Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 27 Tháng Năm, 2024, 03:22:04 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những chuyện không thể quên - Cười ra nước mắt (Phần 3)  (Đọc 339726 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #80 vào lúc: 08 Tháng Tư, 2011, 06:05:51 pm »

.
CHUYỆN XVII     ANH Ở ĐÂU ?

      Sáng sớm, một ngày tháng sáu năm chín lăm. Tôi lục cục dắt chiếc xe “tám hai, năm mươi phân khối” ra khỏi nhà rồi nổ máy lao ra đường từ chung cư của một công ty vận tải đường sắt. Mới có sáu rưỡi mà con đường Cách Mạng Tháng Tám đã rầm rập xe cộ. Tôi lao xe ngang qua đường vào một quầy bánh mỳ vỉa hè trước cửa công viên Lê Thị Riêng. Vừa ăn bánh mỳ, vừa ngắm dòng người xe như một đàn kiến, đông đúc, ngược xuôi trên đường, tôi vừa suy nghĩ xem phải làm những gì.

      Tôi vừa đi vừa hỏi thăm đường đến sở thương binh xã hội thành phố. Cũng không thể vội được. Lạ gì, cho dù giờ làm việc có là 7giờ30 thì cũng phải quá 8giờ guồng máy mới bắt đầu khởi động.
 
      Lúc đó tôi mất chứng minh thư nên không có giấy tờ tùy thân gì nên tôi đến đây để xin cái giấy đi đường lên tận Long Khánh và đi Bà Rịa. Được cái, gặp mấy bác cựu chiến binh nhiệt tình, thành ra chỉ mươi phút sau, tôi đã có giấy đi đường. Trong giấy còn ghi rõ, có mang theo thẻ Thư Viện Quốc Gia (trong thẻ có ảnh).

      Khoảng 8 rưỡi tôi bắt đầu phóng xe. Tôi đi qua đường Điện Biên Phủ, đi tiếp đường Hà Nội ra thành phố Biên Hòa. Qua biên Hòa rồi đến đoạn qua khu dân cư của “người bắc di cư năm năm tư”. Nghe nói có những xứ đạo Bùi Chu, Phát Diệm, . . . Càng gần long Khánh thì dân cư hai bên đường càng thưa thớt. Thay vào đó là những cánh rừng cao su bạt ngàn, trùng điệp. Con đường 1, lúc lên dốc, lúc xuống đèo, hai bên xanh mướt rừng, trông thật đẹp.
Tôi cứ thế chạy hết tốc lực. Cái xe 50 phân khối, cố lắm cũng chỉ lên được tốc độ 60. Qua thị xã Xuân Lộc, tôi bắt đầu đi chậm lại và dò xét từ đó.

      Vừa đi tôi vừa cố gắng nhớ lại. . . . Chiều 22/4/1975, Xuân Lộc vẫn đang ác liệt. Địch ngoan cố chống trả quyết liệt. Chúng còn thả hai quả bom ngạt, loại bom đã bị quốc tế cấm sử dụng. Chúng tôi từ Phan Thiết chạy theo đường 1, vào đến gần Xuân Lộc thì phía trước mặt là một căn cứ địch trên điểm cao gọi là Núi Chứa Chan án ngữ đường tiến quân vào Sài Gòn. Chúng tôi được lệnh rẽ về phía trái (phía biển). Sẽ bỏ qua Xuân Lộc, đi vòng để đánh từ phía Bà Rịa vào Sài Gòn. Xe chúng tôi là chiếc xe “Giải Phóng”, chở mười mấy lính trinh sát sư đoàn. Đây là chiếc xe dẫn đầu “cánh quân duyên hải”. Sau xe của chúng tôi là chiếc xe Jeep, chiến lợi phẩm mà chúng tôi kiếm được ở Phan Thiết. Anh Nhung, bê phó b1 của chúng tôi lái chiếc xe này. Trên xe có anh Kim “còi”, trợ lý ban 2 và hai lính trinh sát nữa. Đoàn xe của trung đoàn 101, rồi xe tăng ở mãi phía sau. Họ chưa chạy theo xe của trinh sát. Chúng tôi còn phải đi trước dò dẫm đường, mà nếu cần thì chiến luôn, theo kiểu “trinh sát chiến đấu cơ động”.

      Vừa chạy xe, vừa quan sát mấy cái ngã ba. Hai chục năm rồi, cảnh vật quá đổi thay. Vậy mà cuối cùng tôi cũng quyết chọn được một con đường đất và quẹo xe vào đường đó. Đường đi, là lạ mà cũng có lúc thấy quen quen. Con đường này bây giờ là đường đi của nông trường cao su nào đó. Hầu như không có xe cộ hay người đi lại trên con đường. Nhưng đây vẫn là con đường xe chạy, ít nhất là xe của nông trường nên con đường không phải là bỏ hoang. Phải chạy năm bảy cây số mới thấy có vài ba nóc nhà, chắc là nhà của các nhân viên nông trường. Chẳng có hàng quán mà cũng chẳng có ai gặp trên đường để có gì còn hỏi thăm.

      Trời nắng trong rừng cao su, sao mà im ắng và lặng gió đến kỳ lạ. Cái nắng trong rừng cao su không gắt gao mà sao rất khó chịu. Tuy nhiên, điều đó cũng không làm cho tôi bận tâm. Càng đi trong rừng, tôi càng cảm thấy đây đúng là con đường mà 20 mươi năm trước tôi đã đi qua. Lúc đó, rẽ vào rừng từ đường 1 đã là khoảng 5 giờ chiều nên một lúc sau chúng tôi đi trong đêm tối. Vậy mà vẫn có cảm giác mình đi đúng con đường ngày đó. Thật là lạ! Anh em cũng biết rằng đường trong rừng cao su thì nhiều lắm, chỗ nào cũng là đường, các con đường quanh co, ngoằn nghoèo giữa các lô cao su. Đến gần trưa thì tôi gặp một chiếc xe tải của nông trường. Hình như chiếc xe đỗ ở đó để chờ thu mủ cao su do các nhân viên từ các lô cao su xung quanh mang đến giao nộp. Tôi chỉ hỏi thăm rằng con đường này có đi về Cam Mỹ được không. Và đây đúng là con đường sẽ gặp đường tỉnh lộ số 2 (bây giờ là Quốc lộ 56) ở Cẩm Mỹ.

      Hồi năm 1975, tôi có bản đồ nên đi đến đâu là biết đó. Cẩm Mỹ (lúc đó trên bản đồ chúng tôi thấy ghi là Cam Mỹ) là địa điểm mà chúng tôi từ trong rừng ra bắt gặp đường số 2 đi Bà Rịa. Bây giờ tôi chỉ đi theo trí nhớ chứ không có bản đồ. Sau khi hỏi thăm, tôi yên tâm hơn và tăng tốc chạy nhanh trong đường rừng. Được cái con đường này cũng tương đối bằng phẳng, lên dốc xuống đèo cũng không cao lắm. Đường đất, tuy không êm nhưng cũng không đến nối nào.


      Rừng cao su trên đường từ Long Khánh đi Cẩm Mỹ


      Rừng cao su gầnCẩm Mỹ



. . . (còn nữa)
Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #81 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2011, 10:42:10 pm »

.
CHUYỆN XVII     ANH Ở ĐÂU ?    (tiếp 2)

      Ra đến đường số 2 (bây giờ là Quốc lộ 56), tôi dừng xe, trong lòng bồi hồi nhớ lại. Đêm hôm đó, 22/4/1975. Chúng tôi từ trong rừng ra đến đoạn này thì rẽ trái đi về hướng Bà Rịa. Hai chiếc xe tạm dừng gần ngã ba. Tôi lấy bản đồ rồi nhảy xuống xe. Anh Triêm, từ trong cabin cũng nhảy xuống. Chúng tôi quay lại phía chiếc xe Jeep lúc đó vẫn đang bật đèn. Đèn xe cũng đã được che chắn gần hết, chỉ để lại một quầng sáng hắt chéo xuống đất. Chúng tôi cùng soi đèn vào bản đồ và xác định điểm này đúng là vị trí ngã ba Cam Mỹ giao cắt với đường 2. Bọ Kim nói gì đó, bây giờ không còn nhớ chính xác.

      Chúng tôi được thông tin là Xuân Lộc đã được giải phóng. Như vậy, đại quân sẽ không đi theo đường rừng, nhưng vẫn rẽ từ Xuân Lộc đi theo đường 2 về phía này. Chúng tôi vẫn tiếp tục trinh sát “chiến đấu”. Cứ xông thẳng. Gặp địch ở đâu thì đánh nhau và sẽ biết là địch ở đó rồi chốt lại chờ bộ binh lên.

      Tôi thấy lạ là có có hai lính trinh sát kỹ thuật A12 đi cùng xe bọ Kim chứ không phải hai lính trinh sát mặt đất. Vừa đi trên xe, mấy đứa vừa liên lạc bộ đàm với ban 2 ở phía sau. Lần này thì máy PRC-25 có lắp miệng nói hẳn hoi. Thế là hai thằng A12 thành lính thông tin. Không biết các cụ có dùng mật ngữ gì không ? Rất có thể không cần, mình có liên lạc với nhau bằng PRC-25 thì địch cũng chẳng biết là ai vì đã có khi nào lên sóng đâu. Vả lại, nếu đợi viết điện, rồi dịch, rồi tạch tè, rồi chờ nhận điện lại thì sẽ rất chậm, có thể lỡ mất thời cơ.

       Bọ Kim yêu cầu chúng tôi đi chậm và chú ý có địa phương ra đón, cẩn thận, không được bắn ẩu. Tôi thấy giỏi thật. Chúng tôi từ Đà Nẵng dông thẳng một mạch vào đây, thế mà lại bắt liên lạc được với địa phương luôn thì các cụ cũng tài.
      Bây giờ hồi tưởng lại lúc đó, thấy cần phải đi thêm cỡ năm bảy cây nữa thì sẽ đến chỗ tôi cần tìm. Hai mươi năm rồi, mọi thứ đổi thay không biết liệu tôi có tìm được không ?

      Có cái may là trong giấy chứng thương của tôi có ghi rõ nơi bị thương: “Cách thôn Đồng Cùng 2 km, xã Ngãi Giao, Châu Đức, Bà Rịa”. Cũng may nữa là tôi lười, chưa đi khám thương lần nào nên vẫn còn nguyên giấy cũ. Nếu khám rồi, bị thu giấy thì có thể chưa chắc tôi đã nhớ được. Nếu không nhận ra địa hình xưa thì hỏi thăm theo địa chỉ là sẽ đến được.

      Cái đêm đó đụng địch, chúng tôi mất hai người, một số bị thương. Mong sao hai cái mộ vẫn còn ở đó. Đó là mộ của Nguyễn Thế Dân, bê trưởng bê 3 và Ngô Thanh Nhật bê 1. Càng gần đến nơi, trong lòng tôi càng như có lửa đốt. Giá mà có thể cầu xin Trời Phật mà được thì tôi mong Trời Phật cho tôi tìm được hai người.

      Khi tôi đến thôn Đồng Cùng (Trên bản đồ đọc ra như thế. Một cái tên rất khó hiểu nên xê viên của chúng tôi có khi gọi là "Đồng Cúng”, có khi hài hước lại gọi là “Đường Cùng”), tôi tạt vào một quán ven đường và hỏi thăm chuyện mộ. Người này, chạy đi hỏi người khác. Một lúc sau đã có dăm bảy người xúm lại. Trao đi đổi lại, cuối cùng không ai biết về hai ngôi mộ.


      Đường đi từ Xuân Lộc, qua rừng cao su, đến Ngãi Giao

. . . (còn nữa)
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Tư, 2011, 09:02:02 am gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #82 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2011, 09:12:15 am »

.
           Ngã ba Cẩm Mỹ


           Địa phận Ngãi Giao ngày nay
Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #83 vào lúc: 10 Tháng Tư, 2011, 10:56:40 pm »

.
CHUYỆN XVII     ANH Ở ĐÂU ?    (tiếp 3)

      Mọi người rất nhiệt tình nhưng không ai biết gì. Cuối cùng ai đó đưa ra ý kiến hãy đến thương binh xã hội của xã và còn mách tên chị phụ trách thương binh xã hội, bây giờ tôi không còn nhớ nên tạm gọi là chị Bình. Thôn Đồng Cùng nằm mé tây đường tỉnh lộ 2, Ủy ban xã lúc đó nằm ở mé đông và chỉ cách đó vài trăm mét. Gọi là ủy ban mà chỉ có mỗi một cái nhà cấp bốn dài với nhiều phòng. Sân ủy ban cũng chỉ là sân đất nhưng khá rộng. Khi tôi đến xã hỏi thăm thì được biết chị Bình đã đi họp trên huyện rồi, chắc bốn năm giờ mới về.

      Tôi tạt vào một quán và ăn một thứ gì đó. Đợi mãi cũng chán, tôi cho xe chạy chầm chậm ngắm cảnh dọc đường 2. Chiếc xe chạy về hướng Bà Rịa. Hai bên đường là nhà dân ở rất thưa thớt. Đi một quãng nữa thì hai bên là những quả đồi trồng cây. Tôi thấy rất nhiều cọc gỗ trồng tua tủa, thẳng đứng. Thì ra dân trồng hạt tiêu. Hạt tiêu quấn vào và mọc vươn lên xung quanh cây cọc. Chắc trồng hạt tiêu hay hơn cao su nên các hộ dân đều trồng hạt tiêu.

      Quãng 3 rưỡi chiều, tôi quay lại ủy ban xã và ngồi chờ. Đứng lên ngồi xuống, đi ra đi vào rất sốt ruột. Tầm bốn giờ, cái ủy ban vốn đã vắng lại càng vắng hơn, vì chỉ có vài người thôi mà lại đang lục tục ra về. Khi về, ai cũng hỏi thăm tôi và động viên cứ chờ tiếp. Nếu 5 giờ mà chưa thấy thì hỏi thăm đến nhà chị ấy, cũng ở trong thôn này thôi.

      Mấy phút sau, có một phụ nữ đi xe đạp phóng vào sân ủy ban, xuống xe rồi dắt xe dựng vào đầu hè. Tôi đến gần và hỏi:
-   Chị có phải là Bình, phụ trách thương binh xã hội không ạ ?
-   Vâng ! Anh hỏi gì em ạ ?
      Tôi kể về việc đi tìm mộ đồng đội thì chị Bình trả lời là không biết gì vì chị ấy cũng mới lên thay chú Hoàng về nghỉ được có mấy tháng. Chị bình dẫn tôi đến nhà chú Hoàng để hỏi xem có biết gì về hai ngôi mộ.

       Chúng tôi đi bộ mấy trăm mét rồi rẽ vào làng. Nhà ông Bình ở ngay ven đường làng. Ông rất nhiệt tình khi tôi nói chuyện đi tìmm mộ. Ông kể, ông thấy hai xác liệt sỹ chết mấy hôm rồi, nhìn không đặng nên ông đã gọi mấy người cùng ông chôn hai liệt sỹ. Ông kể, Một người ở trên xe bị cháy và một người ở dưới đường. Hai cái mộ được chôn ngay ven đường. Không những thế, sau này ông còn thỉnh thoảng tảo mộ và hương khói suốt nhiều năm.

         Thị Trấn Ngãi giao ngày nay khác hẳn 16 năm trước


. . . (còn nữa)
Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #84 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2011, 09:54:23 pm »

.
CHUYỆN XVII     ANH Ở ĐÂU ?    (tiếp 4)
 
      Ông Hoàng tước đây cũng tham gia du kích. Vì sức yếu nên sau ngày hòa bình ông cũng chỉ tham gia những công việc nhẹ nhàng ở thôn và ở xã. Hồi ông phụ trách thương binh xã hội xã thì có việc qui tập mộ liệt sỹ về nghĩa trang huyện. Lần này ông phụ trách việc di chuyển mộ liệt sỹ, trong đó có mộ của Dân và Nhật. Vị trí hai cái mộ đó ông nhớ rất rõ.

      Tôi rất mừng. Trong bụng đang nghĩ đến chuyện thông báo cho gia đình như thế nào. Tôi nói:

-   Thế thì may quá rồi ! Hôm nay cháu đi chỉ một ngày mà đã tìm được đồng đội. Rất cảm ơn chú !

      Ông Hoàng chép chép miệng vài cái. Trông nét mặt ông, tôi thấy có gì không ổn. Tôi sốt ruột hỏi:

-   Thế nghĩa trang huyện có gần đây không ạ ?
-   Anh cứ uống nước đi.
-   Vâng ! Có phải ở nghiã trang Châu Đức mình không ạ ?
-   Tụi tui đưa hai anh về nghĩa trang Châu Đức. Bây giờ hổng biết nói với anh thế nào.
       _ Ông ngần ngừ một đẫn rồi nói tiếp:

-   Cách đây mấy năm, tỉnh qui tập các mộ liệt sỹ về nghĩa trang Châu Thành. Lúc đầu đấy cũng chỉ là
     nghĩa trang huyện nhưng tỉnh quyết định mở rộng   làm nghĩa trang liệt sỹ của toàn tỉnh.
-   Cũng không sao chú ạ ! Nhưng mà . . . , cháu hỏi chú, thế trên mộ hai anh ấy bia ghi thế nào? Nhất định cháu sẽ tìm thấy.

      Ông Hoàng chậm rãi, giọng như có lỗi:

-   Lúc tụi tui chôn cất hai ảnh thì hổng biết tên tuổi gì hết trơn, mà trong người mấy ảnh cũng đâu có
     giấy tờ gì. Chúng tui cũng chỉ chôn rồi đắp thành mộ thôi, hổng có bia. Rồi họ chuyển từ huyện về tỉnh
     thì tui đâu có theo, nên giờ có xuống đó thì cũng hổng biết ai với ai gì ráo.
  
      Ông Hoàng cảm thấy có lỗi ghê gớm, ông ngồi im không nói thêm câu nào. Còn tôi, đang khấp khởi hy vọng bỗng xịu xuống, cũng không hé răng được nữa. Chị Bình, theo dõi câu chuyện từ đầu đến giờ thì thở dài thất vọng. Cả ông, cả chị Bình và tôi đều cảm thấy có lỗi rất lớn với các anh. Tôi trách mình sao mãi đến bây giờ mới đi tìm. Giá mà đi tìm sớm hơn . . . !

 Một lúc lâu, ông Hoàng mới cất giọng:

-    Phải chi, lúc đó tui làm một cái bia, ghi tạm một cái tên gì đó, hay ghi ngày và nơi hy sinh thì bây giờ
     đỡ rồi. . . . Cũng tại tui không nghĩ ra.

      Tôi ngồi kể lại chuyện chúng tôi đụng địch hôm đó. Từ trên xe nhảy xuống, mỗi người tìm lấy một vị trí, ẩn nấp và nổ súng. Chiều hôm đó tập trung tại rừng cao su để nghe mệnh lệnh về chiến dịch Hồ Chí Minh thì ba người vắng mặt từ sáng vẫn không thấy. Chúng tôi chấp hành mệnh lệnh, lên xe hối hả vượt rừng cao su chạy về hướng Long Thành.

      Sau ngày 30/4, thằng Đọ bị lạc từ đêm đó mới mò được về đơn vị. Nó không còn nói được ra tiếng, chỉ khào khào trong cổ họng. Sau đó, mấy đứa bị thương nhẹ từ viện trở về, chúng tôi mới biết Dân và Nhật hy sinh như thế nào.

      Tôi hỏi thăm chú Hoàng đường đi nghĩa trang Châu Thành. Chia tay chú Hoàng và chị Bình, lúc đó đã là 6 giờ. Tôi chạy xe về Sài Gòn, đi thẳng theo đường số hai ra Xuân Lộc để bắt vào đường 1.

. . . (còn nữa)
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Tư, 2011, 10:00:29 pm gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #85 vào lúc: 12 Tháng Tư, 2011, 10:05:19 pm »

.
CHUYỆN XVII     ANH Ở ĐÂU ?    (tiếp 5)

      Sau đó một tuần, cũng vào ngày Chủ Nhật, tám người chúng tôi đi một xe 7 chỗ từ Sài Gòn chạy thẳng một mạch đến nghĩa trang Châu Thành, Tỉnh Bà Rịa. Vì đi muộn, nên mãi mười rưỡi chúng tôi mới đến nơi. Chúng tôi đỗ xe trước cổng nghĩa trang, dớn dác tìm người quản trang. Thì ra cái phòng để trông coi nghĩa trang lại nằm phía bên kia đường. Ông quản trang rất nhiệt tình đưa hết sổ danh sách các mộ trong nghĩa trang cho chúng tôi tìm. Có đến ba cuốn sổ lớn và dày ghi lại tên các liệt sỹ, một hay hai dòng trích ngang cho mỗi người. Sổ sách làm bằng tay nhưng rất qui củ. Chúng tôi chia nhau tìm hết ba cuốn sổ mà không thấy tên Dân và Nhật. Phần lớn trong danh sách đều ghi “Vô danh”.

      Để lại mấy người kiểm tra kỹ một lần nữa, một người và tôi ra thẳng nghĩa trang và bắt đầu đi tìm trực tiếp. Chúng tôi hy vọng, biết đâu có gì đó ghi trên bia mà không ghi vào sổ sách, biết đâu có dấu ghi nguồn gốc mộ chuyển từ đâu đến thì sao. Đúng là phần nhiều các mộ “Vô danh” thật.  Trời nắng rất gắt, đi hết ô này đến ô khác mà vẫn chỉ thấy “Vô danh” và “Vô danh”. Một lúc sau, mấy người còn lại cũng vào cuộc tìm tên trên các mộ.

      Cái nghĩa trang rất rộng, hình vuông, mỗi chiều rộng sáu bảy trăm mét. Rất nhiều mộ được xây có qui hoạch thành hàng lối.


      
      Mất gần hai tiếng đồng hồ, tám thằng tôi mới tìm gần hết, còn lại vài ô. Bạn bè đi cùng tôi, người kém, người hơn tuổi tôi, tất cả đều là dân sự và chưa bao giờ cầm súng kể cả làm lính “Việt cộng” hay lính “Quốc gia” nhưng ai nấy rất tận tình. Một mình tôi thẫn thờ quay lại cổng nghĩa trang. Tôi ngồi dựa lưng vào cổng mà mắt đăm đăm nhìn các hàng mộ. Các đồng đội xếp hàng tề chỉnh, thẳng hàng ngang, thẳng hàng dọc, thẳng hàng chéo, như một đội quân đang duyệt đội ngũ. Mắt tôi nhìn mà như không nhìn vào những chữ “Vô Danh”. Tưởng như  hàng ngàn cặp mắt “không tên” đó đang chiếu vào tôi, vây lấy tôi, . . . làm tôi bất động, nghẹn thở, . . . bơ thờ.  

      Về sau này, nhiều lần đi thăm các nghĩa trang liệt sỹ ở Quảng Trị, tôi vẫn hay ngồi thu vào một xó, bất lực như vậy, mà trâng trâng nhìn các ngôi mộ . . . “Chưa biết tên”.

      Sau ngày ba mươi tháng tư, xê viên đại đội tôi, cùng đi với hai người nữa, đã đến thôn Đồng Cùng để làm công tác tử sỹ. . . . Mà sao không làm một cái bia ? Một mẩu gỗ chứ mấy ! Hay chí ít thì cũng là một cái lọ Pênixilin chứ ? Sao mấy người “làm qui tập” lại không ghi chép đầy đủ ? Chỉ cần một dòng thôi chứ bao nhiêu ! Sao tôi đã không đi tìm hai người sớm hơn chứ ?

     Mọi người đều dường như chẳng có ai có lỗi thì phải ?! Phải vậy không . . .?
Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #86 vào lúc: 20 Tháng Tư, 2011, 11:59:33 am »

.
      Hôm qua Cam và tôi về nhà Sự. Cam, Sự và tôi cùng tiểu đội. Chuyện liệt sỹ Sự tôi đã kể. Nhà sự có hai anh em liệt sỹ. Trên bàn thờ có ảnh anh Phạm Xuân Công mà không có ảnh Phạm Xuân Sự. Ở nhà, mọi người bảo “ông ấy từ bé đến lúc đi bộ đội có bao giờ chụp ảnh đâu.
 
     Tôi tìm được cái ảnh đơn vị chụp chung năm 73. Sự ngồi ngay hàng đầu (có viền trắng). Tôi nhờ đến photoshop nhưng không được. Tôi mới đưa lên 24 Hàng Đường để truyền thần (là nhì Hà Nội hiện nay, nhất Hà nội ở Hàng Ngang, nhưng cụ già quá rồi rrất ít khi vẽ) . Đến trước ngày hẹn, lão truyền thần đã vẽ xong. Không giống ! Tôi ngồi với lão gần hai tiếng và đưa ra các nhận xét so sánh giữa ảnh chụp và bức vẽ để lão sửa. Cuối cùng thì cũng không phải là giống cho lắm. Chẳng biết làm thế nào. Đành đóng khung rồi mang về nhà Sự để treo thờ.


          Xê Hai Mươi


          Ảnh trích riêng


         Ảnh truyền thần

     Có bác nào biết có thể cao thủ photoshop làm được không ? xin mách giùm !
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Tư, 2011, 04:58:34 pm gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

dangpmc
Thành viên
*
Bài viết: 26


« Trả lời #87 vào lúc: 21 Tháng Tư, 2011, 11:43:09 am »

Cuối cùng thì cũng không phải là giống cho lắm. Chẳng biết làm thế nào. Đành đóng khung rồi mang vè nhà Sự để treo thờ.

     Có bác nào biết có thể cao thủ photoshop làm được không ? xin mách giùm !

Xem cái hình truyền thần của bác thì em thấy khuôn mặt hơi ngắn hơn ảnh nên nó khác, nếu kéo dài ra một chút nữa thì giống hơn.
Logged
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #88 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2011, 12:21:00 pm »

.
CHUYỆN XVIII     NGÃI GIAO – CHÂU ĐỨC

     Ngày 21/4/1975, cánh quân Duyên Hải đã chạm tới Xuân Lộc. Đúng lúc đó thì “cánh cửa thép Xuân Lộc” cũng vừa phá được. Cánh quân chia làm hai ngả, một ngả tiến đánh dọc theo đường số 1 và một ngả rẽ trái đánh qua Long Thành, Nước Trong để tiến vào Sài Gòn qua sông đồng Nai tại Cát Lái. Sư 325 (thiếu e95) của chúng tôi tiến theo hướng này.

     Cũng trong ngày hôm đó, hai chiếc C-130 đã thả hai quả bom Daisy Cutter, mỗi quả 7 tấn xuống Xuân Lộc. Ngoài sức mạnh công phá của thuốc nổ, khi nổ, nó còn làm cháy hết dưỡng khí trong một phạm vi lớn, gây ngạt thở và chết người. Sử dụng loại bom này là một tội ác giết người hàng loạt. Bước đường cùng chúng đã “chơi đến cùng”, bất chấp tất cả. Loại bom này cũng còn một số quả nữa nhưng hình như không có ngòi nổ nên chúng không thả thêm được. Sau này ta đã thu được như trong hình ảnh dưới đây (ảnh này hình như trong Quân Sử đã đưa lên rồi). Trận đánh Xuân Lộc đã có rất nhiều tài liệu của hai phía viết và trên Quân Sử cũng có rồi.

                                          
Bom 7 tấn Daisy Cutter
   

     Chiều 21/4, trinh sát chúng tôi đi trên 2 xe. Một xe “Giải Phóng” chở mười mấy tay súng. Một xe Jeep chúng tôi kiếm được ở Phan Thiết. Chiếc xe Giải Phóng do một lính xế của đường dây 559 lái. Anh Triêm, xê phó chỉ huy ngồi trong cabin. Trên thùng xe là đủ các thành phần bê trưởng, bê phó, a trưởng , lính tráng. . .  lẫn lộn cả các bê khác nhau trong đại đội và có thêm cả Duyên, lính trinh sát kỹ thuật nữa. Chiếc xe Jeep chạy sau một quãng do anh Nhung bê phó bê 1 lái. Trên xe có “bọ” Kim (trợ lý ban 2) , một lính trinh sát kỹ thuật sử dụng điện đàm PRC-25 và một tay súng AK (không nhớ là ai).

. . . (còn nữa)
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Tư, 2011, 05:35:52 pm gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #89 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2011, 06:56:50 pm »

.
CHUYỆN XVIII     NGÃI GIAO – CHÂU ĐỨC

     ...     Cũng trong ngày hôm đó, hai chiếc C-130 đã thả hai quả bom Daisy Cutter, mỗi quả 7 tấn xuống Xuân Lộc. Ngoài sức mạnh công phá của thuốc nổ, khi nổ, nó còn làm cháy hết dưỡng khí trong một phạm vi lớn, gây ngạt thở và chết người. Sử dụng loại bom này là một tội ác giết người hàng loạt. Bước đường cùng chúng đã “chơi đến cùng”, bất chấp tất cả. Loại bom này cũng còn một số quả nữa nhưng hình như không có ngòi nổ nên chúng không thả thêm được. Sau này ta đã thu được như trong hình ảnh dưới đây (ảnh này hình như trong Quân Sử đã đưa lên rồi). Trận đánh Xuân Lộc đã có rất nhiều tài liệu của hai phía viết và trên Quân Sử cũng có rồi.

                                          
Bom 7 tấn Daisy Cutter
   

    

. . . (còn nữa)


Bác TTNL à. Theo tôi được biết bom 7 tấn (còn gọi là bom dù) là loại bom phát quang cỡ lớn, Mỹ đã ném xuống QT năm 1972. Còn bom CBU85 mới là bom đốt hết không khí. Mỹ trang bị cho ngụy vào giai đoạn cuối và chúng ném xuống Xuân Lộc 2 quả. 
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM