Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 27 Tháng Năm, 2024, 01:37:33 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Tập 2  (Đọc 9170 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6619



WWW
« Trả lời #60 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2021, 06:53:57 pm »

Anh hùng Đinh Nghít


Đinh Nghít, sinh năm 1941, dân tộc Hrê, quê ở xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi, nhập ngũ tháng 10 năm 1961. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là trung đội phó thuộc đại đội 2, tiểu đoàn 20, Quân khu 5, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Nhà nghèo, cha mất sớm, lại được cách mạng giáo dục và giác ngộ, Đinh Nghít hiểu rõ nhiệm vụ thiêng liêng đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Năm 17 tuổi, đồng chí bắt đầu tham gia kháng chiến, trước làm giao liên, rồi vào du kích, sau lên bộ đội huyện. Từ tháng 10 năm 1961, Đinh Nghít chuyển về tiểu đoàn 20 trực thuộc Quân khu 5.


Đồng chí đã chiến đấu 59 trận, diệt 38 tên giặc, thu 25 súng các loại, bắn rơi 1 máy bay lên thẳng, phá hủy 1 xe vận tải. Những lần được giao nhiệm vụ số 1 trong tiểu đội bộc phá hoặc nhiệm vụ xung kích bám giữ đầu cầu, hoặc nhiệm vụ đánh thọc sâu, Đinh Nghít đều nêu cao tinh thần bình tĩnh, dũng cảm, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ, lập công xuất sắc, tạo thuận lợi cho đơn vị diệt gọn cứ điểm địch, hạn chế thương vong.


Tháng 1 năm 1965, đánh đồn Ruộng Khoai (Sơn Hà), khi dẫn tiểu đội bộc phá bí mật lọt vào đồn địch thì có lệnh nổ súng, đồng chí vừa đánh bộc phá mở đường, vừa tiến công mảnh liệt, diệt gọn bọn lính gác, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị xung phong trong 5 phút đã hạ xong đồn, cả tiểu đội không ai bị thương vong.


Tháng 2 năm 1965, Đinh Nghít chỉ huy tiểu đội đánh chặn đầu 1 đại đội địch trên đường từ Hà Thành đi đèo Eo Gió. Bất ngờ, địch chia làm 2 cánh hành quân bằng ruộng tiến vào. Đồng chí linh hoạt chỉ huy tiểu đội chặn đánh cả 2 cánh quân, buộc cả đội hình địch phải nằm phơi giữa ruộng, để đơn vị nổ súng xung phong tiêu diệt gọn cả đại đội địch, thu 47 súng (có 7 trung liên).


Tháng 4 năm 1965, đánh đồn Hòa Một lần thứ nhất, Đinh Nghít dũng cảm dẫn đầu tiểu đội đánh thọc sâu, góp phần đắc lực cùng đơn vị tiêu diệt gọn toàn bộ quân địch.


Tháng 12 năm 1965, đánh đón Hòa Một lần thứ hai, Đinh Nghít làm nhiệm vụ mở cửa ở hướng đột kích chủ yếu, vừa mới bí mật mở được một lớp rào thì có lệnh nổ súng, Đinh Nghít lập tức chỉ huy tiểu đội đánh bộc phá liên tục, nhanh chóng mở thông cửa mở. Địch tập trung hỏa lực bắn chặn, đồng chí liền cùng các tổ viên công kênh nhau vượt hào sâu lút đầu người, rộng 2 mét rưỡi, dùng lựu đạn diệt bọn địch đang dựa vào bờ thành đối phó quyết liệt với ta. Tuy bị thương ở mặt và đùi, Đinh Nghít vẫn tiếp tục chiến đấu, thừa thắng xông lên cắm cờ trên nóc lô cốt, cùng đơn vị nhanh chóng tiêu diệt cả đại đội địch, thu toàn bộ vũ khí, giải phóng hoàn toàn xã Tịnh Giang. Trận này, riêng đồng chí diệt 10 tên địch, bắt 1 tên, thu 5 súng, được bình công đầu.


Tháng 2 năm 1966, đánh đồn Hùng Vờ lần thứ hai, tiểu đội cùa Đinh Nghít lại được giao nhiệm vụ mở cửa và sau đó chuyển sang xung kích. Giữa lúc trận chiến đấu còn đang diễn ra quyết liệt ở cửa mở, địch điên cuồng phản kích lại ta, đồng chí dẫn đầu tiểu đội, cơ động sang hướng khác, lợi dụng lỗ tường thủng, xông thẳng vào đồn địch, đánh chiếm lô cốt, diệt bọn giặc đang chạy hỗn loạn trên sân và trong các hào giao thông, phối hợp chặt chẽ với đơn vị đang đánh mạnh ở hướng chủ yếu, tiêu diệt toàn bộ quân địch.


Ngoài thành tích chiến đấu, Đinh Nghít còn tích cực, góp nhiều công trong các công tác vận chuyển, tăng gia sản xuất. Đồng chí hết lòng thương yêu đồng đội, bao giờ cũng nhận phần việc khó khăn, vất vả về mình. Trong hoàn cảnh thiếu thốn ở chiến trường; có quần áo mới, đồng chí nhường cho anh em, bản thân chỉ mặc đồ cũ vá lại. Có lần đi trinh sát, một đồng chí bị vướng mìn địch, Đinh Nghít cõng đồng đội bị thương suốt 4 ngày liền đưa về tới đơn vị.


Đinh Nghít là một chiến sĩ xuất sắc toàn diện, gương mẫu chấp hành các chính sách dân tộc, thương binh, liệt sĩ, được đồng bào các dân tộc và đồng đội rất tin yêu, mến phục.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì và 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, là Dũng sĩ Quyết thấng cấp ưu tú, Dũng sĩ diệt máy bay, Dũng sĩ diệt cơ giới.


Ngày 17 tháng 9 năm 1967, Đinh Nghít được Ủy ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6619



WWW
« Trả lời #61 vào lúc: 26 Tháng Mười Hai, 2021, 06:54:58 pm »

Anh hùng Nguyễn Viết Phong


Nguyễn Viết Phong, sinh năm 1945, dân tộc Kinh, quê ở xã Mỹ Thủy, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là xã đội trưởng, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Nguyễn Viết Phong sống dưới ách kìm kẹp cua Mỹ - ngụy, tận mắt chứng kiến tội ác của chúng đối với đồng bào, trong gia đình có cha bị giặc bắt mang đi biệt tích và anh hy sinh trong chiến đấu, đồng chí mang nặng lòng căm thù địch. Năm 16 tuổi, được cán bộ hướng dẫn, đồng chí bắt đầu hăng hái tham gia kháng chiến. Đứng trong hàng ngũ cách mạng, Nguyễn Viết Phong luôn luôn nêu cao dũng khí tiến công, chiến đấu vô cùng gan dạ, mưu trí, lập nhiều thành tích xuất sắc, góp phần tích cực đầy mạnh phong trào du kích chiến tranh của địa phương.


Nguyễn Viết Phong đã chiến đấu 45 trận, diệt 112 tên địch (có 34 tên Mỹ), cùng anh em đánh sập 2 trụ sở xã, 3 chiếc cầu xe lửa, 12 cột điện cao thế, phá hủy 10 xe quân sự, thu nhiều vũ khí, tài liệu...


Nhiệm vụ đầu tiên Nguyễn Viết Phong được giao là bí mật theo dõi tình hình địch, rải truyền đơn, tổ chức cơ sở... Khi vào đội du kích, đồng chí đã cùng anh em liên tiếp diệt tề, trừ gian và đến tháng 7 năm 1964 phát động nhân dân nối dậy phá ấp chiến lược, giải phóng toàn xã Mỹ Thủy, xây dựng chính quyền và các đoàn thể cách mạng. Được bổ sung vào tổ biệt động của huyện, đồng chí nhiều lần cùng tổ đột nhập vùng địch kiểm soát giữa ban ngày, cảnh cáo, bắt đi cải tạo, trừ diệt hàng trăm tên tề, điệp, ác ôn, khiến giặc rất hoang mang, khiếp sợ.


Đầu năm 1965, Nguyễn Viết Phong phụ trách trung đội du kích của xã, thường xuyên bám sát cơ sở, đánh địch trên các trục đường giao thông, đồng thời vận động nhân dân góp tiền nuôi quân, giúp đỡ bộ đội và các cơ quan tỉnh, huyện, vận chuyển lương thực, thực phẩm lên căn cứ.


Trưa ngày 18 tháng 4 năm 1965, sau trận đánh vào trụ sở xã, đồng chí cùng tổ phục kích trên đường, diệt 3 xe GMC, 7 tên địch (có 5 tên Mỹ). Gần 1 giờ sau, 5 xe bọc thép cùng 2 đại đội lính ngụy đến tiếp viện, chiếc xe đi đầu bị trúng mìn nổ tan xác, chết 9 tên giặc. Đây cũng là trận đánh phủ đầu ngay khi bọn lính thủy đánh bộ Mỹ mới đặt chân tới Phú Bài, có ảnh hưởng chính trị rất lớn vào các thành phố Huế, Đà Nẵng.


Tháng 5 năm 1965, anh ruột Nguyễn Viết Phong là xã đội trưởng xã Mỹ Thủy hy sinh trong một trận chống càn. Sáng sớm ngày 13 tháng 7 năm 1965, 2 đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ có máy bay lên thẳng yểm hộ lại càn vào ấp 5, xã Mỹ Thủy. Đồng chí cùng 2 tổ viên đang trên đường công tác lập tức triển khai chiến đấu. Đợi địch đến chỉ cách 10 mét, Nguyễn Viết Phong mới ra lệnh đồng loạt nổ súng, giết chết một số tên. Địch cậy đông, vây ba mặt ép lại, nhưng chúng liên tiếp bị đánh bật ra. Đồng chí linh hoạt chỉ huy anh em nhanh chóng cơ động, khi trên đồi cao, khi dưới mương cạn, dũng cảm quần nhau với địch. Một tổ viên bị hóc súng phải về phía sau, một đồng chí nữa bị thương rồi hy sinh, tuy còn một mình, Nguyễn Viết Phong vẫn kiên quyết chặn đánh địch suốt đến buổi chiều, diệt 25 tên Mỹ. Trận đánh này của các đồng chí đã mở đầu cho phong trào "tìm Mỹ mà đánh, gặp Mỹ là diệt" trong toàn huyện và các đơn vị bạn.


Trong đợt hoạt động từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 9 năm 1966, Nguyễn Viết Phong chỉ huy chiến đấu 7 trận, diệt 18 tên địch (có 14 tên Mỹ). Có trận, đồng chí cùng 2 tổ viên táo bạo ra giữa đường số 1 chỉ cách đồn địch 200 mét, phục kích 1 chiếc xe "gíp”, diệt 2 tên sĩ quan Mỹ. Có trận, đồng chí tổ chức đánh mìn trên đường phố, diệt 6 tên Mỹ đi trên xe. Trận khác, Nguyễn Viết Phong và anh em trong tổ cải trang đến gần vị trí địch, diệt bọn lính gác cổng rồi xộc thẳng vào trong, đánh lên các tầng lầu, giặc không kịp trở tay đối phó. Với lối đánh dũng cảm, tài trí, đồng chí đã làm cho kẻ thù liên tiếp bị phục kích, tập kích trên các đường giao thông và cả trong căn cứ, nhiều cầu xe lửa bị đánh sập, nhiều ô tô bị phá hủy. Giặc Mỹ vì hoảng hốt, tinh thần bạc nhược, mà bắn nhầm nhau.


Đồng chí còn rất chú trọng xây dựng đội du kích làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh ở địa phương, được nhân dân hết lòng thương yêu, giúp đỡ.


Nguyễn Viết Phong đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất, 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì và 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, 2 năm là Chiến sĩ thi đua của tỉnh.


Ngày 17 tháng 9 năm 1967, Nguyễn Viết Phong được Ủy ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6619



WWW
« Trả lời #62 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2022, 07:40:30 pm »

Anh hùng Từ Văn Phước


Từ Văn Phước (tức Từ Văn Phao), sinh năm 1936, dân tộc Kinh, quê ở xã Bình Chuân, huyện Thuận An, tỉnh Sông Bé, nhập ngũ tháng 9 năm 1963. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là trung đội trưởng trinh sát đặc công quận Lái Thiêu (Thủ Dầu Một), đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.    Lòng yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, ý chí quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước luôn luôn là động lực thúc đẩy. Từ Văn Phước chiến đấu lập công.


Thời kỳ còn ở địa phương, đồng chí hoạt động trong tổ chức tự vệ bí mật, làm các công tác: thông tin, dẫn đường đưa đón cán bộ, tham gia phá ấp chiến lược. Từ năm 1963 đến đầu năm 1967, Từ Văn Phước đã chiến đấu 37 trận, diệt 266 tên địch (có 105 tên Mỹ), bắt sống 6 tên, diệt 14 xe cơ giới, đánh sập 2 cầu, 4 công sở ngụy quyền.


Năm 1964, chấp hành nhiệm vụ luồn sâu phá ấp chiến lược, đồng chí đã cùng cán bộ địa phương vào hoạt động ở vùng yếu xã An Thạnh, suốt nửa tháng trời ăn cơm vắt, ban ngày nằm hầm bí mật, tối đến lại đi bắt mối xây dựng cơ sở, phát động quần chúng nổi dậy đấu tranh trừ diệt bọn ác ôn và giải tán các tổ chức chính trị phản động. Kết quả, ấp chiến lược đã bị phá, địa phương được giải phóng, có điều kiện xây dựng đội du kích bám trụ hoạt động, phong trào ngày một lên cao.


Lần khác, Từ Văn Phước dẫn một tổ vào vùng yếu xã Tân Ba hoạt động, do không có cơ sở quần chúng, nên gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, đồng chí đã động viên anh em trong tổ giữ vững quyết tâm, tích cực điều tra, nghiên cứu tình hình, tìm cách đánh địch. Sau một thời gian ngắn, bằng những hoạt động nhỏ lẻ, tổ đồng chí đã giết chết và làm bị thương 19 tên địch, số sống sót co lại, sau phải rút chạy. Từ đó, thế kìm kẹp của địch bị phá vỡ, cơ sở địa phương được xây dựng, phong trào quần chúng có bước phát triển mới.


Tháng 11 năm 1965, giặc Mỹ huy động lực lượng lớn có cả không quân, pháo binh và cơ giới mở cuộc càn vào khu vực Thuận Giao. Từ Văn Phước đã hướng dẫn đồng đội cơ động chiến đấu theo địa đạo bám sát địch, dũng cảm chiến đấu, tiêu diệt lính bộ binh và xe bọc thép của chúng. Khi được lệnh rút quân, do địa đạo bị xe tăng địch đè sập nhiều đoạn, bịt mất lối đi, đồng chí phải kiên trì dùng tay moi đất để mở lối. Nhiều đoạn gặp rễ cây, đồng chí phải dùng dao cắt dần từng chút một. Suốt mấy tiếng đồng hồ kiên trì mở lối trong địa đạo, thiếu không khí, thiếu ánh sáng, phía trên thi xe cơ giới địch liên tiếp gầm rú, đồng chí có lúc mệt lả, ngất đi, khi tỉnh dậy lại tiếp tục làm nhiệm vụ. Cuối cùng, Từ Văn Phước đã mờ được lối thoát thông lên mặt đất, chỉ cách bọn lính Mỹ có 10 mét và đưa được tất cả anh em về vị trí an toàn.


Năm 1966, Từ Văn Phước nhiều lần đi nghiên cứu thực địa, tổ chức những trận gài mìn phá đường giao thông của địch, hoặc đánh úp bọn lính Nam Triều Tiên; có trận, Từ Văn Phước cải trang làm dân thường, bất ngờ diệt địch ngay trên những đoạn đường trống trải.


Tháng 2 năm 1967, đồng chí dẫn một số anh em lọt vào vùng Bình Nhâm, đào hầm bí mật, bám sát địch trong ngót một tuần lễ, sau đó đánh liên tiếp 2 trận phá vỡ kế hoạch bình định của chúng.

Trải qua chiến đấu trên chiến trường trọng điểm bình định của địch, Từ Văn Phước luôn luôn nêu cao ý thức phục vụ nhân dân và tinh thần cách mạng tiến công "tìm Mỹ mà đánh, tim ngụy mà diệt”, bền bỉ, kiên trì khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, chiến đấu dũng cảm, sáng tạo, góp phần làm thất bại âm mưu bình định của kẻ thù, xây dựng địa phương trở thành ngọn cờ đầu của phong trào diệt Mỹ trong toàn quân khu miền Đông Nam Bộ.


Từ Văn Phước đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng nhất, 1 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng ba, là Chiến sĩ thi đua 2 năm 1965 - 1966, 17 lần đạt các danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt cơ giới, Dũng sĩ Quyết thắng.


Ngày 17 tháng 9 năm 1967, Từ Văn Phước được Ủy ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thương Huân chương Quân công Giải phóng hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6619



WWW
« Trả lời #63 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2022, 07:41:08 pm »

Anh hùng Nguyễn Văn Quang


Nguyễn Văn Quang (tức Sên), sinh năm 1944, dân tộc Kinh, quê ở xã Phước Lai, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, nhập ngũ tháng 10 năm 1964. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là tiểu đội trưởng đại liên thuộc đại đội 1, tiểu đoàn 445, bộ đội địa phương tỉnh Bà Rịa, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo khổ, Nguyễn Văn Quang phải đi ở cho địa chủ ngay từ bé, sống cuộc đời vô cùng cơ cực. Cha, mẹ và chị gái đồng chí đã bị bọn thực dân Pháp bắn chết.

Căm thù sâu sắc bọn đế quốc, phong kiến, năm 1960 đồng chí trốn khỏi nhà địa chủ để đi theo cách mạng. Năm 1964, đồng chí xung phong vào lực lượng vũ trang để được trực tiếp cầm súng giết giặc đền nợ nước, trả thù nhà.


Nguyễn Vàn Quang tham gia chiến đấu 20 trận (tính đến khi tuyên dương). Là một xạ thủ súng máy, đồng chí luôn luôn nêu cao tinh thần gan dạ, chủ động tiến công rất mãnh liệt, tiêu diệt địch, thu vũ khí, chi viện cho đồng đội, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nguyễn Văn Quang đã diệt được 180 tên địch (có 73 lính Mỹ vá 25 lính Úc), diệt 1 xe M.41 và 1 xe quân sự địch, thu 27 súng các loại và 2 máy thông tin.


Trong trận An Ngãi (tháng 5 năm 1965), khẩu đội súng máy của Nguyễn Văn Quang có nhiệm vụ bảo vệ sườn và chi viện cho đơn vị đánh chia cắt đội hình địch. Khi chiến đấu, đội hình địch lại tiến thắng về hướng khẩu đội. Đồng chí cùng đồng đội dũng cảm đánh trả địch, sau loạt đạn đầu diệt 4 tên, đồng chí xông lên thu 1 trọng liên và 1 máy thông tin. Khẩu đội tiếp tục chi viện cho đơn vị đánh tan cuộc hành quân của địch.


Trận Đá Giàng (tháng 1 năm 1966), được lệnh đi phục kích, Nguyễn Văn Quang cùng đồng đội khẩn trương chuẩn bị và hăng hái hành quân suốt hai ngày đêm liền tới vị trí tập kết. Được lệnh nổ súng, đồng chí nhanh chóng vận động lên trước, đặt súng bắn diệt một số tên địch và chỉ huy đồng đội xông lên lấy được 2 khẩu trung liên. Bọn bộ binh địch cụm lại ngoan cố chống cự, làm cho đội hình đơn vị ùn lại, Nguyễn Văn Quang ôm nòng súng xông lên trước, nhưng đồng chí vác chân đại liên chưa lên kịp, Nguyễn Văn Quang đã kê nòng đại liên vào cây bắn diệt 15 tên, kịp thời chi viện cho đồng đội tiến lên diệt địch và thu được 3 trung liên. Trận chiến đấu vẫn tiếp diễn, khẩu đại liên bắn nhiều bị đỏ nòng, Nguyễn Văn Quang liên tiếp sử dụng 3 khẩu trung liên lấy được của địch tiếp tục chiến đấu, góp phần cùng đơn vị hoàn thành thắng lợi trận đánh.


Trận đánh chống càn tại Sông Cầu (tháng 5 năm 1966), bọn địch bắn pháo dữ dội vào khu vực, sau đó cho máy bay lên thẳng đổ 2 tiểu đoàn quân Mỹ xuống đi càn quét. Tuy khẩu đội đại liên còn bố trí ở xa, nhưng khi được lệnh, đồng chí cùng đồng đội lập tức rời công sự, vận động trên địa hình trống dưới làn đạn của địch. Bọn địch phát hiện ta trước, ồ ạt xông tới, Nguyền Văn Quang bình tĩnh đặt súng bắn quyết liệt quét diệt nhiều tên địch, bọn còn lại tháo chạy về phía sau. Trận chiến đấu vẫn diễn ra gay go, quyết liệt, khẩu đội bị thương vong chỉ còn lại hai người, rồi sau chỉ còn lại một mình đồng chí. Bị địch đánh cả hai phía, nhưng Nguyễn Văn Quang vẫn kiên cường đánh lui 8 đợt tiến công của địch, đến khi súng hết đạn, còn dùng lựu đạn tiếp tục chiến đấu rồi tìm đường rút về đơn vị an toàn.


Trong trận phục kích xe địch ở Cà Mum (tháng 4 năm 1967), do địa hình khó khăn, đồng chí trèo lên một cây cao chờ địch. Hai xe địch (1 xe M.41 và 1 xe "gíp") dừng lại sát nhau cách đồng chí 40 mét. Bất chấp nguy hiểm phía sau 2 chiếc xe địch đang kéo tới, đồng chí bắn 1 phát B.40 diệt cả 2 xe rồi nhanh chóng tụt xuống cùng tổ rút về an toàn.


Trong mọi mặt công tác, đồng chí luôn luôn gương mẫu đi đầu, đoàn kết, thương yêu, tận tình giúp đỡ đồng đội trong lúc thường cũng như khi chiến đấu nguy nan.

Nguyễn Văn Quang đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, 3 lần Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú, 3 lần Dũng sĩ Quyết thắng cấp ưu tú, 1 lần là Dũng sĩ diệt cơ giới, 2 năm liền (1965 - 1966) là Chiến sĩ thi đua.


Ngày 17 tháng 9 năm 1967, Nguyễn Văn Quang được Ủy ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6619



WWW
« Trả lời #64 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2022, 07:41:48 pm »

Anh hùng Ngô Văn Rạch


Ngô Văn Rạnh, sinh năm 1922, dân tộc Kinh, quê ở xã Phước Lợi, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, nhập ngũ tháng 3 năm 1956. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là đại đội bậc phó, trợ lý công binh thuộc đoàn 149, Cục hậu cần Miền, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Ngô Văn Rạnh là một cán bộ tích cực hoạt động từ những năm đầu xây dựng lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ.

Trong những năm đầu có rất nhiều khó khăn, gian khổ, đồng chí kiên trì, lăn lộn nhiều năm ròng rã trong rừng lao động, công tác phục vụ cách mạng. Sáu năm phụ trách một tổ công binh mở đường, bắc cầu phục vụ việc vận chuyển, đồng chí có nhiều sáng tạo, chỉ huy đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mở được 29 con đường rừng dài gần 200 ki-lô-mét, bắc 55 cầu to, nhỏ.


Tháng 11 năm 1955, Ngô Văn Rạnh bị địch bắt vào quân đội Cao Đài và bị mất liên lạc với cơ sở của ta. Được bọn địch giao cho giữ một số vũ khí, Ngô Văn Rạnh đã đem vũ khí vào rừng cất giấu cho ta. Đồng chí còn vừa tìm cách bắt liên lạc với cơ sở cách mạng, vừa vận động anh em binh lính Cao Đài làm binh biến. Khi thời cơ đến, đồng chí cùng anh em bắt trói bọn chỉ huy địch, thu vũ khí, trở về hàng ngũ tiếp tục hoạt động.


Năm 1956, Ngô Văn Rạnh được phân công ở lại trong rừng giữ kho súng. Suốt 5 tháng ở rừng, không có gạo, đồng chí phải tự lao động: lượm vỏ chai, làm cây gió... đổi lấy gạo ăn. Tuy vậy, đồng chí vẫn kiên trì và hoàn thành tốt nhiệm vụ.


Năm 1960, Ngô Văn Rạnh được phân công đi làm kho chứa lúa. Tổ chỉ có 7 người, nguyên vật liệu chưa có, đồng chí động viên anh em khắc phục khó khăn, đi xa chặt tre, lấy tranh về làm được ba nhà kho chứa sáu ngàn giạ lúa, bảo đảm tránh được hao hụt, mất mát.


Năm 1962, Ngô Văn Rạnh được phân công cùng 5 người khác đi làm cầu đường với một cái khoan, mấy con dao rựa và một cái cưa. Yêu cầu thi khẩn trương, bức thiết, mọi người đều chưa quen với công việc này, khi làm thì nước lũ lại tràn về. Ngô Văn Rạnh đã bàn bạc với anh em, động viên lẫn nhau, chung sức vượt qua khó khăn, hoàn thành bằng xong nhiệm vụ được giao. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, phát huy nhiều sáng kiến, chỉ trong 10 ngày đêm, tổ của đồng chí đã hoàn thành bắc xong cầu dài 43 mét.


Khi chuẩn bị cho chiến dịch Đường số 13, Ngô Văn Rạnh được giao phụ trách một bộ phận đi làm đường. Công việc nặng nhọc, phức tạp, ăn uống thiếu thốn, nhưng đồng chí không hề nản lòng. Trong khi mở đường, đồng chí thường tìm cách mở những đoạn đường gần nhất, hoặc tránh những chỗ trống để bảo đảm bí mật, mặc dù làm như vậy bản thân và đội công binh sẽ phải chịu những khó khăn tăng lên gấp bội. Ngô Văn Rạnh luôn luôn đặt yêu cầu làm đường phải bảo đảm vận chuyển hàng hóa và thương binh đi được dễ dàng, nhanh chóng và an toàn. Qua một thời gian, đồng chí đã cùng đồng đội mở được những con đường rừng dài gần 200 ki-lô-mét, phục vụ kịp thời yêu cầu chiến đấu.


Ngô Văn Rạnh luôn luôn nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, gương mẫu trong mọi mặt công tác, đồng chí còn chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đơn vị, thương yêu, tận tình giúp đỡ anh em, sống khiêm tốn, giản dị, được đồng đội tin yêu, mến phục.


Ngô Văn Rạnh đã được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì, 5 bằng khen và giấy khen, 5 năm liền là Chiến sĩ thi đua.


Ngày 17 tháng 9 năm 1967, Ngô Văn Rạnh được Ủy ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6619



WWW
« Trả lời #65 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2022, 07:42:36 pm »

Anh hùng Nguyễn Văn Tăng


Nguyễn Văn Tăng, sinh năm 1932, dân tộc Kinh, quê ở xã Tăng Nhơn Phú, huyện Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh, nhập ngũ tháng 6 năm 1947. Khi dược tuyên dương Anh hùng đồng chí là tiểu đoàn phó biệt động Sài Gòn - Gia Định, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Mang nặng mối thù với bọn đế quốc xâm lược tàn sát đồng bào, giết hại cha, chị gái và anh rể, năm 15 tuổi Nguyễn Văn Tăng tình nguyện vào bộ đội, làm liên lạc, tình báo, rồi về đội biệt động công tác nội thành, sau chuyển sang bộ đội đặc công.


Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Văn Tăng chiến đấu 46 trận, giết chết 50 tên địch, bắt sống 18 tên, thu 9 súng. Tập kết ra miền Bắc, đồng chí qua nhiều công tác: tiểu đội trưởng nuôi quân, tiếp phẩm, quản lý, lao động sản xuất ở nông trường... Tháng 9 năm 1963, trở về miền Nam chiến đấu, Nguyễn Văn Tăng luôn luôn nêu cao tinh thần kiên quyết tiến công, xung phong gương mẫu, khắc phục mọi khó khăn, chiến đấu rất dũng cảm, táo bạo ngay tại trung tâm sào huyệt địch ở nội thành Sài Gòn, tiêu diệt nhiều sinh lực quan trọng và những cơ sở trọng yếu của địch, lập công xuất sắc, gây cho bọn Mỹ - ngụy nhiều thiệt hại nặng nề.


Ngày 26 tháng 12 năm 1965, Nguyễn Văn Tăng là chỉ huy phó trận tập kích vào khu vực liên trường thiết giáp và sĩ quan ngụy ở Thủ Đức. Khi trận đánh gặp khó khăn, đồng chí trực tiếp dẫn một bộ phận nhanh chóng thọc sâu, dùng tiểu liên, lựu đạn diệt bọn địch ngoan cố chia cắt đội hình của ta, đồng chí lập tức chỉ thị cho đơn vị dùng B.40 diệt cơ giới địch, bản thân cũng dùng thủ pháo diệt tại chỗ 1 xe M.118. Khi được lệnh rút ra, Nguyễn Văn Tăng đã tìm mọi cách tổ chức cho đơn vị vượt sông, đưa thương binh về căn cứ an toàn. Kết quả trận này, ta tiêu diệt hơn 300 địch, phần lớn là bọn chuyên viên kỹ thuật, phá hủy 4 xe M.113 và M.118.


Được giao nhiệm vụ nghiên cứu và trực tiếp chỉ huy trận đánh cư xá Mỹ Vích-tô-ri-a ở Sài Gòn, Nguyễn Văn Tăng động viên anh em khẩn trương chuẩn bị rất công phu, tỉ mỉ, với phương án tác chiến tốt nhất. Ngày 1 tháng 4 năm 1966, vừa tới mục tiêu, đồng chí nổ súng diệt ngay 2 tên gác, cùng lúc chiếc xe chở thuốc nổ xộc thẳng qua cổng vào trong sân. Khi 1 chiếc xe "gíp" chở bọn lính Mỹ ập tới chặn đường, Nguyễn Văn Tăng dùng tiểu liên diệt gọn những tên ở trên xe, yểm hộ cho anh em rút ra ngoài. Dọc đường rút quân qua các ngã tư, bị bọn cảnh sát ngụy tung lực lượng ngăn chặn, mặc dù bị thương ở tay, đồng chí vẫn bình tĩnh chỉ huy anh em dùng lựu đạn, súng ngắn tiêu diệt địch, nhanh chóng trở về hậu cứ an toàn. Trận tiến công chớp nhoáng và táo bạo này đánh sập 5 tầng nhà cư xá Vích-tô-ri-a, diệt hơn 280 tên giặc Mỹ lái máy bay và chuyên viên kỹ thuật không quân.


Để chuấn bị trận pháo kích lễ đài của bọn chóp bu ngụy quyền Sài Gòn bày trò duyệt binh phô trương lực lượng vào ngày 1 tháng 11 năm 1966, đồng chí nghiên cứu kỹ đường vào, đường rút, vị trí đặt pháo và trực tiếp chỉ huy trận đánh. Nguyễn Văn Tăng động viên anh em bình tĩnh làm tốt công tác ngụy trang và giữ vững quyết tâm chiến đấu, mặc cho máy bay lên thẳng của địch nhiều lần quần đảo, rà sát trận địa. Đồng chí hạ lệnh nổ súng đúng thời cơ, bắn trúng mục tiêu, khiến kẻ địch vô cùng hoảng loạn.


Nguyễn Văn Tăng đã nhiều lần cải trang đi lại hoạt động ngay giữa Sài Gòn; có lần bị bọn cảnh sát ngụy kèm riết rồi xô vào bắt, đồng chí bình tĩnh, dũng cảm đánh địch giữa đường phố và thoát vây. Đồng chí còn tích cực huấn luyện, xây dựng các đội hoạt động vũ trang trong lòng địch, chỉ đạo đánh nhiều trận, diệt hàng trăm tên Mỹ.


Nguyễn Văn Tăng là một cán bộ chỉ huy xuất sắc, tiêu biểu cho tấm gương chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, mưu trí, sáng tạo, có trách nhiệm xây dựng đơn vị, hết lòng thương yêu, giúp đỡ đồng đội, được anh em tin cậy, mến phục.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì và 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, 11 bằng khen và giấy khen.


Ngày 17 tháng 9 năm 1967, Nguyễn Văn Tăng được Ủy ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6619



WWW
« Trả lời #66 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2022, 07:43:46 pm »

Anh hùng Ngô Lê Tân


Ngô Lê Tân (tức Hầu Sĩ Đô), sinh năm 1933, dân tộc Kinh, quê ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, nhập ngũ tháng 9 năm 1950. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là trưởng xưởng thông tin Quân khu 5, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Ngô Lê Tân luôn luôn nêu cao tinh thần lạc quan cách mạng, tận tụy, say mê với nhiệm vụ, giàu óc sáng tạo, mạnh bạo đi sâu vào chuyên môn kỹ thuật, chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, góp phần bảo đảm công tác thông tin liên lạc phục vụ cho lãnh đạo, chỉ huy trên một chiến trường vô cùng gian khổ, ác liệt trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn.


Trong kháng chiến chống Pháp, Ngô Lê Tân công tác tại xưởng thông tin Khu 5, sửa chữa máy vô tuyến điện phục vụ cho Bộ Tư lệnh, Khu ủy và các đơn vị chiến đấu.


Sau năm 1955, đồng chí ở lại hoạt động bí mật, trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, thiếu thốn, một mình phụ trách việc sửa chữa máy vô tuyến điện cho cả 7 tỉnh miền Trung Trung Bộ, Ngô Lê Tân đã thể hiện quyết tâm cao, tự lực khắc phục khó khăn, tranh thủ mọi thời gian làm việc hết sức mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.


Tuy trình độ chuyên môn có hạn, nhưng với ý nghĩ làm sao có đủ máy móc, trang bị thông tin liên lạc thích hợp với điều kiện của chiến trường để anh em làm việc đỡ vất vả, tiết kiệm được khí tài, vật liệu, Ngô Lê Tân vừa công tác, vừa tìm tòi, nghiên cứu, học tập, phát huy sáng kiến, sửa chữa, lắp ráp những bộ phận máy móc thông tin phức tạp, phù hợp với điều kiện chiến trường, góp phần phục vụ chiến đấu thắng lợi.


Năm 1960, bằng những vật liệu thu nhặt được, dùng cả vỏ thùng pin làm khung máy, ống nứa và lọ thủv tinh thay cho ống sứ để quấn dây..., đồng chí tự làm ra chiếc máy phát sóng vô tuyến điện đầu tiên lấy tên "Giải phóng".


Năm 1962, Ngô Lê Tân tìm ra phương pháp điều chỉnh sóng máy bộ đàm PRC.10 (Mỹ) nhanh và chính xác, giúp các đơn vị chiến đấu sử dụng tốt trang bị thu được của địch.


Ngô Lê Tân còn có nhiều sáng kiến trong việc tận dụng nguồn pin vốn rất thiếu thốn, sửa chữa và cải tiến các máy phát điện, phát sóng, làm động cơ thủy điện, ống đo bức xạ ăng-ten, bộ phận tăng âm trong máy điện thoại...


Ngô Lê Tân rất chịu khó học hỏi và nhiệt tình phổ biến kinh nghiệm của mình cho anh em, động viên mọi người tiết kiệm từng cái ốc vít, từng mẩu dây điện, thường xuyên nhường thuận lợi cho bạn, nhận khó khăn về mình, luôn luôn suy nghĩ bảo đảm yêu cầu cao nhất trong công tác thông tin liên lạc, phục vụ chiến đấu thắng lợi.


Ngô Lê Tân rất mực thương yêu và tận tình giúp đỡ đồng chí, đồng bào trong mọi việc, gắn bó với chiến trường, chấp hành tốt chính sách dân tộc, chính sách thương binh tử sĩ, chú ý làm công tác xây dựng cơ sở, nêu tấm gương sáng về lòng kiên trì rèn luyện, dám nghĩ dám làm, dũng cảm vượt mọi khó khăn phục vụ cho lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là trong thời gian đầu của cuộc kháng chiến có nhiều khó khăn, gian khổ, ác liệt.


Ngô Lê Tân đã được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng ba, nhiều bằng khen và giấy khen, 4 năm là Chiến sĩ thi đua.


Ngày 17 tháng 9 năm 1967, Ngô Lê Tân được Ủy ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6619



WWW
« Trả lời #67 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2022, 07:44:26 pm »

Anh hùng Lê Thị Thanh


Lê Thị Thanh (tức Nguyễn Thị Lan), sinh năm 1932, dân tộc Kinh, quê ở xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là xã đội phó xã Điện Hòa, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Lê Thị Thanh là một cán bộ cơ sở xuất sắc toàn diện, liên tục, bền bỉ hoạt động và chiến đấu trong vùng địch tạm chiếm, qua hai cuộc kháng chiến, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, hết lòng phục vụ nhân dân.


Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng chí tham gia du kích, đi bao vây, bắn tỉa nhiều trận địa và phối hợp với bộ đội tiêu diệt hai đồn địch.


Từ năm 1955 đến 1961, trong hoàn cảnh bị địch kìm kẹp gắt gao, cả gia đình nhà chồng đều bị địch bắt vì hoạt động cách mạng, Lê Thị Thanh vẫn tìm mọi cách đấu tranh hợp pháp chống lại âm mưu tố cộng, diệt cộng, dồn dân, lập ấp chiến lược của kẻ thù.


Đầu năm 1962, gia đình Lê Thị Thanh là một trong những cơ sở bí mật đầu tiên của xã. Chồng đồng chí đi thoát ly rồi đưa cán bộ vể hoạt động tại địa phương. Mặc dù địch luôn luôn lùng sục, đồng chí vẫn vừa nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ tại nhà mình, vừa làm liên lạc dẫn đường và theo dõi tình hình địch. Lê Thị Thanh còn vận động, tổ chức cả cha và anh ruột mình làm cơ sở bí mật, phục vụ cán bộ hoạt động. Đồng chí hai lần dẫn đội công tác về đốt cơ quan hội đồng xã và nhà tập trung của địch; có lần lợi dụng sơ hở của chúng, đồng chí đem cờ và truyền đơn của Mật trận dán ngay ở cơ quan hội đồng xã giữa ban ngày, khiến đồng bào thêm tin tưởng, kẻ địch rất hoang mang.


Tháng 12 năm 1962, chồng Lê Thị Thanh hy sinh vì địch phục kích, sau đó cơ sở bị địch khủng bố gắt gao, đội công tác phải tạm thời rút ra ngoài. Biến đau thương thành sức mạnh, đồng chí vận động 3 người em chồng tham gia công tác cách mạng và đi bộ đội, bản thân tiếp tục xây dựng cơ sở bí mật, tạo điều kiện cho đội công tác trở về lãnh đạo nhân dân phá ấp chiến lược.


Tháng 2 năm 1964, địch đưa quân chủ lực về đóng tại xã làm chỗ dựa cho bọn tề, ác ôn, dân vệ khủng bố, đàn áp nhân dân. Lê Thị Thanh vẫn tìm mọi cách nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ, đồng thời lập đội nữ du kích bí mật, vừa chiến đấu bằng vũ khí thô sơ, tự tạo, vừa làm công tác binh vận, làm cho hai trung đội ngụy đấu tranh với bọn chỉ huy đòi về nhà làm ăn, một trung đội khác hoang mang bỏ đồn rút chạy, hệ thống ngụy quyền tan rã, toàn xã được giải phóng.


Khi địch cho xe M.113, M.118 càn vào xã, phá hoại hoa màu, Lê Thị Thanh vận động đồng bào ra đấu tranh, vừa dùng lý lẽ, vừa cùng bà con dũng cảm nằm ra đường cản xe địch, buộc chúng phải lùi lại và bồi thường thiệt hại. Thắng lợi này có tác dụng mở đầu cho những trận đấu tranh cản xe địch trong toàn tỉnh.


Tám năm bền bỉ làm cơ sở bí mật và 3 năm cùng đội du kích chiến đấu, Lê Thị Thanh đã tham gia và chỉ huy thắng lợi hơn 200 cuộc đấu tranh chính trị tại xóm, quận và đồn, bốt địch; trực tiếp chiến đấu 37 trận, diệt 69 tên địch (có 54 tên Mỹ), góp phần tích cực xây dựng xã thành đơn vị cơ sở xuất sắc nhất toàn khu.


Lê Thị Thanh vừa là một du kích dũng cảm mưu trí, một cán bộ cơ sở đấu tranh chính trị xuất sắc, vừa là một phụ nữ sản xuất giỏi. Một mình đồng chí nuôi hai con, bảo đảm sản xuất tốt, ngoài việc nhà, đồng chí còn cày, bừa, giúp các gia đình neo đơn khác, vận động phong trào phụ nữ đảm đang việc đồng áng thay thế cho nam giới đi thoát ly hoạt động, được cấp trên tin cậy, bà con rất tín nhiệm, thương yêu.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất và 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, 2 lần đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú, 3 năm liền (1963 - 1965) là Chiến sĩ thi đua của xã, năm 1966 là Chiến sĩ thi đua công - nông - binh của tỉnh và được Đại hội phụ nữ tỉnh bầu là chiến sĩ "Bốn đảm đang" khá nhất toàn tỉnh.


Ngày 17 tháng 9 năm 1967, Lê Thị Thanh được Ủy ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6619



WWW
« Trả lời #68 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2022, 07:45:29 pm »

Anh hùng Nguyễn Văn Thể


Nguyễn Văn Thể, sinh năm 1947, dân tộc Kinh, quê ở xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, nhập ngũ tháng 4 năm 1965. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là tiểu đội trưởng thuộc đại đội 1, tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh Long An, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Nguyễn Văn Thể là một chiến sĩ liên lạc dũng cảm, mưu trí, một chiến sĩ xung kích xông xáo, linh hoạt, mặc dù nhiều lần bị thương, vẫn hăng hái xung phong đảm nhận những nhiệm vụ khó khăn, trận nào cũng tiêu diệt nhiều địch. Trong 2 năm 1965, 1966, đồng chí đánh 26 trận, góp phần xứng đáng cùng đơn vị tiêu diệt 1 tiểu đoàn, 13 đại đội, 12 trung đội địch. Riêng Nguyễn Văn Thể diệt 34 tên giặc (có 3 tên Mỹ), bắt sống 12 tên, thu 19 khẩu súng các loại.


Ngày 27 tháng 5 năm 1965, đánh trận Thanh Hà (Bến Lức), Nguyễn Văn Thể bị thương vỡ xương mắt cá, đứt cả gân gót chân, không đi được, nhưng để đồng đội tập trung diệt địch, đồng chí cố sức tự bò về phía sau. Ở bệnh xá, đồng chí kiên trì luyện tập để trở về đơn vị chiến đấu.


Đêm 26 tháng 10 năm 1965, sau mấy ngày đêm liền hành quân, tuy chân bị đau lại, nhưng khi đơn vị đánh vào Đức Lập, Nguyễn Văn Thể kiên quyết xin được tham gia. Đồng chí chuyền đạt mệnh lệnh rất nhanh chóng, chính xác ngay giữa lúc trận đánh đang gay go, ác liệt. Khi cần đến chiến sĩ xung kích, Nguyễn Văn Thể 3 lần xông lên, 3 lần bị thương, vẫn tiếp tục chiến đấu. Hết đạn, hết thủ pháo, đồng chí tự đi tìm thêm vũ khí, cùng đồng đội đánh chiếm sở chỉ huy của địch, tạo điều kiện cho đơn vị diệt gọn 1 tiểu đoàn giặc. Sau trận đánh, trong lúc máy bay địch đang bắn phá dữ dội, bản thân đã bị thương, Nguyễn Văn Thể vẫn tìm mọi cách đưa được hai thương binh về nơi an toàn.


Trong trận đánh đồn Rạch Chanh, khi đơn vị chưa qua được cửa mở, đồng chí dũng cảm lao tới chiếm vị trí đầu cầu diệt địch ở trong hầm ngầm, tạo điều kiện cho xung kích chiếm đồn, diệt gọn 1 đại đội địch.


Trong trận tiến công chi khu Đức Huệ, ngay phút đầu, Nguyễn Văn Thể dẫn một tổ xung kích lên đánh ụ súng cối. Phát hiện ổ đề kháng của địch, đồng chí dùng thủ pháo đánh chiếm được lô cốt. Biết trong hầm ngầm còn tên quận trưởng chỉ huy bọn lính đang ngoan cố chống lại, đồng chí áp sát, dùng thủ pháo diệt gọn. Trong trận này, Nguyễn Văn Thể bị thương vào cổ nhưng vẫn cố gắng tự mình trở về căn cứ.


Tháng 10 năm 1966, đánh đồn Hưng Long, địch ngoan cố chống cự, làm cho xung kích chưa lên được. Nguyễn Văn Thể bò sát bờ thành, đánh từ công sự đến công sự 4, gọi những tên địch còn lại ra hàng. Sau khi giao tù binh cho anh em, thấy mũi tiến công của trung đội bạn gặp khó khăn, đồng chí lập tức quay sang chi viện, diệt ổ đại liên của địch, góp phần cùng đơn vị kết thúc thắng lợi trận đánh trong vòng 15 phút, diệt gọn 1 đại đội.


Nguyễn Văn Thể luôn luôn nêu cao tinh thần tiến công địch, ngoan cường, quả cảm chiến đấu, gương mẫu trong sinh hoạt, học tập và công tác, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cấp trên giao cho, khiêm tốn, giản dị, được đồng đội yêu mến.


Ngày 17 tháng 9 năm 1967, Nguyễn Văn Thể được Ủy ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng. 
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6619



WWW
« Trả lời #69 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2022, 07:46:14 pm »

Anh hùng Nguyễn Công Tòng


Nguyễn Công Tòng, sinh năm 1935, dân tộc Kinh, quê ở xã Tam Nghĩa, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nhập ngũ tháng 1 năm 1953. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là đại đội trưởng thuộc tiểu đoàn 93, trung đoàn 2, sư đoàn 3, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Căm thù bọn đế quốc xâm lược tàn sát đồng bào, tha thiết với độc lập, tự do của Tổ quốc, Nguyễn Công Tòng nêu tấm gương sáng về nhiệt tình cách mạng, tận tâm, tận lực chấp hành bất cứ nhiệm vụ gì cấp trên giao cho.


Trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí tham gia chiến đấu 5 trận, khi tập kết ra miền Bắc, rất chịu khó rèn luyện, học tập và tham gia lao động sản xuất.


Tháng 1 năm 1961, Nguyễn Công Tòng trở về miền Nam chiến đấu. Là chiến sĩ bắn súng cối, chiến sĩ nuôi quân hay chỉ huy đơn vị tác chiến, trong hoàn cảnh nào, ở cương vị nào, đồng chí cũng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ.


Từ năm 1961 đến năm 1966, Nguyễn Công Tòng chiến đấu 31 trận, góp phần cùng đơn vị tiêu diệt nhiều đại đội, tiểu đoàn Mỹ, ngụy. Riêng đồng chí diệt 12 tên địch, bắt sống 1 tên (không kể số giặc bị diệt trong các hầm ngầm), thu và phá hủy nhiều vũ khí. Trận nào Nguyễn Công Tòng cũng chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, nêu cao ý chí kiên quyết tiến công tiêu diệt địch, nhiều lần đã chỉ huy phân đội lập công xuất sắc.


Trong trận Thuần Mẫn tháng 6 năm 1965, khi trung đội trưởng bị thương, Nguyễn Công Tòng là trung đội phó lên thay, tiếp tục chỉ huy anh em đánh thẳng vào sở chỉ huy chiến đoàn dù ngụy. Trong lúc máy bay địch bắn phá dữ dội, đồng chí động viên anh em kiên quyết chiến đấu, đồng thời tổ chức đưa thương binh về phía sau an toàn. Thấy phân đội bạn gặp khó khăn, Nguyễn Công Tòng chủ động dẫn anh em đánh sang chi viện, bẻ gãy 3 đợt phản kích của địch, quét sạch chúng trong các hào giao thông và đánh vào trận địa pháo. Từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, trung đội của Nguyễn Còng Tòng đã diệt gọn ban chỉ huy chiến đoàn dù ngụy, 1 trung đội thông tin, phá hủy 7 xe "gíp" và xe GMC, bắn rơi 1 máy bay L.19, cùng phân đội bạn diệt, gọn 1 đại đội pháo gồm 5 khẩu đội 105 mi-li-mét.


Trận tập kích Gò Riêng tháng 11 năm 1965, mặc dù địch đóng trên đỉnh đồi cao, có chỗ dốc đứng phải chồng người mới lên được, Nguyễn Công Tòng đi trước quan sát địa hình rồi quay xuống dẫn đầu đơn vị bí mật tập kích vào chỗ địch tập trung, thực hiện khẩu hiệu "sờ được đầu địch mới nổ súng". Chỉ sau 15 phút chiến đấu, ta hoàn toàn làm chủ trận địa, diệt gọn 1 đại đội biệt kích địch. Riêng đơn vị đồng chí diệt được 43 tên, bắt sống 7 tên, thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự.


Trong trận Đông Cháy tháng 5 năm 1966, Nguyễn Công Tòng đi trinh sát bám địch, chuẩn bị chiến trường từ 4 ngày trước, đồng chí mưu trí chọn đường xuất kích theo hướng bất ngờ chỗ dốc đứng lên đỉnh đồi và bí mật nhổ chông dọn trước đường tiến quân. Khi ta nổ súng, địch chạy dồn về hướng chúng ít phòng bị nhất, cũng vừa lúc Nguyễn Công Tòng dẫn đầu đơn vị từ hướng dốc đứng đánh mạnh lên, tiêu diệt gọn. Thừa thắng, quân ta đánh thẳng vào bên trong, diệt bọn còn lại trong các công sự, hoàn toàn làm chủ trận địa. Cuối trận đánh, máy bay và pháo địch điên cuồng bắn phá, Nguyễn Công Tòng như con thoi lao đi giữa trận địa, chỉ huy đơn vị bắn máy bay địch và tổ chức vận chuyển thương binh, thu chiến lợi phẩm. Trận này, đại đội của Nguyễn Công Tòng góp phần quan trọng cùng đơn vị bạn diệt gọn 1 đại đội Mỹ và 1 trung đội súng cối.


Nguyễn Công Tòng là một cán bộ quân sự rất quan tâm đến việc giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng đơn vị, chăm lo cải thiện đời sống cho anh em, nêu gương chấp hành tốt chính sách thương binh, liệt sĩ và chính sách chiến lợi phẩm, hết lòng giúp đỡ, bảo vệ nhân dân, được đồng đội rất tin yêu, mến phục.


Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất và 10 bằng khen, giấy khen.


Ngày 17 tháng 9 năm 1967, Nguyễn Công Tòng được Ủy ban trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM