Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 10:31:02 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bác Hồ trên đất nước Lê-nin  (Đọc 76979 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #70 vào lúc: 03 Tháng Tám, 2011, 01:02:42 pm »

Cửa vừa mở, đồng chí Ma-nu-in-xki, khổ người to đậm, đứng dậy chạy đến bắt chặt tay anh Nguyễn :

– Thế nào, đồng chí Nguyễn, đồng chí nóng lòng vào trận lắm rồi phải không ?

Anh Nguyễn trình bày :

– Tôi nóng lòng thật. Đại hội Quốc tế cộng sản vừa qua trang bị cho mỗi người cộng sản một chương trình hành động có tính chiến đấu. Mặc dù ở nước Việt Nam chúng tôi chưa có Đảng, nhưng tôi thiết nghĩ Đại hội kêu gọi bôn-sê-vích hóa Đảng Cộng sản ở các nước tư bản chủ nghĩa là xây dựng tư tưởng, tổ chức và chiến thuật theo nguyên tắc bôn-sê-vích cũng là kêu gọi của chúng tôi. Chúng tôi phải làm sao nhanh chóng xây dựng được ở Đông Dương một Đảng theo kiểu bôn-sê-vích. Tôi cho rằng điều kiện khách quan cho phép làm được việc đó. Giai cấp công nhân nước chúng tôi ngày càng mạnh và cuộc đấu tranh của họ ngày càng dùng nhiều hình thức linh hoạt và có tính chiến đấu. Có nhiều người tiến bộ, ưu tú chạy ra nước ngoài. Theo tôi được biết, phần lớn số đó đang định cư ở miền nam Trung Quốc – Quảng Châu, Hương Cảng, Ma Cao. Tôi tự thấy có nhiệm vụ về đấy và hoạt động cách mạng trong những đồng bào của tôi. Nếu đặt vấn đề đúng và đi theo con đường đúng thì họ có thể trở thành bộ khung cho Đảng Cộng sản tương lai. Vả lại cộng tác ở miền nam Trung Quốc thì có thể dễ dàng đặt những mối liên lạc trực tiếp với Việt Nam.

Đồng chí Ma-nu-in-khi tươi cười ngắt lời anh :

– Tôi hoàn toàn đồng ý với đồng chí Nguyễn. Tôi có thể báo tin để đồng chí mừng : Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản chấp nhận đề nghị của đồng chí Quốc tế cử đồng chí làm Ủy viên Bộ Phương Đông, phụ trách Cục Phương Nam, chỉ đạo phong trào cách mạng các nước Đông-Nam châu Á. Lẽ dĩ nhiên, nhiệm vụ chủ yếu của đồng chí là công tác về tư tưởng, chính trị, tổ chức trong các đồng bào của đồng chí, chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản ở Đông Dương. Nhưng, căn cứ vào những hiểu biết, kinh nghiện và năng lực của đồng chí, Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản hy vọng đồng chí có thể giúp đỡ nhiều cho các chiến sĩ cách mạng ở các nước Đông-Nam châu Á. Đồng chí Nguyễn, đồng chí đặt vấn đề công tác ở phía Nam Trung Quốc là rất đúng. Ở đấy lúc này đang có những điều kiện thuận lợi cho các lực lượng cách mạng. Chính phủ cách mạng Quảng Châu thành lập năm 1923 do bác sĩ Tôn Dật Tiên ãnh đoaọ. Ông là một người bạn lớn của Liên Xô. Nhiều cố vấn chính trị và quân sự  Xô-viết đng làm việc rất tốt ở miền Nam Trung Quốc. Đồng chí Bô-rô-đin mà đồng chí quen biết đng làm cố vấn chính trị cho ông Tôn Dật Tiên, có uy tín lớn trong nhân dân Trung Quốc và được các bạn Trung Quốc đánh giá cao. Nếu đồng chí đến đấy và bắt liên lạc với Bô-rô-đin thì rất tốt. Bô-rô-đin có thể giúp đỡ đồng chí có hiệu quả.

Anh Nguyễn cảm ơn đồng chí Ma-nu-in-xki và nói :

– Tôi tin rằng lần sau gặp đồng chí thì Tổ quốc Việt Nam tôi đã có Đảng Cộng sản.
Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #71 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2011, 02:04:24 pm »

VI.   MẦM NON CÁCH MẠNG


Ngôi nhà số 13 phố Ác-mi-an-ski ở Mát-xcơ-va ngày đêm tấp nập người ra vào. Mặt nhà nhìn ra đường chỉ có hai tầng những phía trong sân có nhiều tầng gác với nhiều buồng làm việc điện sáng trưng. Đấy là trụ sở Thông tấn xã Nga, còn gọi là Rô-xta, hang thông tấn và xuất bản lớn nhất của Chính phủ xô-viết. Chuẩn bị cho chuyến đi công tác của Trung Quốc, anh Nguyễn đến Rô-xta để nhận làm phóng viên thường trú của Thông tấn xã tại Quảng Châu, với danh nghĩa đó anh vừa có điều kiện đi lại thuận tiện ở Quảng Châu, vừa có tiền để gây dựng phong trào và tổ chức cách mạng trong số những người yêu nước Việt Nam tại đó.

Hãng Rô-xta có 150 phóng viên ở Liên Xô, và thu hút vào đội ngũ cán bộ của mình một số nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như : V. Mai-a-cốp-xki, E. Ba-grít-xki, V. Ca-ta-ép, Đ. Xê-mê-nốp-xki, C. Pao-tốp-xki… Rô-xta hàng ngày cho ra những biểu ngữ, áp phích lớn, có các tranh vẽ kèm theo, những câu thơ ngắn gọn, nói về những vấn đề thời sự của cách mạng. Những áp phích đó, “những cửa sổ Rô-xta” như người ta quen gọi ở Liên Xô, hàng ngày từ trụ sở Rô-xta này chở đi treo ở các đường phố, thuật lại các sự kiện vừa xảy ra, các quyết định mới nhất của Đảng và Chính phủ, đả kích kẻ địch, phê phán tệ quan liêu, ức hiếp nhân dân, lười biếng, tham ô. Nhà thơ Mai-a-cốp-xki là một trong những người tích cực xây dựng “cửa sổ Rô-xta”, vẽ tranh và đề thơ cho hàng nghìn áp phích, rèn luyện cho mình một tác phong và lối viết ngắn gọn, súc tích, khẩn trương, phục vụ kịp thời cuộc đấu tranh cách mạng xây dựng và bảo vê Tổ quốc.

Rô-xta có những người cộng tác viết bài, viết tin có uy tín lớn như V. Lê-nin, M. Ca-li-nin, E. Ki-rốp, E. Ia-rô-xláp-xki, A. Lu-na-tra-rơ-xki, N. Crúp-xkai-a, A. Cô-lon-tai… Ngoài ra, Rô-xta có những phóng viên thường trú ở nước ngoài do các đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản của các nước nhận làm. Đồng chí Ia Đô-lét-xi, giám đốc Rô-xta, hoan nghênh sự cộng tác của anh Nguyễn vì lợi ích chung của cách mạng thế giới, tỏ sự vui mừng của Rô-xta có anh Nguyễn làm việc ở Quảng Châu. Người ta trao cho anh một bản đề nghị của Rô-xta đối với các phóng viên thường trú : gửi về tổng xã những tin nói về những sự kiện hoàn toàn mới, có ý nghĩa về chính trị, tư tưởng, đề cập những vấn đề thời sự của cuộc đấu tranh và đời sống nhân dân, lối viết ngắn, gọn, chủ đề rõ ràng, phản ánh nhanh và chính xác, có sức thuyết phục, hướng dẫn và cổ vũ đấu tranh. Anh Nguyễn nhận việc với một tên mới : “LU, phóng viên hang thông tấn Rô-xta tại Quảng Châu”.

Anh hăng hái đón nhận nhiệm vụ mới và nóng lòng muốn được lên đường ngay, náo nức như người chiến sĩ sắp được ra trận. Nhưng thấy anh do làm việc nhiều, sức khỏe giảm sút, Quốc tế cộng sản đề nghị anh đến dưỡng sức ở bờ biển Đen trước khi đi công tác xa. Văn phòng Quốc tế cộng sản gửi đến anh tấm giấy sau đây :

“Cấp ngày 19 tháng tám
có giá trị đến ngày 5 tháng chín năm 1924

GIẤY CHỨNG NHẬN

Bộ Phương Đông Quốc tế cộng sản chứng nhận đồng chí Nguyễn Ái Quốc đi Crưm để chữa bệnh trong thời hạn hai tuần.
Đề nghị các tổ chức và cơ quan của Đảng và xô-viết giúp đỡ đồng chí Nguyễn trên đường đi.


                                                                                                  Phụ trách Bộ Phương Đông của
                                                                                                                       Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản

                                                                                                        X. PÊ-TƠ-RỐP”
Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #72 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2011, 02:12:33 pm »

Tháng tám, tháng chín ở vùng Crưm, miền nam Liên Xô, là mùa nho chín, cây cối đơm quả và hoa hồng nở rộ, cảnh vật mịn mát như nhung. Ở Ma-xan-đơ-ra nơi nổi tiếng làm rượu vang ngon, nho ngọc, nho hồng, nho đen chất đầy trong các sọt đeo trên lưng người hay đặt trên những xe bò kéo. Ở A-lúp-ca, trong lâu đài công tước Vô-rôn-sốp, có nhà bảo tàng mỹ thuật với những bậc thang đắp ba đầu sư tử đá dẫn xuống mặt biển ; Còn vườn Ni-kít-xki thì như một viện bảo tàng đủ các giống cây trên thế giới. Ở Ba-khơ-ri-xa-rai, thủ đô của các vua Tác-ta ngày trước, còn nhiều cung điện cũ và vòi nước mang tên Lệ Thủy. Còn I-an-ta là hòn ngọc của Crưm nằm trên bờ biển Đen, xa xa thấp thoáng những ngọn núi cao mùa hè vẫn còn tuyết trắng trên đỉnh.

Cảnh đẹp Crưm không làm anh Nguyễn quên nhiệm vụ lớn đang chờ đợi mình. Vừa lúc ấy vang đến Liên Xô, đến Quốc tế cộng sản hành động dũng cảm của chiến sĩ yêu nước Việt Nam Phạm Hồng Thái thuộc tổ chức cách mạng Việt Nam “Tâm tâm xã”. Sự việc mới xảy ra một ngày tháng sáu. Viên toàn quyền Đông Dương, Méc-lanh, đi Nhật và Trung Quốc để bàn việc phối hợp chống phá cách mạng Đông Dương và châu Á. Y qua Quảng Châu, ghé vào tô giới Sa Điện của Pháp ở thành phố này. Để bảo vệ Méc-lanh, bọn mật thám Pháp ở Đông Dương đã phái tay chân sang Quảng Châu từ trước để dò xét những người cách mạng Việt Nam.

Được tin Méc-lanh sắp tới Quảng Châu, “Tâm tâm xã” cử Phạm Hồng Thái và bạn đồng hương là Lê Hồng Sơn mang hai quả tạc đạn và hai khẩu súng lục đi giết tên trùm thực dân ở Đông Dương. Biết Méc-lanh đi tàu thủy đến, hai người chờ sẵn trên chiếc thuyền nhỏ ở bến Châu Giang. Nhưng bọn cảnh sát bắt các thuyền đậu rất xa bến, nên hai chiến sĩ không hành động được. Phạm Hồng Thái đến ngay khách sạn, nơi Méc-lanh sắp tới, định thuê một buồng ở tầng trên để khi Méc-lanh về thì ném tạc đạn. Nhưng bọn cảnh sát canh gác khách sạn đòi trình nhiều giấy tờ mới được thuê buồng, công việc của Phạm Hồng Thái lại không thành.

Sau anh biết Méc-lanh sẽ đến dự bữa tiệc do nhà đương cục Pháp ở Sa Điện chiêu đãi tại khách sạn Víc-tô-ri-a. Xin được một giấy chứng nhận làm phóng viên nhiếp ảnh, Phạm Hồng Thái lọt vào gần bàn tiệc. Anh giơ máy ảnh lên giả vờ chụp rồi phóng luôn quả tạc đạn vào giữa bàn tiệc. Một số tên thực dân Pháp chết tại chỗ, một số tên khác bị thương, riêng tên toàn quyền Méc-lanh sống sót. Giữa lúc hỗn độn, Phạm Hồng Thái rút lui dưới sự bảo vệ của Lê Hồng Sơn. Bọn lính Pháp đuổi theo. Hai chiến sĩ yêu nước vừa bắn trả vừa chạy. Từ tô giới Sa Điện sang thành phố Quảng Châu phải quan một cái cầu. Bọn lính Pháp đuổi sát sau lưng. Thấy không thể chạy kịp lên cầu để về bên thành phố, Phạm Hồng Thái bèn nhảy xuống sông Châu Giang hy sinh anh dũng. Chính phủ Tôn Dật Tiên cho vớt thi hài Phạm Hồng Thái đem chôn ở Hoàng Hoa Cương, bên cạnh mộ 72 liệt sĩ Trung Quốc hy sinh trong cuộc cách mạng Tân Hợi. Tuy không tán thành chủ trương ám sát cá nhân trong hoạt động cách mạng, anh Nguyễn cho rằng tiếng bom của Phạm Hồng Thái đã nhóm lại ngọn lửa chiến đấu, thức tỉnh đồng bào. Tiếng bom ấy báo hiệu bắt đầu thời đại đấu tranh dân tộc như chim én báo hiệu mùa xuân.


Mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái được xây trong nghĩa trang Hoàng Hoa Cương, nơi an táng của 72 liệt sĩ tiên phong cách mạng Trung Quốc. Trước mộ, có ghi bia khắc chữ Hán: “Việt Nam Phạm Hồng Thái liệt sĩ chi mộ”. Cạnh bên trái bia khắc năm sinh 1893, hy sinh ngày 19/6/1924. Cạnh bên phải khắc: Uỷ ban nhân dân thành phố Quảng Châu xây lại ngày 24/3/1958.
Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #73 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2011, 02:19:52 pm »

Tháng mười ở Mát-xcơ-va, gió từ phương bắc thổi về từng cơn mạnh. Sân ga xe lửa I-a-rô-xláp-xki rất đông người. Từ đầy, các chuyến tàu chạy về phía đông Liên Xô, sang Viễn Đông và đi Trung Quốc. Người đi táu và người ra tiễn lưu luyến nắm tay nhau. Nhiều tiếng khóc và nhiều lời chúc đi đường an toàn. Anh Nguyễn lên tàu đi Vla-đi-vô-xtốc, thành phố cảng phía cực đông Liên Xô. Những đồng chí đại diện Quốc tế cộng sản ra tiễn anh, lo cho sức khỏe anh trên chặng đường dai vất vả. Còn anh, anh sung sướng và hăm hở vì được về gần Tổ quốc, bước vào cuộc chiến đấu mới. Các toa tàu lèn chặt khách. Những người đi tàu đều mang theo gói bọc lương khô và ấm nước. Tàu Mát-xcơ-va đi Vla-đi-vô-xtốc mỗi tuần chỉ chạy một chuyến và phải vài ba tuần mới tới ga cuối. Không có ngày giờ rõ ràng vì trên chặng đường dài ấy vẫn còn những cuộc đánh phá của bọn tàn quân bạch vệ Côn-trắc. Đoàn tàu luôn phải dừng lại giữa rừng, giữa ruộng, hoặc ở nhiều ga, khi thì thiếu than, khi thì thiếu nước cho nồi hơi đầu máy. Thường tàu chạy từ Mát-xcơ-va đến Vla-đi-vô-xtốc nhanh nhất và không xảy ra chuyện gì cũng mất 16 ngày, lâu nhất là 30 ngày. Anh Nguyễn được báo trước về những khó khăn, nguy hiểm trên đường đi, nhưng anh không sờn lòng. Vla-đi-vô-xtốc và Quảng Châu, anh chưa đến bao giờ, hoàn toàn lạ nước lạ cái, nhưng anh yên tâm vì tin rằng ở đâu cũng có những người đồng chí và những người cộng sản quốc tế hết lòng giúp đỡ anh. Anh không còn nhớ rõ đây là lần lên đường thứ mấy trong đời hoạt động của mình. Nhưng rõ ràng đây là chuyến đi để thực hiện bằng tổ chức những điều mà anh đã tìm thấy và học được về lý luận cách mạng. Anh không bao giờ quên những ngày làm việc ở Liên Xô, những đồng chí mới quen biết, những kinh nghiệm hoạt động cách mạng đúc kết ở Quốc tế cộng sản và thực tế sinh động của một đất nước hoàn toàn tự do.

Đoàn tàu rời Mát-xcơ-va chạy về phía đông. Dọc đường còn lại những dấu vết cuộc nội chiến ác liệt và cuộc can thiệp vũ trang của các nước đế quốc vào Liên Xô. Có nơi còn khét lẹt mùi đạn lửa của trận đánh kết thúc chưa lâu. Qua khỏi rặng núi U-ran, mọi người thấy rõ hai bên đường sắt những toa tàu đổ, những thay ray cong queo. Cầu cống sập nát và bên cạnh là những túp lều dựng tạm của công nhân sửa chữa. Xe lửa chạy rất chậm trên những chiếc cầu tạm đặt trên trụ gỗ, và hành khách nín thở nhìn xuống những dòng sông đang cuộn sóng. Đến A-mua và Kha-ba-rốp, đầu máy xe lửa phải ở lại bên này sông, chỉ có các toa qua sông bằng phà, bên kia sông có đầu máy xe lửa khác chờ sẵn kéo đi tiếp.

Từ Kha-ba-rốp trở đi, đoàn tàu phải có một đơn vị Hồng quân đi theo bảo vệ. Các chiến sĩ đáng yêu ấy mặc bộ đồ kỵ binh đứng rải khắp các toa, các bậc lên xuống và túc trực bên những cỗ súng máy đặt ở đầu máy xe lửa. Cách đấy không lâu bọn tàn quân bạch vệ vừa mới phục kích một chuyến xe lửa từ Mát-xcơ-va đi Vla-đi-vô-xtốc. Chúng bị đánh trả, bị bắt toàn bộ và sắp bị đưa ra xử ở Vla-đi-vô-xtốc.

Khi qua các ga, hầu hết là nhà tạm bằng gỗ, đoàn tàu dừng lại, nơi thì một giờ, nơi thì lâu hơn. Khi tàu đỗ, khách ùa xuống ga tranh nhau lấy nước sôi vào ấm. Có khi tàu bất thình lình chuyển bánh, làm mọi người chạy cuống quit đuổi theo, nhưng chỉ đến đầu ga, tàu lại chết máy phải dừng lại. Cũng có nhiều khi, lúc đêm khuya, tàu chưa tới ga đã đỗ lại giữa rừng tai-ga vì hết nước. Thế là từng đám đông thanh niên nhảy xuống, đốt lửa, cầm tay nhau hát vang những bài ca vùng Xi-bia. Còn các bác già ngồi lại trên toa kể chuyện về Vla-đi-vô-xtốc, về những chiến sĩ cách mạng Nga ở vùng Viễn Đông…
Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #74 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2011, 02:36:31 pm »

Vla-đi-vô-xtốc là một thành phố đẹp trên bờ một vịnh nhỏ nhìn ra Thái Bình Dương. Ở đây có những địa danh giống hệt vùng Xê-va-xtô-pôn, Crưm, như tỏ niềm nhớ nhung đối với những mảnh đất ruột thịt, nhưng rất xa xôi : sông Đen, vịnh Sừng Vàng, bến Đô Đốc… Anh Nguyễn nghỉ lại ở khách sạn “Véc-xan” trên đường phố chính của Vla-đi-vô-xtốc : phố Lê-nin. Nét đặc biệt của thành phố này là từ sáng sớm đã nghe vang đến tiếng líu lo của người Trung Quốc. Trong khi đó, ở ngoài cảng, những thuyền của người Trung Quốc cặp bến, gọi nhau í ới, tranh nhau, cãi nhau. Phần lớn họ từ Sơn Đông (Trung Quốc) đến làm các nghề : khuân vác, vận chuyển, phục vụ, đánh cá… Mùa xuân và mùa hè, họ lại quay trở về Trung Quốc. Trong các phố ở Vla-đi-vô-xtốc còn một số hiệu buôn của Hoa kiều được phép hoạt động. Một tờ báo tiếng Hoa “Công nhân lộ” xuất bản dành cho Hoa kiều trong thành phố. Họ có cả một câu lạc bộ ở gần chợ chính. Ở Vla-đi-vô-xtốc, việc đổi tiền Nga ra tiền Trung Quốc rất dễ dàng, chỉ cần đến báo cho Ngân hàng, vài giờ sau có thể đến lãnh tiền.

Vla-đi-vô-xtốc có một trường đại học nổi tiếng, trường Đại học Phương Đông, đóng trong tòa nhà bốn tầng màu trắng đặt ở cửa ra vào. Trường dạy các thứ tiếng Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên, Mãn Châu, Mông Cổ và nghiên cứu lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, phong tục… các nước phương Đông. Anh Nguyễn đến Vla-đi-vô-xtốc đúng lúc trường đang tưng bừng kỷ niệm ngày nhà trường tròn 20 tuổi : mít tinh, liên hoan ca nhạc, nhảy múa… Đời sống học sinh còn nhiều khó khăn. Chỉ có một số ít được học bổng của Nhà nước. Nhưng học sinh nào cũng miệt mài học tập và sẵn sàng đến công tác giúp các nước phương Đông.

Cơ quan đại diện Quốc tế cộng sản ở Vla-đi-vô-xtốc đón tiếp anh Nguyễn, thông báo anh biết tình hình Trung Quốc và công việc thu xếp chuyến đi cho anh đã xong.

Anh đáp một chiếc tàu xô-viết rời Vla-đi-vô-xtốc đi Quảng Châu. Tàu ra khỏi vịnh, đi sát đảo Nga, nơi quân đội can thiệp từng bắn giết nhiều chiến sĩ yêu nước Nga, nay trên đảo còn những doanh trại đổ nát do quân Nhật Bản rút chạy để lại.

Tàu chạy ba ngày ba đêm thì ghé đến bến Mốt-di của Nhật Bản để lấy nước và lấy hàng. Cảnh vật như hòn non bộ trong bể nuôi cá vàng : những cây thông lùn cong queo, những ngôi nhà nhỏ xinh, những chiếc thuyền bè mỏng. Đây chính là đất nước mà ông Phan Bội Châu đã hết lòng khâm phục và đến sống lúc đầu thế kỷ để tìm đường cứu nước, với nhiều thanh niên từ trong nước sang trong phong trào Đông Du nổi tiếng. Có lần ông đến gia đình anh Nguyễn ở quê, vận động đưa anh sang Nhật Bản, nhưng anh đã từ chối. Ông Phan chủ trương dựa vào đế quốc Nhật Bản để đuổi thực dân Pháp, điều đó chẳng khác gì đưa hổ cửa trước rước beo cửa sau. Bậc sĩ phu đầy tâm huyết ấy đặt nhiều hy vọng ở nước Nhật Bản của  MInh Trị, từng đánh bại quân Nga hoàng, thực tế ông đã đưa phong trào cách mạng của ông đi vào quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản và đi theo quy trình của cách mạng tư sản cổ điển. Anh Nguyễn nhìn nước Nhật Bản bằng con mắt khác, và cũng khác hẳn lớp sĩ phu yêu nước Việt Nam yêu nước tìm đến Nhật Bản, anh là một chiến sĩ cách mạng chân chính của thời đại cách mạng xã hội chủ nghĩa, hiểu rõ rằng cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mình không phải là một cuộc đấu tranh riêng biệt mà là một khâu trong cuộc đấu tranh giữa hai con đường phát triển của lịch sử thế giới ngày nay.

Một chiếc ca-nô của hải quan Nhật Bản vun vút lao tới làm những chiếc thuyền bán chuối, bán hồng, bán táo đang quay quanh chiếc tàu xô-viết phải giạt ra. Những viên chức hải quan Nhật Bản thấp bé trong nháy mắt đã nhảy lên boong tàu và ai cũng biết rằng họ là những mật vụ và nhân viên phản gián trá hình. Họ nhìn mọi người trên tàu bằng cặp mắt dò xét và họ sục sạo như đi tìm kẻ thù. Anh Nguyễn mặc quần áo Trung Quốc và các giấy tờ trong người anh mang một tên mới : Lý Thụy.
Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #75 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2011, 02:44:15 pm »

Anh Nguyễn cặp bến Quảng Châu ngày 11-11-1924. Một thành phố cổ ồn ào, tấp nập và hàng nghìn chiếc thuyền đậu kín mặt sông, mỗi thuyền là một gia đình sinh sống. Đường phố chật hẹp, không có nhiều nhà to và cũng không có xe điện, xe ô tô buýt công cộng. Và đây là Sa Điện, nơi chứng kiến hành động dũng cảm của anh Phạm Hồng Thái, là cả một khu tô giới rộng lớn, hai phần ba thuộc Anh, phần còn lại thuộc Pháp. Khu tô giới này với nhiều vườn hoa và biệt thự, với quân đội, luật pháp, tiền tệ riêng, tách hẳn khỏi phần Trung Quốc của thành phố, là một trong những ung nhọt lớn bám trên mình đất nước Trung Hoa. Thành phố hơn một triệu dân này vừa sống những ngày đấu tranh sôi nổi và đẫm máu đúng một tháng trước khi anh Nguyễn đặt chân tới. Bọn phản động tay sai đế quốc căm tức chính phủ cách mạng do ông Tôn Dật Tiên lãnh đạo. Ngày lễ “Song Thập”, kỷ niệm lần thứ 13 ngày thành lập Dân quốc, nhân dân Quảng Châu đi biểu tình . Bọn tư sản mại bản và quan lại địa chủ phản cách mạng trong tổ chức vũ trang phản động “Quảng Đông thương đoàn” bắn vào đoàn biểu tình làm chết 20 người và làm bị thương hàng nghìn người, rồi đói ông Tôn Dật Tiên từ chức. Dựa vào sự giúp đỡ của phái cách mạng trong Quốc dân Đảng, và quần chúng nhân dân, ông Tôn Dật Tiên dùng vũ lực đập tan âm mưu bạo loạn của chúng.

Đường phố Quảng Châu còn ngùn ngụt khí thế cách mạng. Anh Nguyễn đến ở và làm việc tại cơ quan đồng chí Bô-rô-đin, cố vấn của ông Tôn Dật Tiên, đặt tại khu Đông Sơn. Đây là một khu nhà nhỏ dành riêng cho các chuyên gia Liên Xô cùng gia đình, những người theo tiếng gọi của Đảng Cộng sản Liên Xô và Quốc tế Cộng sản, xa Tổ quốc thân yêu, đến một vùng thời tiết khắc nhiệt và tình chính trị chưa ổn định để giúp đỡ cách mạng Trung Quốc. Tại đây, anh Nguyễn gặp cả tướng Bliu-khe, mang tên ở Trung Quốc là Ga-lin, cố vấn quân sự cao cấp của ông Tôn Dật Tiên. Người tầm thước, vai rộng, tóc hung hung cắt ngắn như mọi chiến sĩ Hồng Quân, đồng chí Bliu-khe từng là Tổng tư lệnh, Bộ trưởng Quốc phòng, Chủ tịch Hội đồng quân sự nước Cộng hòa Viễn đông thuộc Liên Xô. Đồng chí có nhiều công lao góp phần xây dựng quân đội cho cách mạng Trung Quốc, tổ chức những cuộc hành quân chống bọn phản động và nhất là đã chỉ huy giành thắng lợi trong cuộc bắc phạt lần thứ nhất.

Anh Nguyễn ở và làm việc trong một ngôi nhà hai tầng. Anh ở tầng một, đồng chí Bô-rô-đin ở tầng hai. Cương vị của anh trong tổ chức Quốc tế cộng sản và nhiệm vụ công tác của anh ở Quảng Châu chỉ có Bô-rô-đin và vợ là đồng chí Pha-nhi-a Xê-mê-nô-vô-na Bô-rô-đi-a biết. Về công khai, anh là cố vấn riêng và người phiên dịch của đồng chí Bô-rô-đin, đồng thời là phóng viên của hãng Rô-xta. Trong cơ quan của Bô-rô-đin mà người ta còn gọi là Phủ Đại nguyên soái Liên Xô hoặc lãnh sự quán Liên Xô, làm việc giữa tập thể các đồng chí chuyên gia xô-viết, anh Nguyễn mang thêm một tên Nga :Ni-lốp-xki. Nhưng các bạn quen gọi anh là đồng chí Lý.

Cùng làm việc với anh còn có đồng chí Trương Thái Lôi, người cùng công tác với anh trong Quốc tế cộng sản ở Mát-xcơ-va và cùng dự Đại hội lần thứ năm Quốc tế cộng sản. Trương Thái Lôi là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, từng tham gia phong trào Ngũ Tứ, làm bí thư thành ủy Đảng Cộng sản ở Thượng Hải, đại diện Đảng Trung Quốc tại Đại hội lần thứ ba Quốc tế cộng sản. Người dỏng cao, cận thị nặng, nói tiếng Nga và tiếng Anh thạo, đồng chí Trương rất mến anh Nguyễn, mừng rỡ được gặp lại anh trên đất Quảng Châu, người đồng chí chung một lý tưởng cách mạng, và chung một kẻ thù.

Trong văn phòng của anh, còn có cô V. Vi-sơ-nhi-a-cô-va, thư ký của Bô-rô-đin, một nữ học sinh trường đại học ngôn ngữ Phương Đông vừa tốt nghiệp và mới đến nhận công tác. Cô thư ký vui tính ấy rất sợ  những con muỗi to của Quảng Châu, mong muốn được anh Nguyễn dạy học tiếng Việt Nam, và cô dạy lại anh học thêm tiếng Nga.
Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #76 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2011, 02:45:44 pm »

Anh Nguyễn đã có một cơ sở chắc chắn và thuận tiện để hoạt động. Anh viết ngay thư báo cáo bằng tiếng Anh gửi về đồng chí phụ trách Bộ Phương Đông Quốc tế cộng sản.

Quảng Châu ngày 12 tháng 11-1924
Đồng chí thân mến

Tôi viết vắn tất để đồng chi biết hôm qua tôi đã tới Quảng Châu và tôi đang ở tại cơ quan của đồng chí Bô-rô-đin với hai, ba đồng chí Trung Quốc. Tôi chưa gặp ai. Mọi người ở đây rất bận rộn về cuộc bắc phạt của bác sĩ Tôn Dật Tiên.
Tôi sẽ viết cho đồng chí sớm.
Cho tôi gửi lời chào anh em tới đồng chí và tất cả các đồng chí ở Quốc tế cộng sản.


                                                                                                                        NGUYỄN ÁI QUỐC

Địa chỉ của tôi :
LU,
Hãng Thông tấn Rô-xta
Quảng Châu Trung Quốc
Đề nghị chuyển giúp tôi bức thư kèm theo đây cho Văn phòng Đại diện Đảng cộng sản Pháp.



Vì để giữ bí mật cho chuyến đi Trung Quốc, khi rời Mát-xcơ-va, anh Nguyễn chưa kịp báo cho các đồng chí phụ trách Quốc tế nông dân biết. Nay anh viết thư về Mát-xcơ-va để xin lỗi::

Quảng Châu, ngày 12 tháng 11-1924
Gửi đồng chí Đông-ban
Tổng thư kí Quốc tế nông dân
Đồng chí thân mến

Việc tôi rời Mát-xcơ-va được quyết định hơi đột ngột và tôi không thể báo để đồng chí biết trước. Tôi đề nghị đồng chí thứ lỗi cho tôi và chuyển lời xin lỗi của tôi đến tất cả các đồng chí trong Ban Chấp hành.

Ở đây có một phong trào nông dân rất hay với sự ủng hộ của Quốc dân Đảng và dười sự lãnh đạo của những người cộng sản, những nông dân nghèo đang tự tổ chức lại. Về phía họ, các địa chủ cũng tự tổ chức lại, nhưng vì mục đích khác, lẽ tất nhiên. Đây là một cơ hội tốt cho công tác tuyên truyền của chúng ta. Tôi đề nghị đồng chí gửi cho tôi tất cả tài liệu mà đồng chí có : sách báo, tuyên ngôn, vân vân. Tôi sẽ thu xếp với các đồng chí ở đây để phân phát những thứ đó.

Còn về hoàn cảnh của tôi là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế nông dân thì tùy đồng chí thấy như thế nào là tiện đồng chí cứ giải quyết : Hoặc cử người khác thay tôi, trong trường hợp này, đồng chí sẽ nói rằng vì tôi ốm, chứ đừng nói là tôi VẮNG MẶT, vì tôi đang hoạt động bí mật ở đây ; Hoặc đồng chí thấy cần thiết phải giữ cái tên thuộc địa Nguyễn Ái Quốc để trang trí cho cái tuyên ngôn và các lời kêu gọi của Ban Chấp hành Quốc tế nông dân thì đồng chí cứ việc làm.

Xin gửi lời chào cộng sản đến đồng chí và tất cả các đồng chí của chúng ta.
Các tài liệu gửi cho tôi xin đề địa chỉ :
                           
LU,
Hãng thông tấn Rô-xta
Quảng Châu – Trung Quốc

                                                                                                                                      NGUYỄN ÁI QUỐC
Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #77 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2011, 02:50:20 pm »

Hoạt động ở bất cứ đâu, anh Nguyễn đều tìm mọi cách để có lượng thông tin nhiều nhất về tình hình thế giới về phong trào cách mạng quốc tế, đặt công tác của bộ phận trong bối cảnh của toàn cục, gắn cái riêng vào cái chung. Anh viết cho các đồng chí phụ trách tạp chí “Nữ Công nhân” ở Mát-xcơ-va :

Quảng Châu ngày 12 tháng 11-1924
Các nữ đồng chí thân mến,

Khi công tác ở Quốc tế cộng sản, tôi được dịp vài lần cộng tác với tạp chí của các đồng chí. Bây giờ tôi muốn tiếp tục sự cộng tác đó. Vì tôi hoạt động bí mật ở đây, tôi gửi đến các đồng chí những bài báo dười hình thức Thư từ Trung Quốc ký tên một phụ nữ. Tôi nghĩ rằng như thế sẽ mang lại bản sắc riêng cho các bài báo và sự đa dạng cho bạn đọc, đồng thời giữ được tung tích của tôi.

Tôi tha thiết mong muốn các đồng chí gửi đến cho tôi không những tạp chí của các đồng chí mà còn tất cả những ấn loát phẩm Nga có thể có ích cho phụ nữ và thiếu nhi, vì ở đây có một công tác lớn đang phải làm trong phụ nữ và thiếu nhi, và các đồng chí chúng tôi ở đây lại không có đủ tài liệu để giáo dục và tuyên truyền. Về phía tôi, tôi hứa với các đồng chí tôi sẽ cung cấp cho các đồng chí những tin tức về phong trào phụ nữ phương Đông nói chung và Trung Quốc nói riêng.

Nếu cần trả tiền những tạp chí mua gửi cho tôi, xin đề nghị các đồng chí trừ vào tiền nhuận bút của tôi.

Xin gửi tới các đồng chí lời chào cộng sản.
Tạp chí gửi cho tôi xin đề địa chỉ :
LU, Hãng thông tấn Rô-xta
Quảng Châu – Trung Quốc

                                                                                                                                  NGUYỄN ÁI QUỐC

Anh Nguyễn đã ở ngay bên cạnh Tổ quốc Việt Nam. Một số nhà hoạt động cách mạng Việt Nam đang ở giữa Quảng Châu, chỉ cách chỗ anh làm việc vài phố. Anh muốn tìm hiểu và nhanh chóng bắt liên lạc với những nhà yêu nước đó. Cơ quan của Bô-rô-đin giúp anh nghiên cứu các tổ chức cách mạng của Việt Nam ở Quảng Châu, cho biết cả địa chỉ một số nhà cách mạng. Tổ chức của ông Phan Bội Châu : “Việt Nam Quang phục hội”, ở Quảng Châu chỉ có danh nghĩa, thật ra hầu như không còn hoạt động và nội bộ thì rất mâu thuẫn, đường lối không rõ ràng. Một số người thuộc phái trẻ trong “Việt Nam Quang phục hội” nhận thấy sự bế tắc đó, muốn tìm một đường lối mới, lập ra nhóm “Tâm tâm xã”, đã có lần cử người đến tiếp xúc với cơ quan của Bô-rô-đin.

Anh Nguyễn đến chỗ ở của nhóm “Tâm tâm xã” và tự giới thiệu tên là Vương, thăm hỏi các nhà yêu nước, đồng chí của Phạm Hồng Thái, và bàn chuyện quê hương, đất nước. Đấy là những thanh niên sôi nổi, hăng hái cách mạng, nhiều người là đồng hương Nghệ An với anh và từ Xiêm tới : Anh Hồ Tùng Mậu, 28 tuổi, người huyện Quỳnh Lưu, Lê Hồng Sơn, 28 tuổi, người huyện Nam Đàn, Lê Hồng Phong, 22 tuổi, người huyện Hưng Nguyên, cùng những thanh niên khác : Nguyễn Giản Thanh, Đặng Xuân Hồng, Lâm Đức Thụ tức Trương béo…
Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #78 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2011, 02:56:46 pm »

Qua câu chuyện anh Nguyễn biết được nhiều tình hình trong nước vì anh em “Tâm tâm xã” có người đi đi về về Việt Nam, có nhiều mối liên lạc với trong nước và với kiều bào sống kha đông ở Xiêm. Anh tỏ lời khâm phục tinh thần yêu nước của “Tâm tâm xã”, của ông Phan Bội Châu và các sĩ phu cùng thế hệ, nhưng anh cũng thẳn thắn phân tích những sai của những nhà cách mạng lớp trước. Anh cho rằng muốn làm cách mạng phải dựa vào quần chúng nhân dân, nhất là công nhân, và nông dân, và muốn cách mạng thắng lợi thì phải có một Đảng tiên phong theo chủ nghĩa Mác – Lê-nin lãnh đạo, theo lập trường của giai cấp công nhân. Hành động mù quáng không có đường lối đúng là vô ích. Rồi anh nói về cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga, về Quốc tế cộng sản, về chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội. Những người ngồi nghe gật gù tâm đắc và nói nhỏ với nhau : “Có lẽ đây là Nguyễn Ái Quốc”.

Sau nhiều lần tiếp xúc với nhau, anh Nguyễn và nhóm “Tâm tâm xã” đồng ý vạch ra một kế hoạch hoạt động. Lý luận sắc bén, kinh nghiệm phong phú, đức tính khiêm tốn, tác phong cởi mở của anh làm cho mọi người tin tưởng và hăm hở bắt tay vào công việc mà anh đã vạch ra. Anh mừng rỡ, trong khoản thời gian ngắn, đã bắt mối và làm việc được ngay với những đồng bào yêu nước đang sống ở Quảng Châu. Các đồng chí ở Quốc tế cộng sản cũng chia vui với anh về tháng hoạt động đầu tiên của anh ở đây thu được kết quả tốt. Với những người và tài liệu sách báo, thư từ từ Tổ quốc ra tới Quảng Châu khá nhanh và đều đặn, anh nghe thấy hơi thở của đất nước và tiếng sóng ngầm đang lay động nhân dân. Anh ngày càng phát hiện thêm nhiều người Việt Nam ở Quảng Châu. Cuộc vận động cách mạng trong các đồng bào yêu nước, sự chuẩn bị lập tổ chức hoạt động mới, việc thu xếp mở những lớp huấn luyện chính trị, công tác nghiên cứu toàn diện tình hình Đông Dương và chính sách của kẻ địch, việ giữ đều các mối liên lạc với Quốc tế cộng sản, nhiệm vụ phóng viên hãng thông tấn phải hoàn thành, việc giúp đỡ đồng chí Bô-rô-đin, tất cả thu hút nhiều thời gian và công sức của anh. Anh gửi về Mát-xcơ-va cho đồng chí phụ trách Bộ Phương Đông Quốc tế cộng sản một bức thư bằng tiếng Anh :

Đồng chí thân mến,

Tôi gửi về đồng chí một báo cáo về tình hình Đông Dương. Tôi đã tổ chức được ở đây vài người Đông Dương mà tôi hy vọng có thể làm được một số việc. Đồng chí có thể chỉ thị cho các đồng chí Nga ở đây cũng phải chịu trách nhiệm các công việc về Đông Dương được không ? Vì có một mình tôi không thể làm xuể. Tôi đang làm cho hãng Rô-xta. Tôi chỉ mới gặp đồng chí Ma-la-ca (một đồng chí lãnh đạo Đảng cộng sản Nam Dương từng làm việc với anh Nguyễn ở Mát-xcơ-va) có một lần. Đồng chí ấy bị ốm và đã nói với tôi rằng đồng chí ấy đang tìm cách trở về nước. Tôi cho rằng đồng chí ấy đã đi rồi, vì đã lâu tôi không gặp đồng chí ấy.

Tôi sẽ gửi đồng chí sau một báo cáo về công tác chính trị của tôi. Địa chỉ của tôi là : Ông LU, hãng thông tấn Rô-xta, Quảng Châu. Đề nghị đồng chí nói với các đồng chí của chúng ta gửi sang đây cho tôi những thư từ của tôi nếu có, và tôi nghĩ chắc có.

Quảng Châu ngày 22-12-1924
Lời chào cộng sản.
                           
                                                                                                NGUYỄN ÁI QUỐC
Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
doiviendukichmat
Thành viên
*
Bài viết: 687


Nghệ thuật du kích niềm tự hào Việt Nam!


« Trả lời #79 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2011, 03:09:19 pm »

Sau đây là bản báo cáo do anh tự đánh máy lấy bằng tiếng Pháp gửi kèm bức thư :

Tình hình Đông Dương
Tháng 11 và 12-1924

       
TÌNH HÌNH KINH TỀ

1.  Một ngân sách chung 76.743.000 đồng đã được thông qua. Một phần năm số tiền trên là tiền lãi và tiền bán thuốc phiện.
2. Tháng mười, nhiều tỉnh bị bão lụt tàn phá. Chưa rõ thiệt hại. Chính phủ không muốn cho người ta biết. Theo nguồn tin riêng, có những nơi một nửa số dan chết đuối hoặc chết đói. Khắp nơi đói khổ, trừ Nam Kỳ.
3. Ngân hàng kỹ nghệ Trung Quốc – mà sự phá sản và việc cứu gỡ cho nó được nói rất nhiều trên báo chí Pháp, đã trả tiền cho các khách hàng người nước ngoài, nhưng không trả gì cho Đông Dương là nơi có khoản phải trả là 30 triệu phrăng. Những ngày gần đây các chủ nợ Pháp và Việt Nam lập mặt trận chung để đòi nợ.
4. Hình như chính phủ thuộc địa sắp dành cho nền thương mại Nhật Bản giá tối thiểu. Các nhà buôn Việt Nam sợ, còn các nhà buôn Pháp thì chống sự thỏa thuận này.


TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ

1. Chính phủ ra sức ngăn cản thanh niên Việt Nam đi học ở Pháp. Chắc chắn là do sợ tuyên truyền của cộng sản.
2. Báo chí Việt Nam nói đến việc thành lập ở Pa-ri một ủy ban gồm 40 nhà chính trị, nhà báo và tài chính Pháp. Ủy ban này có nhiệm vụ nghiên cứu khả năng bán Đông Dương cho một nước khác. Vấn đề này đã được nêu lên từ hồi còn chiến tranh.
Căn cứ hải quân Anh ở Xin-ga-po, những cuộc tập trận của hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương và sự xâm nhập khôn khéo của Nhật Bản, hình như làm chủ nghĩa thực dân Pháp lo ngại thật sự. Trong việc này cũng có cả phần nào sự lo sợ chủ nghĩa Bôn-sê-vích.
Với rất nhiều diễn văn và quảng cáo, chính phủ báo tin về một sự cải cách lớn : nó sắp tổ chức một “Đại hội Đông Dương” thường trực. Đại hội sẽ gồm 27 người Pháp, phần lớn là công chức, được bầu cho 4 năm và 17 người Việt Nam, tất nhiên là chọn trong số những tay sai trung thành nhất, được bầu (!) cho một năm. Đại hội sẽ có tiếng nói tư vấn trong các công việc của chính phủ, nghĩa là Đại hội đó sẽ chẳng là cái gì cả.
3. Chính trị bản xứ
Có một đảng gọi là “Đảng Lập hiến An-nam”. Đây không phải là một đảng có tổ chức mà chỉ là vài người trí thức kiểu Pháp tự đặt cái tên là đảng : những người cầm đầu đảng này đều có quốc tịch Pháp (có 250 người ở Nam Kỳ)


CHƯƠNG TRÌNH CỦA HỌ

Những yêu sách của họ như sau :
a) Cải cách giáo dục (hiện 90% trẻ con Việt Nam không có trường học).
b) Cải cách luật pháp : cho phép người Việt Nam tốt nghiệp trường luật được làm luật sư (Đến nay những người tốt nghiệp trường đó thường hành nghề ở Pháp, nhưng không bao giờ được hành nghề ở nước của mình, trừ phi họ vào quốc tịch Pháp).
Cho phép người An-nam quyền có bồi thẩm của mình (Hiện chỉ có bồi thẩm Pháp, vì vậy tất cả những người Pháp đã giết người Việt Nam hoặc phạm các tôi khác đối với người bản xứ thì đều được trắng án).
c) Giới thiệu người An Nam vào nghị viện Pháp.
d) Mở rộng việc vào quốc tịch
Để trình yêu sách của họ lên Bộ trưởng Thuộc địa, họ cử đi một tay vô chính phủ Pháp : G. Gờ-răng-giăng.

Logged

... Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn, ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? ...
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM