Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Năm, 2024, 02:09:16 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những chuyện không thể quên - Cười ra nước mắt (Phần 3)  (Đọc 339597 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #550 vào lúc: 11 Tháng Mười Một, 2011, 09:41:33 pm »

.
Chuyện XXVIII     VỢ CHỒNG DU KÍCH – BIỆT KÍCH (tiếp 8 )

         Làng Quất Xá thật là nhộn nhịp. Nhà nhà lục tục kiếm vải may cờ giải phóng. Mấy cái máy may trong làng suốt ngày chỉ may cờ. Có người muốn nhanh thì khâu cờ bằng tay. Kích cỡ và hình dáng ngôi sao chỉ ang áng, thành ra có đủ các kiểu, sao béo, sao gầy, sao to, sao nhỏ. Ủy ban xã lâm thời đang tìm trụ sở và rộn rịch chuẩn bị ra mắt. Vui nhất là đội du kích thôn. Các cô cậu du kích chạy khắp làng vận động bà con chuẩn bị biểu tình ủng hộ chính quyền cách mạng, vận động các thanh niên gia nhập du kích quân để bảo vệ xóm làng và giúp đỡ bộ đội chiến đấu. Thật đúng là ngày hội.

    Làng Quất Xá cũng có một số người chạy vào phía trong, nhưng những gia đình đó chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Mà những gia đình đó, phần lớn người già vẫn còn ở lại. Có người thực sự sợ bị Giải Phóng trả thù vì gia đình có nhiều người đi lính, hoặc là sỹ quan. Tuy nhiên, chủ yếu người ta sợ bom pháo của Quốc Gia sẽ dội vào làng. Đặc biệt có một hai nhà thực sự ghét Giải Phóng. Những ngày đó, họ đóng cửa, âm thầm ở trong nhà nghe ngóng. Khi du kích đến vận động tham gia phong trào, họ lấy lý do này khác để không tham gia. . . . Cuộc chiến làm li tán lòng người trong một cộng đồng làng xóm – quê hương là điều không tránh khỏi !

     Chị cũng rất vui nhưng trong lòng cũng quặn thắt nỗi lo cho anh. Hòn tên mũi đạn nào có mắt để tránh ai được. Cứ đêm đến nhìn mẹ chồng thảng thốt thở dài và bố chồng đã ít nói càng ít nói hơn, bất giác chị đưa tay chùi hai hàng nước mắt. Hai thằng cu đã ngủ ngon lành từ lúc nào. Chị thương chúng quá. Nói dại, bom pháo của Quốc gia, bất cứ lúc nào cũng có thể dội lên nóc nhà của chị. Chị không dám nghĩ thêm nữa. Rồi bỗng chị đứng phắt dạy, chị chạy sang nhà chú xã đội. Vừa vào đến nhà, chẳng kịp chào hỏi, chị đã hoảng hốt nói:

-    Chừ không cho bà con mần hầm, mai mốt pháo nó bắn thì chú mần cách chi ?
-    Ừa ! Mi nói trúng rứa, vầy mà tau không nghĩ ra. Chừ ri, mi đi kêu mấy đứa báo bà con, mai cả thôn miềng mần
     hầm. Tau nói bộ đội họ bày cách mần hầm tránh bom cho bà con hề.
-    Thui, tui chào chú tui đi !

. . . (còn nữa)
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Mười Một, 2011, 09:09:51 am gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

nguyenquochung
Thành viên
*
Bài viết: 283


« Trả lời #551 vào lúc: 12 Tháng Mười Một, 2011, 01:44:28 pm »

Trích dẫn
Tôi thấy bên VNCH họ nói đây là Liên đoàn 81 biệt cách dù chứ không phải như trên bác ạ. Họ còn phân tích nghĩa của 2 từ biệt cách và biệt kích là khác nhau.

   Em nghe mấy tay cựu binh VNCH nói cái liên đoàn biệt cách dù 81 này trực thuộc binh chủng dù, là đơn vị tinh nhuệ nhất trong các lực lượng của QLVNCH, hơn cả lính dù thường và TQLC. Hình như chỉ nhận lệnh tác chiến trực tiếp từ tổng thống?! Năm 1972, liên đoàn này chết rất nhiều trong chiến dịch "giải cứu An Lộc". Sau trận chiến, có câu thơ vinh danh họ như thế này:
                                            An Lộc địa sử ghi chiến tích
                                            Biệt cách dù vị Quốc vong thân.
Logged
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #552 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2011, 10:04:35 am »

.
Chuyện XXVIII     VỢ CHỒNG DU KÍCH – BIỆT KÍCH (tiếp 9)

     Những ngày đầu giải phóng, làng xóm chộn rộn việc may cờ, biểu tình mít tinh rồi làm hầm, . . . dần dần đã lắng xuống. Mỗi nhà bây giờ đã có hầm tránh bom, có nhà còn làm hai hầm để phân tán gia đình làm hai, đề phòng bom trúng hầm này thì còn hầm kia. Cuộc sống đã trở lại bình thường. Năm nay nhà chị vừa mần ló, trồng củ và gieo đậu phộng. Việc đồng bận suốt ngày, từ sáng đến tối mịt. Tất cả chỉ trông vào chị và cha chồng. Từ ngày liên lạc với anh bị đứt, anh không còn hỗ trợ được đồng nào. Tuy vậy, nhà chồng chị nhiều ruộng nên cuộc sống vẫn tạm ổm. Vả lại, đất ở quanh làng còn nhiều lắm. Nếu nhà nào cần thì cũng có thể khai khẩn thêm đất hoang, chỉ lo không có đủ sức mà làm thôi.

     Đội du kích thôn thường xuyên sinh hoạt vào buổi tối. Họ tập hát các bài hát cách mạng, nghe phổ biến tình hình chiến sự trên cả nước. Hàng đêm du kích phân công nhau canh gác bảo vệ làng xóm. Súng đạn rất thiếu, cả đội chỉ có vài khẩu súng cạc bin, một khẩu AR15 lượm được. Trên có trang bị thêm vài khẩu CKC chứ không có một khẩu AK nào. Đội du kích phân nhau ra mà tập xạ kích ở bãi trúc đào ven sông Cam Lộ, phía sau làng.

     Ba tháng sau ngày giải phóng, làng Quất Xá đột nhiên trở nên đông vui vì có bộ đội về đóng quân. Đó là một bộ phận của d24 quân y và một cái kho lương thực - thực phẩm của c20 trinh sát sư đoàn 325. Đội du kích đặc biệt vui vì có những đêm sinh hoạt “kết nghĩa” với bộ đội. Bộ đội toàn là những thanh niên trai tráng. Họ sống vui vẻ và chan hòa cùng với các gia đình. Họ chuyện trò với người già, chơi đùa với trẻ con. Họ sắn tay vào củng cố đắp dày thêm các căn hầm bằng bao cát và làm thêm các hầm mới. Họ sẵn sàng giúp đỡ các việc nặng nhọc của gia đình. Họ gọi người già là cha mẹ, xưng eeng út với đám thanh niên. Từ lúc nào họ thật sự đã như các người thân trong gia đình. Xóm làng trở nên ấm cúng và vững chãi lạ thường. Tuy vậy, ai đó cũng thấy lo lắng hơn vì bộ đội ở trong làng, Quốc Gia sẽ đem bom đạn đến mà dội trên đầu.

     Ban ngày vất vả ngoài đồng, rồi cơm nước cho cả nhà, buổi tối lại sinh hoạt đội, thế mà sức gái đang xoan cứ phăng phăng. Chỉ có về đêm chị mới thấy buồn và lo lắng. Phía thành phố Quảng Trị ngày đêm ùng oàng, không lúc nào ngớt. Không biết anh có còn ở đó hay . . . .  Chị không dám nghĩ tiếp nữa mà cảm thấy hoang mang, bồn chồn và sợ hãi. Người lính cũng có lúc phải lo lắng và sợ hãi vì bom đạn nhưng cũng chỉ là thoảng qua. Cũng có lúc họ nhớ gia đình vợ con nhưng chỉ là thỉnh thoảng. Chỉ có những người mẹ và những người vợ, không lúc nào là không khắc khoải xót xa, tê tái, chờ trông. Đêm đêm, không biết bao nhiêu khúc ruột đàn bà thổn thức, quặn thắt, không biết biết bao nhiêu nước mắt đàn bà chảy dài, đêm đêm . . .

. . . (còn nữa)
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Mười Một, 2011, 04:01:14 pm gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #553 vào lúc: 14 Tháng Mười Một, 2011, 03:55:51 pm »

.
Chuyện XXVIII     VỢ CHỒNG DU KÍCH – BIỆT KÍCH (tiếp 10)

     Được đưa về quân y viện ở tuyến sau như ý muốn nên tuy có đau chân một chút nhưng anh rất hài lòng. Anh biết gia đình anh đang ở trong vùng giải phóng, sẽ không có chuyện gì đáng lo. Cả ba mẹ và vợ anh đều gắn bó với Việt Cộng. Những cán bộ Việt Cộng ở xã anh thì ai cũng biết gia đình anh. Vì thế anh cảm thấy thanh thản và nhẹ nhõm hơn lúc nào hết.

     Nhưng sự đời nào có ai ngờ. Khi anh về quân y viện hôm trước thì hôm sau đã có thư gởi tới viện. Lá thư tố cáo anh đã tự thương chứ không phải bị thương do chiến đấu. Tội tự thương còn tệ hơn tội đào ngũ vì nó là gánh nặng cho quân đội. Thêm nữa, người ta cũng không thể sử dụng làm lao công đào binh đối với lính đã bị tàn tật. Vậy là trong khi cấp cứu, chạy chữa cho các quân nhân bị thương khác, người ta bỏ mặc anh, không hề khám, cũng không hề cho một viên thuốc kháng sinh nào. Ngược lại, anh còn bị giám sát rất kỹ bởi mấy tay bảo vệ của viện, bởi muôn vàn ánh mắt các đồng ngũ khác ở xung quanh. Không ai thèm hỏi chuyện anh, hễ có phải đi qua chỗ anh là họ ngoảnh mặt đi, có người còn nhổ nước miếng. Một vài ánh mắt tỏ ra đồng cảm với anh, thì, những người đó cũng chẳng dám biểu lộ ra.

     Quá nhiều lính bị thương. Rất nhiều ca nặng. Các quân y sỹ phải liên tục làm việc quần quật suốt ngày. Họ chẳng có lý do gì mà phải chạy chữa cho anh mặc dù lương tâm thày thuốc có đôi lúc làm cho họ cảm thấy áy náy. Chiến trận đuổi theo cái quân y viện này ngày càng gần. Quân y viện buộc phải chuyển sâu về Huế.  

     Vài ngày sau, vết thương của anh bị sưng tấy vì nhiễm trùng. Anh nghiến răng chịu đựng, không kêu la một lời. Một mình anh phải tự di chuyển, không được ai giúp đỡ và động viên an ủi. Anh không thể ngờ được số phận lại có ngày mạt kiếp, đen tối như thế này. Chợt anh nhớ ra, có lần thằng Đáng đang quấy phá dân ở ngã ba Long Hưng thì gặp anh. Nó đã bị anh quát nạt bắt dừng lại và xin lỗi dân. Từ đó nó rất căm thù anh. Chắc hẳn đây là cơ hội tốt nhất để nó trả mối hận. Không biết nó có nhìn thấy anh tự bắn vào chân hay nó cứ tố cáo bừa. Thằng khốn nạn đó, cầu cho pháo nó dập lên đầu mày !

     Anh bị nhiễm trùng nặng, toàn bộ chân trái của anh sưng tấy, trương lên như cây chuối hột. Người anh sốt nóng hầm hập rồi lại sốt rét run cầm cập. Vẫn không ai đoái hoài đến anh. Chắc hẳn chúng nó muốn anh chết luôn đi cho rảnh. Trong cơn mê sảng anh nghe láng máng ai đó nói:

-     Thưa trung tá bác sỹ. Trung tá cứu cậu ấy không có cậu ấy chết mất.

     Rồi anh thấy mọi vật quay cuồng trên đầu, mờ mờ, ảo ảo, hai thằng cu, rồi vợ và cha mẹ anh ẩn ẩn, hiện hiện phía sau lưng chúng. Anh thấy mình cứ bay lên cao mãi. Ồ ! anh đang ở trên đỉnh cái Fuller đây mà. Cái chân đột nhiên đau quá, anh co chân lại, thì, mất thăng bằng và trượt từ trên đỉnh núi xuống. Anh rơi ngày càng nhanh. Bãi trúc đào nơi bờ sông Cam Lộ với hững hòn đá tảng nhấp nhô bên bờ nước, từ phía dưới đang tiến vùn vụt trước mặt anh. Chỉ một giây nữa thôi là anh sẽ đập xuống bãi đá. Rầm . . . !  Bừng tỉnh dậy, anh thấy mình vừa ngã từ trên giường xuống đất. Thì ra một thương binh nằm chung giường đã đẩy anh, chạm phải cái chân đau, rồi anh rơi xuống đất.

     Ba tuần sau ngày bị thương, cái chân của anh đã hoại tử, ăn lên đến ống chân. Anh không còn cảm giác gì nơi bàn chân nữa mà chỉ thấy cái đau ngày càng dữ dội và lan tỏa khắp nơi trong cơ thể. Anh không còn ý thức được về thời gian, anh cũng không nhớ mình đã ăn uống, vệ sinh như thế nào. Hễ có cơ hội là cơn sốt nung nấu lại ập đến và anh lại rơi vào mê sảng.

. . . (còn nữa)
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Mười Một, 2011, 06:02:24 pm gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #554 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2011, 08:30:16 pm »

.
Chuyện XXVIII     VỢ CHỒNG DU KÍCH – BIỆT KÍCH (tiếp 11)

     Anh thấy một quầng sáng chói lọi đang chao đảo trước mắt. Rồi anh thấy nhói đau ở cánh tay. Choàng tỉnh dậy anh thấy mình đang lơ lửng ở trên cao. Ánh đèn dọi vào mắt làm anh không mở mắt ra được. Anh không biết người ta đang chuẩn bị cưa chân anh. Anh thấy đau ở tay là do họ tiêm thuốc và gây mê cho anh. Hoại tử đã ăn mất cả bàn chân. Muốn cứu anh người ta phải tháo khớp và bỏ hẳn bàn chân đi. Các bác sỹ còn chuẩn bị phương án, nếu tháo bàn chân mà vẫn còn phần cơ xương bị hoại tử thì phải cắt khúc ở cao hơn. Đấy là về sau anh nghe bác sỹ nói và mọi người kể lại. Mọi người còn nói, nếu chỉ chậm một hai ngày nữa thì sẽ tử vong vì nhiễm trùng máu. Họ cũng bảo rằng anh có sức đề kháng tốt nếu không thì cũng đi rồi.

     Khi anh tỉnh dậy vì cái chân đau rát như phải bỏng thì nhận thức cũng trở lại. Anh thấy mình nằm trên một mảnh chiếu trải dưới đất ở trong một ngôi nhà của một người dân nào đó. Quân y viện không còn chỗ cho lính bị thương. Họ phải trưng dụng các nhà dân xung quanh. Một số tình nguyện viên là các bà, các chị đang chăm sóc cho các thương binh. Đây đó tiếng kêu rên vì đau đớn. Mùi máu từ các vết thương, mùi thuốc sát trùng và mùi cồn iôt nồng nặc. Quang cảnh thật là hãi hùng và buồn thảm.

     Không biết lúc mê sảng anh có kêu thét hay rên la gì không nhưng, lúc tỉnh thì anh nghiến răng chịu đựng không bao giờ bật ra tiếng. Lúc mới tới quân y viện anh đã một lần cầu xin bác sỹ chạy chữa cho anh nhưng các bác sỹ đã ngoảnh mặt đi. Từ đó anh nhất quyết không cà ràm thêm một lần nào nữa. Có lúc tỉnh táo anh đã tin rằng mình sẽ chết. Vậy mà bây giờ anh đã được chữa chạy. Anh nhìn xuống chân và biết rằng mình sẽ mãi mãi là người tàn phế. Sau này, chắc chắn, khi kêu tên anh người ta sẽ đính kèm một chữ . . . “cụt”.

     Khi vết thương đã đỡ nguy hiểm, anh được chuyển về phía sau trên chiếc xe tải cùng với nhiều thương binh khác. Cứ di chuyển dần dần như vậy, không rõ thế nào mà, sau vài tháng anh đã được chuyển tới Vũng Tàu (chuyện anh kể, người viết không nhớ là ở quân y viện hay trại nào ở Vũng Tàu)

     Chuyện chàng lính biệt kích ngang tàng kể đã đến hồi kết. Tuy nhiên ta sẽ gặp lại anh sau ngày hòa bình, trong một cuộc sống khác.

. . . (còn nữa)
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Mười Một, 2011, 10:50:18 am gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

Hai Ruộng
Thành viên
*
Bài viết: 1275


« Trả lời #555 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2011, 09:54:44 pm »

 Suốt mấy hôm nay , dù rất bận việc , em đi làm đến tối mới về , nhưng đêm nào cũng phải đọc topic nầy của anh TTNL , chuyện rất thật . Ở quê em cũng có chuyện tương tự như vậy , có một tay nầy bản chất cũng rất nông dân hiền lành chất phát . Đầu tiên là bị gọi đi quân dịch vì sợ đi lính xa không ai nuôi vợ con , nên ông nầy đăng lính Nghĩa quân VNCH , trời xui rũi sao mà ông nầy lại có tài đánh trận , ông ta hạ cũng nhiều du kích , nhưng chủ yếu là ở trận địa đánh nhau , thế rồi thù hận ngày càng chồng chất , mấy lần phía Giải Phóng cho người ra ám sát nhưng số tay nầy cũng cao số , đều thoát chết trong đường tơ kẽ tóc . Chỉ có điều là ,tay nầy không hề giết dân hay tàn ác với dân . Ngày 30 tháng 4 năm 1975 , lúc nầy tay nầy là đồn trưởng , tất cã các đồn khác đều nộp súng ra hàng , chỉ có đồn nầy là đến tối ngày 30 tháng tư vẫn còn phòng thủ , đồn trưởng tuyên bố , Cách mạng xông vào là đánh tới cùng , tử thủ chứ không đầu hàng  . Mấy ông Giải Phóng mới tới nhà tay nầy gọi vợ ổng ra làm công tác địch vận , bà vợ trực tiếp dẩn anh em Giải Phóng đến đồn để thuyết phục gọi hàng và Cách Mạng hứa bảo toàn tính mạng cho tất cã binh lính trong đồn kể cã đồn trưởng , qua một hồi thuyết phục , tay đồn trưởng chấp nhận ra hàng , tất cã binh lính được cho về với vợ con , còn đồn trưởng thì học tập cải tạo , nhưng qua quá trình xem xét . Cách Mạng thấy lúc chiến tranh " ai vì chúa nấy " nên dù tay đồn trưởng nầy hạ nhiều bộ đội du kích ( khỏang chục người chứ không ít )  nhưng xét thấy đối với dân tay nầy không có quấy phá hay hảm hiếp ai cã , vì vậy nên chỉ cho học tập cải tạo tư tưởng thôi , còn ông ta đã lỡ tay hạ bao nhiêu bộ đội du kích rồi thì tha , không cần phải mạng trả mạng  . Khoảng năm 1980 gì đó thì ông ta được Nhà Nước cho về nhà , Ông ta có mấy đứa con trai sau nầy cũng đi bộ đội tham gia chiến trường K . Cho đến nay ông đồn trưởng xưa kia vẫn sống bình thường như bao người dân khác . Có lẽ ác mộng chiến tranh đối với ông ta không còn nữa , mình cũng cầu mong như vậy .
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Mười Một, 2011, 07:49:28 pm gửi bởi Hai Ruộng » Logged
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #556 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2011, 09:55:18 pm »

.
Chuyện XXVIII     VỢ CHỒNG DU KÍCH – BIỆT KÍCH (tiếp 12)

     Ngay từ trước khi quân Giải Phóng tiến đánh, trên bản đồ Quảng Trị, từ vùng bán sơn địa lên đến vùng rừng núi của đồng bào Vân Kiều, dưới mỗi tên làng lại kèm theo chú thích “Destroyed” (Đã bị hủy). Quốc Gia đã bắt dân rời bỏ làng và di chuyển tập trung về “khu vực an ninh”. Mục đích chính là để tách dân khỏi Việt Cộng, không cho họ có chỗ dựa để hoạt động. Những vùng đó, Mỹ thoải mái thả bom và Quốc Gia tha hồ kích pháo. Xét cho cùng, việc làm đó chủ yếu để cản trở hoạt động của đối phương.

     Những vùng mà Quốc Gia kiểm soát được thì làng xóm chưa bị động tới. Người dân vẫn được sống và làm ăn trong làng xóm và ruộng đồng của họ.

     Kể từ ngày quân Giải Phóng đánh chiếm Quảng Trị thì bom B52 và pháo kích cũng bắt đầu dội lên những cánh rừng, các con đường và cả làng mạc nơi mà Mỹ và Quốc Gia nghi ngờ có đối phương đóng quân hay là đường hành quân và vận chuyển. Nhiều thôn làng vùng Nhan Biều, Ái Tử, La Vang, Tri Bưu, Như Lệ, Tích Tường, Chợ Sãi, Nại Cửu, Bích La, An Mô, An Lộng, An Tiêm, Đầu Kênh, Linh An, Long Quang, Lệ Xuyên . . . . liên tục bị oanh kích cho đến khi không còn một nóc nhà nào, không còn một cái cây nào nguyên vẹn. Chỉ trong một thời gian ngắn, bao nhiêu thôn làng thực sự "Destroyed” (Bị hủy diệt) vì bom pháo, không thể kịp mà cập nhật trên bản đồ.

     Vậy mà cái làng Quất Xá trù phú này vẫn nguyên vẹn thì kể cũng lạ.

     Rồi một ngày, khi bà con đang cơm nước buổi trưa thì chợt nghe từ xa ba tiếng súng. Ấy là tín hiệu báo động B52. Rồi lại ba tiếng súng nữa bắn lên ở ngay trong làng. Như mọi lần báo động khác, bà con lục tục kéo nhau xuống hầm. Không ai ngờ, lần này B52 trút thẳng bom lên đầu họ. Các căn hầm rung lên bần bật. Rồi đến các mảnh bom bổng, liệng vù vù như chong chóng, rơi lịch bịch trên đất, leng pheng vào mái tôn cùng với  đất đá ầm ào rơi loảng xoảng trên đó, khói bụi mù mịt. Cả ba loạt bom đều trúng vào làng.

     Rất may, cả nhà chị đã kịp xuống hầm và không bị trúng bom. Hai thằng cu sợ hãi, khóc ré lên. Thằng lớn ôm chặtt cổ bà nó còn thằng bé thì túm chặt lấy chị và rúc sâu vào lòng. Chúng vừa khóc vừa ho sặc sụa vì hơi bom. Bố chồng chị ở gần cửa hầm nhất. Ông nhảy khỏi hầm đầu tiên.

   Một cảnh tan hoang chưa từng thấy. Cây cối trong vườn lẫn với đất đai, cây que và những mảnh tôn ngổn ngang khắp nơi. Trái nhà bên tay mặt đã bay mất, phần còn lại của ngôi nhà bị đổ siêu về một phía . Mái nhà tốc gần hết chỉ còn vài tấm tôn. Một tấm tôn thõng xuống, vẫn đang đung đưa.

     Ông già chưa cho mọi người lên khỏi hầm nhưng chị đã bỏ thằng bé xuống cho bà nó và lao ra. Chị tất tả chạy qua đống đổ nát, bươn sang các nhà khác, vừa hay nhìn thấy bộ đội và mấy du kích khác cũng đang bổ đi tìm kiếm các hầm bị vùi lấp . . .

. . . (còn nữa)
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Mười Một, 2011, 10:07:17 pm gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

HaHoi
Thành viên
*
Bài viết: 513


« Trả lời #557 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2011, 12:11:50 am »

Lắm lúc em cứ tưởng mình đang đọc tác phẩm văn học đề tài chiến tranh chứ không phải là đọc hồi ký trên internet. Bác TTNL viết thực sự kỳ công! Không phải nịnh, nhưng thú vị như đọc Chu Lai, Bảo Ninh... vậy, thậm chí .... thôi,  em bỏ lửng comment. Các bác khác bàn ra tán vào rôm rả nên cuốn hút hơn đọc truyện trong sách.
Phải mỗi cái,  bác cứ Như lệ, tí tách mỗi ngày vài dòng, hệt như đang khát chỉ cho nếm thìa một .
Bác 2 Ruộng ơi, thôi, cũng may là mấy ổng ở bển bây giờ già cả, lại ôm mối hận trong lòng đâm ra  càng lú càng lẫn. Mấy chả đó đâu có được ngẩng cao đầu gõ bàn phím kể lại Khúc Nguyên phong như các bác .  Vậy nên theo ý em là : Kệ !   
Trong cách hành văn của các bác CCB SV , em để ý rằng các bác cũng rất độ lượng và công bằng. Em không thấy cái chữ " thù " trong đó.  Giá mà mấy bác cựu binh dù, biệt động quân ... đọc những bài này, em tin là họ càng hiểu thế nào là bộ đội " đàng mình".
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #558 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2011, 08:02:37 am »

.
Chuyện XXVIII     VỢ CHỒNG DU KÍCH – BIỆT KÍCH (tiếp 12)
    
 ...    Vậy mà cái làng Quất Xá trù phú này vẫn nguyên vẹn thì kể cũng lạ. ...

    

@TTNL: Bác nói về Quất Xá và quả thực khi tôi hành quân qua đây làng tuy bị bom đạn nhiều nhưng vẫn đẹp lắm.

Trích từ Ngược dòng ký ức :

...Trời sáng, chúng tôi lội qua sông Cam Lộ. Quãng sông này nước chỉ tới bụng, nước trong vắt chảy khá xiết nhìn rõ những tảng đá cuội dưới lòng sông. Qua khỏi sông là thôn Quất Xá, đây là ngôi làng đầu tiên chúng tôi gặp trên đất Quảng Trị. Nhà cửa tan hoang vì bom đạn nhưng không vì thế mà xóa hết vẻ trù phú của nó. Những nếp nhà xây bằng gạch táp-lô (ngoài ta gọi là pa-panh), mái lợp tôn nhôm mỏng, xung quanh là vườn tược với nhiều cây trái. Trước mặt nhà nào cũng có những bồn hoa cây cảnh và cây hương để cúng thần linh. Đường làng rộng rãi vuông vức như bàn cờ, cứ một quãng lại có một giếng thơi trong vắt. Dân làng hầu như đi hết để tránh bom đạn, chỉ lác đác bóng áo xanh bộ đội và mấy cô du kích bám trụ. Tôi tranh thủ lúc nghỉ chạy tạt vào ngôi nhà gần đấy mặc dù đã được cảnh báo về những nguy hiểm do mìn và lựu đạn địch cài lại. Trí tò mò muốn biết những gì khi bước chân vào vào vùng mới giải phóng. Đồ đạc trong nhà gần như còn nguyên vẹn: quần áo, chăn màn, đồ gia dụng, dụng cụ sản xuất, ngoài vườn còn có 1 máy kéo cỡ nhỏ hiệu Kubota chứng tỏ gia chủ là lớp người trung lưu ở nông thôn nhưng cũng chú trọng đến chuyện học hành của con cái qua những đống sách vở còn vương trên nền nhà. Trong đống lộn xộn đó tôi nhặt lên một cuốn không còn bìa, phủi lớp đất bụi, lật nhanh tôi thấy đây là một cuốn sách viết theo những điển tích cổ ngắn gọn đầy tính triết lý, dậy cách cư xử ở đời mà chúng tôi chưa bao giờ được đọc họa chăng chỉ được biết qua các câu chuyện kể của bà nội khi còn ấu thơ.Trang cuối là tên sách: Cổ học tinh hoa và tác giả là Ôn như Nguyễn Văn Ngọc. Tôi nhét vội cuốn sách vào túi cóc và chạy theo đơn vị. Chẳng phải mình tôi mà nhiều thằng cũng đang thu thu giấu giấu những cuốn sách nhặt vội trong những ngôi nhà ven đường.  
http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,17230.70.html
« Sửa lần cuối: 17 Tháng Mười Một, 2011, 06:50:39 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
nguyenhuuluanc17
Thành viên
*
Bài viết: 312


« Trả lời #559 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2011, 05:00:24 pm »

                  VỢ CHỒNG DU KÍCH – BIỆT KÍCH (tiếp 12)
  ....

     Kể từ ngày quân Giải Phóng đánh chiếm Quảng Trị thì bom B52 và pháo kích cũng bắt đầu dội lên những cánh rừng, các con đường và cả làng mạc nơi mà Mỹ và Quốc Gia nghi ngờ có đối phương đóng quân hay là đường hành quân và vận chuyển. Nhiều thôn làng  . . . . liên tục bị oanh kích cho đến khi không còn một nóc nhà nào, không còn một cái cây nào nguyên vẹn. Chỉ trong một thời gian ngắn, bao nhiêu thôn làng thực sự "Destroyed” (Bị hủy diệt) vì bom pháo, không thể kịp mà cập nhật trên bản đồ.

     Vậy mà cái làng Quất Xá trù phú này vẫn nguyên vẹn thì kể cũng lạ.

     Rồi một ngày, khi bà con đang cơm nước buổi trưa thì chợt nghe từ xa ba tiếng súng. Ấy là tín hiệu báo động B52. Rồi lại ba tiếng súng nữa bắn lên ở ngay trong làng. Như mọi lần báo động khác, bà con lục tục kéo nhau xuống hầm. Không ai ngờ, lần này B52 trút thẳng bom lên đầu họ.... Cả ba loạt bom đều trúng vào làng. ....

   Một cảnh tan hoang chưa từng thấy. Cây cối trong vườn lẫn với đất đai, cây que và những mảnh tôn ngổn ngang khắp nơi. ...
Tản mạn : không biết các chiến trường khác thế nào?  còn Quảng trị 72, nhất là từ tháng 7/72  trở đi mức độ  pháo và rải  bom B52 cực kỳ ác liệt. Bác nào đã nằm trong vùng pháo dàn hay bị B52 rải trúng chắc sẽ nhiều kỷ niệm khó quên. Còn dân chịu trận B52  xong thì phải tìm đường mà " di tản" , chỉ có lính phải cố thủ " Một sống- một chết , không lùi" mới trụ  lại thôi.
 Để bảo vệ Dân,  từ  đầu tháng 7  dân được lệnh di tản ra Vĩnh linh -  Chỉ còn Một số  du kích ở lại  các thôn . Dọc theo sông Thạch Hãn từ phía Tây xuống Cửa Việt - phía Đông, ra đến  Ái tử , Đông Hà không còn dân. Phía Bắc là các sư đoàn chủ lực Bắc Việt - phía Nam là các sư đoàn VNCH tinh nhuệ quần nhau  trên mặt đất , còn trên trời  có yểm trợ tối đa của là  máy bay và hỏa lực của  Mỹ. Cái ác liệt không tả hết được ....
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM