Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 02 Tháng Sáu, 2024, 12:22:22 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Kỷ niệm Cứu quốc quân  (Đọc 7270 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #60 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2019, 08:08:07 am »

Bản thân chúng tôi cũng vui mừng, thấy đây là một dịp tốt để đẩy mạnh công tác, nên càng hăng hái gấp rút làm việc không để phí thời gian. Mặt khác chúng tôi cũng đề phòng chính sách hai mặt của Quốc dân đảng: chúng có thể vừa ra mặt thừa nhận, vừa ngấm ngầm giăng lưới phá hoại. Thời gian hoạt động công khai chưa chắc gì đã đài lâu, biết tranh thủ lúc này thì khi chúng trở mặt, chúng tôi cũng đã làm được những việc cần thiết nhất.

Cần có một số tiền để làm lễ thành lập Biện sự xứ. Sư đoàn bộ của Hải Cạnh Cương Long Châu đã giúp bốn nghìn đồng(1) nhưng số tiền quá ít ỏi đó không sao đủ được. Học sinh ta ở Nam Ninh biết tin cũng gửi ít tiền về. Chúng tôi đang lúng túng xoay xở thêm thì bà con ở Bó Cục, mặc dầu sống rất thiếu thốn, đã nhanh chóng hiểu nỗi khó khăn của chúng tôi, vận động nhau đem đến ủng hộ đủ mọi thứ : thuốc lá, kẹo bánh, trà, đường... Lại còn cho mượn cả một vài bộ cánh khá tươm tất để cho các «chính khách ngoại giao » tạm thời đi « công cán » nữa ! Quả thực, nhân dân Trung Quốc ở đó đã coi mỗi thắng lợi nhỏ của cách mạng Việt Nam như thắng lợi của mình. Một miếng khi đói bằng gói khi no, mỗi lần nhớ đến những ngày gian truân thiếu thốn đã qua, tôi lại bồi hồi xúc động.

Chúng tôi khắc sẵn con dấu vuông to có chữ : « Việt Nam dân tộc giải phóng đồng minh hội — Hải ngoại đệ nhất Biện sự xứ». Lúc đó, thái độ của bọn Quốc dân đảng đối với Mặt trận Việt Minh còn rất lập lờ, phần nghi ngờ nhiều hơn là ủng hộ. Nếu thẳng thắn lấy danh nghĩa « Việt Nam độc lập đồng minh hội » thì e rằng sẽ gặp khó khăn. Chúng tôi nghĩ: thôi bước đầu cứ tạm lấy danh nghĩa đó làm cái vỏ, còn cái ruột để tuyên truyền giác ngộ quần chúng thì vẫn hoàn toàn là Chương trình Việt Minh. Chờ khi nào bắt liên lạc được với Trung ương xin chỉ thị xong, nếu cần sẽ đổi tên cũng chưa muộn. Các cơ sở tổ chức được trước sau vẫn cứ là của mình.

Lễ ra mắt làm ở một cơ quan hành chính Quốc dân đảng tại Long Châu. Về phía chủ có: Bùi Ngọc Thành, Hồ Đức Thành, Chu Quốc Hưng, Triệu Khánh Phương, Lâm Phú Thình, Hà Khai Lạc và tôi. Về phía khách có các đại diện của tên sư trưởng Hải Cạnh Cương và của hơn 20 cơ quan hành chính, đoàn thể địa phương. Tiệc trà cũng gọi là tươm tất.

Sau khi giới thiệu chủ khách, Chu Quốc Hưng, Triệu Khánh Phương và tôi lần lượt đứng lên nói chuyện. Chúng tôi không nói «lý luận », mà cứ nôm na kể lại đời sống khổ cực của nhân dân Việt Nam dưới quyền đô hộ của Pháp — Nhật. Chúng tôi kể rành rọt mọi tội ác của chúng như tô tức, sưu thuế, phạt nhà đoan, phạt kiểm lâm, bắt phu bát lính, tù đày, giam cầm, gây nên nạn vỡ đê, trộm cướp, cờ bạc, gái đĩ, thuốc phiện, mê tín, bệnh tật, kiện tụng... toàn những chuyện có thực mắt thấy tai nghe. Giặc Nhật mới sang cũng đã tỏ ra không kém phần độc ác; chúng chiếm đất làm trại lính, lùa hàng đàn lừa ngựa ra đồng ăn lúa chín, nhét người vào bụng ngựa chôn sống và đang bắt dân phá màu trồng đay... Do đó chúng tôi phải làm cách mạng đánh đổ chúng. Trung Quốc cũng đang kháng Nhật, nhân dân hai nước cần liên hiệp đánh bại kẻ thù chung. Cuối cùng, chúng tôi hô hào nhân dân Trung Quốc và chính quyền Quốc dân đảng thiết thực giúp đỡ chúng tôi nhiều hơn nữa và tỏ lời cảm ơn họ.

Các vị khách cũng lần lượt tỏ ý hoan nghênh và chúc mừng cách mạng Việt Nam thắng lợi.

Chúng tôi đánh điện đi báo tin cho các nơi và đều nhận được điện chào mừng đáp lễ. Có gửi cả điện cho Tưởng Giới Thạch, Trương Phát Khuê và Trần Bảo Xương. Thấy chúng tôi làm được tốt việc này, học sinh quân của ta ở Nam Ninh cũng định vận động thành lập Biện sự xứ ở đó, nhưng sau xét thấy chưa cần thiết nên anh em lại thôi.

Từ đó, cơ quan chúng tôi giao dịch rất đường hoàng. Nhiều mối liên lạc cách mạng được nối liền nhanh chống. Cơ quan đoàn thể Trung Quốc thường đi lại bàn bạc công việc với chúng tôi, Chương trình Việt Minh được dịch ra chữ Trung Quốc, in rất nhiều và phân phát đi toàn khu vực đó. Ảnh hưởng của cách mạng Việt Nam chỉ trong thời gian ngắn đã lan đi khá sâu rộng.

Chúng tôi còn lấy cớ là cơ quan đông người, phải đi lại luôn mà giấy tờ của chính quyền Quốc dân đảng cấp cho chỉ có hạn và chậm trễ, nên xin tự cấp giấy đi lại, cho họ đỡ phiền phức. Sư trưởng Long Châu Hải Cạnh Cương đồng ý. Từ đó, chúng tôi tha hồ mà đi lại trong phạm vi hai huyện Long Châu — Bằng Tường, mặc sức tuyên truyền, tổ chức cách mạng. Nghĩ lại việc này kể cũng thấy buồn cười cho bọn cầm quyền Quốc dân đảng. Chúng chẳng có ý thức gì về chủ quyền quốc gia, chỉ vì ngại phiền phức mà sẵn sàng trao cho người nước ngoài quyền ký giấy tự do đi lại trên đất nước mình !

Tuy có trụ sở thường trực và điều kiện hoạt động công khai, chúng tôi vẫn gắng giữ gìn bí mật lực lượng nằm ở Bó Cục, tiếp tục đi sâu gây cơ sở trong quần chúng cơ bản. Chỉ có một mình đồng chí Chu Quốc Hưng được cử ra phụ trách Biện sự xứ cùng với cụ Bùi Ngọc Thành, ông Hồ Đức Thành. (Cơ quan hoạt động được hơn một năm, đến tháng 12 năm 1943 thì có ý kiến của Trần Bảo Xương mượn cớ thống nhất các lực lượng cách mạng Việt Nam, đề nghị sát nhập Biện sự xứ của ta ở Long Châu với Biện sự xứ của bọn Phục Quốc quân và Cách mạng đồng minh hội ở Tĩnh Tây làm một. Chúng muốn nhân dịp này len chân vào lũng đoạn các tổ chức của ta. Nhưng Cứu quốc quân đã trở về nước từ lâu chấm dứt giai đoạn hoạt động ở nước ngoài. Đến tháng 3 năm 1944, Quốc dân đảng lại yêu cầu thống nhất các Biện sự xứ lên Nam Ninh. Ông Hồ Đức Thành đã đi dự cuộc họp thống nhất đó. Còn anh Chu Quốc Hưng liền lên đường về nước hoạt động. Công tác ngoại giao của chúng tôi đến đó là đã làm xong nhiệm vụ).


(1) Tiền Tưởng, ăn một bát phở đã phải trả năm trăm đồng !
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #61 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2019, 08:09:28 am »

*
*   *

Cứu quốc quân đứng chân được ở biên giới là vì biết dựa vào nhân dân và tranh thủ được chính quyền Quốc dân đảng. Ngoài ra còn phải kể đến một lực lượng thứ ba nữa, sẵn sàng phá hoại ta nếu không chinh phục nổi thì khó mà sống yên ổn, ai đã từng hoạt động ở biên giới hẳn đã nhiều phen đụng đầu với bọn chúng : đó là bọn thổ phỉ.

Đã bao nhiêu đời nay, người dân biên giới Việt - Trung phải chịu đựng cái tai họa ghê gớm này. Họ nơm nớp sống trong lo âu, sợ hãi, khó bề làm ăn yên ổn, Nhà cửa có thể bị đốt, đồ đạc, quần áo, tiền của bị cướp phá, Một vài con trâu bò bị dắt đi là hết đường cày bừa, đành nhìn vợ con nhịn đói. Một người con gái bất cứ lúc nào cũng có thể bị bịt mắt, bịt miệng, bắt đi bán làm nàng hầu, con ở, mãi tít một xứ sở xa lạ. Một mạng người chỉ đáng giá vàí đồng, rẻ hơn một con gà, con chó. Có khi cả một xóm bị đốt, cả một bản bị cướp. đường giao thông đi lại bị cản trở, mùa màng sản xuất bị phá hoại. Cả chính quyền Tưởng lẫn thực dân Pháp đều tỏ ra bất lực, đánh chác vài lần bị hao binh tổn tướng, thế là chúng mặc cho thổ phỉ hoành hành. Chỉ sau này cách mạng thành công, trải qua cải cách dân chủ, thì cái nạn xã hội đó mới mong triệt đến tận gốc được.

Lực lượng của thổ phỉ thường khá đông, khá mạnh. Mỗi bọn chiếm cứ một vùng, thông tỏ đường ngang lối tắt. Súng đạn đầy đủ, không dễ gì mỗi lúc mà tiêu diệt được chúng. Bọn này tan đi, bọn khác lại nổi lên, vì cái nạn thổ phỉ có nguồn gốc sấu xa trong chế độ xã hội thối nát, kết quả của những áp bức bất công, nghèo khổ, trụy lạc mà bọn thống trị đã đem lại cho nhân dân lao động. Chúng thường là những tên đầu trộm đuôi cướp tập họp lại. Có khi cả bọn địa chủ cường hào có thân thế đứng ra làm trùm sỏ, Một số nông dân lao động vì nghèo đói hoặc bị cưỡng bức cũng theo chúng. Nhiều thanh niên mới lớn lên, ưa chơi bời lêu lổng thiếu tiền đánh sóc đĩa hoặc tiền chơi gái, đàn đúm bạn bè, cũng trở thành lưu manh, thổ phỉ.

Nguy hiểm nhất là thổ phỉ thường khống chế được nhân dân. Nhiều tên hàng ngày vẫn sống binh thường, lẫn lộn trong dân làng, thỉnh thoảng mới họp nhau đi cướp một phen. Vì sợ bị trả thù, vì những quan hệ phức tạp này nọ, những người dân lương thiện nhiều khi không dám chống lại chúng, thậm chí có khi còn che chở cho chúng thoát khỏi sự truy nã của quan quân. Cũng có bọn tụ tập thành đội ngũ thường xuyên, ví như ở vùng Khau Kheo. Khau Kheo là một quả núi đất cao, rất cao, quanh năm mây phủ xanh. Núi cao, rừng rậm trở thành sào huyệt của bọn phỉ. Chúng lại canh gác cẩn mật, tổ chức khá chặt chẽ nên kiểm soát cả một vùng. Có lần mấy vạn quân Tưởng tới đánh mà không vào được. Tải lương cho quân lính ăn, mệt mà phải bỏ Khau Kheo rút về!

Cứu quốc quân luôn luôn phải chạm trán với chúng. Đối với bọn phỉ, tiền, gái, rượu, thuốc phiện là trên hết. Bản thân Cứu quốc quân thì nghèo nhưng cái đầu lại được đế quốc đặt giá khá cao. Bọn thổ phỉ sẵn sàng cắt lấy, vượt sang biên giới, nộp cho đại lý Thất Khê lĩnh thưởng. Bản tính chúng vốn hung hăng, lỗ mãng. Có khi chỉ một chuyện không đâu, hoặc hiểu lầm, tức tối, hoặc nghi ngờ này nọ, chúng cũng có thể giết hại mình. Có tên chẳng hiểu cách mạng là gì, lại cho chúng tôi cũng là một thứ « phỉ» có thể đánh bạn hoặc cần hất cẳng để giành đất làm ăn.

Cứu quốc quân sống nhờ dân. Nhưng đời sống của dân không được yên ổn, luôn luôn bị phỉ cướp phá, tất nhiên Cứu quốc quân có nhiệm vụ giúp dân chống phỉ.

Có nơi phỉ thường sống lẫn với dân, uy hiếp tinh thần nhân dân. Cho nên muốn đến với dân, gần gũi họ để giáo dục, phát động họ, thì không thể không tiếp xúc với bọn phỉ, thông qua chúng mà bắc cầu tìm xuống quần chúng xung quanh khu vực chúng khống chế. Chưa qua được cái cầu này thì dân chưa dám gần mình mà cán bộ cũng dễ gặp nguy hiểm. Nhưng sau khi dân và cán bộ đã gần được nhau rồi thì bọn phỉ liền bị cô lập.

Để ngăn cản bớt tai họa cướp phá, giết người, để tránh những va chạm vô ích giữa nó với mình, Cứu quốc quân đã chủ động tìm cách gặp gỡ, thuyết phục, kìm hãm chúng trên con đường bất lương, dã man. Việc này hoàn toàn có thể làm được tốt vì chúng tôi đã nắm được tâm địa và cả một số nhược điểm của thổ phỉ. Chúng tuy liều lĩnh, hung hăng nhưng rất tham sống sợ chết, như cú sợ ánh sáng, vì bất cứ chính quyền nào, cả Pháp lẫn Tưởng, cũng đều truy nã chúng. Giữa bọn này bọn khác lại thường xảy ra những chuyện tranh ăn, phản phúc, trả thù lẫn nhau. Nhân dân tuy bị chúng uy hiếp tinh thần nhưng không phải bao giờ cũng cam chịu, mà có dịp là đánh trả lại những đòn đích đáng, nhiều nơi có tổ chức tự vệ hẳn hoi.

Bọn phỉ sống trong lo âu, sợ hai, đầu óc tối tăm, không có chủ định, dễ bị lôi kéo. Chúng thấy Cứu quốc quân cũng bị đế quốc Pháp — Nhật truy lùng, chính quyền Tưởng bắt bớ, lại không trực tiếp làm hại chúng nên cứ tự tiện xếp ta vào loại bạn « cùng hội cùng thuyền ». Chúng lầm tưởng có thể bắt tay ta để đánh lại chính quyền, giúp đỡ chúng cách «làm ăn». Và biết đâu sau này cách mạng thành công, Cứu quốc quân thành «quan to» rồi lại chẳng nhớ tới chúng là những «ông bạn thuở hàn vi» ! Cho nên chúng cũng muốn nhập nhằng dựa vào chúng ta. Vả lại thấy Cứu quốc quân cũng chẳng non gan gì, lại được dân làng yêu mến, nên chúng cũng gờm. Có đứa nói: «Đầu cách mạng nó đắt đấy nhưng cao quá, chưa kịp với tới thì sờ đến đầu mình có khi đã mất rồi !».

Ở ngay Bản Trang, có một tên trùm phỉ rất nổi tiếng. Thủ hạ của nó rải từ đó lên tới Thủy Khẩu. Nó cũng đã một đôi lần ngồi uống trà, nhắm rượu vói tôi, Nông Thái Long và vài ba anh em nữa ở nhà dân. Dân ở đây có cái lệ là hễ làm nhà, hay sinh nhật người trong nhà là có ăn uống. Hoặc đổi công vụ mùa, cày, cấy, gánh phân là có uống rượu. Chúng tôi đi làm giúp dân thề nào cũng được mời tới. Tên trùm phỉ này có nhà có cửa, có vợ, con, có súng. Nhưng không giàu bằng Máy Sền, một tên phỉ ở Bằng Tường, vì Máy Sền cướp được nhiều hơn, có đông bộ hạ hơn. Trùm phỉ Bản Trang có ba anh em đều làm mo(1), làm tào(2). Năm ấy nó gần bốn mươi tuổi, khỏe và có võ, một tay súng bắn trăm phát trăm trúng.


(1), (2) Thầy cúng – Phù thủy.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #62 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2019, 08:09:50 am »

Một lần chúng tôi khuyên nó không nên làm phỉ nữa. Nó đáp:

— Chúng mày vì nghèo khổ mà phải đi làm cách mạng. Tao cũng vì nghèo khổ mà đi ăn cướp. Mày đánh đổ nhà giàu. Tao cũng đi cướp nhà giàu. Có khác gì đâu...

Chúng tôi nói:

— Khác chứ ! Mày đi ăn cướp, làm khổ bao nhiêu người, ai cũng thù ghét. Cuối cùng cái thân mày khổ vẫn hoàn khổ. Chỉ có làm cách mạng, khiến mọi người cùng sung sướng, thì lúc đó cái sướng, mới bền.

Rượu vào ngà ngà say, nó bảo :

— Tao chưa thấy chúng mày sướng đâu cả, chỉ thấy chúng mày đi làm Cộng sản, suốt năm chẳng kiềm được đồng xu, bát phở nào. Còn tao giết người, vừa sướng tay, vừa có ngay tiền tiêu.

Lý lẽ của bọn phỉ trắng trợn là như vậy. Không dễ mỗi lúc mà cải tạo được bọn chúng. Dù sao vẫn phải bền gan mà giảng giải, ngăn cản chúng. Chúng tôi tỏ ra không sợ hãi mà cũng không bộc lộ sự khinh bỉ chúng, nói rõ lợi hại giữa làm cách mạng và làm thổ phỉ. Rồi vận động cả bà con dân làng cùng can ngăn. Dần dần chúng cũng nghe ra ít nhiều, giảm bớt cướp bóc. Tất nhiên, kết quả cũng chỉ tới một mức nhất định, vì muốn chúng hoàn toàn cải tà quy chính phải có những điều kiện xã hội mới.

Ngoài việc giáo dục thuyết phục, chúng tôi còn phải dùng những cách khác để kiềm chế chúng. Một lần lên trùm phỉ họp vây cánh để sắp đi cướp, dân làng biết trước, bí mật báo cho đồng chí Thái Long.

Thái Long lập tức đến can ngăn. Mới đầu lên trùm phỉ nói:

— Tao đi cướp lấy tiền tiêu. Chúng mày cũng cần tiền tiêu.

Bọn phỉ thường cướp các chợ vì chợ nào cũng có sòng đánh phán thán, sóc đĩa, mạt chược, bọn Tưởng vẫn thu tiền hồ.

Cái cằm nhọn của Nông Thái Long như dài thêm ra, thách thức tên tướng phỉ:

— Chúng lao không cần tiền tiêu theo kiểu của mày. Mày không nên đi cướp nữa!

Nó phát khùng lên, gạt đi.

Biết can nữa cũng vô ích, Thái Long nói:

— Thế chuyến này, bọn mày định đi cướp ở đâu ?

— Cướp bản Nà Tèng.

— Cướp cái xóm lèo tèo chỉ có vài nhà nghèo khổ đó thì kiếm chác được gì? Với lại, cái bản đó gần quá, nếu lính tráng nó về điều tra thì có khi rầy rà cả cho chúng tao. Ở đấy, tao lại có nhà người quen. Mày cũng phải nể mặt chúng tao chứ !

— Thế mày bảo tao đi cướp đâu bây giờ?

— Không nên đi cướp đâu cả. Nhưng nếu chúng mày đã nhất định đi thì cướp tụi nhà đoan, tụi kiểm lâm, tụi địa chủ, tụi nhà giàu. Chúng cướp của dân đấy thôi...

— Bọn này khó cướp đấy, nó có súng...

— Nếu mày đã sợ thế thì thôi. Muốn ăn cướp được nhiều tiền thì chỉ có vào những chỗ đó. Còn đụng vào nông dân, không nên.

Chúng nghe thấy xuôi tai, cộng với lòng tham ăn lo nổi dậy, nên đã hoãn chuyến đi đó để sửa soạn cướp một nhà địa chủ. Lần đó trót lọt, chúng quen mui cứ thế mà làm. Nhưng cũng nhiều vố bị quan quân đánh cho tơi bời. Lần nào chúng định đi cướp dân, mà can ngăn hoặc lái hành động của chúng vào mục tiêu khác ngoài nhân dân lao động không được, chúng tôi lại bí mật báo cho quần chúng nơi đó biết đề phòng, nổi hiệu báo động khắp trong làng ngoài xóm. Gặp vài lần thất bại như vậy, chúng cũng nản. Hoặc có khi chúng tôi lại khéo léo tổ chức cho người bị cướp chuộc lại của cải, trâu bò đã mất với một giá rẻ.

Trước cách xử sự như vậy, bọn phỉ không dám oán giận mà còn e sợ, vì nể chúng tôi. Thái độ hào hiệp, tư cách đúng đắn của Cứu quốc quân và nhiệt tình lôi kéo chúng ra khỏi con đường tội lỗi còn làm cho một số xúc động, dần dần được cảm hóa. Bọn cầm đầu thì cũng thán phục, vì những lần chúng đi cướp bị thất bại đều được chúng tôi căn cứ vào kinh nghiệm quân sự báo trước cho biết, có bọn thổ phỉ mời anh em Cứu quốc quân làm « tham mưu » vì ta có nhiều kế hoạch. Anh em liền lợi dụng đưa ra những kế hoạch có vẻ khoa học, với những yêu cầu điều tra mất thời giờ, những khó khăn nguy hiểm đáng sợ, cốt dọa cho chúng nhụt chí ăn cướp.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #63 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2019, 08:10:49 am »

Cuối cùng, chúng tôi đã điều khiển được hành động của chúng, nhằm giảm bớt tai họa cho nhân dân. Uy danh của Cứu quốc quân bắt đầu vang dội trong bọn phỉ. Chúng tôi đã tay không vào tận sào huyệt của nhiều nhóm một cách dễ dàng.

Một lần, toán thổ phỉ ở gần Bản Bây (Bằng Tường) nhờ Lý Mùng Sàng là một quần chúng tốt của ta, mời Cứu quốc quân đến thăm sào huyệt của chúng.

Chúng tôi được biết bọn này khá lớn : chúng vừa làm phỉ vừa buôn thuốc phiện lậu, có đầy đủ súng ống. Chúng muốn tìm đường vào Việt Nam cướp một mẻ to theo đường Cao Lộc (Lạng Sơn). Chúng tôi định tìm đường nên cũng muốn gặp tên trùm phỉ. Tôi bàn với Hà Khai Lạc quyên tiền quần chúng, mua lấy ít súng của tụi này. Mục đích của chúng tôi là tìm đường vào Cao Lộc, mua súng ; và nếu nó có gì trắc trở thì ta có thể nhờ đường ấy tránh địch khủng bố một thời gian, nhưng cái đó không phải là chính.

Hà Khai Lạc và tôi theo một liên lạc dẫn đường ra đi. Tới trạm gác, nó giao cho một tên khác dẫn đường rồi quay lại. Mỗi tên gác cũng chỉ được biết khu vực mình không được đi vào quá phía trong, để giữ bí mật cho sào huyệt của trùm phỉ. Chúng tôi qua liền bốn trạm gác như vậy. Chợt trên núi vang lên một tiếng súng báo động cho ở trong biết.

Tên trùm phỉ người to béo, vạm vỡ, đẹp trai ra đón chúng tôi. Nó nói:

— Tôi mời các anh đến đây chính là để làm quen. Sau này có gặp giữa đường, ta khỏi bắn lầm phải nhau. Còn tụi «ngàu quắt»(1) đừng có hòng bén mảng tới đây. Chúng nó có vào thì sẽ không có ra.

Trong câu chuyện, chúng tôi giảng giải cho nó hiểu thế nào là làm cách mạng. Nó cũng tỏ ra hiểu biết chút ít. Nhất là khi nói đến vì sao, tại ai mà nhân dân đói khổ, nó rất tán thành mình làm cách mạng đánh đổ thực dân Pháp, nhưng nó lại muốn thằng Nhật vào. Cái thằng thuộc phái Uông Tinh Vệ này khi nghe nói đến «phải làm cách mạng, đoàn kết đánh đổ bọn thống trị» thì nó ậm à ậm ừ. Nó nói :

— Làm việc khác thì tôi làm. Làm cách mạng khó lắm. Lúc nào các anh cần súng, tôi ủng hộ — Nó cười khề khề — Cách mạng Việt Nam thành công thì chẳng nhẽ các anh bỏ tôi à ?

Bọn lâu la đã bưng rượu thịt lên. Tên trùm phỉ rót một chén rượu đầy, mời đon đả :

— Thôi ta nhận nhau làm anh em.

Dần dần nó thấy mình hiểu rộng về chính trị, quân sự, nói năng có tình có lý, nên nó mời chúng tôi làm tham mưu cho nó. Nó vồn vã :

— Mời các anh vào với chúng tôi.

Tôi bảo :

— Chúng tôi đang cần súng. Anh có mua giúp hộ được không ?

Nó vui vẻ nhận lời :

— Cái đó thì dễ thôi. Các anh cứ sắp sẵn tiền đi. Hoặc khi nào các anh cần, tôi sẽ cho mượn. Nhiều chắc là không có, chứ dăm ba khẩu thì lúc nào cũng sẵn.

Qua câu chuyện, nó hiểu mình hơn. Từ đầu đến cuối, nó vẫn chưa có gì tỏ vẻ khác ý. Ăn uống hai, ba tiếng đồng hồ, giới thiệu người này người khác, hỏi họ tên, ai trùng họ trùng tên còn nhận nhau làm anh em.

Tiệc tàn, tên trùm phỉ đưa tiễn chúng tôi còn thì thì thào theo đường như còn muốn nói điều gì không tiện nói giữa chỗ đông người. Và nó đi với chúng tôi ra đến tận bốt gác cuối cùng mới quay lại, một hành động mà nó chưa bao giờ làm với ai.

Thế là chúng tôi đã chinh phục được bọn trùm phỉ ở hai huyện Long Châu, Bằng Tường. Có cả một số binh lính Tưởng đào ngũ trốn lên núi ở, được chúng tôi tuyên truyền, cũng dần dần được giác ngộ và cũng đã giúp đỡ Cứu quốc quân được một số việc. Nạn cướp bóc giảm bớt, nhân dân cũng đỡ khổ và càng tin tưởng vào chúng tôi. Từ đó, Cứu quốc quân tha hồ đi lại hoạt động một cách an toàn. Sự khống chế của thổ phỉ đối với nhân dân trong khu vực này cũng yếu dần.


(1) Chỉ bọn binh sĩ Tưởng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #64 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2019, 08:12:28 am »

*
*   *

Thư của Hà Châm, Voòng Tài, Thái Long từ trong nước ra hàng loạt làm chúng tôi vô cùng vui sướng, tin tưởng. Chủ trương Cứu quốc quân «hóa chính vi linh», bộ phận lớn rút lên biên giới, còn một bộ phận phân tán trong nhân dân, làm công tác tuyên truyền vũ trang, gây cơ sở trong quần chúng, là đúng. Lúc ấy là vào khoảng tháng 9 năm 1942. Tổ chức đường dây Đoỏng Hình — Hội Hoan — Bình Gia — Bắc Sơn — Võ Nhai, các đồng chí ở trong khu vực đều có báo cáo ra cả. Anh em thống nhất nhận định « phong trào Võ Nhai đang phục hồi nhanh chóng, yêu cầu Cứu quốc quân phải gấp rút cử cán bộ về».

«Tình hình đã tương đối ổn định, đường liên lạc đã mở», chúng tôi càng thấy phấn khởi. Những lúc như thế này cảm thấy không ăn cũng no, làm việc bao nhiêu cũng không biết mệt. Lúc này Ban lãnh đạo Cứu quốc quân (gồm có các đồng chí Chu Quốc Hưng, Nông Thái Long, Lê Dục Tôn và tôi) còn nằm tại Bó Cục. Tình hình đang cần có một quyết tâm kịp thời và chính xác tức là làm sao có ngay một cái cầu nối liền phong trào hai nơi ở Bình Gia. Vì vậy anh em Hồng Thái, Như Hòa là người Bình Gia được cử về đây.

Kế hoạch của chúng tôi là từng đợt đi vào, rồi báo cáo ra bằng giao thông đặc biệt. Người giao thông sẽ phải đi suốt từ Tràng Xá — Võ Nhai ra. Muốn tiến hành công việc này được dễ dàng, phải rải quân từ biên giới trở vào thành một hành lang : bắt đầu từ Nà Hình đi Hội Hoan rồi đi Bình Gia, đồng thời phải xây dựng cơ sở ở Bình Gia. Chúng tôi sẽ tuyển số anh em ở Bắc Sơn về tại Bắc Sơn, một số khác về Võ Nhai, riêng anh em quê ở Phú Thượng thì bắt mối với Lâu Thượng và La Hiên; một số về Tràng Xá với nhiệm vụ xây dựng và phát triển cơ sở, và bắt mối với phong trào Làng Mười; một số về Cây Thị ra Phú Bình và sang Yên Thế (Bắc Giang). Một số cán bộ khác đi ra ngoài Bắc Sơn tìm bắt liên lạc; đi đến đâu là xây dựng cơ sở ở đó, tuyên truyền, củng cố tổ chức đến đấy, giữ bí một, mở lớp huấn luyện tự vệ và tự vệ chiến đấu, phổ biến Chương trình Việt Minh...

Tôi trở lại Bó Cục báo cho tất cả các anh em Cứu quốc quân ở các tổ hoạt động tại Bản Trang, Khẻo Mèo, Thẳm Th’lẩng, Bản Khiếc, Nà Sliềng, Bản Nạc, Đoỏng Hình biết tình hình mới.

Các tổ thường cách nhau trên dưới một cây số theo đường chim bay, đôi khi chỉ cách nhau một quả đồi. Nghe tin này, anh nào cũng như thấy mở cờ trong bụng. Tổ nào cũng bàn cãi «tao về trước, mày về sau». Xa Tổ quốc đã ngót một năm ai cũng nhớ quê nhà. Phần thì lo cho gia đình vợ con, phần thì lo cho phong trào đang thiếu cán bộ. Nhớ nương rẫy, ruộng vườn, rừng núi, con suối sau nhà... Có đồng chí thao thức, trằn trọc suốt đêm.

Anh em tới tấp đến gặp Ban lãnh đạo đòi về ngay chuyến thứ nhất. Không phải anh em không biết những gian khổ, nguy hiểm đang chờ đợi mình ở quê nhà. Nhưng anh em cũng biết rằng tình cảm quê hương sẽ truyền cho mình một sức chiến đấu mới, mạnh mẽ gấp bội. Chỉ những ai đã từng phải sống ở nước ngoài mới hiểu nổi cái sức mạnh của tình cảm đó.

Chúng tôi họp toàn thề để xác định kế hoạch bao nhiêu đội về, ai ở đâu ở đâu. Ai về trước ai về sau còn tùy thuộc vào tính chất công tác và khả năng cán bộ. Lý là như vậy, nhưng để cho tình cũng được thông, Ban lãnh đạo quả cũng phải vất vả giải thích, động viên để anh em ở lại yên tâm làm việc. Còn người được ra về thì đúng là cảnh ngựa hồi tàu... Ban lãnh đạo dặn anh em về, cần điều tra nghiên cứu kỹ nơi mình đến công tác... Anh em nhất nhất nghe theo (Vì thế mà tất cả số anh em về đều được an toàn không mất mát ai).

Tháng 11 năm 1942, các đồng chí Voòng Tài, Dương Công Bình, Hà Kỳ, Hồng Hải, Quốc Vinh, Hồng Thái, Khoa, Doanh... qua Hội Hoan, gặp các đồng chí Nông Thái Long, Hà Châm. Chu Phóng bàn bạc công tác củng cố thêm vùng đó, rồi kéo thẳng đường vào sâu trong nước.

Các đồng chí Doanh, Hồng Thái dừng lại xây dựng thêm các cơ sở ở Bình Gia.

Các đồng chí Quốc Vinh, Bình, Khoa được phân công củng cố căn cứ địa Bắc Sơn.

Lê Dục Tôn cùng các đồng chí còn lại thì về Võ Nhai. Tôi thì đi đi lại lại giữa Nà Hình và Long Châu, khi cần ở Bó Cục, Bằng Tường. Đâu cần thì tôi tới...

Trải qua bao đợt khủng bố, cảnh quê nhà vẫn còn nhiều hoang tàn, đổ nát. Trên nền nhà cũ cháy đen mới chỉ dựng tạm những túp lều che mưa che nắng. Nhưng đáng mừng là lúa đã chín, nặng bồng, mẩy hạt. Dân làng đang đập lúa ngoài đồng, trên những cái loỏng(1) gỗ cũ cháy sém hoặc mới đóng vội còn nham nhở vết dao đẽo, cạnh những bó rạ chất đống bỏ lại. Buổi tối, bà con kéo đến. Đồng chí gặp đồng chí, mẹ con, anh em, vợ chồng gặp nhau. Những cô gái có người yêu là Cứu quốc quân đã loan báo cho nhau nhanh hơn điện, tìm đến hỏi thăm người đã về, người chưa về. Cả những bà, những chị có chồng con bị tù đày, phát vãng nơi xa cũng đến, lấy cái vui gặp đồng chí thay cho cái buồn xa chồng con. Nhiều cụ già, em nhỏ bị tra tấn, đánh đập nay đã thành tàn phế, trông mà sót ruột đau lòng.


(1) Một thứ dụng cụ giống như cái thuyền, có liếp che ở hai bên sườn, để đập lúa ở giữa ruộng của đồng bào Nùng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #65 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2019, 08:13:31 am »

Anh em nói chuyện với quần chúng. Trước đây có những người lo chúng tôi chạy lên rừng không có gì ăn hoặc ăn lá mà sống, nay lại thấy chúng tôi về, không những khuấy lên được phong trào ở biên giới mà ở quê nhà phong trào lại rộng và sâu, nên càng phấn khởi.

Câu chuyện thường kéo dài tới đêm khuya...

Anh em bắt tay ngay vào việc. Anh Đủ, bà Sáng, chị Quản, chị Thu, chị Pính... các đồng chí được phân công ở lại hoạt động trong điều kiện vô cùng gian khổ đã giữ gìn phong trào, xây dựng cơ sở, vẫn còn nguyên vẹn, báo cáo tình hình địa phương. Tất cả họp nhau quyết định kế hoạch công tác mới. Liên lạc được cử ra biên giới yêu cầu Cứu quốc quân còn lại tiếp tục lên đường về ngay. Liên lạc được cử đi chắp mối với Trung ương, với các cánh quân ở Đại Từ, Sơn Dương. Cán bộ chia tay nhau đi các ngả. Một không khí náo nức thúc đẩy mọi người mạnh dạn hoạt động.

Cũng trong tháng 11 năm 1942 này, ở Khẻo Mèo, chúng tôi rất vui mừng được gặp lại hai đồng chí Đường Nhất Quý và Phương Cương. Được đơn vị ở Tuyên Quang. Thái Nguyên cử đi liên lạc, hai đồng chí đã lấy thẻ, công khai ngồi xe ô-tô lên Thất Khê, rồi bí mật vượt biên giới, lặn lội tới Bó Cục. Hai anh cho biết các cơ sở cách mạng của vùng Đại Từ, Định Hóa, Yên Sơn, Sơn Dương, Chợ Đồn đã xây dựng được nhiều hơn và vững chắc. Nhưng cán bộ ít quá. không đủ theo kịp phong trào mở rộng. Quần chúng rất mong Cứu quốc quân về thêm. Anh chị em ở đó đều khỏe mạnh, không bị tổn thất gì. Thế là tình hình bốn tỉnh Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, một phần Bắc Cạn (Chợ Đồn) chúng tôi đã nắm được khá đầy đủ, rõ ràng.

Tháng 1 năm 1943, toán thứ hai gồm các đồng chí Hòa, Triệu Khánh Phương, Voòng Nhì, Hoàng Xuân, Hoàng Thượng, Coóng, Mùng, Tô... lên đường về nước.

Chúng tôi sẽ không bao giờ quên được những ngày chung sống đã qua với nhân dân địa phương. Ngay từ những ngày đầu gian khổ đó, mối tình cá nước đã vô cùng đẹp đẽ. Bắt đầu có quân đội cách mạng do Đảng ta lãnh đạo lù cũng bắt đầu có mới quan hệ mới mẻ giữa quân và dân, với bao nhiêu chuyện xúc động, trở thành phổ biến trong kháng chiến sau này.

Lần nào tôi đến Long Châu công tác cũng đến ăn, ở tại gia đình Nùng Nhì Sảo, một cơ sở tốt vẫn hết lòng giúp đỡ cách mạng Việt Nam. Một lần đến Long Châu, tôi qua gia đình Nùng Nhì Sảo rồi sang nhà bà Ấu(1) đón Hoàng Thượng đang chữa bệnh quáng gà ở đó để cùng đi công tác. Hai người tới vùng tả ngọn sông Bình Nhi, vòng xuống Áp-chảy-thán. Suốt một ngày trèo đèo lội suối, đá tai mèo khía rách gan bàn chân. Trời xẩm tối, đồng chí Thượng bắt đầu rờ lần, tôi đành phải dắt đi. Đồng chí dẫn đường người địa phương liền dẫn chúng tôi vào làng Lảm Coọc lọt thỏm dưới một thung lũng nhỏ.

Những dãy núi đá xám sừng sững bao quanh. Các nương lúa, bắp, đỗ dàn thành bậc thang. Năm ấy được mùa trám lớn, Sau vụ hái quả, những cây trám to cao đã xơ xác lá cành. Chúng tôi bước vào một ngôi nhà tường trình, mái ngói, vững chãi như một tòa miếu cổ. Một cây nến nhựa trám chảy đỏ trên bàn, thoảng mùi khói khét.

Bà cụ chủ nhà, trạc ngoài năm mươi tuổi, người bé nhỏ nhưng còn khỏe mạnh, mặc quần áo Nùng chàm xanh Trung Quốc, mái tóc còn đen vấn khăn theo kiểu Việt Nam. Thấy đồng chí dẫn đường giới thiệu chúng tôi là người cách mạng Việt Nam, bà cụ bỗng nắm chặt lấy tay chúng tôi, nước mắt trào ra. Thì ra bà cụ vốn người Việt, quê quán ở mãi vùng Bắc Ninh. Từ khi mới lớn bà đã bị mẹ mìn dỗ đi đem bán sang đây. Trải qua nhiều phen lưu lạc, cuối cùng bà ta đã về lấy chồng ở đây. Trong nhà còn có người con trai cả ; anh niềm nở tiếp chuyện chúng tôi. Bà cụ nhất định bắt ép chúng tôi phải ở lại vài ngày, gọi là cho nó thỏa cái tình đồng hương. Bà cụ nỏi tiếng Nùng pha Kinh:

— Cháu đi làm cách mạng nên mới có dịp về đây...

Anh con trai cả va mấy người nhà nữa đi ra ngoài. Chỉ một giờ sau đã thấy xách về hai con cá trắm lo tưởng, mỗi con đã đến năm, sáu cân ta. Hỏi ra mới biết là cá ao nhà.

Ba chúng tôi cũng xúm vào làm giúp một tay. Anh con cả lại vội vã chạy đi, ngoải cổ lại bảo:

— Đi kiếm rượu!...

Bà cụ đi xuống vườn lấy đủ các vị rau mùi, trở về tươi cười nói:

— Lúc nữa anh em ở làng cũng sẽ về đây nói chuyện...


(1) Bà Ấu, người Việt, có chồng người Trung Quốc. Anh Lâm Phủ Thình nhận bà Ấu là mẹ nuôi và có giới thiệu tôi với bà. Khi đi, khi về, tôi đều có qua thăm... Hoàng Thượng đi lao động, bị quáng gà. Bà Ấu mua gan lợn, gan gà cho ăn hàng tháng và chấm thuốc cho (CVT).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #66 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2019, 08:13:57 am »

Sau mấy ngày đường vất vả, chân tay chúng tôi đều rã rời. Thức ăn ngon sắp làm xong, chợt có tiếng bước chân rầm rập ngoài ngõ, rồi có tiếng nói vọng vào nhà hối hả bảo bà cụ:

— Thôn trưởng báo có lính ở Long Châu về khám làng... Chúng tôi giật mình, suy tính. Lính về làm gì ? Bắt chúng tôi ư ? Không phải, chúng tôi đã có đủ giấy tờ hợp pháp, không lo. Bà cụ nhìn chúng tôi có phần e ngại. Anh con cả xách rượu trở về, theo sau là mấy người hàng xóm, nói cho biết là «lính ở Long Châu về vây bắt lính đào ngũ ».

Chúng tôi vẫn cảm thấy không yên tâm. Tuy có giấy thông hành đầy đủ, nhưng bọn lính vào đây thấy chúng tôi lạ mặt, rồi chữ tác đánh chữ tộ, rất có thể chúng sẽ làm phiền, tra hỏi lôi thôi. Vả lại bọn lính cũng hay làm tiền, chúng có thể dọa dẫm bắt bớ chúng tôi mà quấy rầy nhà chủ. Tôi bàn với Thượng :

— Bây giờ chưa biết thế nào. Việc nọ nó sọ ra việc kia, nó cứ bảo mình tạm về Long Châu là lôi thôi to. Mình đã đành, lại còn nhân dân nữa... Thôi thì tránh đi cái đã... Nó bắt lính đào ngũ, nó cũng không ở lâu đâu. Mình ở đây nó tóm đi thì dại. Tránh đi rồi sẽ hay...

Và tôi bảo anh con cả dẫn đường đưa chúng tôi trốn trên núi. Tôi dắt Thượng «quáng gà » dò dẫm theo sau.

Trời đã tối lắm rồi. Đợi lâu, hai chúng tôi đã ngủ gà ngủ gật. Chợt có tiếng động ở đầu dốc. Chúng tôi trả lời đúng như đã quy định. Anh con cả đi lên, tay xách theo một cái làn khá nặng. Mở ra, có liễn cơm, liễn canh còn nóng; và cả một đĩa to gỏi cá, đầy đủ gia vị, kèm theo một bình rượu đầy.

Anh trở xuống bản. Một lát sau, anh lại lên, báo là bọn lính đã rút hết về Long Châu rồi. Chúng tôi kéo về nhà, cùng một số dân làng trò chuyện tới khuya. Nhiều người đã hứa khi nào chúng tôi về hoạt động ở đây sẽ dẫn chúng tôi đi gây cơ sở ở những nhà quen biết quanh vùng. Họ tỏ ra rất mong nhớ Hồng quân Trung Hoa và thực lòng ủng hộ cách mạng Việt Nam.

Sau ngót một năm chung sống với nhân dân hương Bó Cục, bao nhiêu tình nghĩa thắm thiết nặng trĩu trong lòng anh em Cứu quốc quân. Chúng tôi nhớ lại những lần đi công tác về, bất cứ đầu hôm hay nửa đêm, sau khi lặn lội ngoài trời mưa gió và len lỏi vượt qua mũi súng của các đồn canh, chúng tôi vừa bước chân vào nhà là đã cảm thấy ấm hẳn người lên. Cả nhà săn đón hỏi han. Em nhỏ mừng rỡ níu lấy quần, mách chuyện. Câu hỏi đầu tiên bao giờ cũng là : «Anh ăn cơm chưa ? ». Nếu chưa ăn thì bà mẹ dọn cơm ngay ra, bác thêm quả trứng còn nóng hổi vừa lấy trong ổ. Anh em cũng chẳng nề hà, có gì ăn nấy, gặp việc là làm, từ việc trong nhà ra việc ngoài đồng. Anh em hơi rảnh rang một chút là giúp đỡ, khi đan cái rò, cái rá, lúc sửa chữa mương phai... Mình ở mãi nên họ coi như người nhà. Mình đi vắng là họ thấy buồn.

Đi công tác về, người nhà bận đi làm đồng vắng cả, anh em cứ việc quét dọn, gánh nước, thổi cơm. Gạo hết thì tự xay giã lấy. Rau ngoài vườn, cá dưới ao, bà con yêu cầu anh em cứ việc hái việc câu mà nấu nướng. Ngày giỗ, ngày tết, cả nhà cứ ngong ngóng chờ cho kỳ được anh em về đủ mặt mới cầm đũa, cầm bát. Không thì miếng ngon, miếng lành lại dành để phần cho anh em. Nếu chúng tôi bận việc, phải vắng mặt trong những dịp giỗ tết, ăn uống đó thì bà con rất lấy làm ân hận, tiếc mãi về sau.

Nhiều gia đình Trung Quốc đã khóc khi Cứu quốc quân lên đường về nước. Thời gian qua, anh em đã trở thành những người thân thiết gắn liền với đời sống, với tình cảm của các gia đình đã nuôi dưỡng anh em, của cả bản làng đã che chở anh em. Ngay từ khi Cứu quốc quân mới dặt chân tới đây, nhân dân đã chân thành coi chúng tôi là bạn cùng cảnh ngộ, là đồng chí cùng mục đích đấu tranh. Dần dần càng sống lâu ngày càng quen hơi bén tiếng, hiểu tính hiểu nết, anh em đã trở thành ruột thịt như con cháu, anh em một nhà.

Nay Cứu quốc quân ra về, nhân dân bỗng ngơ ngác luyến tiếc, xóm nhà vắng vẻ hẳn đi. Các bà, các cụ thiếu người hỏi han việc làng việc xóm. Các em nhỏ thiếu các chú dễ tính, hay đùa. Nhất là cánh thanh niên thì càng nhớ tiếc những người anh, người bạn đã giúp họ nhìn thấy mục đích cuộc sống, lý tưởng đấu tranh cách mạng. Vài cô gái chót thầm yêu trộm nhớ Cứu quốc quân, ra vào ngẩn ngơ.

Có đến gần chục gia đình đã đánh tiếng muốn xin anh em về làm rể. Những chàng trai « tốt số, đào hoa » đó đã phải lựa lời từ chối, nói rõ công việc cách mạng còn nặng nề, luôn luôn nay đây mai đó, chưa thể nghĩ đến chuyện riêng tư được. Nhưng có cụ nói thẳng:

— Thì có ai bắt anh em phải gửi rể đâu, chúng tôi là bậc cha mẹ, có con gái lớn thì phải lo dựng vợ gả chồng. Các anh cứ cưới xong cho nó yên một bề. Rồi muốn đi đâu, muốn đi đến bao giờ cũng được. Con gái nó cũng giác ngộ rồi, nó chẳng giữ chân đâu...

Anh em bí quá, cuối cùng đành khất lần :

— Việc này còn phải xin ý kiến Ban lãnh đạo mới được.

Tấm lòng của bà con thật chí tình. Chúng tôi chỉ còn biết hết lời cảm ơn và khéo léo nói thêm cho bà con hiểu rõ nhiệm vụ lâu dài của anh em trên con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, nên quả thực chưa dám nghĩ đến chuyện gây dựng gia đình.

Chúng tôi không bao giờ quên được tình nghĩa, công ơn của bà con dân bản. Để trả ơn nhân dân, các đồng chí Cứu quốc quân nguyện suốt đời làm người đầy tớ trung thành của giai cấp vô sản, của nhân dân lao động.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #67 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2019, 08:15:41 am »

VIII

Việc bắt liên lạc với Trung ương ở trong nước vẫn chưa làm được. Hơn một năm nay, tuy xa Trung ương, nhưng dựa vào tinh thần Nghị quyết Trung ương lần thứ tám, làm theo những lời dạy bảo của Ông cụ hồi ở Pác Bó, làm theo những chỉ thị, những ý kiến chỉ đạo của các đồng chí Trung ương khi các đồng chí ở Bắc Sơn, chúng tôi vẫn tự động công tác, nói chung thuận lợi, nhưng chưa thể đánh giá kết quả việc làm của mình một cách thật chính xác, vì không hiểu rõ tình hình cách mạng chung của cả nước hiện nay ra sao.

Cứu quốc quân đã lục tục kéo về nước được già nửa. Một thời kỳ hoạt động mới bắt đầu. Nếu không hiểu tình hình trong nước, ngoài nước, không trao đổi kinh nghiệm với phong trào của các nơi khác, thì khó mà đề ra được những chủ trương thật sáng suốt, kế hoạch thật cụ thể trong công tác.

Tôi nhớ có lần tại Pác Bó, sau khi hỏi tôi về phong trào Bắc Sơn — Võ Nhai và tình hình đế quốc khủng bố như thế nào, Ông cụ có nói đại ý như sau : Muốn củng cố, phát triển được phong trào, mọi hoạt động không thể dừng ở một địa phương. Phải giữ được mối liên lạc thông suốt từ trên xuống dưới. Có làm được như vậy, việc lãnh đạo cách mạng mới quy chung vào một mối, không rời rạc, lung tung, việc sắp xếp cán bộ mới đúng với nơi yếu, nơi mạnh. Việc giao thông liên lạc có tốt, cách mạng mới thắng lợi.

Chúng tôi có về Võ Nhai cũng chưa phải là dễ dàng bắt được liên lạc với Trung ương ở dưới xuôi. Trong lúc đó, ở Cao Bằng hiện đang có một bộ phận của Trung ương, của Tổng bộ Việt Minh, có Ông cụ. Ban lãnh đạo Cứu quốc quân liền quyết định cử đồng chí Hà Khai Lạc và tôi gấp rút lên để báo cáo công tác đã làm được, học tập kinh nghiệm của phong trào Cao Bằng, xin tài liệu, và xin chỉ thị hoạt động mới.

Tôi bàn giao công việc chỉ huy Cứu quốc quân và thường trực Biện sự xứ ở Long Châu cho đồng chí Chu Quốc Hưng. Giấy thông hành đi qua Tĩnh Tây về tới biên giới Cao Bàng đã xoay được. Chuyến đi này nhiều nguy hiểm. Gần đây, đặc vụ Tưởng theo dõi Cứu quốc quân có phần ráo riết hơn, vì chúng cảm thấy ảnh hưởng Cộng sản đã ăn sâu vào một bộ phận nhân dân biên giới. Từ nay đến lúc tất cả Cứu quốc quân về được hết trong nước, có thể bọn Quốc dân đảng sẽ giở trò phá hoại gì đó. Dạo này, năm hết tết đến, đúng vào «tháng củ mật», nên đường sá đi lại nguy hiểm, giữa ban ngày ban mặt cũng luôn luôn xảy ra chuyện cướp của, giết người. Đến Tĩnh Tày còn phải lo cái nạn Việt-quốc, Việt-cách đang ỷ vào thế Tưởng, bắt cóc, giết hại cán bộ Việt Minh. Qua biên giới, vào đến trong nước, phải dè chừng bọn tay sai mật thám Pháp — Nhật, nhất là chúng tôi không quen thuộc đường sá, dân tình cho lắm... Chúng tôi hẹn nhau nếu qua Tết không thấy về thì các đồng chí còn lại ở nhà cứ tự động rút hết về nước hoạt động, đưa phong trào tiến lên.

Khoảng gần giữa tháng chạp ta (tháng 1 năm 1943), hai người từ Long Châu ra đi. Con đường hun hút, leo đèo, vượt khe giữa bốn bề rừng núi trùng điệp. Mưa phùn giăng giăng, gió rú trong hốc núi. Qua Pảo Hí, Sảng Cắm rồi đến Sẹc Lùng. Dừng lại ở một ngã ba. Trước mặt là hai lối đi: một đường đi tắt ngang qua một vùng đất của Việt Nam nhô ra, tới Tĩnh Tây sẽ gần hơn, nhưng cũng dễ dàng bị tổng, xã đoàn, dõng bắt bớ; một đường trên đất Trung Quốc, phải vòng qua khá xa và cũng không hẳn là an toàn. Suy đi tính lại cuối cùng muốn đỡ lo ngại hơn, chúng tôi đành đi theo con đường vòng Xập Cẩu Cáng (mười chín đèo) và Xám Xập Léng (ba mươi eo), xa hơn khoảng hai mươi cây số đường đèo, dốc.

Sau ba ngày đường ròng rã, chúng tôi đến thị trấn Tĩnh Tây khi trời sẩm tối. Vừa mệt mỏi, vừa đói. Quần áo thì lấm lem bụi đường, phố xá còn bỡ ngỡ, rõ là cái cảnh người từ phương xa tới. Cứ đi lang thang thế này rất không lợi. Nếu chẳng may chúng tôi lại chạm trán với bọn Trần Báo, đàn em của Nguyễn Hải Thần, thì khó thoát khỏi những hành động độc ác của chúng. Giữa nơi đồng đất xứ người, chốn quen thuộc của chúng tôi vừa ít, vừa không chắc chắn. Tôi nghĩ : « Tìm cách hỏi cho được nhà Vi Đức Minh. Hỏi được nhanh, đỡ phải lang thang ngoài phố, không lợi. Vào cũng phải vào cho bí mật. Đồng chí này người Nùng, nguyên có quen anh Hoàng Văn Thụ và cũng đã giúp anh Chu Quốc Hưng một vài việc nhỏ kỳ vừa qua. Nhưng anh ấy lại đang làm việc cho Quốc dân đảng.

Thấy tôi, Minh mừng, nhưng cũng vừa lo, hỏi :

— Ở đâu về?

Tôi đáp :

— Ở dưới ấy lên đấy !
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #68 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2019, 08:16:21 am »

Nhận thấy vẻ mặt và đôi mắt trông trước trông sau của Vi Đức Minh tôi hỏi luôn :

— Ở đây không tiện. Anh có cách gì không ?

Vừa lúc đó chị ấy ở nhà bếp ra. Thấy người lạ, chị bỗng trở nên luống cuống, nét lo lắng hiện rõ trên đôi mắt. Vi Đức Minh góp ý :

— Vào nhà trọ ở Tĩnh Tây.

Chị vợ thấy chồng nói vậy, biết chúng tôi là người thế nào rồi, hỏi lại chồng :

— Nó lục khám giấy thì sao ?

Tôi gật đầu nói :

— Tôi có giấy.

Minh bảo vợ:

— Còn cơm không ?

— Cơm còn nhưng không còn thức ăn ! — Người vợ đáp, áy náy.

Minh liền đi rán cho chúng tôi quả trứng để ăn với cơm nguội. Anh nói :

— Dạo này, bọn Trần Báo, Nguyễn Hải Thần nó lùng sục, bắt bớ anh em mình ghê lắm. Chúng nêu khẩu hiệu là «có Việt Minh không có mình, có mình không có Việt Minh ». Chúng cũng thường lảng vảng đến nhà tôi để dò xét...

Chúng tôi hiểu được hoàn cảnh của anh. Một mình anh ta làm, nuôi vợ. Giấy bạc Trung Quốc không ra gì. Anh cho ăn cơm nguội với trứng rán cũng là quý rồi. Vả lại chúng tôi vào đây cũng chỉ cần để biết tin.

Anh Minh dẫn đến một nhà trọ ở đầu thị trấn. Tiền vé trọ mất đúng hai phần ba số tiền có ở trong túi. Cả đêm không ngủ được, ngay ngáy lo có điều bất trắc xảy ra.

Sáng hôm sau, bảnh mắt đã vội dậy lên đường. Trời rét cắt da, cắt thịt, hai anh em chỉ có vài tấm áo mỏng manh, phải rảo bước cho nóng người lên. Dốc túi chỉ còn đủ tiền mua cho mỗi người ba chiếc bánh. Đó là tất cả lương ăn để vượt hơn ngày đường nữa tới Pác Bó. Nhưng hy vọng sắp được gặp Ông cụ, gặp Tổng bộ Việt Minh, đã đánh tan mọi ngại ngùng, khó khăn. Năm ngoái, chỉ gần Ông cụ vài tháng, được Ông cụ chú ý bồi dưỡng, dạy bảo, tôi đã thấy trình độ hiểu biết của mình được nâng lên nhiều. Vầng trán cao, đôi mắt sáng, bước đi nhanh nhẹn, bộ quần áo Nùng cũ nhưng sạch và chiếc gậy tre, hình ảnh « Ông Ké thượng cấp» như đã hiện lên trước mắt, vẫy gọi tôi.

Không hiểu năm nay Ông cụ có khỏe mạnh hơn không? Tuy đã có tuổi và sức yếu, nhưng Ông cụ làm việc còn vất vả hơn chúng tôi nhiều, «Ông cụ như vậy, mình còn trẻ, mình phải làm việc như thế nào?». Tôi cứ tự hỏi tôi như vậy. Và vừa đi tôi vừa sắp sẵn những việc cần báo cáo cùng những vấn đề khó khăn cần hỏi để Ông cụ chỉ bảo cho cách giải quyết. Tôi đi không biết mệt mỏi là gì, bước chân càng khỏe khoắn, càng thấy sung sức.

Qua Lục Tùng. Gần tới biên giới vào Pác Bó rồi. Lòng càng hồi hộp vui mừng, như người con đi xa lâu ngày nay về thăm quê mẹ. Con đường này tôi đã đi một lần. Vừa tới ngã ba đường mòn thì gặp một người xồng xộc đi tới. Tưởng ai, hóa ra đồng chí Phung Héc(1). Thật là may mắn ! Đồng chí này ở chỗ đồng chí Lê(2) năm 1941 đã từng cùng chúng tôi. từ Pác Bó qua Cao Bằng, xuống Thất Khê, ra Bó Cục... Phung Héc đưa chúng tôi vào ngủ nhà quen tại một xóm nhỏ Trung Quốc. Đêm ấy, chủ nhà xay bắp nấu cháo và có cả mấy chén rượu nữa để mời khách. Mọi người trò chuyện tới khuya.

Sáng hôm sau Phung Héc dẫn chúng tôi về Pác Bó. Vượt qua một đỉnh núi, sang tới sườn dốc bên này Việt Nam thì thấy một bóng người lùn béo từ xa đi tới. Tôi quay lại bảo Phung Héc :

— Ai trông như đồng chí Lê, phải không?

— Đúng nó rồi !


(1) Phung Héc, nghĩa đen là người đi vá chảo. Từ đó người ta quen đi, gọi luôn là Phung Héc, không gọi bằng tên thật nữa.
(2) Tức là đồng chí Lê Quảng Ba, lúc đó là Bí thư huyện Sóc Giang (Cao Bằng).
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #69 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2019, 08:18:44 am »

Thế là Phung Héc loa tay gọi ầm lên. Đồng chí Lê chạy lao tới, nắm tay tôi, tươi cười nổi :

— Từ xa thấy cái dáng người xương xương, cái cồ thẳng đơ, tao đã đoán ra là chỉ có mày. Đi đâu mò đến đây?

Tôi trả lời ngay :

— Tao về tìm Ông Ké, xin chỉ thị.

— Ông Ké đi công tác xa rồi — Anh Lê đáp.

— Đi bao giờ về? — Tôi hỏi.

— Đi xa lắm. Chưa biết bao giờ về.

Hà Khai Lạc và tôi cùng sững sờ phân vân suy nghĩ. Tôi đưa mắt nhìn đồng chí Lê, thấy anh cũng nhìn chúng tôi đăm đăm, vẻ thông cảm. Tôi hỏi luôn :

— Thế hiện nay có ai phụ trách cao nhất ở đây không?

— Chỉ có mình tao ở đây thôi!

Tôi hỏi tiếp:

— Các đồng chí Trung ương và Tổng bộ Việt Minh còn ai ở vùng này không ?

— Có, nhưng ở cách đây hai ngày đường nữa — Đáp vậy rồi đồng chí Lê hỏi lại tôi — Hai ngày đường nữa, có đi không?

— Đi chứ! — Tôi nói dứt khoát — Xa nữa cũng phải đi ! Lúc này đồng chí Lê mới hồ hởi :

— Xuống làng đã ! Ăn cơm đã ! Nghỉ một tí đã. Lấy giao thông đã. Tối mới đi được.

Tất cả chúng tôi năm người — đồng chí Lê, Phung Héc, Hà Khai Lạc, một đồng chí bảo vệ cho anh Lê và tôi — men theo khe suối về xóm Pác Bó, vào nhà tổ trưởng giao thông là đồng chí La Thanh. Anh Lê nói nhỏ với tôi là ta vừa mới khử tên tổng đoàn Quyền, một tên gian ác khét tiếng ở Hà Quảng đã từng giết hại nhiều cán bộ. Anh cho biết đây mới chỉ là một trong những bản án cảnh cáo đầu tiên đối với bọn mật thám tay sai...

Hai anh em mới líu tíu hỏi han được vài điều công tác, chứ còn những chuyện gia đình, riêng tư đã kịp nói gi với nhau đâu! Kể ra còn muốn nằm gác chân lên nhau, tâm sự vài đêm nữa.

Khi Khai Lạc và tôi ăn cơm xong thì đồng chí giao thông đến. Ra tới đồng thì sâm sẩm tối. Chúng tôi trao đổi về khẩu lệnh đi đường. Anh Lê bắt tay tôi:

— Thôi, các đồng chí đi cho sớm, kẻo nhỡ chặng đường... Ồng Ké về, mình sẽ báo cáo lại.

Suốt đêm đó, chúng tôi lặn lội qua bản Hoàng, bản Nà Mạ, Đào Ngạn, rồi Bó Lếch. qua mấy quả gò thì đến một trạm giao thông. Chúng tôi ở mấy nhà hẻo lánh, có tự vệ gác trong gác ngoài. Các đồng chí ở địa phương chú ý săn sóc nên anh em được ăn ngủ ngon lành. Cả ngày chúng tôi nghỉ ở đấy.

Trời hửng nắng ấm áp. Cảnh vật ở đây đẹp, có rừng cây xanh thẳm, có đồi cỏ trâu ăn, có hoa mai, hoa mận, hoa đào. Không khí ở đây rất nhẹ nên người nào cũng cảm thấy khỏe khoắn lạ thường. Thanh niên nam nữ đi chợ Nước Hai, hát si hát lượn.

Buổi tối chúng tôi lại lên đường. Sáng hôm sau tới Lam Sơn, thuộc huyện Hòa An. Chung quanh là những đồi cỏ gianh, cỏ guột và một dãy núi màu đá hơi đỏ. Giao thông dẫn vào nghỉ ở nhà đồng chí Quốc Vuông trong bản. Những vườn mía tươi tốt, um tùm; hai con trâu mộng nặng nề kéo chiếc cối ép mía bên cạnh cái chảo mật lớn đang sôi sùng sục. Sáng hôm sau chúng tôi theo liên lạc lên một cái hang đá.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM