Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Năm, 2024, 06:38:14 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc săn tìm vũ khí bí mật của Hitler  (Đọc 7751 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #90 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2020, 05:03:10 am »


        KẾ HOẠCH PAPERCLIP LÀ KẾ HOẠCH GÌ?

        Như chúng ta đều biết trong tất cả sách vở, tất cả nhật báo, tất cả tạp chí có đề cập đến việc săn đuổi các nhà bác học Đức vào mùa xuân năm 1945 và việc đưa họ về Mỹ quốc, người ta đều gọi công việc này là "kế hoạch Paperclip". Dĩ nhiên, đó là một điều sai lầm, nhưng là điều sai lầm có thể hiểu được. Chúng ta đã thấy ở chương 16 có nói đến những kế hoạch Paperclip. Nó chỉ là một kế hoạch nối tiếp kế hoạch ban đầu: Overcast, Gia đình các chuyên viên Đức ở lại trại Landshut dưới sự bảo trợ của Quân lực Mỹ, sau khi chồng con họ đã sang Mỹ theo hợp đồng Overcast. Vì vấn đề an ninh nên Bộ Chiến tranh tự ý đổi tên Overcast lại là Paperclip. Ngày 13 tháng 5 năm 1946, văn phòng tham mưu liên quân cho phổ biến trong các cơ quan liên hệ một điện văn:

        ĐỀ TÀI: Đổi mật danh.

        1. Bắt đầu từ ngày hôm nay, mật danh PAPERCLIP sẽ thay thế cho mật danh OVERCAST vì danh từ này đã bị tiết lộ.

        2: Ý nghĩa trước kia dùng cho OVERCAST, lúc chưa bị tiết lộ, từ nay sẽ được dời qua cho PAPERCLIP.

        Sau một thời gian hoạt động, nhiều cơ quan đã nhận thức được giá trị của các chuyên viên Đức và không muốn gián đoạn công việc nghiên cứu sau hạn kỳ một năm. Họ khẩn khoản yêu cầu Bộ Chiến tranh sửa đổi lại chương trình khai thác ban đầu. Ngày 31 tháng 7 năm 1946 Bộ trưởng Chiến tranh bằng lòng tu chỉnh lại dự án, rồi đưa nó qua ủy ban phối hợp liên bộ. Ủy ban này lại thảo một hiến chương chính trị để Bộ Nội vụ trình lên tòa Bạch ốc. Ngày 3 tháng 9 năm 1946, tổng thống Truman phê chuẩn hiến chương chính trị đó. Thế là kế hoạch Paperclip tu chỉnh đã mở đầu cho một cuộc khai thác dài hạn và ban hành một qui chế di trú cho các chuyên viên Đức. Từ đây họ đã có quyền đem theo gia đình sang Mỹ, những thân nhân đầu tiên của họ đã đến Mỹ vào tháng 12 năm 1946. Hơn nữa, số lượng ba trăm năm mươi chuyên viên nay đã vượt quá một ngàn. Đến mùa xuân năm 1948, thì kế hoạch Paperclip đã phát triển nhiều. Tính tới ngày 18 tháng 5 năm 1948 thì đã có tất cả 1.136 kiều dân Đức và Áo ở Mỹ: 492 chuyên viên và 644 thân nhân của họ. Quân đội (Lục quân) sử dụng 177 người, Không quân: 205, Hải quân: 72 và Bộ Thương mãi: 38.

        Nhóm Fort Bliss vào thời gian ấy gồm có 127 người, nên nếu so về số lượng thì nó không phải là nhóm quan trọng nhất (vì có đến 146 chuyên viên đang hoạt động ở căn cứ Không quân Wright). Nhưng mà nhóm này có một tính chất rất độc đáo: họ là một toán chuyên viên thuần nhất và hợp tác chặt chẽ với nhau trong nhiều năm trường. Những nhà "bác học Paperclip" khác cũng là những khoa học gia lỗi lạc nhưng tài nghệ của họ không được tập trung lại cho cùng một mục tiêu duy nhất.

        Việc tuyển mộ các nhà bác học Đức vẫn được tiếp tục mãi đến đầu năm 1950. Lúc bấy giờ chính quyền Bonn mới thành công trong việc thuyết phục chính quyền Mỹ dừng tay lại, đừng tướt đoạt một trong những tài nguyên thiên nhiên của Liên Bang Tây Đức nữa.

        KẾ HOẠCH OVERCAST - PAPERCLIP CÓ GẶP NHIỀU SỰ CHỐNG ĐỐI KHÔNG?

        Quần chúng Mỹ cũng như cơ quan lập pháp của họ không hề có dịp để chấp nhận hay phản đối kế hoạch OVERCAST lúc khởi đầu. Bộ Chiến tranh, với sự thỏa thuận của Bộ Nội vụ, chỉ có việc đưa các nhà bác học Đức về Mỹ và đặt họ vào công việc nghiên cứu, chứ không cần loan báo chính thức kế hoạch Overcast. Họ chỉ nhìn nhận có kế hoạch Overcast với quần chúng sau ngày 3-12-1946 mà thôi. Tuy nhiên, một số đông các sĩ quan, các công chức và các nhà bác học Mỹ đã có thái độ không chấp thuận việc du nhập các khoa học gia Đức vào Mỹ, bất kể những người này có phải là đảng viên Quốc Xã hay không. Vì vậy, chúng ta phải tỏ lòng kính trọng trước sự sáng suốt của những người như Đại tá Trichel và Đại tá Toftoy. Họ đã biết được những điều lợi ích mà các chuyên viên hỏa tiễn Đức sẽ đem đến cho quốc gia họ, nên họ đã tranh đấu quyết liệt với các ủy ban khác nhau ở Ngũ Giác Đài để quan điểm của họ được chấp nhận.

        Ngày 3 tháng 12 năm 1946, khi văn phòng báo chí Bộ Chiến tranh loan báo chính thức, bằng một thông cáo đầu tiên, về sự làm việc của các nhà bác học Đức và Áo ở Hoa Kỳ, thì người ta nổi lên phản đối rầm rộ.

        Ngày 30 tháng 12-1946, một nhóm các nhân vật tối quan trọng như Albert Einstein, Richard Neuberger, Philip Murray, Stephen Wise và Norman Vincent Peale đã gởi một điện văn sau đây cho tổng thống Truman:

        "Đối với chúng tôi, những người, này là một mầm hiểm họa tiềm tàng, họ là những kẻ mang đầy hận thù chủng tộc và tôn giáo. Trước kia, họ có thể là thành phần hoặc là cảm tình viên của Quốc Xã. Điều này khiến chúng ta phải dè dặt khi đặt vấn đề khả dĩ chấp nhận họ trở thành công dân Mỹ và đảm nhận những địa vị then chốt trong các cơ sở kỹ nghệ khoa học và giáo dục. Nếu người ta tin rằng cần thiết phải sử dụng những người này cho quốc gia, thì chúng tôi khẩn khoản yêu cầu đừng ban hành cho họ qui chế cư trú vĩnh viễn, cũng như đừng cho phép họ nhập quốc tịch Mỹ. Nếu không, họ có thể gieo rắc những tư tưởng phản dân chủ nhằm mục đích phá hoại và tiêu hủy sự thống nhất của quê hương ta".

        Ngày 24 tháng 3 năm 1947, ông W.A. Higenbotham là thư ký Liên đoàn bác học Mỹ - một cơ quan có đến 3.000 đoàn viên - lại cũng gửi thư cho Tổng thống Truman, ông yêu cầu chỉ cho những nhà bác học Đức hoạt động trong khuôn khổ dự án quân sự, chứ không được làm việc trong xí nghiệp tư và trong những cơ sở giáo dục. "Tất cả những đặc quyền ban bố cho họ, dù cho vì lý do quân sự, cũng là một sự phỉ báng đối với các dân tộc vừa mới đây còn chung lưng đâu cật tranh đấu bên chúng ta. Là một sự lăng mạ đối với những người tị nạn vì bọn Quốc Xã hoành hành. Là một sự sỉ nhục đối với những đồng nghiệp đau khổ của chúng tôi trong những nước trước kia bị chiếm đóng, và đối với tất cả những ai đã từng rên xiết dưới gông cùm mà những người này đã góp phần rèn đúc nên".

        Nhưng những cuộc chống đối này giảm dần cường độ rồi tắt hẳn, khi cuộc chiến tranh lạnh giữa Nga và Mỹ bắt đầu. Đến tháng 8, năm 1949 thì tình hình biến đổi khả quan đến nỗi Von Braun được phong làm đoàn viên danh dự của Société Interplanétaire Britannique (Hiệp hội liên hành tinh Anh quốc) để "ghi ơn công trình tiền phong vĩ đại của ông, trong lãnh vực hỏa tiễn".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #91 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2020, 05:03:55 am »


        NGƯỜI MỸ GẶT HÁI ĐƯỢC NHỮNG LỢI GÌ Ở TRONG KẾ HOẠCH OVERCAST VÀ PAPERCLIP?

        Người ta nhớ rằng các nhà khoa học Đức được đến Mỹ, trong khuôn khổ của kế hoạch Overcast và phục vụ cho quân lực Mỹ, chỉ nhận được một số lương kém cỏi của các công chức không dư dả trong bất cứ mọi trường hợp, là 10.000 Mỹ kim một năm. Hơn thế nữa, họ chỉ được cư trú ở các nơi dành cho những kẻ tầm thường; không một ai trong số đám người này gây rắc rối gì cho các cơ sở an ninh hay liên can gì đến các công tác phá hoại hoặc gián điệp. Sở dĩ Mỹ kết nạp họ là cốt để ngăn chặn không cho người Nga sử dụng họ, và những lợi ích thu được trong kế hoạch này cũng khá to tát.

        Chúng ta chưa tìm thấy những lợi ích nào cụ thể, có thể rút tỉa được ở việc sử dụng một trong các kỹ thuật gia Paperclip, tại văn phòng khai mỏ Grand Forks và 2 người khác nữa ở viện nghiên cứu thực phẩm và điều hòa thực phẩm của quân đội ở Chicago. Nhưng trừ việc sung dụng họ vào các chương trình của Không và Hải quân, thì sự đóng góp của các chuyên viên Peenemunde không thể chối cãi được. Nhóm họ luôn công tác hòa hợp với các đại diện kỹ nghệ, với chính phủ hay các đại học Mỹ. Họ đã tham dự trong một phạm vi rộng lớn, về việc hoàn thành một số phi đạn thuần túy quân sự cho ngành Quân cụ, như là:

        a) Cuộc phóng ngày 19-2-1949 tại White Sands của chiếc hỏa tiễn 2 tầng, W.A.C Corporal, với một cao độ 415 cây số. Đây là cuộc bước vào không gian đầu tiên của Mỹ và kỷ lục này được giữ luôn suốt 8 năm.

        b) Cuộc phóng đầu tiên được thành công vào tháng 5-1957 của một hỏa tiễn xạ thuật có tầm trung bình, là chiếc Jupiter, xa 2.400 cây số.

        Khi toán Peenemunde được sung vào chương trình không gian, người ta nhận được các kết quả như sau:

        a) Cuộc phóng chiếc vệ tinh địa cầu đầu tiên của Mỹ, chiếc Explorer 1, được chiếc hỏa tiễn Jupiter C đưa vào quỹ đạo ngày 31 tháng 1 năm 1958.

        b) Cuộc phóng chiếc vệ tinh mặt trời đầu tiên của Mỹ, chiếc "Pioneer IV" ngày 2 tháng 3 năm 1959.

        c) Cuộc phóng vào không gian 2 sinh vật đầu tiên của Mỹ là các con khỉ Abel và Baker, và đưa về thành công ngày 28 tháng 5 năm 1959.

        d) Chuyến bay đầu tiên vượt quỹ đạo của phi hành gia Alan Shepard, nhờ chiếc hỏa tiễn Redstone phóng đi ngày 5-5-1961. Thí nghiệm được tái tục với phi hành gia Virgil Grisson thực hiện ngày 21-7 cùng trong năm.

        John Glenn, người Mỹ đầu tiên được đưa vào quỹ đạo trái đất, đã hoàn thành 3 cải biến về phi thuyền Mercury được phóng vào ngày 20-2-1962; "Vectơ" là chiếc Atlas kiểu D. Chiếc hỏa tiễn này không do nhóm Von Braun thực hiện. Đấy là chiếc phi đạn liên lục địa biến cải của không lực Mỹ. Nếu chiếc Atlas thích hợp cho vai trò của Mercury thì chiếc này lại không đủ mạnh để phóng chiếc phi thuyền nguyệt cầu (chương trình Apollo).

        Được chuyển qua cơ sở dân chính N.A.S.A, vào ngày 1-7-1960, Von Braun và các cộng sự viên của ông lo thực hiện chiếc Saturne C - 1, khai triển được thêm một sức đẩy phụ trội tới 550 tấn. Saturne được thí nghiệm thành công vào ngày 27-10-1961. Từ đó, chiếc này còn chịu qua 7 cuộc thí nghiệm khác nữa tại mũi Kennedy. Người ta cho rằng đấy là một chiếc hỏa tiễn mạnh nhất hiện có trên hoàn cầu, kể cả Nga Sô. Các hỏa tiễn Saturne trong tương lai sẽ được trang bị máy móc có khả năng tạo ra một sức đẩy tới 3.750 tấn khi tách rời mặt đất, khoảng 20 lần hơn sức đẩy triển khai của chiếc Atlas. Các thiết trí cần thiết cho cuộc phóng phi thuyền nguyệt cầu - sẽ được thực hiện trên một đảo tại vùng Floride - phải có một diện tích chừng 320 cây số vuông, khoảng 6 lần lớn hơn diện tích đảo Manhattan. Chuyến bay: thí nghiệm đầu tiên được dự tính vào năm 1966.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #92 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2020, 05:04:27 am »


        CHIẾC PHI ĐẠN VÔ TUYẾN ĐIỀU KHIỂN CÓ TẦM HOẠT ĐỘNG XA, CÓ PHẢI ĐƯỢC PHÁT MINH Ở PEENEMUNDEKHÔNG?

        Von Braun sẽ là người sau hết cho rằng chính nhóm ông đã phát minh ra chiếc hỏa tiễn vô tuyến điều khiển có tầm hoạt động xa hay là chính nhóm ông đã hoàn thành lý thuyết căn bản toán học của thôi lực hỏa tiễn - điều quan hệ của vấn đề tất nhiên là ý niệm có tính cách bao quát phát xuất từ những công trình đầu tiên do nhiều chuyên viên của mọi quốc gia trên thế giới - với thí dụ tiêu biểu là Robert Goddard từ năm 1914 đã đệ nạp, các bằng sáng chế của hỏa tiễn có nhiều tầng và của máy hỏa tiễn chạy bằng nhiên liệu lỏng. Đấy là nền tảng của cuộc thám hiểm không gian. Goddard đã phóng chiếc hỏa tiễn đầu tiên bằng nhiên liệu lỏng ngày 16 tháng 3 năm 1926 ở Auburn tại tiểu bang Massachusetts; chiếc này lên cao khoảng 12 thước. Nếu Goddard, nhà khoa học đã mất hồi năm 1944 có được một ngân khoản cần thiết vào năm 1930 thì nước Mỹ có thể đã có chiếc hỏa tiễn vô tuyến điều khiển có tầm xa trước hơn các chiếc V2 của Đức. Thật ra, thì các hỏa tiễn của Goddard chưa bao giờ lên cao đến vài trăm thước. (Tiểu sử lý thú của Goddard rút trong quyển "This High Man " của Milton Lehman, được xuất bản vào tháng 10-1963).

        Cái gì đã xảy ra ở Peenemunde? Chuyện thật giản dị là Von Braun và các cộng sự viên của ông đã có dưới quyền sử dụng của họ, nào số người, đồ trang bị, nào quỹ cần thiết để rút từ các lý thuyết hiện có và các thí nghiệm thô sơ, các áp dụng thực tiễn nhờ sức tưởng tượng và sở trường nghề nghiệp của họ. Và kết quả là chiếc V2, chiếc vũ khí vô tuyến điều khiển có tầm hoạt động xa, mà các hỏa tiễn lo lớn hiện nay chỉ là các chiếc hỏa tiễn cải tiến mà thôi.

        CÁC NHÂN VẬT LIÊN HỆ TRONG KẾ HOẠCH OVERCAST ĐÃ TRỞ NÊN THẾ NÀO?

        Cũng như đã nêu ra ở chương 18, Von Braun Giám đốc trung tâm không gian George Marshall; đã giữ dưới quyền ông 89 cựu nhân viên Peenemunde để lập một toán công tác đồng nhất. Đấy là toán chuyên viên hỏa tiễn kỳ cựu nhất thế giới. Họ đã có 30 năm kinh nghiệm trong địa hạt này. Một số các nhân viên của thành phần đặc biệt ở Fort Bliss đã vào làm việc với các xí nghiệp tư sau khi được hưởng trước hết là quyền lưu trú thường trực, kế đó là vào quốc tịch Mỹ.

        B. Tessmann, người đã giấu các tài liệu V2, trong khu hầm mỏ Dornten, luôn luôn làm việc với Von Braun tại trung tâm Marshall. Nhưng Dieter Huzel người cũng dự vào cuộc cất giấu tài liệu kia, được thu dụng vào tổ chức "Không gian hàng không Bắc Mỹ và phân bộ hệ thống tin tức" ở California. Tiến sĩ Martin Schilling làm phó chủ tịch công ty "Raytheon Company" phụ trách điều khiển công việc nghiên cứu; Magnus Von Braun em trai của Wernher, đứng đầu phân bộ "hỏa tiễn" của hãng "Chrysler"; Tiến sĩ Theodore Buchold làm cho công ty General Electric; Krafft Ehricke thì ở hãng Convair; nhà khoa học Ernst Steinhoff làm cho tổ hợp RAND, còn Walther Riedel thì có một chỗ làm trong xí nghiệp tư tại Liên Bang Tây Đức sau khi đã trở về quê hương v.v...Tuy nhiên toán Von Braun ở Huntsville vẫn còn các phần tử thiết yếu đã làm sườn cốt cho tổ chức Peenemunde:

        Tướng Dornberger, như chúng ta đã biết, chỉ đến Mỹ vào tháng 7-1947. Nhưng ông không làm việc lại với các cộng sự viên của ông ở Fort Bliss. Ông được dùng như cố vấn về hỏa tiễn vô tuyến điều khiển của Không lực Mỹ. Tháng 5 năm 1950, ông được mời làm việc cho Công ty Hàng không "Bell Aircraft". Tháng 6 năm 1964, ông làm Phó chủ tịch kiêm giám đốc các cơ sở nghiên cứu khoa học của Bell Aerosystems Company, một chi nhánh của nghiệp hội Bell Aerospace Corporation ở Buffalo. Mặc dù đã hơn 60 tuổi, nhưng vẫn còn mạnh khỏe, tướng Dornberger đã góp phần vào việc thực hiện một số lớn các chương trình không gian trọng yếu như chế tạo chiếc X-l Bell, chiếc phi cơ phản lực đầu tiên của thế giới, và chiếc siêu thanh không động cơ Dyna-Soar, được phóng bằng một hỏa tiễn; ông còn là người binh vực nồng nhiệt cho "chiếc phi thuyền không gian có người ở, có thế điều hành trên ngoại tầng không khí và trở về đáp xuống tại một nơi định sẵn trước".

        Năm 1964, tất cả các người Mỹ đã đóng một vai trò quan trọng trong kế hoạch Overcast vào năm 1945, đã phân tán đi tất cả. Robert Staver đã rời khỏi quân đội vào tháng 12 năm 1945 với cấp bậc Trung tá trừ bị, bây giờ thì ông ở Los Altos thuộc tiểu bang Caliornia, và các hoạt động nghề nghiệp của ông hoàn toàn không dính dáng gì đến hỏa tiễn. Tiến sĩ Richard Porter sinh sống ở Connecticut, ông luôn vẫn là người của hãng G.E. được bầu làm chủ tịch công ty "Amenica Rocket Society" vào năm 1955 ông còn là chủ tịch của ủy ban quốc tế Sưu tầm không gian COSPAR (Comté International de Recherches Spatialdes) Joel Holmes, xuất ngũ với cấp bậc Thiếu tướng, là giám đốc của một hãng thầu cơ giới và kiều lộ tại Lowa. Đại tá Trichel, đã hồi hưu từ năm 1947, làm tổng đại lý cho hãng Chrysler ở Detroit. James Hamill đã rời bỏ chức vụ ở trung tâm Huntsville vào năm 1961, để chuyển qua phụ trách về phòng thí nghiệm nghiên cứu xạ thuật của trung tâm Aberdeen.

        Holger Toftoy có thể nói là người Mỹ hiểu Von Braun và nhóm Peenemunde hơn ai hết, từ tháng 8-1945, ngày ông đến Witzenhausen với quyền hạn lo tuyển chọn 100 chuyên viên hỏa tiễn Đức cho đến năm 1958, khi ông trở thành chỉ huy trưởng cơ xưởng Redstone, Toftoy không những là vị chỉ huy mà còn là tri kỷ, là bạn tâm tình của các kỹ thuật gia Đức, những người đã phải trải qua các thời gian buồn nản lúc mới đến Mỹ. Toftoy được người ta biết đến dưới cái tên đùa giễu là "ông hỏa tiễn" và sự tuyên dương kèm theo việc truy tặng huy chương công trạng đặc biệt sẽ giải thích tại sao: "chịu trách nhiệm về các quyết định quan trọng đầu tiên và thi hành các quyết định liên quan đến việc phát triển một số lớn các vũ khí sau thời chiến, như chiếc "Super bazooka" và chiếc hỏa tiễn to lớn "Honest John". Các vũ khí điều khiển "Nike" và "Corpo¬ral" được phát triển là do sự cố gắng của ông. Sự sáng suốt và tư cách chỉ huy của ông đã góp phần to lớn vào việc phát triển các hỏa tiễn của quân đội như các chiếc "Nike Ajax", "Nike Hercule" và "Hawk" mà ngày nay người ta đang trông cậy vào các vũ khí này để bảo đảm phần lớn hàng rào phòng thủ không phận của vùng Bắc Mỹ. Ông còn nhằm vào các mục tiêu kỹ thuật thích hợp và tìm các tài nguyên thiết yếu cho cuộc nghiên cứu đầu tiên của hỏa tiễn Redstone, đây là thuyết biến cải chiếc "Redstone" thành chiếc "Jupiter C", được phóng thành công chiếc vệ tinh địa cầu đầu tiên của thế giới tự do, chiếc "Explorer..."

        Các công dân của thành phố Huntsville đã dựng lên một ngôi đền cho Toftoy khi ông rời cơ xưởng Redstone năm 1958 để nhận chức điều khiển trung tâm Aberdeen. Có thể nói sự tôn kính của dân đối với con người này chưa bao giờ được xứng đáng hơn nữa. Toftoy một phần lớn, còn là người phát động cuộc nghiên cứu và tiến bộ của quân đội trong ngành hỏa tiễn; và chính ông đã đưa toán chuyên viên Đức ở Fort Bliss đến Huntsville. Vào thời kỳ đó Huntsville chỉ là một thành phố nhỏ buồn hiu với 16.009 dân, sống với ngành kỹ nghệ vải sợi. Phòng Thương mãi của thành phố này đã đặt tên cho nó là "thủ đô thế giới của cải cresson". Đến năm 1964, Huntsville có được 90.000 người và dân số không ngừng phát triển. Thành phố này tự nó bây giờ có tên là "Rocket city, U.S.A".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #93 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2020, 09:35:41 pm »


        "THÀNH QUÀ NÀY CỦA AI?"

        Mục đích của quyển sách này là kể lại các kế hoạch Crossbow, Overcast và Paperclip qua kinh nghiệm của một vài người đã tham dự vào việc thực hiện V2 và của những người Mỹ đã giữ một vai trò quan trọng trong việc đưa những người nói trên về Mỹ. Cũng như dự án nguyệt cầu Apollo không phải là công trình của một người hay một toán nào, kế hoạch đại qui mô như kế hoạch Overcast không phải là một thành quả cá nhân. Từ vị Bộ trưởng Ngoại giao là Cordel Hull đến những anh lính thiết giáp Sư đoàn III đã tiến chiếm Nordhausen, cả trăm người đã tham dự vào kế hoạch Overcast bằng cách này hay cách khác. Đối với những người ham chuộng hư vinh, luôn mong mỏi tên tuổi của mình, của chỉ riêng mình thôi, được gắn liền với những kế hoạch rộng lớn như kế hoạch Overcast, tác giả không có cách nào trả lời rõ hơn là đọc lại một đoạn thư ngắn của Gervais Trichel đã gởi cho tác giả hồi tháng 11 năm 1962:

        "Riêng cá nhân tôi, tôi coi sự đóng góp của Wernher Von Braun và nhóm các nhà bác học Đức có một tầm quan trọng phi thường trong nỗ lực giúp người Mỹ phát triển hỏa tiễn tầm xa và các áp dụng vào khoa học không gian, Nhiều người đã tham dự vào dự án này, nhằm mục đích qui tụ và đưa họ về Mỹ. Đối với tôi, vấn đề "ai đã làm được việc gì?" có vẻ phù phiếm vô cùng. Điều đáng kể là những nhà bác học này đã về đến Mỹ và họ đã tạo được những thành quả lớn lao trong công việc của họ. Không phải chỉ có người Mỹ, mà toàn thể thế giới đều được hưởng những thành quả ấy.

LỜI CẢM TẠ

        Với ý định thuật lại lần đầu tiên câu chuyện chi tiết về Crossbow và Overcast, tôi đã phải vận dụng đến ký ức của riêng tôi, đã phục vụ với tư cách của một sĩ quan tình báo nhằm lợi ích cho một cơ quan của chính phủ Mỹ tại Đức, sau thời kỳ chiến tranh. Nhưng tôi còn phải nhờ đến, nhiều hơn nữa các góp nhặt của một số lớn các nhân vật và các cơ quan. Trong các sưu tầm của tôi, nhờ có sự giúp đỡ đặc biệt của trung tá Gene Guerney, trưởng ban phân bộ về thư tịch học (sách tham khảo) của không lực Mỹ và của ông Albert Simpson, phụ trách phân bộ sử liệu của không lực Mỹ, đã cho tôi được toàn quyền sử dụng các tài liệu then chốt thậm chí đến cả tài liệu mật, của viện sưu tầm nghiên cứu tại trường Đại học Không quân ở căn cứ Maxwell thuộc tiểu bang Alabama.

        Ông William Peifer, tùy viên phân bộ Quân sử của Ngũ Giác Đài, đã giúp tôi với sự cố vấn của ông, cũng như ông L.A. Jacketr, chỉ huy phân bộ sử liệu của Bộ Không quân Hoàng gia Anh. Văn phòng tin tức của Bộ Lục quân và nhất là ông Bart Slattery, giám đốc thông tin của trung tâm thí nghiệm không gian G. Marshall và phụ tá của ông là Joe Jones, đã đem lại cho tôi rất nhiều yếu tố về tin tức. Ông Richard Gibbs và bà Donald, K. Garber cũng đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Tướng hồi hưu Joël Holmes và Đại tá hồi hưu Gervais Trichel, nhờ thư tín mà tôi đã trao đổi với quí vị đã giúp tôi làm sáng tỏ được những quan điểm tranh luận khác nhau. Quyển sách này sẽ không thể viết được nếu không có sự đóng góp của các nhân vật đã giữ vai trò quan trọng trong các biến cố mà họ đã tường thuật, như Tiến sĩ Richard Porter, tướng hồi hưu Holger Toftoy, nhà bác học W. Von Braun. Đại tá hồi hưu James Hamill, Trung tá hồi hưu Robert Staver và nhà khoa học Walter Dornberger. Vị này, mặc dầu bận rộn với nhiều công việc, vẫn đích thân tiếp đón tôi và cho tôi xem các văn khố các hình ảnh và những tài liệu cá nhân chưa bao giờ được công bố.

        Vì sự thiếu sót quan trọng hiện đại trong văn học dành cho trận Đệ II Thế chiến và cho các hỏa tiễn, nên ông Stanley Crane làm việc tại thư viện Pequot Libary de Southport thuộc tiểu bang Conneticut - đã lưu ý tôi soạn thảo tác phẩm này. Tác phẩm này được thành hình cũng nhờ sự bảo trợ của Clement Stone, chủ tịch công ty bảo hiểm hỗn hợp của Mỹ. Nhiều nhà văn đã giúp tôi thực hiện tác phẩm này, trong số đó tôi chỉ kể văn sĩ Clement Stone, vì chính ông cũng viết văn - Sau hết, tôi đặc biệt hàm ân Oliver Swan và Lawrence Hugh là hai người đã cho tôi hưởng những kinh nghiệm nghề nghiệp quý báu của họ.

J. Me GOVERN       

HẾT
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM