Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 27 Tháng Năm, 2024, 01:38:21 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Kỷ niệm Cứu quốc quân  (Đọc 7232 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #20 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2019, 07:26:04 am »

Bọn lính vây kín lấy hang Mỏ Rẹ. Hai anh em tên Thái, Đạo và bọn lính dõng thay nhau gọi Cứu quốc quân ra hàng. Chúng gọi tên từng người, dọa «không ra sẽ xuống bắt hết ». Gào mãi chẳng ai chịu lên, bọn chúng đi lấy tạc đạn ở Chiêu Vũ thả xuống hang. Tiếng nổ ầm vang cả núi rừng.

Tần và Ruệ rút xuống dưới nữa.

Khoảng gần trưa, bọn dõng lần xuống hang, bắn vào. Cho đến lúc này, hai anh Tần, Ruệ mới chịu lên khỏi hang và bị địch bắt giải đi.

Đàm bị thương khá nặng. Máu chảy ướt đẫm cả chiếc áo anh đang mặc. Song anh cứ luồn rừng mà đi, tìm về cơ quan những đồng chí tổ khác. Đêm đã khuya. Vừa vào đến một cơ quan khác của Đường Văn Thức và Hoàng, anh đứng sững lại : trong nhà, lính đang tra tấn đồng chí Hoàng ! Thì ra Hoàng về xã Hữu Vĩnh lấy gạo, không may bị địch bắt. Rồi chúng đem về đây khảo tra hòng tìm ra Đường Văn Thức. Đàm vội trèo lên ngọn quả núi đá. Những tiếng «Thức! Thằng Thức!» và tiếng những quả thụi, cái đá của kẻ địch đánh Hoàng từ dưới thấp vọng lên chỗ trú của Đàm. Đàm cảm thấy như những quả đấm ấy thoi vào chính ngực mình. Đàm đau xót vì thấy không làm được gì để cứu đồng đội. Lính đánh mỏi tay, có lúc đứng thở hồng hộc mà Hoàng vẫn không khai một lời, chúng đành giải Hoàng đi. Còn Đàm vẫn ngồi trên đó, đinh ninh rằng Đường Văn Thức cũng đã bị lính bắt rồi!

Một lúc lâu không nghe tiếng đấm, tiếng đá và tiếng địch tra khảo nữa, biết là lính đã bỏ đi rồi, Đàm mới mò xuống. Giữa cây rừng, bấy giờ Đàm đi một mình, đau khổ suy nghĩ về những sự việc vừa xảy ra. Đàm tự phê bình mình đã mất cảnh giác với tên Thái, ân hận đã không cứu được đồng chí mình khỏi nanh vuốt của quân thù. Đàm suy nghĩ, càng suy nghĩ càng thấy đau xốt: tiểu đội mình còn lại được những ai ? Quốc Vinh đành là thoát khỏi hang lúc đó, nhưng liệu có về được nơi an toàn không ? Tần và Ruệ bị bắt rồi, có làm sao nữa không ? Đàm tự nói với mình: «Ta sẽ nhận hết khuyết điểm ! Phải đến được chỗ đồng chí mình». Nói rồi, Đàm cương quyết hướng về phía Võ Nhai — Tràng Xá, luồn rừng đi không nghỉ.

Tin này bay về chỗ chúng tôi, chúng tôi cử người đi tìm các anh trên mọi ngả đường...

Anh Đàm vốn từ Thái Bình lên, người đậm, khỏe mạnh, ngày thường trông vạm vỡ, phương phi. Sau gần chục ngày lẩn trốn trong rừng, vượt khỏi vòng vây của bọn Thái — Đạo, trông phờ phạc hẳn đi, quần áo rách nát, vết thương trên bả vai đã khô máu. Với đôi mắt trũng sâu vì mất ngủ và lo lắng, phiền muộn, hai gò má hơi nhô lên. thấy tôi anh ôm chầm lấy, nắm lấy vai tôi mà nói trong hơi thở gấp:

— Gặp mày rồi, tao không chết nữa. Giờ mới biết là sống !

Anh Đàm kể lại cho tôi nghe tất cả câu chuyện ở hang Mỏ Rẹ. Rồi anh nói tiếp, giọng buồn rười rượi:

— Đường Thức nó bị bắt rồi !

Vừa nói, nước mắt anh vừa rơi lã chã. Tôi cũng ứa nước mắt khóc.

Tôi vỗ vai Đàm, nói :

— Thôi, đi nghỉ đã ! Rồi đâu sẽ có đó !

Anh Đàm cứ kể và tin rằng đồng chí Thức đã bi địch bắt rồi, mà đã rơi vào tay chúng thì chỉ có chết hoặc đi tù. Anh Đàm nói :

— Mật thám nó tra, nó bảo «Thức! Thức!» thì chắc chắn là Đường Thức rồi còn gì nữa !

Nhưng Đường Văn Thức không bị bắt. Đồng chí ấy đã về được Tràng Xá cùng với đồng chí Quảng Long, sau anh Đàm chừng vài hôm. Như vậy là bốn người sống sót của tiểu đội thứ ba đi về được bằng ba hướng khác nhau.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #21 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2019, 07:26:29 am »

Lần này, Nguyễn Cao Đàm là một trong ba đồng chí được Trung ương chỉ định vào Ban chỉ huy Cứu quốc quân II.

Người thứ hai là Lê Dục Tôn. Dục Tôn kém tôi vài tuổi, vẻ người hơi lạnh lùng nhưng có mối thù sâu với bọn thống trị. Dục Tôn ít khi cười, làm nhiều, nói ít.

Phần tôi, ông bố đã bị địch bắt đi, cái nhà mình sống từ nhỏ đã bị chúng đốt. Cả bên nội bên ngoại đều bị địch khủng bố, tôi lấy đơn vị là nhà, anh em Cứu quốc quân là người thân và nhân dân ở những vùng Cứu quốc quân làm lán ở là gia đình mình.

Trước lá cờ đỏ sao vàng, chúng tôi bùi ngùi nhớ lại các đồng chí đã hy sinh. Sau phút mặc niệm, đến lễ tuyên bố kết nạp một số đảng viên mới. Đây là những đồng chí xuất sắc đã được thử thách trong thời gian qua như các đồng chí Phương Cương, Chu Phóng, Hà Mạnh, Hà Kỳ, Hồng Thái, v.v. Toàn đơn vị như có một khí thế mới, phấn khởi lạ thường. Tiếng nói của anh Chính vang lên:

— Thay mặt Trung ương, tôi tuyên bố công nhận Trung đội Cứu quốc quân II! Cứu quốc quân Việt Nam có nhiệm vụ giữ vững căn cứ địa, giữ vững cơ sở, duy trì tiếng súng đấu tranh vũ trang để cổ vũ phong trào toàn quốc và thiết thực góp một phần nhỏ vào việc ủng hộ Hồng quân Liên Xô chống phát-xít xâm lược.

Anh Chính ngừng lại. Trong ánh nắng, với câu nói đầy lửa nhiệt tình của người lãnh đạo, đôi mắt anh rực sáng một cách kỳ lạ. Cả khu rừng già bao quanh chúng tôi vẫn còn âm vang: «... giữ vững căn cứ địa, giữ vững cơ sở, duy trì tiếng súng đấu tranh vũ trang... thiết thực góp một phần nhỏ vào việc ủng hộ Hồng quân Liên Xô...».

Nhiệm vụ của Trung đội Cứu quốc quân II, Trung ương đã vạch ra rõ ràng. Anh Chính trao lá cờ đỏ sao vàng cho trung đội, rồi nói tiếp:

— Trung ương chỉ định đồng chí Cư, đồng chí Lê Dục Tôn, đồng chí Nguyễn Cao Đàm, vào trong Ban chỉ huy Trung đội Cứu quốc quân II. Tất cả các đồng chí hãy triệt để thi hành mọi mệnh lệnh của Ban chỉ huy.

Lễ tuyên thệ của Cứu quốc quân II bắt đầu trong không khí trang nghiêm. Năm lời thề của Cứu quốc quân được đọc lên một cách trang trọng:

— Không phản Đảng !

— Tuyệt đối trung thành với Đảng !

— Kiên quyết phấn đấu và trả thù cho các đồng chí đã bị hy sinh !

— Không hàng giặc !

— Không hại dân !

Những tiếng «Xin thề ! Xin thề» âm vang. Ông già Mạnh vừa dứt lời thề thì Đường Thị Ân — người phụ nữ duy nhất trong Trung đội Cứu quốc quân II — bước ra khỏi hàng. Chị nhìn lên lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, giọng nói mạch lạc và ngắn gọn :

— Hai mươi triệu đồng bào cả nước đang rên xiết lầm than. Tôi là một phụ nữ dân tộc. Tôi xin thề dưới lá quốc kỳ hy sinh tất cả vì Đảng, vì nhân dân. Quyết tâm làm tròn nhiệm vụ của một đội viên Cứu quốc quân. Xin thề!

Cùng với tiếng hô « Xin thề ! », Ân giơ nắm tay ngang vai chào cờ.

Các bà, các chị người Mán nhìn Ân chăm chú, gật gật. đầu như có ý nói: «Con gái làm tốt đấy! Mày làm được thì bọn tao cũng làm được ! ».
   
Xong buổi lễ, mọi người ra về. Các ông, các bà, các chị vừa đi vừa trầm trồ và nhắc nhau giữ bí mật.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #22 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2019, 07:26:55 am »

*
*   *

Trên đường về cơ quan, hai chúng tôi đi bên nhau. Anh Chính sống rất tình cảm. Anh ở nhà tôi. Ngoài anh Vân, anh Chính là người được phân công trực tiếp giúp đỡ Cứu quốc quân và phong trào Bắc Sơn — Võ Nhai — Thái Nguyên.

Anh Chính đến với gia đình chúng tôi lần đầu tiên với cái áo the, quần trắng, đi giày păng-túp và vác cái ô. Cái ông người Kinh nho nhã ấy chẳng bao lâu đã đồng hóa với «cần Tày, cần Nùng» chúng tôi.

— Đồng chí thấy thế nào ? — Anh Chính chợt phá tan cái im lặng.

Tôi đang mải suy nghĩ về anh, chợt tỉnh và hỏi lại:

— Anh bảo cái gì tôi ?

Anh Chính nhắc lại :

— Đồng chí thấy thế nào, cái buổi lễ vừa rồi ?

— Tốt lắm anh ạ! —Tôi đáp —Anh chị em rất xúc động. Họ hiểu cả đấy !

Anh Chính nắm chặt lấy tay tôi, như muốn trao cho tôi cả niềm tin và sự mến thương, vừa đi vừa thủ thỉ :

— Trung ương gọi tôi về ngay. Điều cốt tử ở đây bây giờ là giữ vững phong trào. Có kinh nghiệm Bắc Sơn rồi, chớ có chủ quan. Tôi về. Anh em hầu hết là mới cả. Làm cái gì cũng nên hỏi ý kiến tập thể, vận động anh chị em cùng làm. Muốn giữ được phong trào, phải giữ bí mật... Phải luôn luôn nhắc nhở anh em vấn đề giữ bí mật...

Anh Chính như muốn gấp rút truyền lại cho tôi mọi ý nghĩ và kinh nghiệm xương máu anh đã đúc kết được từ trong cuộc đấu tranh với chính quyền thực dân cùng những mưu mô xảo quyệt và rất tàn bạo của chúng. Anh nhấn mạnh :

— Phải chú ý công tác binh vận! Vận động được binh lính địch không đánh ta hoặc họ tránh ta cũng đỡ đổ xương đổ máu vô ích. Trừ bọn mật thám và một số cố tình theo địch giết hại nhân dân, còn họ đều là những dận cày nghèo khổ bị địch bắt đi cầm súng đánh cách mạng thôi. Anh chú ý và giáo dục anh em làm tốt công tác này. Cán bộ mình còn ít. Tôi về sẽ đề nghị Thường vụ bổ sung lên. Tôi sẽ liên hệ thường xuyên với phong trào ở đây. Cam sẽ cùng đi với tôi...

Tôi cắt ngang:

— Đồng chí Cam cũng đi?

Tôi vừa hỏi vừa như có ý nhắc khéo anh Chính là nên để đồng chí Cam lại cho chúng tôi. Cam là một cán bộ đã giúp cho phong trào rất nhiều. Cam được coi như cánh tay phải của anh Chính. Năm ấy Cam độ 30 tuổi, người cao lớn, vạm vỡ, rất khỏe, vốn là một cố nông được giác ngộ cách mạng rồi trở thành cán bộ. Cam thường đi liên lạc, đi công tác với anh Chính.

Anh Chính nói tiếp:

— Cam sẽ đi cùng với tôi. Nếu sau này có cần cử người lên đây thì Cam đã biết đường, khỏi phải có thêm giao thông đưa đi.

Chúng tôi về đến lán thì anh em đang sinh hoạt.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #23 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2019, 07:27:23 am »

*
*   *

Dạo này, chúng tôi đã rút tất cả vào rừng, làm lán ở. Lương thực thiếu thốn lắm. Vũ khí lại rất ít và thô sơ : súng ống chỉ là những khẩu súng thập, súng kíp của đồng bào Mán, những lựu đạn tự chế, dao, tên thuốc. Sống trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, nhưng có nhân dân địa phương hết lòng trung thành với cách mạng nên anh chị em vẫn luôn luôn được đồng bào giúp đỡ, ủng hộ, không những được tiếp tế lương thực, thịt, muối, mà cả thuốc men nữa. Những cây củ có thể ăn được, bọn địch đốt phá hết. Nhưng mùa lúa chín, ở những ruộng xa bản, gần rừng, đồng bào không gặt lúa, để lại tiếp tế cho Cứu quốc quân, cho nên dù bị bao vây mọi mặt, anh chị em vẫn có lương ăn để chiến đấu.

Để triệt quân du kích tận gốc, địch quây chặt lấy ba xã Tràng Xá, Phú Thượng và làng Mười, nơi được lấy làm căn cứ. Không một xóm lảng nào, không một khoảng rừng nào chúng không sục tới.

Địch tìm mọi cách cắt đứt dây liên lạc giữa nhân dân với Cứu quốc quân. Chúng dồn dân ở các xóm lẻ lại thành một khu tập trung để kiểm soát : 8 giờ sáng nhân dân mới được đi làm đồng, bốn giờ chiều đã phải về, không được đi xa quá nơi tập trung một cây số. Mỗi khi đi chợ hoặc đi làm đồng đều có lính đi kèm để kiểm soát. Vào trong chợ, đồng bào địa phương nào chỉ được mua bán ở một khu dành riêng, không được sang khu khác. Chúng không cho đồng bào liên lạc với nhau, đưa tin cho nhau. Chúng hạn chế việc bán muối, diêm cho nhân dân, vì chúng sợ những thứ ấy đồng bào lại đem ủng hộ Cứu quốc quân.

Trong những ngày còn ở lại Chiến khu Võ Nhai, trước khi về xuôi, anh Chính đã rất chăm lo giáo dục chính trị, tư tưởng cho Cứu quốc quân. Lúc mới thành lập trung đội, anh em rất hăng hái. Sau rồi gian khổ nhiều, có người đã tỏ ra ngại khó ngại khổ. Anh Chính đã giúp chúng tôi tổ chức đời sống tập thể cho anh chị em Cứu quốc quân. Anh bàn với chúng tôi chia đơn vị ra làm 5 tiểu đội luân phiên nhau canh gác, chiến đấu và học tập. Anh trực tiếp chỉ bảo cho tất cả chúng tôi học tập về chính sách của Đảng và tư cách của người cách mạng. Và cũng như ý anh, chúng tôi thấy cần phải thu xếp chỗ ăn chỗ ở cho anh chị em ; dù gian khổ, khó khăn thế nào cũng phải có nền nếp. Chúng tôi thường tìm ngọn suối làm lán ở ; nấu bếp xong là giội nước ngay cho không còn vết tích gì. Lán mới đầu còn lợp bằng lá cọ tử tế, song cuộc sống của chúng tôi luôn luôn động, vừa chiến đấu vừa phải di chuyển luôn, sau đành chỉ cắt lá chuối tươi về lợp. Có khi lá chuối chưa khô đã phải bỏ đi nơi khác rồi.

Địch còn tung rất nhiều mật thám vào rừng dò la. Nếu thấy chỗ nào nghi có du kích hoạt động là chúng tập trung lực lượng đi khủng bố ngay. Có lần chúng tôi vừa rời chỗ cũ đến một khu rừng mới đã lại có tin mật thám đến rồi. Chúng tôi như những con chim luồn rừng, chuyển ngay đi nơi khác. Hôm nào đang đi trên đường mà bị mưa sập xuống thì mọi người đều ướt từ đầu đến chân. Tới địa điểm mới, dù đêm tối, dù mưa cũng phải chặt lấy cây, cắt lá chuối, dựng tạm vài cái lán mà tránh mưa đã. Rồi người thì đi mò củi, chặt nứa, người lấy lá, lấy cành trải lên đất ướt mà nằm; củi và nứa đem vào một đống, đốt lửa lên mà hơ quần áo, hơ tay nải, hơ bòng. Quần áo của anh chị em không thấy hơi nắng mặt trời bao giờ! Giặt quần áo xong là hơ lửa, khô rồi là gấp lại bỏ vào bòng : lúc nào cũng sẵn sàng, hơi «động» là đi được ngay. Vì vậy mà quần áo ai cũng chỉ thấy hôi mùi khói.

Dựng được lán lên rồi thì làm sạp giường. Chặt mấy cải cây đặt ở chân giường chỗ mình nằm ; chiều về múc đầy ống vầu nước suối, đổ nước ra rửa chân rồi mới lên sạp. (Lúc ấy anh chị em toàn đi chân đất, đâu có dép cao su lốp ô tô như bây giờ!).

Cũng ở trong rừng, nhiều lớp huấn luyện quân sự được mở. Ngoài phần lý luận, anh chị em được học những động tác cơ bản, như vác súng, đeo súng, bò, lăn, lê, toài, hành quân, trinh sát, ẩn nấp, tập đi phục kích, v.v.

Rừng núi trùng điệp là nơi giấu quân rất tốt. Trước khi địch bước được đến gần nơi chúng tôi ở thì chúng tôi đã chuyển sang khu rừng khác rồi. Đến chỗ mới, dù chỉ yên được vài ngày, chúng tôi cũng sinh hoạt, học tập.

Một ngày cuối tháng 9 năm 1941.

Anh Chính lên đường về xuôi. Cả ngày hôm đó, sau khi hội ý với Ban chỉ huy trung đội, anh tranh thủ gặp gỡ, thăm hỏi anh chị em trong đơn vị. Anh chú ý đến từng người một. Anh thường bảo tôi : « Anh em mới nhiều, nhưng đều là người tốt, quyết tâm cách mạng, ai cũng có thù với đế quốc, với bọn bóc lột. Đó là điều cơ bản để họ trung thành với sứ mệnh của Đảng, của nhân dân. Cần chú ý dìu dắt anh chị em, đưa mọi người cùng tiến lên ».

Bữa cơm chiều có thịt lợn, thịt gà quần chúng ủng hộ. Sâm sẩm tối, tôi đưa anh Chính ra khỏi cơ quan. Anh Chính nắm chặt tay tôi. Anh không nói câu nào mà như gửi cả lòng mình vào cái bắt tay đó. Chúng tôi cho một tổ gồm các đồng chí Tài, Châm, Lai đưa anh Chính và Cam đi qua Khe Mo ra đường cái Đình Cả — Thái Nguyên. Từ đấy trở về xuôi, đồng chí Cam sẽ phụ trách.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #24 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2019, 07:28:17 am »

V

Không còn mục tiêu ở Bắc Sơn, quân địch vẫn tiếp tục khủng bố điên cuồng và chuyển dần cuộc càn quét xuống Võ Nhai. Chúng tiến hành lùng sục cơ sở cách mạng, vây quét rất gắt gao, cố phát hiện và tiêu diệt lực lượng vũ trang của ta, đồng thời dồn dân vào các trại tập trung kiểu phát-xít ở Nà Pheo, Đình Cả, làng Giữa, Đồng Ẻn, nhằm thực hiện âm mưu «tát cạn nước để bắt cá».

Mỗi người dân lúc bấy giờ chỉ còn từ một đến hai bộ quần áo rách vá, phong phanh. Trẻ em đói ăn, xanh xao vàng vọt. Tre vầu sém vàng, những mái nhà sàn, nhà đất chỉ còn lại cái nền chỏng trơ với một vài chiếc cột cháy dở. Nhà các đồng chí Lê Dục Tôn, Chu Quốc Hưng, Hoàng Thượng, Hoàng Xuân cũng đều tan hoang. Máng nước bị bổ đôi, cối giã bị đập thủng, khung cửi bị chẻ gãy, quần áo, chăn màn bị xé vụn. Còn những gì đáng giá thì đều đã bị tịch thu. Chuối, cam, mận, đào... cây to, cây nhỏ bị chặt sạch, vườn tược quạnh quẽ không còn lấy một luống cải, một luống hành. Không còn tiếng chó sủa, lợn kêu, gà gáy, mõ trâu...

Ngày đêm, Nhật — Pháp tung mật thám dò la tin tức, cho lính đón đường phục kích cán bộ đi hoạt động. Chúng lùng từng khu, chia từng ô ra để sục sạo, chúng sục vào các hang, các lán. Trên các con đường nhỏ, chúng thắt nút cỏ lại : ta đi vào, nút cỏ tuột ra, chúng theo dấu rượt bắt. Bọn mật thám địa phương có nhiều mánh khóe, lại thuộc đường đi lối lại. Chúng rắc tro ở cửa hang để phát hiện dấu chân, dấu giày của ta...

Theo kế hoạch hoạt động đã vạch sẵn, chúng tôi chia nhau đi nói chuyện cho đồng bào các dân tộc về nhiệm vụ đánh Tây, đánh Nhật, về Chương trình Việt Minh. Người Tày, người Nùng, người Cao Lan, cả đến người Mán ở tít trên những ngọn núi cao đều rất mến Cứu quốc quân và coi anh chị em như những người thân trong gia đình. Chúng tôi thu xếp cho nhân dân sơ tán vào rừng cất giấu của cải; xong, trở về đấu tranh ngay tại làng, tại bản, đồng thời tạo điều kiện cho quần chúng ở lại vừa tiếp tế, vừa làm tai mắt cho Cứu quốc quân.

Tiếng súng du kích tiếp tục nổ, bắt đầu bằng những cuộc tiễu trừ Việt gian, mật thám, tiến lên đánh quân đội Pháp, đánh lén, đánh úp địch.

Thường trong những trận phục kích, Cứu quốc quân chỉ nhằm bắn những bọn sĩ quan và binh lính ngoan cố nhất, những tên gián điệp, mật thám địa phương lợi hại đưa đường chỉ lối cho giặc.

Kết hợp với chiến đấu, chúng tôi chú trọng đẩy mạnh công tác binh vận. Các chị, các anh ở trong làng và cả anh em trong trại giam hay phải tiếp xúc với bọn lính, chúng tôi bày cho số anh chị em này gợi cảnh lính địch phải xa ruộng vườn, vợ con, phải lên rừng xanh núi đỏ, chịu sốt rét ngã nước, chết chóc... Anh chị em còn đưa truyền đơn tận tay cho họ, kêu gọi họ không đánh vào nhân dân, không đốt nương rẫy, nhà cửa...

Có hôm thằng bang Trịnh ở Tràng Xá ngồi vào bàn giấy đã thấy một tờ truyền đơn của ta nằm ở giữa bàn trước mặt hắn. Nó sợ xanh mắt, không hiểu sao nhà nó tường cao, cổng kín, có lính gác đêm ngày mà « quân Cộng sản » lại có thể vào tận đây đem cái «của quốc cấm» này vào. Quan trên mà biết việc này thì đầu nó rơi khỏi cổ ngay. Nó cũng không dám làm to chuyện. Nhìn quanh không thấy ai, nó vội vã đọc rồi lẳng lặng bỏ vào ngăn kéo khóa kín. Có lần nó thọc tay vào cái túi quần Tây nó đang mặc lấy khăn xỉ mũi thì lôi ra được một tờ truyền đơn của «Cộng sản». Tóc gáy nó dựng đứng cả lên. Mồ hôi nó vã ra. Nó bắt đầu run sợ và cho là Cộng sản đã lọt vào đây làm được việc này thì có thể lấy đầu nó lúc nào cũng được nếu Cộng sản muốn. Từ đó, nó dè dặt không dám làm điều gì quá quắt nữa. Lại thêm người vợ hai của nó cũng khuyên can mỗi lần nó định đem lính đi vây lùng hoặc càn quét, nên nó đã chùn tay lại. Thật ra, «quân Cộng sản» chẳng có tài thánh như thằng bang Trịnh tưởng tượng mà vì Cứu quốc quân đã biết làm công tác vận động quần chúng một cách khôn khéo. Chả là vợ hai của thằng bang Trịnh là con gái trẻ ở Tràng Xá, con một gia đình cách mạng. Mỗi lần cô này về thăm gia đình, ta đều bố trí người gặp, giáo dục và đưa truyền đơn bảo «cứ làm như thế, như thế ».

Có những trường hợp khác chúng tôi sử dụng những gia đình có con, cháu đi lính cho địch và những người cảm tình làm nhân mối để lấy tin ở trong các trại giam. Khi địch định đi càn đâu thì họ đã tìm cách báo được tin cho ta biết trước để ta liệu cách mà tránh ; hoặc nếu ta đủ lực lượng thì phục kích, đánh úp.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #25 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2019, 07:29:30 am »

Truyền đơn, biểu ngữ kêu gọi binh lính địch không đi càn, không ức hiếp nhân dân thì chúng tôi rải công khai, dán công khai.

Có một đêm, một tổ Cứu quốc quân đi vào cổng đồn địch, bắn mấy phát súng có tính chất quấy rối, rồi cằm cờ Việt Minh, dán áp-phích, rải truyền đơn. Địch không dám ra, cũng không bắn trả lại. Sáng ra, nó mới dám ra khỏi đồn và cho một đại đội đuổi theo. Quan thét bảo lính: «Tụi Cộng sản nhiều lắm, lốt giày đây này, chúng nó bẻ lá ngồi đầy ra đây này ! Cố lên, quan lớn cho mề-day ». Trên đường đi, đúng là có vết giày chi chít, và lá lót để ngồi cũng phải đến hàng trung đội. Chúng có biết đâu rằng anh em chúng tôi sau khi làm xong nhiệm vụ đã cố ý làm thêm nhiều vết giày, tiến lên rồi lại giật lùi, bỏ lại thật nhiều đồ nghi binh, Bọn lính từ dưới xuôi lên không quen đi đường rừng, vừa sợ ta đông, vừa mệt quá đi không nổi, chống lại bọn chỉ huy, không chịu đi nữa.

Lại có một hôm khác, khoảng hai trung đội toàn lính khố xanh vào càn ở khu vực thôn Ngọc Mỹ...

Lúa mới lên độ ba tấc. Lúc này Hà Châm và Hồng Hải đi đến chỗ gác ở trên một quả đồi. Hồng Hải, dân tộc Dao, người cao to, ngồi trên cây gỗ ngả ra ở trên nương, vừa gác vừa suy nghĩ miên man. Từ đây nhìn sang cơ quan chỉ huy ở đồi bên kia, khoảng cách chỉ trong nửa cây số. Hà Châm nhìn về phía nhà cũ mình đã bị lính về đốt cháy, bất giác kêu lên :

— Lính đấy! Vàng(1) cả kìa !

Thấy Hồng Hải định đứng dậy nhìn theo, Hà Châm nói tiếp:

— Đừng có đứng dậy !

Nhưng Hồng Hải còn cố nhô đâu lên, hỏi:

— Đâu ? Đâu ?

Bọn lính đang đứng túm tụm ở nền nhà, soi tìm dấu giày của «quân Cộng sản». Có thằng vừa ngẩng lên, nhìn thấy, kêu toáng lên :

— Có một thằng to tướng kìa !

Chúng hò nhau xông lên. Nhưng Hà Châm và Hồng Hải phá chạy lên rừng. Bọn lính đuổi theo.Chúng chạy vào khe, gặp ngay khoảng một tiểu đội của ta, người nấu cơm, người đang tắm. Bị bất ngờ, anh đang nấu cơm thì đổ gạo đi, xách nồi chạy, có anh nồi nóng quá làm bỏng cả tay. Anh đang thui chó thì xách cả chó vứt vào bụi. Anh đang tắm cũng lao lên rừng theo chân anh em nấu cơm. Địch bắn bùng bùng lên. Lúc này tôi đang ở cơ quan, cách đó độ trăm thước. Tôi vừa nói: « Đồng chí gác làm sao rồi ? » thì Hà Châm cũng vừa về báo cáo. Tôi bảo Hà Châm: « Đánh thôi !»

Chúng tôi kéo quan ra sông Đồng Bư, chọn chỗ phục kích. Tôi đã tính rồi, thế nào bọn chúng cũng phải qua đây. Tám, chín anh em ở rừng giang nhìn xuống thấy chúng tôi ở dưới này, gọi nhau :

— Anh em đi phục kích rồi! Chạy theo anh em đánh nó thôi!

Tôi hỏi:

— Chết ai không?

Một đồng chí đáp:

— Không chết ai.

— Lính nó thế nào?—Tôi hỏi gấp.

— A lúi! Nó «ối, ối! Bắt lấy nó!», nhưng bắn không chết ai vớ!


(1) Lính địch mặc quần áo màu vàng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #26 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2019, 07:29:59 am »

Tôi hội ý với Hà Châm và một số anh em, nhận xét về bọn lính này. Hà Châm nói:

— Bọn này chắc có nhận truyền đơn của ta.

Anh em gật đầu, tán đồng ý kiến của Hà Châm. Tôi bảo anh em:

— Thôi không đánh nữa! Bọn này tốt.

Chúng tôi đã có kinh nghiệm rồi. Công tác binh vận của chúng tôi đã có ảnh hưởng khá sâu sắc đến anh em binh lính. Gặp nhau gần thế, nổ một phát là trúng, nhưng họ đều bắn vọt lên trời, miệng thì kêu ầm lên để chứng tỏ cho thằng quan chỉ huy biết là có đuổi đánh Cộng sản thật.

Bọn đi càn vượt qua cánh rừng, rồi theo đường mòn ra bờ sông. Ở đây đã có một tổ Cứu quốc quân phục sẵn. Anh em đã được lệnh chỉ tiêu diệt quân thù khi chúng nổ súng, còn không thì tiết kiệm đạn dược để dành đánh những đòn chí mạng vào bọn lính Tây.

Bọn lính ùa xuống rửa mặt. Thằng kỳ cọ tay chân, thằng phủi quần, nhặt cỏ may, rồi thì ba hoa xích đế (anh em phục ở đấy nghe thấy hết):

— Mình may ! Không khéo hôm nay ngoẻo rồi !

— Mấy ông Cộng sản thịt chó cúng ma... Ma không được ăn Cộng sản không được ăn. Mình được chén !

— Cộng sản người ta tốt đấy ! Người ta không muốn bắn mình đấy thôi. Người ta ở gốc cây, mình đi trên đường như con trâu giữa đồng. Ngắm thằng nào là đổ thằng ấy thôi !

— Thằng nào đi quá mức là thằng ấy chết ! Cái món đánh ở làng Nác đấy ! Các ông ấy bắn vọt cả lên cây cho mà chạy.

Thằng cười, thằng nói, kháo nhau ran cả một khúc suối. Anh em phục ở đấy, đạn đã lên nòng, nhưng nghe thấy bọn lính này nói vậy, bèn đưa mắt nhìn nhau. Anh em biết rất rõ cái chuyện ở làng Nác đó. Chả là bọn mật thám muốn tâng công với chủ Pháp liền mang lính đi càn làng Nác. Những người lính này đã được đọc truyền đơn kêu gọi của Việt Minh nên dúi bọn mật thám vào giữa rồi bảo tụi nó : «Các ông đi vào giữa, tụi tôi che chở cho, không có bọn Cộng sản nó bắn « xuya » lắm!». Thế là lính đi đến đâu cũng gióng to lên, làm ào ào ầm ầm lên, đánh tiếng động để ta biết mà tránh.

Một tên lính thấy đồng bọn nói to quá, bèn bảo :

— Nói vừa vừa chứ! Khéo mà các ông ấy nấp đâu đây thì bỏ mẹ !

Bỗng từ trong bụi rậm bên đường liền có tiếng người nói ra như trả lời anh lính :

— Đúng đấy ! Ở đây cũng có đấy ! Bắn thì cũng chết đấy !

Thấy vậy thằng lính sợ quá run bắn người lên. Thằng phó quản phát hoảng. Nó bảo bọn lính :

— Mẹ chúng mày ! Đi về, cái mồm bép xép thằng Tây nó biết là chết cả với nhau... May mà thằng Tây đồn nó không đi. Nó đi, bắn nhau chết uổng mạng !

Rồi nó tập họp lính kéo nhau rời khỏi bờ suối. Ra đến đường cái, bọn lính lại kháo nhau :

— Tao nói có sai đâu ! Nó trả lời bằng mồm chứ nó trả lời bằng súng thì chết ráo rồi !

Ở chỗ này cũng lại có những nòng súng của anh em ta chĩa sẵn ra rồi. Anh em ngửa cổ nói ngay :

— Đúng đấy ! Chúng tôi có đây đấy ! Muốn bắn chết thì dễ thôi !

Thế là bọn lính hấp tấp, lùi lũi kéo nhau về đồn.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #27 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2019, 07:30:52 am »

*
*   *

Tháng 11 năm 1941.

Đồng chí Cam đưa anh Chính về xuôi hồi cuối tháng 9, lại lên Chiến khu Tràng Xá. Cùng đi với đồng chí Cam có một đồng chí cán bộ Xứ ủy. Ban chỉ huy Cứu quốc quân phân công đồng chí cán bộ mới được phái lên tăng cường cho phong trào, chuyên trách công tác binh vận.

Từ đó, những truyền đơn, biểu ngữ đủ các loại được làm ra cho mọi thứ lính địch : lính ở xuôi, lính ngược, dõng, lính Tây, rồi lính xuôi cũng chia ra các đơn vị ở Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Móng Cái, v.v., rồi lính từ các tỉnh Trung Kỳ, lính Tây Nguyên. Khi quần chúng nhân dân báo có loại lính nào là chúng tôi đã có ngay loại truyền đơn thích hợp để rải trên đường chúng đi, đưa tận tay hoặc bỏ cả vào túi quần cho chúng bằng những bàn tay bí mật. Nội dung những truyền đơn đều nói rõ cho họ hiểu : «Chúng tôi không phải là giặc cỏ; chúng tôi chống lại đế quốc Pháp và phát-xít Nhật để giải phóng nước nhà, để có cơm no áo ấm cho mọi người, để không bị ai đè nén, áp bức, bóc lột ». Chúng tôi chỉ rõ : « Nhật là bọn đã bắt cha mẹ. vợ con các anh nhổ lúa trồng đay cho chúng. Cha mẹ, vợ con các anh phải chịu đói, chịu khát. Hãy quay súng bắn lại bọn chỉ huy nếu có điều kiện. Không có điều kiện, bắt buộc phải nổ súng thì bắn chỉ thiên. Hai bên không bắn nhau !». Truyền đơn còn nhắc họ nhớ đến làng quê của họ: «Các anh đi đốt nhà, cướp phá ở đây, ức hiếp nhân dân thì ở làng xóm quê các anh, cha mẹ, vợ con các anh có thoát được cảnh tương tự không ? Gây oán thì chuốc lấy oán! Gây thù thì chuốc lấy thù! Các anh hãy ngẫm cho kỹ!».

Bọn lính ở Nam Định lên bị « Cộng sản cảm hóa », chùn tay không bắn giết thì bọn chỉ huy đổi họ đi nơi khác, rồi điều lính mới ở nơi khác đến. Truyền đơn liền bay tới kêu gọi: «Các anh nên bắt chước anh em binh lính ở Nam Định. Không ức hiếp nhân dân. Hai bên không bắn nhau...». Cứ thế, Cứu quốc quân vừa đánh vừa tuyên truyền, vận động, thuyết phục binh lính địch.

*
*   *

Trên đường Mỏ Mủng — một thung lũng nhỏ — một buổi sáng mùa đông. Một tiểu đội Cứu quốc quân gồm Hà Châm, Hà Mạnh Tài, Sơn, Hòa, Cường v.v. do Châm và Hòa chỉ huy vừa đi công tác vận động quần chúng vừa phân ra từng tổ đi lấy lương thực cho toàn đội. Nhân dân ở vùng gần đồn Nà Lẹng mất một con trâu. Họ đi tìm hai ngày nay không thấy. Bọn mật thám tung tin «Cộng sản lấy trâu đi thịt» để làm xấu Cứu quốc quân và chia rẽ giữa nhân dân và quân cách mạng.

Tổ của Hà Mạnh và Hòa nghe dân nói thế, quyết đi tìm trâu cho dân. Đến gần một cái lò vôi, hai đồng chí nghe thấy một vài tiếng «nghé... ọ...» yếu ớt. Đi đến tận nơi, nhìn thấy một con trâu tụt xuống đó. Hai người không sao lôi được trâu lên. Chung quanh đấy không có ai hết, mà vào làng lúc này, giữa ban ngày thì không được vì ở đấy có một trại tập trung có cả lính dõng và mật thám, lính khố xanh. Anh em bàn nhau viết mấy chữ vào một mảnh giấy, kẹp vào cái que cắm ở gần Nà Lẹng: «Có trâu ai rơi xuống lò vôi. Đến mà cho nó ra ». Rồi lại ra đi làm nhiệm vụ.

Địch thường đi tuần trên đường Tràng Xá— Hương Bá. Dạo này, chắc có cái gì đột biến nên lụi nó đi đông hơn và tăng cường đi luôn.

Tiểu đội Cứu quốc quân đi công tác trở về vừa qua khỏi đường cái thì chạm trán với một đại đội địch. Địch nổ súng luôn. Dù đang ở thế bất lợi, lực lượng ta ít hơn địch, anh em đã nhanh chóng vừa bắn lại vừa tim cách rút khỏi nơi nguy hiểm. Hà Mạnh nhằm bắn từng thằng, nói gằn :

— Chúng mày ăn hết ngần này đạn, tao mới chịu!

Tiếng đạn nổ rất đanh. Mỗi lần Hà Mạnh bóp cò súng là một tên địch gục xuống. Cái anh chàng thanh niên 23 tuổi, tính tình sôi nổi này rất xốc vác, được anh em trong tiểu đội rất mến. Chủ tâm của Mạnh lúc này là bắn để anh em rút an toàn. Với khẩu súng Dóp 5 và năm chục viên đạn trong túi, Hà Mạnh đã kiềm chế được cả một đại đội địch: chúng hoảng sợ khi thấy hơn chục tên đồng bọn, thằng bị bắn vỡ sọ, thằng bị đạn xuyên thủng ngực, máu me lênh láng cả trên mặt đường. Chúng định xông bừa vào bắt sống «tên giặc cỏ lợi hại». Nhưng thò thằng nào, Mạnh bắn đổ thằng ấy. Không làm gì nổi Mạnh, bọn sống sót đổ thêm một loạt đạn nữa rồi vội vã khiêng nhau rút chạy.

Tiểu đội Hà Châm lạc nhau lúc đó nhưng rồi chiếu theo hướng cơ quan vẫn về được đầy đủ, chỉ thiếu có mỗi đồng chí Hà Mạnh. Anh em đoán là Mạnh chỉ vào chỗ hẹn công tác. Chúng tôi bảo nhau : «Ở đây cách chỗ ấy có năm, sáu cây số, không có lý gì Mạnh không tìm về được. Mạnh chỉ tạt vào đâu đây thôi». Mọi người bổ đi tìm. Ra đến đường Mỏ Mủng, tìm chung quanh chỗ xảy ra trận tao ngộ chiến vừa qua, không thấy một dấu vết gì. Đi đi lại lại tới ba, bốn lần quãng đường đó, đến thuộc từng ngọn cỏ, bụi cây, nhưng không làm sao thấy được người bạn chiến đấu của mình ! Anh em đi vào xóm Mạnh hẹn đến công tác, cũng không thấy tăm hơi!

Năm, sáu ngày sau, dân đưa tin ra là có thấy một thanh niên súng khoác qua vai, hai nách kẹp hai cây, chết ở trong rừng, bà con đã chôn cốt tử tế.

Chúng tôi hình dung ra được Hà Mạnh sau trận đánh đã bị thương nặng : anh khoác súng chéo trên lưng, dùng tay bẻ cây, kẹp vào nách, lết từng bước vào sâu trong rừng tránh một cuộc bao vây mới của địch, rồi tìm đường về đơn vị. Song vết thương của anh đã ra quá nhiều máu...

Năm, sáu ngày nay vắng bóng người thanh niên xốc vác, hiếu động, anh chị em chúng tôi đã khóc nhiều, nay được tin dân báo, nước mắt lại tuôn rơi. Có anh chị em khóc nấc lên từng hồi. Chúng tôi đều thấy phải trả thù này !
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #28 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2019, 07:31:38 am »

*
*   *

Từ sau trận tao ngộ chiến giữa đại đội địch và Cứu quốc quân II trên đường Mỏ Mủng, địch bắt đầu đóng đồn Nà Lẹng và đưa thằng đội Béo, người Cao Đằng, về làm trưởng đồn. Nó vừa là mật thám vừa là đầu sỏ của một trung đội lính khố xanh, khét tiếng đánh người, tra tấn không gớm tay !

Để cắt đứt mối dây liên lạc giữa quần chúng nhân dân và Cứu quốc quân, ngăn cấm cả việc đưa tin giữa nhân dân với nhau, thằng đội Béo có cả một kế hoạch cụ thể rất tàn bạo. Dân ở các xóm lẻ tẻ, nó dồn về Nà Lẹng, phần nhét vào các trại tập trung, phần thì đưa vào trại giam. Nó bảo : « Để chúng mày không còn là chỗ trú chân cho bọn Cộng sản ». Ruộng Nà Lẹng đang hạn hán, nó cũng mặc. Nó muốn làm dân chết đói bớt đi để không còn gì mà tiếp tế cho Cứu quốc quân nữa ! Nó cấm các chợ lẻ, chỉ cho họp chợ Đình Cả.

Ngày phiên chợ, tám giờ sáng nó tập trung những người dân đi chợ ở chân đồn Nà Lẹng, ở Đồng Ẻn. Lính dẫn dân đi chợ : đầu lính, cuối lính, giữa lính, đạn lên nòng sẵn. Đi giữa là dân và thằng đội Béo. Con đường từ Nà Lẹng đến chợ Đình Cả có đến mười cây số. Dọc đường, không ai được đi đâu hết : thẳng một mạch đến chợ, ai chạy ra khỏi hàng là nó xả súng bắn liền.

Đến chợ, nó khoanh lại một vùng. Người ở Tràng Xá chỉ được mua bán trong một ô dành sẵn cho người Tràng Xá. Người Lâu Thượng mua bán ở một ô riêng. Phú Thượng một ô riêng. Người ở ô này không được quyền sang ô khác, cũng không có phép được «lầm ô». Bọn lính và thằng đội Béo, bọn mật thám đầu sỏ ở chợ với những con mắt hằn thù và mũi súng chong sẵn, theo dõi từng bước chân đi và việc mua bán của dân. Người quen không được quyền hỏi thăm nhau vì bị chúng nghi là truyền tin, đưa thư.

Chín giờ hoặc hơn, nó lại dẫn về. Vẫn đầu lính, đuôi lính, giữa là nhân dân và thằng đội Béo. Về thì bọn lính có hơi chủ quan hơn : phần thì ra chợ được đánh chén, chớt nhả với các «noọng», phần cũng đã mệt nên họng súng tiếng là chong chong đấy nhưng không còn hầm hè như lượt đi nữa.

Đồng bào ở các trại tập trung ai cũng muốn giết tên đội Béo. Anh em trong nhà giam cũng nhận ra : « Phải khử thằng đội Béo ! Đừng để sổng nó ! ». Căn cứ vào yêu cầu khẩn thiết của quần chúng nhân dân, Ban chỉ huy Chiến khu Tràng Xá quyết định diệt tên trùm mật thám lợi hại này.

Một tiểu đội gồm mười một đồng chí được cử làm việc này. Mười một người phải chọi với một trung đội lính khố xanh, hơn nữa thằng đội Béo đã thành « tinh », rất xảo quyệt, hắn đề phòng rất dữ.

Trong số anh em đi làm nhiệm vụ có hai anh em Kỳ và Sơn là em ruột của Hà Mạnh, đồng chí đã hy sinh trong trận chiến đấu trước. Hà Kỳ mới 22 tuổi, nhỏ người, gầy gầy mà rất dai sức, bình tĩnh, gan dạ. Hà Kỳ lại là một tay thiện xạ. Hà Kỳ xin đi để trả thù cho anh và đã được Ban chỉ huy Chiến khu đồng ý.

Chúng tôi thành lập bốn tổ : một tổ vừa làm nhiệm vụ cảnh giới vừa đánh tiếp viện ; một tổ bắn thằng đội Béo và đoạt súng của nó ; một tổ đánh tạt ngang hông, vừa kiểm soát con đường đồn Tràng Xá lên ứng cứu; tôi và một đồng chí nữa kiểm soát con đường Đình Cả xuống Tràng Xá.

Một tổ do đồng chí Hà Kỳ phụ trách được giao đi trinh sát từ phiên chợ trước. Hà Kỳ sẽ chọn chỗ đánh. Phiên chợ sau mình mới ra tay. Cũng phiên chợ này, đồng bào sẽ đi mua mỡ, mắm tôm, giấy bút và diêm cho Cứu quốc quân. Chúng tôi lại có kế hoạch cho noọng A, noọng B đi kèm đội Béo, làm cho nó «tít mắt» mà ít chú ý đến chung quanh. Suối Bùn được chọn làm nơi phục kích. (Gọi là suối Bùn vì đây là con suối nước ngập ứ lại, bao nhiêu rác rưởi các nơi tụ ở đây trước khi chảy ra sông Đào). Ngoài súng đạn, chúng tôi mang đủ truyền đơn binh vận đi để khi làm xong nhiệm vụ là thả ngay trên trận địa. Lần này anh em tọng truyền đơn vào ống nứa trên rắc mấy hột muối, hoặc cuộn chặt lại bỏ vào bao diêm.

Phiên chợ : ngày trả thù cho nhân dân và anh em ở các nhà giam đã từng bị tên đội Béo tra tấn, trả thù cho đồng chí Mạnh, đã tới. Từ sáng sớm, chúng tôi kéo quân đến chỗ phục kích. Cách suối Bùn khoảng một cây số thì đóng lại, nằm ngay sát đường và cử người trinh sát lại.

Trời nắng. Trên đường cái lính lại dẫn dân đi chợ. Vẫn cái cảnh kèm dân bằng súng như những phiên chợ trước. Có điều là hôm nay tụi nó có một khẩu trung liên đi vào giữa. Anh em chúng tôi đã sẵn sàng, chờ bọn đội Béo trở về. Phút chờ đợi thật là căng thẳng.

Mặt trời lên càng cao chúng tôi càng hồi hộp. Nhưng kia rồi, bọn lính đã từ chợ Đình Cả kéo về, hàng ngũ chuệch choạc.

Mũi súng căm hờn của Hà Kỳ đã rê theo cái ngực to bè của thằng đội Béo từ xa. Nhiệm vụ phân cho các tổ đã rõ ràng. Và phát súng của Hà Kỳ sẽ là phát súng lệnh mở đầu cho trận đánh.

Như thường lệ, đến những chỗ đã quy định từ trước, bà A, cơ sở của ta, xin phép lính cho đi đái, bà B xin phép lính cho «đi đồng». Lợi dụng lúc đó, các bà đã giấu cho Cứu quốc quân những thếp giấy tráng để in truyền đơn, những bao diêm, những gói muối, rồi các bà lại đi ra xếp hàng về nhà. Còn noọng A, noọng B đến gần suối Bùn, đã tìm cách đi cách xa đội Béo.

Đội Béo đã vào đúng tầm khẩu Dóp 5 của Hà Kỳ. Hà Kỳ nheo mắt lại, bóp cò, quất đủ một băng năm viên dạn: bốn viên xuyên thủng ngực tên đội khố xanh lợi hại. Nó ngã dập xuống không kịp kêu một tiếng. Khẩu Dóp 5 của nó văng đi. Hà Sơn chạy ra đoạt lấy khẩu súng, bắn vào bọn lính địch đang tìm cách lẩn trốn. Cả bọn lính như rắn mất đầu, chạy ào cả xuống suối Bùn. Chúng bắn súng đùng đùng gọi tiếp viện hai đồn Nà Lẹng và Đình Cả.

Đồng bào đi chợ nghe tiếng súng nổ biết «các anh ấy» đánh bọn lính, nhưng vì không biết cách tránh nên có người chạy cả xuống dưới suối, lẫn với bọn lính.

— Ở đâu nằm ngay xuống đấy ! — Tôi hét to, cố át tiếng súng — Chúng tôi là Cứu quốc quân ! Chỉ đánh bọn đội Béo thôi. Đồng bào không chạy lộn xộn !

Bỗng nhiên một thằng đâm sầm xuống bờ suối định chuồn. Cứu quốc quân nổ súng. Nó ngã gục ngay xuống. Nhìn ra thấy chính là một tên mật thám địa phương khét tiếng gian ác.

Trừ khử được hai tên đầu sỏ, chúng tôi thu quân, rút hết, chỉ để lại trên trận địa những «ống muối» và «bao diêm» trong có truyền đơn, loại rải công khai, loại để chúng dút túi mang về...

Trận đánh rất gọn. Chúng tôi toàn thắng trở về, không người nào xước đến một tý da...

Trận đánh ở suối Bùn gây được ảnh hưởng khá lớn đối với bọn lính. Chúng bảo nhau : « Đúng mà ! Cộng sản chỉ bắn mấy thằng mật thám thôi mà !».

Một số mật thám trước đây hung hăng bao nhiêu thì nay sợ sệt bấy nhiêu. Chúng đổi quần áo, mặc áo lính cho đồng màu, nhưng cũng không thoát chết. Sau chúng không đi dẫn đường nữa mà đi vào giữa bọn lính. Lính lại tìm cách báo cho ta biết. Bọn mật thám báo cho chủ Tây, chúng bèn đổi lính đi nơi khác.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #29 vào lúc: 28 Tháng Mười Hai, 2019, 07:32:32 am »

*
*   *

Khuôn Đã là một dãy núi đất ngăn cách làng Nho và làng Nác. Trên núi, toàn một loại cây to vừa người ôm, cao chọc trời, xen lẫn là nứa. Đây là giang sơn của gấu, hươu, nai, khỉ, lợn chà. Thỉnh thoảng hùm về, dấu chân to băng cái đấu.

Cơ quan chỉ huy của chúng tôi đã phải thuyên chuyển hàng chục lần. Những đội tuần tiễu của địch tăng nhiều hơn. Các khe suối, các ngả đường đều có lính hoặc dõng canh gác.

Truyền đơn của địch dụ dỗ Cứu quốc quân bỏ súng đầu hàng tung ra khắp nơi. Bố cáo lớn dán đầu đường, ngoài chợ kêu gọi nhân dân lấy đầu cán bộ nộp quan lấy thưởng. Để đối phó với tình hình mới, Cứu quốc quân rút dân vào đóng ở chân dãy núi Cai Kinh.

Các đơn vị lính khố đỏ, khố xanh mới được điều động tới thay lính địa phương. Công tác binh vận gặp thêm khó khăn, vì có những toán lính thiểu số miền Trung mới tới: họ không hiểu gì tiếng Kinh, tiếng Nùng cả!

Ở Khuôn Đã — một xóm nhỏ khúc khuỷu theo ý nghĩa của cái tên Khuôn Đã — chúng tôi đóng hai cơ quan : một cơ quan nặng gồm toàn là phụ nữ, trẻ con, cụ già của các đồng chí Nhì Phung, Phúc Lâm, Hoàng Tài, Hà Châm, nói chung là những người không thể chiến đấu được. Phụ trách bộ phận này là ông cụ Hà Châm, Cách cơ quan nặng độ mười cây số, ở rừng Ngọc Mỹ, là cơ quan nhẹ, chỉ huy và lãnh đạo.

Quần chúng cơ sở bốn chung quanh đã báo cho biết nhiều tin tức về sự tăng cường hoạt động của địch. Biết vậy, anh em chúng tôi có chú ý canh gác thêm. Chúng tôi đang nằm trong vòng vây của địch. Song chỉ cần khôn khéo và tỉnh táo thì dù có đông quân, chúng cũng không làm gì nổi.

Nhớ lời anh Chính dặn trước khi về xuôi, trong những cuộc sinh hoạt, học tập buổi tối, mỗi chiến sĩ báo cáo phần việc của mình, của tổ mình làm trong ngày, tôi thấy mỗi người đều nói lên niềm tự hào được là Cứu quốc quân. Khi nhắc lại câu « Cuộc chiến đấu của Cứu quốc quân sẽ có tác dụng cổ vũ phong trào cách mạng cả nước ta và thiết thực góp một phần nhỏ vào việc ủng hộ Hồng quân Liên Xô chống phát-xít xâm lược», lúc đó, thật ra tôi cũng chưa thấy được đầy đủ ý nghĩa cái tiếng súng kíp nhỏ bé của Cứu quốc quân trong núi rừng Việt Bắc, giữa vòng vây trùng điệp của kẻ thù, có thể vang xa vượt ra ngoài biên giới góp phần hưởng ứng tiếng súng của Hồng quân Liên Xô đang chống chủ nghĩa phát-xít trên thế giới.

Bấy giờ, anh em mới chỉ biết đang phải chống chọi với lính và mật thám đông hơn mình gấp bội, súng ống, đạn dược cũng hơn mình nhiều lắm. Nhưng lòng dân và núi rừng trùng điệp đều thuộc về chúng tôi. Tiếng súng kíp, súng thập của Cứu quốc quân vẫn nổ đều.

Buổi tối hôm ấy, chúng tôi có sáu, bảy người đi vào làng Nho lấy gạo. Sáng ra, đồng bào đi gặt lúa. Lính đứng gác trên một quả đồi, ngay sát cánh ruộng. Gặt và đập được chừng nào, nắng lên là tãi ra phơi ngay tại ruộng. Thóc ấy đồng bào để dành cho Cứu quốc quân. Đến giờ phải về và bọn lính thổi còi giục dăm bảy đận, đồng bào chỉ hót thóc ở trong loỏng mà thổi. Chúng tôi đã có tổ gác lính, tổ ra hót số thốc đồng bào cố ý để lại cho Cứu quốc quân.

Có anh em tìm được chỗ gần rừng, gần ruộng lại xa con mắt của bọn lính, nói chuyện với đồng bào gặt lúa. Có chị phụ nữ mách :

— Cái thằng Sáng nó trèo lên cây đấy ! Nó bảo ở trong rừng có nhiều khói. Chắc bọn Cộng sản đóng cơ quan trong ấy đấy !

Một bà già cũng bảo :

— Mấy con, mấy cháu ơi ! Thằng Sáng nó theo Tây rồi ! Nó ác lắm ! Phải cẩn thận đấy !

Mới nói được dăm ba câu chuyện, mặt trời đã đứng bóng. Từng hồi còi rúc lên. Bà già bảo tôi :

— Lính nó bắt về rồi ! Bà để cho mấy cháu thóc phơi khô ở đây đấy ! Cả đống kia nữa !
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM