Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Năm, 2024, 06:40:01 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Napoleon Bonaparte  (Đọc 94979 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 06 Tháng Ba, 2016, 12:51:47 pm »

Tên sách: Napoleon Bonaparte
Tác giả: Ê Các lê
Dịch giả: Nguyễn Khắc Trung-Yến Nhi
Hiệu đính: Chiến Thắng
Nhà xuất bản: Văn hoá Thông tin
Năm xuất bản: 2006
Số hoá: ptlinh, chuongxedap





LỜI NÓI ĐẦU

Người mà tôi phải viết về thân thế và giải thích về tính cách là một trong những hiện tượng kỳ lạ nhất của lịch sử thế giới, và cũng không lấy gì làm ngạc nhiên khi thấy người ta đã viết, đang viết và còn phải viết rất nhiều cuốn sách nữa về con người ấy.

Cuộc tàn sát trên thế giới trong những năm 1914 - 1918 tất nhiên làm thức tỉnh và làm tăng thêm sự chú ý tới nhân vật mà các chuyên gia đều đã nhất trí coi là thiên tài quân sự lớn nhất của các thời đại. Những tướng bất tài như loại Ni-ven ở Pháp, Môn-cơ cháu và Phan-ken-hay ở Đức, Phren và Hết-giơ ở Anh, Ren-nem-cam và I-a-núc-kê-vít ở Nga thì nhiều vô kể, đến nỗi buộc người ta phải coi đến cả những nhân vật mà tài năng hạn chế như Lu-đen-doóc, Phốc, hay A-lê-xê-ép là những nhà chiến lược thiên tài. Ngay sự tồn tại của những nhà chỉ huy bất lực ấy của hàng triệu người vũ trang cũng đã chứng minh một cách không thể chối cãi được rằng, tình trạng chiến tranh và sử dụng những quân đội khổng lồ tự thân nó không có khả năng tạo nên một nhà chỉ huy thiên tài, cũng như toàn thể những mỏ đá Ca-ra đẹp nhất không có khả năng sinh ra một nhà điêu khắc như Phi-đi-át hay một hoạ sỹ như Mi-ke lăng-giơ được. Sau cuộc chiến tranh thế giới, sự thật ấy đã được thừa nhận một cách không cần bàn cãi, và một điều rất tự nhiên là nó đã làm sống lại một cách mạnh mẽ sự chú ý tới một số bậc thày về nghệ thuật chiến tranh như A-ni-ban, Xe-da, Xu-vô-lốp, và dĩ nhiên, trước hết là tới "người đứng đầu trong số những người đứng đầu" về nghệ thuật này: Na-pô-lê-ông.

Theo quan điểm của Na-pô-lê-ông thì những cuộc chiến tranh, những cuộc xung phong, những cuộc hành quân, những cuộc xâm lược đều nhằm đánh bại kẻ địch, bắt chúng phải làm theo ý muốn của mình, bắt chúng phải hàng phục một cách chắc chắn và lâu dài, hàng phục "mãi mãi", rồi từ đó nhào nặn lịch sử nước bị đánh bại theo ý muốn của mình, hay nếu không có khả năng đạt được mục đích đó ngay, thì ít ra cũng làm ảnh hưởng đến lịch sử của nước ấy. Những thắng lợi không chiến quả, nghĩa là những thắng lợi không mang lại những quyền lợi chính trị trực tiếp thì Na-pô-lê-ông không bao giờ cần đến.

Đương nhiên là chỉ ở vào thời kỳ thơ ngây của lối viết lịch sử duy tâm và đặc biệt là của "trường phái anh hùng" - một trong những cách viết theo quan điểm duy tâm - người ta mới gán cho Na-pô-lê-ông vai trò của kẻ đã sáng tạo ra thời đại mà Na-pô-lê-ông đã sống, thời đại mà Na-pô-lê-ông được coi là người mang lại cả ý nghĩa lẫn tinh thần tầm quan trọng về mọi mặt đối với sự tiến bộ của nhân loại.

Sau khi bóp chết được cách mạng Pháp, Na-pô-lê-ông đã làm cho mọi người không còn nhớ gì đến cuộc cách mạng ấy nữa; Ông ta đã khủng bố dữ dội những người Gia-cô-banh vào tháng 12 năm 1800 không phải vì phái này đã tổ chức "vụ bom nổ" (ngay sau đó ông ta biết phái nay không dính dáng gì vào việc ấy), mà chỉ bởi họ là những người cộng hoà và họ nhất định không muốn vì cái danh dự của lòng yêu nước theo lối sô-vanh và hiếu chiến mà phản lại truyền thống cách mạng. Trên con đường phản động chính trị, Na-po-lê-ông đã làm tất cả những cái gì cần làm trước hết và trên hết cho giai cấp đại tư sản thương nghiệp và công nghiệp; ông ta đã chỉnh đốn toàn bộ chính sách đối nội và đối ngoại của mình để làm thế nào có thể thỏa mãn hoàn toàn những quyền lợi của giai cấp này.

Kẻ chuyên chế ấy đã gạt ra khỏi sinh hoạt chính trị và xã hội thuộc đế quốc của y ngay cả những khái niệm còn chưa phải là khái niệm tự do. Trong suốt thời gian ngự trị của Na-pô-lê-ông, một không khí im lặng tuyệt đối đã bao trùm lên đế quốc rộng lớn của ông ta. Ông ta muốn chỉ đạo mọi việc, chỉ huy mọi người, đến nỗi ở triều đình, ngay trong đám đại thần và tướng lĩnh, người ta lấy vợ lấy chồng cũng phải theo lệnh và chỉ thị của ông ta, và người ta phải ly dị nhau khi Na-pô-lê-ông thấy là cần thiết.

Chiến tranh đã làm nước Pháp kiệt quệ. Vào những năm 1814-1815, có những làng không còn đàn ông từ 15 tuổi trở lên đến 70 tuổi trở xuống nữa. Na-pô-lê-ông đã đấu tranh một cách kiên quyết và luôn luôn tàn bạo chống lại tinh thần cách mạng của thợ thuyền. Chính bản thân ông ta cũng biểu hiện điều đó và đã có lần nói, với cái lối thẳng thắn đặc biệt của ông ta, rằng thợ thuyền không có một lý do gì để yêu ông ta được, rằng ông ta "thấy họ sống cùng khổ và cứ để mặc cho họ khổ". Nhưng, ông ta đã quên nói thêm rằng không có một chính phủ nào của cuộc cách mạng tư sản bị ông ta đè bẹp tỏ ra có được tài năng tuyệt diệu bằng ông ta trong việc tìm ra những thủ đoạn bóc lột đến tận xương tủy giai cấp thợ thuyền, vì việc lập ra "tiểu bạ công nhân"1  của ông ta đã vĩnh viễn tước đoạt mất của thợ thuyền khả năng bảo vệ quyền lợi của mình, dù rất ít hiệu lực, để chống lại sự bóc lột của bọn chủ.
____________________________________________
1. Tiểu bạ công nhân (livret ouvrier): Na-pô-lê-ông quy định mỗi công nhân phải có một quyển sổ, hàng ngày chủ ký vào, ai không có tiểu bạ hoặc có tiểu bạ mà không có chữ ký của chủ đều bị xem là lưu manh và bị bắt giam.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 06 Tháng Ba, 2016, 12:53:10 pm »


Ông hoàng Vi-a-dem-xki, bạn lớn tuổi của Pu-skin, sống vào thời kỳ Na-pô-lê-ông, đã nói rằng sự áp bức thường xuyên, sự hoảng hốt và sự lo lắng nơm nớp cho một ngày mai bấp bênh đã bao trùm lên cả châu Âu trong suốt thời gian Đế chế thứ nhất. Không ai có thể biết được rằng ngày mai đây sự gì sẽ đến với bản thân họ và đất nước họ, vì không biết Na-pô-lê-ông, có chuẩn bị một đòn bất ngờ nào không. Là kẻ ngưỡng mộ, tán dụng Na-pô-lê-ông, An-be Văng-đan đã khéo dùng một từ bóng bẩy để gợi đến những "biên giới di động" của cái đế quốc do người anh hùng mà ông ta yêu chuộng lập nên. Nhưng, dù cho độc giả chẳng hiểu rõ thế nào là "biên giới di động" thì rồi ngay đây độc giả cũng sẽ tin lời hoàng thân Vi-a-dem-xki và sẽ hiểu tại sao tình trạng áp chế và náo động đã đè nặng lên châu Âu trong thời đẫm máu đó. Biên giới của đế quốc Na-pô-lê-ông không những chỉ "di động" trong và sau chiến tranh, mà còn di động cả trong những khoảng thời gian ngắn ngủi mà Na-pô-lê-ông không đi chinh chiến. Khi có thời cơ thuận tiện, ông ta chỉ việc đưa ra một sắc lệnh sát nhập vô điều kiện các nước mà ông ta muốn vào đế quốc của ông ta. Đối với Na-pô-lê-ông, các hiệp ước đều không có một chút giá trị gì. Sự cướp bóc đã được công khai tổ chức và diễn ra trên tất cả các nước mà Na-pô-lê-ông đã giữ cho nền tài chính của nước Pháp vẫn ở tình trạng khả quan và hầu như không bị mắc nợ (còn như nước Anh, suốt 40 năm chưa trả hết nợ đã mắc trong thời kỳ Na-pô-lê-ông), và về vấn đề này, các nhà viết sử Pháp "yêu nước" đã quá dễ dàng cảm kích, họ quên rằng kết quả rực rỡ đó chẳng qua chỉ là do sự cướp bóc thả cửa chưa từng thấy ở các nước bị chinh phục.

Độc giả của cuốn sách này thường hỏi tôi, liệu có thể đánh giá như tôi rằng "chiến tranh của Na-pô-lê-ông là chiến tranh đế quốc" không, mặc dầu chủ nghĩa đế quốc, như hiện nay chúng ta hiểu, chưa xuất hiện vào đầu thế kỷ thứ XIX. Lẽ dĩ nhiên người ta có thể gọi, và thậm chí phải gọi như vậy, vì từ ngữ "chiến tranh đế quốc" được áp dụng một cách hoàn toàn chính xác vào các cuộc chiếm đoạt của Na-pô-lê-ông, nếu xét về tính chất và ý nghĩa của chúng, Lê-nin đã nhiều lần nói đến vấn đề này, và trong thời kỳ những hoạt động nổi tiếng của Người cho hòa ước Brét Li-tốp, Người đã nói như sau: "Những cuộc chiến tranh đế quốc của Na-pô-lê-ông đã diễn ra trong nhiều năm, bao gồm cả một thế kỷ, và đã làm xuất hiện một hệ thống đặc biệt phức tạp những mối quan hệ đế quốc chủ nghĩa trong những mâu thuẫn của chúng với các phong trào giải phóng dân tộc". Và như đoán trước được câu hỏi của độc giả tôi, Người liền nói rõ thêm: "ở đây, tôi gọi chủ nghĩa đế quốc là sự cướp bóc các nước khác nói chung và chiến tranh đế quốc là chiến tranh giữa quân ăn cướp để chia nhau những của ăn cướp được".

Vin vào tất cả mọi cớ có thể vin được để nô dịch về mặt chính trị và cướp bóc thả cửa, đó là ý nghĩa của các cuộc chiến tranh của Na-pô-lê-ông đối với các nước bị chinh phục.

Giai cấp đại tư sản cần thống trị về mặt kinh tế trên lục địa châu Âu bị nô dịch. Giai cấp ấy giúp Na-pô-lê-ông giữ được uy quyền thuyệt đối ở trong nước và ở châu Âu. Đó là quy tắc của đế quốc Na-pô-lê-ông. Nhưng đó mới chỉ là một hình ảnh cục bộ của nền thống trị Na-pô-lê-ông và nếu cho thế là hết thì quả thật là không hiểu hết ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp của con người dị thường này.

Châu Âu phong kiến và chuyên chế sụp đổ dưới những đòn của Na-pô-lê-ông là một sự kiện hiển nhiên và không thể chối cãi được, phủ nhận ý nghĩa lịch sử tích cực và tiến bộ của sự kiện ấy là không công bằng và không xứng đáng với bất cứ một nhà học giả nào, dù rằng chỉ có đôi chút tinh thần nghiêm túc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 06 Tháng Ba, 2016, 12:53:41 pm »


Điều mà Mác và Ăng-ghen nói về nước Đức đều có thể vận dụng vào các nước khác trên lục địa: "Nếu Na-pô-lê-ông tồn tại là người chiến thắng ở nước Đức thì, với đường lối chính trị kiên quyết nổi tiếng của mình, Na-pô-lê-ông ắt đã loại trừ ít ra là ba tá các vị phụ mẫu yêu quý của nhân dân. Pháp chế và nền cai trị của nước Pháp ắt đã tạo nên một nền móng vững chắc cho sự thống nhất nước Đức và ắt đã giải thoát cho chúng ta khỏi 33 năm nhục nhã và bạo ngược... Của Quốc hội Liên bang. Chỉ cần hai hay ba đạo luật của Na-pô-lê-ông là hủy bỏ vĩnh viễn được chế độ lao dịch nhục nhã của thời trung cổ, mọi đặc quyền đặc lợi, toàn bộ nền kinh tế phong kiến và chế độ gia trưởng còn đè nặng lên chúng ta trên khắp mọi ngả, mọi nơi trong tổ quốc của chúng ta”.

Na-pô-lê-ông đã giáng cho chế độ phong kiến những đòn chí tử, làm cho nó không bao giờ còn có thể ngóc đầu lên được, và đó cũng là ý nghĩa tiến bộ của thiên sử anh hùng ca gắn liền với tên tuổi Na-pô-lê-ông.

Với tư cách là một thực tế lịch sử, Na-pô-lê-ông là một hiện tượng không bao giờ có thể tái sinh ở bất cứ đâu vì, trong lịch sử thế giới, không bao giờ có thể tái diễn tình hình đã xảy ra ở nước Pháp và ở châu Âu vào cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX.

Mục đích chủ yếu của tác giả là cố dựng một bức họa thật chi tiết về thân thế và sự nghiệp của ông hoàng đế đầu tiên của nước Pháp, với đặc điểm như là một con người, một nhân vật lịch sử, cùng với tài năng, bản chất và ước vọng của ông ta. Chúng tôi cho rằng ít ra độc giả cũng đã có một hiểu biết chung về thời đại, về các lực lượng trong lịch sử có tính chất quyết định, về cơ cấu giai cấp xã hội nước Pháp sau cách mạng và ở châu Âu phong kiến và chuyên chế.

Trong hoàn cảnh của châu Âu lúc đó, chính Na-pô-lê-ông là người đã giáng vào trật tự phong kiến nhiều đòn khủng khiếp. Không biết lịch sử nền đế chế Na-pô-lê-ông, độc giả sẽ không hiểu gì về toàn bộ lịch sử của châu Âu từ năm 1815 đến năm 1848.

Độc giả, dẫu làm quen rất ít với các tác phẩm viết về Na-pô-lê-ông hẳn đều đồng ý rằng cái định nghĩa của tôi ở đây, dù xấu hay tốt, cũng không phù hợp với định nghĩa mà các nhà viết sử tư sản đã gán cho Na-pô-lê-ông, kể cả những người đã tán tụng và những người dèm pha Na-pô-lê-ông. Lý do là vì tôi đã cố gắng mô tả một cách hoàn toàn khách quan nhân vật vừa rộng lớn lại vừa phức tạp này và vì không phải tôi chỉ chú ý (và chú ý nhiều) đến động cơ hành động của nhân vật đó hơn là đến ý nghĩa lịch sử của những hành động ấy. Gien-xơ nhà ký giả người Áo, một trong những kẻ thù hăng nhất của Na-pô-lê-ông, đã gọi Na-pô-lê-ông là một hiện tượng của tạo hóa và, mặc dầu đã tin như vậy, Gien-xơ cũng vẫn đả kích kịch liệt cái "hiện tượng của tạo hóa" ấy. Pu-skin đã gọi Na-pô-lê-ông là "người đã được thiên định để chấp hành những định mệnh bí ẩn" của lịch sử. Nhắc lại lời của Pu-skin là cốt để nói lên rằng, chính điểm ấy đã làm tôi phải chú ý và tìm xem Na-pô-lê-ông đã làm tròn nhiệm vụ lịch sử lớn lao của mình như thế nào.

Cuốn sách này không phải là một tác phẩm phổ thông, mà là kết quả của một sự tìm tòi chuyên đề, một bản tóm tắt cô đọng những kết luận mà tác giả đã đạt được sau khi nghiên cứu các tài liệu lưu trữ hoặc đã được xuất bản. Tác giả đã khai thác những tài liệu ấy (và có một số tài liệu, tác giả là người đầu tiên đã tìm ra) trong khi biên soạn hai chương nghiên cứu về cuộc phong tỏa lục địa cũng như khi nghiên cứu về tình hình báo chí dưới thời Na-pô-lê-ông. Lẽ tất nhiên, tôi cũng đã tham khảo những tài liệu có liên quan đến các mặt khác trong sự nghiệp của Na-pô-lê-ông.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2016, 10:09:31 pm »


CHƯƠNG MỘT

THỜI NIÊN THIẾU
CỦA NA-PÔ-LÊ-ÔNG BÔ-NA-PÁC


I

Ngày 15 tháng 8 năm 1769, tại thành phố A-giắc-xi-nô thuộc đảo Coóc1, Lê-ti-ti-a làm nghề luật sư, đang đi ngoài phố bỗng thấy đau đẻ, vội rảo bước về nhà thì sinh được một đứa con trai. Lúc bấy giờ, quanh Lê-ti-ti-a không có ai nên đứa bé đã bị đẻ rơi. Thế là gia đình của Sác Bô-na-pác, thêm một người. Sác Bô-na-pác quyết định cho con mình hấp thụ nền giáo dục Pháp chứ không phải nền giáo dục Coóc. Khi đứa bé lớn lên, gia đình đông người ấy không có đủ tiền cho con ăn học, Sác Bô-na-pác đã xin được học bổng cho con vào theo học ở một trường võ bị Pháp.

Đảo Coóc, sau nhiều năm thuộc về nước Cộng hòa Giên2, đã nổi dậy dưới sự lãnh đạo của một địa chủ địa phương tên là Pao-li, và, năm 1755, đã đuổi được người Giên ra khỏi đảo. Lẽ dĩ nhiên đó là một cuộc khởi nghĩa của tầng lớp tiểu quý tộc nông thôn và của nông dân được những người săn bắn, những người chăn cừu ở trên núi và dân nghèo ở một vài thành thị ủng hộ. Tóm lại, đó là cuộc khởi nghĩa của một dân tộc muốn thoát ra khỏi ách bóc lột hà khắc về thuế khóa và cai trị của một nước cộng hòa buôn bán. Cuộc khởi nghĩa thu được thắng lợi, và từ năm 1755, đảo Coóc sống độc lập dưới sự lãnh đạo của Pao-li. Những tàn dư của xã hội tộc trưởng vẫn còn mạnh (đặc biệt ở trong nội địa đảo). Thỉnh thoảng, các thị tộc lại giao tranh ác liệt và dai dẳng. Tệ tục "thù truyền kiếp" rất phổ biến, thường được kết thúc bằng những trận chiến đấu khủng khiếp.

Năm 1768, nước Cộng hòa Giên đã bán lại cho vua nước Pháp Lu-i XV "quyền hành của mình" ở Coóc, thực tế quyền hành ấy đã bị thủ tiêu và mùa xuân năm 1769, quân đội Pháp đã đánh bại quân của Pao-li (việc này xảy ra vào tháng 5 năm 1769, ba tháng trước khi Na-pô-lê-ông ra đời). Đảo Coóc trở thành đất đai thuộc Pháp.

Như vậy, Na-pô-lê-ông đã sống những ngày thơ ấu trong một thời mà lòng dân đảo Coóc còn luyến tiếc nền độc lập chính trị đã mất đi một cách quá đột ngột, còn như một bộ phận của giai cấp địa chủ và tư sản thành thị thì tự nhủ rằng tốt hơn hết là hãy trở thành những thần dân trung thành và tự nguyện của nước Pháp. Bố Na-pô-lê-ông, Sác Bô-na-pác, thuộc phái "thân người bảo vệ đảo Coóc" đã bị đưa đi đày, và căm ghét những người xâm lăng.
______________________________________
1.  Coóc (Corse): hòn đảo nằm ở  Địa Trung Hải, một quận của nước Pháp.
2.  Giên (Gênes): hiện nay là một trong những thành phố chính ở miền Bắc nước Ý có cửa biển trông ra Địa Trung Hải, nổi tiếng về cảnh đẹp, có nhiều lâu đài, cung điện nguy nga, nhiều viện bảo tàng phong phú.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2016, 10:10:22 pm »


Ngay từ hồi còn nhỏ, Na-pô-lê-ông đã tỏ ra không nhẫn nại và nôn nóng. Sau này, khi ôn lại những kỷ niệm thời ấu thơ của mình, Na-pô-lê-ông nói rằng: không ai bắt nạt được mình, hay gây gổ, hay đánh đứa này, chọc đứa khác và mọi đứa bé đều sợ cậu ta. Đặc biệt là Giô-dép, anh Na-pô-lê-ông, đã phải chịu đựng chuyện ấy nhiều.

Na-pô-lê-ông đánh anh, cắn anh, nhưng chính Giô-dép lại bị quở mắng, vì sau cuộc ẩu đả, Giô-dép chưa kịp hoàn hồn thì Na-pô-lê-ông đã đi mách mẹ. Na-pô-lê-ông kể thêm: mưu mẹo đã giúp tôi như vậy đấy, nếu không mẹ tôi đã phạt tôi về tội hay cãi nhau và không bao giờ tha thứ những hành động gây gổ của tôi.

Na-pô-lê-ông là một đứa trẻ lầm lì và nóng tính. Tuy bà mẹ yêu con, nhưng dạy dỗ Na-pô-lê-ông cũng nghiêm khắc như đối với anh em Na-pô-lê-ông. Gia đình sinh hoạt tằn tiện nhưng không túng bấn. Trông bề ngoài, ông bố là một người đàn ông tốt và bà Lê-ti-ti-a, người chủ thật sự của gia đình, một người đàn bà quả quyết, nghiêm khắc và cần cù. Na-pô-lê-ông thừa hưởng của mẹ tinh thần ham làm việc và nếp sộng trật tự nghiêm ngặt.

Đảo Coóc ở xa lục địa, nhân dân còn man rợ sống trong núi rừng, những cuộc xung đột kéo dài giữa các thị tộc, tệ nạn "thù truyền kiếp", mối ác cảm rất khéo che giấu nhưng sâu sắc, dai dẳng của dân đảo đối với bọn xâm lược Pháp, tất cả những đặc điểm đó đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến những cảm giác đầu tiên của cậu bé Na-pô-lê-ông.

Năm 1779, sau bao lần chạy chọt, Sác Bô-na-pác mới gửi được hai đứa con lớn là Giô-dép và Na-pô-lê-ông sang Pháp theo học ở trường trung học Ô-toong; mùa xuân năm ấy, Na-pô-lê-ông được nhà trường nước Pháp cấp học bổng và chuyển sang học ở trường võ bị Briên, một thị trấn nhỏ ở miền Đông nước Pháp. Lúc này, Na-pô-lê-ông 10 tuổi.

Ở Briên, Na-pô-lê-ông là một đứa bé âu sầu, kín đáo, cáu kỉnh và hay giận dữ lâu, không gần gũi ai, không coi ai ra gì, không bạn bè, cảm tình với ai, rất tự tin mặc dầu tầm vóc nhỏ bé và còn ít tuổi. Người ta đã thử sỉ nhục, trêu chọc, chế giễu giọng nói địa phương của Na-pô-lê-ông. Cậu Bô-na-pác đã giận dữ ẩu đả, có khi được có khi thua, nhưng cũng đã làm cho bạn bè của cậu hiểu rằng những cuộc xung đột như vậy không phải là không nguy hiểm. Na-pô-lê-ông học giỏi lạ lùng, nghiên cứu đến nơi đến chốn sử Hy Lạp và sử La Mã, cũng rất say mê toán học và địa lý. Các giáo sư của trường võ bị ở cái tỉnh nhỏ đó không giỏi lắm về các môn khoa học mà họ giảng dạy nên cậu Na-pô-lê-ông phải bồi bổ thêm kiến thức của mình bằng cách đọc sách. Na-pô-lê-ông đọc sách trong những năm còn ít tuổi và sau này còn đọc rất nhiều và đọc rất nhanh. Lòng yêu quê hương đảo Coóc của Na-pô-lê-ông đã làm cho bạn bè người Pháp ngạc nhiên và xa lánh. Na-pô-lê-ông chỉ liên lạc được với tổ quốc xa xôi của mình bằng thư từ của bố mẹ, anh em, vì gia đình không đủ tiền cho Na-pô-lê-ông về nhà nghỉ hè.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2016, 06:39:33 pm »


Năm 1784, 15 tuổi đã học xong và tốt nghiệp, Na-pô-lê-ông được gửi đi học ở trường võ bị Pa-ri, nơi đào tạo sĩ quan của quân đội lúc bấy giờ. Trường này có nhiều giáo sư rất giỏi trong số đó có nhà toán học Mông-giơ và nhà thiên văn học La-plá. Na-pô-lê-ông say sưa học và đọc sách, ở đó, Na-pô-lê-ông có sách, có thầy để học. Những ngày trong năm đầu, Na-pô-lê-ông đã gặp một điều không may: vào học ở trường võ bị từ cuối tháng 10 năm 1784 thì đến tháng 2 năm 1785, bố Na-pô-lê-ông chết vì bệnh ung thư dạ dày cũng như sau này chính Na-pô-lê-ông đã bị. Hầu như gia đình không còn cách sống. Không thể trông mong được mấy vào người anh cả Giô-dép, một người bất lực và lười biếng, cậu học sinh sĩ quan 16 tuổi phải đứng ra chăm sóc mẹ và các em trai, em gái của mình. Sau một năm học ở trường võ bị Pa-ri, ngày 30 tháng 10 năm 1785, Na-pô-lê-ông nhập ngũ, mang cấp hiệu thiếu uý và nhận công tác ở một trung đoàn đóng ở Va-lăng-xơ.

Ở Va-lăng-xơ, viên sĩ quan trẻ tuổi ấy sống một cuộc sống khó khăn. Hàng tháng, Na-pô-lê-ông gửi về cho mẹ gần hết số lương chỉ giữ lại đủ để trả tiền những bữa ăn đạm bạc của mình và không vui chơi giải trí gì. Trong ngôi nhà Na-pô-lê-ông thuê được một căn buồng, có một cửa hàng nhỏ bán sách cũ. Na-pô-lê-ông đã dành tất cả thời gian rỗi rãi của mình vào việc đọc sách do người chủ hiệu cho mượn. Na-pô-lê-ông không thích giao du, vả lại Na-pô-lê-ông ăn mặc quá tồi tàn đến nỗi không muốn và cũng không thể có một cuộc sống xã giao tối thiểu. Na-pô-lê-ông say mê đọc sách chưa từng thấy, khi đọc ông ghi chép và viết những ý kiến phân tích của mình dày đặc cả sổ tay.

Trước hết, Na-pô-lê-ông thích đọc các tác phẩm lịch sử quân sự, sách toán học, địa lý và các sách tả cuộc du lịch. Na-pô-lê-ông cũng đọc cả sách triết học. Chính vào thời kỳ này Na-pô-lê-ông bắt đầu nghiên cứu những tác giả cổ điển của Thế kỷ Ánh sáng: Von-te1, Rút-xô2, Đa-lăm-be, Ma-bơ-li và Ray-nan.

Thật khó mà xác định được vào thời kỳ nào thì xuất hiện ở Na-pô-lê-ông những dấu hiệu đầu tiên của lòng căm ghét đối với những nhà tư tưởng của cuộc cách mạng tư sản và thứ triết học rất đặc biệt của Na-pô-lê-ông. Dù sao, lúc này, người trung uý phó 16 tuổi vẫn học nhiều hơn là phê phán. Và đây nữa cũng là một điểm cơ bản của tinh thần Na-pô-lê-ông: thời thanh niên, khi đọc sách cũng như khi tiếp xúc với người mới quen biết, Na-pô-lê-ông đều khao khát và nóng lòng muốn được hấp thụ nhanh chóng và đầy đủ những điều mà mình chưa biết tới, những điều có thể góp phần bồi dưỡng tinh thần cho bản thân mình.

Na-pô-lê-ông cũng đọc các tác phẩm văn học bằng văn xuôi, văn vần; say mê cuốn tiểu thuyết Véc-te và một vài tác phẩm khác của Gớt: đọc cả tác phẩm của Ra-xin, Coóc-nây, Mô-li-e3, các bài thơ lừng danh một thời bị gán là của Ốt-xi-ăng, một thi sĩ hát rong người E-cốt thời trung cổ (thực tế chỉ là một sự lừa nghịch trong văn học). Đọc những loại sách ấy xong, Na-pô-lê-ông lại lao vào sách toán học và các tác phẩm có liên quan đến các vấn đề quân sự, đặc biệt là pháp binh.
_______________________________
1.  Von-te: (Francois Marie Arouet dit Voltaire) (1694-1778) nhà đại văn hào Pháp, người đã công kích kịch liệt chế độ độc đoán của bọn phong kiến và Giáo hội thời ấy là người giương cao ngọn cờ đấu tranh cho tự do cá nhân, chống lại chủ nghĩa cuồng tín và ngu dân của Giáo hội và giáo sĩ thuộc tầng lớp trên.
2.  Rút-xô (Jean Jacques Rousseau) (1712-1778): văn hào Pháp, tác giả cuốn "Khế ước xã hội") (1762), một trong những ngưòi đã đề ra chủ nghĩa ánh sáng Pháp.
3.  Mô-li-e (Molière): nhà soạn kịch nổi tiếng của chủ nghĩa cổ điển Pháp, tác giả những vở: "Lão hà tiện", "Tác-Tuýp", "Tư sản quý tộc"...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2016, 06:41:29 pm »


Tháng 9 năm 1786, Na-pô-lê-ông xin phép nghỉ dài hạn về quê ở A-giắc-xi-ô để thu xếp sự sinh sống của gia đình. Khi chết, bố Na-pô-lê-ông có để lại một ít tài sản và một số công việc khác rắc rối. Na-pô-lê-ông đã giải quyết những công việc đó một cách tích cực và có kết quả. Na-pô-lê-ông được phép nghỉ thêm đến giữa năm 1788, không được hưởng lương nhưng kết quả hoạt động của Na-pô-lê-ông để ổn định công việc gia đình đã bù đắp lại.

Trở về Pháp vào tháng 6 năm 1788, Na-pô-lê-ông đi theo trung đoàn lên đóng ở Ốc-xon và, lần này, Na-pô-lê-ông ở trong trại, không ở nhà riêng nữa. Na-pô-lê-ông vẫn mê mải đọc tất cả các loại sách đã có trong tay và đặc biệt là các tác phẩm bàn về những vấn đề quân sự đã làm say mê các chuyên gia ở thế kỷ thứ XVIII. Một lần, bị phạt không được đi lại, Na-pô-lê-ông đã tìm được một nơi nhốt mình với một cuốn sách cũ nói về pháp luật đời cổ La Mã, viết theo lệnh của Hoàng đế Giu-xti-niêng. Na-pô-lê-ông không những đã đọc hết cuốn đó, mà gần 15 năm sau, trong khi biên soạn bộ dân luật, Na-pô-lê-ông còn đọc thuộc lòng cả bộ tuyển tập pháp luật La Mã. Việc này đã làm cho các nhà luật học lỗi lạc nhất ở Pháp ngạc nhiên. Na-pô-lê-ông có một trí nhớ phi thường.

Khả năng làm việc bằng trí óc một cách căng thẳng cũng như khả năng tập trung cao độ và lâu dài sức suy nghĩ của Na-pô-lê-ông đã thấy lộ rõ từ thời kỳ này. Sau này, nhiều lần Na-pô-lê-ông nói rằng: nếu người ta thấy tôi luôn luôn sẵn sàng đối phó với mọi tình huống thì điều đó có thể giải thích như thế này: trước khi làm bất cứ việc gì, tôi đã suy nghĩ kỹ trước khá lâu và dự kiến hết những gì có thể xảy ra. Chẳng phải là đã có một vị thần thánh nào thình lình hiện ra để gà cho Na-pô-lê-ông những tình huống dường như bất ngờ đối với những người khác, Na-pô-lê-ông nói thêm rằng "... Lúc nào tôi cũng làm việc, làm việc trong khi ăn, ở rạp hát, ban đêm...". Khi nói đến thiên tài của mình thì lời lẽ của Na-pô-lê-ông thường đượm vẻ châm biếm hoặc giễu cợt và rồi bao giờ Na-pô-lê-ông cũng nhấn mạnh và rất nghiêm túc đến tinh thần làm việc của mình. Na-pô-lê-ông lấy làm tự hào về khả năng làm việc vô tận của mình hơn bất cứ năng khiếu nào khác mà tạo hóa đã ban cho một cách vô cùng rộng lượng.

Ở Ốc-xon, Na-pô-lê-ông viết một cuốn sách nhỏ nói về thuật bắn (về cách phóng đạn). Binh chủng pháo binh thật sự trở thành sở trường của Na-pô-lê-ông. Trong tài liệu của Na-pô-lê-ông ở thời kỳ này, người ta còn tìm thấy một vài bản thảo tác phẩm văn học, những công trình nghiên cứu có tính chất triết học và chính trị, v.v. Tư tưởng của Na-pô-lê-ông thường thấy đượm ít nhiều màu sắc của chủ nghĩa tự do và đôi khi còn lắp lại y nguyên một số tư tưởng của Rút-xô, mặc dầu, nói chung, người ta không thể nào coi Na-pô-lê-ông như một tín đồ của tác phẩm Khế ước xã hội1.

Trong những năm này, có một điểm nổi bật: ý chí và lý trí của Na-pô-lê-ông đã hoàn toàn khống chế được những ham mê về dục vọng. Na-pô-lê-ông không bao giờ ăn thích khẩu, thường xa lánh chỗ đông người, xa lánh giới phụ nữ, khước từ mọi cuộc vui chơi giải trí, làm việc không mệt mỏi, dành tất cả thời giờ nhàn rỗi vào việc đọc sách. Liệu Na-pô-lê-ông có cam chịu mãi mãi với số phận của mình, số phận của một viên sĩ quan nghèo tỉnh nhỏ, xuất thân trong gia đình quý tộc nghèo người Coóc, luôn luôn bị lũ bạn bè quyền quý và bọn cấp trên quyền quý nhìn bằng con mắt khinh bỉ không?

Trước khi Na-pô-lê-ông có thời gian để tìm được câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi ấy và cũng chưa có cả thời gian để xây dựng kế hoạch cụ thể cho tương lai thì cái sân khấu mà Na-pô-lê-ông đang chuẩn bị vai trò để bước lên hoạt động đã bắt đầu lung lay, rồi cuối cùng tan vỡ và sụp đổ: Cách mạng Pháp bùng nổ.
___________________________________
1.  Khế ước xã hội (Contrat social): một trong những tác phẩm chính của Giăng Giắc Rút-xô (1712-1788), rất có ảnh hưởng trong thời đại cách mạng tư sản Pháp. Trong tác phẩm này, Rút-xô cho rằng nhà nước là một tổ chức do con người lập nên trên cơ sở khế ước nhằm quyền lợi chung của toàn thể xã hội và do đó đã đả kích kịch liệt vào lý thuyết quyền lực, do trời trao cho vua chúa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2016, 08:36:31 pm »


II

Biết bao nhiêu nhà chép tiểu sử và viết tiểu sử của Na-pô-lê-ông có khuynh hướng gán cho nhân vật của họ có đức khôn ngoan siêu phàm, có bẩm năng tiên đoán việc đời, có lòng tin vào thiên chức của mình, muốn tìm xem trong viên trung uý pháo binh mới 20 tuổi đóng ở Ốc-xon này có tiên cảm gì về những lợi ích mà cuộc cách mạng nổ ra năm 1789 ắt phải đem lại cho chàng ta.

Thực tế, mọi việc đã xảy ra một cách giản đơn và tự nhiên hơn nhiều. Do vị trí xã hội của mình, Na-pô-lê-ông chỉ có lợi trong cuộc chiến thắng của giai cấp tư sản đối với chế độ phong kiến chuyên chế. Ở Coóc, ngay cả dưới thời thống trị của Giên, bọn quý tộc (đặc biệt là tầng lớp quý tộc địa chủ nhỏ) không bao giờ được hưởng những đặc quyền, đặc lợi mà bọn quý tộc Pháp rất quý trọng. Dẫu sao chàng quý tộc nhỏ này, gốc gác ở một hòn đảo Ý kém văn minh, vừa mới bị người Pháp xâm chiếm, cũng không thể mong có được bước đường công danh rạng rỡ và nhanh chóng ở trong quân đội. Trong cuộc Cách mạng 1789, nếu có cái gì có thể cám dỗ được chàng ta, thì chính là từ nay trở đi chỉ riêng có những khả năng của cá nhân là có thể giúp cho con người leo lên những bậc thang xã hội. Để nhảy vào cuộc, viên trung uý pháo binh Bô-na-pác không cần gì khác nữa.

Những suy tính thực tiễn đã thu hút tâm trí Na-pô-lê-ông. Lợi ích to lớn nhất mà Na-pô-lê-ông có thể thu được ở cách mạng là cái gì? Và ở đâu có điều kiện tốt nhất? Có hai câu trả lời: một là ở Coóc, hai là ở Pháp. Lúc này, không nên đánh giá quá cao phạm vi và mức độ yêu đảo Coóc của Na-pô-lê-ông. Vào năm 1789, chàng trung uý Bô-na-pác chẳng còn nhớ tới chú sói con 10 tuổi đã từng đánh nhau rất hăng ở trong sân trường Briên, mỗi khi bạn bè chế giễu giọng Coóc của mình.

Bây giờ chàng ta biết thế nào là nước Pháp và thế nào là đảo Coóc, đã có thể so sánh được hai nước này về mặt diện tích, và tất nhiên đã nhận ra được hai nước này không giống nhau đến mức độ nào. Nhưng vấn đề đặt ra ngay cả vào năm 1789, Na-pô-lê-ông cũng không thể hy vọng chiếm được ở nước Pháp cái địa vị mà ông có thể có được ở Coóc, nhất là nay cách mạng đã bắt đầu bùng nổ, mặc dầu ở Coóc, Na-pô-lê-ông có rất ít điều kiện thuận lợi. Hai tháng rưỡi sau khi ngục Ba-xti1 bị phá, Na-pô-lê-ông xin phép nghỉ và trở về Coóc.

Trong số rất nhiều tác phẩm định viết, đúng vào năm 1789, Na-pô-lê-ông đã viết xong một bản tiểu luận nói về lịch sử đảo Coóc và trao bản đó cho Ray-nan để xin ý kiến, và Na-pô-lê-ông rất lấy làm thích thú về lời đánh giá nâng bốc của nhà văn đang nổi tiếng ấy. Chủ đề ấy đủ để chứng minh rằng Na-pô-lê-ông rất quan tâm đến hòn đảo quê hương của mình, ngay cả khi Na-pô-lê-ông còn chưa có khả năng để chuyên tâm hoạt động chính trị ở đó. Về tới nhà mẹ, Na-pô-lê-ông lập tức tuyên bố tán thành Pao-li (Pao-li đã trở về sau một thời gian dài bị đày) nhưng Pao-li đã tiếp viên trung uý trẻ tuổi rất lạnh nhạt, và, chẳng bao lâu, quả nhiên là mỗi người đi một con đường khác. Pao-li mơ tưởng đến việc giải phóng hoàn toàn đảo Coóc khỏi ách đô hộ của người Pháp, còn Bô-na-pác thì cho rằng cuộc cách mạng mở ra những con đường mới cho sự tiến bộ của đảo Coóc và có thể - điều này mới chính - cho sự nghiệp của bản thân.
__________________________________
1.  Ba-xti (Bastille): nhà ngục Ba-xti ở thành phố Pa-ri tiêu biểu cho chế độ quân chủ độc đoán, bị nhân dân Pa-ri đánh chiếm ngày 14 tháng 7 năm 1789 (ngày nổ ra cuộc Cách mạng tư sản Pháp)
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2016, 08:40:02 pm »


Sau mấy tháng ở nhà không đạt được kết quả gì, Na-pô-lê-ông trở lại đơn vị, mang theo đứa em trai là Lu-i để giảm bớt một phần chi tiêu cho mẹ. Hai anh em ở Va-lăng-xơ, nơi trung đoàn của Na-pô-lê-ông trở lại đóng quân. Từ nay trở đi, trung uý Bô-na-pác phải sống với em và nuôi nấng cho em ăn học bằng đồng lương quá ít ỏi của mình. Có bữa ăn trưa chỉ có mỗi một miếng bánh. Na-pô-lê-ông tiếp tục phục vụ quân đội một cách hăng hái và say mê đọc những tác phẩm về lịch sử quân sự.

Tháng 9 năm 1791, người ta lại thấy Na-pô-lê-ông ở Coóc, do Na-pô-lê-ông đã tìm cách để được thuyên chuyển về. Lần này, Na-pô-lê-ông vĩnh viễn cắt đứt quan hệ với Pao-li đã công khai hoạt động tách đảo Coóc ra khỏi nước Pháp, điều mà Na-pô-lê-ông không muốn chút nào. Tháng 4 năm 1791, khi xảy ra cuộc xung đột giữa bọn giáo sĩ phản cách mạng, ủng hộ triệt để chủ trương tách đảo Coóc của Pao-li với những đại diện của chính quyền cách mạng, Bô-na-pác đã ra lệnh bắn cả vào những đám đông bạo động xông vào đánh quân đội đặt dưới quyền chỉ huy của mình. Cuối cùng, bị chính quyền cộng hòa tình nghi vì âm mưu đánh chiếm một pháo đài (không có lệnh cấp trên), Na-pô-lê-ông lại sang Pháp và lập tức phải đến trình diện trước Bộ Chiến tranh ở Pa-ri để xác minh thái độ có phần nào mờ ám của mình ở Coóc. Đến thủ đô nước Pháp vào cuối tháng 5 năm 1792, Na-pô-lê-ông chứng kiến nhiều biến cố sôi nổi của cách mạng xảy ra vào năm đó.

Chúng tôi có những bằng cớ chính xác cho phép xét đoán sự phản ứng của viên sĩ quan 23 tuổi đó trước hai biến cố trọng đại xảy ra: Cuộc đánh chiếm cung điện Tuy-lơ-ri của quần chúng nhân dân vào ngày 20 tháng 6 và cuộc lật đổ chế độ quân chủ ngày 10 tháng 8 năm 1792. Tham gia những biến cố ấy bằng cách đứng ngoài vòng chứng kiến một cách bất ngờ nên hai lần ấy là dịp để Bô-na-pác biểu lộ tư tưởng của mình trong một nhóm bạn thân. Với họ, Bô-na-pác có thể tự do bộc lộ những ý nghĩ thật và tất cả bản thân mình. Và những lời ông ta nói thật rõ ràng, không chút gì úp mở: "Chúng ta hãy đi theo bọn vô lại này", Na-pô-lê-ông đã nói như vậy với Bu-riên lúc cùng đi với nhau trong phố, khi thấy quần chúng tiến về phía cung điện nhà vua ngày 20 tháng 6. Khi thấy vua Li-i XVI, hốt hoảng trước cuộc biểu tình đầy uy thế, phải ra chào quần chúng ở bao lơn, đầu đội mũ đỏ Phri-giêng1, Na-pô-lê-ông liền khinh bỉ nói: "Thằng hèn! Thế mà lại để cho bọn vô lại này vào được! Đáng lẽ phải dùng pháo quét đi độ bốn, năm trăm thằng là những thằng khác sẽ chạy dài!". Tôi đã giảm nhẹ hình dung từ mà Na-pô-lê-ông dùng cho Lu-i XVI, vì tiếng ấy không thể nào in lên sách được. Ngày 10 tháng 8 (ngày dân chúng tiến công vào cung điện Tuy-lơ-ri, và ngày Lu-i XVI bị lật đổ), Na-pô-lê-ông vẫn lang thang ngoài phố và lại vẫn dùng hình dung từ trên để chỉ Lu-i XVI, đồng thời gọi những người nổi lên làm cách mạng là "lũ dân đen ghê tởm nhất".

Đương nhiên, Na-pô-lê-ông không thể biết được rằng ngày 10 tháng 8 năm 1792, trong khi ông ta đang đứng giữa đám đông chứng kiến cuộc tiến công vào cung điện Tuy-lơ-ri và tống cổ Lu-i XVI ra khỏi ngai vàng thì chính sự việc ấy lại là vì lợi ích của bản thân ông ta, Bô-na-pác; cũng như quần chúng đang đứng vây quanh ông ta hân hoan chào mừng nền cộng hòa ra đời đâu có thể ngờ được rằng viên sĩ quan trẻ tuổi ấy, thân hình bé nhỏ, gầy gò, xoàng xĩnh trong chiếc áo dạ dài sờn rách, chìm biến trong đám đông quần chúng, lại chính là người sau này sẽ bóp nghẹt nền cộng hòa đó để trở thành hoàng đế độc tài. Có một điều đáng chú ý là, ngay ở đây, ta đã thấy bản chất Na-pô-lê-ông là thích dùng súng đạn, coi nó là phương tiện thích hợp nhất để trả lời những cuộc nổi dậy của nhân dân.
____________________________________
1.  Mũ Phri-giêng: loại mũ chỏm đỏ mà trước kia người xứ Phri-giêng (Phrygie) thuộc Trung Á thường đội. Dưới thời đệ nhất cộng hòa Pháp, mũ này được coi như biểu hiện của tự do.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 03 Tháng Tư, 2016, 08:41:24 pm »


Na-pô-lê-ông còn quay lại đảo Coóc lần nữa và đặt chân lên đất này vào đúng lúc Pao-li trở thành người quyết tâm tách đảo Coóc khỏi nước Pháp và đã dâng mình cho người Anh. Trải qua bao gian khổ và nguy khốn, Na-pô-lê-ông mới đưa được mẹ và gia đình thoát khỏi đảo Coóc, trước khi quân Anh tới chiếm đảo. Việc xảy ra hồi tháng 6 năm 1793. Vừa trốn thoát thì nhà cửa của Na-pô-lê-ông liền bị đồng đảng của Pao-li, những người chủ trương chia cắt, cướp phá.

Tiếp đó là những năm tháng đầy cùng cực. Cái gia đình đông người đó đã hoàn toàn bị phá sản và viên đại uý trẻ tuổi phải cáng đáng nuôi cả mẹ lẫn bảy anh em (Na-pô-lê-ông mới được thăng đại uý trước đó ít lâu). Lúc đầu, Na-pô-lê-ông để gia đình sống qua ngày ở Tu-lông, sau chuyển đến Mác-xây. Cuộc sống khó khăn túng thiếu của họ trôi đi tháng này qua tháng khác, không một tia hy vọng, thì bỗng đâu nếp sống quen thuộc cũ kỹ ấy bị gián đoạn một cách quá bất ngờ.

Ở miền nam nước Pháp đã xảy ra một cuộc bạo động phản cách mạng. Năm 1792, bọn bảo hoàng ở Tu-lông nổi lên đánh đuổi và tàn sát các đại biểu của chính quyền cách mạng và cầu cứu hạm đội Anh đang tuần tiễu ở phía tây Địa Trung Hải. Quân đội cách mạng vây thành Tu-lông ở trên bộ.

Dưới sự chỉ huy của Các-tô, cuộc vây thành đã tiến hành yếu ớt và không thu được thắng lợi. Xa-li-xét-ti, uỷ viên quân sự, người đã trấn áp cuộc bạo động của bọn bảo hoàng ở miền Nam, là người Coóc, quen Bô-na-pác và đã cùng Bô-na-pác chống lại bọn Pao-li. Bô-na-pác đến thăm bạn đồng hương của mình ở doanh trại trước thành Tu-lông và chỉ vẽ cho Xa-li-xét-ti cách duy nhất đánh chiếm thành và đuổi hạm đội Anh. Xa-li-xét-ti bèn cử viên đại uý trẻ tuổi ấy làm chỉ huy phó lực lượng pháo binh hãm thành.

Cuộc tiến công trong những ngày đầu tháng 10 bị thất bại, vì Đon-nê, người chỉ huy đánh thành hôm đó, đã ra lệnh rút lui vào lúc quyết định chiến trường, trái với ý định và lòng mong muốn của Bô-na-pác. Bô-na-pác tin chắc rằng nếu không có khuyết điểm tầm thường ấy thì thắng lợi đã về tay người Pháp. Bản thân Bô-na-pác cũng đã bị thương trong khi dẫn đầu quân xung phong. Sau một thời gian dài cự tuyệt và nhiều phen lần lữa của những người chỉ huy cấp trên - vì họ không tin lắm vào Na-pô-lê-ông, người sĩ quan trẻ tuổi vô danh và đột nhiên xuất hiện ở doanh trại - người chỉ huy mới là Đu-gô-mi-ê đã cho phép Bô-na-pác thực hiện kế hoạch. Sau khi đã bố trí pháo theo ý đã định sẵn từ lâu và sau một trận pháo hỏa kinh khủng, Bô-na-pác liều mạng dẫn đầu binh sĩ xung phong đánh chiếm điểm cao E-ghi-ét để bảo vệ cửa biển và bắt đầu mở đợt bắn phá hạm đội Anh.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM