Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Năm, 2024, 11:05:34 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vỏ bọc nhiệm màu  (Đọc 49161 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #60 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2009, 06:35:46 pm »


* Một giờ hai cảnh trái ngược

Hai chị em bé Thương Thương ngồi giỡn với nhau. Bé Thanh Phương cười giòn như nắc nẻ. Mỗi lần Thương Thương thổi quả bóng bay màu hồng đung đưa qua mặt, nó vồ được, lại cười nấc lên. Cẩm ngồi bên vừa chuẩn bị cơm trưa vừa tham gia trò chơi với hai đứa nhỏ. Đôi mắt một mí của chị cũng luôn nhỏ tí lại theo tiếng cười của các con.

Thương Thương thật giống ba, còn bé Phương thì giống má. Cả hai có điểm giống nhau là đều rất yêu ba. Mỗi lần thấy ba về, Thương Thương lon ton ra sà ngay vào lòng.

Sáng nay, lúc Trung ra đi, nó cũng níu chân, ríu rít như chim:

- Ba! Ba! Chừng nào ba về?

Để Trung khỏi trễ giờ, Cẩm phải chạy ra dắt tay con:

- Thương Thương để ba đi nghe con, hôm nay ba sẽ về sớm thôi mà.

Chị nựng con và cũng nghĩ thế thật. Tối qua Trung nói: Hôm nay anh chỉ là hoa tiêu dự bị thôi. Đã quen rồi, chị biết là hoa tiêu dự bị rất ít khi bay. Những ngày ấy Trung thường về sớm với các con.

Cẩm đứng dậy, xem đồng hồ. 8 giờ 40 phút, chị quay lui lấy giỏ đang định bồng con Thanh Phương đi chợ thì thấy trước cửa nhà có hai tên sĩ quan an ninh đang đi đi lại lại. “Quái lạ, ở ngõ cụt này có chuyện chi mà mấy ông an ninh đến”. Cẩm nghĩ thế nhưng chắc nhà mình là phi công, chẳng có chuyện gì nên chị vẫn bình thản như thường. Cùng lúc ấy, chị lại thấy có mấy tên cảnh sát nữa, đầu mang mũ sắt trắng, mặt hầm hầm đứng trước cửa nhà mình.

- Bà Trung úy! Xin mới bà lên xe!

Cẩm giật thót mình, bây giờ chị mới nhìn thấy chiếc xe hòm đậu ngoài đường lớn.

- Tôi làm gì mà các ông vô cớ bắt tôi?

Cẩm phản đối. Thương Thương ôm chặt lấy chân chị. Bé Thanh Phương thấy đông người liền bỏ quả bóng bay lồm cồm bò vội vàng lại với má.

Tên sĩ quan an ninh bây giờ mới nói:

- Không phải bắt mà mời bà đi.

- Mời làm chuyện gì, tôi không đi.

- Chuyện lên quan đến ông Trung. Mời bà cứ đến phòng an ninh sẽ rõ.

Bọn chúng vừa nói dứt lời, liền lôi xốc chị và quắp luôn cả hai đứa trẻ vô xe hòm, mặc cho chúng khóc ré lên.

Lúc đó vừa đúng 9 giờ, sau khi Nguyễn Thành Trung đã chấm dứt trận ném bom vào dinh Độc Lập tròn 30 phút.

Cũng trong thời điểm ấy, Nguyễn Thành Trung đang được cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta nồng nhiệt đón tiếp trên một sân bay trong vùng giải phóng.

Trung phải bay đi bay lại mấy vòng mới hạ cánh xuống được sân bay Phước Long này. Anh mới chỉ biết sân bay anh vừa đáp xuống trên bản đồ là một sân bay có đường băng đất lát ghi, có nhiều dài hơn 1 kilômet. Nó chỉ dùng cho các loại máy bay vận tải có tốc độ nhỏ lên xuống.

Chiếc tiêm kích F.5E thường bay với tốc độ nhanh nhất là 1900 kilômét/giờ theo tay lái của Trung lúc này đã phải lượn tới vòng thứ hai trên đỉnh sân bay. Để đảm bảo an toàn, theo quy định với loại máy bay có tốc độ lớn như thế này, đường băng hạ cánh ngắn nhất cũng phải có độ dài là 2 kilômét. Nhưng ở đây Trung ước tính chỉ được trên 1.000 mét. Nguy hiểm hơn, lúc là xuống thấp, Trung thấy có khá nhiều hố bom lỗ chỗ ở cạnh và hai đầu đường băng lát ghi vừa sửa vội. Suốt mấy năm trời cầm lái, kể cả lúc lái máy bay A37 có tốc độ nhỏ hơn, Trung chưa đáp xuống một phi trường kiểu dã chiến như thế này bao giờ. Nhưng bây giờ phải xuống, và xuống được an toàn cả người và máy bay. Đấy là yêu cầu của chính anh cũng như đối với cách mạng qua bộ óc và tay lái của Trung lúc này. “Mình phải về với má hoàn toàn nguyên vẹn”. Quyết tâm của Trung đã có cơ sở từ khi được lệnh của Ban Binh vận qua đồng chí Lê Quốc Lương truyền đạt: “Sẵn sàng và tạo thời cơ dùng F.5E ném bom một hai mục tiêu quan trọng của Thiệu ở Sài Gòn”. Trung biết rằng làm xong việc đó, mình sẽ phải bay hạ cánh xuống một sân bay dã chiến đường băng rất ngắn hẹp, nếu không muốn nhảy dù. Do vậy trong vai phi tuần, lúc trở về hạ cánh, Trung đã thầm luyện tập, cố tình rút ngắn đoạn đường lăn trên sân bay. Các lần đó, máy bay lúc thì bị gãy càng, lúc thì cháy phanh dẫn đến bị kiểm điểm, mang tiếng bay dở và bị Tư lệnh Không quân trừ 30 điểm tiêu cực nên đã không được lên cấp đại úy đúng niên hạn, dù là phi công bay giỏi nhất không đoàn. Nhưng Trung đã yên tâm và thỏa mãn vì đã đạt được ý định của mình.

Sau khi quan sát kỹ sân bay lần nữa, Trung lại vọt lên cao. Anh bay rộng vòng lượn hơn ít nữa rồi giảm cửa dầu cho máy bay là sát mút đầu đường băng với tốc độ nhỏ nhất. Mặt Trung đầm đìa mồ hôi, mắt anh mở căng, nhìn thẳng ra phía trước... Chiếc F.5E tiếp đất ngay từ vệt cỏ sát nút đường băng làm Trung giật bắn người. Lúc ấy chân Trung đã phải ghì chặt trên bàn đạp giữ cho máy bay thăng bằng rồi tắt máy, giật phanh... Bao động tác hạ cánh đáng ra làm dần trên quãng đường băng dài gần 3 kilômét, Trung như cùng phải làm một lúc để bù lại đoạn đường bị thiếu.

Nhanh tới mức ấy mà theo quán tính, chiếc F.5E suýt nữa cũng lao ra ụ đất phía ngoài. Rất bình tĩnh, linh hoạt, Trung ngoặt cần lái cho chiếc máy bay xoay ngang dừng lại bên cạnh miệng một hố bom. Thật rợn người, căng thẳng...

Đấy là những giây phút mà thần kinh Nguyễn Thành Trung phải tập trung cao trong vòng 30 phút sáng nay.

Nhưng căng thẳng nhất vẫn là lúc anh đã ngồi vào khoang lái máy bay thế chân hoa tiêu số 2 Nguyễn Văn Lượm.

Trước đó ít phút, Trung cũng chợt nghĩ đến má, đến Cẩm và hai đứa con nhỏ. Anh biết chắc chắn rằng sau khi ném bom, chúng sẽ đến bắt vợ anh bỏ tù cùng hai đứa nhỏ. Từ đó chúng sẽ tìm ra tung tích mà lùng tới bắt má và Út Xinh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #61 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2009, 06:36:22 pm »


Từ hơn 6 năm nay, Cẩm rất yêu anh nhưng chưa biết đúng về hình dạng của anh. Như mọi lần, sáng nay anh cũng chia tay Cẩm ra đi một cánh bình thường. Trong kế hoạch hành động của Trung có lần cấp trên đã có ý kiến lo chuyện an toàn cho vợ con Trung để thăm dò quyết tâm của Trung. Nhưng anh đề nghị không nên, như thế sẽ bị lộ, vì bọn tình báo của Mỹ ngụy rất tinh ma. Chắc chắn thấy tiếng bom nổ ở dinh Độc Lập, bọn an ninh và cảnh sát sẽ tới bắt vợ con anh. Điều không tránh được là Cẩm nếu không bị tra tấn dã man, thì cả ba mẹ con cũng bị tù đày. Cả tính mạng anh nữa. Phát hiện thấy anh ném bom, pháo phòng không của chúng sẽ bắn lên. Và chúng cũng rất đủ điều kiện cho các tốp máy bay khác cất cánh lên đuổi theo, chưa kể Ngô Hoàng và Duy Anh sẽ dễ dàng quay lại nã súng vào máy bay của anh.

Những chuyện đó đến và qua đi rất nhanh trong ý nghĩ của Trung. Lời căn dặn của chú Bảy, của chú Ba Hóa: “Cháu phải kiên trì, biết vượt qua mọi thác ghềnh để ra được biển cả gặp dòng sông mà cha cháu đã đi. Trong mặt trận mới này, người chiến sĩ cách mạng phải hết sức vững vàng, tỉnh táo, dám hy sinh, giữ trọn lòng sắt son với Đảng...”. Hình ảnh ba và đồng bào cùng làng xóm quê hương bị kẻ thù giết hại, tàn phá; những lời nói và hình ảnh ấy từ lâu đã thấm sâu vào máu thịt Trung nên mọi suy nghĩ của anh lúc này đã dồn vào việc phải nhanh chóng làm sao tách mình ra khỏi phi tuần, đánh được vào dinh lũy của tên bán nước Nguyễn Văn Thiệu.

Chiếc F.5E theo tay lái của Trung trong phi tuần ba chiếc ầm ầm lăn ra khỏi sân đỗ. Hệ thống đồng hồ công tắc điều khiển, nút ấn bom... tất cả đều rất tốt, rất nhạy. Trung thấy mình hoàn toàn yên tâm. Yên tâm với phương tiện tiến công, yên tâm vì đã có cách hợp lý để tách riêng mình ra khỏi phi tuần.

Phi tuần trưởng mang biệt hiệu “Li-ve-1” lăn bánh lên đầu đội hình. Tiếng Ngô Hoàng oang oang báo cho “Thần Phong”:

- Hello, Thần Phong cho Li-ve cất cánh!

- Li-ve một! Thần phong đồng ý cho Li-ve cất cánh!

Thần Phong vừa dứt lời thì tiếng Nguyễn Thành Trung vang lên:

- Li-ve-một! - Rồi Trung giơ hai ngón tay ra ám hiệu qua cửa kính khoang lái báo gấp với Hoàng - Máy bay của Li-ve hai trục trặc, xin tự sửa lại chút xíu.

Máy bay trục trặc trước lúc cất cánh đôi khi vẫn xảy ra. Với Trung, không riêng Ngô Hoàng, cả những viên sĩ quan đang điều khiển tiến trình bay trong sở chỉ huy đều rất tin tưởng, không ai tỏ ra nghi ngờ. Thời gian phi tuần của Ngô Hoàng đến yểm hộ cho quân bạn ở Phan Rang đã đến nên y liền lệnh luôn cho Trung cũng bằng ám hiệu:

- Được! Li-ve hai, sửa xong cất cánh bay sau.

Hoàng thả ga cho máy bay của hắn cùng Duy Anh lăn nhanh và cất cánh. Hai rẽ quạt lửa phụt dài phía trước mặt Trung.

Mấy giây sau, chẳng cần phải tự sửa, chiếc F.5E đầu nhọn hoắt như một mũi tên của Trung hùng dũng lao vút lên. Trung không bay về phía Phan Rang như hai chiếc máy bay kia đã cách anh khá xa. Anh đã lừa được cả Hoàng và sở chỉ huy, liền kéo nhẹ cần lái vào lòng tăng độ cao lao về phía Sài Gòn. Quả việc Lượm đến sân bay trễ hôm nay đã tạo thời cơ rất tốt cho Trung. Nhưng nếu không có yếu tố từ hoa tiêu số 2 Nguyễn Văn Lượm này thì ngày mai, ngày mốt, khi đã ở trong đội hình cất cánh, Trung cũng phải tự tạo cho mình thời cơ để lừa địch, tách mình ra khỏi đội hình của phi công đội như lúc này. Không còn thời gian dài hơn cho anh chờ đợi.

Từ trên cao anh đã nhìn thấy rõ dinh Độc Lập. Thành phố Sài Gòn với nhiều khu nhà đồ sộ nằm trải rộng mênh mông. Nhưng đã từng bay qua nhiều lần, nên khu nhà hình chữ T nằm giữa nơi tiếp giáp của ba đường: Công Lý, Hồng Thập Tự, Thống Nhất ấy không có gì khó phát hiện. Tên đầu sỏ bán nước Nguyễn Văn Thiệu và bè lũ tay sai của nó giờ này chắc chắn đã có mặt ở đây. Lòng Trung sung sướng vô cùng khi nghĩ tới những trái bom trả nợ nước, báo thù nhà của mình sắp được ném xuống đầu bọn chúng. Trong khu nhà hình chữ T kia, Trung đã nghĩ đến việc phải ném bom vào đâu để trúng vào chỗ làm việc của tên Thiệu. Đã đủ độ cao để bổ nhào, Trung nhằm thẳng xuống cánh bên phía hình chữ T của tòa nhà.

Tới đúng vị trí, Trung giữ nguyên cần lái đang đưa gần hết về phía trước, ấn nút thả bom.

Tiếc quá!

Vì cố tránh vào khu những người phục dịch, hai trái bom đều bị chệch ra ngoài rơi ở phía sân bên cạnh tòa nhà.

Trung nhận ra ngay điều đó. Anh kéo cần lái đưa máy bay lên cao. Pháo phòng không của chúng lúc này đã nổ. Chi chít các vệt đạn đuổi theo Trung. Anh giận mình quá. Nhưng còn hai trái bom nữa. Có bị bắn rớt thì mình cũng phải quyết ném trúng phòng làm việc của Thiệu. Trung lái máy bay vòng trở lại. Khu đầu phía phải tòa nhà đã nằm trong kính ngắm. Chút nữa, chút nữa. Trung chờ nó trùng hết trong khuôn hình, mới ấn nút. Hai trái bom lao vút xuống. Cột khói đen từ mục tiêu đã định bùng lên giữa thành phố Sài Gòn. Nếu hai trái trước trúng dinh Độc Lập thì hai trái này là phần của tòa Đại sứ Mỹ. Anh thấy cánh bay của mình nhẹ tênh. Sáu năm trời nay, lúc này nó mới được thả sức tung hoành. Trên đường bay về vùng giải phóng còn mấy băng đạn nữa anh “tặng” gọn cho bọn hải quân ngụy ở cảng Nhà Bè. Để tránh ra-đa của ngụy phát hiện, chiếc F.5E của anh như bay sát trên những trảng cây. Cũng đến lúc này Trung mới để ý nghe trên sóng vô tuyến đủ thứ tiếng Việt, Anh hỏi dồn, quát tháo. Và có cả mệnh lệnh của Bộ Tổng tham mưu ngụy: “Tất cả các phi cơ đang hoạt động trên không phải về căn cứ. Tất cả các phi cơ ở các căn cứ phải nằm yên tại chỗ, không được cất cánh”. Trung cười thầm: “Thì ra bọn địch đang tưởng tượng không quân Nguyễn Cao Kỳ làm đảo chính ném bom xuống dinh Độc Lập để giết Thiệu”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #62 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2009, 06:37:05 pm »


Hạ cánh. Sau 30 phút từ lúc ở sân bay lên xe và trong ngôi nhà trang hoàng khá đẹp ở vùng giải phóng, Trung vẫn chưa hết xúc động. Anh luôn bị siết chặt trong những vòng tay. Đồng chí Khúc Đình Bính, một cán bộ không quân từ lâu đã được lệnh đón một máy bay phản chiến sung sướng hồ hởi. Anh tự tay mang đến cho Trung nào trái cây, nước ngọt và một bộ quân phục giải phóng mới tinh.

Cánh én mùa xuân đã trở về trong bão táp cách mạng thế tiến công.

Nhưng lúc này, chị Nguyễn Thị Cẩm nào biết được chồng mình đang ở đâu, đã làm gì mà phòng an ninh lại “mời” chị đến đây vì lý do liên quan tới ông Trung ở phi trường. Khi chiếc xe hòm chở ba mẹ con chị tới, tên Trường, trưởng phòng an ninh sân bay Biên Hòa đã ngồi đợi sẵn từ lâu. Nguyễn Văn Thiệu, Cao Văn Viên và Trần Văn Minh, ba tên đầu sỏ ngụy quyền, ngụy quân trên ba tấm ảnh cũng như Trường đang chăm chắm nhìn vào ba mẹ con Cẩm khi chị bước vào. Trên bàn, cạnh nơi chị vừa ngồi xuống, la liệt những máy quay điện, kìm, đinh ghim, dây trói, roi đánh người bằng đuôi cá đuối đầy gai.

Tên Trường ra vẻ lịch sự mỉm cười đưa nước mời chị. Hắn cười nhưng vẫn không giấu hết sự nham hiểm trên bộ mặt đen sì. Trường không nói gì về việc Trung vừa hành động. Nó chỉ mời Cẩm đến để muốn biết thêm về Trung. Tuy vậy chị cũng hiểu mình phải nói gì, làm gì. Nhất định không bỗng dưng chúng lại bắt chị đến đây thẩm vấn.

- Cha ông Trung ở đâu? - Sau mấy lời xã giao, tên Trường bắt đầu cuộc hỏi cung

- Nghe nói chết rồi.

- Chết vì lý do gì?

- Bị bệnh chết.

- Không có lý.

- Già mắc bệnh chết mà cũng không có lý sao?

Tên Trường bị vặn lại, hắn bí vì chưa có chứng cứ nên lờ đi.

- Vậy ông Trung có mấy anh em?

- Anh và một người em gái.

- Có đúng thế không?

- Đúng.

- Ông Trung có họ tên gì khác nữa không?

- Từ ngày yêu nhau tới nay, tôi chỉ thấy anh có một họ tên là Nguyễn Thành Trung thôi.

Hỏi xong một loạt câu về lý lịch của Trung, tên trưởng phòng an ninh lại chuyển sang hỏi về quan hệ tình cảm, việc Trung vừa đi Đà Nẵng về có buồn không? Có nhiều tiền không? Gần đây có ai tới chơi không?...

Từ 10 giờ sáng tới chiều, hắn chỉ xoay quanh một số câu hỏi như thế cốt sao chỉ dụng ý để moi ra những lời sơ hở của Cẩm. Cẩm hiểu điều đó. Thực ra lai lịch của Trung từ ngày gặp và yêu Trung chị cũng không biết gì hơn, mấy lần trước cùng Trung về thăm má anh, chị cũng thấy có má và Út Xinh. Gần đây, Cẩm láng máng biết Trung cũng có anh trai. Chị vừa trả lời tên Trường vừa nghĩ đến cách đối phó, trước sau chị chỉ nói như vậy.

Đêm ấy, Cẩm suy nghĩ rất lung. Chị bắt đầu hệ thống, ôn lại những điều mình nghi hoặc về Trung. Bây giờ so sánh chị càng thấy anh có nhiều điều khác thường. Anh cũng để râu như Nguyễn Cao Kỳ. Khi ra đường, lúc vô sân bay, anh cũng ngang tàng như các hoa tiêu khác. Nhưng về nhà, anh lại hiền khô. Chẳng thuốc sái, chẳng rượu chè, chẳng đi nhảy, đi tiệc. Anh nói với cô bác, bạn bè là vì chị hay ghen, ớt nào mà ớt chẳng cay! Rồi vì sao anh chẳng nghe đài công khai mà đêm nào cái ê-cút cũng liền tai tới tận khuya.

“Phải chăng anh là người của Cách mạng như mình nghĩ?” Cô giáo trẻ dáng người mảnh khảnh này nghĩ miên man và bắt đầu tin là mình đúng. Mặc dù chị chưa biết anh đã làm gì và đang ở đâu, số phận thế nào.

Hai đứa nhỏ lạ nhà, lại không có quạt, bé Thanh Phương nóng quá khóc giãy lên làm cho Thương Thương cũng dậy theo. Cả ba mẹ con cùng thức.

Cũng lúc đó, trong gian nhà thoáng mát ở vùng giải phóng, Trung đang thao thức. Bây giờ thời gian mới dành cho anh để nghĩ về má, về Cẩm và hai bé gái rất yêu của mình.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #63 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2009, 06:37:53 pm »


Trung biết Cẩm không những yêu mà còn rất tin anh. Tuy vậy anh không thể nói cho Cẩm biết được rõ chân dung và nhiệm vụ của mình, kể cả sáng nay. Trung biết có khả năng thời cơ sẽ đến với Trung và anh phải xa Cẩm, xa các con. Chắc Cẩm sẽ hết sức ngỡ ngàng. Nhưng Trung tin rằng khi biết rõ việc mình làm, Cẩm sẽ có nghị lực. Tuy là vợ phi công, nhưng Cẩm khác hẳn với nhiều vợ con những tên sĩ quan khác. Lòng yêu nước của Cẩm, Trung đã biết từ hồi còn đi học với nhau. Có những điều Cẩm không nói nhưng Trung biết nhiều khi Cẩm đã có ý nghi ngờ mình, nhất là chuyện sinh hoạt hơi khác thường của Trung. Cũng may, như thế càng có cớ để Trung dựa vào đó làm cho cả bọn địch và Cẩm không nghi ngờ. Khi Trung vào học hoa tiêu cũng đúng dịp bọn không quân phát động phong trào xây dựng quân nhân kiểu mẫu trong quân chủng. Chúng cũng nêu ra nhiều tiêu chuẩn về đạo đức, kỷ luật. Tuy rằng, đó chỉ là cái vẻ màu mè bề ngoài để che đậy bản chất xấu xa của chúng, nhưng để tỏ rõ là một quân chủng anh chị, trí thức trong quân lực Việt Nam Cộng hòa, bọn chúng đã có nhiều công phu trong việc này. Rất nhiều tên đã được tặng huân chương riêng về đạo đức, kỷ luật. Được bọn chúng vị nể, Trung cũng là một trong số đó. Vì thế việc không thích đi tiệm, đi nhảy... Trung cũng có lý do chính đáng để nói với mọi người. Riêng với Cẩm, chuyện đó thể hiện Trung rất yêu mình. Do đó, cái máu Hoạn Thư vốn có của phụ nữ đối với Cẩm đa phần đã dẹp được, ít nổi lên gây bất lợi cho Trung.

Đấy là những lúc chính mắt Cẩm thấy các cô gái trẻ ra ngăn xe Trung lại. Thậm chí, các cô còn theo Trung về tận nhà riêng, để tấn công Trung và trêu Cẩm. Điều dễ hiểu mà Cẩm biết rõ là Trung khá đẹp trai, lại là pi-lot. Với số đông các cô gái ở đô thị, pi-lot luôn là mục tiêu lý tưởng. Trong số sĩ quan ngụy, các cô đã công khai mê pi-lot hơn hết. Chuyện đó bọn tâm lý chiến của không quân cũng công khai tuyên truyền và lấy làm kiêu hãnh, Trung đã nhiều lần chứng kiến chuyện kiêu hãnh đó. Lần gần đây nhất là bữa Trung cùng Kha trên đường về Sài Gòn. Khi xe dừng lại, hai người cùng vào tiệm giải khát, tên Kha nhìn sang ghế bên, hắn thấy một cô gái đẹp ngồi cạnh một viên đại úy thiết xa. Kha đưa mắt nhìn Trung ra ý bảo: Mày có đố tao phỗng được nàng tiên nữ trên tay thằng cha này không?

Trung mỉm cười, tên Kha đưa mắt chiếu tướng sang cô gái. Bốn mắt gặp nhau.

- Chào người đẹp! Người đẹp đi đâu lại lạc tới đây? Lâu lắm rồi ta không gặp nhau, chắc người đẹp đã... nên cùng đi chơi với Đại úy?

Tên Kha nói một hồi rồi gật đầu chào viên đại úy thiết xa ra vẻ lịch sự. Cô gái nghe nói vậy, cười tít mắt, giọng õng ẹo:

- Trời, chào anh Đại úy pi-lot. Xin lỗi, em không nhìn thấy anh. Anh lầm rồi đó, ngài đại úy chiến xa này em mới quen thôi.

Cô gái nói rồi nghiêng đầu chào viên đại úy chiến xa thay cho lời xin lỗi, bỏ lại cốc Cocacola còn nguyên chạy lại với tên Kha. Ả cười ngặt nghẽo và nói uốn éo với Kha như đã là bạn tình thân thiết từ lâu. Một lát sau, ả điềm nhiên ngồi lên xe, ôm chặt eo tên đại úy hoa tiêu. Tiếng cười như nắc nẻ bỏ xa dần tên đại úy chiến xa đang ngồi lại một mình tưng hửng trong tiệm. Hắn biết, tên đại úy hoa tiêu kia chẳng quen biết gì cả nhưng hắn đành chịu mất mồi bởi chẳng có lý do và dại gì đi gây gổ vì thấy rõ mình yếu thế, không được các cô gái mê bằng pi-lot. Thật ra, hắn đâu có kém hung dữ như chiếc chiến xa của hắn.

Lúc ấy, Trung cũng đưa mắt, cùng cười hòa “tiếng đàn” với tên Kha. Nhưng anh lại ý nhị để cho Kha đèo ả đi một mình cho thoải mái.

Chuyến đó, khi về Trung đã kể lại với Cẩm. Anh muốn xem phản ứng của Cẩm. Nhưng rõ ràng Cẩm rất tin Trung. Cô chỉ dướn mắt dọa Trung.

Lúc này đây anh càng thương Cẩm và điều rõ nhất làm anh thao thức là lo cho Cẩm và hai bé gái của mình.


* Lá thư trong phong bánh

Bé Thương Thương tỉ ti vòi má nó mãi không được liền khóc giãy lên đòi cho ra sân chơi. Bé không biết tại sao má lại đưa chị em nó tới đây, không đưa về nhà ngoại ở Mỹ Tho như mọi lần. Ở đây, mấy má con cứ ôm nhau ở rịt trong buồng nhỏ, cửa đóng suốt ngày. Cẩm không như mọi lần mỗi khi Thương Thương quấy nhè thường nghiêm mặt dọa nó về méc ba, bây giờ chị vẫn ngọt ngào:

- Thương Thương ơi, ra chơi sao được con. Con không biết má con ta đang ở tù sao?

Bé Thương nào biết ở tù là gì, nó càng khóc giãy lên. Thấy vậy nữ trung sĩ Nhung, người canh tù nhân đi tới:

- Thôi bé Thương, không được quấy rầy má nữa, để cô mở cửa cho con ra.

Như con chim được sổ lồng, vừa ra khỏi cửa, Thương Thương đã lon ton chạy tung tăng đi khắp nơi. Chị Cẩm nhìn con qua khe cửa, nghe lời hỏi của nữ trung sĩ:

- Đêm qua chị ngủ được không?

- Được chút xíu!

- Cháu nhỏ của chị còn ăn sữa không?

- Dạ, còn.

- Nếu hết, chị kêu em nghe.

Cẩm cảm thấy lạ, tại sao cô trung sĩ này lại xưng em với mình và ra bộ tử tế vậy. Chị để ý thấy không riêng cô gái canh tù này mà cả trung úy Liêm cùng các binh sĩ ở đây khi gặp chị đều nhìn chị với thái độ thiện cảm. Ba hôm nay, họ đều bí mật đưa đến cho má con chị nào sữa, nào trái cây, bánh mì.

Một lát sau, bé Thương Thương hớn hở chạy về.

- Má! Má! Con thấy ba! Cả hình má và con nữa!

Chị Cẩm ngây người, mãi sau mới hiểu là con mình đã thấy ba, má và hình nó in trên báo. Chị tin đứa con 5 tuổi của mình nói đúng, và nó đã thấy thật. Nhưng tại sao họ lại in hình anh Trung và cả hình mình, hình con trên báo?

Phía ngoài, mấy tên lính ngụy cũng đang tranh nhau xem tờ báo Độc Lập số ra ngày 10.4.1975. Ngay trên trang nhất, báo đưa tin thêm về vụ ném bom dinh Độc Lập của Nguyễn Thành Trung. Báo này cải chính tin các báo đưa hôm qua nói Trung đã bay sang Thái Lan và đoán rằng anh đã bay ra Đà Nẵng. Cạnh tin đó là ba tấm hình liền nhau: Nguyễn Thành Trung hiên ngang đứng bên chiếc F.5E; chị Cẩm tay đang hái cam, miệng mỉm cười nhìn ra phía trước; còn Thương Thương lúc 4 tuổi, bụ bẫm ngây thơ.

Ban nãy, đúng lúc tờ báo mới về, bọn lính ngụy đang tranh nhau xem thì bé Thương Thương nhìn thấy. Bọn lính được nghiêm lệnh tuyệt đối không cho Cẩm biết Trung đã ném bom dinh Độc Lập. Nhưng mấy đứa xem báo lại xì xào bàn tán: “Ông này lầm lì ít nói mà ghê thiệt”.

Cẩm biết ngay đây là những tấm ảnh bọn an ninh đã lấy trong tập album ở nhà mình. Nhà mình bây giờ ra sao? Cái ngõ hẻm ở Biên Hòa, cạnh khách sạn gần trường bay ấy, chắc giờ đây đang náo động lắm. Liệu hạ sĩ Thịnh - người đã từng hai lần bị nhốt vào chuồng cọp sân bay, hay lui tới chơi nhà chị có giữ được tài sản giúp chị không? Trước lúc lên xe hòm, Cẩm chỉ kịp trao lại chiếc chìa khóa cho Thịnh, nhờ anh trông nhà hộ, nếu cần thì chuyển hết đồ đạc về Mỹ Tho giúp chị. Thịnh đã làm việc đó rất tận tình, thuê xe đưa tất cả tài sản về quê giúp Cẩm. Nhưng chính lúc này Thịnh cũng đang phải ngồi trong phòng cảnh sát trả lời những câu hỏi về quan hệ với Nguyễn Thành Trung, và vì sao lại hết lòng giúp Cẩm như vậy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #64 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2009, 06:38:46 pm »


Những sự việc trong mấy ngày qua, những suy nghĩ của Cẩm đã giúp chị khẳng định: chồng mình là người của Cách mạng thiệt rồi. Anh đã lái máy bay đi đánh lại quân của Thiệu rồi về với bên kia chăng? Phải vậy không? Hay ảnh đi làm gì bị lộ nên đã bị giết chết?

Nghĩ tới đó, Cẩm thấy rụng rời chân tay. Nhưng mấy phút sau chị định thần trở lại: chắc không, nếu giết ảnh rồi, tên Trường chẳng phải thẩm vấn kỹ mình về lai lịch của ảnh như thế?

Hai hôm sau, nhân lúc tên Trường đi vắng, trung úy Liêm mở cửa phòng giam chị Cẩm, đưa cho bé Thương Thương gói quà rồi bảo bé ra ngoài chơi. Anh ta nhìn ra phía ngoài không thấy ai liền nói nhỏ với chị về hành động ném bom dinh Độc Lập của Trung. Trước lúc ra về, Liêm dặn chị:

- Bà yên chí! Ông Trường không dám tra tấn, đánh đập bà đâu. Bà cứ trước sau như một, đừng có thấy ông Trường dọa mà khai thêm. Việc làm của ông Trung, anh em ở đây nhiều người rất hoan nghênh. Tôi nói thiệt, nếu có điều kiện như ông Trung, tôi cũng làm thế? Vì vậy đa số anh em binh sĩ ở đây đều quí mến bà, họ sẵn sàng ủng hộ bà nếu trung tá Trường giở trò ác ôn như đối với những tù nhân khác...

Liêm nói với Cẩm những điều đó sau khi chị vừa nhận được một bức thư. Thư được nhét vào trong phong bánh. Các tù nhân ở phòng bên đưa cho bé Thương Thương và dặn bé về nói với má bóc ra ăn ngay. Quả nhiên, chị đã biết được những điều mà mình phỏng đoán từ mấy hôm nay. Trong thư, các bác tù nhân đã động viên chị:

Hành động của anh Trung rất anh hùng. Anh chị em tù nhân chúng tôi đều cảm phục, hoan nghênh. Sau khi ném bom, anh Trung đã ra vùng giải phóng an toàn. Vậy chị đừng lo cho ảnh. Hiện giờ tên Trường đang muốn qua chị để biết rõ về ảnh. Bọn chúng có thể đánh đập, tra tấn chị. Nhưng chị cứ vững lòng. Chúng tôi sẵn sàng đấu tranh, kể cả việc tuyệt thực để bảo vệ chị.

Đọc xong thư, Cẩm rất cảm động. Chị không ngờ việc làm của chồng mình tác động tới cả nhưng người tù này như thế.

Chị chợt hiểu ra vì sao tên Trường chưa dám tra tấn, đánh đập chị. Nó sợ bị sự phản đối của binh sĩ, của anh chị em trong tù. Và điều chủ yếu hơn như trong thư của các bác tù đã viết: “Bọn chúng đã sắp đến ngày tận số nên rất sợ uy thế của Cách mạng”.

Đêm ấy, trong bốn bức tường, Cẩm càng nhớ tới Trung. Hai đứa quen nhau rồi thân nhau trong một chuyện tình cờ. Hồi ấy, giữa một buổi trưa hè, Cẩm từ trường Trương Công Định về, tới giữa đường chẳng may xe bị hỏng. Nắng bỏng lưng. Tấm áo dài trắng của Cẩm đã bết mồ hôi nhưng loay hoay mãi chiếc xe cứ nằm lỳ không nổ máy. Vừa lúc ấy Trung đi bộ tới. Anh hỏi Cẩm xe hư sao, rồi bỏ cặp ra bên, xắn tay lên sửa liền một mạch. Nửa giờ sau, chiếc xe nổ máy. Cẩm cảm động mời Trung cùng đi, nhưng anh từ chối, nói đã gần tới nhà.

Từ ấy Cẩm nhiều lần để ý tìm anh, người bạn học chưa kịp hỏi tên. Nhưng rồi mãi tới một buổi hội thảo học sinh hai trường Nguyễn Đình Chiểu và Trương Công Định, Cẩm mới gặp lại anh. Hai người ý hợp tâm đầu trong hội thảo rồi yêu nhau từ đó.


*
*   *


Nắng nháy bỏng đường băng.

Ngồi trong khu đợi cất cánh, các chiến sĩ trong phi đội Quyết Thắng nghe hơi nóng bốc lên hừng hực. Nguyễn Thành Trung rồi cả phi đội đều bắt chước Từ Đễ lấy chì xanh đỏ vẽ hình cờ giải phóng lên trên nền trắng của những chiếc máy bay.

Trung vừa vẽ cờ vừa nghĩ tới đường bay về Sài Gòn. Cánh én của anh đã bay qua khoảng trời Biên Hòa 20 ngày rồi, anh chưa biết tình hình vợ con ra sao. Trung vừa hình dung Cẩm đang ngồi trong phòng thẩm vấn với dụng cụ tra tấn đầy bàn, thì phía trước ngọn cờ đỏ quay tít trên tay đồng chí chỉ huy. Anh chạy tới chiếc máy bay đầu, nhảy lên buồng lái. Máy nổ giòn... Năm chiếc máy bay A37 mới lấy được từ trong tay địch như năm chiến sĩ biệt động theo Trung dẫn đường chỉ huy hùng dũng bay... tới mục tiêu sân bay Tân Sơn Nhất.

Trung đâu biết rằng chính vợ con mình lúc này cũng đang ở gần khu vực mục tiêu phi đội anh bay tới tấn công.

Sáng qua (ngày 27 tháng 4), tên Trường đã làm việc khác thường. Từ sáng sớm, hắn không cho gọi Cẩm lên mà hối hả tới phòng giam của chị:

- Bà Trung úy. Xin mời bà về Sài Gòn ngay cho!

- Sao thế? Các ông cho má con tôi về nhà, tôi không đi đâu hết.

- Còn sao nữa. Quân địch tới nơi rồi. Đến chúng tôi cũng phải di tản hết nữa, huống hồ là bà. Thôi, bà đi ngay cho.

Tên trưởng phòng ác ôn nói rồi vội vã ra ngay. Vậy là ba má con chị lại phải lên xe hòm chuyển đến trại giam của an ninh quân đội trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Sài Gòn.

Từ mấy hôm nay, tên Trường như quên không gọi Cẩm lên thẩm vấn. Nó thường lánh mặt khi thấy chị được phép ra ngoài.

Bữa trước, sau hơn một tuần thẩm vấn, tên Trường đã gọi Cẩm lên. Biết rằng không giấu được việc Trung ném bom vào dinh của Thiệu nữa, hắn phải nói rõ với Cẩm và ra bộ thông cảm:

- Tôi thấy má con bà ở đây cực quá, chúng tôi muốn trả tự do cho bà. Chỉ cần bà ký vào tờ giấy đã viết sẵn này.

Đấy là một bài phát biểu mà bọn chúng đã viết sẵn cho Cẩm với nội dung hành động của Trung ném bom dinh Độc Lập là sai lầm, là bị xúi giục...

Cẩm xem xong, quăng tờ giấy trả lại tên Trường:

- Đây là ý của các ông. Tôi không nghĩ về anh Trung như thế, tôi không ký.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #65 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2009, 06:39:36 pm »


Hai hôm sau, cũng với giọng lưỡi như thế, hắn lại bảo chị viết một bức thư, mời ba má của chị ở Mỹ Tho lên bảo lãnh cho má con chị về.

Cẩm nhận lời. Nhưng khi xem xong thư, tên Trường lắc đầu:

- Bà phải bỏ đoạn cuối “Nếu con không vì hai đứa cháu mà chỉ một mình, con sẽ chịu giam tới bao giờ thì tới, không dám phiền ba má!”, chúng tôi mới chuyển thư này.

- Tôi nghĩ sao viết vậy. Chuyển hay không là quyền ở các ông.

Bây giờ nghĩ lại chuyện đó, Cẩm cũng thấy lạ, không ngờ lúc đó mình cứng rắn được như vậy. Qua bộ mặt lầm lỳ cúi gằm của tên Trường, chị càng tin rằng cách mạng đã thắng tới nơi. Chuyện nó vội vã giục chị di tản về Sài Gòn này lại càng rõ. Chị nghĩ, đó mới là lý do chủ yếu nó không dám tra tấn chị...

Chiều nay, đã gần hai ngày má con chị ở trại giam mới ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nơi đây, tới thời điểm này, sự hoảng loạn của quân ngụy cũng chẳng khác nào Biên Hòa. Đường phố Sài Gòn tràn ngập các sắc lính bị đánh tơi tả từ các nơi đổ về. Ở Tân Sơn Nhất, các sư đoàn không quân thất trận của ngụy cũng đã kéo về làm cho các sân bay như bầy ong vỡ tổ. Giữa lúc ấy, phi đội Quyết Thắng của Nguyễn Thành Trung tới dội bom xuống trúng đầu bọn chúng. Từ trên cao, giữa tiếng nổ dậy đất và khói lửa ngút trời, Trung thấy rõ cảnh hốt hoảng của lũ Mỹ - ngụy và tiếng kêu la của chúng ở sở chỉ huy qua vô tuyến điện, nhưng không có làn sóng nào để cho anh nghe thấy tiếng reo vui của các đồng chí và đồng bào ta trong trại giam, trong đó có Cẩm và hai con anh. Trung không ngờ rằng giữa những loạt bom của phi đội Quyết Thắng, lợi dụng lúc bọn gác tù hốt hoảng chạy trốn, ngay đêm đó các đồng chí bị giam đã phá ngục bung ra, tự giải phóng cho mình. Má con chị Cẩm cũng đã được hai đồng chí cùng quê dẫn nhanh ra tới bến xe đò để về Mỹ Tho.


* Về với má thân yêu

Sau trận ném bom Tân Sơn Nhất ít ngày, phi đội Quyết Thắng của Trung được lệnh chuyển về sân bay Biên Hòa, nơi gần một tháng trước đây Trung đã bay đi ném bom vào dinh Độc Lập. Bây giờ cũng tại đây, anh đã là một chiến sĩ không quân nhân dân Việt Nam anh hùng. Gần đây, cơ sở đã cho anh biết tin về má và Cẩm. Anh mừng, nhưng vẫn chưa có điều kiện về gặp má, gặp Cẩm để biết được tường tận hơn.

Trung có thuê một gian nhà nhỏ trong một hẻm ở thị xã Biên Hòa - nơi anh đã tạm biệt Cẩm và hai con ra đi, ngày 5 tháng 5 năm 1975, anh đã được phép ra thăm. Mặc dầu bên ngoài anh đã hoàn toàn khác hẳn trong bộ quân phục quân giải phóng, không còn bộ ria Nguyễn Cao Kỳ nữa, bà con lối phố vẫn nhận ra anh. Phút chốc, tất cả quây quần tíu tít đón Trung. Một trung úy hoa tiêu cùng trong sân bay Biên Hòa trước đây chạy tới ôm chầm lấy anh. Niềm vui hân hoan thật bất ngờ.

Giữa những phút giấy cảm động ấy, bỗng có tiếng reo. Trung nhìn ra, anh tưởng mình mơ. Nhưng kìa, đúng thiệt rồi, Cẩm đang bồng Thanh Phương đi tới. Vừa nhìn thấy Trung, Cẩm đã trào nước mắt. Lại đến lượt chị ngỡ ngàng. Từ Mỹ Tho lên chỉ với ý định xem lại nhà ở của mình, có ngờ đâu vợ chồng lại được gặp nhau. Trung khác nhiều quá, bộ ria ngổ ngáo đã mất đi, anh lại y hệt như ngày hai đứa mới gặp nhau: đẹp trai, khỏe mạnh và trông càng hiền hơn. Chẳng riêng vợ chồng Trung, nhiều bà má cũng rưng rưng nước mắt.

Đồng chí cán bộ cùng đi với Trung mời Cẩm đưa bé Phương vào đơn vị trong sân bay.

Ở đây vẫn là những ngôi nhà như trước chị đã có dịp tới. Nhưng với Cẩm sao cái gì cũng mới lạ. Không khí đầm ấm, tiếng cười, tiếng nói chan hòa, sự săn sóc chân tình của các anh giải phóng... Rồi một tin mới cho Cẩm: cấp trên vừa quyết định cho phép Trung đưa Cẩm và bé Thanh Phương về quê thăm gia đình.

Trung hiểu rõ má mình: khi buồn vui, cả lúc gặp họa bất ngờ bao giờ cũng rất tỉnh. Tình cảm của má sâu sắc nhưng rất ít bộc lộ bồng bột ra ngoài. Năm lần, hết bọn giặc ở chi khu đến lũ cảnh sát ở quận bắt má, cả năm lần tra hỏi, rồi giam, chúng lại phải thả má về, chẳng moi được ở má điều gì trước sự tỉnh táo, cương nghị của má.

Vậy mà có lần gặp Trung, má đã sửng sốt. Ấy là dịp cuối năm 1969, khi bỗng nhiên má thấy Trung mặc bộ đồ học viên sĩ quan không quân ngụy về thăm má. Hôm đó má đang đi trên bờ rạch bên đảo Dừa. Nghe thấy tiếng gọi dồn “Má! Má!”, má quay lại, sững sờ. Má không ngờ tên lính ngụy gọi má đó lại là con má - thằng Năm Trung. Má tưởng mình nhìn lầm, nhưng không! Rõ ràng đôi mắt và cái miệng in hệt ba nó đang cười trước mặt má. Mấy tháng nay, vắng tin Trung, má mong, nhưng vẫn tin rằng con má đang học ở Sài Gòn. Và nếu nó có đi đâu xa thì chú Bảy và các anh nó đã tìm đường cho đi, đâu phải đi bận bộ đồ ngụy thế này. Suốt bữa sáng hôm ấy, Trung biết má buồn lắm mặc dù sau phút giây sửng sốt má vẫn bình thản, vẫn ân cần săn sóc Trung như mọi bữa anh về nhà. Mãi tới lúc Trung đội chiếc nón lính ra đi, má mới bảo Trung:

- Má không ngờ con đã thay đổi nhanh đến thế. Đi trên dòng Cửu Long này, con còn nhớ đến ba con không? Suốt ba ngày đêm ròng rã, bà con cả huyện Châu Thành này đã vừa đánh giặc, vừa bơi xuồng để tìm bằng được xác ba con. Con là hòn máu của ba con, con nghĩ sao cho phải thì nghĩ...

Trung xuống bến, nước mắt lưng tròng khi nghe má nói. Còn má, nước mắt chỉ chảy trong lòng. Anh im lặng, chịu để thêm một nỗi khổ nữa đè lên thân hình gầy yếu của má.

Gần sáu năm trời hai má con Trung tuy đi chung một dòng sông, nhưng lại phải sống trong nỗi lòng day dứt như vậy.

Tới một ngày gần đây, tấm màn ngăn cách vô hình ấy mới được mở ra. Trung chưa thấy lần nào má khóc nhưng ngày giỗ ba anh đầu năm nay má đã khóc. Hôm ấy, được sự đồng ý của tổ chức, sau lúc cúng cha, cả nhà đi nghỉ hết, Trung mời má ra một chỗ vắng, hai má con nói chuyện. Khi đó, Trung mới nói rõ về mình. Anh kể cả nỗi day dứt và xin má thứ lỗi cho anh đã không thể nói ra được để má phải buồn phiền đau khổ. Tới lúc nghe Trung nói “Má ơi, con chỉ là hoa tiêu ngụy với chiếc áo khoác ngoài”, thì bỗng dưng đôi mắt má cũng sửng sốt như hồi nào. Rồi tới lúc Trung nhắc tới lời chú Bảy: “Trăm con sông đều theo một dòng”, thì má không cầm được nước mắt nữa. Má vừa khóc vừa đưa bàn tay nhăn nheo vuốt lên đầu Trung. 

Từ bữa ấy tới nay, Trung mới lại có dịp về thăm má. Cũng từ bến Rạch Miễu trên con thuyền nhỏ sang sông đến bên đảo Dừa tới nơi má ở như mọi lần, nhưng hôm nay anh đã là sĩ quan Quân đội Nhân dân. Khi biết Trung là phi công ném bom dinh Độc Lập, bác lái thuyền cứ ngắm mãi hồi lâu chiếc quân hiệu trên mũ cứng của Trung. Bác cười vui, hể hả kể lại, bao nhiêu chuyện của bà con huyện Châu Thành nói về anh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #66 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2009, 06:49:20 pm »


Mấy hôm nay Trung đã sống trong những tình cảm rất đằm thắm như vậy.

Bữa qua, khi Trung đến sân bay Trà Nóc (Cần Thơ), nơi anh đã ở đó hai năm lái máy bay A.37, một hạ sĩ ngụy cũ đã nhận ra Trung. Anh ta tên là Vũ Thế Kỷ, trước đây làm nhiệm vụ kiểm soát nắm chất lượng máy bay, hiện nay đang cùng với mấy binh sĩ ngụy khác được ta sử dụng đi thu dọn, sửa chữa các loại ô tô đang vứt ngổn ngang trong sân bay.

Thấy Trung, Kỷ tỏ ra rất mừng rỡ và rối rít khoe: - Chà, ông Trung úy, à mà bây giờ là Đại úy không quân giải phóng. Cha mẹ ơi, gần một tháng trước nay cả sân bay Trà Nóc chúng em đã sôi nổi bàn luận về chuyện ném bom của ông. Chuẩn tướng Tần ra lệnh cấm, nhưng cứ vắng mấy ông trên là chúng em bàn luận. Các ông hoa tiêu càng bàn dữ. Các ông ấy bảo ông khôn ngoan, thức thời. Em biết nếu trung tướng Minh không ra lệnh rà lại lý lịch và kiểm tra, phát phiếu bay ngặt nghèo, chắc còn có hoa tiêu sẽ làm tiếp như ông đó.

- Đúng vậy đấy ông Trung ạ! - Nguyễn Hữu Hãn đang làm việc với Kỷ nói tiếp - Ông thấy không - Hãn sôi nổi chỉ về một chiếc máy bay A.37 đang đậu ở phía trước - Một hoa tiêu nào đó chắc đã rất yêu và muốn làm như ông nên đã viết cả họ tên ông lên bên buồng lái. Có điều ai cũng tiếc và nhiều hoa tiêu cũng chê ông ném bom còn yếu quá, chưa giết chết được “ông” Thiệu...

Trung cười, công nhận mình yếu. Nhưng một người lính khác đứng bên Hãn lại nói đỡ luôn:

- Không giết được Thiệu, nhưng dù sao tiếng bom đó cũng đã cảnh cáo được cả cái chế độ của Thiệu rồi.

Từ Trà Nóc trở về, lúc qua sông Tiền, một chuyện nữa làm Trung rất cảm động...

Trên dòng sông Cửu Long đối với Trung đã có biết bao kỷ niệm, anh đã bao lần đi trên dòng sông quê hương này, nhưng hôm nay Trung thấy thật bồi hồi xúc động và thấy lòng mình thanh thản và rộn ràng như những làn sóng trên sông nước tự do.

Cũng trong dịp này, khi hai vợ chồng cùng được về thăm má, tất cả những chuyện bí mật về gia đình mình, Trung mới nói hết được với Cẩm. Anh trai cả của Trung - anh Đinh Khắc Cần - sau dịp trao trả tù binh năm 1973, lại trở về tiếp tục hoạt động, hiện giờ đang ở Sài Gòn. Riêng với anh cũng đã là tấm gương cổ vũ Trung. Anh đi bộ đội kháng chiến chống Pháp từ thời Trung chưa đến tuổi đi học. Tập kết ra miền Bắc đến năm 1966, anh lại được trở về quê hương chiến đấu. Sáu tháng sau, không may anh bị bắt rồi bị đày ra Côn Đảo cho tới ngày trao trả tù binh năm 1973. Ở tù ra chỉ nghỉ ngơi mấy tháng cho lại sức, anh lại đổi họ tên trở về hoạt động công khai cho tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Dịp trở về, Trung được gặp lại anh và cũng thêm một dịp anh bồi dưỡng, củng cố lòng tin và quyết tâm cho Trung. Cũng qua việc được công khai gặp anh Hai Cần, Trung đã biết thêm tin tức về anh Nhàn, anh Trí. Anh Nhàn hiện giờ đang công tác ở thị ủy Bến Tre. Còn anh Trí đang nghỉ ngoài miền Bắc sau bao năm bị đày ra Côn Đảo.

Sau khi bị bọn giặc đốt sạch nhà cửa ở xã An Khánh, chị Ba Trí cũng đã về ở cùng với má trong túp lều nhỏ bên đảo Dừa, má con nương tựa vào nhau. Tháng tháng trên con thuyền nhỏ, má và chị Ba mang gạo về xã tiếp tế cho anh Tư Nhàn...

Lòng Cẩm nao nao. Hai hôm nay từ giây phút gặp lại Trung, chị biết hết chuyện bất ngờ này lại sang điều lạ lùng khác về chồng mình mà suốt gần bảy năm sống chung, Cẩm không hề biết. Cả về má nữa, đến hôm nay qua Trung, Cẩm mới hiểu hết má. Thảo nào có lần về thăm má, Cẩm gọi anh em đàng mình là Việt cộng, má đã bảo Cẩm:

- Gọi là Giải phóng con ạ.

Trung và Cẩm đều nóng lòng mong tới phút được gặp má thân yêu.

Phút giây ấy tới rồi! Con thuyền vừa tới bờ rạch, Trung và Cẩm đã nhìn thấy bóng má trên vườn.

- Má! Má!

Bé Thương Thương cũng rối rít:

- Nội! Nội!

Má ngừng tay, quay ra. Ôi, đúng là vợ chồng thằng Năm Trung và hai cháu nhỏ.

Nhìn bước đi của má, Trung hiểu ngay lần này má quá xúc động. Má nhìn vợ chồng Trung, rưng rưng như muốn khóc, nhưng cũng như những lần trước, má chẳng nói ra lời. Má chỉ gọi “Thương Thương” và vội vã đưa tay ra đỡ bé.

Mái nhà tranh vừa kê đủ hai chiếc giường của má càng trở nên chật chội. Má băn khoăn không đủ ly róc nước mời bà con tới thăm. Mọi người vồn vã chia vui với má. Tiếng cười giòn giã vang khắp trong nhà, ngoài sân. Má ôm cả hai bé Thanh Phương và Thương Thương ngồi nghe chuyện mà lòng nhẹ nhõm hân hoan. Đôi mắt dịu hiền của má cứ ngắm mãi thằng Năm Trung của mình có cái miệng cười giống in hệt miệng ba nó, bồi hồi nhớ lại biết bao chuyện đã qua đối với gia đình mình và cuộc đời với bao năm dài âm thầm, cần cù nuôi chồng nuôi con đi đánh giặc. Bỗng mắt má rưng rưng, hai tay má run run đỡ lấy món quà Trung đưa ra biếu má. Đó là tấm hình Bác Hồ mà Trung đã được cô Ba Định, Phó Tư lệnh các lực lượng vũ trang miền Nam tặng Trung khi anh tới sân bay ở vùng giải phóng.

Ôi bao nhiêu năm rồi má mới lại thấy tấm hình của vị Cha già dân tộc. Hai hàng lệ làm mắt má nhòa đi. Khi xưa má đã từng giấu kỹ được một tấm hình của Bác. Nhưng đến lúc tên ách Thao dẫn quân đến giết chồng và đốt nhà má, bọn chúng đã cướp đi cả những vật kỷ niệm rất quý đó của má. Từ bấy đến nay má mới lại nhìn thấy hình Hồ Chủ tịch, nhưng bây giờ chỉ còn được thấy hình Người thôi. Cái ước vọng khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, má và đồng bào miền Nam được hân hoan đón Bác vào thăm không còn có được nữa rồi.

Mọi người trân trọng chuyền tay nhau tấm hình của Bác đều rưng rưng xúc động như má. Mãi một lúc sau, má và bà con mới trở lại câu chuyện về Trung lúc ở vùng giải phóng và chuyện má con Cẩm những ngày ở tù. Khi nói tới chuyện đó, chị Ba Trí đã kể lại với mọi người:

- Hôm ấy, lúc mới nghe tin có một phi công phản chiến đánh bom vào dinh Độc Lập, má đã nghĩ ngay “chắc là thằng Năm Trung”. Và khi đài của bọn Thiệu đưa tin về trận ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất, má đã nói với chị Ba: “Chắc đó là máy bay của giải phóng và nhất định có thằng Năm Trung tham gia”1.

Nó đó, con má đã đi theo một dòng sông và ra biển cả gặp dòng sông mà ba nó đã đi...
 
Sài Gòn, tháng 5 năm 1975
Hà Nội, tháng 6 năm 1975



_______________________________________
1. Từ ngày ấy đến nay, do có thêm nhiều thành tích, Nguyễn Thành Trung đã được phong hàm Đại tá; được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân và đang là Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam.
 




Hết!
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM