Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Năm, 2024, 07:17:51 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đời binh nghiệp  (Đọc 53683 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #60 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 11:28:20 am »

       Ra đi từ làng quê nghèo, tôi cùng lớp lớp thanh niên miền Bắc theo đuổi binh nghiệp, chiến đấu, cùng toàn dân trong đó có biết bao đồng đội, liệt sĩ, giành lại đất nước từ tay đế quốc và bọn tay sai. Non sông thu về một mối. Ngày mẹ tôi mất, gia đình nghèo khó, lang bạt tản cư khắp các vùng. Bố tôi già yếu, khi tôi đã lớn khôn không được bên ông. “Công cha, nghĩa mẹ sinh thành” ăn sâu vào tâm trí, tôi và anh Sử lúc này cũng đã về già, nguyện vọng có một nơi, tại quê để xây dựng từ đường thờ cúng cha mẹ. Lấy đây là nhịp cầu nối các con, các cháu với quê hương. Nguyện vọng ấy suốt 20 năm (từ những năm 1990-2009) tới nay tôi không thực hiện được...
Đầu năm 2010, nguyện vọng đó tôi mới thực hiện được, nhờ chính quyền địa phương bán cho 450m2  đất theo giá quy định của nhà nước, lại có thuận lợi là bà nội (mẹ kế) cắt cho 200m2 đất hương hoả để xây nhà từ đường. Công việc xây dựng được xúc tiến theo kế hoạch. Khởi công ngày 25-1-2010 năm Canh Dần, khánh thành vào ngày 24-8-2010 đúng vào ngày 01-10-2010 Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Các hạng mục có thể mô tả là: Nhà từ đường: 96 m2 (ba gian hậu cung); nhà ngang: 65m2; nhà bếp 24m2; diện tích sân: 265m2; diện tích nhà bà nội 70m2, với chất lượng, giá thành hợp lý. Nhà thờ xây dựng trong khuôn viên rộng 650m2 có quy hoạch khang trang, hợp lý.
Gia đình tôi không thuộc hàng khá giả, trong họ còn nhiều người khó khăn về kinh tế, cũng có ý kiến nên giành tiền của lo trước mắt cho các hộ trong họ... chưa nên xây cất tốn kém. Nhưng tôi nghĩ, giá trị vật chất thì hữu hạn, giá trị văn hóa tinh thần của dòng họ, cộng đồng là vô hạn, nếu bây giờ không xây dựng, lấy chỗ tôn vinh, tri ân, nhằm giáo dục con cháu thì liệu nay mai có ai làm? Có cơ hội nữa hay không? Số đông đồng tình với tôi là làm lúc này rất đúng lúc.
         Cuộc đời binh nghiệp khi tuổi “thất thập” đã cận kề, về đời thường, tôi có đầy đủ nhà ở, tìm được mộ mẹ, giúp đỡ được các con, lại lo lắng được từ đường thờ cúng cha mẹ... Với đất nước, với dòng tộc, với đồng đội bạn bè tôi đã gắng hết mình để có thể làm được những gì như mong muốn. Không ai có trọn đời hạnh phúc, nhưng tôi đã có những ngày hạnh phúc.
       Giờ đây, mỗi khi “có việc”,  tôi  về quê, thắp nén nhang, trong ngan ngát khói hương, lòng tôi lại bâng khuâng nhớ về những người quá cố. Cha mẹ tôi, bạn bè, đồng đội… họ đã quá vãng. Trên những vùng quê đất nước, hương hồn cha mẹ tôi, bạn bè, đồng đội đã tan vào cây cỏ, vào đất, vào nước. Những thế hệ tiếp theo lại tiếp tục bươn trải, gắng công, góp trí để di dưỡng và đắp xây cho quê hương dấu yêu mãi mãi trường tồn.
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #61 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2012, 11:30:32 am »

LỜI KẾT


       Từ con chữ đầu tiên dò dẫm, lang thang trên cánh rừng bạt ngàn sự kiện đời mình, cho tới lúc này tôi đã có trên trang cả vạn chữ.
     Trong suốt những ngày lần lượt viết như “tằm nhả tơ” ký ức về một thời trai trẻ, về những năm tháng dấn thân, bươn trải của mình, tôi cảm nhận trọn vẹn niềm hạnh phúc, vì có được một thời kỳ dài, chung sức cùng nhiều đồng chí, đồng đội hoàn thành nhiều nhiệm vụ. Bởi thế, tôi luôn thấy quanh mình có những người thân thiết, đó là cha mẹ tôi, các anh em, những người bạn, đặc biệt là những đồng đội trẻ, cùng những người chỉ huy, nhiều người nay đã không còn nữa.
      50 năm theo đường binh nghiệp, tôi biết rằng nửa thế kỷ ấy “mình luôn là mình”, trung thực, tự tin, không ngừng khám phá những điều mới mẻ. Những gì nghĩ được, làm được thành công, từ trong chiến đấu nơi chiến hào, đến cơ quan hay giảng đường, tôi luôn được sự ủng hộ của các anh, các chị, những người tâm huyết vì sự nghiệp chung của quân đội và đất nước. Có những người ủng hộ tôi vì hiểu tính cách tôi, cách sống thẳng thắn, rõ ràng.
      Đời người ngắn ngủi trong dòng chảy dài lâu của sự nghiệp, của đất nước. Tôi mong muốn gói trong cuốn sách này, tri ơn tới ông bà, cha mẹ tôi, ông bà ngoại, Bá và những người thầy, đã trao cho tôi ý chí và tri thức. Nếu không có cha mẹ và những người thầy, dẫu cuộc đời thảy nhiều cơ hội, tôi cũng chẳng thể làm được gì.
       Qua ký ức của mình, tôi biết ơn, tri ân đồng chí, bạn bè, bà con, cô bác từng gắn bó với tôi suốt những năm tháng chiến đấu gian khổ, hy sinh từ Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đông Bắc và cả những năm tháng tôi cống hiến ở đồng bằng, thành phố… đã chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cùng tôi trong suốt cuộc đời binh nghiệp.  
     Tôi không bao giờ quên và mang ơn những người lính Trung đoàn “hai linh chín”, thời “lính mũ sắt”, những đồng đội, những liệt sĩ, thương binh, một thời sát cánh bên nhau từ Bắc Tây Nguyên đến miền Đông gian lao anh dũng.
         Xin cảm ơn cán bộ chiến sĩ từng phục vụ, chiến đấu ở Sư đoàn 323, Tỉnh đội Quảng Ninh, Quân khu 3, các nhà giáo, cán bộ, công nhân viên ở Học viện Quốc phòng. Đó là quãng thời gian mà tôi có nhiều cơ hội cống hiến, vững tin đề xuất các ý tưởng, được nhiều sự đồng thuận thực thi ý tưởng ấy. Các đồng chí đã đồng cảm, chung lưng, chung sức nhiều năm xây dựng sư đoàn, quân khu, nhà trường; trong đó tôi mãi nhớ đến anh em thư ký, văn phòng, lái xe, công vụ. Tôi biết nhiều người trong số đó còn là tấm gương về lòng độ lượng, họ khiến tôi sẽ còn phải day dứt mãi, giá như tôi có thể giữ được sự điềm tĩnh hơn, bớt thẳng tính hơn trong công việc!
                   Xin cảm ơn các đồng chí: Thiếu tướng, PGS, Tiến sĩ khoa học quân sự Phạm Ngọc Hùng; Đại tá, PGS, Tiến sĩ khoa học quân sự Phạm Huy Dương; Đại tá, PGS, Tiến sĩ khoa học quân sự Nguyễn Hùng Sinh; Đại tá, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Oanh ở Học viện Quốc phòng đã tổng hợp, biên tập bước đầu, cung cấp nhiều tư liệu, giúp tôi có cuốn hồi ký này; Cảm ơn Đại tá Nhà báo Trần Danh Bảng đã giúp tôi hoàn thiện cuốn hồi ký.
Dẫu thế nào thì tôi vẫn ý thức rằng, cuốn hồi ký còn nhiều khiếm khuyết, bởi tư liệu “tam sao thất bản”, bởi thời gian qua đi luôn bào mòn sự kiện thật đáng sợ, mà cũng còn vì khả năng của mình. Xin bạn đọc lượng thứ, rất mong được đóng góp để chỉnh sửa, hy vọng có lần tái bản.
      Xin cảm ơn Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã giúp đỡ và ngay từ đầu đã thiện chí động viên tôi viết cuốn hồi ký này.


Mùa Đông năm Tân Mão
Nguyễn Thế Trị
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Năm, 2012, 02:41:20 pm gửi bởi macbupda » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM