Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Năm, 2024, 01:07:36 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tâm sự đời tôi.  (Đọc 200580 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2011, 08:06:39 pm »

 Cảm tạ cha mẹ đã sinh con ra đời
cảm ơn Quân Đội Nhân Dân Việt Nam đã nuôi dưỡng rèn luyện bản lĩnh, kỷ luật, ý chí chiến đấu và trang bị  tri thức làm hành trang vào đời để tôi phấn đấu trưởng thành.
Chân dung người chiến sĩ quân đội nhân dân mãi mãi trong trái tim tôi.
                              

                                    

                                    Phi lộ

 - Trong cuộc đời. Trước hết, ai cũng có một quê hương. Dù may mắn thành đạt, Hoặc thăng trầm bôn ba vất vả. Đến một lúc nào đó khi gối mỏi chân chùn, nhất là sau tuổi ‘Tri thiên mệnh’. Muốn viết cái gì đó giữ lại những kỉ niệm đã qua để thanh thản mãn nguyện, hoặc chấp nhận chông gai trên bước đường còn lại với những Tham, Sân, Si - Ái, Ố, Hỷ, Nộ của nhân tình thế thái. Đặc biệt những cuộc đời tha hương.
 
  - Tôi không thoát khỏi cái qui luật tâm lý đó. Những điều ghi lại là những kí ức, những thực tế đã qua và những thông tin trao đổi với người thân, bạn bè mang tính ôn lại kỷ niệm của một thời mình trải nghiệm ở nhiều nơi, nhiều lúc khác nhau không chỉ gói gọn nơi chôn nhau cắt rốn hoặc mọi miền đất nước mà còn vượt qua cả biên giới quốc gia, trong đó mình là một trong hàng ngàn nhân chứng, thậm chí còn đóng vai trò chủ thể ở những biến cố đó trong xã hội, trong cuộc sống tha hương. Tuy nhiên kí ức chỉ là nhận thức của mỗi cá nhân, thậm chí nhận thức ấy đã trải qua thời gian quá dài và phôi phai trong tâm thức, cũng đồng thời thực tế đã đổi thay phát triển như vũ bão cùng không gian và thời gian. Nay ngồi hồi tưởng lại, ghi lại cho mình thôi, cũng không tránh khỏi thiếu sót. Hơn nữa đây chỉ là hồi tưởng và ghi chép những chi tiết vụn vặt rất đời thường đến và đi với một cá nhân bình thường mà những ghi chép này không theo văn phong văn pháp nào qui định vì tôi không có chút ít năng khiếu văn chương gì nhằm diễn đạt tư duy bằng ngòi bút.
  Anh em bạn bè, ai đó có xem những ghi chép này xin lượng tình chiếu cố góp ý bổ xung những thông tin chưa chính xác và coi như giải trí một vài trống canh.
                                        
                     I/ Quê hương - tuổi ấu thơ
- Song thân tôi sau nhiều năm tha phương tìm kế sinh nhai, bôn ba đủ nghề khắp chốn cùng nơi, may thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong nạn đói Ất Dậu (1945). Nhưng tứ thân phụ mẫu, hai người em và những người thương yêu của bố mẹ không được may mắn ấy. Sau khi gửi thân xác những người ruột thịt trong lòng đất lạnh quê người. Bố tôi tiếp tục lăn lộn tìm kiếm nguồn sống, nuôi dạy những người em còn lại. Thời gian tiếp theo bố tôi tham gia hoạt động cách mạng ở vùng mỏ than Quan Triều - Quảng Ninh. Sau đó ông gia nhập quân đội, trở thành sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam, mang hàm đại đội bậc phó. Mẹ là công nhân quốc phòng, làm việc trong xưởng quân khí K77 hoạt động ở Phú Lương – Bắc Thái vùng Tây Bắc tổ quốc. Sau hiệp định Genever (1954), sông Bến Hải (vĩ tuyến 17)  như dòng sông Gianh, tô giới  thời Trịnh Nguyễn phân tranh, trở thành lát cắt lịch sử thứ hai vào khúc ruột miền Trung trên thân thể thiên nhiên cong hình chữ S, đất nước bị chia đôi. Hòa bình ở miền Bắc, một lần nữa bố mẹ tôi lại vĩnh viễn mất đi hai núm ruột là hai người anh trai tôi nơi tha hương viễn xứ vì đói rét tai ương. Đồng thời những sự kiện chính trị, xã hội có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt làn sóng di cư của đồng bào về phía Nam tổ quốc với phần lớn dân chúng mang tín ngưỡng Thiên Chúa giáo trong đó có một số bà con họ hàng nhà tôi theo sự hô hào tổ chức của các thành phần phong kiến phản động và giới chức tôn giáo với chiêu bài “Đức mẹ đã vào Nam, con chiên Chúa hãy theo mẹ, không thể sống chung trong xã hội cộng sản vô thần”. Lúc này bố tôi chuyển về làm cán bộ tổ chức, trường đại học nông lâm ở Châu Quì - Hà Nội và lần lượt qua các vị trí công tác khác thuộc nghành văn hóa thông tin tuyên truyền. Nếu bố mẹ cứ an phận với cuộc sống công chức ở Hà Nội thì có lẽ chúng tôi đã trở thành công dân Thủ Đô từ những năm 50 thế kỷ trước. Nhưng năm 1958, theo chủ trương của nhà nước, và thể theo nguyện vọng của dòng tộc, Bố Mẹ tôi về nguyên quán tham gia xây dựng chính quyền mới, đồng thời để Ông thực hiện trách nhiệm của trưởng tộc “coi sóc tông miếu tổ tiên”. Đêm giao thừa năm 1959 tôi cất tiếng khóc chào đời. Tôi là con thứ sáu trong chín người con của cha mẹ và là đứa con đầu tiên được sinh ra tại nguyên quán trong một phần căn nhà của địa chủ bị cách mạng tịch thu, cấp cho cha mẹ tôi ba gian. Trên tường gian giữa treo trang trọng một bức hoành phi bằng gỗ vàng tâm với bốn đại tự chạm nổi màu đen Tứ Đại Đồng Đường trên nền sơn son thếp vàng hình chi bảo cùng những thơ ca trích cú mô tả cuộc sống phong lưu tài lộc của tầng lớp phú gia phong kiến. Xung quanh chạm trổ hoa văn nổi rỗng ruột cầu kỳ với hình tứ linh (long, ly, qui, phượng) và tứ quí (trúc, cúc, mai, lan). Gian đầu bên trái cấp cho cô Nhiên kèm theo một bức tung phi sơn son thiếp vàng với nội dung “Tổ tông công đức thiên niên thịnh” Gian đầu bên phải thuộc quyền sở hữu của bà quản Luận và bức tung phi đối lại “Tử hiếu tôn hiền vạn đại vinh” Khi chúng tôi lớn lên, bố mẹ hoán đổi cho hai hộ phần đất thổ canh ở chỗ khác và từ đó chúng tôi có nguyên căn nhà rộng rãi năm gian thoáng mát, hướng Tây Bắc,  phía sau nhà trên bờ có những  cây nhãn, cây vải, cây mít cổ thụ, quả đeo lủng lẳng, dưới là con kênh liên xã, thường mang dòng nước xanh trong êm đềm chảy ra sông cái, nhưng đến lúc triều dâng thì dòng chảy ngược trở lên hung hãn quần quận đỏ ngầu phù sa mát lạnh từ Hồng Hà qua sông Cồn Tư đổ vào từng cánh đồng lúa mơn mởn màu xanh dập dềnh theo gió. Mở cửa sổ lớn sau nhà, đứng trong song sắt vững chãi đón luồng gió mát, nhìn hút tầm mắt qua mặt sóng xanh thảm lúa phía trên kia là làng Hồng Kỳ. Thời gian trôi xa, bức hoành phi được em Nam giữ đến nay (2010) mặc dù đã nhiều phôi phai do dòng chảy quá khứ và khí hậu ẩm thấp đượm mùi gió biển. Còn hai bức tung phi, hai gia đình đã xẻ ra đóng đồ gia dụng từ những năm sáu mươi, thế kỉ trước. Sau này tìm hiểu về chúng, tôi thấy rất uổng phí và đáng tiếc. Lẽ ra chính quyền không nên chia cho mỗi gia đình một phần tổ hợp hoành phi ấy vì chúng không có giá trị tinh thần của từng gia đình trong đó có nhà tôi. Hơn nữa, một tổ hợp vật thể tâm linh bị xé lẻ thì chúng không còn mang đầy đủ ý nghĩa nữa. Chỉ khi nghành văn hóa địa phương bảo quản giữ gìn đúng nơi, sử dụng đúng mục đích thì mới giữ được giá trị tinh thần, giá trị vật chất trọn vẹn về mặt xã hội.
- Quê tôi một vùng chiêm trũng thuộc hạ lưu sông Hồng, bên kia sông là huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình. Nơi sông và biển hòa quyện hai dòng nước là cửa Ba Lạt mà theo tương truyền cái tên ấy là tên của một cặp vợ chồng cùng hai người con trai, một người con gái với cuộc đời nghèo nàn khốn khó lang thang tìm miền đất sống. Khi gối mỏi chân chồn, họ theo dõi những cánh chim bay về hướng biển. Từ trải nghiệm trong quãng đời bôn ba vất vả, người chồng nghĩ rằng: nơi đây là vùng đất lành, nếu chim tụ về nhiều mà sống được thì con người cũng sống được và họ dừng chân cắm lều trại sinh sống tại đây. Vật đổi sao dời con cái họ có vợ có chồng và sinh sôi nảy nở con đàn cháu đống. Rồi người dân mọi nơi cũng tụ về đây lập thành làng ấp, canh tác nuôi trồng và đánh bắt cá tôm ngoài biển, vào bãi nổi thu lượm cây điền thanh, phi lao, sú vẹt làm chất đốt để có cuộc sống sung túc phát triển không ngừng. Theo lịch sử cận đại, đây là miền đất mới do cư dân từ tả ngạn qua hữu ngạn mở mang canh tác và định cư. Như vậy căn cứ gia phả và lịch sử gia tộc thì các cụ Sơ, cụ Cố nhà tôi có gốc gác từ tỉnh Thái Bình. Cũng theo tương truyền quê tôi nằm trong vùng châu thổ của ba mạch nước ngầm hợp lại nên được gọi là giao thủy. Nếu xét lịch sử bồi đắp thềm lục địa Thái Bình Dương, đây là nơi giao lưu giữa hai dòng nước từ thượng nguồn Hồng Hà (Trung Quốc) ngọt ngào mát lạnh với dòng đối lưu ấm áp mặn mòi của vịnh Bắc bộ nên quê tôi có tên Giao Thủy (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định). Ngoài lộng cửa Ba Lạt là bãi nổi Cồn Lu (còn có tên Cồn Ngạn, cồn Xanh). Hiện nay là khu du lịch sinh thái, trung tâm bảo tồn thiên nhiên biển và rừng dự trữ sinh quyển thế giới, mỗi năm thu hút hàng ngàn du khách và các nhà nghiên cứu khoa học toàn thế giới tham quan, làm việc. Với quần thể động thực vật phong phú, đây là địa chỉ đầu tiên của Đông Nam Á được Unessco công nhận từ ngày 20 tháng 9 năm 1988. Đến ngày 04 tháng 8 năm 2005 nước ta xây dựng được địa chỉ thứ hai là Bàu Sấu rừng quốc gia Cát Tiên – Đồng Nai và Ngày môi trường thế giới (05 tháng 6 năm 2011) giám đốc Unessco trao bằng công nhận hồ Ba Bể – Bắc Cạn là địa chỉ thứ 3 của nước ta hoạt động trong công ước Ramsar. (hơn một trăm nước tham gia ký kết ngày 2/2/1971 tại Ramsar – Iran, về bảo tồn vùng đất ngập nước) song song với công cuộc bảo tồn rừng ngập mặn, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ - thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài quần thể thực vật như bần chua, trang, sú, vẹt, mắm, ô rô cóc kèn, phi lao. Cồn Lu còn là nơi trú chân của các loài chim trời có tới 215 loài, trong đó có 160 loài di trú từ vùng hàn đới phương Bắc Siberi, Hàn Quốc, trung Quốc như Giang, ngỗng, mòng biển, le le, sáo, vẹt, dẽ mỏ thìa, choi choi, diệc đầu đỏ và 50 loài chim nước. Đặc biệt có 9 loài ghi tên trong sách đỏ và đặc biệt quí hiếm như: choắt chân màng lớn, mòng bể mỏ lớn, sếu, bồ nông.v.v. trong đó có 66 cá thể cò thìa chiếm 20% cá  thể còn lại trên thế giới. Khi đến tuổi cắp sách tới trường cũng là lúc tư duy non nớt của tôi nhận thức được không gian mình đang từng ngày lớn lên trong vòng tay chăm sóc của bố mẹ và sự đùm bọc của các anh chị, đó là khung cảnh bình yên sau lũy tre làng. Vầng đông hừng sáng, sau hồi chuông nhà thờ ngân nga, cả làng như sôi động bởi tiếng gà gáy chào bình minh, các cụ ông cụ bà người chống gậy, người cầm cái quạt mo cau chậm rãi tới nhà thờ cầu nguyện buổi sáng. Tiếng lọc cọc của trâu bò cùng các bác nông dân ra đồng cày cấy, học sinh ríu rít tới trường. Bao nhiêu công việc một ngày hối hả. Chiều hạ buông, gió hiu hiu thổi qua con kênh sau nhà, lá lúa mơn man xào xạc hòa trong tiếng chuông nhà thờ làng Định Hải báo giờ cầu nguyện buổi tối. Trong xóm ngoài làng thân thiết gói gọn trong vài dòng họ: Lê, Nguyễn, Trần, Đặng, Bùi, và thông qua những mối liên hệ khác như: thông gia, bố mẹ đỡ đầu, con cái thiêng liêng theo lễ nghi tôn giáo, thì cả làng có quan hệ dây mơ rễ má với nhau. Với những  tục danh đứng sau chức sắc nhà thờ hoặc chức nghiệp là những: Ông Trùm, bác Quản, bà Bạ, cụ Lý, ông Binh, ông Phần, ông Nhiêu, bác Khóa, ông Trưởng. Thầy sáu.v.v. Các cụ trong dòng họ nhà tôi  được dân làng gọi: Cụ Chánh, Thầy Lang (thầy thuốc nam) ông nội tôi là ông Đồ Phẩm (thầy dạy chữ nho). Cách xưng hô mộc mạc nhưng đầy vẻ trọng vọng cung kính.
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Hai, 2012, 03:39:49 pm gửi bởi binhyen1960 » Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #1 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2011, 08:07:24 pm »

Thời gian trôi nhanh, anh em tôi cùng lũ trẻ hàng xóm cứ lầm lũi vô tư như những con bê con nghé, tối ngày nghịch bùn đất, tắm ao mò cua bắt cá, vô tư ăn khoai, ăn sắn thay cơm và cũng vô tư lớn nhanh như thổi chẳng thèm đau ốm bệnh tật, có chăng cũng chỉ là xổ mũi nhức đầu do ở trần phơi nắng, nhảy cầu tắm sông. Lang thang với mấy đứa trẻ trâu trong làng cả ngày, coi nhà mình như nhà trọ, chỉ đến tối mới về ngủ. Và cứ như vậy hình ảnh cánh đồng mùa ải đỏ au, con trâu mẹ đủng đỉnh về chuồng, con nghé nhỏ lăng xăng quấn quýt, tiếng (vắt, vệt) hiệu lệnh của bác nông dân cho con trâu đi đúng luống cày bừa, đàn cò trắng chậm rãi từng bước săn tôm cá trên ruộng, đàn mòng két xắp hàng theo hình nón với âm thanh vỗ cánh ào ào như sóng dồn bay qua bầu trời làng tôi để quay về rừng sau một ngày ra biển kiếm ăn. Đặc biệt tiếng chuông nhà thờ đã thấm vào tiềm thức của tôi, cái tiềm thức ngây thơ trong trắng, nhìn đời hoàn toàn màu hồng không hề có một gợn đen trong lẽ sống làng quê. Làng tôi nằm lọt thỏm giữa các làng Hồng Kỳ, Hồng Phong, Hồng Long, Hồng Thái. Chung trong một xã mang địa danh Hồng Thuận.  Nhưng...
- Làng tôi! một vùng Công giáo toàn tòng thuộc giáo phận Bùi Chu. Giữa làng là ngôi nhà thờ với kiến trúc gotic vòm tháp, phủ dày rêu phong, uy nghi trầm mặc, biểu tượng của sự ngự trị tâm linh tối cao giữ gìn ban phát hạnh phúc an lành cho cộng doàn dân Chúa. Tuy đất quê chân chất mộc mạc yên bình...Nhưng, thẳm sâu trong lũy tre làng vẫn còn tồn tại bức xúc của những tư tưởng cực đoan tôn giáo, tư tưởng hoài Phong, luyến Đế của những cụ trùm, ông binh, thầy sáu (tu sĩ công giáo) cùng sự hưởng ứng của đám bậu sậu với trình độ văn hóa lùn. Đối tượng của họ là những làng, những dòng họ, gia đình, con người (không công giáo) và rộng ra là cả cái thể chế xã hội mới này mà họ gọi là “những kẻ vô thần”. Tư tưởng ấy tồn tại ở người lớn đã đành, nay lại tiêm nhiễm vào đầu óc non nớt của lũ trẻ khi tư duy chúng chưa hiểu những nội hàm về tôn giáo, tín ngưỡng để rồi đứng bên này bên kia con sông nhỏ chửi nhau bằng cụm từ “Đồ đi lương” bên kia đối lại là “Đồ theo đạo” rồi gây hấn vượt sông choảng nhau sứt đầu mẻ trán. Bố mẹ tôi từ chiến khu Việt Bắc trở về làng, sống và hòa đồng được với cái không gian cỏn con ấy cũng là một nghệ thuật, là uy tín cả dòng họ lâu đời. Đến năm 15 tuổi tôi được đọc một tiểu thuyết do bạn và cũng là thủ trưởng của bố tặng. Tiểu thuyết Bão Biển của nhà văn Chu Văn, sau đó cô Bạch Diệp đạo diễn thành phim “Ngày lễ thánh” trong đó mặt trái mặt phải của cộng đồng tôn giáo được lột tả trong một không gian rộng là xứ Bài (địa phận công giáo Bùi Chu) một thời đã tạo thành giông bão trong cái thế giới công giáo quê tôi. Lúc ấy tôi mới nhận rõ hơn những đợt sóng ngầm dưới mặt biển yên lặng nhưng đầy dữ dội thách thức trong xung đột tôn giáo và xã hội nơi mảnh đất tôi cất tiếng khóc chào đời. Dù chỉ là hạt sạn nhỏ trong bát cơm trắng là xã hội mới đang đổi thay tích cực hàng ngày, nhưng nó cũng đã làm cho không ít gia đình, dòng họ (vô thần) không may phải sống trong một cộng đồng toàn tòng như vậy gặp lao đao khốn đốn. Có lẽ trăn trở đau đầu nhất vẫn là cán bộ chính quyền và toàn bộ hệ thống chính trị thời ấy. Với mục đích thực thi chủ trương chính sách của Đảng và luật pháp nhà nước về quản lý xã hội giữ gìn trật tự, an ninh nông thôn. Tổ chức điều hành sản xuất lương thực, thực phẩm để cuộc sống nhân dân ấm no hạnh phúc, thực hiện công cuộc bảo vệ tổ quốc và xây dựng CNXH thì họ, những chức sắc tôn giáo ngấm ngầm xúi bẩy những (con chiên ngoan đạo) gây rối loạn xã hội, kình chống chính quyền, trốn tránh nghĩa vụ quân sự, chia rẽ tình đoàn kết lương giáo trong làng xã. Cụ thể: Đồng  đất quê tôi vừa cằn cỗi vừa chật hẹp, với trình độ sản xuất còn lạc hậu thủ công, mùa màng được mất chỉ trông chờ vào (Giời) vậy mà nông dân bất chấp kế hạch điều hành của HTX không tham gia làm thủy nông thủy lợi để điều hòa tưới tiêu cày cấy cho kịp thời vụ. Ruộng lúa chín già trĩu hạt đang rụng dần xuống mặt nước vụ chiêm mà không được thu hoạch vì phải nghỉ để kiêng việc xác ngày (Chúa nhật) và những ngày lễ trọng theo giáo lý và qui định của Cha bề trên trong giáo phận. Đó là những chiêu bài họ lợi dụng chính sách tự do tôn giáo để lũng đoạn xã hội, phá hoại sản xuất để cái nghèo đói dốt nát ngự trị trong tâm hồn và cuộc sống thường nhật của giáo dân, để giành thời gian cầu nguyện chờ đợi ân sủng từ Thiên Chúa. Để hiểu thêm những gì đã xảy ra trong lịch sử làng tôi, mà đến tận bây giờ trên bức tranh làng quê thanh bình vẫn còn vấn vương những cận cảnh với gam màu xám xịt là những thứ bậc chức sắc duy trì một trật tự cúc cung phục tùng của mối quan hệ tôn giáo được trình diễn như tuồng chèo trong cuộc sống xóm làng đầy tính dở dở ương ương. Theo lời kể của các bô lão trong làng thì ở những năm tháng xa xưa, cũng như cả nước, sau thời gian cùng các thương nhân châu Âu, các giáo sĩ Bồ Đào Nha du nhập vào (đàng trong) với thiên chức truyền đạo Thiên Chúa dòng Fransicisco không đạt kết quả. Khỏang đầu thế kỷ mười tám, các giáo sĩ người Pháp đưa đạo Thiên chúa dòng Đa Minh (Dominico) vào vùng đất này đồng thời với gót chân viễn chinh của thực dân Pháp. Để đạt âm mưu, mục đích của mỗi bên, sự cấu kết giữa thực dân, Việt gian tề ngụy và nhà thờ là chuyện đương nhiên. Những người hoạt động cách mạng chống thực dân xâm lược, chống phong kiến, cũng đồng nghĩa với việc đụng chạm tới tham vọng và lợi ích của cái liên minh hổ lốn kia cho nên làng tôi mới xảy ra làn sóng khủng bố và những người chịu tra tấn nhục hình là những cán bộ cách mạng trong đó có dòng họ nhà tôi. Mang tư tưởng của một đồ Nho, gần như đối kháng với tư tưởng thần quyền Thiên Chúa giáo của cộng đồng dân Chúa quê tôi. Ông bà nội phải dắt díu con cái bỏ làng tha hương tìm kế sinh nhai, vừa để tránh nạn khủng bố vừa tạo điều kiện để bố tôi đi hoạt đông cách mạng sau này. Em ông nội tôi, ông bà đồ Bá, là thầy dạy chữ Nho và làm thuốc chữa bệnh cho dân, ông cùng các cụ khác hoạt động cách mạng bị chúng bắt đưa qua đồn binh tề dõng trú đóng trong khuôn viên nhà chung của giáo xứ Đại Đồng tra tấn giã man, để lại hậu quả bà bị đánh tổn thương sọ não gây điếc đặc cả hai tai, mang tật cả đời cho đến chết. Bọn tề còn gian ác tới mức bắt bố của thím tôi là ông Càng cùng ông Cơ, bác Mạch và các ông khác trói lại, kẹp đầu vào phai cống Cồn Tư, chờ thủy triều sông Hồng dâng lên nhấn chìm để cái chết đến chầm chậm hành hạ con người khủng khiếp tột độ hơn. Như vậy song song cái âm ỷ của những tư tưởng phản động thì trong làng cũng tồn tại những âm ỷ hận thù đòi trả nợ máu càng làm mâu thuẫn nội tại cộng đồng làng xã thêm gay gắt. Hơn hai chục năm sau (lúc tôi đã rời khỏi quân đội và cùng gia đình riêng định cư, công tác tại thành phố Hồ Chí Minh).Có lẽ kinh nghiệm từ thực tiễn đấu tranh giữa cái mới và cái cũ trên mặt trận tư tưởng khá nhuần nhuyễn nên hệ thống chính trị quê tôi có nhiều quyết sách thực tế hơn, nhưng cũng không hết những cấn cá trong đời sống xã hội. Cụ thể, Bố tôi sau gần bốn thập niên phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân đến giờ phút từ giã cõi đời, Ông mỉm cười thanh thản. Tưởng rằng đây chỉ là sự kiện lớn của riêng gia đình tôi, nhưng không! Từng chi tiết trong quá trình tổ chức lễ tang Ông, đều theo chỉ đạo từ thường vụ huyện ủy và sự điều hành của huyện hội cựu chiến binh Giao Thủy. Vì Ông, nguyên là ủy viên thường vụ, cựu binh chống Pháp, lãnh đạo chủ chốt hàng chục năm liền trên mặt trận văn hóa tư tưởng, một lĩnh vực nhạy cảm nhất thời ấy, ở vùng đất ấy. Lễ tang bố tôi với một bên là bàn thờ tổ quốc, bốn chiến sĩ bồng súng túc trực bên linh cữu phủ quốc kì đầy vẻ nghiêm trang hồn thiêng đất nước, đón lãnh đạo các cấp, các nhà cách mạng lão thành cùng thời và các đoàn thể đến đặt vòng hoa kính viếng. Một bên là bàn thờ Chúa, với ánh sáng lung linh cứu rỗi từ hai cây bạch lạp hai bên cây thánh giá tượng (Chúa chịu nạn), phía dưới bà con tín hữu trong cộng đoàn dân Chúa không ngừng cầu nguyện những ân sủng tốt lành cho người đã khuất. Để phút trọng thể sau cùng, lễ tang bố tôi được cộng đồng đánh giá long trọng nhất, hiếm nhất và đầy đủ nhất các nghi lễ đạo và đời. Vậy đấy, bố mẹ tôi và các con sống trong một không gian có thể nói là nghiệt ngã cũng không quá. Đến lúc chào vĩnh biệt thế giới này mà Ông vẫn phải chịu sự giằng co từ hai phía để góp một phần nhỏ nhoi cuối cùng với Đảng, Chính quyền cơ sở an dân, bình thiên hạ. Lúc ấy mọi việc của gia đình dồn lên vai anh Nghĩa với tư cách trong mối quan hệ đan xen là trưởng tộc, trưởng chi, con trưởng, cán bộ đảng của đảng bộ Giao Thủy vừa thực hiện đạo hiếu, vừa làm cầu nối và thực thi nhiệm vụ của thường vụ giao. Ở phương trời xa xứ, chúng tôi cũng yên tâm vì lúc bố nhắm mắt xuôi tay còn có anh Đức bên cạnh hỗ trợ cùng dòng tộc lo hậu sự thân phụ chúng tôi tốt đẹp mọi bề. Cảm ơn nhà thơ Giáp Văn Thạch và những gì trong QUÊ HƯƠNG. Nhưng quê hương tôi vậy đấy! Nếu dùng câu chữ đao to búa lớn thì quê tôi không phải là “Địa linh nhân kiệt”.Còn theo cách nói của các cụ trong làng, đây “không phải đất học”. Khi tôi ra đi khỏi làng thì không có ai đậu ông nghè, ông cử. Thế hệ sau chưa ai tốt nghiệp phổ thông trung học, chỉ có anh Cự mới qua phần sơ học và đang đảm nhiệm việc (gõ đầu trẻ) trong làng học lớp vỡ lòng ( a, bờ, cờ) và anh Kiểm tốt nghiệp (bảy cộng ba) đang là thầy dạy toán trong trường cấp hai của xã. Học cao hơn có hai ông mà tôi gọi bằng vai anh, đậu bằng thần học, được Vatican phong thành hai tân linh mục thì lại đang thụ án vì hoạt động chống phá nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Nhưng dẫu sao: Quê hương là cầu tre nhỏ. Mẹ về nón lá nghiêng che. Quê hương là gì hỡi mẹ? Để con nhớ mãi suốt đời. Trong con, quê hương là mẹ, mẹ là quê hương.
- Mấy năm sau, Trên danh nghĩa là trưởng chi,  con trai trưởng. Anh Nghĩa bàn bạc với mẹ và anh chị em trong gia đình rồi đi đến kết luận: Mảnh đất hiện nay gia đình đang sống không phải là đất tổ mà là đất của một dòng tộc khác, nếu xét theo phong thủy thì trạch vận đang tàn, lộc tài đã tuyệt và đã suy vi ngay từ đời nhà ông Lý Mão. Do đó anh em chúng tôi nhất trí chia tay nơi này đi tìm miền đất mới. Và rồi bảy anh chị em chúng tôi chấp nhận cuộc sống tha hương với đầy đủ nghĩa đen và nghĩa bóng của cụm từ này, chấp nhận khó khăn thử thách. Để rồi vật đổi sao dời với quyết tâm và tố chất tự lập, với khát vọng vươn lên vượt khó, chỉ sau một thời gian anh chị em chúng tôi đều có quyền ngẩng cao đầu hãnh diện với đời nơi mỗi miền đất mới của tổ quốc và nhớ về cội nguồn quê cha đất tổ khôn nguôi.
- Theo thời gian, tôi lớn khôn hơn, qua học trung học cơ sở ở một làng khác. Cũng từ lúc này tôi mới nhận thức được, đất nước đang còn bị chia cắt, chiến tranh vẫn đang sôi sục ở miền Nam tổ quốc. Lớp lớp những thanh niên trai tráng trong xã lên đường chiến đấu trong đó có anh trai tôi chưa kịp tốt nghiệp trung học phổ thông đã xung phong lên đường đánh Mỹ. Với tôi thì vui lắm vì được cùng mẹ và các bác các chị trong làng lên tận phố huyện tiễn chân các anh ra chiến trường chiến đấu, nhưng tôi luôn thắc mắc vì sao mẹ và mọi người khóc nhiều thế. Sau này khi lớn khôn hơn tôi mới ngộ ra “Chiến tranh không phải trò đùa” vì đã nhiều các chị các mẹ chỉ tiễn người thân đi mà không có ngày đón họ về. Thời gian lặng lẽ trôi (ít nhất là với tôi). Mặc dù lớn hơn nhiều nhưng tư duy cũng chưa qua khỏi lũy tre làng. Lại tiếp tục chơi, học, tắm sông, cùng bạn bè trang lứa tham gia lao động XHCN trong nhà máy gạch ngói Cồn Nhất, hoặc đi hô khẩu hiệu cổ động cho sản xuất, động viên thanh niên tòng quân diệt Mỹ. Đây là thời gian vui nhất, tôi đã ồm ồm đổi giọng, mặt khá nhiều mụn trứng cá, biết ngại ngùng trước bạn khác giới là những học sinh cùng khối hoặc ở xã khác giao lưu trong dịp tập trung mít tinh mừng quốc khánh, cắm trại khai trường ở sân vận động huyện. Có những buổi lên thị trấn huyện bát phố, chân đất đi bộ gần mười km dọc đê sông Hồng, vấp phải đá xanh trải đường súc móng chân, tóe máu mà vẫn ham đi chơi. Cũng chỉ tính đi mua cây bút hiệu Trường Sơn, lọ mực hiệu Cửu Long, cây thước kẻ bằng gỗ hoặc vào hiệu sách duy nhất của huyện ngắm nghía các tên sách mà thèm thuồng, thậm chí có lúc cũng chẳng mua gì vì không có hào nào trong túi. Tôi đặc biệt rất mê sách, tất cả các loại sách vào tay tôi đều bị ngấu nghiến đọc quên ăn quên học. Trong khi đó mọi thứ của thời bao cấp đều thiếu thốn, nhất là các ấn phẩm văn hóa càng trở nên xa xỉ. Nhưng tôi may mắn hơn lũ trẻ cùng trang lứa vì có rất nhiều sách, bởi bố tôi là thủ trưởng của một cơ quan quản lý văn hóa do vậy tiểu thuyết, truyện tranh, truyện dài ngắn có đủ. Đặc biệt họa báo của Liên xô, Trung quốc và các nước XHCN trở thành niềm khao khát của đám bạn bè vì ngoài việc đọc nội dung, xem tranh ảnh  còn dùng bọc bìa sách vở học.
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Hai, 2012, 03:47:38 pm gửi bởi binhyen1960 » Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #2 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2011, 08:08:11 pm »

 Cả làng tôi không nhà nào có cái đài (Radio) mà chỉ có một loa truyền thanh của HTX đặt trên ngọn sào tre giữa làng chủ yếu để bà con nông dân nghe phổ biến các kế hoạch thâm canh và điều hành sản xuất nông nghiệp, một ngày hai lần truyền thanh chương trình thời sự và dự báo thời tiết của đài tiếng nói Việt Nam nhưng chỉ chừng 10 phút nghe được giọng nói, sau đó bị nhiễu nhiều tạp âm eo xèo, do vậy bác Bính xóm dưới nói: đài đóm gì mà xì xèo như mèo đái đống do (Tro bếp). Nhưng nhà tôi có tới hai cái đài, một cái hiệu Xoungmao của Trung Quốc to bằng cái lò vi sóng, mặt trước có nhiều số và nút vặn, nặng chừng bốn kg, bố đặt trang trọng trên nóc tủ chè. Chiều thứ bảy khi bố từ cơ quan về nghỉ cuối tuần thì các bác các ông trong xóm tập trung trải chiếu ngồi ngoài hè uống nước chè nghe thời sự, nhất là tình hình chiến sự miền Nam, và hơn tất cả, các ông các bác chờ trao đổi với bố tin tức thế giới, nước nào mới bị đảo chính, nước nào ủng hộ vũ khí và hàng hóa quốc phòng cho ta và hỏi han về tình hình chính trị xã hội về sản xuất nơi này nơi kia trong tỉnh trong huyện, mà theo lời chú Tú: để mở mang đầu óc chứ suốt ngày nội ruộng đi sau cái cày lấy đuôi trâu làm thước ngắm thì mù tịt Bác ạ! Ngày đó còn quá nhỏ nhưng cái tính hóng hớt trẻ con cũng giúp tôi lờ mờ hiểu những chuyện bất ổn của thế sự trong và ngoài nước. Trong một buổi tối đàm đạo với các bác các chú hàng xóm, bố tôi hạ thấp giọng:Tướng Lonnon đảo chính  Sihaluc ở bên Miên rồi các bác ạ, và như vậy tụi Ngụy Miên với Ngụy ta cấu kết với nhau thì cách mạng Miền Nam và cả nước sẽ càng khó khăn, càng đổ máu, còn bên Laos thì cũng căng thẳng lắm vì bọn phỉ Vangpao quậy phá, ông Suphanuma hết ôm chân Pháp nay lại ngả qua Mỹ, phản bội cách mạng Pathet và anh trai mình là chủ tịch nước Suphanuvon, như vậy cách mạng ba nước đông dương sẽ chịu ác liệt hơn...Tối hơn một chút các chị thanh niên, các bà tới ngồi đón nghe “Câu chuyện cảnh giác” và chương trình “Chèo cổ hoặc kịch nói truyền thanh”, chương trình ca nhạc đặc biệt với giọng Opera trầm vọng, mạnh mẽ của chú Quốc Hương, giọng hát xứ Nghệ véo von của cô Thu Hiền và giọng ca đầy nhiêt huyết của chị Tường Vi, Tô Lan Phương. Còn một cái đài nữa đẹp hơn, nhỏ hơn có hiệu Oreonton của Hungari, nặng chừng gần hai kg bố tôi đặt thợ giỏi ở phố huyện may một cái túi vải hoa hình hộp rất đẹp, có những cái lỗ để lộ các núm xoay ra ngoài cho dễ điều chỉnh, bố thường đeo theo khi đến cơ quan hoặc đi công tác cơ sở, nhưng đêm khuya tôi thấy bố hay mở rất nhỏ nghe truyền thanh của  mặt trận giải phóng miền Nam và cả truyền thanh của đài Sài Gòn, mà tôi nhớ chương trình “Sinh Bắc, tử Nam” “Hộp thư Cô Hoài Hương” và một số chương trình khác, sau này tôi mới biết đó là các chương trình chiêu hồi và tâm lý chiến của truyền thanh chế độ Sài Gòn. Về văn hóa giải trí thời chiến tranh ở quê tôi chắc cũng giống những làng quê khác trên toàn miền Bắc. Thật lâu mới có đoàn chiếu phim lưu động, đoàn chèo Nam Hà hoặc đoàn kịch nói tỉnh Nam Định về phục vụ nhân dân với những dòng phim chiến đấu của Việt Nam, Trung Quốc, Đông Âu và Cuba. Loại hình sân khấu biểu diễn với những tích xưa về chống ngoại xâm, truyền thuyết cội nguồn dân tộc, răn dạy đạo làm người của Khổng giáo, cách đối xử nhân thế trong tam cương ngũ thường.v.v. Tuy có phần đơn điệu nhưng đó là những dịp rất háo hức của mọi tầng lớp nam phụ lão ấu được dịp mở mang nhận thức hơn một chút. Cái háo hức thể hiện ngay từ lúc mặt trời tà xế, sau khi nghe thông báo của ban tổ chức về thời gian, địa điểm trình diễn thì lũ trẻ chúng tôi bê theo từng chồng gạch vỡ túa ra bãi thả trâu xí chỗ cho mình và cho người nhà. Và cũng những dịp như vậy mới thấy cái tinh thần của người dân quê yêu ghét rạch ròi với cái gì là chính tà là đúng sai dù chỉ trong nghệ thuật, trường hợp xảy ra ngoài chợ phố huyện phản ánh chân thực điều đó khi hai chị diễn viên rất đẹp của đoàn chèo Nam Hà đóng trong vở chèo (Quốc Toản ra quân ) diễn ở sân vận động hồi đêm, hai nhân vật trong kịch bản đều là nam. Một chị nhập vai Thế tử, là người thuộc cành vàng lá ngọc trong cung đình nhưng thái độ đớn hèn trước vận nước, thờ ơ với thế cuộc. Đối lập là vai Trần Quốc Toản cũng cành vàng lá ngọc nhưng sôi sục chí căm thù giặc Thát đã tới hội nghị Bình Than, nơi Vua và các quan đang bàn cách đánh giặc Nguyên để xin tòng quân. Sau khi ban lộc trái cam, Vua đã từ chối do Quốc Toản còn nhỏ tuổi. Khí phách chống giặc ngoại xâm bị từ chối đã làm cho Quốc Toản vô tình bóp nát trái cam trong tay mà không biết, sau đó quay về trang phủ tập hợp quân binh thiếu niên thích lên cánh tay hai chữ (sát Thát) quyết tâm diệt giặc, lập nhiều chiến công. Với diễn xuất nhập thần tới mức sáng hôm sau ra thăm chợ huyện, một chị đã bị dân chúng chửi bới xỉ vả khi họ nhận ra (Thế Tử), còn (chị Quốc Toản) được các bà các cô ngắm nhìn trọng vọng. Qua những chi tiết như vậy tuy nhỏ nhưng cũng nói lên thực tế quá thiếu thốn các loại hình sinh hoạt văn hóa tinh thần đối với nhân dân nông thôn một thời chiến tranh. Và hơn nữa lòng dân quê chân chất nhưng cũng rất am hiểu tôn trọng chính nghĩa và ghét bỏ sự vô tâm nhu nhược. Sau ngày thống nhất đất nước, khi về nghỉ phép tôi thấy làng quê có nhiều thay đổi. Người dân đủ mọi tuổi tác, nghề nghiệp, thường mặc trên mình một cái áo hoặc nguyên bộ quân phục, đội mũ cối, chân đi đôi dép đúc bằng caosu Trung Quốc. Đặc biệt chân dung nổi bật của những công dân tầng lớp trên, với hình ảnh quần áo gọn gàng tươm tất, chân đi đôi dép nhựa trắng hiệu Tiền Phong cưỡi trên một xe đạp khung lượn, xe Phượng Hoàng Trung Quốc hoặc xe Faforite của Đức. Quàng chéo qua vai là dây đeo bằng da của cái đài National Nhật trong hộp da bò nho nhỏ, xinh xinh. Trên mỗi khuôn mặt rạng rỡ mãn nguyện không thể thiếu cặp kính mát to bản mới tậu từ miền Nam, cán bộ chính quyền thì có thêm một sắc cốt tài liệu bằng da màu nâu của sĩ quan chính trị quân đội Liên Xô hoặc cái túi may bằng simili, được đeo trên vai đối lại với bên đeo đài, nhìn rất ấn tượng. Với hình ảnh trên, tôi nhận thức được mấy vấn đề về nếp sống, sinh hoạt của những người dân quê tôi: Thứ nhất, theo thời gian, quê tôi cũng như cả phần đất từ sông Bến Hải – Quảng Bình (vĩ tuyến 17) trở ra đã nhiều thế hệ trai gái trở thành chiến sĩ chống Mỹ, bảo vệ tổ quốc. Hầu như nhà nào cũng có người nhập ngũ, có gia đình năm, bảy người con trai cùng đi chiến trường. Màu áo xanh Tô Châu, cái mũ cứng bộ đội, đôi dép đúc bằng cao su Trung Quốc trở thành thân thiết mà thẳm sâu trong tâm thức của họ còn hàm chứa cả niềm tự hào và nét đẹp của khối đại đoàn kết dân tộc một cách tự nhiên, tự nguyện. Vấn đề thứ hai do hàng hóa thiếu thốn, mức sống tiêu dùng của nhân dân còn hạn hẹp nghèo nàn sau cuộc chiến kéo dài. Thứ ba là trình độ nhận thức xã hội của công dân nói chung, của người dân quê nói riêng còn hạn chế nhiều mặt. Riêng làng tôi, xuân thu nhị kì thường có những hoạt động lễ hội tôn giáo với những màn rước kiệu mừng Chúa giáng sinh hoặc tuần hành ngắm đàng thánh giá và đặc biệt ngày lễ phục sinh diễn ra vui tươi phấn khởi từ những chương trình phục diễn, mô phỏng giờ phút Chúa chịu nạn, bị đóng đinh vào thập giá sau đó mai táng trong hang đá đến ngày thứ ba sống lại, đó là thời điểm long trọng với hàng trăm người tham gia trong tâm thế thành kính bên cạnh sự hoạt náo của phường trống, phường trắc, phường kèn Tây cùng các hội đoàn trong cộng đồng dân Chúa làng tôi là những dịp để người nông dân chân lấm tay bùn quanh năm (bán mặt cho đất, bán lưng cho giời) có giờ phút nghỉ ngơi với tâm hồn thăng hoa về Đấng vĩnh hằng. Quay lại quá khứ, từ thời điểm này tôi mới thật sự cảm nhận chiến tranh đang cận kề. Hàng ngày chúng tôi đi học thì phải đội mũ rơm, đeo lá chắn bện bằng rơm, trang phục chủ yếu màu xanh đậm, nâu hoặc đen để tránh tàu bay Mỹ phát hiện, còn lại chỉ đến khi màn đêm buông xuống các trang phục đẹp có hoa, có màu sáng hoặc sặc sỡ mới được dùng, rất đúng với câu “Áo gấm đi đêm”. Có lẽ thời ấy từ nam phụ lão ấu ở miền Bắc phần lớn mặc quần áo mầu nâu sồng, nhà nào khá giả mua thêm vải cotton xanh may quần Tây hoặc vải gụ may áo sơ mi đã là dạng sang. Mẹ tôi mua vải trắng tại cửa hàng hợp tác xã mua bán theo tiêu chuẩn của cả nhà, là một loại sản phẩm thô kệch cứng queo được dệt bởi một công nghệ lạc hậu nhất, sau đó mẹ mua củ nâu là loại củ rừng, giã nát mịn, pha nước rồi nhúng vải vào, vắt khô phơi nắng, cứ nhuộm lặp lại nhiều lần sẽ cho ra loại vải nâu, dân quê thường gọi là vải (diềm bâu). Tùy tỷ lệ pha lỏng đặc giữa bột củ với nước sẽ cho vải màu nâu non hay nâu già. Có vải trong tay, mẹ dắt cả tốp chúng tôi ra bác phó Triêm giữa làng hay bác Trân phó may cuối làng đo may trang phục diện tết và dịp tựu trường, hôm lấy quần áo về, đứa nào cũng thích tuy mặc vào hơi nhột vì vải cứng quá. Cũng từ cái cứng của loại vải này chỉ sau vài tuần mặc áo đi học, hai ống tay áo càng cứng hơn, giống như hai ống tre luồng, để kiểu nào nó cũng tròn vo do mỗi ngày được thấm thêm chất nhầy của mũi. Phần lớn trẻ quê tôi thường tắm nước kênh mương, ao tù và nghịch bùn đất vì vậy gần như đứa nào cũng bị viêm mũi nên hai lỗ mũi luôn thò lò hai dòng mủ xanh hoặc vàng tới sát môi, sụt xịt mãi thì lấy ống tay áo quệt ngang, riết hai tay áo khô cứng như mo cau, trong khi phụ huynh cũng chẳng quan tâm chữa trị cho con vì không hiểu biết và cũng không có tiền mua thuốc, thấy cả làng đứa nào cũng vậy nên coi như bình thường, đứa nào không thò lò mũi xanh mới là lạ. Trở lại vấn đề nhuộm vải, công đoạn nhuộm nâu là xong một dạng sản phẩm. Tiếp theo, các bà các cô lấy một chậu bùn non dưới đáy ao nhúng vải vào, vắt nước phơi khô, và nhuộm lại vài lượt sẽ có một tấm vải đen nhánh may quần áo dùng lâu dài (sau này học hành thêm tôi mới nghiệm ra: Có lẽ trong củ nâu có rất nhiều talin và các hoạt chất khác, khi gặp bùn non trong ao vùng quê tôi chứa khá nhiều Fe nên xảy ra phản ứng tạo màu đen của vải). Thời ấy phụ nữ nông thôn chỉ bận quần màu đen, ngoài loại vải đen nhuộm bùn này đã từng đi vào thơ ca, phụ nữ quê tôi còn có loại vải cũng nhuộm đen gọi là (vải phíp). Sản phẩm này từ những bao đựng phân Ure màu trắng sáng, sau khi dùng phân bón ruộng, hợp tác xã sẽ phân phối vỏ bao cho từng hộ có nữ thanh niên, hoặc là phải tổ chức bắt thăm, rồi các chị nhuộm đen bằng hóa chất. Không biết chất liệu là gì nhưng loại vải này mềm mịn hấp dẫn mấy chị thanh niên hàng chục lần loại vải nâu nhuộm bùn. Một số gia đình khá giả có thể sắm vải Satin cũng màu đen sáng mịn hơn nhiều, nhưng chỉ để dành trong lễ hội hoặc cô dâu về nhà chồng mới được mặc. Vải màu nâu hoặc gụ may áo tứ thân giống áo bà ba ở miền Nam, đó là hình ảnh quen thuộc đã đi vào nếp tư duy về văn hóa trang phục phụ nữ nông thôn như mặc định. Bởi vậy, mấy chị thanh niên xung phong hoặc công nhân đi làm ở công trường, thành phố về quê cũng không đủ can đảm mặc quần Tây màu xanh ra đường nếu không muốn trở thành trung tâm chú ý đến trố mắt của dân làng, nhất là mấy cụ bà chống gậy lọm khọm trên đường làng nhìn thấy sẽ lẩm bẩm chửi thầm trong miệng: đồ lặc nô. Vậy là cả miền Bắc có trang phục ngụy trang bịt mắt phi công Mỹ hữu hiệu. Ngày đó học sinh đang trên đường đi học nghe tiếng tàu bay Mỹ lượn trên đầu, phải nhảy ngay xuống hầm cá nhân do các chị dân quân đã đào sẵn dọc đường tránh bom sát thương, bom bi, Rocket, có lần vừa nhảy xuống hầm lại phải vọt lên vì đụng rắn, cóc nhái nằm sẵn dưới đáy hầm. Trường lớp đã được sơ tán vào dân, phụ huynh đào sâu toàn bộ nền nhà xuống khỏi đầu học sinh rồi trải chiếu ngồi xuống nền đất đề phòng bị mảnh bom trong lúc nghe cô giáo giảng bài. Đế quốc Mỹ đã đẩy cuộc chiến đến hồi khốc liệt. Hàng ngày tàu bay phản lực từ hạm đội 7 ngoài khơi vịnh Bắc bộ bay vào tha hồ thả pháo sáng trắng trời rồi dội bom xuống các thành phố, xóm làng miền Bắc hoặc thả thủy lôi xuống sông Hồng và các bến cảng. Thời gian đầu vào đánh phá miền Bắc, tụi phi công Mỹ rất hống hách chủ quan, chỉ mới thoáng nghe âm thanh ầm ì phía biển thì cũng đồng thời là âm thanh gào thét như xé nát bầu trời vì phản lực cơ bay rất nhanh và thấp nhắm vào các thành phố, các khu nhà máy công nghiệp, các trận địa pháo gần biển để oanh kích. Nếu là ban đêm, đứng ở bìa làng ngoài cánh đồng thoáng đãng hoặc trên vị trí hơi cao nhìn bốn phương trời ta sẽ chiêm ngưỡng ánh hỏa châu rơi, tia quét của đạn phòng không, vệt sáng trắng vạch đêm đen của tên lửa đất đối không như hội hoa đăng cộng với âm thanh rung chuyển đất trời của bom đạn từ hai phía ta và địch. Ban đêm pháo kích từ hạm đội 7 ngoài khơi đùng đoàng câu vào đất liền không dứt. Riêng quê tôi hầu như không bị trái bom pháo nào vì theo VOA Radio tuyên truyền: tất cả các nhà thờ, cơ sở Thiên chúa giáo sơn hình thập giá màu trắng lên mái nhà thờ để phi công nhận diện tránh thả bom, vì vậy duy nhất có một bình xăng phụ và một quả bom câm rơi ở bìa làng Giao Thuận khi phi cơ đi oanh kích trở ra biển trút bỏ cho nhẹ để hạ cánh xuống tàu sân bay được an toàn, hoặc cũng có thể tên phi công này trông gà hóa cuốc thả nhầm vì trên thân trái bom có dòng chữ màu trắng “Thái Bình đã gặt lúa chưa, mỗi nhà một trái có vừa hay không” mà tỉnh Thái Bình cách quê tôi bên kia sông Hồng. Và có nghĩa trái bom tạ này bị câm không phải do lỗi kỹ thuật mà bọn Mỹ chủ định sản xuất loại bom không nổ để đánh đòn tâm lý đe dọa tỉnh Thái Bình. Thời ấy, đây là tỉnh duy nhất miền Bắc thâm canh đạt năm tấn thóc một hecta và còn tuyên bố “Vì miền Nam ruột thịt, Thái Bình phấn đấu đạt chỉ tiêu lúa không thiếu một cân, quân không thiếu một người” Có lẽ vậy tụi Mỹ Ngụy cay cú thả bom câm khủng bố tinh thần nhân dân.
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Hai, 2012, 03:47:01 pm gửi bởi binhyen1960 » Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
vetran
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1145


Một thời để nhớ.


WWW
« Trả lời #3 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2011, 08:08:28 pm »

Đặc biệt vụ một tốp may bay trực thăng HH53 từ sân bay quân đội hoàng Gia Udon - Thailand qua tập kích trại giam Đền Và - Sơn Tây để cướp tù binh phi công Mỹ nhảy dù khi tàu bay trúng hỏa lực do phòng không, không quân của ta bắn cháy, bị các chị dân quân bắt sống gom về. Nhưng phi vụ không thành, tốp tập kích đổ bộ xuống một trại giam không người. Một trực thăng bị vướng dây phơi quần áo, mất thăng bằng khi bay lên nhằm dịch chuyển vị trí thì cánh quạt chém gãy ngọn cây cao cũng đồng thời gãy cánh quạt rồi rơi tại chỗ. Một trực thăng hạ cánh nhầm xuống trường trung học, cách mục tiêu đã định bốn trăm mét, một máy bay yểm trợ và nghi binh F105 bị tên lửa SAM tiêu diệt. Do tình báo của ta phát hiện sự bất ổn nên đã kịp sơ tán phi công Mỹ an toàn trước khi vụ tập kích xảy ra. Sau khi ký hiệp định Pari, ta mới chuyển tù binh phi công trở lại nhà tù Hỏa Lò – Hà Nội (Maison Centrale. Khoảng năm 1976 tôi được đọc một ấn phẩm là tài liệu tham khảo của lực lượng công an nhân dân với các chi tiết một thời vào loại bí mật của Lầu Năm Góc do Belzamin F. Summer sĩ quan cao cấp, chuyên viên nghiên cứu lịch sử quân sự Hoa Kỳ, chủ bút báo “The Arned Forces Journal” mô tả quá trình trong sáu tháng chuẩn bị cơ sở vật chất, đào tạo một lực lượng tập kích đặc biệt Mỹ. Hoạch định các phương án phối hợp ba thứ quân tại các căn cứ trên đất Laos, Thailand, hạm đội 7 với sở chỉ huy tập kích đặt tại căn cứ quân sự bán đảo Sơn Trà - Đà Nẵng do tướng Maynor phụ trách. Tổng hành dinh chỉ huy đặt tại lầu năm góc do Ledeur bộ trưởng quốc phòng và tướng bốn sao Westmoreland, tổng tham mưu trưởng lục quân cùng bộ chỉ huy tác chiến theo dõi điều phối từng phút cuộc tập kích với lực lượng hùng hậu, riêng máy bay các loại trên một trăm chiếc. Qua đó ta thấy qui mô toàn diện, tính chuẩn xác cao cùng sự tốn kém khôn lường của đối phương với mục đích giải thoát trên 60 phi công bị giam giữ tại Sơn Tây bằng mọi giá nhằm xoa dịu làn sóng phẫn lộ của nhân dân Hoa kỳ nói chung và thân nhân những phi công nói riêng nhưng cuối cùng phải đắng cay chấp nhận sự thất bại và âm thầm đưa sự kiện vào giáo khoa chiến tranh với kết luận: do nhiễu loạn thông tin và sự chủ quan ỷ lại của lâu năm góc vì quá tin tưởng vào CIA và DIA. Chứ không giám nhìn nhận sự thật về trình độ của tình báo chiến lược Bắc Việt, không phải loại xoàng... Đây cũng là thời điểm trăn trở nhất của mẹ tôi khi biết thông tin có xảy ra chiến sự ở Sơn Tây, nơi anh Nghĩa đang tham gia khóa huấn luyện biệt động quân. Nhưng trước đó, Anh đã được điều động theo đường dây 559 vào mặt trận Sài Gòn Chợ Lớn mà gia đình không được thông báo để đảm bảo bí mật. Mẹ chỉ nhận được thư và tấm ảnh anh chụp tư thế bán thân đội mũ mềm, đeo hàm binh nhất tô màu khá đẹp (giờ vẫn còn giữ sau hơn 40 năm) và tất nhiên mẹ càng lo lắng hơn. Lúc này cả miền Bắc từ Vĩnh Linh trở ra sôi sục trong không khí chiến tranh. Mỗi buổi chiều các anh chị dân quân tập trung ở sân nhà thờ tập bắn súng K44, K50 và tập chiến đấu giáp lá cà bằng giáo mác và cây búp đa nhọn hoắt, với tinh thần chiến tranh nhân dân, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu hoạt động gián điệp của Mỹ Ngụy theo quán triệt của Đảng, chính quyền các cấp và đồng thời công an biên phòng phát hiện những con tàu lạ màu xám bạc ở vùng biển quê tôi. Các thành phố lớn trở thành những chảo lửa. Trong bối cảnh cực kỳ khó khăn khi hậu phương lớn của một tiền tuyến lớn nay đã trở thành một chiến trường thực sự. Hạt gạo cắn ba cho chiến trường B.C và để hậu phương xây dựng CNXH. Mọi hoạt động của xã hội như chìm trong không gian u ám nặng nề. Cái nặng nề chậm chạp biểu hiện từ sản xuất đình đốn phân tán, trong khi đồng đất quê tôi chiêm khê mùa thối, thời tiết khắc nghiệt, con người suy dinh dưỡng, sức lao động yếu đuối.  Mặc đồng bằng Bắc bộ nằm trong vùng nhiệt đới, khí hậu bốn mùa rõ rệt nhưng vẫn ngán nhất hai mùa. Mùa hè, nước ruộng nóng cỡ 50 độ, cá tôm rắn rết chui vào hang vào hốc, con cua đồng phải đeo trên ngọn cỏ ngọn lúa tránh nóng, người ta bắt được hàng chục kg (gọi là bắt rốc ngôm) để làm mắm. Mùa này thời tiết thất thường, mưa giăng ào ạt, gió bão giật ầm ầm, nhà cửa phải chèn buộc thật kĩ nhưng sáng hôm sau mở cửa ra ngoài thấy cả làng sập nhà gần hết, cây cối tơi tả, nước ngập lếnh láng không còn nhận ra hình thù nhà ai. Trong làng, nhà tôi là căn nhà đúc thứ hai sau nhà thờ làng(1954) nên khá vững chãi. Mùa đông, với cái lạnh thấu xương, con cá Chai là loài cá mạnh vùng nước ngọt cân nặng mấy kg bị lạnh quá, chúng chỉ chuyển động lờ đờ trên mặt nước sông Cồn Tư, chỉ cần một thao tác nhẹ nhàng các anh thanh niên có thể vợt được cá. Ngày ấy tuy còn nhỏ nhưng tôi vẫn nhớ có sự hiện diện của các chuyên gia nông nghiệp Trung Quốc trên đồng ruộng quê tôi, nhưng tôi không đủ trí khôn hiểu được những tri thức của họ có tác động thế nào đến quá trình vận hành của nghành nông nghiệp Việt Nam, trong khi người dân quê tôi, nhất là những cụ già với cái dáng lưng còng rạp, lầm lũi thu mình vào cái áo tơi làm bằng lá cọ đi trên đường làng ướt át lầy lội trông giống hình ảnh những con Kiwi hoặc con chim cút xù lông chạy trốn cái nhiệt độ tê tái như dao cắt. Người nông dân lúc nào cũng co ro trong những tấm áo bông rách vá tơi tả, tay chân, môi miệng tím bầm, hai hàm răng khua vào nhau lập cập, chân trần lội ruộng sản xuất lúa với kỹ thuật canh tác lạc hậu, cơ cấu cây con giống nghèo nàn thoái hóa, đất canh tác cằn cỗi do sử dụng nhiều phân bón tổng hợp và thuốc trừ sâu, trong đó chủ lực có Ure là nguyên nhân chính làm đất cằn cỗi và DDT là thuốc trừ sâu mà theo các nhà khoa học: nó có thể tồn tại nguyên dạng hàng trăm năm trong môi trường, gây tác hại đến cơ thể mọi sinh vật và con người. Chính sách kinh tế vĩ mô chỉ chú trọng đến lợi ích nhà nước và tập thể mà quên đi lợi ích của người lao động, cơ chế quản lý sản xuất nông nghiệp thiếu đồng bộ. Hình thái kinh tế tàn dư còn ảnh hưởng nặng nề đối với xã hội, hình thái kinh tế thống trị thì non yếu mà ta đã đốt cháy giai đoạn, vội vàng áp đặt quan hệ sản xuất XHCN vào nông nghiệp nông thôn, vượt thoát quá xa và không phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất thấp kém của giai đoạn cuối chế độ phong kiến với công cụ lao động là những cái cày chìa vôi, cái bừa cổ điển, cái móng cái cuốc. Ruộng đất trũng ngập, với hệ thống kênh rạch, bờ vùng bờ thửa chằng chịt để điều tiết tưới tiêu là hợp lý. Nay để (hiện đại hóa) nông nghiệp, HTX đưa máy cày vào sản xuất, phá hết bờ bao và móc sâu xuống cho đất sét lên trên, đất mùn, đất màu, phù sa chìm xuống dưới, phần ruộng cao khô nứt nẻ do không giữ được nước, chân ruộng thấp thì ngập úng nên không có cây giống gì phát triển được. Với công cụ điều hành sản xuất chắp vá như phương án dong công chấm điểm, hết một ngày được bằng ấy điểm, không cần biết ngày công đó năng xuất lao động ra sao nhằm thực hiện những đại loại như phong trào “hợp tác hóa nông nghiệp” “Cải tiến quản lý nông nghiệp” “Xây dựng HTX bậc cao” tiến tới mô hình Công xã nông thôn như Trung Quốc. Về cơ cấu tổ chức cũng bất cập vì liên tục phải thay đổi qui mô HTX, thay đổi mô hình chăn nuôi, sản xuất. Với thực tiễn khi lượng còn chưa đủ thì làm sao đạt độ chín muồi cho bước nhảy thay đổi chất. Rõ ràng là chủ quan duy ý chí, vi phạm qui luật khách quan, sai lầm cả trong nhận thức và trong hoạt động thực tiễn. Một số cán bộ nông thôn các cấp thiếu tầm thiếu tâm, dốt nát, hãnh tiến với tác phong, thái độ hống hách của những cường hào ác bá thời mới (sau này học hành trong quân đội tôi mới hiểu tại sao cách mạng XHCN chọn giai cấp công nhân làm đội tiên phong). Hệ quả năng xuất, chất lượng lao động thấp kém, đến khi phân phối sản phẩm thì cào bằng, chất lượng ngày công xấu tốt đánh đồng như nhau. Sản phẩm nông nhiệp và tài sản của HTX là của tập thể “cha chung không ai khóc” mạnh ai nấy xà xẻo, tham nhũng tràn nan và đặc biệt sử dụng vung vãi sức lao động vào những công trình ảo tưởng dạng “Ngu Công dời núi” của Liệt Ngự Khấu chép trong “Liệt Tử” Nhưng thời này làm gì có trời mà thấu nỗi khổ của dân, vì vậy họ đã vắt kiệt sức người, lòng dân bất phục. Trong khi một thực tế hiển nhiên là những hộ nông dân không vào hợp tác xã (ở chung sân có nhà bà Bách, cô Vui) tức là sản xuất riêng lẻ trên phần ruộng được chia trong phong trào cải cách ruộng đất (Người cày có ruộng) thì họ canh tác với cả sức lực và nhiệt tình nên năng xuất đạt được khá cao, thực hiện thuế nông nghiệp và các nghĩa vụ đầy đủ. Ngược lại cũng chân ruộng đó xã viên HTX canh tác thì chắc chắn năng xuất rất thấp mà tốn công điểm khoán rất nhiều. Để ép buộc những hộ cá thể vào hợp tác xã, cán bộ xắp xếp họ phải nhận những chân ruộng xa, vùng đất đầu thừa đuôi thẹo, cạnh các triền sông, miệng cống thủy nông nước chảy xói mòn hết đất màu, trơ lại đất sét cằn cỗi, cói bổi mọc um tùm với mục đích để họ không tăng năng xuất được dù có lao động cực nhọc hơn, bắt buộc họ phải làm đơn xin vào HTX để không còn tồn tại loại hình sản xuất khác với năng xuất cao hơn để so sánh. Ở giai đoạn cao trào của cơ chế quản lý quan liêu bao cấp, nhân dân gọi là (chế độ xếp hàng và tem phiếu) với tình trạng hàng hóa thiếu thốn đến cùng cực, mua bán thứ gì cũng phải xếp hàng vài giờ và phải thông qua cuốn sổ do cửa hàng hợp tác xã mua bán cấp cho mỗi hộ nông dân có đóng dấu hình oval vào từng trang sau khi mua hàng hóa. Từ lạng đường, lít nước mắm đến miếng thịt, miếng đậu phụ, khúc vải may quần áo cũng phải theo tiêu chuẩn nhân khẩu. Thực trạng tiêu dùng xã hội thì như vậy cũng không thể vượt ra ngoài qui luật khách quan cung cầu, và đã xuất hiện một số cá nhân buôn cất hàng hóa từ thành thị về nông thôn bán lẻ, dù với qui mô rất khiêm tốn về vốn và chủng loại hàng hóa nhưng cũng phần nào cung ứng được nhu cầu bà con nông dân, nhưng họ phải chịu sự miệt thị là con buôn, lũ phe phẩy, dưới ánh mắt xăm soi, truy bức của cán bộ quản lý thị trường và thuế vụ. Trong số tài sản giá trị cao của HTX nông nghiệp có con trâu con bò, là sức kéo chính của sản xuất, được giao cho các hộ xã viên chăm sóc để tham gia mùa vụ sản xuất. HTX chấm công điểm, khi đến mùa thu hoạch sẽ thanh toán bằng thóc. Nếu để trâu gầy trâu bệnh sức kéo suy giảm thì bị trừ điểm, cho nên người lao động chịu đói chịu nóng chịu rét thì phải chấp nhận, còn con trâu của HTX thì không, mà phải được chăm sóc như báu vật. Các hộ nông dân nuôi lợn trong chuồng với mục đích chính là tạo phân chuồng để nộp cho hợp tác xã theo chỉ tiêu ban đội sản xuất giao, nhưng cũng đồng thời con lợn đã được liệt kê vào danh sách thuộc quyền quản lý của nghành thực phẩm nhà nước, đồng nghĩa với việc con lợn lớn lên thì chủ nuôi không được tự ý thịt mổ và cũng không thể bán đi đâu được, do đó  chỉ duy nhất một đường là cân cho nghành thực phẩm. Khi xuất chuồng, cán bộ gửi lại cho chủ hộ một hóa đơn, chờ mùa thu hoạch lúa sẽ được thanh toán bằng thóc chứ không được nhận tiền mặt. Nếu xuất lợn vào dịp cận tết nguyên đán thì được cán bộ gửi lại vài ngày chờ đêm hai mươi chín tết mổ ra phân phối cho năm đến sáu gia đình phần thịt cấp tiêu chuẩn tết. Nhà nào có công việc đình đám muốn mổ con lợn thì làm đơn xin phép chờ chính quyền phê duyệt mới được mổ dưới sự giám sát của cán bộ quản lý lương thực thực phẩm và thú y xã. Tuy vậy cũng chỉ được sử dụng theo định mức, nếu con lợn mổ ra có lượng thịt lớn hơn định mức thì giao số thịt dư lại cho nghành thực phẩm bán cho cán bộ nhà nước có tem phiếu tiêu chuẩn. Nhưng cũng khó con lợn nào nông dân nuôi được khá khá thịt vì con người còn phải nhịn đói thì lấy lương thực đâu nuôi lợn. Như nhà tôi, mẹ nuôi một con lợn gần một năm trời mà cân lên chừng được ba mươi kg, chủ yếu là bộ xương và tấm da khô kháo nhăn nheo, lông dựng ngược đen trũi như con chuột cống trông rất tội nghiệp, bởi vì thức ăn chính của lợn là cây chuối đã chặt trái, cây rong ruộng, chóc nước, bèo hoa dâu và đủ thứ tạp nham cây cỏ tôi nhặt ngoài ruộng ngoài vườn đưa vào cho lợn nhai để giảm bớt những tiếng kêu la inh ỏi của lợn vì đói. Nhà nào có gia cầm làm thịt cũng phải giấu giếm hàng xóm, không giám đụng dao thớt phát ra âm thanh lớn, nếu không sẽ bị mang tiếng ăn tiêu hoang phí, không có ý thức tiết kiệm. Có lẽ cả quãng thời gian sống ở quê với bố mẹ chưa bao giờ tôi được ăn một miếng thịt bò, và năm chừng mười họa đếm trên đầu ngón tay mấy lần được ăn thịt trâu chết trong mùa lạnh hoặc bị bệnh. Sau khi thịt, hợp tác xã phân phối cho mỗi nhà một miếng chừng một lạng thịt cả da, .Đến mùa thu hoạch trừ bớt thóc được chia của từng hộ trả lại cho tập thể hoán đổi phần thịt trâu được cấp trước đó. Tuy thịt trâu chết nhưng ăn ngon tuyệt vời. Cũng như vậy quanh năm lũ trẻ con chúng tôi ngong ngóng đến trưa ngày ba mươi tết nguyên đán, mẹ nhận phần thịt lợn với đầy đủ các thứ trong một phần năm hoặc một phần sáu con lợn của một hộ chăn nuôi nào đó nặng chừng năm mươi cân, sau khi làm thủ tục nhập lợn cho nghành thực phẩm thì tiến hành mổ và chia cho từng hộ theo tiêu chuẩn tết do hợp tác xã cấp  để mẹ chế biến các món ăn ba ngày tết trong đó hấp dẫn chúng tôi nhất vẫn là món lòng lợn.
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Hai, 2012, 03:33:29 pm gửi bởi binhyen1960 » Logged

Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
H3 Hùng
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 4438


Hẹn ngày trở lại Preav


WWW
« Trả lời #4 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2011, 09:25:50 pm »

Bác vetran ơi. Chuyện của bác thật và hay quá! Tôi nín thở, nín uống, nhịn hút để đọc một mạch. Phải chi bác chịu khó ngắt câu, chấm xuống hàng thì tôi đọc nhâm nhi với cà phê thuốc lá chắc còn đã hơn Grin
Logged
Trinhsat
Thành viên
*
Bài viết: 397


« Trả lời #5 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2011, 09:28:30 pm »

Chào bạn VeTran:

Bạn làm liền một mạch 4 bài dài trong có một giờ, kỷ lục chưa từng có của trang Quân sử đấy.

Nhiều thông tin rất hay mới lạ mà chắc giờ nhiều người mới được nghe. Cảm ơn bạn.

Nhưng Topic có khung tới 60 trang cơ, mà bạn đã có vẻ định kết thúc luôn rồi sao?
Logged
leasedline
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 399


« Trả lời #6 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2011, 10:41:05 pm »

KỈ NIỆM HƠN BA MƯƠI NĂM TRƯỚC
( Trích trong: TÂM SỰ ĐỜI TÔI)
Qua phà Neak Loeang, tỉnh Kandal qua cầu Monivong (Sài Gòn), xuyên qua nội đô Phnompenh, rồi điểm dừng cuối cùng của cuộc hành trình cũng chấm dứt với những khuôn mặt bơ phờ, tóc dựng ngược cứng queo, hai lỗ mũi của cán bộ chiến sĩ như hai miệng ống khói đỏ quạch vì bụi đất đường trường. Đây rồi! Cầu Chulava (Oknha Khleang) gãy nhịp chênh vênh, bên dưới là dòng Tonlesap đang mùa nước nổi, cuồn cuộn  màu đỏ  phù sa và hàng triệu tấn hải sản chảy về Biển Hồ. Đơn vị mới đóng quân tại cây số hai trong một tu viện công giáo cổ. Binh trạm 179 cục vận tải TCHC - Phnompenh


Hoan hô anh Vệ! Như vậy là VMH có thêm một thành viên là CCB của Trung đoàn 685 - Cục Vận tải - TCHC rồi. Hy vọng anh sẽ có nhiều bài viết về E685 để mọi người hiểu hơn nhiệm vụ của chúng ta trong những năm tháng trên chiến trường K
Logged

“Một ngọn nến không bị mất giá trị khi nó được dùng để mang ánh sáng đến cho người khác”
leasedline
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 399


« Trả lời #7 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2011, 10:45:29 pm »

Bác vetran ơi. Chuyện của bác thật và hay quá! Tôi nín thở, nín uống, nhịn hút để đọc một mạch. Phải chi bác chịu khó ngắt câu, chấm xuống hàng thì tôi đọc nhâm nhi với cà phê thuốc lá chắc còn đã hơn Grin

Hii, anh H3 chịu khó một chút vậy, có lẻ anh Vệ chưa quen đấy thôi. Chuyến đi sắp tới, có đến Phôm Pênh, anh nhớ đến đơn vị cũ trung đoàn bộ E685 (Binh trạm 179 cũ) chụp giúp chúng em một tấm hình làm kỉ niệm anh nhé! Cảm ơn anh trước nghen! hiii, em thấy vui lắm anh H3 ơi !
Logged

“Một ngọn nến không bị mất giá trị khi nó được dùng để mang ánh sáng đến cho người khác”
binhyen1960
Trung tá
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #8 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2011, 11:42:57 pm »

KỈ NIỆM HƠN BA MƯƠI NĂM TRƯỚC
( Trích trong: TÂM SỰ ĐỜI TÔI)
….Sau ba tháng thực tập chiến thuật quân y trong đội hình chiến đấu của các đơn vị thuộc Sư 7, binh đoàn Cửu Long, tại tỉnh KomponSpeu tôi trở về trường, thi tốt nghiệp.

 Đọc ngay đoạn đầu tôi đã thấy ngờ ngợ. Grin

 BY xin được hỏi bác vetran. Có phải đoàn thực tập quân y của các bác về các đơn vị thuộc F7 vào khoảng nửa cuối năm 1979 trở đi không?

 Theo BY nhớ thì đơn vị của BY có 2 nữ quân nhân về thực tập, họ nằm đâu trên phẫu E chứ không xuống các đơn vị chiến đấu. 2 nữ quân nhân thấp đậm béo tròn và đen đứng trên thùng xe chạy vào D bộ binh chúng tôi khiến cả tiểu đoàn ngơ ngác ồ với cả à, lâu rồi chưa được thấy phụ nữ con gái VN đúng vào buổi sáng trước giờ chúng tôi xuất kích đi tác chiến hướng Amleang. Cả một tiểu đoàn súng ống lỉnh kỉnh gạo nước lùng bùng leng keng xoong chảo chờ xe về đón đi vậy mà đứng cả dậy ngơ ngác với 2 bóng hồng lạc giữa rừng "đực rựa".

 Sự xuất hiện của họ làm chúng tôi hao hụt quân số chiến đấu đáng kể đấy, nhiều anh đau bụng nhức đầu ốm đau rất "vô lý" để được đi viện mà gần gũi mấy cô y tá y sỹ thực tập trên phẫu đơn vị đấy. 
Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
hungnguyen0360
Thành viên
*
Bài viết: 218


« Trả lời #9 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2011, 12:55:54 am »

 Ông này mới tuần trước nói muốn viết nhiều mà chưa biết cách viết mặc dù thường xuyên vào đọc trong diễn đàn này.Thực Thanh hóa lái xe 684 sau chạy xe cho Cục phó Long bây giờ đang ở 105 NQ chỗ anh Diệp bữa nào ghé chơi đi.Ông úp mấy cái hình hôm đi Đồng xoài sang Topic VTQSCTK đi.
 Bài viết của en Thơ đâu?
...'' dừng chân tại T16 Kamponthom'' trạm 17 chứ trạm 16 km 13 gần kho xăng 102.Vụ thằng Lăng nổ̉ lựu đạn anh Côn bị mù 2 mắt giờ sống ở quê Hải hậu Nam Định.
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Mười Hai, 2011, 01:25:48 am gửi bởi hungnguyen0360 » Logged

Ngoảnh mặt nhìn về nơi xa ấy
một khoảng đời thơ lúc tuổi xanh
bạn bè thủa ấy giờ đâu cả
tiếng thơm danh toại đã ai thành
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM