Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 09:24:49 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tâm sự đời tôi.  (Đọc 200141 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #120 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2011, 07:01:33 pm »

-  Lúc này, chiến sự đã giảm căng thẳng, một số đơn vị ở mặt trận 479 cũng triển khai nấu cao trăn, có mấy đơn vị nhờ tôi hướng dẫn kĩ thuật nên được nhận thù lao cũng kha khá. Từ thời gian này đã có khá nhiều tiền Riel và tôi mua sắm đủ thứ cho cá nhân vì chỗ đóng quân gần chợ SiemReap, hàng hóa theo đường tiểu ngạch từ Thailand đổ vào rất phong phú. Thời gian bắt đầu rảnh rỗi tôi thăm thủ phủ SiemReap cổ, thăm dinh Norodom là nơi ở của một bà thiếp của Samdec quốc trưởng Norodom Sihanuc, tôi còn có dịp làm quen với đồng nghiệp tại quân y viện 7E .v.v.Và địa điểm thăm cuối cùng ở cố đô Siemreap làm tôi suy nghĩ mãi sau đó (Trại nuôi sấu, chứng tích diệt chủng). Diện tích trại này rất lớn nằm trên trục đường chính từ nội thành ra cảng, trong đó có rất nhiều sấu, trung bình khoảng hơn hai tạ một con, lưng to như mặt bàn gỗ, mốc xám hoặc xanh đen lởm chởm gai, luôn thở phì phò, cặp mắt đỏ hoặc vàng lim dim ngủ dưới những đáy hồ xây bằng đá thẳng đứng sâu khoảng hai mét, bên trên là những đường bê tông hai bên có lan can chắc chắn an toàn cho người tham quan. Nhân viên chăm sóc tung những con cá tươi bốn năm kg xuống hồ, du khách chỉ nghe một tiếng bộp nhỏ là mất tích con cá, lúc ấy sấu chỉ mở hé mắt trong khoảnh khắc rồi lại lim dim, thâm chí có con chỉ mở một bên mắt, nhìn chúng tàn ác quái dị. Nhưng cái gây cảm giác khủng khiếp nhất khi nghe thuyết minh của hướng dẫn viên khu di tích: Trước đây thức ăn chính hàng ngày của sấu là người lớn và trẻ em còn sống bị bọn thợ chăn nuôi (cũng là đao phủ) đẩy xuống hồ cá sấu vào giờ ăn mỗi buổi chiều trong thời cai trị của bọn diệt chủng để con mồi tự chống chọi trong tuyệt vọng trước khi bị ăn thịt. Bên cạnh, trong tấm bia lớn những bức ảnh sao chép cảnh cho sấu ăn và một danh sách kèm ảnh mồi cá sấu là hàng trăm người dân vô tội. Trong thời gian công tác sau này, đi nhiều nơi, nhiều tỉnh, thấy rất nhiều trại nuôi cá sấu qui mô như vầy để nhân giống xuất khẩu Sấu nhỏ từ ba kg trở xuống. chứng kiến người Việt Nam mua cả bè có hàng ngàn con về nước nuôi hay buôn đi nơi khác, là cá nhân thương buôn hay có tổ chức của nhà nước ta không thì tôi không rõ. Ở những trại sấu này không nghe người ta đề cập đến chuyện nuôi sấu bằng người sống như ở Siemreap. (Cũng như nhà tù Toulsleng và các chứng tích vật thể tương tự. Có lẽ ngày nay chính phủ Kampuchea không để tồn tại chúng nữa vì nó gợi lên sự đau thương tang tóc quá lớn). Cũng tại Siemreap một ghi nhận về tập quán của người Khơ me việc tống táng người thân mà trong thời gian thực tập quân y tiểu đoàn ở Komponspeu chưa có dịp tìm hiểu. Đó là hỏa táng ngay tại sân chùa bằng cách gác chéo cây khô thành hình cái máng, sau đó đặt thi thể người thân lên rồi xếp củi vào đốt. Con cháu ngồi xung quanh châm củi, ca hát ăn cá lóc nướng trui trên những ngăn nhỏ bằng kim loại đựng than hồng bên cạnh và uống nước thốt lốt chua có men say êm như bia tươi. Các Tăng Lữ cử hành tụng niệm cầu siêu cho người chết và đặc biệt là con cháu người đã khuất lấy việc người thân ra đi là niềm hạnh phúc theo quan niệm tôn giáo (sống gửi thác về), cho nên bất cứ sân chùa nào cũng thường xuyên có đám cỏ cháy loang nổ là vết tích các đám thiêu. Đơn vị ở cạnh một ngôi chùa rất lớn nên tuần nào cũng vài lần được ngửi mùi khét khét thơm thơm. Sau ba ngày, con cháu bới tro nhặt cốt cho vào bình gắn xi lại, các thầy Tăng làm nghi lễ rước cốt vào chùa. Chiều rảnh việc chúng tôi thường qua chùa coi kiểu hỏa táng kì lạ này. Qua tìm hiểu những năm sau này, thấy cách hỏa táng trên là phổ biến ở nhiều nơi, nhất là vùng sâu vùng xa, là tập quán lâu đời có lẽ đã ăn sâu trong tiềm thức cá nhân và đời sống sinh hoạt cộng đồng cho lên họ thực hiện những công việc này một cách bình thản và thoải mái tinh thần, nhưng rõ ràng rất mất vệ sinh. Cách hỏa táng theo kiểu hiện đại trong Đài trong Điện chỉ có ở thủ đô và các thành phố lớn đối với các đẳng cấp xã hội cao và người giàu có.
Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #121 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2011, 07:04:18 pm »

-  Mùa khô đến, cũng là lúc tôi nhận lệnh rút khỏi SiemReap cùng với toàn bộ trạm chốt trở về thủ đô Phnompenh trong niềm vui mỹ mãn khi hoàn thành nhiệm vụ cùng thành quả vật chất đạt được cho riêng mình. Tôi chuyển cho về quân y đơn vị hàng trăm lít mỡ trăn làm thuốc chữa bỏng. Từ đây cuộc đời chiến sĩ của tôi rẽ vào bước ngoặt mới, sau chuyến công tác được phong hàm chuẩn úy và bằng khen của cục vận tải, thủ trưởng đơn vị ra quyết định điều động về ban quân y trung đoàn và từ nay trở thành (lính cơ quan). Đây vừa là nguyện vọng vừa là cơ hội thăng tiến để rồi chỉ ba tháng sau đó lại khoác ba lô lên đường trên tư thế của đối tượng phát triển Đảng. Tôi cùng  đoàn công tác của trung đoàn 685 đi Culeng khai thác gỗ làm hệ thống doanh trại giao liên trên chiến trường Đông Bắc Kampuchea.
Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #122 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2011, 07:08:32 pm »

VII/ Thử thách
-Chuyến công tác này thực sự nhớ đời vì tính khốc liệt của mặt trận. Nhiệm vụ của tôi trong đợt công tác này không phải đi thực hiện chức trách một sĩ quan quân y, không đảm bảo nhu cầu y tế cho đoàn mà cũng như các đồng chí khác, ngày ngày vào rừng khai thác gỗ, đêm canh gác bảo vệ đoàn công tác, đồng thời sẵn sàng chi viện bảo vệ các đoàn xe vận tải của các trung đoàn bạn E33 và E 684 vận chuyển vũ khí khí tài cho mặt trận phía Đông. Thời gian chậm chạp trôi đi, chỉ bình minh ngày hôm sau mới biết mình còn sống bởi vì đoàn công tác luôn sống trong hoàn cảnh một đất nước  địch là dân, dân là địch tùy lúc. Bất cứ ngày đêm trên lối giao thông độc đạo, người dân vác súng chống tăng B40, súng tiểu liên AK 47, lựu đạn các loại đeo cùng mình đi ngời ngời ngoài đường chính và các nhánh từ rừng sâu ra, vừa vẫy tay chào xe quân Việt Nam qua đấy, nhưng cũng sẵn sàng kê súng chống tăng lên vai...Phụt. Đoàn xe của trung đoàn bạn chung cục vận tải chở vũ khí khí tài, lương thực cho mặt trận phía Đông đi vào đường xuyên rừng qua nơi trạm chốt vài cây số bị địch bắn xe đầu, xe cuối thì rơi vào thế (tiến thoái lưỡng nan). Địch túa ra từ hai bên rừng tung các loại hỏa lực vào đoàn xe. Khi chúng tôi triển khai đội hình đến thì không kịp...Đau đớn khủng khiếp trước những gì bày ra trước mắt chúng tôi, nhưng muộn quá rồi, mất một số sinh mạng mà xe cộ hàng hóa còn nguyên vì chúng phát hiện quân ta truy kích (quân MT 479) nên vội vàng rút lui.
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Mười Hai, 2011, 04:54:11 pm gửi bởi vetran » Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #123 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2011, 07:10:28 pm »

. Thời gian này nhận được được tin Đông (em trai kế) thuộc công an vũ trang quân khu V đang đồn trú tại đền Preah Vihear  tức đền vàng đang tranh chấp giữa Thailand và Kampuchea, nay thêm tàn quân Khơ Me đỏ ẩn náu, giữa nơi hỗn quân loạn quan này không thể hy vọng gì tốt đẹp. Tôi đã rất lo lắng cho em trai nay cộng với tình hình chiến sự ngày càng ác liệt của một cuộc chiến bắt buộc, một cuộc chiến không qui ước, hầu như toàn bộ đoàn công tác đều bị căng thẳng thần kinh quá mức. Tôi đã hút thuốc lá, mà nói thuốc lá cho oai chứ chiều nào mấy đồng đội cũng chổng mông chui vào gầm sạp ngủ tìm cào cào (tức là tìm các đầu mẩu thuốc người ta hút rồi bỏ đi trước đó) mở ra gôm lại cuốn vào giấy báo cũ rồi chuyền nhau hút vừa khét vừa ho nhưng bớt lo âu trầm cảm. Thời gian tiếp theo mấy chiến sỹ còn phát hiện loại cây lạ, ngắt lá phơi khô bóp vụn ra quấn hút rất mê (sau này trở về Phnompenh tôi không hút thuốc lá và đồng thời phát hiện cái cây ở rừng trước đây là cây cần sa, có lúc tôi lầm tưởng cây thanh hao). Ngày đó đứng trước nhiệm vụ, có lệnh là đi, là thi hành, không còn thời gian suy tính, không ý thức nhiều về động cơ hay mục tiêu phấn đấu nhằm đạt về quyền lợi chính trị, vật chất hay tinh thần. Sau trận tập kích vào đơn vị bạn gây thương vong lớn vừa rồi, mặt trận 479 đã tăng cường lực lượng bảo vệ hệ thống vận tải quân sự chặt chẽ hơn nên cũng yên tâm phần nào nhưng những cái chết lẻ tẻ vẫn diễn ra đều, như hôm rồi, cùng với mấy đồng đội nhận thi hài tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 649, thiếu tá Hồ Xuân Sơn cùng ba đồng chí nữa bị địch tập kích ở Kratie trên đường đi thị sát tuyến vận tải. Sau 4 ngày để anh trên boong tàu, thi hài đã có mùi do vậy tôi cho tắm rửa xử lý nhanh với cỗ áo quan gỗ tạp mỏng manh  đưa Anh về gửi tạm trong phòng lạnh nhà đại thể quân y viện 175 để sáng hôm sau toàn đơn vị tiễn anh ra nghĩa trang thành phố.
Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #124 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2011, 07:15:23 pm »

. Rồi cái gì đến nó cũng đến, sau chuyến công tác đó được khen thưởng, được cử về Việt Nam học chính trị về công tác thanh niên. Giữa lúc đơn vị bề bộn công tác vận tải phục vụ toàn chiến trường thì tôi lại ung dung ngồi trên ghế nhà trường nơi phố thị với những bài giảng khô khan về triết học, kinh tế học chính trị, xã hội học và chiến lược quân sự đông Nam Á – Thái Bình Dương thế kỉ XX .Thời gian kế đó tôi tham gia lớp cán bộ đoàn cơ sở cấp trung đoàn tại tiền phương cục vận tải trong cổng Phi Long sân bay TSN và cũng từ đó ngoài chuyên môn quân y, tôi còn mê làm chính trị. (Năm1985 về Việt Nam, 26 tuổi tôi là liên chi ủy viên, bí thư chi bộ tiểu đoàn bộ gồm toàn bộ là sĩ quan chỉ huy). Trở lại Phnompenh được xắp xếp ở một phòng với đại úy bác sĩ Mười Điệu chủ nhiệm quân y trung đoàn trong căn biệt thự khá đẹp được xây dựng từ thời Pháp trong quần thể kiến trúc của tu viện Thiên Chúa giáo, nơi ban hậu cần đóng quân. Từ cửa sổ nhìn qua những cành phượng vĩ đang vào mùa với những chùm hoa đỏ thắm bên dưới là triền tonlesap xanh ngắt những luống rau tăng gia của đơn vị .
Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #125 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2011, 07:33:18 am »

. Với kĩ năng mới, tôi thực hiện công tác quân y tại trung đoàn bộ kiêm thường vụ đoàn cơ sở trung đoàn, kiêm bí thư chi đoàn phòng hậu cần với tất cả tinh thần sôi nổi của tuổi trẻ và ý thức trách nhiệm trước việc chăm sóc sức khỏe cán bộ chiến sỹ đơn vị với tâm thế rất tự tin phấn khởi. Tôi sống hòa đồng, cầu tiến và có khả năng tập hợp quần chúng khá, mấy anh trong ban cán bộ và tuyên huấn gọi đùa tôi là (mỳ chính cánh) với nhiều ẩn dụ. Sau những biến cố liên tiếp đến với mình trong cảnh giác lo âu nguy hiểm bất an của chiến tuyến. Nay những ngày đầu trở về cơ quan trung đoàn bộ, sống trong không khí nhộn nhịp phố thị và cái cảm giác được an toàn hơn tạo cho tôi nhiều phấn khích, buổi tối tôi đi dạo một vòng ngay triền sông đang mùa nước cạn phía trước đơn vị, với diện tích rộng chừng năm hecta, người dân gọi là Xatuimotle tức là (chợ nhỏ bờ sông). Tôi phát hiện ra nhiều cái lạ lẫm trong sinh hoạt ẩm thực của dân bản địa và dân nhập cư như: dọc chợ, các chị các cô có một khay nhôm dài hơn nửa mét đầy than đước cháy đỏ, xung quanh có ba cái ghế dài bằng gỗ tạp đóng tạm, chỉ cao hơn mặt đất mười phân cho khách ngồi. Trên khay than hồng, gác ngang hàng chục con cá lóc mỗi con chừng hơn nửa cân có cái que chọc vào miệng, nước nhỏ xuống than xèo xèo khói um, phần vảy vây mang được nướng cháy đen nhưng trong đó là lớp thịt cá trắng phau, khi nướng nước ngọt rút hết vào phần thịt cá, bóc vỏ ngoài, xé thịt chấm muối dầm nước me ớt xay, đưa vào miệng nhai mấy cái là cảm nhận được vị ngọt lịm thơm phức chua chua cay cay dai dai, rồi uống một hơi hết cốc nước thốt nốt chua làm bằng ống tre. Chỉ với năm Riel cũng đủ đê mê trong không gian náo nhiệt của hàng trăm người thưởng thức, bên ánh sáng những chiếc đèn hột vịt và ánh sáng bàng bạc của đèn cao áp mé lộ 5 hắt lại, thỉnh thoảng có luồng gió mát rượi từ dòng Tonlesap thổi qua mà có lẽ nơi tiên giới cũng chỉ đến vậy.
Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #126 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2011, 07:34:06 am »

. Còn nữa, buổi trưa các bà khuấy thùng nước muối cho tan rồi đổ hàng chục cân con hến vào ngâm, chừng tiếng sau đưa ra phơi dưới trời nắng gắt hai tiếng trên tấm nilon cũ hoặc cái chiếu rách tại triền sông để đến tối dùng lá sen gói từng gói bán cho khách nhâm nhi như cắn hạt dưa với cái vị ngọt ngọt, mặn mặn, tanh tanh của nước hến màu trắng đục, hoặc món hạt dẻ ngâm nước muối, rang khô cho muối bám một lớp mỏng nhẹ ngoài vỏ, ăn vào có cảm giác béo ngậy mặn mặn bùi bùi mà hai món này các cô gái thưởng thức rất điệu nghệ khi cho nguyên con hến hay hạt dẻ vào miệng, dùng môi lưỡi đảo qua đảo lại chép chép miệng, xong cầm ca nước thốt nốt ngọt tu ực ực kết thúc món khoái khẩu, ngoài ra còn một số cách ăn chơi giải trí khá ngộ nghĩnh khác của dân chợ, tôi cũng từng nếm thử nhưng món cà tím nướng than, dùng tay véo từ cuống trái rồi lột ra, hơi nước nóng hổi bốc nghi ngút mùi oi khói, rồi nhúng đẫm vào tô mắm bò hooc đưa lên miệng cắn ngang nhai ngon lành thì tôi chịu không dám thưởng thức vì thấy nó có mùi rất đặc trưng của cá ngâm sình mủn bẩn bẩn sao ấy.
Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #127 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2011, 07:39:56 am »

. Nhắc lại đồ uống dân dã là nước thốt nốt ngọt, và chua (dân gọi là tức thốt nốt chu êm) họ dùng những cây tre rừng phát lá, chừa những cành nhỏ hai bên như xương cá rồi bó sát vào thân cây thốt nốt tạo thành cái thang trèo lên đỉnh ngọn và cắt đầu bông thốt nốt rồi cho vào những ống tre dài cỡ nửa mét treo đó cho nước thốt nốt chảy vào, hàng ngày thu về đổ tập trung vào những cái chum vại lớn nấu trong chảo lthành loại đường sền sệt rồi đổ vào khuôn theo hình oval, có màu vàng nhạt, vị ngọt dịu, họ xếp đường thành cây dài như bánh tét, gói trong lá thốt nốt khô và vận chuyển đi tiêu thụ ở khắp nơi, thời gian thu hoạch vào suốt mùa khô. Ngoài sản xuất đường, mỗi nhà dân không quên chừa lại vài ống tre làm nước giải khát ngọt mát. Cũng những ống tre đó trước khi hứng nước ngọt tiết ra từ hoa thốt nốt, dân bỏ vào ống tre vài lát vỏ cây rừng và ngày hôm sau lên men thành loại nước thốt nốt chua, uống vào có vị ngọt chua cùng cái say đê mê khó tả.
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Mười Hai, 2011, 07:54:44 am gửi bởi vetran » Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #128 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2011, 07:41:25 am »

. Tuần trước có một sự việc bất thường, buổi sáng một ngày cuối tuần, điện của cảnh vệ báo có khách. Ra nhà trực gặp một sĩ quan lạ đang chờ và mời về cơ quan đại diện cục quân báo sau khi đứng nghiêm chào. Chà chuyện gì đây? Đang phân vân thì vị sĩ quan nói: Trưởng phòng hành chính cơ quan đại diện tiền phương cục, thiếu tá Chiến mời anh. À ra vậy! Vì nghĩ là bạn đồng hương nên tôi không chuẩn bị thêm và lên  xe ngồi giữa hai cảnh vệ bồng súng, tôi có cảm giác như mình bị bắt. Tới khu nhà khách gần điện Chamcamon. Bước xuống xe đi giữa hai hàng vệ binh bồng súng chào, tôi tới quầy Reseption, một nữ thiếu úy cài lên áo tôi một phù hiệu và một đại úy đứng ngoài thềm tươi cười bắt tay và mời vào hội trường, trong khi mình chỉ là một thiếu úy quân y quèn, may hôm ấy lại mặc thường phục. Hội trường là một sảnh tiệc với tất cả cái gì hiện có trong đó chưa bao giờ tôi từng thấy, trên các vòm sảnh mang đậm nét kiến trúc gotic thế kỉ 18 là những dãy đèn chùm pha lê, bàn gỗ sồi, ghế bọc nhung, dụng cụ ăn uống láng bóng phản chiếu ánh sáng vàng nhạt, tiệp với màu Bordeaux của thảm dưới chân. Thực khách thuộc đa quốc gia trong đó tôi nhận ra chắc chắn có người Nga và Pháp, còn lại đa số sỹ quan Việt Nam và Campuchea. Ngó trước nhìn sau không thấy Chiến (cùng nhập ngũ, nhà ở làng Hồng Kỳ) bạn mình đâu, mà cũng không thể hỏi ai trong một không gian tràn ngập sự ngỡ ngàng xa lạ cộng với cảm giác kỳ kỳ. Xong bữa tiệc, phần lớn thực khách theo các sĩ quan hướng dẫn ra xe hơi, có đoàn phía trước xe hụ còi ưu tiên mở đường tiễn khách Đông Âu. Tôi bước ra tiền sảnh, cũng sĩ quan đó nhưng xe, lái xe và hai vệ binh khác đưa tôi về tới cổng trung đoàn và tạm biệt. Cả lúc đón, lúc trả về gần như không ai trao đổi  gì ngoài mấy câu chào xã giao. Tôi về phòng nghỉ chếnh choáng men Champange suy nghĩ có gì đó không ổn. Một tuần sau mới được biết cơ quan đại diện cục II tổ chức mừng công và tôi được mời tiệc do sự lạm quyền của bạn. Trưởng ban tổ chức, thiếu tá Đặng Đình Chiến.
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Mười Hai, 2011, 07:49:01 am gửi bởi vetran » Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #129 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2011, 06:28:33 pm »

ANH THƠ viết tiếp:Thời gian công tác tại trung đoàn bộ 685. Tôi nhận thấy, trong ban chỉ huy, mỗi người một phong thái, một tính cách khác nhau, nhưng tôi nhớ rất nhiều, người thủ trưởng liêm khiết, tận tụy, không hề nghĩ gì cho riêng mình ở cuộc sống riêng tư. Trong chỉ huy, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ thì cứng rắn, kiên quyết, nhưng cũng rất đỗi thấu hiểu tâm lý tình cảm và diễn biến bức xúc tư tưởng của thuộc cấp. Đại tá Huỳnh Cao Sơn. Có những buổi sáng, tôi đi khắp các phòng ban kiểm tra tình hình sức khỏe cán bộ chiến sĩ trong đơn vị. Tới phòng thủ trưởng thì thấy mớ chăn mỏng manh nhăn nheo nhỏ xíu rung bần bật giữa giường. Thủ trưởng sốt suốt đêm mà không muốn làm phiền quân y, trong khi đó cận vụ là hạ sĩ Mậu thì đang tuổi ăn tuổi ngủ, cũng chẳng chú ý gì. Đã nắm chắc căn bệnh sốt rét trở lại dày vò cái thân thể teo tóp của Ông theo định kỳ mỗi tháng nên việc điều trị cắt cơn không có gì phức tạp, nhưng Ông kiên quyết không chấp nhận lới khuyên của quân y là cần đi viện điều trị, buộc tôi phải báo cáo trung úy Tiến trưởng ban hành chính can thiệp thì Ông viện lý do "tình hình bảo đảm hậu cần cho mặt trận diễn biến phức tạp khôn lường" Thủ trưởng không thể vắng mặt lúc này. Tôi báo các chị nuôi quân nấu bát cháo nhiều thịt bồi dưỡng cho ông khỏe, Ông cũng không đồng ý, thâm chí Ông cũng rất ít để Mậu phải đưa cơm về phòng mà thường xuyên tự mình xuống bếp ăn tập thể ăn chung với các sĩ quan khác. Giờ đây Ông đã trở thành người thiên cổ. Cháu xin kính cẩn nghiêng mình trước vong linh chú...
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Mười Hai, 2011, 06:20:24 am gửi bởi vetran » Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM