Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 27 Tháng Năm, 2024, 03:19:57 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những kỷ niệm về công tác cán bộ  (Đọc 2317 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #40 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2022, 11:08:53 am »


Ngày 10 tháng 9 năm 1965 kho hồ sơ cán bộ lại được di chuyển lên huyện K.B - gần cơ quan làm việc. Di chuyển lần này khá vất vả. Vì đường xa, máy bay đánh phá ác liệt đêm ngày, nên công tác chuẩn bị khá chu đáo, mỗi xe có hai cán bộ, hai đến bốn cảnh vệ đi áp tải, bảo vệ, có đầy đủ đèn bão, đèn pin. Xe được ngụy trang kín đáo không khác gì ra mặt trận. Đợt vận chuyển lần này mất bốn ngày, mỗi ngày một chuyến hai xe tải. Anh Lê Văn Quế đi chuyến đầu và chuyến cuối, còn tôi được tham gia từ đầu đến cuối. Tuy vất vả, mệt nhọc nhưng cũng vui, vì hồi đó cơ quan Cục Cán bộ do Cục phó Trần Đình Cửu dẫn đầu đã sơ tán lên đây nên mỗi chuyến xe về tới nơi đã có sẵn lực lượng cán bộ ra đón và khiêng vác vận chuyển vào địa điểm mới.

Lần này hồ sơ di chuyển về đây, ngoài hồ sơ của Cục Cán bộ còn có khối tài liệu của Văn phòng và các Cục từ Phú Thọ chuyển về. Theo kế hoạch, hồ sơ của cán bộ, hồ sơ tài liệu của Văn phòng, các Cục và hồ sơ của Đoàn 559 (gửi nhờ) để chung vào một cái hang rộng rãi thông thoáng từ cửa trước ra cửa sau sát bờ sông; còn hồ sơ Cục Bảo vệ để ở các lán trại cách chúng tôi 500 mét.

Công tác hồ sơ thời kỳ này chủ yếu là củng cố, sắp xếp, giữ gìn bảo quản, đồng thời cử cán bộ xuống các trung đoàn phòng không - không quân xin số hòm đựng đạn tên lửa (sau khi đã lấy hết đạn) và nhờ đơn vị đóng giúp. Sau ba đợt, chúng tôi có được gần 100 hòm đựng hồ sơ khi sơ tán.

Dạo đó, ngoài anh em chúng tôi làm nhiệm vụ bảo vệ giữ gìn hồ sơ còn có một tổ cán bộ. Số cán bộ này ở chiến trường miền Nam ra điều trị, an dưỡng, sau khi phục hồi sức khỏe, được Tổng cục tạm điều về tăng cường cho Cục Cán bộ. Tổ này gồm có: anh Đính, thiếu tá, anh Châu, thiếu úy, anh Anh, thiếu úy (thương binh), sau đó có thêm anh Quơn. Tổ này có nhiệm vụ chủ yếu là trích lý lịch và lập danh sách các đoàn cán bộ đi B. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Cục giữ lại ba đồng chí Quơn, Châu, Anh. Như vậy bộ phận hồ sơ lúc này có bốn người do đồng chí Tương, tổ trưởng kiêm bí thư chi bộ ở nơi sơ tán.

Ngày 18 tháng 7 năm 1967 chúng tôi lại được lệnh di chuyển về huyện Lương Sơn, Hòa Bình. Khi chuyển về đây, hồ sơ Cục Cán bộ để ở một cái hang cũng rộng rãi, nhưng ẩm ướt, dột, không thông thoáng bằng ở hang cũ. Khối tài liệu của Văn phòng để ở hai hang nhỏ khu vực ngoài, khối hồ sơ Cục Bảo vệ để trong cùng, lần này nhiều cơ quan của Tổng cục cũng sơ tán lên đây nên điều kiện ăn uống, sinh hoạt của chúng tôi đỡ vất vả, hàng tuần được nghe tình hình giao ban, thỉnh thoảng được nghe thời sự nên không đến nỗi lạc hậu với tình hình... Dạo đó đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở miền Nam ra có lên đây nghỉ và làm việc một thời gian nên tuy sơ tán nhưng không khí vẫn vui không kém gì ở nhà. Sang năm 1968, cơ quan Tổng cục rút về Hà Nội.

Tháng 2 năm 1968 chúng tôi lại được lệnh chuyển kho hồ sơ lên K7 huyện LT thuộc tỉnh Hòa Bình. Theo kế hoạch khối hồ sơ Cục Cán bộ để ở H1 phía ngoài, khối hồ sơ Cục Bảo vệ để ở H2 (khu vực giữa), còn khối hồ sơ Văn phòng và các cục còn lại để ở H3 trong cùng, mỗi nơi cách nhau gần một ki-lô-mét nhưng đường dã chiến, đi lại nhiều khó khăn.

Hồ sơ Cục Cán bộ để vào một cái hang rộng, đẹp. Cảm ơn các đồng chí công binh đã lao động ngày đêm, vất vả, thậm chí đổ cả xương máu để có những hang, hầm rộng, đẹp cho chúng tôi làm kho để tài liệu.

Cuối năm đó có một trận mưa lớn ở khu vực Hòa Bình, nước tràn ngập vào hang để hồ sơ, anh em chúng tôi phải một ngày vất vả lao động khiêng gánh kê kích mới giữ được hồ sơ tài liệu không bị ngập nước; hôm đó chúng tôi thức suốt đêm, đề phòng nước ngập sâu hơn.

Tháng 4 năm 1969 chúng tôi lại được lệnh di chuyển kho hồ sơ về Hà Nội. Theo kế hoạch, khối tài liệu của văn phòng, khối hồ sơ Cục Bảo vệ được chuyển thẳng về cơ quan. Riêng khối hồ sơ Cục Cán bộ chuyển về nhà số 2 phố Lý Thường Kiệt (nhà này là nhà khách của Cục Đối ngoại - Bộ Quốc phòng, trước lúc chúng tôi chuyển về các thủ trưởng Tổng cục Chính trị đã sơ tán ra đây làm việc một thời gian.

Hồ sơ cán bộ chuyển về đây, để ở gác hai, trong một tòa nhà khá đẹp, rộng rãi. Tuy vậy, chúng tôi cũng thầm nghĩ là để tạm thời chứ hồ sơ không thể để ở nhà sang trọng thế này, hơn nữa cũng không phải kiểu nhà kho đựng hồ sơ, nên việc bố trí sắp xếp cũng ở tư thế sẵn sàng di chuyển.

Cuối năm đó, có trận lũ rất lớn, sợ không an toàn, anh Song Hào, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đã chỉ thị Cục Cán bộ phải chuyển toàn bộ hồ sơ ở đây vào thành và được bố trí vào hai phòng rộng ở gác hai thuộc nhà làm việc của Tổng cục.

Tháng 10 năm 1970, theo quyết định tổ chức mới của Văn phòng Tổng cục Chính trị, Ban hồ sơ Cục Cán bộ chia làm hai bộ phận. Một bộ phận do anh Lê Văn Quế trưởng ban hồ sơ Cục Cán bộ, làm nhiệm vụ tổ chức xây dựng, hướng dẫn và chỉ đạo nghiệp vụ công tác hồ sơ và trực tiếp quản lý khối sơ yếu lý lịch để phục vụ cơ quan làm việc hàng ngày. Một bộ phận do đồng chí Tương làm tổ trưởng chuyển sang Phòng Nghiên cứu tư liệu hồ sơ thuộc Văn phòng Tổng cục Chính trị, có chức năng nhiệm vụ: cùng với Ban hồ sơ Cục Cán bộ tổ chức xây dựng hồ sơ lý lịch cán bộ, trực tiếp quản lý khối hồ sơ gốc cán bộ và sổ lưu niệm của cán bộ quê ở miền Nam, không có gia đình ở miền Bắc đi B gửi lại. Tuy sang Phòng Nghiên cứu tư liệu thuộc Văn phòng Tổng cục nhưng thực chất và chủ yếu vẫn làm nhiệm vụ công tác hồ sơ cán bộ và phục vụ cho Cục Cán bộ là chính. Do đó, tuy tách ra làm hai nhưng thực chất vẫn là một.

Ngày 16 tháng 4 năm 1972 chúng tôi lại được lệnh sơ tán kho hồ sơ lên K7 lần thứ hai. Làn này, cùng với hồ sơ cán bộ vẫn có khối tài liệu của Văn phòng và hồ sơ Cục Bảo vệ như trước đây, và theo kế hoạch khối hồ sơ cán bộ và tài liệu của Văn phòng đưa vào địa điểm H3. Đây là một hang nằm sâu trong dãy núi đá có cửa rộng thông từ bên này sang bên kia, nền lát gạch hoa khá đẹp. Chúng tôi đoán: "Địa điểm này chắc là của cấp trên, khi cần sơ tán lên làm việc". Tưởng rằng hồ sư tài liệu để đây là lý tưởng, ai ngờ đến mùa nắng thì mồ hôi đã nhỏ xuống ròng ròng, những hôm tiết trời ẩm thấp thì các hòm đựng hồ sơ bị phủ đầy như tuyết thành từng chùm như là một hang nấm, bật đèn điện lên thì giống như một hang đầy sao lóng lánh. Vì vậy công tác bảo quản rất vất vả. Phía trên hòm thì phủ kín ni lông, và cứ hai ngày anh em chúng tôi phải dùng bao tải, giẻ lau chùi phía ngoài hòm, ngày nào cũng phải rang hạt chống ẩm để vào các hòm sưởi ấm hồ sơ lý lịch cán bộ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #41 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2022, 11:09:40 am »


Một hôm, chúng tôi nhận điện của anh Chu Tử Dy từ Hà Nội gọi lên: "Tối nay các đồng chí phải di chuyển toàn bộ hồ sơ vào ba nhà nhỏ ở phía trong, để sáng ngày mai thủ trưởng lên làm việc". Điện ngắn, nhưng là mệnh lệnh phải nghiêm chỉnh chấp hành. Khó khăn nhất là lực lượng ít, hơn nữa tối trời, tuy có máy phát điện nhưng chỉ để bốn bóng trong hang.

Một cuộc hội ý chớp nhoáng, phân công anh em đi làm công tác "quân vận". Đồng chí lên tổ trực đài thông tin, đồng chí ra bộ phận doanh trại C16, đồng chí gọi điện nhờ tổ công binh đang làm nhiệm vụ báo vệ ở H2... Khoảng 30 phút sau, đã có lực lượng khoảng 20 người. Sau khi thông báo chỉ thị của cấp trên, mọi người đều ủng hộ giúp đỡ chúng tôi. Tối hôm đó máy bay vẫn đánh phá ác liệt nên không dám dùng đèn. Chúng tôi phân công nhau làm hai tổ, tổ 1 bốc vác từ H3 vào địa điểm mới, tổ 2 tiếp nhận vác lên xếp vào trong nhà. Sau khi phân công anh em triển khai bốc vác, tôi cử đồng chí Điềm quản lý kiêm cấp dưỡng giết 14 con gà đem luộc và nấu cháo rồi đưa đến hai địa điểm để anh em ăn bồi dưỡng. Suốt đêm đó chúng tôi phải vận chuyển một khối lượng hồ sơ tài liệu rất lớn, nhưng nhờ có lực lượng khá đông, có sức khỏe nên công việc cứ chạy đều. Tối trời nhưng không xảy ra tai nạn. Đến 5 giờ sáng thì mọi việc xong xuôi.

Sáng hôm sau, đoàn cán bộ Văn phòng do anh Chu Tử Dy dẫn đầu lên kiểm tra có nhận xét: Các đồng chí đã hoàn thành việc di chuyển rất tốt và tặng anh em chúng tôi 5 tút thuốc lá Thăng Long, 10 ki-lô-gam kẹo ngon, hai két bia. Hai ngày sau Phòng Quản lý lại cho chúng tôi 5 ki-lô-gam thịt bò để liên hoan bồi dưỡng sức khỏe.

Hồ sơ tài liệu đưa vào đây được để trong nhà rất cao ráo, đảm bảo an toàn, nhưng lại phải chống giặc "mối" cũng không kém phần vất vả.

Năm 1973, kho hồ sơ tài liệu được lệnh chuyển về Hà Nội. Lần này trở về xe chúng tôi đi giữa ban ngày, không phải che chắn ngụy trang như các lần trước. Về tới Hà Nội, theo quy định: khối hồ sơ tài liệu của Văn phòng và tài liệu của các cục được đưa vào cơ quan. Riêng khối hồ sơ cán bộ vẫn để hai nơi: hồ sơ cấp úy đưa về để ở khu lăng Hoàng Cao Khải, số hồ sơ cấp tá đưa vào để ở nhà làm việc của Tổng cục. Tuy về Hà Nội nhưng vẫn một chốn đôi nơi.

Thời kỳ ở khu lăng Hoàng Cao Khải, có một chuyện rặt "mê tín" làm chúng tôi khó quên. Theo kế hoạch, vào một buổi sáng chủ nhật, chúng tôi tổ chức ba xe đạp chở giấy loại lên nhà máy giấy Trúc Bạch để xay. Đội hình bố trí, xe đồng chí Đạt đi đầu, xe đồng chí Thuần đi thứ hai, xe đồng chí Trong đi sau, đồng chí Vượng (nay là thượng tá ở xưởng phim quân đội) trực ở nhà. 8 giờ 30 phút sáng chủ nhật xe đồng chí Đạt xuất phát, nhưng ra khỏi cổng một quãng, xe trượt bánh cả người lẫn xe lăn kềnh xuống ao. Phần bị ướt, phần xe nặng nên đồng chí Đạt cứ loay hoay mãi chưa gỡ ra được. Một lúc sau xe đồng chí Thuần đi ra, nhưng khi đồng chí Thuần thấy đồng chí Đạt đang cựa quậy thì đồng chí ấy cho là "điềm xấu" nên không đến giúp, liền quay xe lại và đẩy vào nhà kho rồi lên gác hai ngủ đến chiều mới dậy. Tiếp đến xe đồng chí Trong. Khi ra bờ ao, thấy đồng chí Đạt bị đổ xe, đồng chí Trong dựng xe của mình vào tường rồi nhảy xuống ao cùng đồng chí Đạt, đẩy mãi mới đưa xe và hàng lên được. Tối hôm đó ngồi rút kinh nghiêm, đồng chí Thuần tự kiểm điểm: "Khi tôi đẩy xe ra, thấy xe đồng chí Đạt đổ xuống ao. Cảnh đó là một điềm xấu nên tôi không tới, và quay về. Đúng, tôi có thiếu sót là khi về không báo đồng chí Trong lại đi ngủ làm phiền lòng các đồng chí. Tôi xin nhận thiếu sót". Đúng là, mê tín có lúc cũng tai hại thật!

Ngày... tháng... năm 1976, được phép của thủ trưởng Tổng cục, khối hồ sơ tài liệu ở khu lăng Hoàng Cao Khải được chuyển vào thành. Lúc đầu hồ sơ để ở khu nhà làm việc của cơ quan Ủy ban kiểm tra Đảng ngày nay, sau gần một năm lại được chuyển sang khu nhà Con Nhạn. Hồ sơ tài liệu để ở khu nhà này thật là lý tưởng, cao ráo, thông thoáng.

Tháng 10 năm 1978, theo quyết định tổ chức mới của Văn phòng, Phòng Nghiên cứu tư liệu hồ sơ giải thể, bộ phận hồ sơ cán bộ lại sáp nhập về Phòng Hồ sơ thống kê của Cục Cán bộ do anh Lê Tiến làm trưởng phòng, anh Nguyễn Khiên làm phó phòng. Số cán bộ Ban hồ sơ trước đó phần lớn được điều ra các đơn vị, còn lại ba đồng chí Tương, Dực, Tĩnh về Phòng Hồ sơ thống kê Cục Cán bộ. Sau chín năm sơ tán, di chuyển nhiều địa điểm, nên sau khi về Hà Nội, công việc hồ sơ lúc này chủ yếu là kiện toàn, củng cố, sắp xếp lại, đóng thêm hòm tủ đựng hồ sơ.

Năm 1979, khi xảy ra chiến tranh ở biên giới phía Bắc, theo chỉ thị của Bộ, hồ sơ tài liệu các cơ quan thuộc Bộ đều phải đưa đi sơ tán vào phía nam. Lại làm kế hoạch, lại dự trù xe và phương tiện vận chuyển. Khác với những lần trước, lần này sơ tán hồ sơ tài liệu đều được chở bằng máy bay AN12 do các phi công Liên Xô (cũ) lái. Theo kế hoạch, bộ phận hồ sơ chia làm hai tổ. Một tổ do đồng chí Nguyễn Danh Bông đại úy, phó phòng hành chính - Văn phòng Tổng cục Chính trị phụ trách ở Tân Sơn Nhất, đón nhận hồ sơ tài liệu chuyển vào; một tổ do đồng chí Tương phụ trách, phối hợp với các đồng chí của các cục tổ chức vận chuyển tài liệu sang sân bay Gia Lâm, rồi chuyển lên máy bay bay vào phía nam. Khối hồ sơ tài liệu của Văn phòng và các cục đi trước, khối hồ sơ Cục Cán bộ đi các chuyến sau. Phải đến 4 chuyến AN12 mới chở hết số hồ sơ của Cục Cán bộ (tất nhiên mỗi chuyến bay đều có hàng của bạn).

Khi chuyển vào phía nam, khối hồ sơ cán bộ phải di chuyển từ khu này qua khu khác 4 - 5 lần, cuối cùng được chuyển về để chung với khối hồ sơ tài liệu của Phòng Bảo mật thuộc Văn phòng Bộ Quốc phòng.

Công tác hồ sơ thời gian này chủ yếu vẫn là củng cố sắp xếp và tiếp nhận hồ sơ các đơn vị gửi vào, trong đó có hồ sơ bộ đội biên phòng chuyển sang. Cùng với việc củng cố, kiện toàn, cũng bắt đầu triển khai đưa hồ sơ cán bộ vào máy tính để quản lý. Ban đầu có anh Quế, Tương và đồng chí Đức, sau khi thống nhất kế hoạch, mẫu biểu... anh Quế và Tương ra Hà Nội, đồng chí Đức ở lại chủ trì cùng với một số anh em cán bộ và sau đó là số chiến sĩ nghĩa vụ vào làm công tác lập phiếu, tiếp đến đồng chí Ngô Văn Nhường vào thay đồng chí Đức phụ trách số anh em trong đó vừa làm nhiệm vụ bảo vệ kho tài liệu, vừa tiếp tục công việc lập phiếu đưa vào máy tính. Thời gian này quân số đông, được tổ chức quản lý chật chẽ và được mang phiên hiệu C85B để thuận tiện cho việc gửi hồ sơ tài liệu đi vào, đi ra có địa chỉ rõ rệt.

Và những năm sau đó do yêu cầu công việc nên được thủ trưởng cục tăng cường cán bộ vào làm việc như các đồng chí Nguyên, Đồng, Tường, Vang, Định (đồng chí Vang, Định là cán bộ bên trung tâm máy tính B40 chuyển sang) chuyên trách làm công tác máy tính; còn cán bộ thay nhau vào trực lần lượt có các đồng chí: Đà, Hồng, Thi. Lúc đầu trực sáu tháng, sau phải trực một năm. Đến năm 1989, đồng chí Vương Đạo, trung tá phó phòng hồ sơ vào trực, đồng thời cũng là người trực tiếp tổ chức vận chuyển hồ sơ từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội vào năm 1990.

Như vậy là gần 20 năm, khối hồ sơ cán bộ được đưa đi sơ tán và thay đổi 19 lần di chuyển địa điểm. Anh Lê Văn Quế kể lại: Hồi ở Việt Bắc, số lượng hồ sơ cán bộ còn ít, mỗi lần sơ tán chỉ cần ba đến bốn người quang gánh trên vai là chuyển hết. Đến thời kỳ chống Mỹ cứu nước, số lượng hồ sơ đi sơ tán đã có hàng chục vạn, vận chuyển bằng phương tiện cơ giới. Khi chiến tranh biên giới xảy ra ở phía bắc hồ sơ cán bộ đi sơ tán vào miền Nam đã tăng thêm, được vận chuyển bằng phương tiện hiện đại (AN12 của Liên Xô), và khi trở về với số lượng hồ sơ đã tăng hơn nữa, được vận chuyển bằng tàu hỏa mang tên tàu "thống nhất". Thật là những thay đổi tuyệt đẹp đầy ý nghĩa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #42 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2022, 11:10:06 am »


Từ buổi ban đầu cùng với hồ sơ mang đi sơ tán, lúc đó chỉ có các quyển sổ đăng ký to nhỏ khác nhau, gồm nhiều loại giấy và chữ viết khác nhau. Đến khi trở về thì toàn bộ hồ sơ cán bộ đã được đưa vào máy tính quản lý ở các "băng" và được khai thác ra bằng các tập danh sách theo khuôn khổ, và nội dung thống nhất tương đối chính quy và có những phần bước vào hiện đại.

20 năm sơ tán không ít khó khăn, nhưng với tinh thần trách nhiệm những cán bộ, đảng viên từng trực tiếp làm công tác thầm lặng này đã cố gắng hết mình để giữ gìn những tập lai lịch "linh hồn" của cán bộ chiến sĩ ở chiến trường và mặt trận. Từ buổi đầu sơ tán cho đến lúc chuyển về cơ quan, hồ sơ các anh được chúng tôi bảo vệ giữ gìn trọn vẹn, góp phần đáng kể vào việc phục vụ cho công tác quản lý, sử dụng và giải quyết chính sách, chế độ cho cán bộ vừa qua, hiện nay và cả sau này.

Người viết lại những dòng nhật ký này không có ý định khoe thành tích. Công tác hồ sơ cán bộ có được thành quả nói trên là nhờ sự quan tâm của các thủ trưởng Tổng cục Chính trị, các đồng chí thủ trưởng Cục Cán bộ và toàn thể cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên Cục Cán bộ qua các thời kỳ; các đồng chí chỉ huy lãnh đạo trung đoàn (nay là lữ đoàn 144); các đồng chí trưởng phó phòng quản lý (nay là Cục Hậu cần) Tổng cục Chính trị, anh em ban doanh trại, anh em ban xe, v.v...

Anh Song Hào, anh Phạm Ngọc Mậu, tuy không trực tiếp chỉ đạo công tác hồ sơ, nhưng các anh đã dành cho hồ sơ cán bộ sự quan tâm đặc biệt.

Năm 1969, dạo đó có trận lũ lớn, hồ sơ cán bộ để ở gác hai nhà số 2 phố Lý Thường Kiệt, nhưng các anh vẫn chưa an tâm, tuy nửa đêm, các anh vẫn gọi điện cho anh Trần Hoài Ân, Cục trưởng Cục Cán bộ (hồi đó) phải bằng mọi cách di chuyển vào thành và được để vào hai phòng rộng rãi ở khu nhà làm việc của thủ trưởng tổng cục.

Trong thời gian hồ sơ sơ tán, mỗi lúc gặp khó khăn, hễ có báo cáo của Cục Cán bộ, anh Phạm Ngọc Mậu lập tức chỉ thị cho các cơ quan, chủ yếu là các đồng chí trưởng, phó phòng quản lý - Tổng cục Chính trị kịp thời giải quyết cho Cục Cán bộ.

Anh Trần Đức Tiêu, về giữ chức cục phó thứ nhất Cục Cán bộ có một năm nhưng đã ba lần đến kiểm tra kho hồ sơ, trong đó có một lần anh lên tận Hòa Bình kiểm tra và nhắc nhở động viên anh em chúng tôi phải thường xuyên cố gắng giữ gìn khối hồ sơ tài liệu quý giá này.

Anh Vũ Văn Ngạch, anh Đỗ Đức Hải thủ trưởng trung đoàn 144 hồi đó cũng dành cho hồ sơ cán bộ sự quan tâm. Các anh luôn luôn đảm bảo đủ số cảnh vệ đi làm nhiệm vụ bảo vệ kho hồ sơ trong suốt thời kỳ sơ tán ở Hòa Bình cũng như khi vào miền Nam, và mỗi lần đi kiểm tra đơn vị, bao giờ các anh cũng đến với chúng tôi để nắm tình hình đơn vị, vừa động viên nhắc nhở anh em chúng tôi.

Anh Lê Văn Quế, người trực tiếp nhiều năm làm trưởng ban rồi trưởng phòng hồ sơ đã thường xuyên gắn bó tâm huyết với hồ sơ cán bộ. Anh luôn chịu khó tìm tòi, suy nghĩ cải tiến công tác, nhạy bén với cái mới, là người đầu tiên nghiên cứu và chỉ đạo đưa công tác quản lý hồ sơ vào máy tính. Anh cũng là trung tâm đoàn kết, cùng với anh em trong ban, trong phòng xây dựng một tập thể luôn luôn đoàn kết, thương yêu nhau lúc làm việc cũng như khi về với đời thường. Điều đó đã trở thành truyền thống trong tổ chức đại gia đình Cục Cán bộ.

Kết thúc bài viết này, tôi xin ghi lại đôi điều tâm sự của bản thân. Tôi vào bộ đội đến nay tròn 43 năm, trong đó có 39 năm làm công tác hồ sơ ở Cục Cán bộ, từ lúc còn là thượng sĩ, nay được mang cấp hàm đại tá - 39 năm ở Cục Cán bộ, tôi luôn được sự giáo dục, rèn luyện của Đảng, sự chỉ bảo của các đồng chí thủ trưởng và sự giúp đỡ chân tình của toàn thể cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên của Cục Cán bộ qua các khời kỳ. Nay chuẩn bị về nghỉ, sống những năm tháng còn lại của cuộc đời, tôi xin hứa sẽ giữ gìn trọn vẹn bản chất anh "Bộ đội Cụ Hồ”, và xứng đáng là một cán bộ của Cục Cán bộ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #43 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2022, 11:13:37 am »


NHỮNG NĂM THÁNG KHÔNG THỂ QUÊN Ở CỤC CÁN BỘ

Thiếu tướng TRẦN ĐỨC LONG
Phó cục trưởng-Cục Cán bộ

Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập cơ quan Cán bộ, cũng là 50 năm sống trong quân ngũ của tôi. Trong cuộc đời quân ngũ, tôi có trên 30 năm làm công tác tổ chức - cán bộ từ cấp trung đoàn trở lên (từ 1957 đến nay, trừ 4 năm 1961 - 1964 học ở Liên Xô).

Hôm nay nghĩ lại, suốt cả quá trình hoạt động của mình, mới cảm thấy thời gian được công tác ở Cục Cán bộ là một trong những thời gian đẹp nhất suốt cuộc đời phục vụ quân đội. Những kỷ niệm như cuốn phim lần lượt lướt nhanh, không kịp dừng lại. Xin được kể một vài kỷ niệm khó quên đó.


Về Cục Cán bộ

Tôi học ở Học viện Quân chính Lê-nin (Liên Xô) trở về nước đúng vào thời điểm đế quốc Mỹ gây căng thẳng, kiếm cớ để mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Tôi đinh ninh, hết một tháng nghỉ phép, mình sẽ được ra đơn vị để rèn luyện và ứng dụng những điều đã học vào thực tế công tác. Thế rồi ngày 5 tháng 8 năm 1964 đế quốc Mỹ tạo cớ gây ra "sự kiện vịnh Bắc Bộ". Nghe theo lời kêu gọi của Đảng, cả nước sôi sục khí thế chiến đấu, sẵn sàng đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ leo thang ra miền Bắc.

Chưa nghỉ hết phép, vốn là cán bộ của Quân chủng Phòng không, tôi sốt ruột, chia tay vợ con, lên Hà Nội gặp Cục Cán bộ để xin nhận công tác. Tạm trú ở trạm 66 một ngày, anh Hồ Xuân Lựu ra thông báo quyết định của trên điều động tôi về nhận công tác ở Cục Cán bộ. Vừa mới đi học về, đã từng làm công tác tổ chức cán bộ, nên tôi chỉ dám đề đạt nguyện vọng muốn được ra đơn vị. Nhưng trên đã quyết định, thì tôi chấp hành. Thế là đến sáng hôm sau tôi được gọi vào Cục Cán bộ, gặp anh Nguyễn Ích (lúc này là phó phòng cán bộ chính trị). Với thái độ cởi mở, chân tình, anh hỏi thăm tình hình học tập và hoàn cảnh gia đình, rồi phổ biến nhiệm vụ. Liền sau đó, tôi được gặp anh Trần Hoài Ân. Với giọng nói thân mật, anh động viên tôi và xác định trách nhiệm. Điều tôi nhớ mãi đến bây giờ là: "Điều cậu về đây là để trồng mít". Thoáng nghe tôi ngớ người ra, chưa hiểu anh định nói gì, thì anh giải thích: "trồng mít không thể ăn ngay, phải vài ba năm sau mới có quả, nhưng phải nỗ lực và cố gắng". Tôi hiểu mình phải làm gì, để sớm thích nghi với nhiệm vụ, và phải yên tâm đi sâu vào nghề nghiệp.

Tôi được phân công về Phòng cán bộ Chính trị. Vốn là trợ lý cán bộ của Bộ tư lệnh Phòng không, theo dõi cán bộ trong phạm vi hẹp, nay về Cục Cán bộ, tôi cảm thấy mênh mông quá! Không biết đến bao giờ thì "cây mít" mới đâm chồi nẩy lộc! Thế nhưng chính ở cơ quan này (Cục Cán bộ chúng ta) lúc đó có đội ngũ cán bộ, đến bây giờ tôi vẫn không quên như các anh: Lê Đình Số, Nguyễn Ích, Đức Quang, Thái Liên, Hồ Xuân Lựu, Trương Chí Công, Phạm Thái, Phạm Bời, Lê Tâm, Nguyễn Văn Tạo (còn gọi là Tạo ngáy), v.v... đều là những người nhiệt tình, sẵn sàng bồi dưỡng, giúp đỡ trao đổi kinh nghiệm, tạo điều kiện cho anh em mới về, nhanh chóng thích nghi với nhiệm vụ (dịp đó cả anh Lê Tiến cũng về trước tôi vài ba ngày). Hồi đó hầu hết đều sống xa vợ con, ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân, coi tổ chức là nhà, đồng chí là anh em, chung sống với nhau tình cảm và gắn bó lắm.

Công tác ở Phòng cán bộ Chính trị được một thời gian, thấy tôi vốn là cán bộ ở Quân chủng Phòng không, lại đi học ở Liên Xô về, nên cơ quan phân công tôi sang Phòng cán bộ Binh chủng do anh Trần Đình Cửu trưởng phòng và anh Trương Chí Công phó phòng. Được sự bồi dưỡng của tập thể và sự trực tiếp hướng dẫn của anh Cửu, anh Công, tôi dần dần quen biết công việc và đáp ứng được nhiệm vụ. Lúc này tôi mới cảm thấy yên tâm hơn, bớt lo lắng hơn.


Hướng ra phía trước

Khẩu hiệu "tất cả vì miền Nam ruột thịt" được thấm sâu vào cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân. Cục Cán bộ phát động phong trào rèn luyện thể lực, sẵn sàng đi chiến trường, mỗi tuần có hai tối tổ chức hành quân ban đêm. Từ đồng chí cục trưởng đến cán bộ cấp phòng và trợ lý, mỗi người một ba lô, lúc đầu đeo 5 viên gạch, dần dần nâng lên tùy theo sức khỏe. Tối thì hành quân vòng quanh hồ Hoàn Kiếm, tối thì vòng quanh vườn Bách Thảo. Lúc đầu đi gần, dần dần đi xa, mệt nhưng rất vui, khí thế sôi nổi lắm. Ngoài ra mỗi tháng còn tổ chức báo động một lần vào ban đêm. Những đồng chí ngủ ở gia đình, thì phân công gọi nhau theo kiểu dây chuyền, và quy định thời gian có mặt tập trung ở cơ quan, mọi người đều phải mang theo ba lô, chăn màn và quần áo đủ bộ, để sẵn sàng chuyển quân sơ tán cơ quan (đề phòng địch ném bom đánh phá Hà Nội). Có một chuyện cười vỡ bụng, đó là khi tập trung đầy đủ ở sân cơ quan, đồng chí cục trưởng ra lệnh kiểm tra ba lô của từng người, thì phát hiện ra có đồng chí (xin miễn nói tên) vơ cả quần của vợ nhét vào ba lô của mình!

Kết quả của việc rèn luyện thể lực quả là không uổng công. Trong thời gian từ năm 1965 đến năm 1970, chiến tranh ở miền Nam mở rộng và ngày càng ác liệt, công tác cán bộ ở chiến trường đòi hỏi nhiều vấn đề phải giải quyết kịp thời hơn, sát thực tế hơn... Thế là kế tiếp nhau từ các anh thủ trưởng cục, đến các trưởng phó phòng và trợ lý, lần lượt phân công nhau đi các chiến trường từ B5, B4, B1, B3 và B2. Ở "bê" nào cũng có cán bộ của Cục Cán bộ theo sát đơn vị, đồng cam cộng khổ với anh em để nắm cán bộ. Có thể nói các cuộc hành trình từ "bê" ngắn đến "bê" dài, anh em đều đi đến nơi, về đến chốn, hoàn thành nhiệm vụ, được các đơn vị hoan nghênh, khen ngợi.

Ở miền Bắc chiến tranh phá hoại ngày càng ác liệt. Cục Cán bộ chỉ để lại một bộ phận nhỏ ở trong thành (gọi là khu A), mỗi phòng có một người do đồng chí Trần Hoài Ân, Cục trưởng trực tiếp phụ trách để phục vụ cho lãnh đạo và chỉ huy, số còn lại sơ tán lên Mỏ Chén rồi lên Hòa Bình (gọi là khu B). Từ đây anh em đi công tác xuống các đơn vị, rồi lại về làm việc ở đây, hàng tuần thay nhau về trực ở khu A. Dạo ấy đi xuống các đơn vị chủ yếu bằng phương tiện xe đạp, mỗi người được trang bị 1 súng ngắn, 1 đèn pin, 1 mũ sắt, 1 bình toong và 1 bao đựng gạo (đến đơn vị ăn, khi ra về phải nộp gạo và thanh toán tiền theo tiêu chuẩn). Thông thường chỉ có một phần ba quân số làm việc ở cơ quan, còn hai phần ba đi công tác ở chiến trường và xuống các đơn vị. Mỗi người đều có chỉ tiêu, ít nhất mỗi quý một lần phải đi được một đơn vị mà mình theo dõi để biết người, hiểu việc của cán bộ làm. Chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, không thể phân biệt đâu là tiền tuyến, đâu là hậu phương, sơ tán đến đâu cũng phải đào hầm, đi đến đâu cũng thấy dân mình đầu đội mũ rơm, vai mang súng trường, sắn sàng chiến đấu, đánh trả quân xâm lược. Đi công tác thường phải đi đêm, đạp xe hàng trăm cây số là chuyện bình thường, và cũng không kém phần nguy hiểm khi vượt qua các trọng điểm đánh phá của quân thù.

Một hôm vào giữa trưa, lúc trời quang mây tạnh, tôi và Nguyễn Quang Lượng, Nguyễn Bá Trụ và một vài anh em nữa (trong tổ trực ở khu A) đang ngủ ở nhà làm việc cũ của Cục Cán bộ (nay là nhà làm việc của Cục Văn hóa Tư tưởng). Mọi người đang say sưa ngủ sau một đêm làm việc căng thẳng của hôm trước, bỗng nghe tiếng còi báo động của thành phố. Tôi gọi anh em dậy, Nguyễn Bá Trụ còn quát lên: "mặc mẹ nó, cứ ngủ đi, nó không dám vào đâu". Thế rồi nghe tiếng xoẹt xoẹt và một tiếng nổ chói tai, mọi người chồm dậy, còn khét lẹt mùi thuốc đạn... Thì ra một quả tên lửa nổ ngay trên nóc nhà chỗ chúng tôi nằm, không ai việc gì cả. Nguyễn Bá Trụ còn nói "chúng mình là sĩ quan có số, chết làm sao được". Mấy anh em cười ran, dù sao cũng là hiện tượng chủ quan coi thường địch. Nhưng đến hôm nay thì anh Nguyễn Bá Trụ - một con người dũng cảm trong chiến đấu, say sưa tận tụy trong công tác, mẫu mực trong sinh hoạt, thủy chung tình nghĩa với bạn bè, đã vĩnh biệt chúng ta sau một thời gian ốm nặng.


Điều tâm đắc

Công tác ở Cục Cán bộ, tôi được tiếp xúc và làm việc với các đồng chí thủ trưởng cấp trên, trực tiếp là các đồng chí thủ trưởng Tổng cục Chính trị qua các thời kỳ (từ thời anh Song Hào trở lại đây). Mỗi đồng chí đã trực tiếp hoặc gián tiếp bồi dưỡng giúp cho tôi từng bước trưởng thành. Nhưng điều mà tôi tâm đắc, đó là một hôm được nghe anh Song Hào nói chuyện trong hội nghị tập huấn công tác cán bộ toàn quân. Anh nói "Điều kiêng kỵ nhất đối với người làm công tác tổ chức - cán bộ là cá nhân, tham vọng, luôn luôn lấy mình làm thước đo cho mọi trường hợp"... Và "trong công tác cán bộ thì thường có nhiều ý kiến khen, chê, nhưng đúng sai mới là điều quan trọng, có trường hợp khen nhiều chưa chắc đã đúng, chê nhiều chưa hẳn đã sai". Anh nói với giọng chân thành, mộc mạc và ngắn ngủi, nhưng chứa đựng nội dung sâu sắc về phẩm chất đạo đức và bản lĩnh của người làm công tác cán bộ; phải biết lắng nghe ý kiến nhiều chiều, phân tích cụ thể, thực chất mạnh yếu của cán bộ.

Viết đến đây tôi nhớ đến anh Đào Duyên, nguyên là trưởng phòng sĩ quan dự bị, sau chuyển sang làm trưởng phòng nghiên cứu kế hoạch, một con người say sưa với nghiệp vụ, tận tụy với công việc được giao, sắc sảo nhạy bén, có kiến thức và năng lực, có trình độ nghiên cứu và tổng hợp, nhưng rất khiêm nhường. Đang độ phát triển đi lên, tuy tuổi chưa cao, nhưng xét thấy sức khỏe có phần hạn chế, và trong cơ quan đã có người thay thế đảm đương, nên anh tự nguyện xin chuyển sang làm công tác nghiên cứu, trên cương vị này, anh vẫn làm tốt cho đến hơi thở cuối cùng, anh đã từ biệt chúng ta về cõi vĩnh hằng. Đọc điếu văn trong buổi lễ truy điệu anh, tôi vô cùng xúc động, không sao cầm được nước mắt, và nhiều đồng chí trong cơ quan cũng ứa lệ tiếc thương.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #44 vào lúc: 19 Tháng Mười Một, 2022, 11:15:00 am »


Sang công tác chính sách

Cuối năm 1989, anh Lê Đình Số được cấp trên thông báo để anh nghỉ hưu theo chế độ. Tôi được phân công thay thế đảm nhiệm mảng công tác chính sách đối với cán bộ. Cũng giống như anh Số, tôi vốn gốc làm công tác nhân sự, chuyển sang làm chính sách, có thuận lợi là đã tích lũy được sự hiểu biết về cán bộ, nhất là cán bộ cao cấp, các đồng chí có nhiều cống hiến, cả về tình hình sức khỏe cũng như hậu phương gia đình, v.v... song cũng không phải không có khó khăn phức tạp. Do hậu quả của chiến tranh, công tác chính sách còn đọng lại nhiều vấn đề, trong khi chế độ chính sách xả hội chưa chuyển đổi kịp thời yêu cầu của cơ chế quản lý mới, mà kinh phí ngân sách quốc phòng về mặt này cũng còn hạn chế. Tôi băn khoăn lo lắng với nhiệm vụ mới mẻ này. Yêu cầu và nguyện vọng chính đáng của cán bộ thì lớn, nhưng khả năng để giải quyết lại chỉ có hạn. Được anh Số động viên: "ai làm mà chẳng khó, miễn là mình có cái tâm, tổ chức đã phân công thì cứ làm, biết dựa vào tập thể và có tập thể, thì rồi cái khó sẽ ló cái khôn".

Nhớ lại lời anh Song Hào nói ở hội nghị tập huấn công tác cán bộ khi tôi còn làm công tác nhân sự: "... Làm công tác chính sách phải có tình thương và trách nhiệm, được việc nhưng phải được người", nghĩa là phải đảm bảo đúng nguyên tắc chế độ, đồng thời làm cho cán bộ thông cảm với khó khăn chung, không được ban ơn, không được cửa quyền. Thế là từ cuối năm 1989 đến nay, tôi đi sâu vào công tác chính sách, kế tiếp công việc của anh Lê Đình Số, học tập kinh nghiệm của anh - một cán bộ từng trải, dày dạn kinh nghiệm, chín chắn, điềm đạm, khá chặt chẽ về nguyên tắc, tác phong cởi mở, dễ gần, thể hiện được tình thương và trách nhiệm đối với cán bộ.

Trong 5 năm trực tiếp làm công tác này, tôi nghiệm thấy không đơn giản; điều khen cũng nhiều, tiếng chê cũng không ít. Nhưng điều mà tôi yên tâm và đáng tự hào là giữ được nguyên tắc chặt chẽ, khách quan vô tư trong khi giải quyết công việc, thực hiện được yêu cầu đối với người làm công tác chính sách. Quá trình làm việc có nhiều chuyện cụ thể xảy ra, nhiều việc đáng nhớ, dễ và khó, khó và dễ, đan xen nhau diễn ra, đã giúp tôi - người làm công tác chính sách thêm kinh nghiệm xử lý trong công tác:

Có lần đồng chí Nguyễn Văn T quân hàm đại tá, có nhiều đơn và nhiều lần trực tiếp gặp, xin được giải quyết cho một căn hộ ở Hà Nội, với lý do về hưu chưa được phân nhà, đơn vị trực tiếp quản lý đã giải thể, nay phải ở nhờ nhà của gia đình vợ ở quê, bị anh em nhà vợ đuổi... Trong hoàn cảnh lúc đó, ta chỉ có rất ít căn hộ để giải quyết cho những trường hợp khó khăn đặc biệt, nên tôi giải thích: "Anh cố chờ để cơ quan nghiên cứu, cân đối chung, nếu quả thực quá khó khăn, mà khả năng có thể được, thì sẽ giải quyết sau". Thế rồi vào một buổi tối thứ bảy của mùa đông năm 1994, cả Hà Nội đã lên đèn, ngoài đường phố mưa lã tã... bỗng nhiên anh vác ba lô, chăn màn đến nhà tôi "xin ngủ nhờ, chờ đến khi nào Bộ Quôc phòng phân nhà cho thì về, kẻo hiện nay bị anh em nhà vợ đuổi không cho ở, nhục quá!". Tôi vui vẻ nói: "Được thôi, đồng chí đồng đội với nhau, tôi sẵn sàng, nhưng anh để tôi đả thông với bà "tiểu đội trưởng" của tôi một chút". Nhưng rồi bà vợ tôi ở trong nhà bước ra với giọng từ tốn: "Dạ thưa với bác, nhà em chỉ có một mình anh Long là nam giới, còn toàn là đàn bà con gái, anh Long lại đi công tác luôn, bác nghỉ ở gia đình em quả là không tiện, mong bác thông cảm cho. Em thiết nghĩ bác là cán bộ quân đội, bác nên ra trạm 66, ở đó họ bảo đảm phục vụ chu đáo hơn". Uống nước, suy nghĩ, trầm tư một lát, vừa lúc trời ngớt mưa, đồng chí chào tạm biệt tôi, vác ba lô ra về, chỉ dặn với lại: "ông cố giúp tôi càng sớm càng tốt".

Suốt đêm hôm ấy tôi không ngủ được, cứ bung lung mãi về hiện tượng vừa mới diễn ra, sáng hôm sau vào cơ quan trao đổi với đồng chí Hoàng Hải trưởng phòng chính sách. Hai anh em bàn với nhau, nên cử người về tận quê của đồng chí T xem thực hư thế nào? Sau khi đồng chí Hải và đồng chí Thanh về gặp cấp ủy và hội cựu chiến binh ở địa phương thì được biết rằng: Đồng chí T khi còn công tác, đã có nhà xây lợp ngói do đơn vị giúp đỡ cho nguyên vật liệu và phương tiện chuyên chở, lại cho người của đơn vị về làm giúp hàng tháng trời. Nay nếu lại cấp nhà cho đồng chí T thì ở địa phương này còn nhiều cán bộ quân đội đã về hưu còn khó khăn hơn, cần được giúp đỡ. Sau khi biết Cục Cán bộ đã cho người về gặp địa phương thì đồng chí T cũng thôi, không đề đạt nữa.

Lần khác, một đồng chí trung tá, trung đoàn trưởng thuộc Quân khu 9. Ở đơn vị đồng chí chiến đấu có thành tích, bản thân đồng chí được 2-3 huân chương Chiến công, có nhiều năm công tác ở chiến trường. Trong thời gian đồng chí đi B, người vợ công tác ở Hà Nội. Thực hiện chính sách hậu phương quân đội, Ủy ban nhân dân thành phố đã cấp cho vợ một căn hộ trong nội thành, chiếu cố chồng là cán bộ đi B, nên diện tích cũng đã tương xứng. Khi về hưu, đồng chí này lại làm đơn và trực tiếp nhiều lần xin được giải quyết nhà ở, với lý do "Hà Nội giải quyết cho vợ, chứ quân đội chưa giải quyết cho tôi" (nhưng trong thực tế thì không có gì khó khăn cả). Tôi giải thích: mỗi gia đình cán bộ ở thành phố chỉ được giải quyết cho một căn hộ theo tiêu chuẩn của vợ hoặc chồng và kinh phí, ngân sách về nhà ở của Hà Nội hay của Bộ Quốc phòng cũng chỉ là một nguồn của Nhà nước. Nếu được phân nhà mới thì phải trả lại nhà cũ để phân cho cán bộ khác còn khó khăn...

Thế là đồng chí này không chịu, thái độ bực dọc, phát khùng lên: "Tôi đi chiến đấu, sẵn sàng hy sinh không tiếc tính mạng, nay về hưu chỉ xin một căn hộ theo tiêu chuẩn mà các anh cũng tính toán chi ly"... Tôi lại ồn tồn giải thích, nhưng đồng chí vẫn không thông, trước lúc ra về đồng chí tuyên bố: "Để chứng tỏ lòng trung thành với Đảng và quân đội, tôi sắn sàng hy sinh tính mạng, không tiếc đời mình. Nếu quân đội không giải quyết được nhà cho tôi, thì tuần sau tôi xin phép được đến tự thiêu ở trước cửa nhà anh". Tôi hơi buồn cười, vui vẻ nói: "cái đó tùy anh, nhưng anh đã bàn với chị ấy chưa? Nếu anh tự thiêu, trước hết là khổ vợ con anh, sau thiệt thân anh, rồi mới đến cháy nhà tôi - anh nên suy nghĩ kỹ!".

Thế rồi từ hôm đó vợ con tôi cứ lo ngay ngáy, mỗi khi có khách đến gõ cửa, lại giật mình. Nhưng rồi qua một tuần, lại một tuần... đồng chí này cũng không quay trở lại. Sau đó chừng ba, bốn tháng tôi tình cờ có dịp gặp lại đồng chí trong một đám cưới. Chúng tôi bắt tay nhau vui vẻ, hỏi chuyện gia đình, nhưng không nhắc gì đến chuyện nhà cửa nữa.


Ra về

Quyết định số 897-TTg của Thủ tướng Chính phủ để tôi được nghỉ hưu theo chế độ kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1997. Tôi vô cùng phấn khởi, thoải mái và tự hào. Thế là vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống của ngành công tác cán bộ, tôi kết thúc trọn vẹn nửa thế kỷ phục vụ quân đội của mình.

Thấm thoát mới ngày nào từ một chiến sĩ liên lạc Vệ quốc đoàn (Quân đội quốc gia Việt Nam), mới ngày nào còn là một đại úy non trẻ, bước chân vào công tác ở Cục Cán bộ, không bao giờ nghĩ đến mình sẽ là cấp nọ, chức kia... thế mà đến hôm nay đã trở thành một sĩ quan của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, bách chiến bách thắng! Ôn lại lịch sử ngành, trong tâm trí mình, không thể không nhớ đến tất cả những gì đã trở thành bài học quý giá, không thể không nhớ đến các đồng chí thủ trưởng cấp trên qua các thời kỳ và cũng không thể quên các đồng chí đồng nghiệp trong Cục Cán bộ đã đi trước và hiện nay đã bồi dưỡng, xây dựng, giúp đỡ tôi trưởng thành và làm tròn nhiệm vụ trên cương vị chức trách được giao.

Quy luật tự nhiên "tre già măng mọc". Tôi rất phấn khởi được về nghỉ khi mình hoàn thành nhiệm vụ, nhưng đồng thời cũng pha trộn những bịn rịn, lưu luyến với một tập thể, nơi đã gắn bó mấy chục năm qua, đó là Cục Cán bộ. Tuy số lượng không đông lắm, nhưng cục thường là một trong những tập thể vững mạnh trong cơ quan Tổng cục Chính trị; một tập thể đoàn kết, gắn bó, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, sống với nhau thủy chung tình nghĩa. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi người mỗi nết, từ nhân viên hành chính, phục vụ, đến cán bộ nghiên cứu ở các lứa tuổi khác nhau, mỗi người một cá tính, nhưng đều thống nhất một mục tiêu "Rèn luyện phấn đấu giữ gìn phẩm chất và phong cách của người làm công tác cán bộ", thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.

Dân gian ta có câu "một ngày nên nghĩa, chuyến đò nên quen" huống chi mấy chục năm gắn bó, khó khăn vất vả, vui buồn có nhau. Hình ảnh của từng đồng chí sẽ lắng đọng mãi mãi trong tôi.


Hết!
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM