Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 27 Tháng Năm, 2024, 01:46:34 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bên dãy Trường Sơn  (Đọc 4349 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1839



« Trả lời #70 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2022, 07:35:39 am »

Năm 1995, chúng tôi có chuyến đi khảo sát thực tế dài ngày ở năm tỉnh Xay-nha-bu-ly; Luông Nậm Ta; U-đom-xay; Luông Pha Băng (ở Bắc Lào), Bô-li-khăm-xay (ở Trung Lào) cùng hai sư đoàn 2 và 3 ở Trung và Hạ Lào, khu chấn hưng kinh tế ở Lắc Xao thuộc liên huyện 90. Các đồng chí Khăm Chăn và Bu Lôm đã đi cùng chúng tôi.


Chặng đường đi khá dài, ngoài tuyến bay Viêng Chăn - Luông Pha Băng còn phải vượt qua 1.000 ki-lô-mét bằng ô tô, và đi bằng xuồng máy. Đang là mùa mưa, chuyến công tác khá vất vả, đoạn Nậm Le - Luông Pha Băng bị tắc nên đoàn phải quay trở lại.


Trong những chuyến đi khảo sát thực tế qua nhiều địa phương, đơn vị trên khắp nước Lào, chúng tôi đã gặp các cơ quan Đảng, chính quyền các địa phương và gặp trực tiếp 51 nhân chứng cả trong và ngoài quân đội. Nhiều cuộc gặp gỡ diễn ra trong tâm trạng bùi ngùi xúc động. Tôi còn nhớ có lần gặp đồng chí Ka-răng, một cán bộ lão thành dân tộc La-ve ở Hạ Lào, đại tá Hao Tu dân tộc H’mông ở Bô-ly-khăm-xay, nữ dân quân Khăm phiu ở Bò Ten... Biết chúng tôi đang sưu tầm tư liệu để viết sử quân đội Lào ai cũng vui vẻ nhiệt tình giúp đỡ. Trao đổi tỉ mỉ, khách quan, kiểm chứng, kiểm tra thông tin cẩn thận. Trong một lần về địa phương gặp gỡ nhân chứng lịch sử tôi có gặp một thiếu nữ Lào. Sau khi giúp đỡ chúng tôi xách hành lý cô còn hào hứng nhắc chúng tôi: "Bác ơi! Bác đừng quên vai trò của người phụ nữ Lào trong chiến đấu và xây dựng quân đội bác nhé"! Cô bé nói rồi quay lại làm việc mà tôi cảm thấy như cùng với công việc của mình còn có rất nhiều niềm mong mỏi của nhân dân Lào. Điều đó càng làm chúng tôi phấn khởi hơn trong công việc cao cả của mình.


Sau những chuyến đi thực tế, tiếp xúc nhân chứng chúng tôi đã thu thập được nhiều tư liệu quý, xác minh được nhiều sự kiện lịch sử, kiểm tra tính khách quan của thông tin, giúp biên soạn cuốn sử được phong phú, chính xác, có tính thực tiễn và mang đậm tính lý luận khoa học sâu sắc.


Trong những năm 1995, 1996 chúng tôi đã biên soạn nội dung chi tiết cuốn lịch sử Quân đội nhân dân Lào; gồm phần mở đầu và ba phần, chín chương. Bao quát toàn bộ quá trình hình thành, chiến đấu và phát triển của quân đội Lào từ những ngày đầu thành lập, kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, xây dựng quân đội và bảo vệ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào.


Phương thức biên soạn là chuyên gia chúng tôi dự thảo nội dung từng phần, từng chương rồi chuyển sang cho bạn nghiên cứu, bổ sung. Các văn bản đó được xin ý kiến của Tổng cục Chính trị và Bộ Quốc phòng. Cho đến tháng 9 năm 1996 thì cuốn lịch sử quân đội Lào cơ bản đã được hoàn thành.


Đánh giá kết quả biên soạn, chúng tôi nhận thấy cơ bản cuốn lịch sử đã khái quát rõ diện mạo của Quân đội nhân dân Lào và hoàn thành đúng kế hoạch đã đề ra. Về nội dung mang tính lý luận, tổng kết thực tiễn sâu sắc, tôn trọng sự thật, mang tính khách quan cao và có tính biện chứng sâu sắc. Qua nhiều hội thảo khoa học, đọc, duyệt, góp ý chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Chính trị, bộ lịch sử đã có được chất lượng toàn vẹn. Cuối năm 1996, tổ chuyên gia viết sử bàn giao toàn bộ công trình nghiên cứu cho bạn và trở về Tổ quốc sau gần ba năm rong ruổi khắp các địa phương, đơn vị trên nước Lào.


Mùa xuân 1997, trong một ngày nắng đẹp, tại trụ sở của Đại sứ quán Lào tại Hà Nội, tổ chuyên gia viết sử chúng tôi vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng hai do Chủ tịch nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào trao tặng.


Trong giây phút ấy. Tôi nhớ lại những ngày đầu sang giúp bạn viết lịch sử Quân đội nhân dân Lào. Bùi ngùi nhớ lại những đồng đội, những nhân chứng tôi đã gặp, những con người đã giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ của mình trên vai trò của một chuyên gia viết sử. Và trong giây phút ấy, tôi lại suy nghĩ rằng: Những trang sử vẻ vang đó sẽ được lớp lớp thế hệ mai sau vun đắp tiếp nối trong quá trình hình thành vươn lên lớn mạnh của quân và dân Lào.

Ngày 2 tháng 9 năm 2009
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Tư, 2022, 07:40:53 am gửi bởi ptlinh » Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1839



« Trả lời #71 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2022, 07:36:44 am »

HAI NGÀY, HAI ĐÊM Ở NA BÒ NỌI


NGUYỄN TỰ LẠC


Cuối năm 1987, lần thứ hai các thế lực cực đoan nước ngoài lại cho quân đội tiến công xâm chiếm lãnh thổ Lào ở xã Na Bò Nọi, huyện Bò Ten, tỉnh Xay A Bu Ly. Khác với lần tiến công ở Ba Bản huyện Pak Lay (1984), lần này quy mô lớn hơn gấp nhiều lần cả về phạm vi khu vực xâm chiếm và số quân của họ tham gia (nhất là hoả lực pháo binh và không quân chi viện).


Do vậy, lực lượng tham gia đánh trả của bạn Lào cũng được huy động tăng thêm. Các đồng chí Thượng tướng Ay Xay Nha xẻng - Tổng Tham mưu trưởng, Trung tướngf Bun Thon - Phó Tổng tham mưu trưởng lại được giao nhiệm vụ chỉ huy Tiền phương Bộ và Mặt trận.


Do quy mô của cuộc chiến phải chỉ đạo cả phía trước, phía sau nên bạn yêu cầu chuyên gia tập trung giúp cơ quan Bộ tại Viêng Chăn.

Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình, nhận thấy đang tồn tại một số nhược điểm, thiếu sót cần khắc phục, nhằm nâng cao tính bền vững của thế trận phòng thủ, phòng ngự. Đó là các vấn đề vận chuyển tiếp tế (làm đường ô tô vào trận địa, hạn chế tối đa việc sử dụng trực thăng, tiết kiệm xăng dầu, đạn dược, nhất là đạn pháo) và việc phản kích trong chiến đấu phòng ngự. Do vậy tôi đề nghị với đồng chí Trung tướng Nguyễn Hoà (Trưởng đoàn chuyên gia) cho tôi ra Na Bò Nọi tìm hiểu tình hình thực tế làm cơ sở đề xuất kiến nghị giải quyết.


Đồng chí Nguyễn Hòa nhất trí và báo cáo đề nghị lên đồng chí Đại tướng Khăm Tày Xi-phăn-đon - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và được chấp nhận. Đồng chí Bộ trưởng còn chỉ thị thêm một số việc nhằm làm rõ một số vấn đề để có cơ sở hạ quyết tâm giữ vững trận địa đến ngày đàm phán thương lượng hòa bình. Đồng chí còn dặn thêm, khi ra ngoài đó nhớ mặc quân phục Lào, nói tiếng Lào.


Tối hôm đó, tôi bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị. Quân trang, đồ dùng cá nhân, do thường xuyên phải dùng nên tôi chỉ kiểm tra lại, lấy ra bộ quân phục Lào mặc trước, còn lại để gọn vào góc phòng. Tiếp đó, ngồi vào bàn làm việc chuẩn bị nội dung công việc cho chuyến đi. Khi đọc tài liệu, xem bản đồ, lần lượt tôi quán triệt lại nhiệm vụ được giao, ý kiến dặn dò của trên, hệ thống lại diễn biến tác chiến vừa qua, chắt lọc ra những nội dung cần thiết phục vụ cho lần đi này, trên cơ sở đó, tính toán lịch trình làm việc với quỹ thời gian được trên quy định. Tất cả phải lưu vào trí nhớ, vì không được mang theo tài liệu.


Thỉnh thoảng, tôi đi lại trong phòng, vừa thư giãn vừa suy nghĩ. Nhìn vào góc phòng thấy khẩu súng ngắn, chiếc địa bàn, đôi giày vải, bi đông nước, ba lô, toàn là những thứ thường chỉ dùng trong thời chiến, bất giác trong tôi suy ngẫm: Sớm mai đây, chỉ vài ba chục phút bay, tôi đã từ thủ đô yên bình sang tới nơi biên ải, ở đó đang diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt mà những đồng đội của tôi đang phải chịu đựng.


Tiếng gà gáy cất lên cắt ngang dòng suy ngẫm, báo hiệu đêm đã vào canh một, tôi tranh thủ chợp mắt để mai đi sớm.

Mờ sáng tôi đã có mặt ở sân bay quân sự Vắt Tày, đi trên chuyến trực thăng chở hàng cất cánh sớm nhất. Sân bay lúc này đang diễn ra cảnh nhộn nhịp, khẩn trương; chỗ này người bốc hàng từ trên ô tô xuống, chỗ kia người vác hàng lên máy bay. Phi công trực sẵn trên buồng lái, chiếc nào đủ hàng là cất cánh luôn.


Xuống sân bay Na Koọc (huyện lỵ Bò Ten), tôi đi tiếp đến bản Bò Sản, nơi đặt Sở chỉ huy tiền phương Bộ. Trên đường đi đã thấy nhà dân bị bom đạn đối phương phá huỷ, nhân dân sơ tán nên vắng người qua lại. Thay vào đó là anh chị em dân quân du kích canh gác, tuần tra, bảo vệ tài sản cho dân.


Đến Sở chỉ huy, được anh Ay tiếp và làm việc luôn. Sau khi truyền đạt ý kiến cấp trên, hai anh em trao đổi với nhau, chủ yếu là vấn đề làm đường từ Na Koọc vào Phu Viêng. Tôi báo cáo với anh Ay diễn biến chiến đấu vừa qua cho thấy tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên quyết giữ vững trận địa của anh em. Vấn đề nổi lên cần quan tâm hiện nay chính là con đường ô tô để vận chuyển tiếp tế đảm bảo đủ lương thực, súng đạn cho bộ đội. Việc sử dụng trực thăng như vừa qua chỉ là biện pháp tình thế, không thể duy trì lâu dài được. Qua tin tức ngoại giao, có thể đối phương chịu nhận giải pháp chính trị nhưng mới ở mức ngừng bắn, giãn quân, chưa rút hết quân khỏi Lào, nên không vì thế mà lơi lỏng.


Anh Ay là một cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo chỉ huy tác chiến dày dạn kinh nghiệm. Anh thường có mặt ở những điểm nóng. Thời kỳ Ba Bản, anh đã huy động nhân dân làm đường có kết quả. Những vấn đề tôi nêu ra, không phải là anh không nghĩ tới, nhưng vừa qua còn lo việc giữ vững trận địa phía trước nên chưa tập trung khả năng cao nhất cho công tác bảo đảm lâu dài nếu không thì việc giữ vững trận địa đến ngày đàm phán sẽ gặp khó khăn. Ngoài ra, có trao đổi thêm vấn đề cảnh giác đề phòng địch liều lĩnh đánh vu hồi vào chiếm Bò Sản, Nà Koọc, cô lập Phu Viêng để tạo thế có lợi cho đàm phán chính trị.


Chiều tối, tôi bay tiếp vào Phu Viêng.

Chỉ mười phút sau, máy bay đã hạ cánh. Nhìn nơi hạ cánh, tôi liên tưởng ngay đến cách dùng trực thăng khá táo bạo do anh Ay cùng anh em không quân Lào thực hiện tại Ba Bản. Diện tích rất hẹp, nằm trên một trong những điểm nhô ra phía sau dãy núi Phu Viêng, pháo đối phương ở phía trước khi bắn, đạn sẽ vượt qua đỉnh núi rơi xa về phía sau. Lại bay vào sáng sớm, chiều tối, ở tầm thấp nên đối phương khó phát hiện. Nhưng người lái phải giỏi, dũng cảm mới đáp xuống an toàn được. Tôi đi tiếp lên khu vực hậu cần sau khi leo một con dốc khá dài. Tại đây gặp anh Khăm Mặn (Cục trưởng tác chiến phụ trách Tham mưu trưởng Mặt trận) xuống đón lên Phu Viêng. Leo tiếp vài con dốc nữa, tới Sở chỉ huy Mặt trận gặp anh Bun Thon. Thăm hỏi, uống nước, nghỉ ngơi một lát, chúng tôi vào việc ngay. Tôi báo cáo mục đích chuyẽn đi, truyền đạt ý kiến lãnh đạo cấp trên. Các anh cho biết nhận định, đánh giá tình hình đầy đủ, ngắn gọn. Tiếp đó các anh mời tôi dự luôn cuộc họp giữa Mặt trận với chỉ huy các Sư 1, 2, cơ quan và một số đơn vị trực thuộc. Trong hội nghị tôi lắng nghe là chính. Gần cuối anh Bun Thon đề nghị tôi phát biểu với hội nghị. Tôi đề nghị cần chú ý tiết kiệm trang bị vũ khí đạn dược, vì vận chuyển của ta vào trận địa có khó khăn. Tiết kiệm sử dụng đạn pháo không phải chỉ có các đồng chí chỉ huy trên, của anh em pháo binh mà anh em bộ binh các cấp đều quan tâm, tính toán yêu cầu bắn chi viện vào đâu, lúc nào cho có hiệu quả với số lượng đạn tiêu thụ ít nhất. Đồng thời cần quan tâm chỉ đạo hoạt động đánh phía sau và tiến hành phản kích nhỏ.


Khi họp xong thì đã quá nửa đêm.

Đỉnh núi Phu Viêng ở độ cao 1.365 mét, càng về khuya càng thêm lạnh, đôi lúc điểm những loạt pháo đối phương bắn cầm canh hoặc những loạt súng máy của đối phương hoảng hốt bắn vu vơ, vẫn không làm mất đi cảnh tĩnh mịch của nơi núi rừng trùng điệp này.


Dưới ánh đèn dầu trong căn lán âm, chỉ còn lại anh Bun Thon và tôi. Tôi nói với anh những ý kiến trao đổi với anh Ay sáng qua ở Tiền phương Bộ, đề nghị anh lưu ý vấn đề cảnh giác trước hành động liều lĩnh của đối phương trước khi có giải pháp chính trị. Trong hội nghị vừa rồi, tôi cảm nhận thấy cũng đã có xuất hiện tư tưởng chủ quan sau khi đánh bại đợt tiến công thứ 5 của đối phương. Vấn đề đánh phản kích đã có tiến bộ nhưng hoạt động nhỏ, và tác chiến của các đơn vị đặc công chưa thực hiện được như thời kỳ Ba Bản, mặc dù đối phương đã tiến sâu vào đất mình hơn. Anh cho biết nguyên nhân và cùng trao đổi cách khắc phục.


Cuối cùng, tôi nêu một ý kiến: "Cuộc họp vừa rồi được nghe anh em phát biểu về một số tấm gương chiến đấu dũng cảm, táo bạo linh hoạt, có tác dụng đầu tàu dẫn dắt mọi người hành động theo. Đề nghị anh xem xét, điều chỉnh rút bớt số anh em này về cho đi học đào tạo thành cán bộ, đây là vốn rất quý cho cán bộ về lâu dài...". Nghe đến đây, tôi thấy anh xúc động. Có lẽ anh đang nhớ đến đồng chí, đồng đội dưới quyền chỉ huy của anh, vừa ngã xuống những ngày gần đây. Một lúc sau anh nói: "Đúng, đây là việc cần làm và phải làm ngay. Thương xót, tiếc thương lắm, anh Lạc ơi! Tôi sẽ cố gắng động viên thuyết phục anh em vì vào thời điểm này họ đâu có chịu rời vị trí chiến đấu của mình". Biết anh đang xúc động, tôi hướng sang chuyện khác.


Trời đã gần sáng, để kết thúc buổi trao đổi, tôi nói vui với anh: "Anh và anh Ay đều là những con người của phía trước. Chỉ huy trưởng Mặt trận Bắc Lào là anh, Ba Bản cũng là anh và nay Na Bò Nọi vẫn là anh. Anh còn là Sư trưởng sư đoàn đầu tiên của Quân đội nhân dân Lào". Nghe tôi nói thế, anh mỉm cười.


Trời đã sáng, cơm nước xong, anh Khăm Mặn cùng tôi đi xuống Sư đoàn 1. Đi dọc theo đỉnh núi Phu Viêng được che phủ bời những tán cây rừng nguyên sinh, dưới mặt đất là một thảm mùn lá cây rụng qua nhiều năm tạo thành, đặt chân lên đó như bước lên tấm đệm vậy. Đường đi không dốc lắm, đôi lúc chỉ phải qua yên ngựa hơi lõm sâu, nên chúng tôi có điều kiện chuyện trò trao đổi xoay quanh nội dung đánh phản kích trong tác chiến phòng ngự. Do cùng công tác ở Cục Quân huấn thời kỳ ở Sầm Nưa, rồi sau này cùng chuyển sang Cục Tác chiến, nên chúng tôi rất hiểu ý nhau, giữa nguyên tắc và vận dụng vào thực tế. Bất chợt anh Khăm Mặn nói với tôi: "Rừng ở đây nhiều lá giong lắm, tôi đã cho chuẩn bị, khi về anh nhớ mang theo để anh em chuyên gia gói bánh chưng Tết nhé!". Tôi nhẩm tính, đúng là chưa đầy tuần nữa là đến Tết Việt Nam rồi. Thật cảm động, ngay lúc này, ở đây anh vẫn nhớ và dành tình cảm với anh em chuyên gia.
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Tư, 2022, 07:41:02 am gửi bởi ptlinh » Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1839



« Trả lời #72 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2022, 07:37:16 am »

Tới Sở chỉ huy Sư đoàn thì cảnh vật đã khác, vết bom đạn đối phương cày xới, cây đổ ngổn ngang, nhìn ra phía trước đã dễ nhận ra một số điểm phòng ngự vì cây cối bị bom đạn thiêu trụi, vẫn còn sót một số thân cây sát gốc.


Anh Đuông Chay làm việc với chúng tôi tại căn lán âm trước cửa hầm. Có nước chè pha sẵn đựng trong bi đông, uống bằng bát sắt tráng men. Tôi đi sâu tìm hiểu vấn đề đánh phản kích nhỏ của Sư đoàn những ngày gần đây. Anh nói, thời gian đầu anh em chỉ lo nhiều vào giữ vững trận địa, sau khi có chỉ đạo nhắc nhở của trên, đơn vị đã tích cực thực hiện đánh tập kích vào chốt của đối phương, ta chiếm được một số chốt làm cho địch rất sợ khi bị đánh tập kích bất ngờ. Từ thắng lợi đó, anh em rất tin tưởng. Anh trả lời khá tỷ mỷ những vấn đề tối tìm hiểu. Tôi đề nghị anh nên rút kinh nghiệm ngay để nhân rộng.


Rời Sư đoàn 1, anh Khăm Mặn và tôi trở về Phu Viêng, lên đài quan sát mặt trận. Đã quá trưa, trời nắng to, qua ống kính quan sát tôi thấy rõ các điểm cao 1428, 1370 ở tiền duyên, nơi phòng ngự trực tiếp của hai bên. Đây là hướng phòng ngự chủ yếu do Sư đoàn 2 đảm nhiệm, nơi diễn ra nhiều cuộc chiến đấu quyết liệt nhất của mặt trận, nên các mỏm núi đều đã bị cạo trọc, nhìn rõ cả bờ chiến hào. Trên dãy 1428 bạn chốt giữ 2 điểm, đối phương 1; ở 1370 đối phương 7 điểm, bạn 4 điểm, cách nhau chỉ vài ba trăm mét. Qua đó càng thấy tính chất quyết liệt, chịu đựng căng thẳng của anh em cán bộ, chiến sĩ bạn bám trụ tại đó. Tại đài quan sát, qua điện thoại anh Khăm Mặn nhận được tin: Đơn vị phòng không ở Na Kok vừa bắn rơi một máy bay OV-10, bắt sống hai người lái. Đến giờ phải quay về để kịp đáp chuyến bay tối trở lại Viêng Chăn. Nhưng đến sở chỉ huy, nhận được tin sớm mai mới có máy bay. Vậy là tôi có thêm một đêm để làm việc với anh em cơ quan mặt trận.


Hai ngày, hai đêm ở mặt trận Na Bò Nọi thật là quý giá với tôi, nên gần như tôi không ngủ nghỉ. Khi làm việc, lúc tâm tư, trò chuyện, vì toàn là những anh em công tác chiến đấu cùng nhau từ thòi kháng chiến chống Mỹ. Mặc dầu mới vài tháng trước vẫn thường xuyên gặp nhau ở Phôn Khêng (trụ sở Bộ Quốc phòng), nhưng gặp nhau ở đây, thật là có những tình cảm khó tả. Có đồng chí cán bộ cơ quan nói với tôi, những ngày chiến đấu ở đây, tuy chỉ có lực lượng Lào, nhưng luôn nghĩ phía sau chúng tôi là các đồng chí Việt Nam, nên rất yên lòng.


Sớm hôm sau, chào tạm biệt anh Bun Thon và anh em cơ quan mặt trận, tôi và anh Khăm Mặn cùng về Viêng Chăn.

Về đến cơ quan Đoàn chuyên gia, tổng hợp lại tình hình báo cáo với Đoàn trưởng và bạn. Xong những việc trên vào đúng ngày 30 Tết.

Chiều tối hôm ấy, nhân dịp sắp sang năm mới (Tết Việt Nam), mặc dầu bận nhiều công việc, đồng chí Khăm Tày Xi-phăn-đon đã dành thời gian gặp mặt anh em chuyên gia tại nhà riêng. Trong lời chúc Tết, đồng chí cảm ơn sự giúp đỡ chí tình của Việt Nam, cảm ơn, biểu dương tinh thần tận tụy công tác của anh em chuyên gia vừa qua. Vừa ăn cơm, vừa nói chuyện, hướng về phía tôi, đồng chỉ hỏi: "Mấy ngày vừa rồi, đồng chí Lạc ra phía trước thấy tình hình thế nào?". Tôi đứng dậy báo cáo: "Tình hình và kiến nghị sau chuyến đi, tôi đã báo cáo anh Hoà, sau đó lên báo các anh trên Bộ Tổng Tham mưu, hôm nay chỉ xin báo cáo với anh một ý là sau thắng nhiều đợt tiến công lớn của đối phương, nhất là đợt thứ 5, đã xuất hiện tư tưởng chủ quan trong một số cán bộ". Đồng chí Khăm Tày nói: "Đúng vậy, cần phải nhắc nhở anh em hết sức cảnh giác, đề phòng với hành động liều lĩnh của đối phương trước khi chúng chịu chấp nhận giải quyết bằng đàm phán thương lượng". Cuối buổi liên hoan gặp mặt, đồng chí Nguyễn Hoà đứng lên báo cáo, cảm ơn sự quan tâm động viên của đồng chí Khăm Tày đối với anh em chuyên gia, nhất là vào dịp Tết cổ truyền Việt Nam và hứa sẽ tiếp tục làm tốt nhiệm vụ được giao.


Sau 66 ngày đêm tiến công bằng quân sự, đối phương đã thất bại nặng nề, bị dư luận nhiều nước trên thế giới và nhân dân trong nước phản đối không đồng tình. Do vậy họ đã chịu ký kết thoả thuận ngừng bắn dãn quân, tiếp tục giải quyết bằng đàm phán thương lượng hoà bình.


Cuộc đấu tranh của bạn còn tiếp tục, nhưng đã chuyển sang đấu tranh chính trị ngoại giao, buộc đối phương phải rút hết quân đội ra khỏi lãnh thổ Lào.

Những ngày sau, bạn vẫn tiếp tục củng cố xây dựng thế trận vững chắc hoàn chỉnh hơn. Đặc biệt đã cảnh giác, đánh bại đợt tiến công thứ 6 của đối phương trước ngày ngừng bắn. Và không lâu sau, đã thông đường từ Na Koọc vào Phu Viêng, ô tô chuyển được hàng vào trận địa.


Chiến thắng Na Bò Nọi đã giúp tôi càng thêm tin tưởng vào khả năng lực lượng vũ trang bạn hoàn toàn có thể tự gánh vác nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của mình.

Trại viết Hồ Tây, thu 2009
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Tư, 2022, 07:41:13 am gửi bởi ptlinh » Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1839



« Trả lời #73 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2022, 07:38:40 am »

KỶ NIỆM Ở PẠC SÒN


NGUYỄN MẠNH HÙNG
(Ghi theo lời kể của đồng chí Nguyễn Xuân Khoa)


Năm 1980, sau khi huấn luyện tân binh ở Bá Thước (Thanh Hóa), chúng tôi qua cửa khẩu Tây Trang sang nước bạn Lào với nhiệm vụ giúp bạn lập mạng tọa độ pháo binh. Những ngày đầu, đa số anh em chưa biết phong tục, chưa biết tiếng. Đặc thù công việc xác lập mạng tọa độ buộc chúng tôi phải leo lên những ngọn đồi, ngọn núi cao nhất để đặt máy kinh vĩ TT3, từ đó đo sang hai mỏm khác theo hình tam giác, vì thế, chúng tôi rất ít có điều kiện tiếp xúc với nhân dân để học tiếng, học phong tục.


Một lần, chúng tôi nhận nhiệm vụ đo đạc ở một ngọn núi gần bản Pạc Xòn ở Trung Lào, tổ đo gồm ba người: tôi, Hân và Tiểu đội trưởng Vinh. Hôm đó, Tiểu đội I rưởng Vinh về binh đoàn nhận nhiệm vụ đến sáng hôm sau mới lên. Chỉ còn tôi và Hân. Cả hai chúng tôi đều là lính mới tò te, ngoài mấy từ thông dụng như "Xăm ba (ti" (Chào), "piền" (đổi), "Xừ neo đẩy" (Tên gì) hầu như chúng tôi không biết từ gì khác.


Vì điểm tọa độ khá xa, lại thêm mấy hôm đó trời rất mù, sáng sớm và chiều hầu như không thể nhìn được, chúng tôi tranh thủ nắng hửng để đo. Bốn giờ chiều trời bắt đầu mù. Qua ống kính kinh vĩ, các quả đồi, cánh rừng bắt đầu mờ dần không thể đo được nữa, hai chúng tôi rủ nhau vào bản chơi. Chúng tôi bàn nhau mang đôi giày mới vào bản đổi con gà, ít rượu, chờ mai Tiểu đội trưởng Vinh về sẽ có cái để cải thiện. Vì không có ai ở nhà nên tôi vác máy đo kinh vĩ TT3 còn Hân mang theo hai đôi giày. Chúng tôi cắt phương vị, đi tắt qua một quả đồi tương đối rậm rạp để tới bản mà chúng tôi phát hiện ra trong quá trình đo đạc. Đi khoảng ba mươi phút thì gặp một con suối, nước rất trong, một cô gái Lào ra suối lấy nước cũng vừa đi tới. Tôi liền cất tiếng:

- Xăm ba đi.

- Xăm ba đi. - Cô chào lại.

- Xừ neo đẩy?

- Xi Von.

Cô gái cúi mặt cười e thẹn. Vốn tiếng Lào của chúng tôi chỉ có thế nên không thể trò chuyện thêm được gì.

- Hay bọn mình đi theo Xi Von về bản, vừa đỡ lạc lại có một thời gian đi đường để làm quen? - Hân bàn với tôi.

Chúng tôi ra hiệu muôn theo cô về bản chơi. Cuối cùng thì cô gái cũng hiểu. Cô cười gật đầu đồng ý. Chúng tôi đi theo Xi Von. Đến bản, Hân bàn với tôi:

- Cậu mang giày của cậu đi đổi con gà, còn tớ lên trên nhà hỏi cô gái đổi lấy xị rượu, tiện thể mượn cô gái kim chỉ để đính lại cái khuy quần, lúc chui qua bụi rậm thóp bụng thế quái nào lại làm đánh phựt một cái! Tớ đang phải buộc tạm bằng dây rừng đây này. Để thế này, nếu tối mà nhảy Lăm vông với các cô gái bản thì có mà mất hết "phẩm chất của người quân nhân cách mạng!" à.


Tôi phì cười khi nhìn thấy hai con đỉa quần bị túm lại với nhau bằng một sợi dây rừng mà Hân vừa kéo áo lên cho tôi nhìn. Hân vốn khá to béo nên mặc quân phục lúc nào cũng vừa khít. Vì vậy, hầu như Hân không bao giờ đeo xanh tuya nên mới dẫn đến cơ sự này! Tôi nháy mắt đùa Hân:

- Chắc ông thấy con gái nhà người ta xinh quá, muốn làm quen nên kiếm cớ "đứt dây chun quần" để đuổi tôi đi chứ gì! Có gì thì cứ nói với nhau một câu chứ làm gì mà phải "khổ nhục kế" như thế! Thôi đi đi, tối về báo cáo nhé!

Tôi vác máy kinh vĩ và mang đôi giày sang nhà sàn gần đó, còn Hân trèo cầu thang theo cô gái lên nhà. Chừng mười phút, tôi bỗng nghe có tiếng súng nổ phía ngôi nhà cô gái mà Hân đang ỏ đó. Tôi vội chạy lại thì thấy Hân cũng hốt hoảng chạy từ trên cầu thang xuống, phía, sau cậu ta là một ông già vẻ mặt rất giận dữ, cầm khẩu súng kíp vừa hô câu gì đó rất to vừa đuổi theo. Tiếng bước chân thình thịch, tiếng í ố. Chỉ một chốc, hai chúng tôi đã bị dân bản quây kín xung quanh ở dưới Hân. Nhìn vẻ mặt giận dữ của dân bản, tôi hỏi Hân:

- Mày làm gì Xi Von phải không?

Hân lắp bắp:

- Không! Không! Tao có làm gì đâu!

Tôi bực dọc:

- Thôi đi! Đến nước này rồi mà còn chối à! Mày không làm gì con gái người ta mà người ta lại nổ súng bắn mày! Đồ cà cuống chết đến đít còn cay! Mày phải nói thật để còn tính cách xử lý chứ!

Hân nhăn nhó vẻ tội nghiệp:

- Khổ quá! Tao thề! Tao không làm gì cả! Tao chỉ theo cô gái vào để hỏi mượn kim chỉ đính cái khuy quần bị đứt và hỏi đổi xị rượu để mang về thôi mà!

Tôi thấy ông già nói gì đó với mọi người. Vòng tròn dân bản đang bao quanh chúng tôi xôn xao chỉ trỏ. Rất nhiều gương mặt bừng bừng, nhiều cái chém tay rất giận dữ. Tôi đoán chắc có sự hiểu lầm chi đây nên thôi không hỏi Hân nữa mà bảo với Hân:

- Tao thấy dân bản có vẻ giận dữ lắm! Chắc thế nào họ cũng xử bọn mình theo luật lệ. Phải tìm cách gì đó chứ không thì nguy to.

Khốn nỗi tình cảnh này thì ngay cả thông thạo tiếng Lào còn khi cũng tình ngay lý gian, khó mà giải thích, huống hồ hai chúng tôi chỉ lắp bắp được vài từ bập bõm. Tôi nhìn quanh một lượt thấy vẻ mặt người nào cũng rất nghiêm trọng nên tôi bàn với Hân chỉ còn cách duy nhất đó là hoãn binh chờ đến sáng mai Tiểu đội trưởng Vinh về sẽ tìm cách giải thoát cho hai thằng. Hướng về phía dân bản, tôi đứng lên cố gắng dùng chút vốn tiếng Lào ít ỏi vừa nói vừa kết hợp ra hiệu đại ý nếu dân bản bắn hoặc làm gì chúng tôi thì cái này - tôi chỉ vào máy kinh vĩ - sẽ nổ "bùm" và tất cả sẽ chết hết!
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Tư, 2022, 07:41:23 am gửi bởi ptlinh » Logged
vnmilitaryhistory
Moderator
*
Bài viết: 1839



« Trả lời #74 vào lúc: 06 Tháng Tư, 2022, 07:39:14 am »

Câu dọa của tôi có vẻ hiệu nghiệm. Vòng tròn hơi giãn ra, nhưng không có vẻ gì là họ sẽ giải tỏa. Hóa ra họ giãn ra là để ngồi xuống quanh chúng tôi. Trời mù mịt sương và bắt đầu tối dần, chúng tôi mừng thầm khi thấy có một số người lục tục đứng dậy ra về. Nhưng một lúc sau lại thấy một số người khác đến và ngồi xuống vòng tròn. Hóa ra, họ chỉ về ăn cơm. Một đống lửa rất to được nhóm lên gần đó. Suốt mấy tiếng đồng hồ leo đồi, cắt rừng đi vào bản đến giờ cái bụng bắt đầu đấu tranh biểu tình réo ùng ục. Tôi nhìn quanh tuyệt vọng bởi chẳng có biểu hiện gì là họ sẽ giải tán cả. "Chắc họ ngồi chờ chúng tôi mệt ngủ thiếp đi thì sẽ xông vào trói lại để xử theo luật lệ của bản". Nghĩ vậy, tôi khẽ nói với Hân:

- Tuyệt đối không được ngủ, kể cả ngủ gật đâu đấy! Chỉ cần mình sơ hở là dân bản sẽ xông vào bắt trói và xử theo luật ngay. Cố gắng thức đến sáng mai chờ anh Vinh về sẽ có cách giải quyết.

Ánh lửa nhập nhềnh hắt những cái bóng đổ dài trên mặt đất. Ánh lửa hắt lên những khuôn mặt gầy guộc không biểu lộ nhiều cảm xúc, làm tôi liên tưởng đế các bộ tộc da đỏ với các tập tục hoang dã trong các bộ phim đã xem khiến tôi càng hoang mang. Suốt đêm đó, chúng tôi ngồi trắng đêm trong vòng tròn dân bản. Tiếng côn trùng ỉ ê, tiếng chim lợn tắc, tiếng chim khảm khắc đóng vào không gian khiến đêm càng thêm rờn rợn và nhuốm màu huyền bí. Sương đêm bắt đầu lạnh ở mặt và cổ, có thể nhìn thấy sương bay là là ngay trước mặt. Sương đậu trắng trên tóc, lông mi, lông mày thành giọt. Quần áo chúng tôi bắt đầu ướt. Hắt xì! Tôi rùng mình sau cơn ớn lạnh dựng ngược thành vệt chạy dọc sống lưng. "Bây giờ mà cảm lạnh thì nguy mất!". Cái ý nghĩ ấy cộng với đói, mệt khiến tôi muốn xỉu đi. Chưa bao giờ tiếng gà gáy cất lên lại trở thành nỗi khắc khoải đợi chờ đến thế trong tôi.


Cuối cùng thì sự mong ước của tôi cũng đã đến. Tiếng gà thưa rồi mau dần. Trời bắt đầu bàng bạc. Tôi thở phào. Vậy là cũng đã qua một đêm căng thẳng. Tôi lại chợt lo: Không biết Tiểu đội trưởng Vinh có về như đã hẹn không? Và về thì anh có biết chúng tôi đang mắc kẹt lại trong bản không?


Sương bắt đầu loang ra, mỏng dần rồi đậu lại trên những ngọn cây, bìa rừng như được phủ một tâm voan trắng. Người tôi lên cơn hâm hấp sõt, nhưng mắt tôi đóng đinh vào con đường mòn chờ một bộ quân phục xuất hiện. Chúng tôi cứ ngồi ở trong vòng tròn của dân bản như vậy cho đến khoảng giữa buổi sáng thì Tiểu đội trưởng Vinh xuất hiện cùng với một người (về sau tôi mới biết đó là chủ tịch xã). Hai người gặp già làng và nói chuyện gì đó, khi ấy vòng tròn người mới tản ra. Sau hơn một đêm ngồi ở một tư thế, chân tê cứng, chúng tôi không thể nào đứng dậy nổi mà phải vịn vào vai của Tiểu đội trưởng Vinh để đứng dậy.


Cuối cùng thì lý do mà chúng tôi bị bao vây cũng được sáng tỏ. Dân bản nơi đây có tục cấm con trai lạ không được vào phòng con gái. Hân không biết điều đó nên đã theo cô gái vào buồng định mượn kim chỉ. Do không biết tiếng, Hân dùng tay làm động tác xâu chỉ vào kim rồi chỉ vào cô gái ra hiệu cho mượn và chỉ vào thắt lưng của mình ra dấu bị đứt cúc. Rồi Hân đưa đôi giày và nói nửa tiếng Lào, nửa Việt: "piền (đổi) xị rượu". (xị tiếng Lào là quan hệ nam nữ). Hân giơ một ngón tay lên để ra dấu bảo: Một xị!


Bố cô gái vừa đi săn về, thấy con trai lạ trong buồng con gái, lại có những động tác kỳ quặc dễ gây hiểm lầm, thêm nghe loáng thoáng thấy nói "xị, xị" nên rất tức giận, nghĩ kẻ này sàm sỡ con gái nên ông đã nổ súng cảnh cáo, sau đó sự việc diễn ra như đã kể.


Buổi tối hôm ấy, sau khi ăn cơm xong. Dân làng đốt một đống lửa rất to ở giữa sân. Sương bay bay, lửa bập bùng cháy bên ngoài, cháy cả trong mắt các cô gái. Tiếng trống, tiếng hát và điệu múa làm má của các cô gái Lào thêm hồng, mắt thêm lúng liếng. Xi Von đi cùng với một cô gái nữa đến chỗ tôi và Hân miệng chúm cười, hai tay chắp trước ngực ra ý mời vào vòng nhảy. Tôi định lắc đầu từ chối thì Tiểu đội trưởng Vinh ghé vào tai nói nhỏ: Trong đêm hát múa, con gái Lào thích chàng trai nào thì họ sẽ mời. Nếu chàng trai đó từ chối thì họ cũng không ra múa hát


Tiếng trống vang lên "phập phùm, phập phùm, phập phùm, phập phập phập, phùm phùm phùm". Tôi liếc lên, bắt gặp tiếng trống cũng đang phập phùm trong đôi mắt của cô gái nên đứng dậy và cùng cô bước vào vòng. Hân nhảy với Xi Von còn cô gái của tôi là Khăm Say.

   Vừa nhảy, đám thanh niên vừa hát:
   Pạc Sòn quê hương đất vàng Nơi nay rất đẹp
   Nừu ai đã được đến và thấy mường pạc sòn
   Đất nơi đây mến khách sẽ làm, đẹp lòng anh em
   Tất cả giúp đỡ lẫn nhau
   Ôi đẹp thế em gái Lào Thưng
   Chăm chỉ chịu khó đẹp nết tuyệt vời


Sau buổi tối hôm đó, tôi và Hân trở nên thân thiết với Xi Von và Khăm Say. Thời gian rảnh rỗi, tôi và Hân thường vào bản đi hái măng với họ. Khăm Say dạy tôi múa, hát điệu của Lào, còn tôi dạy Khăm Say hát dân ca Việt và bài "Ngày mai anh lên đường". Tôi bảo, ở Việt Nam mọi người rất thích hoa phong lan. Phong lan tượng trưng cho sự chung thủy. Khăm Say nghe rất chăm chú và mỉm cười. Tôi hỏi sao lại cười, Khăm Say bảo bí mật. Những đêm múa hát của dân bản sau đó, bao giờ Khăm Say và Xi Von cũng mời tôi và Hân.


Buổi chia tay trước khi chúng tôi đi đo đạc ở vùng núi khác thật là vui. Khăm Say hát tặng tôi bài Pạc Sòn còn tôi hát tặng Khăm Say bài "Ngày mai anh lên đường". Đến đoạn "Như hoa phong lan chờ đợi... Anh ơi em lại đón anh về" tôi thấy mắt Khăm Say lóng lánh. Tôi nhìn thấy có ánh lửa, có tiếng trông của điệu Lăm vông phập phùm, phập phùm trong mắt em. Sáng hôm sau khi chúng tôi chia tay, Khăm Say và Xi Von tiễn chúng tôi ra tận đầu dốc. Trước khi chia tay, Xi Von tặng Hân một chiếc khăn tay. Còn Khăm Say, em bảo tôi chờ một chút rồi chạy ù đi đâu đó. Một lúc sau, em hiện ra ở bìa rừng, trên tay là một giò phong lan đang nở hoa tím ngát rất đẹp. Bây giờ tôi mới hiểu cái nụ cười của Khăm Say hôm nào, sau khi nghe tôi nói chuyện về hoa phong lan. Chúng tôi chia tay, giò lan trên vai tôi đung đưa theo nhịp bước. Trên đầu dốc, Khăm Say và Xi Von nhìn hút theo chúng tôi, tóc hai em bay bay trong gió.
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Tư, 2022, 07:41:35 am gửi bởi ptlinh » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM