Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:53:15 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bộ Tổng Tham mưu Xô-viết trong chiến tranh - Tập 2  (Đọc 108927 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #220 vào lúc: 01 Tháng Hai, 2016, 07:06:51 pm »


Ngày 14 tháng Chín, ở Mát-xcơ-va bắt đầu những cuộc đàm phán về việc Phần Lan rút ra khỏi chiến tranh. Ngay trước các phiên họp, tôi được thông báo rằng tôi sẽ là thành viên của đoàn đại biểu Liên Xô do Bộ trưởng dân ủy ngoai giao đứng đầu. Thành phần đoàn đại biểu còn có C. E. Vô-rô-si-lốp, A. A. Giơ-đa-nốp, M. M. Lít-vi-nốp, phó đô đốc A. P. A-lếch-xan-đrốp. Đại diện cho nước Anh tham dự đàm phán là đại sứ Ke-rơ và tham tán - công sứ Ban-phua. Các thành viên Liên Xô và Anh trong đoàn đại biểu đã hoạt động thay mặt tất cả các nước trong khối liên minh chống Hít-le. Phần Lan cử đoàn đại biểu gồm có: K. En-ke-li — bộ trưởng ngoại giao, tướng R. Van-đen — bộ trưởng chiến tranh, tướng E. Hen-rích — tổng tham mưu trưởng và tướng Ô. En-ken-li.

Tuyến phòng thủ của địch ở Ca-rê-li-a nằm trên lãnh thổ của Liên Xô có một vài nơi cách khá xa biên giới. Quân Phần Lan chiếm giữ tất cả những con đường dẫn đến tiền duyên, các trận địa và các điểm tựa trong tung thâm tuyến phòng thủ có hình dáng nhiều lớp và phức tạp với cấu trúc kỹ thuật khác nhau và các vật chướng ngại. Ngoài các dãy hào và ụ chống tăng, còn có những bãi mìn, bộc phá, dây thép gai dẫn điện và dây thép gai    thường, các hào lũy, các bẫy và những vật chướng ngại khác. Các vật chướng ngại đó đặt ở khắp nơi, trên những khu vực địa hình có thể đi lại được, trên các đường sá và những con đường mòn mà người và xe cộ có thể đi lại được. Sông, hồ, vịnh Phần Lan dày đặc    thủy lôi và các vật chướng ngại khác đặt ở dưới nước. Cuối cùng, tất cả các vùng dân cư, các công trình bưu điện và vận tải bằng đường sắt, các công trình công nghiệp và các công trình phục vụ công cộng khác đều được chuẩn bị phá hoại, còn các kho dự trữ các phương tiện vật chất thì được chuẩn bị phá hủy.

Chúng tôi, những cán bộ quân sự, phải đặt ra các yêu cầu đòi Phần Lan phải bảo đảm an toàn cho các đơn vị trong lúc tiến tới biên giới, bảo vệ các kho dự trữ và các công trình. Ngoài ra, còn phải vạch cả chế độ tháo gỡ các vật chướng ngại trên đất và dưới nước, các mục tiêu trên địa hình, bảo vệ các công trình kinh tế và các công trình khác. Lại còn phải suy nghĩ cả tới những vấn đề bảo đảm quyền không bị xâm phạm cho những người dân ở trên lãnh thổ Liên Xô còn tạm thời thuộc quyền Phần Lan, để họ không bị xua đuổi chạy ra nước ngoài.

Công tác thật không dễ dàng, nhưng ý thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ đã làm tăng thêm sức mạnh. Cường độ và tốc độ làm việc thật lớn. Người đứng đầu đoàn đại biểu Liên Xô trao đổi ý kiến với chúng tôi trước lúc bắt đầu phiên họp và khi cần, cả trong quá trình diễn biến của phiên họp, bằng cách viết thư ngắn chuyển qua bàn họp, nêu lên các vấn đề hoặc quan điểm của mình thật gọn và phải trả lời ngay để tiền trình đàm phán không bị đứt quãng.

Các buổi đàm phán tiến hành hàng ngày mất độ mấy tiếng đồng hổ. Số thời gian còn lại dành cho việc chuẩn bị phiên họp sau. Đối với tôi, số thời gian này rất quan trọng, vì tôi vẫn phải phụ trách công việc trọng yếu trong chức trách của mình. Chúng tôi phải tranh thủ từng phút một để chuẩn bị và báo cáo các mệnh lệnh cần thiết về các vấn đề của chúng tôi ở ngoài mặt trận. Quân Phần Lan được quy định bắt đầu rút từ 9 giờ ngày 21 tháng Chín 1944.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #221 vào lúc: 01 Tháng Hai, 2016, 07:07:36 pm »


Vấn đề tước vũ khí các lực lượng vũ trang của Đức trên mặt đất, trên biển và trên không còn ở Phần Lan sau ngày 15 tháng Chín, — giữ một vị trí đặc biệt trong các buổi đàm phán. Phần Lan có nhiệm vụ tước vũ khí quân Đức và giao nộp binh lính Đức cho Bộ chỉ huy Liên Xô giữ làm tù binh, còn Chính phủ Liên Xô sẽ giúp đỡ quân đội Phần Lan. Ngoài ra, trong bản phụ lục điều 2 của hiệp nghị về đình chiến còn nói rõ là Bộ chỉ huy quân đội Phần Lan sẽ chuyển cho chúng to tất cả những tin tức nhận được về các lực lượng vũ trang của Đức, cũng như các kế hoạch chiến dịch chống lại Liên Xô và các nước khác trong khối liên minh chống Hít-le.

Khi thảo luận về vấn đề tước vũ khí thì không gặp khó khăn gì lớn, vì như bạn đọc còn nhớ, nó đã được đặt ra từ trước khi bắt đầu những cuộc đàm phán chính thức và các đại biểu Phần Lan lúc tới Mát-xcơ-va đã có sự chuẩn bị sẽ thực hiện nhiệm vụ này, đồng thời với các nhiệm vụ hết sức cấp bách khác. Liên Xô và các nước đồng minh đòi phải tuyệt đối chấp hành điều này, vì cho rằng nếu để quân phát-xít Đức đóng trên đất Phần Lan kéo dài trong một thời gian lâu như vậy thì có nghĩa là lại nhóm lên lò lửa nguy cơ chiến tranh mới trên đất Phần Lan.

Điểm thứ ba của hiệp định đề cập tới vấn đề không quân. Theo yêu cầu của Bộ chỉ huy Liên Xô (như các bạn đọc đều biết, chúng ta thay mặt cho tất cả các nước đồng minh) Phần Lan sẽ nhượng lại một số sân bay ở bờ biển phía Nam và Tây-Nam đất nước họ. Các sân bay ấy cần thiết đối với không quân chúng ta, nhằm bảo đảm chiến dịch cho các Lực lượng vũ trang Liên Xô ở E-xtô-ni-a và chống lại hạm đội Đức ở phần phía Bắc biển Ban-tích. Phụ lục của điều khoản này còn nói đến việc các chiến hạm của đồng minh được quyền sử dụng các hải phận, hải cảng, bến tàu và các nơi đỗ tàu của Phần Lan. Chính phủ Phần Lan có nhiệm vụ góp phần phục vụ về mặt vật chất kỹ thuật cho các chiến hạm.

Hiệp định còn quy định cả việc sử dụng các đường sắt, đường bộ khác dẫn tới các khu vực sân bay, các trạm thông tin khí tượng và các hình thức bảo đảm cần thiết khác cho không quân, hạm đội và các phương tiện chiến đấu khác hoạt động ở Phần Lan.

Cuối cùng, hiệp định quy định chế độ chuyển quân đội Phần Lan sang hoàn cảnh thời bình trong vòng hai tháng rưỡi, kể từ ngày ký kết hiệp định, vì không mong chờ gì quân đội Phần Lan tham gia các chiến dịch sau này nhằm tiêu diệt quân phát-xít Đức ở Da-pô-li-a-ri-ê.

Thực tế đúng là như vậy. Đại bản doanh và Bộ tổng tham mưu phải dựa vào các lực lượng của Hồng quân và Hải quân của mình, những lực lượng đã hoàn thành một cách xuất sắc nhiệm vụ tiêu diệt quân chiếm đóng ở phía Bắc.

Các điểm nêu trên về cơ bản là đã khai thác hết các mặt quân sự-kỹ thuật của những cuộc đàm phán. Ngoài ra còn những vấn đề khác cần có sự góp ý của quân đội. Ví dụ như, chúng tôi đã từ bỏ quyền thuê bán đảo Khan-cô và tiếp thu lãnh thổ cùng hải phận để thành lập căn cứ hải quân trong khu vực Poóc-ca-la - Út. Và dù thế nào thì các đại biểu của Bộ tổng tham mưu cũng phải được tham gia rộng rãi trong các buổi hội đàm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #222 vào lúc: 01 Tháng Hai, 2016, 07:10:21 pm »


Ngày 19 tháng Chín, hồi 12 giờ, A. A. Giơ-đa-nốp, ủy viên Hội đồng quân sự phương diện quân Lê-nin-grát, chủ tịch Ủy ban kiểm soát ở Phần Lan sau này, đã thay mặt các nước đồng minh ký kết hiệp định đình chiến với Phần Lan và các văn bản phụ lục của hiệp định này.

Chỉ thị về việc không để bộ đội bị tiêu hao và chưa tham gia các trận chiến đấu được chấp hành một cách nghiêm túc. K. A. Mê-rét-xcốp đã ra những mệnh lệnh thích hợp cho các tập đoàn quân. Thế nhưng, ít lâu sau lại xảy ra vấn đề khá rắc rối. Theo hiệp định đình chiến quy định thì quân Phần Lan sẽ rút về phía bên kia đường biên giới quốc gia, còn bộ đội Liên Xô lại hành động theo các cách khác nhau: những nơi nào có quân đội Phần Lan thì bộ đội Liên Xô chỉ tiến đến biên giới, còn những nơi nào có quân đội Đức rút lui thì tiền sát theo sau rồi vượt sang lãnh thổ của Phần Lan.

Tập đoàn quân 19 có nhiệm vụ chiếm lĩnh Cu-ô-lai-ác-vi và tiến vào khu vực Rô-va-ni-e-mi rất quan trọng — đầu mối giao thông chủ yếu ở miền Bắc Phần Lan. Vị trí đó của tập đoàn quân sẽ cho phép khi cần thiết có thể chi viện có hiệu lực cho quân đội Phần Lan, khi quân Đức buộc phải rút hết ra khỏi đất nước Phần Lan.

Các đơn vị của tập đoàn quân Láp-lan-đi 20 không thể xây dựng được mặt trận mới trên lãnh thổ Phần Lan. Chúng buộc phải rút dần về phía Tây, tới các bến cảng biển Ban-tích để sau này rút bằng đường biển, và rút lên phía Bắc tới khu vực Pét-xa-mô, nơi chúng có ý định sẽ tổ chức phòng thủ vững chắc.

Từ sáng ngày 25 tháng Chín, các đơn vị hậu vệ của địch bắt đầu rút. K. A. Mê-rét-xcốp báo cáo về Bộ tổng tham mưu như vậy. Các tập đoàn quân 19 và 26 đang tiến lên phía trước.

Quân Phần Lan cùng tiến theo sau bọn Đức, nhưng rất chậm và cách xa quân Đức. Trinh sát của phương diện quân Ca-rê-li-a báo cáo: quân Phần Lan không bám được quân Đức, nên đã tạo điều kiện cho chúng rút quân vô sự ra khỏi khu vực Cu-ô-lai-ác-vi và Rô-va-ni-e-mi.

Thời gian ấy, trong dải của bộ đội phương diện quân Ca-rê-li-a đã nảy sinh một tình thế phức tạp, kéo theo những hậu quả đột ngột. K. A. Mê-rét-xcốp nhận xét: tập đoàn quân 19 của G. C. Cô-dơ-lốp đang tiến theo sau bọn Đức có thể bị kẹt vào giữa quân Đức và quân Phần Lan ở cách xa quân Đức. «Vậy, trong trường hợp này sẽ hành động như thế nào, — Mê-rét-xcốp hỏi Bộ tổng tham mưu, — nếu quân Phần Lan quả thực rớt lại sau quân Đức quá xa, còn chúng tôi thì phải rượt theo, bám sát quân Đức, như vậy là quân Phần Lan sẽ phải ở lại phía sau các đơn vị của tập đoàn quân 19». Đồng chí đề nghị được thông báo về tình hình quân Phần Lan được giao nhiệm vụ tước vũ khí quân Đức, để điều chỉnh các hoạt động của đơn vị mình.

Bộ tổng tham mưu đã tiến hành kiểm tra lại cẩn thận khả năng đẻ ra cái tình thế không mong muốn ấy. Kết quả là Mê-rét-xcốp đúng. Ngày 26 tháng Chín, chúng tôi báo cáo tình hình lên Đại bản doanh và nhận xét rằng: bộ đội Liên Xô có thể bước vào giao chiến trước. Tình hình đó mâu thuẫn với tinh thần của hiệp định, còn quân Phần Lan thì sẽ đứng ngoài cuộc. Hơn nữa chúng ta có thể sẽ bị phản đối, vì theo hiệp định, bộ đội Liên Xô chỉ được tiến hành chiến dịch trên lãnh thổ Phần Lan khi Phần Lan yêu cầu.

Đại bản doanh chú ý xem xét tình hình ở sườn phía Bắc mặt trận Xô - Đức, đồng ý với ý kiến của Bộ tổng tham mưu và bộ tư lệnh phương diện quân rằng bước vào giao chiến với quân Đức mà để quân đội Phần Lan ở lại phía sau là điều hoàn toàn không nên.

h. Chiến dịch Pét-xa-mô - Kia-kên-nét

Lúc đó, Đại bản doanh đã quyết định như sau: bộ đội của tập đoàn quân 19 không được tiến sâu vào Phần Lan mà chiếm lĩnh lấy vùng biên giới phía Tây Cu-ô-lai-ác-vi, dừng lại ở đây và để cho quân Phần Lan tiến lên phía Bắc. Bộ đội Liên Xô chiếm lĩnh được khu vực này có thể hoạt động ở phía Tây-Bắc để chi viện cho quân Phần Lan khi gặp trường hợp cần thiết. Bộ đội của tướng Cô-dơ-lốp chỉ được tiếp tục tiến quân khi có lệnh của Đại bản doanh. Đồng thời, Đại bản doanh còn giao nhiệm vụ cho phương diện quân Ca-rê-li-a chuẩn bị chiến dịch tiến công bằng lực lượng của tập đoàn quân 14 và các phương tiện tăng cường của phương diện quân, nhằm quét sạch địch ra khỏi khu vực Pét-xa-mô. Giai đoạn kết thúc cuộc đấu tranh chống lại bọn chiếm đóng ở đất Da-pô-li-a-ri-ê của Liên Xô, đã bắt đầu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #223 vào lúc: 01 Tháng Hai, 2016, 07:12:27 pm »


Chúng tôi đã nói là các điều kiện tác chiến ở Da-pô-li-a-ri-ê rất khó khăn và có nhiều đặc điểm riêng của nó. Cuộc đấu tranh quyết liệt đã diễn ra trên mảnh đất khắc nghiệt này. Bộ đội Liên Xô dũng cảm đánh lui cuộc tấn công mãnh liệt của địch trong năm 1941, và từ đó đến nay đã không cho chúng tiến thêm được một bước nào. Cuộc phòng thủ Da-pô-li-a-ri-ê được ghi vào trang sử vàng trong cuốn biên niên chiến tranh, cùng với những chiến dịch vẻ vang khác vì danh dự và độc lập của Tổ quốc xô-viết. Để kỷ niệm tinh thần anh dũng và lòng dũng cảm của các chiến sĩ xô-viết, Nhà nước đã đặt ra loại huy chương đặc biệt «Phòng thủ Da-pô-li-a-ri-ê xô-viết» làm biểu tượng nói lên lòng biết ơn của Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đối với các anh hùng của vĩ độ nửa năm là đêm.

Từ lâu K. A. Mê-rét-xcốp vẫn chờ đợi chỉ thị của Đại bản doanh về việc chuẩn bị và tiến hành chiến dịch ở Da-pô-li-a-ri-ê, nên khi nhận được chỉ thị, đồng chí liền gửi ngay về Mát-xcơ-va kế hoạch hành động ở khu vực Pét-xa-mô.

Đối diện với tập đoàn quân 14 của phương diện quân Ca-rê-li-a là quân đoàn miền núi 19 «Na Uy» thuộc tập đoàn quân Láp-lan-đi 20 của Đức được tăng cường thêm các đơn vị tinh nhuệ và nhiều đơn vị khác. Quân địch phòng ngự ở đây đã được ba năm, đã xây dựng các trận địa có chiều sâu và vững chắc với những công sự bằng bê tông cốt sắt trên từng khu vực một. Bộ chỉ huy Hít-le ra lệnh cho quân lính của chúng không được lùi bước và phải bám chắc lấy khu vực khai thác mỏ kền. Khoảng không gian mênh mông hoang vắng tại Da-pô-li-a-ri-ê này không cho phép quân chiếm đóng tổ chức tuyến phòng thủ vòng tròn dày đặc. Sườn phía Nam phòng tuyến vững chắc của địch ở biên giới Phần Lan bị đứt quãng ở phía Đông ngọn núi Ma-te. Địch tổ chức tuyến phòng thủ mạnh nhất trên những con đường dẫn đến Pét-xa-mô, Lu-ô-xta-ri và Ni-ken. Ở đấy, bộ chỉ huy phát-xít Đức lợi dụng những con sông mà tàu thuyền khó đi lại như sông Bôn-sai-a Li-xa, Ti-tốp-ca, Pe-chen-ga, nhiều hồ và các sườn đồi dựng đứng để tổ chức chiến đấu.

Sư đoàn bộ binh miền núi 2 của Đức chiếm lĩnh công sự vững chắc hơn cả ở trung tâm tuyến phòng thủ của địch. Nó cố thủ tại hướng tiến vào Lu-ô-xta-ri, Pét-xa-mô. Sư đoàn này là chỗ dựa cho tất cả các lực lượng phòng ngự khác của địch, cho nên nếu tiêu diệt được nó thì chúng ta sẽ mở toang của tiến vào các vùng dân cư này.

K. A. Mê-rét-xcốp sau khi đánh giá đúng vai trò của sư đoàn bộ binh miền núi 2 của địch, đã quyết định mở mũi đột kích chủ yếu vào đây, chọc thủng tuyến phòng thủ của địch trên một khu vực hẹp của mặt trận phía Nam hồ Tra-pơ-rơ, phát huy thắng lợi vào tung thâm đội hình tác chiến của địch và chiếm Pét-xa-mô. Đồng thời sẽ sử dụng sư đoàn bộ binh 45 và lữ đoàn bộ binh cơ giới 3 đã bị yếu để phòng ngự ở những khu vực khác của mặt trận trong thời kỳ đột phá. Đồng chí tư lệnh còn dành hai quân đoàn bộ binh nhẹ 126 và 127 để đánh vu hồi vào sườn phía Nam bỏ hở tại tuyến phòng thủ của địch. Quân đoàn 127 nhận nhiệm vụ tiến ra khu vực Xan-mi-i-ác-vi (cách khá xa các lực lượng chủ yếu) để cắt đường rút lui về Na Uy của quân Đức đóng ở vùng Ni-ken. Sau đó, đồng chí tư lệnh dự kiến sẽ phải tổ chức yểm trợ vùng Xan-mi-i-ác-vi là nơi địch có thể tổ chức phản kích, còn các lực lượng chủ yếu sẽ quay về Đông - Bắc và phá tuyến phòng thủ của quân phát-xít Đức dọc sông Ti-tốp-ca. Vào lúc này, bộ đội của sư đoàn bộ binh 45 và lữ đoàn bộ binh cơ giới 3 trước đây đang làm nhiệm vụ phòng thủ sẽ chuyển sang tiến công và mũi đột kích chính diện vào tuyến phòng thủ của địch. Mật độ pháo binh ở khu vực đột phá là 160 -170 khẩu pháo và súng cối trên một ki-lô-mét chính diện, còn không quân ta cũng chiếm ưu thế hơn.

Đại bản doanh xem xét các đề nghị của Hội đồng quân sự phương diện quân Ca-rê-li-a, về cơ bản đã đồng ý với kế hoạch đó. Tuy nhiên, Đại bản doanh cũng có những ý kiến bổ sung quan trọng, trước hết là vấn đề hiệp đồng giữa tập đoàn quân 14 và Hạm đội Bắc. Trong thời kỳ đột phá tuyến phòng thủ của địch, Hạm đội Bắc có thể sử dụng các lực lượng và phương tiện để đổ bộ tiến công vào bán đảo Xrét-nhi cũng như để hoạt động ở các cứ điểm khác dọc theo bờ biển trong quá trình chiến dịch. Cho nên chúng ta không thể không sử dụng các khả năng ấy.

Đô đốc A. G. Gô-lốp-cô, tư lệnh Hạm đội Bắc được lệnh tổ chức các lữ đoàn thủy quân lục chiến tiến công vào phía Nam từ bán đảo nói trên. Hải quân sẽ đánh thẳng vào phía sau tuyến phòng thủ của bọn Hít-le dọc theo sông Ti-tốp-ca và hiệp đồng với các mũi đột kích ở chính diện của một số lực lượng thuộc tập đoàn quân 14 để phá vỡ đội hình phòng ngự của địch.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #224 vào lúc: 01 Tháng Hai, 2016, 07:13:15 pm »


Kế hoạch tiến công vào Ti-tốp-ca của tư lệnh phương diện quân đề ra trước đây khá phức tạp. Hơn nữa nay đã có lực lượng hải quân của Hạm đội Bắc đánh vào bán đảo Xrét-nhi đảm nhiệm, nên kế hoạch trên không còn cần thiết nữa.

Đại bản doanh chỉ thị cho phương diện quân: «Không được phân tán lực lượng sang hoạt động ở Đông - Bắc dọc sông Ti-tốp-ca» và yêu cầu phương diện quân phải hướng các cố gắng chủ yếu vào việc đánh chiếm thật nhanh Pet-xa-mô. Phương diện quân được lệnh không được tung quân đoàn bộ binh nhẹ 127 mạo hiểm đánh ra quá xa tới Xan-mi-i-ác-vi, dễ bị cắt đứt khỏi các lực lượng chủ yếu, mà phải tiến theo đội hình dạng nêm theo sau sườn trái của cụm bộ đội đang tiến công.

Đầu tháng Mười 1944, các quân đoàn bộ binh 131 và 99 chuyển vận xong các phương tiện vật chất lên phía trước, đã tập trung ở khu vực đột phá phía Nam hồ Tra-pơ-rơ. Hạm đội Bắc cũng đã sẵn sàng. Ngày 7 tháng Mười, các đơn vị của tập đoàn quân 14 của tướng V. I. Séc-ba-cốp chuyển sang tiến công. Tập đoàn quân thu được thắng lợi lớn: phòng ngự của địch bị phá vỡ, còn quân đoàn bộ binh nhẹ 126 khôn khéo đánh vu hồi vào sườn hở của quân Đức ở phía Nam, và đến hết ngày tiến công thứ ba thì tiến được ra phía Tây Lu-ô-xta-ri. Mũi đột kích trên chính diện kết hợp với mũi vu hồi của bộ đội Liên Xô đã làm suy yếu sức kháng cự của địch ở các trận địa phía Đông Pét-xa-mô. Lữ đoàn thủy quân lục chiến tiến công từ bán đảo Xrét-nhi trong đêm 9 rạng ngày 10 và sáng ngày 11 tháng Mười, cũng tạo thêm điều kiện cho việc trên. Lực lượng hải quân đã bẻ gãy sức kháng cự của địch tại dãy núi Mu-xta - Tun-tu-ri rồi rẽ sang phía Tây.

Ngày 12 tháng Mười, bộ đội Liên Xô chiếm được Lu-ô-xta-ri, và sang ngày hôm sau tiến ra các con đường dẫn đến Pét-xa-mô. Các trận đánh diễn ra rất quyết liệt. Sư đoàn bộ binh 368 do thiếu tướng V. C. Xô-pen-cô chỉ huy, trong một ngày đêm đã đánh lui 16 đợt phản công của địch. Không quân của phương diện quân bắn rơi 66 máy bay địch trong các trận không chiến.

Ngày 15 tháng Mười, các binh đoàn của cánh quân xung kích thuộc phương diện quân Ca-rê-li-a phối hợp với các đơn vị của Hạm đội Bắc, vượt sông Pét-xa-mô-I-ô-ki và chiếm thành phố Pét-xa-mô. Hải quân anh hùng của Hạm đội Bắc tiến công mãnh liệt, đánh chiếm được cảng Li-na-kha-ma-ri, yểm trợ Pét-xa-mô ở phía Bắc.

Việc tiêu diệt quân phát-xít ở Da-pô-li-a-ri-ê đã trở thành sự thật. Trong thông báo tác chiến viết hồi 7 giờ ngày 16 tháng Mười, bộ tham mưu phương diện quân Ca-rê-li-a báo cáo về Bộ tổng tham mưu: «Tàn quân địch ở khu vực Pét-xa-mô rút chạy dọc theo đường cái ở hướng Tây-Bắc trên lãnh thổ Na Uy...»

Hội đồng quân sự phương diện quân Ca-rê-li-a xây dựng ngay kế hoạch hành động tiếp sau, nhằm quét sạch quân địch trong toàn khu vực ở phía Tây-Bắc từ Pét-xa-mô tới biển Ba-ren, và ở phía Tây tới biên giới quốc gia Na Uy, chiếm vùng mỏ kền. Đồng chí tư lệnh đề nghị cho phép phương diện quân truy kích tàn quân địch đã bị đánh bại trên lãnh thổ Na Uy và vượt qua biên giới quốc gia.

Đại bản doanh cho phép bộ đội vượt qua biên giới Na Uy và phát triển tiến công tới Kia-ki-nét, căn cứ chủ yếu của địch tại khu vực này. Phương diện quân Ca-rê-li-a phải mở các mũi đột kích trên lãnh thổ Phần Lan ở Tây-Nam dọc biên giới Phần Lan-Na Uy trên hướng Ni-ken và Na-út-xi. Hai điểm này là trung tâm các mỏ kền và là con đường chủ yếu để từ Láp-lan-đi tiến sâu vào Phần Lan và Na Uy. Nhiệm vụ tiêu diệt quân Đức ở khu vực đó giao cho quân đoàn bộ binh 31 và quân đoàn bộ binh nhẹ 127. Lúc bắt đầu chiến dịch, cả hai binh đoàn trên đều nằm trong thê đội 2 của tập đoàn quân 14 và tiến theo sau các đơn vị tiến công của thê đội 1. Nhưng sang ngày 18 tháng Mười 1944, khi tới tuyến Lu-ô-xta-ri, thì các binh đoàn trên tách sang bên trái mũi đột kích chủ yếu của bộ đội Liên Xô, tiến công vào Ni-ken dọc theo con đường cái duy nhất hồi đó.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #225 vào lúc: 01 Tháng Hai, 2016, 07:16:52 pm »


Như chúng ta đều biết từ thời đại của Ê-pa-mi-nôn-đơ, nghệ thuật quân sự đã đòi hỏi phải tập trung các lực lượng bộ đội chủ yếu trên hướng đột kích chủ yếu. Nhưng trong giai đoạn đấu tranh hiện nay nhằm giải phóng Da-pô-li-a-ri-ê khỏi sự chiếm đóng của Đức lại không đòi hỏi phải làm như vậy. Các lực lượng chủ yếu của địch đã bị đè bẹp, và địch cũng không có cánh quân tập trung. Vì vậy, bộ tư lệnh phương diện quân có thể chia bộ đội ra hoạt động ở các hướng khác nhau. Đó là biện pháp đấu tranh thích hợp đối với điều kiện lúc bấy giờ. Ngày 22 tháng Mười, ta chiếm Ni-ken, và ít lâu sau quân đoàn bộ binh 31 và quân đoàn bộ binh nhẹ 127 tiến vào Na-út-xi.

Ngày 25 tháng Mười, các lực lượng chủ yếu của tập đoàn quân 14 giải phóng Kia-ki-nét. Đồng thời, quân đoàn bộ binh nhẹ 126 tiến từ vùng Ác-ma-lắc-ti trên đất Na Uy tới Nây-đen. Các đơn vị quân Đức bị đánh tan tác bỏ chạy vào sâu trong đất Na Uy. Ở đấy chúng vấp phải những ổ đề kháng của các chiến sĩ trong phong trào Kháng chiến Na Uy.

Đêm 29 tháng Mười 1944, khi bộ đội Liên Xô vượt qua điểm dân cư nhỏ Nây-đen của Na Uy thì Hội đồng quân sự phương diện quân Ca-rê-li-a báo cáo với I. V. Xta-lin rằng phía trước phương diện quân không còn địch nữa. Nhiệm vụ quét sạch quân chiếm đóng Hít-le ra khỏi phía Bắc Liên Xô đã hoàn thành.

Ngày 25 tháng Mười 1944, Mát-xcơ-va đã vang lên hai đợt pháo chào mừng thắng lợi. Một đợt chào mừng thắng lợi của các đơn vị phương diện quân Ca-rê-li-a đã hiệp đồng với Hạm đội Bắc giải phóng Kia-ki-nét. Hôm ấy, bộ đội Liên Xô đã vượt qua biên giới một nước đầu tiên chịu ách nô dịch của bọn xâm lược Hít-le. Ngoài Kia-ki-nét, bộ đội Liên Xô còn giải phóng các điểm dân cư Xtuốc-búc, I-a-cốp-xne-xơ, En-ve-nét, Béc-khây, Xan-nét, Béc-ne-van, Lông-phoóc-bốt, Ni-go-rơ, Phốt-xgo-rơ, Lan-gli, Xvan-vích.

Chính phủ Na Uy gửi thông điệp cho Mát-xcơ-va nói rằng, nhân dân miền Bắc Na Uy sẽ tiếp đón bộ đội Liên Xô như những người giải phóng mình. Thật vậy, nhân dân Na Uy không những là bạn hữu của chúng ta, mà còn là những chiến sĩ đấu tranh vì thắng lợi trước kẻ thù chung đáng ghét.

...Ở mặt phía Đông, nước giá lạnh của vùng I-a-rơ Phi-oóc-đơ đã gây trở ngại cho chúng ta khi tiến đến Kia-ki-nét. Cầu treo ở đây đã bị phá hủy. Tổ chức tiến công vượt qua vịnh sâu và rộng với những vách dựng đứng, bờ bên kia là quân địch mạnh và nham hiểm đang phòng ngự, quả là một công việc hết sức khó khăn và phức tạp. Lúc đó, bộ tư lệnh phương diện quân đã dùng xe lội nước phối thuộc cho các đơn vị. Song, những xe lội nước nhẹ ấy bơi giữa làn mưa đạn đại bác của địch, bị sóng mạnh vỗ vào mạn thành nên không phải xe nào cũng cập bờ được. Xe chòng chành, chìm xuống kéo theo các chiến sĩ và vũ khí nặng xuống vực thẳm. Trận chiến đấu tới giờ phút gay go nhất thì thấy xuất hiện các thuyền đánh cá vững chãi của ngư dân Na Uy. Chủ những chiếc thuyền ấy là những người địa phương, thông thạo từng tảng đá ở vùng bờ biển khắc nghiệt trong vịnh Phi-oóc-đơ này. Dưới làn mưa đạn đại bác và súng máy của địch, ngư dân Na Uy đã cứu các chiến sĩ Liên Xô đang lâm vào cảnh khó khăn, và theo chỉ thị của các cán bộ chỉ huy của chúng ta, họ đã chở các phân đội cập bờ bên kia. M. Gan-xen, một chiến sĩ yêu nước Na Uy, đã chở trên chiếc thuyền của mình cả một tiểu đoàn quân Liên Xô. Các ngư dân T. Ba-lơ, X. Mác-ten-xen, Ô. Gan-xen và P. Gan-xen cũng chở được nhiều chiến sĩ Liên Xô. Nhiều người yêu nước dũng cảm Na Uy còn làm những công việc khác ở trên bờ như: dập tắt các đám cháy trong thành phố, gấp rút khôi phục lại các cầu để bộ đội Liên Xô và khí tài qua được. Nổi bật lên ở đây là các bạn Na Uy A. Mác-ten-xen, U. Khôn-xten-xen. Riêng U. Khôn-xten-xen còn tham gia gỡ mìn ở một nhà máy điện, bảo vệ được nhà máy chờ tới khi bộ đội Liên Xô vào tiếp quản.

Ta còn thấy những hành động tương tự như trên ở sâu trong lãnh thổ Na Uy, khi phương diện quân Ca-rê-li-a vượt sông Nây-đen - En-vơ. Những người dân Na Uy để râu lại lặng lẽ nhiều lần chở bộ đội Liên Xô sang sông dưới làn mưa đạn của địch. E. Cay-cu-nen đã chở được 135 chiến sĩ Liên Xô, A. La-ba-khu chở được 115, L. Xi-rin và U. La-đa-gô mỗi người chở được 95, P. Khen-đơ-rích-xen chở được 76. Và còn nhiều anh hùng khác nữa, song đáng tiếc là tên tuổi của họ chúng ta không biết hết được. Mục đích chung và hành động của các chiến sĩ Liên Xô nhằm giúp đỡ nhân dân Na Uy trong những giờ phút khó khăn, đã làm cho tình hữu nghị cổ truyền giữa hai dân tộc Liên Xô và Na Uy càng thêm củng cố.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #226 vào lúc: 01 Tháng Hai, 2016, 07:18:14 pm »


Phương diện quân Ca-rê-li-a tiến vào đất Na Uy, đã tạo những khả năng thuận lợi cho các mặt hoạt động theo kế hoạch của phong trào Kháng chiến Na Uy. Liên Xô hiểu rõ và đánh giá cao ý nghĩa cùng những khó khăn của cuộc đấu tranh mà những người yêu nước Na Uy tiến hành trong những năm đen tối dưới ách của bọn chiếm đóng Hít-le. Chính phủ Liên Xô và Bộ chỉ huy quân sự tìm mọi cách giúp đỡ cuộc đấu tranh đó. Phái đoàn quân sự của Na Uy do đại tá Đa-ni làm trưởng đoàn tại Mát-xcơ-va, thực hiện các nhiệm vụ giống như nhiệm vụ của các phái đoàn quân sự các nước khác. Đặc biệt, nhờ có sự giúp đỡ của phái đoàn, nên Bộ tổng tư lệnh tối cao Liên Xô đă hiệp đồng được với Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang Na Uy. Lúc phương diện quân Ca-rê-li-a tiến ra biên giới quốc gia của Na Uy thì Bộ tổng tham mưu được tin chính phủ Na Uy đang chuẩn bị trên lãnh thổ nước ngoài những đội quân đặc biệt, có chừng vài trăm người để thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu ở trong nước. Ngoài ra, các đội quân ấy rồi đây sẽ làm hạt nhân của các lưc lượng vũ trang Na Uy. Lúc này là thời cơ các đội quân Na Uy có thể trở về miền Bắc đất nước mình. Các cuộc đàm phán đã bàn tới vấn đề này, cảng Muốc-man-xcơ được chỉ định sử dụng để vận chuyến các chiến sĩ.

Thế nhưng, cuộc sống không đứng nguyên một chỗ. Trước khi về tới lãnh thổ đã được giải phóng, bộ đội Na Uy còn phải tiến hành các công tác nhằm khắc phục những hậu quả do bọn chiếm đóng gây ra. Thông qua phái đoàn quân sự của mình tại Liên Xô, chính phủ Vương quốc Na Uy bày tỏ rằng sẽ rất biết ơn Hồng quân nếu như khi tiến vào lãnh thổ Na Uy, Hồng quân sẽ góp phần giúp đỡ chính quyền địa phương và các lực lượng Kháng chiến của Na Uy.

Bộ đội Na Uy đến nơi bị chậm, vì con đường tới Muốc-man-xcơ gặp khó khăn và nguy hiểm. Vì vậy, bộ tư lệnh tập đoàn quân 14 phải nắm lấy các công tác tổ chức ban đầu để chuẩn bị cho sự hợp tác giữa bộ đội Liên Xô và các lực lượng chiến đấu Na Uy trên lãnh thổ của Na Uy đã được phương diện quân Ca-rê-li-a giải phóng. Thực hiện các nhiệm vụ này, bộ tư lệnh tập đoàn quân 14 dựa vào bức thông điệp của chính phủ Na Uy gửi Chính phủ Liên Xô, dựa vào lời kêu gọi của nhà vua Khô-côn gửi nhân dân Na Uy và dựa vào hiệp định về chính quyền dân sự trên lãnh thổ Na Uy được ký kết ngày 17 tháng Năm 1944 giữa các chính phủ Liên Xô, Mỹ và Anh với chính phủ Na Uy. Theo hiệp định này, trong thời gian có chiến sự, người tư lệnh quân đồng minh sẽ có quyền hạn của chính quyền tối cao đối với chính quyền dân sự.

Sử dụng quyền hạn đó, thiếu tướng A. I-a. Xéc-gây-ép, ủy viên Hội đồng quân sự tập đoàn quân 14, ngày 3 tháng Mười một 1944 đã triệu tập các thành viên cơ quan tự quản địa phương của Na Uy, đề nghị tổ chức ra các đội chiến đấu chống phát-xít Đức. Theo ý kiến của phái đoàn quân sự Na Uy, trong vùng giải phóng có chừng 20.000 đến 22.000 dân, nên dự kiến sẽ thành lập hai đội, mỗi đội có chừng 400 người.

Những người lãnh đạo cơ quan tự quản địa phương hứa sẽ mang hết sức mình để thành lập các chi đội. Họ quyết định thành lập các chi đội ấy trong đường hầm của những mỏ quặng sắt ở thị trấn Béc-ne-van, vì trong vùng bị địch phá hoại này không còn nơi nào thích hợp hơn với loại công việc đó. Thời gian không chờ đợi. Những người Na Uy bắt tay vào việc phòng thủ đất nước mình càng sớm càng tốt. Các đại biểu của chính quyền địa phương hứa sẽ làm việc không quản ngày đêm. Khó khăn có nhiều. Nhân dân sống trong các ấp trại hoặc các thị trấn cách xa nhau đến một trăm ki-lô-mét, đường sá không có, vận tải và thông tin cũng không. Tình hình lương thực hết sức tồi. Quân phục cần thiết thì thiếu. Giày hoàn toàn không có. Trước đây, nhân dân không một ai được huấn luyện quân sự, và không thể lựa chọn được đội ngũ cán bộ chỉ huy.

Thế nhưng, các đại biểu của cơ quan tự quản vẫn tin rằng sẽ thực hiện được nhiệm vụ thành lập các đội. Họ đề nghị vị tướng Liên Xô yêu cầu chính phủ Na Uy sẽ gấp rút cử đại biểu của họ để giải quyết các vấn đề cấp bách về sinh hoạt trong nước, và công khai tuyên bố rằng nhân dân miền Bắc Na Uy sẽ tổ chức ra các đội chiến đấu chống bọn phát-xít Đức; các đội này cũng sẽ là bộ phận hợp thành của quân đội Na Uy. Họ còn đưa ra những đề nghị khác với Bộ chỉ huy Liên Xô như: giúp đỡ các phương tiện vật chất, cung cấp lương thực và quân phục cho các đội, cung cấp phương tiện vận tải để báo tin cho nhân dân.

Hội đồng quân sự tập đoàn quân 14 đã đáp ứng các nhu cầu của những người yêu nước Na Uy, cung cấp lương thực và quân phục cho họ. Những ô-tô để báo tin về việc thành lập các đội tự vệ cũng được cung cấp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #227 vào lúc: 01 Tháng Hai, 2016, 07:19:13 pm »


Sau này, chúng ta còn tiếp tục giúp đỡ cho nhân dân địa phương. Tại vùng giải phóng của Na Uy còn thành lập cả những cơ sở y tế cần thiết để chống các bệnh truyền nhiễm trong nhân dân, đặt các trạm thông tin bưu điện. Các chiến sĩ xô-viết còn giúp đỡ khôi phục các công trình kinh tế; đôi khi còn giúp nhân dân Na Uy cả những thứ mà chính bản thân quân đội Liên Xô cũng còn thiếu.

Sau ngày hội Cách mạng tháng Mười, các đại biểu của phái đoàn quân sự Na Uy tại Liên Xô và đội chiến đấu đầu tiên đã trở về Na Uy.

Tất nhiên, các lực lượng tự vệ Na Uy chưa đủ sức để bảo đảm an toàn thực sự cho vùng giải phóng của Na Uy. Vì vậy, Đại bản doanh ra lệnh cho phương diện quân Ca-rê-li-a (ngày 9 tháng Mười một 1944) chuyển sang phòng ngự trên tuyến biên giới quốc gia Na Uy, còn trên tuyến Nây-đên, Voóc-ta-niê-mi mà bộ đội của phương diện quân đã tới đó, thì để lại các đội cảnh vệ và các đơn vị trinh sát. Bộ đội bước vào tập bài huấn luyện theo kế hoạch.

Ngày 15 tháng Mười một, phương diện quân Ca-rê-li-a được giải thể. Tập đoàn quân 14 trở thành tập đoàn quân độc lập trực thuộc Đại bản doanh. Vào tháng Giêng 1945, K. A. Mê-rét-xcốp cùng bộ tham mưu tới I-a-rô-xláp, họ được cử sang Viễn Đông để thực hiện các nhiệm vụ phức tạp mới.

Việc tiêu diệt quân địch ở sườn phía Bắc mặt trận Xô - Đức có ý nghĩa chính trị và quân sự to lớn. Hàng ngàn binh lính tinh nhuệ của quân phát-xít Đức bị chôn vùi trước các đòn tiến công của bộ đội Liên Xô trong các khu rừng ở Ca-rê-li-a và trong vùng đài nguyên Da-pô-li-a-ri-ê. Quân địch bị mất một căn cứ bàn đạp rộng lớn mà trước đây nó vẫn uy hiếp các khu vực quan trọng của Liên Xô. Mặt trận Liên Xô được củng cố vững chắc dọc biên giới quốc gia. Các điều kiện hoạt động chiến đấu của Hạm đội Bắc, Hạm đội Ban-tích và cả các phương diện quân của Liên Xô ở Pri-ban-tích được thuận lợi thêm nhiều. Mối nguy cơ uy hiếp sự an toàn của Lê-nin-grát giảm đi hẳn.


*
* *

Cách Đan Mạch 135 ki-lô-mét, ở vùng biển xám Ban-tích có hòn đảo Bô-rơ-nơ-khôm. Các từ điển bách khoa thường giải thích ngắn gọn như sau: diện tích đảo 587 ki-lô-mét vuông, dân số 47.000. Không phải ngẫu nhiên mà bọn chiếm đóng Đức đặt chân lên hòn đảo. Năm 1940, sau khi chiếm được Đan Mạch, chúng vội vã tung quân chiếm đóng đảo Bô-rơ-nơ-khôm, kiểm soát phần phía Tây-Nam biển Ban-tích. Nhân dân sống trên đảo bị tách khỏi Tổ quốc. Tên giám binh Hít-le nay trở thành chúa đảo, chi phối vận mệnh của họ.

Cuối cuộc chiến tranh, binh lính phát-xít Đức ở đất liền chạy về tràn ngập đảo. Chúng bỏ chạy hòng lẩn trốn sự trừng trị của các chiến sĩ Liên Xô và Ba Lan. Bọn Hít-le vẫn không chịu hạ vũ khí, chẳng bao lâu chúng ăn hết lương thực của nhân dân trên đảo. Trên đảo không còn lấy một giọt sữa, một hạt thóc. Bò sữa trên đảo bị binh lính Đức ngấu nghiến hết. Nhân dân trên đảo bị chết đói. Bóng ma chết đói cũng lởn vởn đến cả binh lính Đức.

Nguyện vọng nhân đạo muốn cứu nhân dân đảo Bô-rơ-nơ-khôm thoát khỏi bị tiêu diệt và thoát ách bạo lực của bọn chiếm đóng phát-xít Đức đã thúc đẩy Đại bản doanh ra quyết định chiếm hòn đảo và bắt bọn binh lính Hít-le có vũ trang làm tù binh. Theo chỉ thị của Bộ tổng tư lệnh tối cao, Bộ tổng tham mưu thông báo cho các nước đồng minh biết quyết định trên. Ngày 11 tháng Năm 1945, quân đoàn bộ binh 132 thuộc tập đoàn quân 19 do thiếu tướng Ph. Ph. Cô-rốt-cốp chỉ huy đã đổ bộ lên đảo trên các hạm tàu của Hạm đội Ban-tích. 12.000 binh lính và sĩ quan địch buộc phải hạ vũ khí.

Cuộc sống trên đảo cần được ổn định ngay. Các chiến sĩ Liên Xô cùng với nhân dân trên đảo ra đồng ruộng sản xuất, giúp đỡ nhân dân khôi phục giao thông liên lạc, phục hồi nghề đánh cá. Sức dân hồi lại dần dần sau những ngày dài đen tối dưới ách chiếm đóng của phát-xít Đức. Nông nghiệp và thủ công nghiệp được phục hồi. Số bộ đội Liên Xô đóng trên đảo giảm xuống còn một sư đoàn, và năm sau, đến tháng Tư 1946, đảo Bô-rơ-nơ-khôm được long trọng chuyển giao cho chính quyền Đan Mạch. Bộ đội Liên Xô trở về Tổ quốc mình.

Từ lâu các dân tộc Liên Xô và các dân tộc Na Uy, Đan Mạch cùng chung sống trong tình hữu nghị và tôn trọng lẫn nhau. Trong quá khứ của các dân tộc ấy không có những năm đen tối của những cuộc xung đột quân sự và tàn sát đẫm máu. Ngược lại, chỉ có cuộc đấu tranh chung nhằm chống kẻ thù chung là bọn chiếm đóng phát-xít Đức. Cuộc đấu tranh ấy làm gắn bó thêm tình anh em và trở thành trang sử vẻ vang sống mãi.

Những sự hy sinh trong cuộc đấu tranh giải phóng Na Uy thật là to lớn. Gần 2.900 chiến sĩ Liên Xô đã yên nghỉ bên các anh hùng của cuộc Kháng chiến Na Uy. Chiến công của những người đã hy sinh nhắc nhở chúng ta nhớ đến những khó khăn và các bài học trong cuộc chiến tranh chống bọn xâm lược Hít-le, kêu gọi chúng ta vươn tới giành lấy những thành tựu mới vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #228 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2016, 06:45:03 am »


CHƯƠNG MƯỜI HAI
Trên các tuyến cuối cùng ở châu Âu

Phe địch rối loạn. — Âm mưu thâm độc sau lưng chúng ta. —
Phản kháng của chính phủ Liên Xô. — Những dự đoán của Bộ tổng tham mưu. —
Các cuộc hội đàm ở Rem-xơ. — Nên ký hay không? —
«Phải xé toang chiếc mạng nhện». — Béc-lin thất thủ. — Hít-le ở đâu? —
Những con chuột cống chạy khỏi chiếc tàu đắm. — Tới Pra-ha!—
Các sự kiện ở thủ đô Tiệp Khắc. — Đầu hàng không điều kiện.—
Séc-nơ «phủi tay».—Kết liễu bọn phản bội.


Từ lâu, những tên đầu sỏ phát-xít Đức đã nghĩ đến việc rút quân ở mặt trận phía Tây để tung sang phía Đông và sẽ dùng mọi lực lượng ở đây chống lại Hồng quân. Nhưng muốn làm được những việc ấy, chúng chỉ có cách phải đơn phương đầu hàng các nước đồng minh hoặc thỏa ước riêng với họ. Nhân đây xin nói thêm là như đã nêu trên, bọn tay sai Ru-ma-ni và Hung-ga-ri của Hít-le đã từng âm mưu hành động như vậy sau lưng chúng ta. Còn bây giờ, khi chúng ta bắt đầu mở những chiến dịch lớn trên hướng Tây, thì nhất định sẽ có những âm mưu mới nhằm chia rẽ sự thống nhất của ba nước lớn.

Dự đoán trên của chúng ta là đúng, và kể cũng nên nhắc lại một số sự kiện mà Bộ tổng tham mưu đã phải giải quyết trong thời gian ấy. Ví dụ như trong cuốn «Lịch sử chiến tranh thế giới thứ hai», C. Típ-pen-xkiếc đã chứng minh rằng khi lập kế hoạch chiến dịch Ác-đen, Bộ chỉ huy phát-xít Đức không phải chỉ theo đuổi có một mục đích quân sự. Chúng hy vọng rằng nếu thắng lợi thì sẽ tạo ra được những bất đồng nghiêm trọng giữa Ru-dơ-ven và Sớc-sin1. Hồi đó, chúng ta đã giúp đỡ các nước đồng minh bằng cách mở sớm trước hạn định chiến dịch Vi-xla - Ô-đe. Cuộc tiến công như vũ bão của chúng ta trong tháng Giêng 1945 từ Vi-xla đến Ô-đe buộc một số kẻ cầm đầu quân sự của nước Đức phát-xít, chẳng hạn H. Gu-đê-ri-an, phải lo lắng và chuẩn bị để rút nước Đức ra khỏi chiến tranh. Một số tên cầm đầu có thế lực của bộ máy Ríp-ben-tơ-rốp cũng có quan điểm như thế. Âm mưu cứu vớt con tàu nhà nước phát-xít đang bị đắm, được bọn chúng coi là «một hành động nhân đạo», nhằm cứu nhân dân Đức và châu Âu khỏi «mối uy hiếp của chủ nghĩa bôn-sê-vích». Nhớ lại buổi gặp gỡ ngày 23 tháng Giêng 1945 với một quan chức của Bộ ngoại giao Đức, chuyên liên hệ với Bộ tổng tham mưu trong quân đội, H. Gu-đê-ri-an viết rằng cả hai đều muốn đi tới ký kết «dù là hiệp định đình chiến đơn phương». Hơn nữa, bọn Hít-le còn cho rằng việc bỏ ngỏ mặt trận phía trước quân Anh - Mỹ là một nhiệm vụ thực tiễn. Bộ trưởng ngoại giao Đức cũng quan niệm Anh và Mỹ phải trở thành đồng minh của Hít-le chống lại Liên Xô, nhưng vào lúc này y lại chưa định ủng hộ quan điểm của Tổng tham mưu trưởng trước mặt Hít-le. Gu-đê-ri-an vẫn hy vọng có thể tìm kiếm sự ủng hộ các quan điểm của mình trong các giới phát-xít chóp bu, y tìm gặp Him-le. Him-le trả lời: «Ngài thượng tướng thân mến, còn sớm quá!» Rồi liền ngay tối hôm ấy, Hít-le cho Gu-đê-ri-an nghỉ phép bốn tuần lễ để «hồi phục sức khỏe».

Việc thăm dò khả năng ký kết hiệp định đơn phương với các nước đồng minh còn trực tiếp diễn ra ở những nước trung lập. Tướng K. Vôn-phơ phụ trách các đơn vị SS và cảnh sát ở mặt trận I-ta-li-a đã gặp A-len Đa-lét ngày 8 tháng Ba ở Thụy Sĩ. Chưa chắc Vôn-phơ đã tự mình đi làm công việc này. Rõ ràng là y làm theo lời khuyên bảo của cấp trên. Vậy ai làm việc đó, chúng ta chưa biết, nhưng điều đó không có ý nghĩa gì đặc biệt lắm. Bộ tổng tham mưu Liên Xô đã nắm được những tin tức về cuộc gặp gỡ ấy do cơ quan tình báo cho biết, và nội dung cuộc đàm phán cũng không có gì khó đoán được. Chúng ta còn nhận cả những tin, tuy chưa được xác minh, về âm mưu giành giật quyền lãnh đạo ở ngay trong nước Đức phát-xít.

Phải nói rằng, việc giải thích khái niệm «đầu hàng» theo quan điểm của các nước đồng minh có lợi cho các tướng lĩnh Hít-le. Các nước đồng minh tuy có yêu cầu Đức phải đầu hàng không điều kiện các Nước liên minh trong phạm vi toàn bộ cuộc chiến tranh, nhưng đồng thời lại đề ra ngoại lệ rất đặc biệt, cho phép những người chỉ huy quân sự của mình tiếp nhận sự đầu hàng của quân địch trên chiến trường, ngoại lệ đó được hiểu rất rộng đến mức có thể chấm dứt những hoạt động quân sự trên các mặt trận riêng biệt. Đánh hơi được «ngoại lệ» ấy, bọn Đức hiểu rất rõ rằng, các nước đồng minh đang dành cho chúng nhiều lối thoát thuận tiện. Sau khi đầu hàng «trên chiến trường» chúng có thể mời các đồng minh của chúng ta vào nước Đức, mở toang cửa cho quân Anh - Mỹ tràn sâu vào trong nước, chiếm lĩnh các vùng đất đai của Đức, khiến Hồng quân không thể tới đấy được nữa. Ngoài ra, đầu hàng như vậy sẽ không còn là đầu hàng không điều kiện nữa, mà có thể nói là đã tạo điều kiện cho quân phát-xít Đức rút về nước chúng một cách hợp pháp, giữ được lực lượng khỏi bị tiêu diệt. Và cũng dễ hiểu là quân Anh - Mỹ tràn sâu vào nước Đức thì chúng sẽ giữ được các cơ sở công nghiệp của nước Đức quốc xã và quân đội quốc xã, giữ được cả những vùng đất đai cần thiết để tiếp tục chiến tranh chống lại Liên Xô. Chúng ta còn được biết các đồng minh của chúng ta vẫn thường có thái độ dễ dàng với các cơ quan của nhà nước phát-xít, nên cũng tạo thêm điều kiện cho chúng hy vọng vào mai sau.

Chúng ta được biết ngày 19 tháng Ba lại có cuộc gặp gỡ thứ hai giữa K. Vôn-phơ và A. Đa-lét. Lần gặp gỡ này còn có cả các tham mưu trưởng quân Anh và Mỹ hoạt động trên chiến trường I-ta-li-a bí mật tới Thụy Sĩ cùng tham dự.
___________________________________
1. C. Tip-pen-xkiếc. Lịch sử chiến tranh thế giới thứ hai. Mát-xcơ-va, 1956, tr. 495.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #229 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2016, 06:46:42 am »


Các cuộc đàm phán tiến hành ở Thụy Sĩ kéo dài gần nửa tháng, nhưng các nước đồng minh không hề thông báo cho Chính phủ Liên Xô biết điều gì. Mãi đến ngày 21 tháng Ba, A. I-đơn, bộ trưởng ngoại giao Anh mới ra lệnh thông báo cho Chính phủ Liên Xô về cuộc đàm phán, và lúc ấy mới chính thức làm như vậy.

Chính phủ Liên Xô đấu tranh cho sự thống nhất của các nước đồng minh, không cho địch có thể cứu vãn được quân đội và nhà nước của chúng tránh khỏi thất bại, đã kịch liệt phản kháng những cuộc đàm phán ở sau lưng Liên Xô. Nếu như tin vào những hồi ký của Sớc-sin, thì ông ta đã «phẫn nộ» trước sự phản kháng đó của Liên Xô, nhưng lại không muốn làm cho các mối quan hệ trở nên gay gắt.

Hồi ấy, những người tham gia đàm phán ở Thụy Sĩ chưa thỏa thuận được với nhau một điều khoản gì cả. Những đòi hỏi của các tướng lĩnh Hít-le thì rất nhiều. Và sự phản kháng quyết liệt của Chính phủ Liên Xô cũng đưa lại kết quả cần thiết: Anh và Mỹ buộc phải cung cấp đều đặn cho Liên Xô các tin tức đàm phán trên mặt trận I-ta-li-a. Ngày 22 tháng Tư 1945, Tổng tham mưu trưởng Hồng quân nhận được thư của các trưởng phái đoàn quân sự Anh và Mỹ ở Liên Xô. Họ báo cho chúng ta biết rằng, Tổng tư lệnh quân Đức ở I-ta-li-a hiện nay không có ý định đầu hàng cùng với quân đội của chúng «theo các điều kiện mà chúng ta có thể chấp nhận được» (do tôi nhấn mạnh — X. S.), vì vậy chiểu theo chỉ thị của các tham mưu trưởng liên quân, sẽ đình chỉ mọi cuộc đàm phán, và vấn đề này đến đây là hết. Thế nhưng, cách năm ngày sau, họ lại nối lại những cuộc đàm phán, song lần này không cho các tướng lĩnh phát-xít Đức đặt ra điều kiện nào cả; những cuộc đàm phán ấy không tiến hành ở Thụy Sĩ như trước, mà ở ngay Bộ tham mưu của tư lệnh bộ đội Anh A-lếch-xan-đe-rơ.

Cũng trong ngày hôm ấy, các trưởng phái đoàn quân sự còn gửi cho Bộ tổng tham mưu Liên Xô một bức thư khác nói rằng có thể có cuộc đàm phán của quân phát-xít Đức xin đầu hàng ở Đan Mạch. Bọn quốc xã ở đây thông qua những người trung gian, liên lạc với Hội đồng tự do của Đan Mạch, nhưng lại «quên» không tính các đơn vị SS và cảnh sát, những bọn đao phủ chính, vào thành phần các đơn vị đầu hàng. Tuy nhiên, bản thân những sự kiện như thế cũng đã làm cho chúng ta vui mừng, vì rằng những con quái vật phát-xít chiếm đóng Đan Mạch đã đến ngày tận số, và các nước đồng minh đã phải nhanh chóng thông báo cho Bộ tổng tham mưu biết ngay về khả năng sắp có cuộc đàm phán với các đại biểu của quân địch. Ít lâu sau, ngày 27 tháng Tư, chúng ta lại nhận được một bức thư nữa cho biết: địch có khả năng xin đầu hàng ở Hà Lan.

Bộ tổng tham mưu chú ý nghiên cứu tất cả các tình hình trên và tình huống trên các mặt trận, yêu cầu các nước đồng minh không được để cho quân Đức rút các lực lượng của chúng ở mặt trận phía Tây sang tăng cường cho phía Đông. Ai-xen-hao, Tổng tư lệnh quân đội đồng minh, hứa nghiêm chỉnh thực hiện đề nghị chính đáng đó của Liên Xô.

Song, dẫu sao thì chúng ta cũng vẫn không loại trừ khả năng có những đơn vị phát-xít Đức được rút ở mặt trận phía Tây đưa sang mặt trận chúng ta. Do đó, cơ quan tình báo Liên Xô và các trợ lý nhận thêm những nhiệm vụ mới: các trinh sát viên có nhiệm vụ phải báo cáo kịp thời lên Bộ tổng tư lệnh tối cao về các âm mưu của địch, còn các trợ lý phải đề xuất biện pháp tiêu diệt các lực lượng quân địch đang được điều động tới mặt trận phía Đông.

Chúng ta còn biết cả những tin tức khác nữa: bọn quốc xã sẽ ra sức giữ gìn các lực lượng của chúng để khỏi bị tiêu diệt hoàn toàn ở mặt trận phía Đông bằng cách dựa vào các tuyến địa hình hiếm trở ở vùng Nam và Tây - Nam nước Đức Hít-le. Những tuyến ấy là các dải núi ở phía Bắc và Tây- Bắc Tiệp Khắc, dãy núi An-pơ trên lãnh thổ Áo. Gặp khi cần thiết, bọn Hít-le có thể từ đó chạy sang mặt trận quân Anh và Mỹ đang vội vã tiến quân từ phía Tây lại. Do đó, nhiệm vụ của chúng ta là không cho địch tổ chức phòng ngự vững chắc tại đây hoặc chạy sang khu vực đóng quân của các nước đồng minh.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM