Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Năm, 2024, 09:16:00 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Khoảng trời Ban-Tích  (Đọc 26026 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #70 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2019, 10:56:42 pm »


VI

        Lu-nin sốt sắng muốn thăm dò tin tức và tìm những phương sách cần thiết, như làm anh mọc thêm cánh. Phòng chính trị sư đoàn có đặt trong thành phố một tạm trú xá cho những sỹ quan đi công tác qua và đó là chỗ ở thưòng trực của Sa-ra-pốp. Trời lạnh và nắng như hôm qua, nhưng gió còn mạnh hơn... Lu-nin đi về phía mỏm Nê-vơ-ski, men dọc theo phố Mai-a-kốp-ski. Vì quá vắng vẻ nên phố trông như rộng ra.

        Đến góc phố Du-cốp-ski, có một cửa hàng bánh. Đứng giữa gió trước cái cửa khoá, những bóng người đen chen chúc nhau, chắc đã đợi xe bánh tới từ hàng giờ. Lu-nin vòng ra đằng đuôi, không dám nhìn họ và nín thỏ.

        Anh đi ra mỏm Nê-vơ-ski và theo con đường về dinh Thuỷ sư Đô đốc. Các tảng băng bốc khói trên mặt đường, cũng bốc mạnh như trên mặt hồ La-đô-ga, và các người qua đường biến trong cái màu trắng ấy. Mặt trời lạnh lẽo chiếu vào da tròi xanh nhợt và những toà nhà đẹp đẽ, giá lạnh.

        Thành phố bị vây phơi trước Lu-nin cái vẻ huy hoàng nghiêm nghị của nó. Trong cái thành phố làm mồi cho đói rét và bị thần chết đe dọa, không thấy một dấu vết của yếu đuối và sợ hãi. Trùm kín trong khăn, những người đàn bà mặt tái mét, gầy guộc vẫn có cái nhìn bình tĩnh vững vàng như các chiến sỹ gầy gò trong bộ áo da lông đứng các ngả đường chào Lu-nin. Và cái đó làm dịu lòng anh. Những con người đó không cần sự thương xót...

        Đầu ngọn đồi, trước dinh Thuỷ sư Đô đốc, đường rất trơn làm Lu-nin khó mới đứng vững: một cái vỏ băng bao lấy tuyết đọng. Anh nhận ra ngay nguyên nhân: mỗi lúc lại gặp những người đàn bà xách thùng, và nước sánh ra biến mặt đất thành một bãi trượt băng. Máy nước của thành phố đã không chạy được nữa.

        Kiệt sức vì mang nặng, cứ ba, bôn bước họ lại ngồi thụp xuống tuyết để thở. Lu-nin thoạt đầu lo họ không đứng dậy được nữa. Nhưng họ lại chống bừng hai tay hai chân, và chầm chậm vừa đứng lên vừa trượt trên băng rồi lại lê cái thùng đi xa hơn một chút.

        Chắc là chỗ đông người nhất ở Lê-nin-grát. Họ từ Nê- vơ-ski, từ Gô-rô-khô-vai-a. từ Vô-dơ-nét-săng-ski đến lấy nước. Men theo cái lối đi như trượt băng ấy, trong tiếng đụng thùng, tiếng nước vỗ, Lu-nin vòng quanh dinh Thuỷ sư về phía phải, đi theo một quãng rộng, ở đó gió cuốn lên từng cụm tuyết, và lên cầu.

        Sông Nê-va phơi ra trước mắt. Một màn hơi màu xanh, mặt trời chiếu óng ánh vàng bao phủ hết mặt sông, và cái anh nhận thấy đầu tiên là hai đám cháy cực lớn ở khu phố Pê-trô-grát. Trông thấy từ bên kia sông, hai tòa nhà lớn cháy liền nhau không xa cái cầu gần nhà Ngân hàng. Từng cột khói hung hung bốc sáng lên. Không để con mắt vào tai nạn đó, những người đàn bà chen chúc nhau thành đám đông, gần một bậc thang đá rộng đi xuống sóng.

        Lu-nin ra gần thành cầu đá và nhìn xuống: họ đứng quanh một cái hố đen lớn đào trong băng cách bờ sông chừng 15 thước, ở chỗ trơn nhất, họ đứng thành một dãy và chuyền tay nhau từng thùng. Thật, là một cuộc chiến đấu với nước, và trong cuộc chiến đấu ấy, những người đàn bà kiệt sức đã chiến thắng bằng sự tương trợ.

        Gần dứt hơi vì gió, Lu-nin qua cầu và đến cù lao Vát- si-li. Quãng này vắng vẻ nên tuyết phủ các phố như còn mới tinh. Sa-ra-pốp ở đâu đằng sau trường Đại học. Lu-nin  vòng quanh trường không gặp một người. Anh đi qua Thư viện của viện khoa học, qua những viện khác, qua những tòa nhà lớn, và lạc trong cái mớ nhỏ rối rít, không tìm được ai mà hỏi đường.

        Một tiếng ù ù quen thuộc làm anh giặt mình. Anh đứng sững lại.

        Một động cơ máy bay đang chạy. Nghe tiếng chạy giật, thì chắc là nắp hơi bị lệch. Chắc họ đang thử máy.

        Lu-nin ngẩng nhìn thấy một hàng giậu dài bàng ván đằng sau đó chạy dài những mái nhà thấp trắng xóa. Tiếng động ở trong đó. Một nhà máy chẳng? Hay các xưởng sửa chữa? Dù sao, trong cái thành phố bị vây không điện, không than, không bánh, người ta vẫn làm việc.

        Máy ngừng nổ.

        -  Chào bác...

        Lu-nin quay lại và thấy một thằng bé mặc áo lông đen, đi ủng, đội mũ lông bịt tai. Cái mặt gầy còm quá. Đôi mắt cách xa nhau nhìn Lu-nin với cái vẻ điềm tĩnh mà anh nhận ra ngay.

        - Sla-va! - Anh reo lên.

        - Đúng. - Thằng bé trả lời nghiêm chỉnh. - Cháu chạy theo bác từ đầu góc phố.

        - Cháu vẫn đi mót khoai chứ?

        - Thòi từ lâu. Bọn Đức không bắn vào đấy nữa. Chúng thường nã vào thành phố. Và tuyết cũng dày quá không móc được, nên cháu không đến.

        - Ông cháu thế nào? ở với ông có sướng không? Bác không quên đấy nhé, cháu xem.

        - Ông cháu chết rồi.

        - Chết rồi? Thế cháu còn một mình sao?

        - Không, còn chị cháu.

        - Củng tuổi cháu à?

        - Ồ không, đã lớn.

        - Cháu làm gì ở đây?

        - Cháu ở đây, ngay trong cái dãy nhà lớn mà bác tìm.

        - Sao cháu biết là nhà bác tìm?
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #71 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2019, 11:30:31 pm »


        Sla-va phá lên cười:

        - Còn gì nữa! Cháu biết ngay là bác đi đâu. Bác đi, cháu dẫn. Không đi được một hàng hai người, vì lôi hẹp. Thằng bé chạy trước và luôn ngoái đầu lại.

        - Bác lại đi ngay hôm nay à? Phải rồi. Bác ở đây làm gì? Bác còn phải bay... Bác biết cháu muốn nói gì? Bác cho cháu đi với.

        - Đi đâu?

        - Đi về trường bay.

        Lu-nin sửng sốt:

        - Ở trường bay thì cháu làm gì?

        - Cháu thích máy bay, cái ấy là cháu thích nhất, và cháu muốn bay. Bác đừng cười - Nó quay lại xem phản ứng của Lu-nin, nhưng Lu-nin vẫn thản nhiên - Cháu không xin bác cho cháu bay ngay. Vì phải học. Nhưng trong khi chờ đợi, ai bảo gì cháu làm nấy: dọn tuyết, lau chùi máy bay, nếu cần, thì đánh tín hiệu... Bác cho cháu đi nhé.

        - Không được!

        - Sao vậy? Bác không muốn, hay bác không có quyền?

        - Bác không có quyền.

        Thăng bé suy nghĩ và một lát sau nó nói:

        - Bác ạ, nếu bác U-va-rốp cho phép, thì bác cho cháu đi nhé?

        - U-va-rôp? - Lu-nin ngạc nhiên - Sao cháu biết bác U- va-rốp?

        - Biết chứ! Có phải là cấp trên của bác không? Bác làm với bác ấy phải không?

        - Ừ

        - Bác ấy có thể nhận cháu vào trường bay chứ? Bác ấy có thể cho phép chứ? Đúng rồi! Và nếu cháu nói là bác đồng ý, thì bác ấy cũng sẽ đồng ý. Vậy bác đồng ý nhé! Cháu có thể nói vói bác ấy là bác đồng ý không? Được chứ hở bác?

        Hai người đi dưới cổng một tòa nhà lớn và vào trong sân đầy tuyết đóng thành từng bức tường cao hơn người.

        - Đi lên cầu thang này. - Thằng bé vừa nói vừa mở cửa. - ở tầng thứ nhất. Bác để ý, còn một bậc nữa. Chú Sa-ra- pốp ơi, chú xem cháu dẫn ai về đây này! Chú Sa-ra-pốp đâu rồi?

        Sla-va vào tự do, như ở nhà nó vậy. Chắc cu cậu muốn tỏ cho Lu-nin biết ta đây là người quen thuộc ở chỗ này. Các đồng chí thợ máy - nhận được vậy là vì họ đeo phù hiệu trắng trên mũ lông - và các đồng chí thuỷ thủ có mặt ở trong nhà nhìn nó một cách bình thản, như là đôi với người quen đã lâu.

        - Chú Sa-ra-pốp đi vắng. Lát chú về ngay.

        Lu-nin nhìn cái nhà. Ồng lò sưởi đỏ lửa chạy trên bàn và thò ra ngoài bằng cửa sổ con. Đâu cũng có tủ, một cái máy chữ, và những ram giấy xếp cẩn thận. Cái gì cũng sạch sẽ: cái sàn mới đánh bóng. Trong một góc, Lu-nin thấy một người mặc ca-pôt sỹ quan Hải quân cười với mình. Đồng chí ấy có lon trên nền đỏ của cán bộ chính trị. Thoạt tiên Lu-nin nghĩ "Mình có gặp ở đâu thì phải" rồi anh reo to:

        - A! té ra đồng chí...

        Đúng là người mà hồi tháng tám đã cùng anh vượt vòng vây Lê-nin-grát bằng xe lửa và ca-mi-ông.

        - Chỉ có núi là không gặp nhau thôi! - Đồng chí sỹ quan chính trị nói.

        Họ nhìn nhau tò mò vui vẻ. Lu-nin nghĩ rằng anh chàng nay có lẽ là người duy nhất ở Lê-nin-grát không gầy đi một chút nào. Vì hồi tháng tám anh cũng thân hình bộ xương như vậy, cũng không kém lùng thùng trong cái ca- pốt, cũng nước da tai tái, có lẽ bây giờ còn béo hơn một tí...

        - Đồng chí còn nhớ cái thùng xăng?

        - Sao không nhớ! Tôi nhớ đến chết. Lúc đó cứ tưởng là nó sắp đè gẫy xương... Lâu quá rồi nhỉ? Hình như sự việc xảy ra hồi tôi còn bé, còn quấn tã.

        - Chúng mình có lẽ là những người cuối cùng lọt vào được.

        - Thì tôi cũng không nghe nói ai lọt qua sau chúng mình. Đồng chí công tác ở Sư đoàn?

        - Đúng.

        - Đồng chí ở các tòa báo, tôi đoán thế... Vậy có tình cờ ở ngay tòa báo của sư đoàn không?

        - Đúng vậy. Tôi là chủ bút tờ "Cánh máy bay trên Ban- tích"

        - Ờ phải - Lu-nin reo lên. - Tôi đọc thấy tên đồng chí ở dưới mỗi số báo: Chủ bút "A-khô-vơ-rin...". Lẽ ra tôi phải đoán ngay được là đồng chí mới phải.

        - Còn về phần đồng chí, thì tôi vẫn biết. Mọi người ở sư đoàn đều biết đồng chí.

        Hơi ngượng, Lu-nin nhận thấy anh là cái bia cho mọi người chú ý. Thợ máy và thuỷ thủ không rời mắt nhìn anh, cố không để sót một mẩu chuyện giữa hai người.

        - Chắc đồng chí chưa xem số báo mới của chúng tôi. Đưa tôi tờ báo, đồng chí Tơ-svét-kốp.

        Một đồng chí thuỷ thủ giở tờ báo. Và cái đầu tiên Lu-nin trông thây là cái ảnh của mình đội mũ dạ và quần áo bay, với cái đầu kếch sù mà anh thây có vẻ tự mãn lố lăng. Bên cạnh, cả bề rộng của trang báo là cái đầu để: "Đồng chí chỉ huy trưởng phi đội 2...". Lu-nin nghĩ: "Lại một tin thêu dệt thổi phồng..." Chơi khăm quá... Rồi đứng trước các bạn đồng đội, anh sẽ ra sao... Anh bỏ tờ báo xuống và hỏi sẵng:

        -  Đồng chí Sa-ra-pốp đâu?

        Khô-vơ-rin hơi phật ý vì sự coi thường đối với bài báo ấy.

        - Đồng chí ấy sắp về. Đồng chí muốn gì?
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #72 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2019, 10:29:18 pm »


        Lu-nin trình bày là muốn nhờ Sa-ra-pốp tìm cho một cái xe ca-mi-ông.

        - Đúng tủ của hắn rồi. Nay hay mai hắn sẽ tìm ra được. Tôi cũng đợi một cái lên sư đoàn. Tiếc rằng chúng mình không đi cùng.

        Lu-nin suy nghĩ. Hay là hỏi ý kiến Khô-vơ-rin? Một chủ bút tất phải biết nhiều. Hơn nữa con người lại có vẻ dễ. Và Lu-nin cũng đang rất muốn tâm sự.

        - Tôi muốn nói tí chuyện với đồng chí. Muốn hỏi đồng chí một tí. Nếu không có gì phiền...

        Khô-vơ-rin nói:

        - Đồng chí lại đây. Tôi cũng muốn nói chuyện với đồng chí một lát.

        Anh đưa Lu-nin sang phòng bên, mời ngồi trên giường, ngồi xuống bên cạnh, và đợi nghe.

        Sau một phút do dự, Lu-nin hỏi:

        - Đồng chí có biết là nhân dân có được phép ra khỏi thành phố bằng con đường hồ không?

        Ngạc nhiên thoáng trên mắt Khô-vơ-rin.

        - Tôi không rõ, nhưng hình như hiện nay thì chưa cho phép.

        - Tại sao hiện nay chưa?

        - Nếu cho phép, thì cả thành phố đã biết.

        - Đúng, nhưng sao hiện nay chưa cho phép?

        - Vì sau này sẽ cho phép.

        - Sau này là bao giờ? Đợi khi mọi người đã chết sao? -  Lu-nin hỏi và cảm thấy tức giận.

        Khô-vơ-rin lạnh lùng nhìn anh và không nói gì.

        Lu-nin hối hận về cái tức giận của mình và hỏi tiếp:

        - Tôi muốn hiểu. Chủ trương gì cũng phải có lý do. Đồng chí có hiểu tại sao cấm không?

        - Hiện trạng của con đường chưa cho phép. Đường vừa làm xong. Còn phải dùng đế chở lương thực, chở vũ khí vào thành phố và thuyên chuyển các đơn vị. Với cái rét này, nếu từng đoàn đàn bà con trẻ đã gần chết đói mà lao vào trên hồ thì sẽ ra sao? Chết hết. 

        - Đúng. - Lu-nin không khó gi má không nghĩ ra được cảnh tượng khủng khiếp ấy. - Nhưng tại sao sau này thì lại có thể?

        - Đồng chí đừng tưởng rằng tôi biết nhiều. Chỉ là một cách suy luận, thế thôi. Tất nhiên sẽ phải cho đi những người không cần thiết cho việc bảo vệ thành phố. Họ chết vô ích, và tiêu thụ những lương thực khan hiếm đem được vào Lê-nin- grát một cách vô ích. Chuyển nhân dân cũng cần thiết như chuyển lương thực. Hai vấn đề cùng một mục đích, và con đường tất là để làm hai việc đó. Nhưng muốn chuyến người ốm và người đã suy yếu, phải tổ chức trên đường những bếp cho hàng vạn người, những nhà rạp cho họ có thể sưởi, phải có ca-mi-ông che bạt., những đường nối tốt giữa hồ và đường xe lửa, phải bao nhiêu cái khác nữa, nếu muốn đem đến nơi đến chôn những người sống, chứ không phải đem xác chết mà rải dọc đường. Ví dụ, phải có một kế hoạch di chuyển trong đó có tính toán chi ly khả năng giao thông của đường, mà khả năng đó thì khá thấp, và cái số lượng người đi qua...

        - Bao giờ thì cuộc đi chuyển đó bắt đầu.

        - Tôi tin chắc người ta sẽ làm đủ mọi cách để có thể sớm nhất được...

        Khô-vơ-rin ngừng một chút rồi nói thêm:

        - Không phải chỉ là một vấn đề ngày giờ. Còn phải xem bọn Đức làm gì khi chúng thấy việc tản cư hàng loạt ấy. Cuộc chiến đấu trên đường chắc chưa bắt đầu.

        - Ý anh cũng thế chứ? - Lu-nin hỏi và nhớ đến câu chuyện nói với U-va-rốp.

        - Tôi cho là như thế.

        Hai người im lặng. Đoán rằng Lu-nin chưa nói tới câu chuyện chính, Khô-vơ-rin đợi. Và Lu-nin thì tự bực với mình: khó nói quá. Anh hỏi:

        - Đồng chí đã thấy cái gì trong thành phố chưa?

        - Có.

        - Vậy theo ý đồng chí, bổn phận chúng mình phải làm gì?

        - Làm tất cả cái gì mà cá nhân có thể làm.

        - Ví dụ như tôi, nếu tôi có thể đem ra khỏi đây một người đàn bà với hai đứa trẻ con, thì có nên không?

        Khô-vơ-rin nhìn vào tận mặt Lu-nin:

        - Đồng chí thực có thể đem họ đi được không?

        - Nhất định được, vì chính tôi cũng đi! - Lu-nin trả lời hăng hái. - Tết nhiên nếu người ta cho phép tôi! Nhưng có người đã được phép như vậy. Tôi có gặp trên đường một đồng chí đại uý ở quân đoàn Von-khôp. Đồng chí ấy đi Lê- nin-grát công tác, hệt như tôi. Đồng chí ấy đã đem vợ đi. Đồng ý là chị ấy đến hồ thì chết...

        - Đấy, đồng chí xem. Đồng chí đại uý cũng tưởng là đem được... Tại sao đồng chí lại cho rằng đồng chí có thể thành công hơn? Một hành trình trên ca-mi-ông, trên hòm, trên thùng, với cái lạnh này... Họ có thể chết dọc đường.

        - Có lẽ... nhưng, ở đây thì họ lại chắc chắn là sẽ chết. Chỉ cốt sao tôi được phép... Người ta đã cho phép đồng chí đại uý...

        - Vì là vợ của đồng chí ấy.

        Lu-nin nhìn chòng chọc vào mắt Khô-vơ-rin:

        - Đây cũng là vợ và các con tôi.

        Anh bỗng nhớ ngay là hồi tháng tám, anh đã nói với Khô- vơ-rin là anh không có vợ. Tuy vậy, Khô-vơ-rin không phản ứng. Nhưng Lu-nin cảm thấy anh có nhớ câu chuyện đó.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #73 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2019, 11:30:25 pm »


        Lu-nin nói dối. Anh biết là người ta không tin anh. Nhưng mặt anh phớt lạnh như suốt đời anh chỉ quen nghề nói dối. Anh chỉ đợi Khô-vơ-rin trả lời.

        - Tiếc thay đồng chí không nói với đồng chí U-va-rốp trước khi đi. Nếu đồng chí nói rằng muốn đưa gia đình ra thì đồng chí ấy thể nào cũng giúp một tay. Tuần trước, đống chí ấy đã giúp tôi chuyển gia đình đồng chí thợ in Tơ-sven-kốp - hai người đàn bà và một đứa bé trong một tình trạng nghiêm trọng. Đã tìm cho được một chỗ trên ca-mi-ông chở bom về trường bay. Người lái xe đã hứa sẽ lo lắng chu đáo, nhưng hiện nay chưa biết là anh ta có đưa được đến nơi đến chốn không? Ai dà! Tiếc thay là đồng chí không nói chuyện trước với đồng chí U-va-rốp.

        - Đúng, thật đáng tiếc. - Lu-nin công nhận và nghĩ thầm: hay hắn nghi mình không có vợ và hai con.

        - Đáng tiếc, nhưng không phải là lúc ngồi mà tiếc! -  Khô-vơ-rin nói thêm. - Tôi xem có cách nào giúp đồng chí khỏi cần đến đồng chí U-va-rôp... không cần nói với Sa-ra- pốp. Tôi thu xếp lấy.

        Khô-vơ-rin trở vào căn buồng lớn, để anh lại một mình trong bàn giấy U-va-rốp.

        Lu-nin tự hỏi với một hy vọng mỏng manh. "Liệu hắn có giúp được không? Liệu may ra có thể được không? Một người tốt và thật đáng mến. Tuy cái mặt hắn vàng, mà ngay lần đầu, mình đã thích. Cốt sao hắn làm được".

        Lâu mãi Khô-vơ-rin mới ra. Lu-nin lo: "Chắc không xong". Rồi anh nghĩ lại: "Chắc còn phải làm giấy tờ... Và nếu Sa-ra-pốp thấy trong lý lịch mình không vợ con... Mà chắc là họ biết..."

        Cuối cùng, cửa mở. Khô-vơ-rin nói với vào:

        - Tôi chịu trách nhiệm hết.

        Và tiếp:

        - Bản thân tôi sẽ phải trình bày với đồng chí chính uỷ, không phải đồng chí.

        Anh khép cửa lại, đến gần Lu-nin và báo tin:

        - Sáng mai, đồng chí trở lại đây. Người ta sẽ giao giấy tờ cho đồng chí. Xe ca-mi-ông sẽ đến đón, và đồng chí sẽ lên xe đi đón gia đình.

        Lu-nin vội đi ngay. Bây giờ phải thuyết phục Ma-sa, vì anh chưa hề nói gì với chị về việc này.

        Mọi người tiễn chân anh: Khô-vơ-rin, các đồng chí thợ máy và thuỷ thủ, thằng bé Sla-va với cái nhìn rất đáng yêu, rất thân ái - câu chuyện của nó chắc mọi người đã biết. Trên ngưỡng cửa, Lu-nin sực nhớ mình quên cả cám ơn Khô-vơ-rin. Anh quay lại và lấy hai bàn tay bắt lấy cánh tay Khô-vơ-rin giật giật:

        - Đồng chí đã giúp tôi một việc lớn quá!

        Sla-va theo anh đến mãi góc phố:

        - Ngày mai bác đi à? - Nó nhìn chòng chọc vào anh. -  Cháu sẽ nói với bác U-va-rốp là bác đồng ý cho cháu đi trường bay nhé!
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #74 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2019, 11:33:45 pm »


VII

        Họ qua hồ ban đêm. Nằm ngửa đằng sau ca-mi-ông, Lu-nin nhìn sao lấp lánh như những hạt muôi Đất liền đã hết, tựa hồ như anh bị treo lơ lửng trong khoảng không và trong đêm, giữa cái vô tận của bầu tròi phương Bắc và cái rét kinh người đương tấn công từ mọi mặt. Và trong cái vũ trụ băng giá ấy, chỉ một chỗ ấm: là thằng bé con ngủ trong cái áo da lông của anh, nó làm ấm sườn anh như một cái lò sưởi tí hon.Anh không dám cựa, sợ nó dậy và cái thân hình bé nhỏ nóng nóng ấy làm anh tràn ngập vui sướng: nó không lạnh, tức là nó sống.

        Lu-nin tê dại cả người. Anh không hiểu còn có thể động đậy được đôi chân đã dại không? Nằm giữa hai quả không lôi, anh cảm thấy, qua cái vỏ rơm bọc chúng và qua cái áo da lông, sự cọ sát của khối thép tròn như lạnh hơn không khí xung quanh đến bao nhiêu độ! Vào lúc khác, thì cuộc hành trình như thế này quả là một cực hình. Nhưng từ lúc mà trên bến Fông-tăng-ka, anh đã cho người đàn bà lạ mặt chiếc bánh mì, thì tâm hồn anh ở trong một trạng thái không cho phép nghĩ đến bản thân mình nữa...

        Sau khi từ biệt Khô-vơ-rin, anh chạy về phố Mai-a- cốp-ski để thuyết phục Ma-sa đi theo anh và để giúp đỡ chị sửa soạn. Anh nhớ lại là chị có ý đi đến xưởng và anh lo không gặp chị ở nhà. Anh leo cầu thang từng bốn bậc một, đẩy cửa, ngừng lại trong buồng sau cửa và lắng tai nghe. Tất cả đều im lặng. Anh vào buồng: y nguyên quần áo, người đàn bà nằm trên giường, giữa hai đứa con.

        Lu-nin cảm thấy tim muốn ngừng lại khi trông thấy bộ mặt xanh nhợt im lìm của họ, nó không còn là mặt người sống. Nhưng anh nghe thấy hơi thở êm đềm: họ ngủ. Anh không đoán trước được vậy. Có nên đánh thức người đàn bà dậy không?

        Anh không có can đảm làm và đợi lúc chị mở mắt. Trong buồng đã bắt đầu lạnh. Anh khơi lò sưởi. Thấy thùng nước rỗng, anh xuống cầu thang lấy nước ở dưới hầm. Anh xếp lại các thức ăn. Anh cố làm nhiều tiếng động - mà cái đó cũng không khó khi người ta bổ ván bằng rìu. Nhưng cả mẹ, cà con không ai thức dậy.

        Anh tì khuỷu tay vào đệm giường và nhìn Ma-sa. Lần đầu tiên anh tự hỏi là chị có thể bao nhiêu tuổi. Với thời buổi đói như thỏ này, đàn bà không có tuổi nữa. Chị này chắc còn trẻ, nhưng cũng khoảng 30. Trước chiến tranh, bộ mặt chắc phải đầy đặn, với cái mũi nhỏ tròn... Một bộ mặt dễ coi, nhưng nói chung cũng thường thôi... Thì nay cũng đoán như vậy... Má hóp lại. Quầng mắt làm mắt trũng hẳn xuống. Đôi mày xếch lên cái trán trong trắng có cái vẻ mệt nhọc sửng sốt nó làm se lòng người, Lu-nin cảm thấy tràn ngập xót thương, và anh không rời được mắt.

        Anh nghe thấy tiếng chân lê phía sau cửa: bà cụ già. May là cụ không ngủ! Anh mở cửa, trông thấy cụ lủi xuống bếp và đi theo.

        Bà cụ đã quá già, người còng hẳn, mặt xám xịt đầy răn reo với đôi mắt cú mèo trụi cả lông mi và đôi bàn tay lớn xương xẩu, vàng khè. Đứng gần cửa sổ, bà cụ nhìn chăm chăm vào Lu-nin không chớp mắt.

        - Chào cụ.

        Anh không hiểu câu trả lời. Bà cụ bắt đầu kể cho anh nghe một câu chuyện mà anh chẳng hiểu được một giọt, hình như bà cụ bắt đầu bằng giữa câu chuyện, và cho là anh đã biết đoạn đầu. Bà cụ kể chuyện một người lạ, một người bộ đội mà đáng là phải đem thức ăn đến chứ không phải là Lu-nin, và như thế mới là hợp lý.

        - Cụ nói chuyện ai vậy?

        - Tất nhiên là nói chuyện hắn. Mùa hè vừa rồi, hắn đến ở với tôi cả ngày, không dứt ra đi được. Rồi đi và không hề viết thư lại.

        - Ai vậy? Chồng chị ấy phải không?

        - Không. Chồng chị ta đã chết. Một người tốt lắm! Anh ấy đã làm khổ chị ta nhiều, vì anh ấy cũng luôn luôn ốm, rồi chết. Còn người kia thì tôi không hiểu là thể nào? Một người bộ đội. Trước chiến tranh đã là bộ đội. Chủ nhật nào cũng đến. Khi không cần đến hắn thì hắn đến. Bây giờ rất cần thì không thấy mặt đâu.

        Lu-nin cau mày nghĩ:

        "Đúng rồi! Lại thêm một thằng khốn đã bỏ người ta". Lòng xót thương của anh càng dào dạt, đến nỗi tuy không biết là ai mà anh đã liệt người bộ đội vào cái loại khốn nạn. "Lại phải có một thằng để lừa dối, để phản bội chị nữa hay sao?"

        - Chị ta có đói lắm không?

        - Nào tôi biết đâu? Nếu hỏi chị ta. thì chị ta nói không.

        - Thê nếu không hỏi?

        - Thì phải cho là có.

        Lu-nin im lặng.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #75 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2019, 12:26:21 am »


        Sau một lát, bà cụ nói thỏm:

        - Hay là đã bị hy sinh.

        Không cái gì có thể đúng hơn thế nữa. Lu-nin thấy sự tức giận của mình là bất công, là anh lầm, nhưng ý nghĩ về con người ấy vẫn làm anh khó chịu. Nhưng đầu sao thì cái đó có quan hệ gì với anh đâu! Đưa chị ra khỏi đây, đó là việc phải làm, ngoài ra không còn gì hết...

        - Chị ấy ngủ đã lâu chưa? - Anh hỏi khẽ.

        - Từ lúc anh ra đi.

        - Chị ấy không đi xưởng à?

        - Định đi thì vừa buồn ngủ.

        - Cụ xem chị ấy có sắp thức dậy không?

        - Ồ! Không bao giờ thức dậy cả.

        - Thẻ nào?

        - Nếu không ai đánh thức thì không hao giờ dậy. Cũng vì là đã ăn.

        - Thế sao cụ không ngủ? Mà cụ cũng đã ăn...

        -  Tôi ấy à, tôi chỉ ngủ khi nào chết. Từ đây đến đó. tôi không buồn ngủ.

        Anh qua cả ngày đó, lưỡng lự, thỉnh thoảng lại đi xem họ ngủ, rồi ho, rồi dụng thùng, mó cái cửa lò cho kêu thành tiếng, cho đến vờ đụng vào đệm giường. Nhưng cả mẹ, cả con vẫn cứ ngủ. Anh hết hy vọng. Khi chiều xuống phải châm đèn, anh để cái đèn làm sao cho nó chiếu vỗ vào mặt họ. Mi mắt người mẹ nhấp nháy, nhưng chị vẫn không thức dậv. Anh cố lấy can đảm và cầm lấy bàn tay chị.

        Chị mở đôi mắt mà cái ánh sáng đèn rung rung làm thành tôi sầm và to tướng.

        - Đồng chí đấy à? - Chị khẽ hỏi. Và bàn tay chị vô tình nắm chặt lấy bàn tay Lu-nin.

        Sau này, thường anh vẫn nhớ cái cử chỉ ấy. Chị sung sướng biết bao khi lại trông thấy anh! Chị khẽ bỏ chân ra khỏi giường, ngồi dậy, sửa lại mái tóc và nhìn anh một cách biết ơn. Rất cảm xúc, anh giảng giải cho chị nghe.

        Chị im lặng, và cái im lặng đó như là từ chối. Hoảng hốt, Lu-nin càng gặng, rồi yêu cầu, rồi lập luận, ở đây, chị sẽ chết mà không một chút ích gì cho chiến thắng. Chị và các con chị phải ăn phần bánh của chiến sỹ. Chị không có quyền hy sinh hai đứa con một cách dại dột. Chính cái đó là cái muốn của Hit-le, chính vì thế mà nó bao vây thành phố; cứu được con, tức là làm hỏng kế hoạch của Hít-le. Qua hồ xong, khi chị lại sức và lũ trẻ bình phục, chị sẽ có thể làm việc, chiến đấu, phục vụ Tổ quốc. Lại một lần nữa, chị không có quyển hy sinh lũ trẻ.

        Nét mặt chị biến đổi, và anh sốt sắng quan sát, tìm đoán tư tưởng chị. Chị nói:

        - Vâng. Nhưng còn bà cụ An-na thì làm thế nào? Tôi không thể bỏ bà cụ được.

        Bà cụ An-na nào? Có phải bà cụ trong bếp không. Anh không nghĩ đến đó. Nhưng cũng dễ thu xếp thôi. Anh sẽ đề nghị thêm tên bà cụ vào tờ giấy. Sẽ trình bày là một bà cụ có họ, một bà cô, hay là bà ruột nếu cần. Anh đi ngay xuống bếp báo cho cụ An-na rằng anh sẽ mang cụ đi theo.

        Anh khỏi phải làm việc ấy: bà cụ An-na đứng trên ngưỡng cửa, thò cái đầu qua cửa mỏ, hai tay lủng lẳng. Anh báo tin ngay là mai bà cụ sẽ đi. Bà cụ lắc. Anh thoạt đầu tưởng là bà cụ hiểu nhầm. Nhưng bà cụ hiểu hết, và chẳng tìm cách    tranh luận với lý lẽ của Lu-nin, cũng chẳng phản đối  câu gì, bà cụ chỉ lắc. Bà cụ chẳng có đâu mà đi, chẳng có    lý do gì mà đi. Đã sống ba phần tư thế kỷ ở khu phố này mà bà cụ thuộc từng viên đá, từng cầu thang, từng người. Thì sẽ chết ở đây mà thôi.

        Ma-sa nói:

        - Vậy thì tôi cũng không đi nốt.

        Lu-nin nhìn chị, thất vọng. Nhưng cụ An-na tiếp viện anh và giận dữ nói:

        - Chị phải đi. Chị không ví với tôi được. Tôi chẳng phải nuôi ai cả.

        Không ngăn cụ được nữa. Cụ nói từng tràng, tối nghĩa, đi ngược lên đến đời hồng thuỷ, kể những ví dụ hoàn toàn kín mít đối với Lu-nin, nhưng rốt cuộc vẫn trở lại cái câu là bà cụ chẳng phải nuôi ai, còn lũ trẻ thì phải sống. Rồi đền lúc ôm nhau khóc lúc chia tay. Nhưng bà cụ không rỏ một giọt nước mắt: nước mắt cụ đâu có phải là dễ rơi

        Thế là mọi việc đã quyết định như vậy.

        Họ ra đi vào chiều tối ngày hôm sau, trong một ca-mi- ông chất nặng không lôi. Lũ trẻ rất mệt: thằng bé nôn hai lần trước khi đi, và con bé thì ngủ say đến nỗi vẫn ăn mà không tỉnh giấc. Làm sao mà những con người yếu đuối như thế này có thể chịu đựng được cuộc hành trình trên ca-mi-ông trong đêm giá buốt như vậy?

        Người lái xe là một người đứng tuổi, mà chắc là vì mệt nhọc đã thành ít nói. Anh nhăn mặt khi ở phòng chính trị được tin là sẽ chở gia đình thiếu tá Lu-nin. Nhưng rồi cũng không tiếc sức để gắng làm cho cuộc hành trình của họ được dễ dàng hơn. Anh để người mẹ và hai đứa trẻ trong ca-bin và giúp Lu-nin che đậy cho họ. Bọc kín trong những chiếc khăn, lũ trẻ ngủ ngáy tức thì, ấp chặt vào lòng mẹ. Đêm xuống. Lu-nin  trẻo lên phía sau và xe chuyển bánh.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #76 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2019, 11:09:42 pm »


        Mất hơn hai giờ để vượt bốn mươi cây số đến hồ. Con đường chạy qua eo và đi qua rừng; những cây tùng tối om bao tất cả xung quanh, và Lu-nin nhìn thấy một vòm trời tối sẫm diễn qua như một dòng suối có sao. Anh không thể nhìn thấy gì trong ca-bin, và như vậy lại làm anh bồn chồn hơn là cái lạnh của không lôi và cái gió buốt cắt thịt. Cái mà anh lo nhất, là đồng chí lái xe thì rất vội, nhưng cái xe chở nặng thì chỉ tiến chậm chạp, vậy không còn hy vọng gì có thể đỗ lại dọc đường mà sưởi: không lôi phải đến ga Von-khô-stôi vào sáng sớm.

        Trên hồ, xe tiếp tục đi đèn. Các ca-mi-ông khác cũng vậy. Đường đi như đánh dấu bằng vô số ánh đèn xa dần trong đêm tối. Trên đường không có lệnh tắt đèn. Trong mười lăm ngày cuối cùng của tháng một, kinh nghiệm đã chứng minh rằng pháo Đức và máy bay oanh tạc đêm của bọn Lốp-táp còn không đáng sợ bằng đi trong đêm tối giữa những tảng băng, những đống băng vụn và gặp những xe đột nhiên trong bóng tối chồm ra. Do đó, các lái xe đểu được phép để đèn.

        Vừa đi được ba cây số trên băng, thì ca-mi-ông đứng lại. Người lái xe từ ca-bin nhảy xuống. Lu-nin lo lắng ngẩng đầu lên. Anh lái xe nói khẽ:

        -  Đồng chí có cái áo da lông ấm. Thằng bé đang lạnh giá đi. Tôi lo nó không đến nơi được. Đồng chí cởi áo ra, ôm nó sát vào người, may ra nó nóng lại. Tôi đã thấy một trường hợp tương tự: làm vậy đã cứu được. Và như vậy thì đồng chí cũng ấm...

        Lu-rtin nhảy xuống đất và lê đôi chân tê dại đến ca-bin. Đôi mắt sợ hãi của người mẹ nhìn anh trong tối. Anh ôm lấy thằng bé vào tay. Có thể nói là nó không thở nữa. Sự kinh sợ của người mẹ lây sang anh. Và, lần đầu tiên, anh hoài nghi việc mình đem họ đi là đúng!

        Thằng bé tuy vậy còn hơi thở. Lu-nin mở cúc áo ngoài, áo trong, áo lót, và ấp chặt nó vào liền da anh. Cái thân hình bé nhỏ lạnh ngát chạm vào da anh làm anh có cảm giác như bị đốt. Anh đóng kín áo, trèo lên khoang sau và nằm xuống. Thằng bé bắt đầu nóng lại và làm ấm cả Lu-nin. Nó sống rồi.

        Sao đi chuyển thấy rõ, Nằm ước lượng cây số đã chán Lu-nin ngạc nhiên khi thấy ca-mi-ông bỗng nhiên trèo lên một cái dốc, và anh nhận thấy trên cao, giữa những ngôi sao, cái ngọn nhọn hoắt của cây tùng. Xe đỗ. Ngẩng đầu lên, Lu-nin thấy một. cái nhà gỗ thông lớn. Có thực đã đến Fô-bôn không? Anh lái xe nói:

        - Đồng chí thiếu tá xuống đi. Có thể sưởi một lát. Tôi đã bù được sự chậm trễ.

        Họ vào nhà, người lái xe đi trước, ẵm đứa con gái vẫn ngủ, rồi đến người đàn bà mà Lu-nin thấy như càng bé đi, rồi sau là Lu-nin với thằng bé. Một luồng ấm áp tuyệt diệu phả vào mặt, một hơi ấm tốt lành đầy sức sống: mùi thuốc lá, mùi bánh và mùi da cừu. Ánh lửa cái lò sưởi lớn kiểu Nga đặt giữa nhà, rập rờn trên tường. Và dưới ánh lửa, đầy người ngủ ở sàn, áo da lông, ca-pốt, áo bông, khăn trùm, đàn ông đàn bà nằm ngổn ngang, mặt ngửa lên trần, miệng há ra, phớt đều với những con gián kếch sù bò trên má, trên trán. Đó là các đồng chí lái xe, quét đường, khuân vác, giữ kho, những người đi Lê-nin-grát hay ở đấy ra. Bộ đội hay người thường đều biết rằng trong cái nhà gỗ thông đã bỏ từ lâu này, ai cũng có thể tìm được một mẩu ván ngủ qua đêm.

        Bước qua các thân người với cái vững vàng của một người đã quen thuộc, đồng chí lái xe giúp họ đến một góc xa, còn chỗ nằm, và để họ ngồi trên mấy cái bao. Lúc đó, Lu-nin mới móc thằng bé từ tít sâu trong chiếc áo da lông ra. Người mẹ theo dõi mỗi cử chỉ của anh một cách lo lắng. Thằng bé ngủ và thở đều, cái mồm ngáy thơ hé mở tay chân đều ấm.

        Người đàn bà vồ lấy con từ tay Lu-nin, vội quá gần như sỗ sàng, đặt nó lên đầu gối và ôm nó sát vào ngực. Thằng bé vươn vai, mở mắt, nhận được mẹ và mỉm cười. Anh lái xe nói:

        - Bây giờ thì nó không sao nữa rồi.

        Anh đi ra với cái cà-mèn loảng xoảng. Mấy phút sau, mọi người cùng ăn - một miếng bánh rưới nước sôi mà ai nấy lần lượt uống chung trong một ca. Thằng bé ăn uống có vẻ bận rộn. Con bé cũng thế, ngồi sát vào mẹ, và tò mò nhìn cái nhà gỗ thông, cái lò sưởi và những người ngủ. Và nó tủm tỉm cười với Lu-nin như quen thuộc đã lâu rồi.

        Người mẹ cũng tươi cười và hỏi xem dọc đường anh có lạnh quá không? Nhưng anh cảm thấy chị chỉ lo lắng về các con, sung sướng thấy chúng vẫn sống và đang ăn. Lu-nin  ngồi lánh ra một chỗ, trong một xó tối để có thể nhìn thấy họ mà họ không thấy mình. Trong nửa giờ nữa, có lẽ ít hơn, anh sẽ không bao giờ còn gặp họ nữa.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #77 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2019, 09:52:36 pm »


        Vì ý anh đã định: không phải đưa họ mãi đến Von-khô- strôi mà sẽ từ biệt họ ở đây, và đến sáng, anh đi thẳng về trường bay cách đây mười lăm cây số. Anh đã cho họ ăn, đã đưa họ qua hồ; chẳng còn gì có thể xảy ra cho họ nữa, vài giờ sau, họ sẽ lên một cái toa xe ấm áp đưa họ đến Vô-lô-đa, rồi từ đó họ muốn đi đâu cũng được; gặp ai trên đường thì người ta cũng cố gắng gấp bốn lần mà giúp đỡ, cũng như đồng chí lái xe già này. Còn Lu-nin, anh phải về ngay trường bay, với Sê-rốp, với Prốt-cua-ri-a-kốp, với các đồng chí thợ máy. Không thể kéo dài phép được, dù chẳng ai trách, vì U-va-rốp cho đi, là chỉ để quan sát đường thôi chứ...

        No bụng, lũ trẻ lại ngủ sát vào mẹ. Im lặng, sợ chúng thức giấc, chị nhìn về phía Lu-nin với con mắt tin cậy. Nhưng mỗi lần, anh đểu nhắm mắt lại để chị tưởng là anh ngủ. Chị thôi không nhìn anh nữa và nghĩ ngợi. Qua hàng mi khẽ mở Lu-nin ngắm khuôn mặt sáng. Và trong óc anh đếm thầm: "Còn 15 phút... 10 phút... 5 phút....".

        Người lái xe ăn uống hồi lâu, rồi còn đi làm dăm ba câu chuyện với xung quanh, vì đất này là đất quen thuộc của anh. Sau cùng anh báo là đi ra xem xe. Lu-nin nghĩ "còn ba phút....", Nhưng người lái xe ở ngoài đó lâu hơn anh tưởng. Người đàn bà thiếp đi, đấu cúi xuống đứa con gái. Lu-nin nhìn chị không rời mắt. Anh hy vọng đến cả xe hư hỏng cái gì đó và chữa kéo dài đến sáng! Nhưng người lại xe trở lại. Giò phút chia tay đã đến.

        Khi anh báo cho Ma-sa là anh không đi xe hơi nữa, thì chị có vẻ buồn rầu. Anh vội giải thích là từ nay chị không cần phải có sự giúp đỡ của anh nữa. Nếu chị gặng, thì chắc anh cũng đưa chị đến tận Von-khô-strôi. Nhưng chị không gặng. Người lái xe đã bế đứa con gái ra cửa. Thằng bé bám vào cổ nhưng Ma-sa vẫn còn nhìn Lu-nin.

        Chị bỗng nhiên hỏi:

        - Có phải chúng ta không còn gặp nhau nữa không?

        - Biết đâu hở chị.

        Chắc chị còn muốn hỏi một câu nữa. Nhưng anh không khơi mào giúp. Anh đi đầu tiến ra cửa, và họ cùng bước ra.

        Phía đông, ánh sao đã nhạt. Mặt trời giá lạnh đang lên khỏi rừng. Người lái xe để người đàn bà và lũ trẻ vào ca- bin, và nói:

        - Bây giờ sắp qua rừng. Sẽ ấm hơn dây.

        Cái nhìn cuối cùng, cái bắt tay cuối cùng với bàn tay nhỏ xíu trong cái bao tay. Ca-mi-ông từ từ đi và ngoặt sau một cái nhà gỗ thông lớn.

        Lu-nin đáng lẽ có thể đợi đáp xe đi trường bay. Nhưng thở cái không khí nặng nề này làm anh khó chịu. Tuy thức suốt đêm, anh vẫn không buồn ngủ chút nào vì không có hành lý gì, anh quyết định đi bộ về.

        Anh bước mau trong rừng, ở đó, mặt trời đã lên. Anh nghĩ đến người đàn bà, hay nói cho đúng hơn, anh lại trông thây mãi mãi cái bộ mặt, đôi bàn tay, đôi mắt, cái dáng đi, cái miệng cười, và anh tưởng như còn nghe tiếng nói, như đã mang theo hình ảnh trong lòng. Mặt trời thấp, sáng loà, sau những thân cây tùng màu tím... Ma-sa hỏi anh xem có ngày nào gặp nhau. Chị còn muốn hỏi câu gì nữa? Có lẽ phải cho chị số hòm thư... Nhưng để làm gì? Chị không còn cần mình phải giúp đỡ. Cái mà chị nói, chỉ là vì lễ phép, chỉ là không tỏ ra mình quên ơn... cả thời gian chị chỉ nghĩ đến anh kia... Không, và rồi sao nữa?...

        "Rồi sao nữa? ..." Anh nhắc lại và bước dài trên tuyết sào sạo, mặt hướng về mặt trời mọc. Anh tránh ra cho các xe ca- mi-ông đi, vui vẻ chào lại mọi người. Một mùi khói và bánh bốc từ những nhà tạm trú rải rác trong rừng. Sau gần hai giờ đi bộ, anh trông thấy sau rặng cây, mỏm đồi, có mộ Rát-số- khin. Anh đã về đến nhà. Ở đây, tất cả là một bộ phận của con người anh: cái đường phố lớn, cái cột khói thẳng tắp bay khỏi nhà ăn mà ở đó Hin-đa đang chờ anh ăn sáng, cây phong chẻ hai màu tuyết đọng thành đường thêu rua trên cành... Anh bước vào nhà. Sê-rốp đang cạo râu ở cửa sổ...

        Cái mừng của Sê-rốp làm anh sung sướng. Anh rửa mặt. Sê-rốp nói lại những tin tức cuối cùng của phi đội - không có gì quan trọng. Khi hai người cùng đi ra nhà ăn, Sê-rốp hỏi:

        - Đồng chí đã thăm được gia đình chứ?

        Lu-nin trả lời buồn rầu:

         -  Đồng chí cũng biết là tôi có gia đình ở đó đâu!

        - Nhưng những người mà đồng chí muốn gặp?...

        - Tôi không tìm thấy.

        - Thế thức ăn thì đồng chí cho ai?

        - Cho người không quen biết.

        - Đồng chí làm đúng.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #78 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2019, 10:41:38 pm »


CHƯƠNG BẢY

ĐOÀN CẬN VỆ

        Sau khi sửa chữa xong nhà tắm, các cô gái chuyển đại bản doanh về một căn nhà lạnh ngắt của trụ sở Ban chấp hành Đoàn Thanh niên Công-sô-môn khu. Các cô được đề cử là "đội cứu tế nhân dân". Ban đầu, cũng chưa biết là cứu tế cái gì? Nhưng các cô tự biết là còn có một ưu thể rất lớn so với đa số nhân dân, tức là còn đứng nổi. Theo lời khuyên của Ang-tô-ni-a, các cô quyết định đi lĩnh khẩu phần giúp cho những người không còn đủ sức xuống hàng bánh nữa. Rồi sau sẽ hay...

        Sô-ni-a phụ trách dãy nhà trong đó có nhà em ở. Sáng hôm sau, em bắt đầu làm một vòng quanh dãy nhà.

        Vào một buổi sáng lạnh có nắng, em cũng mang theo cái đèn bấm của ông, vì kinh nghiệm cho biết là ngay giữa trưa, trong nhiều nhà vẫn tối om, vì người ở nhà không còn đủ sức mở rèm che phòng thủ. để rồi tối lại phái đóng lại. Vừa bước qua ngưỡng cửa nhà thứ nhất, em đã thấy bao nhiêu là việc, bao nhiêu là lo âu, làm em hiểu ngay rằng muốn xong một vòng khu nhà em phụ trách, thì phải hàng tháng.

        Gánh nặng đó không làm em bối rối. Sáng suốt và thực tế, em gắng làm tròn những việc phải làm như quẩy nước, chẻ ván sàn thành củi nhỏ, không để rác rưởi ngập buồng, hay giải thích cho những người bị tê liệt hết nghi ngờ và giao cho em những phiếu bánh của họ.

        Trong phần đông các nhà, bà con đều tiếp em bằng một vẻ hân hoan, biết ơn. Trong các cuộc đi thăm đó em thường dẫn Sla-va đi theo, trước hết để nó khỏi lê la đường phố, và nhất là để nó giúp em trong việc nhóm lửa. Vì chuyên làm mãi việc sửa sang lò của nhà nên mùa đông ấy, cu cậu đã trở thành một tay chữa lò thực thụ: nó biết cách làm cho củi ướt bén lửa, không khói, cháy đều, và biết thay ông. Nó đem hết cả tâm trí và tính tự phụ vào các công việc đó. Vì trong phần đông các nhà, đều không còn đàn ông, mà bọn đàn bà kia thì còn biết gì đến lò sưởi!

        Sau khi đã đẩy cổng vào - cổng chẳng ai cài nữa - Sô- ni-a và Sla-va qua một hành lang lạnh buốt và một dãy buồng bỏ không trước khi đến cái cửa duy nhất, nơi còn lại ở phía trong một chút hơi ấm và sụ sống. Sô-ni-a khẽ mở cửa, cho Sla-va vào trước và em vào sau.

        Ngồi trên giường, dựa lưng vào tường, moi người âu yếm nhìn hai chị em. Trước chiến tranh, nhiều gia đình đông người ở cái nhà rộng lớn này. Nhưng một số ra mặt trận, một số đã đi được khỏi Lê-nin-grát từ mùa hè, một số ngủ lại chỗ làm việc, một số đã chết, và những người còn lại không kể đến cái hàng rào đời tư nữa, dọn lại ở chung một buồng để chỉ phải đốt một lò sưởi. Họ kiệt dần sức mà khống biết: càng ngày càng ít rời khỏi buồng, càng ngày càng bớt cứ động, thường là nằm, rồi đến không rời cái giường nữa, và từ lâu, chỉ còn liên hệ với bên ngoài qua Sô-ni-a và Sla-va. Cũng có một bà cụ thỉnh thoảng có cô con gái làm ở xưởng đạn đến thăm, nhưng Sô-ni-a và Sla-va vẫn có vẻ thân thích gia đình hơn cả.

        Kiệt sức, nhưng những con người hấp hối đó vẫn say mê nghe ra-đi-ô, vẫn theo dõi sự biến diễn các trận đánh một cách lo lắng, vẫn nghĩ đến người thân ở mặt trận, vẫn giữ được bộ óc và trái tim nguyên vẹn, vẫn là những con người cho đến phút cuối cùng!

        Ai cũng biết Sô-ni-a và Sla-va là cháu một giáo sư vừa chết, mẹ hy sinh, bố ở mặt trận, và nay chỉ còn trơ trọi hai chị em. Các bà già trông thấy là reo lên:

        -  Mấy đứa bé mồ côi của chúng mình đã đến!

        Chúng vào là làm việc ngay - lấy bánh, quẩy nước, đổ rác, quét nhà, nhóm lửa. Lại còn phải đọc thư, - những thư mới tới, nội dung cũng như những thư trước - phải kể lại chuyện con đường làm trên băng, chuyện khẩu phần bánh có thể tăng, chuyện chị phục vụ ở hàng bánh đã ốm, chuyện các người láng giềng ai còn sống, ai đã chết. Chuyện thì không thiếu, vì sự có mặt của Sô-ni-a và Slay-va là một nguồn giải trí cho các bà, họ lại náo nức kể lại những câu chuyện đã kể cho nhau nghe đến nghìn lần. Thời gian trôi qua, nhưng Sô-ni-a không bao giờ đi được hết vòng.

        Càng ngày em càng bận, vì Ang-tô-ni-a vừa giao cho em một việc tối quan trọng là đi tìm các trẻ sơ sinh bị nguy kịch. Trong việc này em có Sla-va giúp thêm.

        Ban chấp hành giao cho Ang-tô-ni-a tổ chức "nhà trẻ sơ sinh" của khu. Vì được ưu tiên nên đã tập trung được một số lương thực dự trữ. Nhưng cũng ít thôi. Thì vừa đúng lúc mà đôi chân phù sũng của Ang-tô-ni-a không còn được việc gì nữa. Mặc áo blu nhà thương, bệt vào cái ghế bành, chị ngồi ngoài cửa, làm thường trực một căn buồng lớn, trong đó đã đặt các nôi trẻ em thành hàng. "Nhà trẻ sơ sinh" chiếm một cản nhà mà người ta đã mất hàng tuần điều đình với lòng quyết tâm vô hạn mới có lửa sưởi ấm được. Giúp đỡ Ang-tô-ni-a có một nữ bác sỹ còn đi lại được và vài người giữ trẻ chọn trong đám các cô đã sửa chữa nhà tắm.

        Sô-ni-a và Sla-va không thể chỉ quanh quẩn trong mấy căn nhà của khu vực mình phụ trách, nơi các em đã thuộc lòng. Phải thăm dò chỗ mới. Cứ mỗi bước là lại đụng phải sự bất ngờ, và phải vận dụng hết tinh thần thận trọng, óc nhận xét và trí sáng kiến.

        Thoạt tiên, Sô-ni-a còn hỏi dò. Em hỏi các người ở số nhà 12 hoặc 14 xem tại sao số nhà 13 cứ đóng cửa mãi...

        Mọi người đã đi từ mùa hè rồi mà... Được, nhưng còn nhà số 17 và 19 ở tầng dưới?... Càng nhiều người nói, càng có nhiều tin tức. Ví dụ người ta biết, chị Kla-va có đứa con đẻ từ tháng tư hồi còn tuyết, nay đã gần mười tháng, và từ mấy ngày nay không thấy người mẹ đâu... Mọi người cố nhớ lại. Họ đặt giả thuyết. Rồi Sô-ni-a và Sla-va đi tìm.

        Sla-va bao giờ cũng vào trước. Nó lao vào những công việc khám phá này một cách hăm hở mà không gì làm sao nhãng được, cửa đóng chăng? Nó thích chui vào nhà bằng chỗ cửa kính vỡ hoặc một lỗ thủng trong tường, nó leo lên tận căn gác xép trên cùng mà thang đã nát, và say mê trong những cuộc suy luận ước đoán thông thái: suy đoán càng hóc hiểm thì nó càng cho là chắc đúng không ai chối cãi được.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #79 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2019, 11:28:29 pm »


        Do việc khám phá ra một đứa trẻ mồ côi mà Sô-ni-a quen Sa-ra-pốp, đồng chí thuỷ quân chuyên làm cái việc quân sự gì bí mật ở trong căn nhà cùng dãy. Với Sla-va thì là chỗ quen biết đã thân rồi.

        Đứa bé được độ một năm. Sô-ni-a và Sla-va tìm thấy nó trong khu phố. Nhưng "Nhà trẻ sơ sinh" còn xa.

        Một kinh nghiệm đau đốn đã dạy cho Sô-ni-a biết thận trọng: đứa bé nhặt được lần trước đã chết trên tay em khi em đem nó đến cho Ang-tô-ni-a.

        Sô-ni-a bảo Sla-va:

        - Hãy đem nó vê nhà chúng mình đã.

        - Đúng rồi, đem về cho nó uống nước nóng.

        Trong sân, hai chị em gặp Sa-ra-pốp. Anh tránh đường, chào hai chị em và tò mò nhìn cái bọc lớn trên tay Sô-ni-a. Sla-va không nhịn được khoe:

        - Chú Sa-ra-pốp ạ, chú xem chúng cháu mang về cái gì này!

        Sô-ni-a hé một góc chăn. Sa-ra-pổp thấy một cái mặt cụ non bé choát, với đôi môi mấp máy.

        Đồng chí rùng mình:

        - Các em vừa tìm được đấy à?

        Sô-ni-a gật.

        - Đem đến "Nhà trẻ sơ sinh" phải không? Nghe nói các em làm việc đó.

        Anh nhìn Sô-ni-a với cái vẻ khâm phục ngượng nghịu. Sla-va khoe:

        - Đứa thứ sáu đấy. Đáng lẽ là thứ bảy, nhưng một đứa bị chết ở dọc đường.

        Sa-ra-pôp nói:

        - Tên nó là gì?

        - Chảng biết là gì cả. Ồ, sẽ đặt cả tên cả họ cho nó. Thoạt đầu đều gọi chúng Lê-nin-grát-ski. Bây giờ không đặt trùng tên thế nữa. Ví dụ thằng này, thì chắc sẽ đặt là Sô-nin, vì chị Sô-ni-a tìm thấy, ở đằng ấy đã có khối Sô-nin rồi.

        - Tại sao các em lại đem nó về nhà?

        - Để cho nó uống.

        - Chúng tôi có một ấm đầy ở chỗ làm việc. Đem nó về nhà đi, tôi sẽ đem nước đến ngay.

        Sô-ni-a cảm thấy đồng chí rất xúc động và điều ấy làm em tự hào. Nói chung, em vẫn tự hào là đồng chí bộ đội ấy coi em như người lớn, gần như có vẻ kính trọng em về cái gì. Và em vui mừng khi thấy một phút sau đồng chí hớt hải vào nhà, tay cầm một cái ấm khổng lồ bốc từng cuộn hơi.

        Lò ở bếp còn ấm. Có thể cởi tã cho đứa trẻ.

        Sô-ni-a bảo Sa-ra-pốp:

        - Chú bế nó, để cháu thay tã.

        Hoảng hốt, Sa-ra-pốp chìa tay cho Sô-ni-a đặt thằng bé vào. Anh chưa từng bế trẻ và anh lo sợ không dám nhúc nhích sợ nó đau. Thằng bé bắt đầu khóc với cái giọng khe khẽ đáng thương, làm cho Sa-ra-pốp cuống lên.

        Sô-ni-a bảo:

        - Chú bế đầu nó cao lên một tí. Cháu đón nó ngay bây giờ.

        Em xé một tấm đệm ra thành từng mảnh nhỏ và giải trên giường. Rồi em đón lấy thằng bé. Nó nín ngay lập tức. Em cởi tã cũ rồi quấn tã mới chặt chẽ. Khi nó đã thành con búp bê con cứng nhắc, thì em ngồi lên giường, đặt nó trên đầu gối và rót nước sôi vào cốc.

        Sa-ra-pốp móc ở túi ca-pốt ra một mẩu bánh đen đưa cho Sô-ni-a và hỏi:

        - Nó có ăn được không em?

        - Để xem.

        Và em dầm mẩu bánh mì vào nước nóng.

        Em thổi thìa cho nguội và đổ vào mồm thằng bé. Sla-va và Sa-ra-pôp mừng rỡ thấy nó nhai một cách ngon lành. Bốn cái răng sữa của nó dụng lách cách vào cái thìa, và nó nuốt cả thìa nước dầm bánh không làm khó dễ gì cả. Nhưng rồi nó hét lên, và bỗng bị co giật.

        Sô-ni-a nói:

        -  Nó bị đau bụng, vì lâu quá không được ăn.

        Sa-ra-pốp thấy Sô-ni-a lo thì hết cả hồn vía. Làm thể nào cho khỏi đau thằng bé? Nó kêu rát thương tâm. Sô-ni- a nâng nó lên, và để sát đầu vào cái thân hình bé nhỏ của mình, em thổi qua tã vào bụng nó. Chả biết là do cách chữa, hay tự nhiên hết đau, nhưng thằng bé bỗng thôi khóc và ngủ.

        Sô-ni-a bọc nó vào chăn và ẵm đến nhà trẻ... Em cần nói chuyện với Ang-tô-ni-a. Những khó khăn mới lại giày vò em: em mới nhận được thư bố, và chưa biết trả lời thế nào?

        Em vừa nhận được một lúc sáu bức thư của bố, viết từ cuối tháng mười một và đầu tháng mười hai sau khi nhận được thư của Sô-ni-a báo tin mẹ chết. Hai thư gửi cho Sô- ni-a, còn những cái khác thì gửi cho ông.

        Ở trong một quân đoàn khá xa Lê-nin-grát, chắc là về mé Vô-rô-ne-giơ, người bố chỉ có một quan niệm mơ hồ về sự đói khổ ở nhà. Đầu óc rối bời vì cái chết của vợ, ông không hiểu tại sao gia đình không rời khởi Lê-nin-grát trong khi quân Đức tiến gần sát thành phố. Cuộc sống của ông có vẻ vất vả lắm, công việc thì rất nhiều, không ngăn được ông day dứt và lo nghĩ ghê gớm về gia đình: mỗi khi có giờ rảnh, là ông lại viết thư. Thư đầy những câu hỏi khó mà trả lời, đầy những lời khuyên không tài nào theo được.

        Ví dụ, ông góp ý là nên bán cái tủ sách để ra ngoại ô mua mấy bao khoai. Hoặc tha thiết dặn tìm đến mấy người bạn đã tản cư từ lâu rồi. Hoặc đề nghị cụ I-li-a đem trẻ đi bất cứ đâu, càng xa mặt trận càng tốt, đồng thời lại lo lạc hẳn mất chúng nếu chúng rời khỏi thành phố. Xem những lời khuyên tỉ mỉ, người ta cảm thấy ông coi bố vợ như một ông già bất lực trước cuộc sống, và coi Sô-ni-a như đứa con nít. Cái cảnh ngộ không sao giúp đỡ được gia đình đã làm cho ông đau đớn không chịu nổi nữa, và Sô-ni-a mỗi lần đọc lại thư, chỉ thương bố mà khóc.

        Em đưa thư cho Ang-tô-ni-a và hỏi chị cách trả lời. Ang-tô-ni-a chăm chú đọc. Nhưng khuyên cái gì được? Nếu cho biết là ông cụ đã chết đói, và hai đứa trẻ bơ vơ trong thành phố cũng đang đói, thì đau đớn cho người bố quá. Hay là không trả lời? Thì lại càng khổ nữa, vì người bố sẽ tưởng là Sla-va và Sô-ni-a cũng đã chết rồi? Hay không cho biết là cụ I-li-a đã chết?

        Sô-ni-a nói:

        - Em không nói dối. Dù sao, bố em cũng sẽ biết cái chết của ông em. Em rất muốn làm cho bố yên lòng. Nhưng làm cách nào?

        Em cau mày nói:

        - Dù sao em cũng không thể viết: "Ông chết rồi, ngoài ra vẫn bình yên". Bố em sẽ cho em là đồ ngốc.

        Em lật đi lật lại trong tay những phong bì nhầu nát đầy những con dấu đóng, và viết bằng một kiểu chữ to lớn không đều của bố.

        Hôm đó là ngày 23 tháng giêng năm 1942. Ngày 24, Sô- ni-a lĩnh ở hàng bánh 250 gam bánh mì chứ không phải là 125 như mọi khi.

        Lúc đầu, em tưởng có sự nhầm lẫn. Nhưng thấy các bộ mặt hớn hở xung quanh, em đoán mà cũng chưa dám tin hẳn:

        - Thật à?

        Cả người bán lẫn người mua1 đều gật.

        H) Mua theo tiêu chuẩn cung cấp hạn chế.

        Đó là kết quả cụ thể đầu tiên của con đường trên hồ La- dô-ga. Khẩu phần còn quá ít ỏi. Tình huống còn nghiêm trọng. Nhưng ai nấy đều thấy một con đường thoát đã mở. Thành phố không còn bị cắt đứt, và bè lũ Hít-le đã thất bại trong kế hoạch của chúng.

        Ngày hôm sau, Ang-tô-ni-a hỏi Sô-ni-a:

        - Em đã viết thư cho bố chưa?

        - Rồi ạ.

        - Em viết gì?

        - Là còn sống và đợi bố.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM