Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Năm, 2024, 07:32:46 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bộ Tổng Tham mưu Xô-viết trong chiến tranh - Tập 2  (Đọc 109685 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #50 vào lúc: 07 Tháng Tám, 2011, 12:07:57 pm »

I. V. Xta-lin trước hết không tin vào những tin tức thông báo của Sớc-sin. Ngay ngày hôm sau, đồng chí trả lời thủ tướng Anh rằng các tin tức trên đã bị thổi phồng một cách quá đáng và khó làm cho người khác có thể tin cậy. Khó tin nhất là điều quân khởi nghĩa có ý định đánh chiếm Vác-sa-va.

“Quân đội quốc gia của Ba Lan, - I. V. Xta-lin viết, - chỉ gồm có mấy chi đội chưa thể gọi là sư đoàn được. Nó không có pháo binh, không quân và xe tăng. Tôi không thể hình dung nổi, với những chi đội như vậy mà có thể chiếm được Vác-sa-va trong khi Đức có 4 sư đoàn xe tăng, kể cả sư đoàn xe tảng “Ghéc-man Gơ-rinh” đang phòng thủ ở Vác-sa-va". (Thư từ trao đổi giìra Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Liên Xô với Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Anh trong thời kỳ Chiến tranh giữ nước vĩ đại 1941-1945, tiếng Nga, t. 1, tr. 252-253.)

Còn về câu kết thúc đầy ẩn ý của Sớc-sin viết trong bản thông điệp thì nó cùng mang tính chất hoàn toàn lố bịch: tựa như cuộc khởi nghĩa ở Vác-sa-va là một hành động chi viện cho Hồng quân!

Thế nhưng bức thông điệp đó của thủ tướng Anh cũng làm cho chúng ta phải chú ý. Xta-lin lệnh cho Gh. C. Giu-cốp, C. C. Rô-cô-xôp-xki và Bộ tổng tham mưu báo cáo các dự kiến của mình về việc đánh chiếm Vác-sa-va.

Đại diện Đại bản doanh và Hội đồng quân sự phương diện quân ngày 6 tháng Tám báo cáo về Mát-xcơ-va:

“1. Quân địch bố trí một lực lượng mạnh ở khu vực Xô-cô-lúp, Pốt-li- a-xki, Ô-gơ-ru-đéc (Bắc Ca-lu-sin 10 ki-lô-mét), Xta-ni-xla-vúp, Vô-lô-min, Pra-ha.

2. Chúng ta chưa đủ lực lượng tiêu diệt cụm quân địch ở đây”.

Các đồng chí đề nghị được phép sử dụng khả năng cuối cùng của mình là tung tập đoàn quân 70, trong biên chế có 4 sư đoàn, mới được dùng làm lực lượng dự bị, bước vào chiến đấu và cho 3 ngày để chuẩn bị chiến dịch. Báo cáo của các đồng chí nói rằng: “chúng tôi chưa thể chuyển sang tiến công trước ngày 10 tháng Tám, vì chưa kịp chuyên chở lên phía trước số đạn dược cần thiết ở mức tối thiểu trước thời hạn ấy”.


Bộ tổng tham mưu đồng ý với đề nghị của các đồng chí. Đại bản doanh cho phép các đồng chí chuẩn bị chiến dịch trong khoảng thời gian trên, nhưng cuối cùng tình hình cũng vẫn chưa chuyển biến được.

Đứng trước hoàn cảnh: bộ đội ta đột phá trong hành tiến vào Vác-sa-va không thành công, các đơn vị tiến công mỏi mệt không thể tạo nên bước ngoặt quyết định trong chiến dịch, kế hoạch tiến công lại bị địch phá vỡ, lúc này yêu cầu phải cải tiến hẳn việc bảo đám hậu cần của các tập đoàn quân, cho nên Bộ tổng tư lệnh tối cao Liên Xô buộc lòng phải tổ chức ra chiến dịch tiến công mới để giải phóng Vác-sa-va.

Chúng ta cũng cần thấy rõ một vấn đề khác nữa là các lực lượng dự bị lớn của Đại bản doanh cũng chưa có bao nhiêu, nên phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 buộc phải giải quyết bằng các lực lượng hiện có của mình.

Như tôi được biết, kế hoạch chiến dịch giải phóng Vác-sa-va đang có cuộc khởi nghĩa hãy còn ít người viết đến, nên cho phép tôi được kể lại tỉ mỉ một chút. Tình hình diễn biến như sau.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #51 vào lúc: 07 Tháng Tám, 2011, 12:09:01 pm »

Theo chỉ thị của Đại bản doanh, Gh. C. Giu-cốp và C. C. Rô-cô-xôp-xki đã báo cáo lên I. V. Xta-lin các dự kiến hành động trong chiến dịch Vác-sa-va. Các đồng chí báo cáo:

“1. Phương diện quân có thể bắt đầu chiến dịch Vác-sa-va sau khi các tập đoàn quân cánh phải tiến ra tuyến sông Na-rép và chiếm được căn cứ bàn đạp ở bên bờ phía Tây con sông đó tại Pun-túc, Xê-rôt-xcơ. Đội hình chiến đấu của các tập đoàn quân ấy còn cách xa sông 120 ki-lô-mét. Muốn vượt qua chặng đường này cần tới 10 ngày.

Vậy là các tập đoàn quân bên cánh phải của phương diện quân cần tiến hành chiến dịch tiến công trong khoảng từ ngày 10 đến hết ngày 20 tháng Tám năm nay để tiến ra tuyến sông Na-rép.

2. Trong khoáng thời gian ấy, bên cánh trái của phương diện quân, các đơn vị của tập đoàn quân 69, tập đoàn quân cận vệ 8, quân đoàn kỵ binh cận vệ 7 và quân đoàn xe tăng 11 phải tiến hành một chiến dịch đệm, nhằm mở rộng căn cứ bàn đạp ở bờ phía Tây sông Vi-xla, đưa các tập đoàn quân đó tiến ra tuyến Vác-ca, Xtơ-rô-mét, Ra-đôm, Ve-giơ-bít-xa.

Muốn tiến hành chiến dịch này, cần rút tập đoàn quân xe tăng 1 của Ca-tu-cốp trong biên chế của phương diện quân U-crai-na 1 chuyển thuộc cho phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 và điều tập đoàn quân ấy từ khu vực Ô-pa-túp vượt Ô-xtơ rô-vét, Xen-nô tiến công theo hướng Bắc ra tuyến Dơ-vô-len, Ra-dôm, chi viện cho tập đoàn quân 69, tập đoàn quân cận vệ 8, quân đoàn kỵ binh 7 và quân đoàn xe tăng 11 tiêu diệt quân địch ở đây.

Đi đôi với vấn đề này, cần chuyển dịch tuyến phân giới giữa phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 và phương diện quân U-crai-na 1 chếch lên phía Bắc tới tuyến Cra-xnô-xtáp, sông In-gian-ca, Ô-pôt-nô, Pi-ốt-cúp. Như vậy, đội hình chiến đấu của các tập đoàn quân bên cánh trái của phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 sẽ dày đặc hơn và tăng được sức mạnh đội kích của bộ đội ta trên hướng Ra-đôm.

3. Sau khi tiến hành chiến dịch và lúc các tập đoàn quân cánh phải của phương diện quân tiến ra tuyến sông Na-rép, các tập đoàn quân cánh trái tới tuyến Vác-ca, Ra-đôm, Ve-giơ-bít-xa, thì các binh đoàn cần ít nhất là 5 ngày để dời các căn cứ không quân, điều pháo binh và hậu cần lên phía trước và chuyên chở đạn dược, nhiên liệu.

4. Tính toán số thời gian cần thiết để chuẩn bị, chúng tôi có thể bắt đầu chiến dịch Vác-sa-va từ ngày 25 tháng Tám 1944 bằng tất cả các lực lượng của phương diện quân nhằm tiến ra tuyến Xê-kha-núp, Pơ-lôn-xcơ, Vư-sô-grút, Xô-kha-trép, Xke-rơ-ne-vi-xe, Tô-ma-súp và chiếm lấy Vác-sa-va.

Trong chiến dịch này. chúng tôi sẽ sử dụng 3 tập đoàn quân, 1 quân đoàn xe tăng và 1 quân đoàn kỵ binh để tiến công ở phía Bắc sông Vi-xla, sử dụng tập đoàn quân 69, tập đoàn quân cận vệ 8, tập đoàn quân xe tăng 1 và 2,2 quân đoàn kỵ binh, 1 quân đoàn xe tăng và 1 tập đoàn quân lấy ở cánh phải của phương diện quân để tiến công ở phía Nam sông Vi-xla.

Tập đoàn quân Ba Lan 1 trong chiến dịch này, sẽ tiến công dọc theo bờ phía Tây sông Vi-xla, có nhiệm vụ hiệp đồng với bộ đội bên cánh phải và ở giữa phương diện quân đánh chiếm lấy thành phố Vác-sa-va”.


Vậy là các đồng chí dự kiến sẽ dùng lực lượng của cả hai cánh của phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 mở hai mũi vu hồi tiêu diệt tập đoàn địch đóng tại Vác-sa-va. Đồng thời, trong số các tập đoàn quân vượt sông Vi-xla, sẽ lấy ra 1 tập đoàn quân tiến công lên phía Bắc dọc theo bờ sông phía Tây làm nhiệm vụ chia cắt cụm quân địch ở đây.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #52 vào lúc: 07 Tháng Tám, 2011, 12:10:57 pm »

Các khu vực xuất phát tiến công của các binh đoàn ở hai bên sườn như sau: bên sườn phải là các căn cứ bàn đạp cần được chiếm lấy trên sông Na-rép trong khu vực Pun-túc và Xê-rốt-xcơ, còn ở bên sườn trái là các căn cứ bàn đạp của các tập đoàn quân cận vệ 8 và tập đoàn quân 69 ở Ma-gnu-se-vô và Pu-la-vư trên sông Vi-xla. Trường hợp thuận lợi nhất cũng không thể bắt đầu chiến dịch trước ngày 25 tháng Tám được.

Trong những ngày này, X. Mi-cô-lai-chích đang tiến hành hội đàm với I. V. Xta-lin và V. M. Mô-lô-tôp về tình hình các công việc ở Ba Lan và các quan hệ Liên Xô - Ba Lan. A. I. An-tô-nốp ở Bộ tổng tham mưu được triệu tập tham dự một số buổi họp.

Xta-lin tuyên bố kiên quyết rằng: công việc ở Ba Lan phải do chính những người Ba Lan thảo luận với nhau và phải tiến hành đàm phán với ủy ban giải phóng dân tộc Ba Lan. “Những người theo Luân đôn” đồng ý. Các đồng chí B. Be-rút, chủ tịch CRN, E. Ô-xúp-ca - Mô-ráp-xki, chủ tịch ủy ban giải phóng dân tộc Ba Lan, và những đồng chí khác từ Li-u-blin đến Mál-xcơ-va. Tướng M. Rô-li-a - Gi-me-rơ-xki. Tổng tư lệnh Quân đội Ba Lan, cũng đến họp.

Trong những buổi họp sau này, các bên đều giữ ý kiến của mình. Buổi hội đàm cuối cùng giữa I. V. Xta-lin và Mi-cô-lai-chích tiến hành vào ngày 9 tháng Tám. Trong buổi hội đàm ấy, rốt cuộc Mi-cô-lai-chích đã buộc phải thông báo tỉ mỉ hơn về cuộc khởi nghĩa Vác-sa-va và nói rằng những người khởi nghĩa đang bị thiếu thốn vũ khí một cách trầm trọng.

Chúng tôi ở Bộ tổng tham mưu ít lâu sau được biết rằng Tổng tư lệnh tối cao đã nói chuyện bằng điện thoại cao tần với C. C. Rô-cô-xốp-xki và lệnh cho đồng chí phải xem xét lại một lần nữa các vấn đề về chiến dịch Vác-sa-va và biện pháp đầu tiên là phải tổ chức chuyên chở vũ khí cho những người khởi nghĩa và cho người nhảy dù, có trang bị điện đài, bắt liên lạc với ban lãnh đạo khởi nghĩa. Chiến sĩ nhảy dù không nắm được nơi bố trí của quân khởi nghĩa đã bị sa vào tay giặc. 

Trở về Luân Đôn, Mi-cô-lai-chích thuật lại cho U. Sớc-sin nghe về các buổi hội đàm ở Mát-xcơ-va và tình hình đang ngày một xấu dần ở Vác-sa-va. U. Sớc-sin viết cho I. V. Xta-lin: “tôi nhận được bức điện đau buồn của những người Ba Lan ở Vác-sa-va gửi tới nói rằng: họ đã chiến đấu hơn 10 ngày nay để chống lại các lực lượng Đức rất mạnh đã cắt thành phố ra làm ba mảnh. Họ đang vật nài gửi cho họ súng máy và đạn dược. Vậy Ngài có thể chi viện thêm nữa cho họ được không, vì rằng từ I-ta-li-a tới đấy thật quá xa!”.

Qua bức thư trên, chúng ta thấy rằng không ai có ý định thông báo tỉ mỉ hơn cho Liên Xô biết. Các nước đồng minh hiểu rõ rằng phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 chưa thể đảnh chiếm ngay được Vác-sa-va, nên sự la lối rùm beng về cuộc khởi nghĩa đó mang ý nghĩa của một ván bài chính trị bỉ ổi đối với vận mệnh của thủ đô Ba Lan đang khởi nghĩa.

Các thông báo đăng trên báo chí và truyền trên đài phát thanh của chỉnh phủ lưu vong Ba Lan do báo chí Anh đưa tin, đủ chứng minh cho vấn đề này. Các thông báo về cuộc khởi nghĩa ở Vác-sa-va nói ám chỉ rằng những người khởi nghĩa có liên lạc với bộ chỉ huy Liên Xô, thế nhưng, về phía Liên Xô lại không chi viện cho họ. Còn các báo chí tư sản của Ba Lan ở Luân Đôn lại tung ra các luận điệu xảo quyệt hơn, đổ lỗi cho Liên Xô đã gây nên tình thế khó khăn đó cho những người khởi nghĩa ở Vác-sa-va.

I. V. Xta-lin lệnh phải có thái độ ngay đối với những lời vu khống thâm hiểm ấy. Thông tấn xã Liên Xô cho in trên các báo chí, truyền đi trên đài phát thanh bán tuyên bố nói rằng: chính phủ lưu vong Ba Lan phải chịu trách nhiệm về các sự kiện đã xảy ra ở Vác-sa-va. Họ không hề báo trước cho bộ chỉ huy Liên Xô biết về cuộc khởi nghĩa và cũng không hề thỏa thuận gì với bộ chỉ huy Liên Xô về các cuộc nổi dậy ở thủ đô Ba Lan. Vì vậy, các giới lưu vong Ba Lan ở Luân Đôn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về những vấn đề đã xảy ra.

Ngoài ra, Tổng tư lệnh tối cao còn gửi thư cho Sớc-sin sau khi phân tích chi tiết mọi vấn đề có liên quan tới Vác-sa-va. Trong thư nói rõ cuộc khởi nghĩa ở thủ đô Ba Lan là một hành động phiêu lưu liều lĩnh, làm cho nhân dân Ba Lan bị tổn thất quá nặng. “nếu như bộ chỉ huy Liên Xô được thông báo trước khi nổ ra các hành động ở Vác-sa-va và nếu như những người Ba Lan bắt liên lạc với bộ chỉ huy Liên Xô, thì tình hình sẽ không thể xảy ra như vậy” (Thư từ trao đổi giữa Chủ tịch Hội động bộ trưởng Liên Xô với Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Anh trong thời kỳ Chiến tranh giữ nước vĩ đại 1941-1945, tiếng Nga. t. 1, tr. 257.).
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #53 vào lúc: 07 Tháng Tám, 2011, 12:11:50 pm »

Trong thư còn nói rõ rằng các chính giới Ba Lan ở Luân Đôn âm mưu tung ra các sự kiện nằm trong mưu đồ chính trị của bọn họ, song lại không kịp nghĩ tới mặt quân sự của vấn đề. Cuộc khởi nghĩa chưa được chuẩn bị và báo đảm chu đáo mà chủ yếu là những người tổ chức ra cuộc khởi nghĩa ấy không tính đến vai trò khách quan của bộ đội Liên Xô. I. V. Xta-lin viết thẳng: “trước tình hình đó, bộ chỉ huy Liên Xô đi đến kết luận là phải cắt đứt liên hệ với cuộc phiêu lưu Vác-sa-va ấy, vì bộ chỉ huy Liên Xô không chịu trách nhiệm trực tiếp và gián tiếp về hành động Vác-sa-va này”.

Tổng tư lệnh tối cao biểu thị quan điểm khác về nguyên tắc với chính giới ở Luân Đôn đối với các biện pháp giải phóng Vác-sa-va về mặt quân sự. Bộ chỉ huy Liên Xô cho rằng chỉ có mở chiến dịch tiến công mới có thể đánh tan được quân địch. Bộ chỉ huy Liên Xô không từ chối việc giúp đỡ vũ khí và đạn dược cho quân khởi nghĩa, nhưng chưa liên lạc được với quân khởi nghĩa và những tin tức chính xác về tình hình ở Vác-sa-va, cần thiết cho việc tổ chức cung cấp, thì đến nay Liên Xô cũng vẫn chưa nhận được.

*
*   *

Kế hoạch các chiến dịch ở khu vực Vác-sa-va mà Đại bản doanh đã thông qua, bắt đầu được thực hiện ngay. Các trận đánh diễn ra hết sức quyết liệt, nhất là ở những của ngõ tiến vào các vùng phụ cận Vác-sa-va - Pra-ha là nơi tiến công của tập đoàn quân 47 và tập đoàn quân xe tăng 2, trong khu vực các căn cứ bàn đạp gần sông Vi-xla. Thế nhưng, phòng ngự của địch lần này cũng rất vững chắc. Bộ đội đột phá của ta gặp hoàn cảnh thiếu đạn dược nên có nhiều khó khăn.

Bộ chỉ huy Đức điều động một bộ phận binh lực của chúng tới các căn cứ bàn đạp và đã chặn được kế hoạch mở rộng căn cứ bàn đạp của ta. Chỉ có các đơn vị bên cánh phải là thu được một kết quả nhất định: vào cuối tháng Tám, họ phải trả giá bằng những hy sinh lớn lao mới chiếm được các căn cứ không lớn lắm ở Na-rép, phía Nam Rô-gia-nư, trong dải của tập đoàn quân 48 của tướng P. L. Rô-ma-nen-cô và phía Nam Pun-túc trong dải của tập đoàn quân 65 của tướng P. I. Ba-tốp.

Rõ ràng khả năng tiến công của phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 đã cạn. Trong vòng hai tháng tiến công liên tục, bộ đội của phương diện quân đã tiến công trên một số hướng, vượt qua một chặng đường dài trên 600 ki-lô-mét. Bộ đội mỏi mệt. Các đơn vị thiệt hại. Cung cấp gặp trở ngại. Các phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 3 và 2, phương diện quân U-crai-na 1 cũng ở trong tình trạng tương tự như vậy. Do đó nảy ra sự cần thiết phải tạm thời chuyển sang phòng ngự.

Những thất bại của các tập đoàn quân ta khiến cho chúng ta rất đau lòng, đã thế ở Luân Đôn người ta lại đổ thêm dầu vào lửa. Sau khi nhận được thư trả lời của Bộ tổng tư lệnh tối cao Liên Xô ngày 16 tháng Tám, Sớc-sin rủ Ru-dơ-ven ký vào bức thông điệp gửi I. V. Xta-lin với lời ám chỉ rằng dư luận thế giới sẽ phản ứng bất lợi “nếu như những người chống quốc xã ở Vác-sa-va bị bỏ rơi trên thực tế”.

Ngày 22 tháng Tám, I. V. Xta-lin viết thông điệp trả lời: “sớm hay muộn, sự thật về bọn tội phạm gây ra cuộc phiêu lưu Vác-sa-va hòng chiếm lấy chính quyền rồi cũng sẽ bị lôi ra ngoài ánh sáng. Bọn họ đã lợi dụng lòng tin cậy của nhân dân Vác-sa-va, ném nhiều người dân tay không súng đạn ra trước họng súng của đại bác, xe tăng và máy bay quân thù. Trong những lúc này, mỗi ngày ở đây chưa phải là ngày giải phóng Vác-sa-va của nhân dân Ba Lan mà là ngày để cho bọn Hít-le tàn sát đẫm máu những người dân lành Vác-sa-va” (Thư từ trao đổi giữa Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Liên Xô với Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Anh trong thời kỳ Chiến tranh giữ nước vĩ đại 1941-1945. tiếng Nga, t. I, tr. 258.).

I. V. Xta-lin còn phân tích thêm cả về ý nghĩa quân sự của Vác-sa-va như sau:

“Xét về mặt quân sự, tình hình đó càng làm cho bọn Đức tăng thêm chú ý vào Vác-sa-va, càng bất lợi cả cho Hồng quân lẫn nhân dân Ba Lan. Trong khi ấy, bộ đội Liên Xô thời gian gần đây đang phải đối phó với các âm mưu tổ chức phản công của bọn Đức, đã làm hết mọi khả năng để phá vỡ các cuộc phản công ấy của bọn Hít-le và chuyển sang mở cuộc tiến công lớn mới ở Vác-sa-va. Mọi người đều thấy rõ là Hồng quân không hề tiếc sức mình để tiêu diệt quân Đức ở Vác-sa-va và giải phóng Vác-sa-va cho nhân dân Ba Lan. Đó cùng sẽ là sự chi viện tốt nhất và thiết thực cho những người Ba Lan chống bọn quốc xã”.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #54 vào lúc: 07 Tháng Tám, 2011, 12:12:40 pm »

Tình hình ở khu vực Vác-sa-va được đem ra bàn bạc nhiều lần trong Đại bản doanh. Trước khi thông qua các quyết định không chỉ thuần túy về quân sự mà là những quyết định cả về quân sự-chính trị, Đại bản doanh đã cân nhắc kỹ xem những hình thức nào chi viện cho quân khởi nghĩa sẽ đem lại hiệu quả nhiều nhất và đã đặt kế hoạch hành động cho bộ đội ta.

Đại bản doanh và phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 không một phút nào lại không nhớ tới Vác-sa-va lúc này đang gặp nhiều đau khổ - cần phải chi viện cho những người khởi nghĩa, và chi viện sao cho thật nhanh. Xta-lin đã nhiều lần đề cập tới vấn đề này. Ví dụ như hồi đầu tháng Chín 1944, vào buổi tối chúng tôi đến báo cáo tình hình trong ngày, Xta-lin vẫn đi lại trong phòng, nghĩ ngợi, thỉnh thoảng bật lên thành tiếng. Tôi không nhớ kỹ hết từng lời đồng chí đã nói lên lúc ấy, nhưng vì đây là vấn đề rất nóng hổi, phức tạp và quan trọng nên tôi có thể cam đoan mình nhớ lại đúng ý chung trong các ý kiến của đồng chí.

Tổng tư lệnh tối cao khẳng định là các chính khách của chính phủ lưu vong Ba Lan ở Luân Đôn phải chịu trách nhiệm về chính sách phiêu lưu của họ ở Vác-sa-va. Họ hành động mà không thông báo cho bộ chỉ huy quân sự Liên Xô biết và đã làm đảo lộn các kế hoạch chiến dịch của Liên Xô. Chính phủ Liên Xô yêu cầu phải thành lập một ủy ban đặc biệt để tìm hiểu một cách vô tư xem cuộc khởi nghĩa ở Vác-sa-va nổ ra theo lệnh của ai và ai sẽ chịu trách nhiệm về việc không thông báo trước cho bộ chỉ huy Liên Xô.

Không một bộ chỉ huy nào, kể cả của Anh lẫn của Mỹ, lại chịu để cho người ta tổ chức một cuộc khởi nghĩa trong một thành phố lớn, ngay phía trước mặt trận của quân đội mình mà không hề thông báo cho mình biết, bất chấp cả những kế hoạch chiến dịch của mình. Cố nhiên, bộ chỉ huy Liên Xô cũng không phải là ngoại lệ. Rõ ràng là nếu người ta hỏi ý kiến trước bộ chỉ huy Liên Xô về việc phát động cuộc khởi nghĩa ở Vác-sa-va vào đầu tháng Tám này, thì bộ chỉ huy Liên Xô nhất định sẽ chưa thể đồng ý. Vì bấy giờ, quân đội Liên Xô chưa sẵn sàng công kích đánh chiếm Vác-sa-va, hơn nữa là quân Đức lại mới điều thêm các lực lượng dự bị xe tăng của chúng tới khu vực này.

Nhìn chúng tôi với vẻ dò xét, Tổng tư lệnh tối cao tiếp tục nói: không ai có thể trách cứ Chính phủ Liên Xô thiếu giúp đỡ nhân dân Ba Lan, kể cả Vác-sa-va. Hình thức giúp đỡ thiết thực nhất là những hành động quân sự tích cực của bộ đội Liên Xô chống lại quân chiếm đóng Đức ở Ba Lan, đã tạo điều kiện giải phóng được hơn một phần tư số vùng đất đai Ba Lan. Tất cả những hành động đó là sự đóng góp của bộ đội Liên Xô và chỉ của riêng bộ đội Liên Xô, những người đã đổ máu vì sự nghiệp giải phóng Ba Lan.

Chúng ta còn sử dụng cả hình thức chi viện khác nữa, tuy ít kết quả, là thả dù vũ khí, thuốc men, lương thực cho nhân dân Vác-sa-va. Chúng ta đã mấy lần thả dù cả trang bị và lương thực cho những người khởi nghĩa ở Vác-sa-va, nhưng đều được tin các thứ hàng ấy đã bị rơi vào tay bọn Đức.

Do Sớc-sin và Ru-dơ-ven viết thư cho I. V. Xta-lin, đề nghị tổ chức chi viện bằng đường không cho những người khởi nghĩa ở Vác-sa-va, Tổng tư lệnh tối cao đáp lại rằng: nếu Thủ tướng và Tổng thống tin tưởng là hình thức chi viện này thu được nhiều kết quả và đòi bộ chỉ huy Liên Xô cùng tổ chức chi viện như vậy với bộ chỉ huy Anh và Mỹ thì Chính phủ Liên Xô có thể đồng ý. Chỉ có điều là cần chi viện theo một kế hoạch đã được thỏa thuận trước.

Còn đối với âm mưu định trút trách nhiệm cho Chính phủ Liên Xô về vận mệnh cuộc khởi nghĩa và những thiệt hại của những người khởi nghĩa, Tổng tư lệnh tối cao tiếp tục nói, thì chỉ có thể coi đó là mưu toan đổ tội cho người ngay. Cũng có thể nói như vậy về ý kiến cho rằng sự giúp đỡ của Liên Xô trong vấn đề Vác-sa-va dường như trái với tinh thần hợp tác của các nước đồng minh. Không ai còn nghi ngờ rằng nếu chính phủ Anh áp dụng các biện pháp kịp thời thông báo cho bộ chỉ huy Liên Xô biết về cuộc khởi nghĩa ở Vác-sa-va, thì tình hình ở Vác-sa-va chắc chắn là sẽ khác hẳn.

I. V. Xta-lin còn nói: việc bóc trần sự thật các sự kiện ở Vác-sa-va sẽ giúp cho dư luận xã hội phán xét các hành động vô trách nhiệm của những kẻ chủ mưu tổ chức ra cuộc khởi nghĩa ở Vác-sa-va và sẽ hiểu được đúng đắn lập trường của Chính phủ Liên Xô. Chúng ta phải cố gắng làm cho dư luận xã hội nhận ra chân tướng các sự kiện ở Vác-sa-va.

Đó là nội dung những ý kiến chính của I. V. Xta-lin đã phát biểu về cuộc khởi nghĩa ở Vác-sa-va.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #55 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2011, 12:02:51 pm »

Bộ tổng tham mưu nhận được lệnh phải tiếp tục duy trì các hành động tiến công ở Vác-sa-va, trước hết là phải thủ tiêu căn cứ bàn đạp của địch ở phía trước Pra-ga giữa hai con sông Vi-xla và Na-rép. Ngày 29 tháng Tám, ba phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a, phương diện quân U-crai-na 1 và 4 được lệnh phải chuyển sang tích cực phòng ngự. Riêng bộ đội cánh phải của phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 nhận nhiệm vụ giải phóng thủ đô Ba Lan và hai tập đoàn quân của phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 2 của tướng G. Ph. Da-kha-rôp ở cửa ngõ phía Nam Đông Phổ là vẫn được lệnh tiếp tục tiến công.

Bộ tổng tham mưu và bộ tư lệnh phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 đều đang suy nghĩ tới những biện pháp giải quyết các nhiệm vụ ở khu vực Vác-sa-va. Đầu tháng Chín, trinh sát của phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 phát hiện thấy một trong số các sư đoàn xe tăng địch và một số đơn vị khác trước kia ở Pra-ga, nay lại xuất hiện ở phía trước các căn cứ bàn đạp của ta ở Vi-xla. Rõ ràng, bộ chỉ huy quân Đức phán đoán, cho rằng chúng ta sẽ hành động tích cực tại nơi đây. Vì vậy có thể lợi dụng tình hình này mà tổ chức tiến công vào Pra-ha. Chúng tôi báo cáo lên Tổng tư lệnh tối cao và đồng chí đã cho lệnh thực hiện ý định này.

Ngày 10 tháng Chín, tập đoàn quân 47 bắt đầu tiến công. Tập đoàn quân Ba Lan 1 tiến theo sau, và bộ đội đã hành động thật kiên quyết. Rạng ngày 13 tháng Chín, quân ta đột nhập được vào Pra-ha. Đáng lẽ, đến lúc này mới phát động cuộc khởi nghĩa ở Vác-sa-va để ngăn chặn không cho bọn Hít-le phá cầu rồi chiếm giữ các cầu ấy, giúp cho bộ đội Liên Xô vượt sang bên kia sông Vi-xla, tiến vào trung tâm thành phố thì đẹp đẽ biết bao! Nhưng, bọn địch đã phá sạch hết các cầu. Bộ đội ta bị ngăn cách với Vác-sa-va đã phải chiến đấu trong 45 ngày ròng rã, chính bởi tại con sông rộng này. Các đơn vị trinh sát của tập đoàn quân 47 tìm mọi cách vượt sông trong hành tiến và vọt sang bên kia sông nhưng đều không thành công.

Nhân dân ở các vùng phụ cận Vác-sa-va - Pra-ha hân hoan đón mừng các chiến sĩ Liên Xô và Ba Lan, những người giải phóng mình. Chị em phụ nữ Ba Lan xông ra chăm sóc thương binh và chôn cất các chiến sĩ bị hy sinh dưới mưa đạn.

Theo lệnh của C. C. Rô-cô-xốp-xki, khu vực chính diện tạt Vi-xla ở phía trước Vác-sa-va sẽ chuyển giao cho bộ đội của Dích-mun Béc-lin-gơ, còn tập đoàn quân 47 rời lên phía Bắc. Bộ đội Liên Xô và Ba Lan đã tiến ra tuyến có thể trực tiếp chi viện cho Vác-sa-va đang khởi nghĩa.

Tất nhiên, ở bên kia sông Vi-xla. những người lãnh đạo khởi nghĩa đều biết chúng ta đã tiêu diệt được các đơn vị của Hít-le ở Pra-ha, bên này sông. Thế nhưng, những người lãnh đạo khởi nghĩa thuộc phe Luân Đôn ấy vẫn tiếp tục duy trì đường lối của họ, không chịu bước ra tiếp xúc với ta. Họ vẫn giữ im lặng như cũ, không bắt liên lạc với ta, mặc dầu như chính phủ Anh thông báo là nhân dân Vác-sa-va đang gặp rất nhiều khó khăn.

Còn những người lãnh đạo các đơn vị Quân đội nhân dân đã tình nguyện liên lạc với quân khởi nghĩa, trong những giờ phút khó khăn ấy vẫn sát cánh chiến đấu cùng với nhân dân Vác-sa-va, đã phái ngay hai nữ liên lạc viên vượt sông Vi-xla khi bộ đội Liên Xô vừa tới Pra-ha. Hai nữ quân nhân yêu nước trẻ tuổi quên thân mình, băng qua lửa đạn đến với bộ đội ta. Bộ chỉ huy Liên Xô và Ba Lan lúc này mới biết được các chi tiết về tính chất cuộc khởi nghĩa, tình hình trong thành phố, nơi bố trí và tình trạng lực lượng của quân khởi nghĩa.

Hồi ấy, chúng tôi nghĩ chỉ vì con sông nên bộ đội Liên Xô và Quân đội Ba Lan mới bị chia cách với nhân dân Vác-sa-va đang đứng lên khởi nghĩa. Song, mọi việc còn phức tạp hơn thế nhiều, và nguyên nhân gây lên tội lỗi này lại chính do âm mưu chính trị tàn bạo của các phần tử thoái hóa nằm trong nhà nước Ba Lan tư sản-địa chủ trước đây. Nhưng về điều đó ta sẽ nói sau.

Trưa ngày 13 tháng Chín, tôi cùng với A. I. An-tô-nốp báo cáo lên Tổng tư lệnh tối cao những tin tức cuối cùng về tình hình ở phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1. Đồng chí ra lệnh cho chúng tôi phải đem hết khả năng ra chi viện cho nhân dân Ba Lan, cải tiến việc cung cấp vũ khí, đạn dược và các phương tiện vật chất khác bằng đường không cho quân khởi nghĩa. Chúng tôi chuyển ngay lệnh đó cho phương diện quân và bộ tư lệnh không quân. Ngay đêm hôm ấy, vũ khí và đạn dược được thả xuống Vác-sa-va thành công, rồi sang những ngày hôm sau, tiến trình cung cấp cho quân khởi nghĩa bắt đầu được thực hiện đều đặn.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #56 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2011, 12:03:31 pm »

Nghe chúng tôi báo cáo xong, I. V. Xta-lin cầm ống nghe nói chuyện bằng điện thoại cao tần với C. C. Rô-cô-xốp-xki. Tư lệnh phương diện quân báo cáo rằng bộ đội của đồng chí trong lúc này chưa thể giải phóng được Vác-sa-va. I. V. Xta-lin thông cảm nội dung báo cáo đó của đồng chí tư lệnh nên không đòi hỏi gì thêm. Đồng chí lại nhắc tôi và An-tô-nốp một lần nữa rằng cần phải bắt liên lạc với quân khởi nghĩa. Về mặt này các hành động ấy đã bắt đầu.

Ngoài ra, đồng chí còn lệnh cho Gh. C. Giu-côp, vừa mới ở các mặt trận U-cra-na về, phải trở lại ngay phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1. “Đồng chí nắm vững tình hình ở đây. Đồng chí sẽ phân tích tại chỗ tình hình Vác-sa-va và định ra các biện pháp cần thiết. Không thể dùng bộ đội của Béc-lin-gơ mở một chiến dịch nhỏ, tổ chức tiến công vượt sông Vi-xla hay sao... Vấn đề này rất quan trọng... Đồng chí với Rô-cô-xôp-xki bàn bạc công việc với những người Ba Lan và trực tiếp giúp các đồng chí ấy tổ chức hoạt động. Các đồng chí ấy còn thiếu kinh nghiệm”.

Ngày 15 tháng Chín, Gh. C. Giu-cốp đáp máy bay tới phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1. Sáng 16 tháng Chín, đồng chí cùng với C. C. Rô-cô-xôp-xki đến khu vực Dê-lê-na ở Pra-ha, tới sở chỉ huy của tập đoàn quân Ba Lan 1. D. Béc-lin-gơ cho biết là đồng chí đã đưa được một tiểu đoàn bộ binh 500 người mang theo 9 khẩu đại liên, 16 khấu súng cối 82 ly và 1 khẩu đại bác 45 ly vượt sang Vác-sa-va tại khu vực Tséc-nhi-a-khốp; tiểu đoàn có nhiệm vụ liên lạc với các đơn vị quân khởi nghĩa đang hành động ở đây, tiến hành trinh sát và xây dựng căn cứ bản đạp để bảo đảm cho bộ đội vượt sông Vi-xla.

Đơn vị trinh sát được tổ chức vượt sông để bắt liên lạc với quân khởi nghĩa đang hoạt động ở phần phía Bắc Vác-sa-va nhưng không thành công. Các đơn vị Hít-le chốt rất chặt dọc theo bờ sông bên kia.

Đại diện của Đại bản doanh và tư lệnh phương diện quân lưu lại ở tập đoàn quân Ba Lan 1 trọn một ngày, để xác định nhiệm vụ với tập đoàn quân và vạch ra các biện pháp bảo đảm cho các đơn vị hành động.

Các đại biểu của Bộ tổng tham mưu bên cạnh Quân đội Ba Lan do thiếu tướng N. M. Mô-lôt-côp phụ trách, thường có mặt ở những nơi nào “nóng hổi” nhất. Các đồng chí thường xuyên báo cáo tình hình cho chúng tôi biết, nên lúc nào chúng tôi cùng nắm vững mọi diễn biến đã xảy ra.

Tối hôm ấy, chính nguyên soái Gh. C. Giu-côp trực tiếp điện báo về Đại bản doanh mọi chi tiết tình huống đã giải quyết, cho nên bức tranh như vậy là đã hoàn hảo. “Các lực lượng chủ yếu của Béc-lin-gơ trong thời gian gần đây, - Gh. C. Giu-cốp báo cáo cho Đại bản doanh, - có nhiệm vụ đánh chiếm phần phía Nam Vác-sa-va theo hướng từ Đại lộ 3 tháng Năm, Đại lộ I-e-rút-xa-lim tới quận Ghen-ri-cúp và trụ lại tại đấy để sau này tiếp tục đánh lên phía Bắc, dự kiến sẽ từ phía Tây - Nam đánh vu hồi vào thành phố”.

Sau đó, đồng chí tiếp tục: “Ngoài ra, nếu bắt liên lạc được với các đơn vị quân khởi nghĩa đang chiến đấu ở phần phía Bắc thành phố: thì chúng ta sẽ tổ chức đột kích về phía Bắc phối hợp với mũi đột kích từ phía Nam lại. và từ phía Tây - Bắc đánh chiếm lấy thành phố... Gặp tình hình thuận lợi. chúng ta sẽ tung quân đoàn bộ binh đã được tăng cường của Gu-xép tiến ra chiếm lấy căn cứ bàn đạp. Tôi cho rằng, ngoài ý nghĩa thành phố ra, nếu chúng ta tổ chức được cả cái căn cứ bàn đạp Vác-sa-va này thì thật tốt biết bao”.

Bộ đội của tập đoàn quân Ba Lan 1 bắt đầu tiến công vượt sông theo kế hoạch lúc 21 giờ. Thiếu tướng Mô-lốt-côp và đại tá Ép-xê-ép cùng đi với sư đoàn bộ binh Ba Lan 3 tiến công ở thê đội một, đại tá Đu-brôp-xki và đại úy E-rốp-ki-nốp trong tổ của Mô-lốt-cốp đi với các thê đội tiếp sau.

Công tác trinh sát được tăng cường, chúng ta quyết định cho hai chiến sỉ trinh sát mang theo điện đài, nhảy dù thẳng xuống quảng trường, vì theo các tin tức chúng ta nắm được, quân khởi nghĩa đang đóng tại quảng trường. Chúng ta còn thả dù cả vũ khí và súng cối xuống căn cứ bàn đạp đã chiếm được.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #57 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2011, 12:04:08 pm »

Cụm pháo binh dùng để bắn phản pháo, gồm hơn một trăm khẩu bắn tầm xa được tổ chức ở khu vực Pra-ha, có nhiệm vụ bảo đảm bến vượt và khu vực căn cứ bàn đạp. Đại bộ phận pháo binh của tập đoàn quân Ba Lan 1 và lữ đoàn pháo 203 ly của phương diện quân triển khai tổ chức thành cụm pháo binh để chi viện cho bộ binh khi vượt sông và mở rộng căn cứ bàn đạp. Không quân được lệnh yểm hộ cho khu vực bến vượt và chi viện cho bộ đội ta hoạt động ở bờ phía Tây sông.

Nói tóm lại, chủng ta đã làm hết mọi việc để tổ chức vượt sông Vi-xla thắng lợi và bắt liên lạc với quân khởi nghĩa, tiêu diệt các đơn vị Hít-le trong thành phố và ở ngoại vi thành phố. Đồng thời Bộ tổng tham mưu còn lập ra những bảng tính cần thiết cho các đơn vị tiến công đánh vu hồi vào Vác-sa-va. 

Bộ tổng tham mưu thực hành một công tác rộng lớn để liên lạc với quân khởi nghĩa. Cuối cùng, bộ chỉ huy Quân đội quốc gia, đứng trước áp lực của các sự kiện, đã buộc phải bắt liên lạc với ta. Thông qua Luân đôn, Bộ tổng tham mưu đã chuyển được cho Bua - Cô-mô-rốp-xki tất cả những văn kiện cần thiết cho việc đó.

Các đơn vị của Quân đội quốc gia ở Vác-sa-va được lệnh tiếp xúc với tập đoàn quân Ba Lan 1 và bộ tham mưu phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1. Ngày 15 tháng Chín, Giô-li-bóc, sĩ quan thông tin vô tuyến của khu vực Vác-sa-va, cho biết là đã được lệnh bắt liên lạc vô tuyến với Hồng quân đang hoạt động ở Pra-ha.

Thời gian này, chúng tôi có thể không những cung cấp được đều đặn và thường xuyên cho quân khởi nghĩa mà còn thả dù những hàng hóa cần thiết xuống khu vực đã định.

Các nước đồng minh cùng lay động. Ngày 18 tháng Chín, 8 tốp máy bay, mỗi tốp gồm 12 chiếc (pháo đài bay) từ phía Tây bay đến Vác-sa-va. Trong vòng 20 phút, từ độ cao khoảng 4000 mét, chúng thả xuống những kiện hàng vũ khí, đạn dược, lương thực. Các quan sát viên của ta đếm được gần 1000 chiếc dù thả xuống, song chỉ rơi vào nơi đóng quân của quân khởi nghĩa có hơn 20 chiếc, còn phần lớn chúng đã thả xuống vùng đóng quân của bọn Hít-le, một số lại rơi vào tay quân ta.

Còn các phi công Liên Xô thời gian này đã nắm được vùng đóng quân của những người khởi nghĩa. nên tổ chức thả dù hàng vào ban đêm theo tín hiệu dưới đất, lại thả ở độ cao 150-200 mét, nên đã thả rất trúng.

Để khỏi quay trở lại nói về vấn đề cung cấp cho quân khởi nghĩa, tôi xin trích ra đây một vài con số. Từ 14 tháng Chín cho đến hết ngày 1 tháng Mười 1944, không quân của phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 đã xuất kích 2243 lần chiếc để tiếp tế hàng cho Vác-sa-va, đã thả xuống 156 súng cối, 505 súng chống tăng, 2667 súng trường và tiểu liên, 3 triệu viên đạn, 42000 lựu đạn và các trang bị khác, 500 ki-lô-gam thuốc men và hơn 113 tấn lương thực.

Các chiến sĩ của tập đoàn quân Ba Lan 1 ở bờ phải sông Vi-xla, trong vùng giải phóng Pra-ha, nhìn thấy Vác-sa-va đang rực lửa. Lòng trung thành với nhân dân kêu gọi họ bước vào chiến đấu. Bộ tư lệnh tối cao của Quân đội Ba Lan ra nhật lệnh ngày 15 tháng Chín lên án tội tổ chức non cuộc khởi nghĩa của chính phú lưu vong ở Luân Đôn.

Trong nhật lệnh có đoạn nói: “nếu như lúc này mới nổ ra khởi nghĩa, có sự phối hợp với bộ chỉ huy Hồng quân và Quân đội Ba Lan, thì nhất định sẽ có thể giữ được các đầu cầu, tạo điều kiện nhanh chóng giải phóng được toàn bộ Vác-sa-va, cứu được sinh mạng của hàng trăm ngàn người. Vác-sa-va sẽ không bị lâm vào cánh tàn phá nặng nề như hiện nay...”

Bộ đội của tập đoàn quân Ba Lan 1 vượt sông Vi-xla gặp nhiều khó khăn, trước hết là do những nguyên nhân về kỹ thuật. Các đơn vị thiếu các phương tiện đổ bộ. Vì lòng sông phía quân ta nông nên cầu phao không thể bắc tới bờ, mà lúc này chúng ta cần chở pháo binh và các xe thiết giáp lên cầu phao.

Đến khi sang được bờ bên kia sông, tình hình cũng lại không kém phần khó khăn. Bọn Hít-le dùng súng máy và pháo binh bắn quét dọc theo bờ sông tại căn cứ Tréc-nhi-a-khôp và khu vực Pra-ha. Còn các phân đội của tập đoàn quân Ba Lan 1 đổ bộ bờ bên trái sông Vi-xla cũng bị quân địch chống trả lại ác liệt.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #58 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2011, 12:04:51 pm »

Ngày 17 tháng Chín, hai tiểu đoàn của trung đoàn bộ binh Ba Lan 9 (chừng 1000 chiến sĩ) có các phương tiện tăng cường đã tập trung tại căn cứ bàn đạp ở Vác-sa-va. Dự kiến đêm hôm sau, tiểu đoàn thứ 3, khẩu đội pháo 76 ly và trung đoàn pháo chống tăng cũng sẽ tiếp tục vượt sông. Sau đó, được pháo binh của tập đoàn quân Ba Lan 1 ở bên này sông và không quân thuộc tập đoàn quân 16 chi viện, trung đoàn 9 sẽ bắt đầu tiến công để mở rộng thêm căn cứ bàn đạp dã chiếm được.

Trong khi ấy, các đơn vị khác của tập đoàn quân Ba Lan 1 thuộc biên chế của sư đoàn bộ binh 3 sẽ tiếp tục vượt sông. Tư lệnh phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 và tư lệnh tập đoàn quân Ba Lan 1 cho rằng trong thời kỳ đầu, với số lực lượng trên cũng đủ để hoàn thành nhiệm vụ trước mắt và đánh lui các đợt phản xung phong, kể cả những đợt phản xung phong bằng xe tăng của địch.

Đồng thời, các tập đoàn quân 47 và 70 tiếp tục tiến công lên phía Bắc Pra-ha - giữa hai con sông Na-rép và Vi-xla. Bọn Hít-le ở đây còn chiếm giữ một căn cứ bàn đạp lớn, có thể tổ chức phản kích vào phía sau Pra-ha, sau đó sẽ phát triển xuống phía Nam.

Bộ đội ta hành động tích cực trong khu vực này theo chỉ thị trực tiếp của Tổng tư lệnh tối cao. Đồng chí quan tâm đến tình hình đang diễn biến trong lúc này ở phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1, yêu cầu các tập đoàn quân trên từ phía Tây - Bắc đánh vu hồi vào Vác-sa-va để chi viện cho các đơn vị đang chiến đấu trong thành phố. Chúng ta ra sức tổ chức tiến công, song vì thiếu đạn, địch lại chống trả mạnh, địa hình đặc biệt bất lợi cho ta, nên các mũi tiến công của ta không thành công, quân ta bị trả giá đắt.

Dòng dã mấy ngày liền, căn cứ bàn đạp Tséc-nhi-a-khốp vẫn chưa im tiếng súng. Các lực lượng kịp vượt sông bổ sung thêm cho căn cứ, nhưng kết quả vẫn chưa được là bao. Thế rồi, một số phân đội khởi nghĩa của Quân đội quốc gia rút về hướng Mô-cô-tốp không báo trước cho bộ tư lệnh tập đoàn quân Ba Lan 1, nên tình hình tại căn cứ bàn đạp ở Vác-sa-va càng rắc rối thêm.

Ở đây, quân phát-xít Đức chiếm ưu thế hơn ta rất nhiều về lực lượng và phương tiện. Thêm nữa, bọn chủng còn chiếm được cả lợi thế tác chiến. Từ khu vực đầu cầu Pô-ni-a-tốp-xki, bọn chúng chỉ cần tiến xuồng phía Nam thêm một đoạn nữa cũng đủ uy hiếp cắt đứt các phân đội của tập đoàn quân Ba Lan, không cho các phân đội ấy bám được sông, và như thế là sẽ cắt được các phân đội ấy ra khỏi các đơn vị đang bố trí tại Pra-ha.

Hai bên bờ và mát sông đều nằm trong tầm mật độ hỏa lực dày đặc của pháo binh, súng cối và súng máy của địch. Bọn Hít-le sử dụng các xe tăng của chúng làm thành những quả đấm cơ động hiệp đồng với các cụm bộ binh mạnh, và nếu không có các phương tiện đặc biệt chống tăng thì kháng cự lại chúng cùng không phải chuyện dễ.

Các chiến sĩ của sư đoàn bộ binh Ba Lan 3 ở căn cứ bàn đạp Tséc-nhi-a-khốp buộc phải chiến đấu trên một khu vực hẹp, rất khó tổ chức cơ động. Sư đoàn không thể đột phá vào trung tâm hoặc xuồng phía Nam Vác-sa-va vì quân địch chiếm lĩnh được khu vực địa hình có lợi ở phía Tây căn cứ, khống chế được quân ta, còn ở phía Nam. chúng có cả một hệ thống công sự phòng ngự dày đặc binh lính chiếm giữ.

Các phân đội của trung đoàn bộ binh 6 thuộc sư đoàn 2 gặp nhiều khó khăn hơn cả. Đêm rạng ngày 18 tháng Chín, các phân đội đó chiếm được một căn cứ nhỏ, thế nhưng mặc dầu các trận đánh quyết liệt diễn ra ở đây trong suốt ba ngày liền, quân ta vẫn không sao bám trụ lại được.

Tình hình buộc chúng ta phải có những bổ sung quan trọng vào kế hoạch tiến công Vác-sa-va bằng lực lượng của tập đoàn quân Ba Lan 1 đã vạch ra trước đây. Cần phải tìm ra những biện pháp khác tiêu diệt quân địch ở thủ đô Ba Lan và chúng tôi đã báo cáo lên Tổng tư lệnh tối cao.

- Bộ Tổng tham mưu đề nghị như thế nào? - Ngừng một lát, đồng chí hỏi.

An-tô-nôp báo cáo: không có cách nào khác là vẫn sử dụng 2 tập đoàn quân 47 và 70 từ phía Bắc và Tây - Bắc đánh vu hồi vào thành phố và tăng cường cho tập đoàn quân Ba Lan 1.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #59 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2011, 12:05:34 pm »

Tổng tư lệnh tối cao yêu cầu tin tức về lực lượng của 2 tập đoàn quân 47 và 70. Tôi báo cáo. Các tập đoàn quân trên đã bị suy yếu. bộ đội mệt mỏi và bị tổn thất vì suốt từ ngày 18 tháng Bảy trở lại đây, các tập đoàn quân đã chiến đấu liên tục quyết liệt song phòng ngự của địch vẫn còn vững chắc. Tổng tư lệnh tối cao nghe hết, cả gian phòng im lặng hồi lâu. Đồng chí chậm rãi đi lại dọc theo chiếc bàn, tay cầm tẩu thuốc đã tắt. Cuối cùng, quay sang phía chúng tôi, đồng chí nói: 

- Các đồng chí báo tin cho Giu-cốp biết, để đồng chí ấy cùng với Rô-cô-xôp-xki suy nghĩ xem có thể chi viện cho Vác-sa-va như thế nào... Chẳng lẽ lại không thủ tiêu được cái căn cứ bàn đạp của địch ở giữa hai con sông ấy, không dùng lực lượng của hai tập đoàn quân của Gu-xép và Pô-pốp mà tổ chức tiến công đánh vu hồi vào Vác-sa-va được sao? Bảo các đồng chí ấy cũng suy nghĩ xem có thể làm được những gì trong thành phố, ở chỗ Béc-lin-gơ, tư lệnh tập đoàn quân Ba Lan 1. Có thể cấp tốc gửi cho các đồng chí ấy viện binh có kinh nghiệm đánh thành phố được không?..

Chúng tôi chuyển ngay những chỉ thị trên, và ngày hôm sau, 20 tháng Chỉn, Giu-côp và Rô-cô-xốp-xki gửi những ý kiến của mình về Bộ tổng tham mưu. Đồng chí đại diện Đại bản doanh và cả tư lệnh phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 đều thấy rõ rằng cần phải tiếp tục chiến đấu tiêu diệt quân địch ở khu vực Vác-sa-va.

A. I. An-tô-nốp và Cục tác chiến Bộ tổng tham mưu tán thành những ý kiến của Gh. C. Giu-cốp và C. C. Rô-cô-xốp-xki. Tổng tư lệnh tối cao cũng đồng ý với các đồng chí, ra lệnh cho phương diện quân xúc tiến việc chuẩn bị chiến dịch và chú ý theo dõi tình hình ở căn cứ bàn đạp của tập đoàn quân Ba Lan 1 .

Trong những ngày ấy, I. V. Xta-lin, Bộ tổng tham mưu và Tổng cục chính trị nhận được những tin tức không thể tưởng tượng nổi ở Vi-xla gửi về, cho biết: Bộ tổng tư lệnh Quân đội quốc gia đang tiến hành âm mưu phá hoại ngầm từ bên trong các lực lượng khởi nghĩa.

Ngày 20 tháng Chín, bảy sĩ quan trong bộ tham mưu của Môn-te, tư lệnh quân khu Vác-sa-va trong Quân đội quốc gia được ủy nhiệm ra liên lạc với bộ tư lệnh Hồng quân và Quân đội Ba Lan. Một sĩ quan cho biết: tướng Bua bí mật ra lệnh cưỡng bức các đơn vị vũ trang theo chính phủ ở Li-u-blin phải phục tùng lệnh của riêng y và trấn áp những người không chịu phục tùng.

Đến hạ tuần tháng Chín. tình hình bộ đội của tập đoàn quân Ba Lan 1 ở bên kia sông Vi-xla lại càng xấu thêm, mặc dù ngày 20 tháng Chín họ vẫn còn giữ vững các trận địa của mình; thêm vào đó, ở phía Bắc Tséc-nhi-a-khôp, tiểu đoàn 2 của trung đoàn bộ binh 6 đã tìm cách vượt qua được phòng ngự của địch và tiến sâu về phía trước nhưng rốt cuộc bị địch bắn rát quá nên buộc phải nằm lại ở ven bờ.

Ngày hôm sau, tình hình ở Vác-sa-va càng nguy ngập hơn. Mô-lốt-cốp ở trực tiếp tại vị trí chiến đấu báo cáo cho đại diện của Đại bản doanh: “Mờ sáng ngày 21 tháng Chín 1944, được pháo bắn chi viện mạnh, địch thả khói mù, tiến công vào các phân đội của tập đoàn quân Ba Lan bên bờ phía Tây sông Vi-xla. Kết quả là mọi liên lạc với tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 6 đều bị đứt, lúc 8 giờ 30 phút tiểu đoàn gọi pháo bắn vào mình”.

Ai đã qua chiến đấu đều hiểu rằng, gọi pháo bắn vào mình là như thế nào: nghĩa là không còn đường thoát nào khác, và đến lúc phải hy sinh cũng vẫn có tìm cách diệt địch.

“Tiểu đoàn của trung đoàn bộ binh 8 cũng đứt hết mọi liên lạc - báo cảo còn nói tiếp. Cụm quân gồm hai tiểu đoàn của trung đoàn bộ binh 9 bị địch phản xung phong mạnh, đến 18 giờ ngày 21 tháng Chín mới chiếm được một phần nhỏ của khu phố ở phía Đông...”

Quân địch tập trung được tới Vác-sa-va những lực lượng to lớn mới, có cả xe tăng, nên đã quyết định kết quả trận đánh. Đến hạ tuần tháng Chín, sức chiến đấu của các đơn vị quân khởi nghĩa giảm sút hẳn. Còn quân địch lại đang mở rộng tiến công bên phía Bắc, ở trung tâm, ở phía đông và ở vùng ven bờ sông phụ cận Vác-sa-va.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM