Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 06:29:58 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ truyện kể với bạn bè  (Đọc 104943 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #180 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2010, 01:33:38 pm »

 Dư luận trong thành phố bàn tán rất sôi nổi vì chuyện “quân ta sắp đánh vào Hà Nội”. Đi đến đâu cũng thấy kháo nhau:

 - Quân ta sẽ đánh vào đâu bây giờ?

 - Bao giờ giải phóng Hà Nội?

 - Đánh Hà Nội trước hay là đánh Hải Dương, Hải Phòng và cắt Đường số 5 trước?

 - Liệu có điều đình không? Pháp mất Điện Biên Phủ, chắc phải điều đình.

 - Tại sao ta chưa đưa máy bay ra nhỉ? Đánh về Hà Nội chắc mới dùng đến máy bay…

 Ai cũng tỏ ra rất am hiểu thời sự. Những người có con cái đi lính cho Pháp, bụng vừa mừng, vừa lo;

 - Thằng bé nhà tôi không biết bây giờ ở đâu, sống hay chết. May mà biết đường ra hàng thì phúc đức, vào tay ta thì mới thoát chết.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #181 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2010, 01:35:24 pm »

 Đồng bào Hà Nội coi cuộc duyệt binh ở thành phố này ngày 8 tháng 5 là chuyện nực cười nhất. Một cuộc duyệt binh mà người am hiểu gọi là “quái đản” vì nó lập lờ đánh lận con đen giữa chiến thắng (của Đồng Minh chống phát xít) với chiến bại (của Pháp ở Điện Biên Phủ). Cái vở bi hài kịch đó được Cô nhi phương Tây dàn dựng lên khá công phu. Qua sách báo Pháp và phương Tây, xin kể lại các bạn trẻ nghe về cuộc duyệt binh kỳ quặc đó.

 Lễ đài được dựng lên ở vườn hao gần Cột Cờ. Những lá cờ tam tài của Pháp xen kẽ cờ ba que của ngụy được trưng lên những cây to dọc các phố chính. Quan chức dân sự, quân sự, Pháp và ngụy, tề tựu đong đủ.

 Tướng Cô-nhi, vóc người to lớn, nét mặt đượm màu tang tóc, đến đặt vòng hoa ở mộ người lính vô danh. Buổi lễ được tiến hành với đủ mọi nghi thức nhà binh. Nhưng trên nét mặt cử chỉ và trong đáy lòng mọi người có mặt trên lễ đài và các quan chức to nhỏ. Pháp cũng như ngụy, đều toát lên một nỗi đau xót, ê chề về những gì vừa xảy ra ngày hôm trước.

 Theo ký giả Pháp Luy-xiêng Bô-đa, trước mặt mọi người một cuộc diễu binh đã diễn ra, nặng nề, lơ đễnh, “cuộc diễu binh của những cái bóng, của những kẻ may mắn sống sót vì không bị tống lên Điện Biên Phủ”. Họ thuộc mấy đơn vị dự bị cuối cùng: một tiểu đoàn dù đã “vàng hóa”25 cao độ, vài đơn vị lê dương, mấy chiếc xe tăng… Đây là những người lính còn lại của trung đoàn bộ binh lê dương thứ 3 “tử vì Đông Dương”, đã từng chết hụt trên đường số 4 mấy năm trước và cũng là những người sống sót trong trận phục kích khủng khiếp vừa xảy ra trên đường số 5. Kia là những sĩ quan dù, quần áo rằn ri, lê bước tập tễnh vì những vết thương chưa lành.

 Dân chúng Hà Nội thờ ơ với cuộc duyệt binh của những người lính mà nhiều ký giả Pháp đã đặt cho cái tên mới: những mảnh vải đã bị cắt vụn.

 Một viên đại tá đứng bên Luy-xiêng Bô-đa bỗng bật lên tiếng khóc nức nở: “Tôi không thể nào tin được rằng, chỉ trong một đêm, quân đội Việt Minh có thể tiêu diệt gọn mười hai ngàn chiến binh ưu tú nhất của chúng ta”. Chính ký giả Bô-đa, trong tác phẩm của mình (Cuộc chiến tranh Đông Dương) cũng không giải thích nổi vì sao “đội quân viễn chinh tuyệt vời” của nước Pháp lại có thể bị những chiến sĩ Việt Nam “thiếu thốn đủ mọi thứ” đánh cho tan tác trong suốt bằng ấy năm trời như thế. Và nhà báo này tự hỏi: Bây giờ đây (sáng 8 tháng 5 ở Hà Nội), giữa tiếng kèn đồng và những nghi thức của cuộc diễn binh kỳ lạ này, liệu ai có nghĩ đến những đoàn người dài dằng dặc vừa thoát chết đêm trước ở “địa ngục Điện Biên Phủ”, đang lê bước trên những chặng đường Tây Bắc – Việt Bắc, để về các trại tù bình?...
------------------
25. Một từ nói lên thành phần quân ngụy biên chế trong quân viễn chinh Pháp.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #182 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2010, 01:38:51 pm »

 Tại Sài Gòn.

 Tại tổng hành dinh quân viễn chinh, tướng Na-va sáng nay nhận được bức thư (126/cab/MIL/S) của cao ủy Đờ Giăng. Thư viết:

 “Quân đội phải giữ lấy những vị trí chủ yếu của chúng ta trong các miền khác nhau ở Đông Dương và tướng quân tổng chỉ huy cũng cần nhận thức đúng đắn tình hình đen tối hiện nay là tinh thần dân chúng và quân đội của chúng ta, nhất là “quân đội các quốc gia liên kết” (ngụy Đông Dương) đang bị choáng váng do Điện Biên Phủ gây nên…"

 Hôm nay, 8 tháng 5, tướng Na-va không vui và cũng không có nhiều thời gian. Phải chuẩn bị cho cuộc họp báo (trả lời những câu hỏi hóc búa của các ký giả ra sao đây) nên tổng chỉ huy chỉ kịp liếc qua bức thư của cao ủy.

 Cuộc họp báo diễn ra ngay trong tổng hành hình.

 Trả lời câu hỏi về trách nhiệm trước việc thất thủ của pháo đài Điện Biên Phủ, Na-va tuyên bố một cách khá nghiêm túc, mặt tỉnh khô:

 - Thưa các bạn, đâu phải chỉ có mình tôi “đội chiếc mũ Điện Biên Phủ”.

 Viên tổng chỉ huy bác bỏ mọi lời chỉ trích (mạnh mẽ và chua chát) đối với vai trò của ông ta trong thất bại vừa qua. Na-va phớt lờ ý kiến khêu gợi của một nhà báo nói rằng ngài tổng chỉ huy đã từng vỗ ngực tự hào nhận rằng chính mình chứ không phải ai khác là “cha đẻ của pháo đài bất khả xâm phạm Điện Biên Phủ”.

 Tướng Na-va nói thẳng ra rằng: Đờ Cát ở Điện Biên, Cô-nhi ở Hà Nội và xa hơn nữa, những người ở Điện Ê-ly-dê, ở lâu đài Ma-ti-nhông và cả những người ở Lầu Năm Góc và Nhà Trắng, đều liên quan đến số mệnh của “Véc-đoong châu Á…”.

 Nghe nói đến tên Cô-nhi, một ký giả chớp luôn thời cơ hỏi về quan hệ giữa hai viên tướng. Người ta nhắc lại câu chuyện ở biệt thự bên bờ Hồ Tây đầu tháng trước (không hiểu sao lại lọt ra ngoài được. Cô-nhi đã hứa giữ bí mật về “câu chuyện cái tát” rồi cơ mà?). Người ta lại dẫn chứng một tin giật gân khác, “bí mật có tính cung đình”, đó là tin khẩu súng lục. Chẳng là mới hôm qua thôi, khi số phận pháo đài Điện Biên Phủ coi như đã được định đoạt Na-va nhận được một bưu phẩm. Giở ra, viên tướng tái mặt, lùi lại. Đó là một khẩu súng ngắn tặng tổng chỉ huy, với lời “yêu cầu tướng quân tự xét xử cho phù hợp với việc gì vừa diễn ra ở miền thượng du Bắc kỳ”.

 Thật khó mà trả lời. Chẳng lẽ lại nói toạc ra rằng: theo phán đoán của tôi – Na-va – tác giả của món quà tặng đó chẳng phải là ai khác ngoài hắn ta – Cô-nhi.

 Càng úp mở, các nhà báo càng hỏi. Càng trả lời lúng túng càng đẻ ra nguy cơ những cột báo dài rất bất lợi.

 Cuối cùng, lối thoát của tổng chỉ huy là Xê-nô-phôn + Công-đo + Anbai rôt trước các nhà báo, tức là tuyên bố cuộc họp báo chấm dứt để… chuồn!
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #183 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2010, 01:40:22 pm »

 Từ Sài Gòn, mời các bạn lên máy bay, vượt đại dương, sang Pa-ri và Oa-xinh-tơn, xem không khí hai thủ đô này vào cái ngày 8 tháng 5 này là thế nào. Trên đường đi, chúng ta tạm dừng xuống một thành phố, thủ đô một nước cũng cảnh ngộ với chúng ta trước đây.

 Đó là thủ đô An-giê.

 Trong các nước thuộc địa cũ của Pháp, ngày 8 tháng 5 đối với nhân dân An-giê-ri có một ý nghĩa đặc biệt.

 Nhớ lại chín năm trước, đúng vào ngày này, sau khi nghe tin phát xít Đức đầu hàng và tin tổng thống Pháp Đờ Gôn tuyên bố trên đài phát thanh Pa-ri, nhân dân An-giê-ri, nhất là nhân dân xứ Công-xtăng tin thuộc miền Đông nước này, hoan hỉ xuống đường mít tinh, hô khẩu hiệu đòi độc lập. Chính quyền thực dân Pháp điều cảnh sát và quân đội đến đàn áp. Riêng ở Công-xtăng-tin. 45.000 thanh niên bị tàn sát, ngày 8 tháng 5 trở thành ngày quốc hận của nhân dân An-giê-ri. Trải qua 9 năm, giữa lúc phong trào An-giê-ri còn đang trong thời kỳ “tiền cách mạng” thì tin chiến thắng Điện Biên Phủ bay tới. Ngày 8 tháng 5 không còn là ngày quốc hận mà mang một tên mới: “ngày chiến thắng”, ngày nhân dân Việt Nam rửa hận cho nhân dân An-giê-ri”.

 Đến thủ đô An-giê-ri hôm nay, 8 tháng 5 năm 1954, chúng ta sẽ thấy nhà nhà mở tiệc. Trong từng gia đình, trong từng khách sạn món ăn nào ngon nhất được đặt tên là “món Điện Biên Phủ”, để mọi người ăn mừng chiến thắng.

 Như sau này các ban An-giê-ri kể lại trong những chuyến sang thăm nước ta: “Nhân dân An-giê-ri chúng tôi đã thực sự ăn mừng chiến thắng đích đáng. Những người anh em Việt Nam đã trả thù cho các liệt sĩ của chúng tôi… Thế là người An-giê-ri bước lên con đường mà những người anh em Việt Nam đã vạch ra… Chúng tôi đánh giá rất cao cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân Việt Nam. Lúc đầu chúng tôi thấy cần thiết phải làm theo nhưng còn do dự, có thái độ chờ xem. Tin chiến thắng Điện Biên Phủ đến với chúng tôi cho thấy rõ con đường dẫn đến thắng lợi nên chúng tôi quyết tâm tiến hành cuộc đấu tranh vũ trang… Cũng như nhân dân Việt Nam, nhân dân An-giê-ri đã viết những dòng chữ máu lên nhiều trang sử anh hùng của mình. Nhân dân chúng tôi đã rửa sạch nỗi nhục về sự bất lực kéo dài 124 năm dưới gông xiềng của chủ nghĩa thực dân Pháp… Không thể nào đánh giá được những ảnh hưởng của Điện Biên Phủ. Thật vậy, Điện Biên Phủ đã giúp cho các dân tộc thuộc địa hãnh diện ngẩng cao đầu…
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #184 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2010, 01:42:22 pm »

 Chia tay với những người bạn An-giê-ri, chúng ta tiếp tục chuyến bay.

 Và hạ cánh xuống Pa-ri, thủ đô nước Pháp, một thủ đô đang “khoác bộ đồ tang”.

 Từ sáng sớm ngày 8 tháng 5, các công sở đều treo cờ rũ, “như để nhớ tiếc giấc mộng xâm lăng vừa bị chôn vùi ở Điện Biên Phủ”.

 Báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp số ra sáng hôm đó viết: “Điện Biên Phủ, trung tâm trận chiến đấu lớn nhất của cuộc chiến tranh đã trở thành bãi tha ma lớn nhất (của quân viễn chinh Pháp). Sự thất thủ của pháo đài đã tỏ rõ tham vọng điên rồ của những kế hoạch xâm lược vào thời đại mà các dân tộc đã nắm chắc trong tay cuộc chiến đấu chính nghĩa vì độc lập… Không một ưu thế về trang bị nào có thể làm cho những viên chỉ huy nhiều kinh nghiệm nhất có trong tay những đơn vị lớn và được sự yểm trợ của lực lượng không quân hùng mạnh, tránh khỏi thất bại… Không một sức mạnh nào và không một ai có thể bắt cả một dân tộc đã vùng lên phải quỳ gối trở lại…”

 Chiều hôm đó, thủ tướng Pháp La-ni-en, trong bộ quân phục màu đen, nét mặt nhăn nhúm vì xúc động nặng nề bước lên diễn đàn quốc hội Pháp, công bố “sự thất thủ của pháo đài Điện Biên Phủ”. Giọng thủ tướng chậm chạp, đứt quãng, tan đi trong bầu không khí tang tóc của hội trường quốc hội, “nghe như những tiếng nức nở của người quả phụ ở chốn xa xăm nào đó”. Tất cả các nghị sĩ, trừ những đảng viên cộng sản, đều đứng dậy trong sự im lặng nặng nề, cúi đầu nghĩ đến những người lính viễn chinh bị đẩy đi bỏ xác tại “Véc-đoong châu Á”.

 Đó là bài tường thuật trên tờ Pa-ri Mát, ngày 8 tháng 5.

 Vào cuối buổi chiều hôm đó, khi bộ trưởng quốc phòng Plê-ven đến cúi đầu trước mồ người lính vô danh, giữa lúc “cả thủ đô Pa-ri sống trong chân không”, một cuộc biểu tình đã nổ ra để đón chào “ngài bộ trưởng”. Người ta thấy có mặt các đại biểu công nhân và nhân dân lao động Pa-ri, các hội viên hội Liên hiệp cựu viên chức Đông Dương, nhiều nhân vật quân sự, những học sinh trường tham mưu và Học viện chiến tranh; người ta cũng thấy cả những "phần tử Đờ Gôn" từ lâu đã thấy sự thật và đã lên tiếng chỉ trích gay gắt chính phủ về cuộc chiến tranh Đông Dương. Cả phu nhân các thống chế Lơ-cle và Đờ Lát cũng có mặt trong cuộc biểu tình.

Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #185 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2010, 01:48:18 pm »

 Vừa ra khỏi nghĩa trang, lập tức ngài bộ trưởng Plê-ven bị đoàn biểu tình xô đẩy. Những lời thóa mạ, những câu chất vấn nổi lên khắp nơi. Ồn ào. Náo động. Vì vội vã, vì run sợ, vì xấu hổ, ngài bộ trưởng rơi cả kính trong lúc tháo chạy. Trước sức mạnh của đám đông cảnh sát cũng “đứng vòng ngoài” im lặng không can thiệp.

 Giữa lúc đó, tiếng chuông nhà thờ Đức Mẹ đổ hồi như cố xua đuổi đám mây tang tóc phủ đen bầu trời Pa-ri đang trong cơn giông tố.

 Buổi tối, không khí thành phố rối loạn đến nỗi chính phủ phải huy động toàn bộ cảnh binh đến bảo vệ các công sở. Mười năm sau ngày giải phóng, lần đầu tiên toàn thủ đô Pa-ri phải sống một đêm căng thẳng vì lệnh thiết quân luật.

 Cũng vào ngày này, chuyện gì đã xảy ra ở Oa-xinh-tơn?

 Ngay từ mờ sáng 8 tháng 5 đã hàng chục lần, người ta đến gõ cửa hoặc gọi điện thoại hỏi người Pháp về “cách phát âm từ Điện Biên Phủ như thế nào?” Thật khó mà trả lời cho đúng ý nghĩa bóng gió của câu hỏi vừa giản đơn, vừa hóc búa này.

 Sáng cũng như chiều, các báo đua nhau đăng tin và sơ đồ “pháo đài Điện Biên Phủ”, với các cụm cứ điểm mang những tên kiều diễm như A-nơ, Ma-ri Huy-ghét, Clô-đin… bên trong những thòng lọng chiến hào siết chặt. Kèm theo là những lời bàn, những lời chê bai.

 Sau khi nghe tin tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt việc làm đầu tiên của tổng thống Hoa Kỳ Ai-xen-hao là triệu tập cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng an ninh quốc gia vào chiều thứ bảy 8 tháng 5 một cuộc họp "vi phạm tính chất thiêng liêng của buổi nghỉ việc cuối tuần".

 Người ta nghe các vị tướng soái báo cáo về diễn biến của trận đánh. Người ta không tiếc lời phê phán những sai lầm về chiến lược của các tướng lĩnh Pháp. “những sai lầm mà các tổng chỉ huy Pháp ở Đông Dương thay nhau phạm phải trong nhiều năm qua”, trong đó, “chủ trương phòng ngự chiến lược bằng bê-tông đã làm cho quân viễn chinh Pháp bị tê liệt như trong thời kỳ hưng thịnh của thuyết Ma-gi-nôt, một chủ trương chỉ đạo chiến tranh đầy rẫy những phương thức cổ hủ”.

 Một câu hỏi được đặt ra: phải chăng người Mỹ chóng quên quá khứ dù chỉ là quá khứ gần, thậm chí rất gần?

 Họ quên rằng năm trước, 1953 khi được biết nội dung kế hoạch Na-va, họ đã xoa tay hoan hỉ: “Với kế hoạch này, thắng lợi của người Pháp đã ở trong tầm tay”. Và một lúc, họ đổ ra gần 400 triệu đô la để viện trợ cho kế hoạch đó. Gần hơn, mới cách đây ba tháng, vào tháng 2-1954, khi lên thăm con nhím Điện Biên Phủ  trung tướng Hòa Kỳ O-Đa-ni-en đã hết lời khen ngợi công trình vĩ đại của Đờ Cát trên cánh đồng Mường Thanh.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #186 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2010, 01:52:13 pm »

 Bấy giờ, Oa-xinh-tơn chê bai Pa-ri, cụ thể là giới quân sự Hoa Kỳ chê bai tướng lĩnh Pháp, ngay sau thất bại ở Điện Biên Phủ.

 Điều đó không có gì là khó hiểu.

 Họ đã phải bỏ tiền ra đảm nhận tới 78,25 phần trăm chiến phí của Pháp ở Đông Dương. Mặc dù vậy, họ vẫn tự coi là “người đứng ngoài cuộc” để áp dụng công thức tiền và súng Mỹ cộng với máu Pháp – ngụy.

 Nhưng rồi, như thiên hạ đều biết, mười năm sau khi đã đem quân vào trực tiếp xâm lược Đông Dương, họ không có cách nào khác là lần theo vết xe đổ của Pháp, để rồi phải chấp nhận thất bại cay đắng trong cuộc chiến tranh lâu dài nhất trong lịch sử Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, một cuộc chiến tranh – sáu đời tổng thống.

 Trong cuốn sách được tái bản nhân dịp kỷ niệm 25 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, vị chỉ huy chiến dịch lịch sử này đã nhìn lại chặng đường xâm lược Đông Dương của thế lực đế quốc phản động mấy chục năm qua, từ thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ và nêu lên một nhận xét xác đáng. Tôi xin mạn phép dừng lời nhận xét đó để kết thúc ở đây câu chuyện của tôi với các bạn trẻ;

 “…Bọn đế quốc cũng như các thế lực phản động khác, kể cả các thế lực bành trướng ngày nay, vẫn luôn luôn mù quáng và ngoan cố, luôn luôn ôm ấp những mưu đồ đen tối và phiêu lưu. Bởi vì, đó là vấn đề thuộc  về bản chất của chúng. Chúng đều là những tên học trò dốt, không bao giờ biết tiếp thu và không có khả năng tiếp thụ những bài học của lịch sử và cho đến ngày chúng bị loại ra khỏi vũ đài của lịch sử.

 “Vì vậy, chúng ta nhất thiết phải luôn luôn cảnh giác và sẵn sàng, và trong những cuộc đụng độ mới trên mọi quy mô có thể diễn ra giữa cách mạng và phản cách mạng, quy luật lịch sử sẽ diễn ra theo hướng tất yếu của nó là: địch nhất định thua, ta nhất định thắng”26.

-------------------------
26. Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ, in lần thứ VI, Nxb QĐND, H.1979, trang 60.

- HẾT -
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM