Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 06:29:59 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sơn - Đường khát vọng  (Đọc 168089 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #90 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2010, 10:35:50 am »

Ngày 4 tháng 11 năm 1968, địch huy động máy bay chiến lược B52 và máy bay cường kích dồn dập ném bom rải thảm xuống khu vực này trên chiều dài 2 km, rộng 200m, liên tục 7 ngày đêm. Trên 1 vạn quả bom các loại trút xuống đã làm biến mất con đường, chỉ còn lại những cồn đá, những hố lớn. 50 cán bộ, chiến sĩ bị thương vong, 12 chiến sĩ trú ẩn trong hang bị đánh sập không lấy được xác, 2 khẩu pháo bị phá hủy.

Bộ Tư lệnh đã kịp thời phái ngay đồng chí Nguyễn Văn Kỷ - Tham mưu phó công binh cùng nhiều cán bộ chính trị, quân sự xuống giúp Binh trạm 31 giải tỏa trọng điểm. Bộ Tư lệnh tăng cường trung đoàn 83 công binh do đồng chí Cường làm Trung đoàn trưởng cùng 2 tiểu đoàn (25, 27) công binh của binh trạm để khắc phục đoạn Na Tông - Xiêng Phan, mở đường tránh Xiêng Phan - từ Lằng Nhằng đi Xóm Péng. Đồng thời, điều trung đoàn 84 cao xạ do đồng chí Nguyễn Văn Thành làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Phạm Trang làm Chính ủy bố trí bảo vệ các lực lượng tác nghiệp. Yêu cầu trong vòng 15 ngày phải giải phóng được trọng điểm.

Ở hướng đường 20, địch chọn hệ thống trọng điểm liên hoàn gồm cua chữ A, ngầm Ta Lê và đèo Phu La Nhích (gọi tắt là trọng điểm ATP) làm mục tiêu triệt phá. Đây là tuyến vận tải cơ giới vượt Trường Sơn từ hậu phương vào chiến trường gần nhất. Hệ thống trọng điểm cua chữ A - ngầm Ta Lê - đèo Phu La Nhích nằm sát biên giới giữa tây nam tỉnh Quảng Bình (Việt Nam) với đông nam tỉnh Khăm Muộn (Lào), dài khoảng 7 km.

Cua chữ A là đoạn đường leo quanh sườn núi gấp khúc, một bên là vách núi cao, một bên là vực thẳm, chiều dài khoảng 3 km. Tiếp giáp đoạn cua chữ A là ngầm qua sông Ta Lê có khẩu độ rộng gần 100m, nước sâu và chảy xiết. Phía nam sông là đèo Phu La Nhích chạy men bình độ đi lên dài khoảng 2 km có độ dốc 15% lại chạy gấp khúc trở lại để trèo lên đỉnh, vượt sang tây Trường Sơn, chạy về phía Ka Tốc - Lùm Bùm giáp đường 128.

Những năm trước địch đánh trọng điểm cua chữ A và ngầm Ta Lê chưa nhiều. Vì vậy, ta cũng chỉ bố trí tại đây một đại đội pháo 37 ly, một đại đội thanh niên xung phong, một đại đội công binh.

Lần này, Mỹ sử dụng máy bay chiến lược B52 kết hợp với máy bay cường kích F 105, F4 đánh suốt ngày đêm liên tục 15 ngày. Mỗi ngày có trên dưới 30 lần/chiếc máy bay B52 và khoảng 50 lần/chiếc máy bay cường kích vừa đánh bổ nhào, vừa rải thảm theo tọa độ, trút xuống hàng mấy vạn quả bom, biến toàn bộ khu vực này như bãi "sa mạc". Đường cua chữ A biến mất để lại hàng trăm hố bom và cồn đất đỏ lòm. Hai đầu ngầm Ta Lê bị cày xới để lại hàng trăm hồ nước. Đèo Phu La Nhích bị bóc hết cây cối, hàng ngàn mét đường bị khoét sâu vào ta luy. Để không cho ta khắc phục, địch cho máy bay trinh sát và đánh cầm canh suốt đêm ngày.

Bị đánh bất ngờ, đại đội pháo của ta không kịp trở tay, mặt khác tầm cao của đạn cũng không với tới máy bay chiến lược B52 . Đại đội bị tổn thất nặng: 3 khẩu pháo bị phá hủy, 15 cán bộ, chiến sĩ bi thương vong. Đại đội 1 công binh bám trụ khôi phục mặt đường, ngay trong ngày đầu địch đánh phá, bị thương vong 31 đồng chí.

Khắc phục trọng điểm ATP trở thành nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng bậc nhất ở hướng đường 20. Đây cũng là việc làm vô cùng khó khăn, phức tạp vì phạm vi bị phá hoại rất lớn, máy bay địch lại khống chế suốt ngày đêm.

Về tổ chức, hệ thống trọng điểm này vốn thuộc phạm vi phụ trách của Binh trạm 32 - Đoàn 559, nhưng để chia sẻ bớt khó khăn cho Đoàn 559, từ đầu tháng 11 năm 1968, Bộ quyết định Đoàn 500 quản lý từ bắc sông Ta Lê trở ra đến cua chữ A. Sự điều chỉnh rơi đúng vào thời điểm địch đánh mạnh, biến liên hoàn trọng điểm ATP ở thế bị cắt khúc, thiếu sự chỉ đạo tập trung khắc phục.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #91 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2010, 10:36:32 am »

Ngày 13 tháng 11, Quân ủy Trung ương điện giao nhiệm vụ cho Đoàn 559 chỉ huy giải tỏa toàn bộ hệ thống trọng điểm liên hoàn ATP từ km 68 trở vào, đồng thời cử Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện cấp tốc vào truyền đạt chủ trương trên cho Bộ Tư lệnh 500. Sau khi tiếp nhận chủ trương của Quân ủy Trung ương, ngày 14 tháng 11 năm 1968, Đảng ủy Bộ Tư lệnh 559 đã họp và quyết định:

1. Bằng mọi giá, giải tỏa cho được hai trọng điểm vượt khẩu: chậm nhất ngày 25 tháng 11 năm 1968 phải xong trọng điểm Xiêng Phan, ngày 5 tháng 12 năm 1968 phải xong trọng điểm ATP.

2. Tổ chức ngay một đợt vận chuyển đột kích quy mô nhỏ nhằm kéo bớt địch ra khỏi hai trọng điểm yết hầu trên, làm giảm bớt áp lực của chúng đối với các lực lượng đang làm nhiệm vụ giải tỏa. Đồng thời, chỉ đạo các binh trạm phía nam lợi dụng sơ hở khi địch đang bám đánh các binh trạm phía bắc, tổ chức vận chuyển nhanh chóng rút hàng tồn kho và trên 2.000 tấn hàng do bộ phận đồng chí Nguyễn Đức Phương thu mua được ở hướng C4 (tức vùng nam A Tô Pơ của Lào và bắc Tung Trọng của Campuchia), đảm bảo nhu cầu tối thiểu và cấp thiết cho Tây Nguyên và Khu 5. Đối với các binh trạm phía bắc, thu gom và tận dụng số xăng còn lại, vận chuyển nhỏ vào đường 9 rồi gùi thồ cho chiến trường Trị - Thiên.

3. Tăng cường công tác Đảng, công tác chính trị, quán triệt tình hình nhiệm vụ, xây dựng khí thế cách mạng, khắc phục tư tưởng bi quan dao động trước sự đánh phá dữ dội của địch.

4. Hoàn thiện mọi mặt chuẩn bị. Sau khi giải tỏa được hai trọng điểm, lập tức mở ngay chiến dịch vận chuyển. Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh cử đồng chí Nguyễn Lang - Tham mưu trưởng tác chiến vào phía nam chỉ đạo các binh trạm 36, 37, 44. Đồng chí Lê Đình Sum - Phó tư lệnh, đồng chí Ngô Thành Vân - Chủ nhiệm chính trị, đồng chí Nguyễn An Tham mưu trưởng vận chuyển, trực tiếp chỉ huy chung tại sở chỉ huy cơ bản.

Ngày 15 tháng 11 năm 1968, Tư lệnh cùng Tham mưu trưởng công binh Phạm Văn Diêu, Trưởng phòng bảo đảm giao thông Đinh Hào xuống Binh trạm 32 cùng chỉ huy Binh trạm đến trọng điểm ATP trực tiếp thị sát và quyết định tại chỗ các biện pháp giải tỏa.

Sau khi tham khảo ý kiến tại chỗ, Tư lệnh Đoàn quyết định:

- Sử dụng lực lượng thích hợp tổ chức trận địa phòng ngự, kiên cường bám trụ mặt đường. Nắm vững quy luật đánh phá của địch, tranh cướp với chúng từng thước đường. Khẩn trương khôi phục đường A từ hai đầu lại. Tích cực nghi binh kéo địch vào đường giả, tạo điều kiện cho các lực lượng khôi phục đường A.

- Khôi phục đường C rộng đủ cho đội hình xe lớn chạy, ngụy trang che phòng, không được đề địch phát hiện khi còn thi công... Tập trung lực lượng mở thêm một đường kín ở sườn dãy núi Cu Xê Bao (gọi là đường Đ), cách đường A khoảng 3 km, tạo ra một thế trận mới làm thất bại âm mưu đánh dứt điểm của địch.

- Khôi phục ngầm A, ngầm B, mở thêm ngầm C, ngầm Đ tạo thêm nhiều điểm vượt sông Ta Lê, có điểm vượt chính, điểm vượt dự bị, điểm vượt nghi binh.

- Điều hòa phối hợp lực lượng đảm bảo toàn bộ các công trình hoàn thành đúng vào một thời điểm nhằm mở toang cửa khẩu, chấm dứt triệt để sự ngăn chặn của địch ở bất cứ nơi nào trên trọng điểm. Yêu cầu giữ cho được bí mật các công trình trong vòng 20 ngày.

- Hết sức coi trọng công tác chính trị, phát động quần chúng, động viên cán bộ, đảng viên đi đầu, dấy lên thành cao trào "Mở đường mà tiến, đánh địch mà đi”.

- Lực lượng tham gia giải tỏa trọng điểm gồm: tiểu đoàn 33 công binh, 2 đội thanh niên xung phong và 3 tiểu đoàn công binh (17, 335, 336), trung đoàn 32 bộ binh, 3 máy húc, 80 tấn thuốc nổ. Về phòng không, ở phía bắc trọng điểm bố trí trung đoàn cao xạ 280 do Bộ phối thuộc; ở phía nam và trung tâm trọng điểm bố trí 2 tiểu đoàn cao xạ 18 và 42.

- Chính ủy Binh trạm 32 chỉ huy chung cùng Binh trạm phó Binh trạm 14 Trần Đình Cầu và Trưởng phòng đảm bảo giao thông Đinh Hào tổ chức giải tỏa trọng điểm. Tham mưu trưởng công binh Đoàn 559 Phạm Văn Diêu đốc chiến. Thời gian hoàn thành các công trình giải tỏa trọng điểm và thông xe chậm nhất là ngày 25 tháng 12 năm 1968.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #92 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2010, 10:37:23 am »

Thực hiện quyết định trên, sau một ngày khẩn trương chuẩn bị về mọi mặt, nhất là về tư tưởng, tổ chức, kế hoạch, tất cả các lực lượng vào vị trí chiến đấu.

Ngày 17 tháng 11 năm 1968, trên 2.000 cán bộ, chiến sĩ trên trọng điểm đồng loạt ra quân. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng khẩn trương, quyết liệt.

Địch tiếp tục đánh phá theo lối cầm canh. Tuy cường độ ném bom của máy bay B52 có giảm, nhưng lại tăng các phi vụ máy bay cường kích và dùng các thủ đoạn đánh phá mới rất xảo quyệt: Thả bom mìn hỗn hợp, bom phá, bom nổ chậm. bom từ trường, mìn vướng nổ... nhằm ngăn cản ta tiếp cận mặt đường và gây thương vong cho lực lượng khắc phục. Ban chỉ huy tiểu đoàn 33 công binh cấp tốc họp nghiên cứu tính năng, tác hại của từng loại bom mìn, tổ chức các phân đội chuyên trách phá từng loại, nhanh chóng mở đường cho các phân đội máy húc và các phân đội khác tiến vào tác nghiệp san lấp hố bom. Chiến thuật này đã hạn chế đáng kể thương vong và nâng cao nhịp độ khôi phục mặt đường.

Ngày 18 tháng 11 năm 1968, đại đội cao xạ thuộc tiểu đoàn 18 do đồng chí Sóc, Tiểu đoàn trưởng chỉ huy, đã đánh một trận xuất sắc hạ 2 máy bay cường kích. Ngày hôm sau, đại đội cơ động sang trận địa dự bị tiếp tục đánh trả quyết liệt buộc máy bay địch phải nâng độ cao, rải bom mìn không trúng mục tiêu, hạn chế tý lệ thương vong.

Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra hàng ngày vô cùng quyết liệt, không ngày nào không có thương vong. Nhưng, bộ đội ta chẳng hề chùn bước, người trước ngã, người sau tiến lên. Đại đội trưởng đại đội 1 công binh Nguyễn Vũ bị bom B52 chôn vùi. Lúc đồng đội bới lên, đồng chí bị sức ép hộc máu mũi. Vừa được cấp cứu xong, đồng chí lại bám ngay đơn vị chỉ huy chiến đấu.

Tiểu đoàn trưởng Đỗ Xuân Diễn và Chính trị viên phó tiểu đoàn Cao Xuân Hùng ngày đêm xông xáo, lăn lộn cùng anh em phá bom san đường.

Trung đội trưởng máy húc Vũ Tiến Đề bám chắc địch lái chiếc máy C 100, tiến ra rút vào một cách mưu trí, dũng cảm, mỗi ngày đêm san lấp được hàng chục hố bom, giải phóng hàng trăm mét đường. Sáng kiến nổi bật của anh là giấu máy húc ngay trên trọng điểm giữa ban ngày, nghi trang rất giỏi, máy bay địch không phát hiện được.

Ở trọng điểm Xiêng Phan, cuộc chiến đấu cũng diễn ra ác liệt. Mỗi chiến sĩ là một dũng sĩ. Trung đội trưởng công binh Hoàng Hữu Thanh cùng các chiến sĩ xông pha suốt đêm ngày, nổ đá, san đường, tranh chấp với địch từng thước đường. Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 25 công binh Nguyễn Bửu Ký và Chính trị viên tiểu đoàn Nguyễn Văn Phiên bám sát mặt đường, động viên anh em rà phá bom mìn hỗn hợp.

Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 27 công binh Chu Thế Kỳ và Chính trị viên tiểu đoàn Tống Duy Sự trực tiếp động viên anh em lấp từng hố bom dưới sự đánh phá điên cuồng của địch.

Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn cao xạ Nguyễn Văn Tú chỉ huy đơn vị đánh trả địch quyết liệt khi bị chúng đánh vào trận địa, hạ được 2 máy bay. Đồng chí đã hy sinh anh dũng trên đài chỉ huy. Giữa trọng điểm đánh phá ác liệt, các chiến sĩ Trường Sơn vẫn ngẩng cao đầu coi mặt đường là trận địa. Chính ở nơi đây “nghe tiếng bom rất nhỏ". 

Trên các khu vực làm đường mới, bộ đội ta lao động khẩn trương, căng thẳng suốt đêm ngày. Vừa khảo sát vừa thi công; thi công nhảy cóc, thi công hai đầu giáp lại, cải tiến cách đánh đổ cây lớn bằng thuốc nổ... và những sáng kiến khác đã nâng cao năng suất lao động, phát huy công suất phương tiện và công cụ, làm cho tốc độ mở đường nhanh chóng đến bất ngờ. Đường tránh Cu Xê Bao ở phía bắc trọng điểm dài khoảng 20 km leo ngang sườn núi đá rất khó thi công, nhưng cứ mỗi ngày có thêm đường.

Máy bay trinh sát OV 10 của địch bay vè vè suốt ngày trên các khu vực ta tác nghiệp để dò la tình hình. Thỉnh thoảng, những chùm bom tọa độ rơi trúng đội hình, gây thương vong nhưng khí thế lao động trên công trường rất khẩn trương, sôi động.

Ngày 5 tháng 11, ta khôi phục xong trục chính và mở được một trục tránh từ bắc Xiêng Phan đến Xóm Péng dài 10 km, trọng điểm Xiêng Phan được khai thông.

Ngày 2 tháng 12, trọng điểm ATP được giải tỏa, hình thành ba trục vượt khẩu có tổng chiều dài 48 km; ba ngầm vượt sông Ta Lê được tôn bằng 2.000 m3 đá.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #93 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2010, 10:38:04 am »

Trên cả hai trọng điểm, các hệ thống công sự, trạm chỉ huy giao thông, đài quan sát trận địa pháo, trận địa công binh, trạm cấp cứu phẫu thuật, mạng thông tin hữu tuyến và vô tuyến, cùng sở chỉ huy tiền phương của binh trạm được nhanh chóng triển khai đồng bộ, hoàn chỉnh.

Hàng trăm xe ứ lại ở hai đầu trọng điểm dồn dập vượt khẩu. Đây là thời điểm đánh dấu sự phá sản bước đầu âm mưu bịt cửa khẩu của đế quốc Mỹ.

Vài ngày sau, địch phát hiện trọng điểm đã được giải tỏa. Chúng phán đoán ta đã mở đường tránh nên trinh sát suốt ngày đêm. Chỗ nào ngờ vực có đường là máy bay cường kích kéo đến oanh tạc. Khoảng 15 ngày sau, những đường mới mở cũng bị chúng phát hiện và đánh phá mạnh bằng máy bay B52. Nhưng thế trận đã thay đổi, địch buộc phải phân tán lực lượng đánh cả ba trục làm cho mật độ bom trúng đường bị giảm, không cản nổi đội hình vận chuyển cơ giới của ta.

Được tin hai trọng điểm cửa khẩu được giải tỏa, nhất là cửa khẩu ATP, toàn tuyến phấn khởi bừng bừng khí thế. Tiền tuyến, hậu phương đều chia sẻ niềm vui trước thắng lợi chung. Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điện biểu dương Đoàn 559.

Đánh bại hành động tập kích quy mô lớn của không quân Mỹ ở hai cửa khẩu có ý nghiã rất to lớn. Mặc dù gần 200 cán bộ, chiến sĩ bị thương vong, nhưng chứng tỏ dù địch đánh phá mạnh, âm mưu thủ đoạn xảo quyệt, phương tiện kỹ thuật tiên tiến, chúng không thể ngăn được quyết tâm sắt đá, tinh thần dũng cảm, ngoan cường, mưu trí, sáng tạo của Bộ đội Trường Sơn. Một lần nữa, Bộ đội Trường Sơn có thêm bài học sâu sắc về đánh giá địch, ta, về tổ chức chiến đấu, nghi binh lừa địch, về tổ chức thế trận cầu đường bảo vệ trọng điểm, về ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Với sự nỗ lực của các lực lượng toàn tuyến, các yếu tố chuẩn bị cho đợt Tổng công kích quy mô lớn của chiến dịch vận chuyển mùa khô 1968- 1969 cơ bản hoàn thành. Chân hàng trên hai binh trạm 31, 32 đã có gần 10.000 tấn.

Hậu quả nặng nề của cơn bão số 8 phá hủy hàng loạt đường, cầu, phà, ngầm trên các tuyến vượt khẩu đã được khắc phục. Nhiều đường vòng các trọng điểm được mở, các hệ thống hầm hào tiếp cận trọng điểm, hầm tránh bom dọc đường, các đài quan sát máy bay oanh tạc, các trạm chỉ huy giao thông, các điểm chốt kích kéo cứu xe, các điểm chốt các đội phẫu thuật cấp cứu thương binh đã được bố trí xong.

Các phân đội chuyên trách như: mở đường, bảo đảm cầu phà, trinh sát bom mìn, điều chỉnh giao thông chống phá hoại, rà phá các loại bom mìn hỗn hợp được tổ chức và đi vào hoạt động.

Trên mặt trận tác chiến phòng không, ta đã bố trí Trung đoàn 591 pháo cao xạ ở trọng điểm yết hầu Văng Mu. Phương án bố trí bảo đảm tập trung đủ mạnh, hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung, có tầng cao, tầng thấp, kết hợp chốt với cơ động bảo vệ đội hình xe và đón lõng tiêu diệt máy bay bay thấp. Bộ Tổng tham mưu tăng cường hai trung đoàn cao xạ 280 và 284 bảo vệ hai cửa khẩu trên đường 12 và đường 20.

Trên mặt trận tác chiến mặt đất, bố trí 5 tiểu đoàn và 12 đại đội bộ binh chiếm lĩnh các điểm cao từ xa, kết hợp với cơ động lùng sục tiêu diệt biệt kích thám báo khi chúng tiếp cận mặt đường để dò la tình hình và chỉ điểm.

Về giao liên, bố trí 10 tiểu đoàn trên tuyến đường dài gần 1.000 km, mở thêm một tuyến mới, tổ chức 67 trạm giao liên đường bộ, 17 trạm giao liên đường cơ giới cùng với các bãi trú quân, các hệ thống hầm hào và bếp Hoàng Cầm.

Về vận chuyển, bố trí 15 tiểu đoàn ô tô vận tải với 2.055 xe trên 15 cung có tổng chiều dài gần 2.000 km. Các đơn vị xe chủ lực đều có căn cứ đứng chân, bàn đạp xuất kích. Các khu kho với sức chứa từ 5.000- 10.000 tấn hàng với 20 đại đội bốc dỡ được bố trí tương ứng với số xe của từng binh trạm. Hơn 240 km đường xe ra vào các khu kho được xây dựng theo quy hoạnh đảm bảo cơ động đội hình xe lớn và giải phóng xe nhanh, hàng loạt.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #94 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2010, 10:38:44 am »

Để bảo đảm chỉ huy thông suốt, sở chỉ huy cơ bản, sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tư lệnh và các binh trạm được xây dựng trên các vị trí thuận lợi cho chỉ huy hiệp đồng binh chủng, nắm tình hình và xử lý mau lẹ các tình huống phức tạp xảy ra trên địa bàn phụ trách. Thông tin liên lạc giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác chỉ huy được triển khai sớm, hình thành mạng lưới hữu tuyến, vô tuyến, tải ba, tiếp sức và các tổng trạm thông tin khu vực, tổng trạm thông tin trung tâm từ Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh tỏa xuống tất cả các đơn vị từ cấp đại đội trở lên trên toàn tuyến, đảm bảo chỉ huy vững chắc ở mọi nơi, trong mọi tình huống.

Về hậu cần, đã tổ chức 1 bệnh viện, 14 đội điều trị, 50 đội phẫu thuật, hoàn chỉnh hệ thống cấp cứu thương binh từ tiền tuyến đến hậu cứ. Các cơ sở vật chất bảo đảm đời sống cho bộ đội chiến đấu dài ngày được chuẩn bị tương đối đầy đủ.

Về công tác chính trị tư tưởng, cơ quan chính trị các cấp đã quán triệt tình hình nhiệm vụ, xây dựng tư tưởng tiến công, phát động phong trào "Đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" giành cờ thưởng luân lưu của Chủ tịch nước. Tờ báo Trường Sơn của cơ quan chính tri Bộ Tư lệnh Đoàn, tờ tin của các binh trạm được phát hành rộng rãi. Các đoàn văn công từ hậu phương vào, các đội văn nghệ của Đoàn và Binh trạm hoạt động sôi nổi. Đầu tháng 1 năm l969, Tư lệnh Đoàn 559 và Tư lệnh Đoàn 500 được triệu tập ra báo cáo Quân ủy Trung ương về chủ trương, biện pháp giành thắng lợi trên mặt trận vận chuyển chi viện chiến lược và nhận chỉ thị mới về nhiệm vụ mùa khô 1968- 1969.

Ngày 12 tháng 1 năm 1969, Tư lệnh Đoàn 559 từ Hà Nội về tới Sở chỉ huy cơ bản tại Na Hi phía bắc đường 9 chừng 7 km.

Ngày 13 tháng 1 năm 1969, Đảng ủy Bộ Tư lệnh triệu tập hội nghị để truyền đạt tinh thần Nghị quyết Quân ủy Trung ương và đề xuất những nội dung cần tổ chức thực hiện trong đợt "Tổng công kích". Tư tưởng chỉ đạo của Quân ủy Trung ương về tổ chức vận tải chiến lược là:

Xây dựng thế trận vững chắc, phát huy tư tưởng tiến công, kiên quyết đánh địch, kết hợp với phòng tránh và nghi binh làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn đánh phá của không quân Mỹ với bất cứ quy mô, cường độ nào.

Về phương thức vận chuyển trên toàn tuyến trong mùa khô, vẫn lấy vận tải cơ giới làm chủ yếu. Hết sức coi trọng khâu khai thác đường sông, phát huy tất cả các phương tiện thô sơ hỗ trợ nhau và vận dụng thích hợp với từng đoạn, từng lúc khác nhau. Phối hợp chặt chẽ giữa tuyến trước với tuyến sau, giữa tuyến hậu cần chiến lược với tuyến hậu cần chiến dịch. Tăng cường tổ chức hậu cần chiến dịch, nhất là đối với chiến trường Trị - Thiên. Chú ý cân đối việc chuyển hàng của tuyến 559 với sức hút của chiến trường. Nỗ lực hơn nữa chở hàng nhanh, kịp thời đến tay bộ đội đủ số lượng, chất lượng tốt.

Bộ Tư lệnh 559 được giao thêm nhiệm vụ tiền phương, Tổng cục Hậu cần trực tiếp chỉ đạo công tác hậu cần các chiến trường Trị - Thiên, Khu 5, Tây Nguyên, đặc biệt là Trị - Thiên. Đại tá Hoàng Văn Thái - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần được cử làm Phó Tư lệnh kiêm Chủ nhiệm hậu cần Quân khu Trị - Thiên, đồng thời tham gia Đảng ủy Bộ Tư lệnh 559.

Về tình hình nhiệm vụ của Đoàn 559, Đảng ủy chỉ rõ: “Địch ngừng ném bom hoàn toàn miền Bắc là thắng lợi lớn của ta, nhưng chúng chuyển lực lượng đánh phá tuyến 559, trước hết tập trung cao độ lực lượng không quân triệt phá, bịt chặt cửa khẩu chặn đứng sự chi viện miền Nam, âm mưu đó đã bị đánh bại. Nhưng quyết tâm đánh phá ngăn chặn tuyến 559 của chứng không hề thay đổi. Mùa khô 1968- 1969, cường độ đánh phá của chúng sẽ mạnh gấp nhiều lần so với mùa khô năm ngoái. Nhưng sức mạnh của địch cũng có hạn.

Cách đánh của địch có những sơ hở, lúc tăng, lúc giảm, chỗ tăng, chỗ giảm. Chúng đang bị động đối phó với ta trên một tuyến vận tải dài gần 3.000 km. Nếu ta có thế cầu đường vững chắc, nắm vững quy luật địch, vừa nghi binh lừa địch, vừa ngụy trang phòng tránh, vừa kiên quyết đánh địch với tư tưởng chủ động tiến công và tác chiến hiệp đồng binh chủng thì ta có thể thắng chúng.

Tuy nhiên, tiềm lực của địch còn lớn, cách đánh của địch nham hiểm, thường thay đổi quy luật và thủ đoạn đánh phá nên dễ gây cho ta sự lúng túng, tổn thất ban đầu. Do đó, toàn tuyến phải xác định quyết tâm thực hiện nhiệm vụ Quân ủy Trung ương giao, nỗ lực, dũng cảm, nhạy bén tạo thời cơ, chớp thời cơ, chỉ huy linh hoạt, sắc sảo, cùng tuyến hậu phương thực vượt khẩu thắng lợi, tạo chân hàng dồi dào ở các binh trạm phía bắc, tranh thủ nguồn hàng tại chỗ ở phía nam hướng C4. Kiên quyết phấn đấu đạt chỉ tiêu mà Bộ đã giao là 55.157 tấn”.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #95 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2010, 10:39:21 am »

Căn cứ vào tình hình thời tiết, địch tình và sự phát triến của từng chiến trường, Đảng ủy xác định cần thực hiện phương châm vận chuyến vươn xa hơn, sâu hơn, ưu tiên những nơi xa, nơi khó và nơi có khối lượng lớn trước để giảm bớt sức ép căng thẳng cuối mùa. Cần tăng cường khả năng bảo đảm hành quân cho 9 vạn rưỡi quân vào, trong đó có các binh chủng kỹ thuật. Củng cố vững chắc những khu vực tiếp giáp hậu cứ các chiến trường.

Sau khi xem xét các yếu tố chuẩn bị cho chiến dịch vận chuyển. Bộ Tư lệnh quyết định toàn tuyến thực hiện "Tổng công kích" đợt 1 vào 17 giờ ngày 15 tháng 1 năm 1969.

Yêu cầu của "Tổng công kích" là bất cứ tình huống nào cũng phải vận chuyển vượt đường 9 mỗi tháng một vạn rưỡi tấn. Đồng thời, chớp thời cơ khi địch đang bị hút vào các trọng điểm ở phía bắc, tranh thủ vận chuyển giao cho các chiến trường 7.000 tấn/tháng, trước hết ưu tiên cho chiến trường Trị - Thiên và Liên khu 5 . Trong tổng công kích cần vận dụng, phát huy mọi phương thức vận chuyển.

Các binh trạm phía bắc sử dụng hoàn toàn phương thức vận chuyến cơ giới. Các binh trạm phía nam sử dụng phương thức vận chuyển cơ giới đường bộ, kết hợp với vận chuyển đường sông nếu có điều kiện. Các binh trạm đường ngang tiếp giáp chiến trường sử dụng phương thức vận chuyển cơ giới là chính, kết hợp với gùi thồ đi sâu vào hậu cứ chiến trường khi cần thiết. Tất cả các binh chủng phải hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ, lấy binh chủng vận tải làm trung tâm, lấy kết quả vận tải làm mục đích.

Đảng ủy, Bộ Tư lệnh củng chỉ thị cấp chỉ huy binh trạm phải trực tiếp dẫn đầu đoàn xe, có cờ hiệu để động viên khí thế bộ đội: trực tiếp nắm tình hình cầu đường tình hình địch, ta và trực tiếp xử lý các tình huống phức tạp.

17 giờ ngày 15 tháng 1 năm 1969, toàn tuyến 559 ra quân với quyết tâm đánh thắng trận đầu. 11 binh trạm, 5 trung đoàn, 99 tiểu đoàn, 111 đại đội với 4 vạn quân trực tiếp tham gia chiến đấu trong đội hình binh chủng hợp thành. 15 tiểu đoàn ô tô xuất kích trên nhiều tuyến, nhiều hướng. Tất cả các lực lượng đều hướng về phía trước.

Địch phát hiện quy mô vận chuyển lớn của ta, lập tức đánh phá quyết liệt, nhất là các trọng điểm và ráo riết lùng sục đội hình xe. Chúng sử dụng nhiều loại máy bay trinh sát (OV 10, OV2, C 130) được trang bị khí tài đặc biệt, thường xuyên túc trực trên không để tìm kiếm mục tiêu. Đồng thời, chúng rải khắp rừng, dọc tuyến hành lang hàng vạn khí tài trinh sát điện tử, gồm các loại máy cảm ứng địa chấn. Khi bắt được mục tiêu, chúng phát tín hiệu báo cho máy bay đến đánh phá.

Mùa khô 1967- 1968, không quân Mỹ chủ yếu đánh bằng bom phá, bom phát quang, bom bi. Mùa khô này, chúng sử dụng phổ biến các loại bom nổ chậm, bom từ trường, bom bi nổ chậm, mìn vướng nổ, mìn răng rồng, mìn lá. Thủ đoạn đánh phá của chúng là phá hoại đường trước, sau đó thả bom bi nổ chậm, rồi tiếp đến thả bom từ trường, cuối cùng thả mìn vướng nổ. Mục đích là cản trở ta khắc phục đường, ngăn chặn đội hình xe và gây sát thương lớn cho ta.

Các trọng điểm bị đánh phá nhiều nhất bằng thủ đoạn và vũ khí mới là Phe Pha Năng, Xiêng Phan, Xóm Péng ở Binh trạm 31; ATP, Ca Tốc, Cốc Mạc, Văng Mu, ngầm Tha Mé ở Binh trạm 32; Bạc, Đèo Long ở Binh trạm 35; Dốc Thơm, Tam Luông ở Binh trạm 41; Dốc Trực ở Binh trạm 37; Động Con Tiên ở Binh trạm 42; Chà Vằn ở Binh trạm 44; đèo Tha Mé ở Binh trạm 33; La Hạp ở Binh trạm 34... Máy bay định còn ráo riết lùng sục, tìm đánh các căn cứ kho tàng, bãi đậu xe, trạm kỹ thuật, sở chỉ huy các đơn vị.

Từ cuối tháng 1 năm 1969 đến đầu tháng 3 năm 1969, Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh 559 và hầu hết sở chỉ huy các binh trạm đều bị oanh tạc.
Với vũ khí và thủ đoạn đánh phá mới, đánh với cường độ cao một cánh đột biến, địch đã gây cho ta những lúng túng ban đầu và tổn thất lớn về người và phương tiện. Từ đầu tháng 11 năm 1968 đến đầu tháng 2 năm 1969, địch huy động 45.785 lần chiếc máy bay cường kích và 1.618 lần chiếc máy bay chiến lược B52 ném trên nửa triệu quả bom các loại xuống các trọng điểm, đánh hỏng 300 xe, làm thương vong 500 cán bộ, chiến sĩ.

Bộ Tư lệnh đã lệnh cho các đơn vị Pháo cao xạ chốt ở các trọng điểm chiến đấu kiên cường, tập trung hỏa lực, đánh dứt điểm, tiêu diệt các loại máy bay thả các phương tiện trinh sát điện tử và máy bay cường kích thả bom mìn hỗn hợp. Các phân đội súng máy 12,7 ly cơ động đón lõng đường bay, các phân đội súng trường leo lên đỉnh núi, kiên quyết bắn rơi máy bay địch.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #96 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2010, 10:40:19 am »

Bộ Tư lệnh phát động rộng rãi phong trào bắn rơi máy bay bay thấp, tích cực đanh địch một cánh liên tục cả ngày lẫn đêm, tạo nên uy lực và hỏa lực liên hoàn tiêu diệt và uy hiếp địch. Tổ chức phòng tránh và nghi binh lừa địch, tận dựng kinh nghiệm đánh địch, tránh địch và nghi binh ở trọng điểm ATP, nhử địch vào một hướng, tuyến, nhanh chóng vu hồi, lật cánh đội hình vận chuyển sang hướng, tuyến khác để giữ vừng sức đột kích. Tăng cường đài quan sát bám sát các máy bay cường kích, nắm chính xác số lượng các đợt đánh phá, số lượng bom mìn và phương tiện trinh sát điện tử, thời gian và địa điểm rơi của chúng, kịp thời báo cáo về sở chỉ huy binh trạm và tiểu đoàn để xử lý. 

Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Chính trị ngày đêm theo dõi, chỉ đạo và trực tiếp giúp đỡ Đoàn 559. Tháng 2 năm 1969, Bộ điều tiểu đoàn xe bọc thép AM có gắn súng máy 14,5 ly bổ sung cho Đoàn để cơ động đánh máy bay bay thấp.

Bộ cũng điều vào 5 xe phóng từ BTR do Viện Kỹ thuật Quân sự sáng chế. Các đồng chí Hoàng Đức Dụ, Chử Ngọc Bích, Thái Quang Sạ, Nhâm Xuân Cũng được Cục Nghiên cứu kỹ thuật Quân sự - Tổng cục Hậu cần phái vào tuyến, hướng dẫn cách sử dụng.

Bộ còn tăng cường cho Đoàn nhiều cán bộ chỉ huy chiến đấu phòng không. Đồng chí Ngô Huy Biên được điều vào làm Tham mưu phó phòng không của Đoàn. Các đồng chí Vũ Thành, Phạm Lê Hoàng, Nguyễn Văn Tiệp, Trần Bưởi, Trần Bút và nhiều cán bộ phòng không khác lần lượt được điều vào tuyến 559.

Trong khi toàn tuyến rầm rộ bước vào đợt Tổng công kích, toàn thể cán bộ, chiến sĩ được nghe lời chúc mừng năm mới của Hồ Chủ tịch gửi đồng bào cả nước. Bác kêu gọi:

Vì độc lập vì tự do ...
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào

Lời của Bác như tiếng gọi của núi sông, làm rung động trái tim, cổ vũ khí thế cán bộ, chiến sĩ trên tuyến Trường Sơn quyết xả thân vì sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tiểu đoàn xe 10, Tiểu đoàn xe 102, Tiểu đoàn xe 52;

Tiểu đoàn 60, Tiểu đoàn 51..., là những tiểu đoàn mạnh của các binh trạm phía bắc, đã xông pha bom đạn hết đêm này qua đêm khác. Một số đại đội tới đích trả hàng xong còn quay về để tiếp chuyển cho những xe bị đánh hỏng dọc đường như Đại đội 9, Tiểu đoàn 102, Đại đội 1, Tiểu đoàn 52. Đảng ủy Bộ Tư lệnh đã điện biểu dương tặng các đơn vị trên danh hiệu "Tuấn mã Trường Sơn".

Tháng 1 năm 1969, toàn tuyến bắn rơi 91 máy bay, trong đó có 50 chiếc rơi tại chỗ. Nhiều đơn vị phòng không được Đảng ủy Bộ Tư lệnh biểu dương là đơn vị đánh giỏi bắn trúng. Các chiến sĩ công binh với kinh nghiệm dày dạn và tinh thần quyết tử "Một tấc không đi, một ly không dời” thường xuyên bám sát mặt đường kịp thời khôi phục đường khi bị trúng bom, thực hiện khẩu hiệu "địch đánh ngày coi như không đánh, xóa bỏ tắc đêm, hạn chế tắc giờ”.

Một trong những thử thách mới trong mùa khô này là bom từ trường và mìn vướng nổ. Các tiểu đoàn công binh đều thành lập đội cảm tử để khắc phục. Lúc đầu bị thương vong, nhưng dần dần rút được kinh nghiệm, lại có xe phóng từ hỗ trợ nên phần lớn đã phá được. Nhưng có những trường hợp bị địch đánh bất ngờ vào nơi ta không có phương tiện rà phá nên lái xe phải quyết tử phóng xe vượt bom từ trường để mở đường giải phóng đội hình. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Đoàn đã chỉ thị tăng cường phương tiện rà phá, mở thêm nhiều đường tránh để hạn chế thương vong.

Đối với mìn vướng, các đơn vị đã sử dụng các phương tiện thô sơ để phá như dùng sào để chọc, hoặc dùng các liều nhỏ thuốc nổ để ném. Với mìn lá, dùng máy húc quét. Vì bị ta đánh mạnh, địch ném bừa bom mìn hỗn hợp vào rừng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #97 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2010, 10:40:59 am »

Bằng các phương tiện chiến tranh điện tử hóa và tự động hóa, địch đã tăng thêm khả năng phát hiện mục tiêu, phá hủy nhiều phương tiện và gây thương vong không ít cho ta. Sau một tháng chiến đấu liên tục, "Tổng công kích" đợt 1 kết thúc thẳng lợi. Đảng ủy Bộ Tư lệnh họp nhận định:

" Vào đầu mùa khô, địch đánh phá ác liệt chưa từng thấy, nhưng vẫn không ngăn chặn được chúng ta. Điều đó chứng tỏ sức mạnh ý chí quyết tâm sắt đá, tinh thần cực kỳ dũng cảm ngoan cường, sự mưu trí và sáng tạo của bộ đội cũng như trình độ tổ chức chỉ huy hiệp đồng binh chủng của cán bộ các cấp có những bước tiến lớn.

Sắp tới địch sẽ xảo quyệt hơn, tàn bạo hơn, cường độ đánh phá của chúng mãnh liệt hơn. Nhưng chúng ta cũng hiểu địch hơn, rút được nhiều kinh nghiệm trên nhiều mặt, lại có thế trận tương đối vững chắc, có lực lượng chiến đấu dày dạn kinh nghiệm và kiên cường, được bố trí hợp lý, nhất định chúng ta sẽ đánh bại chúng”.

Đảng ủy chỉ rõ: Vừa qua ta đã nỗ lực vượt bậc, nhưng do hoạt động của tuyến bị ngừng trệ mất 2 tháng đầu mùa khô (từ 15-10 đến 15-12) nên trong "Tổng công kích" đợt 1 ta cùng chỉ mới đưa tới các chiến trường được 30% chỉ tiêu kế hoạch, còn 70% ta phải hoàn thành bằng được trong 3 tháng mùa khô còn lại (tháng 2 - 3 - 4), đồng thời phải chủ động đối phó với mưa lũ có thể đến sớm.

Để hoàn thành được khối lượng đó, phải quán triệt hơn nữa tư tưởng tiến công, phát huy hơn nữa sức mạnh tổng hợp, thực hiện tốt chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng, vận dụng tốt các chiến thuật, xây dựng đồng bộ tư tưởng, tổ chức, kỹ thuật, hậu cần trong từng binh chủng. Đồng thời, tận dụng thời cơ các tháng cao điểm mùa khô, phát động quần chúng đột phá dứt điểm kế hoạch cho từng hướng chiến trường theo thứ tự ưu tiên đã xác định. Cần có phương án đối phó với địch mặt đất trên địa bàn các binh trạm trực tiếp phục vụ các chiến trường.

Đảng uỷ Bộ Tư lệnh quyết định phát động “tổng công kích" đợt 2 vào ngày 5 tháng 2 năm 1969, cử Phó Chủ nhiệm chính trị Bùi Đức Tạm và Nguyễn Linh Anh vào các binh trạm phía nam để truyền đạt chỉ thị và phổ biến kinh nghiệm cửa các binh trạm phía bắc.

Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh, các lực lượng trên toàn tuyến đã dốc sức chuẩn bị với quyết tâm giành thắng lợi to lớn, giòn giã trong “tổng công kích" đợt 2. Các binh trạm đều tích cực cải thiện cầu đường, bảo đảm thế vững chắc hơn.

Thế cầu đường của toàn tuyến từ một trục dọc đã phát triển thành hai trục, dài 1.850 km, ba trục ngang vượt khẩu dài 400 km, bốn trục ngang ra 4 hướng chiến trường dài 450 km. Qua các trọng điểm đều có từ 2 đến 3 đường vòng, đường tránh. Trên các cung đường tránh phụ, bộ đội công binh thường xuyên duy tu, nâng chất lượng đường, mở rộng mặt đường qua trọng điểm từ 8 - 10 m, san phẳng đường bảo đảm tốc độ xe 20 km/giờ.

Với mạng cầu đường được xây dựng thành thế trận liên hoàn, ta có khả năng hạn chế sức mạnh của địch, chia cắt, phân tán hỏa lực của chúng, tạo điều kiện cho các đơn vị khắc phục nhanh bom mìn, giữ vững sức đột kích của đội hình vận chuyển.

Lực lượng phòng không được điều chỉnh, tăng cường cho các khu vực cửa khẩu, nam bắc đường 9, ngã ba La Hạp và Bạc. Toàn tuyến phát động phong trào bắn rơi máy bay bay thấp thả máy thu phát tiếng động, tổ chức nghi binh lừa địch vào mục tiêu giả nhằm vô hiệu hóa từng bước chiến tranh điện tử và tự động hóa của địch. 

Các lực lượng tác chiến bộ binh một mặt tích cực lùng sục thám báo biệt kích, mặt khác sẵn sàng phương án cơ động nhanh tới những khu vực dự kiến địch nống ra, nhất là các khu vực trên trục đường B45, B46, B49 đi ra bốn hướng chiến trường Trị - Thiên, Khu 5, Nam Bộ, Tây Nguyên. Trong tác chiến, quán triệt tư tưởng chủ động tiêu diệt địch, làm chủ chiến trường, bắt tù binh. thu chiến lợi phẩm, giải quyết tốt chính sách thương binh liệt sĩ và tù hàng binh.

Đối với vận tải, các binh trạm quán triệt chiến thuật tiểu đoàn (hoặc đại đội) tập trung xuất kích trên một chiều thuận hoặc trên hai chiều tránh nhau ở giữa, bảo đảm đội hình đi gọn về gọn; cải tạo bàn đạp, thực hiện lấn sáng, lấn chiều; cải tiến cung độ, có cung cơ bản, có cung tiếp chuyển phù hợp với khả năng và chỗ mạnh của từng đơn vị và lái xe, nâng cao hiệu suất vận chuyển. Nhiều đơn vị tổ chức các tổ mũi nhọn, bứt phá đội hình, quay vòng khép kín 1 đêm 1 chuyến trên cung quy định 2 đêm 1 chuyến; tổ chức các tổ tháo gỡ, thu hồi phụ tùng xe bị địch đánh cháy dọc đường, tăng thêm vật tư sửa chữa, nâng cao hệ số kỹ thuật đảm bảo đầu xe, đầu máy. Tổ chức hiệp đồng bốc dỡ giải phóng xe nhanh, đảm bảo mặt hàng ra chiến trường đồng bộ, có chất lượng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #98 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2010, 10:41:53 am »

Bộ đội giao liên tích cực củng cố bãi trú quân, mở đường nhánh, nối trục hành quân bộ với trục vận tải cơ giới để tiện cho việc tiếp tế và khi cần thiết chuyển từ hành quân bộ sang hành quân bằng cơ giới, rút ngắn thời gian, bảo đảm sức khỏe bộ đội.

Các tổ dân vận đi xuống các bản tuyên truyền giáo dục về quan hệ giữa cách mạng Lào và Việt Nam, vạch trần âm mưu thủ đoạn của địch; động viên nhân  dân kêu gọi con em trong hàng ngũ địch trở về với gia đình, phát hiện và thông báo kịp thời hoạt động của bọn thám báo biệt kích, tích cực làm hầm trú ẩn, ngụy trang, đề phòng lửa khói.

Các mặt công tác tổ chức chỉ huy, tư tưởng chính trị, kỹ thuật hậu cần phối hợp chặt chẽ, bám sát nhiệm vụ, bám sát đơn vị, thúc đẩy các lực lượng hoàn thành nhiệm vụ.

Trong những tháng "Tổng công kích" đợt 2 các đại đội xe Zil 130 đã đạt năng suất gấp 1,5 lần đại đội xe 3 cầu. Thành công bước đầu trong việc sử dụng xe Zin 130 góp phần nâng cao sức chiến đấu cho các đơn vị xe, là bài học sâu sắc về tính quyết đoán, sáng tạo và thực tiễn.

Đầu tháng 3 năm 1969, được sự chỉ đạo của Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện, Cục Xăng dầu đã xây dựng được tuyến đường ống dẫn xăng dầu từ Cổng Trời theo đường 12 vượt Trường Sơn vào đến tuyến 559.

Liên tục chiến đấu trong những điều kiện cực kỳ gian khổ và ác liệt, Tiểu đoàn 29 và Tiểu đoàn 968 của Quân khu 4 được tăng cường cho Cục Xăng dầu, phối hợp với Trung đoàn 83 công binh Đoàn 559 đã mở đường, khuân vác hàng trăm tấn đường ống vượt qua đồi núi, sông suối, bom đạn, lắp đặt từ hậu phương theo hướng tây từ Mụ Giạ men theo đường số 12 vòng qua trọng điểm Pha Nốp, Xiêng Phan vào tới Ka Vát trên trục đường 128 tuyến chiến lược Trường Sơn.

Lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh ở Việt Nam, tuyến đường ống dẫn xăng từ hậu phương lớn vượt Trường Sơn vào đến tuyến chiến lược tạo thêm một nhân tố mới cực kỳ quan trọng cho vận chuyển cơ giới quy mô lớn. Trong 1 tháng, hệ thống đường ống đã tạo chân xăng cho tuyến 559 được 6.212 tấn, góp phần bảo đảm cho việc tiếp tục đợt 2 "Tổng công kích" mùa khô 1968 - 1969, nhất là khi chân xăng ở hướng C4 bị cắt đứt do Mỹ mở cuộc tấn công sang Campuchia.

Sau khi đưa đường ống tới Ka Vát, Tổng cục Hậu cần nhận thấy hướng này đi theo đường vòng cự ly xa, không có lợi nên đã bàn và thống nhất với Đoàn 500 và Đoàn 559 mở thêm các trục vận chuyển vượt khẩu từ đường 10, theo đó sẽ phát triển đường ống sang hướng đông để tiếp cận nhanh xăng vào Đoàn 559.

Nhận rõ vị trí chiến lược của hệ thống đường ống; sau khi xin ý kiến của đồng chí Đinh Đức Thiện, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 đã kiến nghị với Quân ủy Trung ương cho Đoàn 559 tổ chức lực lượng khảo sát thi công, xây dựng một tuyến đường ống xuyên suốt Trường Sơn từ cửa khẩu vào tới chiến trường xa nhất là miền Đông Nam Bộ với chiều dài khoảng 1.400 km.

Chủ trương đúng đắn và kịp thời đó đã được Quân ủy Trung ương phê duyệt, đáp ứng khát vọng cháy bỏng của bộ đội vận tải. Nhưng phải có sự quả cảm và giải pháp cụ thể mới thực hiện được, vì việc xây dựng tuyến đường ống hiện đại và quy mô, trong điều kiện vô cùng phức tạp về địa hình, thời tiết, sự đánh phá, ngăn chặn ác liệt của địch, đòi hỏi phải huy động nhân lực, vật lực khổng lồ là vấn đề rất lớn và bội phần khó khăn. Tuy nhiên, nếu thực hiện được sẽ là một bất ngờ lớn đối với địch và sẽ thêm một kỳ tích trên đường Trường Sơn.

Tuyến đường ống xuyên suốt Trường Sơn được xây dựng sẽ tạo nên sự chuyển biến về chất lượng trong hoạt động chi viện chiến lược, tăng thêm sự vững chắc của hậu cứ chiến trường ba nước Đông Dương.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #99 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2010, 10:42:30 am »

Từ đầu tháng 3 năm 1969, địch thay đổi thủ đoạn, đánh phá dữ dội hai đầu gọi là "thắt cổ họng và chọc thủng đáy". Chúng đánh mạnh các binh trạm phía bắc nhằm ngăn chặn việc lập nguồn hàng dự trữ ở đường 9, đồng thời đánh phá quyết liệt các binh trạm tiếp giáp chiến trường như đường B45 thuộc Binh trạm 42 tiếp giáp chiến trường Trị - Thiên, hòng triệt nguồn tiếp tế hậu cần, phá sự chuẩn bị các cuộc tiến công của ta. Máy bay cường kích vừa ném bom rải thảm, vừa đánh bổ nhào, biến những nơi này thành các túi lửa. Đường vận chuyển bị tắc hầm hào bị phá sập, các kho tàng, các bãi để xe, sở chỉ huy binh trạm đều bị đánh phá. Cao điểm Cô Ca Va bị 6 tiểu đoàn quân Mỹ - ngụy chiếm đóng.

Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt: Tiểu đoàn pháo cao xạ 36, Đại đội 4 súng máy 12,7 ly, cùng với các phân đội súng máy của công binh và các tay súng bộ binh đã chiến đấu rất anh dũng, vừa bảo vệ trọng điểm, vừa cơ động linh hoạt, bắn rơi, bắn cháy nhiều máy bay.

Tiểu đoàn 2 bộ binh, 2 đại đội (Lam Sơn và 643) bộ binh cùng Trung đoàn 4 công binh cơ động bao vây địch ở Cô Ca Va, diệt hàng trăm tên, buộc chúng phải rút chạy. Tiểu đoàn 45 và Tiểu đoàn 39 công binh được tăng cường 4 máy húc, 24 tấn thuốc nổ, kiên cường bám trụ trọng điểm, nhanh chóng khôi phục hầm hào, kết hợp sửa đường với mở đường vòng đường tránh, giải tỏa các trọng điểm. Tiểu đoàn 55 ô tô vận tải dũng cảm vượt qua bom đạn đưa hàng lên phía trước. Một số cán bộ, chiến sĩ hy sinh, nhiều xe bị cháy, nhưng không ai nao núng.

Cuộc chiến đấu cực kỳ ác liệt, giành đi, giật lại từng thước đường với địch kéo dài 15 ngày đêm. Mỹ, ngụy quyết cắt đứt sự tiếp viện cho chiến trường, ta thì bằng mọi giá quyết thực hiện kỳ được chỉ tiêu nhiệm vụ Quân ủy đã giao bảo đảm cho chiến trường Trị - Thiên 15.000 tấn để chuẩn bị những đòn tấn công mới. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm và mưu trí, Binh trạm 42 đã làm thất bại âm mưu thủ đoạn của địch, giữ vững tuyến vận chuyển.

Cuối tháng 4 năm 1969, trời âm u, mây thấp, những cơn mưa đầu tiên báo hiệu mùa mưa đến sớm. Địch tăng cường đánh tọa độ và dùng B52 ném bom rải thảm, nhưng không ngăn chặn được vận chuyển vì ta đã có nhiều đường vòng, đường tránh Bộ đội vận tải lợi dụng mây mù che khuất tầm nhìn của địch, tranh thủ lấn sáng lấn chiều, liên tục mở các đợt vận tải đột kích vào các hướng chiến trường. Cuối tháng 5, thời tiết chuyển dần sang mùa mưa. Chiến dịch vận chuyển mùa khô 1968 - 1969 kết thúc .

Đây là một mùa vận chuyến vô vàn khó khăn ác liệt, đầy thử thách ngặt nghèo. Cả ta và địch đều huy động rất cao trí tuệ và sức mạnh vật chất nhằm giành phần thắng quyết định. Mỹ đã huy động tối đa lực lượng không quân ở Thái Bình Dương, thực hiện 47.820 phi vụ với 137.345 lần chiếc máy bay oanh tạc, đánh phá cầu đường và đội hình xe. Cường độ đánh phá tăng gấp ba lần mùa khô 1967 - 1968, trong đó có 3.853 lần chiếc B52 (tăng gấp 5 lần).

Chúng đã ném 1.579.760 tấn bom các loại, trong đó có 18.628 tấn bom từ trường và hàng ngàn tấn mìn vướng nổ, rốc két... Chúng đã thâm nhập 182 vụ, chủ yếu là dùng thám báo, biệt kích đổ bộ bằng trực thăng, trong đó có 5 trận đổ bộ quy mô trung đoàn, tiểu đoàn vào địa bàn các binh trạm tiếp giáp chiến trường, với ý đồ ngăn chặn vận chuyền của ta, phá sự chuẩn bị tấn công của các chiến trường. Nhưng chúng đã vấp phải sự giáng trả kiên quyết.

Trong 6 tháng mùa khô, toàn tuyến bắn rơi 380 máy bay các loại, trong đó có 168 chiếc rơi tại chỗ..., đã nghi binh lừa địch đánh vào hàng trăm mục tiêu giả với trên một vạn quả bom, đã diệt 2.097 tên lính bộ binh, làm bị thương 216 tên, bắt 24 tên, bắn rơi 47 trực thăng, thu nhiều vũ khí, đạn.

Bộ đội công binh, thanh niên xung phong đã san lấp trên 1 vạn hố bom, khôi phục mở rộng mặt đường với khối lượng trên 2 triệu mét khối đất đá; mở trên 1.000 km đường dọc, đường ngang, đường vòng, đường tránh, nâng tổng cây số chiều dài các đường vận chuyển lên gần 3.000 km, phá dần thế độc đạo; bộ đội vận tải đã giao cho các chiến trường Nam Bộ, Tây Nguyên đạt 103% kế hoạch, đưa 348 đoàn quân (gồm 98.242 người). Đã giúp bạn củng cố địa bàn ở 11 huyện, kiện toàn các huyện đội phát triển thêm 4.000 quân bộ đội địa phương và dân quân du kích. 

Các lực lượng trên tuyến đã phối hợp với bạn đánh 11 trận, tiêu diệt 110 tên, bắt 68 tên. Bộ đội địa phương và dân quân miền Đông tỉnh A Tô Pơ bắn rơi 11 trực thăng bằng súng máy và súng bộ binh, góp phần củng cố an toàn hành lang và bản làng. Nhân dân huyện ăng Khăm, Bu La Pha, Mường Noọng, Sê Pôn di chuyển bản làng xa tuyến đường mới, tổ chức đào hầm hố phòng tránh, ổn định cuộc sống. Tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa quân và dân hai nước Việt - Lào trên địa bàn Trường Sơn ngày càng thắm thiết.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM