Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Năm, 2024, 12:37:40 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những chuyện không thể quên - Cười ra nước mắt (Phần 3)  (Đọc 339585 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quanghung1951
Thành viên
*
Bài viết: 117



« Trả lời #50 vào lúc: 27 Tháng Ba, 2011, 11:37:30 pm »

  Còn d2 bọn tớ nằm đằng sau ,có ai còn nhớ chuyện Nguyễn công Chấn c5 cắm cờ cảngCửa việt không ?
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #51 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2011, 08:03:24 am »

 Còn d2 bọn tớ nằm đằng sau ,có ai còn nhớ chuyện Nguyễn công Chấn c5 cắm cờ cảngCửa việt không ?
Bọn tôi ở d1 không trực tiếp ở khu vực cảng, đầu tiên có nghe nói NCC cắm cờ nhưng sau đó lại phổ biến là tiểu đội NCC cắm cờ. Sau này mình có dịp nằm an dưỡng ở c24 tại Gia Độ được anh em d2 giới thiệu 1 cậu người Hải Hưng người nhỏ thó giọng nói hơi âm bản (đến nay mình không còn nhớ tên) nhưng ấn tượng với cậu ấy thì không bao giờ phai nhạt. Trong đám anh em đi an dưỡng suốt ngày nhàn rỗi tụ bạ nhau tán phét (chém gió bây giờ),  trêu chọc nhau đều có mặt cậu ấy nhưng không bao giờ thấy cậu ấy nói về mình mà chỉ ngổi cười không tham chiến. Anh em kể rằng chính cậu ấy đã trèo lên cắm cờ sau đó bị thương đi viện. Còn về NCC lúc ấy là a trưởng, nhưng về sau thì thấy ca ngợi NCC là người cắm cờ. Đến khi cậu cắm cờ đích thực ấy trở về đơn vị thì người ta chỉ nói đến tiểu đội cắm cờ của NCC mà thôi...

Bác quanghung1951 là người của c5/d2/e101 là người trong cuộc đánh giá việc này thế nào ?

Cuối năm 2006 anh em CCB 325 của Tiên Lữ có mời tôi về nhân dịp 35 năm ngày nhập ngũ và nhận KNC Quyết chiến Bảo vệ thị xã thành cổ QT hè 1972 do BLL bạn chiến đấu bảo vệ TX thành cổ QT trao tặng (của đồng đội trao cho nhau - thế mới quý), tôi có gặp NCC. Ông ta ra quân với hàm 4/, hôm ấy ông ta cũng nổ quá trời, tôi hỏi thăm anh em về người lính cắm cờ Cửa Việt đích thực năm ấy mà không có tin tức gì...

Bác nào có thông tin về người lính ấy cho tôi biết với.
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Ba, 2011, 01:11:36 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #52 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2011, 05:59:07 pm »

.
CHUYỆN XVI     TRÀ LIÊN TÂY   (tiếp 15)

      Còn ít ngày nữa là được hai năm trong quân ngũ. Thế mà mới chỉ có hai năm. Hai năm biết bao nhiêu là sự, đi biết bao nhiêu là đường đất, ở biết bao nhiêu nơi chốn. Biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, bao nhiêu cười và bao nhiêu lần rơi lệ. Đời lính cứ xuyên qua ngày tháng, mải miết đi. Mấy khi ngoái lại nhìn những con đường dài đã đi qua, mấy khi nhìn thật xa về phía trước mà thấy ngày về. Ngày trở về, phải là ngày mà cuộc chiến này đã thắng. Biết là năm năm hay mười năm, . . . Thường thì chẳng khi nào hỏi mà cũng không bao giờ có câu trả lời. Nhưng mà ngày đó sẽ đến. Bất luận là lúc đó như thế nào mỗi người lính đều góp sức thúc đẩy nó đến gần hơn. Có thể biết và không biết mình có còn đến ngày đó hay không - Một triết lý tự nhiên đối với mỗi người lính - không lo lắng, không đợi chờ.

      Đại đội tôi có 5 đứa cùng nhập ngũ một ngày – ngày 6/9/1971. TraLienTay hết năm 2 ĐHSP, Hà Văn Tất hết năm 2 ĐHY, Trần Văn Việt hết năm1 ĐHY. SauChinBayMot và tôi vừa hết năm một ĐHTH. Hai thằng học cùng lớp và theo nhau suốt từ ngày nhập ngũ đến nay, chuyển qua nhiều đơn vị khác nhau nhưng lúc nào cũng có đôi. Năm thằng tụ lại c20 từ tháng 1/1972 đến giờ. TraLiênTay có sáng kiến họp nhóm 6/9/71 để kỷ niệm hai năm. Ban ngày phải tập tành. TraLienTay là bê trưởng, Tất và Việt là y tá của đại đội, SauChinBayMot và tôi là a trưởng, không thể bỏ anh em để tổ chức kỷ niệm riêng được. Chúng tôi chọn buổi tối, sau giờ điểm danh để gặp nhau. Tôi đưa ra ý kiến là họp mặt trên thuyền thả trôi trên sông Thạch Hãn cho nó bí mật và lãng mạn. Tôi được phân công lo “món” thuyền. TraLienTay thì lo viết giấy mời 3 vị khách. Đó là Hùng “côn”, An “đen” và anh Thắng “quản”. Tất cả là 8 “nhân khẩu”. Đồ liên hoan thì mỗi người đóng góp một ít, ai có gì góp nấy, chỉ là đồ ngọt, nhẹ nhàng.

      Giữa hai thôn Trà Liên Tây và Trà Liên Đông có một bến đò. Người chèo đò là cha con út Túy ở gần nhà tiểu đội 2 của tôi. Tôi đã nói chuyện với ông già để mượn thuyền và ông già vui vẻ cho mượn ngay vì ông rất biết tôi. Mỗi lần có dịp qua sông bao giờ tôi cũng chèo đò thay cho ông hay thay cho út Túy. Lần đầu, ông già phải dạy tôi từng động tác “bát”, “cạy” và chỉ một lần qua sông là tôi đã biết cách chèo thuyền. Nhiều lần qua sông, tay chèo tôi đã vững nên ông già rất yên tâm. Ông già có hai con thuyền, một con thuyền bằng gỗ cũ ông vẫn chở bà con sang sông bao nhiêu năm nay. Sau ngày ngừng bắn, ông kiếm được ở Ái Tử một con thuyền bằng đuya-ra sơn màu cứt ngựa. Con thuyền này có vẻ như là một chiếc xuồng máy của lính Mỹ nhưng không còn máy gắn trên đó. Được cái nó cũng rất nhẹ và lướt tốt.

      Cái giấy mời mà TraLienTay làm rất cầu kỳ, bay bướm. Ngày giờ mời khách còn được cho vào một câu đố có tính chất toán học. Chả gì cũng là lính sinh viên mà lỵ. Chuyện này bác 6971 đã kể trong chuyện “Nhật Ký Viết Lại”.

     Sau giờ điểm danh, mọi người đi ngủ cả. 5 thằng 6/9/71 và anh Thắng “quản” đã có mặt ở bến đò. Trăng  đã mọc ở phía bên kia bờ sông. Đêm nay là một đêm gió mát nhưng nhiều mây. Tuy vậy nhờ có trăng nên đêm khá sáng. Chúng tôi có thể nhìn ra rất xa. Làng Trà Liên Đông đen thẫm những rặng tre in hằn lên trên nền trời bàng bạc. Mặt sông cũng sáng mờ mờ, lấp lóa sóng nước. Nhìn về phía Trà Liên Tây, ánh trăng muộn đang lên nhuộm một màu xám mờ ảo. Làng xóm đã chìm vào giấc ngủ, không một tiếng gà gáy hay tiếng chó sủa. Gió hiu hiu thồi,  những cây tre đung đưa, khe khẽ phát ra tiếng kêu kẽo kẹt làm cho cảnh đêm càng thêm thanh vắng.

      Chờ mãi không thấy Hùng và An đến. Mọi người quay sang phía TraLiênTay lo lắng sợ câu đố toán có làm cho hai thằng đó tính toán sai ngày giờ không. Bác TraLienTay cứ giãi bày mãi là cái bài toán ấy cho nó vui thôi chứ ai mà chằng giải ra được. Chờ lâu vẫn không thấy khách, mọi người mới trèo lên thuyền. Tôi đẩy con thuyền ra khỏi bờ rồi nhảy lên sau cùng. Tôi chèo thuyền ra đến giữa sông và thả cho thuyền trôi tự do. Đã qua mùa lũ, nước sông Thạch Hãn chỉ chảy chầm chậm.

      Cũng dòng sông này, một năm trước đây đã dậy sóng ngày đêm bởi pháo kích, nhấp nhoáng lửa, ùng oàng đạn nổ và đỏ ngầu mặt nước. Doanh, bạn tôi đã bị trúng pháo đúng cái đêm 16/9 năm ngoái khi vượt từ bên Thành sang bờ Nhan Biều. Bạn đã trôi đi đâu ? Bạn về với biển ? Hay bạn nằm lại đâu đó dưới đáy sông ?. . . chơi vơi ! Mẹ đã đi tìm bạn. Nắm đất ven bờ, nơi Thành Cổ, thấm máu, giờ trở thành ngôi mộ - Trịnh Thúc Doanh.

. . . (còn nữa)
Logged

lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #53 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2011, 01:33:30 pm »

.
CHUYỆN XVI     TRÀ LIÊN TÂY   (tiếp 15)

      .... Cũng dòng sông này, một năm trước đây đã dậy sóng ngày đêm bởi pháo kích, nhấp nhoáng lửa, ùng oàng đạn nổ và đỏ ngầu mặt nước. Doanh, bạn tôi đã bị trúng pháo đúng cái đêm 16/9 năm ngoái khi vượt từ bên Thành sang bờ Nhan Biều. Bạn đã trôi đi đâu ? Bạn về với biển ? Hay bạn nằm lại đâu đó dưới đáy sông ?. . . chơi vơi ! Mẹ đã đi tìm bạn. Nắm đất ven bờ, nơi Thành Cổ, thấm máu, giờ trở thành ngôi mộ - Trịnh Thúc Doanh.

. . . (còn nữa)


Theo gia đình và đồng đội kể lại ông cụ thân sinh ra Trịnh Thúc Doanh là bác sĩ viện 108 và là bạn với e trưởng e95 Lý Long Quân người Tày Cao Bằng. Doanh là vệ binh của e95. Khi e95 vào QT, ông Quân cho Doanh tranh thủ về phép mấy ngày. Sau mấy ngày tranh thủ, Doanh đuổi theo đơn vị lúc này đã nằm trong thành cổ. Vũ Văn Toàn (giờ là Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Hưng Yên) cùng hầm với Doang kể lại: cái đêm cuối cùng bên bờ sông TH, ta chỉ còn bám lại một phạm vị rất hẹp quanh hầm dinh tỉnh trưởng. Doanh còn 1 hộp sữa đặc mang từ bắc vào, họ dùng que thông nòng AK để đục ra và thay nhau mút. Có lẽ sữa đặc cộng với nước sông làm cho họ bị quan tào đuổi. Lệnh rút được truyền đến hầm của họ, Doanh chui ra khỏi hầm, vừa tụt xuống nước (do bờ sông dốc đứng) thì 1 quả pháo nổ trúng nay nơi Doangh vừa tụt xuống. Toàn ra sau chứng kiến phút giây cuối cùng của Doanh...

Tình cờ tôi công tác ở NH lại cùng phòng với cô em dâu của Doanh (vợ của Tân , em trai Doanh). Bà mẹ của Doanh đã bao lần đi QT để tìm mộ của con nhưng đều vô vọng. Khi cô em dâu của D về làm cùng phòng với tôi và biết tôi rất hay đi QT và đã làm được một số việc. Tôi có trao đổi với mẹ của D căn cứ vào phiên hiệu đơn vị khi báo tử sẽ cố gắng tìm ra những đồng đội của D biết đến nơi hy sinh và nếu không tìm ra sẽ giải quyết bằng cách đưa 1 nắm đất nơi D hy sinh để đưa về quê nhà như những trường hợp mà tôi đã làm với những LS không tìm thấy mộ. D là lính của e95 nhập ngũ 6/9/1971 từ ĐHBK. Bên ĐHBK tôi có rất nhiều bạn rất tâm huyết trong việc đi tìm đồng đội trong số đó phải kể đến Nguyễn Dũng hiện là GV khoa Hóa của ĐHBK, người mà bao năm nay cứ lặng lẽ một mình lập được 1 danh sách LS của e95 thông qua rất nhiều kênh như của đơn vị, của NTLS địa phương và thông tin của đồng đội để báo cho gia đình LS được biết. Dũng đã tìm ra Vũ Văn Toàn, người Yên Mỹ, Hưng Yên, là người nằm cùng hầm và chứng kiến phút giây cuối cùng của D. Đồng đội của D đã đưa bà mẹ vào bờ sông TH nơi D hy sinh bốc một nắm đất đưa về NTLS quê nhà tại xã Định Công, Thanh Trì (nay là phường Định Công, quận Hoàng Mai), Hà Nội. (Doanh họ Trịnh bên Định Công Hạ, tôi họ Lê bên Định Công Thượng )

Qua những việc thực tế đã làm để xác định phần mộ LS hy sinh sau bao nhiêu năm tôi cũng đã nhiều lần viết thư gửi tới một số cơ quan chức năng và một số cơ quan thông tấn để cùng nhau giảm bớt thời gian và công sức cho gia đình LS cũng như của xã hội:

- Các cơ quan TBXH của các địa phương cần có những thông tin về mộ phần các LS tại các NTLS để phục vụ việc tra cứu tìm tên LS tránh khỏi việc đi tìm khắp nơi 1 cách tù mù, việc này sẽ bớt chi phí đi lại rất nhiều.

- Bộ QP cần công khai các phiên hiệu đơn vị chiến đấu, mật danh cũng như địa bàn tác chiến của các đơn vị trong chiến tranh từ đó sẽ khoanh vùng nơi LS hy sinh và sẽ giúp cho những CCB còn sống biết để tìm đến nhau và tạo thuận lợi cho việc tìm kiếm LS. Tôi được biết trong chiến tranh từ cấp đại đội trở lên đều có nhật ký tác chiến để báo lên cấp trên. Sau mấy chục năm cần phải công khai.

- Tìm những đồng đội đi cùng 1 đợt với LS và truy tìm dần ra đơn vị khi LS hy sinh.

- Qua các nhà ngoại cảm, đây là việc của gia đình làm. Riêng tôi đã chưa một lần nào xác nhận việc bạn bè LS của tôi được tìm về nhờ các các nhà ngoại cảm. Trường hợp của Sơn c1/d1/e101 người Hải Phòng hy sinh ở khu vực quê ông Duẩn thế mà ông L. lại chỉ lên Thượng Phước nơi Huỳnh hy sinh thuộc địa bàn của e95 (có nghĩa xác trôi ngược lên trên đó cách 15km và bằng cách nào đó lại lên đồi). Hay gia đình anh Được bị 1 đường dây đi tìm LS giả dăng ra theo các chân gỗ ở HN dẫn vào Đà Nẵng rồi lừa đảo cũng dẫn vào đồi Chè bới bậy bới bạ. Cũng nhờ có các đồng đội và đồng bào địa phương vạch trần hành vi lừa đảo của bọn chúng...rất nhiều trường hợp khác nữa.

Thực tế việc đi tìm LS Tô Văn Ty ở c1/d14/f325 khi chị gái của LS đã đi tìm em trai mình gần 30 năm trời vào tận An Giang (địa bàn hoạt động của 101D/f325C), trong khi f325D hoạt động tại QT. Chính chúng tôi tình cờ gặp chị và được biết phiên hiệu c1/d14/f325 qua giấy báo tử đã liên hệ với anh em d14 từ đó tìm ra những đồng đội đã chôn cất Ty ngay đối diện tháp canh đầu cầu xe lửa qua sông TH. Ty nhập ngũ tháng 1/1972, hàng năm anh em đồng đội của f325 nhập ngũ ngày đó đều gặp lại nhau nên thông tin về Ty dễ tìm ra. Sau hơn một tháng kể từ khi chúng tôi thông báo cho anh em bên d14 biết Ty đã được đưa về NTLS huyện Gia Lâm.

Xin lỗi TTNL đã đi quá xa câu chuyện của bạn rồi.


Nguyễn Dũng c18/e95/f325-hiện là GV khoa Hóa ĐHBK


Vũ Văn Toàn thứ tư từ phải sang

« Sửa lần cuối: 29 Tháng Ba, 2011, 04:41:33 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #54 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2011, 11:27:57 pm »

.
CHUYỆN XVI     TRÀ LIÊN TÂY   (tiếp 16)

      Con thuyền lãng đãng trôi trên dòng Thạch Hãn. Mọi người ôn lại những kỷ niệm từ ngày nhập ngũ. Rồi chuyện Thành Cổ, Tích Tường Như lệ, Nhan Biều, Xuân An, Ái Tử, cao điểm 108, cao điểm 20, Phương Thúy, Tanh Lê, Tân Kim, Quất Xá. Thôi thì Nhã Nam, Yên Thế, Việt Yên Hà Bắc đến Kỳ Sơn, Kỳ Anh Hà Tĩnh, Quảng Trạch, Bố Trạch, Lệ Thủy, Bãi Hà, Bến Hải, . . .  Tranh nhau nói, tưởng như không bao giờ cho hết.

      Khi thuyền đã trôi đến quá thôn Trà Liên đến khúc sông rộng đã quá nửa đường tới ngã ba sông Cam Lộ (Hiếu Giang), mọi người mới bất chợt bừng tỉnh. Tôi vội chèo thuyền, ngược dòng một đoạn rất dài. Mọi người vẫn tiếp tục chuyện trò rôm rả. Không ai để ý xem con thuyền đã ngược đến đâu.

      Rồi lại bất chợt, ai đó giật mình tỉnh giấc mộng mà kêu lên rằng: “Chết rồi ! Có khi gần đến An Mô rồi ! Chỉ tẹo nữa thôi là đến vùng  địch đấy !” Ai nấy đều hú vía, thót tim. Nếu tôi quá tay chèo tí nữa thì xong. Địch mà thấy thuyền đi giữa sông thì trên bờ chúng nó choang chết ngay tắp lự. Kinh Thật ! Chỉ có mình tôi là biết thuyền đang ở đâu. Nhưng mà tôi chẳng nói gì. Cứ kệ cho mọi người nghĩ thế. Sau này, chuyện đêm đó “xuýt” đi chơi vào vùng địch được ghi vào nhật ký của bác SauChinBayMot và nhiều lần ôn lại kỷ niệm này thấy vẫn hay. Ngay cả khi chỉ có hai đứa SauChinBayMot và tôi, bác ấy nhắc lại, tôi vẫn “im thin thít như thịt nấu đông”. Cứ để như vậy cho câu chuyện thêm phần thú vị. Còn với riêng tôi, lại có cái thú vì mọi người tá hỏa lên. Cớ sao phải cải chính làm gì cho mất hứng của câu chuyện nhỉ ?

      Nhưng gần 40 mươi năm rồi cũng đến lúc nói ra sự thật. Sự thật cũng chẳng làm ai mất hứng nữa !

      Lúc đó mọi người mải nói chuyện nên không nhìn ra xung quanh. Lúc giật mình mới tá hỏa lên tưởng đã gần địch lắm. Thật ra, con thuyền chưa đến khúc sông quẹo ở đoạn Tả Kiên. Đoạn này, sông ngoặt gấp, lòng sông có nhiều đá, khá nông và nước chảy nhanh hơn nhiều. Đến đoạn này cũng còn chán mới tới chỗ địch. Phải qua một đoạn trống dài của sân bay Ái Tử mới đến chỗ địch. Dù sao thì việc nhầm đó đem lại cảm xúc cho mọi người chứ có gì đâu mà phải đính chính. Đến bây giờ đính chính cũng đâu có muộn.

      Tôi sẽ mô tả vị trí con thuyền đêm đó trên bản đồ dưới đây.

      Trên bản đồ, chúng tôi xuất phát từ điểm A, Để cho thuyền trôi đến điểm B. Chèo thuyền từ B đến C. Điểm D là điểm ngoặt ở thôn Tả Kiên, chỗ này nước chảy xiết hơn, dưới đáy có đá. Khi bơi lấy củi các lần thứ hai trở đi trong trận lụt hai tháng trước đó, tôi đều phải lội dọc theo đường làng đến gần điểm D mới lao ra sông. Nếu đi ngược dòng một chút nữa là chạm vào khu vực Ái Tử. Đến đây, bên bờ sông phía tây không còn làng mạc cây cối gì nữa. Lúc bơi thuyền đến điểm C mọi người tá hỏa lên. Tôi cứ để vậy cho máu lính nó bốc lên đầu một tý. Xúc cảm ấy vẫn còn giữ gần 40 năm sau mỗi khi nhắc lại.

      Bây giờ mới nói ra sự thật là, . . . còn xa địch lắm !

      Bác SauChinBayMot và TraLienTây tha cho tôi tội im lặng nhé ! Cái tội im lặng - “không chết người” !

. . . (còn nữa)

Logged

sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #55 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2011, 05:38:20 pm »

... con thuyền chưa đến khúc sông quẹo ở đoạn Tả Kiên. Đoạn này, sông ngoặt gấp, lòng sông có nhiều đá, khá nông và nước chảy nhanh hơn nhiều.


Có phải quãng sông quẹo và ngoặt gấp này không? Giữa sông có phao cảnh báo đá ngầm. Xa xa hình như là Động Ông Do. Cảm giác tự nhiên và thanh bình quá nhỉ!
« Sửa lần cuối: 31 Tháng Ba, 2011, 11:05:45 pm gửi bởi sauchinbaymot » Logged

Nhật ký Viết lại
tralientay
Thành viên
*
Bài viết: 301


« Trả lời #56 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2011, 05:49:31 pm »

--
Có phải quãng sông này không? Giữa sông có phao cảnh báo đá ngầm. Xa xa hình như là Động Ông Do. Cảm giác tự nhiên và thanh bình quá nhỉ!
--

Trinh sát cho rằng trong ảnh có một ''tên địch''  Grin
Logged
Hieu6x
Thành viên
*
Bài viết: 52


« Trả lời #57 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2011, 08:27:17 pm »

Tên trong hình không mặc quân phục, làm sao bác biết nó là "địch". Nhìn dáng quen quen.
Logged

Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình
Tim tôi luôn gắn bó với dòng sông tuổi thơ.
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #58 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2011, 06:12:07 pm »


Có phải quãng sông quẹo và ngoặt gấp này không? Giữa sông có phao cảnh báo đá ngầm. Xa xa hình như là Động Ông Do. Cảm giác tự nhiên và thanh bình quá nhỉ!

      Chính xác là đoạn này đấy bác 6971 à !

Tên trong hình không mặc quân phục, làm sao bác biết nó là "địch". Nhìn dáng quen quen.

      Tên địch này là lính "thám báo" thuộc đại đội "thám báo" sư đoàn 325 đấy bác Hieu6x à !
-----------------------------------------------------------------------------------------------

CHUYỆN XVI     TRÀ LIÊN TÂY   (tiếp 17)

      Sau khi ngừng bắn, tôi mới biết đại trưởng mới là anh Đinh Ngọc Ngơi và chính trị viên mới Nguyễn Văn Phi. Anh Ngơi người Ninh Bình, tôi đã có lần ở gần anh vài ngày trên ban 2, còn anh Phi người Thái Bình. Xê viên phó vẫn là anh Đặng Ngọc Ánh và đại phó vẫn là anh Võ văn Thời. Anh Thời, quê ở Tam Hiệp, Núi Thành, Quảng Nam. Tôi chưa lần nào đi công tác lẻ với anh Thời. Khi tôi học binh địa ở d74 về đến đại đội thì anh Thời đang ở Nhan Biều. Anh Thời người rất gày, có giọng nói “nguyên chất Oẳng Nơôm – Khó kheeng, Kheéc phuục”. Anh là người cao tuổi thứ nhì đại đội tôi (1941), sau anh Ngơi (1940).

      Cách đây vài tháng, anh Khâm, xê viên đầu tiên của xê 20 của chúng tôi thông báo đã tìm ra địa chỉ và số điện thoại của anh Thời. Chúng tôi ai nấy đều rất phấn khởi. Cách đây mươi ngày, anh Khâm từ Nha Trang ra và cho biết, anh đã đến nhà anh Thời ở thôn 4, Quế Phong, Quế Sơn, Quảng Nam. Anh em gặp nhau mừng lắm. Rất nhiều chuyện anh Thời kể lại mà trước đây chúng tôi chưa hề biết. Cái ngày ở Trà Liên Tây, thấy anh hiền lắm, chân chất, từ trước đến nay vẫn vậy. Nghe nói anh đã mấy lần dũng sỹ! Nhưng mà nghe chuyện anh kể, mới thấy anh rất “gấu”.

      Cái ngày đang giành giật nhau ở Thành Cổ. Lệnh từ ban 2 xuống cho toán của anh Thời là phải đưa anh em đặt đài trên cái nhà 2 tầng để quan sát và nắm địch. Trên ban còn chỉ định rõ tên từng người trong đó có Bùi Văn Thắng lên đặt đài ở đó. Anh Thời phản ứng lại: “ Yêu cầu chúng tôi đặt đài là việc tui nhận nhiệm vụ với ban, còn chuyện điều người là thuộc quyền của tui.”  Vị trên ban tức lắm nhưng không làm được gì. Sau đó, biết việc đặt đài trên cái nhà tầng đó là chắc chết vì bất cứ lúc nào cũng có thể bị bắn chết ngay lập tức. Nghĩ thương anh em phải chết vô ích, anh Thời cứ lẳng lặng không cử người lên làm đài ở nhà tầng. Chuyện này, một lần nữa bị ai đó ghi nhớ là “chống lệnh”.

      Thì, . . . ngay ngày hôm sau một trận pháo đã cho bay mất cái nhà tầng.

      Gì thì gì chứ chuyện chống lệnh,  dù đúng hay sai,  mình anh phải chịu và anh Thời bị ghi nhận như là một tay “rắn mặt”. Thể nào cũng có lúc bị “dằn mặt” cho biết. Nhưng lúc đó đang ác liệt, không thể rút anh Thời về được. Chuyện cứ để đấy đã.

. . . (còn nữa)
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Tư, 2011, 06:20:05 pm gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #59 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2011, 09:42:24 am »


Có phải quãng sông quẹo và ngoặt gấp này không? Giữa sông có phao cảnh báo đá ngầm. Xa xa hình như là Động Ông Do. Cảm giác tự nhiên và thanh bình quá nhỉ!

      Chính xác là đoạn này đấy bác 6971 à !

Tên trong hình không mặc quân phục, làm sao bác biết nó là "địch". Nhìn dáng quen quen.

      Tên địch này là lính "thám báo" thuộc đại đội "thám báo" sư đoàn 325 đấy bác Hieu6x à !


Bổ sung nhân thân của tên "lính này": hắn vốn dĩ là là SV của DHXD và là 1 lính có số má của c1/d1/e101/f325. Sau đơn vị khi rút khỏi khu vực Nại Cửu, Chợ Sãi, An Tiêm để ra Gio Linh (10/1972), hắn được gọi ra học sĩ quan , anh em  ai cũng mừng cho hắn được ra Bắc, thế mà hắn lại trở thành lính thám báo của sư 325 sau lại trở về tiểu đội viễn thám của sư. Sau này hắn tiếp tục về đi học. Nghề của hắn bây giờ là nơi nào cầu sắp xập hay chuẩn bị thông xe là hắn lại có việc. Bác nào thấy ở đâu cầu hỏng hoặc sắp xập thì a lô cho hắn là hắn cười tươi ngay.  
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM