Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 06:03:56 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường Hồ Chí Minh trên biển  (Đọc 155462 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
lonesome
Moderator
*
Bài viết: 1244


« Trả lời #130 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2009, 02:42:44 pm »

http://www.tuanvietnam.net/2009-12-28-khong-chi-la-co-tich

Không chỉ là cổ tích
Tác giả: Dương Trọng Dật
Gió mùa đông bắc như bàn tay của nữ thần mùa đông, lạnh giá nhưng dịu dàng vuốt ve trên mặt tôi. Tôi mê đi trong cái lạnh của giọt mưa bám trên đầu thấm vào từng chân tóc, ngỡ mình đang lạc vào một vùng đất thiêng vừa lạ lẫm vừa quen thuộc.

Tôi đứng lặng bên bến tàu không số. Trời xám một màu chì. Cơn mưa phùn theo chân gió bấc bất ngờ ập xuống. Những giọt mưa trắng như những bông hoa thủy tinh giăng mờ trên mặt biển, huyền hoặc giống hệt bức tranh siêu thực của các họa sĩ tượng trưng. Nghe xao xác những hàng cây đang rụng lá. Gió mùa đông bắc như bàn tay của nữ thần mùa đông, lạnh giá nhưng dịu dàng vuốt ve trên mặt tôi. Tôi mê đi trong cái lạnh của giọt mưa bám trên đầu thấm vào từng chân tóc, ngỡ mình đang lạc vào một vùng đất thiêng vừa lạ lẫm vừa quen thuộc.


Quen thuộc vì đây là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Cái miền quê nghèo gắn liền với những cơn mưa phùn gió bấc cắt da của một thời thơ ấu cay nghiệt và đói rét. Nhưng lạ lẫm vì tôi vừa trở về từ vùng đất đầy nắng gió phương Nam, từ một đô thị sôi động quanh năm không có mùa đông. Thèm đến nao lòng một giọt mưa phùn, một cơn gió mùa đông bắc. Thèm cảm giác phóng xe trên đường Đồ Sơn, đón nhận vào tận thịt da cơn lạnh tê tê trên mặt, thả mình bồng bềnh trong sương như bước vào một miền cổ tích ở cõi thần tiên.



Tàu "không số" lữ đoàn 125 Hải quân vận chuyển vũ khí chi việm cho chiến trường miền Nam. Ảnh: tư liệu

Không chiến tranh và chết chóc. Đã qua rồi những ngày bom đạn giăng đầy đất cảng Hải Phòng. Thành phố biển cùng với đất nước đang rũ bùn vươn lên như những chàng trai Phù Đổng. Cái làng quê nhỏ của tôi, vốn là nơi “chó ăn đá gà ăn sỏi”, đang đổi thay hàng ngày với tốc độ đô thị hóa chóng mặt. Con đường cái quan lồi lõm ổ gà đã được trải nhựa láng. Con đò chở khách từ bao đời nay được thay thế bằng một cây cầu hiện đại, mà ngày ở quê, quần đùi đánh dậm có nằm mơ chúng tôi cũng không dám nghĩ tới. Vùng đất ao tù, nước đọng đã lột xác thành một tiểu đô thị, có đầy đủ các tiện nghi giống như Hà Nội, Sài Gòn. Người nông dân ở quê tôi bây giờ ngồi ở nhà cũng có thể bàn chuyện động đất ở Tứ Xuyên, chuyện bầu cử tổng thống Mỹ. Những làng quê nhỏ bé ấy là thước đo, là minh chứng sống động cho đường lối đổi mới toàn diện của Đảng ta. Nó làm sáng lên gương mặt của đất nước đang vững vàng bước vào thế kỷ 21, đổi mới mà không đổi màu, hòa nhập nhưng không hòa tan. Việt Nam đã trở thành một gương mặt mới, một thế lực kinh tế và chính trị được bạn bè quốc tế nể trọng…


Tôi lắng nghe tiếng rì rào của biển. Hình như mưa đã tan. Cây bàng mồ côi đang đớn đau thả những chiếc lá đỏ cuối cùng. Trong ánh hoàng hôn màu lửa của buổi chiều Đồ Sơn, tôi bần thần nhìn tên tuổi các anh ghi trên tấm bia tưởng niệm mà ngỡ như thấp thoáng đâu đây gương mặt của bạn bè, những chàng trai sông Hồng, sông Mã, sông Thương, sông Cấm. Những người khi ngã vào lòng biển vẫn con trai. Con đường từ Hà Nội đến Sài Gòn, từ Đồ Sơn đến Cà Mau không đơn giản tính bằng cây số. Nó phải được tính bằng máu và nước mắt của nhiều thế hệ đã đổ xuống cho đất nước này, trong đó có các anh. Các anh bước vào cuộc chiến tranh giữa lúc đất nước bước vào cuộc giao tranh khốc liệt nhất. Chấp nhận ra đi là cầm chắc cái chết trong tay. Không ai hứa hẹn với các anh về một thiên đường sau chiến thắng. Chính quả tim biết đau trước nỗi đau chung đã thôi thúc các anh tình nguyện ra đi. Đơn giản là Tổ quốc không có sự lựa chọn nào khác. Dân tộc không có sự lựa chọn nào khác. Đó là sự lựa chọn duy nhất và tất yếu của lịch sử.


Có thể rồi sẽ không còn ai hình dung ra gương mặt các anh. Nhưng điều đó liệu có ý nghĩa gì? Thịt xương các anh đã hòa vào biển cả, hóa thành chất muối mặn cho đời, bồi đắp nên dáng hình Tổ quốc. Tinh anh của các anh thấm vào từng thớ đất, biến thành nhựa trong cây. Nhưng khúc ca bi tráng của các anh không chỉ là khúc ca của một thế hệ. Lòng yêu nước không phải thứ độc quyền của riêng ai, nó như hạt vàng lẩn khuất trong tim mỗi người, chỉ chờ có gió lại rực lên. Nó đã cháy rực lên trong mũi tên đồng Cổ Loa, trong ngọn sóng Bạch Đằng, trong rồng lửa Thăng Long, trên con đường thấm máu và nước mắt đến độc lập tự do, xóa đi nỗi nhục mất nước. Nó sẽ tiếp tục cháy lên trên hành trình đầy chông gai, vượt qua mọi khó khăn, vượt qua chính mình, xóa nỗi nhục đói nghèo. Nó như sợi chỉ xanh lóng lánh trong tim mỗi người, nuôi dưỡng hồn vía Việt Nam, làm nên sức sống bất diệt của dân tộc.


Ca nô phá thủy lôi không người lái T5


Năm tháng sẽ đi qua. Trong tương lai, các thế hệ con em chúng ta sẽ được sống trong hòa bình. Nhưng không ai có quyền quên bến tàu huyền thoại. Huyền thoại về các anh, những người con bất tử của đường Hồ Chí Minh trên biển, huyền thoại về một cuộc chiến tranh nhân dân. Tôi chợt lạnh người khi nhớ đến giả thiết của một ai đó muốn lật lại lịch sử cuộc chiến tranh bằng luận điểm: “giá như”…Không! Lịch sử là cụ thể. Lịch sử không thể giả định. Không có thứ chủ nghĩa nhân văn chung chung. Chạy theo chủ nghĩa nhân văn kiểu “giá như” là chúng ta phản bội lại xương máu của hàng triệu người đã đổ ra trên chiến trường. Nó có nguy cơ đánh lộn sòng người yêu nước và kẻ bán nước, phủ nhận ý nghĩa tinh thần vô giá của cuộc chiến trang bảo vệ Tổ quốc. Tôi bỗng nhớ tới lời khuyên của một nhà báo Mỹ trong lần đến thăm và tiếp xúc với các đồng nghiệp Việt Nam “các anh đừng đi vào vết xe đổ của Đông Âu. Sai lầm của họ là đạp đổ tất cả, trong khi chúng tôi không lên án các cuộc chiến tranh, không hạ bệ Oasinhtơn. Mỗi dân tộc cần có những cái thiêng liêng để mà thờ”. Tôi nghĩ đó là một lời khuyên chân thành. Sẽ không có tương lai nếu điên cuồng đào bới lịch sử, tàn phá quá khứ. Phải chăng, lời cảnh tỉnh của người bạn khác chính kiến ấy cũng là bài học đáng suy ngẫm cho mỗi chúng ta…?


Một cơn gió lạnh làm tôi giật mình sực tỉnh. Mưa đã ngừng rơi từ bao giờ. Trong ánh hoàng hôn cuối cùng của chiều tà, tôi ngẩn ngơ nhìn sóng tung bọt trắng xóa như pháo hoa vỗ vào bờ cát. Hình như có ai đó khẽ khàng hôn lên mái tóc trắng bụi mưa, bạc màu vì sương gió của tôi. Tôi lắng nghe tiếng ca rì rầm của biển và có cảm giác mình đang bay lên cùng những cánh chim hải âu. Ngoài khơi, thấp thoáng bóng những con thuyền câu sải mình trên sóng bạc. Tôi nhìn những hàng cây đang rụng lá, cảm nhận đến từng mao mạch của mình, dòng nhựa sống đang âm thầm chuyển từ đất lên cây. Trong  dáng vẻ gầy guộc  của cỏ cây, trải qua cái khắc nghiệt của mùa đông đã nghe một mùa xuân mới đang về. Tôi lặng lẽ ngắm những gương mặt người xung quanh, sáng ngời như những bông hoa, trong đầu chợt hiện lên câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

“Nhất đóa hoàng hoa nhất điểm xuân”.
Logged
shmel
Thành viên
*
Bài viết: 186


Man in Iron Mask


« Trả lời #131 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2010, 10:36:19 am »

Tết của đoàn tàu không số

(Dân trí)- Trong ký ức những đoàn viên cảm tử của đoàn tàu không số, bữa cơm Tết trên biển là những bát cơm canh đỏ au như xôi gấc vì phôi từ thùng đựng gỉ sét, "đặc sản" là tiếng gào thét của lớp lớp sóng biển, của đạn bom và những phút giao thừa "quyết tử".

Từ những bữa cơm canh trộn gỉ sét

Trung tá Trần Hậu Vệ chỉ tay lên bức ảnh phóng to đặt trang trọng ở giữa phòng trầm ngâm nói: "Đó là ảnh máy bay trinh sát của Mỹ chụp lại một con tàu Không số của đoàn 125 (đoàn tàu không số). Kia là 2 khẩu súng 12 ly 7 đã giăng lưới trắng ngụy trang, chỗ kia đặt thuốc nổ, khẩu DKZ đặt ở góc này... Có lẽ đây là hình chụp tàu bí số 56 của chúng tôi, giống lắm".
 

Tác giả bài viết và Trung tá Trần Hậu Vệ

Câu chuyện người cựu binh nói với chúng tôi là về hai chữ "đồng đội" mà rất nhiều người trong số đó đã mãi mãi nằm lại với biển sâu. Người lính đoàn tàu không số khi ra đi đã nguyện mang theo lời thề "Quyết tử vì Tổ quốc quyết sinh". Khi hy sinh, thân xác bọc vào "quan tài" nilon, gửi vào lòng biển mong rằng sóng gió, thủy triều đưa về với đất liền, đồng đội. Đó đã là chặng đường vượt biển cuối cùng của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đoàn 125.

***

Đầu những năm 1960, con đường mòn trên biển Đông chi viện người, vũ khí từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam vẫn giữ được bí mật tuyệt đối. Năm 1961, chàng tân binh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh Trần Hậu Vệ được phân công vào đội tàu "không số" khi vừa 19 tuổi.  Trung tá Vệ nhớ lại: "Tàu 56 của chúng tôi là một trong những con tàu sắt đầu tiên của đoàn tàu không số thay cho những chiếc tàu gỗ làm nhiệm vụ trước đó từ năm 1961. Tết năm 1964, tàu được dành riêng cho chiến dịch Bình Giã (1964)".

Tàu 56 đi lần này chở hơn 60 tấn vũ khí xuất phát từ quân cảng bí mật tại Hải Phòng đi Bà Rịa ngay khi ông Vệ vừa hoàn thành nhiệm vụ với chuyến tàu bí số 41. Mãi đến lúc đó, ông cùng hơn 10 thủy thủ đoàn trên tàu 56 vẫn không hề hay biết nguyên nhân của chuyến hành trình gấp gáp, chỉ nghe cấp trên căn dặn: đây là chuyến đi đặc biệt, đi phải chắc thắng!

Vì là chuyến đi vào những ngày áp Tết nên khẩu phần ngoài đồ dùng vật dụng, quần áo trang bị, vỏ bao, thuốc lá Trường Sơn, Tam Đảo đã bóc hết nhãn mác, tàu 56 còn được chu cấp thêm bia, sữa và một lồng gà sống. "Mọi dấu tích miền Bắc phải xoá sạch, nhưng anh em vẫn được "bí mật" cấp thêm bánh chưng, để trên tàu có không khí đất mẹ, cho nguôi ngoai nỗi nhớ miền Bắc trong những ngày lênh đênh".

Chuyến tàu đó có nhiều chiến sĩ trẻ người miền Bắc, lần đầu tiên ăn Tết trên biển. Vì mới đi, còn "lạ miệng" với loại cơm đặc trưng của đoàn tàu không số nên sức đề kháng cũng vì thế mà sút giảm.

Giải thích cho loại cơm đặc trưng đó, người cựu binh già vẽ vài nét trên tấm giấy, chỉ ra loại từng thùng sắt thường để đựng cơm, rau, nước ngọt trên tàu. Vì điều kiện đi biển khắc nghiệt, những thùng sắt này đều bị hoen gỉ. Bữa ăn dọn ra, cơm luôn đỏ ngàu một màu như xôi gấc, nước canh cũng đục ngầu như nước sông Hồng mùa lũ.

Nhưng chuyện nấu cơm xét ra mới thực là khổ. Gió mạnh, tàu nghiêng ngả hết bên này đến bên kia, nhiều khi tới hơn 45 độ. Phải nấu bằng 1 cái nồi thật to, mức nước trong nồi cũng để thấp bởi đầy quá sẽ văng lung tung hết. "Anh nuôi" thường do cán bộ miền Nam vốn là những ngư phủ lâu năm đảm nhận. Hai tay cầm hai tay xách của nồi, người này đứng trong tư thế nghiêm vững chãi, chỉ điều khiển hai tay lên xuống "khớp" với từng cơn lên xuống của con tàu, để sao cho ngọn lửa "liếm" đều. Nhưng dù "anh nuôi" trình độ có vững đến đâu, bữa nào cả tàu cũng phải ăn cơm khê.


Những người lính đoàn tàu không số năm xưa.

Rồi cái ngày cập bến đã đến. Đêm giao thừa, tàu vào đến cửa biển thì địch ở căn cứ Vũng Tàu bắn pháo sáng rực góc trời. Căng mắt nhìn về phía trước, mãi không thấy gì khác, cho đến khi tất cả gần như một lúc bật reo khe khẽ: "có tín hiệu!". Thế rồi những điểm sáng ấy cứ lớn dần, đã thành hình những bóng người đứng đợi, đã thành bóng các má, bóng đồng đội dang tay vẫy... Chúng tôi nhìn nhau nước mắt vòng quanh mà không thể thốt lên lời.

Chuyến đi này, tàu 56 có 2/3 cán bộ chiến sĩ là người Bà Rịa, gia đình còn ở lại quê nhà, nhưng vì nhiệm vụ tuyệt mật nên khi đó không ai được phép rời tàu. Có nhiều người như anh Lê Hà, gia đình chỉ cách nơi con tàu đứng chân chừng non cây số mà đành nuốt nước mắt đợi ngày Tết đoàn tụ khi hai miền Nam Bắc sum họp. Anh Tống Thành Lập, một cán bộ của tàu được lãnh đạo "mật báo" là có người yêu đang tham gia vận chuyển hàng nhưng cũng chỉ được lấp ló từ trong tàu nhìn ra.

Nối tiếp những huyền thoại

Tết Mậu Thân 1968, khi chiến trường miền Nam bước vào giai đoạn quyết liệt nhất cũng là lúc những con tàu của đoàn 125 bước vào chiến dịch. Những chuyến đi biển phục vụ đợt Mậu Thân trở thành trang sử huyền thoại bi hùng nhất, chói lọi nhất của đoàn tàu không số.

Chiến dịch này đoàn 125 chuẩn bị 4 tàu, xuất phát ở 4 địa điểm khác nhau và hẹn cùng cập bến, "xuống hàng" trong đêm đón giao thừa, vào lúc địch lơ là nhất. Trước đó, "vụ án Vũng Rô" nổ ra, đường vận chuyển vũ khí trên biển Bắc - Nam bị lộ, tuyến đường vận chuyển vũ khí trên biển càng trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết.

Trước khi 4 chuyến tàu mang bí số 165, 56, 43 và 235 lần lượt xuất phát, đại tướng Võ Nguyên Giáp căn dặn: "trong thời điểm khó khăn, gian khổ và ác liệt này, 4 con tàu ra đi vào bến được một nửa cũng đã là thắng lợi. Thậm chí thấp hơn, chỉ một con tàu trở về căn cứ an toàn chúng ta cũng tự hào". Chuyến đi ấy, chỉ mình tàu 56 trở về.

Tàu 165 do thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm chỉ huy cùng 17 cán bộ, thủy thủ khác vượt biển vào bến Vàm Lũng (Cà Mau). Nhưng khi vào khu vực biển miền Nam Việt Nam, tàu bị tàu chiến, máy bay Mỹ bám riết. Khi đến cận bờ vùng biển phía tây nam thì địch nổ súng. Sau nhiều giờ chiến đấu, đạn hết, nhiều cán bộ chiến sĩ bị thương, hy sinh, trưởng tàu quyết định lao thẳng tàu vào đội hình địch rồi chập kíp nổ. Đêm ấy, 18 cán bộ thủy thủ đều hy sinh. Bức điện cuối cùng Sở chỉ huy nhận được từ 165 có nội dung: "chuyển vào. Gặp máy bay trinh sát đi về phía hướng tàu vào - Lương".



Tàu 43 do thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng chỉ huy đi theo đường dích dắc nhằm đánh lạc hướng trinh sát địch. Khi tàu cách Sa Kỳ (Quảng Ngãi) vài chục hải lý thì xuất hiện nhiều tàu địch áp sát, bao vây, chạy vòng quay và liên tục đánh điện hỏi. Thuyền trưởng Thắng quyết định cơ động tàu để phá vòng vây tiến vào bờ "thả hàng tọa độ" nhưng tàu Mỹ xuất hiện ngày càng đông. Cuộc chiến đẫm máu diễn ra. Sau khoảng 3 giờ, kế hoạch hủy tàu được thực hiện. Chỉ một số ít thủy thủ đoàn còn sống sót bơi vào bờ an toàn.

Tàu 235 do thuyền trưởng Phan Vinh chỉ huy gặp địch tại vùng biển Nha Trang, sau nhiều giờ chiến đấu đã buộc phải nổ tàu. Anh em cán bộ, chiến sĩ hy sinh gần hết.

15 năm vượt biển mở đường về miền Nam Việt Nam, đoàn tàu không số đã huy động gần 1900 lượt, vận chuyển trên 15 nghìn tấn hàng hóa, vũ khí, hơn 80 nghìn lượt người với hàng vạn hải lý xuyên biển đông, chống chọi và vượt qua hơn 20 cơn bão lớn; chiến đấu với hơn 30 lần tàu chiến, 1200 lần với máy bay. Những con tàu không số dọc ngang trên biển Đông đã làm nên chiến tích kỳ diệu.

Phúc Hưng
Logged
doan10k5
Thành viên
*
Bài viết: 9


« Trả lời #132 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2010, 09:14:27 pm »

...Ở bến Lộ Giao (Bình Định) vào cuối năm 1962, có một chiếc tàu gỗ do các đồng chí Châu, Đạt, Hường chỉ huy, chở 20 tấn vũ khí vào. Tuy chuyến ấy tàu bị mắc cạn ngoài cửa biển, nhưng hàng hoá thì đã được dân quân du kích địa phương giải phóng lên bờ an toàn, sau đó tàu được phá huỷ, giữ được bí mật tuyệt đối. Nhưng một số thủy thủ khi lên bờ đã bị địch phục kích sát hại. Vì thời gian đã quá lâu, chiến tranh bom đạn kẻ thù cũng đã san lấp, làm mất vị trí mộ chí của các anh, nên hôm nay chúng tôi đi kiếm tìm đã nhiều lần vẫn không có kết quả....
   Hôm nay nhân ngày T.B.L.S (27.7. 2009), với tấm lòng biết ơn vô hạn của mình đối với những đồng đội một thời cùng đi về Nam trên con Tàu không số, tôi viết bài này xin được coi như một nén tâm hương, kính dâng lên hương hồn tất cả các anh.  (Trần Hậu Vệ)

Kính gửi bác trantienve:
Những thông tin mà em trích dẫn nêu trên của bác đã đưa ra, rất tiếc là hôm nay em mới đọc tới nơi. Nhưng phiền bác cho em hỏi 1 chút xíu :
- Bác là người trong cuộc hay nghe người khác nói lại, nếu nghe kể lại thì ai kẻ vậy hả bác.
- Nếu bác là người trong cuộc thì từ đó tới nay bác có lần nào ghé lại "bến cũ" chưa.Vì tại bến cũ, hôm nay có 1 người lính trên chuyến tàu ấy ( 10/1964, chứ không phải 1962 ) đã về lại quê mình để chăm lo mồ mả tổ tiên, ông bà.
- Mời bác vào xem thử đoạn này :
http://www.quansuvn.net/index.php?topic=7746.80

Một mùa xuân mới đã tới, em xin chúc bác và gia đình vạn sự như ý.
Logged
lonesome
Moderator
*
Bài viết: 1244


« Trả lời #133 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2010, 05:45:20 pm »

VTV4 đang chiếu phóng sự về tàu không số đấy các bác ... những thông tin đọc qua sách vở giờ xem người thật việc thật vẫn thấy gai hết người ... phóng sự có nhắc tới vụ lộ bến Thạch An các thủy thủ ta "chơi tới cùng", hy sinh 9 người... qua phóng sự này cháu mới được nhìn tận mắt 5 bác còn sống của tàu 235 ...

Hôm rồi triển lãm sách tại Thư viện TPHCM em thấy có mấy cuốn về tàu không số, về đường HCM trên biển. Chị Cúc và các bác xem có số hóa được không ạ?
« Sửa lần cuối: 29 Tháng Tư, 2010, 06:01:17 pm gửi bởi lonesome » Logged
napoleon
Thành viên
*
Bài viết: 521


Không có gì là không thể


« Trả lời #134 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2010, 10:16:57 pm »

VTV1 đang chiếu phim về tàu không số đấy, các bác đón xem nhé!
Logged

Tôi có thể thất bại một trận đánh, nhưng tôi sẽ chiến thắng cả cuộc chiến tranh. Trí thông minh của con người được tính từ trán tới trời.
bigcat
Thành viên
*
Bài viết: 14


« Trả lời #135 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2010, 05:23:31 am »

Gửi các anh trong topic.

Cho hỏi thăm, có anh nào biết chủng loại "hàng" (vũ khí) trong chuyến hàng của đoàn tàu không số đầu tiên cập vào Cà Mau. Vì hồi nhỏ tôi cũng có đọc một quyển sách nói về những con tàu không số này, nhưng không nhớ tựa. Trong sách có nói về danh sách vũ khí chuyển vào nam, đặc biệt là quá trình tận dụng vũ khí chiến lợi phẩm sau kháng chiến chống Pháp được cải tạo và ngụy trang rất công phu. Để khi số vũ khí này tham chiến không làm lộ bí mật con đường tiếp viện và ta không vi phạm hiệp định. Nếu có ai biết được thì chỉ giúp mình tài liệu này hoặc có thể số hóa lên topic để anh em tham khảo.

Chân thành cảm ơn.
Logged
tau khong so
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 146



« Trả lời #136 vào lúc: 14 Tháng Sáu, 2010, 10:12:17 am »

Gửi các anh trong topic.

Cho hỏi thăm, có anh nào biết chủng loại "hàng" (vũ khí) trong chuyến hàng của đoàn tàu không số đầu tiên cập vào Cà Mau. Vì hồi nhỏ tôi cũng có đọc một quyển sách nói về những con tàu không số này, nhưng không nhớ tựa. Trong sách có nói về danh sách vũ khí chuyển vào nam, đặc biệt là quá trình tận dụng vũ khí chiến lợi phẩm sau kháng chiến chống Pháp được cải tạo và ngụy trang rất công phu. Để khi số vũ khí này tham chiến không làm lộ bí mật con đường tiếp viện và ta không vi phạm hiệp định. Nếu có ai biết được thì chỉ giúp mình tài liệu này hoặc có thể số hóa lên topic để anh em tham khảo.

Chân thành cảm ơn.

Chào đồng đội! Chúc môt ngày đầu tuần vui vẻ, khỏe mạnh. Mấy hôm vừa rồi đồng đội có xem Word cup không? Sáng nay vào Quân sử VN tôi thấy câu hỏi của bạn, tôi xin có vài lời thế này. Có lẽ chỉ những cán bộ ở bộ Tổng tham mưu khi đó mới có danh mục hàng hóa cho chuyến đầu tiên và nói chung danh mục hàng vận chuyển vào Nam thời gian đầu là do cấp trên lập. Lính Tàu không số như người lái xe trên biển, chỉ biết đưa hàng đến bến an toàn là thắng lợi là hoàn thành nhiệm vụ. Giai đoạn đầu từ năm 1959  đến khi một tàu của ta bị địch bắt với toàn bộ hàng hóa trên tàu là thời gian huy hoàng nhất của đoàn TKS vì chưa bị địch phát hiện nên đi lại thuận lợi dễ dàng, số chuyến thành công cao, có chuyến đi về không quá 15 ngày. Khi đó để giữ bí mật, hàng hóa đều không có nhãn mác nên tôi nghĩ không ai biết chủng loại hàng như đồng đội hỏi đâu, chỉ biết một điều chung chung là chở vũ khí, đạn dược thậm chí cả tiền, vàng, đô la ...  Giai đọan sau đó đến trước ngày ngừng bắn tạm thời đầu năm 1973 là giai đoạn gay go ác liệt và hy sinh nhiều nhất. Số chuyến thành công ít, số chuyến đi phải quay về, phải hủy tàu, thả hàng nhiều do Mỹ Ngụy chặn ngay ngoài hải phận quốc tế không thể vào bến trả hàng được.  Tôi là lính TKS lớp sau ( xuống tàu tháng 7 năm 1972 ) cũng chỉ biết những chiến công của các bậc đàn anh do các anh kể lại, cũng chỉ đi được vài chuyến ra hải phận quốc tế rồi lại quay về. Cách mạng VM ai làm người đó biết, ngay trong cùng một đoàn TKS một sự kiện có người biết, có người không. Bây giờ gặp nhau ôn lại còn cãi nhau ỏm tỏi cả lên vui lắm. Nhân đây tôi kể một chuyện thật như đùa của anh bạn tôi là lính bộ binh mặt trận B3. Trong một buổi gặp mặt tại nhà anh, tôi khoe vừa đi công tác Bản Đôn Đăk Lắc ra, lần đầu tiên được cưỡi voi đi khảo sát tuyến đường từ Bản Đôn lên đồn biên phòng 3 Tây nguyên dài 25 km. đi từ sáng đến tối mịt mới đến nơi.  Bạn tôi bảo, có thế mà khoe nhắng lên. Tao ở Tây Nguyên sốt rét, đói dài người, ăn cả thịt voi đây này. Hào hứng anh kể : " Đói quá chúng tao phải bắn voi lấy thịt ăn nhưng không  ăn thịt mà chỉ lấy mỗi quả tim. Muốn lấy quả tim phải khuyét đít voi, chui vào lôi quả tim ra. Bọn tôi cười phá lên cho rằng anh nói phét và từ đó gọi ông bạn là Tuấn voi. Mấy năm sau trong một cuộc gặp các cựu binh mặt trận B3 tôi có kể chuyện vui đó. Một người bảo đúng thế số còn lại bảo làm gì có chuyện đó. Đúng là cách mạng VN ai làm việc gì người ấy biết. Thôi nhé có chuyện gì vui kể cho anh em nghe. TKS
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Sáu, 2010, 10:38:43 am gửi bởi tau khong so » Logged
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #137 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2010, 04:09:39 am »

Cụ này chắc phải có nhiệm vụ đặc biệt lắm, chứ phóng viên báo Phụ Nữ thì nhiệm vụ chắc không đến nỗi phải gian nan như thế.  Lips sealed

http://bee.net.vn/channel/1988/201007/Nguoi-phu-nu-duy-nhat-di-tau-khong-so-1760630/

Trích dẫn
Chuyến tàu không số ấy xuất phát vào một đêm tháng 8/1964 tại bến Đồ Sơn (Hải Phòng), điểm đến là bến Rạch Gốc (Cà Mau). Bà Thụy Nga- lúc đó là phóng viên phụ trách mảng miền Nam, báo Phụ nữ Việt Nam - 1 trong 5 người đã lên chuyến tàu đó cùng với 26 thủy thủ, rời Hà Nội về lại miền Nam theo điều động của tổ chức.

Trích dẫn
Năm 1964, lúc đó bà Thụy Nga 39 tuổi, là mẹ của ba người con: con gái lớn 14 tuổi, hai con trai 8 và 6 tuổi. Mẹ về Nam, 3 con ở lại miền Bắc. Cuộc ra đi không biết được ngày đoàn tụ!

Trích dẫn
Bức thư đã theo tàu không số ra Hải Phòng, được giao lại cho Bộ Tư Lệnh hải quân và đến tay cố Tổng bí thư Lê Duẩn. Sau này có một sĩ quan hải quân đến thăm bà kể : “Tôi đem thư chị đến cho anh Ba. Anh đọc thư trước mặt tôi mà nước mắt anh nhiễu nhòa lá thư”.
Logged
minhnam1803
Thành viên
*
Bài viết: 111


« Trả lời #138 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2010, 08:00:26 am »

Cụ này chắc phải có nhiệm vụ đặc biệt lắm, chứ phóng viên báo Phụ Nữ thì nhiệm vụ chắc không đến nỗi phải gian nan như thế.  Lips sealed

http://bee.net.vn/channel/1988/201007/Nguoi-phu-nu-duy-nhat-di-tau-khong-so-1760630/

Trích dẫn
Chuyến tàu không số ấy xuất phát vào một đêm tháng 8/1964 tại bến Đồ Sơn (Hải Phòng), điểm đến là bến Rạch Gốc (Cà Mau). Bà Thụy Nga- lúc đó là phóng viên phụ trách mảng miền Nam, báo Phụ nữ Việt Nam - 1 trong 5 người đã lên chuyến tàu đó cùng với 26 thủy thủ, rời Hà Nội về lại miền Nam theo điều động của tổ chức.

Trích dẫn
Năm 1964, lúc đó bà Thụy Nga 39 tuổi, là mẹ của ba người con: con gái lớn 14 tuổi, hai con trai 8 và 6 tuổi. Mẹ về Nam, 3 con ở lại miền Bắc. Cuộc ra đi không biết được ngày đoàn tụ!

Trích dẫn
Bức thư đã theo tàu không số ra Hải Phòng, được giao lại cho Bộ Tư Lệnh hải quân và đến tay cố Tổng bí thư Lê Duẩn. Sau này có một sĩ quan hải quân đến thăm bà kể : “Tôi đem thư chị đến cho anh Ba. Anh đọc thư trước mặt tôi mà nước mắt anh nhiễu nhòa lá thư”.
[/quote]

Quan tư Tus trích dẫn hổng có đầy đủ. Đặc biệt ở chỗ nè, cũng link trên:

Trích dẫn
Bà là Nguyễn Thụy Nga - người vợ miền Nam của cố Tổng bí thư Lê Duẩn.
Logged
tau khong so
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 146



« Trả lời #139 vào lúc: 02 Tháng Tám, 2010, 12:07:38 pm »

tôi đã tìm được một chiến sỹ đi chuyến tàu chở ngườivợ miền nam của cố Tổng bí thư. Tôi sẽ hỏi và kể lại cho các bác nghe.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM