Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 14 Tháng Năm, 2024, 08:41:28 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh biên giới phía Bắc - P2  (Đọc 527211 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
minhnhat20051980
Thành viên
*
Bài viết: 12


« Trả lời #540 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2013, 08:23:33 pm »

Ngày mai là ngày 17/2/2013 nhưng cũng ngày này năm 1979 là ngày nổ ra cuộc chến biên giới phía bắc đau thương    xin nghiêng mình tưởng nhớ những người con đất Việt đã ngã xuống vì toàn vẹn non sông Lạc Hồng.
Logged
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« Trả lời #541 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2013, 08:59:24 pm »

Hãy cùng nhạu nhớ về một thời khắc thiêng liêng đã qua của dân tộc,khi tổ quốc bị xâm lăng hàng triệu người con đất Việt đã đoàn kết một lòng chống kẻ thù chung .Những người ngã xuống ở tuyến đầu đánh giặc sẽ sống mãi trong sự tôn kính của toàn dân Việt nam ....                                                                                     <a href="http://www.youtube.com/watch?v=FyHefCJxhV4" target="_blank">http://www.youtube.com/watch?v=FyHefCJxhV4</a>                                                                                                                       Bài tình ca quen thuộc của những người lính ngày ấy:                                                                               <a href="http://www.youtube.com/watch?v=70gtgugBNoc" target="_blank">http://www.youtube.com/watch?v=70gtgugBNoc</a>                                                            
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Hai, 2013, 11:50:31 am gửi bởi vmt » Logged
shmel
Thành viên
*
Bài viết: 186


Man in Iron Mask


« Trả lời #542 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2013, 08:21:59 pm »

http://tuoitre.vn/Ban-doc/534383/nhung-nguoi-linh-po-hen-nam-ay.html

Những người lính Pò Hèn năm ấy...

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH | 19/02/2013 08:41 (GMT + 7)
TT - Chúng tôi đã đi qua rất nhiều đồn biên phòng trên tuyến đường biên phía Bắc. Nhưng có lẽ Pò Hèn là đồn biên phòng đầu tiên chúng tôi bắt gặp tấm hình quý giá chụp khá đông đủ anh em cán bộ chiến sĩ trước ngày hi sinh 17-2-1979.



Tấm hình chụp những chiến sĩ đồn Pò Hèn dịp cuối năm 1978, đón xuân 1979, chưa đầy hai tháng sau hầu hết những người lính trong ảnh đều hi sinh! - Ảnh tư liệu của đồn Pò Hèn

Đêm ngủ lại ở đồn biên phòng Pò Hèn, chúng tôi khôn nguôi ám ảnh bởi tấm hình đen trắng ấy. Tấm hình được chụp vào thời điểm 34 năm trước, khi ấy anh em vừa nao nức đón xuân nhưng cũng vừa căng thẳng chuẩn bị bước vào một cuộc chiến đã được báo trước.

Và cuộc chiến đã được báo trước không tránh khỏi, nhưng không ai nghĩ có thể diễn ra sớm đến thế! Bởi vậy, khi từ đồn Pò Hèn về thành phố Móng Cái, tìm gặp những cựu binh của trận chiến năm xưa, chúng tôi đã gặp anh Hoàng Như Lý, vốn là chuẩn úy trinh sát của đồn vào thời điểm ấy, để hỏi xem ai mất ai còn trong tấm ảnh. Anh Lý đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về sự “không ngờ” của trận chiến, vì chiều hôm trước khi diễn ra cuộc chiến trên toàn tuyến, anh em vẫn còn dượt mấy hiệp bóng chuyền chuẩn bị cho ngày thứ bảy thi đấu giao lưu với đội bóng Lâm trường Hải Ninh, cũng là chỗ “láng giềng” với đồn.

Đành rằng từ sau tết năm ấy, tình hình ở Pò Hèn có căng thẳng hơn. Từ bên kia biên giới, thỉnh thoảng nhiều loạt AK được bắn thẳng vào đội hình sản xuất của anh em công nhân lâm trường. Tuyến hàng rào kẽm gai, hệ thống mìn bố phòng nhiều lần bị địch đêm đêm lẻn sang cắt gỡ.

Ngày 16-2-1979, anh em quan sát thấy phía công xã Thán Sản bên kia biên giới có 40-50 chuyến xe chở lính đến đóng đối diện đồn Pò Hèn. Dù tinh thần chuẩn bị đối phó với một cuộc chiến tranh đã được anh em quán triệt, đêm đêm anh em vẫn phải trực chiến ngay hầm hào công sự, nhưng cuộc sống biên ải vẫn cứ diễn ra, theo nhịp độ vừa căng thẳng cảnh giác vừa bình thường như nó vốn có.

Trận đánh sáng hôm đó, ngày 17-2 nhằm vào ngày thứ bảy. Chiều thứ sáu, anh em từ các trạm biên phòng còn về đồn Pò Hèn giao lưu bóng chuyền. Anh Bùi Hữu Liễn từ trạm kiểm soát Bắc Phong Sinh về đánh bóng xong, định quay trở lại trạm thì anh em báo: Ngày mai thứ bảy, có trận giao hữu với anh em công nhân Lâm trường Hải Ninh, thôi thì ở lại, đằng nào mai cũng xuống lại đồn.

Vậy là anh Liễn ở lại, và sáng hôm sau không phải trận bóng giao lưu với anh em Lâm trường Hải Ninh như dự tính, thay vào đó tiếng súng khởi đầu cuộc chiến tranh biên giới đã nổ ra, Liễn đã cùng anh em trong đồn chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Trên nhà bia tưởng niệm, tên của Bùi Hữu Liễn được đánh số thứ tự là 28. Năm đó anh Liễn mới 27 tuổi.

Hai cán bộ chỉ huy của Pò Hèn trong trận chiến ấy, ngoài anh hùng liệt sĩ Đỗ Sĩ Họa còn có thượng úy Phạm Xuân Tảo. Ngồi trò chuyện với chúng tôi, khi nhắc đến Phạm Xuân Tảo, anh Lý không sao nén được xúc động: “Cả cuộc đời của anh Tảo là sự hi sinh, cho đến khi ngã xuống!”.

Vốn là chỉ huy của một đồn biên phòng ở biên giới Tây Ninh, chưa kịp hưởng hạnh phúc của ngày hòa bình sau năm 1975, cuộc chiến mới ở Tây Nam đã khiến anh Tảo không kịp có với người vợ đã cưới hơn 10 năm ở quê nhà Đông Hưng (Thái Bình) một đứa con. Hiểu hoàn cảnh của anh, cấp trên đã điều động anh ra công tác ở khu vực phía Bắc, gần gia đình hơn so với chặng đường Thái Bình - Tây Ninh xa ngút ngàn.

Về nhận công tác ở Ban chỉ huy công an vũ trang tỉnh Quảng Ninh (nay gọi là bộ đội biên phòng), anh Tảo nhận được điều động lên làm chính trị viên đồn Pò Hèn. Vừa về tới đồn Pò Hèn chiều 15-2, anh lập tức cùng với đồn phó quân sự Đỗ Sĩ Họa đi kiểm tra hệ thống công sự bố phòng. Không ai ngờ chỉ hai đêm sau khi anh Tảo về đơn vị mới, rạng sáng 17-2 quân Trung Quốc đã mở cuộc tiến công xâm lược trên toàn tuyến. Và cũng trong buổi sáng 17-2-1979 ấy, cả chính trị viên Phạm Xuân Tảo và đồn phó Đỗ Sĩ Họa đều hi sinh cùng các đồng đội của mình trong trận chiến khốc liệt tại Pò Hèn.

-----------------------------------------------

* Cựu binh ĐẶNG VIỆT CHÂU:

Phải nhắc đến những ngày tháng đó

Hồi đó chúng tôi còn rất trẻ, bước vào cuộc chiến đấu với tất cả nhiệt huyết của mình. Đồng đội sư đoàn 356 của tôi hơn 1.000 người hi sinh, chưa kể những người mất tích. Một thời như thế nhưng rất nhiều liệt sĩ phải chờ tới 28 năm sau mới được đồng đội và gia đình tìm lại hài cốt và chôn cất, dù chỉ còn lại mấy mảnh xương. Còn không biết bao nhiêu người nằm lại, không tìm thấy mộ, thời gian quá dài chắc cũng bị sương gió phôi pha. Những người đã hi sinh họ cũng có gia đình như mình, nhưng giờ lại lạnh lẽo không ai còn biết mặt, gọi tên. Nhiều gia đình lên tìm hài cốt người thân thì được dẫn đến mấy ngôi mộ vô danh. Cứ như vậy thì họ biết tìm ở đâu?

Những trang lịch sử đó cần phải được nói ra một cách thẳng thắn và công khai. Đồng đội anh em chúng tôi vẫn đang tiếp tục công việc đó, công bố trên mạng Internet những câu chuyện về cuộc chiến tranh biên giới. Chỗ nào trên đường biên có dấu chân họ thì sẽ có những câu chuyện được kể lại. Một người lên tiếng thì nhiều anh em khác cũng lên tiếng. Không ai được phép không nhắc đến những ngày tháng đó.

* Cựu binh NGUYỄN XUÂN ĐỆ:

Có lỗi với những người đã khuất

Hơn 30 năm nay, những người còn sống như chúng tôi vẫn mong Nhà nước cho phép rà phá bom mìn để chúng tôi tìm lại hài cốt anh em đã nằm lại trên biên giới phía Bắc và chôn cất cẩn thận. Dù có thể biết tên tuổi cụ thể của họ nhưng cũng phải đưa về để an ủi vong linh những người đã ngã xuống vì Tổ quốc. Hiện nay trên các mỏm đồi cao, nhiều đồng đội vẫn nằm lại. Đó cũng là điều chúng tôi luôn trăn trở và cảm thấy có lỗi với những người đã khuất.

Hơn 30 năm nay, chúng tôi cũng mong muốn cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Trung Quốc không còn là ẩn ức của riêng những người lính. Câu chuyện đó cần được kể ra để nhiều người biết đến. Lớp trẻ phải biết cha ông đã chiến đấu thế nào, đã giữ những tấc đất biên cương bằng chính mạng sống và tuổi xuân của mình như thế nào. Nếu không nói, lớp trẻ sẽ không hiểu. Sao có thể để người ta nói đó là cuộc chiến tranh tự vệ của người Trung Quốc được? Những nơi diễn ra các trận chiến ác liệt đều là trên đất Việt Nam. Hiện nay, các mỏm đồi vẫn sừng sững còn đấy, là chứng nhân cho những người lính đã chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc.

HÀ HƯƠNG ghi
Logged
shmel
Thành viên
*
Bài viết: 186


Man in Iron Mask


« Trả lời #543 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2013, 08:24:26 pm »

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/534150/po-hen-con-mai-khuc-ca.html

Pò Hèn còn mãi khúc ca

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH | 17/02/2013 11:10 (GMT + 7)
TT - Địa danh Pò Hèn được biết đến như một bản hùng ca của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới. Những ca khúc viết về mảnh đất này dành nhiều ngợi ca về Hoàng Thị Hồng Chiêm.


Anh Hoàng Văn Lợi (trái), em trai liệt sĩ Hồng Chiêm, bên bức tượng của chị ở Trường THCS Bình - Ngọc  - Ảnh: NGỌC QUANG


Căn nhà ấy nằm ngay trên đường từ Móng Cái ra Bình Ngọc. Cái rẻo đất ngay địa đầu biên giới nhô ra như một vành đai che chắn cho Móng Cái từ phía biển, phía bắc là địa bàn của phường Trà Cổ - nơi có mũi Sa Vĩ, nơi bắt đầu đặt nét bút để vẽ chữ S của bản đồ nước Việt, và phần còn lại phía nam là phường Bình Ngọc với mũi Ngọc cũng nổi tiếng không kém khi từ đây nối lên mũi Sa Vĩ làm thành bãi biển có chiều dài 17 cây số, được công nhận kỷ lục Guinness là bãi biển dài nhất nước!

Người con gái Bình Ngọc

 
Con đường từ Móng Cái ra Bình Ngọc đang được mở rộng còn ngổn ngang bùn đất, dễ nhận ra căn nhà có tấm biển kẻ sơn đỏ lên vách tường ghi “Nhà tình nghĩa - ngành thương mại Quảng Ninh và UBND huyện Hải Ninh tặng”. Đấy là món quà tình nghĩa của quê hương và đồng đội dành tặng gia đình Hoàng Thị Hồng Chiêm sau sự hi sinh của chị.

Địa danh Pò Hèn được biết đến như một bản hùng ca của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, nhưng Pò Hèn càng nổi tiếng hơn khi những ca khúc viết về mảnh đất này lại dành nhiều ngợi ca về Hoàng Thị Hồng Chiêm, cô gái mậu dịch viên của cửa hàng thương nghiệp Pò Hèn đã hi sinh khi chiến đấu vào sáng 17-2-1979.

Cả ba ca khúc viết về Hoàng Thị Hồng Chiêm đều của những nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng sáng tác và trình bày. Ngoài Bài ca trên đỉnh Pò Hèn của nhạc sĩ Thế Song qua giọng ca Lê Dung mà chúng tôi từng nhắc, còn có Bông hoa Hồng Chiêm của nhạc sĩ Dân Huyền với tiếng hát của ca sĩ Kiều Hưng và Người con gái trên đỉnh Pò Hèn của nhạc sĩ Trần Minh, ca sĩ Tuyết Nhung trình bày. Cả ba tác phẩm ấy đều đã được lưu lại trong Bài ca đi cùng năm tháng.

Trên đường từ Móng Cái ra Bình Ngọc, anh Hoàng Như Lý (cựu binh Pò Hèn tháng 2-1979) cứ nhắc mãi với chúng tôi hình ảnh chị Chiêm ngày xưa, ấn tượng nhất là đôi giày bata màu xanh gần như bất ly thân của chị. Trận chiến sáng 17-2 chống lại quân Trung Quốc năm ấy, nhiều cán bộ chiến sĩ của đồn Pò Hèn cũng bất ngờ trước khả năng sử dụng vũ khí của cô gái mậu dịch viên. Hóa ra trước khi chuyển ngành về cửa hàng thương nghiệp Pò Hèn, Hồng Chiêm từng có mấy năm đi bộ đội.

Trước khi cuộc chiến tranh biên giới nổ ra chừng một tuần, các khối lâm trường, thương nghiệp... đã được lệnh lùi về tuyến sau. Cửa hàng bách hóa thương nghiệp Pò Hèn cũng thế, chỉ còn một ít hàng được giữ ở kho. Anh em thay nhau lên trông coi, bảo vệ. Chiều 16-2, Chiêm được lệnh lên cửa hàng cũ dọn dẹp một số hàng ở kho, tiện dịp cũng qua thăm Lượng, người yêu của chị, đang là cán bộ đội vận động quần chúng của đồn biên phòng Pò Hèn. Dọn dẹp, niêm phong kho xong, từ cửa hàng thị trấn Hồng Chiêm lên đồn xem trận bóng chuyền của anh em. Lượng cũng là một tay đập chủ công của đội bóng đồn.

Sáng hôm sau khi trận đánh bất ngờ diễn ra, từ cửa hàng Hồng Chiêm chạy về phía đồn, sát cánh chiến đấu cùng anh em chiến sĩ.

Và những nhân vật trong khoảnh khắc đó đều có trên tấm bia tưởng niệm. Trên bia, ngoài liệt sĩ Đỗ Sĩ Họa đầu tiên, tên của liệt sĩ Bùi Văn Lượng, người yêu chị Chiêm, có thứ tự là 5, liệt sĩ Nguyễn Văn Dụng xếp thứ 21, Nguyễn Văn Mừng xếp thứ 26 và Hoàng Thị Hồng Chiêm xếp thứ 59. Không chỉ có duy nhất chị Chiêm là nữ liệt sĩ hi sinh trong trận đánh bảo vệ biên giới ấy, trên bia chúng tôi còn thấy khá nhiều nữ liệt sĩ có tuổi đời chỉ mới 17-20 như liệt sĩ Nguyễn Thị Ruỗi sinh năm 1962, quê Tiên Lãng (Hải Phòng) cũng hi sinh vào sáng 17-2-1979 ấy, hay liệt sĩ Vũ Thị Tới sinh 1961 (18 tuổi), rồi Đặng Thị Vượng, Đỗ Thị Mâu, Hoàng Thị Nết, Nguyễn Thị Lèn, Vũ Thị Mười, Cao Thị Lừng... Những cô gái tự vệ lâm trường Hải Ninh ấy, khi ngã xuống hình như chưa cô nào đã có người yêu như chị Chiêm...

Mai sau dù có bao giờ...

Tiếp chúng tôi trong căn nhà tình nghĩa của ngành thương mại xây tặng là anh Hoàng Văn Lợi, em trai của chị Chiêm. Trong gia đình, chị Chiêm là con thứ ba, cũng thật bất ngờ khi được biết người chị ruột của Hồng Chiêm, chị Hoàng Thị Liễm, là vợ của trung tướng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Sinh Hưởng, tướng Hưởng cũng là người quê ở phường Bình Ngọc (Móng Cái) này.

Trên bàn thờ, tấm hình chị Chiêm được truyền thần từ một tấm hình chụp chị mặc quân phục bộ đội và mũ tai bèo sang áo dài truyền thống. Anh Lợi bảo: Chị Chiêm ngoài đời thật còn xinh hơn trong tấm hình đang thờ, nhất là đôi mắt như có lửa. Năm 1972 chị Chiêm đi bộ đội, đóng quân ở Quảng Yên thì Lợi còn rất nhỏ. Biên giới thuở ấy cũng đang bình yên. Ký ức của Lợi là lần chị Chiêm về phép, tranh thủ chủ nhật nghỉ đưa mấy em sang Đông Hưng (thành phố giáp biên Móng Cái của Trung Quốc) đi chơi, mua cho mấy chiếc kẹo. Sau năm 1975, xuất ngũ thì chị Chiêm chuyển sang ngành thương nghiệp và lên bán hàng ở Pò Hèn. Chặng đường từ Pò Hèn về Bình Ngọc chỉ hơn 50 cây số nhưng thuở ấy đường sá khó khăn lắm, không thể thường xuyên về nhà được, mấy năm về sau tình hình căng thẳng chị Chiêm lại càng ít về hơn.

Buổi sáng 17-2-1979 chị Chiêm hi sinh nhưng phải mấy ngày sau gia đình mới nhận được tin báo. Mộ chị cũng được an táng ở khu vực Tràng Vinh, sau đó khu vực này xây cất một công trình gì đó nên được quy tập về địa bàn khác, nhưng người được giao nhiệm vụ báo tin cho gia đình lên cất bốc lại quên mất. Mộ chị Chiêm được quy tập về xã Hải Hòa nhưng gia đình không hề biết. Mãi sau này một người bà con trong thôn khi đi viếng mộ người thân ở nghĩa trang Hải Hòa, thấy tên tuổi chị Chiêm trên bia mới vội vã chạy về báo cho biết và sau đó anh chị em mới đưa hài cốt chị Chiêm quy tập về nghĩa trang gia đình.

Sau khi Hoàng Thị Hồng Chiêm hi sinh, năm 1984 tên chị được đặt cho ngôi trường cấp II xã Bình Ngọc là Trường trung học cơ sở Hoàng Thị Hồng Chiêm. Sân trường có bức tượng chị Chiêm bằng ximăng đặt trên bệ đá, tay trái cầm khẩu AK, tay phải cầm thủ pháo, mắt nhìn thẳng kiên nghị về phía trước. Bao thế hệ học trò Bình Ngọc đã được học dưới mái trường mang tên chị, thấm đẫm niềm tự hào về người nữ liệt sĩ của quê hương và ngày ngày hát vang lớp học những bài ca ca ngợi tấm gương liệt nữ.

Theo chân người em ruột của chị Chiêm ra thắp nhang cho chị, chúng tôi chợt thấy se lòng. Nén nhang thắp như chực tắt trước cơn gió bấc buốt giá cứ thổi bạt đi, và khi nhang bén chợt bốc cháy rừng rực trong buổi chiều cuối năm ở cuối trời đông bắc địa đầu đất nước...
Logged
shmel
Thành viên
*
Bài viết: 186


Man in Iron Mask


« Trả lời #544 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2013, 08:25:51 pm »

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/534045/mot-ngay-xuan-bi-trang.html

Một ngày xuân bi tráng...

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH | 16/02/2013 06:48 (GMT + 7)
TT - Ở phòng khách của đồn biên phòng Pò Hèn (xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái, Quảng Ninh) có một tấm ảnh đen trắng với dòng chú thích: “Tập thể cán bộ chiến sĩ đồn Pò Hèn, tháng 12-1978”.


Bà Nguyễn Thị Minh, nhân chứng tháng 2-1979 ở Pò Hèn, thắp hương ở đền thờ liệt sĩ - Ảnh: Ngọc Quang

Một tấm hình bình thường, được chụp vào dịp anh em đồn liên hoan cuối năm và đón năm mới 1979, nước ảnh đã ố màu thời gian. Nhưng nếu ai đã biết về huyền thoại Pò Hèn những năm tháng đó sẽ giật mình hiểu ra. Bởi chỉ chưa đầy hai tháng sau khi tấm ảnh được chụp, hầu hết anh em cán bộ chiến sĩ có mặt trong tấm hình ấy đều đã hi sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương Tổ quốc vào tháng 2-1979.

Bất khuất Pò Hèn

Ngày chúng tôi đang trên đường lên đồn biên phòng Pò Hèn cũng đang vào những ngày đầu tháng 2 lịch sử. Giai điệu của ca khúc Bài ca trên đỉnh Pò Hèn cứ vang vọng trong chúng tôi với âm hưởng núi rừng vừa rạo rực vừa bi tráng: Ai về núi Pò Hèn, theo đường nam Thán Pún thân quen/Nhớ mãi cái tên đã trở thành bất tử... Bài hát ấy viết về một nữ liệt sĩ hi sinh trong ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, nhưng đó cũng chính là hình ảnh có sức khái quát về cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương của quân dân trên mặt trận Đông Bắc ba mươi tư năm trước. (Cũng thật bất ngờ khi chúng tôi biết ca khúc nổi tiếng về Pò Hèn này được sáng tác bởi nhạc sĩ Thế Song - bởi ông cũng chính là tác giả của bài hát Nơi đảo xa đầy xúc động về niềm tin yêu dâng hiến vô bờ bến với Tổ quốc của các chiến sĩ đang bảo vệ những hòn đảo phên giậu giữa trùng dương).

Tuyến đường từ Bắc Phong Sinh sang Pò Hèn chạy dọc dòng Ka Long, con sông đang làm nhiệm vụ phân giới lịch sử, xuyên qua màn mưa xuân rây bụi nhuốm màu quan ải, hoa đào ngày giáp tết bắt đầu bung cánh, có chút gì gợi nhớ tháng 2 xưa.

Những người lính trong tấm ảnh đen trắng treo ở đồn Pò Hèn không còn ai sinh sống ở địa bàn Pò Hèn nữa. Ngoài hầu hết anh em có mặt trong tấm ảnh đã hi sinh, vài người may mắn còn sống sau cuộc chiến, có người về quê cũ cặm cụi với ruộng nương, có người đang vui vẻ với nghề xe ôm, cũng có người may mắn hơn trong chuyện kinh doanh, đời sống tạm ổn. Nhưng ký ức đời lính và tuổi trẻ vẫn thao thức trong họ.

Ký ức hào hùng

Trước khi bắt đầu hành trình gặp lại những người cựu binh xưa để hình dung tháng 2 ngày ấy, chúng tôi ghé thăm nhà bà Nguyễn Thị Minh nằm ngay trước cổng đồn biên phòng Pò Hèn. Căn nhà xây đã cũ với tường trắng và cửa sổ sơn xanh, góc sân là vài két vỏ bia nhãn hiệu Hà Nội và đàn vịt kiếm ăn thơ thẩn, trước hiên nhà treo chiếc lồng có con chim khướu hót vang. Khung cảnh ấy rất đỗi yên bình nhưng ký ức của người phụ nữ sắp vào tuổi 60 này lại không hề bình yên.

Năm 1978, khi mới 22 tuổi, từ Thủy Nguyên, Hải Phòng, cô thanh niên xung phong Minh theo bạn bè ra biên giới làm công nhân lâm nghiệp của Lâm trường Hải Ninh, nằm trên địa bàn xã Pò Hèn. Những ngày tháng ấy tình hình biên giới đã bắt đầu phức tạp, những công nhân lâm trường như Minh hay những công nhân thương nghiệp của khu vực này cũng là một lực lượng tự vệ dự bị khi nguy cấp. Biết là nguy cấp song không ai ngờ tất cả đã xảy ra quá nhanh. “Tờ mờ sáng 17-2-1979, vừa thức giấc thì tôi nhìn thấy mấy phát pháo hiệu vút lên, chưa kịp hiểu ra chuyện gì đã nghe tiếng súng đạn nổ ầm ầm váng trời...”.

Câu chuyện về cuộc chiến đấu ác liệt của buổi sáng 17-2 ba mươi tư năm trước chắc chắn không thể tóm tắt trong một bài báo nhỏ, nhưng có lên đến đây, ngồi rưng rưng đọc những dòng quân sử (dù chỉ của một đồn biên phòng trong hàng chục đồn dọc dài theo biên giới vào thời khắc lịch sử ấy) chúng tôi đủ hình dung tất cả, bởi cuộc chiến năm xưa không chỉ khốc liệt và bi tráng trong những hồi ức người lính.

Trên nền doanh trại cũ của đồn Pò Hèn thuở ấy, chính trên mảnh đất thấm máu hàng chục liệt sĩ của đồn, một đài tưởng niệm đã được dựng lên. Hai bên đài tưởng niệm là hai nhà bia với tấm bia lớn khắc tên tuổi 86 liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất Pò Hèn này. 13 liệt sĩ khác cũng là cán bộ chiến sĩ của đồn Pò Hèn hi sinh sau đó, từ sau ngày 17-2-1979 cho đến năm 1991.

Liệt sĩ cuối cùng của đồn được khắc tên trên nhà bia là Nguyễn Văn Khánh, quê ở Lạng Sơn, sinh năm 1970 và hi sinh năm 1991. Còn dòng tên liệt sĩ được khắc đầu tiên mang số thứ tự 01 là Đỗ Sĩ Họa, trung úy, đồn phó. Một ngày trước khi diễn ra trận đánh vào rạng sáng 17-2-1979 ấy, đồn trưởng Vũ Ngọc Mai được lệnh về họp khẩn ở tiểu khu Móng Cái, khi địch tiến công đồn, Đỗ Sĩ Họa là đồn phó quân sự, nhận nhiệm vụ thay đồn trưởng trực tiếp chỉ huy đồng đội chiến đấu và anh đã anh dũng hi sinh.

Trên bức tường truyền thống của đồn Pò Hèn, Đỗ Sĩ Họa có một tấm hình đen trắng và cũng được chụp cùng thời điểm với bức ảnh chung anh em trong đồn, chưa đầy hai tháng trước khi anh hi sinh. Trong ảnh là một chàng sĩ quan trẻ đẹp trai với ánh nhìn cương nghị. Anh sinh năm 1947 ở thôn Trà Phương, xã Hồng Vân, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, ngày hi sinh anh mới vừa 32 tuổi. Tháng 12-1979, Đồn biên phòng Pò Hèn được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ nhất. Cũng vào thời điểm cuối năm 1979 ấy, liệt sĩ Đỗ Sĩ Họa được phong tặng danh hiệu anh hùng.
Logged
longtrec
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1941



« Trả lời #545 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2013, 02:10:34 pm »

Tôi đã rất súc động khi đọc bài thơ "Thị xã ra quân" của chị Mai, xin cảm ơn chị đã cho chúng tôi những người lính trên BGPB năm xưa sống lại những ngày tháng hào hùng, bi thương khi Tổ quốc gặp lâm nguy.Năm xưa 600 chàng trai quận Hai Bà nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường tòng quân bảo vệ BG.Vâng chúng tôi cũng được mẹ,bà, các bạn tiễn đưa, chúng tôi cũng có "Có cuốn sổ lưu niệm chật lời bè bạn".....

Xin được copy bài thơ "Thị xã ra quân" của chị Nguyễn Thị Mai về đây để các đồng đội của tôi cùng sống lại những thời khắc hào hùng đó!

Thị xã ra quân

Thị xã mình sáng nay ra quân
Tháng Ba đang mùa hoa gạo đỏ
Những phố, đường đêm qua như chẳng ngủ
Thức dậy sớm hơn mọi ngày

Những nhà có con đi sáng nay
Lục tục đỏ đèn từ mờ đất
Hàng xóm hỏi nhau thân mật
- Phố mình sáng nay mấy đứa ra đi?
 
Không giống ông bà mình tiễn nhau xưa kia
Chỉ lặng im, bịn rịn…
Không giống mẹ tiễn cha thuở nào đi trận
Bâng khuâng, thèn lẹn, dặn dò…
 
Thị xã mình sáng nay tiễn đưa
Cái háo hức nhân lên, niềm vui chia để lại
Con trai con gái
Nghe họ cười, không đoán nổi ai đi…
 
Ngã ba phố mình thênh thang mọi khi
Sáng nay ứ dòng xe cộ
Sáng nay đò sang bến chợ
Nhường cho khách lên đường
 
Mậu dịch bách hóa mở sớm hơn ngày thường
Đông con gái vào mua bút, sổ
Chị bưu điện luôn tay, lòng cởi mở
Trao tập phong bì và những con tem
Thị xã rộn lên
Chẳng ai biết tiếng loa nhắc gì trong hội trường nhà văn hóa
Cứ nghe rôm rả
Chuyện quân ta chống trả giặc thế nào
 
Đêm qua đài đưa tin biên giới rất lâu
Từ hôm tổng động viên bao nhiêu lá đơn gửi về Thị ủy…
Biên giới trở thành thiêng liêng trong suy nghĩ
Tiếng súng kéo khoảng trời gần hơn…
 
Chưa bao giờ máu gửi nhiều theo những lá đơn
Chưa buổi lên đường nào tình nguyện đông như vậy
Sông Đà tháng ba – mùa hoa gạo cháy
Đuốc non sông hừng hực lửa căm hờn
 
Tiễn những người con lên phía biên cương
Có tình thương trong gói cơm của mẹ
Có dáng tiễn đưa còng lưng của bà
Có cuốn sổ lưu niệm chật lời bè bạn
                                        hẹn gặp cùng trên biên giới xa.
 
Và ra đi sáng nay tháng Ba
Có chàng trai bỗng đọc to bài Bình Ngô đại cáo.

Nguyễn Thị Mai
Logged
thinhe677f346
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 573


Thịnh e677/f346 cùng phu nhân.


« Trả lời #546 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2013, 08:15:36 am »

_Đọc bài thơ mà lòng tái tê xúc động quá ! như cảm tưởng viết cho mình đọc mà trào nước mắt !
_Cám ơn tác giả của bài thơ. Cám ơn longtrec đã dẫn bài thơ này.
Logged

Biên cương có giặc ta quyết giữ
Hậu phương yên bình gắng dựng xây.!
nguyenhongduc
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1076



« Trả lời #547 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2013, 11:20:09 am »

Thưa các bác ccb . Trong những ngày sục sôi của tháng 2-1979 , chúng tôi đang học năm cuối trung học phổ thông . Hàng ngày trong giờ học , các tin tức từ biên giới phía bắc liên tục cập nhật . Cả nước hướng về biên cương , lớp lớp thanh niên tình nguyện ra biên cương chống quân bành trướng .Trong các trường Ptth nhiều lá đơn xin nhập ngũ được viết bằng máu .bài thơ Thị xã ra quân của tác giả Nguyễn thị Mai đã nói hộ chúng ta tất cả - đúng với tâm trạng của thanh niên Hà nội , và tuổi trẻ cả nước lúc đó -không còn gì tuyệt hơn được nữa . Xin cám ơn bạn Longtrec , cám ơn tác giả NTMai, cám ơn tất cả mọi người -các thành viên DNGN.
Thân ái.
Logged

Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như nước suối mới sa nửa vời.
huonghn76
Thành viên
*
Bài viết: 1166


WWW
« Trả lời #548 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2013, 11:27:17 am »

              Bác nào biết đưa hộ vidio clip bài hát "Chiều dài biên giới" hộ em với .Xin cản ơn .
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #549 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2013, 11:37:57 am »

             Bác nào biết đưa hộ vidio clip bài hát "Chiều dài biên giới" hộ em với .Xin cản ơn .

<a href="http://www.youtube.com/watch?v=vNrRb0zgwZE" target="_blank">http://www.youtube.com/watch?v=vNrRb0zgwZE</a>

Đúng bài này không bác huonghn76?
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Hai, 2013, 11:43:08 am gửi bởi qtdc » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM