Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 27 Tháng Năm, 2024, 01:45:22 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Khoảng trời Ban-Tích  (Đọc 26125 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2018, 09:59:38 am »

         
CHƯƠNG BA

CĂN NHÀ Ở CÙ LAO VÁT-SI-LI

I

        Sau khi người đàn bà lạ mặt váy dính đất bảo Sô-ni-a là mẹ em đã chết, thì em gái bé có ngay một ý định: Không cho ông biết gì cả. Nếu ông đã không biết gì cả, thì thằng Sla-va cũng không được biết gì nốt. Không ai được biết. Em đi vào nhà với bộ mặt thản nhiên, đặt bàn ăn -  việc hàng ngày của em - và còn tủm tỉm cười khi thấy ông ở bếp ra nhìn mình dò xét. Nhưng đĩa bát đặt xong, em trốn vào buồng mẹ, nơi đã bao năm em ngủ với mẹ. Ngồi trước chiếc bàn nhỏ trên có cái sân khấu múa rối bằng bìa cứng, em khóc. Phải khóc im lặng, và em cố nín thở: mỗi lần thở ra, một tiếng giống như tiếng rít lại bật khỏi miệng.

        - Sô-ni-a, đi ăn cơm! - Ông gọi từ nhà ăn, tiếng mạnh và xẵng. Ông phụ trách việc làm cơm.

        Em chùi nhanh nước mắt và đi ra, mặt tươi cười. Ông đã ngồi vào bàn, đầu nhỏ hất ra đằng sau, dáng quan trọng. Có một lúc, ông nhìn Sô-ni-a bằng đuôi mắt, cái nhìn quá soi mói khiến trong giây phút đó em tưởng là ông đã biết hết rồi. Tuy vậy ông chẳng nói gì. Để tranh thủ thời gian

        và giữ được tư thế vững vàng hơn, em vội vã ra cửa sổ. cúi xuống sân và gọi to từ suốt năm tầng cao xuống:

        - Sla-va, về ăn cơm!

        Từ khi người mẹ đi đào công sự, ông phụ trách làm bếp. Cụ làm cơm cho cả ba, không cho Sô-ni-a đến gần xoong chảo của cụ, cũng nhu trước kia không cho đến gần sách, bản đồ và những vở viết tay của cụ.

        - "Ông là một nhà thám hiểm, mà nhà thám hiểm nào cũng thạo làm bếp!", cụ tuyên bố trước lò bếp, đầu đội mũ giáo sư, áo ngủ màu xanh da trời và giầy vải đỏ. "Mỗi kỳ đi thám hiểm, chính ông phụ trách cơm nước".

        Những món ông làm sẵn cho Sô-ni-a và Sla-va củng đều có kiểu đặc biệt, phát minh riêng của ông, nhưng khoa học quá đỗi đến nỗi khó mà phân biệt được khoai tây với thịt bò, thịt bò với mì ống.

        Cụ I-li-a Mát-ni-kốp dạy về khoa Thủy hệ học. Cụ đã để suốt, đời nghiên cứu sông, hồ; đã thám hiểm khắp nước, mầy mò đến những nơi hẻo lánh nhất. Trước kia, cứ mùa xuân cụ ra đi, đến mùa thu mới trở về. Về già, những cuộc đi như vậy đã quá sức cụ. Cụ đi thưa hơn, và sau cùng không rời khỏi cái bàn làm việc của cụ nữa. Từ năm năm nay, cụ sửa soạn bộ địa chí hồ La-đô-ga. Tác phẩm này hoàn thành sự nghiệp của cụ.

        Ka-tê-ri-na là con gái độc nhất của cụ. Goá vợ từ lâu năm, cụ rất sợ phải xa con, và có một thời gian cụ mang cả con đi thám hiểm. Lấy chồng cách đây mười bẩy năm, Ka- tê-ri-na không dám rời cha, và chồng chị cũng đến ở cái nhà này. Sê-vô-lốt Bi-strop cũng nghiên cứu khoa học nhưng ngành khác: ngôn ngữ học và lịch sử văn hoá Tây Âu. Ra mặt trận từ những ngày đầu chiến tranh anh đi rất xa, đâu quãng U-cơ-ren. Sô-ni-a biết qua thư từ là bố làm một công tác đặc biệt rất cần đến ngoại ngữ. Em viết thư cho bố luôn. Em nhất định báo cho bố biết tin mẹ - không phải ngay bây giờ, nhưng rồi ra một chút, - và em lờ mờ hiểu là không có quyền giấu bố sự thật. Nhưng ông thì nhất định không được biết gì. I-li-a yêu con gái, mẹ Sô-ni-a, với một tình thương khác thường, như ghen cả với kẻ khác. Trước chiến tranh, mỗi khi ở Viện khoa học về, không thấy chị ở nhà là cụ đợi chờ nôn nóng, cứ có tiếng động ở cầu thang là cụ lê đòi giầy vải ra mở cửa. Cụ vẫn tị với con rể, và quan hệ giữa hai người vẫn hơi mát mẻ. Nhưng khi vào đầu tháng tám, Ka-tê-ri-na đi mười ngày công sự thì cụ chịu đựng rất cứng cỏi, chẳng cho ai biết là cụ sốt ruột. Mười ngày qua, mười ngày qua nữa, rồi mười ngày nữa. Cụ đợi chờ, không nói một tiếng. Người ta đã dọn Viện mà cụ làm việc đi cùng với tất cả nhân viên và gia đình họ. Trường của Ka-tê-ri-na cũng dọn đi. Cụ vẫn đợi không nói một tiếng, nhưng cái đầu nhỏ giống như đầu gà sống của cụ cất lên hiên ngang, giọng cụ xẵng hơn, và Sô-ni-a hiểu cái đó có ý nghĩa gì.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2018, 10:00:00 am »


        Trước kia cũng thế, cụ ngẩng cao đầu và nói to với cái giọng như chém xuống khi cụ nói đến đối thủ về khoa học của cụ. Trong ngành cụ, cụ vẫn có đối thủ, trong và ngoài nước. Ngoài nước - ở Đức hay ở Mỹ, - những nhà chuyên môn phân tích phê phán mỗi tác phẩm của cụ. Và khi cụ nói câu chuyện đó ở bàn ăn, với một giọng hài hước không cười, cụ lại ngẩng hiên ngang cái đầu với bộ ria phớt xanh; người ta trông thấy đôi mắt sâu nẩy lửa - cái mắt mà Sô- ni-a kế tự cụ; và tiêng nói cũng lại rít như chém xuống. Như thách với định mệnh, như tuyên bố là con người không bao giờ chịu cúi đầu.

        Khi Sô-ni-a còn bé tí mà có ai hỏi. "Cháu là gì?" thì cm trả lời "Cháu bé của ông". Em giữ cái tên hèm ấy mãi. Đối với người ông nghiêm nghị và đúng mực ấy, em còn thân hơn là đối với bố. Từ khi Ka-tê-ri-na đi công sự, cụ càng gầy đi. Mặt héo đi, mũi dọc dừa dài ra, mắt to lên và sâu vào; cổ thành mỏng không, với những đường gân trồi ra. Sau cái hôm mà em được tin mẹ chết, em gặp ông ở cầu thang. Cũng là lần đầu tiên mà em nhận thấy ông bé nhỏ, hom hem và già. Ông ở thư viện về, nơi mà ông vẫn làm việc mỗi ngày mấy giờ, và ôm dưới tay một chồng sách nặng. Phờ phạc, lút trong cái áo ba-đờ-suy bạc mầu, gõ bực thang bằng đầu cán ô, ông lê bước chân uể oải. Ông bé quá, mỏng manh quá, nhẹ quá, làm Sô-ni-a muốn ôm chầm lấy ông mà cõng ông về. Nhưng trông thấy cháu, cụ lại ngấc đầu một cách trẻ trung và rảo bước, cố đi cho rắn rỏi. Nhưng không đánh lừa được Sô-ni-a nữa! Em tự biết mình bây giờ là chị cả, số phận của ông và của Sla-va trong tay mình, và có nhiệm vụ phải chăm sóc đến hai người.

        Thật là bất ngờ! Mới hôm qua, còn là một em gái bé ở với cha, mẹ, ông là những người lớn tuổi, gì cùng biết và đầy uy quyển, hoạt động trong cái thực tại của người lớn, và căng giữa em với cái thực tại đó một hàng rào che chở khiến em được mặc sức chơi đùa mơ mộng, học hành. Chẳng bao giờ em để ý đến chiến tranh, và em khinh thằng Sla-va vì cái tính thích tầu bay tầu bò của nó. Chẳng bao giờ em nghĩ rằng chiến tranh có thể nổ, và em không hiểu cái ấy nó thế nào.

        Một lúc mà thay đổi hết. Mẹ, mẹ ơi...! Sô-ni-a mở mắt giữa đêm khuya. Có tiếng động bất thường làm em thức giấc. Em ngóc đầu, tìm cái gì đã làm em tỉnh. Bom chăng? Không. Đêm yên tĩnh, và trong bóng tối dày đặc của đêm thu, em chẳng nghe thấy gì. Nhưng em nhớ rất rõ có một tiếng đã đánh thức em. Gì vậy?

        Em nằm trên cái ghế dài nhỏ sát giường mẹ nơi đôi gối làm thành một vệt trắng mát. Vệt đó, trước kia em cũng thấy khi em thức giấc canh khuya. Nhưng, trước kia, em chỉ với tay là đụng mẹ. Nay, mẹ em không còn đó. Mẹ không bao giò còn ở đó. Sô-ni-a ở lại một mình trong đêm mênh mang, trong lạnh lùng sợ hãi.

        Kẻ thù nó giết mẹ đang vây thành phố. Nó ở ngay sát đâu ngoài kia, sau những mái nhà lờ mờ qua những cánh cửa sổ mở ra trong đêm tối. Làm thế nào? Quyết phải ra mặt trận. Em nghĩ nhiều đến việc đó. Mười sáu tuổi, con gái lớn rồi, lớn hơn ông. Em sẽ không sợ, không sợ hơn ở đây. Ở đó, em sẽ có bạn xung quanh. Em đã đọc trong báo "Sự thật Lê-nin-grát" câu chuyện một cô gái thành xạ thủ!... Hay thành cái gì khác cũng được, nhưng làm tròn được bổn phận. Như mẹ chẳng hạn, mẹ chỉ mang một cái xẻng đi đào đất và chúng nó đã giết mẹ... Sô-ni-a không ngủ lại được. Mắt em mở to trong bóng tối và đêm khuya lặng lẽ dầy đặc vây quanh em.

        Em bỗng nghe thấy cái tiếng đã làm em tỉnh giấc. Em nhận ra lập tức. Tiếng động ấy từ phía cuối nhà vọng lại. Sô- ni-a ngồi dậy, lắng tai. Tiếng đứt. Gì vậy? Tiếng người? Tiếng người có cái âm ấy không? Tiếng ấy lại tiếp.

        Chân không, em chạy ra cửa. Chiếc áo ngủ dài trắng của em thoáng một giây trong mặt gương tối. Em ra buồng ăn và dừng lại.

        Sla-va ngủ ở đây. Trật tự đã quy định là mỗi chiểu, đặt cái giường gấp của nó cạnh tủ thức ăn. Ánh sáng mơ hồ của trời đêm chiếu vào mặt nó. Nó nằm ngửa, ngáy khe khẽ, và cái mặt không lo nghĩ, tròn trĩnh với đôi môi dầy hé mở, trong giấc ngủ giống như mặt đứa trẻ sơ sinh. Sô- ni-a tự nhủ rằng từ mai, em sẽ đem nó vào buồng mẹ, để nó ngủ cạnh mình. Đứng cạnh bàn, em lắng tai. Em rùng mình. Em định quay về giường thì lại nghe thấy cái tiếng lạ lùng khi nẫy.

        Đó là một tiếng khóc nấc dữ dội, đứt đoạn, cao, và rất đỗi tuyệt vọng khiến tim em muốn ngừng đập... Tiếng ấy từ buồng ông lại. Khi cao quá, tiếng bỗng tắc, hình như người khóc vùi mặt vào gối. Tất cả lại im lìm nhưng Sô-ni-a đã chạy trong hành lang... Em chưa hề nghe thấy một người đàn ông khóc. Ông biết tin mẹ chết rồi ư? Hay ông đoán?

        - Ông ơi!

        Chẳng nghe thấy gì trong buồng ông. Em dừng trước cửa. Rồi tiếng ông nói to, vẫn tiếng nói cũ nhưng hơi khàn hơn.

        - Tao ho. Đi ngủ đi!

        - Ông ơi, mẹ sẽ về! Cháu nói thật. Cháu biết...

        - Ngủ đi! - Ông tức giận quát.

        - Ông ngủ đi, ông...

        Em mò mẫm trở lại buồng. Trong buồng ăn, em lại dừng cạnh Sla-va. Làm sao mà em ra mặt trận được? Em bỏ hai người cho ai?
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2018, 08:27:59 pm »


II

        Khi quân Đức chuẩn bị tấn công Lê-nin-grát thì thành phố đã là một tòa thành mà mỗi căn nhà là một pháo đài nằm trong một vòng đai rộng, đầy công sự chống xe tăng. Dẫy nhà Sô-ni-a ở cũng là một trong những căn nhà ấy.

        Một sự việc lớn đã xẩy đến trong đời Sô-ni-a vào thời kỳ đó: em yêu - yêu một phụ nữ quãng 38 tuổi, người tầm thước, ăn mặc giản dị, vẻ mặt rất bình thường nhưng lại vô cùng hấp dẫn đối với Sô-ni-a. Người ta gọi chị là Ang- tô-ni-a Trô-phi-mô-ra. Và chính chị đã tham gia nhiều nhất vào việc biến đổi dẫy nhà thành pháo đài.

        Trước chiến tranh, Sô-ni-a đã gặp chị trong sân. Ang- tô-ni-a hút thứ thuốc lá nhẹ, nhỏ. Chị mặc một cái áo chẽn cũ, duyên dáng thoải mái, dáng đi nhẹ nhàng uyển chuyển, tiếng nói ấm và dịu.

        Tiếng đó, Sô-ni-a nghe thấy lần thứ nhất vào đầu tháng tám ở trong sân, khi một thằng nhãi, bạn Sla-va, lao một củ khoai vào Ang-tô-ni-a. Viên đạn sạt vào váy chị trước khi võ trên vỉa hè. Thằng nhãi trốn tức khắc. Khi chị quay lại, Ang-tô-ni-a chỉ trông thấy Sla-va. Chị nhìn nó chằm chằm bằng con mắt chế nhạo cau đôi mày vàng hoe một cách nghiêm nghị mà hỏi:

        - Tại sao lại làm thế? Chú bé?

        Sla-va không nói không rằng và nhếch mép cười một cách ngớ ngẩn. Sô-ni-a đợi Ang-tô-ni-a đã khuất sau cổng mới cho cậu em một trận:

        - Đồ ba láp!

        - Không phải em. - Sla-va cãi.

        Một bà già đã chứng kiến cả tấn kịch qua cửa sổ nhà dưới, hỏi bà giữ cổng đi qua:

        - Cái chị đó là ai?

        - Nhà 16.

        - Có chồng chưa?

        - Chồng ở mặt trận.

        - Thế con?

        - Tản cư rồi. Bây giờ chỉ một mình.

        - Chị ta làm việc à?

        - Trước cơ. Ở xương dệt.

        - Các chị thợ đều đi cả mà.

        - Chị này ở lại.

        - Để làm gì?

        - Tôi không biết. - Bà giữ cửa trả lời, tỏ vẻ coi thường.

        Một tháng sau, bà già, bà giữ cửa và các phụ nữ khác ở dẫy nhà, lắng nghe Ang-tô-ni-a, vẻ kính trọng. Chẳng ai chỉ định hay bầu chị. Tự chị đứng ra chỉ huy, và mọi người đều sẵn sàng nghe chị, vì dù sao cũng phải có một người đứng ra chỉ huy.

        Chị bắt đầu bằng việc làm hầm trú ẩn. Tuy đã có một cái rồi nhưng nó nhỏ xíu, ẩm thấp, tối mò. Trận ném bom đầu tiên, người chất đông ở đó đến nỗi chỉ có thể đứng. Chị bảo phải mở rộng nó ra vì dãy nhà này là dãy nhà quan trọng độc nhất trong khu phố và hầm của nó có thể chứa 2000 người. Sô-ni-a tham gia thám hiểm các hầm lần đầu tiên do Ang-tô-ni-a dẫn đầu. Sô-ni-a chưa bao giờ ngờ là dưới nhà lại có cả một khu vực rộng đến thế, tối đến thế, huyền bí đến thế - một dẫy ngang dọc rối loạn những hành lang mái vòm, ở đó những ống lầy nhầy giao nhau vô số vũng nước đọng hôi thôi lộn mửa như không có đáy. Đi trên những tấm ván trơn tuột, Ang-tô-ni-a vượt qua những vũng sâu đen ngòm với bước chân nhẹ nhõm, tay giơ ngọn nến. Theo sau chị, chừng hai mươi phụ nữ rón bước thận trọng và im lặng, như bị bóng tối âm u của cái hầm khổng lồ đè trĩu xuống. Người đàn ông duy nhất trong đám giúp việc, ông giữ cửa A-bra-ham, một ông già Tác-ta vóc cao lớn mặt buồn và trang nghiêm, thuộc lòng cái hầm này. Nhưng Ang-tô-ni-a không cần người đưa đường. Tuy đến đó lần đầu, chị lại chính là người đưa đường cho người khác. Lỡ bước trượt, và sa chân xuống nước, chị điềm nhiên rút giầy ra, dốc bỏ bùn, xỏ giầy lại và lại đi tiên phong, vừa đi vừa cắt nghĩa: rồi đây sẽ tạo thành một cái hầm trú ẩn huy hoàng như thế nào? Chị nói:

        - Ở đây chúng ta sẽ đóng nhũng ván ghép, và sẽ đặt điện để nhân dân có thể ngủ, hôm sau đi làm cho khoan khoái. Trong phố ta, phần đông là thợ, ai cũng như tôi đều biết hiện nay, thợ còn phải làm gì ban ngày... Ta sẽ mắc điện, làm sàn, bơm nước đi, đem lò tôn lại để hơ khô tường, và mắc máy phóng thanh để nghe hiệu hết báo động.

        Người ta khó tin là kế hoạch có thể thực hiện được: hầm lớn quá, âm u quá, ẩm ướt quá. Nhưng chẳng ai phản đối. Mọi người đều im lặng. Chị còn nói: "Ông A-bra-ham ạ, ông có cái bơm phải không? Ông để vào trong sân nhé. Điện thì ta đi quyên ở mỗi nhà. Chắc các cô đều có thừa chứ?" Chẳng ai từ chối, chẳng ai tranh cãi.

        Ngay hôm đó, hai bơm ghép một. Và nhiều người xung phong bơm quá đến nỗi cả hai bơm kèn kẹt không nghỉ bốn tám giờ liền, đổ đi từng bể nước. Sô-ni-a cũng bơm, nhưng chưa đủ thích thì đã bị gạt ra khỏi tay bơm dể đến lượt người khác. Bọn nhãi là hăng nhất: chúng ở hàng giờ trong sân để đợi được bơm năm phút. Cái thằng mà trước đã ném khoai vào Ang-tô-ni-a thì lo nịnh chị để chị cho vào bơm, vì chị cũng cắt đặt lượt công tác cho mọi người.

        Bọn thiếu niên 15 tuổi tỏ ra là những tay mắc điện và ra-đi-ô cừ nhất. Người ta lót ván xuống đất, làm ván ghép, vác lò sưởi đến - tất cả đều thực hiện được như Ang-tô-ni- a đã nói trước.

        - Chị ta là đảng viên! - Bây giờ thì bà giữ cửa nói có vẻ tán thành, khi Ang-tô-ni-a đi qua sân.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2018, 07:50:16 am »


        Dưới sự hướng dẫn của chị, người ta bầy bàn đánh bài và đánh cờ. Trên tường đóng một mảnh gỗ để hàng ngày treo báo Sự thật Lê-nin-grát. Ngay đêm báo động đầu tiên, toàn dân khu phố tập họp ở đó. Gần tường hơi lạnh, nhưng đã có các lò tôn nhỏ bé tỏa hơi nóng. Các bà mẹ và con nít đóng đô trên ván ghép. Bọn trẻ không rời các bàn đánh bài. Tiếng gầm của cao xạ chỉ còn nghe thấy nhẹ, và thế cũng đã yên trí lắm rồi. Mỗi người cảm thấy trên vòm trần thấp là cả khôi dầy năm tầng nhà, và tin tưởng. Bom nổ cũng không rung không khí. Báo động suốt đêm. Mãi 5 giờ sáng mới kẻng hết. Nhưng nhiều người ngủ ấm, muốn ở lại trong hầm.

        Từ đó hầm thành nơi đỏng nhất của khu phố. Ngay lúc thường, không có báo động, cũng một lô người chen nhau, nhất là ở cái góc mà Ang-tô-ni-a đặt bàn làm việc và trụ sở bộ tham mưu của chị. Ngồi dưới ánh đèn một trăm oát, trước một máy điện thoại, xung quanh là biểu ngữ, chị phân phối công tác và ra lệnh. Chị có hàng núi công việc và nhiệm vụ. Riêng việc phân công tác đã đòi hỏi phải bàn cãi không cùng, phải phối hợp, phải thương lượng, vì có gác đêm, gác ngày, gác trên mái, gác ngoài cổng, gác ở các cửa. Trong một dãy nhà lớn và đông người như vậy, chỉ một việc che đèn phòng thủ cũng đã phải lo nghĩ tới khá nhiều.

        - Cô em, ra xem ở tầng hai, cầu thang 4: cửa sổ thấy sáng.

        - Thế nào, cô em, định để nhà làm mồi cho bọn Đức phải không? Cửa sổ ba nhà cô bong hết giấy che.

        - Ông A-bra-ham, ông đi ngay đến số 11 và xô cưa mà vào. Họ đi mà quên tắt đèn, cửa sổ lại không có rèm, mà trời tôi rồi.

        Và còn bao rắc rối trong việc gửi các nạn nhân vào những nhà vắng chủ! Công việc càng phức tạp và càng phải suy nghĩ vì làm không được sẽ để thiệt thòi đến quyền lợi những người bị động viên. Ang-tô-ni-a còn phải lo không để đụng chạm đến của cải những người tản cư. Chị có vẻ lo nghĩ nhiều, nhưng hình như chú ý đến những người còn ở lại hơn.

        - Ở đây là mặt trận. - Chị nhắc lại nghiêm nghị. Và các phụ nữ nghe chị nói lấy làm tự hào rằng mình đã không đi, dù chỉ là vì đi không kịp.

        Ngồi trong hầm, Sô-ni-a nhìn chị Ang-tô-ni-a bằng con mắt trìu mến, và mơ ước rằng chị sẽ giao cho mình việc sắp tới. Tính rụt rè làm em không dám hỏi việc, cũng chẳng dám gợi chuyện; và người ta chỉ giao cho em những việc không đâu: như chạy ra đâu đó, giao cái này nọ cho người kia. Em làm việc sốt sắng cho đến sau cùng Ang-tô- ni-a đi kiểm tra các thùng cát đặt trong các vựa ở mỗi đầu thang, và cho Sô-ni-a đi theo.

        Những thùng cát đó dự trù cho việc dập bom cháy. Đầu tiên người ta tôn trọng chúng như một dụng cụ chiến tranh hơi huyền bí. Nhưng dần dần, quen quá đến nỗi vứt cả mọi thứ vào đó - đầu mẩu thuốc lá, rác rưởi. Kỷ luật lỏng dần và Ang-tô-ni-a quyết định để mắt vào đó.

        - Em là cháu giáo sư Mét-ni-kốp phải không? - Chị hỏi Sô-ni-a khi hai người trèo lên tầng 5 lần thứ tư.

        - Vâng. - Sô-ni-a trả lời, và em lấy làm hãnh diện khi nhận thấy từ câu nói của chị Ang-tô-ni-a một vẻ tôn trọng rõ rệt đối với người ông giáo sư.

        - Sao ông em không xuống hầm? Nhà em ở tầng 5 phải không?

        - Ông em không sợ. Cứ nói là lần sau xuống, còn lần này thì nhất định bọn Đức ném không trúng!

        - Thế là ông sai.

        Sô-ni-a lặng yên.

        - Học lớp mấy, cô em? - Ang-tô-ni-a hỏi khi hai người đến đầu thang sau.

        - Em lên lớp 9. - Sô-ni-a nói và lại càng hãnh diện với sự chú ý đó. - Nhưng trường em đã dọn đi.

        - Em là đoàn viên?

        - Em vào Công-sô-môn mùa xuân vừa qua...

        Ang-tô-ni-a leo thang nhẹ nhàng và không quay đầu lại. Sô-ni-a kính cẩn theo sau.

        - Chị sẽ giới thiệu em với những đoàn viên Công-sô- môn của chị. Chị có những em gái khá lắm.

        Sau bữa nói chuyện ấy, Sô-ni-a thành một tuỳ tòng riêng của Ang-tô-ni-a, một liên lạc. Em biết tất cả các cầu thang, tất cả các buồng, tất cả các xó xỉnh của dãy nhà, vựa trên cũng như hầm dưới, và em đi lại trên mái cũng nhiều như trong sân.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2018, 07:50:39 am »


        Đi trên mái, lúc đầu em thấy rất lúng túng: mái tôn cứ mỗi bước lại kêu như quỷ, chân thì tuột dốc, cái vực 5 tầng rình dưới kia. sức ép bật ra giật lại của gió từ vịnh thổi vào cũng muôn lật ngã, và sức nặng của chiếc mặt nạ chống độc cứ muốn lôi mình xuống. Ang-tô-ni-a đi đâu, cũng không rời cái dụng cụ này, và bắt Sô-ni-a đeo, nó rất vướng khi đi lại, nhưng có dáng nhà binh nên Sô-ni-a cũng thích. Sô-ni-a sợ nhất khi Sla-va đi theo, có lẽ chính vì thằng ranh chẳng biết sợ cái gì cả. Nó chạy như thằng rồ, làm tôn kêu ioảng xoảng, cốt để nạt chị. Đi thì tít ngoài mép, lại nhìn xuống, và còn ngồi chân bỏ thõng, ông máng kẹp giữa hai đầu gối. Sô-ni-a khiếp đảm kêu lên thì nó còn giơ hai tay để cho biết là nó không bám vào cái gì hết!

        Với thời gian, cái sợ khoảng sân hút đã mất, rồi Sô-ni-a không hiểu tại sao trước lại sợ đến như thế. Bây giờ, mái nhà cũng vững như dưới sân, và em thích lên mái, vì từ trên đó, khám phá ra cả một thế giới.

        Mây lướt trên cao; thành phố bị vây rộng mênh mang dưới chân, ngang dọc những phố và sông. Sô-ni-a ưa tìm những chỗ quen thuộc. Một xe điện bò trên cầu gỗ ở gần Ngân hàng. Sau cầu, là đống nhà khu phố Pê-trô-gờ-rát, những thớ núi nhô ra như cái bướu và những cây trụi lá vườn Bách thú. Mé dưới, nằm dài mái trường Đại học. Sau đó một khúc nhỏ sông Nê-va. Bờ bên kia, là Dinh thủy sư Đô đốc, Xanh-i-da-ắc, vòm tròn và thấp của nhà thờ Ka- dăng, rồi ở khắp nơi, một rừng mái nhà xa tít đến chân trời. Ngoài kia nữa, không nom thấy, là quân địch đang vây thành phố.

        Có hiệu báo động, Sô-ni-a chạy lên mái, ở chỗ hiểm nghèo nhất cũng vinh quang nhất. Em thuộc một đội nhỏ gồm những tay can đảm mà Ang-tô-ni-a lựa chọn để dập bom cháy. Địch thường vẫn thả bom cháy ở nhiều chỗ trong thành phố. Có vô số chuyện về cách phá bom. Sla-va sốt ruột mong bom, vì cu cậu nóng muốn trổ tài. Nhưng quân địch lại không kể đến nguyện vọng của cu cậu.

        Ở trên mái, như ở ghế xem hát hàng đầu. Cao xạ báo máy bay địch gần đến: thoạt tiên thấy đạn nổ, rồi máy bay oanh tạc, sắp hàng đen trũi bay đến, biến vào mây rồi

        khoảnh khắc sau lại chui ra. Dần dần chúng mất thẳng hàng. Cao xạ cản chúng mạnh. Chúng tản mát trên thành phố. Cao xạ khác lại bắn. Chỗ nào cũng có. Khi một cái máy bay bay qua nhà, tim muốn ngừng đập, đầu tự nhiên rụt vào vai, và phải nấp sau cái cửa sổ tròn ở hồi nhà vì mảnh đạn rơi xuống như mưa đá. Nhưng cũng không phải vội lắm: mảnh đạn rơi chậm và khi nó rơi đến nóc nhà thì máy bay đã xa. Lại có thể ra trông máy bay bổ nhào và đoán xem nó ném đâu: khu phố Pê-trô-gờ-rát, nhà ga Ban-tích, cảng vịnh, nhà máy, hay các tầu bỏ neo trên sông Nê-va? Sô-ni-a nằm sấp xuống mái tôn để tránh hơi bom: khi một quả bom nổ, thân nhà rung rõ rệt. Nhiều lần em thấy cao xạ hạ một oanh tạc cơ. Nó bốc cháy và lộn như chong chóng. Sung sướng em nhẩy lên reo, và tụt thang xuống báo tin cho nhân dân trong hầm.

        Cũng có khi đêm em phải lên mái. Bóng tối bí mật và nham hiểm bao trùm thành phố, nhưng trên trời lấp lánh ánh lửa. Luồng sáng xanh của các đèn chiếu giao nhau như hai lưỡi kiếm. Qua ánh sáng xanh đó những ngôi sao bao vây lấy thành phố hất lên tròi ánh sáng cháy.

        Cuộc tấn công Lê-nin-grát tiếp tục. Tiếng ầm ầm không ngớt của trận đánh vọng đến mãi trung tâm thành phố như biển gầm. Hình như ở đâu ngoài kia, đằng sau khối nhà ủ bóng tối, những đợt sóng khổng lồ xô đập vào những tảng đá khổng lồ. Như mọi người khác, Sô-ni-a đã từ lâu biết phân biệt tiếng đạn đi và tiếng đạn đến, pháo ta và pháo địch. Đêm đêm, người ta nghe rất rõ tiếng gầm mãnh liệt của những khẩu lớn của hạm đội làm rung chuyển không khí. Thoảng đôi lúc mà đại bác ngừng một chút, gió mang tiếp lốp đốp súng liên thanh.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2018, 07:58:26 am »


CHƯƠNG BỐN

THU

I

        Suốt đầu tháng chín, bọn Đức, sau khi chiếm Gát-si-na đổ xô về phía biển, về bờ nam vũng Mác-ki, và sau cùng từ đó, chúng đổ về dải đất hẹp giữa Pê-tê-rốp và ngoại ô tây nam Lê-nin-grát. Chưa ở chỗ nào chúng tiến được tới gần thành phố bị bao vây như vậy. Chiếm xong Stren-na và Li-gô-rô mà từ lâu vẫn coi như liền khoảnh với thành phố, chúng bị chặn lại trước những bức tường của xưởng chế tạo máy chữ tiền dồn Lê-nin-grát. Chưa ở chỗ nào, thế đứng của chúng lại bị đe doạ như ở đây nơi chúng hoàn toàn thành hình một mũi tên: O-ra-ni-en- bôm, phía tây Pê-tê-rốp vẫn trong tay ta, và xa hơn, phía tây O-ra-ni-en-bôm, một dải bờ biển chừng mười hai cây số vẫn vững - Bon-sai-a và Mai-lai-a I-jo-ra, Lê-bi-a-ji-ê, Go-ía-van-đai - vì địch không vượt qua nổi hàng rào chắn mãnh liệt của các pháo đài nam Cơ-rông-stát. Cái mà người ta gọi là "đai vây Lê-nin-grát" bây giờ giờ gồm hai đoạn không dính nhau bằng đất liền. Đoạn một bao Lê- nin-grát và chỗ thắt cổ bồng của eo Ca-rê-li. Đoạn hai gồm một phần bờ biển nam vịnh Phần Lan, từ O-ra-ni-en-bôm đến cửa sông Vô-rông-ka. Tụi Đức đâm một mũi giữa hai đoạn đó, cả tháng chín, lao về phía thành phố, tập trung ở đó từng đống đại bác, xe tăng, máy bay.

        Mỗi ngày bao nhiêu lần, chúng tung vào thành phố và Hạm đội từng bầy oanh tạc; chặn chúng, là những cụm nhỏ khu trục Xô Viết cất cánh từ các sân bay đặt quanh thành phố và ngay cả trong thành phố, khu trục của quân đoàn Lê- nin-grát và của hải quân, dưới sự chỉ huy chung, chiến đấu trong một kế hoạch chung, và phối hợp tuyệt đối chặt chẽ. Để đối phó với cái ưu thế về số lượng của máy bay Đức, sự phối hợp thường xuyên của mọi đơn vị là tối cần thiết.

        Nửa tá 1-16 của Rát-sô-khin ra trận bốn, năm, sáu, bảy lần một ngày, tấn công bọn "Lớp-táp" không kể chúng nhiều ít.

        Giữa những trận ném bom lớn đông đặc máy bay, thì những cụm nhỏ máy bay địch hoạt động gần như không ngừng: một máy bay thám thính cao tít trên Cơ-rông-stát, chỉ nhìn thây vệt trắng khói của nó; một máy bay chỉ điểm pháo bay là là sát trận địa tiền duyên. Một oanh tạc lách khéo giữa mây để ném bom lấy được một mục tiêu quan trọng; những Mét-séc-mít muốn buộc phi đội của Rát-sô- khin phải giao chiến... Vì sáu máy bay không thể bay mãi không đỗ, nên trong những ngày tương đối êm, chỉ tuần tiễu hai cái một. Người ta đã dựng trên đường vòng của sân bay một chiếc lều nhỏ bằng cành tùng để các phi công tạm trú khi đợi lượt bay. Lu-nin vẫn có Sê-rốp đi theo.

        Anh hạ chiếc máy bay đầu tiên ngày 10 tháng 9. Họ bay trên biển về Pê-tê-rốp. Ngoài kia, tất cả bốc cháy. Không thể nhìn thấy gì qua lớp khói mịt mùng không một ngọn gió lay dộng trong không khi ẩm ướt. Men theo cái khu vực mù mịt ấy, họ trông thấy đằng xa một Mét-séc-mít - 110 đang là thấp trên trận tuyết, chốc chốc lại biến vào trong khói. Để nó không trốn được, Lu-nin cũng chui vào khói và săn mò. Chỉ trông thấy những chấm lửa mầu máu đỉa chập chờn ở phía dưới và qua sương mù, vành đỏ mặt trời ở phía trên. Lu-nin không thấy Sê-rôp nữa, không biết là Sê-rốp vẫn theo. Họ đột nhiên ra khỏi khói, đâm vào giữa chiếc máy bay Đức.

        Lu-nin lia một băng ngắn, và ngoặt: từ chiếc máy bay Đức, chúng đã nhìn thấy họ một khoảnh khắc trước, và liên thanh chúng nhả đạn, Mét-séc-mít hai chỗ ngồi khó đánh, vì nó có thể bắn cả đằng sau đằng trước. Khi lượn, Lu-nin thấy Sê-rốp cũng lia một băng, và khẩu liên thanh phía đuôi của máy bay Đức im bặt: tên điều khiển súng máy kiêm ra-đi-ô chắc đã trúng đạn.

        Lu-nin bám vào đuôi địch. Bây giò phải bắn, bắn cho đến khi nó rụng. Chiếc Mét-séc-mít trốn vào trong màn khói. Nhưng Lu-nin bám nó rất sát không rời mắt. Khi ra khỏi màn khói, anh thấy dưới đất những xe tăng xám chữ thập đen. Anh nghĩ bụng: "Mình hạ nó ngay dưới mũi chúng. Cho chúng xem luôn thể". Anh bay như muốn chạm vào máy bay địch, bám sát từng động tác của nó và bắn không ngừng. Máy bay Đức chúi mũi, rụng như chiếc lá khô, cắm như cái cột cách bãi xe tăng vài trăm thước, và tức khắc biến thành một cột khói đen.

        Từ dưới, chúng bắn lên Lu-nin. Trước khi đi, anh lượn một vòng trên cái máy bay bị hạ. Vậy là hết sức thừa, không bao giờ anh còn làm như thế nữa.

        Ngày hôm sau, trời khô buồn, với những đám mây nằm một cách kỳ lạ, từng lớp từng lớp chồng lên nhau. Mỗi lớp có mầu sác riêng, và di dộng với một tốc độ khác nhau. Khoảng giữa các lớp tràn đầy một làn ánh sáng mờ mờ và nhấp nháy. Mây xếp thành những hành lang dầy mà ở đó, từng chục oanh tạc có thể bay lẩn, từ trên không hay từ dưới đất đều không trông thấy được. Lu-nin và Sê-rôp bay lên bay xuống từ tầng này qua tầng khác, đế dò xét.

        Trên và dưới họ, mây trôi từng cuộn. Hai chiếc máy bay chọc thủng lớp trên: lại mây trên mây dưới. Họ lên nữa, chọc thủng lớp trên nữa: cảnh vật không thay đổi. Rồi chỉ còn lớp cuối cùng, vì đã trông thấy mặt trời: khoảng không xung quanh gợi tới hình ảnh một cái động khổng lồ ở đáy biển, ánh mặt trời xuyên qua nước tới. Trong cái dộng ấy họ trông thấy thẳng trước mặt một gioong-ke lẻ loi, lờ mờ in cái bóng kếch sù trên đám mây bay phía dưới.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 19 Tháng Mười Hai, 2018, 10:43:21 am »


        Lu-nin và Sê-rôp cùng nhả đạn một lúc. Chiếc gioong- ke lập tức lẩn vào trong các cột hơi và biến mất. Họ cũng lao vào, xuyên qua mây và xuống tầng thứ hai trước địch. Chiếc gioong-ke chui ra trên đầu họ, ngay trong ống kính. Họ chỉ vừa kịp lia một băng ngán. Địch lại đảo lên và biến. Họ lao đuổi theo, lần này không vượt được nó. Một khoảnh khắc, họ trông thấy nó đang lên mãi. Họ rượt hết ga, vượt qua lớp cuối cùng và thấy mặt trời chiếu rực bầu trời trong, trên vô số hình đồi, hình lũng của những đám mây.

        Họ ở đúng giữa mặt trời và chiếc gioong-ke. Nó bắn vu vơ vì bị chói nắng. Lu-nin và Sê-rốp lia mấy băng ngay đầu tầm súng. Chiếc cánh quạt bên phải ngừng lại. Trúng đạn, nó bổ nhào vào mây.

        Bây giờ vượt nó không khó gì: nó đã chậm và khó xoay xở. Nó vẫn xuống từ lớp mây này qua lớp khác, và mỗi lần, Lu-nin và Sê-rốp đợi nó ở chỗ trống để bắn cho đến khi nó biến trong lớp mây dưới. Nó bốc cháy, nhưng cánh quạt trái vẫn quay.

        Họ chọc qua lớp cuối cùng và trông thấy biển ngay trước mắt, nhưng không thấy chiếc gioong-ke. Lu-nin lượn một vòng để dễ tìm và thình lình thất một cột nước vọt lên. Mặt biển khép lại trên chiếc máy bay Đức.

        Hai máy bay hạ được, đã làm cho Lu-nin cảm thấy mình có thể bằng hàng với các bạn anh. Sau 15 ngày ở phi đội, 15 ngày đầy sự việc như dài hàng mấy tháng, anh không còn tự cảm thấy mình là một người khờ khạo, vả lại, mọi người đã quen anh: họ coi anh như một người cũ.

        Một hôm, toàn phi đội suýt bị tiêu diệt.

        Trạm quan sát báo tin một đoàn gioong-ke từ phía nam tiến về phía biển, Rát-sô-khin cho cất cánh sáu chiếc máy bay của anh. Gioong-ke ở rất xa và không quá mười cái. Trông thấy khu trục, chúng rẽ ngang và biến mất. Rát-sô- khin đã ngoặt trở về trường bay thì đột nhiên, ở rất cao, anh trông thấy hai mươi Mét-séc-mít 109.

        Với bộ máy làm lạnh bằng không khí, và cái thân cộc của nó, 1-16 dễ điểu khiển hơn Mét-séc-mít. Nhưng Mét- séc-mít nhanh hơn và cái đó giúp nó tránh giao chiến nếu nó không muốn. Nhưng 20 chọi với 6, thì như ăn sẵn nên chúng tấn liền.

        Rát-sô-khin tập hợp các máy bay của anh thành hình vòng tròn. Lu-nin tán thành thế trận đó: người này che đuôi cho người khác, Sê-rốp che Lu-nin, Lu-nin che Sê- pen-kin, Sê-pen-kin che Ka-ban-kốp, Ka-ban-kốp che Bê- sây-tốp, Bê-sây-tốp che Rát-sô-khin và Rát-sô-khin che Sê-rốp. Thành một vòng tròn trong đó ai nấy đều phải tuyệt đôi giữ đúng khoảng cách.

        Lũ khu trục Đức, cũng làm thành một vòng tròn - một vòng tròn rộng hơn nhiêu và bay ngược chiều với phi đội Rát-sô-khin. Lu-nin không hiểu tụi Đức định làm gì với cái trò diễu vòng đôi ấy, và anh lo lắng. Mét-séc-mít diễu trước anh như các toa tầu một chuyên xe lửa. Anh đếm: có 18. Đáng lý phải 20... còn hai chiếc nữa đâu?

        Anh ngẩng đầu lên và thấy chúng lượn vòng tít trên cao. Chúng bất thình lình tản ra và bổ thẳng xuống Ka- ban-kốp và Sê-pen-kin. Thấy chúng đến gần Ka-ban-kốp và Sê-pen-kin chĩa mũi hai chiếc 1-16 lên và nhả đạn. Bê-sây-tôp mất che đằng đuôi. Bôn chiếc Mét-séc-mít tách ra để đánh. Tụi còn lại xông vào Sê-pen-kin và Ka- ban-kốp.

        Lu-nin thấy Bê-sây-tốp quay lại nhìn hướng đạn. Nếu lái sang bên, anh ấy có thể chống lại. Nhưng như vậy thì Rát-sô-khin sẽ bị hở. Bê-sây-tốp chịu để mình bị bắn không xoay hướng.

        Lu-nin ở bên kia vòng, bay ngược lại. Anh ngoắt gọn, bắn vào sườn mấy cái Mét-séc-mít đang rượt Bê-sây-tốp làm chúng phải tản ra, và anh bám vào đuôi Bê-sây-tốp, nối liền vòng lại.

        Nhưng vòng nhỏ lại vì chỉ còn bốn: Rát-sô-khin, Bê-sây- tôp, Lu-nin, Sê-rôp. Mất hút Ka-ban-kốp và Sê-pen-kin, Lu-nin  bắt đầu tìm họ. Họ bị hạ rồi chăng? Bỗng anh thấy họ ngay gần, đang lượn vòng, người nọ che đuôi cho người kia. Một bầy Mét-séc-mít bâu lấy họ từ khắp phía, như bầy cá sán vào con sâu. Ka-ban-kôp và Sê-pen-kin tuy vậy không ngừng quay tròn và sát gần lại phi đội. Một lúc, Ka-ban-kôp đâm xuống, lao dưới các Mét-séc-mít và lại chúc lên về phía máy bay của Lu-nin. Sê-pen-kin lắp đúng động tác từng điểm. Lu-nin khẽ né ra và đổ họ về chỗ cũ. Vòng tròn lại khép lại.

        Tụi Đức cũng làm như vậy, và hai vòng tròn song song lại quay. Sẽ kết liễu cách nào đây? Lu-nin nhìn kim chỉ xăng: chỉ còn 20 phút. Rồi sau ra sao? Mà chúng nó có để yên cho 20 phút đó không? Mười tám Mét-séc-mít theo đuôi nhau. Và hai cái khác đâu? Chúng lấp lánh trên cao, trong ánh nắng, sẵn sàng bổ xuống.

        Lần này, chúng bố vào Lu-hin và Sê-rốp. Lu-nin chịu đựng cú đánh, không nhích hướng. Dù sao đi nữa, phải giữ được đội hình. Đạn đập vào cánh. Máy bay rùng mình, lảo đảo; Lu-nin quay lại và thấy Sê-rốp vẫn theo sau. Vòng còn nguyên. Nhưng hai chiếc Mét-séc-mít bổ nhào lại ngóc lên, chúng lại bổ xuống. Cuối cùng tất chúng sẽ hạ được một người nào đó, bẻ gẫy vòng, và thế là hết.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 20 Tháng Mười Hai, 2018, 09:43:36 am »


        Nhìn thấy lần lượt Cơ-rông-stát, Pê-tê-rốp, cái cần trục khổng lồ ở Công trường Bắc trước cửa sông Nê-va, dải lưỡi cáo, rồi lại Cơ-rông-stát, Pê-tê-rôp, cái cần trục mà đằng sau lấp loáng mái nhà, và dải lưỡi cáo. Mất năm phút xăng rồi. Hai cái máy bay địch, từ trên kia lại bổ nhào. Lần này chúng tấn công Bê-sây-tổp. Bê-sây-tốp che cho Rát-sô-khin; anh không nhúc nhích, anh không tránh. Máy bay anh chắc bị đạn: anh chúi xuống, lảo đảo. Nhưng người phi công đó chồi lên lập tức và lại vào chỗ, đằng sau đại úy. Hai cái Mét-séc- mít lại ngóc lên và đánh nữa. Cái vòng tròn đôi quay đều như máy. Một vòng... Hai vòng... Ba vòng. Mười hai phút ét xàng nữa, và là kết liễu... Kết liễu có lẽ sớm hơn... không còn lôi thoát... Có đúng không còn lối thoát nào không?

        Thì lúc đó Mét-séc-mít biến, cả hai mươi cái lùi về phía nam và tan trong không trung. Không dám tin là thật, tự hỏi cú đánh sau của chúng từ mé nào đến, Lu-nin tiếp tục theo sau máy bay của Sê-pen-kin.

        Rồi anh nhìn thây tám khu trục Xô Viết từ đông tới. Và anh hiểu.

        Đó là các bạn hàng xóm, máy bay của Lục quân đến viện trợ. Nhìn thấy họ, bọn Đức thấy chuồn là tốt hơn.

        Xuống máy bay, Lu-nin còn thấy các cây tùng quay mãi. Anh không thể ngờ anh còn sống và các bạn anh còn nguyên lành.

        Mọi người chắc cũng cùng một cảm giác đó, vì họ đạp trên cỏ với một bước chân không vững vàng, chẳng nói chẳng rằng. Bê-sây-tốp và Sê-pen-kin mặt hốc đi, da muốn sạm lại. Dưới đôi mày hung hung, đôi mắt nhỏ của Rát-sô-khin tối rầm.

        - Oai thật! - Sê-pen-kin nói, vừa phấn khởi vừa bối rối.

        Rát-sô-khin nổi khùng:

        - Đồng chí thấy cái gì oai? Là bọn Đức bắn kém? Hay là người ta cứu mình? Chúng ta có quyển đợi cầu cứu à? Chỉ hai phút nữa thì chúng ta bị quét sạch tuốt!

        Mặt đỏ bừng Sê-pen-kin đứng trước Rát-sô-khin, mắt nhìn xuống đất, cố đoán xem có phải đại úy cáu với mình không.

        - Cái lối đội hình vòng tròn, là không còn ra thoát được, - Rát-sô-khin nói. Té ra anh nổi khùng với bản thân anh. -  Chỉ có một lôi tự vệ đáng kể: là tấn công!

        Chẳng ai đả động đến cái vòng địa ngục ấy nữa. Nhưng Lu-nin cảm thấy nó gắn chặt mọi người lại, không lời, vì cái lý đơn giản là mỗi người đã nhiều lần cứu sống người khác. Rát-sô-khin có thể lớn tiếng tự nhận sự sai lầm của mình, mà chỉ do tình cờ đã cứu ra khỏi tan vỡ cuối cùng, nhưng sai lầm đó không làm giảm lòng tin tướng của anh em, cũng như tính cáu kỉnh châm biếm của anh không thể làm giảm tình thương mến đối với anh.

        Lu-nin vẫn đi đôi với Sê-rốp, sự giúp đỡ lẫn nhau đã gắn liền Sê-rốp với anh rắn chắc hơn cả những người khác trong phi đội. Ngay buổi chiều hôm xẩy ra cuộc diễn vòng thê thảm, vào lúc mặt trời lặn, Sê-rôp đã cứu anh một lần nữa. Họ đang quay về trường bay, bay trên mặt biển. Sương mù sáng ra. Nhìn không rõ: chìm dần trong nước, cái khuôn mặt trời lớn sụ và đọng sương kia, biến sương mù thành một màu đỏ chói lọi. Một Mét-séc-mít - 109 bất thình lình bổ vào Lu-nin; may thay, anh đã nhìn thấy nó từ ngoài 500 thước và lái thẳng vào nó.

        Hai chiếc khu trục xông thẳng vào nhau, bắn hết đạn. Lu-nin nghĩ: "Mày có tránh thì tránh, tao thì không đâu". Nhưng chiếc Mét-séc-mít cũng không nhường. Hai cái gần đâm vào nhau, thì giây khác cuối cùng, tên Đức kéo tay lái và vút một luồng trên Lu-nin mà bụng máy bay nó gần đụng phải. Lu-nin cứ đi thẳng, khoái chí đả bắt được nó theo ý mình; bỗng nhiên anh thấy luồng đạn từ phía sau lại: thì ra chiếc Mét-séc-mít đã ngoắt lại bám vào đuôi anh. Lu-nin lái thành chữ s. Nó lắp lại đúng động tác của anh và lia hết băng này đến băng khác. Chắc chắn nó sẽ hạ được anh. Nhưng Sê-rốp đã bám vào đuôi nó. Trong sương mờ lấp lánh, tên Đức không trông thây Sê-rốp. Sê- rốp bắn chết nó. Chiếc Mét-séc-mít, như một con chim đen gầy, tụt xuống trước mặt trời khổng lồ, và rơi xuống biển đỏ rực.

        Ngày hôm sau, đến lượt Lu-nin cứu Sê-rốp. Hai Mét- séc-mít tấn họ trên mặt biển và đã làm cho họ phải rời nhau ra. Lu-nin mắc với một cái, Sê-rốp mắc với một cái. Lu-nin không gỡ khỏi được thằng địch: mỗi bên đểu cố luồn vào đuôi nhau; cả một chuỗi trò ảo thuật diễn ra: họ bổ nhào, lên thẳng, tấn vào cạnh sườn. Lu-nin chẳng bao giờ rõ là anh đã bắn hỏng máy, hay bắn bị thương tên phi công. Chỉ biết đến một lúc thì chiếc Mét-séc-mít bỏ cuộc và chạy trốn. Lu-nin nhìn quanh, tìm Sê-rốp. Trời vắng tanh.

        "Anh bị hạ rồi chăng". Lu-nin nghĩ, lo lắng. Và lòng se lại, anh bổ đi tìm.

        Anh lượn vòng trên biển, khi lên cao, khi xuống thấp, rồi khỏi chiến trường rồi lại trở lại chiến trường. Hy vọng lúc một tiêu tan. Sau rốt, anh tìm tòi chỉ còn cốt để kéo dài đến phút cuối cùng cái giây phút phải trở về trường bay. Vừa hay trên đầu sóng, anh bỗng thấy hai cái máy bay.

        Cái nọ săn đuổi cái kia, họ bổ xuống hết sức thấp đến nỗi trên nhìn xuống, họ như lướt trên mặt nước. Chính là cái Mét-séc-mít rượt Sê-rốp. Dính vào sóng, Sê-rốp lượn theo chữ "S" mà không bắn, chỉ cố tránh làn đạn của tên Đức. Đạn anh đã hết.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 21 Tháng Mười Hai, 2018, 10:28:52 am »


        Lu-nin bổ nhào, và anh vừa bấm nút, thì chiếc Mét-séc- mít đã lộn ngược, dâm vào nước, bụng lên trời, và biến trong bọt nước. Sự việc xẩy ra trong khoảnh khắc. Sê-rốp lên thẳng và và nghiêng cánh gọi Lu-nin. Họ song song về. Trên sân bay, Lu-nin cảm thấy trìu mến bạn quá đến nỗi vừa đi anh vừa sờ vai bạn nhiều lần mà không biết.

        Đôi khi về đêm, trong lúc mọi người ngủ, Lu-nin và Sê- rôp nói chuyện.

        Mệt lả người, ai nấy vừa ăn xong đã ngủ, Sê-pen-kin, Ka-ban-kôp và Bê-sây-tôp, đầu vừa đặt vào gối đã ngủ tức thì. Nếu không ai gọi, thì họ có thể ngủ cả 24 tiếng.

        Ka-ban-kốp và Sê-pen-kin ngủ sao thì lúc dậy vẫn tư thế ấy. Bê-sây-tốp thì giấc ngủ không yên; anh chồm dậy, rên rỉ, nói lảm nhảm bằng tiếng A-déc-bai-giăng. Rát-sô-khin ngủ ở chỉ huy sở - có trời biết anh ấy ngủ nghê ra sao! Còn Lu-nin, tuy mệt, nhưng giấc ngủ thường chậm đến.

        Và có khi anh thấy Sê-rốp, nằm giường bên, mắt cũng mở to. Một hôm Lu-nin hỏi:

        - Sao đồng chí không ngủ?

        - Như thường thôi. Tôi suy nghĩ.

        Ánh sáng vàng nhạt của chiếc đèn dầu lửa nhẩy múa trong đôi mắt Sê-rôp. "Chắc lại nghĩ đến vợ". Lu-nin tự nhủ.

        - Tôi đã viết thư đến Bộ Giáo dục để hỏi xem trường dọn đi đâu. Tôi vừa nhận được trả lời.

        - Thế họ trả lời sao?

        - Là hiện nay họ chưa rõ gì cả, và hễ biết thì họ sẽ báo tin cho ngay.

        - Tốt lắm.

        - Vâng, tốt. - Sê-rốp nói tiếp, vẻ không tin tưởng, hình như anh nói chưa hết ý nghĩ thật của anh.

        Hai người im lặng một lúc. Lu-nin hỏi:

        - Đồng chí lấy vợ đã lâu?

        - Tôi chưa lấy vợ.

        - Chưa à? - Lu-nin ngạc nhiên. - Thế sao đồng chí bảo là có hai con?

        - Không phải con tôi. Tuy nhiên, cũng như con tôi thôi.

        Họ im lặng hồi lâu. Lu-nin tưởng Sê-rôp ngủ. Nhưng

        bỗng nhiên thấy anh nói:

        - Tôi cho là cô ta không thể yêu tôi.

        - Gì lạ vậy! - Lu-nin bất bình. - Sao chị ấy lại không thể! Chị ấy hơn đồng chí lắm sao?

        - Ồ! Hơn...

        - Hơn cái gì?

        - Gì cũng hơn.

        - Ví dụ.

        - Cô ta có học hơn.

        - Thôi đi! - Lu-nin thốt ra. - Chị ấy có học trong nghề của chị ấy, cũng như đồng chí trong nghề của đồng chí.

        Lại im lặng hồi lậu. Đến lượt Sê-rốp tưởng Lu-nin ngủ. Có vẻ chẳng dính gì đến câu chuyện trước, Lu-nin bỗng nói:

        - Chẳng ai cấm mình yêu, nhưng cũng chẳng ai buộc mình cả. Sự dối trá, cái đó mới không thể nào chịu được!

        Anh xây lưng ra làm đệm rơm kêu sột soạt và lấy chăn trùm kín đầu.

        Câu chuyện đó vào hạ tuần tháng chín, khi bọn Đức còn tưởng có thể chiếm Lê-nin-grát, và tập trung một lực lượng không quân rất mạnh để hy vọng phá tan thành phố dưới bom đạn. Chúng bom suốt ngày đêm Lê-nin-grát, Cơ- rông-stát và Hạm đội. Tiếng sủa của cao xạ bao trùm ngày đêm lấy thành phố, sông Nê-va, những Nê-va con và vũng Mác-ki. Những cuộc ném bom của gioong-ke kế tục nhau, tuần tự như máy; khu trục của ta cất cánh bay tới chúng: sáu máy bay của Rát-sô-khin không lúc nào nghỉ.

        Không chiến mỗi ngày bắt đầu từ lúc mặt trời mọc và tiếp tục gần như không lúc nào ngừng cho đến khi mặt trời lặn. Họ trở về trường bay chừng vài phút. Nằm sấp xuống cỏ trong khi đợi thợ máy đổ đầy xăng và lắp đầy đạn. Rồi lại cất cánh đi đánh nhau nữa. Lu-nin đã mấy cái cảm giác lành lạnh sau lưng mà anh cảm thấy lúc đầu, khi với sáu người, họ xông vào một bầy 80 con quái vật nhả đạn bằng 160 đại bác. Thời gian đả làm cùn cảm giác. Bây giờ, anh đã nắm được cái gioong-ke trên đầu ngón tay, biết cái chậm chạp của nó, cái khó điều khiển của nó, và anh tự thấy mình là kẻ mạnh. Anh đã học bắn nó từ trong tử giác và chơi ú tim với bọn Mét-séc-mít - 109 trong cái đàn khổng lố máy bay oanh tạc.

        Đánh với gioong-ke không còn cho anh cái cảm tưởng hỗn loạn đạn bắn ngang dọc tơi bời nữa. Như mọi người khác, nay anh có thể kể thành chuyện có ngọn có ngành về những việc xẩy ra trong trận đánh, và nhận xét được lối đánh của mỗi người. Anh đã hiểu chiến thuật Rát-sô-khin - chiến thuật duy nhất trong điều kiện thua kém về số lượng: là không cho bọn Đức có thể bom bằng ống kính và không bao giờ quên cái nhiệm vụ đó.

        Bọn anh gặp từng đoàn Lớp-táp và buộc chúng ném bom xuống nước. Tụi gioong-ke gờm họ, chúng lảng hoặc trớn mỗi khi trông thấy họ từ xa tắp. Nhưng chúng nhiều quá đến nỗi không thể ngăn xuể được chúng ào đến. Khi mà mình còn mắc với đợt thứ nhất thì đợt sau đã đến và thả bom.

        Neo giữa Cơ-rông-stát và Pê-tê-rôp, Hạm đội Ban-tích làm cho tụi Đức ở Pê-tê-rốp mất ăn mất ngủ. Đại bác của Hạm đội quấy chúng ngày đêm, ngăn không cho chúng tập trung quân và cố thủ ở đó. Suốt tháng chín, chúng lăn xả đến Hạm đội bằng đường trên không, với hy vọng tiêu diệt Hạm dội. Ngàv 25, rốt cuộc chúng ném trúng chiếc Sô-kôn.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 22 Tháng Mười Hai, 2018, 10:14:27 pm »

       
        Sự việc xẩy ra dưới mắt Lu-nin giữa hôm sáu người ngăn 130 gioong-ke. Như mọi khi, bọn chúng tản ra khi gặp họ. Nhưng đội hình chúng hàng cây số, và tràn qua hai bên họ, chúng kiên quyết tiến về phía Hạm đội. Bom nổ trên chiếc Sô-kôn lớn đến nỗi Lu-nin ở trên không mà cũng thấy sức giật. Một luồng khói đen che lấp chiếc tuần dương hạm hồi lâu. Lu-nin chỉ trông thấy nó lúc về, khi bọn gioong-ke đã đi rồi.

        Chiếc Sô-kôn đã chìm. Nhưng nước không sâu. Boong va chòi tầu còn ló lên. Những khẩu đại bác lớn, như những ngón tay xoè ra vẫn động đậy, vẫn bắn. Xác tầu vẫn tiếp tục nhã đạn. Và như thế trong bao nhiêu ngày, ngay trước mắt kẻ địch đóng trên bờ biển. Khi bọn Đức tìm được cách đặt pháo phòng thủ bờ biển ở Pê-tê-rổp và Hạm đội lùi vào cửa sông Nê-va, thì chiếc Sô-kôn ở lại một mình. Biến thành tiền đồn xa nhất của Cờ-rông-stát và vẫn tiếp tục bắn...

        Mỗi lần phi đội xuất trận đều trông thấy nó. Đôi khi lúc các khẩu đội của nó im lặng, họ tưởng nó đã chết. Họ bay xuống thấp lướt như vòi cuốn trên đầu nó ít thước: thì các đồng chí thủy thủ trú ẩn trong các chòi súng một cách không ngờ mới ló ra trong cái áo tơi đen. Chiếc Sô-kôn bất diệt, vẫn ngoan cường.

        Ở phi đội không hề ai nhắc tới chiếc Sô-kôn. Xác nó như một lời trách móc. Riêng Bê-sây-tốp mỗi lần bay về lại reo ầm:

        - Các đồng chí có nhìn thấy nó không? Nó nã khỏe đấy chứ! - Và anh khen không ngớt.

        Bê-sây-tốp giữ mãi cái tật của anh: là ngoái cổ nhìn qua vai, mặt sầm lại, và đôi mắt nẩy lửa. Anh gầy quá, giông như một con chim săn mồi. và khi ngủ không ngớt nói mê. Trong chiến đấu. anh dính chặt vào Rát-sô-khin, ngang tàng như thách thức. Đại úy không hề còn có gì nhận xét anh. Mỗi lúc nhìn anh, đôi mắt Rát-sô-khin thường thoáng một nét gì như thương cảm.

        Thương cảm đó. Lu-nin cũng thấy. Anh cỏ cảm giác là Bê-sây-tôp không chịu đựng nổi sự căng thăng tinh thần, và có cái lò so nào đã gẫy trong người anh. Sự đau đớn mà mọi người phải chịu, trước sức tiến của bọn Đức, lòng căm thù giặc, sự va chạm không ngừng với thần chết, sự mệt nhọc quá sức con người, tất cả cái làm cho người khác trầm lặng, thêm nghiêm nghị, thì lại làm anh phải nói quàng nói xiên, nghêu ngao những bài hát của con nhà lính, mơ ước công khai lối săn tự do và chiến công phi thường.

        Anh yêu Hin-đa, và mọi người đều biết, kể cả Hin-đa.

        Biết vậy là do thấy con mắt anh nhìn cô mỗi bữa cơm. Cái mơn mởn và cái mỏng manh của cô thật như của một nàng mơ đối với người phi công to lớn và sạm phong sương ấy. Trước chiến tranh, nhất định là anh biết cách tỏ tình. Nhưng thời gian và nhất là hơi sức anh không còn. Mệt nhọc làm sạm bộ mặt gầy với đôi mắt mênh mông. Ngồi trên ghế, anh đành chỉ có ngắm cô tha thiết u buồn, và theo dõi mỗi cử chỉ của cô. Còn cô thì đoán biết cái nhìn ấy, và đôi khi cũng nhìn anh, với cái vẻ như cuống, như sợ, như xót thương hiện trong đôi mắt sáng thơ ngây.

        Anh hy sinh anh dũng vào đầu tháng mười, trong một cuộc đi tuần với Rát-sô-khin dọc bờ nam Vịnh, giữa dải lưỡi cáo và Sê-trô-rết. Mưa phùn làm không nhìn được quá 300 thước. Một Mét-séc-mít lao vào đuôi Rát-sô-khin. Nó chắc chắn sẽ hạ anh, nếu Bê-sây-tốp không có linh tính đối phó tức khắc. Anh bắn và chiếc Mét-séc-mít rơi xuõng như một cánh lá rụng nhưng chính là lúc phải ngoái đầu trở lại nhìn qua vai, nếu không thì chẳng bao giờ còn làm dược nữa: Bê-sây-tốp không còn thì giờ! Một Mét-séc-mít thứ hai tấn đàng đuôi, giết anh, và trốn vào mưa phùn.

        Cái sau theo cái trước, hai chiếc máv bay đâm vật xuống cát ướt bãi biển, cách nhau vài trăm thuốc. Tuy mưa mà cháy rất mạnh đến nỗi bộ binh chạy tới mà không dám đến gần.

        Về đến trường bay, Rát-sô-khin lên ca-mi-ông đi ngay. Bữa cơm chiều, Hin-đa khóc, và cũng như chiểu hôm Lu-nin  đến, cô không chùi được nước mắt, vì hai tay còn bận bát đĩa.

        Đến khuya Rát-sô-khin mới về, ướt đầm. Ở nhà không ai ngủ. Ka-ban-kốp hỏi:

        - Đã chôn đồng chí ấy?

        Rát-sô-khin gật, và nói:

        - Thế là chúng ta chỉ còn năm người!

        Mưa không ngừng. Bãi thành vũng. Gió quét lá vàng. Những cuộc oanh tạc của bọn Lóp-táp ngừng hẳn.

        Vào giữa thu, bọn Đức biết rằng không thế chiếm Lê- nin-grát bằng sức mạnh.

        Chúng tiến tới ngoại ô từ đầu tháng chín và không tiến thêm được một bước. Bảy tuần liền, chúng đã tung vào thành phố mỗi ngày hàng trăm oanh tạc cơ. Chúng nã pháo hạng nặng. Xe tăng tấn công liên tục.

        Tiếp viện đưa đến là chúng dốc ngay vào chiến trường. Nhưng Lê-nin-grát vẫn đứng vững.

        Kẻ thù không muốn tin là đã bị chặn. Từ hai năm nay, chiến tranh đối với chúng chỉ là một thứ diễu binh, và chúng đã tràn ngập khắp châu Âu không bị ai cản. Nay chúng lao mình vào tấn công với kết quả là từng đoàn máy bay tiêu tan, xe tăng thành sát vụn, và từng sư đoàn mòn dần.

        Tháng mười bắt đầu cuộc tấn công Mát-scơ-va. Cuộc tấn công không biến diễn theo ý muốn của bộ tư lệnh Hít- le. Chúng càng tiến, sự chống cự càng mạnh. Trên giấy tờ, thì kinh thành đáng lẽ chiếm được từ lâu. Nhưng kẻ thù chưa tới được đến ngoại vi, chúng tổn thất ghê gớm, dự trữ mòn dần; và mùa đông sắp tới. Tạm ngừng tấn công Lê- nin-grát, chúng rút ở đấy đi gần hết máy bay để chuyển ra phía Mát-scơ-va. Những người chống giữ Mát-scơ-va đã giúp những người chông đỡ Lê-nin-grát.

        Nhưng bọn Đức không bỏ Lê-nin-grát. Chúng quyết định đưa thành phố này đến bước đường cùng bằng cách khác mà chúng cho là ăn chắc hơn.

        Không bẻ gẫy được bộ đội, chúng định bẻ gẫy nhân dân.
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Mười Hai, 2018, 11:44:59 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM