Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 02:59:25 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường Hồ Chí Minh trên biển  (Đọc 155449 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
magiang
Thành viên
*
Bài viết: 53


« Trả lời #90 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2009, 09:38:43 am »

Hồi kí của một cựu chiến binh tàu không số

Ong Nguyễn Xuân Thơm, nguyên Hàng hải số 1, đội tàu số 5, Thuyền trưởng 121, 621, 653, 673 (không số) Hải đoàn 2, đoàn 125, nguyên Tiểu đoàn trưởng 7 Anh hùng thuộc Hải đoàn 1, Hạm đội 171, Phó chủ tịch Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển toàn quốc, Trưởng Ban liên lạc truyền thống tàu không số khu vực TP Hồ Chí Minh.Trong hồi kí của mình, ông kể về 2 chuyến đi chở vũ khí vào Bến Tre và Cà Mau. Chúng tôi xin giới thiệu với ban đọc QSVN về hai chuyến đi này của ông

Chuyến đầu tiên vào Vàm Khâu Băng (Bến Tre)


 Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất; đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã đến cơ quan Đoàn 759 để khen ngợi, đồng thời trực tiếp giao nhận nhiệm vụ tiếp theo cho những chiếc tàu sắt số 5 mới hạ thủy của đoàn tàu không số. Trung ương Cục miền Nam cũng tỏ ý rất phấn khởi khi Trung ương Đảng đã sử dụng tàu sắt tương đối hiện đại chi viện vũ khí cho chiến trường miền Tây Nam Bộ
Đội tàu số 5 được biên chế 18 người, gồm: Thuyền trưởng Trần Phong, Thuyền phó Nguyễn Đức Dục, Lê Văn Thêm, Chính trị viên Đăng Văn Thanh, thủy thủ là Huỳnh Văn Tiến, hàng hải là tôi - Nguyễn Xuân Thơm. Máy trưởng Lê Thành Tô, Quyết, Lợi, Hoàng. Báo vụ: Di, Vinh, cùng một số đồng chí khác. Hầu hết là cán bộ tập kết và quân giải phóng miền Nam ra.
Tàu sắt số 5 do Xưởng đóng tàu 3 Hải Phòng đóng mới. Đây là loại tàu 100 tấn, chiều dài 30 m, ngang 5,80 m, độ sâu mớn nước 2,5 m.
Tàu được chia ra bốn ngành riêng biệt.
Ngành thứ nhất là ngành hàng hải được biên chế 2 người, hàng hải số 1 và hàng hải số 2 do tôi chịu trách nhiệm quản lý trang thiết bị hàng hải. Ngành thứ hai là ngành boong, 5 người, có 1 người phụ trách là thủy thủ trưởng, 3 khẩu 12,7, đội trưởng và y tá. Ngành thứ 3 là báo vụ được biên chế 2 báo vụ. Ngành thứ 4 là ngành cơ điện, được biên chế 5 người (một máy trưởng, 3 máy 1, 2, 3 một chấm dấu).
Cán bộ tàu là một thuyền trưởng, 3 thuyền phó, 1 chính trị viên. Nhiệm vụ của chiếc tàu sắt số 5 chuyến đi này là vào Bến Tre (cửa Khâu Băng).
Ngày 17/7/1963, tàu xuất phát tại K15 Đồ Sơn. Trước một ngày, đội thuyền viên được xe ca đưa từ số 3 đường Thành Hà Nội xuống Đồ Sơn để tiến hành công tác chuẩn bị nhận bàn giao tàu đã xuống đầy hàng, dầu, nước, thực phẩm và các trang thiết bị.
Thuyền trưởng nắm giữ chặt chẽ 2 ngành hàng hải và ngành máy, chính trị viên nắm giữ chặt 2 ngành báo vụ và boong. Một thế mạnh của những người đi biển xa, đường dài (đi B) là không bị say sóng.
Tôi và một số đồng chí khác ít bị say sóng nên khi đi biển gặp sóng to, gió lớn mình có thể làm tốt việc của mình và giúp đỡ cho đồng đội, làm thay việc làm của họ để bảo đảm hành trình con tàu đi biển được liên tục không bị gián đoạn. Thuyền trưởng Trần Phong lần đầu tiên đi biển xa dài ngày không chịu được sóng gió.
Tuy trước khi về đoàn tàu không số anh đã được đào tạo sĩ quan hải quân tại Trung Quốc và đã kinh qua nhiệm vụ thuyền trưởng nhiều năm, nhưng chưa có dịp đi biển xa dài ngày bao giờ.
Đợt đi biển lần này đúng vào mùa gió Tây Nam rất mạnh, cấp 6, 7 (tháng 7). Tàu phải chạy ngược sóng, ngược gió làm cho những người say sóng càng khó chịu và dễ nôn mửa hơn.
Tôi là người phụ trách hàng hải, luôn quan tâm đặc biệt hướng lái theo la bàn của mỗi ca trực 4 tiếng đồng hồ, theo dõi chỉ số máy tính đường các ca ghi chép khi giao ca, tổng hợp, khi thuyền trưởng hỏi đến sẽ cung cấp kịp thời.
Do đó, bất kỳ lúc nào, hàng hải với thuyền trưởng cũng như bóng với hình, không kể trong ca hay ngoài ca, thuyền trưởng ới một cái là có ngay, nhất là lúc tàu bị lạc bến.
Lúc bấy giờ, cán bộ, chiến sĩ đoàn tàu không số chưa được học tập và ứng dụng thiên văn hàng hải nên chỉ áp dụng phương pháp đi biển theo dự đoán nhích dần, do đó việc lạc bến không thể tránh khỏi.
Theo dự đoán, sau 6 ngày đêm tàu sẽ đến điểm chuyển hướng vào vàm Khâu Băng thuộc tỉnh Bến Tre. Nhưng buồn thay, vị trí tàu thực tế không phải như dự đoán mà bị tuột lại 40 hải lý.
Vì lẽ đó khi tàu tiếp cận bờ không đúng, mà vào đúng cửa đại, cửa tiểu gần phía Vũng Tàu. Trong chuyến đi này có người địa phương Bến Tre là đồng chí Huỳnh Văn Tiến, thủy thủ trên tàu.
2 giờ sáng ngày 3/8/1963, Ban chỉ huy tàu hội ý, xin ý kiến chi ủy nhất trí thực hiện phương án táo bạo, bắt người trên ghe đánh cá của dân, đưa lên tàu mình làm người dẫn đường, tránh các cồn cạn (Bến Tre có nhiều cồn cát ngoài khơi rất nguy hiểm, nếu không khéo sẽ bị mắc cạn và bị địch phát hiện, không hoàn thành nhiệm vụ).
Sau khi có người dân dẫn đường, tàu chạy về hướng Nam về vàm Khâu Băng, khoảng cách 40 hải lý. Khi tàu lọt vào vàm Khâu Băng thì đã 7 giờ sáng.
Thấy tàu sắt to lớn lần đầu vào Bến Tre, nhân dân đang làm đồng ùa nhau chạy ra 2 bên bờ rạch Khâu Băng vẫy tay reo hò vui mừng. Tàu số 5 đưa sâu vào rạch lá dừa nước và cây mắm.
Người của bến tập trung ngụy trang ngay lập tức vì nếu chậm trễ, trưa nắng lên máy bay địch đi tuần tra phát hiện được thì vô cùng nguy hiểm.
Mọi việc diễn ra êm đẹp. Chiếc tàu sắt đầu tiên vào Bến Tre đưa được hơn 62 tấn vũ khí cho chiến trường quê hương Đồng Khởi, cho niềm khát khao của Nữ tướng Nguyễn Thị Định anh hùng.
Đêm 8/8/1963, tàu được lệnh rời Bến Tre trở ra Bắc. Sau 7 ngày tàu về lại đến K15 Đồ Sơn, giao cho K15 trông coi.
Anh em đội tàu chúng tôi được xe ca đưa lên Hà Nội nghỉ ngơi an dưỡng, lấy lại sức lực để chuẩn bị cho những chuyến đi tiếp
 
NGUYỄN XUÂN THƠM
(CCB Tàu không số)
Logged
magiang
Thành viên
*
Bài viết: 53


« Trả lời #91 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2009, 10:42:48 am »

Chúng tôi xin giới thiệu tiếp hồi kí của ông Nguyễn Xuân Thơm về chuyến đi thứ hai
Vào bến Vàm Lũng (Cà Mau)


Ngày 10/10/1963, Đoàn 759 cho xe ca chở anh em Đội tàu số 5 chúng tôi từ số 3 đường Thành Hà Nội xuống K15 Đồ Sơn để làm công tác chuẩn bị.
Biên chế vẫn giữ nguyên như cũ. Chuyến thứ hai này chúng tôi được giao nhiệm vụ vào bến Vàm Lũng - Cà Mau.
Mọi diễn biến của chuyến đi thứ 2 cũng giống như chuyến đi đầu tiên, chỉ có khác nhau về thời điểm (tháng 10). Thời điểm khác nhau thì thời tiết cũng khác nhau đôi chút.
Những ngày tàu đi vào hướng Nam ít bị sóng vỗ mạnh vào mũi tàu mà dường như sóng đẩy lái tàu nhiều hơn. Máy chạy êm hơn, ít rùng mình hơn chuyến đầu tiên.
Theo dự đoán, sau 7 ngày đêm, tàu sẽ đến điểm chuyển hướng vào cửa Vàm Lũng. Đêm hôm đó, toàn bộ anh em trên tàu căng mắt ra quan sát đèn Hòn Khoai mà không thấy đâu cả, cũng không thấy rặng cây đước mũi Cà Mau.
Chuyến đi này người địa phương nhận dạng mục tiêu bờ là tôi, xuất thân từ bến Vàm Lũng mà ra. Tôi có nhận định là tàu đang đi vượt khỏi Hòn Khoai trên 30' nên không thấy đèn Hòn Khoai và bờ đâu cả (cự ly chiếu sáng đèn Hòn Khoai là 30').
Lúc này đồng chí Bí thư chi bộ triệu tập chi bộ họp khẩn cấp, lấy biểu quyết chọn một trong hai, cho tàu vào hay quay ra khơi đợi đêm sau vào. Lúc này tôi mới là đảng viên chính thức được một tháng tuổi Đảng, với trách nhiệm là người địa phương nhận dạng mục tiêu địa hình thực địa có chính xác hay không đồng nghĩa với thành công hay thất bại.
Theo ý kiến của tôi, đây là vùng biển phía Nam Hòn Khoai nên cho tàu chạy hướng 000o.0. Sau một tiếng đồng hồ sẽ bắt được đèn Hòn Khoai và sau đó thẳng hướng vào cửa Rạch Gốc, cách cửa Vàm Lũng 7 km về phía Nam, nếu thuận lợi ta cho vào cửa Rạch Gốc luôn.
Ở đó có đông ngư dân, thuyền bè đông đúc, quân ta dễ trà trộn với ngư dân, dễ che mắt địch hơn. Chi bộ nhất trí biểu quyết cho tàu vào.
Đúng như dự đoán, 5 giờ sáng tàu bắt được Hòn Khoai, thẳng vào cửa Rạch Gốc. Đúng 7 giờ tới cửa, do thủy triều xuống tàu không vào được, thả neo phía cửa Bắc.
Xuồng ở bên anh Ba Cụt ra, tổ chức cho bốc hàng. Một chiếc máy bay L19, loại trinh sát từ Hòn Khoai bay vào qua ngang cửa Rạch Gốc thẳng về hướng thị xã Cà Mau, tàu kéo cờ ba sọc ngụy quyền Sài Gòn che mắt địch.
Từ 9 giờ đến 12 giờ hôm đó (ngày 16/10/1963), anh Ba Cụt ở bến Cà Mau huy động ghe đánh cá của ngư dân Rạch Gốc chạy như con thoi vào ra chuyển tải những thùng đạn, bó súng còn thơm mùi thép mới.
Chuyển được 1/2 số súng đạn trên tàu vào bờ, tàu nổi lên, thủy triều bắt đầu lớn. Tàu 55 nhổ neo chạy thẳng vào cửa Rạch Gốc, vào khỏi cửa 100 m, bên trái có Rạch Tắc, cho tàu vào đậu, ngụy trang tạm thời, đợi đến tối nước lên cao nhất, đưa tàu vào ngã ba Dinh Hạn (ngọn cửa Vàm Lũng), ngụy trang kỹ lưỡng chờ bốc hàng tiếp.
Sau ba ngày tàu bốc hàng xong, tàu chuẩn bị xuất bến đi về miền Bắc. Lần này khác hơn lần trước, hàng dằn mũi tàu là củi đước, "sản vật" của rừng Cà Mau. Năm ngày sau khi rời khỏi cửa Vàm Lũng - Cà Mau, tàu chúng tôi về đến K15 Đồ Sơn an toàn.
Sau hai chuyến vận chuyển vũ khí, bài học kinh nghiệm quý giá mà tập thể cán bộ, chiến sĩ Đội tàu số 5 chúng tôi rút ra là: Quy luật thiên nhiên vùng biển Đông của bờ biển Việt Nam là hai luồng thời tiết gió mùa khác nhau: gió mùa Tây Nam từ tháng 4 đến tháng 9, gió mùa Đông Bắc từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.
Ở biển Đông Việt Nam, gió mùa thổi mạnh có khi lên đến cấp 6, cấp 7. Sóng cao đến 4-5 m là chuyện thường.
Do đó, tàu đi trên biển Đông, khi mũi tàu đội sóng thì mỗi giờ tàu bị sóng nước đẩy lùi lại 0,5 hải lý hoặc ngược lại. Đó là bài học kinh nghiệm thực tế cho cánh thuyền trưởng của chúng tôi sau này, cho các chuyến đi tiếp theo. Chúng tôi áp dụng bài học kinh nghiệm thực tế trên để đưa con tàu đi đúng bến không còn lạc đường, lạc bến nữa.
Từ chuyến thứ 3 trở đi, Thuyền trưởng là Nguyễn Phan Vinh, Thuyền phó La Minh Tốt, các ngành khác được giữ nguyên như cũ. Trong 3 chuyến đi vào Trà Vinh, cửa Ba Động, tôi còn nhớ có một chuyến chở đồng chí Lê Đức Anh, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và một đại úy pháo binh cùng đoàn tùy tùng, một nhà báo, mang theo máy quay phim, chụp ảnh toàn cảnh những hoạt động của con tàu không số từ trên boong, buồng lái, ca-bin xuống đến khoang máy.
Sau đó cuộn phim đó có gởi theo tàu đem về Hà Nội lưu giữ bí mật. Chúng tôi mong đến ngày thống nhất nước nhà sẽ được xem cuộn phim đó, nhưng không thấy phổ biến trên phương tiện thông tin đại chúng.
Những chiếc tàu Đoàn 759 (tàu không số) như những cái bóng âm thầm lặng lẽ rời bến rồi cặp bến. Những chuyến đi đầy khó khăn gian khổ và căng thẳng. Không chỉ đấu trí với địch mà còn phải vượt qua sóng to, gió lớn, vượt qua thử thách của thiên nhiên. Nhưng trên tất cả là phải vượt lên chính mình.
Thiếu thốn nhọc nhằn, những sự cố trên biển, những lần gặp địch, những lúc lạc bến, những ngày thả trôi, đói ăn lương khô, khát uống nước lã, lúc say sóng, nắng, mưa chúng tôi đều trải qua trong mỗi chuyến đi. Ra đi là xác định cảm tử, sẵn sàng hy sinh, nhưng những cán bộ, chiến sĩ Đoàn 759 không hề nản chí.
Mỗi chuyến đi là một dấu ấn, làm đẹp thêm trang sử của Đoàn 759 (Đoàn 125) đoàn tàu không số, đoàn tàu Hải quân nhân dân Việt Nam hai lần anh hùng.
Ngày 17/9/1964, tạm biệt tàu số 5, tôi và một số anh em quân giải phóng miền Nam (tất cả 24 người) đã qua thử thách được Đoàn 759 đưa về K35 Đồ Sơn học văn hóa. Ngày 13/2/1965 về trường sĩ quan Hải quân đào tạo cán bộ thuyền, tạm xa đội tàu số 5 thân thương, nơi rèn luyện tôi trở thành cán bộ như ngày hôm nay./.
 
NGUYỄN XUÂN THƠM
 (CCB Tàu không số)


Logged
tau khong so
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 146



« Trả lời #92 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2009, 02:07:16 pm »

Những chuyến tàu bi tráng
Một người trong số đó là ông Lưu Công Hào - thủy thủ của tàu 43 lữ đoàn 125 hải quân.
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Ông Lưu Công Hào ( Phải ) và MaGiang ( Trái )

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Xin pot lai câu chuyện về trân đánh của tàu ông Hào với tàu địch tại bến Đức Phổ. Sau đó 14 thủy thủ bị thương đã được bệnh xá Đặng Thùy Trâm cứu chữa


Hôm qua chúng tôi họp mặt ở Tuần Châu, anh hỏi tôi dạo này có hay liên lạc với anh Nhu không? ( Anh Nhu là thuyền phó của tàu tôi những năm 1972, 1973 ). Tôi bảo anh hôm nào lên Hà Nội thì “ rú còi “ cho bọn tôi. Anh nói vào ngày giỗ Đặng Thuỳ Trâm tớ đều lên HN thắp hương. Tôi hỏi vết thương của anh bây giờ còn đau không? Anh vạch bụng chỉ cho sết sẹo và nói : Trong này còn 4 mảnh đạn đang sống chung với anh, những hôm trở trời là biết ngay. Dạo đó BS Trâm chưa gắp ra được. Sao anh biết Trâm? Anh bảo khi báo đài đưa Nhật ký Đặng Thùy Trâm lên anh mới hồi tưởng lại thời gian điều trị ở trạm xá Đức Phổ cũng có một nữ Bác Sỹ tên Trâm. Anh giở cuốn sổ tay ra xem lại thì đúng vì khi đó sau khi rời trạm xá ra Bắc chị Trâm và các anh em bệnh xá đều ghi lưu niệm vào cuốn sổ của anh. Chị Trâm còn gửi quà về gia đình ghi rõ địa chỉ, tên mẹ tên cha của Trâm nhưng khi ra Bắc do nguyên tắc bí mật tổ chức không cho gặp bất cứ ai. Vui chuyện anh kể về trận đánh nhau với máy bay tàu chiến Mỹ năm 1967 - trận đánh mà duyên phận đã đưa anh vào trạm xá Đức Phổ - Trạm trưởng là bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm.
Anh kể : Hôm đó ( tháng 2/1967) Tàu 43 bắt liên lạc với bến Đức Phổ Quảng Nam để bốc hàng, khi chỉ cách bờ chừng 2hải lý thì  bị địch phát hiện, quây bắt. 6 tàu chiến và 2 máy bay lên thẳng quây tàu, gọi loa chiêu hồi, chiêu hàng. Thuyền trưởng Thắng ra lệnh phá vòng vây, chạy vào bờ và đánh trả theo phương án đã định. Anh Hào và các thuỷ thủ: Nhu ( Hiện ở Đồ Sơn Thanh Hoá ) Ruệ ( Thái Bình ) Tòng, Rai ôm DKZ và AK lên boong tàu. Ngay loạt đạn bắn trả đầu tiên của các anh, hai chiếc máy bay lên thẳng hốt hoảng vọt lên cao. Biết không thể chiêu hàng được tàu Việt cộng 6 chiếc tàu đồng loạt trút đạn vào tàu ta. 2 máy bay chao liệng nhả đạn vào ca bin tàu. Rai trúng đạn ngay trên Boong. Anh Tòng chạy lại cứu Rai liền trúng đạn gục xuống chồng lên người Rai. Máy bay địch vừa bay ra, lợi dụng phút ngừng bắn, Hào và Nhu chạy ra cứu Rai, Tòng nhưng cả 2 đã chết. Hai anh khiêng xác đồng đội định đưa xuống hầm tàu nhưng hoả lực địch quá mạnh nên lại phải ôm súng đánh trả. Máy bay địch quay lại phóng rốc két, vãi đạn lên tàu, máy bay bay thấp và gần đến mức còn nhìn thấy rõ mặt phi công.Thuỷ thủ trên tàu kiên cường bắn trả. Một trong 2 máy bay trúng đạn loạng choạng bay vút lên cao rồi đâm sầm xuống biển. ( Đến lúc này lực lượng Bến và bà con địa phương mới biết là tàu ta đánh nhau với tàu địch, lúc trước mọi người tưởng là địch diễn tập. Bến liền cử lực lượng  đến tiếp ứng, chi viện cho anh em tàu)  Cay cú trước thất bại. Địch gọi máy bay và pháo từ tàu chiến ngoài khơi trút đạn vào tàu ta. Hàng loạt đạn 20 ly từ máy bay trút xuống ca bin. Ruệ Hàng hải số 1 trúng đạn chết ngay tại chỗ, ông Thắng quát: Hào vào lái, đưa tàu vào  bờ. (Anh là hàng hải số 2). Con tàu chồm lên, xoay ngang xoay dọc oằn oại trước sóng biển và mưa đạn từ tàu chiến và máy bay địch. Từng loạt đạn 20 ly từ máy bay bắn vào ca bin tàu. Một viên đạn sượt trục tay lái chệnh huớng ghim thẳng vào bụng anh. Bụng đau rát máu chảy ướt dẫm áo quần. Anh cố ghìm lái cho tàu hướng vào bờ truớc khi ngất lịm. Bon địch quyết tâm bắt sống tàu 43. Chúng huy động tiếp bộ binh và xe tăng đến bến. Súng trên tàu và máy bay địch ngừng bắn vì sợ bắn vào bộ binh trên bờ. Trong khoảng thời gian ngừng bắn ít ỏi thuyền trưởng Thắng quyết định cho huỷ tàu. Không để cho địch bắt sống tàu, ông ra lệnh cho anh em rời tàu. Chờ anh em còn sống xuống nước xong ông điểm hoả mìn huỷ tàu rồi nhảy xuống biển cùng anh em bơi vào bờ. Không hiểu sức mạnh nào đã đưa được 14 anh em vừa bị thương vừa kiệt sức bơi được vào bờ. Rất may lực lượng Bến đến kịp nhanh chóng đưa anh em vào hầm bí mật ẩn nấp cứu chữa. Bộ binh, xe tăng đich vừa đến bờ thì dưới biển một tiếng nổ long trời lở đất vang lên. Chiếc tàu tan thành trăm mảnh tung lên rồi chìm dần xuống biển. Mặt biển lênh láng dầu của con tàu vỡ tràn ra, cháy bốc khói đen kịt. Rất nhiều mảnh tàu vỡ, súng đạn và cả xác thuỷ thủ tung lên bờ. Bà con kể lại trong những vật văng lên bờ có cả những mảnh thây người và một đùi người còn nguyên. Địch đã gom toàn bộ mảnh tàu vỡ, mảnh thây người và những thứ văng lên bờ rồi đặt bộc phá cho nổ tung, quay phim chụp ảnh đưa lên báo rêu rao chiến công tiêu diệt tàu Việt cộng. Lại nói về các chiến sỹ còn sống sót được anh em bến đưa vào hầm ẩn nấp, anh Hào nhớ được một nữ du kích chị tên là Phượng đã khiêng anh vào hầm. Năm 2005 anh Hào đã vào thăm lại nơi con tàu đã chìm, nơi đồng đội đã hy sinh, nơi anh bị thương và được cứu sống trong vòng tay bà con Sa Huỳnh. Anh đã gặp lại chị Phượng nguời đã cất dấu và cấp cứu anh và đồng đội. ( Chị Phượng đang sống tại thôn Sa Huỳnh huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Nam) 10 ngày sau các đ/c Bến mới luồn qua vòng vây kẻ thù đưa các chiến sỹ TKS bị thương ra trạm xá của Đặng Thuỳ Trâm. Tại trạm xá anh đựợc chính tay BS đặng Thuỳ Trâm mổ, chữa trị Sau 1 tháng, khi sức khoẻ bình phục cả đội lại vượt Trường Sơn về đơn vị tiếp tục những chuyến tàu chở hàng vào miền Nam.  Anh cười rổn rảng: Ngày đó không được trạm xá cứu chữa thì chắc cũng chết vì vết thương nhiễm trùng thôi. Tôi bình luận : Người như Anh sóng biển đông không vùi dập được, đạn Mỹ không giết được thì anh còn phải sống đến trăm tuổi. Chúng tôi lại nâng ly, ưỡn ngực hứng gió biển Tuần Châu. TKS ngày 29/6/2009


Logged
tau khong so
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 146



« Trả lời #93 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2009, 02:17:33 pm »

 Tư liệu kèm bài viết về ông Nguyễn Xuân Thơm
                     Ông Thơm đứng bên trái cạnh chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng
Logged
magiang
Thành viên
*
Bài viết: 53


« Trả lời #94 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2009, 02:50:12 pm »

Cám ơn TKS về tấm ảnh mình chụp chung với anh Lưu Công Hào
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #95 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2009, 02:55:13 pm »

Có bài về tàu 41:

http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/56/58/58/83856/Default.aspx
Logged
tau khong so
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 146



« Trả lời #96 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2009, 03:58:44 pm »

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Cảm ơn Bác lixeta đã pot bài về tàu 41. Tôi và anh bạn cùng cơ quan ngồi xem, anh bảo: Vượt trường Sơn thì có gì là ghê gớm đâu? bọn tao qua lại Trường Sơn như  cơm bữa. Đúng vậy, đối với lính bộ binh vượt Trường Sơn là chuyện quá bình thường vì không vượt Trường Sơn thì làm sao mà vào được chiến trường, nhưng đối với những người lính TKS, chuyện vượt TS ra Bắc lại là kỷ niệm rất đáng nhớ thậm chí rất đau buồn vì chỉ hủy tàu, bị địch đánh chìm tàu ... mới phải bơi vào bờ để vượt TS trở về đơn vị. Ở trang đầu của mục lính 1972 tôi đã kể kỷ niệm đầu tiên khi xuống con tàu không số chất đầy hàng chẩn bị vào Nam, trong đó tôi bày tỏ sự khâm phục anh Bích người thủy thủ hiền lành đã 2 lần vượt TS ra Bắc để rồi lại tiếp tục xuống tàu chở hàng vào chiến trường miền Nam. Cùng một sự việc nhưng ý nghĩa khác nhau và quan niệm của mỗi người về nó cũng khác nhau phải không các Bác. TKS
Logged
magiang
Thành viên
*
Bài viết: 53


« Trả lời #97 vào lúc: 22 Tháng Bảy, 2009, 12:43:22 pm »

Tôi ủng hộ ý kiến của TKS, vì lính Tàu không số đi bộ vượt Trường Song ra Bắc để trở về đơn vị là điều hiếm thấy cũng chẳng khác gì lính bộ binh đi Tàu không số vượt Biển Đông ra Bắc để nhanh chóng trở về đơn vị cũ, nơi huấn luyện rồi lại vào Nam chiến đấu (tôi chưa thấy có trường hợp nào như vậy. Nhưng Tàu không số chở cán bộ cao cấp quân đội ta ở chiến trường B ra Bắc họp hoặc công tác thì đã có nhiều rồi
Logged
ahuuls
Thành viên
*
Bài viết: 453


Hoa hồi Xứ Lạng


« Trả lời #98 vào lúc: 24 Tháng Bảy, 2009, 12:01:46 am »

Anh hùng Phan Vinh:
BẢN ANH HÙNG CA BẤT TỬ TRÊN VÙNG BIỂN HÒN HÈO

21 tuổi nhập ngũ, 35 tuổi hy sinh, đó là hai dấu ấn trong quân ngũ của Trung úy, thuyền trưởng tàu Hải quân Nguyễn Phan Vinh (1933 - 1968). Năm 1970, anh đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã được mang tên anh, đảo Phan Vinh.

Gia đình người anh hùng

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng ta đã có một con đường xẻ dọc Trường Sơn mà hễ nhắc đến là lại liên tưởng tới những sự tích thần kỳ. Song ngoài con đường ấy, còn có một con đường khác nữa, đó là con đường vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam trên biển Đông với một nét độc đáo, sáng tạo như thần thoại, với biết bao kỳ tích cảm động về lòng dũng cảm, sự hy sinh quên mình của những người chiến sĩ “Đoàn tàu không số” và tình cảm gắn bó keo sơn với quân dân các bến đỗ ở miền Nam. Đó là con đường huyền thoại: Đường Hồ Chí Minh trên biển và tên tuổi Phan Vinh liền với tên đường.

Phan Vinh, người con ưu tú của mảnh đất Điện Nam, Điện Bàn, Quảng Nam (cũ) sinh ra trong một gia đình cách mạng. Tháng 3/1968, anh hy sinh ở Hòn Hèo thì cuối năm ấy, cha của anh, người du kích tên là Nguyễn Đức Mẫn cũng hy sinh trong một trận chống càn tại quê nhà. Mẹ anh mất trước đó 5 năm, (năm 1963) vì bị địch bắt, đánh đập, tra khảo dã man.

Năm bà ra đi cũng là năm người con trai thứ hai, Nguyễn Đức Lân ngã xuống trên chiến trường Quảng Nam. Người duy nhất còn lại trong gia đình là anh Nguyễn Đức Xử. Một người bạn của tôi trong đợt đi làm phim về “Tàu không số” kể chuyện đã được nghe anh Xử nói về người em trai của mình: “Phan Vinh tuy là con út trong gia đình, nhưng ngay từ nhỏ đã là người cứng cỏi, quyết đoán, và đặc biệt là giàu lý tưởng”.

Có lẽ chính từ cái cứng cỏi, quyết đoán và giàu lý tưởng cách mạng đó đã làm nên một Phan Vinh với chiến công trên vùng biển Hòn Hèo.

Tàu 235 - Bản anh hùng ca bất tử trên vùng biển Hòn Hèo

Hòn Hèo là tên chung chỉ vùng biển và dãy núi chạy qua hai xã Ninh Phước, Ninh Vân thuộc tỉnh Khánh Hòa. Hòn Hèo cách Nha Trang khoảng hơn chục cây số đường biển. Nơi đây, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và đồng đội đã hy sinh cùng con tàu 235 vào năm 1968.

Thời kỳ đó, kẻ địch đã tìm mọi cách ngăn chặn con đường vận chuyển trên biển mà chúng gọi là con đường “cực kỳ nguy hiểm” này. Không quân, Hải quân Mỹ và quân đội Sài Gòn tung lực lượng khá mạnh để chăng lưới bủa vây trên mặt biển đón bắt những con tàu cảm tử chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Trên biển, chúng chia từng tổ bố trí tàu chiến ngăn chặn và lắp đặt rađa quét sóng đêm ngày. Trên trời và trong đất liền cả đêm lẫn ngày, chúng cho lính và máy bay trinh sát, tuần tra, canh phòng.

Anh Long An, một trong năm người sống sót đã kể lại chuyến đi của tàu 235.

- 11 giờ 30 phút ngày 27/2/1968, tàu 235 xuất phát chở hơn 14 tấn vũ khí vào bến Hòn Hèo. Đây là bến hết sức khó vào, luồng hẹp, nhiều đá ngầm. Một tài liệu của Pháp viết rằng, tàu muốn ra vào Hòn Hèo phải có những tay thuyền trưởng lão luyện, với trên dưới 20 năm tuổi nghề.

Trung úy Nguyễn Phan Vinh tuy chưa có tuổi nghề cao nhưng được tin cậy chỉ huy con tàu này. Tàu có 21 cán bộ, chiến sĩ: Chính trị viên Nguyễn Tương, thuyền phó 1: Đoàn Văn Nhi; thuyền phó 2: Võ Tá Tu; máy trưởng: Trương Văn Mùi; thợ máy: Ngô Văn Thứ, Nguyễn Minh Hải, Trần Lộc; thợ điện: Lê Duy Mai; báo vụ: Phạm Trường Nam, Doãn Quang Ruyện; rađa: Trần Thọ Thuyết; thủy thủ: Ngô Văn Dầu, Nguyễn Văn Phong, Hà Minh Thật, Đào Quang Ty; hàng hải: Mai Văn Khung, Lâm Quang Tuyến; y tá: Hoàng Văn Hòa; cơ yếu: Nguyễn Văn Dũng và tôi, thợ máy.
 


Trước giờ nhổ neo Ngô Văn Dầu bị viêm phổi phải vào viện nên đội hình còn lại 20 người. Chúng tôi đi hai ngày đêm trên vùng biển quốc tế. Tối 29/2, tàu đến ngang vùng biển Nha Trang và chuyển hướng vào bờ. Phát hiện ra tàu ta, địch lập tức huy động 3 tàu chiến: Ngọc Hồi, HQ12, HQ 617 và 4 tàu khác của duyên đoàn 25 đến vùng biển Nha Trang với ý định bắt sống...

Biết đã bị lộ, Thuyền trưởng Phan Vinh khôn khéo điểu khiển tàu 235 luồn lách qua đội hình tàu địch và đến được bến Ninh Phước lúc 0 giờ 30 phút ngày 1/3. Anh quyết định thực hiện phương án hai, cho thả hàng xuống nước để quân dân ở bến mò vớt sau. Các kiện hàng được bao gói đặc biệt lần lượt lăn xuống biển. Lúc đó, chừng 1 giờ 30 phút, 3 tàu loại lớn và 4 tàu loại nhỏ của địch khép chặt vòng vây ở phía sau, phía trước là núi.

Phan Vinh cho tàu chạy ven bờ xuôi xuống bến Ninh Vân chừng độ mươi hải lý, nhằm mục đích giữ bí mật không để lộ vị trí thả vũ khí. Tàu địch lập tức đuổi theo, nã đạn dữ dội rồi bật đèn pha và gọi máy bay đến thả pháo sáng và bắn rốc-két. Trong lửa đạn, Nguyễn Phan Vinh bình tĩnh chỉ huy anh em chiến đấu, và điều khiển tàu chạy sát bờ. Các thủy thủ Thật, Phong liên tiếp dùng DKZ và 14 ly 5 bắn về phía tàu địch, một chiếc bốc cháy khiến chúng không dám vào gần.

Cuộc chiến đấu mỗi lúc một ác liệt. Hỏa lực của địch liên tục bắn vào tàu ta. 5 cán bộ, chiến sĩ trên tàu đã hy sinh, 2 người bị thương nặng, 7 người bị thương nhẹ. Thuyền trưởng Phan Vinh cũng bị mảnh đạn xượt qua đầu. Anh tự băng bó và vẫn đứng trong buồng lái động viên mọi người chiến đấu. Anh có ý định phá vòng vây bởi ngoài khơi dễ cơ động, nếu cần thì áp sát tàu địch và cho nổ tàu tiêu diệt bọn chúng. Nhưng rất không may, lúc đó máy tàu hỏng nặng. Ý định phá vòng vây không thành.

Anh chỉ huy cho tàu di chuyển vào sát bờ. Lúc đó chừng 2 giờ 20 phút, tàu cách bờ hơn 100 mét, anh tổ chức đưa người đã hy sinh và bị thương vào bờ, sau đó ra lệnh chuẩn bị điểm hỏa cho nổ tàu. Anh Vinh, Thứ và tôi cài kíp nổ ở khoang máy, các vị trí khác do Khung, Thật, Mai đảm nhiệm. Kiểm tra xong lần cuối, chúng tôi nhảy xuống nước bơi vào bờ. Tôi được giao nhiệm vụ nếu tàu không nổ phải quay lại kiểm tra các kíp nổ.

20 phút sau, lúc 2 giờ 40 phút, ngày 1/3, một cột lửa bùng lên, kế đó là tiếng nổ dữ dội, chấn động tới Nha Trang. Sức công phá của khối thuốc nổ khiến tàu 235 đứt đôi, một nửa chìm xuống biển, một nửa văng lên lưng chừng núi Bà Nam, xã Ninh Vân. Sau những phút giây bàng hoàng, địch gọi máy bay đến bắn phá ven biển, nhằm dọn đường cho bộ binh bao vây, bắt sống các thủy thủ tàu 235. Số thủy thủ rút lên bờ còn lại 9 người. Địch lập tức đổ quân lùng sục.

Thuyền trưởng Vinh và thợ máy Thứ chốt ở đó, kiên cường chống trả, đánh lui nhiều đợt tấn công của địch, và cuối cùng, lực kiệt, vết thương ngày một nặng, súng không còn đạn, các anh đã hy sinh. Số thủy thủ của tàu 235 còn lại 7 người, đó là thuyền phó Nhi và 6 thủy thủ: Mai, Thật, Phong, Khung, Tuyến và tôi. Tất cả đều thương tích đầy mình. Anh em cố gắng dìu nhau di chuyển khắp vùng núi đá Hòn Hèo.

Mười ngày phơi dưới nắng, không lương thực, không nước uống, chúng tôi kiệt sức. Ngày thứ 11, Khung đi tìm nước uống, rồi không trở về. Sau này mới hay Khung bị địch bắt. Ngày thứ 12, chúng tôi liên lạc được với du kích ở bến. Mọi người quay lại đón anh Nhi đang nằm trong rừng. Nhưng anh không còn ở đó nữa, chỉ thấy mảnh áo rách và cuốn băng cá nhân, máu đã khô...

Về sự kiện này, tạp chí “Lướt sóng” của Hải quân quân đội Sài Gòn viết: “Mười hai chiến hạm và hàng chục hải thuyền của Hoa Kỳ cùng quân lực Việt Nam cộng hòa có phi cơ yểm trợ, đụng độ ác liệt với một tiểu đoàn Việt Cộng (thực chất chỉ có 20 thủy thủ) gan góc và thiện chiến trên con tàu chở vũ khí từ Bắc Việt thâm nhập và tiếp tế cho mặt trận giải phóng. Họ đã nổ súng đến viên đạn cuối cùng, đến người cuối cùng và hy sinh với con tàu bằng khối lượng hàng tấn bộc phá do chính tay họ tự hủy, không để lại một dấu vết”...

Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cùng 14 đồng đội thân yêu đã anh dũng hy sinh trên vùng biển Hòn Hèo. Khi ấy Nguyễn Phan Vinh mới ở tuổi 35. Sự hy sinh của anh đã trở thành bất tử trong lòng những người lính biển và quân dân cả nước.

Kể đến đây, anh Long An lặng đi, đôi mắt đỏ hoe. Đưa tay gạt những giọt nước mắt, anh nói tiếp:

- Phan Vinh là một thuyền trưởng giỏi, anh đã có 11 chuyến vận chuyển vũ khí thành công, dũng cảm, quyết đoán, sống chân thành, được anh em quý mến. Tôi chỉ tiếc chẳng giữ được chút kỷ vật nào của người thuyền trưởng anh hùng ấy
theo http://vnca.cand.com.vn/vi-vn/truyenthong/2006/10/51404.cand?Page=2

--------------------------------------------------------------------------------


Những dòng thư đầy ắp niềm tin và lý tưởng cách mạng

Điều mà anh Long An day dứt phần nào đã được giải tỏa bởi tại Cơ quan Bảo tàng Hải quân hiện còn lưu giữ những bức thư của Phan Vinh gửi người bạn thân là anh Trần Phong (đồng chí Trần Phong - nguyên quyền Đoàn trưởng Đoàn 125 Hải Quân). Trần Phong và Phan Vinh là đôi bạn thân. Họ cùng quê, cùng tập kết ra Bắc, cùng học ở Trung Quốc và cùng về Quân chủng Hải quân làm thuyền trưởng. Những lá thư anh viết khi đang ở tại căn cứ trên nước bạn, chuẩn bị cho những chuyến đi.

Lá thư anh Phong nhận ngày 26/10/1967 có đoạn:

“Chúng ta phải là những con lạc đà trên bãi sa mạc, mỗi bước đi, mỗi vết chân của chúng ta vì sự nghiệp của Đảng, chúng ta phải là những chiếc cầu chì, vui vẻ và lạc quan mà nhận lấy công tác ở những nơi nguy hiểm nhất. Và khi cần thiết ta hy sinh sinh mạng mình cho Đảng, cho nhân dân. Thời gian, thời gian sẽ ủng hộ chúng ta...".

Lý tưởng cách mạng cao đẹp của anh và của thế hệ thanh niên thời đó, sẵn sàng chấp nhận hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh cho cách mạng. Các anh đã dấn thân vào chiến trận với một tâm hồn sôi nổi, giàu nhiệt huyết. Không phải một tấm gương mà hàng ngàn, hàng vạn tấm gương “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trên mặt biển, vì sự nghiệp chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Lá thư gửi tháng 1/1968, trước khi anh hy sinh một tháng:

Phong thân!

Mình không ngờ đến nơi đây. Mùa hè đã qua mà nóng ghê, nhưng đâu có nóng bằng cõi lòng người chiến sĩ. Mọi việc ở đây diễn ra bình thường, rất mong ngày “thượng lộ”, ấy thế mà cứ ăn chực nằm chờ mãi, kể cũng ê. Còn những gì tiếp theo nữa thì để lịch sử trả lời. Hẹn gặp Phong vào một ngày vinh quang, điều đó khẳng định.

...Phong hãy giúp mình biên thư cho anh Xử. Khi nào có dịp mình sẽ biên thư sau, hoặc sẽ có dịp gặp. Mình không muốn biên thư vì mình nghĩ rằng mọi riêng tư lúc này sẽ làm con người ta khó bước tới. Tình cảm đó có lẽ để dành cho sau chiến tranh. Bây giờ thì mình chỉ có một tình cảm duy nhất là hãy bước tới và xông vào cuộc cách mạng vĩ đại, con người hoàn toàn không sợ ràng buộc bởi những mối dây nào khác.

Thằng Thạnh sắp cưới vợ, mình không có gì làm quà. Phong mở trong gói đồ mình để lại, lấy chiếc khăn tay, lọ nước hoa nói rằng mình gửi tặng mối tình đó. Phong chuyển lời hỏi thăm và chúc mừng đôi bạn xinh đẹp ấy...

Tạm gác lại những tình cảm riêng tư để dồn cho điều duy nhất đó là bước tới và xông vào cuộc cách mạng vĩ đại, với niềm tin vững chắc vào thắng lợi.

Cách đây 40 năm, Phan Vinh và thế hệ thanh niên của đất nước đã đi vào chiến trận với tinh thần lạc quan bởi họ luôn nung nấu một lý tưởng cao đẹp, một niềm tin chắc chắn rằng sự hy sinh vì nghĩa của mình sẽ được nối tiếp, và sẽ thành công. Trong số các anh, có anh không còn nữa nhưng niềm tin và lý tưởng mà các anh tâm nguyện còn sống mãi

theohttp://vnca.cand.com.vn/vi-vn/truyenthong/2006/10/51404.cand?Page=2




« Sửa lần cuối: 24 Tháng Bảy, 2009, 12:04:58 am gửi bởi ahuuls » Logged

Thư ký hỏi sếp :chữ sếp viết sờ nặng hay xờ nhẹ
sếp trả lời :Tao là xếp thích sờ gì mà chẳng được
trantienve
Thành viên
*
Bài viết: 18


Xưa thời sóng gió đại dương....


« Trả lời #99 vào lúc: 25 Tháng Bảy, 2009, 11:47:07 pm »

Tác giả trước di tích "Bến Nghiêng", sân khấu chính của buổi Đại lễ

Quang cảnh chính của buổi Đại lễ

Những thế hệ khác nhau của lính TKS hội ngộ trong ngày tổ chức Đại lễ, người lính già đứng giữa là Chính Trị Viên tài ba Đỗ Như Sạn. Ảnh kích cỡ hơi lớn, tôi không biết chỉnh nhỏ, mong các đồng đội thông cảm điều chỉnh thanh bar để xem hết hình.

     Với nghĩa cử “uống nước nhớ nguồn, đời đời biết ơn các anh hùng liệt sĩ Tàu không số”, tối 23.7.2009, Sở Điện lực Hải Phòng kết hợp với lãnh đạo thành phố, lãnh đạo Bộ Tư Lệnh Hải quân, đã tổ chức đêm Đại lễ cầu siêu, thả hoa đăng tưởng nhớ vong linh những anh hùng liệt sĩ Tàu không số (TKS), một thời không quản hy sinh gian khổ, vượt qua mọi phòng tuyến ngăn cản của địch, vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam, và nhiều người đã ngã xuống trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại ấy.

     Đại lễ cầu siêu trước sự hiện diện của hàng ngàn người dân, cùng đông đảo các tăng ni phật tử đất cảng. Đặc biệt sự hiện diện của hàng trăm người lính Hải quân đủ các thế hệ, đến các cựu thuỷ thủ TKS ở các tỉnh, thành lân cận như: Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Ninh Bình, Nam Định...cũng tề tựu về “Bến Nghiêng” (Đồ Sơn) đông đủ, khiến cho đêm cầu siêu trang nghiêm, hoành tráng.

     Với bàn tay tài hoa của nhà tổ chức: chung quanh khuôn viên Bia tưởng niệm TKS đã được bài trí, tái hiện lại cảnh những con tàu lần lượt rời “Bến Nghiêng”, âm thầm lặng lẽ ra đi vào chiến trường không một cuộc liên hoan, không một người đưa tiển...Cứ thế, cứ thế họ âm thầm ra đi trong tiếng nhạc trầm buồn thống thiết, khiến cho ai nấy đứng trên bến cảng lặng im, đâu đó bật lên những tiếng khóc thương nhớ... Tôi đưa mắt nhìn sang chị Liên- vợ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Hiệu (người chính trị viên kiên cường dũng cảm, một mình ở lại tàu điểm hoả phá huỷ phương tiện, và anh đã cùng con TKS 645 đi vào cõi bất tử, trưa ngày 23. 4. 1972) thấy hai hàng nước mắt chị tuôn xuống thấm đẩm cả vai áo. Đứng bên phải chị Liên là người chính trị viên đầu bạc: Đỗ Như Sạn, 78 tuổi cùng thời với chồng chị, từ Thanh Hoá ra dự lễ, ông cũng có chung tâm trạng bùi ngùi xúc động, cúi đầu mặc niệm, cầu siêu cho những linh hồn bạn bè một thuở... Đối với lớp “lính sinh viên-1972” bổ sung về đoàn TKS sau những năm cuối của cuộc chiến tranh, nhiều người cũng đã trải qua những chuyến đi đầy gian khổ, ác liệt trên con đường huyền thoại ấy; họ thấu hiểu hơn ai hết về những máu xương đồng đội mình nằm lại nơi biển cả đại dương, nên ai nấy mắt đều rớm lệ. Nhà Doanh nhân thành đạt nhất của hội CCB TKS, anh Đào Hồng Tuyển, từ đảo Tuần Châu (Quảng Ninh) đến dự Đại lễ, cũng không kìm nỗi xúc động mỗi khi nghe tiếng kèn đồng của đội Quân nhạc tấu lên khúc nhạc hồn tử sĩ...

       Là “phó nháy nửa mùa” như tôi, cũng không dấu được dòng cảm xúc khi đưa ống kính đến trước hàng trăm khuôn mặt đang nhoè nước mắt; Đến đông đảo các Tăng ni phật tử chăm chú khấn vái trước bàn thờ; Đến đội hình tiêu binh bồng súng trang nghiêm trước lễ đài, đến cả mấy chục em thiếu nhi xếp hàng thẳng tắp, tay cầm những ngọn nến đang cháy, cúi sát đầu mặc niệm vong linh của các ông, các bác, các thuỷ thủ TKS, một thời chưa xa đã ngã xuống trên con đường Hồ Chí Minh trên biển đông!

      Và Lễ cầu siêu được kết thúc bằng một biển hoa đăng lấp lánh thả vòng quanh những con tàu, như muốn nói với các chiến sĩ TKS đã yên nghĩ vĩnh hằng dưới đáy biển đông là nhân dân, đồng đội, thế hệ trẻ của các anh hôm nay, cùng với các con cháu mãi mãi khắc ghi công lao, máu xương của các liệt sĩ, một thời đã nhuộm đỏ nước biển đông cho đất nước Việt Nam sạch bóng quân thù!

                                                                                                   
Trần Hậu Vệ- CCB tàu KS 
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Bảy, 2009, 11:52:02 pm gửi bởi trantienve » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM