Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 27 Tháng Năm, 2024, 03:21:20 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những chuyện không thể quên - Cười ra nước mắt (Phần 2)  (Đọc 374819 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #550 vào lúc: 29 Tháng Giêng, 2011, 05:02:30 pm »

.
CHUYỆN XIV     TỪ PHÚ LỘC ĐẾN HUẾ    (tiếp 35)

      Toán trinh sát bàn nhau tìm đường vượt qua sông Nong. Nó là một con sông nhỏ, rất có thể lội qua được. Nếu phải bơi qua sông thì sẽ rất khó cho bộ binh của 101. Sau khi xem xét kỹ trên bản đồ, chúng tôi quyết định, trước hết là cứ tiến về phía đông chừng năm bảy trăm mét, cách xa cầu Nong, nơi địch đang chốt giữ để nếu trung đoàn có hành quân lực lượng đông thì vẫn bảo đảm bí mật. Sau đó sẽ dò tìm đoạn nào lội được để qua sông.

     Tôi cầm bản đồ và chiếc đèn pin để dò đường đi. Sau lưng tôi là Quynh rồi đến những người khác. Trong tay tôi chỉ có bản đồ tỷ lệ 1:50.000. Như thế cũng tốt rồi. Bản đồ Quảng Trị thì trong ba lô tôi, để ở cứ của c20, có đủ bộ với tỷ lệ 1:25.000, bây giờ chẳng có tác dụng gì. Chúng tôi cứ men theo bờ sông. Đoạn này là thôn An Nông IV. Đường đi có lúc dễ, có lúc rất khó vì vướng cây cối rậm rạp. Chừng được 500 mét, chúng tôi gặp một nhánh sông với một chiếc cầu nhỏ. Chiếc cầu nối giữa thôn An Nông IV và An Nông III. Cầu này mới chỉ giúp chúng tôi qua được một nhánh của sông, vì có một ngã ba của sông Nong ở đoạn trên. Đến đây dòng nước bị chia ra làm hai ngả. Lượng nước ở mỗi nhánh sẽ bớt đi. Nhánh bên phải thì tan biến dần trong cánh đồng thành các con rạch tưới tiêu. Nhánh bên trái lớn hơn sẽ đổ vào sông Cống Quan rồi đổ ra đầm Cầu Hai. Tôi dò được một chỗ trên bản đồ thấy có đường mòn qua nhánh sông này. Chắc hẳn chỗ này phải lội được. Sau khi qua cầu, đường đi có vẻ dễ dàng hơn. Chỉ một lúc sau, chúng tôi tìm được đường mòn đó.

      Chúng tôi lội sông theo đường mòn. Lòng sông là cát pha chút bùn, rất dễ lội, nước sâu nhất chỉ lên đến đùi. Sau khi qua sông, tôi dừng lại để chờ mấy người lội sau và để nói với anh Thắng tọa độ điểm lội qua sông mà viết điện báo cáo về ban. Từ đoạn này trở đi, tôi bắt đầu nhắm hướng đi theo phương vị, cứ thế mà lội ruộng thẳng tiến. Khổ cho mấy đứa đi dép. Tôi nhớ có hai đứa phải đeo dép vào xanh tuya và lội chân đất. Đôi dày lính ngụy của tôi đã sẵn có mấy cái lỗ, tôi còn đục thêm vài cái nữa. Giày cao cổ, dây giày quấn vài vòng quanh cổ giày, buộc chặt, lội ruộng rất ngon lành. Nước vào rồi nước lại ra, xì xà xì xoạp.

      Gần đến thôn Tô Đà, chúng tôi gặp một con đường đất nối từ thôn Tô Đà ra bờ sông Cống Quan. Anh Thắng cho dừng lại nghỉ. Điểm này theo đường đất vào làng chừng một cây số và ra đến bờ sông cũng khoảng một cây. Khoảng 10 giờ mà phía thôn Tô Đà rất im ắng, cũng không có ánh đèn, ánh lửa gì. Không biết trong thôn có dân ở lại hay đã chạy hết rồi ?! Trên bản đồ, tôi thấy có một con đường nhựa loại 2 bắt từ đường 1 ở thôn Phú Bài III chạy vào thôn Tô Đà. Qua thôn là đường đá. Chúng tôi sẽ tránh con đường này vì lực lượng của mình ít mà nhiệm vụ là tìm đường chứ không phải đánh nhau.

      Chúng tôi ngồi trên con đường đất, vừa uống nước vừa dõi nhìn về phía thành Huế. Một vầng sáng mưng mưng trên nền trời ở phía đó. Nó làm tôi nhớ ngày học cấp hai, năm sáu tư, sáu lăm, ở nơi sơ tán gần ngã tư Vác. Lúc đó, tối đến anh em tôi lên bờ đê nhìn về phía Hà nội cũng thấy một quầng sáng như thế này. Mặc dù Mỹ đánh phá, nhưng ở Hà Nội vẫn thắp đèn điện. Chỉ khi nào báo động mới tắt đèn. Tôi cũng nhớ cái ngày sơ tán ở Thái Nguyên, vùng đồi núi trung du, chúng tôi cũng trèo lên chỗ cao để mà vươn dài cổ tìm Hà Nội. Nhớ chiều hôm đó, năm sáu sáu, máy bay Mỹ bay rất nhiều qua chỗ chúng tôi rồi ném bom ở phía Hà Nội. Rồi bỗng một cột khói đen kịt bốc lên từ Hà Nội. Phải là cháy rất lớn thì ở tận đây mới nhìn thấy cột khói như vậy. Vài ngày sau chúng tôi mới được biết chúng đánh trúng vào kho xăng Đức Giang.   

. . . (còn nữa) 
Logged

lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #551 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2011, 07:53:23 am »

Để vượt được cây cầu Nong đã bị đánh sập này chúng tôi đã phải đi vòng vào tận chân núi, đến thượng nguồn của nó mới lội qua được, mất tổng cộng khoảng hơn 3 tiếng đồng hồ.
Trong HTĐ dinh Độc Lập tôi gọi cầu này là cầu Phú Bài vì lúc đó chưa biết chính xác tên nó, chỉ thấy nó gần Phú Bài và mọi người cũng gọi như vậy. Sau này mới biết mình nhầm Grin
Logged
thanhsondlbk
Thành viên
*
Bài viết: 37


« Trả lời #552 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2011, 08:44:05 am »

Gửi bác Lixeta:
Hôm nay ngồi nói chuyện với ông anh em, em có kể chuyện hồi ký của bác HT tới Dinh ĐL đoạn đánh Nước Trong cùng f 304. Ông anh em như trẻ lại (về hưu rồi mà) kể về trận đấy và cũng nói đến việc mình bị cháy mấy xe tăng đánh mấy lần mới qua được. Loanh quanh các CCB gặp nhau nói chuyện có khi lúc đấy mới biết kiểu như: Tôi cũng đánh ở đấy...Tôi chạy bên này... Tôi nằm chỗ kia...vv... Đúng là một thời trai trẻ hào hùng của các bác! Cũng cần phải nói thêm là một số thanh niên bây giờ thật đáng tiếc không quan tâm đến truyền thống nữa. Có lần tụi em rủ nhau đi thăm Thành Cổ QT mấy ông em trẻ trong cơ quan hỏi là: Anh ơi trong Thành Cổ có gì hay không??? Mỗi lần qua Quảng Trị em hay rủ mọi người đi cùng vào thăm, thắp nén hương tưởng nhớ các anh hùng LS nhưng cũng có nhiều lần chỉ có em và vài người đứng tuổi vào còn mấy cậu trẻ chúng nó lại đi chỗ khác chơi hoặc ngồi quán uống bia. Hay khi biết đi thăm Nghĩa trang LS Trường Sơn chúng nó lại bảo mấy ông bà này hâm, người ta đi tắm biển, vào các khu vui chơi giải trí thì mình lại đi vào...Nghĩa trang???
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Giêng, 2011, 08:55:02 am gửi bởi thanhsondlbk » Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #553 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2011, 11:07:17 am »

Gửi bác Lixeta:
Hôm nay ngồi nói chuyện với ông anh em, em có kể chuyện hồi ký của bác HT tới Dinh ĐL đoạn đánh Nước Trong cùng f 304. Ông anh em như trẻ lại (về hưu rồi mà) kể về trận đấy và cũng nói đến việc mình bị cháy mấy xe tăng đánh mấy lần mới qua được. Loanh quanh các CCB gặp nhau nói chuyện có khi lúc đấy mới biết kiểu như: Tôi cũng đánh ở đấy...Tôi chạy bên này... Tôi nằm chỗ kia...vv... Đúng là một thời trai trẻ hào hùng của các bác! Cũng cần phải nói thêm là một số thanh niên bây giờ thật đáng tiếc không quan tâm đến truyền thống nữa. Có lần tụi em rủ nhau đi thăm Thành Cổ QT mấy ông em trẻ trong cơ quan hỏi là: Anh ơi trong Thành Cổ có gì hay không??? Mỗi lần qua Quảng Trị em hay rủ mọi người đi cùng vào thăm, thắp nén hương tưởng nhớ các anh hùng LS nhưng cũng có nhiều lần chỉ có em và vài người đứng tuổi vào còn mấy cậu trẻ chúng nó lại đi chỗ khác chơi hoặc ngồi quán uống bia. Hay khi biết đi thăm Nghĩa trang LS Trường Sơn chúng nó lại bảo mấy ông bà này hâm, người ta đi tắm biển, vào các khu vui chơi giải trí thì mình lại đi vào...Nghĩa trang???

Không thể trách họ được vì ngay cả những người đã từng đi qua chiến tranh cũng có ý nghĩ muốn quên quá khứ. Họ cũng có làm 1 số việc gọi là tri ân quá khứ nhưng thực ra chỉ là hành động bầy đàn theo nhau để lấy tiếng và đẹp lòng nhau mà thôi.
Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #554 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2011, 05:41:10 pm »

.
CHUYỆN XIV     TỪ PHÚ LỘC ĐẾN HUẾ    (tiếp 36)

      Tôi mô tả đường đi bằng các tọa độ trên bản đồ để anh Thắng điện về cho ban 2. Trên đường chúng tôi đã vận động qua không hề có địch vì đây là phía đông đường 1. Địch không có căn cứ nào ngoại trừ sân bay Phú Bài. Bộ đội có thể vận động cùng với hỏa lực của trung đoàn. Đêm tối không thể làm các nghiệp vụ xác định tọa độ bằng cách ngắm nghía các địa vật nhưng rất may mắn chúng tôi có các địa hình sông và đường. Có hai cái đèn đỏ rất cao là đèn ở sân bay Phú Bài và của đài phát thanh. Hay nhất là cái đài phát thanh Huế với cột ăng ten rất cao, có đèn đỏ nhấp nháy. Do đó việc xác định điểm đứng khá chính xác. Đài phát thanh nằm phía tây tây bắc quận lỵ Hương Thủy, ở góc một ngã ba đường, đi từ trong nam ra, qua quận lỵ chừng 1 cây số. 

      Mọi người có vẻ mệt mỏi, riêng tôi thì không. Có thể tôi là người dẫn đường còn mọi người bị động đi theo nên rất mệt. Việc này giống như khi chúng tôi hành quân từ bắc vào Quảng Trị, giao liên mang vác cũng nặng mà cứ đi phăm phăm, rồi phải đứng lại chờ chúng tôi. Trông họ chẳng thấy mệt gì, còn mình thì chỉ muốn nghỉ. Chúng tôi ngồi nghỉ khá lâu, chờ anh Thắng gửi điện đi và nhận điện lại từ ban 2. Điện từ ban động viên “Tốt” và yêu cầu tiếp tục tìm đường vượt qua luôn cả quận lỵ Hương Thủy.

      Chúng tôi tiếp tục băng ruộng, tiến về phía tây bắc. Các ruộng lúa đang thì con gái mà chúng tôi cứ thế đạp qua mà đi. Lúa chưa làm đòng, chưa thấy mùi thơm của sữa đòng nhưng mùi lúa thơm thì lúc nào cũng thoang thoảng. Mỗi khi gặp hương lúa thoảng bay trong gió là sức lực con người dường như được tăng lên một phần. Hít căng lồng ngực mùi lúa thơm, để cho mùi lúa tràn vào từng huyết quản. Sức trai trẻ cảm thấy cường tráng hơn bao giờ hết.

      Tờ mờ sáng, chúng tôi vẫn đang băng đồng. Xa xa là các làng mạc vẫn đang im lìm chìm trong màn sương mỏng nhẹ giăng mờ. Bình minh sắp đến rồi. Nếu cứ tiếp tục đi như thế này, giữa đồng không trống trải mà ở đâu đó có địch thì có thể chết vì đạn cối M79. Bất chợt tôi nhìn thấy phía trước có một đoàn lính, lờ mờ, khoảng ba chục người đang chạy khá nhanh từ phía trong thôn Lương Văn (3). Họ chạy hàng một, súng ống đầy đủ, chéo qua phía trước mặt chúng tôi, cách chừng hai trăm mét. Mọi người lập tức nằm rạp xuống lúa. Đoàn lính không phát hiện ra chúng tôi và vẫn chạy một cách bình thản. Họ chạy về phía bắc, hướng ra biển còn chúng tôi đang đi theo hướng tây bắc, về phía thành phố Huế. Anh Thắng bật ra:

-   Có lẽ 101 đấy.
-   Không thể thế được, nếu đêm qua 101 vượt qua cầu Nong rồi thì tiến vào Huế chứ chạy ra biển để làm gì. Mà có thấy đánh đấm gì đâu mà truy quét về phía này. Địch đấy anh ạ ! – Tôi nói.

      Thực lòng, tôi cũng không chắc chắn lắm và chỉ suy luận. Không có lẽ trinh sát 101 nhanh thế và họ dẫn đơn vị nhỏ vào nơi có địch mà lại chạy ào ào như thế sao? Hơn nữa, nếu có thì ban 2 phải báo cho chúng tôi biết chứ. Nghĩ vậy, nhưng ai mà biết được cha con 101 có thể làm gì. Đã vào trận thì chuyện gì cũng có thể xảy ra.

. . . (còn nữa)
Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #555 vào lúc: 01 Tháng Hai, 2011, 12:05:24 am »

.
CHUYỆN XIV     TỪ PHÚ LỘC ĐẾN HUẾ    (tiếp 37)

      Đợi đoàn lính chạy xa, chúng tôi tiếp tục tiến. Khi đến con đường mà đoàn lính vừa chạy qua, nhìn dấu giày thấy toàn vết giày lính ngụy. Con đường đất này là một con đường mòn trên bản đồ. Con đường sẽ gặp bờ sông Đại Giang và nối tiếp qua bên kia sông. Có thể đoạn sông đó lội được hay có đò?!

      Trời đã hơi sáng, tôi phảy tay ra hiệu cho mọi người tăng tốc. Phía trước là bờ sông Đại Giang, chúng tôi phải tìm cách qua sông. Có một con đê nhỏ chỉ cao tới ngực chạy dọc ven sông. Chúng tôi men theo con đê và đi thêm khoảng non một cây số nữa thì trời sáng. Mọi người cúi lom khom và tiến tiếp. Bất chợt tôi nhìn qua bên kia sông và thấy có một đám người rất đông đang tụ tập dưới gốc một cây đa. Nơi đó có một cái miếu nhỏ. Vậy thì chắc là họ cũng đã nhìn thấy những cái đầu nhấp nhô của chúng tôi rồi. Tôi vẫy tay rồi chỉ sang bên kia sông để mọi người biết. Mọi người có vẻ lúng túng, anh Thắng cũng chưa biết nên xử lý thế nào. Tôi nói:

-   Theo tôi, đằng nào cũng lỡ rồi, đằng sau mình toàn đồng trống, chẳng chui vào đâu được, ta cứ tiến đến ngang đoạn sông đó. Nếu cần đánh nhau thì mình chủ động vẫn hơn.

      Nói xong, tôi tiếp tục tiến. Mọi người, không còn cách nào khác là phải tiến theo. Khi đến ngang đoạn sông có miếu, chúng tôi dừng lại, ai nấy sẵn sàng. Tôi nhô đầu lên quan sát, thấy toàn sắc dân. Không biết trong miếu và phía sau có lính hay không. Nếu chỉ có dân, mình nấp ở đây thật là vô lý và lỡ mất thời gian. Nếu có địch thì mình nấp ở đây cũng không ổn. Chỉ trong tích tắc, tôi đã quyết định.

      Tôi nhảy lên đê, đứng thẳng người, chĩa súng qua sông và quát rất lớn:

-   Chúng tôi là giải phóng. Yêu cầu bà con đứng yên tại chỗ ! Yêu cầu anh em lính hạ súng đầu hàng ! Anh em sẽ có con đường sống và được về với gia đình.
      Các đồng chí chuẩn bị sẵn sàng nổ súng !
-   Mấy ông giải phóng ơi, ở đây không có lính, đừng bắn ! - Tiếng một người đàn ông nói vọng qua.
-   Bà con không được che giấu lính. Chúng tôi sẽ để anh em lính được về nhà. Bà con và anh em yên tâm, chúng tôi không nói sai.
-   Tui nói thiệt đó ông giải phóng ơi. Bà con dân lành hết, không có ai lính mô.
-   Bây giờ một người đưa thuyền qua sông chở bộ đội giải phóng qua.

      Một ông già lật đật đi về mép nước, nơi có chiếc thuyền nhỏ đang cột ở đó. Vẫn là ông già vừa nói vọng qua sông với chúng tôi. Ông lấy thuyền và chèo qua sông. Thực ra, gọi là sông Đại Giang mà đoạn này khá nhỏ, chỉ như một con kênh lớn. Chúng tôi chia làm hai tốp, một tốp lên thuyền và một tốp tiếp tục cảnh giới. Tôi trèo lên thuyền đầu tiên rồi đến ba anh em khác. Anh Thắng, cậu thông tin và một cậu nữa đi chuyến sau. Chúng tôi vẫn rất cảnh giác, súng lăm lăm hướng sang bờ bên kia.

     Khi lên đến bờ, bốn đứa chúng tôi tản ra, đảo một vòng quanh cái cồn đất rồi kiểm tra trong miếu. Đúng là toàn ông bà già, phụ nữ và trẻ con. Khi cả bảy chúng tôi đã sang cồn đất thì mọi người mới hết căng thẳng và ngồi xuống trò chuyện hỏi thăm tình hình bà con. Bà con cũng tíu tít cho biết đã chạy ra đây được mấy hôm, mang theo gạo và thực phẩm. Họ sợ hai bên đánh nhau, tên bay đạn lạc, mà đạn thì đâu có mắt.

      Cái cồn đất này khá rộng và cao hơn so với ruộng. Cây đa to, tán lá xum xuê. ngoài ra còn rất nhiều cây khác nhưng nhỏ hơn nhiều. Có mấy cái võng mắc vào những cái cây nhỏ đó, còn lại bà con trải chiếu nylon bên trong miếu và xung quanh để nghỉ ngơi. Ta cứ tạm gọi cái miếu này là “Miếu Cây Đa” (Cái miếu này trên bản đồ cũng có và trên hình tôi vẽ một cái khác to hơn đè lên trên để nhìn cho rõ). Một bà nào đó rót nước trà xanh và đưa cho chúng tôi mỗi người một bát. Cái đoạn nghệ thuật dân vận thì anh Thắng là nhất rồi. Anh hỏi đủ thứ chuyện của bà con và hỏi tình hình lính địch hoạt động ở xung quanh. Chuyện gỉ chuyện gì thì tôi không nhớ nhưng bà con nói xung quanh đây không có lính. "Bà con chỉ nghe nói lính chạy nhiều lắm ở trên lộ nớ, chạy tuốt ra ngoài Cửa Thuận tề !”

      Nghỉ chừng 15 phút rồi chúng tôi đi tiếp. Bây giờ chúng tôi cứ hiên ngang mà đi, vừa đi, vừa quan sát nghe ngóng. Được một đoạn, chúng tôi rẽ theo một con kênh dẫn nước rất thẳng. Hai bờ kênh đều lác đác có nhà dân. Đây chắc hẳn không phải là một cái làng, những cái nhà có lẽ được cất lên hai bên kênh để dãn dân trong làng. Người ta gọi cái xóm này là ấp Lợi Nông. Anh Thắng nói sẽ nghỉ lại ở ấp này. Chúng tôi tìm hai cái nhà gần nhau để xin nghỉ nhờ. Anh Thắng, cậu thông tin, một người nữa và tôi nghỉ ở một nhà. Lục, Quynh và người còn lại ở một nhà. Việc đầu tiên là báo cáo tình hình về ban 2. Tôi đọc liên tục các tọa độ trên đường đi cho anh Thắng viết điện. Chỗ miếu, có vẽ trên bản đồ, lại có cây đa “độc lập” nữa nên rất thuận tiện để nhận ra. Chỗ này là ấp Lợi Nông với con kênh thẳng tắp cũng rất dễ. Từ đây có thể đánh dọc theo kênh vào đến An Cựu mà cũng có thể qua cầu, chưa đến hai cây số là đài phát thanh Huế.

      Tôi nghĩ chúng tôi chỉ nghỉ lại đây một ít phút rồi đi tiếp. Vì vậy sau khi anh Thắng điện xong tôi giục anh đi tiếp. Tôi hơi bực mình vì thái độ chần chừ của anh. Mãi sau anh mới à ê rằng để nấu cơm ăn đã.

. . . (còn nữa)
Logged

binhyen1960
Trung tá
*
Bài viết: 3862


HOT nhất forum năm 2009


« Trả lời #556 vào lúc: 01 Tháng Hai, 2011, 01:05:10 am »

.
 

      Tôi nhảy lên đê, đứng thẳng người, chĩa súng qua sông và quát rất lớn:

-   Chúng tôi là giải phóng. Yêu cầu bà con đứng yên tại chỗ ! Yêu cầu anh em lính hạ súng đầu hàng ! Anh em sẽ có con đường sống và được về với gia đình.
      Các đồng chí chuẩn bị sẵn sàng nổ súng !


Câu đầu của bác thì chắc bất kể người chiến sỹ Quân giải phóng nào cũng sẽ nói như vậy trong hoàn cảnh đó , nhưng câu sau thì nghe hơi bị " khiếp " bác ạ  Grin " Các đồng chí chuẩn bị sẵn sàng nổ súng "  Grin
 Nghe cứ như bảo đối phương hạ vũ khí đừng chống lại làm gì hạ vũ khí xuống để chúng tôi hạ các anh cho nó gọn . Grin
 
Logged

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #557 vào lúc: 01 Tháng Hai, 2011, 10:44:49 pm »

.
CHUYỆN XIV     TỪ PHÚ LỘC ĐẾN HUẾ   (tiếp 38)

      Tôi bực mình lắm vì anh Thắng không cho tiến tiếp mà lại đi nấu cơm. Một mình tôi ra khỏi nhà đi dọc con kênh. Cả ấp vắng tanh vắng ngắt. Người dân có lẽ chạy dạt hết cả rồi khi nhìn thấy chúng tôi từ xa tiến lại phía ấp. Bỗng tôi nghe tiếng ì ì từ rất xa, có lẽ ở phía cầu Nong. Tiếng xe tăng của ta. Mặc dù tiếng xe khá nhỏ nhưng rõ là tiếng gầm của xe tăng ta. M41 và M48 của địch tiếng máy êm hơn và chạy trên đường cũng không có tiếng rít của xích sắt. Xe của Mỹ có guốc cao su dày, chạy trên đường nhựa không để lại vết. Không biết 101 giờ đang ở đâu, có tiến đánh cùng xe tăng không ?

      Về sau này tôi mới biết 101 đã vượt qua cầu Nong, tiến thẳng vào tới An Cựu và vào Huế. Cầu Nong bị đánh cháy và sập từ đêm hôm trước. Xe tăng phải đi vòng nên đã vào Huế sau vài tiếng.

      Nghe tiếng xe tăng, lòng tôi rất rạo rực, chỉ muốn tiến lên cùng các đơn vị bạn. Khi tôi nói với anh Thắng, không hiểu sao anh ấy rất chần chừ. Hay là ban 2 đã ra lệnh cho chúng tôi dừng lại ?!

      Quãng 12 giờ trưa ngày 25/3/75, có mấy người dân chạy từ Huế về, nói ta đã giải phóng Huế rồi. Thế là chúng tôi trở thành người đi sau. Nghĩ lại thấy chuyện trinh sát mò suốt đêm, rồi quát tháo, dọa nạt mấy người dân lành. Thật là buồn cười ! Giá như anh Thắng cho đi tiếp luôn từ bảy giờ sáng, có lẽ chúng tôi sẽ gặp bộ binh 101, hoặc nếu rẽ ra đài phát thanh và chốt lại thì cũng làm ra một chuyện gì đó?! Hoặc là chúng tôi bị tiêu hết cũng nên ?!

      Cả chiều hôm đó, chúng tôi nghỉ lại ở ấp Lợi Nông. Mãi đến 5 giờ 30 chiều, toán trinh sát mới lên đường đi Huế. Chúng tôi qua cầu của con kênh thì gặp anh em du kích mặc áo đen quây lấy. mọi người đều rất vui mừng. Một người dân nhanh nhẹn nói để anh về lấy xe đưa chúng tôi vào Huế. Xe của anh là một chiếc xe lam, cả bẩy người chúng tôi đều lên xe. Du kích, dân và chúng tôi ầm ỹ tiễn biệt nhau, rồi chiếc xe giật giật tiến lên. Ra gần ngã ba, tôi ngước cổ nhìn lên cái cột ăng ten của đài phát thanh, nơi cái đèn đỏ vẫn đang nhấp nháy. Nhờ nó chỉ đường mà đêm qua chúng tôi mò đi rất thuận lợi.

       Khi đến gần An Cựu, đã thấy các nhà dân hai bên đường lên đèn. Chúng tôi vừa vượt qua cầu An Cựu thì có ai đó bảo xe dừng lại vì phát hiện ở phía trước có người của c20. Chúng tôi xuống xe, tay bắt mặt mừng. Một toán trinh sát khác của chúng tôi cùng đi với 101 và đến Huế từ trưa. Họ được lệnh sáng mai phải quay lại Đà Nẵng ngay. Vì vậy mới quay ra đây sẵn để sáng mai đi sớm. Chúng tôi cảm ơn anh xe lam rồi vào nhà. Mọi người ồn ào nói chuyện, ai nấy như mở cờ trong bụng. Tôi lững thững đi lại phía cây cầu. Đường nhựa và ánh điện trong nhà xây của thị thành làm tôi nhớ nhà quá !
  
      Sau này thấy nhiều tài liệu nói khác nhau về giờ cắm cờ ở Phu Văn Lâu. Chẳng biết ai đúng ai sai.

“Thượng tướng Nguyễn Hữu An - nguyên Tư lệnh Quân đoàn 2, viết: "Sau khi giải phóng Phú Bài và Hương Thủy, Trung đoàn 101 , tiếp theo là Trung đoàn 3 bộ binh có xe tăng đi cùng, được nhân dân địa phương giúp phương tiện... vận chuyển tiến rất nhanh vào nội đô Huế. Đúng 13 giờ ngày 25 tháng 3, Tiểu đội phó Tiểu đội trinh sát Nguyễn Văn Phương đã cắm cờ chiến thắng lên Phu Văn Lâu.””

“Đồng chí Vũ Thắng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên- Huế viết: "Ngày 25-3-1975, từ hai hướng Nam và Bắc Huế, các lực lượng đi đầu của Tiểu đoàn 8, bộ đội địa phương Quảng Trì, được tự vệ dẫn đường tiến vào nội thành Huế. Đúng 10 giờ 30 phút ngày 25 tháng 3 năm 1975, lá cờ giải  phóng được cắm trên đỉnh Phu Văn Lâu. Thành phố Huế đã được giải phóng.””

      Chẳng lẽ đã có cờ của K8 tỉnh đội Quảng Trị cắm trên cột rồi, Nguyễn Văn Phương, tiểu đội phó trinh sát của 101 lại tháo cờ xuống cắm lại lá khác ?!

      Tôi cũng đã xem tranh luận này trên Quân Sử rồi. Nhưng chắc chuyện tranh cãi sẽ chẳng đi đến đâu !

. . . (Hết chuyện “Từ Phú Lộc Đến Huế”)
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Hai, 2011, 10:11:54 pm gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #558 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2011, 12:17:46 am »

.
KÍNH CHÚC GIA ĐÌNH QUÂN SỬ MỘT NĂM MỚI

             SỨC KHỎE

                             AN KHANG

                                            THỊNH VƯỢNG !
Logged

TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #559 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2011, 12:30:17 am »

.
CHUYỆN XV     QUA ĐÈO HẢI VÂN
      
      6 giờ sáng ngày 26/3/1975, cả hai toán trinh sát chúng tôi đã ăn cơm xong và lục tục quay từ Huế ngược trở lại phía Đà Nẵng. Cả đoàn đi thảnh thơi dọc theo đường số 1. Không có pháo và máy bay của địch. Lúc này ta đã giải phóng được Quảng Trị và Thừa Thiên Huế ở phía bắc Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi ở phía nam. Địch co cụm lại Thành Phố Đà Nẵng và quyết tâm tử thủ. Địch bố trí phòng thủ Đà Nẵng thành hai tuyến. Lúc đó chúng tôi chỉ biết là mau chóng đuổi theo trung đoàn 18 của f325 để tấn công Đà Nẵng.

      Oái oăm thay, nhiệm vụ giao riêng cho tôi và một lính trinh sát nữa là phải làm “binh yếu địa chí” sân bay Phú bài. Thế là phải đi sau mọi người một lần nữa. Chúng tôi hành quân bộ qua lại cái đài phát thanh Huế, qua quận lỵ Hương Thủy, qua quân trường Quang Trung. Tất cả hầu như nguyên vẹn. Quân trường Quang Trung có mặt tiền quay ra lộ số 1, có tường xây và rặng phi lao xanh tốt dọc theo đường. Cái cổng quân trường rất lớn và biển doanh trại cũng rất lớn, màu đỏ. Ở đoạn này chúng tôi gặp pháo 85 của trung đoàn 84 đang kéo trên đường. Họ đang làm động tác quay xe và quay pháo. Cả xe và pháo rất dài nên họ phải tháo pháo ra quay xe, còn pháo thì anh em phải xúm lại để đẩy và quay pháo. Công việc có vẻ khó. Nói vậy thôi còn dễ hơn nhiều lần khi kéo pháo ở trên rừng núi.

      Tôi hỏi thăm trinh sát pháo Thanh, người cùng phố tôi và được anh em chỉ cho. Thanh cũng đang tham gia kéo pháo. Chào nhau, hỏi thăm dăm ba câu rồi chúng tôi nhanh chóng ai về việc nấy. Đến gần và sờ vào khẩu pháo 85 và thấy nó rất dài. xe và pháo đều được ngụy trang lá um tùm. Không biết có phải khi tuyển quân người ta chọn lính pháo to con hơn lính bộ binh không mà tôi thấy, nói chung lính pháo béo tốt và cao to hơn chúng tôi. Chắc là không phải vậy. Khi chúng tôi huấn luyện tân binh xong, những đứa được tuyển đi pháo binh cũng tầm vóc như chúng tôi thôi. 18 tuổi vẫn đang lớn vì những năm tháng đó toàn đân tộc thiếu đói nên trẻ con phát triển chậm. Lúc hết phổ thông, khi khám sức khỏe, tôi chỉ nặng có 33 cân và đang lớn như nhiều đứa khác. Gần bốn năm lính bộ binh, đi bộ, vác nặng, ăn đói, thiếu chất đã làm chúng tôi gày gò và không lớn thêm được bao nhiêu thành ra thấp bé so với lính pháo. Tôi chưa thấy ai so sánh chuyện này, nhưng chắc hẳn nguyên nhân là như vậy ?!

      Đến cửa sân bay, bắt tay với toán trinh sát xong, hai thằng tôi rẽ vào sân bay. Việc đầu tiên là chúng tôi trèo lên đài kiểm soát không lưu để quan sát toàn bộ sân bay. Cái đài này không cao lắm nhưng cao hơn tất cả các chỗ khác trong sân bay và quan sát được khá xa ra mọi hướng. Tầng trên cùng của đài, xung quanh toàn kính, có tám mặt hay sáu mặt (bây giờ không nhớ chính xác). Mặt kính vát và loe ra ở phía trên. Bạn tôi vẫn luôn cảnh giới cho tôi vì sợ nhỡ có thằng điên nào đó ở lại  đây để chết với Việt Cộng?! Sau khi quan sát toàn bộ sân bay. Tôi thấy công việc thật là nhiều, chắc phải mất rất nhiều thời gian đây.

      Chợt tôi nảy ra một ý hay. Hai thằng bắt đầu đi lục lọi, kiếm tài liệu sẵn có của địch để lại. Ở khu sân bay này, các nhà cho lính và nhà làm việc đều là nhà kiểu lắp ghép nhanh bằng khung. Sau đó được thưng gỗ dán rất dày. Cửa phòng cũng bằng gỗ dán. Trần nhà đều rất thấp, nhảy lên có thể với tới. Bạn tôi có vẻ hăng hái đi lục lọi lắm nhưng tôi nói hãy cẩn thận, nhỡ chúng nó gài lựu đạn. Lúc bấy giờ tiếng Anh của tôi rất “ây bi xi” nên không biết biển đề trên các cửa phòng có nghĩa gì. Tất cả các biển phòng đều là tiếng Anh. Thế mới cú !

      Chúng tôi lục thấy rất nhiều hồ sơ, tài liệu, gần như nguyên vẹn. Bọn địch không kịp mang theo và cũng không kịp hủy tài liệu. Các khu nhà này thì chỉ cần một mồi lửa là tất cả sẽ thành tro hết. Chúng tôi lục lọi tất cả các phòng, phòng nào khóa thì nhảy lên cho một cú song phi là bật ra hết. Không có mìn hay lựu đạn gài lại ở bất cứ chỗ nào trong sân bay.

      Cuối cùng thì chúng tôi cũng tìm được thứ mình cần. Đó là toàn bộ sơ đồ sân bay cùng với tài liệu kèm theo. Rồi chúng tôi tìm thấy ở nhiều phòng khác cũng có tài liệu này. Tất cả đều được vẽ trực tiếp bằng tay (không phải vẽ máy) và được in thủ công (héliographie) mà lúc đó dân kỹ thuật ngoài bắc vẫn gọi là “in nắng” (“Héliographie” dịch sang tiếng Việt cũng không tìm được từ nào đắt hơn từ “in nắng”). Các bản in có màu nâu-tím nhạt hoặc màu xanh “Cửu Long” nhạt. Người ta vẽ bản gốc trên giấy can (còn gọi là giấy bóng mờ hay giấy căn ke), sau đó đặt lên trên một tờ giấy có tẩm thuốc. Mang ra đặt lên bàn giữa trời nắng và đặt một tấm kính đè lên trên. Một lúc thì mang bản giấy tẩm thuốc vào cho vào dung dịch định hình. Rồi phơi ra nắng cho khô là thu được một bản in. Khi ở Việt Nam chưa có photocopy khổ A0 thì khi in bản in lớn, người ta vẫn dùng cách này.

      Các bản sơ đồ và tài liệu chúng tôi thu được có màu nâu-tím nhạt. Ánh nắng bắt đầu đứng bóng nhưng chúng tôi vẫn chưa lục soát hết. Hai thằng chui vào một phòng ngồi nghỉ ăn cơm nắm với ruốc mặn. Đây là một phòng làm việc. Nắng chói làm cho không khí trong phòng rất ngột ngạt. Tôi nhìn thấy một cái máy khá to bên trên cửa sổ phía sau mà mãi về sau tôi mới biết đó là máy điều hòa. Mà giả sử chúng tôi có biết đó là máy điều hòa thì lúc đó trong sân bay cũng không có điện.

. . . (còn nữa)
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Hai, 2011, 12:44:08 am gửi bởi TichTuongNhuLe » Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM