Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 03:39:30 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường Hồ Chí Minh trên biển  (Đọc 155450 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
magiang
Thành viên
*
Bài viết: 53


« Trả lời #70 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2009, 08:49:52 am »

Xin giới thiệu với các bác CCB Tàu không số và bạn đọc QSVN cuốn "Đường mòn trên biển" của NXB Quân đội Nhân dân, xuất bản năm 1986, số hóa của TramtimdungcamHP: http://www.quansuvn.net/index.php?topic=690


Chỉ cần đưa link là được rồi bác ơi!
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Bảy, 2009, 09:24:39 am gửi bởi Tunguska » Logged
magiang
Thành viên
*
Bài viết: 53


« Trả lời #71 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2009, 02:06:15 pm »


CCB Tàu không số dâng hương tưởng niệm Anh hùng Bông Văn Dĩa tại mộ ông
Logged
trantienve
Thành viên
*
Bài viết: 18


Xưa thời sóng gió đại dương....


« Trả lời #72 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2009, 03:14:39 pm »

16 tuổi ông trở thành chiến sĩ Giải phóng quân tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, sau đó cùng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 53 trở về tiếp quản Thủ đô. Tháng 4/1955, ông được lệnh đi tiếp quản Hải Phòng. Đầu năm 1956, chỉ huy 1 trung đội ra Đồ Sơn bảo vệ Tổng Bí thư Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi có Luật nghĩa vụ quân sự, nhiều cán bộ, chiến sĩ ra quân, chuyển ngành, riêng ông tình nguyện ở lại huấn luyện tân binh phục vụ cho chiến trường...

Năm 1960, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và được cử đi học lớp Chính trị viên đầu tiên tại Trường Lục quân. Sau khi ra trường, ông được "chọn" đi làm nhiệm vụ đặc biệt... Và từ đó, cuộc đời ông gắn chặt với những con tàu, những cung đường biển, để rồi cùng đồng đội làm nên huyền thoại "Đường Hồ Chí Minh trên biển". Ông là Đỗ Văn Sạn, nguyên Chính trị viên các tàu 143, 176, 56, Đoàn tàu Không số.

Trước mặt tôi bây giờ là một lão nông đã ngoài 70 với đôi mắt mờ đục, đôi tai nghễnh ngãng và đi lại không còn được nhanh nhẹn, nhưng phong cách, điệu bộ vẫn thư thái, điềm đạm mang đậm bản chất của người chính trị viên. Ông bắt chuyện tôi bằng một giọng chân chất của người tỉnh Thanh:

- Mi định hỏi tau cái chi? Già rồi nhớ răng được mà kể!

- Bác kể cho cháu nghe về kỷ niệm và những chiến công mà bác cùng đồng đội lập được trên những con tàu không số!

- Hỏi như rứa thì có nói cả ngày không hết chuyện. Thôi! Thế ni! Cái chi in đậm trong trí nhớ của bác, bác sẽ kể được không?

- Vâng! Như vậy thì tốt quá ạ.

Ông rít một hơi thuốc lá rồi nhả ra những lọn khói cuộn trắng căn phòng nhỏ. Gương mặt ông lúc nhíu lại, lúc giãn ra quyện chặt vào khói thuốc. Bao ký ức dồn về làm ông xúc động. Tôi vội hỏi:

- Cháu được biết, trước khi xuống tàu các bác thường làm "lễ truy điệu sống", nghi thức này diễn ra như thế nào? Liệu trước khi "ra trận" làm như vậy có "bi lụy" quá không?

- Thật ra, không có lễ truy điệu nào trước lúc lên tàu cả. Nói như vậy để xác định rõ trọng trách, tầm quan trọng và quyết tâm của mỗi chuyến đi. Do tính chất nhiệm vụ nên khi lên tàu phải biết chấp nhận gian khổ, sẵn sàng hy sinh, ai có biểu hiện dao động tư tưởng là loại liền. Chính vì vậy, khi bước chân lên tàu, từ đáy lòng mỗi người đã tự làm lễ truy điệu cho riêng họ. Tất cả những gì thuộc về riêng tư đều "bàn giao" lại cho người thân để không còn vướng bận, mà chỉ có khí phách hiên ngang đầy nghĩa khí. Nghĩ cũng lạ, xác định một đi không trở lại vậy mà ai cũng xung phong, không ai chùn bước. Bác còn nhớ, hồi đó có đồng chí bị ốm, sợ bị loại không được lên tàu, liền làm việc gấp đôi ngày thường để được cấp trên chú ý.

Thấy ông có phần phấn chấn hơn trong câu chuyện,  tôi liền hỏi: Chuyến đi nào vai trò Chính trị viên của bác được thể hiện rõ nét nhất?

- Là Chính trị viên nên chuyến nào đi bác cũng thấy quan trọng, trong đó có một chuyến đi không thể nào quên được. Đó là năm 1968, bác được trên điều về làm Chính trị viên, Bí thư Chi bộ Tàu 56, đồng chí Nguyễn Văn Ba là Thuyền trưởng, đồng chí Nguyễn Sơn là Thuyền phó. Tàu 56 được lệnh vận chuyển vũ khí trang bị vào Bình Định. Gần một ngày hành trình êm xuôi, khoảng 6 giờ tối, tàu phát hiện có một máy bay. Điều lạ là máy bay sà xuống nhưng không lên, cán bộ, chiến sĩ trên tàu đều đoán có tàu khu trục của địch. Khi Tàu 56 cách bờ 25 hải lý thì phát hiện phía trước có đèn nháy. Bác đi nhiều nên có kinh nghiệm, liền đề xuất với thuyền trưởng: Tình hình có khả năng bị lộ, nếu tàu ta vào bờ sẽ không hoàn thành nhiệm vụ mà gây tổn thất lớn. Sau khi nhận định, bác triển khai họp cấp ủy. Cấp ủy nhất trí với nhận định của bác.

20h25', Thuyền trưởng quyết định cho tàu quay ra khơi. 12 giờ đêm, địch bắn pháo sáng, đồng loạt 3 tàu địch vây quanh đều rọi đèn pha về phía tàu ta.  Bác lệnh cho báo vụ treo cờ Trung Quốc, bởi thời điểm này Nixon chuẩn bị đi Trung Quốc (đây là thời điểm nhạy cảm mà). Thấy vậy, địch tập trung soi đèn vào cờ, sau đó đánh điện hỏi: Tàu quốc tịch nước nào? Chở hàng gì?, Đi đâu? Dừng lại kiểm tra không chúng tôi bắn!

Tàu ta không phát tín hiệu gì, bác tranh thủ trao đổi với thuyền trưởng và thống nhất: Cho tàu đi đúng hướng 90o, không thay đổi. Không thấy ta phát tín hiệu, địch bắt đầu bắn như vãi đạn từ súng máy phòng không 12,7 ly. Tàu ta vẫn bình tĩnh quan sát. Thấy đường đạn cao, bác trao đổi ngay với Thuyền trưởng Ba: Địch bắn dọa, cán bộ, chiến sĩ trên tàu hết sức bình tĩnh, phải thi gan đấu trí với chúng. Nếu cho tàu dừng lại, chúng sẽ ép mình đầu hàng nên vẫn cho tàu tiến về phía trước. Địch tiếp tục bắn dọa ngay trước mũi tàu ta. Mặc kệ! Tiếp tục đi. Thỉnh thoảng, địch cho canô lao vào sát mũi tàu ta rồi quay ra. Chúng thực hiện nhiều lần như vậy nhưng không phát hiện được gì vì  ta ngụy trang kín bằng lưới.

Khoảng 3h sáng, đang trong lúc khó khăn thì đơn vị điện hỏi lý do. Thay mặt cán bộ, chiến sĩ trên tàu, bác trả lời: Tôi đang bị địch bao vây, chúng đã bắn dọa nhiều lần nhưng tàu vừa đi, vừa tránh, vẫn đi hướng 90o. Vừa trả lời điện báo xong thì phát hiện một tàu khu trục của địch chặn trước mặt, cách tàu ta gần 3 hải lý. Trước tình hình đó, bác họp cấp ủy và thống nhất: Phải cho chúng một bài học. Đánh! Lập tức toàn tàu triển khai phương án chiến đấu, chuẩn bị bom chìm, bộc phá nổi và vũ khí sẵn sàng nổ súng khi có lệnh.

Bác chỉ định cho thuyền trưởng: Đồng chí cứ cho tàu đi thẳng, sẵn sàng đâm vào tàu địch và hạ lệnh bắn, tôi có nhiệm vụ điểm hỏa khối bộc phá khi tàu ta đâm vào tàu địch. Bằng mọi cách chúng ta không để tàu, người, hàng lọt vào tay giặc. Toàn tàu quyết chiến đấu đến cùng. Sau khi thống nhất trong chỉ huy, bác kêu gọi toàn tàu: Trước tình hình hết sức khẩn trương, cuộc chiến đấu giữa tàu ta và tàu địch sẽ không cân sức, thay mặt Chi bộ Đảng, tôi kêu gọi cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên hãy dũng cảm chiến đấu, không sợ hy sinh để xứng đáng với sự tin tưởng của Tổ quốc và nhân dân.

Sau khi kêu gọi, toàn tàu đồng thanh một tiếng: Quyết chiến đấu! Mọi người hiên ngang, coi cái chết tựa lông hồng. Tất cả vào vị trí sẵn sàng cảm tử.

Con tàu rẽ sóng tiến về phía trước. Khoảng cách giữa tàu ta và tàu địch rút ngắn dần: Chiến sĩ tín hiệu thông tin cờ tay liên tục báo cáo: Cách tàu địch 2 hải lý, 1 hải lý, 100 m rồi... 80m. Tất cả đã sẵn sàng. Thuyền trưởng lệnh cho tàu tăng tốc độ. Bỗng tàu khu trục của địch vọt lên, chạy thoát ra khỏi hướng mũi tàu ta. Thấy tình thế thay đổi, Thuyền trưởng Ba lệnh cho tàu tăng tốc và giữ nguyên vị trí chiến đấu chờ lệnh. Khi tàu ta vượt qua tàu địch, chúng liền bắn xối xả. Và đến khoảng 5 giờ sáng, các tàu địch bắt đầu giãn ra. Trước khi rút lui, chúng còn "tiễn" tàu ta bằng mấy loạt đại bác.

Sau khi vượt qua được vòng vây của địch, bác nhận thấy một điều: cán bộ, chiến sĩ trên những con tàu không số không chỉ dũng cảm, gan dạ, sẵn sàng hy sinh mà còn dám đánh, biết đánh và quyết đánh Mỹ. Đây là bài học vô giá cháu ạ.

Nghe ông kể đến đây tôi mới hiểu, sau đôi mắt mờ đục, đôi tai nghễnh ngãng là một trái tim nhân hậu, một con người trí tuệ uyên thâm bản ngã, kinh nghiệm đầy mình. Tôi tự nhủ, lớp chính trị viên trẻ bây giờ nếu được ông truyền đạt kinh nghiệm và cho thêm "vài đường cơ bản" trong giáo dục, động viên bộ đội, chắc chắn sẽ giỏi lên rất nhiều. Chia tay ông trong một chiều hè đầy nắng, tôi thầm chúc ông sống lâu, sống khỏe, trở thành cây cao, bóng cả để lớp trẻ chúng tôi được học tập, noi theo.

Ghi chép của Trịnh Văn Dũng (An ninh thế giới, số ra ngày 23/12/2008)
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #73 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2009, 03:26:23 pm »

Bài của bác trantienve chưa nhắc đến bức ảnh chụp 5 người, bác kể thêm đi ạ!
Logged
trantienve
Thành viên
*
Bài viết: 18


Xưa thời sóng gió đại dương....


« Trả lời #74 vào lúc: 07 Tháng Bảy, 2009, 03:54:54 pm »

Ảnh này tôi lấy từ tư liệu "Lịch sử Đường HCM trên biển". Được biết, 5 chiến sĩ chụp bức ảnh này sau khi bắt được liên lạc với giao liên Trường Sơn.
Logged
tau khong so
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 146



« Trả lời #75 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2009, 04:14:49 pm »

Chào đồng đội!
Ở ngay HN cũng có liệt sỹ của đoàn tàu không số. Anh là Nguyễn Hữu Hùng sinh năm 1951 quê Tây Mỗ Từ Liêm HN. Anh hy sinh ngày 11.4.1971. Con tàu của anh ra đi mà không trở về. Anh chưa có vợ. Vào ngày giõ của anh chúng tôi -những cựu binh TKS tại HN lại đến thắp hương tưởng nhớ hương hồn anh.
       Ảnh Hội TKS đến tặng trao Huân chương chiến sỹ giải phóng và biểu tượng của đoàn TKS cho gia đình liệt sỹ Nguyễn Hữu Hùng.

« Sửa lần cuối: 09 Tháng Bảy, 2009, 11:57:14 am gửi bởi tau khong so » Logged
Hungnt_E1F2
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1072


« Trả lời #76 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2009, 04:32:49 pm »

 ...Ảnh Hội TKS đến tặng trao Huân chương chiến sỹ giải phóng và biểu tượng của đoàn TKS cho gia đình liệt sỹ....
Có thắc mắc chút bác TKS:
Thường Huân chương các loại do cấp Chính Phủ hay ít nhất là Bộ (Quốc Phòng) trao tặng cá nhân hay tập thể có thành tích chiến đấu.
Mà Huân chương Chiến sỹ Giải phóng là do cấp nào tặng (truy tặng) hả bác?
Còn thấy tin bác đưa kia hơi khó hiểu, có thể hiểu đúng là Hội TKS ở HN chuyển giao từ đơn vị cũ, tấm Huân chương Chiến sỹ Giải phóng giao lại cho gia đình LS phải không bác?
Logged
tau khong so
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 146



« Trả lời #77 vào lúc: 09 Tháng Bảy, 2009, 11:08:51 am »

Có thắc mắc chút bác TKS:
Thường Huân chương các loại do cấp Chính Phủ hay ít nhất là Bộ (Quốc Phòng) trao tặng cá nhân hay tập thể có thành tích chiến đấu.
Mà Huân chương Chiến sỹ Giải phóng là do cấp nào tặng (truy tặng) hả bác?
Còn thấy tin bác đưa kia hơi khó hiểu, có thể hiểu đúng là Hội TKS ở HN chuyển giao từ đơn vị cũ, tấm Huân chương Chiến sỹ Giải phóng giao lại cho gia đình LS phải không bác?
[/quote]
------------------------------------------------------------------------------------
Chào đồng đội!
         Thắc mắc của đồng đội chính là niềm kiêu hãnh, tự hào của Đoàn TKS. Tôi chưa biết cách số hóa văn bản lên nhưng Bác tìm giúp Hướng dẫn số 971/HD-CT ngày 06 tháng 8 năm 2008 của Tổng cục chính trị QDND Việt Nam về việc Khen thưởng Huân huy chương chiến sỹ giải phóng đối với cán bộ chiến sỹ Đoàn 125 " Đoàn tàu không số". Trong đó quy định cán bộ chiến sỹ trực tiếp làm nhiệm vụ trên tàu không số có ít nhất một chuyến chở hàng vào các bến ở miền Nam ( từ cửa Tùng trở vào ) trong thời gian từ 30/4/1975 trở về trước được tặng Huân huy chương chiến sỹ giải phóng theo quy định về tặng Huân huy chương CSGP. Bộ tư lệnh HQ đã tổ chức lễ trao Huân huy chương chiến sỹ giải phóng đối cho chúng tôi nhân ngày truyền thống 23/10/2008 tại BTL Hải quân ( Đại diện các đơn vị, cá nhân ) còn hội HN chúng tôi ra bến K15 Đồ Sơn nơi con tàu không số dầu tiên xuất phát làm lễ dâng hương các anh hùng liệt sỹ và chụp ảnh lưu niệm. Xin pot tấm ảnh đó để các đồng đội mừng cho chúng tôi. Xin cảm ơn đồng đội. Xin khất đồng đội văn bản và huy chương của tôi vào dịp gần đây để tôi còn học cách số hóa nhé.







 
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Bảy, 2009, 11:22:27 am gửi bởi tau khong so » Logged
magiang
Thành viên
*
Bài viết: 53


« Trả lời #78 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2009, 10:47:33 am »


Chuyện kể về "Đường mòn trên biển": huyền thoại những con tàu

Trong 10 năm từ 1962 đến 1972, tại bến Đồ Sơn (Hải Phòng) đã có gần một trăm lượt con tàu bí mật của Đoàn 125 xuất phát, vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí, phương tiện và hàng trăm cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần làm nên nhiều chiến công vang dội. Bến Đồ Sơn còn được gọi mật danh là “K.15”.

Nơi xuất phát những con tàu bí mật vào Nam
[/b]
Ngày 18/8/1960, một con tàu gỗ gắn máy thủy động cơ xuất phát từ Cồn Tra (xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, Bến Tre) mở đường đầu tiên (thời kỳ chống Mỹ) ra Bắc để xin chi viện vũ khí. Trên tàu này gồm có 8 đồng chí, do ông Lê Công là Bí thư chi bộ kiêm thuyền trưởng. Mật khẩu vượt biển vào lãnh hải miền Bắc xã hội chủ nghĩa là: “Đơn vị 106B đi tìm anh 3D”. Sau 4 ngày đêm vượt trùng dương, tàu của ông Lê Công đến miền Bắc an toàn, cuộc hải hành trên được hoàn toàn giữ kín. Sau khi ở lại Bắc gần hai năm để học đường lối, chủ trương của Đảng các thành viên trên tàu Lê Công được đưa đến bến Đồ Sơn (K.15) chờ bố trí tàu vận chuyển vũ khí vào Nam.
Tại Cà Mau, ngày 20/7/1961, ông Bông Văn Dĩa (người Cà Mau) được Khu ủy Khu 8 và Tỉnh ủy Cà Mau cử ra Bắc cũng bằng con đường biển trên để liên hệ Trung ương chở vũ khí vào Cà Mau. Cũng giống như tàu của ông Lê Công, số chiến sĩ trên tàu của nhà cách mạng Bông Văn Dĩa được bố trí đến bến Đồ Sơn, chờ lệnh xuất phát về Nam.
Tại bến Đồ Sơn, đêm 11/10/1962, chiếc tàu gỗ gắn máy mang tên “Phương Đông 1” chở 30 tấn vũ khí do thuyền trưởng Lê Văn Một và Chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy, xuất phát lên đường vào Nam. Trước khi xuất phát, đích thân các nhà lãnh đạo Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh, Trần Văn Trà đến bến cảng Đồ Sơn động viên cán bộ, chiến sĩ trên tàu. Đồng chí Phạm Hùng nói: “Các đồng chí là những người đầu tiên mở ra con đường biển Bắc - Nam này. Nó cũng giống như trên Trường Sơn kia, các đồng chí là những người tiên phong đi khai sơn phá thạch”. Sau 5 ngày vượt biển Đông, ngày 16/10/1962, tàu đến cửa Bồ Đề và cặp bến Vàm Lũng (xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) an toàn. Đây là chuyến chở vũ khí đầu tiên vào Nam bằng đường biển và con đường vận tải chiến lược trên biển Đông chính thức ra đời. Sau này, ông Bông Văn Dĩa được tuyên dương Anh hùng các LLVT Nhân dân.
Kế đến, ngày 11/11/1962, tàu của ông Lê Công được lệnh trở vào Nam, chở theo 75 tấn vũ khí. Ngày 18/11/1962, tàu cặp bến an toàn tại Vàm Lũng (Cà Mau). Đây là chuyến thứ hai chở vũ khí vào Nam thành công sau chuyến đầu tiên “Phương Đông 1” của ông BôngVăn Dĩa. Tàu trên còn có mật danh là "Phương Đông 2”.
Sau những chuyến tàu chở vũ khí đầu tiên do chính các chiến sĩ từ miền Nam xin chi viện, từ cuối năm 1962 đến 1972, tại Đồ Sơn (Hải Phòng) đã có gần 100 lượt tàu của Đoàn 125 HQ xuất phát “chở hàng” chi viện cho chiến trường miền Nam. Điểm đến là các bến: Tân Ân (Cà Mau), Thạnh Phong (Bến Tre), Vũng Rô (Phú Yên), Lộc An (Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu), Đức Phổ, Sa Kỳ, Ba Làng An (Quảng Ngãi). Tất cả đã vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí và hàng trăm cán bộ cốt cán; góp phần làm nên nhiều chiến thắng vang dội. Hiện nay, di tích còn lại của bến Đồ Sơn (K.15) là 15 trụ bê-tông cầu cảng, cách mép bờ khoảng 30m. Còn trên bờ còn lại là một số nền móng kho hàng, bể nước.

Những bến tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam ít được nhắc đến
[/b]
Ngoài những bến đã được báo chí nhắc đến nhiều như Thạnh Phong (Bến Tre), Vàm Lũng (Cà Mau), Vũng Rô (Phú Yên)... thì bến đến Lộc An và các bến đến tại Quảng Ngãi vẫn lặng lẽ theo năm tháng dù rằng trước đó, các bến tiếp nhận này đã góp phần rất lớn vào các chiến công tại miền Đông Nam bộ và Khu 5.
Bến Lộc An nay thuộc xã Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu). Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đoàn 125 HQ đã tổ chức 3 chuyến tàu cặp bến thành công, vận chuyển 109 tấn vũ khí, kịp thời trang bị cho quân dân các tỉnh miền Đông, Khu 6 tham gia các chiến dịch, góp phần làm nên chiến thắng như trận Bình Giã, Đồng Xoài, Dầu Tiếng, Bầu Bàng (1965). Có thể kể đến" Chuyến 1: Ngày 26/9/1963, chiếc tàu gỗ mang số hiệu 41 gồm 12 chiến sĩ do thuyền trưởng Lê Văn Một (vào Nam lần hai) và Chính trị viên Đặng Văn Thanh chỉ huy, chở 18 tấn vũ khí vào bến Lộc An. 3 giờ sáng ngày 2/10/1963, tàu cặp bến an toàn, lực lượng địa phương (Đoàn 1500) đã chờ sẵn ở bến để bốc hàng. Lúc này thủy triều bắt đầu rút làm tàu mắc cạn, gần đó là đồn địch (đồn Phước Hải); nhưng cán bộ, chiến sĩ tàu 41 đã mưu trí, dũng cảm bảo vệ an toàn con tàu và bến bãi. Chuyến 2: Ngày 29/11/1964, tàu mang số hiệu 56, gồm 16 chiến sĩ do thuyền trưởng Nguyễn Quốc Thắng và chính trị viên Trần Quốc Tuấn chỉ huy. Tàu 56 chở 44 tấn vũ khí, cặp bến Lộc An an toàn, và chuyến hàng chiến lược này đã kịp thời trang bị cho các đơn vị chủ lực miền Đông, Khu 6 tham gia mở đợt 2 chiến dịch Bình Giã (1/1965). Chuyến 3: Vẫn tàu 56. Tàu do thuyền trưởng Lê Quốc Thân và Chính trị viên Trần Quốc Tuấn chỉ huy, chở 47 tấn vũ khí xuất phát vào ngày 27/1/1965 và cặp bến Lộc An an toàn vào đêm 1/2/1965. Số vũ khí chở vào lần này tiếp tục trang bị cho quân dân Khu 6 tham gia giai đoạn 3 chiến dịch Bình Giã. Ngày 7/3/1965, chiến dịch Bình Giã kết thúc thắng lợi đã làm thất bại cơ bản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy, mở ra thời kỳ mới cho cách mạng miền Nam.
Nhưng các bến đến tại Quảng Ngãi mới thật mang nhiều ấn tượng. Tại đây, Đoàn 125 HQ đã tổ chức 4 chuyến (2 chuyến vào bến Đức Phổ, 1 chuyến vào bến Sa Kỳ, 1 chuyến vào bến Ba Làng An). Cả 4 chuyến đều gặp địch, cán bộ, chiến sĩ trên tàu đã anh dũng chiến đấu, hủy tàu để không lọt vào tay địch và sau đó anh em thủy thủ vượt ngược Trường Sơn ra miền Bắc trở về đơn vị. Chuyến 1 (vào Đức Phổ - Quảng Ngãi): Ngày 19/11/1966, tàu mang số hiệu 41 được lệnh chở 59 tấn vũ khí vào Đức Phổ, trên tàu có 17 chiến sĩ, do thuyền trưởng Hồ Đắc Thanh và Chính trị viên Đặng Văn Thanh chỉ huy. Trên đường vượt biển, gặp thời tiết xấu nên tàu phải dừng lại nhiều lần trên biển. Đến đêm 23/11, tàu tiếp tục đi và đêm 26/11 tàu đến bến qui định, thả hàng trong điều kiện sóng to gió lớn. Rạng sáng 27/11, lúc tàu chuẩn bị quay ra thì bị mắc cạn. Để giữ bí mật, Chi ủy và chỉ huy tàu quyết định hủy tàu. Có điều tàu nổ không đúng thời gian đặt chất nổ làm 2 chiến sĩ hy sinh là Trần Nhợ và DươngVăn Lộc. Trong khi đó 15 thành viên còn lại, đã vào được đến bờ, sau đó tất cả đi bằng đường bộ, vượt dãy Trường Sơn và mãi đến 4 tháng sau mới trở về đơn vị an toàn. Chuyến 2 (vào Sa Kỳ): Ngày 14/3/1967, tàu 43 do thuyền trưởng Nguyễn Đức Thắng và Chính trị viên Trần Quốc Tuấn, được lệnh chở 50 tấn vũ khí vào Sa Kỳ - Quảng Ngãi. 2 giờ sáng ngày 18/3/1967, khi tàu còn cách Sa Kỳ vài chục hải lý, anh em trên tàu thấy tàu địch bám theo tàu ta, còn trên không thì máy bay địch quần thảo, thả pháo sáng liên hồi, làm sáng rực cả một vùng biển đêm. Trước tình hình nguy cấp trên, anh em thủy thủ trên tàu quyết định phá vòng vây đưa tàu vào bến. Khi phá vòng vây, 3 tàu chiến địch bám theo, tàu 43 buộc phải nổ súng và cuộc chiến đấu quyết liệt diễn ra sau đó. Tàu chiến địch gọi điện cho nhiều máy báy đến yểm trợ. Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra 3 giờ liền, tàu ta bị trúng đạn nặng, tình thế mỗi lúc thêm bất lợi, nếu tiếp tục chiến đấu, trời sẽ sáng và nhất định địch sẽ tăng cường lực lượng vây tàu ta. Nhận định vậy nên cấp ủy và chỉ huy tàu quyết định hủy tàu để không lọt vào tay địch. Hủy tàu xong, anh em thủy thủ bơi vào bờ an toàn rồi tìm đường trở ra Bắc. Chuyến 3 (vào Ba Làng An): Ngày 6/7/1967, tàu 148 gồm 18 đồng chí, do đồng chí thuyền trưởng
Nguyễn Tấn Ích và Chính trị viên Huỳnh Ngọc Trạch chỉ huy, chở 56 tấn vũ khí vào Quảng Ngãi. Vào đêm 11/7, trên đường đi, tàu 148 gặp máy bay và tàu chiến địch bao vây, tàu 148 đánh trả và cơ động vào bến Ba Làng An. Địch đánh tàu ta bị thương nặng, Chính trị viên Huỳnh Ngọc Trạch và thuyền phó Phạm Chuyên Nghiệp hy sinh trong lúc chiến đấu. Ta không phá hủy được tàu và địch cho quân đến kéo tàu đi. Anh em thủy thủ còn lại bơi được vào bờ rồi đi bộ trở ra miền Bắc. Chuyến 4 (chuyến lần thứ hai vào Đức Phổ): Ngày 27/2/1968, tàu 43 gồm 16 đồng chí được lệnh chở 37 tấn vũ khí vào bến Đức Phổ (Đội tàu 43, sau chuyến đi lần trước đã chiến đấu anh dũng với địch, hủy tàu và trở lại miền Bắc anh em trong tàu được nhận một tàu mới, vẫn mang tên 43). Tàu 43 vẫn do thuyền trưởng Nguyễn Đức Thắng và Chính trị viên Trần Quốc Tuấn chỉ huy. Ngày 29/2, khi tàu 43 đến gần bến Đức Phổ, cách bờ khoảng chục hải lý thì gặp cùng lúc 6 tàu địch và trực thăng tấn công tàu ta. Anh em trên tàu tổ chức đánh trả. Ta bắn rơi 1 trực thăng của địch, trong khi ta đã hy sinh 3 đồng chí: Vũ Văn Ruệ, Võ Nho Tòng và Phạm Văn Rai. Biết lực lượng địch đông, nếu tiếp tục chiến đấu địch có khả năng cướp tàu ta, nên chỉ huy lệnh cho anh em rút lên bờ và hủy tàu. Anh em còn lại trở về miền Bắc an toàn. Đây là lần thứ hai anh em chỉ huy, thủy thủ tàu 43 lại đi bộ, vượt Trường Sơn trở ra Bắc.
Từ năm 1968 đến 1972, Đoàn 125 HQ chuyển hướng, tập trung vận chuyển vũ khí Bắc - Nam vào sâu tận biển Nam bộ, chủ yếu đến bến Thạnh Phong (Bến Tre) và Tân Ân (Cà Mau). Đến ngày 21/11/1970, tàu 176 do đồng chí Lê Xuân Ngọc làm thuyền trưởng và đồng chí Trần Thành Trung là Chính trị viên chỉ huy bị lộ khi sắp vào bến Thạnh Phong (hủy tàu, ta hy sinh 10 đồng chí) từ đó, các tàu vận chuyển chuyển hẳn vào cặp bến ở các bến thuộc xã Tân Ân. Tại các bến ở Thạnh Phong và Cà Mau, còn là nơi diễn ra nhiều trận chiến ác liệt, anh dũng của cán bộ, chiến sĩ vận tải Đoàn 125 HQ anh hùng và quân dân địa phương với máy bay, tàu chiến, các cuộc hành quân qui mô lớn của địch để bảo vệ tàu và hàng. Các trận chiến đấu đó là những tấm gương cao đẹp về phẩm chất và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của cán bộ, chiến sĩ Hải quân, đồng thời nói lên tính chất khốc liệt, đầy khó khăn nguy hiểm của công tác vận chuyển vũ khí bằng đường biển chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần đưa đến ngày đại thắng 30/4/1975.
Tác giả: Phan Lữ Hoàng Hà
(Theo "Việt Báo.vn")
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #79 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2009, 02:17:24 pm »

...Ảnh Hội TKS đến tặng trao Huân chương chiến sỹ giải phóng và biểu tượng của đoàn TKS cho gia đình liệt sỹ....
Có thắc mắc chút bác TKS:
Thường Huân chương các loại do cấp Chính Phủ hay ít nhất là Bộ (Quốc Phòng) trao tặng cá nhân hay tập thể có thành tích chiến đấu.
Mà Huân chương Chiến sỹ Giải phóng là do cấp nào tặng (truy tặng) hả bác?
Còn thấy tin bác đưa kia hơi khó hiểu, có thể hiểu đúng là Hội TKS ở HN chuyển giao từ đơn vị cũ, tấm Huân chương Chiến sỹ Giải phóng giao lại cho gia đình LS phải không bác?

Giải đáp giúp quê:

-Cấp tặng HC: Hội đồng cố vấn CPCMLT Cộng hòa miền Nam VN



- Người ký: Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ



Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM