Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Năm, 2024, 12:32:29 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Napoleon Bonaparte  (Đọc 95200 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #290 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2016, 10:58:59 pm »


Dùng lại cái hình ảnh đã nêu ra với binh sĩ trong lời tuyên bố của ông khi mới đổ bộ lên đất liền, Na-pô-lê-ông nói: "Con phượng hoàng cùng với lá quốc kỳ sẽ bay từ tháp chuông này sang tháp chuông khác, đến tận dinh tháp chuông nhà thờ đức mẹ ở Pa-ri".

Na-pô-lê-ông vẫn tiến không gặp sức kháng cự, ông chiến thắng kéo qua thành phố Ma-xông và qua tất cả các làng mạc trên đường từ Ly-ông đến Sa-lông trên sông Xôn. Nhưng trước khi đi đến Sa-lông thì ắt phải đấu một trận quyết định với thống chế Nây. Na-pô-lê-ông hiểu rõ Nây. Na-pô-lê-ông đã được xem Nây chiến đấu, ông nhớ lại Nây hồi nào trên cứ điểm Xê-mê-nốp-xcô-e ở bên sông Mát-xcơ-va và không quên những việc Nây đã làm khi Nây chỉ huy quân hậu vệ của đại quân trong cuộc rút lui khỏi nước Nga.

Khi ra khỏi Ma-xông, được tin báo rằng thống chế bố trí ở Lông-lơ Xô-ni-ê để chặn mình thì Na-pô-lê-ông đã tin chắc rằng không phải giao chiến. Với 1 vạn 5 nghìn người, trong đời ông ta, Na-pô-lê-ông đã từng làm được nhiều việc hơn thế nữa, nhưng ông ta bấy giờ không muốn đổ máu: điều quan trọng đối với ông ta bấy giờ là làm chủ đất nước mà không một ai bị hy sinh, thiệt mạng, cái đó sẽ chứng minh chính trị có sức thuyết phục nhất đem lại cho ông ta những lợi ích không thể tưởng tượng được.

Nây đến Lông-lơ Xô-ni-ê ngày 12 tháng 3, với 4 trung đoàn, và còn đợi thêm viện binh. Lúc đó, Nây đã quyết định theo đúng nhiệm vụ của mình: hình như lúc nào Nây cũng cho rằng phương pháp duy nhất để cứu nước Pháp năm 1814 là hoàng đế thoái vị. Khi thoái vị, chính Na-pô-lê-ông cho phép các thống chế phục vụ triều đại Buốc-bông. Bây giờ, Na-pô-lê-ông hủy bỏ những điều cam kết với phe Liên minh và tự bỏ đảo En-bơ quay về, muốn trở lại ngôi cũ thì một cuộc chiến tranh với châu Âu sẽ không thể nào tránh khỏi. Nây thành thật cho rằng mình chống lại Na-pô-lê-ông là phải. Nây biết rằng mọi nguồn hy vọng của Lu-i XVIII bây giờ chỉ còn đặt vào Nây và nhà vua hoàn toàn tin cậy Nây.

Nhưng binh lính đã buồn bã lặng thinh khi chính Nây, người chỉ huy yêu mến của họ, cố gắng thuyết phục họ. Nây diễn thuyết trước họ, sau khi nhắc lại rằng mình đã suốt đời phục vụ hoàng đế chẳng hề nan nguy, Nây tuyên bố rằng bây giờ đây, sự lặp lại đế chế sẽ gây cho nước Pháp vô vàn thống khổ và trước hết là chiến tranh với toàn thể cái châu Âu đã vô cùng chán ghét Na-pô-lê-ông. Những ai, vì bất cứ lý do nào đó, không muốn chiến đấu đều có thể tự do rời khỏi hàng ngũ ngay lúc này. Nây sẽ cùng với số còn lại lên đường chiến đấu. Sĩ quan và binh lính lặng thinh. Bực tức và lo lắng, Nây quay về đại bản doanh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #291 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2016, 10:59:37 pm »


Trong đêm 13 rạng ngày 14 tháng 3, người ta đánh thức viên thống chế dậy để báo tin rằng lực lượng pháo binh tăng viện mà ông mong đợi từ Sa-lông đã nổi loạn chạy sang hàng ngũ Na-pô-lê-ông, cùng với liên đội cảnh vệ của nó. Từ tảng sáng và suốt buổi sáng, tin tức liên tiếp bay tới và báo rằng nhiều thành phố đã phá bỏ chính quyền của nhà vua và công nhận Na-pô-lê-ông, đích thân hoàng đế tiến về Lông-lơ Xô-ni-ê và giữa cơn giông tố làm chấn động tư tưởng chao đảo hoang mang cực độ của Nây, giữa đám binh lính buồn bã ủ ê, không thiết bắt lời chủ tướng, giữa những sĩ quan tìm cách lánh mặt Nây, thì Nây nhận được lá thư sau của hoàng đế, do một liên lạc chuyển đến: "Nói với thống chế rằng ta luôn luôn yêu mến ông ta và sẽ hôn ông ta như ngày nào sau trận chiến đấu ở sông Mát-xcơ-va".

Phút lưỡng lự của Nây đã chấm dứt. Nây hạ lệnh tập hợp ngay các trung đoàn. Đứng trước hàng quân, Nây rút kiếm hô to: "Hỡi binh lính, quyền lợi của dòng họ Buốc-bông đã vĩnh viễn không còn. Triều đại hợp pháp mà nước Pháp đã chấp nhận sẽ trở lại ngai vàng… Quyền trị vì đất nước tươi đẹp của chúng ta từ nay trở đi thuộc về hoàng đế Na-pô-lê-ông, vị chúa của chúng ta". Tức khắc những tiếng hô: "Hoàng đế muôn năm! Thống chế Nây muôn năm!" làm át cả tiếng Nây. Liền đó một số sĩ quan bảo hoàng lập tức rời khỏi hàng quân. Nây cũng chẳng giữ chúng lại. Một tên trong bọn chúng vừa bẻ thanh kiếm của nó vừa chua chát trách móc Nây. Thống chế trả lời: "Vậy theo anh thì bây giờ có thể làm được cái gì? Liệu tôi có thể ngăn nổi sóng biển với hai bàn tay tôi được không?"

Và sự trở mặt đột ngột như vậy, một chuyện khác không kém phần lạ lùng nữa là theo chỉ thị của hoàng đế, Nây đã điều động các đơn vị của mình đóng ở Lông-lơ Xô-ni-ê với tính chính xác cao nhất từ trước kia. Thì ra Na-pô-lê-ông đã gửi lệnh đó ngay cả trước khi biết được của Nây, vì ông ta tin chắc rằng Nây sẽ không quay súng chống lại ông.

Gần như trong một lúc, ở Pa-ri người ta biết tin, Na-pô-lê-ông tiến vào Ly-ông đang tiến về phía bắc và Nây phản bội.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #292 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2016, 11:00:19 pm »


Trốn! Đó là ý nghĩ đầu tiên của triều đình. Trốn cái chết, trốn không ngoái cổ lại, trốn cái hào Vanh-xen, nơi mà xác của công tước Ăng-ghiên đã rữa nát. Tình trạng hoang mang bối rối đến không thể tưởng tượng được. Thoạt tiên, vua Lu-i XVIII phản đối việc bỏ trốn, vì như vậy là nhục nhã và mất ngai vàng. Nhưng làm thế nào bây giờ? Người ta đi đến chỗ thảo luận nghiêm túc cái kế hoạch chiến lược sau đây: nhà vua sẽ lên xe và rời bỏ thành phố, đi theo là các vị quần thân, hoàng gia và các vị chức sắc giáo hội; đến cổng thành, cái bầu đoàn ấy sẽ dừng lại và sẽ chờ đợi kẻ thoán nghịch tới, trông thấy ông vua chính thống, cái ông già đầu tóc bạc phơ, mạnh mẽ vì nắm pháp lý trong tay, bạo dạn đem thân ra cản đường không cho kẻ thoáng nghịch vào thủ đô, thì chắc chắn y sẽ hổ thẹn vì hành động của y và sẽ rút lui. Trong những lúc thời nhất những bộ óc ấy đã kém khôn ngoan, thì nay, trong những giờ phút sợ hãi khủng khiếp này lại càng sáng chế ra không thiếu gì điều ngu xuẩn.

Ở Pa-ri, báo chí của chính phủ hoặc thân cận với giới cao cấp đã từ thế bình chân như vại một cách ngu xuẩn đến chỗ hoàn toàn tuyệt vọng, rồi cuối cùng là khiếp đảm ra mặt. Trong thời kỳ này, những báo chí ấy có đặc điểm là biểu thị thái độ bằng những lời chê, khen Na-pô-lê-ông liên tiếp thay đổi theo bước tiến về phía bắc của ông hoàng đế.

Thời kỳ thứ nhất: "Con rắn đảo Coóc đã đổ bộ lên vịnh Giu-ăng".
Thời kỳ thứ hai: "Con quỷ tiến về Grơ-nốp".
Thời kỳ thứ ba: "Kẻ thoán nghịch tiến vào Grơ-nốp"
Thời kỳ thứ tư: "Bô-na-pác đã chiếm Ly-ông".
Thời kỳ thứ năm: "Na-pô-lê-ông đến gần Phông-ten-nơ-blô”.
Thời kỳ thứ sáu: "Đức Hoàng đế hôm nay đang được thủ đô trung thành của người chờ đón".

Chỉ trong vài ngày mà vẫn những tờ báo ấy, vẫn những cái tòa soạn ấy đã liên tiếp thay đổi giọng lưỡi. Hãy còn một tia hy vọng chẳng mấy chốc đã tắt ngấm này nữa. Ở Pa-ri, người ta biết là Na-pô-lê-ông không giữ mình, thí dụ như khi chiến thắng tiến vào Ly-ông, dẫn đầu đoàn quân tùy tùng và quân đội cưỡi ngựa đi bước một giữa đông đảo nhân dân đang hoan hô chào đón. Nếu cần phải cứu lấy triều đại Buốc-bông thì ngại gì không cho một nhát gao găm? Và ở Pa-ri những người được chứng kiến nói rằng: "nhiều lính kín trà trộn trong dân chúng để tìm ra một kẻ như Giắc-Clê-măng". Người ta hứa thẳng với thích khách rằng sẽ được trọng thưởng, vừa đề cao việc đó rất là hợp pháp, không hề có tội trước pháp luật vì hội nghị Viên đã công bố Na-pô-lê-ông là kẻ thù của nhân loại và đã đặt Na-pô-lê-ông ra ngoài vòng pháp luật.

Nhưng trong vài ngày còn lại, người ta không kịp tìm được một tên Giắc-Clê-măng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #293 vào lúc: 21 Tháng Tám, 2016, 11:00:44 pm »


Đêm 19 rạng 20 tháng 3, Na-pô-lê-ông cùng đội tiền vệ đến Phông-ten-nơ-blô. Hồi 11 giờ đêm ngày 19 nhà vua cùng tất cả hoàng gia trốn khỏi Pa-ri, chạy về phía biên giới nước Bỉ.

Ngày 20 tháng 3 năm 1815, hồi 9 giờ đêm, Na-pô-lê-ông tiến vào Pa-ri.

Bạt ngàn quần chúng đón chờ Na-pô-lê-ông ở cung điện Tuy-lơ-ri, và những tiếng reo hò vang dậy của những dòng thác người xô theo sau xe của Na-pô-lê-ông từ rất xa vang vọng tới quảng trường mỗi lúc một mạnh mẽ và dần dần biến thành một tiếng ầm ĩ đầy hoan hỉ thì khối người đứng nêm quanh cung điện đã ùa đi đón Na-pô-lê-ông.

Bị bao vây tứ phía, chiếc xe không thể tiến lên được. Kỵ binh hộ vệ đã uổng công mở đường.

Về sau, những người lính cận vệ kể rằng: "Họ reo hò, khóc lóc, lăn xả vào chân ngựa, trèo lên xe, bất chấp tất cả. Khối quần chúng cuồng nhiệt ấy đổ xô tới ông hoàng đế, chen bật cả đoàn tùy tùng, lôi hoàng đế ra khỏi xe, rồi, giữa những tiếng hoan hô không dứt, họ chuyền ông hoàng đế từ tay người này sang tay người khác cho đến tận cung điện, rồi qua cầu thang chính lên đến tầng cao nhất".

Sau những thắng lợi to lớn nhất, sau những chiến dịch huy hoàng nhất, sau những cuộc xâm lược các vùng đất rộng lớn và trù phú nhất, Na-pô-lê-ông cũng chưa hề bao giờ được tiếp đón ở Pa-ri như đêm 20 tháng 3 năm 1815. Sau này, một tên hoàng gia cũng phải thốt ra rằng đó quả là cả một sự sùng bái.

Sau khi người ta đã phải khó nhọc lắm mới khuyên nổi nhân dân giải tán, Na-pô-lê-ông lại trở về phòng làm việc cũ khi xưa, nơi mà trước đây 24 giờ Lu-i XVIII đã bỏ trốn đi. Na-pô-lê-ông lại lao ngay vào đống công việc đang bề bộn thúc bách.

Cái điều vô lý nhất đã thành hiện thực. Không quân đội, không một tiếng súng, không một trận giao chiến, Na-pô-lê-ông đã từ Địa Trung Hải qua nước Pháp về tới Pa-ri trong 19 ngày để tống cổ bọn Buốc-bông, và lại trị vì.

Nhưng Na-pô-lê-ông biết điều này hơn ai hết; lại lần này nữa, Na-pô-lê-ông không mang lại hòa bình mà là binh đao, và châu Âu, sửng sốt kinh ngạc trước sự quay về đột ngột của Na-pô-lê-ông, lần này cũng sẽ làm mọi cách để ngăn chặn không cho Na-pô-lê-ông tập hợp lực lượng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #294 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2016, 08:23:48 am »


IV

Vừa mới bắt đầu triều đại mới, Na-pô-lê-ông, đã trịnh trọng hứa sẽ đem lại cho nước Pháp tự do và hòa bình, như vậy là ông đã thẳng thắn và công khai thừa nhận, như ông đã từng nhắc lại Grơ-nốp, Ly-ông, Pa-ri, rằng thời kỳ trị vì trước đây của ông ta đã không đem lại cho nước Pháp tự do cũng như hòa bình. Gã Na-pô-lê-ông mà lại say mê hòa bình và tự do, điều đó đập vào tai nhân dân Pháp và châu Âu chẳng khác gì nói lửa thì giá lạnh, băng tuyết thì nóng bỏng.

Với trí thông minh kỳ diệu, chỉ thoáng nhìn qua cũng đã nắm chắc và phán đoán được mọi việc một cách minh mẫn, Na-pô-lê-ông hoàn toàn hiểu rằng nếu ông đã chiếm được ngai vàng nước Pháp trong vài ngày bằng hai tay không, chẳng một trận giao tranh thì hoàn toàn không phải vì tất cả mọi người đều bị nội dung rộng lớn của cái tự do và tính chất bền vững của cái hòa bình mà ông đã hứa hẹn ấy cám dỗ họ. Bọn Buốc-bông chưa vi phạm hòa bình, cũng không có ý định vi phạm. Nhân dân đã quay lưng lại chúng vì một lý do khác. Na-pô-lê-ông hiểu rất rõ rằng sở dĩ ông thành công lớn như vậy là do những lời hứa hẹn của ông với giai cấp nông dân, tức là với quảng đại quần chúng nhân dân.

"Những con người không vụ lợi đã dẫn tôi về Pa-ri. Hạ sĩ quan và binh lính đã làm tất cả. Tôi hoàn toàn chịu ơn nhân dân và quân đội". Na-pô-lê-ông đã nhắc lại như vậy vào đêm 20 tháng 3 năm 1815, khi trở lại điện Tuy-lơ-ri, có Phlơ-ri đơ Sa-bu-lông chứng kiến.

"Nông dân hò reo: "Hoàng đế muôn năm, đả đảo quý tộc! Đả đảo thầy tu!". Họ đi theo tôi từ thành phố này sang thành phố khác, đến khi họ không thể đi xa hơn được nữa thì họ đã giao phó cho những người khác nhiệm vụ hộ tống tôi về đến Pa-ri. Nông dân xứ Prô-văng đã hộ tống tôi, sau họ là nông dân Ly-ông, sau nông dân Ly-ông là nông dân Buốc-gô-nhơ, và những kẻ thật sự âm mưu đem lại cho tôi những người bạn thân thiết ấy lại chính là họ Buốc-bông". Trong những ngày sau khi về đến tới điện Tuy-lơ-ri, Na-pô-lê-ông đã nói như vậy về chuyến đi đầy thắng lợi rực rỡ của mình.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #295 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2016, 08:24:18 am »


Nhưng, thỏa mãn được nguyện vọng của nhân dân, ít ra cũng là một bộ phận trong họ, là việc dễ dàng: đối với họ, Na-pô-lê-ông là tượng trưng cho sự xoá bỏ hoàn toàn những luật lệ phong kiến, tượng trưng cho sự đảm bảo quyền sở hữu ruộng đất của nông dân. Sự thật, nông dân còn mong muốn không có chiến tranh, không có nạn trưng binh và khi ông hoàng nói về chính sách hòa bình trong tương lai thì họ đã chăm chú nghe ngóng. Nhưng dẫu sao, vấn đề hòa bình ấy cũng chưa phải là vấn đề quan trọng hàng đầu, mà là vấn đề khác. Na-pô lê-ông biết rằng trong 11 tháng sống dưới chế độ quân chủ lập hiến, báo chí được hưởng đôi chút tự do, thì nay không phải giai cấp tư sản chỉ trông ở ông ta những quyền tự do tối thiểu, ông ta phải minh họa càng sớm càng hay cho chương trình mà ông ta đã trình bày trên con đường tiến về Pa-ri, khi ông ta đóng vai trò một người tướng cách mạng. "Tôi về để thanh trừ bọn lưu vong ra khỏi nước Pháp", ông đã nói như vậy ở Giơ- nốp. "Tôi xuất thân từ cách mạng", ông ta tuyên bố thế ở Ly-ông. "Tôi về để kéo nhân dân Pháp thoát khỏi vòng nô lệ mà bọn quý tộc và thầy tu đang dìm họ vào... bọn chúng hãy coi chừng! Rồi chúng khắc biết tôi".

Na-pô-lê-ông đã nhận được một đống chúc thư từ của những người Gia-cô-banh cũ ở các tỉnh, lọt lưới trong những cuộc khủng bố ở thời kỳ trị vì lần thứ nhất của Na-pô-lê-ông. Lúc này, những người ấy đã chào đón Na-pô-lê-ông, như một tay cách mạng vô địch chống bọn Buốc-bông, bọn quý tộc, bọn tu sĩ và linh mục. Ở Tu-lu, suốt trong một ngày trời, người ta rước tượng bán thân của ông hoàng đế đi diễu khắp thành phố, vừa hát bài Mác-xây-e vừa hô lớn: "Quẳng bọn quý tộc vào lò than!". Từ các tỉnh người ta gửi về cho Đa-vu - vị thống chế được Na-pô-lê-ông rất yêu mến và bổ nhiệm làm bộ trưởng chiến tranh - nhiều kiến nghị yêu cầu hoàng đế thiết lập chế độ khủng bố như năm 1793. Na-pô-lê-ông thấu hiểu tâm trạng ấy. Buổi tối ngày 20 tháng 3, khi người ta vừa mới rước Na-pô-lê-ông thắng lợi về đến cung điện Tuy-lơ-ri thì Na-pô-lê-ông đã nói với bá tước Mô-le: "Tôi lại thấy toàn thể quần chúng căm thù mãnh liệt bọn linh mục và quý tộc như hồi đầu cách mạng".

Nhưng, cũng như năm 1812, ở điện Crem-li, Na-pô-lê-ông không dám liên minh với cuộc cách mạng nông dân ở Nga, thì năm 1815 cũng vậy, tại điện Tuy-lơ-ri, Na-pô-lê-ông đã lùi bước khi nghĩ đến việc dựa vào nông dân lao động và dựa vào chính sách khủng bố” có tính chất cách mạng. Cũng như trước kia khi Na-pô-lê-ông đã không cầu cứu đến một "Pu-gát-sép", và đó không phải là việc ngẫu nhiên. Trong xã hội Pháp, giai cấp đã từng chiến thắng trong thời kỳ cách mạng - chúng tôi muốn nói đến giai cấp đại tư sản - là giai cấp duy nhất mà Na-pô-lê-ông cảm thông và cùng chung nguyện vọng. Na-pô-lê-ông là người đại diện chủ yếu của họ, là người đã củng cố thắng lợi của họ. Chính là Na-pô-lê-ông đã tìm dựa vào giai cấp ấy, chính là vì quyền lợi của giai cấp ấy mà Na-pô-lê-ông chuẩn bị sẵn sàng đấu tranh. Và cũng như năm 1812, Na-pô-lê-ông thấy mình gần gũi với kẻ thù là A-lếch-xan đệ nhất hơn là gần gũi với nông dân Nga, thì năm 1815, Na-pô-lê-ông cũng không muốn dựa vào cách mạng mặc dầu là để đấu tranh chống lại quân đội nước ngoài thù địch. Na-pô-lê-ông đã nói với Băng-gia-manh Công-xtăng, một đại biểu điển hình cho nguyện vọng của giai cấp tư sản thời đó: "Tôi không muốn là một ông vua của phong trào nông dân". Sau khi trở lại trị vì ít lâu, hoàng đế đã cho gọi Băng-gia-manh Công-xtăng đến cung điện để thảo luận quyết định việc cải tổ các tổ chức nhà nước theo tinh thần tự do. Sự cải tổ ấy, nhằm thỏa mãn giai cấp đại tư sản, đã chứng minh cái nhiệt tình mới mẻ của Na-pô-lê-ông đối với tự do và đồng thời xoa dịu phái Gia-cô-banh đang trỗi dậy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #296 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2016, 08:25:22 am »


Cũng rất đáng chú ý rằng, Na-pô-lê-ông biết rất rõ rằng lúc này chỉ có tinh thần triệt để cách mạng giúp cho mình, chứ không phải là đạo luật đẹp mã của chủ nghĩa tự do ôn hòa. Sau này, khi nhắc lại 1815, Na-pô-lê-ông nói: "Kế hoạch phòng ngự của tôi chẳng có tác dụng gì hết, bởi vì những phương tiện đều không vượt được nguy cơ. Đáng lẽ tôi làm lại cuộc cách mạng triệt để lợi dụng những khả năng do cách mạng đẻ ra. Đáng lẽ tôi phải kích thích mọi khát vọng, mọi nhiệt tình để lợi dụng sự mù quáng của chúng. Thiếu những cái đó, nên tôi đã không cứu được nước Pháp".

Và nhà viết sử quân sự nổi tiếng là Giô-mi-ni cũng hoàn toàn tán thành ý kiến đó của hoàng đế. Từ bỏ cả việc làm sống lại phong trào năm 1793 và những lực lượng vĩ đại của cách mạng mà ông ta đã nhận được, Na-pô-lê-ông đã cho tìm kiếm Băng-gia-manh Công-xtăng đang trốn tránh và cho dẫn về cung điện Tuy-lơ-ri. Nhà ký giả và lý luận về tư tưởng tự do này đi trốn vì trước khi hoàng đế tới Pa-ri, hắn đã viết báo nói về việc hoàng đế quay lại là một tai họa chung, và coi Na-pô-lê-ông là cùng một dòng một cốt với Nê-rông.

Băng-gia-manh Công-xtăng run sợ trình diện trước "Nê-rông", và đã vô cùng sung sướng khi biết rằng không những hắn không bị bắn mà còn được người ta đề nghị hắn thảo ra ngay một bản hiến pháp của đế quốc Pháp.

Na-pô-lê-ông tiếp Công-xtăng ngày 6 tháng 4, đến ngày 23 thì bản hiến pháp thảo xong, với cái tên kỳ quặc: "Văn kiện bổ sung hiến pháp của đế chính". Đó là Na-pô-lê-ông muốn nói thời kỳ trị vì thứ nhất với thời kỳ thứ hai của ông. Còn Công-xtăng thì chỉ việc sửa lại bản hiến pháp của Lu-i XVIII cho có đôi chút chất tự do. Suất thuế tuyển cử quy định cho người bầu cử và ứng cử có giảm nhiều, nhưng muốn được ứng cử vẫn phải giầu có. Tự do báo chí cũng bảo đảm thêm một chút. Chế độ kiểm duyệt trước kia bãi bỏ và từ nay trở đi chỉ có tòa án mới được xét xử những tội trạng về báo chí.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #297 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2016, 08:25:58 am »


Bên trên Hạ nghị viện do bầu cử (300 nghị viện), lập thêm một thượng nghị viện do hoàng đế chỉ định theo tước vị dòng thế tập. Luật pháp phải do hai viện thông qua và được hoàng đế phê chuẩn.

Na-pô-lê-ông chuẩn y bản dự luật đó và bản hiến pháp mới được công bố ngày 23 tháng 4. Hoàng đế đã không chống đối gì lắm tác phẩm tự do của Băng-gia-manh Công-xtăng. Ông chỉ muốn hoãn thời gian bầu cử và việc triệu tập hai viện cho đến khi nào giải quyết xong vấn đề chiến tranh: nếu như chiến thắng, rồi người ta sẽ thấy rằng các nghị sĩ, báo chí và ngay cả bản thân Băng-gia-manh nữa sẽ phải làm gì, và lúc bấy giờ thì bản hiến pháp ấy để ổn định tinh thần chung. Nhưng giai cấp tư sản tự do không tin gì lắm vào chủ nghĩa tự do của ông hoàng đế và nó yêu cầu khẩn thiết hoàng đế cấp tốc triệu họp hai viện. Sau vài lần phản đối, Na-pô-lê-ông đã bằng lòng và ấn định ngày 25 tháng 5 sẽ họp "Hội đồng tháng năm", trong thời gian ấy sẽ phải công bố kết quả cuộc bầu phiếu của toàn dân mà hoàng đế đã chấp hành theo hiến pháp mới của mình và đồng thời cũng phải làm lễ trao cờ cho quân đội vệ quốc khi khai mạc khoá họp của hai viện.

Cuộc đầu phiếu có 1.552.450 phiếu thuận và 4.800 phiếu chống bản hiến pháp. Thực tế, lễ trao cờ đã tổ chức long trọng và cảm động vào ngày 1 tháng 6 chứ không phải 26 tháng 5; cũng ngày 1 tháng 6, khoá họp của hạ nghị viện mới tuyển cử xong đã khai mạc và lấy tên là hội đồng lập pháp.

Các vị đại biểu chưa được một tuần lễ rưỡi thì Na-pô-lê-ông đã không bằng lòng họ và đã nổi giận. Ông ta không thể chịu được bất cứ một sự hạn chế nào về quyền hành của mình, thậm chí không chịu được những biểu hiện có tính độc lập của các Hạ nghị sĩ, dù rằng nhỏ nhặt nhất. Nghị viện đã bầu Lăng-giuy-ne một người tự do ôn hòa, trước thuộc phái Gi-rông-đanh, làm chủ tịch. Cảm tình của Na-pô-lê-ông đối với Lăng-giuy-ne rất bình thường. Nhưng không thể vì thế mà cho rằng Lăng-giuy-ne manh tâm chống đối. Chắc chắn Lăng-giuy-ne ưa thích Na-pô-lê-ông hơn dòng Buốc-bông, nhưng khi nhận lời chúc mừng đầy thái độ khuất phục và tôn kính của cơ quan lập pháp, Na-pô-lê-ông đã nổi khùng và nói: "Chúng ta đừng có giống như những người Hy Lạp ở thời đế quốc La Mã suy tàn, họ tranh cãi để mua vui với nhau khi giặc đến phá thành". Như vậy là Na-pô-lê-ông nói đến khối Liên minh châu Âu đang ùn ùn tập trung lực lượng từ khắp các nơi kéo về biên giới nước Pháp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #298 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2016, 08:26:28 am »


Na-pô-lê-ông nhận lời chúc mừng của các vị dân biểu ngày 11 tháng 6 và ngày 12 thì ông lại trở về với quân đội để quyết đấu một trận cuối cùng với châu Âu.

Khi lên đường, Na-pô-lê-ông hiểu rõ rằng ông bỏ lại ở hậu phương những con người chẳng đáng tin cậy gì: không phải chỉ những người thuộc phái tự do trong nghị viện, còn cả cái kẻ mà Na-pô-lê-ông đã không trả lại chức bộ trưởng bộ công an ngay khi ông từ đảo En-bơ trở về. Trước khi Na-pô-lê-ông vào Pa-ri, hắn có thể tiến hành bất cứ một âm mưu nào, làm bất cứ một chuyện đê tiện nào và bất cứ một sự phản bội nào, có bao giờ Na-pô-lê-ông phải ngờ vực điều đó. Nhưng, trước hết là tỉnh Văng-đê đang lộn xộn và Phu-sê là người biết rõ hơn ai hết phương pháp đối phó với cuộc bạo loạn ở Văng-đê. Sau nữa là hoàng đế đã tin cậy vào mối bất hòa giữa Phu-sê và bọn Buốc-bông. Và, cũng như trong thời gian trị vì trước đây, Na-pô-lê-ông vừa sử dụng tài mật thám và khiêu khích của Phu-sê vừa tuyệt đối bí mật cử người chuyên giám sát Phu-sê.

Để làm chuyện ấy, Na-pô-lê-ông đã chọn Phlơ-ri-đơ Sa-bu-lông. Có lần Sa-bu-lông đã khám phá ra được một vài chuyện thông đồng bí mật của Phu-sê với Mét-te-ních. Đúng là Phu-sê đã gỡ thoát được việc đó, nhưng không phải Na-pô-lê-ông đã không kết thúc cuộc gặp gõ với hắn (sự việc xảy ra vào tháng 5) bằng những lời sau đây: "Phu-sê! Ngươi là một tên phản bội. Ta chỉ còn việc treo cổ ngươi lên thôi!". Đã làm việc lâu năm với Na-pô-lê-ông, đã quen tai nghe những câu chửi mắng như vậy nên Phu-sê vừa cúi rạp mình cung kính vừa đáp: "Tâu bệ hạ, hạ thần không tán thành ý kiến ấy của bệ hạ".

Nhưng làm gì bây giờ? Nếu thắng được quân Liên minh, nghị viện sẽ khuất phục, Phu-sê sẽ trung thành và vô hại. Bằng lòng, ai sẽ chôn vùi nền đế chế? Những nghị sĩ thuộc phái tự do hay những bộ trưởng phản nghịch? Điều đó có quan trọng gì lắm đâu.

Na-pô-lê-ông tin cậy vào Đa-vu, để Đa-vu ở lại làm toàn quyền thành phố và làm bộ trưởng bộ chiến tranh. Na-pô-lê-ông cũng tin cậy vào Các-nô, con người cộng hòa cựu trào này lâu nay vẫn không chịu phục vụ kẻ chuyên chế từng sát hại nền cộng hòa, đã đích thân đến xin phục vụ kẻ ấy vào năm 1815, vì Các-nô coi bọn Buốc-bông là cái tai họa ghê tởm nhất.

Na-pô-lê-ông biết một cách rất chắc chắn là khu ngoại ô, thợ thuyền sẽ không nổi dậy ở sau lưng Na-pô-lê-ông như vào năm 1814 và năm 1813 tuy rằng thời kỳ này họ còn đói kém hơn cả hồi mùa xuân 1814, đó cũng là lý do khuyến khích Các-nô ra phục vụ Na-pô-lê-ông và những người Gia-cô-banh vui mừng đón chào cuộc đổ bộ của Na-pô-lê-ông ở vùng vịnh Giu-ăng. Na-pô-lê-ông hiểu rằng lúc này, thợ thuyền cũng như Các-nô và những người Gia-cô-banh ở các tỉnh, đều không nhìn Na-pô-lê-ông là một ông hoàng đế đương bảo vệ ngôi báu của mình chống lại kẻ khác đang mưu toan lên ngôi, mà coi ông là người tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang của nước Pháp xuất thân từ cách mạng, là người đi chiến đấu bảo vệ đất nước, chống lại sự can thiệp của nước ngoài, chống bọn Buốc-bông đang khôi phục lại chế độ cũ. Trước con mắt cả thế giới, của bạn cũng như thù, người thủ lĩnh ấy là một người thầy có một không hai trong nghệ thuật chiến tranh, người chỉ huy thiên tài lỗi lạc nhất của mọi thời đại, một nhà chiến lược và chiến thuật kỳ tài, không ai bì kịp. Nước Pháp và châu Âu, trước kia đã nổi dậy chống lại người đó thì nay lưỡng lự.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #299 vào lúc: 23 Tháng Tám, 2016, 08:27:20 am »


V

Cuộc chiến tranh cuối cùng này của Na-pô-lê-ông đã luôn luôn là đối tượng của các cuộc tranh luận hăng say và đã thường xuyên cung cấp một đề tài phong phú cho các công trình nghiên cứu của các nhà bác học cũng như các sáng tác tác phẩm của các nhà văn. Hầu như mọi người đều thấy ở đó một chuỗi những sự việc rủi ro làm tiêu tan thắng lợi đã nắm sẵn trong tay Na-pô-lê-ông.

Đứng trên quan điểm phân tích khoa học và hiện thực chủ nghĩa các sự kiện thì đặt vấn đề như vậy chỉ có ích lợi cho những nhà bình luận quân sự. Cho dù người ta có dễ dàng công nhận luận điểm đó đi chăng nữa, hoặc cho dù người ta có thừa nhận về đại thể và không tranh cãi rằng nếu không có những sự ngẫu nhiên, Na-pô-lê-ông ắt đã chiến thắng trong trận Oa-téc-lô thì rồi cuối cùng, chắc chắn cuộc chiến tranh cũng vẫn sẽ kết thúc như vậy: nền đế chính đã bị lên án, vì toàn châu Âu mới chỉ đang bắt đầu phát triển lực lượng, còn Na-pô-lê-ông thì đã dốc hết lực lượng quân sự hiện có và dự trữ của mình.

Ngày 10 tháng 6 năm 1815, hoàng đế có trong tay 19 vạn 8 nghìn quân thì đã phải phân tán một phần ba trên đất nước (ông phải để lại Văng-đê gần 6 vạn 5 nghìn quân để đề phòng mọi bất trắc). Đối với chiến dịch đang mở, Na-pô-lê-ông chỉ có thể trông vào khoảng 12 vạn 8 nghìn quân và 344 khẩu pháo, kể cả quân số của đội cận vệ, của năm quân đoàn và của đội kỵ binh dự bị. Cũng phải kể đến khoảng 20 vạn người nữa của lực lượng vệ quốc và các đơn vị khác không được cấp quần áo mặc và một phần ba không có vũ khí. Nếu chiến dịch kéo dài thì nhờ tài tổ chức của bộ trưởng Bộ chiến tranh Đa-vu, Na-pô-lê-ông còn có thể tập hợp thêm được từ 23 đến 24 vạn người nữa tuy rằng chật vật. Dù lúc đầu Na-pô-lê-ông đã chiến thắng nhưng làm thế nào mà chiến tranh lại không kéo dài được? Vì quân Anh, Phổ, Nga đã tung ra một lúc 70 vạn quân, và còn có thể huy đông thêm 30 vạn nữa vào cuối mùa hè, chưa kể những lực lượng bổ sung sẽ sẵn sàng xuất trận vào mùa thu. Phe Liên minh tính sẽ huy động tất cả một triệu quân.

Khối Liên minh đã nhất quyết tính cho xong Na-pô-lê-ông. Sau thời gian đầu hốt hoảng và mất tinh thần, tất cả các chính phủ của các nước dự hội nghị Viên đều tỏ ra kiên quyết chưa từng thấy. Mọi ý đồ đàm phán riêng lẻ của nước này hay nước khác của Na-pô-lê-ông đều bị cự tuyệt. Na-pô-lê-ông đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, bị coi như "kẻ thù của nhân loại".
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM