Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:17:20 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bộ Tổng Tham mưu Xô-viết trong chiến tranh - Tập 2  (Đọc 108915 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #130 vào lúc: 25 Tháng Giêng, 2016, 07:57:54 am »


CHƯƠNG BẢY

Ở giữa châu Âu


Đầu mối Hung-ga-ri. — Chỉ thị của Đại bản doanh. — Sự hoảng hốt trong phe Hoóc-ti.
— Sức ép của Hít-le. — Chuyến đi bí mật. — Thư của các sĩ quan tù binh.
— Các thủ đoạn vụng về. — Thượng tướng Be-la Mi-clốt. — Trận đánh bảo vệ Bu-đa-pét.
— U. Sớc-sin và A. I-đơn ở Má-xcơ-va. — Báo cáo của nguyên soái X. C. Ti-mô-sen-cô.
— Sự hy sinh của những người Liên Xô cầm cờ trắng. — Nẩy nở tình đoàn kết chiến đấu.
— Tại Ba-la-tông.— «Không được kéo dài chiến tranh».


Thắng lợi của chiến dịch I-át-xư - Ki-si-ni-ốp đặt ra cho bộ đội Liên Xô một trong những nhiệm vụ thực tiễn là giải phóng Hung-ga-ri.

Như mọi người đều biết, về địa lý, Hung-ga-ri nằm ở giữa châu Âu, đầu mối những con đường cái chính trên lục địa. Trong những năm chiến tranh thế giới thứ hai, bọn cầm quyền ở Hung-ga-ri, đứng đầu là nhiếp chính Hoóc-ti, trở thành những tên tay sai trung thành của Hít-le. Chúng biến Hung-ga-ri thành nước chư hầu, chỗ dựa của Đế chế thứ ba. Phát-xít Đức hút dầu hỏa của Hung-ga-ri, thứ nhiên liệu sống còn đối với các lực lượng vũ trang của Đức, sau khi chúng bị mất các nguồn dầu ở Ru-ma-ni; chúng vơ vét lúa mì, thịt và các nguyên liệu nông nghiệp. Hung-ga-ri còn cung cấp cả quân lính cho chúng.

Bộ tổng tham mưu chú ý tính toán tất cả những vẫn đề trên. Nhưng không chỉ có thế. Chúng ta cần nhớ rằng Hung-ga-ri giữ một vị trí đặc biệt trong những mưu toan của khối Anh-Mỹ. Mọi người đều biết rằng các nước phương Tây đang thi hành chính sách hai mặt với Hung-ga-ri. Ví dụ, họ đã phản ứng khá «độc đáo» việc Hung-ga-ri tham gia cuộc chiến tranh với Liên Xô: vừa mới cuối năm 1941 Anh đã tuyên chiến với Hung-ga-ri, còn Mỹ thì tuyên chiến muộn hơn, vào tháng Sáu 1942. Các mối quan hệ như vậy có thể đưa đến nhiều điều bất ngờ, và như chúng ta sẽ thấy, chúng có ảnh hưởng tới các kế hoạch của hai bên.

Việc giải phóng Hung-ga-ri hứa hẹn mang lại cho chúng ta những thuận lợi rõ rệt về quân sự. Giải phóng được đất nước này, bộ đội Liên Xô sẽ tiến vào Tiệp Khắc là nước đồng minh với chúng ta, trực tiếp giáp giới với nước Đức Hít-le và có điều kiện đánh vu hồi mặt phía Nam vào nước Đức. Từ đây vào đến trung tâm hang ổ của bọn phát-xít chỉ còn có mấy trăm ki-lô-mét. Chúng ta còn có những ý định khác nữa. Ví dụ, Hung-ga-ri được giải phóng sẽ làm thay đổi hắn tình hình quân sự ở I-ta-li-a, Nam Tư, Hy Lạp và An-ba-ni, vì các mũi đột kích của chúng ta đe dọa phía sau lưng các cánh quân phát-xít Đức đóng tại các nước này và chặn hết mọi ngả đường rút quân của chúng về nước Đức. Tình hình đó là yếu tố mới rất quan trọng đối với tình huống chiến lược ở châu Âu.

Quân địch hiểu các khả năng sẽ phát triển sắp tới của các sự kiện quân sự, nên ngoan cố bám giữ lấy Hung-ga-ri. Và, chúng ta cũng cảm thấy ngay tình hình đó khi quân đội Liên Xô tiến gần đến Tơ-ran-xin-va-ni.

Việc tiêu diệt quân địch ở I-át-xư và Ki-si-ni-ốp đã tạo điều kiện để có một cách nhìn khác hơn trước đây chút ít đối với việc giải quyết vấn đề về cách thức phá vỡ phòng ngự của quân phát-xít Đức và của chính phủ Hoóc-ti ở Các-pát. Bộ tổng tham mưu và Đại bản doanh suy nghĩ: liệu ta có cần tiến vào Hung-ga-ri qua dãy núi bằng mũi đột kích vỗ mặt như phương diện quân U-crai-na 4 đã chuẩn bị hay không? Tiến công như vậy thường bị tổn thất nhiều cả về người lẫn phương tiện vật chất. Vậy nếu biết lợi dụng tình hình chiến dịch phát triển nhanh ở hướng Tây - Nam để các tập đoàn quân Liên Xô tiến vào các vùng phía sau núi, tức là từ phía Nam đi vòng dãy núi qua Ru-ma-ni, có tốt hơn không? Tất nhiên là nếu không tiến công vào các vùng rừng núi và không đột phá vào tuyến phòng thủ của địch ở chính diện thì không được, nhưng dù sao nhiệm vụ chủ yếu có thể hoàn thành được thuận lợi hơn, tiết kiệm hơn, và dĩ nhiên là triệt để hơn.

Bộ tổng tham mưu đã thảo luận kỹ tình huống trên, và ngày 25 tháng Tám 1944, A. I. An-tô-nốp báo cáo với Đại bản doanh phương án dự kiến hành động của các phương diện quân U-crai-na 4 và 2. Bộ tổng tham mưu được chỉ thị lấy thêm ý kiến của I. E. Pê-tơ-rốp, tư lệnh phương diện quân U-crai-na 4, rồi của R. I-a. Ma-li-nốp-xki, tư lệnh phưong diện quân U-crai-na 2 và Gh. C. Giu-cốp, Phó tổng tư lệnh tối cao lúc này đang ở Ru-ma-ni.

Chúng tôi đã trao đổi ý kiến ngay với I. E. Pê-tơ-rốp bằng đường điện thoại cao tần. Trong dải của phương diện quân đồng chí, trên khắp các nẻo đường vùng chân núi Các-pát, bộ đội và khí tài đang luồn núi xuyên rừng, nơi thì chiến đấu mở đường, nơi thì đánh giáp lá cà với quân địch, đang bò lên các điểm cao một cách chậm chạp như đàn kiến. Phương diện quân vừa tiến công, vừa chuẩn bị các điều kiện để vượt dãy núi Đông Các-pát ở phía Đông. Trong khi đó, bộ đội lại không có đủ các thiết bị và trang bị chiến đấu ở vùng rừng núi.

Các kết quả tiến công chưa hứa hẹn được nhiều. Quân địch mặc dù phải lùi tới các điểm cao và các đèo ngang dãy núi chính, nhưng vẫn chưa chịu bỏ những vị trí quyết định. Bộ đội Liên Xô bị thiệt hại khá nhiều về người và khí tài.

I. E. Pê-tơ-rốp đồng ý với những ý kiến của Bộ tổng tham mưu, nhưng có nói rằng, trước khi chờ Đại bản doanh quyết định cuối cùng, tốt hơn là nên tạm dừng cuộc tiến công của phương diện quân U-crai-na 4, vì cần để cho phương diện quân học tập thêm cách đánh ở vùng rừng núi, cải tiến việc trang bị cho bộ đội và cho bộ đội nghỉ ngơi chút ít, vì họ đã tiến công lâu rồi. Bộ tổng tham mưu không phản đối, vì tạm thời chuyển sang phòng ngự sẽ giúp cho phương diện quân chuẩn bị các chiến dịch tiến công mới được dễ dàng hơn. Chúng tôi hy vọng Tổng tư lệnh tối cao sẽ đồng ý với chúng tôi và I. E. Pê-tơ-rốp. Hơn nữa, Bộ tổng tham mưu còn nhận được một số tin tức là ở Xlô-va-ki-a đang có cuộc chuẩn bị khởi nghĩa chống Hít-le. Những tin tức ấy tuy chưa được rõ ràng, chưa thật chắc chắn, nhưng cũng không thể bỏ qua được.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #131 vào lúc: 25 Tháng Giêng, 2016, 07:15:40 pm »


Phương diện quân U-crai-na 4 hầu như không chuyển sang phòng ngự được, song, về vấn để này sẽ nói đến sau.

Đêm 25 rạng ngày 26 tháng Tám, các ý kiến của Bộ tổng tham mưu và của I. E. Pê-tơ-rốp được báo cáo lên Tổng tư lệnh tối cao. Chúng tôi đã chuẩn bị từ trước bản dự thảo: chỉ thị chuyển phương diện quân U-crai-na 4 sang phòng ngự. I. V. Xta-lin ký vào văn bản và ra lệnh cho phương diện quân vì lợi ích tiến công sau này, cần xây dựng những lực lượng dự bị mạnh cần thiết cho những trận đánh ở vùng rừng núi. Để nhấn mạnh thêm ý nghĩa của quyết định trên, I. V. Xta-lin chỉ thị viết tiếp: «Đồng chí hãy hoãn mở chiến dịch (mũi đột phá qua Các-pát. — T. G.), chưa có lệnh của Đại bản doanh thì chưa tiến hành». Đoạn viết thêm đó là cần thiết, vì rằng cuộc khởi nghĩa ở Xlô-va-ki-a nổ ra thì ta cần chú ý tới các hậu quả quân sự và nhất là hậu quả chính trị của sự kiện quan trọng đó. Trước mắt chúng ta còn in sâu tấm gương của những người khởi nghĩa ở Vác-sa-va, dù Hồng quân đã tìm mọi cách giúp đỡ, nhưng vẫn không thể cứu vãn khỏi tai họa.

I. E. Pê-tơ-rốp ra lệnh cho bộ đội của phương diện quân, giải thích cho các cán bộ chỉ huy trong phương diện quân biết nguyên nhân chuyển sang phòng ngự:

«Chấp hành chỉ thị của Đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh tối cao, bộ đội phương diện quân sẽ chuyển sang phòng ngự tích cực, đồng thời phải duy trì lực lượng dự bị mạnh.

Sở dĩ chuyển sang phòng ngự là do các phương diện quân U-crai-na 2 và 3 hoạt động thắng lợi và do các khả năng mới tạo nên cho phép phương diện quân chúng ta hoàn thành nhiệm vụ bằng những phương pháp bớt khó khăn hơn và có hiệu quả nhiều hơn.

Do đó, chúng ta phải hiểu việc chuyển sang phòng ngự, là giai đoạn chuẩn bị để tiếp tục tiến công với những mục đích kiên quyết».

Ngày 4 tháng Chín, Đại bản doanh nhận được báo cáo của Gh. C. Giu-cốp và R. I-a. Ma-li-nốp-xki. Các đồng chí viết : «Chúng tôi không tin là các tập đoàn quân cận vệ 40 và 7 sẽ nhanh chóng mở những mũi đột kích vào chính diện». Các tập đoàn quân đó, do các tướng Ph. Ph. Giơ-ma-tren-cô và M. X. Su-mi-lốp chỉ huy, được quy định từ phía Nam đi vòng núi Các-pát đánh vào Hung-ga-ri.

Như chúng tôi dự kiến, trong báo cáo của các đồng chí có đề nghị tiến vào Tơ-ran-xin-va-ni bằng các mũi đột kích phối hợp từ phía Đông và phía Nam, cho các tập đoàn quân 53, 27 và tập đoàn quân xe tăng 6 từ Đa-nuýp quặt tới đây và đánh chiếm khu vực Clu-giơ, Ô-ra-đê-a - Ma-rê, Kha-txéc. «Chiếm được khu vực này, — Gh. C. Giu-cốp và R. I-a. Ma-li-nốp-xki viết, — chúng ta sẽ tạo được mối uy hiếp bao vây quân Đức và Hung-ga-ri đang chống lại các tập đoàn quân của Giơ-ma-tren-cô và Su-mi-lốp, sẽ giúp cho các tập đoàn quân nhanh chóng tiến ra tuyến Đe-giơ, Clu-giơ để sau đó sẽ hành động tới Xa-tu - Ma-rê hiệp đồng với phương diện quân U-crai-na 4». Như vậy ý kiến của Bộ tổng tham mưu càng được củng cố thêm.

Đại bản doanh chú ý nghiên cứu mọi ý kiến, và tôi hôm sau lệnh cho phương diện quân U-crai-na 2 sửa chữa lại kế hoạch chiến dịch trước đây của phương diện quân. Ý nghĩa của các chỉ thị như sau: đi vòng phía Nam núi Các-pát, kết hợp mở những mũi đột kích vào chính diện với những mũi đánh bọc của một số tập đoàn quân; chi viện cho phương diện quân của I. E. Pê-tơ-rốp; không được phân tán lực lượng.

Các tập đoàn quân của phương diện quân U-crai-na 2 đánh quặt xuống đã làm phá sản mọi dự đoán và những lời đồn đại của các nước ngoài, cho rằng Liên Xô vẫn sẽ theo đuổi mục đích cũ của nước Nga sa hoàng đối với Bô-xpho và Đác-đa-nen. Riêng Hít-le thì cho rằng, Hồng quân sẽ tung mọi lực lượng của mình ra hướng này và chỉ để lại ở Các-pát một số ít lực lượng để yểm hộ. Điều đó cũng được chứng minh trong cuốn sách «Những trận đánh thất bại» của tướng G. Phrít-xne, chỉ huy Cụm tập đoàn quân «Nam U-crai-na» đã bị bộ đội Liên Xô đánh cho tơi tả. Lầm lẫn đó của quân địch rất quan trọng, nó khiến chúng phải chú ý bố trí lại các đơn vị của chúng, tăng cường cho khu vực mặt trận ở hướng Nam Các-pát, chứ không phải ở phía Tây — hướng chiến lược rất quan trọng và có hiệu lực nhất.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #132 vào lúc: 25 Tháng Giêng, 2016, 07:20:00 pm »


Tôi còn nhớ, trong chỉ thị lần đầu tiên có nói tới khu vực Đê-brê-xen — lúc này chỉ là mục tiêu hoạt động của kỵ binh; ta dự định sử dụng kỵ binh để mở rộng mũi đột kích của phương diện quân. Bộ đội Liên Xô tiến vào Đê-brê-xen có lợi cho hình thái tiến công trên mấy hướng: hướng Đông, và Đông-Bắc — tiến vào phía sau lưng tuyến phòng thủ của địch ở Các-pát; hướng Bắc — để chặn đường rút lui của quân phát-xít Đức; hướng Tây-Bắc — để chi viện cho cuộc khởi nghĩa có thể xẩy ra ở Xlô-va-ki-a; hướng Tây — để đột kích vào Bu-đa-pét. Mũi đột kích theo dự tính của Đại bản doanh sâu hơn là mũi đột kích theo đề nghị của tư lệnh phương diện quân U-crai-na 2; nó chứa đựng nhiều khả năng để tiếp tục phát triển chiến dịch, tạo nên mối uy hiếp bao vây quân địch đang phòng ngự ở vùng U-crai-na phía sau Các-pát và Tơ-ran-xin-va-ni.

Trong chỉ thị ấy, Bộ tổng tư lệnh tối cao đề ra các nguyên tắc hiệp đồng giữa bộ đội Liên Xô và bộ đội Ru-ma-ni lúc này đã quay súng chống lại nước Đức phát-xít. Đại bản doanh đề nghị Bộ chỉ huy Ru-ma-ni tách ra 2-3 sư đoàn bộ binh để phòng thủ Đa-nuýp và trên dưới 3 sư đoàn để phòng thủ khu vực Xe-ghét, Tuốc-nu - Xê-vê-rin. Tập đoàn quân Ru-ma-ni 1 được dùng làm cơ sở cho các đơn vị nói trên. Ta đề nghị sử dụng các đơn vị của tập đoàn quân Ru-ma-ni 4 do tướng G. A-bra-me-xcu chỉ huy và các đơn vị Ru-ma-ni khác ở khu vực Bra-sốp và Tơ-ran-xin-va-ni phối hợp với Hồng quân tiến công vào Clu-giơ.

Thực hiện chỉ thị của Đại bản doanh, bộ đội sườn trái thuộc phương diện quân của R. I-a. Ma-li-nốp-xki vận động quay lên phía Bắc. Tập đoàn quân xe tăng 6 của tướng A. G. Cráp-tsen-cô có 262 xe tăng và 82 pháo tự hành tiến quân ở giữa. Ngày 14 tháng Chín, khi tiến đến khu vực Tuốc-đa, tập đoàn quân đã bước vào giao chiến quyết liệt với xe tăng và bộ binh địch tổ chức phản kích mạnh ở đây nhằm phá các chiến dịch của ta.

Sự thất bại nặng nề của Cụm tập đoàn quân «Nam U-crai-na» ở I-át-xư và Ki-si-ni-ốp đã có ảnh hưởng lớn đến tình hình chính trị và quân sự ở Hung-ga-ri. Những tên thủ lĩnh của chế độ phát-xít trong nước cảm thấy đất bắt đầu bị rung chuyển dưới chân chúng. Mặc dầu quân phát-xít Đức đến chiếm đóng Hung-ga-ri từ tháng Ba 1944, nhưng cho đến bây giờ chúng vẫn không thể đảm bảo sự phòng thủ vững chắc của Hung-ga-ri trước sự tấn công của bộ đội Liên Xô. Chính sách của các giai cấp thống trị phản động và các chính phủ phản cách mạng, chính sách phản bội quyền lợi dân tộc và bóc lột nhân dân đã dẫn đất nước Hung-ga-ri tới thảm họa. Trong khi bọn phát-xít hò hét đến sùi bọt mép về «thắng lợi cuối cùng» và về «vũ khí kỳ diệu» của Hít-le thì ở Hung-ga-ri đã diễn ra một sự cưỡng bức đi những công nhân và chuyển những thiết bị nhà máy, dự trữ nguyên liệu, máy móc nông nghiệp và sản phẩm về nước Đức. Hung-ga-ri ngày càng phụ thuộc vào tên độc tài phát-xít Đức vì Hít-le đưa vào Hung-ga-ri mấy sư đoàn Đức, nhưng lại lấy đi các lực lượng chủ yếu có khả năng chiến đấu của quân đội Hung-ga-ri.

Ngay sau khi tiêu diệt quân phát-xít Đức bị bao vây ở I-át-xư - Ki-si-ni-ốp, bộ đội Liên Xô tiến đến biên giới Hung-ga-ri, Nam Tư và Bun-ga-ri thì phe phải của Hoóc-ti mới bắt đầu vội vã tìm đường thoát khỏi thảm họa đang đe dọa chủ nghĩa phát-xít ở Hung-ga-ri. Nhưng cả lúc này, khi lòng tin mù quáng của các giới cầm quyền Hung-ga-ri vào sức mạnh của vũ khí Hít-le bị phá sản, thì Hoóc-ti và tập đoàn của y lại hoàn toàn không nghĩ tới việc đầu hàng vô điều kiện. Muốn tránh khỏi sụp đổ, bọn chúng định dựa vào Anh và Mỹ. Bọn Hoóc-ti nghĩ rằng, các cường quốc phương Tây sớm muộn rồi cũng sẽ thỏa hiệp với nước Đức phát-xít ở sau lưng Liên Xô, và Đức sẽ cho quân Anh-Mỹ tiến vào đất Hung-ga-ri trước khi bộ đội Liên Xô vượt qua được dãy núi Các-pát. Những hy vọng đó của bọn chúng là có căn cứ. «Tôi rất muốn, — U. Sớc-sin nói, —chúng ta sẽ vượt trước người Nga ở một số vùng Trung Âu. Ví dụ, giới cầm quyền ở Hung-ga-ri có ý định chống lại việc tiến công của Liên Xô, nhưng nếu như quân Anh đến kịp thì họ sẽ đầu hàng quân Anh»1. Bè lũ Hoóc-ti cảm thầy đầu hàng Anh-Mỹ ít nhục nhã hơn là đầu hàng Liên Xô. Bọn chúng trông mong vào sự không bền vững của khối liên minh chống Hít-le. Lúc này, điều chủ yếu mà chúng lo là làm sao kìm chân được bộ đội Liên Xô, tranh thủ thời gian, tạo điều kiện cho quân Anh-Mỹ đến trước Hồng quân và sẽ làm chủ được tình hình ở Hung-ga-ri.
_____________________________________________
1. U. Sớc-sin. Chiến tranh thế giới thứ hai, t. VI, tr. 146.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #133 vào lúc: 25 Tháng Giêng, 2016, 07:21:17 pm »


Các bộ trưởng Hung-ga-ri còn biết rằng, một số tên chóp bu của nước Đức Hít-le đã đồng ý mở cửa ở mặt trận phía Tây cho quân Anh-Mỹ tiến vào để có điều kiện tập trung toàn bộ lực lượng của đế chế thứ ba chống lại Hồng quân ở phía Đông. Tình hình đó tất nhiên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quân Anh - Mỹ tiến vào Hung-ga-ri, trong khi Hồng quân còn phải đang đổ máu, từng bước phá tan tuyến phòng thủ ngoan cố của quân Đức và Hung-ga-ri. Bọn phát-xít ở Hung-ga-ri cho rằng, quân đội của các cường quốc phương Tây chiếm đóng Hung-ga-ri sẽ không bắt bọn chúng phải trả nợ những tội ác của chúng đối với nhân dân, mà sẽ còn giúp đỡ chúng tiếp tục chiến đấu chống lại Liên Xô.

Còn về các lực lượng vũ trang của Đức, với sự yểm trợ và sự có mặt của quân đội Anh-Mỹ, thì Hoóc-ti và bè lũ hy vọng sẽ giải quyết được tương đối dễ dàng.

Như vậy, mùa thu 1944, Hung-ga-ri là trung tâm của các sự kiện quân sự và chính trị ở châu Âu.

Khi Hồng quân Liên Xô chuyển sang hoạt động trên lãnh thổ các nước ngoài, thì tất nhiên chúng tôi khó giữ bí mật các hướng đột kích, vì quân địch thế nào cũng đã phát hiện thấy việc điều quân và tập trung quân của bộ đội Liên Xô. Chúng ta cũng không thể che giấu được mũi đột kích của sườn trái phương diện quân U-crai-na 2 đánh quặt lên phía Bắc. Chính phủ Hoóc-ti nhận được những tin tức trên liền báo động ngay. Chúng cho rằng, quân đội Liên Xô chiếm lĩnh vị trí xuất phát để tiến công vào Hung-ga-ri. Bu-đa-pét vội vã chuẩn bị. Tối 7 tháng Chín, cái gọi là hội đồng nhà vua họp. Tên nhiếp chính Hoóc-ti thảo luận với chính phủ và các đại biểu của Bộ tổng chỉ huy quân đội Hung-ga-ri về tình hình quân sự và chính sách đối ngoại của đất nước. Bọn chúng đánh giá tình hình lúc này là rất không lợi.

Trung tướng Tổng tham mưu trưởng I-a-nô-sơ Vi-ô-ri-ô-sơ thông báo tình hình mặt trận, tin chắc rằng Hồng quân sẽ mở những mũi đột kích mạnh, đồng loạt đánh theo hai hướng hợp điểm: phía Đông thì từ Ru-ma-ni và phía Bắc thì qua dãy núi Các-pát. Tổng tham mưu trưởng Hung-ga-ri nói toạc ra rằng, kết quả những hoạt động quân sự đó của bộ đội Liên Xô có thể là những gọng kìm khổng lồ, tách các lực lượng chủ yếu của quân đội Hung-ga-ri đang chiến đấu ở dãy núi Đông Các-pát ra khỏi trung tâm đất nước, và sẽ uy hiếp trực tiếp tới Bu-đa-pét.

Trong hội nghị này, chúng không nói một lời nào về vấn đề đầu hàng. Thế nhưng, những người tham dự cuộc họp đều thống nhất với nhau rằng, các lực lượng của bản thân Hung-ga-ri không đủ sức đối phó với Hồng quân. Do chưa liên hệ được với Anh-Mỹ, nên tình thế buộc chính phủ Hung-ga-ri phải yêu cầu sự giúp đỡ của Hít-le. Bọn chúng yêu cầu chứ không đi xin Hít-le, vì chúng biết rằng nước Đức phát-xít cũng rất quan tâm giữ lấy kẻ đồng minh cuối cùng của mình là Hung-ga-ri. Chúng còn dọa dẫm những tên chủ Đức là, nếu từ chối giúp đỡ thì Hung-ga-ri buộc phải thương lượng đình chiến với Liên Xô.

Ngày hôm sau, 8 tháng Chín, chính phủ Hung-ga-ri họp phiên đặc biệt. Hội nghị lại tiếp tục bàn bạc và tìm kiếm lối thoát, nhưng không một bộ trưởng nào có thể nêu lên được một đề nghị gì mới vì hôm trước chúng đã nói hết cả rồi. Hơn nữa tên địa chủ, bá tước Bê-la Tê-lê-ki, giáo sư trường đại học ở Clu-giơ nhận xét có lý rằng, thời cơ thuận lợi để thương lượng đình chiến với Liên Xô đã bị bỏ lỡ cách đây một tuần lễ. Như vậy, bọn chúng đi đến quyết định để quân Anh-Mỹ vào chiếm đóng Hung-ga-ri. Nguyên nhân của quyết định này là sự trả lời của chính phủ Đức: muốn tránh không để mặt trận phía Đông bị vỡ, bọn Hít-le đã sẵn sàng rút lực lượng của chúng ở mặt trận phía Tây. Ngoài ra, Grây-phen-béc, đại diện của Hít-le ở Bu-đa-pét thay mặt bộ chỉ huy phát-xít Đức hứa rằng, trong khoảng 5 ngày nữa sư đoàn xe tăng và sư đoàn cảnh sát SS từ khu vực Bê-ô-grát sẽ tới ứng cứu cho Hung-ga-ri, rồi sau đó sư đoàn bộ binh 18 SS từ Đi-ê-rơ và sư đoàn bộ binh 22 cùng với lữ đoàn xe tăng ở các khu vực khác cũng sẽ kéo đến.

Như vậy là bọn Hoóc-ti dường như thỏa mãn mọi điều mong ước, vì chính phủ Hít-le tuyên bố có khả năng sẽ mở toang cửa phía Tây, do đó quân Anh-Mỹ có thể nhanh chóng tiến vào Hung-ga-ri; quân phát-xít Đức sẽ tới. Điều đó cho phép tổ chức ở biên giới đất nước những tuyến phòng thủ mạnh, ngăn chặn Hồng quân và tranh thủ được thời gian quý báu. Còn sau đó... không một tên nào nói gì đến sự can thiệp của các nước phương Tây mà tất cả bọn chúng đều mong đợi nó. Tổng tham mưu trưởng quân đội Hung-ga-ri quá uổng công chứng minh cho chính phủ hay rằng, Hung-ga-ri phải biết dựa chủ yếu vào những lực lượng của bản thân. Những lời hứa hẹn của bọn Đức cuối cùng đã làm siêu lòng các bộ trưởng đi tới quyết định tiếp tục chiến tranh chống lại Liên Xô.

Như vậy là, lại mất thêm một cơ hội có thể ngăn ngừa được những tổn thất không cần thiết, nhích dần đến giờ kết thúc chiến tranh. Chính phủ Hoóc-ti không muốn nhìn thấy rằng, ngay cả những hy vọng thắng lợi hão huyền, bọn chúng cũng chẳng đào được ở đâu ra.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #134 vào lúc: 25 Tháng Giêng, 2016, 07:22:30 pm »


Bộ chỉ huy quân sự Hít-le đã đánh giá đúng tình hình ở Hung-ga-ri. Phrít-xne, tư lệnh quân đội phát-xít Đức, chạy lăng xăng giữa bộ tham mưu của y với nội các của tên nhiếp chính Hung-ga-ri và Tổng hành dinh của Hít-le. Các đơn vị mới được cấp tốc chở đến. «Bộ chỉ huy cụm tập đoàn quân đã áp dụng nhiều biện pháp để bảo đảm an toàn cho vùng sau lưng của mình, nếu ở Hung-ga-ri xảy ra những biến động đột ngột về chính trị», — Phrít-xne sau này viết như vậy. Những lực lượng xe tăng lớn được tập trung ở khu vực Tuốc-đa để tổ chức phản kích: bọn Hít-le còn ngoan cố tìm mọi cách hòng phá vỡ các ý đồ của Bộ chỉ huy Liên Xô.

Ngày 13 tháng Chín, Tổng hành dinh của Hít-le mở phiên họp đặc biệt thảo luận về tình hình ở Hung-ga-ri. Cuộc họp gồm một số ít tên chỉ huy quân sự Đức và Hung-ga-ri cùng một số nhân vật cần thiết khác. Về thực chất, tướng Phrít-xne được giao toàn bộ quyền hành độc tài về quân sự. Mọi tổ chức quân sự và dân sự, không trừ một tổ chức nào, từ lúc này đều thuộc quyền y. «Trong lĩnh vực này, tôi không đếm xỉa gì đến mọi yêu cầu của Hung-ga-ri»—chính Phrít-xne đã viết như thế. Như vậy, Bộ tổng tham mưu Hung-ga-ri trở thành cơ quan phụ của bọn phát-xít Đức dùng để chỉ huy các đơn vị Hung-ga-ri, nhưng trên thực tế nó đã mất hết quyền lực.

Cuối phiên họp người ta ra lệnh là cụm tập đoàn quân của Phrít-xne phải chiến đấu đến cùng. Sau đó, ngày 20 tháng Chín, chính phủ Hít-le gửi tôi hậu thư cho Hung-ga-ri đòi hỏi phải giữ vững trật tự hiện hành ở trong nước theo đúng ý muốn của Đức. Thế là Hung-ga-ri bị chế độ kìm kẹp trói buộc và đã gây nên cuộc chiến tranh đẫm máu ngay tại đất nước mình.

Sau khi quay lên phía Bắc theo hướng Đê-brê-xen, bộ đội phương diện quân U-crai-na 2 đã sắp xếp lại đội hình và bước vào những trận chiến đấu mới với quân địch. Bộ chỉ huy Hít-le đã đón sẵn cuộc tiến công đó. Quân đoàn cơ giới Hung-ga-ri và sư đoàn xe tăng Đức được tập trung thêm tới đây để chống lại tập đoàn quân 40, tập đoàn quân cận vệ 7 và tập đoàn quân 27 của phương diện quân U-crai-na 2. Mọi cố gắng của bộ đội Liên Xô cùng với các binh đoàn của Ru-ma-ni chiến đấu phối hợp đột phá vào tuyến phòng thủ của địch đều không thu được thắng lợi. Trận đánh diễn ra hết sức ác liệt ở khu vực Tuốc-đa. nơi như đã nói ở trên, bộ chỉ huy phát-xít Đức âm mưu tổ chức cuộc phản kích để gỡ lại thắng lợi về quân sự. Quân thù được kích động bằng mệnh lệnh buộc phải chiến đấu đến cùng, điên cuồng tập kích vào quân ta.

Các tập đoàn quân xe tăng 27 và 6 bước vào trận chiến đấu kéo dài trong nhiều ngày, cả hai bên đều không thu được kết quả rõ rệt. Bộ tổng tham mưu liền báo cáo với Đại bản doanh những ý kiến phân vân của mình là ít có khả năng giành được bước ngoặt thuận lợi cho tình hình quân sự ở khu vực Tuốc-đa.

Tình hình trong dải tiến công bên trái tập đoàn quân 53 của tướng I. M. Ma-na-ga-rốp có khá hơn. Những công sự của địch ở đây yếu hơn. Bộ đội Liên Xô đã phá được các công sự đó một cách tương đối dễ và tiến vào khu vực Tây-Bắc thành phố A-rát. Theo ý kiến của bộ tư lệnh phương diện quân, trong dải của tập đoàn quân đã tạo nên những điều kiện thuận lợi cho bộ đội Liên Xô dùng những lực lượng lớn đột kích vào hướng Ô-ra-đê-a -ma-re, Đê-brê-xen.

Theo như ý kiến của Bộ tổng tham mưu thì hướng Đê-brê-xen là rất có triển vọng. Ở đấy, bộ đội Liên Xô có khả năng từ phía Tây đi vòng qua Tuốc-đa và vòng qua cả cánh quân địch đang đóng tại Tơ-ran-xin-va-ni — Các-pát.

Tuy nhiên, hướng này cũng có những khó khăn của nó. Các lực lượng chủ yếu đột kích vào Đê-brê-xen phải đặc biệt chú ý theo dõi hai bên sườn. Uy hiếp các sườn này có thể là những cánh quân rất lớn của địch: một cánh quân từ Các-pát và Tơ-ran-xin-va-ni tới, một cánh quân từ Nam Tư tới. Và không ai dám cam đoan rằng, các cánh quân này lại không được sử dụng theo một kế hoạch thống nhất trên hướng chung tới Bu-đa-pét. Các tuyến giao thông kéo dài, hậu phương của Ru-ma-ni vừa mới được ổn định và lực lượng cơ động của phương diện quân U-crai-na 2 còn tương đối yếu, tất cả những điều đó khiến cho tình tiết ấy trở thành nhân tố tác chiến khá quan trọng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #135 vào lúc: 25 Tháng Giêng, 2016, 07:23:20 pm »


Bộ tổng tham mưu chú ý theo dõi cả hai cánh quân địch và khi dự tính chiến dịch Đê-brê-xen, đã có ý định sẽ tiến hành đồng thời với những đòn tiến công quân địch ở Nam Tư. Các tính toán trên chỉ ra rằng, chúng ta có thể mở các chiến dịch phối hợp giữa phương diện quân U-crai-na 3 và Quân đội giải phóng nhân dân Nam Tư nhằm kìm chân bọn phát-xít Đức ở Ban-căng bằng cách triển khai các hành động quân sự vào ngày 28-29 tháng Chín 1944.

Còn cánh quân địch ở Tơ-ran-xin-va-ni và Các-pát uy hiếp trực tiếp mạn sườn bộ đội của R. I-a. Ma-li-nốp-xki đang tiến công vào Đê-brê-xen, thì sẽ trở thành mục tiêu chủ yếu trước mắt của các mũi tiến công phối hợp giữa các phương diện quân U-crai-na 4 và 2. Trong trường hợp cần thiết, chúng ta còn có thể thu hút ở đây một số lực lượng của phương diện quân U-crai-na 1 của I. X. Cô-nép tham gia các chiến dịch tiến công (việc đó đã xẩy ra ở khu vực đèo ngang Đu-cli-a).

Như vậy, chiến dịch Đê-brê-xen được bảo đảm đầy đủ, nhưng yêu cầu chính đối với các bộ tư lệnh phương diện quân là phải chỉ huy bộ đội thật sáng suốt, linh hoạt và cơ động nhanh.

Mọi ý kiến trên của Bộ tổng tham mưu đều được báo cáo lên Đại bản doanh, nhưng chúng tôi lại được chỉ thị trao đổi ý kiến một lần nữa với các tư lệnh phương diện quân hữu quan. Các tư lệnh ủng hộ ý định đó. Ngày 23 tháng Chín, Bộ tổng tham mưu nhận được ý kiến trả lời của Gh. C. Giu-cốp:

«Căn cứ vào tính chất địa hình và sự tổ chức bố trí của địch ở phía trước Ma-li-nốp-xki và Pê-tơ-rốp, tôi cho rằng tập trung ngay tập đoàn quân của Cráp-tsen-cô ở phía Bắc A-rát làm nhiệm vụ đột kích vào Đê-brê-xen, tức là vào phía sau cánh quân chủ yếu của quân Hung-ga-ri thì có lợi hơn.

Chiếm được khu vực Đê-brê-xen, toàn bộ hệ thống phòng ngự chiến dịch của quân Hung-ga-ri sẽ bị sụp đổ, và chúng sẽ buộc phải nhanh chóng rút khỏi Clu-giơ và Các-pát.

Cuộc tiến công vỗ mặt của Ma-li-nốp-xki sẽ dẫn tới những trận đánh kéo dài và tạo điều kiện cho địch trụ lại yên ổn ở khu vực Tít-xa».

Vậy là, các ý kiến của Bộ tổng tham mưu dựa trên đề nghị của Hội đồng quân sự phương diện quân U-crai-na 2 đã được ủng hộ.

Chiến dịch Đê-brê-xen bắt đầu ngày 6 tháng Mười và kéo dài gần đến hết tháng. Đặc điểm nổi bật của chiến dịch là rất căng thẳng và phức tạp. Vì có nhiều cuốn sách đã viết về chiến dịch đó rồi cho nên tôi thấy không cần thiết phải tường thuật tỉ mỉ nữa. Tôi chỉ nhắc là trong quá trình chiến dịch, địch bị thiệt hại nặng ở các khu vực Ô-ra-đê-a, Đê- brê-xen và Xe-ghét. Bộ đội Liên Xô giải phóng được Tơ-ran-xin-va-ni, tới Tít-xa, tiến công vượt sông ở sườn bên trái mặt trận, tiến ra Đa-nuýp, tạo nên một bàn đạp rộng lớn cho chiến dịch ở bên kia sông Tít-xa dọc theo tuyến Chốp, Bai-a bờ Đông sông Đa-nuýp, kênh đào nhà vua Pi-ốt.

Mũi đột kích rất mạnh của bộ đội phương diện quân U-crai-na 2 đã làm cho tuyến phòng thủ của địch ở phía trước phương diện quân U-crai-na 4 bị suy yếu. Các tính toán của chúng tôi là chính xác. Quân địch không sao cố thủ nổi tại Các-pát, và trong tiến trình các trận đánh quyết liệt, chúng đã bị hất về phía Tây. Bộ đội của I. E. Pê-tơ-rốp chuyển sang tiến công, vọt tiến lên phía trước, vượt qua hết tuyến này sang tuyến khác, và tiến tới phía Nam Chốp thì bắt liên lạc được với bộ đội phương diện quân U-crai-na 2.

Bộ đội Liên Xô đã đến lúc bước vào một cuộc tiến công mới và mạnh, lần này đánh thẳng vào Bu-đa-pét. Trong khi chuẩn bị cho chiến dịch đánh vào Bu-đa-pét, Đại bản doanh vẫn còn hy vọng là chính phủ Hung-ga-ri nhận ra tình thế lúc bây giờ ở các mặt trận và ở trong nước, sẽ tỏ ra khôn ngoan tìm cách rút Hung-ga-ri ra khỏi chiến tranh bằng con đường đình chiến. Ngày 29 tháng Chín 1944, I. V. Xta-lin viết cho Ph. Ru-dơ-ven một bức thư nói rằng, ngoài việc tiêu diệt địch ở Pri-ban-tích, bộ đội Liên Xô «có hai nhiệm vụ trước mắt: loại Hung-ga-ri ra khỏi chiến tranh và thăm dò phòng ngự của quân Đức trên mặt trận phía Đông bằng sự tiến công của bộ đội Liên Xô». Chúng ta không loại trừ sự chủ động hòa giải của Hung-ga-ri và cũng sẽ không bác bỏ thái độ đình chiến ấy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #136 vào lúc: 25 Tháng Giêng, 2016, 07:26:29 pm »


*
**

Tình hình trên các mặt trận biểu thị rõ các ý định kiên quyết của Bộ chỉ huy Liên Xô, khiến chính phủ Hoóc-ti sợ hãi phải bắt đầu thăm dò lập trường của Anh và Mỹ về vấn đề chiếm đóng Hung-ga-ri.

Ngày 22 tháng Chín 1944, thượng tướng Na-đai — nhân vật tin cẩn của Hoóc-ti — bí mật trốn bọn Hít-le đáp máy bay tới khu vực Nê-a-pôn, noi có bộ tham mưu của các nước đồng minh. Họ chọn bộ tham mưụ này không phải là việc ngẫu nhiên, vì bọn phát-xít ở Hung-ga-ri mong đợi các nước đồng minh vượt qua bán đảo I-xtơ-ri-a và Áo đến đây theo kế hoạch mà chúng ta đã biết, vì chính phủ Sớc-sin đã không hề giấu giếm sự việc này. Thế nhưng, chuyến đi ấy không thành công. Anh và Mỹ tiến quân trên các mặt trận rất chậm và hiểu rằng một khi Hồng quân đã vào đến lãnh thổ Hung-ga-ri, sẽ không dừng lại ở nửa đường. Họ mời tướng Na-đai trở về và góp ý nên sang gặp quân Nga. Mọi mưu toan của bọn chư hầu Hung-ga-ri của Hít-le tiến hành đằng sau lưng Liên Xô đều bị phá sản.

Lúc này, bè lũ Hoóc-ti chỉ còn lối thoát duy nhất là phải trực tiếp đàm phán với Mát-xcơ-va mới có thể hy vọng hòa giải có lợi cho họ. Cuối tháng Chín 1944, phái đoàn đặc biệt của chính phủ Hung do tướng Ga-bo Pha-ra-gô, cựu tùy viên quân sự Hung-ga-ri ở Mát-xcơ-va, làm trưởng đoàn lên đường sang Liên Xô. Thành phần phái đoàn, ngoài Pha-ra-gô ra, còn có Tê-lê-ki, mà ta nói đến rồi, và Xen-tơ I-va-ni, đại biểu của Bộ ngoại giao Hung-ga-ri. Tất nhiên phái đoàn đó ra đi đã giữ bí mật không cho bọn cầm đầu nước Đức phát-xít và bộ chỉ huy quân sự của chúng biết.

Phái đoàn Pha-ra-gô, sau khi được chúng ta tiếp đón an toàn khi vượt qua tiền tuyến, đã đến Mát-xcơ-va ngày 1 tháng Mười 1944. Chúng ta thông báo cho các nước đồng minh biết và các đại biểu của họ cùng đã góp phần mình vào các cuộc đàm phán.

Thượng tướng Ph. Ph. Cu-dơ-nét-xốp phụ trách đưa phái đoàn Hung-ga-ri đến Mát-xcơ-va, tiếp đón và sơ bộ trao đổi trước với phái đoàn. Mấy ngày sau khi phái đoàn đến, đồng chí kể lại cho tôi biết là Pha-ra-gô rất băn khoăn về những đàn lợn của y chăn nuôi đâu đó ở vùng Đê-brê-xen, đề nghị với chúng ta đừng xâm phạm đến đàn lợn ấy, khi bộ đội Liên Xô chiếm được vùng này. Pha-ra-gô được trả lời rằng: bộ đội Liên Xô không những không đụng chạm đến tài sản của người khác, mà còn bảo vệ những tài sản ấy nếu chủ nhân đi vắng. Tên địa chủ lúc này mới yên lòng. Nhân đấy, tôi muốn nói trước rằng khi chiếm được khu vực Đê-brê-xen, bộ đội Liên Xô không bảo vệ được đàn lợn trong ấp trại của Pha-ra-gô, vì bọn Hít-le đã chén sạch đến con lợn cuối cùng rồi.

Các thủ đoạn của chính phủ Hung-ga-ri đã khiến cho Hít-le điên tiết. Nhằm ra sức chiếm giữ Hung-ga-ri, bọn Hít-le đã đưa thêm vào đất nước này một lực lượng lớn xe tăng và bộ binh. Chúng xác lập sự kiểm soát hệ thống vô tuyến và hữu tuyến trong quân đội và chính quyền Hung-ga-ri, đặt ra các biện pháp phòng ngừa những cuộc nổi dậy có thể xảy ra nhằm chống Hít-le.

Vì bè lũ Hoóc-ti sợ Hồng quân tiến vào đất nước Hung-ga-ri, nên chính phủ Hung-ga-ri không chống đối mạnh các biện pháp trên của bộ chỉ huy Hít-le. Thế nhưng, đại bộ phận cán bộ chỉ huy cấp trên và sĩ quan thường của quân đội Hung-ga-ri coi sự tăng cường chế độ chiếm đóng nhục nhã đó ở trong nước như là một hành động bạo ngược mới, chà đạp thô bạo chủ quyền của Hung-ga-ri. Sự phẫn nộ càng tăng lên trước tình hình đất nước bị chủ nghĩa phát-xít Đức đàn áp nặng nề cùng với sự tổn thất to lớn của quân đội Hung-ga-ri ở ngoài mặt trận, và nguy cơ quân đội sắp bị tan rã ngày càng trầm trọng.

Để chống đối các hành động trừng phạt của bộ chỉ huy Đức và sự lăng nhục tổ quốc, nhiều sĩ quan Hung-ga-ri đã chạy sang hàng ngũ bộ đội Liên Xô và công khai công kích lập trường của chính phủ họ. Các tù binh khai rằng, thượng tướng Be-la Mi-clốt, tư lệnh tập đoàn quân Hung-ga-ri 1 phòng ngự ở Các-pát cũng không tán thành chính sách hiện hành ở trong nước và rất bất bình trước những hành động của bọn Hít-le.

Đại bản doanh và Bộ tổng tham mưu thấy có thể lợi dụng sự phẫn nộ đó trong hàng ngũ sĩ quan và binh lính Hung-ga-ri để đưa đất nước Hung-ga-ri thoát khỏi cuộc chiến tranh. Cơ sở của các biện pháp này là tình cảm yêu nước và chống Hít-le của các sĩ quan Hung-ga-ri. Do đó, I. V. Xta-lin nói chuyện bằng điện thoại với I. E. Pê-tơ-rốp và L. D. Mê-khơ-li-xơ, đề nghị các đồng chí suy nghĩ xem có thể làm gì ở đây được.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #137 vào lúc: 25 Tháng Giêng, 2016, 07:27:14 pm »


Ít lâu sau, Mê-khơ-li-xơ báo cáo lên Tổng tư lệnh tối cao rằng có khả năng thông qua một số sĩ quan tù binh Hung-ga-ri, căm phẫn trước tình trạng đất nước bị chiếm đóng, một bức thư tập thể cho viên tư lệnh tập đoàn quân Hung-ga-ri 1 để kêu gọi ông ta tích cực đấu tranh chống bọn chiếm đóng Hít-le và do đó góp phần bảo vệ nền độc lập của Hung-ga-ri. Nội dung bức thư đó do chính các sĩ quan tù binh gợi ý vì họ biết rõ các quan điểm chống Hít-le của Mi-clốt. I. V. Xta-lin đồng ý với đề nghị ấy.

Các sĩ quan Hung-ga-ri bắt tay vào viết thư ngay, dưới có chữ ký của bốn mươi sĩ quan. Bức thư nêu rõ rằng, nước Đức Hít-le bị thiệt hại nặng trong chiến tranh, đang bị khủng hoảng về chính trị: tất cả các nước chư hầu của Hít-le, trừ Hung-ga-ri, không những tách khỏi nước Đức mà còn cầm vũ khí chống lại quân đội phát-xít Đức. Bức thư viết tiếp rằng do hậu quả cuộc chiến tranh xâm lược của Hít-le, nên Hung-ga-ri đang ở vào tình thế nghiêm trọng chưa từng thấy trong suốt toàn bộ lịch sử hàng ngàn năm và hiện nay đang đứng trước miệng hố diệt vong.

Bức thư còn nói lên lòng tin tưởng rằng Hung-ga-ri sẽ không bị diệt vong, nhưng muốn vậy phải kiên quyết đánh đuổi bọn chiếm đóng phát-xít Đức, và muốn đánh đuổi bọn chúng thì phải hợp tác với Hồng quân. «Ngày nay, khi toàn thế giới đang đứng lên chiến đấu chống lại Hít-le, cuộc khởi nghĩa vũ trang của quân đội Hung-ga-ri dù có bị tổn thất nào đó song sẽ giành lại được nền độc lập cho Hung-ga-ri, và bằng cuộc đấu tranh của mình sẽ đưa nhân dân Hung-ga-ri vào hàng ngũ các dân tộc yêu chuộng tự do trên thế giới. Chính lúc này, — bức thư nhấn mạnh; — là thời cơ quyết định vấn đề: tồn tại hay không tồn tại! »

Sở dĩ các sĩ quan tù binh đó kêu gọi viên tư lệnh là vì họ cho rằng tập đoàn quân 1 có thể hành động có hiệu quả cho lợi ích của toàn thể nhân dân Hung-ga-ri và quốc gia Hung-ga-ri. «Bước ngoặt trong lịch sử nước ta đã điểm, — họ viết. — Nếu Ngài hiểu được những đòi hỏi của thời đại trong giờ phút quyết định này, thì: tập đoàn quân Hung-ga-ri 1 sẽ lập tức ngừng bắn vào quân Nga, trở về với gia đình, quay súng chống lại bọn Đức. Hành động như vậy, tập đoàn quân sẽ cứu được đất nước khỏi thảm họa khó bề tránh khỏi. Tổ quốc và dân tộc đang chờ đợi Ngài và binh sĩ của Ngài».

Ba sĩ quan Hung-ga-ri — thiếu tá E-min Ga-lai, đại úy Mi-khai Đi-u-lai và thiếu úy Pan Nây-bao-e, tình nguyện đưa bức thư đó tới địa chỉ người nhận rồi quay trở về. Ngày 20 tháng Chỉn 1944, kế hoạch tiến hành biện pháp trên tại phương diện quân U-crai-na 4 được đồng chí đại diện của Đại bản doanh đồng ý. Hồi 6 giờ sáng ngày 24 tháng Chín 1944, trong dải của sư đoàn bộ binh 351, ba sĩ quan Hung, ga-ri cầm quốc kỳ an toàn vượt sang tới tiền duyên phòng ngự của sư đoàn bộ binh 16 của Hung-ga-ri. Tối 28 tháng Chín, đại úy Đi-u-lai trở về nơi đóng quân của bộ đội Liên Xô, Đi-u-lai mang theo bức thư của cả đoàn, nói rằng họ đã tới nơi được thuận lợi, được tiếp đón tử tế và đã trao thư tận tay người nhận. Vì các vấn đề nêu trong thư rất quan trọng, nên viên tư lệnh chưa thể trả lời ngay được, ông ta còn muốn sơ bộ liên lạc với Bu-đa-pét. Tiếp sau, bức thư nói rõ là những ngày tới đây sẽ có sự trả lời tích cực.

Cũng cần nói rằng, các cuộc đàm phán với Pha-ra-gô ở Mát-xcơ-va vào lúc này đã tiến được khá xa, mặc dù không phải không có nhiều khó khăn. Các đại biểu Hung-ga-ri chỉ được ủy nhiệm ký kết hiệp định đình chiến trong trường hợp Liên Xô thỏa thuận «cho Anh và Mỹ cùng tham gia chiếm đóng Hung-ga-ri» và «cho quân Đức được rút lui tự do».

Trong việc trả lời vấn đề này, các nước trong khối liên minh chống Hít-le kiên quyết tuyên bố rằng nền độc lập và tự guản của Hung-ga-ri chỉ có thể bảo đảm trong một điều kiện: Hung-ga-ri sẽ cắt đứt mọi quan hệ với nước Đức Hít-le, quân đội của Hung-ga-ri sẽ quay súng chống lại quân đội phát-xít Đức. Chỉ có hành động như vậy Hung-ga-ri mới có thể có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi chung của khối liên minh chống Hít-le trước quân thù. Ngoài ra, chính phủ Hoóc-ti phải cho rút quân đội Hung-ga-ri ra khỏi lãnh thổ các nước Ru-ma-ni, Nam Tư và Tiệp Khắc.

Rốt cuộc, phía Hung-ga-ri phải quyết định thỏa mãn tất cả những yêu cầu ấy.

Về phía mình, chính phủ Hung-ga-ri đề nghị bộ đội Liên Xô ngừng tiến công vào Bu-đa-pét, viện cớ rằng lúc này họ cần tập trung đầy đủ các lực lượng của Hung-ga-ri trong khu vực thủ đô, để chống lại các đòn đột kích có thể có của quân đội phát xít Đức ở đây. Chính phủ Liên Xô đồng ý đề nghị của Hung-ga-ri, và Bộ tổng tham mưu đã ra những chỉ thị cần thiết về vấn đề này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #138 vào lúc: 25 Tháng Giêng, 2016, 07:30:31 pm »

Cuối thượng tuần tháng Mười, các điều kiện hòa giải sơ bộ đã được hai bên tham gia soạn thảo xong. Tin tức về quá trình đàm phán thuận lợi được gửi về Bu-đa-pét, và bộ tư lệnh tập đoàn quân Hung-ga-ri cũng nhanh chóng nắm được ngay. Thế nhưng, quân đội Hung-ga-ri vẫn tiếp tục kháng cự như trước, không thấy chúng rút khỏi các trận địa về phía sau. Bu-đa-pét cũng không thông báo gì cho chúng ta biết.

Phía Liên Xô chiểu theo điều thỏa ước với Hung-ga-ri, đã cử R. I-a. Ma-li-nốp-xki, tư lệnh phương diện quân U-crai-na 2, đến Xe-ghét để đàm phán về việc thực hiện các điều kiện điều đình sơ bộ với chính phủ Hung-ga-ri. Ma-li-nốp-xki hết sức ngạc nhiên khi thấy phía Hung-ga-ri chỉ cử tới Xe-ghét một đại tá và một thượng úy thực ra hoàn toàn không chuẩn bị để tiến hành đàm phán. Viện đại tá là một trưởng phòng trong Bộ tổng tham mưu Hung-ga-ri, phụ trách các vấn đề giam giữ và vấn đề tù binh, nên không thể tiến hành đàm phán được. Y không nắm được tin tức về nơi đóng quân của quân đội Đức và Hung-ga-ri, nhưng có cho ta biết là tập đoàn quân Hung-ga-ri 1 được lệnh rút khỏi khu vực Đê-brê-xen tới vùng Mi-scôn và sau này có lẽ về Bu-đa-pét.

R. I-a. Ma-li-nốp-xki muốn tìm hiểu tại sao quân đội Hung-ga-ri không rút khỏi tuyến sông Tít-xa, nhưng y không chịu trả lời rõ ràng. Đồng chí tư lệnh nảy ra ý nghĩ «giới cầm đầu Hung-ga-ri muốn tranh thủ thời gian để rút quân đội của chúng ra khỏi cái túi ở Tơ-ran-xin-va-ni chăng?». Đồng chí liền nói cho các đại biểu của chính phủ Hung-ga-ri biết những yêu cầu sau đây:

«   1) Phải cho rút ngay quân đội Hung-ga-ri ra khỏi sông Tít-xa về Bu-đa-pét và sử dụng một bộ phận lực lượng mở mũi đột kích vào quân Đức đang chống lại phương diện quân ở khu vực Xôn-nốc;
    
     2) Ra lệnh ngay cho quân đội Hung-ga-ri bước vào chiến đấu chống lại quân Đức và bắt liên lạc ngay với Hồng quân;
    
     3) Đến 8 giờ ngày 16 tháng Mười 1944, phải đem tới Xe-ghét những tin tức đầy đủ về tình hình các lực lượng của Hung-ga-ri và Đức, sau đó phải cung cấp đầy đủ tin tức các hành động quân sự và nơi đóng quân của các đơn vị trên. »

Nhận được báo cáo của R. I-a. Ma-li-nốp-xki, I. V. Xta-lin lệnh cho A. I. An-tô-nốp gửi kiến nghị cho trưởng phái đoàn quân sự Hung-ga-ri về vấn đề này và Xta-lin tự đọc văn bản kiến nghị đó. Tối 14 tháng Mười, văn bản trên được giao cho Ga-bo Pha-ra-gô. Bản kiến nghị nêu rõ:

«Đại tá U-ta-si Lô-u-ren, đại biểu của Hung-ga-ri được Bu-đa-pét cử tới Xe-ghét để đàm phán, là người hoàn toàn không am hiểu tình hình, nên không thể tiến hành đàm phán với các đại biểu của Bộ chỉ huy Liên Xô về vấn đề thực hiện các điều kiện điều đình sơ bộ của chính phủ Hung-ga-ri,

Chính phủ Hung-ga-ri đề nghị Chính phủ Liên Xô ngừng tiến công vào hướng Bu-đa-pét, để có thể cho rút một phần lực lượng của mình ra khỏi hướng này và điều về Bu-đa-pét.

Chính phủ Liên Xô thỏa mãn đề nghị đó của chính phủ Hung-ga-ri. Thế nhưng, chính phủ Hung-ga-ri không những không cho rút quân khỏi sông Tít-xa để điều về Bu-đa-pét. mà còn đẩy mạnh các hành động quân sự, nhất là ở khu vực Xôn-nốc.

Tình hình trên đây chứng minh rằng, chính phủ Hung-ga-ri không chịu thực hiện các điều kiện điều đình sơ bộ mà họ đã tiếp nhận.

Do đó, Bộ tổng tư lệnh tối cao Liên Xô yêu cầu chính phủ Hung-ga-ri trong vòng 48 tiếng đồng hồ kể từ lúc nhận được kiến nghị này, phải thực hiện ngay các trách nhiệm về phần mình theo các điều kiện điều đình sơ bộ, trước hết là:

1.Cắt đứt mọi quan hệ với nước Đức và bắt đầu những hành động quân sự tích cực chống lại quân Đức.   

2.Rút ngay quân đội Hung-ga-ri khỏi lãnh thổ Ru-ma-ni, Nam Tư và Tiệp Khắc.

3.Đến 8 giờ ngày 16 tháng Mười phải mang đến cho các đại biểu của Bộ chỉ huy Liên Xô tại Xe-ghét những tin tức đầy đủ về vị trí đóng quân của quân đội Đức và Hung-ga-ri, đồng thời báo cáo cho các đại biểu của Bộ chỉ huy Liên Xô tiến trình thực hiện các điều kiện điều đình sơ bộ.

Thừa ủy quyền Bộ tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô —Phó tổng tham mưu trưởng Hồng quân, đại tướng Hồng quân An-tô-nốp. Ngày 14 tháng Mười 1944, 19 giờ 25 phút».
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #139 vào lúc: 25 Tháng Giêng, 2016, 07:33:08 pm »


Ngày hôm sau, có lẽ nhận ra nếu cứ tiếp tục trì hoãn nữa thì sẽ đưa đến hậu quả không hay, nên Hoóc-ti đã ra lời kêu gọi gửi nhân dân Hung-ga-ri, trong đó nêu rõ tình trạng đất nước thực sự bị phát-xít Đức nô dịch và âm mưu thẳng tay thủ tiêu nền độc lập của Hung-ga-ri. Đồng thời, trong lời kêu gọi còn nói: «Tôi được tin đích xác rằng, các đội quân Đức đặc nhiệm mưu đồ dùng cuộc đảo chính để áp đặt chính quyền của chúng và biến đất nước Hung-ga-ri thành chiến trường phía sau của đế chế Đức».

Hoóc-ti tuyên bố quyết định bảo vệ đất nước chống lại Hít- le. «Do đó, — y viết, — tôi đã thông báo cho đại biểu của đế chế Đức ở Hung-ga-ri về việc chúng ta đã ký hiệp định đình chiến sơ bộ với đối phương của ta và Hung-ga-ri sẽ đình chỉ mọi hành động quân sự chống lại họ... Tôi đã ra các chỉ thị về những vấn đề trên cho bộ chỉ huy quân sự, vì vậy, chiểu theo lời tuyên thệ và mệnh lệnh tôi đã ban hành cho quân đội, các đơn vị có nhiệm vụ phải tuân theo những người chỉ huy tôi đã cử ra». Các chỉ thị trên gửi cho các đơn vị cùng đề ngày 15 tháng Mười 1944.

Tôi không được biết các ý định thực của Hoóc-ti, nhưng có một điều rõ ràng là y đã tổ chức việc thực hiện cắt đứt quan hệ với bọn Hít-le rất sơ sài, có thể nói là chỉ có tính chất bề ngoài. Y không tổ chức những cuộc tiếp xúc cần thiết giữa các giới chính trị và quân sự. Ngay cả những cán bộ quân sự trung thành với y cũng không được báo trước, còn các đơn vị quân đội tin cẩn của y cũng vẫn chưa rút về thủ đô.

Trong khi ấy, sư đoàn xe tăng 24 mạnh của Đức có một số lớn xe tăng kiểu «Con cọp» đang ở tại Bu-đa-pét. Lẽ đương nhiên, sư đoàn ấy mới là chủ nhân thực sự của thành phố. Vì vậy, khi Hít-le nắm được lời kêu gọi của Hoóc-ti, y liền cho áp dụng ngay các biện pháp cần thiết. Ở Bu-đa-pét xảy ra cuộc bạo động vũ trang. Tên nhiếp chính Hoóc-ti bị cách chức và tuyên bố lời kêu gọi nhân dân của y nay không còn hiệu lực nữa. Sau đó, y xin sang cư trú tại nước Đức và cùng với cả gia đình đáp chuyến tàu đặc biệt sang Đức. Xa-la-si một tên phát-xít Hung-ga-ri, đồng bọn với Hít-le, được cử ra cầm đầu nhà nước Hung-ga-ri.

«Các biện pháp chính trị ấy tiến hành ở sau lưng cụm tập đoàn quân, — G. Phrit-xne viết, — do thủ lĩnh các lực lượng cảnh sát và SS ở Bu-đa-pét thi hành theo chỉ thị trực tiếp của chính phủ Đức, được sự cộng tác của các «chuyên gia» như Xcoóc-xe-ni và Ba-khơ - Dê-lép-xki».

Quân đội Hung-ga-ri được lệnh phải kiên quyết chống lại bộ đội Liên Xô, thay cho quyết định ngừng chiến trước đây. Bộ tổng tham mưu quân đội Hung-ga-ri hoàn toàn không còn quyền chỉ đạo bộ đội tác chiến. Lúc này mọi kế hoạch và mệnh lệnh đều do bộ tham mưu Cụm tập đoàn quân «Nam» của Đức vạch ra và ban hành. Những người ủng hộ việc đình chỉ chiến sự chống lại Liên Xô và đồng minh của Liên Xô đều bị đàn áp bằng vũ lực. Chiến tranh tiếp tục hết sức khốc liệt.

Tất cả những sự biến trên đã tác động tới tư lệnh tập đoàn quân 1 của Hung-ga-ri. Ngày 16 tháng Mười, thượng tướng Be-la Mi-clốt cùng với một bộ phận cơ quan tham mưu chạy sang hàng ngũ bộ đội Liên Xô, trong dải phòng ngự của sư đoàn bộ binh 16 Hung-ga-ri do thiếu tướng Va-sva-ri chỉ huy.

Mi-clốt tuyên bố với I. E. Pê-tơ-rốp và L. D. Me-khơ-li-xơ rằng, tương lai của Tổ quốc Hung-ga-ri đang bị đe dọa. và là một người yêu nước, ông ta không thể cam tâm để cho bọn Hít-le chiếm đóng Hung-ga-ri, cũng như không muốn để cho nhân dân Hung-ga-ri bị đổ máu vì quyền lợi của bọn chúng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM