Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 27 Tháng Năm, 2024, 03:27:00 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến tranh biên giới phía Bắc - P3  (Đọc 309245 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #230 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2014, 04:19:43 pm »

em tiếp nhá không lại không kịp tiến độ,  Grin

...Vậy, ta đã chuẩn bị những gì cho biên giới phía bắc trong hoàn cảnh và diễn biến phức tạp như vậy.

Kháng chiến chống Pháp rồi đánh Mỹ, ta hiểu quá rõ về cái giá phải trả cho chiến tranh, hao người tốn của, cái giá của Hòa Bình rất rất đắt. Làm thế nào để đất nước tránh được chiến tranh, để phục hồi kinh tế, để..... là câu hỏi hóc búa cho biết bao con người giai đoạn đó. Thế mà, "Kẻ thù buộc ta ôm cây súng" - không còn cách nào khác, cuộc chiến tranh bắt buộc sẽ sớm bắt đầu.

Suốt trong giai đoạn 1977 - 1978, Trung Quốc liên tục quấy nhiễu biên cương phía bắc, gây ra hàng loạt các vụ xung đột vũ trang nhỏ lẻ, gây nguy cơ thổi bùng cuộc chiến sớm. Âm mưu và ý đồ nham hiểm khi lôi kéo, xúi giục các dân tộc thiểu số phía bắc đứng lên thành lập các Khu tự trị, Vùng tự do riêng.

Để tránh "lưỡng đầu thọ địch" và nguy cơ mũi vu hồi từ Lào, bằng mọi cách ta phải tránh xung đột sớm, giải quyết từng thằng một. Khi ta tung các sư đoàn thiện chiến đánh sâu vào đất Cambodia trong năm 1978 nhằm chuyển chiến tranh sang đất địch, phá hủy hàng loạt các kho tàng/ khí tài quân sự, đập nát của sư đoàn chủ lực của Pôn Pốt, dằn mặt và bẻ gẫy tham vọng của kẻ thù thì cũng là lúc hoạt động phá hoại biên giới tăng lên đáng kể. Đây cũng là phép thử tốt cho chiến dịch đầu năm 1979.

Để tránh những luận điệu và tuyên bố, phía Việt Nam tăng cường các hoạt động quân sự gần biên giới, "tiểu bá" gây chiến trước, ta chủ trương đưa các đơn vị mạnh ở tuyến hai, tập trung củng cố lực lượng địa phương và CAVT/ biên phòng trên tuyến một.

Để tăng cường khả năng bảo vệ Tổ quốc, ngày 3 tháng 11 năm 1978, Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa nước Cộng hòa xế hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết được ký kết. Theo đó, bạn sẽ viện trợ cho ta về vũ khí, trang bị kỹ thuật, cử các đoàn chuyên gia quân sự sang giúp ta huấn luyện và xây dựng quân đội.

Để tăng cường khả năng phòng thủ, ta tiến hành hàng loạt các biện pháp chính:
- một là, tổ chức cho Quân đoàn 1 diễn tập (mật danh ĐK-78) vào ngày 9 tháng 8 năm 1978 với nội dung: “Quân đoàn tiến công địch đổ bộ đường không, bảo vệ các địa bàn trọng yếu được phân công ở vùng trung du và đồng bằng phía tây Hà Nội". Lực lượng tham gia diễn tập gồm: Các sư đoàn bộ binh 308, 312, 320B; Lữ đoàn công binh 299, Lữ đoàn tăng - thiết giáp 202, Lữ đoàn pháo binh 45, Lữ đoàn phòng không 241 và Trung đoàn thông tin 140. Từ ngày 25 tháng 9 đến ngày 7 tháng 10 năm 1978, tổ chức diễn tập (mật danh ĐK-4) cơ quan chỉ huy 1 bên 2 cấp có một phần thực binh với đề mục: “Quân đoàn tiến công địch đổ bộ đường không, tổ chức chiến đấu bảo vệ các địa bàn trọng yếu”, nhằm kiểm tra và hoàn chỉnh phương án tác chiến đánh địch đổ bộ đường không theo phương án tác chiến thực tế của các cấp từ Quân đoàn trở xuống ở địa bàn thủ đô Hà Nội và các khu vực phụ cận. Riêng trong tháng 6 năm 1978, Quân đoàn 1 đã cử hơn 100 cán bộ từ cấp trung đội đến cấp trung đoàn, sư đoàn để tăng cường cán bộ cho các quân đoàn vừa thành lập và các đơn vị đang làm nhiệm vụ phòng thủ trên biên giới phía Bắc; thêm 6.500 chiến sĩ đã trải qua huấn luyện được lệnh lên đường bổ sung cho các Quân khu 5, 7, 9, Quân đoàn 3 và Quân đoàn 4. Đặc biệt là ngay từ đợt tháng 1/1979, Quân đoàn 1 đã bước vào cấp 1, sẵn sàng cơ động chiến đấu, trực chiến 24/24; một số phân đội trinh sát của D701 trinh sát Quân đoàn và trinh sát các sư đoàn trực thuộc đã lên cắm chốt tại biên giới phía bắc (Trinh sát F308 ở Đình Lập, Lạng Sơn; F320B tại thị xã Lào Cai và ga Tam Lung).

- hai là, hiệp đồng kế hoạch chi viện từ hậu phương chiến lược: các tỉnh phía sau chi viện lên phía trước. Ta đưa 8 vạn lao động ở đồng bằng sông Hồng lên các tỉnh biên giới, xây dựng dân quân tự vệ làm nòng cốt, tổ chức các khu vực sản xuất tại chỗ trên những địa bàn xung yếu kết hợp kinh tế với quốc phòng. Rút kinh nghiệm từ biên giới Tây Nam, ta đã tổ chức huấn luyện và trang bị vũ khí ngay từ đầu. Ta chỉ đạo khẩn trương xây dựng các công trình phòng ngự (công sự, hầm hào, vật cản, hệ thống đài quan sát - trinh sát... chủ yếu bằng gỗ đất) hình thành các điểm tựa trung đội, đại đội, cụm điểm tựa tiểu đoàn; khu vực phòng ngự trung đoàn và sư đoàn kết hợp với các chốt, các cụm bản - căn cứ liên hoàn của bộ đội địa phương và dân quân trên tuyến 1 và tuyến 2 (Về vật cản: Quân khu 1 rào được 217km/679km, có 27km kẽm gai, 5,6 triệu chông sắt/ 47.8 triệu chông, 3.468 mìn chống bộ binh, 433 mìn chống tăng. Quân khu 2 rào 180km/780km có 19km kẽm gai, 3.000 mìn chống bộ binh, 433 mìn chống tăng).

- ba là, hoàn chỉnh về cơ cấu tổ chức và biên chế lực lượng.
   * Từ ngày 1/7/1978, Thiết lập sở chỉ huy các cấp của Quân khu 1, Quân khu 2 sau khi tách riêng (cũ là 1 quân khu) và bắt đầu chỉ huy các lực lượng thuộc quyền. Cơ quan chỉ huy cấp quân khu được tăng cường. Tổ chức bộ chỉ huy quân sự thống nhất ở từng tỉnh và ban chỉ huy thống nhất ở cấp huyện, trong đó có bí thư Huyện ủy và chủ tịch uỷ ban nhân dân huyện. Tăng cường ngay các học viên sỹ quan các trường chuẩn bị ra trường lên thẳng biên giới phía bắc để thực hành công tác chỉ huy, tham mưu hỗ trợ khi cần. Việc này đã phát huy hết sức hiệu quả khi xảy ra chiến tranh.

   * Từ tháng 10/1978, sáu sư đoàn của Tổng cục Xây dựng kinh tế được điều lên làm đường số 6 và các tuyến đường ngang, bảo đảm cơ động về chiến lược và chiến dịch.

   * Sau khi cân nhắc, BTTM quyết định điều động F3/ sư đoàn 3 Sao Vàng và F316/ sư đoàn 316 ra Bắc ngay trong năm 1976, đặt ở hai hướng quan trọng nhất. F3 về Hà Bắc, F316 về Yên Bái. Tháng 7/1978, F3 được lệnh về Quân khu 1 làm nhiệm vụ phòng thủ ở đông-nam tỉnh Cao Lạng, một địa bàn trọng yếu của quân khu và của Bộ. F316 cũng dâng lên Lào Cai. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Bộ, F3 và F316 điều động hàng trăm sỹ quan các cấp về BCH QS các tỉnh, huyện để làm nòng cốt huấn luyện và xây dựng LLVT địa phương; bố trí các LLVT này vào ngay đội hình tác chiến cấp trung đoàn và tiểu đoàn. Bắt tay ngay vào việc xây dựng dải trận địa phòng ngự thê đội 1/ tuyến 1 (F3 xây dựng với chiều dài 60km) và thê đội 2/ tuyến 2.
Logged

longtrec
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1941



« Trả lời #231 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2014, 04:33:38 pm »

Không đâu bắc Thắng ạ, lúc rút về Khánh Khê lập phòng tuyến thứ 2 lúc này E12 của F3 và một phần của E197 chỉ còn quân số rất ít, đạn dược cạn kiện làm sao họ còn đủ sức chặn đứng 1 sư đoàn với 1D tăng của TQ. Khi tiền quân của F337 lên( cụ thể là E4) thì mới chặn được quân TQ tại đây. Có những câu chuyện xúc động kể lại rằng, khi tiếng súng tiến công của E4 vang lên(26/2) quân ta ở các điểm chốt bên bờ sông Kỳ Cùng , cao điểm 559, 649 ....đã gào khản giọng " quân ta lên rồi".....

 Việc báo vnexpress gọi sư 337 là đoàn ' Tây sơn" cũng có lý đôi chút, vì trước ngày 17/2 khi quân TQ đánh vào Lạng sơn F 337 còn chưa thành lập. Sau 17/2 sư 337 được thành lập với bộ khung là K13,K14,K15 là những tiểu đoàn mạnh từng đánh nhiều trận tại Bình Trị Thiên( Cũ). F 337 vừa hành quân thần tốc ra bắc hướng lên Lạng sơn vừa tuyển quân-huấn luyện....
 

Trước khi vào trận(28/2), giêng E 108 của tôi cán bộ đều được hạ 1 cấp, cán bộ D xuống C nắm quyền chỉ huy, tương tự cán bộ C xuống B. Sau trận Khánh Khê, E 108 của tôi được mang tên "Thần vũ".


Ahuuls! báo đúng là viết nhầm, đường 1B mới đúng.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Hai, 2014, 09:21:52 pm gửi bởi longtrec » Logged
hoanggiaxulang
Thành viên
*
Bài viết: 67


« Trả lời #232 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2014, 04:39:23 pm »

Ô! năm nay sau 35 năm ngày TQ mở cuộc tấn công toàn tuyến BGPB, các báo đưa tin hoành tráng quá, mà không biết từ khi nào, sư đoàn 337 của tôi là đoàn "Tây sơn" nhỉ?


Trên mặt trận Lạng Sơn, các cánh quân lớn của Trung Quốc chia làm nhiều mũi đánh vào Bản Chất (Đình Lập), Chi Ma, Ba Sơn (Lộc Bình), Tân Thanh, Tân Yên (Văn Lãng) và khu vực thị trấn Đồng Đăng (Lạng Sơn). Dù bị bất ngờ song chỉ với lực lượng dân quân địa phương, Việt Nam đã quả cảm chặn đánh, ghìm chân quân Trung Quốc nhiều ngày.

Ngày 20/2, Trung Quốc tăng cường lực lượng chi viện, mở các đường tấn công mới vào điểm cao nhằm tiến xuống phía nam Đồng Đăng. Quân và dân Lạng Sơn bám trụ trận địa, đánh trả mạnh mẽ các mũi tấn công phía trước, phía sau của địch, buộc quân xâm lược phải co về đối phó và bị đẩy lùi ở nhiều mặt trận.

Sau 10 ngày chiến đấu không đạt được mục tiêu, ngày 27/2, Trung Quốc tung thêm một quân đoàn nhằm vào thị xã Lạng Sơn dùng chiến thuật biển người hòng xâm chiếm các mục tiêu quan trọng. Cuộc chiến diễn ra quyết liệt giữa 2 quân đoàn tăng cường của Trung Quốc và lực lượng vũ trang địa phương Việt Nam. Ở điểm cao 417, đoàn An Lão đã đánh bật hàng chục đợt tấn công, loại khỏi vòng chiến đấu trung đoàn 850 của Trung Quốc. Đặc biệt, ở khu vực cầu Khánh Khê trên đường 18, chiến sĩ đoàn Tây Sơn kiên cường đã chặn đứng một sư đoàn quân và một tiểu đoàn xe tăng Trung Quốc.
[/b]

trích từ : http://vnexpress.net/
Nhầm cả tên phiên hiệu và địa danh cầu ( Khánh Khê nằm trên đường 1B từ Lạng Sơn đi Thái Nguyên )và đây nữa . Đặc biệt là ngay từ đợt tháng 1/1979, Quân đoàn 1 đã bước vào cấp 1, sẵn sàng cơ động chiến đấu, trực chiến 24/24; một số phân đội trinh sát của D701 trinh sát Quân đoàn và trinh sát các sư đoàn trực thuộc đã lên cắm chốt tại biên giới phía bắc (Trinh sát F308 ở Đình Lập, Lạng Sơn; F320B tại thị xã Lào Cai và ga Tam Lung)
.Mình không hiểu F320B tại thị xã Lào Cai và Ga Tam Lung (Ga Tam Lung nằm trên tuyến đường sắt từ Lạng Sơn lên Đồng Đăng mà chuyến tàu hỏa cuối cùng chạy từ Đồng Đăng về Hà Nội sáng ngày 17 tháng 2 , chạy qua Ga này đã bị quân Trung Quốc bắn thủng cả bình hơi ) rất may là nó vẫn chạy thoát . Thật là may mắn vì trên tàu khi đó chở toàn phụ nữ và trẻ em chạy loạn , nếu không có thể đã có thêm một cuộc thảm sát lớn nhằm vào những người dân thường vô tội .
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Hai, 2014, 05:02:02 pm gửi bởi hoanggiaxulang » Logged
longtrec
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1941



« Trả lời #233 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2014, 04:45:57 pm »

Xin chích đăng lại bài văn tế các anh hùng liệt sỹ F 337 nhân ngày khánh thành bia tưởng niệm " Khánh Khê" do đại tá Đỗ Phấn Đấu, nguyên chính ủy F 337 đọc.

Tưởng niệm liệt sĩ ở Khánh Khê

Hỡi ôi
Đất nước ngàn năm gây dựng, công lao bao đấng tiền nhân
Biên cương muôn thuở vững bền, máu xương mấy tầng đất đỏ!
Cây muốn lặng, gió chẳng đừng
Nước muốn trong, nguồn dâng lũ...

Nhớ mùa Xuân một ngàn chín trăm bảy chín:
Đất nước mới thoát họa chiến chinh
Giang sơn đang hồi sinh rạng rỡ
Rừng biên cương chưa kịp vào xuân
Lộc hạnh phúc chỉ vừa hé nụ...
Bọn phản động đê hèn tráo trở, bất luận nghĩa nhân
Lũ bất lương lộ rõ lòng tham, đâu cần quốc sỉ.

Vậy nên
Như hàng ngàn năm trước, giang sơn bỗng gặp bước nguy nan
Nghe trống trận rền vang, chim Lạc lại trùng trùng vượt lửa.

Sư đoàn 337 chúng ta
Rạo rực trong tim thắm đỏ, thiêng liêng dòng máu Lạc Long
Bừng bừng ngọn lửa ngoan cường, khí phách anh hào Nguyễn Huệ
Không thể để quân thù lấn chiếm giang sơn
Chẳng cho kẻ xâm lăng xéo giày mồ mả.
Diệu kỳ như binh pháp Hưng Đạo Vương thuở nào
Thần tốc như chiến dịch Hồ Chí Minh năm ấy
Giã biệt dòng Lam xanh - thành phố đỏ, quân ta cấp tốc hành quân lên Đồi Ngô, Lục Nam.
Đến tả ngạn sông Thương, điểm dừng chân, lệnh trên bất ngờ chuyển hướng về Văn Quan, Đồng Mỏ.

Đặt ba lô chưa kịp nghỉ chân
Đã bật dậy ầm ầm súng nổ
Tiếp ứng cho Trung đoàn 197 - Thái Nguyên tiêu diệt quân thù
Phòng ngự tuyến Tu Đồn - Điềm He - Khánh Khê, kiên cường chống giữ
Đánh trận đầu quyết thắng, chiến sĩ nhìn lên, lòng không thẹn với cờ
Đập tan lũ ngông cuồng, Sư đoàn báo công cùng liệt tông, liệt tổ

Ngày 26 tháng 2 Trung đoàn 4 nổ súng trận đầu, diệt quân địch, bắt sống tù binh, đất Nhạc Kỳ kiêu hãnh chiến công
Ngày 28 tháng 2, đoàn 52 phòng ngự kiên cường, pháo Thần Vũ đập nát kẻ thù, cầu Khánh Khê vững vàng đất mẹ...

Kẻ thù cậy quân đông, như biển kiến ngập tràn
Quân ta tựa lòng đất như Sơn tinh chặn lũ
Điềm He, Khuông Rì, điểm cao 559, đất sũng máu người
Khuông Luông, Chu Túc, điểm cao 649, cây rừng bốc lửa
Địch cậy lắm xe tăng, pháo binh, toan lấy thịt đè người
Ta dựa vào thế trận lòng dân, trí nhân thay cường bạo
Biết tiến, biết dừng, đập nát mưu toan hòng chia cắt quân ta
Truy kích, phản công, bẻ gãy mũi vu hồi của bầy xảo trá

Mười hai ngày đêm máu trộn đất rừng!
Một trận thư hùng, vang trời sấm nổ
Vạn tinh binh giặc cỏ, ngông cuồng như lũ trâu điên
Cánh cửa thép Lạng Sơn, thế trận hiên ngang thành lũy
Tổ quốc lại lần nữa ngân vang lời Đại cáo bình Ngô
Dân tộc thêm một kỳ hừng hực khí Lam Sơn tụ nghĩa.

Hỡi ôi!
Để giang sơn sạch quân xâm lược, bao chiến sĩ kiên trinh ngã xuống đất này
Cho biên cương yên ả thái bình, bao đứa con hiếu trung không được về với mẹ...
Sông Kỳ Cùng đâu thể phách, đâu máu đỏ dòng xanh
Rừng xứ Lạng đâu cốt nhục, đâu bụi mờ núi thẳm

Máu xương các anh không hề uổng, bia ghi công sẽ sáng chói từng dòng
Trận chiến ngày ấy không thể mờ, chuyện năm xưa đã tạc vào sách sử.
Tổ quốc sẽ khắc ghi:
Trần Minh Lệ dũng lược, ngoan cường; cùng Trung đội đập tan 18 đợt tiến công của địch, giữ chốt mấy ngày đêm
Lịch sử mãi lưu truyền:
Vi Văn Thắng táo bạo, kiên gan; hết đạn, vẫn dương lê lao lên tả đột, hữu xung, khiến quân thù khiếp sợ
Đất Hồng Phong đời đời ghi nhớ chiến công
Rừng Bình Trung mãi mãi tri ân Liệt sĩ

Đất nước thanh bình
Có người về được quê hương, lòng đất mẹ vỗ về ôm ấp
Có người yên giấc nghĩa trang, được Tổ quốc ghi công muôn thuở

Nhưng cũng còn:
Người ra đi không để lại hình hài
Mây gió hồng hoang, cỏ cây là bạn
Phiêu diêu hồn phách, sông suối là nhà


...........
Logged
hoanggiaxulang
Thành viên
*
Bài viết: 67


« Trả lời #234 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2014, 05:22:36 pm »

 Năm nay tròn 35 năm ngày các Anh ngã xuống , để bảo vệ từng tấc đất biên cương của tổ quốc . Tuy nhà nước giờ đây vẫn chưa thể tổ chức công khai nói về những chiến công oai hùng của các Anh , nhưng ngày càng có nhiều tờ báo , bài báo viết về các Anh . Vạch rõ tội ác của bọn Bành Trướng Bắc Kinh , những kẻ đã xua quân xâm lược nước ta . Cướp phá tàn sát Dân ta trên khắp sáu tỉnh biên giới phía Bắc , rồi sẽ có lúc lịch sử sẽ được phơi bày
Logged
duc60
Thành viên
*
Bài viết: 13


« Trả lời #235 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2014, 06:50:36 pm »

Chào các cựu chiến binh,chào các độc giả.
Năm nay mới thấy báo chí đăng mấy bài về chiến tranh chống TQ xâm lược năm 1979, tôi vưà đọc,tien đây đăng lại để các đông chí tham khảo nhé.
1979 - Cuộc chiến không thể lãng quên
09:16 | 14/02/2014
(PetroTimes) - Cách đây 35 năm, vào ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã đưa hàng chục vạn quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới trên bộ giữa hai nước. Việt Nam đã thực hiện quyền tự vệ chính đáng của mình, tiến hành cuộc chiến đấu ngoan cường bảo vệ biên giới phía Bắc.
>> Đàm Vĩnh Hưng nhận danh hiệu "Ngôi sao phản cảm nhất trong năm"
 
Cuộc chiến tranh diễn ra trong vòng 1 tháng nhưng đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho cả hai nước, đặc biệt là hậu quả lâu dài đối với quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Để làm rõ bản chất, sự thật lịch sử, tính chính nghĩa của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc; đấu tranh bác bỏ những luận điệu tuyên truyền sai trái, xuyên tạc sự thật của các thế lực thù địch, chúng tôi chuyển đến bạn đọc những nét chính về cuộc chiến tranh này. Qua đó để tôn vinh công lao, sự hy sinh to lớn của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc; cổ vũ tinh thần yêu nước, truyền thống hào hùng của dân tộc, ý chí tự lực tự cường, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời, giữ gìn và thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị láng giềng Việt – Trung với phương châm 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt; không để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước ta, làm ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, lợi ích lâu dài giữa hai dân tộc.
Thông qua sách báo, tài liệu của Trung Quốc, Việt Nam và một số nước khác xuất bản từ năm 1979 đến 2009, bạn đọc sẽ thấy được diễn biến và hậu quả của cuộc chiến tranh 1979:
5 giờ sáng ngày 17/2/1979, lực lượng Trung Quốc khoảng 120.000 quân bắt đầu tiến vào Việt Nam trên toàn tuyến biên giới, mở đầu là pháo, tiếp theo là xe tăng và bộ binh. Cánh phía đông có sở chỉ huy tiền phương đặt tại Nam Ninh và mục tiêu chính là Lạng Sơn. Có hai hướng tiến song song, hướng thứ nhất do quân đoàn 42A dẫn đầu từ Long Châu đánh vào Đồng Đăng nhằm làm bàn đạp đánh Lạng Sơn, hướng thứ hai do quân đoàn 41A dẫn đầu từ Tĩnh Tây và Long Châu tiến vào Cao Bằng và Đông Khê. Ngoài ra còn có quân đoàn 55A tiến từ Phòng Thành vào Móng Cái.
Cánh phía tây có sở chỉ huy tiền phương đặt tại Mông Tự, có 3 hướng tiến công chính. Hướng thứ nhất do các quân đoàn 13A và 11A dẫn đầu đánh từ vào thị xã Lào Cai. Hướng thứ hai từ Văn Sơn đánh vào Hà Giang. Hướng thứ 3 do sư đoàn 42D của quân đoàn 14A dẫn đầu đánh từ Kim Bình vào Lai Châu. Tổng cộng quân Trung Quốc xâm nhập Việt Nam trên 26 điểm, các khu vực dân cư Việt Nam chịu thiệt hại nặng nhất từ đợt tấn công đầu tiên này là Lào Cai, Mường Khương, Cao Bằng, Lạng Sơn và Móng Cái.
Tất cả các hướng tấn công đều có xe tăng, pháo binh hỗ trợ. Quân Trung Quốc vừa chiếm ưu thế về lực lượng, vừa chủ động về thời gian tiến công, lại còn có "lực lượng thứ năm" gồm những người Việt gốc Hoa trên đất Việt Nam. Từ đêm 16 tháng 2, các tổ thám báo Trung Quốc đã mang theo bộc phá luồn sâu vào nội địa Việt Nam móc nối với "lực lượng thứ năm" này lập thành các toán vũ trang phục sẵn các ngã ba đường, bờ suối, các cây cầu để ngăn chặn quân tiếp viện của Việt Nam từ phía sau lên. Trước giờ nổ súng, các lực lượng này cũng bí mật cắt các đường dây điện thoại để cô lập chỉ huy sư đoàn với các chốt, trận địa pháo.
Tiến đánh nhanh lúc khởi đầu nhưng quân Trung Quốc nhanh chóng phải giảm tốc độ do gặp nhiều trở ngại về địa hình và hệ thống hậu cần lạc hậu phải dùng lừa, ngựa và người thồ hàng. Hệ thống phòng thủ của Việt Nam dọc theo biên giới khá mạnh, với các hầm hào hang động tại các điểm cao dọc biên giới do lực lượng quân sự có trang bị và huấn luyện tốt trấn giữ. Kết quả là Trung Quốc phải chịu thương vong lớn. Trong ngày đầu của cuộc chiến, chiến thuật dùng biển lửa và biển người của Trung Quốc đã có kết quả, họ tiến được vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam hơn 10 dặm và chiếm được một số thị trấn. Chiến sự ác liệt nhất diễn ra tại các vùng Bát Xát, Mường Khương ở tây bắc và Đồng Đăng, cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), Thông Nông (Cao Bằng) ở đông bắc. Quân Trung Quốc cũng đã vượt sông Hồng và đánh thẳng vào Lào Cai.
Sang ngày 18 và 19/2, chiến sự lan rộng hơn. Việt Nam kháng cự rất mạnh và với tinh thần chiến đấu cao. Quân Trung Quốc hầu như không thể sử dụng lực lượng ở mức sư đoàn mà phải dùng đội hình nhỏ và thay đổi chiến thuật. Họ tiến chậm chạp, giành giật từng đường hầm, từng điểm cao, và cuối cùng cũng chiếm được Mường Khương (Hoàng Liên Sơn), Trùng Khánh (Cao Bằng), và Đồng Đăng (Lạng Sơn). Tại Móng Cái, hai bên giành giật dai dẳng. Cả hai bên đều phải chịu thương vong cao, có ít nhất 4.000 lính Trung Quốc chết trong hai ngày đầu này. Sau hai ngày chiến tranh, quân Trung Quốc đã chiếm được 11 làng mạc và thị trấn, đồng thời bao vây Đồng Đăng, thị trấn có vị trí then chốt trên đường biên giới Trung-Việt.
Trận chiến tại Đồng Đăng bắt đầu ngay từ ngày 17 và là trận đánh ác liệt nhất. Đây là trận địa phòng thủ của Trung đoàn 12 Tây Sơn, Sư đoàn 3 Sao Vàng, Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tấn công vào Đồng Đăng là 2 sư đoàn bộ binh, 1 trung đoàn xe tăng, và chi viện của 6 trung đoàn pháo binh Trung Quốc. Cụm điểm tựa Thâm Mô, Pháo đài, 339 tạo thế chân kiềng bảo vệ phía tây nam thị xã Đồng Đăng, do lực lượng của 2 Tiểu đoàn 4 và 6, Trung đoàn 12 trấn giữ, bị Trung Quốc bao vây và tấn công dồn dập ngay từ đầu với lực lượng cấp sư đoàn.
Lực lượng phòng thủ không được chi viện nhưng đã chiến đấu đến những người cuối cùng, trụ được cho đến ngày 22/2. Ngày cuối cùng tại Pháo đài Đồng Đăng, nơi có hệ thống phòng thủ kiên cố nhất, không gọi được đối phương đầu hàng, quân Trung Quốc chở bộc phá tới đánh sập cửa chính, dùng súng phun lửa, thả lựu đạn, bắn đạn hóa học vào các lỗ thông hơi, làm thiệt mạng cả thương binh cũng như dân quanh vùng đến đây lánh nạn.
Đến 21/2, Trung Quốc tăng cường thêm 2 sư đoàn và tiếp tục tấn công mạnh hơn nữa. Ngày 22, các thị xã Lào Cai và Cao Bằng bị chiếm. Quân Trung Quốc chiếm thêm một số vùng tại Hà Tuyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, và Quảng Ninh. Chiến sự lan rộng tới các khu đô thị ven biển ở Móng Cái. Về phía Việt Nam, cùng lúc với việc triển khai phòng ngự quyết liệt, khoảng từ 3 đến 5 sư đoàn (gồm 30.000 quân) cũng được giữ lại để thành lập một tuyến phòng ngự cánh cung từ Yên Bái tới Quảng Yên với nhiệm vụ bảo vệ Hà Nội và Hải Phòng.
Ngày 26/2, thêm nhiều quân Trung Quốc tập kết quanh khu vực Lạng Sơn chuẩn bị cho trận chiến đánh chiếm thị xã này. Sau khi thị sát chiến trường, Bộ tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam đề xuất điều động một quân đoàn từ Campuchia cùng một tiểu đoàn pháo phản lực BM-21 vừa được Liên Xô viện trợ về Lạng Sơn. Đồng thời tổ chức và huy động lại các đơn vị và các phân đội, biên chế lại một sư đoàn vừa rút lui từ chiến trường, tiến hành các hoạt động tác chiến vào sâu trong hậu phương địch.
Phi đoàn máy bay vận tải An-12 của Liên Xô đã lập cầu hàng không, chở Quân đoàn 2, Quân đội Nhân dân Việt Nam từ Campuchia về Lạng Sơn.
Ngày 25/2, tại Mai Sao, Quân đoàn 14 (Binh đoàn Chi Lăng) thuộc Quân khu 1, Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng Bộ chỉ huy thống nhất Lạng Sơn được thành lập, lực lượng bao gồm các Sư đoàn 3, 327, 338, 337 (đang từ Quân khu 4 ra) và sau này có thêm Sư đoàn 347 cùng các đơn vị trực thuộc khác.
Trong giai đoạn đầu đến ngày 28/2/1979, quân Trung Quốc chiếm được các thị xã Lào Cai, Cao Bằng, và một số thị trấn. Các cơ sở vật chất, kinh tế ở những nơi này bị phá hủy triệt để. Tuy nhiên, do vấp phải sự phòng ngự có hiệu quả của Việt Nam cũng như có chiến thuật lạc hậu so với phía Việt Nam nên quân Trung Quốc tiến rất chậm và bị thiệt hại nặng. Quân đội Việt Nam còn phản kích, đánh cả vào hai thị trấn biên giới Ninh Minh (Quảng Tây) và Malipo (Vân Nam) của Trung Quốc, nhưng chỉ có ý nghĩa cảnh cáo Trung Quốc.
Lạng Sơn - những trận chiến quyết tử
Giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 27/2. Chiến sự tập trung tại Lạng Sơn tuy giao tranh tại Lào Cai, Cao Bằng, và Móng Cái vẫn tiếp diễn. Trận đánh chiếm thị xã Lạng Sơn bắt đầu lúc 6 giờ sáng cùng ngày. Trung Quốc điều tới đây thêm 2 sư đoàn từ Đồng Đăng và Lộc Bình (phía đông nam Lạng Sơn), tiếp tục đưa thêm quân mới từ Trung Quốc thâm nhập Việt Nam để tăng viện.
Tại Lạng Sơn, các Sư đoàn 3 và 337 của Việt Nam đã tổ chức phòng thủ chu đáo và phản ứng mãnh liệt trước các đợt tấn công lớn của quân Trung Quốc. Từ ngày 2/3, Sư đoàn 337 trụ tại khu vực cầu Khánh Khê. Sư đoàn 3 chống trả lại 3 sư đoàn bộ binh 160, 161, 129 cùng nhiều xe tăng, pháo của Trung Quốc, tiến công trên một chiều dài 20 km từ xã Hồng Phong, huyện Văn Lãng đến xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc.
Suốt ngày 27, ở hướng Cao Lộc, sư đoàn 129 Trung Quốc không phá nổi trận địa phòng thủ của trung đoàn 141; ở hướng đường 1B, sư đoàn 161 bị trung đoàn 12 ghìm chân; ở hướng đường 1A, trung đoàn 2 vừa chặn đánh sư đoàn 160 từ phía bắc vừa chống lại cánh quân vu hồi của sư đoàn 161 từ hướng tây bắc thọc sang. Nhưng 14 giờ ngày hôm đó, 1 tiểu đoàn Trung Quốc bí mật luồn qua phía sau bất ngờ đánh chiếm điểm cao 800, nơi đặt đài quan sát pháo binh của sư đoàn 3 Sao Vàng. Mất điểm cao 800, thế trận phòng ngự của Việt Nam ở phía tây đường 1A từ Cốc Chủ đến điểm cao 417 bị chọc thủng.
Chiếm được điểm cao 800 và ga Tam Lung nhưng trong suốt các ngày từ 28/2 đến 2/3, quân Trung Quốc vẫn không vượt qua được đoạn đường 4 km để vào thị xã Lạng Sơn, tuy chúng đã dùng cho hướng tiến công này gần 5 sư đoàn bộ binh. Sau nhiều trận đánh đẫm máu giành giật các điểm cao quanh Lạng Sơn mà có trận, quân phòng thủ Việt Nam chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, quân Trung Quốc bắt đầu bao vây thị xã Lạng Sơn ngày 2 tháng 3, sử dụng thêm sư đoàn 162 dự bị chiến dịch của quân đoàn 54 và dùng 6 sư đoàn tấn công đồng loạt trên nhiều hướng. Chiều ngày 4/3, một cánh quân Trung Quốc đã vượt sông Kỳ Cùng, chiếm điểm cao 340 và vào tới thị xã Lạng Sơn, một cánh quân khác của sư đoàn 128 Trung Quốc cũng chiếm sân bay Mai Pha, điểm cao 391 ở phía tây nam thị xã.
Đến đây, phía Việt Nam đã điều các sư đoàn chủ lực có xe tăng, pháo binh, không quân hỗ trợ áp sát mặt trận, chuẩn bị phản công giải phóng các khu vực bị chiếm đóng. Quân đoàn 14 với các sư đoàn 337, 327, 338 hầu như còn nguyên vẹn đang bố trí quân quanh thị xã Lạng Sơn. Quân đoàn 2, chủ lực của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tập kết sau lưng Quân đoàn 14.
Trung Quốc buộc phải rút quân
Ngày 5/3/1979, Việt Nam ra lệnh tổng động viên toàn quốc. Cùng ngày, Bắc Kinh tuyên bố đã "hoàn thành mục tiêu chiến tranh", "chiến thắng" và bắt đầu rút quân. Lúc đó, tại mặt trận Lạng Sơn, phía Việt Nam đã bày binh bố trận rất bài bản, chuẩn bị phản công trên quy mô lớn, đánh hiệp đồng quân binh chủng. Nếu không rút quân đúng thời điểm này thì quân Trung Quốc sẽ thiệt hại rất lớn, nhận hậu quả rất nặng nề, bị tiêu diệt gọn. Bởi lúc đó, Sư đoàn 337 của Việt Nam lên tham chiến từ ngày 2/3 tại khu vực cầu Khánh Khê ở Lạng Sơn để chi viện cho các đơn vị đang chặn đánh quân Trung Quốc. Nhưng 337 đến hơi muộn để thay đổi cục diện trận đánh tại Lạng Sơn. Tuy nhiên, Sư đoàn 337 đã cùng sư đoàn 338 tổ chức phản kích, đánh duổi quân Trung Quốc rút lui qua ngả Chi Ma.
Ngày 7/3, Việt Nam tuyên bố thể hiện "thiện chí hòa bình", sẽ cho phép Trung Quốc rút quân.
Mặc dù Trung Quốc tuyên bố rút quân nhưng chiến sự vẫn tiếp diễn ở một số nơi dọc biên giới 6 tỉnh phía Bắc.
Ngày 18/3/1979, Trung Quốc rút hết quân khỏi biên giới Việt Nam.
Logged
duc60
Thành viên
*
Bài viết: 13


« Trả lời #236 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2014, 07:01:50 pm »

sau khi đơn vị tôi từ CPC ra LS, đến từ ngày 05-10/3/1979 mỗi C vẫn đánh được 1 trận, trong đó C91 -D35-E198 đánh 1 trận rất hiệu quả:trong 20 phút tiêu diệt 1 đại đội TQ, không ai hy sinh.(nên nhớ: khi ra đến LS mỗi C chỉ còn khoảng 30 người mà sốt rét rất nhiều,đi đánh chỉ khoảng hơn chục người)
Những đồng chí trong E 198 hãy lên tiếng để trao đổi nhé,
rất cám ơn.
Logged
longtrec
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1941



« Trả lời #237 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2014, 09:47:57 pm »

Trích dẫn
Lúc đó, tại mặt trận Lạng Sơn, phía Việt Nam đã bày binh bố trận rất bài bản, chuẩn bị phản công trên quy mô lớn, đánh hiệp đồng quân binh chủng. Nếu không rút quân đúng thời điểm này thì quân Trung Quốc sẽ thiệt hại rất lớn, nhận hậu quả rất nặng nề, bị tiêu diệt gọn. Bởi lúc đó, Sư đoàn 337 của Việt Nam lên tham chiến từ ngày 2/3 tại khu vực cầu Khánh Khê ở Lạng Sơn để chi viện cho các đơn vị đang chặn đánh quân Trung Quốc. Nhưng 337 đến hơi muộn để thay đổi cục diện trận đánh tại Lạng Sơn. Tuy nhiên, Sư đoàn 337 đã cùng sư đoàn 338 tổ chức phản kích, đánh duổi quân Trung Quốc rút lui qua ngả Chi Ma.
Ngày 7/3, Việt Nam tuyên bố thể hiện "thiện chí hòa bình", sẽ cho phép Trung Quốc rút quân.
Mặc dù Trung Quốc tuyên bố rút quân nhưng chiến sự vẫn tiếp diễn ở một số nơi dọc biên giới 6 tỉnh phía Bắc.
Ngày 18/3/1979, Trung Quốc rút hết quân khỏi biên giới Việt Nam.

Cảm ơn bài báo đã liệt kê lại sự kiện tháng 2/79 ở 6 tỉnh BGPB !

Tuy là bài liệt kê tương đối cẩu thả ,viết nhưng không tìm hiểu và nắm rõ những sự kiện lịch sử.


1/ Sư 337 tham chiến ngày 26/2 chứ không phải ngày 2/3.

2/ Trung quốc không rút hết qua biên giới sau khi tuyên bố , càng không phải "Ngày 18/3/1979, Trung Quốc rút hết quân khỏi biên giới Việt Nam". Sự thực là TQ đã để lại quân chiếm đóng trái phép 50 điểm dọc toàn tuyến BG.
Tại Lạng sơn quân TQ chiếm đóng trái phép cao điểm 583 và  điểm cao 371 . Còn bình độ 400 năm 1981 TQ cho 1 sư đoàn Quảng Tây đánh chiếm.

Trong năm 1981, sư đoàn 337 mà cụ thể là E52 được sự yểm chợ của E108 pháo binh, cụm pháo 130mm của E166 phản công lấy lại. Vì một số lý do E52 không giữ được và chịu thiệt hại nặng phải rút ra để bổ xung quân để E 92 vào thay.

 C9 của tôi trong 2 năm 1984 và 1985 đã nhiều lần trị bọn lấn chiếm trên cao điểm 583.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Hai, 2014, 01:49:39 pm gửi bởi longtrec » Logged
quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #238 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2014, 01:44:13 am »

...   * Sau khi cân nhắc, BTTM quyết định điều động F3/ sư đoàn 3 Sao Vàng và F316/ sư đoàn 316 ra Bắc ngay trong năm 1976, đặt ở hai hướng quan trọng nhất. F3 về Hà Bắc, F316 về Yên Bái. Tháng 7/1978, F3 được lệnh về Quân khu 1 làm nhiệm vụ phòng thủ ở đông-nam tỉnh Cao Lạng, một địa bàn trọng yếu của quân khu và của Bộ. F316 cũng dâng lên Lào Cai. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Bộ, F3 và F316 điều động hàng trăm sỹ quan các cấp về BCH QS các tỉnh, huyện để làm nòng cốt huấn luyện và xây dựng LLVT địa phương; bố trí các LLVT này vào ngay đội hình tác chiến cấp trung đoàn và tiểu đoàn. Bắt tay ngay vào việc xây dựng dải trận địa phòng ngự thê đội 1/ tuyến 1 (F3 xây dựng với chiều dài 60km) và thê đội 2/ tuyến 2....

Chỗ này có một ý nhỏ, câu hỏi em đặt ra từ bài viết trước, tại sao Bộ lại chọn F3 và F316?

Lớp hậu sinh con cháu xin có đôi lời lượm lặt như sau:


Đây đều là những sư đoàn mạnh và rất có truyền thống trong lịch sử KCCM. Nhưng điều đó vẫn là chưa đủ và cũng "bình thường" như bao sư đoàn khác trong lịch sử QDND VN mà thôi. Hẳn Bộ cũng có cái lý của mình và ta sẽ xem nó được thể hiện ra sao?

1. F316/ sư đoàn 316/ Đoàn Bông Lau/ Sư đoàn Thổ: là F có truyền thống từ thời KCCP, được hiểu nôm na là tuyển quân phần lớn ở các tỉnh Tây Bắc là chính, ưu điểm tác chiến tuyệt đối tại chiến trường rừng núi; quen thuộc địa bàn Thượng Lào và Tây Bắc. Dân gian có khi quen gọi là "lính sơn cước". Đánh rất lỳ và dũng cảm. Tuyệt đối trung thành. Hơn nữa, từ trong năm 1974, khi từ Lào về Nghệ An, F316 đã có hơn 1 năm bổ sung, củng cố và huấn luyện chiến thuật. Nhuần nhuyễn nhiều cách đánh, sở trưởng mạnh, sư đoàn được tin tưởng  tung vào chiến dịch Buôn Ma Thuột, đi suốt chiều dài chiến dịch Hồ Chí Minh (công phá Đồng Dù, Trảng Bàng) => tác chiến địa bàn nào cũng được (rừng núi, đô thị, đồng bằng), chiến trường nào cũng xong, chiến thuật nào cũng tốt, khá toàn diện phải không ạ!

Đưa F316 về Quân khu 1, về với Tây Bắc khác nào cá về với nước; dùng chính những người lính là con em các dân tộc Tây Bắc trưởng thành trong chiến đấu, trong gian khổ làm nòng cốt xây dựng và bảo vệ chính quê hương, tấc đất biên cương thì không gì hơn thế.

Có thể kể đến chiến công của D2 E174/ trung đoàn Cao Bắc Lạng trong tháng 2/1979 tại khu vực nhà thờ thị xã Sa Pa và Cầu Đôi thuộc Lào Cai. Đây chính là bài học thực tiễn trong những ngày tháng quần thảo với lính VNCH tại Bầu Nâu, Trà Võ.

Hoặc C10 D6 E148 trong nửa ngày đã cấu trúc xong trận địa phòng ngự tại cao điểm S08, một điểm cao chiến thuật có giá trị phòng ngự tích cực, có giá trị chiến lược tạo thế cho toàn trung đoàn và sư đoàn vào trận. Đây chính là bài học vận dụng kinh nghiệm phòng thủ dãy điểm cao án ngữ xung quanh Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, Lào.

2. F3 Sao Vàng là đơn vị ra đời tại chiến trường khu 5 trong KCCM. Các trung đoàn đều có sở trưởng khác nhau, E12/ đoàn Tây Sơn nổi tiếng với đánh cắt giao thông, luồn sâu tạo thế chiến dịch, có kinh nghiệm tác chiến tại các huyện miền núi phía tây tỉnh Bình Định. E141/ đoàn Hoài Ân có kinh nghiệm phòng thủ tác chiến bên dòng sông Kim Sơn trong năm 1972. E2/ đoàn An Lão: trung đoàn chủ công, tác chiến giỏi trong mọi địa hình, nổi tiếng kiên cường trong tiến công. Đặc biệt là trong KCCM, BCH F3 được đánh giá cao bởi sự linh hoạt, nhận định đánh giá tình hình sớm và chủ động ra quyết sách kịp thời trong thời gian ngắn nhằm thay đổi hình thức tác chiến hoặc chiến thuật cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế; không ỷ lại và trông chờ vào chỉ đạo của trên. Có thể kể đến việc thay đổi ngay thế trận và hướng tiến công như vũ bão khi Cầu Bông (Vũng Tàu) bị đánh sập tháng 4/1975 hoặc dừng ngay mũi tiến công đột kích từ bắc Bình Định ra nam Quảng Ngãi trong năm 1972, sau khi tiêu diệt căn cứ Đệ Đức để chuyển về phòng thủ giữ vững phòng tuyến Hoài Ân, Bình Định. Hay là tổ chức tiến công khi giải phóng Ninh Thuận, BCH F cùng lúc sử dụng nhiều phương án chiến thuật: mũi chính diện, thọc sâu của trung đoàn 2; mũi đánh ngang sườn của trung đoàn 25, 12 và mũi vu hồi của trung đoàn 141 ở hướng đông đã khiến cho bọn địch bị bao vây ở cả bốn phía, không còn đường để rút chạy.

Từ những kinh nghiệm quý báu đó đã được vận dụng trong thế trận biên giới phía bắc một cách nhuần nhuyễn:
- Quân bành trướng Trung Quốc chọn đêm ngày 16, rạng sáng ngày 17/2/1979, trong hoàn cảnh sương mù che khuất tiến hành áp sát biên giới; phong tỏa/ cắt đứt thông tin; bất ngờ tiến công với đòn hủy diệt pháo binh và các mũi thọc sâu, vu hồi có xe tăng yểm trợ hòng phá nát thế trận phòng ngự của ta; nhanh chóng hình thành xé lẻ hoặc cất vó các sư đoàn chủ lực và tiến nhanh xuống vùng trung du - đồng bằng. Tưởng vậy mà đâu có dễ,  Wink. Tất cả các trận địa phòng ngự tuyến 1 của ta đều kiên cường phòng ngự. Các đại đội/ tiểu đoàn không có sự chỉ huy thống nhất, không liên lạc được với nhau để phối hợp tác chiến, không còn đài quan sát nhưng đều chủ động chặn địch (ví dụ cả E12 thì chỉ có trận địa C41 là im tiếng súng). Thế trận phòng ngự tại  Đồi 9, Đồi 10, Quy Thuận trong chiến dịch phòng thủ Hoài Ân 1972 đã diễn ra ở dãy điểm cao 339, 423, đồi Thâm Mô/ đồi Phạm Ngọc Yểng (vòng tròn xanh) khi chốt giữ con đường độc đạo từ biên giới xuống tạo thành ngã ba chiến lược đường 1A và 1B.

Hay trong hoàn cảnh như vậy, F3 nhanh chóng tổng hợp, nắm bắt tình hình; chủ động nhận định: "đâu là hướng tiến công vu hồi thọc sâu hết sức nguy hiểm, đâu là hướng tiến công chính diện của địch và ngay trong đêm 17/2 đã đề ra quyết sách hợp lý, xây dựng/ điều chỉnh lại thế trận phòng ngự thích hợp. Đặc biệt là ngay trong sáng ngày 18 tháng 2, sư đoàn mở trận phản kích đầu tiên với quy mô trung đoàn thiếu vào cánh quân vu hồi của địch ở Tam Lung. Một trong những mục tiêu chủ yếu của trận tiến công là phải chiếm lại các điểm cao Chậu Cảnh, đồi Địa Chất, Bản Phân, Phai Môn, cao điểm 611, 409 (vòng tròn nâu) những vị trí quan trọng tại Tam Lung vừa bị địch chiếm. Hoặc quyết định đêm 22/2 trước cửa ngõ Lạng Sơn có khác gì "đêm trắng" quyết định kéo quân tiến ra nam quảng ngãi về phòng ngự Hoài Ân:

Trích dẫn
...Vấn đề trung tâm được đưa ra thảo luận là nên đưa trung đoàn 12 lập trận địa mới hay tiếp tục tổ chức đánh chiếm lại các trận địa vừa bị mất trên hướng chủ yếu ở Đồng Đăng? Có ý kiến cần tập trung toàn bộ lực lượng khôi phục lại các điểm cao Thâm Mô, Pháo Đài, 339 bởi giá trị chiến dịch của nó có tính chất quyết định đối với việc bảo vệ Lạng Sơn. Mất khu vực cửa ngõ này, mũi vu hồi của địch ở Tam Lung có điều kiện tiến về Lạng Sơn nhanh hơn vì nó sẽ không còn bị đe dọa từ phía sau lưng nữa. Có ý kiến nếu tập trung sức của sư đoàn để phản kích thì sẽ khôi phục lại được trận địa vì ở Thâm Mô và điểm cao 339 ta vẫn còn giữ được một phần đất để làm bàn đạp, nhưng sự tiêu hao sinh lực sẽ lớn. Thêm nữa, địch vẫn liên tiếp tăng quân và đang dồn lực lượng vào hướng chủ yếu. Diệt hết lớp này lớp khác lại tràn đến thay thế. Trong khi ấy lực lượng ta có hạn, nhất là trung đoàn 12 phải tính đến từng người. Do đó, không thể đánh theo lối “đá bóng” như vậy mãi được....

Các vị trí địa danh có liên quan, bác nào muốn hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử thì có thể đọc ở đây.
- vòng tròn xanh lơ: các điểm cao, vị trí hành lang là nơi tranh chấp phía sau : Song Áng, Pá Biêng, Con Khoang, Pá Chai, Khôn Làng, Đồng Uất, Chọc Võ, điểm cao 607, 303

- vòng tròn đen: cao điểm 800, vị trí đặt đài quan sát của F3 bị địch chiếm lúc 14h ngày 27/2 khi luồn qua sau lưng vị trí phòng thủ của tiểu đoàn 1.

- vòng tròn đỏ: Hữu Nghị Quan, thị xã Đồng Đăng, cao điểm 386, Thâm Kéo, cột mốc biên giới M16



Phải nói rằng còn rất nhiều điểm hay chưa kể hết, phân tích hết được. Nhưng những ví dụ trên đã chỉ rõ, quyết định sáng suốt của Bộ trong chiến lược quân sự tại thời điểm, theo thế và lực của ta tại thời điểm đó. F3 và F316 đã hoàn thành sứ mạng lịch sử, cùng quân dân địa phương chặn đứng thế tiến công như thác lũ của địch. Trước đòn tấn công bất ngờ, áp đảo hủy diệt và số lượng gấp hàng chục lần mà F3, F316 và các sư đoàn khác đã đứng vững; tạo điều kiện về thời gian và không gian cho Bộ điều chỉnh lực lượng - nhất là phá vỡ âm mưu tiến xuống vùng đồng bằng theo hướng Lạng Sơn (nhanh và ngắn nhất).

Ta hiểu rằng, mọi sự so sánh đều khập khiễng và tại từng thời điểm lịch sử thì cục diện và thế lực của mỗi bên đều khác nhau. Thế nhưng hãy thử đặt một giả thiết trong trường hợp F3 không cản nổi thế địch, thị xã Lạng Sơn nhanh chóng vỡ và quân Trung Quốc nhanh chóng càn lướt theo đường 1. Lúc này, liệu QUTW còn cương quyết: "không được tung Quân đoàn 1, lực lượng dự bị chiến lược, thê đội 2 vào ngay trận chiến để giải quyết một số khó khăn tại các hướng trọng điểm". Hoặc địch chiếm được một tỉnh BGPB, kêu gọi và tổ chức xây dựng Khu tự trị/ Vùng tự do. Hiệu ứng đô mi nô kéo theo sẽ làm tan vỡ chiến lược phòng thủ tại Quân khu 3 và thế cục trên cả bán đảo Đông Dương khi ta đang cùng các LLVT nước bạn Lào, Cambodia truy quét tàn quân, phỉ và các thế lực phản động. Nhất là khi ta đã nhận định: "3 tình huống chiến lược mà chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch có thể tiến hành đối với nước ta, đó là: kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt, kiểu chiến tranh có giới hạn và chiến tranh xâm lược quy mô lớn."
Logged

linh_8_78_88_68
Thành viên
*
Bài viết: 793

Chí làm trai dặm nghìn da ngựa....


« Trả lời #239 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2014, 05:33:01 am »


Ngày mai 17 - 2, các bác CCB ngoài í có tổ chức kỹ niệm hay tưởng niệm chi không?
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM