Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:32:10 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trường Sơn - Đường khát vọng  (Đọc 167534 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #100 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2010, 10:43:06 am »

Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh ngăn chặn vì sự nghiệp chi viện giải phóng miền Nam mùa khô 1968 - 1969, Đoàn 559 tổn thất gấp 3 lần năm trước: 1.518 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, 3.414 người bị thương, 1.154 ô tô của bộ đội vận tải, 268 ô tô của binh chủng khác, 30 xe húc, 21 xe ben, 5 xe phóng từ, 16 máy đẩy, 56 khẩu pháo bị đánh cháy, đánh hỏng, đâm đổ, tổn thất 7.139 tấn hàng.

Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Bộ Tư lệnh 559 xác định nhiệm vụ chi viện chiến lược mùa khô năm 1969 - 1970 rất lớn, cần phải chuẩn bị cơ bản về mọi mặt: thế trận vận chuyển, tổ chức lực lượng, trang bị vật chất kỹ thuật, chính trị tư tưởng và sức khỏe bộ đội, tạo ra sự sung sức đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, vượt qua mọi khó khăn ác liệt, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chi viện chiến lược.

Do lực lượng bị hao hụt nghiêm trọng cả về quân số và phương tiện sau nhiều mùa mưa nắng, chiến đấu liên tục, ngày 20 tháng 5 năm 1969, Đảng ủy Bộ Tư lệnh họp, chủ trương:

Mùa mưa 1969 chỉ để lại trên tuyến khoảng 2 vạn quân, chủ yếu là các cán bộ, chiến sĩ còn có sức khỏe của các binh trạm từ nam đường 9 trở vào nhằm tiếp tục vận chuyển bổ sung khối lượng còn thiếu cho chiến trường Trị - Thiên và Quân khu 5; đưa đón và chuyển thương binh ra hậu phương; quản lý và bảo vệ hành lang, khôi phục và làm thêm đường vòng, đường tránh, đường kín, chuẩn bị tại chỗ một bước cho mùa khô 1969 - 1970.

Phần lớn lực lượng khoảng 3 vạn quân sẽ được rút ra miền Bắc để củng cố tổ chức, điều dưỡng phục hồi sức khỏe, bổ sung quân số, trang thiết bị, học tập chính trị và tập huấn quân sự, chiến thuật, kỹ thuật. Lực lượng tập kết chủ yếu là bộ đội vận tải cơ giới. khoảng hai phần ba lực lượng các binh chủng khác, hai phần ba cơ quan Bộ Tư lệnh, các binh trạm, trung đoàn, tiểu đoàn cùng toàn bộ thương binh, bệnh binh, trên 1.000 phương tiện xe, pháo bị hư hỏng.

Chủ trương được Thường trực Quân ủy Trung ương Bộ Quốc phòng phê duyệt. .

Ngày 25 tháng 5 năm 1969, Bộ Tư lệnh 559 phân công cán bộ xuống từng khu vực để quán triệt nhiệm vụ và trực tiếp chỉ huy đôn đốc các đơn vị thực hiện. Tư lệnh và Chính ủy xuống các binh trạm cửa khẩu để chỉ đạo các phó tư lệnh, phó chính ủy, các thủ trưởng cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần xuống các binh trạm nam đường 9. Vấn đề số một của việc thực hiện chủ trương này là phải tuyệt đối giữ bí mật, bất ngờ, chủ động và an toàn.

Bước sang tháng 6, thời tiết chuyển hẳn sang mùa mưa. Trên toàn tuyến, máy bay địch giảm cường độ đánh phá. Địch không nắm được việc ta chuẩn bị rút quân tập kết nên vẫn hoạt động theo quy luật cũ, bỏ lỏng phía bắc đường 9, tập trung đánh phá các binh trạm phía nam, đặc biệt là các binh trạm tiếp giáp các chiến trường Trị - Thiên, Khu 5, Tây Nguyên: Bộ đội ở lại tuyến bước vào cuộc chiến đấu mới chống địch, chống trời vô cùng ác liệt và gian khổ. 

Với sức mạnh tổng hợp trên toàn tuyến, trong thời gian 2 tháng, ta đã giao cho các chiến trường được 2.364 tấn (100% kế hoạch), giao cho hành quân được 4.197 tấn (135% kế hoạch), giao cho nội bộ được 805 tấn (80% kế hoạch). Ngoài ra còn giao ngoài kế hoạch cho miền Đông Nam Bộ 20 tấn vũ khí. 

Lực lượng giao liên đưa quân vào giao cho chiến trường 9.313 người, chuyển quân ra hậu phương được 48.920 người, trong đó có 6.354 thương binh, 11.028 1 bệnh binh (713 thương binh nặng phải cáng). 

Trung tuần tháng 8 là cao điểm của mùa mưa, mưa xối xả suốt ngày này qua ngày khác. Hàng tháng trời mới có một vài ngày hửng nắng. Đường, cầu bị phá vỡ nghiêm trọng, nước các sông suối dâng cao và chảy mạnh như thác đổ. Cầu, ngầm đều bị trôi hết. Vận chuyển cơ giới đường bộ, đường sông, gùi thồ đều không hoạt động được. Bộ đội hành quân phải nằm lại ở các trạm giao liên. Kế hoạch vận chuyển mùa mưa kết thúc. Ta giành được thắng lợi nhưng cũng bị tổn thất đáng kể.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #101 vào lúc: 10 Tháng Năm, 2010, 10:43:48 am »

Đảng ủy Bộ Tư lệnh đánh giá: Các lực lượng ở lại tuyến trong mùa mưa đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra, đảm bảo yêu cầu tối thiểu về vũ khí và lương thực bổ sung cho chiến trường, đưa đón và bảo đảm vật chất cho số lượng lớn quân vào, quân ra, đặc biệt là thương bệnh binh, tạo điều kiện nâng cao sức chiến đấu cho các chiến trường. Mở thêm được nhiều đường vòng tránh.

Trong điều kiện có nhiều khó khăn, lực lượng phương tiện đều giảm, khối lượng nhiệm vụ đã thực hiện được trong mùa mưa là thành tích rất lớn, thể hiện nỗ lực phi thường, tinh thần chịu đựng gian khổ sẵn sàng hy sinh của cán bộ, chiến sĩ các lực lượng. Sau khi kết thúc nhiệm vụ vận chuyển mùa mưa, Đảng ủy Bộ Tư lệnh đã chỉ thị các lực lượng trong tuyến cần khẩn trương củng cố về mọi mặt, theo dòi rất chặt chẽ thời tiết, chủ động chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho mùa khô tới.

Trong khi bộ đội ở lại tuyến bắt tay vào nhiệm vụ vận chuyển mùa mưa, trên 3 vạn quân với hàng ngàn phương tiện cơ giới nhanh chóng rút ra hậu phương miền Bắc.

Đội hình đi bộ rút theo các đường giao liên. Đến trung tuần tháng 6, đơn vị cuối cùng đã ra khỏi cửa rừng và được các binh trạm 14, 12 đưa về các khu tập kết ở các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa.

Đội hình cơ giới rút theo đường 12 và đường 20. Sau 5 ngày, đơn vị cuối cùng đã vượt qua cửa khẩu, 2 ngày sau tập kết về các địa phương thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Đi đến đâu, Bộ đội 559 cũng được chính quyền, các đoàn thể và nhân dân   địa phương nồng nhiệt đón tiếp. Địa phương nào cũng muốn bộ đội về, nhà nào cũng muốn bộ đội ở. Giường chiếu mới nhất, sạch nhất đều dành cho bộ đội. Tình quân dân cả nước đã nâng tâm hồn, nghị lực và ý chí chiến đấu của những người lính chuẩn bị trở về chiến trường nóng bỏng.

Ngày 20 tháng 6 năm 1969, cuộc rút quân tập kết quy mô lớn kết thúc tốt đẹp thể hiện trình độ tổ chức chỉ huy, ý thức tổ chức kỷ luật và khả năng cơ động cao của Bộ đội Trường Sơn.

Được sự nhất trí của Bộ Tổng tham mưu, Sở chỉ huy của Bộ Tư lệnh đóng ở thị xã Sầm Sơn, một thị xã bãi biển đã bị bom đạn Mỹ tàn phá nặng nề, chỉ còn sót lại vài ba ngôi nhà nhiều tầng hư hỏng, có thể ở tạm.

Ngày 22 tháng 6 năm 1969, Đảng ủy Bộ Tư lệnh họp, chỉ ra những nhiệm vụ cần xúc tiến trong giai đoạn chuẩn bị nhiệm vụ mùa khô 1969 - 1970:

1. Gấp rút triển khai thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương về hoàn thiện đường 18 đoạn giáp km 42 đường 10 kéo xuống Chà Lì đường 16, dài khoảng 72 km, đến Bản Cọ do Bộ Tư lệnh 500 đã mở từ đầu năm; tiếp tục mở thông xuống Sê Pôn nhằm tạo thêm một tuyến mới, một hướng vượt khẩu mới từ đông Trường Sơn, chậm nhất đến tháng 12 năm 1969 phải thông tuyến, thông xe. Tiếp tục làm đường ống dẫn xang dầu theo đường 18 vào đường 9.

2. Mở cửa khẩu đường 16 qua Ho, Vít Thù Lù đến Chà Lì, dài khoảng 86 km. Từ đó xuống Bản Đông, Quân ủy Trung ương chủ trương xây dựng hai đường này nhằm tạo một tuyến mới ở hướng đông Trường Sơn, khi được sử dụng sẽ tạo thêm một cửa khẩu mới và rút ngắn cung độ xuống đường 9 và Trị - Thiên... (chỉ bằng một phần ba so với hướng vượt khẩu đường 12). Khai thác sông Sê Băng Hiếng, chuẩn bị vận chuyển đường sông từ Chà Lì đến Bản Cọ.

3. Khi mùa mưa sắp kết thúc, các lực lượng tại chỗ tranh thủ khôi phục toàn bộ cầu đường, ưu tiên khôi phục các tuyến vượt khẩu, mở thêm đường vòng, đường tránh trên những đoạn xung yếu còn độc đạo.

4. Khẩn trương giao các phương tiện hư hỏng vào xưởng, tiếp nhận các trang thiết bị xe, máy, các phương tiện kỹ thuật..., đảm bảo cho mùa khô 1969 - 1970.

5. Nhanh chóng điều dưỡng khôi phục sức khỏe bộ đội, đưa tỷ lệ chiến đấu lên 98%.

6. Tổ chức sinh hoạt chính trị, quán triệt nghị quyết của Trung ương và Quân ủy Trung ương về tình hình và nhiệm vụ cách mạng. Tập huấn về quân sự, huấn luyện kỹ thuật cho mọi đối tượng trong tuyến cũng như ở các khu vực tập kết. Phấn đấu kết thúc về cơ bản những nhiệm vụ trên vào đầu tháng 10 năm 1969 để có thể tố chức nhập tuyến vào ngày 15 tháng 10 năm 1969 và dàn đội hình chiến dịch, chiếm lĩnh trận địa trên toàn tuyến vào đầu tháng 11 năm 1969.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #102 vào lúc: 11 Tháng Năm, 2010, 06:09:57 pm »

Ngày 15 tháng 7 năm 1969, Đảng ủy Bộ Tư lệnh đã họp kiểm điểm thực hiện nhiệm vụ. Hội nghị đã đánh giá: Mùa khô 1968 - 1969 là mùa khô cực kỳ khó khăn. Song nhờ có đường lối, chủ trương đúng đắn của Quân ủy Trung ương, sự chỉ đạo của Tổng cục Hậu cần, sự chi viện to lớn của hậu phương về vật chất và tinh thần, sự giúp đỡ của các cơ quan Bộ, các quân binh chủng, sự nỗ lực phối hợp của tuyến vận chuyển Đoàn 500, nhất là nhờ có quyết tâm và nỗ lực phi thường của toàn thể cán bộ, chiến sĩ trên tuyến, chúng ta đã giành được thắng lợi to lớn:

Nếu so với nhiệm vụ Quân ủy Trung ương giao, đạt được mức cơ bản của kế hoạch so với mùa khô 1967 - 1968 không cao hơn, cũng không thấp hơn. Nhưng, thắng lợi của ta ở chỗ: địch tập trung đánh dứt điểm bằng những thủ đoạn mới, vũ khí mới rất tàn khốc, ta vẫn giữ được hành lang, giữ được chi viện người và vật chất cho chiến trường đế củng cố, giữ vững khối chủ lực, phát triển thế tiến công. Với ý nghĩa đó kết quả đạt được có giá trị gấp bội, nói lên thắng lợi mùa khô 1968-1969 là to lớn và toàn diện.

Thắng lợi đó, trước hết là thắng lợi của quan điểm tư tưởng tiến công, chủ động và liên tục tiến công của Đảng ta, là thắng lợi của ý chí kiên định, kiên cường không khuất phục địch, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ toàn Đoàn; đồng thời khẳng định, dù chiến tranh ngăn chặn ác liệt đến mức nào, chúng ta vẫn thực hiện được vận chuyển lớn, kết hợp được các phương thức vận chuyển, lấy vận chuyển cơ giới làm chủ yếu, vẫn phát huy được sức mạnh của các lực lượng thực hiện đột kích, tổng công kích liên tục, thực sự góp phần tăng cường sức chiến đấu của chiến trường, tạo điều kiện đánh lớn, đánh liên tục.

Thắng lợi mùa khô 1968 - 1969 đã góp phần củng cố lòng tin giữa tiền tuyến với hậu phương, giữa tuyến trước với tuyến sau, giữa cấp trên và cấp dưới, giữa cán bộ và chiến sĩ. Đó là nhân tố mới, sức mạnh tổng hợp mới để giành thắng lợi to lớn hơn nữa.

Ngày 31 tháng 7 năm 1969, Bộ Tư lệnh tổ chức Hội nghị quân chính toàn Đoàn tại Sầm Sơn với sự tham gia của trên 200 đại biểu nhằm tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ mùa khô 1968 - 1969. Hội nghị đã kiểm điểm ưu khuyết điểm, rút ra những bài học trong thực tiễn chiến đấu; đồng thời phân tích kỹ, đánh giá về địch, ta, về thời tiết, đề ra phương án xây dựng thế trận củng cố tổ chức, đáp ứng nhiệm vụ mùa khô tới.

Một trong những nội dung chủ yếu của Hội nghị là học tập, quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đánh giá nhận định tình hình chiến trường miền Nam và chiến tranh phá hoại miền Bắc từ sau Tết Mậu Thân, âm mưu chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ; nhiệm vụ của quân và dân hai miền Nam - Bắc trong việc phát triển chiến lược tiến công, chuyển hóa tương quan lực lượng trên chiến trường, tạo thời cơ và sử dụng thời cơ đánh bại âm mưu của Mỹ muốn kết thúc chiến tranh trên thế mạnh tiến lên giành thắng lợi quyết định.

Trên cơ sở quán triệt những nội dung trên, xây dựng cho bộ đội có lập trường kiên định, quyết tâm chiến đấu lâu dài, tranh thủ thời cơ giành thắng lợi trong thời gian tương đối ngắn.

Hội nghị vinh dự được đón Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp đến dự. Các đồng chí Đinh Đức Thiện - Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Nguyễn Đôn - Phó Tổng tham mưu trưởng, Phạm Ngọc Mậu - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Nguyễn Tường Lân - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, đại diện các tổng cục, các quân binh chủng, đại diện các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và đặc khu Vĩnh Linh đã tới dự. Nhiều nhà văn, nhà báo, phóng viên, quay phim quân đội, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam... được mời dự.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #103 vào lúc: 11 Tháng Năm, 2010, 06:10:42 pm »

Đánh giá thắng lợi của Đoàn 559 trong mùa khô 1968 - 1969, Đại tưởng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: "Một điều hết sức quan trọng là cuộc chiến đấu anh dũng và sáng tạo của Đoàn 559 đã xác minh một sự thật là trong điều kiện địch đánh phá đường giao thông ác liệt, ta vẫn có thể thực hiện được đều đặn, ngày càng cao việc tiếp tế vận tải cho tiền tuyến, vượt qua được những cố gắng điên cuồng của kẻ địch có nhiều phương tiện phá hoại hiện đại. Đó là thắng lợi rất lớn, mặc dù vừa qua kế hoạch vận chuyển chưa đạt được vêu cầu".

Đại tướng nhiệt liệt biểu dương cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 và căn dặn cần khắc phục thiếu sót, quán triệt hơn nữa tình hình, nhiệm vụ, nâng cao chủ nghiã anh hùng cách mạng, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, đánh bại sự ngăn chặn ác liệt của địch, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến lược mùa khô 1969 - 1970, đảm bảo đầy đủ cho chiến trường đánh to thắng lớn.

Đại tướng thông báo tình hình sức khỏe của Bác Hồ và chuyển lời thăm hỏi của Bác cùng lẵng hoa Bác gửi tặng cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559. Cả hội trường vô cùng xúc động trước sự quan tâm của Bác Hồ đối với cuộc chiến đấu của Đoàn 559 và hứa quyết đem hết sức lực và xương máu thực hiện bằng được ước vọng của Người: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Hội nghị vô cùng phấn khởi được nghe Chủ nhiệm chính trị Ngô Thành Vân đọc Sắc lệnh của Chủ tịch nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 4 đơn vị và 9 cá nhân của Đoàn 559.

Sự động viên của Bác Hồ, của Đại tướng Tổng tư lệnh, của các đồng chí lãnh đạo Bộ, các tổng cục, đại biểu các địa phương tỉnh, huyện đã gieo vào mỗi người niềm phấn khởi, tin tưởng, quyết tâm chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đánh giá đúng âm mưu mới của đế quốc Mỹ, tháng 4 năm 1969, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra nghị quyết động viên nỗ lực của quân và dân hai miền Nam Bắc, phát triển chiến lược tiến công, đánh bại chủ trương "Việt Nam hóa chiến tranh" và âm mưu kết thúc chiến tranh trên thế mạnh của địch, đánh cho Mỹ phải rút quân, ngụy phải suy sụp, tiến lên giành thắng lợi quyết định.

Nhân dân miền Bắc phải làm tốt nhiệm vụ chi viện miền Nam, đồng thời sẵn sàng chiến đấu, đập tan âm mưu địch gây lại chiến tranh phá hoại, dùng bộ binh tập kích hoặc tiến công ra phía nam Quân khu 4.

Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã ra chỉ thị về kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng và điều chỉnh số lượng bộ đội thường trực một cách thích hợp, bảo đảm cho các đơn vị làm tốt nhiệm vụ chiến đấu ở miền Nam, bảo vệ miền Bắc, giúp cách mạng Lào và phát triển lực lượng khi cần thiết. Theo tinh thần đó, Quân ủy Trung ương thông qua đề án do Bộ Tổng tham mưu đệ trình, giải thể một số lực lượng, giảm quân số gián tiếp của cơ quan, đơn vị hậu phương tăng cường cho Đoàn 559 và các chiến trường khác.

Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Đoàn 559 phải tranh thủ thời gian xây dựng lực lượng về mọi mặt để đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ chi viện miền Nam với khối lượng lớn.

Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trì và Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Bộ Tư lệnh 559 xác định nhiệm vụ mùa khô 1969- 1970 hết sức nặng nề và khó khăn, đòi hỏi phải có lực lượng mạnh, thế trận vững và trình độ cao về chiến đấu hiệp đồng binh chủng quy mô lớn.

Ngay sau Hội nghị quân chính tháng 7 năm 1969, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh tập trung chỉ đạo, đôn đốc các lực lượng tích cực chuẩn bị, coi việc "hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chuẩn bị là một nửa thắng lợi trong chiến đấu”.

Sau gần 2 tháng nỗ lực vượt bậc của cán bộ, chiến sĩ hậu cần các cấp, sức khỏe bộ đội đã được khôi phục, tỷ lệ quân số chiến đấu đạt 90%.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #104 vào lúc: 11 Tháng Năm, 2010, 06:11:34 pm »

Cơ quan chính trị Đoàn 559 và các binh trạm, trung đoàn mở liên tiếp các đợt học tập cho cán bộ, chiến sĩ nhằm quán triệt tình hình nhiệm vụ, xây dựng quyết tâm mới .

Cơ quan Tham mưu Đoàn và các binh trạm đã tranh thủ thời gian, giải quyết một khối lượng rất lớn công việc như phân loại và điều xe vào các xưởng, nhận xe bổ sung, xin phụ từng, nhiên liệu, hàng hóa, tiếp nhận quân bổ sung...

Các cục thuộc Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Hậu cần ra sức hoạt động, đôn đốc việc đáp ứng nhu cầu của Đoàn 559. Chỉ sau hai tháng, Đoàn đã nhận được 1.720 xe ô tô cho lực lượng vận tải, 1.181 xe ô tô các loại cho các binh chủng khác, 154 máy các loại, trong đó có 60 máy húc, 54 xe và thuyền phóng từ, 40 máy đẩy, toàn bộ thiết bị cho 15 xưởng tiểu tu và những thiết bị bổ sưng cho xưởng đại tu Q300, trên 1.000.000 m dây trần thông tin tải ba và dây bọc, 100 máy thông tin vô tuyến sóng ngắn và bộ đàm, 1.000 máy điện thoại; 75 khẩu pháo 37 ly, 1 đại đội AM gắn súng máy 14,5 ly.

Đồng thời, nhận trên 2.000 lái xe và thợ sửa chữa, 1.500 y tá và dược tá, hàng trăm kỹ sư, bác sĩ. Quân số toàn Đoàn lên đến 55.588 người. Số cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật khá lớn: 7.000 lái xe, 1.000 thợ sửa chữa, 50 kỹ sư, trên 1.000 y - bác sĩ, trên 1.000 dược sĩ trung cao cấp, trên 3.000 dược tá, y tá và hàng nghìn cán bộ chỉ huy kỹ thuật của các binh chủng.

Sau khi xem xét, Quân ủy Trung ương phê duyệt kiến nghị của Đoàn 559 thành lập ba cơ quan tham mưu chuyên ngành: tham mưu tác chiến, tham mưu vận chuyển, tham mưu công binh và một văn phòng tương đương cấp cục. Ở cấp binh trạm cũng tổ chức ba ban tham mưu: tác chiến, vận chuyển, công binh. Việc tổ chức cơ quan tham mưu chuyên ngành là nét đặc trưng của Binh đoàn vận tái chiến lược, đưa công tác chỉ huy lên trình độ mới, chuyên sâu, toàn diện, hiệp đồng trực tiếp liên tục, thể hiện sự sáng tạo nắm bắt đúng tình hình thực tiễn trong chiến tranh.

Do địch đã ngừng đánh phá miền Bắc, Quân ủy Trung ương quyết định giải thể Bộ Tư lệnh 500, sáp nhập các binh trạm cửa khẩu 12, 14, 9, 27 vào Đoàn 559. Địa bàn chiến đấu của Đoàn kéo ra đến Quảng Bình trên chính diện 150 km từ đèo Mụ Giạ (đường 12), qua Phong Nha (đường 20), đến ngã ba Áng Sơn (đường 15) nơi xuất phát đường 10, xuống đến Thạch Bàn nơi xuất phát đường 16.

Với quyết định này, việc chỉ đạo, chỉ huy vận chuyển chiến lược qua các tuyến cửa khẩu được thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho cả phía trước và phía sau. Để tăng cường lãnh đạo, chỉ huy các lực lượng trên tuyến, Chính phủ bổ nhiệm nhiều cán bộ lên cương vị mới. Các đồng chí Ngô Thành Vân, Lê Xy giữ chức Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh. Nguyễn Lang, Nguyễn An giữ chức Phó Tư lệnh. Nguyễn Chúc, Dương Thế Thọ giữ chức Tham mưu phó vận tải. Nguyễn Văn Kỷ giữ chức Tham mưu phó công binh. Nguyễn Danh giữ chức Chính ủy hậu cần. Hồ Quang Trung giữ chức Phó Chủ nhiệm hậu cần. Nguyễn Tôn Xương, Nguyễn Linh Anh, Nguyễn Cao Tâm giữ chức Phó Chủ nhiệm chính trị.

Quân ủy Trung ương cũng điều động, tăng cường nhiều cán bộ trung cao cấp cho các cơ quan đơn vị và các binh chủng.

Ngày 3 tháng 9 năm 1969, khi cán bộ, chiến sĩ toàn Đoàn đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mặt chuẩn bị trước khi bước vào mùa vận chuyển mới thì đau đớn được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người Cha thân yêu của các lực lương vũ trang nhân dân qua đời.

Cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 chiến đấu trên tuyến đường mang tên Bác trải qua chặng đường 10 năm xây dựng, chiến đấu vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, chỉ mong đến ngày đất nước thống nhất, được đón Bác vào thăm nay vô cùng đau thương với tin Bác đã ra đi.

Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trong toàn Đoàn đều để tang Bác. Một đoàn đại biểu do Tư lệnh và Chính ủy dẫn đầu gồm các Phó Tư lệnh, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh, các thủ trưởng các cục, các thủ trưởng binh trạm, trung đoàn đã ra Hà Nội viếng Bác.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #105 vào lúc: 11 Tháng Năm, 2010, 06:12:09 pm »

Ngày 9 tháng 9, lễ truy điệu Người được tổ chức tại Quảng trường Ba Đình lịch sử Toàn thể cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 hướng về Thủ đô Hà Nội lắng nghe Di chúc của Người: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn... Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà...". Lời của Bác như tiếng kèn giục giã quân dân xông ra tiền tuyến. Cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn quyết biến đau thương thành sức mạnh, tiến lên phía trước thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người.

Sau lễ tang Bác, Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Tống Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng và Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện đã làm việc với Tư lệnh và Chính ủy Đoàn. Đại tướng phân tích âm mưu mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, xác định nhiệm vụ chi viện chiến lược mùa khô 1969- 1970 phải lớn hơn, kịp thời hơn, tạo điều kiện cho các chiến trường đánh bại một bước chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ, sẵn sàng chủ động đón nhận kế hoạch bổ sung khi có tình huống mới.

Phân tích âm mưu thủ đoạn của địch đốt với tuyến chi viện chiến lược, Đại tướng chỉ thị cầu đường phải đi trước một bước. Khẩn trương thông đường 18, đường 16. Bỏ hướng vu hồi đường 8. Phát triển đường phía đông Trường Sơn đến Quảng Đà khi có điều kiện. Nghiên cứu quy hoạch lâu dài tuyến hành lang chiến lược nối liền Nam Bắc trên cơ sở con đường hiện nay, điều chỉnh cho phù hợp với thời bình, thời chiến, thuận lợi về kinh tế, bảo đảm về quân sự. Nghiên cứu những địa điểm cần thiết và có điều kiện xây dựng các nông trường, công trường, lâm trường.

Tăng cường tác chiến phòng không và tác chiến mặt đất, bảo vệ vừng chắc tuyến hành lang. Đẩy mạnh xây dựng tuyến đường ổng vươn sâu vào đường 9, vào Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Việc tổ chức nhập tuyến phải được coi như một chiến dịch vận động tác chiến lớn, cần hết sức thận trọng, bí mật, bất ngờ, an toàn và thắng lợi.

Ngày 17 tháng 9 năm 1969, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh thông qua phương án sắp xếp lực lượng, bố trí đột hình trên toàn tuyến. Tư tưởng chỉ đạo của phương án này là giữ nguyên giới tuyến các binh trạm. Không xáo trộn khu vực chiến đấu của các lực lượng nhằm phát huy sở trường cán bộ, chiến sĩ vốn thông thạo địa hình. Bố trí những lực lượng mạnh, những cán bộ mạnh vào các khu vực trọng yếu, có nhiều khó khăn.

Đội hình toàn tuyến được bố trí gồm: 4 binh trạm bố trí trên 4 tuyến ngang vượt khẩu Trường Sơn; 7 binh trạm bố trí trên tuyến dọc từ Na Tông đến nam Sê Ca Mán cự ly trên 800 km; 6 binh trạm bố trí trên các tuyến đường ngang tiếp giáp các chiến trường Trị - Thiên, Quân khu 5, Tây Nguyên.

Các đơn vị binh chủng trong biên chế các binh trạm gồm có: 19 tiểu đoàn ô tô vận tải với 2.315 xe; 1 tiểu đoàn thuyền; 28 tiểu đoàn công binh với 70 máy húc, 39 xe ben, trên 1 vạn dụng cụ cầm tay; 22 tiểu đoàn pháo cao xạ với 284 khẩu 37 ly và 57 ly, 280 khẩu pháo 12,7 ly; 3 tiểu đoàn; 2 đại đội bộ binh; 5 tiểu đoàn; 16 đại đội thông tin; 14 tiểu đoàn giao liên, 2 đại đội xe phóng từ, 5 đội điều trị; 50 đội phẫu thuật; 12 bệnh xá; 2 đại đội quân y trung đoàn, 10 đội chuyên gia.

Ngày 18 tháng 9 năm 1969, Bộ Tư lệnh dời vào Sở chỉ huy dã chiến ở Cù Lạc, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình để tổ chức diễn tập thực binh chiên đấu hiệp đồng binh chủng cấp trung đoàn để chuẩn bị chiến dịch nhập tuyến.

Ngày 10 tháng 10, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Lê Văn Tri vào thảo luận với Bộ Tư lệnh về kế hoạch bố trí tên lửa đất đối không và sử dụng máy bay tiêm kích bảo vệ đội hình nhập tuyến.

Ngày 14 tháng 10, Thượng tướng Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dùng vào nghe Tư lệnh Đoàn báo cáo các mặt chuẩn bị nhập tuyến, diễn tập thực binh, kế hoạch tác chiến, cầu đường và vận chuyển. Đồng chí đánh giá: “Công tác chuẩn bị như thế là tốt, toàn diện và khẩn trương. Nhưng trước mắt phải rất thận trọng để vượt khẩu thành công. Vì lực lượng nhập tuyến của Đoàn năm nay rất lớn... Thắng lợi của vượt khẩu sẽ tác động lớn đến quá trình chiến đấu và kết quả thực hiện nhiệm vụ vận tải mùa khô".
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #106 vào lúc: 11 Tháng Năm, 2010, 06:12:48 pm »

Với ý đồ tổ chức chiến dịch vận tải quy mô đột hình trung đoàn xúc tiến công trên các cung của một số binh trạm lớn, từ ngày 15 đến ngày 25 tháng 10. Bộ Tư lệnh tổ chức diễn tập bộ đội hợp thành cấp trung đoàn, thành phần gồm 5 tiểu đoàn xe, 1 trung đoàn pháo cao xạ, 1 trung đoàn công binh và một số phân đội phục vụ. Địa bàn hoạt động từ Ba Trại đến Hoàn Lão, Xuân Sơn (Quảng Bình). Cuộc diễn tập đã thành công tốt đẹp.

Theo kế hoạch của Bộ Tư lệnh, ngày 20 tháng 9, tất cả các lực lượng trong khối đi bộ gồm 2 vạn rưỡi người đã tập kết trên hai hướng, từ Hương Khê đi vào đường 12 và từ Bố Trạch đi vào đường 20. Sau khi được cấp phát bổ sung lương thực, thuốc men, các khối lần lượt theo thứ tự đội hình nhập tuyến. Lực lượng công binh, pháo cao xạ, thông tin, kho, thợ sửa chữa được ưu tiên đi vào trước để phối hợp với lực lượng trong tuyến chuẩn bị trước một bước những vấn đề thuộc hạ tầng cơ sở như cầu đường, kho tàng, bãi xe, trận địa mạng thông tin, bảo dưỡng kỹ thuật.

Về khối cơ giới, Bộ Tư lệnh quyết định lấy đường 20 làm hướng đột kích chủ yếu vì cự ly ngắn, có hai phần ba đường thuộc khu vực phi chiến sự. Đường 12 là hướng thứ yếu vì đề phòng mưa lớn sẽ phát sinh túi nước Xiêng Phan. Đường 18 là hướng nghi binh vì đường mới mở, hẹp, dốc, độc đạo không vững chắc.

Lực lượng cơ giới nhập tuyến có 18 tiểu đoàn xe, 2 tiểu đoàn pháo. một số phân đội cơ giới của các lực lượng công binh, hậu cần cùng với 3.000 xe pháo, máy húc, xe phóng từ, xe ben, cầu phao, cõng trên lưng 11.800 tấn hàng.

Về thứ tự hành quân, Bộ Tư lệnh quyết định các tiểu đoàn được trang bị xe mới là khối đi đầu. Các tiểu đoàn xe thuộc các binh trạm từ nam đường 9 trở vào là khối đi thứ hai. Các đội hình xe của các binh trạm bắc đường 9 là khối đi thứ ba.

Thời điểm xuất kích được quyết định lúc 16 giờ ngày 30 tháng 10 năm 1969 .

Tư lệnh Đoàn trực tiếp chỉ huy các đội hình xuất kích hướng chủ yếu. Phó Tư lệnh Đoàn chỉ huy các đội hình hướng thứ yếu. Các binh trạm cửa khẩu đặt chỉ huy sở tiền phương trên các trọng điểm vượt khẩu, đồng thời tổ chức các cụm chỉ huy hiệp đồng chiến đấu trên các trọng điểm khác.

Sáng ngày 30 tháng 10, khi các đội hình đã vào vị trí xuất phát, cơn bão số 9 đổ bộ vào đất liền, gây mưa lớn trên khu vực đường 20, làm cho mặt đường bị sụt, lở, trơn lầy, nước sông Ta Lê ở ngầm dâng cao trên 2 m, cầu bị hư hỏng nặng. Đường 12 cũng không đảm bảo được cơ động lớn. Chiến dịch nhập khẩu phải tạm dừng.

Ngày 8 tháng 11, Bộ Tư lệnh Đoàn dời chỉ huy sở dã chiến vào đường K gần trọng điểm ATP đường 20.

Sau mấy ngày liên tục theo dõi tình hình địch, thời tiết, cầu đường, tác chiến, ngày 10 tháng 11 năm 1969, Tư lệnh ra lệnh cho các đội hình xuất phát trên cả hai hướng.

Từ 4 giờ sáng ngày 11 tháng 11, trên các khu vực cửa khẩu, tất cả các xe trong đội hình đều có những tấm chắn chống bom bi và đạn 40 ly làm bằng nứa bảo vệ đầu xe và ca bin, đồng thời được ngụy trang giống như những lùm cây xanh nườm nượp tiến về phía tây Trường Sơn dưới sự hiệp đồng tác chiến bảo vệ của bộ đội cao xạ và bảo đảm giao thông của bộ đội công binh.

Ở hướng nghi binh đường 18, một tiểu đội ô tô chạy phân tán liên tục trên đường. Lửa khói nổi lên ở nhiều nơi, máy bay trinh sát của địch phát hiện tưởng ta hoạt động mạnh ở hướng này nên kéo hàng đàn máy bay cường kích tới đánh  phá dữ dội. Đèo 900A và đèo 900B phía bắc Pha Băng Nưa, bị địch đánh liên tục ngày này qua ngày khác. Mặt đường bị phá nặng nề. Nhưng địch càng phá, càng giúp cho ta có điều kiện mở rộng mặt đường.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #107 vào lúc: 11 Tháng Năm, 2010, 06:13:29 pm »

Trên các trục dọc tây Trường Sơn, trời hửng nắng, đường khô, nhưng địch hoạt động mạnh. Nhằm phân tán sự chú ý của địch, ta cho xe chạy nhỏ lẻ và cho bộ đội phòng không đánh có mức độ.

Ở trọng điểm vượt khẩu đường số 12 và đường số 20, ta có sẵn phương án vượt khẩu bằng sức mạnh tác chiến hiệp đồng binh chủng nếu bị máy bay cường kích địch tấn công. Tuy nhiên, khi đội hình tiếp cận, trời vẫn mờ đục, sương mù dày đặc. Địch sử dụng máy bay B52 ném bom rải thảm, nhưng do ta chủ động mở từ 3 đến 4 đường vòng tránh nên chúng không chặn nổi xe qua trọng điểm. Ta theo dõi chặt quy luật đánh phá của địch, cho xe vượt tương đối an toàn.

Ngày 12 tháng 11, các đội hình xe đi đầu vào tới Lùm Bùm. Ngày hôm sau, đoàn xe vượt trọng điểm Cốc Mạc và Văng Mu, là hai trọng điểm rất ác liệt. Do đường còn xấu tốc độ bị chậm, lái xe mới chưa quen địa hình, chỉ huy giao thông chưa nắm chắc quy luật hoạt động của địch nên phát lệnh vượt trọng điểm không đúng lúc. Đây là tổn thất lớn đầu mùa của ta. 4 giờ sáng hôm đó, đội hình vượt đường số 9 an toàn dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh đóng ở đông Văng Mu.

Ngày 15 tháng 11, Sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tư lệnh chốt ở Sở chỉ huy Binh trạm 35 chỉ huy các đội hình xe vượt Bạc an toàn. Sau đó 2 ngày, đội hình xe các binh trạm tiếp giáp chiến trường đã tiến được vào khu tập kết cuối cùng.

Ngày 20 tháng 11, chiến dịch vượt khẩu kết thúc thắng lợi.

Ngày 30 tháng 11, Đảng ủy Bộ Tư lệnh họp, đánh giá: chiến dịch hành quân nhập tuyến đại quy mô diễn ra trong không gian, thời gian ngắn đã giành được thắng lợi lớn, giữ được sinh lực và phương tiện, thực hiện được một khối lượng vận chuyển trên 1 vạn tấn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức chiến dịch mùa khô 1969- 1970. Tổn thất về xe pháo không quá 0,5%, là tỷ lệ chấp nhận được phản ánh sự trưởng thành về trình độ tổ chức chỉ huy của các cấp và trình độ chiến đấu của các lực lượng.

Đảng ủy Bộ Tư lệnh quyết định nhanh chóng ổn định về mọi mặt để ngày 5 tháng 12 năm 1969 mở màn chiến dịch vận chuyển quy mô vừa tạo thế đưa dần các lực lượng bước vào các đợt vận tải quy mô chiến dịch.

Cuối tháng 11 năm 1969, thế trận cầu đường được cải thiện một bước quan trọng. Tuyến đường từ nam đường 9 trở ra đã có 3 trục dọc, các tuyến đường ngang tiếp giáp các chiến trường nói chung đều có 2 trục, nhưng còn có đoạn độc đạo. Trên toàn bộ các trục dọc ở các tuyến, cứ 20 đến 30 km lại có một đường ngang tạo nên sự liên hoàn tương hỗ bảo đảm cho một tiểu đoàn xe tập trung tiến công trên một hướng, nhiều hướng, hoặc có thế chuyến hướng tiến công một cách chủ động nếu gặp điều kiện bất lợi do sự ngăn chặn của địch gây nên.

Toàn tuyến có 50 trọng điểm lớn nhỏ, mỗi trọng điểm đều có từ 2 đến 4 đường vòng. đường tránh. Các điếm vượt sông Pác Pha Năng, Ta Lê, Sê Băng Phai, Sê Băng Hiếng, Sê Pôn, Sê Lê Măng, Sê Kông, Sê Ca Mán... đều tổ chức ba phương thức vượt: ngầm, cầu trệt, phà. Có điểm vượt chính, có điểm vượt dự bị, có điểm vượt nghi binh. Các trọng điểm vượt khẩu nhập tuyến đường 12 và đường 20 được củng cố vững chắc, có khả năng loại trừ thủ đoạn địch đánh dứt điểm bóp nghẹt tuyến chi viện chiến lược ngay từ địa đầu.

Đường 16 và đường 18 mới mở thông, tuy chưa vững chắc, nhưng có tác dụng hỗ trợ, hình thành một hệ thống vượt khẩu có chính diện khoảng 180 km, góp phần căng kéo địch, làm mỏng sức tấn công của chúng. Đường ống dẫn xăng dầu từ Ra Mai đã tiến vào cánh rừng già phía nam Bản Cọ, bắt đầu được vận hành, tạo thêm một mũi tiến công sắc bén giáng vào âm mưu ngăn chặn của địch.

Ngày 22 tháng 12 năm 1969, lễ khánh thành đường ống được tổ chức. Tư lệnh Đoàn 559, Cục trưởng Cục Xăng dầu Phan Tử Quang, đồng chí Mai Trọng Phước, cán bộ trực tiếp chỉ huy xây lắp đường ống đã tới dự. Trước hàng quân, Tư lệnh nói:

“Sự kiện đưa vào vận hành đoạn đầu của tuyến đường ống dẫn xăng dầu chiến lược nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam đã tăng thêm một tuyến vận tải mới, một binh chủng mới, một phương thức vận tải xăng dầu hiện đại. Từ nay sẽ thanh toán được sự tổn thất lớn trong chiến tranh do việc vận chuyển phuy hoặc téc xăng dầu bằng phương tiện ô tô. Đây là một bước ngoặt quyết định đảm bảo vận tải hàng hóa và cơ động binh khí, kỹ thuật quy mô lớn... ".
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #108 vào lúc: 11 Tháng Năm, 2010, 06:14:08 pm »

Tư lệnh thay mặt Đảng ủy - Bộ Tư lệnh 559 chân thành cám ơn Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần là kiến trúc sư tuyến đường ống, cảm ơn Cục Xăng dầu, cảm ơn cán bộ, chiến sĩ công binh, vận tải, thông tin, thanh niên xung phong, cán bộ, chiến sĩ đường ống đã đổ biết bao công sức, xương máu mới có được tuyến đường ống với dòng chảy thần kỳ này. Sau buổi lễ, lần đầu tiên mọi người được chứng kiến một công trình đặc biệt: 4 vòi tiếp xăng, tiếp một lúc cho một tiểu đoàn xe hết 1 giờ 30 phút mà trước đây phải mất 3 giờ.

Những hạ tầng cơ sở khác như bãi trú đậu xe, bàn đạp xuất kích, khu kho, trạm xưởng, điểm chốt của đội phẫu thuật và đội điều trị, sở chỉ huy cơ bản, sở chỉ huy tiền phương, trạm chỉ huy giao thông, điểm chốt kích kéo cứu xe đều được các binh trạm xây dựng đồng bộ, liên hoàn, nâng cao sức tiến công trong vận chuyến. xử lý các tình huống nhanh và kịp thời.

Đế đảm bảo an toàn, giữ vững tinh thần cho lái xe, công binh đã xây dựng khá kiên cố mấy vạn hầm trú ẩn và hàng trăm kilômét hào giao thông, phần lớn có cắm cờ bằng vải dù trắng để làm dấu hiệu trong đêm tối.

Cuối tháng 12 năm 1969, mọi hoạt động vận chuyển và chỉ huy chiến đấu hiệp đồng binh chủng từng bước đi vào quỹ đạo. Đảng ủy - Bộ Tư lệnh họp nhấn mạnh:

a) Về địch, trên các chiến trường Mỹ - ngụy đang ở thế đi xuống. Tuy nhiên, với hành lang của ta, địch đang cố gắng tập trung đánh phá quy mô lớn để ngăn chặn. Nhưng đó là sự cố gắng tuyệt vọng của kẻ thua trận đã bạc nhược.

b) Về thời tiết, trục dọc đã khô ráo, các ngầm sử dụng tốt, có thể vận chuyển liên tục theo quy cách của mùa khô, nhưng các đường ngang còn mưa dầm, lầy lội cục bộ.

c) Về ta, đến nay tổ chức các lực lượng căn bản đã ổn định. Thế trận mùa khô được triển khai hoàn chỉnh trên toàn tuyến. Các binh trạm đã ở tư thế sẵn sàng, cả ba phương thức vận chuyển đểu được chuẩn bị. Cán bộ, chiến sĩ có quyết tâm lớn. Tổ chức chỉ huy đã thông suốt, chặt chẽ, cơ sở kỹ thuật được bảo đảm, chân hàng vượt trội và được rải trên nhiều cung. Nguồn hàng từ Campuchia và Hạ Lào có triển vọng. 

Từ những đánh giá trên, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh quyết định ngày 15 tháng 1 năm 1970 toàn tuyến ra quân "Tổng công kích" quy mô lớn. Đảng ủy nêu rõ:

Đợt "Tổng công kích" này có ý nghĩa chính trị và có vị trí quyết định đối với cả mùa khô. Vì vậy, tất cả các lực lượng phải phát huy sự sung sức, tiến công kiên quyết và mưu trí trong thế hiệp đồng binh chủng, giành thắng lợi ngay từ giờ đầu ngày đầu.

Toàn tuyến nhất tề nổi lửa khói, hình thành thế nghi binh chiến dịch, đưa kẻ địch vào thế bị động, rối loạn. Bộ Tư lệnh tổ chức chỉ đạo tập trung vào tập đoàn binh trạm phía bắc, đồng thời chỉ đạo các binh trạm phía nam tham gia phối hợp nhanh chóng hòa vào cao trào tổng công kích. Bộ Tư lệnh chỉ thị các thủ trưởng binh trạm phân công trực tiếp chỉ huy đội hình xe trên đường và trực chỉ huy ở sở chỉ huy cơ bản cũng như sở chỉ huy tiền phương. Các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần tổ chức các kíp trực ban 24/24 giờ trong ngày. Thủ trưởng các binh chủng phải bám đơn vị và có mặt trên mặt đường.

Để quán triệt nhiệm vụ, nêu cao quyết tâm trước khi bước vào đợt “tổng công kích", ngày 10 tháng 1 năm 1970, Hội nghị quân chính toàn Đoàn được triệu tập. Thủ trưởng quân chính các binh trạm, trung đoàn, phòng, cục và Bộ Tư lệnh đều nhất trí thời điểm ra quân thực hiện “tổng công kích" là ngày 15 tháng 1 năm 1970.

Trong thời gian gần một tháng trước khi bước vào đợt “tổng công kích", các lực lượng trên toàn tuyến đã bắn rơi 49 máy bay, có 19 chiếc rơi tại chỗ, 8 chiếc rơi ban đêm. Địch bị động, lúng túng song cường độ đánh phá ngày một tăng, nhưng hiệu suất không cao.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #109 vào lúc: 11 Tháng Năm, 2010, 06:22:52 pm »

Vào 4 giờ chiều ngày 15 tháng 1 năm 1970, đợt "Tổng công kích" bắt đầu. Bộ Tư lệnh Đoàn chỉ thị các mũi tiến công chủ yếu là các binh trạm phía bắc tranh thủ vượt đường 9, tạo khối lượng dự trữ khoảng 2 vạn tấn để chủ động đối phó với trường hợp bị địch chia cắt.

Dựa vào thế cầu đường vững chắc và sức mạnh chiến đấu hiệp đồng binh chủng của các lực lượng, ngay từ đầu bộ đội xe hơi ra quân rầm rộ. Các tổ mũi nhọn của tiểu đoàn xe táo bạo xông pha trên những chặng đường địch khống chế mạnh, mưu trí, lừa địch, tránh địch, phối hợp chặt chẽ với công binh, pháo binh mật tập vượt trọng điểm đúng lúc, kịp thời. Các lực lượng thực hiện nghi binh đồng loạt, làm cho địch bị động, phân tán, rối loạn, đánh chệch mục tiêu.

Lực lượng công binh tập trung vào việc chống phá hoại: san lấp hố bom, phá bom nổ chậm, phá bom từ trường và mìn vướng nổ đều thông thạo, cả ban đêm và ban ngày, vừa chống phá hoại, vừa mở thêm đường, vừa cải tạo mặt đường nâng tốc độ xe.

Ở hướng đông Trường Sơn, lợi dụng lúc địch còn sơ hở, Binh trạm 27 tổ chức thả trôi các phuy xăng trên sông Sê Băng Hiếng từ Chà Lì đến Bản Cọ cự ly 50 km giao cho Binh trạm 9. Đây là một phương thức vận chuyển độc đáo, tạo nên một hướng vượt khẩu bổ trợ quan trọng. Mỗi tháng hàng tới đích khoảng 1.000 tấn tạo điều kiện đẩy hàng tới đường 9 nhiều hơn.

Đợt 1 Tổng công kích giành thắng lợi toàn diện. Nhiều binh trạm vận chuyển 1 vạn tấn/tháng như: Binh trạm 12, Binh trạm 14, Binh trạm 31. Riêng Binh trạm 32 nâng lên 1 vạn rưỡi tấn/tháng.

Những điểm vượt chủ yếu cũng là nơi địch tập trung ngăn chặn quyết liệt, đều giành thắng lợi. Vượt trọng điểm cửa khẩu Xiêng Phan đạt 135,8%, vượt trọng điểm cửa khẩu cua chữ A - Ta Lê - Phu La Nhích đạt 113%, vượt trọng điểm Văng Mu - đường 9 đạt 103%, vượt trọng điểm La Hạp đạt 130%, vượt trọng điểm Bạc đạt 86%. Kế hoạch vận chuyển giao cho hai chiến trường xa nhất đều vượt chỉ tiêu: Tây Nguyên 118,3%, Nam Bộ 101,2%.

Nhiệm vụ đưa quân vào chiến trường và đón quân về hậu phương đạt trên 100% kế hoạch. Việc chuyển thương, bệnh binh ra hậu phương bằng xe cơ giới rút ngắn được trên 20 ngày 1 chuyến, nhưng cần phải có đệm chèn để giảm đau đớn cho thương, bệnh binh. Tư lệnh Đoàn đã báo cáo với Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, được Chủ nhiệm hứa sẽ gửi đệm vào trong thời gian sớm nhất.

Đợt 1 kết thúc thắng lợi. Không để lỡ thời cơ, Bộ Tư lệnh ra lệnh gấp rút chuẩn bị trong 2 ngày để tiếp tục "Tổng công kích" đợt 2.

Ngày 14 tháng 2. Đảng ủy Bộ Tư lệnh tổ chức Hội nghị cán bộ chủ trì các binh trạm, trung đoàn và cơ quan Bộ Tư lệnh nhằm rút kinh nghiệm đợt 1; quán triệt nội dung, nhiệm vụ chỉ tiêu, kế hoạch "Tổng công kích" đợt 2.

Vào Hội nghị, các đại biểu rất đau buồn khi được tin Trung tá Nguyễn Huệ - Binh trạm trưởng Binh trạm 9 vừa hy sinh do trúng bom B52 ở Bản Cọ trong đêm giao thừa khi đang trên đường đến Hội nghị.

Sau khi nghe Chính ủy và Tư lệnh báo cáo, Hội nghị đã thảo luận và thống nhất nhận đinh, Tổng công kích đợt 1 đã giành được thắng lợi giòn giã, toàn diện. Địch đã bộc lộ những âm mưu thủ đoạn nguy hiểm, gây cho ta nhiều khó khăn tổn thất. Mặc dù bị thất bại, sắp tới chúng vẫn có thể đánh mạnh hơn, thủ đoạn xảo quyệt hơn. Vì vậy, phải theo dõi chặt chẽ và kịp thời đối phó. Thời tiết là mối đe dọa nguy hiểm, nhưng ta đã vượt qua và đang ngày càng có lợi .

Về thế trận, tuy cục bộ còn chưa vững chắc, nhưng vẫn đang ổn định và có chiều hướng phát triển tốt.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM