trạm ở các tỉnh, em đi trạm Công pông chàm.
- Các anh các chị tính xem, một người con gái 19 tuổi, lần đầu tiên ra khỏi luy tre làng, lần đầu tiên được ngồi trên cái xe nhiều bánh sắt và lần đầu tiên được đến mấp mé cửa ngõ Thủ Đô mà nay lại khoác ba lô đến một xứ sở lạ hoắc đầy rẫy những đe dọa đến sinh tồn. Nhưng bây giờ nghĩ lại, hoặc có lẽ cái vô tư hồn nhiên của tuổi trẻ lúc đó đã tạo cho em một tâm thái rất an nhiên bình thản trước mọi biến dịch của cuộc sống chiến trường, hoặc không loại trừ khả năng mình quá thiếu thốn tư duy trực quan, thiếu vốn sống trong nhận thức nhân tình thế thái mà diễn biến tâm lý không bắt kịp nhịp sống trong hoàn cảnh hiện tại. Nhưng mặc cho tất cả, cái quan trọng là em coi mọi chuyện quanh mình như chuyện đi cấy, đi cày, đi cắt cỏ bò hoặc ra Sầm Sơn mua cá về chợ làng bán kiếm lãi đong gạo nuôi các em. Song các anh chị thân mến, mãi sau này em mới hiểu ra, chính các thủ trưởng chính tri trung đoàn đã không làm tròn chức trách của mình đối với nữ chiến sĩ dưới quyền mình. Em đến nơi nhận nhiệm vụ bằng một cú lừa. Sáng hôm đó Chú vận đại úy nói: Con Thơ lấy ba lô quân tư trang đi với chú thăm các anh em quen. Tuổi trẻ , nhút nhát, cha chú nói sao nghe vậy. Trên chiếc xe Zeep lùn chạy đi đâu không rõ, gần một ngày tới nơi. Ông nói, xuống chỗ lán kia chới với mấy chị, lát nữa tao quay lại đón về. Buổi chiều , chẳng thấy chú đâu. Hoàng hôn  hìn lại với mấy lán trại tạm bợ. Tôi linh cảm “mình bị đưa con bỏ chợ”. Khóc, buồn, bơ vơ, nhưng mấy chị nuôi quân người Sài Gòn đã kịp thời hóa giải sự hụt hẫng của tôi. Rồi ngày mai trời hửng sáng, mọi việc sáng như ban ngày. Nhiệm vụ của chúng em là chăm sóc sức khỏe, thương tích, bệnh tật cho các anh từ chiến tuyến trở về đất Mẹ quá giang qua trạm. Cũng không vất vả quá sức vì còn các bác sỹ, y sỹ như anh Minh, anhTrung (Hà bắc), Nghị y tá (nghệ an) và các anh chị khác giúp đỡ nên mọi chuyện lại trở về vị thế bình thường như đi cấy đi bò. Em chỉ nhớ, có những lúc chăm sóc vết thương cho thương binh. Các anh ấy đau quá,nhưng cố chịu đựng vì em theo dõi nét mặt xám ngắt, hai hàm răng nghiến chặt mà không kêu than. Nhưng có anh, khóc, rồi  Anh ấy nói... Tại sao là nữ nhi , em qua dây làm đéo gì, về đi, cút về nước đi... Có những anh cận kề cái chết vẫn nói lên: em ơi! Em như bông hoa, sao lạc vào chỗ này? Mặc dù tuổi còn trẻ, em coi các anh như cha như chú, em biết rằng những câu chửi bới xỉ nhục đó đối với chúng em, nhưng những tấm lòng, những tâm thức đó chỉ có ở những con người bản lĩnh, nhân văn và trăn trở với đồng đội nữ của mình như đối với những người em gái...Em đã khóc nhiều. Thời gian trôi đi trong vô định. Em cũng chẳng nghĩ lúc nào mình lại về quê mẹ. Trong một chiều tối vắng lạnh, em lang tang ra khỏi lán trại, muốn tìm sự an bình trong tâm hồn. Các anh chị cũng biết , tâm lý bất định của một cố gái mới lớn. Đang thả hồn vào hư vô thì một bóng đen lù lù ập đến. Phản xạ sống trong em vượt lên, em hét rất to, không biết nhiều hay ít nhưng tỉnh lại em thấy đồng đội vây quanh. Em vừa bị vồ hụt. Rồi, rýt kinh nghiệm. Vài ngày sau, nếu tổ tiên không độ mạng thì em đã nhận nguyên một đầu đạn Ak vào đầu thay vì nó găm vào đùi anh nằm võng bên cạnh. Lần thứ ba, bị tập kích, bắn nhau ì xeo, em lo túi cứu thương và một khâu Ak bên mình, ngồi một chỗ góc hâm trú ẩn kệ ai làm gì mặc xác. Thế rồi chiến sự tạm lắng, em cùng các bạn nữ đồng đội được trở về Nông pênh. Nơi đó em bị vướng Tròng của người yêu em .
                                                                                                         Nguyễn Thị Anh Thơ (quân y trung đoàn bộ)


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: binhyen1960 trong 15 Tháng Mười Hai, 2011, 11:47:28 pm
Năm học viên thực tập ở Sư đoàn 7, binh đoàn Cửu Long trong khuôn khổ tác chiến của mặt trận 479 tại tỉnh Komponspeu....
 ...“Những cái chết của đồng đội, ngoài yếu tố dịch tễ khốc liệt của rừng thiêng nước độc, cũng không loại trừ yếu tố thiếu thốn thuốc men và cả khả năng chuyên môn lúc đó quá thiếu và yếu so với yêu cầu chiến trường”...
... Xuyên qua mấy chục km đường rừng đến tiểu đoàn 3 gần dãy núi Uran, dọc đường đi lúc nào cũng có cảm giác rờn rợn ...

 Vậy là nhóm thực tập các bác đã xuống D3 của E141 F7 cuối năm 1979 khi còn đóng trong dãy Uran đấy.

 Dãy Uran là mồ chôn lính Pốt từng bị lính F7 QD4 chà đi sát lại càn quét khu vực đó tiêu diệt cho đến khi không còn 1 tên Pốt mới thôi, những xác chết trên chiến trường sau khi bị lính ta hạ gục thì bàn giao lại cho "kỳ đà" giải quyết phần còn lại bác ạ, chẳng ai còn hơi sức đâu để làm cái việc cho mỗi thằng lính Pốt 1 cái lỗ, phơi xác chúng ra đó cho những thằng còn sống thấy sợ mà tự hạ vũ khí đầu hàng, cả một cánh rừng rộng lớn đi đâu cũng đụng xác chết của địch cùng mùi tử khí lâu ngày nồng nặc, trong đêm tối luồn sâu dẫm lên đống vải bùng nhùng cùng củi rừng dưới chân nhìn lại hóa ra bộ xương Pốt cùng mớ quần áo bùng nhùng đang dần mục nát cùng mùi thum thủm.

 Vùng ấy rừng thiêng nước độc, lính sau mỗi lần tác chiến trong rừng ra thì chí ít cũng 50% quân số đổ gục vì sốt rét nặng, nhưng dù sao vẫn không bằng vùng Pousat của anh em lính F339 hay E14 của CAVT và PaiLin Tà Sanh của anh em F309, sự thiếu thốn về vật chất cùng thuốc men y tế cũng là cái mà lính QTN VN ở K phải chịu đựng nhiều nhất, sức chịu đựng của những người lính có lẽ phải nói là: Ngoài sức tưởng tượng của con người mới là hợp lý.

 Cám ơn bác vetran đã chia sẻ những khó khăn gian khổ đối với những người lính bộ binh.
 


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: hungnguyen0360 trong 16 Tháng Mười Hai, 2011, 12:42:28 am
  Trong diễn đàn VMH hiếm có trường hợp nào như cặp đôi này,hai anh chị cùng nghề y,ở cùng một đơn vị phuc vụ ở chiến trường K và bây giờ lại thay nhau viết bài trên VMH.
   Thơ ơi em biết không khi đọc những dòng đâù tiên vetran viết đã có ngươì mất ngủ và đã khóc vì nhớ đồng đội và nhớ đơn vị cũ.Ngày đó ở công pông chàm mình có tram giao liên 17 và  kho K3 sau này cả kho và trạm dời về thị xã Công pông thơm.Là những người phục vụ chiến đấu như bọn mình tuy không phải thường xuyên giáp mặt với kẻ thù nhưng đôi lúc cũng không tránh khỏi gặp những tình huống vô cùng nguy hiểm,còn chuyện cáu gắt chửi bới của anh em thương binh thì chõ nào cũng có.
  Ngày đó cả thủ đô Phnompenh và các thị xã thị trấn nó tiêu điều xơ xác lắm và vắng vẻ chứ không nhộn nhịp như thời gian sau này.Đến bây giờ thì lại càng khác trước, những cảnh vật chỗ đơn vị đóng quân ngày xưa không còn nữa nó chỉ còn trong ký ức và hoài niệm của anh em mình thôi.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 16 Tháng Mười Hai, 2011, 05:42:52 am
Cám ơn binhyen1960! BY nhắc lại những điều Vệ muốn quên nhưng chắc chắn không thể nào quên suốt cả cuộc đời còn lại. Dù gần hai chục năm khoác áo lính nhưng thời gian sống với anh em D3 mới thực sự là những ngày tháng nhớ đời, nếm được, ngửi được những âm vị của chết chóc của mất mát, mà cái khắc nghiệt của cuộc chiến chó chết ấy, anh em lính chiến không bị khủng hoảng tinh thần, không bị trầm cảm mới là lạ. May mắn từ thực tiễn trong thời gian thực tập ở trạm xá sư rồi xuống tiểu đoàn ba đã cho V thêm vững vàng bản lĩnh sống hơn và đánh giá cuộc đời gần chân lý hơn, V rất khâm phục những chiến binh dũng cảm trên toàn mặt trận 479 nói chung, D3 E 141 F7 nói riêng, mà lúc đó tâm thái các vị đối với cuộc chiến cứ như trò đùa, con tôi sợ muốn xanh mặt mỗi lần theo đội hình kích vào núi. Ngày nay chúng ta còn ngồi đây trong thanh bình, trong phát triển, trao đổi những kỉ niệm một thời oanh liệt với nhau thật là phúc tổ còn dày, chắc chắn có những giây phút chúng ta nhớ về những người đồng chí còn nằm lại đâu đó giữa chiến trường. Chúc BY và gia đình vui khỏe hạnh phúc.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: leasedline trong 16 Tháng Mười Hai, 2011, 09:32:02 am
Thơ ơi, Cảm ơn em và anh Vệ đã viết những bài nói lên một phần cuộc sống của lính đơn vị mình ngày ấy. Ở trạm giao liên T16 lúc ấy hình như tổ nuôi quân có chị Nữ và Tư nữa thì phải. Lâu quá rồi nên mình nhớ không chính xác lắm. Quản lý có anh Việt. Để mình sắp xếp thời gian  hướng dẫn chị Nữ cách vào trang này để đọc bài mới được.

Nhóm Nữ Saigon hiện nay chỉ liên lạc được với Phượng trước ở C thông tin, sau về trạm giao liên T17 và đơn vị trước khi ra quân là C14; Phượng hiện nay công tác tại UBND Phường 7 quận Tân Bình. Chị Nữ trước ở tổ nuôi quân Ban 5 sau về T16; Chị Nữ chuyển ngành về Cty Kho vận miền Nam làm việc và mới nghỉ chế độ khoảng 1 năm nay. Thành từ C thông tin chuyển về C14 sau đó là bịnh xá Trung đoàn; Thành chuyển ngành ra làm việc ở Cty Lương thực Miền Nam một thời gian sau đó nghỉ làm ở nhà mở cửa hàng chuyên bán nylon, tăng, bạt ở gần bến xe Chợ Lớn. Tuyết chuyển ngành về làm ở Bịnh viện Chấn thương chỉnh hình, sau đó theo chồng về Kampuchia sống. Chồng Tuyết là người Việt gốc K, trước đây ông xã Tuyết làm chung với mình ở Bưu điện thành phố. Sau đó ba chồng Tuyết từ Campuchia về VN tìm được  mẹ con nên ông muốn mọi người trở về K sống cùng ông. Mình cũng vừa mới tìm được số phone của Tuyết cách đây mấy hôm và có nói chuyện với Tuyết. Tuyết gởi lời thăm vợ chồng Thơ. Nói chuyện với nó vẫn sang sảng như ngày nào. Nhớ ngày xưa ở Ban Hậu cần, hễ ai chọc mình khóc thì nó lại "ra hỏi tội" người đó. Cứ mỗi lần đi nghịch phá các ông thì tụi nó trốn hết cứ bắt mình đứng ra chịu trận mỗi khi thủ trưởng bị mắng vốn. Nghĩ lại lúc ấy thấy vui và buồn cười quá! Đúng là vẫn còn trẻ con!

Hôm qua nói chuyện với anh Vệ, anh Vệ hỏi mình có nhớ chú Căn Ban Tài vụ không? Hii làm sao mà quên được vì ông có tướng đi Zếch Zếch  xểnh mờ. Mình có kể chuyện về tội mấy đứa con gái Ban 5 ăn trộm chuối chú Căn trồng trong topic Chúng tôi lính F5 mặt trận 479 ở đường link này, Thơ nhấp vào xem:

http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,21030.msg307635.html#msg307635

Các bạn khác hiện chưa biết tin.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: leasedline trong 16 Tháng Mười Hai, 2011, 09:56:21 am
  Ngày đó ở công pông chàm mình có tram giao liên 17 và  kho K3 sau này cả kho và trạm dời về thị xã Công pông thơm.Là những người phục vụ chiến đấu như bọn mình tuy không phải thường xuyên giáp mặt với kẻ thù nhưng đôi lúc cũng không tránh khỏi gặp những tình huống vô cùng nguy hiểm,còn chuyện cáu gắt chửi bới của anh em thương binh thì chõ nào cũng có.

Những năm 80 đến 82 thì em biết mình có các trạm giao liên C2 ở Km6, Trạm T16 ở KongpongCham, T17 ở KongpongThom, T18 ở KongpongChhnang.

  Ngày đó cả thủ đô Phnompenh và các thị xã thị trấn nó tiêu điều xơ xác lắm và vắng vẻ chứ không nhộn nhịp như thời gian sau này.Đến bây giờ thì lại càng khác trước, những cảnh vật chỗ đơn vị đóng quân ngày xưa không còn nữa nó chỉ còn trong ký ức và hoài niệm của anh em mình thôi.

Anh Hưng nói đúng đó. Cách đây mấy hôm mình có liên lạc được với Tuyết. Gia đình Tuyết hiện đang sống và làm việc tại PhomPenh. Tuyết cho biết nơi đứng chân của Trung đoàn bộ ngày ấy hiện nay là một tòa nhà villa  nên cảnh cũ không còn nữa rồi!


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: d4981 trong 16 Tháng Mười Hai, 2011, 10:52:21 am
xin chào bác trinh sát, tôi là dân mù tịt mấy cái vụ vi tính này, sợ không đủ chỗ cho mình giãi bày trăn trở một thời làm lính. Tôi viết khá nhiều nhưn đôi khi cũng cân nhắc vì có những chuyện nó rất cá nhân, nhất là giai đoạn giữa những năm 70 thế kỷ trước khi quyết tâm khoác áo lính lúc tuổi trăng tròn mà một trong những yếu tố thúc đẩy sự quyết tâm (lên đường) là vì đói quá. Cám ơn bác đã quan tâm, hi vọng chúng ta hiểu nhau hơn.
hehe bác là người lính dũng cảm , nói thật lòng  ;D
  Bác ấy nói thật đấy , vì muốn thoát cái cảnh ăn sắn độn , khoai độn , ngô độn rồi cả cháo cám nữa . Nên nhiều thanh niên tình nguyện đi bộ đội . Nhiều người gầy yếu quá không đủ tiêu chuẩn đi lính . Nên về nhà khóc rưng rức suốt đêm .
hồi tôi ở đơn vị có đợt lính tân binh bổ sung năm 82 toàn bộ lính Hà Nam Ninh sau này thì tách ra 3 tỉnh lính thuộc huyên Ý yên Nam Định đến cả tram đ/c.
 Tôi hỏi sao huyện bạn tuyển nghĩa vụ đông thế!
  -đâu có, toàn viết thư xin tình nguyện cả đấy!
  -Tại sao vậy ?
  - ở nhà đói quá chẳng có gì ăn, nên bọn em tình nguyện đi đấy ,có ai bắt bớ đâu!
   Thế đấy, những năm tháng khó khăn của đất nước ta tưởng chừng như không vượt qua được, sau này các đ/c ấy đã chỉ cho chúng tôi các loại rau rừng  các loại củ,tôi nhớ có củ nần tụi nó đào về nấu canh ăn cũng ngon vì đói mà cả củ sâm ka ly mọc đầy ở núi rừng phía tây bắc đền AngKo. Tôi hỏi có muốn về khi mãn nghĩa vụ không? tất cả trả lời là không. thật xót xa cho thế hệ thanh niên ở đất nước ta đặc biệt là các tỉnh ,huyện vùng xa, chúng tôi ở TP HCM này đõ hơn và ngạc nhiên khi nghe các bạn ấy trả lời là không muốn về vì sợ đói, trong khi chúng tôi mỏi mòn mong đợi ngày ra quân để về đoàn tụ cùng gia đình ,người thân yêu....


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 16 Tháng Mười Hai, 2011, 05:45:34 pm
Đoan ơi! V. xem cái vụ trộm chuối của anh Căn tài vụ, mình nhớ lại có một hôm Tuyết ngổ ngáo nhảy tót lên ngọn cây dừa bên lối đi từ ban hậu cần qua nhà ăn chỗ cửa ban kế hoạch - kho hàng bứt trái, lúc đó Thơ từ chỗ của ngách cầu thang bước tới thì Tuyết tuột tay làm cả quày dừ rơi trúng, xỉu tại chỗ rồi đau cả tháng, nhưng có lẽ rơi vào vai chứ nếu rơi vào đầu thì. hu. hu. chắc mình mồ côi người yêu từ ngày ấy, và không chừng ở vậy đến bây giờ để nuôi con người khác.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 16 Tháng Mười Hai, 2011, 06:18:46 pm
Anh Thơ viết tiếp: Khi về Phnompenh thì tôi được điều động về trạm xá trung đoàn đóng quân tại căn biệt thự là văn phòng của hãng rượu SKD (Sara M noor-rượu dứa), được một thời gian thì hãng rượu này yêu cầu nhận lại nhà để đi vào hoạt động. Trạm xá chuyển về chùa Tàu ngay sát bờ sông Tonlesap, gần Watphnom. Đây là một ngôi chùa cổ rộng lớn nhưng u tịch cả ngày không có ánh mặt trời lọt xuống sân bởi các cây bồ đề cổ thụ bao quanh. Tôi và Thim ở một trai phòng, với cánh cử gỗ lim nặng như đá tảng, mỗi lần khép mở thật vất vả với tiếng kéo kẹt lạnh lùng. Mỗi ngày muốn xuống bếp ăn thì phải xuyên qua chính điện đưới sự soi mói của hàng trăm bức tượng, hình thù kì quái dữ tợn như những nhân vật trong Tây du ký, thủy hử hay trong thập nhị kim thoa. Còn thương bệnh binh được ở các căn phòng khu nhà mới bên phải. Công việc thu dung điều trị cho bộ đội cũng nhẹ nhàng nhưng sao cảm thấy cảnh quan u tịch quá mà đôi lúc có cảm giác như minh đang  tu hành, do vây cứ đên chiều nghỉ việc, ăn cơm xong là đi bộ lên trung đoàn bộ vào chơi với mấy chú thủ trưởng và các chị ở ban hậu cần. Chú Vận tỏ ra hơi bối rối vì cái vụ (đưa con đi bỏ chợ) nửa năm trước cho nên chú hay cho kẹo và cho mấy đứa con gái lên xe dép theo ông tới các cuộc tiếp tân khi đơn vị bạn mời tiệc. Có những tối ra chợ bờ sông mua hạt dẻ rang muối hay mua hến phơi ăn chơi cũng thấy vui vui lạ lạ, và dù gì thì trên đó còn có người yêu (bắt đầu yêu trả từ lúc từ Komponcham về thủ đô, vì trước đây người ta để ý mà không nói). Mọi việc tuần tự như tiến, tình hình bệnh tật của anh em cũng ít căng thẳng nên cuộc sống, tâm lý cũng có nhiều dễ chịu hơn. Nhắc lại trước đây khi ở Komponcham, mình bị viêm cầu thận cấp, phải đi viện 7D điều trị và từ ngày về đây có xuất hiện vài trân sốt rét cũng kinh hoàng đến mức môi tím ngắt từ đấy.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: leasedline trong 16 Tháng Mười Hai, 2011, 10:14:25 pm
Đoan ơi! V. xem cái vụ trộm chuối của anh Căn tài vụ, mình nhớ lại có một hôm Tuyết ngổ ngáo nhảy tót lên ngọn cây dừa bên lối đi từ ban hậu cần qua nhà ăn chỗ cửa ban kế hoạch - kho hàng bứt trái, lúc đó Thơ từ chỗ của ngách cầu thang bước tới thì Tuyết tuột tay làm cả quày dừ rơi trúng, xỉu tại chỗ rồi đau cả tháng, nhưng có lẽ rơi vào vai chứ nếu rơi vào đầu thì. hu. hu. chắc mình mồ côi người yêu từ ngày ấy, và không chừng ở vậy đến bây giờ để nuôi con người khác.

Ui, anh V nói bây giờ em mới biết. Ngày 07/1/1980 đặt chân lên đất K, cả bọn con gái được đưa về Trung đoàn bộ, trong lúc chờ nhận phòng, đứng lố nhố ở nhà Tham mưu - Kế hoạch cạnh mấy cây dừa. Nhin lên ngọn, cây nào cũng đầy trái thấy mà ham nhưng hình như không ai hái cả. Chớp nhoáng, Giàu đã thót lên cây dừa và thoăn thoát leo lên bẻ dừa. Bên dưới, không biết bao nhiêu anh đứng từ dưới ngó lên và chỉ thốt lên: "Sợ con gái Saigon thật!".

Tuyết tính tình như con trai, đàn giỏi, hát hay và hay bênh vực kể yếu thế. Ngày xưa em rất ít nói, khi bị các thủ trưởng mắng hoặc bị các anh bắt nạt em chỉ biết khóc thút thít. Hễ mà Tuyết về thấy em khóc là nó cứ gặng hỏi: "Ai chọc cho Đoan khóc vậy, nói cho Tuyết biết đi, Tuyết sẽ xử người đó cho".

Mỗi khi Hoa, hồng, Tư, ... (Ban 5) đến các Ban bẻ trộm cà, bắp, ... khi không chạy tội được thì em luôn là đứa phải đứng ra chịu trận giúp. Tụi nó lý lẻ là do em làm thống kê quân nhu nên được các chú cưng vi vậy nếu có sai cũng không bị phạt nặng. Hậu quả là thủ trưởng các Ban cứ sang mắng vốn chú Thắng, chú Hóa là sao con gái Ban Hậu Cần nghịch ngợm quá! Sau mỗi lần như vậy em bị phạt. Chú Hóa nói biết là cháu không làm nhưng phải phạt vì cái tội bao che cho người khác làm bậy! Về phòng thì Tuyết cứ cằn nhằn sao ngu quá ! Mà không hiểu sao lúc đó em cũng lì ghê! Cứ lon ton từ Ban 5 về, lú cái đầu vào cửa Ban Hậu Cần là y như rằng chú Hóa đã đứng giữa sân tự bao giờ, thấy mặt em là chú đã la lên đi đâu về, làm gì cho người ta sang mắng ! Em sợ đến nổi ríu chân không bước được, cứ như thế đứng giữa sân chịu trận. Tuyết, Chơi, anh Hùng (thủ kho), anh Toàn (trợ lý quân nhu), chú Thiềng (Doanh trại) ra xin và kéo em vào nhưng em chẳng nhích đi được bước nào, chỉ biết đứng đó và nước mắt chảy dài.

Tuy tụi em nghịch ngợm nhưng làm việc cũng cật lực lắm. Có thời gian sáng nào cũng dậy sớm chế biến đậu phụ để cung cấp cho các đơn vị rồi khi đến mùa cá linh thì lớp làm nước mắm, lớp lo phơi khô để làm thực phẩm cho heo và mang vế quốc doanh heo Nhà Bè đổi lấy heo hơi. Nhắc đến mấy chuyện này, phải nói thời đó chú Hóa hay thiệt, chú ấy rất năng động và uyển chuyển trong việc cung cấp thực phẩm cho các đơn vị cũng như cách làm ăn kinh tế của đơn vị mình. Chỉ tiếc rằng thời ấy còn bao cấp, chủ yếu theo kiểu kinh tế tự cung tự cấp nên mới có lắm chuyện éo le xảy ra.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 17 Tháng Mười Hai, 2011, 05:04:22 am
Good Moning Đoan! 4h30 của ngày mới rồi, Thơ đang đi bộ ra Phú Mỹ Hưng, khu hành chính quận 7, cách nhà chừng 2km yên tĩnh, rộng và rất mát. Đoan ạ, Bây giờ nhắc đến từng người, chúng mình lại nhớ về những kỉ niệm vui vẻ, xuông sẻ có, mà có cái lấn cấn buồn cũng có nhưng V nghĩ lại sau khi học hành nhiều hơn, thực ra nó thuộc cái cơ chế điều hành hành chính của xã hội mình là chính và trong môi trường quân đội cũng không thể khác hơn nếp tư duy quan liêu ấy. Nhắc lại chuyện anh Hóa, V có nhiều kỉ niệm lắm nhưng bây giờ minh chỉ giữ lại hình ảnh một người anh năng động, sáng tạo, giám nghĩ, giám làm nhưng cái tài và cái tai nó luôn đeo bám nhau ở thời nào cũng vậy. Nếu con người biết"Tri túc, tiện túc, hà thời túc" biết dừng lại đúng lúc thì đỡ lụy vương phải không Đoan.
Ngày ấy từ anh Hóa, V biết anh Iman chủ bè đáy cây số 9, rồi theu chủ trương của ban tuyên huấn về công tác dân vận, nên mình thường xuyên đên khu vực từ cây số 6 đến cây số 11 khám bệnh cho dân, rồi cũng xảy ra nhiều chuyện ái, ố, hỉ nộ, cười ra nước mắt. Nhưng thôi để mai kể tiếp...


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: leasedline trong 17 Tháng Mười Hai, 2011, 05:39:31 am
Nhắc lại chuyện anh Hóa, V có nhiều kỉ niệm lắm nhưng bây giờ minh chỉ giữ lại hình ảnh một người anh năng động, sáng tạo, giám nghĩ, giám làm nhưng cái tài và cái tai nó luôn đeo bám nhau ở thời nào cũng vậy. Nếu con người biết"Tri túc, tiện túc, hà thời túc" biết dừng lại đúng lúc thì đỡ lụy vương phải không Đoan.

Anh V oi, chuyện chú H mình dừng ở đây thôi anh nhé! Anh V có biết Tuấn quê ở miền Bắc, chỗ chuyên bán thuốc lào ba số 5 không? Hình như lúc trong đơn vị Tuấn làm bên Kho hàng thì phải. Tuấn người thấp thấp, có bà cô trước ở Cư xá Đồng Tiến - Quận 10, nó nhỏ hơn em mấy tuổi. Tuấn chính thức sang đơn vị mình năm 83 thì phải, em nhớ không rõ lắm. Chỉ nhớ mang máng là lúc đó minh đã chuyển ngành về đi làm và đi học, thỉnh thoảng lên hậu cứ ở LTK để gởi thư cho mấy đứa con gái thì gặp Tuấn. Nó bảo nó chuẩn bị sang K nhưng không sao báo cho cô nó biết được vì đấy là lần đầu tiên nó đặt chân đến Tp Bác. Vậy là em chở nó đi tìm nhà cô. Sau này, khi còn ở đơn vị, nó vẫn thường xuyên thư  cũng như hay gởi quà về cho em. Khi em vào đại học, Tuần đến niên hạn chuyển ngành về cũng là lúc hai chị em lạc thư từ của nhau. Vì em không biết quê quán của Tuấn nên không cách chi tìm được. Những người em quen biết, hỏi thăm thì không ai biết Tuán cả. 


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 17 Tháng Mười Hai, 2011, 06:12:19 am
V. Đồng ý với đoan, không đi sâu vào vấn đề riêng biệt nào, Nhắc đến Tuấn kho hàng thì có lẽ V. trăn trở muốn tìm lại nó hơn Đoan vì khi ở kho hàng nó với V. là cặp bài trùng cũng như V. với Toán hậu. Chà sao được nhỉ? Tuấn nhỏ thó con hà, hiền lắm và cũng trì lắm. V. không rõ Tuấn quê ở đâu nữa chứ, nhớ hồi đó ở kho hàng có thượng úy: Ánh, Bàng, trung úy: Doanh, Đông, trung sĩ: Đảng, Quang. Nếu Đoan có thông tin gì về mấy vị đó thì hỏi xem. À nhớ rồi ở hậu cứ 105 Ngô Quyền Q5 chỗ có cái sân bay giã chiến của tướng Cao văn Viên có anh Đông, sĩ quan ở kho hàng lúc đó, mà không biết anh ấy có nhớ Tuấn không, để Thơ điện thoại hỏi xem, Thơ có số vì anh ấy làm bên công ty bảo hiểm Pru.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: leasedline trong 17 Tháng Mười Hai, 2011, 06:20:06 am
À nhớ rồi ở hậu cứ 105 Ngô Quyền Q5 chỗ có cái sân bay giã chiến của tướng Cao văn Viên có anh Đông, sĩ quan ở kho hàng lúc đó, mà không biết anh ấy có nhớ Tuấn không, để Thơ điện thoại hỏi xem, Thơ có số vì anh ấy làm bên công ty bảo hiểm Pru.

Dạ, chỉ cần biết quê quán, em sẽ nhờ các bạn ở Bưu điện ngoài ấy tìm giúp thì dễ hơn chút đỉnh. Anh Quang Kho hàng không biết Tuấn vì anh Quang chuyển ra ngoài trước khi Tuấn về đơn vị anh ạ.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: leasedline trong 17 Tháng Mười Hai, 2011, 07:29:57 am
Khi về Phnompenh thì tôi được điều động về trạm xá trung đoàn

Đầu năm 1980 sang K, đơn vị mình nhận nhiệm vụ đầu tiên cũng là Bịnh xá của Trung đoàn và được phân công làm thủ kho. Cái khó nhất của mình lúc bấy giờ là thủ kho phải kiêm luôn việc chăn heo. Anh Nguyên quản lý đưa ra lý do heo hơi cũng là tài sản của đon vị, cũng thuộc tài sản của kho nên phải quản lý, bảo quản cho tốt,…Kết luận cuối cùng : “Kho hao hụt thì phải đền!”. Chuyện chăn heo ở Bịnh xá mình có kể trong topic Chúng tôi lính F5 Mặt trận 479 rồi. Cái khó thứ hai phải thuộc tên một số mặt hàng mà trước đó chưa bao giờ nghe ví dụ như mắm kem, đường kính (đường thì gọi là đường đi còn thêm chữ kính vào làm mình cứ ngồi suy diễn mãi! Hiii),…ngoài ra “ngôn ngữ bất đồng” nên thời gian đầu xuất kho mệt ơi là mệt. Phiếu ghi vừng đen, miến dong, tất,…kiếm mãi chẳng thấy đâu, chạy lên chạy xuống cầu thang để hỏi quản lý nó nằm chỗ nào mệt đứt hơi (chả là trước đó quản lý kiêm luôn thủ kho!). Thấy nói hòai, giải thích không xong nên cuối cùng anh Nguyên cũng phải thân chinh cùng mình xuống kho chỉ từng món và xuất hàng giúp mình luôn, hiii. Chỉ có điều sau mỗi bận như vậy thì lại bị anh ấy kí một cái vào đầu đau ơi là đau. Cũng do ngôn ngữ từng miền khác nhau như thế, ngày mình lên làm thống kê quân nhu ở Trung đoàn bộ, đợt giải quyết chính sách, bộ đội xuất ngũ đông ơi là đông, mình viết phiếu xuất quân tư trang thế cho anh Toàn lúc ấy đi phép. Trong phiếu xuất kho mình ghi vớ, dép râu, nón cối, …anh Hùng thủ kho không tài nào xuất được. Bộ đội đứng lao nhao, la hét ầm ĩ thậm chí văng tục lung tung, anh ấy cũng đành phải khóa kho lại, mặc cho mấy anh kia hăm dọa, anh ấy chạy lên cự nự: ”mi viết chi chẳng hiểu mô”, hiii. Chạy xuống kho chỉ cho anh ấy, anh ấy chỉ than trời !

Thời kỳ đó, hình như bịnh xá chỉ điều trị cho bịnh binh chứ không thấy điều trị cho thương binh mặc dù thỉnh thoảng có một vài anh thương binh mà đại đa số hình như họ đến chủ yếu là nghỉ ngơi và an dưỡng. Chính vì lẻ đó nên mình thấy ai đến cũng hiền lành, thậm chí thỉnh thoảng hay kể chuyện gia đình hoặc chuyện đơn vị cho bọn mình nghe. Lại thỉnh thoảng cho bọn mình ít trái hồng xiêm hoặc xoài hoặc tí lương khô,…Hình như đã được phân theo tuyến, những bịnh nhẹ mình xử lý còn bịnh nặng phải chuyển hết lên tuyến trên là bịnh viện Quân đoàn 4. Ngày ấy, trạm xá có Thu lai Pháp. Nhớ một hôm Thu đau bụng quằn quại, ban đầu đau ín ít sau cơn đau cứ tăng dần lên, nó khóc quá, kêu bác sĩ trực đến khám cho nó (bây giờ mình quên mất BS nào khám rùi) và được chuẩn đoán là viêm ruột thừa cấp nên tối hôm đó xe bịnh xá chuyển viện đưa Thu lên bịnh viện Quân đoàn. Sáng sơm hôm sau đã thấy chở nó về, mặt mày tươi rói! Hỏi ra mới biết do nó ăn quá nhiều hồng xiêm nên bón và dẫn đến tình trạng trên. Bọn mình lúc ấy vừa xấu hổ vì bị các anh, cứ hễ thấy mặt là lại buông vài câu châm chọc vừa buồn cười và sợ ăn hồng xiêm từ dạo ấy.

Chú Vận tỏ ra hơi bối rối vì cái vụ (đưa con đi bỏ chợ) nửa năm trước cho nên chú hay cho kẹo và cho mấy đứa con gái lên xe dép theo ông tới các cuộc tiếp tân khi đơn vị bạn mời tiệc.

Thơ có thông tin gì về chú Vận không? Quân muốn liên lạc với chú ấy nhờ mình tìm giúp nhưng mình vẫn chưa có thông tin gì để tìm được cả. Nếu được, nhờ Thơ giúp nhé!


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: tranphu341 trong 17 Tháng Mười Hai, 2011, 10:21:42 am
           Chào bạn vetran. Tranphu341 chúc mừng bạn xây nhà mới. Bạn đã có nhiều suy nghĩ rất hay rất đúng về quê hương, gia đình bạn trong những biến cố củ hã hội của lịch sử.

           TP chúc bạn cùng gia đình có nhiều niềm vui và sức khỏe và chắc tay viết, kể tiếp về quẫng đời và quê hương của mình. Bạn đang rất gần với nơi TP đang sống!


Tiêu đề: Re: TÂM SỰ ĐỜI TÔI
Gửi bởi: vetran trong 17 Tháng Mười Hai, 2011, 10:43:42 am
Cám ơn bác Tranphu 341. Nhờ sự động viên của bác, tôi sẽ sẽ viết tiếp, nhưng cũng đang đắn đo có nên nói thật cái hiện thực từ chuyện làng xã, của cả hoàn cảnh, nhân tình thế thái quê tôi ngày đó không vì cũng vẫn sợ đụng chạm.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: Trinhsat trong 17 Tháng Mười Hai, 2011, 10:57:14 am
     Chào Vetran:

     Chúc mừng bạn đã mở một Topic mới.

     60 trang, một khoảng lớn để bạn viết được rất nhiều chuyện trong hồi ký của bạn. Chuyện bạn viết rất hay, nhưng bạn có thể viết theo Font Unicode cho dễ đọc hơn được không.

      Bạn nên ngắt thêm nhiều đoạn và chèn thêm cách dòng vào để bài viết trông thoáng và hấp dẫn hơn.

      Chúc bạn khỏe và viết đều tay.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: VMH trong 17 Tháng Mười Hai, 2011, 10:59:35 am
Thành viên vetran chú ý: Quy định của Diễn đàn là tên các topic không được viết HOA toàn bộ!


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 17 Tháng Mười Hai, 2011, 12:22:07 pm
 Thanhk VMH tôi cũng không rành các qui định. Mong cúc cụ chỉ giáo.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 18 Tháng Mười Hai, 2011, 05:47:42 am
Thưa bác trinhsat và bà con, cái vụ vi tính này, tôi còn dốt hơn Lão Trư, hì hục từ 4h30 đến giờ mà chưa giải quyết được gì, mà đến giờ trả bài rôi, xin các bác chịu khó đọc tiếp, ngày mai tôi tính. Xin cám ơn.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 18 Tháng Mười Hai, 2011, 08:25:19 am
Ngày ấy đi khám bệnh cho dân vui đáo để. Ở khu vực cây số 9 là nơi cư trú của người Chăm, đặc biệt phụ nữ Chăm rất trắng và đẹp. Hôm ấy, có người tới cổng trung đoàn mời đốc tờ tới khám bệnh. đơn vị cho xe zeep, Thơ xách túi y cụ thuốc men, Toán đeo K54d9i bảo vệ. Bệnh nhân là một cô gái Chăm chừng 19 tuổi, mới cưới chồng một tháng (các cụ chú ý (cưới chồng) đúng nghĩa đen nhé) bởi vì chồng phải về ở rể sau khi nhà gái cưới về. Chà, sắc mặt nhợt nhạt, cặp mắt thiếu tinh anh. Khám xong không phát hiện ra bệnh, không có dấu hiệu thai nghén, triệu chứng duy nhất là đau toàn ổ bụng và cơ bụng rất cứng. Mới ra trường, trình độ chuyên môn lùn, thuốc quân y cục cấp cho vừa thiếu chủng loại vừa cũ.. Chà, tính sao đây... Nhưng hàng chục cặp mắt mở trố ra theo dõi từng động thái nhỏ của ông đốc tờ. Đánh liều tôi cắt thuốc theo bài điều trị rối loạn tiêu hóa uống một tuần, rồi vội vàng rút quân......
Một tuần sau, có người tới mời lên gia đình gặp. Vì vốn ngoại ngữ dun dế không rành nên tôi không thể khai thác tình hình trên cây số 9 qua người tới mời. Lại lên xe zeep và cũng vẫn có Thơ và Toán đi theo. Tới gần nhà, nghe tiếng nhạc và giọng cầu nguyện đều đều. Chết cha rồi, có lẽ bệnh nhân ngoẻo rồi. Tôi tính quay lên đường để chuồn, nhưng dân chúng vây quanh và một cụ ông bận áo xô trắng, đội mũ trắng kính cẩn mời ông đốc tơ lênh sàn nhà. Mừng ơi là mừng khi thấy cô bệnh nhân nhoẻn miệng cười toe toét với nét mặt mày hồng hào sáng sủa ngồi giữa nhà bên cạnh anh chồng lóng ngóng rót nước mời khách. Thì ra con gái cung của gia chủ hết bệnh và hôm nay làm lễ cầu an và mới ông đốc tờ tới để tạ ơn. Thật hú hồn... Sau nay tôi nghĩ dù trường hợp này như (chó ngáp phải ruồi ) nhưng cũng có cở sở vì người dân lâu ngày không dùng tân dược, nay tôi cho một liều kháng sinh nhỏ cung8 ep phê ngay. Thôi tạm dừng ở đây


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: quannhu172 trong 18 Tháng Mười Hai, 2011, 02:10:57 pm
   Ngày xưa áo trắng em yêu
   Ngày nay áo trắng mục tiêu quân thù .
 Vì thế mà phải đem áo trắng đi ngâm bùn cho đen đi đấy các bác ạ !


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: tranphu341 trong 18 Tháng Mười Hai, 2011, 03:12:59 pm
               Chào bạn vetran. Chuyện bạn kể thật hay và hấp dẫn , rất lôi cuốn người đọc. Chúc mừng bạn. Đồng hương cạnh tỉnh. ;D ;D ;D

               Bạn có thể nhờ các cháu, ( nếu không tự làm được) thì nên sắp xếp lại bài viết cho ae dễ đọc. Chứ tuổi mình bây giờ nhìn vào trang viết dầy đặc chữ là thất choáng đầu rồi. Khó đọc lắm.

              Chúc bạn có nhiều sức khỏe và niềm vui để tiếp chặng đường còn dài!


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: haanh trong 18 Tháng Mười Hai, 2011, 06:03:15 pm
hehe em xin đính chính tí , chị Anh Thơ ở Kông Pông Chàm thì chỉ có thể nhập viện 7D chứ không phải 7E ( Xiêm rệp )  ;D


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 18 Tháng Mười Hai, 2011, 06:34:28 pm
Sau khi mẹ thái lòng xếp lên cái đĩa nhỏ bằng cái bàn tay rồi lấy miếng lá chuối đậy lên để tôi bưng qua biếu ông nội theo tục lệ (biếu lòng sốt bậc tiền nhân), còn lại vào bữa tất niên mỗi đứa được mẹ gắp cho một miếng dồi, gan, tim, phèo, huyết luộc, mẹ thái rất mỏng, bố và người lớn có thêm đĩa tiết canh đỏ au với rất nhiều rau thơm và lạc rang rắc trên. Và cũng chỉ có dịp tết mới được mặc áo mới, được ăn kẹo mứt, bánh chưng. Cả năm còn lại chỉ trông chờ có đình đám giỗ chạp của họ hàng trong làng mời mẹ dự là chúng tôi bắt đầu nuôi hy vọng bởi cái tục lệ bất thành văn quê tôi: với mâm cỗ bốn người lớn ngồi bốn góc (không bao giờ có trẻ con nơi đám tiệc), khách mời dự tiệc chỉ được ăn những món có nước như xào, nấu, canh rau, các món khô để cuối tiệc chia phần gói vào lá chuối đưa về cho con cháu ở nhà cho bõ năm đồng bạc mừng đám. Vì lẽ đó ngay từ lúc mẹ ra đi dự tiệc thì anh em tôi ngồi nhà ngóng trông, khi về thế nào cũng có phần cho mỗi đứa một nửa hoặc một phần ba miếng thịt ba rọi bằng một đốt ngón tay, nhà đám thái mỏng như lá lúa, cho vào miệng nhẹ nhàng ngậm lại ngay sợ thở mạnh miếng thịt bay mất, và cũng rất nhanh chóng tan trong miệng xuống dạ dày trước sự tiếc rẻ vì chưa kịp cảm nhận sự sung sướng của mỡ thấm vào chân răng. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để xây dựng chủ nghĩa xã hội” Thì sự thắt lưng buộc bụng của toàn xã hội lúc đó là tất nhiên và diệu kì đến kinh ngạc. Quê tôi là đất thuần nông cho nên toàn bộ đời sống sinh hoạt đều trông chờ vào hạt thóc: từ quan hôn tang tế đến mua sắm gia cụ, hoặc tiền học phí của học sinh, tất cả phải đưa thóc ra chợ bán mới có tiền trang trải, trong khi số thóc được HTX chia mỗi vụ mùa không đáng là bao. Làng tôi gần như một trăm phần trăm nhà đắp bằng đất, những bức tường có bề dày nửa mét để tránh bị đổ sập vào mùa mưa bão và đặc biệt vật liệu lợp mái duy nhất là rạ lúa, còn rơm lúa làm thức ăn trâu bò của HTX,  mà ngay khoản này cũng hiếm hoi vì phân chia của HTX cho mỗi hộ cũng theo chuẩn nhất định, trong khi đó còn phải dành một phần làm chất đốt cho cả sáu tháng trời cho nên nhà nhà dột nát. Mỗi lần mưa xuống thì tất cả xô nhôm, chậu sành, nồi đồng đều được huy động hứng dột mà trong nhà vẫn ướt hơn ngoài sân. Cái đói rét, nghèo nàn treo lơ lửng trên đầu mỗi người dân quê, và anh em tôi cũng không ngoài tầm kiềm tỏa của số phận.
- Nhà tôi nghèo lắm, vì neo đơn không có nhân lực tham gia sản xuất, chỉ có mẹ và chị Hai với sức khỏe không mấy dồi dào, cố gắng lao động nuôi sống gia đình, mà cái thành quả ít ỏi ấy cũng bị cán bộ đội sản xuất gặm nhấm một phần, vì vậy mỗi mùa giáp hạt nhà tôi sẽ thiếu ăn. Nhiều ngày đi học với cái bụng đói meo, sôi réo ùng ục. Tan học, trên đường về, không kéo lê nổi đôi dép cao su, đành nhặt lên kẹp vào lách đi cho đỡ mệt, tới nhà chân run mắt mờ, mồ hôi túa ra như tắm mà cuối cùng cũng chỉ có củ khoai cằn, củ dong sượng mẹ nấu cho ăn thay cơm, Vì mẹ đi khắp cả làng mượn gạo không có. Cái đói cơm ngày đó ám ảnh tôi suốt một thời niên thiếu, rồi quên được vài năm đầu trong quân ngũ đến năm 1978 học ở trường quân y, lịch sử lặp lại. Thỉnh thoảng bố được cơ quan cấp cho mấy chục cân cám chăn nuôi, mẹ ngồi sàng sảy lại lấy tấm và cám nhuyễn để nấu cháo, độn cơm hoặc làm bánh cám, dù hơi đắng nhưng ăn vẫn ngon vì đói quá. Viết tới đây, cũng vì cái đói mà tôi nhớ lại hình ảnh mái tóc rất dày của mẹ, mỗi lần gội bồ kết mẹ vừa hong tóc cho khô vừa chải và cuối cùng mẹ lấy chân di tròn dưới đất được một búi nhỏ tóc gãy rụng, cất gọn vào một chỗ nào đó rồi vài tháng lấy những mớ tóc rối ấy xuống, đôi khi trong đó mẹ cất thêm một hai cái răng gãy để chờ khi nào nghe tiếng rao: đồng nát bán, đổi kẹo đơ..ây, thì chúng tôi nhanh chân đưa búi tóc rối, răng gãy và đôi khi lấy trộm luôn cái âm nhôm sứt méo trong bếp đổi được mỗi đứa một que kẹo kéo gọi là (kẹo mạch nha) để mút mát nhâm nhi rất lâu chứ không giám bỏ vào miệng nhai mau hết thì tiếc lắm. Ngày ấy mẹ và chúng tôi sống trong căn nhà xây to nhất làng là căn nhà của địa chủ chính quyền tịch thu cấp cho bố mẹ lúc từ chiến khu về quê nhưng bên trong rỗng tếch chỉ có hai cái giường và cái tủ gỗ tạp cơ quan phân phối cho bố, hai bộ chăn màn cũ, vá chằng vá đụp, vài đồ gia cụ cũ kĩ, ngoài ra không còn gì đáng giá mười đồng. Nhưng không vì thế mà kém vui, anh em chúng tôi đã biết trồng rau cải rau đay, thả bè rau muống dưới ao hoặc ra mương ra ruộng đánh bũng đánh dậm bắt cua cá hay thả vó bắt tép về cho mẹ kho làm thức ăn. Tôi rất ngán khi vào mùa lúa bắt rễ xanh đồng. Cứ đến đêm khuya anh Đức bắt tôi phải đeo cái bị cói đi theo anh dùng lơm úp cá đẻ, theo anh lội ruộng bì bõm trong đêm tối rất cực, mà tôi là chúa lười lại sợ rét, sợ đỉa và rất sợ ma, trong khi anh  lại cứ lọ mọ vào những khu ruộng có mồ mả và nghĩa địa, có khi anh tắt đèn ló ngồi canh hàng giờ trên những cái gồ giữa cánh đồng thanh vắng. Vì vậy chập tối tôi thường tìm cách chuồn ra sân nhà thờ chơi với tụi trẻ, nhưng khổ nỗi khuya cũng phải về ngủ, mà cái giống đời đi úp cá đẻ thì chờ khuya mới đi, thế là lại không thoát. Có đêm tôi tức quá gét anh ra mặt. Nhưng nhiều đêm anh úp được kha khá cá chép, cá nheo, cá diếc với những cái bụng căng tròn đầy trứng, vậy là ngày mai mẹ sẽ đưa ra chợ bán và mua gạo nấu cơm cho anh em tôi ăn với rau muống luộc chấm mắm rốc chứ không được ăn cá. Mà cũng rất lạ, nhiều lúc các anh bên hàng xóm rảo suốt đêm cũng không úp được con cá nào, có khi cũng chỗ mạch nước ấy, anh kia đi qua không có dấu hiệu gì nhưng anh Đức tới thì phát hiện có một cặp cá chép vờn nhau, tôi khoái quá tưởng anh Đức úp liền là chắc ăn, nhưng anh bỏ qua và tắt đèn ngồi chờ, tôi nóng ruột sợ anh bỏ lỡ cơ hội để sổng hai con cá thì tiếc đứt ruột, tôi hối úp hoài mà anh vẫn tỉnh queo. Lúc lâu sau nghe rất nhiều tiếng cá quẫy ranh rách, anh mới bật đèn sáng lên và úp, bắt lia lịa được đủ loại cá, hôm ấy trúng to, sau anh giải thích: khi phát hiện có cặp cá chép vờn là  một cặp cá đực cái, con cái sắp đẻ, con đực bám theo sau thụ tinh. Nếu xung quanh khu ruộng không có người khác cùng đi úp thì bình tĩnh chờ những loài cá khác như cá nheo, cá rô, cá diếc bám theo ăn trứng cá chép, lúc đó mới úp là trúng đậm. Vì vậy các bác các cô trong xóm nói anh  Đức có số sát cá. Ngày ấy đối với lũ học sinh chúng tôi cái gì cũng mới mẻ cũng tò mò, có lần phi cơ Mỹ vừa bay qua thì xuất hiện những vật rơi tự do, sáng lóa cả bầu trời, chúng tôi vọt lên khỏi hầm trú ẩn đuổi theo và nhặt lên xem thì mới biết là những búi sợi kim tuyến (Sau này mấy chú ngoài trận địa pháo nói cho biết là tàu bay thả xuống để làm nhiễu Radar phòng không của ta khi chúng vào đất liền oanh kích). Có những lần tàu bay thả tiền giả loại một đồng rất nhiều, nhìn qua rất giống tiền thật, bên cạnh phần tiền có thêm phần giấy in những nội dung tuyên truyền đe dọa đánh phá miền Bắc và kêu gọi nhân dân nổi dậy chống chế độ XHCN. chúng tôi chạy theo nhặt, sau đó cắt bỏ phần truyền đơn rồi vò phần tiền cho nhàu cũ giống tiền thật, xuống quán tạp hóa chỗ cây đề Giao Thuận lừa mấy bà cụ bán quán, mắt mũi kèm nhèm để mua kẹo nhưng cũng chỉ mua được một lần, do rút kinh nghiệm nên các bà xăm soi rất kỹ và phát hiện tiền giả là nhanh tay chụp ngay cái chổi chà  rượt đuổi chúng tôi chạy trối chết. Thằng Mỹ cũng ngu, có lẽ mục đích chúng thả tiền giả xuống nhằm phá hoại kinh tế của ta, với mọi chi tiết thì rất giống tiền thật nhưng nó lại in mệnh giá là chữ (MOT DONG) nên dễ phát hiện giả. Một buổi sáng cùng mấy bạn học, lông nhông ra bãi biển bắt còng gió, ngồi xem dã tràng se cát, hái trái sú vẹt, rồi lội theo mấy ngư dân xem họ xâm cá Nhệc. Mặc dù sống ở quê miền biển nhưng hôm nay xảy ra những chuyện làm tâm trí con nít chúng tôi ngỡ ngàng. Đang lang thang ngoài mép nước thì thấy một hình ảnh rất ngộ là các anh ngư dân lực lưỡng đẩy te lưới dưới biển mà chân lại đi lênh khênh cao hơn mặt nước bằng cà kheo như làm xiếc đang tiến dần vào bờ rồi trượt lưới lên bãi cát với vô số cá tôm. Đang trố mắt thán phục thì trời ơi! Ở đâu ào đến hàng chục người, có cả đàn ông đàn bà với đặc điểm trên mình chỉ có duy nhất là cái áo dài tay, còn phía dưới hoàn toàn để không cho mát, quần dài quần ngắn quấn quanh đầu thành một búi như dân hồi giáo quấn khăn, họ đồng loạt nhào vào nhặt hôi cá tôm nhỏ do te cảo hất bỏ xuống bãi sau khi chủ te chỉ gôm cá lớn. Sau này tìm hiểu kỹ qua đám bạn học ở xã Giao An tôi mới được biết: Phần lớn dân bãi biển rất nghèo, không có tiền mua ngư cụ đánh bắt lớn mà chủ yếu dùng te loại nhỏ và trầm mình dưới nước biển mặn đánh bắt cá tôm nhỏ ngay ven bờ nước sâu tới bụng do vậy họ không thể mang một vật gì khi đẩy te vì sự cọ sát của quần áo trong nước muối mặn sẽ làm da thịt tấy lên. Hơn nữa, nếu mặc quần áo ướt nhuộm muối mặn từ mép nước về tới làng mấy cây số thì sự co sát gây nở loét trầm trọng thì coi như ngồi nhà nhịn đói, còn những người đi cà kheo đẩy te lớn là lớp ngư dân đã có bát ăn bát để, họ có điều kiện đánh bắt bằng te đẩy lớn xa bờ hơn và di chuyển trên cà kheo mà không chấp nhận trầm mình dưới nước biển, chỉ thu lượm cá tôm lớn. Cá tôm nhỏ bỏ lại bãi biển trở thành điều mơ ước của phần lớn ngư dân nghèo nên họ vừa đẩy te nhỏ vừa luôn canh me các te lớn và nhanh chân nhào vào hôi cá tôm mà quên luôn cái hình ảnh kỳ cục chúng tôi mới nhìn thấy cho trời biển chiêm ngưỡng mà không suy nghĩ lăn tăn. Còn tổ chức đánh bắt qui mô lớn ngoài khơi xa chỉ dành cho xã viên hợp tác xã ngư nghiệp trên các con thuyền gỗ với lưới vây, lưới vét. Rồi nữa, có những lần mò mẫm ra bãi biển, vì hú choi quá mà không phát hiện một điều bất thường là cả chiều dài hàng cây số mép nước không có bóng dáng ngư dân, đến lúc nghe tiếng rào rào thật lớn, nhìn ra khơi thấy cột nước cao đang lăn vào bờ, tất cả chúng tôi co cẳng chạy như ma đuổi, mệt quá đổ vật tấm thân lên lườn taluy chân đê cũng là lúc nước biển ập tới, thật hú hồn vì cái dốt của dân trong ruộng không hiểu gì chu kỳ thủy triều, cứ hiên ngang ra biển. Có những buổi trốn học lang thang qua chợ Đại Đồng mà trong túi không có hào nào với hi vọng mong manh gặp ai đó trong làng Định Hải quen thân với bố mẹ hay bà con họ hàng đi chợ thì thế nào cũng được họ mua cho vài củ ấu, quả ổi hoặc vài miếng Sứa chấm mắm tôm ăn với quả sú non vừa chát vừa dòn cho đỡ thèm, sau đó đi vào nhà anh rể, gần nhà thờ Đại Đồng và cũng gần chợ, chơi với cháu. Có một lần qua Đại Đồng, chị Cả không có nhà, tôi cõng trộm cháu Thúy về Định Hải, cả ngày thì không sao nhưng đến gần tối nó nhớ mẹ, khóc hoài, tôi phải cõng lòng vòng ra sân nhà thờ cho nó nín, trong khi mẹ mắng té tát và bắt tôi cõng cháu đi trả mà trời đã tối, phải qua mấy khu đồng mộ mả xa năm cây số làm sao tôi giám đi. May quá một lúc sau thấy đầu làng có tiếng xôn xao và chị tôi vừa khóc vừa vội vàng vồ lấy con bé trên lưng tôi im lặng ngây dại vì từ sáng đến giờ chị đã khóc hết nước mắt cùng nhà chồng mò khắp các ao hủng quanh nhà, quanh xóm với tâm trạng không hy vọng. Nghĩ lại thấy mình dại, dại đến mức người lớn cũng không nghĩ Cậu nó giám làm vậy. Mỗi lần qua chơi với cháu thì vui rồi, nhưng đó không phải là mục đích cuối cùng, có khi thấy cái  gương soi của chị đẹp, lấy trộm, nhưng mê nhất là con dao găm của anh rể, lấy luôn. Nhưng cái quan trọng nhất là đợi chị Cả đơm cho bát cơm trắng tinh mới nấu nóng hổi và thịt ba rọi băm chung với củ riềng nhỏ như hạt lựu xào với mắm tôm. Tôi ăn trong ngấu nghiến thèm thuồng, mỡ và mắm thấm vào lưỡi tới tận cùng chân răng làm tôi sung sướng nhớ mãi mà lúc ấy  không đủ sáng suốt và trí khôn hiểu rằng mỗi lần như vậy chị Cả cũng lo ngại đau lòng lắm vì chị và cháu còn đang sống chung và phụ thuộc nhà chồng. Việc này cũng giải thích tại sao tôi hay lang thang ra biển Giao Lạc mà không phải biển Giao Hương, Giao Thiện, Giao An nơi có công trình quai đê lấn biển lừng lẫy một thời tạo nên anh hùng lao động Trần Thuần. Qua vụ này tôi bị mẹ và chị cả cấm không cho qua chơi với cháu nữa và đồng nghĩa với việc không còn cơ hội được ăn cơm với thịt ba rọi băm xào mắm tôm (ngay bây giờ tôi vẫn còn có dư cảm món đó). Có lần lang  thang ra điếm canh đê biển ở xã Giao Lạc, thấy quá nhiều người tập trung, có cả công an và biên phòng. Tôi và mấy bạn vừa chui vừa lách vào trong điếm coi thì hết hồn lùi trở ra vì tôi nhìn thấy một em bé da trắng, tóc vàng đã chết nằm trong một cái thùng nhôm khá lớn. Chui lách ra ngoài vòng người tôi mới được nghe: sáng sớm ngư dân vớt được rất nhiều thùng bọc móp xốp bên ngoài và rất nhiều vật dụng đẹp lạ trôi dạt ngoài khơi vào bãi biển, dân đưa vào chân đê mở ra thì thấy mỗi thùng có hàng chục cái đài (radio) nhỏ bằng bàn tay rất đẹp mà chỉ nằm mơ chuyện cổ tích, hoặc chỉ thấy trên phim tình báo mới có những cái đài nhỏ bé ấy, cái nào cũng đang tuyên truyền và hát nhạc vàng, nhưng không ai giám lấy cái nào, vì mấy chú công an biên phòng cảnh báo coi chừng địch cài mìn trong đài.Trong số các thùng hàng thì đặc biệt có một cái rất to, đai sắt chắc chắn, dân khui ra thấy trong chứa đầy đường trắng, một vài ngư dân ngổ ngáo nhất rụt rè nếm thử, thấy không chết, mọi người đổ xô vào bốc hốt đầy khăn, áo, mũ, nón, nhưng ngay sau đó cũng nhanh chóng như lúc bốc hốt, vội vàng đổ hất tung tóe khi có người trong điếm kêu ré lên vì thấy giữa thùng hàng có một thi hài em bé chừng ba tuổi, tóc vàng da trắng gói trong những lớp vải nhựa trong suốt mà có lẽ đường là chất bảo quản…Gặp chuyện lớn rồi. Báo gấp cho công an biên phòng và rồi các cơ quan chức năng vào cuộc. Giải quyết đầu tiên là chở thi hài em bé về Hà Nội, tập trung đài và các hàng hóa khác vào một đống đổ xăng đốt tại chân đê. Sau này nghe bố nói lại: số hàng hóa ngoài bãi biển Giao Lạc không cùng xuất xứ: Số đài chỉ có một giải tần FM do tụi Mỹ chủ động thả vào bờ biển nước ta trong chiến dịch tâm lý chiến, với điểm phát sóng đặt trên hạm đội 7 ngoài khơi vịnh Bắc bộ. Các hàng hóa khác và thi hài em bé từ một con tàu tư nhân nào đắm ngoài hải phận quốc tế mà thi hài em bé gốc Âu này là một trong những kiện hàng do gia đình thuê mang về nước sau một nguyên nhân nào đó bị tử vong ở một nơi nào đó trong vùng Đông Nam Á đang trên đường trở về chính quốc của họ. Vì vậy những tặng phẩm gửi từ biển cả vào quê tôi cùng một lúc chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Có một sự kiện khá đặc biệt và sôi động ở hai tỉnh Thái Bình và Nam Định phía bờ biển trong đó có quê tôi. Sau một thời gian quê tôi xuất hiện từng tốp người lạ, trên vai đeo lỉnh kỉnh đủ thứ máy móc đến từng vùng đo đo vẽ vẽ. Tiếp theo họ khoan dọc những trục đường và nổ mìn rung động đất làng hàng tháng trời. Rồi những chuyến xe vận tải chở sắt thép ra bờ biển dựng chình ình ba cái tháp cao ngất trời ở Cồn Lu, cầu Giao An và chùa Hà Cát. Với ánh điện sáng trưng, âm thanh ầm ầm của động cơ suốt ngày đêm khoan vào lòng đất. Lúc ấy mọi người mới vỡ lẽ là nghành địa chất khoan thăm dò vì họ phát hiện quê tôi nằm trên mỏ dầu.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 18 Tháng Mười Hai, 2011, 06:37:31 pm
Từ đó làng quê náo nức với bao viễn cảnh thiên đường vì có nguồn tài nguyên hóa thạch trời cho ngay dưới chân mình. Từ những thông tin chính thống có, thêu dệt có, nhất là sự xuất hiện cả một làng chuyên gia trong phố huyện, chia hai khu, một cho chuyên gia Liên xô lo việc thăm dò dầu khí và một cho chuyên gia Trung quốc hướng dẫn nông dân thực hiện công cuộc (hiện đại hóa nông nghiệp). Việc quốc gia đại sự thì như vậy. Còn riêng làng tôi, không biết do sự rò rỉ nào của cán bộ địa chất mà cùng với các vùng khác, làng tôi hình thành các tổ khoan tay. Đầu tiên bằng những đoạn tre thẳng nối với nhau bằng những khoen sắt, đầu khúc tre có mũi khoan thon nhọn bằng sắt có hình quả đạn súng cối, sau họ chế (cần khoan) bằng ống thép và tổ chức khoan thuê cho những nhà có nhu cầu. Sau khi chủ nhà dỡ nóc bếp để khoan thẳng xuống vị trí bếp nấu sâu chừng hơn mười mét là khí phun lên ùng ục có mùi thối thối, và coi như thành công một đường dẫn chất đốt cho gia chủ dùng nấu nướng ngày đêm với giá ba mươi đồng một giếng khoan. Khi đưa giếng khí vào sử dụng, phải đốt lửa cháy ngày đêm vì nếu tắt lửa sẽ có mùi thối và có lẽ cũng rất độc. Bộ mặt làng quê phấn chấn thay đổi vì tự nhiên trời cho nguồn lợi mà hầu như nhà nào cũng trăn trở vì chất đốt là một trong những của hiếm hoi trong làng quê đồng bằng. Sau những điểm khoan và nổ mìn gây xung địa chấn để chụp cắt lớp địa tầng thì làng quê tôi xuất hiện tràn nan những mạch khí phun lên khắp nơi từ giữa lòng sông lòng hồ cho đến giữa ruộng lúa bờ mương, ao chuôm tối ngày sôi ùng ục. Nhưng cũng chỉ dừng lại đó, sau vài năm sôi động, làng quê trở lại trầm bình vì lần lượt các đoàn xe chuyển vận những thứ đến nay lại ra đi tuy không khí thế như trước vì các nhà chuyên môn phát hiện vùng châu thổ sông Hồng và thềm lục địa vịnh Bắc bộ này chỉ có túi khí Metal trữ lượng nhỏ. Vậy là giấc mơ đổi đời của quê tôi tan biến như bọt xà phòng mà cho đến nay những năm đầu thiên niên kỷ thứ ba quê tôi vẫn là vùng sâu vùng xa với cơ sở hạ tầng giao thông quốc phòng huyết mạch còn yếu kém huống hồ hệ thống giao thông nông thôn sao có thể tốt hơn. Những kỳ vọng của làng quê cũng chìm dần theo nhịp điệu thăng giáng của đất trời. Với thời gian đã qua, bên cạnh những cơ hội để các chị thanh niên quê tôi thành gia thất hạnh phúc, được thoát ly theo chồng là cán bộ, công nhân trong những đoàn thăm dò dầu khí thì những hệ lụy còn lại cũng không mấy nhẹ nhàng, vì sau khi các đơn vi kỹ thuật khoan sâu rút quân thì làng quê lại có một lớp trẻ em ra đời mà không có cha, mang tên chung (con địa chất) càng làm cho người ở lại xóm thôn thêm hưu quạnh. Những kỷ niệm như vậy trong đời thưa dần theo năm tháng.
-  Về vấn đề xã hội: Tôi không hiểu có nơi nào ở miền Bắc lúc đó giống quê tôi trong điều hành và giải quyết những vấn đề xã hội, nhưng rõ ràng còn nhiều khía cạnh bất cập như: lối hành xử của các cơ quan công quyền và những cá nhân thừa hành công vụ đối với dân quê tôi, nó mang hơi hướng của đám (Hồng vệ binh của (bác Mao) trong đại cách mạng văn hóa vô sản) hoặc giống (cán bộ cốt cán trong cải cách ruộng đất sau 1954). Như các vấn đề nhân quyền, yếu tố con người và quan điểm chính trị tư tưởng: Một số thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự, bị bắt làm kiểm điểm trước dân, bị tạm giam vào nhà thúc mầm hoặc nhà kho hợp tác xã, phải đeo một cái bảng nhỏ trước ngực mỗi lần ra khỏi nhà với dòng chữ “Thanh niên như tôi thì mất nước”. Nếu không bắt giam được người trốn nghĩa vụ thì bắt bố họ tạm giam. Thanh niên cố tình trốn nghĩa vụ quân sự thì cũng chẳng có chỗ nào dung thân trên cả phần đất miền Bắc này, phải sống chui sống nhủi hành nghề thổ mộc nơi rừng rú hẻo lánh nào đó phía Bắc. Các cô gái làng không bao giờ yêu và kết hôn với thanh niên trốn nghĩa vụ hay đào ngũ, thậm chí có muốn kết hôn thì lấy đâu ra giấy đăng kí, mà đã không có giấy đăng kí thì chỉ có trời mới cho tổ chức cưới, đồng thời cha mẹ thì lo lắng mặc cảm không giám ngẩng mặt nhìn ai trong làng trong xã cho tới lúc người trốn nghĩa vụ quân sự phải xin nhập ngũ. Trà tuổi choai choai mới lớn như chúng tôi phải coi chừng cách ăn mặc, không được mặc quần ống tuýp, ống loe vì lúc dân quân đón đường bắt mở dây lưng thả vỏ chai bia Trúc Bạch vào trong quần, lọt xuống đất thì được còn nếu mắc chỗ nào thì dùng dao rạch ống quần từ đó xuống. Không được cắt tóc kiểu húi cua hay để mai xanh, phải cắt kiểu chân phương nhất theo khái niệm của họ, nếu không muốn bị tông đơ một đường ngang từ tai bên này qua tai bên kia, bắt buộc phải đi thợ sửa lại vừa tốn hai hào vừa xấu mái tóc. Không được hát và nghe Yelow music (nhạc chế độ cũ), hạn chế hát và nghe Blue music (nhạc các nước đông Âu). Không được đọc các tiểu thuyết, truyện tình cảm. Một số tác phẩm văn học của một số tác giả nhóm Tự Lực văn đoàn và các ấn phẩm văn hóa không chính thống đều bị cấm, chương trình văn học chúng tôi được tiếp cận gồm một phần từ dòng văn học hiện thực phê phán như: Vỡ đê, chị Dậu, bước đường cùng, vợ chồng trẻ con, Lều chõng, Dế mèn phiêu lưu kí, lão Hạc, Chí Phèo, thằng Bờm.v.v.Và một phần các tác phẩm dịch của các nước đông Âu, Trung Quốc, Cuba như: AQ, Grande gã keo kiệt, Ông già và biển cả, chiến thắng Hirol, Chiến tranh và hòa bình.v.v.
-  Về yếu tố con người: Với những bức cuốn thư, trên nền hình quốc huy in bốn đại tự màu đỏ rất đẹp TỔ QUỐC TRÊN HẾT luôn hiện diện ở vị trí trang trọng nhất trong mỗi căn nhà của mọi gia đình quê tôi là thể hiện quan điểm, tư tưởng chính trị cao cả vì tổ quốc, đồng nghĩa với tư duy về cá nhân lại rất nhỏ nhoi trong xã hội, nếu không muốn nói là vô nghĩa, cùng với khẩu hiệu quyết tâm: “Vì miền Nam ruột thịt, để thống nhất đất nước, mười bốn triệu đồng bào miền Bắc sẵn sàng hy sinh tất cả”. Thực tế, bất cứ cuộc chiến tranh nào, kể cả bên chính nghĩa và phi nghĩa, thì hệ lụy cuối cùng của nó luôn tồi tệ nhất đến với những người phụ nữ là mẹ, là vợ những người lính chiến. Mặc dù tham chiến trên tư thế chính nghĩa giành độc lập nhưng đối với Việt Nam, nhất là miền Bắc, mà ở đó còn ảnh hưởng khá nặng nề tư tưởng Khổng giáo về những khái niệm đạo đức (tam tòng tứ đức, chữ Trinh làm đầu, truyền thuyết hòn vọng phu) cộng thêm những can thiệp bởi các điều lệ, qui định của các tổ chức trong hệ thống chính trị như: Đoàn thanh niên, hội phụ nữ.v.v thì cái thiệt thòi càng sâu sắc hơn đối với các chị. Vì vậy ngày hôm nay ủy ban và xã đoàn tổ chức kết hôn tập thể cho các anh chị  theo nếp sống mới, bao giờ cũng có khẩu hiệu “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ” để ngày mai các anh ra trận, sau đó là năm tháng các chị héo hắt chờ người ngoài tiền tuyến, phải giữ gìn từng lời ăn tiếng nói, cẩn thận các mối quan hệ, cách đi đứng xưng hô, giữ tròn bổn phận dâu hiền đối với bố mẹ chồng, tích cực tham gia phong trào “ba đảm đang” “ ba sẵn sàng” Mọi sở thích đam mê khát vọng của tuổi trẻ chôn vùi cùng nước mắt vào cái gối đơn trong những đêm hưu quạnh lẻ loi. Nếu may mắn có anh trở về thì chị vợ của thương binh lại phải gồng mình chăm sóc chồng yếu đuối móp méo thiếu hụt thân thể. Còn lại, không may mắn khi nhận giấy báo tử chồng thì phải đội vành khăn tang trắng trên đầu ba năm liền như vật bất ly thân, nếu không muốn nói là cả lúc đi ngủ, không được lấy chồng khác trước ba năm để giữ danh hiệu “vợ liệt sĩ” để thang bậc hiếu đạo, thủy chung không bị đánh giá xuống thấp. Cũng đồng thời còn được nhận phần tiền tử tuất lo nhang khói cho liệt sỹ và sống một cuộc đời còn lại với những áp lực tâm lý nặng nề từ gia đình, xã hội.Trong khi thời ấy con gái quê tôi mười tám tuổi chưa có chồng thì coi như ế. Vì vậy các cô gái vào tuổi trăng tròn là bắt đầu cập kê, mà thanh niên trai tráng thì đã ra mặt trận hết, cuối cùng cũng đồng ý cho có nơi có chốn (vơ bèo vạt tép) một trong mấy anh có khiếm khuyết về hình hài thể lực và cả có vấn đề về sức khỏe tâm thần (được) ở lại hậu phương. Chắc chắn các anh thì phấn khởi nhưng mấy cô phải chấp nhận một cuộc sống vợ chồng không có cơ hội chọn lựa. Và cũng từ đây lại nảy sinh các vấn đề xã hội khác về hôn nhân gia đình từ những cuộc cưới hỏi gượng ép để hoặc cam chịu hoặc ly hôn đổ vỡ trong muôn vàn dị nghị, rẻ rúng của dân quê. Các chị lớn tuổi hơn chưa lấy được chồng thì con đường duy nhất là gia nhập thanh niên hỏa tuyến hoặc đi công nhân quốc phòng. Sau này học hành nhiều trong quân đội, tôi ngộ ra sự thành công của các chính trị gia, các nhà tư tưởng và cả hệ thống chính trị trong vấn đề trang bị một hệ tư tưởng cho toàn xã hội sâu sắc kịp thời đáp ứng yêu cầu giai đoạn lịch sử lúc đó của đất nước. Thật tuyệt vời!
- Kể từ đây với tôi thế là hết vô tư. Mấy năm trước chị Lợi về nhà chồng, kế đó anh Nghĩa vào biệt động quân, chiến đấu ở Bến Lức – chợ Đệm – chợ Lớn, rồi anh Đức đi Hải Phòng theo học ngành khai thác thủy sản, bố công tác xa nhà. Tất cả chuyện nuôi dưỡng học hành của anh em tôi đều đổ dồn lên vai mẹ, vốn dĩ rất yếu do bị thương ở chiến khu. Còn tôi đương nhiên trở thành anh lớn trong nhà, bắt đầu ý thức việc điều hành mấy đứa em nghịch như quỉ sứ và giúp mẹ những việc vặt hàng ngày. Tuy là con trai nhưng tôi đã phụ mẹ được khá nhiều việc, ngoài nấu cơm nước, canh rau cho đến nấu cám nuôi lợn, tôi còn xay thóc giã gạo rồi sàng sảy như một cô gái mới lớn, do vậy mẹ cứ khoe với mấy bác hàng xóm tôi là con gái của mẹ. Có lẽ sống trong tâm lý ấy dần dà tính tôi cũng nhão nhão sao ấy, rất dễ xúc động, khóc dai và làm lũng mẹ nhưng đôi lúc tôi xử sự cũng rất cứng rắn kiên quyết đối với các em. Đó là một kỉ niêm đau buồn xảy ra mà ngày nay tôi vẫn nhớ như in. Một tối đó nghe tiếng gào khóc thảm thiết của cô Bất bên hàng xóm vì mới bị trộm vào bê mất cân bột mì duy nhất là thực phẩm  một ngày của cả nhà. Sau sự tính toán thực tế lối vào ra giữa sân và nhà bếp, thời điểm xảy ra vụ trộm, sự vắng mặt của em Đông. Tôi giám chắc là em trai mình lấy cân mì ấy. Tôi sục sạo tìm khắp nơi và bắt quả tang Đông cùng Trực, con bác Bính xóm dưới đang luộc mì ăn. Buộc em đưa số mì còn lại về trả cho cô Bất và tôi rút roi (thường có sẵn trên kẹt cửa) trút lên em một trận đòn kinh khủng, vừa quất roi vào lưng em vừa cùng em khóc, sau đó tôi lấy dao ra vườn cắt lá bí ngô già (lá non đã ăn hết) vào thái ra nấu với muối. Bốn anh em vừa ăn vừa khóc vì mẹ đi chạy gạo cả ngày chưa về... Vậy đấy,  trên đời này có lẽ không đứa trẻ nào được sinh ra mà không cầu mong có một cuộc sống an bình vô tư, nay cái hệ lụy của một thời ly loạn do ngoại xâm đã vô tình tước đoạt sự hồn nhiên thơ trẻ của chúng tôi, bắt chúng tôi ứng xử già dặn hơn tuổi và đã manh nha những tư duy lệch chuẩn. Tuy nhiên cậu trai mới lớn ở tuổi thứ mười trong tôi đã biết làm dáng là hơi bất thường, tôi biết bỏ áo trong quần, xắn tay áo sơ mi lên tới khửu (con nít quê tôi thời ấy không giám làm vậy, thậm chí còn bị bọn nhóc trong làng chọc ghẹo vì (chảnh), lại còn biết sửa sang tóc tai, không quên lấy trộm một giọt nước hoa trong cái chai thủy tinh nhỏ bằng chiếc đũa và dài chừng hai đốt ngón tay của anh Nghĩa thường dấu trong ngăn bàn học của anh, bôi vào tóc cho thơm và xỏ dép khi đi học sau khi ngắm nghía điều chỉnh miếng băng đen đỏ đeo bên ngực trái trong tuần lễ tang Bác Hồ vì lúc đó gần như toàn dân mang tang Bác. Dù chỉ qui định cho người lớn nhưng từ nơi công tác về, bố tôi đề nghị cả nhà mang tang Bác, những băng tang này do chính mẹ khâu, mẹ độn vào bên trong băng một miếng carton nhỏ tạo hình đẹp hơn những băng tang bán ngoài phố huyện. Tôi nhớ năm đó, ngày Bác từ trần, sân vận động huyện đang tổ chức mừng quốc khánh 2 - 9 thì giông gió nổi lên giật ầm ầm, mưa như trút nước, cột cờ chính trên khán đài bằng tre rừng bó lại với đường kính gốc hơn một mét, cao hàng chục mét đổ sập gẫy rụm, may không có thương vong. Tôi thoảng nhớ mấy câu thơ đầu, bài (Bác ơi) của bác Tố Hữu:
                   Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
                   Đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa
                   Hôm nay con chạy về thăm Bác
                   Ướt lạnh vườn rau mấy gốc dừa
                    ….
       Chuông ơi! chuông nhỏ còn reo nữa
    Buồng lạnh rèm buông tắt ánh đèn
                   Bác đã đi rồi sao Bác ơi ?
                   Mùa thu đang đẹp nắng xanh trời
       Miền Nam đang thắng mơ ngày hội
    Rước Bác vào thăm thấy Bác cười
                  .....


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 18 Tháng Mười Hai, 2011, 06:38:41 pm
 Vậy mà thời gian cũng đã kịp trôi qua gần nửa thế kỷ rồi. Trở lại ngày ấy, dù sống ở vùng thuần nông nhưng bố mẹ ít có ý định cho chúng tôi tham gia làm ruộng, Ông Bà chỉ nhắc nhở các con chăm chỉ học hành, tôn trọng lao động và ngoan ngoãn. Dù hoàn cảnh kinh tế nhà tôi rất khó khăn, nhưng bố mẹ tôi cũng cố gắng tạo cho các con một chế độ dinh dưỡng hợp lý và một tâm lý hướng ngoại, vì vậy cuộc sống sinh hoạt gia đình tôi cũng khác hẳn các hộ nông dân trong làng vì mang hơi hướng dân thị thành, có lẽ do bố mẹ là cán bộ thoát ly bôn ba từ tứ xứ trở về nên phong cách tổ chức cuộc sống gia đình cũng khác nông thôn. Bố tôi là người có cái xe đạp đầu tiên trong làng, mà cái xe đạp này rất đặc biệt vì số lượng cả tỉnh chỉ có mười chiếc, hơn nữa nó có xuất xứ từ cái xe sườn ngang Liên xô, bố tôi được phân phối theo tiêu chuẩn cán bộ trưởng đầu nghành. Được trưởng ty công an tỉnh cấp giấy phép cho nhà máy sản xuất xe đạp Nam Hà cải tiến hai típ nhỏ uốn lượn xuống (Giống xe đạp nữ hiện nay) mà các nhà chuyên môn thời đó gọi là xe Liên xô xuống khung mang thương hiệu Nam Hà. Dù được phép thay đổi hình dáng nhưng vẫn đeo bảng số kiểm soát và sử dụng cạc vẹc cũ do công an giao thông cấp trước đó, ở vị trí khung phía dưới trục giữa có đóng hàng số nổi của từng xe để quản lý do vậy ngày ấy không thể có sự cố mất xe, kẻ trộm có lấy được xe thì sớm muộn cũng bị điều tra ra. Tôi nhớ hôm đầu tiên bố đưa xe về, nhà tôi đông như hội, các anh các chú trong làng và làng lân cận tới xem xe chật cả sân, có người còn dùng thước đo tỉ mỉ từng chi tiết và so sánh xe này có khoảng cách từ trục bánh trước sau, trục giữa có độ dài khác hơn các xe khác, gidon, phostan có hình dáng đẹp hơn, rồi xem xét kỹ ống bơm hơi, chuông, phanh, dinamo phát điện, đèn pha đèn hậu đủ cả. Sau này để có tiền sửa nhà, bố bán xe  được một nghìn đồng cho một chú vào loại cự phú lúc đó vì họ có nghề mộc. Hôm giao tiền, nhận xe, nhà tôi rất đông người tụ tập. Riêng nhà Chú mua xe có tới năm người đàn ông đi theo bảo vệ một nghìn đồng và tháp tùng đưa xe về xã khác cũng khá xa. Những việc đại loại như vậy lâu lâu xảy ra cũng làm cả làng xôn xao đồn thổi rân trời. Cũng như vậy, năm thì mười họa có người bà con bên thím tôi từ Nam Định về thăm bằng xe Simson với âm thanh máy nổ ùng ục khói đen xả dài trên đường ruộng. Phía sau xe, chúng tôi nối đuôi nhau chạy thục mạng bám theo (cái xe bình bịch) về giữa làng. Người lớn đang chăm sóc lúa ngoài cánh đồng, ai ai cũng ngừng tay nhìn theo thán phục. Đồng đất, con người làng quê thì như vậy nhưng anh em chúng tôi được hưởng qua tiêu chuẩn của bố từ cái ăn cái mặc cho đến những sản phẩm tiêu dùng của nền công nghiệp trong nước và của các nước Đông Âu, Nam Mỹ nên tư duy và hành động cũng khác biệt với dân làng trong sinh hoạt hàng ngày. Cái ngọt kì diệu của mì chính (bột ngọt), chỉ một nhúm nhỏ nêm vào nồi canh là đủ vị ngọt hơn cả giỏ cua rốc. Kiểu cọ kì cục, màu sắc sặc sỡ của quần áo Cuba, Venezuena, Thổ Nhĩ Kì (có lẽ là quần áo cũ viện trợ). Cái thơm ngon của bơ sữa Liên Xô, mùi vị lạ lẫm của bột mì làm bánh rán, còn dầu thực vật thì dân quê gọi là (mỡ cây) mà tất cả những thứ đó dân làng chỉ nghe như chuyện cổ tích chứ chưa ai được dùng. Bố thường đi công tác xa, mỗi mùa hè đến, chị Lợi, anh Nghĩa, anh Đức tham gia thu hoạch lúa hoặc thu hoạch cây cói, làm thủy lợi, thủy nông để phụ giúp mẹ tăng thu công điểm vì sức mẹ yếu do thương tật, nhà lại đông người ăn, còn tôi thì mù tịt việc đồng áng cấy cày, một phần do học, do lười nhác nhưng chủ yếu do được mẹ cưng chiều hơn cả. Bước vào tuổi mười lăm, tôi cũng đã biết nhận diện tích ruộng để nuôi bèo hoa dâu hoặc cuốc những hố đất nhỏ dọc lề bờ mương gieo hạt cây điền thanh, khi lớn sẽ cắt lá làm phân xanh cho HTX  để được tính điểm hoặc theo mấy cô mấy chị dùng liềm đi thu hoạch lúa cũng thành kỉ niệm mỗi hè về, nhất là những buổi cúi cắt lúa cả ngày, tối về lưng đau như muốn gãy, lúc ấy chỉ mong mau hết hè đi học thì thoát khổ. Và một chuyện nhớ đời xảy ra. Buổi sáng chủ nhật, thay mẹ, tôi vác lên vai cái móng đào đất cùng các chị ra đê biển Giao Lạc đắp đê chống bão. Chín giờ trưa, cơn mưa giông ập đến, các chị các cô kéo tôi vào điếm canh đê tránh mưa, nhưng do tính lười biếng, không muốn đi xa, tôi tụt xuống chân đê tại chỗ ngồi chờ mưa tạnh. Vài phút sau, nghe tiếng nổ nhỏ, tôi nhìn lên phía mặt đê thấy một làn khói mỏng manh bay lên từ nóc điếm. Bình thường thôi... Nhưng không, tôi thấy mọi người trong làng chạy ra phía đê biển ngày càng đông, lúc đó lên mặt đê tiến lại điếm canh, tôi mới biết năm cô gái xóm giữa và xóm dưới ở gần nhà tôi đã là những cái xác không hồn, bên cạnh còn mấy chị nằm bất động vì bị liệt toàn thân, đó là hậu quả cú sét nhẹ nhàng của cơn giông biển. Hốt hoảng, mắt nhắm mắt mở, tôi nắm chặt cán móng, keo lê phần lưỡi chạy xa sáu cây số về làng vì nghe người lớn nói sét ưa đánh vào sắt, trong khi mẹ đang hớt hải chạy ra và ôm lấy tôi mẹ khóc vì thấy con trai bà còn sống. Rất nhanh chóng sau đó, mẹ hối tôi chạy về làng, còn mẹ tiếp tục hướng ra đê biển cùng chính quyền giải quyết những công việc tiếp theo vì ngoài tình làng nghĩa xóm, mẹ còn là cán bộ phụ nữ xã.  Đêm ấy, tôi với chú Hiện nằm thu lu trên nóc cây rơm góc sân kho, tôi vặn cái đài Xoungmao cho âm thanh thật lớn để đỡ sợ và thao thức cả đêm, lâu lâu tôi nhỏng đầu lên ngó chừng năm cái quan tài quàn giữa sân chập chờn chìm đắm trong giá lạnh tang tóc làng quê chờ ngày mai ủy ban hành chính huyện về làm lễ truy điệu và mai táng những thanh niên xấu số khi đang thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai. Với đoàn người dài dặc màu trắng khăn tang, chập chùng những tiếng khóc thê lương điểm thêm tiếng tùng.. cheng  của trống chiêng và tiếng kèn vắt tiễn đưa năm cái quan tài của bốn cô gái trạc tuổi tôi và một chị mới lập gia đình hai tháng, được sắp xếp song song cạnh nhau ở một phần đất ngoại vi bãi tha ma vì làng kiêng kị không cho mai táng người bị (giời đánh) chung trong nghĩa địa làng. Rồi mọi nỗi buồn làng quê cũng dần nguôi ngoai. Tôi lại theo mấy chị thanh niên ra bãi cồn Tư cạnh sông Hồng trồng ngô hoặc thu hoạch mùa khoai lang tới vụ. Những dịp ấy vừa được đi xa nhà, ăn cơm nắm với muối vừng, sau đó trèo lên đỉnh cống Cồn tư nhảy xuống sông đùa vui rồi đứng trên triền đê sông Hồng nhìn qua các bãi ngô chín vàng bên tỉnh Thái Bình mà thèm thuồng và có buổi chiều mê mẩn chiêm ngưỡng những vòi rồng màu xám lạnh uấn éo ngoằn ngoèo trên mặt biển hút nước đưa lên trời trước cơn mưa giông biển sắp tràn vào đất liền.
- Chiến tranh! Ôi chiến tranh tàn khốc. Sau sự kiện “vịnh Bắc bộ” do hải quân Mỹ tạo ra để lấy cớ gây hấn bằng không quân. Từ giữa những năm 60, đế quốc Mỹ đã leo thang xâm lược bầu trời miền Bắc bằng hàng trăm vụ oanh kích, cũng đồng thời chúng lần lượt gửi tù binh phi công ngày càng nhiều vào những nhà tù rải rác khắp nơi để ta gom về Hà Nội tại số 1 phố Hỏa Lò quận Hoan Kiếm mà chúng gọi là: khách sạn vỡ tim hay hilton hotel (Maison Centrale). Viết tới đây tôi mường tượng lại một  số trong rất nhiều bức ảnh được chụp từ nhiều thời điểm nhiều góc độ cảnh bắt giải tù binh phi công Mỹ, trong đó tôi nhớ nhất tấm ảnh một tên phi công to đùng, trên cổ đeo tòn teng một đôi dày pilot cột bằng sợi giây dày, ở tư thế nửa nằm nửa ngồi trên xe trâu kéo, do một dân quân dắt trâu giải về ủy ban xã, xung quanh có các chị dân quân bồng súng bảo vệ, và một bức ảnh có lẽ cả thế giới đều biết do một tác giả nước ngoài chụp một phi công, phía sau mấy mét chị dân quân nhỏ nhắn giương cây súng trường K44 hướng theo tia mắt nhìn khảng khái, tên phi công cao to nghễu nghện cúi đầu dò đi từng bước bởi có lẽ lòng bàn chân của chú lính công tử này không chịu được mặt đường đất sỏi đá xanh, vì qui định ưu tiên số một mà các chị dân quân đặt ra là: khi giải tù binh phi công nên bắt cởi giày đeo vào cổ thì vô phương chạy, đó là một sáng kiến trong xử lý tình huống thời điểm đó nhưng đối với phương Tây coi đó là một nhục hình về tâm lý và cực hình về thể xác.. Với một bố cục rất mâu thuẫn, hài hước và cũng rất đanh thép kèm theo mấy vần thơ của bác Tố Hữu:
O du kích nhỏ giương cao súng
Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu
Ra thế to gan hơn béo bụng
Anh hùng đâu cứ phải mày râu
 Tuy nhiên! những tên phi công này cũng còn may khi chạm đất, rồi bị bắt bởi tập thể dân quân, công an hoặc bộ đội thì nguy cơ bị gậy đập, gạch đá bay vào đầu sẽ giảm thiểu nhất bởi sự căm phẫn của nhân dân. Như một trường hợp, cái dù hai thân rơi xuống xã Bình Hòa quê tôi, khi chạm đất, lực lượng truy bắt ập đến thì cái dù cũng không còn nguyên vẹn vì mấy bà nông dân đang dùng liềm cắt dây và xé dù chia nhau mỗi người một mảnh, còn phi công đã là cái xác không hồn bởi trước đó năm phút một anh công nhân xí nghiệp máy kéo Ngô Đồng đã dùng súng K44 bắn chết phi công khi dù còn lơ lửng trên trời trong lúc điện động viên của của tỉnh gửi về “Hoan hô Giao Thủy bắt sống giặc lái Mỹ”. Xác phi công được đưa ngay về Hà Nội còn xác máy bay gom về nhà bà Càng xóm dưới triển lãm. Các anh chị cán bộ triển lãm, chỉ vào cái này, giơ cao cái kia giới thiệu, giải thích nhưng ít ai chú ý, chủ yếu tìm cách sờ mó vào đống nhôm vụn lòng thòng đầy giây điện nhỏ xíu với những bóng đèn, núm nút rất lạ. Trên một tấm nhôm lớn rất dày nhẹ hẫng vì bên trong là nhưng chi tiết lỗ xốp như tổ ong, có lẽ là cái cánh máy bay có dòng chữ lớn màu đen Air force. USA, một ngôi sao trắng hai bên có hai dấu bằng. Mặc dù trầm trồ ngạc nhiên nhưng những khuôn mặt nông dân cũng tỏ ra coi thường vì con thần sấm (F 5E) từng làm náo loạn bầu trời và mặt đất quê tôi giờ chỉ còn giá trị để bán đồng nát (ve chai) chứ không làm ai sợ nữa. Tôi đặc biệt chú ý cái mũ phi công to như nồi cơm điện trên có ngôi sao trắng và mê mẩn ngắm nhìn khẩu súng ngắn nhỏ xíu trong bao da rất đẹp bên cạnh một tấm vải nhựa tổng hợp trên đó ghi nhiều loại ngôn ngữ với chữ Việt là những câu hỏi đường đi, địa danh, xin được giúp đỡ nước uống, thức ăn, và nhiều chi tiết khác mà anh cán bộ triển lãm nói mỉa mai đó là lá cờ xin ăn. Tuy nhiên ai xem thì cứ xem, ai hỏi gì thì cán bộ triển lãm trả lời, giải thích. Nhưng mọi người cũng rất chú ý nếu chị dân quân cảnh giới ở đầu làng đánh kẻng báo có tàu bay từ ngoài khơi bay vào thì tức tốc đám đông phải sơ tán vào các lùm bụi, hầm chữ A trong khu vực để tránh bom và Rocket.
-  Xét về mặt đối xử với tù binh phi công, nhà nước ta thực hiện rất nhân văn, nhân đạo, hợp pháp và hợp công ước quốc tế, dù chế độ tù binh thì không được tự do đòi hỏi sự đãi ngộ từ đối phương. Qua bằng chứng an ninh ta phát hiện thiết bị ghi hình, ghi âm và vi phim trong thức ăn, cây kem đánh răng do gián điệp CIA tiếp tế và móc nối với tù binh. Dù lúc ấy, cán bộ chiến sĩ ta có thể thiếu thốn thứ này thứ khác chứ đối với bọn tù binh công tử này, ta đối đãi rất tử tế, nhất là chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt văn hóa thể thao. Đó cũng là nhận xét của chị Janfondar khi vào Hỏa Lò thăm và hát cho tù binh nghe. Chị Janfondar lúc đó là phóng viên ảnh và ca sĩ, sau khi về Mỹ chị rất tích cực trong phong trào chống chiến tranh Việt Nam và nhận được nhiều cảm tình của nhân dân Mỹ, nhất là khi chị trở thành phu nhân một thượng nghị sĩ, các hoạt động vì hòa bình của chị càng hiệu quả hơn. Với số bom đạn khí tài quân sự bằng tổng số vũ khí thế chiến II nhân đôi, Mỹ đổ xuống đầu người Việt Nam. Đường chín, Khe Sanh mỗi ngày hứng chịu 18 ngàn tấn bom đạn. Đặc biệt chỉ trong một thời gian ngắn riêng binh chủng không quân Mỹ đã chịu nhiều tổn thất khó lường. Chính quyền Oasinhton đã ngưng không kích miền Bắc. Nhưng những tháng ngày cuối nhiệm kỳ thứ nhất của Richart Nison tổng thống Mỹ thứ 37 càng lộ rõ tính hiếu chiến và phản bội nhân dân Mỹ, phản bội những lời tuyên thệ nhậm chức để những ngày tháng đỏ lửa năm 1972, tính khốc liệt của chiến tranh tăng lên gấp bội. Hàng loạt bom B52 trải thảm xuống các thành phố lớn miền Bắc nhất là Hà nội, Hải Phòng với hình ảnh tang tóc điêu tàn của phố Khâm Thiên sau mười hai ngày đêm tháng 12. Là tham vọng của đế quốc Mỹ muốn Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá, và chúng đã thất bại. Tôi nhớ lại vào thời điểm đó, khi đi thị trấn chơi, tôi nhìn trên cánh cửa gỗ của cửa hàng bách hóa huyện đồng thời còn dùng làm tấm bảng vẽ tranh cổ động có hình tàu bay phản lực bằng màu sơn đen với những ngọn lửa đỏ bám đầy thân ở tư thế lao xuống và hàng số 4000 màu đỏ đè lên thân tàu bay. Rồi qua đài tiếng nói Việt Nam tôi hiểu ra rằng: Mặc dù cuộc leo thang chưa kết thúc nhưng trên bầu trời Việt Nam đã vùi thây chiếc tàu bay thứ bốn nghìn trong đó tổn thất đặc biệt làm rung động lầu năm góc khi số pháo đài bay B52 bị tiêu diệt gần 40% trên tổng số 200 chiếc Mỹ hiện có, kèm theo cả tàu bay tàng hình F111 cánh cụp cánh xòe, là những phương tiện không chiến một thời là thần tượng của Air Force USA, gần 1000 phi công tử nạn cùng số lượng phi công bị nhập kho tăng lên chóng mặt là 556 tên. Sau này trên một chuyến bay Airbus từ Nội Bài Vào Tân Sơn Nhất, một sĩ quan huấn luyện bay của không quân Việt Nam tâm sự với tôi “Để có được một phi công tiêm kích thì số kg cơ thể anh ta là số kg vàng chi phí đào tạo”. Trong khi đó phần lớn khi chạm đất số phi công này đều bị gãy chân tay hoặc chấn thương khá nặng vì theo sự thú nhận của toàn bộ số tù binh phi công Mỹ rằng: Oanh kích trên bầu trời Bắc Việt là điều kinh hoàng nhất bởi phải bay trên bức màn lửa của tên lửa đất đối không (SAM), pháo cao xạ 37,  57 ly. Và trớ trêu thay cho không lực Mỹ khi thần sấm F4 H bị quất sụm bởi súng bộ binh của các lão dân quân Thanh Hóa, thêm cái kinh khủng không ngờ nhất đó là mấy con (MIC) ghẻ cũ ríc với tên lửa không đối không lạc hậu của Xô Cộng và mấy Pilot Việt Cộng nhỏ thó mà nổi tiếng như Nguyễn Tuân, Nguyễn Cốc, Trần Hanh. Nguyễn văn Bảy.v.v. giám vượt qua hàng chục phi cơ tiêm kích loại F hộ tống, vọt thẳng đứng lên tận không trung quật ngã nhào pháo đài bay B52, do vậy chúng luôn bay với tốc độ hai ngàn km/h để thoát nhanh khỏi vùng nguy hiểm sau khi cắt bom xuống mục tiêu, cũng đồng thời phải chịu nguy cơ lớn là tốc độ siêu thanh sẽ dán chặt thân người vào ghế ngồi, đến khi máy bay bị bắn cháy, với lượng nổ lớn đẩy ghế dù bung lên càng tăng thêm áp lực lên cơ thể. Hậu quả, phi công phải chịu những va đập mạnh vào xác máy bay, vào ghế lái, mức chấn thương tăng lên trầm trọng.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 18 Tháng Mười Hai, 2011, 06:39:21 pm
Sau khi nhảy dù, phi công thường tìm đường thoát thân bằng cách cố gắng lái dù ra biển hoặc sang rừng núi nước Laos, Kampuchea chờ trực thăng tới cứu, nhưng đã bị thương trầm trọng khi phóng ra khỏi máy bay thì chỉ còn chờ dù rơi tự do và bị bắt. Tù binh phi công phần lớn là sĩ quan không quân hải quân hoặc sĩ quan không quân chiến lược có hàng ngàn giờ bay với chiến tích lẫy lừng khắp thế giới trong đó có P.Peterson sau này làm đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên đến Hà Nội thực hiện nhiệm vụ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ. Đặc biệt có đại tá Jhon Marken con cưng của đô đốc JhonSar Marken III tổng tư lệnh lực lượng Hải, lục, không quân, thủy quân lục chiến Mỹ và chư hầu đang tác chiến tại Việt Nam trong đó có hạm đội 7 ngoài khơi vịnh Bắc bộ. Marken nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch gãy cả tay chân, lúc các chị dân quân lôi lên khỏi hồ, Marken đã bất tỉnh. Sau một năm điều trị và giam giữ đặc biệt, có lẽ do biết bố của Marken là ai, ta đã thả hắn sớm nhất để đánh đòn tâm lý. Trận Điện Biên Phủ trên không đã bẻ gãy ý đồ xâm lược cuối cùng của Địch, cộng với cục diện chiến trường miền nam đang thay đổi có lợi cho cách mạng. Sau 4 năm tám tháng mười bốn ngày đấu tranh nghị trường, ta buộc Mỹ phải ký hiệp định Pari về Việt Nam ngày 27 tháng 1 năm 1973. Rút toàn bộ quân đội Mỹ và chư hầu vô điều kiện ra khỏi Nam Việt Nam. Đúng như lời tiên đoán của Bác Hồ giữa năm 1965 “Ở Việt Nam! Mỹ nhất định thua, nhưng chúng chỉ thua trên bầu trời Hà Nội”.Tuy nhiên chúng đã kịp thay đổi chiến lược, biến cuộc chiến xâm lược và chống xâm lược thành cuộc nội chiến (với ý đồ Việt Nam hóa chiến tranh và hình ảnh thay đôỉ màu da trên xác chết) .Có nghĩa là chúng tiếp tục thúc dẩy cuộc chiến bằng cách để cố vấn quân sự chỉ huy chiến thuật tác chiến đối với quân đội VNCH, tiếp tục cung cấp vũ khí khí tài, dolar cho chiến tranh Việt Nam. Kể cả việc chúng chuẩn bị di tản trẻ mồ côi trong các cô nhi viện tại Sài Gòn về Mỹ phục vụ cho kế hoạch hậu chiến sau này. Cũng đồng thời chúng hà hơi tiếp sức cho ngụy quân, ngụy quyền hai nước Lào và Kampuchea gây khó khăn cho cách mạng cả ba nước, nhất là đối với quân giải phóng miền Nam mà chúng gọi là “triệt phá hết những vùng đất thánh của Cộng quân trên đất Laos và Miên. Do vậy cuộc giằng co phía Nam vẫn còn gây đổ máu. Sau này theo dõi những thước phim gần sự thật hơn của phương Tây mang tên VIETNAM the TEN THOUSAND WAR tôi càng hiểu thêm tình trạng sa lầy và  thế tiến thoái lưỡng nan của đối phương trong 10 ngàn ngày khủng khiếp đó.
                      II/ Bước phiêu du đầu đời
- Mấy năm nay từ chỗ giao lưu bạn bè, tôi kết thân với một số bạn ở các làng khác trong đó có anh Phức, lớn hơn tôi vài tuổi, từ chuyện đi lại học hành, tới thân mật. Anh Phức và tôi trở thành anh em kết nghĩa, chúng tôi đi lại thường xuyên và tôi thường về ăn ở tại nhà cha mẹ nuôi. Cảm cái nghĩa hai anh em tôi giúp đỡ động viên nhau trong học tập, bố mẹ hai bên nhận chúng tôi làm con nuôi, có. Nhà bố nuôi có phương tiện vận tải thủy cho thuê, kinh tế khá giả và ông bà cũng rất thương tôi. Sau này khi anh em chúng tôi vào quân đội, rồi đi miết vào phía Nam, ở quê hương, bố mẹ hai bên vẫn thường xuyên giao lưu đi lại giữ gìn tình cảm. Cuối năm đó (1974) anh Phức, Kiên, Lập đã xung phong (lên đường). Vậy là không còn cùng nhau trốn học lang thanh qua chợ Bể, chợ Thanh Nhang, hay Quất Lâm chơi rông hoặc ra bãi biển An, Hương, Thiện, Lạc, Xuân để thời gian trôi đi hoài phí nữa. Và cũng có nghĩa hồi chuông cuộc đời đã dóng lên cảnh báo tuổi ấu thơ chấm dứt từ đây. Lúc đó khí thế chiến thắng hừng hực trong tim những trai tráng chúng tôi. Nhớ lại những bài học sử từ lớp bốn lớp năm về anh Bế Văn Đàn lấy vai làm giá súng, anh Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo, anh Phan Đình Giót đem thân mình lấp lỗ châu mai trong chiến dịch Điện Biên Phủ thời chống Pháp, là những tấm gương hy sinh quả cảm cho mọi thế hệ tuổi trẻ noi theo. Sách gối đầu giường là tiểu thuyết tự truyện: Thép đã tôi thế đấy của nhà văn, sĩ quan hồng quân Liên Xô, Nicolai Ostrotsky. Với tư tưởng cao đẹp như sau “ Cái quí nhất của con người là cuộc sống, đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi phải xót xa hổ thẹn vì những năm tháng sống hoài sống phí để đến lúc nhắm mắt xuôi tay, ta có thể nói rằng: Cả đời ta, cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp, sự nghiệp giải phóng loài người”. Nội dung tiểu thuyết là hình ảnh chiến đấu oai hùng của chiến sĩ hồng quân Paven Corsoghin. Những tập phim ‘Giải phóng’ của Liên xô. Nhiều bộ phim chiến đấu của quân giải phóng nhân dân Trung Hoa như: Bạch Mao nữ, chiến dịch địa lôi, Chí nguyện quân. Và tại Việt Nam, với tình tiết nội dung, ảnh tư liệu trong tác phẩm ‘sống như anh’của tác giả Trần Đình Vân miêu tả chi tiết trận đánh cầu Công Lý (đường Nam kỳ khởi nghĩa) nhằm tiêu diệt bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mc.Namara không thành và anh Trỗi, anh Lời bị bắt. Những thước phim của bộ phim ‘Anh Trỗi’ với tư thế hiên ngang, bình tĩnh trước họng súng quân thù của liệt sỹ anh hùng lực lượng vũ trang, biệt động thành Nguyễn Văn Trỗi khi anh mỉm cười bước ra pháp trường, trước lúc hy sinh anh gọi Bác ba lần. Ngày nay đôi lúc tôi vẫn thoáng cảm nhận âm điệu cao vút của bài “bài ca hy vọng” chị Quên vợ anh Trỗi và các bạn tù nữ hiên ngang ca lên trong nhà tù Mỹ Ngụy và những vần thơ Tố hữu nói về Anh
    Có những phút làm nên lịch sử
Có cái chết hóa thành bất tử
Có những lời hơn mọi bài ca
        Có con người như chân lý sinh ra
                      Nguyễn Văn Trôi!
               Anh chết rồi nhưng anh còn sống mãi
    Chết như sống anh hùng vĩ đại
           Hỡi người con của thế kỷ hai mươi
Vẫn vang mai đến mai sau. Rồi tới Nguyễn Đức Thuận với (Bất khuất) miêu tả lại trung thực những gì xảy ra trong hệ thống nhà tù của Mỹ Ngụy từ P42 (góc sở thú, đường Nguyễn Đức Cảnh) đến địa ngục trần gian Côn Đảo mà Ông và các đồng chí phải nếm trải mà không khuất phục. (Hòn Đất) của Anh Đức tôn vinh cuộc chiến đấu anh dũng của du kích Hang Hòn với hình ảnh hy sinh cao đẹp của chị Sứ. Để rồi với những phản ánh sống động của nghệ thuật và văn học đã tác động mãnh liệt vào giới trẻ hậu phương miền Bắc, có những chị thanh niên quê tôi rơi vào trạng thái u uất trầm cảm khi nghe tin anh Trỗi bị xử tử hình tại khám lớn Chí Hòa do đó cả những lúc sản xuất, lúc sinh hoạt đoàn thanh niên chị đột ngột  khóc cười rồi gọi mãi tên Anh. Tấm gương trung kiên ấy, vượt ra ngoài biên giới tổ quốc từ bên kia bờ Thái Bình dương, nhân dân và đất nước Venezuena sẵn sàng đưa tù binh Mỹ, một đại tá tình báo bị bắt ra đánh đổi lấy tự do cho anh Trỗi và bị phía Mỹ bội ước. Gương chiến đấu hy sinh tập thể của mười cô gái ngã ba Đồng Lộc, của chị Hồng Gấm, anh Lê Mã Lương, Nguyễn Thái Bình và nhiều nhiều nữa những gương chiến đấu hy sinh cao cả của các anh bộ đội, các chị thanh niên xung phong bên cạnh cái tên vừa xa xăm, vừa gần gũi  “thanh niên đường Trường Sơn” là những chi tiết, những hình ảnh khích lệ thúc dục thanh niên miền Bắc (lên đường) có những anh cắt tay lấy máu viết (huyết tâm thư) để được chấp nhận tòng quân diệt Mỹ...Rồi một buổi sáng trốn học, nhét đá đầy hai túi quần, bỏ đôi dép nhựa Tiền Phong đế mỏng, mượn của bạn đôi dép cao su đế dày tôi bước vào hội đồng khám tuyển thanh niên tình nguyện với mục đích: xung phong đi chiến trường đánh Mỹ.
- Vốn dĩ trong hội đồng khám tuyển thanh niên tình nguyện có ông nội và bà thím nên dù thiếu hụt chút ít kí lô và chiều cao còn khiêm tốn, cuối cùng tôi cũng trúng tuyển và nhận lệnh nhập ngũ ngay tại chỗ mà trong các khâu khám tuyển không ai biết tôi bao nhiêu tuổi. Thực ra tôi cũng không chắc mình bao nhiêu tuổi. Ngày bố mẹ còn sống, tôi cũng không  hỏi chính xác mình ra đời năm nào. Chỉ nghe bố nói: bố mẹ đặt tên các con theo những mốc sự kiện xã hội. Và các thông tin về tôi xoay quanh hai cái tên Vệ và Phương. Theo đó tôi được sinh ra trong đêm vệ tinh nhân tạo đầu tiên của loài người mang sinh vật trái đất đầu tiên là chó Luca do Liên Xô phóng vào vũ trụ trong chương trình chinh phục không gian mang tên Vosstok (4/10/1957) nên tên của tôi là Vệ có nghĩa là (vệ tinh nhân tạo). Nếu liên quan tới cái tên Phương chính thức có trong khai sinh thì con tàu Phương Đông I của Liên Xô mang con người đầu tiên là Yu. Gagarin du hành vũ trụ thì lại là ngày 12/4/1961. Như vậy hai thông tin trên ít có căn cứ so với hai thông tin sau: Tôi được sinh ra trong năm có phong trào hiện đại hóa nông nghiệp mang tên (Phương Đông Hồng) của Trung Quốc năm 1959 và thông tin cuối cùng: tôi là đứa con thứ sáu và là đứa đầu tiên trong chín người con của cha mẹ được sinh tại nguyên quán vào đêm mồng một tết Kỷ Hợi tức là ngày 8/2/1959, đây là thông tin đáng tin cậy nhất vì tôi có hỏi một người bà con lớn hơn tôi hơn một con giáp và được xác nhận. Cùng với những mốc diễn tiến của xã hội, gia đình và bản thân thì thông tin này hợp lý hơn cả.  Như vậy, nếu ở không gian này, thời gian này tôi ra đời thì đồng nghĩa với việc tôi đã được nhận phép bí tích rửa tội tại nhà thờ Định Hải dù bố mẹ không đồng ý cũng không xong vì bà con dòng họ bố tôi không thể để một sinh linh mới ra đời không được nhận ân sủng của Chúa để được (xóa tội tổ tông). Và người đỡ đầu, bố thiêng liêng của tôi là ông Trưởng Chuân, vai Cậu của bố tôi. Đôi lúc tôi cũng bối rối không chắc thời điểm mình ra đời, vì theo tri thức vũ trụ quan Kinh Dịch, thế giới quan phương Đông, mỗi thời khắc sinh, trưởng, thu, tàng của mỗi sinh linh, sự vật, sự việc hoặc một ý tưởng của con người đều hàm chứa những mặc định đặc thù...Cầm tờ lệnh nhập ngũ bắt đầu bình tĩnh lại, tôi cảm thấy lòng trống trải hụt hẫng. Từng bước chân chậm chạp như mộng du, tôi trở về trường báo cho cô giáo chủ nhiệm biết quyết tâm của mình trước sự ngạc nhiên và cũng hụt hẫng của cô, rồi cô nhìn tôi trân trối, cô khóc. Sau này tôi mới hiểu cô xúc động vì chồng cô đã không trở về từ chiến tuyến phía Nam, bên cạnh là cô Soi bí thư đoàn trường, cô Lan dạy nhạc, cô Nhuần dạy toán cũng xúc động không kém vì ngoài tư cách là học sinh của các cô, tôi còn có những cá biệt để các cô nhớ: Là một nhân tố năng nổ mới được kết nạp Đoàn thanh niên lao động Việt Nam hai ngày. Là một hạt giống văn nghệ của đội văn nghệ trường và là một học sinh giỏi văn, giỏi thiết kế báo tường vì tôi vẽ vời khá bay bướm nhưng dốt toán nhất lớp. Đợt trúng tuyển này còn một số bạn học cùng khối. Lúc này bạn bè trong trường, nhất là mấy bạn gái đứa cười đứa khóc xôn xao cả sân trường trong hoàng hôn màu tím. Trên đường từ trường về nhà, đầu óc tôi bồng bềnh vô định, tôi nhìn cánh đồng xanh, dõi theo đàn cò trắng, nhìn bờ tre gốc dứa và dòng mương quanh làng như thân thương hơn mà xa xăm hơn.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 18 Tháng Mười Hai, 2011, 06:39:55 pm
Tôi giật mình thảng thốt vì tiếng chuông chiều đột ngột ngân vang...Tối hôm đó căn nhà bố mẹ như vỡ òa trong không khí nhộn nhịp khác thường tại miền quê vốn dĩ trầm bình. Bố tôi nói đầy vẻ tự hào: Nghe con xung phong đi đánh Mỹ, bố mừng lắm nên nghỉ sớm về tiễn con. Đồng thời Bố trao tôi cây thuốc lá Tam Đảo bao bạc nói:  đây là tiêu chuẩn cán bộ trung cao, con cầm lấy mà tiếp khách! Cùng lúc ấy tiếng thở dài của mẹ lại nặng nề hơn. Kế đó bà con anh em họ hàng và lối xóm tới tiễn tôi, vừa hút thuốc lào, uống nước chè và trao đổi bình luận rân trời ngoài sân. Trong nhà, tôi tiếp bạn bè cùng lớp cùng khối tập hợp từng tốp đốt đèn chai soi đường băng ruộng đến tiễn đông đủ, đám bạn gái tặng khăn mùi soa, bút kim tinh Trung Quốc và sổ tay Liên Xô rất vui và cảm động. Tới khuya khi mọi người đã tạm biệt, một mình ngồi ở thềm hè nhìn mông lung vào bầu trời đêm với vô vàn tinh tú. Trong thinh không tôi kiểm điểm lại biến cố mới của cuộc đời và giật mình nghĩ đến ngày mai sẽ xa bố mẹ, các em, không còn lang thang đầu làng cuối xóm lúc tan học, không còn nghe tiếng chuông nhà thờ ngân nga mỗi chiều buông. Với căn nhà lúc này sao thấy thân thương lạ và hơn tất cả khi không còn được cắp sách tới trường. Mà cũng hơn tất cả khi hành trang vào đời gần như con số không. Nếu có chăng chỉ là mười sáu tuổi đời, ăn chưa no lo chưa tới, tâm hồn mơ mộng viển vông và học hành dang dở. Vậy đấy! Tuổi ấu thơ của tôi trôi qua trong muôn vàn khốn khó tại một miền quê thuộc vùng sâu xa, cách trở giao thông và vô cùng lạc hậu thiếu thốn, trong bối cảnh đất nước chiến tranh ly lọan để hôm nay vội vã chấp nhận dấn thân vào đời.
- Sau mấy ngày tập trung để đoàn bác sỹ quân y tổng khám sức khỏe tại khu đình làng Hoành Nha. Chúng tôi lên đường. Lần đầu tiên xa cái phố huyện heo hút đã một thời là cả thế giới của tôi. Đoàn tân binh xếp hàng dọc lên ca lô tại bến Cồn Nhất đi thành phố Nam Định. Từ trên boong tàu, tôi ngoái đầu nhìn lại và chứng kiến mẹ cùng mọi người đang khóc. Cái bùi ngùi trên những khuôn mặt phụ nữ sụt sùi, gào thét trong không gian trên bến dưới thuyền như tiễn đưa người vào cõi chết, xám màu cám cảnh thê lương. Từ đây tôi chấp nhận bước phiêu du đầu đời, không cần biết cái gì tới với mình phía trước, trong đầu vang lên hai chữ quyết tâm. Trong những giờ sinh hoạt thời sự thì chúng tôi được thông báo tình hình chiến sự miền Nam với những tin chiến thắng dồn dập, trên tấm bản đồ của anh tiểu đội trưởng phần lớn địa danh các tỉnh phía Nam đã được tô màu chì đỏ. Lại lần đầu tiên sau năm giờ đồng hồ đi cái xe nhiều bánh bằng sắt (tàu hỏa). Chúng tôi xuống ga Bỉm Sơn thuộc huyện Hà Trung tỉnh Thanh hóa và bước vào cuộc thử thách mới. Tập hợp hàng dọc tại sân ga, theo hiệu lệnh hô của chỉ huy: Nghiêm...Đội hình tiểu đoàn thứ tự hàng dọc từ đại đội 1 đến đai đội 4 hành quân bộ về nơi đóng quân. Hướng chiến khu Ngọc Trạo...Bước... Đi mãi đi mãi chắc cũng khuya rồi. Trong màn đêm không ánh trăng sao, bên phải, bên trái chập chờn trên là bóng núi, dưới là nước đầm lầy mênh mông gợn sóng. Vì lần đầu tôi mới nhìn thấy núi thật, cộng thêm cái miên man trong tư duy non nớt của tôi, đôi lúc không gian tạo ra ảo ảnh. Trời ơi! Hồi nào đến giờ tôi đã phải đi bộ như vầy đâu ,vừa đi vừa ngủ, vấp ngã dúi dụi, mệt lả, cái túi vải nhỏ có mấy thứ tư trang mẹ xếp vào mà sao nặng nề quá. Biết thế này thì xung phong làm chi hả trời? Thế rồi cái đích đầu tiên cũng đã đến, mắt nhắm mắt mở không thèm rửa mặt mũi chân tay, bước vào một căn nhà dài ơi là dài và chỉ kịp gieo mình xuống một cái giường cũng quá dài rồi miên man vô cảm (đó là cái sạp đan bằng nứa, chỗ ngủ cả một tiểu đội 9 người theo nguyên tắc tam tam chế). Sáng hôm sau choàng thức giấc bởi hồi kẻng dài. Bước ra sân, vẻ mặt anh nào cũng ngơ ngơ ngáo ngáo xác định nơi mình đang đứng là ở đâu trên trái đất này? Quay lại nhìn nhau thì anh nọ cười anh kia, khi nhìn đến mình thì, ối trời! Mặt mũi lem luốc như tấm bản đồ, đầu tóc quần áo bám toàn bột đất đỏ, vì cái giường dài chúng tôi ngủ đêm qua có lẽ khá lâu không ai lau quét cộng với bụi đường trường hành quân. Cả buổi sáng được nghỉ ngơi tắm giặt, vệ sinh doanh trại. Buổi chiều tập trung nhận biên chế. Tôi và mấy bạn cùng trường là đồng hương về A2. B1. C3. D930. E15 quân khu hữu ngạn đóng quân tại xã Đồng Ngư huyện Thạch Thành tỉnh Thanh Hóa, sau đó tân binh nhận quân tư trang. Hôm nay vui như ngày hội, chúng tôi nhận quần áo tăng bạt, võng, áo mưa, ba lô, dày dép mới ton. Sau khi mặc quần áo vào ai cũng cảm thấy lạ lạ. Tôi mặc bộ quần áo xanh Tô Châu rộng thùng thình, đi dày đội mũ cứng có quân hiệu đỏ chói cũng hơi rộng, nhìn mắc cười nhưng cảm thấy tự hào. (Lúc này chỉ còn cái thân thể và tư duy là của Việt Nam, còn lại cái vỏ ngoài 90% là đồ Trung Quốc 10% của Liên Xô).
- Những ngày tháng tiếp theo là cuộc sống quân trường với: học chính trị, tập đội ngũ, rèn thể lực và tập xạ kích, tập chiến thuật tác chiến. Trong những ngày nắng đổ lửa hoặc mưa dầm rả rích, chúng tôi phải lăn nê bò toài ngoài bãi tập, nằm hàng giờ bên ụ súng ngắm vào bia số 10, tư thế chân chống chân quì đau nát gối ngắm súng vào bia số 7, bia di động. Xung kích đâm lê đánh giáp lá cà với hình nộm rơm. Rèn kỹ năng tránh hỏa lực bắn thẳng lúc xung phong thì phải ôm súng như ôm người tình, đột ngột tiếp đất trong một giây, lăn tròn nhiều vòng mà súng không chạm đất, nhiều khi thao tác sai khi tiếp đất lộn vòng bị hộp tiếp đạn hay báng súng huých ngược lên ngực lên bụng đau điếng, hoặc lăn vào trúng gốc cây, hòn đá thì cũng là giây phút nhớ đời. Trong chiến thuật tiếp cận mục tiêu thường phải xuất phát từ chân đồi tiến ngược lên đỉnh, nếu gặp quân xanh cắc cớ bắn liên tục thì khổ nhất vì vừa phải lăn lê bò toài rất mệt vừa lộn vòng tránh đạn nhiều lần, chuyện bị xây sát hai gối, hai khửu tay là nhẹ nhất. Nhưng chưa ngán bằng đang đêm bị báo động di chuyển, trong vòng năm phút là phải có mặt ở vị trí hành quân mà không được để quên thứ gì, sau đó âm thầm đi trong đêm tối, tưởng rằng đi chỗ khác, đang đi thì có lệnh đào công sự cận chiến, mà đã cận chiến là phải thao tác ở tư thế nằm, dùng xẻng cá nhân đào đất, khi đào đổ đất không được nghiêng xẻng để tránh ánh kim loại mặt dưới xẻng lóe lên phản quang do đèn pha bốt gác của địch rà tới sẽ bị phát hiện. Và rồi xảy ra nhiều chuyện hết cười nổi như: có anh thì nằm vào bùn ướt, phân trâu, có anh nằm vào bụi gai cây xấu hổ, bị sâu đất hoặc kiến chích mà không giám kêu vì phải bảo mật. Tiếp theo là cắm trại trú quân trong rừng với những kỹ thuật căng tăng, mắc võng sao cho từng nút buộc thắt đúng qui tắc đã học với các yêu cầu không bị nước mưa tạt hoặc chảy thẳng từ cây xuống võng qua hai đầu dây, và đặc biệt là tháo dỡ nhanh chóng khi có lệnh hành quân tiếp, cho nên có anh phải dùng dao găm cắt nát dây tăng võng do thắt nút sai, vội vàng không mở ra được, đành chấp nhận phê bình trừ điểm, có anh quýnh quáng khi thấy đội hình đã di chuyển, tặc lưỡi bỏ luôn cái võng giữa rừng, lên ba lô chạy theo cho kịp và cầm chắc một hình thức kỉ luật vì làm thất lạc quân trang. Sau đó tiếp tục đi, đi mãi trên những con đường lạ hoắc đến sáng trở về đúng doanh trại cũ. Những lần rèn hành quân. Đi bộ nhiều chục cây số xuyên rừng lội suối, trên vai đeo quân tư trang tăng võng cùng cơ số gạo mắm, xoong nồi, củi v.v. Trong đêm tối mệt quá vừa đi vừa ngủ. Bước chân di chuyển theo phản xạ, do vậy đang hành quân thì chỉ huy ra hiệu lệnh (truyền thầm) dừng tại chỗ đột ngột theo chiến thuật đang học về di chuyển đội hình thì phần lớn anh sau xô vào lưng anh trước và lãnh nguyên cái đáy xoong  vào ngực vừa đau tức vừa mắc cười vì nhọ nồi đen nhẻm in vào áo. Có những lần rèn luyện đi bộ, vai đeo sọt rèn trong có hai mươi kg đất, lúc đầu có vẻ nhẹ nhưng đi được chừng năm cây số thì cảm giác hết muốn nhấc nổi chân, cứ như vậy mỗi tuần một lần rèn luyện hành quân bộ và số kg đất cùng cự ly km tăng dần đến ba mươi kg đất và hai mươi km đường rừng, ngày hôm sau hai đùi và bắp chân căng cứng đau nhức, hai vai trầy đỏ nóng rát. Một trong những chiến thuật hành quân là vượt sông, cũng khá ấn tượng. Chúng tôi phải dùng vải nhựa (áo đi mưa) gói gém toàn bộ quân tư trang kể cả quần áo trên mình, túm lại, cột chặt, úp lộn xuống nước thành cái phao, súng AK 47 để trên mặt phao ở tư thế sẵn sàng nhả đạn và bắt đầu bơi vượt sông. Bì bõm trong đêm lạnh, có anh bị chìm ngỉm vì súc dây cột phao, tất cả quân tư trang xổ ra mặt nước trôi bồng bềnh thấm nước dần, trong khi tiểu đội trưởng phải bơi tới kịp thời vớt lính lên chứ không thì ngạt nước do không biết bơi, có anh loay hoay làm rơi mất súng phải hỳ hụp mò tìm trong đêm tối giá lạnh của nước hồ Đồng Ngư.
- Thời gian trôi qua, với nếp sinh hoạt điều độ, với chế độ dinh dưỡng hợp lý, tuy cơm độn 60% ngô xay nhưng được ăn no với măng xào, nhộng tằm kho và một món nữa theo suốt gần hai chục năm quân ngũ của tôi và còn tiếp tục đến trọn cuộc đời đó là rau muống luộc chấm nước tương bần, nước luộc rau dầm với mấy quả dổi chua làm canh húp xì xoạp cho trôi cơm. Trong túi còn tiền mẹ cho khi nhập ngũ và phụ cấp hàng tháng nên đôi khi tự bồi dưỡng thêm một cái bánh nếp nhỏ bằng nắm tay trong có nguyên một con ngóe ôm gọn ít mỡ hành phi làm nhân bánh rất thơm do dân bản Mường đưa đến sát hàng rào đơn vị bán, do đó sức khỏe tôi khá tốt, cân nặng bốn mươi chín cân như ngày mới nhập ngũ nhưng là thể trọng thật chứ không phải cân nặng của hai túi quần đá xanh ngày khám tuyển, cộng với màu da ngăm đen rắn rỏi, bước chân vững vàng tự tin, dù chương trình rèn luyện rất cực nhọc. Lúc này tư duy logic hơn, nhận thức mọi mặt nhạy bén, tư tưởng chính trị có nhiều tiến bộ, tâm lý ổn định và sức chịu đựng rất tốt. Tuy vậy, mỗi đêm bồng súng đứng gác, vẫn giật mình khi nghe tiếng cú rúc ngoài đồng mả bên kia suối, tiếng chân chồn cáo sột soạt dưới bụi gai đang căng mình trong giá lạnh trung du.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 18 Tháng Mười Hai, 2011, 06:40:25 pm
Tôi dõi mắt vào bóng đêm mà trí óc lại nhớ nhà nhớ bố mẹ,  nhớ các em, nhớ bạn bè trường lớp và nhớ lại những việc đã làm trong ngày để mai viết nhật ký sau khi sinh hoạt tiểu đội mỗi tối. Vào một buổi sáng chúng tôi được lệnh chuẩn bị cơ số hành quân xa,. Động tác chuẩn bị diễn ra nhanh chóng. Nào gạo củi xoong nồi mỡ mắm và tư trang. Khoảng 22 giờ báo động di chuyển, đoàn quân rời doanh trại âm thầm trong đêm tối nhưng chúng tôi không biết đi đâu, chỉ đoán già đoán non là sẽ không trở về doanh trại cũ. Xuyên rừng lội suối đến đêm thứ hai thì được lệnh tập kết và nhận nhiệm vụ đắp đê sông Đáy chống lũ lụt khu vực huyện Ninh Khánh tỉnh Ninh Bình. Một tháng đào vác đất đắp đê với khí thế thi đua nước rút, đơn vị tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng một chi tiết không thể nào quên là do nặn ngụp dưới nước bùn lầy cho nên chín mươi chín phần trăm chiến sĩ trong tiểu đoàn đau mắt đỏ, nóng bỏng đau rát, sáng sớm mắt bị ghèn dính cứng, không mở ra được, cặp mi như  được gắn hồ, cộng thêm một bệnh nữa rất tế nhị, mặc dù khi ở doanh trại đã có nhưng diện tích nhỏ không ấn tượng như lúc này đó là bị hắc lào bẹn, anh nào cũng sở hữu hai mảng to cỡ bàn tay, màu nâu thâm xì, mỗi chiều tập trung quân số ở sân kho hợp tác xã nông nghiệp cho quân y bôi cồn Iod hoặc cồn ASA, sau đó nhảy lambada vì ngứa, nóng và đau rát đến chảy nước mắt mà vẫn cười vì có câu “nếu không có hắc lào không phải là bộ đội”. Tuy nhiên sau năm phút bôi thuốc mới thực sự tê tái vì cồn bốc hơi hết, còn lại I ốt, muối Salisilat khô reng, da tại chỗ căng nứt đau vô cùng với dáng đi khệnh khạng nhích từng bước nhỏ về nhà dân nơi đóng quân mà không giám bước dài vì rát bỏng. Sau đợt công tác, đơn vị hoàn hành xuất sắc nhiệm vụ và bắt đầu hành quân trở về doanh trại cũ. Lại hai ngày đi bộ nhưng cũng nhờ rèn luyện nhiều và có cuộc hành quân tập dượt lúc trở ra nên chuyến trở vào này có vẻ nhẹ nhàng hơn, lúc này vai đeo ba mươi kg đi hàng trăm cây số là chuyện nhỏ. Vì đạt thành tích thi đua, chúng tôi được trung đoàn tặng giấy khen và thưởng mười ngày phép. Trong thời gian huấn luyện, một tuần giặt quần áo hai lần, đôi dày vải một tuần giặt một lần vào ngày chủ nhật vì vậy quần áo, dày mũ, lúc nào cũng cứng queo bởi một hỗn hợp mồ hôi và đất đỏ thao trường, riêng đôi dày luôn có mùi đặc biệt khi mở ra sau mỗi chiều từ thao trường trở về. Cứ ba chủ nhật thì được ra ngoài doanh trại một lần (1/3 quân số đi từ 7h đến 11h về lại doanh trại) số còn lại vào rừng chặt củi cho chị nuôi nấu ăn hoặc chặt cây nứa, cắt cỏ tranh về phơi khô dặm mái trại bị hư dột và sửa sang lại doanh trại. Lính trẻ thường vào trong bản Mường xin trái cây ăn hoặc ra thị trấn Kim Tân chơi, mua trái dổi, khúc mía hay cốc xi rô giải khát nhưng cũng rất tiết kiệm để dành tiền chờ ngày về nghỉ phép mua quà cho các em (mỗi tháng được phụ cấp 5 đồng, bằng giá trị 7 kg gạo). Những chủ nhật được đi chơi hay đi lao động tôi cũng chú ý tìm hiểu những tập quán phong tục, nếp sống bản Mường. Nhiều thú vị và lạ lẫm trong đó tôi nhớ cách ăn ở, chăn nuôi và những nét đặc trưng miền trung du khác hẳn ở đồng bằng quê tôi, để trong lúc rảnh rỗi giờ giải lao ngoài thao trường chúng tôi đúc kết những đặc trưng của bản mương bằng một câu thơ lục bát sau:
                          Trâu đeo mõ chó neo thang
                 Gà chạy vũ trang lợn đào công sự.
  Thật vậy, ở môi trường rừng đồi mênh mông, con trâu được đeo một cái mõ bằng gỗ rồi thả tự do đi ăn trong rừng, đến chiều tối thường thì trâu tự về nhà nhưng cũng có lần đi ăn xa trong rừng bị lạc, chỉ cần nghe tiếng mõ lộc cộc ở khu vực nào thì chủ sẽ tìm chính xác con trâu nhà mình, vì mỗi nhà làm cái mõ phát ra âm thanh riêng. Con lợn đen trũi bụng bự tối ngày dùng mõm ủi nát mặt đất, tìm củ tìm rễ ăn, khắp nơi  toàn hang lỗ như công sự. Tất cả gia súc gia cầm dân bản thả rông cả ngày nhưng đến tối chúng về đúng nhà chủ, Dân ở nhà sàn khá cao nhưng con chó nên xuống cầu thang tăm tắp dễ dàng trông rất ngộ. Những buổi giao lưu với đoàn viên đoàn thanh niên của bản, cùng đập lúa nương giúp dân, cùng vui văn nghệ với những giọng hát véo von cao vút, những cặp mắt mí lót lúng liếng tình tứ của bạn gái Mường trở thành kỷ niệm của cánh chiến sỹ trẻ chúng tôi. Một lần bản Mường nơi chúng tôi đóng quân vui như hội vì các mẹ và các chị từ quê vào đơn vị thăm. Ôi! nhiều quà bánh, thịt gà xôi chè nhưng cũng nhiều tiếng khóc của thân nhân và của cả đám tân binh chúng tôi vì nhớ cha mẹ mà cảm động quá khi gặp lại, nhưng cũng nhanh chóng lấy lại niềm vui vì không khí đoàn tụ và ngoài quà cáp của thân nhân tới thăm còn có thêm thức ăn của dân bản nấu tặng tân binh trong đó tôi nhớ nhất món (ngóe ôm măng). Đây là một món xào với những con ngóe được lột da làm sạch, ướp gia vị núi rừng và xào với măng cây le xắt thành khúc ngắn, xào xong gặp nóng ngóe chín, chân tay co rút và ôm gọn một khúc măng vào lòng giống trò chơi leo cột, lúc này nhìn đĩa măng xào rất ngộ. Theo suốt những tháng từ ngày đầu quân ngũ cho tới nhiều năm sau của cuộc đời chiến sĩ, bên cạnh hoạt động rèn luyện, chiến đấu là những sinh hoạt tập thể, lúc nào cũng ca vang Tiến quân ca, Giải phóng miền Nam với:
Giải phóng miền Nam
chúng ta cùng quyết tiến bước
diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ cướp nước
....
Vùng lên, nhân dân miền Nam anh hùng
Vùng lên xông pha, vượt qua bão bùng

.....
tự do hạnh phúc sáng tươi muôn đời.
Và bài vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh
Anh em ơi vì nhân dân quên mình...
 - Thế rồi ba tháng quân trường cũng trôi qua, sau khi tham gia đánh bộc phá, ném lựu đạn, bắn đạn thật, kiểm tra sức khỏe, duyệt đội ngũ và làm lễ tuyên thệ dưới cờ, chúng tôi được nghỉ phép 10 ngày về thăm quê để sau đó hành quân nhận nhiệm vụ. Đó là dịp cuối cùng cảm nhận lại những âm vị thời học trò thơ ấu, được vài ngày nhõng nhẽo mẹ, lên mặt với mấy đứa em, vui vẻ với bạn học cũ trên một tâm thái đĩnh đạc hơn khi lúc nào cũng nghiêm chỉnh trong bộ quân phục xanh Tô Châu, ve áo mang hàm binh nhì và đội mũ cối đính quân hiệu đỏ chói. Thời gian ngắn ngủi trôi qua, tôi trở về đơn vị mà cũng chưa hình dung cái gì đợi mình ở phía trước...Thế rồi cái dấu mốc lịch sử của đất nước đã đến. Miền nam hoàn toàn giải phóng, cả đơn vị reo hò háo hức đợi chờ cuộc hành quân mới...
- Hoàng hôn! Cảng Bến Thủy (Nghệ An) những chiếc tàu  quân sự vận tải biển mang tên Hồng Hà lặng lẽ như nuốt cả đơn vị tôi vào trong khoang hàng trống rỗng thênh thang. Sau hồi còi dài, tôi cảm nhận sự dịch chuyển thân tàu với tiếng ầm ì của động cơ, tôi nghĩ thầm: thôi nhé! chào miền Bắc... Khoang tàu dần dần bớt ồn rồi im hẳn tiếng trao đổi và không còn  tiếng chặc lưỡi xuýt xoa. tôi thiếp đi trong mệt mỏi với bao lạ lẫm bỡ ngỡ nao lòng .Bình minh, và cả ngày hôm sau, thức ăn duy nhất của chúng tôi là lương khô 701 và uống nước trong bi đông cá nhân tại chỗ vì xung quanh là thân tàu bằng thép ,trên đầu còn một khoảng trống trời xanh mà tôi liên tưởng đến hình ảnh (ếch ngồi đáy giếng) mà miệng giếng là miệng khoang hàng của con tàu. Sau này nghĩ lại tôi cảm thấy có cái gì đó bất ổn trong khâu tổ chức và quan điểm về con người trong cuộc hành quân này vì hầu như cả tiểu đoàn năm trăm con người chúng tôi bị (nhốt) trong những khoang chở hàng nóng bức, ngột ngạt mùi mồ hôi, mùi nấm mốc và rất ồn. Rồi giai đoạn đầu hành trình gian khổ cũng qua. Trưa ngày thứ ba cuộc hành quân, chúng tôi đặt chân lên cảng Đà nẵng. Lại bỡ ngỡ, lại khám phá. Ôi! Đất miền Nam, người miền Nam đây ư? (hồi đó theo quan niệm non nớt của tôi, miền Nam được tính từ bờ Nam sông Bến Hải về phía Nam) Thành phố lộng lẫy sắc màu, dọc phố là cờ đỏ sao vàng sen lẫn cờ hai màu xanh đỏ sao vàng bay phấp phới, con người thì muôn vàn dáng vẻ, phấn khởi hồ hởi nhưng rụt rè cảnh giác khi tiếp xúc với mấy chú (Đội). Tiếp tục hành trình, đoàn quân di chuyển về hướng bán đảo Sơn Trà và dừng chân trong một doanh trại lính thủy cũ, buổi chiều chúng tôi lang thang ra bãi biển với triền cát trắng, sạch sẽ tới tận mép nước có sóng lăn tăn nhẹ và mát rượi gió biển hoàng hôn. Hai ngày tiếp theo chúng tôi hành quân bằng xe đò, mỗi chặng dừng thì được ăn cơm ngon, tắm giặt và nghỉ ngơi thoải mái sau khi sinh hoạt tiểu đội và đọc báo tại các trạm giao liên  cục vận tải tổng cục hậu cần nhưng không được tự do tiếp xúc với dân. Ngày thứ ba, chúng tôi dừng chân trong một rừng cao su trên đất Long Khánh. Từ đây phiên hiệu D930 chấm dứt, chúng tôi được biên chế về các đơn vị thuộc miền đông nam bộ. Tạm  biệt nhau mỗi đại đội mỗi ngả, chỉ huy mới của chúng tôi là một đại úy, trên quân hàm có gắn phù hiệu xe tăng. Vậy là chúng tôi trở thành lính thiết giáp thuộc đại đội 11 kĩ thuật, trung đoàn 26 thiết giáp quân khu 7 tách ra từ BTL thiết giáp miền Đông.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 18 Tháng Mười Hai, 2011, 08:59:48 pm
Chính xác! Cám ơn haanh, vì đánh lộn tên BV, khi đọc lại thì lại bấm vào vị trí gửi nên không sửa được. Quân y viện 7 E ở xiêm Riệp, gần sân bóng đá cơ.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 18 Tháng Mười Hai, 2011, 09:09:48 pm
bác Tranphu341 và mọi người : để phóng to chữ lên, mấy bác giữ Ctrl rồi lăn cục tròn ở giữa con chuột lên xuống để phóng to nhỏ, để đọc cho dễ hơn ! cám ơn đã nhắc nhở !!! ;D


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: binhyen1960 trong 18 Tháng Mười Hai, 2011, 11:54:41 pm
Sáng sơm hôm sau đã thấy chở nó về, mặt mày tươi rói! Hỏi ra mới biết do nó ăn quá nhiều hồng xiêm nên bón và dẫn đến tình trạng trên. Bọn mình lúc ấy vừa xấu hổ vì bị các anh, cứ hễ thấy mặt là lại buông vài câu châm chọc vừa buồn cười và sợ ăn hồng xiêm từ dạo ấy.


 Thảo nào hơn tháng trước anh em mời leasedline ăn hồng xiêm cứ lắc đầu quầy quậy. ;D

Chính xác! Cám ơn haanh, vì đánh lộn tên BV, khi đọc lại thì lại bấm vào vị trí gửi nên không sửa được. Quân y viện 7 E ở xiêm Riệp, gần sân bóng đá cơ.

 BY sửa giúp hộ bác rồi nhé. ;D


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 19 Tháng Mười Hai, 2011, 07:00:09 am
Cám ơn Binhyen 1960 sửa giúp bài! Anh Thơ viết tiếp: Ngày ấy về trung đoàn bộ tại đầu cầu sập, rồi công tác ở bệnh xá mới thực sự yên tâm không còn tiếng súng đùng đoàng hàng đêm, nhưng cái vô tư đến vô tâm của người con gái mới lớn như tôi vẫn thờ ơ trước những biến chuyển của thế sự. Cả ngày tập trung cho công việc chuyên môn hoặc vệ sinh doanh trại hoặc xuống bếp nhặt rau giúp chị nuôi, tối đến các đồng đội nam trong đơn vị và cả những đơn vị bạn dập dìu tới chơi, thường thì tập trung ở khu vực cây đa ngoài cổng chùa, tán chuyện, chọc ghẹo nhau. Nhưng lúc này tôi đã bị yêu nặng rồi, tối ngày lúc nào cũng nhớ người yêu trên quân y trung đoàn, vậy mà có khi nào được hẹn hò đi chơi thoải mái đâu, thường nếu tổ chức đi Hoàng cung, chùa vàng hay đi đài độc lập thì cả đoàn đùm túm trên mấy chiếc xe lôi, nên cũng chẳng nói chuyện riêng tư gì được với nhau. Có một động tác nhớ mãi suốt đời đó là (trèo rào)và hẹn hò trốn đi chơi. Một hôm Anh ấy tới sát chân tường trạm xá (khi còn ở hãng rượuSDK) đứng chờ, mình trèo qua hàng rào là những song sắt, trên đầu có mũi búp đa dẹp nhọn hoắt, cao chừng hai mét, ở ngoài anh đỡ và ẵm xuống đường, vì phía trước có phòng chú Quế chính trị viên ngay cổng chính, mà ngày đó thủ trưởng đơn vị nào cũng canh me nữ quân nhân để tránh hậu họa. hôm ấy anh dẫn đi cục II quân báo, gần khu điện Chamcamon, rồi tiệc tùng và bị mấy nữ sỹ quan K chúc cho anh say khướt bằng rượu Seri, sản phẩm chào mừng đại hội Đảng ta lần mấy, tôi quên. tối hù mới về. hai ngay sau cả hai đứa nhận kỷ luật Cảnh Cáo.....


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 19 Tháng Mười Hai, 2011, 08:27:08 am
             III/ Bỡ Ngỡ dại dột, tai ương chực chờ
 Đơn vị mới đóng quân tại trung tâm 43 bảo toàn trung hạng trong tổng kho Long Bình. Buổi đầu tiên ở đơn vị mới, tôi cảm giác mình đang sống nơi tiên giới, bởi vì cái cảm nhận mới mẻ ban đầu khi nhận phòng ở cho một tiểu đội là những căn phòng riêng của lính kỹ thuật Mỹ, xung quanh lắp kính trong veo, mỗi người một giường riêng bằng gỗ bọc mica láng bóng có nệm trải gra trắng tinh, máy điều hòa nhiệt độ rủ rì cả ngày mát lạnh. Toàn bộ số lính mới nhìn nhau cảm thấy lạ lẫm, rồi nhìn vào mớ quân trang bèo nhèo nhuốm màu đất đỏ thao trường và bụi đường trường hành quân, trong đầu nay sinh ý nghĩ so sánh sao thấy nó đối lập hoàn toàn dù chỉ là hoàn cảnh. Đứng trong phòng ngủ nhìn về phía đông là toàn bộ sân chào cờ rộng rãi phẳng lì bê tông với hai cột cờ bằng inox cao vút, xa chút là những dãy kho rất đặc trưng kiểu Mỹ. Qua một cánh cửa gỗ khá lớn, một hành lang dài hun hút khoảng sáu mươi mét, hai bên là những căn phòng sạch bong với kích thước như phòng tiểu đội tôi ở. Trò táy máy trẻ con trong tôi bắt đầu hoạt động, trước hết đi rảo khắp nơi trong khu nhà, vào khu giữa có ghi (WC. giữ gìn vệ sinh chung). quái lạ, (cầu chồ) sao mát lạnh, sạch sẽ hơn nhà ở, còn có mấy cái gì như cái loa cái phễu và cả gương soi. Vào trong thấy cái phễu sen dùng tưới rau trên cây nhôm cong, thò tay lúi húi vặn thử cái nút phía dưới thì giật mình vì nước mát lạnh phun như mưa từ hoa sen ướt hết đầu, hoảng hồn phóng ra ngoài chạy thẳng, để nước chảy hoài. Đi tiếp đến trước cửa có ghi (phòng điều phối) trong có rất nhiều núm, nút vặn, đồng hồ và những khối máy điện tử rất lớn, đèn xanh đỏ nhấp nháy liên tục nhưng sợ, không giám đụng vào cái gì và cho qua, đi tiếp tới các khu khác có những cái hộp cỡ nửa mét vuông, ngoài cửa kính có chữ FIRE hai gạch chéo màu đỏ, bên trong có cuộn ống nhựa (ống nước cứu hỏa tại chỗ). Khắp nơi cái gì cũng sạch bong sáng loáng. Buổi chiều, trước khi ăn cơm, đại đội phó tập hợp đơn vị xếp hàng đôi, đưa đi giới thiệu các khu vực, hướng dẫn cách ăn ở sinh hoạt trong đơn vị tỉ mỉ từng chi tiết, yêu cầu đọc bảng nội qui tòa nhà với rất nhiều qui định bắt buộc, nhưng tôi nhớ nhất lời đại đội phó cảnh báo không được đụng vào các nút trong phòng điều phối, không đụng đến các vị trí có chữ NO, ON, OFF hoặc hình ngọn lửa, hình đầu lâu gạch chéo và đặc biệt không bỏ các loại giấy sách báo, rác vào bồn vệ sinh. Sau đó hai hàng quân theo đại đội phó băng qua một sân rộng hàng ngàn mét vuông, vào nhà ăn xung quanh gắn kính kín mít mát lạnh. Phía đầu phòng ăn, ban chỉ huy và các kỹ thuật viên ở các bộ phận kỹ thuật đang ăn cơm chiều. Càng ngạc nhiên hơn đến bàn ăn dành cho bốn người, trải khăn trắng, trên mặt bàn đủ thức ăn ngon mà trước đó nằm mơ cũng không thấy, cuối bữa ăn còn được tráng miệng bằng chuối chín và uống một thứ nước ngọt lịm, the the (Cocacola). Chả bù cho hồi đơn vị còn ở Thanh Hóa, ghế ngồi ăn cơm và cũng để ngồi học chính trị là một khúc cây tròn bằng bắp đùi có hai khúc cây nhỏ đóng vào hai đầu, chôn thẳng xuống đất với cái bàn bằng phên nứa cũng cắm bốn chân xuống nền nhà ăn khá dài, xung quanh thưng bằng phên nứa, mái lợp cỏ tranh. Nhưng mà thôi không so sánh nữa vì chỉ gợi lên những quá khứ mệt mỏi thiếu thốn không mấy vui và tập trung vào tìm hiểu hiện tại. Sau bữa cơm chiều, số lính mới chúng tôi được nhận một số tư trang cá nhân và nhận nhu yếu phẩm. Chà chà, cái gì cũng mới ngáo sáng trưng. Ngoài lương khô 701, 702 của quân nhu ta, còn lại là hàng của quân đội VNCH, tôi chú ý tiêu chuẩn anh nào cũng có thuốc lá Rubi Queen vỏ đỏ, Cotab hoặc Basstolux, mặc dù nhiều người kể cả tôi không hề biết hút. Còn nữa, kem đánh răng hiệu Hynoss và đường sữa, thứ gì cũng có chữ (Quân tiếp vụ) hoặc dưới hình ba đầu người là cha mẹ, con  có dòng chữ (huynh đệ chi binh, quyết tâm chiến thắng). Sáu giờ rưỡi tối, lần đầu tiên sinh hoạt đại đội mới, ngồi trên những chiếc ghế mềm êm ái bọc simili trong hội trường, cửa kính đóng kín mát lạnh. Đại úy Hưng đại đội trưởng lên bục phát biểu. Xong buổi sinh hoạt mà tôi không biết ai nói gì, nội dung ra sao, chỉ giật mình và tâm hồn quay về thực tại khi màn hình tivi bật sáng có cái vòng tròn quay quay (mặt trống đồng) ở giữa có hình bản đồ Việt Nam cùng âm nhạc dịu dịu vang lên. Chà, quái lạ sao cái hộp to hơn cái đài Xuongmao của nhà tôi ngoài Bắc lại có người ngồi trong đó nói được. Chị biên tập viên duyên dáng cất giọng miền Nam êm ái “kính chào quí khán giả đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh” xong, gật đầu mỉm cười, tôi vội gật đầu và cũng mỉm cười tin chắc chị ấy đã nhìn thấy mình, buổi xem truyền hình đầu tiên trong đời ấy tôi có cảm tình ngay với chất giọng miền Nam qua chương trình ca cải lương có anh Thanh Tuấn và chị Thanh Kim Huệ với bài cây sáo trúc. Những tư duy ngây ngô đại loại như vậy kéo dài cả tuần sau tôi mới cảm nhận hiện thực. Và từ đây, tôi! cậu lính bộ binh gần mười bảy tuổi xuân từ từ làm quen với xe tăng pháo xích, nào là T54/55 – T34/85 – Type 59 – PT 76 – PT63. Xe tăng chiến lợi phẩm từ M41/Welker Bulldog – M48/ Patton, M24 đến  xe bọc thép V100 của cảnh sát dã chiến. Và xe chuyển quân lội nước của lính thủy đánh bộ gồm thiết xa M113, AMPRAX, Senturion, Landrover, là những con ngựa thành Troa của địch. Riêng pháo xe kéo và pháo tự hành lòng ngắn lòng dài đủ cả nhưng khủng hoảng nhất là khẩu M 107 với lòng pháo dài gần 10m bắn đạn 175 ly, tự hành trên một chiếc xe xích cũng khủng không kém (mệnh danh vua chiến trường) Gồm 13 binh lính vận hành. Theo các thông số kỹ thuật chỉ cần bắn một trái, pháo nổ sẽ xuất hiện cái hố sâu 3m và một diện tích 500m2 thành bình địa. Thứ đến là khẩu  thiên lôi M102 với cái miệng to hoác.
-  Đầu năm 1976 tôi được đơn vị cử đi học kỹ thuật xe tăng thiết giáp tại trường quân cụ bên cạnh Lục quân  công xưởng (Z751). Sau này hợp tác đào tạo với Đông Đức, đổi thành trường kỹ thuật Vihempich và nay là trường đại học kỹ thuật Trần Đại Nghĩa thuộc tổng cục kỹ thuật đóng ở 189 Nguyễn Oanh, Gò vấp. Tại trường này đào tạo nhiều khoa, ngành như: tăng xích, quân khí, xe cơ giới quân dụng.v.v.Đại đội 11 chúng tôi học hai nghành điện xe và động cơ nổ nhưng cũng phải qua tất cả các học phần liên quan như nguội, hàn, gò, rèn, phay tiện. Ngoài số ít cán bộ giảng dạy là sĩ quan kĩ thuật quân sự của tổng cục kỹ thuật, còn phần lớn là các kỹ sư sĩ quan quân đội chế độ cũ được thu dung giảng dạy, cho nên ở một khía cạnh và mức độ nào đó mối quan hệ thầy trò còn gò bó nhạt nhẽo khô khan trong phạm vi nội dung của bài giảng, thâm chí trường còn có lực lượng theo dõi nếu giảng viên đề cập đến vấn đề chính trị, xã hội hoặc những vấn đề ngoài bài giảng lập tức bị nhắc nhở, do vậy chắc chắn sự tận tụy truyền thụ kiến thức của số giảng viên này chỉ ở mức hình thức. Cũng trong thời gian này tôi mới thực sự có dịp tiếp xúc với người dân mặc dù cũng rất hạn chế, tôi tìm hiểu hàng trăm cái mới mẻ của một vùng đất cùng nửa phía Nam tổ quốc vừa thay đổi cả một thể chế chính trị, đồng thời đang hòa nhập vào đời sống chính trị mới để rồi có bao điều hay, dở, thú vị mà ngày còn đi học dù có thiên bẩm về tiểu thuyết cũng không ai tưởng tượng ra được. Trong các buổi học chính trị hoặc chào cờ đầu tuần, đại tá Nguyễn Lân, chính ủy của trường nhắc hoài: nào là nêu cao tinh thần cảnh giác với âm mưu hậu chiến, giữ vững bản lĩnh người chiến sỹ cách mạng, coi chừng những viên đạn bọc đường. Cảnh giác sự mua chuộc của lực lượng nữ Thiên Nga, Phượng Hoàng.v.v và có lần ông nói toẹt ra “Tôi cảnh báo toàn trường hiện nay có cả một tiểu đoàn gái điếm trong khu vực đang bao vây trường ta” Kèm theo lời cảnh báo tưởng cho vui ấy là những đợt cấm trại liên miên. Tuy nhiên dù cảnh vệ canh gác rất kỹ cổng chính và mặt đường Nguyễn Oanh nhưng cánh lính trẻ chờ tối thứ bảy vẫn chui qua mấy lớp rào kẽm gai ra xóm Mới hoặc An Nhơn chơi (các tối khác trong tuần phải tự tu hoặc sinh hoạt tiểu đội), vì khuôn viên trường rất rộng lại nằm sát Lục Quân công xưởng (Z751) và khu gia binh chế độ cũ nên khó kiểm soát được. Học viên trốn ra ngoài từng tốp, chủ yếu đi lòng vòng hoặc ngồi góc đường nào đấy ngắm nghía người qua lại, thỉnh thoảng cánh học viên chúng tôi cũng buông lời chọc ghẹo các cô gái trẻ  đi dạo qua, đôi lần tạt vào chỗ xe đẩy mua chai nước ngọt, cốc nước mía hoặc vào tiệm chụp mấy tấm ảnh gửi về cho bạn bè ở quê, cố tình để lộ rõ phù hiệu xe tăng trên quân hàm binh nhất đỏ chói. Tuy vậy việc tiêu tiền cũng rất hãn hữu vì (tiền Bắc) bị tính rẻ quá khi đổi ra (tiền Nam) rất tiếc. Thôi cất đi để sau này về Bắc mua quà cho các em, hơn nữa tôi không bao giờ tiêu tiền Bắc vì anh Nghĩa ở ban tài vụ quận đội Bình Chánh cho tôi mỗi tháng hai mươi đồng tiền mới, mà có lẽ lúc đó tôi có nhiều tiền Nam nhất lớp. Cũng từ những lần vô kỷ luật ấy, bốn chiến sĩ lớp (động cơ nổ) bị đuổi học giữa chừng do không nghe lời cảnh báo của Chính ủy vì đó là sự thực chứ Ông không cảnh báo đùa. Khoảng tháng sau chúng tôi được phụ cấp mười hai đồng một tháng bằng sáu ngàn tiền chế độ cũ (sử dụng loại năm mươi đồng trở xuống, chủ yếu là tiền kim loại). Tiếp theo phần lý thuyết, chúng tôi được qua Lục Quân công xưởng thực tập, nói chung là chương trình học tập mới mẻ và cũng hấp dẫn nên chúng tôi tiếp thu khá tốt .Cuối năm ra trường, trở về đơn vị cũ. Rồi bắt đầu dạn dày mưa nắng. Hàng ngày cùng đồng nghiệp vào xưởng sửa chữa xe tăng hỏng hóc trong cuộc chiến vừa qua. Mấy tuần đầu sửa xe tăng của ta T54, T34, T59 cũng không ngạc nhiên nhiều, tuần sau sửa đến con M48, thấy mà khủng vì có tới hai động cơ, bố trí theo hình sao. Ngày còn ở trường các thầy trợ giáo giới thiệu để so sánh thì thấy động cơ M48 giống động cơ máy bay, tức là với hình sao thì trục khửu nằm giữa, các tay truyền lực piton chụm vào tâm, đây là mô hình động cơ hợp lực lớn nhất chỉ cần đủ không gian định vị. Bộ chế hòa khí (heo dầu) nặng 50 kg kích cỡ bằng con heo thật hai mươi kg, moteur phát điện cũng to cỡ đó, chỉ riêng hai bơm cao áp pitonlonzer (đầu heo) phun dầu cho tám buồng nổ đã nặng gần mười cân. Khởi động động cơ chính bằng một động cơ nổ nhỏ vì không thể dùng moteur điện vận hành được tám bộ xilanh của máy. Phần động cơ dù bố trí hình chữ I chữ V hay hình sao nhưng về nguyên lý hoạt động cũng giống nhau, không có gì phức tạp. Nhưng đặc biệt hệ thống điện, điện tử của xe M48 vượt quá khả năng non yếu của mấy thợ mới học cho nên phải cầu cứu tới anh Hựu kỹ thuật viên trưởng nhưng cũng không giải quyết được, vì phần điện tử và hồng ngoại không có ở xe các nước XHCN kể cả M41 của địch. Theo phân cấp của nghành kỹ thuật quân sự chế độ cũ thì trung tâm 43 có thể sửa chữa trung hạng nhưng phải chờ kỹ sư, kỹ thuật viên từ Lục Quân công xưởng tới, phương tiện kỹ thuật tại trung tâm 43 không đáp ứng yêu cầu hỏng hóc thiết xa, nhất định phải kéo xe về Lục Quân công xưởng (Gò vấp). Thấy xe nằm sẵn trong đơn vị nên thủ trưởng cho chúng tôi mổ xẻ rèn tay nghề là chính, không thành cũng không ai chê. Tuy suốt ngày mặt mũi, chân tay quần áo luôn lấm lem dầu mỡ mà vui, nhất là khi những động cơ cũ rích sứt sẹo lại cất tiếng gào rú ầm ầm sau bao tháng ngày trùm bạt, cảm giác tự tin dần.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 19 Tháng Mười Hai, 2011, 08:57:24 am
Nhưng dù sao tôi cũng chưa qua được cái tính trẻ con, nhất là tôi rất hiếu động, đến bây giờ nghĩ lại những hành động của mình thời đó mà thấy còn sợ vì bao nhiêu nguy hiểm tai ương chực chờ đám lính trẻ chúng tôi, mà theo châm ngôn gọi là “điếc không sợ súng”. Có những buổi chủ nhật cùng mấy bạn chui xuống một hầm vũ khí nằm sâu dưới lòng đất của một quả đồi dài mang tên TRUNG TÂM 31 HỎA LỰC, ở vị trí cạnh phía Tây trung tâm 43, trên mặt đồi là Cesar Air post hạng nhẹ phía trước có tấm bảng để (phòng trưng bày vũ khí). Bước qua cửa. Ôi chao, cơ man là súng tiểu liên tự động trên các ô kệ của kho như: súng M, MX các loại. Bốn năm loại Shortgun mang ký hiệu khác nhau. Rồi tới AR 15, AR 16, carbin. Súng bắn tỉa Winchester, Sprin, M40. Súng phóng lựu các loại, trong đó dễ nhận là M79, M60, cối 81. Súng trung liên có Browing M2HB, L2A1AR, Stone M60. Tiếp tục mò mẫm vào khu kho bên trái, tôi ngạc nhiên thích thú vô cùng, trong các thùng gỗ thông là những khẩu súng ngắn mới cáu cạnh, có  khẩu to đùng như Col45, rulo nòng dài. Loại vừa vừa xinh xinh có: Smith 15, Walther, High, Ruger MK11 nhưng có khẩu nhỏ thó dễ thương như Browing, P38 với sáu viên đạn bé tí teo màu vàng trong ổ xoay với lòng súng ngắn tũn nằm trong bao da có hình dáng rất tếu vì toàn bộ báng súng cong cong lòi hẳn ra ngoài cho nên chúng tôi gọi là súng mặc quần đùi và rất nhiều loại súng khác tôi không biết tên. Đặc biệt có những khẩu súng ám sát có bộ phận giảm thanh riêng hoặc súng ám sát giống cây bút, có tầm sát thương gần chừng năm mét mới còn tác dụng vì tôi đứng xa mười lăm mét bật lẫy kích hỏa bắn vào kính xe zeep không vỡ. Đến khu tiếp theo là kho lựu đạn với rất nhiều kiểu dáng, tròn dài, da láng hay khía ô như trái M các loại, rồi SEALs, Natic, các loại lựu đạn khói được bảo quản trong những thùng gỗ thông màu xanh. Kho cuối là nơi an tọa của các loại mìn  như mìn chống tăng, mìn sát thương, mìn ống phá rào kẽm.v.v. Nhưng gớm hồn nhất là mìn định hướng có hình dáng bè bè cong cong, mỗi trái nằm trong một túi vải bạt chắc chắn, phía sau lưng có chữ M18 A1 Claymore. Một khu kho ngầm khác chứa toàn thuốc súng, trong mỗi thùng vuông bằng composit có ghi qui cách riêng là những bịch vải trắng khá dày với trọng lượng từ một phần tư cân đến năm cân trong chứa một loại thuốc súng có màu xám, kích thước lớn nhỏ khác nhau nhưng đều có hình dáng tròn như khúc mì nui, xếp ngay ngắn sen kẽ những bịch chống ẩm. Chúng tôi vác  từng kiện về trại, chờ đêm đưa ra sân rắc thuốc súng thành nhiều hình dáng rồi đốt, chỉ trong tích tắc sau châm lửa là vệt sáng chạy cực nhanh để lại vết đen trên nền bê tông theo hình tạo ra trước đó. Chơi chán chê, số thuốc còn lại cất vào một chỗ để đến dịp đi tăng gia sản xuất trên rẫy mang theo nhóm lửa nấu ăn hoặc làm mồi lửa đốt rẫy. Hồi nào đến giờ, tôi rất mê súng ngắn, có lẽ ảnh hưởng phim ảnh từ những ngày còn học phổ thông đó là những bộ phim tình báo Liên xô, Đông Đức, Trung Quốc, trong đó có phim (những kẻ báo thù không bao giờ bị bắt).(giải phóng Berlin).(sông Đông êm đềm).(cánh cung lửa)v.v. Chủ nhật sau tôi lấy nguyên một bao tải súng ngắn với nhiều kiểu dáng, lớn nhỏ về chia cho đồng đội. Để thỏa chí tò mò, mỗi chủ nhật, tôi và mấy bạn lại chui xuống một hầm ngầm khác. Chà chà! cái gì đây? giống những con lợn trong cũi, da xanh xám, sờ tay vào lạnh ngắt, trên thân có dòng chữ màu vàng USA-RMY-BOOM-1000 P, với nhiều hàng chữ nhỏ và có cả hình đầu lâu gác xương chéo, sau này tôi mới biết là những trái bom chưa lắp kích hỏa, tiếp theo là những quả đạn màu xám bạc, có cánh giống như những phi cơ mô hình, nhỏ chừng bắp đùi và dài hơn 1m nhìn rất đẹp, tôi nghĩ có thể là tên lửa không đối không hoặc đạn Rocket. Đi sâu qua một hầm ngầm khác, gặp một cánh cửa thép hình tròn rất dày(vì tôi lấy cục đá khá to đập vào chỉ nghe tiếng cục cục chắc nịch), mặt ngoài có những nút tròn to bằng miệng bát B52 của bộ đội, xung quanh là những con số và ký tự lạ, tôi đập mãi không thấy nhúc nhích tức quá vừa nhìn thấy khẩu tiểu liên AR15 ai vứt gần đó tôi lên đạn xả vào cánh cửa hết cả băng, cánh cửa thì không nhúc nhíc mà một tiếng nổ kinh hoàng do ổ kim hỏa của khẩu súng vỡ nát, bàn tay phải tôi bị gim một mảnh lớn máu chảy đầm đìa (tới sau này hỏi mấy anh quân khí mới biết là trong ổ đạn có một viên hủy súng, may có vòm hang bằng thép chắn mảnh vỡ kim loại nên mặt tôi không trở thành bản đồ, sau này đi học quân y tôi mới mổ lấy mảnh kim loại ra), và còn nhiều lắm những kho ngầm dưới lòng đất chứa chất những thùng phuy, caltex đựng hóa chất và không loại trừ chất độc da cam (Dioxin) với nhiều vũ khí sát thương hiện đại khác. Trên mặt những quả đồi là những khu kho nổi, rộng lớn với dáng đặc thù kiểu  Mỹ. Rất nhiều lần vào ngày chủ nhật, mấy đứa chúng tôi đột nhập vào khu kho gần đơn vị tôi C11, do tổng cục kỹ thuật quản lý, trong đó chứa toàn đồ điện và điện tử, thiết bị truyền tin cơ động, máy Viba, bộ đàm cá nhân, máy điện thoại các loại, có thể nói tất cả những thiết bị gì thuộc về điện, điện tử, truyền tin đều có ở đây, chúng tôi thường lấy những cái gì nhỏ nhỏ hay hay về chơi là chính. Có lẽ mấy anh lính già của tổng cục kỹ thuật quản lý kho thừa biết cánh lính nhóc vừa đột nhập và đang giở trò gì trong kho nhưng cứ giả bộ không biết mà tiếp tục ngồi chơi cờ tướng hoặc bập bùng cây đàn ghita cũ rích, dây đã rỉ sét vì âm thanh phát ra rè đặc và tiếp tục để chúng tôi thỏa chí tò mò. Rồi một kỷ niệm nhớ đời khi tôi lái xe tăng M41 của Mỹ, xếp ở bãi (rộng chừng một hecta) quay tháp pháo về sau, hạ âm lòng pháo, thả lỏng giữ thăng bằng hai cần lái, rồ ga chui xuyên qua 3 cái nhà kho mỗi cái rộng cả 1000 m2 chứa toàn vỏ ruột xe các loại còn nguyên trong những kiện nhựa, trước sự hoan hô của mấy đứa bạn. Nếu phải bây giờ thì đứng trước vành móng ngựa tòa án binh là chắc. Quả đồi bên cạnh có những kho rất lớn chứa vải và quân phục của lính chế độ cũ chất lượng rất tốt, lính thợ chúng tôi lấy về hàng chục kiện để mặc vào xưởng sửa chữa, đến chiều cởi bỏ ngay tại xưởng làm dẻ lau máy rồi sáng sau lấy bộ mới khác mặc đi làm. Mỗi chiều quan sát từ sân bóng chuyền, khu tắm tập thể hoặc ngoài bãi tăng gia rau xanh sẽ thấy toàn màu vàng cam, sọc ngang màu đỏ, đó là cờ ba sọc của chế độ cũ rất nhiều trong kho, mỗi kiện có hàng trăm lá cờ, lính ta vác về may quần ngắn. Sau này học hành tìm hiểu và tuổi quân lớn hơn, tôi mới nghĩ ra một điều: nếu chuẩn bị một lực lượng thực sự có trình độ kỹ thuật, có bản lĩnh chính trị và có hiểu biết rộng với trách nhiệm cao để tiếp quản vũ khí khí tài hiện đại và hàng trăm loại hàng hóa khác của địch đúng mức thì chúng ta đã giữ gìn thêm bao nhiêu tài sản cho xã hội nói chung và quân đội nói riêng vì chiến sĩ ta làm thất thoát hư hại, phá hủy vô tội vạ do không hiểu biết, do nhận thức và chấp hành kỷ luật kém. Có lần tôi cùng mấy bạn trong tiểu đội chui vào một cái hầm khác lấy hai bao tải pháo sáng về phát cho cả tiểu đội để thụt chơi. Nếu muốn lấy dù làm khăn hoặc bao gói đồ cá nhân thì thụt thẳng đứng vào ban ngày chờ cho cháy hết nhiên liệu thì dù rơi xuống đất. Muốn thưởng thức ánh sáng trắng, xanh hay đỏ thì chọn màu pháo qua những chấm màu kí hiệu trên nắp pháo, thụt ban đêm và thụt chéo ra xa vị trí đứng để quan sát được vẻ đẹp mà không phải nghiêng đầu mỏi cổ. Tối ấy có một tên bạn thao tác dở hơi, thay vì gắn cái nắp trên miệng xuống đáy hạt nổ của quả pháo, xong giơ thẳng hoặc hơi chéo lên trời, tay kia vỗ vào nắp có gắn kim hỏa cho kích nổ, pháo sẽ bay lên với góc an toàn thì hắn lại dộng đuôi pháo vào tường nhà của đại đội 11 ở vị trí trên đỉnh đồi thành ra hướng quả pháo tà âm, bay qua TRUNG TÂM 29 TIẾP LIỆU có các bồn xăng to đùng dưới chân đồi bên kia, trong đêm gặp gió lớn với bạt ngàn cỏ Mỹ mùa khô bắt cháy ào ào. Hệ thống báo động tự động tổng kho rú liên hồi, xe cứu hỏa hàng đàn hú phụ họa. Một đêm lo sợ đến không ngủ, ngày mai thấp thỏm chờ phản ứng từ chỉ huy đơn vị, tất nhiên cũng không thể bắt lọn chúng tôi được vì xung quanh kho xăng còn hàng chục đơn vị khác đóng quân nữa, ai biết ai. Nhưng lần này có chuyện thật. Chủ nhật cánh lính trẻ chúng tôi kéo nhau qua một quả đồi xa đơn vị khoảngs ba cây số, sau khi mặc áo chống đạn, đội mũ sắt, khoảng hai chục đứa chúng tôi qui ước là dùng toàn súng Rulo lòng ngắn của quân cảnh Mỹ ra bãi xe Zeep bắn thi (bãi xe này có tới hàng ngàn chiếc). Bia là những kính chắn gió vì kính chắn gió của xe bị đạn vỡ mà không bắn mảnh ra xung quanh, nhưng cũng có tên bị thương, máu me ướt cả áo. Bắn nhau ì đùng khá lâu nên bộ tư lệnh tổng kho biết chuyện mặc dù không biết rõ lính của đơn vị nào. Nhưng chỉ huy đơn vị tôi bắt quả tang vài chiến sĩ, thế là bị nhốt vào contener mấy ngày với nỗi khổ khí hậu trên đỉnh đồi cao, ngày nóng cháy da, đêm lạnh co quắp, (theo người dân di cư năm 1954 ở Tam Hiệp nói: từ trước tới nay, khi gần Noen, trời có lạnh hơn đôi chút nhưng chưa bao giờ lạnh như thế này, có lẽ do Việt cộng vào đưa cái rét theo). Vụ này tôi may mắn thoát hiểm. Ngày hôm sau đơn vị báo động di chuyển, tất nhiên đã báo động di chuyển thì phải gom hết mọi thứ. Khi tập trung chỉnh đốn hàng ngũ, tôi đang nghĩ thầm “tại sao không tập trung ở sân chào cờ gần khu nhà ở mà lại tập trung giữa sân lớn” thì lệnh của đại đội trưởng vang lên: Kiểm tra quân tư trang. Thế là chúng tôi mắc bẫy, Chà! Bây giờ có muốn vất phi tang những (đồ chơi) bất hợp pháp trong ba lô cũng khó vì không có góc kẹt hay chướng ngại vật giữa mênh mông không gian trên là trời, dưới là mặt sân rộng cả hecta. Tất cả súng ngắn, áo giáp, dao găm, lưỡi lê đa năng, lựu đạn mỏ vịt, lựu đạn mili, roi điện và nhiều thứ vũ khí khác giấu trong ba lô, trong rương đều bị tịch thu. Sau đó có lệnh giải tán tại chỗ mà chỉ huy cũng không điều tra nguồn gốc số vũ khí trên. Thật sự điều tra cũng không được bởi vì các loại súng cá nhân ê hề ngoài bờ rào, gốc cây. Dưới mương cạn lựu đạn lăn lóc khắp chốn cùng nơi như củ su hào. Nhưng riêng tôi không hiểu trời xui đất khiến thế nào trước khi báo động một ngày tôi đã lật tấm cách nhiệt trên trần phòng ngủ và nhét lên đấy 1 khẩu súng ngắn hiệu >P38


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: leasedline trong 19 Tháng Mười Hai, 2011, 11:59:49 am

 Thảo nào hơn tháng trước anh em mời leasedline ăn hồng xiêm cứ lắc đầu quầy quậy. ;D


Hôm ấy anh ăn giúp phần em rồi mà!  :P


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 20 Tháng Mười Hai, 2011, 05:09:13 pm
Sau vụ ấy, tôi tiếp tục sở hữu số đồ chơi đó khi chuyển cứ ra Gò Vấp vì khi chuyển cứ với toàn bộ vũ khí khí tài của một đại đội cả trăm chiến sĩ nên cổng số 10 Tổng kho phía ngã ba Tam Hiệp không kiểm tra được toàn bộ mười mấy chiếc xe REO hành quân chở đủ thứ từ tương cà mắm muối tới vũ khí, khí tài. Và đương nhiên cái hòm gỗ tự đóng của tôi đựng quân tư trang cùng những thứ chết người được đồng đội xách theo về cứ mới, tôi không tham gia đợt chuyển quân này vì đang đi tăng gia trồng ngô ở núi Chứa Chan – Long Khánh. Sau vụ này tôi nghĩ: có lẽ ở qui mô đại đội trong toàn quân thì duy nhất đại đội 11 của tôi sở hữu nhiều chủng loại vũ khí nhất, mà cũng chỉ tập trung trong đám lính mới chúng tôi ở hai trung đội một và hai, còn các bộ phận của lính già thì không có vũ khí ngoài luồng như vầy. Cũng vì thế mới có chuyện đau lòng sau đó. Số là Tuất, đồng hương ở xã Giao Phong thấy trái lựu đạn mili nhỏ xíu da láng bóng mà đặc biệt có cái khoen chốt rất đẹp. Thế là nổ dây chuyền ầm ầm mấy phút trong kho xép cuối sân, cả đơn vị đổ xô tới khu kho nhưng không ai giám nhào vào. Trước khi chết nó nói mục đích giật lấy cái khoen để treo bát B52 của nó vì thấy ai cũng có. Nhưng nó giật chốt mà không thèm ném ra xa mà nhẹ nhàng để cẩn thận vào đống lựu đạn dưới đất có hàng trăm trái lớn nhỏ. Thế mới ra cớ sự. Sau mấy ngày lo tang lễ cho tử sĩ. Chỉ huy tập trung toàn bộ đơn vị thu gom tất cả các loại vũ khí rải rác khắp nơi trong khuân viên bỏ vào contener khóa lại, Cũng may cho số của tôi. Hiếu động, nghịch phá một cách vô tư thái quá cũng do tuổi quân, tuổi đời quá nhỏ lại lạ lẫm trước môi trường mới mẻ của cuộc chiến vừa qua, hơn nữa còn có cả yếu tố a dua của đám lính nhóc vì trong môi trường sinh hoạt với nhiều cái đồng như đồng niên, đồng ngũ, đồng hương và cuối cùng là vô lo cẩu thả mới xảy ra những cái ngu xuẩn vĩ đại chỉ có ở con người dẫn đến thương tích, bị kỷ luật thậm chí mất mạng như vừa qua, lại còn một trường hợp một tên bạn vào phòng điều phối dỡ mấy tấm la phông, mặt trên có những sợi mịn xốp vàng óng ánh và rất nhẹ rồi đưa về lót xuống giường nằm cho êm, chỉ ba mươi phút sau phải đưa đi cấp cứu vì toàn thân phồng rộp, sưng phù, mắt bụp híp lại và ngứa ngáy tới mức bấn loạn tâm thần như thằng lên cơn rồ. Tại quân y viện 7A được bác sĩ chẩn đoán: dị ứng sợi Amian từ tấm trần cách nhiệt. Rồi nữa, có ông táy máy giật nguyên chốt hãm van cái bình cứu hỏa để thứ bọt trắng xì ra mù mịt, hoảng hồn vứt tại chỗ chạy biến vào nhà để cho cái bình tự do vừa quay vừa chạy vòng vòng trong sân, làm hú hồn cả đơn vị. Những chuyện ngớ ngẩn như vậy, thỉnh thoảng lại xảy ra trong đám lính nhóc chúng tôi làm đau đầu chỉ huy đại đội.... Tổng kho long bình chứa đựng bao bí ẩn về tiềm lực kinh tế chiến tranh. Mỗi quả đồi là một tổ hợp kho tàng với muôn vàn chủng loại vũ khí khí tài quân sự. Quân của bộ tư lệnh tổng kho chỉ bảo vệ nghiêm ngặt vòng ngoài tiếp giáp với dân cư còn nội khu thì rất lỏng lẻo. Khu nọ tới khu kia nếu đi đường chính trải nhựa sẽ qua một trạm gác bằng gỗ đóng tạm sơ sài và một cây tre hoặc khúc ống sắt chắn ngang đường làm barie, trong khi lính tráng đơn vị nào đi qua, cười một cái hoặc tặng bao thuốc lá Rubii quân tiếp vụ cho vệ binh tổng kho là huề, Nếu đi tắt qua những khe đồi với đường mòn sỏi gan gà chỉ có nước sau mỗi trận mưa nhưng nước rút rất nhanh, thì không qua sự kiểm soát nào, do vậy cánh lính trẻ tha hồ tự tung tự tác. Nhưng ngược lại các anh bộ đội lớn tuổi không bao giờ đi vào những nơi nguy hiểm như vậy với tâm lý: trong cuộc chiến đã nếm đủ cay đắng thiệt thòi mất mát, bây giờ chỉ nôn nao chờ ngày trở về quê mẹ, như anh Thanh quê Hải Phòng, thượng sỹ, trung đội trưởng rất quí tôi, tối nào cũng ôm tôi ngủ và kể về người vợ của anh không đủ kiên nhẫn đợi anh về mà bây giờ anh chỉ đau đáu chờ đợi ngày phục viên về với đứa con trai thiếu thốn tình cảm. Anh Hồ tính xởi lởi, anh Vinh lầm lì cả ngày, hạn chế tiếp xúc và kiệm lời. Anh Bùi Văn Cán thượng sĩ, lái xe giắt (xe kéo xe tăng, xe tải bị pal do địch bắn cháy hoặc tai nạn, hỏng hóc trong rừng sau trận đánh) lớn hơn tôi vài tuổi, dáng người nhỏ thó, lúc nào quần áo cũng xốc xếch và không có tướng mạo cá tính gì vậy mà tuần rồi được phong anh hùng lực lượng vũ trang. Trong những lúc ngồi trà lá với nhau các anh lính chiến thường nói: Trong cuộc chiến chẳng sợ gì gian khổ hy sinh, chiến tranh qua rồi về hậu phương thì phải đối diện với hiện thực “vợ già, con dốt, nhà dột” hoặc “Đầu đường thiếu tá vá xe, cuối đường đại úy bán chè đậu đen, trong làng thượng sỹ thổi kèn đám ma” Lúc đó còn quá trẻ khi nghe những chuyện như vậy tôi không cảm được, nhưng sau này khi đất nước rơi vào những biến cố về chính trị, kinh tế và những cuộc chiến mới, tôi suy nghĩ lại mà cảm thấy nao lòng vì đó là sự thực. Bởi vì những sĩ quan quân sự, tham mưu, chính trị, cấp úy cấp tá, trong chiến trận không hề nghĩ đến riêng tư cho bản thân nhưng rời khẩu súng, về với đời thường, như rơi vào một thế giới khác, kiến thức quân sự chính trị, tinh thần nhiệt tình xông pha và sự hy sinh không có chỗ ở những không gian cạnh tranh của tiền tài địa vị với hàng trăm những tham sân si, ái ố hỉ lộ, thậm chí còn bị thân bại danh liệt vì những cạm bẫy của những cán bộ ở hậu phương giăng ra và nhẹ nhàng sập xuống vì tinh thần thẳng thắn đấu tranh xây dựng trong khi kinh nghiệm vốn sống ở môi trường mới chưa đủ bảo vệ những người lính trận trở về. Trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng kinh doanh không có, vốn liếng càng là vấn đề xa xỉ thì đành phải vá xe, bán nước giải khát hoặc sỹ quan quân nhạc thì đành đầu quân vào tổ kèn trống đám tang mà kiếm sống thôi. Thêm một chuyện của lính chiến, đó là anh Trạch, quê Hải Phòng, tính tình rất hiền, ai gặp một lần cũng dễ nhớ vì anh có một khuôn mặt giống đến 90% hình đầu người da đen với nụ cười rạng rỡ trên vỏ cây kem đánh răng Hynoss. Anh Trạch lái xe bồn chở nước từ Tam Hiệp cho đơn vị dùng mỗi ngày hai chuyến vì hệ thống nước ở trung tâm 43 bị hư hỏng chưa sửa chữa được. Rồi trưa hôm đó quân pháp quân khu tới bắt và khởi tố với tội danh tham ô tài sản quân đội, lúc này thủ trưởng đơn vị mới tá hỏa hiểu rằng: mỗi lần đi lấy nước, lượt đi bánh xe sơ cua còn, lượt về mất, mà cảnh vệ cổng 10 cũng không để ý đến sự mất còn bánh xe ở vị trí sơ cua. Cứ như vậy anh tự do lấy ở kho cạnh nhà ăn đơn vị trong đó chứa hàng chục ngàn bộ bánh xe các loại đủ xăm lốp, tang trống chỉ cần động tác bơm lên là dùng ngay. Từ vị trí sơ cua anh đưa ra Tam Hiệp bán cho dân hàng trăm bộ bánh xe REO. Anh phải nhận một bản án khá nặng nề theo kỉ luật chiến trường. Trở lại chuyện quản lý tổng kho Long Bình, có lẽ lãnh đạo chiến trường không kịp điều động đủ quân số quản lý các khu. Trong khi đó nhiều đơn vị hiện diện ở đây lại không liên quan đến chức năng kỹ thuật và nhiệm vụ trong tổng kho này, chỉ đơn thuần là tận dụng một doanh trại để trú quân khi mới từ các căn cứ trong chiến khu D về theo chiến dịch, do vậy mà cha chung không ai khóc. Khu 42 với tấm bảng lớn ghi: TIỀM LỰC KINH TẾ QUÂN SỰ ĐÔNG DƯƠNG . Khu chúng tôi ở là TRUNG TÂM 43 BẢO TOÀN TRUNG HẠNG gồm các xưởng sửa chữa vũ khí và xe cơ giới quân sự, ngoài ra còn nhiều quả đồi chứa đựng nhiều bất ngờ dưới lòng đất mà tôi không có dịp đáo lai. Xung quanh tổng kho được bảo vệ bằng bảy hàng rào kẽm gai với nhiều kiểu dáng, mỗi lớp rào có gắn các loại trái nổ, có loại đụng nổ là phát sáng cả một vùng, hàng rào trong cùng và ngoài cùng có chiều cao nhất cùng với hệ thống đèn cao áp chiếu sáng, và một trong số hàng rào đó được ghim điện mạnh vào ban đêm. Đóng quân trong tổng kho Long Bình rất hồi hộp vì bất cứ lúc nào, nhất là ban đêm thỉnh thoảng lại có vụ nổ. Nổ do dân đột nhập trộm đồ. Nổ do chồn cáo, chó mèo hoang chạy vào và cả trường hợp chiến sĩ ta vượt rào đi chơi dính trái nổ. Tuần trước chúng tôi đến viếng một đồng đội bị mìn nổ thuộc đơn vị bạn ở cuối sân cùng khu 43. Kinh khủng nhất là vụ nổ kho bom mấy ngày liền. Tất cả nhà ở trong bán kính mười lăm km không còn một cửa kính nào nguyên vẹn. Mọi hoạt động trong tổng kho như lãnh địa riêng, nội bất xuất, ngoại bất nhập, ra vào tại cổng 9, 10,11 theo một chế độ kiểm tra rất nghiêm ngặt. Tuy vậy hôm anh Nghĩa từ huyện đội Bình Chánh lái xe Zeep lùn lên Long Bình thăm tôi, lúc về tôi cũng nhét trộm dưới ghế lái của anh một khẩu P38, anh không biết, mà vệ binh cổng 11 cũng không phát hiện ra. Khi chuyển cứ về Gò Vấp tôi đến huyện đội Bình Chánh lấy súng bị anh xạc cho một trận. Cũng chuyện súng ống và trò trẻ con, đã hơn một lần gây cho tôi phiền lụy nhưng không trầm trọng bằng đồng nghiệp tôi. Trung úy Tế, bác sĩ cùng ban quân y E685, quê Hà Nội, trong chuyến nghỉ phép về tới nhà lơ đễnh treo súng ngay tầm với của đứa em vợ mười tuổi, đạn thường xuyên lên lòng và rồi cái chết lại là đứa con trai duy nhất hai tuổi khi ra đời bố chưa biết mặt. Thật quá đau lòng. Cuối năm đó đơn vị tôi chuyển về căn cứ 26 ở Gò vấp (trước đây là căn cứ tăng thiết giáp của chế độ cũ). Đại đội 11 đóng quân trong hệ thống xưởng trung tu của trung đoàn, cạnh kho xăng Gò Vấp với công việc sửa chữa xe cơ giới quân sự mà ngán nhất là sửa chữa thay xích thiết xa. Đó là công việc của búa tạ, đinh chốt, một mắt xích xe tăng nặng hàng chục cân. Anh Sửu, cán bộ quân lực thấy tôi nhỏ thó, hơn mười bảy tuổi đầu, yểu điệu như con gái, khuôn mặt lông măng, hai gò má luôn trắng hồng thì không thể là một lính thợ cần mẫn tỉ mỉ, không phù hợp với công việc kỹ thuật cơ giới nặng nề của tăng thiết giáp với những cơ phận máy móc không hề nhẹ nhàng mà lúc nào cũng lấm lem dầu mỡ nên anh điều động tôi qua trạm xá trung đoàn làm nuôi quân. Trạm xá trung đoàn 26 thiết giáp đóng quân trong biệt thự của đại tá Hoàng đã di tản trước đó, cạnh cầu Hang ngoài bên dưới có đường xe lửa. Đơn vị mới là một tập thể chuyên môn gồm bác sỹ Đắc trạm xá trưởng. Anh Quí, Bát, Vụ, Sỉu, chị Ôi là y tá. Anh Phước dược tá. Ba y sỹ là Chị Lệ, anh Giã, anh Trí. Còn lại Anh Sâm, Tiệp, Nhâm, Trọng và chị Bông thuộc hậu cần là một tập thể rất đoàn kết, tình cảm và tương trợ nhau hết mình. Trong dịp này đơn vị tôi tham gia đóng bộ phim (Cô Nhíp) nói về cuộc sống chiến đấu của chị Trung Kiên, biệt động thành (tên do bộ đội đặt cho chị Nhíp trong chiến dịch HCM) trong đó có mặt toàn bộ xe của tiểu đoàn 33 với phần cận cảnh do đại úy Ngãi làm xa trưởng xe T 54 số 469, chị Nhíp ngồi trên tháp pháo hướng dẫn một đơn vị xe tăng thuộc cánh quân hướng Đông Bắc vượt ổ kháng cự cuối cùng tại cầu Rạch Chiếc qua cầu Thị Nghè tiến vào dinh Độc Lập.
- Thời gian đầu đi chợ Gò Vấp mua thức ăn cho thương bệnh binh mà xấu hổ muốn chết vì mấy cô bán cá, bán rau chọc ghẹo hoài, nhưng họ thường bán đồ ăn rẻ và ngon. Rồi cũng quen dần, sau tôi không thèm đi chợ nữa vì mấy chị mấy cô ngoài chợ mua sẵn rau và thực phẩm đưa tới tận cổng đơn vị nên khá nhàn hạ, mỗi ngày chỉ lo bửa củi và chế biến thức ăn cho toàn trạm. Nhưng có lúc cũng gặp phiền hà do tính tình khó chịu sáng nắng chiều mưa của mấy anh thương bệnh binh vì cái đau mất mát thể xác và tâm lý bất ổn sau cuộc chiến, cộng với chuyện thức ăn mặn nhạt, cơm khê sống.v.v vì hồi nào đến giờ tôi chưa quen nấu cả một cái chảo cơm to đại tướng như thế này. Vì vậy có anh thì càu nhàu cảu bẳn, có anh thì giận dỗi phải dỗ dành như con nít mới ăn. Ngược lại cũng có anh rất vui tính như anh Liễu quê Bình Long lái xe tăng đánh vào chi khu Bình Long bị súng chống tăng bắn cụt tháp pháo, mù cả hai mắt và nguyên khuôn mặt loang lổ như bản đồ mà lúc nào cũng cười và hát (cuộc đời vẫn đẹp sao). Anh Chanh quê Hà Bắc còn có một chân rưỡi nhưng tối ngày kể chuyện tiếu lâm và chủ nhật nào cũng rủ tôi đi chợ Bến Thành chơi. Mấy tháng sau trạm xá trung đoàn chuyển về lô F cư xá Lam Sơn đối diện với trường Vihempic.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 20 Tháng Mười Hai, 2011, 05:44:04 pm
Anh Thơ viết tiếp: Yêu Anh, sẵn sàng chết để giành giật lấy tình yêu anh, vậy mà anh dửng dưng như tôi yêu anh là nghĩa vụ, trong khi vè vè bên anh hàng chục cô đồng đội, thậm chí là đồng hương cùng huyện nữa chứ, nhưng tôi tự tin vào bản lĩnh và sức hấp dẫn của mình và tôi thực hiện nguyên tắc" Say tình, tình ngoảnh. Bơ tình, tình theo". Chiến thuật của tôi thành công nhưng lại đưa tới tác dụng ngược. Cuối năm đó, đơn vị cho tôi về Việt Nam chuyên tu. tất cả từ thủ trưởng đến các ban đồng ý nhưng duy nhất chỉ có anh là không( lúc đó anh tạm thay quyền chủ nhiệm quân y trung đoàn) Vậy mà thua ý kiến của anh vì lý do anh viện dẫn cho tới giờ tôi cũng chưa hiểu ra sao, mà lúc đó thủ trưởng trung đoàn lại thuận theo, và tôi LẠI phải tiếp tục ở bên anh.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: binhyen1960 trong 20 Tháng Mười Hai, 2011, 11:48:06 pm
Anh Thơ viết tiếp: Yêu Anh, sẵn sàng chết để giành giật lấy tình yêu anh, vậy mà anh dửng dưng như tôi yêu anh là nghĩa vụ, trong khi vè vè bên anh hàng chục cô đồng đội, thậm chí là đồng hương cùng huyện nữa chứ, nhưng tôi tự tin vào bản lĩnh và sức hấp dẫn của mình và tôi thực hiện nguyên tắc" Say tình, tình ngoảnh. Bơ tình, tình theo". Chiến thuật của tôi thành công nhưng lại đưa tới tác dụng ngược. Cuối năm đó, đơn vị cho tôi về Việt Nam chuyên tu. tất cả từ thủ trưởng đến các ban đồng ý nhưng duy nhất chỉ có anh là không (lúc đó anh tạm thay quyền chủ nhiệm quân y trung đoàn) Vậy mà thua ý kiến của anh vì lý do anh viện dẫn cho tới giờ tôi cũng chưa hiểu ra sao, mà lúc đó thủ trưởng trung đoàn lại thuận theo, và tôi LẠI phải tiếp tục ở bên anh.

 BY nghĩ bác xơi phải "đồ cúng" của ông chủ nhiệm quân y bằng chiến thuật "Say tình, tình ngoảnh. Bơ tình, tình theo" nên bị đưa vào sổ "thù vặt" của ông ấy nên chuyến công tác học tập chuyên tu của bác gặp nhiều trắc trở. ;D

 Với lính bộ binh mà được thủ trưởng "ghét" thì đôi khi lại gặp may. ;D Ghét nên muốn đẩy đi cho khuất mắt còn "ủi" vào chỗ nhiều gian nan nguy hiểm thì lính tráng đâu có chịu chuyện "không đều" nên thủ trưởng mà lôi thôi là lính tráng có lý do cãi lại. Gặp ông thủ trưởng "yêu" mình quá đôi khi chết dở, gì chứ vụ này BY bị rồi.

 Khoảng nửa cuối năm 1980 đơn vị cho BY về D33 Lai Khê Sông Bé xa dần chiến trận, D phó vì quá yêu nên đã gọi điện tức tốc lên D, cũng tưởng có chuyện gì hóa ra ông ấy nói: Mày định bỏ Bố (ông ấy luôn xưng bố với BY vì đáng tuổi bố) ở lại đây một mình mà về tuyến sau à? Ngu thế về bây giờ là hết, bao nhiêu công sức mà chẳng được cái gì, ở lại đây vài tháng nữa có đợt đi học gì đó như cơ yếu hay lái xe bố cho mày đi học sau này về còn có cái nghề. Thôi về C mai không về D33 nữa. Trong khi mình đã xong hết thủ tục để sáng mai lên E sớm về VN. Mấy tháng sau Bố D phó hy sinh bỏ lại BY một mình cùng lời hứa cũng lên mây tan theo làn khói, nhiều lúc ân hận vì mình được "yêu" quá, giá như ông ấy "ghét" mình lúc đó thì đỡ vất vả thêm vài năm nữa. ;D


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 21 Tháng Mười Hai, 2011, 06:14:48 am
Anh Thơ: Cám ơn anh Binhyen 1960. Thật ra sống ở Phnompenh trong giai đoạn đó (1982) cũng khá yên bình, hơn nữa mình may mắn hơn hàng chục đồng đội nữ khác cùng cơ quan trung đoàn bộ là có người yêu cùng ngành ngay bên cạnh, và chỉ mới yêu nhau vài tháng là mình phát hiện tính anh khá đỏng đảnh, nhiều cô để ý kể cả trong và ngoài đơn vị nên mình bắt đầu cảnh giác, thậm chí còn tỏ ra gét gét. nhưng như lời nói của thượng úy Dong trưởng ban tài vụ "Mày cứ gét nó đi, gét của nào trời trao của ấy" và rồi lời nói ấy vận đúng vào đời mình khi cố gắng tìm mọi cách về được Việt Nam học chuyên tu là có thể bùng luôn. Rồi cuối cùng không thoát được vòng (Kimco).


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 21 Tháng Mười Hai, 2011, 06:30:58 am
Về đây có khu điều trị rộng rãi, sạch sẽ từ những căn hộ hai lầu của gia đình các sĩ quan chế độ cũ di tản để lại, khu hậu cần thoáng đãng có cả một sân bóng chuyền với hàng chục cây bã đậu, tối ngày lổ lốp bốp trái khô rơi ào ào xuống mái nhà. Chỗ ăn ở mới thì tốt rồi, nhưng cũng có cái ngại vì phải đi chợ Gò Vấp khá xa bằng xe lam, hơn nữa nhà bếp ngay cạnh đường nội bộ chính của cư xá mà lô K phía trong là nơi ở của các em bộ đội quân khí quê Thái Bình, Nam Định từ xưởng Z751 đi làm về mỗi chiều, có lần đang rửa xoong nồi quân dụng sau bữa ăn của thương bệnh binh ngoài sàn nước, nghe các em cười nói ríu rít sắp đi qua, tôi đứng lên bê nguyên cả một cái nồi quân dụng đầy nước và dụng cụ nấu nướng nặng chừng 70kg chạy thẳng vào bếp ngồi rửa vì xấu hổ sợ các em chê “Nam nhi ngồi xó bếp”. Sau này quen rồi không trốn nữa, các em lại thường qua chơi mỗi tối thứ bảy, đôi khi còn khiêng giúp thức ăn dư thừa ra chuồng lợn khá xa để tôi chăn nuôi mấy con lợn mọi đợi lớn có thịt cho tết. Thời gian này ngoài quân số ăn hàng ngày là thương bệnh binh, nay tôi làm cấp dưỡng cho cả các sĩ quan bị địch bắt làm tù binh, được trao trả đầu năm 1975 đang trong thời kỳ theo dõi. Thêm công việc một chút thì không sao nhưng phục vụ mấy (Cụ) này rất ngán vì một phần do lớn tuổi, một phần tâm lý không được thanh thản nên chuyện ăn uống cũng khó chịu. Trong số các sĩ quan này mỗi người mỗi vẻ nhưng có một điểm chung là (bất đắc chí). Thượng úy Đào Văn Tuy luôn trầm ngâm chậm chạp, khi phát ngôn thì đầy chọc khoáy, châm biếm kèm nụ cười bí hiểm. Thượng úy Khổng Minh Thất hay lảng tránh tranh luận, thường tất bật một công việc gì đó với vẻ mặt phảng phất sự chịu đựng chua chát. Thiếu tá Thám, tính hòa đồng và hay kể những chuyện láu cá của ông khi sống trong hàng ngũ lính Khố xanh thời Pháp thuộc ở Hà Nội. Đặc biệt nhất, chuẩn úy Trì, quê Hải Phòng, da trắng tươi, sở hữu một cái trán dồ và mái tóc dài chấm vai, sống bất cần đời, cả tuần chỉ ăn một hai bữa cơm tại trạm, rất nhiều các em út dập dìu thăm hỏi với nhiều quà cáp. Anh thường đi đâu nhiều ngày không ai biết mặc dù số sĩ quan nay đang trong thời gian gần như bị (quản thúc nhẹ). Anh Trì luôn phát ngôn với giọng coi trời bằng vung, ăn mặc phá cách, cũng vẫn quân phục với đầy đủ quân hàm quân hiệu nhưng quần ống loe hết cỡ, giày hippy cao gót màu nâu, cái mũ mềm của bộ binh ngụy lại gắn quân hiệu ta. Và rồi. Một ngày kia trung đoàn nhận tin báo của cơ quan quân pháp bộ tư lệnh Thành bắt giam khởi tố chuẩn úy Trì, về tội cấu kết và hoạt động trong một tổ chức xã hội đen đang nén nút gây án trở lại sau một thời gian nằm im thăm dò từ ngày giải phóng. Sau đó anh bị biệt giam ở quân lao Gò Vấp, cách trạm xá ba lô nhà .Thời gian sau, khi khá thân mật, mấy chú sĩ quan tù binh rất mến tôi, coi tôi như con cháu và tôi được nghe tâm sự thì thấy hoàn cảnh, tâm lý các chú bất ổn day dứt vì trước khi trở về những đơn vị chính qui là đơn vị gốc trước khi bị bắt thì từ năm 1973 các chú phải sống tại những khu trảng sâu trong rừng Lộc Ninh cùng với số bộ đội địa phương và du kích đào ngũ do không chịu nổi ác liệt kéo dài của cuộc chiến, họ mặc cảm không giám về quê quán và tụ lại một chỗ gọi là căn cứ (bù chao), ở khía cạnh nào đó thì dưới sự đánh giá của  mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam thì họ thuộc thành phần (bỏ đi, không có lợi mà cũng không gây hại cho cách mạng). Số lượng thành phần này cũng không nhỏ nên mặt trận chấp nhận vị thế của họ như vậy còn hơn là sử dụng biện pháp cứng rắn thì có thể hại nhiều hơn. Hiện tại nhiều lấn cấn trong chính sách và qui trình giải quyết những vấn đề hậu chiến tranh mà cụ thể những sĩ quan là tù binh do địch bắt, được trao trả về với đồng đội thì phải sống trong sư xăm soi xét nét, mỗi ngày không phải làm việc gì, không ai nói tới, có mặt trong mấy bữa ăn tập thể rồi đọc báo. Lâu lâu sinh hoạt chính trị một lần, từ ngày cuộc chiến kết thúc đến nay chưa được về thăm nhà, coi như bị quản thúc, quyền quân nhân bị hạn chế, số phận chính trị không được kết luận và…Chờ đợi. Khi trạm xá chuyển cứ theo trung đoàn 26 về Biên Hòa, các chú sĩ quan này được chuyển về nơi tập trung nào đó ngoài miền Bắc. Chia tay các chú rồi không biết đến bao giờ họ trở thành công dân bình thường. Cũng thời gian này tôi chứng kiến cái chết thứ hai của đồng hương. Thúc bạn đồng môn, nhà ở khu cầu xây làng Hồng Kỳ. Bị sốt cao nhiều ngày nằm ở trạm xá trung đoàn, điều trị cả tuần không dứt, tôi thường lấy cơm cho bạn ăn. Chiều đó, cũng vì chuyện cơm cháo khó ăn sau một va chạm nhỏ với đồng đội khác, đến chiều Thúc nói: tao rét lắm và không giám đi tiểu nữa vì mỗi lần tiểu ra cả bô máu, nhìn rất sợ. Khi có dấu hiệu hôn mê. Trạm xá chuyển Thúc đi  quân y viện 7A. Ngồi trên xe zeep ôm dìu bạn đi viện khoảng 20 phút sau thì anh Thành lái xe đi lạc lên cầu chữ Y. Từ ngày vào Sài Gòn, nay tôi mới biết cầu chữ Y, lúc tìm đường quay lại bệnh viện, tôi nói đùa: Thúc ơi mày lên cầu chữ Y cho biết chứ nhỡ mày không qua khỏi thì ân hận. Ai ngờ rằng đó là lần nói với nhau cuối cùng. Thúc ra đi ngay ngày hôm sau với chẩn đoán do sốt rét tiểu huyết cầu tố. Nhưng ngày đó tôi lại nắm được thông tin Thúc chết do mất máu vì vỡ thận trong vụ đụng độ chiều hôm trước mà cái kết thúc cuối cùng ấy dù ngẫu nhiên nhưng nó là cái tất phải đến vì Thúc mang căn bệnh (Nang nước thận). An táng tại nghĩa trang gần trường hạ sỹ quan thiết giáp, ngã ba Thailand - Long Thành. Ba mươi năm sau (2007) trong dịp về quê, tới thăm bà mẹ Thúc, tôi được biết gia đình mới tìm được mộ ở nghĩa trang liệt sĩ thành phố nhưng chưa có một chế độ đãi ngộ gì đối với gia đình tử sĩ. Tôi yêu cầu Kiên chủ tịch và Lập bí thư là bạn thân thời học phổ thông chú ý trường hợp này. Người đi thì đã ra đi, người ở lại tiếp tục trong hối hả bộn bề của bao công việc sau cuộc chiến. Chôn cất Thúc xong, mấy ngày sau tôi tham gia trong đoàn công tác của trung đoàn bộ E 26 đi Bình Long tăng gia trồng lúa và ngô trên một khu trảng rất lớn bao quanh bằng những rừng cây le, nứa. Từ đường lớn đi sâu vào rừng chừng hai mươi cây số, hai bên con đường nhỏ toàn cây le nứa quất vào thành xe ràn rạt, đôi khi vào cả mặt đau xé. Phát rừng cuốc trảng mệt nhọc nhưng vui vì ban ngày đi trồng tỉa, đến đêm theo mấy anh lính già săn thú, khoái nhất khi thấy đàn cheo, chỉ cần  bình tĩnh tiếp cận, không cần nhắm vào con nào bắn một phát chỉ thiên thì cả đàn ngất sỉu, khẩn trương vồ từng con trói lại, Con cheo có bốn cẳng chân nhỏ và bộ móng guốc như chân ngựa xinh xắn dễ thương mà chạy thì cực nhanh nhưng nó rất nhát, chỉ cần tiếng động mạnh là lăn đùng hết chạy nổi. Làm sạch lông thui vàng thấy lớp da mỏng dòn, thịt trắng, thơm ngọt, nếu nấu cháo thì tuyệt vời. Nhưng không ly kì bằng săn nhím, mấy anh lính già rất có kinh nghiệm. Nếu phát hiện khu vực có nhím hoạt động với các dấu hiệu: có những lỗ nhỏ, moi sâu tìm củ, rễ, đặc biệt khu có nhiều cỏ tranh. Phục bắn chết một con nhím cái rồi tắt đèn ngồi tại chỗ ở  bìa trảng, cầm cái đuôi nhím lắc lọc sọc liên hồi chờ mấy con nhím đực khác bu tới, lúc ấy mấy anh khác dùng bao tải tha hồ chụp nhưng cẩn thận tránh bộ lông dựng ngược xóc vào tay. Khi thịt nhím, mấy anh lính già lấy cái dạ dày treo lên sào tre phơi khô làm thuốc chữa đau dạ dày, da nhím rất dày nhưng cũng rất dòn, thịt xào lăn thơm ngọt thú vị. Có hôm bắn hạ một con heo rừng khá to, cả đoàn công tác ăn thoải mái cả ngày, thịt heo rừng ít mỡ, da hơi dày nhưng ướp cari nướng ăn rất ngon. Thỉnh thoảng bắt được một con trăn hoặc rắn hổ chúa chừng gần mười cân, làm thịt nấu cháo hoặc xào lăn với sả và bột cari, ngọt ngon nhớ đời, còn các loại rắn nhỏ dưới hai cân rất nhiều. Ngoài các loại chim thú còn có mật ong, sáp ong, con culi, chồn hương, nấm và hoa phong lan cũng là sản vật không hiếm ở rừng Bình Long vì sau giải phóng bộ đội rút ra khỏi căn cứ (R) không còn khai thác săn bắn nên sản vật rừng sinh sôi nảy nở nhanh. Chủ nhật vào phum dân tộc Catu. Đàn bà con gái với nước da đen hồng, bộ ngực để trần thỗn thễn tự nhiên, trên mình có duy nhất một miếng vải ca rô hoặc vải hoa màu đỏ nhàu cũ quấn thành xà rông che phía dưới, các bà các cô gái không có phản ứng gì khi thấy bộ đội đến, đàn ông chỉ đóng một cái khố nhỏ để trần cái lưng bóng lẫy mồ hôi dầu nhưng đôi người mặc thêm cái áo bộ đội, khắp phum phân trâu bò chó gà dày kín bên lối đi. Chúng tôi vào phum đưa quần áo, giày dép, khăn rằn, mũ tai bèo, ca nhôm, bút bi, gương soi, lược nhôm đổi lấy gà về nấu cháo, cứ một món bằng một con gà to bé bằng nhau, nhưng nếu thích có con chó về thịt thì dân cho không chứ không đổi, thứ chó ở đây nhỏ nhỏ bụng thon chân cao lông mịn, sau khi cao sạch lông, thui bằng cỏ khô vơ ngoài bìa trảng, lúc sau da chó vàng rộm, thịt đỏ nhạt, ít mỡ, chế biến món nhựa mận thơm ngon hơn bất cứ món gì. Cuộc sống đồng bào dân tộc trong rừng sâu thiếu thốn quá, trong khi ấy rừng Bình Long cực nhiều thú các loại, dân chỉ bẫy hoặc dùng súng kíp bắn được thú nhỏ. Có lẽ rừng ở đây không có cọp vì con cọp rất kị sống trong rừng le nứa dễ gây nó bị thương, hơn nữa khi quan sát thấy dân đi lại trong rừng sâu mà không cảnh giác đề phòng gì, già Oi còn nói: Đồng bào Catu chúng tao chỉ sợ lính quốc gia thôi, còn con thú rừng ở đây dễ thương lắm. Sau ba tháng ăn ở trong rừng sâu cũng qua, đoàn công tác trở về Gò Vấp chuẩn bị cho đợt chuyển cứ mới


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 21 Tháng Mười Hai, 2011, 06:38:55 am
Thời gian trôi nhanh. Theo quan niệm của các cụ xưa “ trong gia đình, bắt buộc con trai cả phải trông coi tông miếu tổ tiên, còn các con trai thứ có thể ra đi tìm kế sinh nhai ngoài quê hương bản quán”. Vì vậy anh Nghĩa cũng không là trường hợp ngoại lệ. Cuối năm 1976 anh phục viên và trở về Giao Thủy theo yêu cầu của cả họ tộc Trần Văn vì lúc đó bố đang là tộc trưởng và anh Nghĩa sẽ phải kế nghiệp mặc dù anh đang là cán bộ triển vọng của quận đội Bình Chánh. Anh Nghĩa về Bắc lại nhanh chóng vào trường đại học kinh tế quốc dân và tôi nghĩ khó có dịp anh trở lại miền Nam. Sự việc này làm tôi cũng hụt hẫng vì mặc dù đã mấy tuổi quân nhưng tính tình tôi vẫn nhão nhét ỉ lại, khi anh Nghĩa còn ở trong này, dù tôi là lính trẻ nhưng cuộc sống sinh hoạt của tôi được anh cung cấp như chế độ một sỹ quan, thỉnh thoảng anh lái cái xe DOGER hoặc xe REO to chảng từ quận đội Bình Chánh tới đơn vị chở tôi đi chơi mặc dù tôi biết anh không có bằng lái xe nhưng là lính biệt động nên xe loại nào anh cũng lái chạy ầm ầm ngoài lộ 4 kể cả xe bọc thép V100 (nồi đồng) của cảnh sát dã chiến, đôi khi tôi theo anh đi tàu đò từ chợ Đệm vào ấp 5 Tân Túc hoặc ấp 1 Tân Nhật tít tận trong ruộng sâu không có đường bộ, nơi những gia đình nuôi giấu anh thời chống Mỹ, tôi được các má các chị chiều cưng nhiều lắm. Trước khi chia tay, tại bậc thềm đá ngôi nhà IMEXCO cao nhất thành phố lúc đó anh dặn dò tôi ở lại yên tâm công tác và với câu chốt cuối cùng “Cố gắng phấn đấu đạt dấu son trước tuổi hai mươi”. Ngày đó còn nhỏ quá, tôi chưa cảm được hết vấn đề để rồi sáu năm sau, khi đã trở thành sĩ quan quân đội, tôi mới được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Rồi thời gian ngắn sau. Anh Đức từ Hải Phòng vào công tác tại quốc doanh đánh cá Chiến Thắng có văn phòng trên đường Hàm Nghi quận I, tôi lại được anh chăm sóc động viên học tập. khi vào trường quân y, tôi có đủ thứ, nào là xe đạp hiệu Giải Phóng, đồng hồ Senko Five, đồ dùng cá nhân loại tốt và mặc dù mới mang hàm trung sỹ nhưng quân phục của tôi may toàn bằng vải và kiểu của cấp tá. Phải công bằng nhận xét: tôi mặc quân phục rất đẹp, có lẽ đây là duyên tiền định, hơn nữa sống trong một môi trường kỷ luật thép với những người lính luôn luôn thiếu thốn vật chất tiền bạc mà tôi thì đầy đủ như (thiếu gia) nên trong sinh hoạt, học tập tôi luôn tạo được sự chú ý của đồng môn, dù chỉ là hình thức. Với bộ quân phục, mũ mềm cấp tá. Với chiều cao 1.65m nặng 55 cân, tôi luôn luôn ở vị trí sĩ quan chỉ huy trong đội hình duyệt đội ngũ của lớp mỗi đầu tháng suốt thời gian học tại trường. Trở lại quá khứ, thời gian sau tôi cùng trạm xá chuyển cứ theo trung đoàn 26 về (Suối máu) ngã tư Tân hiệp - Biên hòa, gần quân y viện 7B. Đóng quân cùng dãy đồi với trung đoàn 24 pháo binh quân khu 7. Đây là những quả đồi trọc, thỉnh thoảng có những lùm cây thấp nằm ngay cuối phi đạo của sân bay quân sự Biên Hòa với đặc điểm là rất nhiều mìn các loại. Dân đi lấy củi hoặc đi đào củ hà thủ ô bị dính mìn hoài nhưng chủ yếu chỉ mất bàn chân chứ không có thương vong mất mạng. Sáng sáng chạy bộ thể dục quanh đồi cũng hơi ngán. Ở đây chỉ yên tĩnh vào ban đêm còn ban ngày không gian ngập tràn âm thanh gào rú của các loại trực thăng UH1 và phản lực F1, F4 lên xuống tập dượt, lúc bay lên phụt ra một luồng lửa phía sau dài tới mấy mét, riêng phản lực MIC lúc xuống bao giờ cũng bung cái dù to chảng thắng bớt tốc độ, có lẽ độ dài phi đạo phi trường Biên Hòa không dáp ứng yêu cầu hạ cánh của các loại MIC. Đặc biệt trong phi trường Biên Hòa có một hệ thống kho chứa và nạp hóa chất Dioxin cho các loại máy bay và xe bồn đi phun phát quang nhằm triệt tiêu rừng là nơi trú quân của ta. Đây là một hóa chất độc được gọi (chất độc màu da cam) vì khi rải trên cây cỏ có bám một loại bột màu cam nhạt, ngoài tác dụng diệt cây cỏ phát quang, hóa chất này còn ảnh hưởng đến thần kinh và rối loạn ADN trên sinh vật, con người nhiều thế hệ và còn gây ung thư, quái thai, dị dạng, trì độn thiểu năng tâm thần. Đây là một trong những hệ lụy của chiến tranh đã và đang gây bao nỗi thống khổ cho dân tộc ta và kể cả những người bên kia tham chiến trong vùng có Dioxin. Ngày đó tôi cũng hay lọ mọ vào khu sân bay mà không biết mình có dính chút Dioxin nào không? Về căn cứ mới, khi tiếp phẩm tôi phải đi bộ khoảng 2 cây số vì trạm xá không có xe đạp, rồi đón xe lam ra chợ Biên Hòa mua thức ăn về phục vụ thương bệnh binh. Nơi trạm xá đóng quân khá rộng, tôi mua một đàn gà con về cho chúng nhặt những thức ăn rơi vãi trong khu bếp nấu và nhà ăn, mỗi lần đi rừng Bình Long hay Long khánh lấy củi về làm chất đốt cho trạm xá, tôi tranh thủ lấy các ổ mối trắng dưới đất hoặc các khúc cây có mối về đặt ở một góc xa nhà ở một chút tránh mối di cư vào doanh trại, để mỗi chiều dùng búa bửa củi đập cho mối bò ra nuôi gà, gà ăn mối rất mau lớn và béo nẫn, gà lớn chừng hai cân thì bán cho nhà bếp với giá rẻ để phục vụ thương bệnh binh, tiền có được, tôi mua sách giáo khoa phổ thông về ôn lại kiến thức dở dang. Trong thời gian nuôi gà tôi cũng rút ra kinh nghiệm là không phải loại mối nào cho gà ăn cũng được nhất là tuyệt đối không lấy loại mối vàng vì chúng rất hung hãn, có thể bu vào cắn mắt cổ mỏ gà và để lại hai cái răng có nọc độc tại chỗ chích trên thân gà làm cho gà mù mắt, sưng tấy tại chỗ chích, làm mủ rồi chết. Những lúc ngồi cho gà ăn và thu dọn bếp nấu tôi luôn mơ ước ngày nào đó được đơn vị cho đi học quân y như các anh trong trạm xá trung đoàn, tôi nguyện sẽ ở trong quân đội phục vụ chiến sỹ lâu dài và tôi nhủ thầm: hiện tại mình cố gắng làm tốt nhiệm vụ của anh lính (nhọ đít) theo cách gọi của đồng đội, sẽ có ngày được toại nguyện...Đôi khi tôi nghĩ mình cũng khá thông minh và đảm đang trong việc nội trợ do vậy sau này khi đã trở thành sĩ quan, thuyên chuyển nhiều đơn vị cho đến lúc trở về cuộc sống công chức, tôi chế biến thức ăn khá bài bản theo sách của chuyên gia từ món ăn hàn lâm trên bàn tiệc yến ẩm đến những món ngẫu hứng đồng quê hoặc những món phối hợp sáng tạo trong mọi hoàn cảnh kể cả chuẩn bị cho hàng trăm người ăn tại các đơn vị quân đội hoặc tổ chức bữa ăn gia đình, thết đãi bạn bè. Trước hết phải thấu đạt đặc điểm món ẩm thực Đông phương là sử dụng nhiều gia vị trong một món ăn do vậy phối hợp sao cho nhuần nhuyễn, phải chú ý nguyên liệu và các gia vị được sử dụng trong một món ăn không được phản thùng nhau theo nguyên tắc: âm dương, hàn nhiệt, ôn lương, với đủ thành phần: ngũ cốc, ngũ thảo, ngũ súc, ngũ quả, ngũ vị, ngũ sắc. Công việc tiếp theo là thời gian tẩm ướp, thời gian nấu, nấu bằng loại nồi kim loại, thủy tinh, gốm hay nồi đất, mức độ nhỏ to của ngọn lửa và động tác cuối cùng là bày món ăn nào trên đĩa hình gì, bố trí các màu và hình dáng thái lát như thế nào để phản ảnh cái hồn của người chế biến gửi gắm thông điệp tới thực khách “Ngon mắt, ngon mũi, ngon miệng”. Nó không giống như các món ăn Tây Âu ngoài nguyên liệu chính chỉ thêm một số hóa chất điều vị, điều mùi và rau củ quả, chú ý không dùng gia vị nặng mùi ví dụ như mùi các loại mắm, các loại hương tinh dầu.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: bschung trong 21 Tháng Mười Hai, 2011, 11:06:06 am
-Kính chào 2 bác ! Mời các bác sang ngay quán nước nhận đồng hương ,rồi ta bàn chuyện liên hoan khen thưởng ,tổng kết cuối nam nào  ;D
http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,23370.new.html#new


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 22 Tháng Mười Hai, 2011, 05:19:45 am
Xin chào Bschung và các cụ xin cho vetran và Anh Thơ đăng ký trước hai suất. Tính cho tử tôn theo nữa nhưng trước mắt chúng đang kẹt chuyện học hành và picnic theo trường.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 22 Tháng Mười Hai, 2011, 06:02:40 am
. Tuy vậy riêng với tôi, chỉ có vợ nấu thì tôi ăn được, dù các món Em nấu chẳng giống ai và cũng không cần sự cố gắng nào. Tuy đã hơn ba mươi lăm năm sống ở miền Nam trong đó có năm năm đã từng nếm mùi món bò hooc trên đất Kampuchea nhưng tôi không cảm được các món ăn phương Nam, nhất là các loại nước chấm. Tôi rút ra được một bài học trong tiệc tùng hoặc bữa ăn bình dân là: Nếu khen một món ăn là ngon, thì chính món đó hợp khẩu vị người dùng chứ không phải nguyên liệu quí hiếm, gia vị cao cấp, kỹ thuật nấu đạt chuẩn mà chinh phục được mọi thực khách. Và nếu muốn có bữa ăn hấp dẫn thì không nên thiết kế quá nhiều món, gia vị của các món phải khác biệt nhau và tỷ lệ các món khô, nước hài hòa. Thật vậy, từ những mối quan hệ công tác và bạn bè thân thuộc đã hơn một lần tôi đối diện tiệc tùng yến ẩm ở những nhà hàng từ Cotinental, Rex, Majetic, White Place đến những nhà hàng Korea, Thailand, trong khu phố Phú Mỹ Hưng nhưng chỉ gây ấn tượng lạ lẫm như món mỳ Giang Đông hoặc cá hồi, cá ngừ đại dương còn sốngt trong món Shusi trong nhà hàng Nhật Bản, mà tôi cảm thấy không mấy thuyết phục. Vì vậy tôi có lời khuyên các bạn gái trẻ, nếu khả năng nội tướng hạn chế thì chớ chọn người yêu hoặc chồng biết nội trợ nếu không muốn mua lấy những khó chịu trong cuộc sống ẩm thực của gia đình hàng ngày.Thời gian này khi công tác ổn định, tôi và số đồng đội cùng học phổ thông dở dang khi nhập ngũ bắt đầu học lại chương trình bổ túc văn hóa tại trường cấp ba Ngô Quyền – thành phố Biên Hòa do các cô giáo trẻ là đoàn viên của trường kết nghĩa với đơn vị dạy. Tốt nghiệp BTVH, năm sau, anh Sửu trưởng ban quân lực lại điều tôi đi học tài vụ ở trường quân chính quân khu, sau tốt nghiệp tôi trở về đơn vị cũ và công tác tại tiểu ban tài vụ, ban hậu cần trung đoàn 26. Trong thời gian này có một đợt cải tạo tư sản và đổi tiền. Với các qui định rất ngặt nghèo chung của ban chỉ đạo thành phố Biên hòa còn cộng thêm lệnh thiết quân luật tại đơn vị. Đợt đổi tiền này qui định rõ định mức cho từng cá nhân, tập thể các cấp là bao nhiêu, nếu dư dôi số tiền quá nhiều sẽ bị kỉ luật, do vậy mới sáng sớm các anh lái xe tải ở tiểu đoàn 22 (đối tượng dễ kiếm tiền thời điểm ấy) lén nút đưa lên ban tài vụ cho tôi chừng gần ba chậu thau lớn loại tiền mệnh giá 5 đồng bằng nhôm. Có lẽ nắm được những kẽ hở trong quản lý tài chính của cơ quan tài vụ quân khu 7 nên anh Hiền phó kế toán trưởng lập chứng từ hợp pháp hóa số tiền nhập vào quĩ tăng gia của trung đoàn và đổi trót lọt. Về căn cứ mới, có xảy ra một sự kiện đáng nhớ do bất cẩn trong sử dụng vũ khí mà trường hợp xảy ra lần này không ai có thể lý giải nổi tại sao nó xảy ra trong khi cả một qui trình khép kín chặt chẽ, đồng bộ thì trái pháo xe tăng mới được lên ổ qui lát. Đó là, sau ngày diễn tập phối hợp chiến đấu giữa thiết giáp, bộ binh và pháo binh do quân khu 7 tổ chức. Đơn vị tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng gần trưa hôm sau trong quá trình bảo dưỡng thiết xa thì xe tăng T54 số 336 khạc một trái pháo bay vào dân cư khu (Suối máu). Đúng là một oan nghiệt, tuy không có thương vong về người nhưng tất cả các cấp từ sĩ quan chỉ huy chiến thuật xuống đến pháo thủ một, pháo thủ hai trong cuộc diễn tập xe tăng phải ngồi với quân pháp quân khu 7, và kết quả xử lý cuối cùng chắc không mấy nhẹ nhàng. Trong những năm là lính xe tăng ngoài việc tham gia huấn luyện chiến thuật chiến đấu, theo định kỳ, mỗi người lính chúng tôi còn tham gia sản xuất lương thực. Mỗi lần đi phá rừng phát cây làm rẫy trồng sắn trồng ngô cực một chút nhưng vui vì được vác súng carbin hoặc CKC đi sâu vào rừng săn thú săn gà hoặc ra rẫy nướng bắp, nướng sắn ở khu vực núi Chứa Chan, ngã ba ông Đồn - Long Khánh, nhưng cũng ngán khi mưa rừng ào ạt, nằm trong võng ni lông treo tòn ten trên lán rẫy nghĩ cũng buồn buồn, cộng thêm cái nạn bị bò cạp chích lúc sáng sớm thọc chân vào ống quần, vào dày. Lúc này không thể tả được các động tác chống đỡ vô vọng rất mắc cười khi con bò cạp tự do tác chiến trong quần. Sau này rút kinh nghiệm nếu thọc chân vào quần mà phát hiện bò cạp cư ngụ trong đó thì bình tĩnh nhẹ nhàng từ từ rút từng chân ra mới thoát nạn, rồi xử lý kẻ địch sau. Mỗi sáng sớm sau mưa, vào rẫy làm việc thì muỗi vằn và vắt đen tha hồ liên hoan trên các khu vực da hở, nghĩ rất ngán nhưng không có lý do gì chối từ nhiệm vụ. Nhớ mãi một lần vào ngày chủ nhật chúng tôi chia hai tốp đi săn, đến trưa tốp bên này chỉ săn được mấy con chim xanh và sóc. Ngược lại, tốp bên kia đi rất sâu vào rừng, lúc về khệ nệ  khiêng năm con dọc, mỗi con chừng gần 20 kg, trong đó có một con dọc mẹ dù chết mà vẫn ôm cứng một con nhỏ còn sống, gỡ mãi mới ra. Đến trưa vào bữa ăn, nhìn mấy bạn mỗi người cầm một bàn tay dọc đã hầm kỹ với măng chua vừa gặm vừa mút, tự nhiên tôi rùng mình lên cơn nóng lạnh và bỏ ăn khi nhớ lại khuôn mặt, làn da của những con dọc mịn màng như da người sau khi cạo sạch lông. Từ đó sau nhiều năm mỗi lần nghĩ lại tôi vẫn cảm thấy bất an. Thành quả lao động của những người lính chúng tôi có lẽ cũng chỉ đắp đổi phần nào về lương thực lúc giao thời khó khăn của tổ quốc của quân đội nhưng nghĩ lại mới thấy cái mất mát tai hại của những cánh rừng nguyên sinh bị vén dần trơ trọi mà không loại trừ cả sự lợi dụng của lâm tặc núp bóng các tổ chức, chính quyền sở tại phá hoại tham ô mà loại tặc này thời nào cũng có.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 22 Tháng Mười Hai, 2011, 06:04:29 am
. Thời gian đi tăng gia, một ngày chủ nhật nghỉ, tôi lọ mọ theo xe đò từ ngã ba Ông Đồn ngược lại ngã ba Dầu Giây rồi theo đường 20 hướng Đà Lạt đi tìm anh Phức với một dòng địa chỉ mơ hồ là Đoàn 600 xây dựng kinh tế – bến Tài Lài – Đồng Nai. Dọc đường đi, dù bỡ ngỡ, tiền bạc trong túi rất ít nhưng tôi không quan tâm đến cái khó khăn trước mắt, tâm thái lúc đó như thằng điếc không sợ súng. Qua cây cầu sắt trên trục lộ 20 vắt qua nhánh sông lớn đổ về sông Đồng Nai, qua hòn đá chồng chông chênh mé lộ đến cây số 142 ngừng lại, nhà xe mời ông trung úy giải phóng (binh nhất) xuống xe và hướng dẫn tỉ mỉ đường vào Nam Cát Tiên, đón xe ôm đi trên con đường ổ voi ổ bò toàn đá hộc hơn hai mươi km cũng tìm được đến nơi. Anh em  gặp nhau vui quá nhưng thấy anh sống thế này mà ái ngại. Cuộc sống sinh hoạt của lính kinh tế chuyên sản xuất lương thực của tổng cục hậu cần ở trong những căn nhà lợp bằng lá trung quân, sạp nằm bằng phên tre kê trên những tảng đá ong, ban ngày nắng rọi thẳng xuống sạp nằm vì nắng khô làm lá cong tếnh nhìn rõ bầu trời, nhưng đêm xuống hoặc có mưa thì lá xẹp xuống kín bưng không hề có giọt nước nào lọt xuống nền lán. Nhưng tôi ngán nhất cơ man nào là vắt, đen trũi nhỏ xíu bằng cái tăm, bò khắp nơi và rất thính phát hiện hơi người. Ráng ở chơi với anh hai ngày, trở lại núi Chứa Chan nơi đơn vị tăng gia và chịu kỉ luật cảnh cáo vì bỏ đơn vị đi hai ngày không báo cáo. Năm sau anh xây dựng gia đình với chị Miên quê Xuân Trường, cùng đơn vị và lập nghiệp tại chỗ. Nay các con anh chị đều phương trưởng, cuộc sống kinh tế khá vững vàng và là nơi chúng tôi thường về nghỉ mát trong những dịp hè, tết tại khu vực rừng quốc gia Cát Tiên, xã Nam Cát Tiên , Huyện Tân Phú, Đồng Nai. Tuy bị cảnh cáo về việc bỏ đơn vị đi chơi nhưng với bản tính tò mò và thích tự do vô kỷ luật vẫn thôi thúc tôi tiếp tục vi phạm kỷ luật. Tuần khác cũng ngày chủ nhật nghỉ, tôi tiếp tục đón xe từ ngã ba Ông Đồn quay về hướng Biên Hòa, đón xe theo quốc lộ 51 đi vũng tàu, tìm gặp đồng hương trong đó có Tiếm ở làng Hồng Kỳ đang quản lý các biệt thự của tướng lĩnh quan chức chế độ cũ, dưới sự tiếp quản của đơn vị. Tiếm ở một mình trong căn biệt thự của tướng Nguyễn Cao kỳ, nằm cheo veo trên sườn núi bãi Dứa. Buổi tối đứng trên lan can trước sân biệt thự nhìn ra xa là khoảng trời biển bao la của vùng lõm vào thành vũng, các con tàu viễn dương im lìm neo đậu, đèn sáng trưng như những thành phố nổi, bất chợt tôi mới hiểu ý nghĩa người Sài Gòn gọi địa danh Vũng Tàu là Ô Cấp (Aucap) tức đất mũi, bắt đầu từ bãi trước, lên dốc, tới sườn cao gặp đỉnh nhọn là tượng Chúa cứu thế giang tay nhìn ra khơi xa, rồi đổ dốc xuống bãi sau. Đó là toàn bộ phần đất nhô ra biển tạo thành cái vịnh êm ả thanh bình lăn tăn sóng xanh. Sáng hôm sau xuống biển trong làn nước trong mát lạnh, nhưng cũng rất nhanh chóng phải lên bờ vì vùng biển bãi dứa rất nhiều đá ngầm là nơi sinh sống của loài giáp xác mà lúc bơi lội, tôi đạp phải một dề con hàu đau điếng, khi lên bờ nhìn bàn chân máu đỏ đầm đìa và vô số vỏ hàu màu đen gim chi chít. Tuy đau và giảm vui nhưng cũng thỏa chí tò mò vì mặc dù mang tiếng là quê biển nhưng chưa một lần được đằm mình trong nước biển do bãi biển Giao Thủy quê tôi là bãi bồi, hoàn toàn bằng đất phù sa do đó nước biển ven bờ luôn đục ngàu màu đỏ, chỉ có ngư dân vì miếng cơm manh áo mới phải đằm mình dưới nước bùn như vậy. Sáng hôm sau xuống đường bằng những bậc đá  dốc đứng, theo phía tay phải là con dốc dài dẫn xuống bãi trước, tôi trở về ngã ba Ông Đồn mà lần này may mắn chỉ huy đoàn tăng gia không biết tôi mới bỏ đi chơi lần nữa.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 22 Tháng Mười Hai, 2011, 06:28:14 am
-  Đầu năm ấy, sau khi nghỉ hưu bố vào thăm dòng họ ở miền Nam (di cư 1954) và thăm các con. Tôi được nghỉ phép năm và cùng với bố trở về miền Bắc sau ba năm xa cách. Cần tả lại đôi chút chuyến trở về quê hương sau giải phóng trên con tàu thống nhất. Ấn tượng đầu tiên là hết một buổi sáng trong cuộc chen lấn đến bẹp bụng, nghẹt thở bên cạnh sự giúp sức của anh Đức với một xấp đủ các loại giấy tờ chứng minh nhân thân của bố và của tôi như thủ tục xuất cảnh qua một quốc gia khác để mua được hai cái vé tàu, tối hôm sau lên tàu cũng phải trải qua cảnh hỗn quân loạn quan để đến được chỗ ngồi thì phải trèo lên vai lên đầu người khác cùng vô số những hàng hóa, nhất là những bao gạo chất đống nhiều vô kể. Con tàu xuyên Việt hú hồi còi dài rời ga Sài Gòn trước cửa chợ Bến Thành, chậm chạm như một con cuốn chiếu già nua tiến về phía Bắc nhưng cứ phải dừng lại liên tục vì đầu tàu không kéo nổi những toa xe quá tải. Hành trình là một trải nghiệm nhớ đời diễn ra trong sinh hoạt bẩn thỉu, thiếu nước trầm trọng, chỗ nào cũng có mùi hôi thối, nhẫy nhuộc bùn đất từ những bàn chân trong nhà vệ sinh đi ra, cùng bụi than của đầu tàu, bụi đường và mồ hôi điểm tô thêm sự nhem nhuốc khắc khổ của hành khách để gần một tuần mới ra đến ga Nam Định. Tuy mệt mỏi nhưng chan chứa niềm vui như một nhà thám hiểm mới hoàn thành chuyến viễn du khám phá cảnh quan và những nét đặc trừng của từng ga tàu dừng, từng vùng miền tổ quốc thân yêu, và trong tôi văng vẳng câu hát
           Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay
           Qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi
           Nhớ khi xưa em chờ anh tới
           mà tàu anh đang vượt qua núi cao...
 Về quê hương, liềm vui thì rất nhiều, nhưng chưa kịp cảm nhận hết những thân thương của lũy tre làng, con mương xanh nước chảy êm đềm, tiếng chuông nhà thờ ngân nga sáng, trưa, tối cùng sự cảm động vui mừng của mẹ, niềm hân hoan của các em của bạn bè thì tôi nhận được lệnh trở lại đơn vị tham chiến mặc dù ngày nghỉ phép còn dài vì chiến tranh biên giới Tây Nam bùng nổ. Ngày hôm sau, với quyền ưu tiên chiến sĩ trở vào chiến trường Tây Nam. Lần đầu tiên được đặt chân đến Thủ Đô, vì ngày ra đi khỏi làng quê heo hút, bước chân trải miết về phương Nam, trong bộ não không có chút khái niệm gì về những địa danh phía Bắc, Kể cả thủ đô. Và cũng lần đầu tiên được bay trên bầu trời tổ quốc bằng chiếc IL 18 cũ rích của Liên Xô mà trong đầu có cảm giác nâng nâng lạ từ sân bay Gia Lâm vào sân bay Tân Sơn Nhất để trở về đơn vị.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 22 Tháng Mười Hai, 2011, 02:34:31 pm
KỂ CHUYỆN (BUÔN LẬU):
- Ngày đó, thỉnh thoảng về Việt Nam công tác, hay nghỉ phép, từ quan tới lính thường ra chợ Tucthala mua thuốc lá Samit, Gold city, Rumdoor hoặc vải, bột ngọt về bán lấy tiền chênh lệch trang trải chuyến đi. Thông thường thì mỗi người tự điều chỉnh hạn mức số lượng sao cho trót lọt cửa khẩu mà không bị tịch thu. Khổ nỗi, lòng tham của con người có đáy bao giờ đâu. Thường thường chuyền đi cũng (an toàn) đi đến nơi, về đến chốn nhưng.. Chuyến xe tôi đi hôm ấy, khi qua cửa khẩu của Bạn, xe dừng lại trước cổng chào có hàng chữ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM - CỬA KHẨU MỘC BÀI. Đội liên hợp cửa khẩu gồm: Công an biên phòng. Hải quan. Kiểm dịch động thực vật biên giới bắt đầu tác nghiệp. Qua hai giờ dưới ánh nắng trưa hè chói chang biên ải, ai cũng ngao ngán khi có lệnh quay lại xe thì ôi thôi! chiếc xe Car của binh trạm 21 như mới bị bọn đánh bom liều chết chọn làm mục tiêu vì cán bộ cửa khẩu tháo từng thanh nẹp nhôm, từng ốc vít trên thân, cánh cửa và trần xe lôi ra hơn một trăm cây thuốc lá. Xe lăn bánh vào nội địa quốc gia với bản nhạc Rab, Rock inh tai nhức óc của cái thân xe già nua khốn khổ tanh bành mà cũng không ai còn hơi sức đâu mà vặn lại từng con ốc.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 22 Tháng Mười Hai, 2011, 02:50:24 pm
- Vậy mà đã yên đâu, vào nội địa đến trạm gác Suối Sâu, bị chặn lại kiểm tra, đến thị trấn Củ Chi bị một xe Moto của kiểm soát quân sự ách lại vì cái tội không tuân thủ hiệu lệnh dừng xe trước đó hai km. Thế rồi cái đích cuối cùng cũng tới. Tại trạm hậu cứ đường Lý Thường Kiệt Quận 10, ngoài sự buồn bã khôn nguôi của bác tài, còn lại anh nào trên xe cũng hỉ hả với khuôn mặt tươi rói mặc dù rất nhếc nhác bụi đất đỏ đường trường vì trong mọi chỗ có thể ngụy trang đang chứa đựng một hứa hẹn vui. Riêng tôi có lẽ vui nhất vì cái thùng xốp khá to tôi để chình ình hơ hểnh ngay bậc lên xuống của xe cho mọi người tha hồ dẫm đạp và cán bộ cửa khẩu chau mày, chun mũi bỏ qua được tôi nạp vào đó một hỗn hợp cá linh tươi, đá cây và hai mươi cây thuốc lá Samit. Cá thì đưa cho Anh chị Chính kho làm thức ăn, thuốc đưa ra chợ Tân Bình, lãi gần hai nghìn đồng. Chập choạng tối mới về tới Xã Tân Qui huyện Nhà Bè Gặp Vợ con trong niềm hoan hỷ. Ôi sung sướng làm sao để tả hết niềm vui của một anh lính (buôn lậu biên giới) trót lọt.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 22 Tháng Mười Hai, 2011, 06:41:58 pm
-Kính chào 2 bác ! Mời các bác sang ngay quán nước nhận đồng hương ,rồi ta bàn chuyện liên hoan khen thưởng ,tổng kết cuối nam nào  ;D
http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,23370.new.html#new

Xin chào Bschung và các cụ xin cho vetran và Anh Thơ đăng ký trước hai suất. Tính cho tử tôn theo nữa nhưng trước mắt chúng đang kẹt chuyện học hành và picnic theo trường.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: tranphu341 trong 22 Tháng Mười Hai, 2011, 08:18:01 pm
                   Chào bạn vetran. Tranphu341 đọc bài của bạn về những chuyện đi qua cửa khẩu thời đó chắc mọi người đều giống nhau. Đi về nước cũng phải tranh thủ gói mấy gói "Bưu kiện" về làm quà. Ngoài viết tên người nhận, người gửi, mặc dù đó là của mình  ;D ;D ;D Hồi đó hàng hóa ở VN mình hiếm, nên cái gì cũng bán được lài gấp đôi. Đủ tiền chi phí trong mấy ngày công tác ở VN.

                   CHÚC BẠN NHIỀU SỨC KHỎE VÀ NHIỀU BÀI VIẾT HAY ĐỂ CHO ANH EM CÙNG THƯỞNG THỨC!


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 23 Tháng Mười Hai, 2011, 06:41:46 am
Chào bác Tranphu341. Của đáng tội, bác nhắc tôi mời nhớ,cái vụ quà gửi. Mỗi người về nước chí ít cũng phải đèo theo hai mươi gói quà, tên người gửi, người nhận đầy đủ và không thể thiếu một cái giấy xác nhận của thủ trưởng cấp E, đóng dấu đỏ chót thì cửa khẩu Mộc Bài mới chấp nhận, nhưng bác nói toàn bộ của mình là chưa đúng mà trong đó có một vài gói của đồng đội nhờ thật, thậm chí có cả một gói của một thủ trưởng nào đó nữa chứ. nhưng tôi xin kể chuyện thông minh láu cá này hầu anh em giải trí chơi: Hôm ấy trên chiếc xe (vọt tiến), có thâm niên trong quân đội có lẽ cũng xấp xỉ tuổi tôi lúc đó, ì ạch chở gạo, cá khô, mắm kem, ruốc cá về Việt Nam cho trạm hậu cứ binh trạm ở quận 10 nấu cho bộ đội các đơn vị quá cảnh K công tác (Chỗ này là nghịch lý, vì các đơn vị bạn vận tải từ Tân Cảng như E 649, E33, E660 phương tiện thủy chở những thứ này cho chiến trường qua đầu mối đơn vị tôi. Thay vì trạm chốt lên tiền phương cục trong cổng Phi long nhận tiêu chuẩn của chốt là hợp lý nhưng hậu cần đơn vị lại chuyển ngược hàng về mới là hay). Chuyến xe nhận nhiệm vụ khi quay về sẽ chở thuốc điều trị của trạm xá và của toàn bộ quân y thuộc binh trạm và tôi chịu trách nhiệm đi nhận, áp tải hàng. Hồi đó các kho hoang của Pốt chứa hàng ngàn mặt hàng từ cao cấp tới đồ gia dụng trong đó có hàng ngàn thùng thuốc bột DDT diệt côn trung của Mỹ còn lại. Bao bì là một hộp giấy nện cứng như gỗ, tôi trút bỏ hơn hai phần ba thuốc trong một bịch bóng kính rất dày và mềm, nạp xuống đáy thùng là bột ngọt và thuốc Samit, trên miệng thùng là một phần ba thuốc sâu DDT cột chặt trong bao, úp lộn ngược đít bao lên. Tại cửa khẩu, các cán bộ khám rất kỹ, nhưng bỏ qua cái thùng, vì sau khi mở nắp gỗ, mục sở thị thùng thuốc DDT đầy có ngọn, kèm theo cái giấy xuất kho, xuất thuốc diệt côn trung cho trạm hậu cứ phun muỗi. Về tới cứ, bàn giao thuốc DDT cho Vị quân y trạm, còn mình hưởng cái đáy thùng...Khỏi tả niềm vui...


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: haanh trong 23 Tháng Mười Hai, 2011, 09:08:01 am
hehe bác vetran viết rất hay , rất khỏe nhưng bác cố gắng dùng unicode đi để anh em đọc cho dễ  ;D


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 23 Tháng Mười Hai, 2011, 01:21:14 pm
hehe bác vetran viết rất hay , rất khỏe nhưng bác cố gắng dùng unicode đi để anh em đọc cho dễ  ;D
Đề nghị bác Haanh bấm vào Ctrl, lăn bánh xe giữa chuột, phóng to lên đọc dễ hơn nhiều! Xin chào


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 23 Tháng Mười Hai, 2011, 01:51:33 pm
                       IV/ Lịch sử lặp lại
-  Với tư tưởng dân tộc cực đoan cộng cái chủ thuyết chính trị bệnh hoạn, ngay những tháng đầu năm 1975 bọn lính Khơ me đỏ đã tấn công đảo Thô Chu bắt đi hàng trăm dân thường Việt Nam và liên tiếp những khiêu khích từ bên kia biên giới Tây Nam báo hiệu sự trở mặt phản bội của tập đoàn phản động láng giềng này. Nay chiến tranh tàn khốc nổ ra khi đội quân ác thú tàn sát dân lành, phá hoại các cơ sở kinh tế, phá hoại sản xuất, cướp bóc lương thực hàng hóa ở Thiện Ngôn, Xa Mát và các tỉnh biên giới. Hình ảnh lõa thể của các cô giáo là thanh niên xung phong quê Thái Bình tự nguyện ra biên giới dạy chữ cho con em các dân tộc thiểu số, bị hãm hiếp và tàn sát bằng lưỡi lê, thi thể các em học sinh không toàn vẹn là nỗi đau đớn mà dân tộc ta không bao giờ nguôi. Nhưng chúng ta phải đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta mất cảnh giác đến mức không bảo vệ được công dân mình ngay trên đất nước mình? Tôi nghĩ đó là một món nợ đớn đau với đồng bào, mà còn phải coi như nỗi quốc nhục phải nhớ suốt đời. Dù lịch sử đã lùi xa.
 - Giữa năm 1978 trung đoàn xe tăng 26 ra trận. Chúng tôi đóng quân ở khu vực tỉnh Tây Ninh, chỉ huy sở đóng trong một lô cao su gần tòa thánh. Là nhân viên ban tài vụ lo lương bổng, phụ cấp cho cán bộ chiến sĩ, tôi ở chung trong sở chỉ huy tác chiến. Và rồi những trận đánh khốc liệt diễn ra, đơn vị tổn thất khá nặng nề, nhiều đồng đội trong đó có đồng hương Giao thủy không về, có những đồng chí hi sinh mà ta không lấy được thi hài vì địch canh me hoài bên xác xe tăng bị chúng bắn cháy, có chỗ chúng còn hì hục tháo dỡ động cơ xe tăng, chuyển lên xe trâu đưa về căn cứ của chúng, không biết chúng sẽ làm gì với cái máy tổ chảng ấy. Bọn lính khơ me đỏ dùng chiến thuật du kích để đánh lại ta như những gì ta dạy chúng trước đây hồi chống Mỹ. Nhưng cũng phải công bằng mà đánh giá sự chủ quan của ta khi tưởng rằng đã làm chủ được vũ khí hiện đại của Mỹ, trong đó có số xe tăng chiến lợi phẩm, đặc biệt loại đại xa M 48  là loại thiết xa lái bằng vô lăng bán nguyệt duy nhất lúc đó, với hệ thống điều khiển bằng điện tử và hồng ngoại mà chiến sĩ xe tăng trẻ chưa nhuần nhuyễn, nhất là trong hoàn cảnh chiến sự, hơn nữa bánh xích xe tăng M 48 có đế cao su, là một trong những nguyên nhân thất bại của lục quân nói chung và thiết xa Mỹ nói riêng ở vùng nhiệt đới Đông Nam Á vì gặp rất nhiều khó khăn khi vận động chiến đấu trên những chiến trường có ruộng nước đầm lầy, nhược điểm đó ngược lại với bánh xích của xe T54, T55, T59 toàn mấu sắt bám cực tốt, được điều khiển vận động và bắn pháo hoàn toàn bằng cơ điện thông thường. Vấn đề thứ hai thuộc về chiến thuật, sau chiến thắng lẫy lừng mùa xuân 1975, quân ta đã chủ quan ỷ vào vũ khí mạnh, ta tổ chức trận đánh theo kiểu hiện đại, dùng thiết xa, trực thăng có hỏa lực mạnh càn quét nhưng tụi địch thì chơi trò du kích, tung hỏa lực rồi biến, thoắt ẩn thoắt hiện trong rừng cây khộp to cao, không có cây núp xúp và giây leo, nền cát mịn chạy thoải mái như những con thú rừng, và chúng không tổ chức những ổ đề kháng lớn. Trong khi đó chiến thuật tác chiến của toàn quân chủng hợp thành thiếu đồng bộ, thiết giáp hợp đồng tác chiến với bộ binh không chuẩn, không giữ và làm chủ được trận địa, thậm chí ta chủ quan coi thường, đánh giá địch là đám giặc cỏ. Bài học (biết ta mà không biết địch) đó phải trả bằng máu bao chiến sĩ đồng bào. Tất nhiên sau những tổn thất trận đầu, đơn vị đã kịp thời rút kinh nghiệm xương máu để sau đó đơn vị tôi tiến quân như vũ bão về phía Tây giáp Thailand trong khuôn khổ chiến lược, chiến thuật tác chiến của mặt trận 479.( Mấy năm sau, khi công tác ở Siemreap, nghe tin trung đoàn 26 đang tác chiến ở Sisophon, tôi tới thăm và được anh Tính, anh Luân ở hậu cần và các anh bên ban tác chiến tâm sự nhiều vấn đề cuộc hành binh vừa qua của đơn vị).


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 23 Tháng Mười Hai, 2011, 01:54:37 pm
        V/ Bước ngoặt đầu và hành trình gian khổ
- Chiến sự đang hồi khốc liệt thì tôi nhận được lệnh về thành phố học quân y. Đời tôi bắt đầu một ngả rẽ mới. Mười chín tuổi xuân, bốn tuổi quân, hàm trung sỹ và trở thành học viên trường quân y thuộc cục quân y, tổng cục hậu cần. Có lẽ đây là duyên tiền định. Giữa rừng cao su Tây Ninh, vừa chuẩn bị ba lô vừa nghĩ lại cái mơ ước ngày nào khi còn là anh lính nuôi quân ở trạm xá Trung đoàn 26 thiết giáp nay đã được thỏa ước nguyện. Từ đây tôi bắt đầu có điều kiện nối nghiệp cha ông, và cũng từ đây tổ nghiệp đã phù hộ tôi đạt những thành quả ngoài mong đợi mà chắc nhiều đồng niên, đồng nghiệp, đồng hàm không được may mắn như tôi, nếu chỉ ngẫu nhiên coi là một nghiệp. Cũng vì từ khởi nghiệp đến thành công, tôi nguyện sống chết vì nghiệp y, giữ gìn y đức. Rồi sau này chọn một nửa của mình là Em vừa cùng nghành y vừa là đồng đội trên chiến trường máu lửa. Khi con gái lớn lên, tôi hướng cho con gái theo nghề là thể hiện sự toàn tâm toàn ý của tôi với nghề y vậy. Khóa tôi học là khóa thứ hai của trường quân y thành lập sau ngày giải phóng miền Nam. Y32 là nơi tôi bước vào nghề y với những kiến thức được các thầy truyền thụ đã trở thành hành trang trong bước đường phấn đấu tiếp theo của đời tôi, và cho đến nay(2010) tôi có thể nói “ Ngoài ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha. Tất cả những gì tôi có trên cuộc đời này đều là kết quả xuất phát từ cuộc đời sĩ quan quân y. Đó là thành quả của y nghiệp, tôi nguyện mãi tôn thờ”. Những năm ngồi trên ghế nhà trường là những năm cọ sát trong cuộc sống khá nhiều, trưởng thành nhiều, hiểu biết nhiều và cả cảm nhận sự ngây ngô ngớ ngẩn cũng nhiều, để lại những dấu ấn khá đậm trong cuộc đời chiến sỹ. Vấn đề đầu tiên là (Đói), cái đói ám ảnh tôi thủa âu thơ lặp lại, dù không tuyệt vọng bằng. Cả năm 1978 trường tôi không hề được một bát cơm đúng nghĩa. Bữa ăn sáng chiều là hai cục mì luộc không men, nếu chọi trúng đầu thì chó cũng chết, còn bữa trưa được ăn hai bát bo bo bung, thêm một bát canh (toàn quốc)  gồm nước + chút ít rau muống và nước mắm (đại dương) là nước muối, hành phi + bột ngọt.  Bởi vậy sáng hôm trước có mấy lớp phân viện hai học viện quân y không  ăn mỳ luộc mà đến sáng hôm sau BBC Radio đã đưa tin: sinh viên quân y tuyệt thực. Riêng tiểu đội một của tôi thông qua một đề xướng do trung sĩ Quyết tiểu đội trưởng (nay đang là sĩ quan tại ngũ) và sự chuẩn y của bộ tứ gồm Trung sỹ Ngát tiểu đội phó, tôi trung sỹ phân đoàn trưởng, hạ sỹ Lê Trương phân đoàn phó (nay là giám đốc bệnh viện quận 5) với nội dung: “tất cả nam y sinh của tiểu đội nếu chọn người yêu thì chỉ được chấm mấy cô ở kho hậu cần hoặc ở nhà bếp, với mục đích các em vì tình yêu mà viện trợ thêm thực phẩm cho tiểu đội cải thiện mỗi cuối tuần, ngoài các đối tượng trên cả tiểu đội sẽ tẩy chay bằng cách không cho tiếp người yêu trong doanh trại ngày nghỉ. Nhờ sáng kiến này mà tiểu đội tôi có thêm củ sắn tươi, khoai lang, ngô bắp, mắm kem, mì sợi và đôi khi có thêm gói bột nêm để nấu canh rau muống do chúng tôi tự trồng bồi dưỡng thêm chiều thứ bảy và đặc biệt thường xuyên được viện trợ một tảng bo bo cháy sém vàng rộm to cỡ nửa mét vuông từ em Trinh người yêu của tiểu đội trưởng. Tuy là những chuyên láu cá nhỏ nhoi nhưng là sự thật, đánh dấu một thời kỳ học hành vô tư trong hoàn cảnh cùng quẫn về lương thực của trường quân y nói riêng và của đất nước nói chung trong thời hậu chiến. Chuyện này nhắc lại để tôi và con cháu nhớ mãi một thời chiến tranh, một thời hòa bình, cái nhục mất nước, cái nhục nợ lần, cái ảnh hưởng tất nhiên của cuộc trường kỳ chiến đấu vì độc lập tự do và sự trớ trêu nhân thế bạn thù. Nhưng nếu không có truyền thống thắt lưng buộc bụng của dân tộc, nếu như không có sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam thì đất nước đi về đâu trong giai đoạn lịch sử này? Chương trình học tập của chúng tôi rất gấp gáp với mục tiêu đào tạo ra chủ nhiệm quân y trung đoàn và quân y tiểu đoàn, kỷ luật quân đội đã là thép mà kỷ luật trường quân đội lại càng khó thở hơn, do vậy chúng tôi thường bị cấm trại, tập trung thời gian tự tu tại trường trong các ngày nghỉ. Tuy nhiên cái mệnh danh (thứ ba  học trò) vẫn đúng với cả hoàn cảnh này vì chúng tôi hay trốn qua rào kẽm gai phía sau trường sát với tường bảo vệ của khám Chí Hòa ra ngoài đi chơi, thậm chí tụi nam y sinh lớp tôi còn gây hấn choảng nhau với vệ binh trường.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 23 Tháng Mười Hai, 2011, 02:08:54 pm
. Nghĩ lại thấy xấu hổ vì những trò trẻ con như thế. Tuy nhiên lớp Y 32 của tôi cũng luôn dẫn đầu các phong trào của trường như thành tích duyệt đội ngũ đẹp nhất, tôi luôn đứng ở vị trí sĩ quan chỉ huy đầu khối quân, kế sau là trung sĩ Cành vác quân kỳ,  hạ sĩ Châu và hạ sĩ Trương bồng súng bảo vệ hai bên cờ, tiếp theo tới khối quân của lớp Y 32 với thành phần nam y sinh cao to đều nhau được tuyển chọn, các bạn nữ và nam thấp bé nhẹ cân của lớp phải tập trung hai bên cánh gà khán đài cổ vũ. Thành tích văn nghệ, thể thao cũng luôn đầu đàn, trung sĩ Thành (nay là cán bộ giảng dạy tại Trung Tâm đào tạo và nghiên cứu y học quân sự. CQY) bị mệnh danh là Thành Chéc vì dáng người ngũ đoản như nhân vật Checnomo có bộ râu dài pháp thuật trong bộ phim (Rusilan & Lutmina) của Liên xô nhưng sức khỏe tuyệt vời, chạy nhanh như sóc và là cây làm bàn các trận bóng đá của trường và của khu vực cục quân y phía Nam. Còn tôi là một hạt nhân văn nghệ với giọng nam cao, tham gia văn nghệ lớp và cả trong đội văn nghệ trường đi hội diễn văn nghệ quần chúng khối tổng cục hậu cần phía Nam. Ngoài ra  thành tích tăng gia rau xanh luôn vượt chỉ tiêu. Qua những cái nhất ấy tất nhiên do sự cố gắng của tập thể lớp nhưng riêng thành tích duyệt đội ngũ luôn dẫn đầu thì tôi nghiệm ra là: Trong hơn một chục khối quân tham gia duyệt đội ngũ mỗi đầu tháng, lớp tôi gặp thuận lợi thứ nhất là đạt điểm cao ngay lần duyệt đầu và dĩ nhiên lần duyệt sau, khối quân lớp tôi sẽ được xếp đi đầu, gần khán đài nhất cho nên chỉ đi đều mấy chục bước, đến vạch sơn trắng khu khán đài, tôi hô to: bên phải...Chào, cả khối quân dập gót đi nghiêm, hàng dọc bên phải vẫn nhìn thẳng theo vạch sơn trắng để giữ chuẩn, năm hàng dọc còn lai quay mặt nghiêng qua phải chào lãnh đạo trên khán đài rất chuẩn mà đội ngũ không chệch choạc, không lỗi bước. Thuận lợi thứ hai là lớp Y 32 gồm toàn bộ là quân nhân trẻ khỏe và chiều cao cân nặng khá đồng đều, do vậy lớp tôi luôn dẫn đầu mấy năm suốt khóa học. Ngược lại những khối quân của các lớp khác, nhất là các khối chuyên tu toàn các anh già bị xếp ở vị trí càng xa khán đài càng dở, bước lỗi nhịp do đi đều quá xa, đến ngang khán đài thì chân đã mỏi, dập gót đi nghiêm rất hay lỡ bước. Thời gian thấm thoát trôi nhanh, toàn  bộ phần lý thuyết y học cơ sở kết thúc êm ả. Sang phần thực hành cũng xuông sẻ, chỉ có vài lấn cấn nhỏ khi thực hành môn giải phẫu. Suốt ngày chúng tôi ngồi mân mê với mô hình và đống xương  khô queo để xác định vị trí các điểm giải phẫu, nhận biết loại xương và tìm những điểm ngoại khoa tương ứng bên ngoài. Tiếp theo, chúng tôi thực tập tại phòng thí nghiệm về môn phẫu thuật thực hành với những bài thực tập cắt cụt chi, bộc lộ mạch máu cấp cứu hay cấp cứu vết thương ngực hở. Và cũng xảy ra chuyện dở khóc dở cười. Thường thì sau buổi thực tập của kíp nào thì kíp đó được ưu tiên mua lại con chó với giá rẻ từ ban cung ứng cơ sở vật chất của trường để về thịt, do vậy rút kinh nghiệm lần trước gây tê sâu rồi thực hành thì sau thời gian phẫu thuật và theo dõi hậu phẫu đạt kết quả mỹ mãn cho đến lúc thầy trợ giáo kiểm tra vật thí nghiệm vẫn còn sống theo đúng yêu cầu của bài và cho kết thúc buổi thực tập, lúc đó chúng tôi mới cắt các nguồn duy trì sinh tồn và đưa chó đi thịt. Nhưng thịt ra rồi chế biến thành món ăn, ăn vào có vị đắng chát mắc ói do thuốc tê nhiều quá, đành bỏ đi mà lại tiếc mười hai đồng. Lần này chúng tôi gây tê ít, trong quá trình thực tập, chó kêu la quá trời và chết ngay trên bàn mổ vì shok do đau. Thế là cả tiểu đội I trong kíp thực tập bị trừ điểm thực hành mà còn phải đền con chó cho ban cung ứng cơ sở vật chất trường trước cái lắc đầu và chép miệng ngao ngán đầy bí ẩn, rất cá tính của thầy An, thiếu tá bác sỹ chủ nhiệm môn phẫu thuật thực hành. Kết thúc môn bằng buổi sát hạch tại phòng mổ thực hành. May mắn như mong đợi, kíp mổ tiểu đội một của tôi  bắt trúng thăm (cắt cụt chi cấp cứu và rồi kết thúc bài thi với kết quả mỹ mãn vì chỉ cần gây tê vô cảm tốt thì thoải mái mổ ngang mổ dọc, lưu ý đảm bảo thời gian của đề thi. Lỡ bắt phải thăm chỉ định thắt mạch máu đùi cấp cứu hoặc cấp cứu vết thương ngực hở thì dễ bị năm ăn năm thua vì thời gian tính từ lúc giám thị tạo vết thương xong, nếu kíp mổ không khẩn trương hay vụng về một chút thì con chó chết ngay trên bàn mổ do mất máu cấp hoặc tràn khí màng phổi.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 23 Tháng Mười Hai, 2011, 03:11:18 pm
. Tiếp theo, chúng tôi đi thực tập lâm sàng ngoại khoa tại khoa ngoại quân y viện 115 cục quân y, do thiếu tá bác sĩ Tâm làm chủ nhiệm. Đây là thời gian được ghi vào tâm khảm tôi với không gian các phòng trệt khu B. thương binh nằm la liệt, những cơ thể thiếu hụt méo mó. Có anh tay chân treo tòn teng trên giá đỡ, có anh với nhiều vết thương, băng trắng cùng mình chỉ còn thấy đôi mắt, có vết thương phần mềm ở đùi to hơn bàn tay để hở nhìn xuyên bên này qua bên kia, gim móc sắt vào củ xương chày treo cao và liên tục nhỏ giọt dung dịch Gentian 24/24h. Mỗi chiều sau thời gian tiếp nhận thương binh, phân loại và xử lý thương tích, các chị y công lại cùng nhau khiêng từng rổ lớn phủ bên trên là những tấm xăng vải trắng đựng tứ chi và các cơ phận khác bị loại của thương binh, qua ngay khoảng đất trống cạnh khu C khoa ngoại chôn cất mà không để lại dấu tích trên mặt đất (nay khu đất đó trở thành nhà ở của cán bộ nhân viên viện 115). Đặc biệt toàn trại luôn có mùi khó tả của sự phân hủy protid mà suốt đời tôi nhớ mãi mặc dù các chị y tá y công rất tích cực vệ sinh lau dọn. Ngay đến bây giờ mấy chục năm trôi qua mà thỉnh thoảng trong chiêm bao tôi vẫn thoáng nhận đầy đủ dư cảm ấy. Thường mỗi chiều, xe cứu thương của quân y viện nhận thương binh từ chiến trường Kampuchea về từ sân bay Tân Sơn Nhất qua đường không quân vận. Tới bệnh viện, phải để các anh nằm ngoài hành lang hoặc ngay ngoài sân để phân loại thương tật vì thương binh về mỗi ngày số lượng nhiều nên phòng ốc điều trị cũng hết. Đau đớn kêu than, shok ngất liên tục, có những vết thương dòi chui ra nhung nhúc mập trắng tròn quay. Hai thương binh là hai chú cháu ruột từ hai phía mặt trận Đông Tây về viện cứ đòi nằm gần nhau, tuy cả hai không còn tay chân nào mà cứ hát (cuộc đời vẫn đẹp sao). Những ngày sau thân nhân hai thương binh tới thăm, lúc đó mới được biết ông sĩ quan cao cấp là ba và ông nội của họ, thật là những mất mát khôn cùng. Trở lại quá khứ: Tiền thân quân y viện 115 là quân y viện của quân lực VNCH mang tên thiếu tá quân y Dương Ngọc Minh bị tử nạn do rơi may bay khi thị sát chiến trường Tây Ninh. Ở vị trí sát đường nội bộ chính còn bức tượng bê tông của Ông nhìn ra sân thể thao của trường, sau đó bức tượng bị đập bỏ. Hiện nay sân thể thao là toàn bộ diện tích của Viện Tim thành phố, còn khu giảng dạy của phân viện 2 học viện quân y nay là Trung Tâm đào tạo và nghiên cứu y học quân sự


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 23 Tháng Mười Hai, 2011, 03:44:56 pm
. Là một quân y viện với qui mô chỉ xếp hạng dưới tổng y viện Cộng Hòa (Viện 175) nhưng chế độ cũ xây dựng chưa hoàn chỉnh các hạng mục công trình thì giải phóng miền Nam, do đó lúc chúng tôi thực tập thì quân y viện 115 chỉ có hai phòng trung phẫu cải tạo từ khu trệt của dãy nhà hành chính mà phải cáng đáng lượng thương binh từ chiến trường về quá lớn chủ yếu là thương tích do hỏa khí, nên phòng mổ luôn quá tải, các trường hợp tiểu phẫu được thực hiện tại phòng mổ nhỏ nằm trong nội vi khoa ngoại. Đến hơn một năm sau, khu đại, trung phẫu được hoàn thành với sáu phòng mổ hiện đại mới đáp ứng yêu giải quyết thương tích chiến trường. Một chiều, mặc dù đang là giờ nghỉ, lịch trực phân loại thương binh từ sân bay về trong ngày thuộc Y 12, nhưng lớp Y 32 chúng tôi được lệnh tập trung gấp tại phòng mổ này. Đại úy bác sỹ Toki bắt tụi thực tập chúng tôi phải dí mũi vào ngửi mùi vết thương đang hoại tử do hoại thư sinh hơi trong khi cắt đoạn chi cấp cứu nhằm cho y sinh phân biệt với vết thương hoại tử do những nguyên nhân khác. Trời ơi! Suốt đời sẽ không quên được mùi cóc chết. Quan sát tình trạng thương tích tại chỗ với đặc điểm miệng vết thương rỉ dịch nâu đỏ, không độ quánh, da tại chỗ đen xám nổi mụn rộp, nắn vào có cảm giác lạo xạo như bóng nước vỡ dưới tay. Đây là cách dạy trực quan có lẽ tác động tư duy tốt nhất cộng với sự kiên quyết của thầy nên chúng tôi không còn sự lựa chọn cách học tập khác, cùng với lời huấn thị của thầy là “Các anh các chị phải là lớp y sinh may mắn lắm mới được cảm nhận mùi hoại thư sinh hơi đặc hiệu” Mặc dù rất cứng rắn trong giảng dạy nhưng đại úy Toki cũng rất yếu mềm tình cảm khi chứng kiến ông khóc nức nở chia tay trường lớp, bắt buộc rời khỏi quân đội trong sự cố biên giới phía Bắc (1979) vì ông là người Hoa. Một gương mặt đáng nhớ là thầy trợ giáo, trung úy y sỹ già Mười Lem tay xả garo vết thương đứt mạch máu, miệng luôn tươi cười hát tếu làm cho mấy anh thương binh đang đau cũng phải cười theo, ông là một phẫu thuật viên ngoại chấn thương giỏi của quân y viện 115 thời bấy giờ mà mức độ nào đó tôi cảm thấy thần kinh ông không bình thường, hoặc đã chai thành thép qua những biểu hiện: Hoạt động trong quân đội từ nhỏ, được đào tạo và công tác tại một đội phẫu trong chiến khu D. Đất nước thống nhất, về thành phố với dáng người gầy đét, đen nhẻm, hay uống rượu, lúc vui thì vui quá mức, đôi lúc lại rất trầm ngâm, hơn bốn mươi tuổi mà không lập gia đình riêng, cuộc sống sinh hoạt của ông đơn giản đến mức không thể đơn giản hơn. Đặc biệt ông bắt tay vào các ca phẫu chấn thương: cắt cụt chi, loại bỏ phần mềm hoại tử, xử lý vết thương garo nhanh nhẹn gọn gàng như cái máy và tôi quan sát thấy khuôn mặt ông lúc đó không có biểu hiện cảm xúc gì khác thường, lâu lâu lại làm thơ châm biếm  đồng nghiệp ngoại khoa khác. Tiếp theo là học phần về ngoại bụng ngực, trong quá trình tiếp thu những kiến thức các thầy truyền thụ chúng tôi cũng có những thảo luận khá sâu sắc thú vị giữa lý thuyết và thực hành bệnh viện. Ví dụ: Sau bài giảng về khám phát hiện dấu hiệu ngoại khoa bụng ngực của giảng viên. Buổi chiều khi thầy tham gia hội chẩn tại khoa ngoại. Cả tốp chúng tôi bám theo ông xuống khoa ngoại theo dõi ông khám một ca bệnh có triệu chứng ngoại khoa ổ bụng. Lý thuyết thì dạy trước khi khám ổ bụng phải thoa hai bàn tay vào nhau cho ấm mới đặt lên bụng bệnh nhân để tránh bị lạnh sẽ phản ứng co cứng cơ đột ngột, nhẹ nhàng êm ái khi sờ nắn, phải thấu cảm ân cần, phải sử dụng cảm giác ô mô cái ô mô út ra sao và chú ý nghệ thuật sử dụng những ngón tay. Vậy nhưng khi theo dõi ông khám chỉ bằng mấy đầu ngón tay, ấn ấn xoa xoa khắp các điểm trên bụng bệnh nhân là xong trong im lặng chăm chú và những ánh mắt trao đổi ngầm của học viên chúng tôi, sau này lúc trao đổi hành lang, chúng tôi đùa : Thực hành như lý thuyết là cách học viên phải tuân thủ, còn kiểu khám lâm sàng thế nào là của từng thầy, cấm thắc mắc trao đổi. Tất nhiên tụi y sinh chúng tôi dại gì mà ý kiến nhưng một điều mà ai cũng nhận thấy các thầy bằng cấp chuyên môn cao khi giảng dạy chúng tôi, có thái độ rất lạnh lùng với học viên, không giao lưu ngoài bài giảng từ lúc  vào rồi  ra lớp chứ không tình cảm như những thầy tại trường và các bác sĩ ở các quân y viện.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 23 Tháng Mười Hai, 2011, 03:49:02 pm
. Và một kỷ niệm thời kỳ thực tập ngoại bụng ngực xảy ra. Buổi sáng tập trung hai tổ của tiểu đội 1 theo dõi khám hội chẩn bệnh nhân Nguyễn Văn Xứng 37 tuổi học viên Y 13 với triệu chứng đau bụng. Các kết quả cận lâm sàng nghèo nàn. Về lâm sàng : không sốt, cơn đau dữ dội hai giờ trước đó, có ói, bí tiểu, dấu hiệu Macburney+. Kết luận viêm ruột thừa cấp. Quyết định mổ. Sau khi rửa tay vô trùng, hai tổ học viên tiếp cận quanh bàn mổ khoanh tay theo dõi. Thượng úy bác sĩ Nguyễn Chơn phẫu thuật viên chính, trung úy y sĩ Hùng phụ mổ và kíp phục vụ của khoa ngoại tiến hành. Với mấy nhát rạch điểm Macburney trên cái bụng khá phì nhiêu, một tảng mỡ vàng nhạt bị loại, lúc ấy mới bộc lộ được khu hỗng hồi tràng nhưng…ruột thừa không có dấu hiệu viêm. Bác sỹ Chơn phó chủ nhiệm khoa ngoại quyết định cắt bỏ ruột thừa vì nỡ mở ổ bụng rồi. Sau đó vì hết thời gian thực tập ngọai khoa nên thời gian hậu hậu phẫu chúng tôi không được tiếp tục theo dọi bệnh nhân cũng là đồng môn và việc giải quyết hậu quả của ca mổ nhầm chắc chắn cũng nhẹ nhàng trong tầm của các thầy ở khoa ngoại. Những gì đến với chúng tôi thời gian qua trở thành kỷ niệm khó quên kể cả khía cạnh nhân bản trong hoàn cảnh chiến tranh. Sau này gặp lại bác sĩ Xứng, anh cho biết: nửa năm sau lại xuất hiện cơn đau và chẩn đoán lần này là sỏi bàng quang, ứ nước thận phải, không loại trừ lần đau trước và bị mổ là do một (xá lị) nằm ở eo gấp niệu quản vắt qua bờ ngoài xương chậu trùng điểm Macburney mà không phát hiện ra do gặp toàn (bác sỹ giỏi) hơn nữa thời ấy lấy đâu ra kỹ thuật siêu âm. Tiếp theo là thời gian đi thực tập lâm sàng tại bệnh viên về nội tổng quát. Với mấy tháng khá vất vả vì phải rồng rắn cuốc bộ từ trường theo đường Nguyễn Tri Phương nối dài nay là đường Thành thái), qua mấy ngã tư ngã năm ra đường Nguyễn Trãi tới quân y viện 7A ngày bốn lần. Ngày nắng ngày mưa rất cực dưới sự hướng dẫn của thượng úy bác sỹ Thu Hồng, chủ nhiệm khoa nội nhiễm (chị Hồng là con gái thiếu tướng Đồng Văn Cống, dù là lá ngọc cành vàng nhưng rất tâm lý và tận tình với học viên) và một lần nữa chúng tôi phải ngửi mùi phân lỵ trực trùng, là căn bệnh khá sẵn ở khoa này. Thế rồi thời gian thực tập bệnh viện qua nhanh trong sự hối hả của thời cuộc.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: tranphu341 trong 23 Tháng Mười Hai, 2011, 04:08:23 pm
           Chào bác vetran! Như vậy bạn là bác sy Quân y. Chúc mừng bạn, Quân đội đã cho bạn được nghề cao quý nhất là nghề Thầy thuốc. Nghe bạn kể về học cũng "Sởn da gà" lắm. TP lễ ra cũng đã được học tại QY VIỆN 115 đó. Nhưng số phận lại bắt TP cầm súng tham gia chiến đấu ở BGTN.

           CHÚC BẠN LUÔN VUI KHỎE ĐỂ KỂ TIẾP CHUYỆN CỦA CUỘC ĐỜI MÌNH!


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 23 Tháng Mười Hai, 2011, 04:15:07 pm
Anh Thơ viết tiếp: Cuộc sống gần hai chục nữ chiến sỹ của trung đoàn vận tải 685 êm đềm trôi trong sự bình yên phố thị, chúng tôi được đồng đội nam từ thủ trưởng trung đoàn, các phòng ban tới chiến sỹ lái xe chăm sóc động viên rất nhiều nhất là ba nữ quân y chúng tôi, vì vậy việc thực hiện nhiệm vụ cũng nhẹ nhàng thoải mái và phấn khởi.  Tuy nhiên khi xuất hiện một vài Duble thì cũng đồng thời xuất hiện sự phân hóa mối đoàn kết rất vững bền trước đó trong cái thế giới nữ chiến sĩ chúng tôi. Nhưng có lẽ cũng chỉ là chuyện của "hai người đàn bà và con vịt" cho nên chúng tôi vẫn rất tích cực hoàn thành nhiệm vụ, vẫn tích cực mỗi chiều quảy bình hoa sen ra triền Tonlesap tưới rau và tán chuyện inh trời, mà cũng đồng thời cứ ra khỏi cổng gác lại cảm thấy không khí dễ thở hơn, mặc dù trong đơn vị cũng rất thoải mái. Lâu lâu thủ trưởng cho một vài đứa về Việt Nam và cũng không quên bắt chước các anh vận chuyển một số gói bưu phẩm về chợ Tân Bình, nhưng thường đồ đạc tư trang của chiến sĩ nữ được các anh cửa khẩu đặc cách miễn kiểm tra khi nhập cảnh, nên khi qua trót lọt rồi lại thấy tiếc, phải chi mua thêm ít hàng nữa bỏ dưới cái túi đựng phụ tùng thì thắng rồi. Xin chào tất cả các anh chị CCB...Bữa sau viết tiếp


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 23 Tháng Mười Hai, 2011, 06:08:56 pm
Cám ơn bác Tranphu314 - đồng nghiệp hụt! Đúng như vậy: Ngoài ơn sinh thành của cha mẹ, còn lại cho đến hôm nay tất cả những gì tôi có ở trên cuộc đời này (kể cả vợ con, kể cả mọi vật chất, tinh thần và tri thức để tri hành đến thành công trong cuộc sống hiện tại) đều xuất phát từ môi trường quân đội, dưới nhiều mái trường quân đội trong đó ngành y đối với tôi, với vợ con tôi đã trở thành (duyên nghiệp). Thời gian quân ngũ đã trở thành huyết nhục trong tôi. Chân dung người chiến sĩ quân đội mãi mãi trong trái tim tôi.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 23 Tháng Mười Hai, 2011, 06:56:09 pm
. Thế rồi thời gian thực tập bệnh viện qua nhanh trong sự hối hả thời cuộc. Tiếp theo chương trình thực tập đông y, lớp y 32 được sống trong không khí se lạnh và sương mù dày đặc cả ngày tại khu vực sân bay Camly thành phố Đà Lạt khoảng hơn một tháng với chương trình trồng cây bạc hà lấy tinh dầu và thu hái dược liệu vùng ôn đới. Đà lạt với cái lạnh hanh hao, khắp nơi chỗ nào cũng có hoa, đặc biệt loài hoa chỉ có ở Đà Lạt, Mimosa tím. Phụ nữ Đà Lạt có nước da đẹp lạ nhưng đàn ông thì ngược lại, da xám như chì lầm lũi cần mẫn với một nếp sống khá khép kín của các dân tộc thiểu số cao nguyên. Ở Đà Lạt tôi ghi nhận một điều khi thấy người bản xứ cao nguyên tiếp xúc nói chuyện rất bình thường với du khách Malaisia và Indonesia, tôi nghĩ họ cùng chủng tộc và trong quá khứ bằng cách nào đó tổ tiên họ di cư đến cao nguyên này, có lẽ trước hơn nhiều thời điểm Dr.Yesin khám phá ra Đà Lạt. Trong thời gian thực tập, ngày chủ nhật chúng tôi cũng chỉ lang thang trên mấy quả đồi sâu trong vùng sân bay Camly mà mỗi quả đồi đều có một căn biệt thự hoang với những bức tường dày như lô cốt và căn nào cũng có lò sưởi than được xây từ thời Pháp, theo quan sát của tôi, sự hoang phế này chắc đã nhiều chục năm vì gạch ngói đã mềm mủn và xà gỗ ải mục, mái ngói sập gần hết, các tảng đá xếp bậc từ dưới chân đồi lên cũng rạn nứt phôi phai, cây to mọc chắn hẳn lối lên. Cả thời gian thực tập có hai lần ra thăm phố phường thắng cảnh ở khu vực thủy tạ hồ Xuân Hương vì vừa không được phép mà cũng không có tiền. Thời gian tiếp theo chúng tôi về khu vực thành Tuy Hạ Nhơn Trạch thực tập thu hái dược liệu vùng nhiệt đới và nấu cao lỏng Lạc tiên (chùm bao). Thành Tuy Hạ – một kho vũ khí, vùng thu hái dược liệu ngay trong khu vực kho, rất nhiều loại vũ khí cá nhân nhưng tôi không dại như ở Long Bình nữa cho nên không thèm bén mảng.
-  Có lẽ dưới con mắt của các nhà hoạch định chiến lược toàn cầu về trật tự thế giới nhận thấy đất nước ta  luôn là khu vực Địa – Chính trị nhạy cảm, cho nên một lần nữa ‘họa vô đơn chí’. Tổ quốc lâm nguy. Chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, đối trọng bạn thù lệch hẳn rất bất lợi cho ta vì tâm địa bành trướng từ ngàn năm lại trỗi dậy khi chúng nhận thấy chiến lược dùng bọn Khơ Me đỏ đánh phá ta đang bị phá sản. Các đơn vị chiến đấu chủ lực dàn quân ra Bắc, chúng tôi cũng không có sự lựa chọn, thời gian thực tập lâm sàng rút ngắn. Tiếp theo chúng tôi đi thực tế về (chiến thuật quân y cấp tiểu đoàn) trong học phần Y học quân sự ở các đơn vị chiến đấu tại mặt trận 479.
-  Theo tuyến giao liên của cục vận tải tổng cục hậu cần. Chúng tôi tới thủ đô Phnompenh – Kampuchea sau một ngày hành quân qua cửa khẩu Mộc Bài-Tây Ninh. Các bạn nữ được thực tập ở quân y viện V binh đoàn Cửu Long tại thủ đô. Nam học viên thực tập ở Sư đoàn 7 binh đoàn Cửu Long trong khuôn khổ tác chiến của mặt trận 479 tại tỉnh Komponspeu. Xuất phát từ thủ đô Phnompenh hành quân đi cố đô Udong. Ba tháng đầu tiểu đội một của tôi thực tập tại trạm xá sư đoàn, nói chung việc thu dung điều trị thương bệnh binh từ chiến tuyến đưa về là công việc thường qui. Tôi chỉ ghi nhận một vấn đề là tỷ lệ sát thương đối với bộ đội ta chủ yếu do mìn, còn thương tích do đạn bắn thẳng rất ít vì tụi địch bị quân ta lùa vào hang hốc trong núi nên chỉ đánh lén và cài mìn là chính, ít có những trận gây thương vong lớn. Bệnh binh chủ yếu do sốt rét với các thể ác tính như: thể tiểu huyết cầu tố, thể não và đặc biệt gan lách rất to. Thường các y sinh thực tập được xắp xếp sống trong mấy lán trại làm bằng lá thốt lốt bên bờ một cái hồ, mùa khô đang cạn nước, bên kia hồ là khu điều trị và nơi ở của cán bộ và nhân viên trạm xá sư đoàn trong các căn nhà xây nhưng không còn cánh cửa nào, sát trục lộ đi Komponchnan. Do vậy ngủ ở những căn nhà ấy rất ngán, chưa biết chùng mấy bạn Pốt hỏi thăm lúc nào nên ai cũng cảnh giác


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: hyvong trong 23 Tháng Mười Hai, 2011, 07:11:34 pm
Chào bác về trận ,bây giờ em mới biết cách mở cho chử lớn ra để dể xem , vậy bác là đàn anh lính F7 ,cùng là lính QD4 ,mùa giáng sinh đả về ,và năm củ sắp đi qua ,chúng ta lại thêm một tuổi ,em xin chúc bác mùa giáng sinh vui vẻ hạnh phúc ,và năm mới đầy niềm vui và dồi dào sức khỏe ,


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 23 Tháng Mười Hai, 2011, 07:12:19 pm
. Suốt thời gian thực tập ở trạm xá sư đoàn, tôi ghi nhận mấy sự kiện để nhớ. Hôm đó, tôi trực cấp cứu với thiếu tá bác sỹ Xuân Đán trạm xá trưởng. Khoảng bốn giờ chiều thì nghe tiếng nổ rất lớn phía đại đội xe..Bình thường thôi, chiến trường mà. Nhưng không, ngay lập tức bốn cái băng ca khiêng đến bốn thân hình không nguyên vẹn, mặc dù đã huy động cả trạm xá sư đoàn tham gia cấp cứu khẩn cấp nhưng không ai qua khỏi, thượng úy đại đội trưởng là người la hét kích động nhất nhưng kết thúc ra đi nhanh nhất chừng hai mươi phút. Một trái mìn xóa sổ ban chỉ huy đại đội xe trong đó có liên lạc viên bằng tuổi tôi. Chiến tranh là vậy, tổn thất đồng đội ai cũng xót đau, thượng úy Vinh chính trị viên trạm xá khóc rưn rứt. Ban chính sách và cả trạm xá sư đoàn lặng lẽ khâm niệm các anh bằng những cái túi tử sỹ rất sẵn có ở chiến trường. Đêm đó đối với tôi thực sự là đêm căng thẳng vì trong kíp trực nên phải ngủ bên cạnh trông coi bốn thi hài đồng đội nằm trong bốn quan tài nhôm chờ ngày mai đưa các anh ra phi trường Pochenton bay về tổ quốc. Mà nói phòng cấp cứu cho oai chứ đó là cái kho cũ cải tạo tạm, chỉ che chắn bằng mấy tấm paraban vải trắng ngăn cách khu để thi hài và giường nằm trực của y sinh, mà ngày đó tôi cực kỳ sợ ma. Từ vụ này và những trường hợp thương tích khác của cả ta và địch, tôi ghi nhận một điều thuộc về dấu hiệu lâm sàng: Nạn nhân càng la hét kích động nhiều thì càng kết thúc sự sống nhanh, ngược lại nạn nhân thoi thóp im lìm do vô cảm thì lại có cơ may thoát chết vì có một nghịch lý khi xử lý thương tích nhiều người một lúc thì nhà chuyên môn thường ưu tiên những người thoi thóp sợ họ sắp đi sớm còn người la hét kích động nhiều thì cho là còn khỏe nên dễ bị một kết thúc xấu nhanh hơn. Còn chuyện nữa, anh Tuấn (quê Hải Hưng) y tá lâu năm ở tổ phẫu cơ động của trạm xá. Tối nào cũng thấy anh tự tiêm vào đùi mình, sau này mới biết anh bị khủng hoảng tinh thần và trầm cảm quá mức nên mỗi tối phải tiêm Morphin cho qua cơn vật vã hoang mang, mà lúc này anh đã nghiện nặng bởi các cơ số chống sốc cơ động đều bị mất thuốc này. Còn trường hợp chưng nước cất bằng dụng cụ cũ kĩ để pha bột glucoza tiêm truyền hoặc lấy trái dừa không già không non vạt vỏ ngoài, sát khuẩn rồi cắm kim truyền tĩnh mạch cho bệnh binh sốt rét. Những chuyện này các thầy cô trong trường không dạy và cũng không tìm thấy ở y văn nào nói tới. Trong thời gian thực tập cũng có những đồng chí bệnh binh không qua khỏi những trận sốt rét tiểu huyết cầu tố hoặc sốt rét thể não, nhìn cảnh đồng đội ra đi trong vật vã cuồng loạn rất đau lòng mà sau này khi về sống trong yên bình, tôi có suy nghĩ “Những cái chết của đồng đội, ngoài sát thương do hỏa khí thì yếu tố dịch tễ khốc liệt của rừng thiêng nước độc cũng cực kì  tai hại, nhưng cũng không loại trừ yếu tố thiếu thốn thuốc men và cả khả năng chuyên môn lúc đó quá thiếu và yếu so với yêu cầu chiến trường”. Một chi tiết nữa cũng làm tôi suy nghĩ một thời gian dài. Hôm đó phiên trực của Quí và Khánh, trời chập choạng tối, ngồi dưới lán không đèn đóm cũng buồn, cả tiểu đội tập trung lên khu cấp cứu ngồi tán chuyện chơi. Lúc sau có một tàn quân Khơme đỏ bị thương do bộ đội bạn đưa vào cấp cứu. Ngồi xa năm mét nhưng nghe tiếng rít ở vết thương theo nhịp thở là tôi biết chắc bị vết thương ngực hở, mà nguyên tắc cấp cứu vết thương này phải cực kỳ nhanh chóng nếu chậm trễ nạn nhân chết rất nhanh khi các thùy phổi sẽ teo lại vì khí chèn ép từ khoang ảo màng phổi. Nhưng từ bác sĩ trực chính đến kíp trực thờ ơ, không hề có động thái nào, một lúc sau cái gì tới đã tới. Đành rằng trước hòn tên mũi đạn của hai phe đối địch ai phản xạ nhanh thì sống nhưng những trường hợp như thế này...? Sau này về Việt Nam có những lúc ôn lại sự cố vừa qua lại gây thành tranh luận căng thẳng tới mức có đồng môn nâng vấn đề nên thành quan điểm chính trị, nhưng sự hối hả cho thi cử cũng không còn thời gian cho những ưu tư. Rồi thời gian thực tập ở Udong cũng trôi qua trong điều kiện đặc biệt thiếu nước đến trầm trọng, mặc dù đóng quân ngay cạnh một cái hồ lớn nhưng quan sát số nước còn lại dưới đáy hồ có cảm giác đặc quánh một màu xanh rêu nên không anh nào đủ can đảm tắm giặt. Ba bốn ngày mới canh me ngoài cái giếng duy nhất của Phum múc được xô nước tắm qua loa cho đỡ ngứa, quần áo thì ít nghĩ tới giặt cho nên toàn thân anh nào cũng có mùi đặc biệt.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 24 Tháng Mười Hai, 2011, 06:29:54 am
. Ba tháng tiếp theo xuống tiểu đoàn thực tập chiến thuật quân y đã làm tôi khủng hoảng tinh thần. Tôi và hai bạn cùng tiểu đội đeo ba lô vác súng theo chân một giao liên sư đoàn 7 rời khỏi thị trấn lúc mờ sáng đi về hướng Bắc. Xuyên qua mấy chục km đường rừng đến tiểu đoàn 3. E 141. F7, gần dãy núi Uran, dọc đường đi lúc nào cũng có cảm giác rờn rợn, tiếng cú rúc tiếng chèo bẻo kêu làm lạnh xương sống nhưng kinh hãi nhất khi gặp cơ man nào là những bộ xương trắng hếu trên cát trắng chả ai quan tâm dọn dẹp. Đến chiều hôm đó tới đơn vị thực tập là một đơn vị chiến đấu đóng quân ở một khu trảng khá lớn, ngoài số doanh trại tạm bợ còn có một số nhà hoang để làm cơ quan tiểu đoàn bộ. Chương trình thực tập cũng không có gì phức tạp, công việc thường qui là xử lý thương tích nhưng rất ít mà chủ yếu là sốt rét, cán bộ chiến sỹ sốt rét đến vàng da, bạc mặt, môi thâm tím, cặp mắt trắng dã không có hồn, thân hình tàn tạ của những cơ thể đáng lẽ rất cường tráng của tuổi trên dưới hai mươi, nay với những bước chân xiêu vẹo hết sinh khí. Tổ thực tập chúng tôi rất vất vả với những ca sốt rét thể não, khi lên cơn thì đến bốn chiến sĩ đè lên bệnh nhân cũng không lại cái sự run rẩy vật vã la hét chửi bới kháng cự khi tôi tiêm Quinin vào cái mông teo cơ nép kẹp, ngược lại cái gan và lá lách sưng phù, có cảm giác đụng mạnh là vỡ ngay, trông thật ái ngại. Ký sinh trùng sốt rét khu vực này chủ yếu C. Fancifarum và C. Malaria cho nên hay xảy ra những ca sốt rét thể não và tiểu huyết cầu tố. Thuốc men có hạn, tôi chỉ điều trị cắt cơn rồi chuyển quân y tuyến sau bằng cáng võng, đi bộ mấy chục km đường rừng. Chiến sỹ đơn vị thì hầu như ai cũng phải nuôi kí sinh trùng sốt rét trong máu như vậy nhưng riêng với tôi, sao trời đoái thương đó là cả cuộc đời chiến sĩ dù đã ở rừng rú rất nhiều kể cả trong vùng sốt rét nặng nhưng chưa bao giờ tôi bị sốt rét và cũng không bao giờ uống thuốc ngừa sốt rét, không lẽ tôi được muỗi sốt rét ưu tiên. Việc tiếp theo là căn cứ những kiến thức đã được truyền thụ ở trường, so sánh, khảo sát thực tế việc bố trí lực lượng thực hành chiến thuật quân y cấp tiểu đoàn: Với sơ đồ trận địa, tình hình địch, mục tiêu tiến công, bố trí hỏa lực, số và chất lượng hệ thống giao thông. Chỉ huy quân y cấp tiểu đoàn chúng tôi phải là một cán bộ tác chiến nhạy bén, biết địch biết ta. Từ đó đề ra tình huống giả định, xây dựng kịch bản, tổ chức chỉ huy toàn bộ quá trình hoạt động của quân y các đại đội, tổ cứu thương, tổ phẫu cơ động của tiểu đoàn sao cho tiếp cận thương binh và cấp cứu kịp thời nhất, chuyển thương nhanh chóng an toàn nhất, giảm thiểu tình huống tái chấn thương và tránh các khả năng xấu nhất đến với thương binh. Nhưng tôi nhận thấy lý thuyết vẫn chỉ là lý thuyết khi vào trận mới thấy muôn vàn bất trắc xảy ra mặc dù kịch bản khá nhuyễn vì còn phải căn cứ địa hình địa vật, tính chất cuộc hành binh, tiến kích hay thế thủ, tương quan lực lượng, số và chất lượng quân y, cơ số cấp cứu và hàng chục tình huống bất ngờ xay ra trong trận đánh v.v. Tất cả những thu thập từ đợt thực tập chúng tôi sẽ có dịp rút kinh nghiệm so sánh với lý thuyết để áp dụng trong thực tiễn sau này khi về các đơn vị công tác. Sống với lính chiến cũng có cái thi vị của nó. Vẫn vui vẫn ca hát, đặt vè hoặc bịa chuyện bêu xấu Tỉnh, Huyện của nhau về các tập tục xấu như: Cầu tõm, chín củ thành mười (tỉnh Hà Nam). Dân đào rau má phá đường tàu (tỉnh Thanh Hóa). Ở nhà đói quá, con xin xung phong đi bộ đội mạ ơi! (Nghệ An, Hà tĩnh).Rồi kể ra những thói quen, tập tục lạ của từng địa phương như:
         Đất Thanh Hóa, khu bốn đổ ra, khu ba đổ vào
          Bán cho Lào, Lào không nhận
          Cả tỉnh tức giận về lập quốc gia riêng       
       Quốc kì hình cành rau má, quốc ca là bài dô tá           
      dô tà...                                                                                                               
 hay về chuyện đào ngũ:
Hà chuồn, Nam lủi, Thái Bình bay
Hải Hưng anh dũng trốn ban ngày
Thanh Hóa mất mùa xin ở lại
Nghệ An thấy vậy cũng giơ tay

 chính những chuyện không đâu này mà đôi khi xảy ra khẩu chiến nhưng một chút thôi mọi người lại vui vẻ. Rồi bận rộn hành quân đánh các chốt địch trên núi.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 24 Tháng Mười Hai, 2011, 06:42:16 am
. Có những lần trinh sát tiểu đoàn bám theo một đoàn phụ nữ Kampuchea dân tộc thiểu số Phnong gùi hàng từ các Phum Sóc đi vào thung lũng trong dãy Uran có doanh trại tàn quân của Tamoc. Tiểu đoàn tổ chức đánh vào nhưng không hề tiêu diệt được tên nào vì chúng chạy vào hang trong núi rất nhanh, chỉ tịch thu được muối, gạo và rất nhiều phụ tùng phụ nữ mới nguyên đai kiện có lẽ nhập từ bên kia núi ở vùng mỏ vàng Pailin giáp Thailand mà đoàn phụ nữ sẽ vận chuyển vào nội địa bán lấy lãi mua lương thực nuôi tàn quân. Ngược lại cũng có đêm địch mò sát vào doanh trại của tiểu đoàn nhưng do canh gác tốt và phát hiện kịp thời rồi bắn nhau ì đùng nhưng không có thương vong nào. Trận này có một tiểu đội trưởng bị bắn một trái M79 vào bụng, bị bật ngửa ra sau an toàn, còn trái đạn rơi ngay xuống chân bình yên vì tầm bắn quá gần, sau đó trở thành câu chuyện tếu của đơn vị “tại gặp rốn có mùi nên trái M79 cũng câm luôn”. Mỗi lần đi truy kích tàn quân, trung sỹ Hiếu lại đưa cho chính trị viên tiểu đoàn một dây chuyền vàng và dặn: Nếu em trở về cho em xin lại. Chuyện trước khi đi chiến đấu nói vậy ai cũng ái ngại nhưng cứ gửi, cứ đi đánh rồi nhận lại nhiều lần như vậy cũng tạo ra một chuyện tếu: tại tụi tàn quân nhìn Hiếu không đeo giây chuyền nên không thèm đánh lại. Trong lần phục kích lính ta bắt được một tên đưa về trói ở cột gôn ngoài bãi bóng đá của tiểu đoàn, không tra tấn đánh đập mà cứ để đó phơi nắng cho chết. Một sáng chủ nhật mấy chiến sỹ rủ vào rẫy hoang lấy xoài và mía gần núi, trong khu vực này lâu nay không có người ở và thu hoạch. Gặp đám tàn quân khơ me trong núi cũng đang bứt xoài. Đoàng... đoàng. chạy... hai bên vừa chạy ngược vừa bắn xối xả trở lại, rút cục không được trái xoài nào mà hú hồn, từ đó xin kiếu, tôi thì sợ muốn vãi ra mà bộ đội cứ cười như vừa chơi trò ú tim ( bộ đội ở đơn vị đều trạc tuổi) . Qua một tháng ở tiểu đoàn bộ, hôm ấy đến phiên đổi xuống đại đội hai. Ở chung với Khánh (dân Hà Nội) hai mươi tuổi, là chiến sĩ thông tin đại đội. Đêm đó Khánh nói: anh cứ ngủ để em gác cả phiên của anh, ở đây em thức thâu đêm quen rồi! Trong lòng mừng thầm để rồi mờ sáng hôm sau sau hồi kẻng báo thực tập thể dục, thức dậy thò chân xuống sàn tìm dày thì cứ thấy cái gì tròn tròn lủng củng, vội nhìn xuống ..trời ơi! bốn năm cái sọ người trắng hếu lăn lóc dưới chân, đang hết hồn thì Khánh đứng dưới chân  cầu thang  nhà sàn cười khanh khách và nói : Tối qua gác thay anh thấy thời gian dài quá nên nhặt một số sọ dừa dọa bác sỹ chơi! Tôi hỏi Khánh lấy ở đâu mà nhiều thế? Khánh nói, ôi! chờ rờn,(tiếng k là thiếu gì) sáng nay ra suối chơi sẽ thấy. Thực tình cũng ái ngại, nhưng tính tò mò và trò trẻ con lại trỗi dậy. Dọc con suối cạn cát trắng (có lẽ chỉ mùa mưa mới có nước) hằng hà các bộ xương lớn nhỏ trắng và sạch sẽ với đặc điểm là không có cái sọ nào còn nguyên vẹn ,chủ yếu bị đập từ phía sau. Sau này tìm hiểu qua cán bộ chính trị tiểu đoàn tôi được biết “Trước đây nơi này là một phum người Kampuchea thiểu số Samry bị bọn lính của Tamoc, thủ lĩnh khơ me đỏ ở núi Uran tàn sát. Vì khu dân cư heo hút này xa các trục giao thông, thị tứ nên chính quyền mới cũng chưa thu dọn xử lý số xương cốt này, nhất là đang trong vùng chiến sự và hàng chục lý do khác’’ Thời gian sau, khi đã khá thân mật, vào một buổi tối Khánh lấy hai suất cơm về hai anh em ăn, Khánh bê một bình rượu khoảng hơn một lít màu vàng chanh mời tôi một ly, hỏi rượu gì, Khánh nói rượu mật người. Cho là Khánh muốn chọc như trò nhặt sọ hôm trước, nên tôi uống, trong bữa cơm sẵn chuyện cho vui tôi hỏi: mày nói rượu mật người mày lấy đâu ra, lấy cách nào? lúc này Khánh đã ngà ngà say và nói: anh là bác sỹ mà anh dở quá..( Khúc này tôi xin không thuật lại). Tôi rùng mình tin là Khánh nói thật, đêm đó móc họng nôn mửa mệt nhoài và chắc Khánh nghĩ tôi say, nhưng thời gian sau đó không cho Khánh lấy cơm về mà cả hai xuống nhà ăn của đơn vị ăn chung, với mục đích để Khánh không có cơ hội mời rượu.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: hatuyenha trong 24 Tháng Mười Hai, 2011, 07:27:47 am
 Truyện kể của bạn thật hay, hồi ức về với bạn sao ào ạt vậy ? Với mình thì không đọc được một lúc mà phải đọc từ từ , mình thích nếu được bạn phân đoạn ra dễ xem hơn. Rất cám ơn bạn , mong đọc được nhiều hơn , chúc bạn khỏe may mắn , chúc giáng sinh vui vẻ.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 24 Tháng Mười Hai, 2011, 10:11:55 am
Cám ơn bác Hatuyenha! Tôi sẽ ngắt nhiều đoạn cho dễ theo dõi, đề nghị bác bấm giữ phím Ctrl góc dưới cùng bên trái, lăn bánh xe trên chuột nhẹ một đến 2 lần để phóng to dễ đọc lắm. Xin chào và tiếp thu mọi kiến của các bác. Chúc bác và gia đình an khang hạnh phúc trong năm mới.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 24 Tháng Mười Hai, 2011, 11:29:08 am
. Cũng may một tuần sau  tới phiên đổi ca thực tập sang đại đội khác. Chứng kiến tất cả những gì xảy ra thời gian qua đã vượt quá sức tưởng tượng của một anh lính công tử như tôi cả về tư tưởng, tâm lý, tính nhân bản và lý thuyết chính trị đã học ở trường. Nhưng sau này già dặn hơn, bản lĩnh hơn tôi mới ngộ ra lần thứ hai “Chiến trường không phải trò đùa, mà nó còn tàn khốc đến cùng cực cho tất cả các phía” kể cả vấn đề nhân tính. Chuyện ăn uống hàng ngày cũng cực khổ, lương thực, thực phẩm ở Việt nam qua sư đoàn, trung đoàn rồi tới nơi là cả một hành trình gian nan qua các khâu vận tải, bảo quản và phân phối của hậu cần quân đoàn 4. Mà chủ yếu cũng là đồ khô như: cá khô, mắm kem, hoặc chà bông cá.v.v nhu yếu phẩm cũng thiếu thốn tương tự, xà phòng 72% của Liên Xô, hôi một chút nhưng giặt quần áo rất sạch nhưng cái gói bột nhuyễn để đánh răng do ta sản xuất thì có chuyện. Không biết thời gian đó có anh lính nào rụng cả hàm răng vì bột đánh răng không? Còn rau xanh, bộ đội mỗi đơn vị tăng gia tự túc, có bữa anh nuôi hái rau muống hoang ngoài rẫy về luộc ăn, hậu quả gần cả tiểu đoàn bộ tiêu chảy. Thời gian đã cuối mùa khô, một tuần mới tắm một lần vì không có nước, lúc nào trong mình cũng ngứa ngáy bứt rứt, nhất là vào buổi trưa nắng, mụt ngứa nổi lên thành dề, may mình là quân y nên không phải làm gì nặng nhọc ra mồ hôi thì chắc điên vì ngứa. Cả tiểu đoàn bộ chỉ có một cái giếng đào mà nước ri rỉ cả ngày chỉ đủ để nhà bếp nấu cơm, muốn tắm giặt phải xách quần áo và đừng quên khẩu AK47 ra suối cách cả cây số với dòng chảy chừng hơn nửa mét, phải rất nhẹ nhàng không thì bị vẩn đục, ngồi chờ và dùng ca nhôm múc từng ca nước đổ vào xô, đủ xô rồi xách sâu vào chỗ đất cứng tắm giặt, vừa tắm giặt vừa cảnh giác kẻo mấy ông bạn trên núi bò tới là nguy. Vì vậy hơn một tuần tôi mới giặt quần áo, màn thì hai tháng, cũng vì nhà dột thấm nước mưa hôi quá mới giặt, sau sáu tháng thực tập về Việt Nam, nhìn cái chăn đơn thấy màu và mùi nó kỳ quá, bỏ luôn. Sớm mai chỉ có một ca nước vừa đánh răng vừa rửa mặt (nếu dùng quá hết phần người khác) vì vậy sau khi lau mặt buổi sáng, nắm vắt cái khăn rửa mặt nó dẻo quẹo như có hồ, không thèm bung ra. Ba tháng thực tập chiến thuật quân y cấp tiểu đoàn, tưởng như dài hàng thế kỷ trong sự bất an sợ hãi cũng trôi qua. Tôi phấp phỏng chờ ngày trở về sư đoàn, thế mà ngày ấy lại là một phen muốn đứt tim.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 24 Tháng Mười Hai, 2011, 11:33:10 am
. Do thống nhất  giờ xuất phát không cụ thể  từ ba địa điểm ở ba đại đội khác nhau mà Khánh và Hòa là hai đồng môn bỏ về sư đoàn trước, mang theo khẩu súng tiểu liên AK 47 duy nhất của tổ ba người lúc từ sư đoàn đi. Tôi cảm thấy vô lý đến tột cùng. Anh quân y sĩ tiểu đoàn nói ở lại ít ngày nữa có ai đi công tác trên sư đoàn thì anh gửi  theo. Dù rất hoang mang tuyệt vọng nhưng tôi cũng không còn tâm trí ở  lại đây một ngày nào nữa. Đánh liều tôi bẻ một khúc cây và tạt qua chỗ Khánh xin một trái lựu đạn chày của Trung Quốc sau đó đeo ba lô lên đường. Trên suốt hành trình chỉ cầu mong có một cán bộ, chiến sỹ nào của đơn vị chiến đấu đi công tác cùng chiều thì tốt biết mấy, lúc này mùa mưa đã đến, sông suối xuất hiện nhiều, con đường cũ mất tiêu, có đôi lúc  mất phương hướng. Đang đi tự nhiên lại có con suối rất lớn mọc ra từ bao giờ chảy cuồn cuộn chắn ngang đường, do dự một lúc ngó trước sau thấy không có người, thế là sexi rồi đội ba lô lên đầu lội qua cho khỏi ướt quần áo. Tiếp tục đi  được chừng năm cây số, đột ngột có một bóng đen nhảy từ lườn ta luy phía bên phải nghe uỵch. Tôi hết hồn nhảy đại vào một gốc cây lớn quan sát, tai ù đặc, mắt tối đen sém nữa thì tôi rút chốt lựu đạn, lúc sau tôi bình tĩnh nhìn lại là một đứa trẻ khoảng mười lăm tuổi ở trần đen sì, tay  nó cầm một khúc cây, phía sau nó ngay bìa rừng có hai con bò đủng đinh đi ra, nó nhìn tôi cười nhưng cũng rụt rè hỏi: pu koong tóp tâu na? Tôi trả lời: pu tâu Udong, nó giơ tay vẫy tạm biệt nói: Pu tâu tiết, côn mô vinh. Tôi lầm lũi dọc đường, cảnh giác cao độ, chỉ một tiếng động nhỏ là giật mình, tim đập thình thịch, đầu óc như dại đi nhưng lúc nào cũng nghĩ khi về tới sư đoàn sẽ cho mấy thằng kia một mẻ. Đúng thật, một cuộc khẩu chiến nổ ra khi về tới sư đoàn bộ nhưng cũng qua mau vì cái cảm giác (thoát nạn) an toàn qua mấy chục km đường rừng đã hóa giải mọi chuyện, hơn nữa cả lớp gặp lại nhau đủ cả không hao người nào và cũng không sứt mẻ gì nên vui quá quên hết những xung đột ưu phiền. Trở về Phnompenh gặp các bạn nữ cùng lớp thực tập ở viện V, sau đó hành quân trở về tổ quốc bằng ô tô của tuyến giao liên binh trạm 179 cục vận tải, tổng cục hậu cần. Mà không ngờ sau này lại là đơn vị tôi nhận nhiệm vụ.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 24 Tháng Mười Hai, 2011, 12:39:59 pm
Vẫn chuyện (buôn lậu): Ngày đó đối tượng xuất nhập cảnh tại cửa khẩu Mộc Bài chủ yếu là cán bộ chiến sĩ quân đội và một số đoàn chuyên viên kỹ thuật dân sự là chính, nhưng phải chú ý nhất là các phương tiện vận tải xe tuyến của trung đoàn tôi (E 685 CVT). Cùng với thời gian và các chuyến công tác tăng lên thì kĩ năng giấu hàng cũng đa dạng và hoàn thiện hơn để đối phó với kỹ thuật ngày càng điêu luyện khui hàng lậu của đội liên hợp cửa khẩu. Trò dấu thuốc lá trong bánh xe tải, trong suờn, nóc, gầm xe hay hòm hai đáy xưa rồi Diễm ơi. Tương kế tựu kế, tôi lấy một cái thùng đựng thuốc bột DDT sau khi trút bỏ bột thuốc xuống hồ bèo tây phía C14 rồi nạp thuốc lá Samit  và 555 vào, sau đó ra chợ nhỏ mua năm cân me trái đã bóc vỏ quanh quánh sền sệt về trét lên mặt thùng. Vậy mà cũng qua cửa khẩu an toàn với một câu châm biếm của trung úy công an vũ trang cửa khẩu: Ông chuẩn úy này khùng rồi sao mà buôn cả me chín nhão thế này. Tôi mỉm cười vâng dạ và nghĩ thầm: Đúng là sự ngu xuẩn vĩ đại chỉ có ở những con người cho mình là thông thái.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: tranphu341 trong 24 Tháng Mười Hai, 2011, 02:08:30 pm
                Chào bạn vetran! Tranphu341 đọc mạch bài của bạn rất hay. Nhiều chi tiết thú vị. TP tự hỏi nếu ngày ấy mà có 3 thằng Pót chẳng may lạc đường hoặc ngược lại, Hoặc địch cài trong dân có cơ hội thì "Phéng' cổ Con top. Thì bây giở lấy ai kể chuyện? ;D ;D ;D

                CHÚC BẠN TIẾP MẠCH CHUYÊN THÚ VỊ . CÓ NHIỀU SỨC KHỎE , NHIỀU NIỀM VUI TRONG NGÀY LỄ GIÁNG SINH NÀY!


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 24 Tháng Mười Hai, 2011, 02:21:01 pm
Thấy có vẻ những phát kiến giấu hàng rất hiệu quả, khi mình phân tích tâm lý những người thừa hành công vụ ở cửa khẩu rất chính xác vì các vị chỉ nghĩ sẽ tìm tòi những chỗ người ta cho là kín đáo, an toàn để dấu hàng mà không tính đến yếu tố bất ngờ theo câu nói"Nơi nào nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất, cho nên bộ não thích mạo hiểm của tôi tiếp tục hoạt động khi chuyến về Việt Nam lần này với một số can nhựa vuông, màu đen, mổ đáy rất khéo, nạp hàng, hàn lại và không quên trét khoảng nửa cân mắm bòhooc trên miệng mỗi can, xếp khít nhau trên nóc xe car, cột chặt kẻo người kiểm tra xách lên thấy trọng lượng không tương xứng thì nguy. Mọi chuyện qua nhanh với câu nói của đ/c kiểm dịch biên giới: Nhà ông nuôi heo hả? mất vệ sinh gây ô nhiễm quá!. Tôi trả lời: Cái này bên ấy rẻ thối, mà nuôi lợn thì tốt lắm anh ạ (thật ra mắm này bên K không rẻ chút nào, nhưng nhìn nó mủn mủn bẩn bẩn mà mùi rất đặc trưng thế nào ấy). Rồi về tới hậu cứ, mừng như địa chủ được mùa. 


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 24 Tháng Mười Hai, 2011, 02:44:00 pm
THẤT BẠI THẢM THƯƠNG (Câu chuyện cuối cùng về (buôn lậu):
- Người xưa nói đâu có sai "Tham thì thâm". Dịp ấy một số thủ trưởng đi Hà Nội họp, một số về nghỉ phép ở tp. " chủ vắng nhà, gà mọc đuôi tôm" tôi bị một đồng đội là sĩ quan đàn anh cử về nước (tư tác)một tháng bốn lần, tất nhiên lần nào cũng có bưu phẩm gửi về cho bà con chợ Tân Bình bán lẻ. Lần thứ tư định mệnh khi anh chị em nào trong ban hậu cũng góp vốn hoặc gửi gắm gói bưu phẩm (trong đó có cả của người yêu mới chết chứ) Tính hốt cú chót. Một thùng nhôm của mỹ, loại để đựng nguyên một cơ số bộ dụng cụ phòng mổ cơ động, đựng đầy hàng, an vị dưới đáy thùng xe đầy gạo. Cửa khẩu đây rồi. Xe dừng, tổ liên hợp lên thùng xe tác nghiệp. Trong khi hải quan kiểm tra chứng từ, cán bộ kiểm dịch dùng cây xăm gạo lấy mẫu gạo thì Thượng úy công an vũ trang trạm trưởng nói: Hình như đồng chí chuẩn úy quân y này  tuần nào cũng về VN công tác ấy nhỉ? hơi chột dạ thì anh ấy nói tiếp: yêu cầu các đồng chí dỡ gạo từ hàng thứ hai tới hàng thứ bốn xuống đáy thùng xe. tai ù đặc, mắt tối sầm, những gạo chắc nịch dưới chân như sụt xuống. Nghe tiếng lạch cạch chốt sắt, mở mắt ra liếc nhìn cái thùng ánh lên một màu vàng chói chang của thuốc 555 International dưới ánh nắng xiên khoai trưa hè. tay run run kí vào biên bản. Sáng sớm hôm sau, ra chợ mua một cây ba số và ngược Mộc Bài, vào trạm xin tặng các anh hút chơi lấy thảo và xé dùm em cái biên bản kẻo chuyện này báo về đơn vị thì nguy chuyện kết nạp Đảng đang tới gần. Sau chuyến công tác trở về đơn vị, ai hùn vốn, ai gửi hàng cũng im như thóc ngâm và bình tĩnh nhâm nhi câu nói"Tham thì thâm", tôi thì nghĩ mình thua mấy anh cửa khẩu vì họ vẫn giữ cái tư duy logic cũ là tìm kiếm ở những nơi người ta cho là cầu kì an toàn, còn mình thì lại trở thành ngớ ngẩn, phá vỡ tính mạo hiểm của những chuyến trước để bị "nuôi béo mới thịt". Bây giờ ngồi nghĩ lại vẫn thấy tiếc, nhưng lại hay hay vì sau thời gian đó khi chuyển về công tác ở trung đoàn vận tải 684 CVT tại Tân Cảng - Bình Thạnh tôi chứng kiến hầu như khó có anh nào sử dụng tiền, vàng có nguồn gốc từ K về mà làm nên chuyện, chưa kể phá sản, thậm chí còn đáo tụng đình trong hoạt động kinh tế (có vẻ hơi duy tâm nhưng đó là thực tiễn).


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 24 Tháng Mười Hai, 2011, 03:12:53 pm
               Chào bạn vetran! Tranphu341 đọc mạch bài của bạn rất hay. Nhiều chi tiết thú vị. TP tự hỏi nếu ngày ấy mà có 3 thằng Pót chẳng may lạc đường hoặc ngược lại, Hoặc địch cài trong dân có cơ hội thì "Phéng' cổ Con top. Thì bây giở lấy ai kể chuyện? ;D ;D ;D

                CHÚC BẠN TIẾP MẠCH CHUYÊN THÚ VỊ . CÓ NHIỀU SỨC KHỎE , NHIỀU NIỀM VUI TRONG NGÀY LỄ GIÁNG SINH NÀY!
Thưa bác Tranphu314, tình huống bác nêu có xác xuất rất lớn vì đặc điểm của cuộc chiến ấy ta đanh nhanh quá nên địch tan rã tại chỗ và tình trang địch là dân, dân là địch tùy hoàn cảnh cụ thể, do vậy thông thường cán bộ dưới tiểu đoàn hoặc quân nhu quân lương về tuyến trên cũng phải xắp xếp tập trung thành đoàn, đầy đủ vũ khí mới đi. Nhưng với em, bản lĩnh chỉ bằng hạt kê, ở những hoàn cảnh ấy thì tính nhát như còng gió nên dù sợ mấy cũng không muốn ở lại mảnh đất ấy thêm một ngày nào nữa và cái khao khát trở về phố thị đã tăng cho em sức mạnh hạ quyết tâm làm liều. Bây giờ già rồi, an phận rồi nhưng nghĩ lại lại thấy hay hay. Xin kính chúc bác và gia đình an khang hạnh phúc trong năm mới


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 25 Tháng Mười Hai, 2011, 05:08:01 am
Em Đoan ơi! hôm rồi Vệ có liên lạc với trung úy Đông ở ban kế hoạch - kho hàng, mãi tới năm 1989 anh ấy mới về Việt Nam, anh ấy có nhớ Tuấn nhưng chỉ biết là quê Hải Phòng, còn lại không biết xã huyện hay quận nào. Anh Đông nói là: Khi ở Phnompenh, Tuấn có yêu một cô gái Sài Gòn, không biết anh chàng ra quân rồi có phắn theo tình yêu mà về định cư ở thành phố Hồ Chủ Tịch hay không. Đoan dò hỏi thêm nghe.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 25 Tháng Mười Hai, 2011, 05:09:28 am
CHUYỆN CON NGỰA CỦA TRUNG ĐOÀN BỘ: Không biết từ đâu, khi nào lại xuất hiện một chú bạch mã loại lai ngựa bình nguyên to cao, bụng thon, bờm đứng, lông mịn và có xoáy ở mông. Thường ngày chú chàng tha thẩn tìm cỏ cây trong khuôn viên đơn vị rộng hàng hecta, nhưng đặc biệt trước khu nhà của B5 nơi ở của các Koongtop srây có một vạt cỏ mỡ xanh mướt. Thế là bạch mã đóng đô ở đó. Ngặt nỗi sau khi ăn uống no say mà lại không phải lao động, chú ta tha thẩn với tâm hồn phấn khích và tự do để ra một hình ảnh rất bản năng vốn có của đồng loại gây phản cảm làm cho các chiến sĩ nữ không giám đi qua để ra triền sông tười rau mỗi chiều. Tính sao đây? Theo sáng kiến của phó chủ nhiệm hậu cần là bắt ngựa ta lao động cho giảm bớt thời gian "nhàn cư vi bất thiện". Và một buổi sáng, nhiệm vụ được giao cho hạ sĩ Thanh, đóng ách cho ngựa kéo một rơmooc chở mười vỏ thùng phuy xuống tiểu đoàn 479 khu sân sân vận động Olempic lấy nước về cho B5 nấu ăn và chăn nuôi vì các ống dẫn nước trong khu vực trung đoàn bộ bị vỡ hết do cũ quá, hơn nữa ở xa nhà máy nước nên đơn vị thiếu nước trầm trọng vào mùa khô. Lần đi, xe không tải rất êm đẹp và mát trời, chàng xà ích ngắm nhìn trời đất, huýt sáo một bản dân ca. Nhưng lúc về, nắng lên cao với sức lực chàng trai mười tám tuổi sung sức và cái đầu bắt nóng, khi đi qua khu hậu cần thấy mấy đồng đội nữ đứng túm tụm theo dõi thán phục thì tính Ngựa trong chàng xà ích cũng phát tác, đồng thời để biểu diễn thêm cho hoành tráng.  Khánh vừa la hét vừa vung roi quất vào mông bạch mã bắt chạy mau. Bản thân ngựa, quen ăn chơi, không quen lao động, mà hôm nay bị "ép người quá đáng" nên xảy ra (Phi Mã). Chỗ nào không phi, cứ nhằm thẳng vào chợ bờ sông đang giờ cao điểm. Các bác cứ tưởng tượng  ra tiếng la hét thất thanh, âm thanh đổ vỡ của đồ đạc hàng hóa và sau vó chiến mã là chiến trường tung tóe của khu vực bán đồ gốm, bán thực phẩm tươi sống và đồ thủ công mỹ nghệ. Kết quả, đơn vị phải điều đình bồi thường. Thật họa vô đơn chí - Lợi bất cập hại.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 25 Tháng Mười Hai, 2011, 07:34:33 am
. Sáu tháng đi thực tế chiến trường đã cho chúng tôi hoàn thiện hơn về mọi mặt như chuyên môn nâng cao, tư duy logic, bản lĩnh vững vàng và khách quan hơn trong đánh giá thực tiễn. Cũng khẩn trương như lúc ra đi, cả lớp hối hả vào thi tốt nghiệp ra trường để đáp ứng yêu cầu của các đơn vị chiến đấu ở chiến trường K và biên giới phía Bắc, vì cán bộ quân lực các đơn vị đã về trường đón sẵn. Từ đó lớp Y32 chia tay mỗi người mỗi ngả. Ai từ phía Bắc vào học thì trở về quân đoàn I và các đơn vị biên giới phía Bắc, số còn lại đi các đơn vị thuộc miền Đông Nam bộ, quân khu 9 và chiến trường K. Để rồi sau này những tháng mười là kỷ niệm lúc xa nhau thì đồng môn y 32 trụ ở phía Nam lại có dịp gặp lại nhau tại điểm chia tay ngày ấy. Tháng mười năm nay (ngày 20 tháng 10 năm 2010) khi đã thành ông bà nội ngoại, người đã về hưu, người trở thành sỹ quan cao cấp hoặc những cán bộ chủ chốt trong ngoài ngành như Bác sỹ Quyết, Nga, Thành là những đại tá quân đội, bác sĩ Điện giảng viên trường đại học y Phạm Ngọc Thạch, bác sỹ Lê Trương giám đốc trung tâm y tế quận 5, Hoàn, Cát, Khánh tham gia công tác quản lý nhà nước. Hòe, cô bé nhút nhát ngày nào với giọng Hà Tĩnh véo von nay là giám đốc một công ty trong tổng công ty may Nhà Bè. Và các bạn khác đều là sỹ quan trung cao đang tại ngũ.v.v. Chúng tôi hẹn gặp nhau, trước hết tập trung nghe thông báo danh tính những bạn đồng môn đã trở thành thiên cổ, sau đó tay bắt mặt mừng trong không khí sôi nổi nhớ về một thời tuổi trẻ ngày nào, gặp nhau vui vẻ cộng cả suy tư khôn tả khi có các đồng môn phía Bắc bay vào họp mặt. Chúng tôi kỷ niệm 30 năm ngày ra trường cũng tại điểm ấy, số 78 Thành Thái quận 10 thành phồ Hồ Chí Minh (TRUNG TÂN ĐÀO TẠO & NGHIÊN CỨU Y HỌC QUÂN SỰ). Ngoài sự có mặt của các đồng môn cũ, năm nay còn đón cả dâu rể con cháu của lớp Y32. Nơi một thời để nhớ. Riêng gia đình tôi còn đến thăm hiệu trưởng trường quân y, viện trưởng quân y viện 115 đại tá bác sĩ Trần Đại Thành tại số 1 đường Ba Vì cư xá Bắc Hải quận 10 thành phố HCM. Ông là thầy của tôi và là thủ trưởng của ông ngoại các con tôi khi các cụ công tác ở quân y viện 111 Thanh Hóa những năm 70. Mấy năm trước tôi có dịp đón Ông tới nhà, ngồi cùng Ông uống trà, nghe Ông kể lại kỉ niệm trường quân y với nhiều lớp chiến sĩ quân y được đào tạo cho chiến trường, đến lúc sáu mươi tuổi nghỉ hưu ông lại cắp sách tới trường. Tốt nghiệp cử nhân văn chương hạng ưu tại trường đại học tổng hợp thành phố, thời ấy không ít báo chí ca ngợi tinh thần học tập của Ông và như Ông tâm sự với tôi “ Văn là người, học văn để hiểu đời hơn, viết văn để tri ân đời, tri ân người” Dù hơn tám mươi tuổi Ông vẫn đảm nhiệm việc hướng dẫn dưỡng sinh cho câu lạc bộ những người cao tuổi quân 10 và dạy ngoại ngữ Anh Pháp miễn phí cho các cháu nghèo hiếu học. Ở Ông toát lên một tấm gương hết lòng vì đời.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 25 Tháng Mười Hai, 2011, 07:40:15 am
VI/ Bước ngoặt thứ hai và sự thành công
-  Cuối năm ấy. Cuộc đời tôi, người chiến sỹ 22 tuổi xuân với sáu tuổi quân, thượng sỹ quân y chững chạc trước bước ngoặt mới của cuộc phiêu du. Để rồi chiêm nghiệm lại, thấy sao duyên mệnh dành cho mình nhiều ưu ái kể từ ngày dấn thân vào quân ngũ (ít nhất là đến nay). Tham gia huấn luyện bộ binh để đi chiến trường thì tổ quốc hoàn ca. cả thời gian quân ngũ đồng nghĩa với ngồi ghế nhà trường quân đội và khi tổ quốc lâm nguy vì chiến tranh biên giới Tây Nam thì tôi lại vào trường quân y. Ra trường trở về vị trí công tác với toàn bộ thời gian quân ngũ dù ở đơn vị trong nước hay khi ra nước ngoài, tôi luôn sống trên những thành phố, hải cảng lớn, ở trong những biệt thự hoặc những căn phố hiện đại, trong khi đồng đội đồng hương và đồng môn gian nan vùi thân nơi chiến tuyến. Rồi hôm nay, cán bộ quân lực Cục vận tải Tổng cục hậu cần chọn đích danh về một trung đoàn hậu cần, binh trạm 179, chuyên ngành vận tải quân sự đóng quân tại Phnompenh, thay vì về một đơn vị tiền tiêu nào đó phía biên giới Thailand hoặc đi quân đoàn I phía Bắc như các đồng môn khác. Nhưng cũng đồng thời tôi nhận được tin Đông (em trai kế) đã nhập ngũ trong lực lượng công an vũ trang quân khu 5. Nam (em trai áp út) nhập ngũ tại biên giới phía Bắc.Vậy là đến giờ phút này ngoài bố là sĩ quan chống Pháp, mẹ là công nhân quốc phòng, thêm bốn trong năm anh em trai tôi trở thành chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 25 Tháng Mười Hai, 2011, 07:43:47 am
-  Trở lại Phnompenh thủ đô Kampuchea trên một tâm thế mới – Một cán bộ quân y cấp tiểu đoàn. Đây rồi! dòng tonlesap đang mùa nước nổi, bên cầu Chulava (Oknha Khleang) gãy nhịp chênh vênh do đặc công mình đánh sập năm 1972 nhằm cắt đường rút quân của lính lonnon từ Chroy Changra về Phnompenh. Đơn vị mới đóng quân tại cây số 2, trong một tu viện thiên chúa giáo cổ, bên dòng Tonlesap đang cuồn cuộn dồn nước từ thượng nguồn sông Mekong và các hợp lưu sông qua thác Khone về tới Phnompenh tạo thành sông bốn cửa. Một nhánh tách ra là sông Bassat chảy về Đồng tháp mười Việt Nam một trong bốn nhánh cùng hàng triệu tấn thủy sản và phù sa chảy vào Biển Hồ (Tonlesap Lake). Sau ba ngày nằm chờ phân công trên lầu ba phòng khách. Buổi sáng, cán bộ quân lực báo lên gặp binh trạm trưởng... Một ông già quắc thước, lưng hơi gù, mắt sáng, chân mày rậm và đặc biệt bộ quân phục cấp tá màu xám cứng queo không tăng được sức hấp dẫn nào của tấm thân gầy như que củi khô của ông, Trung tá Huỳnh Cao Sơn. (sau này ông còn có những hỗn danh do cán bộ chiến sĩ binh trạm trừu mến đặt cho là Huỳnh Cao Me, Huỳnh Cao Trăn). Cao trăn thì có thể hiểu, nhưng còn cao me? Vì ông thường tự tay gôm hàng chục cân trái me chín mập có rất nhiều ở những cây me cổ thụ trong tu viện rụng đầy mặt đất sau đó làm sạch, nấu thành cao lỏng chia cho các nhà bếp trong binh trạm thay dấm nêm canh rất ngon! Ông cất giọng nặng trịch của miền đất Quảng thăm hỏi tình hình học tập, nguyện vọng cá nhân. Vì chân ướt chân ráo chưa hiểu nhiều về đơn vị mới nhưng biết trạm xá của binh trạm cũng gần đây, cạnh bùng binh đầu cầu Chulava trong căn biệt thự của công ty rượu SKD (Sara Rumdoor M noor) khá hoành tráng, mà lúc này thâm tâm tôi đang ngán ngẩm những đơn vị xa ở các tỉnh chứa đựng đầy rẫy những nguy hiểm của chiến trường. Tôi đề đạt mong muốn được về trạm xá binh trạm để phục vụ bộ đội và nâng cao chuyên môn. Giọng ông đều đều, cặp mắt xa xăm: Chiểu theo nhiệm vụ của lãnh đạo tiền phương cục vận tải giao cho binh trạm ta tổ chức nấu cao trăn với số lượng một tạ để bồi dưỡng cho cán bộ trong cục. Nay thủ trưởng giao đồng chí cùng tổ công tác do chủ nhiệm chính trị là đại úy Khá chỉ huy đi tỉnh SiemReap thực hiện nhiệm vụ. Hoàn thành công tác thủ trưởng sẽ xét nguyện vọng của đồng chí...Đất dưới chân như sụt xuống, tai ù đặc. Mắt mờ câm. Nấu cao trăn..Một tạ..Siemreap. Tính vốn nhát gan, sự hãi hùng của đợt thực tập ở tỉnh Komponspeu chưa nguôi ngoai giờ lại đi SiemReap là tỉnh tiền tiêu mà cuộc chiến đang khốc liệt nhất nơi có Biển hồ và Angkorwat, Angkorthom.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 25 Tháng Mười Hai, 2011, 08:03:09 am
. Một đêm mưa lớn tôi lặng lẽ dời Phnompenh trên đầu kéo đoàn xà lan chở gạo của tiểu đoàn 24 xuôi dòng tonlesap hướng Biển hồ, đêm hôm sau thì tàu cặp bến. Lại những bỡ ngỡ và khám phá, điều đầu tiên ghi nhận: Biển hồ mông mênh không nhìn thầy bờ bên kia với chiều dài chừng 100km, chiều ngang 30 km, là một vùng trũng sâu trong nội địa, một kho vựa vàng mỗi mùa nước nổi. Diện tích mùa nước nổi lớn gấp năm lần mùa cạn, lòng hồ là cây sú, vẹt cổ thụ, cá dày đặc, rắn rùa, trăn, khỉ, chuột và các thú rừng phải đeo trên ngọn cây ăn nhau để sống, người dân săn bắt về đổi  cho đơn vị với mỗi ký rắn, trăn, khỉ lấy một ký gạo (đơn vị chuyên vận tải lương thực, thực phẩm, vũ khí, quân tư trang cho mặt trận 479 nên có gạo rơi vãi gom lại đổi sản vật Biển hồ, các đơn vị khác muốn thu gom trăn cũng khó vì ngư dân biển hồ rất cần gạo, mà các đơn vị không có gạo dư và chưa có tiền Riel để mua trăn) thời gian đó người dân rất thiếu lương thực vì sản phẩm nông nghiệp ít ỏi từ lao động khổ sai của nhân dân đã bị chính quyền Khơ me đỏ chở hết cho Trung Quốc đổi vũ khí và các hàng hóa khác. Ngư dân Biển hồ lam lũ cực khổ, trong đó có khá nhiều ngư dân Việt Nam từ các tỉnh miền tây nhập cư nhằm khai thác nguồn lợi thiên nhiên mùa nước nổi. Hàng ngày đi nhận trăn và khỉ đổi của dân ngoài biển hồ, quan sát chỉ ở một bến cảng cách thủ phủ SiemReap 7 km, mỗi ngày nhập hàng trăm tấn cá linh, cá lóc, có một loại cá khá to hình dáng gần giống cá chép, con trung bình cũng dài gần một mét nặng chừng 25kg, vảy bạc to bằng mặt kính đồng hồ đeo tay, thịt trắng không ngon lắm nhưng rất nạc, làm chà bông được, tôi rất lưu ý các đồng chí nuôi quân làm thật sạch cá khi nấu món ăn vì quan sát trong mỗi nếp mang loại cá này có rất nhiều ấu trùng nước và một loại kí sinh nhuyễn thể trông giống con đỉa, màu đỏ nhạt bò lổn nhổng trong đó.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 25 Tháng Mười Hai, 2011, 04:55:30 pm
CÂU CHUYỆN KHÔNG THỂ QUÊN: Ngày ấy khi tôi phụ trách công tác theo dõi điều trị của quân y tuyến. Một hôm, trung sỹ Đông, quân y C14 xe tải hớt hải chạy lên báo: Anh Vệ ơi, bé Nụ nó tự tử. Tôi hơi hoảng nhưng thấy khuôn mặt thất thần của Đông, tôi lấy lại bình tĩnh (mặc dù là vẻ ngoài) và cùng Đông tức tốc chạy xuống đại đội. Tại hiện trường, ngoài sân, đại đội trưởng Chi và anh em đứng lố nhố bàn tán với vẻ mặt lo âu. Trong phòng ngủ nữ, Nụ thiếp lịm, mắt nhắm nghiền ngấn nước, trên giường dưới đất rơi vãi gần mười vỉ thuốc an thần Seduxen đã gỡ hết thuốc. Làm động tác ngắt véo da, bấm huyệt (nhân trung), vỗ má, gọi tên cũng không thấy Nụ phản ứng. Tôi thăm khám thì thấy không có dấu hiệu rối loạn sinh lý các cơ quan nội tạng, các dấu hiệu sinh tồn như tim mạch, hô hấp tốt. Tôi nói: Đông lấy cho anh một chậu nước thật sôi, nhưng nháy mắt để Đông lấy nước lạnh. Xung quanh, anh em trong đại đội trố mắt nhìn và thắc mắc: không biết ông quân y trung đoàn làm cái trò gì.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: Hieu6x trong 25 Tháng Mười Hai, 2011, 07:39:37 pm
có một loại cá khá to hình dáng gần giống cá chép, con trung bình cũng dài gần một mét nặng chừng 25kg, vảy bạc to bằng mặt kính đồng hồ đeo tay, thịt trắng không ngon lắm nhưng rất nạc, làm chà bông được, tôi rất lưu ý các đồng chí nuôi quân làm thật sạch cá khi nấu món ăn vì quan sát trong mỗi nếp mang loại cá này có rất nhiều ấu trùng nước và một loại kí sinh nhuyễn thể trông giống con đỉa, màu đỏ nhạt bò lổn nhổng trong đó.

Con cá bác tả là cá Hô, hiện là đặc sản tại các nhà hàng ở Long xuyên, Cao lãnh đó bác. Bây giờ hiếm lắm rồi, tại mấy bác quân TNVN làm chà bông?. Việt nam cũng có 1 phim về "Ông cá hô"


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 26 Tháng Mười Hai, 2011, 06:45:26 am
. Sau này khi trên tàu trở về Phnompenh đi ban ngày, có thời gian quan sát dọc dòng Tonlesap cứ cách chừng vài cây số lại có  một hệ thống đáy đóng ngang sông và ngư dân phải tính thời gian hợp lý để kéo đáy, nếu để lâu khi kéo lên cá nhiều quá phải nhanh chóng mở đít đáy xả cá ra sông nếu không kịp sẽ đứt cả giàn đáy hoặc chìm ghe chở cá thiệt hại gấp bội lần, trung bình ba mươi phút kéo đáy lên một lần được khoảng hai ba tấn. Cá linh rơi vãi nổi dưới dòng và dọc trên hai bờ sông trắng xóa làm thức ăn cho ruồi xanh và các côn trùng khác bu dày, tanh nồng rất ô nhiễm, cá lóc loại hai ký trở lên, ngư dân xẻ phơi khô rồi xếp vào bao tải hoặc bó lại như bó củi để vật vạ từng đống lớn trên bờ sông chờ bán cho thương lái. Tại bếp trung đoàn bộ, mấy cô nuôi quân ra đáy gần đơn vị mua vài chục kg cá lóc bông làm thực phẩm cho bộ đội, dân sẽ không bán mà cho luôn. Với giá cả rất rẻ ban hậu cần trung đoàn thường xuyên mua cá lóc khô chở bằng xe tải về Việt Nam rất nhiều làm thực phẩm cho các đơn vị tuyến sau của cục vận tải. Nghỉ hai ngày ở trạm SiemReap. Buổi sáng ngày thứ ba, đại úy Kiên trạm trưởng báo chiều nay đoàn công tác gặp ông trao đổi tình hình chung và thống nhất kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của trên giao. Riêng tôi nhận bàn giao trăn sống vì tôi quản lý kỹ thuật.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 26 Tháng Mười Hai, 2011, 06:46:43 am
. Mấy ngày nay cũng đang phân vân sao không thấy con trăn nào? Mà chỉ thấy khỉ, vì trong khuôn viên trạm là một khu biệt thự cũ khá rộng có nhiều cây và cọc gỗ, tất cả đến vài trăm con khỉ bị cột từng con bởi một dây leo rừng với đặc điểm phần lớn số con cháu họ tôn ở đây không còn răng vì già quá (trước tới giờ người dân không khai thác loại này, nhất là người theo hindu giáo rất coi trọng con khỉ vì đó là khỉ Hanumanu, hình ảnh hóa thân của nữ thần Kalia giúp Rama, hóa thân của Visnu chiến thắng quỉ dữ Ravana). Tôi theo trạm trưởng vào một cái kho khoảng hai trăm mét vuông rất kín và tối, cánh cửa vừa mở, tôi muốn ngất xỉu bởi mùi tanh lợm, nhìn kỹ toàn bộ nền xi măng trong kho, trăn nằm xếp lớp gần kín lim dim ngủ, bên cạnh chúng là những khối tròn tròn, những cái xương bé xíu, nhìn kỹ mới phát hiện ra đó là chất thải của trăn. Sau này lúc nấu cao tôi mới hiểu, khi mùa nước nổi, trăn nuốt ba đến năm con chuột rừng vốn rất sẵn trên ngọn sú vẹt tránh lụt để sống hết mùa mưa mà không cần ăn uống thêm, giống như loài gấu bắc cực trong mùa đông miên. Trăn lớn chừng gần hai chục kg, con nhỏ bảy tám kg. Khi nhận nhiệm vụ ở binh trạm bộ, tôi nghĩ nhận lệnh thì đi chứ lấy đâu nguyên liệu mà nấu tới một trăm kg cao, hồi nào đến giờ nghe người ta nói lạng cao chứ có ai nói tới tạ cao đâu. Nhưng nếu nhiều trăn thế này thì có chuyện rồi. Hỏi đại úy Kiên: bao nhiêu tạ trăn hả thủ trưởng? Hơn hai tấn đấy! đồng chí cứ nấu rồi sẽ thu đổi bổ xung mỗi ngày. Trời ơi!...Hy vọng về trạm xá trung đoàn xa vời hơn nữa rồi. Tuy nhiên công việc lúc đầu còn đơn điệu nhưng sau vài chảo cao thành công thì tôi lại cảm thấy cuốn hút lạ.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 26 Tháng Mười Hai, 2011, 06:49:50 am
.  Như vậy cứ nấu cứ gửi về đơn vị lượng cao trăn tồn tính khá lớn để bồi dưỡng cho sĩ quan. Nếu tính đơn vị là tạ thì chắc chắn phải hơn một. Cao khỉ cũng nấu tồn tính với qui trình tương tự nhưng phải xử lý hết nội tạng. Việc xử lý óc khỉ, khi làm thịt con cháu họ Tôn, mấy anh lái xe của trung đoàn 684, trung đoàn 33 và xe túc trực la vét của C14, thường đậu xe ngoài bãi bóng Siemreap gần trạm chốt, tập trung ở sân biệt thự để chuẩn bị muối tiêu bột ngọt, vắt nhiều chanh một chút và ngồi chờ vạt sọ khỉ múc óc sống ăn và uống rượu chanh Hà Nội. Tôi cũng thử mấy lần nhưng cứ đưa muỗng óc lên tới miệng là mắc ói kể cả khi rót rượu ngập chén đựng óc cho đỡ ghê nhưng cũng không nuốt nổi, sau đó bỏ hẳn ý định ăn óc khỉ. Thẳm sâu đâu đó trong tâm thức, tôi hay bị rơi vào những dòng tư duy miên man thuộc khía cạnh nhân bản, do vậy thấy chuyện dùng loại muỗng nhỏ dùng ăn hột vịt lộn múc óc khỉ ăn sống trực tiếp từ hộp sọ khỉ cũng là một hành động không nên có. Sau này hàng chục năm, đôi khi ngồi nhìn hoặc chính mình dùng muỗng nhỏ ăn hột vịt lộn, tôi lại thoáng mường tượng đến hình ảnh mấy anh lái xe ăn óc khỉ ngày ấy. Vậy mà tôi được biết người ta có hẳn bộ dụng cụ chuyên dụng trong bữa tiệc óc khỉ với các thao tác chuyên nghiệp độc ác cùng thái độ thờ ơ hãnh tiến của những kẻ lắm của nhiều tiền trong một số nhà hàng sang trọng tại Sài Gòn mới thấy con người cũng lắm nghề chơi man rợ.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 26 Tháng Mười Hai, 2011, 06:51:42 am
. Trở lại quá khứ, việc thịt khỉ cũng có chuyện cần nhắc tới. Mẻ cao đầu, mấy chiến sỹ thịt khỉ bằng cách cho mấy con vào bao bố cột rộng tiết diện bao rồi dội nước sôi lên bao, khỉ nóng quá kêu chí chóe rồi tự cào cấu nhau nhưng vẫn sống, khi mở bao đưa đi cắt tiết, thấy con nào cũng trắng hếu với làn da mịn màng. Lúc đó trông khỉ rất giống người, mắt chúng nhìn chớp lia lịa van xin tuyệt vọng. Tôi cảm thấy tâm can bất ổn nên quyết định lần sau phải thịt khỉ theo qui trình cổ điển như thịt các loại động vật khác. Cao khỉ cũng nấu tồn tính được tỉ lệ 10% sau đó gửi về trung đoàn (lúc này đơn vị đã đổi phiên hiệu từ binh trạm 179, tức tháng 1 năm 1979, thành trung đoàn 685 thuộc cục vận tải. Tổng cục hậu cần). Ngoài việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tôi còn được dịp chiêm ngưỡng kỳ quan thế giới Angkorwat với những chạm khắc tinh tế sống động trên đá muời dạng hóa thân của thần Visnu, các cuộc chinh chiến của thần Xita, thần Brahman và cảnh sinh hoạt của thế giới thần thánh, được miêu tả trong  các bộ sử thi nổi tiếng Mahatmabhara và Ramayana. Hơn thế, tôi còn thăm Angkorthom là kinh thành cổ đồ sộ trong rừng, cách Angkorwat khoảng gần 2km đường chim bay. Hai quần thể Angkor này được gọi theo tiếng Việt gọi là Đế Thiên, Đế Thích. Tôi trèo lên tháp cao và thấy người xưa chỉ mài các tiết diện đá và xếp khít chúng với nhau ở tư thế dựa hoặc kích vào nhau ở hình vòm, hình tháp theo kết cấu của công trình mà không có chất kết dính nào. Đặc biệt có nhiều cây si, cây dương xỉ mọc chênh vênh trên vách đá của đền, các loại dơi đeo tòn teng khắp nơi trong vòm tháp, chắc có lẽ ban ngày chúng ngủ vì đến thật gần chúng cũng không bay, dưới nền tháp có hàng trăm tấn phân dơi là không gian sống cho các loài chuột núi và loài bò sát nhiều vô kể.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 26 Tháng Mười Hai, 2011, 03:07:07 pm
  Tôi để chậu nước sát mình Nụ và nói: Anh Chi ơi! có lẽ Nụ nó ngộ độc nặng quá rồi, bây giờ nhúng tay nó vào nước sôi này mà không tỉnh thì chắc đi tong luôn. Miệng nói, tay tôi cầm tay Nụ kéo về phía chậu nước. Dù mắt vẫn nhắm chặt nhưng tay cô nàng cưỡng lại (dù yếu ớt). Lúc này tôi suýt bật cười nhưng cố nín và không muốn làm cho Nụ mắc cỡ nên tôi ra y lệnh: Đồng chí Đông, tiêm cho (nạn nhân) một ống Amynazin (là thuốc chống sốc, còn gây ngủ mạnh hơn Seduxen). Đông hoảng thật sự và cãi lại nhưng tôi nhấn mạnh: Đồng chí thi hành y lệnh. Tiếp đó tôi yêu cầu các đồng chí khác giải tán cho nạn nhân nghỉ, Và rồi bốn tiếng sau mũi tiêm, Nụ tỉnh lại, khi xuống nhà ăn ăn tối, gặp tôi, cô nàng bẽn nẽn xấu hổ. Còn ban chỉ huy đại đội thì nói: Chúng tôi chịu ông đấy!


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 27 Tháng Mười Hai, 2011, 07:33:21 am
Thưa quí vị, sau đó tìm hiểu về sự cố vừa rồi do xuất phát từ những nguyên nhân sau: Trong Nụ tiềm ẩn sẵn chứng tâm lý bất thường của phụ nữ trẻ (Histeria). Tối hôm trước bị người yêu lạnh nhạt, cộng thêm bị thủ trưởng đơn vị nhắc nhở nên Nụ biểu diễn trò tự tử này cho hả cơn tự ái. Tuy nhiên lúc đầu là dàn cảnh, chỉ uống một hai viên thuốc, còn lại chắc nàng vứt đâu đó, nhưng cứ đà diễn biến tâm lý ấy, Nụ chìm vào trầm cảm và xuất hiện cơn Hiteria thật, làm cho chỉ huy và quân y C14 một phen mệt mỏi. Nhưng nếu người xung quanh thiếu bình tĩnh và quá chú ý quan tâm thì có thể tình trạng của BN xấu đi thật, mà ngược lại phải cứng rắn, thậm chí dùng lời lẽ khiếm nhã tác động thì mới lôi cô nàng ra khỏi vai biểu diễn. cũng qua trường hợp này, tôi có kinh nghiệm hơn trong xử lý những trường hợp tương tự sau này đối với việc cáo bệnh của chị em. Có khi giận dỗi gì.. báo bệnh và nằm vùi. Thủ trưởng đơn vị nhắc nhở về trang phục, báo bệnh, bỏ ăn. Thậm chí cả một tập thể nữ quân nhân tự nhiên khóc cười như phát rồ cùng một lúc thì các anh chị phải tính làm sao? Mình cương là hỏng! Bí quyết rất đơn giản là "dĩ độc trị độc) thì sẽ giải quyết được vấn đề, không cần nhà chuyên môn hoặc thuốc men, mà điều này chính các thủ trưởng quản lý lính gái cũng chưa chú ý. Xin quí vị cho ý kiến...


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 27 Tháng Mười Hai, 2011, 07:53:35 am
 Có những buổi đi thăm đền Bayon nằm trong khu trung tâm của Angkorthom với 54 ngọn tháp lớn nhỏ và hàng ngàn bức phù điêu trên nền đá rất quí nhưng đã gần như phế tích do sự tác động khắc nghiệt của thời gian, của chiến tranh và sự tàn phá của con người. Tuy nhiên nụ cười Bayon thì vẫn ngời lên vẻ huyền bí thánh thiện trên khuôn mặt, nhất là cặp mắt và khóe miệng uyển chuyển khêu gợi đầy tính phồn thực. Một điều đáng buồn, trong thời cầm quyền bọn Khơ Me đỏ đã tàn phá không thương tiếc Angkorwat, một kì quan thế giới, biểu tượng văn minh nhân loại, văn minh Angkor huy hoàng. Ngày xưa nhìn quốc kỳ của Kampuchea có hình năm ngọn tháp mà trong thực tế sự bố trí kiến trúc Angkorwat rất khoa học của cổ nhân nên nhìn từ góc nào cũng chỉ thấy năm ngọn tháp, cái hệ lụy của chiến tranh in đậm dấu ấn khắc nghiệt để bây giờ nhìn góc nào cũng chỉ thấy ba ngọn tháp


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 27 Tháng Mười Hai, 2011, 07:55:10 am
. Cũng dịp này tôi còn đi cửa khẩu Poipet qua Thailand hoặc đi Sisophon thăm thủ trưởng và đồng đội, đồng hương đơn vị cũ (trung đoàn thiết giáp 26 QK7) khi biết tin đang tác chiến ở khu vực này, nhân dịp này tôi khai thác được đầu ra cho nguồn cao trăn, cao khỉ, mật trăn, da trăn, mật ong cho tập thể trạm chốt SiemReap với số lượng khá nhiều, sau khi chấm dứt kế hoạch vận tải lương thực thực phẩm cho mặt trận 479 thì nhiệm vụ nấu cao do tiền phương cục vận tải giao cũng ngưng tại đây. Lúc này chúng tôi đã có phụ cấp bằng tiền Riel, trạm chốt huy động góp vốn tiếp tục khai thác trăn, khỉ về nấu. Tôi được hưởng hơn hai chục kg cao, mấy chục cái mật trăn phơi khô. Nhưng cho đến lúc ấy tôi chưa ý thức mấy về giá trị cao trăn, cao khỉ, cũng không tha thiết lắm khi sở hữu cả chục kg cao, vì chưa hiểu nội tình đơn vị hiện tại và nhiệm vụ diễn biến tới đâu, biết đến bao giờ mới được trở về Việt Nam để có dịp gói ghém đưa về cho người thân nên tôi rất thờ ơ coi thường thành quả mình đang có.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 27 Tháng Mười Hai, 2011, 08:03:13 am
. Thời gian công tác ở SiemReap, chỉ xảy ra mấy trận tập kích lẻ của tàn quân vào các đơn vị bộ binh của mặt trận 479, thương vong không đáng kể nhưng có một  vụ đáng nhớ khi chính một đơn vị quân đội Kampuchea tập kích nhà tỉnh trưởng ImanSary, ở đối diện trạm chốt đơn vị, cùng trục đường Monivong, làm cho trạm chốt cũng chộn rộn nao núng lăm lăm súng lên đạn sẵn sàng. Quân tập kích bắn nhau ỳ xèo với quân cận vệ một lúc thì bộ dội ta (không biết của đơn vị nào) giải vây và hốt gọn cả hai bên đưa đi mất tích, sau này chúng tôi không còn thấy tỉnh trưởng và vợ là cô Lan (quê Hà Tây) cùng hai cu nhóc ra vào căn biệt thự đó nữa.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 27 Tháng Mười Hai, 2011, 07:01:33 pm
-  Lúc này, chiến sự đã giảm căng thẳng, một số đơn vị ở mặt trận 479 cũng triển khai nấu cao trăn, có mấy đơn vị nhờ tôi hướng dẫn kĩ thuật nên được nhận thù lao cũng kha khá. Từ thời gian này đã có khá nhiều tiền Riel và tôi mua sắm đủ thứ cho cá nhân vì chỗ đóng quân gần chợ SiemReap, hàng hóa theo đường tiểu ngạch từ Thailand đổ vào rất phong phú. Thời gian bắt đầu rảnh rỗi tôi thăm thủ phủ SiemReap cổ, thăm dinh Norodom là nơi ở của một bà thiếp của Samdec quốc trưởng Norodom Sihanuc, tôi còn có dịp làm quen với đồng nghiệp tại quân y viện 7E .v.v.Và địa điểm thăm cuối cùng ở cố đô Siemreap làm tôi suy nghĩ mãi sau đó (Trại nuôi sấu, chứng tích diệt chủng). Diện tích trại này rất lớn nằm trên trục đường chính từ nội thành ra cảng, trong đó có rất nhiều sấu, trung bình khoảng hơn hai tạ một con, lưng to như mặt bàn gỗ, mốc xám hoặc xanh đen lởm chởm gai, luôn thở phì phò, cặp mắt đỏ hoặc vàng lim dim ngủ dưới những đáy hồ xây bằng đá thẳng đứng sâu khoảng hai mét, bên trên là những đường bê tông hai bên có lan can chắc chắn an toàn cho người tham quan. Nhân viên chăm sóc tung những con cá tươi bốn năm kg xuống hồ, du khách chỉ nghe một tiếng bộp nhỏ là mất tích con cá, lúc ấy sấu chỉ mở hé mắt trong khoảnh khắc rồi lại lim dim, thâm chí có con chỉ mở một bên mắt, nhìn chúng tàn ác quái dị. Nhưng cái gây cảm giác khủng khiếp nhất khi nghe thuyết minh của hướng dẫn viên khu di tích: Trước đây thức ăn chính hàng ngày của sấu là người lớn và trẻ em còn sống bị bọn thợ chăn nuôi (cũng là đao phủ) đẩy xuống hồ cá sấu vào giờ ăn mỗi buổi chiều trong thời cai trị của bọn diệt chủng để con mồi tự chống chọi trong tuyệt vọng trước khi bị ăn thịt. Bên cạnh, trong tấm bia lớn những bức ảnh sao chép cảnh cho sấu ăn và một danh sách kèm ảnh mồi cá sấu là hàng trăm người dân vô tội. Trong thời gian công tác sau này, đi nhiều nơi, nhiều tỉnh, thấy rất nhiều trại nuôi cá sấu qui mô như vầy để nhân giống xuất khẩu Sấu nhỏ từ ba kg trở xuống. chứng kiến người Việt Nam mua cả bè có hàng ngàn con về nước nuôi hay buôn đi nơi khác, là cá nhân thương buôn hay có tổ chức của nhà nước ta không thì tôi không rõ. Ở những trại sấu này không nghe người ta đề cập đến chuyện nuôi sấu bằng người sống như ở Siemreap. (Cũng như nhà tù Toulsleng và các chứng tích vật thể tương tự. Có lẽ ngày nay chính phủ Kampuchea không để tồn tại chúng nữa vì nó gợi lên sự đau thương tang tóc quá lớn). Cũng tại Siemreap một ghi nhận về tập quán của người Khơ me việc tống táng người thân mà trong thời gian thực tập quân y tiểu đoàn ở Komponspeu chưa có dịp tìm hiểu. Đó là hỏa táng ngay tại sân chùa bằng cách gác chéo cây khô thành hình cái máng, sau đó đặt thi thể người thân lên rồi xếp củi vào đốt. Con cháu ngồi xung quanh châm củi, ca hát ăn cá lóc nướng trui trên những ngăn nhỏ bằng kim loại đựng than hồng bên cạnh và uống nước thốt lốt chua có men say êm như bia tươi. Các Tăng Lữ cử hành tụng niệm cầu siêu cho người chết và đặc biệt là con cháu người đã khuất lấy việc người thân ra đi là niềm hạnh phúc theo quan niệm tôn giáo (sống gửi thác về), cho nên bất cứ sân chùa nào cũng thường xuyên có đám cỏ cháy loang nổ là vết tích các đám thiêu. Đơn vị ở cạnh một ngôi chùa rất lớn nên tuần nào cũng vài lần được ngửi mùi khét khét thơm thơm. Sau ba ngày, con cháu bới tro nhặt cốt cho vào bình gắn xi lại, các thầy Tăng làm nghi lễ rước cốt vào chùa. Chiều rảnh việc chúng tôi thường qua chùa coi kiểu hỏa táng kì lạ này. Qua tìm hiểu những năm sau này, thấy cách hỏa táng trên là phổ biến ở nhiều nơi, nhất là vùng sâu vùng xa, là tập quán lâu đời có lẽ đã ăn sâu trong tiềm thức cá nhân và đời sống sinh hoạt cộng đồng cho lên họ thực hiện những công việc này một cách bình thản và thoải mái tinh thần, nhưng rõ ràng rất mất vệ sinh. Cách hỏa táng theo kiểu hiện đại trong Đài trong Điện chỉ có ở thủ đô và các thành phố lớn đối với các đẳng cấp xã hội cao và người giàu có.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 27 Tháng Mười Hai, 2011, 07:04:18 pm
-  Mùa khô đến, cũng là lúc tôi nhận lệnh rút khỏi SiemReap cùng với toàn bộ trạm chốt trở về thủ đô Phnompenh trong niềm vui mỹ mãn khi hoàn thành nhiệm vụ cùng thành quả vật chất đạt được cho riêng mình. Tôi chuyển cho về quân y đơn vị hàng trăm lít mỡ trăn làm thuốc chữa bỏng. Từ đây cuộc đời chiến sĩ của tôi rẽ vào bước ngoặt mới, sau chuyến công tác được phong hàm chuẩn úy và bằng khen của cục vận tải, thủ trưởng đơn vị ra quyết định điều động về ban quân y trung đoàn và từ nay trở thành (lính cơ quan). Đây vừa là nguyện vọng vừa là cơ hội thăng tiến để rồi chỉ ba tháng sau đó lại khoác ba lô lên đường trên tư thế của đối tượng phát triển Đảng. Tôi cùng  đoàn công tác của trung đoàn 685 đi Culeng khai thác gỗ làm hệ thống doanh trại giao liên trên chiến trường Đông Bắc Kampuchea.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 27 Tháng Mười Hai, 2011, 07:08:32 pm
VII/ Thử thách
-Chuyến công tác này thực sự nhớ đời vì tính khốc liệt của mặt trận. Nhiệm vụ của tôi trong đợt công tác này không phải đi thực hiện chức trách một sĩ quan quân y, không đảm bảo nhu cầu y tế cho đoàn mà cũng như các đồng chí khác, ngày ngày vào rừng khai thác gỗ, đêm canh gác bảo vệ đoàn công tác, đồng thời sẵn sàng chi viện bảo vệ các đoàn xe vận tải của các trung đoàn bạn E33 và E 684 vận chuyển vũ khí khí tài cho mặt trận phía Đông. Thời gian chậm chạp trôi đi, chỉ bình minh ngày hôm sau mới biết mình còn sống bởi vì đoàn công tác luôn sống trong hoàn cảnh một đất nước  địch là dân, dân là địch tùy lúc. Bất cứ ngày đêm trên lối giao thông độc đạo, người dân vác súng chống tăng B40, súng tiểu liên AK 47, lựu đạn các loại đeo cùng mình đi ngời ngời ngoài đường chính và các nhánh từ rừng sâu ra, vừa vẫy tay chào xe quân Việt Nam qua đấy, nhưng cũng sẵn sàng kê súng chống tăng lên vai...Phụt. Đoàn xe của trung đoàn bạn chung cục vận tải chở vũ khí khí tài, lương thực cho mặt trận phía Đông đi vào đường xuyên rừng qua nơi trạm chốt vài cây số bị địch bắn xe đầu, xe cuối thì rơi vào thế (tiến thoái lưỡng nan). Địch túa ra từ hai bên rừng tung các loại hỏa lực vào đoàn xe. Khi chúng tôi triển khai đội hình đến thì không kịp...Đau đớn khủng khiếp trước những gì bày ra trước mắt chúng tôi, nhưng muộn quá rồi, mất một số sinh mạng mà xe cộ hàng hóa còn nguyên vì chúng phát hiện quân ta truy kích (quân MT 479) nên vội vàng rút lui.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 27 Tháng Mười Hai, 2011, 07:10:28 pm
. Thời gian này nhận được được tin Đông (em trai kế) thuộc công an vũ trang quân khu V đang đồn trú tại đền Preah Vihear  tức đền vàng đang tranh chấp giữa Thailand và Kampuchea, nay thêm tàn quân Khơ Me đỏ ẩn náu, giữa nơi hỗn quân loạn quan này không thể hy vọng gì tốt đẹp. Tôi đã rất lo lắng cho em trai nay cộng với tình hình chiến sự ngày càng ác liệt của một cuộc chiến bắt buộc, một cuộc chiến không qui ước, hầu như toàn bộ đoàn công tác đều bị căng thẳng thần kinh quá mức. Tôi đã hút thuốc lá, mà nói thuốc lá cho oai chứ chiều nào mấy đồng đội cũng chổng mông chui vào gầm sạp ngủ tìm cào cào (tức là tìm các đầu mẩu thuốc người ta hút rồi bỏ đi trước đó) mở ra gôm lại cuốn vào giấy báo cũ rồi chuyền nhau hút vừa khét vừa ho nhưng bớt lo âu trầm cảm. Thời gian tiếp theo mấy chiến sỹ còn phát hiện loại cây lạ, ngắt lá phơi khô bóp vụn ra quấn hút rất mê (sau này trở về Phnompenh tôi không hút thuốc lá và đồng thời phát hiện cái cây ở rừng trước đây là cây cần sa, có lúc tôi lầm tưởng cây thanh hao). Ngày đó đứng trước nhiệm vụ, có lệnh là đi, là thi hành, không còn thời gian suy tính, không ý thức nhiều về động cơ hay mục tiêu phấn đấu nhằm đạt về quyền lợi chính trị, vật chất hay tinh thần. Sau trận tập kích vào đơn vị bạn gây thương vong lớn vừa rồi, mặt trận 479 đã tăng cường lực lượng bảo vệ hệ thống vận tải quân sự chặt chẽ hơn nên cũng yên tâm phần nào nhưng những cái chết lẻ tẻ vẫn diễn ra đều, như hôm rồi, cùng với mấy đồng đội nhận thi hài tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 649, thiếu tá Hồ Xuân Sơn cùng ba đồng chí nữa bị địch tập kích ở Kratie trên đường đi thị sát tuyến vận tải. Sau 4 ngày để anh trên boong tàu, thi hài đã có mùi do vậy tôi cho tắm rửa xử lý nhanh với cỗ áo quan gỗ tạp mỏng manh  đưa Anh về gửi tạm trong phòng lạnh nhà đại thể quân y viện 175 để sáng hôm sau toàn đơn vị tiễn anh ra nghĩa trang thành phố.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 27 Tháng Mười Hai, 2011, 07:15:23 pm
. Rồi cái gì đến nó cũng đến, sau chuyến công tác đó được khen thưởng, được cử về Việt Nam học chính trị về công tác thanh niên. Giữa lúc đơn vị bề bộn công tác vận tải phục vụ toàn chiến trường thì tôi lại ung dung ngồi trên ghế nhà trường nơi phố thị với những bài giảng khô khan về triết học, kinh tế học chính trị, xã hội học và chiến lược quân sự đông Nam Á – Thái Bình Dương thế kỉ XX .Thời gian kế đó tôi tham gia lớp cán bộ đoàn cơ sở cấp trung đoàn tại tiền phương cục vận tải trong cổng Phi Long sân bay TSN và cũng từ đó ngoài chuyên môn quân y, tôi còn mê làm chính trị. (Năm1985 về Việt Nam, 26 tuổi tôi là liên chi ủy viên, bí thư chi bộ tiểu đoàn bộ gồm toàn bộ là sĩ quan chỉ huy). Trở lại Phnompenh được xắp xếp ở một phòng với đại úy bác sĩ Mười Điệu chủ nhiệm quân y trung đoàn trong căn biệt thự khá đẹp được xây dựng từ thời Pháp trong quần thể kiến trúc của tu viện Thiên Chúa giáo, nơi ban hậu cần đóng quân. Từ cửa sổ nhìn qua những cành phượng vĩ đang vào mùa với những chùm hoa đỏ thắm bên dưới là triền tonlesap xanh ngắt những luống rau tăng gia của đơn vị .


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 28 Tháng Mười Hai, 2011, 07:33:18 am
. Với kĩ năng mới, tôi thực hiện công tác quân y tại trung đoàn bộ kiêm thường vụ đoàn cơ sở trung đoàn, kiêm bí thư chi đoàn phòng hậu cần với tất cả tinh thần sôi nổi của tuổi trẻ và ý thức trách nhiệm trước việc chăm sóc sức khỏe cán bộ chiến sỹ đơn vị với tâm thế rất tự tin phấn khởi. Tôi sống hòa đồng, cầu tiến và có khả năng tập hợp quần chúng khá, mấy anh trong ban cán bộ và tuyên huấn gọi đùa tôi là (mỳ chính cánh) với nhiều ẩn dụ. Sau những biến cố liên tiếp đến với mình trong cảnh giác lo âu nguy hiểm bất an của chiến tuyến. Nay những ngày đầu trở về cơ quan trung đoàn bộ, sống trong không khí nhộn nhịp phố thị và cái cảm giác được an toàn hơn tạo cho tôi nhiều phấn khích, buổi tối tôi đi dạo một vòng ngay triền sông đang mùa nước cạn phía trước đơn vị, với diện tích rộng chừng năm hecta, người dân gọi là Xatuimotle tức là (chợ nhỏ bờ sông). Tôi phát hiện ra nhiều cái lạ lẫm trong sinh hoạt ẩm thực của dân bản địa và dân nhập cư như: dọc chợ, các chị các cô có một khay nhôm dài hơn nửa mét đầy than đước cháy đỏ, xung quanh có ba cái ghế dài bằng gỗ tạp đóng tạm, chỉ cao hơn mặt đất mười phân cho khách ngồi. Trên khay than hồng, gác ngang hàng chục con cá lóc mỗi con chừng hơn nửa cân có cái que chọc vào miệng, nước nhỏ xuống than xèo xèo khói um, phần vảy vây mang được nướng cháy đen nhưng trong đó là lớp thịt cá trắng phau, khi nướng nước ngọt rút hết vào phần thịt cá, bóc vỏ ngoài, xé thịt chấm muối dầm nước me ớt xay, đưa vào miệng nhai mấy cái là cảm nhận được vị ngọt lịm thơm phức chua chua cay cay dai dai, rồi uống một hơi hết cốc nước thốt nốt chua làm bằng ống tre. Chỉ với năm Riel cũng đủ đê mê trong không gian náo nhiệt của hàng trăm người thưởng thức, bên ánh sáng những chiếc đèn hột vịt và ánh sáng bàng bạc của đèn cao áp mé lộ 5 hắt lại, thỉnh thoảng có luồng gió mát rượi từ dòng Tonlesap thổi qua mà có lẽ nơi tiên giới cũng chỉ đến vậy.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 28 Tháng Mười Hai, 2011, 07:34:06 am
. Còn nữa, buổi trưa các bà khuấy thùng nước muối cho tan rồi đổ hàng chục cân con hến vào ngâm, chừng tiếng sau đưa ra phơi dưới trời nắng gắt hai tiếng trên tấm nilon cũ hoặc cái chiếu rách tại triền sông để đến tối dùng lá sen gói từng gói bán cho khách nhâm nhi như cắn hạt dưa với cái vị ngọt ngọt, mặn mặn, tanh tanh của nước hến màu trắng đục, hoặc món hạt dẻ ngâm nước muối, rang khô cho muối bám một lớp mỏng nhẹ ngoài vỏ, ăn vào có cảm giác béo ngậy mặn mặn bùi bùi mà hai món này các cô gái thưởng thức rất điệu nghệ khi cho nguyên con hến hay hạt dẻ vào miệng, dùng môi lưỡi đảo qua đảo lại chép chép miệng, xong cầm ca nước thốt nốt ngọt tu ực ực kết thúc món khoái khẩu, ngoài ra còn một số cách ăn chơi giải trí khá ngộ nghĩnh khác của dân chợ, tôi cũng từng nếm thử nhưng món cà tím nướng than, dùng tay véo từ cuống trái rồi lột ra, hơi nước nóng hổi bốc nghi ngút mùi oi khói, rồi nhúng đẫm vào tô mắm bò hooc đưa lên miệng cắn ngang nhai ngon lành thì tôi chịu không dám thưởng thức vì thấy nó có mùi rất đặc trưng của cá ngâm sình mủn bẩn bẩn sao ấy.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 28 Tháng Mười Hai, 2011, 07:39:56 am
. Nhắc lại đồ uống dân dã là nước thốt nốt ngọt, và chua (dân gọi là tức thốt nốt chu êm) họ dùng những cây tre rừng phát lá, chừa những cành nhỏ hai bên như xương cá rồi bó sát vào thân cây thốt nốt tạo thành cái thang trèo lên đỉnh ngọn và cắt đầu bông thốt nốt rồi cho vào những ống tre dài cỡ nửa mét treo đó cho nước thốt nốt chảy vào, hàng ngày thu về đổ tập trung vào những cái chum vại lớn nấu trong chảo lthành loại đường sền sệt rồi đổ vào khuôn theo hình oval, có màu vàng nhạt, vị ngọt dịu, họ xếp đường thành cây dài như bánh tét, gói trong lá thốt nốt khô và vận chuyển đi tiêu thụ ở khắp nơi, thời gian thu hoạch vào suốt mùa khô. Ngoài sản xuất đường, mỗi nhà dân không quên chừa lại vài ống tre làm nước giải khát ngọt mát. Cũng những ống tre đó trước khi hứng nước ngọt tiết ra từ hoa thốt nốt, dân bỏ vào ống tre vài lát vỏ cây rừng và ngày hôm sau lên men thành loại nước thốt nốt chua, uống vào có vị ngọt chua cùng cái say đê mê khó tả.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 28 Tháng Mười Hai, 2011, 07:41:25 am
. Tuần trước có một sự việc bất thường, buổi sáng một ngày cuối tuần, điện của cảnh vệ báo có khách. Ra nhà trực gặp một sĩ quan lạ đang chờ và mời về cơ quan đại diện cục quân báo sau khi đứng nghiêm chào. Chà chuyện gì đây? Đang phân vân thì vị sĩ quan nói: Trưởng phòng hành chính cơ quan đại diện tiền phương cục, thiếu tá Chiến mời anh. À ra vậy! Vì nghĩ là bạn đồng hương nên tôi không chuẩn bị thêm và lên  xe ngồi giữa hai cảnh vệ bồng súng, tôi có cảm giác như mình bị bắt. Tới khu nhà khách gần điện Chamcamon. Bước xuống xe đi giữa hai hàng vệ binh bồng súng chào, tôi tới quầy Reseption, một nữ thiếu úy cài lên áo tôi một phù hiệu và một đại úy đứng ngoài thềm tươi cười bắt tay và mời vào hội trường, trong khi mình chỉ là một thiếu úy quân y quèn, may hôm ấy lại mặc thường phục. Hội trường là một sảnh tiệc với tất cả cái gì hiện có trong đó chưa bao giờ tôi từng thấy, trên các vòm sảnh mang đậm nét kiến trúc gotic thế kỉ 18 là những dãy đèn chùm pha lê, bàn gỗ sồi, ghế bọc nhung, dụng cụ ăn uống láng bóng phản chiếu ánh sáng vàng nhạt, tiệp với màu Bordeaux của thảm dưới chân. Thực khách thuộc đa quốc gia trong đó tôi nhận ra chắc chắn có người Nga và Pháp, còn lại đa số sỹ quan Việt Nam và Campuchea. Ngó trước nhìn sau không thấy Chiến (cùng nhập ngũ, nhà ở làng Hồng Kỳ) bạn mình đâu, mà cũng không thể hỏi ai trong một không gian tràn ngập sự ngỡ ngàng xa lạ cộng với cảm giác kỳ kỳ. Xong bữa tiệc, phần lớn thực khách theo các sĩ quan hướng dẫn ra xe hơi, có đoàn phía trước xe hụ còi ưu tiên mở đường tiễn khách Đông Âu. Tôi bước ra tiền sảnh, cũng sĩ quan đó nhưng xe, lái xe và hai vệ binh khác đưa tôi về tới cổng trung đoàn và tạm biệt. Cả lúc đón, lúc trả về gần như không ai trao đổi  gì ngoài mấy câu chào xã giao. Tôi về phòng nghỉ chếnh choáng men Champange suy nghĩ có gì đó không ổn. Một tuần sau mới được biết cơ quan đại diện cục II tổ chức mừng công và tôi được mời tiệc do sự lạm quyền của bạn. Trưởng ban tổ chức, thiếu tá Đặng Đình Chiến.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 28 Tháng Mười Hai, 2011, 06:28:33 pm
ANH THƠ viết tiếp:Thời gian công tác tại trung đoàn bộ 685. Tôi nhận thấy, trong ban chỉ huy, mỗi người một phong thái, một tính cách khác nhau, nhưng tôi nhớ rất nhiều, người thủ trưởng liêm khiết, tận tụy, không hề nghĩ gì cho riêng mình ở cuộc sống riêng tư. Trong chỉ huy, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ thì cứng rắn, kiên quyết, nhưng cũng rất đỗi thấu hiểu tâm lý tình cảm và diễn biến bức xúc tư tưởng của thuộc cấp. Đại tá Huỳnh Cao Sơn. Có những buổi sáng, tôi đi khắp các phòng ban kiểm tra tình hình sức khỏe cán bộ chiến sĩ trong đơn vị. Tới phòng thủ trưởng thì thấy mớ chăn mỏng manh nhăn nheo nhỏ xíu rung bần bật giữa giường. Thủ trưởng sốt suốt đêm mà không muốn làm phiền quân y, trong khi đó cận vụ là hạ sĩ Mậu thì đang tuổi ăn tuổi ngủ, cũng chẳng chú ý gì. Đã nắm chắc căn bệnh sốt rét trở lại dày vò cái thân thể teo tóp của Ông theo định kỳ mỗi tháng nên việc điều trị cắt cơn không có gì phức tạp, nhưng Ông kiên quyết không chấp nhận lới khuyên của quân y là cần đi viện điều trị, buộc tôi phải báo cáo trung úy Tiến trưởng ban hành chính can thiệp thì Ông viện lý do "tình hình bảo đảm hậu cần cho mặt trận diễn biến phức tạp khôn lường" Thủ trưởng không thể vắng mặt lúc này. Tôi báo các chị nuôi quân nấu bát cháo nhiều thịt bồi dưỡng cho ông khỏe, Ông cũng không đồng ý, thâm chí Ông cũng rất ít để Mậu phải đưa cơm về phòng mà thường xuyên tự mình xuống bếp ăn tập thể ăn chung với các sĩ quan khác. Giờ đây Ông đã trở thành người thiên cổ. Cháu xin kính cẩn nghiêng mình trước vong linh chú...


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 29 Tháng Mười Hai, 2011, 05:20:38 am
              VIII/ Tình yêu giữa chiến trường
-   Như định mệnh vận vào đời ...Tôi đã yêu...Người tôi yêu (lúc đầu là đơn phương vì em là một học sinh mười chín tuổi, chưa từng xa nhà và vô tư đến ngây ngô trước mọi biến cố cuộc đời) là một trong ba cô quân y đều mang tên có chữ đầu bằng vần T, mới được điều động từ trường Quân y 1 ở tỉnh Sơn Tây qua nhận nhiệm vụ. Em có nước da trắng, khuôn mặt tròn và đặc biệt mái tóc dài tới gần khoeo (có lẽ đây là điểm thu hút tôi hơn cả). Nhưng cũng chỉ là đơn phương vì chưa có động thái hoặc tín hiệu nào được phát ra từ hai phía để rồi thời gian sau đó trở thành ảo vọng. Ba cô quân y mới đã nhận nhiệm vụ ở ba trạm giao liên trung chuyển thương bệnh binh ở ba tỉnh xa, người tôi yêu đi tỉnh Komponcham, một tỉnh tiền tiêu nằm trên các trục giao thông vận tải đường bộ quốc lộ 5 và đường thủy theo dòng Tonlesap, lúc nào cũng có tiếng súng tập kích của địch.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 29 Tháng Mười Hai, 2011, 05:21:42 am
. Thời gian đều đặn trôi mau, tôi công tác bình thường nhưng cứ cảm thấy thiếu vắng một cái gì không rõ ràng. Tôi thường nóng lòng theo dõi diễn biến chiến sự và tình hình hoạt động của hệ thống quân y trung đoàn trên toàn tuyến nhất là ở tỉnh có người tôi yêu mà khi nghe thượng úy Triệu bên ban tác chiến, phòng tham mưu nói: Em mới bị địch vồ hụt, may có đồng đội ứng cứu kịp thời, rồi một lần trạm chốt bị tập kích, Em lại may mắn thoát nạn nếu không có cái cột nhà dùng cột võng phía đầu chắn đường đi của viên đạn, song nó cũng kịp găm vào đùi người nằm võng phía trong. Nghe tin này, tôi càng bồn chồn hơn và chỉ mong cho mau qua tháng để quân y các trạm chốt, các tiểu đoàn về họp giao ban, lãnh thuốc để có dịp gặp lại người trong mộng. Theo báo cáo của quân y các trạm chốt: quân y và các nhân viên cứu thương phục vụ thương bệnh binh qua trạm  để về Việt Nam khá vất vả bối rối trong việc xử lý cấp cứu qua trạm nhất là cơ cấu thương tích phức tạp, có thương binh đa chân thương, áp lực tâm lý căng thẳng, có thương binh về tới trạm thì hi sinh, các thương binh khác đau đớn, khủng hoảng quá cứ trút giận lên đầu quân y và các chiến sĩ cứu thương của trạm. Khi đi kiểm tra hoạt động quân y sáu tháng đầu năm, nắm rõ thực tế, tổ chức họp phân tích tình hình và trấn an, làm công tác tư tưởng chung cho toàn tuyến và cũng để động viên Em, tôi nói: Những bức xúc của thương binh, có thể chấp nhận được, những la hét xỉ vả tục tĩu đấy nhưng trong đó hàm chứa tình yêu thương đồng đội của họ đối với các đồng chí là thân phận nữ nhi phải đương đầu mũi tên hòn đạn nơi chiến tuyến. Tâm lý ấy, phản ứng ấy, hoàn toàn chỉ có ở những người đàn ông bản lĩnh, đầy tính nhân văn, ngay lúc cái chết đang đe dọa vẫn trăn trở về đồng đội nữ của mình phải rời xa tổ quốc đến nơi bắt buộc này.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 29 Tháng Mười Hai, 2011, 05:22:34 am
. Đánh giá thực tế đó khi giao ban tôi có đề xuất với cán bộ quân lực rút hết số nữ quân y tại các chốt về tuyến sau, nhưng lấy ai thay vào? và tình hình vẫn như thế trôi theo năm tháng chiến trường. Trở về Phnompenh, sống trong yên bình, tôi càng thấy thương Em nhiều hơn. Thời gian cuối năm 1981, sau khi khôi phục sửa chữa lại tuyến đường sắt Phnompenh – Pursat - Siemreap - Sisophon bị tàn phá và bỏ phế. ngoài những đoàn tàu sông, sông biển và xe tải của các đơn vị bạn trong cục vận tải, Trung đoàn tôi có thêm những đoàn tàu hỏa chở vũ khí khí tài quân trang quân dụng cho mặt trận phía Tây. Từ những chuyến tàu đầu tiên đã xảy ra thương vong do bị bọn tàn quân cài mìn và tập kích trong những cánh rừng sâu nên chỉ huy đại đội 2 do thượng úy Tiến chỉ huy tại cảng cây số 6 cho gắn hai toa đen chở củi phía trước đầu tàu làm chức năng phá mìn, đồng thời tăng cường tay súng tiểu liên bảo vệ hàng nên tình hình ổn định dần sau vài lần tập kích không thành của địch.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 29 Tháng Mười Hai, 2011, 05:30:45 am
                 VIII/ Đất nước của tang tóc và hồi sinh.
- Công việc đi vào ổn định và cũng để nguôi ngoai mối tình đơn phương. Tôi giành thời gian tìm hiểu về đất nước đau thương tang tóc này.
- Kampuchea và cả đồng bằng Nam bộ Việt Nam có chung nguồn gốc hình thành từ cuối thế kỉ thứ 3 đầu thế kỉ thứ tư thuộc kỉ tân sinh đại. Lúc sóng biển Đông còn vỗ về miên man vào chân dặng núi Danrec. Cả vùng đất này hình thành bởi phù sa từ cao nguyên Tây Tạng và tặng phẩm muôn trùng của biển khơi bồi đắp cho thềm lục địa vịnh Thailand. Do khiếm khuyết của tạo hóa thời hồng hoang trong quá trình hình thành kiến tạo vỏ trái đất, đã để lại sự tồn tại của dòng Menam dài rộng. Biển hồ Tonlesap. Vịnh Kongpongxom và đồng tháp mười Việt Nam. Tiền thân là những cái tên: Lục Chân Lạp, thủy Chân Lạp, Phù Nam gắn với quá trình xây dựng, cai trị của các Varman (vua, lãnh chúa). Chịu sự tác động rất sớm của nhiều đợt du nhập văn hóa Ấn Độ và ảnh hưởng văn hóa Óc eo. Do các cuộc xâm lược của những quốc gia lân cận, phải nhiều lần dời đô: SiemReap, Phnompenh, Lovec, Udong, Phnompenh.v.v.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 29 Tháng Mười Hai, 2011, 05:37:22 am
- Thời kỳ thịnh vượng của quốc gia Angkor bắt đầu từ giai đoạn giải phóng và thống nhất đất nước dưới thời Giayavarman II. Tiếp đến là thời kỳ sáng lập kinh đô Angkor của Yaxovarman và tiếp theo là các công cuộc xây dựng phát triển không ngừng của đất nước dưới sự cai trị của các Varman cho đến đầu thế kỷ thứ VIII GiayavarmanV hoàn thành việc xây dựng Angkorthom là kinh thành lớn nhất trong các Angkor. Quốc gia Kampuchea đã từng thịnh trị thành đế quốc Angkor. Nhưng cũng có lúc suy vi và bị đô hộ, đồng hóa bởi nhiều quốc gia láng giềng trong đó dấu ấn sâu đậm nhất là các công cuộc Ấn hóa.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 29 Tháng Mười Hai, 2011, 05:38:42 am
. Mệnh danh là đất nước chùa tháp vì khắp đất nước, đâu đâu cũng là chùa chiền đền tháp, điện thờ trong cảnh quan u tịch thanh bình. Khắp nơi trên mọi nẻo đường, trong không gian sinh hoạt cộng đồng nơi đô hội cũng như vùng nông thôn, núi rừng heo hút, tôi thây chỗ nào cũng có sư hiện diện của màu áo cà sa của giới Tăng Già với tâm thế thành kính nhẫn nại. Đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc là các Angkor (kinh thành) với đặc điểm, vật liệu xây dựng chính bằng đá khối, chạm khắc thủ công tinh vi và thi công hoàn toàn bằng sức người với các công cụ thô sơ đưa những khối đá hàng chục tấn lên những vị trí cao ngất theo mẫu kiến trúc công trình mà qua đó tôi mường tượng sự tương đồng với hình thức thi công kim tự tháp của các Pharaon Ai Cập. Đặc điểm thứ hai là các Angkor bao giờ cũng chỉ có một con đường ốp đá duy nhất dẫn từ ngoài vào và cả bốn phía có hồ nhân tạo bao bọc, vừa làm chức năng phòng thủ, vừa cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân kinh thành, với đặc điểm giữa hồ chính thường có ngôi đền thờ Linga vị vua cai trị và xây dựng Angkor đó. Angkorwat bắt đầu được xây dựng dưới thời cai trị của Xuryavarman II, một ông vua giỏi binh pháp, giỏi kiến trúc, hiếu chiến và gây hấn với nhiều quốc gia láng giềng (đã từng tính chuyện thôn tính Đại Việt thời nhà Lý).


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 29 Tháng Mười Hai, 2011, 06:03:46 am
. Cộng với bao nhiêu sức lực trí tuệ của các dân tộc Kampuchea với Khơme là dân tộc đa số cùng các dân tộc anh em: Samre, Cui, Pia, Sáo, Po, Phnong, Xamri, Cuội, Java, Stieng, Chàm.v.v. Thành quả hiến dâng cho nhân loại là kỳ quan Angkorwat đồ sộ, điểm nhấn hoàn hảo của nền văn minh Angkor rực rỡ. Đặc biệt trong mỗi ngôi chùa đều có tranh trên vòm mô tả sinh hoạt nơi Phật giới rất sống động phong phú, gần gũi đời sống thường nhật. Xung quanh đền đài là những bức phù điêu tả cảnh cung đình, phản ánh những buổi thiết triều với sự hiện diện của quốc vương cùng những thứ bậc quan lại đại thần, địa vị đẳng cấp của một xã hội với nhà nước quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền. Tôi rất thích hú chiêm ngưỡng những phù điêu phản ánh những nghi lễ và vũ hội trong đó nổi bật hình ảnh nàng Apsara xinh đẹp trong vũ điệu dâng rượu uyển chuyển tạo nên những đường cong tuyệt mỹ. Hình tượng rắn Naga bảy đầu ngẩng cao kiêu hãnh trên các đầu đao đền chùa. Trong các điện thờ của Hindu giáo luôn hiện diện Linga và yoni là một điêu khắc bằng đá mô phỏng dương vật (phllus) và âm vật là hai thuộc tính âm dương của thần Siva vị thần hủy diệt và hồi sinh, là vị thần đứng thứ ba trong (nhất vị tam thể) của đạo Banamon mà ta thường thấy ở Angkorwat pho tượng hai mặt bốn tay là kết hợp Siva và Visnu thần sáng tạo ra vũ trụ. Còn vị thần thứ nhất Brahman là bản nguyên của vũ trụ nhưng tôi không thấy xuất hiện trong không gian thờ mà có thể chỉ mang ý nghĩa tinh thần. Theo tín ngưỡng phồn thực, thần Siva chủ trì tình dục, sản sinh phát triển giống nòi và sự phồn thịnh. Đến thời đại cai trị của các Varman thì xuất hiện khái niệm Vua-Thần và tín ngưỡng phồn thực thờ Linga chính vị vua đang trị vì dược duy trì


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 29 Tháng Mười Hai, 2011, 07:12:36 am
 Ý kiến của Vetran: Thật vậy! Anh thơ nhận xét về chính ủy Huỳnh Cao sơn chính xác. Mấy năm sau, khi tôi được điều động về Việt Nam công tác, tại trung đoàn 684 - Tân Cảng. Một buổi đang kiểm tra công tác an toàn lao động tại  khu vực cần cẩu trên sân cảng thì thấy dáng Ông xiêu vẹo trên cầu cảng vì hôm nay gió Nam rất lớn. Nhìn bóng thủ trưởng cũ xộc xệch trong bộ quân phục cấp tá cứng queo với cái áo nửa trong nửa ngoài quần vì thân thể gầy gò không tạo được dáng bệ vệ chững chạc như các thủ trưởng khác. Nhìn ông mà tôi cảm thấy ái ngại, cũng là lúc Ông nhận ra tôi. Tay bắt mặt mừng sau ba năm tôi xa thủ trưởng, lát sau tôi được thủ trưởng cho biết: Vừa qua ở quê, bọn đạo Chích đột nhập vét sạch số tiền trợ cấp hưu trí lần đầu của Ông nên không có tiền sửa lại căn nhà trước mùa giông gió miền Trung. Nay thủ trưởng cục vận tải cấp cho Ông ba trăm cân thép sử nhà, và hôm nay Ông xuống cảng để nhận rồi gửi tàu thủy về cảng Đà Nẵng ( Ngày đó trong đầu tôi thắc mắc. Một đại tá, được cấp vài tạ thép, mà sao không cấp cho Ông ở một kho nào đó ở miền Trung, hoặc cấp tiền để về ngoài ầy mua thép?) nhưng hôm nay  con tàu của đoàn Hồng Hà loay hoay từ sáng đến giờ vẫn không cập cảng được do gió lớn thổi thẳng từ phía cảng ra sông Sài Gòn, mà thời đó quân cảng không có tàu lai giắt. Làm thủ tục nhận hàng xong tôi hối thủ trưởng cứ về, chuyện gửi hàng để dưới cảng chúng tôi lo. Nhưng đúng như người đời nói"Cũng một phận người, nhưng sướng, khổ nó có số" vì ông không chịu để phiền lụy đến chiến sĩ. Và tiếp tục ngồi chờ tàu cặp cảng.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: tranphu341 trong 29 Tháng Mười Hai, 2011, 11:37:00 am
                   Chào bác! Tranphu341 rất khâm phục sự hiểu biết rộng của bạn về phong tục tập quán, nguồn gốc và sự phát triển của cư dân Campuchia. Văn hóa Ăngco Cũng như là sự uyên thâm trong chuyên môn của người thầy thuốc. CÙNG VỚI TÌNH YÊU CHÂN CHÍNH. MỐI TÌNH THẬT ĐẸP. THẬT TUYỆT VỜI.
.
                   Chúc bạn có nhiều sức khỏe cùng niềm vui để đi tiếp chặng đường dài này!


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: TichTuongNhuLe trong 29 Tháng Mười Hai, 2011, 11:45:13 am
.
     Bác Vetran ! Chuyện của bác rất hay nhưng bác viết ngắn gọn quá. Giá mà bác viết chi tiết hơn ?


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 29 Tháng Mười Hai, 2011, 12:20:19 pm
.
     Bác Vetran ! Chuyện của bác rất hay nhưng bác viết ngắn gọn quá. Giá mà bác viết chi tiết hơn ?
Cám ơn bác TTNL, thật tình tôi cũng không có năng khiếu diễn đạt tư duy bằng ngòi bút. Chi bằng nhớ ra cái gì thì viết ra ngay kẻo quên. Hơn nữa trong thời gian ngắn ngủi gần năm năm trên đất bạn, bây giờ ngồi nhớ và ghi lại có những sự vụ xảy ra trong muôn vàn cua nhân tình thế thái thật chi tiết  thì sống mũi lại cay cay. Mong các bác thông cảm cho cái sự yếu đuối tình cảm của tôi. Xin chúc bác TTNL và gia đình an khang hạnh phú, tài lộc sức khỏe như Rồng thăng trong năm mới


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 29 Tháng Mười Hai, 2011, 12:49:13 pm
                  Chào bác! Tranphu341 rất khâm phục sự hiểu biết rộng của bạn về phong tục tập quán, nguồn gốc và sự phát triển của cư dân Campuchia. Văn hóa Ăngco Cũng như là sự uyên thâm trong chuyên môn của người thầy thuốc. CÙNG VỚI TÌNH YÊU CHÂN CHÍNH. MỐI TÌNH THẬT ĐẸP. THẬT TUYỆT VỜI.
.
                   Chúc bạn có nhiều sức khỏe cùng niềm vui để đi tiếp chặng đường dài này!
Vetran và Anh Thơ chân thành cám ơn bac Tranphu 341, Cám ơn sự quan tâm của người đồng chí, nhiệt tình, nhã nhặn,khiêm tốn, có tri thức rộng và rất máu khi nhớ về một thời lửa và hoa. Cám ơn sự hồi âm của Bác. Trời! tưởng đâu xa lạ như ở sao hỏa hay oai phong như công dân kinh kỳ. Cái đất Thái Lọ quê bác thì có nhiều giai thoại truyền khẩu trong lính lắm, thậm chí xuýt chỏang nhau, quê bác tiến lên công nghiệp hóa hiện đại hóa khá sớm với nhà máy cháo và xí nghiệp đúc muôi phải không?.. Thôi xin lỗi bác! lan man quá hóa nói dại. Thái Bình cũng là nơi  gốc gác tổ tiên tôi khi các cụ từ tả ngạn qua hữu ngạn tìm miền đất mới. Còn những năm bảy mươi thì tụi trẻ chúng tôi hay bơi nương theo dòng xoáy của nước sông hồng từ bên Giao Thủy qua đất cụ tổ thuộc Vũ Thư trộm ngô và khoai lang bãi. Xin kính chúc bác và toàn gia an khang hạnh phúc. chúng tôi hân hạnh tiếp đón bác và gia đình tại gia đình tôi. Khu Nam SÀi gòn quận 7 thành phố Hồ Chủ Tịch khi có dịp vào Sài gòn. Mời chân thành như chất lính đấy.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: tranphu341 trong 29 Tháng Mười Hai, 2011, 03:57:09 pm
            Vâng! Tranphu341 rất cảm ơn bạn đã có lời ca ngợi "nền công nghiệp" đầu tiên ở TB. Vì thế cho nên TB vừa được các nhà máy đóng cháo trong túi trẩ biết bao tiền vì họ phát triển ý tưởng từ nhà "máy cháo đấy"  ;D ;D ;D

             Vậy tên vetran là Anh Thơ?

              Chúc bạn tiếp những câu chuyện kỳ thú của cuộc đời nhé!


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 29 Tháng Mười Hai, 2011, 05:48:57 pm
Thời kỳ cận và hiện đại, cũng như hai nước láng giềng trên bán đảo Indochina là Việt Nam, Laos, nhân dân Kampuchea sống dưới sự đô hộ của thực dân Pháp, đã anh dũng chiến đấu trong các cuộc khởi nghĩa chống lại ách thực dân dưới sự lãnh đạo của Achaxoa, Pucombo, hoàng thân Sivotha.v.v. Tiếp đến là cuộc chiến đấu chống mỹ cứu nước dưới sự lãnh đạo kiên cường của các lãnh tụ Đảng nhân dân cách mạng bên cạnh chính phủ Vương quốc đoàn kết dân tộc và mặt trận thống nhất dân tộc đã đi đến thắng lợi. Khai sinh nước Cộng hòa nhân dân Kamphuchea ngày 17 tháng 4 năm 1975. Là những trang sử chói lọi của các dân tộc anh em trên đất nước chùa tháp đi vào giai đoạn xây dựng xã hội độc lập tự chủ, trung lập và không liên kết, với những thành tựu ngày càng to lớn phát triển của một nền sản xuất công nông ngư với điều kiện thiên thời địa lợi. Trong sinh hoạt cộng đồng thường có múa năm vông vui nhộn tình tứ. Có lễ cầu an, cầu siêu, té nước, tết Chochnamthomay và nhiều hình thức lễ hội khác.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 29 Tháng Mười Hai, 2011, 06:07:27 pm
. Đặc biệt có tập tục tu báo hiếu. Theo truyền thuyết, nguồn gốc việc tu báo hiếu của người Khmer xuất phát từ câu chuyện về hai mẹ con người Khmer. Vì chồng mất sớm nên người mẹ trong câu chuyện này phải thay cha làm nghề săn bắt để nuôi con. Là một đứa trẻ thông minh, có lòng nhân từ nên từ nhỏ khi thấy mẹ sát sinh hại vật tội lỗi, Socpenh Kokma - đứa con trai - đã trốn mẹ lên chùa gần nhà để xin được đi tu nhằm phần nào hóa giải tội lỗi giúp mẹ. Khi người mẹ chết, linh hồn của bà đã không bị quỷ dữ hành hạ dù bà đã sát sinh rất nhiều khi còn sống. Bà có được sự may mắn đó chính là nhờ đức độ tu hành của con mình đã giúp bà hóa giải những tội lỗi. Từ đó câu chuyện cảm động này trở thành truyền thuyết nhắc nhở người con trai Khmer đến tuổi trưởng thành đều đến chùa tu một thời gian để tạo phước báu cho cha mẹ như một cách báo hiếu công sinh thành dưỡng dục. theo đó những người con trai, để cộng đồng công nhận trưởng thành thì phải qua thời gian xuất giá, xuống tóc tu hành tại một ngôi chùa trong khu vực. Trước đây thời gian tu báo hiếu có thể tới mười năm nhưng nay do nhiều yếu tố tác động xã hội như hoàn cảnh mỗi gia đình, khả năng kinh tế và tác động những vấn đề cộng đồng và sự hòa nhập của xã hội mà thời gian tu có du di phù hợp, thậm chí từ lúc làm lễ nhập tu đến lúc hoàn tục chỉ có hai mươi bốn giờ đồng hồ.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 29 Tháng Mười Hai, 2011, 06:15:46 pm
. Một hình tượng rất đặc trưng là những cây thốt nốt cao vút, mọc thành từng đám hoặc lẻ tẻ mạnh mẽ, bất cứ chỗ nào có người ở là có thốt nốt hiện diện. Cũng vì lẽ đó sau này tổ chức Khơmekrom, có sự hậu thuẫn của cựu quốc vương Xihaluc tuyên truyền “chỗ nào có thốt nốt mọc, chỗ đó là đất Kampuchea” Nghĩa là bao gồm toàn bộ sáu tỉnh miền tây Nam bộ Việt Nam. Nhân đây tôi ghi mấy suy nghĩ của mình về vai trò của ông quốc trưởng Samder Norodom Xihaluc và cái thể chế quân chủ của xã hội KPC qua tìm hiểu những tài liệu của đại học khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, các tài liệu dịch của Nga ,Trung Quốc và qua năm năm thực tế trên đất nước này: Trong tất cả các cuộc binh biến hoặc chính biến của đất nước, Ông và các con ông  đều tránh mặt ở nước ngoài, nhất là Trung Quốc, Pháp. Những khó khăn gian khổ hi sinh đổ lên đầu người khác. Quân đội ta, đường dây 559 phải đổ cả xương máu bảo vệ và chuyên chở ông nhiều chuyến đi về lánh nạn. Khi mỗi lần tai ương đi qua ông lại nhanh chân trở về phục hồi lại cái chế độ Bảo Hoàng cũ, mặc dù giá trị chỉ như nhãn mác nhưng rõ ràng sự đớn hèn của Ông và những ông hoàng trong thể chế quân chủ không đáng trọng vọng. Nhất là cái Đảng Bảo Hoàng Funcipec do con trai Ông, hoàng thân Norodom Ranariddh đứng đầu, vậy mà máu xương của quân tình nguyện Việt nam còn chưa khô vết trên đất nước Ông, hàng triệu sinh linh là con dân Ông ngậm ngùi đau khổ nơi chín suối thì Ông lại hậu thuẫn cho đám Khơ Me cực đoan toan tính quấy rối an ninh chính trị nước ta, bươi móc thây ma quá khứ, kích động hận thù dân tộc với chiêu bài phục hồi nhà nước Khomecrom ở miền Tây Nam bộ Việt Nam. Thời gian đi thực tế trong vùng rừng núi Uran, tôi chú ý các khu rừng bằng phẳng nhiều cây khộp lá to trên nền cát, rất ít cây núp xúp hoặc dây leo. Có thể chạy thoải mái trong rừng già, xen lẫn là những vỉa đá thấp với hình dáng cao dần ở giữa như một đĩa bột chín thường nấu cho trẻ ăn hoặc những khối đá có hình trứng mà thành phần câu trúc giống như loại đá ở vùng đá ba chồng ven lộ 20 Định Quán – Đồng Nai. Một chú ý qua quan sát tôi thấy giữa núi rừng mênh mông này lại toàn cát trắng, thứ mà chỉ thấy ở bờ biển miền Trung Việt Nam, nếu không hành quân xa mà chỉ sinh hoạt hàng ngày trong lán trại thì dày dép không có ý nghĩa gì mà đi lại bằng chân trần vừa êm vừa sạch


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 29 Tháng Mười Hai, 2011, 06:20:50 pm
. Vì vậy tôi nghĩ có lẽ một phần đất Kampuchea này từng nằm sâu dưới đáy đại dương trong đới đứt gãy vỏ trái đất, là vết tích nham thạch những lần phún trào của vòng cung núi lửa cổ Nam Á Thái Bình Dương thời hồng hoang, và quá trình bồi đắp lục địa để có lãnh thổ quốc gia này. Đồng bằng rộng lớn hút tầm mắt, thỉnh thoảng điểm một cây thốt nốt mồ côi. Các dân tộc Kampuchea sống hòa thuận thanh bình tự tại. Họ thường quần cư ở những vùng nhiều sông nước với nếp sống tự do giao thương trao đổi hàng hóa, các sản vật của sông hồ, của rừng núi và nông sản đồng bằng, họ tự do buôn bán qua  đường tiểu ngạch với dân các nước láng giềng. Trong thời gian công tác ở thủ đô Phnompenh với vị thế một sĩ quan quân y, tôi có mối quan hệ với nhân dân và quân đội bạn rất thân mật chân tình trong những lần khám chữa bệnh trong khuôn khổ công tác dân vận, do đó tôi dễ dàng tiếp xúc với các giới chức và tầng lớp công dân Kampuchea, qua quan sát và tiếp xúc với giới thương nhân, tôi nhận thấy trong lĩnh vực giao thương, ngoài người Khơ me còn có rất nhiều người Việt, người Hoa trong đó có những gia đình rất phát đạt giàu có đến bất ngờ, còn người Champa thì rất sành sỏi nghề đánh bắt cá, nghề gốm, người Ấn và Java lại thiên về hàng thủ công mỹ nghệ mà tất cả đều sống và hoạt động cộng đồng trên tâm thái thoải mái tự tin. Toàn bộ bức tranh hồi sinh của đất nước Kampucea phản ánh trung thực quá trình ổn định nhanh chóng sau một chấn động xã hội tưởng chừng tuyệt chủng dân tộc này, đó là hình ảnh rất nhân văn, bản sắc dân tộc phong phú, một sức sống mãnh liệt và một nền văn hóa tín ngưỡng đa dạng với đạo Phật là quốc giáo bên cạnh sự tồn tại của nhiều tôn giáo khác như Hindu giáo, khổng giáov.v. Trong đó Thiên chúa giáo là tôn giáo thiểu số nhất.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 29 Tháng Mười Hai, 2011, 06:23:24 pm
- Với kỳ vọng cháy bỏng của nhân dân Kamphuchea ngày 14 tháng 4 năm 1975 phải là mốc son mở ra trang sử mới trong độc lập tự chủ, ấm no hạnh phúc, phồn vinh thịnh vượng sau hàng thế kỷ sống trong đô hộ áp bức của ngoại xâm, Nhưng không. Sự phản bội trắng trợn đối với nhân dân của tập đoàn Polpot – Iengsari với cái mác “Kampuchea dân chủ” đã nhấn chìm đất nước vào biển máu, tạo thành trang sử đen tối khốc liệt nhất đối với dân tộc này vì chưa có tiền lệ và sau này chắc lịch sử không lặp lại.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 29 Tháng Mười Hai, 2011, 06:40:08 pm
           Vâng! Tranphu341 rất cảm ơn bạn đã có lời ca ngợi "nền công nghiệp" đầu tiên ở TB. Vì thế cho nên TB vừa được các nhà máy đóng cháo trong túi trẩ biết bao tiền vì họ phát triển ý tưởng từ nhà "máy cháo đấy"  ;D ;D ;D

             Vậy tên vetran là Anh Thơ?

              Chúc bạn tiếp những câu chuyện kỳ thú của cuộc đời nhé!
Xin bác Tranphu314 theo dõi tiếp câu chuyện của tôi thay cho câu trả lời cái tên Anh Thơ.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: tranphu341 trong 29 Tháng Mười Hai, 2011, 09:37:56 pm





Xin bác Tranphu314 theo dõi tiếp câu chuyện của tôi thay cho câu trả lời cái tên Anh Thơ.
[/quote]
                  Vâng! Tôi vẫn đang theo dõi bài viết của bạn đây! Kho lưu trữ hiểu biết của bạn về đất nước Ăng Co quả là thật phong phú

                                               CHÚC BẠN LUÔN VUI KHỎE VÀ TIẾP BƯỚC HÀNH QUÂN CỦA MÌNH!


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 30 Tháng Mười Hai, 2011, 05:50:25 am
- Qua lịch sử đau thương tăm tối của đất nước Kampuchea, tôi bắt đầu tìm hiểu từ nhà tù Tuolsleng vốn dĩ là một trường trung học. Khơ me đỏ đã biến thành nơi giam cầm tra tấn và thủ tiêu những công dân Kampuchea mà chúng cho là chống đối nhà cầm quyền. Cảm nhận ban đầu của tôi là tấm bản đồ Kampuchea trước cổng vào, ngang tầm mắt trên một bức tường khá lớn được kết bằng hàng ngàn sọ người với đặc điểm là đều bị đập vỡ sau gáy, tiếp theo là những phòng học dùng để chứa xương người theo từng loại tay chân, xương sống xương sườn riêng, đây là bằng chứng tố cáo tội ác thảm sát tập thể mà bọn đao phủ tại nhà tù này thực hiện dưới sự chỉ huy của tên trùm khát máu có biệt danh là DUCK. Tôi còn đối diện với những núi xương như vậy trong các chùa chiền ngoại ô Phnompenh và đền chùa ở khắp cả nước được nhà chùa và nhân dân qui tập ở những hố chôn tập thể tập trung lại và để lộ thiên như vậy mà chưa có kế hoạch hỏa táng. Hình ảnh tiếp theo là những dãy phố, cỏ mọc um tùm, những căn nhà hoang lạnh bị đập phá hết cánh cửa, thỉnh thoảng lại có một bóng cáo mèo chó hoang vụt qua kêu réo, còn chuột hoang, rắn rết thì vô số kể. Sau khi chúng đuổi dân về nông thôn lao động khổ sai, rồi chặn hai đầu phố làm bãi lưu giữ các phương tiện giao thông như xe hơi xe tải cùng phương tiện giao thông cơ giới, thô sơ khác. Trong các khu biệt thự lớn, các kho hàng và chợ lớn Oxay chúng dồn hàng ngàn loại vật phẩm tiêu dùng, đồ gia dụng, đồ trang trí nội thất, thuốc men y cụ, những tác phẩm nghệ thuật, những kiệt tác văn hóa thuộc thế giới hiện đại mà theo chúng là đồ xa xỉ của bọn tư bản và bọn trí thức thối tha tiêm nhiễm thói hư tật xấu từ chế độ cũ, để cho mưa nắng hủy hoại, đào thải vì không phù hợp với tư tưởng và phương thức xây dựng CNXH của chúng.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 30 Tháng Mười Hai, 2011, 05:52:46 am
- Khơ Me đỏ, đứng đầu là Xalotxa (Polpot), Ieng sary, và hai mụ vợ là chị em ruột. Cùng Khieuxamphon, Ieng thirit, Sonsan.v.v.Với thành phần xuất thân từ những gia đình tiểu tư sản, trung nông cấp trên, được thực dân Pháp đưa qua Pháp học tập từ những năm 50 thế kỉ XX, sau đó thông qua Bắc Kinh chúng về nước lấy danh nghĩa là đảng viên Đảng cộng sản Pháp xin được sinh hoạt trong tổ chức Đảng nhân dân cách mạng Campuchea và từ từ thao túng nắm quyền lãnh đạo Đảng đồng thời tiến hành thủ đoạn khủng bố, thủ tiêu dần những đồng chí lãnh đạo chân chính, trung kiên như đồng chí Tussamut, Sơn Ngọc Minh.v.v.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 30 Tháng Mười Hai, 2011, 06:00:06 am
. Với tư tưởng tiểu tư sản và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, trong thời gian hải ngoại do thu lượm những mảnh vụn của các chủ thuyết phản động thế giới đến khi gặp giai đoạn cao trào của đại cách mạng văn hóa vô sản và cách mạng đại nhảy vọt của Trung Quốc. Chúng vui mừng chộp lấy chủ nghĩa Mao nhiệt tình như tìm được cứu cánh. Chúng lấy Maoit làm tư tưởng chỉ đạo mọi hành động diệt chủng, phá hoại đất nước Kampuchea. Chúng lợi dụng những danh từ tuyên truyền Đảng của chúng là Đảng Macxit-Leninit trong đó tư tưởng Mao Trạch Đông là mới nhất, hoàn thiện nhất. Tổ chức Đảng theo kiểu tổng tư lệnh, Đảng nắm toàn quyền với hệ thống tổ chức mang danh từ bí mật là Angkar (tổ chức) như một đấng thần linh vô hình ngự trị trong toàn bộ đời sống xã hội Kampuchea. Biến Đảng nhân dân cách mạng thành một tổ chức khủng bố. Nhà nước không còn chức năng gì. Không có hệ thống viện  kiểm sát, tòa án. Bên cạnh đó từ chiến lược thôn tính các nước đông dương, bọn bành trướng BK lấy chiêu bài chống chủ nghĩa xét lại để chống phá chia rẽ các nước gồm Liên Xô và các nước XHCN trong đó có Việt Nam, tiếp theo chúng dựng lên con ngáo ộp Liên Bang Đông Dương vu cáo VN, lấy cớ đó xua bọn Khơ Me đỏ lấn chiếm và gây ra cuộc chiến tranh biên giới với tham vọng tiến hành hai gọng kìm để thôn tính nước ta, nhưng cả thầy và tớ đều thảm bại. Ngay từ sau tháng 2 năm 1975 chúng đóng cửa hoàn toàn biên giới với các lân bang, gây hấn ở biên giới nước ta ở qui mô nhỏ. Đến 1977, chúng đoạn tuyệt mọi hình thức trao đổi giải quyết bằng thương lượng hòa bình của ta. Trục xuất hoặc khủng bố thủ tiêu các ngoại giao đoàn, chỉ còn lại duy nhất là Trung Quốc. Xác định Việt nam là kẻ thù số một, truyền kiếp để phát động chiến dịch (Cáp Duôn, tiêu diệt 60 vạn Việt kiều) Xua đuổi gần hết Việt kiều và hạ sát 2000 người VN quăng xác xuống đầm Stungtreng.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 30 Tháng Mười Hai, 2011, 06:01:07 am
. Đập chết một lúc 2005 người Khơ Me lấy thành tích chào mừng quốc khánh 17 tháng 4. Với  quyết tâm “sẵn sàng hy sinh hai triệu người Kampuchea để tiêu diệt hết 50 triệu người Việt Nam và chủ trương chỉ cần hai triệu dân Kampuchea mà chúng xếp vào loại một (lấy nông dân làm lực lượng tiên phong cách mạng, lấy dân sống trong những vùng giải phóng cũ làm lòng cốt) là đủ sức xây dựng thành công CNXH còn các loại dân khác gồm: trí thức, giáo sĩ nghệ sĩ, doanh nhân là lũ ăn bám. Cán bộ công chức, binh lính, thị dân, dân sống trong vùng chế độ cũ là loại phản động. Do đó cần duy trì dân loại một, thanh lọc dân thành thị và dân đã sống trong chế độ cũ. Số còn lại đều thuộc đối tượng bị hành quyết bất cứ lúc nào, vì lý do gì, nhất là khi không chịu nổi chế độ lao động khổ sai ở những công xã nông thôn. Angkar các cấp tra tấn thủ tiêu công dân bằng mọi hình thức dã man nhất, giết người theo chỉ tiêu kế hoạch trên giao để đảm bảo đẩy nhanh tiến độ thanh lọc cho đạt còn 1/3 dân số hiện hữu sau đó sản xuất công dân mới theo tiêu chí về con người của chúng đặt ra. Tổ chức thanh trừng tại quân khu 304, dùng xe tăng, súng máy bắn giết hàng loạt từng đơn vị quân đội nghi có vấn đề như sư đoàn 290, sư 200 và bảy trung đoàn của quân khu miền Đông bị tàn sát toàn bộ. Với lí luận: Xã có vấn đề thì huyện có vấn đề. Đại đội có vấn đề thì tiểu đoàn có vấn đề. Do đó, cá nhân, tập thể có thái độ tư tưởng khác Angkar sẽ bị hành quyết bằng treo cổ, mổ bụng, moi gan chôn sống, nhưng phần lớn là bị đập đầu từ phía sau. Sau đó đẩy xác xuống sông, xuống giếng hoặc hố chôn tập thể mà chính những người bị chôn mới tự tay đào. Thực hiện kế hoạch thanh lọc trong một thời gian ngắn đã đạt kết quả mà chúng đánh giá là “xuất sắc”: hành quyết được 249 người gồm ủy viên trung ương. Bí thư, ủy viên miền. Bí thư, ủy viên vùng. Bí thư, ủy viên cấp bộ nghành. Chúng tiêu diệt gần hết người Chàm, Thái còn người Hoa thì đưa đi lao động khổ sai với quyết tâm làm (trong sạch xã hội và xóa bỏ giai cấp triệt để) cho đến tháng 7 năm 1978 hơn ba triệu sinh mạng bị giết oan uổng. Ngoại kiều của các nước khác chưa kịp di tản cũng trở thành đối tượng bị tiêu diệt.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 30 Tháng Mười Hai, 2011, 06:05:47 am
- Phá hủy đến tận cùng cơ cấu kinh tế quốc dân. Với sản xuất thì chỉ tập trung ưu tiên nông nghiệp. Ngư nghiệp là nghề khai thác quan trọng của đất nước có ưu thế về biển đảo, sông hồ cũng bị bỏ rơi thu hẹp Triệt phá toàn bộ nền công nghiệp với nhà máy công xưởng, hầm mỏ bị san phẳng, kỹ sư, kỹ thuật viên bị hành quyết, công nhân đưa về nông thôn sản xuất nông nghiệp. Xóa bỏ thương nghiệp, không họp chợ, không có hệ thống cửa hàng bách hóa, cấm giao dịch tiền tệ. Triệt tiêu các nghề thủ công, không áp dụng khoa học công nghệ và máy móc hiện đại vào sản xuất với lý luận: Nông dân là giai cấp tiên phong, có lúa là có tất cả. Tự lực cánh sinh, xây dựng CNXH bằng sức lực đôi tay và cuốc xẻng.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 30 Tháng Mười Hai, 2011, 06:07:16 am
- Hủy diệt tận gốc mọi trật tự xã hội. Sáo trộn định cư của công dân, thị dân ra nông thôn sản xuất, nông dân vào thành phố, đưa dân từ vùng này sang vùng khác, từ Đông sang Tây, từ miền núi về đồng bằng và ngược lại, nhằm mục đích xóa bỏ tận gốc cơ sở của địch cài cắm trong dân. Mô hình xã hội được xây dựng là: không có gia đình, họ hàng dòng tộc, và lý luận: Cách mạng Kampuchea là một chính thể, dân tộc Kampuchea cũng là một chính thể, ngôn ngữ duy nhất là tiếng khơme, từ nay không còn dân tộc nào khác, dân tộc thiểu số phải đổi tên cho giống tên Khơ me, cấm dùng trang phục, ngôn ngữ, văn hóa đặc trưng. Chúng đặc biệt quan tâm tiêu diệt giới trí thức khoa học. Xóa bỏ toàn bộ hệ thống giáo dục đại học trung học và phổ cập, tiêu diệt hầu hết cán bộ giáo viên, chỉ để lại một bộ phận nhỏ đào tạo những tay chân phục vụ chính quyền. Phá hết bệnh viện, các cơ sở điều trị, tiêu diệt toàn bộ cán bộ nhân viên nghành y, không dùng tân dược chữa bệnh. Chỉ duy trì một số cơ sở điều trị mà thực ra là cơ sở quản thúc và thủ tiêu công dân, trong đó cán bộ y tế được đào tạo sáu tháng đủ trình độ thực hiện vai trò đao phủ để tiêm thuốc độc cho bệnh nhân theo lệnh của Angkar, người dân nhập viện điều trị bệnh cũng đồng nghĩa với đi gặp tử thần. Cấm tất cả mọi hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ, các đoàn nghệ thuật biểu diễn cho quan chức, quân đội xem, không được hóa trang, không có sân khấu. Các di sản văn hóa vật thể bị đập nát hoặc bỏ phế. Nhà thờ, chùa chiền và các cơ sở tôn giáo bị san phẳng hoặc dùng làm trại chăn nuôi, chứa phân bò phân heo cho công xã chăm bón lúa, Chức sắc tôn giáo cao cấp bị thủ tiêu, số còn lại về công xã nông thôn lao động. Mạng lưới viễn thông bị cắt đứt. Duy trì một số lượng phương tiện vận tải cơ giới đủ cho hoạt động quân sự và để chở nông sản cho Bắc Kinh. Phương tiện lưu thông vận tải duy nhất là xe bò kéo.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 30 Tháng Mười Hai, 2011, 06:08:29 am
. Với quan điểm sử dụng công cụ lao động chính là cái cuốc cái xẻng để xây dựng CNXH. Trong đó riêng cái cuốc còn là dụng cụ để Angkar dùng hành quyết những người bị cho là lười nhác lao động, chống đối tổ chức. Đối với dân chúng từ những đứa trẻ bảy tuổi đến người già còn ăn được thì phải lao động dưới sự giám sát của Angkar phụ trách công xã. Cán bộ từ cấp cơ sở là Phum trở lên vừa quản lý sản xuất, quản lý xã hội, lãnh đạo chính trị tư tưởng và cả chỉ huy quân sự gồm một đơn vị du kích, mật vụ rình rập theo dõi mọi di biến động và cả diễn biến tư tưởng của xã viên tại địa bàn cấp đó. Từ cấp huyện có quyền tử hình công dân không cần công tố. Mọi hoạt động công xã theo hiệu lệnh kẻng với thời gian lao động từ mười đến mười lăm giờ một ngày. Trẻ bảy tuổi đến chín tuổi nhặt phân bò phân lợn, chín tuổi đến mười hai vận chuyển phân bò phân lợn về nơi tập trung nộp cho Angkar đủ chỉ tiêu được giao hàng ngày thì mới được ăn, người già yếu cắt cỏ chăn bò, các đối tượng còn lại phải tham gia lao động khổ sai ngoài đồng ruộng. Vắt kiệt sức lao động cả ngày, tối về ăn uống trong nhà ăn tập thể với xuất ăn vừa đủ sống đến ngày hôm sau, phần lớn là cháo trắng hoặc cháo bắp xay. Quần áo được công xã cấp theo tiêu chuẩn một năm hai bộ, chủ yếu màu đen, nam nữ may theo một kiểu, không được dùng dày dép, mỗi người chỉ có bộ quần áo và một cái bát là sở hữu của cá nhân. Sản phẩm nông nghiệp do lao động khổ sai làm ra dành nuôi chính quyền và quân đội, còn lại tiết kiệm để xây dựng CNXH. Trẻ em từ mười ba đến thanh niên hai mươi lăm tuổi sung vào lực lượng vũ trang làm bia đỡ đạn và đàn áp dân. Với hình ảnh những tên lính quần áo đen, cổ quấn khăn rằn, đội mũ lưỡi trai kiểu của công nhân Trung Quốc, vai đeo khẩu súng trường dài gần bằng thân mình là nỗi khiếp đảm của dân chúng vì những hành động dã man của những cái máy hành hạ bắn giết đồng tộc này vì chúng đã được nhồi sọ tuyệt đối trung thành với Angkar mà đám đầu trâu mặt ngựa này còn tàn ác hơn thầy của chúng là đám (Hồng vệ binh của bác M).


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 30 Tháng Mười Hai, 2011, 07:06:10 am
. Khu vực của mỗi công xã dùng làm nơi ở là những lán trại được xây dựng xung quanh một khu đất vuông, ở giữa có cột cờ và chòi cao để Angkar dễ theo dõi kiểm soát xã viên. Tùy tuổi tác giới tính sống trong từng khu riêng biệt. Các cặp vợ chồng được gặp nhau tháng một lần tại khu nhà hạnh phúc, trẻ mới sinh sau ba tháng phải xa mẹ giao cho nhà trẻ công xã nuôi và đương nhiên thuộc người của xã hội và được coi là tài sản chung như con trâu con bò, cái cuốc cái xẻng. Một quý, công xã sẽ tổ chức đám cưới cho xã viên một lần, các cặp cưới nhau do Angkar chỉ định. Công dân trong tập đoàn tập trung trước cột cờ nghe công bố quyết định. Có những cặp là cha con, anh em huyết thống, sư sãi, sau đó chấp hành mà không được chống đối nếu không muốn bị thủ tiêu. Qua theo dõi và tính theo thời gian nhất định sau khi công bố kết hôn nếu Angkar phát hiện cặp nào không sinh hoạt vợ chồng hoặc không sản xuất thêm người cho công xã cũng bị hành quyết. Xã viên không được tự do đi lại giữa các tổ đội sản xuất, không trao đổi chuyện trò và tuyệt đối tuân thủ ba không(không nhìn, không biết, không nói) .Sau các buổi học chính trị thì tổ chức tố giác người khác với Angkar.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 30 Tháng Mười Hai, 2011, 07:07:25 am
. Công cụ quản lí xã hội không phải là hiến pháp, pháp luật phổ thông mà chỉ theo lý lẽ quan niệm riêng của Angkar, không có qui phạm đạo đức, qui phạm xã hội, không có giáo lý tôn giáo...Thật khủng khiếp ở những năm cuối thế kỷ hai mươi mà con người phải sống như súc vật với thân thể còm cõi tàn tạ như những cái xác không hồn, không còn ý thức phản ứng tự vệ và cam chịu kiếp ngựa trâu trong một chế độ tàn bạo quái đản mông muội, còn tàn ác hơn cả phát xít Đức trong thế chiến hai và có thể gọi là một quái thai của nhân loại. Được biết đây là phiên bản xây dựng CNXH của ông thầy phía Bắc nên tôi tìm hiểu  cuốn sách trắng (M. Tấn thảm kịch của Đảng cộng sản Trung Quốc. Nhà xuất bản thông tin lý luận – Hà Nội) mô tả chính sách nhồi sọ cái tư tưởng tôn sùng cá nhân, thần thánh hóa lãnh tụ, các hoạt động mị dân và hàng loạt hoạt động thực tiễn sai lầm trong xã hội xuất phát từ cái đầu già nua lão hóa cuối đời của lãnh tụ do một nhóm cơ hội chống Đảng, phản dân thao túng. Tiếp theo tôi tìm hiểu cuốn tư liệu ( Bóng đêm bao trùm TQ. Sách dịch của Liên Xô) nói về cách mạng đại nhảy vọt và đại cách mạng văn hóa vô sản do Giang Thanh đứng đầu bè lũ bốn tên, lũng đoạn xã hôi TQ. Chúng nhào lặn một thứ tư tưởng hỗn độn khác người, con cái đấu tố cha mẹ, vợ chồng anh em ruột đấu tố nhau. Nhà nhà luyện thép, hang cùng ngõ hẻm chỗ nào cũng có lò luyện thép, với mục tiêu trong thời gian ngắn sẽ vượt Pháp và Đức về sản lượng thép.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 30 Tháng Mười Hai, 2011, 07:09:08 am
. Với công thức các nhà kinh tế lập ra: một con  chim sẻ ăn mỗi ngày bao nhiêu hạt thóc rồi nhân lên hàng trăm triệu con sẻ thì số lượng thóc bị chim ăn rất lớn. Cả nước phát động chiến dịch diệt chim sẻ bằng cách toàn dân dùng các dụng cụ kim loạ hoặc bằng bất cứ thừ gì gõ ra âm thanh để sẻ và các loài lông vũ cứ phải bay hoài mỏi cánh rơi xuống mà chết. Về đại cách mạng văn hóa, tổ chức kiểm tra kiểm kê các văn hóa phẩm, các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể để thanh lọc và tiêu hủy với mục đích tẩy não những tư tưởng, tri thức không hợp với tư tưởng của lãnh tụ M. đang được tôn thờ. Hệ lụy là: Khủng hoảng tinh thần dân chúng, xã hội rối loạn nghi kị, các tài liệu nho gia bị đốt lần thứ hai (Sau chế độ Tần Thủy Hoàng 259 – 210 tr CN), trò kêu thầy bằng thằng, cấu trúc gia đình truyền thống lung lay,  mẹ và các con các cháu, bắt cha là cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền ngồi trên ghế đẩu giữa nhà, cả nhà đi xung quanh chỉ vào mặt, đồng thanh hô lên “Mày là đồ phản Đảng” mỗi ngày tổ chức đấu tố ba lần như vậy, nhiều cán bộ trung kiên cũng phải tự tìm cái chết vì nhục nhã và hoang mang mất lòng tin. Các cán bộ Đảng, nhà nước chân chính cũng bị đấu tố, luận tội và bức hại như Bành Đức Hoài, Lý Tỉnh Tuyền, đặc biệt Lưu Thiếu Kỳ từ một con người vạm vỡ tám mươi kg, đến khi một tiểu đoàn quân đội chính qui áp tải xuống sân bay Tân Cương  đưa đi biệt giam chỉ còn là bộ xương 30kg nằm liệt trên banka, hai bên có nhiều bộ đội sẵn sàng nhả đạn nếu (tên phản Đảng có ý định chạy trốn). Các giá trị văn vật ngàn đời bị tiêu hủy. Chiến dịch luyện thép không ra thép mà từ quặng ra xỉ, không tránh được thất thoát lúa do nhiều nguyên nhân khác mà bị khủng hoảng sinh thái do không còn chim tiêu diệt sâu bệnh. Nhưng lũ học trò Khơ me đỏ đã áp dụng tới cực đoan thái quá đến mức thầy cũng không sửa bài được


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 30 Tháng Mười Hai, 2011, 07:10:04 am
. Mô hình CNXH chúng xây dựng dựa trên đủ loại lý thuyết phản động nhất thuộc đủ các thời đại: Xã hội nô lệ cơ sở. Chủ nghĩa bình quân nông dân. Chủ nghĩa xã hội phong kiến. Chủ nghĩa xã hội không tưởng. Chủ nghĩa Apacthai. Chủ nghĩa Troskit. Chủ nghĩa phát xít.v.v.Với sự nhồi sọ cái chủ thuyết chính trị, tư tưởng Maoit quái đản ghê tởm như trên, cộng với thực tiễn trong những năm tháng lịch sử đen tối của đất nước đã làm cho nhân dân Kampuchea run sợ khi nghe những cụm từ Chủ nghĩa xã hội, Chủ nghĩa cộng sản hoặc chủ nghĩa Mac - Lenine. Vì vậy khi làm công tác dân vận chúng tôi được lãnh đạo lưu ý tuyệt đối không dùng đến những cụm từ trên.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: tranphu341 trong 31 Tháng Mười Hai, 2011, 08:21:38 am
                    Chào các bạn! Đúng là ông bạn hàng xóm quê của tôi hiểu về CPC cùng chế độ độc tài khát máu của bọn diệt chủng PP- Thật đầy đủ và sâu sắc. Tranphu341 thực sự khâm phục.

             Đúng là chủ nghĩa Mac-Lênin chỉ có 1 mà sao nước nào cũng theo nhưng mỗi nước lại có kết cục và thành quả khác nhau? Mà ai cũng nói là mình đi đúng đường lối của chủ nghĩa Mác.

            Chúc bạn cùng gia đình luôn vui khỏe . Đi tiếp quãng đường còn dài của mình!

             p/s TP có gửi tin nhắn mà sao không thấy bạn hồi âm? Nếu không có gì ngại thì hồi âm cho mình 1 dòng.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: hatuyenha trong 31 Tháng Mười Hai, 2011, 08:43:29 am
 Bạn Vetran@ thân mến , cách trình bày này làm mình đọc được dễ dàng hơn . Lâu lắm rồi mình mới lại được đọc lại những câu chuyện thời ăng ka : lấy cuốc đập vào gáy những người không vâng lời , xếp hàng một bên nam một bên nữ rồi ăng ka xếp những đôi đến lượt vào sản xuất nhân lực cho xã hội...Những chuyện mà thời mình còn đang ở lính đã đọc được không ít trên báo chí. Một cuộc thử nghiêm
một chế độ xã hội chủ nghĩa quái đản . Rất cám ơn bạn .
 Năm mới 2012 chúc bạn cùng gia đình  Khỏe , vui, hạnh phúc , bình yên, may mắn kể lại nhiều hồi ức của bạn nhé.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 31 Tháng Mười Hai, 2011, 10:11:39 am
.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: trungdung1965 trong 31 Tháng Mười Hai, 2011, 10:31:22 am
Em có xuống chùa phi lai ở ba chúc tỉnh an giang 1 lần ,hiện tại vẩn còn bằng chứng về tội ác của bọn diệt chủng gây ra cho nhân dân ta tại ba chúc ,bây giờ vẩn còn tòa tháp thờ cúng vài trăm cái đầu lâu của trẻ em va người già ,


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 31 Tháng Mười Hai, 2011, 10:46:00 am
                   Chào các bạn! Đúng là ông bạn hàng xóm quê của tôi hiểu về CPC cùng chế độ độc tài khát máu của bọn diệt chủng PP- Thật đầy đủ và sâu sắc. Tranphu341 thực sự khâm phục.

             Đúng là chủ nghĩa Mac-Lênin chỉ có 1 mà sao nước nào cũng theo nhưng mỗi nước lại có kết cục và thành quả khác nhau? Mà ai cũng nói là mình đi đúng đường lối của chủ nghĩa Mác.

            Chúc bạn cùng gia đình luôn vui khỏe . Đi tiếp quãng đường còn dài của mình!

             p/s TP có gửi tin nhắn mà sao không thấy bạn hồi âm? Nếu không có gì ngại thì hồi âm cho mình 1 dòng.

Bác tranphu341 thân mến, tôi tìm hoài mà có thấy bác nhắn tin vào chỗ nào đâu. Xin bác gọi cho Trần Xuân Vệ


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 31 Tháng Mười Hai, 2011, 10:49:29 am
Em có xuống chùa phi lai ở ba chúc tỉnh an giang 1 lần ,hiện tại vẩn còn bằng chứng về tội ác của bọn diệt chủng gây ra cho nhân dân ta tại ba chúc ,bây giờ vẩn còn tòa tháp thờ cúng vài trăm cái đầu lâu của trẻ em va người già ,

Chào trungdung1965. Đó là nỗi đau không nguôi của dân tộc mình đấy.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 31 Tháng Mười Hai, 2011, 10:58:15 am
Bạn Vetran@ thân mến , cách trình bày này làm mình đọc được dễ dàng hơn . Lâu lắm rồi mình mới lại được đọc lại những câu chuyện thời ăng ka : lấy cuốc đập vào gáy những người không vâng lời , xếp hàng một bên nam một bên nữ rồi ăng ka xếp những đôi đến lượt vào sản xuất nhân lực cho xã hội...Những chuyện mà thời mình còn đang ở lính đã đọc được không ít trên báo chí. Một cuộc thử nghiêm
một chế độ xã hội chủ nghĩa quái đản . Rất cám ơn bạn .
 Năm mới 2012 chúc bạn cùng gia đình  Khỏe , vui, hạnh phúc , bình yên, may mắn kể lại nhiều hồi ức của bạn nhé.
Cám ơn chị Hatuyenha em vẫn tiếp tục tìm hiểu về Cụ Tướng Quân Lưỡng Quốc và theo dõi những thông tin của riêng chị nhằm hiểu biết thêm Cụ Đồng Đội cùng một chiến hào. Em nhỏ hơn chị đúng một thập niên, hiện nay đang định cư ở quận 7. TP.Hồ Chí Minh. Chào chị !!!


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 31 Tháng Mười Hai, 2011, 11:48:22 am
VETRAN viết tiếp: Đúng như qui luật áp bức và đấu tranh, với khát vọng thoát ra khỏi địa ngục trần gian, với ý chí quật cường của một dân tộc có nền văn minh Angkor rực rỡ đã anh dũng nổi dậy tại hầu hết các quân khu, khu hành chính ở các tỉnh toàn quốc phất cao ngọn cờ năm tháp và kêu gọi sự giúp đỡ quốc tế của quân tình nguyện Việt Nam giải phóng mình ra khỏi nạn diệt chủng, dưới sự lãnh đạo của mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Kampuchea, do ông Hengxomrin và các đồng chí của ông đứng đầu đến thắng lợi, lập nên nước Cộng Hòa Nhân Dân Kampuchea đưa đất nước trở lại hồi sinh mãnh liệt. Thời gian này chiến sự đã vào giai đoạn cuối, đoàn quân tình nguyện chuẩn bị rút quân đợt đầu, trung đoàn 685 hối hả cho việc thiết lập đường dây chuyển quân trở về tổ quốc.
                          


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 31 Tháng Mười Hai, 2011, 11:51:56 am
                            IX/ Đơm hoa
- Riêng tôi, phấn khởi hơn cả vì người tôi yêu được cấp trên điều động từ chiến tuyến Komponcham về làm công tác quân y tại trung đoàn bộ để tôi nhận công tác tại quân y trung đoàn, chủ nhiệm quân y, đại úy Mười Điệu lên làm phó trung đoàn trưởng phụ trách hậu cần, Từ đây tình yêu của chúng tôi, những chiến sĩ ở chiến trường bắt đầu đậm sâu theo ngày tháng (yêu đơn phương mười bốn tháng, đến với nhau bảy tháng và quyết định cưới). Xen lẫn thời gian công tác là giờ phút bên nhau trong ngày nghỉ ở những nơi từng chứng kiến xuyên suốt mối tình của chúng tôi như Hoàng cung, chùa vàng bạc, cầu Chunava, đền Watphnom, điện Chamcamon, đài độc lập. Nhưng không phải hoàn toàn thoải mái tự do bên nhau mà phần lớn là những buổi hẹn hò vụng trộm vì ở chiến trường các đơn vị chiến đấu không chấp nhận sự thật ấy, thậm chí thượng úy Thắng trưởng phòng hậu cần, bí thư chi bộ còn cảnh báo tôi nếu cưới Em trong thời gian này là Ông cho (thối luôn) vì tôi đang trong thời kì thử thách kết nạp Đảng, còn Em chưa hết ba năm phục vụ quân đội. Mà đúng thật, sau cưới gần một năm tôi mới được đứng trong hàng ngũ của Đảng, mà chính Ông và ban chấp hành đòan cơ sở trung đoàn 685 giới thiệu.
-  Hơn cả tình yêu. Dạt dào bao rung cảm của hai chiến sĩ quân y giữa chiến trường. Tôi làm bài thơ tặng Em kỷ niệm những giây phút khó quên.
                       


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 31 Tháng Mười Hai, 2011, 11:55:17 am
                   TẶNG EM YÊU
                            
 Giây phút đầu nhìn em nơi cửa sổ
bên cành hoa phượng vĩ vào mùa
Ánh mắt long lanh ngắm chiều hè nắng nhạt
Mái tóc huyền làm xao xuyến lòng anh.

Nhưng  thời gian lại đong đầy thử thách
Như dòng Tonlesap đượm tình buồn
Xa Phnompenh, Komponcham Em đến
Nhật nguyệt xóa dần nhung nhớ em ơi!

Nơi chiến trường tử sinh khốc liệt
 Giây phút nào em  cảm xuyến xao
Những chiều hè phượng rơi vào cửa sổ
Có một người đăm đắm đợi chờ em.

Ngày tháng trôi qua nguyệt khuyết lại tròn
 Bên dòng sông đầy vơi nhung nhớ.
Anh đón em về trong tiếng nhạc hoàn ca
 Điểm thêm hồng cho mối tình ta.

Em còn nhớ chăng ngày đầu mình hò hẹn
Bên dòng tonlesap hiền hòa
Trên  cầu chunava gãy nhịp chênh vênh
Trong  watphnom tĩnh mịch một ngôi đền.

Đêm trăng thanh trời hoàng cung cao vời vợi
Những nụ hôn và những ánh mắt nhìn nhau
Dù không nói mà như đã nói ngàn lời
I love you too much. Thơ ơi!

Tình yêu ta như hoa nở cành xuân
Có vun đắp trong tình thương đồng đội
Tình bạn bè tri kỷ đến mai sau
Cầu chúc mình hạnh phúc mãi bên nhau.

Chiều cuối thu miền ấy nắng dịu êm
Hai con tàu ra đi hai thời khắc
Mang trong mình là hai đứa yêu nhau
Cùng một hướng lao về miền Bắc,

Trên quê hương lúc đầu đông chớm lạnh
Mà lòng mình  ấm áp tựa mùa xuân
Hai trái tim ta hòa cùng nhịp đập
Kết trái tình yêu mãi mãi vĩnh hằng
                                          
                                              Phnom-penh
                                          Mùa đông 1982



Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 31 Tháng Mười Hai, 2011, 02:53:46 pm
 .


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 31 Tháng Mười Hai, 2011, 02:58:54 pm
Vệ và anh Thành (râu) C14 trước cổng
Chính Angkorwat trong đợt công tác
Nấu cao trăn 1981


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 31 Tháng Mười Hai, 2011, 03:01:16 pm
Thơ (vợ Vệ) trên cầu Chunava(Okhnh Kleang)
Phía Phnompenh1981.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 31 Tháng Mười Hai, 2011, 03:03:09 pm
Chuẩn úy Vệ, đại úy BS. Trí, V115, đại úy BS. Mười Điệu CNQY 179, thiếu úy YS.Tuấn (nháy) tại phòng quân y E 685. năm 1982


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 31 Tháng Mười Hai, 2011, 03:04:30 pm
Hạ sĩ Quốc Trung, Văn Thư


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 31 Tháng Mười Hai, 2011, 03:06:00 pm
Anh Thơ ở Watphnom nhìn ra phía cảng của tiểu đoàn 25 tàu sông. năm 1982


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 31 Tháng Mười Hai, 2011, 03:08:17 pm
                            Ngô thập hữu ngũ, nhi chí vu học
                            Tam thập nhi lập,
                            Tứ thập nhi bất hoặc
                            Ngũ thập nhi tri thiên mệnh
                            Lục thập nhi nhĩ thuận
                            Thất thập nhi tòng tâm, sở dục bất du củ
                                                                        

                                                                          KHỔNG KHÂU NI


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 31 Tháng Mười Hai, 2011, 03:09:41 pm
Trước cửa Hoàng Cung Kampuchea: trung úy Phú kĩ thuật, thượng úy Yên CT, chuẩn úy Vệ quân y E, thượng úy Tiến chính trị, thượng úy Thắng hậu cần, thiếu úy Tuấn quân y E, thượng sĩ Phiên lái xe. 1981


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 31 Tháng Mười Hai, 2011, 03:11:01 pm
Trước Hoàng Cung: ansary, Ngọc Anh, Sokeo, Anh Thơ và Vệ. 2 cô gái K (áo trắng) là con và áo đen là em giám đốc cảng Phnompenh. 1981


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 31 Tháng Mười Hai, 2011, 03:12:14 pm
Vệ và Thơ năm 2006 tại nhà


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 31 Tháng Mười Hai, 2011, 03:13:53 pm
Vệ Thơ tại công viên Lenin Hà Nội 1982 sau 10 ngày cưới, lần đầu Em biết thủ đô


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 31 Tháng Mười Hai, 2011, 03:15:15 pm
Chuẩn bị đi đại hội cựu chiến binh


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 31 Tháng Mười Hai, 2011, 03:17:05 pm
Xuân vệ năm 2006


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 31 Tháng Mười Hai, 2011, 03:18:22 pm
Vệ, Dậu (tồ), Phương (lém) Hoa (hâm) Luân (mập)
 Thơ (tàu điện) Len (lùn) Khuy (vâu) Thái (chéc) Hương (híp) thuộc ban 5. (1982) tại hội trường binh trạm bộ 179.



Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 31 Tháng Mười Hai, 2011, 03:20:16 pm
Vệ và Thiếu Úy Trực (tài vụ) tại nhà quân y.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 31 Tháng Mười Hai, 2011, 03:27:10 pm
Buổi trực ban trung đoàn.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 31 Tháng Mười Hai, 2011, 03:29:04 pm
Trung sĩ Vinh quản lý chốt SiemReap 1981.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 31 Tháng Mười Hai, 2011, 03:31:29 pm
Thiếu úy Tuấn (nhăn) quân lực chỗ cây xoài ban hậu cần.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: Trinhsat trong 31 Tháng Mười Hai, 2011, 03:48:08 pm
Anh TranVe viết chuyện hay mà cũng lưu giữ được nhiều ảnh kỷ niệm về mình và đồng đội.

Trông anh chị hạnh phúc và đẹp đôi lắm. Xin chúc mừng.

(Xem ảnh TranVe chụp với các y tá nữ, đủ biết anh có con mắt tinh và cũng kén chọn nhỉ.)


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 31 Tháng Mười Hai, 2011, 04:51:31 pm
Anh TranVe viết chuyện hay mà cũng lưu giữ được nhiều ảnh kỷ niệm về mình và đồng đội.

Trông anh chị hạnh phúc và đẹp đôi lắm. Xin chúc mừng.

(Xem ảnh TranVe chụp với các y tá nữ, đủ biết anh có con mắt tinh và cũng kén chọn nhỉ.)
Xin cám ơn Trinhsat


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: TichTuongNhuLe trong 31 Tháng Mười Hai, 2011, 09:17:55 pm
Vệ, Dậu (tồ), Phương (lém) Hoa (hâm) Luân (mập)
 Thơ (tàu điện) Len (lùn) Khuy (vâu) Thái (chéc) Hương (híp) thuộc ban 5. (1982) tại hội trường binh trạm bộ 179.

     Những tấm ảnh này đã 30 ăm rồi, quí quá bác Vetran ạ !


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 31 Tháng Mười Hai, 2011, 09:25:53 pm
Vệ, Dậu (tồ), Phương (lém) Hoa (hâm) Luân (mập)
 Thơ (tàu điện) Len (lùn) Khuy (vâu) Thái (chéc) Hương (híp) thuộc ban 5. (1982) tại hội trường binh trạm bộ 179.

     Những tấm ảnh này đã 30 ăm rồi, quí quá bác Vetran ạ !

CÁM ƠN ttnl, Vetran đang theo dõi bài viết của bạn.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: TichTuongNhuLe trong 31 Tháng Mười Hai, 2011, 09:39:46 pm
                  TẶNG EM YÊU
                            
 Giây phút đầu nhìn em nơi cửa sổ
bên cành hoa phượng vĩ vào mùa
Ánh mắt long lanh ngắm chiều hè nắng nhạt
Mái tóc huyền làm xao xuyến lòng anh.

Nhưng  thời gian lại đong đầy thử thách
Như dòng Tonlesap đượm tình buồn
Xa Phnompenh, Komponcham Em đến
Nhật nguyệt xóa dần nhung nhớ em ơi!

Nơi chiến trường tử sinh khốc liệt
 Giây phút nào em  cảm xuyến xao
Những chiều hè phượng rơi vào cửa sổ
Có một người đăm đắm đợi chờ em.

Ngày tháng trôi qua nguyệt khuyết lại tròn
 Bên dòng sông đầy vơi nhung nhớ.
Anh đón em về trong tiếng nhạc hoàn ca
 Điểm thêm hồng cho mối tình ta.

Em còn nhớ chăng ngày đầu mình hò hẹn
Bên dòng tonlesap hiền hòa
Trên  cầu chunava gãy nhịp chênh vênh
Trong  watphnom tĩnh mịch một ngôi đền.

Đêm trăng thanh trời hoàng cung cao vời vợi
Những nụ hôn và những ánh mắt nhìn nhau
Dù không nói mà như đã nói ngàn lời
I love you too much. Thơ ơi!

Tình yêu ta như hoa nở cành xuân
Có vun đắp trong tình thương đồng đội
Tình bạn bè tri kỷ đến mai sau
Cầu chúc mình hạnh phúc mãi bên nhau.

Chiều cuối thu miền ấy nắng dịu êm
Hai con tàu ra đi hai thời khắc
Mang trong mình là hai đứa yêu nhau
Cùng một hướng lao về miền Bắc,

Trên quê hương lúc đầu đông chớm lạnh
Mà lòng mình  ấm áp tựa mùa xuân
Hai trái tim ta hòa cùng nhịp đập
Kết trái tình yêu mãi mãi vĩnh hằng
                                          
                                              Phnom-penh
                                          Mùa đông 1982



     Các bác thật hạnh phúc. Chúc mối tình đẹp mãi !

     Ra là người yêu của bác hồi đó là chị nhà đấy à ? Thật quá là đẹp !


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 31 Tháng Mười Hai, 2011, 09:46:01 pm
CÁm ơn TTNL, Vetran & Anh THơ đang theo dõi loạt bài của bạn.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: tranphu341 trong 31 Tháng Mười Hai, 2011, 09:59:49 pm
           Chào bạn vetran! Bài thơ của bạn, vf lại cũng là làm cho người yêu bạn và rồi tình yêu đó được thăng hóa, thành vợ, thành chồng thật tuyệt vời. Chúc bạn cùng gia đình luôn có nhiều niềm vui hạnh phúc!

                          Bức hình bạn rất "oai" và đẹp. Nhưng sao ko pots hình của ANH THƠ lên nhỉ?


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: Trinhsat trong 31 Tháng Mười Hai, 2011, 10:03:57 pm
      Chuyện tình của bạn VeTran có thể nói là một bản tình ca. Rất đẹp và có hậu, khiến mọi người ngưỡng mộ.

      Tôi nói thế không quá lời đâu, bởi vì mối tình của hai bạn được nảy sinh, vun đắp và nuôi dưỡng từ giữa những ngày lửa đạn nơi chiến trường, của hai người lính, và nhất là đi đến đích.

      Nó làm tôi nhớ đến thời chống Mỹ. Cũng có rất nhiều mối tình đẹp giữa các chiến sĩ vận tải (lái xe) hay bộ đội chiến đấu về Phẫu điều trị với các đồng đội TNXP hay bộ đội nữ Trường Sơn, hoặc giữa lính giải phóng với du kích. Tuy thế, những mối tình có hậu, kết trái đơm bông lại không có nhiều.

    Cá nhân tôi cho rằng, những mối tình của hai người lính mà đi đến được hôn nhân thì tự bản thân nó đã chứa đựng sự thủy chung gắn bó là luôn trân trọng nhau của cả hai rồi.

   Có lẽ chuyện tình của các bạn thì trên trang VMH mới chỉ có được một. Đáng quý là vì thế.

    Chúc vợ chồng bạn và gia đình hạnh phúc.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 01 Tháng Giêng, 2012, 04:56:40 am
          Chào bạn vetran! Bài thơ của bạn, vf lại cũng là làm cho người yêu bạn và rồi tình yêu đó được thăng hóa, thành vợ, thành chồng thật tuyệt vời. Chúc bạn cùng gia đình luôn có nhiều niềm vui hạnh phúc!

                          Bức hình bạn rất "oai" và đẹp. Nhưng sao ko pots hình của ANH THƠ lên nhỉ?
Kính chào anh Phú. Biết danh tính tuổi tác rồi, anh em mình xưng hô vậy cho thân mật, cứ kêu em bằng chú hoặc em cho gần gũi. Thật ra chưa gặp anh nhưng qua giọng nói, qua bài viết thì em cũng hình dung được tuyp người của anh ra sao rồi vì người ta thuờng nói"văn là người"mà, và hơn nữa em cũng học tâm lý và nhân trắc học đấy nhé. ảnh của Thơ bên trang (kỷ niệm hơn ba muơi năm trước) của em có đó. Hy vọng anh em mình gặp nhau ở TP HCM.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 01 Tháng Giêng, 2012, 05:13:44 am
Xin chào bác Trinh sát! Bình minh một ngày mới mà đọc được những lời có cánh của bác thì sướng còn hơn tiên. Có lẽ cũng là duyên số bác ạ, mà mọi chuyện tới với Vệ Thơ như mặc định. Tuy cuộc sống cả một đời người chẳng bao giờ trọn vẹn. ai cũng qua những tham sân si , ái ố hỉ nộ của nhân tình thê thái nhưng thời gian và hoạt động thực tiễn sẽ cho chúng ta tư duy vững vàng, sâu sắc để gần với khái niệm (Lý Tưởng) hơn phải không bác?.Tình cảm của chúng tôi cũng như vậy, càng về già, tôi càng cho đó là duyên tiền định, nhưng chắc chắn một điều những năm tháng chiến trường là chất kết dính chúng tôi mạnh mẽ nhất để đương đầu và vượt qua những biến cố của cuộc đời mình. bác nhắc lại thời chống mỹ, tôi lại chạnh lòng nghĩ về cả một thế hệ nữ thanh niên Việt Nam, các chị là những anh hùng thực sự. Trong thanh bình, chúng ta ngồi đây để gõ cho nhau những dòng chữ này là một may mắn hạnh phúc phải không bác. Chúc bác và toàn gia an khang hạnh phúc, tài lộc sức khỏe như Rồng thăng trong năm mới.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: hatuyenha trong 01 Tháng Giêng, 2012, 05:36:57 am
  Ngày năm mới , lại đọc được mối tình của vợ chồng em . Thật đẹp . Chị cũng nhất trí với các bạn trong trang ,đề nghị em pot lên cả ảnh cô Y tá chiến trường ngày nào bên anh chồng rất oai phong đẹp lính và những đứa con của mối tình đẹp ấy nữa. Chị cũng nhiều lần sang kiểm tra phục vụ đảm bảo máy TT cho chiến trường ở PNongpênh , những địa danh kỷ niệm mối tình của vợ chồng em làm chị nhớ lại những ngày tới đó : sông Niêc lương rộng ơi là rộng , nước xanh biếc; Đài Độc lập có ngững con rắn nhiều mặt , chùa vàng chùa bac được dẫm lên những tấm lát bằng bạc, chưa bao giờ chị được đến một nơi nhiều vàng bạc châu báu đến vậy , Hoàng cung nơi cái gì cũng bằng gỗ , bà Hoàng Mônic vì không phải người Khme nên không được ở trong Hoàng Cung nên ông Xi ha nuc xây riêng cho bà một cung điện và cũng vì vậy mái nhà của điện Com cho môn cũng đặc biệt mà đứng ở bất kỳ đâu của PNôngpênh cũng nhận ra...nhớ thật nhớ thật khó quên .
 Năm mới chúc cái gia đình của vợ chồng đều là lính Vui, Khỏe, Hạnh phúc, Bình yên và May mắn . Chị mong vợ em cũng sẽ tham gia VMH
 và sẽ là một thành viên hot của trang.
 


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 01 Tháng Giêng, 2012, 06:01:51 am
 Ngày năm mới , lại đọc được mối tình của vợ chồng em . Thật đẹp . Chị cũng nhất trí với các bạn trong trang ,đề nghị em pot lên cả ảnh cô Y tá chiến trường ngày nào bên anh chồng rất oai phong đẹp lính và những đứa con của mối tình đẹp ấy nữa. Chị cũng nhiều lần sang kiểm tra phục vụ đảm bảo máy TT cho chiến trường ở PNongpênh , những địa danh kỷ niệm mối tình của vợ chồng em làm chị nhớ lại những ngày tới đó : sông Niêc lương rộng ơi là rộng , nước xanh biếc; Đài Độc lập có ngững con rắn nhiều mặt , chùa vàng chùa bac được dẫm lên những tấm lát bằng bạc, chưa bao giờ chị được đến một nơi nhiều vàng bạc châu báu đến vậy , Hoàng cung nơi cái gì cũng bằng gỗ , bà Hoàng Mônic vì không phải người Khme nên không được ở trong Hoàng Cung nên ông Xi ha nuc xây riêng cho bà một cung điện và cũng vì vậy mái nhà của điện Com cho môn cũng đặc biệt mà đứng ở bất kỳ đâu của PNôngpênh cũng nhận ra...nhớ thật nhớ thật khó quên .
 Năm mới chúc cái gia đình của vợ chồng đều là lính Vui, Khỏe, Hạnh phúc, Bình yên và May mắn . Chị mong vợ em cũng sẽ tham gia VMH
 và sẽ là một thành viên hot của trang.
Cam ơn chị hatuyenha.Chúc chị buổi sáng tốt lành.
 


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 01 Tháng Giêng, 2012, 07:01:05 am
- VETRAN viết tiếp:  Thời gian tiếp theo in đậm những kỷ niệm yêu thương là những lúc cùng nhau đi khám bệnh làm công tác dân vận ở cây số 6, 9, 11. Những buổi thăm đồng đội ở cơ quan cục quân báo, trung đoàn tác chiến thủ đô, tiểu đoàn quân cảnh thủ đô, quân y viện V binh đoàn Cửu Long (QĐ 4), trường nữ sĩ quan quân đội Kampuchea, Trường trung cấp y tế quốc gia, đi chợ Oxay, chợ Tucthala mua sắm.v.v. Rồi mọi con đường cũng sẽ dẫn về đích. Mùa thu năm ấy chúng tôi về tổ chức đám cưới tại quê hương.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 01 Tháng Giêng, 2012, 07:01:59 am
- Trên một chuyến tàu quân sự, lần đầu tiên về quê người yêu với vô vàn bỡ ngỡ, hồi hộp. Xuống tàu ở ga Thanh Hóa, mướn xe về xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn. Kia rồi xa xa là bóng núi Nưa, nơi bà Triệu Thị Trinh phất cờ khởi nghĩa. Tôi miên man mường tượng  các tình huống xảy ra khi gặp bố mẹ và những người thân của người yêu. Nhưng nghĩ cho cùng: đã là người lính thì nhân dân cả nước này đều là cha mẹ, cho nên khi tới nhà cứ xưng con với bố mẹ cũng không ngượng, mà lỡ ông bà không đồng ý thì tính cách khác chưa muộn. Tới rồi ! Một căn nhà vách đất, lợp cọ, nghèo nàn xơ xác dưới nắng trung du nhưng đầy ắp tình yêu thương trong giây phút gặp gỡ đầu tiên bố mẹ và cả dòng họ dành cho tôi, và rồi cũng mau chóng để tôi hòa đồng trong vị thế mới với gia đình khi bố vợ tương lai cũng là một sĩ quan tại ngũ. Tôi xin phép bố mẹ đưa người yêu về thăm gia đình tôi. Bố mẹ đồng ý với điều kiện cử hai ông anh là công an tỉnh cùng ra thăm nhà và chỉ ở một ngày.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 01 Tháng Giêng, 2012, 07:03:01 am
. Về Giao Thủy, giới thiệu người yêu cũng là giây phút ngỡ ngàng của bố mẹ và gia đình mình vì trước đó mọi người chưa được thông báo gì về chuyện kết hôn của chàng Trung úy quân y mới có hai mươi bốn tuổi đời. Hơn nữa nhà bố mẹ lúc đó cũng đang nghèo nàn túng quẫn. Nhưng có lẽ bố nghĩ “Lượng đủ thì phải tạo điều kiện cho chuyển hóa  chất”. Bố và thím từ Giao Thủy vào gặp thông gia. Đám cưới của chúng tôi diễn ra trong nghèo nàn thiếu thốn nhưng đầy ắp tiếng cười, nhất là sự chu đáo nhiệt tình của cả xã đoàn Dân Quyền với hàng trăm đoàn viên dự. Em vẫn trong bộ cánh thường nhưng mới hơn, đi bên cạnh chồng nghiêm trang trong bộ quân phục chiến trường màu xám, đến từng bàn tiếp khách, chủ yếu là trai gái Đoàn viên và bộ đội phục viên trong xã. Rồi từ đây thời gian trôi trôi hoài trong cuộc đời để hàng chục năm nay mỗi lần chàng rể về quê cha mẹ vợ đều được chăm sóc yêu thương, hơi có phần trọng vọng của tất cả dòng họ, xóm làng. Sau gần ba ngày dẫn dâu bằng xe đò và tàu chợ trên đoạn đường hơn một trăm km từ Triệu Sơn tới Giao Thủy.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 01 Tháng Giêng, 2012, 07:03:51 am
. Anh Nghĩa xắp xếp đón đoàn dẫn dâu tại phòng khách ủy ban hành chính huyện và nghỉ ngơi chừng một tiếng đồng hồ. Cả đoàn tiếp tục cuốc bộ gần mười km về làng trong đêm tối, rất tội cho những cụ già vì con vì cháu mà phải lặn lội đường trường, bà cụ Hảo người Nam Định trong đoàn nhà gái ôm khư khư một trăm cành huệ trắng an toàn trong sự chen lấn nghẹt thở của bến xe Nam Định. Đoàn đưa dâu xuất phát lúc sáu giờ sáng từ Nam Định, với năm mươi km đường mà đến mười bảy giờ mới tới Giao Thủy. Với cái mệt mỏi rã rời vì thời ấy phương tiện giao thông thiếu thốn lạc hậu. Hôm sau tôi cùng gia đình tiếp khách, còn Em phải vật lộn với hàng trăm cái bát đũa tô đĩa khách mới dùng tiệc cưới được chất đống như núi cạnh bờ ao. Trong nhà nhìn ra, các cụ ông cụ bà các bác trong dòng họ vừa uống trà vừa gật gù bình phẩm xem cô dâu có đảm đang không, nhất là dọn rửa có sạch hay có làm vỡ cái bát cái đĩa nào không? (tục lệ quê tôi thử thách đầu tiên với nàng dâu là vậy).


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 01 Tháng Giêng, 2012, 07:10:37 am
- Sau mười lăm ngày để Em được làm dâu, Chúng tôi đi Hà Nội thăm anh trai Cả đang học tại trường đại học kinh tế quốc dân. Và một buổi chiều, nơi ấy, cạnh bờ hồ trong công viên Lenin, chúng tôi tâm sự cùng anh Nghĩa về phương hướng cho tương lai cuộc sống hôn nhân với lời khuyên và cũng là kết luận cuộc trao đổi. Anh Nghĩa nói: “Các em cố gắng tìm mọi cơ  hội để trụ lại phía Nam vì đồng đất quê mình nghèo nàn lắm”. Hai chúng tôi trở về miền Nam. Tại hậu cứ cạnh trường đua Phú Thọ, hai đứa chia tay trong hoàn cảnh đầy tâm sự ngổn ngang, nhưng cũng nhẹ bớt phần nào khi men tình đang thắm đượm. Em qua Kampuchea trả phép trước vì chúng tôi không thể đi chung sẽ lộ chuyện về quê làm đám cưới. Tình yêu của chúng tôi được kỉ niệm bằng màu đỏ hoa phượng (cây phượng cạnh của sổ phòng tôi vào mùa đỏ rực khi mới yêu) và màu trắng hoa huệ (một trăm bông huệ do bà cụ Hảo Nam Định tặng ngày cưới) do vậy mỗi lần chia tay nhau hoặc tủi giận gì Em lại khóc thầm khi tôi vô tình ca bài ( nỗi buồn hoa phượng) hoặc  (Phong lan chờ đợi)


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 01 Tháng Giêng, 2012, 08:52:12 am
Thượng úy Tiến chính trị, Chuẩn úy YS Vệ, Thiếu úy YS. Tuấn (nháy), thượng úy Thắng, chuẩn úy Toán, đang tập văn nghệ 1982.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 01 Tháng Giêng, 2012, 03:43:52 pm
Anh Thơ tại công viên Lenin Hà Nội 1982.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 01 Tháng Giêng, 2012, 03:45:30 pm
Vệ và Thơ tại công viên Lenin sau 10 ngày cưới 1982.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 01 Tháng Giêng, 2012, 03:48:30 pm
Thực tập dược liệu tại trường quân y 1980.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 01 Tháng Giêng, 2012, 04:04:34 pm
Thơ chia tay từ Phnompenh trở về tổ quốc, tháng 2/1983.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: hatuyenha trong 01 Tháng Giêng, 2012, 04:32:16 pm
 Đẹp thế không biết , những cô lính trẻ trung thời xa ấy. Cám ơn bạn . Bộ quân phục của em là của Hải quân à ? Đẹp thế ?


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: hatuyenha trong 01 Tháng Giêng, 2012, 05:11:55 pm
 Hóa ra là một đám cưới "chui " của lính , vui thế không biết .
 Này cái huyện Triệu Sơn Tỉnh Thanh và ngọn núi Nưa ấy chính là nơi ông bà già sinh ra chị đấy , năm 2010 chị mới trở lại và thật cảm động , văn phòng huyện ủy Triệu Sơn tiếp đón chị như một người con ở xa trở về quê hương , cậu chánh văn phòng Đảng ủy nói rằng : chị ơi cả tuổi thơ ấu của em chỉ toàn nghe các cụ kể về bố chị ,hôm nay mới được gặp chị . UBND và Đảng ủy xã Tân ninh _ Cổ định cũ thời ông già sống , cũng đón tiếp chị nồng nhiệt . Ngôi nhà xưa ông già ở vẫn được giữ nguyên vẹn , con cái phát đạt xây một tòa biệt thự to bên cạnh . Làm chị nước mắt cứ tuôn đều đều ,nói chẳng nên lời. Thắp hương chùa ở chân núi Nưa mà các cụ kể trước khi luyện binh ông già hay vào báo cáo các cụ.
 Rồi còn một bà mẹ ở xã Nông trường huyện Triệu sơn mà năm 1949 bố mẹ chị ở  trong nhà của bà mẹ, vợ chồng mẹ nhường cái giường đôi duy nhất của họ cho bố mẹ chị , lúc đó mẹ chị có thai chị vài tháng . Ở trong nhà ấy ông già chị còn bảo lính đun nước tắm cho cụ Hồ tùng Mậu. Bố chị yêu cậu bé con trai đầu của ông bà lắm hay bế tung lên cao . Đến ngày bố mẹ chị ra đi ( ngày đó thường xuyên phải di chuyển ) thì cậu bé đó bị bệnh gì mà ra đi luôn . Mấy anh chị em con bà mẹ nhận chị là chị cả. Rồi cũng vì bệnh tật chưa về lại được Triệu sơn. Thế đã nhé chị em mình có duyên với nhau đấy .
 


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 01 Tháng Giêng, 2012, 05:40:20 pm
Kính chào chị !Em là Anh Thơ. Quê em khu bốn đổ ra, khu ba đổ vào nhưng cũng là nơi được gọi "địa linh nhân kiệt) trong đó có cả hào kiệt tứ xứ tụ về phải không chị? Em nghe anh Vệ kể về chị nhiều lắm, thời gian gần đây anh còn hay khoe với bạn bè cựu chiến binh về chuyện làm quen được với con gái cố tướng quân lưỡng quốc. Anh Vệ nhà em thích đọc lắm, mẹ con em dành cho anh một không gian riêng biệt và thời gian không hạn chế để anh thỏa thích đọc mà không bị quấy rầy, cho nên anh ấy nói với bạn bè về ba chị cả tiếng đồng hồ không dứt. May quá vậy là ba mẹ chị đã sống và công tác ở quê em. nhưng nói vậy cũng chỉ đúng một phần nào đó, bởi vì đối với thân thế sự nghiệp của cụ thì chỗ nào trên đất nước này cũng có thể là không gian tốt cho sự nghiệp chung phải không chị. Em sinh năm Nhâm Dần, sém nữa bị mẹ chồng không nhận, may mà anh ấy đột ngột dắt về cưới rôi cũng mau chóng đột ngột đi nên các cụ bên chồng em trở tay không kịp.... Em đùa cho chị vui đấy. Em được biết chị cũng công tác trong quân đội, cũng qua K. Chị hiểu cuộc sống của những nữ quân nhân nhiều do vậy em sẽ xin được tâm sự với chị nhiều về thời gian quân ngũ của em ờ chiến trường K, nơi em bị vòng (Kim cô) trói cuộc đời mình. Lúc nào rảnh, chị đọc phần viết của em bên trang (kỉ niệm hơn ba mươi năm trước từ trang 3) của chồng em, chị hiểu em nhiều hơn. Em chào chị.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: tranphu341 trong 01 Tháng Giêng, 2012, 05:47:54 pm
. Về Giao Thủy, giới thiệu người yêu cũng là giây phút ngỡ ngàng của bố mẹ và gia đình mình vì trước đó mọi người chưa được thông báo gì về chuyện kết hôn của chàng Trung úy quân y mới có hai mươi bốn tuổi đời. Hơn nữa nhà bố mẹ lúc đó cũng đang nghèo nàn túng quẫn. Nhưng có lẽ bố nghĩ “Lượng đủ thì phải tạo điều kiện cho chuyển hóa  chất”. Bố và thím từ Giao Thủy vào gặp thông gia. Đám cưới của chúng tôi diễn ra trong nghèo nàn thiếu thốn nhưng đầy ắp tiếng cười, nhất là sự chu đáo nhiệt tình của cả xã đoàn Dân Quyền với hàng trăm đoàn viên dự. Em vẫn trong bộ cánh thường nhưng mới hơn, đi bên cạnh chồng nghiêm trang trong bộ quân phục chiến trường màu xám, đến từng bàn tiếp khách, chủ yếu là trai gái Đoàn viên và bộ đội phục viên trong xã. Rồi từ đây thời gian trôi trôi hoài trong cuộc đời để hàng chục năm nay mỗi lần chàng rể về quê cha mẹ vợ đều được chăm sóc yêu thương, hơi có phần trọng vọng của tất cả dòng họ, xóm làng. Sau gần ba ngày dẫn dâu bằng xe đò và tàu chợ trên đoạn đường hơn một trăm km từ Triệu Sơn tới Giao Thủy.
   Đọc bài của vetran mà Tranphu341 cảm động chẩy cả nước mắt. TP Cảm phục 2 bạn .Tình yêu đã thắng tất cả. Mà tình yêu chính đáng vẫn phải vụng trộn. Còn TP NGHĨ LẠI MÌNH THÌ THẤY KHẮC KỶ QUÁ. CHẤP HÀNH NGHIÊM KHY LUẬT QUÁ. VÀ CŨNG BỊ THIỆT THÒI NHIỀU QUÁ. PHẢI CHĂNG CŨNG LÀ "HÈN NHÁT QUÁ"?

                        Chúc gia đình bạn luôn đầy ắp tiếng cười vui như ngày hội cưới năm nào!


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: tranphu341 trong 01 Tháng Giêng, 2012, 05:51:00 pm
                    Đệp quá hình Anh Thơ đẹp quá. Thảo nào mà anh bạn "Hà Nam chuồn" Của tôi gặp là mê tít ngay? Rồi phải cưới chui luôn. Cưới liền tay mà!

                             CHÚC CÁC BẠN LUÔN VUI HẠNH PHÚC!


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 01 Tháng Giêng, 2012, 05:53:36 pm
Đẹp thế không biết , những cô lính trẻ trung thời xa ấy. Cám ơn bạn . Bộ quân phục của em là của Hải quân à ? Đẹp thế ?
[/quote

Đơn vị cuối cùng của em là trung đoàn 684 cục vận tải tổng cụ hậu cần, chuyên vận tải bằng tàu sông, biển. Từ cảng Phnomprnh trở về nước, em nhạn công tác quân y trung đoàn tại Tân Cảng chung với Lữ 125 hải quân (hậu duệ của đoàn tàu không số , đường mòn HCM trên biển nên được tặng bộ quân phục bận vào các dịp lễ cho oai.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 01 Tháng Giêng, 2012, 06:48:19 pm
    Anh Thơ viết tiếp: Ngày đó đám lính con gái B5 ở trung đoàn bộ luôn được các thủ trưởng cho thoải mái trong sinh hoạt cũng như các công tác khác, tôi nhớ thủ trưởng Vận hay cho mấy đứa theo xe do anh Quân hoặc Phiên lái đi tới các cuộc tiếp tân ,Ông nói:Chúng mày đi mà học người ta tiếp khách rồi về mà phục vụ khi trung đoàn có khách chứ ru rú ở nhà thì lúc nào mới khôn. Noi vậy  chứ chẳng học được gì vì hầu hết các buổi tiếp tân đều ở cac đơn vị quân đội bạn, trong khi tiềng K thì chỉ chú ý học được câu: On xi lanh boong tê để cảnh giác lỡ có đồng đội nào hỏi xỏ mình.Nhưng nói chung qua những tiếp xúc như vậy tụi tôi cũng có điều kiện tìm hiểu về văn hóa giao tiếp của Bạn.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 01 Tháng Giêng, 2012, 07:04:25 pm
. Anh Thơ: Ngay sát vách ban hậu cần bên  kia bức tường cao là một tiểu đoàn bộ binh K. trong đó có Thượng úy Mạc và Thiếu úy Chiến cùng quê Xuân Thủy - Hà Nam Ninh làm cố vấn quân sự. Mỗi lần tụi mình kéo nhau cả đoàn qua chơi thì hầu như các chiến sĩ K đều dừng tay đứng sững nhìn, dù đang tập hay  đang tăng gia với những câu sầm xì (oh! kông top sray Việt Nam so so, Sọ viêng). Còn các cô vấn quân sự thì dành đủ tứ bánh kẹo, trái cây cho các đồng đội nữ đơn vị hàng xóm. nghĩ lại thấy vui ghê. Nhưng có một buổi sáng chủ nhật, tốp nữ B5 chúng tôi lại qua chơi thì thấy đơn vị vắng tanh, chỉ thấy mấy sĩ quan Việt Nam đang ngồi ủ rũ uống trà. Hỏi ra mới biết cách nay hai ngày, chuẩn bị làm lễ kết thúc khóa huấn luyện để biên chế về các đơn vị tiền tiêu thì sáng hôm sau chỉ còn bốn cố vấn quân sự Việt Nam, còn lại từ ban chỉ huy tiêu đoàn tới lính mất sạch. Ngay lúc ấy chúng tôi xắn tay áo đi chợ nhỏ trước của đơn vị mua thức ăn về làm cơm cùng liên hoan với các sĩ quan đồng đội Việt Nam bị mất lính để các anh đỡ buồn.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 01 Tháng Giêng, 2012, 07:05:28 pm
  X/ Đường hầm gian nan bế tắc và ánh đèn le lói
-Trở lại Phnompenh đầu đông chớm lạnh, sống bên nhau được khoảng hai tháng ngắn ngủi trong hoàn cảnh dấu nhẹm chuyện kết hôn, hàng ngày công tác bình thường, đến đêm tôi về phòng riêng của quân y trung đoàn còn Em phải về khu tập thể nữ khóc rấm rứt trong nhung nhớ mặc dù chồng chỉ ở cách mấy căn phòng. Nhiều lúc nghĩ lại, tôi cảm thấy con người ta sao cứ phải trăn trở mệt mỏi vì những hư danh, những qui định ngặt nghèo không đúng với thực tiễn, trái với cả tự nhiên để tự làm khổ mình, khổ người. Nhưng mọi chuyện cũng chẳng dấu được lâu, khi nhiều người phát hiện Em hay bứt lá chuối non ăn. Vợ tôi mang thai con đầu lòng.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 01 Tháng Giêng, 2012, 07:06:13 pm
. Nguy rồi! Thời điểm này với muôn vàn khó khăn vì tình hình chung về chính trị trong nước và quốc tế về sự hiện diện của quân đội Việt nam gần biên giới Thailand và các diễn biến chiến sự đang hồi căng thẳng, nay thêm hoàn cảnh riêng của chúng tôi cực kì thiếu thốn vật chất, bối rối tinh thần trước những chuyển biến nhiệm vụ của đơn vị trong giai đoạn mới ở chiến trường, và như vậy cũng đồng nghĩa với việc chúng tôi sắp phải tạm biệt nhau để Em phục viên trở về tổ quốc vì ở chiến trường thì không thể cho phép có (bộ đội con).


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 01 Tháng Giêng, 2012, 07:15:10 pm
Anh Thơ: Ngày ấy theo Anh đi khám bệnh cho dân ở khu cây số 6, 9, 11,.  tôi thường xách dụng cụ thuốc men, anh Toán đeo súng k54 đi bảo vệ. người dân lâu ngày không dùng tân dược nên điều trị đạt hiệu quả rất cao, Anh nói tiếng K khá nhuyễn, dân tin tưỡng lằm. Có một gia đình người Chăm nhận mình làm con nuôi và rất quí mến, nhưng tối gia đình, mình theo dõi từ cách bài trí nội thất đến cung cách sinh hoạt hình như mang đậm nét ma thuật sao ấy. Gia đình theo Hindu giáo nên kiêng thịt lợn và một số cách thưc sinh hoạt không bình thường như những cái gì mình biết do đó tôi rất dè dặt từ lời ăn tiếng nói cho tới việc đưng ngồi, sợ phạm húy. Ngày về Việt Nam , bà cụ thêu cặp áo gối với đường nét Hoa văn Chăm dễ thương để tặng con gái với đốc tờ nhân ngày cưới, nhưng mình vẫn cất một chỗ ba mươi năm nay vì không giám dùng, sợ có bùa gì không!


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 01 Tháng Giêng, 2012, 07:21:20 pm
. Đứng trước thử thách lớn đầu tiên của cuộc sống vợ chồng như vậy, trong thâm tâm tôi chưa biết phải làm sao. Tâm lý sáo trộn, tính cảu bẳn xuất hiện, thực thi nhiệm vụ trong tâm thái trống rỗng bế tắc, có những lần ngồi tranh luận gay gắt về công tác đoàn thể, công tác chính quyền đến mức căng thẳng hàng giờ với Toán là bạn thân nhất phụ trách hành chính Trung đoàn bộ, hoặc đôi lúc tôi xử sự thiếu tinh thần đồng đội với cấp dưới khi thấy họ thực thi nhiệm vụ không đúng ý mình


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 01 Tháng Giêng, 2012, 07:22:30 pm
. Một thân hình gày đét, nước da xám ngắt là kết quả của một chuỗi phản ứng tâm sinh lý  trong hoàn cảnh mệt mỏi kéo dài, tâm thể bất ổn, ăn ngủ sút kém và rơi vào trầm cảm. Lặng lẽ tiễn em về tổ quốc. Còn tôi ở lại thực hiện nhiệm vụ trong lo lắng đến thắt lòng. Xa nhau rồi em sẽ về đâu, Về miền Bắc làm ruộng ư? Không gian quá xa cách, thời gian kéo dài tẻ nhạt trôi đi, em có chịu nổi không? Ở lại Sài Gòn cho gần chồng thì tiền bạc, nhà cửa, công việc và nhất là hộ khẩu ở đâu?


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 01 Tháng Giêng, 2012, 07:27:53 pm
. Có lẽ đây là khoảnh khắc thử thách nhất của đời tôi. Ở chiến tuyến thì sự mất còn là điều có thể nhưng chỉ một mình mình chịu, còn lúc này sao tôi bối rối đến tận cùng vì các yếu tố (Cần) còn không có thì tìm đâu ra (Đủ) để giải quyết tình huống này. Trong cơn quẫn bách, đành tính liều cho Em về tá túc ở nhà bà cô họ tại quận Tân Bình dưỡng thai, sau sinh sẽ tìm cách tính. Cũng là một cái may, bà cô đón nhận Em như nhận đứa con trong cơn bĩ cực rồi cưu mang cho ở nhờ và động viên nâng đỡ tinh thần rất nhiều, nhưng cũng ngặt một nỗi là bà cô sống độc thân, thường xuyên vắng nhà đi buôn bán trà từ Bảo Lộc về thành phố, lâu lâu mới ghé về, căn nhà ở trong một khu phố nghèo đã xuống cấp, nước ngập lếnh láng sau mỗi trận mưa, các chất uế thải trôi lềnh bềnh dưới cái rãnh nhỏ dọc hẻm rất mất vệ sinh, nước nguồn thiếu nên Em phải xách từng xô từ giếng đầu hẻm về dùng trong khi cái bụng lặc lè sắp sinh, vậy nên mấy cụ già trong hẻm la réo chửi yêu vì không biết giữ gìn, còn nỗi khổ hơn khi nhà vệ sinh hư hỏng, hệ thống thoát nước tắc nghẽn không đảm bảo những sinh hoạt cần thiết nhất mỗi ngày nhưng như vậy cũng còn hy vọng.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: hatuyenha trong 01 Tháng Giêng, 2012, 10:08:15 pm
 Đọc bài của em chị thấy thương quá , đúng là vợ của lính . Chị cũng vậy khi đẻ liền năm một hai cô con gái , rồi chồng là lính ở xa , một mình với hai đứa con nên đành phải cho con em mới 4 tuổi rưỡi đi học lớp một với chị nó . May lại ở khu tập thể bộ đội , nên cũng giúp đỡ nhau nhiều nhưng các gia đình khác đủ cả vợ chồng ở nhà chỉ có chị là chồng ở xa. Những hôm ốm mới thật khổ , hai con thì bé may chị em xóm giềng sang đánh gió giúp . Những ngày nghèo khổ đó lại thương nhau đến tận bây giờ đã thành ông ngoại ông nội,bà ngoại bà nội.
 Là lính kể cho vợ chồng em nghe luôn nhé : chị học khóa hai của trường Đại học KT QS khoa vô tuyến điện ,chị ra trường năm 1972 về một đợn vị TT của bộ TL Thông tin đúng đợt máy bay B52Mỹ ném bom Hà nội chị nhận chức trạm trưởng và tham gia chiến đấu luôn .
 Sau này chị về công tác tại Cục KT của Binh chủng TT nên có điều kiện đi toàn quân , các quân khu quân đoàn quân binh chủng rồi các mặt trận ở K và Lào nên mới có điều kiện sang K mỗi năm một lần từ 1981 đến năm 1988 . Hai cuộc chiến BGPB và BGTN chị đều có mặt trong vai trò đảm bảo KT cho máy TT của toàn quân và máy đo để đảm bảo sửa chữa cấp QK hoặc QD trở xuống. Vì vậy giới thiệu để khoe với vợ chồng em chị là Lính chiến chứ không phải lính cậu đâu nhé.
 Năm 1992 lại về hưu sớm , mới hơn 40 tuổi với tuổi còn trẻ lại có gánh nặng gia đình ( chị nuôi một cô em sinh năm 1953 bị bệnh Tâm thần , một ông bác không biết kiếm sống , giúp một cô em đi XKLD về bị mất hết hàng do LX bị giải tán ) hai con còn bé đang đi học cấp 3 , lương hưu thì chỉ có 131 ngàn đồng /tháng  với điều kiện vậy thế là khăn gói quả mướp vượt biên giới tìm đường cứu nhà . Buôn bán vơi TQ từ năm 1993 đến 2004 bị tai biến MMN nhưng đến cuối năm 2004 lại dậy tiếp tục đưa các đoàn sang TQ kiếm các HDKT .



Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: hatuyenha trong 01 Tháng Giêng, 2012, 10:26:15 pm
 Cũng từ năm 1993 chị bắt đầu nghiên cứu về ông già , tiền kiếm được ngoài việc đảm bảo cuộc sống gia đình thì chị làm sách ,làm hội thảo cho ông già . Đến nay từ con số 0 đã có 10 quyển sách về ông già rồi và chủ yếu để tặng mọi người .
 Đến tận năm 2008 khi phong ba bão táp về tiền tệ thì gần như chị mới nhẹ phần kinh tế em ạ và chịu khó toàn tâm nghiên cứu về ông già . Năm 2009 khi gặp trang VMH thì cuộc đời chị như được trở lại với đồng đội, trở lại với cuộc sống của lính . Nhiều bạn tâm giao ở khắp mọi nơi trên trái đất này , được nhiều người động viên hơn khi chị nghiên cứu về ông già , không cô đơn vài người như trước.
 Vừa xem VTV1 vừa tâm sự với vợ chồng em lê thê quá , thỉnh thoảng lại lên cơn tâm sự đấy em ạ . Chịu khó vậy nhé .


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 02 Tháng Giêng, 2012, 04:50:24 am
Cũng từ năm 1993 chị bắt đầu nghiên cứu về ông già , tiền kiếm được ngoài việc đảm bảo cuộc sống gia đình thì chị làm sách ,làm hội thảo cho ông già . Đến nay từ con số 0 đã có 10 quyển sách về ông già rồi và chủ yếu để tặng mọi người .

Em Anh Thơ chào chị gái, 4h30 AM rồi, chúc chị và gia đình một ngày mới tốt lành. Chị ơi, nghe chị kể thấy thương chị quá, bởi vậy dù chúng em từng gặp khó khăn trong cuộc sống nhiều nhưng so với chị chẳng thấm tháp vào đâu. cái gánh cuộc đời chị quá nặng chị ạ. Em rất thích thú nghe chị kể về thời gian quân ngũ của chị, em hy vọng sẽ được hiểu về chị nhiều hơn, con đời lính chiến của em chỉ là nguy hiểm lúc ờ mặt trận 479 (Komponcham) thôi còn lại thì sướng lắm, được mọi đồng đội chiều chuộng vì lính quân y mà chị. Thôi em xin dừng ở đây vì phải đi bộ ra khu hành chính Q7 khu Phú Mỹ Hưng tập thể dục, ở ngoài ấy yên tĩnh, sạch và mát lắm chị ạ . Em hy vọng đón người chị đồng đội tại Sài Gòn. Hẹn gặp lại chị.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 02 Tháng Giêng, 2012, 06:19:04 am
. Mỗi chiều thứ bảy hàng tuần, qua xe giao liên của trung đoàn, tôi gửi một bao tải đựng xà phòng hôi 72%  của Liên Xô về trạm hậu cứ trên đường Lý Thường kiệt cạnh trường đua Phú thọ, Em đến nhận về, ngày sau đưa ra chợ Tân Bình bán lấy tiền lãi sinh sống (tiền lãi được ít nhưng chỉ có thứ này là không bị hải quan cửa khẩu bắt giữ). Nhưng mọi việc ngày càng khó khăn, kinh tế quẫn bách, con  nhỏ sắp ra đời, hơn nữa bố mẹ hai bên cũng thừa hiểu hoàn cảnh của chúng tôi và hối thúc đưa Em về miền Bắc. Trong điều kiện này phải chuẩn bị cho em về quê với cái dáng chậm chạp nặng nề mệt mỏi. Người xưa thường nói “Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí” Nhưng với tôi có lẽ là ngoại lệ (cho đến lúc ấy).


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 02 Tháng Giêng, 2012, 06:20:36 am
. Từ trước đến nay đã nhiều lần vượt qua những tình huống ngặt nghèo ở phút cuối cùng và lần này. Đang ở cuối đường hầm tôi lại nhận ra ánh đèn le lói. Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa phải tiễn Em về miền Bắc trên một chuyến tàu quân sự, Em đề nghị tìm thăm anh họ của em là anh Cơ ở công an vũ trang cửa khẩu Khánh Hội, trước đó tôi chưa gặp lần nào vì từ ngày cưới đến nay cũng là thời gian anh đi học nghiệp vụ ngoài Hà Nội mới trở vào Sài Gòn, gặp nhau tại nhà hàng Khánh hội, anh Cơ kiên quyết không cho Em về miền Bắc. Và từ đây ánh đèn cuối đường hầm sáng dần, bước ngoặt mới của chúng tôi bắt đầu. Anh Đức, anh Cơ, cùng họ hàng bạn bè đồng hương, đồng nghiệp đã tạo điều kiện cho Em có hộ khẩu, nhà cửa, công việc.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 02 Tháng Giêng, 2012, 06:24:55 am
. Dù không dễ dàng gì, nhất là thâm niên quân đội chưa đủ để Em được chuyển nghành nhưng cũng như người xưa thường nói “đã thông nguồn thì bén giọt” vì khi trở lại Phnompenh báo cáo tình hình gia cảnh với chỉ huy trung đoàn. Có lẽ ban chỉ huy cũng cảm thấy sự bất ổn tư tưởng trong tôi, mà vị trí công tác của tôi trong ban quân y E đang rất quan trọng trong tổ chức hệ thống quân y giao liên phục vụ những đợt rút quân tình nguyện về nước theo chiến thuật của mặt trận 479. Thế rồi thủ trưởng trung đoàn 685 đã làm công tác tư tưởng cho tôi yên tâm công tác bằng cách thực hiện chính sách hậu phương quân đội nên chỉ hai ngày sau Em có một quyết định chuyển nghành thẳng về bệnh viện đa khoa  huyện Nhà Bè (nay là quận 7 tp HCM). Để có được cái quyết định này cũng gây những nhiêu khê khó xử cho các sĩ quan chỉ huy các phòng ban mà theo lời đại úy Ứng văn Thắng trưởng phòng hậu cần là: Các chỉ huy phòng tham mưu, ban tổ chức động viên, ban tài vụ, ban chính sách phải chịu áp lực trong tinh thần chưa được đồng thuận mà phải chấp hành sau cái đập bàn của đại tá Huỳnh Cao Sơn lệnh phải hoàn tất hồ sơ chuyển nghành về thành phố thay quyết định phục viên về Thanh Hóa trước đó cho Em với thời gian sớm nhất trình ông ký gấp.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: tranphu341 trong 02 Tháng Giêng, 2012, 09:05:54 am
              Vâng! Bài của 2 vợ chồng bạn viết kể rất cảm động và rất hay. Thật tuyệt vời khi mà những tháng ngày gian khổ đã qua đi rồi những tia sáng của bình minh, niềm tin và hy vong đã được bù đắp qua tình cảm của Anh Cơ và đ/v bạn.

              Rất vui nữa là giờ đây trên VHM này cả 2 bạn lại cùng nhau hành quân. Cùng nhau kể về những năm tháng không thể nào quên đó!

              Tranphu341 bật mí thêm là TP sinh ở Thanh Hóa, huyện Thạch Thành. Hồi trước ông bố mình đi bộ đội ở trong đó. Trong giấy khai sinh cứ ghi là Ngã ba KIM TÂN, THẠCH THÀNH, THANH HÓA. Mình có biết đó là ở đâu? Năm 72 khi đ/v hành quân qua ngã ba Kim Tân, mình mới biết đây chính là nơi ông bố mình cũng đã từng hoạt đông. Cả gia đình mình cũng chạy loạn từ Hải Phòng vào tận đây sinh sống. Và như vậy đây cũng là nơi chôn dau cắt rốn của TP.

               Nhưng năm 79 lúc đó đ/v dang ở CPC. Khi làm thẻ Đảng, làm mãi không được vì 1 chốn mấy quê không ai xác minh được. TP liền nói với đ/c Hóa trợ lý tổ chức là: "tùy ông , muốn ghi thế nào cũng được. Đã chắc được sống về không mà quan trọng quê với quán". !Thế là đ/c Hóa ghi mình tử nơi sinh, quên quán, trú quán đều ở Thái Bình.

               Thêm 1 chi tiết nữa là con dâu của mình cũng là người Thanh Hóa. Huyện Hoàng Hóa.

                          CHÚC GIA ĐÌNH BẠN LUÔN MẠNH KHỎE, ĐẦY ẮP NIỀM VUI HẠNH PHÚC!

             


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: TichTuongNhuLe trong 02 Tháng Giêng, 2012, 01:21:51 pm
.
(http://farm8.staticflickr.com/7160/6618129457_7105db4b2f.jpg)

     Hai bạn đẹp đôi và hạnh phúc quá !


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 02 Tháng Giêng, 2012, 01:47:01 pm
Anh Thơ cám ơn anh TTNL. Chúc anh vui khỏe. Ngày 7 tháng 1 anh có tới họp mặt không. anh em gặp nhau nhé.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: TichTuongNhuLe trong 02 Tháng Giêng, 2012, 03:13:40 pm
Anh Thơ cám ơn anh TTNL. Chúc anh vui khỏe. Ngày 7 tháng 1 anh có tới họp mặt không. anh em gặp nhau nhé.

     5 giờ chiều ngày 7/1 gặp nhau ở 19c Ngọc Hà nhé !


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: behienQYV7C trong 02 Tháng Giêng, 2012, 03:21:40 pm
Anh Thơ cám ơn anh TTNL. Chúc anh vui khỏe. Ngày 7 tháng 1 anh có tới họp mặt không. anh em gặp nhau nhé.
     5 giờ chiều ngày 7/1 gặp nhau ở 19c Ngọc Hà nhé !

HIhi , anh TTNL và chị Anh Thơ phải nối cầu truyền hình TPHCM và HN mới được gặp mặt .





Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 02 Tháng Giêng, 2012, 04:35:20 pm
Anh Phú ơi! chắc đầu óc em bị xuống cấp rồi. 7h30 sáng nay, dắt xe ra cổng, tính đến cơ quan chào cờ, thấy Thơ đứng chờ sẵn với trang phục nghiêm chỉnh. Em hỏi Thơ đi đâu thì Thơ hỏi lại, vậy anh đi đâu, xuống cơ quan với ma hả. À hôm nay nghỉ bù... chắc đầu óc có vấn đề rồi. Chúng em vào phi trường thăm mấy đứa em ở lữ đoàn tên lửa bảo vệ sân bay. về nhà sỉn quá mới tỉnh. Thơ nhắc em hồi âm tới anh. Đầu năm 1975 em đóng quân tại xã Đồng Ngư, huyện Thạch Thành thuộc C3. D 930 trung đoàn 15 quân khu hữu ngạn. Trung đoàn bộ đóng ở chiến khu Ngọc Trạo huyện Hà Trung. còn cái thị trấn Kim Tân của anh là nơi chủ nhật mỗi tuần  chúng em phải ra đó tải gạo về cho chị nuôi hoăc nhận tranh tre nứa về sửa doanh trại. Xa khoảng bảy cây nhưng vui vì có dịp mua trái dổi hoặc vào cửa hàng giải khát huyện xếp hàng mua mỗi đứa  được một cốc xi rô màu đỏ giải khát cũng thấy sướng. Anh nói với con dâu anh rằng " Có cô Thơ dân rau má Triệu Sơn vớ được chú Vệ dân khu 3 còn quí hơn mì chính cánh( theo đánh giá cua ban tuyên huấn binh trạm 179-Kampuchea năm 1981)Còn chồng nó chắc còn quí hơn, hãy liệu mà chiều. Ngay bây giờ cô Thơ còn chiều chú hơn chiều tể tướng đấy.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: tranphu341 trong 02 Tháng Giêng, 2012, 09:29:38 pm
                   Chào bạn! Tranphu341 chúc mừng Vệ- Anh Thơ. Gia đình bạn thật vui và hạnh phúc. Thật tuyệt vời! Trong cuộc sống, không phải gia đình nào cũng có được niềm vui hạnh phúc như vậy đâu. Những đứa con được kết tinh từ 1 tình yêu cao đẹp. Tình yêu của người lính, mà lại là người thầy thuốc mang áo lính thì càng giá trị biết bao?

                   TP Sinh ra ở TH. đất địa linh nhân kiệt. Sống ở đó được khoảng 3 tuổi thì gia đình về Hải Phòng. Trên đường qua Thái Bình năm 55. ĐIẠ PHƯƠNG Ở ĐÓ VẬN ĐỘNG GIA ĐÌNH MÌNH Ở LẠI VÌ DAN DI CƯ BỎ HOANG NHÀ NHIỀU. Thế là mình ở TB từ đó đến giờ.

                    TP chúc 2 bạn cùng gia đình ngày càng có nhiều niềm vui hạnh phúc!


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: nguyenquochung trong 03 Tháng Giêng, 2012, 12:34:05 am
Hai ông bà này tán suốt từ nãy mà vẫn không nhận ra là kẻ Bắc người Nam. Bác Vetran lại còn hỏi Bác TTNL có phải lính thiết giáp không nữa chứ. Đến chết mất. Tiện đây xin thông báo với bác Vetran luôn rằng bác TTNL là lính trinh sát từ hồi Quảng Trị 72 đến tận trưa 30.4.75 thì có mặt tại Sài Gòn.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 03 Tháng Giêng, 2012, 04:46:11 am
Chào buổi sáng. Cám ơn behienQYV7C và Nguyenquocchung. Bởi vì trong bài viết của TTNL có một câu hỏi của đồng đội về tăng,  T54 và T55, ai trong binh chủng mới rành từng loại chứ nếu chỉ nhìn tổng thể hình dáng bên ngòai rất giống nhau, chỉ có T59 hơi nhỏ gọn hơn. À! Chữ QYV7C có phải quân y viện bảy C không bác behien?


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: nguyenquochung trong 03 Tháng Giêng, 2012, 09:02:34 am
À mà phải công nhận bà xã bác Vetran đẹp quá! Hồi đấy đói ăn, đói mặc thế mà xinh như vậy thì đúng là xinh thật chứ chả phải xinh "Olay total effects".


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 03 Tháng Giêng, 2012, 09:08:14 am
Vetran viết tiếp: Có việc làm, có nhà ở là có cơ sở nhập hộ khẩu thành phố (ngày đó đủ tiêu chuẩn nhận công tác và nhập hộ khẩu thành phố HCM chỉ dành cho cán bộ trung cao cấp được điều động từ cấp sở bộ trở lên, còn các trường hợp khác, khó hơn mò kim đáy biển) dù biết rằng đây là việc làm sai luật của thủ trưởng đơn vị và của nhưng tôi như trút được gánh nặng ngàn cân. Ngày chuyển nơi ở từ nhà bà cô khu Nghĩa Hòa - Tân Bình về ấp sáu xã Tân Qui huyện Nhà bè, cô Lành cho một cái giường đôi bằng gỗ tạp ọp ẹp bốn phía phải đóng ốp bằng những thanh gỗ cao su lấy từ thùng hàng, một cái bếp dầu cùng một số đồ gia dụng cũ kĩ. Anh Cơ cho một cái phích Trung Quốc, tất cả gói gọn trên một chuyến xe ba gác, về nơi ở mới. Thế rồi ngày vui hạnh phúc của chúng tôi đã đến. Ngày 06 tháng 4 năm 1983 con gái chào đời mang tên quê hương Giao Thủy của tôi. Cũng như niềm vui thường hay nhân đôi cộng hưởng để hai mươi ngày sau tôi được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam, ngày 26 tháng 4 năm 1983. Một tuần sau về thành phố thăm mẹ con Em. sống trong tràn trề hạnh phúc, nhưng cũng từ đây tôi cảm nhận trách nhiệm cuộc đời càng  trữu nặng hơn.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 03 Tháng Giêng, 2012, 09:10:26 am
-  Trở về đơn vị công tác trong miên man lo lắng. Em ở Sài gòn làm việc tại bệnh viện đa khoa Nhà Bè và chăm sóc con với muôn vàn thiếu thốn đạm bạc trong thời gian vắng lạnh ngóng trông chồng. Khoảng hai tháng sau, tôi bị sốt xuất huyết thập tử nhất sinh tưởng chừng không qua được, đến ngày thứ bảy thì xuất huyết chân răng, lưỡi, mũi và nội tạng. Toàn thân tím đỏ như trái mận chín, sốt li bì và đau đớn dữ dội, mắt mờ, chân tay run rẩy. Sau này nghĩ lại các triệu chứng xuất huyết tăng nặng còn do sự cộng hưởng tác dụng phụ của Aspirin, vì hai lẽ: do trình độ chuyên môn ở trạm xá trung đoàn có hạn và do thuốc men cực kì khan hiếm và nghèo nàn về chủng loại lúc ấy. Nếu muốn hạ sốt giảm đau thì chỉ duy nhất có Aspirin hoặc viên APC ( Aspirin, Phenaxitil, cafein). Những ngày sau đó bị phù toàn thân, da xanh bủng, đầu óc luôn quay cuồng khó chịu đến tột độ cộng thêm ánh sáng mờ ảo trong không gian nơi đặt giường điều trị là chánh điện ngôi chùa cổ rất lớn, người dân Phnompenh gọi là chùa Tàu, an tọa bên bờ Tonlesap trong một khuôn viên rộng nhưng u tịch bởi những cây bồ đề cổ thụ, cả ngày cũng không thấy ánh mặt trời. Trên các bậc điện thờ và xung quanh nội thất là sự hiện diện của bộ tượng đồ sộ hàng trăm hình hài giống các nhân vật trong Tây Du Ký, Tam Quốc Chí, Thủy Hử. Vì vậy trong cơn mê sảng tôi cảm thấy hàng ngàn ảo ảnh lúc là thập bát La Hán, quỉ sứ ma vương, lúc thấy thập nhị Kim Thoa, tiên đồng ngọc nữ bao vây nhấn chìm tôi. Mệt mỏi, đau đớn, day dứt cũng qua sau hơn hai tuần điều trị, Cơ thể  mỏng đét như con tắc kè khô, nhưng sợ Em lo lắng, tôi không báo về Việt Nam và rồi dần dần tôi hồi phục.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 03 Tháng Giêng, 2012, 09:11:16 am
. Sau này bình tĩnh nghĩ lại, sao thấy nơi chiến trường  cái mạng người nó mỏng manh rẻ mạt quá. Đành rằng hoàn cảnh thiếu thốn và trình độ chuyên môn của hệ thống quân y có hạn, nhưng sự chần chừ không chuyển bệnh binh về nước điều trị cũng là một trong những nguyên nhân tử vong cao của chiến sĩ. Trong lần lâm bệnh này tôi sống được cũng là phúc tổ còn dày vì sau khi tham khảo những ca tương tự ở quân y viện 5 (binh đoàn Cửu Long) thì tỷ lệ tử vong ở mức xuất huyết nội tạng là rất cao.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 03 Tháng Giêng, 2012, 09:12:11 am
. Tuy nhiên, thử thách ấy không khủng khiếp bằng sự cố xảy ra hai tháng sau đó. Một đêm trong giấc chiêm bao, thấy con gái bị ngạt nước, cả ngày hôm sau sống trong bồn chồn bất an, và  buổi chiều thì nhận được tin Chị Tâm nhắn từ Việt Nam qua bằng đường giao liên “Con gái đang nằm cấp cứu ở bệnh viện nhi đồng II”. Lo lắng khôn cùng, báo cáo trung đoàn trưởng. Sáng hôm sau thủ trưởng đơn vị điều một xe Zeep chở tôi thẳng về bệnh viện trong bộ dạng lấm lem bụi đất đỏ, bụng thắt lại vì đói, cái xanh tuya rông như không giữ nổi khẩu súng ngắn K54, rơi trễ tới gần đầu gối, mặt mũi phờ phạc. Tôi ào vào phòng cấp cứu trước sự ngỡ ngàng của kíp trực. Con gái tôi nằm đó, toàn thân tím bầm, thoi thóp, bên cạnh là Em trong khuôn mặt thất thần. Kíp trực hôm trước đã buông tay, con gái đã có lúc ngừng thở nhưng tình thương của người mẹ đã kéo con tôi khỏi bàn tay tử thần khi Em vừa van xin, vừa phản ứng dữ dội, cuối cùng lãnh đạo viện can thiệp kịp thời... Ngày ngày chúng tôi túc trực bên con gái trong trại điều trị với khung cảnh ba bé một giường, sáu người lớn là ba mẹ trải chiếu ngồi vây xung quanh dưới sàn. Sau 10 ngày điều trị tích cực của bệnh viện, tôi mới chắc con gái qua khỏi hiểm nghèo nhưng cũng là lúc tôi phải trở về đơn vị. Chẩn đoán cuối cùng không rõ ràng với kết luận: Sốt xuất huyết, nghi ngộ độc phấn rôm. Năm đó, thế giới có hàng ngàn trẻ bị tử vong vì phấn rôm.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 03 Tháng Giêng, 2012, 09:16:02 am
À mà phải công nhận bà xã bác Vetran đẹp quá! Hồi đấy đói ăn, đói mặc thế mà xinh như vậy thì đúng là xinh thật chứ chả phải xinh "Olay total effects".

Anh Thơ Thank  anh Quoc trung!


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 03 Tháng Giêng, 2012, 09:40:08 am
- Một năm sau, chiến sự đã đi vào giai đoạn cuối cùng với những tác động khách quan tất yếu của chiến cuộc và chủ quan từ nhiều phía trong quan hệ song phương, đa phương và quốc tế. Quân đội tình nguyện Việt Nam hoàn thành sứ mệnh trở về tổ quốc đợt thứ hai trong đó có tôi sau năm năm hải ngoại. Tạm biệt nhé Kampuchea, đất nước khổ đau tang tóc, đất nước hồi sinh mãnh liệt. Tạm biệt nhé thủ đô Phnompenh nơi khai nhụy nở hoa và chứng kiến xuyên suốt mối tình của chúng tôi đến giờ kết trái.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 03 Tháng Giêng, 2012, 09:41:12 am
. Thời gian ở Phnompenh tôi và Em thường đi  khám bệnh cho dân trong khuân khổ công tác dân vận, hiệu quả điều trị rất nhanh bởi vì đã nhiều năm người dân không tiếp xúc với tân dược, nay chỉ cần liều lượng nhỏ kháng sinh là kết quả mỹ mãn. Nhân dân rất mến phục, có gia đình ông bà người Chăm nhận Em làm con nuôi và còn thêu hai áo gối tặng ngày cưới với hoa văn chăm dễ thương, anh Sonsary chủ một đáy cá ở cây số 9 bịn rịn hoài trong giờ phút tiễn tôi, miệng luôn lẩm bẩm: Boong on sa ma ki.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 03 Tháng Giêng, 2012, 01:14:42 pm
Cám ơn cha mẹ đã cho con cuộc đời, cám ơn quân đội nhân dân Việt Nam đã giáo dục rèn luyện kỉ luật, bản lĩnh  sống và tri thức làm hành trang để tôi vào đời, phấn đấu trưởng thành !!!
 Thành phố Hồ Chí Minh mùa đông 2012. ANH THƠ


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 03 Tháng Giêng, 2012, 01:16:06 pm
Cám ơn cha mẹ đã cho con cuộc đời, cám ơn quân đội nhân dân Việt Nam đã giáo dục rèn luyện kỉ luật, bản lĩnh sống và tri thức làm hành trang để tôi vào đời, phấn đấu trưởng thành !!!
Thành Phố Hồ Chí Minh. Mùa đông 2012


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: hatuyenha trong 03 Tháng Giêng, 2012, 03:42:38 pm
 Cám ơn em đã cho chị và mọi người được chiêm ngưỡng cô y tá chiến trường năm xưa . Bà Anh Thơ giống Bà Hatuyenha@ ở cái đoạn
đày đặn , phát tướng lúc về già nhỉ . Vệ Trần nuôi vợ giỏi quá đấy. Cô bé Giao Thủy nữa cho bác xem mặt đi , chắc sẽ lộ dần theo dòng thời gian . Khi ra HN chị đã gặp Đoan , các cô lính cô nào cũng mạnh mẽ đáng yêu . Chị đã đọc hết và biết nhiều điều về bọn em . Chị sẽ theo dõi hết cuộc đời của cặp vợ chồng lính đáng yêu này .


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 03 Tháng Giêng, 2012, 04:14:09 pm
           XII/ Tổ quốc – Năm năm hải ngoại
-   Sài gòn. Thành phố Hồ Chí Minh. Trung đoàn 684. Tân cảng, nơi tôi nhận nhiệm vụ mới. Có lẽ do một nhầm lẫn nào đó từ phía cơ quan tổ chức cán bộ tiền phương cục vận tải, tôi được phong quân hàm trước hạn tới hai năm, chuyện đã rồi, cũng không đủ can đảm khiếu nại. Bắt đầu nhận nhiệm vụ ở một môi trường mới mẻ và từ đây được gần vợ con những người thương yêu nhất đời tôi.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 03 Tháng Giêng, 2012, 04:15:12 pm
-  Dòng sông ơi, đón nhận sự hiện diện của mình nhé! Đứng trên bến cảng nhìn những tàu chiến của LỮ ĐOÀN 125 (đoàn tàu không số xưa) im lìm lặng lẽ. Nhưng đoàn  tàu vận tải quân sự của trung đoàn 684 vẫn đang hối hả xuống hàng chở qua Kampuchea giúp bạn, bởi vì trên danh nghĩa rút quân nhưng đợt rút quân mang tính toàn bộ phải tới năm năm sau mới được thực hiện và thêm hai năm sau đó mới hết bóng cố vấn quân sự Việt Nam trên đất nước Angkor do vậy đơn vị tôi vẫn vận chuyển lương thực vũ khí cho mặt trận K. Những chiếc tàu hàng khổng lồ của Liên xô nhận sắn lát, gỗ ván sàn, mây tre lá hàng thủ công mỹ nghệ ta xuất trả nợ bạn phần viện trợ thời chống Mỹ. Đoàn tàu khai thác thủy sản  thuê của Liên xô tất bật bốc dỡ hải sản đông lạnh ngoài khơi mới đánh bắt trở về nhập kho. Mặt sông lăn tăn những đám lục bình trôi về hướng cảng Bạch Đằng ra biển. Mặt cảng xôn xao nhộn nhịp xe nâng xe cẩu, xe vận tải và công nhân bốc xếp. Đứng trên cầu cảng dõi mắt về phía chân trời xa đón luồng gió mới.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 03 Tháng Giêng, 2012, 04:16:12 pm
. Thời gian này theo tinh thần của thông tư 05 liên bộ (Quốc phòng – Nội vụ) sĩ quan đóng trên địa bàn các thành phố lớn được phép chuyển hộ khẩu về sinh hoạt với gia đình ngày nghỉ và ngoài giờ làm việc. Đây là một trong những thuận lợi của chính sách hậu phương quân đội. Tuy nhiên trong điều kiện chung của đất nước của xã hội dù sống trong bình yên hạnh phúc nhưng thiếu thốn tứ bề, bữa ăn hàng ngày của Em và con chủ yếu là cá khô, rau muống luộc với vài miếng đậu luộc chấm với nước mắm không nhãn hiệu, lương bổng không đủ trang trải cuộc sống. Có những ngày hết gạo, Em cho cháu Thúy và em Vinh lên chỗ làm việc của tôi xin với quân lương đơn vị vét vài chục cân gạo rơi vãi chở về nấu ăn.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 03 Tháng Giêng, 2012, 04:22:22 pm
. Cay đắng cực khổ nhưng không phải là cá biệt vì cả đất nước này đang phải gánh nợ lần của một thời chiến tranh giành thống nhất, và hơn lúc nào, cả dân tộc đang dũng cảm đương đầu với hàng ngàn tác động khách quan không mấy thuận lợi thậm chí là rất xấu như chiến tranh lạnh và diễn biến hòa bình, nhất là chính sách cấm vận của đế quốc Mỹ. Ngay cả bữa ăn của chúng tôi tại đơn vị cũng chẳng hơn gì, với cơm được nấu bằng gạo đưa từ kho dự trữ chiến lược miền Bắc trong những năm bảy mươi vừa hôi mốc vừa bở bục, khi nấu không còn chất kết dính, nhai trong miệng có cảm giác rất khô khan. Về thực phẩm cũng không khá hơn, số tiền bảy đồng tiêu chuẩn hàng ngày của  một quân nhân quá thấp so với giá cả thị trường, nhà bếp chỉ mua được loại cá lục, bạc má và cá ngừ ươn đến mức đã phân hủy hết phần bụng, thịt bở tanh nồng, phải cho nhiều sả bằm vào kho mới ăn được. Khi kiểm tra thịt của công ty Vissan cấp cho bếp ăn trước khi cho anh nuôi chế biến, tôi nhìn có dấu đóng kiểm dịch cách đó gần mười năm, ngâm trong nước nửa buổi mới rã đông. Dầu mè, dầu phộng để chiên xào có màu dầu nhớt tái sinh, phải đun sôi lên rồi đột ngột đổ nước lạnh vào, khói um bốc lên khét lẹt sau đó chế biến thức ăn, biết chất dầu ấy đã bị nhiệt phân thành chất độc hại cho sức khỏe đấy nhưng không thể không dùng, còn rau xanh bộ đội tự trồng để bổ xung vào bữa ăn.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 03 Tháng Giêng, 2012, 06:47:47 pm
Tôi xin kể câu chuyện thứ nhất cười ra nước mắt mà tôi chứng kiến: Cuối năm 1975, đơn vị tôi .C11 kỹ thuật thuộc trung đoàn tăng-thiết giáp 26 quân khu 7 (được tách ra từ tăng-thiết giáp miền, một E 26 về QK9) chúng tôi đóng quân ở (Trung tâm 43-bảo toàn trung hạng-tổng kho Long Bình-Đồng Nai). Bữa đó sau ăn trưa, mấy khứa lính trẻ cùng quê Xuân Thủy-Hà Nam Ninh cá nhau uống sữa ông thọ. Ông bạn Vinh người Xuân Bắc xung phong và đục hai bên hộp sữa hai cái lỗ rồi kê lên miệng hút. 1.2 hộp hết veo..Nhưng đến nửa hộp thứ 3, tự nhiên mặt Vinh tái nhợt, rồi chuyển sang đỏ ké, hai bên lỗ mũi hai dòng sữa chảy dài lòng thòng xuống quần áo mãi không dứt, vậy mà vẫn không bỏ cái hộp ra khỏi miệng....Đưa đi rửa ruột cấp cứu tại quân y viện 7B vì sữa sặc vào phế quản. Hú hồn, xuýt toi .Bây giờ nghĩ lại vẫn mắc cười.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 03 Tháng Giêng, 2012, 06:49:17 pm
Câu chuyện thứ hai: Các bác tưởng chuyện anh chàng ngốc theo vợ sang nhà ông bà nhạc ăn cỗ làm cho bố vợ bị sặc khi ăn canh bún làm bún chui ra hai lỗ mũi là giai thoại phải không?. Có thật 100 % đấy. hôm ấy 22/12/1975 đại đội 11 tổ chức liên hoan, trong nhiều món ăn có món miến hầm măng chân giò. Trong lúc ăn, mấy tướng lính trẻ vừa thưởng thức vừa chọc nhau đùa vui, thế là một tướng cứ để mấy cọng miến dài lòng thòng hai bên mũi sau cái hắt xì, cùng nước mắt giàn giụa, mặt đỏ ké vì xấu hổ. Nghĩ lại cái thời lính trẻ con (Mười bảy, mười tám) ấy mà cứ tủm tỉm một mình vì cái sự ngây ngô vô lo với rất nhiều cái đồng như:Đồng niên, đồng ngũ, đồng hương nên nó mới xảy ra nhiều cớ sự, làm cho chỉ huy đơn vị và các bác lính già cũng nhức đầu chịu hết nổi chuyện"Mấy ông nỏi con"


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 03 Tháng Giêng, 2012, 07:15:28 pm
Câu chuyện thứ ba: Đại đội 11 kỹ thuật thiết giáp chúng tôi có bốn B trong đó B1 và B2 là hai trung đội kỹ thuật điện và động cơ nổ với đặc điểm toàn là lính cùng huyện Xuân Thủy - Hà Nam Ninh, nhập ngũ cùng ngày, tuổi quân tuổi đời đều nhỏ xíu.  Dù đã là chiến sĩ mà tối ngay các ông tướng tha thẩn tìm kiếm đồ chơi trong khuôn viên đơn vị rộng cả hecta trong tổng kho Long Bình. Một buổi chiều hàng loạt tiếng nổ giòn giã từ khu kho xép cuối sân. Mọi người từ sân bóng chuyền, từ bãi tăng gia đổ xô đến nhưng không ai giám tiếp cận... Lát sau tiếng nổ chấm dứt, mấy cảnh vệ thận trọng bước vào thì chứng kiến binh nhất Tuất đang quằn quại trong vũng máu, đưa Tuất về trại với tình trạng nguy kịch và cố gắng Tuất thều thào mấy câu trước  khi trút hơi thở cuối cùng: Tại tôi giật cái khoen chốt của trái lựu đạn (da láng) về làm khoen treo bát B52,  vì thấy ai cũng có cái khoen treo bát đẹp. Cớ sự được hiểu là: Tuất móc tay giật cái khoen chốt rồi cẩn thận đặt nhẹ nhàng trái lựu đạn mili vào cái thùng có hàng trăm trái nổ lớn nhỏ trong đó và xảy ra nổ liên hoàn không ai giám vào cứu, đến lúc chết mà ngón tay trỏ phải vẫn giữ cái khoen lựu đạn. Sau ngày lo cho tử sĩ, chỉ huy đại đội tổ chức cho bộ đội thu gom hàng trăm thứ vũ khí trái nổ ê hề trên bờ rào, dười mương cạn bỏ vào conerteur khóa lại. Giờ ngồi nghĩ lại mới thấy"Sự ngu xuẩn vĩ đại chỉ có ở con người"


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 03 Tháng Giêng, 2012, 07:38:09 pm
“ Cái quí nhất của con người là cuộc sống, đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi phải xót xa hổ thẹn vì những năm tháng sống hoài sống phí để đến lúc nhắm mắt xuôi tay, ta có thể nói rằng: Cả đời ta, cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp, sự nghiệp giải phóng loài người”

                             (Thép đã tôi thế đấy) NICOLAI OTROTSKY


                                                                        


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 03 Tháng Giêng, 2012, 07:45:15 pm

                                                           Có những phút làm lên lịch sử
                                                           Có cái chết hóa thành bất tử
                                                           Có những lời hơn mọi bài ca
                                                           Có những người như chân lý sinh ra
                                                           Nguyễn Văn Trôi!
                                                           Anh đã chết rồi nhưng còn sống mãi
                                                           Chết như sống con người vĩ đại
                                                           Hỡi người con của thế kỷ hai mươi...
                                                                                                          TỐ HỮU


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 04 Tháng Giêng, 2012, 05:37:56 am
. Lúc đó tình hình chính trị xã hội có những lộn xộn nhất định, cơ chế quản lý kinh tế tỏ ra quá lỗi thời, nguyên liệu sản xuất công nghiệp thiếu thốn, nông nghiệp không phát triển, hàng hóa tiêu dùng khan hiếm và kém chất lượng, đồng tiền mất giá, lạm phát tăng nhanh. Chính sách tiền tệ bất cập...Trong khi công cụ điều hành kinh tế vĩ mô không đáp ứng yêu cầu sản xuất xã hội, giá lương tiền thường đi sau diễn đời sống xã hội, nhất là giá cả thị trường. Các quyết sách lớn lại cán lên vết xe đổ thời cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản sau năm 1954 mặc dù không khốc liệt đau đớn bằng nhưng bài học duy ý chí càng lộ rõ. Với tổn thất nặng nề khi toàn bộ cơ sở vật chất và trình độ của lực lượng sản xuất cao có sẵn để tiếp tục phát triển tiến lên CNXH hợp với qui luật khách quan như triết học Mac-lenin đã vạch ra thì chúng ta lại xóa bỏ tận gốc vì “đấu tranh giai cấp”.Qui luật  phù hợp giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất được áp dụng đảo ngược gây kìm hãm sản xuất (ít nhất là ở những cơ sở sản xuất công nghiệp tại các thành phố lớn phía Nam)


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 04 Tháng Giêng, 2012, 05:40:25 am
. Hoạt động thực tiễn sai lầm, mỗi lần cải tạo tư sản, cải tạo nông nghiệp là một lần đổi tiền, cuộc sống lại thêm khốn đốn khó khăn, nhất là người hưởng lương. An ninh quốc gia, trật tự xã hội có vấn đề, thù trong giặc ngoài không ngừng đe dọa sự tồn vong của chế độ. Cơ cấu mệnh giá đồng tiền bất hợp lý đến mức cầm 50 đồng đi từ thành phố HCM tới Phan Thiết mà chịu nhịn đói vì phải ăn năm tô phở mới được thối số  tiền còn lại. Tiêu chuẩn cung cấp cho hai sỹ quan chỉ huy cao nhất trung đoàn là một chiếc xe đạp hiệu Giải Phóng giá hai ngàn, chia sao đây? Sĩ quan cấp dưới, quân nhân chuyên nghiệp thì thường phải làm động tác bắt thăm khi có xăm lốp xe đạp, màn tuyn, vỏ chăn, chăn dạ Trung Quốc. Nguyên năm 1985 chúng tôi không được phát quần dài mà thay vào đó là 6 cái quần cụt, hai áo thun hiệu Đông Xuân và hai áo sơ mi.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 04 Tháng Giêng, 2012, 05:43:14 am
. Tuy khó khăn vậy nhưng dù sao cũng còn đỡ bối rối khi gia đình chúng tôi gần nhau. Cũng trong dịp này tôi lại bị một trận sốt kinh hoàng. Điều trị tại bệnh xá trung đoàn mười ngày thì mê man hẳn, chân tay run lẩy bẩy, không ngồi lên được và cũng không ăn uống được, trong khi Em vừa phải nuôi con gái, vừa đi làm ở bệnh viện đến tối lại đạp xe hơn chục cây số tới chăm sóc chồng. Lúc nằm chèo queo một mình trong phòng điều trị nhớ lại buổi đầu cưới nhau được ít ngày Em chia tay tôi từ Phnompenh trở về tổ quốc một mình. Lúc mang bầu con gái, Em đã phải sống trong thiếu thốn không có gì bồi dưỡng, đến khi sinh con ra càng khó khăn gấp bội, chủ yếu nuôi con bằng sữa mẹ và nước cơm pha đường, miếng thịt miếng cá, con tôm hộp sữa chỉ là những hy vọng xa xỉ, cho lên con gái còi cọc ngay từ nhỏ. Ban ngày Em đi làm ở bệnh viện đến tối ngồi đan giỏ cước với công năm hào một cái giỏ, âm thầm bên bóng đèn dầu vì không có tiền đóng điện, ngày nghỉ thì đi vớt bèo tấm bán cho người nuôi vịt lấy tiền mua bánh cho con, có chiều gửi con bên hàng xóm đi gánh nước sinh hoạt khi về thấy chó đang liếm mặt mũi con mà đau xót cõi lòng.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: HAN_DCT trong 04 Tháng Giêng, 2012, 09:13:30 am


                                                           Có những phút làm lên lịch sử
                                                           Có cái chết hóa thành bất tử
                                                           Có những lời hơn mọi bài ca
                                                           Có con người như chân lý sinh ra
                                                           Nguyễn Văn Trôi!
                                                           Anh đã chết rồi nhưng còn sống mãi
                                                           Chết như sống con người vĩ đại
                                                           Hỡi người con của thế kỷ hai mươi...
                                                                                                          TỐ HỮU
Bác sửa lại là TRỖI mới chuẩn ;D


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: tranphu341 trong 04 Tháng Giêng, 2012, 09:30:41 am


                                                           Có những phút làm lên lịch sử
                                                           Có cái chết hóa thành bất tử
                                                           Có những lời hơn mọi bài ca
                                                           Có con người như chân lý sinh ra
                                                           Nguyễn Văn Trôi!
                                                           Anh đã chết rồi nhưng còn sống mãi
                                                           Chết như sống con người vĩ đại
                                                           Hỡi người con của thế kỷ hai mươi...
                                                                                                          TỐ HỮU
Bác sửa lại là TRỖI mới chuẩn ;D
Chào các bác! Tranphu còn nhớ những ngày đó. Đài phát thanh của ta lúc thì nói là anh Trôi, lúc thì nói là anh Trỗi. Lúc thì nói là anh Trổi. Như vậy là cả 3 tên. Khi ông Tố Hữu làm bài thơ trên thì đang gọi là anh Trôi.

               Ở ngoài Bắc thì sự kiện anh Hùng Nguyễn văn Trôi thì rất rầm rộ hầu như ai cũng biết. Nhưng anh Trỗi cũng như chị Trần thị Lý anh hùng, Anh hùng Võ thị Sáu, mọi người cứ nghĩ là được phong danh hiệu anh hùng. Nhưng tới thời điểm sau năm 75 cả 3 chiến sỹ đều chưa Được phong danh hiệu AHLLVT.

                Khi làm quân quản sau năm 75 chúng tôi nói về anh hùng Nguyễn văn Trôi, người đã đặt mìn, định ám sát Bộ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG MỸ. Dân MN đều không ai biết sự kiện này.

                                                             CHÚC CÁC BÁC LUÔN VUI KHỎE!

                         


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: HAN_DCT trong 04 Tháng Giêng, 2012, 09:46:09 am
@tranphu341: Cảm ơn bác. Hóa ra vấn đề rộng hơn hiểu biết của em vì em chỉ nhớ những gì viết trong sách giáo khoa thôi ạ ;D


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: lamlinh31278 trong 04 Tháng Giêng, 2012, 10:02:27 am
Bác vetran xem hình hai người này có giống chị em không nhé.

(http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?action=dlattach;topic=23311.0;attach=17748;image)

(http://farm8.staticflickr.com/7010/6404784187_304f088a53_z.jpg)
Ông xã và behienQYV7C


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 04 Tháng Giêng, 2012, 10:24:44 am
Xin kính chào Behien QYV7C và ông xã, xin chào LAMLINH 31278. Tôi nghi hai người  trong hai bức ảnh trên, cùng là dân rau má phá đường tàu với nhau lắm. Nhưng chắc chúng ta sẽ có nhiều thông tin về nhau, nhưng cái thắc mắc của tôi là mấy chữ QYV7C, vì tôi và bà xã là lính quân y, nên cứ có gì dính dáng đến quân y là quan tâm liền. Nếu đúng trong hệ thống QYV của quân khu 7 thì cái 7A  ở quận 5, 7B ngã tư Tân Hiệp- Biên hòa đến 7D Kompongcham, 7E  gần sân bóngSiemreap tôi cũng đã từng có mặt, nhưng cái 7C chợ nhỏ Thủ Đức, mới chỉ được ngồi ngoài cổng chờ con gái thi dược cách đây 7 năm. Do vậy vấn đề tiếp tục bỏ ngỏ.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: lamlinh31278 trong 04 Tháng Giêng, 2012, 10:37:46 am
Xin kính chào Behien QYV7C và ông xã, xin chào LAMLINH 31278. Tôi nghi hai người  trong hai bức ảnh trên, cùng là dân rau má phá đường tàu với nhau lắm. Nhưng chắc chúng ta sẽ có nhiều thông tin về nhau, nhưng cái thắc mắc của tôi là mấy chữ QYV7C, vì tôi và bà xã là lính quân y mà từ cái 7A quận 5, 7B ngã tư Tân Hiệp Biên hòa đến 7D Kompongcham, 7E  gần sân bóngSiemreap tôi cũng đã từng có mặt nhưng cái 7C chợ nhỏ Thủ Đức mới chỉ biết ngồi ngoài cổng chờ con gái thi học dược cách đây 7 năm. Do vậy vấn đề tiếp tục bỏ ngỏ.

Đúng vậy bác vetran ạ, vợ chồng bác và behien cùng binh chủng quân y đấy, nhưng behien là a tý bên quân y viện 7C, cô ấy rất vui tính và hay chạy lung tung trong các topic của Máu & Hoa, Quán nước.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 04 Tháng Giêng, 2012, 10:41:32 am
@tranphu341: Cảm ơn bác. Hóa ra vấn đề rộng hơn hiểu biết của em vì em chỉ nhớ những gì viết trong sách giáo khoa thôi ạ ;D

Xin chào bác Tranphu341 và Han-DTC. Theo em thì cái tên Trôi là cách sử dụng theo âm điệu thơ của Tố Hữu, còn tên chính xác của người anh hùng này là Nguyễn Văn Trỗi. Cái tên Trổi, bác Phú đề cập thì những năm 70 TK trước, dân miền Bắc(cụ thể là ở nông thôn Nam định quê tôi) người ta vẫn dùng trong đàm luận trao đổi, rồi sau này tôi thấy người dân quê Anh (QN) cũng gọi là anh Trổi. Tôi đưa lên trang câu nói của nhà văn, sĩ quan hồng quân Nicolai Ostrosky, tác giả "thép đã tôi thế đấy" lấy hình ảnh chiến sĩ hồng quân Paven Corsghin chuyển tải thông điệp (quyết tử) của một thế hệ thanh niên Xô Viết trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại và đoạn thơ của Tố Hữu ca ngợi anh Trỗi để tìm lại cảm hứng của cái ngày đút đá xanh đầy hai túi quần , mượn của anh bạn cùng khối 7 đôi dép cao su cho cao thêm đôi chút trước khi bước vào phòng khám tuyển thanh niên xung phong đi đánh Mỹ lúc tuổi trăng tròn, mà lúc đó sách gối đầu giường của thanh niên không thể thiếu "Thép đã tôi thế đấy". "Hòn đất" của Anh Đức. "Bất Khuất" của Nguyễn Đức thuận. "Sống như anh" của Trần Đình Vân và những vần thơ, những hình ảnh, thước phim về những người anh hùng nam nữ trên cả nước đã thúc dục cả một thế hệ thanh niên miền Bắc (lên đường). Sau này học hành nhiều trong quân đội, tôi mới ngộ ra là thời ấy các chính trị gia, các nhà tư tưởng và cả hệ thống chính trị đã trang bị cho công dân một hệ tư tưởng, một trình độ chính trị tuyệt vời đáp ứng kịp thời cho giai đoạn lịch sử của đất nước. Cũng như vậy trang trước tôi có trích dẫn câu tổng kết cuộc đời mình của Khổng Tử (551 - 479 tr CN) mà xét đến cùng đó là phần tổng kết cuộc đời mỗi con người, nếu tri và hành được như vậy thì thật là tốt cho cá nhân và xã hội. Kính các bác mấy dòng mạo muội.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: GiangNH trong 04 Tháng Giêng, 2012, 12:48:05 pm


                                                           Có những phút làm lên lịch sử
                                                           Có cái chết hóa thành bất tử
                                                           Có những lời hơn mọi bài ca
                                                           Có con người như chân lý sinh ra
                                                           Nguyễn Văn Trôi!
                                                           Anh đã chết rồi nhưng còn sống mãi
                                                           Chết như sống con người vĩ đại
                                                           Hỡi người con của thế kỷ hai mươi...
                                                                                                          TỐ HỮU
Bác sửa lại là TRỖI mới chuẩn ;D
Chào các bác! Tranphu còn nhớ những ngày đó. Đài phát thanh của ta lúc thì nói là anh Trôi, lúc thì nói là anh Trỗi. Lúc thì nói là anh Trổi. Như vậy là cả 3 tên. Khi ông Tố Hữu làm bài thơ trên thì đang gọi là anh Trôi.

               Ở ngoài Bắc thì sự kiện anh Hùng Nguyễn văn Trôi thì rất rầm rộ hầu như ai cũng biết. Nhưng anh Trỗi cũng như chị Trần thị Lý anh hùng, Anh hùng Võ thị Sáu, mọi người cứ nghĩ là được phong danh hiệu anh hùng. Nhưng tới thời điểm sau năm 75 cả 3 chiến sỹ đều chưa Được phong danh hiệu AHLLVT.

                Khi làm quân quản sau năm 75 chúng tôi nói về anh hùng Nguyễn văn Trôi, người đã đặt mìn, định ám sát Bộ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG MỸ. Dân MN đều không ai biết sự kiện này.

                                                             CHÚC CÁC BÁC LUÔN VUI KHỎE!

                        
Hồi em học lớp 7, thầy giáo dậy Văn em có nói: Đúng ra là Nguyễn vănTrỗi, nhưng do giao liên mang bài thơ từ trong Miền Nam ra Bắc, trên đường vận chuyển đã có không biết bao nhiêu chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, máu của các anh đã thấm ướt bài thơ ấy, nên mất mất dấu "ngã".

Giờ nghĩ lại thấy thầy của mình nói về dấu "ngã", em vẫn thấy...vui vui ???


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: tranphu341 trong 04 Tháng Giêng, 2012, 02:20:25 pm
           Vâng đọc bài viết của bạn vetran tả lại cảnh thời kỳ khốn khó của chế độ bao cấp thật là: Không kể hết nỗi khổ của cái chế độ quan liêu bao cấp đó 1 thời.

            Năm 1981 khi đ/v Trânphu341 từ chiến trường K chuyển về QK 4 . Những hàng nhu yếu phẩm dự trữ của đ/v đều bị Q K điều đi hết vì đ/v thuộc loại "giầu". Rồi cán bộ các cấp đều được điều đi học. Thay vào đó là những chỉ huy mới từ cấp e,f và như vậy là đồng nghĩa với việc không còn gì trong kho dự trữ. Cả nước đang nghèo nhất là khU 4 càng nghèo hơn.

             Có đợt cấp phát quần áo. 2 người chung được 1 bộ. Có đ/c BÁC SỸ đại đội trưởng đại đội quân y của Trung đoàn 273. THẤY TIÊU CHUẨN NHƯ VẬY LIỀN XÉ ĐÔI CÁI QUẦN , CÁI ÁO CHO ÔNG CHÍNH TRỊ VIÊN ĐẠI ĐỘI MỖI NGƯỜI 1 NỬA CÁI QUẦN. 1 NỬA CÁI ÁO.

              NGHĨ LẠI MÀ THẤY ỚN . AI ĐÃ ĐẺ RA CÁI THỜI BAO CẤP RỒI LẠI BẮT MỌI NGƯỜI CHỐNG TỆ QUAN LIÊU BAO CẤP ??? ??? ???

              CHÚC CÁC BẠN VUI KHỎE!

        

          


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 04 Tháng Giêng, 2012, 05:20:07 pm
Anh Thơ - Đà Lạt.2010


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 04 Tháng Giêng, 2012, 05:23:53 pm
Triền Tonlesap trước Hoàng Cung:Anh Thơ, Ngọc Anh, Linh


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 04 Tháng Giêng, 2012, 05:24:39 pm
Bờ Tonlesap trước Hoàng Cung: Anh Thơ, Thái


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 04 Tháng Giêng, 2012, 05:28:01 pm
Trước tượng thần Visnu: Vệ, Sokeo, Anh Thơ, Trung Úy bác sĩ Tế, Ansary, Ngọc Anh, Linh.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 04 Tháng Giêng, 2012, 05:29:18 pm
Con gái Giao Thủy.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 04 Tháng Giêng, 2012, 06:22:55 pm
Con trai Triệu Sơn và cháu ngoại Đô ri.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 04 Tháng Giêng, 2012, 06:31:10 pm
. Đêm mưa nhà dột, nước ngập lếnh láng có cả phân lợn nhà bên tràn vào do cống rãnh tắc nghẽn không thoát kịp, vừa ngồi tát nước ngập vừa ru con héo hắt khóc thầm vì nhớ chồng và tủi phận. Nhất là thời gian sau đó hai mẹ con phải ở trong một góc nhà vì căn nhà xảy ra tranh chấp. Tôi thường xa nhà qua một biên giới, khi về còn không thấu hiểu cảm thông bù đắp mà còn xử sự hàm hồ làm Em buồn khổ thêm. Sau này hiểu ra rồi ân hận càng thương mẹ con Em nhiều hơn.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 04 Tháng Giêng, 2012, 06:32:22 pm
. Thời gian này hai chúng tôi cảm thấy đuối tầm trong tổ chức cuộc sống gia đình do đó tôi suy nghĩ không thể tiếp tục phục vụ trong quân đội lâu dài mặc dù chất lính đã thấm vào máu thịt tôi. Hơn nữa cả gia đình lớn gồm: Bố mẹ , anh em, và vợ tôi đều là những sĩ quan, những chiến sĩ quân đội. Chính cha mẹ trao tôi vào (cái nôi quân đội) khá sớm. Mà thật có phúc trong ba thời kỳ chiến tranh gia đình đều toàn vẹn trở về. Quân đội nhân dân Việt Nam nơi nuôi dưỡng, rèn luyện bản lĩnh và tính kỷ luật, nơi giáo dục đào tạo tôi đủ tri thức làm hành trang vào đời, nơi chắp cánh cho hoài bão ước mơ và cả sự ưu ái đặc biệt để tôi đạt được những thành công sau này. Trong tâm khảm tôi sẽ ghi mãi suốt đời “Sinh ra tôi là cha mẹ, rèn luyện tôi trưởng thành, vững vàng bản lĩnh là quân đội nhân dân Việt Nam”.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 04 Tháng Giêng, 2012, 06:32:58 pm
”. Thấm thía câu nói của một vị lãnh đạo quân đội “Môi trường quân đội nhân dân Việt Nam là trường đại học tổng hợp” Rất đúng với trường hợp của tôi. Trở về cuộc sống đời thường với hàm sĩ quan quân y và những tấm huân chương, kỷ niệm chương, huy hiệu quốc tế và nhiều phần thưởng khác với một tâm tư trữu nặng nghĩa tình. Chào tạm biệt!... Chân dung người chiến sĩ quân đội mãi mãi trong trái tim tôi.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: GiangNH trong 04 Tháng Giêng, 2012, 07:44:16 pm
Bác vetran còn những kỷ niệm nào ở D3E141F7 với lính thì kể nốt ra nhé? Ông hàng xóm nhà em từng ở B1C11D3E141 suốt từ 1978-1982 mà vẫn...nguyên đai nguyên kiện? Vẫn tươi phe phé vì "Pốt nó sợ bọn tao, nên chúng toàn lủi như trạch, bọn tao chỉ thuộc dạng có tiếng nhưng...không có miếng, bọn tao tiến thẳng thì chúng nó toàn tránh sang 2 bên, điển hình là đánh Âm leng, bọn tao chỉ đi bắt cá và bắn miễng, chẳng gặp Tà mốc Tà méc đâu, mà cũng chẳng gặp thằng Pốt nào"

Em đã từng kể về bác này rồi, sáng 7/1/1979 khoảng 9h, đang ôm súng ngất ngây trong men say chiến thắng tiến vào NP trên con M113 cùng khoảng 20 chiến sĩ, chưa vượt qua đầu cầu(em lại quên), thì bị ngay 1 quả B40 nó choảng đúng phuy dầu. Thương vong gần hết, hy sinh thì không rõ. Bác này chỉ bị cháy queo tất cả các loại râu, đi viện 1 thời gian ngắn, rồi tiếp tục trở lại với chức Btr  B1C11D3E141 cho tới  khi về nước.

Em suýt quên về bác này, hậu chiến uống rượu như...tát vét. Nói như...bác sĩ Đông y: Ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước, tao đã phát hiện ra 1 điều rằng con người là động vật thượng đẳng nhất, ăn nhiều thứ nhất và mật người là...bổ nhất, mật gấu chỉ thuộc dạng...đàn em ??? ???

Em giật mình thon thót "Sao đại ca biết và đại ca đã cho những ai biết rồi"????????????


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 04 Tháng Giêng, 2012, 08:31:51 pm
Chào bác giangNH. Thật tình sau gần 20 năm khoác áo lính nhưng chỉ đúng có ba tháng ở trạm xá Sư và ba tháng ở D3 mới cho mình đầy đủ cảm giác một chiến binh thực thụ. Bây giờ già rồi, trời đất cũng giành cho một chốn yên thân mà nói theo thoán từ của quái thứ 5 Quẻ thuần Càn trong Dịch học là "Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu' tức là "đồng nhất thể " với trời đất với thiên nhiên, và an phận với đời, nhưng những ngày sống với anh em D3 thật sự là thời gian ý nghĩa nhất trong đời quân ngũ về nhận thức thế cuộc, rèn luyện bản lĩnh sống và tu dưỡng ý chí vươn lên hơn tất cả các môi  trường khác. Tiếc rằng những thời gian ngắn ngủi quí báu đó đến và đi với một lính Cậu hai mươi tuổi đời như mình lúc đó cũng như một bức tranh đầy gam màu lúc đầu thật nóng nhưng cũng lại rất nhanh chóng hạ màu phía hậu cảnh, thậm chí ngày ấy sĩ quan và anh em chiến sĩ còn không cho mình làm gì và cũng không muốn cho theo khi đi tác chiến, có lẽ sợ vướng chân. Còn kỷ niệm sâu sắc nhất ở D3 là tinh thần căng thẳng, có lúc sợ vãi ra trong khi mấy lính bằng tuổi cứ cười khà khà như đi dạo sở thú Sài Gòn. Mãi mãi nhớ D3 E 141 và những chiến binh dũng cảm ở đó. Chúc GianNH và gia đình bình an hạnh phúc. Cho vetran gửi lời thăm ông bạn hàng xóm và nhắn giùm: Nếu có điều kiện gặp nhau thì thử xem có chịu nổi một lít (cuốc lủi Nam Định) hay( đế Long An)  không? rồi sẽ hàn huyên kỷ niệm xưa. Vì theo thơ cụ tú Xương đất thành Nam dạy "Một trà, một rượu, một đàn bà, ba thứ lăng nhăng nó hại ta, chừa được thứ nào hay thứ ấy... Thì  vetran chẳng chừa được thứ nào dù biết đó cũng là cái tật...Đùa vui nhé. Chào buổi sáng tốt lành.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 05 Tháng Giêng, 2012, 06:35:46 am
Anh Thơ kể tiếp: Thời gian sống công tác tại trạm xá ở chùa Tàu. Ngoài khu chánh điện rất lớn với mái ngói xanh Lam, các đầu đao cong vút hình tứ linh. Bên trong chứa hàng trăm bức tượng hình hai quái dị, không có các tượng quen thuộc như: Thích Ca Mâu Ni, Quan Âm bồ tát hoặc phật tổ Như Lai. Mà bộ tượng nay hình thù dữ tợn. Mỗi ngày sống trong cảnh âm u, rồi lại thường xuyên chiêm ngưỡng những ánh mắt theo dõi của các tượng phật nên lúc nào cũng lạnh lẽo sợ sệt. Tôi và Thim ở một trai phòng có đầy đủ hai giường mà không giám nằm riêng, đêm đêm chỉ có một tiếng động khẽ là cả hai run bắn, vậy mà chồn cáo, chó mèo hoang thật nhiều. Đêm xuống chúng chạy khắp nơi như chỗ không người, phiên gác thì cả hai cùng thức hai tiếng đi lại quanh quanh tuần tra nhưng không bao giờ dám tới hậu phòng, nơi để hàng trăm hũ bông sen đựng tro cốt. Bây giờ nghĩ lại vẫn thấy sợ.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 05 Tháng Giêng, 2012, 06:42:31 am
 Trích dẫn từ Lamlinh31278: Đúng vậy bác vetran ạ, vợ chồng bác và behien cùng binh chủng quân y đấy, nhưng behien là a tý bên quân y viện 7C, cô ấy rất vui tính và hay chạy lung tung trong các topic của Máu & Hoa, Quán nước.
[/quote

Xin cám ơn bac Lamlinh31278  đã tạo diều kiện để chúng ta(nối vòng tay lớn). Chào buổi sáng tốt lành.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: tranphu341 trong 05 Tháng Giêng, 2012, 08:05:12 am
Anh Thơ - Đà Lạt.2010
                 Bức hình 2010 của Anh Thơ đẹp và sang trong quyys phái quá. Hình các con nhất là cháu gái Giao Thủy thật xinh


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: tranphu341 trong 05 Tháng Giêng, 2012, 08:06:27 am
                    Chào vetran-Anh Thơ! Những bức hình của 1 thời hào hùng xa xưa đẹp và giá trị quá. Nó là những minh chứng cho 1 lời liệt oanh của anh em mình đã từng sống. như lời kể của các bạn. Cho đến bây giờ nhiều khi mình cứ tự hỏi điều gì đã làm cho tôi, cho chúng ta các thế hệ kế tiếp sống và vượt qua được những gian lao vất vả, rồi sự hy sinh khủng khiếp ấy. Phải chăng do những tác phẩm văn học "gối đầu giường" như vetran đã kể. Hay vì 1 cái gì khác nữa  ??? ??? ???

                    Hôm trước có bạn đã nói về cái cối xay thịt Quảng Trị 72. Và có nói rằng hời đó chúng ta đã vượt qua được. Còn bây giờ nếu tái hiện lại hoàn cảnh khốc liệt như thế liệu chúng mình có cười, rồi lại cũng chấp nhận như trước hay sẽ có những vân vân do dự  ??? ??? ???

                    CHÚC GIA ĐÌNH VETRAN-ANH THƠ LUÔN CÓ NHIỀU NIỀM VUI CUỘC SỐNG!


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: nguyenquochung trong 05 Tháng Giêng, 2012, 09:40:27 am
Ông Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu có phải tác giả " ba thứ lăng nhăng nó hại ta" đâu, bác Vetran ơi.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 05 Tháng Giêng, 2012, 11:03:38 am
Ông Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu có phải tác giả " ba thứ lăng nhăng nó hại ta" đâu, bác Vetran ơi.
chào bác,và cám ơn bác. Có lẽ phát hiện của bác là đúng, mà đúng thì tức là lúc tìm hiểu (sự nghiệp thơ) của Tản Đà là lúc tôi đang say túy lúy nên nhầm. Nhưng có một điều Cụ Nguyễn khắc hiếu có rất nhiều áng thơ hay lại là thơ xuất trong cơn say túy lúy. Thâm chí cái say của cụ đã từng làm cho bạn thơ ngán ngẩm ông, và họa sĩ biếm Hoàng Đạo đã vẽ bức tranh miêu tả buổi giảng bài cho học sinh mà trên bàn để chình ình chai rượu lớn. Tôi sẽ bỏ công tìm hiểu tác giả mấy vần thơ trên vì hàng chục năm nay cũng tâm đắc tính triết lý của nó lắm. Chào bác và xin tất cả thứ lỗi


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: nguyenquochung trong 05 Tháng Giêng, 2012, 02:34:38 pm
Một trà một rượu một đàn bà
Ba thứ lăng nhăng nó hại ta
Chừa được thứ nào hay thứ nấy
Có chăng chừa rượu với chừa trà...

Mấy câu thơ trên theo tôi biết thì do cụ Tú Xương viết ra.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 05 Tháng Giêng, 2012, 03:24:02 pm
Một trà một rượu một đàn bà
Ba thứ lăng nhăng nó hại ta
Chừa được thứ nào hay thứ nấy
Có chăng chừa rượu với chừa trà...

Mấy câu thơ trên theo tôi biết thì do cụ Tú Xương viết ra.

 Xin được mạn đàm với bác nguyenquocchung  vấn đề này: Theo tôi tìm hiểu nhà thơ Trần Tế Xương 1869 -1907)  ở làng Vị Xuyên tổng Đông Mạc huyện Mỹ Lộc tỉnh Nam Định. Ông sinh năm Canh Ngọ tức là năm, khi còn bé học rất thông minh nhưng hay đãng tính, ấy chính là một cái bệnh chung của các bậc đại tài thời đó. Năm ông mới 17-18 tuổi đã nổi tiếng là học trò giỏi. Lúc bấy giờ hẳn ông coi sự tranh tài khoa bảng ở chốn trường ốc tưởng dễ như trở bàn tay. Ấy là vì phần thì ông tự phụ thông minh, phần thì ông lại sinh trưởng ở xã Vị Xuyên là chốn thanh danh văn vật, thời bấy giờ trong làng ông kể đã có bốn năm cụ tiền bối thi đỗ đại khoa và nhất là cụ Trần Hy Tăng liền trúng tam nguyên, làng khoa cử ai cũng đều biết tiếng.

Ông thấy cái bước trước của các cụ đã từng oanh oanh liệt liệt như thế, thành ra có chứa chan những điều hy vọng về bước sau này. Nhưng trời kia đã định, bắt long đong để luyện lấy tài năng, mà thật vậy, nếu để cho ông được thanh thản trên bước khoa trường thì làm gì trên bãi Vị Hoàng Giang đến nay hình như vẫn thấy cái hồn thơ còn phảng phất.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 05 Tháng Giêng, 2012, 03:26:02 pm
Ông bắt đầu lều chiếu đi thi từ năm 19 tuổi, mãi đến khoa Giáp Ngọ là khoa cụ Cao Xuân Dục ra làm chủ khảo thì ông mới đỗ được Tú tài, quyển thi của ông bị tì ố song văn thì tốt lắm nên cụ Cao cũng cố lấy đỗ Tú tài. Khi xướng danh, cụ Cao có bảo các học trò rằng: Ta nay thay mặt triều đình ra kén chọn nhân tài, vậy ta lấy các học trò đỗ là cốt ở văn chương chứ không phải là kén người ở cái tính tỉ mỉ! Ấy các bậc đại thần thay vua khai khoa thủ sĩ mà lại biết chấp kinh tòng quyền như cụ Cao thì ít có. Còn phần nhiều người thì câu nệ quá. Hiện nay ta hồi cố lại xem các cách thi cử lúc trước thì chắc ai cũng cho rằng quá nghiêm. Nào chỉ những chữ huý mà thôi đâu, còn cả đến lệ đồ, di, câu, cải cũng quá ngặt nghèo… Hễ người học trò nào mà đã phạm vào các thể lệ ấy thì dầu văn hay văn giỏi đến đâu mặc lòng, cũng đành bị yết tên ra bảng con, nghĩa là bị loại.

Sau khi đã đỗ Tú tài rồi, ông phấn chí học hành, giao du nhiều, xem xét rộng nên văn chương càng ngày càng hay. Ai biết ông cũng phải bảo rằng ông là hay chữ. Nhưng ông thi mà không đỗ được một tí Cử nhân để lấy lối đi thi Hội thi Đình, không phải là tại văn chương, chỉ tại ông hay đãng tính. Ông thi khoa nào cũng phạm trường quy. cho nên ông thốt lên thơ rằng:


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 05 Tháng Giêng, 2012, 03:31:53 pm
Tú rốt bảng trong năm Giáp Ngọ nổi tiếng tài hoa;
Con nhà dòng ở đất Vị Xuyên ăn phần cảnh nọng

(phần cảnh nọng tức là cái đầu lợn)

Câu này có ý nói rằng làng Vị Xuyên lúc bấy giờ các quan tư cũng nhiều, các chân khoa mục cũng lắm, thế mà cụ được dự vào phần cảng nọng tưởng cũng là bực danh giá trong làng vậy.

Ông không những là văn hay, ông lại thêm có cái sức mạnh nữa, vì rằng khi ông còn bé ở nhà có học ít võ nghệ. Trong vòng từ 18 đến 25 tuổi thì ông mạnh lắm, hễ tối đến mà không vác được thức gì thật nặng để cho người mệt đi thì thật là khó mà ngủ đi được.

Người ông đẹp mà tiếng ông lại cũng tốt. Giọng ông hát hay là ngâm thơ thì nghe thật hay thật thú.

Ấy cái trò đời cũng chả lấy chi làm lạ, phàm người hễ đã có tài thì là có tình, lúc còn thiếu thời ông cũng hay chơi bời lắm. Thời bấy giờ học trò nho còn danh giá lắm, bọn con gái có nhiều người mê ông và thích ông.

Có một bữa kia, ông đến chơi nhà một người bạn, nhà hàng xóm người ấy có một người đàn bà đã goá 3 đời chồng, mới vào trạc 30 tuổi, lẳng lơ trau chuốt, coi còn xuân. Người đàn bà đã biết tiếng ông, ngẫu nhiên hôm ấy đứng ở nhà dòm sang trông thấy ông, liền về phòng trang điểm rồi sang chơi ngay nhà người bạn ông. Lúc đến chơi ngồi ở nhà ngoài mà hai con mắt cứ nhìn vào trong nhà tại chỗ ông ngồi, rồi ra bộ thu ba tống tình, ông thấy thế miệng cười tủm tỉm rồi buột mồm hát lên một câu rằng:

Ba mươi ba bận chôn chồng
Còn toan điểm phấn tô hồng chôn ai?

Lại một lần kia ông cũng đến chơi nhà một người bạn gặp lúc trời mưa ngồi buồn quá, ông mới đi ra hè xem nước giọt tranh chảy thì bỗng đâu trông sang bên nhà láng giềng có một người con gái rất xinh đẹp đương đem thau đồng ra lấy nước mưa để rửa quả dưa hồng. Ông trông thấy thú quá liền cao hứng đọc lên rằng:

Ước gì anh hoá ra dưa
Để cho em rửa nước mưa chậu đồng
Ước gì anh hoá ra hồng
Để cho em bế em bồng trên tay

Tính ông hay ham thích những bực danh ca, nghề đánh chầu ông rất là sành, nên thơ ông có câu:

Ví dầu vua mở khoa thi trống
Lạc nhạn, xuyên tâm đủ ngón chầu

Ông thích chơi những câu ca tiếng hát để di dưỡng tính tình, ấy cũng là cái thú chung của các bậc văn nhân tài tử. Nhiều khi cao hứng ông tự làm ra các bài hát, rồi bắt ả đầu hát để ông nghe.

Tính ông hay chơi như thế thì tài nào mà chẳng túng, ông chỉ túng tiền để chơi thôi; trong khi túng ông đã có câu rằng:

Khi túng toan lên bán cả trời
Trời cười thằng bé nó hay chơi


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 05 Tháng Giêng, 2012, 03:43:26 pm
.Tôi trích đoạn thơ Ông ca ngợi người vợ đảm đang hiền thục lo cái ăn để nuôi chồng nuôi con:

Quanh năm buôn bán ở Mom sông
Nuôi nấng năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười sương dám kể công
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hẫng đã như không


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 05 Tháng Giêng, 2012, 03:48:14 pm
Hồi ấy ông định ở nhà để dạy dỗ đàn con, để may ra sau này có phần mong nối nghiệp được chăng. Ông đã định thế, ông mới cố kèm cặp đàn con chăm chỉ lắm. Không những dạy về văn chương chữ nghĩa, lối ăn lẽ ở cũng dạy, tiếng nói câu cười cũng dạy, mà phần nhiều ông dạy con trong lúc nửa đêm về sáng.

Có một đêm đã gần sáng, trống canh tư, trời mưa ngâu sình sịch mãi không ngơi, ông thức dậy pha trà uống rồi đánh thức cả các con dậy ngồi quây quần bên mình. Lúc đó ông muốn thử xem cái khiếu thông minh của các con, ông liền bảo các con rằng: Bây giờ cha con ta cùng làm thơ chơi nhỉ. Có đứa nào biết làm không? Vừa dứt lời thì người con thứ ba, chừng tám, chín tuổi, thưa ngay lên rằng: Con xin làm với thầy. Ông nghe nói có bụng mừng thầm, song cứ như cái tuổi còn trẻ dại thế thì đã làm thơ sao được. Thế mà ông vẫn còn thử nữa, ông liền bảo người con thứ ba ấy ra ngồi trước mặt ông rồi ông đọc lên một câu rằng:

Mùa thu tháng bảy tối mưa ngâu

Ông đọc xong liền bắt người con phải nối, cậu ta ngồi nghĩ có một chút rồi nối ngay rằng:

Nắng mãi thì mưa lại cũng lâu

Ông tủm tỉm cười rồi lại đọc lên rằng:

Hạc nọ cầm canh thay trống mõ

Người con ngẫm nghĩ một lúc lại đọc ngay rằng:

Rồng kia phun nước tưới hoa màu

Ông thấy thế mừng quá, cười lên ha hả rồi lại ôm lấy người con ấy vào trong lòng, động tình quá liền khóc nức nở. Lúc ấy ông bảo người con ấy rằng: Chẳng biết thầy có sống mà dạy bảo con cho đến tuổi trưởng thành được không; người con thấy ông nói thế gục mặt xuống rồi cũng sụt sùi khóc. Thành thử hai cha con chỉ loanh quanh có thế rồi đến sáng bạch. Ôi chao ôi, ông trông thấy cảnh động tình, thương con luống những thương mình xót xa.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 05 Tháng Giêng, 2012, 04:02:31 pm
Theo tôi, trước hết trong cụ Tú Xương cũng hàm chứa đủ cái ái ố hỉ nộ của một con người, trong một bối cảnh xã hội có nhiều biến động cùng cái phóng khoáng cái lẳng đa tình và cái tự do của thi sĩ, chắc chắn sẽ phát ra những áng thơ phản ánh cái hồn người thơ với thế cuộc, nhưng nếu xét cách hành thơ ở phần đầu cuộc sống bút nghiên của ông, tôi thấy nó không trào lộng, buông thả như đoạn thơ bác với tôi quan tâm nhưng rồi tìm hiểu mãi thì đúng thơ của cụ Tú Nam Định quê mình, Phục bác đấy! Xin chào.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Giêng, 2012, 05:48:45 pm
Chúc mừng Vệ - Thơ. Hình như các cặp vợ chồng lính đều có những điệp khúc giống nhau:
Gặp gỡ - Yêu thầm - Yêu vụng trộm - Gia đình - Khốn khó - Ổn định


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: qtdc trong 05 Tháng Giêng, 2012, 06:26:21 pm
Cụ Tú "chơi" lắm bác vetran ạ.

Đi hát mất ô
Trần Tế Xương 


     Đêm qua anh đến chơi đây,
Giày chân anh dận, ô tay anh cầm
     Rạng ngày sang trống canh năm,
Anh dậy, em hãy còn nằm trơ trơ
     Hỏi ô, ô mất bao giờ,
Hỏi em, em cứ ậm ờ không thưa.
     Chỉ e rầy gió mai mưa,
Lấy gì đi sớm về trưa với tình?


Thế là cụ Tú là tiền bối của anh em sinh viên cắm quán sau này. Thực ra là cụ "cắm", viết bài thơ cho bà Tú khỏi kêu la sao đi chơi không mang ô về thôi. Ông ngoại em hồi còn sống hay kể chuyện cụ Tú lắm.

Chúc hai bác vui vẻ hạnh phúc. Chuyện của hai bác đẹp và cảm động quá. Em mà là con gái chắc bác vetran không cưa em cũng đổ thôi...he...he...

À mà thơ bà Tú hay hơn:

Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay
Rằng hay thì thật là hay
Không hay sao lại đỗ ngay tú tài
Xưa nay em vẫn chịu ngài.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 05 Tháng Giêng, 2012, 07:22:14 pm
Cụ Tú "chơi" lắm bác vetran ạ.

Đi hát mất ô
Trần Tế Xương  


     Đêm qua anh đến chơi đây,
Giày chân anh dận, ô tay anh cầm
     Rạng ngày sang trống canh năm,
Anh dậy, em hãy còn nằm trơ trơ
     Hỏi ô, ô mất bao giờ,
Hỏi em, em cứ ậm ờ không thưa.
     Chỉ e rầy gió mai mưa,
Lấy gì đi sớm về trưa với tình?


Thế là cụ Tú là tiền bối của anh em sinh viên cắm quán sau này. Thực ra là cụ "cắm", viết bài thơ cho bà Tú khỏi kêu la sao đi chơi không mang ô về thôi. Ông ngoại em hồi còn sống hay kể chuyện cụ Tú lắm.

Chào bác qtdc! cám ơn bạn đã theo dõi bài của vetran. Thật ra cái" chơi" cũng lắm công phu, "chơi"  mỗi thời mỗi khác nhưng anh em mình theo được các cụ cũng còn khướt bác ạ. Quê mình cho đến bây giờ vẫn còn đậm dấu ấn của tri thức Nho gia và đạo đức khổng giáo, tất nhiên ở những khía cạnh xã hội nhất định thì lễ giáo phong kiến trở thành trói buộc vai trò chủ thể của con người trong tiến trình phát triển xã hội, nhưng dù sao nó cũng đã từng góp phần là chuẩn mực điều chỉnh hành vi của con người từ dại thần quân tử đến thứ dân hạ tiện phải theo cho gần với cái lý tưởng(Chân Thiện Mỹ) hơn. Riêng với các cụ xưa, cái chơi của người ta tao nhã, nhân văn và có hậu, mà cho đến bây giờ nội hàm " chơi" cũng chưa có được khái niệm hoàn chỉnh phải không bác. Chúc bác qtdc và gia đình mạnh giỏi.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 06 Tháng Giêng, 2012, 05:13:49 am
                    CHÚC GIA ĐÌNH VETRAN-ANH THƠ LUÔN CÓ NHIỀU NIỀM VUI CUỘC SỐNG!
[/quote]
Em Thơ cám ơn anh tranphu341. anh có nhận được tin nhắn hôm qua không? Chúc anh chị và gia đình vui khỏe.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: hatuyenha trong 06 Tháng Giêng, 2012, 06:04:50 am
  Mấy ngày nay Hà nội lạnh quá , các cháu nghỉ học ở nhà với bà thế là chúng chiếm cả máy VT và TV ,rồi cả bàn làm việc nữa nên bà ngoại "chịu " luôn .
 Hôm nay được gặp cháu Giao Thủy , Triệu Sơn , cu tí Đô ri thật đáng yêu . Hai vợ chồng đẻ khéo thế hơn đứt bác Hatuyenha@ chỉ có hai con vịt " nhà" . Cả 4 đứa cháu ngoại cũng chỉ có một cu Mít đã gần 6 tuổi còn lại là " vịt trời " .
 Hai vợ chồng lính tuy ở xa mà yêu quê vây , hai cháu mang tên hai quê của ông bà nội ngoại , đáng trân trọng .
 Mong gia đình các em sống thật hạnh phúc , thuận hòa , may mắn , đủ đầy và tràn tiếng cười trong căn nhà của vợ chồng em .


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 06 Tháng Giêng, 2012, 06:23:18 am
 Mong gia đình các em sống thật hạnh phúc , thuận hòa , may mắn , đủ đầy và tràn tiếng cười trong căn nhà của vợ chồng em .
[/quoteE

Em Thơ cám ơn chị: Em ở trong này chưa thấy mùa đông, nắng vẫn đỏ mận hồng đào cuối vụ, trời sài gòn xanh cao như quyến rũ....
Muấn gửi ra chị một ít nắng vàng, thương cái rét Hà Nội ngoài ấy....Em đùa tí nhá.
Chị tha lỗi, nguyên ngày hôm qua tới sáng nay, em đi tập về, anh vệ nhà em có vẻ bồn chồn rồi nói: không biết bà hatuyenha có sao không mà hai ngày không lên máy(em nghe lên máy theo đúng từ ngữ nghề nghiệp của chị nhé). Bây giờ biết sức khỏe của chị bình thường, tốt rồi. Chúc chị mạnh giỏi.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: tranphu341 trong 06 Tháng Giêng, 2012, 09:24:24 am
                  Chào các bạn! Nói đến Thơ, là động ngay vào kho Thơ của vetran rồi. Hình như là "duyên tiền định", vetran đã yêu Thơ, say thơ từ bé. Nên khi gặp Thơ là mê mẩn ngay Nàng Thơ. Để rồi cho đến bây giờ cuộc sống của gia đình Vệ- Anh Thơ là cả bản trường ca bất hủ!

                   ANH PHÚ CHÚC GIA ĐÌNH VETRAN LUÔN VUI HẠNH PHÚC!


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 06 Tháng Giêng, 2012, 10:34:10 am
                   ANH PHÚ CHÚC GIA ĐÌNH VETRAN LUÔN VUI HẠNH PHÚC!
[/quote
Em cám ơn anh. chúc anh vui khỏe


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: Giangtvx trong 06 Tháng Giêng, 2012, 03:08:45 pm
Bây giờ nghĩ lại mới thấy sợ và không hiểu tại sao mình liều thế! Tất nhiên, ngày ấy (8x) cả nước đều khổ chứ có riêng mình đâu. Nhưng sao cái khổ của vợ chồng lính nó cùng cực, nó bi đát, nó bí bách và cùng quẫn đến thế. Có lần ở đơn vị về, vào viện, nhìn con nằm thiêm thiếp, mấy ngày qua mà chỉ có bát cơm khô không khốc. Về "nơi ở" nhìn quanh nhìn quẩn, cuối cùng nhìn vào cái đống sách của mình. Nâng lên, đặt xuống mãi rồi tôi cũng đưa cho vợ - đồng đội tôi, một cái làn khoảng 5 cân sách - giấy vụn, để rồi buổi chiều đứa con có bát cháu thịt để húp!

Xin chia sẻ với Vệ - Thơ.    


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 06 Tháng Giêng, 2012, 03:58:32 pm
XIII/ Bước ngoặt lớn trong đời.
Mẹ Thơ và triệu Sơn Karaoke


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 06 Tháng Giêng, 2012, 04:12:28 pm
.Bà và cháu ngoại Đô ri


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 06 Tháng Giêng, 2012, 05:37:21 pm
              XIII/ Bước ngoặt lớn cuộc đời
- Bước ngoặt ! Đây thực sự là bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Mục tiêu đầu tiên là tổng kho xăng dầu Nhà Bè đã tiếp nhận chuyển nghành với yêu cầu của lãnh đạo tổng kho là làm công tác chính trị chứ không còn biên chế y tế. Nhưng cái quyết định chuyển nghành của tôi do tướng Vũ Xuân Chiêm ký tới tay tôi đã quá trễ thời gian tiếp nhận của tổng kho xăng dầu. Lại một lần tôi phải trở ra số 40 Đặng Dung - Hà Nội đổi quyết định chuyển sinh hoạt Đảng về địa phương và chấp nhận chế độ phục viên với hai mươi thâm niên phục vụ quân đội. Rời khỏi đơn vị về với cuộc sống đời thường, tôi cảm thấy bơ vơ lạc lõng, kinh nghiệm kỹ năng sống trong môi trường mới nghèo nàn, vốn liếng làm ăn không có, việc làm chưa xin được vì hầu như tất cả các cơ quan đơn vị đều giảm biên chế nhất là các bộ phận gián tiếp trong đó có y tế.  Mỗi ngày Em đi làm, tôi ở nhà giữ con gái với nếp sinh hoạt lộn xộn, một tháng họp chi bộ ấp một lần, cũng không có điều kiện giao lưu với ai, bắt đầu thấy bất ổn trong tâm can mặc dù Em chăm sóc yêu thương và động viên nhiều, nhưng triệu chứng cảu bẳn, mất ngủ, bực bội vô cớ ngày càng lộ rõ, thế là tìm đến rượu, rồi trầm cảm.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 06 Tháng Giêng, 2012, 05:38:05 pm
. Trong lúc quẫn bách và không hy vọng xin việc ở các cơ quan thì Em đưa tôi qua chị Hai Lan, giám đốc trung tâm y tế huyện Nhà Bè trình bày nguyện vọng. Chị nói ngay: hồi trước Thơ ở quân đội về đây làm việc, bây giờ em cũng ở quân đội về thì chị nhận chứ sao!(chị Lan đã từng là chiến sĩ ở Củ Chi và chồng chị là sĩ quan tại ngũ). Thở phào nhẹ nhõm và bất chợt nhớ lại vài năm trước đây khi đi xin việc cho Thơ. Cố giám đốc tiền nhiệm bác sĩ  Sáu Đoan nói: Yên tâm đi, bộ đội và thanh niên xung phong ra quân là ưu tiên nhận hết (Anh Đoan từng là thanh niên xung phong hỏa tuyến) Ồ! lại là tư duy, phát ngôn của những đồng đội, thật sự thấy nhẹ lòng.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 06 Tháng Giêng, 2012, 05:38:57 pm
. Thế là trở thành công chức ngành y tế, mỗi ngày cùng Em trên chiếc xe đạp phượng hoàng đi về trên con đường đất đỏ liên ấp tới nơi làm việc. Con gái bắt đầu vào lớp một. Cuộc sống khó khăn đạm bạc nhưng hạnh phúc. Buổi ban đầu bao nhiêu bỡ ngỡ lạ lẫm, bao nhiêu khó khăn ở môi trường công tác mới. Bối rối rất nhiều khi so sánh với trước đây trong quân đội, nhiệm vụ chỉ gói gọn trong việc điều hành mạng lưới quân y trung đoàn, tiểu đoàn với quan hệ răm rắp quân lệnh, quân kỷ, quân phong trong phạm vi kỹ chiến thuật quân y đã nhuần nhuyễn qua trường lớp và bao năm hoạt động thực tiễn mà công tác thường qui là chăm sóc sức khỏe, bệnh tật, chấn thương cho những đối tượng là những sỹ quan, chiến sĩ có sức khỏe tốt. Tối nhớ lại hơn hai mươi năm trước, sống với các sĩ quan ở trung đoàn 26 thiết giáp QK7, lúc trà dư tửu hậu các anh nói với nhau: Hàng chục năm chống Mỹ, gian khổ chết chóc không màng, nhưng nay hết giặc trở về thì gặp thực tế là"vợ già, con dốt, nhà dột" rồi đọc vè"đầu đường đại úy vá xe, cuối đường thiếu tá bán chè đỗ đen" rồi vỗ đùi cười ha hả. Ngày ấy đang là lính trẻ con, tâm hồn như tờ giấy trắng, tôi không cảm được ý nghĩa của những chuyện ấy. Còn bây giờ, cảm nhận sâu sắc vấn đề rồi nhưng tôi cũng còn thật may mắn vì quân đội đã trang bị cho tôi tri thức ngành y để nay tôi thực sự bước vào môi trường mới một cách vững vàng chứ không bi đát như các sĩ quan quân sự, chính trị khác khi ra khỏi môi trường quân đội thì những tri thức ấy không có chỗ dụng võ nên mới có những câu vè trên.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 06 Tháng Giêng, 2012, 05:48:00 pm
Bây giờ nghĩ lại mới thấy sợ và không hiểu tại sao mình liều thế! Tất nhiên, ngày ấy (8x) cả nước đều khổ chứ có riêng mình đâu. Nhưng sao cái khổ của vợ chồng lính nó cùng cực, nó bi đát, nó bí bách và cùng quẫn đến thế. Có lần ở đơn vị về, vào viện, nhìn con nằm thiêm thiếp, mấy ngày qua mà chỉ có bát cơm khô không khốc. Về "nơi ở" nhìn quanh nhìn quẩn, cuối cùng nhìn vào cái đống sách của mình. Nâng lên, đặt xuống mãi rồi tôi cũng đưa cho vợ - đồng đội tôi, một cái làn khoảng 5 cân sách - giấy vụn, để rồi buổi chiều đứa con có bát cháu thịt để húp!

Xin chia sẻ với Vệ - Thơ.    
,
  Xin chào bác Giang tvx! Cám ơn bác chia sẻ, nhưng tôi đọc đến đoạn cuối bài viết của bác thì...xin trời đất chứng giám, trong tôi cái hừng hực nó trào lên cay cay sống mũi vì cái dư cảm ngày ấy lại trở về như nếm được, ngừi được. Tuy vậy, ngày ấy bác còn khổ hơn tôi. Thôi, cái thời gian hai Gia đình chúng ta có hoàn cảnh giống nhau như vậy, nếm trải rồi, đắng ngọt rồi, thì lúc này chúng ta chúc mừng nhau thôi vì cơn bĩ cực đã qua, chắc chắn chúng ta đang hưởng thái lai. Cái hiện thực ngày đó trở thành tiêu chí đánh giá bản lĩnh sống ở khía cạnh (chất) của chúng ta đấy bác ạ. Xin kính chúc gia đình bác an khang hạnh phúc và thịnh vượng.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 06 Tháng Giêng, 2012, 06:40:10 pm
vetran viết tiếp: Bây giờ gặp hàng chục công việc mới mẻ của các chương trình quốc gia về y tế dự phòng với nhiều đối tượng nam phụ lão ấu, trên địa bàn rộng lớn, yếu tố môi trường dịch tễ đa dạng phức tạp, quan hệ nhân thế trên dưới với đồng nghiệp, với  nhân dân trong cuộc sống xã hội biết bao những tế nhị, nhạy cảm. Nhưng tôi cũng rất tự tin khi nhận nhiệm vụ mới, với những công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống dịch, mà công tác quản lý các chương trình y tế dự phòng luôn gắn với kỹ năng truyền thông vận động, mang tính phong trào, mà cái này tôi đã từng qua trường lớp cho nên tôi tiếp cận với công việc nhanh và khá xuông xẻ. Giữa năm đó tôi được tham gia lớp kỹ năng đầu tiên về tham vấn và truyền thông y tế cộng đồng do trung tâm đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế thành phố HCM phối hợp với University of Medicine & Dentistry of New Jersey tổ chức đào tạo với CERTIFICATE  do Dr. Patricia Kloser và viện sĩ Dương Quang Trung ký. Tiếp theo là khóa huấn luyện của trường đại học Văn Lang phối hợp với sở khoa học công nghệ môi trường thành phố thực hiện  dự án VIE/96/023 do UNDP giám sát chương trình. Rất kịp thời và bổ ích để tôi trang bị thêm kiến thức trong môi trường công tác mới, sau đó về đơn vị tôi thực hiện công tác trong tâm thế vững vàng hơn.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 07 Tháng Giêng, 2012, 06:25:29 am
Anh Thơ ơi  , chị chưa trả lời em ngay mặc dù đọc ngay em ạ , rồi chị lại đọc hết từ đầu cho hiểu hết mà lại không muốn cắt dòng kể của chồng em Vetran@ nên làm em sốt ruột đúng không ? Chị xin lỗi nhé . Hôm qua bận đưa các cháu đi chơi , hôm nay bận họp chi bộ rồi hai cái đám cưới trong khu rồi lo mừng SN các cụ trong hội dưỡng sinh buổi sáng , ngủ li bì đến ba giờ chiều mới dậy lại vào mạng kiểm tra cô cháu ngoại ở nhà trẻ bây giờ mới vào mạng được . Bây giờ cuộc sống vợ chồng em yên bình hơn rồi đúng không ? Mong có ngày vào TP Bác để gặp mọi người . Thân yêu.

  Mai mình được anh Vũ Mão _ trưởng ban liên lạc hội trường Thiếu sinh quân toàn quốc mời đến dự cuộc hội ngộ của TSQ Việt nam lần một với tư cách là con gái ông già nên lại được vinh dự nữa rồi .


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 07 Tháng Giêng, 2012, 06:30:11 am
Anh Thơ ơi  , chị chưa trả lời em ngay mặc dù đọc ngay em ạ , rồi chị lại đọc hết từ đầu cho hiểu hết mà lại không muốn cắt dòng kể của chồng em Vetran@ nên làm em sốt ruột đúng không ? Chị xin lỗi nhé . Hôm qua bận đưa các cháu đi chơi , hôm nay bận họp chi bộ rồi hai cái đám cưới trong khu rồi lo mừng SN các cụ trong hội dưỡng sinh buổi sáng , ngủ li bì đến ba giờ chiều mới dậy lại vào mạng kiểm tra cô cháu ngoại ở nhà trẻ bây giờ mới vào mạng được . Bây giờ cuộc sống vợ chồng em yên bình hơn rồi đúng không ? Mong có ngày vào TP Bác để gặp mọi người . Thân yêu.

  Mai mình được anh Vũ Mão _ trưởng ban liên lạc hội trường Thiếu sinh quân toàn quốc mời đến dự cuộc hội ngộ của TSQ Việt nam lần một với tư cách là con gái ông già nên lại được vinh dự nữa rồi .

Chị Hà ơi, sáng nay em đi bộ trong chương trình từ thiện Loren Sting, trời Sài gòn lạnh lạnh và có sương mù. Ngoài ấy có lạnh không? Vào em trú đông nhá!


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 07 Tháng Giêng, 2012, 07:42:00 am
Vetran kể CÂU CHUYỆN NGỐ:
Ngày ấy (cuối 1982)người yêu tôi có mái tóc dày, dài và mượt óng. Đó là điểm nhấn quan trọng làm tôi si mê, chi chuôn Kampuchea khu chợ 479 và chợ nhỏ (xa Motle) khen: Koong tóp sray Viet Nam sọ vieng so so xa át (bộ đội nữ việt nam, tóc dài, da trắng đẹp quá). vậy mà khi về hậu cứ, cái thằng (Ngố) tôi kiên quyết bắt người yêu đi cắt tóc, uốn quăn kiểu (phi rê) của các thiếu nữ Hà Nội những năm sáu mươi.
tại một Beuty salon gần chợ Bến thành, sau mấy tiếng tác nghiệp, chủ tiệm không lấy tiền. Tôi hơi tự đắc vênh vang nghĩ: Có lẽ họ nể cái quân hàm trung úy quân y của mình nên không lấy tiền công làm tóc cho cô bồ của ổng. Nhưng cái tê tái đầu tiên là người yêu khóc ba ngày liền khi mỗi lần soi gương, thấm nước vuốt tóc cho thẳng trở lại, bà con quen và các đồng đội trong đơn vị ngỡ ngàng không nhận ra hạ sĩ Anh Thơ. Và tê tái hơn khi nghe mấy đồng đội nữ dân Sài Gòn nói: Vậy là nó bịp anh rồi, ngoài việc không lấy công, đáng lẽ tiệm làm tóc phải trả hơn một mét tóc của Thơ khá tiền lắm đấy. Ối giời ơi! Ngố ơi là ơi là ngố


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: tranphu341 trong 07 Tháng Giêng, 2012, 08:06:20 am
              Đọc bài này của vetran thì ngay anh Tranphu341 cũng thật là giận. Anh Thơ khóc 3 ngày là ít đấy. Như vậy là Anh Thơ rất yêu Vvetran nên mới nghe theo bạn để Phirê như vậy. Chứ mấy ai làm như vậy trừ khi họ tự nguyện. Đúng là trong cuộc sống sinh hoạt của chúng ta, nhiều khi có những lúc không hiểu hết giá trị đang có của quý hiếm. Chắc là vetran muốn Anh Thơ hòa nhập với mọi người nên mới làm như vậy?

              Có 1 thời chúng đã đã phá hết cả Miếu, cả Đền, cả Đình, thậm chí là Chùa, Cổng Làng, nhà Thờ Hoặc là để hoang lanh,  Làm cho "KHÔ ĐẠO". Đến bây giờ chúng ta đang phải phục hồi, đang phải trả giá cho những việc đó. Nó ảnh hưởng đến lố sống, gia giáo, kỷ cương của xã hội.... ::) ::) ::)

              CHÚC GIA ĐÌNH VETRAN LUÔN MANH KHỎE, CÓ NHIỀU, RẤT NHIỀU NIỀM VUI CUỘC SỐNG!


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: behienQYV7C trong 07 Tháng Giêng, 2012, 10:33:54 pm
Bởi vậy sáng hôm trước có mấy lớp phân viện hai học viện quân y không  ăn mỳ luộc mà đến sáng hôm sau BBC Radio đã đưa tin: sinh viên quân y tuyệt thực.

Tuy nhiên cái mệnh danh (thứ ba  học trò) vẫn đúng với cả hoàn cảnh này vì chúng tôi hay trốn qua rào kẽm gai phía sau trường sát với tường bảo vệ của khám Chí Hòa ra ngoài đi chơi, thậm chí tụi nam y sinh lớp tôi còn gây hấn choảng nhau với vệ binh trường.

Đọc bài của anh vetran , BH nhớ năm 1987 BH cũng học quân y ở khu viện 115 bây giờ , vậy là BH và anh cùng chỗ  nhưng khác là anh học bên học viện còn BH học trung cấp , hihi . Và cái vụ leo rào qua khu C5 của bộ tư lệnh thành phía sau để đi chơi thì có hoài , còn đánh nhau với vệ bình nữa , tuy nhiên đó là chuyện của mấy anh con trai, chứ đám con gái thì chỉ dám ra xin vệ binh , hihi .

Lúc mới vào trường cơm gạo thì thoải mái , nhưng nhà bếp nấu thì 4 ngày sống 2 ngày nhão, khê , chỉ có một ngày là ăn được , hic , có lần lớp BH nhịn đói vì mấy ngày phải ăn cơm sống , hôm sau chào cờ cả lớp bị phê bình ,  thầy Huỳnh Nhơn , đại tá bác sĩ hiệu trưởng còn nói " xưa tới nay chưa có lớp nào như lớp các đồng chí " còn nói không khéo bị địch xuyên tạc đưa lên đài , lúc đó cả lớp em cứ nghĩ đơn giản , chuyện ăn cơm của mình làm gì tới " đưa lên đài " , hihi , hôm nay đọc bài của anh vetran thì BH mới biết chuyện đó có xảy ra rồi nên thầy mới nói thế , hihi . Đúng là " trẻ người, non dạ " .


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 08 Tháng Giêng, 2012, 03:41:22 pm
Họp mặt anh em VMH ngày 7 tháng 2 Năm 2012. Bảo tàng miền Đông Nam Bộ. Nhà Hàng Cây Sứ
Vợ LAMLINH, Anh THơ, BS Chung chỗ bàn tiếp tân.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 08 Tháng Giêng, 2012, 03:42:26 pm
.Thêm A. Đức


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 08 Tháng Giêng, 2012, 03:43:24 pm
.Anh Thơ, Behien QYV7C, THanh Loan YTaF302 và đồng đội.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 08 Tháng Giêng, 2012, 03:44:08 pm
.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 08 Tháng Giêng, 2012, 03:44:51 pm
.Minh9, đứng thứ nhất bên phải và các đồng độ̣i


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 08 Tháng Giêng, 2012, 03:45:37 pm
.Minh9, LEASEDLINE, Anh Thơ, BehienQYV7C, Ái Thu, C. Liên và những người bạn mới


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 08 Tháng Giêng, 2012, 03:46:17 pm
.Vetran và bản "Tình ca".Với giọng nhựa nhựa, khuôn mặt méo xệch vì xỉn rượu "A MAKONG" của NVLAC.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 08 Tháng Giêng, 2012, 06:16:28 pm
.Vetran viết tiếp: Công tác dần đi vào ổn định, chúng tôi tổ chức chăn nuôi trên khu đất trống sau nhà cạnh cái rãnh chung lúc nào cũng hôi thối đủ thứ uế thải của hàng chục căn hộ, tôi tính: ngửi mùi thối quen rồi, nay mình chăn nuôi thêm có thối hơn cũng cam chịu. Vậy là xây chuồng lợn, đóng chuồng gà. Vất vả thật nhưng thời gian qua mau sau giờ làm việc từ trung tâm y tế về, tôi bắt tay vào tắm rửa cho lợn, vệ sinh chuồng gà, xách chất thải đi đổ khá xa rồi ngồi cạnh chuồng gà vừa hát cho gà lợn nghe vừa cho gà ăn và ngắm nhìn những chú lợn mũm mĩm hồng hào, những cái đầu gà to bằng nắm tay với cái mào đỏ tươi dưới ánh sáng đèn Neon tới khuya. Cũng là một đam mê mà có lúc Em trêu đùa : Anh mê lợn gà hơn mê vợ.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 08 Tháng Giêng, 2012, 06:18:19 pm
. Thật ra từ khi cha sinh mẹ đẻ, dù sống trong thiếu thốn lúc ở quê hương nhưng tôi là đứa con được mẹ luông chiều nhất nên tôi không biết làm gì chứ đùng nói tới chuyện  kinh nghiêm chăn nuôi gà lợn. Nhưng người xưa từng nói “đói thì đầu gối cũng phải bò” do vậy chúng tôi cũng quyết tâm vượt. Mỗi ngày qua quận 8 mua thức ăn cho lợn gà, tôi thường lân na hỏi thêm kinh nghiệm chăn nuôi và bệnh tật của gia súc gia cầm từ nhà cung cấp thực phẩm gia súc. Rồi trời cũng không phụ lòng người, chỉ mấy chục ngày sau tôi xuất được hàng tạ gà cho mối cung cấp thịt cho tàu viễn dương và vài tháng lại xuất được hàng tạ lợn hơi.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 08 Tháng Giêng, 2012, 06:19:36 pm
. Hôm xuất đi thành quả nứa chăn nuôi đầu, nhìn gà nằm trắng sân, tôi cảm thấy tự tin trong sự chăm chú theo dõi và trầm trồ của bà con hàng xóm đứng nhìn. Nếu cứ bình thường như vậy thì mọi việc sẽ phát triển nhanh chóng, nhưng có những ngày gà bệnh, lơn tiêu chảy, tôi mất ăn mất ngủ lo thuốc thang điều trị và vệ sinh chuồng trại vất vả gấp mấy lần. Những ngày đi công tác dưới cơ sở mà lúc nào cũng nghĩ đến bệnh  của lợn, trên đường về tôi tạt xuống mé sông bứt cả bó trái bần về băm cho lợn ăn vì tôi nghĩ cái vị chát sít của trái bần sẽ chữa được bệnh tiêu chảy cho lợn.  Qua mấy nứa  chăn nuôi thành công mỹ mãn để rồi chúng tôi đạt được ước mơ là sắm được con xế nổ Honda cánh én xanh rêu loại xe Seconhand để chở nhau đi làm.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 08 Tháng Giêng, 2012, 06:21:22 pm
. Lúc này bàn dân thiên hạ thấy tôi chăn nuôi cũng lạ mà chỉ trong thời gian ngắn lại sắm được xe máy, thế là mọi người xô vào đóng chuồng nuôi gà trong khi tôi lặng lẽ dọn dẹp hủy chuồng chấm dứt chăn nuôi vì lứa gà gần đây tôi phát hiện có dấu hiệu nhiễm virut. Cuối cùng tôi chỉ thực hiện một động tác là thường xuyên cung cấp thuốc chữa cúm gà cho cả ấp cũng đủ thu nhập. Đầu năm sau Thơ được đơn vị cử đi chuyên tu hai năm, sau tốt nghiệp về làm trong chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em (P.A.M) của quĩ nhi đồng liên hiệp quốc (Unicef). Cũng từ đây bắt đầu dịp may mới tạo tiền đề cho chúng tôi đổi đời.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: leasedline trong 08 Tháng Giêng, 2012, 07:44:55 pm
.

Thơ ơi, nhấp chuột vào hàng dưới xem tiếp hình họp mặt nè:

http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,23370.420.html


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 09 Tháng Giêng, 2012, 05:16:47 am
             Đọc bài này của vetran thì ngay anh Tranphu341 cũng thật là giận. Anh Thơ khóc 3 ngày là ít đấy. Như vậy là Anh Thơ rất yêu Vvetran nên mới nghe theo bạn để Phirê như vậy. Chứ mấy ai làm như vậy trừ khi họ tự nguyện. Đúng là trong cuộc sống sinh hoạt của chúng ta, nhiều khi có những lúc không hiểu hết giá trị đang có của quý hiếm. Chắc là vetran muốn Anh Thơ hòa nhập với mọi người nên mới làm như vậy?

            
              CHÚC GIA ĐÌNH VETRAN LUÔN MANH KHỎE, CÓ NHIỀU, RẤT NHIỀU NIỀM VUI CUỘC SỐNG!

Chào anh Tranphu341 mấy hôm rồi bận cho cái vụ tham dự off line QK7, không hỏi thăm anh. Hôm nay trời Thái Lọ có lạnh quá không anh, Long thể vẫn tốt chứ. Ôi quá vui và bất ngờ. Em và Thơ bước váo cổng là anh em nhận ra ngay, có lẽ do Thơ mặc quân phục. Buổi tiệc xôm tụ , ý nghĩa và tràn đầy thông tin. vui quá, mong có dịp được dự buôi họp mặt phía Bắc. Anh xem hình rồi chắc cảm nhận được cuộc vui trong này. Chúc anh khỏe.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: tranphu341 trong 09 Tháng Giêng, 2012, 09:09:03 am
             Chào vetran! TP đã xem được nhiều hình anh em dự ngày họp mặt QK7. TP thấy tư hình thức đến quương mặt củ ae nối chung thật sự ánh lên hào khí. Niềm vui quá lớn. Chúc mừng các bạn đã có được ngày hội vui như vậy.

                      CHÚC VỢ CHỒNG, GIA ĐÌNH VỆ-ANH THƠ VUI HẠNH PHÚC!


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 09 Tháng Giêng, 2012, 04:27:04 pm
Bởi vậy sáng hôm trước có mấy lớp phân viện hai học viện quân y không  ăn mỳ luộc mà đến sáng hôm sau BBC Radio đã đưa tin: sinh viên quân y tuyệt thực.

.

Đọc bài của anh vetran , BH nhớ năm 1987 BH cũng học quân y ở khu viện 115 bây giờ , vậy là BH và anh cùng chỗ  nhưng khác là anh học bên học viện còn BH học trung cấp , hihi . Và cái vụ leo rào qua khu C5 của bộ tư lệnh thành phía sau để đi chơi thì có hoài , còn đánh nhau với vệ bình nữa , tuy nhiên đó là chuyện của mấy anh con trai, chứ đám con gái thì chỉ dám ra xin vệ binh , hihi .

Lúc mới vào trường cơm gạo thì thoải mái , nhưng nhà bếp nấu thì 4 ngày sống 2 ngày nhão, khê , chỉ có một ngày là ăn được , hic , có lần lớp BH nhịn đói vì mấy ngày phải ăn cơm sống , hôm sau chào cờ cả lớp bị phê bình ,  thầy Huỳnh Nhơn , đại tá bác sĩ hiệu trưởng còn nói " xưa tới nay chưa có lớp nào như lớp các đồng chí " còn nói không khéo bị địch xuyên tạc đưa lên đài , lúc đó cả lớp em cứ nghĩ đơn giản , chuyện ăn cơm của mình làm gì tới " đưa lên đài " , hihi , hôm nay đọc bài của anh vetran thì BH mới biết chuyện đó có xảy ra rồi nên thầy mới nói thế , hihi . Đúng là " trẻ người, non dạ " .
Đồng ý nhận xét của BH, Mặc dù già đầu rồi nhưng dù sao cũng chỉ là học sinh cho nên đâu có qua được câu "Nhất quỉ, nhì ma...." phải không? BH nhắc Đại tá Nhơn, không biết có phải bác sĩ Nhơn thượng úy, phó chủ nhiệm khoa ngoại thời mình thực tập không. BS Nhơn hồi đó:da trắng, hay cười, cao và rất nhanh nhẹn. Vậy mà cũng 32 năm rồi. Chúc BH và cả gia đình mạnh khỏe, an khang hạnh phúc


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 09 Tháng Giêng, 2012, 05:25:30 pm
 Chào bác Vệ và Anh Thơ !

Mời hai bác qua quán nước xem hình ảnh buổi Off hôm 7/1.

http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,23370.420.html
 
 Chúc hai bác và các cháu vui khỏe.

Vợ chồng lamlinh31278.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 09 Tháng Giêng, 2012, 08:27:38 pm
Kính chúc anh Văn Thắng, anh Trần Phú (sư đoàn 341 Sông Lam), BQT diễn đàn và tất cả anh chị em thành viên, các bạn đọc của diễn đàn, một năm mới vui khỏe, hạnh phúc, thịnh vượng và gặt hái được nhiều thành quả trong công tác và cuộc sống.
Chúc các anh em chiến hữu chắc tay phím để viết hết những kỷ niệm của một thời oanh liệt đầy Máu và Hoa của chúng ta.
Đậu Thanh Sơn CCB Sư đoàn 341 Sông Lam.


Sao bác vanthang341 lại coi cái sự (đau) của chị nhà là chuyện nhỏ.  Tôi cho là chuyện lớn, chuyện phải ưu tiên lo nhất, chắc anh tranphu341 cũng thống nhất với tôi quan điểm này bởi vì đã hơn một lần anh TP đã thể hiện tư duy của mình về cái đa và cái thiểu trong cuộc sống. Có thể tôi là thế hệ sau các anh nhưng một phần tuổi trẻ của tôi, của vợ tôi cũng đã gửi vào cuộc chiến bắt buộc vừa qua do vậy trách nhiệm của chúng ta là hãy chăm chút những gì còn lại của ta. Tôi đang theo dõi sát những bước chân tiếp theo của 341 Sông Lam. Đề nghị Đậu Thanh Sơn vững vàng tay (bấm phím). Xin mạo muội gửi tâm sự. Chào thân ái.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 10 Tháng Giêng, 2012, 10:01:12 am
 Vetran viết tiếp: Số là chị Hai Lan bác sỹ giám đốc trung tâm y tế đã kí một giấy phép lập đại lý bán lẻ thuốc điều trị để Thơ tận dụng thời gian sau khi hoàn thành công tác P.A.M mỗi tháng còn lại thì bán thuốc lấy lãi xung quĩ công đoàn, từ đây chúng tôi bắt đầu làm quen với thương trường trong khi chưa hề có chút kinh nghiệm lận lưng. Vạn sự khởi đầu nan, cũng vất vả gian nan, cũng mày mò vừa làm vừa học, và có lẽ đúc kết của cổ nhân là chính xác khi chúng tôi gặp (thiên thời địa lợi nhân hòa). Cái thiên thời ở đây là chủ trương, chính sách mở cửa và lộ trình hoàn chỉnh cho việc tiếp cận nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chấp nhận sự tồn tại của kinh tế nhiều thành phần. Chấp nhận sự hợp lý giai đoạn nhất định của bóc lột gia trị thặng dư trong các tập đoàn tư bản nước ngoài và kinh tế tư bản tư nhân trong nước đối với người lao động. Địa lợi các nguồn vốn dầu tư, nhất là nguồn vốn FDI và ODA làm thay đổi nguyên một vùng sình lầy cỏ lác thành một quần thể thương mại, sản xuất, định cư, dịch vụ liên hoàn. Còn nhân hòa là sự đồng thuận của xã hội, sự nhạy bén nắm bắt thời cuộc và tất cả sự cố gắng của chúng tôi đối với khách hàng. Lúc này tính năng động, ham đọc và cần mẫn mở mang tri thức cộng với một chút liều lĩnh của tôi và tính quyết đoán của Em đã phát huy tác dụng vì trong thời gian rất ngắn công việc kinh doanh đã thành công, tuy ở qui mô nhỏ. Nhưng như vậy cũng trở thành động lực cho những bước tiếp theo mặc dù chỉ được một năm sau thì giấy phép hết hiệu lực vì theo qui định của bộ y tế, giám đốc trung tâm y tế quận huyện không được ký mở đại lý dược.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 10 Tháng Giêng, 2012, 10:06:04 am
Vetran viết tiếp: Dù gặp trở ngại nhưng tôi suy nghĩ “đã cưỡi lên lưng ngựa rồi, đang phi ngon trớn dễ gì bỏ cuộc” Tôi liên hệ công ty đông nam dược Bảo Long làm đại lý với mục đích giữ thời gian đệm không để mất khách và tìm phương án mới . Đây là thời gian hết sức tạm bợ cả về chuyên môn cả về tư cách pháp nhân. Nhưng giai đoạn chuyển đổi này việc kinh doanh tiếp tục thành công vì ngay từ nhỏ tôi đã tham gia thu hái dược liệu, xay tán thuốc cho ông và bố tôi, vì nhà tôi nhiều đời là đồ nho và hốt thuốc nam chữa bệnh cho dân. Từ những ngây ngô chập chững ấy cộng với sư say mê tìm tòi học hỏi, tôi đã phần nào có được ý thức về nghề y từ tiền nhân và qua học hành đào tạo tôi bổ sung tri thức về y lý, phương dược của y học đông phương khi thăm khám thì phải toàn diện“vọng văn vấn thiết” khi điều trị phải kiên định“Trị căn chứ không trị chứng” “trị bệnh nhân chứ không chỉ trị bệnh”. Trong qui nạp phương dược thì tuân thủ nguyên tắc phối hợp gia giảm nhuần nhuyễn “ Quân thần tá sứ”. Hơn nữa trong chương trình đào tạo quân y cũng có học phần về thuốc Nam qua thực hành ở Đà lạt và ở thành Tuy Hạ. Thời gian trong quân y khi từ Kampuchea về nước tôi được học sáu tháng châm cứu do thầy Trương Thìn bác sỹ viện trưởng và  phụ tá của Ông, bác sỹ Tôn Nữ Nguyệt Thu trực tiếp giảng dạy trong khuôn khổ hợp tác đào tạo giữa viện Y học dân tộc với phòng quân y tiền phương cho các sĩ quan quân y của cục vận tải tổng cục hậu cần.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 10 Tháng Giêng, 2012, 10:26:45 am
. Thời gian theo học ở viện YHDT tôi nhận thấy trào lưu tìm hiểu về y học Đông phương ngày càng phát triển bởi vì tại viện này, song song với khóa của quân y, tôi thấy rất nhiều học sinh của ông là người nước ngoài đa quốc tịch khu vực Âu, Mỹ, Phi với thái độ học tập rất nghiêm túc, say mê môn học như chính người phương Đông. Tôi mở ngoặc để nhắc lại một biểu hiện uyên thâm của ông về y lý. Buổi đó, Ông giảng cho chúng tôi nghe lý thuyết bài Nhĩ châm. Bất chợt Ông ngồi xuống ghế sờ mặt trong, mặt ngoài cẳng chân bên phải. Một lúc sau Ông đứng lên xin lỗi cả lớp. Ông nói: Xin lỗi quí vị, Sáng mai tôi phải nhập viện cắt ruột thừa vì huyệt Vị lang đang mách bảo có dị vật trong đó. Đúng thật, nhưng ba ngày sau ông lại trở về lớp như lời ông hứa với nụ cười tươi và câu phán xanh dờn: chẩn đoán sớm, phẫu thuật sớm với một dị vật đi lạc vào hỗng hồi tràng rồi định cư tại ruột thừa, chỉ như lặn một mụn trứng cá trên mặt. Khâm phục, rất khâm phục. Sau này tôi tìm hiểu thêm mới biết Thầy Trương Thìn từng là sĩ quan quân y tại trường võ bị Đà lạt. Nay Ông là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam và ông nghiên cứu rất sâu các các trường phái triết học và triết học duy vật biện chứng, sự vận dụng kết hợp đông tây y đạt kết qua cao thể hiện cái uyên thâm trong nghiên cứu y học của thầy, nhất là sự vận dụng những tri thức về sự vận hành phát triển biện chứng của vạn vật trong đó có con người theo vũ trụ quan "Thiên Địa Nhân" trong Kinh Dịch. Tri thức về âm dương, ngũ hành của Lão tử, Trang tử của Đạo giáo trong chẩn đoán qui nạp phương dược. Cũng thời gian ấy tôi tìm hiểu và biết thầy Trương Thìn viết khá nhiều về y học đông phương nói chung và châm cứu học nói riêng. Ngoài ra Ông còn là người nghiên cứu văn hóa dân gian, viết thư pháp,  làm thơ, soạn nhạc dân tộc, đặc biệt ca nhạc về Huế quê Ông. Chương trình thầy truyền thụ cho chúng tôi là những: Lục phủ, ngũ tạng, kinh lạc huyệt vị, âm dương ngũ hành, thượng hạ biểu lý, thực hư hàn nhiệt, nội công ngoại kích, điều hòa khí huyết tân dịch, điều hòa tâm thể theo phương châm “Bế tinh dưỡng khí tồn thần, thanh tâm tiết dục thủ chân luyện hình” hoặc “Thống bất tắc thông. Thông bất tắc thống”. Tôi đã mê mẩn sa đà vào rừng tri thức mà cha ông tôi đã từng theo hàng chục năm trước.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 10 Tháng Giêng, 2012, 10:34:18 am
. Đồng thời tôi đọc khá nhiều sách đông y, đông dược như: Y lý học Đông phương, Nam dược thần hiệu của thiền y Tuệ Tĩnh. Y tông tâm lĩnh, Lĩnh Nam bản thảo của Hải Thượng lãn ông Lê Hữu Trác với tôn chỉ “Nam dược trị bệnh Nam nhân” rất phong phú về chủng loại cây thuốc và y phương. Đặc biệt cuốn sách ‘Cây thuốc Việt Nam của cố giáo sư Đỗ Tất Lợi đã cho tôi vốn kiến thức nhất định để tư vấn cho khách hàng sử dụng đông dược đúng và hiệu quả an toàn từ đó đại lý đông dược ngày càng đông khách, doanh thu và lợi nhuận ngày càng tăng. Tất nhiên tôi không thể dừng ở đó vì tư cách pháp nhân của đại lý đông dược chưa chắc chắn mà chỉ là tạm thời cho nên cùng thời gian này tôi liên hệ với công ty dược phẩm Nhà Bè mở hiệu thuốc quốc doanh. Ngay những tháng đầu hoạt động kinh doanh, hiệu thuốc số 14 đã đạt và vượt chỉ tiêu công ty giao, tiếp đó là đợt xắp xếp lại hệ thống phân phối bán lẻ dược quốc doanh, hiệu thuốc số 14 trở thành đại lý cho SAFACO (công ty dược phẩm thành phố) nhưng do chỉ tiêu doanh số không hợp lý và một số ràng buộc về phương thức kinh doanh không khả thi nên chúng tôi quyết định mở nhà thuốc tư nhân.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 10 Tháng Giêng, 2012, 10:39:22 am
Quốc đổi vũ khí và các hàng hóa khác
Chào bác VETRAN
DK1278 đọc mấy bài bác viết về biển hồ của bác tui thấy bác rành về vùng sông nước này quá. DK1278 cũng may mắn được đóng quân mười tháng tại xã CongBungKleng bảo vệ dân làm ăn sinh sống và đơn vị cũng tăng gia, đánh bắt cá cải thiện thực phẩm cho tiểu đoàn (D52 tiểu đoàn địa bàn xây dựng chính quyền thuộc Đoàn 7705). Đúng như bác nói ở Biển hồ ngoài cá ra con nhiều cá thể khác cho nguồn lợi kinh tế, thực phẩm chất lượng cao và ứng dụng trong y học nữa, chúng sống trong rừng như rắn, trăn, khỉ.... mà mùa nước nổi đánh bắt rất đơn giản.

Địa bàn đơn vị đóng quân, rắn biển hồ thời đó vô số kể, dân đi đánh bắt để lấy da, lấy mật bán còn nguyên con thịt, xương, mỡ họ không dùng cho bộ đội. Lúc đó đơn vị tụi này nấu thịt ăn hàng ngày mà phát sợ, ban đầu o biết làm thịt ăn dai lắm và thiếu gia vị nữa, vị thịt lạc nấu ra nước nhiều ăn không ngon, sau mới biết bằm nhuyễn sào sả ớt, với bột nghệ hay cà ri mới nhậu được đó bác... Lúc đó trong đơn vị không có ai tay nghề như bác để nấu cao, thật là tiếc cho thời gian đóng quân nới đó bác à...hu...hu.


.XIN CHÀO BÁC DK1278. Đúng như vậy các loại động vật rừng ngập nước và hải sản Biển Hồ(Tonlesap Lecke) là kho vựa vàng của dân tộc Khơme và cả cư dân những nước lân bang trong đó có bà con ta thuộc các tỉnh miền tây đến khai thác vào mùa nước nổi trong tâm thế đoàn kết chia sẻ và hòa thuận. Tôi được biết hiện nay cộng đồng người Việt sinh sống ỡ Biển Hồ khá đông đúc, đoàn kết và phát triển và có cả lớp học trên bè dạy chữ Việt. Cách nay hơn 30 năm, tôi đi Siem Reap nấu cao trăn,cao khỉ, khỉ theo chỉ đạo của trên, nều tính đơn vị cao là tạ thì chắc chắn phải hơn một. Giờ nghĩ nghĩ lại nó cũng là một kỷ niệm vui. Xin chúc bác và gia đình mạnh giỏi.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 10 Tháng Giêng, 2012, 06:07:59 pm
với nhận định: Trong xu thế mở cửa hội nhập này sẽ có nhiều đột phá trong kinh tế xã hội, nhất là sự tồn tại song hành nhiều thành phần kinh tế, nhiều loại sở hữu vốn và các nguồn lực phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.v.v. Thì các nguồn đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài tập trung vào vùng Nam Sài Gòn sẽ làm thay đổi cơ bản bộ mặt đô thị mới từ vùng nông nghiệp manh mún trở thành các hạng mục công trình cung cấp cho thị trường những sản phẩm kiến trúc cao cấp trong qui hoạch tổng thể đồng bộ và hình thành khu dân cư liên hoàn mới. Khu chế xuất Tân Thuận có hàng trăm công ty với hàng chục ngàn công nhân. Phải nắm bắt đón đầu khi dân số cơ học tăng đột biến kéo theo hàng ngàn nhu cầu của con người, trong đó có thuốc chữa bệnh. Từ đây thương hiệu ANH THƠ Pharmacy ra đời. Bằng những phương thức kinh doanh chủ động và năng động phối hợp với kỹ năng thương mại và trình độ chuyên môn được tích lũy nên trong thời gian rất ngắn nhà thuốc đạt được uy tín tốt. Hàng ngày khách hàng đến khám và mua thuốc tăng đều, đi làm từ trung tâm y tế về là tôi lao vào công việc bằng cả sự say mê.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: Đậu Thanh Sơn trong 11 Tháng Giêng, 2012, 10:38:19 am
Chào bạn Vetran
Cuối năm bề bộn bao nhiêu là công việc nên chưa đọc hết bài của bạn. Tuy nhiên tranh thủ lúc nào rãnh rỗi là đọc... Mình rất tâm đắc và xúc động về những đoạn ký bạn viết về tuổi thơ. Mình cũng mềm lòng và rơi nước mắt khi đọc đến đoạn em Đông của bạn lấy cân bột mì của cô Bất nhà hàng xóm luộc ăn vì quá đói, rồi nồi canh nấu lá bí ngô với muối... giống như ngày xưa lần đầu mình đọc Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố đến đoạn bán con... mình cũng khóc.
Quê mình cũng nghèo, mình cũng trải qua tuổi thơ trong sự nghèo đói và thiếu thốn như vậy. Bạn và mình có nhiều nét tương đồng khi còn thời niên thiếu nhất là những năm tháng mài đũng quần trên ghế nhà trường, cũng làm báo tường, cũng kẻ khẩu hiệu và đi thi học sinh giỏi văn cắn cấp cụm, cấp huyện, cũng những tình cảm trìu mến của cô gióa dành cho... Đọc ký của bạn, mình cứ cảm tưởng như chính minh thơi niên thiếu.
Hay quá, bạn viết thật hay, tư duy và lập luận thật sâu sắc. Nhưng giống như bác Trần Phú nói là bố cục của bạn từng đoạn dài quá (nhiều chữ quá) nên đọc hơi mệt mặc dù rất hấp dẫn. Mình sẽ cố gắng dành thời gian để theo hết những dòng ký ức của bạn.
Nhân dịp bên thềm năm mới Thanh Sơn chúc Vetran và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc. Mong Vetran vững tay phím để cho anh em đọc tiếp những hồi ức của bạn
Thanh Sơn F341



Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: van_cuti trong 11 Tháng Giêng, 2012, 11:28:56 am
.Minh9, LEASEDLINE, Anh Thơ, BehienQYV7C, Ái Thu, C. Liên và những người bạn mới
Bác vetran@: sao toàn bộ hình bác pót lên trang này đều không thấy hiện lên, nên xem không được? do hình của bác hay do máy tính của em?

Hôm nay (12/01) không biết sao tự nhiên lại xem được hình rồi các bác à, lý do gì kỳ lạ vậy hả các bác?


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: NVLAC trong 11 Tháng Giêng, 2012, 11:32:40 am
.Minh9, LEASEDLINE, Anh Thơ, BehienQYV7C, Ái Thu, C. Liên và những người bạn mới
Bác vetran@: sao toàn bộ hình bác pót lên trang này đều không thấy hiện lên, nên xem không được? do hình của bác hay do máy tính của em?
hình của vetran post lên đều xem bình thường. Bác van_cuti xem lại máy của mình đi.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: ledvu trong 11 Tháng Giêng, 2012, 12:49:07 pm
Tám ngoài lề 1 chút. Mẹ tui vưà đi xem mạch và bốc thuốc từ ông thầy đông y. Ông thầy này đã xem mạch và bốc thuốc cho 3 thế hệ gia đình tui, từ ông ngoại tui cho đến tui. Ông thầy năm nay đã 92 tuổi mà vẫn khỏe mạnh minh mẫn và còn đang hành nghề bình thường. Bác nào sống lâu năm ở Nha Trang chắc biết ông thầy thuốc này: Đông Y Sỹ Dân Khang.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 11 Tháng Giêng, 2012, 01:09:13 pm
Nhà thuốc Anh Thơ năm 1997.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 11 Tháng Giêng, 2012, 01:56:48 pm
Chào bạn Vetran
Nhân dịp bên thềm năm mới Thanh Sơn chúc Vetran và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc. Mong Vetran vững tay phím để cho anh em đọc tiếp những hồi ức của bạn
Thanh Sơn F341


Cám ơn Thanh Sơn 341, anh em chúng ta sẽ tìm hiểu nhiều thông tin về nhau. chúc TS và gia đình an khang hạnh phúc.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 11 Tháng Giêng, 2012, 02:08:20 pm
Đúng rồi bác Van-Cuti, như bác NVLAC nói, tất cả hình tôi đưa lên , ai cũng đọc được mà, bác xem lại máy, hoặc qui trình vận hành


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 11 Tháng Giêng, 2012, 02:28:12 pm
Một thời để nhớ !Vetran năm 2010


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: van_cuti trong 11 Tháng Giêng, 2012, 03:16:47 pm
... Hồi em học lớp 7, thầy giáo dậy Văn em có nói: Đúng ra là Nguyễn vănTrỗi, nhưng do giao liên mang bài thơ từ trong Miền Nam ra Bắc, trên đường vận chuyển đã có không biết bao nhiêu chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, máu của các anh đã thấm ướt bài thơ ấy, nên mất mất dấu "ngã".
Bác Giang NH@: Theo thông tin đã được đăng trên 1 tờ báo chính thống của ta mà em đọc được cách đây khoảng 1-2 năm (tờ nào thì em nhớ không rõ) có nói rằng tin anh NVT bị chính quyền SG xử tử sau vụ ám sát hụt đó được đăng đầu tiên là trên báo chí nước ngoài với cái tên VN không dấu là "Nguyen Van Troi", khi đó ở miền Bắc mới biết và có cái tên "Trôi" trên các phương tiện thông tin, tất nhiên là sau này khi có thông tin chính xác thì đã được đổi lại cho đúng là "Nguyễn Văn Trỗi".


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: lamlinh31278 trong 11 Tháng Giêng, 2012, 03:41:36 pm
Quốc đổi vũ khí và các hàng hóa khác
Chào bác VETRAN
DK1278 đọc mấy bài bác viết về biển hồ của bác tui thấy bác rành về vùng sông nước này quá. DK1278 ...

.XIN CHÀO BÁC DK1278. Đúng như vậy ...

@vetran bác lưu ý khi post bài trả lời,trích dẩn ở topic nào rồi thì không nên post lại ở topic khác cùng nội dung,như vậy là phạm quy đấy, bác lưu ý dùm nhé.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 11 Tháng Giêng, 2012, 05:16:06 pm
Anh Nguyễn Văn Trỗi và chị Phan Thị Quyên trong ngày cưới (1964)


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 11 Tháng Giêng, 2012, 05:20:20 pm
Chỉ sống có 24 năm và vẻn vẹn có 9 phút trên pháp trường nhưng Nguyễn Văn Trỗi đã đi vào lịch sử kháng chiến chống xâm lược của nước ta như một biểu tượng của lòng quả cảm và khí phách anh hùng, là tấm gương sáng cho các thế hệ thanh niên học tập về lòng yêu nước, khát vọng độc lập tự do - những tố chất rất cần cho sự dấn thân của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc bất cứ thời đại nào.
 Chi tiết nói lên khí phách anh hùng ở chỗ giây phút quyết định dấn thân vào nguy hiểm rất ngắn ngủi nhưng nó thường trực nằm trong tư duy Anh khi anh Ba Sơn trễ hẹn vì theo sắp xếp của tổ chức thì anh không trực tiếp trong trận này vì anh mới cưới chị Quyên.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 11 Tháng Giêng, 2012, 05:58:13 pm
.Trong Văn học, hình tượng Nguyễn Văn Trỗi trở thành cảm hứng, cũng là nhân vật chính trong:
Bài thơ "Hãy nhớ lấy lời tôi" của nhà thơ Tố Hữu.
Tập bút kí "Sống như anh" của Trần Đình Vân.
Bài hát "Lời anh vọng mãi ngàn năm" của Vũ Thanh
Thế thì chúng ta thế hệ kế tiếp anh, học tập khí phách thanh niên công nhân của anh trong những năm tháng 60, 70 thế kỷ trước đưa sức trẻ và nhiệt huyết vào cuộc chiến sinh tử bảo vệ tổ quốc thân yêu phải không anh em trong VMH của chúng ta!


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 11 Tháng Giêng, 2012, 06:08:53 pm
... Hồi em học lớp 7, thầy giáo dậy Văn em có nói: Đúng ra là Nguyễn vănTrỗi, nhưng do giao liên mang bài thơ từ trong Miền Nam ra Bắc, trên đường vận chuyển đã có không biết bao nhiêu chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, máu của các anh đã thấm ướt bài thơ ấy, nên mất mất dấu "ngã".
Bác Giang NH@: Theo thông tin đã được đăng trên 1 tờ báo chính thống của ta mà em đọc được cách đây khoảng 1-2 năm (tờ nào thì em nhớ không rõ) có nói rằng tin anh NVT bị chính quyền SG xử tử sau vụ ám sát hụt đó được đăng đầu tiên là trên báo chí nước ngoài với cái tên VN không dấu là "Nguyen Van Troi", khi đó ở miền Bắc mới biết và có cái tên "Trôi" trên các phương tiện thông tin, tất nhiên là sau này khi có thông tin chính xác thì đã được đổi lại cho đúng là "Nguyễn Văn Trỗi".

Xin chào bác van-cuti và GiangHN. Theo ý kiến của tôi là cái tên Trôi chỉ là cách dùng lái cho câu thơ của Tố Hữu theo vần, bởi vì nếu viết đúng thì là:
 Nguyễn Văn Trỗi, Anh đã chết rồi, anh còn sống mãi
Thì chữ Trỗi và chữ rồi sẽ chỏi nhau, cứng hơn, câu thơ không mượt. Còn các giả thiết các bác đưa ra, chúng ta sẽ tham khảo thêm nhưng vấn đề bác tranphu341 nói trong thời điểm xảy ra vụ anh Trỗi và anh Lời dánh bom cầu công lý nhằm tiêu diệt Mc Namara không thành, bị bắt thì dân Sài Gòn lại rất ít biết đến. Trong khi ngoài Bắc thì sôi sùng sục sự kiện này, thậm chí bên kia Thái Bình Dương, du kích quân Caracas - Venezuena còn yêu cầu đổi trung tá Michel simolon, sĩ quan không quân Mỹ bị họ bắt,  lấy tự do cho anh Trỗi. Vấn đề là: Anh Trỗi bị xử trong sân sau khám lớn (Chí Hòa), có nghĩa là xử kín, chỉ có các nhà báo thân phương tây chứng kiến, nhưng chắc chắn không thể thiếu tình báo của ta có mặt trong đó, hơn nữa anh Trỗi là biệt động của đội 65 biệt động thành, thì nhất định cái tên thật của anh, cơ quan quản lý trung ương không thể không biết. Còn chi tiết bác GiangHN nói về chi tiết bài giảng của thầy giáo, tôi nghĩ thầy dạy bác hồi đó nhầm lẫn cái gì đó hoặc ông cường điệu hóa sự hy sinh của chiến sĩ ta đối với vấn đề cụ thể là cái (văn bản)gì đó về anh Trỗi. Còn nếu xét tổng thể sự mất mát xương máu của chiến sĩ ta trong cuộc chiến tranh cứu nước thì có thể hiểu lớn hơn thế nữa . Tôi nhớ là ở ngoài Bắc, bộ phim đầu tiên nói về anh đã có tên"Anh Trỗi" xem phim tới đoạn nhân vật đóng chị Quyên vừa chạy vừa khóc rồi đổ sập trước cánh cổng đóng kín im lặng của khám chí hòa với tiếng thét xé lòng "Anh TRỔI , ANH Trổi ơi!" đúng giọng Quang Nam. Đó là cái tên anh Tranphu341 đề cập ,có lẽ do phát âm của giọng địa phương. Trong ca từ bài hát"Lời anh vọng mãi ngàn năm" của Vũ Thanh, ca sĩ cũng hát :Nguyễn Văn Trôi, Nguyễn văn Trôi người công nhân thành phố Sài Gòn.....


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 11 Tháng Giêng, 2012, 08:34:48 pm
Nguyễn Văn Trỗi bị xử bắn tại sân sau nhà lao Chí Hòa lúc 9 giờ 45 phút ngày 15 tháng 10 năm 1964, trước sự chứng kiến của nhiều phóng viên nước ngoài. Những phút cuối cùng, anh tỏ ra rất can đảm, không đồng ý bịt mắt không xưng tội trước linh mục theo xắp xếp của chính quyền ngụy và hô lên những lời cuối cùng được các phóng viên ghi lại
   

Đả đảo Đế quốc Mĩ!
Hồ Chí Minh muôn năm!
Việt Nam muôn năm!"
Sau khi chết, Nguyễn Văn Trỗi được truy nhận Đảng viên Nhân dân Cách mạng miền Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam truy tặng Huân chương Thành đồng hạng nhất.
Chính quyền Việt Nam Cộng hòa bí mật cho chôn xác Nguyễn Văn Trỗi tại nghĩa trang Văn Giáp ở Giồng Ông Tố (nay thuộc phường Bình Trưng Đông, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh). Sau nhiều ngày tìm kiếm, cha đẻ Anh và vợ Anh, chị Phan Thị Quyên mới tìm thấy mộ.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 12 Tháng Giêng, 2012, 06:10:16 am
Tám ngoài lề 1 chút. Mẹ tui vưà đi xem mạch và bốc thuốc từ ông thầy đông y. Ông thầy này đã xem mạch và bốc thuốc cho 3 thế hệ gia đình tui, từ ông ngoại tui cho đến tui. Ông thầy năm nay đã 92 tuổi mà vẫn khỏe mạnh minh mẫn và còn đang hành nghề bình thường. Bác nào sống lâu năm ở Nha Trang chắc biết ông thầy thuốc này: Đông Y Sỹ Dân Khang.

Chào bác Levud! Theo tôi hiểu thì cơ bản các cụ thuộc thế hệ lương y xưa thường giữ gìn được cái "tiết dục", cái gì cũng vừa phải, không thái quá mà cũng không bất cập bởi vì theo sách nhà Phật thì cái (tham dục) là một trong ba nghiệp chướng (tham, sân, si thuộc tập đế) của thuyết "Tứ diệu đế," là một trong những cái mà chính con người tạo ra nghiệp báo (Karna trong khổ đế) cho mình để mà từ cái nhân ấy con người gặt phải quả là (Bệnh và tử - thuyết nhân quả). Do đó các cụ lương y thường giữ gìn lắm lắm, nhất là giữ gìn Y ĐỨC. Các cụ sống thanh thản, an nhàn tự tại, sống vì nguời vì đời nên dù tuổi cao, các cụ vẫn tráng kiện, minh mẫn, và từ cái minh mẫn ấy thì y lý, phương dược của các cụ trở lên uyên thâm để cứu giúp bá tánh được nhiều hơn, cho nên các cụ rất nghiêm túc trong TRI và HÀNH phương châm"Bế tinh, dưỡng khí, tồn Thần, Thanh Tâm, tiết dục, thủ chân, Luyện hình" là như vậy. Và cũng là phương pháp khuyên dạy mọi người tri hành trong cuộc sống cá nhân để có được một Tâm Thể sống vui, sống khỏe. Cám ơn bác đã vào nhà tôi, nhân đây tôi mạo muội gửi tới các bác mấy dòng suy nghĩ của mình.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: TichTuongNhuLe trong 12 Tháng Giêng, 2012, 07:51:52 am
Bác Giang NH@: Theo thông tin đã được đăng trên 1 tờ báo chính thống của ta mà em đọc được cách đây khoảng 1-2 năm (tờ nào thì em nhớ không rõ) có nói rằng tin anh NVT bị chính quyền SG xử tử sau vụ ám sát hụt đó được đăng đầu tiên là trên báo chí nước ngoài với cái tên VN không dấu là "Nguyen Van Troi", khi đó ở miền Bắc mới biết và có cái tên "Trôi" trên các phương tiện thông tin, tất nhiên là sau này khi có thông tin chính xác thì đã được đổi lại cho đúng là "Nguyễn Văn Trỗi".
Theo ý kiến của tôi là cái tên Trôi chỉ là cách dùng lái cho câu thơ của Tố Hữu theo vần, bởi vì nếu viết đúng thì là:
 Nguyễn Văn Trỗi, Anh đã chết rồi, anh còn sống mãi

ca sĩ cũng hát :Nguyễn Văn Trôi, Nguyễn văn Trôi người công nhân thành phố Sài Gòn.....

     Chuyện này bạn van_cuti nói chính xác rồi. Bác Vetran nói không đúng đâu.

     Thời điểm anh Trỗi hy sinh, ở miền Bắc lúc đó báo đài đều đưa tin với tên Nguyễn Văn Trôi, cỡ vài tháng sau lại cải chính thành Nguyễn Văn Trổi. Mãi về sau mới sửa lại thành Nguyễn Văn Trỗi. Các bác có thể tra cứu trong Thư Viện Quốc Gia các báo lúc đó thì thấy ngay.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 12 Tháng Giêng, 2012, 07:53:22 am
 Vetran viết tiếp: Với lòng tin tưởng của bệnh nhân được củng cố nhân lên càng thúc đẩy chúng tôi cố gắng nhiều hơn. Mở cửa sáu giờ sáng, phục vụ công nhân khu chế xuất từ vùng huyện Nhà Bè, quận 8 và các khu lao động nhập cư trong vùng đi làm sớm, học sinh đi học xa. Hoạt động thông tầm tới hai mươi ba giờ phục vụ những người lao động buôn bán xa về muộn và những bệnh nhân đột xuất. Ngày nghỉ ngày lễ, tết vẫn tranh thủ xen kẽ thời gian phục vụ với cả sự nhiệt tâm. Bệnh nhân dù ở xa hay gần bị bệnh nặng không đến khám được thì tôi sẽ tới nhà thăm khám, tư vấn và quyết định hướng điều trị, nếu quá khả năng của mình thì  tôi hướng dẫn để gia đình đưa bệnh nhân đi bệnh viện kịp thời do vậy mà các ca sốt xuất huyết độ nặng, nhồi máu cơ tim, cơn suyễn cấp hoặc viêm ruột thừa cấp đã trở lại cám ơn và rất hài lòng với chẩn đoán ban đầu của tôi. Mà mỗi trường hợp như vậy tôi thực sự ấm lòng và yêu nghề, hệ quả là khách càng đông hơn theo thời gian và sự tin cậy càng cao hơn.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 12 Tháng Giêng, 2012, 07:54:13 am
. Dù cả hai đều mệt mỏi, Em lại đang ấp ủ trong mình niềm khát khao của tôi nhưng chúng tôi đều rất vui và tràn trề hy vọng. Uy tín thương hiệu được khẳng định khi ANH THƠ Pharmacy luôn giữ được sự tin tưởng của các nhà cung cấp trong và ngoài nước bằng những chính sách khuyến mãi đặc biệt về giá cả, những tuor du lịch trong và ngoài nước. Để áp ứng những đòi hỏi về chuyên môn và kỹ năng kinh doanh chúng tôi phải không ngừng học hỏi và đọc các tài liệu chuyên môn, cập nhật kiến thức bằng nhiều kênh thông tin, do vậy ngày càng nâng cao được khả năng phục vụ tốt hơn. Bên cạnh đó tôi còn phải nghiên cứu thị trường đầu ra, thống kê phân tích cơ cấu bệnh thông thường trong vùng, cách thức kê toa của các cơ sở điều trị nhất là các bệnh viện gần như: bệnh viện đa khoa quận 7, bệnh viện tim Tâm Đức, bệnh viện FV, các bệnh viện xa như Medic, Phụ sản, nhi đồng 2 v.v.Vấn đề muốn đáp ứng nhu cầu dược phẩm theo gu kê toa của bác sĩ thì không bỏ qua được việc chuẩn bị nhiều mẫu mã hàng, nhiều thương hiệu, nhiều loại giá cả phù hợp nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Đặc biệt chú ý bệnh nhiệt đới theo mùa theo chu kỳ để cung cấp thuốc kịp thời.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 12 Tháng Giêng, 2012, 07:55:01 am
. Từ những thành quả ban đầu, sự thấu đạt quan điểm ba yếu tố quyết định thành công (thiên thời,  địa lợi, nhân hòa) và cuối cùng là sự may mắn (bất trùng lai). Chúng tôi quyết định mua đất ngay tại nơi đang thuê mướn kinh doanh, mặc dù vấn đề này đã từng gây bất hòa hàng tháng trời giữa chúng tôi nhưng Em cứ quyết tâm nên tôi phải thuận lòng. Trong quá trình kinh doanh, tôi rút ra từ bài học thành công là:
 Bốn NÊN: 1/Cạnh tranh lành mạnh.
2/Đảm bảo chất lượng dịch vụ.
3/ Căn cứ qui luật cung cầu, tôn trọng qui luật giá trị và giá cả.
4/Luôn giữ gìn chữ TÂM và TÍN.
Và bốn KHÔNG:1/Không dùng sở đoản phá giá. 2/Không dùng tiểu xảo lòe bịp khách hàng.
3/Không chuộng ngoại, quảng cáo thổi phồng sản phẩm.
4/Không tư vấn cho bệnh nhân dùng thuốc hiếm, lạ đắt tiền khó mua.
 Cứ như vậy, theo thời gian, chúng tôi đi từ thành công này đến thành công khác càng tăng thêm quyết tâm phấn đấu của chúng tôi để thoát nghèo khó thiếu thốn đeo đẳng mấy đời cha ông tôi.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: tranphu341 trong 12 Tháng Giêng, 2012, 08:16:25 am
              Chào vetran! Rất hay, thật tuyệt vời tranphu341 xin chúc mừng gia đình Vetran-Anh Thơ. Đã thành công, rất thành công trong nghề của mình thật xứng đáng và đầy đủ với 3 chữ: CÓ TÂM- CÓ TẦM- CÓ ĐỨC.

               TP chúc gia đình bạn ngày càn thành công hơn nữa với nghề truyền thống của mình!


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 12 Tháng Giêng, 2012, 08:17:21 am

     Chuyện này bạn van_cuti nói chính xác rồi. Bác Vetran nói không đúng đâu.

     Thời điểm anh Trỗi hy sinh, ở miền Bắc lúc đó báo đài đều đưa tin với tên Nguyễn Văn Trôi, cỡ vài tháng sau lại cải chính thành Nguyễn Văn Trổi. Mãi về sau mới sửa lại thành Nguyễn Văn Trỗi. Các bác có thể tra cứu trong Thư Viện Quốc Gia các báo lúc đó thì thấy ngay.
[/quote]

OK! Vetran thống nhất với ý kiến của bác TTNL. Cám ơn bác.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 12 Tháng Giêng, 2012, 10:13:42 am
              Chào vetran! Rất hay, thật tuyệt vời tranphu341 xin chúc mừng gia đình Vetran-Anh Thơ. Đã thành công, rất thành công trong nghề của mìng thật xứng đáng và đầy đủ với 3 chữ: CÓ TÂM- CÓ TẦM- CÓ ĐỨC.

               TP chúc gia đìng bạn ngày càn thành công hơn nữa với nghề truyền thống của mình!

Cám ơn anh tranphu341 chúc anh chuyến công tác Hải Phòng thành công  tốt đẹp.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 12 Tháng Giêng, 2012, 03:09:55 pm
Vetran kể CÂU CHUYỆN NGỐ:
Ối giời ơi! Ngố ơi là ơi là ngố

 Xin chào bác Giang tvx. Bởi vậy tôi mới gọi mình là (thằng ngố). Ở cái tuổi 24 mà còn (trẻ người non dạ), tư duy về cái đẹp còn ấu trĩ đua đòi, thấy người ta vậy thì mình cũng muốn sở hữu vậy cho nên nghe chuyện này anh tranphu341 nói: đến anh còn thấy giận chứ nói gì Thơ, khóc ba ngày là ít đấy. Bây giờ thỉnh thoảng liếc nhìn mái tóc của người yêu xưa mà cảm thấy tiếc hùi hụi. Ai ngờ đó là của (trời cho). Đặc biệt bà ngoại của Thơ khi còn sống, đã tuổi 80 mà mỗi lần gội đầu xong là phải đứng trên giường xõa tóc cho con cháu chải chứ không sẽ chấm đất. Ối giời ơi, ngố ơi là ngố. Xin chúc bác và gia đình đón nhận một mùa xuân tươi vui hạnh phúc và thành đạt.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: lamlinh31278 trong 13 Tháng Giêng, 2012, 12:02:13 am
Chỉ sống có 24 năm và vẻn vẹn có 9 phút trên pháp trường nhưng Nguyễn Văn Trỗi đã đi vào lịch sử kháng chiến chống xâm lược của nước ta như một biểu tượng của lòng quả cảm và khí phách anh hùng, là tấm gương sáng cho các thế hệ thanh niên học tập về lòng yêu nước, khát vọng độc lập tự do - những tố chất rất cần cho sự dấn thân của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc bất cứ thời đại nào.
 Chi tiết nói lên khí phách anh hùng ở chỗ giây phút quyết định dấn thân vào nguy hiểm rất ngắn ngủi nhưng nó thường trực nằm trong tư duy Anh khi anh Ba Sơn trễ hẹn vì theo sắp xếp của tổ chức thì anh không trực tiếp trong trận này vì anh mới cưới chị Quyên.

Gởi các bác clip giây phút cuối của anh Trỗi hy sinh.
                            
                                        http://www.youtube.com/watch?v=HTleoYwuOnE


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: dungtrinhsatd1 trong 13 Tháng Giêng, 2012, 05:53:48 am
  Đọc các bài viết của bác TRẦN VỆ thật là hay và thật cảm xúc ,chất người lính của bác thật đáng khâm phục .
  Thiên thời ,địa lợi ,Nhân hòa là 3 yếu tố hợp thành của con người ,bất cứ ai lĩnh hội được điều này đều hoàn thiện cả ,nhưng rất khó trong cuộc sống muôn hình muôn vẽ va chạm lẫn nhau chữ NHẪN học hoài cũng chẳng xong ,vì cái chất là người lính TS trong tôi lúc nào cũng phản ứng nhanh nên khó kìm lại được như bác ,qua các bài viết của bác tôi thật ngưỡng mộ và cố gắng học tập một phần của bác thôi là tôi đã thành công rồi ,Tôi có đọc qua cuốn sách THIÊN THỜI ĐỊA LỢI NHÂN HÒA mà sao không thực hiện được như bác .
  Chúc bác đón xuân thật vui vẽ và hoành tráng ,chào thân thiện !!!


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 13 Tháng Giêng, 2012, 07:25:06 am
Xin chào bác Dungtrinhsatd1.trong từng cá nhân,từng hoàn cảnh và từng biến cố cụ thể, thì bắt buộc chúng ta phải có phương pháp xử lý cụ thể như người xưa dạy "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" bác ạ. Còn chữ NHẪN thì đúng là khó, có thể ta TRI được nhưng HÀNH thì cực kì khó bởi vì chữ TÔI trong chúng ta lớn lắm. NHẪN, có chăng chỉ ở những bậc Thánh nhân. Tuy nhiên chúng ta đã đề cập và thường tư duy về chữ nhẫn thì ít nhiều chúng ta cũng được cảnh báo phần nào trong đối nhân xử thế bác ạ. Xin chúc bác và toàn gia dồi dào sức khỏe, an khang thịnh vượng trong năm mới. Chào


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 13 Tháng Giêng, 2012, 07:28:00 am


Gởi các bác clip giây phút cuối của anh Trỗi hy sinh.


Cám ơn bác Lamlinh31278.
                            


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: tranphu341 trong 13 Tháng Giêng, 2012, 07:52:24 am
            Chào các ban! Tranphu341 cảm ơn bạn lamlinh, bạn vetran đã sưu tầm được đoạn clip về vụ chế độ VNCH xử bắn anh Nguyễn văn Trỗi. Thật thương tâm, thật đáng khâm phục cho tinh thần và ý chí của anh Trỗi.

            Ngày xưa báo chí mình tuyên truyền là khi xử bắn anh còn giật khăn đen che mắt. Nhưng xem kỹ ở đây thì không phải?

            Anh Trỗi, chị Võ Thị Sáu, chị Trân thị Lý  anh hùng như vậy, ý chí như vậy mà sau gần 30 năm chiáu là 50 năm mới được phong tặng gianh hiệu anh hùng LLVT. THẬT VÔ LÝ!

                            TP CHÚC CÁC BẠN CÙNG GIA ĐÌNH KHỎE, LUÔN CÓ NHIỀU NIỀM VUI TRONG NHỮNG NGÀY CUỐI NĂM NÀY!


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 13 Tháng Giêng, 2012, 08:16:46 am
- Như lời của cổ nhân “Trời không cho ai tất cả và cũng không lấy đi tất cả” thời gian may mắn trong làm ăn phát triển kinh tế rất tốt nhưng tôi cũng phải chịu tổn thất quá lớn, song thân tôi đã rời xa chúng tôi vào cõi vĩnh hằng, nhất là mẹ ra đi trong đau đớn tức tưởi ngay ngày đầu năm mới, trong một tai nạn giao thông ngay cửa nhà mình,. Trong khi tuổi tác chưa cao, chu kì sinh học, sức khỏe thể chất và tâm lý bố mẹ rất tốt. mà sự cố này xảy ra vô lý đến tận cùng của cái vô lý đã làm cho tôi không còn cảm xúc trong ba ngày tang lễ, chỉ đến sau này ngồi một mình nghĩ lại và để nước mắt rơi trong vô định. Tôi ân hận đến suốt đời vì chưa bao giờ báo hiếu mẹ cha được phần nhỏ nhoi và cũng không bao giờ còn cơ hội, đành rằng nhân sinh không ai tròn được chữ HIẾU. Bản thân tôi hai lần bị tai nạn giao thông tưởng chừng gặp dấu chấm hết.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 13 Tháng Giêng, 2012, 08:17:59 am
. Rồi cũng như qui luật muôn thủa của ĐẠO: sau vòng Sinh, Hóa, Dị, Diệt, thì vạn vật lại được sinh ra từ Đạo. Niềm vui vô bờ bến đến với chúng tôi. Con trai tôi ra đời lúc 11h ngày 15 tháng 11 năm 1997. Chúng tôi căn cứ quyết định cách đó 15 năm nếu là con gái đặt tên theo địa danh quê ba, Giao Thủy (huyện Giao Thủy tỉnh Nam Định), nếu là con trai đặt tên quê mẹ, Triệu Sơn (huyện Triệu Sơn tỉnh Thanh Hóa). Nếu là con gái thứ hai thì sẽ Anh Thơ là mẹ Thi Thơ là con hoặc Thủy chị, Thủy em và như mong đợi Trần Nguyễn Triệu Sơn là tên cục cưng của chúng tôi. Kế đó tôi cất lại nhà mới, một căn nhà cấp hai với hơn ba trăm mét vuông phòng rộng rãi cho sinh hoạt. Đây mới thực sự là nhà với chín khu vực chuyên biệt tiện nghi thoải mái, ấm cúng, an toàn. Từ đây thoát cảnh ở căn nhà cũ bên Tân Qui ẩm thấp hôi thối không có chỗ cho nhu cầu sinh hoạt bình thường nhất mỗi ngày, hàng chục năm trời, rồi lại chui rúc tạm bợ trong căn nhà lá xiêu vẹo dột nát, xung quanh là hầm hố cống rãnh mất vệ sinh mấy năm gần đây. Hiện tại khả năng kinh tế khá ổn định, gia đình hạnh phúc đang tràn đầy thì xảy ra sự cố.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 13 Tháng Giêng, 2012, 08:20:00 am
. Đúng là (họa vô đơn chí). Sau một lần trăn trở giải quyết những hệ lụy do những con người có tầm và tâm èo uột nhân danh công lý làm chuyện xằng bậy đã gây ảnh hưởng kinh tế, uy tín chúng tôi. Tiếp theo vào một buổi tối, trong lúc đang làm việc, tôi cảm giác tay trái ngượng ngịu, nguyên một đêm trằn trọc không  ngủ được và sáng hôm sau ngón chân cái bên trái vướng quẹt nhẹ khi bước lên bậc cầu thang. Có chuyện rồi...Nhập viện với chẩn đoán tai biến mạch não. Nằm tại chỗ mười ngày, hai mươi ngày sau phải hạn chế di chuyển. Với một chế độ điều trị tích cực, sự chăm sóc thương yêu của Em và các con, căn bệnh dần ổn định,  trở lại làm việc nhưng hiệu quả chẳng là bao. Với những biến cố dồn dập như vậy, tôi bị trầm cảm nguyên một năm sau đó với các triệu chứng rối loạn thần kinh giao cảm, sống trong bất an, buồn vui thất thường và có lúc cảm giác không còn sức để sống, bi quan muốn tự tử. Bệnh của tôi đã trở thành sự bất ổn trong gia đình, nhưng có Em và các con thương yêu và hết mực nâng đỡ hóa giải tâm bệnh của tôi.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 13 Tháng Giêng, 2012, 08:25:38 am
Đặc biệt một hiện tượng xảy ra mà có thể chưa kết luận được nhưng rõ ràng sau tai biến mạch não thì việc sử dụng điện thoại di động là một trong những cộng hưởng làm cho sự trầm cảm kéo dài, do vậy hơn mười năm nay tôi không dùng điện thoại di động thì sức khỏe tâm thể ngày càng tốt hơn. Hiện tại nếu lỡ phải đàm thoại bằng điện thoại di động hoặc dòng điện thoại bàn không dây như CDMA trên mười phút thì coi như đêm ấy nằm ngồi không yên, đau đầu, bồn chồn mất ngủ.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: hatuyenha trong 13 Tháng Giêng, 2012, 08:26:15 am
 Chúc mừng vợ chồng em_ cặp vợ chồng lính biết cùng nhau vượt khó. Ông Trời không lấy đi của ai tất cả và cũng chẳng cho ai tất cả tuy có người nhiều người ít nhưng cái quí của đời người là ngã rồi vực nhau đứng dậy . Chia buồn với em nỗi đau không gì bù đắp được . Chúc mừng em những gì em đã vượt qua . Thật mong gia đình vợ chồng lính hạnh phúc tràn niềm vui.
 Ôi ông em có cái bệnh giống chị . Chị cũng bị khi vừa giải quyết xong quà Tết và lương , thưởng Tết cho anh chị em gần trăm người trong công ti của Tết năm 2004 , vừa cho nghỉ Tết hết, thì ngày 28 Tết nhập viện . Chồng con năm ấy mãi tận mùng năm Tết mới ăn với nhau một bữa cơm năm mới . Chưa bao giờ thấy có hai con sao ít vậy . Nằm viện 21 ngày ,xin về nhà nằm liệt 5 tháng rồi bắt đầu đi lại được . Vui nhất là còn đang đi lại chầm chậm mà đã đi dịch cho một đơn vị QD và đối tác. Một bên toàn tướng tá ,một bên toàn các toại tổng . Nhưng mình phải xin phép ngồi dịch
trong khi các Tướng và các Tổng đều đứng phát biểu.
 Nằm liệt phòng cấp cứu đặc biệt mà toàn ban chỉ huy của BTL TTLL tới thăm mình làm cả khoa A 21 của BV 108 mắt tròn mắt dẹt.
 Tết năm nay là tròn 8 năm , còn 2 năm nữa là hết hạn 10 năm đại hạn của mình . Có thể sau đó sẽ về thế giới cùng tổ tiên nếu ông Trời bảo ra đi, cũng có thể Ông bảo ở lại thì hậu vận khỏe mạnh và phát đạt. Thế nào cũng được.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 13 Tháng Giêng, 2012, 08:27:07 am
. Bình tĩnh phân tích những sự cố xảy ra liên tục như sau: Chúng tôi chủ quan ỷ vào sức mình, với cường độ làm việc đã vượt qua ngưỡng điều tiết sinh lý. Qua chiêm nghiệm những bất thường xảy ra với tôi là trùng hợp với thời điểm biểu đồ nhịp sinh học của tôi giao động xấu nhất cả ba dòng( trí tuệ, tâm lý và sức khỏe) gặp nhau dưới trục hoành, vì vậy tôi bị tai biến mạch não mà Em cũng không khỏe mạnh gì. Sau những đợt điều trị tích cực, sức khỏe ngày càng tốt hơn, công việc ổn định, chúng tôi tiếp tục củng cố nâng cao uy tín thương hiệu với lượng khách hàng ngày càng tăng, thành quả đạt được thực sự mỹ mãn


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 13 Tháng Giêng, 2012, 08:29:25 am
Chúc mừng vợ chồng em_ cặp vợ chồng lính biết cùng nhau vượt khó. Ông Trời không lấy đi của ai tất cả và cũng chẳng cho ai tất cả tuy có người nhiều người ít nhưng cái quí của đời người là ngã rồi vực nhau đứng dậy . Chia buồn với em nỗi đau không gì bù đắp được . Chúc mừng em những gì em đã vượt qua . Thật mong gia đình vợ chồng lính hạnh phúc tràn niềm vui.

Cám ơn chị đồng đội. Chúc chị vui khỏe, bình an.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: van_cuti trong 13 Tháng Giêng, 2012, 10:18:11 am
Đặc biệt một hiện tượng xảy ra mà có thể chưa kết luận được nhưng rõ ràng sau tai biến mạch não thì việc sử dụng điện thoại di động là một trong những cộng hưởng làm cho sự trầm cảm kéo dài, do vậy hơn mười năm nay tôi không dùng điện thoại di động thì sức khỏe tâm thể ngày càng tốt hơn. Hiện tại nếu lỡ phải đàm thoại trên mười phút bằng máy di động thì coi như đêm ấy nằm ngồi không yên, đau đầu, bồn chồn mất ngủ.
Bác vetran@ có thể sử dụng ĐTDĐ với chế độ rảnh tay và bộ phận tai nghe có dây (đừng dùng loại bluetooth) thì sẽ hạn chế được tác hại như trên. Kính chúc bác luôn mạnh khỏe.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 13 Tháng Giêng, 2012, 10:36:08 am
Đặc biệt một hiện tượng xảy ra mà có thể chưa kết luận được nhưng rõ ràng sau tai biến mạch não thì việc sử dụng điện thoại di động là một trong những cộng hưởng làm cho sự trầm cảm kéo dài, do vậy hơn mười năm nay tôi không dùng điện thoại di động thì sức khỏe tâm thể ngày càng tốt hơn. Hiện tại nếu lỡ phải đàm thoại trên mười phút bằng máy di động thì coi như đêm ấy nằm ngồi không yên, đau đầu, bồn chồn mất ngủ.
Bác vetran@ có thể sử dụng ĐTDĐ với chế độ rảnh tay và bộ phận tai nghe có dây (đừng dùng loại bluetooth) thì sẽ hạn chế được tác hại như trên. Kính chúc bác luôn mạnh khỏe.

Cám ơn bác Van-cuti, trước năm 1999 tôi là người đầu tiên trong nghành y tế quận 7 TP HCM dùng điện thoại di động, cái điện thoại do Anh Thơ mua cho chồng có hiệu Erison318 to như cục gạch, với vài chức năng thôi nhưng giá gần một cây vàng. Và tôi là người ngưng dùng điện thoại sớm nhất, dù bất tiện vì tôi thường làm việc với các tổng, các giám của các công ty  dịch vụ và sản xuất công nghiệp, do vậy sau làm việc, thường mấy ảnh hỏi carvisit hoặc số mobil xong đều trố mắt nhìn tôi như nhìn một sinh vật thời tiền sử hoặc người hành tinh khác. Có một người đẹp giám đốc công ty sản xuất thực phẩm gọi tôi là (người âm lịch) sau khi đề nghị tặng một con Alo đời mới nhất nhưng tôi đâu có nhận


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: tranphu341 trong 13 Tháng Giêng, 2012, 10:41:19 am
- Như lời của cổ nhân “Trời không cho ai tất cả và cũng không lấy đi tất cả” thời gian may mắn trong làm ăn phát triển kinh tế rất tốt nhưng tôi cũng phải chịu tổn thất quá lớn, song thân tôi đã rời xa chúng tôi vào cõi vĩnh hằng, nhất là mẹ ra đi trong đau đớn tức tưởi ngay ngày đầu năm mới, trong một tai nạn giao thông ngay cửa nhà mình,. Trong khi tuổi tác chưa cao, chu kì sinh học, sức khỏe thể chất và tâm lý bố mẹ rất tốt. mà sự cố này xảy ra vô lý đến tận cùng của cái vô lý đã làm cho tôi không còn cảm xúc trong ba ngày tang lễ, chỉ đến sau này ngồi một mình nghĩ lại và để nước mắt rơi trong vô định. Tôi ân hận đến suốt đời vì chưa bao giờ báo hiếu mẹ cha được phần nhỏ nhoi và cũng không bao giờ còn cơ hội, đành rằng nhân sinh không ai tròn được chữ HIẾU. Bản thân tôi hai lần bị tai nạn giao thông tưởng chừng gặp dấu chấm hết.
                Chào vetran! Đúng là bạn nói:"Trời không cho ai tất cả....". Tranphu341 có 9 chi em. Trong đó con trai là 5 người. TP là trai lớn( sau 1 người anh sinh ra mất ngay). Thế hệ trang lứa của TP thì hầu như ai cũng phải đi bộ đội ,phải chiến đấu và hy sinh rất nhiều ở Quản Trị, Khe Sanh .... TP đi bộ đội vào đ/v bb tham chiến nhiều , chết hụt cũng nhiều. Chắc do số hoặc các đấng "Bề Trên"CHE ĐỠ. mấy em sau của TP cũng phải đi bộ đội nhưng không bị vào đ/v tham chiến như TP.

                  Sau hòa bình, rồi sau chiến tranh BGTN,BGPB. Cả 5 ae TP đều an lành trở về. Nhất là TP Chiến thắng trở về, rồi những ngày này của năm 1981 cưới vợ. Niềm vui của đại gia đình thật trọn vẹn khi con trai từ chiến trường trở về, tiệc cưới linh đình, thêm con và hứa hện sẽ có thêm bầy cháu. Thì chỉ 2 tháng sau ngày cưới của TP. MẸ của TP bị lâm trọng bệnh liền 6 tháng rồi Mẹ của TP mất khi đó Mẹ mới có 55 tuổi. Thật vô cùng thương tiếc và cũng thật khó giải thích?????

                                             CHÚC VỆ-ANH THƠ CUỐI NĂM SẼ CÓ NHIỀU NIỀM VUI MỚI.
                       CHUẨN BỊ ĐÓN CHÀO NĂM MỚI ĐẠI THẮNG LỢI, LUÔN ĐẦY ẮP NHỮNG NIỀM VUI CUỘC SỐNG!


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 13 Tháng Giêng, 2012, 02:27:26 pm
Chào anh Tranphu341.  Thành thật chia buồn với anh vì bà mất lúc 55 tuổi thì sớm quá và tiếc thật. Mẹ em mất lúc qua tuổi 71 một ngày nhưng anh biết là sức khỏe của một nông dân tuổi đó còn rất tốt, hơn nữa bà rất vui khi đàn con của bà đều thành đạt. Từ Nam Định vào thăm các con trai con dâu cháu nội được mấy tháng thì tai họa ập đến. Các cụ nhà anh và nhà em giống nhau ở số lượng và cơ cấu con cái.  Bố mẹ em có 9 người con, hai gái năm trai. khoảng những năm cuối thập niên bốn mươi, hai anh trai em mất vì đói và tai ương (em đã viết trong bài). Em có chị cả và em gái út. Bố, mẹ và bốn trong năm người con trai đều ra trận, đều trở về an toàn,  thậm chí không bị trầy da sút móng, mặc dù ác liệt như thời chống Mỹ, anh trai lớn là biệt động quân ở mặt trận Bến Lức Long An, Chợ Đệm, Chợ lớn, hoăc chú em dưới em là công an vũ trang của quân khu 5 đồn trú tại Đền Preah Vihear, bây giờ ai cũng trưởng thành phát đạt. Em là con trai thứ 5 và là con thứ sáu của bố mẹ và là đứa con đầu tiên sinh ra tại nguyên quán sau khi bố mẹ từ Hà Nội về quê tham gia xây dựng chính quyền mới theo chủ trương của nhà nước. Vấn đề em tâm niệm là: Phúc tổ rất dày và gia thần gia tiên phù hộ nên mới được như vậy. CHÚC ANH KHỎE


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 13 Tháng Giêng, 2012, 05:30:54 pm
CÂU CHUYỆN THẦY TÔI: mấy năm trước đây, ông ngoại của các con tôi vào thăm con cháu, trong một lần ông nhìn chữ ký của thầy tôi trong nhận xét học bạ ra trường của tôi. ông nói: Sao chữ ký của thầy con giống chữ ký của thủ trưởng của bố tại quân y viện 111 đóng quân ở Thanh Hóa. Sau khi tìm hiểu kỹ thì đúng như vậy. Tức tốc tôi đón thầy tới nhà chơi, hai cụ gặp nhau tay bắt mặt mừng sau mấy chục năm chia tay nhau kẻ Bắc người Nam. Thông qua câu chuyện hàn huyên của các cụ, tôi được biết: những năm 70 thế kỷ trước, để phục vụ công tác cấp cứu điều trị thương bệnh binh của quân tình nguyện Việt Nam tại Nam Lào, cục quân y quyết định thành lập quân y viện dã chiến mang phiên hiệu QYV 111 sơ tán trong dân, đóng quân ngay tại xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn tỉnh Thanh Hóa quê vợ tôi và Ông làm viện trưởng, bố vợ tôi là sĩ quan hậu cần. Giải phóng miền Nam, Ông được điều động vào Sài Gòn tiếp quản quân y viện của quân đội VNCH mang tên BS quân y Trần Ngọc Minh để thành lập quân y viện 115 kiêm hiệu trưởng trường quân y thuộc cục quân y TCHC. Đó là thời kỳ tôi theo học cuối những năm 70. Ông về hưu sớm hơn qui định, và đến lúc sáu mươi tuổi lại tiếp tục cắp sách tới giảng đường để học. Sau mấy năm dùi mài kinh sử, Ông tốt nghiệp bằng Văn Chương hạng ưu tại trường đại học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, ngày đó nhiều báo chí ca ngợi tinh thần kiên trì học tập của Ông.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 13 Tháng Giêng, 2012, 05:56:13 pm
Ông nói: mặc dù nghành quân y rất đang cần những thầy thuốc thâm niên như ông nhưng Ông sẵn sàng lùi về phía sau cho những đồng chí trẻ hơn, năng động hơn thay thế phát triển. Ông nói tiếp: Văn là người, học văn, viết văn để tri ân đời, trả ơn người. Trong cuộc sống, Ông luôn tận tình giúp đỡ mọi người, khám bệnh miễn phí cho các cụ già, nhất là các thương binh, cựu chiến binh. Ông tình nguyện hướng dẫn dưỡng sinh cho câu lạc bộ Người cao tuổi. Trích quĩ lương mua sách vở, dạy Anh và Pháp ngữ miễn phí cho trẻ em nghèo hiếu học. Đặc biệt lúc Ông hiến thi thể cho khoa học ngay từ ngày đầu có phong trào này với thư hướng dẫn dặn dò tỉ mỉ các bác sĩ đồng nghiệp về các bệnh mãn tính và đặc điểm cơ thể Ông để đồng nghiệp chú ý trong nghiên cứu giảng dạy sinh viên y khoa khi nhận thi thể Ông. Qua những câu chuyện khi tiếp xúc và những thông tin tôi tìm hiểu về Ông trong hàng loạt báo "Cựu chiến binh quân khu 7", tôi rất  khâm phục và nhớ lại mấy chục năm trước làm học sinh của thầy với hình ảnh người thầy nhỏ nhắn tóc bạc, da mồi, chất giọng nhẹ nhàng truyền cảm xứ Huế và bây giờ còn biết thêm: đã một thời thầy là thủ trưởng của ông ngoại các con tôi. Nay đã ngoài tám mươi tuổi mà ông rất minh mẫn, ân cần và vẫn làm thơ, viết văn tri ân đời. Đó là đại tá bác sĩ Trần Đại Thành tại số 1 đường Ba Vì cư xá Bắc Hải Quận 10 tp HCM  


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 13 Tháng Giêng, 2012, 06:35:41 pm
Anh Thơ viết tiếp: Ngày đó, bố tôi là sĩ quan hậu cần công tác tại viên quân y 111 dưới quyền của bác Thành. Bố tôi trực tiếp với cơm áo gạo tiền của một bệnh viện dã chiến nhưng Ông rất liêm khiết, thậm chí chúng tôi ở nhà với mẹ rất đói nhưng chưa bao giờ bố tơ hào một đồng một hột của chung. Nhà tôi nghèo lắm, mà lại đông chị em nhưng còn rất nhỏ, tôi là chị cả. Có hôm đói quá, cuốc bộ xuống khu trường trung cấp nông nghiệp tỉnh nơi đơn vị bố đóng quân. Tôi ngồi dưới bậu cửa bếp chờ mấy cô cấp dưỡng cạy cho tảng cơm cháy sau khi chia cơm cho các chú bộ đội, tôi ăn một ít, còn  lại gói vào giấy báo đưa về cho các em, vậy mà bố cũng không đồng ý. Xuống với bố lúc đó còn nhỏ, tôi cũng không nhớ bác Thành mấy nhưng chị Giang con gái bác thì tôi nhớ vì chị hay cho tôi mấy cái quần áo cũ về sửa nhỏ lại để mặc vì quần áo chị em tôi thường xuyên rách hết. Tôi nhớ là bác rất hiền, nói với mọi người rất nhỏ nhẹ và rất thương mấy chú thương binh bệnh binh. Sau này lớn hơn một chút, tôi được bố cho xuống quân y viện 111 học y tá và rồi tôi đi miết vào thành phố Hồ Chí Minh rồi qua Căm Pu Chia. Ai Ngờ rằng bác lại là thầy của Anh. Thỉnh thoảng chúng tôi lại đến nhà thăm hai bác để được ăn cơm hến Huế và bánh lá do bác gái làm rất ngon mặc dù bác gái là người Hà Nội mà nghe bác kể: ngày xưa bác là nhân viên thương nghiệp làm việc trong bách hóa Tràng Tiền sát bờ hồ Hoàn kiếm, còn bác trai công tác trong bệnh viện quân đội ở thủ đô trước khi vào quê tôi thành lập QYV 111. Hiện nay anh Khánh chồng chị Giang là bác sĩ ở bệnh viên nhân dân 115. Giờ nghĩ lại những miếng cơm cháy, những cái quần áo cũ, tôi thầm cám ơn gia đình bác.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 13 Tháng Giêng, 2012, 08:52:30 pm
ANH THƠ; Người ta thường nói" Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời" Thưa các anh chị trong VMH và bạn đọc gần xa. Chuyện của tôi không ngon mà cũng không đau, nhưng có lẽ sẽ phải nhớ suốt đời. Giờ này sống trong bình yên và phát triển của mỗi gia đình và toàn xã hội, lại muốn nghĩ về quá khứ. Ngày đó những năm cuối thập niên 70. Quê tôi nghèo lắm, riêng  gia đình tôi còn đói khổ nữa. Bố thoát ly trong quân ngũ, mẹ yếu sức, trình độ học vấn không có, canh cánh bên mình một đàn con thơ nheo nhóc. Tôi là chị cả, sau mỗi buổi đi học ở trường làng về, tôi lại xách cái giành đi tìm rau má dọc theo con kênh thủy nông nằm vắt vẻo trên cao, trên cả con kênh (Nhà Lê). Khổ nỗi cả làng Bồ, nhà ai ai cũng tranh thủ đi tìm rau má cho nên làm chi còn lá mà bứt, tôi moi móc củ, rễ rau má dọc bờ kênh rồi rửa sạch một ít, đút vào miệng nhai ngấu nghiến vì đói quá, có buổi đói lả gục ngay xuống bờ kênh. Tỉnh lại, tiếp tục móc rễ cây  để đem về cho mẹ và các em... Vậy mà chị em tôi vẫn lớn nhanh như thổi, chẳng ốm đau gì ngoài cái chuyện lúc nào hai lỗ mũi cũng thò lò mủ xanh và ống tay áo cứng queo như mo cau vì được dùng quẹt ngang nước mũi. Ngày vào tới Sài Gòn, tôi thấy người ta đề bảng bên cạnh cái xe ép nước mía "Nước rau má giải khát, ngon, bổ, rẻ" mà tôi cười trong bụng"Đúng là dân Sài Gòn chỉ quảng cáo láo, rau má mà cũng cho là bổ". Bây giờ nghĩ lại cứ tủm tỉm cười một mình mà nước mắt lại trào ra vì đúng một thời rau má cũng là cứu cánh của dân nghèo quê tôi.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 14 Tháng Giêng, 2012, 04:51:03 am
 Vetran viết tiếp: và niềm vui lại đến, con gái xuất giá theo chồng. Là điều tất nhiên của tạo hóa của phận người nhưng sao tôi cảm thấy nao lòng khi chứng kiến con gái được làm lễ hôn phối ở thánh đường Xóm Chiếu và ra nhà hàng Vân Cảnh bên chàng rể khỏe mạnh hoạt bát. Năm sau có cháu ngoại kháu khỉnh hiếu động. Mẹ nó lại tiếp tục cái nghiệp của ông bà ngoại, làm việc chung với ông ngoại và phụ trách công tác dược tại một đơn vị của trung tâm y tế dự phòng quận 7 thành phố Hồ Chí Minh. Nay con gái tiếp tục học hàm thụ nâng cao chuyên môn. Con trai Triệu Sơn hiếu động thái quá, có lúc tôi tính mời chuyên gia tâm lý nhưng nay đã khá hơn và học giỏi, đàn piano và organ giỏi. Mỗi tuần vài buổi tối sau khi tôi nghỉ đọc, con trai học bài xong sẽ lướt phím vài bản cho ba mẹ nghe rồi ngủ.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 14 Tháng Giêng, 2012, 04:52:10 am
. Với công tác và chuyện làm ăn như vòng xoáy đã hút gần hết thời gian còn lại của chúng tôi, hơn mười năm không được đi chung trong dịp lễ hội, đám tiệc hay ngày nghỉ, không nghỉ mát du lịch hoặc về quê hương vì làm nghề này như nuôi con mọn, không thể tùy tiện đóng cửa theo ý mình, không để khách hàng thất vọng, nhất là những bệnh nhân tim mạch và bệnh mãn tính. Xét những yếu tố được mất trong cuộc sống hiện tại, tôi nghĩ phải biết dừng đúng lúc là hợp lý. Vì vậy tôi quyết định nghỉ kinh doanh với quan điểm “Tri túc, tiện túc, hà thời túc” để dành thời gian cùng gia đình con cháu về quê nội thăm anh em bà con, viếng lăng mộ tổ tiên và về quê ngoại thăm ông bà ngoại, họ hàng thân tộc, tạo ý thức cho con cháu hiểu nơi chôn nhau cắt rốn của mẹ cha để chúng ghi trong tâm khảm một chốn đi về.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 14 Tháng Giêng, 2012, 05:10:26 am
                 XIV/ Khát vọng tri thức
Mục đích lớn hơn xuyên suốt kế hoạch tiếp theo của tôi là dành thời gian học tiếp chương trình xã hội học và tâm lý học truyền thông. Hai năm tiếp theo với chương trình lý luận chính trị. Đây là những khóa học rất bổ ích để tôi nâng cao tri thức về xã hội, về thế giới quan với đỉnh cao thế giới quan duy vật và phép biện chứng duy vật, mà thời gian dài do nhiều yếu tố chủ quan, khách quan tôi chưa được tiếp cận. Với mục đích cuối cùng để có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư duy logic, vận dụng trong hoạt động thực tiễn khách quan hợp qui luật hơn. Tôi mê nhất môn triết học, kinh tế học chính trị và môn tâm lý xã hội.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 14 Tháng Giêng, 2012, 05:11:26 am
. Có một kỷ niệm về môn triết, là một môn tôi say mê ngay từ đầu và quá trình tiếp thu khá nhuyễn nhưng ngày sát hạch cuối cùng ngồi trước tiến sỹ Khánh và thạc sỹ Hoàng Lan thì tất cả chữ nghĩa đã không cánh mà bay khỏi đầu. Tuy thạc sĩ Lan hai lần nhắc mớm, nhưng bộ não tôi không thèm hoạt động, dù nội dung sát hạch quá dễ, người nào mới nhập môn triết cũng nắm được tinh thần nội dung trả lời vì nó là vấn đề cơ bản của triết học mà bất cứ trường phái triết học nào cũng phải giải quyết đó là nội dung câu hỏi " hãy trình bày định nghĩa “Vật chất” của V.I lenin . Giá trị khoa học và ý nghĩa phương pháp luận của định nghĩa ấy trong hoạt động thực tiễn".


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 14 Tháng Giêng, 2012, 05:12:31 am
. Thực ra tôi nắm khá vững cả phần lý luận và liên hệ thực tiễn nhưng buổi tối hôm trước bị một cơn huyết áp cao đột ngột, cả đêm không ngủ. Khi rút thăm câu hỏi, nhận giấy nháp, tôi đã có cảm giác toàn thân nhão ra, mồ hôi lạnh xuất hiện và cơn thiếu máu não bột phát, quay cuồng chóng mặt, mắt mờ nhòe, tai ù đặc. Cả thời gian chuẩn bị trả bài mười phút nhưng tờ giấy nháp vẫn trắng tinh, ướt nhẹp do mồ hôi tay. Vào vị trí trả bài với tâm trạng hụt hơi, trống ngực đập liên hồi. Đó là những triệu chứng biểu hiện không những của rối loạn sinh lý mà cả biểu hiện phản ứng do áp lực tâm lý, vì dù già đầu nhưng vị thế của mình lúc này cũng chỉ là học sinh ngồi trước mặt thầy. Biết chắc sẽ phải thi lại, tôi đánh liều dở trò láu cá trả lời cho qua chuyện: Thưa thầy phần vật chất không bình thường nên tư duy cũng bất bình thường!  Trả lời xong tôi bình tĩnh chờ kết thúc xấu là nhận điểm dow. Nhưng rất nhanh chóng thầy hỏi thăm đau bệnh ra sao, rồi thầy không xoáy sâu vào câu hỏi chính mà hỏi mấy câu phụ, thuộc hoạt động thực tiễn. Lúc này tôi cũng có vẻ tự tin trả lời khá rành mạch với câu trả lời cuối cùng: Thưa thầy! Xét đến cùng, với tư cách là một phạm trù triết học, định nghĩa (vật chất) của V.I Lenin cho phép chúng ta xác định cái vật chất trong lĩnh vực hoạt động xã hội, một hình thức vận động cao nhất của thế giới vật chất mà duy vật lịch sử đã chứng minh, đó là (tồn tại xã hội), là cơ sở vật chất của lý luận về những nguyên nhân cuối cùng của những biến cố xã hội, mà phương thức sản xuất quyết định về chất của mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử xã hội.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: haanh trong 14 Tháng Giêng, 2012, 12:45:50 pm
hehe bác vetran cho em hỏi ngoài luồng 1 tí nhưng cũng nằm trong dòng ký ức tâm sự đời tôi của bác  ;D cái ổ đề kháng mới xuất hiện trên địa bàn bác đã xác định được tọa độ và chuẩn bị các lực lượng tiêu diệt chưa ạ  ;D
Em xin chúc bác , người lính già trên mặt trận chống giặc bệnh nhiều sức khỏe , hạnh phúc và đạt nhiều thành tích diệt "địch" trong năm mới .


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 14 Tháng Giêng, 2012, 02:04:55 pm
hehe bác vetran cho em hỏi ngoài luồng 1 tí nhưng cũng nằm trong dòng ký ức tâm sự đời tôi của bác  ;D cái ổ đề kháng mới xuất hiện trên địa bàn bác đã xác định được tọa độ và chuẩn bị các lực lượng tiêu diệt chưa ạ  ;D
Em xin chúc bác , người lính già trên mặt trận chống giặc bệnh nhiều sức khỏe , hạnh phúc và đạt nhiều thành tích diệt "địch" trong năm mới .


Xin chào bác Haanh. bác thính đấy. bây giờ xã hội ta rất nhạy cảm về mọi vấn đề thuộc an sinh do vậy khi xuất hiện một vấn đề gì, nhất là thuộc lĩnh vực sức khẻ nhân dân thì các cơ quan chức năng và chuyên môn trên dưới đều đồng lòng( nhiều lúc hơi thái quá). Đã xác định chắc chắn tọa độ (khu vực kiểm soát của BS Chung), xác định được mức nguy hiểm, tiên lượng  chuẩn xác, và hiện tại rất dồi dào khả năng dập dịch trong thời gian ngắn nhất. Chúc bác và gia đình mạnh giỏi trong năm mới.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 15 Tháng Giêng, 2012, 07:15:42 am
Vetran viết tiếp: Thầy gật đầu, tôi thở phào nhẹ nhõm, cuối cùng được điểm bảy trong khi môn triết và môn kinh tế học chính trị thi vấn đáp ít ai trong hơn một trăm học viên qua được điểm tám. Sau này nhiều lúc ngồi nhớ lại tôi không hiểu vì sao nổi tiếng khó như thầy Khánh ( truyền đạt khúc triết nhập thần, trong truy bài thì ráo riế dồn đuổi mà tính tình cũng không mấy dễ chịu) lại dễ dàng bỏ qua kiểu trả lời cho qua chuyện của tôi. Nhưng nghiệm lại tôi thấy có lý: Thứ nhất, sự uyên thâm của các học giả là đánh giá rất toàn diện về con người nói chung và các môn đồ của mình nói riêng, nên các thầy xử lý tình huống rất nhân văn chứ không cứng nhắc theo khuôn mẫu nào đó mà vẫn giữ được tính nghêm túc và chất lượng giảng dạy. Thứ hai, tôi ngồi ngay bàn đầu gần chỗ đứng giảng của các thây cô nên dễ bị để ý, hơn nữa trong quá trình học tập, tôi rất hay phát biểu, nhiều khi cũng sai bét nhưng vẫn không chừa cái tính lanh chanh, nhất là môn triết. Cũng vì chiến tranh và những biến cố xã hội một thời ly loạn mà tôi và bao nhiêu thanh niên dở dang học hành, nhưng tố chất khát vọng tri thức của bản thân, cố gắng khắc phục khiếm khuyết để tiếp cận mở mang tri thức, do vậy tất cả mười môn còn lại đều đạt điểm cao. Một nếp quen ngay từ nhỏ và nay đã trở thành nhu cầu của tôi là đọc.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 15 Tháng Giêng, 2012, 07:16:58 am
.Đọc để tìm hiểu cập nhật kiến thức, nhất là khoa học xã hội. Mỗi ngày tôi thường dành ít nhất hai đến ba giờ để đọc nhưng chọn lọc thông tin trên những kênh chính thống. Em và các con cũng thấu hiểu điều đó nên đã xắp xếp thời gian và một không gian yên tĩnh cho tôi và tôn trọng công việc của tôi, không bao giờ quấy rầy, ngắt quang tư duy của tôi trong thời gian tôi làm việc. Nhằm tìm hiểu sự kế thừa và phát huy tinh hoa từ các trào lưu trường phái triết học thế giới qua các thời đại. Nhất là triết học cổ điển Đức mà trong đó là toàn bộ tri thức triết học vượt thời gian của nhân loại mà các nhà tư tưởng cận và hiện đại thường gọi: đó là thời đại “Triết học phương Tây vượt qua đêm dài trung cổ” được đề cập với những triết gia: Cantơ, Heghen, Lutvich Phoiơbach. Trong đó những hạn chế cuối cùng đã được Mack khắc phục kế thừa và được hoàn chỉnh trong triết học Mac – Lenin, được chuyển biến cơ bản về chất, đạt trình độ mới của chủ nghĩa duy vật hiện đại.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 15 Tháng Giêng, 2012, 07:17:50 am
Là tri thức về thế giới quan, nhận thức luận và phương pháp luận, trở thành một trong ba thành tố cấu thành chủ nghĩa Mac - Lenin. Tôi đọc nhiều sách về triết học Đông phương, Nhất là Trung Hoa cổ đại và Ấn độ cổ đại là hai trong ba cái nôi văn hóa nhân loại bên cạnh Hy Lạp cổ đại. Đi sâu vào khía cạnh hình thái ý thức xã hội, tôi tìm hiểu các tôn giáo lớn như: Phật giáo đi sâu phái Đại thừa với tài liệu (Triết học tôn giáo, Phật học, Phật pháp, tôn giáo học, thiền học, Phật giáo Việt Nam). Thiên chúa giáo với (Thần học - triết học tôn giáo trong nền văn hóa châu Âu – Địa trung hải. Sách Khải Huyền. Kinh thánh tân ước. Sách cựu ước, Sách mục vụ. Tác phẩm Thần khúc của Dante). Khổng giáo – Trung hoa cổ đại – Trung Quốc học với ( bộ Tứ Thư. Bộ ngũ kinh. Tôn giáo học. Nho gia châm ngôn lục. Triết học đông phương, Đạo Khổng trong xã hội Việt Nam). Ấn Độ cổ đại với (Sử thi Mahatmabharat. Sử thi Ramayana. Lịch sử Tajmahall, lịch sử lưỡng Hà. Dòng họ Gandi). Đạo giáo (Lão- Trang) với thiên lý Âm dương- ngũ hành. Hình, lý, khí.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 15 Tháng Giêng, 2012, 08:07:11 am
. Từ tinh hoa tri thức của các trường phái, các trào lưu triết học qua các thời đại Đông Tây, kim cổ. Tôi cảm nhận hoàn cảnh và thời điểm ra đời của tư tưởng triết học Việt Nam như sau:
Suốt mấy nghìn năm,người Việt Nam là chủ nhân của mảnh đất này.Trong quá trình dựng nước giành độc lập và giữ nước ,họ dần hình thành một tư duy khái quát về tự nhiên,  xã hội, con người, về con đường, biện pháp nhận thức và cải tạo thế giới khách quan sao cho có lợi cho mình. Tư duy này là cơ sở để tiến tới tư duy Triết Học. Việt Nam nằm giữa hai cái nôi văn hóa lớn của thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ cổ đại. Hệ thống triết học phương Đông mà hai nước trên là tiêu biểu có điều kiện truyền bá vào nước ta từ sớm. Tuy nhiên, dù mang đậm sắc thái triết học Đông phương nhưng nền triết học Việt Nam không phải là hình ảnh thu nhỏ của triết học Ấn Độ hoặc Trung Quốc, đồng thời cũng không phải là những bản sao rời rạc của hai nền triết học trên như quan niệm của những học giả phương Tây đánh giá. Đầu thời kì Bắc Thuộc. Đến thời cận đại, do sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản phương Tây, nhiều trào lưu triết học của phương Tây cũng đã giới thiệu vào Việt Nam.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 15 Tháng Giêng, 2012, 08:10:11 am
. Ở thời hiện đại, do yêu cầu của công cuộc giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp, trào lưu triết học Mác-Lê Nin được truyền bá mạnh mẽ vào nước ta. Đó là những điều kiện khách quan thuận lợi,góp phần thúc đẩy sự hình thành và phát triển của tư duy triết học Việt Nam. Tư duy vốn có của dân tộc cộng với các học thuyết triết học vốn có từ bên ngoài truyền vào, đã khiến người Việt Nam từ lâu trong lịch sử đã hình thành một tư tưởng triết học. Tư tưởng này do hạn chế khách quan và chủ quan, chưa trở thành hệ thống, chưa xuất hiện các trường phái triết học, các nhà triết học thực thụ. Nhưng đã có những hệ tư tưởng ,các nhà tư tưởng mang sắc thái triết học.Chịu các ảnh hưởng của triết học Trung Quốc và triết học Ân Độ, tư tưởng triết học Việt Nam mang những nét chung của triết học phương Đông. Đó là hệ thống khái niệm, phạm trù của triết học phương Đông, là sự chú trọng vào vấn đề xã hội và con người, là sự gắn bó giữa triết học với chính trị và đạo đức,hoặc giữa triết học với tôn giáo,v.v


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: leasedline trong 15 Tháng Giêng, 2012, 11:55:35 am
Gởi lại hai bạn tấm ảnh này buổi OFF ngày 07/1/2012


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: tranphu341 trong 15 Tháng Giêng, 2012, 02:06:18 pm
                    Chào các bác! Tranphu341 nhận thấy vetran đang có 1 kho tri thức, hiểu biết khổng lồ. Điều này chứng tỏ chủ nhân của Topic phải đọc, phải học, phải có tư duy và tích lũy nhiều mới lại kể ra viết ra được những chuyện Đông Tây Kim Cổ như vậy rất là logic. TP đọc và cũng hiểu thêm được rất nhiều điêu.

                    TP cách đây mấy năm có được sang Ấn Độ mấy chục ngày. Cũng đi đến 1 số nơi. thăm thú đất nước, con người, các di tích kỳ quan của thế giới vv....Có điều TP nhận thấy Ấn Độ là gốc của Đạo Phật. Nhưng các chùa chiềng, Đền thờ, họ hoàn toàn không giống như ở Việt Nam. Trong Chùa, Đền, không có tượng các vị Phật, vị Thánh như ở Việt Nam mình????

                     Bạn lease.. Chụp được bức hình 2 vợ chồng Vệ-Anh Thơ đẹp vui và sôi động quá. Thật đẹp đôi.

                     CHÚC CÁC BẠN LUÔN CÓ NHIỀU SỨC KHỎE VÀ NIỀM VUI CUỘC SỐNG!


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: leasedline trong 15 Tháng Giêng, 2012, 02:36:26 pm
                                     Bạn lease.. Chụp được bức hình 2 vợ chồng Vệ-Anh Thơ đẹp vui và sôi động quá. Thật đẹp đôi.

                     CHÚC CÁC BẠN LUÔN CÓ NHIỀU SỨC KHỎE VÀ NIỀM VUI CUỘC SỐNG!

Anh tranphu341 ơi, em xin lỗi, tấm hình trên là do anh Đức K8d5 chụp, em chỉ gởi giúp thôi ạ


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 15 Tháng Giêng, 2012, 05:00:06 pm
                                    Bạn lease.. Chụp được bức hình 2 vợ chồng Vệ-Anh Thơ đẹp vui và sôi động quá. Thật đẹp đôi.

                     CHÚC CÁC BẠN LUÔN CÓ NHIỀU SỨC KHỎE VÀ NIỀM VUI CUỘC SỐNG!

Anh tranphu341 ơi, em xin lỗi, tấm hình trên là do anh Đức K8d5 chụp, em chỉ gởi giúp thôi ạ

 Cám ơn anh tranphu34 và leasedline. Có lẽ Vetran là SAO mới nổi, cho nên bị duck8d5 săn ảnh lúc đang bị rượu AMakong của NVLAC gây hưng phấn chứ Vetran đẹp trai và phong độ lắm chứ đâu có bèo nhèo dựa vào vai Anh Thơ như vậy.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 15 Tháng Giêng, 2012, 05:17:32 pm
.Chào anh Tranphu341. Nhân ý kiến nhận xét của anh về chùa chiền Phật giáo qua chuyến thăm Ấn Độ, thì em xin trình bày mấy suy nghĩ của mình thế này. xét các tài liệu em tìm hiểu thì giáo lý, giáo pháp, và các khái niệm trong tiết lý nhân sinh, cái vô thường, vô ngã, sắc sắc, không không, khái niệm phân định Phật, Pháp, Tăng là giống nhau,nhưng hình thức thờ tự và nội dung qui trình hành đạo của Phật giáo thì có những nét khác nhau ở từng vùng miền lãnh thổ bởi khi du nhập vào mỗi nơi, Phật giáo còn bị chi phối ảnh hưởng, thậm chí đồng hóa bởi các tín ngưỡng khác, các tập tục thờ thần của dân bản địa như thờ thần sông, thần núi, thổ thần hoặc thờ totem do vậy trong bài trí không gian thờ tự, cơ cấu tượng phật và các biểu trưng, cách hành lễ  khác nhau. Nhân đây em xin mạo muội hầu bác mấy thông tin về tư  tưởng của nhân dân đồi với phật giáo tại Việt Nam.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 15 Tháng Giêng, 2012, 05:21:51 pm
-  Phật giáo được truyền thẳng từ Ấn Độ vào Việt Nam trong những năm đầu công nguyên do các tăng sĩ và thương gia đến bằng đường biển là Phật giáo phái tiểu thừa do đó trong ngôn ngữ Việt, nhất là phía Bắc có từ Bụt để chỉ Phật là phiên âm từ Buoddha  theo Phạn ngữ. Nhưng đến khi các giáo sĩ Trung Hoa truyền đạo Phật vào Việt Nam lại mang màu sắc phái đại thừa cho nên Phật giáo ở Việt Nam hiện nay mang dấu ấn phái đại thừa là chính. Trước khi Phật giáo được truyền bá vào đất Giao Châu thì dân bản địa thường thờ đa thần. Do vậy với khái niệm Bụt và các chuẩn tắc, khái niệm trong giáo lý nhà Phật dễ dàng đồng hóa những khái niệm về Thần ở thời buổi sơ khái của tôn giáo mới du nhập  trên vùng đất mới này nên nó thấm vào đời sống tâm linh người Việt cổ như nước tìm được nguồn lạch thấm dần. Qua tham khao tài liệu chính thống, cùng những tác phẩm văn học, các giáo khoa giáo dục phổ cập và đi thực tế ở những vùng miền phía bắc, nhất là vung sâu, vùng xa. Em nhận ra một điều, từ Phật có vẻ xa lạ và khó cảm hơn từ Bụt đối với dân chúng nói chung, nhất là ở lớp người lớn tuổi và lớp đồng ấu, có lẽ một phần cũng do nhận thức qua khái niệm, vì Bụt được mã hóa từ hình ảnh phúc hậu hiền lành đến những phẩm chất thần thông biến hóa, lòng vị tha nhân ái mênh mông, Bụt giúp đỡ người cùng khổ bệnh tật cô đơn, Bụt ban phát những ân huệ cho người đức hạnh, nhưng không có thông tin nào đề cập đến Bụt trừng phạt kẻ ác. Đạo Phật ở Việt Nam không có sự tách bạch giữa các phương pháp tu hành để giải thoát. Chủ trương dung hợp giữa tự lực và tha lực, kết hợp giữa Thiền Tông với Tịnh Độ Tông đã thể hiện ở cách thờ tự tại chùa chiền Việt Nam đó là thờ rất nhiều tượng: Thích ca, Bồ tát, La Hán, A Di Đà, Di Lặc, Quan Âm.v.v. Với nhiều kiểu dáng, thời điểm kiết già hay nhập niết bàn, tư thế truyền đạo của các vị. EM CHỜ Ý KIẾN CỦA ANH.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 16 Tháng Giêng, 2012, 05:30:25 am
 Vetran viết tiếp: Cũng như lịch sử triết học thế giới. Triết học Việt Nam không nằm ngoài cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật và duy tâm mà ở đó không có trận tuyến, không trải rộng trên tất cả mọi bình diện xã hội. Từ thời kỳ phong kiến. Thế giới quan chung trong xã hội ta là duy tâm tôn giáo, còn quan điểm duy vật và vô thần cũng chỉ biểu hiện tùy thời gian, tùy khía cạnh xã hội, sự việc, con người. Do vậy cùng một chủ thể, thời gian và ở vấn đề khác lại thuộc duy tâm mà dù đứng trên lập trường nào thì tư tưởng triết học Việt Nam cũng cần giải quyết vấn đề Tâm và Vật, linh hồn và thể xác, Lý và Khí ..


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 16 Tháng Giêng, 2012, 05:31:08 am
Chủ nghĩa duy tâm ở Việt Nam luôn mang màu sắc tôn giáo, xuất phát từ tam giáo (Nho, Phật, Lão - Trang) và tín ngưỡng dân gian cổ truyền. Trong đó kẻ thống trị phương Bắc thường dựa vào các khái niệm từ duy tâm khách quan của nho giáo như (Thiên mệnh) mà đè nén đàn áp dân chúng, hoặc quan điểm duy tâm chủ quan của phật giáo khái niệm về (nghiệp và kiếp) để ru ngủ tính đấu tranh vươn lên của con người, chỉ an phận với vị trí đã có. Ngoại bang và giai cấp thống trị khoác lên xã hội ta một cái áo của chủ nghĩa duy tâm tôn giáo với “Thiên lý – đạo đức phong kiến” và “Nhân dục – Nhu cầu của con người” với luận điểm nếu thiên lý mạnh và thắng thì (xã hội yên hàn). Nếu con người không biết “tiết dục – giảm sự mong muốn” thì (thiên hạ loạn).


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 16 Tháng Giêng, 2012, 05:32:31 am
Tức là họ không muốn hiểu nhu cầu của con người là tự nhiên, là động lực thúc đẩy xã hội phát triển. Quan điểm của phái Pháp trị còn cực đoan hơn với những Tam tòng tứ đức trói buộc thân phận người phụ nữ như “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phư tử tòng tử”. Hoặc sự ràng buộc một chiều của đạo Vua tôi, cha con, vợ chồng với“ Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung. Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu” “Phu xướng  thê tùy” v.v. Tuy nhiên dù bằng những quan điểm, những thuật ngữ mị dân của cả một thể chế xã hội phong kiến phương Bắc và phong kiến Việt Nam nhưng  qua hoạt động thực tiễn của quần chúng,  trong nhân dân nước ta cũng xuất hiện nhiều tư tưởng tiến bộ chống đối lại cái tư tưởng đô hộ bằng những khái niệm ngược lại mặc dù còn bộc trực


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 16 Tháng Giêng, 2012, 05:39:19 am
 Như:  Tư tưởng duy tâm của tầng lớp thống trị áp đặt (mệnh trời) của nhà Nho, (Báo ứng) của nhà Phật, (Âm khí) của nhà Đạo mà họ cho người làm Vua là do mệnh trời thì dân cho là (được làm vua, thua làm giặc) chứ không chịu khoanh tay khuất phục. Nếu (con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa) thì dân cho là ( khi nào dân nổi can qua, con vua thất thế lại ra quét chùa), Nếu (nhân nào quả ấy) thì dân nói (ăn trộm ăn cướp thành tiên phật, năng đi chùa chiền bất toại bán thân). Nếu (mồ mả cha ông táng trong long mạch) thì con cháu hưởng phúc thì dân nói (hòn đất mà biết nói năng thì thậy địa lý hàm răng chẳng còn).


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 16 Tháng Giêng, 2012, 05:40:17 am
. Người Việt Nam thường nêu các phạm trù: Tâm- Vật, Tâm – Cảnh (Phật Giáo),Hình – Thần, Khí – Lí, Trời – Người (Nho giáo). Nói chung quan niệm của họ là duy tâm, vì cho rằng Tâm là nguồn gốc của Vật, Tâm quyết định Cảnh, Thần quyết định Hình, Lí quyết định Khí, Trời quyết định Người. Lúc này khoa học tự nhiên chưa xuất hiện, con người không có điều kiện hiểu được bản chất của thế giới vật chất. Tri thức đó chủ yếu là Tri thức kinh nghiệm. Tuy nhiên,bằng hoạt động thực tiễn để cải tạo hoàn cảnh và cải thiện nhân sinh, cũng có những người đã phần nào vượt qua quan điểm chính thống đó.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 16 Tháng Giêng, 2012, 06:14:44 am
Họ cho cảnh và tâm gắn bó chặt chẽ với nhau, như xem mệnh trời gần như là quy hoạch khách quan và với nó con người phải tuân theo, như cho lòng dân là ý trời ‘’nhân nguyện thiên tòng’’- Phan Bội Châu, như cho con người có thể thắng được trời “ Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều’’- Nguyễn Du. Nét nổi bật về tư tưởng của triết học Việt Nam là chủ nghĩa yêu nước. Chủ nghĩa yêu nước này không dừng lại ở tâm lí, tâm trạng và tình cảm, mà trở thành một lí luận, một quan niệm. Đó là quan niệm về độc lập dân tộc và quốc gia có chủ quyền. Quan niệm đó đã có sự phát triển, từ nhận thức về vùng trời, lãnh thổ riêng biệt…đến một quan niệm toàn diện về thực thể đất nước,mà ở đây, quan niệm của Nguyễn Trãi là tiêu biểu nhất: Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu, Nước non bờ cõi đã chia, Phong tục Bắc Nam cũng khác; Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần; bao đời xây nền độc lập; Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên; mỗi bên hùng cứ một phương; Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, Song hào kiệt thời nào cũng có.’’


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 16 Tháng Giêng, 2012, 06:16:00 am
Ông đã đề cập đến các yếu tố làm nên dân tộc độc lập và quốc gia có chủ quyền, đó là văn hóa (văn hiến), lãnh thổ (bờ cõi núi sông), phong tục, lịch sử, con người. Trong điều kiện lúc đó, thì quan niệm như vậy là khá sâu sắc. Đấu tranh để giữ gìn độc lập dân tộc và bản sắc dân tộc là một nhiệm vụ thường xuyên của lịch sử. Để thực hiện nhiệm vụ đó, người Việt phải có lực lượng và cơ sở để tạo ra lực lượng. Vấn đề là tìm ra được nguồn gốc và động lực của công cuộc giữ nước và dựng nước. Các nhà tư tưởng trong các thời kì, tuy ở những hoàn cảnh khác nhau, và với những thực lực dân tộc khác nhau, nhưng đều đi đến nhất trí ở một quan điểm, đó là xem sự "Đồng lòng là Sức Mạnh’’.Trần Quốc Tuấn cho rằng,có tạo được cục diện "Lòng dân không chia’’,"Cả nước góp sức’’ thì mới thắng được giặc. Nguyễn Trãi thì kiêu hãnh nói với quân địch "Quân ta muôn người như một’’.Phan Bội Châu thì khái quát "Có đồng lòng người mới hoàn thành công nghiệp’’.Còn chủ tịch Hồ Chí Minh thì nêu thành nguyên lí  “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết – Thành công, thành công,đại thành công’’


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 16 Tháng Giêng, 2012, 06:17:05 am
Làm thế nào để thể hiện được sự đồng lòng? Đây không thể chỉ là lời kêu gọi, mà còn là ở thái độ và chính sách của bề trên. Đó là thái độ xem việc nước như việc nhà, xem mọi người như cha con, anh em.Trần Quốc Tuấn nói: "Có thứ quân lính một lòng như con thì mới dùng được’’. Nguyễn Trãi cũng nói: “Dưới trên một dạ cha con’’. Còn chủ tịch Hồ Chí Minh thì gọi người trong nước là ‘’Đồng Bào’’. Câu chuyện mẹ Âu Cơ đẻ một bọc trăm trứng nở trăm con, cũng được các thời nâng niu truyền tụng vì lẽ đó. Để tạo ra được sức mạnh dân tộc, sức mạnh xã hội, người có trách nhiệm với lịch sử ngoài việc phải đồng cam cộng khổ với dân, còn phải nhận thức được vai trò quan trọng của dân: Dân là gốc nước, được dân thì được nước, toàn dân đoàn kết, đất nước an ninh thịnh trị "dĩ dân vi bản, bản cố bang ninh" Triều đình là thuyền - dân là nước - nước chở thuyền nhưng cũng làm lật thuyền….Từ đó phải có một chính sách sao cho quy tụ được lòng dân.Lý Thường Kiệt yêu cầu phải "nuôi dân’’;Trần Quốc Tuấn chỉ rõ - có "nới lỏng sự đóng góp của dân’’ thì mới là kế "sâu gốc, bền rễ ’’.Nguyễn Trãi thì khuyên nhủ: “Đem dân mựa nữa, mất lòng dân’’


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 16 Tháng Giêng, 2012, 06:23:12 am
 Đúc kết những yếu tố khách quan, chủ quan và tất yếu lịch sử xã hội Việt Nam. Tôi nhận thấy: Trong suốt cả ngàn năm của chế độ phong kiến Việt Nam, đất nước trì trệ với phương thức sản xuất lạc hậu, khoa học tự nhiên không có điều kiện ra đời, cuộc đấu tranh của cả hai dòng tư tưởng chưa đạt tới trình độ sâu sắc toàn diện. Vì dù trong lịch sử dân tộc, các vị lãnh đạo đất nước đã vượt qua bao nhiêu khó khăn hạn chế của thời đại, của bản thân nhằm xây dựng nên lý luận sắc bén cho đất nước nhưng khách quan mà nhận xét: lý luận đó còn rất nhiều hạn chế, nó không chú trọng đến nhận thức luận và phương pháp tư duy, là những vấn đề quan trọng của triết học. Nó không giám trái với kinh điển của Thánh Hiền, không biết lấy thực tiễn của đất nước kiểm nghiệm chân lý, không biết lấy việc xây dựng lý luận làm mục tiêu phấn đấu. Nên không tạo ra được những nhà triết học với một trường phái triết học mang sắc thái riêng. Theo thời gian, ta phải điểm qua những nội dung tư tưởng yêu nước với: Nhận thức về dân tộc, dân tộc độc lập. Những quan điểm về nhà nước của một quốc gia độc lập ngang hàng với quốc gia phương Bắc. Những nhận thức về nguồn gốc, về động lực của cuộc chiến tranh cứu nước, giữ nước và cuối cùng là những quan niệm về đạo làm người, mà lịch sử đặt ra cái ( Đạo) đó phải ngang tầm thời đại. Và hơn bao giờ tư tưởng tiến bộ và phong trào cách mạng trong lòng xã hội Việt nam cũng đã đủ chín muồi để chủ nghĩa Mac – Lenin du nhập vào những năm đầu thế kỷ XX và đương nhiên xã hội ta được trang bị một hệ tư tưởng mới tiến bộ là triết học khoa học cách mạng của nhân loại. Triết học Mac – Lenin, nhờ đó nhiều vấn đề thực tiễn của đất nước được nhận thức trên bình diện lý luận. Và lịch sử triết học Việt Nam có điều kiện bước qua một bước ngoặt mới.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 17 Tháng Giêng, 2012, 05:18:46 am
•   VỀ VĂN HÓA PHỒN THỰC VÀ TÍN NGƯỠNG THỜ LINGA & YONI: Những năm tháng còn công tác  trong quân đội. Quá trình tìm hiểu đất nước Chùa Tháp, từ tài liệu và so sánh với thực tế những cuộc viếng thăm chùa chiền đền đài, điện thờ của các tôn giáo ở Kampuchea,  tôi cảm nhận tín ngưỡng phồn thực ở quốc gia này, và từ đó trở thành cơ sở thúc đẩy tôi tìm hiểu văn hóa phồn thực trên thế giới và Việt Nam. Vốn xuất hiện rất lâu đời trên thế giới. Tồn tại và duy trì ở nhiều quốc gia như: Ba tư, Hy Lạp, Ai Cập, La mã, Nhật Bản.v.v. Riêng Ấn Độ và một số nước ảnh hưởng của các công cuộc Ấn hóa, tập tục tôn vinh Linga trở thành tín ngưỡng tôn giáo, đó là tín ngưỡng thờ thần Shiva qua hình tượng Linga (Phallus – dương vật). Đến thời cai trị của các Varman (Vua, lãnh chúa) ở một số nước Đông Nam Á với quan niệm thần quyền song đôi với Vương quyền của vua chúa thì tục thờ Linga chính nhà vua đang trị vì và duy  trì tới thời cận đại. ( Shiva là vị thần thứ ba sau Bharama và Visnu trong nhất vị tam thể của hindu giáo. là vị thần chủ trì về tình dục, sự phồn sinh nảy nở của muôn loài, sự sung túc đầy đủ của vạn vật trong vũ trụ).


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 17 Tháng Giêng, 2012, 05:19:33 am
Ở Việt Nam, văn hóa phồn thực xuất hiện trên dưới 10.000 năm trong cuộc cách mạng Đá mới. Là một phần trong tổng thể kho tàng văn hóa dân tộc đa dạng nhiều gam màu, thi vị và có trầm tích phong phú lâu đời đủ kết tinh và thăng hoa, mang trong đó nhiều yếu tố tâm linh sương khói. Với tư duy tâm linh về sự ra đời của một sinh linh là do sự kết hợp của âm dương từ cha mẹ và càng thiêng liêng thần tiên khi sinh linh ấy được sự bảo bọc trong bụng rồi được ra đời qua sinh thực khí của mẹ. Mẹ nằm ngửa lên trời mỉm cười mãn nguyện sau khi sinh nở và cũng tư thế ấy Mẹ từ giã cõi đời này. Tôn thờ Mẹ, tôn thờ Cha qua hình ảnh sinh thực khí của họ ( Linga và Yoni) là khát vọng, là sự tôn vinh hoàn toàn linh thiêng  thần thánh mà văn hóa phồn thực Việt nam được duy trì bằng truyền thuyết, thơ ca, chuyện kể, bằng những dấu tích trên cổ vật được khai quật.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 17 Tháng Giêng, 2012, 05:20:12 am
. Bằng các lễ hội dân gian như : Lễ hội nõ nường, lễ hội linh tinh tình phộc, hội chen, hội tắt đèn, lễ hội Kate (hội té nước của đồng bào Chăm). Toàn bộ lễ hội diễn ra nhiều hay ít ngày tùy tập tục, tùy địa phương nhưng giây phút sống động nhất được qui định trong lễ hội đó là hàng chục phút nam nữ trong lễ hội tỏ tình bằng nhiều kiểu cách trong bóng đêm dày đặc của núi rừng sau hiệu lệnh (tắt đèn) của vị Trưởng tế, để khi đèn sáng trở lại thì toàn bộ không gian lễ hội trở thành bãi chiến trường, mà có những cặp chưa kịp chui ra từ những lùm bụi cây quanh vùng. Kế đó là tục thờ bà Đanh (Banh), thờ Nữ Oa. Tục cạy cửa.v.v.Ở các vùng Bắc Giang, Hà Bắc, Hà Tây, Hà Nội, Hải Hưng, Thái Bình và các tỉnh trung và Nam trung bộ.v.v.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 17 Tháng Giêng, 2012, 05:34:45 am
Với các màn trình diễn sống động trữ tình và trang trọng. Tùy từng vùng miền có các loại hình tổ chức khác nhau nhưng chung qui việc tổ chức rất nghiêm túc qui củ lớp lang chặt chẽ, có vị chủ tế (thường là các vị cao niên trong làng), có các khí tự thờ cúng như trống chiêng đàn sáo, có biểu sớ dâng tấu và không thể thiếu hai vật linh bằng gỗ và mo cau hoặc bằng một chất liệu nào đó mô phỏng Linga, yony một cách linh hoạt. Quá trình diễn ra lễ hội cũng tùy vùng miền nhưng thường vào khoảng ngày mười sáu tháng giêng là thời điểm trăng đẹp nhất và không khí mùa xuân cũng tạo cho con người, vật nuôi, cây cỏ, chim muông niềm phấn khích, phong tình nhất. Văn hóa phồn thực mang đậm nét nền văn minh lúa nước mà tôi nghĩ ở vùng đồng bằng các nước Đông Nam Á nói chung và ở Việt Nam nói riêng với yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng, sông nước mênh mông, kênh rạch chằng chịt, châu thổ phì nhiêu sản vật, với mái chèo của ghe xuồng êm ái thướt tha trên sóng trôi êm đềm đã hình thành nên những: câu hò vè, cải lương, tuồng chèo đầy thi vị, sâu lắng tâm hồn trong không gian thanh bình làm cho lòng người thư thái yêu đời.. Đó là thông điệp để chuyển tải giá trị tinh thần : Cầu mong sự sống thái hòa, con cháu đông vui, cây cỏ chim muông cầm thú và vật nuôi sinh sôi nảy nở, mùa màng phồn thịnh.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 17 Tháng Giêng, 2012, 05:36:36 am
. Nhân đây tôi cũng nêu một số nét so sánh với văn hóa bình nguyên để lột tả được nét đặc thù của những vùng miền khác nhau ở tầm địa cầu. Chúng ta có thể cảm nhận đời sống lao động sản xuất của cải vật chất, đời sống tinh thần văn hóa của vùng cực Bắc hoặc viễn Tây với bình nguyên mênh mông hoặc sa mạc bạt ngàn cát phủ thì những làn điệu dân ca, tuồng chèo không thể tồn tại mà đặc trưng của nó là âm điệu của vó ngựa phi, là âm thanh mạnh mẽ chát chúa của vũ khí chinh phục, của gió xoáy và bão cát. Mà trong nhịp sống gấp gáp sôi động ấy không thiếu hình ảnh bi hùng ngang tàng của những hảo hán nội  Mông hoặc Cowboy miền viễn Tây, mà theo đó cách tỏ bày tình cảm, tình yêu nó cũng mãnh liệt cuồng phong. Qua tìm hiểu hai trong ba cái nôi văn hóa lớn của nhân loại, ngoài Hylạp cổ thuộc châu Âu, thì hai nước Trung Quốc và Ấn Độ cổ thuộc châu Á có đặc điểm rất rõ nét về hai nền văn hóa trái ngược nhưng thống nhất trong một chỉnh thể quốc gia từ sự kiến tạo của những dòng sông. Trung Hoa vừa có Dương tử giang cuồn cuộn sóng mang âm hưởng mạnh mẽ của dốc đứng, núi cao, rừng sâu phía Bắc, vừa có Hoàng giang êm đềm tha thướt tải nặng phù sa phía Nam, và cả hai đều đổ ra đại dương mênh mông. Còn Ấn Độ đất nước của các thần thánh, tiên phật thì vừa có mẹ Hằng hà (nữ thần Ganga) kiêu sa, bao dung dịu mát như nguồn sữa ngọt, vừa có Ấn Hà sục sôi mãnh liệt của núi cao, rừng thẳm hùng vĩ.. Cũng căn cứ những yếu tố trên về điều kiện sinh tồn cộng với yếu tố nhân chủng để tôi so sánh thì không thể tìm ra nét tương đồng nền văn hóa lúa nước phương Nam với những vùng bình nguyên, sa mạc hay vùng lâm sơn phương Bắc.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 17 Tháng Giêng, 2012, 07:12:32 am
 . Căn cứ các tài liệu tham khảo, tôi tìm hiểu thực tế tập quán tôn vinh sinh thực khí nam nữ, mà nhận thấy lúc nào các linh vật này cũng được đặt trang trọng trong các ngôi đền ở kinh thành Thăng Long và các vùng phụ cận phía Bắc. Trong các tháp Chăm từ Bình Định, Phan Rang đến Bình Thuận (tháp chăm vùng lầu ông hoàng mũi Né) Nam Trung bộ và có lẽ trong ngôi đền My Sơn cặp Linga Yoni bằng đá là cặp linh vật lớn nhất Việt Nam. Tồn tại lâu dài và vui nhộn đầy chất thơ ca tình tứ là các phiên chợ tình như : Chợ tình Nhân Lý (Lạng Sơn), chợ tình quan họ (Bắc ninh), chợ tình Mèo Vạc nơi cư ngụ của các dân tộc Hmông, Giáy, Tày, Nùng (Cao Bằng). Văn hóa phồn thực còn được ghi nhận trên trống đồng Ngọc Lũ, thạp đồng Đào Thịnh  với khắc họa nam nữ giã gạo chày đôi, các căp nam nữ trong tư thế giao hoan. Sự hiện diện lâu đời của các cột đá thiêng nâng các chùa một cột ở An Hựu, Xã Đàn, bên cạnh các truyền thuyết về các cột đá này.Truyền thuyết Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung là một truyện dẫn về khát vọng phồn thực của người Việt cổ, mà có lẽ giá trị văn hóa này còn trường tồn trong kho tàng văn hóa của dân tộc ta.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 17 Tháng Giêng, 2012, 08:39:55 am
                             XV/ Tự bạch
- Trước hết tôi điểm lại đôi nét về quê hương. Sau gần bốn chục năm viễn xứ, mặc dù nhiều lần trở lại cố hương nhưng vì công việc chung riêng và hoàn cảnh lịch sử mà tôi không có nhiều thời gian thăm lại những nơi tôi từng trải qua thời thơ ấu nhưng những gì có thể cảm nhận bằng trực quan vẫn cho tôi nỗi canh cánh nao lòng bởi vì cùng sự chuyển mình lột xác của đất nước và xã hội nhưng quê tôi vẫn nghèo nàn xơ xác. Hiện tại có lẽ người quê không còn phải đói cơm, áo rách nhưng chất lượng cuộc sống cũng còn rất khiêm tốn, có chăng ngôi nhà thờ làng có mới hơn, đồ sộ hơn và nét kiến trúc gotic có sắc sảo hơn nhưng thẳm sâu trong cuộc sống của nhiều gia đình vẫn đạm bạc vẫn chắt chiu, đời sống văn hóa tinh thần cũng chẳng khá hơn mấy so với hơn ba thập niên trước, nhìn tổng quan làng quê là hình ảnh dân số già nua bên cạnh lớp trẻ thơ đồng ấu, còn lớp lao động sung sức năng động và tràn trề tuổi xuân đã lại viễn xứ lập nghiệp để rồi cũng chỉ đủ trang trải tối thiểu mỗi năm khi trở về làng trong dịp ngày cùng tháng tận tất niên. Bởi vì tri thức hạn hẹp, trình độ chuyên môn không có, chủ yếu bán sức lao động thủ công nơi phố thị.
            


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 17 Tháng Giêng, 2012, 08:55:51 pm
 Nhìn từ phố huyện đến làng xã vẫn chỉ là con đường đất thịt với hơn hai mét ngang tráng nhựa mỏng manh, dọc tuyến đê sông Hồng vẫn phải chịu mưa sa gió táp, mà khả năng dòng xoáy của thủy thần làm cho Giao thủy quê tôi lõm sâu vào đồng ruộng. Đó đây trong hàng huyện, những ngôi nhà lầu khang trang nghễu ngện bên cạnh những căn nhà cấp bốn đìu hiu trải dài  dọc tuyến đường quốc phòng ra biển còn nghèo nàn quạnh hiu như vậy thì hạ tầng giao thông thôn xóm sao có thể khá hơn. Tổng thể bức tranh làng quê nói lên một sự phát triển thiếu bền vững , thiếu đồng bộ và cực kỳ thiếu nguồn đầu tư, vì quê tôi vẫn chỉ là vùng sâu vùng xa, không có tài nguyên, không giàu tri thức..


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: tranphu341 trong 17 Tháng Giêng, 2012, 11:03:01 pm
Nhìn từ phố huyện đến làng xã vẫn chỉ là con đường đất thịt với hơn hai mét ngang tráng nhựa mỏng manh, dọc tuyến đê sông Hồng vẫn phải chịu mưa sa gió táp, mà khả năng dòng xoáy của thủy thần làm cho Giao thủy quê tôi lõm sâu vào đồng ruộng. Đó đây trong hàng huyện, những ngôi nhà lầu khang trang nghễu ngện bên cạnh những căn nhà cấp bốn đìu hiu trải dài  dọc tuyến đường quốc phòng ra biển còn nghèo nàn quạnh hiu như vậy thì hạ tầng giao thông làng xóm sao có thể khá hơn. Tổng thể bức tranh làng quê nói lên một sự phát triển thiếu bền vững , thiếu đồng bộ và cực kỳ thiếu nguồn đầu tư, vì quê tôi vẫn chỉ là vùng sâu vùng xa, không có tài nguyên, không giàu tri thức..
        Chào vetran! đúng như bạn nhân xét về cuộc sống và xã hội nói chung nhất là ở vùng quê Đồng bằng sông Hồng hiên nay là như vậy!
Vetran có những đánh giá hiểu biết rất sâu sắc. Cùng những tổng hợp rất chuẩn, rất giá trị.

                    CHÚC VE-ANH THƠ CÙNG TOÀN GIA ĐÌNH LUÔN KHỎE, CÓ NHIỀU NIỀM VUI TRONG NHỮNG NGÀY XUÂN MỚI NÀY!


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 18 Tháng Giêng, 2012, 05:45:11 am
Cam ơn anh tranphu341. Đúng như vậy anh ạ. Hai bên tả hữu Hồng Hà, ngoài sản xuất lúa với năng xuất cũng không phải là cao mà cuộc sống trăm thứ bà giằng.Từ: quan hôn, tang tế, đóng góp nghĩa vụ xã hội, việc hảo tâm từ thiện cho tới công to việc lớn trong đời sống mỗi gia đình đều nhìn vào thóc,  đều phải đưa thóc ra chợ. Cả vùng không có nơi nào khả dĩ xây dựng những cụm công nghiệp hoặc các nghành sản xuất khác, tài nguyên thiên nhiên biển cũng chỉ được khai thác cầm chừng vì không đầu tư, tổ chức đúng mức, manh mún tự phát, thậm chí còn hủy hoại môi sinh các loài thủy tộc do sử dụng phương tiện khai thác bừa bãi. Cả cái huyện em có một khu du lịch bãi biển đón các đại gia tứ xứ vào mùa hè, nhưng lợi nhuận từ đó lại vào túi các đại gia tứ xứ vì vấn đề nguồn đầu tư phải đúng tầm, người lao động tại chỗ thì không thể tham gia vì tính chất nhạy cảm của loại hình khai thác này. Trong khi đó, các nhà quản lý hô hào "Ly nông mà không ly hương" sao được. Còn thực tế trả lời kết quả bài toán ly hương là bao hệ lụy tới với những lao động phải chịu cảnh "Xẩy nhà ra thất nghiệp" nơi viễn xứ vì từ cái tăm xỉa răng cũng phải chi từ quĩ lương khiêm tốn, đúng không anh. Thôi số trời vậy đấy hạ lưu châu thổ Hồng hà ơi!. Em chào anh chúc anh mạnh khỏe.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 18 Tháng Giêng, 2012, 05:24:48 pm
- Vetran viết tiếp: Còn tôi hơn năm mươi tuổi đời, gần bốn mươi năm công tác với gần hai mươi năm khoác áo chiến sĩ quân đội nhân dân, ba mươi tuổi Đảng, ba mươi năm lẻ tuổi nghề. Có tri thức về thế giới quan duy vật, có bản lĩnh chính trị, có khả năng hoạch định phương hướng, biết tổ chức và ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Tôi không thể là tín đồ của bất cứ tôn giáo nào. Tuy nhiên trong xã hội hiện đại bên cạnh các công cụ, phương tiện quản lý xã hội như: Các qui phạm pháp luật, qui phạm đạo đức, qui phạm xã hội thì giáo lý tôn giáo cũng góp phần đưa con người gần tới cái đích hoàn hảo(chân, thiện, mỹ) hơn. Đó là những tiêu chí của một xã hội phát triển bền vững về mặt xã hội, là cơ sở cho sự phát triển con người một cách toàn diện. Hiểu theo đúc kết cuộc đời của Khổng Tử:“Ngô thập hữu ngũ, nhi chí vu học. Tam thập nhi lập. Tứ thập, nhi bất hoặc. Ngũ thập, nhi tri thiên mệnh. Lục thập, nhi nhĩ thuận. Thất thập, nhi tòng tâm, sở dục bất du củ.” Tức là: từ nhỏ tới mười lăm tuổi chỉ lo học. Ba mươi tuổi lập thân. Bốn mươi tuổi, không ai lừa dối được. Năm mươi tuổi biết mệnh trời. Sáu mươi tuổi đọc gì hiểu ngay. Bảy mươi tuổi chỉ làm việc theo tâm và khuôn phép. thì tôi tâm niệm là mình được ân huệ làm người, một con người tự do trong một đất nước tự do, được an nhàn tự tại cuối đời. Phải sống và đối nhân xử thế sao xứng đáng để tri ân đời, tri ân người.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 18 Tháng Giêng, 2012, 06:21:59 pm
- Tuy nhiên trong cuộc đời mỗi người, không dễ gì thõa mãn theo một chiều như câu quyết của người đời "Cuộc đời không quá dài để ta trông chờ, lười biếng và thụ động. Nhưng cuộc đời cũng không quá ngắn để ta sống gấp, thực dụng và hưởng thụ" Hoặc Theo quan niệm của các cụ ngày xưa “Bảy mươi tuổi chưa què, thì cũng chớ vội cho là lành” Có nghĩa là thân phận con người từ sinh đến diệt có thể gặp sự cố bất cứ lúc nào. Nhưng cũng không nên cực đoan thái quá mà phải coi nội dung câu chuyện “Tái ông mất ngựa” để điều hòa hành vi, thái độ của mình phù hợp với từng hoàn cảnh, từng tình huống trong thực tế. Bản thân tôi tâm niệm một điều: Tuy đã quá nửa đời người nhưng bản lĩnh sống của mình còn nhiều điều bất cập, chưa thực sự vững vàng, bởi vì những Ái, Ố, Hỷ, Nộ chưa được điều tiết đúng mức. Cái mà theo cố nhà thơ Tú Xương, cụ Tú thành Nam cho là “ba thứ lăng nhăng nó hại ta” để dạy đời nên chừa được thứ nào hay thứ ấy. Thì tôi cũng chẳng chừa được thứ nào.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 18 Tháng Giêng, 2012, 06:30:52 pm
. Do vậy cũng đã hơn một lần chúng là nguyên nhân của sự phiền lụy đến tinh thần và sức khỏe. Từ Thiên can địa chi, tôi được cha mẹ sinh ra đã hàm chứa toàn bộ thông tin mặc định cuộc đời tôi coi như được sinh trong bọc điều và mãi mãi gặp những thuận Thiên, lợi Địa. Nhưng cũng như thế đời tôi rất dễ bị quyến rũ mà sa ngã vào những chuyện vô minh. Nếu không cố gắng rèn luyện bản thân trong cuộc sống theo chuẩn mực. không có một môi trường để rèn luyện như quân đội nhân dân VN. Nếu không có một sức kềm tỏa điều tiết bảo vệ tôi mãi mãi cả cuộc đời này thì cũng chưa biết điều gì sẽ tới. Rất may cái vòng (kim cô) đó chính là Em, người yêu của tôi trong những ngày máu lửa chiến trường trong cuộc chiến bắt buộc như từ ngữ của đại tá Hồng từng dùng. Đã từng đối  mặt trước họng súng vì yêu tôi và nay vẫn thiệt thòi vì yêu tôi.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 18 Tháng Giêng, 2012, 08:53:39 pm
. Dù tâm lý của tôi là hướng ngoại nhưng tôi rất tôn trọng chuẩn mực, tôn trọng tôn ti trật tự dòng họ gia đình và thứ bậc xã hội, luôn có tư duy hướng thiện, dễ xúc động trước những éo le nhân thế, sẵn sàng chia sẻ mà không bao giờ chờ đợi sự đáp trả. Cuộc sống của chúng tôi được như ngày hôm nay, ngoài nỗ lực của bản thân thì tôi con tâm niệm tri ân mọi người từ anh em ruột thịt, thân bằng quyến thuộc tới những bệnh nhân khắp mọi nơi đã tin tưởng ủng hộ chúng tôi thanh công bằng chính nghề nghiệp mà hai chúng tôi lựa chọn và Tri Hành đến tận cùng khả năng có thể. Ngày nay, mỗi buổi chiều, trong thời gian ngồi đọc, tôi dành vài giờ tư vấn, hướng dẫn miễn phí cho bà con về kiến thức y học phổ thông, nhất là những cụ già, bệnh mãn tính, tim mạch. Hầu mong bá tánh gần xa hiểu về cơ thể, về bệnh tật của mình mà điều tiết trong sinh hoạt để sống vui sống khỏe


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 18 Tháng Giêng, 2012, 08:53:59 pm
. Một khía cạnh khác thuộc tâm lý đó là trạng thái quá nhạy cảm, rất dễ mủi lòng trước những thân phận không may của đồng loại, mà nếu xét đến cùng thì bản lĩnh sống của một người đàn ông trụ cột gia đình cần cứng rắn không cho phép tâm trạng ấy tồn tại, nó yếu đuối tới mức cái xúc động trong tôi cứ kéo đến hừng hực tuôn trào nước mắt thành dòng ướt cả cặp kính khi gặp những mảng đời, những hoàn cảnh, những mất mát  những éo le và cả sự vui mừng, những tự hào được chiếu trên các chương trình truyền hình, trên báo đài, đại loại như chương trình “ Như chưa có một lần chia ly” “vượt lên chính mình” “trao nhà tình nghĩa, tình thương” hay chùm phim về chiến tranh và hệ lụy hậu chiến, hoặc những cảnh mất mát mát cũng như những gương anh hùng của một thời loạn ly, sự trăn trở của những con người cả hai bên chiến tuyến.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 18 Tháng Giêng, 2012, 08:54:57 pm
. Có những lúc ngồi cùng nhau theo dõi chương trình truyền hình mà nước mắt rơi lã chã, Em phải nhéo tôi mới trở về hiện thực, nhìn nhau mắc cỡ vì sự yếu đuối tưởng rằng chỉ ở tôi mà Em cũng vậy. Nhiều lần tôi suy nghĩ sẽ rèn luyện sự mạnh mẽ cứng rắn hơn cho phù hợp với tình huống hoàn cảnh hoặc bình tĩnh bỏ qua mọi chuyện vậy mà nhiều chục năm nay trạng thái tâm lý này không mấy cải thiện.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 19 Tháng Giêng, 2012, 05:27:18 am
- Người xưa nói “Huynh đệ kiến giả nhất phận” Nhưng tôi vẫn cảm thấy nao lòng khi tôi còn ngồi bên máy viết những dòng chữ này. Ở một mức độ nào đó anh chị em chúng tôi đều có thể tự hào là công thành danh toại ở chốn tha hương. Kinh tế ổn định, gia đình hạnh phúc, con cái chăm ngoan (theo tiêu chí của tôi). Đặc biệt trong chi họ cùng huyết thống có cháu trai Trần Việt Hùng là con anh Nghĩa học hành tấn tới trong ngành tin học. Mấy năm trước đây, cháu là Thạc sĩ giám đốc kỹ thuật của dự án học liệu mở Việt Nam : VietnamOpenCourseWere (VOCW). Dự án được xúc tiến qua sự hợp tác xây dựng giữa quỹ giáo dục Việt Nam (VEF) và nhóm thực hiện  trên cơ sở phần mềm Conexion Rice University, sau khi tham khảo chương trình của học viện công nghệ Masachusetts (MIT) và mục tiêu đào tạo của họ. Kết quả đã mở ra cổng thông tin cho mọi người Việt nam, nhất là học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, khai thác kho tài nguyên tri thức nhân loại từ kỹ thuật tin học qua mạng VNIAREN. Được đánh dấu qua buổi tường thuật Cháu Hùng và đồng sự trao phần mềm này cho chính phủ Việt Nam trên VTV1. xin tham khảo từ WWW. VOCW.ed.vn hoặc Trần Việt Hùng và học liệu mở Việt Nam. Nay cháu đang nghiên cứu bảo vệ luận án tiến sĩ tin học tại Iowa University USA. Cháu gái Trần Thị Thu Hà cũng đang nghiên cứu học tập tại Austraynia. Bằng tố chất hiếu học của cá nhân và vươn lên từ mái trường cấp ba huyện Giao Thủy để giành được học bổng cho cả quá trình du học mà không có và không cần bất cứ sự hổ trợ nào của cha mẹ chúng, ngoài tinh thần động viên. Các con cháu khác trong dòng họ cũng nỗ lực phấn đấu vươn lên thành công trên mọi lĩnh vực.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 19 Tháng Giêng, 2012, 05:28:01 am
HỌC LIỆU MỞ VIỆT NAM đi vào  hoạt động. Đây được cho là một sự kiện lớn đối với giáo dục đại học Việt Nam, một phương thức chia sẻ các tài liệu học tập, nghiên cứu,... hiện đại, linh hoạt và rất hữu ích.  Thạc sĩ Trần Việt Hùng, Giám đốc kỹ thuật, Dự án Học liệu mở Việt Nam (VOCW) phát biểu: Học liệu mở (OpenCourseWare - OCW) là sáng kiến của Viện Công nghệ Massachussett (MIT). Năm 2002, MIT đưa ra sáng kiến này, với mục tiêu là dần dần đưa hết các tài liệu giảng dạy của MIT, cả chương trình ĐH và sau ĐH lên mạng trực tuyến và miễn phí cho mọi người truy nhập.
Ngay khi ra đời, sáng kiến này đã nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều trường ĐH và viện nghiên cứu khác. Sau đó, người ta đã lập ra một hội gọi là hiệp hội Học liệu mở (OpenCourseWare Consortium), gồm khoảng 150 trường ĐH ở trên 20 quốc gia khắp thế giới.
Mỗi năm hiệp hội này họp 2 lần, 1 lần ở Mỹ, 1 lần ở ngoài nước Mỹ, với hàng trăm đại biểu, đủ thấy sức phát triển của MIT OCW.
Hiện tại, OCW thành phong trào mạnh, thì phát sinh ra nhiều nhu cầu phát triển hơn nữa để đáp ứng tốt hơn nhu cầu học hỏi, chia sẻ của mọi người. Và ra đời 1 khái niệm mới và hiện tại được dùng phổ biến hơn: Nguồn tài nguyên giáo dục mở OER (Open Educational Resources).
OER cải tiến hơn: Ngoài nội dung chương trình, có thêm những công cụ để chia sẻ, những yếu tố về bản quyền...


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 19 Tháng Giêng, 2012, 05:29:33 am
Ở Việt Nam, có 1 số giảng viên đã sử dụng MIT OCW từ năm 2003, nhưng chưa thành công. Lý do thì có khá nhiều: Lúc ấy, Internet chưa phải quá phổ biến như bây giờ, nội dung chương trình cũng có nhiều phần chưa phù hợp...
Dự án Học liệu mở Việt Nam bắt nguồn từ tháng 6/2005. Thời gian này, đoàn công tác của Thủ tướng Phan Văn Khải sang thăm Mỹ. Tại buổi gặp gỡ ở trường ĐH MIT, nhiều quan chức chính phủ và Bộ GD-ĐT đã nghe trình bày về dự án MIT OCW và đều nhận thấy sự cần thiết đưa mô hình này về Việt Nam.
Tại đây, Bộ GD-ĐT, Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC và Quỹ Giáo dục Việt Nam VEF bắt tay nhau để đưa Học liệu mở vào Việt Nam.
Dự án khởi động từ tháng 11/2005 và được sự hỗ trợ rất lớn từ MIT OCW (Học liệu mở MIT), Rice Connexions (Học liệu mở ĐH Rice) và OCW Consortium (Hiệp hội Học liệu mở). Mục tiêu của dự án là làm sao để hỗ trợ SVVN có cơ hội để sử dụng nguồn tài nguyên này một cách hiệu quả và hoàn toàn miễn phí.
Là người đi theo dự án từ những ngày đầu, anh có thể chia sẻ về những giai đoạn khó khăn trong quá trình thực hiện dự án?
Dự án triển khai thử nghiệm, thời gian đầu nhận được sự hưởng ứng của khá nhiều người, nhưng sau đó thì càng ngày lượng người truy nhập hệ thống càng ít.
Ban dự án dành khá nhiều thời gian nghiên cứu lý do, thì thấy 1 số nguyên nhân: Kiến thức nền giữa SVVN và SV Mỹ khác nhau, khả năng tiếng Anh của SVVN còn rất hạn chế để có thể đọc hiểu đa số các tài liệu, cách dạy và học ở MIT và Việt Nam rất khác nhau, nguồn tài liệu tham khảo của hệ thống giáo dục ở Việt Nam còn sơ sài.
Đó là thời gian khá khó khăn, vì biết việc triển khai Học liệu mở ở Việt Nam còn nhiều phức tạp. Hướng sử dụng MIT OCW gặp bế tắc, nhưng ai cũng nhận thấy các tài liệu MIT OCW rất chuẩn, cần phải sử dụng. Lúc đó, tất cả anh em dự án đều để ý tìm những hướng mới.
Trong thời gian ấy, ông Phạm Đức Trung Kiên tìm ra được chương trình Học liệu mở của trường ĐH Rice, gọi là Rice Connexions... và sau khi tìm hiểu, thấy rất hợp với Việt Nam. Vậy là, 3 bên ký thoả thuận hợp tác với Rice Connexions vào tháng 5/2006.


Trao đổi tại lễ ra mắt trang tin học liệu mở
Lúc này, dự án đã có nội dung chương trình của MIT OCW, có công cụ phần mềm của Rice Connexions. VEF tham khảo kinh nghiệm từ nhiều nguồn và đi đến giải pháp: Học liệu mở Việt Nam sẽ sử dụng phương pháp tự xây dựng nội dung, bằng chính lực lượng giảng viên của Việt Nam, sau đó đưa chương trình cho các GS Hoa Kỳ đánh giá, góp ý.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 19 Tháng Giêng, 2012, 10:41:51 am
-Bước đầu, dự án xác định tập trung kinh phí cho các giảng viên Việt Nam để xây dựng chương trình cho 3 ngành: Điện - điện tử, Công nghệ Thông tin, Công nghệ sinh học với 24 môn học. Trước mắt, Bộ GD-ĐT chỉ đạo 14 trường ĐH trọng điểm cùng tham gia xây dựng và sử dụng Học liệu mở.
Đầu tiên là xây dựng hệ thống: cả phần cứng và phần mềm, để phục vụ việc phát triển nội dung.
Phần cứng gồm 3 trung tâm dữ liệu ở 3 miền: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM để cân bằng tải và 14 server tại 14 trường ĐH để tận dụng mạng LAN ở các trường, giúp SV có thể dùng chính mạng LAN để truy nhập hệ thống và tiết kiệm chi phí sử dụng Internet cho nhà trường.
Về phần mềm, xây dựng 1 kho nội dung mở, vì phần mềm Connexions cho phép tất cả mọi người đều có thể đóng góp, chia sẻ kiến thức.
Thông qua các hoạt động Học liệu mở, sẽ kết nối với các trường ĐH nước ngoài.
Giai đoạn 1 (2006-2008): Giai đoạn thử nghiệm, tập trung vào 3 ngành và kêu gọi sự tham gia sử dụng của 14 trường ĐH.
Giai đoạn 2 (sau 2008): Mở rộng ra các ngành, các trường và có thể xuống cả các trường phổ thông. Đồng thời khuyến khích các nhà tài trợ ủng hộ để phát triển.
Với MIT OCW, dự án gặp vấn đề khó khăn. Vậy, Rice Connexions có gì ưu việt hơn, để phù hợp với việc xây dựng Học liệu mở Việt Nam?
Phần mềm Connexions đến giờ vẫn được coi là một cuộc cách mạng trong xuất bản..
Trong đó, người ta chia kiến thức ra thành nhiều module nhỏ. Một module có thể là một chủ đề hoàn chỉnh, hoặc là một phần hoàn chỉnh của một chủ đề lớn. Và 1 course là một tập hợp của các module.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 19 Tháng Giêng, 2012, 11:13:59 am
Nói nôm na, mỗi người dùng có thể viết 1 bài viết nào đấy, về 1 chủ đề nào đấy... và đưa lên mạng học liệu mở, dưới dạng 1 module. Hộp dữ liệu chứa hàng trăm, ngàn module như thế. Trong quá trình sử dụng kiến thức, người đọc vào hộp dữ liệu, có thể "gắp", "sắp xếp", bố cục các module ấy, theo nhu cầu kiến thức của mình.
Phương thức tạo lập và sử dụng kiến thức này rất ưu việt. Nó linh hoạt, mềm dẻo hơn nhiều so với sách giáo trình truyền thống. Ví dụ, có những người, nếu đòi hỏi họ viết hẳn 1 cuốn sách thì hơi khó khăn, thậm chí 1 chương cũng khó nhưng chỉ viết vài ba trang về vấn đề họ quan tâm nhất thì họ lại viết rất nhanh. Với Connexions, có thể lấy các module, các chương của người viết này, ghép với các module khác phù hợp... là thành 1 cuốn sách. Tóm lại, quá trình tạo ra 1 cuốn sách rất nhanh, linh hoạt và phù hợp với mọi người.
Ngoài ra, một ưu điểm lớn trên Connexions là đảm bảo quyền tác giả cho những người tham gia viết và đóng góp tài liệu. Khi bạn viết ra, hoặc sửa chữa 1 module kiến thức nào đấy, tên của bạn cũng sẽ được lưu giữ, "đóng dấu" với tư cách tác giả. Hay khi module của bạn được bất kỳ ai đó sử dụng trong hệ thống tổ chức tài liệu của họ, bạn cũng được ghi danh.
Cả triệu người cùng đóng góp các module thì sẽ có một kho dữ liệu khổng lồ. Tùy theo nhu cầu của người dùng, họ sẽ tự chọn lọc và sắp xếp để có được 1 tập hợp kiến thức phù hợp.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 19 Tháng Giêng, 2012, 11:15:27 am
Hệ thống này cho phép ai đóng góp cũng được ghi tên, khẳng định quyền tác giả. Nếu bạn viết, hoặc sửa chữa, hay làm công việc "nhặt nhạnh, sắp xếp" các module kiến thức... thì tất cả các phần đóng góp ấy đều được ghi nhận.
Ưu việt hơn MIT OCW ở chỗ, MIT OCW chỉ đọc được, nhưng không sửa chữa được nội dung, không có nơi để lại lời nhận xét, bình luận.
Ngoài ra, phần mềm này hỗ trợ multimedia: Âm thanh, flash, video, cả các mô hình lab view (phòng thí nghiệm ảo)...
Với Học liệu mở Việt Nam, tôi đã học được rất nhiều. Thời gian đầu, chúng tôi chỉ có 3 người làm. Lúc đó, dự án còn rất nhỏ, mục tiêu đơn thuần chỉ là mong sao mang MIT OCW về Việt Nam. Các SV VEF ở Mỹ cũng rất tích cực tham gia từ xa, giúp đỡ cho dự án khá nhiều: như Nguyễn Quang Hoàng và Nguyễn Chí Dũng và Nguyễn Thanh Sơn SV MIT.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 19 Tháng Giêng, 2012, 11:15:59 am
Cũng có những giai đoạn bối rối, khi hướng MIT OCW gặp khó khăn, trục trặc. Anh em trong dự án phải đau đầu tìm cái mới.
Khi phát hiện ra Rice Connexions, xác định nó hay và phù hợp... nhưng cũng chưa biết đi theo hướng nào.
Sau đó, chúng tôi phải tìm đọc, nghiên cứu và tham khảo ở rất nhiều nơi... để tìm ra hướng đi. Dự án đã gửi tôi sang ĐH Rice và ở đó họ rất hỗ trợ và tạo điều kiện để tôi nghiên cứu sâu hơn về mô hình này.
Học liệu mở là mô hình chia sẻ kiến thức rất tuyệt vời. Và, lúc này, tôi hi vọng nó sẽ được các giảng viên, sinh viên đón nhận nhiệt tình.
                                                                Hà Nội 2007- Thạc sĩ Trần Việt Hùng


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 19 Tháng Giêng, 2012, 11:16:52 am
- Thế hệ chúng tôi làm rạng rỡ quê hương dòng họ bằng dấn thân vào cuộc chiến tử sinh bảo vệ tổ quốc. Thế  hệ con cháu tôi thật xứng danh dòng TRẦN TỘC bằng  học tập tiếp cận tri thức khoa học kỹ thuật làm giàu cho tổ quốc. Đó là sự phù hộ độ trì của tiên tổ mà ai ai cũng phấn khởi vui mừng. Nhưng tôi rất thương chị Cả. Tôi xa quê hương quá sớm, tuổi còn nhỏ, không có đủ thời gian và nhận thức để hiểu những điều người lớn lúc đó đã làm. Cũng vì hệ lụy của cuộc chiến tranh chống ngoại xâm mà chị thiệt thòi trong cuộc sống, phải cố gắng vượtt qua bao khó khăn gian khổ trong điều kiện một xã hội thiếu thốn đến cùng cực để nuôi dạy các cháu tôi lên người. Nhưng tôi đã lầm tưởng chị tôi có một cuộc sống an bình như bao người phụ nữ chân quê khác. Mặc dù ngày nay chị có thể tự hào về những đứa con chị. Chúng đã tạo dựng cho chị một cuộc sống đủ đầy cả vật chất tinh thần, chị vui vầy bên những đứa cháu nội ngoại và yên tâm trước sự phấn đấu của các con. Tuy lịch sử đã lùi xa nhưng vết thương lòng dễ gì phai nhạt. Thương lắm nhưng chỉ đến với chị bằng tình đệ đễ trên tâm thế đứa em trai nhõng nhẽo dại dột ngày nào. Tôi thoảng cảm nhận âm thanh bài hát (Chị tôi)...


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: lamlinh31278 trong 19 Tháng Giêng, 2012, 11:44:26 am
             (http://lh5.ggpht.com/-XFv-opNf62E/Tw3o79mAL6I/AAAAAAAALOA/1dz3WHghvKg/images_2012_quy1_xuan_750857113%25255B4%25255D.jpg?imgmax=800)


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: tranphu341 trong 19 Tháng Giêng, 2012, 02:28:49 pm
- Thế hệ chúng tôi làm rạng rỡ quê hương dòng họ bằng dấn thân vào cuộc chiến tử sinh bảo vệ tổ quốc. Thế con cháu tôi thật xứng danh dòng TRẦN TỘC bằng tri thức khoa học kỹ thuật làm dau tổ quốc. Đó là sự phú hộ độ trì của tiên tổ mà ai ai cũng phấn khởi vui mừng. Nhưng tôi rất thương chị Cả. Tôi xa quê hương quá sớm, tuổi còn nhỏ, không có đủ thời gian và nhận thức để hiểu những điều người lớn lúc đó đã làm. Cũng vì hệ lụy của cuộc chiến tranh chống ngoại xâm mà chị thiệt thòi trong cuộc sống, phải cố gắng vượtt qua bao khó khăn gian khổ trong điều kiện một xã hội thiếu thốn đến cùng cực để nuôi dạy các cháu tôi lên người. Nhưng tôi đã lầm tưởng chị tôi có một cuộc sống an bình như bao người phụ nữ chân quê khác. Mặc dù ngày nay chị có thể tự hào về những đứa con chị. Chúng đã tạo dựng cho chị một cuộc sống đủ đầy cả vật chất tinh thần, chị vui vầy bên những đứa cháu nội ngoại và yên tâm trước sự phấn đấu của các con. Tuy lịch sử đã lùi xa nhưng vết thương lòng dễ gì phai nhạt. Thương lắm nhưng chỉ đến với chị bằng tình đệ đễ trên tâm thế đứa em trai nhõng nhẽo dại dột ngày nào. Tôi thoảng cảm nhận âm thanh bài hát (Chị tôi)...
      Chào bạn vetran! Tranphu341 cũng có 2 người chị gái . Các chị thật tuyệt vời, chăm lo cho các em từng ly từng tý và rồi đều nhận những thiệt thòi về mình. Hôm nay là ngày giỗ người chị cả làn thứ 4 chị mất lúc 61 tuổi.

                  Người chị thứ 2 mất dịp đầu năm nay. TP vô cùng cảm ơn 2 nhạc sỹ đã có 2 ca khúc để ca ngợi người chị " Chị tôi" cả 2 bài ca thật hay thật cảm động vo cùng gần gũi cùng ý nghĩa chân thực của bài hát mà ai cũng cảm nhận được

                  CHÚC VETRAN CÙNG GIA ĐÌNH LUÔN MANH KHỎE , CÙNG NHIỀU NIỀM VUI CUỘC SỐNG!


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 19 Tháng Giêng, 2012, 04:14:46 pm

     Chào bạn vetran! Tranphu341 cũng có 2 người chị gái . Các chị thật tuyệt vời, chăm lo cho các em từng ly từng tý và rồi đều nhận những thiệt thòi về mình. Hôm nay là ngày giỗ người chị cả làn thứ 4 chị mất lúc 61 tuổi.

                  Người chị thứ 2 mất dịp đầu năm nay. TP vô cùng cảm ơn 2 nhạc sỹ đã có 2 ca khúc để ca ngợi người chị " Chị tôi" cả 2 bài ca thật hay thật cảm động vo cùng gần gũi cùng ý nghĩa chân thực của bài hát mà ai cũng cảm nhận được

                  CHÚC VETRAN CÙNG GIA ĐÌNH LUÔN MANH KHỎE , CÙNG NHIỀU NIỀM VUI CUỘC SỐNG!

Hai em Vệ Thơ và các cháu cám ơn sự chia sẻ của bác Trần Phú. Ở hai miền tổ quốc, theo thời gian, hai gia đình chúng ta ngày càng tìm được nhiều nét tương đồng. Xin kính chúc anh chị và gia đình dồi dào sức khỏe, an khang thịnh vượng.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 20 Tháng Giêng, 2012, 05:35:32 am
- Vetran viết tiếp: Tư duy của tôi lúc này là: Bình sinh, văn dốt võ dát nên thành quả phấn đấu còn có hạn, chưa thể bằng bạn bè, đồng nghiệp, anh em, nhưng mọi so sánh đều khập khiễng, do vậy tôi cảm thấy an phận, hài lòng khi tôi có một gia đình hạnh phúc. Công tác của tôi phù hợp, thuận lợi. Nhà cửa khang trang, kinh tế ổn định, giá trị vật chất mà tôi cùng Em phấn đấu đạt được vượt quá khả năng có thể và hoàn toàn trong sạch bằng đạo đức y nghiệp, để đủ khả năng đầu tư cho con trai phát triển trong học nghiệp và con gái vững vàng trong cuộc sống. Ngoài tình (Phụ tử) đối với những đứa con ruột thịt, tôi còn mang cái Duyên (nghĩa phụ, nghĩa tử) với những đứa con đỡ đầu ngoan hiền chăm chỉ, và chúng tôi luôn đủ điều kiện răn dạy Tử Tôn hiếu đễ.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 20 Tháng Giêng, 2012, 05:36:19 am
. Mỗi ngày nghỉ, ngày lễ tết, các con cháu tập trung đông đủ nấu nướng thưởng thức vui vẻ và ca nhạc trong không khí ấm cúng thân mật tin tưởng, hơi ồn ào một chút nhưng tôi cảm nhận hạnh phúc thật sự. Tuy nhiên trong cuộc sống hàng ngày tôi vẫn giữ vững quan điểm: tích cực lao động để tích lũy vật chất tiền bạc nhưng phải thấu đạt hai chữ Cần Kiệm để dù giàu nghèo mức nào cũng phải luôn có ý thức sử dụng đồng tiền ở mức Cần và Đủ trong cuộc sống thường nhật và trong mọi hoàn cảnh nhằm giải quyết công việc đạt hiệu quả, không lãng phí mà cũng không bủn xỉn keo kiệt.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 20 Tháng Giêng, 2012, 05:37:01 am
. Quan điểm trên đây cũng là tinh thần bài học tôi răn dạy các con “Phải biết tôn trọng lao động, phải coi lao động là hạnh phúc, là nghĩa vụ, là mục tiêu hoàn thiện chính bản thân mỗi con người. Phải xem xét đúng đắn chân giá trị của đồng tiền từ lao động mới có. Sử dụng đồng tiền cũng phải có văn hóa, đạt hiệu quả và đạo đức, không dùng đồng tiền làm những việc vô bổ, vô đạo và không làm nô lệ cho đồng tiền, không được coi đồng tiền là mọi cứu cánh của cuộc đời”.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 20 Tháng Giêng, 2012, 05:46:01 am
- Còn Em! Người vợ yêu tôi đến cuồng si dại dột, thương tôi đến thiệt thòi đau khổ và bất chấp thời gian ngay cả lúc đã thành ông bà ngoại, Em vẫn cuồng si và chấp nhận thiệt thòi như ngày nào! Nhưng ở một khía cạnh nào đó tôi phải nói với Em một điều “ Nếu em bớt yêu anh một chút thì cuộc sống của chúng ta hạnh phúc hơn” Bởi vì có lúc cảm thấy Em coi tôi như báu vật không thể để sứt mẻ dù một li, Em yêu và chỉ muốn chiếm hữu tôi tất cả, chiếm hữu bằng mọi giá,


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 20 Tháng Giêng, 2012, 05:47:20 am
Em chăm sóc sinh hoạt ăn nghỉ, đi lại của tôi như chăm sóc con trai Triệu Sơn như vậy là thái quá, chỉ xa tôi vài giờ đồng hồ, tâm thể em đã bất an giống như kiếp trước Em nợ tôi cái gì đó, Em luôn có tư duy sống trong ép xác đối với bản thân mình cũng là bất cập, mà ở đời thái quá và bất cập đều không tốt. Với tôi, tình yêu giành cho em hơn cả mối tình của những người yêu nhau bình thường. Em còn là đồng chí,  đồng đội, cùng sát cánh bên nhau trước mũi tên hòn đạn ở chiến trường khốc liệt mà ở đó cùng thời gian đã chứng kiến, thử thách tình yêu của chúng tôi, tình yêu của hai chiến sĩ quân y.
Rời quân ngũ trở về tổ quốc, trở về cuộc sống công chức nghành y với tất cả sự cố gắng học hành đáp ứng được nhiệm vụ ở môi trường mới.Và..


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 20 Tháng Giêng, 2012, 05:48:56 am
. Em đã phải trải qua những năm tháng bôn ba cùng chồng xây dựng mái ấm nhỏ bé này. Em gặp bao tình huống khó khăn tưởng chừng không vượt qua được, nhất là những lúc tôi đi xa. Em phải lo đến thắt lòng khi con cái bệnh tật, lúc kinh tế eo hẹp thiếu thốn,  đương đầu với những cám dỗ của tuổi trẻ và cả những đau khổ vì tính đỏng đảnh của chồng. Tình yêu và cuộc sống gia đình thì vậy, nhưng tôi nhận thấy Em là một phụ nữ nhạy bén, có bản lĩnh trong cuộc sống và rất đảm đang, yếu tố này bù vào cái tính lười nhác và nhão nhão của tôi. Em có kế hoạch tốt trong tổ chức và luôn có khát vọng nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, quản lý chi tiêu tài chính hợp lý. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào tương lai, tin tưởng vào những kế hoạch lâu dài của Em đối với gia đình kể cả những biện pháp sẵn sàng hóa giải những sự cố bất thường có thể xảy ra trong cuộc đời mà điều này không ai giám nói là không thể.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 20 Tháng Giêng, 2012, 05:56:51 am
. Bây giờ chúng tôi đã bình tĩnh để kiểm điểm quá khứ, hoạch định tương lai, chúng tôi sẽ dành thời gian cho nhau nhiều hơn bằng các hoạt động thường nhật: Bình minh chúng tôi đi bộ hoặc đạp xe vào đô thị Phú Mỹ Hưng khu trung tâm hành chính quận 7 với không gian thoáng mát rợp bóng cây xanh, âm thanh êm dịu của chim sâu ríu rít, tiếng côn trùng nỉ non, không khí trong lành, an toàn không có sự hoạt động của xe cơ giới. Ngày tôi đến nhiệm sở, Em chăm sóc vườn rau trên sân thượng và làm nội trợ. Ánh chiều buông tôi đón con trai đi học về và chăm sóc nhà cửa để Em lên vườn bứt trái hái rau.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 20 Tháng Giêng, 2012, 05:58:43 am
Chúng tôi cùng vào bếp chế biến những món ăn đồng quê cả nhà ưa thích, chờ con cháu về thưởng thức và nghỉ ngơi trong không gian đầm ấm đầy ắp tiếng cười .Thỉnh thoảng chúng tôi đi du lịch nghỉ ngơi, thăm anh em bạn bè, đi siêu thị, cùng hát karaoke hay ngồi ngắm nhìn đàn cá cảnh tung tăng yên bình trong môi trường thực vật thủy sinh và nghe nhạc thính phòng, dạ khúc.
- Cảm tạ Càn Khôn, Cảm ơn Cha Mẹ đã trao cho con cuộc sống đáng yêu này.



                                                                                                   Thành phố Hồ Chí Minh
                                                                                           Bên thềm năm mới Nhâm Thìn 2012                                                                                                                                                        
                                                                                                          Trần Xuân Vệ


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 20 Tháng Giêng, 2012, 06:50:13 am
Gia đình Vetran - Anh Thơ xin chân thành cám ơn các anh chị trong VMH, ban quản trị và mọi người đã quan tâm đóng góp, mạn đàm bổ sung cho tôi nhiều ý kiến rất bổ ích trong quá trình bộc bạch tâm sự của chúng tôi những CCB trở về từ chiến trường Kampuchea. Từ sân chơi bổ ích này, thông qua nhưng tâm sự, những trăn trở, những vui buồn của các đồng đội trong cuộc sống hiện tại cũng làm cho tôi tự soi xét hoàn thiện mình trong đối nhân xử thế hơn. Mong rằng những tâm sự vụn vặt rất đời thường của một cặp vợ chồng CCB được các bác chiếu cố bỏ qua những chi tiết bất cập do thời gian cũng đã phôi phai trong ký ức nên không chính xác. Chúng tôi rất phấn khởi và luôn là thành viên trung thành của sân chơi này. Bên thềm năm mới Nhâm Thìn. Xin kính chúc tất cả anh chị em và gia đình an khang hạnh phúc thịnh vượng và dồi dào sức khỏe.


                                                                                                              VETRAN - ANH THƠ


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 20 Tháng Giêng, 2012, 10:06:14 am
Vetran-Anh Thơ, kính chúc anh chị em VN Militaryhistory đón xuân Nhâm Thìn vui vẻ, hạnh phúc, tài lộc dồi dào :D


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: Giangtvx trong 22 Tháng Giêng, 2012, 01:46:24 pm
Rất cám ơn Vệ Trần - Anh Thơ à quên Thơ Anh! Xin phép chia xẻ cảm nhận riêng của tôi về các bài viết của Vệ. Các bài viết của Vệ về làng quê xưa, thời KCCM thật hay, thật sâu sắc. Vậy nên chia sẻ với bạn đôi chút về thời ấy. Quả thời ấy thật bi thảm . Chúng ta thiếu thốn trăm bề. "Bạn bè" cho ta đủ thứ nhưng tuyệt nhiên chúng ta không phải là đội quân "Cái bang". Thú thật các bài viết của bác về tôn giáo ... hay gì gì đó tôi chả hiểu gì cả (chả biết có ai  ... na ná như tôi không ?) Tôi chỉ đơn giản thế vầy : Tôi là con của bố mẹ tôi, và tôi cũng là con của Tổ Quốc. Con tôi cũng là con của các Cựu chiễn binh nhưng cũng là con của Tổ Quốc. Bác có ý hay gì giúp tôi và các đồng đội khác dạy cái đám ấy có ích cho Tổ Quốc thì quá tuyệt vời. Cảm ơn bác và các Cựu Chiên Binh khác đã quan tâm và bàn bạc.      


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: Tony_Tèo trong 23 Tháng Giêng, 2012, 11:27:34 am
Nhân dịp xuân về em xin chúc chủ toppic cùng tất cả anh em cựu chiến binh thành viên diễn đàn VMH mạnh khỏe
 
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua.
 Phúc lộc đưa nhau đến mọi nhà.
 Vài lời cung chúc tân niên mới.
 Vạn sự an khang vạn sự lành

(http://nh7.upanh.com/b3.s1.d5/d80336e7d000d344a51d124bbd69a2a8_40219837.thiepcmnm.jpg)


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 23 Tháng Giêng, 2012, 02:45:10 pm
Có vẻ như càng lớn tuổi thì người ta càng duy tâm. Khi trẻ tuổi thì chẳng quan tâm đến vận hạn (cũng có sợ ma).
Tôi đề nghị mấy anh em đồng niên có "hạn 53" mình lập một danh sách. Rồi 1 năm sau ngồi tổng kết coi ông bà nói đúng cỡ nào.
Tôi cũng sinh 1960. Năm 2008 (hạn 49) cũng "lên bờ xuống ruộng".

  Xin các bác chớ băn khoăn: Sinh vào Canh tý là Nhật Thử (chuột ngày), mang mệnh bích thượng Thổ, tương sinh cung Tốn, cung phi ngũ hành thuộc Mộc.
Trong thời niên thiếu sống thiếu thốn và gặp nhiều khó khăn. Càng lớn tuổi, cuộc đời đang đẹp và gặp nhiều may mắn, có công danh, tài lộc dồi dào, tình duyên hạnh phúc, gia đạo ấm êm.
Vận số năm Nhâm Thìn: Sao Hoa cái chiếu tỏa  chủ trì về sự nghiệp, gặp đại lợi về chuyện làm ăn, năm có nhiều chuyển biến lớn trong cuộc đời, phát triển tài năng, có cơ hội thăng tiến và rất phát đạt về tài lộc. Sức khỏe dồi dào nhưng chú ý dễ bị mang điều tiếng thị phi cho nên trong cuộc sống phải giữ gìn chuẩn mực và cảnh giác với những cám dỗ, nhất là những món lợi tiền tài hay tình cảm bất ngờ, không rõ nguồn gốc. hãy tận dụng và phát huy sự che chở bảo vệ của phong thủy. Từ bản mệnh của các bác tương sinh cung Tốn nên mặc định trạch vận là Mộc, ở hướng Đông Nam thuộc (Đông tứ trạch) cộng với hướng Đông, Bắc, Nam là bốn hướng tốt( các hướng có màu vàng trắng trên sơ đồ) dùng đặt hứơng ngồi trong bàn ăn, bàn tiếp khách, làm việc, để mệnh và trạch tương phối, kích hoạt sinh khí tiêu trừ sát khí, vượng tài lộc, tấn điền trang, dùng một trong bốn hướng ấy đặt đầu giường gối đầu khi ngủ để huyệt Bách Hội bẩm thụ được khí tiên thiên là cho đầu óc minh mẫn sáng suốt, tinh toán nhanh nhạy hiệu quả phía đông, Đông Bắc trong phòng khách nên đặt một bình gốm(gốm thuộc Thổ) hoăc một bể cá thủy sinh với những con cá màu hồng, vàng hoặc đen, cây thủy sinh 50% có màu xanh, 50% có màu vàng đất hoặc đỏ đen theo nguyên tắc tương sinh vì (Thổ, thủy sinh mộc) thì các bác sống lâu khỏe mạnh  mà không suy nghĩ lăn tăn. Bốn hướng còn lại cực xấu thuộc(Tây tứ mệnh)là Tây, Tây Nam, tây Bắc và Đông Bắc (bốn hướng có màu xanh trên sơ đồ) nên hạn chế sử dụng, có thể đặt bếp theo nguyên tắc (Tọa hung hướng cát, tức quay lưng về hướng xấu, quay mặt về hướng tốt), dùng dặt tủ lạnh, máy giặt, nhà vệ sinh, kho đồ cũ để chấn trừ sát khí
 
Như vậy căn cứ vào thiên can địa chi Canh Tý sinh ra các bác thì năm nay bác nào cũng gặp thuận thiên lợi địa. Các bác cứ giữ tâm thế lạc quan yêu đời sẵn có của Tý thì chắc chắn tổng kết cuối năm rất là vui. Các bác bỏ qua cái con số 53 đi vì cơ bản “đức năng thắng số”mà!
 Ý kiến của bác Hieu6x lại là chuyện khác : Theo các nhà sinh lý học cho rằng cơ thể con người cứ trải qua chu kỳ 7 năm là thay đổi cơ bản, đó là khoảng thời gian phát triển bình thường về mặt sinh học. Tuy nhiên vào nhưng chu kỳ như vậy mà ngẫu nhiên có các yếu tố khách quan tác động thì ta gặp những vận hạn tai ương, bệnh tật nhất là chu kỳ 7 nhân 7 = 49 là chu kỳ thay đổi lớn nhất của con số 7 ma thuật này cộng với yếu tố khách quan tác động như gặp vùng cộng hưởng sóng địa từ, hoặc gặp thời điểm bùng nổ năng lượng mặt trời gây bão từ hoặc cá́c thông số của biểu đồ chu kỳ sinh học (sức khỏe, trí tuệ, tâm lý)ngẫu nhiên gặp nhau dưới trục hoành thì các bác gặp rắc rối là cái chắc, nhất là bác nào có vấn đề về tim mạch) Do vậy bác Hieu 6x gặp hạn năm 49 tuổi thì bây giờ cứ ung dung rung đùi nhâm nhi giò chả. Xin chúc tất cả các bác Xin chào các bác Chuột ngày gặp nhiều may mắn phát đạt và dồi dào sức khỏe.



Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 26 Tháng Giêng, 2012, 02:18:56 pm
  THƯA CÁC BÁC TRONG CỘNG ĐỒNG VMH. Gần hai mươi năm khoác áo chiến binh. câu chuyện của tôi về một thời để nhớ cũng chỉ có vậy. Rồi hơn hai mươi năm qua sau khi gửi bao kỷ niệm thân thương vào bộ quân phục. Lại lăn lộn với đời sống một công chức như hầu hết các bác. Nay nghĩ lại đôi khi thấy cũng không kém phần trăn trở  để trụ được với cuộc sống xã hội đổi thay từng ngày. Nay tôi xin mạn phép trao đổi một số nhận thức của mình trong cuộc sống hiện tại về một số khía cạnh xã hội: Có thể nói, tôn giáo là một hiện tượng hấp dẫn song cũng bí ẩn nhất trong đời sống con người và xã hội. Tôn giáo không những có sức sống kỳ lạ trong kỷ nguyên khoa học công nghệ mà còn có ảnh hưởng rất sâu rộng đến tất cả mọi người. Vậy tôn giáo là gì? mỗi người chúng ta cần có thái độ như thế nào khi tìm hiểu về tôn giáo. Trong một xã hội pháp quyền và tến bộ, ngoài các qui phạm pháp luật, qui phạm đạo đức, qui phạm xã hội  để điều chỉnh hành vi công dân qui về các chuẩn mực thì giáo lý tôn giáo cũng góp phần đưa con người đền gần với chuẩn (chân thiện mỹ) hơn      
- PHẬT GIÁO: là một tôn giáo cổ xưa nhất của trái đất. Ra đời vào giữa thế kỷ thứ VI tr CN tại Ấn Độ.Với triết lý nhân sinh, Phật giáo nhìn nhận thế giới tự nhiên cũng như con người bằng sự phân tích Nhân – Quả, qua đó giải quyết vấn đề thế giới quan và nhân sinh quan là không có quan niệm về một đấng tối cao (Brahman) có khả năng ban thưởng hay trừng phạt chúng sinh. Phủ định phạm trù Atman mà nêu lên quan điểm Anatman (vô ngã – không có tôi).


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 26 Tháng Giêng, 2012, 02:19:36 pm
-. Theo đó vạn vật trong vũ trụ chỉ là sự giả hợp, khi hội đủ nhân duyên mới tụ (có) kể cả sự tồn tại của thực thể con người cũng phải hội tụ đủ duyên Ngũ Uẩn mới thành. Còn quan điểm (vô thường) thì vạn vật biến đổi vô cùng theo chu trình bất tận: Sinh. Trụ. Dị. Diệt cho nên mới có quan niệm sắc sắc – không không. Từ nguồn gốc xuất thân, con đường gian nan tu tập cho đạt tới Giác ngộ của Đức Phật. Tôi ngộ ra rằng: Theo giáo lý nhà Phật thì Phật luôn tồn tại ở ba trạng thái là quá khứ, hiện tại và vị lai. Phật không phải Đấng tạo ra vũ trụ, vũ trụ tồn tại là tự thân nó trong vòng sinh diệt, có đó nhưng cũng mất đó.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 26 Tháng Giêng, 2012, 02:21:45 pm
.  Đức Phật  tìm ra cội rễ của sự đau khổ mà chúng sinh phải gánh chịu và Ngài đã tìm ra con đường giải thoát khỏi luân hồi đau khổ. Bồ tát giúp con người trên đường tới giải thoát (Moksa) khỏi vòng luôn hồi nghiệp báo hướng tới Niết bàn (Nirvana) nhưng không phải là sự tự giác của bậc này. Họ cho rằng chúng sinh đau khổ do nghiệp báo (Karna) được nhắc tới trong (Khổ Đế – Duhkha): Sinh. Lão. Bệnh. Tử. Ái biệt ly. Cầu bất đắc. Oán tăng hội. Ngũ  thụ uẩn. Nung nấu tâm can mà chịu đau khổ- Tập đế (Nhân đế - Samudayya) là một trong bốn chân lý vĩ đại của nhà Phật (thuyết tứ diệu đế), chỉ ra nguyên nhân làm cho chúng sinh nói chung và kiếp nhân sinh nói riêng phải gặt hái quả nghiệp báo là luân hồi vô tận mà xét đến cùng cái (nhân) đó chính do con người gieo bằng Tham Sân Si được nhắc đến trong (Nhị thập nhân duyên -Thuyết nhân duyên) nói về kiếp nhân sinh theo 12 vòng khâu tạo ra mối quan hệ nhân quả hoặc điều kiện tương hỗ để hiểu cội rễ của đau khổ là do cái nhân (Vô minh) sinh ra rồi kết thành quả là (lão, tử và luân hồi). Cần diệt vô minh thì hóa giải khổ đau.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 26 Tháng Giêng, 2012, 02:22:24 pm
 -  Ước vọng cuối cùng cuối cùng của chúng sinh là giải thoát, mà muốn thoát vòng luân hồi thì phải tự mình tu tỉnh theo người thầy là những bậc Sư, hướng dẫn cách thức trong các kinh Phật đã chép và cách Đức Phật đã tu luyện theo hai diệu đế sau là Diệt đế (Nirodha) và Đạo đế (Marga). Ngay sau khi Siddharta mất, Phật giáo chia ra hai bộ phận: Phái thượng tọa bộ (Theravada) và phái Đại chúng bộ (Mahasamghika).
-  Xuất phát từ hướng du nhập phát triển lên phía Bắc của chi phái này nên còn gọi là Phật giáo phái Bắc tông. Ngoài thờ Đức phật, phái này còn thờ các vị bồ tát (Boddisattva). – Phái Đại thừa có phép tu tổng quát cho mọi phật tử thực hành nhằm ngăn ngừa những việc làm ác, đó là Ngũ giới (Không sát sinh, đạo tặc, dâm dục, vọng ngữ, ẩm tửu) với Lục độ là (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, bát nhã). Đây là cách tu của phái đại thừa( Mahayana). Bánh xe lớn, tu đạt tới Phật quả. Chủ trương về lợi tha (Tu cho mọi người).
- Thuyết Ngũ uẩn (Năm sự tích tụ) gồm: Sắc. Thụ. Tưởng. Hành. Thức. Diễn giải về sự biến hóa của thế giới vạn vật. Theo đó mọi hiện tượng trong thế giới đều do Duyên mà sinh diệt biến hóa. Trong đó Sắc uẩn gồm tứ đại là: phong, hỏa, địa, thủy giao hòa tương hỗ tạo ra trời đất muôn vật. Phật giáo không chủ trương có cái Tôi và linh hồn, không có chủ thể luân hồi. Với khái niệm Dharma, Phật giáo cho rằng vạn vật chúng sinh là kết cấu từ những tổ hợp phi vật chất chảy mãi trong vòng sinh diệt đến lúc tổ hợp ấy tiêu hủy thì Dharma trong nó được giải phóng và bắt đầu cho dòng chảy ở tổ hợp khác mãi mãi. Nhưng Dharma có dạng động nằm trong kiếp luân hồi và dòng tĩnh khi nó đã thoát khỏi vòng luân hồi.
-  Phật giáo với ba tông phái: Thiền Tông. Mật Tông. Tịnh Độ tông qui định cách thức hành đạo và tu luyện theo từng điều kiện, trình độ khả năng nhận thức để có thể tiếp nhận được chân lý huyền diệu của ánh sáng Phật pháp cho những đối tượng nhất định trong xã hội, ví dụ Thiền tông là cách tu của bậc tăng già, trí giả, quan chức.v.v.
-  Đầu tiên, Phật giáo được truyền thẳng từ Ấn Độ vào Việt Nam trong những năm đầu công nguyên do các tăng sĩ và thương gia đến bằng đường biển là Phật giáo phái tiểu thừa do đó trong ngôn ngữ Việt, nhất là phía Bắc có từ Bụt để chỉ Phật là phiên âm từ Buoddha  theo Phạn ngữ. Nhưng đến khi các giáo sĩ Trung Hoa truyền đạo Phật vào Việt Nam lại mang màu sắc phái đại thừa cho nên Phật giáo ở Việt Nam hiện nay mang dấu ấn phái đại thừa là chính. Trước khi Phật giáo được truyền bá vào đất Giao Châu thì dân bản địa thường thờ đa thần.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 26 Tháng Giêng, 2012, 02:23:21 pm
. Do vậy với khái niệm Bụt và các chuẩn tắc, khái niệm trong giáo lý nhà Phật dễ dàng đồng hóa những khái niệm về Thần ở thời buổi sơ khái của tôn giáo mới du nhập này trên vùng đất mới này nên nó thấm vào đời sống tâm linh người Việt cổ như nước tìm được nguồn lạch thấm dần. Qua tham khao tài liệu chính thống, cùng những tác phẩm văn học, các giáo khoa giáo dục phổ cập và đi thực tế ở những vùng miền phía bắc, nhất là vung sâu, vùng xa. Tôi nhận ra một điều, từ Phật có vẻ xa lạ và khó cảm hơn từ Bụt đối với dân chúng nói chung, nhất là ở lớp người lớn tuổi và lớp đồng ấu, có lẽ một phần cũng do nhận thức vì Bụt được mã hóa từ hình ảnh phúc hậu hiền lành đến những phẩm chất thần thông biến hóa, lòng vị tha nhân ái mênh mông, Bụt giúp đỡ người cùng khổ bệnh tật cô đơn, Bụt ban phát những ân huệ cho người đức hạnh, nhưng không có thông tin nào đề cập đến Bụt trừng phạt kẻ ác... Đạo Phật ở Việt Nam không có sự tách bạch giữa các phương pháp tu hành để giải thoát. Chủ trương dung hợp giữa tự lực và tha lực, kết hợp giữa Thiền Tông với Tịnh Độ Tông đã thể hiện ở cách thờ tự tại chùa chiền Việt Nam đó là thờ rất nhiều tượng: Thích ca, Bồ tát, La Hán, A Di Đà, Di Lặc, Quan Âm.v.v. Với nhiều kiểu dáng, thời điểm kiết già hay nhập niết bàn, tư thế truyền. Đạo Phật ở Việt Nam không có sự tách bạch giữa các phương pháp tu hành để giải thoát. Chủ trương dung hợp giữa tự lực và tha lực, kết hợp giữa Thiền Tông với Tịnh Độ Tông đã thể hiện ở cách thờ tự tại chùa chiền Việt Nam đó là thờ rất nhiều tượng: Thích ca, Bồ tát, La Hán, A Di Đà, Di Lặc, Quan Âm.v.v. Với nhiều kiểu dáng, thời điểm kiết già hay nhập niết bàn, tư thế truyền đạo của các vị. đạo của các vị.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 26 Tháng Giêng, 2012, 02:24:02 pm
- THIÊN CHÚA GIÁO: Với tài liệu :(Thần học – Triết học Tôn giáo trong nền văn hóa châu Âu - Địa trung hải, sách Khải Huyền, Kinh Thánh Tân Ước, sách Mục Vụ và tác phẩm Thần Khúc của Dante): Cũng như thế giới quan các tôn giáo khác, Thiên Chúa giáo có hàng loạt những tư tưởng lặp lại: Chúa sáng tạo ra thế giới (Sáng thế luận). Chúa qui định trước những sự kiện xả- Hình thành ở Palestin vào thế kỉ thứ I (sau CN) như một tôn giáo của tầng lớp nô lệ cùng khổ bị áp bức bóc lột bởi đế quốc La Mã. Tiền thân cơ sở giáo lý Thiên Chúa Giáo là những nội dung ghi chép của giới trí thức Do Thái trong thời gian lưu tán vì chiến tranh loạn lạc nhằm phản ánh giữ gìn lịch sử dân tộc mình dưới dạng thần thoại và được coi là kinh thánh Do Thái giáo, cộng với nền tảng tư tưởng triết học Hy Lạp và La Mã, phát triển rộng hơn những quan điểm về thế giới quan từ kinh cựu ước Do Thái giáo để xây dựng giáo thuyết hoàn chỉnh của mình. y ra trong thế giới (Tiền định luận). Sự hòa hợp của cấu trúc thế giới (Mục đích luận).
- Hình thành ở Palestin vào thế kỉ thứ I (sau CN) như một tôn giáo của tầng lớp nô lệ cùng khổ bị áp bức bóc lột bởi đế quốc La Mã. Tiền thân cơ sở giáo lý Thiên Chúa Giáo là những nội dung ghi chép của giới trí thức Do Thái trong thời gian lưu tán vì chiến tranh loạn lạc nhằm phản ánh giữ gìn lịch sử dân tộc mình dưới dạng thần thoại và được coi là kinh thánh Do Thái giáo, cộng với nền tảng tư tưởng triết học Hy Lạp và La Mã, phát triển rộng hơn những quan điểm về thế giới quan từ kinh cựu ước Do Thái giáo để xây dựng giáo thuyết hoàn  Theo đó Chúa Trời là đấng sáng thế, có trước cả ánh sáng, bóng tối, trước cả không gian, thời gian. Tạo ra Adam từ hư vô và Eva từ xương sườn của người đàn ông đầu tiên này theo mẫu ngoại hình của Chúa. Nhân loại là con cháu của họ cũng có nghĩa là con của Chúa, phải kính sợ và thờ phụng Chúa. Họ cho rằng tôn giáo của họ là do Chúa mang đến cho thế gian dưới dạng có sẵn và hoàn bị của mình. -Trong kinh cựu ước nêu rõ: Theo mặc khải Chúa, tiên tri Abraham, Moisen, Mesia và các tiên tri khác có nhiệm vụ phán dạy loài người nhận biết sự tồn tại của Chúa đồng thời dọn đường trước khi đấng Kito xuống thế làm người thực hiện công cuộc cứu chuộc nhân loại vì ngay từ khi sinh ra đời, con người đã phải mang tội tổ tông, trong đời sống của mình, loài người không ăn năn hối cải mà càng mê lầm đắm đuối vào dục vọng và làm những điều ác, xa lánh và không nhận biết được ân sủng chúa ban, không hiệp thông cầu nguyện cùng chúa để dọn mình thanh sạch - Phần kinh Tân ước mô tả công cuộc cứu chuộc nhân loại của chúa Giesu kito và xây dựng hội thánh Chúa.  Thực hiện ý chí Chúa Cha, chúa Giesu kito được hạ sinh qua trinh nữ Maria theo phép Chúa thánh thần trong hang đá Belem. Lớn lên theo thánh Giuse là cha tinh thần, làm nghề thợ mộc, tại thành Lazaret vùng bờ Đông sông Jordan đến khoảng ba mươi tuổi bắt đầu rao giảng về Chúa Cha và nước Trời. Chịu nhục hình, bị đóng đinh câu rút trên thập giá, mai táng trong hang đá thời vua Fonxio Philato, nhằm thức tỉnh và cứu chuộc  nhân loại. Tất cả những diễn biến trên đối với Chúa Kito là do ý Đức Chúa Cha thể hiện sự hi sinh cao cả, lòng thương xót mênh mông của Chúa đối với thiên hạ. Ba ngày sau Chúa Kito sống lại theo lời phán quyết trước đó. Rồi tiếp tục cùng 12 tông đồ rao giảng về nước trời và xây dựng lên hội thánh Chúa. Sau khi đã giao hội thánh cho tông đồ Cả là thánh Phero. cho buổi trùng phùng nơi nước Trời. Phần kinh Tân ước mô tả công cuộc cứu chuộc nhân loại của chúa Giesu kito và xây dựng hội thánh Chúa.  Thực hiện ý chí Chúa Cha, chúa Giesu kito được hạ sinh qua trinh nữ Maria theo phép Chúa thánh thần trong hang đá Belem. Lớn lên theo thánh Giuse là cha tinh thần, làm nghề thợ mộc, tại thành Lazaret vùng bờ Đông sông Jordan đến khoảng ba mươi tuổi bắt đầu rao giảng về Chúa Cha và nước Trời. Chịu nhục hình, bị đóng đinh câu rút trên thập giá, mai táng trong hang đá thời vua Fonxio Philato, nhằm thức tỉnh và cứu chuộc  nhân loại. Tất cả những diễn biến trên đối với Chúa Kito là do ý Đức Chúa Cha thể hiện sự hi sinh cao cả, lòng thương xót mênh mông của Chúa đối với thiên hạ. Ba ngày sau Chúa Kito sống lại theo lời phán quyết trước đó. Rồi tiếp tục cùng 12 tông đồ rao giảng về nước trời và xây dựng lên hội thánh Chúa. Sau khi đã giao hội thánh cho tông đồ Cả là thánh Phero. 


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 26 Tháng Giêng, 2012, 02:24:55 pm
. Chúa Kito trở về với Đức Chúa Cha, hẹn sẽ trở lại thế gian phán xét kẻ sống và kẻ đã chết khi nắng lửa mưa dầu trong ngày tận thế xảy ra, ai giữ gìn đời sống thanh sạch và hiệp thông cầu nguyện cùng Chúa thì được chọn vào nước Chúa, những kẻ tội lỗi sẽ phải đày xuống Hỏa Ngục. Họ quan niệm về tội tổ tông mà loài người ai cũng phạm phải. Tin có một Chúa sáng thế toàn năng, hằng hữu muôn đời, có quyền năng vô biên, có lòng vị tha nhân loại. . Tin có ba ngôi thống nhất trong chúa là Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần (nhất vị tam thể) đồng bản tính và cũng yêu thương nhân loại đến vô cùng, Trong đó ngôi thứ hai là Đấng được sai là Đấng cứu thế  là Chúa Giesu Kito. Ngôi thứ ba là Chúa thánh thần, đóng vai trò nhiệm mầu tiếp nguồn sức Thánh , thánh hóa nhân loại đủ sức vượt qua các điều ác dữ, xa lánh mọi sự cám dỗ của thế lực ác độc được khái niệm là quỉ Satan, kẻ đã bị Chúa phạt đày xuống hỏa ngục. Cách thức và tư tưởng hành đạo của tín đồ là nhận những phép bí tích của Chúa từ Linh mục trong nghi thức cử hành thánh lễ như những bí tích: Truyền chức thánh, rửa tội, thêm sức, hôn phối, thánh thể, xức dầu.v.v.Tín hữu tuân thủ những chuẩn mực trong giáo lý hội thánh dạy, giữ gìn đạo đức tôn giáo. Thực hiện mười điều răn của chúa, trong đó bốn điều đầu đề cập đến đạo đức của nhân loại đối với Chúa. Sáu điều tiếp theo là các chuẩn tắc đạo đức trong quan hệ giữa người với người trong gia đình và xã hội.. Mọi tư duy và hành động của tín hữu theo phúc âm (kinh thánh Tân ước), tuân thủ những điều răn dạy của hội Thánh. Sống trong hiệp thông cầu nguyện cùng chúa, thương yêu tha nhân để được chúa ban tình thương, sự cứu rỗi. Họ tin có linh hồn bất tử, có thiên đường, địa ngục. - Toàn bộ lịch sử Thiên Chúa giáo cũng có lúc thịnh suy mà trong những giai đoạn phân liệt nhất do những bất đồng về nhận thức luận của các nhà thần học và triết học tôn giáo, việc đánh giá kinh thánh, cách thức hành giáo và vai trò con người cùng những ảnh hưởng thế tục.v.v.Nội tại hội thánh bất đồng và phân nhánh thành những hội thánh độc lập như hội thánh Constantinopon. Atiohi. Alecxandro. Sip. Chính thống Gruzia. Gierusalem. Cho đến ngày nay đang tồn- Toàn bộ lịch sử Thiên Chúa giáo cũng có lúc thịnh suy mà trong những giai đoạn phân liệt nhất do những bất đồng về nhận thức luận của các nhà thần học và triết học tôn giáo, việc đánh giá kinh thánh, cách thức hành giáo và vai trò con người cùng những ảnh hưởng thế tục.v.v.Nội tại hội thánh bất đồng và phân nhánh thành những hội thánh độc lập như hội thánh Constantinopon. Atiohi. Alecxandro. Sip. Chính thống Gruzia. Gierusalem. Cho đến ngày nay đang tồn tại những hội thánh lớn như: tại những hội thánh lớn như:Tin có sự sống vĩnh hằng nơi nước Trời cùng Chúa.v.v.- Toàn bộ lịch sử Thiên Chúa giáo cũng có lúc thịnh suy mà trong những giai đoạn phân liệt nhất do những bất đồng về nhận thức luận của các nhà thần học và triết học tôn giáo, việc đánh giá kinh thánh, cách thức hành giáo và vai trò con người cùng những ảnh hưởng thế tục.v.v.Nội tại hội thánh bất đồng và phân nhánh thành những hội thánh độc lập như hội thánh Constantinopon. Atiohi. Alecxandro. Sip. Chính thống Gruzia. Gierusalem. Cho đến ngày nay đang tồn- Toàn bộ lịch sử Thiên Chúa giáo cũng có lúc thịnh suy mà trong những giai đoạn phân liệt nhất do những bất đồng về nhận thức luận của các nhà thần học và triết học tôn giáo, việc đánh giá kinh thánh, cách thức hành giáo và vai trò con người cùng những ảnh hưởng thế tục.v.v.Nội tại hội thánh bất đồng và phân nhánh thành những hội thánh độc lập như hội thánh Constantinopon. Atiohi. Alecxandro. Sip. Chính thống Gruzia. Gierusalem. Cho đến ngày nay đang tồn tại những hội thánh lớn như: tại những hội thánh lớn như:-   Cơ đốc giáo
là hội thánh lớn nhất trong Thiên Chúa giáo (có hiện diện ở Việt nam) với hội sở là tòa thánh Vatican một hình thức nhà nước trong nhà nước tại, Roma - Italia. Người đứng đầu là Giáo hoàng có nhiệm kỳ suốt đời, với một thiết chế độc lập gồm các giáo bộ quản lý điều hành các hoạt động tôn giáo toàn cầu do các Hồng y bộ trưởng phụ trách. Có Quốc ca, quốc hiệu và quốc kỳ cùng lực lượng Thánh binh riêng với sự hiện diện một ngàn công dân La mã. Hiện đang quan hệ ngoại giao với hơn một trăm nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cơ sở triết học Cơ Đốc giáo là chủ nghĩa hiện sinh, bắt nguồn từ chủ nghĩa phi duy lý và thần bí học của nhà triết học cổ đại duy tâm khách quan Platon với hệ thống triết học (học thuyết về ý niệm), về sau Alexsandro Filon phát triển rộng hơn. Tiếp đó là nhà thần học Thiên chúa giáo Augustin, nhà thần học trung cổ Toma Dacan. Và thuyết tayo der Sacdanh bắt nguồn từ truyền thống duy lý chủ nghĩa của tiết gia Aristos (Theo Mac, là đỉnh cao của triết  học Hy lạp cổ đại). Đề cập đến những nguyên tắc hài hòa giữa niềm tin và lý tính.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 26 Tháng Giêng, 2012, 02:26:00 pm
. Học thuyết về tồn tại. Lý luận về nhận thức. Triết học hành động. Lý tưởng xã hội. Quan niệm triết học thần học về tự nhiên.v.v. Trong giai đoạn lịch sử hiện đại. Chủ nghĩa Tô Mát mới (Neo Thomisme) với cơ sở bản thể luận, nhận thức luận đã trở thành học thuyết xã hội của Cơ Đốc giáo chính thống thể hiện tổng thể những quan điểm về chính trị – xã hội, kinh tế, đạo đức dưới hình thức hiện nay cùng những luận chứng về thần học, các viện dẫn kinh thánh được thảo luận gay gắt tại Công đồng Vatican II (1962-1965).Trong thông báo của Giáo hoàng Phaolo VI và Giáo hoàng Gianpon II về vấn đề giáo hội không tham gia các thiết chế thế tục. Tuy nhiên trên quan điểm của Neo Thomisme. Giáo hoàng Gianpon II đã đề cập sâu vào phạm vi kinh tế học – chính trị. Sự tha hóa của xã hội hiện đại về đạo đức, về niềm tin, ý thức bảo vệ môi trường và công bằng xã hội. Đặc biệt Ông cho rằng: quan hệ Lao động và Tư bản là hai yếu tố hữu cơ không tách biệt, không đối lập. Ông thống nhất quan điểm tình hình bóc lột giá trị hặng dư ở phương Tây không còn nguyên vẹn hình thức như C.Mac đã mô tả, nhưng hệ lụy do nền kinh tế thị trường sinh ra vẫn là điều nhức nhối của nhân loại và Ông thừa nhận nền kinh tế thị trường vẫn không đáp ứng được nhu cầu của con người hiện đại (thông cáo Centisimus annus). Ngoài ra trong học thuyết “Tồn tại” của Tô Mát mới cho rằng: Mọi cái do Chúa tạo ra cấu thành cái gọi là phân cấp tồn tại được đặc trưng bằng vật chất trong hình thức. Từ khách thể đầu tiên là khoáng vật tới thế giới vô cơ, hữu cơ, thực vật, động vật có linh hồn hữu tử đến con người “thần linh thuần túy” các thiên thần.v.v. Linh hồn bất tử của con người – Là hình thức qui định tồn tại Chúa.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 26 Tháng Giêng, 2012, 02:26:34 pm
. Nó là thành tố tốt đẹp hơn so với thể xác vì nó thuộc về Chúa là tồn tại Chúa quan hệ với tồn tại người do Chúa tạo ra có bản chất không đơn nhất nhưng cũng không đối lập mà thực chất chỉ là những cái tương tự. Vậy xét các thuộc tính của tồn tại này thì ta có thể hình thành quan niệm về những đặc tính của Chúa.Từ quan điểm trên rõ ràng con người là bất khả tri và không bao giờ nắm được chân lý, hình ảnh nhận thức của con người không phải các khách thể vật chất mà những gì con người biết được chỉ là những xắp đặt của Chúa, chỉ là ảo ảnh và do ý chí năng lực của Chúa ban cho sinh vật cao cấp nhất có linh hồn bất tử do Chúa tạo ra. con người. Cái thể xác và bản năng sống là tồn tại Người. Linh hồn và tư duy cao siêu là tồn tại Chúa trong Người.
  * Các giáo hội thiên chúa giáo khác:
- Do thái giáo chủ yếu ở trung cận đông và một số nước trên thế giới
- Anh giáo ở Anh quốc và một số nước thuộc liên hiệp Anh, trong đó lại phân thành nhiều giáo phái.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 26 Tháng Giêng, 2012, 02:31:20 pm
- Chính thống giáo ở các nước đông Âu, nội bộ lại phân thành nhiều giáo phái khác.
- Tin Lành giáo là một hội thánh Thiên Chúa giáo cách tân, hiện nay phân thành nhiều giáo phái khác và tồn tại trên khắp thế giới. Đại biểu là phái M.Lute, Gi. Canvanh.
  * Từng giáo hội trong Thiên Chúa giáo đều có nét đặc thù riêng: Nhận thức luận về thế giới quan tôn giáo, nhận thức về kinh thánh, hình thức nội dung mục vụ có những hình thức khác nhau. Nhưng đều thống nhất ở chỗ tôn thờ Đức Chúa Trời ba ngôi.
 * Hiện nay Thiên Chúa giáo đang đứng trước nhiều vấn đề về nhận thức luận. Khi cách mạng công nghệ phát triển như vũ bão mà theo các nhà thần học tôn giáo nhận định đã làm cho con người ngày càng sao lãng đức tin vào Chúa. Vấn đề các nhà thần học đặt ra là: Tôn giáo cũng phải đổi mới để giáo lý không bị lỗi thời. Khoa học và tôn giáo có nhiều tiếng nói chung bởi vì cả hai đều là đường hướng quan hệ của con người với hiện thực, đều có nội dung nhận thức và thực tiễn. Vấn đề nữa các nhà thần học tôn giáo đặt ra là vấn đề quan hệ toàn cầu về Kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường. Trong đó sự phân hóa giàu nghèo càng đẩy xa hơn ân sủng của chúa đối với người giàu như nhận định trong kinh thánh “Người giàu vào nước trời khó như lạc đà chui qua lỗ trôn kim”. Còn ngày nay trong xã hội hiện đại người nghèo phải sống trong thiếu thốn đói rét, khổ cực, bệnh tật và thiên tai địch họa.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 26 Tháng Giêng, 2012, 02:32:09 pm
- Qua tìm hiểu về tôn giáo. Tôi nhận thấy: triết học tôn giáo thể hiện bằng tổng thể các trào lưu và các trường phái khác nhau, cạnh tranh với nhau và tồn tại theo các khuynh hướng khác nhau trong từng tôn giáo. Triết học tôn giáo giải quyết những vấn đề về bản thể luận, nhận thức luận, vũ trụ luận, xã hội và các vấn đề khác . Điều cơ bản trong triết học tôn giáo là học thuyết về quan hệ của con người với Đấng tối cao và của Đấng tối cao với con người. Mặc dù những kết luận và luận điểm của thần học bao giờ cũng phù hợp một cách nào đó với hệ thống giáo lý với những tư tưởng cơ bản của kinh thánh và các qui tắc tôn giáo, và mặc dù thần học là cơ sở cấu thành triết học tôn giáo thì cũng không thể đồng nhất giữa chúng vì chúng được phân định theo thành phần, hệ thống khái niệm, phương thức, phương pháp suy luận và luận chứng. Vấn đề cuối cùng các trào lưu triết học tôn giáo đề cập là: Cái chết luận (Thanatos) và hậu thế luận (Eschatos) minh chứng cho cuộc sống ở thế giới bên kia. Là các phương diện quan trọng của thế giới quan tôn giáo do vậy có nhiều nhà thần học chuyên nghiên cứu học thuyết về cái chết. Được trình bày rất rõ trong kinh thánh. Về khía cạnh đạo đức, theo quan điểm tôn giáo truyền thống thì đạo đức được ban tặng cho con người từ bên trên. Những chuẩn tắc cơ bản của nó được Chúa hình thành một cách trực tiếp và con người phải phục tùng. Đối với tín đồ thì đạo đức là tập hợp những mệnh lệnh vĩnh hằng bất biến,  không sửa đổi được, vậy với quan niệm ấy thì đạo đức không tồn tại ngoài tôn giáo nhưng cũng rất nghiệt ngã là càng nhiều tôn giáo thì càng nhiều khái niệm đạo đức. Tuy nhiên ngày nay tính phi tôn giáo là một hiện tượng phổ biến nhưng con người vẫn có đời sống đạo đức, không mắc phải những tội ác và các thói hư tật xấu để trở thành người đáng kính. Trong khi đó giới tăng lữ và các nhà thần học cho rằng “Đây là bối cảnh dị thường nhất thế kỷ XX. Trong đó thông báo của tòa thánh Vatican (Dominuem et vivificantem 1986) Giáo hoàng Gianpon II nhắc đến bức tranh toàn cầu là: Chạy đua vũ trang nguy cơ hủy diệt nhân loại bằng hạt nhân, biến đổi khí hậu, đói nghèo lạc hậu, sự lũng đoạn của chủ nghĩa khủng bố quốc tế là những biểu hiện của thông điệp về cái chết mà trách nhiệm thuộc về chủ nghĩa vô thần. Ông cho rằng “Chủ nghĩa vô thần là hệ tư tưởng của cái chết”. Là “sự thách thức của chủ nghĩa vô thần” Đang đe dọa sự tồn tại của nhân loại, hình thành những vấn đề toàn cầu. .


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 26 Tháng Giêng, 2012, 02:32:58 pm
- KHỔNG GIÁO - TRUNG HOA CỔ ĐẠI -TRUNG QUỐC HỌC.(Tài liệu: bộ Ngũ Kinh. Bộ Tứ Thư. Tôn giáo học. Chu dịch. Nho gia châm ngôn lục. Triết học Đông phương).
-   Là một quốc gia rộng lớn với hai miền khác nhau hoàn toàn về địa lý khí hậu và cấu trúc xã hội. Miền Bắc, lưu vực Hoàng hà, xa biển, nhiệt độ lạnh, khí hậu hanh khô, tuyết phủ dày trên các ngọn núi, cây cối khẳng khiu trụi lá, toàn cảnh nói lên thông điệp của sự èo uột lụi tàn. Miền Nam với cuộc sống sung túc, sản vật thiên nhiên đủ đầy, trời đất và con người thuận hòa ấm áp trong lưu vực Dương Tử giang. Cuối tế kỉ III tr CN Tần Thủy Hoàng thống nhất đất nươc Trung Hoa bằng uy quyền bạo lực và mở đầu thời kỳ đầu phong kiến. Với chín trường phái triết học (cửu Gia) phần lớn hình thành vào thời Xuân thu –Chiến quốc thăng trầm theo lịch sử trung cổ đến thời cận đại gồm: Nho gia, Mặc gia, Đạo gia, Âm dương gia, Danh gia, Pháp gia, Nông gia, Tung Hoành gia, Tạp gia và sau nay có Phật giáo được du nhập từ Ấn Độ.
- Khổng giáo (Nho gia) là tôn giáo căn cứ trên học thuyết triết học đạo đức của Khổng Khâu Ni xây dựng (551- 479 Tr CN) . Được các môn đệ của ông phát triển và nằm trong hệ thống tôn giáo Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và một số nước (đồng văn) khác trong khu vực Đông Nam Á. Học thuyết Khổng Tử là sự vay mượn các tín ngưỡng nguyên thủy: Tục thờ cúng tổ tiên, thờ cúng thổ công, tục thờ cúng vị thần tối cao tổ tiên đầu tiên theo truyền thuyết – Thượng đế. Sau đó ông liên tưởng tới Trời (Thiên) như lực lượng thần thánh tối cao, qui định số phận mọi sinh vật trên trái đất (Địa). Mối quan hệ mang tính biểu sinh với nguồn gốc của sự sáng suốt và sức mạnh được mã hóa trong tên gọi đất nước “Hạ giới”, và phẩm tước của người cai trị “Thiên tử” Tên gọi được giữ lại cho đến tận thế kỷ XX.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 26 Tháng Giêng, 2012, 02:33:45 pm
-. Khổng Tử tin có quỉ thần nhưng khái niệm quỉ thần của ông mang tính lễ giáo hơn là tôn giáo. Theo ông quỉ thần là khí thiêng của trời đất tạo nên, nhìn không thấy, tai không nghe nhưng quỉ thần ở khắp mọi nơi. Thế lực này không có tác dụng chi phối cuộc sống con người. Ông chủ trương “ Kính nhi viễn chi” tức con người phải cung kính tế tự quỉ thần nhưng không nên gần gũi, không mê tín. Trong truyền thống Trung Quốc, Khổng Tử thể hiện là người giữ sự sáng suốt của “thời hoàng kim” - thời cổ. Ông cố gắng hoàn lại cho các bậc đế vương uy tín đã mất, hoàn thiện tập quán của nhân dân và làm cho họ trở nên hạnh phúc. Khi đó, ông xuất phát từ quan niệm cho rằng các thánh nhân cổ đã xây dựng thiết chế nhà nước để bảo vệ lợi ích của mỗi cá nhân.
- Khổng Tử sống trong thời kỳ có chấn động chính trị xã hội lớn: Chính quyền nhà Chu đã tan rã, những chuẩn tắc Gia trưởng – thị tộc đã bị phá hủy, bản thân thiết chế nhà nước cũng bị phá hủy. Lên tiếng chống lại tình trạng hỗn loạn đang hoành hành. Khổng Tử đưa ra tư tưởng về sự hài hòa xã hội dựa vào quyền uy của thánh nhân và các bậc vua chúa tối cổ mà việc thành kính đối với họ thường xuyên trở thành sự kích thích hữu hiệu cho đời sống tinh thần và đời sống xã hội Trung Quốc.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 26 Tháng Giêng, 2012, 02:34:42 pm
- - Trong (Luận ngữ) một tác phẩm của bộ (Tứ thư) ghi lại các cuộc đàm thoại của Khổng Tử và học trò, ông trình bày về lý tưởng con người hoàn hảo (Quân tử), lúc đó ông coi cá nhân như mục đích tự thân, ông xây dựng chương trình hoàn thiện con người nhằm mục đích để cá nhân có tinh thần phát triển sẽ đạt tới sự hòa thuận với vũ trụ. Theo Khổng Tử chỉ có người đàn ông cao thượng (thánh nhân) mới có thể là nguồn gốc lý tưởng đạo đức cho toàn thể xã hội. Chỉ một mình nó có ý thức về sự hài hòa và khả năng bẩm sinh sống theo nhịp điệu trời đất. Thánh nhân thể hiện sự thống nhất giữa hoạt động nội tại của cái tâm và lối ứng xử bên ngoài. Thánh nhân hành động phù hợp với tự nhiên, vì từ khi sinh ra nó đã tiếp xúc với những qui tắc tuân thủ “trung dung”. Sứ mệnh của thánh nhân là cải biến chỉnh thể xã hội theo các qui luật hài hòa đang ngự trị trong vũ trụ, là chấn chỉnh bảo vệ sinh linh. Điều quan trọng nhất của Khổng Tử là năm qui tắc bất biến; Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Ông coi lễ là phương tiện cơ sở là sợi chỉ canh nằm giữa trời và đất cho phép mỗi cá nhân, xã hội, nhà nước hòa nhập được phân cấp vô tận trong cộng đồng vũ trụ khi đó. Khổng tử chuyển dịch các qui tắc đạo đức gia đình vào lĩnh vực nhà nước. Ông coi cơ sở phân cấp là nguyên tắc (Trí), mức độ tiếp cận với văn hóa. Ẩn chứa trong bản thân nội tại của (Lễ), thể hiện ra bên ngoài thông qua nghi thức và nghi lễ, ý thức về độ cần phải mang giá trị của sự giao tiếp hài hòa ở cấp độ khả thi đến với mỗi con người, làm cho họ tiếp cận được với năm phẩm hạnh đó là thuyết “ Lễ trị” với những chuẩn tắc: (Tam cương) mang tinh thần áp đặt một chiều là


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 26 Tháng Giêng, 2012, 02:35:25 pm
“Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung. Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu. Phu xướng thê tùy”. Thêm hai mối là Huynh đệ, bằng hữu cấu thành (Ngũ luân) là năm quan hệ gia đình và xã hội : Vua tôi, Cha con, Chồng vợ, Anh em, Bạn hữu. Còn (Ngũ thường) là năm đức trời phú cho mọi người và phải được thường xuyên trau dồi gồm: Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Hiển nhiên trong ngũ luân thì Trung làm đầu, còn ngũ thường thì Nhân làm đầu. Như vậy Đạo của Khổng Tử là Đạo Nhân và Luân Thường gắn bó song hành nhưng trên lý thuyết và thực tiễn thì lúc nào Luân cũng đứng trước Thường. Giáo dục những phẩm chất ấy, thánh nhân tạo ra sự phân cấp trong xã hội, qua đó bảo đảm sức sống của xã hội. Được định trước cho xã hội, âm điệu của trời đất mang xung lực phát triển xã hội vào xã hội nhà nước. Sự lý giải những phẩm chất đạo đức trong câu trả lời của Khổng Tử cho học trò cũ mình bao giờ cũng hợp với đạo trời đất, dường như chứa đựng đầy giai điệu trời đất và phù hợp với chủ thể giao tiếp tính thận trọng và nhượng bộ là dấu hiệu sự tin tưởng đối với đạo đức người đối thoại, loại trừ từ trước tình trạng căng thẳng. Chẳng hạn, tính tương ái trong giao tiếp giữa vua và quan, căn cứ trên nghĩa, định trước sự trung thành của quan là người phản ứng lại thái độ nhân ái, độ lượng và thiện chí của vua giống như tình yêu của cha đối với con. Trong đạo đức học Khổng giáo, địa vị của người dưới không bao giờ bị coi là địa vị thấp hèn:


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 26 Tháng Giêng, 2012, 02:36:11 pm
Nó giả định  rằng người có đia vị thấp sẽ nhận sự thông cảm làm cho nó thỏa mãn nhằm đáp lại lối ứng xử của nó
 Với tư cách là một chính khách Khổng Tử hiểu được giá trị của Lễ trong công việc điều hành đất nước. Khi làm cho thần dân làm quen với việc tuân thủ ý thức về trung dung trong việc lớn và việc nhỏ dễ làm cho con người thích nghi ở cấp độ cá nhân và cấp độ xã hội, thúc đẩy và phòng ngừa những xung đột đã chín muồi. Lễ góp phần duy trì tính đa dạng trong chỉnh thể xã hội, mở ra cho cá nhân triển vọng hoàn thiện, là sự bảo vệ cuộc sống, cho phép trải qua mọi điều kiện vô cùng nan giải, cụ thể là làm hài hòa nhu cầu của nhân dân trong điều kiện vật chất và tài nguyên thiên nhiên có hạn, việc mỗi người tuân thủ nguyên tắc trung dung đảm bảo duy trì các giá trị đạo đức trong xã hội Cụ thể là không cho phép phát triển thói thích hưởng thụ và làm hại tinh thần. Đươc nuôi dưỡng bằng nền văn hóa Trung Quốc, tính ổn định của chỉnh thể xã hội và nhà nước Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào Lễ.
  Mỗi thế hệ mới đều lý giải các tư tưởng của Không tử theo cách riêng của mình. Chẳng hạn, Mạnh Tử (372-289 tr CN) đã xem xét lại luận điểm quan trọng nhất của người thầy là bản chất đức trị. Ông nhận thấy thiết kế cổ về chế độ xã hội lý tưởng và chế độ sử dụng đất lý tưởng là con đường đưa con người đến việc đạt tới sự hài hòa với tự nhiên và trong quan hệ cá nhân với nhau, đạt tới sự hòa thuận giữa người trên và kẻ dưới trong xã hội. Người ta sẽ tuân thủ sự cân bằng về tài lực trong nhà nước lý tưởng


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 26 Tháng Giêng, 2012, 02:36:53 pm
: Vua chúa thì nhận được những thứ cần thiết còn dân không bị đau khổ do mất mùa và thuế má nặng nề. Trong trường hợp phá vỡ sự công bằng (Nghĩa), Mạnh tử kiên định quan điểm “nhân dân có quyền khởi nghĩa và chuyển ý trời cho một người được chọn mới, có đức hạnh thực hành trách nhiệm Thiên Tử chăn dắt thần dân”. Với quan điểm đó trong mối quan hệ xã hội và gia đình cũng được Mạnh tử cách tân, thể hiện tính công bằng ngay trong tam cương, ngũ thường: Quân minh, Thần trung. Phụ từ, Tử hiếu. Phu nghĩa Thê tùy. Huynh lương, Đệ đễ. Bằng hữu thủ tín.
 Vào đầu thiên niên kỷ mới các xu hướng mới xuất hiện trong Khổng giáo: Vì quyền lợi của giai cấp thống trị, thiết chế pháp luật được phái pháp trị bổ xung cho Lễ như phương tiện cai trị thần dân. Khi hợp nhất những khái niệm không tương dung này, người ta đã nói thêm: Cần áp dụng Lễ chủ yếu cho tầng lớp trên của xã hội và áp dụng chế độ cai trị tầng lớp dưới bằng luật pháp và trừng phạt.
 Vào thế kỷ II tr CN, Khổng giáo đã có được tính chất của một hệ tư tưởng nhà nước. Học thuyết truyền thống về hai bản nguyên (âm và dương) và năm nguyên tố (ngũ hành: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) cấu thành vạn vật đã được qui về một hệ thống  thống nhất bao phủ toàn bộ vũ trụ, đã đưa ra lý giải vũ trụ luận về chế độ nhà nước và chế độ xã hội nhờ xuất phát từ mối quan hệ giữa trời, con người và xã hội.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 26 Tháng Giêng, 2012, 02:37:40 pm
  Vào thời trung cổ, khi Phật giáo phổ biến ở Trung Quốc, bắt đầu từ thế kỷ IV-V, sự biến thái của Khổng giáo diễn ra do người ta đưa vào nó các yếu tố của Phật giáo và đạo giáo. Người ta đã mã hóa các văn bản chính viết về qui tắc tôn giáo: Việc tái bản chúng và bình luận mới về chúng  có kỳ vọng là đúng đắn nhất. Phong trào nhằm lý giải lại những tác phẩm kinh điển cổ rốt cuộc chuyển biến thành thuyết Khổng giáo mới. Vào thế kỷ thứ XII học thuyết này nhận được tên gọi mới là thuyết Chu di (1133 – 1200)
  Ngay từ những thế kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ mới, các quan điểm của Khổng Tử ngày càng bị xuyên tạc, nội dung ban đầu của chúng bị cắt xén. Giới nho sĩ cầm quyền tự coi mình là người đại diện cho tri thức tuyệt đối, còn những tín ngưỡng hổ lốn là của nhân dân, trước hết chúng sẽ dẫn tới Đạo giáo, bị coi là tà đạo mê tín dị đoan tầm thường. Trong văn cảnh của Khổng giáo chính thống, khi nhà nước trở thành thiết chế tôn giáo tối cao, còn hệ thống nghi lễ quan phương có được hình thức hoàn chỉnh, khoảng cách giữa thần dân và quan lại ngày càng tăng. Điều này góp phần vào việc dần dần thần thánh hóa Khổng Tử. Việc bắt đầu thờ phụng Khổng Tử bắt nguồn từ chỉ thị của Hoàng Đế vào năm 555 về việc xây dựng đền thờ Khổng Tử ở các thành phố và lễ kỉ niệm ông thường xuyên.
  Việc thờ phụng Khổng Tử kéo theo việc thần thánh hóa Hoàng Đế. Thiên Tử được coi là nhà tư tế và là người hoàn hảo nhất chỉ vì ông ta đứng trên đỉnh cái tháp xã hội.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 26 Tháng Giêng, 2012, 02:38:33 pm
. Ý chí của Hoàng Đế được nâng lên thành điều luật bất di bất dịch. Những nghi thức tráng lệ , trang trọng trong việc thờ cúng trời mà sự thực hiện là quyền riêng của Hoàng Đế, cuộc sống che đậy và bí ẩn của hoàng cung ở đằng sau bức tường cấm thành đã tạo ra thái độ khiếp sợ và phục tùng của thần dân. Thái độ run sợ mang tính mê tín dị đoan cũng được sinh ra do biểu tượng cho quyền lực của Hoàng Đế là con rồng, một con vật thần thoại hùng mạnh và toàn năng.
- Từ bỏ các lý tưởng của người sáng lập ra mình, Khổng giáo chính thống đã bị phê phán, đặc biệt là vào thế kỷ XX. Sau năm 1949 và trong đại cách mạng văn hóa vô sản học thuyết của Khổng Tử hoàn toàn bị loại bỏ. Song, hiện nay những chuẩn tắc và thiết chế truyền thống được phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc, Đài Loan và các bộ tộc người Trung Quốc. Họ hàng đời thứ 67 nhà Khổng Tử rất được tôn trọng.
- Thông qua bộ tứ thư, tôi tìm hiểu toàn bộ cơ sở lý thuyết của Nho giáo gồm: Đại Học, Luận Ngữ, Trung Dung, Mạnh Tử là những tri thức cơ bản đề cập đến hai phương diện vũ trụ và con người. Bộ ngũ kinh gồm: kinh Thi, kinh Thư, kinh Dịch, kinh Lễ. Trong đó kinh nhạc đã thất truyền do Tần Thủy Hoàng đốt sách hủy hoại chỉ còn lại một thiên nằm trong kinh Lễ.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 27 Tháng Giêng, 2012, 03:13:25 pm
Nhân dịp xuân về em xin chúc chủ toppic cùng tất cả anh em cựu chiến binh thành viên diễn đàn VMH mạnh khỏe
 

Xin cám ơn bác Tony-Tèo về  tấm thiệp. Gớm! bác luôn làm cho anh em trong topic giật mình vì hình ảnh ATVATAR của mình. hình ảnh bà mẹ quê gọi Alo di động làm tôi nhớ đến bức tranh hài trong báo tuổi trẻ cười năm trước, với hình ảnh một bà mẹ đứng bên gánh ve chai và chú thích: a lô! ông ơi có một cái nồi đồng hơi méo nhưng tốt lắm, giá rẻ, có mua không?. Đúng là chỉ có ở Việt Nam ta, vì khi đi nghe thời sự năm ngoái, báo cáo viên nói: nước ta vào hàng top ten về sử dụng điện thoại di động trên thế giới. Trong khi đó nếu bác đưa Alô di động cho tôi thì chẳng khác nào đánh đố. Chúc bác vui khỏe.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 27 Tháng Giêng, 2012, 04:57:00 pm
- Đặc biệt kinh Xuân thu, bộ kinh chính tay Khổng Tử biên soạn là bộ sử biên niên ghi chép công việc từ nước Lỗ đến nhà Chu và các chư hầu, bao gồm toàn bộ quan điểm chính trị của Ngài thời đó. Với câu tổng kết cuộc đời mình rất thực tế nhưng mang tính triết lý cao mà đến ngày nay vẫn là tóm tắt chung nhất về cuộc đời mỗi con người chúng ta.Trong sách Luận ngữ Ông viết“Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ.”
 “Ta! lúc trẻ mười năm tuổi, chỉ chăm chú vào việc học, ba mươi tuổi lập thân, bốn mươi tuổi không ai lừa dối được, năm mươi tuổi biết mệnh trời, sáu mươi tuổi đọc gì hiểu ngay và không làm điều gì thái quá, bảy mươi tuổi làm việc theo tâm và khuôn phép”.Với ngũ kinh là toàn bộ phần Kinh của Khổng giáo, và những tri thức về vũ trụ quan phương Đông, về tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, về những qui phạm xã hội, qui phạm đạo đức.v.v. Ràng buộc điều chỉnh hành vi đối nhân xử thế từ Đại thần Quân tử đến Thứ dân Hạ tiện phải biết mà tuân theo trong chủ trương đức trị hay pháp trị trong từng triều đại phong kiến (ví dụ: Thuyết Chính Danh, thuyết Lễ trị). Trong đó kinh Dịch (Chu dịch, Liên sơn dịch, Qui tàng dịch) là một trong ba bộ kinh cổ nhất của Trung Hoa sau kinh Thi, kinh Thư có nguồn gốc cổ từ Hà Đồ, Lạc Thư hàm chứa quá trình biến dịch của vũ trụ. Được coi là Đạo của người quân tử. Gồm phần Kinh do bậc Thánh nhân biên soạn, phần Truyện do bậc hiền giả viết lên: bao hàm vũ trụ quan, nhân sinh quan và vị thế của con người trong không gian (Thiên Địa Nhân), qua đó hướng con người tiếp cận hai bản nguyên (thiên lý Âm Dương). Với tinh thần chủ đạo giải thích sự hình thành vũ trụ từ hư vô tách biệt ra lưỡng nghi, biến dịch ra tứ tượng, bát quái để cuối cùng là sự tồn tại khqch1 quan của vạn vật trong không gian, thời gian vô cùng tận theo lý âm dương tương tác trong qui luật biến dịch Ngũ Hành tương sinh tương khắc tương hỗ, tương thôi và cuối cùng lại trở về với hư vô


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 27 Tháng Giêng, 2012, 05:07:59 pm
vô như quan niệm của Lão Tử trong Đạo giáo là: Vạn vật (trong đó có con người) sinh ra từ nguyên khí của Đạo (qui luật vận hành của tự nhiên)  để hình thành các mô dạng nhất định như những cái vỏ khác nhau về hình dáng nhưng cấu trúc tiềm ẩn thì giống nhau, qua quá trình Sinh. Trưởng. Thu. Tàng, mô dạng đó đến hồi thoái hóa thì nguyên khí bên trong  thoát ra sẽ trở về với Đạo để hình thành và biến đổi trong mô dạng mới. Tương đồng tư tưởng đó, Phật giáo khái niệm Dharma là tổ hợp dòng chảy phi vật chất, do nhiều căn duyên cấu thành vạn vật, sau quá trình biến hóa ở một hình hài đến hồi phải tiêu hủy sẽ tiếp tục vận hóa trong một tổ hợp khác vô tận theo luật Karna (luân hồi). Dù còn hạn chế trong nhận thức về vật chất và phi vật chất. Dù tiền nhân đã nhận thức được sự thống nhất các mặt đối lập trong thể thống nhất của thế giới vật chất nhưng phần lớn ở trạng thái siêu hình mà chưa thấy sự đấu tranh giữa chúng mang tính biện chứng và phát triển. Chưa khái quát được những nguyên lý, những qui luật khách quan vận động và phát triển của sự vật, chưa nhận thức được ý thức là thuộc tính phản ánh của một dạng vật chất đặc biệt là bộ não người mà đỉnh cao hình thức vận động của vật chất là vận động phát triển của xã hội loài người biểu hiện bằng phương thức sản xuất đặc trưng, được diễn giải đúng đắn khách quan trong triết học Mac – Lenin về duy vật lịch sử. Trong khi giai cấp thống trị triệt để lợi dụng kinh Dịch vào hoạt động mê tín dị đoan, vào mục đích thống trị tầng lớp lao động đã làm méo mó bản chất thực của những những tri thức ấy. Nhưng nếu xét nội hàm định nghĩa (vật chất) của V.I Lenin thì tồn tại khách quan, vận động trong không gian, thời gian là những thuộc tính của vật chất. Dù đang tồn tại ở cấu hình nào, trong không gian, thời gian nào, qui luật vận động ở cấp độ riêng và mối liên hệ phổ biến, đều thống nhất ở tính vật chất và chịu sự chi phối bởi những qui luật chung của thế giới vật chất mà không tự sinh ra tự mất đi, chỉ kết thúc ở một cấu hình này và bắt đầu bằng một cấu hình khác liên tiếp mãi mãi trong đó tất cả các cấp độ tồn tại của các cấu hình vật chất luôn luôn tác động qua lại và phản ánh nhau mà những thành tựu của khoa học tự nhiên đã chứng minh (định luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng).(thuyết tế bào và thuyết tiến hóa của Dakwin). Đó là cơ sở để nhân loại thay đổi cách tư duy sai lầm từ siêu hình qua tư duy biện chứng. Vậy xét đến cùng thì các phạm trù, các khái niệm của người xưa trong giải quyết vế thứ nhất vấn đề cơ bản của triết học thì các phạm trù, các quy luật của triết học thời hiện đại về vật chất hoàn toàn có điểm gặp nhau, thanh lọc bổ xung cho nhau mặc dù tồn tại cách nhau nhiều ngàn năm. Đó là sự kế thừa, phát triển những tinh hoa triết học của mọi trường phái, mọi thời đại trong triết học duy vật biện chứng ngày nay


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 27 Tháng Giêng, 2012, 05:20:39 pm
.Đó cũng là thực hành từ những hiểu biết sự tác động qua lại giữa các cấu hình vật chất trong không gian thời gian vật chất với điểm lưu ý của nó là phương vị trạch vận và nhân mệnh, trong đó xác định Nhân là một thành tố đồng nhất thể với tự nhiên chứ không thao túng hay thống trị  nó, đồng thời đề cao ý thức bảo vệ môi sinh, không kình Thiên động Địa. Việc mà các nhà dịch học xưa đã đề cập đến hàng ngàn năm nay, mà mãi đến những năm bảy mươi của thế kỷ XX loài người mới hô hào (bảo vệ môi trường). Toàn bộ những chuẩn mực đạo đức, lễ nghi của Khổng giáo luôn hiển hiện hàng ngày trong đời sống văn hóa xã hội các nước đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng như một điểm nhấn sâu sắc ảnh hưởng của Khổng giáo hàng ngàn năm nay mặc dù còn chứa đựng những cản trở trói buộc con người trong vị thế chủ thể của quá trình phát triển xã hội nhưng đã từng đóng vai trò công cụ điều chỉnh hành vi cá nhân và quản lý xã hội của các triều đại phong kiến Việt Nam hàng trăm năm, đã từng lừng danh một thời những danh nho như: Hàn Thuyên, Trần Hưng Đạo, Lý cầm, Trần Khánh Dư, Mạc Đỉnh Chi, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu.v.v. Và sinh thời lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng thường vận dụng những giá trị tư tưởng của Nho gia như đạo Tam Tài (Thiên Địa Nhân) giáo dục cán bộ, chiến sỹ đồng bào trên mọi lĩnh vực công tác và trong đời sống sinh hoạt. Bác nói “Trời có: Xuân Hạ Thu Đông. Đất có Đông Tây Nam Bắc. Người có Cần Kiệm Liêm Chính. Thiếu một tiết khí không thành Trời, thiếu một hướng, không thành đất. Thiếu một đức, không thành người, không có đạo làm người”. Và trong lãnh đạo hai cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ của nhân dân ta, thể hiện cụ thể Bác dùng những tri thức trong kinh Dịch để tiên đoán vận nước như thời điểm chiến thắng (chấn động địa cầu) giành độc lập năm 1945. Hoặc không gian chiến thắng trận (Điện Biên Phủ thứ hai ) trên bầu trời Hà Nội buộc Mỹ phải cuốn gói về nước mở đầu thời khắc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước...Với Văn miếu (Hà Nội) Thánh Miếu (Huế) cùng các Khổng miếu, văn Từ, văn Chỉ trên cả nước thờ Đức Khổng và các môn đệ của ngài nói lên tầm ảnh hưởng Nho học tới giới quan chức, trí thức Việt Nam bao đời cho đến nay vẫn còn giá trị lớn trong đời sống cá nhân và xã hội, nếu biết chọn lọc, vận dụng phù hợp với thực tiễn. Qua tìm hiểu những tài liệu về Trung Quốc học, tôi nhận thấy: Toàn bộ nền triết học Trung Hoa cổ đại ra đời vào thời kỳ quá độ từ chế độ chiếm hữu nộ lệ lên chế độ phong kiến.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 28 Tháng Giêng, 2012, 07:52:05 am
. Trong bối cảnh ấy, mối quan tâm hàng đầu của các nhà tư tưởng Trung Hoa cổ đại là lấy con người và xã hội làm trung tâm nghiên cứu, giải quyết những vấn đề thuộc đời sống thực tiễn chính trị – Đạo đức của xã hội .Tuy họ vẫn đứng trên quan điểm duy tâm giải thích và đưa ra những biện pháp giải quyết những vấn đề xã hội, nhưng những tư tưởng của họ có tác dụng rất lớn, xác lập một trật tự xã hội theo mô hình chế độ quân chủ phong kiến trung ương tập quyền theo những chuẩn mực chính trị – Đạo đức phong kiến phương Đông. Tuy còn những hạn chế nhất định nhưng triết lí đặc sắc mang tính duy vật và biện chứng về thế giới quan, qua lý luận của phái Âm Dương gia, tư tưởng trong thuyết Ngũ Hành và sự biến dịch của vũ trụ trong Kinh Dịch. Giải quyết vấn đề nhân sinh quan và vai trò của con người trong thế giới với tư tưởng phản đối cái (thái quá) và cái (bất cập) bằng những phạm trù :(Thiên Nhân hợp nhất). (Tri hành hợp nhất).(Thể dụng như nhất).(Tâm vật dung hợp). Đã ảnh hưởng tới thế giới quan triết học sau này không những của người Trung Hoa mà cả những nước chịu ảnh hưởng nền triết học đó.
-  Nếu so sánh với triết học phương Tây (T/H cổ điển Đức TK XVIII – nửa đầu TK XIX) và triết học Ấn Độ cổ đại cùng thời, có thể khái quát những đặc điểm nổi trội hơn của nền triết học Trung Hoa cổ như sau: thứ nhất đây là nền triết học nhấn mạnh tinh thần nhân văn. Thứ hai đặt việc thực hành đạo đức lên vị trí thứ nhất của sinh hoạt xã hội. Thứ ba là tư duy trực giác, thể nghiệm lâu dài – bỗng chốc giác ngộ.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 28 Tháng Giêng, 2012, 07:55:00 am
- Xuất phát từ những tương đồng địa lý, tương đồng lịch sử, văn hóa và có phần tương đồng nhân chủng mà các nhà khoa học xã hội của Việt Nam nhận định “ Hàng thiên niên kỷ giới quan chức và trí thức Việt Nam đã rất thông hiểu Nho học mà nói rộng ra là Trung Quốc học”. Ngay trong văn hóa cổ trung đại, ông cha ta đã chú tâm nghiên cứu hiểu biết Trung Quốc nhằm phục vụ cho công cuộc dựng nước và giữ nước, để đến mức muốn tìm hiểu di sản tinh thần của ông cha, ta không thể không có kiến thức về Trung Quốc học. Bên cạnh nhiệm vụ tìm hiểu các quốc gia khác trong xu thế mở cửa hiện nay thì đi sâu vào Trung Quốc học vẫn là trọng tâm cả về phạm vi học thuật, qui mô tổ chức và tính toàn diện cả chiều sâu, cả bề rộng. Trong khi các nước (Đồng văn) trong khu vực như Nhật Bản, Triều Tiên  đưa khoa học nghiên cứu về Trung Quốc như là mũi nhọn chiến lược trong thế kỷ tới thì chúng ta đã thờ ơ thụt lùi khá xa. Mấy ai trong giới chính trị và tầng lớp trí thức nước nhà còn quan tâm tới Trung Quốc học! Vậy mỗi cá nhân chủ động tìm tòi thông tin về quốc gia láng giềng với những ảnh hưởng sâu sắc cả không gian và thời gian tới dân tộc mình là điều nên làm và không bao giờ thừa.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 28 Tháng Giêng, 2012, 08:01:22 am
- VỀ ẤN ĐỘ CỔ, TRUNG ĐẠI. Đất nước của Himalaya hùng vĩ. CủaTajmahall lộng lẫy kiêu sa, biểu tượng vĩnh hằng của tình yêu đã và đang thách thức cùng tuế nguyệt . Với nữ thần là Mẹ Hằng hà vừa quyến rũ, kiêu sa vừa bao dung với mọi thế hệ con cái của đại gia đình các dân tộc Ấn và các dân tộc, quốc gia khác trong lưu vực sông Hằng chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ. Một đất nước có hàng loạt yếu tố địa lý trái ngược như: đồng thời  Hằng hà với dòng chảy cuồn cuộn về Đông và Ấn hà êm đềm chảy về Tây. Có núi cao chập chùng sánh với biển rộng bao la. Có đồng bằng phì nhiêu bên cạnh sa mạc khô cằn trong nhiệt độ băng giá tuyết rơi mà không thể không có nắng cháy đốt da. Một xã hội cổ đại xuất hiện rất sớm trên hành tinh này vào khoảng thế kỉ XXV tr CN đã xuất hiện nền văn minh sông Ấn với các bộ lạc du mục Aryan từ trung Á du nhập và đồng hóa với người bản địa Dravida. Trải dài theo lịch sử là những giao tranh thôn tính giữa các vương triều nội tại và cả những kẻ ngoại xâm. Điển hình đến thế kỷ XVIII là sự đô hộ của đế quốc Anh, do vậy đến thời kỳ thống nhất về chính trị thì văn hóa Ấn kết hợp với văn hóa phương Tây thành nền văn hóa như ngày nay. Từ điều kiện kinh tế - xã hội theo mô hình “công xã nông thôn”  với tinh thần quốc hữu hóa ruộng đất đã phân hóa và tồn tại bốn đẳng cấp lớn: Giới tăng lữ (Brahman), giới quí tộc và quân nhân (Ksatriya), giới bình dân tự do (Vaisya) và giới tiện nô (Krudra).


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 28 Tháng Giêng, 2012, 08:05:34 am
- Đất nước Ấn Độ cũng là cái nôi của Phật giáo, Hindu giáo và các tôn giáo lớn thế giới. Từ số lần đọc lại tới nhuyễn hai bộ sử thi Mahatbharat & Ramayana. Tôi cảm nhận trong đó chứa đựng giá trị sử học, triết học, văn học và ngôn ngữ học mà người Ấn Độ thường tự hào “Cái gì không có trong sử thi thì không có trong đời sống xã hội Ấn Độ”. Các giá trị tinh thần đó được truyền bá bằng nhiều hình thức phổ cập đến mức quần chúng nhân dân Ấn Độ dù phải sống trong điều kiện thất học dưới ách thống trị của đế quốc Anh vẫn thấm nhuần được nội dung tinh thần của sử thi. Kinh Veda và đạo RigVeda tối cổ là hình thức đầu tiên của Ấn giáo sau chuyển sang hình thức mới là đạo Bàlamon từ tín ngưỡng đa thần trở thành tín ngưỡng nhất thần gồm Bharama, Visnu, Siva. Tôi thấy tín ngưỡng này cũng chứa đựng quan niệm (Nhất vị tam thể) giống như ba ngôi Chúa cha, Chúa con, Chúa thánh thần của Thiên Chúa Giáo, trong đó Bharama là bản nguyên tối thượng của vũ trụ chỉ được nhắc tới trong tinh thần mà không thấy có biểu tượng trong những không gian thờ tự,


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 28 Tháng Giêng, 2012, 08:30:35 am
Visnu là thần sáng tạo và Siva là vị thần hủy diệt và hồi sinh. Cùng với hệ thống triết học hoàn bị hướng nội, tìm cái (Đại ngã trong Tiểu ngã) của một thực thể cá nhân, nổi bật là sự phản tỉnh nhân sinh như: Samkhia. Vaisesika. Nyaya. Yoga. Vedanta. Lokayata. Nghiên cứu hầu hết các lĩnh vực triết học, mang ý nghĩa nhân bản sâu sắc, ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, tinh thần và quan điểm đạo đức. Tập trung lý giải những vấn đề nhân sinh quan dưới góc độ tâm linh, trong đó tư tưởng (giải thoát) đạt tới mức đồng nhất tinh thần cá nhân với tinh thần vũ trụ (Atman & Brahman) thấm đượm tính nhân văn và triết lý nhân sinh với truyền thống văn hóa, giá trị tinh thần, như nguồn suối thôi thúc mãnh liệt suy nghĩ, tình cảm và hành động của nhân dân Ấn Độ mà các lãnh tụ, các nhà tư tưởng Ấn độ như: Jawaharnal Nehru, Rabin Dranath, Tagor và Mahatma Gandi đã vận dụng sáng tạo vào đường lối và phương thức giải phóng dân tộc mình. Trong khi giải quyết những vấn đề về bản thể luận, nhận thức luận và nhân sinh quan, triết học Ấn độ đã thể hiện tính biện chứng và tầm khái quát khá sâu sắc. Tuy nhiên hầu hết các học thuyết triết học Ấn độ cổ biến đổi từ vô thần đến hữu thần, từ ít nhiều duy vật đến duy tâm nhị nguyên là nguyên nhân dẫn đến trạng thái trì trệ của phương thức sản xuất châu Á trung đại.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: haanh trong 28 Tháng Giêng, 2012, 11:00:45 am
hehe theo em bác vetran nên reg một cái nick cho chị Anh Thơ để mọi người dễ giao lưu với 2 bác , chế độ kiểm duyệt bằng 1 nick của bác hà khắc quá  ;D
À mà bác không sài di động nếu em ăn bún riêu bên quận 7 bị đau bụng thì làm sao méc với bác được ? ;D


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 31 Tháng Giêng, 2012, 06:06:37 am
hehe theo em bác vetran nên reg một cái nick cho chị Anh Thơ để mọi người dễ giao lưu với 2 bác , chế độ kiểm duyệt bằng 1 nick của bác hà khắc quá  ;D
À mà bác không sài di động nếu em ăn bún riêu bên quận 7 bị đau bụng thì làm sao méc với bác được ? ;D

Tại bác Haanh không biết chứ, hiện nay nghành y tế dự phòng quân 7 thông tin bằng cảm ứng sinh học rồi. Bác muốn trao đổi gì thì cứ nghĩ đến đối tác và nghĩ đến thông tin cần trao đổi là bên nay chúng tôi nhận được hết, nhất là cái vụ đau bụng do ăn bún riêu, vì múc nhiều mắm tôm qúa thì  bác liên lạc với đồng nghiệp cạnh phòng tôi: BS Phạm Bá Kinh trưởng khoa ATVSTP.Xin chào và chúc bác mạnh khỏe.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 01 Tháng Hai, 2012, 08:46:32 pm
hehe theo em bác vetran nên reg một cái nick cho chị Anh Thơ để mọi người dễ giao lưu với 2 bác ,

bschung khu chế xuất Tân Thuận mới báo với tôi là báo động đỏ dịch Não Mô Cầu. Do vậy chiều mai lúc 17h có vợ chồng Lamlinh, NVLAC, BSchung và một số anh em có mặt ở nhà tôi. Có rượu AMMAKONG của NVLAC nữa. Xin mời có mặt gấp, Có ý kiến gì báo gấp nhé .


Tiêu đề: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: nguyenhongduc trong 02 Tháng Hai, 2012, 01:36:42 pm
Vetran @ ...Chào bác, sao báckhông viết tiếp " Tâm sự đờitôi " Em đọc bài viết của bác ,thấy rất hay ... Bác mà để  thất truyền ... thì thật uổng qúa !


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 02 Tháng Hai, 2012, 02:38:58 pm
Vetran @ ...Chào bác, sao báckhông viết tiếp " Tâm sự đờitôi " Em đọc bài viết của bác ,thấy rất hay ... Bác mà để  thất truyền ... thì thật uổng qúa !

Cám ơn bác Nguyenhongduc! để ít ngày nữa cho rượu trà bớt mùi rồi tính tiếp. Xin chúc bác và gia đình an khang thịnh vượng và dồi dào sức khỏe.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 04 Tháng Hai, 2012, 10:55:27 am
off mini tại nhà vetran - AnhThơ: Vợ chồng LamLinh, NVLAC, BSChung. Phile và con gái Giao Thủy


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 04 Tháng Hai, 2012, 10:57:22 am
Hôm qua mời được bác NVLAC, vợ chồng bác LAMLINH, Phile, BS chung  tới chơi nhà, em sướng quá vì AnhThơ nuôi được mấy con gà và trồng một vườn rau trên trời, với qui định của AnhThơ: Khi nào nhà có khách mới được thịt. Làm cho em tối ngày cầu mong khách đáo. Hôm qua thỏa chí nhưng cũng say mèm vì không nghe lời khuyên "...Chừa được thứ nào hay thứ ấy..." của cụ tú đất thành Nam


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: NVLAC trong 04 Tháng Hai, 2012, 11:56:02 am
Offmini.

Hình đã thêm sáng (nửa bàn tiệc)
BsChung, Phile, Vetran, nvlac, lamlinh
(http://direct2.anhso.net/original/12/126690/422012115128250.jpg)


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: Quân khí viên trong 04 Tháng Hai, 2012, 12:27:26 pm
Hình đã thêm sáng (nửa bàn tiệc)
BsChung, Phile, Vetran, nvlac, lamlinh
(http://direct2.anhso.net/original/12/126690/422012115128250.jpg)
[/quote]
Bây giờ nhìn mới rõ anh Vệ ơi!
Hình cũ của anh đưa lên chẳng biết ai vô ai! ;D
Bác Lạc giống tiên ông giáng trần quá!;D


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 04 Tháng Hai, 2012, 02:18:28 pm
[Hình đã thêm sáng (nửa bàn tiệc)
BsChung, Phile, Vetran, nvlac, lamlinh

Sao kỳ vậy bác NVLAC! cũng một bàn tiệc, không điều chỉnh ánh sáng chớp lóe của sân khâu, vậy sao phía bên em và bác tối hù vậy hay do rượu AMAKONG ?. À ! có lẽ Giao Thủy không mở Flas. Cám ơn bác, siêu thật. Lại sáng lên sáng lên nửa bàn tiệc ơi!


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: tranphu341 trong 04 Tháng Hai, 2012, 02:33:10 pm
            Chào vetran-AnhThơ cùng các bác! Tranphu341 cũng được thông báo về buổi tiệc đầu xuân nay do nhóm bạn trên tổ chức tại nhà Vệ-Anh Thơ vui quá mà TP không bay vô dự được. TP đành chúc rượu các bạn qua sóng vô tuyến vậy. Thật thèm gặp mặt anh em . Toàn những nhân vật "Búa Bổ" Trong VMH phương Nam. Đành để dịp khác vậy. "Nho còn xanh mà".

                  CHÚC CÁC BẠN CÓ THÊM NHIỀU NIỀM VUI HANH PHÚC NGÀY ĐẦU NĂM VÀ CẢ NĂM NHÂM THÌn NÀY!


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 04 Tháng Hai, 2012, 05:40:10 pm
           Chào vetran-AnhThơ cùng các bác! Tranphu341 cũng được thông báo về buổi tiệc đầu xuân nay do nhóm bạn trên tổ chức tại nhà Vệ-Anh Thơ vui quá mà TP không bay vô dự được. TP đành chúc rượu các bạn qua sóng vô tuyến vậy. Thật thèm gặp mặt anh em . Toàn những nhân vật "Búa Bổ" Trong VMH phương Nam. Đành để dịp khác vậy. "Nho còn xanh mà".

                  CHÚC CÁC BẠN CÓ THÊM NHIỀU NIỀM VUI HANH PHÚC NGÀY ĐẦU NĂM VÀ CẢ NĂM NHÂM THÌn NÀY!

Kính chào anh Tranphu314. Anh Thơ nói có mời bác đang hoàng mà bác không bay vào cho kịp chuyến, chiều mai lại gặp nhau ở  số 06Huyền Trân Công Chúa quận nhất, chắc có nhiều cái vui. Tối qua em Đoan gọi điện nói chuyện với Thơ khá lâu và khen bác quá trời: Nào là chững chạc, nói chuyện hay và thành đạt. Làm cho thằng em cũng nở mũi vì ông anh Thái Lọ. Đoan là thống kê ban hậu cần  khi chúng em ở chung binh trạm 179 vân tải quân sự ở K. Lúc nào chúng em cũng sẵn sàng đón anh.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: bschung trong 04 Tháng Hai, 2012, 06:24:02 pm
 
            Chào vetran-AnhThơ cùng các bác! Tranphu341 cũng được thông báo về buổi tiệc đầu xuân nay do nhóm bạn trên tổ chức tại nhà Vệ-Anh Thơ vui quá mà TP không bay vô dự được. TP đành chúc rượu các bạn qua sóng vô tuyến vậy. Thật thèm gặp mặt anh em . Toàn những nhân vật "Búa Bổ" Trong VMH phương Nam. Đành để dịp khác vậy. "Nho còn xanh mà".

                  CHÚC CÁC BẠN CÓ THÊM NHIỀU NIỀM VUI HANH PHÚC NGÀY ĐẦU NĂM VÀ CẢ NĂM NHÂM THÌn NÀY!
-Tranphu@ :Đã qua thời quả nho còn xanh
                  Và E-Dop  thôi hay nói về lũ cáo
                  Mùa hạ có bao ngày tạnh dáo
                  Lá hoa nào ở lại đợi cơn mưa....
 Ngày trai trẻ mặc áo lính ,bác đã đi qua bao nhiêu miền đất ,gặp-gỡ biết bao nhiêu người con gái ,để lại bao nhiêu nỗi " căm thù" trong lòng chị em ,bác biến các cô gái thành cáo ngồi dưới gốc mà lý ra chỗ ấy là của đàn ông chúng ta ,còn bác như chùm nho lủng lẳng trên cao ,thế thì "đạo lý " ở chỗ nào !
Sao bác cứ bảo nho chín vẫn còn xanh  ;D
  Hôm trước ở nhà anh chị Vetran-em mê ngay cái vườn rau trên trời của chị Anh Thơ,em không nhớ đã uống mấy loại Rượu ,lại sợ hết uống hết của bác ấy, nhìn vào gầm tủ em thật sự bị sốc , 3 can loại..30 lít nước mắt quê hương vẫn còn nguyên chưa khui ???


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 06 Tháng Hai, 2012, 09:31:26 am
Xin chào các bác. Em là AnhThơ quân y trung đoàn bộ E 685 vân tải quân sự chiến trường K ở Phnompenh. mượn nick của ảnh trao đổi với các bác, em thấy trong quá trình làm công tác dân vận thì sự nảy sinh tình cảm với nhân dân là tự nhiên như những trăn trở của bác Thanhdanvan, nhất là đặc thù của cuộc chiến bắt buộc ngày ấy vừa qua đi mà tình cảm của các kiều nữ Khơ me với bộ đội Việt Nam cũng hết sức trong sáng, nhất là trong ý thức họ coi các anh như những vị cứu tinh thì cái riêng tư, cái trăn trở như duyên nợ là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, cũng thực hiện nhiệm vụ trong khuôn khổ công tác dân vận nhưng chúng em có những kỷ niệm cười ra nước mắt. Ngày ấy đi khám bệnh cho dân trong khuôn khổ công tác dân vận vui đáo để. Ở khu vực cây số 9 là nơi cư trú của người Chăm, đặc biệt phụ nữ Chăm rất trắng và đẹp. Hôm ấy, có người tới cổng trung đoàn mời đốc tờ tới khám bệnh. đơn vị cho xe zeep, Em thì xách túi y cụ thuốc men,  anh Toán ( quê xóm Bíp đầu cầu Đa Phúc Bắc Thái) đeo K54 theo bảo vệ. Bệnh nhân là một cô gái Chăm chừng 19 tuổi, mới cưới chồng một tháng (các bác chú ý (cưới chồng) đúng nghĩa đen nhé) bởi vì chồng phải về ở rể sau khi nhà gái cưới về. Chà, sắc mặt nhợt nhạt, cặp mắt thiếu tinh anh. Khám xong anh ấy không phát hiện ra bệnh, không có dấu hiệu thai nghén, triệu chứng duy nhất là đau toàn ổ bụng và cơ bụng rất cứng. Bởi vì anh mới ra trường, trình độ chuyên môn lùn, thuốc quân y cục cấp cho vừa thiếu chủng loại vừa cũ.. Chà, tính sao đây... Nhưng hàng chục cặp mắt mở trố ra theo dõi từng động thái nhỏ của ông đốc tờ. Đánh liều anh cắt thuốc theo bài điều trị rối loạn tiêu hóa uống một tuần, rồi vội vàng rút quân......
Một tuần sau, có người tới mời lên gia đình gặp. Vì vốn ngoại ngữ dun dế không rành nên anh không thể khai thác tình hình trên cây số 9 qua người tới mời và cũng vẫn có em với  anh Toán đi theo nhưng bằng xe lôi chứ không xin xe zeep của đơn vị. Tới gần nhà, nghe tiếng nhạc và giọng tụng kinh đều đều.  từ trên đường nhìn xuống nhà sàn dưới triền dốc bờ Tonlesap thấy người dân bận đồ trắng, đội mũ quấn khăn trắng ngồi lố nhố chắp tay thành kính. Anh rất bồn chồn và nói: Chết cha rồi, có lẽ bệnh nhân ngoẻo rồi. Rối anh tính quay xe để chuồn, nhưng dân chúng vây quanh và một cụ ông bận áo xô trắng, đội mũ trắng kính cẩn mời ông đốc tơ lên trên sàn nhà. Mừng ơi là mừng khi thấy cô bệnh nhân nhoẻn miệng cười toe toét với nét mặt hồng hào sáng sủa ngồi giữa nhà bên cạnh anh chồng lóng ngóng rót nước mời khách. Thì ra con gái cưng của gia chủ hết bệnh và hôm nay làm lễ cầu an và mới ông đốc tờ tới để tạ ơn. Thật hú hồn. Trên đường vế (bằng xe hơi do chủ mướn) cả ba chúng em đưa mắt nhìn nhau, mà mỗi người theo đuổi một suy tư. Riêng anh, dù mỉm cười nhưng cũng chưa hết căng thẳng trên khuôn mặt. Vậy đấy, mỗi lĩnh vực thực hiện công tác dân vận có những đặc thù riêng nhưng chỗ nào cũng để lại những suy tư đáng nhớ .


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 06 Tháng Hai, 2012, 12:04:44 pm
Mồng 1 tết 1981 cùng với ban chỉ huy và quân y đại đội 9 ở cảng cây số 6 quốc lộ 5 Phnompenh. Chỉ huy trưởng đại úy Tiến (hói) quê nghệ an) đứng thứ 2 từ bên phải kế Y tá Thiệm, người thứ hai cùng có tên vần T với Anh Thơ, người thứ ba tên Thim không ghi được hình


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 06 Tháng Hai, 2012, 12:08:37 pm
 Chuẩn úy Dương Hồng Toán quê xóm Bíp gần cầu Đa Phúc phía Thái Nguyên, bạn thân, phụ trách hành chính trung đoàn bộ E 685 Phnompenh.  năm 1982. Nay đang là một anh già, đầu tóc bạc phơ nhưng vân không hết cái tính lanh chanh ngày ấy.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 06 Tháng Hai, 2012, 12:20:45 pm
Vườn rau của Anh Thơ trên sân thượng


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 06 Tháng Hai, 2012, 12:22:15 pm
.Rau dền tía, rau đay, mồng tơi, cải bẹ xanh, cải ngọt, càng cua, đinh năng lá nhỏ và các loại rau thơm, thêm cây chanh lấy lá, cây sung thế ăn lem và một dây mướp, một dây khổ qua, lủng lẳng quả và không thiếu cây Sanh cuốn đá thành thế (Thạch mộc, ngũ thường).


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 06 Tháng Hai, 2012, 12:23:33 pm
Gà đẻ trên trời.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 06 Tháng Hai, 2012, 12:24:52 pm
Phòng Thờ ông bà nội của Giao Thủy, Triệu Sơn. kế vườn rau của mẹ Thơ


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 06 Tháng Hai, 2012, 01:28:59 pm
Phòng làm việc của Vetran...


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 06 Tháng Hai, 2012, 01:30:45 pm
... và phòng học của con trai Triệu sơn, cháu ngoại Đô Ri


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: tranphu341 trong 06 Tháng Hai, 2012, 03:00:36 pm
            Chào vetran-AnhThơ cùng các bác! Tranphu341 cũng được thông báo về buổi tiệc đầu xuân nay do nhóm bạn trên tổ chức tại nhà Vệ-Anh Thơ vui quá mà TP không bay vô dự được. TP đành chúc rượu các bạn qua sóng vô tuyến vậy. Thật thèm gặp mặt anh em . Toàn những nhân vật "Búa Bổ" Trong VMH phương Nam. Đành để dịp khác vậy. "Nho còn xanh mà".

                  CHÚC CÁC BẠN CÓ THÊM NHIỀU NIỀM VUI HANH PHÚC NGÀY ĐẦU NĂM VÀ CẢ NĂM NHÂM THÌn NÀY!
-Tranphu@ :Đã qua thời quả nho còn xanh
                  Và E-Dop  thôi hay nói về lũ cáo
                  Mùa hạ có bao ngày tạnh dáo
                  Lá hoa nào ở lại đợi cơn mưa....
 Ngày trai trẻ mặc áo lính ,bác đã đi qua bao nhiêu miền đất ,gặp-gỡ biết bao nhiêu người con gái ,để lại bao nhiêu nỗi " căm thù" trong lòng chị em ,bác biến các cô gái thành cáo ngồi dưới gốc mà lý ra chỗ ấy là của đàn ông chúng ta ,còn bác như chùm nho lủng lẳng trên cao ,thế thì "đạo lý " ở chỗ nào !
Sao bác cứ bảo nho chín vẫn còn xanh  ;D
  Hôm trước ở nhà anh chị Vetran-em mê ngay cái vườn rau trên trời của chị Anh Thơ,em không nhớ đã uống mấy loại Rượu ,lại sợ hết uống hết của bác ấy, nhìn vào gầm tủ em thật sự bị sốc , 3 can loại..30 lít nước mắt quê hương vẫn còn nguyên chưa khui ???
         Chào bschung! Tranphu341 vừa thống kê những công việc của gia đình từ đầu năm đến giờ cho vetran biết. Làm cho TP tương đối bận rộn vất vả. Mai TP lại vào Nghệ An đang có công việc dở dang trong đó.

                     TP nói "nho vẫn còn xanh" chỉ bao hàm 1 ý thôi chứ không nghĩ rộng như bschung đâu. ;D ;D ;D
                     Trong mấy ngày bạn việc gia đình nhưng TP cũng rất vui vì được đón tiếp ae ở Hà Nội về chơi đoàn gồm binhyen, sudoan5, VietPo"lut" rất vui.
                      Chúc chủ nhà, bschung cùng ae có nhiều sức khỏe cùng nhiều niềm vui mới!


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 07 Tháng Hai, 2012, 09:18:52 am
Sướng quá! tự nhiên hôm nay mở vào phim này thấy luôn không gian, thời gian tôi có mặt, vừa chứng kiến tiễn đưa vừa làm công tác bảo đảm quân y cho lực lượng giao liên tại cây số 3 quốc lộ 5 bờ Tonlesap - Phnompenh (cũng là nơi đóng quân của trung đoàn bộ E 685 cục vận tải TCHC) phục vụ đợt rút quân đầu tiên của ta ra khỏi đất nước chùa tháp. Buổi đó  khoảng đầu mùa khô, cuối mùa nước nổi năm 1982. Tàu há mồm của hải quân và các đầu kéo Ponton của cục vận tải, tiếp nhận vận chuyển xe tăng của binh đoàn Cửu Long (sau khi làm lễ và diễu hành ở quảng trường Đài Độc Lập - nội đô Phnompenh) tại bến dã chiến do công binh của ta và của bạn mới thi công xong, ngay góc chợ nhỏ bờ sông (xa tuimotle) sát khu cửa hàng bách hóa tổng hợp quốc doanh Kampuchea ngay triền sông đường đi Udong. Với rất nhiều phóng viên ảnh, nhà báo, phóng viên phim truyền hình  K, VN và quốc tế ghi lại những hình ảnh hào hùng của một quân đội bách chiến bách thắng rút quân về nước sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế. Trong phim thì như vậy, nhưng thực tế ngoài hiện trường thì cực kỳ bụi, ồn và ngột ngạt bởi xe tăng gầm rú lao xuống bến rồi lên tàu hải quân và mấy ponton đầu kéo. Xung quanh trên mặt sông là các loai bobo, calô của cảnh sát, quân cảnh nước Bạn quần đảo ầm ầm để bảo vệ và đảm bảo an ninh cho đoàn rút quân làm xao động cả một khúc sống vốn rất hiền hòa mùa nước ròng. Trên bờ, từ mí quốc lộ 5 xuống hết triền dốc tới mép nước, đội tiêu binh danh dự của Bạn với quân phục đại lễ ka ki màu trắng và xám bồng súng CKC lên lê sáng lạnh ánh thép tiễn đoàn trong tiếng quân nhạc và trống của thiếu niên nhi đồng thành phố Phnompenh. Đoàn tàu chở xe tăng từ từ quay đầu về phía cầu sập (Oknha Kleang), qua trước mặt Hoàng cung để ra sông bốn cửa quẹo vào sông bassat trở về tổ quốc. Trên bờ hàng ngàn người chen chúc vẫy cờ hai nước và để tận mắt nhìn thấy, sờ được những con thiết xa quân đội cứu tinh của dân tộc mình. vui lắm, hào hùng lắm. Đại diện chính quyền, quân đội Bạn và ta ôm nhau khóc lặng lẽ ngay triền Tonlesap. Xem xong, nước mắt tôi trào ướt cả cặp kính. Nhưng tôi bật mí để các bác biết, trong clip, các bác chứng kiến chính ủy đơn vị và đoàn sĩ quan tùy tùng của ta đã xuống tàu thủy và vọt thẳng ra giữa sông dẫn đầu đoàn tàu chở vũ khí phải không, con tàu  đó của tiểu đoàn 25 đơn vị tôi, có mặt theo kịch bản, đi ra phía cửa sông và ghé vào đúng bến của nó cách bến rút quân gần hai km trước Watphnom  để các vị lên bờ về tổ quốc bằng đường bộ hoặc đường hàng không. Thưa các bác, việc rút quân của ta tất nhiên phải nằm trong chiến lược, và những thực tế mọi người chứng kiến từ thời điểm đó cho tới khi người chiến sĩ cuối cùng trong đội quân tình nguyện quốc tế được trở về tổ quốc thuộc về chiến thuật. Các bác cứ nghĩ xem, vài cái tàu há mồm của hải quân, vài cái đầu kéo ponton thì chở được mấy cái xe tăng và các vũ khí hạng nặng khác. Phần tiếp theo của Clip, các bác chứng kiến là chính xác thực tế việc trùng trùng xe pháo, bộ binh qua phà niếc lương (Neak Loeang) mới là đúng, để theo quốc lộ 1 của Bạn và về quốc lộ 22 của ta qua cửa khẩu Mộc Bài - Tây Ninh. Tự hào, tự hào lắm lắm. Cám ơn Luudan và xin phép được chuyển qua topic này.
 Mời các bác bấm vào phần Youtube do bác Chiensivodanh chuyển dùm dưới phần bài tiếp.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 07 Tháng Hai, 2012, 11:14:19 am
Anh Thơ nấu cơm trưa.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 07 Tháng Hai, 2012, 11:16:03 am
Không gian nửa mở. Xa xa phía trước là tòa nhà Búp Sen và các cao ốc trung tâm quận nhất


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 07 Tháng Hai, 2012, 11:17:25 am
Giờ phút thư giản.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: Quân khí viên trong 07 Tháng Hai, 2012, 11:54:24 am
Nhà anh Vệ tuyệt quá, mê nhất là vườn rau của chi Thơ.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: chiensivodanh trong 07 Tháng Hai, 2012, 01:03:12 pm
Sướng quá! tự nhiên hôm nay mở vào phim này thấy luôn không gian, thời gian tôi có mặt, vừa chứng kiến tiễn đưa vừa làm công tác bảo đảm quân y cho lực lượng giao liên tại cây số 3 quốc lộ 5 bờ Tonlesap - Phnompenh (cũng là nơi đóng quân của trung đoàn 685 cục vận tải TCHC). . Xem xong nước mắt tôi trào ướt cả cặp kính. Cám ơn Luudan và xin phép được chuyển qua topic này.
 Mời các bác bấm vào phần 1: http://www.youtube.com/watch?v=BNTmwDC-UfY
phần 2 :http://www.youtube.com/watch?v=61hbf9SJda0&feature=watch_response
-2 đoạn video clip bác vetran giới thiệu rất có ý nghĩa trong topic .Nhưng phần 2 của clip bị lỗi không xem được ,để em giúp bác cho 2 đoạn clip này hiện nguyên hình cho mọi người dễ coi nha :

  Phần 1 :   

 http://www.youtube.com/watch?v=BNTmwDC-UfY


 Phần 2 :


http://www.youtube.com/watch?v=61hbf9SJda0


 



Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 07 Tháng Hai, 2012, 01:58:42 pm

 -2 đoạn video clip bác vetran giới thiệu rất có ý nghĩa trong topic .Nhưng phần 2 của clip bị lỗi không xem được ,để em giúp bác cho 2 đoạn clip này hiện nguyên hình cho mọi người dễ coi nha :


Cám ơn bác chienivodanh. cái vụ vi tính này tôi dốt còn hơn lão Trư. Sáng nay giờ giải lao ở cơ quan, bất chợt mở vào phim coi xong, cảm động mà sướng quá, trưa đón con trai đi học về, nhờ cháu làm giùm, chắc đói quá cháu làm ẩu nên không được. Cám ơn và chúc bác cùng gia đình mạnh giỏi.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 07 Tháng Hai, 2012, 02:26:53 pm
Nhà anh Vệ tuyệt quá, mê nhất là vườn rau của chi Thơ.


OK với nhận xét của Quankhivien về vườn rau của Anh Thơ, nhưng em biết tại sao không, nhà Vetran đang ở tình trạng "dương thịnh, âm suy" nên mỗi buổi tối Anh Thơ phát cho hai cha con mỗi đứa một cái chai nhựa loại 1,5 lít và yêu cầu: Hai thằng cha con sáng mai nộp nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, đứa nào nộp nhiều thì được khen, riêng thằng cha còn được thưởng. Vậy mới có rau tốt và đặc biệt siêu sạch vì không bón bất cứ loại phân nào, không phun trừ thuốc sâu vì làm gì có sâu... Chỉ hai mươi lăm m2 nhưng sản lượng vào loại topten vì dư rau xanh hàng ngay cho gia đình , mà còn đưa biếu hàng xóm và đồng nghiệp của bác Vetran nữa. Lúc nào Minh khánh, Minh Khuê vào thành phố Bác Hồ chơi, bác Vệ cho nên vườn của bác Thơ chăm cây thoải mái mà còn được ngắm nhìn tòa nhà búp sen 63 tầng, đẹp nhất Sài Gòn nữa chứ. Chúc chú em và gia đình vui khỏe.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 08 Tháng Hai, 2012, 06:22:46 am
Học sinh ăn sáng để tới trường.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: Quân khí viên trong 08 Tháng Hai, 2012, 12:32:48 pm
........mỗi buổi tối Anh Thơ phát cho hai cha con mỗi đứa một cái chai nhựa loại 1,5 lít và yêu cầu: Hai thằng cha con sáng mai nộp thuế, đứa nào nộp nhiều thì được khen, riêng thằng cha còn được thưởng........
Theo em thì anh Triệu Sơn chỉ nộp" sản" thôi, còn bác vừa bị nộp "sản" lại phải nộp " thuế" nữa, tội cho bác quá! "Sản" nộp không đủ thì khất, thuế mà nộp không đủ thì bị "cưỡng chế" Bác được thưởng vì hoàn thành tốt nghĩa vụ nộp thuế ;D ;D ;D ;D
Nhà em  "âm thịnh, dương suy" nên em không phải nộp "sản" chỉ nộp thuế thôi ;D ;D ;D ;D
Rau nhà bác thì chị Thơ phải trồng, phải chăm bón tưới tắm, còn em ra vườn hái là xong, nó tự mọc tự lớn. (Tất nhiên là rau dại rồi!)


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 08 Tháng Hai, 2012, 02:01:42 pm
Ngày ở bên K, cần sa thì tui đã thử mà không thấy ghiền. Trước khi về nước mua theo 2 bịch mang về hút lai rai, hút hết số đó rồi thôi chứ không hề mua thêm, không cảm thấy có nhu cầu phải hút. Chắc là vì cơ thể mỗi người mỗi khác.


Xin chào bác Ledvu và các đại ca chuyên gia nghiên cứu,  sẵn sàng hy sinh thân mình để thử độc dược xem có an toàn không nhăm đưa ra sử dụng trên lâm sàng cho cộng đồng. Em thống nhất quan điểm của bác Ledvu là cơ thể mỗi người mỗi khác, nếu xét về toàn cục và em xin mạo muội trình các bác mấy ý kiến cùn này:
*Xét về mặt sinh học thì cơ thể sinh vật máu nóng nói chung và con người nói riêng có chu trình chuyển hóa hấp thụ giống nhau đối với mọi nguyên liệu đầu vào. Đặc biệt những nguyên liệu ở dạng tinh khiết hoăc còn dạng thô có cấu trúc hóa học tác dụng hướng thần thì sẽ xảy ra hai giai đoạn rõ rệt:
- Giai đoạn đầu phụ thuộc tâm lý và thói quen, ví dụ: rượu, thuốc lá, thuốc lào, là để thể hiện bản lĩnh đàn ông (theo quan niệm riêng) đại loại như “Nam vô tửu như kỳ vô phong” . “điếu thuốc lào nâng cao sĩ diện.......”  hoặc từ sự ngưỡng mộ hình ảnh những người đàn ông nổi tiếng (có thể ngoài đời, có thể trên phim ảnh hoặc quảng cáo) tay cầm hoặc ngậm điếu thuốc lá điệu nghệ lúc làm việc, giao dịch, tư duy. v.v. Ở giai đoạn này, cùng với thời gian, các hóa chất gây nghiện sẽ tác động vào tế bào cảm thụ trong não nhưng chưa gây nhu cầu sinh lý. Lúc này nếu có ý thức điều chỉnh thói quen và tâm lý của bản thân hoặc có một tác động gì đó xảy ra đột ngột trong cuộc sống thường nhật có khả năng gây ấn tượng chi phối tư tưởng lớn hơn những tâm lý thói quen trên thì việc từ bỏ các chất gây nghiện rất tự nhiên, thậm chí chủ thể không ngờ mình quên chúng lúc nào. Nhưng nếu nguồn cung cứ đều đặn, ngày càng tăng liều theo yêu cầu tự nhiên của cơ thể và thời gian kéo dài thì sẽ chuyển qua giai đoạn 2.
- Giai đoạn 2 Phụ thuộc sinh lý: đây là điểm nút đã chuyển hóa về chất, lúc này các cơ quan đích ngoài não như: Hệ thống thần kinh cơ, thần kinh cảm giác, tim, gan, phổi, tiêu hóa.v.v đã quen với nhu cầu phải có chất đó trong chuyển hóa hấp thụ thường nhật song song với các chất dinh dưỡng khác để duy trì cuộc sống, tâm lý và hoạt động lao động. Vì một lý do gì, nguồn cung gián đoạn thì toàn bộ sinh lý tim gan phèo phổi sẽ đảo ngược kể cả việc không dung nạp chất bổ nữa. Đó là phụ thuộc sinh lý, biểu hiện hàng loạt triệu chứng lâm sàng mà chuyên môn y học gọi là “hội chứng cai nghiện” Nó vật  vã, cắn rứt, day vò tâm thể, xuất hiện tư tưởng tự tử và những hành động vô nhân tính thậm chí đe doa đến tính mạng mình và người khác. Lúc này muốn gì cũng chẳng đặng các bác ạ. Ngày ấy ở Culeng, chúng tôi hút cần sa theo lý do tôi đã nêu, tất nhiên cũng có anh hút hơi nhiều nên đã xuất hiện triệu chứng ảo thị như có anh nói: sao tao nhìn cái cây nó phập phồng thở ở gần gốc, hoặc anh bị ảo thính nói: lúc nào tao cũng nghe như ai đe dọa bên tai và tiếng tàu bay trực thăng cất cánh, trong khi thực tế chẳng có gì, hoặc ảo giác nhột nhột như kiến bò khắp ngoài da hay như dòi bọ đục trong xương, và có anh thì cười khóc như thằng rồ. ĐÂY MỚI ĐÚNG Ý BÁC LEDVU NÓI: CƠ THỂ MỖI NGƯỜI MỖI KHÁC, LÀ Ở CHỖ NÀY. Tuy nhiên sau đợt công tác đó anh em chúng tôi trở về Phnompenh thì thời gian sau không có ai có dấu hiệu nghiện, có anh lại bỏ luôn cả thuốc lá đã từng hút nhiều năm. Nhưng như bác Binhyen1960 cảnh báo là đúng, tốt nhất là Không thử dù chỉ một lần. Mạo muội kính các bác mấy dòng . xin rộng lòng lượng thứ.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 08 Tháng Hai, 2012, 07:07:10 pm
TRUNG ĐOÀN THIẾT GIÁP QUÂN KHU 7. Những người bạn năm 1977: trung sĩ Yên(ban tăng gia) lầm lì cả ngày, sĩ quan Luân và Trạch phân công việc gì cũng làm, lúc nào vui lắm cũng chỉ cười nhếc mép. *Trung sĩ Quý (lái xe tăng T54), chắc hơn tôi một tuổi, trước khi hành quân vào SG vẫn tranh thủ cưới một em thôn nữ làm vợ rồi cất kỹ ở quê Ninh Bình, sau này lại cùng tôi trở thành đồng môn khi đơn vị cho hai đứa đi học quân y.* Trung sĩ Nhâm quê Nghệ An, dáng lùn, đi đứng cục mịch chậm chạp, hiền như cục đất nhưng tính tình đôi khi cũng rất hay cùn, lính nhọ tiền nhiệm, khi tôi được điều từ C11 kỹ thuật về làm anh nuôi thì Nhâm lo tiếp phẩm và chuyên trách bổ cây cao su lấy ở Bình Long hay Long Khánh làm chất đốt vì sức khỏe trâu mộng
*thượng sĩ Hồ (A trưởng A2, sửa chữa động cơ xe tăng),tính tình vui vẻ, lúc nào cũng nghêu ngao câu: Vợ già, con dốt, nhà dột...* Thượng sĩ.Y sĩ Trí. dân Tày, Mù căng Chải (Y sinh trạm xá E).Cực hiền, đằm tính nhưng hay ăn gian khi đánh tiến lên và nổi tiếng với câu chuyện: Sau gần mười năm vào mặt trận miền Đông Nam bộ, cuối năm 1975 tao về phép. Đêm lạnh, phải vượt qua một rừng bướm (năm đứa con gái) mới chiếm lĩnh được trận địa là chỗ ngủ với vợ trên sàn nhà chỗ gần bếp than, bất chợt trong lúc mơ màng, tao cảm giác có con dao cứa vào bàn chân, tao vội ngồi dậy nhìn bàn chân máu chảy be bét, tìm xung quanh không có vật gì bén nhọn, cuối cùng xét kỹ thì ra tao cọ chân vào gót chân vợ và bị cứa chảy máu vì bà ấy thường đi chân đất leo núi nhiều nên gót dày nứt nẻ chai cứng như móng trâu và sắc như đá nhọn mà thêm không khí lạnh âm một độ nữa, kể xong anh cười hề hề vô tư híp cả mắt.* Bên cạnh là cây sanh mười tuổi cuốn đá, trong môi trường thủy sinh, dáng thạch mộc với năm nhánh:nhân lễ nghĩa trí tín.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 08 Tháng Hai, 2012, 07:18:01 pm
*Với thiếu úy Bùi Xuân Kiên(sĩ quan quân khí, tỉnh đội Thái Bình, bạn thân thủa hàn vi học phổ thông. Giống tôi, khi ở nhà, đói quá nên Kiên xung phong đi bộ đội trước tôi hai tháng vào đầu năm 1975)chụp giữa năm 1978 lần tôi nghỉ phép đầu tiên từ SG ra quê.* Với Trung sĩ Khánh(ban tăng gia E 26 thiết giáp 1978) Tay này sống phớt đời và rất ngang ngạnh và hay đùn việc cho trung sỹ Yên, nhưng đã bắt tay vào việc thì làm cho bằng chết, xong việc mới nghỉ,* với hạ sĩ Trọng, đồng nghiệp nhọ đít và chăm sóc thượng sĩ Liễu quê Bình long, vừa mù vừa cụt vì bị một loại bắp chuối nào đó bắn cụt tháp pháo xe T54 lúc đó anh là pháo thủ 1 trong trận đánh chiếm chi khu Phước Long trong đội hình Tăng-thiết giáp Miền. Lúc đó A.Liễu an dưỡng ở trạm xá E 26 thiết giáp QK7 chờ chế độ, tôi làm nuôi quân. Ảnh chụp kỉ niệm ngày hai đứa tôi nhận quân hàm Hạ sĩ 1978


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 10 Tháng Hai, 2012, 05:20:33 am
Cha chả! vào ofline QK7 mới biết bác Dauthanhson đang sống ở phường 1 quận Gò Vấp, tôi lại cứ đinh ninh là quê bác ở Nghệ An hay Hà Tĩnh gì cơ chứ. cách nay 36 năm, tôi cũng sống ở Gò Vấp đấy. Thời gian đầu là học viên trường quân cụ (Vihempic), thời gian tiếp theo ở trong một căn biệt thự, hình như của đại tá Hoàng, di tản trước tháng 4/75, gần kho xăng Gò Vấp, cách cầu hang ngoài 50 m, bên dưới có đường xe lửa, đó là trạm xá trung đoàn mà tôi làm lính nhọ đít,, mặc dù có bằng thợ cơ đàng hoàng nhưng vì nước da con gái của tôi mà bị anh Sửu quân lực đày qua làm anh nuôi cho trạm xá với câu an ủi "tao thấy nước da mày không thể tiếp xúc dầu mỡ và thay xích xe tăng được". Thời gian tiếp theo tôi về căn cứ 26, nơi đóng quân của trung đoàn bộ E26 thiết giáp QK7, sau đó chuyển qua cư xá Lam Sơn trước khi chuyển cứ về Suối Máu ngã tư Tân Hiệp Biên Hòa, chuẩn bị cho chiến dịch "phản công biên giới" ở Tây  Ninh


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 10 Tháng Hai, 2012, 06:16:39 am
Các bác Thân mến, Bên nhà bác Hyvong có câu chuyện rất hấp dẫn về một trong những góc khuất của cuộc đời lính chiến trên chiến trường Kampuchea. Tôi xin được đề cập bên nhà tôi để bác nào quan tâm thì chúng ta trao đổi. Chuyện đoàn công  tác của trung đoàn bộ 179 vận tải thử cần sa ở Culen rồi về Phnompenh coi như không để lại hệ lụy nào, nhưng một năm sau, đơn vị nhận một đợt tân binh ôn con thuộc tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Sa Đéc được bổ sung qua làm công tác bốc xếp hàng, áp tải và một số làm nuôi quân ở bếp ăn E bộ. Một hôm QY cơ quan báo quân y trung đoàn là có ca chấn thương lạ. tôi xuống khám  thì thấy hai mu bàn tay của chiến sĩ nát bét, lòi cả gân, máu me đầm đìa, quan sát khuôn mặt của nó thấy thất thần và không phản ứng gì, không kêu đau và rất bình thản khi quân y rửa băng bó vết thương. Chuyện dừng ở đó với câu trả lời của đám lính nhóc là: Thằng Mừng nó tập võ do thằng Minh dạy đấm vào tường và các cánh cửa chớp trên lầu. Khi kiểm tra (hiện trường). các bác cứ tưởng tượng là tường xây của căn biệt thự và các cửa chớp gỗ căm xe mà nát bét nhuốm máu và bầy nhầy thịt, mỡ người thì chúng ta cảm được cái điên rồ mất nhân tính khi chất gây nghiện tác động vào não bộ thế nào. Sự việc được báo Đại úy Khanh phụ trách quân pháp. Sau khi làm việc thì được biết, trong đám tân binh mới qua có thằng lỏi tên Minh dân Sa Đéc chỉ mười chín tuổi nhưng nhìn nó rất quái. Mỗi buổi tối, sau khi sinh hoạt ban xong, nó bắt tụi lính đồng niên ngồi vây xung quanh nó, nó trải ra một tấm vải trắng với nhiều hình thù như mặt trăng, mặt trời, cây cỏ, bộ xương cá, đầu lâu và nhiều hình thù quái đản vẽ bằng mực tàu (sau này quân pháp tịch thu) và tiến hành một nghi lễ quái đản là cho cả bọn hút một loại thuốc bột qua cái điếu bát làm bằng một cái lọ thủy tinh có nước, có lõ điếu đàng hoàng, hút xong chỉ có mùi khét khét nhẹ chứ không có mùi đặc trưng của thuốc lào, trong đó có một đứa được chọn thì hút gấp đôi liều và khi phê thì thực hiện những hành động theo Minh điều khiển và xảy ra cớ sự như vừa qua. Tổng kiểm tra số lính này thì phát hiện nhiều thằng mang thẹo khắp người do dao thẻo, cây đập, nhưng chủ yếu tổn thương hai nắm đấm là chính. Phát hiện này do một lính ta người Hải Hưng bị chúng nó không chế, dụ dỗ tham gia và sau nghi lễ mỗi ngày thì phải ngồi niệm chú theo nội dung Minh truyền dạy, cuối cùng có tiền bạc gì thì góp vào cho tổ sư với điều cấm tiết lộ nếu không sẽ bị sư tổ phạt chết . Vì sợ quá chiến sĩ ta báo cho thượng úy Triệu bên tác chiến và tổ chức theo dõi, bắt quả tang chủ chòm Minh đang hành lễ, sau đó bắt đưa về Việt Nam và tiếp tục trấn áp những ma ôn được minh phong chức còn lại mới giữ được sự ổn định của ban 5 hành chính E.  Theo tôi đây là tác động gây ảo giác của cần sa chứ không phải bùa ngải. Mà tác động hướng thần này có thể làm cho nạn nhân mất nhân tính hành động nguy hiểm, gây tổn hại sức khỏe, tâm thần mình và có thể gây nguy hiểm đến người khác, vì thời gian đó theo dõi đám lính này, thấy chúng lầm lì, bất cần đời, sống khép kín và luôn phảng phất trên mặt sự chịu đựng u ám.. Xin trình mấy dòng góp vui với các bác.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: haanh trong 10 Tháng Hai, 2012, 09:59:06 am
hehe theo em thì nó không phải cần sa đâu vì em nghĩ để tinh chế lá cần sa thành  bột chắc là phải qua 1 quá trình tinh luyện . Loại bột này có thể là hỗn hợp của 1 số tân dược gây nghiện chúng lấy được của quân y thôi  ;D
Mấy thằng này được ở chổ sướng nên hóa rồ , chỉ cần đưa chúng nó xuống đơn vị chiến đấu vác hỏa lực đi đánh nhau 1 trận là chúng nó tỉnh táo nên người ngay không cần mất công đưa về VN hoặc trấn áp chi cho nó mệt ;D
Chuyện bùa ngãi không phải chỉ có dân K mà ở đơn vị em lính và cả SQ cũng có 1 số chơi bùa ngãi . Không biết bùa ngãi có linh không nhưng đó cũng là chổ dựa tinh thần cho họ để tư tin hơn trong chiến đấu . Thậm chí có ông ở đơn vị bác Kontiahien còn làm bùa bán cho dân K kiếm khối tiền  ;D


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: china trong 10 Tháng Hai, 2012, 11:13:17 am
Vụ bùa ngãi em đã gặp qua, đánh nhau với bọn có võ bùa, đánh mỏi tay nhưng nó cứ trơ trơ, hình như nó đang phê thuốc phiện thì phải, (giống như sau này bắt mấy tên nhóc tỳ phê heroin giựt đồ, nện nó cỡ nào nó cũng không tỉnh). Cuối cùng phải tính đòn sát thủ, lấy cặp bóng đèn của nó, nhưng chưa kịp thì nó hết bùa ;D. lần đó gia đình em tốn bộn tiền bồi thường cho người ta. Kết luận của em: Bùa ngãi cũng không có gì ghê gớm lắm. :D


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 10 Tháng Hai, 2012, 06:20:42 pm
hehe theo em thì nó không phải cần sa đâu vì em nghĩ để tinh chế lá cần sa thành  bột chắc là phải qua 1 quá trình tinh luyện . Loại bột này có thể là hỗn hợp của 1 số tân dược gây nghiện chúng lấy được của quân y thôi  

Không phải bác haanh ạ, tôi nói bột nhưng không phải bột nhuyễn, mà nó là bột lá thô, vì tôi đã từng bào chế cho anh em bằng cách phơi thật khô và có thể sao lên cho dòn rồi bóp vụn ra. Cái thứ tịch thu từ thằng quỉ sống kia đúng là mịn hơn nhưng vẫn dây dây, màu vàng rơm, ngửi có ngai ngái. chỉ có điều tâm lý một thằng nhóc cỡ 19 tuổi mới ở bên nước qua mà nhìn máu thịt nát bét của đồng đội mà bình thản không gớm. Thằng này người kinh rặt chứ không phải Khơme, Chàm hay Java. Bây giờ tôi vẫn hình dung ra khuôn mặt có điệu cười rất nham nhở của nó, vậy mà nó cũng khuynh đảo ban hành chính E cả tháng trời mới biết. Bây giờ nghĩ lại, tôi không hiểu hồi đó hình như ban chính trị là nơi lãnh đạo công tác tư tưởng chiến sĩ mà không có động thái gì ngoài sự tò mò. Rõ chán. chào bác!


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 10 Tháng Hai, 2012, 06:30:58 pm
Vụ bùa ngãi em đã gặp qua, đánh nhau với bọn có võ bùa, đánh mỏi tay nhưng nó cứ trơ trơ,

 Cái vụ này không hiểu bác china thực mục sở thị tới đâu nhưng nếu những thằng phê các chất gây nghiện thì mất hết cảm giác đau lúc đó rồi, vì vậy như trường hợp tôi nói cái vụ ở đơn vị tôi sau này mở rộng điều tra mới thấy nhiều thằng tự lấy dao, lấy kéo cắt da bụng da tay mình mà. Xin các bác tiếp tục hành quân. Còn xét về hiện tượng thì khi về nghỉ phép ngoài Bắc, tôi chứng kiến hàng xóm, thậm chí cả người thân (cùng trà tuổi và ít hơn) sau khi đi làm ăn(nghề thổ mộc) ở vùng cao phía cực Bắc trở về đều ngơ ngơ ngáo ngáo sao ấy, nhưng chưa có trường hợp nào có trạng thái thần kinh kích động phá phách. Tôi chỉ nghe vợ con, cha mẹ họ nói là họ bị bỏ bùa yêu. Không biết thực hư ra sao, nếu mà có em người Thái trắng bỏ bùa yêu cũng được đấy bác China ạ. Thân


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: BS-812 trong 10 Tháng Hai, 2012, 07:21:42 pm
Chào bác vetran ,bác đang luận bàn triết lý đông phương em không dám vào ,nay thừa cơ có bạn ngoài lề nên em cũng thấy ngứa ngáy tí chút ,mong bác thông cảm .Nói đến bùa đánh lộn ,thì ở VN (miền Nam) người ta hay nói đến Thất Sơn Thần quyền ,còn các loại khác thì có bùa Năm Ông là phổ thông ,đơn vị em có lính 78 người Quảng Nam có bùa Năm ông ,một hôm giữa trưa nó ra gốc dừa lão ,đấm đá túi bụi khiến dừa rơi bồm bộp ,rồi sau đó nó đấm bể luôn cái chum to đựng nước dự trữ của dân K làm bằng xi măng ,đến khi nó tỉnh lại ,nó bảo bị phạt do chui dưới dây phơi của dân .Còn chuyện hút cần sa ,thì khi ở Pailin ,không biết ai trồng mà có ,khi ấy thuốc lá khan hiếm ,nhiều lúc phải hút lá cà phê đở ghiền ,nên có cần sa ai cũng thử cho biết ,vì lính không biết sống chết thế nào mà kiêng ,mùi cần sa đúng là đặc trưng ,như là mùi lá tươi bị đốt ,sau này về nhà ,vào quán Cà phê nghe có mùi là biết .Hút vào ,cái say thuốc rất nhẹ nhàng ,không biết được là say lúc nào ,chỉ thấy nghười đối diện đang cùng nói chuyện mà bỗng dưng nó như xa lắc ,mơ hồ ,sực tỉnh lại thấy bình thường như không có việc gì,nhưng rồi tiếp tục lại rơi vào trạng thái mơ hồ ,cứ thế cho đến khi hết "phê" ,cổ họng thì đắng ngét .Nhưng cái khổ là ,sang ngày hôm sau ,cái lơ mơ như vẫn còn thấm ,nên không điều khiển được cơ thể rất là bực ,vì vậy sau vài ngày hút thì đâm chán ,bỏ luôn ;Còn một anh ở vận tải thì kiên trì hút gần 1 tháng thì bị mất trí ,để gì quên nấy ,làm gì quên đó ,nên đâm hoảng không hút nữa .Và thế là thôi ,không thấy ai nghiện .Cám ơn bác


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: quannhu172 trong 10 Tháng Hai, 2012, 07:44:18 pm
  Bác này là người Việt gốc Hoa hay sao mà biết nhiều lịch sử của Tung Của thế ? Có lẽ hơn cả bác Hahuyenha nhà ta nữa đấy ? Em sống 3 năm ở Hồng Kông mà chẳng học được chút lịch sử của Tung Của tí nào ? em phục bác sát đất đến tận biên giới Việt nam và Trung hoa . Mình ngu thật .


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 10 Tháng Hai, 2012, 08:35:53 pm
Chào bác vetran ,bác đang luận bàn triết lý đông phương em không dám vào ,nay thừa cơ có bạn ngoài lề nên em cũng thấy ngứa ngáy tí chút ,mong bác thông cảm

Xin lỗi bác! tôi thừa biết bác là chuyên gia trong nhiều lĩnh vực thuộc khoa học xã hội. Ngay cái kiểu liệt kê triệu chứng PHÊ vừa rồi là tôi biết bác quá rành sự tác động của chất hướng thần rồi. Tuy nhiên các nghiên cứu của bác về các sản phẩm (vật thể và phi vật thể ) tác động vào não bộ, gây hưng phấn tâm thần thậm chí thay đổi nhân cách,thay đổi thế giới quan của những con người cụ thể mà bác đề cập vừa rồi thì tôi cũng ghi nhận chứ chưa được chứng kiến. Tôi vẫn bảo lưu ý kiến về các hiện tượng bất thường trong sinh hoạt cộng đồng của nhân dân và của lính mình trên đất K là do tác động của các chất hướng thần, có thể là thảo dược, cũng có thể là hóa chất tái chế. Mong bác phát hiện thêm những thông tin mới để anh em bàn loạn. Kính


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: binhyen1960 trong 10 Tháng Hai, 2012, 08:37:24 pm
 Bùa ngải gì đâu? Nói thật là BY chẳng bao giờ tin những cái chuyện từ bùa ngải. ;D

 Chúng ta thấy đấy, thường những chuyện xoay quanh bùa ngải được xuất phát từ dân miền núi, khu vực rừng rú hoặc những vùng sâu, xa, lạc hậu mà ra cả, nhất là những vùng dân tộc thiểu số thì càng hay gặp chuyện này. Người dân sống nơi rừng núi nhiều năm, nhiều đời sẽ tự đúc kết được những kinh nghiệm khi dùng các loại lá cây, thảo dược hàng ngày từ thiên nhiên. Ví dụ như lá ngón lá trúc đào họ cũng ăn nhầm mãi rồi, chết nhiều rồi thì mới có chút kinh nghiệm và kết luận là loại lá cây này không ăn được, hoặc như lá han, lính ta cũng khối anh ngắt nó mà chùi đít thay giấy WC, chỉ đến khi nó nóng ran "phao câu" thì mới biết mà cạch đến già và cũng có anh hăm hở chặt cây sơn về làm củi, để rồi khi mặt mũi xưng vù to như cái nồi  thì mới thấy khiếp và tránh xa cây sơn ăn mặt ấy. ;D

 Người dân địa phương vùng sâu vùng xa cũng vậy, họ ở đó nhiều đời và có quá nhiều kinh nghiệm đối với loại cây hay lá rừng và họ biết rõ loại nào thân thiện và loại nào không thân thiện đối với con người, loại nào có thể gây ảo giác hay gây nghiện cùng sử dụng sao cho đúng mức thì không quá ảnh hưởng đến não và chỉ gây hưng phấn đúng mức cần thiết. Những người bị bùa ngải của dân bỏ cho u mê chắc là rính phải thứ "ma túy" này nên không thể rời bỏ chốn đó đi chỗ khác được kể cả về chính quê hương mình. Hãy chú ý ở tất cả những ai từng bị bùa ngải trong mỗi câu chuyện thì họ thường là những người đầu óc không bình thường.

 Quay lại chuyện y tế khoa học một chút, điều này chắc bác vetran biết rõ nhất. Trong não mỗi người bình thường thì khi chụp điện não đồ sẽ xuất hiện màu vàng chanh đều khắp phần não, nhưng với những người nghiện ma túy thì khi chụp lên sẽ thấy những mảng màu hồng đỏ hoặc đen, chỉ khi họ bỏ hẳn không sử dụng nhiều năm thì mới trở về màu vàng chanh như bình thường. Giải thích thêm về vấn đề này khá phức tạp và BY chỉ hiểu đơn giản thế này. Hộp sọ người bình thường sẽ tiết ra một chất dù rất ít đủ để cân bằng cuộc sống khiến con người không bị phát điên phát khùng, kìm chế bản thân trước những vấn đề cần xử lý ở cuộc sống, khi nghiện thứ ma túy nào đó vào cơ thể thì vỏ não hộp sọ sẽ không sản xuất ra chất đó nữa, bộ máy này sẽ dừng hoạt động và thay thế lại để cân bằng cuộc sống bằng chất ma túy kia. Vì vậy, người nghiện ma túy sau khi dừng không sử dụng sẽ có những hành động của kẻ điên, không tự kìm chế được bản thân mình kể cả van đóng mở hệ bài tiết, cần phải có thời gian cùng sự tác động để bộ máy sản sinh chất cân bằng hoạt động lại vì lâu nay nó đã bị liệt rồi và đó là điều cực khó khiến nhiều người từng tái nghiện nhiều lần cũng bởi như vậy. Nhiều người nghiện sau khi bỏ hẳn ma túy thì chuyển sang nghiện rượu hoặc hút thuốc lá rất nhiều, song 1 điều khó tránh khỏi đó là rất "hâm", đôi khi xử sự trong giao tiếp như người thiểu năng trí tuệ.

 Vì vậy những ai bị bỏ bùa ngải đến u u mê mê chắc chắn là những người bị nghiện một thứ ma túy nào đó do người dân địa phương biết và khai thác, có thể là loại ma túy nhẹ và chính người dân biết cách giải cũng bằng chính thứ lá hay thảo dược nào đó mà họ biết sự tác dụng của nó. Nếu mang những người đang bị bỏ bùa ngải đi làm xét nghiệm não đồ BY bảo đảm não họ có phần chuyển màu hồng đỏ hoặc màu đen của người nghiện ma túy. Theo BY thì tính "huyền bí" ở bùa ngải thì chỉ là những câu chuyện hoang đường nghe cho vui chứ thật sự chẳng bao giờ tin. ;D


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 10 Tháng Hai, 2012, 08:54:36 pm
 Bác này là người Việt gốc Hoa hay sao mà biết nhiều lịch sử của Tung Của thế ? Có lẽ hơn cả bác Hahuyenha nhà ta nữa đấy ? Em sống 3 năm ở Hồng Kông mà chẳng học được chút lịch sử của Tung Của tí nào ? em phục bác sát đất biên giới Việt nam và Trung hoa . Mình ngu thật .

Cám ơn bác quânnhu172. Chuyện này đối với tôi cũng có cái thú vị, bởi vì cách nay khoảng gần bốn chục năm, tôi nghe ông Bô tôi gọi mẹ tôi là bà (mán tiền), phân biệt với mán sơn đầu nhé, mặc dù mẹ tôi là người Kinh, Ninh bình. Tìm hiểu tôi mới biết khoảng năm 1946 trên đường trường chinh tha hương cầu thực, bố mẹ tôi sống ở vùng tự trị Tây Bắc do bác Chu làm chủ tịch ( Vua Tày)sau đó ông bà vào quân đội của bác Giáp, sau này chắc để nhớ nơi ông hoạt động trưởng thành và cũng có thể để nhớ lại tình yêu với mẹ tôi mà ông toàn nhắc đến chuyện sinh hoạt cộng đồng của dân cư cực Bắc tổ quốc không thể thiếu bóng dáng các cô gái dân tộc miền Tây Bắc, chứ thực ra quê tôi ở Nam định cơ. Cũng như câu chuyện chúng ta đang tham gia, mẹ tôi cũng hay nhắc đến bùa ngải, trong đó có bùa yêu. Mà cái này tôi rất khoái bởi vì có lẽ tôi không tự tin lắm trong chuyện tán tẩm mấy Ẻm nên muốn có viện binh. May mà có một Ẻm QY dưới quyền đoái hoài rồi thành bà xã chứ không lại phải chịu ế ở vậy nuôi (con mình). xin chào bác


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 11 Tháng Hai, 2012, 05:02:02 am
Bùa ngải gì đâu? Nói thật là BY chẳng bao giờ tin những cái chuyện từ bùa ngải. ;D


 Kính thưa nhà sinh lý học, tâm thần học và chuyên gia chẩn đoán hình ảnh, Mr Binhyen1960. Đọc những mô tả triệu chứng biểu hiện lâm sàng của các loại thảo dược độc của bác là tôi biết bác hiểu biết khủng rồi. Chính trải nghiệm từ thực tiễn cuộc sống, thậm chí phải đổi bằng nhiều mạng sống mà người dân vùng thâm sơn cùng cốc mới có những ngón nghề độc chiêu mà người kinh không hiểu được mà đã không lý giải được thì vấn đề sẽ rơi vào (huyền bí). Tôi vẫn bảo lưu ý kiến là:tất cả những hiện tượng bất thường trong cuộc sống cộng đồng những người vì lý do gì đó phải tiếp xúc với đồng bào vùng thâm sơn là do tác động của một loại thảo dược có chứa Alkaloid hướng thần, mà với liều lượng nhỏ, không gây triệu chứng cấp và thời gian sử dụng kéo dài do vô tình hay cố tình, nếu cứ tiếp tục cung cấp đều đặn thì không xuất hiện vấn đề gì. Nhưng ngược lại, vì lý do nào đó  phải di chuyển địa bàn, thay đổi môi trường và điều kiện sống cũ. Ví dụ người miền xuôi đi làm nghề thổ mộc nơi vùng cao phải trở về quê hương. Không còn nguồn nguyên liệu đầu vào thì tất nhiên sẽ xuất hiện triệu chứng (đói thuốc) hoặc từ chuyên môn y tế gọi là "hội chứng cai nghiện". Nếu hội chứng cai nghiện biểu hiện trầm trọng, người thân trong nhà thường phải đưa anh ta đến vùng anh ta sinh sống trước đó với ý nghĩ tìm xem có bị bùa ngải gì khôn để tìm cách giải. Tới chỗ quen xưa thì bằng cách nào đó dân bản địa lại cung cấp nguyên liệu đầu vào cho anh ta và anh khỏe mạnh lại như xưa, thậm chí còn xung mãn hơn, mà điều này lại khẳng định nghi vấn của ngươi thân  trong gia đình anh ta là đúng. Ngẫu nhiên trong thời gian trước anh ta có lẹo tẹo hoặc thực sự có tình cảm với một sơn nữ nào đó thì người thân sẽ gán cho anh ta "bị bùa yêu" phát tác khi xa cách người bỏ bùa. Kính bác mấy dòng. Xin tiếp thu những lời vàng ngọc.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: hatuyenha trong 11 Tháng Hai, 2012, 07:07:44 am
  Thích quá em ạ, chị thích nhất vườn rau . Hôm nào có điều kiện vào TP Bác nhất định sẽ đến nhà em cùng với mấy cô lính cũ trạm A 10 của chị.
  Nhớ cho chén rau sạch của Anh Thơ nhé , cô gái Triệu Sơn Thanh hóa . Con gái Giao Thủy , con trai Triệu Sơn và cháu ngoại Bobi của bọn em đáng yêu quá , chị sẽ tới thăm bọn em _ một gia đình lính .


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: BS-812 trong 11 Tháng Hai, 2012, 11:06:54 am
Xin lỗi bác! tôi thừa biết bác là chuyên gia trong nhiều lĩnh vực thuộc khoa học xã hội. ...
Chào bác ,bác phong em là "chuyên gia" ,làm em sung sướng vô cùng ,nhưng đó là trải nghiệm bản thân và các anh em khác khi ở Pailin ,cũng may là chỉ có cần sa để hút ,chứ nếu có cả túc-xác (anh-túc) ,hay Coca thì tiêu đời cả đám rồi  ;D .Ngày về ,em còn thủ theo một ít để đãi bạn bè ,khi vào quán cà phê nghe nhạc ,bảo đảm bác sẽ cảm nhận ngay cái nhận định :"âm nhạc là một thứ triết lý ,cao hơn cả mọi thứ triết lý "  ;D (khi ấy cái "gu" nhạc của em là một số ca khúc của ca sỹ Thái Thanh (em vợ Phạm Duy) ,và các bản nhạc trử tình của Pháp )
Còn chuyện bùa ngãi thì khi ở đường 5 (hình như là phum xoài thì phải) ,bà già người Việt tự cho là có ngải luyện ,có thể rải đậu thành binh ,tàng hình trong thời gian cháy một nén nhang (hương) có khuyên là ,nếu ai đó mời ăn ,uống ,không nên quá nhiệt tình mà phải chừa lại một ít (thức ăn ,đồ uống )thì sẽ không bị tác dụng bởi bùa ,ngải ? Cám ơn bác


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: binhyen1960 trong 11 Tháng Hai, 2012, 01:54:03 pm
. Trong não mỗi người bình thường thì khi chụp điện não đồ sẽ xuất hiện màu vàng chanh đều khắp phần não, nhưng với những người nghiện ma túy thì khi chụp lên sẽ thấy những mảng màu hồng đỏ hoặc đen, chỉ khi họ bỏ hẳn không sử dụng nhiều năm thì mới trở về màu vàng chanh như bình thường. Giải thích thêm về vấn đề này khá phức tạp và BY chỉ hiểu đơn giản thế này. Hộp sọ người bình thường sẽ tiết ra một chất dù rất ít đủ để cân bằng cuộc sống khiến con người không bị phát điên phát khùng, kìm chế bản thân trước những vấn đề cần xử lý ở cuộc sống, khi nghiện thứ ma túy nào đó vào cơ thể thì vỏ não hộp sọ sẽ không sản xuất ra chất đó nữa, bộ máy này sẽ dừng hoạt động và thay thế lại để cân bằng cuộc sống bằng chất ma túy kia. Vì vậy, người nghiện ma túy sau khi dừng không sử dụng sẽ có những hành động của kẻ điên, không tự kìm chế được bản thân mình kể cả van đóng mở hệ bài tiết, cần phải có thời gian cùng sự tác động để bộ máy sản sinh chất cân bằng hoạt động lại vì lâu nay nó đã bị liệt rồi và đó là điều cực khó khiến nhiều người từng tái nghiện nhiều lần cũng bởi như vậy. Nhiều người nghiện sau khi bỏ hẳn ma túy thì chuyển sang nghiện rượu hoặc hút thuốc lá rất nhiều, song 1 điều khó tránh khỏi đó là rất "hâm", đôi khi xử sự trong giao tiếp như người thiểu năng trí tuệ.


. Đọc những mô tả triệu chứng biểu hiện lâm sàng của các loại thảo dược độc của bác là tôi biết bác hiểu biết khủng rồi.

 Cám ơn bác quá khen. Đây là đề tài nghiên cứu về người nghiện và cai nghiện ma túy đã được ứng dụng trong xã hội của Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Tài Thu cùng học trò của ông ấy đấy bác ạ. Bệnh viện Y học Dân tộc kết hợp với Tây y đã chữa trị Đông Tây Y kết hợp cho rất nhiều người mắc nghiện ma túy bằng phương pháp này và đã thu được nhiều kết quả, trả lại cho xã hội những con người có ích hơn, cắt đứt cơn nghiện bằng biện pháp hỗ trợ châm cứu cùng  kiểm tra chắc chắn nhất về ma túy còn tồn tại trong cơ thể con người. Song hiện nay mới chỉ đạt được kết quả "khiêm tốn" bởi số lượng người tái nghiện còn rất cao, mới chỉ dừng lại ở cắt cơn nghiện. Qua theo dõi những người nghiện thì thấy khả năng dứt bỏ được ma túy ở người hút hít mới sử dụng ma túy ở mức nhẹ, còn ai đã từng chích choác thì Y học "tạm thời" bó tay.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: minhsinh_1960 trong 11 Tháng Hai, 2012, 04:45:44 pm
Xin lỗi bác! tôi thừa biết bác là chuyên gia trong nhiều lĩnh vực thuộc khoa học xã hội. ...
Chào bác ,bác phong em là "chuyên gia" ,làm em sung sướng vô cùng ,nhưng đó là trải nghiệm bản thân và các anh em khác khi ở Pailin ,cũng may là chỉ có cần sa để hút ,chứ nếu có cả túc-xác (anh-túc) ,hay Coca thì tiêu đời cả đám rồi  ;D .Ngày về ,em còn thủ theo một ít để đãi bạn bè ,khi vào quán cà phê nghe nhạc ,bảo đảm bác sẽ cảm nhận ngay cái nhận định :"âm nhạc là một thứ triết lý ,cao hơn cả mọi thứ triết lý "  ;D (khi ấy cái "gu" nhạc của em là một số ca khúc của ca sỹ Thái Thanh (em vợ Phạm Duy) ,và các bản nhạc trử tình của Pháp )
Còn chuyện bùa ngãi thì khi ở đường 5 (hình như là phum xoài thì phải) ,bà già người Việt tự cho là có ngải luyện ,có thể rải đậu thành binh ,tàng hình trong thời gian cháy một nén nhang (hương) có khuyên là ,nếu ai đó mời ăn ,uống ,không nên quá nhiệt tình mà phải chừa lại một ít (thức ăn ,đồ uống )thì sẽ không bị tác dụng bởi bùa ,ngải ? Cám ơn bác
Chuyện bác trải nghiệm bản thân cùng các anh em khác khi hút cần sa ở BaiLin đúng là may thật. Hồi đơn vị tôi ở gần biên giới K & Thái Lan thấy mấy lính không có thuốc lá lên cơn nghiền.Rồi ao ước than vãn kính thưa các kiểu. Mìn nhiều thế mà cũng sục đi tìm vác về một cái cành cây khá lớn lá nhòn nhọn, nhìn như hình trái tim méo màu xanh thẫm khác hẳn với lá rừng khu vực đó thế mới lạ, rồi bảo đó là lá Coke. Thế rồi qua chế biến thì một lão thử, xong ba hơi mới phán ra cái nhận xét xác đáng. Cứ như bị ai đập vào sọ bất tỉnh ấy, rồi mắt từ từ mở ra sáng rực miệng không quên nở một nụ cười rất mãn nguyện đầu còn gật gật, nghe đã thấy sợ rồi. Dân nghiền vui ra mặt rồi quấn & hút khói mù mịt khét lẹt,mỗi ông một kiểu nhận xét xum tụ vui khí thế đáo để. sau tôi có hỏi nhỏ sao anh biết nó là lá Coke, nó có tác hại gì không biết gã phán thế nào không. Có biết mặt mũi lá Coke thế nào đâu thấy chúng nó lên cơn nghiền thấy tội mới làm thế.Quả thật, phổi của lính rất khỏe chả thấy ông nào bị ho lao thối phổi cả mới tài. Anh đó cũng là một chuyên gia lính tự phong.
 Tôi nhớ có đọc một bài báo thanh niên hay tuổi trẻ nói về vị giáo sư, nghiên cứu thuốc để cắt cơn nghiện ma túy trong các trường cai nghiện. Hình như ông lấy độc trị độc, chất độc bảng A có trong mật cá nóc biển sau khi triết xuất với hàm lượng  nhỏ đủ với sức nặng chịu đựng của thể tạng của mỗi người mà điều trị, sao cho cắt cơn nguy hiểm khi thiếu chất ma túy bị nó giật & hành hạ vật vã khốn khổ đến chết, thấy báo nói rất khả thi và có hy vọng cho những người trót lao vào con đường nghiện ngập. Vị giáo sư này quả thật là một anh hùng chắc nhà báo phong, Tôi nghĩ lão dám liều lĩnh đưa chất độc bảng A vào cơ thể con người thì kết tử người ta rồi còn gì nữa, nay một ít, mai một ít độc tích dần cũng thành nhiều phát sinh các bệnh khác sao mà sống. Mà có sống cũng không thêm được bao ngày, đằng nào cũng chết, chẳng thà chết cho rồi.
 Mấy người nghiện không biết khi sướng lâng lâng hoang tưởng ảo giác lạc vào cõi thiên thai ước gì được lấy có thật không, chứ tôi thấy họ lệ thuộc cuộc sống vào thuốc & khổ nhiều hơn sướng...


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 11 Tháng Hai, 2012, 06:00:55 pm
[quote: Trich dẫn từ BS-812
Thưa bác  BS-812. Tất cả các phương pháp cai nghiện cổ điển, thậm chí rất giáo khoa bằng tân dược là thua 95%, tôi chừa 5% cho may rủi. Bởi vì các cụ cứ nghĩ "dĩ độc trị độc" trong trường hợp này cũng hiệu quả như những vấn đề xã hội khác, nhưng không, thậm chí một số cơ sở còn cung cấp đều đặn nguyên liệu đầu vào cho đến khi kết thúc bệnh án và bàn giao hồi gia nếu là hợp đồng khoán cai của gia đình (thường là khá giả và tiếng tăm). Do đó, 100 cas hồi gia mà có 1 đến hai không tái nghiện thì chứng tỏ hai vị này được tổ tiên phù hộ dữ lắm cùng với tấm lòng yêu thương bao la của người thân đùm bọc chăm sóc (giám sát cặt chẽ, biện pháp ngăn chặn thép). Vậy nên chúng ta chớ nghe "những gì con nghiện nói"


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 11 Tháng Hai, 2012, 06:07:26 pm

. Đọc những mô tả triệu chứng biểu hiện lâm sàng của các loại thảo dược độc của bác là tôi biết bác hiểu biết khủng rồi.

 Cám ơn bác quá khen.
Vâng thưa bác BY. tôi đồng ý với bác về quá trình theo dõi, đúc kết công cuộc phòng chống con Ma này ở nước ta. Có lẽ nhân cơ hội này chúng ta chuyển sang những thông tin về cai nghiện. BY và các bác biết không, muốn nói gì thì nói chứ nền y học nước nhà cũng có nhiều chuyên khoa tiên phong lắm chớ. Bác nhắc đến Giáo sư Nguyễn Tài Thu trong lĩnh vực châm cứu  thì thuộc tầm thế giới cơ bác ạ, mà người ta phong là "Thần kim" cơ mà. Nhưng tôi được biết để đi tới thành công và thành danh thì giáo sư cũng gặp không ít rào chắn con đường phát triển trí tuệ lẫn điều kiện cống hiến (cứu nhân độ thế) ngay trong chính nghành của mình. Năm 1984 tôi cũng được dịp (cưỡi ngựa xem hoa tám tháng) cùng với khoảng ba chục sĩ quan quân y của quân y Cục vận tải TCHC, đóng trong cổng Phi Long tham gia lớp học châm cứu tại viện y học dân tộc do thầy Trương Thìn bác sĩ  viện trưởng và phụ tá của ông BS Nguyệt Thu trực tiếp giảng dạy: với kinh lạc huyệt vị, với biểu lý, thượng hạ, âm dương ngũ hành, hư thực, hàn nhiệt. Mà tôi thấy thầy dạy từ cách chỉ dùng ngón tay trỏ làm kim châm (gọi là chỉ châm) rồi những cây kim xinh xinh có đế xoáy tròn như vảy ốc cho (nhĩ châm) cho tới cây kim dài nửa mét châm (liên huyệt) Với câu quyết "Thống bất tắc thông, thông bất tắc thống". Hoặc phương châm điều tiết tâm thể của con người trong cuộc sống để đạt được mục tiêu sống vui, sống khỏe là "Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần. Thanh tâm, tiết dục, thủ chân, luyện hình" Thời gian đó ngoài lớp tôi học còn có lớp với học viên đa quốc gia: Đông âu, Nam Mỹ và Phi. Chứng tỏ nghành châm cứu của ta cũng khá nổi tiếng. Những  giai thoại về giáo sư NTT với nghành châm cứu VN & thế giới thì nhiều vô kể và cũng bất ngờ vô cùng như thông tin bác BY đề cập. Nhưng tôi muốn nói đến ý chí của người nghiện và thái độ của gia đình, cộng đồng là rất quan trọng. Tôi có nghe một câu chuyện: ở giữa Thủ Đô trong mùa đông lạnh giá mà có một thanh niên, cứ đến giờ đó lại nhảy xuống hồ Tây vẫy vùng trong cuồn loạn để rồi đến một thời điểm, toàn bộ gia đình anh cười trong nước mắt mở rộng vòng tay đón anh trở lại với gia đình bằng một cơ thể cường tráng và có lẽ theo bác BY lúc đó chụp não chắc chắn màu vàng chanh xuất hiện. trường hợp này là kết quả của một ý chí thép và lòng thương yêu vô bờ của người thân và xã hội, chứng tỏ năng lực của con người cũng rất tuyệt vời. Bác BY có thông tin gì về những trường hợp tương tự, bật mí để anh em học tập.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: binhyen1960 trong 11 Tháng Hai, 2012, 07:48:35 pm
 Có bác ạ, về chuyện người nghiện ma túy thì BY có nhiều chuyện để kể cho anh em biết thêm về người nghiện ma túy. ;D

 Khoảng hơn 10 năm trước BY có nhận 1 công nhân làm ở xưởng của mình, tay nghề cũng thường thường bậc trung nhưng rất chăm chỉ làm việc không ngại gian khó không nề hà vất vả, dáng người nhỏ thó nhưng nhanh nhẹn và được cái khá thật thà. Cũng làm việc với nhau hơn 3 tháng cuối năm và sang năm mới về nghỉ ăn tết thì không thấy quay ra làm việc nữa rồi bặt tin luôn. Sau mỗi ngày làm việc thì anh ta hay lên nhà BY ngồi uống bia tâm sự chuyện đời rồi từ từ anh ta kể lại quãng đời của mình đã qua:

 Quê anh ta thuần nông nghèo khó đến chôn người chết cũng phải từ 7 8 năm mới dám bốc mộ vì bốc sớm thì không tiêu, đất quánh lại như đất sét, năm 18 tuổi đi lính sang Lào đến năm 23 tuổi thì về, thời gian ở Lào sống cùng dân bản xứ nên lây nhiễm sử dụng ma túy, tuy chưa nặng nhưng cũng là con nghiện, lúc về nhà không có thuốc hút thì lên cơn vật luôn đói thuốc và rồi bạn bè anh em xóm làng rủ đi đào vàng đâu tận miền Trung. Cũng cứ nghĩ vào rừng rú vừa lao động vừa cai nghiện luôn nên anh ta theo bạn đi đào vàng, chẳng ngờ đâu ngay chốn rừng núi ấy cũng có người bán và cung cấp thứ ma quỷ kia, sẵn tiền do đào vàng hàng ngày lại buồn giữa chốn thâm sơn cùng cốc nên lại lao vào hút xách, người càng hút thì càng sinh lười lao động, sợ từ gió máy đến nước tắm rửa, kiêng khem cả rượu bia vì dùng vào là "nhạt thuốc" trong người. Hút mỗi ngày mỗi tăng liều mà làm thì không muốn nên để cho rẻ tiền anh ta chuyển sang hút xái xẩm, dùng hàng bẩn (cụ thể nó bẩn như thế nào thì BY không rõ). Càng ngày càng nghiện nặng thêm cho đến 1 ngày kia anh ta tự thức tỉnh và trở về quê hương quyết làm lại cuộc đời.

 Theo lời kể những ngày đầu anh ta về quê cũng vật vã lắm, người mẹ đã giúp anh ta đi qua những lúc vật vã rất nhiều, cứ những lúc cơn vật lên là anh ta vác thuổng cuốc ra ao cá của nhà mà quật đất lên bờ, những lúc nhớ thuốc thì phạt bờ sửa ao cho đến khi cái ao cá của nhà nó sâu thêm cả mét, lúc quá vật vã đói thuốc thì ra sau nhà, quê anh ta mọi gia đình đều muối dưa muối cà rất nhiều dùng ăn lâu dài thì mở ra mà vốc cà, dưa muối mà ăn không vậy thôi, ăn cho bằng sợ kể cả khi mới ngửi mùi dưa cà nhưng dùng lý chí lấn át nỗi sợ, có lúc nôn ọe ra lại ăn tiếp và rồi anh ta trở lại là người bình thường không còn cơn vật của thuốc nữa, nhưng khẳng định vẫn thấy thèm cùng ham muốn, song vẫn quyết tâm tránh xa ma túy.

 Sau này BY tìm hiểu lý do tại sao sang năm mới anh ta không ra làm nữa từ người bạn còn làm tại xưởng thì được biết. Anh ta phát hiện ra gần cửa sau của xưởng nhà BY có một nhóm người đến thuê nhà gần đó, họ hàng ngày bán ma túy cho con nghiện ra vào mua bán, vì sợ một lúc nào đó anh ta không làm chủ được mình nên dù biết ở đây công việc nhiều, chỗ ăn ở thuận lợi cho làm việc, thu nhập hợp lý nhưng anh ta vẫn kiên quyết né tránh vì không muốn nhìn thấy và bị mê hoặc. Dù là con người nhỏ thó gày gò ấy nhưng anh ta có một lý chí thật đáng nể.

 Nói chung chuyện cai nghiện cho người mắc nghiện thì dù là phương pháp nào cũng chỉ là sự trợ giúp, còn hoàn toàn phải do người nghiện tự giác cùng quyết tâm cao, nếu không cũng chỉ là bắt cóc bỏ đĩa thôi bác ạ.

 Cũng 1 thằng cu cháu con nhà hàng xóm, to con lực lưỡng, trắng trẻo đẹp trai đang học đại học gì đó, bỗng 1 hôm thấy bố mẹ nó đứng ngóng nó đầu ngõ lúc 1 2h sáng vì chưa thấy nó về, 1 cuộc gọi điện thoại bàn vô danh đến báo nó chết rồi làm cả nhà nó nháo nhào đi tìm và chẳng ai biết tìm nó ở đâu? 3 ngày sau cũng chưa thấy nó về, rồi 7 ngày sau vẫn thấy nó biệt tăm. Thế rồi tại CA phường có tin 1 xác chết đã tím thâm đen trên nóc nhà WC công cộng của khu tập thể Giao thông, không biết là ai và nằm đó từ bao giờ giữa tháng 6 7 nắng nóng ấy, xác chết vô danh, vô thừa nhận được chuyển đi và chôn cất theo thủ tục của thành phố, cơ quan chức năng xác định chết do sử dụng ma túy quá liều, bơm kim tiêm vẫn còn ở hiện trường. Chỉ đến khi chôn cất rồi thì gia đình mới tìm đến xem lại hình ảnh người chết vô danh mới ngã ngửa ra là con mình, không thể tin được rằng nó chết trên mái khu WC cách nhà nó không quá 100m đường chim bay mà bố mẹ nó không hề biết gì, ngay cả nó nghiện ngập cũng không biết luôn và lâu nay nó là đứa rất ngoan học hành tử tế. Sau này tìm hiểu ra thì mọi người mới được biết, nó cùng chúng bạn thường xuyên leo lên mái khu WC chích choác, hôm đó thằng cu này choác sau cùng và sốc thuốc chết luôn ở đấy, lũ bạn hôm sau leo lên chích tiếp thì phát hiện ra thằng này nằm chết ở đó rồi, chúng sợ không dám nói ra nên mặc kệ bạn nằm chết ở đó, 1 thằng thấy thương quá nên gọi điện nặc danh đến báo tin cho gia đình, mẹ thằng cu tưởng đứa nào nói xấu con mình, bôi nhọ gia đình nên chửi bới ầm ỹ trên điện thoại khiến thằng kia sợ và cúp máy, mặc kệ thằng bạn nằm chết phơi nắng suốt mấy ngày trời giữa trời nắng nóng như nung người trên mặt sàn bê tông của nhà WC.

 Khu phố nhà BY đang ở khá yên tĩnh về mặt tệ nạn xã hội nhưng theo thống kê sơ bộ cũng đóng góp cho "nàng tiên nâu" hơn chục mạng toàn loại choai choai và hiện nay chúng ra nghĩa địa nằm hết từ lâu rồi. Vài tay cứng tuổi cũng rính đòn cùng tan nát cửa nhà, vợ con nheo nhóc, vật vờ, thân tàn ma dại, cai cả chục lần rồi cuối cùng vài thằng dứt bỏ được thì lao vào rượu chè say xỉn lất ngất lơ mơ, vài thằng cũng chán ở nhà mà ra nghĩa địa nằm cho nó vĩnh cửu vì "lục phủ ngũ tạng" cũng tan nát từ lâu rồi.

 Nói chung "ma túy" là thứ cực kỳ nguy hiểm cho người sử dụng và ảnh hưởng rất nặng đến đời sống từng gia đình trong xã hội, tránh càng xa càng tốt cho mình và cho người thân. Trong y học có câu " phòng bệnh hơn chữa bệnh". Vâng! chúng ta nên tuân thủ câu nói này khi nhắc đến ma túy, "phòng ma túy hơn chữa ma túy" vì để chữa nó là điều vô cùng khó, đòi hỏi ý chí con người phải cực kỳ cao mới vượt qua nối và thường không mấy người vượt qua nối, những tác nhân và phương pháp chữa trị chỉ là hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện chứ không mang tính quyết định.
 

 


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: minhsinh_1960 trong 11 Tháng Hai, 2012, 11:46:49 pm
 Góp ít chuyện cùng binhyen1960, chuyện này mình nghe tay sĩ quan nằm cạnh giường hồi nằm ở viện 4 quân đoàn chữa sốt rét. Hôm đó mình vừa bị cơn sốt cách nhật nó hành xong thì nghe có tiếng chửi rất to & tục,....mẹ đứa nào lái tàu ngầm đấy. Lúc đó quả thật mình cứ tưởng ảo giác do sốt nhưng không phải, người chửi là tay bác sĩ bên khoa ngoại gần phòng hồi sức. Mà không chỉ có phòng mình bị chửi hắn đi dọc dãy hành lang bên này có phòng nào là hắn thò đầu 
vào chửi tất không tha, lý do là bên đó đang cắt giò một lính bị mìn tái phát, chắc ca này gay cấn nên xẩm tối chưa xong.Thì sự cố xảy ra, còn tay sĩ quan nằm cạnh giường mình bỗng giật mình nhào xuống giường thì đèn bừng sáng lên không còn hiện tượng lúc lu lúc mờ nữa, lật đệm giường mình rất nhanh dúi vào đó cái gì rồi tót lên giường giả vờ ngủ như không có chuyện gì xảy ra. Một lúc sau thấy thấy tay bác sĩ đến gường tay sĩ quan bên cạnh mình cự nhau, đôi bên lời qua tiếng lại nhưng cũng không bắt được chứng cứ lên cũng hòa. Lính nằm quanh cũng chẳng ai nói gì cả nhưng cũng không ưa tay bác sĩ cho lắm. tay sĩ quan có vẻ tức mới kể chuyện . Đời lính của anh có tiêu chuẩn rõ ràng, bệnh thì phải nằm viện thôi  chứ anh đâu có muốn nằm viện, mà nằm viện nhiều thành tinh nên nắm được phốt của tay bác sĩ kia, tức nên kể cho cả phòng cùng nghe. Câu truyện thật buồn & thương tâm, anh nói trước hắn cũng lành và biết điều lắm. Hai vợ chồng hắn cùng ngành đời sống khá giả sung túc đi làm có xe con đưa rước, nói chung là cuộc sống như mơ nhiều người ước cũng chả được. Từ ngày thằng con trai hắn chơi hắn một vố đau nên tính hắn mới trở lên khó chịu như thế. Số là cả hai vợ chồng có đúng một cậu con cưng nưng như nưng trứng hứng như hứng hoa từ hồi còn đỏ hỏn. Cậu ấm muốn cái gì cũng được hết mẹ chiều rồi cha nó lại còn chiều hơn, nên mới có chuyện đau lòng lá gần vàng khóc lá còn non để kể. Do không sâu sát hai vợ chồng cứ lo làm giàu chân trong rồi chân ngoài, tiền vào như nước nên đâu có tiếc con.Túi thằng nhỏ lúc nào cũng có tiền & đám bạn xấu đến gần nó lúc nào hai vợ chồng cũng không hay. Nó sa vào chơi cái hàng trăng trắng ấy, cái thứ đắt đỏ nhà có núi vàng chơi vào cũng hết. Từ ít dần tăng lên thành nghiện nặng bỏ là chết, nên hai vợ chồng vẫn cố chiều kiếm được bao nhiêu tiền cũng đưa cho cậu con chơi, cắn răng chảy nước mắt cũng không nói nói một lời than ngắn hay thở dài bởi họ biết trước sau nó cũng sẽ chết & chết trước họ. Vì thương con nên nên vẫn cứ chiều con cho nó khỏi tủi.Của chìm ra đi hết, rồi đến của nổi. Hết bán xe rồi đến lúc bán nhà tiền của theo hết cậu quí tử & tình cảm vợ chồng sứt mẻ rạn vỡ. Hắn ly thân với vợ giết thời gian trong viện hết giờ là la cà nhậu nhẹt chờ phút giây cậu ấm mục xương mục tủy ra đi là hai vợ chồng mỗi người mỗi ngả đường anh anh đi đường em em bước. Nghe tay sĩ quan kể anh em trả ai tin nhưng hắn lại bảo thì chính tay bác sỉ kia tâm sự với hắn ở căng tin sau khi làm quen, mà hai lão này quen nhau cũng ngộ cãi nhau vì một chuyện lạ đời thằng cha sĩ quan bị trĩ nên hay đi viện, hỏi cách chữa tay bác sĩ kia chỉ cho chữa theo kiểu đông y thủy trâm hay hỏa trâm nên không tin bảo xui dại hại nhau. To tiếng rồi cãi nhau lại thân nhau tâm sự kể nhau nghe chuyện của mình. Thấy nói lúc đầu thằng nhỏ chơi phoóc lên rất đẹp sau bắt đầu mục cốt suy sụp không biết câu chuyện có thật không nữa...


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: BS-812 trong 12 Tháng Hai, 2012, 09:57:56 am
... Vậy nên chúng ta chớ nghe "những gì con nghiện nói"
Chào bác ,em chỉ là thấy anh em nói chuyện cần sa ở K nên ,"ăn theo ,nói leo" tí chút cho vui thôi ,chứ không có ý định cổ súy cho ma túy ,vì mọi người đều thừa biết tác hại của nó .Theo em ,vì cần sa có lẽ là hàng em út của ma túy nên mức độ gây nghiện của nó không nhiều ,nên các anh em vẫn vui vẻ kể chuyện (chứ chưa thấy ai kể chuyện dùng thuốc phiện ,hàng trắng ,vvv ... ) ,còn "anh kề" của cần sa là thuốc phiện ,nếu dùng liều cực nhẹ thì mức độ gây nghiện cũng không lớn ,cho nên người ta vẫn dùng trong Đông y với cái tên là Túc xác (quả thuốc phiện ,sau khi đã lấy nhựa xong ) .


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: haanh trong 12 Tháng Hai, 2012, 10:23:39 am
... Vậy nên chúng ta chớ nghe "những gì con nghiện nói"
Chào bác ,em chỉ là thấy anh em nói chuyện cần sa ở K nên ,"ăn theo ,nói leo" tí chút cho vui thôi ,chứ không có ý định cổ súy cho ma túy ,vì mọi người đều thừa biết tác hại của nó .Theo em ,vì cần sa có lẽ là hàng em út của ma túy nên mức độ gây nghiện của nó không nhiều ,nên các anh em vẫn vui vẻ kể chuyện (chứ chưa thấy ai kể chuyện dùng thuốc phiện ,hàng trắng ,vvv ... ) ,còn "anh kề" của cần sa là thuốc phiện ,nếu dùng liều cực nhẹ thì mức độ gây nghiện cũng không lớn ,cho nên người ta vẫn dùng trong Đông y với cái tên là Túc xác (quả thuốc phiện ,sau khi đã lấy nhựa xong ) .

hehe đúng đấy , cần sa là kỷ niệm của lính chứ ma túy thì lính không có bà con gì hết  ;D


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 13 Tháng Hai, 2012, 03:11:22 pm
http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,23617.400.html (http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,23617.400.html)

Bác vào xem từ đầu trang 1 hoặc từ đây cũng được, bác nên dạo qua các box Quán nước cổng doanh trại có nhiều chuyên mục hay trong đó có topic Off quân khu Thủ Đô, offline Quân khu 7,...

  
Thân.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 13 Tháng Hai, 2012, 04:00:04 pm
Xin kính chào các bác. Anh Thơ viết tiếp và xin tham gia một câu chuyện về chất kích thích có thể gây nghiện nếu đủ thời gian dùng kéo dài: Ngày ấy khoảng gữa năm 1982, tôi được điều động từ trạm 16 Kông pông Chàm về Nông pênh làm quân y cơ quan trung đoàn bộ 685 vận tải QS. Thời gian đầu khá suông sẻ, công việc đều đều, toàn bộ cán bộ chiến sĩ ban hành chính nói chung, bộ phận nữ nói riêng (14 cô) rất đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng thời gian sau, tôi có cảm giác không ổn từ ánh mắt soi mói xét nét của một vài đồng đội nữ, rồi sự phân hóa hai ba phe xuất hiện, dù không rõ ràng. Đến hồi gay cấn hơn là những xoong canh nóng, xoong cơm, chén nước mắm tự nhiên cứ bay qua trước mặt hoặc sau lưng tôi khi tôi xuống kiểm tra vệ sinh nhà ăn nhà bếp. tuy bình tĩnh và xử sự với đồng đội rất thật thà bình thản, nhưng tôi cũng bắt đầu cảnh giác. Nhưng một hôm thì sự việc đẩy lên đỉnh điểm. Sau bữa cơm trưa, toàn cơ quan vắng lặng trong giờ nghỉ,  số nữ quân nhân cũng thiu thiu ngủ trong phòng nữ trên lầu một căn biệt thự. Tự nhiên phía cầu thang gỗ có tiếng lên đạn chát chúa của khẩu AK47. Phản xạ sinh tồn của chúng tôi phát tác, tất cả đều lăn tròn rơi bồm bộp xuống nền sàn gỗ nín thở. Vài giây im lặng và tất cả nghe rõ ràng tiếng nói nhựa nhựa say rượu của một đồng đội nữ: Từ bữa nay tao tuyên bố, đứa nào bước vào phòng quân y trung đoàn (phòng của Vetran) là tao cho đi tàu suốt. Tôi cảm thấy có gì đấy bị (xúc phạm) bởi vì tôi phụ trách quân y cơ quan trung đoàn bộ, là cấp dưới thì việc tôi vào phòng làm việc với quân y E là thường xuyên và bình thường. Tư nhiên tôi hết sợ hãi tôi đứng thẳng dậy đi về phía bạn nữ kia trước họng súng AK mà một viên trên ổ đạn và 29 viên còn trong băng tiếp. tất cả các bạn khác sợ run bắn, còn tôi cứ bước tới như mộng du. Có lẽ lúc ấy  nếu Anh Hòa (Lé) thượng sĩ đội trưởng cảnh vệ không đá văng khẩu súng sau khi tiếp cận bắng cách leo qua ô văng phía ngoài lên thì chưa biết em có còn kể lại chuyện này hôm nay không. Lúc ấy không biết có bị đau không nhưng bạn ấy ngồi thụp xuống tại chỗ và khóc thảm thiết, em lao đến và cũng đồng thời toàn bộ các bạn nữ khác cũng vây quanh, chúng em ôm nhau khóc. Hôm nay viết đến đây em lại rân rân cảm động. Từ trên đỉnh cầu thang, em nhìn xuống thấy chú Tự thiếu tá phó trung đoàn trưởng lắc đầu ngao ngán và nói: Thôi chuyện còn lại kêu thằng Vệ xuống giải quyết. Và ông rời gót quay về khu chỉ huy. Sau nay mới biết đồng đội nữ của em đã uống gần hết chai rượu chanh Hà Nội (rượu này chỉ cấp cho sĩ quan) trước khi nên đạn. Sau vụ này, không hiểu do làm công tác tư tưởng của chỉ huy phòng hậu cần, ban hành chính ra sao nhưng tập thể nữ chúng em lại thương yêu đoàn kết như xưa.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: tranphu341 trong 14 Tháng Hai, 2012, 08:41:10 am
              Chào ANH THƠ! Trà-Trà- Trà..... chuyện của em kể liên quan đến tình cảm, tình yêu hay và gay cấn quá. Cái ông Vệ này, đáng bị đánh đòn lắm đây vì cái gì không biết nhỉ? À phải rồi, có lẽ là vì cái "mẽ" bảnh trai mà người con gái nào nhìn cũng thích! Nhưng cũng chưa phải đúng lắm vì các cụ xưa có câu là: " Gái ham tài" cơ mà. Vậy thì tại cái tài ăn nói, cái tài ca hát, tài nói chuyện , tài hiểu biết về ĐÔNG-TÂY-KIM-CỔ vòng vo trước khi nói đến cái cần nói, cần quan tâm ngay bên cạnh chăng???? hay còn cái tài gì nữa có lẽ ANH THƠ bật mí nốt cho ae được biết nốt đi nhé!

             XUÂN MỚI ANH TRANPHU CHÚC VỢ CHỒNG CÔ CHÚ CÙNG ĐẠI GIA ĐÌNH LUÔN KHỎE, VUI HẠNH PHÚC!


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 14 Tháng Hai, 2012, 08:45:56 am
Thưa các bác trong topic, bên nhà bác Nguoidongdoi có cái vụ bàn về vũ khí chiến lược của anh em ta, ai cũng khoe súng ì xèo, do vậy tôi thấy cần triển khai rộng  qua topic này để anh em ta bàn luận tìm hướng thống nhất để thực hành, Trước mắt mời các bác tham khảo một nguyên liệu bảo dưỡng nâng cấp vũ khí có tên Rượu AMAKONG
 Thưa các bác đang quan tâm đến vũ khí chiến lược. Tôi được uống rượu AMAKONG của bác NVLAC trong dịp off line quân khu 7 vừa rồi vì thấy can rượu có ghi rượu AMAKONG, ông uống bà khen, nhưng hôm đó uống chung với khá nhiều bia nữa, nên không kiểm chứng được tác dụng nhưng chắc chắn là  vũ khí bị xụi lơ một tuần. Hôm Off mini ở nhà Vetran, có hú Haanh tới nhưng nghe uống rượu Amakong nên haanh trốn luôn. Tuy nhiên một cơ hội để tiếp cận rượu thuộc loại anh hai của AMAKONG do tôi bào chế thì bác haanh lại bỏ lỡ. Xin mời các bác theo dõi thông tin sau về rượu AMAKONG
 Nổi tiếng với 298 lần bắt và thuần dưỡng voi và có tới… 4 bà vợ cùng hơn hai mươi người con, “Vua Voi” Ama Kông, 100 tuổi ở Buôn Đôn (Đăk Lăk) còn được nhiều người nhắc tới như một biểu tượng của… sức khỏe Việt Nam, của “bản lĩnh đàn ông” với bài thuốc gia truyền tráng dương bổ thận được ngâm trong rượu gọi là rượu Ama Kông. Câu chuyện bắt đầu khi Ama Kông được cha vợ Y Thu Knul - “vua” săn voi truyền lại cho bài thuốc quý T’Klơng Mlêng nhằm giữ sức mạnh, nhân sức mạnh, nhưng vốn là người luôn khỏe mạnh và cường tráng, Ama Kông chưa dùng đến. Một lần đi săn voi, ông bị trọng thương và phải dùng đến bài thuốc bí truyền. Sau vài tháng tự điều trị, vết thương của ông lành hẳn và sức khỏe hồi phục rất nhanh. Từ đó, Ama Kông luôn dành nhiều thời gian quan sát cách voi sử dụng cây thuốc để chữa trị vết thương và để ý tới các vị thuốc từ cây rừng. Ông kỳ công tìm hiểu các vị thuốc quý và phương cách chữa trị, tạo được công thức pha chế chữa bệnh, đồng thời dùng thuốc bồi bổ sức khỏe cho mình.
Trong số hàng trăm bài thuốc của ông thì bài thuốc quý gắn với những huyền thoại về cuộc đời ông, khiến ông nổi tiếng khắp nơi chính là bài thuốc có các vị thuốc được ngâm trong rượu - rượu ama kông nhằm tăng cường sinh lực, bổ thận tráng dương, trị đau lưng, kém ăn, mất ngủ... Quả thật, “vua voi” là bằng chứng sống về hiệu quả của rượu ama kông. Người ta không tin sao được khi “vua voi” 80 tuổi mà vẫn cưới được vợ trẻ và sinh con, thậm chí ngày 01/01/2010 vừa qua, ông còn đón sinh nhật lần thứ 100 với tinh thần sảng khoái, minh mẫn,… Bằng chứng đó quá đủ để khiến cho bài thuốc ama kông, rượu ama kông trở thành nổi tiếng!
Từ bài thuốc huyền thoại: Bài thuốc ama kông có các vị thuốc hoàn toàn là thảo dược quý hiếm chỉ có ở núi rừng Tây Nguyên nên việc hái thuốc, thu hoạch và phân loại tỉ mỉ từng loại củ, dây, thân, rễ, hoa, trái rất quan trọng. Việc đi lấy phải tính theo thời điểm, từ việc lấy trong mùa nhiều sương hay mùa khô cạn, thời điểm nào là phù hợp, vị nào cần non, vị nào cần già, cây nào lấy lá, cây nào lấy rễ cho đến cách thức phơi, sấy, bào chế, ngâm tẩm sao cho dược tính hiệu nghiệm nhất rồi tổ hợp các vị thuốc lại, vị nào đi với vị nào, tỉ lệ thành phần ra sao để có thể phát huy tối đa tác dụng của bài thuốc đối với từng chứng bệnh mà không gây hại cho người sử dụng.
Nếu ai coi rượu thuốc Ama Kông là viagra thì sẽ thất vọng và đừng nên dùng. Nó phải tốt hơn viagra nhiều vì duy trì sức khoẻ lâu dài, như tôi đây này, không phải cho một lần đâu”, “vua voi” Ama Kông nói.
- Bài thuốc ama kông có 5 vị, vị thuốc quan trọng nhất là thân cây Tơmtrơng Atao nenso. Đây là loại cây bụi leo, thân gỗ, có mủ trắng, chồi lá phủ đầy lông mềm, cành ngọn có lá mọc đối hình xoan hay xoắn bầu dục thon, mặt lá nhẵn… Loài cây này có giá trị đặc biệt bởi nó chứa đến 15 thành phần và một số nguyên tố vi lượng quý giá, trong đó, tỉ lệ magnesi cần thiết cho quá trình đường phân, kẽm giúp tăng sinh lực, Selen bảo vệ tế bào, lithi cân bằng tâm lý v.v... cùng một số chất có tác dụng quan trọng chống oxy hóa, chống loét, chống nấm, chống xơ vữa động mạch, giảm cholesteron máu,... Song, theo sự khẳng định của “vua voi”, về công dụng, loại Tơmtrơng Atao Nenso chỉ đáng “con cháu” so với 2 loài dược liệu còn lại là Tơmtrơng Sre và Tơmtrơng Dong Roeh. Hai loại cây thuốc này có tác dụng số một trong việc bồi bổ cơ thể, bổ thận tráng dương, chữa đau lưng nhức mỏi...
- Cứ một thang thuốc 1 kg có thể ngâm với 8-10 lít rượu, 1 tuần sau là dùng được. Trước bữa ăn hoặc trước khi ngủ uống 1 ly nhỏ, mỗi ngày uống 2- 3 ly. Cũng có thể sử dụng thuốc bằng cách nấu nước uống thay nước, mỗi ngày 3-5 lần sau bữa ăn, trước khi ngủ. Khi uống vơi bình rượu có thể châm thêm rượu vào bình và sử dụng tiếp cho tới khi thấy màu thuốc đã nhạt, vị bớt chát và ngọt thì thôi hoặc ngâm bình khác. Rượu có thể hơi khó uống đối với một số người nên để dễ uống có thể pha thêm một lượng nhỏ nước sôi để nguội. Nhưng, khi dùng rượu ama kông, cần rèn luyện thêm về thể lực thì mới có thể cải thiện và bồi bổ sức khỏe.
 -Rượu Ama kông tại Hà Nội: sản phẩm rượu bổ Ama Kông đã được Cục Quản lý Dược, Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm chứng nhận đảm bảo tiêu chuẩn nhưng vì thuốc giả bán tràn lan trên thị trường nên năm 2009 người con trai thứ bảy của Ama Kông là Khăm Phết Lào - người thừa kế hợp pháp bài thuốc gia truyền ama kông đã đứng ra lập công ty cổ phần sản xuất kinh doanh rượu Ama Kông, sản xuất rượu thuốc mang tên Ama Kông tại Hà Nội. Ngày 15/1/2010 vừa qua, mẻ rượu quý được ngâm và sản xuất theo dây chuyền công nghiệp chính thức ra mắt công chúng Thủ đô, đáp ứng một phần nhu cầu lớn của người tiêu dùng.
- Hiện nay, sản phẩm rượu ama kông bán ra thị trường gồm 2 loại: chai rượu 35độ và 29,5độ với giá từ 140-210.000đ/chai. Hai loại này chỉ khác nhau về nồng độ rượu, còn công dụng không khác nhau…Bài thuốc gia truyền của vua voi Ama Kông cũng như rượu Ama kông đã tốn không ít giấy mực của công chúng quan tâm và công dụng của nó đã được nghiên cứu là có giá trị. Song, việc sử dụng rượu thuốc, như “vua voi” từng nói: phải thường xuyên vận động, rèn luyện cơ thể dẻo dai, có như thế, khi người khỏe, thuốc sẽ tạo cảm giác hưng phấn, mới phát huy tốt công dụng!
- Thưa các bác cựu như vậy chất lượng, tác dụng của thần Tửu này quá rõ trong khi cách bào chế nguyên thủy ra sản phẩm của cụ AMA không đáp ứng nhu cầu của các (Vua săn voi) ở công viên và trong văn phòng máy lạnh các công sở cho nên Khăm Phết Lào, con trai cụ phải nhập hộ khẩu Thủ đô để sản xuất trong các dây chuyền hiện đại và công nghệ tiên tiến đảm bảo các tiêu chí về ATVSTP mà chất lượng không thua kém rượu của cha mình giúp bạn bè đồng giới khẳng định vị thế thượng phong của mình, rạng rỡ nòi giống Lạc Hồng. Xin mời các bác cựu (mại dô), chú ý đọc kỹ hạn sử dụng trước khi dùng, và cảnh giác đồ gian, đồ giả.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 14 Tháng Hai, 2012, 08:52:41 am
             
             XUÂN MỚI ANH TRANPHU CHÚC VỢ CHỒNG CÔ CHÚ CÙNG ĐẠI GIA ĐÌNH LUÔN KHỎE, VUI HẠNH PHÚC!
Anh Tranphu341 ơi! Em Thơ đây. Đối với Vetran của em còn nhiều cái thuộc góc khuất cuộc đời mà anh chưa biết, có thể nói là không ngờ "chú em của anh cũng là thứ dữ vậy" và sẽ từ từ theo thời gian lộ dần ra ánh sáng, còn thực hư ra sao thực tế sẽ trả lời anh khi đối diện. chúc anh khỏe và thành công.


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: dongminhkh trong 15 Tháng Hai, 2012, 10:55:42 am
              Chào ANH THƠ! Trà-Trà- Trà..... chuyện của em kể liên quan đến tình cảm, tình yêu hay và gay cấn quá. Cái ông Vệ này, đáng bị đánh đòn lắm đây vì cái gì không biết nhỉ? À phải rồi, có lẽ là vì cái "mẽ" bảnh trai mà người con gái nào nhìn cũng thích! Nhưng cũng chưa phải đúng lắm vì các cụ xưa có câu là: " Gái ham tài" cơ mà. Vậy thì tại cái tài ăn nói, cái tài ca hát, tài nói chuyện , tài hiểu biết về ĐÔNG-TÂY-KIM-CỔ vòng vo trước khi nói đến cái cần nói, cần quan tâm ngay bên cạnh chăng???? hay còn cái tài gì nữa có lẽ ANH THƠ bật mí nốt cho ae được biết nốt đi nhé!

             XUÂN MỚI ANH TRANPHU CHÚC VỢ CHỒNG CÔ CHÚ CÙNG ĐẠI GIA ĐÌNH LUÔN KHỎE, VUI HẠNH PHÚC!

Bác Tranphu còn mắc nợ chưa trả kìa....
Trả nợ đi bác ơi!  :D


Tiêu đề: Re: Kỷ niệm hơn ba mươi năm trước
Gửi bởi: vetran trong 15 Tháng Hai, 2012, 03:58:58 pm
Bác Tranphu còn mắc nợ chưa trả kìa....
Trả nợ đi bác ơi!  :D

Vâng xin kính chào bác dongminhkh, từ từ tôi sẽ thanh toán hết nợ nần của cuộc đời. Mấy ngày nay đang bận công tác kế hoạch hưởng ứng tuần lễ quốc gia " An toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ" lần thứ 14 năm 2012. Xin khất các bác thư thư đã. Thân


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 15 Tháng Hai, 2012, 06:00:24 pm
 Hai đồng chí sĩ quan bố là Ông ngoại chụp năm 2009 và ông nội của Triệu Sơn chụp 1982.(từ trái qua)


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 15 Tháng Hai, 2012, 06:09:57 pm
*Thanh hóa, ngày cưới 1982. Chụp với ông nội và ông bà ngoại** Chụp tại sở thú Anh Thơ mang bầu Giao Thủy*** Bà nội ẵm Giao Thủy 3 tháng tuổi 1983. Đây là thời gian thử thách nhất của chúng tôi trong cuộc đời khi tôi phải xa vợ con một đường biên giới quốc gia, kinh tế gia đình eo hẹp, hàng hóa sản phẩm tiêu dùng xã hội thiếu thốn cùng cực, đồng lương thật là khiêm tốn so với giá cả thị trường. Cuộc sông trôi đi trong vô vọng... NHƯNG VẪN HY VONG VÀO NGÀY MAI


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: tranphu341 trong 17 Tháng Hai, 2012, 08:40:39 am
               Chào vetran! Tranphu341 mấy ngày nay bận quá cứ lu bu hoài. Hôm nay mới ghé thăm nhà của vetran. Cha.... cha....Căn nhà ấm cũng, tiện nghi đầy đủ và toát lên vượng khí của cuộc sống gia chủ. gần gũi là vườn rau, con gà đẻ trứng với những bức hình ANH THƠ thu lượm trứng gà, chăm sóc rau. Những bữa ăn sáng của các cháu thế hệ thứ 3 chuẩn bị đến trườngvv.... Đã 3 thế hệ tại TP Tại SG Cùng bàn thờ GIA TIÊN TIỀN TỔ. Cái hữu hạn của tuổi thọ con người được kế tiếp là cái vô hạn của thế hệ kế tiếp như vậy là sự trường tồn, tiếp nối vĩnh hằng thật tuyệt vời. TP chúc mừng vetran vì những điều đó!

               Hàng ngày vetran làm việc, và cả làm những việc " THIỆN " Nữa như khám bệnh miền phí cho mọi người. Những việc làm này của vợ chồng vetran là điều vô cùng đáng quý, đáng trân trọng.

               ĐẦU XUÂN NĂM MỚI CHÚC ĐẠI GIA ĐÌNH VETRAN LUÔN MẠNH KHỎE, LUÔN CÓ NHIỀU NIỀM VUI HẠNH PHÚC!


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi
Gửi bởi: vetran trong 17 Tháng Hai, 2012, 09:22:38 am
              Chào vetran! Tranphu341 mấy ngày nay bận quá
               ĐẦU XUÂN NĂM MỚI CHÚC ĐẠI GIA ĐÌNH VETRAN LUÔN MẠNH KHỎE, LUÔN CÓ NHIỀU NIỀM VUI HẠNH PHÚC!

 Vetran - Anh Thơ cám ơn bác nhiều, chúc bác thành công trong công việc và cứ  tươi khỏe dẻo dai mãi như thanh niên Cụ. Kính bác


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: quannhu172 trong 18 Tháng Hai, 2012, 04:23:08 pm
  Bác Vetran ơi ời ! Em bị đau cả cái vai trái từ tết dến giờ nè . 2 tháng rồi . Vẫn đau lắm . Nhấc tay lên cao là đau . Nhức nhối lắm bác ơi , vậy là bị sao hả bác ?


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: binhyen1960 trong 18 Tháng Hai, 2012, 04:30:30 pm
  Bác Vetran ơi ời ! Em bị đau cả cái vai trái từ tết dến giờ nè . 2 tháng rồi . Vẫn đau lắm . Nhấc tay lên cao là đau . Nhức nhối lắm bác ơi , vậy là bị sao hả bác ?

 Do 2 vai bác gánh nặng nghĩa "non sông" quá đấy mà.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: vetran trong 18 Tháng Hai, 2012, 05:46:00 pm
 Bác Vetran ơi ời ! Em bị đau cả cái vai trái từ tết dến giờ nè . 2 tháng rồi . Vẫn đau lắm . Nhấc tay lên cao là đau . Nhức nhối lắm bác ơi , vậy là bị sao hả bác ?

 Do 2 vai bác gánh nặng nghĩa "non sông" quá đấy mà.

Thứ nhất tôi đồng ý nguyên nhân bác quannhu 172 đau như bác Binhyen1960 phán thì cách duy nhất bác sẻ bớt ganh nặng non sông.
Thứ hai chưa biết nguyên nhân nào khác  nhưng tôi thường sử dụng chiêu đi hớt tóc thanh nữ, xong rồi yêu cầu thợ nhổ râu bằng răng, là hết chắc
Thứ ba có lẽ do một vận động trái chiều sao đó, làm giãn dây chằng khớp vai và căng cơ vai gáy thì bác dùng toa thuốc sau:
Aceminofen 500mg 1v
Diclofenac 100mg 1v
Decontractyl 1v
B1 B6 B12(3B)1v
 mỗi loại một viên uống một lần, ngày uống ba lần sau bữa ăn. uống liên tục 3 hoặc 5 ngày... Hết chắc, tay  trái lại hoạt động nhuyễn ngay
Xin chào bác.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: vũ đam trong 18 Tháng Hai, 2012, 09:41:27 pm
Trích dẫn từ: quannhu172 trong Hôm nay lúc 04:23:08 PM
  Bác Vetran ơi ời ! Em bị đau cả cái vai trái từ tết dến giờ nè . 2 tháng rồi . Vẫn đau lắm . Nhấc tay lên cao là đau . Nhức nhối lắm bác ơi , vậy là bị sao hả bác ?

 Do 2 vai bác gánh nặng nghĩa "non sông" quá đấy mà.

Thứ nhất tôi đồng ý nguyên nhân bác quannhu 172 đau như bác Binhyen1960 phán
Thứ hai chưa biết nguyên nhân nào khác  nhưng tôi thường sử dụng chiêu đi hớt tóc thanh nữ, xong rồi yêu cầu thợ nhổ râu bằng răng, là hết chắc
Em bổ xung thêm theo ý bác VeTran khi vào tiệm hớt tóc là phải yêu cầu thanh nữ ngồi bên phải lấy ráy tai bên trái cho mình là vai của bác bình thường trở lại ko cần thuốc men gì


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: Quân khí viên trong 18 Tháng Hai, 2012, 09:56:44 pm
........................
Thứ hai chưa biết nguyên nhân nào khác  nhưng tôi thường sử dụng chiêu đi hớt tóc thanh nữ, xong rồi yêu cầu thợ nhổ râu bằng răng, là hết chắc................
Em chưa thống nhất với cách chữa trị này của bác Vệ lắm! Chưa thấy chưa tin! ;D ;D ;D ;D
Hôm nào em vào bác dẫn em đi chữa thử nếu hêt em mới tin là đúng! ;D ;D ;D ;D


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: Quân khí viên trong 18 Tháng Hai, 2012, 09:59:26 pm
....................
Em bổ xung thêm theo ý bác VeTran khi vào tiệm hớt tóc là phải yêu cầu thanh nữ ngồi bên phải lấy ráy tai bên trái cho mình là vai của bác bình thường trở lại ko cần thuốc men gì
Cách này theo em cũng không ổn, bác Dam oi! ;D ;D ;D ;D
Coi chừng em gái nó móc không ra ráy tai mà móc ra cái màng nhĩ thì điếc lác cả đời! ;D ;D ;D ;D


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: nguyen dinh thang trong 18 Tháng Hai, 2012, 10:04:29 pm
Em theo dõi bài của bác vetran từ đầu và biết bác bên quân y, em cũng như bác nhưng chỉ là cấp dưới của bác thôi ạ. Em muốn tìm hiểu xem trong quân y mình có thống nhất các phương pháp cấp cứu sốt rét ác tính không vì em ở phía bắc, bác ở phía nam nên em muốn biết các bác trong đó làm như thế nào. Gần 30 năm rồi nhưng em chỉ nhớ được phương pháp cấp cứu sốt rét ác tính thôi chứ ngày xưa em nhớ còn có cả cấp cứu phản ứng penicylin nữa cơ.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: vetran trong 19 Tháng Hai, 2012, 10:30:06 am
Em theo dõi bài của bác vetran từ đầu và biết bác bên quân y, em cũng như bác nhưng chỉ là cấp dưới của bác thôi ạ. Em muốn tìm hiểu xem trong quân y mình có thống nhất các phương pháp cấp cứu sốt rét ác tính không vì em ở phía bắc, bác ở phía nam nên em muốn biết các bác trong đó làm như thế nào. Gần 30 năm rồi nhưng em chỉ nhớ được phương pháp cấp cứu sốt rét ác tính thôi chứ ngày xưa em nhớ còn có cả cấp cứu phản ứng penicylin nữa cơ.

Xin chào đồng nghiệp Nguyendinhthang: Tất cả các trường hợp cấp cứu nói chung, trước hết phải thấu đạt mục đích là sử dụng phương tiện y cụ và thuốc men, hóa chất giành giật lại tính mạng bệnh nhân trong cơn nguy kịch. Từng loại cấp cứu riêng biệt thì có những yêu cầu đặc thù, mà tất cả các phác đồ cấp cứu phải thống nhất theo qui định của bộ y tế cho toàn quốc gia, tôi chưa muốn đề cập tới toàn thế giới, bởi vì những thành tựu khoa học là của chung nhân loại. vấn đề cũng điều kiện cơ sở vật chất ấy, cũng bệnh nhân với bệnh cảnh lâm sàng ấy, trong quá trình tác nghiệp mà người thầy thuốc giành lại người bệnh từ tay tử thần một cách nhanh chóng, hiệu quả và tránh nhiều di chứng thì đó là người thầy thuốc giỏi và xứng đáng với câu"lương y như từ mẫu". Về cơ bản trình tự cấp cứu Shok phản vệ là giống nhau về qui trình, cơ sở vật chất, sự đáp ứng khẩn trương của thời gian và yêu cầu bám sát xử lý kịp thời theo diễn biến lâm sàng. căn cứ câu hỏi của bác, tôi cập nhật phác đồ cấp cứu chống Shock phản vệ, trong đó có Shock do Peniciline (tiêm) và phác đồ cấp cứu các thể sốt rét ác tính. Tuy nhiên trong điều kiện chiến trường như hồi năm 1979 trong đội hình trung đoàn 141. F7. BĐCL ở Komponspeu, như tôi đã viết trong bài là vùng đó có ký sinh trùng Plasmodium Fancipharum là chính nên bộ đội bị SRAT thể não và chủng Plasmodium Malaria gây sốt tiểu huyết cầu tố, trong khi thuốc men y cụ thiếu tứ bề, trình độ quân y có hạn. Rồi hậu quả nặng nề đến với anh em. Thương lắm mà biết làm sao được, nhất là những giờ phút vật vã, kích động của anh em, phải hai đ/c lực lưỡng mới đè giữ chặt để tiêm được mũi Quinine vào cái mông teo tóp và một mũi an thần vào bắp tay. Xin phép các bác cựu và độc giả tham gia topic dành cho đồng nghiệp chúng tôi ít phút và xin các nhà chuyên môn bậc thầy và đàn anh thông cảm vì chúng tôi không giám "múa rừu qua mắt thợ"


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: vetran trong 19 Tháng Hai, 2012, 10:31:11 am
@ NGUYENDINHTHANG :ĐÂY LÀ PHÁC ĐỒ CẤP CỨU SỐC PHẢN VỆ
*Triệu Chứng :
Ngay sau khi tiếp xúc với dị nguyên hoặc muộn hơn,xuât hiện:
Cảm giác khác thường (bồn chồn, hốt hoảng, sợ hãi…), tiếp đó có các biểu hiện sau:
- Mẩn ngứa, ban đỏ, mày đay,phù Quincke.
- Mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt có khi không đo được.
- Khó thở (kiểu hen,thanh quản), nghẹt thở.
- Đau quặn bụng, ỉa đái không tự chủ.
- Đau đầu, chóng mặt, đôi khi hôn mê.
- Choáng váng…,vật vã, giẫy giụa, co giật.
 *Xử Trí:
- Xử trí ngay tại chỗ:
1. Ngừng ngay đường tiếp xúc với dị nguyên (thuốc đang dùng tiêm, uống, bôi, nhỏ mắt, mũi…)
2. Cho bệnh nhân nằm tại chỗ.
3. Thuốc: Adrenaline thuốc cơ bản để chống sốc phản vệ.
*Adrenaline dung dịch 1/1.000, ống 1ml =1mg, tiêm dưới da ngay sau khi với liều như sau:
+1/2-> 1 ống ở người lớn, không quá 0.3ml ở trẻ em (ống (1ml) + 9ml nước cất = 10ml sau đó tiêm 0.1ml/kg). hoặc Adrenaline 0.01mg/kg cho cả trẻ em lẫn người lớn.
Tiếp tục tiêm Adrenaline liều như trên 10 – 15 phút/lần cho đến khi huyết áp trở lại bình thường, ủ ấm, đầu thấp chân cao, theo dõi huyết áp 10 – 15phút/ lần (nằm nghiêng nếu có nôn).
Nếu sốc quá nặng đe doạ tử vong, ngoài đường tiêm dưới da có thể tiêm Adrenaline dung dịch 1/10.000 (pha loãng1/10) qua tĩnh mạch, bơm qua ống nội khí quản hoặc tiêm qua màng nhẫn giáp.

B. Tuỳ theo điều kiện trang thiết bị y tế và trình độ chuyên môn kỹ thuật của từng tuyến có thể áp dụng các biện pháp sau:
. Xử trí suy hô hấp:

* Thở ôxy mũi, thổi ngạt.
* Bóp bóng Ambu có oxy.
* Đặt nội khí quản, thông khí nhân tạo -> Mở khí quản nếu có phù thanh môn.
*Truyền tĩnh mạch chậm : Aminophyline 1mg/kg/giờ hoặc Terbutaline 0,2 microgam/kg/phút.
Có thể dùng: Terbutaline 0.5mg, 01 ống dưới da cho người lớn và 0,2ml/10kg ở trẻ em. Tiêm lại sau 6 – 8 giờ nếu không đỡ khó thở.
2. Thiết lập đường truyền tĩnh mạch:

Adrenaline để duy trì huyết áp bắt đầu bằng 0.1microgam/kg/phút điều chỉnh tốc độ theo huyết áp (khoảng 2mg Adrenaline/giờ cho người lớn 55kg).
3.Các thuốc khác :

* Methylprednisolon 1- 2mg/kg/4giờ hoặc Hydrocortisone.
* Hemisuccinate 5mg/kg/giờ tiêm tĩnh mạch (có thể tiêm bắp ở cấp cơ sở). Dùng liều cao nếu sốc nặng (gấp 2- 5 lần).
* Natriclorua 0.9% 1- 2 lít ở người lớn, không quá 20ml/kg ở trẻ em.
* Diphenhydramine 1- 2mg tiêm bắp hay tĩnh mạch.
4. Điều trị phối hợp :

* Uống than hoạt 1g/kg nếu dị nguyên qua đường tiêu hoá
* Băng ép chi phía trên chỗ tiêm hoặc đường vào của nọc độc.

Chú ý:

* Theo dõi bệnh nhân ít nhất 24 giờ sau khi huyết áp đã ổn định.
* Sau khi sơ cứu nên vận dụng đường tiêm tĩnh mạch đùi.
* Nếu huyết áp vẫn không lên sau khi truyền đủ dịch và Adrenaline, thì có thể truyền thêm huyết tương, albumin (hoặc máu nếu mất máu) hoặc bất cứ dung dịch cao phân tử nào sẵn có.
* Điều dưỡng có thể dùng Adrenaline dưới da theo phác đồ khi bác sỹ không có mặt.
* Hỏi kỹ tiền sử dị ứng và chuẩn bị hộp thuốc cấp cứu sốc phản vệ trước khi dung thuốc cần thiết.

NỘI DUNG HỘP THUỐC CẤP CỨU CHỐNG SỐC PHẢN VỆ
Các khoản cần thiết trong hộp chống sốc (tổng cộng : 07 khoản )

1. Adrenaline 1mg – 1mL 2 ống
2. Nước cất 10 mL 2 ống
3. Bơm tiêm vô khuẩn (dùng một lần):
10mL 2 cái
1mL 2 cái
4. Hydrocortisone hemusuccinate 100mg hoặc Methyprednisolon
(Solumedrol 40mg hoặc Depersolon 30mg 02 ống).
5. Phương tiện khử trùng(bông, băng, gạc, cồn)
6. Dây garo.
7. Phác đồ cấp cứu sốc phản vệ.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: vetran trong 19 Tháng Hai, 2012, 10:36:14 am
 VÀ ĐÂY LÀ PHÁC ĐỒ CẤP CỨU SỐT RÉT ÁC TÍNH (SRAT) BÁC NGUYENDINHTHANG Ạ.
*  ĐỊNH NGHĨA:
 Sốt rét ác tính (SRAT) là một thể sốt rét (SR) nguy kịch do P. falciparum và gây ra rối loạn huyết động tắc nghẽn trong vi tuần hoàn phủ tạng và dẫn đến tổn thương nhiều phủ tạng như: não, gan, lách, thận, phổi...
Lâm sàng đa dạng phổ biến nhất là thể não (80-90%). Tỷ lệ tử vong trong SRAT trung bình khoảng 10%.
*  DỊCH TỄ HỌC SRAT:
- SRAT phát sinh chủ yếu ở những người mới vào vùng SR được 6 - 12 tháng trở lại.
- Ở tân binh mới vào vùng SR 1 năm trở lại, SRAT tập trung ở những người đã mắc SR từ 1 đến 6 lần.
- Vùng SR nặng, có tỷ lệ KST P. falciparum chiếm ưu thế (>70%).
- Tỷ lệ chuyển từ SR sang SRAT (% ) - còn gọi là chỉ số chuyển đổi
* LÂM SÀNG VÀ CHẨN ĐOÁN SRAT:
. Phân loại SRAT:3.1.1. SRAT thể não (có hôn mê, rối loạn ý thức).
- Thể não đơn thuần
- Thể não kèm theo biến chứng phủ tạng, như:
• Thể não và suy tuần hoàn cấp hoặc sốcv
• Thể não và suy thận cấp (thực thể)
• Thể não và suy gan cấp
• Thể não và phù phổi cấp
• Thể não và rối loạn tiêu hoá cấp (nôn, ỉa thốc tháo).
• Thể não và đái huyết cầu tố
 * SRAT thể phủ tạng đơn thuần (chỉ có tổn thương phủ tạng, không có hôn mê):
• Thể sốc hoặcsuy tuần hoàn cấp
• Thể giống tả (rối loạn tiêu hoá)
• Thể suy gan cấp
• Thể suy thận cấp (thực thể)
• Thể phù phổi cấp hoặc ARDS (Adult respiratory distress syndrome)
• Thể xuất huyết
• Thể đái huyết cầu tố
• Thể bụng cấp
• Thể tâm thần
*  Lâm sàng SRAT thể não:
SRAT thể não là thể chiếm đa số (80 - 90%).
Đặc điểm là một bệnh não đối xứng xuất hiện trên một bệnh nhân SR
* Thời kỳ khởi phát:
- Khởi phát đột ngột (1/3 số ca): bệnh nhân đang sinh hoạt, lao động gần như bình thường đột nhiên ngã lăn, vật vã, ú ớ, mê man... Có thể kèm theo những cơn co giật kiểu động kinh.
- Khởi phát từ từ (2/3 số ca): sau vài ba ngày sốt, bệnh nặng dần lên, có biểu hiện rối loạn tâm thần kinh nặng dần: thờ ơ, khờ khạo, u ám hoặc kích thích, vật vã, nói nhảm, đi lung tung, bỏ chạy, đái dầm, ỉa đùn... rồi vào hôn mê.
* Thời kỳ toàn phát:
- Hội chứng tâm thần kinh:
+ Hôn mê sâu dần.
+ Co giật kiểu động kinh (1/3-1/4 số ca), có cơn co giật cục bộ hoặc toàn thân, kéo dài vài giây đến 1-2 phút.
+ Hay có rối loạn cơ vòng: đái dầm, cầu bàng quang
+ Ít có triệu chứng định khu, hãn hữu có liệt 1/2 người; dây thần kinh sọ não ít bị liệt.
+ Tăng trương lực cơ xuất hiện ở những trường hợp nặng
- Những biểu hiện lâm sàng khác:
+ Hô hấp: phổ biến là rối loạn hô hấp, thậm chí suy hô hấp do các nguyên nhân: do phù não; do ứ đọng đờm dãi; do viêm phế quản phổi bội nhiễm. Một số ngạt thở trong cơn co giật kéo dài, liên tiếp. Hãn hữu gặp phù phổi cấp.
+ Tuần hoàn: huyết áp giảm do mất nước (vì sốt cao, vã mồ hôi, không ăn uống), hiếm hơn là do cơ tim (viêm cơ tim, khe tim, thiếu oxy cơ tim),
+ Tiêu hoá: bệnh nhân hay nôn và ỉa lỏng. Khi hôn mê sâu và rối loạn điện giải có chướng bụng.
+ Gan: thường có gan to và rối loạn chức năng gan.
+ Lách: có thể to hoặc không
+ Thận: ở một số bệnh nhân SRAT có suy thận cấp
- Xét nghiệm máu và KSTSR:
+ Hồng cầu thường thấp, có khi thấy cả hồng cầu non, hồng cầu lưới thường tăng; tốc độ lắng máu thường tăng. Bạch cầu nói chung bình thường hoặc giảm nhẹ; hãn hữu có thể có phản ứng tăng giả bạch cầu.
+ KSTSR: đa số trường hợp xét nghiệm thấy P. falciparum (+). Cần chú ý: một số bệnh nhân khi mới vào ác tính chưa thấy KSTSR, nhưng sau một thời gian (vài giờ đến 1-2 ngày) KSTSR mới xuất hiện. Do vậy, phải xét nghiệm KSTSR nhiều lần
* Chẩn đoán SRAT thể não:
Số TT   Đặc điểm lâm sàng   Ghi chú
1   Khởi phát: - đột ngột
- từ từ    - Vào hôn mê nhanh, trước đó bình thường
-Vào hôn mê sau một số ngày sốt
2   Hôn mê nhiều mức độ   Theo thang điểm Glasgow
3   Cơn co giật kiểu động kinh hoặc cơn duỗi cứng đều cả 2 bên   Thường nặng (gặp sớm hoặc muộn)
4   Tăng trương lực cơ   Xuất hiện muộn, ở trường hợp nặng
5   Rối loạn cơ vòng:
- Đái dầm
- Có cầu bàng quang   - Giai đoạn đầu (cuồng sảng, vật vã) thường đái dầm
-Giai đoạn hôn mê sâu: cầu bàng quang (+)
6   Triệu chứng định khu hiếm   ở trường hợp rất nặng
7   Dấu hiệu bó tháp (Babinski...) ít gặp   Nếu có: có đều cả 2 bên, không điển hình (chỉ là dấu hiệu kích thích tháp)
8   Hôn mê diễn biến có quy luật:
- Hôn mê dài: 1-3ngày¸6 ngày
- Một số ít: > 6 ngày   Nếu > 6 ngày vẫn chưa tỉnh, có 2 khả năng:
- Hôn mê khó hồi phục đã mất não.
- Hoặc phải tìm bệnh khác
9   Hồi phục thường hoàn toàn ít di chứng    Có 5% di chứng rối loạn tâm thần
10   - Có sốt thành cơn
- KST P. falciparum (+)   10-15% không thấy KSTSR ở máu ngoại vi vào lúc bệnh khởi phát.
Chú ý:
- Có tiêu chuẩn 2 và 10: • đủ để chẩn đoán SRAT thể não
• cần loại trừ khả năng 1 bệnh não khác ở người mang KSTSR (trường hợp này hiếm)
- Có tiêu chuẩn 6, 7, 8, 9: giúp phân biệt SRAT thể não với viêm não virut.
- Có tiêu chuẩn 3,4: là tiêu chuẩn tiên lượng nặng.

* Chẩn đoán sớm SRAT thể não:
SRAT cần được phát hiện sớm, ngay từ thời kỳ "tiền ác tính". Can thiệp từ thời kỳ “tiền ác tính” sẽ ngăn ngừa bệnh nhân chuyển vào ác tính.
Triệu chứng dự báo SRAT thể não: có từ 1-2 ngày trước khi bệnh nhân vào hôn mê:
- Sốt cao liên tục hoặc dao động chồng cơn, kiểu W-M ( cơn sốt kéo dài >24 - 36 giờ, có khi 2 cơn/ngày.
- Đôi lúc tuy vẫn tỉnh táo nhưng có lẫn thoáng qua rồi lại tỉnh.
- Mất ngủ nặng trắng đêm từ 1-2 ngày.
- Mồ hôi ra nhiều, vã ra thành giọt.
- Từng lúc li bì hoặc vật vã, cuồng sảng.
- Nhức đầu dữ dội.
- Có lúc đái dầm (tuy chưa hôn mê).
- Nôn nhiều.
- Ỉa lỏng
- Mật độ KST P. falciparum cao ( >40.000 KST/ml máu, >2% hồng cầu nhiễm KST).
Những triệu chứng trên chỉ là những triệu chứng nặng, không đăng ký là SRAT.
3.5. Chẩn đoán xét nghiệm:
• Tìm KST sốt rét: kết luận 1 lam âm tính phải soi đủ 100 vi trường nhất là khi lâm sàng nghi ngờ.
• Ngoài ra có thể dựa vào một số xét nghiệm đặc hiệu khác như: QBC test (xem: Lâm sàng và chẩn đoán SR).
. Khi bệnh nhân tử vong: sinh thiết lách, nhuộm tiêu bản, tìm KSTSR.
-  Chẩn đoán phân biệt SRAT thể não:
-  Dengue xuất huyết thể não (DXH thể não)
-  Viêm não Nhật Bản (VNB).
-  Xuất huyết não (XHN):
-  Loạn tâm thần do căn nguyên tâm lý:
-  Một số hội chứng não cấp: do rối loạn chuyển hoá đường (hôn mê hạ đường huyết trong hành quân dài), do rối loạn nước và điện giải (mất nước nội bào trong say nóng, say nắng) cũng cần phân biệt với SRAT thể não.
* Dấu hiệu tiên lượng SRAT thể não:
Triệu chứng tiên lượng rất nặng bao gồm:
• Hôn mê sâu (Glasgow 3-5 điểm)
• Co giật kiểu động kinh xuất hiện muộn từ ngày thứ 3• Kèm theo tổn thương phủ tạng: sốc, phù phổi cấp, suy gan cấp, suy thận cấp, đái ra HCT, xuất huyết (võng mạc).
• Bạch cầu ngoại vi tăng > 12.000-15.000/ml, có bội nhiễm đường hô hấp.
- Triệu chứng tiên lượng xấu:
• Hôn mê quá 6 ngày.
• Có cơn ruỗi cứng mất não; tăng trương lực cơ.
• Có triệu chứng thần kinh định khu (liệt 1 chi, liệt nửa người)
*  ĐIỀU TRỊ ĐẶC HIỆU SRAT THỂ NÃO:
-  Nguyên tắc điều trị SRAT thể não:
- Phát hiện sớm và cấp cứu khẩn trương ngay tại tuyến cơ sở. Lấy ngay lam máu tìm KST và điều trị từ khi đã có chẩn đoán lâm sàng.
- Điều trị đặc hiệu theo đúng phác đồ, vận dụng vào lứa tuổi, trọng lượng, thể trạng. Sử dụng thuốc diệt KST theo thứ tự ưu tiên: Artemisinin và dẫn xuất, Quinin chlohydrat, Quinin sulfat, Quinoserum v.v.. Kiểm tra chất lượng thuốc trước khi dùng.
- Rất coi trọng khâu hồi sức cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân phòng chống bội nhiễm và loét.
- Nuôi dưỡng bệnh nhân ngay từ đầu.
- Điều trị đặc hiệu: dùng một trong các loại thuốc và phác đồ sau đây xếp theo thứ tự ưu tiên:
- ARTESUNAT: tiêm bắp hoặc tĩnh mạch
- Lọ dạng bột 60mg
- Tiêm bắp: hoà Artesunat bột + 0,6 ml Natri bicarbonat 5%.
- Nếu tiêm tĩnh mạch: hoà thêm 5,4 ml Natri clorua đẳng trương 9 0/00 hoặc Glucoza đẳng trương cho đủ 6ml, tiêm tĩnh mạch chậm 2-3 phút.
- Phác đồ: Ngày 1: giờ đầu: 2 lọ - giờ 8: 1 lọ
Những ngày sau: mỗi ngày 2 lọ (nếu còn hôn mê)
Cả đợt: 5-7 ngày
Tổng liều: 660-900mg      tuỳ theo thời gian tỉnh, thời gian hết sốt và hết KST nhanh hay chậm
Chú ý: khi pha thuốc phải lắc kỹ cho tan hoàn toàn, có dung dịch trong suốt mới được tiêm, nếu vẩn đục hoặc màu vàng thì bỏ, không được dùng thuốc đã pha để cũ.
- ARTEMETHER: tiêm bắp, ống 100mg.
Ngày đầu: 300 mg, chia 3 lần, cách 8 giờ. Những ngày sau: mỗi ngày 100mg. Cả đợt: 5 ngày và 700mg. Chú ý: theo dõi điện tim để phát hiện loạn nhịp.
- ARTEMISININ: viên 0,25 g, hoà tan cho uống (khi còn phản xạ nuốt) hoặc cho qua sond dạ dày (khi bệnh nhân không nuốt được).
- Chỉ định: + Không sẵn thuốc tiêm hoặc bộ dây truyền
+ Bệnh nhân đến sớm trong 6-12 giờ đầu, tối đa 24 giờ kể từ khi hôn mê.
- Phác đồ: + Giờ đầu 0,5 g (= 2 viên) (10mg/kg/lần)
+ Tiếp sau, nếu còn hôn mê: cách 6 giờ uống 2 viên (0,5 g) tới khi tỉnh
+ Từ khi tỉnh: cách 6 giờ uống 1 viên tới khi cắt sốt và hết KSTSR
+ Từ khi hết KSTSR: uống 2 viên, chia 2 lần cách 8 giờ cho đủ 5-7 ngày
* ARTESUNAT: viên 50 mg, uống hoặc hoà tan cho qua sond dạ dày
- Chỉ định: giống như Artemisinin
- Phác đồ: + Khi hôn mê, cách 6 giờ uống 1 viên cho đến khi tỉnh
+ Từ khi tỉnh: cách 12 giờ uống 1 viên tới khi hết sốt và hết KSTSR
+ Từ khi hết KSTSR: mỗi ngày uống 1 viên cho đủ 5-7 ngày
* VIÊN ĐẠN ARTEMISININ: 100 mg, 200 mg, 300mg
- Chỉ định + Nơi không có sẵn thuốc tiêm hoặc bộ giây truyền
+ Bệnh nhi SRAT nôn nhiều không uống được
+ Bệnh nhi SRAT không ỉa chảy
- Phác đồ: dùng liều 20 mg/kg/ngày, đặt ở hậu môn cho đến khi tỉnh thì chuyển sang thuốc uống cho đủ 7 ngày.
4.2.6. QUININ CHLOHYDRAT: ống 0,5 g tiêm bắp thịt
- Chỉ định: khi không có sẵn Artesunat tiêm và Quinin truyền tĩnh mạch
- Phác đồ: + Giờ đầu: 1 ống 0,5 g
+ Sau đó: cách 6-8 giờ: 1 ống x 3-4 ống/ngày, cả đợt 7-10 ngày
+ Liều trung bình 24 giờ: 30-40 mg/kg ( người lớn: trung bình 24 giờ: 1,5-2g), tuỳ thuộc cân nặng, tình trạng tim, gan, thận, thể bệnh (SR sơ nhiễm hay tái phát) và mức độ P.falciparum ở địa phương còn nhạy với Quinin không.
* QUININ DICHLORHYDRAT: ống 0,5g pha với dịch Natri clorua 9‰ hoặc Glucose 5% truyền nhỏ giọt tĩnh mạch.
- Liều lượng 24 giờ: trung bình 30mg/kg, tối đa 40mg/kg. Liều 1 lần: 10mg/kg, cách 6-8 giờ dùng 1 lần. Liều cả ngày cho người 50kg: 1,5-2g.
- Phác đồ: Ngày 1: lần 1: 0,5g + 250 ml Natri clorua 9‰ (hoặc Glucose 5%), sau đó cách 6-8 giờ 1 ống 0,5g, 1 ngày 3-4 ồng, truyền tĩnh mạch xen kẽ tiêm bắp (tuỳ tình hình).
- Điều trị triệu chứng - biến chứng:
- Cân bằng nước điện giải:
Khoảng 75% bệnh nhân SRAT thiếu nước, thiếu Na, giảm thể tích lưu hành từ những ngày đầu (khát, môi khô, gasper (+), mắt trũng, áp lực nhãn cầu thấp, đái ít với tỷ trọng cao.
- Hạ sốt, an thần, chống vật vã, cuồng sảng:
Khi vật vã, cuồng sảng: dùng Diazepam (Seduxen, Valium).
- Cắt cơn co giật kiểu động kinh:
• Dùng thuốc theo 4 mức độ:
Mức độ   Triệu chứng   Thuốc dùng
   1/Co giật cục bộ: tay, bàn chân, hàm răng, nhãn cầu...   DIAZEPAM liều cao ± dung dịch liệt hạch nhẹ
   2/Co giật toàn thân nhẹ:
- Cơn ngắn: 10 giây
- Khoảng cách: > vài giờ   Tăng liều DIAZEPAM
+ DOLARGAN
   3/Co giật toàn thân nặng:
- Cơn dài: 1-2 phút giây
- Khoảng cách: 15-30 phút   Tăng liều DIAZEPAM
+ DOLARGAN
+ GARDENAL
   4?Trạng thái co giật liên tục:
Cuối cơn: tím tái, đe doạ ngạt   Như trên
+ THIOPENTAL 1%
+ sẵn sàng nội khí quản hoặc mở khí quản
+ Hô hấp viện trợ
* Cấp cứu suy tuần hoàn (STH) theo nguyên nhân:
Bệnh nhân SRAT thể não ngay từ ngày đầu có thể tụt huyết áp <80 mmHg và mạch nhanh do 2 nguyên nhân: phổ biến là do mất nước thiếu hụt thể tích lưu hành, cần bổ xung dịch và điện giải; hiếm hơn là do sốc nhiễm trùng-nhiễm độc vì thoát dịch qua thành mạch, máu cô, cần truyền dịch thể nhanh, nhiều, kèm theo Dopamin hoặc Dobutamin hoặc Corticoid.
Trước một STH, cần làm xét nghiệm nước tiểu 24 giờ, tỷ trọng, hematocrit, cấy máu, đo áp lực TMTW và duy trì ở mức 2-5 cm H2O, đo axit lactic máu.
* Cấp cứu suy hô hấp (SHH) theo nguyên nhân:
4 nguyên nhân suy hô hấp và cách sử trí:
1/ Ứ đọng đờm rãi, thở khò khè do hôn mê sâu + mất phản xạ nuốt hoặc cuống lưỡi tụt.   Hút đờm rãi, đặt bệnh nhân nằm nghiêng đầu, đặt Canuyn Mayo; giảm liều thuốc an định thần kinh.
2/Phế quản phế viêm bội nhiễm   Kháng sinh, thuốc ho long đờm, hút đờm rãi vô trùng, sát trùng ống nội khí quản - ống Crizaberg - lỗ mở khí quản.
3/Thở Cheynes Stokes, Kusamaul (xét nghiệm pH máu, dự trữ kiềm, acid lactic máu).   Cho thở oxy, tăng đậm độ oxy đường vào, giải phóng đường thở, điều trị phù não. Truyền Natri bicarbonat 1,4%; đặt nội khí quản và hô hấp viện trợ.
4/Phù phổi cấp hoặc ARDS   Để đầu cao, chân thấp. ngừng mọi đường truyền. Tăng nồng độ oxy, choFurosemid 40mg tĩnh mạch, tăng dần tới 200mg nếu không thấy kết quả. Cho thở máy, áp lực (+) cuối kỳ thở ra. Nếu không cải thiện: có khi phải trích huyết 250ml đựng vào túi để sau này truyền trở lại.
4.3.6. Cấp cứu suy thận cấp (STC):
• Trước một trường hợp đái ít, đầu tiên cần loại trừ STC chức năng do thiếu nước: nếu áp lực TMTW giảm = 0 cmH2O, hematocrit cao, bệnh nhân khát môi khô, đó là thiếu nước à cần truyền bổ sung nhanh huyết thanh mặn - ngọt đẳng tới khi áp lực TMTW tới 5 cmH2O thì ngừng.
• STC thực thể là biến chứng của SRAT, với triệu chứng tăng Ure > 40mg% và Creatinine máu > 3mg%, hệ số thải Na > 2%, áp lực TMTW cao nhưng vẫn đái ít vô niệu do hoại tử ống thận.
* Cấp cứu xuất huyết do giảm tiểu cầu hoặc đông máu rải rác nội mạch (ĐMRRNM):
Xuất huyết do giảm tiểu cầu và rối loạn ĐMRRNM ở lợi, máu cam, dưới màng tiếp hợp, da, phủ tạng gặp ở gần 10% SRAT thể não.
Khi hematocrit < 20% cần truyền máu tươi, hoặc tiểu cầu, hoặc các yếu tố đông máu tuỳ theo nhu cầu. Nếu thời gian Prothrombin hoặc thời gian Thromboplastin dài, tiêm sinh tố K 10mg tĩnh mạch chậm.
* Điều trị những biến chứng khác:
• Hạ đường huyết (< 40mg%): biểu hiện mạch nhanh nhỏ, HA hạ, khó thở, da nhớp mồ hôi, đồng tử giãn, phản xạ gân xương giảm, hôn mê sâu hơn, xuất hiện co giật; hay gặp ở: bệnh nhân nặng, điều trị Quinin; bệnh nhi, bệnh nhân thai nghén.
Tiêm tĩnh mạch chậm 50ml Glucose 50% (1ml/1kg trẻ em), tuỳ theo mức độ hạ đường huyết, tiếp theo truyền Glucose 5-10% tới khi hết hạ đường huyết.
• Nhiễm khuẩn bội nhiễm:
* Chăm sóc bệnh nhân:
* Chăm sóc, theo dõi lâm sàng:
* Nuôi dưỡng bệnh nhân sớm:.
Cho ăn qua sonde chế độ lỏng, đủ calo.
* Tiêu chuẩn ra viện:
• Tỉnh táo, hết sốt, hết KSTSR.
• Mạch, huyết áp, thở, tiểu tiện bình thường.
• Hồng cầu, bạch cầu bình thường: hồng cầu tối thiểu ³ 3,5 triệu/mm3 máu.
• Hết nhiễm khuẩn bội nhiễm.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: nguyen dinh thang trong 19 Tháng Hai, 2012, 01:01:30 pm
 Bác vetran: Em ít tuổi đời hơn bác, ít tuổi quân hơn bác, về chuyên môn ngành dọc thì em là cấp dưới của bác hi..hi. Nói vậy chứ lâu ngày em cũng quên nhiều rồi em chỉ nhớ là ngày đó C24 của em có anh Vượng là lính nghĩa vụ nhưng đã tốt nghiệp đại học y nên về chuyên môn anh ấy cũng vững lắm. Anh ấy bắt mấy thằng y tá bọn em học thuộc lòng cấp cứu phản ứng penycilin và sốt rét ác tính. Nhưng phản ứng penycilin thì mấy năm trong quân ngũ em chưa gặp bao giờ còn sốt rét thì nhiều. Nếu có bệnh nhân sốt rét vào C em là bọn em bao giờ cũng phải lấy 4 ống glucoza 30% 1 ống vitaminC và 1/3 ông quynin vào cylanh 20cc của TQ tiêm tĩnh mạch chậm. Sau đó lấy 1 ống quynin tiêm vào mông, tất nhiên trước đó bọn em đã phải tiêm trợ tim trợ sức là B1 với Spactein. Dịch truyền của bọn em hồi đó là chai gì của Mỹ mà tên lạ lắm em quên mất rồi, nếu truyền dịch cũng bơm cả ống quy nin vào bình. Hồi đó trợ tim bọn em chỉ có Spactein và Uabain thôi còn Andrenalin thì hơi hiếm. Bác thử xem như vậy có đúng không và có giống các bác bên K không chứ em thấy hiệu nghiệm lắm, tiêm như vậy xong là dứt cơn và sau đó chỉ phải tiêm mông quynin thêm mấy ngày nữa rồi cho uống thuốc phòng sốt rét thôi bác ạ.
 


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: tranphu341 trong 19 Tháng Hai, 2012, 03:07:24 pm
          Chào vetran! Tranphu341 đọc bài thuốc, chuẩn bệnh của bạn mà TP thấy toát mồ hôi rồi. ::) ::) ::)

           Kiến thức ngành y hay ngành nào cũng thế đã được viết tổng kết thành sách, thành giáo án thật kỹ càng có điều người thầy thuốc phải áp dụng ngay, nhanh, ứng dụng cho đúng, cho kịp thời thôi . Nhưng tâm lý người nhà bênhj khi đưa bệnh nhân đến bênh viện mà các bác sỹ cứ "bình chân như vại" thì thật là khó chịu.

           Cách đây 6 năm cháu Thọ con trai của TP SỐT CAO, CO GIẬT. Phải đưa vào viện cấp cứu . Cháu bị co kéo ngoát mồm. Kíp b/s trực cứ để đấy theo dõi trong khi cháu lại sốt rất cao. Lúc đó có 1 bác sỹ nữ của Hà Nam sang học chuyên khoa có vẻ dễ gần. TP mới bắt chuyện cô ấy hỏi thăm, biết cháu vừa thi đỗ Đại học kiến trúc Hà Nội chuẩn bị lên trường nhập học. TP thấy cô ta lại nói với người B/SY kia gì đó. Cùng lúc TP phải gọi cho người Thạc sỹ quen đến. Họ to nhỏ với nhau gì đó. Sau này khi đã quen thân với cô bác sỹ kia, cháu Thọ cũng đã khỏi và lên trường cô b/sỹ mới nói là bác sỹ trực nói với mọi người là nghi cháu lên cơn nghiện. Vì cháu là con trai thành phố hay bị nghiện nên chỉ theo dõi  ::) ::) ::) Còn cô ta thấy cháu đỗ điểm đại học cao thì không thể nghiện được.

           CHÚC VETRAN CÙNG GIA ĐÌNH LUÔN VUI HẠNH PHÚC!


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: vetran trong 19 Tháng Hai, 2012, 03:32:09 pm
         Chào vetran! Tranphu341 đọc bài thuốc, chuẩn bệnh của bạn mà TP thấy toát mồ hôi rồi. ::) ::) ::)

        

 Vâng thưa anh. trong giai đoạn hiện nay nghành nào cũng có những vấn đề phải nghiêm túc nhìn lại, nhất là những nghành phục vụ an sinh xã hội, mà nghành y thì càng nhạy cảm, vì nó là dịch vụ con người (Human Services) nên nhiều việc xảy ra còn nhiều bất cập. trong ngoài nghành, toàn xã hội, ai cũng biết. Đó là những biểu hiện tư tưởng hành động lệch chuẩn của một bộ phận cán bộ của nghành đại diện mặt trái của xã hội trong thời kỳ mở cửa, hội nhập với nền kinh tế thị trường đấy bác ạ! Buồn, nhưng phải làm sao? Em nghĩ trước hết phải xác định đấy là trách nhiệm của mọi công dân. Kính chào anh.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: trung-truc trong 19 Tháng Hai, 2012, 04:17:39 pm
Bác bác nói chuyện chuyên môn tui nghe mà lỗ tai "lùng bùng" ;D ;D ;D Lúc ở chiến trường K tui thuộc loại "dễ nuôi", vì các món ăn dễ gây dị ứng tui đều ăn tốt mà không hề chi! Một hôm nọ đi lùng sục quay về thì bỗng dưng tui nổi mề đai dũ dội: Mặt mày tay chân nổi mẩn ngứa sưng vù! người cảm thấy lạnh toát dù đang mùa hè. Chú y tá được gọi đến, sau khi thăm khám thì phán rằng: "Thằng nầy bị tụt can-xi máu!" Chú y-tá lấy trong túi thuốc cái ống chích và một ống thuốc, sau khi khử trùng kim tiêm bằng ngọn lửa cồn, chú y-tá bẻ ống thuốc rút vào xi-lanh. Khi kim vửa xuyên qua da, chưa tiêm thuốc thì tui không thở được nữa ??? ??? ??? Tui chỉ cố hét lên được: "Ngưng! tao không thở . . . được!" ;D ;D ;D Chú y-tá vội vã rút kim ra, rồi lại moi trong túi thuốc ra một thứ thuốc viên cho tui uống, dặn phải đắp chăn cho kỹ tránh gió lùa. Tui nằm ngủ một lúc, thức dậy thấy trong người khỏe hẳn như không có việc gì xảy ra! Nếu bị phấn hoa hay bị dị ứng lông cây cỏ gì, tại sao mấy bác kia cùng đi lùng sục không ai bị gì ??? ??? ???


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: vetran trong 19 Tháng Hai, 2012, 04:34:02 pm

 

@nguyendinhthang: Trong điều kiện chiến trường mà có được bằng ấy thứ phục vụ cho việc cắt cơn SR cho anh em là khá rồi, thậm chí ở D quân y cũng không hơn được bao nhiêu. Có Ouabain, Spactein là tốt rồi, nhưng chú ý không được tiêm thuốc trợ tim Cafein cho bn đang sốt, có thể phát cuồng vì nhiệt độ tăng cao đột ngột hơn vì thuốc có tác dụng kích thích trung khu điều nhiệt trong não. Hồi ấy có loại Glucoza 30% ống 10ml rất hay trong chống hạ đường huyết và trợ lực, nhưng chú ý đừng tiêm ra ngoài tĩnh mạch chứ không nó cũng gây kích ứng bởi đó là dung dịch đường ưu trương. Adrenaline  là thuốc cường tim cũng chỉ sử dụng trong trường hợp thật khẩn cấp và chỉ tráng ống Syranh bằng glucoza đẳng trương hoặc ống nước muối sinh lý tiêm tĩnh mạch. Hiện nay trong tủ thuốc cấp cứu đặt tại phòng tiêm chỗ Vetran cũng chỉ để 02 ống theo danh mục qui định, chẳng bao giờ muốn và chưa bao giờ dùng.Hết hạn, hủy thay mới hàng chục năm nay rồi. Hồi đó tuyến C và D thì chủ yếu cắt cơn và ngăn ngừa cơn SRAT, sau đó chuyển tuyến điều trị theo phác đồ. Tuy nhiên, thường bộ đội phải sống chiến đấu trong những vùng có dịch tễ SR xấu, thì sự bội nhiễm càng tăng thì ký sinh trùng cũng kháng thuốc mạnh hơn, nhất là các loại Quinine, và cũng đồng thời tỷ lệ ác tính cũng cao hơn. Thời kỳ công tác trong quân đội, mình thường dung thuốc cũa Trung Quốc, VN, sau này có hàng của Mỹ. Năm 1981 mình công tác ở Culen Kampuchea, thấy dân lấy lá cây (thanh hao) sắc lấy nước uống trị sốt rét, nước sắc có màu vàng chanh, uống vào vừa đắng vừa chát. Do không có thời gian và điều kiện nên mình không theo dõi tổng hợp kết quả. Ai ngờ chừng mười năm sau, khi đã ra ngoài quân đội thì mình có gặp một số chế phẩm có tên Artesunat, Artesimisin chiết xuất từ cây thanh hao, và bây giờ nó là một trong các loại thuốc quan trọng trong các liều trình điều trị sốt rét, mà cách nay mấy ngày mình có xem trên TV một phóng sự nước ngoài về tiềm năng thuốc chiết xuất từ cây thanh hao phục vụ điều trị dịch SR cho người dân Châu Phi và các vùng có dịch tễ SR cao trên thế giới
- Sác xuất Shock phản vệ do Penicilline (Injection) rất nhỏ nhưng đã xảy ra thì khốc liệt vô cùng. Lúc ấy thời gian và sự bình tĩnh của thầy thuốc quyết định rất lớn trong việc chặn bàn tay tử thần mà trước hết việc đặt nội khí quản là ưu tiên số 1. Ngày còn trong trường, thực tập nội ở quân y viện 7A, chị y tá còn đang hồi chỉnh thuốc Penicilline, chưa test mà BN đã dị ứng do nằm dưới luồng gió quạt và hít phải hơi thuốc.
 Còn loại dung dịch của Mỹ Nguyendinhthang có dịp sử dụng là Dextrose (năm 1975 QY mình thu hồi rất nhiều ở các kho dược trên đường Tô Hiến Thành Q10, hồi đó tôi kiểm tra thì hầu như cận và hết Date). Chai thủy tinh, với qui cách là 1lit gồm (Glucoza 5% + Natri Chlorua 0,9%) là một dung dịch mặn ngọt đẳng trương, sử dụng vào những trường hợp sốt cao, mất nước, và làm dung môi pha thuốc điều trị truyền tĩnh mạch Nhưng bác phải biết một chuyện không hề có trong y văn là lấy trái dừa (bánh tẻ) vạt vỏ, sát trùng và cắm dây truyền thẳng vào tĩnh mạch để giảm sốt, nâng đỡ cơ thể  cho bộ đội mới là siêu của quân y ta trên đất Kampuchea. Xin chào nhé


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: lucpet-abc trong 19 Tháng Hai, 2012, 04:52:19 pm
 Bác Vetran ơi ời ! Em bị đau cả cái vai trái từ tết dến giờ nè . 2 tháng rồi . Vẫn đau lắm . Nhấc tay lên cao là đau . Nhức nhối lắm bác ơi , vậy là bị sao hả bác ?

Thứ nhất ...
Thứ hai ...
Thứ ba ...
 bác dùng toa thuốc sau:

Aceminofen 500mg 1v
Diclofenac 100mg 1v
Decontractyl 1v
B1 B6 B12(3B)1v
 mỗi loại một viên uống một lần, ngày uống ba lần sau bữa ăn. uống liên tục 3 hoặc 5 ngày... Hết chắc  , tay  trái lại hoạt động nhuyễn ngay
Xin chào bác.

   ************88
   Chà ! chà ! " Hết chắc " !
 Theo tôi , không đơn giản vậy đâu , doctor Vetran ơi .
   Chống viêm giảm đau Non steroid + Dãn cơ vân + Vitamin nhóm B liều thấp .

  Quannhu172 , bị đau 2 tháng rồi . Giờ vẫn đau dữ vậy , nhấc tay trái lên không nổi ... thì nhẹ  cũng có thể là Viêm quanh khớp vai , thậm chí là cả 1 hội chứng Cổ Vai Cánh tay ,với 1 tập hợp nhiều triệu chứng khác  kèm theo  ngoài hiện tượng đau buốt , mà QN172 chưa biết cách mô tả chi tiết hết.
  Nặng hơn : Căn nguyên không nằm ở ngay cái khớp vai bị đau ấy . Nó có thể ở các đốt sống cổ , nơi các rễ thần kinh tủy sống chui qua khe đốt sống C5,6,7 , D1 đi ra để tổ hợp tạo nên đám rối thần kinh cánh tay , chi phối vai - cánh tay - cẳng tay - bàn , ngón tay  bên trái  ...

  Nếu có tổn thương xương , khớp ... do viêm quá phát ,hoặc thoái hóa ... có thể phải can thiệp bằng ngoại khoa mới có cơ  giải quyết cơ bản được .

  Tôi xin đề nghị : Quannhu172 nên đi khám bệnh  , Đông Tây y kết hợp có thể rất hiệu quả , nhất là với dây , rễ Thần kinh .
 Không nên để cố " chờ khỏi " lâu như vậy , tổn thương sẽ thêm phức tạp .

  ( Không có ý gì - đồng nghiệp Vetran cảm phiền nghe .
   Cùng là  Đồng đội tư vấn  cho quannhu172  đó thôi ! )


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: vetran trong 19 Tháng Hai, 2012, 05:06:03 pm
Bác Lupect-ABC thân mến. Theo dõi bác tập hợp triệu chứng thành hội chứng như vậy là quá chặt chẽ và rất dễ nể đúng bác là bác sĩ quân y thực thụ, hơn nữa chắc quannhu172 cung cấp thông tin và bác có khai thác bệnh sử trước khi chẩn đoán, chứ tôi chỉ dựa vào bài của quannhu viết và đặt câu hỏi, nên tôi đang tính đùa bác Quannhu172 cho topic của tôi đỡ đơn điệu thôi mà. Còn nếu có điều kiện gặp bác quannhu172 là tôi phải chữa trị theo cách thứ hai tôi đã nêu và theo cách của Vudam xem có hết không đã. Thôi huề nghe bác.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: lucpet-abc trong 19 Tháng Hai, 2012, 06:23:14 pm
   ************88

  Tôi làm việc này không phải vì ... Tài khoản , dù là của bất kỳ ai . Đại kính !


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: vanthang341ht trong 19 Tháng Hai, 2012, 09:47:17 pm
   ************88

  Tôi làm việc này không phải vì ... Tài khoản , dù là của bất kỳ ai . Đại kính !

   Người ta hài hước tý chút thôi mà, sao lại nóng tính, cáu gắt  thế lucpet-abc?


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: binhyen1960 trong 19 Tháng Hai, 2012, 11:17:44 pm
   ************88

  Tôi làm việc này không phải vì ... Tài khoản , dù là của bất kỳ ai . Đại kính !

   Người ta hài hước tý chút thôi mà, sao lại nóng tính, cáu gắt  thế lucpet-abc?

 Không có gì đâu bác vanthang341ht! ;D

 Bác Lucpet-abc cũng là Y sỹ E88 F302, người thường cưa cắt, mổ xẻ, can vá tích kê cho cả lính ta lẫn dân K những năm tháng khó khăn đó, người từng để lại "dấu ấn" trên thân thể nhiều thương binh với y đức và trách nhiệm của mình, lưu giữ được trong lòng anh em F302 nhiều huyền thoại. Cũng vẫn chuyên môn ấy từng giúp cho nhiều dân K không may gặp nạn của chiến tranh, không vụ lợi chỉ muốn "tích đức". ;D Tiếng tăm đó còn lưu mãi trong lòng anh em và trên nhiều bài viết của lính F302 thỉnh thoảng vẫn thấy nhắc đến.

 Bác vetran cũng chỉ muốn nói đùa chút ít cho không khí topic mềm đi, cùng bình luận chuyên môn giúp đỡ bạn bè đồng đội chữa bệnh, chẳng bác nào muốn nhận "tài khoản" khi sử dụng đến chuyên môn riêng của mình, mà đùn đẩy sang cho BY em nhận và BY em thì "chẳng chê" bao giờ. ;D

 BY em nói đùa vậy thôi, bác Lucpet-abc ngại anh em đơn vị cũ hiểu lầm về mình hành nghề chuyên môn vì mục đích tư riêng ở câu nói đùa của bác vetran nên cũng chỉ muốn "khẳng định" mà hóa giải lời nói đùa đó thôi. ;D

 Nói thật với hai bác lính Quân Y.

 BY em dù đã rất nhiều năm rồi những vẫn thấy "cay mũi" với mấy lão quân y đơn vị mình. ;D

1- Tháng 6.1978 đang còn ở đơn vị huấn luyện, BY bị đau bụng dạ dày, cứ nhâm nhẩm đau khiến mình mệt mỏi chứ không đau dữ dội như đau bụng bão, rồi nước bọt trào ra trong veo với 1 lớp váng như váng dầu hỏa trên bề mặt vũng nước bọt, không cần nôn ọe, nằm sấp xuống ván nhà sàn là nước bọt tự chảy tong tỏng xuống đất. Rất khó chịu, thế rồi thằng y tá đơn vị xuống khám bệnh và dùng tai nghe đo đo ra điều hiểu biết chuyên môn lắm. Trong lúc mơ màng BY em thấy thoang thoảng mùi cồn, mở mắt ra thì thấy thằng y tá nó bôi thuốc đỏ đầy bụng BY em, máu nóng bốc lên BY em co chân lên đá cho nó 1 phát rồi chồm dậy lao vào đánh nó, nó nhảy qua cả cửa sổ nhà sàn lao xuống đất mà chạy. Vậy các bác cho BY hỏi: Thuốc đỏ có chữa được bệnh đau dạ dày không? Bôi ngoài da có tác dụng gì? Hiệu quả và phác đồ điều trị đau dạ dày bằng phương pháp bôi thuốc đỏ. ;D

2- Lần nữa là giữa năm 1981 BY em đi viện E, ở viện buồn hàng ngày tiêm thuốc 2 lần rồi đi loanh quanh chơi, người dân K trèo cây thốt nốt bắt được tổ chim sáo có chim non còn rất bé chưa có lông, họ cho BY em 1 con nuôi cho đỡ buồn, hàng ngày bắt châu chấu hoặc ếch nhái bé tẹo cho nó ăn nuôi nó lớn dần. Tay Y sỹ E thấy ngứa mắt khi BY bỏ trưa không ngủ mà đi bắt nhái cho chim ăn, hắn quát chửi và BY quay "bật" lại: Mày chửi gì tao? Tao không muốn ngủ trưa, chửi láo tao dọng cho mày cái báng súng đấy, lời qua tiếng lại 2 bên Y sỹ và bệnh nhân lao vào chiến đấu, tất nhiên là phần thiệt thuộc về tay Y sỹ E, hắn cũng không ngờ thằng lính dưới C lên viện E mà gấu thế. Cuối cùng hắn không chữa bệnh tức ngực khó thở do sức ép đạn pháo cũ cho BY nữa mà làm giấy cho xuất viện ngay chiều hôm đó. Khi xuất viện BY em vẫn hẹn nó 1 ngày sắp tới sẽ tái ngộ và tiếp tục trận nữa phân tài cao thấp.( E của BY không có bác sỹ mà chỉ có đến cấp Y sỹ).

 Bị đuổi khỏi viện E ngày đó vẫn thấy ẫm ức đến tận bây giờ. Liệu trường hợp như BY ở viện E do các bác quản lý thì các bác có đánh nhau và cư xử với BY như vậy không? Có đuổi BY về đơn vị như lão Nghiêm Y sỹ E của đơn vị BY không? ;D


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: haanh trong 20 Tháng Hai, 2012, 12:58:28 am
hehe bệnh của ông quânnhu 172 dễ thôi , cứ về nước gặp bà TLoan bà ấy cho lính làm vật lý trị liệu 1 buổi là hết đau ngay , khỏi phải lăn tăn nhá  ;D
Em thì chỉ nể trình độ chuyên môn của lão Thắng còng tiêm 1 phát thằng cha E phó chết ngất vì đau , quân y như thế mới giỏi  ;D ( mày đừng tưởng ông là thằng y tá quèn mà bắt nạt nhé ) .
@BY : hehe lục pét abc là bác sĩ quân y tốt nghiệp chính qui chứ không phải y sĩ đâu , nhầm lẫn thế bác ấy buồn ( E88 chỉ có y sĩ Huấn ) .


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: Brest trong 20 Tháng Hai, 2012, 03:29:00 am
Trích dẫn
lục pét abc là bác sĩ quân y tốt nghiệp chính qui chứ không phải y sĩ đâu , nhầm lẫn thế bác ấy buồn ( E88 chỉ có y sĩ Huấn )

Thêm tí trích ngang : Đã từng học BK Hà Nội nhưng lại tốt nghiệp HVQY ??? Nên bác ý nghịch bom mìn cũng hay như dao kéo ;D ;D


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: quannhu172 trong 20 Tháng Hai, 2012, 04:57:19 am
   Các bác kính thân mến ! Mới hôm thứ 6 , ngày 17/02/12 vừa qua . Em đi bác sĩ xong . Ông nói rằng : Em có thể bị đau cả nửa năm trời nữa cơ đấy . Mà ông cho em uống thuốc thấp khớp , ngày 3 viên sau khi ăn . Và tiêm cho em 2 lần rồi , em chịu không biết tiêm thuốc gì ? ông không cho tiêm nữa . Và ông cũng có nói : Tại vì em làm việc nặng nữa . Chà chà gay quá . Đau buốt và nhói y như bác lucpet đoán đó .
  So với hôm tết thì đỡ được 50% rồi . Hôm tết em còn không xỏ tay vào được tay áo nữa cơ . Các bác đoán xem hộ em với . Ở Việt nam có nhiều người bị đau như vậy không ? Hả các bác quân y nhà ta ? 


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: vetran trong 20 Tháng Hai, 2012, 06:53:43 am
Tui chỉ cố hét lên được: "Ngưng! tao không thở . . . được!" ;D ;D ;D Chú y-tá vội vã rút kim ra, rồi lại moi trong túi thuốc ra một thứ thuốc viên cho tui uống, dặn phải đắp chăn cho kỹ tránh gió lùa. Tui nằm ngủ một lúc, thức dậy thấy trong người khỏe hẳn như không có việc gì xảy ra! Nếu bị phấn hoa hay bị dị ứng lông cây cỏ gì, tại sao mấy bác kia cùng đi lùng sục không ai bị gì ??? ??? ???



Bác trungtruc thân mến. Nếu theo tường thuật của bác thì có lẽ đ/c quân y ấy chẩn đoán đúng bệnh đấy, có nghĩa là bác bị lông sâu, phấn hoa hoặc một loại lá gì đại loại như lá han ở rừng miền Bắc do vậy kết luận bác bị dị ứng. Còn QY nói là tụt Canxi huyết rồi lấy ống canxi chlorua thường có sẵn trong cơ số cấp cứu của QY đại đội, tiêm tĩnh mạch cho bác (thay vì nếu hạ canxi huyết thì cho uống canxi gluconat, hoặc cho nhanh hơn thì uống viên sủi Canxi Carbonat). Trong khi tâm thần bác đang bất ổn vì ngứa, thuốc được tiêm vào mạch máu gây nóng ran đột ngột thế là bác hoảng và có thể ngất 1% giây, nhưng vẫn kịp tỉnh để hét lên đòi được sống. Bác QY c vội lấy một viên gì đó có thể là Phenergan hoặc Aminazin (tôi nhớ thuốc quân y cấp hồi đó viên mộc  nho nhỏ màu gỗ bẩn bẩn sao ấy, sau này QY tiền phương cục vận tải TCHC còn cấp cho QY trung đoàn loại Xuyên tâm liên với đơn vị tính bằng Kg). QY c cho bác uống, vừa gây ngủ vừa cộng với canxilorua chống dị ứng, giải mẫn cảm, ngủ một giấc là khỏe. Ý bác nói tại sao anh em cùng chui luồn như bác trong trận ấy không bị vì mỗi người có đặc điểm cơ địa khác nhau, vì cơ thể bác mẫn cảm với một thứ nào đó bác gặp trong rừng như tôi nói phần trên. Thôi bác PM cám ơn bác quân y ngày ấy đi. Thân chào


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: vanthang341ht trong 20 Tháng Hai, 2012, 08:58:15 am
Trích dẫn
Bác vetran cũng chỉ muốn nói đùa chút ít cho không khí topic mềm đi, cùng bình luận chuyên môn giúp đỡ bạn bè đồng đội chữa bệnh, chẳng bác nào muốn nhận "tài khoản" khi sử dụng đến chuyên môn riêng của mình, mà đùn đẩy sang cho BY em nhận và BY em thì "chẳng chê" bao giờ. Grin
Ở Việt nam có nhiều người bị đau như vậy không ? Hả các bác quân y nhà ta ?
 


 
   BY tham quá nhỉ. Không có công chữa bệnh cho người ta thì đừng có mà vơ hết tiền công vào tài khoản của mình nha. ;D
   Còn tôi, nếu các bác sỹ có chuyển vào tài khoản ít USD thì cũng "sung vào công đức" để mua thuốc chữa cho cái bệnh đang đau bãi hoãi tứ thân của mình, nhất là đau các khớp.

   Bạn quannhu172 ơi, tôi không phải là thầy thuốc nhưng cái bệnh đau vai gáy, đau khớp, đau mỏi khắp người...thì cứ tuổi 45, 50 trở lên, tôi bảo đảm với chú là cứ hỏi trăm người đã có" bốn con chín" trả lời rằng: tôi cũng đau như thế.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: Linh Quany trong 20 Tháng Hai, 2012, 09:35:05 am
Nghe chuyện của các bác hay quá, em xin tám một tí !
Em nhớ năm 1995, hối đó em đang làm y tá của trung đoàn 174 ( C24 ) . Trong một đợt hành quân ( Hình như là HQ 95 thì phải ) từ Yên Bình - Yên bái đi Vĩnh Yên 3 ngày 3 đêm. Có một cậu lính mới đau bụng không biết của đơn vị nào lạc vào đơn vị em xin thuốc, em lấy 2 viên thuốc Sunfaguanidin cho uống không hiểu sao uống xong nó kêu đau dữ hơn mà lại sắp tới giờ hành quân tiếp. Em giữ cậu ta lại đề nghị cho lên xe thu dung nhưng đồng chí ấy nhất định không chịu nghe . Em liều cho uống mấy viên Atropin khỏi liền. Lúc sau báo cáo lại cho chủ nhiệm quân y trung đoàn là bác sỹ Khương liền bị chửi vuốt mặt không kịp " đm ! mày cho nó uống thuốc ấy vào cắt hết cơn đau nhỡ nó bị bục dạ dày không biết thì mày đi tù con ạ . " Hic, đúng là ngu liền 2 lần một lúc ( đã làm ẩu lại còn đi báo cáo )


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: nguyen dinh thang trong 20 Tháng Hai, 2012, 10:39:36 am
 Nếu em nhớ không nhầm thì atropin không có viên mà bọn em ngày xưa cũng hay bẻ ống thuốc cho lính uống nếu không muốn tiêm. Trường hợp chống dị ứng bằng canxi thì thằng y tá học cùng khóa với em khi về E bộ có tiêm nhầm vào bắp một trường hợp thế là phải chuyển về đơn vị bộ binh nhưng vẫn làm y tá. Hi..hi có lẽ các cán bộ E nghĩ tiêm nhầm cho lính thì không sao chứ để ở E bộ nó tiêm nhầm phát nữa thì gay.

bác BY@: Ngày em làm y tá ở viện E cũng có mấy lần táng bệnh nhân nhưng may là chưa thua lần nào hi...hi chỉ có một lần bị ông Ổn E phó nhìn thấy dọa bắt em đi phạt giam. May quá hôm sau ông ấy đi viện F nên em thoát, trời quả báo em nên khi em gần ra quân em đi viện QK bị hành cũng gần chết. Em bật lại thì không bị cho ra viện ngay mà bị giữ lại để điều trị bệnh khi đơn vị gọi em về ra quân, may mà em còn nhờ người xin thẳng với viện trưởng chứ không em lại phải ở lại thêm 6 tháng nữa mới được về.
 Lâu rồi em vẫn nhớ cái ký hiệu tam giác là chẩn đoán còn hình như hình bầu dục có gạch ngang là điều trị phải không các bác


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: Linh Quany trong 20 Tháng Hai, 2012, 11:12:39 am
Em xin nói leo chút nữa !
Chuyện tiêm nhầm do vô tình và cả do chẩn đoán nhầm có nhiều lắm bác Thắng ạ ! Hậu quả gây ra còn suýt chết ngưòi đấy,lúc nào rảnh em kể sau.
Khi em mới ra trưòng về đơn vị, có ông nhà gần đấy sang nhờ em tiêm thuốc cho đàn gà nhà ông ấy để phòng bệnh, em hăng hái đến giúp ngay . Tiêm xong đến chiều hôm sau thấy ông ta mò sang nói " chú ơi, chú tiêm làm sao mà đàn gà nhà tôi không đi được , đứng một chân lò cò cả đàn " . Em cũng không hiểu tại sao vì rõ ràng mình lấy thuốc tiêm từng con đúng liều luợng theo chỉ dẫn, sau này mới vỡ lẽ ra là tiêm gà phải tiêm vào cánh mà em lại phang vào đùi nên bị liệt cơ mất vài hôm. Đau bụng cuời .


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: vetran trong 20 Tháng Hai, 2012, 01:55:02 pm
Em xin nói leo chút nữa !
quote author=nguyen dinh thang link=topic=23311.msg358375#msg358375 date=1329709176]
 Nếu em nhớ không nhầm thì atropin không có viên
[/quote]

@ Nguyendinhthang @Lính quany: Đúng như vậy, không có Atropin dạng viên mà cùng một chế phẩm từ cà độc dược, ta có viên Belladon, tính chất dược lý giống Atropin (injection) nhưng dạng viên nén. Loại này dập bằng kĩ thuật thủ công, cực xấu, mẫu mã đơn điệu nhưng điều trị thư giãn cơ trơn cực tốt
Bác sĩ đơn vị bác línhquany còn hiền, bởi tôi đã chứng kiến bác sĩ phẫu thuật viên cầm nguyên cái kìm gặm xương đập vào cổ tay phụ mổ trao dụng cụ, khi đưa nhầm cái kìm thay vì cái giũa, do theo dõi không sát thì mổ. Còn một ông nữa bạt tai y tá của mình khi tiêm Cafein cho bệnh nhân đang sốt cao. Vì vậy khi có các triệu chứng ngoại khoa ổ bụng đang cần theo dõi mà mình cho thuốc giãn cơ trơn nhất là trường hợp BN đau thượng vị, đau như dao đâm, xoáy ra sau lưng ở một người có tiền sử viêm loát tá tráng hoặc phình vị lớn, hoặc BN đau hố chậu phải âm ỉ, điểm Macburney+ thì coi như tuyên án tử hình BN hoặc chí ít cũng kéo dài thời gian và tốn kém điều trị gấp ba lần
Còn qui cách sử dụng các chế phẩm tân dược thì phải đọc cho kĩ theo nguyên tắc 3 kiểm tra 3 đối chiếu: tên đầy đủ của thuốc, hạn sử dụng, liều lượng cách dùng. Do đó trong trường hợp này phải gọi tên canxi Gluconat, Canxi Phophat, Canxi carbonat. Thuốc nước thì có canxi clorua hay canxi Cobiere. trong đó canxi clorua là loại muối canxi, chỉ chỉ định tiêm tĩnh mạch (IV), mà táng vào bắp bệnh nhân thì thối thịt là cái chắc, hoặc Canxi Carbonat không ngâm vào nhiều nước cho sủi tan mà bẻ ra uống trực tiếp vào bụng thì cứ sôi ùng ục rồi bụng chương phình khó thở ợ liên tục. Thôi lan man quá, chào hai đồng nghiệp nhá.



Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: tranphu341 trong 20 Tháng Hai, 2012, 02:28:21 pm
 
  So với hôm tết thì đỡ được 50% rồi . Hôm tết em còn không xỏ tay vào được tay áo nữa cơ . Các bác đoán xem hộ em với . Ở Việt nam có nhiều người bị đau như vậy không ? Hả các bác quân y nhà ta ?  
               Vâng có nhiều đấy bác quannhu172 ơi! Tranphu341 kính chào bác và cũng thấy tại ngôi nhà ấm cúng, sang trọng của vetran này đang thảo luận sôi nổi quá nên cũng TP cũng góp thêm 1 chuyện xẩy ra với chính TP 3 năm trước.

                TP bị đau quanh vai không nâng nổi cánh tay , không mặc được áo, không giơ được lên cao. Thậm chí TP vẫn chơi bóng bằng tay phải. Tay trái cúi xuống nhặt bóng, hoăc giơ tay bắt bóng theo thói quen thì cùng với tiếng kêu ối phát ra kèm theo vì đau quá. TP tới 2 năm không thể chữa khỏi mặc dù đã đi bệnh viên, B/sỹ nói là bị hội chứng đau vai gáy. Có 1 ông B/sỹ chữa ngoài nói tiêm chữa cho TP sẽ khỏi. Hàng trăm ngàn 1 mũi tiêm, họ không cho xem nhãn thuốc vì bí mật nghề. (Chị gái của TP cũng làm ngành y nối 1 mũi tiêm như thế không tới 10 ngàn tiền thuốc). Nhưng rốt cục vẫn không khỏi mà ngày càng đau và càng thu hẹp sự chuyển động của cả 2 tay.

                  Tiếp đến có 1 ông y/sỹ hứa sẽ chữa khỏi với giá 20 triệu đồng. TP đồng ý nhưng hỏi pháp đồ điều trị và dùng thuốc gì? Ông ta nói tiêm trực tiếp vào quanh vai 6 loại mật như mật gấu, mật rắn....vv. Và ông ta nói không chữa như thế là không thể khỏi vì bị dính khớp nặng rồi. Buồn chán hết hy vọng. Rất khó chịu và gậy bực tức, rất đau trong sinh hoạt.

                  Có người nói TP đến nhà ông Cần B/sỹ Đông y B/V YHDT Của Tỉnh nhưng ông chữa thêm ở nhà. Đến nhà, ông hỏi đau lâu chưa? TP nói là bị đau hơn 1 năm. Ông xem và nói là để lâu quá và phải chữa khoảng 1 tháng mới khỏi. Khỏi là thích rồi. TP để cho ông xoay tay, đấm bóp vào khớp vai khoảng 2 phút đau, rất đau nhưng gắng chịu rồi bất ngờ ông rút mạnh 1 cái. TP kêu ối! Thấy như tim nghẹt thở vì đau lao người vào giường cạnh đó. khoản 15 phút sau mới nhẹ được cái đau. Nhưng thật kỳ lạ là sau cơn đau tay TP đã có cảm giác khỏi 70%. Ông hẹn 2 ngày hôm sau đến làm lần nữa cùng với 3 thang thuốc mỗi thang 10 ngàn đồng. Cùng với lời hướng dẫn về tập tại nhà.

                  2 ngày sau TP đến ông cũng làm như lần trước nhưng lần này TP đã có cảnh giác nên khi ông rút tay thì TP co tay lại nên ông không làm được như lần trước. Nhưng cũng đã cải thiện thêm 15% nữa. Rồi về TP cứ chơi bóng rồi tự khỏi. Tay phải về chơi vận động nhiều rồi cũng tự khỏi. Đúng như ông đã giải thích là bị co cứng giây chằng dẫn đến khớp bị xiết chặt vào nhau như xe đạp bị mút côn. nếu không chữa thì ngày càng nặng, dẫn tới dính khớp. Ông khuyên khi bị đau thì càng phải gắng hoạt động mạnh để nó tự bung ra. Còn ông kéo cho nó bung dây chằng ra. Một điều rất vui là ông nói sau lần này sẽ không bị lại nữa. Ông giải thích trước kia chữa là phải mổ, phải cắt vợi dây chằng đi cho nó bung dãn ra. Còn bây giờ kéo mạnh cho nó bung ra nên rất đau. Thậm chí có người còn đau ngất đi cơ phải cấp cứu tim. Tổng tiền thuốc và chữa không đến 100 ngàn đông. thời gian khoảng 15 ngày.

                  Hiện giờ ông đã về hưu, chuyên khoa 2, Thầy thuốc ưu tú. Ông đang nghỉ tại Thành phố Thái Bình và vẫn chữa những bệnh như vậy. Nếu quannhu172 có về, CÓ CHỊU ĐƯỢC ĐAU THÌ VỀ TB TP sẽ hướng dẫn đến chữa.

                  Đây là chuyện thật của TP. Với cách chữa và giải thích như vậy không biết các bác thấy có đúng và có hợp lý không ?

               CHÚC BÁC CHỦ CÙNG ANH EM ĐẦU XUÂN CÓ NHIỀU NIỀM VUI VÀ TRÁNH XA MẤY ÔNG BÁC SỸ RA ĐƯỢC THÌ CANG TỐT ;D ;D ;D
 


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: quannhu172 trong 20 Tháng Hai, 2012, 02:38:45 pm
  Cám ơn bác Tranphu trước . Nghe bác kể thấy căn bệnh giống nhau quá . Em bị đau từ Noel cơ . Nhưng giờ cũng đỡ được 50% rồi . Nếu hè về mà còn đau , thì em tìm và nhờ đến bác . Cám ơn bác trước nhé .


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: tranphu341 trong 20 Tháng Hai, 2012, 02:50:41 pm
  Cám ơn bác Tranphu trước . Nghe bác kể thấy căn bệnh giống nhau quá . Em bị đau từ Noel cơ . Nhưng giờ cũng đỡ được 50% rồi . Nếu hè về mà còn đau , thì em tìm và nhờ đến bác . Cám ơn bác trước nhé .
     

                Vậy tốt nhất là bạn tự tập chuyển động mạnh và có thể sẽ tự khỏi như TP, và như giải thích của ông B/sỹ Cần.

                CHÚC BẠN NHANH KHỎI ĐAU!


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: vetran trong 20 Tháng Hai, 2012, 03:38:42 pm
 Cám ơn bác Tranphu trước . Nghe bác kể thấy căn bệnh giống nhau quá . Em bị đau từ Noel cơ . Nhưng giờ cũng đỡ được 50% rồi . Nếu hè về mà còn đau , thì em tìm và nhờ đến bác . Cám ơn bác trước nhé .
   

                Vậy tốt nhất là bạn tự tập chuyển động mạnh và có thể sẽ tự khỏi như TP, và như giải thích của ông B/sỹ Cần.

                CHÚC BẠN NHANH KHỎI ĐAU!
Trường hợp đau của bác quannhu172 và của bác Tranphu431 có thể là một nguyên nhân giống nhau, mà nó là một trong những nguyên nhân rất vớ vẩn do vận động làm việc mà các động tác gây lên làm trái chiều sinh lý làm cho đầu tiên giãn dây chằng khớp sau đó cả hệ thống gân cơ khớp, thậm chí cả bao khớp cũng co thắt gây lên thiểu dưỡng do máu lưu thông kém, không đủ cung cấp dưỡng chất, Ôxy và các chất thiết yếu khác cho hoạt động của các mô cơ gân khớp gây lên hội chứng Sudeck.
Hội chứng ở chi trên hay còn gọi là “hội chứng vai tay” xuất hiện từ từ hay đột ngột, diễn biến qua 3 giai đoạn - Đau và nóng đỏ toàn bộ chi trên từ vai xuống bàn tay (giả viêm) - Rối loạn dinh dưỡng và lạnh - Teo  và mất chức năng vận động. Không có biểu hiện viêm trên lâm sàng và xét nghiệm. thời kỳ đầu, không thấy tổn thương trên hình ảnh quang tuyến X, nhưng thời gian muộn hơn qua phim X quang sẽ thấy tình trạng xương mất vôi lan toả hay lốm đốm. Bệnh có diễn biến kéo dài nhiều tháng tới vài năm; nếu không được đIều trị tốt thường để lại di chứng rất nặng nề ( teo cơ cả chi, cứng các khớp vai, khuỷu, cổ tay, xơ cứng da và mô dưới da).
Hội chứng ở chi dưới phần lớn gặp sau chấn thương; thường có triệu chứng ở bàn chân, cẳng chân, hiếm gặp ở cả chân (mông,đùi, cẳng , bàn chân). Các triệu chứng giống như chi trên, chia 3 giai đoạn nhưng thường không đầy đủ điển hình nên dễ chẩn đoán nhầm với một số cấc bệnh khác (viêm tắc tĩnh mạch, viêm tấy do nhiễm khuẩn, gút..)
 *. Điều trị hội chứng Sudeck
1. Nguyên tắc chung
Chống đau, chống rối loạn vận mạch, chống loãng xương, phục hồi chức năng.
2. Những thuốc được dùng điều trị
- Chống đau: acetaminophen, thuốc chống viêm không steroid uống hoặc tiêm( ví dụ như Dichlofenac Film coated Tablets, Ibuprofen Tablets, Nimesulid Tablets, Voltaren Tablets, Voltaren Injertion, Dichlofenac Injertion.v.v)
- Chống loãng xương: calcitonin , biphosphonat
- Điều chỉnh thần kinh thực vật: chẹn beta với propranolon
- Thuốc chưa rõ cơ chế: thuốc chống nấm griseofulvin
- Chống đau tại chỗ: phong bế bằng xylocain; hydrocortison acetat (tiêm vào khớp) Nhưng các bác phải rất cân nhắc vì tác dụng phụ của các thuốc này.
3. Vật lý trị liệu -  phục hồi chức năng
- Xoa bóp
- Vận động liệu pháp
-  Thuỷ trị liệu
- Siêu âm, sóng ngắn
- Trong trường hợp của anh Tranphu341, đã gặp thầy giỏi là “phước chủ lộc thầy rồi”. Nhưng cũng như cơ chế ban đầu gây đau và quá trình diễn biến căn bệnh ngày càng nặng là do ý thức chống đối của con người trưởng thành, tức là : khi cái đau tới, thì thay vì mình cứ kệ nó, để tay vai, cổ ở tư thế sinh lý, toàn thân buông lỏng thì các cơ gân, khớp xương tự nó thư giãn, không tăng co thắt, máu tưới điều hòa, cung cấp đủ Ôxy và dưỡng chất cho khu tổn thương đầy đủ, đồng thời máu chuyển tải những chất độc hình thành trong quá trình chuyển hóa dở dang ở những mô cơ viêm đi đào thải thì tự nhiên cái đau giảm dần,. Nhưng ngược lại Bác cứ gồng, chống lại cái đau, xoay xỏa tìm cách đặt tay chân hoặc oặn ẹo cổ gáy để tìm tư thế giảm đau theo ý mình, thì ngược lại các cơ càng co thắt theo đúng cơ chế của hội chứng  Sudeck (đau – co thắt – đau tăng – tăng co thắt…) Lúc đó máu không tới được chỗ tổn thương,  gây thiểu dưỡng và nếu thiểu dưỡng kéo dài thì thoái hóa và hàng loạt di chứng xấu xảy ra nhưng cũng phải thời gian khá dài (6 tháng trở lên). Đáng lẽ khi thầy tiến hành thủ thuật thì bác tranphu341 phải buông thõng tay, cơ thể nhão ra và tất nhiên coi cái đau như (ăn kẹo) thì  số lần điều trị ít hơn, kết quả sớm và tuyệt vời hơn và dĩ nhiên tiền chi phí sẽ ít hơn.  Bác tranphu341 và quannhu172 cứ nghiệm dùm tôi hai câu chuyện này: Thứ nhất, cùng một chiều cao rơi tự do, một người lớn bị tổn thương trầm trọng hơn một đứa trẻ mới hai tuổi. Thứ hai là trong “Nhu Đạo” các võ sĩ luôn thực hành (nhu thuật) với phương châm “DĨ NHU THẮNG CƯƠNG” là họ dựa vào các yếu tố tâm sinh lý của con người trong xử lý những trường hợp cụ thế ấy.
 -Tiếc quá phải chi em vào VMH sớm có phải bợ được món khổng lồ của bác Tranphu341 rồi không. Thôi chúc mừng bác tai qua nạn khỏi là tốt rồi. Kính




Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: tranphu341 trong 20 Tháng Hai, 2012, 04:05:07 pm
             Cha cha....Hay quá vetran đúng là 1 Giáo sư mới đúng. Việc gì, bệnh gì cũng giải thích rất rõ ràng tỷ mỷ. Trong đầu bạn như là kho từ điển về đông, tây, y, kim cổ. Hay giống như các nhà nghin cứu giáo phái vậy. Thật tuyệt vời! Tranphu341 mà được ở gần thì khai thác cái "kho báu" này thì tuyệt biết bao! Hoặc gây tranh cãi thì cũng nhiều lý sự lắm đây  ;D ;D ;D

             CHÚC VỆ-ANH THƠ CÓ NHIỀU SỨC KHỎE CÙNG NHIỀU NIỀM VUI CUỘC SỐNG!


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: quannhu172 trong 20 Tháng Hai, 2012, 04:57:45 pm
   Các bác cựu nhà ta ơi ! Khi đau yếu thì phải đi khám bình tình và đi bác sĩ nhé ! Để cho khỏe và còn tính chuyện làm ăn nữa . Cố gắng có được miếng đất để giành cho mình trong 2 và 3 chục năm tới nhé . Vì đất là bất động sản mà . Càng nhiều bất động sản thì càng khỏe và càng không ốm .


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: vetran trong 21 Tháng Hai, 2012, 07:04:54 am
Chào các bạn, cám ơn các bạn đã sôi nổi tham gia .Mình có 1 cao kiến cho bạn trung-truc ,đó là không bước xuống nước khi chưa có áo phao  ;D .
Chào bác vetran ! Xin hiến với bác (cũng may là khoảng 5 phút sau thì có đồng đội lại giúp ,khiêng anh ta lên bờ ,rồi đốt lửa sưởi ,lúc này anh ta bắt đầu mềm lại và sùi bọt mép ,kiểm tra thấy anh ta thở trở lại ,liền vội vàng tổ chức khiêng đến bệnh xá E để cấp cứu .Sau vài ngày ,anh ta về lại đơn vị ,công tác bình thường (những trường hợp chết ,là do đi tắm 1 mình ,nên khi bị sự cố ,không ai biết để cứu ) .

Kính thưa các bác trong topic, bây giờ tôi rút kinh nghiệm là không đá lộn sân nữa cho nên qua ý kiến và câu hỏi của bác BS-812. Tôi xin trả lời tại topic này, mong các bác quan tâm đến vấn đề thì tham gia cho rôm rả cửa nhà:
Thưa bác Bs-180 Căn cứ những thông tin bác cung cấp và theo tinh thần câu hỏi. Vetran xin góp mấy ý mọn như sau: Trên một cơ thể mới trải qua sự dày vò của kí sinh trùng sốt rét, với triệu chứng là bên ngoài thì nóng như lửa nhưng cảm giác thì run bần bật do các chất độc từ sự phá hủy hồng cầu và thể dịch cộng với ngoại độc tố của kí sinh trùng sốt rét tác động lên trung khu điều nhiệt ở não gây lên cơn rét run và các triệu chứng khác đã làm cho con người vô cùng yếu đuối bất lực trước các tác động của môi trường
Xét về khía cạnh Đông y: Khi có bệnh, cơ thể đã mất cân bằng âm dương biểu lý, hàn nhiệt hư thực. Do đó hệ thống kinh lạc huyệt vị cũng mất cân bằng theo. Huyệt cần mở thì đóng, huyệt cần đóng thì lại mở mà lúc đó không được sự tư vấn của quân y, sự chăm sóc của đồng đội, để anh em đi tắm sông tắm suối, nhiễm lạnh đột ngột, co mạch toàn bộ cơ thể thì đột quị là điều dễ hiểu, trong lúc đó nêu không có sự phát hiện kịp thời và hỗ trợ của đồng đội thì sẽ tử vong do ngạt nước với hơn 5 phút thiếu Ô xy thì tế bào não khó hồi phục. Do đó để chăm sóc anh em sau sốt rét, sốt xuất huyết và các sốt nhiễm trùng khác thì tốt nhất phải pha nước tắm rửa cho hết lạnh giá, tắm trong chỗ kín gió, nên tranh thủ thời gian và lau thật khô, ngồi tại chỗ 10 phút hãy mở cửa ra ngoài để cơ thể kịp thích nghi với môi trường. Cũng như vậy, chúng ta đừng ỷ vào sức khỏe  bình thường mà mở cửa phòng ngủ đột ngột trong đêm khua và sáng sớm để bước ra ngoài trong khi các huyệt trên cơ thể đang mở sau một đêm dài nghỉ ngơi chưa kịp trở về vị thế sinh lý, sẽ bị gió lạnh thâm nhập vào hệ thống Kinh Lạc, nhất là các huyệt thuộc Kinh Bàng Quang, Kinh Thận, Kinh Tam Tiêu và huyệt Bách Hội trên đỉnh đầu sẽ gây đột quị ngã tại chỗ mà dân gian gọi là trúng gió độc. Có thể không tử vong nhưng chí ít cũng “bán thân bất toại” méo miệng, liệt mặt, một bên mắt mở hoài như (Đổng Trác) kể cả lúc ngủ say. Trong trường hợp này, sau giấc ngủ đêm, muốn ra ngoài, tốt nhất anh em né qua một bên, mở từ từ cánh cửa cho gió bên ngoài lùa vào, nhiệt độ trong ngoài phòng hòa nhập rồi hẵng bước trực diện với cửa để ra ngoài. Xin vài dòng mạo muội mong các bác thông cảm.




Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: Đậu Thanh Sơn trong 22 Tháng Hai, 2012, 08:02:24 am
Chào vetran và bác Trần Phú
Thật thú vị và bổ ích khi vào trang VMH này. Không những nắm được, hiểu được về các góc cạnh của chiến tranh qua các hồi ức của người lính, mà còn hiểu được biết được những kiến thức cuộc sống như vấn đề sức khỏe và việc điều trị bệnh tật. Đúng như bác Trần Phú nói vetran đúng như một giáo sư, Thanh Sơn thấy vetran uyên thâm nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, nhất là chuyên môn y học. Vì là diễn đàn nên chúng ta có quyền chia sẻ mọi vấn đề của cuộc sống và qua đó có thể truyền cho nhau những kinh nghiệm mà mỗi một chúng ta đã trải qua.
Bận việc lu bu quá chưa ghé vetran chơi được. Không biết thứ 7 vetran có đến làm việc ở cơ quan không? Hôm đi dự họp mặt offline QK7 có hỏi lamlinh vợ chồng vetran - Anh Thơ đến chưa, thì được báo là hai người không tới đc vì phải đi nhà thông gia... hihi không biết sắp tới trở thành ông nội hay ông ngoại trước đây?
Chúc các bác vui vẻ và hạnh phúc.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: BS-812 trong 22 Tháng Hai, 2012, 05:04:27 pm
Chào bác vetran .Cám ơn bác đã giải thích cặn kẽ ,từ đây có thể rút ra bài học kinh nghiệm nơi chiến trường là :Ở dơ có thể sống lâu  ;D ;Và bài học hiện tại là :Đã yếu thì đừng ra gió  ;D ;D .
Lại có thắc mắc với bác ;Trong Đông y ,người ta chẩn bệnh bằng cách bắt mạch .Vậy làm sao để phân biệt và biết đó là tượng mạch nào ;Vì khi sờ vào cổ tay ,em chỉ thấy mạch nhảy tưng tưng theo nhịp tim thôi chứ đâu có thấy gì khác .Chào bác


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: vetran trong 23 Tháng Hai, 2012, 08:22:54 am
Chào bác vetran .Cám ơn bác đã giải thích cặn kẽ ,từ đây có thể rút ra bài học kinh nghiệm nơi chiến trường là :Ở dơ có thể sống lâu  ;D ;Và bài học hiện tại là :Đã yếu thì đừng ra gió  ;D ;D .
Lại có thắc mắc với bác ;Trong Đông y ,người ta chẩn bệnh bằng cách bắt mạch .Vậy làm sao để phân biệt và biết đó là tượng mạch nào ;Vì khi sờ vào cổ tay ,em chỉ thấy mạch nhảy tưng tưng theo nhịp tim thôi chứ đâu có thấy gì khác .Chào bác


- Thưa bác BS-812 tôi cũng không được học hành đến nơi đến chốn vấn đề này, cơ bản ba đời trước nhà tôi là nhà nho và làm đông dược chữa bệnh giúp dân nghèo là chính, nên tôi ảnh hưởng từ nhỏ và đến lúc  đã học tây y rồi tôi mới “cưỡi ngựa xem hoa” ở trường QY và ở viện y học dân tộc  chừng hơn một năm, rồi mấy chục năm nay ngoài thực hành tây y, tôi thường phối hợp với đông y để tăng hiệu quả điều trị. Vấn đề bác nêu, không hề dễ trả lời bởi từ kỹ thuật chẩn trị nó đã trở thành nghệ thuật siêu đẳng của các bậc thầy THẦN Y sử dụng cảm giác những ngón tay để bắt những (ma bệnh) phải lộ diện, mà chung qui nó cũng nằm trong “Tứ chẩn” đó là “vọng, văn, vấn, thiết” trong (Thiết) có ( Thiết mạch) Nên tôi mạn phép các sư phụ trong nghành được cập nhật mấy nội dung về (chẩn mạch) và cùng bác BS-812 trao đổi như sau:
 - theo Thiên ' Mạch Yếu Tinh Vi Luận'  “Chẩn mạch thường vào lúc sáng sớm, âm khí chưa động, dương khí chưa tán, chưa ăn uống gì, kinh mạch chưa đầy, lạc mạch điều hòa, khí huyết chưa loạn,do đó, có thể tìm thấy mạch bệnh”.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: vetran trong 23 Tháng Hai, 2012, 09:04:09 am
Tuy nhiên, Uông Thạch Sơn, trong ‘Thạch Sơn Y Án' đã nhận định rằng: “Nếu gặp bệnh thì bất cứ lúc nào cũng có thể chẩn mạch, không cần chẩn mạch vào lúc sáng sớm mới được”.
- Trước khi chẩn mạch, nên để cho người bệnh nghỉ 1 lát cho khí huyết được điều hòa.
- Không nên xem mạch khi người bệnh ăn uống qúa no, đói qúa hoặc mới uống rượu, đi xa đến mà mệt mỏi...
- Ngoài ra, ống tay áo người bệnh quá chật, hoàn cảnh chung quanh ồn ào... cũng có thể ảnh hưởng đến việc chẩn mạch.
*- Tư Thế Lúc Xem Mạch.
- Theo sách 'Trung Y Chẩn Đoán Học Giảng Nghĩa' thì : “Người bệnh nên ngồi thẳng thắn, tự nhiên hoặc nằm ngửa, cánh tay nên duỗi ra 2 bên, bàn tay để ngửa cho huyết mạch lưu thông tốt và không ảnh hưởng đến mạch”.
Sách 'Y Tông Kim Giám' nêu rõ: ”Người bệnh nằm nghiêng thì cánh tay phía dưới đè lên làm mạch không chạy được. Nếu co tay lại thì bàn tay bị bế tắc, mạch không lưu thông. Nếu để xuôi tay thì máu dồn xuống làm mạch bị ứ trệ, nếu giơ tay lên cao thì khí chạy lên mà mạch nhảy. Nếu co cơ thể lại thì khí bị nén mà mạch bị gò bó. Nếu người cử động thì khí bị nhiễu loạn mà mạch chạy nhanh...”
Thầy thuốc nên ngồi nghiêng đối với người bệnh, dùng tay trái để chẩn mạch ở tay phải người bệnh và ngược lại dùng tay phải chẩn mạch ở tay trái.
*- Định Hơi Thở
Thầy thuốc cần ổn định hơi thở, giữ vững tiêu chuẩn: 1 hơi thở ra, hít vào tương ứng với 4 lần mạch đập. Sau đó, căn cứ vào tiêu chuẩn này, tập trung chú ý vào các ngón tay đang đặt trên các bộ vị để thăm dò mạch tượng và số mạch đếm của người bệnh. Do đó, thiên 'Mạch Yếu Tinh Vi Luận'  ghi: “Phương pháp chẩn mạch cốt ở tâm hư tĩnh”.



Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: vetran trong 23 Tháng Hai, 2012, 09:05:36 am
*- Cách Đặt Tay Chẩn Mạch
- Sách 'Chẩn Gia Khu Yếu' trình bày cách đặt tay xem mạch như sau: “Khi đặt ngón tay xuống, đầu tiên đặt ngón tay giữa vào bộ quan (mé trong chỗ xương cao-ngang với lồi xương quay), rồi đặt luôn 2 ngón tay 2 (trỏ) và 4 (áp út) phía trước và sau thành 3 bộ mạch. Ngón tay trước (trên) là bộ thốn khẩu, ngón tay sau (dưới) là bộ xích. Nếu cẳng tay người bệnh dài thì đặt ngón tay thưa, nếu cẳng tay ngắn thì đặt các ngón tay khít nhau”.
- Sách 'Trung Y Học Khái Luận' nhấn mạnh rằng: “Khi đặt ngón tay (xem mạch) cần phải để đầu ngón tay bằng nhau vì mức độ cảm giác của da ở đầu các ngón tay đang xem mạch không giống (nhạy bén) như nhau... vì vậy, khi cần chẩn mạch, nên dùng chỉ nhĩ (chỗ đầu ngón tay nổi lên như sợi chỉ) để sờ, ấn”.
- Sách 'Mạch Nghĩa Giản Ma' giải thích rõ hơn như sau: “Ba ngón tay của người ta dài ngắn không bằng nhau, vì vậy phải để 3 đầu ngón tay bằng nhau, đốt ngón này ngang đốt ngón kia mới có thể chẩn mạch được. Nhưng da thịt đầu 3 ngón tay thì ngón trỏ nhạy cảm nhất, ngón giữa da dầy, ngón thứ 4 lại dầy và kém nhậy cảm hơn. Vì vậy, phải dùng cạnh của đầu ngón tay như sợi chỉ, gọi là chỉ mục (mắt của ngón tay) ấn lên sống mạch”.
- Sách 'Trung Y Học Khái Luận' còn lưu ý rằng: “Điều quan trọng hơn nữa là không nên dựa vào mạch đập ở đầu ngón tay của mình mà nhận lầm với mạch đập của người bệnh, vì ở đầu ngón tay của thầy thuốc cũng có động mạch. Điều này cần chú ý trên lâm sàng”.
Sau khi đặt tay đúng vị trí và đúng phương pháp, thầy thuốc phải biết vận dụng năng lực nặng nhẹ và di chuyển ngón tay để thăm dò mạch tượng.
Hoạt Bá Nhân, trong sách 'Chẩn Gia Khu Yếu' nêu rõ: “Chẩn mạch có 3 điều chủ yếu là Cử, Án và Tầm. Nhẹ tay sờ mạch gọi là Cử, nặng tay chẩn mạch gọi là Án, không nặng không nhẹ, uyển chuyển tìm kiếm gọi là Tầm”.
Hiện nay các nhà nghiên cứu mạch học nghiêng về cách sau:
+ Sơ (Khinh) Án: Bắt đầu đặt (đụng) ngón tay đến mạch của người bệnh để chẩn bệnh ở phủ.
+ Trung Án: Ấn nhẹ tay xuống 1 chút để biết về Vị khí.
+ Trầm (Trọng) Án: Ấn nặng tay xuống 1 ít để chẩn bệnh ở tạng.
Cách chung, khi chẩn (xem) mạch, nên:
• Xem chung cả 3 bộ (Tổng Khán) để nhận định về tình hình chung (thường được dùng nhất).
• Xem riêng từng bộ phận (Đơn Kháng) để đánh gía riêng từng cơ quan, tạng phủ.

Ngoài ra, theo các nhà mạch học thì khi xem mạch còn cần phải chú ý đến 3 yếu tố là Vị Khí, Thần và Căn.
*- Vị Khí:
• Thiên 'Bình Nhân Khí Tượng Luận' ghi: “Có Vị khí thì sống, không có Vị khí thì chết”, vì vậy, mạch lấy Vị khí làm gốc.
• Trương Cảnh Nhạc trong chương 'Mạch Thần' (C đã trình bày về Vị khí như sau: Muốn xét diễn tiến của bệnh tốt hoặc xấu nên lấy Vị khí làm chủ. Cách xét này về vị khí như sau: “Thí dụ, hôm nay mạch còn hòa hoãn mà ngày mai lại Huyền, Cấp thì biết rằng tà khí đang tiến triển, tà khí càng tiến, bệnh càng nặng. Hoặc hôm nay mạch rất Huyền, Cấp nhưng ngày mai lại thấy hòa hoãn thì biết là Vị khí đã đến, Vị khí đến thì bệnh nhẹ dần. Nếu như trong chốc lát mà mới đầu thấy mạch Cấp mà sau đó Hoãn là Vị khí đến, lúc đầu Hoãn mà sau đó Cấp là Vị khí mất”.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: vetran trong 23 Tháng Hai, 2012, 09:06:56 am
* Thần:
Sách 'Trung Y Chẩn Đoán Học Giảng Nghĩa' giải thích: “Gọi là thần của mạch tức là mạch đi nhu hòa. Thí dụ như bắt được mạch Vi Nhược thì tuy là Vi Nhược nhưng không đến mức vô lực là có thần, hoặc bắt được mạch Huyền Thực mà trong cái Huyền Thực vẫn thấy nhu hòa, là có thần. Tóm lại, mạch có Vị khí, có Thần đều là có hiện tượng xung hòa. Có Vị khí là có Thần khí, vì vậy, trên lâm sàng, cách chẩn đoán Vị khí và Thần như nhau”.
- Căn:
- Sách ‘Mạch Quyết’ ghi: “Mạch ở bộ thốn và bộ quan tuy không còn nữa nhưng mạch ở bộ xích vẫn còn, những bệnh gặp mạch đó, không lo chết”.
- Sách ‘Trung Y Chẩn Đoán Học Giảng Nghĩa’ giải thích: “Mười hai kinh mạch trong cơ thể đều nhờ ở chỗ động khí của Thận mà phát sinh. Thận khí còn cũng như cây có gốc (căn) cành lá tuy khô mà gốc chưa khô thì có hy vọng sống được. Thận khí chưa tuyệt thì mạch nhất định có căn. Mạch Trầm để chẩn tạng thận, bộ xích để chẩn về Thận, mạch ở bộ xích mà Trầm, có lực là dấu hiệu mạch có căn”.
- Hoạt Bá Nhân trong sách ‘Chẩn Gia Khu Yếu’ lại cho rằng khi chẩn mạch phải chú ý đến sáu yếu tố: Thượng, Hạ, Lai, Khứ, Chí, Chỉ, ông viết: “Chẩn mạch nên biết sáu chữ: Thượng, Hạ, Lai, Khứ, Chí, Chỉ, không hiểu sáu chữ đó thì không phân biệt được âm dương hư thực. Thượng, Lai, Chí là dương, Hạ, Chỉ là âm. Thượng là từ bộ xích lên tới thốn khẩu đến bộ xích, âm sinh ở dương, Lai là từ trong thịt xuất ra chỗ trong da ngoài, sự tăng lên của khí. Khứ là từ chỗ trong da ngoài thịt đi vào thịt vào xương, sự giáng xuống của khí. Ứng là Chí, nghỉ là Chỉ”.
- Sách ‘Trung Y Chẩn Đoán Học Giảng Nghĩa’ khi giải thích câu này đã nhận xét: “Câu danh ngôn sáu chữ (Thượng, Hạ, Lai, Khứ, Chí, Chỉ) của Hoạt Bá Nhân, các y gia của các thời đại đều cho rằng đã tìm được điều cốt yếu của việc chẩn mạch.
Sách ‘Trung Y Chẩn Đoán Học Giảng Nghĩa’ giải thích về các yếu quyết chẩn mạch của Hoạt Bá Nhân như sau:
• Thượng, Hạ là chỉ mạch chí thông suốt từ bộ xích đến bộ thốn, chỉ chẩn sát 1 bộ mà phải chú ý đến tình hình cả ba bộ thốn, quan, xích như chương ‘Bình Mạch Pháp’ (TH. Luận) ghi: “Ở bộ thốn, mạch Hạ không đến bộ quan là dấu hiệu dương tuyệt, ở bộ xích, mạch Thượng không tới bộ quan là âm bị tuyệt”.
• Lai, Khứ là chỉ sự thăng giáng của mạch. Thăng giáng không cấp bách, nhẹ nhàng, điều hòa là mạch tượng của mạch không có bệnh. Mạch Lai mà Tật, mạch Khứ mà Từ là dấu hiệu trên thực dưới hư (hoặc trong hư ngoài thực). Mạch Lai mà Từ, Mạch Khứ mà Tật là dấu hiệu trên hư dưới thực (hoặc ngoài hư trong thực).
• ‘Chí Chỉ’ là chỉ vào chí và trong thời gian ngắn hay dài của các bộ mạch. Chí để chẩn mạch đến, thời gian ngắn hoặc dài của các bộ mạch. Chỉ thời gian ngắn dài ở bộ thượng có thể xét sự thịnh suy của chân dương để biện về yếu mạch của chân âm. Chỉ thời gian dài ngắn ở bộ hạ có thể xét sự thịnh suy của chân âm để biện về sự mạch yếu của chân dương”.

Ngô Hạc Cao nhận xét: “Mạch có Thượng Hạ là âm dương tương sinh, bệnh tuy nặng cũng không chết. Mạch có Lai, Khứ là biểu lý giao hòa, bệnh tuy nặng rồi cũng khỏi. Mạch không có Thượng, Hạ, Lai, Khứ thì chết đã gần ngày”.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: vetran trong 23 Tháng Hai, 2012, 09:08:27 am
*- Biện Luận Về Mạch.
Theo sách ‘Trung Y Chẩn Đoán Học Giảng Nghĩa’ thì khi biện luận về mạch cần chú ý đến hai yếu tố chính là:
- Không nên câu nệ về tính chất đặc thù của từng mạch.( trong phần này bác BS-318 chú ý các từ tôi bôi đậm)
Thí dụ: Khi nói đến biểu là phải quy về mạch Phù, nhiệt là Sác, lý là Trầm, hàn là Trì, mạch Huyền, Cường là Thực, Tế, Vi là Hư... tuy nhiên, phải cần lưu ý đến các yếu tố chân, giả.
Bàn về vấn đề này, Trương Cảnh Nhạc trong chương ‘Mạch Thần’ của bộ Cảnh Nhạc Toàn Thư đã giải thích như sau: “Mạch Phù tuy thuộc về biểu nhưng hễ âm hư, huyết thiếu, khí trung tiêu suy tổn sẽ thấy mạch Phù mà vô lực, vì vậy, không thể cho rằng mạch Phù hoàn toàn liên hệ với phần biểu. Mạch Trầm tuy thuộc về phần lý nhưng hễ ngoại tà mới cảm mà đã vào sâu thì hàn tà bó lấy kinh lạc, mạch khí không thông đạt được, sẽ thấy mạch Trầm, vì vậy, không thể cho rằng mạch Trầm hoàn toàn thuộc về phần lý. Mạch Sác là nhiệt, nhưng chân nhiệt chưa hẳn đã là Sác. Chứng hư tổn, âm dương đều bị khốn quẩn, khí huyết hỗn loạn, hư nhiều, mạch Sác cũng nhiều, vì vậy không thể nói là Sác hoàn toàn thuộc nhiệt được. Trì là hàn nhưng bệnh thương hàn, tà khí mới lui, nhiệt chưa hết, mạch phần nhiều là Trì Hoạt, vì vậy đừng cho rằng Trì hoàn toàn là hàn. Huyền, Cường thuộc Thực nhưng chân âm, vị khí hư quá và các chứng âm dương quan cách (bị ngăn trở), mạch sẽ Huyền, Cường, vì vậy Huyền cũng không hẳn là Thực, Mạch Vi, Tế thuộc hư trường hợp bị đau quá, khí bị bế, vinh vệ bị ủng trệ không thông, mạch sẽ phải ẩn nấp (Phục), vì vậy mạch Phục không phải hoàn toàn là Hư... từ đó có thể suy ra... trong các mạch đều có vấn đề”.
- Sự Khác Nhau Lúc Mới Đặt Tay Vào Mạch Và Lúc Xem Mạch Một Lúc Thật Lâu.
Có khi mạch mới xem và xem một lúc lâu có sự khác biệt. Thí dụ: Lúc mới xem thấy mạch nổi to, xem một lúc thấy mạch chìm lặng. Hoặc mới xem thấy mạch mềm nhũn, xem lâu lại thấy bật dưới tay. Có khi lúc đầu thấy mạch Huyền, một lúc sau lại là Hoãn.
Bàn về vấn đề này, Trương Đăng trong chương ‘Vấn Sơ Chẩn Cửu Án Bát Đồng Thuyết’ (CTT. Muội) nhận định rằng: “Khi chẩn mạch loại khách tà bạo bệnh mà mạch Phù là đúng. Nếu bệnh đã lâu, sức đã hư tổn, nên chẩn căn khí làm gốc. Nếu thấy Phù, Đại, ấn tay lâu thấy chìm mất, là hiện tượng chính khí quá hư, không cần hỏi là bệnh lâu hoặc mới nhiễm, tuy rằng chứng mà thấy nóng nhiều, phiền nhiễu do chính khí suy không tự chủ được mà hư dương thoát ra ngoài. Khi mới xem mạch thấy Nhu, Nhuyễn, bắt đầu thấy bật dưới tay là dấu hiệu bệnh ở phần lý, phần biểu không bệnh. Không phải tạng khí bị thụ thương thì là kiên tích ẩn phục bên trong, trường hợp này không thể cho đó là mạch Trầm mà lầm là bị hư hàn. Mới xem thấy mạch hơi Huyền, xem lâu lại thấy hòa hoãn, hễ bệnh đã lâu thì sắp khỏi, khí huyết tuy kém nhưng tạng khí chưa bại. Cách chung, mạch của người bệnh lúc mới đặt tay vào tuy thấy vô lực hoặc Huyền Tế, không hòa hoãn, xem lâu trên mười chí lại thấy điều hòa dần, thì bệnh có thể chữa. Nếu mới xem mạch thấy hòa hoãn nhưng xem lâu lại thấy Vi, Sác không ứng tay hoặc dần dần Huyền, cứng (ngạnh) thì bệnh khó chữa”.
-




Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: vetran trong 23 Tháng Hai, 2012, 09:09:22 am
 Bỏ Mạch Theo Chứng-Bỏ Chứng Theo Mạch.
(Xả Mạch Tòng Chứng - Xả Chứng Tòng Mạch)
Thông thường thì mạch và chứng tương ứng với nhau, nhưng có nhiều trường hợp mạch và chứng lại không đi đôi với nhau như dương chứng mà lại thấy mạch âm hoặc âm chứng mà thấy mạch dương... Sách ‘Y Biên’ giải thích rõ như sau: “Phàm bệnh mà và chứng không hợp thì một bên thật, một bên giả, cần phân biệt kỹ. Như bên ngoài tuy phiền nhiệt mà thấy mạch Vi, Nhược thì hư hỏa, hư tướng, lại chịu được công phạt sao?. Nên theo mạch mà chữa chứng chân hư chứ không theo chứng là giả tượng. Hoặc trường hợp bệnh vốn không có phiền nhiệt mà thấy mạch Hồng, Sác thì không phải là hỏa tà. Bệnh vốn không có trướng đầy, ứ trệ mà thấy mach Huyến, Cường thì không phải là chứng thực ở bên trong. Không nhiệt, không trướng lại có thể chịu được phép tả hay sao?. Nên theo chứng hư chứ không theo mạch giả thực... Nếu là tà làm thương tổn bên trong hoặc thực trệ, khí trệ mà bụng trên đau thắt đến nỗi mạch Trầm, Phục hoặc Xúc hoặc Kết, đó là tà bế tắc kinh lạc gây ra. Đã có chứng thực làm căn cứ thì mạch hư tức là gỉa, trường hợp này nên theo chứng chứ không theo mạch. Hoặc như bệnh thương hàn, tay chân gía lạnh, rét run mà mạch thấy Hoạt, Sác, đó là do nội nhiệt làm cách âm. Làm sao có thể biết được? Vì bệnh truyền từ kinh này sang kinh khác chứ không phải trực trúng âm kinh, từ chứng nhiệt chuyển sang hàn. Đã có mạch Sác, Hoạt làm căn cứ thì ngoại chứng là giả hư, cũng theo mạch chứ không theo chứng vậy”.
Trường hợp nào nên bỏ mạch mà theo chứng, Lê Đức Thiếp trong sách ‘Định Ninh Tôi Học Mạch’ đã nhận định:
Nên bỏ mạch theo chứng trong các trường hợp sau:( Bác BS-812 chú ý  các trường hợp này thường có đặc thù về chân mệnh hoặc khiếm khuyết về giải phẫu)
- Những bệnh mà nhận xét về mạch khó chính xác như những người không thể chỉ căn cứ vào mạch hoặc những người không có bộ mạch để xem.
- Những người thanh cao, 2 tay thường không có mạch, nếu có thì mạch đi rất êm dịu, nhẹ nhàng, bé nhỏ.
- Những người mạch tay trái thường rất nhỏ hơn tay phải hoặc ngược lại.
- Những người có mạch Phản Quan.
- Những người không may bị cụt một hoặc cả hai tay.
- Những người bị thương ngay vị trí để xem mạch.
Kính chào bác và chúc bác cập nhật được nhiều thông tin về Y HỌC DÂN TỘC.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: BS-812 trong 23 Tháng Hai, 2012, 09:11:24 am
Cám ơn bác rất nhiều
Chào bác Vệ .Định không làm phiền bác nữa ,nhưng lại cứ thắc mắc .Đó là khi ở bđ ,có ông cán bộ D có biệt danh là" hà thủ ô" (Thành hà thủ ô ) vì ông này chuyên sai cần vụ bứt 1 loại dây leo ,giống như là dây mơ lông ,dây này khi bứt ,chảy mủ trắng ,ông ấy gọi là hà thủ ô (rất nhiều người miền Nam cũng dùng và gọi là dây hà thủ ô ) ,và nấu uống ,vì ông chuyên uống loại này nên mới có biệt danh đó ;Còn theo em tìm hiểu qua các nhà thuốc đông y ,thì hà thủ ô có thân và lá gần giống dây lá giang (nấu canh chua),còn củ (dùng làm thuốc) thì giống củ khai lang đỏ ,nhưng có khía cạn .Vậy thì dùng loại dây mọc hoang có mủ mà người ta gọi là Nam hà thủ ô đó có hại gì không .Cám ơn bác


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: Đậu Thanh Sơn trong 23 Tháng Hai, 2012, 02:32:19 pm
Chà chà, nhà của vetran mới xây ngày nào mà bây giờ đã đầy đồ đạc tiện nghi sang trọng và cao cấp rồi. Cứ đà này chắc vetran sẽ xây tiếp nhiều nhà nữa đây.

Phải dành nhiều thời gian mới tham quan hết ngôi nhà của vetran. Nhưng sẽ rất lý thú vì biết đc rất nhiều kiến thức y học cả đông tây kim cổ, hihi.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: bschung trong 23 Tháng Hai, 2012, 02:43:42 pm
 Bác vetran xây nhà mới thôi ,nhà cũ đầy chật rồi ! thằng em vẫn chăm chú theo dõi ,đọc bài của bác mà chưa dám có ý kiến gì ,rất uyên thâm ,rất bổ ích bác ạ !


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: vetran trong 23 Tháng Hai, 2012, 04:37:18 pm
Thưa bác BS-812, tôi cũng có nhiều dịp tiếp cận với cây hà thủ ô. Như vậy cái cây mà bác BS-812 mô tả có lẽ không phải là Hà thủ ô, riêng cái cây có mủ trắng,  lá  và thân dây leo lá hình tim dài, có lông mịn mới là đúng. Thời gian cuối năm 1975, chúng tôi thu hái khá nhiều ở rừng Long Khánh, Bình Long. Đến cuối năm 1976 khi trung đoàn thiết giáp 26 của tôi chuyển cứ về  khu đồi cuối phi trường Biên Hòa gần ngã Tư Tân Hiệp, tôi thấy người dân đi đào củ hà thủ ô và thu hoạch khá nhiều, có củ dài tới cả mét, nhưng không thể lấy nguyên củ vì đây là khu đồi trọc, đấtrất cứng. So sánh với loại cây của anh Thành cán bộ D chỗ bác là chính xác, chứ cái cây bác tìm hiểu ở hiệu thuốc là không phải. Tôi xin đưa những thông tin này về hai loại hà thủ ô( Trắng và đỏ tôi đã gặp và trong dân sử dụng nhiều. và cả gia đình tôi thường sử dụng cùng với lá đinh lăng phơi  khô, nếu nấu nước uống hàng ngày thì không cảm được vị, nhung loại củ thái phơi khô ngâm rượu hoặc sắc uống thì nhẫn nhẫn đắng. Tôi không biết bác chứng kiến các bác khác sao chứ tôi ngoài tuổi “Tri thiên mệnh” nhưng đố bác tìm thấy một sợi tóc bạc (mà nhất định không nhờ mấy em nhổ bằng răng đâu nha. Chúc bác khỏe và tìm hiểu thêm.


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: vetran trong 23 Tháng Hai, 2012, 04:39:08 pm
Hà Thủ Ô còn có tên khác: Dạ giao đằng
 
. Là một loại Dây leo, sống nhiều năm. Thân rễ phồng thành củ. Thân quấn, mọc xoắn vào nhau, mặt ngoài thân có màu xanh tía, nhẵn, có vân. Lá mọc so le, có cuống dài. Phiến lá hình tim, dài 4 - 8cm, rộng 2,5 - 5cm, đầu nhọn, mép nguyên hoặc hơi lượn sóng, cả hạị mặt đều nhẵn. Bẹ chìa mỏng, màu nâu nhạt, ôm lấy thân. Hoa tự chùm nhiều nhánh. Hoa nhỏ, đường kính 2mm, mọc cách xa nhau ở kẽ những lá bắc ngắn, mỏng. Bao hoa màu trắng, 8 nhụy (trong số đó có 3 nhụy hơi dài hơn). Bầu hoa có 3 cạnh, 3 vòi ngắn rời nhau. Đầu nhụy hình mào gà rủ xuống. Quả 3 góc, nhẵn bóng, đựng trong bao hoa còn lại, 3 bộ phận ngoài của bao hoa phát triển thành cánh rộng, mỏng, nguyên.
Dược liệu: Rễ củ hình tròn, dài, không đều, củ nhỏ để nguyên, củ to bổ đôi theo chiều dọc, hay chặt thành từng miếng to. Mặt ngoài có những chỗ lồi lõm do các nếp nhăn ăn sâu tạo thành. Mặt cắt ngang có lớp bần mỏng màu nâu sẫm, mô mềm vỏ màu đỏ hồng, có nhiều bột, ở giữa có ít lõi gỗ. Vị chát.

 thường dùng Rễ củ phơi hay sấy khô của cây Hà thủ ô đỏ (Fallopia multiflora (Thunb.) Haraldson).
bác cũng biết  Cây này mọc hoang ở hầu hết các tỉnh miền núi từ Nghệ An trở ra, có nhiều ở Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, một số tỉnh khác như Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoà Bình có số lượng ít hơn. Hiện nay, Hà thủ ô được trồng ở nhiều nơi vùng ở phía Bắc (Vĩnh Phú) và cả ở phía Nam, cây mọc tốt ở Lâm Đồng, Đắc Lắc, Phú Yên, Bình Định.
Thường thì thu hoạch vào mùa thu, khi lá khô úa, đào lấy củ cắt bỏ hai đầu, rửa sạch, củ to cắt thành miếng, phơi hay sấy khô. Nếu đồ chín rồi phơi thì tốt hơn.
Tác dụng dược lý của hà thủ ô
+ Hà thủ ô có tác dụng hạ Cholesterol huyết thanh, được chứng minh rõ trên mô hình gây cholesterol cao ở thỏ nhà, thuốc còn có tác dụng làm giảm hấp thu cholesterol của ruột thỏ, theo tác giả, thuốc có thành phần hữu hiệu kết hợp với cholesterol (Tân y học, 5 - 6, 1972). Thuốc có tác dụng phòng chống và giảm nhẹ xơ cứng động mạch. Có thể tác dụng giảm xơ cứng động mạch và do thuốc có thành phần Lecithin (Tân y học, 5 - 6, 1972).
+ Thuốc làm chậm nhịp tim. Làm tăng nhẹ lưu lượng máu động mạch vành và bảo vệ được cơ tim thiếu máu.
+ Thuốc giữ được tuyến ức của chuột nhắt già không bị teo mà giữ được mức như lúc chuột còn non, tác dụng này có ý nghĩa chống lão hóa nhưng cơ chế còn cần nghiên cứu thêm.
+ Thuốc có tác dụng nhuận tràng do dẫn chất oxymethylanthraquinone làm tăng nhu động ruột (Trích yếu văn kiện nghiên cứu Trung dược - Nhà xuất bản Khoa học xuất bản 1965, trang 345 - 346). Hà thủ ô sống có tác dụng nhuận tràng mạnh hơn Hà thủ ô chín.
+ Tác dụng kháng khuẩn và virus: thuốc có tác dụng ức chế đối với trực khuẩn lao ở người và trực khuẩn lỵ Flexner. Thuốc có tác dụng ức chế virus cúm (Học báo Vi sinh vật 8,164, 1960).


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: vetran trong 23 Tháng Hai, 2012, 04:40:19 pm
Các chất hoá học được phân lập: Thân rễ Hà thủ ô chứa antranoid, trong đó có emodin, chrysophanol, rhein, physcion; protid, tinh bột, lipid, chất vô cơ, các chất tan trong nước, lecitin, rhaponticin (rhapontin, ponticin). 2,3,5,4 tetrahydroxytibene -2-O-b-D-glucoside. Tanin
- Công dụng: Bổ huyết giữ tinh, hoà khí huyết, bổ can thận, mạnh gân xương, nhuận tràng.
- Công dụng: Bổ máu, trị thần kinh suy nhược, ngủ kém, sốt rét kinh niên, thiếu máu, đau lưng, mỏi gối, di mộng tinh, bạch đới, đại tiểu tiện ra máu, mẩn ngứa. Uống lâu làm đen râu tóc đối với người bạc tóc sớm, làm tóc đỡ khô và đỡ rụng.
- Cách dùng, liều lượng: 12-20g một ngày, dạng thuốc sắc, thuốc bột, rượu bổ. Trước khi dùng phải chế biến, phụ liệu chính là đậu đen.
- cách chế Hà thủ ô: Rửa sạch củ, ngâm nước vo gạo 1 ngày 1 đêm, sau đó rửa lại. Đổ nước đậu đen cho ngập (cứ 1 kg Hà thủ ô cần 100 g đậu đen, 2 lít nước, nấu đến khi đậu đen nhừ nát), nấu đến khi gần cạn, cần đảo luôn cho chín đều. Khi củ đã mềm, lấy ra, bỏ lõi (nếu có). Thái hoặc cạo mỏng rồi phơi khô lấy vải mỏng lọc nước cốt, nấu thành cao, thêm 1/2 lít mật ong, nấu lại thành cao, để trong thố đậy kín, mỗi lần dùng 1 muỗng canh, dùng được lâu mới công hiệu


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: vetran trong 23 Tháng Hai, 2012, 04:40:59 pm
****Hà thủ ô trắng, Dây sữa bò - Streptocaulon juventas Merr., thuộc họ Thiên lý - Asclepiadaceae. Là một loại dây leo bằng thân quấn dài 2-5m. Vỏ thân màu nâu đỏ, có nhiều lông mịn. Lá mọc đối, phiến lá nguyên, hình bầu dục, chóp lá nhọn, gốc lá tròn, dài 4-14cm, rộng 2-9cm. Hoa nhỏ, màu lục vàng nhạt, mọc thành xim ở nách lá. Quả gồm 2 đại xếp ngang ra hai bên trông như đôi sừng bò. Hạt dẹt mang một mào lông mịn. Toàn cây có nhựa mủ màu trắng như sữa.  Bộ phận dùng: Rễ củ - Radix Streptocauli Juventatis. Nơi sống và thu hái: Cây của miền Đông Dương, mọc hoang rất nhiều ở vùng đất cao, đồi gò, rừng thứ sinh, đặc biệt là trên các nương rẫy đã bỏ hoang hoặc mới khai hoang. Cây tái sinh khoẻ. Thu hái rễ củ quanh năm. Rễ đào về, rửa sạch, thái lát dày khoảng 3cm, phơi hay sấy khô. Có thể ngâm nước vo gạo một đêm trước khi phơi hay sấy khô.
Thành phần hóa học: Rễ củ chứa tinh bột, nhựa đắng, tanin pyrogalic và một chất có phản ứng alcaloid có tinh thể chưa xác định.
Tính vị, tác dụng: Hà thủ ô trắng có vị đắng chát, tính mát; có tác dụng bổ máu; bổ gan và thận.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường dùng chữa thiếu máu, thận gan yếu, thần kinh suy nhược, ăn ngủ kém, sốt rét kinh niên, phong thấp tê bại, đau nhức gân xương, kinh nguyệt không đều, bạch đới, ỉa ra máu, trừ nọc rắn cắn, bạc tóc sớm, bệnh ngoài da mẩn ngứa. Có nơi còn dùng củ và thân lá của cây để chữa cảm sốt, cảm nắng, sốt rét. Có người còn dùng dây sắc lấy nước cho phụ nữ sinh đẻ thiếu sữa uống cho có thêm sữa. Cây lá cũng được dùng đun nước tắm và rửa để chữa lở ngứa. Người ta còn dùng củ chữa cơn đau dạ dày.
Cách dùng: Thường dùng mỗi ngày 12-20g dạng thuốc sắc. Có thể nấu cao hay ngâm rượu uống. Cành lá dùng với liều lượng nhiều hơn. Người ta cũng thường chế Hà thủ ô trắng cũng như Hà thủ ô đỏ.
Đơn thuốc: Bồi dưỡng cơ thể, tăng cường sức lực, chữa đau lưng mỏi gối; giúp ăn ngủ được: Đậu đen 50g, Đậu đỏ 10g, Đỗ trọng dây 50g, Ráng bay 15g, Củ sen 50g, Bố chính sâm 15g, Hà thủ ô trắng (sao muối) 50g, Phục linh 15g. Các vị hiệp chung, tán làm viên hoàn, mỗi lần uống 3g, ngày uống 3 lần. (Kinh nghiệm ở An Giang).
Kiêng kỵ: Không dùng Hà thủ ô trắng đối với người hư yếu, tạng lạnh, đồng thời kiêng ăn tiết canh lợn, cá, lươn, rau cải, hành tỏi.
Xin chào bác


Tiêu đề: Re: Tâm sự đời tôi.
Gửi bởi: binhyen1960 trong 23 Tháng Hai, 2012, 05:12:32 pm
 Topic đã vừa đủ 60 trang. BY xin được khóa lại. ;D

 Mời bác quân y vetran mở topic mới. Xin trân trọng gửi tặng đến vợ chồng bác vetran Anh Thơ những bó hoa đẹp nhất ;D

(http://i973.photobucket.com/albums/ae216/hieu1960/SAM_0195.jpg)