Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 09:04:19 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường Hồ Chí Minh trên biển  (Đọc 155466 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
caytrevietnam
Thành viên
*
Bài viết: 471


Trồng sen trong biển lửa


« vào lúc: 09 Tháng Hai, 2008, 01:06:34 am »

Cách đây đúng 37 năm Bộ tư lệnh hải quân đã giao cho đoàn 125 – đơn vị “tàu không số” một nhiệm vụ đặc biệt “tối mật”: vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí vào miền Nam, góp phần chi viện kịp thời cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968 của đồng bào miền Nam.

Bốn tàu C.43, C.56, C165, C.235 đã vinh dự được nhận nhiệm vụ này. Cả bốn tàu đều gặp địch sau đó… Và con tàu đã đi vào huyền thoại của hải quân Việt Nam bằng cuộc chiến đấu dũng cảm của các thủy thủ trên vùng biển địch…

… Một ngày sau khi C.56 rời bến, ngày 27-2-1968, tàu 235 nhổ neo tại một căn cứ khác của đoàn 125 – căn cứ A3 vào đúng 11g 30 phút. Đây là chuyến đi thứ hai của C.235 trong tháng hai. Chuyến thứ nhất, tàu xuất phát vào ngày 6-2 nhưng hành trình của tàu luôn bị máy bay và tàu chiến dịch theo dõi, vì vậy tàu buộc phải quay trở lại căn cứ. Lần này điểm tập kết 14 tấn “hàng” là bến Hòn Hèo thuộc hai xã Ninh Phước, Ninh Vân (Khánh Hòa). Đây là khu vực cực kỳ hiểm trở - cách Nha Trang 12km về phía Bắc, luồng hẹp, nhiều đá ngầm, có núi cao bao bọc phía ngoài, và vô cùng nguy hiểm – gần quân cảng Cam Ranh, hang ổ của hải quân địch; có hai căn cứ rada gần đó cùng với tàu chiến, máy bay trinh sát chỉ điểm, tàu tuần tiễu hoạt động gần như 24/24 giờ.

Tàu 235 là tàu cao tốc, chạy bốn máy, tốc độ trung bình 12 hải lý/giờ do thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh chỉ huy gồm 20 cán bộ chiến sĩ trẻ. Chính trị viên tàu là Nguyễn Tương, người cùng quê hương Điện Bàn với Phan Vinh. Trước chuyến đi này con trai đầu lòng của anh vừa tròn 4 tháng tuổi.

Nhật ký của C.235

Đi hai ngày, hai đêm trên vùng biển quốc tế, đến ngày 29-2-1968 vị trí C.235 ở ngang vùng biển Nha Trang.

- 18 giờ ngày 29-2: máy bay trinh sát của địch phát hịên ra tàu 235.

- 20 giờ cùng ngày, 235 vẫn quyết định chuyển hướng vào bờ.

- 22 giờ 30 phút, 235 điện về Sở chỉ huy: “Cách bờ 19 hải lý, gặp tàu và máy bay địch bám. Phan Vinh”.

- 23 giờ, C.235 bắt đầu tiến vào bờ. Phát hiện ra 235, hải quân vùng 2 duyên hải ngụy lập tức điều ba tàu chiến Ngọc Hồi, H.Q 12, H.Q 617 và bốn tàu khác của duyên đoàn 25 đến vùng biển phía Bắc Nha Trang với ý định bắt sống C.235.

- 23 giờ 30 phút: tất cả đèn trên tàu địch đều tắt. Chúng phục kích, theo dõi 235 bằng rada. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh quyết định điều khiển 235 luồn lách qua đội hình tàu địch và đã đến được bến (xã Ninh Phước) lúc 0 giờ 30 phút ngày 1-3-1968. Nhưng hoàn toàn không có người của bến ra đón 235. Không chần chừ thuyền trưởng Vinh ra lệnh khẩn trương cho hàng xuống nước để bến có thể vớt sau. Các bao hàng đóng gói đặc biệt được các thủy thủ lần lượt vần xuống. Chừng một giờ sau hàng trên tàu vơi dần. Lúc này là 1 giờ 30 phút sáng 1-3. Phía ngoài, ba tàu loại lớn và 4 tàu nhỏ của địch vẫn đang khép chặt vòng vây.

- 1 giờ 40 phút sáng 1-3-1968: thuyền trưởng Phan Vinh đột ngột ra lệnh ngừng thả hàng. Anh đưa tàu chạy ven bờ để nghi binh vị trí bến nhận hàng. Tàu chiến dịch lập tức đuổi theo. Tất cả tàu địch đồng loạt bật đèn pha và điện cho nhau: tàu nào không bật đèn là tàu “Việt cộng”. Tàu 235 lọt vào tình thế ngặt nghèo. Trước mặt là núi chắn sừng sững. Sau lưng, bảy tàu chiến địch dàn hàng ngang chặn lối ra. Cuộc săn đuổi tàu 235 mà sau này bọn địch gọi là “chiếc tàu ma” đã bắt đầu diễn ra…

Bài tường thuật trên đài tự do

Hồi 13 giờ ngày 24-3-1968 đài Tự do có giới thiệu bài “tường thuật đặc biệt” về một trận đánh trên biển với “Việt cộng”: “… Đây là bài tường thuật vụ đuổi bắt chiếc “tàu ma” ở Nha Trang… Hồi 1 giờ 36 phút, chiến hạm Ngọc Hồi dùng rada phát hiện được tàu địch, H.Q 12, H.Q 617 và các thuyền ta tìm cách chặn bắt tàu trên. Lúc này tàu ta được lệnh thắp đèn, tàu không thắp đèn là tàu địch bị khép chặt vào giữa, trong là bờ cạn.

Lúc 2 giờ ngày 1-3 cách Hòn Hèo năm hải lý, tàu lạ chạy vào bờ lẩn trốn chạy vào bờ lẩn trốn. Đến 2 giờ 30 phút các tàu ta được lệnh đồng loạt bắn các loại súng nhỏ từ 12 li 7 trở xuống với ý định bắt sống tàu địch. Các pháo lớn bắn vào bờ không cho địch trên tàu tẩu thoát, đồng thời gọi phi cơ đến thả hỏa châu soi sáng. Biết không thể nào tẩu thoát, Việt cộng ở trên tàu và ở trên bờ đã phản pháo.

Lực lượng trên bờ của địch khoảng một tiểu đoàn, có lẽ đã nhận nhiệm vụ yểm trợ tàu. Biết vậy, các chiến hạm của ta đã được lệnh bắn pháo lớn vào tàu địch. Sau ba mươi phút chống trả, tàu địch bốc cháy. Lúc này phi cơ được gọi đến bắn phá dọn đường ở dọc biển cho một cuộc lục soát. Đến 2 giờ 41 phút chỉ huy trưởng vùng 2 chiến thuật chỉ thị đổ bộ ngay trước khi trời sáng, nhưng vì hỏa lực Việt cộng bắn ra dữ dội nên lực lượng đổ bộ phải rút lui chờ quân chi viện…”.

Nhật ký C.235 từ 1 giờ 50 phút sáng 1-3-1968…

… Dưới ánh đèn pha gay gắt, tàu địch được lệnh bắn xối xả vào C.235… Trong ánh chớp lập lòe thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh bình tĩnh lái tàu chạy sát vào bờ, chỉ huy anh em chiến đấu. Các thủy thủ dùng DKZ và súng 14 li 5 bắn về phía địch… Những tàu cỡ nhỏ của địch không chịu đựng nổi hỏa lực của C.235, dần dần dạt ra vòng ngoài. Nhưng chỉ trong chưa đầy nửa giờ chiến đấu đã có 5 đồng chí hi sinh, bảy đồng chí bị thương, trong đó có cả thuyền trưởng Phan Vinh…

- 2 giờ 20 phút ngày 1-3-1968: thuyền trưởng Phan Vinh có ý định phá vòng vây. Anh suy nghĩ, ra khơi sẽ dễ cơ động đối phó với địch. Nếu cần thì có thể áp sát tàu địch và cho giật kíp ba tấn bộc phá đã gài sẵn, phá 235 cùng với tàu địch… Tàu 235 đột ngột tăng tốc rồi lao vọt ra cửa vịnh. Ngay lập tức pháo địch từ các khu trục hạm tập trung hỏa lực nã vào 235. Giữa lưới lửa đỏ bỏng rát đó, 235 mỏng manh luồn lách như một chiếc lá… Một quả đạn pháo trúng gần buồng máy, 235 sựng lại rồi dừng hẳn: máy tàu đã hỏng nặng. Phương án 2 – phá vòng vây thế là không thành. Tàu 235 đang cách bờ độ 100m. Phan Vinh quyết định cho tất cả rời tàu bơi vào bờ. Kíp hẹn giờ nổ đã được vặn đến con số 15 phút.

- 2 giờ 40 phút ngày 1-3-1968: một cột lửa bùng lên, kế đó là một tiếng nổ khủng khiếp, chấn động tới tận Nha Trang. Sức công phá của ba tấn thuốc nổ khiến C. 235 bị đứt làm đôi. Một nửa chìm xuống biển, nửa còn lại văng lên lưng chừng núi Ba Nam (xã Ninh Vân). Kinh ngạc tột độ, bọn địch cuống cuồng gọi máy bay đến bắn phá cày nát vùng ven biển, nhằm dọn đường cho bộ binh bao vây, bắt sống các thủy thủ tàu 235.

- 3 giờ sáng ngày 1-3-1968: bọn địch từ tàu đổ bộ lên bờ sục sạo nhưng đã bị thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và thợ máy Ngô Văn Thứ - hai người cuối cùng rời khỏi 235, đón đầu, kiên cường đánh trả nên chúng đành rút lui, chờ viện binh. Ở một cánh lên bờ khách chỉ còn lại thuyền phó Đoàn Văn Nhi và 6 thủy thủ: Mai, An, Thật, Phong, Khung, Tuyến. Đã có 11 anh em hi sinh.



… Những ngày sau đó bảy người còn lại của C.235 – vừa bị thương, không lương thực, không nước uống dìu nhau đi vào khu vực Hòn Hèo. Họ bị kiệt sức dần. Đến ngày thứ 11 Khung đi tìm nước uống, rồi không trở về. Chiều hôm đó Thật và An đi tìm Khung, bị lạc. Ngày thứ 12 Thật tìm được du kích ở bến. Hôm sau, An, Tuyến, Mai, Phong cũng liên lạc được với du kích. Mọi người quay lại đón thuyền phó Nhi đang nằm đợi trong rừng. Nhưng anh đã không còn ở đó nữa. Những gì còn lại chỉ là một mảnh bông băng đã khô máu, một mảnh áo rách…



Con tàu gồm 20 anh em, giờ chỉ còn lại 5 người: Thật, Phong, Mai, An, Tuyến. Năm con người sức tàn lực kiệt ấy đã nương tựa nhau cùng vượt Trường Sơn. Và sáu tháng sau họ đã trở lại miền Bắc, tiếp tục nhiệm vụ của mình…



Những phút cuối cùng của thuyền trưởng Phan Vinh



Trích tường thuật của đài Tự Do về trận đánh ở Hòn Hèo: “… Các phi tuần, trực thăng, khu trục võ trang được gọi đến bắn phá. Cuộc lục soát bắt đầu. Một toán từ phía Bắc xuống, toán khác từ dọc đồi phía Nam tiến lên khu vực Tân Định, một lực lượng khác gồm 4 tàu dàn hàng ngang tiến vào vịnh HQ.12, HQ.617 tiếp tục bắn phá yểm trợ vào sườn núi và đưa lực lượng thủy quân lục chiến vào bờ cùng hỗ trợ…”.



Trích tạp chí Lướt sóng của hải quân ngụy: “Mười hai chiến hạm và hàng chục hải thuyền của Hoa Kỳ cùng quân lực Việt Nam cộng hòa có phi cơ yểm trợ đã đụng độ ác liệt với một tiểu đoàn Việt cộng gan góc và thiện chiến trên con tàu chở vũ khí từ Bắc Việt thâm nhập tiếp tế cho mặt trận giải phóng. Họ đã nổ súng đến viên đạn cuối cùng, đến người cuối cùng và hi sinh với con tàu bằng khối lượng hàng chục tấn bộc phá, không để lại một dấu vết…”.



… Ở gần chỗ tàu nổ, lúc gần sáng, địch đổ quân xuống, lùng sục. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và thợ máy Ngô Văn Thứ đã đoán được ý định của địch, chốt chặn sẵn ở đó để những anh em khác rút an toàn. Cả hai anh đều bị thương khá nặng nhưng đã ngoan cường trụ vững chống trả các đợt tấn công của một tiểu đoàn lính Nam Triều Tiên ở cả hai mũi tiến công. Phan Vinh và Thứ đã ở ngay giữa hai gọng kìm của địch. Chiến đấu độ nửa giờ, vết thương ngày một nặng, sức lực cạn kiệt, súng không còn đạn, các anh đã hi sinh. Bọn địch từ hai cánh quân tiếp tục nổ súng bắn vào nhau, thương vong cả hai phía khá nhiều, chúng buộc phải điện về chỉ huy sở “đã gặp địch mạnh, buộc phải rút lui”…



… Hơn nửa tháng sau đó năm anh em thủy thủ đoàn 235 đã tìm được nơi diễn ra trận đánh cuối cùng của Phan Vinh và Ngô Văn Thứ. Các anh vẫn ở trong tư thế nằm vươn người về phía trước như giữa lúc chiến đấu ghìm hai cánh quân địch. Dấu vết còn lại sau trận chiến ác liệt là những hố đạn sâu hoắm, những thân cây ngã gục, cháy loang lổ… Năm đó thuyền trưởng Phan Vinh vừa tròn 35 tuổi, chưa một lần yêu…



Chuyến đi này 15 cán bộ chiến sĩ của tàu 235 đã yên nghỉ ở Hòn Hèo. Bốn con tàu của đoàn 125 ra đi làm nhiệm vụ, chỉ có tàu 56 trở lại. Tàu 165 với 18 cán bộ chiến sĩ, trong đó có 15 đảng viên, 3 đoàn viên đã cảm tử ra đi sau khi điểm hỏa phá tàu và phá hủy ba chiếc tàu của địch. Tàu 43 đã bắn chìm và bắn hỏng một tàu, bắn rơi một máy bay địch, sau đó các thủy thủ đã phá hủy tàu…



… Hai năm sau ngày hi sinh, tháng 8-1970 liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh đã được Quốc hội và Chính phủ truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tên anh đã được đặt cho một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đảo Phan Vinh nằm ở 8 độ 56 phút vĩ bắc và 113 độ 38 phút kinh đông, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 430 hải lý…



(Dựa theo tư liệu của lữ đoàn 125, tư liệu trích từ sách Đường mòn trên biển của nhà văn Nguyễn Tử Đương và lời kể của đại tá Trần Phong – nguyên trợ lý tham mưu tiểu ban tác chiến đoàn 125 giai đoạn 1968…)
Logged

SỐNG VỮNG CHÃI 4000 NĂM SỪNG SỮNG
LƯNG ĐEO GƯƠM TAY MỀM MẠI BÚT HOA
bamhinh
Thành viên
*
Bài viết: 76


« Trả lời #1 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2008, 03:23:38 pm »

Em đã đọc qua cuốn này lâu rồi, "Ký sự miền đất lửa": Nào trận Dốc Miếu - Cồn Tiên, nào Vĩnh Linh khói lửa, nào Đường mòn trên biển, rất tuyệt các bsc ạ.
Logged

vinaheart
Thành viên
*
Bài viết: 116


« Trả lời #2 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2008, 04:39:15 pm »

Các bác tìm đọc tiểu thuyết Biển Gọi đi
Logged
HuuTrang
Thành viên
*
Bài viết: 33


« Trả lời #3 vào lúc: 08 Tháng Tám, 2008, 10:02:19 pm »

Các anh ơi, cho em hỏi đảo Phan Vinh giờ có còn thuộc quyền kiểm soát của hải quân nhân dân Việt Nam không ạ
Nếu còn thì tốt quá, đó sẽ là một "tượng đài" không thể bị phá huỷ
Logged

Em mới chỉ học lớp 10, có gì xin các anh giúp đỡ
Tunguska
Global Moderator
*
Bài viết: 519



« Trả lời #4 vào lúc: 08 Tháng Tám, 2008, 10:36:41 pm »

Các anh ơi, cho em hỏi đảo Phan Vinh giờ có còn thuộc quyền kiểm soát của hải quân nhân dân Việt Nam không ạ
Nếu còn thì tốt quá, đó sẽ là một "tượng đài" không thể bị phá huỷ

Có!
http://www.qdnd.vn/qdnd/baongay.bdvn.36002.qdnd
Logged
quydede
Thành viên
*
Bài viết: 17



« Trả lời #5 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2008, 11:01:08 am »

Trích từ bút ký "Có một con đường mòn trên biển Đông" của nhà văn Nguyên Ngọc, Tuổi Trẻ online đăng.
Xin giới thiệu cùng các bác.


Xác minh một truyền thuyết


Chúng ta đang đi tìm một con đường. Con đường ư? Trên trái đất này ai đếm hết được những con đường. Hàng ức, hàng triệu, hàng tỉ. Một nhà văn lớn, cũng là nhà tư tưởng lớn có nói: “Người đi trên mặt đất thì thành đường”.

Rất đúng! Nhưng còn người đi trên biển, trên mặt nước xanh phẳng lì đang trải ra trước mắt kia? Biển không để lại dấu vết, không để lại đường mòn. Biển xóa tất cả. Chỉ còn lại mặt nước mênh mông, phẳng lì, bí mật, câm lặng. Mãi mãi câm lặng.

Còn không dấu vết một con đường?

Câu chuyện của chúng ta hôm nay là câu chuyện về một con đường như thế, ngày xưa hoàn toàn câm lặng, hôm nay vẫn còn câm lặng, và rồi chắc sẽ mãi mãi ngày càng chìm sâu vào câm lặng, đến vĩnh hằng, ngày càng chìm sâu vào phẳng lì của biển và phẳng lì của thời gian nếu chúng ta không đánh thức nó dậy, không cố cùng nhau lần tìm ra nó trong thăm thẳm của biển, của thời gian và của ký ức biết ơn.

Con đường ấy là như vậy đó, con đường bí mật xuyên biển Đông vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam thời chiến tranh chống Mỹ.

Chúng ta bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm của mình giữa cuộc sống hôm nay bộn bề, tấp nập, ngổn ngang... Và cũng phải nói trước điều này: những cái mốc để chúng ta có thể bấu víu vào đấy mà đi tìm, lần ra sự tích cũ chẳng còn bao nhiêu cả. Tư liệu, chứng cứ cũ hầu như chẳng còn gì đáng kể. Chúng đã chìm sâu trong câm lặng của mặt nước không biết nói.

Tài liệu lưu trữ trong các kho bảo mật hoặc đã mục nát, hoặc đã thất lạc gần hết. Những chiếc tàu xưa chẳng còn. Nghe nói ở đâu đó trong một vàm rạch hoang vắng tận cuối mũi Cà Mau còn xác một con tàu, may mà chưa bị bán làm sắt vụn, nhưng cũng đang tan thành gỉ nát vì thời gian và nước mặn...

Còn những con người? Người đã hi sinh, mãi mãi vùi thân trong biển sâu. Người đã qua đời sau chiến tranh vì già yếu, vì những di chứng của chiến tranh. Những người còn lại thì đang tản mác khắp đất nước, trong những xóm làng, những kênh rạch hẻo lánh đâu đó. Họ vốn vô danh. Hôm qua vô danh vì sự khắc nghiệt của nhiệm vụ. Hôm nay vô danh trong ồn ào cuộc sống đua chen.

Ta đi tìm chính những con người ấy.

Là ai? Ta chưa biết.

Trong tay chúng ta lúc này chỉ có mỗi một tài liệu nhỏ: tập phác thảo lịch sử Lữ đoàn Hải quân 125, chắc là được viết khá vội và quả thật còn khá thô sơ.

Đây là chứng cứ đầu tiên về thiên huyền thoại một thời. Dấu vết đầu tiên về một huyền thoại có thật, được ghi lại trên những trang giấy ố vàng. Một tập sách khổ rộng, không dày, giấy xấu, in roneo. Có trang còn chen cả chữ viết tay, mực tím đã phai mờ: hẳn có ai đó đã sửa chữa, bổ sung. Ngay từ những trang đầu tiên ta gặp một con số: năm 1959, và một tên người: đồng chí Võ Bẩm.

Năm 1959: đó là một con số không thể quên. Một cái mốc lịch sử: miền Nam đứng dậy. Và cuộc chiến tranh bắt đầu. Vì sự sống còn của dân tộc. Và miền Nam gọi.

Có ai ngày ấy không nghe thấy tiếng gọi đó, của máu, của nước mắt, của ý chí tự do, độc lập và thống nhất. Của Chợ Được, của Vĩnh Trinh, của Hướng Điền, của Trà Bồng, của Bến Tre...

Miền Nam gọi súng. Miền Nam đòi súng.

Con đường xẻ dọc biển Đông

Có thể tìm được đồng chí Võ Bẩm hôm nay tại căn nhà số 25 Phan Đình Phùng, Hà Nội.

Đó là một cụ già tóc đã bạc phơ, nhưng vẫn còn rất rõ dáng nét của một con người đậm chắc, quắc thước. Vầng trán rộng, cương nghị. Cặp mắt tinh anh và trầm tĩnh. Hao hao cái dáng vẻ những người chiến sĩ khởi nghĩa thời Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám.

Một buổi chiều Hà Nội giờ tan tầm. Tấp nập xe cộ trên đường. Những cây sấu già. Những cây bằng lăng nở đầy hoa tím. Ông cụ ấy nhớ lại:

- ... Đó là vào đầu năm 1959. Chúng tôi được Bác Hồ gọi lên. Bác nói: miền Nam đã đứng dậy. Miền Nam đang gọi. Phải nhanh chóng đưa súng đạn vào cho bà con trong đó. Bác giao nhiệm vụ cho chúng tôi: phải bằng mọi cách mở đường vào Nam. Chấp hành chỉ thị của Bác, tháng 5-1959 con đường Bắc - Nam xẻ dọc Trường Sơn được mở. Bắt đầu là một con đường mòn. Gọi là đường 559 vì nó ra đời tháng 5-1959. Còn gọi là đường mòn Hồ Chí Minh. Bác từng nói: Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết giành cho được độc lập...

Song song với con đường xẻ dọc Trường Sơn, tháng 7-1959 ta quyết định mở cả con đường Bắc - Nam xẻ dọc biển Đông. Bởi vì đi trên biển nguy hiểm hơn nhưng cũng nhanh hơn. Tiếng gọi của chiến trường cấp bách quá...

Đường biển Đông là mạo hiểm, là tử địa, đúng vậy. Nhưng cũng là bất ngờ. Với lại ta từng có kinh nghiệm rồi: trong kháng chiến chống Pháp ta cũng đã có một con đường vận chuyển vũ khí bí mật xuyên biển Đông từ Khu 5 vào Nam bộ.

Tháng 7-1959 chúng tôi thành lập một tiểu đoàn lấy tên là 644, giả danh là “tập đoàn đánh cá miền Nam” đóng tại cửa sông Gianh, do đồng chí Lưu Đức và đồng chí Hà Văn Xá chỉ huy, chuyên lo tổ chức đưa thuyền bí mật chở vũ khí vào Nam. Chuyến đi thí nghiệm đầu tiên xuất phát từ cửa sông Gianh đúng đêm 30 tháng chạp năm 1959, nhằm vào chân đèo Hải Vân, Quảng Nam...

- Ai đã đi chuyến đầu tiên ấy?

Anh Bẩm ngồi lặng hồi lâu.

- Không, tôi không thể nhớ... Chuyến ấy thất bại. Thuyền mất tích. Chắc là tất cả đã hi sinh... Chắc mãi mãi không còn ai biết tên tuổi họ... Tôi chỉ biết người đã nằm chờ đón chuyến thuyền bí mật ở chân đèo Hải Vân suốt một tháng ròng mà không đón được. Người ấy là Nguyễn Chơn, tổng tham mưu phó hiện nay...

Cửa sông Gianh. Lịch sử có những nghịch lý thật kỳ lạ và lý thú. Sông Gianh, con sông của Trịnh - Nguyễn phân tranh, của một thời chia cắt đất nước đau đớn kéo dài hơn trăm năm. Nơi nào đây, trên hai bờ con sông hiền hòa này, từng đối mặt hai đội quân thù nghịch của một cuộc tử chiến huynh đệ.

... Rồi cũng chính con sông này, cái cửa sông có bãi cát trắng phau này, lại là điểm bắt đầu của một con đường máu mủ nối liền Bắc - Nam thống thiết và mạo hiểm thời đánh Mỹ.
Chúng ta lần theo hai ven sông, qua những xóm làng chài, những cồn cát, những bến phà, những rừng phi lao ngày đêm hát trong gió... Cố tìm lại một chút dấu vết của cái năm tháng lịch sử ấy, năm 1959, của cái “tập đoàn đánh cá miền Nam”, cái tiểu đoàn 644 ẩn danh, bí mật một thời ấy.

Tuyệt đối không còn tìm thấy gì.

Các cụ già bảo:

- Không, bọ không hề nghe nói...

Cả những người lính thủy của đơn vị hải quân hôm nay đang đóng giữ cửa biển này:

- Không, không từng có con đường bí mật nào bắt đầu từ đây cả...

Những hàng phi lao, có cây đã thành cổ thụ kia, có thể bàn tay một người thủy thủ trong số những người thủy thủ đã mất tích trên biển Đông cái đêm sóng gió 30 tết ấy đã từng đặt tay lên lớp vỏ cây này, mân mê, trìu mến, như muốn nói một lời từ biệt trước lúc lên đường đi vào cõi mịt mùng biển đen, mười phần nắm chắc trước sự hi sinh đến tám, chín phần... Nhưng tiếng hát của hàng phi lao trong gió, dẫu có muốn kể lại kỷ niệm thống thiết xưa, hôm nay ta nào có nghe hiểu được.

Tức là cuộc đi tìm, lần theo con đường vô hình xưa cũ của chúng ta, vừa mới bắt đầu đã có cơ tắc lại.

Ta đành từ giã sông Gianh ra đi.

Đi về đâu?



« Sửa lần cuối: 22 Tháng Tám, 2008, 02:22:03 pm gửi bởi quydede » Logged
quydede
Thành viên
*
Bài viết: 17



« Trả lời #6 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2008, 11:05:16 am »


Tìm người vô danh

Năm 1959, những ngày đen tối và quyết liệt, khi cách mạng miền Nam từ trong máu và nước mắt, trong đau thương và chết chóc đang gượng mình đứng dậy, ra sức chuyển đêm thành ngày.

Câu chuyện của Nguyễn Chơn

Tỉnh ủy bí mật Quảng Nam, bấy giờ thật sự chỉ còn là một nhóm người đói khát mà cháy bỏng ý chí và khát vọng, đang náu mình trong một khu rừng sâu dưới chân ngọn núi Chúa. Cái tỉnh ủy bí mật ấy có một ban quân sự. Gọi là quân sự, kỳ thực chỉ là một nhúm vũ trang mà số người đếm được trên đầu ngón tay, do anh Nguyễn Chơn phụ trách. Họ có một điện đài hết sức thô sơ...

Một đêm nọ, cái điện đài ấy nhận được một bức điện bí mật từ Hà Nội chuyển vào: “Trung ương gửi cho các đồng chí Quảng Nam một số súng bằng đường biển. Thuyền sẽ vào bến Hố Chuối dưới chân đèo Hải Vân. Hãy cử người đón, từ đêm mồng một Tết âm lịch”.

Nguyễn Chơn được giao nhiệm vụ đi đón chuyến vũ khí đó. Ngày trốn trong hang đá. Đêm ra ngồi trên những tảng đá hoang vắng, tê buốt, chong mắt nhìn ra biển đen, sục tìm bóng dáng một con thuyền.

Đêm nào cũng vậy. Gạo hết. Cả củ chuối rừng cũng đã đào ăn hết.

Một đêm. Hai đêm. Ba đêm... Mười đêm... Hai mươi đêm... Một tháng ròng...

Thuyền không đến. Súng không đến. Còn người?

Anh Nguyễn Chơn nói:

- Cho đến tận hôm nay, tôi cũng không hề được biết những người tôi phải đi đón ngày ấy là ai.

Im lặng một lúc lâu rồi anh lại nói:

- Có lẽ chỉ có thể đoán rằng những thủy thủ đó chắc phải là người Quảng Nam, hẳn quê một làng, một xã nào đó cũng quanh chân đèo này thôi, có thể từng là dân đánh cá rất am hiểu biển bờ núi non ở đây, hẳn người ta phải chọn những người như vậy để đưa con thuyền bí mật vào bến này...

Một người vô danh

Ước đoán đó của anh Nguyễn Chơn bỗng gợi lên cho chúng tôi một ý tưởng: có thể tìm ra, ít nhất là đôi chút dấu vết của những người thủy thủ vô danh đã biệt tích mãi mãi ấy, ở đâu đó trong các xóm làng ven chân ngọn đèo này chăng?

Chúng tôi la cà trong làng chài Nam Ô. Gặp các mẹ, các bà, các cụ già... Và kỳ lạ thay chúng tôi tìm ra, không phải là một dấu vết mà là một con người. Một thủy thủ của chuyến đi đầu tiên huyền thoại ấy. Con người ấy còn sống. Một ngư dân làng chài Nam Ô hôm nay: anh Huỳnh Ba.

Đó là một người đã hơn 60 tuổi, tóc muối tiêu, chân mày đã có sợi bạc. Ngồi lẫn trong đám ngư dân trên bãi biển hôm nay thật khó nhận ra ở anh một nét gì đặc biệt, thậm chí anh còn có vẻ hơi lẩn khuất trong đám người ồn ào.

Chỉ thật tinh mới có thể dần dần nhận ra điều này: anh không có hoặc là đã đánh mất đi nét tính cách thường gặp phổ biến ở những người dân biển: khoáng đạt, ồ ạt, liều lĩnh, ồn ào, ăn sóng nói gió, bạt mạng. Ở anh là sự trầm tĩnh, suy tính, cẩn trọng. Đôi mắt rất kín đáo, luôn quan sát, dò xét, tính toán. Anh nói chậm và nhỏ, ít lời, như cân nhắc từng lời nói ra.

Tất cả ở anh đều thể hiện một tính cách chín chắn, cẩn trọng, có lẽ đúng hơn nữa: cảnh giác. Sự gan dạ, có thể là sự gan dạ đến quyết liệt, gan lì ẩn sâu trong đôi mắt màu nâu đục nặng trĩu suy tư.

Ngày ấy, người ta đã chọn một con người như vậy để tiến hành chuyến mở đường đầu tiên mạo hiểm xuyên biển Đông: một con người đã từng trải trong hoạt động địch hậu, biết giấu dưới cái vẻ mộc mạc, giản dị, bình thường, tầm thường bên ngoài của mình sự mưu trí vừa liều lĩnh quyết liệt vừa cẩn trọng, và cái quyết tâm có thể còn rắn hơn cả sắt thép.

Tiểu đoàn 644, hay có khi còn gọi là đơn vị 759, tức là cái “tập đoàn đánh cá miền Nam” mạo danh đóng ở cửa sông Gianh ngày ấy, tập hợp toàn những con người như vậy đấy, không nhiều.

Một số ra Bắc từ ngày tập kết 1954, một số ở lại trong Nam, là đảng viên được bố trí nằm vùng hoạt động bí mật trong lòng địch, rồi sau đó vượt tuyến ra Bắc theo một mật lệnh phát ra từ một trung tâm chỉ đạo nào đó mà chính họ cũng không hề biết.

Huỳnh Ba thuộc loại thứ hai. Anh là đảng viên, được bố trí ở lại nằm vùng. Và giữa năm 1959 Huỳnh Ba nhận được lệnh bí mật tìm đường vượt tuyến, qua sông Hiền Lương, ra Bắc... Anh trở thành một trong những chiến sĩ đầu tiên của “tập đoàn đánh cá miền Nam” ở cửa sông Gianh.

Ở đấy họ đi đánh cá thật sự cùng với ngư dân địa phương để ngụy trang. Và bí mật đóng thuyền: những chiếc thuyền đánh cá hệt kiểu thuyền Quảng Nam, ở Quảng Nam người ta gọi là ghe bầu.

Những ngày tháng chạp năm 1959. Ở “tập đoàn đánh cá miền Nam” tại cửa sông Gianh, người ta khiêng, chất đống những thùng hàng bọc vỏ thiếc, những bó súng quấn vải dầu chống thấm.

4 giờ chiều.

Trên bến sông Gianh, 10 con người, năm người đi tiễn năm người sẽ lên đường. Chén rượu chia tay. Những cái nắm tay siết chặt, rất có thể là lần cuối cùng.

Cánh buồm được kéo lên, trắng nhờ trong đêm đen.

Một cơn gió bất ngờ ào đến.

Chiếc ghe giả rời bến, lao ra khơi, lao vào đêm đen.

Và mất hút trong màn đêm đặc kín.

Bên chiếc máy điện tín thô sơ, một cô báo vụ viên đang hối hả gõ nhịp máy. Bức điện viết:

Gửi Tỉnh ủy Quảng Nam,
Thuyền rời bến 30 tết. Dự kiến đến sau hai ngày. Đón tại Hố Chuối chân đèo. Nhận được báo cáo...

Chuyến đi mở đường

Anh Huỳnh Ba kể lại với chúng tôi câu chuyện năm xưa của anh trên một chuyến anh rủ chúng tôi cùng đi biển đánh cá. Câu chuyện được rì rầm kể lại trên biển đêm yên tĩnh.

- Chúng tôi có năm người: anh Nguyễn Xanh, quê Tam Kỳ, về sau đã hi sinh. Anh Trần Mức, quê Quảng Ngãi, về sau có về làm cán bộ huyện đội Mộ Đức, Quảng Ngãi, cũng đã hi sinh. Anh Huỳnh Sơn, người Thăng Bình, đã hi sinh. Anh Nguyễn Nử, người Duy Nghĩa, Duy Xuyên, cũng đã hi sinh.

Và tôi. Nay còn lại mỗi mình tôi.

Tất cả chúng tôi đều từng là thủy thủ trong các đội thuyền chở vũ khí bí mật từ Khu 5 vào Khu 6 và Nam bộ thời chín năm chống Pháp. Thời ấy chúng tôi từng có kinh nghiệm: ra đi vào đúng những ngày dông bão lớn, biển động hoặc những ngày tết. Ấy là những lúc địch xao nhãng tuần tra trên biển. Giờ đây cũng vậy, ra đi đúng đêm 30 tết.

Đêm thứ nhất, tức đêm giao thừa, đã phải vật lộn với gió cấp 5, cấp 6. Đến sáng mồng 1 thì trời xuống gió to hơn: cấp 7, cấp 8. Vẫn ra sức chống chèo. Khoảng 12 giờ trưa, bị gãy mất tay lái. Nhưng chúng tôi còn một tay lái dự phòng. Đến trưa mồng 2 thì gãy tiếp tay lái thứ hai. Kéo lên sửa mấy lần không được. Bây giờ thì đành thả trôi.

Sáng mồng 4, tôi nhận ra đảo Lý Sơn cách chừng 6- 7km. Biển đã lặng. Biển lặng thì dân Lý Sơn đổ ra đánh cá nhiều. Mà bọn thuyền địch cũng ra. Tức là có nguy cơ bị bắt. Chúng tôi quyết định thủ tiêu hàng hóa. Tất cả có 6 tấn: 500kg vải, 400kg nilông đi mưa và thuốc men, chủ yếu là thuốc chống sốt rét. Còn lại toàn súng đạn. Vứt hết xuống biển. Có một nguyên tắc: tuyệt đối không để hàng rơi vào tay địch...

4g30 chiều hôm đó chúng tôi bị bắt. Đã bàn với nhau trước: chúng tôi là thuyền đánh cá, bị bão trôi dạt vô đây. Tất nhiên là chúng không tin. Bị giam ở đảo Lý Sơn một tuần. Rồi đưa về Đà Nẵng nhốt hai tháng rưỡi. Rồi vào Tổng nha Sài Gòn. Rồi Chí Hòa. Lao Chí Hòa đầy quá lại gửi qua lao Gia Định.

Đầu năm 1961 về Phú Lợi. Năm 1964 nhà lao Phú Lợi giải tán, tôi ra Côn Đảo. Ở Côn Đảo, lâu lâu lại bị gọi về Sài Gòn tra khảo, khai thác. Trước sau tôi ra Côn Đảo tất cả 12 lần... Cho đến cuối năm 1974 tôi được thả ra. Bệnh tật, xơ xác. Lần mò về được đến Nam Ô cũng vừa là ngày giải phóng Đà Nẵng, 29-3-1975...

Sau chuyến mở đường đầu tiên thất bại, có một cuộc họp đã diễn ra bên tấm bản đồ lớn, đất và biển miền Nam. Rồi một bức điện tuyệt mật được đánh đi từ cơ quan đầu não tối cao:

Gửi Trung ương Cục và tất cả các tỉnh ven biển miền Nam,

Các tỉnh tổ chức cho thuyền bí mật vượt biển ra Bắc, báo cáo tình hình bến bãi, tình hình địch bố phòng ven biển và tuần tiễu trên mặt biển. Rồi trực tiếp dẫn tàu vào...

Một hành trình mới xuyên biển lại bắt đầu, từ phía Nam ra...

Logged
quydede
Thành viên
*
Bài viết: 17



« Trả lời #7 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2008, 11:07:59 am »


Đi về hướng sao Bắc Đẩu

Trong tài liệu lưu trữ của Lữ đoàn Hải quân 125 có ghi một số tên những người đầu tiên đã đi xuyên biển từ phía Nam ra tìm bắt liên lạc với Trung ương theo bức điện chỉ thị tuyệt mật ngày ấy: Bông Văn Dĩa, Tư Mau, Đặng Văn Thanh, Lê Hà...

Nhưng khi chúng tôi tìm đến nơi thì chỉ còn có thể đến nghiêng mình trước nấm mộ đồng chí Bông Văn Dĩa ở Rạch Gốc, Cà Mau và đồng chí Tư Mau ở Rạch Giá, Kiên Giang.

Những nấm mộ thì im lặng. Chúng tôi đã đến quá muộn!...

Song cũng còn may: một anh bạn chúng tôi, là nhà văn, có cho chúng tôi đọc mấy cuốn sổ tay ghi chép của anh khi anh tìm về Rạch Giá gần 10 năm trước, được gặp đồng chí Tư Mau lúc ông còn sống và được làm việc với ông.

Đó là những trang ghi chép vội, một thứ tư liệu mộc, chưa hề được nhào nặn, pha chế. Nhưng chính vì thế mà còn giữ được ít nhiều vẻ tươi nguyên của một vỉa quặng vừa được xới lên từ những lớp sâu của thời gian.

Chuyện kể của đồng chí Tư Mau, trích từ những trang ghi chép:

Đi tìm ông Hai Địa

“Tôi được biết tên anh Hai Địa tức đồng chí Bông Văn Dĩa lần đầu tiên vào năm 1957 hay 1958. Mới biết tên, nhưng ấn tượng hết sức đậm. Câu chuyện thế này: hồi bấy giờ anh Ba Duẩn, tức đồng chí Lê Duẩn, ở Kinh Năm, một con rạch nhỏ tận cuối mũi Cà Mau.

Địch đánh phá ác liệt lắm, cả vùng U Minh mênh mông là vậy mà hầu như không còn chỗ an toàn, lúc về Kinh Năm là nơi cuối cùng. Nhưng rồi Kinh Năm cũng bị lộ. Tôi ở bộ phận bảo vệ anh Ba. Anh Ba bảo:

- Lộ rồi. Phải đi thôi!

- Đi đâu bây giờ?

Anh Ba nói:

- Còn một chỗ. Còn một người có thể tin cậy: anh Hai Địa ở Rạch Gốc. Rạch Gốc là đất có thể nương náu. Đó là căn cứ địa của cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai hồi 1941. Chính Hai Địa là cơ sở của đồng chí Phan Ngọc Hiển, từng tham gia cướp chính quyền Hòn Khoai về sau bị tù Côn Đảo. Ở Côn Đảo, mỗi lần chúng tôi bị địch kéo ra đánh thì Hai Địa xông ra chịu đòn thay... Phải đi tìm Hai Địa...

Vậy là chúng tôi đi. Một chiếc vỏ lãi, ba người: anh Ba, tôi và ông Hắc Hổ chèo thuyền. Chèo suốt một ngày tới Rạch Gốc. Nhưng Hai Địa không có nhà, anh ấy đang đi hoạt động trên miệt Cần Thơ. Chị Hai cho chúng tôi ăn cơm. Ngồi được một lúc thì có mấy thanh niên tới. Họ cứ nhìn chằm chằm anh Ba, rồi lân la hỏi thăm tình hình phong trào.

Anh Ba kéo tôi ra ngoài, bảo: “Thế là lộ rồi, phải đi thôi...”. Vậy là chúng tôi lại ra đi... Tức là lần đó tôi không gặp được anh Hai Địa. Nhưng lời anh Ba Duẩn thì tôi vẫn nhớ: đó là con người có thể tin cậy trong lúc khó khăn cùng cực của cách mạng.

Năm 1961 tôi làm chính trị viên tiểu đoàn bảo vệ Khu ủy Khu 9 vẫn đóng quanh quẩn vùng Bạc Liêu, Cà Mau. Tôi được biết Trung ương có chỉ thị các tỉnh ven biển miền Nam cho thuyền vượt biển ra Bắc để tính chuyện chở vũ khí về. Bấy giờ âm thầm nhưng sôi nổi lắm.

Bà Rịa cho thuyền ra, do anh Năm Đông tổ chức. Trà Vinh thì cử sáu đồng chí, mang bí danh là Đoàn, Kết, Đấu, Tranh, Thắng, Lợi. Bến Tre cho thuyền ra do anh Tư Thắng phụ trách. Khu 6 cũng cử anh Đặng Văn Thanh đi ra, theo đường Trường Sơn. Bạc Liêu cử hai thuyền, do anh Bông Văn Dĩa làm bí thư chi bộ... Các chuyến ra đều rất gian nan.

Thuyền Bà Rịa bị địch bắt ở Nha Trang, sau thoát được lại trôi dạt vào đảo Hải Nam. Thuyền Trà Vinh gặp bão lớn, phải đốn bỏ cả cột buồm, trôi dạt sang tận Hương Cảng... Riêng anh Hai Địa dạt vô bờ biển Quảng Bình, bị dân quân ta bắt, tưởng là biệt kích ngụy, đánh cho một trận và giam chặt.

Anh Hai Địa nhất định không tiết lộ nhiệm vụ, chỉ một mực yêu cầu giải về Trung ương, trực tiếp gặp anh Ba Duẩn. Mãi mới được chuyển về huyện. Lại giam. Rồi chuyển về tỉnh. Anh Hai Địa dọa đồng chí công an tỉnh: “Các đồng chí không đưa tôi đi gặp đồng chí Lê Duẩn ngay, sau này lỡ việc lớn, phải chịu trách nhiệm”. Vừa may lúc đó anh Ba Duẩn đang đi công tác ở Quảng Bình. Tỉnh ủy báo cáo:

- Có người trong Nam ra, tự xưng tên là Hai Địa, đòi gặp trực tiếp đồng chí, không chịu khai báo gì nữa.

- Ở đâu? Ở đâu?...

Vậy là hai người gặp được nhau, hai người bạn tù Côn Đảo mấy mươi năm trước. Họ ôm chầm lấy nhau...

Đầu năm 1962, tôi được lệnh đồng chí Vũ Đình Liệu gọi lên, giao nhiệm vụ:

- Đồng chí Bông Văn Dĩa ra bắt liên lạc với trung ương nay đang trên đường trở về. Đồng chí dẫn một tiểu đội xuống Rạch Gốc đón và đưa đồng chí Dĩa về đây báo cáo... Đã biết mặt Bông Văn Dĩa chưa?

Tôi bảo:

- Chưa gặp nhưng đã biết.

Khai thông con đường biển Đông

Chúng tôi xuống Rạch Gốc, chờ 10 ngày thì thuyền anh Hai Địa về. Tôi đưa anh lên ngay khu ủy báo cáo. Nghe báo cáo có các anh Ba Bường, Ba Hương, Mười Thơ, Vũ Đình Liệu. Trung ương nhận định tình hình bến bãi trong này như anh Hai Địa ra báo cáo là chưa cụ thể, chưa bảo đảm. Chưa thể đưa tàu vào.

Cần về khảo sát và ra báo cáo lại. Cần khảo sát cả các đảo ven bờ và ngoài khơi, cả đảo Trường Sa, có thể dùng một số đảo làm trạm trung chuyển, lập kho bí mật, trung ương đưa tàu vào đấy, các tỉnh miền Nam dùng thuyền nhỏ ra lấy chở về...

Khu ủy quyết định thành lập một ban chỉ huy cho công tác đặc biệt này do anh Ba Hòa làm trưởng ban, tôi làm phó, đưa một đại đội được chọn lọc kỹ xuống căn cứ ở vùng rừng Cà Mau và giao anh Hai Địa cùng tôi đi khảo sát các đảo.

Chúng tôi dùng thuyền máy Arona, đi bốn người: anh Hai Địa, tôi, anh Tranh, anh Huynh, ra cửa Rạch Gốc, xuôi xuống Hòn Chuối, tạm nấp ở đó, đến 4 giờ chiều thì bắt đầu nổ máy chạy suốt đêm, 5 giờ sáng hôm sau đến đảo Thổ Chu.

Bấy giờ là tháng năm ta, chúng tôi cập gần đảo, tạm dừng, pha trà uống. Đang uống trà, chợt giật mình thấy một chiếc ghe nhỏ từ trong bờ đảo chèo ra. Cập ghe lại hỏi thăm, biết đấy là ông Năm Lặc, người Rạch Giá, ra đây câu đồi mồi. Thổ Chu rất nhiều đồi mồi.

Ông Năm Lặc cho biết bà con miệt Rạch Giá, Hà Tiên vẫn thường ra đây bắt đồi mồi, hoặc đi đánh cá các nơi thường ghé về đây phơi cá trước khi chuyển về đất liền. Cũng có người ra đây tìm trứng nhàu...

Chúng tôi quanh quẩn ở quần đảo Thổ Chu mấy ngày, cuối cùng đi đến kết luận: không ổn! Đây không hoàn toàn là đảo hoang, người đi lại khá nhiều, phức tạp, không thể lập kho vũ khí bí mật.

Đành bỏ Thổ Chu, đi Trường Sa. Trường Sa có một số đảo hoang, nhưng nhiều nước nhòm ngó, lại càng quá xa bờ, bất tiện hơn nhiều.

Lại quay về ven vịnh Thái Lan, miệt khơi Rạch Giá, Hà Tiên. Vùng biển này có hơn trăm đảo lớn nhỏ, nay ta gọi là huyện Kiên Hải. Đảo lớn thì đông dân, đảo nhỏ không nhiều người ở nhưng quá gần bờ, người đi lại luôn. Chúng tôi lần khắp, tính đi tính lại thấy không xong... Vậy là phương án lấy các đảo làm trạm trung chuyển không thành...

Về báo cáo, khu ủy chỉ thị: vậy thì quay lại nghiên cứu các bến. Lại ra đi. Lần mò suốt dọc từ miệt bờ biển Sóc Trăng, Bạc Liêu xuống tới mũi Cà Mau, rồi từ mũi Cà Mau lần lên hướng Rạch Giá, Hà Tiên. Nắm tình hình địch, tình hình dân, dò các lạch, đêm đêm mò ra đo độ sâu lúc nước cường, lúc nước ròng.

Tìm ra cửa lý tưởng nhất là cửa Bồ Đề, lạch sâu 3,8m, tàu ta có thể vào thong thả. Các cửa Rạch Gốc, Hố Bỏ Gùi, Vàm Lũng, Vàm Cái Su cạn hơn nhưng lúc nước cường vẫn vào được, lại có lạch kín, rừng đước dày, có thể đào ụ giấu tàu và lập kho lớn chứa vũ khí...

Sau chuyến khảo sát này, khu ủy quyết định cử hai thuyền ra báo cáo trung ương, một chiếc do anh Hai Địa phụ trách xuất phát tại cửa Rạch Gốc ngày 24-7-1962, một chiếc tôi phụ trách xuất phát sau hai ngày. Đi hai thuyền là đề phòng mất một vẫn còn một.

Anh Hai Địa đi trót lọt, đến cửa Việt ngày 29-7.

Còn tôi đến ngang Đà Nẵng cách bờ 50km thì bị tàu địch rượt đuổi suốt một ngày, đến 10 giờ đêm 30-7 thì bị chúng bắt...

Bị giam ở Đà Nẵng một năm trường. Đến tháng 6-1963 mới được tha. Lần về tới chiến khu Bạc Liêu thì anh Hai Địa đã chở được chuyến tàu gần 50 tấn súng đạn về bến Rạch Gốc.

Con đường biển Đông đã chính thức được khai thông.

Và cả một mạng lưới các bến liên hoàn từ Bà Rịa dài suốt đến Cà Mau đã được hình thành. Riêng vùng Rạch Gốc - quê anh Hai Địa - đã được tổ chức thành một khu căn cứ hoàn chỉnh chặt chẽ”.

Những chuyến tàu mạo hiểm đã xẻ dọc biển Đông, đưa súng đạn cho người đang cần súng đạn để chiến đấu và tự vệ. Tiếng miền Nam gọi khẩn thiết đã giục giã ra khơi những con tàu lớn hơn. Và một người lính đã được chọn lựa cho nhiệm vụ tuyệt mật này.

Một câu chuyện lạ lùng và cảm động…

Logged
quydede
Thành viên
*
Bài viết: 17



« Trả lời #8 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2008, 01:50:20 pm »

Câu chuyện của người lính già


Từ Hải Phòng, qua phà Bính, rẽ về tay trái khoảng mươi cây số sẽ gặp một vùng đất có dáng dấp trung du: những cụm đồi nối nhau thoai thoải, cao dần về hướng đông bắc.

Làng xóm nằm ven đồi, thượng gia hạ điền: trên đồi là nhà, có vườn, dưới chân là ruộng. Len lỏi vào các xóm làng chen chúc ấy, thỉnh thoảng có thể gặp dấu vết những căn hầm lớn khoét sâu vào sườn đồi.

Có hầm đã sập, nhưng cũng có hầm còn khá nguyên vẹn, gỡ đi vài lớp rêu phong xanh rì có chỗ còn có thể nhận ra cả dấu xẻng công binh xén sâu vào lớp đất bazan đỏ sậm: chính nơi đây một thời từng là căn cứ địa, là sở chỉ huy của một đơn vị thường được những người ít nhiều có liên quan nhắc đến một cách tò mò và thán phục: đơn vị “những con tàu không số”. Còn những người trong cuộc thì biết rõ tên tuổi của nó: Lữ đoàn Hải quân 125.

Người thủy thủ già ở lại

Những người lính của cái lữ đoàn bí mật huyền thoại một thời đó, những sĩ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, những thuyền trưởng, thủy thủ, báo vụ viên, thợ máy... ngày ấy từ khắp đất nước tập hợp về đây, nay đều đã đi xa.

Người đã hy sinh, mãi mãi biệt tích trên biển Đông, người đã chuyển ngành, người đã về hưu... Duy còn một người vẫn ở lại đây. Một người lính thủy già, quê tận Cà Ná, tít tận miền Phan Thiết trong cực Nam Trung bộ xa xôi: anh Đặng Văn Thanh.

Thường vẫn vậy trong những trường hợp này: có một mối tình sâu đậm nào đó đã giữ chân người lính bôn ba lại nơi làng quê hẻo lánh này. Trường hợp Đặng Văn Thanh chính là như vậy. Sau những chuyến mạo hiểm trên biển lớn, anh thường trở về nơi này, chỉ huy sở của các con tàu không số, báo cáo công tác hay nghỉ ngơi lấy sức dăm ngày.

Chính trong một căn hầm chỉ huy khoét sâu vào lòng đồi nay đã sạt lở gần hết, anh đã gặp một chị hội trưởng phụ nữ xã có đôi mắt lá răm sắc dài. Hỏi thăm mới biết đó là một người vợ liệt sĩ. Họ quen nhau, ân cần và kín đáo chăm sóc cho nhau. Chị thấy bồn chồn lo lắng mỗi lần anh từ giã ra đi, lao ra biển khơi mịt mùng. Chị hao gầy đi những ngày chờ đợi.

Và như sống lại, tươi tắn, tinh khôi, đôi mắt lá răm cố giấu một niềm hạnh phúc không kìm nổi mỗi lần anh trở về... Cho đến ngày cuối chiến tranh, họ trở thành vợ chồng...

Bây giờ thì người thủy thủ già đã thật sự trở thành một bác nông dân chính cống. Nhà anh chị nằm ven sườn đồi. Trước sân là cái giàn mướp sai quả, giàn mướp không phải đan bằng tre mà là một tấm lưới cũ giăng giữa mấy cây cột chống bằng sắt gỉ. Phía ngoài sân là chiếc giếng rất sâu, gàu được kéo bằng ròng rọc hẳn lấy được về từ một chiếc tàu cũ nào đó. Cạnh đấy là ao cá, anh Thanh bảo mỗi mùa thu được hàng 5-6 tạ cá mè...

Chúng tôi ngồi với nhau giữa sân, trên chiếc nong lớn, quanh mâm rượu có một chai cuốc lủi to bự và mấy con cá khô nướng làm mồi chị Thanh đã chu đáo dọn sẵn cho chúng tôi. Anh Thanh nói:

- ...Sau hiệp định Genève 1954, tôi không đi tập kết mà được lệnh ở lại nằm vùng hoạt động. Rồi tôi được giao nhiệm vụ giả đi đánh cá, điều tra kỹ vùng Mũi Đèn và về khu ủy báo cáo cụ thể tình hình sông nước, bến bãi, tình hình địch bố phòng tuần tra trên đất trên biển ra sao, tình hình dân. Làm xong thì có liên lạc đến, dẫn lên rừng, về chỗ anh Lê, anh Hiền. Đồng chí liên lạc dặn trước khi đi phải sắm sẵn nilông, võng dù, hănggô.

Tôi cũng nghĩ chắc lên rừng thì phải có đủ những thứ đó chứ không ngờ... Lên đến nơi, ở trạm giao liên vài ngày thì một buổi chiều thấy anh Lê và anh Hiền ra, tay xách mấy chai rượu cần và một hănggô cơm nếp. Hai anh ở lại suốt đêm ấy rỉ rả nói chuyện. Anh Hiền bảo:

- Anh Thanh mấy năm nay vất vả, sức yếu lắm rồi, mắt mờ, tóc rụng hết. Nay khu ủy quyết định Thanh phải ra Bắc nghỉ một thời gian, chữa bệnh, học hành, rồi sẽ trở về phục vụ. Thanh cứ đi, đừng suy nghĩ gì. Cách mạng miền Nam còn dài. Cứ đi, rồi sẽ trở về, trên có cho ít súng đạn, tìm cách mang về cho anh em trong này càng tốt...

Khu ủy giao cho Thanh cái phong bì này, phải giữ thật kỹ, trường hợp bất trắc nhất thiết không để rơi vào tay giặc, dù hi sinh cũng phải bảo đảm thủ tiêu trước khi ngã xuống. Ra đến Hà Nội chỉ được giao tận tay một người là đồng chí Võ Nguyên Giáp.

Hai nhiệm vụ từ đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tôi đi đường Trường Sơn gần tám tháng mới ra tới miền Bắc, tới Quảng Bình thì có xe con đón thẳng về Hà Nội. Lúc ở 105 Quán Thánh, lúc ở Ban Thống nhất trung ương, loanh quanh luẩn quẩn chẳng biết làm gì, không được ra đường, chỉ ăn uống bồi dưỡng, thỉnh thoảng xe đưa đi khám bệnh rồi đưa về, lại loay hoay một mình trong phòng.

Đó là khoảng cuối năm 1961... Cho đến một bữa chiều, tôi đang ở Ban Thống nhất thì có người đưa xe đến đón bảo đi có việc. Xe chạy quanh co một lúc thì đến một ngôi nhà, sau này tôi mới biết là số nhà 36 Lý Nam Đế. Người dẫn đường đưa tôi lên tầng hai, vào một căn phòng rộng, có một chiếc bàn lớn và bốn cái ghế bành.

Trên bàn bày sẵn bánh kẹo, bia, nước ngọt. Một người mặc quân phục nhưng không đeo quân hàm bảo: “Đồng chí ngồi nghỉ, chờ một lúc”.

Vài phút sau cửa phòng mở, một người bước vào, chắc đậm, quần kaki, áo lụa ba túi. Tôi đứng dậy nhưng không biết là ai. Người mặc quân phục - sau này tôi biết là sĩ quan tham mưu - nói:

- Báo cáo thủ trưởng, đây là đồng chí Đặng Văn Thanh, vừa ở Khu 6 ra.

Rồi anh quay lại phía tôi:

- Đây là đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đồng chí Thanh chào đại tướng đi...

Tôi sững sờ.

Đại tướng bước lại bắt tay tôi, rồi ôm lấy cả hai vai tôi:

- Đồng chí Thanh ngồi xuống đi. Nào, đã lâu lắm tôi không được nghe giọng nói Phan Thiết. Nào ngồi xuống. Và nói chuyện cho chúng tôi nghe đi.

Đại tướng tự tay bóc thuốc và rót nước cho tôi:

- Đồng chí Thanh đi đường mất mấy tháng? Sức khỏe bây giờ thế nào? Đã đi khám bệnh chưa?... Anh Lê, anh Hiền có khỏe không?

Tôi đứng dậy:

- Thưa đại tướng, có cái phong bì này anh Hiền dặn tôi chỉ được đưa tận tay đại tướng...

Ông cầm phong bì nhưng đặt xuống bàn.

- Bây giờ đồng chí Thanh kể chuyện cho chúng tôi nghe đã. Tình hình trong ấy thế nào? Bà con ta sống thế nào? Địch hoạt động thế nào? Nhất là nói kỹ tình hình ven biển từ Khánh Hòa vào tới Mũi Đèn. Nói thật cụ thể.

Người sĩ quan tham mưu dẹp mấy cái cốc và trải ra trên mặt bàn một tấm bản đồ lớn. Đại tướng đưa cho tôi một cây bút chì vót nhọn:

- Đây, đồng chí báo cáo đi, chỉ rõ từng chỗ trên bản đồ...

Tôi cầm cây bút, đứng sững trước tấm bản đồ rất lâu. Người sĩ quan tham mưu nhắc:

- Đồng chí Thanh bình tĩnh nói đi.

Tôi quay nhìn đại tướng, lắp bắp mãi mới nói được mấy tiếng:

- Báo cáo... Báo cáo đại tướng... Tôi... tôi không biết chữ...

Căn phòng bỗng lặng ngắt.

Các anh biết không, lúc đó tôi thấy mình có lỗi vô cùng. Đại tướng cũng đứng lặng hồi lâu. Rồi ông nói với người sĩ quan tham mưu, giọng trầm xuống hẳn:

- Anh em ta trong ấy vậy đó...

Ông cầm lấy cây bút chì từ tay tôi, kéo tôi lại cạnh ông:

- Bây giờ thế này nhé, tôi sẽ chỉ từng chỗ trên bản đồ và đồng chí sẽ kể cho chúng tôi biết rõ tình hình từng nơi. Đây này, cái vạch màu đỏ này là đường số 1. Đây là Phan Rang. Đây là Phan Thiết. Còn chỗ này, cái mũi nhọn này, Thanh nhìn rõ không, là Mũi Đèn. Còn đây là Vũng Găng. Đây là Cà Ná...

Như vậy đấy, đêm ấy đại tướng ở lại với tôi rất khuya. Và, các anh biết không, tôi đã kể lại với đại tướng không phải chỉ tình hình các vùng tôi từng biết, từng sống, từng hoạt động. Tôi đã kể với đại tướng tất cả cuộc đời tôi. Từ ngày là thằng bé mồ côi cha mẹ, 8 tuổi đã làm nghề lặn cá ở biển Cà Ná...

Đại tướng ngồi nghe, thỉnh thoảng mới nhắc một câu:

- Thanh uống nước đi đã.

... Cho đến khi người cán bộ tham mưu rời quyển sổ ghi chép đứng dậy nói:

- Báo cáo thủ trưởng, đã 1 giờ sáng...

Đại tướng cũng đứng dậy. Ông nói:

- Cám ơn, cám ơn đồng chí Thanh...

Lần này ông không bắt tay tôi mà ôm chặt cả hai vai tôi. Ông nói:

- Bây giờ đồng chí Thanh có hai nhiệm vụ, tôi giao nhé, phải làm kỳ được. Một: chữa bệnh, bồi dưỡng cho thật khỏe. Tóc rụng hết cả rồi đây này... Hai: phải đi học. Học chữ và học chuyên môn. Khi nào hoàn thành nhiệm vụ, báo cáo cho tôi biết... Thôi, về đi. Đêm nay ngủ thật ngon...

Vậy là anh Đặng Văn Thanh đi học. Lớp học chỉ một thầy một trò. Sau ba tháng biết đọc biết viết thì được chuyển sang học hàng hải, la bàn..

Một nhiệm vụ mới đang chờ đợi anh.

« Sửa lần cuối: 22 Tháng Tám, 2008, 01:52:14 pm gửi bởi quydede » Logged
quydede
Thành viên
*
Bài viết: 17



« Trả lời #9 vào lúc: 22 Tháng Tám, 2008, 01:54:39 pm »


Những con tàu không số
Xong cái đận học hành ấy, xe lại chở anh Đặng Văn Thanh về 83 Lý Nam Đế. Anh Thanh kể: “Nằm chờ ở Lý Nam Đế khoảng một tuần, một hôm anh Đoàn Hồng Phước cho gọi tôi lên cùng 12 người nữa, tất cả đều là đảng viên, toàn người Khu 5, Khu 8 và Khu 9, đều lớn tuổi hơn tôi.

Tàu không số

Anh Phước nói:

- Đã đến lúc chuẩn bị lên đường. 13 đồng chí thành một đội, một chi bộ. Đồng chí Thanh là chính trị viên, bí thư chi bộ. Đồng chí Thêm là thuyền trưởng. Đồng chí Năm là máy trưởng.

Ngày hôm sau có một đồng chí người gầy, cao, về sau tôi mới biết là đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, chủ nhiệm Ban Thống nhất trung ương, đến liên hoan chia tay, rồi chúng tôi được chở xuống Đồ Sơn, vào thẳng khu vực cấm ở Pagodon và được nhận tàu.

Người ta gọi đơn vị chúng tôi là “đơn vị tàu không số”. Đó là một cách gọi để nhấn mạnh tính chất bí mật của đơn vị này, công tác này. Thật ra thì các tàu đều có số hiệu chính thức riêng của mình, ghi rõ trong sổ sách mật của đơn vị nhưng không ghi trên thân tàu. Còn trên thân tàu thì ghi số hiệu giả, thường xuyên thay đổi. Chúng tôi mang theo đầy đủ các loại sơn, đến mỗi vùng biển lại sơn lại số hiệu giống như các con tàu đánh cá ở những vùng biển ấy.

Riêng về mục tàu bè của chúng tôi cũng là cả một câu chuyện lịch sử khá dài. Chiếc đầu tiên chở được 15 tấn vũ khí vào Nam chính là chiếc ghe lưới Bạc Liêu do đồng chí Bông Văn Dĩa mang ra trong chuyến dò tìm đường ra Bắc báo cáo. Chiếc ấy đồng chí Dĩa để lại ở Quảng Bình, đã hư nát nhiều.

Bấy giờ còn một chiếc ghe lưới tương tự như vậy nữa do các anh ở Trà Vinh đem ra. Ta quyết định sửa chữa lại để đi những chuyến mở đường đầu tiên. Hải quân đi thuê sửa chữa thì dễ lộ nên ta phải nhờ đồn công an vũ trang Quảng Bình đứng ra thuê công trường gỗ Quảng Bình sửa chữa phần vỏ và Nhà máy cơ khí 6-1 Đồng Hới làm phần máy.

Chắc anh em công nhân công trường gỗ Quảng Bình và Nhà máy cơ khí 6-1 Đồng Hới trong khi làm công việc này cũng nghĩ là công an vũ trang cần một số ghe lưới kiểu miền Nam để tuần tra vùng biển giới tuyến, không hề ngờ đến con đường đi và mục đích thật của nó.

Trong khi đó xưởng đóng tàu 1 Hải Phòng được lệnh gấp rút đóng bốn tàu gỗ lớn hơn, trọng tải trên 30 tấn, có buồm kết hợp với máy đẩy, đặc biệt máy đẩy phải là loại máy đẩy của Mỹ chứ không dùng loại của xã hội chủ nghĩa.

Vỏ tàu toàn gỗ tốt: sến, trai, dền dền, chịu đựng được sóng to giữa biển lớn; còn máy đẩy thì anh em đi sục tìm khắp nơi, thậm chí có cả chỉ thị của thủ tướng chính phủ huy động tất cả cơ sở, cuối cùng mới tìm được một máy Grey Marin của Mỹ 220 sức ngựa, lắp cho một chiếc. Ba chiếc còn lại đành phải lắp máy Suda của Tiệp Khắc, có dáng dấp hơi giống máy các nước phương Tây sản xuất.

Chiếc tàu gỗ thứ nhất do đồng chí Bông Văn Dĩa chỉ huy xuất phát từ bến Đồ Sơn ngày 8-4-1962, đến bến Đầm Chim, Cà Mau ngày 18-4-1962.

Như vậy tàu chúng tôi được nhận là chiếc tàu gỗ thứ hai.

Chúng tôi 13 anh em đến Pagodon Đồ Sơn, xuống xem tàu rồi lên bờ nghỉ ngơi, tiếp tục ăn uống bồi dưỡng, không phải làm gì cả. Đêm đến mới bắt đầu chuyển hàng xuống tàu, nhưng không phải chúng tôi chuyển mà toàn là cán bộ, khoảng hơn chục người, cấp đại tá, có cả tướng. Chuyển suốt một đêm mới được hơn nửa tàu.

Mờ sáng tàu phải chạy vào núp kín trong một gành đá, tối hôm sau mới trở lại bến, lại tiếp tục chuyển. Ngày hôm sau nữa, đúng 8g tối chúng tôi xuất phát.

Ra khơi mùa biển động

Cái nghề này là vậy, chúng tôi ra đi bao giờ cũng đúng giữa mùa gió đông bắc, như vậy thuận gió thuận nước, lại biển động sóng lớn, việc tuần tra của địch trên biển có phần sơ hở hơn.

Chúng tôi nhằm hướng đảo Hải Nam chạy thẳng ra, càng ra khơi sóng càng to, gió càng lớn. Anh em chúng tôi toàn là dân chài, làm ăn trên biển đã dạn dày, vậy mà lần này say sóng nhừ tử gần hết, mửa mật xanh mật vàng, có anh còn mửa ra cả máu.

Ra khỏi đảo Hải Nam 100 hải lý thì máy hỏng. Loay hoay sửa mãi, được một lúc lại hỏng. Tàu rất khẳm, chúng tôi họp cấp ủy, bàn đi tính lại mãi, cuối cùng quyết định quay trở lại... Mất tất cả 22 ngày lênh đênh mới trở lại được Đồ Sơn. Anh em rất buồn. Trên xuống động viên và rút kinh nghiệm, sửa chữa máy móc.

Rồi chúng tôi lại ra đi. Vẫn sóng to gió lớn đến nỗi không nấu được cơm, chúng tôi phải ăn bánh đa thay cơm. Hai ngày hai đêm, vừa qua khỏi vĩ tuyến 17 thì máy vô tuyến điện bị hỏng. Chúng tôi họp bàn quyết định không trở lại nữa, cứ vượt sóng mà đi. Sóng lớn phủ hai bên, tàu chúng tôi trông như một chiếc tàu ngầm...

Ngày thứ tư thấy Nha Trang. Đến đêm sau thì thấy có một ngọn đèn pha, cách chừng 8 hải lý. Anh em bảo là đèn pha Kê Gà, nhưng tôi quan sát kỹ, khẳng định là pha Vũng Tàu. Pha Vũng Tàu chớp ba, từ ngày ở nhà tôi đã thuộc. Vậy là phải nhanh chóng chuyển hướng ngay...

Đến 11g trưa thì chúng tôi bắt được bờ, một dải xanh mờ nhạt ở chân trời phía tây. 2g chiều, một thủy thủ quê Bến Tre nhận ra được cửa Gành Vàng, tức là trên Rạch Gốc chừng 10 hải lý. Mừng quá, chúng tôi cứ bắt bờ xuôi dần xuống. Tới ngang Rạch Gốc thì kéo cờ ám hiệu: một cờ đen, một cờ trắng, hình vuông, theo kiểu cờ ghe đánh cá của đồng bào. Một lúc sau có ba ghe máy cũng kiểu cờ đen trắng từ trong bờ chạy ra. Tất cả chúng tôi đều ùa lên boong tàu, reo to:

- Ta đây rồi! Ta đây rồi!

Ba chiếc ghe máy dẫn tàu chúng tôi vào cửa, theo những đường lạch quanh co và luồn thẳng vào rạch có vòm đước kín bưng. Tôi chưa kịp bước lên bờ thì một người thấp đậm, béo khỏe, mặt tròn chạy thẳng xuống tàu ôm chầm lấy tôi:

- Hoan hô! Hoan hô!

Đấy là lần đầu tiên tôi gặp đồng chí Bông Văn Dĩa.

Nguyên tắc bí mật

Đồng chí Bông Văn Dĩa lúc này đã về phụ trách bến, cùng với đồng chí Tư Mau. Dần dà tôi mới hiểu ra: các anh đã tổ chức cả một hệ thống bến đón liên hoàn từ mạn Trà Vinh, Sóc Trăng xuống đến tận mũi Cà Mau, chặt chẽ, qui mô do một đơn vị lớn lấy tên là Đoàn 962 phụ trách.

Anh Dĩa kéo chúng tôi lên bờ, khui bia, rượu Rồng Xanh liên hoan mừng thắng lợi, sò huyết Cà Mau ngon nổi tiếng cứ luộc từng thúng mà ăn.

Chúng tôi nghỉ lại bến gần một tháng. Bến được tổ chức rất qui củ, có khu nghỉ riêng cho thủy thủ, có bệnh xá, kho vũ khí, kho lương thực, có bảo vệ vòng trong vòng ngoài vững vàng. Lúc này địch mở chiến dịch “Tình thương” lùng ráp vũng Đất Mũi. Khu ủy tăng cường một tiểu đoàn xuống, đánh một số trận, giữ vững khu căn cứ. Tiểu đoàn này được lệnh phải bảo vệ chiếc tàu của chúng tôi bằng bất cứ giá nào, nhất quyết không cho địch đến gần và phát hiện.

Chúng tôi sống rất thoải mái, chỉ có hai điều hạn chế: thiếu nước ngọt (chúng tôi là thủy thủ từ miền Bắc vào được ưu tiên phát mỗi ngày 10 lít nước ngọt, còn anh em tại chỗ chỉ được 1 lít). Và nguyên tắc bí mật rất nghiêm. Tuyệt đối không ai được bước chân ra khỏi khu căn cứ. Nội bất xuất, ngoại bất nhập. Mỗi người chỉ được biết công việc của mình, chỉ ở trong khu vực của mình, không được lân la sang các khu vực khác.

Bấy giờ cả một vùng rừng khá rộng từ Rạch Gốc đến Đất Mũi ở cuối chót Năm Căn thực tế thành một khu cấm địa hết sức nghiêm ngặt, là một khu vực bến đón và kho vũ khí bí mật lớn của ta. Hình như kẻ địch có đánh hơi, nghi ngờ, nhưng không tài nào mon men đến được.

Dân trong vùng này thưa và toàn là cơ sở lâu năm, tuyệt đối trung thành với cách mạng. Nghe nói đôi khi có người ở bên ngoài vô tình đi lọt vào vùng này liền bị lưới canh phòng bí mật của anh em giữ lại và từ đó bắt buộc phải ở lại đây, phân công phục vụ trong một bộ phận nào đấy cho đến hết chiến tranh.

Cuộc sống trong khu căn cứ này nghiêm ngặt là thế, nhưng cũng không phải là khô khan đâu. Vẫn rất sôi nổi và vui. Thậm chí còn có cả chuyện yêu đương, cưới vợ, gả chồng, sinh con đẻ cái nữa. Một thế giới kỳ lạ trong rừng đước âm u, bí hiểm...”.

Anh Thanh còn đi nhiều chuyến nữa, vào Bến Tre, Trà Vinh, Bà Rịa… không phải bằng tàu gỗ mà bằng những con tàu sắt trọng tải 100 tấn. Trên những con tàu không số ấy, cậu bé mồ côi thất học ngày nào đã trở thành anh hùng quân đội.

Cũng như anh, ở Trà Vinh có một người cũng được tuyên dương anh hùng. Cuộc chiến đấu trên biển của thuyền trưởng Hồ Đức Thắng sách đã ghi; nhưng sử sách nào sẽ ghi lại cuộc chiến đấu âm thầm của người vợ, chiến đấu trong đơn độc và tủi nhục…

Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM