Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 11:20:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức Sư đoàn 3 Sao Vàng - Tập 3  (Đọc 34212 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #120 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2017, 09:30:28 pm »


        Ở tuổi 84 mà bác nhớ được như vậy, hẳn là phải có một tình yêu sâu sắc với Sư đoàn, một sự nhớ tiếc khôn nguôi đối với những hy sinh của bộ đội. Gặp được các “Cụ” Lão thành cách mạng với những phẩm cách ngời sáng như vậy, mỗi chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động .

        Những ngày tiếp theo, chúng tôi đến thực địa để xác định vị trí đặt bia. Cùng đi có đại diện các ban, ngành chức năng từ tỉnh, huyện như: Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch, Quản lý Di tích, Ban Chỉ huy Quân sự , Ban Liên lạc CCB Sư đoàn 3-Sao Vàng ở tỉnh Bình Định và chính quyền địa phương.

        Tại Đệ Đức, nơi đặt Bia và khuôn viên có liên quan đến địa phận Giáo xứ Nhà thờ Giốc. Các đồng chí địa phương cho biết, trước đây, có công ty đã xin xây dựng khu kinh tế, bà con giáo dân không đồng ý, nhưng nếu xây dựng công trình văn hóa-xã hội, nhất là dựng Bia tưởng niệm Liệt sỹ Sư đoàn 3-Sao Vàng thì chắc rằng đồng bào sẽ ủng hộ.Tuy vậy,chúng tôi cũng tìm một vị trí dự bị ở bên cạnh Nghĩa trang Liệt sỹ xã Hoài Tân. Trên Đường 19, đồng chí Chủ tịch xã Tây Thuận nói: Bộ đội muốn đặt bia ở đâu cũng được, lấy bao nhiêu đất cũng đồng ý... Tại đây, vị trí đặt bia thoáng, rộng, có thể nhìn được từ xa, đón khách từ Quy Nhơn lên, khách từ Kon Tum, Gia Lai xuống và từ Khu công nghiệp, thủy điện Vĩnh Sơn ra.

        Từ Ngả 3 Vườn Xoài, chúng tôi ngược đỉnh đèo Thượng Giang lên điểm cao 638 – chốt Cây Rui năm xưa. Ở đây, Chiến dịch Xuân 1972, Trung đoàn 12 đã trụ bám kiên cường suốt 18 ngày đêm, chịu biết bao bom đạn và sự tàn bạo của của Sư đoàn “Mãnh Hổ” Nam Triều Tiên. Nơi mà Tiểu đoàn 6 đã mất gần 2 đại đội, Tiểu đoàn 5 cũng mất gần một nửa quân số, nhưng vẫn “ Đứng vững như bàn thạch” (điện khen của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp). Giờ đây dấu tích của chiến tranh không còn. Chốt Cây Rui năm nào đã được phủ trên mình một màu xanh bạt ngàn của rừng thông, bạch đàn... Nhưng chúng tôi biết rằng, lẫn dưới lớp đất, đá ấy vẫn còn biết bao máu xương của đồng đội... Lá thông đón gió tấu lên bản nhạc lúc bổng, lúc trầm như đang vỗ về, an ủi hàng ngàn linh hồn liệt sĩ đã ngã xuống để cắt giao thông trên con đường huyết mạch này.

        Giữa trưa hè nóng bỏng của miền Trung, thấy chúng tôi cứ đi thoăn thoắt, trung tá Cao Thành Đức, cán bộ Chính sách được Bộ Chỉ Huy Quân sự Tỉnh cử đi đã phải thốt lên:

        - Cháu chịu thua các bác, các chú thôi! Trải qua bao năm kháng chiến gian khổ, đã trên dưới 70 tuổi cả rồi mà các bác leo núi cứ băng băng!

        Đồng chí Hiểu, thành viên của Đoàn nói vui :

        - Bọn mình đi có hơn 2 vạn “Âm Binh” của Sư đoàn phù trợ nên các anh không theo kịp là phải thôi!

        Có lẽ rằng, biết chúng tôi là đồng đội, đi làm việc NGHĨA, nên đã được “Âm phù - Dương trợ”, vì thế luôn mạnh khoẻ và may mắn!

        Nhiệm vụ cơ bản của chuyến đi đã hoàn thành, chúng tôi trở về Quy Nhơn, cùng các cơ quan chức năng làm Tờ Trình lên lãnh đạo Tỉnh. Một lần nữa, anh Năm Hà, anh Hai Thiện đánh giá cao sự nỗ lực của chúng tôi. Trong câu chuyện tâm tình, anh Năm nói: Tôi ít thấy Ban Liên lạc nào lại làm được những việc chu đáo như các bác, rồi Anh khẳng định: Tỉnh Bình Định sẽ đầu tư xây dựng Nhà Bia đàng hoàng . Anh Sáng, trưởng đoàn của chúng tôi tiếp lời: Việc đề xuất xây Bia tưởng niệm là tâm nguyện của cựu chiến binh Sư đoàn trong cả nước, nay các đồng chí đã cho ý kiến như vậy, chúng tôi rất tâm đắc và xin đề nghị: Tỉnh xây Bia quy mô thế nào là do các đồng chí quyết định, nhưng cựu chiến binh của Sư đoàn xin tham gia đóng góp một phần kinh phí theo khả năng và thiện tâm của mình; coi đó là nén nhang thơm gửi tới hương hồn đồng chí, đồng đội, đồng bào mình.

        Vậy là công việc chính trong chuyến đi chúng tôi đã hoàn thành. Ủy ban nhân dân Tỉnh đã có công văn giao cho Sở Văn Hóa,Thể Thao và Du Lịch phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự Tinh, Ban chấp hành Cựu Chiến Binh Tỉnh nghiên cứu báo cáo cụ thể. Mới đây, ngày 05 tháng 01 năm 2010, Ủy ban Nhân dân Tỉnh đã ra Quyết định đầu tư XÂY DỰNG NHÀ BIA ở Đệ Đức và ngã 3 Vườn Xoài, Đường 19 như đề xuất của Ban Liên lạc Sư đoàn 3- Sao Vàng. Thời gian hoàn thành có thể vào dịp ngày 2-9-2010.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #121 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2017, 09:31:03 pm »


        Việc chọn ngày 2 tháng 9 năm 2010 (kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Sư Đoàn 3- Sao Vàng ) để khánh thành Nhà Bia, một lần nữa nói lên Tình đất, Tình người Bình Định đối với Sư đoàn là vô cùng cao quý. Càng cao quý hơn, bởi tháng 11 năm 2009 vừa rồi, tỉnh Bình Định đã phải chịu những thiệt hại nặng nề do lũ lụt gây ra. Tôi thầm nghĩ: Đảng bộ và nhân dân Bình Định không chỉ xứng đáng ngàn lần Anh Hùng trong kháng chiến, mà còn xứng đáng ngàn lần trong “Đền ơn, đáp nghĩa”, trong sự vươn lên để xây dựng quê hương, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn đổi mới toàn diện, phát triển bền vững...

        Và, thật là khiếm khuyết, nếu như trong bài viết nhỏ này không nói đến những tình cảm mà đồng đội và đồng bào đã dành cho Đoàn chúng tôi. Không|! Không phải cho riêng Đoàn chúng tôi, mà là cho Sư đoàn 3-Sao Vàng. Sâu xa hơn nữa là dành cho tất cả những hy sinh, mất mát của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đã dâng hiến trên mảnh đất này.

         Biết tin đoàn Cựu Chiến binh Sư đoàn 3-Sao Vàng về Bình Định, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã đón tiếp chu đáo và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho chúng tôi. Ngay từ tối đầu tiên, anh chị em Cựu Chiến binh Sư đoàn từ khu vực Thành phố Quy Nhơn đến tận xã Hoài Châu, Hoài nhơn, nơi địa đầu của Tỉnh lần lượt kéo về Nhà khách. Mấy chục năm mới gặp lại, các anh, các chị trước đây nay đã lên ông, lên bà, đầu đã 2 thứ tóc, nhưng tình bạn chiến đấu vẫn vẹn nguyên. Biết bao chuyện cũ, chuyện mới; chuyện về đồng đội, đồng bào, ai còn, ai mất cứ triền miên không dứt. Nhiều anh chị đã cùng chúng tôi nghỉ lại Nhà khách cho đến tận hôm sau...

        Tuy thời gian hạn chế, nhưng chúng tôi vẫn thu xếp để viếng đồng đội ở một số nghĩa trang và thăm đồng chí, đồng bào. Chúng tôi đã đến 5 huyện, thăm các đồng chí lãnh đạo 5 xã, thắp hương ở 11 nghĩa trang, thăm 10 di tích lịch sử đã xếp hạng có gắn với những chiến công của Sư đoàn; thăm hỏi gia đình các đồng chí cán bộ của Sư đoàn đã từ trần những năm qua...

        Hôm về thăm xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn. Các đồng chí lãnh đạo đã cùng anh chị em Cựu chiến binh Sư đoàn từ các thôn xóm kéo đến gần bốn mươi người. Anh Thái, Chủ tịch UBND xã, nguyên là chiến sĩ Vệ binh Sư đoàn, vẫn giữ nguyên chất lính Sư Ba –xông xáo, năng nỗ. Anh coi chúng tôi như ruột thịt ... Anh và mấy chục anh chị em khác đã cùng chúng tôi về thăm Hoài Ân, lên tận khu rừng Bà Bơi, xã Bokh - nơi thành lập Sư đoàn 45 năm trước, một di tích lịch sử đã được xếp hạng cấp tỉnh. Có đồng chí xúc động tự trách mình: “ Mang tiếng là dân Bình Định, mang danh lính Sư đoàn mà gần 45 năm nay mới về thăm nơi khai sinh ra Sư đoàn”. Cả đoàn chụp rất nhiều ảnh kỷ niệm tại mảnh đất thiêng liêng ấy, vì có lẽ rất khó khăn để có sự sum họp đặc biệt như thế này. Khi vào thăm xã Bokh-Tới, tuy không được báo trước, nhưng đồng chí Đinh Xuân Á, Bí thư, đồng chí Đinh Bá Danh, Phó Chủ tịch xã cùng các đồng chí trong UBND đã tiếp chúng tôi ân cần, niềm nở.

        Đoàn chúng tôi trở lại thành phố Quy Nhơn. Ở đây, anh chị em cựu chiến binh Sư đoàn do anh Thanh làm Trưởng ban, anh Luận Phó ban đã triệu được gần sáu chục anh chị ở khu vực Thành phố về Nhà khách, gặp nhau tay bắt mặt mừng. Các “bà”,các “ông” ríu rít chuyện trò, ôn lại những kỷ niệm của những năm tháng cùng chiến đấu , hỏi về đồng chí, đồng bào, người mất, người còn ... Ôn lại kỷ niệm cũ, nhiều “bà” rơi nước mắt, các cháu đi cùng hỏi “Sao Nội khóc”, mà “bà” nghẹn ngào chẳng nói lên lời. Những con trẻ ngây thơ ấy làm sao hiểu nổi cái nghĩa tình sâu nặng của những ngưòi lính đã từng trải qua những năm tháng gian khổ, ác liệt đến mức muốn khóc không khóc được, muốn cười cũng không cười được ấy! Tuy vậy, tình cảm của chúng tôi đã mau chóng lan truyền đến các cháu. Các cháu cứ nằng nặc đòi ngủ lại Nhà khách với mấy “Ngoại Hà Nội”, nhất quyết không về với các “Nội”   .

        Hôm đi khảo sát đặt bia ở Đệ Đức, qua thị trấn Bồng Sơn, anh Sáng, trưởng đoàn bảo “ Tạm dừng tại đây để uống bữa nước dừa !”. Cả đoàn vào quán giải khát ven đường. Một bà má đã móm mém nhưng còn nhanh nhẹn niềm nở chào mời. Khi biết chúng tôi là Lính Sư 3 ngày xưa, Má bảo: “ Sư 3 - Sao Vàng hả? Uống đi, uống cho đã, tau không lấy tiền tụi bây đâu. Ngày xưa, lính Sao Vàng đêm nào chả có đứa vô ra nhà tau. Nào Quyết Tâm, Quyết Chiến, Quyết Thắng ( tên mật của Trung đoàn 22, Trung đoàn 2 và 12) lui tới hoài. Thế mà, từ ngày giải phóng, mấy chục năm nay không thấy đứa nào qua lại. Không biết đứa nào còn, đứa nào mất!”. Má nói một thôi, một hồi đủ thứ chuyện, từ Sư đoàn đánh Mỹ, diệt bọn ác ôn... Ca ngợi có, trách mắng có, một sự trách mắng do thương cảm, nhớ nhung!...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #122 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2017, 09:31:29 pm »

   
        Về lại Quy Nhơn. Đồng chí Khuất Duy Khang, khi đi viếng các nghĩa trang và các bia di tích đã chụp hàng mấy trăm bức ảnh. Lúc vào làm ảnh, thấy toàn bia mộ, bia tưởng niệm, anh chủ hiệu ảnh Vĩnh Yên biết chúng tôi là lính Sư Ba về lại chiến trường làm việc tình nghĩa, anh chị nhất định không nhận tiền thanh toán. “ Mấy trăm bức ảnh bõ bèn gì so với hy sinh của mấy chú, mấy bác”. Tối hôm đó, anh chị còn vào tận nhà khách mời chúng tôi ra ăn bữa cơm với gia đình. Chúng tôi không thể đi được vì công việc đang gấp, nhưng tấm lòng của họ thì chẳng bao giờ quên.

        Một kỷ niệm mà chúng tôi rất thấm thía là ở Nhà khách Tỉnh đội. Các cháu phục vụ trực chăm lo ăn nghỉ cho Đoàn rất chu đáo. Bữa ăn nào cũng đủ món, trên rừng, dưới biển chả thiếu thứ gì. Chúng tôi đã bảo các cháu hãy bớt cá thịt và cho thêm rau. Một cháu vui vẻ giãi bày: “ Các bác lãnh đạo đã căn dặn chúng cháu: Các bác, các chú là bộ đội Sư đoàn 3- Sao Vàng, là những người đã chiến đấu suốt 10 năm đánh Mỹ ở Bình Định. Có món gì ngon nhất cho các bác ăn, chỗ nào đẹp nhất để các bác ở, xe nào tốt nhất đưa các bác đi. Chúng cháu sinh ra trong hòa bình, rất biết ơn các bác, phải phục vụ các bác chu đáo nhất!”. Tôi thầm nghĩ: Đúng là, sự giáo dục của lãnh đạo Tỉnh đối với thế hệ trẻ thật đáng trân trọng.

        Dù rất ít thời gian nhưng chúng tôi vẫn cố xếp sắp để đi thăm một số công trình phát triển kinh tế-xã hội của Tỉnh: Cầu cảng Thị Nại, Cụm Công nghiệp An Nhơn, cầu Nhơn Hội, chiếc cầu vượt biển dài nhất Việt Nam bắc qua đầm Thị Nại, nối Thành phố Quy Nhơn với Khu kinh tế mở Nhơn Hội...Tìm hiểu sâu, chúng tôi càng thấy sự phát triển trên con đường công ngiệp hoá, hiện đại hoá của quê hương Bình Định là rất đúng hướng, xứng tầm. Và, vừa qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2009, do VCCI xếp hạng, tỉnh Bình Định xếp thứ 7 trong cả nước. Mới đây, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Bình Định, đã có 22 dự án đăng ký với số vốn lên đến 7,36 tỷ USD... Được chứng kiến những thực tế ấy, một lần nữa, chúng tôi muốn nhắc lại rằng: Tỉnh Bình Định đã Anh hùng trong chiến tranh giải phóng, giờ đây và tương lai, với phẩm cách ngời sáng của các thế hệ lãnh đạo, cùng với thế và lực của nhân dân Bình Định, chắc chắn rằng sẽ tạo được nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển mới.

        Đêm cuối, trước khi rời Bình Định, chúng tôi cùng anh chị em Cựu chiến binh Sư đoàn ở Quy Nhơn ra bãi biển, bên cạnh Đại lộ An Dương Vương để hàn huyên. Nơi đây, 34 năm trước đã diễn ra cảnh thảm bại của sư đoàn 22 ngụy Sài Gòn. Cả một bãi biển dài mấy cây số ngồn ngang súng ống, xe, pháo, quân trang, quân dụng ...của đủ các sắc lính quân đội “Việt Nam Cộng Hòa” trên đường tháo chạy ... Tất cả đều đã lùi vào dĩ vãng, đã được rửa sạch để giờ đây khoác trên mình những công trình kinh tế- xã hội, những công viên, bãi tắm ...phục vụ nhân dân, xây dựng đất nước.

        Trong không khí thanh bình, đầm ấm với đồng đội, tôi lại nao nao nhớ tới đồng chí, đồng bào đã ngã xuống trong nhữmg trận thắng Mỹ năm nào. Thấm thía cái nghĩa tình sâu nặng của nhân dân Bình Định với Sư đoàn. Trong chiến đấu thì nuôi dưỡng, đùm bọc, chở che, chia ngọt xẻ bùi, nhường cơm sẻ áo, vắt cạn cả bầu sữa của mình để nuôi giấu thuơng binh ...Khi đất nước thanh bình, biết bao việc phải làm, phải xây dựng quê hương đã bị chiến tranh tàn phá nặng nề...Vậy mà, nhân dân Bình Định vẫn dành cho Sư đoàn những nghĩa cử cao đẹp, những việc làm tri ân thiết thực này. Chúng tôi kể cho nhau nghe về những quan tâm chu đáo, đầy ân tình của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh, của các đồng chí trong Bộ Chỉ huy quân sự Tỉnh, từ đồng chí Chỉ huy trưởng, đồng chí Chính uỷ đến các cơ quan, nhất là cơ quan Chính trị đã tạo mọi điều kiện để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ; kể về sự nhiệt tình, năng nỗ của Ban Quản lý Di tích Tỉnh; tình cảm mặn nồng của Bạn chiến đấu Sư đoàn 3-Sao Vàng ở Bình Định. Nói về những người dân bình dị mà đằm thắm như bà má bán dừa, cháu công vụ, vợ chồng anh thợ ảnh vv...mà thấy sung sướng, tự hào. Trời về khuya, se lạnh, mà vẫn thấy ấm lòng. Tôi không khóc mà nước mắt cứ ứa trào. Những giọt nước mắt ghi nhận TÌNH ĐẤT – TÌNH NGƯỜI của quê hương Bình Định trí tuệ và bản lĩnh, mãi mãi son sắt- thuỷ chung.

        Cho đến lúc này, viết lại những kỷ niệm dù rất ngắn ngủi như thoảng qua trong mấy ngày trở về Bình Định, tôi càng thấm thía hơn nghĩa tình ở cái xứ sở Miền Trung không giàu có nhưng thật oanh liệt, kiên cường nhưng thấm đậm tình người ấy ./.

Hà Nội, Xuân Canh Dần, 2010.              
N.V.T                                 
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #123 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2017, 09:33:11 pm »


        Đại Tá Nguyễn Văn Tích
        Nguyên Trưởng ban Biên soạn Lịch sử Sư đoàn 3 – Sao Vàng


NGUYỄN NHƯ SO - ANH HÙNG LAO ĐỘNG THỜI ĐỔI MỚI

        Biết tin anh được tặng danh hiệu “Anh Hùng Lao Động thời đổi mới”, tất cả chúng tôi trong Ban Liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 3 – Sao Vàng khu vực Hà Nội rất mừng. Mừng vì anh là đồng đội một thời máu lửa ở chiến trường miền Nam, ở biên giới phía Bắc, cùng kề vai sát cánh chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Mừng vì trong số hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn chuyển ngành, nhiều người thành đạt nhưng được tặng danh hiệu “ Anh Hùng” thì anh là người đầu tiên. Có một đồng đội như vậy, làm sao không thể tự hào, mừng vui.

        Cách đây bốn, năm năm, tôi đã có ý định viết một bài về anh cho quyển “ Ký ức Sư đoàn” tập 2, nhưng anh chối từ. Lần này cũng vậy, anh vẫn chối từ việc kể thành tích của mình. Anh chân tình nói: kể về Công ty thì thoải mái, còn kể về mình, em rất ngại. Trong Công ty này rất nhiều người có công, hơn nữa thành tích Công ty có được là do tập thể, cán bộ, công nhân viên làm nên. Em chỉ góp một phần trong đó. Tôi phải nói với anh rằng, viết bài là để khích lệ mọi người cùng vươn lên làm giàu cho đất nước, khích lệ Cựu chiến binh Sư Đoàn phấn đấu noi theo, và cũng để tri ân Sư đoàn vì mình đã tiếp tục làm rạng danh cho đơn vị. Cuối cùng, nể tôi, anh bảo: “Vậy thì em có bản thành tích đề nghị xét tặng danh hiệu Anh Hùng còn lưu giữ đây, anh xem, viết được thế nào có ích cho cộng đồng thì anh viết, miễn sao, đừng để người đọc cho rằng em khoe về mình thì đó là anh hại em”. Tôi đành viết bài này dựa trên bản thành tích ấy và dựa vào những kí ức của tôi đối với anh.

        ...So kém tôi 15 tuổi (anh sinh năm 1957), nhập ngũ sau tôi 10 năm (anh vào bộ đội năm 1974). Ngày cùng ở với nhau trong Sư đoàn, So tự coi mình là lớp đàn em. Tôi ở cơ quan Chính trị Sư đoàn. So ở tiểu đoàn thông tin, làm nhiệm vụ quân bưu. Trong Binh chủng Thông tin, bộ phận quân bưu là vất vả và ác liệt nhất. Chọn những đồng chí khỏe, năng nỗ, nhanh nhậy ứng biến, và thật trung thành, dũng cảm. Bởi vì các công văn, mệnh lệnh tối mật thường không chuyển bằng vô tuyến hoặc điện thoại, dễ bị lộ. Chỉ chuyển bằng đường quân bưu thì mới bảo đảm. Thông tin chuyển đạt (Quân bưu) phải dùng sức lực, trí tuệ và lòng dũng cảm của mình để vượt qua mọi địa hình, có khi vượt qua phòng tuyến địch, thậm chí qua vùng địch kiểm soát để mang lệnh của người chỉ huy. Nhiều trường hợp phải đánh địch để mở đường và không loại trừ có thể bị địch bắt, hy sinh ... Từ đặc thù ấy đặt ra yêu cầu tuyển chọn chiến sĩ quân bưu phải có lòng trung thành là bởi vậy.

        Hình ảnh Nguyễn Như So đọng lại trong tôi những năm tháng anh làm chiến sĩ rồi làm trung đội trưởng trung đội Quân Bưu là một thanh niên đen giòn, tóc cắt ngắn, quần luôn xắn quá gối, một vai khoác khẩu súng AK, một vai đeo túi đựng công văn, lúc nào cũng nhanh nhẹn, xốc vác, hành động táo bạo, quyết đoán. Những năm bảo vệ biên giới Tổ Quốc, anh là một lái xe ba bánh cừ khôi. Đội hình đóng quân của Sư đoàn từ Bắc đến Nam tỉnh Lạng Sơn, vì vậy anh phải dùng xe rong ruổi khắp tỉnh để chuyển công văn, mệnh lệnh đến các đơn vị. Do năng động, tháo vát, cơ quan hậu cần phát hiện tố chất làm kinh tế của So nên đã đề nghị Sư đoàn chuyển anh sang làm công tác hậu cần. Tiếp đó, Quân đoàn 14 lại điều anh về Phòng Kinh tế cho đến khi anh chuyển ngành với quân hàm đại úy.

        Từ đây (tháng 10-1988), cuộc đời anh bước sang một trang mới: một doanh nhân quản lý một doanh nghiệp mà sự khởi đầu là kế thừa một công ty đang làm ăn thua lỗ, đứng bên bờ vực phá sản. Cơ sở hạ tầng chẳng có gì ngoài mấy gian nhà kho cấp 4 đã xuống cấp. Đó là công ty Dâu-Tằm-Tơ tỉnh Hà Bắc(cũ). Toàn công ty chỉ có 30 cán bộ, công nhân viên sản xuất tơ tằm mang tính thời vụ, doanh thu 40 triệu đồng/năm. Đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn. Chính sách với Nhà nước không thực hiện được...

        Trước tình hình đó, tháng 3-1996, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Bắc chuyển đổi Công ty Dâu-Tằm-Tơ thành Công ty Nông sản và bổ nhiệm Nguyễn Như So làm Giám đốc. Bài toán đặt trước mắt anh lúc này là vốn. Các ngân hàng mất lòng tin với cái dớp của Công ty Dâu-Tằm-Tơ và chưa biết anh là người như thế nào, làm ăn có hiệu quả không nên không dám cho vay vốn. Nguồn lực lao động chủ yếu vẫn là lao động phổ thông, trình độ kĩ thuật không có bao nhiêu .
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #124 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2017, 09:33:43 pm »


        Vừa làm Giám đốc, vừa làm Bí thư chi bộ, anh quyết định vấn đề đầu tiên là phải củng cố tổ chức, sắp xếp lại bộ máy làm việc, lặn lội tìm hiểu thị trường để định hướng sản xuất, kinh doanh. Một quyết định táo bạo có tính đột phá là chuyển ngành nghề kinh doanh sang sản xuất thức ăn chăn nuôi và nuôi gà giống công nghiệp. Phương án, mô hình sản xuất của anh được Tỉnh chấp nhận và ủng hộ về chủ trương. Còn vốn xây dựng chủ yếu do công ty xoay xở. Anh đã vận động cán bộ, nhân viên góp vốn, bản thân anh mang sổ đỏ gia đình ra thế chấp để vay tiền xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi và xí nghiệp gà giống Lạc Vệ. Thời gian này, thức ăn chăn nuôi công nghiệp và sản xuất con giống công nghệ cao là ngành còn mới mẻ ở nước ta, chủ yếu là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thực hiện.

        Vốn bản lĩnh táo bạo và quyết đoán, anh thường nghĩ: Tại sao trên đất nước mình, người nước ngoài làm được mà ta lại không làm được. Họ lấy công sức, tiền của đồng bào mình ngay trước mặt mình mà mình lại ngồi im hay sao. Một số người nói xa nói gần rằng không thể cạnh tranh được với công ty nước ngoài. Anh bực mình nói ào mà rất thực rằng: Ngày xưa quân Mĩ giàu mạnh như vậy ta còn có cách đánh thắng, bây giờ ta làm chủ đất nước, ắt phải có cách để cạnh tranh, để làm giàu. Họ có nhiều tiền thì ta có nhiều dân, dựa vào dân, đi vào nông dân mà tìm đầu ra. Có đầu ra là có vốn. Có vốn ta sẽ có nguồn lực . Chính sách Nhà nước đã mở cửa, ta đi ra nước ngoài để tìm cách đưa công nghệ mới về...

        Anh suy nghĩ như vậy và anh đã làm như thế.

        Công việc đầu tiên là đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên có trình độ chuyên môn để làm chủ công nghệ sản xuất với thiết bị hiện đại, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành. Coi đây là sự thành bại của công cuộc cạnh tranh, thành bại của Công ty.

        Việc thứ 2 là xúc tiến xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, công suất ban đầu là 10.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư là 11,5 tỷ đồng đi vào sản xuất thử; xây dựng xí nghiệp gà giống công nghiệp Lạc Vệ, vốn đầu tư 4,7 tỷ đồng (khởi công tháng 4-1997, đưa vào sử dụng tháng 5-1998). Gà được nuôi trong nhà kín, có hệ thống làm mát, gà ở trên sàn, hệ thống máng ăn uống và ấp nở tự động. Cử cán bộ đi xuống các huyện, xã kí hợp đồng mua nguyên vật liệu và quảng bá sản phẩm, hợp đồng cung cấp giống gà và thức ăn công nghiệp.

        Nhờ chỉ đạo sản xuất tốt nên sản phẩm thức ăn chăn nuôi của công ty được người tiêu dung đánh giá cao, thị trường ngày càng mở rộng. Nhà máy chạy hết công suất vẫn không đáp ứng nhu cầu thị trường. Năm 2001, anh mạnh dạn đầu tư vốn, động viên cán bộ khoa học kĩ thuật cải tiến nhà máy 10.000 tấn/năm, nâng công suất thiết kế lên 25.000 tấn/năm. Thấy nhu cầu thị trường vẫn lớn, anh trực tiếp qua Đài Loan nghiên cứu công nghệ mới, kí hợp đồng xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi cao cấp (TOPFEEDS) có công suất 250.000 tấn/năm. Vốn đầu tư 61,7 tỷ đồng (khánh thành tháng 9-2002). Đây là một trong những nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi có công nghệ tiên tiến nhất nước ta hiện nay. Hàng tháng cung cấp ra thị trường 20.000 tấn thức ăn chăn nuôi các loại đủ tiêu chuẩn dinh dưỡng.

        Để đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng sản xuất nhiều lĩnh vực khác nhau, năm 2006, anh đề xuất đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thức ăn thủy sản Kinh Bắc, công suất 25.000 tấn/năm, góp phần thay đổi cơ cấu nuôi trồng thủy sản trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

        Về con giống, qua nghiên cứu thị trường, anh quyết định đầu tư xây dựng xí nghiệp lợn giống nạc với 200 nái ông bà và 600 nái bố mẹ. Vốn đầu tư 25,7 tỷ đồng. Hàng năm cung cấp cho thị trường 2.000 lợn giống bố mẹ, 12.000 đến 15.000 lợn giống thương phẩm, hàng trăm ngàn liều tinh giống lợn, góp phần nạc hóa đàn lợn trong tỉnh, trong nước. Không dừng lại kết quả trên, anh tiếp tục nghiên cứu thị trường Tây Âu và đề xuất xây dựng xí nghiệp ngan giống Pháp với qui mô 6.000 mái sinh sản. Vốn đầu tư 25 tỷ đồng. Năm 2007, để đáp ứng nhu cầu thị trường, anh đề xuất xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi cao cấp DABACO II, công suất 300.000 tấn/năm tại khu công nghiệp Bắc Ninh. Vốn đầu tư 60,5 tỷ đồng (năm 2008 đi vào hoạt động). Mở rộng địa bàn kinh doanh, từ năm 2008, anh góp vốn xây dựng một nhà máy thức ăn thủy sản tại tỉnh Đồng Tháp, công suất 20 tấn/giờ và một nhà máy thức ăn thủy sản ở tỉnh Tiền Giang, công suất 10 tấn/giờ. Tháng 6-2008 cả hai nhà máy bắt đầu hoạt động.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #125 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2017, 09:34:10 pm »


        Là một cán bộ Quân đội được tôi rèn bản lĩnh quyết đoán, táo bạo, nhưng trong môi trường mới, trong nền kinh tế thị trường đã hình thành trong anh tính cẩn trọng với một tư duy khoa học. Trong đó, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt giúp anh đứng vững trong sản xuất, kinh doanh là Chất Lượng Sản Phẩm. Ngày xưa, trong thời bao cấp chúng ta có khẩu hiệu: “nhanh, nhiều, tốt, rẻ”, bây giờ phải đổi lại “tốt, rẻ, nhanh, nhiều”. Bởi vậy, điều được anh quan tâm là phải xây dựng hệ thống quản lí chất lượng ISO-9001-2000 và đã được Tổng cục Đo lường cấp Chứng chỉ. Nhờ hệ thống quản lí đó mà mọi sản phẩm do xí nghiệp tạo ra giữ được niềm tin của khách hàng. Đặc biệt trong nạn dịch cúm gia cầm, thủy cầm lan tràn trong nước, toàn bộ giống gia cầm, thủy cầm của công ty anh không bị ảnh hưởng. Chất lượng sản phẩm luôn gắn liền với tiến bộ khoa học kĩ thuật và phương thức sản xuất. Nắm chắc điều đó, từ năm 1996, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, anh triển khai thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư và phát triển công nghệ gia công với phương thức phối, kết hợp bốn nhà:

        -   Nhà sản xuất.

        -   Nhà khoa học.

        -   Nhà quản lí.

        -   Nhà chăn nuôi.

        Đồng thời, khai thác triệt để tiềm năng kinh tế trong dân, không chỉ nhân dân trong tỉnh mà phát triển rộng ra các tỉnh Vỉnh Phúc, Hải Phòng, Hà Tây (cũ), Hòa Bình... trên cơ sở:

        -   Người chăn nuôi xây dưng chuồng trại theo hướng dẩn của cán bộ kĩ thuật công ty.

        -   Công ty đầu tư con giống, thuốc thú y, hướng dẫn qui trình kĩ thuật chăn nuôi.

        -   Sau chu kì sản xuất, công ty thu lại sản phẩm và trả công lao động theo hợp đồng đã thỏa thuận.

        Đây là một phương pháp ưu việt, vừa khai thác cơ sở vật chất sẵn có trong dân vừa giúp cho dân tiếp cận, áp dụng tiến bộ khoa hoc kĩ thuật, nâng cao năng xuất lao động, tính rủi ro thấp.

        Ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật là chìa khóa để nâng chất lượng sản phẩm. Hiểu rõ điều đó, anh đã cùng đội ngũ cán bộ khoa học kĩ thuật của công ty nghiên cứu áp dụng thành công các thành tựu lai tạo giống gà của Trung Quốc, ngan (của Pháp), lợn (của Canada, Đan Mạch). Đồng thời cho hàng trăm lượt cán bộ đi thăm quan nghiên cứu ở nước ngoài như: Pháp, Mĩ, Canada, Đan Mạch, Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan. Trong sản phẩm thức ăn chăn nuôi, anh chỉ đạo giảm dần nguyên liệu nhập ngoại, khai thác và sử dụng triệt để nguyên liệu trong nước để nắm quyền chủ động trước mọi biến động giá cả thị trường thế giới.

        Bản thân anh, với tư cách là Giám đốc, là Bí thư Đảng ủy, anh đã làm gương trong học tập. Khi rời quân ngũ anh chỉ có trình độ văn hóa lớp 10 phổ thông (hệ 10 năm), những năm qua vừa tự học trong cuộc sống vừa theo học các trường đào tạo cơ bản như: Đại hoc Kinh tế quốc dân (khoa quản trị kinh doanh), Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh (chương trình đào tạo lý luận cao cấp). Và từ tháng 3- 2006 đến tháng 12-2007, anh học xong chương trình Cao học Quản trị kinh doanh Quốc tế thuộc trường Đại học Quốc gia Hà Nội và IRVINE (Mỹ). Đúng là một nghị lực học tập hiếm có đối với một nhà doanh nghiệp ở tầm tuổi anh.

        Sản xuất kinh doanh phát triển, tạm lấy một vài con số năm 2007 so với 1997:

        -   Doanh thu tăng 63 lần.

        -   Lợi nhuận tăng 53 lần.

        -   Nộp ngân sách nhà nước tăng 424 lần.

        -   Thu nhập bình quân đầu người tăng 5 lần

        Hiện nay (2009), lương bình quân của cán bộ công nhân từ 3,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng (công ty có 4500 cán bộ công nhân viên). Thực hiện đầy đủ thuế doanh nghiệp theo đúng pháp luật... Ngoài ra với tinh thần người lính trận, đã hiểu sự hi sinh lớn lao của đồng đội, đồng bào trong chiến tranh, anh đã chỉ đạo công ty xây dựng các quĩ xã hội như: xóa đói giảm nghèo, khuyến học, xây dựng giao thông, xây nhà tình nghĩa...Tất cả mỗi năm hàng tỷ đồng.

        Một hiệu quả to lớn khác của công ty là đã tạo công ăn việc làm cho hơn 4.000 lao động tại chỗ (ưu tiên con em thương binh, liệt sĩ) và hàng triệu lao động nông nhàn trong cả nước làm dịch vụ cho công ty, chuyển giao khoa học kĩ thuật chăn nuôi cho họ để họ sử dụng con giống và thức ăn chăn nuôi của công ty (bình quân 15.000 hộ/năm).

        Từ những thành quả trên, một vinh dự lớn đã đến với anh: ngày 8/9/2004, Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã kí quyết định tặng danh hiệu “Anh Hùng Lao Động thời đổi mới” cho Công ty. Và ngày 18/8/2008, Anh được Nhà nước tặng danh hiệu “ Anh Hùng Lao Động thời đổi mới”.

        Đúng là “ Song hỷ lâm môn”. Hai niềm vinh quang ấy cùng đến với một công ty quả là không phải nơi nào cũng có. Mong cho Anh và chúc cho Công ty anh giữ vững và phát huy danh hiệu cao quý ấy mãi mãi, để góp phần xây dựng nền kinh tế của nước nhà.

Hà Nội, tháng 1-2010       
N.V.T                   
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #126 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2017, 09:36:47 pm »


        Đại tá Nguyễn Văn Tích
        BLL Cựu Chiến binh Sư đoàn 3 - Sao Vàng-Khu vực Hà Nội


CỰU CHIẾN BINH SƯ ĐOÀN SAO VÀNG TRÊN CAO NGUYÊN

        Tháng 7 năm 2009, tôi lên Tây Nguyên thăm người thân ở KonTum và Lâm Đồng. Đang vui chuyện nhà, chuyện xã hội trên vùng đất cao nguyên, bỗng cháu trai tôi – một cán bộ Hội Đồng nhân dân Thị trấn nói:

        -   Chú là người của Sư đoàn 3 - Sao Vàng phải không, ở Thị trấn này cũng có người của Đoàn Sao Vàng đấy.

        Tôi sốt sắng hỏi:

        -   Thật vậy không? Là những ai? Tên gì?

        -   Có bác Ngô Tùng Phong hiện đang làm tuyên giáo Thị ủy và anh Ngô Đức Bằng là một doanh nhân có tiếng.   

        Không thể trì hoãn được niềm vui, ngay tối hôm đó, dù trời đang lắc rắc mưa, tôi vẫn nhờ cháu đưa tới thăm anh Phong.

        Đúng là anh Phong rồi, thời cùng sống với nhau (1983-1988) anh là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Chính trị Sư đoàn (như Chính ủy Sư đoàn hiện nay), tôi là Trưởng Ban biên soạn Lịch sử Sư đoàn.

        Không cần phải giới thiệu, anh nhận ra tôi ngay, chứng tỏ anh vẫn còn minh mẫn. Anh và tôi đã từng gắn bó với nhau trong các công trình lịch sử cơ bản của Sư đoàn, như: “Ký sự lịch sử Sư đoàn 3 Sao Vàng”, phim tài liệu lịch sử “Ngôi sao rừng dừa” và công trình xây nhà truyền thống Sư đoàn ở xã Mai Sao (huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn). Anh chủ trì công tác Đảng, công tác Chính trị của Sư đoàn nên thường xuyên dự các cuộc hội thảo khoa học về các công trình trên. Bản tính hiền lành, giản dị, nói năng chậm rãi, sâu sắc, anh thường góp những ý kiến giá trị, chứng tỏ là người được đào tạo cơ bản qua các trường quân đội. Đặc biệt, anh tỏ ra thông cảm với những người viết của chúng tôi nên thường quan tâm tới công tác bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất. Anh nói: Để viết được một chữ phải đọc nghìn chữ. Để viết được một trang phải đọc nghìn trang. Phải tạo điều kiện cho anh em bù đắp chất xám ấy. Công bằng mà nói, sự hoàn thành các công trình lịch sử trên đây của Sư đoàn, có vai trò đóng góp tích cực của anh (mặc dù anh không lớn lên từ chiến sỹ Sư đoàn).

        Thấy anh khỏe, không khác gì mấy so với 21 năm trước, lại có phần trắng ra, mập hơn, tôi rất mừng. Anh kể về quãng thời gian sau khi rời khỏi Sư đoàn, luôn phải xốc vác gánh nặng gia đình. Anh về hưu với cái dạ dày bị cắt, túi mật, đại tràng bị viêm, tưởng sẽ “tàn”, nhưng anh đã biết sống chung với bệnh và tìm những công việc xã hội để quên bệnh tật. Tham gia hai khóa Chủ tịch Cựu Chiến binh xã ở quê Thanh Hóa. Tham gia mấy khóa liền Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện Ngọc Hồi (Kom Tum) và mấy năm nay làm Phó Ban tuyên giáo cho Đảng ủy Thị trấn Plây- cần, Phó Ban Chỉ đạo cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Đảng bộ Thị trấn. Nói nghỉ hưu nhưng nào nghỉ việc. Trợ cấp các chức vụ trên không đủ cho tiền xăng xe, nhưng cái được là niềm vui thấy mình còn có ích cho xã hội, cho cộng đồng, được cộng đồng tin yêu.

        Anh tâm sự: Trở về Ngọc Hồi định cư không chỉ vì ở đây, gia đình anh, các em, các con anh đã tới cư trú hàng chục năm trước, mà riêng anh, Ngọc Hồi vốn là chiến trường quen thuộc trong những năm đánh Mỹ. Trong trận  ĐắcTô - Tân Cảnh năm 1972, anh và một số đồng đội đã từng nắm tay nhau thề: “Cảm tử để giữ vững trận địa” suốt hàng tuần lễ liền trên đồi Ngọc Hồi...

        Không đợi tôi đến tìm, vừa nghe cháu tôi báo tin tôi lên chơi, anh Ngô Đức Bằng liền đội mưa phóng Hon-đa tới. Vừa nhìn thấy tôi, anh đã reo lên:

        -   Anh là anh Tích? Sao bây giờ anh mập vậy? Nhưng tôi nhận ra nụ cười của anh, một người luôn lấy nụ cười ra để “hoãn binh” khi chưa thể trả lời ngay một vấn đề nào đó. Và không để tôi hỏi, anh nói liên hồi rằng: “Xưa kia anh gầy, nhỏ, thấp, tóc thưa luôn chải ngược và thường đi dày ba-ta màu trắng để dạo phố Vũng Tàu sau 30 tháng 4 năm 1975...”

        Quả là tôi không còn nhớ những tình tiết ấy và cũng không nhớ con người “đã từng ôm ngang lưng tôi rồi nhấc bổng lên trên đường Trần Quang Khải, thành phố Vũng Tàu vì mừng vui” như anh nói. Nhưng trước sự nồng nhiệt khẳng định của anh, tôi dần nhớ ra và phải thừa nhận Bằng có trí nhớ cực tốt. Đã 34 năm rồi mà anh vẫn nhớ tới tôi, một trợ lý tuyên huấn của Sư đoàn năm đó xuống đơn vị để viết gương chiến đấu và nắm tình hình tư tưởng bộ đội, nhân dân.

        Bằng nhớ tường tận rằng, thời điểm ấy, Thành phố vừa giải phóng, cán bộ chính trị Sư đoàn, Trung đoàn xuống đơn vị chỉ lo giáo dục bộ đội sống giản dị, khiêm tốn, không nhẹ dạ, cả tin, không ảnh hưởng lối sống buông thả của nam nữ thanh niên vùng địch kiểm soát lâu năm. Bởi lúc đó, nhiều quãng đường phố Vũng Tàu, đêm đêm là tụ điểm của trai gái làng chơi. Thậm chí trước mặt nhau, từng đôi, từng đôi lấy ngay vỉa đường làm giường nằm, vì các nhà chứa, các khách sạn đã bị  đóng cửa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #127 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2017, 09:37:22 pm »


        Bằng nhắc tới “sự kiện” lý thú là một buổi chập choạng tối, tôi cùng Bằng đi dạo phố, Bằng to cao, đẹp trai, tôi thấp nhỏ không lấy gì hấp dẫn lắm. Chợt nhìn thấy hai cô gái mặc đồ đen (thời điểm đó, không hiểu vì lý do gì mà các cô gái điếm đều mặc đồ đen).

        Tôi đặt ngón tay lên môi huýt sáo, lập tức một trong hai cô lên tiếng:

        - Các anh đi theo em xuống cuối phố, đối với Quân Giải phóng chúng em miễn phí.

        Bằng huých vào người tôi:

        - Anh thấy chưa, ranh giới giữa sự trong sạch và bẩn thỉu ở đây thật mỏng manh. Còn trẻ như bọn em dễ “ làm thử” lắm.

        Với tâm trạng của một người đã bị dồn nén ký ức hơn 30 năm chưa gặp người cảm thông, chia sẻ, Bằng kể hết, nhắc hết hàng loạt kỷ niệm về cuộc đời người báo vụ luôn đi theo “Đài kẹp nách” (đài 15w biệt phái đi phục vụ tuyến trước). Anh kể: Trước mở màn Chiến dịch Xuân 1975 của Sư đoàn, bộ phận chỉ huy tiền phương của Trung đoàn 68 Pháo binh (trong đó có trinh sát và tổ đài 15w) đang trên đường trèo lên đỉnh núi Ông Bình (đường 19, tỉnh Bình Định ) thì lọt vào ổ phục kích của địch. Một chiến sỹ mới tỏ ra dao động, định bỏ chạy. Bằng quát to: “Đứng lại! Nếu bỏ chạy, tôi bắn. Tôi còn, đồng chí còn. Không phải sợ”. Người lính đó đã bình tâm trở lại vị trí vác máy của mình. Bọn địch đánh nhau với trinh sát của ta, không phát hiện ra bộ phận chỉ huy. Lại một lần (Bằng kể tiếp), trong chiến dịch Xuân 1972, anh được lệnh trực tiếp đi chuyển mật điện từ phía trước về sở chỉ huy cơ bản. Khi qua cánh đồng thôn Bình Hòa (huyện Hoài Ân), bất ngờ bị “tàu rọ”  (một loại trực thăng trinh sát vũ trang của địch) quây bắt. Trong tay lúc đó chỉ có lựu đạn. Bằng lom khom chạy men bờ ruộng. Chiếc “tàu rọ” chúc đầu bắn trọng liên xối xả. Anh xác định : trúng đạn chết thì thôi, quyết không để chúng bắt. Nếu chúng thả thang dây xuống, anh sẽ ném lựu đạn lên máy bay. Nghĩ vậy, Bằng liều chạy dích dắc giữa ruộng trống, không cho chúng bắn trúng. Cuối cùng, anh tới được bờ sông Kim Sơn, tuột người xuống bờ vực. Chiếc trực thăng mất mục tiêu, bắn vu vơ một lúc rồi chuồn thẳng. Anh rút ra một điều là trực thăng muốn bắn trúng phải ổn định hướng bắn, nếu mình làm cho hướng bắn của nó luôn thay đổi thì nó phải lấy lại vòng lượn. Đó là cơ hội cho ta thoát thân.

        Lại một lần, trước ngày nổ súng đánh vào Ninh Thuận (tháng 4 năm 1975), đơn vị hành quân từ Bình Định vào tới ga Suối Cát (Khánh Hòa) thì được lệnh rẽ phải. Khoảng 16 giờ, địch dùng máy bay tới ném bom vào đội hình trung đoàn. Bộ đội nhanh chóng tản ra. Do địa hình mới lạ, Bằng bị lạc vào vườn mía bạt ngàn, mất phương hướng. Trời đã tối mà địch vẫn ném bom. Khi hết máy bay, Bằng ghé tai xuống đất lắng nghe tiếng rung do ô tô chạy để tìm đường ra. Khoảng 24 giờ mới tới được đường lớn. Nhiều xe tải, xe kéo pháo bị cháy, lửa còn leo lét. Quanh đó có bóng người qua lại. Bằng nấp vào một bụi cây, gọi mật khẩu: “Hồng Hà đây”. Một người từ bên kia trả lời: “đây Cửu Long”. Anh sung sướng chạy ra. Rất may, đó lại chính là đại đội của anh. Gặp đài trưởng Nguyễn Đình Thọ, Thọ vui mừng nói: “bom ném như vậy tưởng mất mày rồi. Mày về là quá tốt. Khẩn trương lên, đã mất liên lạc với trên từ chập tối đến giờ”. Bằng bảo đồng chí Đông trèo lên cây xoài vắt ăng ten dây và mấy phút sau, đài đã liên lạc được với Sở Chỉ huy Trung đoàn.

        Khoảng 5 giờ sáng ngày 14 tháng 4 năm 1975, pháo binh Sư đoàn đã bắn hàng ngàn đạn pháo vào các trận địa địch, từ sân bay Thành Sơn đến cửa ải Du Long. Khói lửa ngút trời. Niềm hạnh phúc của người chiến sĩ đài 15W chính là nối thông nhịp cầu chỉ huy để tạo nên những cơn bão lửa như vậy.

        Bằng kể say sưa tưởng như không bao giờ cạn những kỷ niêm, từ chuyện chiến đấu đến tình cảm quân dân. Tôi thực sự thông cảm với anh vì có lẽ từ lâu lắm rồi, chưa có ai cùng hiểu để cho anh chia sẻ những ký ức của mình về Sư đoàn mà lúc nào anh cũng tự hào và mong nhớ.

        Qua anh Phong, anh Bằng, tôi biết ở huyện Đăk Hà còn có một số cựu chiến binh Sư đoàn 3 đang cư trú. Tôi bàn với anh Phong nên tổ chức một Ban Liên lạc. Các anh đồng ý ngay và sáng hôm sau, Bằng nhảy xe buýt đi Đăk Hà. Chiều về, Bằng cho biết, ở Đăk Hà có 10 người là CCB của Sư đoàn 3 do anh Nguyễn Xuân Bường làm nhóm trưởng. Tuy chưa thành tổ chức nhưng anh chị em vẫn thường găp nhau hàn huyên.

        Thế là kế hoạch thành lập BLL Cựu Chiến binh Sư đoàn 3-Sao Vàng ở Đăk Hà-Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) được hình thành. Một tuần lễ sau, ngày 19 tháng 7 năm 2009, tại nhà đồng chí Nguyễn Xuân Bường, Ban Liên lạc Sư đoàn 3 Sao Vàng được thành lập với tên gọi hoàn chỉnh là: “Ban Liên lạc Cựu Chiến binh Sư đoàn 3 – Sao Vàng Khu vực tỉnh Kon Tum” . Đồng chí Nguyễn Xuân Bường, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Vận tải Sư đoàn làm Trưởng ban và đồng chí Ngô Tùng Phong, nguyên Phó Sư đoàn trưởng về Chính trị làm cố vấn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #128 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2017, 09:37:51 pm »


        Với sự chu đáo vốn có, đồng chí Bường đã mượn đủ lễ phục quân đội cho các hội viên trong buổi ra mắt. Niềm vui, niềm tự hào của họ lan tỏa sang cả vợ (hoặc chồng) và con hội viên được mời dự hôm đó.

        Số lượng hội viên không nhiều, nhưng nghĩa tình sâu nặng và trách nhiệm cao. Mọi người nhanh chóng xác định, vừa góp tiền gây quỹ để thăm nhau vừa cho BLL vay (không tính lãi) để lập quỹ giúp đỡ hội viên khó khăn. Ngay hôm đó, quỹ của BLL đã huy động được hơn 15 triệu đồng. Liền sau đó, cho một hội viên vay để làm nhà cho con trai. Anh Bường nói với tôi: “Việc cho hội viên vay, vừa giúp đồng đội (vì lãi suất thấp hơn lãi suất ngân hàng) nhưng đó cũng là cách để phát triển quỹ. Càng có nhiều người vay, quỹ càng chóng lớn”. Bường còn nói rằng, anh sẵn sàng bỏ tiền gia đình để giải quyết việc thường ngày cho BLL, còn quỹ của BLL dành để cho vay. Cuối năm anh thanh toán với BLL một thể . Đúng là một nghĩa cử đáng quý.

        Trong BLL, anh Bường là người cao tuổi nhất ( 73 tuổi ), vào bộ đội sớm nhất ( năm 1959 ). Sau khi tái ngũ, anh vào chiến trường (năm 1967), ở Đại đội Hỏa lực Trung đoàn 12, sau đó về làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 19 Vận Tải. Năm 1988, anh xin nghỉ hưu về quê Lý Nhân, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc làm Hội trưởng CCB xã. Năm 1996, anh đưa vợ con vào lập nghiệp tại thị trấn Đăk Hà đến nay.

        Bán hết mọi tài sản ở quê, anh mua được ba ngàn mét vuông đất vườn, dành một ngàn mét làm ao nuôi thủy sản. Phát huy tinh thần tự lực, anh xem ti-vi (chương trình VTV2) để nắm bắt kỹ thuật, vào Nam Bộ mua gống ba ba, ra Hà Tĩnh mua giống ếch, lên trại khuyến ngư của huyện mua giống cá quả. Vụ đầu tiên thua lỗ. Hơn một ngàn con ba ba thương phẩm vượt bờ ao đi mất. Rút kinh nghiệm, anh xây lại ao đúng tiêu chuẩn nên vụ tiếp theo thu nhập một trăm triệu ba ba thịt. Qua nghiên cứu thị trường các tỉnh phía Bắc (Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương), anh chuyển sang nuôi ba ba giống. Vụ đầu lại thua lỗ do trứng ba ba chỉ nở được 30%. Anh lại nghiên cứu thử nghiệm cho ba ba ấp nở theo môi trường tự nhiên. Kết quả, 90% trứng nở. Thành công đó đã đem lại cho anh lợi nhuận hơn 30 triệu đồng. Từ đó đến nay, thu nhập từ nuôi thủy sản của gia đình hàng năm hơn một trăm triệu. Trừ mọi chi phí, còn lãi bốn, năm chục triệu. Cuộc sống dư dật. Anh quyết định đầu tư cho đồng đội cùng nuôi ba ba (3 người) trên 40 triệu đồng, khi nào có lãi mới trả vốn cho anh. Đúng là tình cảm của người lính trận vẫn trong sáng, vô tư.

        Niềm vui của anh giờ đây, như anh nói là mong được đón tiếp đồng đội và bạn bè tới thăm để hàn huyên kỷ niệm và chia sẻ cách làm giàu. Nhà anh ở trong một thị trấn nhỏ vùng cao nhưng trông như một khách sạn mi-ni. Kiến trúc bên ngoài theo cổ truyền nhưng nội thất khá sang trọng. Các cửa lớn, nhỏ đều căng ri-đô. Đầu nhà có gian lồi tới mép ao để ngồi ngắm cảnh ao vườn. Mặt ao có những cột, bồn làm cảnh. Trong tán lá bèo tây (cây lục bình) lúc nhúc những đàn ba ba và ếch thương phẩm. Ở một khu cát nhân tạo cuối ao, đúng dịp trứng ba ba nở, từng đàn ba ba con bằng chiếc nắp bia đen thui, đội cát bò lên rồi thi nhau lao xuống ao như có ai rượt đuổi, trông thật vui mắt. Hệ thống nước tưới, tiêu vừa tôn vẻ đẹp của ao vườn, vừa làm sạch môi trường cho thủy sản sinh sôi. Một cảm giác tươi mát lan tỏa trong mỗi chúng tôi khi đứng tham quan khu ao sinh thái nhà anh.

        Ban Liên lạc Sư đoàn 3 Sao Vàng Khu vực Kon Tum ra đời muộn nhưng tổ chức khá bài bản. Điều lệ (bản quy ước) chặt chẽ, có văn bản trình lên Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh và chính quyền Huyện, Tỉnh. Có bản tin gửi lên đài phát thanh và truyền hình, khẳng định với địa phương rằng: Ban Liên lạc là một tổ chức tự nguyện và tình nghĩa, sẽ tích cực hoạt động xã hội góp phần xây dựng Cuộc Vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của địa phương. Nhiều người trong ban liên lạc đã từng lập công trong đánh Mỹ xâm lược, thể hiện lòng trung kiên của mình như Nguyễn Trọng Dưỡng, một chiến sỹ Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12 làm nhiệm vụ trinh sát thọc sâu, bị địch bắt năm 1968. Vào tù, mấy lần vượt ngục không thành, bị đòn roi tàn bạo nhưng vẫn giữ vững khí tiết cho đến ngày trao trả ( 1973). Chị Trần Thị Thanh Mai, một trong những y tá xuất sắc của Sư đoàn, được cử đi học ở Quân khu V. Tốt nghiệp, tình nguyện lên Tây Nguyên công tác, được bầu làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Đắc Hà và Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung huyện. v.v...

        Điều đáng mừng là trong chiến tranh họ đã giữ vững vai trò của mình, ngày nay trong trận chiến mới, nơi vùng đất mới, họ vẫn phát huy truyền thống Sư đoàn 3- Sao Vàng “Bám đất, bám dân, tự lực, tự cường...” vươn lên làm giàu chính đáng, xóa mọi định kiến cho rằng: Bộ đội chỉ biết đánh giặc, không biết làm kinh tế. Giữa những khu đô thị mới hiện nay, đồng chí nào cũng có hàng ngàn mét vuông đất ở, nhà cửa khang trang. Đất vườn có đồng chí một vài hecta, có người làm được khách sạn, nhà nghỉ, nhà cho thuê. Kinh tế đồng chí nào cũng khá giả, có người thuộc hàng tỷ phú. Tỷ phú nhưng vẫn quan tâm đến việc nghĩa, việc tình, việc từ thiện. Đáng quý là ở chỗ đó.

        Chia tay anh chị em CCB Sư đoàn ở Ngọc Hồi và Đắc Hà, chiếc điện thoại di động trên tay tôi suốt cả buổi sáng luôn nhận tin các đồng đội gửi tới cầu chúc “Thượng lộ bình an, hẹn ngày tái ngộ”. Vâng! Với tình cảm của các đồng chí như vậy, tuy chưa nhận lời “tái ngộ” nhưng trong tôi thầm nghĩ: hàng năm, vào dịp hè, tránh mùa nóng ở Thủ đô thì Ngọc Hồi – Đắc Hà là điểm đến lý tưởng. Lý tưởng về thiên nhiên, môi trường, và lý tưởng về tình người, tình đồng đội.

Hà Nội, 2-9-2009       
N.V.T                 
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #129 vào lúc: 13 Tháng Tư, 2017, 09:39:07 pm »


        Đại tá Nguyễn Văn Hồng,
        Nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6,Trung đoàn 12,
        Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 - Sao Vàng,
        Nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 4, đã nghỉ hưu.


GẶP LẠI NGƯỜI THƯƠNG BINH ẤY SAU 36 NĂM

        Đó là Trần Xuân Nựu, thương binh cụt một chân, hiện đang sống tại xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

        ...Cuối năm 1971, trong một lần đi trinh sát các mục tiêu địch trên Đường Số 19 tại đèo Thượng Giang, tỉnh Bình Định, không may Nữu đạp phải quả mìn Zíp. Nói “không may” là vì, trên một lối mòn để tiếp cận lề đường, ba đồng chí đi trước, tôi đi thứ tư và sau tôi là Trần Xuân Nựu. Vậy mà anh lại giẫm phải mìn. Mìn Zíp vốn do Pháp chế tạo. Trái mìn hình tròn, lớn bằng hộp zíp đánh răng thời chống Pháp. Vì vậy ta thường gọi là mìn Hộp Zíp hoặc mìn Zíp (gọi theo hình dáng). Vỏ mìn làm bằng nhựa, chống máy dò mìn, trái mìn phủ màu xanh để ngụy trang. Thuốc nổ là hợp chất nhiều thành phần, chủ yếu là thuốc TNT. Mìn cấu tạo theo nguyên lý đạp nổ. Kim hỏa gắn liền với miếng mica hình lõm, đàn hồi. Dưới kim hỏa là hạt nổ. Mìn Zíp có độ chống ẩm cao, chôn dưới mặt đất khoảng 1cm, nhiều chục năm vẫn còn tác dụng. Cây cỏ mọc che phủ rất khó phát hiện. Mìn Zíp chỉ có tác dụng loại khỏi vòng chiến đấu đối phương vì nó chỉ sát thương ở chân. Song, nếu vết thương không được cứu chữa kịp thời, có thể dẫn đến tử vong.

        Dọc hai bên Đường Số 19 và xung quanh các điểm chốt của địch ở đèo Thượng Giang, chúng đã rải mìn Zíp thành một tuyến trong phạm vi 15 đến 20 mét từ vệ đường trở ra. Ở đây, bộ đội ta thương vong do mìn Zíp chiếm tỷ lệ khá cao.

        Trái mìn Nựu đạp nổ đúng vào lúc giữa trưa, cách mặt đường khoảng 15 mét. Xung quanh có các chốt điểm địch ở phía nam núi Ông Bình, phía tây là đồi Mâm Xôi, phía đông là đồi Hòn Kiềng...các lô cốt của bọn lính Nam Triều Tiên luôn sẵn sàng nhả đạn. Tuy nhiên, hôm đó, đang giữa trưa lại gần mép đường, nắng gay gắt, địch không thể ngờ tiếng nổ là do có đối phương tiếp cận. Chúng không có phản ứng gì.

        Bàn chân phải của Nựu bị tiện đứt hai phần ba. Không có dao, kéo để cắt đứt phần còn lại, chúng tôi đành gập phần bàn chân bị cắt, xé áo bó lại cho anh. Một vài cuộn băng cá nhân không thể ngăn được những dòng máu cứ liên tục đùn ra. Bốn anh em thay nhau cõng Nựu nhanh chóng vượt khỏi tầm đạn địch. Tôi động viên anh:

        -   Ở đây gần địch, cậu cố gắng chịu đựng, đừng la to, chúng nó nghe thấy. Bọn mình sẽ đưa cậu về đơn vị.

        Do máu ra nhiều, khuôn mặt Nựu trắng nhợt. Anh lịm dần trên vai hai đồng chí trinh sát. Kiên đi trước dò mìn, tôi đi sau cảnh giới và nhắc Lê Anh Kiên:

        -   Cậu dò cẩn thận. Nếu giẫm phải mìn, chết chôn thì dễ, còn bị thương thì hết người khiêng đấy nhé.

        -   Thủ trưởng cứ yên tâm ! Kiên tự tin trả lời và thận trọng dò từng bước chân.

        Nựu đã ngất mấy lần. Khi tỉnh dậy, anh nói qua hơi thở:

        -   Tôi chết mất thôi. Các anh cứ để tôi lại đây, đừng khiêng nữa...Vừa dứt lời, anh lại mê man. Tôi áp tai vào ngực Nựu. Tim vẫn còn đập. Tôi động viên và thúc giục anh em đi nhanh hơn để rút ngắn thời gian về Trạm phẫu, kịp cứu sống Trần Xuân Nựu.

        Ban đêm, rừng kín mít, đất đá lởm chởm, khó đi. Đốt đuốc thì sợ địch phát hiện, chúng tôi phải lấy khúc gỗ mục có lân tinh cho một người đi trước soi đường để người cõng Nựu khỏi ngã. Nhưng cuối cùng cũng phải dừng lại ở đầu nguồn suối Đồng Tre vì quá mệt.Từ đây về hậu cứ còn phải mất hơn một ngày đường, phải vượt qua đỉnh Hòn Giác cao trên 300 mét và phải vượt qua những ngọn đồi trống trải.

        Đêm đó, mấy anh em không sao ngủ được. Lo lắng lớn nhất là không biết Nựu có “qua khỏi” không. Mong trời mau sáng đưa Nựu về trạm phẫu sớm chừng nào hay chừng đó. Thỉnh thoảng một cơn gió thổi qua, rừng cây xào xạc. Một vài quả bom vướng nổ làm cả tổ giật mình. Vùng này, địch thường xuyên rải bom vướng nổ. Một quả “bom mẹ” khi rơi xuống sẽ có hàng trăm quả “bom con” bung ra. Mỗi “bom con” to bằng trái cam, màu xanh lá cây, bốn phía bung ra 4 sợi dây như sợi chỉ dù màu xanh rất khó phát hiện. Người đi bất cẩn hoặc thú rừng, hoặc gió thổi đều có thể làm bom vướng nổ. Bởi vậy, nơi đây có tiếng bom nổ suốt ngày đêm.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM