Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 14 Tháng Năm, 2024, 01:15:54 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức Sư đoàn 3 Sao Vàng - Tập 3  (Đọc 34363 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2017, 07:09:09 am »


VŨ ĐĂNG CỘNG - NGƯỜI ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG KIÊN CƯỜNG, DŨNG CẢM

        Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công vào thị xã Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) Xuân Mậu Thân 1968, trung đoàn 12, Sư đoàn 3 có nhiệm vụ đánh địch ở vùng ven để kéo chủ lực địch ra khỏi nội thị. Trận đánh ở thị trấn Đập Đá (huyện An Nhơn) tháng 12 năm 1967 là nằm trong lược đồ tác chiến ấy. Trận này, sau khi quét sạch các chốt điểm bên ngoài, bộ đội ta tiến sâu vào trung tâm thị trấn thì gặp sự chống trả quyết liệt của địch. Đại đội trưởng Vũ Đăng Cộng đứng ngay cổng trại cảnh sát ngụy để chỉ huy đơn vị. Theo đường chính, các mũi tiến công của ta tiêu diệt vọng gác, đánh thốc vào trong như vũ bão. Một mũi của đại đội bị chặn trước nhà 2 tầng. Một mũi khác đánh sập nhà bên cạnh. Dưới ánh sáng lờ mờ, Cộng quan sát thấy bọn địch đang tập trung chống cự dữ dội vào mũi thứ nhất. Hỏa lực từ trên tầng 2 của chúng bắn ra xối xả. Lập tức, Cộng xách súng phóng lựu (súng M79) cùng đồng chí liên lạc lướt dưới làn đạn địch xông tới. Anh lên tầng 2, nhà bên cạnh, chĩa súng qua cửa sổ phóng liên tiếp 9 quả M79. Hỏa lực địch tắt ngấm. Các mũi quân ta thừa thắng ào ạt xông lên đánh chiếm trại cảnh sát rồi bung ra khắp thị trấn.

        Trận đánh kết thúc thắng lợi. Đơn vị được lệnh di chuyển qua thôn Phương Danh, kề sát Quốc lộ I, lập trận địa phòng ngự, “cắm một nhát dao” ngay yết hầu Tiểu khu Bình Bịnh ở Quy Nhơn. Đúng như lược đồ phương án chiến dịch của ta, ngày hôm sau, địch huy động 1 trung đoàn lính Păc-chung-hy (Nam Triều Tiên), 4 đại đội lính bảo an, 32 xe tăng, xe bọc thép yểm trợ, ào ạt tiến vào thôn Phương Danh. Trận chiến đấu không cân sức giữa ta và địch diễn ra vô cùng khốc liệt. Một tiểu đoàn của ta đánh với 1 trung đoàn tăng cường của địch, có máy bay, xe tăng, pháo binh yểm trợ. Đại đội 3 do Vũ Đăng Cộng chỉ huy là đại đội chủ công của tiểu đoàn 6, được phân công trên hướng chủ yếu. Cộng bố trí thành nhiều tuyến, lúc đánh phòng ngự, khi tổ chức phản kích, bao giờ Cộng cũng ở vị trí dẫn đầu. Anh nói với chiến sĩ: Đảng đã giao cho đơn vị chốt giữ ở đây, chúng ta hãy vững vàng chiến đấu tới cùng để hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của Cách Mạng...Hơn lúc nào hết, trong lúc ác liệt này, chúng ta quyết giữ vững lời thề “ Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

        Cuộc chiến đấu đã sang ngày thứ 5, bọn địch điên cuồng cho xe tăng dàn hàng ngang tiến vào trận địa. Cũng như bao lần trước, Vũ Đăng Cộng lại xông ra. Anh vọt lên chiến hào cùng chính trị viên phó Hồng Bá Cầm trườn tới trước đoàn xe.

        -   Ầm ! Ầm ! Hai tiếng nổ xé tai của 2 quả đạn chống tăng do Cộng và Cầm bắn ra đã thiêu cháy 2 chiếc xe tăng địch. Đoàn xe hốt hoảng chạy dạt ra. Bom, pháo địch lại dội vào trận địa. Vũ Đăng Cộng bị một mảnh pháo phạt gãy cánh tay trái. Người anh lảo đảo. Các chiến sĩ xúm lại định đưa anh về phía sau. Nhưng Cộng gạt ra và nói: “ Tôi không sao. Mọi người hãy bình tĩnh. Hễ tôi còn thở, tim tôi còn đập, tôi vẫn chiến đấu bên cạnh anh em”. Anh bảo y tá băng cánh tay gãy và ra lệnh: “ Mọi người hãy bật lưỡi lê lên, sẵn sàng đánh giáp lá cà với bọn lính Păc-chung-hy để trả thù cho đồng chí, đồng bào”.

        Hoàng hôn bao phủ trận địa. Bọn địch tràn lên. Từ các chiến hào, công sự, bộ đội ta bật lên như những thiên thần, cùng Vũ Đăng Cộng lao vào quân địch. Họ đã chiến đấu đến người cuối cùng như lời thề trước lúc xuất quân. Trận địa im tiếng súng. Khắp nơi, ở đâu cũng có thân thể chiến sĩ ta nằm đè lên xác địch...

        Vũ Đăng Cộng sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó. Cảnh kéo xe thuê đã giúp anh sớm nhận ra những bất công trong xã hội và hiểu được lý tưởng đẹp đẽ của Đảng. Anh tình nguyện vào Đảng Lao động Việt Nam ở tuổi 20. Sống trên quê hương, ngày đêm nghĩ tới đồng bào miền Nam bị giặc Mỹ dày xéo, anh xung phong nhập ngũ và làm đơn xin vào chiến trường đánh Mỹ. Đó cũng là thời điểm anh Trỗi hy sinh. Không nói ra nhưng Cộng ôm ấp trong lòng hoài bão sống và chiến đấu như anh Trỗi. Vào chiến trường, Vũ Đăng Cộng đã thực hiện được hoài bão ấy một cách xứng đáng.

        Ngày 28 tháng 9 năm 1965, trong trận Diên Khánh (huyện Hoài Nhơn), anh dẫn đầu trung đội đánh với một đại đội địch cố thủ trong ấp Diên Khánh. Sau khi phá tung hàng rào ấp, anh cùng tổ mũi nhọn thọc vào tiêu diệt sở chỉ huy địch, rồi từ đó đánh bung ra, truy kích bọn lính “Cọp Đen” trên đồng trống và đường Quốc lộ số I, diệt nhiều tên địch, thu vũ khí.

        Ngày 19 tháng 11 năm 1966, phục kích tại thôn Long Giang (huyện Hoài Ân), đơn vị anh bị một tiểu đoàn Không vận Mỹ đánh vào trận địa từ phía sau, Vũ Đăng Cộng đã chỉ huy trung đội lật cánh đánh trả quyết liệt, giành lại thế chủ động, sau đó xuất kích đánh thẳng vào đội hình quân Mỹ, đẩy lùi chúng ra. Một tháng sau, trong trận phục kích tại thôn Long Giang và Lộc Giang (huyện Hoài Ân), Vũ Đăng Cộng lại làm cho bọn Mỹ phải khiếp sợ. Từ 8 giờ đến 21 giờ, Cộng đã chỉ huy trung đội vừa diệt bọn bộ binh vừa bắn máy bay Mỹ. Khi địch lùi ra để gọi pháo chi viện, Cộng dẫn đầu anh em xuất kích bám sát chúng, lấy xác địch làm công sự để tiếp tục tiến công. Trung đội anh đã đánh tan 2 đại đội địch, diệt 96 tên, bắn rơi 1 máy bay. Riêng Cộng diệt 16 tên Mỹ, thu 6 súng. Đạt danh hiệu “ Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú”.

        Vào mùa xuân lịch sử này, sau lời kêu gọi của Bác Hồ, anh tự tay ký vào Cờ Đảng tình nguyện làm đội viên “Đội Quyết tử”. Trận đầu chiến dịch, Cộng chỉ huy đại đội đánh vào Trung tâm huấn luyện hạ sĩ quan ngụy tại Gò Trạm (huyện Phù Cát). Khi bộ đội vào xong hàng rào thứ nhất thì bị lộ, anh ra lệnh: “ Giật rào xông lên ! ”. Được hỏa lực ta chi viện, Cộng hô bộ đội xốc tới. Lúc đại đội anh đã chiếm hết các mục tiêu của mình, thấy đơn vị bạn gặp khó khăn, Vũ Đăng Cộng dẫn một trung đội đánh tạt sang chi viện. Trận đánh kết thúc nhanh chóng. Căn cứ Gò Trạm bị phá tan hoang, 149 tên địch bị tiêu diệt.

        Và hôm nay, Vũ Đăng Cộng, với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, anh đã chỉ huy đại đội kiên cường chiến đấu, cùng với tiểu đoàn kìm chân cả một trung đoàn lính đánh thuê Nam Triều Tiên và một liên đoàn Bảo an, tạo điều kiện cho các lực lượng vũ trang ta tiến vào thị xã Quy Nhơn chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công Xuân 1968.

        Vũ Đăng Cộng là như thế đó. Trong 19 trận chiến đấu từ khi vào Nam, anh đã mang trong mình tư tưởng tiến công của Đảng, tinh thần bất khuất của anh Trỗi, lập nhiều chiến công xuất sắc, có trận đặc biệt xuất sắc. Anh đã đạt nhiều danh hiệu dũng sĩ, 2 lần được bầu là chiến sĩ thi đua và đã được tăng thưởng 4 Huân chương Chiến công Giải phóng các hạng. Nhưng đối với anh, sung sướng hơn cả, vinh dự hơn cả là được mọi người tin tưởng và noi gương.

        Vũ Đăng Cộng đã anh dũng hy sinh cùng với hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn 6, trung đoàn 12 tại thôn Phương Danh Nam. Nhưng hình ảnh anh, một cánh tay đeo băng trắng lủng lẳng, tay kia cầm súng ngắn dẫn đầu chiến sĩ đánh giáp lá cà với bọn lính Pắc- chung- hy, mãi mãi tạc vào lòng chiến sĩ và đồng bào như một biểu tượng của Chủ nghĩa Anh hùng Cách mạng Việt Nam.

Tháng 4 năm 1970       
L.H.L               
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2017, 07:12:56 am »


        Đại tá Nguyễn Văn Chước,
        Nguyên Chính ủy Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 – Sao Vàng,
        Nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Sư đoàn 309,
        Nguyên Chủ nhiệm Chính trị Mặt trận 479 (Căm-pu-chia),
        Nguyên Phó Cục trưởng Cục Chính trị Quân khu 5, đã nghỉ hưu.

        Ông là một trong những người có mặt ở chiến trường Bình Định từ những năm 1962-1963, đã tham gia thành lập Sư đoàn 3-Sao Vàng và gắn bó với Sư đoàn suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhân kỷ niệm 45 năm thành lập Sư đoàn, ông có mấy Ký ức nhỏ gửi tới các chiến sĩ trẻ của đơn vị.


CHỈ CÓ TRUNG ĐOÀN 2

        Hội nghị Pa-ri về Việt Nam chuẩn bị ký kết. Trung đoàn 2 được lệnh triển khai kế hoạch “Tranh thủ thắng lợi” (đánh chiếm những vùng có ý nghĩa chiến lược trước khi Hiệp định Pa-ri có hiệu lực). Lúc đó, Trung đoàn 2 đang phòng ngự ở huyện Hoài Ân thì được lệnh giao toàn bộ khu vực phòng thủ cho Trung đoàn 21 để hành quân ra Bắc huyện Hoài Nhơn, đánh chiếm Tam Quan và cửa biển Trường Xuân. Ai cũng vui mừng vì biết đây là cơ hội để mở rộng vùng căn cứ địa cách mạng. Nhưng đơn vị vừa hành quân tới xã Ân Tín, chuẩn bị vượt sông An Lão thì nhận điện khẩn của Sư đoàn: Trung đoàn 2 quay lại bảo vệ quận Hoài Ân.

        Thì ra, bọn địch cũng có ý định chiếm lại quận lỵ Hoài Ân trước khi ký hiệp định Pari. Chúng bí mật dùng Trung đoàn 40 đổ quân lên dãy núi Đất Sét, phía tây bắc quận lỵ Hoài Ân, vượt sông Kim Sơn đánh chiếm Truông Sỏi, phát triển sang núi Một, sát nách phía tây quận lỵ. Bị đánh bất ngờ, Trung đoàn 21 chốt giữ tại các điểm cao này bị bật. Nguy cơ địch chiếm quận lỵ từ phía sau đã hiển hiện trước mắt.

        Tôi đang chủ trì hội ý cán bộ triển khai kế hoạch đánh chiếm Tam Quan thì có điện cấp trên cần gặp chính ủy Trung đoàn. Tạm dừng cuộc hội ý, tôi cầm máy. Từ đầu dây bên kia, đồng chí Nguyễn Chánh (Bình), phó Tư lệnh Quân khu V đi trực tiếp chỉ huy Sư đoàn 3, chậm rãi nói từng lời với vẻ nghiêm trọng: “Địch đã chiếm đồi 75, Truông Sỏi, đang triển khai đánh núi Một, đe dọa mất quận lỵ Hoài Ân. Thực lực của Trung đoàn 21 không thể khôi phục được tình hình. Trung đoàn 2 là đơn vị chủ công, có truyền thống. Chỉ có Trung đoàn 2 về đánh mới giữ được Hoài Ân. Quân khu tin tưởng vào các đồng chí.”

        Nghe trên thông báo địch, tôi biết tình thế đã nguy cấp đối với quận lỵ Hoài Ân nên nhiệm vụ của trung đoàn là nặng nề. Nhưng tôi thực sự cảm động, chen lẫn tự hào vì được cấp trên đánh giá tin cậy. Không thể chần chừ, tôi truyền đạt ngay ý kiến (coi như mệnh lệnh) của đồng chí Nguyễn Chánh và biến cuộc hội ý thành cuộc triển khai nhiệm vụ tác chiến. Đồng chí Trung đoàn trưởng (Lê Trọng Sủng) chỉ huy Tiểu đoàn 2 cấp tốc hành quân về quận lỵ đón đánh địch từ phía Tây. Tôi (chính ủy) và Trung đoàn phó Nguyễn Hữu Quang, chỉ huy Tiểu đoàn 1 tập kích địch ở đồi 75 và Truông Sỏi. Tiểu đoàn 3 nhanh chóng về giữ núi Một và làm lực lượng dự bị.

        Do đã đổ máu, hy sinh nhiều để bảo vệ “đất thánh Hoài Ân” nên cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn khi nghe địch sắp chiếm lại quận lỵ và Trung đoàn có nhiệm vụ đánh địch để bảo vệ Hoài Ân, mọi người đều xúc động thực sự. Ai cũng tràn đầy quyết tâm diệt địch. Bộ đội hành quân suốt đêm và khoảng 1 giờ sáng đã tới mục tiêu quy định. Trung đoàn sắp ra lệnh nổ súng thì trinh sát từ các trận địa đều báo cáo địch có hiện tượng rút chạy. Tôi ra lệnh bộ đội xông vào nhưng các trận địa đã trống không. Tiểu đoàn 2 đón lõng nhưng không đúng nơi địch rút, thành ra chỉ bắn “vuốt đuôi” xua chúng chạy nhanh hơn.

        Sau này được cấp trên thông báo, do địch phát hiện qua điện đàm máy 2W của ta rằng Trung đoàn 2 sẽ quay lại Hoài Ân nên chúng không dám trụ lại những nơi đã chiếm, càng không dám đánh vào quận lỵ. Sư đoàn và Trung đoàn trải qua những giờ phút căng thẳng đến nghẹt thở. Và chúng tôi, những người lính của Trung đoàn 2 chủ công có chút tự hào bởi danh tiếng của mình đã làm cho kẻ thù phải khiếp sợ.

Đà Nẵng, tháng 8-2009       
N.V.C                 
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2017, 07:17:19 am »

         
CẦU HÒA

        Sau hiệp định Pari về Việt Nam, phương châm “xanh vỏ, đỏ lòng”, “hiu hiu gió thổi” bị phủ định bởi bọn địch ra mặt nống lấn vùng giải phóng . Chúng quyết xóa bằng được “Vùng đất thánh Hoài Ân”. Dãy núi phía Đông quận lỵ Hoài Ân từ điểm cao 305 đến 271, bình độ 200 luôn bị địch ném bom bắn pháo để lấn chiếm.

        Tại điểm cao 305, Đại đội công binh của Trung đoàn chốt giữ, anh em đã từng bước kiên cố hóa trận địa bằng hầm kèo và địa đạo. Máy bay địch đến ném bom, đồng chí Thưởng, chính trị viên dẫn đầu anh em ra trận địa bắn máy bay bằng súng AK. Vẫn biết súng AK thì làm sao hạ được máy bay phản lực nhưng Thưởng nói: “ Có bắn thì nó mới sợ và ném bom không trúng, không bắn nó cũng ném. Đồi hẹp, dốc đứng, bom dễ trượt xuống vực khi chúng mất bình tĩnh”. Nếu chúng bắn pháo cối hạng nặng thì anh em rút xuống địa đạo. Cuộc sống gắn với bùn đất nhưng tâm thế vẫn đàng hoàng. Phòng họp trong hầm, sinh hoạt văn hóa trong hầm. Ở trong hầm, đồng chí Phung, đại đội trưởng hướng dẫn anh em cải tiến đạn cối 61, cối 82 thành lựu đạn có sức công phá lớn. Khi máy bay địch đến anh cho bộ đội dùng B41 bắn máy bay, khiến địch kinh hoàng.

        Một hôm, anh em phát hiện Trung đoàn 41 ngụy nghi binh hành quân ra Hoài Nhơn, nhưng chập choạng tối quay lại tập kết dưới chân núi 305 và 271 để ngày hôm sau tiến công trận địa ta. Phán đoán được âm mưu địch, Trung đoàn sử dụng toàn bộ đại đội ĐKZ75, cối 82 và 12,7 li tập kích quyết liệt vào vị trí tập kết của địch. Chúng bị thiệt hại nặng nề và không chối cãi được hành động vi phạm Hiệp định. Sáng hôm sau, tại điểm giao tiếp giữa 2 bên tại chân đồi Du Tự, tên Thiếu tá Tham mưu trưởng Trung đoàn 41 ngụy nhận tội vi phạm Hiệp định và đề nghị ta cho phép để chúng giải quyết hậu quả tổn thất. Anh em về báo cáo tôi. Tôi không trực tiếp ra gặp gỡ mà trao đổi với đồng chí Quỵnh, phó chính ủy và đồng chí Khánh Vân, nhà báo quân đội ra nói với chúng, đại ý: “Chính sách của Mặt trận là nhân đạo, đơn vị sẽ không nổ súng để cho binh lính các ông vào giải quyết tử thương. Khuyến cáo họ không được tráo trở tiến công, sẽ bị đòn đau hơn.”

        Chiến trường ác liệt, nhưng cũng có những khoảnh khắc thật tuyệt vời.

Đà Nẵng, tháng 8-2009        
N.V.C                  




CẮM CỜ

        Hiệp định Pari quy định: Khi thời khắc ngừng bắn có hiệu lực (1 giờ ngày 28-01-1973), bên nào chiếm được ở đâu thì cắm cờ báo cho bên kia biết, không được xâm phạm. Hai bên giữ nguyên trạng phạm vi quản lý của mình. Cắm cờ là một hình thức ngoại giao chứ không phải chia đất.

        Bộ đội hiểu được điều đó nên đã có nhiều sáng tạo trong thời điểm “tranh tối tranh sáng ấy” để có thêm đất cho Cách mạng. Cụ thể là ở núi Bụt, một mỏm núi án ngự ngay cửa ngõ quận lỵ Hoài Ân đã bị địch chiếm trước ngày 27-01-1973. Ta đánh mãi, không lấy được. Địch chiếm đỉnh đồi, Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2 phòng giữ ở chân đồi.

        Sáng ngày 27-01-1973, Đại đội 3 cho bộ đội vận động ra vào lấp ló như đang chuẩn bị chiến đấu. Bọn địch trên đồi sợ bị tiến công nên sáng hôm sau, chưa đến giờ thay quân đã cho lính tụt xuống. Một tổ chiến sỹ Đại đội 3 bí mật bám theo và lên đỉnh núi Bụt cắm cờ. Đơn vị địch đến thay quân, lên tới đỉnh, thấy cờ Mặt trận dân tộc giải phóng nên chửi thề rồi quay lại. Cũng cách làm đó, Đại đội trinh sát Trung đoàn đã chiếm lại được mỏm 1 Đầu Tượng, tạo nên thế trận phòng ngự ở quận lỵ Hoài Ân thêm vững chắc trong những ngày chống địch lấn chiếm sau đó.

Đà Nẵng, tháng 8-2009        
N.V.C                  

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2017, 07:22:27 am »


BÌNH ĐỘ 200

        Khoảng cuối năm 1972, bình độ 200 là một trong những điểm chốt bảo vệ từ xa của ta đối với quận lỵ Hoài Ân. Địch quyết lấn chiếm để làm bàn đạp tiến vào quận lỵ. Hàng ngày, chúng ném bom, bắn pháo phá nát trận địa. Ngớt bom pháo là cho bọn bảo an đóng giữ ở điểm cao 442 gần đó tiến xuống, chẳng khác gì từ trên nóc nhà đánh xuống mái nhà.

        Tại đây, bộ đội ta ngoài xây dựng trận địa ở điểm cao, còn xây dựng hệ thống địa đạo ở lưng chừng núi. Địch ném bom, bắn pháo thì lui về địa đạo. Ngớt bom pháo, bộ binh địch xuất hiện, các chiến sỹ ta xông ra giáp chiến. Bọn bảo an đánh mãi không được, chúng phải dùng tới lính biệt động đánh theo cách đánh của bọn biệt kích: Bí mật cơ động lực lượng tới gần chốt của ta để bất ngờ đánh úp. Tại Sở chỉ huy tiền phương của Trung đoàn, đồng chí Nguyễn Hữu Quang, Trung đoàn phó phát hiện địch liền báo cáo về Sở chỉ huy cơ bản tại Hội Long. Tôi triệu tập họp Thường vụ và Ban chỉ huy, hạ quyết tâm chiến đấu. Nhất trí tập kích ngay trong đêm, tiêu diệt bọn biệt động quân trước khi trời sáng, đập tan ý đồ chiếm bình độ 200 của chúng. Trung đoàn trưởng đi dự hội nghị ở Sư đoàn, tôi – Chính ủy và anh Quang – phó trung đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy.

        Kế hoạch được triển khai nhanh chóng. Dùng Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 1 làm xung kích có sự chi viện của hỏa lực Trung đoàn.

        Trận đánh diễn ra dữ dội và nhanh chóng. Toàn bộ Tiểu đoàn biệt động quân của địch, không có công sự che đỡ đã bị pháo cối của ta đánh hoảng loạn, tổn thất. Tiếp đó các chiến sỹ bộ binh tràn lên. Hầu hết bọn địch bị diệt và tan rã.

        Chốt của Trung đoàn ở bình độ 200 vẫn hiên ngang đứng vững.

        Trận đánh đạt hiệu suất chiến đấu cao, thương vong của ta không đáng kể. Đó là nhờ nắm chắc thời cơ, mạnh dạn quyết đoán, chỉ huy hợp đồng bộ - pháo chặt chẽ. Kinh nghiệm ấy đã trở thành một trong những kỷ niệm đẹp cuộc đời lãnh đạo, chỉ huy của tôi.

Đà Nẵng, tháng 8-2009       
N.V.C                 



ĐỘI QUYẾT TỬ

        Chiến dịch Xuân Hè năm 1972, Sư đoàn 3-Sao Vàng cùng Quân dân địa phương đã giải phóng hoàn toàn Bắc Bình Định. Quận Hoài Ân trở thành “Mảnh đất thánh”của cách mạng và được bảo vệ cho đến ngày chiến tranh kết thúc. Đã có biết bao cán bộ, chiến sĩ đổ máu, hi sinh để giữ vững vùng “Đất Thánh ” ấy. Ác liệt nhất là đồi Du Tự.

        Đồi Du Tự là điểm cao khống chế trực tiếp quận lỵ Hoài Ân. Trung đoàn giao cho tiểu đoàn 2 dùng một đại đội thay nhau chốt giữ. Đây cũng là mục tiêu hiểm yếu để chiếm quận lỵ nên bọn địch đánh phá vô cùng ác liệt. Sau nhiều lần bị bộ binh ta đánh lui, chúng thay đổi thủ đoạn, dùng pháo, cối hạng nặng lắp ngòi nổ chậm để khoan sâu phá hoại công sự của ta. Bộ đội thương vong nhiều, lực lượng cơ động của tiểu đoàn 2 bị hỏa lực của chúng ở điểm cao 312 gần đó chế áp, không chi viện được. Chốt Du Tự bị mất. Ta dùng đặc công tập kích chiếm lại. Nhưng ngày hôm sau, lại bị chúng chiếm. Giằng co nhau mãi, bộ đội hao tổn. Sư đoàn khêu gợi trung đoàn 2 thành lập “Đội quyết tử” để bảo vệ quận lỵ Hoài Ân.

        Ban chỉ huy trung đoàn bàn bạc và phân tích: nguyên nhân mất Du Tự không phải do bộ đội thiếu lòng dũng cảm mà là chưa có cách đánh thích hợp. Công sự không đủ vững và hỏa lực ta chưa kìm chế được hỏa lực địch. Nếu cứ tiếp tục tổ chức các đội “Quyết tử” thì bao nhiêu đội cho đủ. Các cán bộ, chiến sĩ nòng cốt sẽ bị cuốn vào các đội “Quyết Tử” mà hy sinh. Chúng tôi đem suy nghĩ của mình xuống bàn bạc với đại đội công binh đang đảm nhiệm phòng ngự tại quận lỵ Hoài Ân. Anh em thống nhất không thành lập đội quyết tử mà cả đại đội hạ quyết tâm “Còn người, còn quận lỵ”, chỉ cần trung đoàn có kế hoạch chi viện binh, hỏa lực và chi viện lực lượng củng cố công sự.

        Hai ngày sau, tôi ra trận địa kiểm tra thì thấy, từ ngả 3, ngả 4 trong quận lỵ đến các công sự chốt, tường nhà đều có khẩu hiệu “Còn người, còn trận địa”, “Quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ quận lỵ Hoài Ân”...

        Lời thề của các chiến sĩ đã thành sự thật. Những ngày sau đó, dù địch tăng cường đánh phá. Đánh ngày, đánh đêm, nhưng ta có cách đánh mới, quyết tâm mới – Quyết tâm của cả tập thể đơn vị chứ không chỉ một đội “Quyết tử”, trung đoàn đã bảo vệ được quận lỵ Hoaì Ân cho đến ngày ký Hiệp định Pa-ri.

Đà Nẵng, tháng 8 năm 2009.       
N.V.C                       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2017, 08:33:17 am »


LẠI CHUYỆN BẮT SỐNG TƯỚNG NGỤY

        Vừa qua, tôi có đọc báo Quân đội nhân dân và Sự kiện - Nhân chứng thấy có một số tình tiết không chính xác về việc bắt Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang trong trận Ninh Thuận ngày 16 – 4 – 1975. Tác giả của các bài báo, có người là đại tá, có người Trung tướng. E rằng hậu thế khó bề phân định đúng sai. Nay, nhân kỷ niệm 45 năm thành lập Sư đoàn, tôi xin nói một số điều mà tôi đã trực tiếp “tai nghe, mắt thấy” về việc bắt 2 tướng Nghi, Sang.

        Trước hết, phải khẳng định, trong “Ký sự lịch sử Sư đoàn Sao Vàng” xuất bản năm 1984, sự kiện này đã được các thế hệ chỉ huy Sư đoàn kết luận qua nhiều lần duyệt bản thảo là hoàn toàn đúng đắn, đáng lẽ không cần phải bàn cãi. Tuy nhiên, do những góc nhìn khác nhau, một số người lại viết theo những thông tin hoặc trí nhớ của chính mình nên chưa thật chính xác, âu cũng là điều khó tránh khỏi. Chỉ tiếc là có tình tiết nhầm lẫn đến mức, đơn vị bắt tướng là Trung đoàn 2 lại nói là Trung đoàn 12 (Sự kiện và nhân chứng số 136 tháng 4, năm 2005). Nay tôi xin kể lại vắn tắt như sau:

        Quá trưa ngày 16 tháng 4 năm 1975, Ban chỉ huy Trung đoàn 2 cơ động một quãng đường dài từ quận Du Long đến quận Bửu Sơn (tỉnh Ninh Thuân). Tới đường 11 đi Đà Lạt, do quá mệt, tôi ra lệnh tạm dừng cho cơ quan ăn cơm trưa (độ 13 giờ). Mọi người tự động tìm chỗ nghỉ. Lúc đó, tôi là Chính ủy trung đoàn, đồng chí Đoàn Mai Ngữ, quyền Trung đoàn trưởng đã bị thương nhưng vẫn theo đơn vị, đồng chí Nguyễn Văn Hồng, Phó Trung đoàn trưởng giúp đồng chí Ngữ chỉ huy mọi việc, đồng chí Lê Văn Quýt, Phó Chính ủy trung đoàn giúp tôi giải quyết chính sách hậu phương và công tác dân vận.

        Chưa kịp ngả lưng thì có điện thoại của tiểu đoàn 1. Đồng chí Xích, quyền Tiểu đoàn trưởng báo cáo đã gặp địch đang lẩn trốn ở khu ruộng mía phía nam Đường 11, nhân dân cho biết, chúng có hàng trăm tên. Tôi triệu tập Ban Chỉ huy Trung đoàn họp ngay bên mé đường, quyết định giao đồng chí Hồng chỉ huy Tiểu đoàn 1 với phương châm “ Bao vây chặt, kêu gọi hàng, giảm đánh bằng súng đạn để hạn chế thương vong cho bộ đội”. Đồng chí Hồng đi rồi, tôi gọi điện thoại cho Tiểu đoàn 1, hướng dẫn đồng chí Xích, khi trời tối, tìm một chiếc đèn của dân, treo lên một vị trí đã định để hướng dẫn địch ra hàng.

        Khoảng 20 giờ, tôi đang lơ mơ chợp mắt thì Tiểu đoàn 1 báo cáo một tin bất ngờ rằng: Trong đám tù binh có 2 tên tướng ngụy. Tôi chưa tin hẳn nên ra lệnh cho đồng chí Xích đi kiểm tra lại. Một lát sau, đồng chí Xích báo cáo đã bắt được tướng thật nhưng chúng nó khiếu nại không cho trói theo luật quốc tế, xin ý kiến của trung đoàn. Tôi cũng chưa biết luật nào quy định về bắt được tướng giặc nhưng nghĩ rằng: Bắt được tướng giặc là quan trọng, lại ban đêm nên ra lệnh cứ trói cẩn thận, đối xử lịch sự, dẫn về trường Tiểu học sẽ có người đón. Tôi báo cáo việc bắt tướng lên Sư đoàn. Chính ủy Sư đoàn Mai Tân ra lệnh cho tôi phải trực tiếp kiểm tra. Lập tức tôi tới trường Tiểu học. Anh em gác hỏi: “ Thủ trưởng có cần gặp chúng không?”. Tôi trả lời: “ Không. Chỉ kiểm chứng thôi”. Trong vai một người lính, tôi nhìn tất cả đám tù binh một lượt, thấy chúng ngồi cúi mặt. Một tên dáng thấp đậm đã đứng tuổi, trên nắp túi áo thêu rõ hàng chữ “ Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi”, cạnh đó, tên có dáng cao to hơn, trên ngực áo thêu hàng chữ “ Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang” (tên này mặc áo liền quần của phi công), kế đến là một tên Mỹ và mấy tên sĩ quan cấp tá.

        Tôi ra lệnh cởi trói và cấp lương khô cho chúng. Tên Mỹ đón nhận hồ hởi và ăn lia lịa, còn nhét mấy thỏi vào túi. Nghi và Sang không ăn nên bọn cấp dưới cũng ngồi im. Tôi quay về Sở Chỉ huy trung đoàn, báo cáo với Tư lệnh Sư đoàn và ngay trong đêm, Sư đoàn cho cán bộ các cơ quan xuống tiếp nhận đám tù binh đó.

        Sau này, trước khi mở Đại hội tổng kết thi đua năm 1975, chúng tôi đã tổ chức bình công từ trung đội, đại đội đến tiểu đoàn, trung đoàn và xác định, đơn vị bắt tướng ngụy là Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2. Tổ trực tiếp bắt tướng là đồng chí Loan (trung đội phó), đồng chí Mưu (tiểu đội trưởng) và đồng chí Quân, xạ thủ B40. Tất cả đều được khen thưởng xứng đáng.

Đà Nẵng, tháng 8 năm 2009       
N.V.C                       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2017, 08:36:47 am »

         
KHI CẦN, CHÍNH ỦY TRUNG ĐOÀN CŨNG LÀM CÁN BỘ ĐẠI ĐỘI

        Đợt 1, Chiến dịch Xuân 1975, Trung đoàn 2 đảm nhiệm vai trò chủ công của Sư đoàn đánh cắt Quốc lộ Số 19. Trong đó, gay cấn nhất là phải đánh sập và làm chủ được cầu 16. Ngày đầu, công binh trung đoàn đánh lần thứ nhất không sập hết cầu. Trung đoàn 47 ngụy tung lực lượng chiếm giữ cầu. Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 2 và Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 12 đánh Núi Dài xong, địch đưa quân chiếm lại. Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2 đánh cầu 16 suốt ngày vẫn không chiếm được. Bộ đội thương vong cao. Cán bộ tiểu đoàn, đại đội mệt mỏi, có người dao động. Yêu cầu đánh sập cầu 16 là bức thiết vì đó là yếu tố quan trọng bảo đảm cắt đường 19.

        Trưa hôm đó (tôi không nhớ rõ ngày nào). Trời nắng, nóng bức. Ban chỉ huy trung đoàn đang theo dõi các hướng chiến đấu thì có điện thoại của Sư đoàn. Tôi vội cầm máy:

        -   Tôi. Chước. Xin nghe.

        -   Tôi. Mai Tân đây. Lệnh của Sư đoàn, đồng chí Chính ủy Trung đoàn phải ra trực tiếp chỉ huy bộ đội đánh sập cầu 16. Đánh xong, báo cáo cho tôi.

        -    Anh Mai Tân, Chính ủy Sư đoàn vốn là người sắt đá. Tôi biết, khi Chính ủy Sư đoàn đã ra lệnh là tình hình khẩn thiết lắm rồi. “Quân lệnh như sơn”, tôi nói với anh Thái, trung đoàn trưởng: “Sư đoàn đã lệnh đích danh tôi chỉ huy đánh cầu nên anh ở nhà chỉ huy chung phối hợp cho tôi hoàn thành nhiệm vụ”.

        Tôi mang theo 1 trinh sát và 1 vệ binh đi cùng. Tay cầm cây lá ngụy trang để vượt đồng trống. Trên trời, máy bay trinh sát địch chao lượn nhưng bị cao xạ của ta khống chế nên không dám xuống thấp. Chúng tôi nhanh chóng tới được Vườn Xoài, nơi tập kết của Đại đội Công binh. Gặp anh em, tôi hỏi vì sao đánh cầu không sập. Anh em trả lời do thiếu bình tĩnh nên vội vàng đặt bộc phá không đúng kỹ thuật. Tôi bảo đại đội trưởng dẫn ra kiểm tra thực địa. Nhờ có bờ suối cao, cây cối rậm nên chúng tôi tiếp cận cầu khoảng 20 mét. Thấy cầu chỉ bị nghiêng, xe tăng không đi được nhưng xe cơ giới có thể vượt qua. Tôi ra lệnh “Phải đánh lại. Đánh vào 2 mố cầu”.

        Về tới Vườn Xoài, tôi giám sát anh em buộc bộc phá, tra kíp và chọn người ra đánh, bố trí lực lượng yểm hộ. Tất cả do tôi trực tiếp chỉ huy. Mọi người phấn khởi, tin tưởng, có lẽ là thấy Chính ủy Trung đoàn xuống tận nơi, chứ về kỹ thuật đánh cầu thì anh em giỏi hơn tôi. Mặc cho địch ở Núi Dài khống chế, bộ đội vẫn mạnh dạn tiếp cận cầu dưới hỏa lực yểm hộ của ta. Trong chốc lát, 2 tiếng nổ của 2 quả bộc phá khối đã làm bật tung 2 mố cầu 16. Tôi ra kiểm tra kết quả chính xác rồi mới về báo cáo với Chính ủy Mai Tân. Sư đoàn đã theo dõi sát trận này nên biểu dương ngay khi tôi vừa cầm máy báo cáo.

        Sau khi đánh sập Cầu 16, ta làm chủ mặt đường 19, nối thông với Tiểu đoàn 1 đang chiến đấu ở phía nam đường. Suốt mấy ngày qua, thương binh Tiểu đoàn 1 ùn lại quá tải ở Trạm phẫu tiền phương, không đưa về phía sau được. Pháo địch đêm nào cũng bắn chặn các lối hành lang của ta. Anh em Đại đội Vận tải tổn thất, một số mệt mỏi, có người sợ không dám đi khênh thương. Trước tình hình đó, tôi bàn với Ban Chỉ huy để tôi trực tiếp tổ chức đưa thương binh của Tiểu đoàn 1 vượt Đường 19 về Bệnh xá kịp cứu chữa cho anh em.

        Tôi huy động lực lượng 3 Cơ quan Trung đoàn ( kể cả Phái viên của Quân khu và Sư đoàn xuống công tác. Nhà văn quân đội Nguyễn Trí Huân cũng hăng hái tham gia). Phân công Trinh sát nắm đường, Thông tin, Vệ binh làm lực lượng bảo vệ đi đầu và đi cuối. Hợp đồng với các Đại đội Hỏa lực chế áp pháo địch ở Đồng Phó và Núi Dài. Tôi đứng trên đường 19, trong ánh sáng lập lòe của pháo sáng địch, mỗi cáng đi qua, tôi lại nói: “Chước đây. Chính ủy Trung đoàn đây. Các đồng chí hãy cố gắng lên nhé ”. Một lần nữa, tôi lại cảm nhận được sự yên tâm, phấn khởi của người lính khi có người chỉ huy cao nhất của trung đoàn cùng sát cánh với mình ở những thời điểm khó khăn nhất.

        Đêm đó, chúng tôi chuyển được 22 ca thương nặng của Tiểu đoàn 1 đã nằm chờ mấy ngày qua ở nam Đường 19.

Đà Nẵng, tháng 8 năm 2009       
N.V.C                       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2017, 08:45:09 am »


        Chùm thơ của Đào Quang Thắng
        Cán bộ Sở Văn Hóa – Thông Tin tỉnh Bắc Ninh.
        Nguyên chiến sĩ Trinh sát Kỹ thuật Sư đoàn 3- Sao Vàng


CÁT TRẮNG – RỪNG DƯƠNG

Tặng Út Thơm, nữ du kích huyện Phù Mỹ       

                                                    Anh lại xuống vùng Đông
                                                    Dù độ này giặc lùng dữ lắm
                                                    Em không hẹn Anh cũng về Mỹ Thắng
                                                    Về với rừng Dương, cát trắng của Anh
                                                    Biển ngoài kia thổn thức ngày đêm
                                                    Sóng vỗ lòng Anh, Em có biết
                                                    Những năm quê ta đầy bóng giặc
                                                    Mặt biển loang máu đỏ dân lành
                                                    Bãi cát hằn vết xích xe tăng
                                                    Dương cụt ngọn trong tầm đạn bắn
                                                    Em không hẹn Anh cũng về Mỹ Thắng
                                                    Về với rừng dương, cát trắng của Anh
                                                    Dẫu suốt ngày chôn mình trong cát bỏng
                                                    Anh vẫn yêu tha thiết những căn hầm
                                                    Những căn hầm như những chiếc lò nung
                                                    Nung chí căm thù và lòng dũng cảm
                                                    Tình nghĩa quê hương rẽ trong cát nóng
                                                    Theo Anh đi cháy mặt quân thù
                                                    Ngày toàn thắng không xa
                                                    Em nhớ đón Anh về Mỹ Thắng
                                                    Ta nắm tay nhau đi trên cát trắng
                                                    Nghe rừng dương dìu dặt khúc tình ca
                                                    Ơi rừng dương cát trắng của Ta.


Đông Phù Mỹ, 6-1972       
Đ.Q.T                   



QUA DỐC GIÓ

                                                    Dốc Gió – gió bay tung mũ tai bèo
                                                    Ta cõng pháo vượt lên cao điểm
                                                    Dốc dựng, đá chồng, chênh vênh nguy hiểm
                                                    Vì miền Nam!
                                                    Tất cả động viên nhau
                                                    Ta biết dưới kia làng xóm còn đau
                                                    Mẹ già, em thơ chập chờn giấc ngủ
                                                    Vườn dừa xanh, xe giặc quần nát úa
                                                    Đang giục ta xẻ gấp chiến hào
                                                    Dốc Gió ơi
                                                    Mở lối ta vào
                                                    Cho pháo kịp ngự trên cao điểm
                                                    Giờ trừng phạt quân thù đã đến
                                                    Trận đánh đêm nay rung chuyển trời sao.


Phù Mỹ, năm 1971       
Đ.Q.T               



CHÚNG TÔI ĐI

                                                    Tặng Đại đội Vận tải Sư đoàn 3
                                                    Chúng tôi đi gùi nặng trên lưng
                                                    Quên hết nỗi nhọc nhằn năm tháng
                                                    Đi suốt mùa mưa, đi qua mùa nắng
                                                    Áo sờn vai và chai sạn bàn chân
                                                    Đường gian nan là đường Trường Sơn
                                                    Dốc ngược cổng trời hết đèo lại núi
                                                    Rừng bạt ngàn khe sâu chắn lối
                                                    Mưa lũ trở về sông suối mênh mông
                                                    Có những ngày nhạt muối thiếu cơm
                                                    Củ mì nướng nặng tình bản nhỏ
                                                    Có nhiều đêm ngủ trong lèn đá
                                                    Nằm ôm nhau lạnh buốt sống lưng
                                                    Mà đời vui như cánh én mùa xuân
                                                    Tiếng hát vang rừng, tiếng cười dậy núi
                                                    Yêu sao những chiếc võng treo bờ suối
                                                    Tiếng sáo ngân nâng tiếng thơ bay
                                                    Chúng tôi đi gian khổ chặng đường dài
                                                    Càng gắn bó thêm tình đồng chí
                                                    Yêu biết mấy những tháng năm đánh Mỹ
                                                    Mỗi bước ta đi – huyền thoại một cuộc đời


Bắc Bình Định, 1971       
Đ.Q.T                 
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2017, 08:47:20 am »


GIẤC NGỦ CHIẾN HÀO

                                                    Đêm Bồng Sơn ngủ với A-Nhin
                                                    Trong chiến hào thơm mùi đất mới
                                                    Tôi quàng tay ôm người đồng đội
                                                    Hơi ấm A-Nhin truyền sang tôi
                                                    Mái tóc quăn đượm khói Xà-Nu
                                                    Mùi thuốc súng quyện vào thơm quá
                                                    Xa mấy mùa nương, A-Nhin có nhớ
                                                    Đếm chiến công bằng xác quân thù
                                                    Quê A-Nhin: Kon Tút xa xôi
                                                    Cái rẫy, cái nương chen giữa núi đồi
                                                    Dòng sông suối mát, lượn quanh bản nhỏ
                                                    Nhịp chày khua rộn rã niềm vui
                                                    Tạm biệt quê hương say tiếng súng xa
                                                    A - Nhin đứng trong đoàn quân giải phóng
                                                    Đôi mắt sáng và trái tim cháy bỏng
                                                    Ngực cầu vồng vươn tới đón phong ba
                                                    Giấc ngủ chiến hào, súng cũng nằm đôi
                                                    Lê nhọn hoắt hướng về đồn giặc
                                                    Hơi sương rắc niềm vui lên nét mặt
                                                    Tiếng ngáy A-Nhin dội tới biển khơi
                                                    Có giấc ngủ nào đẹp hơn giấc ngủ chúng tôi
                                                    Giấc ngủ chiến hào những năm đánh Mỹ.


Hoài Nhơn, năm 1973       
Đ.Q.T.                 



CHUYỆN NẮM CƠM

                                                    Đó là một nắm cơm
                                                    Tôi nhận từ tay anh nuôi Đại đội
                                                    Anh nuôi tôi ít nói
                                                    Trao cơm xong chỉ nhoẻn miệng cười
                                                    Cơm cũng chẳng nhiều lời
                                                    Chỉ giương mắt nhìn tôi ngộ nghĩnh
                                                    Nhưng mỗi lần lên chốt với tôi
                                                    Gió cuốn bụi chiến hào cơm ngả màu nâu
                                                    Cơm là tình nghĩa trước sau
                                                    Của anh nuôi với ba người giữ chốt
                                                    Tôi thương anh nuôi khó nhọc
                                                    Dậy sớm thức khuya lặng lẽ nấu cơm
                                                    Bếp lửa hồng là trận địa của anh
                                                    Cháy suốt những năm dài đánh Mỹ
                                                    Con đường lên đây vất vả
                                                    Dốc trơn, lắm lúc ngã nhào
                                                    Pháo đèo Nhông chặn trước đuổi sau
                                                    Có mảnh găm thân gùi nhức nhối
                                                    Tôi ăn cơm lúc trời sẩm tối
                                                    Cắn phải mảnh gang lại khúc khích cười
                                                    Có những đêm tối trời
                                                    Lũ giặc mò lên điểm chốt
                                                    Ba hướng súng giương lê nhọn hoắt
                                                    Chúng tôi nghêu ngao hát với xoong nồi
                                                    Phút xung phong cơm vẫn ấm bên người
                                                    Bạn ơi,
                                                    Cuộc chiến còn ác liệt
                                                    Có thể ngày mai chúng tôi sẽ chết.
                                                    Trong đoàn quân đại thắng trở về
                                                    Chúng tôi không có mặt
                                                    Chuyện nắm cơm sẽ vào sử sách
                                                    Thì chúng tôi còn mãi với non sông
                                                    Lấp lánh muôn đời cùng với Trương Sơn
                                                    Chốt Gộp Chặt, Hoài Ân, đêm cuối năm 1973


Đ.Q.T       



THÁNG TƯ TÌM GỌI

Tặng đồng đội Sư đoàn 3 Anh hùng.       

                                                    Ơi đồng đội một thời trận mạc!
                                                    Tháng Tư này ở đâu ?
                                                    Người tóc còn xanh, người đã bạc đầu.
                                                    Người đã đi xa, người về bên mẹ.
                                                    Người bám ruộng đồng, người vào Thành phố.
                                                    Người ngút trùng khơi, người thẳm núi rừng.
                                                    Người lỗi lầm, người sáng lương tâm
                                                    Người giầu có, người còn tất bật
                                                    Người vẹn nguyên, người chân tay thiếu hụt
                                                    Tháng Tư này mải miết tìm nhau.
                                                    Sư đoàn ta lật cánh xuống đồng bằng
                                                    Tháng Tư , 1975
                                                    Rùng rùng bước chân thần tốc
                                                    Sáng Phan Rang, chiều đã vào Phan Thiết
                                                    Nhấp nhô sông núi mũ tai bèo.
                                                    Nhớ Ba mươi Tháng Tư,
                                                    Trước cửa ngõ Sài Gòn
                                                    Máu đẫm ngực, bạn ôm ta hò hẹn:
                                                    - “Mai mốt về quê, mày nhớ đến
                                                    “Thăm mẹ tao, mây trắng xứ Đoài...”
                                                    - “ Nếu chết đi, tao vẫn tìm mày
                                                    “ Qua sông Đuống là sang làng quan họ
                                                    “Lên xứ Lạng, tao tìm chúng nó
                                                    “ Theo Lượn, Sly, tao đi tới Kỳ Cùng...”
                                                    (Ơi xứ Đoài, mây trắng...xứ Đoài ơi !
                                                     Ơi Kỳ Cùng xa lắc
                                                    Đầu gối bờ sông, bạn nằm thiêm thiếp
                                                    Hai mươi phút sau, giải phóng Sài Gòn )
                                                    Ôi Tháng Tư
                                                    Tháng Tư xanh cồn cào
                                                    Ly rượu đầy, vơi
                                                    Cay trào nước mắt
                                                    Đồng đội tìm nhau cùng trời, cuối đất
                                                    Về đi !
                                                    Về đây đông đủ, bạn bè ơi
                                                    Cuộc rượu chưa tàn.


Bắc Ninh, tháng Tư năm 2009.       
Đ.Q.T                       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2017, 08:56:23 am »


        Nguyễn Viết Đáng,
        Nguyên Trưởng Tiểu ban Kế hoạch E2, F3 năm 1970-1971, người có nhiều kỷ niệm đối với Trung đoàn Bộ binh 2. Anh đã viết những trang hồi ký khá xúc động về những ngày tháng gian khó của trung đoàn, xin trích đăng một số chuyện trong cuốn hồi ký ấy.


NHẤT ĐÀO MỲ (SẮN) NHÌ ĐÁNH GIẶC

        Tình cảnh Trung đoàn 2 những năm 1969-1970 đúng là phải lo cái ăn trước rồi mới tính chuyện đánh giặc.

        Sau Tổng tiến công Mậu Thân 1968, địch phản kích ráo riết thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Cơ sở ta sau Tết Mậu Thân, số bị chết, số bị bắt, còn lại phải lên núi. Dân bị dồn vào các khu dồn, sống trong sự kìm kẹp của địch. Bộ đội chủ lực không còn chỗ đứng ở đồng bằng. Đau đớn nhất là mất nguồn cung cấp hậu cần to lớn từ nhân dân.

        Ngày 7-9-1969, Trung đoàn làm lễ truy điệu Bác Hồ tại khu rừng phía đông dốc Cây Đu, tây đèo Ải, xã Phổ Cường, tỉnh Quảng Ngãi. Và nhận lệnh hành quân về Bình Định. Trung đoàn bộ đi về hướng Tây lên dốc An Toàn. Đường mòn men suối, phải lội qua lội về 32 lần mới tới chân dốc. Nói là An Toàn nhưng bây giờ chẳng an toàn tý nào. Cây cối bị chất độc giết chết, trống hoang trống huếch, trực thăng trinh sát của địch (anh em thường gọi “tàu rọ”) có thể vồ tới bất cứ lúc nào. Từ đây về đến căn cứ phải mất hai ngày nữa.

        Tiểu đoàn bộ binh 2, đi dọc đồng bằng ven biển về thôn Trung Thứ, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ. Cánh quân thứ 3 đặt tên là A15 đánh xuống Hoài Nhơn và kiếm gạo muối. Đánh không được ấp nào, gạo không có, phải ngược lên dốc Tân Sơn, đầm Ba Lãnh về Hội Văn. Một số người của Tiểu đoàn 3 và Đại đội vận tải bị chết dọc đường vì đói.

        Cuối tháng 10-1969, toàn Trung đoàn về tới nơi quy định là đỉnh núi Bình An (dốc Bà Bơi, nơi thành lập Sư đoàn trước đây).

        Một thảm cảnh hiện ra trước mắt: khắp các thôn xóm từ An Lão đến Ân Nghĩa qua Vĩnh Thạnh không còn một ngôi nhà nào, không trâu bò, không có tiếng chó sủa, gà gáy. Đường làng không có dấu chân người. Ruộng, vườn, cây cỏ mọc thành rừng non. Đúng là “điền vô ngưu canh, lộ vô nhân hành”. (Ruộng không có trâu cày, đường không có người đi).

        Ban chỉ huy Trung đoàn họp. Vấn đề đặt ra cần giải đáp là cái ăn và nơi ở. Nếu ở núi Chóp Chài, có rừng rậm núi cao, gần vùng đồng bằng Hoài Nhơn và Phù Mỹ nhưng xung quanh địch chiếm dày đặc. Nếu lộ là không có đường lui. Nếu ở núi Bà, có nhiều hang đá nhưng quá sâu trong vùng địch. Chỉ còn khu căn cứ của tỉnh ở Hòn Nọc (cao 918 mét) và Hòn Chè  (cao 816 mét) là vững chắc nhưng cái ăn sẽ lấy ở đâu. Đã hơn một tuần nay cả Trung đoàn hết gạo. Người ốm cũng không có cháo gạo. Các đơn vị gom tư trang như vải dù hoa, bi đông Mỹ, đèn pin Mỹ... vào các bản đồng bào dân tộc đổi lấy củ mỳ (sắn) về nạo ra nấu cháo cho bộ đội. Nhưng bộ đội thì đông mà đồng bào thưa thớt và cũng nghèo đói vì lúa, bắp, mì đều bị chất độc hóa học phá trụi.

        Bộ đội đau ốm nhiều, nhất là bệnh Sâu quảng (ghẻ hờm). Cán bộ, chiến sỹ mắt trắng dã, sâu hóm. Các chiến sỹ gái càng đáng thương: má tóp, tóc rụng, áo quần rộng thùng thình...

        Trung đoàn cử đồng chí Tròn, trưởng Tiểu ban quân nhu và tôi qua cơ quan tỉnh Bình Định gặp đồng chí Tâm, trưởng ban lương thực. Đồng chí Tâm dẫn tới đồng chí Tám Lý, bí thư Tỉnh ủy để xin gạo. Đồng chí Tám Lý giọng đầy thương cảm nói:

        - Biết rồi, không phải giải thích. Cơ quan tỉnh cũng đói, đang chạy từng bữa. Các kho dự trữ của Tỉnh ở rừng sâu do chúng rải chất độc, trụi lá, máy bay phát hiện bắn rốc-két cháy hết. Dân bị dồn vào ấp, chúng cấp gạo từng ngày. Tình cảnh chúng ta giờ đây như cá không có nước. Nhưng chỉ trước mắt thôi.

        Để cứu đói khẩn cấp cho Trung đoàn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ thị cho ban lương thực tỉnh giao toàn bộ rẫy mì (gọi là rãy mì Cách mạng) của xã Ka-bang huyện Vĩnh Thạnh cho đơn vị, xuất thêm 20kg gạo dự trữ của Tỉnh ủy cho các đồng chí thương binh nấu cháo. Trước khi chúng tôi ra về, đồng chí căn dặn:

        - Mì đồng bào Ba-na trồng năm sáu năm, củ to, chui sâu vào hốc đá, gốc cây, khó đào nhưng phải moi bằng hết củ, không được bỏ sót. Đây là lương thực dự trữ dưới đất cuối cùng của Tỉnh.

        Điều thứ 2 là dân Ba-na cũng đang đói mà vẫn dành rẫy mì cho Cách mạng, các chiến sỹ phải làm tốt công tác dân vận khi đến đào mì.

        Điều thứ 3 là phải cảnh giác với máy bay địch, không được để lộ dấu vết.

        Tối hôm đó ở lại cơ quan Tỉnh ủy, chúng tôi được ăn cháo và sáng hôm sau trở về đơn vị, 2 người được một nắm cơm vắt để ăn dọc đường, mặc dù cơ quan Tỉnh nhịn bữa sáng. Tại buổi giao ban các cơ quan Trung đoàn, sau khi nghe đồng chí Tròn báo cáo kết quả chuyến đi qua tỉnh, Chính ủy Trung đoàn Dương Minh Ngọ đã xúc động nói: “Chỉ có coi Trung đoàn như con em của mình thì Tỉnh mới chăm lo cho chúng ta như vậy. Dù là củ mì nhưng chúng ta đã có cái để sống rồi. Phải sống để tính chuyện đánh giặc thế nào cho tốt”.

        Rãy mì nằm ở phía Tây sông Côn, đang mùa mưa, nước chảy xiết, không có cầu. Trung đoàn trưởng Vũ Quang Trắc (Huy) ra lệnh cho đại đội công binh chặt dây song, chăng thành 2 sợi qua sông. Một sợi cho bộ đội đi, một sợi cho số trở về. Đi lúc mờ sáng còn nhiều sương, về khi trời chiều đã có mù. Có tổ bảo vệ 2 bên bờ sông để canh máy bay và đề phòng cứu người bị nước cuốn.

        Bộ phận đào mì được quán triệt không được tự do nấu nướng, không được hái rau quả của dân và phải đào hố vệ sinh cẩn thận.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 04 Tháng Tư, 2017, 08:56:49 am »


        Để thuận lợi cho việc đào mì, đội hình các đơn vị được điều chỉnh thích hợp. Trung đoàn bộ ở dốc Đót đến suối Nước Miên (Đakmiên). Tiểu đoàn 3 vượt sông Côn đứng tại phía nam suối Sum (Đak-sum). Đại đội vận tải ở phía bắc suối Sum, gần rãy mì để vận chuyển mì cho lớp tập huấn cán bộ Trung đoàn sắp tới. Đồng thời cử một bộ phận thái mì, sấy khô để dự trữ lâu dài.

        Bây giờ chúng tôi mới thấm thía giá trị “Rãy mì Cách mạng” của đồng bào Ba-na. Nhờ rãy mì khổng lồ của bà con mà Trung đoàn 2 được cứu sống, có thời gian để củng cố lực lượng khi Cách mạng gặp khó khăn.

        Dưới bàn tay của các bếp trưởng, mì được chế biến không chỉ để thay cơm mà còn thay cả thức ăn.

        Trung đoàn mở lớp tập huấn cán bộ. Đồng chí Nguyễn Nam Khánh, Chính ủy Sư đoàn về dự, cũng ăn củ mì như anh em. Số cán bộ Tiểu đoàn 2 ở đồng bằng lên họp, mang theo gạo, chỉ huy Trung đoàn ra lệnh dành số gạo đó để nấu cháo cho các đồng chí đau ốm và ghế mì cho các đồng chí lớn tuổi.

        Tết đến, ba người được chia một gói mì Ông Phật và một lon cá Tokyo, có cả bánh chưng bánh tét bằng mì.

        Sau Tết âm lịch, bộ đội bắt đầu huấn luyện. Suốt 4 tháng liên tục ăn mì và rau rừng nên giờ nghỉ lính ta chỉ nói chuyện ăn. Người nào cũng ao ước chỉ cần được bữa cơm với muối. Các đồng chí quê miền Nam hứa khi nào xuống đồng bằng sẽ mời anh em ăn một bữa cơm với cá lóc, cá rô kho nồi đất. Đồng chí quê Mỹ Thắng, Mỹ Thọ thì hứa sẽ mời ăn cơm với cá mực cá thu. Từ chuyện ăn, dần dà sang chuyện phải đánh địch, phá thế kìm kẹp của chúng, mở dân ra khỏi các ấp, các khu dồn thì ta mới có cái ăn, mới có đất đóng quân. Quyết tâm diệt địch thấm vào lòng chiến sỹ không chỉ qua các bài học chính trị mà chính qua cuộc sống khốn khó của mình. Ai cũng mong muốn được ra trận, được xuống đồng bằng.

        Ước mong đó đã đến. Đầu tháng 3-1970, sau 6 tháng ăn củ mì và ôn tập, Trung đoàn lần lượt xuống đồng bằng đánh địch. Trên vai, ngoài súng đạn, còn mang theo mì tươi, mì sấy khô và cả bánh chưng bánh tét bằng mì mài và bánh mì bằng củ mì hấp giã nhuyễn... Đội hình Trung đoàn được bố trí ở phía Tây hai huyện Phù Mỹ và Phù Cát. Trung đoàn bộ đứng ở đông nam núi Hòn Chè, đội phẫu đứng ở núi Khỉ, phía đông đường 1, giữa xã Mỹ Thọ và xã Mỹ Chánh, gần Tiểu đoàn bộ binh 2. Tiểu đoàn 3 đứng ở suối Son, đèo Bồng, phía tây xã Mỹ Hiệp. Tiểu đoàn 1 đứng từ đèo Sung đến đèo Mọi, phía tây xã Mỹ Lộc, nhìn rõ các căn cứ địch ở đèo Nhông và đèo Phủ Cũ.

        Huyện Phù Mỹ nằm ở trung tâm tỉnh Bình Định, có 16 xã và có tới 12 cái đèo: đèo Lộ Diêu, đèo Phú Thứ, đèo Phủ Cũ, đèo Ông Bộ, đèo Cây Sung, đèo Mọi, đèo Măng Lăng, đèo Bồng, đèo Ngụy, đèo Ông Phi, đèo Cột Cờ và đèo Nhông. Về quân sự đây là một lợi thế địa hình cả khi tiến và khi lui. Nhưng bọn địch thường bố trí đóng chốt hoặc phục binh, bởi vậy những cuộc hành quân của Trung đoàn bao giờ cũng phải mở đường mới – đường không có trong bản đồ.

        Hơn 6 tháng qua, Trung đoàn đã cho Tiểu đoàn 2 phân tán hoạt động nhỏ lẻ ở vùng đông huyện Phù Mỹ. Cán bộ Tiểu đoàn làm xã đội trưởng xã Mỹ Chánh, chỉ huy lực lượng dân quân du kích mà quân số hầu hết là cán bộ chiến sỹ của Tiểu đoàn. May mắn Tiểu đoàn này là đơn vị có nhiều người miền Nam nên việc “biến thành” bộ đội địa phương khá thuận lợi trong hoạt động vùng sâu, cài cắm trong dân dễ che mắt địch.

        Từ kinh nghiệm của Tiểu đoàn 2, lần này toàn Trung đoàn ra quân nhưng vẫn với phương thức hoạt động như bộ đội địa phương. Đánh diệt các chốt nhỏ và đánh vào các cơ quan hành chính cấp xã thôn, ấp để bung dân trở về quê.

        Ngày 5-4-1970, Trung đoàn tiến đánh một loạt chốt điểm địch ở Gò Cớ (xã Mỹ Đức), núi Lồi (xã Mỹ An), Gò Mang (xã Mỹ Thọ), cầu Đá (xã Mỹ Chánh)...

        Ngày 8-4-1970, phục kích Eo Gió, núi Miếu (xã Mỹ Thành), chặn đánh một Đại đội bảo an có xe bọc thép hộ tống đi cứu viện. Bọn lính thua chạy, bọn hội đồng ở xã Mỹ Chánh, Mỹ Thọ hoang mang bỏ nhiệm sở chạy về quận.

        Ngày 3-6-1970, Đại đội trưởng Võ Thành Khuê (người xã Hoài Thanh) cùng 2 chiến sỹ cải trang xuống xã Mỹ Hòa, một xã được ngụy quyền Sài Gòn tặng huân chương “Anh dũng bội tinh” vì thành tích chống Cộng. Các đồng chí quyết đánh ban ngày để hạ uy danh của chúng. Ba người bí mật lọt vào trụ sở hội đồng từ 3 giờ sáng. Đến 8 giờ, khi bọn ác ôn đã ngồi quanh bàn làm việc, ba dũng sỹ của ta đạp cửa nhảy vào, dùng tiểu liên tiêu diệt toàn bộ bọn hội đồng xã rồi dán cáo thị: “Khôn ngoan thì hãy trở về với dân. Không có bất cứ nơi nào là an toàn cho bọn bán nước”. Các chiến sỹ ta trở về núi an toàn.

        Tin bọn hội đồng xã Mỹ Hòa bị Cách mạng tiêu diệt nhanh chóng lan ra khắp huyện làm cho bọn ngụy quyền xã ấp càng hoang mang. Một số bỏ việc, một số nhận làm theo chỉ dẫn của cán bộ ta. Bọn ngụy đi càn không dám hung hăng như trước. Dân ở trong ấp được ra ngoài dễ dàng hơn. Trung đoàn chỉ đạo các đơn vị phối hợp với cán bộ địa phương tổ chức mít-tinh, đọc thơ, ca bài chòi... Gia đình binh lính ngụy xem văn nghệ, dự mít-tinh hiểu thêm chính sách của ta, vận động chồng con trở về. Có người tham gia biểu tình chặn xe địch đi càn quét...

        Vùng đồng bằng huyện Phù Mỹ bắt đầu được mở ra. Trung đoàn vừa hoạt động quân sự, hoạt động chính trị và đặc biệt, từ nay đã có đủ gạo, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết khác. Trung đoàn bước sang thời kỳ mới.

Quy Nhơn, tháng 9 - 2005       
N.V.Đ                     
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM