Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 06:03:28 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ truyện kể với bạn bè  (Đọc 104975 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #30 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2010, 01:08:31 pm »

 Trong lúc quân ta đang cố bắt mạch hướng đi của chính mình thì Phòng Nhì Pháp đang cố vểnh tai, căng mắt theo dõi động tĩnh của các đại đoàn chủ lực ta. cuộc hành binh Hải âu chỉ vấp phải sức phản công quyết liệt của đại đoàn 320 và một số đơn vị địa phương. Đáp số về các đại đoàn khác thế nào? Phòng Nhì chưa trả lời được, mặc dù viên tổng chỉ huy đã nhấn mạnh “nhiệm vụ trung tâm số I của Phòng Nhì là tìm cho ra tung tích những đơn vị như sư đoàn thép của đối phương” (ý nói đại đoàn 308 của ta).

 Na-va và Phòng Nhì của ông ta, hiểu sao nổi một thực tế là, chấp hành phương châm “Tích cực – Chủ động - Cơ động – Linh hoạt”, một yêu cầu được đặt ra trước khi xuất quân là tuyệt đối giữ bí mật. Hơn hẳn mọi năm, nội qui phòng gian – giữ bí mật được bộ đội tuân thủ hết sức nghiêm chỉnh, chặt chẽ. Từ việc ra vào doanh trại, tiếp xúc với nhân dân, đến việc viết thư cho gia đình, tất cả đều được qui định rất cụ thể. Chẳng thế mà – như sau này Na-va thú nhận – Phòng Nhì của hắn chỉ biết đại khái “khu vực trú quân” của đơn vị A, đơn vị B. Còn đơn vị có gì thay đổi về trang bị và nội dung huấn luyện... chúng mò không ra. Chẳng thế mà có những đại đoàn “bặt vô âm tín” đối với chúng. Có những đơn vị được xây dựng hàng năm (như các đơn vị pháo nặng của Đại đoàn 351), Phòng Nhì chỉ đoán mò mà không thể rút ra kết luận dứt khoát. Các cuộc hành quân nghi binh của 304, 312 đã có tác dụng thiết thực đánh lạc hướng phán đoán của địch.

 Đúng vào ngày Na-va ném quân xuống Điện Biên Phủ, Na-va nhận được báo cáo: Có nhiều triệu chứng cho thấy sư đoàn 304 của Việt Minh đã vội vã lên đường đi Tây Bắc (!). Sự thật thì thế nào?

 Ngày 20-11, đang trú quân ở Thanh Hoá, đại đoàn được lệnh tiến quân lên hướng Mộc Châu. Anh em đã sẵn sàng nên lên đường hết sức khẩn trương, mừng thầm rằng đơn vị không đến nỗi ra quân quá muốn.

 Từ thị xã Thanh Hoá, chuyển quân về Thọ Xuân, Ngọc Lạc, Vạn Mai, Suối Rút rồi theo đường 41 lên Mộc Châu. Con đường Vạn Mai, Suối Rút rộng thênh thang, sỏi đá sào sạo dưới mỗi bước chân hành quân rắn chắc. Anh em đinh ninh sẽ tiến thẳng lên hướng Sơn La, tham gia chiến dịch giải phóng Lai Châu. Nhưng khi còn cách Mộc Châu chừng 15 km thì được lệnh rẽ ở ngã ba Xồm Lồm theo đường Quang Huy về trú quân ở... Phú Thọ! Đến đây, các nhà “tham mưu con” mới vỡ lẽ: thì ra “các cụ” đã đạo diễn vở kịch nghi binh suốt hơn một tháng trời, “vở kịch” mà chính anh em là diễn viên mà không hề hay biết (!).

 Về náu mình trong rừng sâu nơi đất Tổ, anh em có biết đâu rằng tại bắc Khu IV, các đơn vị bộ đội địa phương đã mang phiên hiệu “304”, thay nhau hành quân trú quân “đôi khi khá ồn ào” ở khắp nẻo đường Tĩnh Gia, Hậu Lộc, Quảng Xương, Hoàng Mai... Anh em càng không hề biết rằng lúc này, trên tấm bản đồ tình báo của Phòng Nhì Pháp, Na-va vẫn thấy lá cờ đuôi nheo mầu đỏ ghi ký hiệu 304 vẫn đứng vững trên một điểm tròn: THANH HOÁ. Và cứ thế, viên tướng Pháp giữ nguyên nhận định cũ rích: phía nam Sông Hồng vẫn còn bị hai sư đoàn đối phương uy hiếp. Các sư đoàn 320 và 304 lúc nào cũng sẵn sàng thọc lên hướng Phát Diệm, Ninh Bình, Phủ Lý...
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #31 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2010, 01:18:21 pm »

 Một sự kiện vượt xa sự suy nghĩ của tướng Na-va, đó là sự có mặt của hai đơn vị pháo lớn, cả pháo đất và pháo trời, đang được “bọc giấy bóng” ở vùng Tuyên Quang và cũng đang chờ ngày xuất trận.

 Trước đây, địch chỉ biết ta có pháo "tép”. Còn trên trời chúng coi là ưu thế tuyệt đối trước một kẻ địch chỉ có những khẩu 12,7mm.

 Qua thực tế Hoà Bình, rồi Nà Sản, chúng cụm lại, ngày càng đông càng cứng. Cụm lại và đinh ninh là ta bất lực, vì hoả lực của ta còn có hạn. Phải có quả đấm thép. Ta và bạn bè ta đều thấy như vậy. Và qua con đường viện trợ của các nước anh em, những khẩu pháo từ rất xa đã vào tiếp sức cho quân đội ta, cùng với những khẩu pháo chiến lợi phẩm của ta hình thành những trung đoàn. Không nhiều lắm. Chỉ vẻn vẹn vài chục khẩu lựu pháo 105mm và 6 tiểu đoàn cao xạ  pháo 37mm. Con số 6 chen vào giữa con số 37 thành ra trung đoàn 367. Đó là toàn bộ vốn liếng hoả lực tầm xa và tầm cao của ta, đương đầu với hàng ngàn máy bay, xe tăng pháo lớn của Pháp do Mỹ đổ vào. Nhà nghèo, của hiếm, quí lắm. Pháo ít, đạn ít tung ra lúc nào cho đúng thời cơ, đó là tài của lãnh đạo. Trước mắt, xây dựng và huấn luyện xong, tạm “niêm phong” trong rừng sâu – Tuyên Quang.

 Phái đoàn của Bộ đã nhiều lần xuống kiểm tra kết quả huấn luyện. Bắn đạn thật đạt yêu cầu cao, kể cả bắn những viên đạn ky cóp được từ hồi chiến dịch Cao – Lạng. Đúng là cấp trên nhìn xa, thấy rộng. Ai ngờ những “của” thu được từ bốn năm trước, nay lại có giá trị đến thế!

 Hồi tháng 6, anh em rất phấn khởi và tự tin khi phái đoàn của Bộ, do đồng chí Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái dẫn đầu, xuống kiểm tra đơn vị, đã tỏ ra hài lòng nhận thấy binh chủng hoả lực trẻ tuổi mới ra đời đã hứa hẹn nhiều triển vọng. Đồng chí đã chuyển lời khen ngợi của Tổng quân uỷ đến toàn đơn vị và chúc anh em lập chiến công vang dội khi được lệnh xuất quân.


 Những từ đó đến nay đã gần nửa năm, nửa năm chờ đợi ngày lên đường. Thu đã qua, đông đã tới. Sốt ruột, anh em thổ lộ tâm tư trên tờ báo tướng bằng mấy câu thơ:

Chiến dịch Thu Đông đã đến rồi.
Trung đoàn Tất Thắng14 vẫn nằm  chơi (!)
Sao không cơ động, linh hoạt15  nhỉ?
Chiến dịch Thu Đông đã đến rồi...

 Cán bộ tỏ ra kín đáo hơn. Anh em nhắc lại cho chiến sĩ hiểu hết ý nghĩa 8 chữ vàng trên lá cờ bộ Tổng tư lệnh tặng trung đoàn: "Ẩn lặng như tờ, đánh mạnh như sét". Một chỉ thị giấu kín lực lượng để chờ ngày trút bão lửa lên đầu giặc.

 Cũng như anh em pháo mặt đất, cán bộ và chiến sĩ trung đoàn pháo cao xạ cũng nóng lòng chờ ngày ra trận. Bức thư của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi cho trung đoàn hồi tháng 6 đã giúp cho anh em thấy sự ra đời của trung đoàn cao xạ “đánh dấu một bước trưởng thành của quân đội ta trên con đường tiến lên chính qui hiện đại”. Anh em cũng biết rằng mục tiêu Nà Sản không còn, nhưng chắc chắn trung đoàn sẽ nhận nhiệm vụ nặng nề trong mùa khô này, mùa khô mà pháo lớn của ta lần đầu xuất trận.

 Tháng 11.

 Những ngày dài chờ đợi có lẽ chẳng bao lâu sẽ chấm dứt. Cán bộ cấp trung đoàn đã được triệu tập lên Bộ họp. Bộ đội chuẩn bị xe, hiệu chỉnh pháo, lau chùi đạn. Tất cả đã sẵn sàng.

 Những con “voi thép” không còn lo cái cảnh “nằm chơi” nữa, khi quyết tâm đã được xác định: chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược.
----------------------------
 14. Tên trung đoàn 45, trung đoàn lựu pháo đầu tiên của quân đội ta. Danh hiệu Tất Thắng do Hồ Chủ tịch tặng trung đoàn 34 bộ binh (tiền thân của trung đoàn 45) về thành tích chiến đấu trong những ngày đầu kháng chiến.
 15. Một nội dung trong phương châm chỉ đạo chiến lược của  Đảng trong Đông Xuân 1953-1954.

Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #32 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2010, 01:25:55 pm »

7. BẮT ĐẦU VÀO CUỘC


 Từ mùa hè, trước bước phát triển của cuộc kháng chiến, các cấp, các ngành đã theo tinh thần nghị quyết hội nghị Trung ương đầu năm và nhất là nghị quyết tháng 9 của Bộ chính trị, chủ động chuẩn bị sớm cho “cả nước lên đường”, với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến – Tất cả để chiến thắng”.

 Na-va đã sớm thi thố âm mưu thâm hiểm của hắn đối với chiến trường Tây Bắc. Binh đoàn biệt kích hỗn hợp không vận (G.C.M.A) chưa tổ chức xong, hắn đã vội ném nhiều toán xuống hòng móc nối với bọn phìa tạo, bọn lính nguỵ cũ và những tên phản động lén lút trong địa phương. Chỉ trong vài tháng, chúng đã tổ chức được hàng ngàn tên phỉ vũ trang, do tên chùm phỉ Bạch Cẩm Thuỷ cầm đầu. Chúng chiếm đóng nhiều vị trí trên núi cao hiểm trở, hình thành một tuyến dài từ Mường Lầm qua Thuận Châu đến giáp sông Đà. Chúng lợi dụng sơ hở của ta để khống chế, kìm kẹp, cướp bóc nhân dân, gây cho ta không ít khó khăn trong chủ trương giải phóng Lai Châu.

 Quét sạch bọn phỉ ở vùng này để củng cố vùng mới giải phóng và chuẩn bị chiến trường theo hướng Tây Bắc là công việc quan trọng trước mắt, đã được trung đoàn 176 (đại đoàn 316) cùng lực lượng vũ trang địa phương triển khai từ sớm. Bao vây chặt từng vị trí, triệt nguồn nước, kết hợp tiến công với kêu gọi đầu hàng... ta đã lần lượt diệt và bắt hàng ngàn tên phỉ dọc đường 41, từ tả ngạn sông Mã đến hữu ngạn sông Đà, khai thông đường tiến quân lên Tây Bắc. Đại đoàn 316 đã hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ tiễu phỉ trước khi toàn quân bước vào thu đông.

 Cuộc kháng chiến đã phát triển lên một bước mới. Nhu cầu của tiền tuyến ngày càng lớn. Những con đường nhỏ, cheo leo không còn đáp ứng được đòi hỏi về vật chất cho tác chiến quy mô lớn của chủ trương.

 Đã qua rồi, những ngày đầu kháng chiến, toàn dân đổ ra mặt đường, anh cuốc, tôi đào, phá hoại một cách không thương tiếc để làm chậm bước tiến của quân thù. Giờ đây, hàn gắn lại những đoạn đường đó lại trở thành một yêu cầu để tiến nhanh đến thắng lợi. Khai thông đường mới, mở rộng đường cũ, bảo đảm  “giao thông đi trước một bước”, là một trong những công tác trung tâm việc chỉ đạo chuẩn bị chiến lược cho mùa khô.

 Trong những tháng hè thu, dưới sự chỉ đạo và tổ chức của các cấp uỷ địa phương, hàng vạn dân công và thanh niên xung phong ở cả vùng tự do và vùng tạm bị chiếm. Thái Mèo có, Tày Mường có, Kinh Hoa có, đã hoà mình với các chiến sĩ công binh, ngày ngày có mặt trên công trường khổng lồ dài hàng trăm ki-lô-mét. Công sức mồ hôi và cả máu nữa đã góp phần mở rộng thêm, nắn thẳng lại, hạ thấp độ cao của từng đoạn, từng đoạn đường trước đây sụt lở, cheo leo, hiểm trở. Những loạt bom nổ ngay, nổ chậm, bom bướm, không cản nổi bước phát triển của các đường trục, đường nhánh cứ vươn xa mãi về phía trước.


 Trải qua bao ngày gian khổ, tắm mình trong khí lạnh của núi rừng Tây Bắc, những con người, với quyết tâm rời non lấp biển, đã đưa tuyến đường vượt Sơn La tiến lên tới Tuần Giáo. Đường rộng, đất đỏ tinh khôi, khác hẳn con đường Tây Bắc năm xưa, sẽ nâng bước chân anh bộ đội, chị dân công, tiến lên lập công đầu trong thu đông: giải phóng Lai Châu.

 Và từ kết quả ban đầu của công trình làm đường và sửa đường đó, chỉ ít ngày nữa, khi chiếc bút chì của Bác Hồ đã hạ một khoanh tròn đỏ tươi quanh lòng chảo Điện Biên thì chiến trường còn đòi hỏi ở anh chị em một cường độ lao động cao hơn rất nhiều, khẩn trương và căng thẳng rất nhiều mới thực hiện được quyết tâm sắt đá của Bác: tiêu diệt toàn bộ quân địch trên cánh đồng Mường Thanh.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #33 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2010, 01:30:16 pm »

 Đường cần cho bước chân anh bộ đội. Nhưng đường cũng cần cho vận tải tiếp tế, một trong những công tác đầu tiên phải nghĩ tới nếu muốn nói đến tiến quân lên Tây Bắc. Câu chuyện “hậu Khâu Vác” năm ngoái còn đó. Chỉ vì tính toán không kỹ, kiểm tra không chặt mà “tướng gạo” đã có lúc bó tay tướng cầm quân, làm ảnh hưởng đến tiến triển của chiến dịch.

 Năm nay khác rồi.

 Từ tháng 7. Uỷ ban chi viện tiền tuyến (còn gọi là Hội đồng cung cấp mặt trận) đã được thành lập, do Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng trực tiếp lãnh đạo. Hội đồng chăm lo chỉ đạo mọi việc, từ làm đường, sửa đường đến phương tiện vận tải thông tin liên lạc nối liền bốn phương với tiền tuyến, trực tiếp giúp Trung ương huy động sức người, sức của dốc ra mặt trận, bảo đảm cho anh bộ đội ăn no, đánh thắng.

 Một lực lượng dân công lớn chưa từng thấy, từ miền xuôi đến miền ngược, từ vùng tự do đến vùng tạm bị chiếm, tạm gác việc nhà, ra đi thành đoàn thành đội, với quang sọt, đòn gánh, xe đạp thồ, thuyền, lừa ngựa và cả voi thồ... mang theo lương thực, vũ khí, gạo muối, lương khô, thuốc lào... hướng lên Tây Bắc, hoà nhịp với bước tiến quân của anh bộ đội. Với thắng lợi của cuộc đấu tranh ở nông thôn, với vụ lúa bội thu, các chân hàng trên các tuyến đường đầy ắp. Đường xong đến đâu, chân hàng bám sát tới đó.

Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #34 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2010, 01:32:40 pm »

 Vậy mà mãi đến tháng 9 – 10, tướng Na-va vẫn khư khư ôm mối lo: đồng bằng sắp bị tiến công (!).

 Những ảnh chụp từ trên máy bay trinh sát cho thấy đối phương đang có những hoạt động trên hướng Tây Bắc với qui mô “không khác gì năm trước. Vẫn “những đàn kiến dân công” chỉ dựa vào sức của đôi vai và bắp chân, chắc hẳn Việt Minh chưa có ý đồ gì lớn trên chiến trường xa xôi ấy. Na-va tự nhủ: chớ có rời con mắt đối với vùng đồng bằng, cái chiến trường nhạy cảm, đông người nhiều của, giao thông thuận lợi, trước sau vẫn là mục tiêu hấp dẫn đối với Việt Minh. Thật ra, tướng Na-va không hiểu gì nhiều lắm về quá trình xây dựng quả đấm chiến lược của ta, với quyết tâm đập tan kế hoạch chiến lược của y, nhất là về không khí sôi động của “cả nước lên đường” sau khi hắn ném quân xuống Điện Biên Phủ.

 Tại các vị trí trú quân của bộ đội, sau khi cán bộ đi dự hội nghị ở Bộ về, không khí sôi nổi hẳn lên. Cán bộ được nghe nói về cuộc họp phổ biến chủ trương chiến lược của Trung ương. Cảm động nhất là tin các đại biểu được gặp Bác Hồ đến thăm hội nghị, trước khi toàn quân bước vào Đông Xuân. Các đại biểu kể lại: Bác hồng hào mạnh khoẻ, vẫn ân cần, gần gũi như bất kỳ lúc nào. Vẫn bộ quần áo Vệ quốc đoàn và đôi dép cao su giản dị. Đôi mặt sáng ngời như nhìn thấu quyết tâm của từng cán bộ về dự hội nghị, những người đang được giao trọng trách lãnh đạo toàn quân hướng theo con đường đã được Bác vạch ra, sẵn sàng lao lên phía trước để giành thắng lợi to lớn trong mùa khô này. Bác hài lòng khi được nghe báo cáo về sức khoẻ, đời sống của bộ đội, về kết quả học tập chính trị và huấn luyện quân sự của các đơn vị trước khi bước vào mùa chiến dịch. Đại biểu đơn vị chuyền đạt lại lời căn dặn ân cần của Bác, nhắc nhở cán bộ quyết tâm động viên bộ đội vượt mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ.

 Sự quan tâm chăm sóc của Bác, lòng tin tưởng vào phương hướng nhiệm vụ đã được xác định trong hội nghị, trở thành nguồn động viên mãnh liệt đối với từng người, từng đơn vị hoàn thành những công việc chuẩn bị cuối cùng trước ngày lên đường.

 Trên bản đồ hành quân chiến lược của Bộ Tổng tham mưu bắt đầu xuất hiện những mũi tên đỏ, kéo dài ra từng ngày, từng ngày...

 Ba mũi tên của đại đoàn 316 xuất hiện giữa tháng 11 từ các hướng Sầm Nưa. Mộc Châu và Thanh Hoá, rải ra ở các cự ly khác nhau nhưng đều hướng về gặp nhau trên đường 41. Đài địch léo nhéo gọi nhau, phán đoán phiên hiệu và hướng tiến quân của đại đoàn.

 Thế rồi, ngay trên đường hành quân đại đoàn nhận được thông báo: địch nhảy xuống Điện Biên Phủ. Lệnh mới được truyền xuống: Nâng tốc độ, tiến nhanh lên hướng Tuần Giáo. Bộ tư lệnh đại đoàn được triệu tập đến gấp sở chỉ huy tiền phương của Bộ ở km 15 đường Tuần Giáo – Điện Biên để nhận nhiệm vụ.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #35 vào lúc: 05 Tháng Chín, 2010, 01:35:21 pm »

 Thời cơ lập công đã đến với đại đoàn. Lập tức đội hình đơn vị tách ra làm đôi. Một bộ phận nhỏ được cơ quan hậu cần tiền phương giúp phương tiện cơ giới hành quân cấp tốc lên phía trên Tuần Giáo, nhanh chóng diệt địch ở Pa Ham rồi ở đèo Cla-vô, mở đường tiến thẳng lên giải phóng Lai Châu, 2 giờ 30 phút ngày 12-12, lá cờ chiến thắng phất phới bay trong thị xã. Lần đầu tiên cái thị xã nhỏ bé ở vùng biên giới  hẻo lánh này thoát khỏi nanh vuốt quân thù, trở về với đại gia đình cách mạng. Cũng lần đầu tiên, qua các chiến sĩ tiểu đoàn 439, trung đoàn 98, người dân thị xã được gặp mặt anh bộ đội Cụ Hồ vừa đến giải phóng mình.

 Bộ phận thứ hai của đại đoàn, lực lượng chủ yếu qua bốn ngày vượt suối băng rừng đã đến đường Lai Châu – Điện Biên. Theo nhận định của cơ quan tham mưu tiền phương của Bộ, ngoài hai tiểu đoàn Âu Phi chạy thoát bằng máy bay từ Lai Châu về Điện Biên, số còn lại phần lớn là quân nguỵ, luồn rừng giỏi, nhất định sẽ rút về Điện Biên Phủ bằng đường bộ và sẽ được đồng bọn ở Điện Biên lên đón. Đại đoàn phải hoàn thành đồng thời mấy nhiệm vụ: chốt chặt ở khu vực Mường Muôn – Mường Pồn, tiêu diệt bọn địch từ Lai Châu chạy về chặn địch ở Pu San, không cho bọn ở Điện Biên lên đón đồng bọn, bám địch ở phía Bắc – Đông Bắc Điện Biên, vùng Him Lam – Bản Tấu, đề phòng địch nống ra phía Tuần Giáo.

 Bị ta chặn đứng, địch trụ lại ở Mường Pồn, tổ chức phòng ngự chờ quân ở phía nam lên ứng cứu. Đại đội 674 tiếp cận địch, quyết tâm khép chặt vòng vây, tạo điều kiện cho trung đoàn 174 từ phía sau lên tiêu diệt.

 Cuộc chiến đấu diễn ra trong điều kiện không cân sức. Đại đội 674 lại ở vào địa thế bất lợi. Máy bay địch từ Điện Biên lên đánh vào đội hình bao vây của 674. Khẩu trung liên trong tay tiểu đội trưởng Chu Văn Pù đang lúng túng chưa tìm được chỗ đặt súng đề phát dương hoả lực. Chiến sĩ Bế Văn Đàn lao tới quì xuống nhấc hai chân súng đặt lên vai mình và giục Pù nổ súng. Biết Đàn có thể bị hy sinh nhưng vì thắng lợi của trận đánh. Chu Văn Pù đành phải ném lòng xiết cò. Cánh quân địch bị chặn đứng. Bế Văn Đàn ngã vào vòng tay của tiểu đội trường Pù cũng là lúc toàn trung đoàn 174 bắt đầu trận tiến công, tiêu diệt toàn bộ quân địch.

 Trong khi đó, hai tiểu đoàn địch từ Điện Biên Phủ lò dò lên tới Bản Tấu, hòng bắt liên lạc và đón bọn tàn quân ở Lai Châu về, đã bị đánh tan tác, buộc phải quay trở lại cánh đồng Mường Thanh.

 Chiến dịch giải phóng Lai Châu toàn thắng. Đại đoàn 316 đã lập chiến công đầu, mở màn cho thắng lợi của toàn quân trong Đông Xuân 1953-1951.

 Chiến sĩ Bế Văn Đàn, tiêu biểu cho tinh thần quyết chiến quyết thắng của toàn quân ngay từ những ngày đầu chiến cuộc, đã được truy tặng huân chương Quân công hạng ba. Năm 1955, đồng chí được truy tặng danh hiệu “Anh hùng Quân đội”.

Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #36 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2010, 08:11:08 pm »

 Chỉ mới bằng nước cờ đầu tiên, Na-va đã bị điểm đúng huyệt.

 Đại đoàn 316 vừa xuất hiện trên hướng Tây Bắc đã làm cho hắn vội vã đối phó. Viên tổng chỉ huy Pháp đã từng được nghe báo cáo về “truyền thống và sở trường của sư đoàn sơn cước”. Do hành động vội vã ném quân xuống Điện Biên, Na-va đã làm cho khối quân cơ động đang được xây dựng và tập trung ở đồng bằng bị rút ruột đi 5 – 6 tiểu đoàn. Cuộc hành quân Pô-luých (rút quân từ Lai Châu về Điện Biên) bị phá sản, với trên 20 đại đội bị tiêu diệt.

 Mất Lai Châu, mấy tiểu đoàn ở cánh đồng Mường Thanh lâm vào thế trơ trọi như con thuyền vừa rời bến đã phải vật lộn với biển khơi bao la của núi rừng Tây Bắc.

 Mấy sự kiện xảy ra liên tiếp trong vòng mươi ngày, kể từ khi “con chuột nước” xuất hiện trong thung lũng Điện Biên, khiến cho Na-va không khỏi đau đầu. Nhưng lúc này ông ta chưa hề nghĩ rằng nếu gọi cái thung lũng này là “lòng chảo” thì đã có những nhóm lửa đầu tiên được nhóm lên và dần dần nung nóng cái lòng chảo thiên nhiên đó, nơi mà ông ta vừa hạ quyết tâm chấp nhận giao chiến với chủ lực ta.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #37 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2010, 08:13:41 pm »

8. DĂNG BẪY – PHÁ BẪY


 Trong lúc đại đoàn 316 nhận lệnh thần tốc tiến quân tiêu diệt rút chạy khỏi Lai Châu thì đại đoàn 308 cũng đang trên đường hành quân. Na-va nhắc lại chỉ thị của hắn cho Phòng Nhì Pháp, coi việc mò cho được tung tích của “sư đoàn thép” của Việt Minh là “nhiệm vụ ưu tiên số 1” của cơ quan tình báo quân viễn chinh.

 Giữa lúc trên không trung, đài địch í ới hỏi nhau thì, súng đạn, gạo muối nặng chĩu trên vai, các chiến sĩ đại đoàn Quân Tiên phong đang ngày đêm băng rừng vượt đèo, lội suối thẳng tiến lên hướng Tây Bắc.

 Bom thả ở Lũng Lô, Đèo Chẹn, bom nổ chậm và bom bướm rải khắp các bến sông. Vô ích. Không gì cản nổi bước chân “vạn dặm” của người chiến sĩ đại đoàn đã luôn luôn là đối tượng tìm kiếm của mạng lưới gián điệp của địch.

 Trên suốt tuyến đường dài, ở đâu anh em cũng gặp các đồng chí công binh thân thiết cùng với anh chị em dân công ngày đêm túc trực ở các bến phà, các cầu và trên các đoạn đường xung yếu, với quyết tâm “không vì lý do gì để giao thông bị gián đoạn”. Đôi lúc,đi trong hàng quân, anh em còn được nghe những câu hò vừa dí dỏm, vừa như thách thức, động viên:

Các anh (hãy) ở lại làm đường
Để cho (chúng em) phụ nữ đi giết phường thực dân...

 Anh em thường “bí”, không hò đáp lại được mà thường chỉ vỗ tay hoan hô, vì thật khó “ứng khẩu” đáp lại những lời vừa đượm tình quân dân, vừa đầy nhiệt tình chiến đấu như vậy.

 Qua bến Âu Lâu, dưới ánh đèn của địch, các cô lái đò vẫn khoan thai mềm mại rướn mình chèo thuyền đưa các chiến sĩ sang sông. Tiếng  máy bay địch vè vè trên đầu không át nổi tiếng chèo đập nước.

 Giữa lúc bộ đội qua sông thì xe các đồng chí tham mưu trưởng và chủ nhiệm chính trị mặt trận đuổi kịp đội  hình hành quân của đại đoàn. Các đồng chí trong Bộ chỉ huy tiền phương hỏi thăm tình hình hành quân của bộ đội, khen anh em thực hiện đầy đủ yêu cầu (4 tốt)16 và dặn. Bộ tư lệnh đại đoàn, khi qua Nà Sản, cố dành thời gian nghiên cứu tập đoàn cứ điểm này để bổ sung nội dung học tập quân sự vừa qua và chuẩn bị cho nhiệm vụ chiến đấu tới. “Chắc chắn sẽ gặp một “con nhím” to hơn Nà Sản đấy !”.
---------------------
 16. Đi, ăn, ngủ, giữ bí mật trong hành quân là 4 yêu cầu do Bộ đề ra cho bộ đội trong Đông – Xuân 1953-1954.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #38 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2010, 08:16:33 pm »

 Bộ đội tiếp tục cuộc hành quân.

 Thế rồi, không biết từ bao giờ, từ một ý kiến chân tình của một chính trị viên đại đội nói với chiến sĩ. “Đời lính, chỗ nào có giặc là ta cứ đi”, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, cùng hành quân với đại đoàn, đã cảm xúc, sáng tác bài hát Hành quân xa. Bắt nguồn từ một khẩu đội súng cối của đại đội, bài hát nhanh chóng được phổ cập rộng rãi trong đơn vị. Chiến sĩ hát rằng:

...Hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ
Bao đồng bào đang mắt đỏ chờ ta
Mắt ta sáng, chí căm thù bảo vệ đồng quê ta tiến bước
Đời chúng ta, đâu có giặc là ta cứ đi...

 Qua Cò Nòi, Hát Lót. Nà Sản đây rồi.

 Nhiều cán bộ và chiến sĩ đã từng nghe nói về cái “kỳ công” mà Xa-lăng đã một thời tự hào (!) là con đê ngăn sóng, do viên tướng chột mắt Gin dựng lên cuối năm 1952. Anh em muốn tận mắt xem mặt mũi cái “con nhím” đó thế nào.


Cứ điểm Nà Sản

 Quan sát từng cứ điểm, trên một vùng đồi núi chừng 4 – 5 km vuông, chi chít những điểm tựa, lô cốt, giao thông hào, anh em có dịp đối chiếu với những gì đã học, trao đổi thảo luận về chỗ mạnh, chỗ yếu của địch và cách đánh của ta. Tính chất phức tạp và kiên cố của hệ thống phòng ngự này đã giúp cho cán bộ tham mưu và cán bộ chỉ huy có ý niệm rõ ràng hơn vè lập kế hoạch tác chiến, nếu tiến công một tập đoàn cứ điểm.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #39 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2010, 08:19:20 pm »

 Ngày 7-12, tin từ phía trước bay về: đơn vị bạn đang tiến quân giải phóng Lai Châu. Trên nhận định: tình hình có thể chuyển biến rất nhanh. Đại đoàn được lệnh tăng tốc độ hành quân. Vừa ở bồn tập đến Chiềng Puốc, lại một mệnh lệnh thứ hai, khẩn trương hơn: Hai trung đoàn tiếp gấp theo đường 41 lên phía Bắc Điện Biên Phủ, đề phòng địch nống ra. Trung đoàn 36 (Bộ tư lệnh tiền phương chỉ đích danh) chuyển hướng hành quân sang phía Tây, đến chốt ở điểm cao Pom-Lót. Hẹn chậm nhất trong 7 ngày, phải đóng một “cái đinh” ở điểm cao này, không cho địch từ Điện Biên Phủ có thể tháo chạy sang hướng Thượng Lào. Dựa vào dân để có người dẫn đường. Dựa vào đâu để giải quyết vấn đề tiếp tế. Chuyển hướng đột xuất. Hậu cần chưa theo kịp.

 Pom, tiếng Thái là đỉnh núi. Pom Lót là tên một ngọn đồi cao ở ngã ba phía nam bản Hồng Cúm, nối Điện Biên Phủ với Thượng Lào qua Tây Trang – Sốp Nao. Cán bộ đo phác trên bản đồ: 80km. Núi cao rừng sâu. Không có đường mòn trên bản đồ.

 Được phổ biến tính chất khẩn trương và ý nghĩa quan trọng của nhiệm vụ được giao, không một ý kiến thắc mắc. Trong sương mù dày đặc, anh em chỉ kịp xốc lại ba lô, súng đạn rồi rẽ trái, bắt đầu phát huy truyền thống của trung đoàn: Bôn tập.

 Ngày 10, còn cách Pom Lót chừng vài km. Bộ đội đã thấm mệt sau ba ngày hành quân liên tục. Bộ phận đi đầu phát hiện có địch trước mặt. Vừa triển khai xong đội hình chiến đấu thì có lệnh: Giấu kín lực lượng, không cho địch phát hiện có chủ lực ở hướng này. Anh em bí mật đào công sự, xây dựng trận địa phòng ngự... Từ 11, Pom Lót đã trở thành cái chốt đứng vững ở phía nam Điện Biên Phủ mà địch không hề hay biết. Đơn vị đã đứng chân ở vị trí qui định trước thời gian qui định 3 ngày. Lúc này, hai trung đoàn bạn, 102 và 88, đã hình thành thế bao vây địch từ xa, ở phía Bắc Điện Biên Phủ. Bộ phận trinh sát kỹ thuật của Bộ tư lệnh tiền phương báo cáo: địch vẫn đang hỏi nhau về vị trí cụ thể của “sư đoàn thép”. Chúng kêu “mất hút” đại đoàn từ phía Nam Sơn La !

 Na-va muốn dăng bẫy chủ lực ta ở Điện Biên Phủ. Ông ta không ngờ rằng từ giữa tháng 12, trên hai hướng Bắc và Nam cánh đồng Mường Thanh, một cái bẫy khác đã dần dần hình thành.

 Đây là riêng ở Tây Bắc, ở Điện Biên Phủ.

 Xin mời bạn đọc trở lại hậu phương xem động tĩnh của các dơn vị khác ra sao, các chiến trường khác thế nào. Đó cũng là những điều mà Na-va đang muốn biết để quyết định những nước cờ tiếp theo, sau nước cờ đầu tiên trên lòng chảo Điện Biên.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM