Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Năm, 2024, 12:35:51 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Miền Trung những tháng ngày không quên  (Đọc 7611 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #80 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2022, 07:59:45 am »

Sáng ngày 2 tháng 10, chúng tôi đi trên đường từ khu vực trú quân đến thung lũng không mấy khó khăn, vì không gian chiến dịch trong khu tứ giác Plây Me - Bầu Cạn - Đức Cơ - Plây Thê rộng 1.200km vuông lúc này vẫn yên tĩnh, chiến dịch vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị, địch vẫn chưa biết gì về ý đồ cụ thể của ta. Nhưng từ thung lũng tỏa đi các nơi để khảo sát, nghiên cứu, chúng tôi phải nghiêm túc thực hiện ba không: đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng đề phòng biệt kích và thám báo địch.

Ia là sông, Đrăng là tên con sông. Thung lũng mang tên Ia Đrăng, bởi dòng chảy của con sông hội tụ hầu hết các dòng chảy của các khe suối lớn nhỏ của thung lũng. Ia Đrăng chảy giữa thung lũng hùng vĩ, nên thơ mà dữ dằn, màu mỡ mà khắc nghiệt. Sông Ia Đrăng rộng từ 50 - 100 mét, chảy từ đông sang tây đi vào nước bạn Cam-pu-chia, và ở đó nó dồn nước vào sông Mê Công rồi quanh co uốn khúc quay trở lại Nam Bộ, đến hạ lưu tách thành chín dòng chảy ra biển, bởi thế đồng bào Nam Bộ đã hình tượng hóa nó thành chín con rồng - sông Cửu Long và đất Nam Bộ còn gọi là đồng bằng sông Cửu Long.

Bây giờ đang là mùa khô, chúng tôi qua sông thật dễ dàng, không gây trở ngại cho việc cơ động lực lượng, Nhưng vào mùa mưa thì ngược lại, nước đầy ắp và chảy xiết, ào ào như thác đổ.

Rừng khoọc, thưa (mùa khô lá rụng càng thưa) mọc khắp thung lũng, trải dài hai bờ sông Ia Đrăng. Dưới tán rừng khoọc có nhiều bãi cỏ ngập đầu, nhiều kiến và gò mối to nhỏ khác nhau, có tổ mối hình thù như chiếc ô tô tải thuận lợi cho tiếp cận, ẩn nấp, bám địch. Còn lính Mỹ thì khiếp sợ những cánh rừng nhiệt đới nhiều tầng, mặt trời không chiếu qua, đất ẩm thấp và nhiều muỗi độc.

Ngoài cái chung, khu vực “Tia X” (bãi 1) cũng có những đặc điểm riêng. Là bìa nam của thung lũng, khu vực “Tia X” giáp sườn bắc núi Chư Pông. Từ phía tây tiến vào là lòng sông cạn sâu tới ngực, rộng 3,5 mét là đường tiếp cận mục tiêu tuyệt vời đến từ hướng núi. Tiếp đến là rừng cây xen lẫn những đám cỏ voi màu nâu mọc giữa những thân cây khẳng khiu cao từ 3-5 mét. Rải rác trong khu vực là những gò đất đỏ, bụi rậm, gò mối, những đám bùng nhùng của các dây leo “chờ một phút”(1). Địa hình phía bắc, phía đông và phía nam tương đối bằng phẳng, không có lòng suối cạn. Rìa phía nam của bãi “Tia X” gần núi và những đồi đất. Vượt qua các chướng ngại vật kể trên, chúng tôi tiến vào khu đất trống đã phát hiện qua bản đồ trên thực địa dài khoảng 360 mét tính từ đông sang tây, có dạng hình phễu. Miệng phễu nằm ở phía tây gần lòng sông cạn rộng khoảng 345 mét. đáy phễu rộng 152m. Nằm ở phía đông trung tâm của khu đất trống là một đám cây khẳng khiu, kích thước bằng nửa sân ten-nít. Tất cả không gian khu “Tia X” không lớn hơn một sân đá bóng. Đây là khu vực hạ cánh lớn nhất trong thung lũng, có thể cùng một lúc hạ cánh được 8-10 trực thăng.

Qua ba ngày khảo sát, chúng tôi đã lội bộ khắp nơi trong thung lũng, dừng lại ở những điểm dự kiến địch đổ bộ đường không, đặt trận địa pháo và những đường địch chuyển quân, cơ động lực lượng thực hành “tìm diệt”.

Nhìn tổng thể, Ia Đrăng là một thung lũng tương đối bằng phẳng, cơ động thuận tiện, địch có thể đổ bộ bằng trực thăng. Tuy nhiên, do bị rừng núi và sông ngòi chia cắt, nên các bãi đổ quân không rộng, chỉ có ba khu vực trống, địch có thể thực hành đột kích đường không là bãi “Tia X” (bãi 1), bãi Tăng-gô (bãi 2), bãi Yăng-ki (bãi 3) trong đó khu vực “Tia X” là khu vực đổ quân chính vì mặt bằng phẳng, tương đối rộng; còn Yăng-ki và Tăng-gô chỉ là điểm hạ cánh phụ do mặt bằng hẹp, lại nằm trên đường đất dốc. Các khu vực làng Gà, Quynh Kla sẽ đặt trận địa pháo yểm trợ cho việc đổ quân và ngăn chặn ta tập kích vào “Tia X” khi địch phải co vào đóng quân dã ngoại.

Địa hình phức tạp, có nhiều hạn chế về mặt bằng không cho phép địch đổ quân ồ ạt trên một khu vực, mà phải đổ quân nhiều lần trong một khu vực; khi cần địch có thể đổ quân ở các bãi phụ nhằm hình thành thế bao vây, chia cắt để thực hiện nhiệm vụ “tìm diệt”.

Từ đó, chúng tôi thống nhất một phương án bố trí đội hình chiến đấu theo thế chân kiềng:

Tiểu đoàn 9 đứng cách “Tia X” khoảng 1,5 ki-lô-mét về phía tây; tiểu đoàn 7 đứng cách “Tia X” 2 ki-lô-mét về phía đông nam, hình thành thế trận đánh địch đổ quân xuống bãi “Tia X” từ 2 hướng; tiểu đoàn 8 đứng chân ở Ba Bỉ, cách “Tia X” 3 ki-lô-mét về phía bắc làm ba nhiệm vụ: lực lượng dự bị của trung đoàn 66, đánh địch đổ quân phân tán lực lượng chúng hỗ trợ bạn quân và sẵn sàng phục kích diệt địch khi chúng di chuyển từ “Tia X” rút về; sở chỉ huy trung đoàn đứng chân ở làng Tung một.

Sở chỉ huy sư đoàn đứng ở sườn bắc dãy núi Chư Pông, cách “Tia X” 3 ki-lô-mét về phía đông nam, cách sở chỉ huy tiền phương chiến dịch khoảng 300 mét để tiện phối hợp chỉ huy đánh địch ở bãi đổ quân chủ yếu này.


(1) Lính Mỹ khi đi qua đám bùng nhùng của các dây leo đều phải dừng lại “chờ một phút” khắc phục, chặt phá mới đi tiếp được.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #81 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2022, 08:00:56 am »

Sau bước khảo sát thực địa và xây dựng kế hoạch chiến đấu, tranh thủ thời gian còn yên tĩnh, sư đoàn tổ chức cho cán bộ chỉ huy từ cấp trung đội trở lên tiếp cận khu vực thung lũng Ia Đrăng nhằm tạo điều kiện để cán bộ chỉ huy nắm được địa hình, đường sá chính mà địch có thể cơ động lực lượng, những nơi địch có thể đặt trận địa pháo; và chủ yếu chúng tôi tập trung giới thiệu đặc điểm địa hình nơi dự kiến địch đổ quân thực hành không kích đường không; đồng thời giao luôn nhiệm vụ chiến đấu ngay trên thực địa cho các đơn vị được phân công đảm trách từng khu vực bãi trống. Lường trước nếu cuộc chiến xảy ra sẽ rất gay go, phức tạp và cực kỳ khẩn trương; vì kẻ địch không cam chịu thất bại, được trang bị vũ khí hiện đại đến tận răng, có phương tiện vận chuyển cơ động là những con “ngựa bay”, chở được nhiều quân lính, nhanh chóng “cẩu” cả pháo 105 mi-li-mét xuống bất cứ đâu, chúng sẽ ngoan cố chống trả quyết liệt với những thủ đoạn dã man, tàn bạo; nên khi giao nhiệm vụ, chúng tôi chú ý gợi ý mọi người phát huy dân chủ bàn bạc cho hết lẽ rồi mới kết luận để các đơn vị chủ động xử trí. Chỉ thỉnh thị xin ý kiến cấp trên khi gặp tình huống ngoài điều đã bàn. Ngay cả thay thế chỉ huy, chúng tôi cũng nêu nhiều trường hợp: cấp trưởng hy sinh, cấp phó thay; cấp trưởng phó hy sinh, cấp trưởng phó cấp dưới lên thay, cứ theo thứ tự dưới thay trên; hết cán bộ, chiến sĩ chủ động thay để bảo đảm chỉ huy liên tục.

Cho đến ngày 5 tháng 10, toàn bộ bước chuẩn bị chiến đấu đã được hoàn tất. Mọi người háo hức chờ ngày mở màn chiến dịch với một quyết tâm và lòng tin mới.

Ngày 8 tháng 10, Bộ chỉ huy chiến dịch triệu tập họp cán bộ từ cấp chỉ huy tiểu đoàn trở lên để quán triệt chủ trương, kế hoạch chiến dịch tiến công Plây Me đã được thai nghén sau đợt hoạt động quân sự Hè năm 1965 đến nay mới được hoàn tất. Cuộc họp được tiến hành tại khu rừng nguyên sinh Plây Thê, cách Đức Cơ 10 ki-lô-mét về phía tây, cách Plây Me 25 ki-lô-mét về phía bắc mà địch vẫn không hể hay biết.

Đúng là “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” như nhà thơ Tố Hữu khẳng định. Một bãi rộng vừa phải được phát quang đủ cho hơn một trăm người hội họp và nghỉ ngơi được ẩn dưới tán ba tầng cây rừng nhiệt đới kín đến mức mặt trời không chiếu tới; trên thân cây kền kền có đường kính hai người ôm đính tấm sơ đồ và dưới gốc cây là một sa bàn thu hẹp mô phỏng toàn cảnh đồn Plây Me và vùng phụ cận, minh họa bố trí các mũi tiến công và hiệp đồng giữa các lực lượng. Không gian yên tĩnh muôn thuở của khu rừng Plây Thê bỗng rộn lên tiếng cười nói râm ran hết cỡ của những người dự họp. Ai cũng cảm thấy nơi đây như một ốc đảo hòa bình giữa biển lửa chiến tranh. Đầu óc được thư giãn, tâm hồn được thanh thản, thoảng có phút giây nhớ về gia đình, vợ con và cả những dự kiến về một cuộc sống mai hậu... nói cười được bung ra hết cỡ. Hiềm một nỗi là thiếu một điếu thuốc lá Điện Biên, một hơi thuốc lào Tiên Lãng, ấm trà Hồng Đào Hà Nội...

Thời gian trôi đi thật nhanh. Sau khi kết thúc ba buổi nghiên cứu, thảo luận, chiều nay buổi thứ tư của hai ngày làm việc, mọi người đã tề tựu đông đủ chờ Thủ trưởng Chu Huy Mân nói chuyện, vẫn khuôn mặt nghiêm nghị bề ngoài nhưng cởi mở, dễ gần, mở đầu, anh Mân biểu dương những người dự họp đã đóng góp hết mình làm phong phú các vấn đề nêu trong kế hoạch chiến dịch và cách đánh chiến dịch. Anh cho đây như một nguyên nhân được báo trước rằng chiến dịch mở đầu đánh Mỹ ở Mặt trận Tây Nguyên nhất định thắng vì mọi người dự họp đã xác định quyết tâm cao. Ngừng một lát, như để chia sẻ niềm vui với các cử tọa, anh sôi nổi nói, ngắn gọn mà rõ khiến chúng tôi cũng nhận thức sâu sắc và trách nhiệm phải làm của mình khi chiến dịch mở màn: Chúng ta đang ở vào thời kỳ sôi động của đất nước đang có những bước phát triển mới, còn về phía địch thì ngược lại. Do chiến lược “chiến tranh đặc biệt” bị phá sản, quân ngụy Sài Gòn đang trên đà suy sụp không có gì ngăn cản nổi, Nhà Trắng buộc phải chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân viễn chinh Mỹ vào trực tiếp xâm lược miền Nam nước ta. Vì thế, đối tượng tác chiến của chiến dịch không phải chỉ có quân ngụy, mà chính là quân Mỹ bằng xương bằng thịt. Đó là sư đoàn kỵ binh bay số 1 Mỹ đã kéo đến An Khê, đang ráo riết âm mưu đánh chiếm Tây Nguyên. Khả năng trước mắt, quân Mỹ có thể đứng phía sau, giữ đô thị và các căn cứ, hậu cứ, đẩy quân ngụy ra phía trước chịu đòn. Rõ ràng tình hình đã và đang đặt ra cho các lực lượng chiến dịch nói chung và từng đơn vị nói riêng, là phải sẵn sàng tiến công cả hai đối tượng, đánh đối tượng này tạo điều kiện diệt đối tượng kia, cụ thể là:

- Trung đoàn 33 mở ngòi chiến dịch, tiêu diệt đồn Chư Ho, bao vây đánh mẻ (chứ không tiêu diệt) Plây Me đến mức buộc quân ngụy phải ra ứng cứu.

- Trung đoàn 320 đánh thật đau lực lượng ngụy ra ứng cứu (có thể là 1 chiến đoàn) làm cho chúng không còn đủ khả năng, buộc Mỹ phải ra thay ngụy để giữ bằng được Plây Me mà địch từ lâu đã xác định không để mất tiền đồn quan trọng này.

- Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304) mới từ miền Bắc vào còn sung sức đảm trách nhiệm vụ trực tiếp đánh Mỹ, cần tiếp tục chuẩn bị tốt hơn nữa cả về quyết tâm đánh Mỹ và cách đánh để thắng chúng. Bộ chỉ huy chiến dịch sẽ điều Mỹ ra địa hình thích hợp, tạo thuận lợi cho trung đoàn, nhưng các đồng chí phải có tinh thần quyết đánh thắng trận đầu, tiêu diệt cỡ tiểu đoàn, bắt sống tù binh. Đây là trận then chốt phải thắng thật giòn giã để kết thúc chiến dịch. Dự kiến này có thành hiện thực hay không, đòi hỏi các đơn vị phải cố gắng thật cao, trước hết hoàn thành nhiệm vụ mà mình được phân công; đồng thời thực hiện nghiêm kế hoạch hiệp đồng tạo thuận lợi cho nhau hoàn thành nhiệm vụ chung của chiến dịch.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #82 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2022, 08:01:55 am »

Tư lệnh kết luận: Tây Nguyên thời kháng chiến chín năm đã là một trong những chiến trường tiêu diệt lớn quân Pháp mà đỉnh cao là trận phục kích diệt gọn binh đoàn cơ động 100 tại đèo Măng Giang trên đường 19, góp phần xứng đáng vào sự cáo chung của chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương. Tây Nguyên thời chống Mỹ, cứu nước ngày nay cũng sẽ là nơi đánh đau quân đội viễn chinh Mỹ. Trước mắt, chúng ta thực hiện cho được một trận đánh áp đảo tinh thần, đánh bại ý chí xâm lược của chúng, góp phần làm phá sản âm mưu đánh chiếm “nóc nhà Đông Dương” để giành quyền kiểm soát chiến trường Đông Dương của chúng.

Hy vọng ý tưởng chiến dịch tiến công Plây Me được chúng ta đồng lòng nhất trí cao trong cuộc họp lần cuối cùng này sẽ thành hiện thực.

Dưới cánh rừng già im ắng lại râm ran tiếng nói cười, tiếng vỗ tay hồi lâu. Đồng chí Thủ trưởng chiến dịch cũng vỗ tay hòa vào cái âm vang của nhiều cánh tay của các cử tọa. Anh Mân nghiêm trang nói: Tiêu diệt gọn đơn vị địch là ta phải bắt tù binh. Để ghi nhớ thực hiện triệt để quyết tâm này, tôi xin trao dây trói tù binh cho các trung đoàn 33, 320, 66...

Rồi anh giơ tay vẫy vẫy ra hiệu im lặng. Trật tự nhanh chóng được lập lại. Anh lại dõng dạc mà thân mật, tình cảm: Tôi xin chuyển ý kiến của anh em trong bộ phận hậu cần chiến dịch có nhã ý mời tất cả chúng ta vui vẻ ở lại dự bữa cơm thân mật đánh dấu buổi gặp mặt đầy ấn tượng này. Nhưng đã nhận thì phải thực lòng, ai dùng không hết có quyền mang về, cấm không được làm khách, không được bệnh sĩ.

Đúng là một bữa liên hoan mang đậm màu sắc dã chiến nhưng thật đã. Thịt trâu, thịt lợn, cá khô chiên giòn, món nào cũng nhiều, đầy ú ụ bày trên các tàu lá chuối rừng. Điều thú vị bất ngờ nữa là có cả chất cay, tuy không nhiều nhưng làm cho buổi tiệc thêm rôm rả. Đã gần hai tháng không có chất tươi vào người thấy mỏi mệt, khớp chân, khớp tay như muốn rơi ra, thì hôm nay thoải mái, không cần giữ kẽ “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” nữa. Cứ là thả sức. Ấy thế mà vẫn có người phải mang về vì đã được phép của Tư lệnh.

Cuộc liên hoan kết thúc vào lúc chiều muộn. Chúng tôi ai nấy đều lưu luyến nắm tay nhau lắc mạnh hẹn gặp nhau trong thắng lợi; lưu luyến cánh rừng Plây Thê giàu tiềm năng mà khiêm tốn, ẩn chứa bao cảnh bao tình thật khó quên khi phải xa nó.

Sau cuộc họp cuối cùng này nhịp độ chuẩn bị được tiến hành khẩn trương, các đơn vị chuyển dần vào mục tiêu được phân công, ngày mở màn chiến dịch không còn xa nữa.

Ngày 18 tháng 10, theo kế hoạch chung, sở chỉ huy nhẹ Sư đoàn 304 và trung đoàn 66 từ làng Nhịp (khu vực trú quân) lật cánh sang phía đông tiến vào thung lũng Ia Đrăng gần như không có khó khăn gì đáng kể. Cuộc hành quân chiếm lĩnh vị trí xuất phát tiến công cứ như cuộc hành quân diễn tập thực binh trong khoa mục trung đoàn vận động tiến công hồi còn ở ngoài Bắc trong thời kỳ xây dựng quân đội tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chính quy, hiện đại. Bãi “Tia X “ được xem như là thao trường của cuộc diễn tập, vì lúc này chưa có địch; chỉ huy các cấp tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn thoải mái đưa dẫn đơn vị mình vào các vị trí chiến đấu, hướng dẫn bộ đội đào hầm hào, ngụy trang trận địa...

Ngày 19 tháng 10, ngày mở màn chiến dịch đã đến, giờ nổ súng chỉ còn ít phút nữa. Tất cả các lực lượng chiến dịch đã vào trận, nghiêm túc và sẵn sàng chờ giờ G (giờ nổ súng) đang chỉ còn trong tích tắc. Với chúng tôi - trung đoàn 66 thì thật mà vẫn như không thật, cả đêm ngày 19 rạng ngày 20 tháng 10, chúng tôi thức trắng ung dung “tham quan” cái giờ nổ súng tiến công Tân Lạc trước, kế đó là tiến công Chư Ho, thực hành bao vây Plây Me. Cuộc chiến đấu ác liệt tăng dần lên. Ba ngày 20, 21, 22 viện binh ngụy chưa đến, địch dùng 360 lần chiếc máy bay phản lực bắn phá hỗ trợ cho quân đồn trú Plây Me nống ra phản kích. Nhưng chúng tôi cứ như thể thê đội hai, thê đội ba đang còn ở phía sau, còn lâu mới giáp trận. Chỉ có điều là phải cảnh giác vì hàng ngày máy bay trinh sát đã bay qua trận địa “Tia X” vào sâu khu vực núi Chư Pông, rất có thể địch đang chuẩn bị cho các phi vụ B.52 rải thảm phía sau đội hình chiến dịch. Chưa trực tiếp đánh địch mà lại bị thương vong do máy bay chiến lược B.52 rải thảm thì cực kỳ vô lý. Chính vì thế, chúng tôi được lệnh là tạm rút ra, nhưng tất cả sẵn sàng khi có lệnh là trở lại ngay được.

Đêm ngày 23 tháng 10, chúng tôi tạm rút khỏi khu vực bãi “Tia X” thì sáng ngày 24, Bộ tư lệnh chiến dịch thông báo: Ngày 23 tháng 10, trung đoàn 320 đã thắng lớn trên tỉnh lộ 21, tiêu diệt chiến đoàn thiết giáp 3, 1 tiểu đoàn, 1 đại đội quân ngụy trên đường đến giải vây cho đồn Plây Me. Sư đoàn hãy sẵn sàng, khả năng chỉ một vài ngày tới Mỹ sẽ nhảy vào vòng chiến...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #83 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2022, 08:05:03 am »

Đúng như dự kiến, ba ngày sau trận quân ngụy bị đòn đau, tướng Oét-mo-len, tư lệnh quân viễn chinh Mỹ tức tốc bay lên Tây Nguyên, ra lệnh cho trung tướng Ha-ri Kin-na, tư lệnh sư đoàn kỵ binh bay số 1: “Phải đi tìm địch và cướp lấy quyền chủ động về tay mình”(1); đồng thời quân ngụy Sài Gòn cũng đình chỉ cuộc hành quân ở Bồng Sơn (Bình Định) đưa chiến đoàn thủy quân lục chiến lên Plây Cu. Theo lệnh tướng Ha-ri Kin-na, cuối tháng 10, lữ đoàn 1 sư đoàn kỵ binh số 1 do đại tá Stốc-tơn (Stockton) chỉ huy đã đổ quân xuống Plây Cu tham gia giải vây cho Plây Me. Từ ngày 28 tháng 10 đến ngày 10 tháng 11, lữ đoàn 1 sử dụng lực lượng nhỏ cỡ trung đội, đại đội đổ bộ bằng trực thăng xuống những nơi nghi vấn có đối phương nhằm thực hành “tìm diệt”, từng hước tìm cách giành lại quyền chủ động, chuẩn bị cho đòn phản đột kích chiến dịch của lữ đoàn 3. Nhưng những cuộc đổ bộ đường không nhỏ lẻ theo kiểu “nhảy cóc” đó chẳng những không “tìm diệt” được đối phương(2) mà còn bị đối phương đánh trả gây nhiều thiệt hại, khoảng 5 trung đội lính Mỹ bị loại khỏi vòng chiến. Riêng trận “nhảy cóc” vào bệnh viện trung đoàn 33 ngày 11 tháng 11 có gây cho ta một số tổn thất. Nhưng liền sau đó đã bị trung đoàn 33 phản công trong nhiều giờ, làm 11 lính Mỹ chết, 55 lính Mỹ bị thương”(3). Đặc biệt, trận ngày 3 tháng 11, tiểu đoàn 8 trung đoàn 66 đã diệt 1 trung đội Mỹ, phá hủy 2 máy bay lên thẳng...

Sau những thất bại kể trên, ngày 6 tháng 11 tướng Ha-ri Kin-na đã lệnh điều lữ đoàn 1 kỵ binh bay trở lại An Khê, đưa lữ đoàn 3 vào thay thế. Nhưng mãi đến ngày 10 tháng 11 mệnh lệnh mới có hiệu lực, khi lữ đoàn 3 do đại tá Tim Brao chỉ huy chính thức đổ quân xuống Bầu Cạn, chuẩn bị cho cuộc phản kích mới vào khu vực thung lũng Ia Đrăng.

Ngày 10 tháng 11 toàn trung đoàn 66 được lệnh trở lại Ia Đrăng. Tiến vào, rút ra lại tiến vào. Bất quá tam, chắc lần này không rút ra nữa. Vì chiến dịch đã chuyển sang giai đoạn 2 - trực tiếp đánh Mỹ, hơn nữa lại đọ sức với sư đoàn siêu mạnh(4), mang cái tên thật ngạo mạn - sư đoàn kỵ binh không vận số 1 Mỹ.

Về bố trí lực lượng không có gì xáo trộn, các tiểu đoàn đã vào chiếm lĩnh các khu vực được giao.

Tất cả đều trong tư thế sẵn sàng cao.


(1) Oét-mo-len, Tường trình của một quân nhân, chương 8.
(2) Cùng ngày 26 tháng 10, Bộ tư lệnh chiến dịch xác định nhiệm vụ bao vây Plây Me đã hoàn thành, cho mở vây Plây Me và điều 2 trung đoàn 33, 320 xuống đứng chân ở khu vực trung tuyến (đông bắc và đông nam suối Ia Mơ) và vùng hậu tuyến thuộc địa khu từ bắc đông bắc Chư Pông đến thung lũng Ia Đrăng, tập trung lực lượng đánh bại cuộc phản kích tiếp theo của địch, nên lữ đoàn 1 kỵ binh bay đã “nhảy cóc” vào nơi không có đối phương.
(3) Hơ-rôn Mo (Harolơ G.Moore) và Giô-dép Gơ-lâu-ây (Josepe Galoway), Đã một thời chúng tôi là người lính... và trẻ trung (We were soldies once... and young), Nxb Random House, New York – Bản dịch của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, 1993, tr. 28.
(4) Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 (còn gọi là binh đoàn cơ động đổ bộ bằng máy bay lên thẳng) được thành lập ngày 1 tháng 1 năm 1965. Sư đoàn gồm 15.787 người, trang bị 434 máy bay lên thẳng, 1.800 xe quân sự, 2 tiểu đoàn pháo 105mm. Có 11 chiếc trực thăng vũ trang UH1B. Mỗi chiếc trực thăng vũ trang UH1B tương đương với 2 đại đội pháo 105mm (12 khẩu).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #84 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2022, 08:07:22 am »

3

Đêm ngày 13 tháng 11 năm 1965, không khí trong sở chỉ huy nhẹ Sư đoàn 304 ồn ào, sôi động như mọi đêm áp trận. Ai cũng thao thức bàn tán chuyện đợt một chiến dịch kết thúc quá đẹp, mọi diễn biến đúng như dự kiến. Nhưng rôm rả, sôi động hơn vẫn là chuyện đang tới cùng với những dự kiến sắp tới. Lữ đoàn 1 đã cuốn gói về An Khê, lữ đoàn 3 sư đoàn kỵ binh bay số 1 do đại tá Tim Brao chỉ huy đã đặt hậu cứ ở Bầu Cạn, bao giờ thì thọc xuống Ia Đrăng? Đã ba ngày trôi qua rồi, hay là chúng thay đổi kế hoạch, nếu thế thì uổng công chuẩn bị của ta sẵn sàng “tiếp” chúng.

Riêng tôi linh cảm như mách bảo đang có chuyện gì đó rất hệ trọng sắp xảy ra, nên sau khi trao đổi với Tư lệnh Hoàng Kiện, tôi động viên bộ phận anh nuôi: Gì thì gì, ngày mai các đồng chí phải chuẩn bị cho cả hai bữa ăn sáng và trưa. Phòng xa vẫn hơn, nếu địch đến ta không bị động về cái ăn.

Một đêm áp trận qua nhanh, chủ nhật ngày 14 tháng 11 đã đến. Không khí ban mai hơi se lạnh nhưng thoáng đãng, trong lành. Từ sườn núi Chư Pông nhìn xuống thung lũng sương mai phủ kín bồng bềnh như một biển mây. Rồi mặt trời ló rạng, báo hiệu một mùa khô Tây Nguyên lại đến với những ngày dài đỏ lửa, thiêu đốt mọi cỏ cây hoa lá nơi đây. Thinh không tĩnh lặng, bầu trời trong xanh bỗng có tiếng động cơ máy bay từ hướng đông nam vọng lại, bay rất cao ngang qua sườn bắc Chư Pông, vọt lên phía Đức Cơ bất thần quặt lại sà thấp trên khu vực “Tia X”.

- Máy bay trinh sát - Tôi phán đoán.

- Đúng, địch trinh sát trước khi chúng đổ quân - Anh Hoàng Kiện khẳng định rồi quay sang trưởng ban tác chiến - Nhắc các đơn vị chú ý theo dõi.

Lúc ấy là 8 giờ 30 phút sáng. Rồi tin tức từ tình báo chiến lược, trinh sát Quân khu 5, trinh sát Mặt trận B3 thông báo: Tiểu đoàn 1 lữ đoàn 3 đang tập trung ở sân bay Plây Me chuẩn bị đổ quân xuống “Tia X”; đồng thờ trực thăng Si-núc (cần cẩu bay) đang hối hả cẩu 12 khẩu pháo 105 mm xuống tây nam Quynh Kla (địch gọi là Columbus) và đông nam Ia Đrăng (địch gọi là Falcon) thành hai trận địa pháo hỗ trợ cho cuộc đổ quân. Các tiểu đoàn 2 (trung đoàn 7), tiểu đoàn 2 (trung đoàn 5) của lữ đoàn 3 đứng phía sau làm lực lượng dự bị sẵn sàng chữa cháy, khi cần đổ quân xuống tăng viện cho tiểu đoàn 1.

Không khí làm việc trong sở chỉ huy nhẹ Sư đoàn 304 bỗng sôi động, khẩn trương và nghiêm túc hẳn lên. Tất cả đang sẵn sàng chờ đợi cái phải đến đang đến gần. Không gian vang động tiếng động cơ của đủ loại máy bay tạo thành âm thanh ầm ì kéo dài nghe nặng nề. Khoảng hơn 10 giờ sáng tiếng nổ rộ lên ở khu bãi trống “Tia X”, pháo 105 mi-li-mét, trực thăng vũ trang phóng rốc-két, xả súng máy xuống các khu vực xung quanh. Địch bắn dọn bãi kéo dài khoảng gần nửa tiếng đồng hồ.

Đài quan sát của ta đặt trên đỉnh núi Chư Pông cao 732 mét lúc này đang làm việc hối hả hết công suất, nhử nó và kết hợp tin tức trinh sát chiến dịch thông báo và sau này được tiếp xúc với các tài liệu của địch mà chúng tôi nắm được diễn biến quá trình địch đổ quân.

10 giờ 48 phút, 8 trực thăng hạ cánh xuống “Tia X”đổ bộ phận đi đầu của 2 đại đội A(1) và B. Trung tá Hơ-rôn Mo chỉ huy tiểu đoàn 1 nhảy xuống từ chiếc trực thăng đầu tiên để chỉ huy nhiệm vụ “tìm diệt”. Mười giây sau đó, 8 trực thăng đổ tiếp đợt 2; 11 giờ 30 phút, 16 trực thăng đổ quân đợt 3; 12 giờ 10 phút đổ quân đợt 4...

Tuy phải căng thẳng theo dõi địch đổ quân nhưng chúng tôi cũng yên tâm, phấn khởi, tự tin rằng mình đã xác định đúng khoảng trống địch phải đổ quân và đã chủ động đưa lực lượng đến trước hình thành thế trận ém sẵn, đánh được ngay khi chúng mối đổ quân. Nhưng cũng thật sự băn khoăn, lo lắng vì theo kế hoạch sáng nay giữa chỉ huy trung đoàn và tiểu đoàn, còn phải gặp nhau để thống nhất kế hoạch hiệp đồng bổ sung; cử người đi lấy gạo vì lượng dự trữ vừa hết. Rất có thể trục trặc về chỉ huy, về quân số tham gia chiến đấu!?

Chúng tôi càng bồn chồn đứng ngồi không yên vì đã gần 2 tiếng kể từ đợt đầu địch đổ quân mà vẫn chưa thấy động tĩnh. Hay là có khó khăn gì mà đơn vị chưa báo cáo. Mãi 1 giờ hơn, khi địch bắt được một chiến sĩ trinh sát của ta đang làm nhiệm vụ ở gần lòng suối cạn thì tiểu đoàn trưởng Mo thực sự hoảng hốt, tức tốc điều quân lên phía núi, đại đội B triển khai bên phải mục tiêu (cơ quan tiểu đoàn bộ tiểu đoàn 9), đại đội A chuẩn bị sẵn sàng triển khai sang bên trái mục tiêu với ý định phải tiến công trước không để đối phương (tức tiểu đoàn 9) áp sát khu vực hạ cánh, vì “vùng đất trống (chỉ “Tia X”) kích thước bằng một sân bóng đá này là đường sống, đường tiếp tế của chúng tôi, nếu để đối phương khóa đường đến của những chiếc trực thăng thì tất cả chúng tôi sẽ chết tại đây”(2).


(1) Cấp đại đội trong quân đội Mỹ lấy phiên hiệu thống nhất theo vần Alphabe: Đại đội Alpha, đại đội Bravo, đại đội Charlie, đại đội Delta, gọi tắt là đại đội A, đại đội B, đại đội C, đại đội D.
(2) Sách đã dẫn, tr. 70.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #85 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2022, 08:08:48 am »

Về phía ta, lúc đầu có lúng túng vì sự việc diễn biến quá nhanh nhưng giây phút đó diễn ra không lâu. Đồng chí trợ lý chính trị tiểu đoàn Vũ Thanh Xuân chủ động đứng ra nhận trách nhiệm chỉ huy cán bộ, chiến sĩ cơ quan tiểu đoàn bộ chiếm lĩnh trận địa chiến đấu chặn địch. Trung đội 1 đại đội 13 cùng với tiểu đoàn bộ đánh chặn địch quyết liệt, địch đã bị thương vong hiệp đồng theo tiếng súng, đại đội 13 vận động nhanh chóng đến chi viện cho tiểu đoàn bộ, 1 trung đội đánh vào sườn trái quân địch, thực hiện đánh gần, dùng lưỡi lê, lựu đạn diệt địch. Có thêm lực lượng, ta phát triển thế tiến công dồn trung đội 1 đại đội B vào thế bị bao vây, buộc chúng phải đưa trung đội 2 vào cứu nguy. Số lính Mỹ thương vong ngày càng nhiều vượt quá khả năng y tế phía trước, địch phải đưa y tế và cả bác sĩ ở phía sau lên cứu chữa.

Đến 1 giờ 30 phút chiều tình hình càng sáng sủa. Liên lạc giữa các đơn vị với sở chỉ huy sư đoàn đã được nối thông, tất nhiên là tương đối. Thực hiện tập trung lực lượng, cả ba đại đội 11, 12, 13 cùng với cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn bộ tiểu đoàn 9 đã mở đợt tiến công đánh vào 2 trong số 3 trung đội của đại đội B. Đến 2 giờ chiều ta liên tiếp mở 4 đợt tiến công đánh vào bên sườn đại đội đi đầu, dồn trung đội 1 vào cái thế mà Đil, viên trung úy chỉ huy trung đội này phải kêu cứu: Chúng tôi đã cố gắng làm hết sức mình nhưng cuối cùng do thương vong, chúng tôi phải dừng lại, hãy cho chúng tôi rút khỏi nơi đây. Trung đội 2 trên đường đi cứu nguy cho trung đội 1 đã bị tiểu đoàn 9 đánh chặn, đẩy ra khỏi vành đai bảo vệ của khu vực “Tia X”, cắt rời khỏi đại đội B.

Quân địch từ chỗ hung hăng muốn dồn sức đánh lên phía núi “tìm diệt” đối phương đã phải chững lại trước diễn biến bất lợi không ngờ đối với chúng. Trung đội 2 đang bị ta quây lại ở lòng suối cạn như một cú sốc đối với tiểu đoàn trưởng Mo: Không một sự kiện đơn lẻ nào lại ảnh hưởng đến hình thái cuộc chiến tranh lớn hơn việc trung đội 2 của trung úy Hen-ry Ê-rích bị cắt rời khỏi đại đội B.

Có thể nói, từ đây cho đến khi màn đêm buông xuống, cuộc đụng độ giữa ta và địch chủ yếu diễn ra giữa một bên dốc toàn lực cho yêu cầu phải cứu trung đội 2 và một bên tìm mọi cách, dù phải xả thân duy trì một hiện trạng trung đội 2 địch bị cắt rời khỏi đại đội B ở lòng suối cạn càng lâu càng tốt, một lợi thế được xem là “khu phi quân sự” để ta an toàn tiếp cận đánh sâu vào vành đai bảo vệ của địch, tiêu diệt và tiêu hao quân địch.

Cho đến lúc này, 3 trong 4 đại đội của tiểu đoàn 1 đã bị thương vong, số sống sót tinh thần rệu rã, lữ đoàn 3 phải tăng viện cho tiểu đoàn trưởng Mo đại đội B của tiểu đoàn 2.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của anh Hoàng Kiện, Tư lệnh sở chỉ huy nhẹ Sư đoàn 304, tranh thủ lúc địch hoang mang dao động, tiểu đoàn 9 mở đợt tiến công thứ bảy đánh vào đại đội A, đại đội C ở lòng sông cạn, gần khu vực hạ cánh “Tia X”. Viên đại úy chỉ huy đại đội D bị trúng đạn trong một cố gắng bắt liên lạc với trung đội 2 của đại đội B đã bị cắt lìa đến lúc này đã hơn 2 tiếng. Hê-rích, trung úy chỉ huy trung đội này được xem là “con ngựa chiến cứng rắn” đã bị chết, quyền chỉ huy giao cho một trung sĩ, tên này bị trúng đạn chết, giao lại cho một trung sĩ khác tên là Sa-va-giơ...

Những tin tức được xem là “kỳ tích” này khi nhận được chúng tôi giao cho cán bộ chính trị tổng hợp, kịp thời phổ biến xuống các đơn vị đang có mặt ở khu vực thung lũng Ia Đrăng để động viên khí thế sẵn sàng phối hợp với tiểu đoàn 9; đồng thời truyền đạt ý kiến chỉ đạo - triệt để phát huy lợi thế đã giành được, áp sát vào khu vực hạ cánh để tránh phi pháo địch, tiếp tục tiến công mà giữa chúng tôi và các anh trong bộ phận chỉ huy tiền phương chiến dịch đã thống nhất.

Trung tá tiểu đoàn trưởng Mo tiếp tục kêu cứu lữ đoàn tăng viện vì khu vực “Tia X” đang bị sức ép của 3 tiểu đoàn quân đối phương. Nhận được mẩu tin kỹ thuật mang tính thổi phồng này những người trong sở chỉ huy chúng tôi cười ra nước mắt. Mo muốn được trên chi viện càng nhiều càng tốt và cũng là cách tự đề cao mình, 1 tiểu đoàn đang phải chống đỡ với 3 tiểu đoàn quân đối phương thì quả là một trung tá có tài (!?). Như bạn đọc đã biết, đối diện với tiểu đoàn 1 của Mo (lúc này có 5 đại đội, vừa được tăng cường 1 đại đội), chỉ có tiểu đoàn 9 trung đoàn 66, nhưng quân số không đủ so với biên chê vì qua 3 tháng hành quân vào chiến trường số bệnh tật, nhất là sốt rét đã ảnh hưởng không ít đến quân số hiện diện chiến đấu.

Địch lại mở đợt tiến công dữ dội bằng hỏa lực để cứu nguy cho bộ binh. Không quân tiến hành 50 phi vụ yểm trợ, trực thăng phóng pháo đường không, phóng rốc-két vào sườn núi Chư Pông đối diện với khu vực hạ cánh “Tia X”. Chỉ trong ngày đầu tiên, 2 khẩu đội pháo 12 khẩu pháo 105mm ở trận địa pháo Phan-côn đã bắn 4.000 quả đạn pháo vào trận địa tiểu đoàn 9 suốt 5 tiếng đồng hồ, 2 trong số 12 khẩu pháo đã bị hỏng thủy lực bởi không chịu được nóng vì đạn pháo bắn quá nhiều.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #86 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2022, 08:12:16 am »

4 giờ 30 phút chiều, địch dốc toàn lực tiến về phía núi đánh vào trận địa tiểu đoàn 9, nhưng đã bị ta chặn lại. Tranh thủ lúc địch co đại đội A và đại đội B về sát khu vực hạ cánh, ta chuyển lực lượng xuống sườn núi hình thành thế trận bao vây. Cuộc chiến nhanh chóng dữ dội ở cự ly gần gây cho địch thương vong nặng nề. Ét-uốt, viên đại úy chỉ huy đại đội C phòng giữ khu vực trung tâm hạ cánh, gần sở chỉ huy tiểu đoàn đã kể lại nỗi kinh hoàng mà y được chứng kiến: “Từ sở chỉ huy của tôi ở gò mối có thể nhìn rõ đối phương (chỉ tiểu đoàn 9) cách 100 mét về phía nam, họ là những người lính thiện chiến, ẩn nấp một cách tuyệt vời và là những tay súng chết người. Phần lớn những người (lính Mỹ) chết và bị thương của tôi đều bị trúng đạn vào đầu hoặc vào phần trên cơ thể. Họ đặc biệt chú ý các nhân viên điện đài và chỉ huy. Hình như bản thân họ không có điện đài, họ điều khiển binh sĩ của họ bằng nói, vẫy tay chỉ trỏ ra hiệu, thỉnh thoảng bằng kèn”(1).

Mặt trời đã chếch chiều hôm. Từ tiểu đoàn 9 báo cáo về, từ Bộ chỉ huy tiền phương chiến dịch thông báo xuống: Lúc này khoảng 5 giờ chiều, 13 trực thăng hạ cánh xuống “Tia X” đổ đại đội B tiểu đoàn 2 lữ đoàn 3 tăng viện cho tiểu đoàn 1 và chở gấp số lính Mỹ chết và bị thương về phía sau. Sau 2 phút được thông báo, đồng chí trợ lý tác chiến sư đoàn đã có một tổng hợp nhanh báo cáo anh Hoàng Kiện: Trong khu vực “Tia X” lúc này ngoài 4 đại đội có trong biên chế, tiểu đoàn 1 lữ đoàn 3 kỵ binh bay còn được tăng viện thêm 2 đại đội của tiểu đoàn 2 lữ đoàn 3, một đại đội của tiểu đoàn 1 trung đoàn 5, nâng tổng số lên 7 đại đội trên một khu vực hạ cánh hẹp.

Không gian tạm yên ắng, chỉ còn nghe thấy tiếng động cơ trực thăng đi về làm nhiệm vụ vận chuyển số lính Mỹ chết và bị thương.

Địch đang co cụm về phòng thủ ban đêm đề phòng ta tiến công - Anh Hoàng Kiện nhận xét.

Chúng tôi yên lặng không nói, nhưng tỏ ý đồng tình với nhận xét của anh. Bỗng trong sở chỉ huy lại rộn lên cái không khí khẩn trương với công việc mới.

Sau khi trao đổi thống nhất với các anh Nguyễn Hữu An, Đặng Vũ Hiệp trong Bộ chỉ huy tiền phương chiến dịch, lãnh đạo và chỉ huy sư đoàn chúng tôi nêu ra một số việc cần làm và phân công nhau thực hiện:

- Một là, chính ủy trung đoàn 66 Lã Ngọc Châu xuống nắm tình hình và thống nhất kế hoạch cho tiểu đoàn 7 tiến hành tập kích quân địch đóng quân dã ngoại ở khu vực “Tia X” ngay trong đêm nay.

- Hai là, trưởng ban tác chiến sư đoàn xuống giao mệnh lệnh của sư đoàn cho tiểu đoàn 8 chuẩn bị hành quân trở lại sở chỉ huy trung đoàn nhận nhiệm vụ; đồng thời phải có kế hoạch dự phòng đánh địch trên đường hành quân nếu có địch đi ngược lại.

- Ba là, tôi xuống tiểu đoàn 9 nắm tình hình chiến đấu trong ngày; chỉ đạo thực hiện tốt chính sách thương binh, tử sĩ; cùng tiểu đoàn 9 bàn kế hoạch đánh phối hợp với tiểu đoàn 7 tập kích quân địch từ hướng đông nam lên.

Thời gian như trôi nhanh, chỉ kịp ăn vội bát cơm chưa thật chín kỹ với một mẩu cá khô nướng quá lửa là chúng tôi lên đường. Cùng đi với tôi có đồng chí trợ lý tác chiến và một chiến sĩ bảo vệ kiêm liên lạc. Đoàn ba người cứ theo hướng tây bắc mà cắt rừng đi tới trong ráng chiều muộn hắt lên một màu đỏ máu báo hiệu ngày mai trời vẫn nắng nóng. Dấu vết của một trận chiến cực kỳ ác hệt vẫn còn nguyên in hằn trên từng tấc đất chúng tôi đang đi. Những cánh rừng bị bom đạn phạt cắt cây cối đổ ngổn ngang; những lùm cỏ voi vẫn âm ỉ cháy phả mùi khét hắc, nồng như muốn ngạt thở; con đường mòn quen thuộc bị bom đạn cày xới, đất đá tung tóe dài hàng ki-lô-mét. Xa xa, đã nhìn thấy khu vực hạ cánh “Tia X” đang chìm dần vào đêm dài.

Tiểu đoàn 9 đây rồi! Tôi reo lên niềm vui chất chứa lúc lên đường, phút gặp mặt sao mà xúc động đến thế. Chúng tôi ôm chặt lấy nhau trong im lặng mà nước mắt cứ trào ra vì được chia vui và cả nỗi buồn thiếu vắng những đồng chí, đồng đội của mình mãi mãi đi xa sau khi đã làm hết sức mình cho trận đánh mở đầu này.

Tôi bắt đầu công việc được phân công. Tất cả đều ngồi bệt xuống nền đất nơi trận địa vẫn còn khét mùi thuốc súng để nghe các đồng chí chỉ huy tiểu đoàn 9 báo cáo kết quả tổng hợp trận đánh, cùng nhau trao đổi những bài học rút ra kịp thời phục vụ yêu cầu chiến đấu trước mắt.


(1) Sách đã dẫn, tr. 120.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #87 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2022, 08:13:54 am »

Là người chịu trách nhiệm về công tác đảng, công tác chính trị của sư đoàn, tôi có nhiệm vụ nhân điển hình và phát hiện biểu dương người tốt, việc tốt, cổ vũ và khích lệ mọi người noi theo, thực hiện. Nhưng đứng trước trận đánh với nhiều tình tiết anh hùng ca này mà thời gian tìm hiểu có hạn, biết nói thế nào để biểu dương cổ vũ; biết nhắc nhở điều gì cần rút kinh nghiệm, chú ý khắc phục là điều không dễ. Nhưng cán bộ, chiến sĩ đang cần tiếng nói của tôi. Cuối cùng, tôi thay mặt Đảng ủy và Bộ tư lệnh Sư đoàn nhẹ 304 nhiệt liệt biểu dương tinh thần dũng cảm, mưu trí tuyệt vời của cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn 9, nhờ đó mà có được chiến công đầy ấn tượng, đã thực hiện được yêu cầu phải thắng trận đầu. Trong điều kiện địch đông về quân số, nhiều vũ khí hiện đại yểm trợ nhưng chỉ 6 tiếng đồng hồ các đồng chí đã tổ chức 9 đợt tiến công lớn nhỏ, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch, giữ vững thế tiến công của mình, làm thất bại âm mưu “tìm diệt” của địch, buộc chúng phải co về phòng thủ vòng tròn quanh khu vực hạ cánh “Tia X”. Ba trong số bốn đại đội (tiểu đoàn 1) địch đã bị các đồng chí tiến công gây nhiều thiệt hại. Đại đội A mất 3 sĩ quan, 31 binh sĩ chết và bị thương, còn lại 2 sĩ quan, 84 binh sĩ; đại đội B mất 1 sĩ quan, 46 binh sĩ chết và bị thương, còn lại 4 sĩ quan, 68 binh sĩ, 1 trung đội bị mắc kẹt ở ngoài vành đai bảo vệ; đại đội C mất 4 binh sĩ, còn 5 sĩ quan, 102 binh sĩ(1). Đặc biệt chỉ hơn 1 tiếng sau khi nổ súng, các đồng chí đã bao vây cắt rời trung đội 2 thuộc đại đội B ra ngoài vành đai bảo vệ của khu hạ cánh trong nhiều giờ, 20 trong số 27 binh sĩ của trung đội này đã bị chết (trong đó có trung úy chỉ huy trung đội). Đó là thành tích rất đáng tự hào của tiểu đoàn 9 nói riêng, của trung đoàn 66 Sư đoàn 304 nói chung. Tôi xin được chia vui cùng các đồng chí.

Nhưng kẻ địch vẫn còn ngoan cố và ngạo mạn với danh hiệu sư đoàn kỵ binh bay số 1 của quân lực Mỹ, chúng chưa chịu chấp nhận thất bại. Chúng tạm thời co cụm đêm nay, tiếp tục thực hiện “tìm diệt” khi trời sáng.

Phát huy thắng lợi đã giành được, tranh thủ lúc địch đang rệu rã và điều kiện thuận lợi đêm tối, Bộ chỉ huy tiền phương chiến dịch thống nhất với kiến nghị của Bộ tư lệnh Sư đoàn nhẹ 304, chủ trương tổ chức một trận tập kích nhằm tiêu hao tiêu diệt thêm sinh lực địch, làm lung lay thêm tinh thần ý chí quân địch, đẩy chúng lún sâu vào thế bị động, tạo thuận lợi cho ta đánh đòn quyết định trong nhiệm vụ tiếp sau. Lực lượng tập kích chủ yếu đêm nay là tiểu đoàn 7 từ hướng đông nam đánh vào. Tiểu đoàn 9 tập kích từ hướng tây bắc xuống nhằm phân tán lực lượng, đánh lạc hướng chú ý của địch tạo thuận lợi cho tiểu đoàn 7 hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy còn mệt mỏi sau một ngày chiến đấu nhưng khi nghe ý nghĩa và tầm quan trọng của trận đánh, cán bộ, chiến sĩ - những người có mặt trong buổi làm việc chiều nay sẵn sàng nhận nhiệm vụ và chuẩn bị lên đường ngay. Nhưng anh em cũng lo lắng, băn khoăn vì lực lượng đang còn phân tán, có số lạc đường chưa tìm về được đơn vị, có số đang làm nhiệm vụ vây cắt trung đội 2 đại đội B địch ở lòng sông cạn, không được nghe phổ biến nhiệm vụ mới sẽ hoạt động tự do, tùy hứng, tiến công không mạnh, thiếu tập trung ảnh hưởng đến hiệu suất chiến đấu chung.

Hiểu được tâm trạng của anh em, tôi ôn tồn trao đổi tiếp: Những lo lắng, băn khoăn của các đồng chí là chính đáng. Tất cả là ở nơi khách quan. Nhưng ý thức hiệp đồng theo tiếng súng đã trở thành tiềm thức, thành mệnh lệnh, được vận dụng có kết quả trong trận chiến đấu ngày hôm nay. Nhờ đó đã giúp các đồng chí khắc phục nhanh chóng các sự cố trục trặc lúng túng lúc ban đầu. Chắc chắn đêm nay các đồng chí có mặt trong buổi giao nhiệm vụ này sẽ nổ súng trước báo hiệu trận đánh mới bắt đầu, các đồng chí đang còn thất lạc sẽ nổ súng phối hợp tiếp, tuy còn lẻ tẻ nhưng là tiếng súng khẳng định sự hiện diện của chúng ta khiến kẻ địch càng hoang mang.

Tạm biệt tiểu đoàn 9, tôi trở lại Sở chỉ huy Sư đoàn nhẹ 304 vào lúc 9 giờ tối, thì anh Hoàng Kiện gọi đến nghe luôn tình hình.

- Chuyến đi thế nào? - Anh Hoàng Kiện hỏi.

- Dạ, rất thành công - Tôi trả lời và tiếp - Các đồng chí tiểu đoàn 9 gửi lời thăm chúc sức khỏe thủ trưởng...

- Mọi chuyện hãy để sau, bây giờ ta nghe tin tức có liên quan đến nhiệm vụ đêm nay, tổng hợp từ nguồn trinh sát chiến dịch, từ tin kỹ thuật và các trinh sát viên nằm vùng của sư đoàn - Rồi anh quay sang đồng chí trợ lý tác chiến:

- Trình bày thoải mái nhưng phải ngắn gọn mà đầy đủ.

- Dạ được, xin các anh cho bắt đầu - Đồng chí trợ lý tác chiến đề nghị.


(1) Sách đã dẫn, tr. 156.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #88 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2022, 08:15:39 am »

Báo cáo các anh, tại khu hạ cánh “Tia X” địch đã có kế hoạch phòng thủ đề phòng ta tiến công ban đêm.

Địch có 5 đại đội đã triển khai bố trí vòng tròn theo thứ tự: Đại đội C giữ sườn phía nam và đông nam liên kết với đại đội A ở cánh phải; đại đội B ở cánh trái; đại đội D giữ phần đông - đông nam; đại đội B, C (tiểu đoàn 2 đến tăng cường cho tiểu đoàn 1) giữ bắc - đông bắc vành đai, đảm trách bảo vệ cả trận địa cối của tiểu đoàn và khu vực hạ cánh nhỏ; đại đội B giữ phía bắc và tây bắc bảo vệ dọc theo lòng sông cạn và khu vực vành đai phía tây. Không quân và pháo binh đã có kế hoạch chi viện hỏa lực khi phát hiện đối phương tiến công sẽ tiến công trước và có cả kế hoạch chi viện trong tình huống cụ thể. Các đơn vị đều được lệnh báo động một trăm phần trăm. Địch cho 2 trực thăng có máy bay tiêm kích hộ tống tiếp thêm đạn dược và nước uống. Trực thăng địch đang hối hả chở hết số lính Mỹ bị chết và bị thương ra khỏi bãi “Tia X” nhưng vẫn còn 2 chiếc trực thăng nằm đó, chưa có dấu hiệu gì chúng sẽ chuyển đi trong đêm nay.

Về ta, theo báo cáo của chính ủy trung đoàn 66, mọi việc chuẩn bị cho tiểu đoàn 7 đánh trận tập kích đêm nay đã hoàn tất. 12 giờ 30 phút, tiểu đoàn 7 tiến vào chiếm lĩnh trận địa tiến công. Giờ nổ súng dự kiến vào lúc 1 giờ, chậm nhất là 2 giờ sáng.

- Đại đội 3 đi lấy gạo đã về chưa? - Tôi hỏi.

- Dạ chưa về - Đồng chí trợ lý tác chiến trả lời.

Tôi khẽ thở dài, cố giấu mọi lo lắng bằng tiếng thở nhẹ và tự an ủi mình: lực lượng tiến công chỉ có 2 đại đội như vậy là quá mỏng, nhưng không còn cách nào khác!

Trên hướng tiểu đoàn 9, tiếng súng nổ phối hợp được bắt đầu từ rất sớm, vào hồi 8 giờ tối, lúc tôi đang trên đường về sở chỉ huy sư đoàn. Đúng là ở đó súng nổ lẻ tẻ, phân tán nhưng liên tục, suốt đêm có tính chất thăm dò, quấy rối tiêu hao làm thần kinh địch căng nhão là rất có lợi cho hướng tiểu đoàn 7.

Thời gian lặng lẽ trôi qua, 10 giờ, 11 giờ, 12 giờ khuya và 1 giờ sáng - thời gian của ngày mới - Ngày 15 tháng 11 năm 1965. Vậy mà vẫn chưa thấy động tĩnh?

Tại sao? Lạc đường ư, đã có trung đội 9 (đại đội 13 tiểu đoàn 9) thuộc địa hình nơi đây dẫn đường. Hay tinh thần trách nhiệm cán bộ. Không, không thể có, chính ủy Lã Ngọc Châu là người có trách nhiệm cao, có tác phong làm việc cụ thể, sâu sát. Anh không dừng ở kế hoạch khi giao việc, mà còn bàn biện pháp thực hiện kế hoạch, tạo thuận lợi cho cấp dưới có điều kiện thực hiện. Vậy thì tại cái gì? Vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp, nhưng đành phải gác lại vì lúc này tình hình đã trở nên khẩn trương, trời sáng dần, có biết bao công việc của một ngày mới đang chờ ở phía trước.

Vào khoảng 3 giờ sáng, ở hướng tây - tây bắc khu vực hạ cánh súng nổ dữ dội, kéo dài. Đó là cuộc tiến công mạnh nhất trong đêm của tiểu đoàn 9 nhằm duy trì trung đội 2 đại đội B địch lún sâu trong trạng thái bị bao vây, bị cắt rời tại tây lòng sông cạn; đồng thời cũng là cuộc tiến công tạo áp lực buộc chúng phải chú ý ở phía tây bắc mà nhẹ chú ý ở hướng nam và đông nam khu hạ cánh. Cuộc tiến công còn qua đợt thứ hai (3 giờ 15 phút) và đợt tiến công thứ ba kết thúc vào lúc 4 giờ sáng bằng một đợt “mưa” lựu đạn của ta tung vào, thêm 5 lính Mỹ chết, chỉ còn 7 tên sống sót.

Đằng đông đã ửng hồng, trận đánh dự kiến vào lúc nửa đêm 14 thành trận đánh ngày 15. Có bao nhiêu vấn đề đặt ra khi ta phải giao chiến với địch từ đêm chuyển sang ngày. Mặc dù ta đã có một số kinh nghiệm của tiểu đoàn 9 trong trận đánh ngày 14 nhưng làm thế nào phổ biến kịp khi mà chưa biết lúc này tiểu đoàn 7 đang đứng chân ở tọa độ nào?

Lúc này, tất cả những người có mặt trong sở chỉ huy nhẹ Sư đoàn 304 đều có chung một tâm trạng chộn rộn băn khoăn, lo lắng, thấp thỏm và hy vọng. Chỉ một tiếng nổ từ phía nam - đông nam khu vực hạ cánh vọng về là mọi người có thể thở phào nhẹ nhõm - tiểu đoàn 7 vẫn còn và đang chiến đấu. Rồi cái hy vọng ấy đã đến! Lúc đó là 5 giờ 30 phút, trời còn đang tranh tối tranh sáng. Tiểu đoàn 7 sau 4 tiếng đồng hồ hành quân đầy vất vả do bom đạn địch đánh phá dữ dội trong đêm, địa hình xung quanh đã thay đổi, không còn nhận ra lối cũ, giờ này mới bắt được mục tiêu, khẩn trương triển khai lực lượng. Trận đánh không đạt kế hoạch thời gian, chậm gần 6 tiếng, nhưng là chậm chắc, ở vào cái thời điểm địch bất ngờ chủ quan, vì địch cho rằng thời gian ban ngày là thuộc về chúng. Trung tá Mo, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1 đã nghĩ đến kế hoạch giải cứu trung đội bị mắc kẹt bằng việc dùng 3 trong số 5 đại đội hành quân theo đội hình cái nêm vượt khỏi lòng sông cạn tiến về phía tây nơi trung đội 2 đại đội B đang bị ta bao vây sau khi hỏa lực không quân và pháo binh bắn yểm trợ tối đa. Một số sĩ quan ở sở chỉ huy tiểu đoàn địch đã lục trong ba lô của mình để tìm các thứ cho món sô-cô-la nóng buổi sáng...
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #89 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2022, 08:18:01 am »

Nhưng tất cả những dự định đó đã không xảy ra. Tiểu đoàn 7 dưới quyền chỉ huy của tiểu đoàn trưởng Phạm Công Cửu sau khi triển khai xong lực lượng đã mở đầu trận tập kích bằng một loạt đạn cối 82mm dội vào trận địa địch. Tiếp đó, lợi dụng khe hở nơi tiếp giáp giữa đại đội B và đại đội D, tiểu đoàn 7 nhanh chóng vượt qua vành đai bảo vệ đánh vào tung thâm khu vực hạ cánh. Bị tiến công bất ngờ, binh sĩ địch hoảng loạn tháo chạy, kêu la: Địch (tức tiểu đoàn 7) đến, địch đến, rất nhiều địch, cả 4 trung đội của đại đội C trấn giữ sườn phía nam và đông nam khu vực “Tia X” đều bị đại đội 2 tiểu đoàn 7 tiến công ngay từ phút đầu. Một mũi đánh thẳng vào phía trước cửa hầm sở chỉ huy đại đội C. Viên đại úy Ét-uốt, chỉ huy đại đội này hoảng hốt: “Quân Bắc Việt Nam đã an toàn trong khu vực vành đai thép”, cầu cứu tiểu đoàn trưởng Mo “tôi cần được giúp đỡ”. Nhưng tiểu đoàn trưởng Mo trả lời: “Sẽ không có sự yểm trợ, anh phải trụ lại bằng lực lượng và hỏa lực của mình”(1). Vì lúc này cả sở chỉ huy tiểu đoàn 1 và sở chỉ huy đại đội A, đại đội B đều bị ta vây ép, tiến công, phát triển thành thế trận đánh gần, ta địch nhìn rõ nhau, thấy cả hành động chiến đấu của nhau, viên trung úy chỉ huy trung đội thuộc đại đội B kể lại những điều mắt thấy: “Khi quân Bắc Việt Nam (tiểu đoàn 7) tiến công chúng tôi, họ có kiểu bắn rất lạ lùng. Họ bắn sát mặt đất nhằm cố gắng cắt ngang chân anh, hay nếu anh nằm không đủ thấp trong hầm của mình, thì họ bắn văng đầu anh ra”.

Ta tiếp tục tiến công đánh vào sườn sau sở chỉ huy đại đội, viên đại úy Ét-uốt trúng đạn bị thương nặng, cầu cứu đại đội B tiểu đoàn 2 đến giúp sức nhưng đại đội này cũng đang bị ta vây ép. Trung úy Ác-ring-tơn thay Ét-uốt chỉ huy đại đội C cũng bị thương sau đó ít phút.

Như vậy chỉ trong 20 phút đầu, tiểu đoàn 7 đã vượt qua vành đai bảo vệ, đánh vào tung thâm khu vực hạ cánh thực hiện đánh gần. Đến 7 giờ 30 phút sáng ta đã mở đợt tiến công phòng tuyến đại đội C, khu đất trống, sở chỉ huy tiểu đoàn 1 và phía sau các đại đội A, B. Tiểu đoàn trưởng Mo thú nhận: “Đối phương bố trí lực lượng trước mũi chúng ta, gần tới mức pháo binh của chúng tôi không thể sử dụng một cách có hiệu quả... Họ đã dồn 2 trung đội của đại đội C vào vành đai chết chóc”(2).

Quá trình ta phát triển tiến công, địch cũng phản kích quyết liệt chống lại, giành giật nhau từng tấc đất, từng khu vực trong khu vực hạ cánh. Bằng súng máy M.60, súng tiểu liên M.79 và cối 81 mi-li-mét đặt ở những vị trí lợi hại bắn quét, bắn chặn, sát thương ta, buộc ta phải nhiều lần dừng lại chấn chỉnh đội hình, tiếp tục tiến công. Ta cố giữ và phát triển thế đánh gần trong khu vực vành đai bảo vệ thì địch tìm mọi cách đẩy ta ra xa, tạo những khoảng cách vừa phải từ 15-20 mét đủ để các loại vũ khí tự động của bộ binh phát huy hiệu lực gây không ít khó khăn cho ta. Chẳng hạn như khi ta đánh vào phòng tuyến đại đội D ở hướng đông nam khu vực hạ cánh đã bị 9 khẩu súng máy M.60, 7 khẩu cối 81 mi-li-mét của đại đội này bắn chặn, gây cho ta nhiều thương vong.

Khoảng 9 giờ, từ ba hướng, tiểu đoàn 7 mở đợt tiến công vào đại đội A ở hướng tây khu vực hạ cánh, bắn 15 quả đạn cối 82 mi-li-mét vào sở chỉ huy tiểu đoàn 1 ở gò mối. Tiểu đoàn trưởng Mo hoảng hốt cầu cứu: “Chúng tôi đang bị cầm chân trong một cuộc chiến chí tử, đang phải chịu thương vong nặng nề ở khu vực đại đội C... Chúng tôi cần sự giúp đỡ”(3).

Mo còn lớn tiếng nói rằng tiểu đoàn 1 đang chịu sức ép của 1.000 quân đối phương. Nhưng thực tế đối phương mà Mo đang phải chống đỡ chỉ là đại đội 1 và đại đội 2 của tiểu đoàn 7 trung đoàn 66. Rõ ràng sự thổi phồng này nhằm đề cao mình và xin trên tăng viện. Đúng là sau đó ít phút, đại đội A tiểu đoàn 2 lữ đoàn 3 đã được trực thăng đổ xuống bãi “Tia X” đóng giữ khu vực của đại đội C vì đại đội này không còn đủ quân số. Như vậy, ngoài 4 đại đội thuộc biên chế, tiểu đoàn 1 của Mo đã được tăng cường đại đội A và đại đội B của tiểu đoàn 2 lữ đoàn 3. Trên khu vực bãi “Tia X” đã có 6 đại đội nhưng Mo vẫn thấy chưa đủ lực lượng phòng giữ.

Hơn 4 tiếng đồng hồ, tiểu đoàn 7 mở 3 đợt tiến công ngay trong vành đai bảo vệ khu hạ cánh “Tia X” đánh phá tất cả các hướng phòng thủ của địch, gây cho chủng nhiều thiệt hại. “Đại đội C khi bắt đầu chiến đấu có 5 sĩ quan, 102 binh sĩ. Đến khoảng trưa không còn một sĩ quan nào. Tổng cộng 42 chết (có 2 trung úy), 20 bị thương (có 1 đại úy, 2 trung úy) trong 2 tiếng rưỡi đồng hồ của cuộc chiến đấu giáp lá cà”(4).

Trận chiến đấu kết thúc vào lúc 10 giờ sáng, nhưng tiểu đoàn 7 vẫn để lại lực lượng bắn tỉa, tiếp tục uy hiếp địch, binh sĩ địch còn lại trong khu vực hạ cánh phải hứng chịu hỏa lực bắn tỉa rất khó chịu của ta.

Mo, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1 lữ đoàn 3 buồn rầu than thở: “Trong cuộc ngưng chiến này, nhiệm vụ đau lòng nhất và nặng nề nhất phải chịu đựng là thu nhặt số tử vong của chúng tôi và đưa họ lên những chiếc trực thăng. Nhiều tử vong đến nỗi lữ đoàn ra lệnh đưa tới những chiếc trực thăng vận tải lớn, những chiếc Chinook-CH-47 (cần cẩu bay - NG). Một chiếc trực thăng chở tất cả 42 tử thi của đại đội C, tất cả đều được bọc trong lớp pông-sô (poncho) bằng cao su màu xanh”.


(1), (2), (3), (4) Sách đã dẫn, tr. 173, 182, 184, 187
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM