Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 27 Tháng Năm, 2024, 01:46:28 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sự kiện - Hỏi và Đáp  (Đọc 18197 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 02 Tháng Chín, 2016, 03:42:18 pm »

Tên sách: Chiến thắng Điện Biên Phủ-Sự kiện-Hỏi và Đáp
Nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia
Năm xuất bản: 2003
Số hoá: ptlinh, chuongxedap



Chỉ đạo nội dung.
Thượng tướng, GS. Hoàng Minh Thảo - Trịnh Thúc Huỳnh

Biên soạn
TS. Hoàng Phong Hà - Phạm Vũ Quỳnh
ThS. Nguyễn Khánh Hoà - Bùi Hồng Thuý - Nguyễn Kiều Anh
Nguyễn Kim Thoa - Lê Thanh Huyền
Đinh Mỹ Vân - ThS. Nguyễn Kim Nga

Với Sự cộng tác của:
TS. Nguyễn Đình Thực - Nguyễn Hải Bình
Đoàn Phương Như - Phạm Ngọc Khang




LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày lá cờ "Quyết chiến Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm Sở chỉ huy của tướng Đờ Cát, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị của thực dân Pháp ở Đông Dương. Đó là một chiến thắng vĩ đại, là thành quả của cuộc đấu tranh anh dũng, kiên cường và bền bỉ của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ. "Tiếng sấm Điện Biên Phủ" đã làm "chấn động địa cầu", làm lung lay tận gốc rễ nền móng của chủ nghĩa thực dân cũ. Đó là sự cống hiến vô giá mà nhân dân ta, bằng cuộc đấu tranh anh dũng vô song của mình, đã đem lại cho sự nghiệp giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Điện Biên Phủ đã trở thành biểu tượng cho tinh thần và trí tuệ Việt Nam, trở thành niềm tự hào của người dân Việt Nam cũng như toàn thể nhân loại tiến bộ. Về ý nghĩa của sự kiện trọng đại này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay: chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công"1.

Trong không khí tưng bừng kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2004), nhằm góp phần ôn lại truyển thống đấu tranh oanh liệt, hào hùng của dân tộc ta, đồng thời đáp ứng yêu cầu của đồng đảo bạn đọc tìm hiểu về chiến cục Đông Xuân 1953-1954 và chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản cuốn sách Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sự kiện - Hỏi và Đáp, do tập thể các tác giả biên soạn dưới sự chỉ đạo của Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo và Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Trịnh Thúc Huỳnh.

Nội dung cuốn sách được trình bày dưới dạng các câu hỏi và trả lời ngắn gọn, súc tích và cô đọng về toàn bộ diễn biến của chiến cục Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cho tới khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết.

Nhân dịp này, Nhà xuất bản xin trân trọng cảm ơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đóng góp ý kiến và viết đề tựa cho cuốn sách.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc.

Tháng 3 năm 2004
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA
__________________________________________
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.11. tr. 220.
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Hai, 2021, 10:44:00 am gửi bởi ptlinh » Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2016, 03:42:48 pm »

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2016, 03:45:18 pm »


I
TÌNH HÌNH TA VÀ PHÁP TRƯỚC KHI BƯỚC VÀO ĐÔNG XUÂN 1953-1954

1. Tình hình về phía Pháp?

Cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương và Việt Nam lần thứ hai của Pháp đã bước sang năm thứ tám. Thực dân Pháp lâm vào tình thế hết sức khó khăn cả về kinh tế, chính trị và quân sự. Về kinh tế, chi phí chiến tranh quá lớn đã làm cho nền kinh tế Pháp bị lạm phát hơn 2.000 tỷ frăng, thâm hụt ngân sách lên đến 730 triệu frăng, hơn ba triệu người trong nước không có việc làm. Về chính trị, phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân Pháp đòi chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương diễn ra mạnh mẽ. Nội bộ chính quyền Pháp lục đục, mâu thuẫn và chia rẽ sâu sắc. Chỉ trong vòng tám năm, nước Pháp đã trải qua 19 đời thủ tướng. Về quân sự, Pháp thất bại liên tiếp trên các chiến trường Đông Dương. Tổng số quân Pháp trên toàn Đông Dương lên đến 450.000 tên, trong đó có 120.000 lính Âu-Phi. Tuy quân số tăng nhưng tinh thần chiến đấu giảm sút. Quân Pháp gặp phải rất nhiều khó khăn: không thích hợp với điều kiện sống và khí hậu ở chiến trường Đông Dương, không có đủ lực lượng cơ động mạnh để đối phó với lực lượng chủ lực đang không ngừng phát triển của ta. Đặc biệt, Pháp rất lúng túng và bị động trong việc giải quyết vấn đề giữa tập trung và phân tán lực lượng, giữa tiến công ra vùng tự do và phòng ngự ở vùng chúng kiểm soát, giữa tập trung binh lực ở miền Bắc và phân tán chiếm đóng ở miền Nam, giữa bảo vệ đồng bằng Bắc Bộ và bảo vệ Thượng Lào.

Mặc dù vậy, giới cầm quyền hiếu chiến ở Pháp vẫn hết sức ngoan cố. Để cứu vãn tình thế, chúng chủ trương tranh thủ thêm viện trợ của Mỹ, tập trung mọi cố gắng đẩy mạnh chiến tranh hòng tìm ra một lối thoát “danh dự” cho nước Pháp, nghĩa là “lối thoát trong thắng lợi”. Chính tình hình này đã dẫn tới việc tháng 5 năm 1953, với sự thoả thuận của Mỹ, Chính phủ Pháp cử Đại tướng Nava giữ chức Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương và tháng 7 năm 1953, Kế hoạch Nava đã được Hội đồng chính phủ và Hội đồng quốc phòng Pháp thông qua sau khi có sự nhất trí của Mỹ.

2. Tình hình về phía ta?

Sau tám năm tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, lực lượng vũ trang nhân dân ta, nòng cốt của cuộc kháng chiến, không ngừng được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Lực lượng vũ trang ba thứ quân gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt. Chiến thắng Biên giới năm 1950 và các chiến dịch quân sự của ta trên khắp các mặt trận trong cả nước giành được những thắng lợi to lớn, đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta phát triển lên một thời kỳ mới. Ta có thể tập trung được ưu thế binh lực với các đại đoàn và trung đoàn chủ lực mạnh, giữ vững thế chủ động chiến lược. Các khu căn cứ địa, vùng giải phóng của ta ngày càng được mở rộng và củng cố, tạo chỗ dựa vững chắc cho bộ đội ta tác chiến đánh địch. Việc thực hiện triệt để giảm tô và cải cách ruộng đất không chỉ mang lại ruộng đất và quyền lợi cho nông dân, mà còn nâng cao tinh thần phấn khởi, tin tưởng, ý chí quyết chiến quyết thắng của bộ đội ta, những người nông dân mặc áo lính, tăng cường củng cố khối đoàn kết liên minh công nông và khối đại đoàn kết toàn dân. Cùng với những thắng lợi to lớn ở trong nước, cuộc kháng chiến chính nghĩa của ta ngày càng giành được sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi của nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, nhân dân Pháp và nhân dân các nước thuộc địa của Pháp cũng như nhân dân yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2016, 03:48:53 pm »


II
KẾ HOẠCH NAVA

3. Người đề xuất Kế hoạch Nava là ai?

Đó là Hăngri Nava, lúc đó là Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Nava sinh ngày 31 tháng 7 năm 1898 tại Aveyron, mẹ thuộc dòng dõi của Thống chế Muyara nổi tiếng dưới thời Napôlêông, bố là giáo sư chủ nhiệm khoa Văn trường Đại học Toulouse. Nava là một viên tướng được giới quân sự Pháp đánh giá là “đặc biệt tài ba”, “rất thông minh và sáng suốt”, người được coi là có “nhãn quan chiến lược”, “khả năng chịu đựng những đòn dữ dội và bất ngờ” và có “những đức tính riêng biệt của người chỉ huy quân sự và sự nhạy bén về chính trị”. Nava còn có một ưu thế đặc biệt quan trọng là ông ta đã quen làm việc với người Mỹ và được người Mỹ ưa chuộng.

4. Trước khi sang Việt Nam, Nava đã từng giữ những cương vị gì? Khi sang Việt Nam, ông ta có nhiệm vụ gì?

Năm 18 tuổi, Nava được vào học tại Trường quân sự Xanh Xia nổi tiếng thế giới. Năm 19 tuổi là sĩ quan tham gia chiến đấu trên mặt trận Pháp từ tháng 5 năm 1917 đến khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất (1918). Sau đó, Nava phục vụ ở Xyri (lúc đó đang là thuộc địa của Pháp) trong hai năm, chiến đấu chống lại cuộc nổi dậy của người Arập. Từ năm 1930 đến năm 1934, Nava tham gia bình định tại Marốc (thuộc địa của Pháp vào thời gian đó). Năm 1937, Nava làm việc ở Phòng quân báo và từ năm 1938 tới năm 1940 lãnh đạo phân ban Đức ở phòng này. Trong thời gian nước Pháp bị phátxít Đức chiếm đóng, Nava làm công tác tình báo cho lực lượng kháng chiến. Tháng 11 năm 1944, Nava là chỉ huy trưởng trung đoàn cơ giới trinh sát - trung đoàn Xpahi số 5, chỉ huy một khu vực ở Angiêri rồi làm việc tại Bộ tham mưu Pháp ở Đức và được đề bạt làm sư trưởng sư đoàn thiết giáp số 5 tại đây. Sau đó, Nava được phong chức Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh lục quân Trung Âu thuộc Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương.

Ngày 18 tháng 5 năm 1953, Hăngri Nava rời Paris sang Việt Nam. Nhiệm vụ của ông ta là nghiên cứu tình hình Đông Dương trong vòng một tháng, sau đó quay về Paris đệ trình với Chính phủ Pháp một chương trình hành động cụ thể nhằm thay đổi tình hình ở Đông Dương, buộc đối phương phải chấp nhận giải pháp thương lượng theo những điều kiện mà phía Pháp có thể chấp nhận được.

5. Khi cử Nava sang Đông Dương, người Pháp hy vọng điều gì?

Khi bổ nhiệm Nava làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương, Chính phủ Pháp hy vọng Nava có thể làm thay đổi tình tình ở Đông Dương để chấm dứt cuộc chiến tranh trên thế mạnh, khi “tình hình quân sự cho phép một cuộc thương lượng có thể chấp nhận được” và “kết thúc chiến tranh bằng một lối thoát danh dự”, như tuyên bố của Thủ tướng Pháp Rơnê Mayê đưa ra vào ngày 7 tháng 5 năm 1953, ngày mà Nava được chỉ định là Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương.

6. Nava đã thể hiện sự lạc quan khi đảm nhận nhiệm vụ này như thế nào?

Chưa lường hết được những khó khăn mà mình sẽ phải đối mặt, Nava đã vui vẻ đảm nhận chức Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương với tâm trạng tràn đầy tin tưởng. Ông ta đã phát biểu: “Tôi có một vinh dự khủng khiếp khi được giao nhiệm vụ chỉ huy xứ Đông Dương. Tôi cam đoan sẽ tạo ra ở đó một khung cảnh mới”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2016, 03:51:28 pm »


7. Khi sang khảo sát tình hình Đông Dương, Nava đã nói gì với các tư lệnh địa phương?

Ngày 16 tháng 6 năm 1953, phát biểu với các tư lệnh địa phương, Nava đã phác thảo những đường hướng cơ bản của chiến lược sắp tới để đối phó với Việt Minh. Ông ta cho rằng cần nhanh chóng củng cố lại quân đội viễn chinh; phải nâng cao được tinh thần chiến đấu của binh lính Pháp; cố gắng tránh đụng độ với các đơn vị chủ lực của đối phương; tiếp tục tiến hành “bình định” tại những vùng đất quân Pháp đang kiểm soát ở miền Bắc Việt Nam. Quân Pháp sẽ mở những đợt tiến công với quy mô vừa phải xuống vĩ tuyến 18 để loại trừ các đơn vị của đối phương ở Liên khu 5; tiến công vào các vựa lúa gạo, vào các kho dự trữ, và cuối cùng đánh vào các đơn vị chính quy chủ yếu của Việt Minh.

8. Kế hoạch Nava được trình bày khi nào và ở đâu?

Ngày 24 tháng 7 năm 1953, Nava đã trình bày kế hoạch của mình tại Hội đồng Quốc phòng Pháp do Tổng thống Pháp đứng đầu, gồm có: Thủ tướng Lanien, Phó Thủ tướng Râynô, Bộ trưởng Quốc phòng Plêven, Ngoại trưởng Biđôn, Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề thuộc địa Giắckê và các Bộ trưởng Tài chính, Tư pháp, Lục quân, Hải quân, Không quân cùng tham mưu trưởng các quân chủng. Trong cuộc họp này, Hội đồng quốc phòng Pháp đã nhất trí phê chuẩn Kế hoạch Nava với tinh thần hết sức lạc quan. Phát biểu tại Quốc hội vào ngày 22 tháng 10 năm 1953, Thủ tướng Lanien tuyên bố: “Kế hoạch Nava chẳng những được Chính phủ Pháp mà cả những ngưòi bạn Mỹ cũng tán thành. Nó cho phép hy vọng đủ mọi điều.”

9. Nội dung chính của Kế hoạch Nava là gì?

Kế hoạch chiến lược của Nava1 dự kiến chia làm hai bước và hoàn thành trong 18 tháng. Hai bước đó là:
Bước 1 (trong chiến cục 1953-1954):

a. Phòng ngự chiến lược ở bắc vĩ tuyến 18, tránh tổng giao chiến với chủ lực đối phương.

b. Ngăn chặn đối phương tiến công vào đồng bằng Bắc Bộ, đồng thòi đẩy mạnh càn quét, bình định, giữ vững vùng đồng bằng có ích (delta utile), ngăn chặn đối phương tiến công Thượng Lào (Luông Phabăng, Cánh đồng Chum).

c. Tiến công chiến lược ở miền Nam, đánh vào các căn cứ đối phương, đánh chiếm vùng đồng bằng khu V và khu IX.

d. Xây dựng khối dự bị chiến lược lớn mạnh, chuẩn bị cho bước 2.

Bước 2 (từ mùa khô 1954 trở đi, tức là khi đã đạt được ưu thế về lực lượng cơ động chiến lược): Tiến công chiến lược ở phía bắc Đèo Ngang, tạo nên một hình thái quân sự cho phép đi đến một giải pháp chính trị có danh dự.

Biện pháp:

a. Tăng cường phát triển quân ngụy quy mô lớn, đủ sức đảm nhiệm chiếm đóng một số khu vực quân Pháp giao cho.

b. Rút lực lượng Âu - Phi, xây dựng lực lượng tổng dự bị chiến lược có chất lượng cao, mạnh hơn khối chủ lực đối phương.

c. Xin thêm viện binh từ Pháp sang (rút từ lực lượng Pháp trong khối NATO) để tăng cường cho khối dự bị chiến lược (lúc đầu dự định xin hai sư đoàn, sau giảm xuống 12 tiểu đoàn, vì chính quốc không đủ khả năng).

d. Xây dựng lực lượng biệt kích để quấy rối và phá hoại hậu phương đối phương và hoàn thành những nhiệm vụ đặc biệt mà các lực lượng khác không thể làm được.

e. Nới rộng quyền hành cho nguỵ quyền ba nước Đông Dương, vừa để dễ cầu viện Mỹ, vừa động viên người bản xứ dốc thêm sức vào chiến tranh.
_________________________________
1. Ban chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.445.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2016, 03:54:30 pm »


10. Nava đã đánh giá đối phương như thế nào?

Nava tỏ ra là một người khá đúng mực khi đánh giá đối phương. Nava cho rằng Việt Nam là một quốc gia rõ rệt, có chính quyền và ảnh hưởng lan vào cả vùng kiểm soát của quân đội viễn chinh; tại những vùng này, Việt Minh tuyển được người, thu được thuế, thực hiện được các chính sách của mình; từ năm 1945 đến nay, Việt Nam chỉ có một Chính phủ Hồ Chí Minh, chỉ có một tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, trong khi nước Pháp đã 19 lần thay chính phủ và bảy lần thay tổng chỉ huy.

Tuy nhiên, dù nhận thức rõ về sự khó khăn của quân đội viễn chinh cùng những thế mạnh của Việt Minh, cả Nava lẫn giới tướng lĩnh và nhà cầm quyền Pháp vẫn không tránh khỏi cách đánh giá thấp đối phương mà chính Nava đã từng phê phán. Trong thư gửi binh sĩ Pháp vào tháng 6 năm 1953, Nava viết: “Trong chiến tranh, đánh giá thấp đối phương là một sai lầm nặng, nhưng cũng thật ngờ nghệch nếu đánh giá quá cao đối phương. Tình hình thuận lợi cho chúng ta, chiến thắng là chắc chắn nhưng nó chỉ đến với ai biết nắm lấy nó.”

11. Thực hiện kế hoạch Nava, quân đội Pháp ở Đông Dương đã được tăng viện như thế nào?

Chỉ trong thời gian ngắn nửa cuối năm 1953, Pháp đã huy động được hàng chục vạn quân (480.000 người), trong đó có 12 tiểu đoàn được tăng cường từ Pháp, Bắc Phi và Triều Tiên, 7 tiểu đoàn rút từ Nà Sản về, cộng thêm 54 tiểu đoàn lính bản xứ được huy động trong các vùng tạm chiếm. Tổng số các đơn vị bộ binh lên đến 267 tiểu đoàn, trong đó có 84 tiểu đoàn cơ động chiến lược, 44 tiểu đoàn được ưu tiên cho chiến trường Bắc Bộ, trong đó phần lớn là những binh đoàn tinh nhuệ nhất. Với sự chi viện của Mỹ, trong tay Nava lúc này có tới 300 máy bay chiến đấu và máy bay vận tải quân sự.

12. Vai trò của Mỹ trong Kế hoạch Nava?

Mỹ là quốc gia viện trợ rất lớn cho Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương. Như người Pháp nhận định, muốn giành được sự viện trợ của Mỹ thì không thể không để cho Mỹ kiểm soát công việc của mình. Kế hoạch Nava trên thực tế đã có sự “góp ý” kỹ càng của Mỹ. Ngay từ tháng 3 năm 1953, một phái đoàn Pháp do Thủ tướng Rơnê Mayê dẫn đầu đã sang Washington để họp bàn với Chính phủ Mỹ về chiến tranh Đông Dương. Chính phủ Mỹ được nghiên cứu rất kỹ lưỡng các kế hoạch quân sự do bộ chỉ huy tối cao quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương chuẩn bị. Bản thân Nava là một viên tướng thân Mỹ và Kế hoạch Nava đã được phê chuẩn chính thức sau khi có sự thăm dò ý kiến của Mỹ. Đánh giá kế hoạch này Ngoại trưởng Mỹ Đalét đã nói: “Kế hoạch Nava trong hai năm tới, nếu không phải là một thắng lợi hoàn toàn thì ít nhất cũng thu được kết quả nhất định về quân sự”.

13. Kết quả bước đầu triển khai thực hiện Kế hoạch Nava?

Triển khai Kế hoạch Nava, quân Pháp vừa khẩn trương xây dựng lực lượng, vừa tranh thủ tiến hành một loạt các cuộc hành quân càn quét lớn tại nhiều nơi, nhằm tiêu hao lực lượng ta, đồng thời cố gắng thăm dò ý định của quân ta, buộc ta phải bộc lộ ý đồ quân sự trong mùa khô 1953-1954. Các cuộc hành binh của Nava trong giai đoạn này bao gồm:

Cuộc hành binh “Chim nhạn” (Hirondelle) ngày 17 tháng 7 năm 1953, cho quân nhảy dù xuống Lạng Sơn, tập kích sâu vào hậu phương ta ở phía bắc.

Cuộc hành binh “Camácgơ” (Camargue), từ ngày 26 tháng 7 đến ngày 5 tháng 8 năm 1953, đánh vào Trị Thiên nhằm tiêu diệt Trung đoàn chủ lực 95 thuộc Sư đoàn 325.

Cuộc rút quân khỏi tập đoàn cứ điểm Nà Sản, từ ngày 8 đến ngày 12 tháng 8 năm 1953, để bổ sung lực lượng cho đồng bằng Bắc Bộ.

Cuộc hành binh “Hải Âu” (Mouette), từ ngày 15 tháng 10 đến ngày 6 tháng 11 năm 1953, đánh ra tây nam tỉnh Ninh Bình.

Cuộc hành binh “Con bồ nông” (Pélican), ngày 16 tháng 10 năm 1953, đổ bộ vào vùng biển Thanh Hóa.

Đầu tháng 11 năm 1953, Nava và Bộ chỉ huy Pháp còn rất chủ quan, cho rằng việc triển khai kế hoạch Nava đang trên đà tiến triển thuận lợi và kế hoạch tác chiến thu đông của Việt Minh bước đầu bị phá vỡ. Vì thế, một ngày sau khi chấm dứt cuộc hành binh Hải Âu (ngày 7 tháng 11 năm 1953), Nava đã gửi thư tới sĩ quan và binh lính Pháp, trong đó có đoạn viết: “Tôi có nói với các bạn rằng tôi sẽ nắm quyền chủ động bằng các cuộc hành quân lớn mà tôi sẽ phóng vào lúc và vào nơi mà tôi sẽ lựa chọn. Cuộc hành quân Hải Âu là đòn đầu tiên trong những đòn mà tôi có ý định đánh vào đối phương. Trong cuộc tấn công đó, chúng ta đã đạt được mục tiêu của chúng ta: lợi thời gian, chúng ta đã buộc Bộ Tư lệnh Việt Minh phải xét lại kế hoạch tiến công và sẽ phải sửa đổi lại tới một ngày mà họ mong có thể hoạt động mạnh mẽ. Chúng ta đã nắm quyền chủ động và chúng ta muốn giữ vững quyền đó...”1

Tuy nhiên, trừ cuộc nhảy dù chớp nhoáng xuống Lạng Sơn có gây cho ta một số thiệt hại nhất định về kho tàng, các cuộc hành binh còn lại đều không đạt được mục tiêu đề ra và bị tổn thất nặng về binh lực. Báo Le Monde của Pháp số ra ngày 27 tháng 10 năm 1953 nhận xét: “Cứ theo đà này thì số quân tăng viện (12 tiểu đoàn từ Pháp, Bắc Phi và Triều Tiên sang) chỉ đủ bù vào số quân bị tổn thất trong các cuộc hành binh”.

14. Vì sao ý tưởng về “quả đấm chiến lược” của Nava lại thất bại?

“Quả đấm chiến lược” là ý tưởng của Nava về việc tăng cường lực lượng cơ động để có thể nghiền nát quân ta. Chỉ trong vòng 10 tháng (từ tháng 5 năm 1953 tới tháng 3 năm 1954), số quân địch tăng gấp ba lần so với năm 1952 và bằng cả ba năm trước đó gộp lại, lực lượng cơ động chiến lược tăng lên đến 84 tiểu đoàn, gấp ba lần thời kỳ Đờ Lát đờ Tatxinhi.

Bị dồn vào thế bị động đối phó với quân ta, Nava đã phải điều lực lượng cơ động đi khắp nơi để chống lại các cuộc tiến công của ta. Kết quả là “quả đấm chiến lược” của Nava đã bị tách ra thành từng mảng, thành bàn tay xòe gồm những ngón tay riêng lẻ, buộc phải phân tán lực lượng và cuối cùng đã thất bại thảm hại.
_________________________________
1. Trích theo: Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (Bộ Quốc phòng), Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945- 1954, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, t. 2, tr. 300.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2016, 03:59:02 pm »


III
KẾ HOẠCH ĐÔNG XUÂN 1953-1954

15. Bản đồ "bệnh sởi” là gì?

Đây là tên gọi một tấm bản đồ của quân Pháp, trên đó có đánh dấu những vùng mà Pháp hoặc Việt Minh đang kiểm soát và những vùng hai bên đang tranh chấp. Bước sang Đông Xuân 1953-1954, một hình thái chiến trường mới đã được xác lập tại Việt Nam. Ở Bắc Bộ, vùng tự do của ta bao gồm hầu hết các tỉnh miền núi rộng lớn ở Việt Bắc, Tây Bắc (trừ thị xã Lai Châu và Nà Sản vẫn do quân Pháp chiếm đóng) và tỉnh Hòa Bình; vùng bị tạm chiếm thu hẹp lại trong phạm vi các tỉnh trung du, đồng bằng và duyên hải Đông Bắc. Ngay trong vùng bị tạm chiếm cũng tồn tại các vùng tự do, khu và căn cứ du kích hoặc vùng tranh chấp. Thực trạng này được phản ánh trên bản đồ của quân Pháp, trong đó vùng trắng (do Pháp kiểm soát) chỉ chiếm gần một phần tư diện tích, vùng hồng (hai bên tranh chấp) chiếm khoảng một phần tư tới một phần ba diện tích, vùng đỏ (do ta làm chủ) chiếm một phần hai diện tích. Chính vì thế, quân Pháp đã gọi tấm bản đồ này là “bản đồ bệnh sởi”.

16. Kế hoạch Đông - Xuân 1953-1954 được đề ra ở đâu?

Cuối tháng 9 năm 1953, tại bản Tỉn Keo thôn Lục Giã nằm dưới chân núi Hồng, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên thuộc căn cứ địa Việt Bắc, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp bàn về nhiệm vụ quân sự Đông - Xuân 1953-1954. Hội nghị này do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, với sự có mặt của các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp. Hội nghị triệu tập thêm đồng chí Hoàng Văn Thái tham dự.1

17. Phương án tác chiến của ta trong Kế hoạch Đông-Xuân là gì?

Trong cuộc họp bàn Kế hoạch Đông - Xuân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Tổng quân ủy trình bày phương án tác chiến do Bộ Tổng tham mưu chuẩn bị. Trên cơ sở nắm rõ ý đồ và chiến lược của Kế hoạch Nava, để giữ vững và phát huy quyền chủ động, ta sẽ dùng một bộ phận quân chủ lực, kết hợp với lực lượng địa phương, mở các cuộc tiến công vào những hướng chiến lược hiểm yếu mà địch tương đối yếu, nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai, buộc địch phân tán quân cơ động để đối phó; tiếp tục khoét sâu mâu thuẫn cơ bản giữa tập trung và phân tán binh lực của địch, tạo nên thế trận mới, thời cơ mới; theo dõi sát tình hình để khi thời cơ xuất hiện, sẽ nhanh chóng tập trung lực lượng, tập trung chủ lực, tiêu diệt bộ phận quan trọng sinh lực của địch, làm chuyển biến cục diện chiến tranh.

Ta dự kiến sẽ đưa một số đơn vị chủ lực lên hoạt động ở Tây Bắc, đề nghị các bạn Lào phối hợp với bộ đội tình nguyện Việt Nam tăng cường hoạt động tại những chiến trường địch sơ hở để buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó. Trong khi đó, ta sẽ đẩy mạnh chiến tranh du kích trên các chiến trường địch hậu Bắc - Trung - Nam, đặc biệt là đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời có kế hoạch bảo vệ vùng tự đo, giấu một số đơn vị chủ lực mạnh tại những địa bàn cơ động để sẵn sàng tiêu diệt địch khi chúng đánh ra. Tuy nhiên, vì còn phải tiếp tục nghiên cứu để nắm chắc âm mưu mới của địch nên phương châm chỉ đạo chiến lược là phải cơ động, linh hoạt.

Sau khi nghe Tổng quân ủy trình bày phương án tác chiến, Bộ Chính trị đã góp nhiều ý kiến quan trọng thông qua đề án và nêu rõ những nguyên tắc về chỉ đạo chiến lược và chỉ đạo tác chiến là:

Tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta.
Đánh ăn chắc, đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt.
Chọn nơi địch sơ hở mà đánh, chọn nơi địch tương đối yếu mà đánh
Giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán.
Bộ Chính trị đặc biệt nhấn mạnh phương châm “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”.

Khái quát Kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953- 1954 của ta, Bác Hồ đã diễn tả bằng cử chỉ hết sức đơn giản và dễ hiểu: “Bàn tay Bác đặt trên bàn, bỗng giơ lên và nắm lại. Người nói: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh... Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”. Bàn tay Bác mở ra, mỗi ngón trỏ về một hướng.”2
___________________________________
1. Nguyên là Tổng tham mưu phó Quân đội nhân dân Việt Nam, Tham mưu trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ.
2. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr.26.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2016, 04:03:16 pm »


18. Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉ đạo kháng chiến và chính sách quân sự của ta?

Ngày 25 tháng 1 năm 1953, trong báo cáo trước Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa II, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ những việc ta cần phải làm để chỉ đạo kháng chiến và chính sách quân sự.

“1. Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu để phân tán lực lượng địch và tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng tự do.

Đó là phương hướng chiến lược của ta hiện nay.

2. Bộ đội chủ lực ở chiến trường Bắc Bộ thì phải dùng vận động chiến linh hoạt để tiêu diệt từng mảng sinh lực địch, làm cho địch yếu đi, phối hợp với công kiên chiến từng bộ phận, để tranh lấy những cứ điểm và thị trấn nhỏ ở đó địch sơ hở, yếu ớt. Làm như vậy để đạt mục đích đánh chắc, ăn chắc, mở rộng vùng tự do. Đồng thời có thể dùng công kiên chiến hút lực lượng của địch đến mà đánh, phân tán lực lượng địch, làm rối loạn kế hoạch của địch và tạo điều kiện cho vận động chiến.

3. Chiến trường sau lưng địch phải mở rộng du kích chiến để tiêu diệt và tiêu hao những bộ phận nhỏ của địch; để chống địch càn quét, bảo vệ tính mạng, tài sản cho dân; để khuấy rối, phá hoại, kiềm chế địch, tuyên truyền và giáo dục quần chúng những vùng đó, thu hẹp nguồn ngụy binh của địch, mở rộng vùng du kích và căn cứ du kích của ta, đặng thành lập và củng cố những căn cứ kháng chiến sau lưng địch.

4. Ngoài việc tăng cường bộ đội chủ lực và xây dựng bộ đội địa phương, vùng tự do và những căn cứ du kích khá to cần phải xây dựng những tổ chức dân quân, du kích không thoát ly sản xuất. Những tổ chức dân quân, du kích ấy chẳng những có thể phụ trách việc đàn áp bọn phản cách mạng, giữ gìn trị an trong làng xã, bảo vệ lợi ích của quần chúng, đấu tranh với địch và phối hợp tác chiến với bộ đội chủ lực, mà lại có thể dùng để bổ sung bộ đội chủ lực.

5. Về việc chỉ đạo quân sự cần phải kết hợp những hình thức đấu tranh nói trên một cách linh hoạt, khôn khéo. Như thế, một mặt lợi cho bộ đội chủ lực có thể tìm nhiều cơ hội để tiêu diệt địch; một mặt khác có thể giúp bộ đội, du kích hoạt động và giúp căn cứ du kích của ta sau lưng địch phát triển và củng cố.

6. Trong sự chỉ đạo các hình thức đấu tranh nói trên, cần phải thiết thực nhận rõ tính chất trường kỳ của kháng chiến. Cho nên, phải rất chú ý giữ gìn sức chiến đấu nhất định của bộ đội, không nên làm cho bộ đội hao mòn, mệt mỏi quá. Đồng thời, cần phải yêu cầu bộ đội chịu khó, chịu khổ, kiên quyết, gan dạ thi đua diệt địch lập công. Hai điều đó không trái nhau, mà kết hợp với nhau.

7. Tăng cường công tác chính trị, luôn nâng cao trình độ chính tri và giác ngộ giai cấp của bộ đội ta; phải bảo đảm sự chấp hành chính sách của Đảng và Chính phủ; phải triệt để giữ gìn kỷ luật tự giác về mặt quân sự và về mặt chính trị. Vì vậy, cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội và thực hiện dân chủ trong bộ đội.

8. Phải tăng cường công tác quân sự, trước hết là phải luôn luôn xem trọng việc huấn luyện bộ đội. Phải ra sức bồi dưỡng cán bộ, phải rèn luyện tư tưởng, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, cũng như trình độ chiến thuật và kỹ thuật của cán bộ. Đó là khâu chính trong các thứ công tác.

Phải tăng cường công tác của Bộ Tổng tham mưu và của Tổng cục cung cấp. Công tác Bộ Tổng tham mưu phải tăng cường mới có thể nâng cao chiến thuật và kỹ thuật của bộ đội. Công tác của Tổng cục cung cấp phải tăng cường thì mới có thể bảo đảm được sự cung cấp đầy đủ cho chiến tranh và nâng cao sức chiến đấu của bộ đội.

Nhưng phải kiên quyết phản đối xu hướng sai lầm làm cho các cơ quan phình lên.

9. Phải có kế hoạch chung về việc xây dựng và bổ sung bộ đội. Ngoài việc động viên thanh niên ở vùng tự do tòng quân, cần phải rất chú ý tranh thủ và cải tạo ngụy binh đã đầu hàng ta để bổ sung cho bộ đội ta. Tổ chức bộ đội mới thì không nên hoàn toàn dùng cán bộ mới và binh sĩ mới, mà nên dùng cách lấy bộ đội cũ làm nền tảng để mở rộng bộ đội mới. Đồng thời, cũng không nên vét sạch bộ đội du kích để bổ sung cho bộ đội chủ lực.

10. Cần phải tăng cường và cải thiện dần dần việc trang bị cho bộ đội, nhất là xây dựng pháo binh"1
_______________________________________
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.7, tr. 13 - 14.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2016, 04:05:02 pm »


19 Nội dung kế hoạch tác chiến cụ thể của ta trên các chiến trường?

Trên chiến trường miền Bắc:

Sử dụng một bộ phận chủ lực mở cuộc tiến công lên hướng Tây Bắc, tiêu diệt địch chiếm đóng ở Lai Châu, giải phóng hoàn toàn khu Tây Bắc. Ta sẽ bố trí một bộ phận quan trọng quân chủ lực để sẵn sàng tăng viện trong trường hợp địch đưa quân thêm lên Tây Bắc nhằm đối phó với cuộc tiến công của ta.

Đề nghị các bạn Lào phối hợp với các đơn vị tình nguyện Việt Nam tiến công vào Trung Lào, tiêu diệt sinh lực địch và mở rộng vùng giải phóng.

Tại đồng bằng, đẩy mạnh chiến tranh du kích sau lưng địch, củng cố và phát triển các căn cứ du kích, tích cực phối hợp với các cuộc tiến công trên. Nếu địch đánh ra vùng tự do thì đánh tiêu hao và tranh thủ tiêu diệt một bộ phận sinh lực của chúng.

Trên chiến trường miền Nam:

Tập trung phần lớn chủ lực của Liên khu 5 mở cuộc tiến công vào vùng rừng núi bắc Tây Nguyên để vừa tiêu diệt sinh lực địch, vừa bảo vệ vùng tự do Liên khu 5 một cách hiệu quả.

Đối với chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ, nhiệm vụ là đẩy manh chiến tranh du kích, vừa kìm chân địch vừa tranh thủ tiêu diệt sinh lực địch, trong khi chúng đang phải điều quân cơ động đi nơi khác.

Sau khi đề ra kế hoạch tác chiến trên các chiến trường, ta còn dự kiến tình huống có thể xảy ra khi địch tăng viện lên Tây Bắc để đối phó với cuộc tấn công của ta. Trong trường hợp đó, sẽ xảy ra một trận công kiên lớn. Nếu địch đánh sâu vào một hướng nào đó ở căn cứ địa Việt Bắc nhằm buộc chủ lực của ta ở Tây Bắc phải rút về thì ta sẽ tìm cách dụ địch vào sâu và sử dụng một bộ phận bộ đội chủ lực để tiêu diệt chúng. Tại Liên khu 5, trong khi đánh lên Tây Nguyên, có thể chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với vấn đề tương tự như ở Bắc Bộ: địch có thể đánh vào vùng tự do. Trong trường hợp đó, nhiệm vụ phát triển lên Tây Nguyên vẫn là nhiệm vụ hàng đầu, việc bảo vệ và củng cố vùng tự do chủ yếu giao cho lực lượng vũ trang địa phương cùng nhân dân đảm nhiệm.

20. Trước khi bước vào Đông-Xuân 1953- 1954, để nâng cao chất lượng của lực lượng vũ trang, chúng ta đã thực hiện biện pháp gì?

Mở lớp chỉnh quân chính trị cho cán bộ trung, cao cấp khai mạc vào ngày 23 tháng 6 năm 1953 tại Việt Bắc do Tổng quân ủy trực tiếp phụ trách. Phương châm chung của đợt học tập này là nghiêm túc, thận trọng, lấy giáo dục làm chính, kết hợp với việc kiểm tra, điều chỉnh có trọng điểm. Mục đích của đợt học tập này là nâng cao lên một bước mới tinh thần quyết chiến quyết thắng và trình độ giác ngộ giai cấp của bộ đội, củng cố quân đội ta thêm vững vàng về chính trị, tư tưởng, chặt chẽ về tổ chức để hoàn thành nhiệm vụ quân sự mới.

Trên cơ sở thắng lợi của chỉnh quân chính trị, tháng 9 năm 1953, phong trào học tập quân sự cũng được phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu Các đơn vị bộ đội chủ lực được huấn luyện đánh vận động, đánh các công sự vững chắc, đặc biệt chú trọng cách đánh tập đoàn cứ điểm.

21. Thành công bước đầu trong Kế hoạch Đông-Xuân của ta là gì?

Ta đã làm cho kế hoạch quân sự của địch bị đảo lộn. Trong kế hoạch của mình, Nava dự định tránh quyết chiến ở miền Bắc, thực hiện tiến công chiến lược ở miền Nam nhằm chiếm đóng các vùng tự do còn lại, sau đó mới tập trung toàn bộ lực lượng để quyết chiến với chủ lực của ta trên chiến trường miền Bắc. Tuy nhiên, ta mới tiến quân, chưa đánh mà kế hoạch của địch đã phải thay đổi. Nava tiếp nhận quyết chiến với ta ở Điện Biên Phủ, ngoài dự kiến ban đầu trong kế hoạch.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2016, 04:06:32 pm »


IV
CHIẾN THẮNG ĐÔNG XUÂN 1953-1954

22. Những đơn vị nào ra quân đầu tiên trong cuộc tiến công Đông Xuân 1953-1954?

Theo hướng chiến lược đã lựa chọn: phía Tây, Đại đoàn 316 tiến lên Tây Bắc; Trung đoàn 101 (Đại đoàn 325) được tăng cường Tiểu đoàn 274 (Trung đoàn 18 Đại đoàn 325) và Trung đoàn 66 (Đại đoàn 304) tiến sang Trung Lào và Hạ Lào.

23. Để đối phó với các cuộc tiến công của ta, địch đã mở những chiến dịch nào?

a. Cuộc hành quân Caxtô, diễn ra trong ba ngày: 20, 21 và 22 tháng 11 năm 1953. Tham gia cuộc hành quân này có 6 tiểu đoàn (4.500 quân) do Tướng Gilles chỉ huy. Đội quân này đã nhảy dù xuống chiếm đóng Điện Biên Phủ nhằm ngăn chặn đường tiến quân của ta.

b. Chiến dịch Ácđétsơ được mở vào ngày 25 tháng 11 năm 1953, địch huy động 6 tiểu đoàn tham gia đánh chiếm Mường Ngòi, Mường Khoa, xây dựng phòng tuyến sông Nậm Hu để nối liền Thượng Lào với Điện Biên Phủ.

24. Trước việc địch nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ, kế hoạch tiến công của ta đã có thay đổi gì?

Trước diễn biến mới của tình hình, ta nhận định rằng địch đang bị động để đối phó, phải phân tán một bộ phận lực lượng cơ động lên Điện Biên Phủ. Trong trường hợp bị ta uy hiếp mạnh, chúng có thể sẽ co về Lai Châu hoặc Điện Biên Phủ và tăng viện nhiều để xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm (nếu xảy ra điều này thì có khả năng chúng sẽ chọn Điện Biên Phủ làm nơi thiết lập trận địa) hoặc rút lui. Tuy nhiên, cho dù tình hình địch có thay đổi như thế nào, việc chúng nhảy dù xuống Điện Biên Phủ cơ bản là có lợi cho ta. Nó bộc lộ mâu thuẫn của địch giữa chiếm đóng đất đai với tập trung lực lượng, giữa chiếm đóng chiến trường rừng núi với củng cố chiến trường đồng bằng.

Từ nhận định trên, ta lệnh cho các đơn vị chủ lực đang tiến quân lên Tây Bắc gấp rút tiến công tiêu diệt địch ở Lai Châu, đồng thời cho một cánh quân tiến hành cắt đường rút lui của địch ở Lai Châu về phía Điện Biên Phủ, kiên quyết không cho lực lượng địch ở Điện Biên Phủ tiến lên đón chúng; đồng thời tiến hành bao vây chặt Điện Biên Phủ.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM