Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 02 Tháng Sáu, 2024, 12:59:59 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Napoleon Bonaparte  (Đọc 95364 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #60 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2016, 10:49:23 pm »


III

Vào cuối thời kỳ Viện Đốc chính, những đám giặc cướp nổi lên, làm cho đường cái lớn ở miền nam và miền trung nước Pháp không đi lại được, đã mang tính chất một tệ nạn xã hội lớn. Chúng chặn đánh xe chở khách và xe vận tải trên các con đường lớn vào giữa ban ngày, ít khi chúng cướp bóc không, mà thường giết hại hành khách. Bọn chúng dùng vũ lực tiến công các làng mạc và dùng lửa tra khảo hàng giờ liền những người bị chúng bắt để buộc họ phải cung khai nơi cất giấu tiền bạc (vì vậy người ta gọi bọn chúng là bọn "đốt máy") và thỉnh thoảng còn tiến công cả vào các thành phố. Những đám giặc cướp đó núp dưới danh nghĩa những người Buốc-bông: tự xưng là đi rửa thù cho nhà vua và Thượng đế đã bị lật đổ. Quả thật, những tên bị cách mạng làm tổn hại trực tiếp đến bản thân đã kéo đến nhập bọn với chúng, người ta đồn rằng: có một vài tên tướng cướp đã nộp một phần số của cải cướp được cho bọn bảo hoàng, điều đó rất có thể có nhưng chưa được xác nhận. Dẫu sao đi nữa, tình trạng rã rời và hỗn loạn của bộ máy cảnh sát vào cuối thời Viện Đốc chính đã đưa đến chỗ không thể bắt được bọn cướp và tội lỗi của chúng không bị trừng phạt. Vị Tổng tài thứ nhất quyết định trước hết phải tiêu diệt bọn này. Đối với Na-pô-lê-ông, cần chừng sáu tháng để diệt trừ nạn trộm cướp, song những toán cướp chính đã bị dẹp tan ngay từ những tháng đầu khi Na-pô-lê-ông lên nằm chính quyền.

Na-pô-lê-ông quy định những điều luật nghiêm ngặt: không bắt cầm tù, mà bắn ngay tại chỗ những tên cướp bị bắt, trừng trị cả những ai che giấu bọn chúng, mua bán những đồ vật ăn cướp, hoặc nói chung có quan hệ với bọn chúng; đó là những nét lớn về chính sách của Na-pô-lê-ông. Những phân đội đặc biệt đã trấn áp không tiếc tay, không phải chỉ những tên phạm tội trực tiếp và những tên đồng phạm, mà còn trấn áp cả những nhân viên cảnh sát nhu nhược, thông đồng hoặc tiêu cực với bọn chúng.

Trong trường hợp này, một điểm khác của Na-pô-lê-ông đã biểu lộ: Na-pô-lê-ông không dung thứ tội lỗi. Đối với Na-pô-lê-ông, mọi tội lỗi đều đáng trừng trị. Na-pô-lê-ông không thừa nhận và cũng không muốn thừa nhận có những trường hợp giảm tội. Có thể nói được rằng, trên nguyên tắc, Na-pô-lê-ông phủ nhận lòng nhân hậu, coi đó là một đức tính rất có hại và không thể thừa nhận được ở một nhà cầm quyền. Khi em trai thứ hai của Na-pô-lê-ông là Lu-i, được phong làm vua Hà Lan năm 1806, có khoe với anh rằng y rất được quý mến ở Hà Lan, thì lập tức ông anh nghiêm nghị ngắt lời ông em trai bằng câu: "Em ơi! khi người ta bảo vua là một người tốt thì có nghĩa là triều đại ấy đã đi đứt rồi đấy".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #61 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2016, 10:50:18 pm »


Tháng 4 năm 1811, tờ Nhật báo nước Pháp, vì quá sốt sắng, đã ca tụng bằng một giọng cảm kích nhất và nhiệt thành nhất "lòng nhân hậu" của hoàng đế khi hoàng đế chuẩn hứa lời thỉnh cầu của một người đến xin ban ơn nhân dịp hoàng đế vui mừng vì hoàng hậu sinh được một người kế nghiệp. Na-pô-lê-ông la mắng ầm ầm và lập tức viết thư cho bộ trưởng công an: "Thưa công tước Đrô-vi-gô, ai là người đã cho phép tờ Nhật báo nước Pháp hôm nay được đăng bài rất ngu xuẩn nói về chuyện riêng của tôi?". Và Na-pô-lê-ông hạ lệnh lập tức cách chức chủ bút tờ báo đó, vì "y đã làm nhiều chuyện ngốc nghếch"... Chắc hẳn Na-pô-lê-ông dễ dàng tha tội cho người nào coi ông ta như một con vật hung dữ hơn là vu khống cho ông ta có lòng tốt. Sau này, tất cả những cái đó đã hiện ra đầy đủ, nhưng trong khi chờ đợi thì việc trấn áp khốc liệt hàng loạt bọn cướp đã chứng tỏ rằng người chủ mới đã không làm trái với câu châm ngôn mà nhiều người đã biết tới: thà làm tội oan 10 người còn hơn để sót một người có tội.

Vừa thanh trừ bọn giặc cướp, Bô-na-pác vừa đặc biệt chú ý đến những việc xảy ra ở Văng-đê.

Ở vùng này, bọn quý tộc và bọn tăng lữ vẫn tiếp tục như trước đây (vì tất cả những lý do đặc thù kinh tế riêng biệt của tỉnh này và của một phần phía nam vùng Noóc-măng-đi sát với Văng-đê) lôi kéo một số nông dân, tổ chức và trang bị cho họ vũ khí loại tốt mà người Anh đã chuyển đến cho chúng bằng đường biển và lợi dụng rừng núi và đồng lầy, chúng tiến hành một cuộc chiến tranh du kích lâu dài chống lại tất cả các chính phủ cách mạng. Đối với bọn Văng-đê và bọn Su-ăng, Bô-na-pác áp dụng một chiến thuật khác hẳn đối với bọn cướp. Đúng trước khi cuộc đảo chính 18 Tháng Sương mù xảy ra, bọn Văng-đê đã thu được một loạt thắng lợi đối với những người Cộng hòa, chúng đã chiếm thành Năng-tơ và công nhiên nói đến sự phục hưng của dòng họ Buốc-bông. Một mặt, Bô-na-pác tăng cường lực lượng quân đội đi dẹp bọn nổi loạn, mặt khác, hứa sẽ ân xá cho những kẻ hạ khí giới đầu hàng ngay và mặt khác nữa cứ để cho người ta hiểu rằng ông sẽ không ngược đãi đạo Thiên chúa. Cuối cùng, Bô-na-pác tỏ ý muốn gặp riêng và thương lượng với người cầm đầu nổi tiếng của bọn Su-ăng là Gióoc-giơ Can-đu-đan và dù cuộc thương lượng đó không đem lại kết quả gì thì Bô-na-pác cũng sẽ cấp giấy thông hành đặc biệt, bảo đảm an toàn đầy đủ cho cá nhân Ca-đu-đan trong thời gian Can-đu-đan ở Pa-ri và được hoàn toàn tự do trở về.

Người nông dân cuồng tín xứ Brơ-ta-nhơ đó, thân hình đồ sộ và sức khỏe phi thường, đã hội kiến riêng trong mấy tiếng đồng hồ với Bô-na-pác hồi bấy giờ còn mảnh khảnh, gầy gò. Vô cùng lo ngại cho tính mệnh của Bô-na-pác, các sĩ quan hầu cận đã đến đầy các phòng bên cạnh, vì mọi người đều biết rằng Can-đu-đan sẵn sàng hy sinh bất cứ bằng cách nào cho lý tưởng của mình và từ lâu tự coi như một kẻ đã hiến dâng mình cho cái chết.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #62 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2016, 10:50:48 pm »


Tại sao Can-đu-đan không giết Bô-na-pác? Duy nhất chỉ vì Can-đu-đan còn bị cái ảo mộng sau đây chi phối, chẳng bao lâu ảo mộng ấy đã tan vỡ, nhưng nhờ nó mà ngay từ buổi đầu sự nghiệp của mình, Bô-na-pác đã lừa phỉnh được bọn bảo hoàng. Chúng luôn luôn cho rằng viên tướng trẻ tuổi và nổi danh đó sinh ra để làm nhiệm vụ của Môn-cơ đã làm ở nước Anh năm 1660, tức là giúp dòng họ Xtuy-a đang bị đi đày trở lại ngai vàng và tiêu diệt nền Cộng hòa. Đúng là Na-pô-lê-ông đã bóp chết nền Cộng hòa và do tính chất giai cấp của chính quyền Na-pô-lê-ông nên ông ta đã dọn đường mở lối cho nền quân chủ, nhưng nếu cho rằng một con người như Na-pô-lê-ông lại có thể nhường vai trò cầm đầu cho bất kỳ người nào khác và cũng không đặt vấn đề xem Na-pô-lê-ông có thể làm được như vậy không, thì thật không còn gì ngu ngốc hơn.

Can-đu-đan không bóp chết Bô-na-pác, nhưng y rời khỏi phòng Bô-na-pác với thái độ thù nghịch. Ngoài những đề nghị khác, vị Tổng tài thứ nhất đề nghị với Can-đu-đan gia nhập quân đội với hàm cấp tướng và đương nhiên là với điều kiện hạn chế: Can-đu-đan chỉ được đi đánh kẻ thù bên ngoài. Can-đu-đan từ chối và quay về Văng-đê. Một trong những kẻ cầm đầu chính khác của phong trào Su-ăng là Phrốt-tê thì bị bắt làm tù binh và bị bắn chết. Tuy đã bị quân chính phủ đánh bại vào tháng 1 năm 1800, Can-đu-đan vẫn tiếp tục chiến đấu sau cuộc gặp gỡ với Bô-na-pác. Nhưng Can-đu-đan đã phải trốn tránh trong những thời gian dài và chỉ dám tổ chức những cuộc đột kích bất thần vào những đội quân nhỏ hoạt động độc lập của quân đội Cộng hòa. Lúc này những thắng lợi của quân đội chính phủ, lời hứa ân xá, sự giảm nhẹ chính sách chống giáo hội, những hy vọng mà dòng họ Buốc-bông và tay chân của chúng đang đặt vào Bô-na-pác, toàn bộ tình hình đó đã làm sức chiến đấu và tinh thần của bọn Su-ăng giảm sút rất nhiều. Đội ngũ của Can-đu-đan thưa thớt. Ở Văng-đê, tâm lý chung là chờ đợi, thiên về xoa dịu và mua chuộc người thủ lĩnh mới của nền Cộng hòa Pháp có thái độ khoan nhượng đối với bọn bảo hoàng. Lúc bấy giờ, Bô-na-pác cũng không đòi hỏi gì hơn; trong những tháng đầu ấy, tháng 11, tháng 12 năm 1799 và nửa đầu năm 1800, ông ta phải bằng lòng với những cách giải quyết cấp thiết trước mắt để còn lo cho cuộc chiến tranh sẽ bắt đầu vào mùa xuân.

Bô-na-pác đi từ việc khẩn cấp này đến việc khẩn cấp khác: từ việc trấn áp bọn giặc cướp đến việc Văng-đê, từ việc Văng-đê đến công việc tài chính, bởi vì phải nuôi ăn, may mặc, trang bị cho một đội quân mạnh mẽ mà ông ta sẽ điều động vào mùa xuân, nhưng tiền vàng trong ngân khố đã cạn sạch - Viện Đốc chính đã xoáy hết quỹ của Nhà nước. Na-pô-lê-ông cần một chuyên viên, và phải là một chuyên viên giỏi. Na-pô-lê-ông tìm ngay được một người như thế ở Gô-đanh, và đã cử Gô-đanh làm bộ trưởng tài chính.

Từ khi Bô-na-pác lên nắm chính quyền thì đương nhiên những việc trong lĩnh vực tài chính cũng đã được giải quyết theo cùng với những nguyên tắc như trong các lĩnh vực khác: nhà quân phiệt độc tài và Gô-đanh, người thừa hành ý chí của ông ta, cả hai đều đã quyết định dùng thuế gián thu hơn là thuế trực thu. Hình thức đánh thuế này, chung quy chỉ đồ vào người tiêu thụ giàu cũng như nhà nghèo, thuận lợi cho Na-pô-lê-ông do tính chất "tự động" của nó, vì thuế gián thu không gây bất hòa giữa người nộp thuế với người thu thuế cũng như với chính phủ, việc mua bán các vật phẩm tiêu dùng hằng ngày tự nó tiến hành bằng mọi cách, không cần đến sự can thiệp của bất cứ một người thu thuế nào.

Giai cấp tư sản thành thị và nông thôn lấy làm mãn nguyện về chính sách tài chính mới đó, họ cũng còn lấy làm hài lòng về một loạt các biện pháp khác đã thực hiện trong lĩnh vực này, như thành lập một cơ quan kiểm tra, định chế độ cho công tác kế toán, trấn áp quyết liệt các vụ ăn cắp và tham ô trắng trợn. Những kẻ tham ô nhiều đến nỗi nhà viết sử đôi khi có ý định liệt bọn chúng như một "tầng lớp" đặc biệt trong giai cấp tư sản.

Một vài kẻ đầu cơ và vơ vét công quỹ nhanh chóng cảm thấy bàn tay của người thủ lĩnh mới sắp đè nặng lên chúng. Ông ta đã bắt giam U-vra, tên thầu lương thực cho quân đội, nổi tiếng vì ăn cắp, tiến hành truy tố một vài tên khác, quy định rất nghiêm ngặt việc kiểm tra sổ sách, đình chỉ việc thanh toán những khoản chi mà Bô-na-pác thấy chưa hợp lý. Có lần Bô-na-pác phải tìm cách bỏ tù một nhà tài chính sau khi biết đích hắn đã ăn cắp tiền, dù hắn đã xóa được hay không xóa được vết tích, và giam cho đến khi nào hắn phải bằng lòng nhả mồi ra. Tuy vậy, cũng vẫn chưa tiêu diệt được tệ nạn tham ô.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #63 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2016, 11:08:32 am »


IV

Bô-na-pác ra sức khẩn trương tổ chức việc hành chính. Ông ta vẫn giữ cách chia nước Pháp thành từng quận, nhưng thủ tiêu mọi vết tích của chế độ địa phương tự trị. Tất cả những nhà chức trách do nhân dân địa phương bầu cử ra và ngay cả những hội đồng đã được bầu ra đều bị bãi bỏ ở các thành phố và các làng.

Từ nay, bộ trưởng nội vụ phải bổ nhiệm quận trưởng cho mỗi quận, quận trưởng là thủ lĩnh tối cao, là vua con. Quận trưởng chỉ định các Hội đồng dân chính, các thị trưởng ở thành phố và xã trưởng ở nông thôn. Những viên chức này chịu trách nhiệm trước quận trưởng và có thể bị quận trưởng cách chức. Giúp đỡ quận trưởng có "Hội đồng hàng quận", một cơ quan có tính chất tư vấn thuần túy, hoàn toàn phụ thuộc vào quận trưởng và nhiệm vụ duy nhất là báo cáo cho quận trưởng biết nhu cầu của quận. Bộ trưởng nội vụ điều khiển mọi sinh hoạt hành chính của nước, và thẩm quyền của bộ trưởng nội vụ cũng lan rộng sang cả lĩnh vực khác nữa mà sau này Bô-na-pác dần dần phân phối cho các bộ khác.

Các tòa án cũng là đối tượng của sự cải tổ triệt để: trung tuần tháng 3, Bô-na-pác ban hành một đạo luật mới quy định việc tổ chức Bộ tư pháp. Sau khi đã biến cải xong các tòa án, về sau này Bô-na-pác đã bãi bỏ viện bồi thẩm: do bản chất của chính quyền độc đoán của Bô-na-pác mà trong hàng ngũ những người thuộc ngành tư pháp, tiếng nói của tự do, đại diện cho xã hội, không được phép cất lên. Tuy vậy, Bô-na-pác không bãi bỏ ngay hết các viên bồi thẩm.

Khi cần phải tiêu diệt các kẻ thù chính trị thì Na-pô-lê-ông không bao giờ bối rối trước những vấn đề thuộc về tính độc lập của quyền tư pháp và sự tôn trọng thủ tục tố tụng. Nhưng trong tất cả những trường hợp khác, chẳng hạn có một người thưa kiện về việc họ hoặc một kẻ nào đó bị xét xử về tội hình, không dính dáng gì đến chính trị, thì Na-pô-lê-ông đòi tòa án khi khởi tố phải đặt mọi lý do có tính chất chính trị ra ngoài. Và khi những viên quan tòa đầu tiên, do vị Tổng tài thứ nhất chỉ định, đến trình diện, Na-pô-lê-ông đã căn dặn họ rằng không bao giờ nên bận tâm đến việc tìm hiểu đảng phái của người đã nhờ cậy tòa xét xử.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #64 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2016, 11:10:35 am »


Một điều rất đặc biệt là đối với tất cả những vấn đề liên quan đến việc chống những kẻ thù bên trong để bảo vệ nền quân chủ chuyên chế do ông ta xây dựng, Na-pô-lê-ông đã dành cho một bộ lớn, được thành lập để chuyên làm những công việc ấy; bộ này hoàn toàn độc lập với Bộ nội vụ, có sinh hoạt riêng như mọi công an, được Na-pô-lê-ông đưa lên một địa vị rất cao, chưa từng thấy dưới thời Viện Đốc chính về mặt quyền lực cũng như về mặt tài chính.

Na-pô-lê-ông đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức sở cảnh sát thủ đô. Mặc dù phụ thuộc vào Bộ công an, viên giám đốc sở cảnh sát Pa-ri được hưởng một chế độ riêng, khác hẳn với mọi viên chức khác. Y trực tiếp báo cáo với Tổng tài thứ nhất, và nói chung, rõ ràng là ngay từ đầu, vị Tổng tài thứ nhất đã muốn biến viên giám đốc cảnh sát Pa-ri thành một cái có thể gọi là cơ quan kiểm soát và tình báo để giúp Na-pô-lê-ông giám sát những hành động của viên bộ trưởng công an đầy quyền lực. Bô-na-pác cố ý phân tán đến một chừng mực bộ máy cảnh sát chính trị của ông ta, không phải ông ta chỉ muốn có một, mà muốn có hai, thậm chí có ba cơ quan cảnh sát để giám sát không những dân chúng mà còn để chúng giám sát lẫn nhau. Bô-na-pác đặt Phu-sê đứng đầu Bộ công an, một tên mật thám đầy mánh khóe, mưu mô quỷ quyệt, nói tóm lại, một tên mật thám cỡ lớn. Đồng thời Bô-na-pác cũng biết rõ rằng, nếu gặp dịp, Phu-sê sẽ bán hết, không những Bô-na-pác, mà cả bố đẻ hắn, với một giá phải chăng. Để giữ gìn mặt ấy, vị Tổng tài thứ nhất đã giao cho bọn tay chân tin cẩn nhiệm vụ bao vây, theo dõi Phu-sê. Và để đề phòng trường hợp Phu-sê biết, sẽ tìm cách mua chuộc bọn theo dõi y, Bô-na-pác tổ chức một dàn mật thám thứ ba có nhiệm vụ theo dõi những tên mật thám theo dõi Phu-sê.

Na-pô-lê-ông luôn luôn cho rằng Phu-sê là kẻ mặt sắt đen sì và không bao giờ biết ngượng. Nhiều năm đã trôi qua, Na-pô-lê-ông đã lên ngôi hoàng đế từ lâu và Phu-sê thì đã lộng lẫy trong bộ áo bộ trưởng của mình, Na-pô-lê-ông đột nhiên bảo Phu-sê: "Chính ông đã biểu quyết án tử hình vua Lu-i XVI!". Theo lệ thường, Phu-sê cúi rạp mình trước ông hoàng đế: "Hoàn toàn đúng vậy. Đó là công trạng đầu tiên mà hạ thần được dâng lên bệ hạ". Thật là một cuộc đối thoại có ý nghĩa nhất: Phu-sê nhắc lại cho hoàng đế hay rằng vận hội của cả hai đều bắt nguồn từ cách mạng, duy chỉ có khác là một người đã bóp chết cách mạng để chiếm lấy ngai vàng bỏ trống của Lu-i XVI, còn một người đã sốt sắng giúp cho việc đó. Năm 1799 là năm Phu-sê đặc biệt có ích đối với Bô-na-pác, chính vì Phu-sê biết rõ những bạn hữu cũ của y mà y đã phản bội và bán họ cho người chủ mới.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #65 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2016, 11:11:10 am »


Ngay từ mùa đông thứ nhất lên nắm chính quyền, Bô-na-pác đã tổ chức được một bộ máy nhà nước tập trung, các bộ phận được kết hợp một cách hoàn chỉnh, và do một nhóm viên chức cao cấp chỉ huy từ Pa-ri. Tập trung quyền lực vô hạn độ vào tay Tổng tài thứ nhất, đó là mục đích của "bản hiến pháp mới".

Một lần Bô-na-pác nói rằng: một bản hiến pháp phải "ngắn và tối nghĩa". Bô-na-pác phát biểu nguyên tắc chung của mình như sau: khi đề cập vấn đề quy định những giới hạn hiến pháp cho quyền lực tối cao thì phải biên soạn vắn tắt và mập mờ đến mức tối đa. Nếu ở trên đời có một kẻ nào đó mà tính chất chuyên chế không thể thích ứng với bất kỳ một sự hạn chế nào về quyền lực - mặc dầu sự hạn chế đó rất tầm thường, nhưng nếu như nó thực sự đụng chạm đến quyền lực tối cao - thì kẻ đó chính là Na-pô-lê-ông.

Ngay từ những ngày đầu sau cuộc đảo chính, sự hiểu lầm ngốc nghếch của những kẻ ủng hộ Na-pô-lê-ông đã tan như mây khói, đặc biệt là Xi-ay-ét, nạn nhân của sự hiểu lầm ấy trong suốt thời gian trước Tháng Sương mù.

Khi Xi-ay-ét trình lên Bô-na-pác một bản sửa dự án, theo đó, Bô-na-pác phải tự khuôn mình trong những chức vụ của một viên quan tư pháp tối cao trong nước (giống như tổng thống nước cộng hòa sau này), có danh vọng cao nhất và hưởng lương cao bổng hậu, nhưng giao quyền cai trị cho một số người khác, do Bô-na-pác chỉ định, không phụ thuộc vào Bô-na-pác, thì ông ta đã tuyên bố: "Tôi không đóng vai trò lố bịch như vậy đâu" và kiên quyết bác bỏ dự án của Xi-ay-ét. Tìm cách cố giữ ý kiến và bàn cãi, Xi-ay-ét liền được viên bộ trưởng công an Phu-sê đến thăm, và Phu-sê đã thân mật tâm sự với Xi-ay-ét, khuyên nên chú ý đến cái thực tế là Bô-na-pác đã tập trung tất cả lực lượng vũ trang của nước Pháp vào trong tay, vì thế nên nếu cứ cố tình tranh cãi mãi với một đối phương như vậy thì sẽ không có lợi chút nào, trái lại sẽ chỉ có hại. Lập luận này hình như đã hoàn toàn thuyết phục được Xi-ay-ét, và từ đó Xi-ay-ét câm lặng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #66 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2016, 11:12:00 am »


"Bản hiến pháp của năm Cộng hòa thứ 8" (người ta gọi bản hiến pháp được khởi thảo dưới sự bảo hộ của Na-pô-lê-ông như vậy) đã đáp ứng được một cách tuyệt diệu cái nguyên tắc do Na-pô-lê-ông đặt ra. Quyền hành đều tập trung hết vào tay Tổng tài thứ nhất còn hai vị Tổng tài khác chỉ có quyền tư vấn. Bô-na-pác được chỉ định là Tổng tài thứ nhất trong 10 năm. Tổng tài thứ nhất chỉ định một thượng nghị viện gồm 80 nghị sĩ. Bằng quyền hành duy nhất của mình, Tổng tài thứ nhất còn bổ nhiệm các chức vụ hành chính và quân sự, bắt đầu từ chức bộ trưởng, và tất cả những người thụ nhiệm chỉ chịu trách nhiệm trước Tổng tài thứ nhất. Cũng còn thành lập hai viện để tiêu biểu cho quyền lập pháp:

- Viện Pháp chế
- Viện Lập pháp.

Các uỷ viên của cả hai viện này đều do Thượng nghị viện chỉ định (nói một cách khác, vẫn do Tổng tài thứ nhất chỉ định) theo một danh sách vài nghìn ứng cử viên do các công dân "bầu ra" bằng một phương pháp bỏ phiếu hết sức phức tạp.

Giả dụ ngay như trong số vài nghìn ứng cử viên do nhân dân bầu ra thì chỉ được chọn 400 vị về phe với chính phủ và cũng rất rõ ràng là người ta sẽ chọn trong 400 vị ấy lấy một số để bổ sung vào những chỗ khuyết trong Viện Pháp chế và Viện Lập pháp. Không thể đặt ra vấn đề tính độc lập cho các vị đã được tuyển lựa theo kiểu đó được. Nhưng cũng chưa hết, ngoài những tổ chức đó ra, còn thành lập Hội đồng Chính phủ do chính phủ của Tổng tài thứ nhất toàn quyền chỉ định.

Bộ máy lập pháp hoạt động theo phương thức sau đây: Chính phủ đệ trình một bản dự án pháp luật lên Hội đồng Chính phủ, Hội đồng Chính phủ bổ sung, xây dựng và trình lên Viện Pháp chế. Viện Pháp chế có quyền phát biểu ý kiến của mình bằng lời về bản dự thảo đó, nhưng không có quyền quyết định. Sau khi đã làm xong nhiệm vụ của mình bằng cách ấy, Viện Pháp chế gửi bản dự thảo sang Viện Lập pháp. Viện này không có quyền thảo luận về bản dự thảo, nhưng để bù lại, người ta giao cho nhiệm vụ đặt thành quy chế, sau đó bản dự thảo được Tổng tài thứ nhất phê chuẩn và trở thành luật.

Đương nhiên, trong suốt triều đại Na-pô-lê-ông, cái bộ máy "lập pháp" không hợp lý một cách cố tình ấy đã chỉ là kẻ câm điếc thừa hành ý muốn của Na-pô-lê-ông. Vả lại, sau này (năm 1807) Na-pô-lê-ông đã bãi bỏ Viện Pháp chế vì ông ta cho rằng nó hoàn toàn vô ích. Đương nhiên là những điều mà hai viện bàn bạc rồi quyết định phải được giữ hết sức bí mật (và đã được làm như vậy). Khi cần xúc tiến công việc khẩn trương hơn, Tổng tài thứ nhất có thể đưa thẳng ra những đề án của mình lên Thượng nghị viện để nghị viện thông qua dưới hình thức một "Nghị quyết của Thượng nghị viện", thế là xong. Như vậy, tất cả quyền lực thực tế về lập pháp, cũng như toàn bộ quyền hành chính đều tập trung cả vào tay Bô-na-pác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #67 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2016, 11:12:34 am »


Mùa xuân năm 1800, có thể nói rằng nhà chuyên chế mới đã giải quyết một số công việc khẩn cấp nhất, đẫ hợp pháp hóa nền trật tự mới của quốc gia, đã diệt trừ nếu không tất cả thì cũng được một số rất lớn các toán giặc cướp đang nhũng loạn đất nước, đã quyết định một cách vội vàng và có tính chất tạm thời một vài biện pháp nhằm làm dịu tình hình ở Văng-đê, đã tập trung việc cai trị trong nước vào một mối và đã thi hành những biện pháp cần thiết nhất để ngăn chặn những vụ ăn cắp của bọn đầu cơ. Dưới sự chỉ đạo của Phu-sê, một mạng lưới mật thám rộng lớn, bố trí khôn khéo, đã nhanh chóng đăng tỏa trên khắp nước.

Giô-dép Phu-sê là một tên mật thám bẩm sinh, nếu có thể nói được như vậy. Ở thành La Mã thuở xưa, người ta nói: "làm thi sĩ là do bẩm sinh, làm diễn giả là do tu luyện".

Phu-sê là kẻ sáng lập ra một hệ thống khiêu khích và do thám mà bọn học trò và bọn bắt chước người Na-plơ như Đen-ca-rét-tô, người Nga như Ben-ken-đoóc và Duy-pen, người Áo như Dít-ních-ki đã uổng công học đòi. Trong công cuộc này, Na-pô-lê-ông để cho Phu-sê được tự do hoạt động, nhưng biết rõ tài năng nhiều mặt và bản chất lá mặt lá trái, xoay như chong chóng của Phu-sê. Để đề phòng bất trắc, Na-pô-lê-ông dùng một số mật thám bám sát để giám sát Phu-sê, và chính ông bộ trưởng công an cũng không biết bọn này. Na-pô-lê-ông biết rất rõ rằng trước khi lên đường mở một chiến dịch xa xôi, vào mùa xuân, phải bảo đảm hậu phương chính trị của mình và trên quan điểm đó thì tất cả "bản hiến pháp mới của năm thứ VIII" tuyệt nhiên chẳng có giá trị gì, trong khi đó thì Bộ công an có một tầm quan trọng ghê gớm. Vì lẽ ấy, Bô-na-pác không phải chỉ chi rất nhiều tiền cho bộ máy cảnh sát, không phải chỉ ra sức đưa nhiều người có khả năng và kiên quyết vào bộ máy cai trị do Bô-na-pác đã xây dựng nên ở Pa-ri, ở các tỉnh, mà còn dùng bàn tay sắt để bịt miệng nốt 13 cơ quan báo chí còn sống sót sau việc đóng cửa một lúc 60 tờ báo trước đây.

Khi lên đường đi chinh chiến, Na-pô-lê-ông giao lại cho các bộ trưởng của ông ta bộ máy chuyên chính do ông ta dựng lên và yêu cầu họ duy trì trật tự trong khi ông ta sẽ đọ sức với cả châu Âu liên minh trên chiến trường.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #68 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2016, 11:12:55 am »


Nhưng một tháng trước khi Na-pô-lê-ông lên đường, vào tháng 4 năm 1800, Phu-sê đã khám phá được và báo cáo lên vị Tổng tài thứ nhất một bằng chứng không thể chối cãi được rằng ở Pa-ri có một cơ quan gián điệp bảo hoàng Anh, liên lạc trực tiếp với các em của vua: Lu-i, bá tước xứ Prô-văng và Sác, bá tước xứ Ác-toa, cả hai đều đã chạy ra nước ngoài. Với sự giúp đỡ của bọn người Anh và của các lực lượng can thiệp khác, bọn bảo hoàng nhằm công khai cướp lấy chính quyền. Ngay từ mùa xuân năm 1800, khi vua Anh Gióoc III trả lời đề nghị mở hội nghị đàm phán hòa bình của Bô-na-pác bằng quyết tâm trực tiếp và tích cực đặt lại dòng họ Buốc-bông lên ngai vàng nước Pháp thì Bô-na-pác đã biết rất rõ rằng người Anh tin cậy vào bọn bảo hoàng Pháp là bọn sẵn sàng nhượng bộ tất cả những gì có thể được về kinh tế và chính trị có lợi cho tư sản thương nghiệp và công nghiệp Anh chỉ để nhằm mục đích duy nhất là phục hưng dòng họ Buốc-bông.

Vị Tổng tài thứ nhất đã dứt khoát khẳng định trong tư tưởng rằng một trong những nhiệm vụ cấp thiết nhất trong cuộc đấu tranh đối nội là việc trấn áp quyết liệt bọn phản bội bảo hoàng, còn nhiệm vụ khẩn yếu của cuộc đấu tranh đối ngoại là cuộc chiến tranh chống người Anh. Những mệnh lệnh cần thiết đã giao cho Phu-sê để đấu tranh chống bọn bảo hoàng hiện hành: Na-pô-lê-ông chỉ thị cho Phu-sê theo dõi mọi hoạt động của bọn chúng, bắt giữ và đưa bọn chúng ra tòa. Na-pô-lê-ông luôn luôn nhắc lại câu nói sau đây, phản ánh rõ quan điểm đã được xác lập trong ông ta: "Có hai phương tiện để làm nhân tâm xao động: sự sợ hãi và mối lợi". Không nên hiểu "lợi" chỉ là lòng tham tiền, theo nghĩa đen, mà còn là sự thèm muốn, lòng tự ái, lòng tham danh vọng. Nên tác động đến bọn bảo hoàng bằng cách nào? Đáng chú ý là đối với loại kẻ thù này, Na-pô-lê-ông sử dụng lúc bằng phương pháp này, lúc bằng phương pháp khác, tùy lúc: khi thì khủng bố, khi lại lôi kéo bọn chúng bằng ơn huệ, tiền bạc và sử dụng vào công việc này nọ.

Mùa xuân năm 1800, vì phải đến với quân đội ngay nên Na-pô-lê-ông đã không có thời gian dùng những biện pháp khác chống bọn phản bội, ngoài biện pháp khủng bố khốc liệt.

Nhiệm vụ chủ yếu khác, tức là cuộc chiến tranh với nước Anh, phải được tiến hành như trước đây, không phải trên bờ biển nước Anh, đối diện với hạm đội hùng mạnh của Anh mà là ở trên lục địa châu Âu, chống với đồng minh của nước Anh và trước hết là chống đế quốc Áo.

Lên đường đi chính chiến vào ngày 8 tháng 5 năm 1800 và rời Pa-ri lần đầu tiên kể từ khi đảo chính, Bô-na-pác hoàn toàn hiểu rằng số phận nền chuyên chính của ông ta ở Pháp hoàn toàn tùy thuộc vào kết quả của chiến dịch này. Hoặc là Na-pô-lê-ông lại chiếm được miền bắc nước Ý từ tay người Áo hoặc là quân đội của các nước liên minh lại sẽ xuất hiện ở biên giới nước Pháp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #69 vào lúc: 29 Tháng Tư, 2016, 11:14:52 am »


CHƯƠNG SÁU

TRẬN MA-REN-GÔ SỰ CỦNG CỐ
NỀN ĐỘC TÀI - PHÁP CHẾ
CỦA TỔNG TÀI THỨ NHẤT 1800-1803



I

Na-pô-lê-ông không có thói quen định trước và định tỉ mỉ các kế hoạch chiến dịch. Ông chỉ chú ý đến những "đối tượng" chủ yếu, những mục đích cụ thể chính, quy trình thời gian (dĩ nhiên là phỏng đoán) và những đường tiến quân. Na-pô-lê-ông chỉ thật sự bận tâm lo nghĩ đến chiến tranh khi chiến dịch đương diễn ra; trong chiến dịch, không những ông chú ý đến những mục đích cần phải đạt, mà còn chú ý đến những tình huống, và đặc biệt là những tin tức, động tĩnh của đối phương mà ông thường xuyên nhận được, từ đó ông luôn thay đổi kế hoạch bố trí của mình, thay đổi từng ngày và có khi từng giờ. Na-pô-lê-ông tự đặt cho mình một quy tắc bất di bất dịch là chừng nào thực tế chưa chứng tỏ cho mình rõ là đối phương ngu ngốc hơn thực tế và nên đặt giả thuyết: đối phương sẽ hành động có lý lẽ không kém gì bản thân mình trong trường hợp ấy.

Na-pô-lê-ông phải chống với một đạo quân Áo rất mạnh và được trang bị rất đặc biệt đang chiếm đóng miền bắc nước Ý, nơi mà Xu-vô-rốp năm trước đã quét sạch quân Pháp. Nhưng Xu-vô-rốp không còn ở với người Áo nữa, điều đó đã làm Na-pô-lê-ông quan tâm nhiều nhất. Na-pô-lê-ông biết nước Nga đã rút khỏi khối liên minh, mặc dầu ông còn chưa thể biết được rằng cũng vào tháng 5 năm 1800 ấy, trong khi ông cùng quân đội của mình tiến vào nước Ý để triệt tiêu những chiến quả của Xu-vô-rốp thì Xu-vô-rốp đã được mai táng trong tu viện A-lếch-xan Nép-xki ở Pê-téc-bua. Không phải Xu-vô-rốp đối đầu với Bô-na-pác, mà chỉ là tướng Mê-la, một tay chiến thuật cừ, một sĩ quan tham mưu, một trong số những tướng lĩnh giỏi mà trước cũng như sau năm 1800, Na-pô-lê-ông đã và đang giáng cho nhiều trận thua vô cùng khủng khiếp và bọn họ đã không ngớt chứng minh một cách chua chát rằng Na-pô-lê-ông đã không hành động theo nguyên tắc nào cả. Trung thành với nguyên lý của mình, Na-pô-lê-ông đánh Mê-la như thể Mê-la là Na-pô-lê-ông, và Mê-la đánh Na-pô-lê-ông như thể Na-pô-lê-ông là Mê-la.

Quân Áo tập trung lực lượng về phía nam chiến trường theo hướng đi Giên. Mê-la không phán đoán nổi rằng Bô-na-pác đã chọn con đường đi khó khăn nhất, qua nước Thụy Sĩ và đèo Béc-na, do đó, Mê-la sơ hở không tăng cường lực lượng để giữ sườn phía ấy. Vị Tổng tài thứ nhất lại chọn đúng con đường ấy. Cái lạnh khủng khiếp của những ngọn núi tuyết phủ, những vực sâu thẳm dưới chân, những trận mưa băng, những cơn bão tuyết, những cuộc trú quân ngoài trời trong tuyết, binh sĩ của Bô-na-pác đã chịu tất cả những thử thách đó vào năm 1800, cũng như binh sĩ của Xu-vô-rốp đã từng nếm trải vào năm 1799 và cũng như những chiến binh của An-ni-ban đã từng nếm trải cách đây 2.000 năm trước Xu-vô-rốp và Bô-na-pác. Có khác là không phải những con voi bị chìm sâu trong vực thẳm như thời An-ni-ban, mà là những khẩu pháo, những bệ pháo, những hòm đạn. Tướng Lan-nơ đi tiên phong và đằng sau là toàn bộ quân đội của Bô-na-pác kéo thành một đường dài vô tận giữa một bên là vách đá, một bên là bờ vực cheo leo. Cuộc vượt qua núi An-pơ bắt đầu ngày 16 tháng 5 đến ngày 21, Bô-na-pác cùng với quân chủ lực đã tới đèo Xanh Béc-na, trong khi ấy, đằng trước họ, ở sườn núi bên nước Ý đã bắt đầu có những cuộc chiến đấu của đội tiên phong với lực lượng tiền đạo nhỏ yếu bảo vệ sườn núi của quân Áo. Quân Áo bị đánh lui, quân Pháp càng tiến gấp xuống phía nam vào toàn bộ lực lượng của Bô-na-pác thình lình tràn ra. Hết sư đoàn này đến sư đoàn khác, từ những khe núi miền nam rặng An-pơ xuất kích, triển khai sau lưng quân Áo.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM