Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 15 Tháng Năm, 2024, 09:36:55 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mùa xuân trên sông Ô-đe  (Đọc 51248 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2017, 11:58:16 am »


        Anh cứ mê mải nghĩ tới Ta-nhi-a, tới những cuộc gặp gỡ sau này, là thời gian đã trôi qua, đủ cho xe về tới làng, nơi phòng tham mưu sư đoàn tạm đóng lại trong mấy tiếng đồng hồ.

        Về đến nơi, Lu-ben-xốp lại lao ngay vào không khí làm việc lôi cuốn mà anh đã quá quen thuộc, thật ra cũng chưa lấy gì làm sôi nổi lắm đâu, nhưng mọi cơ quan tham mưu dù đóng ở chỗ nào cũng đều như vậy.

        Ban trinh sát sư đoàn đóng trong một ngôi nhà quét vôi trắng xóa ở cuối làng về phía tây.
Trong gian nhà bày la liệt những chiếc đệm trắng nhồi lông, những chiếc đồng hồ đủ các cỡ, phân biệt ở tiếng chuông kêu rè rè, tira như chúng kêu lên thế để đòi phải đặt chúng nằm xuống đệm.

        Bên trên các cửa ra vào và các giường ngủ, giữa khoảng cách các cửa sổ, có treo nhiều tấm câu đối thơ, in kiểu chữ triện trên những mảnh bìa cứng, nội dung nói lên cái đức cần tiết chế tham vọng, ca tụng cuộc sống gia đình yên vui, không màng đến cuộc đời danh lợi phù hoa. Dưới những câu đối có treo những bức ảnh chụp hai tên lính Đức đang mỉm cười, ý hẳn là con trai của nhà chủ. Tấm ảnh chụp chúng đứng giữa những phố phường, những quảng trường ở các thủ đô châu Âu như Cô-pen-ha-gơ, La Hay, Bruýt-xen, Pa-ri. Rõ ràng những tên con trai chủ nhà này không phải là ít tham vọng !

        Trong bộ đội, tin tức truyền đi rất nhanh : anh em đã biết tin đồng chí thủ trưởng trở về. Họ tụ tập cả ở đây để tiếp đón đồng chí. Bản tính vốn kín đáo, ho rất ít khi bộc lộ tình cảm của mình; tuy thế Lu-ben-xốp vẫn nhận thấy rằng anh em rất sung sướng được tin anh trở lại.

        Đây là chuẩn úy Vô-rô-nhin, trinh sát viên ưu tú, nước da ngăm ngăm, người nhỏ bé, nhanh nhẹn, có một bộ óc mưu trí đây là thượng sĩ Mi-tơ-rô-khin, con người lúc nào cũng chững chạc, đàng hoàng, rất tự tin: đây là đại úy Me-séc-xki rất trẻ tuổi, chỉ huy đại đội trinh sát; và đây là trung sĩ Tri-bi-rép cần vụ của Lu-ben-xốp, trông dáng người gù gù và hơi khác thường.

        Ô-ga-nhe-xi-an, đồng chí phiên dịch có bộ mặt lạnh lùng, chẳng bao giờ chịu cạo râu và thường tìm cách tránh mọi động tác không cần thiết, đang ngồi trên chiếc đệm lông vịt. Thấy Lu-ben-xốp vào, đồng chí nhanh nhẹn đứng dậy. Vốn hiểu rõ giá trị của sư "hy sinh” đó, thiếu tá cận vệ hạ lệnh: "Nghỉ”, thế là đồng chí phiên dịch ngồi phích xuống đệm, thở dài khoan khoái.

        Me-séc-xki khẽ kín đáo hỏi:

        - Thế nào, đồng chí không về Viện hàn lâm ư ?

        - Không, còn chiến tranh thì chưa về. - Lu-ben- xốp trả lời.

        Rồi họ rối rít hỏi thăm tin tức: trên bộ tham mưu tập đoàn quân có tin gì không ? Trong các khu vực khác của mặt trận, quân Đức âm mưu hoạt động ra sao?

        Một không khí vui vẻ, hào hứng tràn ngập khắp mọi nơi. Một trinh sát viên phấn khởi quá giơ tay nói:

        - Thưa đồng chí thiếu tá cận vệ, đồng chí có nhìn thấy quang cảnh trên đường cái hay không? Đồng chí bảo không phải là một cuộc biểu dương lực lượng hay sao ? Toàn những người là người ! Lại còn những khẩu pháo nữa chứ? Pháo ta chắc sắp "giọt” cho bọn Đức một trận nên thân, dù cho toàn châu Âu phải làm việc cho chúng, có phải không đồng chí ?

        - Gớm, hành quân đi rồi hành quân lại mãi, cuối cùng thế là chúng ta đã đến được đây. - Chuẩn úy Vô-rô-nhịn thở dài khoan khoái phát biểu rồi nói tiếp: -Thưa đồng chí thiếu tá cận vệ, như thế nghĩa là đã tới lúc được cầm lại con dao xén và cái búa rồi đấy nhỉ ?

        Ý nghĩ cầm lại con dao xén và cái búa của người thợ đóng giày thật không phù hợp với khuôn mặt của Vô-rô-nhin, người chiến sĩ trinh sát dũng cảm tột bực đã năm lần được tặng huân chương. Lu-ben-xốp mỉm cười, và lần đầu tiên kể từ ngày chiến tranh bùng nổ, anh vừa nhìn kỹ mặt từng người vừa liên tưởng tới nghề nghiệp của họ trước khi tòng quân.

        Đây, chàng "lực sĩ” Vô-rô-nhin trước là thợ đóng giày; kia Mi-tơ-rô-khin thợ đúc; Tri-bi-rép công nhân cắm tiêu trên sông Đnhi-ép; còn Ô-ga-nhe-xi-an, ăn mặc hơi luộm thuộm, hay cục nhưng cũng rất tốt bụng, trước là một nhà phê bình nghệ thuật; đại úy Me-séc-xki chưa có nghề nghiệp gì, trước ngày chiến tranh bùng nổ anh mới vừa tốt nghiệp ở trường phổ thông mười năm.

        Riêng Lu-ben-xốp, từ trước chiến tranh đến nay, vẫn chỉ làm một nghề: cán bộ quân sự chuyên nghiệp.

        -  Nào, các đồng chí, - Anh nói đùa để giấu bớt nỗi xúc động - cũng vì hiện nay các đồng chí vẫn còn là lính, chưa phải về làm thợ đóng giày, các đồng chí hãy cho tôi biết tình hình sư đoàn ta có gì mới không ?

        Vừa lúc ấy, bộ mặt nhăn nhó của thiếu tá An-tô-nhi-úc, phó ban trinh sát, hiện ra trong khung cửa. Đồng chí này thường đã không bao giờ tỏ ra tươi cười vui vẻ, bây giờ lại càng buồn thỉu.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2017, 04:54:01 am »


        Anh không sao giấu nổi thất vọng. Thấy đồng chí chủ nhiệm có lệnh điều đi, anh đã hy vọng mình sẽ được đề bạt lên thay.

        Thiếu tá An-tô-nhi-úc thuộc lòng các điều lệnh và chỉ thị. Anh vào bộ đội đã lâu, có tư thế chỉ huy, đã từng ở kỵ binh và thường tự kiêu về điều đó. Anh đã theo học nhiều lớp huấn luyện chuyên môn và tự cho mình là một tay rất am hiểu về công tác trinh sát.

        Thái độ của anh đối với Lu-ben-xốp rất phức tạp. Dĩ nhiên không phải anh không công nhận những ưu điểm của thiếu tá cận vệ, nhưng có một số ưu điểm của Lu-ben- xốp mà người khác ca tụng thì theo anh lại là khuyết điểm. Chẳng hạn như anh không tán thành lối cư xử giản dị như bạn bè của Lu-ben-xốp đối với các chiến sĩ trinh sát. Anh lại cho việc Lu-ben-xốp nhờ Ô-ga-nhe-xi-an dạy tiếng Đức là một sai lầm : theo anh, dù cấp dưới có tài đi chăng nữa, cấp trên cũng không thể nhờ họ chỉ dẫn như thầy với trò được, Nói chung, anh cho rằng Lu-ben-xốp còn mang nhiều tính chất "thường dân”; mà đối với anh "thường dân” cùng một nghĩa với "khuyết điểm”. Ví dụ như anh rất coi thường đại úy Me-séc-xki khi được biết là đại úy hay lén lút làm thư.

        Lu-ben-xốp biết rõ tâm lý An-tô-nhi-úc. Thường anh chỉ bật cười, đôi khi cũng phát bực lên. Nhưng khi Lu-ben-xốp to tiếng thì An-tô-nhi-úc lại nhũn ngay. Theo nguyên tắc, An-tô-nhi-úc chỉ kính trọng những thủ trưởng nghiêm khắc. Lu-ben-xốp có nhận xét về anh: "Đối với anh ta nếu không hét to thì cấm chịu làm gì cả... Mà anh ta còn cho rằng đối với người khác cũng phải như thế

        Giơ đây, quá sung sướng vì đã tiến vào đất Đức, lại vì vừa được gặp lại Ta-nhi-a, Lu-ben-xốp không để ý tới nét mặt khó chịu của An-tô-nhi-úc. Anh chăm chú nghiên cứu tấm bản đồ có ghi những tài liệu về tổ chức phòng ngự của địch dọc con sông Cút-đớp. Anh em đứng vây quanh đồng chí thủ trưởng, say sưa hút huốc lá cuốn, chờ lệnh. Họ tin chắc rằng thiếu tá cận vệ, con người làm việc không bao giờ biết mệt mỏi ấy, sẽ có vô khối công tác để giao cho họ gánh vác. Thật thế, sau một hồi suy nghĩ, Lu-ben-xốp đứng dậy, đi đi lại lại, rồi nói :

        - Nào, các cậu, chúng ta chuẩn bị chiến đấu! Tôi định phái một đội trinh sát đi điều tra hệ thống phòng ngự của địch dọc con sông Cút-đớp... Những công sự của phòng tuyến phía đông nổi tiếng! Đồng chí Me-séc-xki hãy chuẩn bị người đi. Đồng chí sẽ chỉ huy anh em. Tôi lên báo cáo thiếu tướng. - Rồi anh quay hỏi đồng chí phiên dịch: - Hiện nay có tù binh không ?

        - Có.

        - Đã hỏi cung chưa ?

        - Mới hỏi ít thôi.

        - Đã hỏi chúng về phòng tuyến Cút-đớp chưa ?

        - Chưa. - Đồng chí phiên dịch thú thực.

        Lu-ben-xốp đưa mắt nhìn có vẻ khiển trách An-tô-nhi-úc nhưng không nói gì, rồi đội mũ lưỡi trai lên gặp thiếu tướng sư đoàn trưởng.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 09 Tháng Chín, 2017, 03:36:34 am »

       
IV

        Trước nhà thiếu tướng xê-rê-đa ở đang có tiếng ồn ào tấp nập. Chắc có cấp trên đến. Một chiếc xe hơi và một chiếc xe bọc sắt có mang đại liên đỗ dọc hàng rào. Những sĩ quan tham mưu, nách cắp những cặp hồ sơ, nét mặt lo âu và hơi có vẻ sợ hãi nữa, cứ ra ra vào vào, bước đi vội vã. Một đồng chí sĩ quan nói thăm với Lu-ben-xốp:

        - Cậu có biết ai ở trong ấy không ? Đồng chí Xi-đô- crư-lốp đấy!

        Đúng thế, đích thân trung tướng Xi-dô-crư-lốp, ủy viên Hội đồng quân sự, đến thăm thiếu tướng sư đoàn trưởng. Lu-ben-xốp phân vân dừng lại, nhưng rồi vẫn cứ bước lên thềm nhà.

        Gian phòng ngoài chật những người. Ở đây có các sĩ quan giúp việc và các sĩ quan tùy tùng của đồng chí Xi-dô-crư-lốp, các chiến sĩ trong đội bảo vệ và các sĩ quan tham mưu của sư đoàn được triệu tập đến. Gian phòng thật yên tĩnh. Bên kia cánh cửa nghe có tiếng nói se sẽ.

        Không, tốt hơn là không nên vào gặp thiếu tướng sư đoàn trưởng ngay bây giờ. Lu-ben-xốp bèn tựa cửa nhẩm lại những vấn đề sẽ báo cáo trong trường hợp đồng chí đại diện Hội đồng quân sự gọi đến hỏi.

        Cửa mở rộng. Đại tá Plốt-nhi-cốp, chủ nhiệm chính trị sư đoàn bước ra bảo một sĩ quan:

        - Cho gọi Lu-ben-xốp.

        - Có tôi. - Lu-ben-xốp trả lời.

        - A, hay lắm, vào đây.

        Gian phòng rộng, tranh tối tranh sáng, hết sức im lặng, ở một góc cuối phòng, một người xương xương, mái tóc hoa râm, mang quân phục cấp tướng đang ngồi trên ghế dài, thiếu tướng Xê-rê-đa đứng nghiêm trước mặt. Một thiếu tướng khác, Lu-ben-xốp không quen biết, nhưng nhìn cấp hiệu có thể biết là một tướng chỉ huy xe tăng cùng hai đại tá đứng ngay cạnh.

        Lu-ben-xốp định lên tiếng, nhưng cảm thấy không khí căng thẳng và sư đoàn trưởng của anh chắc đang bị " quạt ”, anh thấy thương thương, bèn im lặng đứng nép bên tường.

        Tiếng đầu tiên anh nghe được là tiếng "xe tứ mã”.

        Anh ngạc nhiên lắng tai.

        - Phải, đi xe tứ mã nữa. - Đồng chí đại diện Hội đồng quân sư tiếp tục câu chuyện chắc là đang nói dở. - Người ta dùng đủ mọi phương tiện giao thông... Đồng chí Xe-rê-đa, hôm nay tôi đã phải hạ lệnh giữ lại ba cỗ xe thổ tả đầy ắp bộ binh của đồng chí. - Im lặng một lát, đồng chí dịu giọng và Lu-ben-xop cảm thấy giọng đó có vẻ thật tinh quai. - Kể ra cũng không phải chỉ riêng có lính của đơn vị đồng chí... - Rồi nhìn sát vào Xê-rê-đa, đồng chí nói gắt lên: - Sao đồng chí đứng mãi thế, ngồi xuống chứ!

        Thiếu tướng Xề-rê-đa liền ngồi xuống. Xi-dô-crư-lốp đứng dậy, vừa đi đi lại lại, vừa nói:

        -  Một cuộc tiến công đúng lúc và mau lẹ, đó là một điều hay, nhưng cũng không phải không có những mặt trái. Trong khi tiến công, có những người chỉ huy quá hăng hái đến nỗi thường quên mất kỷ luật. Đã thấy xuất hiện ở trong bộ đội một lối "ngang tàng” không phải chỗ, ra cái điều ta đây can trường đến như thế thì tha hồ muốn làm gì cũng được. Trên đất nước kẻ thù, hiện tượng đó rất dễ dẫn tới những hành động quá trớn. Các đồng chí đều hành động như những người say cả, vì cho rằng: " Chao ôi! mình đã tiến sang đến đất Đức rồi đây này... ”. Thế mà cái nước Đức ấy, cần phải đánh gục nó xuống như chúng ta đã từng đánh gục nó ở Vê-li-ki Lu-ki.

        " Mình được gọi tới làm gì nhỉ ? ” - Lu-ben-xốp tự hỏi. Anh hối hận về việc đã đi xe tứ mã, vì nay thấy việc đó quả là đáng trách. " Liệu trên có biết mình đã dính dáng vào vấn đề này không?”. Anh chăm chú nhìn đồng chí đại diện Hội đồng quân sự, người mà anh đã được nghe tiếng từ lâu nhưng lần này mới gặp mặt. Anh chú ý đến đôi mắt của Xi-dô-crư-lốp : đôi mắt sâu thẳm, thông minh và rất mệt mỏi.

        Biết là đồng chí sĩ quan trinh sát đã tới, Xi-dô-crư- lốp quay lại phía Lu-ben-xốp, nhìn anh từ đầu đến chân với đôi mắt rất sắc. Lu-ben-xốp đỏ bừng mặt nghĩ bụng: " Hay đồng chí ấy đã biết cái chuyện xe tứ mã rồi ? ”. Nhưng về vấn đề đó lại không sao cả.

        Trung tướng hỏi Lu-ben-xốp :

        - Đồng chí đi đêm khá chứ ?

        - Thưa đồng chí trung tướng, được ạ.

        - Thiếu tướng sư đoàn trưởng của đồng chí có nói với tôi rằng hôm nọ đồng chí có tới cơ quan tham mưu đơn vị xe tăng.

        - Thưa đúng như thế. Cách đây hai hôm.

        - Đồng chí sẽ dẫn tôi tới đó.

        Lu-ben-xốp lo lắng, phát biểu:

        - Có thể có những đơn vị lưu động của địch chiếm giữ khoảng cách giữa sư đoàn chúng tôi và đơn vị xe tăng. Mặt trận ở đây bị đứt quãng. Báo cáo trung tướng, tôi có thể đi một mình tới đó và đưa các đồng chí chỉ huy xe tăng về đây báo cáo. Tôi đi cũng chóng thôi.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 10 Tháng Chín, 2017, 08:45:34 pm »


        Xi-dô-crư-lốp lại nhìn chằm chằm người sĩ quan trinh sát và nói, giọng có vẻ hơi châm biếm :

        - Đồng chí thiếu tá, tôi rất muốn theo lời khuyên của đồng chí, nhưng vấn đề lại phải như thế này: tôi muốn tự mình tới thăm các đơn vị xe tăng.

        Lu-ben-xốp bối rối, trả lời :

        - Báo cáo trung tướng, rõ !

        - Còn như những đơn vi lưu động thuộc đoàn Wehrwolf1 của địch, tôi thấy không đáng ngại. -

        Xi-dô-crư-lốp nói tiếp : - Quân Đức thường thích chấp hành mệnh lệnh trên đưa xuống hơn là tự mình xông xáo mạo hiểm. Còn những bọn thông minh hơn thì chúng hiểu xông xáo cũng vô ích. Đồng chí có bận không ?

        - Báo cáo tôi còn phải xin phê chuẩn kế hoạch trinh sát và lấy khẩu cung một số tù binh.

        - Một tiếng đồng hồ đủ chứ.

        - Báo cáo, đủ lắm.

        - Như vậy cho phép đồng chí một giờ - Trung tướng xem đồng hồ rồi đột nhiên quay lại hỏi đồng chí Xê-rê-đa : - A, con bé cháu đâu rồi ? Cháu vẫn còn ở đây với đồng chí đấy chứ ?

        Con gái thiếu tướng Xê-ra-đa năm nay mười ba tuồi; hầu như lúc nào em cũng sống sát bên cạnh cha. Mẹ em đã chết vì bom Đức ngay thời kỳ đầu chiến tranh.

        Lớn lên bên các chú bộ đội, giữa những trận chiến đấu, qua những giờ phút gay go gian khố, em cũng thông thạo các bản đồ quân sư, những đặc điểm của các vũ khí và điều mà thiếu tướng thường vui đùa nhắc đến, em đã dùng cuốn "Điều lệnh bộ binh, phần thứ nhất” để tập đọc.

        Trước kia thiếu tướng đã thư từ qua lại mãi với người em gái vợ về chuyện Vi-ca. Khi hai người đã đi đến hoàn toàn thỏa thuận thì cuộc tiến công trên sông Vít-xtuyn bắt đầu. Thế là đùng một cái mọi việc riêng đều tạm gác lại, và em bé Vi-ca đành ở lại sư đoàn.

        Vi-ca là một em bé thật khác thường, ốm yếu nhưng rất thông minh. Vốn có một trí nhớ đặc biệt, em thường hay nhắc cho thiếu tướng tên một số địa phương, các điểm cao trên bản đồ, các đơn vi pháo cùng các binh chủng khác phối thuộc sư đoàn. Một đôi lần trong lúc thảo luận với sư đoàn trưởng, các sĩ quan tham mưu quên mất địa điểm đóng quân của sư đoàn hồi năm ngoái, thì bé Vi-ca lại cất giọng nhỏ nhẻ từ góc nhà nói vọng ra. Em nói có vẻ tư mãn đáng tức cười :

        - Ba này, chỗ ấy ở ven rừng phía tây, cách Đa-đư- ba hai ki-lô-mét về hướng nam đấy.

        Thế nhưng, trong khi Vi-ca biết những điều tỉ mỉ không chút bổ ích gì cho em ấy, em lại không biết gì đến những điều cần thiết cho đời sống của các em bé gái cùng lứa tuổi với em.

        Một việc lạ lùng như vậy hẳn là mọi người phải biết: vì thế cho nên không lấy gì làm lạ nếu đồng chí đại diện Hội đồng quân sư biết có bé Vi-ca ở trong sư đoàn. Đồng chí nói :

        - Đồng chí cho gọi cháu tới đây.

        Thiếu tướng Xê-rê-đa lẳng lặng sang phòng bên gọi con.

         Vi-ca người nhỏ nhắn, nước da xanh, đôi mắt tròn xoe, mặc chiếc váy và chiếc áo ngắn vải ka-ki ; mái tóc đen của em cắt theo kiểu con giai, nét mặt nghiêm trang, hiền hậu. Trông bề ngoài lúc này em có vẻ rất bình tĩnh, nhưng thực ra lại rất hồi hộp, sự hồi hộp này chỉ biều hiện trên vài nét thoáng qua thôi mà Xi-dô-crư-lốp vẫn nhận thấy. Tinh lắm mới nhìn thấy vai trái em khẽ rung. Em lại gần đồng chí đại diện Hội đồng quân sự và tự giới thiệu :

        - Cháu là Vi-ca.

        Thấy Lu-ben-xốp, em mỉm cười chào. Nụ cười đó không lọt khỏi con mắt đồng chí Xi-dô-crư-lốp ; đồng chí kết luận rằng trong sư đoàn, người trinh sát này được tất cả mọi người có cảm tình.

        Trong thời gian Lu-ben-xốp trình bày kế hoạch trinh sát với tham mưu trưởng sư đoàn tại gian phòng bên, trung tướng Xi-dô-crư-lốp nói chuyện với bé Vi-ca. Trung tướng gọi em là "đồng chí” như gọi người lớn.

        - Đồng chí phải về Mát-xcơ-va học tập. Đánh nhau sắp xong rồi, phải nghĩ đến tương lai chứ!

        - Thưa bác, cháu muốn đợi chiếm xong Béc-lin cơ! - Vi-ca nghiêm trang trả lời: - Ở đấy chắc có bao nhiêu là chuyện hay đấy chứ ạ !

        - Không, đồng chí phải đi về ngay bây giờ!

        - Nhưng thưa ở đây cháu vẫn học tập đấy chứ ạ. Thiếu tá Ga-rin và trung úy Nhi-côn-xki vẫn dạy cháu học một ít đấy!

        - Một ít thôi ư? - Trung tướng hỏi lại - Một ít nghĩa là không nhiều.

----------------
        1. Đoàn phòng thủ chó sói, tên một đơn vị quân Đức - N.D.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2017, 08:35:01 am »

      
        - Cháu hiểu rồi. - Vi-ca bối rối trả lời - Nhưng đây chỉ là tạm thời thôi ạ.

        - Đồng chí ở đây có cản trở - gì ba đồng chí chỉ huy tác chiến không? - Đồng chí Xi-dô-crư-lốp vừa hỏi câu này vừa liếc nhìn thiếu tướng Xê-rê-đa.

        - Không đâu ạ, -Vi-ca trả lời - trái lại cháu còn giúp đỡ ba cháu kia - Vi-ca không nhìn ai cả, em mỉm cười buồn rầu. - Lúc nào ba cháu quên điều gì, cháu lại nhắc hộ đấy!

        Moi người phì cười. Xi-dô-crư-lốp vẫn nghiêm sắc mặt nói :

        - Đúng thế!... Rất tốt!... Nhưng dù sao, tôi vẫn yêu cầu đồng chí lập tức về ngay trung tuyến. Đấy đồng chí xem, đánh vận động như thế này, sở chỉ huy sư đoàn thường gặp những hoàn cảnh gay go... Có thề xảy ra nguy hiềm như trường hợp hai cha con đồng chí đã chạm trán với quân Đức lần trước. Có đúng như thế không?

        - Thưa đúng ạ, lần ấy ở đầu thành phố Su-bin.

        - Đấy đồng chí xem.

        Thiếu tướng Xê-rê-đa cười gượng bảo con:

        - Vi-ca, con hiểu rồi chứ ? Không còn cách nào khác, đó là mệnh lệnh của Hội đồng quân sự, phải chấp hành.

        Lúc này, Lu-ben-xốp đã thông qua xong bản kế hoạch trinh sát, quay về nhà. Anh chỉ thị cho An-tô-nhi-úc những việc cần làm. Rồi anh cùng Ô-ga-nhe-xi-an và Tri-bi-rép tới cái lán giam tù binh.

        Tù binh đang ngồi trên ổ rơm húp cháo. Trong lúc chờ cho chúng ăn xong, Lu-ben-xốp hỏi nhỏ đồng chí cần vụ :

        - Công việc thế nào ? Ngựa có được chăm sóc cẩn thận không?

        - Tốt lắm - Tri-bi-rép trả lời.

        Như mọi lúc, khuôn mặt vuông vắn của Tri-bi-rép vẫn kín đáo và tươi tắn. Tuy vậy, vốn hiểu khá rõ tính nết của anh, Lu-ben-xốp thừa biết anh đang có điều gì thắc mắc muốn hỏi. Quả vậy, Tri-bi-rép nói:

        - Kia kìa... Sao bảo là bọn Đức đói lép cả bụng kia mà ? Thế sao quanh đây, chúng lại còn vô số là bò, lợn nhỉ ? Thế là thế nào ?

        Lu-ben-xốp chẵm chú nhìn Tri-bi-rép. Thắc mắc đó không riêng gì của Tri-bi-rép mà là của chung anh em trinh sát. Thật thế! Lợn ủn ỉn, bò rống trong khắp các sân nhà của người Đức.

        Suy nghĩ một lát, Lu-ben-xốp giải thích:

        - Vấn đề này cũng phức tạp đấy. Lợn còn sống thì người ta không thịt. Mà dân Đức lại không được phép giết gia súc. Một tên tù binh bị bắt ở sông Búc khai với tôi như vậy. Nhìn qua, thì tưởng là súc vật nuôi để ăn thịt, nhưng nghĩ kỹ ra thì không phải để ăn thịt mà chính là kho dự trữ cho chiến tranh.

        Tri-bi-rép mơ màng suy nghĩ về ý nghĩa sâu sắc của câu trả lời. Sau đó anh nói:

        - Có lẽ thế thật. Như vậy bọn Đức còn có thể chống cự được đến mười năm nữa. Chúng nó còn tích trữ được khá nhiều lương thực và tất cả... Thì ra chúng thất bại không phải vì đói, cũng không phải vì những trận oanh tạc của Mỹ mà là vì sức mạnh của chúng ta.

        Thực ra Tri-bi-rép đã nói lên điểm mấu chốt của vấn đề; Lu-ben-xốp mỉm cười như có ý cảm ơn người cần vụ.

        Anh rất quý mến Tri-bi-rép mặc dù tính nết đồng chí này khá kỳ quặc. Nhắc đến người khác, Tri-bi-rép thường dùng giọng nói nửa khinh khỉnh, có vẻ như một viên quan tòa không ai vặn lý được bao giờ, khó mà ai moi được một lời khen ngợi của người chiến binh lầm lì và giàu óc suy nghĩ này.

        Tri-bi-rép nhận xét về Lu-ben-xốp : " Đấy thật là một con người”.

        Còn như về An-tô-nhi-úc, anh vốn không thích mà thâm tâm cũng không kính trọng gì nên anh cũng chỉ nhận xét vắn tắt: "Đấy không phải là một con người”.

        Đôi lần, anh em muốn trêu anh, nên hỏi ý kiến nhận xét của anh về người này hay người khác:

        - Này, Tri-bi-rép, theo cậu thì đó là con người hay không phải con người ?

        Tuy nhiên trêu chọc Tri-bi-rép là một chuyện khá nguy hiểm, bởi vì khi nổi nóng thì anh ta mất hết tự chủ.

        Ô-ga-nhe-xi-an điểm danh tù bỉnh.

        Lu-ben-xốp phát hiện ngay hai triệu chứng đáng chú ý. Thứ nhất là tù binh lần này thuộc nhiều đơn vị và doanh trại khác nhau ở tuyến sau: quân chủ lực, binh chủng chuyên môn, quân trù bị, cảnh vệ, tất cả xáo trộn với nhau, nói lên cả tình trạng rối loạn hoảng hốt trong quân đội Đức. Thứ hai là qua mấy tiếng đồng hồ bị bắt, quân Đức đã mất hết tư thế của con nhà binh đề trở lại nguyên hình con người cũ trước chiến tranh: viên chức, tiểu thương, thợ thỏ công, công nhân, nông dân. Đó là điểm căn bản khác hẳn với bọn tù binh bắt được ngày trước. Bọn kia dù bị giam vẫn còn giữ nguyên vẻ quân nhân.

        Hẳn chúng đều đã thấy rõ thất bại của nước Đức trong thời gian qua. Dĩ nhiên không phải đứa nào cũng như thế. Tên Hen-mút Su-áp-bơ thuộc sư đoàn 25 đã bị tiêu diệt, đôi mắt điên dại long lên sòng sọc, trả lời câu hỏi về triển vọng của chiến tranh như sau:

        - Trong những hầm mỏ tối om - Hắn nói giọng đầy tin tưởng, một ngón tay cáu ghét trỏ lên trời - người ta đang chế tạo những vũ khí bí mật cực mạnh... Những vũ khí đó sẽ cứu vãn nước Đức.

        Một tên Đức cao và gầy đứng sau hắn nói bằng tiếng Đức, lộ rõ thái độ căm hờn và khinh bĩ:

        - Er, ist ja verriickt, aber total verriickt, dieser Esel1!

        Thế là trong đám tù binh xảy ra một cuộc cãi lộn ngấm ngầm. Trong bọn chúng, cãi lộn như vậy chắc đã diễn ra luôn luôn.

        Lu-ben-xốp lấy làm hài lòng khi thấy tên Su-áp-bơ bị cô lập; đa số tù binh giễu cợt hắn, còn những têu khác thì giữ thái độ im lặng nặng nề.

        Về tình hình công sự trên phòng tuyến sông Cút-đớp, bọn tù binh chỉ được nghe đồn; nhưng những mẫu tài liệu vụn vặt ấy, Lu-ben-xốp cũng ghi lại và xếp vào hồ sơ.

        Một tiếng đồng hồ, thời gian mà đồng chí đại diện Hội đồng quân sự dành cho Lu-ben-xốp đi giải quyết công tác, đã sắp hết. Thiếu tá cận vệ để Ô-ga-nhe-xi-an tiếp tục lấy khẩu cung. Anh cùng đồng chí căn vụ tới chỗ sư đoàn trưởng. Ở đó, đang tấp nập chuẩn bị lên đường. Các chiến sĩ súng máy vội nhảy lên ngồi vào hai dãy ghế dài trên xe bọc sắt và cố nhích lại nhường một chỗ cho Tri-bi-rép.

        Đồng chí Xi-dô-crư-lốp ở trong nhà bước ra. Đưa mắt nhìn quanh một lượt, thấy Lu-ben-xốp, đồng chí gật đầu, bắt tay Xê-rê-đa và Plốt-nhi-cốp rồi bước ra xe hạ lệnh:

        - Lên đường!

        Lu-ben-xốp ngồi bên người lái xe. Đồng chí đại diện Hội đồng quân sự cùng thiếu tướng xe tăng và đại tá sĩ quan tùy tùng ngồi ghế sau.

        Chiếc xe hơi nhẹ nhàng lắc lư, chạy trên đường nhựa. Tới chỗ đường vòng, xe hơi đuổi kịp cỗ xe tứ mã đang từ từ lăn bánh.

        Lu-ben-xốp liếc trộm đống chí đại diện Hội đồng quân sự. Trung tướng đang lim dim đôi mắt. Xe ô tô vượt qua cỗ xe " bất hạnh ” kia. Lu-ben-xốp đoán là vẫn cỗ xe tồi tàn của Trô-khốp. Nhưng chưa dám chắc hẳn vì xe ô tô phóng nhanh quá và trời đã bắt đầu xẩm tối.

------------------
        1. Đồ con lừa này, điên rồi, hoàn toàn điên rồi !
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Chín, 2017, 11:11:58 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 12 Tháng Chín, 2017, 11:13:24 pm »


V

        Đúng, vẫn là cỗ xe tứ mã ấy. Bấy giờ chỉ còn Trô- khốp và đồng chí người Xi-bê-ri có bộ ria hung hung làm nhiệm vụ đánh xe. Các bạn đường khác ngay từ sáng sớm đã phân tán ai về đơn vị nấy.

        Trô-khốp hút thuốc lá, vẻ mặt rầu rầu. Thoáng nhìn thấy Lu-ben-xốp trong chiếc xe du lích to lớn, anh bỗng cảm thấy khó chịu. " Lại cái anh thiếu tá này... Chuyên môn " lên lớp ”... Thứ đó thì ai chả biết tỏng... ”. Trô- khốp không thể quên được cái hất tay có vẻ khinh khỉnh của Lu-ben-xốp cũng như mấy câu nói chọc tức trước mặt một người phụ nữ xinh đẹp. Anh nghĩ bụng : " Đúng là một anh chàng vô duyên, một tên núp kín ở hậu phương... Lúc nào cũng cười được... Lại cứu bọn Đức nữa... Đồ công tử bột! ”.

        Trung đoàn mà Trô-khốp định tới ở ngay gần đó. Khỏi quãng đường vòng đầu tiên là làng có sở chỉ huy trung đoàn đóng.

        Trô-khốp giục :

        - Nhanh lên cậu !

        Đồng chí có bộ ria hung hung quất ngựa chạy.

        Sở chỉ huy trung đoàn đóng trong một ngôi nhà rất dài, mái ngói nhọn hoắt. Trước nhà có ba cầy sồi cổ thụ, cành lá rườm rà. Trô-khốp để xe đỗ lại dưới gốc sồi, chững chạc bước qua trước mặt đồng chí gác đang ngạc nhiên trước cỗ xe kỳ quái, rẽ đám liên lạc, thư ký, cần vụ, kẻ ngồi, người đứng ra, rồi bước vào một gian phòng nhỏ. Một thiếu tá, người nhỏ bé đang nói điện thoại. Người thư ký và người chiến sĩ điện thoại ngồi trước bàn.

        Vẻ mặt ngang tàng, Trô-khốp nhanh nhẹn giơ tay lên mũ chào:

        - Báo cáo, tôi, đại úy Trô-khốp tới nhận công tác dưới quyền đồng chí.

        - ... Nàv, Ve-xen-tra-cốp, - Thiếu tá vẫn nói như thét vào máy - đồng chí phải tìm cách chiếm cái làng ấy đi ! Địch bắn thì có làm sao? Đồng chí tưởng là chúng nó phải cử nhạc đón đồng chí chắc ?

        Thiếu tá đặt ống nghe xuống và nói với người phụ trách máy nói:

        - Gọi cho tôi " Li-li-a ”1. Thử xem đóa hoa trắng này ra sao nào ?

          Mật danh của đơn vị - N.D

        Rồi quay lại Trô-khốp, thiếu tá xem giấy tờ và hỏi:

        - Thế nào ?

        Trô-khốp nghĩ bụng : " Cái anh lật bật này hay nhĩ! Có vẻ là tham mưu trưởng trung đoàn chắc ?

        Thiếu tá hỏi :

        - Đại đội trưởng ư ?

        - Báo cáo, đúng.

        - Đồng chí giữ chức vụ đó lâu chưa ?

        - Hai năm rồi.

        - Kể cũng lâu đấy nhỉ.- Thiếu tá nói và xua tay ra hiệu bảo người giữ máy nói hãy khoan nói chuyện với " Li-li-a ” rồi hỏi thêm : - Lý do gì thế đồng chí ?

        Trô-khốp nhìn chằm chằm thiếu tá với đôi mắt xám khó hiểu và quả quyết như một người thợ lặn nhìn cây mọc ở dưới đáy biển. Anh trả lời :

        - Tôi không rõ!

        Thiếu tá mĩm cười:

        - Lạ nhỉ, thế thì ai rõ ?

        - Cấp trên.

        Thiếu tá hừ một tiếng rồi qua phòng bên.

        - Ai đấy ? - Trô-khốp hỏi người thư ký với một giọng cộc lốc và hách dịch.

        - Đồng chí tham mưu trưởng trung đoàn.

        - Này cậu, anh chàng tốt đấy chứ nhỉ !

        - Đồng chí nói ai kia ? Thiếu tá ấy à ? - Người thư ký sửng sốt trước câu hỏi sỗ sàng về thiếu tá Mi-gai- ép, tham mưu trưởng trung đoàn đã được tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô - Đồng chí đó rất tốt...

        Ở phòng bên về, thiếu tá nói chuyện ngay với đóa hoa trắng " Li-li-a ” rồi bảo người thư ký :

        - Đại úy Trô-khốp sẽ chỉ huy đại đội 2. - Đồng chí vừa chợt chú ý nhìn thấy cỗ xe tứ mã ở sau cửa số nên hỏi luôn : - Cái xe ngoài kia là thế nào nhỉ ?

        Trô-khốp đáp :

        - Cỗ xe ấy của tôi.

        Mi-gai-ép phá lên cười:

        - A, đồng chí định đóng vai hoàng tử nào đấy ! Thôi vứt cái xe cà khổ ấy lại thôi! Đồng chí sẽ phụ trách một đại đội bộ binh không cơ giới hóa cơ mà... À, nên nhớ trung đoàn đang thiếu một tiểu đoàn trưởng, nếu công tác khá, sẽ đề bạt đồng chí.

        Trô-khốp đáp :

        - Tôi không yêu cầu đến thế.

        - Thôi đi, cậu này thật kỳ quặc ! - Thiếu tá làm ra vẻ giận dữ.

        - Vâng thôi được. - Trô-khốp buồn bã đáp lại rồi nhanh nhẹn đưa tay lên mũ một cách rất ngang tàng, quay đằng sau, bước ra.

        Lúc anh mở cửa phòng, Mi-gai-ép hỏi với theo :

        - Ít ra đồng chí cũng phải biết đại đội 2 ở đâu đã chứ ?

        - Tôi sẽ tự tìm lấy. - Trô-khốp đáp lại và đi ra.

        Trô-khốp quê ở vùng Nốp-gô-rốt. Cha mất sớm, anh lớn lên bên cạnh mẹ già trong một ngôi nhà ở mãi cuối thành phố. Người anh cả làm việc tại một công xưởng ở Lê-nin-grát. Chiến tranh bùng nổ giữa lúc Trô-khốp mười chín tuổi. Anh vừa tốt nghiệp ở một trường sư phạm ra và yêu cô láng giềng Va-ri-a, người thiếu nữ có mái tóc nâu nhạt, đôi mắt trong sáng, cùng học một trường với Trô-khốp và định kỳ khai trường năm 1941 sẽ đi dạy học. Còn Trô-khốp thì định lên Lê-nin-grát ở với anh và thi vào đại học.

        Chiến tranh làm đảo lộn tất cả các kế hoạch của anh. Trô-khốp lấy ván bịt kín cửa sổ ngôi nhà nhỏ thân yêu, từ biệt người yêu và cùng với mẹ đi ra ga.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 13 Tháng Chín, 2017, 10:51:08 pm »


        Tới Lê-nin-grát, anh được gọi ra nhập ngũ ngay. Ngày nào Va-ri-a cũng biên thư cho anh; rồi quân Đức chiếm Nốp-gô-rốt; thư từ đứt liên lạc. Trô-khốp được điều lên mặt trận Ca-ren-xki. Thế là chiến đấu liên tục. Ngay từ những trận đầu, Trô-khốp đã tỏ ra bình tĩnh và gan dạ. ít lâu sau anh được cử về học trường sĩ quan.

        Học chưa được bao lâu thì học sinh đã được tung vào trận Muốc-man-xcơ. Tuy vậy Trô-khốp vẫn được phong sĩ quan và chỉ huy một trung đội. Anh bị thương nặng.
Một năm sau, khi anh đã đổi lên mặt trận tây bắc, qua báo chí anh mới biết tin cô giáo Va-ri-a, trinh sát viễn của một đội du kích, đã bị quân Đức treo cổ tại phố Lê-nin trong thành Nốp-gô-rốt.

        Rồi lại một tin từ Lê-nin-grát cho biết mẹ anh đã bị chết đói giữa mùa đông; cũng không rõ mộ bà cụ ở chỗ nào, vì bà cụ chết giữa đường và đã được người qua lại chôn cất. Người anh cả của Trô-khốp chết trong một trận máy bay địch ném bom thành phố: một quả bom đã rơi trúng xưởng máy anh làm việc.

        Cả nhà còn lại một mình Trô-khốp.

        Bấy nhiêu tang tóc trút liền xuống mái đầu xanh, gây nên một phản ứng mãnh liệt, khiến cho Trô-khốp trở nên một con người căm phẫn đến cực độ. Chiến đấu đã trở thành lẽ sống, thành nội dung chủ yếu của cả đời anh. Anh chỉ nói đến chiến đấu, không nghĩ tới chuyện gì khác. Dần dà về sau, anh lại lấy làm hãnh diện vì không còn gia đình. Anh luôn luôn tự nói: " Ồ, ta, ta chỉ có một mình.”. Những lúc các chiến sĩ nhận được thư của gia đình hay bàn tán với nhau về chuyện nhà cửa, người vui vẻ, kẻ buồn, người thở dài, kẻ than vãn, thì Trô-khốp nhìn họ với một vẻ kiêu kỳ, thương hại, tưởng như những thứ tình cảm gia đình ấy đã làm cho họ trở nên hèn kém và yếu đuối.

        Vào chiến đấu, anh xông xáo như mãnh hổ. Lòng căm thù của anh đối với quân Đức, ngay cả với tù binh, đã trở thành điển hình trên cửa miệng mọi người. Cấp trên tha thứ cho anh nhiều điểm cũng vì tinh thần dũng cảm của anh, và vốn biết rõ nỗi đau khổ của anh, các đồng chí đều có ý thương; tuy vậy, cũng vẫn phải chú ý ngăn ngừa những hành động quá nóng của anh. Trái với mọi quy tắc, lúc nào anh cũng dẫn đầu các chiến sĩ xung phong; cũng bởi vây mà anh thường không nắm được toàn đại đội.

        Đó chính là lý do khiến cho Trô-khốp ở cương vị đại đội trưởng lâu đến thế. Tuy bề ngoài anh làm như không quan tâm đến vấn đề đó, nhưng thâm tâm rất khó chịu. Với thái độ buồn bã, anh ở chỗ thiếu tá Mi-gai-ép đi ra, tiến lại bên cỗ xe tứ mã.

        Các chiến sĩ đứng vây kín lấy cỗ xe, ngạc nhiên ngắm nghía và cũng thấy hơi buồn cười. Đồng chí chiến sĩ có bộ ria hung hung giải thích cho mọi người biết sự xếp đặt của cỗ xe theo như lời Lu-ben-xốp đã nói. Câu châm ngôn la tinh anh nhớ được như thế này: " Vì lòng tin, vì hoàng đế và Tổ quốc”.

        Thấy Trô-khốp lại lên đường, đồng chí đó chào để đi, vì sư đoàn của đồng chí đóng quá về phía bên trái. Đồng chí lại nhắc lại câu đã nói với thiếu tá cận vệ lúc buổi sáng:

        - Chúng ta lại gặp nhau ở Béc-lin, phải không đồng chí?

        Trô-khốp đáp lại:

        - Trước hết phải làm sao sống được đến ngày đó đã chứ!

        Đồng chí kia khoác túi dết lên vai và bước đi đề "sống cho đến ngày đó”.

        Trô-khốp hỏi các chiến sĩ:

        - Có ai về tiểu đoàn 1 không đấy ?

        Có đồng chí liên lạc ban tham mưu tiểu đoàn và thêm một chiến sĩ điện thoại của trung đoàn đi theo. Trèo lên xe, hai đồng chí này vui vẻ rún rẩy trên chiếc ghế đệm bông bọc vải xa tanh. Cái đầu hươu trạm trên cánh cửa chưa đóng chặt, cứ lắc la lắc lư như sợ hãi những người lính nước ngoài đang chiến thắng tiến vào đất nước đoàn quân nổi tiếng của Phrê-đê-rích Đại đế1.

Gian nhà của thiếu tá Ve-xen-tra-cốp, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1 ở phía đầu làng. Đồng chí đã được biết có đại đội trưởng mới được điều tới, Mi-gai-ép có gọi điện thoại báo cho biết. Có lẽ Mi-gai-ép cũng đã nhắc qua một vài đặc điểm kỳ dị về cá tính của đồng chí đại úy hùng hổ này. Dù sao, tiểu đoàn trưởng cũng không hỏi gì về cỗ xe tứ mã mà đồng chí đã nhìn thấy từ đằng xa.

        Ve-xen-tra-cốp tầm vóc cao lớn, người hơi thô, mặt rỗ. Trái lại, quân phục rất cẩn thận, chỉnh tề: chiếc cổ áo giả rất sạch, đôi ủng bóng như gương.

        Anh đã có vợ. Dọc đường, Trô-khốp đã được nghe đồng chí cần vụ kề chuyện về chị Gla-sa, vợ đồng chí tiểu đoàn trưởng này.

--------------------
        1.Tên một vua Đức rất thiện chiến ngày trước - N.D.
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Chín, 2017, 12:55:06 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 14 Tháng Chín, 2017, 08:51:21 pm »


        Người ta vẫn gọi Gla-sa là mẹ hiền của tiểu đoàn 1 kể cũng có lý. Chị là y tá của tiểu đoàn. Sạch sẽ là một tính kỳ cục của chị, nhưng cái tính kỳ cục ấy còn giấu kín một ý nghĩa gì quan trọng hơn mà anh em không tìm được tên để gọi.

        Tư khi lấy vợ, Ve-xen-tra-cốp phải chịu đựng nhiều nỗi phiền phức. Vấn đề Gla-sa - Ve-xen-tra-cốp đã phải đưa ra bàn ở một cuộc họp của đảng ủy trung đoàn. Giữa thời chiến, nhất là trong khung cảnh một tiểu đoàn bộ binh, xây dựng gia đình là trái nguyên tắc. Dù sao người ta cũng chiếu cố cho đôi vợ chồng này.

        Thiếu tá Ga-rin, trợ lý giáo dục của phòng chính trị tập đoàn quân đã xuống nghiên cứu, nhưng cũng thấy không thể cắt đứt được cuộc tình duyên này, vì họ yêu nhau thật sự. Mối tình chân chính đó, toàn tiểu đoàn đều thấy rõ.

        Ga-rin có mạn đàm với đồng chí tiểu đoàn phó phụ trách công tác chính trị và đồng chí phụ trách đảng vụ. Bến đây vấn đề đã rõ ràng: đối các sĩ quan không thể nới lỏng nguyên tắc được. Chiến tranh là chiến tranh; hai người phải sống xa nhau ra. Nhưng Ga-rin lại thấy rằng làm như vậy là bất công. Dây tuyệt nhiên không phải là một mối tình nảy nở "dọc đường” mà là một mối tình trong sạch, chân thật. Sau một đêm nghiên cứu kết quả điều tra, đồng chí không viết báo cáo gì hết và quay về phòng chính trị sư đoàn. Dồng chí nghĩ bụng là cứ để thế, khi cuộc tiến công mở màn, người ta sẽ bỏ qua vấn đề đó. Cũng vì vậy mà việc ấy vẫn kéo dài.

        Mặc dù Gla-sa vắng mặt nhưng xung quanh đồng chí tiểu đoàn trưởng, người ta vẫn thấy sạch sẽ, trật tự, ngăn nắp, nghĩa là có bàn tay người nội trợ.

        Lát sau Gla-sa tới.

         Chị có khổ người to lớn, hai mươi bảy tuổi, có đôi chân chắc nịch, mái tóc tơ vàng rối chải hất về sau gáy, mặt cũng hơi rỗ hoa như Ve-xen-tra-cốp, đôi má đầy đặn, hồng hào.

        Nhưng cứ nhìn đôi mắt của con người hộ pháp này, thì sẽ thấy biểu hiện một lòng tốt hiếm có. Cứ nhìn cái miệng xinh xắn, đôi má hồng hồng lúm đồng tiền kia, người ta sẽ không chú ý đến chỗ Gla-sa thiếu duyên dáng nữa. Trên khuôn mặt thể hiện một điều còn quý hơn sắc đẹp: đó là một tâm hồn cao quý.

        Đó là điều Trô-khốp đã nhận thấy, tuy không thật rõ nét lắm.

        Gla-sa lăng xăng bên Trô-khốp, kể chuyện cho anh nghe như với một người quen biết từ lâu, rằng chị lục lọi cả buổi chiều trong hiệu thuốc Đức thấy nhiều thứ thuốc tốt và một kho đầy băng gạc. Chị rất lấy làm thú vị đã khám phá được nhưng thứ đó vì tiểu đoàn quân y1 còn tụt lại phía sau khá xa.

        Chị phát biểu về dân Đức: ” Nhà họ rất sạch. Nhưng tâm địa họ rất bẩn. Sao mà họ khiếp chúng mình đến thế! Thật là có tật giật mình”.

        Tiểu đoàn vừa chiếm xong một làng lớn, bắt được hai xe tăng Đức còn nguyên vẹn và khoảng một chục chiếc xe vận tải hiện đang đỗ trước ngôi nhà của tiểu đoàn trướng. Địch rút lên một đồi cây rậm; ở đó, chúng rót súng cối vào vị trí ta. Cứ năm phút lại một loạt tiếng nồ ầm trời. Đạn súng cối nổ ngoài cánh đồng, lúc bên phải, lúc bên trái. Mỗi lần đạn nổ, Ve-xen-tra-cốp lại lẩm bẩm như đe dọa một kẻ địch vô hình:

        - Mày cứ đợi đấy... Sáng mai chúng ông sẽ bắt mày câm họng...

        Trô-khốp nửa phát biểu, nửa hỏi :

         - Đánh bật chúng khỏi khu rừng đó, đồng chí thấy thế nào ?

        Ve-xen-tra-cốp trả lời:

        - Anh em mệt lắm rồi, đã ba đêm không ngủ... để cho họ nghỉ. Đồng chí có thể trở về đại đội của đồng chí được đấy. Kia kìa, trong xóm bên kia sông ấy. Ở đầu làng, về phía bắc. Sẽ có người chỉ đường cho đồng chí! Đại đội đồng chí quân số không nhiều đâu, các trung đội trưởng đều đã thương vong. Để bù lại, đã tăng cường cho các đồng chí một đại đội pháo chống tăng và một đại đội phóng bom. về hỏa lực thì khá đủ đấy.

        Gla-sa dặn dò Trô-khốp :

        - Đồng chí nên chú ý cho anh em đêm ngủ cởi giày ra nhé... Và cần tìm cách cho họ tắm rửa. - Chị nhìn Ve-xen-tra-cốp như cầu khẩn.

        Tiểu đoàn trưởng lắc đầu, nói :

        - Gớm, lại chuyện tắm với rửa của cô. Bây giờ anh em cần ngủ hơn là tắm với táp.

        Trô-khốp lên đưòmg.

        Anh quất mạnh roi làm cho bầy ngựa của " ngài nam tước ” phóng nước kiệu băng qua lạch nước. Nước ngập tới bụng ngựa và ướt cả dãy ghế bọc xa tanh.

        Ngay trước cổng làng, gần chiếc cầu nhỏ đổ sụp, xác một chiến sĩ Nga vùi nông dưới đất, trong tấm áo ca-pốt xám, đôi mắt còn ngước lên như nhìn bầu trời tàn nhẫn.

        Đây là người chiến sĩ Nga hy sinh đầu tiên mà Trô-khốp nhìn thấy trên đất nước Đức. Số phận thật bi thảm : băng qua biết bao dặm đường đầy thiếu thốn gian khổ, đánh bao nhiêu trận, để rồi gần tới đích, lại ngã xuống. Như mọi thanh niên khác, Trô-khốp liên tưởng ngay đến bản thân mình, biết đâu chẳng cùng chung số phận.

-----------------------
        1.Tức là quân y sư đoàn.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2017, 05:01:25 am »


VI

        Tuyến phòng ngự của quân Đức trên sông Vít- xtuyn mạnh hơn mọi nơi khác. Ai từng tác chiến đều hiểu rõ một đại đội bộ binh sau khi phá vỡ một phòng tuyến như vậy sẽ như thế nào. về sau truy kích địch, đại đội không còn để chịu những tồn thất nặng nữa: thường thì đã bị thương vong hoặc đau ốm. Sức chiến đấu ngày càng giảm đi mà nhiệm vụ của đại đội vẫn như cũ, tính theo quân số đầy đủ. Giờ đây mỗi một chiến binh phải gánh vác nhiệm vụ của sáu người. Không một ai chịu rớt lại sau hay ốm nằm xuống nữa. Sát thương được những chiến binh ấy không phải là chuyện dễ. Họ đã trở nên bất tử.

        Nói như vậy không có nghĩa là những người còn sống sót là những chiến sĩ ưu tú. Họ cũng giống như những bạn đồng đội đã từng sát cánh chiến đấu với họ và giờ đây đã bị thương vong. Nhưng, thừa hưởng được những kinh nghiệm chiến đấu quý giá, họ đã trở thành những chiến sĩ ưu tú.

        Đại đội 2 gồm chừng hai mươi chiến sĩ bất tử ấy. Quân số sở dĩ ít ỏi như thế còn do những điều kiện riêng biệt: vì khi chọc thủng phòng tuyến địch, trung đoàn đã tiến công ở đầu cánh phải của tập đoàn quân hay đúng hơn của cả mặt trận; tất nhiên các chiến sĩ không hề biết điều đó. Bên kia sông, một phương diện quân khác đang tiến lên, nhưng ngay sau đó các đơn vị này lại được lệnh chuyển hướng lên phía bắc. Vì vậy trung đoàn -  trong đó có đại đọi 2 - khi tiếp tục tiến lên thì bị hở sườn bên phải. Trung đoàn bị đại bác địch trong khu pháo đài Mốt-lin tập kích, đồng thời lại bị tổn thất thêm vì hỏa lực của quân địch đang rút lui.

        Tuy không phải là lần đầu tiên đi tác chiến, Trô-khốp vẫn không khỏi bực mình khi thấy quân số của đại đội trao cho anh quá ít. Anh nghĩ thầm mỉa mai: " Mình được đề bạt chỉ huy một tiểu đội ”.

        Các chiến sĩ thản nhiên nhìn kỹ thủ trưởng mới của mình, con người vừa hiên ngang vượt qua lạch nước trên cỗ xe kỳ dị. Điều làm cho họ chú ý nhất là nét mặt cương quyết, đôi mắt xám lạnh lùng và tất cả điệu bộ đầy vẻ tự mãn của đại đội trưởng.

        - Các trung đội trưởng đâu ? - Trô-khốp hỏi các chiến sĩ đứng tập hợp hàng ngang trước mặt, làm như anh chưa biết gì về quân số của đại đội.

        Đồng chí chuẩn úy, người cao lớn, giơ tay lên vành  mũ báo cáo không chút do dự :

        - Báo cáo đồng chí đại úy, không có. Chỉ còn tôi, quản lý đại đội và hai tiểu đội trưởng: thượng sĩ Xli- ven-cô và trung sĩ Gô-gô-bê-rít-đê. Thiếu úy Bác-xúc, trung đội trưởng cuối cùng đã bị thương, rời mặt trận trong trận đánh chiếm thành phố Brông-béc. Binh nhất Xê-mi- gláp phụ trách cấp phát thực phầm đại đội. Bí thư chi bộ là thượng sĩ xli-ven-cô. Tôi, chuẩn úy Gô-đu-nốp... báo cáo !

        Trô-khốp lạnh lùng ra lệnh: " Các đồng chí cởỉ giày và đi ngủ”.

        Nhưng không phải mọi người đều đi ngủ. Binh nhất Xê-mi-gláp, hai mươi tuổi, xúc động trước sự kiện vĩ đại là đã tiến vào đất Đức, nên không tài nào nhắm được mắt.

        Chiều hôm qua, Xli-ven-cô đã tổ chức một cuộc mít tinh ngắn nhưng rất sôi nổi để chào mừng sự kiện đó. Xê-mi-gláp rất cảm động. Mít tinh xong anh ở lại một hồi rất lâu trong xưởng sửa chữa ô tô phía đầu làng tìm được chiếc giũa vác ra giũa thử. Ở đấy ra, anh thở dài, nhìn hai bàn tay mình có vẻ không vui lòng rồi tâm sự vói Xli-ven-cô:

        - Quên sạch rồi... Tôi quên hết nghề thợ nguội rồi. Bậc ba cũng không được nữa.

        Xli-ven-cô an ủi:

        - Khi quay về nghề, cậu lại quen đi chứ... Lúc đầu vào lính, cậu chẳng bỡ ngỡ hay sao ? Ấy thế mà bây giờ thì thật như con hùm xám ấy? Còn như nghề thợ nguội rồi cậu sẽ quen thôi!

        Xê-mi-gláp bực bội vì đôi tay anh quá vụng về. Anh buồn bã lang thang trong làng, vào chơi các nhà. Sau khi tới thăm các pháo thủ và các chiến sĩ súng cối, anh báo tin có đại đội trưởng mới về. Trong một gian nhà hoang, anh tìm thấy một bộ quân phục lính SS1 mới toanh có đính chiếc chữ thập sắt. Trở về đại đội, anh báo cáo với đại úy.

        Đại úy ra lệnh: " Đốt gian nhà ấy đi ”.

------------------------
        1. Bộ đội hiến binh xung kích của Hít-le - N.D.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 16 Tháng Chín, 2017, 10:47:52 pm »


        Xli-ven-cô trợn mắt ngạc nhiên nhưng bình tĩnh phát biểu:

        - Đốt nhà ngay bây giờ tức là chiếu sáng cả làng, lộ mục tiêu, chỉ làm lợi cho quân địch.

        - Hừ, đồng chí sợ chủng nó à ? - Trô-khốp hỏi lại, mặt sầm xuống nhưng cũng không nhắc lại việc đốt nhà nữa.

        Được Xê-mi-gláp báo tin, các cán bộ pháo kéo đến; có đồng chí đội trưởng pháo chống tăng và trung úy chỉ huy súng cối. Họ báo cáo với đại đội trưởng tình hình "gia đình” họ, nghĩa là đơn vị họ, theo tiếng lóng của con nhà lính. Đạn dược hiện rất ít, tất cả chỉ còn một nửa cơ số; các đoàn tiếp vận lên chậm quá. Trên hứa sáng mai sẽ có.

        Làng xóm tắm mình trong ánh trăng. Số đông anh em thiêm thiếp ngủ. Riêng các đồng chí gác ngồi nép mình trong góc chiến hào phía ngoài làng, kẻ ở cạnh súng máy, người ở bên pháo chống tăng. Họ đưa mắt theo dõi đường viền lờ mờ của những cây cối và bụi rậm, thu lu trong ống tay áo điếu thuốc lá cuộn to tướng. Thỉnh thoảng bên ta mới trả lời súng cối của địch: đề tiết kiệm đạn mà.

        Sau khi tiễn các cán bộ pháo binh ra về, Trô-khốp vào nghỉ trên cái giường do chuẩn úy Gô-đu-nốp sửa soạn giúp. Mấy đồng chí tụ tập ngoài sân thì thầm bàn tán về đại úy mới.

        Trung sĩ Gô-gô-bê-rít-dê, người cao, mặt sạm nắng gió, có điểm bộ ria đen vểnh nhọn lên, phát biểu trước:

        - Ông này trông có vẻ cương quyết lắm đấy!

        - "Vua húc” đấy nhé! - Xê-mi-gláp tiếp thêm.

        Tất cả nhìn Xli-ven-cô: ý kiến đồng chí bí thư đối với họ rất quan trọng. Nhưng đồng chí này không muốn nhận xét quá hấp tấp nên chỉ nói:

        - Thời gian sẽ trả lời.

        Nhân dip đại đội trưởng mới tới, Gô-đu-nốp quyết định tổ chức một bữa liên hoan. Anh đã lên tiểu đoàn xoay xở lĩnh được ba mươi suất rượu trắng, tính theo quân số của đại đội tám ngày trước đây. Thấy dưới nhà để xe có đàn gà mái của chủ nhà bỏ chạy để lại, anh ra lệnh cho chiến sĩ Pi-tru-ghin:

        - Bắt lấy ba con và đem quay lên. Nhưng cẩn thận đấy, không được bắn gà đâu nhé, kẻo ầm lên làm mất giấc ngủ của đại úy nhà ta (anh gọi "đại úy nhà ta” nghĩa là đã công nhận đại úy như người thân trong đại đội rồi).

        Làm gà xong, chuẩn úy vào đánh thức Trô-khốp:

        - Báo cáo đại úy, đã chuẩn bị xong bữa ăn chiều.

        Trô-khốp giật mình nhổm dậy và xỏ chân vào ủng. Khi được biết gọi dậy để làm gì, anh lại tháo ủng, định từ chối nhưng nhìn thấy con gà quay và rượu trắng trong chiếc bình pha lê - tay chuẩn úy này quả là sành -  anh mới chợt nhớ ra là cả ngày hôm nay chưa có tí gì vào bụng. Anh bèn ngồi vào bàn.

        Bên kia bức vách, các chiến sĩ ngáy vang. Ngoài đường, không lúc nào ngớt tiếng chân người, tiếng hỏi của các đội tuần tra. Trong làng, nhan nhản lính thông tin, công binh, tải thương. Có tiếng xe cộ lọc cọc : đạn dược trên trung đoàn đã chuyển tới.

        Ba đồng chí trinh sát sư đoàn đóng ở gian nhà bên cạnh bước vào. Họ vừa được thay phiên ở đài quan sát bố trí trên nóc một vực thóc, phía đầu làng. Bây giờ họ về tìm lửa sưởi.

        Có tiếng gõ cửa. Một đội trinh sát khác của sư đoàn xuống, do đại úy Me-séc-xki chỉ huy. Hai đại úy tư giới thiệu với nhau. Sau khi hỏi tin tức mấy đồng chí trinh sát có nhiệm vụ theo dõi tình hình địch, Me-séc-xki nói :

        - Này, các cậu biết chưa, thiếu tá cận vệ đã về rồi đấy. - Và anh ân cần giải thích cho Trô-khốp nghe : -  Đồng chí đó là thủ trưởng của chúng tôi. Trên định cử đồng chí ấy về Viện hàn lâm quân sự, nhưng đồng chí ấy xin tiếp tục công tác.

        Cũng nên nhắc lại rằng đại úy trinh sát Me-séc-xki rất lịch sự và nói năng như có sách vậy. Đối với Trô-khốp, lịch sự là thứ đồ trang sức vô ích trên mặt trận. Nhưng anh cũng phải chịu đựng cách cư xử của Me-séc-xki, mặc dù anh không quen với cách đó, chỉ vì đồng chí này là trinh sát; chả là anh vốn rất mến phục những người trinh sát.

        Sưởi đỡ rét rồi, Me-séc-xki và đội trinh sát đứng lên. Được biết đội trinh sát sẽ tiến vào hậu phương địch, Trô-khốp hỏi Me-séc-xki:

        - Đồng chí cũng đi à ?

        - Nhất đinh có chứ.

        Trô-khốp bước ra cửa, đưa mắt nhìn theo đội trinh sát cho đến lúc khuất bóng họ mới thôi. Thượng sĩ Xli-ven-cô, bí thư chi bộ đại đội đang đứng dưới sân.

        Trô-khốp nói:

        - Đồng chí gác đấy à ?

        - Báo cáo đại úy, không. Chỉ vì tôi không tài nào ngủ được. - Im lặng một lát, anh nói tiếp: - Báo cáo đại úy, con gái tôi ở bên kia kìa.

        - Ở đâu?

        - Báo cáo tôi cũng không rõ... chỉ biết cháu nó bị bắt sang Đức thôi. Hôm qua từ khi phòng chính trị thông báo cho biết là chúng ta đã tiến "vào đất Đức thì tôi không tài nào nhắm được mắt nữa. - Anh cười khà một tiếng như để xin lỗi về tình cảm yếu ớt của mình - Tôi thực cũng ngớ ngẩn, không hiểu sao tôi lại cứ có cảm tưởng như là cháu nó ở trong một cái trại hay trong một làng nào chỉ cách đây độ nửa ki-lô-mét thôi.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM