Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Năm, 2024, 07:35:11 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đứa con của đất  (Đọc 56951 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« vào lúc: 19 Tháng Tư, 2011, 11:08:20 pm »

                                     Đứa con của đất
                                     Tác giả : Anh Đức
                                     Theo :thư viện Ebook

Anh Đức (Bùi Đức Ái) viết truyện này khoảng năm 1972 đến 1973, sách xuất bản 10-1975, giá 1đ7. Cuốn này ít được biết đến hơn các cuốn Hòn Đất, Một chuyện chép ở bệnh viện ...

Trân trọng giới thiệu với các bạn cuốn tiểu thuyết này, bổ sung vào bộ sưu tập về nhà văn Anh Đức.

Nguồn sách: nhà sưu tập tư liệu Trần Thanh Phương - Phan Thu Hương
                             ----------------------------
                 
                         

CHƯƠNG MỘT

Bấy giờ chú Tư Râu Sắt dơ bó đuốc rơm mới nhen cháy lên nói:

- Thôi anh em mình đưa anh Năm vô nhà đi!

Mấy chú mấy bác nông dân Phước-lai khom những tấm lưng trần nhễ nhại mồ hôi, luồn qua cái khung của hẹp té của nhà tôi, trở ra sân.

Tôi và chị Hòa tôi bíu lấy nhau đứng thu lu ở góc sân. Chúng tôi đứng chết sững ở đó, người khẽ run lên như đôi chim non bị bão. Rồi chị Hòa tôi khóc lớn và nắm chặt lấy tay tôi. Tôi không khóc, mà đứng ngó về phía chái bếp ám đầy khói. Tại đó, má tôi có thai bảy tháng, bụng nhú to, đang dựa lưng vào vách đất. Trong buổi chiều nhá nhem, bóng má tôi không động, thoáng thoáng hiện bởi ánh đuốc lúc chờn vờn lúc bừng lên.

Giá như cái bếp trệt nọ đỏ lửa như mọi hôm và trên bếp có một nồi cơm đang sôi thì trông má tôi như đang ngồi nấu bữa cơm chiều. Nhưng không, má tôi đã chết. Lũ ác ôn sau khi mổ bụng ba tôi, đã đâm mấy nhát dao thiệt sâu vô ngực má tôi đang bụng mang dạ chửa. Và không hiểu sao, chúng còn kéo má tôi đặt dựa lưng vô vách.

Vậy là trong lúc ra sông hái bần, chị em chúng tôi đã trở thành hai đứa trẻ mồ côi. Chính trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, bọn ác ôn đã băng tắt đường ruộng, lẻn vào giết chết ba má tôi. Sự việc này xảy ra không làm tôi đến nỗi khó hiểu. Đã mấy năm nay, nhà tôi là chỗ ẩn náu nương tựa của mấy cô mấy chú cán bộ. Hồi đêm hôm ấy, bọn tố cộng gom bà con Phước-lai lại bãi cỏ trước đình làng. Chúng dúi gậy vào tay bà con buộc phải đập anh Sáu Chiến, là một cán bộ chúng vừa bắt được Anh .Sáu Chiến thì cũng đã có lần ở trong nhà tôi.

Ba má tôi bị bọn tố cộng cưỡng ép đập anh Sáu Chiến đầu tiên. Nhưng cả ba lẫn má tôi đều đứng trân trối nhìn anh Sáu Chiến, nước mắt chảy ròng ròng. Vậy rồi ba má tôi quẳng gậy đi, vùng la lớn: "Tôi không đập, tôi không đập!". Tiếng la của ba má tôi lúc ấy nghe như bị bóp tim. Tất cả bà con xung quanh được thể cũng phản đối không chịu hành hạ anh Sáu Chiến, bảo rằng anh không có tội tình gì cả. Bọn tố cộng tức tối, hầm hè lôi anh Sáu Chiến đi, giữa lúc anh còn ngoảnh lại nhìn ba má tôi, nhìn bà con với đôi con mắt ướt đầy.

Cho đến chiều nay, bằng tính mạng mình, ba má tôi đã trả giá cho cái hành động cự tuyệt trong đêm hôm trước. Sự trả giá ấy chắc là ba má tôi cầm như thế nào nó cũng đến, ngay từ lúc ba má tôi quăng gậy. Nhưng không phải chỉ có ba má tôi chết. Cùng chết theo với ba má tôi, còn có đứa em sắp sửa ra đời của tôi nữa.

Chỉ còn sót lại chị em tôi. Cũng là sự may mắn. Chớ nếu như chị Hòa và tôi mà có ở nhà trong cái giờ khắc ác nghiệt đó thì có lẽ giờ đây chúng tôi cũng không còn.

Thiệt là tội nghiệp cho má tôi, chẳng là hồi sáng má tôi có thốt bảo rằng mình thèm ăn bần quá. Cho nên vào lúc xế chiều chị em tôi mới rủ nhau ra sông hái bần. Chúng tôi lựa bẻ toàn thứ bần dĩa, chua dịu mà không chát, trái nào trái nấy lớn gần bằng cái dĩa con cá 1.

Bà con đã khiêng ba tôi vô nhà. Con chó Phèn của tôi chạy quấn theo sau, kêu ư ử. Mọi người đặt ba má tôi lên cái chõng tre cũ, thấp và ọp ẹp. Ba tôi vẫn ở trần, đầu còn buộc khăn xước. Bụng ba tôi nay đã được đắp bằng tấm áo lên phèn, mốc cời của chính ba tôi. Má tôi nằm hai tay đặt nơi bụng, cứ như là giữ lấy, cứ như muốn đời đời che chở cho đứa em sắp ra đời của tôi. Ba má tôi nằm sóng đôi, dưới ánh đuốc cháy sáng, hệt như ngày nào nằm ngủ bên nhau sau buổi làm lụng vất vả.

Tôi cảm thấy cái giờ phút nghiêm trọng, cái giờ phút xa lìa ba má tôi đã tới gần, nên tôi tiến lại bên giường. Từ người ba má tôi toát lên mùi máu, mùi mồ hôi, mùi khét nắng trộn lẫn với mùi rơm mới thơm thoảng. Giờ đây tôi không biết sợ những mùi ấy, giờ đây tôi những muốn nhào tới ôm chặt lấy ba má tôi.

Trời đã tối hẳn. Bà con lối xóm kéo tới độ mươi người. Thời buổi này, mọi cuộc tụ tập, kể cả cuộc đưa đám cũng đều là nguy hiểm. Cho nên những người ấy đến nhà tôi một cách im lặng, như những cái bóng. Và chỉ với chừng ấy người thôi, mà nhà tôi coi chừng đã chật, bởi gọi là nhà chớ kỳ thiệt nó chỉ nhỉnh hơn cái chòi giữ dưa một chút mà thôi. Kế đó tôi nghe mọi người bàn tính tới lui mãi về vụ ván đóng hòm. Là bởi nhà tôi vốn không có ván, mà bà con lối xóm cũng chẳng có nhà ai có bộ ván nào nguyên vẹn. Rốt cuộc mỗi nhà phải gom góp lại từng tấm ván để đóng hai cái hòm. Lúc bà con tẩm liệm cho ba má tôi, và lúc tôi ngó thấy nắp hòm đậy lại thì tôi vùng la ré lên rồi chạy nhào tới, vẹt mấy người đứng chung quanh ra. Bà con chụp ghì chặt lấy tôi. Tôi la dữ dội, khi nghe tiếng đóng nắp ván hòm vang lên cum cum. Tôi có cảm tưởng những cây đinh kia không phái đóng vào ván, mà là đóng vào giữa tim tôi. Lịch kịch mất một lúc nữa, mọi người mới bắt đầu đốt thêm đuốc đưa ba má tôi đi. Chị Hòa và tôi chạy ùa theo. Đám người cầm đuốc đi về phía miếng đất gò bỏ hoang ở cuối làng. Tôi cũng biết rằng không còn có chỗ nào khác. Gia đình chúng tôi thì có mấy công đất được cách mạng tạm cấp hồi kháng chiến chống Pháp, nhưng khi hòa bình lập lại chưa đầy một năm, mấy công đất đó đã bị chủ đất giựt lại ráo. Bây giờ những người cố nông mình trần thân trụi kiểu ba má tôi mà chết thì lại ra nằm nơi miếng đất gò mà xưa kia đời ông đời cha vẫn nằm.

Chị em chúng tôi đi ngay sau hai cái hòm. Con Phèn luôn bám sát gót chân tôi. Chị Hòa tôi vừa đi vừa khóc và vấp ngã luôn. Thấy vậy một người bước tới cõng xốc chị tôi lên vai. Một người nữa cũng đến dợm cõng tôi, nhưng tôi không chịu. Người đó vẫn ghé lưng:

- Thằng Quyết leo lên tao cõng!

Tôi vẫn không chịu. Tôi đi bươn tới, không rời h cái hòm. Bị vấp mấy lỗ chân trâu, tôi ngã chúi người, nhưng lại lồm cồm trờ dậy, chạy riết theo. Chú gì đó không cõng được tôi, chép miệng nói trong bóng tối:

- Dì Sáu coi, cái thằng nhỏ này thiệt kỳ. Tự hồi chiều tới giờ tôi thấy nó cứ lầm lì, biểu cõng cũng không chịu cho cõng nữa chớ, cái thằng thiệt ...

Tôi nghe tiếng dì Sáu Xích bảo:

- Ối, con nít mà!

- Nó con nít, mà điều tôi coi tướng nó gan ...

Tôi nghe họ nói hết, và lấy làm tức mình. Ba má tôi chết cách đau đón như vậy mà tôi không buồn sao.

Tôi đã mười hai tuổi rồi chớ còn nhỏ nhít gì. Thiệt ra, tôi thương ba má tôi không biết để đâu cho hết, nhưng từ chiều tới giờ xen giữa nỗi đau, tôi mãi nghĩ về kẻ đã giết ba má tôi. Đêm hôm qua, tôi cũng có mặt nơi bãi cỏ đình làng, và nhìn thấy ba má tôi liệng gậy. Cho nên bây giờ tôi biết ai là bọn đã giết ba má tôi, tuy chưa biết đích xác đứa cầm dao. Tôi mãi mường tượng tới một dịp chạm mặt với bọn người đó, và ước sức mình có thề cầm chĩa mà đâm từng tên một. Hết nghĩ ra cách báo thù bằng chĩa, tôi lại nghĩ tới cách báo thù bằng dao. Nhưng cách nào tôi cũng thấy chưa đủ hả. Vì mãi nghiến ngấu trong lòng về những điều đó nên tôi không khóc, chỉ khi nào sực nhớ là bắt đầu từ giờ phút này mình không khi nào còn gặp lại ba má mình nữa, khi đó bụng dạ chết điếng, tôi mới thét lên.

   
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Ba, 2021, 12:29:51 pm gửi bởi ptlinh » Logged
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« Trả lời #1 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2011, 11:11:07 pm »

                                 Tiếp :


Chú Tư Râu Sắt nẫy giờ cầm đuốc đi đầu bỗng dừng lại. Chú nói như hạ lệnh:

- Thôi, tới chỗ rồi, anh em dừng lại!

Chú Tư quơ ngọn đuốc soi quanh một cái nỗng đất trụi lủi:

- Mình đặt vợ chồng anh Năm nghỉ ở đây ... Anh nào thủ cuốc vá lên đây coi!

Mấy người cầm cuốc vá ở phía sau lom xom chạy tới. Chú Tư Râu tuồng như đã thuộc lầu hết mọi gò nỗng ở đây:

- Đào ở chỗ này thôi. Anh em mình bắt tay vô đi. Đất chỗ này hơi cứng đa, mà điều khỏi sợ nước ngập

Những nhát cuốc đầu tiên bổ xuống lớp đất gò, nháng lửa. Đất cứng quá. Mãi một lúc sau, mới xuống được tới lớp đất hơi mềm hơn. Rồi không mấy chốc, tôi ngó thấy lưỡi vá bắt đầu thuốn lên những thỏi đất đỏ rói như máu. Tôi bắt rùng mình. Đêm cuối năm, gió lạnh run rẩy lùa trong bóng tối. Nhưng trên lưng những người đào huyệt thì mồ hôi vẫn đổ tươm tươm. Trong tiếng cuốc vá đào bới, lát lát lại bật lên tiếng khóc nức nở của chị Hòa tôi, tiếng sụt sịt và hỉ mũi rèn rẹt của mấy thím cùng xóm. Có tiếng gầm gừ chửi rủa tụi ác ôn Mỹ - Diệm. Và dì Sáu Xích, là người đàn bà lối xóm thấu hiểu tình cảnh nhà tôi thì miệng không ngớt than thở cho số phận hai chị em tôi. (Tôi nghe nói hồi trước chính dì Sáu là người chứng kiến cái cảnh ba má tôi dắt díu tới đây ở đậu đất làng).

Hai cái huyệt mỗi lúc một xuống sâu. Tôi sợ quýnh lên trước miệng huyệt tối om dần đó. Lát sau, chợt chú Tư Râu Sắt nói:

- Được rồi! Mọi người xúm lại hạ huyệt.

Dì Sáu Xích lượm đất cục dúi vào tay chị em tôi bảo ném xuống. Tôi làm theo lời dì. Nhưng tôi liền cảm thấy đau điếng khi cục đất rơi trúng đánh bộp trên nắp tấm ván thiên. Tôi không liệng thêm cục nào nữa. Trong khi đó, con chó Phèn quýnh quáng chạy vòng quanh miệng huyệt và tru rống lên.

Việc chôn cất ba má tôi vậy là xong. Giữa lúc cô bác sửa soạn quay về xóm, tôi ngồi bệt bên mả. Cạnh tôi, con Phèn nằm phục, duỗi hai chân tới trước. Con chó lông vàng ấy không ngớt le lưỡi cúi liếm đất mộ. Không lẽ để một mình tôi ngồi đấy, cô bác lôi tôi đi. Nhưng tôi rị lại, vùng vẫy trong im nín. Tôi không muốn rời ba má tôi mặc dù bây giờ ba má tôi nằm dưới đất. Cho tới khi chú Tư Râu Sắt lừ lừ bước đến cất giọng ồ ồ:

- Đi về, Quyết. Hay là lên tao cõng về!

Chừng ấy tôi mới chịu đứng dậy. Tôi thấy khó mà cưỡng lời chú Tư Râu Sắt. Lâu nay tôi có phần kiêng sợ chú. Chẳng những kiêng sợ mà còn sùng bái và khâm phục chú nữa. Không phải tự dưng chú Tư có kèm thêm- cái biệt danh là Râu Sắt. Đó là một cái biệt danh của chú từ hồi kháng chiến chống Pháp. Theo lời ba tôi kể lại thì khi còn là một du kích, chú Tư có một ngón nghề đặc biệt hơn mọi du kích khác là thường ngồi đợi Tây trong bụi cây hoặc núp rình sau các cánh cửa, hễ Tây la cà vô xóm sơ ý một chút là bị chú nhảy ra chộp cổ. Thằng Tây nào bị chú chộp cổ, lúc buông ra cũng đều trợn mắt chết tươi, và ở nơi cổ thằng Tây đó y như rằng còn in đủ dấu nă ngón tay tím bầm. Tôi vốn thán phục chú Tư Râu Sắt từ lâu nên bây giờ tôi không thể cưỡng ý chú được.

Song tôi cũng chẳng để cho chú cõng. Tôi đi một mình lùi lũi sau lưng chú. Lúc đó, tôi yên chí là con Phèn vẫn chạy ở đằng sau. Nào ngờ đi được một đỗi, tôi ngó ngoái không thấy con Phèn đâu cả. Tôi liền đứng lại, dợm trở lui kiếm còn Phèn, nhưng xảy nghe loáng thoáng phía trước hình như ai đó đang nói chuyện về tôi, cho nên tôi bước riết theo để lóng nghe coi họ nói gì. Thì ra mọi người đang nói về cái chết của ba má tôi. Có tiếng một người bảo:

- Tôi thì tôi nghi tụi trên quận xuống!

- Thì mấy thằng tố cộng hồi hôm chớ ai!

- Không phải, chắc tụi biệt kích ... Thì cũng là lũ đó. Thiệt chó đẻ hết sức, biểu người ta làm điều thất đức, người ta không chịu làm rồi lén tới nhà giết người ta!

- Nó lỏn vô êm quá, chắc đi tắt lối ruộng ...

- Đồ sát nhơn ám muội chớ có giỏi giang gì. Thương là thương cho anh Năm chị Năm. Người vậy mới là người biết nghĩa biết ân. Hai vợ chồng anh thà cam chịu chết chớ không chịu làm điều bất nghĩa, nay dẫu có thác cũng đáng được thành thần. Còn phần anh Sáu Chiến, tụi nó nói ảnh là cộng sản, biểu mình đập ảnh. Trời đất, hồi đó ảnh làm bình dân học vụ, lo lợp trường học cho con cháu mình học ...

- Chắc rồi tụi nó cũng đem anh Sáu Chiến đi thủ tiêu thôi!

- Thà là như vậy, chớ bà con mình nhứt định không đập chết ảnh được!

Tôi lắng nghe tới đó rồi không còn nghe được nữa, vì mấy người nọ hạ giọng, rì rầm nói nhỏ lại. Nhưng chỉ với những câu nói ấy cũng đủ làm ruột gan tôi bồn chồn và càng nhận rõ kẻ đã giết ba má tôi.

Đêm hôm đó, sau khi từ ngoài gò mả trở về, chị Hòa tôi cứ sợ sệt nhớn nhác không ngủ được. Tôi phải khuyên lơn chị, mặc dù cảnh nhà trống trải thiệt ra cũng khiến bụng dạ tôi tê tái chớ không sao cứng cỏi cho được. Con Phèn thì vẫn biệt tăm chưa thấy về, Nhưng tôi cũng không đi kiếm nó nữa. Lâu lắm, tôi với chị Hòa mới chợp mắt. Chúng tôi thiếp đi trong nỗi đau thương và mất mát lớn lao cứ như mỗi lúc một xâm chiếm, tràn ngập tâm hồn thơ dại của chúng tôi.

Rạng ngày, dì Sáu Xích cầm lòng không đậu trước tình cảnh bơ vơ của chị em tôi, từ bên nhà sang nói:

- Thôi bữa nay hai đứa qua bên nhà tao ở. Để rồi tao nhắn cô Tám bây trên Phước-kiển xuống bàn tính coi ... Chớ ba má bây không còn, ở đây lấy cơm gạo đâu mà ăn!  ( hết chương 1)
--------------------------------
1   Dĩa gốm nhỏ thường đựng nước mắm, có vẽ hình con cá.
Logged
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« Trả lời #2 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2011, 11:14:16 pm »

                                           
CHƯƠNG HAI

Hai hôm sau, cô Tám tôi ngoài Phước-kiển vào. Cô Tám tôi trạc ngót bốn mươi, vẻ mặt hiển lành và sự khổ cực lộ ra trên khuôn mặt áng chừng còn vượt quá số tuổi. Quần áo cô mặc trên người đầy những miếng vá.

Gặp chị em tôi ở nhà dì Sáu Xích, nước mắt cô chảy ròng ròng. Cô ôm lấy hai chị em tôi mà khóc, rồi nghẹn nói:

- Dì Sáu à, được dì nhắn tin tôi mới biết ... Bữa nay tôi vô đây đón hai đứa nó về ngoài tôi. Thiệt tôi đâu có dè ba má tụi nó bỏ tụi nó mà đi sớm như vầy ...

Nói chưa dứt câu, cô Tám tôi đã khóc lịm. Dì Sáu Xích đợi cho cô nguôi nguôi chút ít rồi mới thong thả

- Cái quân ác nhơn thất đức nó sát hại chú thím Năm, tôi tính rồi đây Phật Trời cũng không dung nó. Còn bây giờ, sự đã dĩ lỡ, thôi cô Tám đừng khóc nữa. Với lại dẫu sao chú thím nó cũng được cô bác đặt nằm ở nơi cao ráo. Tôi nhắn cô vô đây là để bàn tính coi sao. Tôi thì tính lãnh nuôi con Hòa. Không phải riêng tôi nuôi, mà bà con cả xã nuôi. Còn thằng Quyết thì để nó về ở với cô trên Phước-kiển. Không biết ý của cô thế nào?

Cô Tám tôi nghe nói thì lặng thinh, nước mắt lại rơm rớm. Cô nói:

- Tôi đội ơn cô bác ở đây nhiều lắm ... Thiệt ra tôi xuống đây là tính đón hai chị em nó về. Dì Sáu ơi, ba má nó mất đi, tụi nó chỉ còn có tôi là ruột thịt ... Dẫu có nghèo cách gì, tôi cũng không thể làm ngơ cho được ...

- Cô Tám nói phải ... Ngặt cô bác ở đây có bàn soạn rồi, cô bác thấu hiểu hoàn cảnh của cô. Ngày trước, chú Tám đi đánh Tây đã vị quốc vong thân, vậy mà thằng Biện Tư nó còn đo� mấy công đất của cô chú. Cô lo nuôi một đứa đã mệt, giờ lãnh thêm tới hai đứa tôi e hơi khẳm. Hồi hôm này tôi có nhóng hỏi thử, con Hòa nó cũng ưng chịu. Tội nghiệp, con nhỏ nó có ý muốn nhơn tiện coi sóc dẫy cỏ mả ba má nó. Con nhỏ thiệt có hiếu ...

Cô Tám tôi nghe lời bày tỏ của dì Sáu Xích thì ngồi lặng im, lát sau mới thốt:

- Thiệt tôi đội ơn dì Sáu với bà con ở đây biết để đâu cho hết!

- Ơn nghĩa gì cô Tám ... Thôi, cứ vậy nghen. à, mà cô Tám tính chừng nào thì trở về trển?

- Dạ tôi đi thăm mả anh chị tôi rồi chừng xế xế thì tôi về.

- Được, để rồi tôi đưa thím ra ngoài mả.

Trưa đó, sau khi đi thăm mả ba má tôi, cô Tám và dì Sáu về nói có gặp con Phèn nằm ngoài đó. Mới thoáng thấy hai người, con Phèn đã bỏ chạy, kêu mấy nó cũng không quay đầu lại. Tôi nghe thế liền bật ngay dậy, chạy u ra gò mả. Ra đến nơi, tôi chẳng thấy con Phèn đâu cả.

Tôi bèn sục sạo khắp lùm bụi, tặc lưỡi gọi mãi mà cũng không nghe con Phèn hực. Hổi giờ chưa hề có chuyện như vậy. Cuối cùng tôi thất vọng lui thủi ra về. Tôi biết chỉ một chốc nữa tôi phải ra đi, mà nếu không có con Phèn cùng theo thì thiệt là đau lòng. Bởi vì nếu như vậy thì tôi đâu còn có gì. Không có cái gì ở đây cùng đi với tôi đến Phước-kiển cả. Con Phèn, ôi, con chó già sắp rụng răng đó đã có mặt trong cái chòi này trước cả tôi nữa kia. Con chó ấy đã cùng ba má tôi xẻ chia bao nỗi khổ cực đắng cay. Nghe má tôi kể, trong cái năm má tôi về sống với ba tôi, con Phèn bấy giờ là một con chó nhỏ, ốm nhong. Ngoài con Phèn thì trong chòi ba tôi lúc ấy chẳng có gì đáng giá. Có lần con Phèn đã suýt bị ba tôi bán đi để kiếm chút tiền chạy thuốc cho chị Hòa tôi bị lên ban nóng. Nhưng lúc ba tôi trói con Phèn thì con Phèn chảy nước mắt. Nó không vùng vẫy để chạy, mà cứ yên chịu cho ba tôi trói. Khi vòng dây càng thít chặt, nước mắt con Phèn vụt chảy tuôn tuôn. Đến nỗi má tôi oà khóc theo, rồi la lên thét bảo ba tôi cởi trói, và đổi ý khăng khăng không chịu bán con Phèn nữa.

Trời xế chiều thì cô Tám giục tôi sửa soạn lên đường. Chị Hòa trì níu, ôm tôi khóc mùi. Tánh tôi gan lì mà nước mắt cũng phải rưng rưng. Lâu nay, chị em tôi gần gũi nhau, có miếng gì ngon chị Hòa cũng nhường cho tôi, có bực gì chị cũng nhịn tôi. Bây giờ tôi ra đi một mình, còn chị Hòa ở lại, tôi nghĩ thương chị quá. Chị Hòa lớn hơn tôi hai tuổi, nhưng gầy gò, đen xạm, chỉ có đôi mắt là to. Bây giờ đôi mắt chị lại càng to hơn nữa, và ngập đầy nước mắt. Chừng như chị rất muốn nói gì đó với tôi, nhưng không thốt nên lời, cứ cầm chặt tay tôi có vẻ như sợ lần này mất nốt cả tôi vậy.

Trước khi đi, dì Sáu Xích dắt cô Tám ghé qua nhà tôi để coi còn có thứ gì đem theo được không. Nhưng đâu có cái gì đáng giá, ngoài con gà mái đang ấp, hũ gạo đã cạn với cái lu chứa nước uống. Cô Tám tôi đều giao hết mấy thứ đó cho dì Sáu. Con gà mái và cái lu, ấy là cái gia sản duy nhứt mà cô tôi đưa kèm khi chị Hòa ở lại đây.

Tôi đứng nơi sân, ngó cái nhà trân trối. Cho dù ở làng Phước-lai, nhà tôi là loại nhà đá 1, nhỏ hẹp và nghèo nàn nhứt, nhưng trong giờ phút này cái nhà ấy làm cho bụng dạ tôi chết điếng. Ngày thường, sao cái nhà đối với tôi cũng là thường. Vậy mà nay mỗi cái gì thuộc về túp nhà ấy cũng đều gây nên sự xao xuyến giữa lòng tôi. Trái tim tôi se thắt khi tôi nhìn cái ly nước màu da lươn quen thuộc trên miệng có đặt chiếc gáo múc nước vì quá lâu ngày nên lớm rớm rêu xanh. Kia là bức vách đất đắp đã bệch màu bởi năm tháng. Rồi thì những cọng rơm xước trên mái nhà run rẩy trước hơi bấc lùa về.

Chỉ với những cái đó thôi cũng đủ khiến cổ họng tôi nghẹn lại. Trong giây phút cuối cùng, tôi vẫn thấp thỏm ngóng đợi con Phèn. Nhưng tôi vẫn không thấy con Phèn đâu.

Trời đã nhạt nắng. Thế là tôi đành phải theo cô Tám tôi đi về Phước-kiển. Chị Hòa chạy theo sau lưng, miệng cứ gọi:

- Quyết ơi! Quyết ơi!

Chị đi theo miết ra tận ven đồng. Nếu không có dì Sáu Xích ra giữ lại, chắc chị cũng chưa chịu rời tôi.

Làng Phước-kiển, ôi cái tên làng nghe sao mà xa vời vợi. Tôi chỉ có nghe tên làng ấy, chớ chưa đến đó bao giờ. Ngay như con của cô Tám là thằng Cồ, tôi cũng chưa biết mặt. Ba má tôi thì có lên Phước-kiển vài lần.

Nghe nói trên đó cũng có ruộng có sông như ở Phước- lai, nhưng lại còn có rừng, và nhà cô tôi ở

Hai cô cháu tôi băng qua hết cánh đồng thuộc Phước lai thì trời tắt nắng. Chim trao trảo, chim áo già, chim dòng dọc bay về từng bầy đông nghịt. Tôi bây giờ chẳng buồn ngó tới chim, mặc dù xưa nay kêu chim là nghề của tôi, hễ tôi muốn kêu giống chim nào là nó đều kéo tới hết. Cô Tám tôi tất tả đi trước, tôi ôm bọc áo quần theo sau. Hôm nay lần đầu tiên tôi ăn mặc có khá hơn. Nghĩa là ngoài cái quần xà lỏn bằng vải bồng bột vẫn mặc quanh năm suốt tháng, thì bữa nay tôi mặc thêm cái áo vải xiêm má tôi may mà bấy lâu tôi không dám mặc tới. Tôi vừa đi vừa ngoái lại nhìn. Thoạt đầu tôi còn thấy bóng dáng nhỏ bé gầy guộc của chị Hòa đứng nơi bờ ruộng. Đi một đỗi nữa, tôi quay lại thì bóng chị Hòa đã nhòa đi, và mái rơm nhà tôi chỉ còn hiện loáng thoáng sau rặng lau thưa. Thế rồi không lâu sau, cả chị Hòa cùng mái nhà tôi đều chẳng còn trông thấy nữa. Bóng chị tôi đã chìm khuất dưới chân đồng rạ. Túp nhà nhỏ thân yêu của tôi mất dạng dưới rặng cau xanh ngắt cuối làng. Trên những chòm cau, vài cọng khói bay lên, lơ lửng.

Cánh đồng mới gặt phơi đầy những gốc rạ trải dài từ ven đồng Phước-lai tới chỗ tôi đang đi bỗng mát dịu hẳn xuống. Khoảng cách ven đồng bây giờ đối với tôi sao mà xa xôi, nhuộm đầy vẻ ly biệt và nỗi xao xuyến xa lìa cái nơi máu mẹ cha vừa chảy khiến cho tôi cảm thấy rụng rời tới tận các đốt ngón tay. Thấy tôi cất bước không được nhậm lẹ, cô Tám ngỡ tôi mệt, bảo tôi hẵng ngồi nghỉ một chút.

Tôi ngồi bệt xuống bên gốc rạ. Trời đổ bóng tối rất nhanh. Mới đó mà giặng cây Phươc-lai đã mờ mịt, cánh đồng rạ phút chốc nhòa đi. Mấy con vạc lên đường đi ăn đêm bay ngang kêu lên những tiếng lẻ loi. Tôi ngồi cắn nhá bâu áo, nghĩ tới cái chết của ba má tôi, nghĩ tới chị Hòa.

Tim tôi nhói đau như bị kim châm khi tôi nhớ sực cái áo đang mặc là do má tôi cắc củm chắc mót từng đồng bạc để may cho tôi, mà lại may giữa lúc bụng đã mang thai.

Trời ơi, má tôi chết đi chưa kịp ăn trái bần của chị em tôi hái về. Lúc bóng đêm đổ xuống là lúc tôi nghĩ ngợi miên man, nhớ tới chuyện nào cũng thấy thương, thấy đau. Bất ngờ, tôi chợt nghe sau lưng tôi có tiếng lụi đụi.
Logged
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« Trả lời #3 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2011, 11:16:24 pm »

                            Tiếp theo :


Tôi ngoảnh lại thì nhác thấy trên khoảng đồng rạ lờ mờ trước mặt có vật gì lông lốc lăn tới. Rồi tôi nghe tiếng "hực hực". Tức thì tôi vùng đứng phắt dậy la:

- Trời! con Phèn, con Phèn nè cô Tám ơi!

Thì cũng vừa lúc ấy, con Phèn đã xổ tới quấn ngay vào chân tôi. Con chó thè lưỡi liếm chân liếm tay tôi lia lịa, kêu lên ăng ẳng. Tôi mừng quýnh, cúi xuống ôm lấy nó. Tôi và con vật quấn quýt lấy nhau. Cô Tám cũng lấy làm mừng rỡ, chặc lưỡi khen con chó khôn quá là khôn.

Cuộc gặp gỡ bất ngờ này khiến cho tôi vui lên được một phần. Có con Phèn, tôi không cảm thấy bị mất hết những gì tôi có được trong mười mấy năm tuổi nhỏ. Hai cô cháu tôi lại tiếp tục lên đường. Con Phèn bám sát gót chân tôi, kêu ư ư. Bóng tối dường như mỗi lúc một đặc sệt lại.

Hai cô cháu tôi cứ nhắm cái lối mòn thoáng hiện phía trước mặt mà đi mải miết. Thiệt lâu sau mới ngó thấy có ánh đèn nhà le lói phía trước. Cô Tám day lại bảo:

- Tới xóm rồi!

Nói là tới, vậy chớ khi tới xóm nhà có đèn đỏ, tôi còn phải theo cô Tám đi qua một cây cầu khỉ bắc ngang sông. Qua sông rồi lại vượt một cái trảng mọc đầy gai găng hết sức vất vả. Hết trảng găng, trước mặt tôi lù lù hiện ra một cánh rừng đen nghịt. Cô Tám lại bảo:

- Tới nhà rồi!

Thiệt lạ, nghe nói tới nhà mà tôi chớ có thấy nhà đâu. Tôi chỉ thấy cánh rừng giăng ngang đen sẫm đó mà thôi. Tôi bước rấn lên theo cô Tám, đi quá chừng cả công đất mới ngó thấy một cái nhà tối om om, không có đèn đuốc chi hết. Thì ra nhà ở sát bìa rừng nên lúc nãy tôi chỉ trông thấy rừng chớ không thấy nhà.

Cô Tám tôi lên tiếng gọi:

- Cồ ơi!

Không nghe tiếng trả lời. Cô tôi nói:

- Cha ... Thằng Cồ chắc còn chơi ở đằng xóm. Tối nó không dám ở nhà một mình mà ...

- Sợ ma hả cô?

Tôi hỏi.

- Không, ma cỏ gì ...

- Ở đây chắc có hả cô?

- Không có đâu!

Cô tôi đáp như gạt ngang, rồi tiến lên, sờ mó, lục đục mở cửa. Tôi ngó thấy một cánh cửa lạ đời, ken toàn bằng những cái cây lớn cỡ bắp chân. Bốn bên thì cũng là vách đất như ở nhà tôi, nhưng cánh cửa sao lại kiên cố ghê gớm quá. Thôi rồi rồi, chắc là ở đây có cọp rồi. Tôi nghĩ tại cô tôi dấu tôi đấy thôi. Chớ có rừng thì làm gì không có cọp. Được, đề gặp thằng Cồ, tôi sẽ gặng hỏi cho ra mới thôi. Vừa lúc cô tôi đẩy cánh cửa, tôi với con Phèn luồn theo cô tôi vào trong nhà. Cô tôi sờ soạng, bật lửa.

Cái đèn bánh ú được thắp, dọi ánh sáng vàng mù. Tôi đảo mắt nhìn gian nhà mà từ nay tôi sẽ ở. Cái nhà không rộng gì hơn nhà tôi ở Phước-lai. Trong nhà thứ gì cũng đều làm bằng cây rừng để nguyên vỏ sù sì, từ cột kèo rui mè, từ giàn bếp tới bộ vạt ngủ lót cây con ken bện lại. Thứ chi coi cũng khác dưới nhà tôi, coi có bề chắc chắn và gồ ghề. Đất nền nhà thì nổi cục nổi u chớ không phẳng, báo hại tôi không quen cứ khập khễnh bước thấp bước cao. Con Phèn cũng ngơ ngác đi quanh, hết vào rồi lại ra.

Cô Tám lục lọi đem ra một rá khoai lang luộc, kêu tôi ăn kẻo đói. Tôi đến ngồi ở mép bộ vạt, bốc khoai ăn nghiến ngấu. Hôm nay tôi chỉ ăn có bữa sáng, lại đi đường xa, nên đói bụng. Tôi vừa ăn vừa liệng vỏ khoai cho con Phèn. Con chó nghếch mõm táp không để một cái vỏ khoai nào rớt xuống đất. Nó cũng đang đói.

Chợt bên ngoài có tiếng chân ai thình thịch. Thằng Cồ đã về chạy a vô nhà la lớn:

- Má về rồi hả má?

- Ờ ... Có anh Quyết con mợ Năm mày về nữa đây nè!

Thằng Cồ reo: "Anh Quyết" rồi nhào tới ôm lấy tôi không chút bỡ ngỡ. Nhác thấy con Phèn, nó lại kêu lên

- Ủa, có con chó nữa?

- Con chó của anh Quyết mày dắt về đó!

Ngay phút đầu tiên, tôi đã thấy mến thằng Cồ. Thằng nhỏ mới chín tuổi, coi thiệt dễ thương. Nó cứ ôm ngang eo ếch tôi, ngẩng mặt lên dòm tôi mà cười hoài. Nó chưa hề gặp tôi, nhưng coi tuồng như nó đã quen với tôi từ lâu rồi. Thành ra đang lúc buồn bã, tôi cũng thấy dịu bớt nỗi buồn. Bụng dạ tôi bây giờ không đến nỗi rã rời như lúc lên đường về đây nữa. Tối đó tôi với thằng Cồ ngủ chung trên bộ vạt. Một cảnh sống khác đã đến với tôi, bắt đầu từ cái đêm hôm ấy, cái đêm ngủ lạ chỗ khiến tôi cứ hay thức giấc, mà mỗi lần thức giấc là lại nghe thấy mùi khét nắng từ đầu tóc xơ rơ của thằng Cồ, và tôi cứ day trở luôn vì bộ vạt lót bằng cây rừng cồm cộm cấn dưới lưng.  (hết chương 2 )
--------------------------------
1   Tiếng gọi chua chát, chỉ những cái nhà của cố nông, đá một cái là sập.
Logged
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« Trả lời #4 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2011, 11:19:37 pm »

                               
CHƯƠNG BA

Tới sáng, khi tôi bừng mắt tỉnh dậy thì cô Tám tôi đã đi đâu rồi. Hỏi thằng Cồ, nó bảo má nó vô rừng hái củi. Ngày nào má nó cũng đi hái củi như thế. Mới biết cảnh nhà cô tôi còn neo túng hơn cả nhà tôi. Trời sáng bửng, tôi mới nhìn thấy rõ nhà cô tôi ở đây như bị hất ra ngoài rìa làng, cùng với năm ba cái nhà khác nằm rải rác cặp bìa rừng. Còn ở phía trong kia, ở quá cái trảng lởm chởm gai găng mà tôi đi qua hồi đêm thì có một xóm nhà đông đúc, nhô lên hàng chục nóc ngói đỏ au. Tôi gẫm thấy nhà tôi ở Phước-lai và nhà cô tôi giống nhau ở chỗ là đều ở nơi rìa làng cuối làng, ở chỗ những miếng đất đầu thừa đuôi thẹo chớ không được ở giữa làng như người ta. Mà nơi đây coi còn quạnh quẽ hơn trong nhà tôi nhìều. Sát bên nhà là rừng, và rừng thiệt là dầy, trùng trùng lớp lớp. Hồi hôm tôi chỉ thấy đại khái cánh rừng giăng ngang như một tấm màn đen lớn, giờ thì tôi thấy rừng rậm rạp, thẳm sâu. Muôn ngàn thân cây lớn nhỏ mọc ken nhau không tài nào đếm xuể. Càng nhìn rừng, tôi càng thương cho cô tôi đang một mình bẻ củi trong đó.

Cho tới lúc mặt trời đứng bóng, cô tôi mới về. Một bó củi to tướng đè nặng xuống một bên vai gầy của cô.

Tôi đến, tôi nói với cô:

- Mai cháu cũng theo cô vô rừng kiếm củi!

- Cháu còn nhỏ, chưa đi được đâu!

- Cháu đi được, cô cứ để cho cháu đi!

Tôi biết rõ cây củi bây giờ chính là sự sống. Có củi mới đong được gạo. Cho nên tôi quyết theo cô tôi vào rừng kiếm củi. Tuy mới mười hai tuổi nhưng tôi có sức, giỏi chịu cực. Hôm sau, lần đầu tiên vô rừng, tôi đã vác về một bó củi to bằng gấp đôi bó củi của cô tôi. Cái nghề bẻ củi khô này tôi thấy cũng không có gì là khó, điều chủ chốt là phải kiếm ra được nhiều vùng cây chết. Tôi vốn leo trèo bất cứ một nhánh củi khô nào trên cao cũng không lọt khỏi tay tôi. Tìm ra được một cái cây chết nào, tôi thoăn thắt leo lên đạp gẫy nhánh khô rôm rốp, và cô Tám tôi lúc đó ở dưới chỉ có việc gom lại thành bó.

Thế là trong vài ngày đầu, tôi tỏ rõ là tay lao động chánh. Cái nhà ở ven rừng từ buổi có tôi bỗng như vui hẳn lên.



Tôi quen rừng khá mau và cảm thấy thích thú vì cứ mỗi một ngày tôi lại phát hiện ra nhiều điều hay ho mới lạ của rừng. Ngoài sự kiếm củi, tôi còn làm bẫy bắt chim, bắt cheo. Tôi tóm được nhiều con thú hay lắm. Những con trĩ mầu sắc rực rỡ, những con cheo vàng rợi có đôi mắt ướt sợ sệt ngây thơ. Tôi với thằng Cồ làm siêng đan lồng nuôi những con trĩ đẹp nhất. Khi cần cô tôi có thể đem bán được món tiền khá. ở rừng, tôi thấy tự do thoải mái hơn ở Phước-lai nhiều. Rừng thời vắng vẻ thiệt đó, nhưng không bị ai bó buộc, nhất là không bị ai đuổi nhà như ở Phước-lai. Năm ba cái nhà ở cặp bìa rừng đây đều nghèo như nhà cô Tám tôi, nhưng ai ai cũng thiệt thà, đối xử với nhau như chén nước đầy. Còn như về vụ cọp, sau khi gặng hỏi thằng Cồ và bà con cô bác trong xóm, tôi được biết là ở đây cũng có cọp, nhưng nó ở đâu ấy chớ ít khi lởn vởn ra đây. Hồi đó tới giờ ở đây chưa có ai bị cọp chụp cả. Vậy nên tôi không lấy gì lo ngại thấp thỏm nữa. Phải nói là nỗi buồn về cái chết của ba má tôi day dứt tôi khá lâu, rồi sau đó cũng nguôi bớt, trừ cái ý định báo thù thì chẳng những không nguôi bớt chút nào giữa lòng tôi, mà ngược lại ngày càng thêm nung nấu. Không lúc nào tôi quên cảnh ba má tôi bị đâm bị mổ bụng, cứ vài đêm tôi lại chiêm bao thấy má tôi.

Trong chiêm bao, không bao giờ má tôi hiện ra trong cảnh chết. Má tôi hiện ra trong cảnh sống, lúc còn sống, đi đứng, làm lụng, bắt chí cho chị Hòa, vá áo cho tôi ... ấy là những giấc chiêm bao ấm cúng, dịu dàng nhất. Cũng chính vì vậy mà khi tỉnh giấc, giữa tiếng rừng xào xạc, tôi càng đau đón và căm uất, vì thực tế trả tôi lại cảnh mất mẹ, thực tế là tôi không còn một người mẹ bằng xương bằng thịt nữa. Đời sống tuy khổ cực nhưng đầy tự do thoải mái ở rừng khiến tôi có ý nghĩ rằng phải chi trước đây ba tôi lên rừng có hơn không. ở Phước-lai, ba má tôi chuyên đi gặt thuê, cấy mướn, hoặc không nhằm ngày mùa thì đi câu rê, câu nhắp. Ba tôi cũng đã từng có lúc bỏ đồng ra biển, nhưng biển lại đánh giạt ba tôi trở về đồng. Tôi nghĩ nếu ba tôi lên đây, với sức vóc của ba tôi, lo gì mà không no đủ. Song, tôi đã lầm. Dẫu sao tôi cũng hãy còn là một đứa trẻ dại, cho nên ý nghĩ của tôi ngờ nghệch lắm. ở nhà cô tôi chưa đầy một tháng, vào một buổi trưa nọ, lúc tôi vác củi về trước thì thằng Cồ chạy ra đón đường, lào thào:

- Có ông Tư, có ông Tư tới!

Tôi chẳng biết ông Tư là ông nào, mà coi bộ thằng Cồ nhớn nhác sợ sệt ra mặt. Tôi liền rùn chân, đặt bó củi trên vai xuống sân, đưa mắt ngó vào nhà. Thì tôi thấy một người không trẻ mà cũng chưa già, mặt tròn và trắng bệnh như cái bánh bao, râu cằm mọc lún phún như có rắc tiêu. Người này đầu tóc chải lật ngược láng mướt, mặc bộ quần áo bằng lụa màu mỡ gà. Y ngồi tréo ngoáy trên bộ vạt, tay cầm cây "ba-toong" mun, đầu bịt bạc.

Y vừa xoay tít cây ba toong vừa niểng đầu ngó tôi. Cha cha, cái con mắt của y coi thiệt ớn. Y ngồi yên chớ con mắt đảo lia. Vừa lúc cô Tám tôi vác củi về tới. Mới đặt bó củi xuống, thoạt nhìn thấy y, cô tôi liền chắp tay khum chào như vái. Y cất giọng lè nhè như ngủ mới thức:

- Thím Àng đi bẻ củi được khá bộn ha?

- Dạ, ông Tư mới vô chơi ...

- Chơi bời gì, tôi có rãnh đâu mà chơi. Bữa nay vô mục đích là hỏi thím coi bốn giạ lúa tôi cho mượn hồi ra giêng năm nay thím tính chừng nào mới hườn lại cho tôi, bộ tính kéo nhầy qua năm mới sao? Sự đó không nên, tánh tôi hễ cái chi thuộc về trong năm thì tính trong năm cho nó yên. Tết nhất tới nơi rồi!

Cô Tám tôi còn đang ấp úng chưa đáp sao thì y hươi ba-toong vụt đứng dậy, chậm rãi bước ra sân. Giữa lúc đó, chéo áo lụa y bay phất ngang, để lộ cho tôi ngó thấy một cái báng súng ngắn chìa ra ở bụng. Y ngó tôi, ngắm nghía tôi từ đầu tới chân rồi hất hàm hỏi cô tôi:

- Thằng nhỏ này ở đâu mới tới đây?

- Dạ nó là cháu kêu tôi bằng cô, ba má nó ở Phước- lai mới chết, nên tôi đem nó về ở với tôi ...

Nghe cô tôi nói, y ngó tôi châm bẩm, đôi mầy rậm nhíu lại như để hồi nhớ việc chi, rồi hỏi:

- Có phải con của vợ chồng cái thằng biểu đập tên Việt cộng nằm vùng mà không chịu đập đó phải không?

- Dạ, chuyện đó thì tôi không đặng rõ

Cái bộ mặt béo xị của y đang hơi cau có bỗng tươi cười trở lại. Y dịu giọng: - Nó tên gì?

- Dạ cháu tên Quyết.

Y gục gặc đầu, rồi đặt bàn tay múp míp lên vò tóc tôi, chép miệng:

- Tội nghiệp chưa, nói từng tuổi nầy mà đã mồ côi ... ở Phước-lai à? Vậy chớ nó về đây hồi nào mà tôi không hay?

Cô Tám tôi vội chắp tay:

- Dạ cháu nó lên đây mới được non tháng ...

Qua lời lẽ và cung cách của y, tôi cầm chắc y chính là Biện Tư, người đã đoạt mấy công ruộng của cô tôi. A, té ra hiện giờ cô tôi vẫn còn thiếu của y bốn giạ lúa. Tôi cứ ngỡ đâu sau khi bị mất nốt những công đất cuối cùng, thì cô tôi chẳng còn có cái gì để bị người ta bó buộc nữa.

Nào ngờ cho tới nay cũng chưa rứt ra được. Vậy mà mới lên đây ít bữa, chưa chi tôi đã thấy thảnh thơi hơn ở dưới Phước-lai. Khi lão Biện Tư ra về rồi, tôi cảm thấy rất khó chịu, như đang có một sợi dây vô hình vướng quấn ở chân. Tôi cũng hết sức lấy làm lạ, không biết tại sao khi cô tôi bảo ba má tôi chết thì y tỏ ra biết liền mọi sự. Mà sao y lại còn có súng dấu nơi bụng nữa. Tôi nghĩ lão Biện Tư chém chết cũng là tay sai Mỹ - Diệm, cũng một duộc với lũ ác ôn đã sát hại ba má tôi đây. Có thể việc đi đòi nợ cô Tám tôi chỉ là một cái cớ. Đâu như là y đi rõn coi cái xóm nhà thưa thớt ở bìa rừng này thì phải. Nhưng tôi nghĩ dẫu y có đi một công đôi ba chuyện, thì chuyện cô tôi thiếu y bốn giạ lúa y cũng chẳng bỏ qua.

Hồi đó tới giờ, tôi đã ngó thấy rất nhiều chủ nợ đặt chân tới nhà tôi hoặc bà con lối xóm mà chưa thấy có chủ nợ nào bỏ qua món nợ của họ. Tôi tính phải làm thế nào giúp cô tôi tháo gỡ ra mới được. Tôi tính mọi cách, rốt cuộc chỉ thấy có cách là bắt đầu từ ngày mai tôi phải vùi thân vô rừng cật lực kiếm củi bán lấy tiền góp nhóp trả nợ bốn giạ lúa cho cô tôi là hơn cả. Khi tôi đem cái ý định ấy thổ lộ với cô tôi thì cô tôi ứa nước mắt và không nói chi cả.

Sáng hôm sau, tôi dậy rất sớm, một ngày đi về tới ba bốn chuyến củi. Tối đến, tôi mệt nhọc ngủ mỏi mê, không còn thức trò chuyện trửng giỡn với thằng Cồ như mọi đêm nữa. Tôi làm lụng cật lực như vậy suốt sáu bẩy hôm liền. Tuy mệt nhưng tôi vui vẻ, vì cái hy vọng trả dứt được món nợ cho cô làm tôi không hề nản chí.
Logged
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« Trả lời #5 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2011, 11:21:39 pm »

                        Tiếp :

Nhưng lại một lần nữa, tôi đã lầm. Sự đời đâu có dễ dãi như tôi tưởng. Biện Tư nào đợi tôi làm củi xong, có món tiền để trả. Khi tôi với cô tôi làm ra được một số tiền đủ trang trải cho phân nửa số nợ thì Biện Tư tới.

Lần này, y lại khăng khăng đòi bốn giạ lúa, và kỳ hạn cô tôi phải trả trong nội nhựt hôm đó. Y hăm nếu không trả, sẽ có chuyện lôi thôi, ví dụ y sẽ cào nhà dỡ nhà chẳng hạn. Y vừa nói vừa quơ quơ ba toong, bộ tịch rất dữ dằn. Cô tôi đứng xếp re, cúi mặt xuống đất không dám ngó y.

Sau khi cà xốc cà táp một lúc, bỗng dưng y từ từ quơ ba-toong một vòng, rồi thu ba-toong về, chỏi xuống đất Y đứng chân tréo, cầm gá lên cán ba-toong bịt bạc, lặng thinh nhịp nhịp chân. Lát sau, y nhắc cầm lên, lè rè nói:

- Thôi không có trả thì tôi bày cho thím một cách. Cho thằng nhỏ này về coi trâu cho tôi ít lâu đi!

Miệng nói, tay y vít ba toong xỉa về phía tôi. Bấy giờ tôi mới hiểu. Hóa ra y muốn bắt tôi gán vô khoản nợ.

Có lẽ y nhắm tướng tôi về ở đợ cho y là rất tốt sao. Hèn gì hôm nọ y cứ ngắm nghía tôi hoài. Nghe y nói trắng ra cái điều đó, tôi đứng sững, chưa biết tính sao. Tôi thương là thương cho cô tôi với thằng Cồ. Nếu tôi không nhận chịu coi trâu cho Biện Tư, e cô tôi phải đi. Ngay lúc đó giữa đầu tôi bỗng lóe ra một ý định, hay là nhơn cơ hội này tìm biết coi kẻ nào đã giết ba má tôi. Tôi rất tức, thấy chỉ vì có bốn giạ lúa mà Biện Tư cứ xỉa xói cô tôi hoài. Thành ra tôi không chịu nổi, nghĩ bụng: "Được, tao sẽ đi coi trâu cho mày, chớ không để mày xài xể mắng mỏ cô tao!".

Tôi mạnh bạo bước tới trước mặt Biện Tư nói:

- Nè ông, tôi chịu về coi trâu cho ông đó!

Biện Tư nghe tôi nói ra cái quyết định ấy một cách chóng vánh thế đó thì hơi ngạc nhiên. Y liền cười và vui vẻ ra mặt. Trời đất, cái cười hể hả nở ra trên bộ mặt của Biện Tư sao mà đáng ghét. Thiệt tình tôi muốn sẵn trớn thoi vô mặt y một cái quá. Vừa cười, Biện Tư vừa bảo cô tôi:

- Thằng cháu thím Àng còn nhỏ mà biết điều, tôi khen nó đa!

Y khen tôi tới đâu, cô Tám tôi chảy ròng nước mắt tới đó. Cô ngó tôi với đôi con mắt thiệt đau đớn, nửa có ý như cản tôi đừng đi, nửa như bản thân cô cũng bất lực đành cam. Thằng Cồ thì nhào tới ôm tôi chặt cứng:

- Đừng đi, đừng đi anh Quyết!

Tôi dỗ dành nó:

- Em Cồ đừng lo, anh đi ít bữa rồi anh về với em!

- Hông, đừng đi, đừng đi anh!

Biện Tư thấy để tình hình này kéo dài quá thì bất tiện, liền từ từ thọc cây ba-toong tới, để tách thằng Cồ ra. Nhưng tôi hất mũi ba-toong, quàng tay ôm giữ thằng Cồ, rồi nói với Biện Tư:

- Tôi chịu ở coi trâu cho ông, mà ông phải cho tôi biết là coi bao lâu thì trừ hết bốn giạ lúa!

- Sáu tháng. Y trả lời ngay:

- Sáu tháng là coi như đứt bốn giạ lúa luôn. Đó là tôi lãnh phần thiệt, không tính cơm gạo bỏ ra ... Thím Àng à, không phải tôi làm thắt ngặt. Thím cũng biết, trâu tôi tới mấy chục con mà chẳng có ai coi, kẹt quá thể!

Giọng Biện Tư tức thì dìu hẳn xuống. Y phân trần để cho cô tôi thấy điều lợi là thuộc về cô, còn bao nhiêu sự thiệt hại dường như y lãnh hết. Tự bé tới giờ, tôi chưa hề gặp người nào như y. Đang hầm hứ dữ tợn, đột nhiên y đổi ra vẻ hiền từ hết sức mau lẹ. Quả thiệt, tôi chưa gặp mặt người nào như vậy. Nhớ lại hôm mới theo cô tôi về đây, tôi những thấp thỏm e ở sát rừng thì thế nào cũng có cọp. Cọp đâu không gặp lại gặp thằng cha Biện Tư này còn quá hơn cọp nữa. Mà thôi, tôi nghĩ miễn sao cô tôi với em Cồ tôi thoát nạn là được rồi. Chớ thân tôi, tôi không sá. Từ lúc ba má tôi chết tới nay, tôi đâm liều lĩnh ra. Tuy trí lực của tôi còn non nớt, nhưng tôi nghiệm thấy không có gì khác hơn là phải có gan chống chọi với đau thương, hờn tủi. Cách đây chỉ mới hơn một tháng, ba má tôi chết thì tôi về ở với cô tôi. Lần này rời cô tôi tôi sẽ về nơi không có ai là ruột thịt. Nhưng tôi nghiến răng tự bảo: "Thây kệ, tới đâu thì tới!".

Biện Tư nói:

- Thôi bữa nay nhơn tiện có tôi, chú nhỏ gói ghém quần áo đi luôn, để tôi khỏi tới lui mất công!

Thiệt ghê gớm quá chừng. Bắt tôi, y muốn bắt liền tay vậy đó. Tôi tức quá, nhưng cố dằn, nghĩ rằng bữa nay không đi thì mai mốt cũng phái đi, vì mình đã ưng chịu rồi. Tôi liền day qua nói với cô tôi:

- Cô cứ để con đi qua coi trâu cho người ta trừ nợ, ít lâu con về?

Cô Tám tôi nước mắt lại chảy tuôn. Rõ ràng cô không nỡ để tôi đi. Biện Tư lại giục:

- Coi có áo quần chi đó thâu tóm đặng sửa soạn đi!

- Đi thì đi, tôi khỏi có chi mà sửa soạn! Tôi nói.

Cô Tám tôi gạt nước mắt, đi lấy cái áo vải xiêm ra mặc thêm cho tôi. Cô cài cúc áo cho tôi nữa. Thằng Cồ kêu khóc, và vẫn ôm tôi chặt cứng. Nhưng lần này Biện Tư cương quyết gạt nó ra.

Biện Tư chống ba toong đi trước, vạt áo "pi-gia-ma" lụa màu mỡ gà của y bay phần phật. Tôi đi đằng sau, thấy Biện Tư quả là tên mập mỡ. Bộ tướng y gợi tôi nhớ tới ông địa ở đội lân làng Phước-lai mỗi lần Tết đến. Nhưng y không phải là ông địa đem lại những trận cười.

Tôi chửi lầm bầm trong bụng: "Tổ cha mày, tao theo mày là vì cô tao, chớ tao không ham về ở nhà mày đâu!". Tôi thầm rủa Biên Tư suốt dọc đường y dẫn tôi về nhà y.

Con Phèn chạy theo bén gót tôi. Ngặt vì sợ Biện Tư lại kiếm chuyện bắt tới con Phèn, nên tôi khoát đuổi nó trở lại. Lúc gần tới cổng nhà Biện Tư, nó mới dừng lại không chạy theo tôi nữa. Con chó thân yêu đó nó ve vẫy đuôi, tru lên mấy tiếng não ruột, và đôi mắt nó ướt rượt nhìn mãi theo tôi.( hết chương 3 )
           
Logged
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« Trả lời #6 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2011, 11:26:56 pm »

                                       
CHƯƠNG BỐN

Nhà Biện Tư là một cái nhà ngói lớn nhất trong chòm nhà ngói nổi lên giữa làng Phước - kiển mà hôm mới về tôi đã ngó thấy. Vật đập vào mắt tôi trước tiên tại cổng nhà Biện Tư là hai con cọp bằng đá chồm tới trước một cách dữ dằn như muốn chụp lấy tôi. Hai con cọp này tạc bằng thứ đá gì màu xam xám, con mắt thì đỏ lòm, chớp chớp. Biện Tư đã đi quá khỏi chỗ hai con cọp rồi mà tôi vẫn còn đứng đó. Hồi sau tôi mới chậm chậm bỏ bước đi qua, mắt ngó ngoái lườm lườm nhìn hai con cọp. Sân nhà Biện Tư lát toàn gạch bản, đi mát lạnh cả bàn chân. Cái sân thiệt rộng, đi hoài mới tới tòa nhà Biện Tư xây trên nền đúc phông-tô. Biện Tư dắt luôn tôi xuống nhà dưới. Y gọi đám người ở:

- Bữa nay có thằng cháu của con Tám Àng về coi trâu. Thằng Đấu đâu, dắt nó ra chòi ruộng cho nó ở với con Biếc, con Thắm!

Từ trong nhà bếp, một anh vóc dạc lực lưỡng bước ra. Đó có lẽ là anh Đấu. Anh nhìn tôi, dường như có ý lo lắng cho thân phận của tôi lắm. Bỗng dưng anh chợt cười. Chắc anh ngó thấy bộ tướng tôi coi ngáo quá. Hoặc giả do đầu tôi hớt trọc, lâu ngày tóc lên xửng rững coi dễ tức cười chăng? Biện Tư sai anh Đấu: - Mầy dắt nó ra ngoài sơm sớm đi, đặng còn giao trâu cho nó kẻo tối. Lấy cho nó một cái bao bố! Anh Đấu trở vô nhà. Lát sau anh trở ra dẫn tôi đi.

Anh đưa cho tôi một cái bao bố, thứ bao chỉ xanh đựng gạo. Anh dặn tôi:

- Em phải thủ kỹ cái bao. Mấy bữa nay trời trở bấc, không có nó lạnh ngủ không thấu đa!

Vừa đi anh Đấu vừa hỏi tôi:

- Thằng em mầy ở đằng nhà thím Tám Àng à?

- Dạ.

- Sao mọi bữa tôi vô trỏng mà không gặp em?

- Em ở dưới Phước-lai mới lên. Bị ba má em chết nên em phải lên ở với cô em ...

Đang đi, anh Đấu chợt đứng lại ngó tôi:

- Ửa, vậy em là con ai dưới Phước-lai? Có phải em là con của Năm Đô không?

- Dạ, phải!

- Trời ...

Anh Đấu buột miệng kêu trời, và lại day lẩm bẩm. Mắt anh Đấu chợt long lên. Anh đứng thần người ra mất một lúc rồi nói:

- Cái vụ ba má em chết, tôi có nghe nói. ở đây cũng có hai đứa con gái mồ côi như em.

Dọc đường, anh Đấu có nói sơ qua cho tôi biết về nhà Biện Tư. Anh bảo Biện Tư có chân trong Đảng cần lao của thằng Diệm thằng Nhu, mới đây lại được phong chức Chủ Tịch phong trào cách mạng quốc gia huyện. Ấy là nhờ y có công bắt và giết nhiều cán bộ nằm vùng. Y có một mụ vợ và một đứa con gái lớn tên con Len. Anh Đấu dặn tôi, phải coi chừng hai mẹ con mụ ấy. Con Len lại có thằng chồng chưa cưới tên thằng Hoành, là trung úy chỉ huy biệt kích. Thằng Hoành thường hay ghé đây luôn, hắn còn trẻ nhưng đã giết rất nhiều người, lúc nào hắn cũng có thủ mật người trong túi quần "trai-di". Cuối cùng anh Đấu bảo:

- Đó là tôi nói sơ qua như vậy để em biết. Em ra chòi coi trâu cứ yên tâm, hễ rảnh thì tôi sẽ ra chơi.

Tôi nghe anh Đấu nói thì làm thinh. Nhưng tôi nghĩ bụng đứa nào thì đứa, tôi không ngán. Tôi thấy mến anh Đấu, người tôi gặp đầu tiên tại nhà Biện Tư mà là coi bộ không ưa Biện Tư. Nghe những lời anh Đấu, tôi rất chú ý tới tên Hoành. Tên nầy là chỉ huy biệt kích, rất có thể nó dẫn tụi biệt kích đi giết ba má tôi lắm. Từ một năm nay, bọn này trả thù gắt gao những người theo kháng chiến và những người ủng hộ cách mạng, như anh Sáu Chiến, như ba má tôi. Hình như chưa giết hết những người như thế, thì bọn chúng ngủ không yên.

Từ nhà Biện Tư trở tới bìa ruộng phải đi một đỗi có tới non cây số. Tôi theo anh Đấu len lỏi qua khoảng đất vườn trồng vô số cam, quýt, mận hồng đào, sa-pô-chê. Lão Biện Tư giàu thiệt. Tôi nghĩ chỉ riêng miếng vườn này cũng đủ cho y làm giàu rồi chớ chưa kể tới ruộng làm chi. Vậy mà cô Tám tôi thiếu y có bốn giạ lúa, y đòi hết sức thắt ngặt, tuồng như không đòi được bốn giạ lúa thì y phải nhịn đói.

Cái chòi ruộng mà anh Đấu dắt tôi ra ở ấy là một cái chòi trống hơ. Mái chòi lợp bằng rơm cứ bị gió thổi bới lên. Những con gió chiều lộng thổi bốn bề. Trong chòi chẳng có giường vạt chi hết, chỉ thấy lỏng chỏng mấy cái bình tưới. Hai đứa con gái nhỏ ở đâu chạy về chòi, mừng rỡ kêu anh Đấu bằng anh Ba, rồi đứng ở góc chòi mà ngó tôi. Đứa lớn nhỏ hơn tôi vài tuổi, và một đứa nhỏ hơn nữa. Hai đứa ăn mặc rách rưới, áo cụt tay, quần vắn, coi thiệt tội. Cả hai đứa có một nét chung giống chị Hòa tôi là cặp mắt lớn, luôn mở trố trên khuôn mặt hốc hác, xạm đ

Anh Đấu chỉ đứa con gái lớn bảo tôi đó là con Biếc, còn đứa bé là con Thắm. Hai đứa là chị em ruột. Anh Đấu nhỏ nhẹ bảo hai đứa là tôi mới về, sẽ ở luôn tại chòi để cùng coi trâu. Bấy giờ hai đứa mới xán lại, dựa vô người anh Đấu, dòm tôi cười.

Tôi để ý ngó coi chung quanh, thấy cách đó không xa có một cái chuồng trâu lớn. Những con trâu mới về chuồng đang đập đuôi lách chách, chốc lát lại nghe sừng của chúng quơ chạm phải những cây ngáng chuồng kêu lụp cụp.

Bây giờ tôi chỉ thấy bỡ ngỡ chớ không thấy đơn độc. Nhứt là khi con chị, tức là con Biếc, bước tới ân cần đỡ lấy cái bao bố trên tay tôi đem máng lên cây sà chòi. Chỗ đó cũng có dắt hai cái bao bố, cũ hơn cái bao tôi một chút.

Anh Đấu đưa tôi tới bên chuồng trâu, căn dặn thêm vài điều rồi về. Tôi trở lại cái chòi trống trải, nơi hai chị em con Biếc, con Thắm sống bấy nay, giờ có thêm tôi nữa là ba. Mặc dù con Thắm, con Biếc rách rưới gày gò, mặc dù cảnh chòi trống hơ trống hoác, sao tôi vẫn thấy ấm áp. Tôi vui mừng thấy mình được ở đây hơn là ở trong tòa nhà của Biện Tư.

Con Biếc đến bên tôi, nhỏ nhẻ hỏi:

- Chắc anh Quyết chưa ăn cơm, để em nấu luôn nhen!

Tôi gật đầu. Con Biếc với đứa em lăng xăng đi nấu cơm. Hai đứa vo gạo trong một cái nồi đất, rồi đốt bằng rơm. Bữa cơm đó, ba đứ chúng tôi ăn trong bóng tối sụp xuống. Thức ăn là mắm mục sống do con Biếc dỡ ra từ một cái tĩnh, với một rổ đựng cải sống và khế. Tôi ăn rất ngon miệng, nhờ mắm nục có trộn gừng. Tôi lấy làm phục tài nấu cơm của con Biếc. Con nhỏ nấu coi sơ sịa, ấy vậy mà hột cơm mới dẻo làm sao. Khi tôi hỏi rau cải ăn đây lấy ở đâu ra, con Biếc bảo là tụi nó trồng cho nhà Biện Tư, có ăn thì được bẻ chút ít thôi chớ không được bẻ nhiều. Nghe nói tôi càng ghét Biện Tư. Y bắt hai đứa cơn gái nhỏ trồng thêm rau cải cho y lấy lợi mà không dám cho nó ăn.

Càng ghét Biện Tư tôi càng thương cô Tám tôi, thương thằng Cồ, con Biếc, con Thắm. Từ lúc tôi theo anh Đấu ra chòi, rồi ăn cơm chung với chị em con Biếc, tôi thấy hai đứa nhỏ thiệt tội nghiệp. Chừng như có thêm tôi, hai đứa nó đỡ phần cô quạnh. Cả hai đều mừng rỡ, phần tôi, tôi cũng được yên ủi rất nhiều.

Tối đó, chúng tôi trải bao bố lên đống rơm giữa chòi mà nằm. Tôi thấy có muỗi bộn, nên hì hục đánh ngay một con cúi, mồi cháy rồi vùi vào đống trấu. Khói xông lên đuổi muỗi đi và gian chòi nhờ đó cũng ấm được đôi chút. Tôi thích cái mùi khói của rơm rạ mới. Đó là mùi khói ấm và dễ chịu mà tự nhỏ tới giờ tôi được hưởng tự do không bị ai ràng cản. Như thể xưa nay trời cho tôi gió, nắng, và rừng cho tôi củi cùng những con trĩ, tôi thích thú vì mọi cái đó tôi được hưởng mà không bị ai bó buộc. Vả chăng, khi mà hôm nay tôi lọt vô vòng bó buộc thiệt sự rồi, thì một chút gì thoải mái cũng đủ khiến tôi sung sướng.
Logged
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« Trả lời #7 vào lúc: 19 Tháng Tư, 2011, 11:28:40 pm »

                               
Tôi bắt đầu tỉ tê hỏi chuyện con Biếc con Thắm. Tôi hỏi tụi nó nhà cửa ở đâu, sao không ở nhà mà vô đây ở cho Biện Tư. Con Biếc nói ba má tụi nó đều chết hết rồi. Ba nó thì chết ngoài bàu rừng, còn má nó ở tù bị đánh chết trong khám. Tôi hỏi tại sao ba nó lại chết ở bàu rừng. Con Biếc bảo bị biệt kích bắt, nửa đêm đem đi mất biệt. Nó biết là ba nó đã chết, nhưng không biết cha ở đâu. Cả tháng sau, nhờ cô bác chỉ, nó lội vô mé rừng, mò dưới bàu mới kiếm được thây ba nó bấy giờ thịt đã bị rã ra. Kể tới đó, con Biếc sụt sịt khóc.

Tôi lẳng lặng nhìn hai chị em con Biếc, hai khuôn mặt thơ ngây hiện mờ mờ sau làn khói từ con cúi rơm đùn ra cuồn cuộn. Tôi thấy cảnh ngộ hai đứa không khác chi tôi. Cảnh ba má con Biếc chết cũng thảm thiết như cảnh ba má tôi. Tôi lại hỏi:

- Mà rồi sao hai đứa lại về đây?

Con Biếc lắc đầu, như chính bản thân nó cũng không biết tại sao lại lọt về nhà Biện Tư nữa:

- Ông Tư tới nhà biểu hai đứa em về nhà ông, ổng

nuôi ...

À, ra vậy. Nghĩa là có mấy đứa con nít mà cha mẹ chúng bị sát hại thì Biện Tư bắt đầu gom về ở đợ cho y hết. Hèn gì hồi nãy anh Đấu lộ vẻ tức giận, mắt anh cứ long lên. Nhưng tôi nghĩ rằng bản thân tôi còn có cửa thoát, vì tôi chỉ về đây coi trâu có sáu tháng thôi, chớ chị em con Biếc thì coi như bị Biện Tư bắt đứt. Không rõ sự làm lụng ởi đây ra sao, tôi hỏi thêm:

- Ở đây rẫy của họ trồng giống gì?

Con Biếc nói:

- Trồng cải nè, dưa gang, dưa hấu nè, đủ hết ... Trồng nhiều thứ lắm, sáng mai anh ra coi rồi biết!
- Chỉ có hai đứa em trồng à?

- Có thứ tụi en trồng, có thứ người lớn trong nhà ra trồng.

- Mình trồng, lo tưới vậy mà không được hái ăn, kỳ cục quá!

Biếc "xì" một tiếng và nói:

- Chỉ được ăn lá cải nào úa thôi, còn mấy thứ kia, không được rớ. Mình mà rớ tới người ta đánh chết!

- Đánh hả? Tôi nói như la lên: - Cứ việc bẻ ăn. Hễ mình có công tưới trồng thì mình phải được ăn!

- Anh Quyết mới tới nên chưa biết, ở đây vài bữa rồi anh biết!

Tôi ngồi xổm dậy trên đống rơm, không ghìm được nỗi bực tức:

- Ừ được, để rồi coi ... Tôi thì tôi không chịu vậy đâu. Tôi không nhịn con nào thằng nào hết. Hễ đánh tôi thì tôi đánh lại. Nếu nó ỷ sức lớn ăn hiếp thì tôi chụp cây lượm đá phang nhầu. Tôi nói thiệt chớ không nói giỡn đâu!

- Phải coi chừng con mụ Tư với con Len .... Em tức mình nên em kêu nó là con Len, chớ nó lớn dữ rồi, nó lớn xấp đôi anh á!

- Thây kệ, dẫu có lớn xấp ba, tôi cũng không nhịn.

- Anh gan quá !

Tôi nằm xuống đống rơm. Con Thắm đã ngủ, cất tiếng ngáy khe khẽ. Con Biếc ôm con Thắm, nhấc đầu em dậy để tròng cái bao bố vào người em. Rồi con Biếc cũng chui vô bao. Đêm đến mỗi lúc một lạnh. Gió từ ngoài đồng trước khi ùa vô vườn, đều đi qua cái chòi trống của chúng tôi. Tháng này gió đã mang hơi bấc lạnh se da.

Tôi cũng bắt chước chị em con Biếc, chui vô bao bố. Người tôi vốn cao, nên cái bao bố chỉ kéo lên tới vai, thành ra đầu thò ra ngoài. Tôi nằm đó, thao thức không ngủ được. Chưa đầy hai tháng, kể từ khi ba má tôi chết, tôi bị xê dịch tới hai lần. Không biết nay mai rồi sẽ ra sao nữa. Nằm trăn trở trong bao bố, tôi vẫn còn ấm ức chuyện con Biếc kể cho tôi nghe ban nãy. Gẫm lại, trong hai lần xê dị lần nào tôi cũng đều gặp sự chướng tai gai mắt. Đến ở nhà cô tôi thì chứng kiến cô tôi bị hà hiếp. Đến cái chòi này thì thấy tình cảnh con Biếc con Thắm rất đỗi thảm thương. Sự thể đó tự đâu ra, tôi chỉ biết được một phần.

Gió vẫn lùa qua chòi. Cái chòi tối om của chúng tôi chỉ rạng lên được khi nào gió đủ sức thổi con cúi rơm bùng cháy. Nhưng con cúi rơm chỉ bùng lên trong khoảng khắc rồi tắt ngấm, và cái chòi lại trở về tăm tối. Tôi ngủ thiếp đi.( hết chương 4 )

Logged
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« Trả lời #8 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2011, 09:06:13 am »

           
CHƯƠNG NĂM

Sáng hôm sau, lúc chúng tôi mới thúc giấc thì con Len đã ra tới. Từ trong chòi, tôi nghe một giọng the thé nói trõ vào:

- Cha chả, sáng bừng mắt rồi mà mấy đứa quỷ này còn ngủ hả?

Con Biếc con Thắm vội tung bao bố, lồm cồm đứng dậy. Trời còn rất lạnh, nhưng tôi cũng ráng chui ra khỏi bao. Vừa lúc ấy thì con Len vào chòi. Tôi đưa mắt liếc nhìn coi mặt mày nó ra sao mà hai chi em con Biếc có vẻ sợ nó quá như vậy. Thì ra đó là một đứa con gái tuổi đã cập kê, vóc người roi roi chớ không mập như Biện Tư.

Tướng Biện Tư coi gian giảo một cách lờ đờ, còn tướng con Len thì khôn ranh một cách nhậm lẹ. Môi nó mỏng mà thâm chì, mắt nó sáng nhưng là thứ ánh sáng bén ngọt như dao của loại mắt lá răm. Tôi có cảm tưởng bộ mặt

con Len dường như chỉ có xương chớ không có thịt. Con Len hỏi tôi:

- Mày là thằng Quyết phải không?

Tôi làm thinh, không ừ hữ chi hết. Con Len ngó tôi lườm lườm, rồi tiếp:

- Mầy ở đây lo coi tám cặp trâu cày ... Tới trưa mới thả trâu, còn bây giờ tới trưa mày phụ với con Biếc con Thắm tưới dưa, tưới đậu nghe chưa ?

Tôi cũng không bảo là nghe hay chưa nghe. Con Len ngạc nhiên tức tối kêu lên:

- ủa, bộ tía tôi ổng đem lầm thằng nhỏ điếc này về hay sao mà hỏi hoài nó không trả lời chi hết vậy ?

Tôi tức cười nghĩ bụng: - "Chừng nào tôi mới điếc!" Chẳng qua, nghe cái giọng the chua sai phái của nó, tôi phát ghét không trả lời coi sao. Thình lình con Len đưa tay xoay mặt tôi lại. Tức thì tôi vung tay gạt phắt ra. Cái vung tay của tôi như là một lời cảnh cáo báo rằng tánh tôi không quen chịu bắt nạt. Chừng ấy con Len mới hiểu là tôi chẳng điếc tai nghễnh ngãng gì cả. Nó ngó tôi, hơi chợn. Trước khi bước ra khỏi chòi, nó hăm:

- Mới về mà cứng đầu dữ ha? Đừng có ham, rồi có ngày tao chần đầu mầy mềm như trái dưa hấu cho coi!

Hăm tôi xong, con Len ngoe nguẩy bỏ đi. Trước khi trở vô nhà ,nó rảo coi miếng rẫy. Không có luống dưa luống cải nào mà nó không dừng lại săm soi. Nó sợ dưa bị bẻ trộm, nên rà coi rất kỹ. Mấy lượt tôi nghe nó la:

- “Trái dưa ở đây đâu mất rồi?” Nhưng liền đó nó lại tìm thấy trái dưa bị lá phủ, thì lại reo: - “Có rồi có rồi" và bấy giờ trên bộ mặt xương xẩu của nó lại lộ đầy vẻ mãn nguyện. Đợi nó về hẳn rồi, tôi nhoẻn cười, đủng đỉnh đi ra rẫy. Con Biếc con Thắm đang kéo nước ở giếng đều nhìn tôi le lưỡi và khen tôi gan. Tôi nói:

- Con nhỏ đó bộ tướng ốm nhách, nhằm nhè gì. Có tôi ở đây hai em đừng lo!

Tôi đi gánh nước tưới rau với con Biếc. Đất rẫy của Biện Tư ở xen giữa vườn cây với bờ ruộng, rất rộng và trồng nhiều thứ. Đúng như lời con Biếc, đồ hàng bông không thiếu thứ gì, ngoài ra lại còn trồng dưa gang dưa hấu. Với bấy nhiêu thứ đó, hai chị em con Biếc lo tưới cũng đủ chết. Thấy dưa đã chín tới nằm lăn lóc bóng lưỡng nơi rẫy, tôi hỏi hai đứa có ăn trái nào chưa. Con Biếc nói chưa nếm qua miếng nào hết. Tôi hỏi vậy hai đứa có thèm ăn dưa không. Cả hai đều bảo là rất thèm nhưng không dám hái. Tôi nói được rồi, để tôi bẻ cho mà ăn. Trưa hôm ấy, trước khi lùa trâu ra đồng, tôi đi xăm

xăm ra rẫy chọn bẻ một trái dưa hấu lớn và chín nhất đem về chòi. Chị em Biếc thấy tôi bẻ trái dưa quá lớn thì sợ hãi trợn tròn mắt. Tôi nói:

- Không hề gì đâu, hai đứa bây đừng sợ, có gì tôi chịu hết!

Dứt lời, tôi nhón gót với lấy cái lưỡi hái trên mái chòi xuống, quặp bổ trái dưa ra ngay. Tôi đưa cho mỗi đứa một miếng lớn và giục:

- Ăn đi!

Thấy hai đứa còn do dự, tôi cầm miếng dưa cạp ăn rồn rột. Chừng đó hai đứa mới ăn theo. Tôi nhìn chúng nó ăn, trong bụng thấy hả hê được đôi phần. ít ra, chúng nó cũng phải được ăn một miếng dưa ngon như vậy. Nói chi để vài hôm nữa thì nhà Biện Tư kêu lái đưa tới bán hết còn gì. Tôi vừa ăn vừa giục hai đứa ăn thêm. Chúng tôi ăn hết trái dưa, đứa nào đứa nấy bụng to tướng, vì trái dưa lớn quá. Tội thay cho con Biếc con Thắm, đã ăn dưa vô bụng rồi mà còn lo ngay ngáy. Tôi bảo:

- Tôi đã nói có gì tôi chịu hết mà ... Thôi, bây giờ Biếc đi thả trâu với tôi một bữa đi!

Con Biếc giới thiệu tên từng con trâu. Mười sáu con tất cả. Con thì tên Bướm, con thì tên Mẫm, có cả những con đội tên Tây mà tôi chưa thấy ai đặt cho trâu bao giờ.
Logged
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« Trả lời #9 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2011, 09:08:42 am »

             

Biếc ngoan ngoãn cùng tôi đưa trâu ra đồng. Thiệt ra đối với trâu cộ, tôi cũng không bỡ ngỡ, vì hồi ở Phước-lai tôi vẫn thường theo tụi nhỏ chăn trâu, chỉ phải cái là đồng đất ở đây quả là tôi chưa thuộc. Biếc nói không lo, miễn là nắm biết chỗ có cỏ cho trâu ăn thôi, chớ đất ruộng ở đây đều thuộc nhà Biện Tư hết, khỏi sợ lầm đất chủ khác.

Dong trâu đi trên những cánh đồng minh mông, tôi càng thêm thù Biện Tư. Ruộng đất của y cò bay mỏi cánh như vậy mà y còn bầy mưu đặt kế lấy mấy công đất của cô Tám tôi do cách mạng cấp, khiến cô tôi không có đất cấy phải chuyên đi quơ củi kiếm ăn.

Tháng này gần giáp Tết, trên đồng chẳng có gì ngoài những gốc rạ vàng cháy, xơ rơ. Trưa nắng, các cánh đồng như muốn ngút lửa. Xa xa, ven cây trong xóm chớp sao lia lịa. Con Biếc đưa tôi tới những chỗ có nhiều cỏ, những biền và bưng. Rồi em còn chỉ cho tôi biết khoảng ruộng nào có nhiều cua, chỗ nào có thể mò bắt cá cạn, thậm chí Biếc còn bảo tôi ngày mai nên sắm gậy đem theo để phang cúm núm. Biếc say mê nói lóng rày cúm núm mập ú nu mà lại đi có bầy phang rất dễ trúng, có khi phang một gậy rớt đôi ba con. Nghe Biếc bày vẽ, chỉ dẫn tôi lấy làm phục nó. Không ngờ con nhỏ biết nhiều thứ hay quá. Lúc dong trâu qua một ngòi nước sắp cạn, Biếc ngó chăm chắm, rồi đột nhiên tuột xuống khỏi lưng trâu, chạy lên phía ngược nước, ngồi xuống quơ chụp bắt được ba bốn con cá rô. Biếc bứt mấy cọng rạ xỏ qua mang cá đem quàng lên sừng trâu.

Tôi với Biếc lại đi, lại lùa trâu đến những vùng cỏ mới. Nắng lớn quá, nắng như lửa đốt. Tôi để đầu trần, tóc chẳng mấy chốc đã nghe khét nghẹt mùi nắng. Tóc Biếc vàng xém hết. Cho trâu ăn no chúng tôi lùa trâu xuống vũng đằm, rồi chúng tôi rút vào một bờ trâm bầu gần đó để tránh nắng. Biếc ngồi dựa gốc trâm bầu thiu thiu ngủ. Tôi vịn cành trâm bầu che mấy tia nắng dọi xuống mặt Biếc. Tôi nhìn thấy trên khuôn mặt thơ ngây của Biếc trộn lẫn vẻ lo lắng đáng thương, khiến cho tôi thấy mình phải có phận sự che chở. Tôi muốn ngồi giữ yên cho giấc ngủ của Biếc mãi mãi. Phần tôi thì tôi không thể nào ngủ được. Trước mắt tôi không xa là cái trảng găng, và rừng, cánh rừng nơi cô tôi với thằng Cổ ở, bây giờ giăng ngang sừng sững và ngàn lá ở đó thảy đều như nhuốm khói.

Tôi nao nao nhớ rừng, mặc dù tôi chỉ ở đấy mới hơn một tháng. Tôi nhớ cảnh tự do thung thăng, cảnh lửa củi cháy trong đêm về khuya rơi vạc những đống than hồng, cảnh đàn gà rừng sắc sảo, con trĩ lông cánh rực rỡ những ngày đầu bị tôi bắt được nhốt vô chuồng đâm buồn rầu ủ rũ bỏ ăn. Hết nhớ rừng, tôi nhớ về Phước-lai. Cái làng cũ ấy không bao giờ phai nhòa trong trí nhớ tôi với những cánh đồng xanh rờn mùa cấy, vàng hực mùa gặt và những cây rơm cao nghệu, những rặng bần ven sông đêm đêm đom đóm mở hội. Nếu như ba má tôi không chết thì bây giờ tôi còn ở đó. Nhớ về Phước-lai là một chốc sau nỗi đau đớn uất ức làm cho tôi nghẹn ngào. Thế là tôi lại bắt đầu nhìn thấy rõ ràng đôi bàn tay chai sạn của ba tôi bứt cỏ trốc cả gốc lên khi bị mổ bụng, tôi lại thấy má tôi bụng nhú to ngồi chết im lìm trong bếp ...

Một vệt nắng chiếu xiên ngang mặt Biếc. Tôi ngồi dịch lại, lấy thân mình che cho Biếc khỏi nắng. Tôi nhìn Biếc ngủ mà thương. Giấc ngủ ban trưa của một đứa con gái, nhỏ hơn tôi vài tuổi trông tồi tội làm sao. Ngó vẻ mặt trẻ thơ của Biếc, ai mà biết được nó đã có lúc bị lâm vào cảnh đau thương ghê gớm chẳng kém gì tôi, cái cảnh lặn lội sì sụp trong bàu rùng, vốc lên trong lòng bàn tay nhỏ bé đống xương thịt tả tướt của cha nó. Từ nỗi đau của chính mình, tôi lại càng đau cho cảnh chị em Biếc. Tôi trì chiết nghĩ rằng tới một ngày nào đó lớn lên tôi phải nhập hết mọi nỗi đau đớn của chúng tôi lại làm một mà bắt kẻ gây oán phải đền trả. Cái ý nghĩ đó như đóng đinh giữa tim tôi cứ mỗi lúc càng thôi thúc, siết riết chẳng buông.

Lúc mặt trời ngả bóng, bỗng có một bầy chim trao trảo từ ngoài đồng bay ngang vòm cây trâm bầu. Bầy chim dường như đã kiếm ăn no đủ, vừa liệng qua vừa hót kêu vui vẻ Nhanh như cắt, tôi đứng dậy uốn cong lưỡi kêu "trảo trảo" hệt như tiếng chim kêu. Bầy chim mới bay qua đó nghe tiếng kêu, vội vòng trở lại đáp sà xuống chòm trâm bầu, Từ đó, có thêm ba bốn bầy trao trảo khác bay qua, cũng đều bị tôi kêu lại. Trong phút chốc, chòm cây trâm bầu đậu đầy chim trao trảo. Tiếng loài chim kêu nghe rất dân dã, náo nức đó đã đánh thức Biếc tỉnh dậy. Biếc bàng hoàng và hớn hở ngước nhìn. Tôi cười bảo:

- Tôi kêu chim ghé chơi đó. Đây nè, nghe tôi kêu coi có giống không nghe!

Nói rồi tôi uốn lưỡi kêu "trao trảo". Biếc thích thú cười ngất và khen tôi hết lời. Biếc bảo tôi dạy cho Biếc kêu. Tôi dạy cách uốn lưỡi như thế nào mới kêu được đúng. Biếc bắt chước kêu theo, tiếng kêu cũng khá, nhưng vì chưa quen nên không thiệt giống. Tôi nói để rồi dần dần tôi chỉ cho, thì chẳng những Biếc có thể gọi được chim trao trảo mà còn có thể gọi tất cả các thứ chim đồng.

Hai đứa tôi vui vẻ ngồi chơi thêm một lúc nữa dưới vòm trâm bầu ríu ran tiếng chim rồi cùng nhau đi lùa trâu dưới vũng lên, cho trâu ăn thêm một lượt cỏ nữa. Tới chiều tà, chúng tôi mới lùa trâu về. Qua những vũng cạn, Biếc lại chộp được mấy con cá rô. Biếc xỏ mấy con cá đó vào xâu cá mà hồi sớm tới giờ nó vẫn buộc nơi sừng trâu. Con cá rô nào mình mẩy cũng khô queo. Tưởng như cá đã chết cứng, ấy vậy mà nó vẫn sống, lát lát lại cựa mình trên đám lông trâu bê bết bùn non. Tôi nghiệm thấy con cá rô đồng tuy là con cá nhỏ nhưng thiệt mạnh, nó có thể dang mình ngoài nắng suốt ngày mà vẫn sống. Tôi tự thấy mình cũng phải làm thế nào được như con cá ấy.

Trên đường thả trâu về chòi, Biếc lại ngỏ ỷ lo lắng e sợ con Len hoặc mụ Biện Tư ra rẫy bắt gặp cái cuống đưa bị bẻ trộm. Tôi nói cái cuống dưa ấy tôi đã bẻ trụi đi rồi, không dễ gì mà biết được và tôi không đồng ý hai tiếng "bẻ trộm" của con Biếc. Tôi nổi xung lên bảo hễ cái vật chi do bàn tay mình làm ra mà mình hưởng thì cái đó không phải là ăn trộm. Biếc làm thinh. Sau khi nói thế, tôi nghĩ lại càng thương cho Biếc. Chắc nó đã bị đánh đập nhiều lần rồi nên mới sợ. Tôi nghĩ bụng từ rày trở đi hễ có sự cực khổ đòn roi nào xảy tới thì tôi sẽ tự nguyện lãnh hết. Tôi dám gánh chịu hết cho hai đứa con gái nhỏ đồng cảnh khổ với tôi, cũng như tôi đã dám đem thân ra gánh chịu món nợ cho cô Tám tôi.

Thêm một buổi chiều nữa lại đến nơi chòi trâu. Ba đứa trẻ chúng tôi lại ăn cơm trong cái cảnh nhá nhem nửa tối nửa sáng, vì sau khi lùa trâu về, chúng tôi còn phải tưới rẫy tiếp con Thắm. Thành ra chúng tôi luôn ăn bữa chiều vào lúc đêm đã xuống. Nhưng bữa cơm trong ngày nhập nhoạng vậy mà ngon. Nhờ có thêm món canh cải cá rô do Biếc nấu. Nghe nói lúc chiều, mụ Biện Tư có ra chòi, coi rẫy, o ép con Thắm làm, nhưng không xảy ra việc gì. Lúc chúng tôi ăn cơm, mụ lại trở ra. Đó là một mụ đàn bà tuy không mập như chồng, chớ cũng khá đẫy đà, bước đi đong đưa hông háng. Ngó những bụng trâu no căng, mụ ta có vẻ hài lòng. Mụ tuyệt nhiên không hề biết có một trái dưa đã bị mất. Thiệt ra có trời mà biết được. Dưa cả trăm cả ngàn trái, hơn nữa tôi xóa dấu rất khéo.

Chúng tôi ăn cơm xong thì trời tối mò. Giữa lúc tôi ngồi vơ rơm đánh một con cúi đè giữ lửa un đêm, thì chợt nghe tiếng chân ai đi lịch phịch ngoài đầu giồng. Tôi nạt:

- Ai?

- Tao chớ ai!

Thì ra anh Đấu. Anh bước vô chòi, ngồi chơi, hỏi han tôi bữa nay coi trâu thế nào. Tôi nói thả trâu ăn đàng hoàng, chỉ phải cái nắng quá, nắng muốn nứt đầu. Anh Đấu hứa sẽ kiếm cho chúng tôi nón lá. Anh nói:

- Hồi nãy tao thấy vợ Biện Tư về êm ru thì tao biết chú mầy đã coi bầy trâu xuôi lọt. Mà chú mày chớ vội mừng, con mẹ đó không phải dễ dàng gì đâu!

Anh Đấu căn dặn tôi như thế, rồi vấn thuốc. Anh rút trong túi áo ra ba bốn lá thuốc giồng mới khô còn hơi dôn dốt, đem cuốn lại như cái tổ sâu và bê nguyên con cúi lên châm hút. Điếu thuốc cháy dữ. Khói thuốc từ mũi anh Đấu tuôn ra cuồn cuộn không kém khói từ con cúi rơm bốc dậy là mấy. Anh rít thuốc, thở phào coi ngon lành lắm. Tôi nghĩ chắc hút thuốc cũng khoái nên anh mới hút. Tôi lại để ý thấy anh Đấu có dao dắt trong người. Cái chuôi dao thòi ra mỗi khi vạt áo anh bị gió thổi bay. Tôi tò mò đưa tay sờ cán dao, hỏi anh đem dao theo làm gì. Anh đáp:

- Tao giữ kho lúa, phải có dao, sợ đêm hôm ăn trộm nó vô ...

Anh nói thế và lừ lư đưa mắt ngó quanh chòi. Lát sau anh dụi tắt điếu thuốc, không nói thêm chi nữa. Mãi cho tới lúc sắp khom lưng bước ra chòi, anh Đấu chợt ngoảnh nhìn tôi và bảo tôi rằng chẳng những anh có dao mà anh còn biết võ nữa. Đang nói, thình anh anh trớ mình, rùn gối chân xuống tấn, hai bàn tay vụt xỉa về phía tôi vun vút:

- Đây nè, tao đố chú mầy đánh lọt tới người tao, cứ việc đánh thử đi!

Tôi bị cú bất thần, chưa kịp rục rịch, thì anh lại vù vù xoay mình đi thêm một đường thảo nữa. Chẳng biết hai bàn tay anh vỗ vào đâu mà nghe cứ bôm bốp, banh bách. Thể rồi anh lại trụ bộ, tuyên bố cho phép tôi tấn đánh vào bất cứ chỗ nào trên người anh. Thấy việc đó dễ quá, tôi không nghĩ suy lâu lắc, liền phốc tới đá anh một cú đá song phi, nghĩa là đá liền hai cái. Rủi thay, chỉ mới trong cái đá thứ nhất tôi đã bị anh Đấu bắt chân, rồi liền đó cái bàn tay cứng như sắt của anh thọc đúng vào nách tôi. Cả người tôi bị nhấc bổng lên. Anh Đấu nhồi tôi mấy lượt trên không, quăng tôi xuống đống rơm giữa tiếng cười la và tiếng vỗ tay của chị em con Biếc.( Hết chương 5)
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM