Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Năm, 2024, 09:41:21 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những chuyện không thể quên - Cười ra nước mắt (Phần 2)  (Đọc 374585 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Nguyen Minh Hoan
Thành viên
*
Bài viết: 34


« Trả lời #250 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2010, 05:22:15 pm »

.

       Xin lỗi anh em ! TichTươngNhuLe có nhầm lẫn về vị trí làng Quất xá. Tôi nhớ làng Quất xá nằm ở chỗ con sông Cam Lộ có đoạn chữ "S", chữ "S" này không sát với đường 9. Lần trước chọn vị trí làng trên bản đồ xong tôi vẫn băn khoăn vì thấy làng hơi nhỏ và nằm sát đường quá, lại không thấy làng cách đường 9 một đám ruộng. Tôi nghĩ rằng chắc lâu ngày không còn nhớ. Sự thật thì ngược lại. Tôi rất nhớ nhưng chấm sai vị trí trên bản đồ.

       Sau khi xem xét cẩn thận và đối chiếu với nhiều bản đồ, tôi xin đính chính lại vị trí cái làng Quất Xá. Vị trí này là chính xác. Có bản đồ của Mỹ đánh dấu làng Quất xá ngay cạch đấy nhưng lại ở dưới ruộng có ký hiệu trồng lúa, cái dấu đó chỉ có tính chất tương đối tượng trưng chứ không phải vị trí trung tâm của làng.

       Lần nữa xin được xin lỗi anh em ! Mong mọi người thông cảm !

       Dưới đây xin post lại ba tấm bản đồ.

Bác Tichtuongnhule quý mến!
Em vẫn âm thầm đọc hết các bài viết của bác. Lối hành văn nhẹ nhàng rất hay lại là người trong cuộc kể chuyện nên càng tuyệt vời hơn. Bác cho phép em góp một tý nhé:
Về vị trí của làng Quất Xá(dân gọi là Quật Xá) ở trang 12 đúng là chưa chính xác, đó là thôn Cam Phú ở cái ngã ba từ đường 9 rẽ lên dốc đi lên căn cứ 241 bác ạ, từ thôn này theo đường 9 về Đông Hà khoảng 7 km, đến Km 16 cách một quãng đồng rộng 1,5- 2km phía bên trái mới là thôn Quất Xá.
Trong bản đồ, vị trí của thôn Quất Xá là ở khu vực có những chấm trăng trắng đấy bác ạ, không phải vị trí bác khoanh lại ấy đâu, dịch về phía đông khoảng hơn 1 km là đến rìa phía tây của làng.
Đầu năm 1974 em ở đúng ví trí bác khoanh lại đó(em ở bên dân sự).
Logged
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #251 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2010, 10:49:54 pm »

.

CHUYỆN XIII     LÀNG QUẤT XÁ   (tiêp 12)

       Ba thằng tôi bước xuống nhà âm thấy mấy đứa đang ngủ say. Căn nhà sạch sẽ mát mẻ, gọn gàng. Cơm phần chúng tôi để trên bàn giữa nhà, qua cái bàn là cái giá súng dựng ngay ngắn, tám khẩu AK báng gấp. Giá ba lô làm ở hai đầu hồi, trên cao, bốn thằng một cái.

       Đói quá, ba thằng nhấn hết ga. Bốn giờ chiều chúng tôi mới ngủ dậy. Thằng Tính “mồ hôi mũi” đang lau súng. Nó tháo băng đạn ra để trên giường rồi lau rất cẩn thận. Thấy bọn tôi đã thức, thằng Tính rủ đi tắm:
-   Chừ đi tắm hè !
Trông thấy mũi thằng Tính lấm tấm mồ hôi, thằng H. vừa cười vừa nói:
-   Mi trộ cái mũi mi coi ! Nỏ mần chi mà mồ hôi dữ hè ! (Thằng H., người Hà Nội, nó nói theo giọng khu bốn hùa theo thằng Tính)
       Thằng Tính đang vui, nó vừa lau súng vừa hát. Cũng là đùa vui, nó quay mũi súng, chĩa thẳng vào ngực thằng H., xiết cò !
      Đoàng !
      Tiếng nổ bất thần, . . . bàng hoàng . . .
      Thằng Tính mặt cắt không còn hột máu. Mấy thằng tôi cũng mắt mũi xanh lè.
      Số thằng H. (cái gì cũng 1), vào sinh ra tử ở miền đông, bom pháo quật lên quật xuống không chết. Thấy thằng Tính vừa hướng súng vào mình, nó nhanh tay gạt một phát, mũi súng chếch lên, viên đạn bay qua đầu nó, qua mái tranh, không biết đi đằng nào.

       Hú vía !

       Tháng 10 năm ngoái (2009), thằng Tính từ Diễn Châu ra Hà Nội. Tôi đón nó ở bến xe Nước Ngầm. Chở nó đến quán bia Hoàng Hoa Thám. Ở đó, thằng H., thằng Cam và thằng An “đen” đang chờ (An “đen” - xem “Ký ức một thời hoa lửa” của LeXuanTuong). Thằng Tính không nhận ra thằng H. Cho đến khi thằng H. nhắc lại chuyện Tính xiết cò vào ngực H ở Quất Xá, thằng Tính mới òa lên, gật đầu lia lịa. Gần bốn chục năm trời rồi. Thằng H ngày xưa thì trắng trẻo mảnh khảnh, thư sinh. Bây giờ nó đỏ hồng hào và đường bệ, ai mà có thể nhận ra được.

. . . (còn nữa)
Logged

tralientay
Thành viên
*
Bài viết: 301


« Trả lời #252 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2010, 12:50:45 am »

Nhờ bác TTNL, 6971 hay bác nào có bản đồ địa hình vùng quanh thị xã Quảng Trị gửi cho một phần bản đồ, lấy thị xã làm tâm, tỷ lệ đủ nhỏ để có thể có thể thấy một toàn cảnh quanh thị xã rộng hơn chút với tên các đia phương (thí dụ rộng gấp 4 lần phần bản đồ bác TTNL gửi "nơi Trịnh Thúc Doanh hy sinh", có tâm là thành cổ).

Xin cám ơn nhiều.
Logged
sauchinbaymot
Thành viên
*
Bài viết: 628


Nhớ Rừng!


« Trả lời #253 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2010, 09:34:27 am »


Nhờ bác TTNL, 6971 hay bác nào có bản đồ địa hình vùng quanh thị xã Quảng Trị gửi cho một phần bản đồ, lấy thị xã làm tâm, tỷ lệ đủ nhỏ để có thể có thể thấy một toàn cảnh quanh thị xã


   
Hoan hô anh bạn Trà Liên
Tây lâu quá vẫn không quên Quảng Trì
Logged

Nhật ký Viết lại
TichTuongNhuLe
Thành viên
*
Bài viết: 1310



« Trả lời #254 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2010, 01:26:58 am »

Nhờ bác TTNL, 6971 hay bác nào có bản đồ địa hình vùng quanh thị xã Quảng Trị gửi cho một phần bản đồ, lấy thị xã làm tâm, tỷ lệ đủ nhỏ để có thể có thể thấy một toàn cảnh quanh thị xã rộng hơn chút với tên các đia phương (thí dụ rộng gấp 4 lần phần bản đồ bác TTNL gửi "nơi Trịnh Thúc Doanh hy sinh", có tâm là thành cổ).

Xin cám ơn nhiều.

       Tôi đã gửi cho bác TraLienTay bản đồ khu vực thị xã Quảng trị bằng email rồi đấy. Bác mở thư ra xem. Dài cổ ngóng bài của bác đấy !
Logged

tralientay
Thành viên
*
Bài viết: 301


« Trả lời #255 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2010, 02:00:02 am »

Mấy ngày rồi bận quá tôi tạm xa QSVN. Không phải là không có thời gian vào, nhưng vào rồi thì khó ra, khó làm mấy việc gấp.

Hôm trước đọc bài bác LXT viết về Hà Nội tháng 12 trong B52 của Mỹ, tôi cũng dự định viết chút ít về những ngày đó, dù mình ở Thạnh Hãn. Hôm nay nhân 10/10, viết vừa xong. Xin gửi chia sẻ lại những ngày chiến trường với các bác. Bài hơi dài, phía sau lại có phần văn nghệ chút không rõ có được gửi ở đây không. Tôi chia làm ba phần. TLT.
--

Quảng Trị và Hà Nội cuối 1972

Sau khi quân ta rút khỏi thành cổ Quảng Trị đêm 15/9 và dự kiến đưa quân qua chiếm lại thị xã tối 16/9 của mặt trận được hủy bỏ một phần dựa trên báo cáo của trinh sát sư đoàn, ngày 19/9 tiểu đội tôi được rút về nghỉ ở hậu cứ của đại đội.

Vào chiến trường cuối tháng 6, trinh sát sư đoàn chia thành nhiều bộ phận đi khắp Quảng Trị, riêng tiểu đội tôi vào tham gia chiến đấu bảo vệ thị xã. Tuy chủ yếu đóng ở Nhan Biều cả hai tháng từ giữa tháng 7 cho đến khi về hậu cứ, số bom đạn chịu chưa thấm vào đâu so với các đơn vị đánh trong thị xã, tiểu đội tôi hình như cũng “dày dạn chinh chiến” nhất trong cái đại đội trinh sát trẻ măng của sư đoàn. Ngày về cứ, trong mắt lính tráng đại đội chúng tôi như đã là những gã trinh sát thực thụ.

Quãng ba tuần sau (quanh 10.10.1972), tôi nhận được lệnh xa tiểu đội lên sở chỉ huy tiền phương của sư đoàn. Sở chỉ huy tiền phương đóng ở một vùng đồi cây lúp súp, nằm trên quãng đường từ sở chỉ huy cơ bản đến thị xã. Các bộ phận chiến đấu của sư bộ đều có mặt ở đây, ban trinh sát có một hầm gồm một anh trên ban và tôi là lính từ đại đội. Việc chính của tôi là hằng ngày nhận điện thoại của tiểu đội trinh sát kỹ thuật (chỗ anh Tỉnh, Thân, Vinh, Duyên, …) báo cho các tọa độ bên ta địch sẽ B52 hay pháo trong vòng một vài ngày tới. Sau đó tôi phải tra trên bản đồ xem đơn vị nào đóng ở vùng các tọa độ đó, và gọi điện báo cho họ. Cạnh hầm ban trinh sát là hầm ban pháo binh. Trưởng ban pháo binh là đại úy Bích, người thấp nhỏ và đã có tuổi,  trực tiếp chỉ huy ở đây.

Sau một tháng ở sở chỉ huy tiền phương, giữa tháng 11 tôi lại được lệnh đưa tiểu đội về lại vùng thị xã, ở bờ Tây sông Thạch Hãn, phía Bắc thôn Nhan Biều chừng một cây số, bên trái là thôn Minh Hương và phía bên kia sông hình như gọi là Cổ Thành. Nhiệm vụ của tiểu đội là theo dõi tình hình địch phía bên kia sông. Lúc này đang mùa mưa. Nước sông Thạch Hãn dâng cao. Đất sũng trong nước. Lính tráng suốt ngày múc nước trong hầm đổ đi. Một sáng thức dậy sau đêm mưa, nước từ đất ngấm ra hầm rất nhanh múc không xuể, đành phải ngoi lên chịu pháo. Tụi tôi phải bỏ các hầm trong khu vườn lên đào lại hầm trên mấy nền nhà cao.

Hai tháng sau khi thị xã bị chiếm lại, cuối tháng 11 mặt trận có lệnh cho trinh sát chuẩn bị cho các trận đánh mới vùng thị xã. Một nhóm trinh sát vượt sông của sư đoàn được lập, gồm 5 lính trinh sát sư đoàn và 5 lính trinh sát trung đoàn. Tôi được lệnh chia tay tiểu đội tham gia nhóm này. 

Bắt đầu là hai tuần huấn luyện khẩn cấp. Nơi tập là một đoạn trên sông Miếu Giang, là con sông chảy qua Cam Lộ xuống Đông Hà rồi nhập với sông Thạch Hãn cùng ra Cửa Việt. Nhiệm vụ chính là tập các kỹ thuật bơi bí mật dùng qua sông sang phía bên địch, cũng như tập một số kỹ thuật tiềm nhập.

Mặt trận cử hai cao thủ đặc công nước tới huấn luyện cho tụi tôi. Đấy là hai cán bộ cấp trung đội, anh Thành và anh Việt, đến từ vùng Cửa Việt. Hai anh hơn tụi tôi chừng vài tuổi, nhưng đã là những người lính dày dạn chiến trường, và bơi lội thật điêu luyện. Cách họ xuống nước và bơi nhẹ nhàng làm mấy gã lính bộ binh tụi tôi phục sát đất.

Bài tập đầu tiên là bơi ếch. Bơi ếch là loại bơi cơ bản nhất, có thể bơi lâu và ít gây tiếng động, nhưng vấn đề là nắm rõ các nguyên lý và tập để bơi được bí mật. Bọn tôi được tập lại bơi ếch như sự phối hợp của ba động tác cơ bản đạp-khép-co. Có thể tập đạp-khép-co trên cạn rất nhiều rồi mới xuống nước. Cả nhóm đứa nào cũng đã biết bơi, nhưng đều học bơi tự do và đầy bản năng. Sau mấy ngày đạp-khép-co với lý thuyết và chỉnh sửa, đứa nào bơi cũng khá hẳn lên. Trong bơi ếch cơ bản, thân người ngang với mặt nước và nổi nhiều để lướt, nhưng để bơi không gây tiếng động, thân người sẽ nghiêng chéo với mặt nước, và chân tay hoàn toàn đạp-khép-co trong nước.

Một bài tập nữa được dành nhiều thời gian học là kỹ thuật thả trôi. Đây là một kỹ thuật cơ bản của đặc công nước, dùng để bơi tiếp cận đến đối phương, đúng hơn là một người ngập trong nước ở tư thế thẳng đứng nhưng vẫn thở được và điều khiển để từ từ trôi đến gần mục tiêu. Trong kỹ thuật này, thân người hoàn toàn ngập trong nước và vuông góc với mặt nước, hai chân lần lượt đạp xuống như đạp xích lô, còn hai tay quạt kiểu bơi ếch nhưng chúc xuống và hoàn toàn trong nước. Khó nhất là thở vì cái đầu cũng phải hoàn toàn trong nước, mặt ngửa lên trời chỉ cái miệng nhô khỏi mặt nước chút xíu để thở, mũi được kẹp lại cho khỏi sặc nước bằng một cái kẹp gỗ nhỏ tự gọt. Để điêu luyện chắc phải tập hàng tháng trời vì khó nhất là thở sao cho nhẹ và đều, mồm không nhô cao không sặc nước. Hai anh Thành và Việt bơi ra xa, giữa ban ngày thả trôi vào bờ, và cũng phải đến rất gần tụi tôi mới nhận ra. Còn khi mấy gã trinh sát chúng tôi thả trôi thì từ xa đã thấy cả mồm cả mũi nhô trên mặt nước, thở phì phò.

Những cũng không thể tập lâu hơn. Sau hai tuần nhóm trinh sát được đưa xuống ven Thạch Hãn, gần chỗ tiểu đội tôi đóng, tuy tôi không được liên lạc với tiểu đội. Đêm đầu tiên là bơi thử ở một đoạn sông Thạch Hãn, dịch lên phía Bắc nơi bên kia địch không đóng gần mép nước. Đấy là một hôm trời rất rét, nước cuồn cuộn chảy về từ thượng nguồn. Cả nhóm lần lượt xuống bơi quãng hai phần ba sông rồi quay về. Mỗi người chỉ có một dao găm và hai quả lựu đạn trong thắt lưng. Khẩu AK bang gập được tháo băng đạn, tất cả gói trong cái bao gạo nilông Trung quốc sao cho nổi bồng bềnh trên mặt nước như một khúc gỗ, buộc dây kéo theo. Lần bơi tập này không trục trặc gì. Nhưng một trinh sát trung đoàn, vốn là một người to khỏe, bơi rất giỏi nhưng bữa đó bị sặc nước và chìm, mấy đứa phải thay nhau bơi dìu vào. Hôm sau sư đoàn đánh giá đây là dao động tinh thần, và quyết định rút đồng đội này ra khỏi nhóm.

Chúng tôi về địa điểm tập kết và bắt đầu sang sông điều tra. Đấy là những ngày giữa tháng 12.1972. Nếu ở thị xã Quảng Trị bờ sông bên kia cao, trận địa và hầm nằm sát mép nước, thì ở đoạn này bờ sông thoai thoải thấp dần, trận địa và hầm nằm cách bờ chừng hai chục mét.

Đêm đầu tiên tôi là tổ trưởng ba lính vượt sông trinh sát. Nhiệm vụ của tổ là bơi sang bờ bên kia, nằm quan sát ở mép sông rồi về. Chuyến đi chót lọt, nhiệm vụ hoàn thành. Sau đấy cứ hai ba ngày một lần, trinh sát lại bơi sang điều tra. Tôi cũng qua ba bốn lần, trong đó lần cuối có nhiệm vụ phải nắm lại được toàn bộ hầm hố và bố trí phòng thủ phía bên kia. Đấy là những ngày nước lớn. Tôi dẫn đầu tổ ba người lần lượt bơi sang sông (trinh sát đi đầu thường nguy hiểm hơn, và khi trở lại thời bình tôi phải sửa rất lâu cái thói quen “lội nước đi trước” của thời Quảng Trị, vì không phải bây giờ lúc nào cũng là việc lội nước).

Sau khi đi được một phần, theo kế hoạch tụi tôi lùi ra bờ sông tìm cách ém lại một ngày. Đến một rãnh sâu um tùm cây dại, chợt có tiếng ho nho, tôi kịp ra hiệu để tổ dừng lại. Trên mép hào cao là bóng một lính địch. Hắn ho khan vài tiếng, nhìn xuống giây lát rồi biến mất và lại quay lại cùng một bóng nữa. Tôi từ từ quay nòng súng hướng lên, khẽ mở khóa nòng, nín thở. Thời gian chững lại. Roạt! Một hòn đất bất ngờ bay xuống nhưng chúng tôi vẫn nằm im. Không thấy động tĩnh, hai tên lính bỏ đi. Chúng tôi lùi ra, ém lại ở gần bờ sông, chia nhau mấy cái hố cạnh bãi rác, đầy vỏ đồ hộp. Chỗ này khá kín, dễ quan sát và ban ngày địch cũng không dám ra. Đêm lạnh mà ngày thì nóng hầm hập, ngột ngạt, dài dằng dặc. Có lúc một chú rắn bò vào hố, đành giương súng lên dọa cho nó bò đi. Tôi lên cơn sốt. Mẩu lương khô đắng ngắt trong miệng. Biđông nước phải dè sẻn từng ngụm cho một ngày. Rồi đêm cũng xuống, ba đứa tôi đi tiếp phần còn lại.

Những ngày đó của tháng 12.1972 Mỹ đang rải bom B52 vào Hà Nội. Ở trong hầm bên bờ Thạch Hãn chúng tôi chỉ thỉnh thoảng biết về Hà Nội dưới bom B52 qua chiếc đài bán dẫn của thủ trưởng. Chiến trường xa xôi. Quê hương vời vợi. Nghĩ về Hà Nội và những người thân của mình dưới bom B52 mà lòng thắt lại.

Trưa 25.12 chúng tôi nhận được lệnh chuẩn bị đêm dẫn đặc công sư đoàn qua sông đánh.  Cấp trên cũng tính đây là một trận đánh chi viện cho Hà Nội chăng? Chập tối một đại đội đặc công hành quân tới. Đại đội có chừng gần ba chục tay súng. Theo kế hoạch, tôi sẽ dẫn đại đội trưởng và ba trung đội trưởng qua trận địa bên kia sông, sau đó các anh sẽ về dẫn bộ đội qua đánh. Quãng 10 đêm giờ chúng tôi bơi sang. Tôi là trinh sát nên đi tay không, có nhiệm vụ dò mìn và dẫn đường cho bốn đặc công với AK báng gấp đi theo. Mọi việc cũng ổn, tuy nhiên do tôi chưa được huấn luyện dò gỡ mìn bao giờ, nên một lúc sau thấy chậm anh đại đội trưởng đề nghị On, một trung đội trưởng và tôi đổi cho nhau. On quê Thái Bình, cũng chạc tuổi tôi, kịp quen trước khi đi. Tôi cầm súng của On, đổi thành người đi thứ hai nhưng sát ngay On để chỉ đường. Quãng 3 giờ sáng chúng tôi quay về bờ bên ta. Các anh đưa đại đội qua đánh còn tôi xong nhiệm vụ ở lại, nằm trong hầm chờ trận đánh. Quãng sau 4 giờ sáng, tiếng thủ pháo, tiếng lựu đạn, tiếng B40 và tiếng súng đồng loạt nổi lên phía bên kia sông. Rạng sáng các anh trở về. Nhưng thiếu mất On.

Mãi về sau này tôi vẫn nghĩ đến On. Có thể vì cái tên On quá đặc biệt. Có thể vì On đã làm thay cho tôi một việc rất khó và nguy hiểm. Có thể vì hai đứa vẫn chưa nói với nhau them một lời dù phối hợp rất ăn ý. Có thể vì bố mẹ và gia đình On không biết trận đánh  cuối của con mình ra sao. Những chắc chắn hơn cả vì On là người duy nhất đã không trở về sau trận này.

Về sau tôi nghe nói đây là trận thắng lớn nhất của đặc công sư đoàn trong chiến dịch Quảng Trị. Đặc công vốn chỉ có hỏa lực nhẹ, đánh thắng được do có yếu tố bí mật bất ngờ và vào sát được địch. Nhưng ở Quảng Trị 1972 làm gì còn bí mật và bất ngờ, lính tráng hai bên thức canh nhau suốt đêm, nên đặc công nhiều khi nhận lệnh vào đánh và không tránh khỏi thất thiệt. Chiến trường Quảng Trị cuối 1972 khá êm ắng, đem lại yếu tố bí mật bất ngờ cho đặc công.

Mãi về sau tôi mới biết rằng chiến dịch B52 Hà Nội của Mỹ cũng kết thúc vào cái đêm đặc công sư đoàn đánh trận ấy.

Hai mươi lăm năm sau, một tối ở nhà Hoàng, một sinh viên tại Tokyo, tôi chợt lần đầu thấy bài thơ “Hà Nội-phố” của Phan Vũ. Cảm xúc ùa đến ngập lòng. Mối liên hệ mỏng manh giữa Hà Nội và Quảng Trị những ngày ấy chợt trở trở về. Tôi hối hả viết “đôi lời về bài thơ Hà Nội-phố” trong những cảm xúc đan xen về Hà Nội và Quảng Trị, về những ngày mãi không thể quên ấy.

10.10.2010

Logged
tralientay
Thành viên
*
Bài viết: 301


« Trả lời #256 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2010, 02:17:29 am »

Tôi viết bài này cuối 1997, gửi mấy bạn đồng nghiệp đọc chơi.
Sau nó trôi nổi trên net một chút. Năm 2002 mấy anh chị báo Tia Sáng đăng báo in (một năm sau tôi chợt thấy), và hôm rồi lại thấy nó trên báo Tia Sáng điện tử

http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&CategoryID=41&News=3518

Tôi thấy vui vui vì mấy anh không biết mình là người viết.
--

Đôi lời về bài thơ “Hà Nội - phố”

1.
Bài thơ của Phan Vũ viết vào tháng Chạp năm 1972, khi cuộc chiến tranh Mỹ-Việt đang trong giai đoạn cuối, khi sự khốc liệt và chịu đựng trên khắp xứ sở như đã đến mức tột cùng. Hủy diệt có thể dẫn đến sớm kết thúc cuộc chiến. Bài học về hai thành phố Nhật bản vẫn còn. Có lẽ trong quyết định rải thảm Hà Nội bằng pháo đài bay B52 có mối liên hệ nàỵ

Hà Nội - thành phố nhỏ, nghèo, lặng lẽ, ít màu sắc rực rỡ. Cái sắc màu chính khi đó là màu xanh xám. Màu xanh của rêu tường, màu xanh của áo phòng không.

Viết gửi những người đi xa khi thành phố quê hương đang bị tàn phá khốc liệt, bài thơ của Phan Vũ không có tiếng bom rơi, không có nhà đổ, không có người chết. Chỉ có lời bình thản của những ngày bình an. Giữa sự sống và cái chết, bình thản là một chọn lựa.

2.
Tuy phân ra nhiều chương, nhưng bài thơ như không có sự khác biệt giữa các chương. Tất cả là cảm xúc của tác giả về phố và người Hà Nội. Ba chữ “Ta còn em” được lặp nhiều lần, mở đầu cho nhiều khổ thơ. Đại từ “em” phải chăng có thể hiểu là phố Hà Nội, là người con gái nào đó ẩn hiện suốt bài thơ ? Tác giả, người ở lại trong thành phố bom rơi, như đã hóa thân. Ta còn em ... vì không muốn mất và không mất.

Bài thơ nhiều hình ảnh, từng chữ, từng câu được chắt lọc kỹ lưỡng. Nhưng có lẽ điều làm bài thơ thật hay là những câu chữ chắt lọc rất đẹp ấy được viết thật giản dị. Giản dị như nói, như những lời người thân nhắn gửi. Và vì thế mà gửi gắm được tới người đọc, tới người đi xa.

3.
Thơ có nhạc và nhạc có thơ. Hay vì bản nhạc đã thấm vào lòng mà đọc bài thơ luôn thấy ngân nga tiếng hát. Hay vì bài thơ ngọt ngào mà khi đọc lòng thường cất tiếng hát theo.

4.
“Hà” Nội - phố” có nhiều câu chữ, nhiều hình ảnh “đắt”, gợi cảm xúc, gợi nhớ về những gì thật riêng của thành phố, những gì thật riêng của mỗi người. Đó là những lời tần ngần về “ngôi sao lẻ”, “chiếc lá lạc”, “mối tình hờ”, “giàn thiên lý chết khô”, “giọt sương nhòa nhòa bóng điện”, tóc “xõa xõa bờ vai”...

Một chút nao nao, một chút bâng khuâng, một chút lung linh.

Về những căn nhà cũ của ba mươi sáu phố phường. Ở Hà Nội, chỉ những nhà đã xây cất từ thời Pháp mới có thang gác bằng gỗ, cũ lắm rồi

Thang gác cọt kẹt thời gian
Thân gỗ ...

Về Hồ Tây mênh mông mà đứng đâu cũng thấy chiều tan trên mặt nước

Nắng chiều phai trên sóng Tây Hồ.
Những bước chân tìm nhau
Rất vội

Về những mái chùa xưa xiêu xiêu cùng năm tháng

Tháng năm buồn lệch xô ngói âm dương
Ai đó ngồi bên gốc đại

Về tiếng chuông chiều nhà thờ quen thuộc

Chiều tan lễ,
Chuông nguyện còn mãi ngân nga ...

Về một cuộc sống còn nhiều vất vả, một thuở xa xưa đã hào hoa

Toa xe điện cuối ngày,
Áo bành tô cũ nát
Lanh canh! lanh canh!

Về say đắm quên cả đất trời
Người nghệ sĩ lang thang hè phố
Bơ vơ
Không nhớ nổi con đường.
Ngay trước cổng nhà mẹ cha

Và khắc khoải của sự sáng tạo vốn không có bến bờ

Những câu thơ, những bức tranh
Đời đời
Lỡ dở ...

5.
Bài thơ thấp thoáng nét kiêu sa của người con gái

Rì rào cơn lốc nhỏ
Gót chân ai qua mùa lá đổ ?

để rồi mọi gã trai Hà Nội si tình

Lặng lẽ theo em về phố ...

Nhưng nhiều hơn vẫn là những con người của cuộc sống hàng ngày bình dị, là “bà quán” “mê câu chuyện nàng Kiều”, là “cô nàng” mắt “lúng liếng, đong đưa”, là “những chàng trai say suốt mùa” ...

6.
”Hà Nội - phố” có nhiều câu thơ lạ và đẹp. Lạ nhưng không cố tình làm lạ, và vì thế mà đẹp hơn.

Khuôn mặt chưa quen
Bỗng xôn xao nỗi khổ!

Người ta thường nói “xôn xao nỗi nhớ”. Nhưng nhớ đã thành khổ là nhớ lắm. Thấy khổ vì người lạ thì chắc đã thầm mong nhiều. Khổ nhưng mong nên mới xôn xao.

Ta còn em tiếng trống tan trường
Áo thanh thiên điệp màu liễu rủ.
Đôi guốc cao mài mòn đại lộ

Guốc gỗ mài mòn được đại lộ bao giờ? Thuở ấy con gái Hà Nội hay đi guốc. Đôi guốc được tác giả hai lần nói đến trong bài thơ

Đôi guốc bỏ quên bên ghế đá

Bỏ quên guốc bên ghế đá thì phải say lắm, cũng say như “áo qua cầu gió bay”.
 
Ta còn em cô hàng hoa
Gánh mùa thu
Qua cổng chợ

Hà Nội có nhiều làng trồng hoa, Nhật Tân, Nghi Tàm, Quảng Bá, Ngọc Hà ... những làng quanh Hồ Tâỵ  Đàn bà, con gái nhà trồng hoa cũng thường là người gánh hoa vào phố bán. Gánh hàng hoa Hà Nội đã đi vào văn học mấy chục năm trước. Gánh gồng là việc nặng, nào có thơ gì. Nhưng “gánh mùa thu” vào phố thì thật đẹp, thật trân trọng và biết ơn.

Thơ ca hay nói đến Hà Nội với hoa lan, hoa sữa. Cây bàng lại thường đem cho tôi thật nhiều nỗi nhớ về tuổi thơ ở Hà Nội. Lũ trẻ con chúng tôi thường đi chọc hay ném những quả bàng chín vàng ăn ngọt lừ. Rồi hột bàng phơi khô đập lấy nhân ăn béo ngậỵ Cây lá xứ mình xanh quanh năm, ít cây như cây bàng lá chuyển màu từ xanh sang đỏ, rồi rụng rồi chỉ còn những cành trơ trụi khẳng khiu run run trong gió bấc (mà tác giả bài hát “Hà Nội - phố” đã gọi là “cây bàng mồ côi mùa Đông”)

Ta còn em chiếc lá bàng đầu tiên
Nhuộm đỏ

Đấy là khi mùa Đông đến. Rồi mùa Đông đi qua mùa Xuân tới, khi trời Hà Nội hơi mưa phùn, hơi se se lạnh, cây cối trổ lộc, sẽ thật ấm lòng nhìn thấy cành cành xanh nõn lá non

Chi chít chồi sinh
Màu ước vọng in hình

Và mùa Xuân bỗng xôn xao khi qua đường chợt thoáng thấy tay trần con gái trong cửa sổ

Ta còn em cánh tay trần
Mở cửa
Mùa Xuân trong khung

7.
“Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”
...

Tháng chạp năm 1972, tôi học hết hai năm đầu đại học và xa Hà Nội. Đêm đêm chúng tôi quây quanh chiếc đài bán dẫn nhỏ ngóng chờ “đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Biết Hà Nội bị B52 đe dọa. Rồi những ngày bỗng không bắt được tín hiệu gì, mở máy chỉ thấy u u. Nhìn về trời đêm phương Bắc xa xăm mà lòng thắt lại ...

Hà Nội bé nhỏ đã qua gần một thế kỷ của những xung đột và chinh chiến, của những tàn phá và xây dựng, của những điều làm “Hà Nội đẹp và chưa đẹp”. Trong những ngày khốc liệt ấy, cái “ta còn” trong bài thơ của Phan Vũ chính là tình yêu bình dị của cuộc sống Hà Nội. Mãi mãi vẫn còn.
 
Hà Nội - phố, em ơi!

Tùng Nguyên
./.
Logged
tralientay
Thành viên
*
Bài viết: 301


« Trả lời #257 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2010, 02:28:38 am »

Có thể không đúng quy định, nhưng hôm nay là 10/10, tôi xin gửi thêm bài thơ "Hà Nội-phố" của Phan Vũ.

Năm ấy, vào lúc B52 đánh Hà Nội, vào lúc Phan Vũ viết bài thơ này, chúng tôi cũng tham gia một trận đánh chia lửa với Hà Nội.
--

HÀ NỘI - PHỐ (trích)

Phan Vũ
Gửi những người Hà Nội đi xa ...


Chương một

1.
Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em mùi hoàng lan
Còn em hoa sữa .
Tiếng giày gọi đường khuya
Thang gác cọt kẹt thời gian
Thân gỗ ...
Ta còn em màu xanh thật đêm
Ngôi sao lẻ
Xào xạc chùm cây gió
Chiếc lá lạc vào căn xép nhỏ
Lá thư quên địa chỉ.
Quay về ...

2.
Ta còn em một gốc cây
Một cột đèn
Ai đó chờ ai ?
Tóc cắt ngang
Xõa xõa bờ vai ...

Ta còn em ngã ba nào ?
Chiếc khăn quàng tím đỏ,
Khuôn mặt chưa quen
Bỗng xôn xao nỗi khổ!
Góc phố ấy mở đầu
Trang tình sử! ...

3.
Ta còn em con đường vắng
Rì rào cơn lốc nhỏ
Gót chân ai qua mùa lá đổ ?
Nhà thờ Cửa Bắc,
Chiều tan lễ,
Chuông nguyện còn mãi ngân nga ...


Chương hai

6.
Ta còn em khúc tự tình ca
Đôi chim khuyên gọi nhau
Trong bụi cỏ
Đôi guốc bỏ quên bên ghế đá,
Tiếng ve ra rả mùa hè ...

Còn em đường cũ Cổ Ngư
La đà,
Cành phượng vĩ.
Hoàng hôn xa đến tự bao giờ,
Nắng chiều phai trên sóng Tây Hồ.
Những bước chân tìm nhau
Rất vội,
Tiếng thì thầm sớm hôm buổi tối,
Cuộc tình hờ
Bỗng chốc
Nghiêm trang ...


Chương ba

9.
Ta còn em đường lượn mái cong
Ngôi chùa cũ,
Tháng năm buồn lệch xô ngói âm dương
Ai đó ngồi bên gốc đại,
Chợt quên ai kia
Đứng đợi bên đường.


Chương bốn

10.
Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em đám mây in bóng rồng bay
Cổng đền Quan Thánh
Cờ đuôi nheo ngũ sắc
Còn em dãy bia đá
Nhân hình hội tụ
Rêu phong gìn giữ nét tài hoa ...

***

Ta còn em tiếng trống tan trường
Áo thanh thiên điệp màu liễu rủ.
Đôi guốc cao mài mòn đại lộ,
Một ngả nào lưu dấu gót tài hoa .
Còn em mãi mãi dáng kiêu sa
Lặng lẽ theo em về phố ...

11.
Ta còn em những ánh sao sa,
Tia hồi quang
Chớp chớp trên đường
Toa xe điện cuối ngày,
Áo bành tô cũ nát ...

Lanh canh! Lanh canh!
Tiếng hàng ngày hay hồi âm
Thuở chiềng khua ? ...

Ta còn em ngọn đèn khuya
Vùng sáng nhỏ
Bà quán mải mê câu chuyện
Nàng Kiều
Rượu làng Vân lung linh men ngọt
Mắt cô nàng lúng liếng, đong đưa
Những chàng trai say suốt mùa ...


Chương năm

13.
Ta còn em cánh cửa sắt
Lâu ngày không mở.
Nhà ai ?
Qua đó.
Bâng khuâng nhớ tuổi học trò
Còn em giàn thiên lý chết khô,
Cỏ mọc hoang trong vườn nắng,
Còn em tiếng ghi-ta
Bập bùng
Tự sự
Châm lửa điếu thuốc cuối cùng
Xập xòa
Kỷ niệm.
Đêm Kinh Kỳ thuở ấy,
Xanh lơ ...



17.
Ta còn em chiếc lá bàng đầu tiên
Nhuộm đỏ
Cô gái gặp nắng hanh.
Chợt hồng đôi má
Cơn mưa nào đi nhanh qua phố
Một chút xanh hơn
Trời Hà nội hôm qua ...

Ta còn em cô hàng hoa
Gánh mùa thu
Qua cổng chợ
Những chùm hoa tím
Ngát
Mùa thu ...


Chương sáu

18.
Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em một màu xanh thời gian
Chợt nhòe,
Chợt hiện
Chợt lung linh ngọn nến,
Chợt mong manh
Một dáng
Một hình

20.
Ta còn em một phút mê cuồng
Người nghệ sĩ lang thang hè phố
Bơ vơ
Không nhớ nổi con đường.
Ngay trước cổng nhà mẹ cha
Còn em một bóng chiều sa
Những câu thơ, những bức tranh
Đời đời
Lỡ dở ...


Chương bảy

21.
Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em những giọt sương
Nhòa nhòa bóng điện
Mặt nước Hồ Gươm
Một đêm trở lạnh.
Cánh nhạn chao nghiêng
Chiều cuối,
Giã từ...

23.
Em ơi! Hà Nội - phố!
Ta còn em cánh tay trần
Mở cửa
Mùa Xuân trong khung:
Giò phong lan
Điệp vàng rực rỡ
Từng cây khô óng ả sợi tơ hồng
Đường phố dài
Chi chít chồi sinh
Màu ước vọng in hình
Xanh nõn lá ...

Ta còn em,
Hà Nội - phố, em ơi!
Ta còn em,
Em ơi! Hà Nội, phố ...

Tháng Chạp, 1972
PHAN VŨ
________________________________________
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #258 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2010, 10:14:45 am »

Có thể không đúng quy định, nhưng hôm nay là 10/10, tôi xin gửi thêm bài thơ "Hà Nội-phố" của Phan Vũ.

Năm ấy, vào lúc B52 đánh Hà Nội, vào lúc Phan Vũ viết bài thơ này, chúng tôi cũng tham gia một trận đánh chia lửa với Hà Nội.
--

Hà Nội đã 1000 năm tuổi, hôm qua nghe dàn đồng ca 1000 người hát bài Hà Nội niềm tin và hy vọng xúc động quá. Năm 1973 khi đang ở miền Tây Vĩnh Linh khai thác gỗ, đội khai thác gỗ có một cái đài Lido để nghe tin tức, hôm ấy lần đầu tiên nghe bài hát Hà Nội niềm tin và hy vọng giữa đại ngàn Trường Sơn đã làm cho mình xúc động quá, nếu như không ở một nơi xa vời vợi như thế thì thế nào cũng phải tìm cách tút về nhà. Cả ngày hôm đó mình không làm được gì, người như ngấy ngấy muốn sốt, về đến trại nằm úp mặt xuống ba-lô mà nước mắt ứa ra ướt đẫm cẳ nắp ba-lô. "...sáng soi bóng đêm Trường Sơn lắng trong nước sông Cửu Long nhẹ nâng bước chân hành quân dệt lên tiếng ca át tiễng bom rền...". Ai dã trải qua những cơn bão lửa tại QT, rồi 12 ngày đêm tại Hà Nội, đã chứng kiến bạn bè bị bom vùi và những người dân vô tội ở Khâm Thiên bị B52 sát hại trong những căn nhà cổ bị san phẳng sẽ hiểu nỗi đau tột cùng xen lẫn với nỗi nhớ thương da diết của những người con Hà Nội.

Tôi đã có 2 lần được nghe 2 ca khúc trong niềm nhớ thương về thành phố quê hương:lần thứ nhất khi được nghe bài Người Hà Nội đêm cuối cùng rời đất Bắc để hôm sau vượt Bến Hải bước vào khu chiến. Giữa rừng già Trường Sơn được nge đến những địa danh thân yêu "Đây Hồ Gươm, Hồng Hà , Hồ Tây...đây Ô Chợ Dừa kia Ô Cầu rền... Hàng Đào ríu rít Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Gai..." và lần thứ hai như đã nói ở trên.

Những năm sau chiến tranh thỉnh thoảng được nghe bài Bình Trị Thiên khói lửa nhất là một lần vào dịp tháng 9 năm ấy Hà Nội mưa sật sùi y như mưa Quảng Trị ngồi uống cà phê với bạn bè chợt nghe thoang thoảng vọng tới giai điệu bài hát đó với những địa danh của một thời trẻ trai đã đi qua, cái thời nước mắt chẳng còn để mà chảy trước những cái chết của đồng đội mình "...Ai đã qua Đông Hà đã đi Ngô Xá, đã đi Bích La, Thủy Ba, Triệu Phong..."   . Giữa đất trời Hà Nội những năm đầu của của thế kỷ 21 mà vẫn chưa nguôi ngoai cái thời tuổi 20 giữa bom đạn ngụt trời ấy.

Hai bài hát với về 2 miền đất khác nhau nhưng lại sống mãi trong lòng của 1 người lính những kỷ niệm không thể nào quên ấy.

Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #259 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2010, 01:04:24 pm »

.............
Thơ ca hay nói đến Hà Nội với hoa lan, hoa sữa. Cây bàng lại thường đem cho tôi thật nhiều nỗi nhớ về tuổi thơ ở Hà Nội. Lũ trẻ con chúng tôi thường đi chọc hay ném những quả bàng chín vàng ăn ngọt lừ. Rồi hột bàng phơi khô đập lấy nhân ăn béo ngậỵ Cây lá xứ mình xanh quanh năm, ít cây như cây bàng lá chuyển màu từ xanh sang đỏ, rồi rụng rồi chỉ còn những cành trơ trụi khẳng khiu run run trong gió bấc (mà tác giả bài hát “Hà Nội - phố” đã gọi là “cây bàng mồ côi mùa Đông”)
..........
Bài viết của bác tralientay về bài thơ của cụ Phạn Vũ hay quá (cụ sinh năm 1926, có vợ đầu là diễn viên Phi Nga của "Chung một dòng sông"). Ở nước Pháp có một ngôi trưởng nổi tiếng "Ecole Normale Superieure". Ở Hà Nội-Việt nam, có một ngôi trường nổi tiếng chẳng kém là "Ecole de mai superieur", tất cả học sinh và thầy cô giáo đều là hậu duệ của Gavroche. Bác tralientay biết trường này ở đâu không??

À mà cụ Phan Vũ là dân Hải Phòng, như cụ Văn Cao ấy. Cụ Văn Cao có bài "Tôi gửi bài thơ về Phố Phái...".
Nếu mà nói về thánh ca, thì đội thánh ca ở nhà thờ Cửa Bắc cũng là loại siêu nhất. Em còn nhớ tết hòa bình đầu tiên năm 1973 nghe dàn đồng ca buổi lễ đêm ở nhà thờ Cửa Bắc, bài Ave Maria, tuyệt vời, không thể nào quên.
Nhà em năm 72 ở 32 đê LT, phía đầu ô Chợ Dừa, sát vệt bom, hú vía, khi đó em đang ở trên đê Phúc Thọ, nhìn về Hà nội mà lo thắt ruột.
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Mười, 2010, 01:27:34 pm gửi bởi qtdc » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM