Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:29:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ truyện kể với bạn bè  (Đọc 104748 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #80 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2010, 09:53:02 pm »

 Trong các đoàn dân công hoả tuyến vận chuyển bằng phương tiện thô sơ, xe thồ có một vị trí quan trọng dẫn đầu về năng suất.

 Chiếc xe đạp thồ phục vụ tiền tuyến đã xuất hiện từ những năm đầu kháng chiến, khi mà những trục đường lớn bị nhân dân phá hoại để làm chậm bước quân thù. Qua nhiều chiến dịch trước, chiếc xe thồ trở thành phương tiện vận tải tiện lợi, với năng suất không ngừng tăng lên, đã góp phần không nhỏ vào chiến công của anh bộ đội. Trải qua nhiều lần cải tiến, đến chiến dịch này, chiếc xe đạp thồ càng hoàn chỉnh và được huy động với số lượng chưa từng có: hơn hai vạn chiếc. Trong kháng chiến, đối với anh em xe đạp thồ, chiếc xe là đầu cơ nghiệp, nuôi sống cả gia đình. Trước yêu cầu phục vụ tiền tuyến, nhiều anh em, cũ có, mới có, hăng hái đến trụ sở ghi tên xung phong đi chiến dịch. Nhiều chiếc xe mang nhãn hiệu khác nhau, được bổ sung những bộ phận kỳ dị ngoài thiết kế  ban đầu, như “tay ngai, phuốc phụ, đuôi phụ, cọc thồ... để tăng thêm sức chịu đựng  trên những chặng đường rừng núi hiểm trở. So với một dân công gánh trung bình 25 kilô thì một xe đạp thồ năng suất gấp 7 – 8 lần. Đột xuất là kỷ lục của các anh Cao Văn Tý, Ma Văn Thắng, 325 ki-lô - tức là gấp 13 lần dân công gánh.

 Anh em được tổ chức thành từng đội, từng đoàn, có “xưởng sửa chữa” lưu động với bộ đồ nghề, với phụ tùng thay thế và cả với bếp than để vá chín. Dọc đường, “xưởng sửa chữa” sẵn sàng thay lốp, lên vành, hàn khung, bảo đảm toàn đội không bị  rơi rớt. Đêm đi, ngày nghỉ. Chiều chiều xe đã được bảo dưỡng,ra trạm nhận hàng rồi toàn “binh đoàn ngựa sắt” lại lên đường. Câu hò vang lên:

Mau lên, hỡi bạn xe thồ.
Đường ra mặt trận vui mô cho bằng
Vượt đèo qua suối băng băng
Xe thồ đè bẹp xe tăng quân thù...

Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #81 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2010, 09:56:20 pm »

 Mỗi lần lên đèo xuống dốc, phải “đấu” 6 người một xe và tiếng hò lại vang lên:

 
...”Binh đoàn thiết mã” – xe thồ
Trập trùng đèo dốc, lần mò suốt đêm
Hò dô ta... này...
... Khuỳnh khuỳnh một chiếc tay ngai
Đèo cao – đẩy vượt, suối dài – vác qua.
Dù cho mưa rét, phong ba,
Lương thực đạn dược phải đủ để quân ta diệt thù
Hò dô ta... này...

 Có anh tinh nghịch đã “xuyên tạc” bài Hò kéo pháo của bộ đội để động viên “binh đoàn ngựa sắt”.

Đoàn “tay ngai” nào !
Cố gắng ta vượt qua đèo
Đoàn “tay ngai” nào
Cố gắng ta vượt qua suối...

 “Đối tượng” mà các anh hay chạm trán trên đường ra trận là các chị, các cô dân công. Đôi bồ, đôi sọt đè trĩu vai nhưng các cô vẫn không ngừng trêu chọc. Một cô mở đầu: “Ơ, mấy cái ông kia dại nhỉ, có xe chẳng nhẩy lên mà đi, lại đẩy”. Cô khác tiếp luôn: “Khốn nỗi, người ta có biết đi đâu mà chẳng đẩy”. Rồi cô thứ ba: “Xin chào mấy ông “cán bộ tay ngai” ra trận”...

 Và cứ thế, kèm theo những tiếng cười hồn nhiên...

 Cũng có khi trong đoàn dân công gái vọng lên một câu hò, một lời tâm tình, gửi ai:

Quê em, đất nhãn Hưng Yên,
Vượt qua vùng địch, em lên với chàng...
...Trăng lên đỉnh núi, trăng tà,
Em đi tiếp vận, xa nhà vẫn vui...
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #82 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2010, 10:00:11 pm »

 Vui chân trên đường ra mặt trận, các cô không hề biết rằng công việc bình thường của người dân kháng chiến như các cô, đã khiến ký giả nước ngoài hết sức khâm phục. Trong cuốn sách "Mắt thấy ở Việt Nam", nữ ký giả Pháp Y-von Pa-nhi-nét đã vẽ lên một hình ảnh mang tính so sánh đầy ý nghĩa. Y-von viết: “Than ôi máy bay của ta lại thua đôi bồ dân công của Việt Minh...!” Đôi bồ dân công thẳng không quân địch! Câu nói có vẻ quá lời, nhưng lại là sự thật. Còn đối với anh em dân công thuộc “binh đoàn ngựa sắt”, thì Giuyn Roa tác giả cuốn "Trận Điện Biên Phủ" lại nêu một nhận xét khác: “Tướng Na-va bị thua, chính là vì những chiếc xe đạp thồ những kiện hàng 200 – 300 ki-lô, được điều khiển bởi những con người ăn không thật no và ngủ thì nằm ngay trên những mảnh ni lông trải trên đất... Không phải các phương tiện khác đánh đánh bại tướng Na-va mà chính là trí thông minh và ý chí quyết thắng của đối phương đã quật ngã ông...”.

 Từng cung độ, từng chặng đường, anh dân công thồ, chị dân công gánh đi lại an toàn, thông suốt vì sát cánh với dân công là những binh đoàn bảo đảm giao thông ngay trên mặt đường.

 Na-va và đồng bọn tìm mọi thủ đoạn để đánh giá tuyến đường tiếp tế của ta. Không  quân địch tập trung oanh tạc những nơi xung yếu như đầu mối giao thông, những đoạn đường hiểm trở khó chữa, câu phà và những đoạn đường chạy qua đồi trống, bãi lầy. Các đèo Pha Đin, Lũng Lô, ngã ba Cò Nòi bến phà Tạ Khoa... đều là những mục tiêu đánh phá hàng đầu của  máy bay địch. Riêng ở Cò Nòi – nơi mà một kế hoạch của không quân địch quy định hàng ngày phải trút đủ xuống 69 tấn bom – sau mỗi đợt oanh tạc, đường biến thành những hố sâu, phải làm đường vòng. Địa hình ở đây thay đổi hàng ngày. Chỉ trong hai tháng đầu 1954 tổ quan sát đã phải vẽ lại sơ đồ con đường 19 lần. Ngoài việc dùng bom đánh phá, gồm cả bom nổ ngay và nổ chậm, địch còn thả mìn nhảy bom bướm, chông sắt... hòng cản trở bước chân của dân công gây khó khăn cho các đoàn vận tải cơ giới.

 Để bảo đảm đường tiếp tế luôn thông suốt, ta đã dùng mọi biện pháp  làm thất bại thủ đoạn đánh phá của địch. Một nửa lực lượng phòng không được điều về tăng cường bảo vệ những đoạn đường xung yếu nhất nên đã hạn chế một phần quan trọng hoạt động của không quân địch.

 Trên các vùng trọng điểm, bộ đội công binh, thanh niên xung phong và dân công là lực lượng thường xuyên sửa chữa đường sá, sẵn sàng vận động nhanh chóng đến những nơi địch đánh phá. Ở từng khu vực xung yếu địch thường thả bom đạn nổ chậm. Thủ đoạn này ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động trên tuyến đường vận tải. Thật là căng thẳng khi trên mặt đường đầy những hố bom nham nhở, những cờ cắm báo nơi có bom nổ chậm. Vì vậy, phá bom nổ chậm trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Trên cả hệ thống hơn 3.000 ki-lô-mét đường từ khắp các miền hậu phương lên Điện Biên Phủ, hơn 5.000 chiến sĩ công binh được rải ra làm nòng cốt phá bom nổ chậm ở những nơi xung yếu: 1.200 thuỷ thủ chuyên bảo đảm giao thông trên 60 bến phà.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #83 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2010, 10:02:15 pm »

 Trước thủ đoạn thâm hiểm của địch, các chiến sĩ xung kích bảo vệ cầu đường giữ vững quyết tâm:

Mặc cho bom nổ chặn đầu
Chúng ta cũng quyết sửa mau thông đường
Dù cho có bị tử thương
Chúng ta quyết giữ mạch đường lưu thông...

 Thành tích và kinh nghiệm phá bom nổ chậm của chiến sĩ thi đua Chu Văn Khâm được phổ biến rộng rãi, đã trở thành động lực thúc đẩy phong trào thi đua phá bom, tháo bom trong thanh niên xung phong, dân công, kể cả dân công các dân tộc ít người. Hàng chục tấn thuốc nổ tháo từ các quả bom phá đường của địch được dùng vào việc sửa đường của ta.

 Trong suốt mấy tháng tổ chức và thực hành chiến dịch bộ đội, dân công và thanh niên xung phong đã giữ vững quyết tâm, thực hiện được yêu cầu đề ra cho các tuyến đường.

 - Không để tắc đêm, hạn chế tắc giờ

 - Không một đêm để lỡ kế hoạch vận chuyển

 - Không bỏ sót một quả bom nổ chậm.

 Như Giuyn Roa sau này thú nhận trong cuốn "Trận Điện Biên Phủ": “Đã có hàng trăm tấn bom được ném xuống các tuyến giao thông và những con đường tiếp vận của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhưng chưa bao giờ cắt đứt nổi những con đường ấy”. Còn tham mưu trưởng quân đội Pháp, tướng Ê-ly, sau khi sang điều tra nguyên nhân thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ, đã phải rút ra kết luận: “Một lần nữa, kỹ thuật lại bị những con người có tâm hồn và một lòng tin đánh bại”.

Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #84 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2010, 08:04:40 pm »

 Thật ra, tầm mắt của họ mới nhìn thấy kết quả các thủ đoạn đánh phá của không quân Pháp, trên các trục đường bộ. Có những nơi khác, cuộc đấu tranh để đưa được hạt gạo tới tay người chiến sĩ nuôi quân cũng không kém phần ác liệt. Ví dụ như trên dòng sông Nậm Na, phía Bắc Lai Châu.

 Đưa gạo từ Bản Nậm Cúm ở sát biên giới về Lai Châu bằng dòng sông Nậm Na là con đường thuận lợi nhất nhanh nhất. Nhưng vận chuyển trên dòng sông nay là một việc mà đồng bào địa phương coi là một việc lạ “xưa nay chưa ai dám làm”. Vì sao vậy?

 Dòng sông Nậm Na, từ Phòng Tô về Lai Châu, dài hơn 100 ki-lô-mét. Riêng đoạn từ Bản Nậm Cúm đến Pa-tăng chỉ dài chừng 20 ki-lô-mét, nhưng lại là đoạn sông dữ, với rất nhiều thác. Lòng quãng sông, đoạn không rộng lắm. Nó như một kẽ nứt, quanh co dưới chân những triền núi cao sừng sững. Từ đó những dòng suối tuôn nước xuống không ngừng, khiến dòng sông đục ngầu. Nước réo ầm ầm khi chảy qua thác, như sẵn sàng đập tan và nhấn chìm mọi thứ trôi theo dòng sông.

 Làm thế nào đưa hàng ngàn tấn gạo từ Bản Nậm Cúm về Lai Châu rồi về Điện Biên, giữa lúc yêu cầu lương thực của chiến trường đang là vấn đề nóng bỏng? Bộ chỉ huy mặt trận quyết tâm đưa công binh lên phá thác, đưa dân công lên đóng một vạn cái mảng để đưa gạo về Lai Châu bằng đường sông.

 Trung đội công binh của Phan Tư đã lập công đầu trong việc phá thác. Dầm mình dưới nước giữa thời tiết mùa đông của núi rừng Tây Bắc và phá được gần 100 cái thác trên dòng sông, anh em đã góp phần quyết định chinh phục dòng sông hung dữ. riêng một mình Phan Tư đã vượt qua những khó khăn tưởng chừng như không khắc phục nổi để phá 9 cái thác lớn nhất.

 Khi hơn 100 thác hung dữ đã chịu khắc phục trước lòng dũng cảm của các chiến sĩ công binh, 120 ki-lô-mét đường sông đã được khai thông, dòng gạo từ Phòng Tô bắt đầu rót về Lai Châu.

 Việc vận chuyển trên khúc sông từ Bản Nậm Cúm về Pa Tầng được giao cho đại đội Thanh Thuỷ. “Xê” này gồm toàn dân công gái huyện Thanh Thuỷ, Phú Thọ. Lớn lên trên đồng ruộng trung du, nhiều lắm cũng chỉ biết chở thuyền nan trên dòng sông Thao phẳng lặng, các cô rất xa lạ với thác ghềnh miền ngược. Vậy mà, chỉ qua mấy ngày, toàn “xê” Thanh Thuỷ đã thạo chèo chống, khéo léo điều khiển chiếc mảng lách theo luồng lạch an toàn tới đích, gạo không ướt mảng không dập khi bàn giao cho cung dưới.

 Lúc đầu, từ chỗ 4 người phụ trách một mảng, chở 1,2 đến 1,5 tạ mất 2 ngày xuôi về giao hàng ở Pa Tầng, 1 ngày đi bộ ngược trở lên Bản Nậm Cúm. Rõ ràng là năng suất quá thấp, quân binh 10 ki-lô-gam/đầu người/ngày. Từng bước rút ra kinh nghiệm và nhất là khi được biết yêu cầu khẩn trương về lương thực của tiền tuyến, số người phụ trách một mảng rút xuống 2 rồi 1 người, mỗi mảng nâng năng suất chở lên 3 tạ và thời gian rút ngắn lại, mỗi ngày một chuyến, cả đi và về.

 Thành tích tăng năng suất 30 lần của “xê” Thanh Thuỷ đã góp phần đưa gần 2.000 tấn gạo về Lai Châu trước thời gian quy định 2 ngày.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #85 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2010, 08:11:52 pm »

 Biết bao thực tế chứng minh sự đóng góp của hậu phương quả là một nguồn tiếp tế vô tận. Nó vượt xa tầm nhận xét của Béc-na Phôn khi tác giả này viết (trong cuốn Việt Minh 1945-1960) rằng: Chiến thắng Điện Biên Phủ “trước hết và trên hết là những chiến thắng về tổ chức tiếp tế...” Còn tướng Na-va cũng như nhiều tướng lĩnh Pháp khác, cũng đã thấy được vấn đề. Từ chỗ họ chủ quan đánh giá sai sức mạnh khắc phục những khó khăn về bảo đảm tiếp tế của nhân dân và quân đội ta, đến chỗ họ phải thừa nhận sức mạnh đó. Nhớ lại đêm 24-12-1953, trong ánh lửa trại lễ Thiên chúa giáng sinh tổ chức ở Điện Biên Phủ, viên tổng chỉ huy Pháp đã nói với ba quân: “Việt Minh đưa quân lên đây nhưng họ phải lo việc cung cấp quá lớn, trên một chặng đường quá dài, qua những vùng hiểm trở, nghèo xác xơ và đường giao thông hầu như không có. Vận tải của Việt chỉ toàn bằng đi bộ, do “phu” gánh, nếu có bằng ô-tô chăng nữa thì cũng phải đi trên những đoạn đường rất xấu, luôn luôn bị không quân Pháp cắt đứt...”.

 Ba năm sau Điện Biên Phủ mặc dù viết quyển "Đông Dương hấp hối" với mục đích là biện bạch cho thất bại của mình trong một năm cầm quân xâm lược Đông Dương, nhưng viên tướng Pháp này vẫn không thể không đổi giọng. Ông ta buộc phải nhận xét rằng: “Bộ chỉ huy kháng chiến Việt Minh đã phác hoạ thật hay về công việc vận chuyển của họ. Họ tin rằng những kết quả đạt được là nhờ sự cố gắng của nhân dân chi viện quân đội. Chúng ta phải thừa nhận sự cố gắng lớn lao đó và khâm phục khả năng của Bộ chỉ huy và của Chính phủ đối phương đã biết cách đạt được kết quả đó...”.

 Rất tiếc, một lần nữa thực tế lại chứng tỏ đó là một kết luận đúng đắn, nhưng có điều... quá muộn!

Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #86 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2010, 08:14:25 pm »

14. CHUẨN BỊ QUYẾT CHIẾN


 Sau thắng lợi của việc kéo pháo ra khỏi trận địa, bộ đội nóng lòng chờ đợi chủ trương của trên. Được biết quyết tâm không thay đổi, nhưng anh em thường hỏi nhau: bao giờ và phải làm gì để thực hiện quyết tâm đó?

 Cũng vào thời gian này, không khí làm việc trong Sở chỉ huy mặt trận khẩn trương, sôi nổi. Ba cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần đang dồn hết tinh lực chuẩn bị kế hoạch theo phương châm tác chiến mới.

 Sáng 7 tháng 2, mồng 5 Tết, hội nghị phổ biến kế hoạch tác chiến khai mạc. Sau những ngày chờ đợi cán bộ các đơn vị lên nhận nhiệm vụ chiến đấu.

 Đồng chí Đại tướng Tổng tư lệnh kiêm tư lệnh chiến dịch trình bày chủ trương tác chiến mới của Đảng uỷ mặt trận. Bản báo cáo bắt đầu bằng việc kiểm điểm hoạt động của các chiến trường trong đợt một của chiến cuộc Đông Xuân. Mọi người phấn khởi trước thắng lợi to lớn trong hai tháng qua.

 Ngoài hơn hai vạn tên địch bị tiêu diệt, nhiều vùng đất đai rộng lớn được giải phóng một thắng lợi nổi lên trong thời gian qua là ta đã buộc địch phải phân tán lực lượng trên khắp các chiến trường. Na-va muốn xây dựng và tập trung khối cơ động chiến lược mạnh. Ông ta gọi đó là “quả đấm chiến lược”, công cụ để giành lại thế chủ động. Nhưng các đòn tiến công của ta, từ Trung, Hạ Lào, Tây Nguyên đến Thượng Lào cùng với chiến tranh du kích được đẩy mạnh trong vùng sau lưng địch đã làm cho khối cơ động của địch bị chia năm xẻ bảy. Như các nhà bình luận quân sự phương Tây nhận xét, “quả đấm chiến lược” của Na-va đã bị đối phương vô hiệu hoá, bị biến thành một bàn tay xoè”. Những ngón tay rời rạc bị căng kéo lên Điện Biên Phủ, rồi Xê-nô. Pắc-Xế đến Plây-cu, An Khê và Mường Sài, Luông Pha bang. Số còn lại, chừng 30 phần trăm, càng bị phân tán để đối phó với chiến tranh du kích đến mức không còn là cơ động nữa.

 Kế hoạch tập trung quân của Na-va bị phá sản, kéo theo sự thất bại của âm mưu “bình định” đồng bằng Bắc Bộ và của cuộc hành binh Át-lăng. Kế hoạch chiến lược của địch bước đầu bị thất bại.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #87 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2010, 08:15:30 pm »

 Về chủ trương tác chiến sắp tới, bản báo cáo chỉ rõ: bước sang đợt hai của chiến cuộc Đông – Xuân. Điện Biên Phủ là mặt trận chính, quan trọng nhất trên toàn quốc, nhằm thực hiện quyết tâm của Trung ương Đảng là tiêu diệt toàn bộ quân địch trong tập đoàn cứ điểm này.

 Trước đây, vì ta dự định đánh nhanh giải quyết nhanh. Nhưng vì trong thời gian chuẩn bị tình hình địch thay đổi nên ta quyết định chuyển sang phương châm “đánh chắc tiến chắc”. Phương châm đó cần được quán triệt ngay trong thời kỳ chuẩn bị hiện nay: Phải chuẩn bị đầy đủ đồng thời phải tranh thủ thời gian, khẩn trương hoàn thành kế hoạch làm đường sá, kế hoạch cung cấp  và xây dựng trận địa. Sang các bước tiếp theo, quân ta sẽ tiến hành bao vây địch, khống chế sân bay, tiêu hao tiêu diệt từng bộ phận lực lượng địch, tạo điều kiện tiến tới tổng công kích, tiêu diệt toàn bộ quân địch trong tập đoàn cứ điểm.

 Thời kỳ chuẩn bị rất quan trọng, phải được coi như một giai đoạn chiến đấu. Chuẩn bị chu đáo mới tạo điều kiện cho thắng lợi các bước thực hành chiến đấu tiếp theo.

 Hội nghị thảo luận sôi nổi và phấn khởi, nhất trí tin tưởng vào cách đánh theo phương châm mới. Như bản báo cáo đã nêu lên, đánh theo phương châm này, quân ta có nhiều điều lợi. Đánh từng bước thì ta có thể tập trung tuyệt đối ưu thế binh lực hoả lực vào từng trận, bảo đảm chắc thắng cho từng cuộc chiến đấu. Chúng ta muốn đánh lúc nào thì đánh, muốn đánh nơi nào thì đánh, lúc nào chuẩn bị đầy đủ và chắc thắng thì đánh, không thì không đánh; nơi nào cần giữ và có thể giữ thì giữ, không thì không giữ. Chúng ta có điều kiện khoét sâu nhược điểm lớn nhất của địch là việc vận tải tiếp tế hoàn toàn dựa vào đường hàng không: chúng ta sẽ từng bước hạn chế  đi đến triệt hẳn nguồn tiếp tế của chúng, và điều lợi lớn nhất là “đánh chắc tiến chắc” phù hợp với trình độ tác chiến của bộ đội, với khả năng tổ chức chỉ huy của ta.

 Về công tác chuẩn bị chiến đấu, nhiều vấn đề nêu lên được cơ quan giải đáp và hướng dẫn tỉ mỉ: làm đường cho xe pháo, xây dựng trận địa bộ binh, pháo binh, chuẩn bị phần tử  bắn cho pháo... Về tiếp tế vật chất, mặc dù phải đáp ứng một khối lượng lương thực đạn dược lớn hơn gấp nhiều lần so với kế hoạch cũ để hàng vạn bộ đội chiến đấu dài ngày, các cán bộ cung cấp mặt trận cũng hạ quyết tâm khắc phục mọi khó khăn bảo đảm cho bộ đội ăn no đánh thắng.
 
Kể từ hội nghị tháng 11-1953 ở Việt Bắc và hội nghị tháng 1 – 1954 ở Thẩm Púa, chưa bao giờ các cán bộ ra về phấn khởi tin tưởng như lần này, một sự tin tưởng có cơ sở vững chắc vào thắng lợi to lớn sắp tới. Mọi người đều nhất trí: “Đánh chắc tiến chắc” là cách đánh phù hợp với trình độ bộ đội ta hơn.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #88 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2010, 08:21:51 pm »

 Đúng vào lúc quân ta bắt tay vào chuẩn bị chiến đấu theo phương châm tác chiến mới, một tổ thuộc tiểu đoàn trinh sát của Bộ bám địch trong khu vực giữa cứ điểm Him Lam và đồi Độc Lập đã đoạt được một kiện hàng từ máy bay địch thả xuống, trong có  bộ bản đồ Điện Biên Phủ. Đây là bộ bản đồ chi tiết do máy bay địch mới chụp và thả xuống cho bịn chỉ huy tập đoàn cứ điểm. Đã mấy tháng nay, tấm bản đồ loại này là mục tiêu săn lùng của tiểu đoàn trinh sát 426. Thật là “khát nước tìm được dừa”. Biết cơ quan tham mưu mặt trận đang ngày đêm mong đợi, đại đội trinh sát 81 cử ngay người mang bộ bản đồ lên Sở chỉ huy mặt trận. Một phần thưởng xứng đáng: tiểu đoàn được tặng thưởng Huân chương chiến công một trong những huân chương đầu tiên của chiến dịch.

 In ngay ở mặt trận, nhanh nhưng giấy xấu lại không bảo đảm kỹ thuật. Một chiếc xe “gíp” cấp tốc lên đường. Cán bộ tham mưu mặt trận đưa bộ bản đồ về hậu phương để Phòng Bản đồ của Bộ Tổng tham mưu sao lại. Trong điều kiện phương tiện còn hết sức thô sơ, cán bộ và nhân viên kỹ thuật đồ bản đã làm việc liên tục ba ngày đêm để có ngay 300 tấm bản đồ in lại trên giấy “ngoại”, kịp đưa ra mặt trận. Cần những tấm bản đồ mới in, mùi giấy còn thơm phức, cán bộ tham mưu trong Sở chỉ huy chiến dịch vô cùng phấn khởi. Chúng ta đã có  đúng lúc một phương tiện rất cần thiết cho việc chuẩn bị chiến đấu của bộ đội, nhất là việc xác định đội hình chiến đấu và chuẩn bị phần tử bắn của pháo binh mặt đất. Anh em nói vui với nhau: bản đồ của Tây, in trên giấy Tây, chuẩn bị hoả lực chính xác để bắn trúng vào đầu Tây. Thật là “gậy ông, đập lưng ông”.

Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #89 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2010, 08:26:50 pm »

 Điều tra địa hình, xác định trận địa pháo và vạch các tuyến đường cho xe kéo pháo là một nhiệm vụ nặng nề khó khăn, đòi hỏi nhiều thời gian, đã được triển khai hết sức khẩn trương.

 Ngay sau hội nghị, cán bộ tham mưu mặt trận cùng cán bộ pháo binh, công binh, cán bộ các đại đoàn 312 và 316 len lỏi xuyên sâu vào những khu rừng hiểm trở chưa in dấu chân người, leo lên những mỏm núi cao trung điệp của dãy Pú Hồng chim trong mây để điều tra và xác định tuyến đường cho xe kéo pháo, xác định các trận địa pháo mặt đất. Các tuyến đường hình thành dần. Và từ ngày 10 tháng 2, tiếng búa tạ nện vào coong, tiếng mìn phá đá... đã đánh thức các khu rừng từ ngàn xưa im lìm bao quanh cánh đồng Mường Thanh.

 Quy mô làm đường lần này rất lớn. Nếu lần trước, làm đường để dùng sức người kéo pháo, ta chỉ mới mở 15 ki-lô-mét đường quân sự làm gấp ở hướng Bắc Điện Biên Phủ thì lần này phải làm 60 ki-lô-mét đường lớn, vắt trên những sườn núi cao từ phía bắt. Đông Bắc sang phí Đông lòng chảo Mường Thanh, trong đó có một trục đường vượt đỉnh Pú Hồng Mèo xuống phía Nam để trận địa pháo có thể vươn nòng tới sân bay và các trận địa pháo địch ở phân khu Hồng Cúm. Mặt đường  phải rộng, đủ để xe kéo pháo có thể đi lại dễ dàng. Cứ vài ki-lô-mét lại phải làm một chiếc cầu qua suối, chịu được sức nặng 12 tấn và sức tàn phá của dòng lũ mùa mưa sắp tới.

 Tiết trời xuân còn giá lạnh. Rừng sâu dầy vắt xanh, ruồi vàng. Pháo địch thỉnh thoảng lại bắn vu vơ lên các mỏm núi cao. Nhưng không gì ngăn nổi tinh thần hăng say lao động của các chiến sĩ. Anh em làm việc liên tục 12 – 13 giờ trong một ngày. Kỷ lục quai búa tạ từ 1.700 nhát lúc đầu, cuối cùng có người đạt tới 3.000 búa liền một hơi. Một sức khoẻ kỳ lạ.

 Lao động khẩn trương nhưng yêu cầu giữ bí mật rất cao. Mỗi khi dùng mìn phá đá, anh em phải lợi dụng tiếng pháo địch bắn để tránh tiếng nổ lớn. Phải đắp hàng loạt kè lọc nước để đất súi phá xuống không làm đục các dòng suối chảy về cánh đồng Mường Thanh. Qua những đồi trọc, đồi lau thưa và cánh đồng trống, đường làm đến đâu phải nguỵ trang ngay đến đó. Có đơn vị chuyên trách  việc thay lá nguỵ trang hàng ngày, bảo đảm mặt đường luôn một mầu xanh tươi, không bị máy bay địch phát hiện.

 Sau một tuần lao động cật lực, 6 trục đường kéo pháo dài hơn 60 ki-lô-mét và 6 trận địa đại đội lựu pháo đã hoàn thành. Một kỳ công lao động để trọng pháo lần đầu xuất trận lập công. Từ đêm 1 tháng 3 những chiếc xe 3 cầu đã có thể đi thông đến các khu vực trận địa theo những mạch đường mới mở.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM