Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 06:56:53 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Các chiến dịch trong KCCM  (Đọc 87058 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #50 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2012, 08:16:25 am »

Xin giới thiệu diễn biến chiến dịch Tây Sơn Tịnh năm 1966. Tài liệu tham khảo chủ yếu: Từ Điện Biên Phủ tới Sài Gòn (Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh năm 2005) và Khu 5 - 30 năm chiến tranh giải phóng, tập 2 (năm 1989).

Quảng Ngãi là một trong ba hướng phản công của Mỹ - ngụy ở chiến trường Khu 5 trong cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966. Chúng đã tập trung tại đây một lực lượng gồm 5 tiểu đoàn bộ binh Mỹ, 8 tiểu đoàn quân ngụy cùng lực lượng lớn của các đơn vị hỏa lực(1), nhằm trong một thời gian ngắn, tập trung binh hỏa lực, bất ngờ tập kích, tiêu diệt một bộ phận lực lượng ta, đồng thời thường xuyên tổ chức các cuộc hành quân càn quét, thu hồi những vùng đất đã bị mất hoặc lấn chiếm những vùng giải phóng. Đội hình hành quân “tìm diệt” là kết hợp giữa quân Mỹ, quân ngụy và quân chư hầu… Nhưng quân Mỹ đóng vai trò chủ yếu. Khả năng tập trung quân của địch rất lớn, hỏa lực chi viện mạnh, sức cơ động nhanh và lực lượng dự bị dồi dào.

Quán triệt và thực hiện Nghị quyết 12 (tháng 12 năm 1965) của Trung ương Đảng và chỉ thị của Bộ Tư lệnh Miền: “… Các đơn vị, địa phương kiên quyết giữ thế chủ động, không cho địch tập trung lực lượng đánh vào 1 hướng, buộc địa phải phân tán đối phó”. Tháng 1 năm 1966, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định sử dụng sư đoàn bộ binh 2 cùng lực lượng địa phương(2), mở chiến dịch tiến công quân địch ở tây Sơn Tịnh nhằm tiêu diệt sinh lực địch, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân, đẩy mạnh chiến tranh du kích, rèn luyện bộ đội, phối hợp với các chiến trường phá tan kế hoạch phản công mùa khô lần thứ nhất của địch.

Bộ tư lệnh chiến dịch gồm: Đồng chí Nguyễn Năng (tức Việt), Sư đoàn trưởng sư đoàn 2 làm Tư lệnh; đồng chí Phạm Thanh Biền, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi làm Chính ủy; đồng chí Lê Hữu Trữ (tức Thạch), Sư đoàn phó sư đoàn 2 làm Phó tư lệnh; đồng chí Nguyễn Huy Chương, Chính trị viên tỉnh đội Quảng Ngãi làm Phó tư lệnh; đồng chí Nguyễn Minh Đức (tức Đạo), Chính ủy sư đoàn 2 làm Phó chính ủy chiến dịch.

Chiến dịch diễn ra trên địa bàn các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa và Mộ Đức. Chủ yếu là ở khu vực phía tây Sơn Tịnh, cách thị xã Quảng Ngãi 10km và cách căn cứ Chu Lai 20km. Địa hình vùng tây Sơn Tịnh làng mạc xen kẽ đồi núi và ruộng đồng; nhiều điểm cao có giá trị về chiến thuật như núi Tròn, núi Võ, An Điềm, Hòn Một, điểm cao 62…; có quốc lộ 1 và đường sắt chạy song song từ Bắc vào Nam, sông Trà Bồng ở phía bắc và sông Trà Khúc ở phía nam. Nếu ta đánh vào khu vực sẽ uy hiếp trực tiếp tuyến phòng thủ và con đường huyết mạch từ Chu Lai đi Quảng Ngãi của địch.

Trên cơ sở phân tích đặc điểm của quân Mỹ, Bộ tư lệnh chiến dịch đề ra phương châm tác chiến là đánh điểm diệt viện; đánh tiêu diệt từng đơn vị, đánh địch ngoài công sự là chính. Chủ động tiến công địch, có lực lượng dự bị mạnh để diệt viện binh Mỹ và chủ lực ngụy. Bố trí lực lượng có trọng điểm ở bên sườn và sau lưng địch, vận dụng linh hoạt các thủ đoạn bao vây chia cắt, vu hồi, đánh gần, đánh nhanh và di chuyển nhanh.

Bộ Tư lệnh xác định hai hướng đánh địch. Hướng chủ yếu ở khu vực Phước Bình - Khánh Mỹ - Bình Đông, sử dụng sư đoàn bộ binh 2 gồm 2 trung đoàn 21 và 1(3), tiểu đoàn súng cối 120mm và ĐKZ 75mm, tiểu đoàn đặc công (thiếu), tiểu đoàn súng máy phòng không 12,8mm cùng lực lượng địa phương trong khu vực. Hướng thứ yếu của chiến dịch ở khu vực đông Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, bắc Mộ Đức và đông Sơn Tịnh, Bình Sơn, sử dụng 2 tiểu đoàn 48 và 83, đại đội đặc công tỉnh cùng bộ đội, dân quân du kích địa phương.

Về công tác đảm bảo, ngay từ đầu cán bộ hậu cần của sư đoàn và các đơn vị cùng các đồng chí cấp phó phụ trách chính trị đã đi cùng với đoàn chuẩn bị chiến trường; đồng thời tổ chức thu mua và đưa một khối lượng lớn lương thực, thực phẩm ở vùng địch ra, đảm bảo 3 tháng lương thực cho toàn sư đoàn được lót sẵn ở khu chiến. Từ đầu tháng 1 năm 1966, các đơn vị vận tải của quân khu và sư đoàn đã tập trung sức người vận chuyển hàng vào các kho chiến dịch ở Tân An, Đá Nẻ, Đá Sơn, ngoài ra còn phân tán ở cá khu vực Nghĩa Lâm, Tư Nghĩa, Khánh Mỹ. Trước khi nổ súng, vũ khí, đạn dược đã đảm bảo được 2 phần 3 nhu cầu, số còn lại được đảm bảo tiếp trong quá trình chiến dịch. Quân y đã tổ chức được 1 bệnh xá và các đội điều trị đi theo hướng chủ yếu của chiến dịch.

Chiến dịch diễn ra theo 4 đợt. Đợt 1: từ 20 tháng 3 đến ngày 3 tháng 3, ta dùng lực lượng nhỏ đánh cắt đường 1, khêu ngòi chiến dịch.

Đêm 20 tháng 2, các đơn vị tổ chức bí mật chiếm lĩnh trận địa. 24 giờ, công binh của trung đoàn 21 cùng du kích phá quốc lộ 1 (nam núi Võ), đánh mìn ở núi Đất, mở màn chiến dịch. Ngày 21, 1 đại đội ngụy thuộc trung đoàn 5 từ Châu Ổ ra giải tỏa, bị một bộ phận thuộc tiểu đoàn 33 trung đoàn 21 chặn đánh, diệt 1 trung đội và tiêu hao 1 trung đội khác. Sau đó 1 đoàn xe 99 chiếc của địch từ Quảng Ngãi ra Chu Lai bị một bộ phận của trung đoàn 21 phục kích, bắn cháy 3 xe và bắn hỏng 5 xe khác. Từ ngày 22 đến 28 tháng 2, quân ta vẫn uy hiếp đoạn đường này buộc địch phải đưa 1 tiểu đoàn ngụy có thiết giáp hộ tống ra giải tỏa. Trung đoàn 21 thiếu quyết tâm nên không đánh được địch.

Bộ Tư lệnh chiến dịch điều trung đoàn 21 ra phục kích trên đoạn núi Võ – Thế Lợi để diệt cho được 1 tiểu đoàn ngụy, buộc quân Mỹ phải ứng cứu, giải tỏa. Ngày 2 tháng 3,1 đại đội ngụy ra chốt ở Thế Long và Thế Lợi, sát quốc lộ 1. Ngày 3, tiểu đoàn 3 dù ngụy và 2 đại đội biệt kích ra chiếm núi Hương, điểm cao 95, đồng thời tập trung 4 tiểu đoàn Mỹ, 7 tiểu đoàn ngụy cùng xe tăng, xe thiết giáp, máy bay ở Chu Lai và Quảng Ngãi thiết lập trận địa pháo ở dốc Sỏi, chuẩn bị mở cuộc hành quân giải tỏa quốc lộ 1 và khu vực tây Sơn Tịnh. Nắm chắc tình hình địch, Bộ tư lệnh chiến dịch điều trung đoàn 21 đến Nam Bình – Hòa Vinh, trung đoàn 1 đến Vĩnh Khánh - Phước Lộc và lệnh cho các đơn vị tập trung lực lượng chuẩn bị diệt viện đường không của quân Mỹ ở khu vực trọng điểm Khánh Mỹ - Đông Giáp - Phước Bình.


(1) Cụ thể: quân Mỹ có 5 tiểu đoàn thuộc 2 trung đoàn 4 và 7 của sư đoàn 1 thủy quân lục chiến, 1 tiểu đoàn pháo 105mm, 1 tiểu đoàn xe tăng, 1 tiểu đoàn công binh và 5 phi đoàn máy bay phản lực ở căn cứ Chu Lai, ngoài khơi còn có một số tàu chiến thuộc hạm đội 7 hình thành cụm hỏa lực di động luôn sẵn sàng chi viện cho chiến trường Quảng Ngãi và Quảng Nam. Quân ngụy có tiểu đoàn 5 thuộc trung đoàn 5 bộ binh đóng ở nam Bình Sơn, 4 tiểu đoàn thuộc trung đoàn 4 bộ binh đóng ở nam và tây nam Quảng Ngãi, tiểu đoàn 37 biệt động quân ở Châu Ổ, 2 tiểu đoàn thuộc chiến đoàn B thủy quân lục chiến ở Mộ Đức và Đức Phổ và 24 đại đội bảo an; mỗi thôn, xã cũng có một hoặc hai trung đội dân vệ.
(2) Hai tiểu đoàn 48 và 83 và đại đội đặc công của tỉnh cùng với bộ đội và du kích của các huyện, xã.
(3) Trung đoàn 21: Trung đoàn trưởng Phan Viễn; Chính ủy: Nguyễn Ngọc Tiến. Trung đoàn 1: trung đoàn trưởng: Lưu Thành Đức; Chính ủy: Nguyễn Đình Trọng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #51 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2012, 08:21:48 am »

Đợt 2: Từ ngày 4 đến 5 tháng 3, ta tiến công tiêu diệt quân Mỹ đổ bộ sâu trong vùng giải phóng.

Sau khi chốt giữ những vị trí quan trọng và cho máy bay ném bom dọn bãi suốt trong đêm, sáng ngày 4 tháng 3, địch bắt đầu tiến quân “tìm diệt” chủ lực ta. Tiểu đoàn 1 thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ xuống tây điểm cao 62, tiểu đoàn 2 thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ xuống Gò Cát, bắc điểm cao 97. Cùng lúc, 1 cánh quân ngụy có 15 xe M113 hộ tống tiến theo đường 1 từ Thế Lợi lên chiếm Đại Lộc. Từ Châu Ổ, tiểu đoàn 37 biệt động quân và một bộ phận quân Mỹ có xe M113 hộ tống tiến chiếm Gò Chồng, núi An Điềm.

Tình hình hết sức khẩn trương, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định sử dụng bộ đội địa phương và du kích ngăn chặn 2 cánh quân ngụy ở hướng Đại Lộc và An Điềm, tập trung lực lượng sư đoàn 2 tiêu diệt địch ở điểm cao 62 và Gò Cát. Trung đoàn 21 được giao nhiệm vụ vận động tiến công tiêu diệt địch ở điểm cao 62. Đúng 10 giờ ngày 4, trung đoàn bắt đầu tiến công. Tiểu đoàn 22 tổ chức xung phong từ phía bắc (hướng chủ yếu) chiếm được mỏm đồi phía bắc và một phần ba điểm cao. Tiểu đoàn 33 tiến theo phía đông nam (hướng thứ yếu) bị pháo địch ngăn chặn phải lùi lại. Tiểu đoàn 2 Mỹ ở Gò Cát cho một bộ phận tăng cường cho tiểu đoàn 1 ở điểm cao 62. Trận đánh diễn ra ác liệt, đến chiều tối ta vẫn chưa giải quyết xong. Trong lúc tiểu đoàn 1 Mỹ đang bị vây chặt ở điểm cao 62, thì tiểu đoàn 2 Mỹ đổ xuống Gò Cát cũng bị tiểu đoàn 90 của trung đoàn 1 đánh liên tục. Sau khi đổ quân, tiểu đoàn 2 Mỹ hình thành hai cụm đóng quân ở tây Đồi Chùa và cánh đồng Đông Giáp. 16 giờ 20 phút, tiểu đoàn 90 hình thành hai mũi tiến công địch ở cả Đông Giáp và tây Đồi Chùa. Bị bất ngờ, đội hình địch rối loạn, phần lớn bị tiêu diệt, một bộ phận chạy sang điểm cao 62 bị máy bay của chúng ném bom trúng đội hình, một bộ phận khoảng 1 đại đội cụm lại ở xóm nhỏ phía bắc Đồi Chùa. 17 giờ 20 phút, tiểu đoàn 90 chiếm được Đồi Chùa, diệt 2 đại đội và ban chỉ huy tiểu đoàn 2 thủy quân lục chiến Mỹ, bắn rơi 4 máy bay lên thẳng, thu 18 súng. Nắm được tin tiểu đoàn 2 Mỹ bị diệt, đêm ngày 4, trung đoàn 21 đưa tiểu đoàn 11 vào chiến đấu vào tăng cường hỏa lực chi viện, tiến công và tiêu diệt hoàn toàn quân địch ở điểm cao 62, sau đó lui quân về Hòa Vinh.

Sáng ngày 5, ở khu vực Khánh Mỹ, địch tăng quân chiếm lại điểm cao 62, sau đó tổ chức tiến công vào làng Hòa Vinh, tiểu đoàn 22 phòng ngự tại đây đã đánh lui 5 đợt xung phong của địch, diệt 150 tên, thu 6 súng, giữ vững trận địa. Ở khu vực Vĩnh Lộc, lúc 7 giờ ngày 5, sau khi dùng phi pháo bắn phá khu vực Phước Bình – Núi Nón, 70 lần chiếc máy bay lên thẳng chở tiểu đoàn 4 thủy quân lục chiến Mỹ đổ xuống nam đồi Chóp Nón bị hỏa lực phòng không của sư đoàn và trung đoàn 1 bắn rơi 4 máy bay và bị 1 tiểu đội của tiểu đoàn 40 trung đoàn 1 chốt tại đây diệt 50 tên. Sau nhiều lần tiến công không chiếm được Chóp Nón, địch hành quân về hướng Bình Đồng. Từ 15 giờ 30 phút, tiểu đoàn 40 cùng 2 đại đội của trung đoàn 60 và 90 trung đoàn 1 chặn đánh địch ở Phước Bình và Bình Đông. Sau 1 giờ chiến đấu, tiểu đoàn 40 chiếm được Phước Bình, quân địch bị đánh bật ra cụm lại giữa cánh đồng. 22 giờ 45 phút, trung đoàn 1 sử dụng tiểu đoàn 40 và 90 được tăng cường 4 khẩu ĐKZ 75mm và 6 khẩu súng máy phòng không 12,8mm tập kích diệt đại bộ phận quân địch, còn một số tháo chạy về làng Bình Đông cố thủ. Tiểu đoàn 4 thủy quân lục chiến Mỹ bị tiêu diệt gần hết. Từ ngày 6 đến ngày 7 tháng 3, địch đổ quân xuống lấy xác và rút ra khỏi khu chiến. Như vậy bằng một loạt các trận đánh liên tiếp với hiệu suất chiến đấu cao, ta đã đập tan cuộc hành quân của 7 tiểu đoàn địch, tỏng đó có 5 tiểu đoàn Mỹ, đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn và diệt gọn 2 đại đội Mỹ.

Trên hướng thứ yếu, đêm 20 tháng 3, tiểu đoàn 83 của tỉnh và đại đội địa phương huyện Nghĩa Hành tiến công diệt 1 đại đội thuộc trung đoàn 4 ngụy đóng ở Hành Thịnh. Ngày 5 tháng 3, tiểu đoàn 48 của tỉnh diệt đại đội ngụy ở An Phong (xã Đức Chánh) và phối hợp với du kích đánh vào hội đồng xã, diệt 40 tên dân vệ.

Đợt 2 của chiến dịch kết thúc thắng lợi. Nhận thấy trong đợt 2, quân Mỹ bị đánh đau, nhưng sẽ tiếp tục đỡ đòn cho quân ngụy và tìm diệt chủ lực ta, Bộ tư lệnh chiến dịch càng quyết tâm thực hiện như phương án đã đề ra, chỉ bổ sung một tiểu đoàn thuộc trung đoàn 21 cùng lực lượng vũ trang huyện Sơn Tịnh đánh ấp Sơn Trung để thu hút địch và hỗ trợ cho phong trào địa phương.



Bản đồ: trích từ sách Operations in the US resistance war
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #52 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2012, 08:23:51 am »

Đợt 3: Từ ngày 19 đến 29 háng 3, ta tiến công cứ điểm Chóp Tối và tổ chức diệt quân ứng cứu giải tỏa.

Bước vào đợt 3, rạng sáng ngày 19, ta sử dụng đại đội đặc công 1 và 1 đại đội của trung đoàn 1 tập kích diệt gọn đại đội bảo an 936, 1 trung đội biệt kích, 2 tiểu đội dân vệ ở Chóp Tối. Địch phản ứng ngay, suốt trong ngày 19 địch ném bom dọn bãi và 2 lần địch đổ quân ứng cứu nhưng bị các đơn vị dùng súng phòng không bắn trả (bị rơi 2 máy bay), không thực hiện được ý định. Ngày 20 tháng 3, lúc 8 giờ, địch đổ tiểu đoàn 3 thủy quân lục chiến Mỹ và tiểu đoàn 5 dù ngụy xuống Nhân Hòa, cùng lúc đó tiểu đoàn 1 thuộc trung đoàn 5 ngụy, 1 chi đoàn thiết giáp M113 và 4 pháo 105mm hành quân từ Châu Ổ về An Điềm. 14 giờ, địch ở Nhân Hòa chia làm 2 cánh tiến xuống Vĩnh Tuy và An Hòa. Do nắm địch không chắc nên ta không đánh phục kích được. Bộ tư lệnh chiến dịch nhận định địch sẽ đánh ra khu vực An Hòa – Vĩnh Tuy – Phú Thánh – An Điềm, do đó chủ trương chuyển trung đoàn 1 về Phương Đình, ngã ba Phú Thành để đánh địch từ Vĩnh Tuy xuống, dùng trung đoàn 21 đánh địch từ An Điềm vào Phú Thành.

8 giờ ngày 21 tháng 3, địch đổ thêm 1 tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ xuống đồng trống tây bắc làng Hội Đức 300m, sau đó một cánh quân tiến vào làng Hội Đức. Tiểu đoàn bộ binh 60 chặn cánh quân này, diệt 218 tên, bắn rơi 3 máy bay lên thẳng. Suốt ngày hôm đó, địch ném hàng ngàn tấm bom và bắn trên 300 quả đạn pháo vào làng Hội Đức, nhưng tiểu đoàn 60 vẫn giữ vững trận địa, 15 giờ, 1 cánh quân địch tiến công vào làng Phú Thành gặp đại đội 2 của tiểu đoàn 40, chặn đánh, diệt 150 tên và đánh bật chúng ra khỏi làng. Đến 15 giờ 30 phút, địch lại đổ thêm 1 tiểu đoàn Mỹ và tiểu đoàn 37 biệt động quân xuống cánh đòng nam Phú Sơn, bị đại đội súng máy phòng không 12,8mm của sư đoàn và bộ phận hậu phương của trung đoàn 1 nổ súng diệt 100 tên, bắn rơi 10 máy bay lên thẳng, địch phải co cụm lại ở cánh đồng, không vào được làng.

Trên hướng An Điềm, chiều ngày 21, 1 cánh quân có cả xe thiết giáp M113 tiến ra Trà Bình – Khánh Mỹ - Phú Thành và 1 cánh quân từ An Hòa tiến ra Thạch An Nội, 2 cánh quân này gặp nhau rồi tiến vào cao điểm 97. Tiểu đoàn 11 thuộc trung đoàn bộ binh 21 vận động ra quân đánh, diệt 140 tên, bắn rơi 4 máy bay lên thẳng, bắn cháy 23 xe M113; đến tối, cánh quân này trú lại cánh đồng khu vực Phú Thành. Trong đêm 21, Bộ tư lệnh chiến dịch chủ trương cho trung đoàn 1 tập kích địch ở Hội Đức, trung đoàn 21 tập kích địch ở cánh đồng Phú Thành nhưng địch di chuyển liên tục, 2 trung đoàn không thực hiện được trận đánh. Bộ tư lệnh chiến dịch điều cả 2 trung đoàn lui về đứng chân ở Lộc Thọ - An Phước – Phước Lộc.

Ngày 22 tháng 3, địch chuyển hướng giải tỏa khu vực Sơn Trung, điểm cao 97, điểm cao 62. Đến 16 giờ, địch dùng máy bay lên thẳng bốc tiểu đoàn Mỹ ở Phương Đình đổ xuống điểm cao 47, 17 giờ, địch tiến vào đông bắc làng Phước Lộc bị 1 tiểu đoàn của trung đoàn bộ binh 1 chặn đánh, diệt 150 tên, chúng phải quay lại điểm cao 47. Từ ngày 23 đến 25 tháng 5, địch tiếp tục càn quét ở Sơn Trung - Diêm Hòa - Lộc Thọ và đến chiều ngày 25 địch rút hết quân. Đêm 26 tháng 3, trung đoàn 21 và cơ quan chiến dịch chuyển xuống khu vực: Lộc Thọ và Phước Lộc, Vĩnh Khánh.

4 giờ ngày 28 tháng 3, tiểu đoàn 11 tập kích tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 5 bộ binh ngụy tại Lâm Lộc, Sơn Trung, 8 giờ, 1 tiểu đoàn ngụy lên chiếm lại Lâm Lộc. 11 giờ, 1 tiểu đoàn Mỹ đổ bộ xuống điểm cao 47, đồi Mã Tổ, Chóp Nón và tiến về Vĩnh Khánh bị tiểu đoàn 33 và các đơn vị trực thuộc của trung đoàn 21 diệt hàng trăm tên, bắn rơi 1 máy bay lên thẳng. Ngày 29 tháng 3, địch đổ tiếp 1 tiểu đoàn Mỹ xuống Đông Giáp - Vĩnh Khánh nhặt xác và lui quân khỏi khu chiến.

Trên hướng thứ yếu, từ ngày 14 đến 18 tháng 3, tiểu đoàn 48 của tỉnh cùng bộ đội địa phương và dân quân du kích các huyện tiến công địch ở Quán Hồng, cầu Măng Giang, xã Nghĩa Hiệp, hai thị trấn Đông Cát và Thu Xà, phá cầu Dập và cầu Giắt Dây, phối hợp chặt chẽ với hướng chủ yếu.

Đợt 3 chiến dịch kết thúc. Tuy địch đổ quân không theo dự kiến, ta không đánh được trận then chốt, nhưng do các đơn vị cơ động linh hoạt, ta đã diệt được nhiều sinh lực địch chủ yếu là Mỹ và bảo toàn được lực lượng.

Đợt 4: Tư ngày 10 đến ngày 20 tháng 4, ta chuyển hướng về Nghĩa Hành, hỗ trợ phong trào đấu tranh của quần chúng.

Sau 1 tháng liên tục chiến đấu với địch, lực lượng ta có bị tổn hao, nhưng Bộ tư lệnh chiến dịch vẫn duy trì đúng kế hoạch thực hiện đợt 4. Sử dụng đại đội địa phương huyện Nghĩa Hành đánh ấp Ô Bầu để nhử địch từ Quảng Ngãi ra; bố trí trung đoàn 1 ở An Định - Trung Hòa để diệt viện và hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy. Đêm 10 tháng 4, đại đội địa phương Nghĩa Hành tập kích Ô Bầu, diệt 1 trung đội dân vệ; địch bỏ vị trí này, không ứng cứu. Trung đoàn 1 chờ đánh viện không được, đến ngày 14 tháng 4, tập kích tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 4 ngụy đóng ở Gò Huỳnh, diệt 124 tên. 6 giờ ngày 16 tháng 4, trung đoàn lui về An Mỹ Nam - Nam Phước. 8 giờ địch sử dụng 2 tiểu đoàn ngụy chia làm 2 cánh tiến theo đường 1 và đổ bộ xuống Núi Bé - An Mỹ Nam. Do trung đoàn lui quân chậm, bị phi pháo địch đánh trúng đội hình nên triển khai đánh địch theo phương án không kịp mà chỉ sử dụng một bộ phận nhỏ đánh tiêu hao diệt địch, diệt 85 tên.

Trên hướng chủ yếu, ngày 9 tháng 4, tiểu đoàn 48 tập kích vào Long Phung, diệt 1 đại đội bảo an. Một đại đội của tiểu đoàn 83 tập kích vào Kỳ Thọ (xã Hành Đức), diệt 23 trung đội biệt kích. Du kích tập kích vào 4 tiểu đội Mỹ đóng dã ngoại ở đông Bình Sơn. Ngày 19 tháng 4, tiểu đoàn 48 tập kích lần 2 vào Long Phụng, diệt 1 đại đội bảo an. Vì thực hành chiến đấu ở đợt này còn nhiều gượng ép nên kết quả bị hạn chế.

Chiến dịch kết thúc vào ngày 20 tháng 4. Ta đã đánh 69 trận, loại khỏi vòng chiến 7.665 tên địch. Đánh tiêu diệt và tiêu hao nặng 3 tiểu đoàn và 5 đại đội Mỹ; 2 tiểu đoàn, 12 đại đội, 22 trung đội, 2 tiểu đội ngụy; bắn rơi và phá hủy 102 máy bay các loại, phá hủy 27 xe quân sự (có 11 xe M13), đánh sập 95 cầu cống, thu 823 súng các loại, giải phóng 47.680 dân, phối hợp đưa được 35.000 lượt người tham gia đấu tranh chính trị với địch.

Thắng lợi của chiến dịch tiến công tây Sơn Tịnh thể hiện tinh thần quyết tâm dám đánh Mỹ và quyết thắng Mỹ, góp phần cùng với quân và dân toàn miền đánh bại cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất của địch (1965-1966). Qua chiến dịch đã rút ra được những bài học kinh nghiệm về tổ chức và thực hành chiến dịch tác chiến với đối tượng là quân Mỹ; về rèn luyện và nâng cao trình độ chiến đấu của các lực lượng vũ trang; về việc vận dụng các hình thức chiến thuật trước một đối tượng tác chiến mới; đánh dấu bước trưởng thành quan trọng của lực lượng vũ trang của ta trong những năm đầu đánh Mỹ. Thắng lợi của chiến dịch đã góp phần thúc đẩy phong trào du kích và đấu tranh chính trị của nhân dân Quảng Ngãi.

Nét nổi bật về nghệ thuật chiến dịch trước hết là: Nghệ thuật nắm thời cơ mở chiến dịch. Trong lúc đại bộ phận quân địch ở Chu Lai và Quảng Ngãi đang phải tập trung vào hướng phản công ở nam Quảng Ngãi (từ 28-1 đến 18-2, quân Mỹ vừa mở cuộc hành quân Double Eagle - Diều hâu đôi đánh vào Nam Quảng Ngãi, chủ yếu là Đức Phổ và vùng phía đông huyện Ba Tơ), ta quyết định mở chiến dịch tiến công địch ở tây Sơn Tịnh, do đó khi chúng quay lại đối phó thì chậm, lực lượng chúng huy động được trên địa bàn không quá 10 tiểu đoàn, vì thế tương qua giữa ta và địch tương đương nhau về lực lượng.

Khêu ngòi chiến dịch cũng là một thành công của ta trong chiến dịch. Do nắm vững thủ đoạn các cuộc hành quân “tìm diệt” của địch và các thủ đoạn về chiến thuật của chúng, Bộ tư lệnh chiến dịch đã vận dụng tốt phương châm đánh điểm, diệt viện sử dụng một lực lượng nhỏ đánh cắt đường số 1A, uy hiếp trực tiếp đến việc vận chuyển đến an ninh các căn cứ của địch ở quận lị và thị xã Quảng Ngãi, buộc địch phải hành quân giải tỏa, trong khi đó bộ đội chủ lực của ta đã bố trí sẵn ở các khu vực dự kiến địch đổ bộ để tiêu diệt. Đồng thời tổ chức cho bộ đội địa phương và du kích ngăn chặn các cánh quân giải tỏa, ứng cứu bằng đường bộ của địch, tập trung chủ lực cơ động linh hoạt tiêu diệt các cánh quân giải tỏa, ứng cứu bằng đường không của chúng. Sau đó quay lại tập trung lực lượng diệt từng mũi tiến quân bằng đường bộ của địch, nhanh chóng bẻ gãy các cuộc hành quân giải tỏa của chúng, thực hiện được ý đồ chiến dịch.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
nkp
Thành viên
*
Bài viết: 80


« Trả lời #53 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2012, 11:53:48 am »

Có thống kê các chiến dịch của phía bên kia không Chiangsan???

Em chưa thấy, đang định làm thống kê bằng tay. Có cái hơi lằng nhằng là Mỹ nó không chia rõ như mình. Chiến dịch, đợt hoạt động, hành quân, vận động... lớn bé gì đều gọi là "operation". Nhiều khi trong 1 operation lớn lại còn có đến mấy cái operation con.

Chuyện này có thể làm đựoc. Với điều kiện sau:
1. Bốn hợp tác viên rành Anh ngữ và quân sử Mỹ;
2. Cần một thời gian hai (2) năm phân công và liên lạc nhau hàng tháng; và,
3. Xếp trang (layout), bỉnh bút (edit), và, in thử từng chương.
Sẽ làm được.
NKP
Logged
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #54 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2012, 06:20:41 pm »

Vâng, nhưng có lẽ nên để Trung tâm Quân sử Mỹ họ làm (mà hình như là làm rồi). Ta đá lấn sân làm gì? :-)
Logged
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #55 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2012, 07:49:18 pm »

Hồi trước Boonie bên ACG đã làm đến năm 67, từ đó đến giờ không biết đã thêm được phần nào chưa.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
nkp
Thành viên
*
Bài viết: 80


« Trả lời #56 vào lúc: 27 Tháng Chín, 2012, 11:34:07 pm »

Vâng, nhưng có lẽ nên để Trung tâm Quân sử Mỹ họ làm (mà hình như là làm rồi). Ta đá lấn sân làm gì? :-)

Nên lưu ý một điều:  Sách quân sử của Mỹ đựơc soạn thảo riêng theo từ quân binh chủng: Lục Quân viết
về các cuộc hành quân (operations) và trận liệt (oder of battle) của họ; Không Quân, Hải Quân và TQLC ...
cũng viết rieng nhau. Chúng ta phải thu góp lại, từ đó soạn lại bang tiếng Việt và chú thich.

Sách bắt đầu bằng 1 thoi điểm nhất định (e.g.: tháng 3, 1965); tiếp theo là trận liệt (đến khi người Mỹ và VNCH thất thủ; Rồi đến Chiến Dịch (campaigns); rồi đến hành quân (giới hạn lại cẩp tiểu đoàn).
Nếu chuyện soạn các cuộc hành quân quá lớn, thì chỉ soạn bảng trận liệt trước. Đại khái như, Trận Liệt của Quân Đội Hoa Kỳ ở Việt Nam, 1965-1973.
Nghĩ chỉ dể nghỉ mà thôi, vì chuyện này phải có nhân sự --- và sự kiên trì --- thì mới làm được. Tóm lại chỉ là "Nửa đêm mơ thấy làm khăn gói/ Để sáng mai rồi lại quẩn quanh."
NKP
Logged
kiennc
Thành viên
*
Bài viết: 5


« Trả lời #57 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2013, 04:00:49 pm »

Viện Lịch sử QS có 2 tập thống kê chiến dịch đấy bác.
Tập 1 là KCCP
Tập 2 là KCCM
Nêu tóm tắt thừoi gian, binh lực, bản đồ...

Các bác ơi, xem giúp em với. Chiến dịch Kỷ Dậu 1969 của Mặt trận 144 của Quân và dân Quảng Đà có được liệt kê trong này không? Hay đóc chỉ là một trận đánh thôi.

Các bác giúp em với nhé.
Logged
kiennc
Thành viên
*
Bài viết: 5


« Trả lời #58 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2013, 07:17:42 pm »

Không bác nào biết về chiến dịch Kỷ Dậu của quân và dân Quảng Đà sao?
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM